Ngày 11-01-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Rửa bằng máu
LM Inhaxiô Trần Ngà
09:04 11/01/2011
Chúa nhật 2 thường niên (Gioan 1, 29-34)

Vào mùa hè, Vua Duy Tân thường ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, một cửa biển đẹp ở Quảng Bình.

Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay dính đầy cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa tay vừa hỏi đùa:

- Tay bẩn lấy thì lấy nước mà rửa, còn 'nước' bẩn lấy gì mà rửa?
Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì Vua hỏi tiếp:
- "Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch? ".
Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói:
- Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!"

Viên thị vệ đâu có ngờ nhà vua chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác ngàn lần đáng quý trọng là đất nước, là quê hương.

Khi đất nước bị dơ bẩn bởi sự chà đạp của ngoại bang thì không thể rửa sạch bằng nước mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc.

Tuy nước có khả năng rửa sạch nhiều thứ, nhưng có một số chất bẩn nước không thể rửa được nên người ta phải dùng những chất tẩy khác, chẳng hạn phải dùng dầu hôi để rửa sạch những vết sơn dính trên nền nhà hoặc phải dùng xăng để rửa sạch dầu mỡ dính tay.

Theo giáo huấn Hội Thánh, tội lỗi cũng là một vết nhơ trầm trọng không có thứ nước nào tẩy rửa được ngoại trừ máu Chúa Ki-tô!

Máu chiên bò

Trong thời cựu ước, người có tội cần đến máu bò, máu chiên hay cừu để làm lễ xoá tội cho mình. Sách Lê vi chép: "Nếu một người đã phạm tội, làm điều Đức Chúa cấm... thì nó sẽ đưa đến một con bò, dê hoặc chiên làm lễ tiến. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội… Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ.... Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha. (Lê-vi 4, 27-32)

Máu Con Thiên Chúa

Nhưng máu bò, máu dê cừu không thể trừ khử được tội lỗi nên Ngôi Hai Thiên Chúa chấp nhận đầu thai xuống thế làm người, trở nên như một Con Chiên mới, Chiên của Thiên Chúa, đổ máu châu báu của mình ra để tẩy rửa tội lỗi thế gian.

"Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. (Dt 10, 4-7)

Ngay từ đầu, ông Gioan Tẩy giả đã nhận ra vai trò làm Chiên đền tội của Chúa Giê-su nên "khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian." (Gioan 1, 29-30)

Thế là Chúa Giê-su cam phận làm Chiên Mới để hiến thân chịu chết và đổ máu mình xoá bỏ tội lỗi thế gian, vì chỉ có máu châu báu của Thiên Chúa mới có thể rửa sạch tội lỗi loài người.

Hôm nay, tội lỗi của chúng ta cũng như của nhân loại còn đang chất ngất. Thế nên, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hiến tế thân mình để xoá tội trần gian. Hiến tế thập giá trên đồi Can-vê năm xưa, nay được hiện tại hoá, tức đang diễn ra cách mầu nhiệm mỗi lần thánh lễ được cử hành. Thế nên, sau khi truyền phép, linh mục chủ tế nâng cao Mình thánh Chúa Giê-su cho tín hữu tôn thờ và dùng lại lời của Gioan tẩy giả để giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên Mới đang tiếp tục dâng mình, hiến máu để cứu độ thế gian: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian".

Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta được trở thành chi thể Chúa Giê-su và được thông dự vào vai trò Tư Tế của Người nên chúng ta đều được mời gọi làm chiên đền tội với Chúa Giê-su, để cùng với Người, chúng ta dâng hiến cuộc đời mình làm hy lễ cứu độ thế gian.

Vì thế, chúng ta hãy hiệp thông với Chúa Giê-su trong từng phút sống, cùng vác thập giá với Chúa bằng cách làm tốt các việc bổn phận hằng ngày, cùng dâng trọn vẹn cuộc sống của chúng ta làm hiến lễ cho Thiên Chúa Cha, để cầu xin Cha ban ơn cứu độ cho bao người tội lỗi.

Nhờ đó, đời sống hằng ngày của chúng ta trở thành một hiến lễ cao đẹp vô cùng.
 
Đấng có uy quyền
kiennho
13:18 11/01/2011
(Mc 1,21-28)

Thường trong đời, kẻ dưới phải tuân phục người trên, người yếu thế tuân phục người có thế mạnh.

Câu chuyện kể rằng: có người kia vào tòa giải tội xưng tội. Trước mỗi tội được kể ra, bà thường nói thưa cha, ma quỷ nó cám dỗ con phạm tội này, ma quỷ nó cám dỗ con phạm tội kia, ma quỷ nó cám dỗ con phạm tội nọ… Dường như ma quỷ nó có quyền lực mạnh mẽ trên con người, một sức hấp dẫn buộc người ta phạm tội, nên cám dỗ điều gì người ta làm theo điều đó. Không chỉ có vậy, nhưng ngừơi ta còn coi nó như ông chủ của mình nên có quyền điều khiển, sai khiến. Sai mình làm điều gì, mình làm theo điều đó, dù đó là điều xấu, là tội lỗi, là làm mất bình an tâm hồn, là làm mất ơn thánh của Chúa, là gây đau khổ cho mình, cho người khác và ngay cả cho Chúa…

Bài tin mừng thánh Maccô cho ta thấy quyền lực không phải nằm trong tay ma quỷ nhưng quyền lực nằm trong tay con người Đức Giêsu. Lời Ngài giảng day như Đấng có uy quyền. Lời Ngài làm cho ma quỷ khiếp sợ, khiến chúng phải tuân phục.

Khi biết mình yếu, muốn chống lại kẻ mạnh hơn mình, ai trong chúng ta cũng biết phải làm gì. Phải cậy dựa vào thế lực mạnh hơn nữa.

Như vậy, khi lòai người khi phạm tội, nghe theo lời ma quỷ, có phải chăng vì thiếu tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, thiếu cậy dựa vào Đức Giêsu, Đấng làm cho ma quỷ phải khiếp sợ?

Tin mừng theo thánh Luca kể lại kinh nghiệm của 72 môn đệ sau khi được Chúa sai đi rao giảng trở về đã thuật lại cho Chúa: “Thưa Thầy, nghe danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. Thánh Phaolô nói: “Nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ”.

Vậy mà, con người lại không quy phục Chúa, nhưng quy phục quỷ, không theo lời Chúa, nhưng theo lời ma quỷ, không để Chúa thống trị nhưng để ma quỷ thống trị. Cho nên không những không những trao ban đời mình không đúng địa chỉ mà còn đang để ma quỷ hủy họai sự sống hạnh phúc đời đời của mình nữa.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa mới là sức mạnh của cuộc đời con. Xin cho con biết cậy dựa vào Chúa, vì Chúa mới là Đấng tràn đầy quyền năng và tình yêu giúp cho con có sức mạnh chiến thắng ma quỷ, kẻ chuyên lừa gạt và hủy họai hạnh phúc cuộc đời con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trước ngoại giao đoàn gồm 178 quốc gia, ĐTC kêu gọi các chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo
LM Trần Đức Anh OP
08:44 11/01/2011
VATICAN -. Sáng ngày 10-1-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã mạnh mẽ bênh vực tự do tôn giáo dưới mọi khía cạnh và ngài cũng nhắc đến Việt Nam.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh gồm đại diện 178 quốc gia, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. ĐTC tố giác nạn bách hại, kỳ thị các tín hữu Kitô, kêu gọi bãi bỏ đạo luật bất công chống phạm thượng tại Pakistan, kêu gọi các nước Âu Mỹ đừng gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề xã hội và hãy tôn trọng quyền tự do phản kháng lương tâm của những người thi hành nghề nghiệp trong lãnh vực y tế và luật pháp.

Riêng về Việt Nam, ĐTC nói: ”Tôi muốn hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận để tôi chỉ định một Đại diện, qua các cuộc viếng thăm cộng đồng Công giáo quý mến tại nước này, vị ấy sẽ bày tỏ sự quan tâm ân cần của Người Kế Vị Thánh Phêrô”.

Dưới đây là một số đoạn nổi bật trong diễn văn của Đức Thánh Cha:

Khát vọng tự do tôn giáo

”Giữa lúc năm mới bắt đầu, trong tâm hồn chúng ta và trên thế giới còn âm vang lời loan báo vui mừng bừng lên cách đây 20 thế kỷ trong đêm tại Bethlehem, đêm tượng trưng tình cảnh của nhân loại cần ánh sáng, tình thương và an bình. Với những người thời đó cũng như con người thời nay, đạo binh thiên quốc đã mang tin vui Đấng Cứu Thế giáng lâm: ”Dân tộc bước đi trong tăm tối đã thấy xuất hiện luồng sáng lớn; một ánh sáng đã chiếu dọi trên những những người ở trong xứ tối tăm” (Is 9,1).

Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người chắc chắn vượt quá sự mong đợi của loài người. Trong sự nhưng không tuyệt đối, biến cố cứu độ ấy là câu trả lời đích thực và trọn vẹn cho mong ước sâu xa của tâm hồn. Sự thật, sự thiện, hạnh phúc, đời sống sung mãn mà mỗi người tìm kiếm, dù ý thức hay vô tình, đã được Thiên Chúa ban cho họ. Khi mong ước những điều thiện hảo ấy, mỗi người tìm kiếm Đấng Sáng Tạo nên mình, vì ”chỉ có Thiên Chúa mới đáp ứng khát vọng trong tâm hồn mọi người” (Tông Huấn Verbum Dei, 23). Suốt trong lịch sử, qua những tín ngưỡng và lễ nghi, nhân loại chứng tỏ một sự không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa và ”những hình thức diễn tả ấy có tính cách phổ quát đến độ người ta có thể gọi con người là một hữu thể có tôn giáo” (SGLCG n.28). Chiều kích tôn giáo là một đặc tính không thể phủ nhận và cưỡng bách của con người và hành động của con người, mức độ thực hiện vận mạng của họ cũng như việc xây dựng cộng đoàn của họ. Vì thế, khi một cá nhân hoặc những người xung quanh thờ ơ và phủ nhận chiều kích cơ bản ấy, thì sẽ xảy ra tình trạng mất quân bình và những xung đột ở mọi cấp độ, trên bình diện bản thân cũng như bình diện liên chủ thể.”

Chính trong chân lý tiên quyết và cơ bản đó có lý do tại sao tôi đã coi tự do tôn giáo như con đường nền tảng để xây dựng hòa bình, trong Sứ điệp để cử hành Ngày Thế Giới về hòa bình năm nay. Thực vậy, hòa bình chỉ được xây dựng và bảo tồn khi con người có thể tự do tìm kiếm và phụng sự Thiên Chúa trong tâm hồn, trong cuộc sống và trong những quan hệ với tha nhân.

Thưa quí vị Đại Sứ, sự hiện diện của quí vị trong dịp long trọng này là một lời mời gọi làm một vòng chân trời tất cả những quốc gia mà quí vị đại diện và trên toàn thế giới. Trong khung cảnh toàn diện này, phải chăng không có nhiều hoàn cảnh trong đó rất tiếc là quyền tự do tôn giáo bị thương tổn hoặc bị phủ nhận? Nhân quyền này, trong thực tế là quyền đầu tiên, vì xét về lịch sử, quyền này được khẳng định đầu tiên, và đàng khác, nó có đối tượng là chiều kích cấu thành con người, nghĩa là quan hệ của con người với Đấng Tạo Hóa, phải chăng quá nhiều khi quyền này bị đặt lại vấn đề hoặc bị vi phạm? Tôi thấy xã hội, các vị lãnh đạo và dư luận quần chúng ngày nay ý thức hơn về vết thương trầm trọng chống lại phẩm giá và tự do của con người tôn giáo, tuy rằng sự ý thức ấy không luôn luôn chính xác, và nhiều lần tôi đã muốn lưu ý mọi người về những vi phạm ấy.

Tôi đã lưu ý như thế trong các cuộc tông du của tôi hồi năm ngoái tại Malta và Bồ đào nha, tại đảo Chypre, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha. Ngoài những đặc tính khác nhau, từ tất cả các cuộc viếng thăm ấy, tôi đều giữ mãi một kỷ niệm đầy lòng biết ơn về sự tiếp đón đã dành cho tôi. Thượng HĐGM đặc biệt về Trung Đông, diễn ra tại Vatican hồi tháng 10 năm ngoái, là một thời điểm cầu nguyện và suy tư, trong đó người ta liên tục nghĩ đến các cộng đồng Kitô tại vùng này của thế giới, các cộng đồng ấy bị thử thách nặng nề vì lòng gắn bó của họ với Chúa Kitô và Giáo Hội.

Những vụ vi phạm tự do tôn giáo tại Đông phương

”Đúng vậy, khi nhìn về Đông Phương, chúng ta cảm thấy đau buồn sâu xa vì các vụ khủng bố đã gieo chết chóc, đau thương và hoang mang nơi các tín hữu Kitô Irak, đến độ thúc đẩy họ rời bỏ phần đất nơi cha ông họ đã sống trong bao thế kỷ. Tôi lo âu tái kêu gọi chính quyền các nước ấy và các vị lãnh đạo Hồi giáo hãy hoạt động để các đồng bào Kitô hữu của mình có thể sống trong an ninh và tiếp tục đóng góp cho xã hội mà họ là những thành phần với đầy đủ danh nghĩa. Tại Ai cập cũng thế, ở Alexandria, khủng bố đã giáng xuống một cách tàn bạo vào các tín hữu đang cầu nguyện trong một thánh đường. Hàng loạt các vụ tấn công ấy mang thêm một dấu chỉ cho thấy các chính phủ trong vùng cần cấp thiết đề ra những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, mặc dù có những khó khăn và hăm dọa. Phải chăng cần phải nói lại điều đó một lần nữa? Tại Trung Đông, ”các tín hữu Kitô là những công dân nguyên thủy và đích thực, trung thành với tổ quốc của họ và chu toàn tất cả các bổn phận quốc gia. Dĩ nhiên là họ cũng có thể được hưởng mọi quyền công dân, tự do lương tâm và tự do phụng tự, tự do trong lãnh vực giáo dục và giảng dạy, cũng như trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông” (Sứ điệp Thượng HĐGM về Trung Đông gửi Dân Chúa, n.10). Về vấn đề này, tôi đề cao sự chú ý đối với các quyền của những người yếu thế hơn và chính sách nhìn xa trông rộng mà một số quốc gia Âu Châu đang chứng tỏ trong những ngày gần đây, khi yêu cầu có một câu trả lời có phối hợp của Liên hiệp Âu Châu để các tín hữu Kitô tại Trung Đông được bảo vệ. Sau cùng, tôi muốn nhắc lại rằng quyền tự do tôn giáo không được áp dụng đầy đủ tại những nơi mà chỉ có quyền tự do phụng tự được bảo đảm, và tệ hơn nữa với những hạn chế. Ngoài ra, tôi khuyến khích tháp tùng sự bảo vệ hoàn toàn quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác bằng những chương trình giáo dục tôn trọng mọi người trong nhân loại, từ cấp tiểu học và trong khuôn khổ việc giáo dục tôn giáo. Về những quốc gia thuộc Bán đảo Arập, nơi có nhiều người công dân Kitô di dân sinh sống, tôi mong ước rằng Giáo Hội Công Giáo có thể có những cơ cấu mục vụ thích hợp.

Kêu gọi bãi bỏ luật kỳ thị tôn giáo

Trong số những qui luật làm tổn thương quyền tự do tôn giáo của con người, cần đặc biệt nhắc đến luật chống phạm thượng tại Pakistan: tôi tái khuyến khích chính quyền nước này đề ra những nỗ lực cần thiết để bãi bỏ luật đó, nhất là vì hiển nhiên luật ấy được dùng như một cái cớ để tạo nên những bất công và bạo lực chống các nhóm tôn giáo thiểu số. Vụ ám sát thê thảm vị Thống đốc tỉnh Punjab chứng tỏ cần cấp thiết tiến hành theo chiều hướng này: đó là sự kính thờ Thiên Chúa thăng tiến tình huynh đệ và tình thương, chứ không phải sự oán ghét và chia rẽ. Những hoàn cảnh đáng lo âu khác, nhiều khi có kèm theo những hành vi bạo lực, có thể được nhắc đến ở miền Nam và Đông Nam Á châu, tại những nước vốn có một truyền thống các quan hệ xã hội an bình. Tầm quan trọng đặc thù của một tôn giáo trong một quốc gia không bao giờ bao hàm điều này là các tín đồ thuộc một tôn giáo khác bị kỳ thị trong đời sống xã hội, hoặc tệ hơn nữa người ta dung dưỡng bạo lực chống lại các tín đồ ấy. Về vấn đề này, điều quan trọng là cuộc đối thoại liên tôn tạo điều kiện dễ dàng cho một sự dấn thân chung để nhìn nhận và thăng tiến tự do tôn giáo của tất cả mọi người và mọi cộng đoàn. Sau cùng, như tôi đã nhắc lại, bạo lực chống các tín hữu Kitô cũng xảy ra tại Phi châu. Những vụ tấn công chống các nơi thờ phượng ở Nigeria, trong lúc người ta cử hành lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô, là một bằng chứng đau buồn về điều đó.

Mặc khác, tại các nước khác, Hiến Pháp nhìn nhận một sự tự do tôn giáo nào đó, nhưng trong thực tế, đời sống của các cộng đoàn tôn giáo trở nên khó khăn, và đôi khi bấp bênh (Dignitatis Humanae, n.15), vì cơ cấu pháp lý hoặc xã hội chiếu theo các hệ thống triết lý hoặc chính trị đòi có một sự kiểm soát chặt chẽ, nếu không muốn nói là sự độc quyền của Nhà Nước trên xã hội. Cần phải chấm dứt những mơ hồ như thế, để các tín hữu không bị giằng co giữa sự trung thành với Thiên Chúa và trung thành với tổ quốc của mình. Tôi đặc biệt yêu cầu bảo đảm cho các cộng đoàn Công Giáo ở khắp nơi được hoàn toàn tự quyết trong việc tổ chức và tự do chu toàn sứ mạng của mình, phù hợp với các qui luật và tiêu chuẩn quốc tế trong lãnh vực này.

Lúc này đây, tôi lại nghĩ đến cộng đoàn Công Giáo tại Hoa Lục với các vị Mục Tử cảu Giáo Hội này, đang sống trong thời kỳ khó khăn và thử thách. Đàng khác, tôi muốn gửi một lời khích lệ đến chính quyền Cuba, hồi năm 2010, quốc gia đã mừng kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao liên tục với Tòa Thánh, để cuộc đối thoại đã được khởi sự tốt đẹp với Giáo Hội càng được củng cố và mở rộng.

Tự do tôn giáo bị vi phạm tại Tây Phương

”Di chuyển cái nhìn của chúng ta từ Đông đang Tây, chúng ta đứng trước một loại đe dọa khác chống lại sự thi hành trọn vẹn quyền tự do tôn giáo. Trước tiên, tôi nghĩ đến những nước trong đó người ta dành một tầm quan trọng cho sự đa nguyên và bao dung, nhưng tại đó tôn giáo ngày càng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Người ta có xu hướng coi tôn giáo, tất cả mọi tôn giáo, như một nhân tố không quan trọng, xa lạ với xã hội tân tiến, thậm chí họ coi tôn giáo là một yếu tố làm mất sự ổn định và người ta dùng những phương thế khác nhau để ngăn cản mọi ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội. Thế là người ta đi đến chỗ đòi các tín hữu Kitô khi thi hành nghề nghiệp, không được tham chiếu các xác tín tôn giáo và luân lý của họ, và thậm chí đi ngược với những xác tín ấy, ví dụ như tại những nơi có các luật lệ hạn chế quyền phản kháng lương tâm của các người hành nghề sức khỏe hoặc một số luật sư.

Trong bối cảnh đó, chúng ta vui mừng vì hồi tháng 10 vừa qua, Hội đồng Âu Châu đã thông qua một Nghị quyết bảo vệ quyền của các nhân viên y tế được phản kháng lương tâm đứng trước một số hành vi làm thương tổn trầm trọng quyền sống, như phá thai.

Một biểu hiện khác chứng tỏ sự gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề, và đặc biệt là gạt Kitô giáo, đó là sự cấm những ngày lễ và các biểu tượng tôn giáo trong đời sống công cộng, nhân danh sự tôn trọng đối với những người thuộc các tôn giáo khác hoặc những người không tín ngưỡng. Làm như thế, không những người ta giới hạn quyền của các tín hữu được công khai bày tỏ đức tin, nhưng còn cắt bỏ những căn cội văn hóa nuôi dưỡng căn tính sâu xa và sự gắn bó xã hội của nhiều quốc gia. Năm ngoái, một số nước Âu Châu đã liên kết với chính phủ Italia trong vụ kiện được biết đến nhiều liên quan đến việc treo Thánh Giá tại những nơi công cộng. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền các nước ấy, cũng như tất cả những người dấn thấn theo chiều hướng đó, các hàng Giám Mục, các tổ chức và hiệp hội dân sự hoặc tôn giáo, đặc biệt là Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva và các đại diện khác của hàng giáo phẩm Chính Thống giáo, cũng như tất cả những người - dù là tín hữu hay không có tín ngưỡng - đã muốn bày tỏ lòng gắn bó của họ đối với biểu tượng này vốn mang các giá trị phổ quát.

Ngoài ra, nhìn nhận tự do tôn giáo có nghĩa là bảo đảm cho các cộng đoàn tôn giáo có thể tự do hoạt động trong xã hội, với những sáng kiến trong lãnh vực xã hội, từ thiện hoặc giáo dục. Đàng khác, khắp nơi trên thế giới, người ta có thể nhận thấy các hoạt động phong phú của Giáo Hội Công Giáo trong các lãnh vực này. Thật là đáng lo âu vì công việc phục vụ ấy mà các cộng đồng tôn giáo mang lại cho toàn thể xã hội, đặc biệt là cho việc giáo dục các thế hệ trẻ, bị thương tổn hoặc cản trở vì những dự luật có nguy cơ tạo nên một thứ độc quyền của Nhà Nước trong vấn đề trường học, như người ta nhận thấy ví dụ tại một vài nước Mỹ châu la tinh. Trong khi nhiều nước thuộc đại lục này mừng kỷ niệm 200 năm độc lập, một cơ hội thuận tiện để nhớ lại sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho sự hình thánh căn tính quốc gia, tôi khuyên tất cả các chính phủ hãy thăng tiến các hệ thống giáo dục tôn trọng quyền đầu tiên của các gia đình trong việc quyết định việc giáo dục cho con em và chiếu theo nguyên tắc phụ đới, là nguyên tắc nền tảng để tổ chức một xã hội công bằng.

Tiếp tục suy tư của tôi, tôi không thể im lặng trước một sự vi phạm khác chống lại tự do tôn giáo của các gia đình tại một vài nước Âu Châu, nơi mà ngừơi ta ép buộc các học sinh phải tham dự các lớp giáo dục tính dục hoặc công dân có những quan niệm về con người và về sự sống, mệnh danh là trung lập, nhưng trong thực tế, chúng phản ánh một thứ nhân loại học trái ngược với đức tin và lý trí đúng đắn.

Nguyên tắc mà Tòa Thánh theo đuổi

”Thưa quí vị Đại Sứ, trong dịp long trọng này, xin cho phép tôi giải thích vài nguyên tắc mà Tòa thánh, cùng với toàn thể Giáo Hội Công Giáo, lấy hứng từ đó trong các hoạt động của mình cạnh các tổ chức Quốc tế liên chính phủ, để cổ võ sự tôn trọng tự do tôn giáo hoàn toàn cho tất cả mọi người. Trước tiên là xác tín theo đó người ta không thể thiết lập một thứ các nấc thang trong mức độ trầm trọng của sự bất bao dung đối với các tôn giáo. Đáng tiếc là thái độ như thế là điều thường xảy ra, và chính những hành vi kỳ thị chống các tín hữu Kitô bị coi là ít trầm trọng, ít đáng được các chính phủ và dư luận quần chúng chú ý. Đồng thời người ta cũng phải loại bỏ sự tương phản nguy hiểm mà một số người muốn thiết lập giữa quyền tự do tôn giáo và các quyền khác của con người, làm như thế là quên đi hoặc phủ nhận vai trò trung tâm của sự tôn trọng tự do tôn giáo và việc bảo vệ phẩm giá cao trọng của con người. Những toan tính đối nghịch quyền tự do tôn giáo với những cái gọi là những quyền mới là điều càng ít có thể biện minh hơn. Những cái gọi là quyền mới này được một số thành phần xã hội cổ võ và được tháp nhập vào những luật lệ quốc gia hoặc trong những chỉ thị quốc tế, nhưng trong thực tế, đó chỉ là biểu hiện những ước muốn ích kỷ và không có nền tảng trong bản tính đích thực của con người. Sau cùng, cần phải khẳng định rằng một sự tuyên bố trừu tượng về tự do tôn giáo thì không đủ: quy luật nền tảng này của đời sống xã hội phải được áp dụng và tôn trọng ở mọi cấp độ và trong mọi lãnh vực; nếu không, thì mặc dù có những khẳng định đúng về nguyên tắc, người ta có nguy cơ phạm những bất công sâu xa đối với các công dân muốn tự do tuyên xưng và thực hành tín ngưỡng của họ”.

Hoạt động của Tòa Thánh bênh vực tự do tôn giáo

Trong phần kế tiếp của bài diễn văn, ĐTC cho biết việc thăng tiến quyền tự do tôn giáo trọn vẹn của các cộng đồng Công Giáo cũng là mục đích mà Tòa Thánh theo đuổi khi ký kết các hiệp định hoặc các thỏa thuận khác với chính phủ các nước trên thế giới. Hoạt động của các vị Đại diện Tòa Thánh ở các quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng nhắm phục vụ cho tự do tôn giáo. Ngài nói: ”Tôi muốn hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận để tôi chỉ định một Đại diện, qua các cuộc viếng thăm cộng đồng Công giáo quý mến tại nước này, vị ấy sẽ bày tỏ sự quan tâm ân cần của Người Kế Vị Thánh Phêrô. Tôi cũng muốn nhắc lại rằng trong năm qua, hệ thống ngoại giao của Tòa Thánh càng được củng bố tại Phi châu, với sự hiện diện ổn định từ nay được thiết lập tại 3 nước, trong đó có vị Sứ Thần Tòa Thánh thường trú. Nếu Chúa muốn, tôi sẽ trở lại đại lục Phi châu, tại Benin, vào tháng 11 năm nay, để trao Tông Huấn đúc kết thành quả Thượng HĐGM đặc biệt kỳ hai về Phi châu”.

ĐTC nói thêm rằng “Sau cùng, trước cử tọa quan trọng này, tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định: tôn giáo không phải là một vấn đề đối với xã hội, tôn giáo không phải là một nhân tố gây ra xáo trộn hoặc xung đột. Tôi muốn lập lại rằng Giáo Hội không tìm kiếm đặc ân và cũng không muốn can thiệp trong những lãnh vực xa lạ với sứ mạng của mình, nhưng chỉ muốn thi hành sứ mạng này trong tự do”.

ĐTC đặc biệt đề cao sự đóng góp của các tôn giáo trên thế giới cho sự phát huy nền văn minh.. Sự chân thành tìm kiếm Thiên Chúa đã dẫn tới sự tôn trọng hơn đối với phẩm giá con người.. Ước gì không một xã hội loại người nào tự ý từ bỏ sự đóng góp cơ bản là những người và các cộng đồng tôn giáo!”
 
Venezuela: Các giám mục phản đối điều luật tăng thêm quyền lực cho tổng thống Hugo Chavez
Tiền Hô
09:25 11/01/2011
Caracas, Venezuela, ngày 10 Tháng Giêng 2011 (CNA) - Các vị giám mục của Venezuela đang yểm trợ cho ĐHY Jorge Urosa của Caracas về những lời chỉ trích của ngài dành cho Tổng thống Hugo Chavez.

ĐHY Urosa gần đây đã tố cáo rằng, Tổng thống Chavez đang muốn "tạo ra một chế độ Mác-xít" khi ban hành luật trái với Hiến pháp và cuộc trưng cầu dân ý năm 2007.

Còn Đức Tổng Giám Mục Ubaldo Santana của Maracaibo thì lên án các luật đã được chính phủ Venezuela thông qua trong hai phiên họp lập pháp vừa qua, trong đó, gây nhiều tranh cãi nhất là luật tăng thêm quyền cho tổng thống. Luật này cho Chavez thêm quyền cai trị bằng nghị định, nó "trái với tinh thần và văn bản của Hiến pháp". Đức Tổng Giám Mục nhận xét như vậy trong buổi khai mạc hội nghị thường niên lần thứ 95 của Hội đồng Giám mục Venezuela.

Ngài cho biết, Hội đồng Giám mục sẽ tiếp tục đưa ra những lời đánh giá mang tính luân lý đối với các vấn đề chính trị có "ảnh hưởng đến nhân quyền", ngài cũng đã than thở khi nhà nước Venezuela đã bàn bạc về "quyền của các giám mục và Giáo Hội khi tham gia vào đời sống chính trị của đất nước".

Đức Tổng Giám Mục Santana cũng nhấn mạnh đến những hoạt động của Caritas trong cơn mưa lũ gần đây tại Venezuela, ngài cho biết rằng, các cộng đồng trên toàn quốc đã nhận được sự hỗ trợ thông qua các nỗ lực của tổ chức Công giáo, và "nhờ sự phối hợp hành động liên quan giữa linh mục và tín hữu". Caritas đã chuyển 180 tấn lương thực, 2.000 bộ dụng cụ vệ sinh, 37 tấn nước sạch, 100 chiếu ngủ và các vật dụng khác cho các nạn nhân lũ lụt.

Đức Tổng Giám Mục nói, Hội đồng Giám mục sẽ tiếp tục làm việc để tạo ra tiếng nói mạnh mẽ hơn trong nước và thúc đẩy đối thoại cởi mở với chính phủ.

Luật thêm quyền:

Trong cuộc họp Quốc hội ngày 10 Tháng Mười Hai 2010, Chavez đã yêu cầu thông qua một dự luật cấp thêm quyền lực cho ông để ông cai trị bằng các nghị định nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng gây ra bởi lũ lụt. Ngày 17 Tháng Mười Hai, Quốc hội đã thông qua điều này. Ngay sau đó, ngày 18 Tháng Mười Hai, Chavez ban hành các nghị định về quy chế lãnh thổ, vấn đề an ninh công cộng và pháp lý, giao thông vận tải và dịch vụ công cộng.

Luật này cũng cho ông quyền về tài chính và thuế khóa, sử dụng đất nông thôn và thành thị để phát triển, hợp tác quốc tế và viện trợ khẩn cấp cho các cuộc khủng hoảng về lũ lụt. Các nhà lãnh đạo đối lập đang lo ngại rằng, luật mới này sẽ khiến cho Chavez có quyền hạn chế mọi sự phê bình về ông một cách tự do.
 
Hồng Kông: Đức tân Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy sẽ được chính Đức Thánh Cha tấn phong
Tiền Hô
09:26 11/01/2011
Hồng Kông, 11 Tháng Giêng (UCANEWS) - Linh mục Savio Hàn Đại Huy - người vừa được bổ nhiệm làm tổng thư ký mới của Thánh Bộ Truyền Giáo - sẽ được chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tấn phong làm Tổng Giám Mục vào ngày 5 Tháng Hai 2011, tức ngày mồng ba Tết âm lịch Trung Quốc. Cùng với ngài, Đức Thánh Cha cũng sẽ tấn phong cho hai vị sứ thần và và hai tổng thư ký khác của Vatican ở Rôma.

Ngài thuộc dòng Don Bosco. Gia đình Salêdiêng ở đây sẽ tổ chức một phái đoàn đến Rôma.

Hôm 9 Tháng Giêng vừa qua, khoảng 400 người Công giáo địa phương tham dự buổi chia tay với ngài bằng một Thánh Lễ, gặp gỡ và một bữa ăn tối. Dự kiến còn có một buổi họp mặt khác vào ngày 15 Tháng Giêng.

Một số người Công giáo đã bày tỏ niềm hy vọng rằng, Tân Tổng Giám Mục này có thể giúp cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc với Vatican, và sẽ chủ động trong việc điều tra ứng viên giám mục tại Trung Quốc, vì Thánh Bộ mà ngài sẽ làm việc đảm nhiệm sứ vụ truyền giáo và có thẩm quyền đối với Giáo Hội tại Trung Quốc.

Cho đến nay, ngài là viên chức người Trung Quốc cao cấp nhất tại Giáo Triều Rôma. Đức Tổng Giám Hàn Đại Huy nói với ucanews.com rằng, ngài cảm thấy "áp lực mỗi ngày" kể từ khi quyết định được công bố vào 23 Tháng Mười Hai, 2010. "Tôi không muốn rời bỏ quê hương tôi để đến Vatican công tác, nhưng tôi sẽ cống hiến mọi nỗ lực để làm theo ý Chúa", ngài nói.

Ngài còn nói rằng, ngài sẽ cầu nguyện "khiêm nhường để hạ mình xuống, khôn ngoan để hiểu được ý định của Thiên Chúa, bền chí trong mọi việc, vui mừng để chia sẻ với mọi người, khỏe mạnh để hoàn thành nhiệm vụ, bác ái để giúp đỡ cho người khác, và kiên trì để tìm lợi ích lớn nhất cho Giáo Hội. "

Ngài thừa nhận rằng, ĐHY Giuse Trần Nhật Quân là người thầy của mình, sự hiểu biết và ý thức công lý sâu rộng của ĐHY là nguồn động lực cho ngài.

"Chúng ta nên tôn trọng những người Công giáo hầm trú đã trung thành với đức tin của họ và hãy thấu hiểu giá trị về sự tồn tại của họ", ngài nói. "Thật vội vàng và phiến diện khi yêu cầu họ tham gia vào Giáo Hội "công khai" vì những rắc rối trong cơ cấu hàng giáo phẩm và những khó khăn khác mà họ gặp phải".

Bảo vệ các nguyên tắc của Giáo hội và việc tấn phong giám mục mà không có chuẩn y của Đức Giáo Hoàng, Tân Tổng Giám Mục nói, "Tôi theo một đường lối cứng rắn".

Sau khi được tấn phong, Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy sẽ trở về Hồng Kông dâng lễ vào ngày 19 và 20. "Tôi hy vọng được chia sẻ niềm vui này với người Công giáo tại đại lục", ngài nói.

Đức Tân Tổng Giám Mục năm nay 60 tuổi, ngài từng được mời giảng dạy tại các chủng viện ở đại lục và linh hướng cho sinh viên từ đầu những năm 1990 đến năm 2003. Trong những năm gần đây, ngài thường xuyên giảng phòng cho các linh mục ở đại lục.
 
Nữ tu chống đối các vụ thử nghiệm bom nguyên tử đã qua đời vì một tai nạn xe cộ
Bùi Hữu Thư
18:08 11/01/2011
WASHINGTON (CNS) – Nữ tu Dòng Phanxicô Rosemary Lynch, là người đã cầu nguyện để kêu gọi chấm dứt việc thử nghiệm các vũ khí nguyên tử tại sa mạc Nevada trên 33 năm qua, đã qua đời ngày 9 tháng 1, 2011, bốn ngày sau khi bị một chiếc xe đụng trong khi bà đi bộ vào buổi sáng. Bà hưởng thọ 93 tuổi.

Tai nạn xẩy ra khi bà và một người bạn là Nữ tu Dòng Phanxicô Klaryta Antoszewska, sắp sửa chấm dứt lộ trình đi bộ hàng ngày qua khu vực kế cận trung tâm của thành phố Las Vegas.

Cảnh sát cho hay bà đã bị một chiếc xe lùi ra khỏi sân đậu xe trước cửa nhà đụng phải. Bà bị hất tung xuống đất và đầu đụng mạnh vào mặt đường.

Bà đã hôn mê ngay sau tai nạn và đã được di chuyển từ một bệnh viện điạ phương đến một trung tâm tạm dưỡng (hospice), nơi đây bà đã qua đời.

Kể từ ngày 11 tháng 1, cảnh sát Las Vegas đang tiếp tục điều tra tai nạn. Sơ Rosemary, người đồng sáng lập tổ chức Pace e Bene, một hệ thống quốc tế chuyên chú vào việc giáo dục về công lý, cải tổ xã hội, và bất bạo động, đã bắt đầu đến thăm Điạ Điểm An Ninh Quốc Phòng Nevada, trước đây mang tên là Điạ Điểm Thí Nghiệm Nevada, năm 1977 sau khi bà đã di trú tới Las Vegas.

Bà đã tiếp tục đến thăm nơi này cho đến khi bị tai nạn làm cho bà thiệt mạng. Bạn bà của bà là Sơ Megan Rice nói: "Sơ Rosemary là biểu tượng của sự chống đối việc thử nghiệm các vũ khí nguyên tử.” Sơ Megan là một nữ tu Dòng Chúa Hài Nhi và là một thành viên của nhóm Nevada Desert Experience, một nhóm tổ chức các buổi cầu nguyện tại điạ điểm thí nghiệm.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Tạ Ơn và Khánh Thành Nhà thờ mới Xứ Tạo Tác Đà Lạt
Giuse Sinh Trần
09:14 11/01/2011
ĐÀ LẠT - Sáng ngày 11.1.11, ngày rất đẹp tới 5 con số 1 thay vì 4 số 1 như ngày đầu năm dương lịch, giáo xứ Tạo Tác còn gọi là xứ Thánh Giuse thợ, thuộc thành phố Dalat mộng mơ, ngàn hoa xinh tươi ngàn thông vi vu… đã cung hiến và khánh thành nhà thờ mới rộng hơn, khang trang hơn, gồm 2 tầng, tầng trên lam nhà thờ chứa khoảng 700 chỗ và tầng dưới làm phòng sinh hoạt và để xe.

Xem hình ảnh

Xưa kia đất rất chật chội và hẹp ngang. Sau khi mua thêm mảnh đất phía sau nên diện tích tăng gấp rưỡi. Sau 500 ngày thi công, nay đã hoàn thành.

Đức cha Cosma Hoàng văn Đạt,dòng Tên, Gíam mục Bắc Ninh, kiêm Tổng thư Ký HĐGM VN chủ sự thánh lễ Tạ ơn và cung hiến cùng với Đức cha Toma Hiệu, phụ Tá Xuân Lộc, cha Phaolô Lê Đức Huân, Giám Quản Dalat, cha Liêm Giám tỉnh Dòng Tên, nhiều linh mục dòng Tên và các dòng Nam cùng các linh mục triều khoảng trên 60 vị đồng tế. Số giáo dân và quan khách trên 1.000 người…

Trời nắng đẹp và ấm áp tình người. Mọi người cảm phục công trình xây dựng tốt đẹp và may mắn cho một giáo xứ nhỏ và nghèo gồm toàn dân thợ… như một phép lạ !!!

Tạ ơn Chúa và cám ơn mọi người: "Giáo xứ thánh Giuse Thợ Tạo Tác chúng con xin chân thành cám ơn Đức cha, cha Giám quản, cha Giám Tỉnh, quý cha qu1y tu sĩ,quý ân nhân,thân nhân và toàn thể qúy khách đã đến tham dự Thánh Lễ Tạ ơn và cung hiến… và đã cầu nguyện, khích lệ, cộng tác, đóng góp cho việc xây dựng ngôi nhà thớ mới này…”
 
Phái đoàn Giáo hội Công giáo Thái Lan thăm Giáo phận Vinh
Lữ Khách
09:24 11/01/2011
VINH - Chiều 10.1.2011, phái đoàn Giáo hội Công giáo Thái Lan do Đức Cha Joseph Mons Chusak Sirisut, Giám mục Giáo phận Korat dẫn đầu gồm 104 linh mục, phần lớn đến từ Đông Bắc Thái đã thăm và làm việc tại Giáo phận.

View photos - Xem hình ảnh

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp; Cha Tổng Đại diện Phêrô Nguyễn Văn Viên, Cha Chánh Văn phòng Phêrô Nguyễn Văn Hương, linh mục Raphael Trần Xuân Nhàn đã vui vẻ đón tiếp đoàn tại phòng khách Tòa Giám mục Xã Đoài.

Đại diện phái đoàn đã trình bày khái quát một vài nét cơ bản về hiện tình Giáo hội Thái và gửi lời chúc mừng năm mới tới Đức Cha, quý Cha và toàn thể giáo dân trong Giáo phận. Đức Giám mục Mons Chusak Sirisut đã trao tặng Đức Cha Nguyễn Thái Hợp vật lưu niệm là hình ảnh của 7 vị thánh tử đạo Thái Lan.

Trân trọng cảm ơn thịnh tình của đoàn, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã gửi lời chúc bình an, sức khỏe tới Đức Cha Joshep và các thành viên trong đoàn.

Phái đoàn các linh mục Thái Lan đã đi thăm các công trình kiến trúc trong khuôn viên Tòa Giám mục và sau đó cử hành thánh lễ đồng tế vào lúc 17h45’ tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài vào lúc 17h45.

Sáng nay 11.1.2011; phái đoàn tiếp tục viếng thăm giáo xứ Yên Đại và tiếp tục hành trình thăm Tổng Giáo phận Hà Nội. Đến 14.1.2011, đoàn sẽ trở lại Thái Lan.

Đây là lần đầu tiên một phái đoàn Công giáo Thái Lan đông đảo ghé thăm Giáo phận. Điều này mở ra triển vọng hợp tác trên nhiều phương diện giữa Giáo phận Vinh với các Giáo phận anh em cũng như hai Giáo hội Việt Nam và Thái Lan.

Được biết, Giáo hội Công giáo Thái Lan hiện có khoảng 300.000 giáo dân qui tụ ở 10 Giáo phận (2 Giáo tỉnh) với trên 350 xứ dưới sự lãnh đạo của 1 Hồng y, 10 Giám mục đương nhiệm và gần 750 linh mục. Khoảng 20% số linh mục và 17% có nguồn gốc Việt Nam; có rất đông giáo dân gốc Vinh di cư sang đây thời kì cấm đạo. Hiện tại, có khoảng 3000 lao động người Công giáo Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đang làm việc tại Thái Lan.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự hiểu lầm đáng tiếc từ Cha Mẹ
Tuyết Mai
13:11 11/01/2011
Tôi nghĩ sự hiểu lầm thật đáng tiếc thường xẩy ra trong gia đình của chúng ta, là cha hoặc mẹ đã vô tình hay cố ý than thở với các con, là chê trách người cha của chúng thế này hay mẹ của chúng thế kia. Những lời cha than trách mẹ hoặc mẹ than trách cha, tưởng nghe như nước đổ đầu vịt, các con không để vào tai, nhưng vì tháng này qua năm nọ, cộng sự hiểu biết non nớt của chúng; đã làm cho chúng cảm thấy phật lòng và nghiêng theo. Nếu gia đình chúng ta đặt trên căn bản là tình yêu thương và sống chân thật, thì sự gieo vào lòng các con những bất mãn của mình trên mẹ của chúng hay cha của chúng thưa là sai lắm lắm!.

Ở đây tôi không cố ý nói người cha là trật hay người mẹ là đúng, nhưng chỉ nói lên những khuyết điểm để hy vọng chúng ta bậc làm cha mẹ nên sửa đổi hay tránh làm, hầu tìm cách xây dựng hạnh phúc gia đình mà thôi!. Điển hình là tánh của nhiều ông xã thích làm người hùng trong gia đình. Thích được vợ nể nang, được hầu hạ, và được tâng bốc. Thích con cái chúng yêu thương mình nhiều hơn vì mình là cha của chúng mà!. Con cái chúng phải giống mình vì mình là người gieo giống. Nào là chúng phải giống hệt như khuôn đúc tuy dù cái giống hệt đó có là hay, hay dở cũng chẳng cần biết!? Chỉ cần chúng giống là thích lắm rồi! Và nhất là giống cả cái đấy nữa thì chẳng những mình thích mà cả ông bà nội còn làm tiệc linh đình vì có được thằng cháu đích tôn??.

Khi các cháu nhà tôi chúng còn nhỏ, tôi phải ở nhà để lo cho chúng nó. Phần vì tôi chẳng có ai để tâm sự nên mọi thứ mọi điều tôi thường hay tâm sự và tỉ tê với chúng con là cha của chúng không biết điều, hay uy hiếp mẹ của chúng, mê công mê việc mà chẳng chịu ở nhà. Chẳng thiết tha gì đến gia đình mà chỉ sống ích kỷ cho ổng thôi!. Sau khi thất nghiệp thôi đi làm thì lại quay qua đi học tiếp. Thật sự thì sự đi học trở lại của ổng cũng đã được sự chấp thuận và đốc thúc của tôi. Chứ ở nhà chẳng nên tích sự gì, chắc tôi còn lộn gan hơn nữa!. Những sự gì tôi than thở thay vì lẩm bẩm một mình thì tốt hơn, nhưng tôi lại chọn lối than thở với chúng con. Đầu óc non nớt của chúng lúc bấy giờ thì làm sao đánh giá và hiểu được những điều tôi than trách ấy là đúng hay sai? Nhưng rồi chúng đã phải đồng tình và đồng ý với tôi; chúng cũng nhận thức được thật là cha của chúng không có nhà. Vì tham muốn có được chức phận, công danh, sự nghiệp mà cứ vắng nhà mãi; công nhận quá khứ tôi đã trải qua những thời gian dài trống vắng và quạnh quẽ. Loay hoay một mình lo cho con. Đứa thì sáng đưa đi học, trưa đón về. Đứa thì còn canh cánh bên tôi, tay thì đút cơm, tay thì thay tã; đi chợ, làm công việc vặt vẵn trong nhà và đi mua sắm. Không việc gì mà không cần đến bàn tay của tôi. Chồng tôi lúc ấy ổng sung sướng lắm! Sáng ra thì đi học như những cậu con trai còn ăn ở với cha mẹ. Chiều tối mới về nhà thì nào là homeworks để nộp cho thầy cô ngày hôm sau. Và đó cũng là phần tôi muốn được chìu chồng vì đó là sự mơ ước của ổng. Quả thật cũng chẳng phí công tôi vì tôi nuôi chồng ăn học cho đến ngày quan trạng về làng. Với trí thông minh Chúa ban tuy không tiền nhưng cũng chẳng ai khinh rẻ ổng được!?.

Càng lúc các cháu chúng càng lớn lên, trí óc phát triển và cảm thấy mẹ mình cực quá! Đâm thương mẹ nhiều hơn là thương cha. Trên đời con nào mà lại chẳng thương mẹ nhiều hơn thương cha, thưa có phải không quý ông?. Vì quý ông thường lo những chuyện đại sự. Nhất là phải đi làm đi ăn để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Còn chúng tôi phụ nữ chỉ biết cái bếp cái núc, chăm lo con cái, thêu thùa, và nữ công. Ở chung với cha mẹ chồng, có phước thì được hưởng còn không thì phải chịu những lời mắng nhiếc, những cây roi quất không chừa chỗ nào, và không ngày nào thiếu. Các ông chỉ muốn các con nghĩ tốt cho các ông nên chúng con cần sửa phạt thì lại bảo các bà “đánh chúng dùm”. Không giữ lời hứa được với các con thì lại đổ thừa bảo là tại mẹ rồi lại nhờ đến các bà tìm cách nói dối hay gỡ rối giùm.

Hai con chúng tôi bây giờ đã lớn, chúng nhận xét theo kiểu đã lớn và đã (gọi là) trưởng thành. Chúng có những bất mãn của chúng đối với ba chúng theo sự nhận xét riêng của chúng, mà chính tôi cũng không đồng ý với chúng. Như ông bà mình có câu: “Khi có con mới thực sự hiểu, biết, và thương cha thương mẹ”. Chứ còn chúng bây giờ cũng đã hiểu biết gì tình thương của cha mẹ dành cho chúng bao la như thế nào!?. Sự hiểu biết bây giờ của chúng chẳng qua chỉ biết so sánh với cha mẹ của chúng bạn. Gặp bạn bè nào mà có cha mẹ chỉ biết thương con qua cho đồng tiền và quà cáp vì không có thời giờ dành cho con cái, cảm thấy thiếu trách nhiệm, nên chúng đòi cái gì cũng phải cho cũng phải chìu thì chỉ khổ cho chúng tôi mà thôi!. Tình yêu thương con cái mà dựa trên đồng tiền để đánh giá cha mẹ là hỏng bét là quá sai rồi các con ạ!. Công nhận đồng tiền là sức bật của tuổi trẻ, là sức sống của tuổi già, là mua tiên cũng được, nhưng tình cảm thì đồng tiền không bao giờ có thể mua được. Công nhận có tiền thì mua được tiên đó, nhưng tiên đó thì không có trái tim. Tiên đó cũng chỉ sống nhờ vào đồng tiền của chủ và khi tiên xấu và già đi thì chủ cũng sẽ sa thải tiên ấy cho về vườn mà thôi!.

Cảm tạ Thiên Chúa là các con của chúng tôi cũng vẫn còn dậy được, vì dẫu sao chúng cũng hiểu được công lao của cha mẹ chúng không phải là nhỏ. Chúng tôi dậy các cháu là sống trên đời, trước chúng phải biết có Thiên Chúa và cảm tạ Người, sau là gia đình; và phải biết là cha mẹ của chúng còn phải cực khổ vì chúng mãi cho đến khi cả hai được Chúa gọi về, vì có phải đó là tình yêu thiêng liêng mà một mái ấm gia đình cần phải có? Do Thiên Chúa đã thương ban cho người nam và người nữ cảm mến nhau, kết hợp, giao ước với nhau; cả hai trở nên một cùng với sự chúc lành của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Các con thân yêu! Chúng con phải hiểu rằng gia đình là mái ấm và là hạnh phúc tối cần của các con. Phận làm con chúng con không nên thắc mắc bậc làm cha mẹ, không nên chia phe để đứa này bênh cha và đứa kia bênh mẹ. Mẹ cám ơn các con rất nhiều bởi luôn yêu thương mẹ vì mẹ sống một đời hy sinh vì các con. Nhưng bởi ai mà chúng con được sinh ra đời? Có phải một mình cha có thể đẻ các con ra được đâu hoặc ngược lại? Các con phải nhớ mãi câu mà thuở nhỏ mẹ dậy các con học là: “Công cha thì như núi thái sơn; nghĩa mẹ thì như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha; cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Bởi cuối cùng thì cha mẹ mới là người ăn đời ở kiếp với nhau. Các con có thương cha hay thương mẹ nhiều thì rồi các con cũng bỏ tổ ấm này mà đi xây tổ ấm riêng cho các con cơ mà!. Các con phải thấu hiểu điều đó mà tránh làm phiền lòng cha mẹ. Cuộc đời là một dòng sông, có lúc chảy xiết có lúc ngừng, có lúc thật bình thản. Cần nhất là chúng con luôn sống tín thác vào Chúa và hãy để Ngài chèo lái cuộc đời của chúng con. Có Ngài chúng con chẳng sợ chi! Có Ngài chúng con sẽ vượt thắng tất cả những gì mà thế gian có thể đưa chúng con đến sự chết.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thung Lũng Đen
Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD
22:21 11/01/2011
THUNG LŨNG ĐEN

Ảnh của Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD

Dù chân bước tới,

nơi thung lũng tối,

Con không bối rối,

vì Chúa sánh bước với con

(Nguyễn Trung Tây, SVD Thánh Vịnh 23)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền