Ngày 14-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:12 14/01/2018
36. CHÂM CHỌC ĐẠO SĨ
Có một anh thợ rất hiểu đạo lý của kinh thư, nên cũng có chút tài văn học. Một hôm, đạo quán mời anh ta đến làm công, anh ta tự nhận mình là thợ xuất thân từ nhà nho. Đạo sĩ nói:
- “Mặc dù anh tự cho mình là thợ xuất thân từ nhà nho, vậy thì làm câu đối này để anh đối lại thử xem sao ?”
Anh thợ nói:
- “Được”.
Đạo sĩ nói:
- “Tên thợ xuất từ nho: nho quân tử, nho tiểu nhân ?”
Anh thợ lên tiếng đối lại:
- “Người hiệu là đạo nhân: đạo quỷ đói, đạo súc sinh”.
(Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

Suy tư 36:
Chê đúng nơi, góp ý đúng chỗ, thì củ cải cũng phải nghe, huống chi là con người.
Có cha sở nọ ở Saigon khi cho rước lễ thì thấy một cô gái ăn mặc “mát mẻ” lên rước lễ thì ngài không cho cô ta rước lễ, giữa nhà thờ rất nhiều người tham dự thánh lễ ngài to tiếng khiển trách cô gái, vì ngài đã có lệnh cấm, cô gái tức tối trả lời đốp chát giữa nhà thờ: “Ai biểu ông ngó trên người tui làm chi, tui mặc sao kệ tui chứ ???”...
Cô gái không mắc cở nhưng cha sở mắc cở, người ta không cười cô gái nhưng cười cha sở vì ngài thiếu khôn ngoan và cứng nhắc trong hành xử, ai cũng có tự ái của họ, và tự ái này sẽ nổ tung khi chúng ta chỉ trích phê bình họ giữa đám đông dân chúng, dù họ có làm sai...
Nếu cha sở khôn ngoan để sau khi thánh lễ kết thúc nhắc nhở riêng cho cô gái, thì chắc chắn cô ấy sẽ nghe lời và kính phục ngài.
Ông đạo sĩ đã khinh dễ anh thợ thủ công nên được đáp trả một câu đối đốp chát rất nặng ký, cũng vậy cha sở vì muốn tỏ ra uy quyền với cô gái nên đã bị trả lời đốp chát đến mất mặt ngoài ý muốn của mình.
Tai hại thay cái uy quyền phản tác dụng.
Lòng nhân hậu thì có sức mạnh hơn uy quyền trăm vạn lần.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 2 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:13 14/01/2018
Chúa Nhật 2 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Ga 1, 35-42.
“Các ông đã đến xem chỗ Đức Giê-su ở, và ở lại với Ngài.”


Bạn thân mến,
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Giáo Hội –qua thánh Gioan Tiền Hô- đã giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho chúng ta, Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian, và là Đấng mà muôn dân trông đợi đang hiện diện giữa cuộc đời này. Ngài đến như một người Do Thái bình thường không bí ẩn như những vị ẩn tu, không như những nhà giảng thuyết lừng danh, nhưng là như một Ráp-bi hiền hòa nhân ái. Chính Ngài đã đến để đem tin vui cứu độ cho mọi người.
Bạn và tôi đã đến và đã nghe Ngài giảng dạy, không phải bên bờ sông Gio-đan, nhưng là trong nhà thờ; không phải giờ thứ mười, nhưng là mỗi giây phút trong cuộc sống của mình.
Bạn và tôi đã xác tín Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, nên đã phó thác tất cả cuộc sống của mỉnh trong tay Ngài, nhưng đã có nhiều lần bạn và tôi không muốn ở lại cùng chia sẻ với Ngài những buồn vui trong cuộc sống của mình, và lắm lúc trong cuộc sống, bạn và tôi đã đem cuộc đời mình phó thác trong tay các đại gia vì bỗng lộc chóng qua, phó thác đời mình cho người có chức quyền ở thế gian, mà không tin tưởng phó thác trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.
Bạn thân mến,
Các môn đệ đầu tiên của Đức Chúa Giê-su đã đến xem chỗ ở của Ngài và ở lại luôn với Ngài, bởi vì các ông đã nhìn thấy cách sống của Ngài: đơn sơ, thanh tịnh và tràn đầy yêu thương.
Bạn và tôi không những đã thấy và đã tin, nhưng còn được rước lấy Mình và Máu Thánh của Ngài nữa, do đó, chúng ta cần phải như các môn đệ tiên khởi của Đức Chúa Giê-su, giới thiệu Ngài cho người khác cũng biết Ngài như chúng ta vậy, bằng cách sống yêu thương, đơn sơ, tin tưởng và phục vụ trong vui vẻ...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:16 14/01/2018

27. Vì người phạm tội trọng mà cầu nguyện thì được lòng thương xót cao nhất. Vì yêu mến Thiên Chúa, nên khi con cầu nguyện thì luôn nhớ đến những linh hồn này.

(Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa, trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Chúa Nhật II Thường Niên B: Đến Mà Xem
Lm. Vinh Sơn, scj
09:25 14/01/2018
1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42

Vào một buổi tối năm 1741, người ta thấy người nhạc sĩ hoàng gia Hallmen lang thang trong một phố nghèo lênh đênh bên Anh Quốc. Người nhạc sĩ già đang nuốt từng nỗi đắng cay mà triều đình đã dành cho ông. Từ hơn 40 năm qua, ông đã đem tất cả tài năng và sự hăng say của mình để phục vụ triều đình. Thế nhưng, giờ đây ông bị ruồng bỏ, cảm thấy mình giống như một trái chanh đã vắt hết nước: vắt chanh bỏ vỏ.

Bốn năm trước ông đã bị chứng xuất huyết não làm cho ông bị bại hẳn một bên, khiến ông không còn đi đứng bình thường và sáng tác được. Nhưng dần dần nhờ ý chí sắt đá, ông đã thu hồi được khả năng đi lại và bắt đầu sáng tác lại.

Nhưng giờ đây với cái tuổi 60 và với khí trời lạnh như cắt của nước Anh, ông cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Tình cờ, khi đi qua một ngôi Thánh Ðường, ông bỗng nghe vọng lên trong tâm hồn ông chính tiếng kêu của Chúa Giêsu:

“ Lạy Chúa con, lạy Chúa trời con. Sao Chúa bỏ con".

Như có một sự thôi thúc lạ lùng, người nhạc sĩ quay về nhà, trong đám giấy vứt ngổn ngang trên bàn làm việc ông đọc được câu Kinh Thánh về Đấng Cứu Thế được tiên báo trong thân phận Tôi Tớ Đau Khổ: "Người đã bị khinh bỉ và bị mọi người phế bỏ". Nguồn cảm hứng tưởng đã cạn nay lại trải cuộn trên từng trang giấy, hết trang này đến trang khác, những nốt nhạc cứ thế mà tuôn trào. Sau hai mươi bốn ngày làm việc liên lỉ, nhạc sĩ Hallmen đã hoàn thành tác phẩm để đời tựa đề là: "Messiha- Ðấng Cứu Thế": Người đã trở nên đau khổ như chiên Thiên Chúa bị sát tế để cứu chúng ta. Từ đó, cứ mỗi dạo Giáng Sinh và Phục Sinh người ta lại có dịp nghe được tác phẩm tuyệt tác để đời.

“Thấy Đức Giêsu đi ngang qua” (Ga 1, 36). Gioan giới thiệu hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Gioan được linh hứng giới thiệu sứ vụ của Chúa Giêsu – Đấng Cứu Thế, Đấng xóa tội trần gian mang thân phận của một Con Chiên – Con Chiên tinh tuyền, con chiên hiền lành và khiêm nhượng, con chiên chịu sát tế để làm của lễ đền thay tội lỗi nhân loại như các tiên báo trong Cựu ước đã nói về Ngài.

Trong sách Sáng Thế Ký chiên tế lễ của Abel thay cho lòng tin kính Thiên Chúa, được Thiên Chúa chấp nhận. "Abel dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng" (St 4,4). Trong Sách Xuất hành chiên được sát tế trong cuộc vượt qua, máu Chiên bôi trên cửa, như dấu chỉ cuộc vượt qua để được cứu sống (x. Xh 12,2-7) dân Chúa hằng ngày buổi sáng và buổi chiều, luôn luôn có một con chiên được dâng làm của lễ trong đền thờ để chuộc tội cho dân chúng (Xh 29,38-42). Ngôn Sứ Isaia tiên báo về Đấng Cứu Thế như Người Tôi Tớ Ðau Khổ của Giavê, cư xử hiền lành như con chiên bị đem đi giết mà không một lời oán trách thở than: "Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng" (Is 53,7.) Ngôn Sứ Giêrêmia tiên báo về hình ảnh Đấng Cứu Thế : “Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi”(Gr 11,19).

Chiên là hình ảnh của lễ hiến tế để được ơn tha tội… Gioan giới thiệu với hai đồ đệ đang tìm Đấng Cứu Thế : Đây là Chiên Thiên Chúa, Ngài chính là Chiên Vượt Qua của lịch sử Cứu Độ : Hiến tế lên cho Chúa Cha. Cho nên sau này Phêrô dạy: "Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích là Đức Kitô" ( 1 Pr 1,19). Tác giả thư Do Thái nhấn mạnh “Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa Hằng Sống" ( Dt 9,14).

Gioan Tông Đồ trong sách Khải huyền đã dùng 29 lần thành ngữ Chiên Thiên Chúa, trở thành một trong những danh hiệu được tôn kính của Chúa Cứu Thế, tóm tắt được tình yêu thương, đức hy sinh chịu khổ và chiến thắng khải hoàn của Đức Giêsu.

Được thầy giới thiệu về Đấng Cứu Thế, hai môn đệ Gioan đã quyết định đi theo. Ơn gọi của họ, cũng như của Samuen, được đánh thức bởi một người khác – thầy cả Eli (x. 1 Sm 3, 3b-10. 19) – Eli cũng như Gioan không phải bởi “ánh sáng” nhưng là “chứng nhân của ánh sáng” (Ga 1,8; 3,3). Tin mừng Gioan nhấn mạnh hai môn đệ "bước theo" Đức Giêsu. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, “bước theo” (akoloutheô) có nghĩa là “đi đàng sau một người”, hơn cả nghĩa thường “bước theo” với nghĩa ẩn dụ là “trở thành môn đệ”. Trước kia hai ông là môn đệ của Gioan, bây giờ được Gioan giới thiệu bước theo Đức Giêsu. Chính vì thế, họ gọi Người là “Rabbi - Thưa Ngài” là từ ngữ thường được dùng để bày tỏ lòng tôn kính mà các môn sinh dùng để gọi vị thầy họ trân trọng. Hai ông hỏi Thầy ở đâu.

Đức Giêsu trả lời “Hãy đến và các anh sẽ thấy!”. Lời mời gọi và lời hứa của Đức Giêsu hết sức trang trọng nhắm đến cuộc gặp gỡ sống động và riêng tư. Hai môn đệ đã đến và ở lại với Thầy đi vào hiệp thông với Người. “Ở [lại]” thường gợi lên một khoảnh khắc đặc biệt thân mật: Đức Giêsu “ở lại” với các môn đệ đang tin vào Người (Ga 2,12; 4,40; 7,9; 10,40; 11,6.54; 14,25). Trong các bài diễn từ cáo biệt (Ga 13–17), Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh “ở lại” : Chúa Cha ở lại trong Đức Giêsu (Ga 14,10) và Thánh Thần ở lại trong các môn đệ của Đức Giêsu (Ga 14,17). “Ở lại” không chỉ là “ở với”, mà còn có nghĩa là “ở trong”. Trong thực tế, có sự “ở lại trong nhau” giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Họ ở lại trong Người và Người ở lại trong họ (Ga 15,4.5.7). Các môn đệ ở lại trong tình thương của Đức Giêsu (Ga 15,9.10), và các lời Người ở lại trong họ (Ga 15,7). Sau này qua Bí Tích Thánh Thể Chua Giêsu ở trong nhân lọai và hiến mạng sống cho mọi người (Ga 6,56). Đức Giêsu trở về với Chúa Cha để chuẩn bị một chỗ cho các môn đệ để họ được ở với Người (Ga 14,2-3).

Sau khi ở lại với Chúa Giêsu – Chiên Thiên Chúa, Anre gặp em mình là Simon và giới thiệu em đến với Thầy, và cuộc gặp gỡ môn sinh ở lại với Thầy. Đức Giêsu đặt cho Simôn một tên mới là Kephan – Phêrô – Đá tảng. Đặt tên mới Phêrô, Đức Giêsu bày tỏ uy quyền nhưng cũng còn muốn xác định cho Simon một căn tính mới, một vai trò mới như xưa trong Cựu Ước Giave đặt tên Abraham cho Abram và Israel cho Giacóp (x. St 32,38; 35,10). Đặt tên Phêrô, gợi cho chúng ta nhớ đến sự vụ lãnh đạo Giáo Hội của Phêro mà Đức Giêsu trao gắn liền với tên mới (Mt 16,15-19 Ga 21, 15 - 19).

Chiên Thiên Chúa, trung tâm điểm của lịch sử cứu độ, Ngài là Đấng Cứu Thế, Ngài là Đấng đang đi vào đời tôi và mời gọi tôi đi vào huyền nhiệm mối tương quan với Ngài: Ở lại và trong Ngài, vì thế chúng ta đến tham dự thánh lễ mỗi ngày, và rước Thánh Thể - sống trong sự ở lại và trong Chúa Kitô. Sống và ở lại trong Ngài chúng ta mang tâm tình mới, con người mới trong trách nhiệm được trao phó được gánh vác.

Con người được đổi mới theo tình yêu, mang sứ mạng gánh vác được khởi đi từ những giây phút thâm tình khi sống ở lại, trong và với Thầy.

Vâng, hãy đến mà xem…

Lm. Vinh Sơn, scj
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
9,000 thanh niên thiếu nữ tình nguyện bảo vệ chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Santiago
Đặng Tự Do
01:05 14/01/2018
Hơn 9,000 người trẻ tình nguyện đã tập trung tại vận động trường Movistar trong công viên O'Higgins từ sáng thứ Bẩy 13 tháng Giêng để tham gia các buổi tập huấn và thánh lễ sai đi.

Buổi lễ do Đức Hồng Y Ricardo Ezzati, Tổng Giám mục Santiago, chủ sự.

Trong lời hiệu triệu các bạn trẻ, Đức Hồng Y nói:

“Các con đã xung phong làm các tình nguyện viên của Đức Thánh Cha, của sứ điệp mà Ngài mang đến cho chúng ta, đó là sự bình an của Chúa Giêsu. Vì thế, các con là các tình nguyện viên của sự bình an Chúa Kitô”

Ngài nói tiếp: “Hôm qua chúng ta đã phải chứng kiến một số quả bom ở năm cộng đồng Kitô hữu. Nhưng những gì chúng ta thấy ngày hôm nay mạnh hơn rất nhiều”

Một tràng pháo tay rất dài của các bạn trẻ nổ ra để nhiệt liệt hoan hô Đức Hồng Y.

Cùng đồng tế với Đức Hồng Y trong thánh lễ sai đi, diễn ra lúc 4h chiều, còn có Đức Cha Santiago Silva, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi và cũng là Giám Mục giáo phận quân đội Chí Lợi; 4 Giám Mục Phụ Tá và hàng chục linh mục.

Trước đó, từ 9h sáng, các bạn trẻ đã tham dự vào các buổi tập huấn trong bầu không khí tràn ngập niềm vui, với các bài hát, các video liên quan đến chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các bạn trẻ đã chú tâm theo dõi các hướng dẫn để đối diện với các tình huống bất thường và những trở ngại có thể xảy ra như ánh nắng mặt trời có thể làm nhiều người ngất xỉu, hay những trò phá đám.

Tổng cộng có 20,000 bạn trẻ tại 3 thành phố Santiago, Temuco và Iquique tình nguyện tham gia giữ trật tự cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Chí Lợi. Đó là chưa kể một con số lớn các bạn trẻ khác tại thủ đô Santiago vừa được mời gọi tham gia việc bảo vệ các giáo xứ của họ theo sau các vụ tấn công vào 5 nhà thờ và nhà nguyện lúc tảng sáng ngày thứ Sáu 12 tháng Giêng.

Sau thánh lễ, Đức Hồng Y Ricardo Ezzati, đã dành cho báo chí một cuộc phỏng vấn tại vận động trường Movistar. Ngài nhấn mạnh rằng “Đức Thánh Cha muốn đến với đất nước chúng ta để mang lại bình an và đoàn kết cho những ai cần đến và thực sự mong muốn những điều này. Đó là ý nghĩa tại sao ngài đến với Trung Tâm Cải Huấn Phụ Nữ và Hogar de Cristo – Nhà của Chúa Kitô – và đến với những người nghèo nhất của đất nước chúng ta, như một lời mời gọi chúng ta liên đới với những anh chị em này.”

Nói về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và những người trẻ ở Maipú, Đức Hồng Y nói Đức Thánh Cha Phanxicô “muốn mời gọi họ xây dựng nền văn minh tình thương, một nền văn minh liên đớn, đón tiếp, và một nền văn hóa gặp gỡ.”

Ngài nhấn mạnh thêm rằng Đức Thánh Cha sẽ đến Iquique, “nơi lòng đạo đức bình dân, đặc biệt là lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Carmenô, ở Tirana, là mối giây liên kết giữa các nước trong vùng, như một lời mời gọi chúng ta xây dựng hòa bình, hòa hợp liên đới với người dân Peru và Bolivia.”

Cuối cùng, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục nói: “Tôi vui mừng khi thấy rất nhiều người trẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô và muốn trở thành những tình nguyện viên để giúp mang thông điệp của Đức Giáo Hoàng đến với tất cả mọi người”



Source: Arzobispado de Santiago Cardenal Ezzati: "Son voluntarios de la paz de Jesús"
 
Ít nhất 40,000 bạn trẻ Á Căn Đình tràn qua biên giới để gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
02:40 14/01/2018
Hàng dài người Á Căn Đình xếp hàng chờ qua biên giới Chí Lợi
Hàng trăm ngàn người Á Căn Đình đã và đang vượt qua biên giới Chí Lợi để gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nguyên Tổng Giám Mục Buenos Aires, vì ngài vẫn chưa trở về cố hương mặc dù đã ghé thăm nhiều nước Mỹ Latinh kể từ khi được bầu làm Giáo Hoàng cách đây gần 5 năm.

Đức Giáo Hoàng đầu tiên của Mỹ Châu Latinh đã thực hiện chuyến tông du đầu tiên bên ngoài Italia bốn tháng sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng. Đó là chuyến đi đến Ba Tây từ ngày 22 đến ngày 29 tháng 7, năm 2013. Ngài đã đến thăm Bolivia, Ecuador, Paraguay, Mễ Tây Cơ, Cuba và Colombia, và sẽ đến Peru sau khi thăm Chí Lợi.

Để không bị lôi kéo vào thứ chính trị rất nhạy cảm của Á Căn Đình, ngài vẫn chưa sắp xếp một chuyến trở về cố hương của ngài, là nước có nền kinh tế lớn thứ ba của châu Mỹ Latinh và là đất nước lớn thứ tư về dân số tại đại lục này.

Hôm thứ Năm 12 tháng Giêng, khi được hỏi lý do tại sao Đức Giáo Hoàng vẫn chưa đến thăm Á Căn Đình, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói rằng Đức Giáo Hoàng sẽ bay qua Á Căn Đình trên đường tới Chí Lợi và theo thông lệ, ngài sẽ gửi một thông điệp từ máy bay đến nhà lãnh đạo quốc gia. Ông Burke nói: “Đó sẽ là một bức điện tín thú vị.”

Đức Giáo Hoàng đã từng gặp tổng thống Á Căn Đình Mauricio Macri tại Vatican. Nhưng là một người phê bình mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản toàn cầu, Đức Giáo Hoàng giữ một khoảng cách trong mối quan hệ với Macri, là người thuộc một dòng họ giàu có nhất Á Căn Đình.

Cô Mariano Garcia, 36 tuổi, điều phối viên quốc gia về thanh thiếu niên của Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình, cho thông tấn xã Reuters biết ít nhất 40,000 người trẻ Á Căn Đình đã ghi danh tham dự các chuyến đi sang Chí Lợi tại các thành phố mà Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm.

“Cuộc viếng thăm này rất quan trọng đối với giới trẻ Á Căn Đình”, Garcia nói. “Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại, không chỉ dành cho những người trẻ trong Giáo Hội Công Giáo mà còn cho tất cả những người trẻ tuổi.”

Ông Sergio Rubin, một ký giả Á Căn Đình của tờ Diario Clarín, ở thủ đô Buenos Aires, là người đã từng tường thuật các chuyến tông du tại châu Mỹ Latinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và đặc biệt là các chuyến tông du của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại các nước Mỹ Latinh, nói:

“Chúng tôi có 5,300 km đường biên giới với Chí Lợi dọc theo hầu hết chiều dài của quốc gia này. Đây là đường biên giới dài thứ ba trên thế giới chỉ sau đường biên giới dài nhất là giữa Hoa Kỳ và Canada, và thứ nhì là đường biên giới giữa Nga và Kazakhstan. Cho nên, hàng trăm ngàn người sẽ vượt qua biên giới để gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô. Đó là chưa kể những người đi máy bay từ Buenos Aires.”

Khi được hỏi về các cuộc biểu tình tại Santiago chống lại chuyến tông du của Đức Thánh Cha với lý do là chi phí tổ chức quá cao, ông Sergio cho biết:

“Đó là thứ chính trị bẩn thỉu của đảng Xã Hội Chí Lợi đang cầm quyền. Trong 5 chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Mỹ Châu Latinh trước đây, chính phủ của bà Michelle Bachelet liên tục nhắc với các Giám Mục là chưa thuận lợi cho một chuyến thăm của ngài. Thế rồi thì tháng 11 năm ngoái có tổng tuyển cử, bầu cả tổng thống lẫn lưỡng viện Quốc Hội, cho nên tháng 6 họ lại gởi giấy mời sang Vatican, để mua phiếu người Công Giáo. Rồi cuối cùng họ lại xì ra chi phí tổ chức để đánh gục đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo.”

Ông Sergio cho biết thêm: “Tất cả 31 nước Đức Thánh Cha đã từng đi thăm đều tốn một số chi phí gần như nhau. Tại sao ngay cả ở Miến Điện, nơi đa số dân theo Phật Giáo, và tại Bangladesh nơi hầu hết người dân theo Hồi Giáo, dân chúng không kêu ca? Chí Lợi là một quốc gia rất giàu có, 2 phần 3 dân chúng là người Công Giáo, thu nhập bình quân đầu người của họ lại cao hơn ở Miến Điện đến 6 lần. Tại sao họ chỉ nghĩ đến chi phí phải bỏ ra mà không tính đến khoản thu nhập từ hàng trăm ngàn người Á Căn Đình đổ vào Chí Lợi trong những ngày này? Ở Miến Điện và Bangladesh, chắc chắn người ta không có được những khoản thu như thế này đâu.”
 
Đức Thánh Cha bắt đầu chuyến tông du Chí Lợi từ ngôi mộ của vị “Giám Mục của người nghèo”
Đặng Tự Do
03:54 14/01/2018
Đức Cha Enrique Alvear Urrutia, Giám Mục của người nghèo
Ủy ban Tổ Chức Chuyến Tông Du của Đức Thánh Cha Quốc gia Chí Lợi cho biết trái với những đồn đoán của giới truyền thông, Tòa Thánh và Ủy ban không hề nao núng trước những lời hăm dọa và những cuộc tấn công vào các nhà thờ gần đây. Trái lại, sau khi tham khảo ý kiến của Tòa Thánh, chương trình ban đầu đã được sửa đổi để Đức Thánh Cha có thể tiếp cận nhiều hơn với dân chúng.

Trước hết, vào tối thứ Hai 15 tháng Giêng, sau các nghi thức đón tiếp tại phi trường quốc tế Santiago, Đức Thánh Cha không về thẳng tòa Sứ Thần Tòa Thánh nhưng ngài sẽ ghé thăm giáo xứ San Luis Beltrán ở Pudahuel, nơi ngài sẽ cầu nguyện trước ngôi mộ của Đức Cha Enrique Alvear Urrutia, người được mệnh danh là “Giám Mục của người nghèo”. Đức Cha Enrique Alvear sinh ngày 31 tháng Giêng năm 1916, được thụ phong linh mục ngày 20 tháng 9 năm 1941 và được Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 nâng lên hàng Giám Mục vào ngày 4 tháng Ba năm 1963. Ngài qua đời ngày 29 tháng Tư năm 1982 khi đang là Giám Mục Phụ Tá Santiago. Tòa Thánh đã mở án phong Chân Phước cho ngài vì hương thơm thánh thiện và lòng yêu mến người nghèo.

Trong thông cáo đưa ra hôm 13 tháng Giêng, Ủy ban cho biết chương trình này đã được thêm vào vì Đức Thánh Cha muốn bắt đầu chuyến tông du Chí Lợi từ ngôi mộ của vị “Giám Mục của người nghèo”.

Sau buổi cầu nguyện và chào thăm anh chị em giáo dân tại Pudahuel, Đức Thánh Cha tiếp tục cuộc hành trình về tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Tuy nhiên, khi đi đến ngã tư đường Brasil và đại lộ Libertador Bernardo O'Higgins, Đức Thánh Cha sẽ xuống xe và bước lên một chiếc xe mui trần và đi dọc theo các đại lộ chính của thành phố Santiago để chào thăm dân chúng cho đến khi vào đến bên trong tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở đường Providencia.

Thay đổi thứ hai là vào ngày thứ Tư 17 tháng Giêng, sau khi trở về từ Temuco, khi đến ngã tư Đại Lộ 5 de abril (5 tháng Tư) và đường Monumento, Đức Thánh Cha sẽ xuống xe và bước lên một chiếc xe mui trần để chào thăm dân chúng cho đến khi ngài đến Đền Thánh Maipú.

Thay đổi thứ ba là sau cuộc gặp gỡ với giới Đại Học, Đức Thánh Cha sẽ lên một chiếc xe mui trần để chào thăm dân chúng từ ngã tư đường Alameda và Đại Lộ Portugal cho đến khi vào đến bên trong tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở đường Providencia.

Những lộ trình này là mới thêm vào, không kể những lần ngài chào thăm dân chúng khi cử hành thánh lễ ở Công viên O'Higgins và những dịp khác như khi đi thăm nhà tù nữ, đến nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago…như đã được thông báo trước.

Thông cáo của Ủy ban Tổ Chức Chuyến Tông Du của Đức Thánh Cha Quốc gia Chí Lợi cũng cho biết trong thời gian viếng thăm Chí Lợi, Đức Thánh Cha sẽ gặp những ai.

Ngài sẽ cử hành ba thánh lễ. Thứ Ba, 16 tháng Giêng lúc 10h30 sáng tại Công viên O'Higgins (Santiago), Thứ Tư 17 tháng Giêng lúc 10h30 sáng tại sân bay Maquehue (Temuco) và thứ Năm 18 tháng Giêng lúc 11h30 sáng tại công viên Lobito (Iquique). Trong ba thánh lễ này, bên cạnh các giám mục và linh mục đồng tế, còn có khoảng 500 giáo dân, bao gồm những người đọc sách Thánh, giúp lễ và các thành viên của các dàn hợp xướng.

Ngoài ra, vào ngày thứ Tư 17 tháng Giêng lúc 5h30 phút, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với 3000 sinh viên tại Đền Thánh Maipú.

Đối với các hoạt động khác, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm và gặp gỡ khoảng 400 tù nhân của Trung tâm Cải Huấn Nữ Santiago.

Ngài cũng sẽ có cuộc gặp gỡ với 30 mạnh thường quân và quan chức tại Hogar de Cristo, ăn trưa với 10 cư dân miền Araucanía tại Nhà Mẹ Thánh Giá, 2000 linh mục, tu sĩ nam nữ tại nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago, và khoảng một ngàn đại diện chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Moneda.

Ngoài ra, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với 10 bệnh nhân và hai người thân của các nạn nhân bị giết hại trong cuộc đàn áp hồi thập niên 70 ở Chí Lợi trong đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức ở Iquique.

Source:Arzobispado de Santiago - En tumba del “Obispo de los pobres” Papa Francisco iniciará su visita a Chile
 
Cả ở Chile lẫn Peru, cuộc tông du của Đức Phanxicô đều có chiều kích chính trị
Vũ Văn An
19:11 14/01/2018
Càng gần tới ngày tông du 2 nước Nam Mỹ, châu nhà, Đức Phanxicô càng thấy ngài không thể làm ngơ chiều kích chính trị cả ở hai nơi này. Tin mới nhất ngày 14 tháng 1 của A.P. cho hay: Bức Tượng Chúa Kitô của Thái Bình Dương tại Peru, một tặng phẩm của 1 công ty xây dựng dâng tặng đã bị cháy nám vào hôm thứ Bẩy 13 tháng 1 vừa qua. Mặc dù cảnh sát cho hay hệ thống dây điện quá cũ đã gây ra trận hỏa hoạn làm cháy nám lưng pho tượng khổng lồ. Nhưng biến cố này vẫn gây 1 mối nghi ngại nào đó, vì công ty dâng tặng bị coi như dùng bức tượng này làm bình phong cho những làm ăn bất chính của họ.

Trong khi đó, tại Chile, nơi Đức Phanxicô sẽ khởi đầu chuyến tông du vào ngày mai, 15 tháng 1, trong mấy ngày qua, người đã chứng kiến nhiều nhà thờ ở thủ đô Santiago bị bom lửa với nhiều truyền đơn để lại đe dọa cả Đức Giáo Hoàng “Những trái bom kế tiếp sẽ nổ trong áo dòng của ngài.” Những truyền đơn này cổ vũ quyền lợi của người bản địa Mapuche, những người đang đấu tranh đòi lại chủ quyền đất đai của tổ tiên và nhiều quyền lợi khác.

Thành thử ký giả Inés San Martin, người đồng hương của Đức Phanxicô, cho rằng: cả ở Chile lẫn Peru, chính trị đủ loại có thể quấy rầy chuyến đi của Đức Giáo Hoàng.

Tại Chile

Thực vậy, tại Chile, Tổng Thống Michelle Bachellet và Đức Phanxicô sẽ có một số chuyện để nói với nhau, trong đó, có vấn đề gần như hợp pháp hóa phá thai và các đề xuất về hôn nhân đồng tính cũng như việc Đức Giáo Hoàng cử nhiệm một vị giám mục có liên hệ với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục vị thành niên.

Tuy nhiên, Bachellet sắp sửa mãn nhiệm vì vừa thua Sebastian Pinera trong cuộc tuyển cử vừa qua. Tuy không có cuộc gặp gỡ tư riêng nào với tổng thống sắp nhậm chức, nhưng chắc chắn hai vị sẽ có dịp chào thăm nhau.

Theo Đức Cha Cristian Roncagliolo, phụ tá giám mục Santiago, cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã tạo nên “một môi trường trong đó có nhiều cách nhìn đen-và-trắng, vốn bị cường điệu hóa và do đó, càng làm phân hóa xã hội, với sự tham chiến của giới truyền thông và của các phương tiện truyền thông xã hội càng làm cho cuộc tranh chấp thêm trầm trọng.”

Ngài hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ như “dầu cù là” giúp người ta hướng tới việc “nhìn nhận người khác là anh em, chứ không phải kẻ thù”.

Tại Peru

Peru cũng cho người ta một viễn ảnh tương tự, do vụ ân xá cựu tổng thống Alberto Fujimori của Tổng Thống đương nhiệm Pedro Pablo Kuczynski gây ra. Fujimori bị ngồi tù vì vi phạm nhân quyền do các đội hành quyết quân sự của ông thi hành trong chiến dịch bài khủng bố trong thập niên 1990.

Vấn đề trên vốn chia rẽ xã hội Peru, với nhiều người nghĩ rằng ân xá là một trao đổi chính trị. Nó xẩy ra 3 ngày sau khi con trai của Fujimori từ chối không cho kẻ thù của dương kim tổng thống đa số phiếu để loại ông khỏi chức vụ vì các cáo buộc tham nhũng.

Peru cũng đang lao đao về tai tiếng lạm dụng tình dục của Giáo Hội Công Giáo, mặc dù kẻ bị tố cáo là một giáo dân, sáng lập viên của phong trào có tên là Sodalitium Christianae Vitae. Người này, có tên là Luis Fernando Figari, vốn đã bị các viên chức Peru buộc tội “âm mưu vi phạm các cuộc lạm dụng tình dục, thể lý và tâm lý” và một án tù treo đang lơ lửng trên đầu người này.

Đức Cha Ricardo Garcia của giáo phận Yauyos cho hay “Peru vốn bị chia rẽ lâu nay về các vấn đề chính trị, vì [nhóm khủng bố] Sendero Luminoso, chủ nghĩa Mácxít, chủ nghĩa Fujimori, chủ nghĩa bài Fujimori … chúng tôi chống đối nhau liên tục.”

Nhưng theo ngài, “dân chúng ý thức rõ chúng tôi không thể như thế này mãi được. Chúng tôi phải nuôi hy vọng về một sự đoàn kết khả hữu. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, người vốn là Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian, hy vọng đem đến cho chúng tôi sự thúc đẩy chúng tôi cần và giúp chúng tôi dịu xuống.”

Thành thử, cả hai quốc gia hiện đang chia rẽ nặng nề, với một Giáo Hội Công Giáo đâm rễ sâu tuy đang phải đương đầu với việc mất uy tín nhưng vẫn còn hiện diện trên nhiều trận tuyến, một điều đương nhiên Đức Giáo sẽ đề cập tới, căn cứ cả vào hai khẩu hiệu của chuyến đi là “Bình an của Ta ban cho các con” (Chile) và “Hợp nhất trong hy vọng” (Peru).

Kỳ vọng người dân địa phương

Ấy là chưa kể kỳ vọng của người dân địa phương, mong Đức Giáo Hoàng có “giải pháp ma thuật cho mọi vấn đề”. Ít nhất thì đó là kỳ vọng của Valeria Lopez, một luật sự giáo luật đồng hương của Đức Phanxicô, người từng làm việc cho giáo phận Santiago nhiều năm và hiện là thành viên của nhóm Tiếng Nói Công Giáo, một nhóm chuyên giúp người Công Giáo dấn thân trong các vấn đề truyền thông.

Bà cho rằng một đàng, tín hữu địa phương mong Đức Giáo Hoàng “củng cố chúng tôi trong đức tin và đem lại cho chúng tôi một thúc đẩy trong tư cách Giáo Hội.” Mặt khác, họ cũng mong ngài sẽ “động viên các người không tin nhìn người khác với lòng xót thương”.

Bà nói tiếp: “ngoài việc trình bầy sứ điệp Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng còn có một sứ điệp xã hội, nhân bản nữa để tác động mọi người chúng tôi.”

Theo giáo dân Javier Peralta, người tổ chức chuyến viếng thăm ở Chile, chương trình ở Santiago phối hợp nhiều yếu tố vốn có đặc tính thực tại quốc gia. Ông nhấn mạnh sự kiện Đức Giáo Hoàng sẽ viếng 1 nhà tù nữ, rất hiếm đối với 1 vị giáo hoàng, dù không phải là chưa có tiền lệ, vì Đức Phanxicô vốn đã thăm 1 nhà tù nữ ở Ý vào năm ngoái.

Peralty cho biết thêm: “sự kiện ngài viếng thăm một nhà tù nữ, nơi các phụ nữ bị tước mất tự do, bị tách ly khỏi gia đình, con cái họ cũng bị cách ly, phần lớn là chủ gia đình và ngồi tù vì các tội liên quan tới buôn bán ma túy, sẽ giúp Đức Giáo Hoàng có dịp đề cập tới nhiều vấn đề cùng một lúc.”

Trên đây có nhắc đến người bản địa Mapuche. Ngày thứ ba của chuyến đi, Đức Phanxicô sẽ tới thăm họ tại thành phố phía nam là Temuco, thuộc vùng La Araucania. Họ chiếm tới 23 phần trăm dân số ở đây. Đây là vùng nghèo nhất Chile.

La Araucanía vốn bị khốn khổ bởi cuộc tranh chấp đất đai có tính lịch sử của người Mapuche với sự ủng hộ của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ của họ đã dùng bạo lực để đấu tranh, thậm chí đốt cả nhà thờ để gây tiếng vang. Ít nhất 17 nhà thờ Kitô Giáo, phần lớn là Công Giáo, đã bị tấn công trong mấy năm qua.

Tại đây, Đức Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ gọi là “Thánh Lễ Vì Tiến Bộ của Các Dân Tộc”. Khoảng 23 người Mapuche sẽ tham dự nghi lễ và dâng lời cầu nguyện bằng tiếng Mapudungun. Sau đó, ngài sẽ dùng bữa trưa với 8 thành viên của cộng đồng này.

Peralta tin rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng thăm vùng này giống như việc ngài tới thăm Đảo Lampedusa của Ý, cửa ngõ cho hàng ngàn di dân tới Âu Châu hàng ngày, hay Miến Điện, để rõi sáng vấn đề người Rohingya, nhóm thiểu số bị bách hại nhiều nhất trên thế giới.

Hôm sau, ngài sẽ tới thành phố cảng Iquique, nơi cư trú của hàng ngàn di dân từ các nước lân cận, trốn nghèo đói tới đây tìm cơ may. Tại đây, ngài cũng sẽ gặp 2 nạn nhân của chế độ độc tài Pinochet. Cuộc tranh chấp lâu dài giữa Chile và Bolivia về đường ra biển cũng có thể được nêu lên tại Iquique này vì đây là một con voi ở trong phòng, không ai lại không thấy.

Từ đó, ngài sẽ qua thẳng Lima, thủ đô Peru. Sáng 19, ngài sẽ “đội mũ giáo hoàng xanh” bay tới Puerto Maldonado, thành phố rừng rậm để nói về việc phá rừng cũng như một số vấn đề chống nạn buôn người chẳng hạn. Cuộc viếng thăm này có tính biểu tượng cao vì năm tới ngài sẽ triệu tập thượng hội đồng đặc biệt về vùng Amazon

Theo Đức Cha Garcia, một giám mục xuất thân từ Opus Dei, “người bản địa Vùng Amzon là người nghèo nhất ở Peru, và điều quan trọng là Đức Giáo Hoàng rọi sáng hoàn cảnh của họ.”

Ngày 20, ngài sẽ tới Trujillo, nơi xẩy ra trận bão lụt El Nino khiến nhiều người thiệt mạng và hàng ngàn người hiện vẫn còn phải sống trong lều tạm sau khi mất hết mọi sự.

Việc tái thiết thành phố hết sức chậm chạp và người ta từ từ mất hết hy vọng. Đức Cha Garcia cho rằng “Hy vọng cũng có nghĩa có khả năng chờ đợi. Nhưng những người này đã chờ quá lâu rồi,” ngài hy vọng “chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ làm sống lại mối hy vọng này.”
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 15/1/2018
VietCatholic Network
20:44 14/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Đức Thánh Cha mời gọi tiếp đón, thăng tiến và hội nhập người di cư tỵ nạn.

2- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 14 tháng 1.

3- Đức Thánh Cha mời người nghèo xem xiệc tổng hợp.

4- Đức Hồng Y Parolin cho hay: Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn năm 2018 là Năm Giới Trẻ và Gia Đình.

5- Tìm hiểu về đất nước Chile nhân chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha.

6- Tìm hiểu về đất nước Peru nhân chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha.

7- Hỗn loạn tại Chile: Những kẻ biểu tình chiếm tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại thủ đô Santiago.

8- Bốn nhà thờ Công Giáo ở thủ đô Santiago của Chí Lợi bị đánh bom, rải truyền đơn dọa giết Đức Thánh Cha.

9- Giới thiệu Thánh Ca: Cùng Mẹ Lên Đền

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Giáo Hội Năm Châu 15/01/2018: Vùng Amazon đang mong đợi đón Đức Thánh Cha viếng thăm
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:27 14/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Nhìn lại các hoạt động năm đầu tiên của Thánh Bộ về Phát triển Con người

Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch của Thánh bộ tường trình những thành qủa của năm đầu tiên của Thánh Bộ Phát Triển Con Người. Thánh bộ mới này là một trong những thành quả của việc cải tổ Cơ quan Trung ương Giáo hội tại Vatican của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha đã thiết lập bộ này vào ngày 31/8/2016 với mục đích là “Phát triển Con người”. Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình vào chức vụ chủ tịch của Thánh bộ này.

Thánh Bộ về Phát triển Con người có hiệu lực vào ngày 1/1/2017, với sự sáp nhập của bốn Thánh bộ: Công lý và Hoà bình, Đồng Tâm (Cor Unum), Chăm sóc mục vụ Người tị nạn và di cư và Thánh bộ Y tế.

Đức Hồng Y Turkson đã trình bày với ông Stefano Leszczynky của Đài Vatican về các hoạt động của năm đầu tiên của Thánh bộ trong nỗ lực phát triển toàn diện của con người.

Bốn cấp độ hoạt động

Đức Hồng Y trình bày bốn lãnh vự hoạt động: Đầu tiên là sáp nhập bốn Hội đồng Giáo hoàng thành một Thánh bộ duy nhất. Thứ hai là quản lý các thành viên và các nhân viên, đảm bảo không có sự chồng chéo khi sinh hoạt làm việc. Thứ ba là thiết lập một văn phòng mới tại một viện tu mà Đức Hồng Y Turkson cho là “đang được hoàn thành”. Tuy cơ sở đã có sẵn, nhưng cần phải được tân trang cho phù hợp với nhu cầu của các ban ngành nên “cũ người mới ta!”

Thánh Bộ về Phát triển Con người cũng cần lưu tâm tới vai trò của mình trong việc phát triển toàn bộ của Giáo Hội qua các cuộc họp với các Hội đồng các giám mục từng khu vực. Vị Chủ tịch của Thánh bộ cho hay bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp với các Hội đồng các Giám mục trong các chuyến về viếng mộ thánh Phêrô (ad limina) tại Rome trong năm 2017 vừa qua nhằm trình bày những nét “chính yếu cốt lõi” của Thánh bộ.

Những hoạt động bảo vệ môi sinh theo Thông điệp “Laudato Si”

Đức Hồng Y Turkson nói rằng bộ gửi tới các Hội đồng các Giám mục thông điệp về môi trường “Laudato Si” của Đức Thánh Cha được công bố vào năm 2015. Nhiều Giáo hội địa phương đã thành lập ra cho tổ chức nhằm triển khai nghiên cứu và “thúc đẩy” việc áp dụng thông điệp này, nhưng cũng có nhiều Giáo hội địa phương chưa làm gì cả.

Đức Hồng Y Ghanaian nói rằng “Laudato Si” là một “ví dụ tuyệt vời về hoạt động toàn diện” bởi vì Đức Thánh Cha mời gọi các Hội đồng các giám mục khác nhau trên khắp thế giới, điều này “cho thấy Đức Thánh Cha đang chia sẻ trách nhiệm với các Hội đồng các giám mục địa phương”. Do đó, đã đến lúc các Giáo hội địa phương phải đồng loạt ra khơi với cùng một thông điệp của Đức Thánh Cha để loan truyền đi muôn nơi. Đức Hồng Y nói “Sự hợp nhất này đòi hỏi hai phía chứ không chỉ có một chiều, và Thánh Bộ về Phát triển Con người lo sao cho việc này phải được đảm bảo xảy ra.

Nhìn lại hoạt động của Thánh Bộ về Phát triển Con người

Đề cập tới năm nay, Đức Hồng Y Turkson cho hay ngài dự định tổ chức một cuộc họp mặt cho cấp trên tại trụ sở của bộ để lượng định lại các hoạt độn của bộ, không chỉ bằng những tâm tình cầu nguyện mà còn bao gồm các suy tư lượng định của các chuyên gia nhằm tiếp tục triển khai và tập trung vào “những trách nhiệm chính yếu” sau đó gửi tới tất cả mọi cơ quan để cùng nhau hành động...

Những tài trợ cho sứ mệnh của Giáo hội

Đức Hồng Y Turkson cho hay gánh nặng tài trợ cho các Giáo hội khắp thế giới sẽ được tiếp tục, nhưng Thánh bộ cần giúp cho các Giáo hội tự tồn, cho các quỹ của chính Giáo hội địa phương… Ngài lưu ý rằng viện trợ cho các Giáo hội toàn cầu ngày càng “bị suy giảm”, nhưng công việc và các hoạt động mục vụ lại gia tăng.

Thánh bộ cho biết họ cần cung cấp cho các Giáo hội địa phương một số vốn đầu tư nhất định thay vì các địa phương cứ phải dựa vào việc tài trợ. Như Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh các Giáo hội địa phương cần phải “kiếm ra ngân quỹ để hoạt động phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ để kiếm tiền bạc”. Về vấn đề này, Đức Hồng Y Turkson cho biết ngài đã tổ chức 3 cuộc hội thảo và giờ đây các nhân viên sẽ đến với các Giáo hội địa phương để chia sẻ, đào tạo và chuẩn bị cho Giáo hội địa phương được thích ứng với hoàn cảnh của chính mình.

2. Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn được trả tự do sau 7 tháng bị bắt

Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn bị công an bắt ngày 18 tháng 5 năm 2017 và bị đưa đi biệt tích khỏi giáo phận của ngài đã được trả tự do hôm 2 tháng Giêng.

Trong bản tin hôm 4 tháng Giêng, thông tấn xã AsiaNews của Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cho biết Đức Cha Phêrô Mẫn hiện đang ở thành phố Tể Ninh, Tỉnh Thanh Hải cách Ôn Châu 2,500 cây số, có lẽ để điều trị sau thời gian lao tù. Hiện nay, ngài được thong thả, không bị các công an kèm chặt như trước đây.

Hiện chưa rõ lý do tại sao Đức Cha được trả tự do. Các tín hữu Công Giáo tin rằng đây là kết quả chiến dịch ăn chay và cầu nguyện cho ngài do Giáo phận Ôn Châu tổ chức từ ngày 18 tháng 12 năm ngoái và được phổ biến trên toàn thế giới.

Có lẽ bọn cầm quyền Trung Quốc không muốn vụ này có một ảnh hưởng quốc tế sâu rộng hơn. Thật thế, trong những tháng qua, Đại sứ Đức tại Bắc Kinh, là Ông Michael Clauss liên tục gây sức ép với bọn cầm quyền Bắc Kinh về vụ Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn và cả Tòa Thánh cũng bày tỏ mối quan tâm sâu xa đối với số phận của ngài.

Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn, năm nay 54 tuổi, được Tòa Thánh công nhận nhưng bọn cầm quyền Bắc Kinh không nhìn nhận ngài là Giám Mục. Trong những tháng qua, công an đã ép ngài phải gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc, một cơ quan ngoại vi của đảng cộng sản được thành hình để biến Giáo Hội Trung Quốc thành một Giáo hội tự trị, độc lập với Tòa Thánh và Giáo Hội hoàn vũ.

Giáo phận Ôn châu hiện có 70 linh mục và 130 ngàn tín hữu trong đó có hơn 80 ngàn thuộc Giáo Hội thầm lặng.

3. 23 vụ tấn công người Kitô giáo Ấn Độ trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua

Các cộng đồng Kitô Giáo ở Ấn Độ đã bị ít nhất 23 cuộc tấn công vì lý do tôn giáo trong dịp lễ Giáng Sinh năm 2017 vừa qua. Đây là một trong những mùa Giáng sinh bạo lực nhất trong lịch sử Ấn Độ. Sự kiện này làm các tín hữu lo sợ.

Mục sư Prabhu Kumar nói với hãng thông tấn Fides: “Ở đây, chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy bị nguy hiểm, thiếu sự bao dung như hiện giờ”

Trong số những vụ tấn công nghiêm trọng nhất có vụ 20 dân quân Ấn giáo tấn công lễ Giáng sinh ở Rajasthan. Nơi đây lễ Giáng Sinh đã được chính thức công nhận từ lâu. Một vụ khác nữa là 30 người Công Giáo đang hát thánh ca Giáng Sinh ở Madhya Pradesh thì bị tấn công.

Sau những vụ tấn công vào các cộng đồng Kitô Giáo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ, Đức Hồng Y Baselios Cleemis, tuyên bố: “ Các Kitô hữu không còn đặt nhiều niềm tin vào chính phủ Ấn Độ. Kitô hữu chỉ yêu cầu được bảo đảm tự do tôn giáo như đã được quy định trong hiến pháp.”

Trong khi đó tổ chức Vishwa Hindu Parishad theo chủ nghĩa dân tộc Hindu độc tôn mở chiến dịch “quay về nhà”, buộc các người Dalit theo Kitô Giáo phải quay trở về Ấn Giáo vì họ cho rằng những người Kitô Giáo Dalit đã theo Kitô Giáo vì bị mua chuộc, ép buộc hay hăm dọa

Những cáo buộc của các nhóm Ấn Giáo cực đoan bị các nhà trí thức và các nhà quan sát bác bỏ. Ông Ram Puniyani, nhà hoạt động nhân quyền, nói với hãng thông tấn Fides rằng “Điều mà xã hội Ấn Độ đang bị tấn công chính là chủ nghiã đa nguyên”.

4. Các sắc dân bản địa vùng Amazon đang mong đợi đón Đức Thánh Cha viếng thăm

Một trong những điểm nổi bật của chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha tại Pêru là cuộc gặp gỡ những sắc dân bản địa trong rừng nhiệt đới Amazon ở thành phố Maldonado.

Chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tới thành phố Puerto Maldonado của Peru chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui và hy vọng cho những sắc dân bản xứ vùng Amazon.

Trong một cuộc phỏng vấn được xuất bản trên trang mạng Giáo hội Pan-Amazonian - Repam - Cha Manuel Jesus Romero phát ngôn viên của Giám quản Tông tòa Puerto Maldonado cho biết người dân bản địa của vùng Amazon đang có những nhu cầu cấp thiết làm sao cho các quyền lợi của họ được nhìn nhận đang lúc càng ngày họ càng bị đẩy ra khỏi vùng đất của đất tổ tiên của họ.

Nguy cơ của Người thổ dân ở Amazon

“Lãnh thổ của họ ngày càng bị xâm chiếm, không gian của họ ngày càng thu hẹp; những sinh kế mà họ sống trong nhiều thế kỷ qua đang bị phá hủy: đánh cá, săn bắn, cây cỏ và sông núi càng ngày càng có nguy cơ bị hủy diệt. Vì vậy cuộc sống của họ đang đối diện với nhiều khó khăn nguy hiểm”

Cuộc viếng thăm ngày 19/1 tới đây của Đức Thánh Cha tới thành phố Puerto Maldonado là một niềm cậy trông hy vọng cho các cộng đồng người bản địa ở Peru. Ở đây, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ đại diện của các cộng đồng sắc tộc khác nhau ở Amazon, hầu họ có thể chuyển đạt những mối quan tâm của họ lên Đức Thánh Cha và được Đức Thánh Cha lắng nghe và giúp giải quyết...

Puerto Maldonado trước nhiều vấn nạn

Sau khi tuyên bố chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tại Peru từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 1, Hội Đồng Các Giám Mục Peru (CEP) cho hay lý do đằng sau quyết định của Đức Thánh Cha ghé thăm Puerto Maldonado là một thành quả sâu đậm qua nhiều cuộc tranh đấu của thành phố miền đông nam này trước những nạn khai thác rừng trái phép, lạm dụng sức lao động trẻ em và nạn buôn người.

Cuộc thăm viếng của Đức Thánh Cha đến khu vực này cũng là hỗ trợ và kiện cường nhu cầu bảo vệ môi trường của thành phố trước một vấn nạn nan giải vì thành phố này là cửa ngõ của của khu rừng Amazon về hướng nam.

60% của rừng Amazon nằm trên lãnh thổ của đất nước Peru, và cung cấp một lượng lớn nước sạch không lồ cho đất nước và thế giới.

Cuộc viếng thăm lần thứ 3 tới Peru của Đức Thánh Cha

Chuyến thăm viếng sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Chilê là cuộc tông du thứ ba của các Đức Thánh Cha tới Peru, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm vùng này hai lần vào các năm 1985 và 1988 và lần thứ ba này được thực hiện bởi Đức Phanxicô vào những ngày sắp tới.

5. Đức Thánh Cha nói với các Kitô hữu hãy mừng ngày Thanh tẩy của anh chị em

Sau khi ban Bí tích Thanh tảy cho 34 trẻ em trong Thánh Lễ tại nguyện đường Sistine vào buổi sáng Chúa Nhật 7/1/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào mừng các tín hữu tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả hãy hồi nhớ lại ngày chịu thanh tảy của mỗi người, ngày mà mỗi người đã nhận được hồng ơn Chúa Thánh Thần để Ngài hướng dẫn họ trong cuộc sống hàng ngày.

Lễ Thanh Tảy của Chúa

Đức Thánh Cha đã nói về lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu được kết thúc bằng biến cố Chúa chịu phép rửa tại sông Jordan. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy nhớ lại Bí tích Rửa Tội của chúng ta.

Sau đây là toàn văn của lời ngài:

Tất cả mọi Kitô hữu hãy ghi nhớ ngày chịu phép Rửa tội riêng mình

Đức Thánh Cha thừa nhận rằng Ngài không nhớ được ngày hôm đó, vì ngài được rửa tội khi còn thơ bé, nhưng Ngài mời gọi tất cả các tín hữu khi về lại nhà và hãy tìm cho biết cái ngày quan trọng này của cuộc sống của họ, vì đó là ngày Chúa Cha trao tặng cho chúng ta món quà Thần Khí “để mở mắt tâm lòng chúng ta ra cho chân lý “.

Đức Thánh Cha miêu tả phép thanh tảy của Chúa Giêsu như là một biểu hiện của sự khiêm hạ, sẵn sàng để được nhậm chìm mình vào dòng sông nhân loại... Thiên Chúa vẫn giữ lời hứa cứu chuộc nhân loại, và Chúa Giêsu đã trở nên dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa vô hình.

Đức Thánh Cha nói “Thiên Chúa đã cứu chuộc thân phận của chúng ta”.

Món quà của Đức Thánh Linh

Ngài đã thực hiện qua Chúa Thánh Linh, như là món quà Chúa Cha tặng ban cho mỗi người trong ngày Lễ Rửa Tội: “Chính Đức Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nếm cảm được sự dịu dàng của tình thương tha thứ. Và nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Lời mặc khải của Thiên Chúa luôn được âm vang trong tâm lòng chúng ta”.

6. Trong buổi triều yết Đức Thánh Cha mời gọi: Hãy tìm kiếm Chúa Giêsu như các nhà Đạo sĩ

Trong buổi triều yết Đức Thánh Cha mời gọi: Hãy tìm kiếm Chúa Giêsu như các nhà Đạo sĩ

Đức Thánh Cha mời chúng ta hãy theo gương ba nhà đạo sĩ tìm kiếm Chúa Giêsu qua các dấu chỉ.

Theo tường thuật của Thánh sử Matthêu về các nhà đạo sĩ và cách họ lần theo ngôi sao để tìm kiếm Thái tử mới sinh, Đức Thánh Cha tập trung vào ba thái độ đặc trưng của lễ Hiển Linh, hay còn gọi “sự tỏ hiện” của Chúa Giêsu kinh qua “sự tìm kiếm cần cù vượt lên trên sự thờ ơ và những nỗi sợ hãi”.

Các Kinh sư, các học giả và Vua Herod

Chính những nhà đạo sĩ, sau cuộc hành trình dài, vẫn tiếp tục “tìm kiếm cách kiên trì” Đấng Mét-si-a. Còn các thầy thông luật và các kỳ mục và tư tế, những người biết rõ nơi Chúa Giêsu sinh ra, lại “thờ ơ” với sự chào đời đó và họ cứ bình tâm như vại trong sự an toàn thư thái của họ. Còn vua Herod, theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lại có phản ứng cuống cuồng “sợ hãi”. Ông ta sợ đứa trẻ sinh ra sẽ cướp ngôi báu của ông nên giả vờ muốn đến bái lạy và dâng lễ vật với thâm ý là muốn tiêu trừ Hài Nhi.

Sự lựa chọn

Đức Thánh Cha nói chúng ta phải lựa chọn thái độ này để nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu khi Ngài đến. Chỉ có tính ích kỷ mới khiến chúng ta nghĩ đến Chúa Giêsu đến như một mối đe dọa hoặc một trở ngại để loại trừ... Và thái độ dửng dưng có thể đẩy đưa chúng ta tới thái độ sống như Chúa không có tồn tại hiện diện mà buông suôi “theo các quy luật tự nhiên” chỉ nghĩ đến việc làm thỏa mãn “những khát vọng quyền lực và tiền bạc của chúng ta”.

Mẫu gương của các nhà đạo sĩ

Theo ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta được kêu gọi theo mẫu gương của các nhà Đạo sĩ: hãy cần mẫn tìm kiếm, sẵn sàng vượt qua những chặng đường chông gai để tìm gặp Chúa Giêsu trong cuộc sống của chúng ta”. Đức Thánh Cha kết luận: “Nếu đây là thái độ mà chúng ta lựa chọn trước khi Chúa đến, thì chúng ta có thể sống một cuộc sống tươi đẹp, chúng ta có thể lớn lên trong niềm tin yêu, hy vọng và yêu thương đối với Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta”.

7. Lễ Nhậm Chức Của Đức Cha Michel Aupetit Tân Tổng Giám Mục Giáo Phận Paris

Lúc 18 giờ 30 thứ bảy 06/01/2018, Thánh lễ nhậm chức của Đức Cha Michel Aupetit, tân tổng giám mục Paris được cử hành trọng thể tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Paris, với sự đồng tế của hàng trăm vị giám mục đến từ các giáo phận trên khắp nước Pháp, các linh mục giáo phận Paris trong số có linh mục Nguyễn Kim Sang, giám đốc giáo xứ Việt Nam, Đức ông Mai Đức Vinh và hàng ngàn giáo dân.

Vị tân tổng giám mục Paris từng là giám mục Nanterre (2014-2017). Ngài kế vị Đức Hồng Y André Vingt-Trois lãnh trọng trách chủ chăn giáo phận Paris trong suốt 13 năm.

Giáo phận Paris đã phổ biến lời phát biểu của đức tân TGM Michel Aupetit. Ngài nói : ‘‘Tôi cầu mong các giáo hữu được an khang. Đó là thiên chức bác sĩ của tôi. Ngày nay lãnh trọng trách chủ chăn, tôi cầu chúc mỗi người được ơn thánh thiện.’’ Tưởng cũng nên nhắc lại Đức Tổng Giám Mục Aupetit từng là bác sĩ toàn khoa tại Colombes (Hauts-de-Seine) từ 1979 đến 1990.

8. Trong cuộc tông du của Đức Thánh Cha Tại Chile và Peru, Đức Thánh Cha sẽ có các cuộc họp riêng với đại diện các sắc tộc.

Trong cuộc tông du của Đức Thánh Cha Tại Chile và Peru, Đức Thánh Cha sẽ có các cuộc họp riêng với đại diện các sắc tộc.

Theo Thông Tấn xã Fides từ Temuco (Chilê) cho hay trong chuyến viếng thăm tớicủa Đức Thánh Cha tại Chilê và Peru (15-21 tháng 1 tới), Đức Thánh Cha sẽ dành 2 cơ hội để dùng trưa với đại diện các sắc tộc địa phương những người bị ngược đãi và bị phân biệt cũng như tước đoạt quyền lợi dành cho họ qua dòng lịch sử. Tại Temuco, “Đức Thánh Cha yêu cầu có cuộc gặp gỡ với những người dân chất phát và đại diện của cộng đồng Aucanía”.

Đức Thánh Cha “muốn gặp gỡ cách thiết thực với dân chúng bản địa. Araucania là vùng đất mà sắc dân Mapuches tuyên bố chủ quyền, họ đã chiến đấu với Tây Ban Nha, những người xâm lăng chiếm đất làm thuộc địa từ thế kỷ thứ mười sáu, và ngày nay họ lại bị xung khắc với chính phủ Chilê, những xung đột này vẫn chưa được giải quyết. Giáo hội được sắc tộc này coi như là một pháp nhân hòa giải đứng về phía họ trong khi những người khác đứng về phía Nhà nước.

Tình hình ở Peru rất khác biệt, đặc biệt là ở khu vực Amazon, người bản địa chủ yếu là người Công Giáo hoặc những người tin vào Chúa Kitô trong nhiều Giáo phái khác nhau. Sự tồn tại của họ đang bị đe dọa bởi sự khai thác ồ ạt cái tài nguyên phong phú thiên nhiên này. Ở đây, tại các miền Puerto và Maldonado, có chín đại biểu trong cộng đồng bản địa Amazon, những người sẽ được mời dùng bữa trưa với Đức Giáo Hoàng. Quyết định này đã được Phó tổng thư ký của Hội Đồng Giám mục Peru là Linh mục Guillermo Inca công bố. Cuộc họp này cùng với cuộc gặp gỡ với khoảng 3.500 người dân sắc tộc bản địa tại Trung tâm thể thao Coliseo Madre de Dios là biến cố chính yếu trong việc chuẩn bị Thượng Hội Đồng Các Giám Mục đặc khu Panamazon sẽ được Đức Thánh Cha triệu tập vào tháng 10 năm 2019.