Ngày 16-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Chúa Nhật III Thường Niên – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
11:10 16/01/2017
Suy Niệm Chúa Nhật III Thường Niên – Năm A

Chúng ta có thể chia đoạn Tin mừng Chúa Nhật hôm nay thành hai phần: Phần thứ nhất, Đức Giêsu kêu gọi mọi người hãy sám hối; phần thứ hai Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên.

1. Hãy sám hối

Sám hối là đề tài xuyên suốt lịch sử cứu độ từ thời Cựu Ước sang thời Tân Ước và có lẽ được tiếp tục mãi cho đến Tận Thế. Thật vậy, các ngôn sứ luôn kêu gọi con người sám hối. Thánh Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng bằng việc kêu gọi con người sám hối và lãnh nhận phép rửa thống hối. Và hôm nay, Đức Giêsu bắt đầu sứ mạng Cứu thế của mình cũng bằng việc rao giảng sự sám hối: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4.17). Lời rao giảng mời gọi mọi người sám hối vẫn được tiếp tục nơi các Tông đồ và nơi Giáo Hội mãi cho đến Tận thế.

Tại sao sám hối lại quan trọng như vậy?

Vì tội lỗi gắn liền với con người. Khi có tội thì cần phải có lòng sám hối. Sám hối để làm hòa với anh chị em mình và đặc biệt để lãnh nhận ơn tha thứ từ Thiên Chúa.

Một trong những điều kiện cần thiết để lãnh nhận Bí tích Giao Hòa nên, đó là hối nhân cần phải có lòng sám hối. Vì thế, người xưng tội mà không có lòng sám hối thì không được tha tội. Giáo lý phân biệt hai loại sám hối: sám hối cách trọn là ghét tội vì lòng mến Chúa; sám hối cách chẳng trọn là ghét tội vì sợ sa Hỏa ngục.

Sám hối đi liền với việc thay đổi đời sống: Sau khi xưng tội, tùy vào những tội hối nhân đã phạm, cha giải tội ra việc đền tội cho cân xứng.

Chẳng hạn, nếu hối nhân thường xuyên bỏ lễ Chúa Nhật, cha giải tội khuyên hối nhân cố gắng sắp xếp thời gian để tham dự thánh lễ Chúa Nhật đầy đủ.

Nếu hối nhân thường xuyên bỏ đọc kinh cầu nguyện, cha giải tội khuyên siêng năng đọc kinh cầu nguyện.

Nếu hối nhân xưng tội hay trộm cắp gian lận, tham ô thạm nhũng, lỗi đức công bằng…cha giải tội sẽ khuyên hối nhân biết đền trả cân xứng và quyết tâm sống thật thà.

Nếu hối nhân thường xuyên gây chia rẽ bất đồng, cha giải tội khuyên xây dựng tình đoàn kết, hiệp nhất như khi Thánh Phaolô nghe tin có sự chia rẽ trong cộng đoàn Côrintô, Ngài nói rằng: “Tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau.” (1Cr 1, 10).

Nếu hối nhân thường xuyên phạm tội nói xấu nói hành, cha giải tội sẽ khuyên tránh nói xấu nói hành, ngược lại biết nghĩ tốt, nói tốt cho nhau.

Câu chuyện của cha thánh Philiphê Nêri sau đây cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc đền tội xứng với tội mình đã phạm.

Một bà xồn xồn hay đến xưng tội với cha, linh mục vui tính. Tội mà bà hay phạm là nói hành nói xấu thiên hạ. Cha ra một việc nhân đức để bà cải thiện cái thói không tốt ấy. Cha nói với bà: “Ngày mai bà ra chợ mua một con gà. Rồi đưa về đây tôi đánh tiết canh. Nhưng bà nhớ vừa đi vừa vặt lông sẵn đi nhé!”

Bà xồn xồn vui vẻ làm theo lời cha đề nghị như một việc "đền tội." Khi tới cửa nhà xứ, bà hí hửng đưa con vịt đã vặt lông trên đường để cha "chào cờ!" Cha cười bảo bà: “Ấy chết, công việc tiếp theo lại là thế này: bà cầm cái bao này, chịu khó trở về con đường bà tới đây và nhặt lại lông vịt lúc nãy bà tung ra trên đường dùm tôi!”

- Sao được cha! Gió nó bay hết trơn rồi, và biết bao nhiêu lông mà nhặt cho vừa.

Cha Philiphê Nêri ôn tồn nói: “Đấy nhé, nếu bà nói xấu thiên hạ cũng khó lấy lại như vậy đó. Thực sự nhặt lại mớ lông, còn dễ hơn những điều nói xấu người ta đấy! Bà hiểu điều tôi nói không?”

2. Kêu gọi các môn đệ

Phần thứ hai của bài Tin mừng hôm nay, Thánh Mathêu tường thuật lại việc Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Đó là ông Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan. Người kêu gọi: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta." (Mt 4,19). Lập tức các ông bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Như vậy, mục đích của Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đi theo Người là để làm nghề “chài lưới người.”

Các Tông đồ đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa gọi, đi theo Người, để Người huấn luyện và sau đó chu toàn sứ mạng Người giao phó. Còn chúng ta thì sao? Ngày hôm nay, chắc hẳn Đức Giêsu không hiện ra để trực tiếp gọi chúng ta đi theo Ngài như ngày xưa Ngài đã trực tiếp gọi các Tông đồ. Nhưng Ngài vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta làm Tông đồ cho Người qua các trung gian, qua các biến cố trong cuộc sống. Ngài gọi chúng ta qua Cha mẹ, qua Giáo Hội, qua Lời Chúa, qua các biến cố trong cuộc sống hằng ngày. Có điều là chúng ta có nhận ra tiếng Chúa mời gọi hay không?

Thánh Phanxicô Xaviê đã nhận ra tiếng Chúa mời gọi qua người bạn thân là thánh Inhatiô. Hằng ngày Thánh Inhatiô nhắc đi nhắc lại câu Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian, thiệt mất linh hồn nào được ích gì?” (Mt 16,26). Thánh Phanxicô Xaviê dần dần đã thấm nhuần câu Lời Chúa đó và quyết định bỏ lại đằng sau tất cả vinh hoa phú quý ở đời để đi theo và làm Tông đồ cho Chúa.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nhận ra ơn gọi Nên Thánh của mình qua câu Lời Chúa : “Hãy trở nên như trẻ nhỏ mới được vào Nước Trời.” (x. Mt 18,3). Mẹ Têrêxa Caculta nhận ra tiếng mời gọi của Chúa qua những người bị bỏ rơi bên lề xã hội.

Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta qua Lời Chúa, qua các biến cố trong cuộc sống, chúng ta hãy lắng đọng tâm hồn để sẵn sàng đáp trả tiếng Chúa mời gọi.

Lạy Chúa, sứ mạng của Chúa trao phó cho các Tông đồ cũng là sứ mạng mà Chúa muốn trao phó cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết nhận ra tiếng Chúa mời gọi qua Lời Chúa và qua các biến cố trong cuộc sống để cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Linh mục bị mất tích tại Mễ Tây Cơ được tìm thấy đã bị giết chết
Đặng Tự Do
00:39 16/01/2017
Cha Joaquin Hernandez Sifuentes (ngồi giữa)
Trong buổi họp báo chiều 12 tháng Giêng, cảnh sát tại bang Coalhuila, Mễ Tây Cơ, cho biết linh mục Công Giáo người Mễ Tây Cơ mất tích kể từ hôm mùng 3 tháng Giêng được tìm thấy đã chết.

Cảnh sát nói họ đã phát hiện ra thi thể của cha Joaquin Hernandez Sifuentes, 43 tuổi. Cha đã biến mất đúng ngày ngài dự kiến bắt đầu kỳ nghỉ của mình. Cảnh sát đã bắt giam hai người bị nghi ngờ có dính líu đến cái chết của cha.

Nguồn tin mới nhất của cảnh sát cho biết, cha đã bị 2 thanh niên 20 và 25 tuổi tấn công ngay tại nhà xứ của ngài tại Saltillo vào khoảng từ 4h30 đến 5h sáng mùng 3 tháng Giêng. Ngài bị kẹp cổ chết. Hai tên hung thủ đã lấy xe của ngài và chở thi thể đến Parras de la Fuente, cách Saltillo khoảng 150 km. Chúng bỏ xe và thi thể ngài ở đó rồi đón một xe tải về lại Saltillo.

Buổi lễ cầu nguyện cho linh hồn của ngài đã diễn ra vào chiều ngày 15 tháng Giêng, tại nhà nguyện của Đại Chủng Viện giáo phận Coalhuila. Thánh lễ an táng được diễn ra tại nhà thờ chánh tòa của giáo phận vào sáng thứ Hai 16 tháng Giêng.

Tổng số các linh mục Mễ Tây Cơ bị sát hại từ năm 2012 đã lên đến 17 vị. Nếu tính từ năm 2005, đến nay đã có 36 linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc xếp loại Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các linh mục.

Cuối năm 2016, ba linh mục đã bị bắt cóc ở bang Veracruz thuộc vùng duyên hải trong vịnh Mễ Tây Cơ; chỉ có một vị đã được tìm thấy còn sống, hai vị khác bị bắn chết. Một linh mục khác đã bị giết chết tại bang Michoacan miền tây Mexico hồi tháng Chín.

Một số linh mục Mễ Tây Cơ đã bị giết trong các vụ cướp, và trong một số trường hợp các vị bị giết rất dã man. Đó là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự gia tăng nghèo đói cả về kinh tế lẫn văn hóa, dẫn đến các hình thái bạo lực coi thường tính mạng con người. Tuy nhiên, đa số các linh mục Mễ Tây Cơ bị giết là vì các ngài lớn tiếng lên án bất công, tham nhũng, nghèo đói, nhân danh Tin Mừng.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói phần lớn các cảnh báo của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ứng nghiệm
Đặng Tự Do
20:44 16/01/2017
Hôm 14 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên của Global Foundation và kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hãy bắt chước Thánh Têrêsa thánh Calcutta đừng thờ ơ với người nghèo.

Global Foundation, hay quỹ toàn cầu, là một tổ chức của Úc được Thủ tướng Úc John Howard và ông Michael Camdessus, là một nhà lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thành lập vào năm 1998. Global Foundation chuyên về việc mở các hội nghị dành cho các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Trong buổi tiếp kiến tại phòng họp Clêmentê trong Dinh Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha nói:

“Mẹ Teresa đã chấp nhận cuộc đời mỗi con người, cho dù chưa sinh ra hoặc bị bỏ rơi và bị loại bỏ, và Mẹ đã làm cho tiếng nói của mình được các cường quốc trên thế giới này lắng nghe, kêu gọi họ thừa nhận tội ác nghèo đói mà bản thân họ phải chịu trách nhiệm. Đây là thái độ đầu tiên dẫn đến việc toàn cầu hóa tình huynh đệ và sự hợp tác.”

Kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính và chính trị “không chỉ đơn thuần là kiểm soát và giám sát tác động của toàn cầu hóa”, nhưng thậm chí còn phải “sửa chữa định hướng của nó bất cứ khi nào cần thiết,” Đức Giáo Hoàng nói rằng những cảnh báo của Thánh Gioan Phaolô II về chủ nghĩa tư bản trong thông điệp Centesimus Annus - nghĩa là Bách Chu Niên - của ngài “phần lớn đã ứng nghiệm.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Năm 1991, trước sự sụp đổ của hệ thống chính trị độc tài cộng sản và sự hội nhập nhanh chóng vào thị trường thế giới mà chúng ta gọi là toàn cầu hóa, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh báo về nguy cơ lan rộng của một hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa trong đó không màng đến các thực tại của việc gạt ra ngoài lề, khai thác và tha hóa con người, thiếu quan tâm đến con số đông đảo những người dân vẫn phải sống trong điều kiện lầm than về vật chất và nghèo nàn về đạo đức, và tin tưởng mù quáng vào sự phát triển không kiềm chế của các lực lượng thị trường.

Người tiền nhiệm của tôi đã chất vấn rằng liệu đó có phải là một hệ thống kinh tế được coi là mô hình cho những ai tìm kiếm con đường tiến bộ về kinh tế và xã hội đích thực hay không; và ngài đã thẳng thắn bác bỏ mô hình đó.”
 
Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Cantebury đưa ra lời xin lỗi Giáo Hội Công Giáo vì những gì đã xảy ra 500 năm trước
Đặng Tự Do
21:12 16/01/2017
Trước thềm tuần lễ đại kết kéo dài từ 18 đến 25 tháng Giêng với chủ đề “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta” ( 2 Cr 5:14), Tiến sĩ Justin Welby, là Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Cantebury đưa ra một tuyên bố xin lỗi Giáo Hội Công Giáo về những gì đã diễn ra theo sau cuộc ly giáo tại Anh.

Cuộc ly giáo đã diễn ra vào thời vua Henry VIII - sinh năm 1509 và qua đời năm 1547. Nhà vua muốn “hủy bỏ hôn nhân” với vợ là Catherine để kết hôn chính thức với Anne Boleyn, viện lý do là hoàng hậu không có hoàng tử để thừa kế ngai vàng. Tuy nhiên, yêu cầu này của nhà vua không được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII phê chuẩn. Nhà vua bực tức về điều này.

Bên cạnh đó, vua Henry VIII cũng nhận thấy những lợi ích chính trị và kinh tế khi ly khai khỏi Công Giáo và thành lập Giáo Hội Anh mà nhà vua là người đứng đầu.

Do đó, năm 1534, với Đạo luật Quyền Tối thượng, vua Henry VIII tự xưng là “Lãnh đạo Tối cao duy nhất trên trần thế” của Giáo Hội tại Anh. Năm 1536, vua Henry VIII đi xa hơn tuyên bố ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo. Tiếp theo đó là một trong những giai đoạn đẫm máu nhất trong lịch sử nước Anh, với hàng ngàn người Công Giáo đã bị giết cách dã man, thường là bị thiêu sống vì niềm tin tôn giáo của mình.

Tuyên bố của tiến sĩ Welby được soạn chung với Đức Tổng Giám mục thành York, là John Sentamu, kêu gọi lòng ăn năn về những bạo lực trong thời kỳ này.

Sáng kiến này nhấn mạnh sự cần thiết chữa lành những chia rẽ trong các tín hữu Kitô, đã được đưa ra một tháng trước khi Giáo Hội Anh họp Thượng Hội Đồng.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới ngày nay 15/1/2017
VietCatholic Network
21:22 16/01/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, Chương trình truyền hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính sau đây:

1- Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 15/1/2017, ĐTC kêu gọi che chở và bảo vệ người trẻ di cư vị thành niên
2- ĐTC tố giác chế độ kinh tế gạt bỏ con người
3- Tin tặc xâm nhập vào hệ thống máy tính của Vatican
4- Tòa Thánh hy vọng Israel và Palestine tái đối thoại
5- Phỏng vấn ĐHY Jean Lous Tauran về việc đối thoại với Hồi giáo
6- Đức Hồng Y Dolan đọc đoạn sách Khôn ngoan trong lễ nhậm chức của ông Donald Trump
7- Linh mục bị mất tích tại Mễ Tây Cơ được tìm thấy đã bị giết chết
8- Một phúc trình mới cho thấy áp lực bài Kitô Giáo ở Nam và Đông Nam Châu Á đang gia tăng
9- Lễ Nhậm Chức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế Của ĐGM Nguyễn Chí Linh
10- Đại hội Linh mục - Tu sĩ - Chủng sinh Du học tại Hoa Kỳ lần thứ 8
11- Tân Ban Thường Vụ Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ

Sau đây xin mời qúi vị nghe phần tin chi tiết của chúng tôi như sau:

- ĐTC kêu gọi che chở và bảo vệ người trẻ di cư vị thành niên

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật hôm qua, ĐTC đã kêu gọi đưa ra mọi biện pháp có thể giúp che chở, bảo vệ và hội nhập các trẻ em di cư. Ngài nói:
Hôm nay cử hành “ngày quốc tế người di cư và tỵ nạn” với đề tài “Các người di cư vị thành niên dễ bị thương tổn và không có tiếng nói.” Các anh em bé nhỏ này của chúng ta, đặc biệt nếu không được tháp tùng, bị phơi bầy cho biết bao nguy hiểm. Họ đông lắm! Cần đưa ra mọi biện pháp có thể để bảo đảm cho các trẻ em vị thành niên di cư sự che chở, bảo vệ và cả việc hội nhập các em nữa. ĐTC cũng cám ơn Văn phòng Di cư của giáo phận Roma và các nhân viên trong dấn thân tiếp đón và trợ giúp người tỵ nạn. Ngài nhắc đến gương của thánh Francesca Saverio Cabrini bổn mạng người di cư, một nữ tu can đảm tận hiến cuộc đời đem Chúa Giêsu Kitô tới cho những cho người sống xa quê hương và gia đình họ, nêu gương săn sóc người anh em kiều cư là hình ảnh của Chúa Giêsu khổ đau bị khước từ và hạ nhục. Biết bao lần trong Thánh Kinh Chúa đã xin chúng ta tiếp đón các người di cư và ngoại quốc, bằng cách nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta cũng là người kiều cư.

- Đức Thánh Cha tố giác chế độ kinh tế gạt bỏ con người

Tin Vatican - ĐTC Phanxicô mạnh mẽ tố giác chế độ kinh tế gạt bỏ con người vì họ không còn hữu ích theo các tiêu chuẩn lợi nhuận của các xí nghiệp. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 14-1-2017 dành cho 85 tham dự viên quốc tế “cuộc thảo luận bàn tròn” do Ngân Quỹ Hoàn Cầu (The Globle Foundation) tổ chức tại Roma trong hai ngày 13 và 14-1 vừa qua. Trong số các tham dự viên cũng có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, sau khi đề cao khẩu hiệu của Ngân Quỹ Hoàn Cầu là ”Cùng nhau chúng ta dấn thân cho công ích của hoàn cầu”, ĐTC khẳng định rằng: “Thật là điều không thể chấp nhận được, vì vô nhân đạo, một chế độ kinh tế thế giới gạt bỏ người nam, người nữ và trẻ em, vì những người này dường như không còn hữu ích theo các tiêu chuẩn lợi nhận của các xí nghiệp và các tổ chức khác. Chính sự gạt bỏ con người như thế là một sự thoái hóa và làm cho bất kỳ chế độ chính trị và kinh tế nào trở nên vô nhân đạo: những người gây ra hoặc cho phép sự gạt bỏ tha nhân - những người tị nạn, các trẻ em bị lạm dụng hoặc bị biến thành nô lệ, những người nghèo chết trên đường vì trời lạnh - thì chính những kẻ ấy trở thành như những chiếc máy vô hồn, họ ngầm chấp nhận nguyên tắc theo đó chính họ, sớm muộn gì cũng sẽ bị gạt bỏ, khi họ không còn hữu ích cho một xã hội đặt thần tiền bạc ở trung tâm”.
Ngân Quỹ Hoàn Cầu được khởi xướng năm 1998 ở Australia, và lan rộng trên thế giới, trở thành một diễn đàn đặc biệt trong đó những người thiện chí và có phương thế họp nhau, trao đổi và giúp đáp ứng những thách đố lớn trên thế giới ngày nay, cổ võ một nền kinh tế thịnh vượng chung.

- Tin tặc xâm nhập vào hệ thống máy tính của Vatican

Cảnh sát Ý đã phát hiện ra một chiến dịch xâm nhập trái phép có quy mô quốc tế vào hệ thống máy tính của Tòa Thánh. Cảnh sát tại Rôma đã công bố việc bắt giữ hai kỹ sư bị nghi ngờ lấy cắp trái phép các “thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.” Các tin tặc không được nêu danh tính, chỉ được mô tả một cách tổng quát là các cư dân của thành phố London, và ở độ tuổi 40, đã bị bắt giữ tại Rôma. Cảnh sát cáo buộc hai người này đã truy cập trái phép vào các servers của các nhà lãnh đạo chính phủ Ý và các viên chức ngân hàng châu Âu.

Các hoạt động thâm nhập trái phép cũng tấn công vào Vatican. Hai tin tặc này đã truy cập được vào các máy tính của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, và Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa. Họ cũng tấn công vào các máy tính đặt tại nhà trọ Santa Marta, là nhà khách của Vatican. Đó là nơi cư ngụ của Đức Thánh Cha Phanxicô và các Hồng Y, Giám Mục khi đến thăm Rôma. Hàng ngàn emails đã bị lấy cắp và được tìm thấy trong máy tính của các nghi can. Đây được kể là vụ tấn công nghiêm trọng nhất vào hệ thống máy tính của Vatican từ trước đến nay.

- Tòa Thánh hy vọng Israel và Palestine tái đối thoại
Tin Vatian - Tòa Thánh hy vọng Israel và Palestine có thể mở lại các cuộc thương thuyết trực tiếp giữa các phe để đạt tới sự chấm dứt bạo lực, đang gây đau khổ không thể chấp nhận được cho các thường dân và tiến tới một giải pháp chính đáng và lâu bền.
Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết như trên trong thông cáo công bố sau cuộc tiếp kiến của ĐTC dành cho Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine sáng ngày 14-1-2016. Sau khi gặp ĐTC, Tổng thống Abbas đã hội kiến với ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và ngoại trưởng Paul Gallagher.

Thông cáo cũng viết: “Để đạt mục tiêu vừa nói, Tòa Thánh cầu mong rằng, với sự hỗ trợ của Cộng đồng quốc tế, có những biện pháp được đề ra để tạo điều kiện cho sự tín nhiệm nhau và góp phần kiến tạo một bầu không khí giúp đưa ra những quyết định can đảm để đạt tới hòa bình. Các vị cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc bảo tồn tính chất thánh thiêng của các Nơi Thánh cho các tín hữu thuộc tất cả 3 tôn giáo có chung tổ phụ Abraham. Đặc biệt chú ý đến các cuộc xung đột đang đè nặng trên vùng Trung Đông.”
Tổng thống Abbas đến Roma nhân dịp khánh thành đại sứ quán của Palestine cạnh Tòa Thánh

- Đức Hồng Y Dolan đọc đoạn sách Khôn ngoan trong lễ nhậm chức của ông Trump

Tin Washington - Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York cho biết, đoạn Kinh thánh ngài chọn để đọc trong lễ nhậm chức của tổng thống Donald Trump được lấy từ chương 9 sách Khôn ngoan. Đó là lời cầu nguyện của vua Salomon, xin ơn khôn ngoan để lãnh đạo đất nước theo ý Thiên Chúa.
Đức Hồng Y Dolan nói với hãng tin Công Giáo Hoa kỳ là ngài luôn cầu nguyện điều này và nói đùa rằng Chúa chưa ban cho ngài điều khấn xin. Đức Hồng Y giải thích rằng qua nhiều thế kỷ, lời cầu nguyện của Salomon đã được dâng lên Chúa. Trong lời cầu nguyện, vua Salomon nhận thức rằng Thiên Chúa tạo dựng con người “để cai quản thế giới trong sự thánh thiện và công bình và để xét xử với trái tim ngay thẳng.” Nhà vua tiếp tục cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan “hằng ngự bên tòa Chúa, và xin đừng đuổi con khỏi các con cái Ngài.”
Vua Salomon cũng khẩn cầu Thiên Chúa ban đức Khôn ngoan “để Người ở cùng và hành động với con, để con có thể biết điều làm đẹp lòng Chúa.” Vua cầu xin để các việc làm của vua sẽ được chấp nhận và vua sẽ phân xử dân Chúa cách chính trực và xứng với ngai vàng của vua cha.

- Phỏng vấn ĐHY Jean Lous Tauran về việc đối thoại với Hồi giáo

Ngày 19 tháng 12 năm vừa qua Anis Amri, một thanh niên người Tunisi, đã đánh cắp một xe vận tải chở hàng, giết tài xế người Ba Lan, rồi lái xe tông vào một chợ Giáng Sinh đầy người đang đi mua sắm ở Breitscheidplatz trong thủ đô Berlin của Cộng Hòa Liên Bang Đức, khiến cho 12 người chết và 56 người bị thương. Sau khi chạy trốn khỏi Đức, Anis Amri đã đi xe lửa qua Bỉ, Hoà Lan và Pháp để vào Italia, và đã bị cảnh sát bắn chết tại Sesta San Giovanni, thuộc Milano bắc Italia ngày 22 tháng 12. Amri đã từng bị kết án tù 5 năm tại Italia vì nhiều tội khác nhau. Trước khi thực hiện vụ khủng bố này Anis Amri đã tung lên mạng video anh đang ca tụng nhà nước Hồi IS.

Vụ khủng bố đẫm máu này lại khiến cho nhiều người đặt vấn nạn liên quan tới cuộc đối thoại của Giáo Hội Công Giáo với Hồi giáo. Trong một bài phỏng vấn, ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn về vấn đề này.

ĐHY nói: “Chính vì tình hình này mà cần phải đặc biệt chú ý tới thế giới Hồi giáo. Chúng ta tất cả đều đã bị liên lụy bởi những gì đã xảy ra bên Đức, bên Ai Cập và trước đó nữa là trên quê hương Pháp của tôi. Nhưng mà cả trong tình trạng đó chúng tôi cũng đã có thể đánh giá cao việc thức tỉnh căn tính tôn giáo tứ phía đa số người dân Pháp, cũng như tình liên đới, mà các anh chị em Hồi giáo các nước khác đã bầy tỏ với chúng tôi, đặc biệt là sau vụ sát hại vị linh mục cao niên, cha Jacques Hamel. Chúng tôi đau đớn tiếp tục chứng kiến các hành động tàn bạo vô nghĩa chống lại những người vô tội trong cuộc sống thường ngày của họ. Trước các hành động đó, trước thảm cảnh của các người di cư tỵ nạn, trước cuộc khủng hoảng quốc tế, nhất là trước tình trạng xung đột tại Siria, cám dỗ bỏ cuộc rất là lớn. Nhưng chính trong lúc này là lúc phải tiếp tục tin nơi sự đối thoại, là điều nòng cốt đối với toàn thể nhân loại.

ĐHY cũng nhấn mạnh tới việc làm thế nào để đưa cuộc đối thoại này tiến tới trong cuộc sống thường ngày. Ngài nói: Tất cả mọi người đều phải đào sâu niềm tin tôn giáo của mình, và hiểu rằng đối thoại không phải chỉ được dành cho “các chuyên viên”. Nhưng tất cả mọi người đều phải từ bỏ các thái độ nghi ngờ hay tranh cãi bênh vực các lý do của mình. Khi thực thi, trong sự tự do và lòng tôn trọng, quyền lợi của tha nhân, tất cả những gì mà đa số các tôn giáo đều có chung là cầu nguyện, ăn chay, làm phúc bác ái, hành hương, là chúng ta sẽ chứng minh rằng các tín hữu là một yếu tố của hoà bình cho các xã hội loài người. Trong thế giới bấp bênh ngày nay, đối thoại giữa các tôn giáo không phải là một dấu chỉ của sự yếu đuối. Nó tìm ra lý do của nó trong cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại.

- Linh mục bị mất tích tại Mễ Tây Cơ được tìm thấy đã bị giết chết

Trong buổi họp báo chiều 12 tháng Giêng, cảnh sát tại bang Coalhuila, Mễ Tây Cơ, cho biết linh mục Công Giáo người Mễ Tây Cơ mất tích kể từ hôm mùng 3 tháng Giêng được tìm thấy đã chết. Việc khám nghiệm tử thi cho thấy ngài đã bị giết một ngày trước đó, tức là hôm 11 tháng Giêng. Cảnh sát nói họ đã phát hiện ra thi thể của cha Joaquin Hernandez Sifuentes, 43 tuổi. Cha đã biến mất đúng ngày ngài dự kiến bắt đầu kỳ nghỉ của mình. Cảnh sát đã bắt giam hai người bị nghi ngờ có dính líu đến cái chết của cha, nhưng không đưa ra các chi tiết cụ thể nào khác.

Tổng số các linh mục Mễ Tây Cơ bị sát hại từ năm 2012 đã lên đến 17 vị. Nếu tính từ năm 2005, đến nay đã có 36 linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc xếp loại Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các linh mục.

- Một phúc trình mới cho thấy áp lực bài Kitô Giáo ở Nam và Đông Nam Châu Á đang gia tăng
Theo hãng tin Zenit, một phúc trình mới dưới tên Danh Sách World Watch của tổ chức Open Doors vừa công bố ngày 12 tháng Giêng năm nay cho thấy áp lực bài Kitô Giáo đang gia tặng rất nhanh ở Nam và Đông Nam Á Châu.

Thực vậy, theo bản phúc trình trên, việc lên nắm quyền của Đảng Bharatiya Janata ở Ấn Độ đã làm bùng nổ cơn sốt duy quốc gia được tôn giáo cổ vũ. Bản phúc trình này xếp loại 50 quốc gia nơi vào khoảng 250 triệu Kitô hữu đang trải qua nhiều mức độ bách hại nặng nề do việc họ đồng nhất với Chúa Kitô.

Trong sáu quốc gia gia tăng trông thấy tỷ lệ bài Kitô Giáo trong năm qua, năm quốc gia thuộc vùng Nam và Đông Nam Châu Á: Ấn Độ, Bangladesh, Lào, Bhutan và Việt Nam. Một quốc gia nữa thuộc vùng này, là Sri Lanka, mới tham gia nhóm này năm 2017. Một quốc gia khác, là Nepal có đa số dân theo Ấn Giáo, tuy chưa tham gia nhóm này, nhưng các khuynh hướng hiện nay cho thấy nó có thể tham gia vào năm sau, tức 2018.


- Lễ Nhậm Chức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế Của ĐGM Nguyễn Chí Linh

Sáng ngày 12 tháng 1 năm 2017, tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam Huế, trong bầu khí hân hoan và rực rỡ cờ hoa. Bầu trời như cùng hòa chung niềm vui với Tổng Giáo phận Huế, bừng lên ánh nắng dịu dàng sau hơn 2 tháng trời mưa dầm rét buốt, để chào mừng sự kiện trọng đại của Tổng Giáo phận Huế: Đức Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh nhậm chức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế.

Trong niềm hân hoan của cộng đoàn Giáo phận Huế thì cũng chen lẫn bao nổi buồn và quyến luyến cùng lệ rơi của gần 1.000 giáo dân Giáo phận Thanh Hóa tiễn chân vị Mục tử nhân lành yêu thương người nghèo khổ của họ. Một lễ nhậm chức hết sức long trọng mà Ban Tổ chức đã chuẩn bị từ hơn một tháng nay, một đại lễ với chừng trên 300 linh mục đến từ khắp mọi miền quê hương đất nước và hải ngoại, đặc biệt là những linh gốc Giáo phận Huế đều về tham dự Thánh lễ này.

Khi đoàn xe của Đức Tân Tổng Giám mục và 26 vị Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục từ Tòa Tổng Giám mục tiến về Nhà Thờ Chính tòa, đội Kèn Phủ Cam tấu lên khúc chào mừng. Cha nguyên Tổng Đại diện An tôn Dương Quỳnh, Chưởng ấn tòa Tổng Giám mục đến trao vòng hoa tươi thắm và hướng dẫn Ngài tiến về Nhà thờ trước sự chào đón của các linh mục Hạt trưởng và cộng đoàn Dân Chúa.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh nói lời chúc mừng với sự phiên dịch của Cha Đa Minh Phan Văn Anh: Ngài chúc mừng Đức Tân tổng Giám mục Giuse và rất cảm ơn Đức Tân Tổng Giám mục đã đồng ý nhận thêm trọng trách Giám quản Giáo phận Thanh Hóa trong thời gian này. Đức Tân Tổng Giám mục như vậy vừa là Tổng Giám mục Huế, vừa là Giám quản Thanh Hóa, vừa là Chủ tịch HĐGM Việt Nam. Như thế là cũng giống như “Cà phê 3 trong 1”. Rất hiếm ai có thể gánh vác nhiều trọng trách như thế, nhưng Ngài tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn trợ giúp cho Đức Cha, để Đức Cha có thể chu toàn trách vụ gấp 3 của mình.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tân tổng Giám mục mời tất cả các Hồng Y Tổng Giám mục và Giám mục cùng ban Phép lành trọng thể cho mọi người hiện diện trong Thánh lễ này.
Tất cả đoàn đồng tế cùng tiên ra trước Tiền đường chụp chung một tấm hình lưu niệm, ghi dấu ngày trọng đại của Giáo phận với một trang sử mới.

- Đại hội Linh mục - Tu sĩ - Chủng sinh Du học tại Hoa Kỳ lần thứ 8

Đại hội Linh mục - Tu sĩ - Chủng sinh Du học tại Hoa Kỳ lần thứ 8 được tổ chức từ ngày 27/12 đến 01/01, tại Florida. Năm nay có đông đảo linh mục, tu sĩ và chủng sinh đến từ 26 giáo phận và nhiều dòng tu, tu hội và tu đoàn tại Việt Nam, đang tu học tại nhiều chủng viện và trường đại học trên khắp đất nước Hoa Kỳ lại tụ hội về một nơi cho dịp họp mặt. Đại hội lần thứ 8 năm nay diễn ra tại miền đất đầy nắng vàng Tampa, tiểu bang Florida, với chủ đề: "Trong tình yêu hoàn hảo không có sự sợ hãi".

Đại hội đã quy tụ hơn 150 tham dự viên (trong đó có 8 thành viên mới từ Việt Nam qua, gồm 6 chủng sinh và 2 Sơ); cùng sự đồng hành của quý Đức Cha Peter Baldaccino, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Miami, Florida và Đức Cha Michael Barber, dòng Tên, Giám mục Giáo phận Oakland, California; Hội đồng Quản trị Formation Support for Viet Nam, quý sơ bề trên một số dòng tu tại Hoa Kỳ, quý giáo sư, chuyên viên, và cộng đoàn Việt Nam tại đây.

Như lời mời gọi của chủ đề đại hội năm nay, "Trong tình yêu hoàn hảo không có sự sợ hãi," mỗi thành viên chắc hẳn đã đón nhận được những bài học khác nhau từ sự hy sinh, dấn thân, cộng tác, và đoàn kết trong công việc chung suốt kỳ họp mặt. Hoa trái của tình yêu hoàn hảo có thể nhận thấy qua những nụ cười, niềm vui, và sự bình an được thể hiện trên từng khuôn mặt rạng rỡ. Những nghĩa cử cao đẹp và tình huynh đệ là động lực giúp mỗi thành viên tiến tới hơn trong việc học tập, nghiên cứu, và đời sống tu trì. Tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và ý thức vì lợi ích chung là chìa khóa mở ra những cánh cửa mới và là sợi chỉ vàng dệt nên những con người tận hiến trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội hôm nay và mai này.

- Tân Ban Thương Vụ Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ
Westminster, Nam California – Tân Ban Thường Vụ của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2017-2019 chính thức ra mắt cộng đồng trong buổi họp báo diễn ra vào lúc 2 giờ chiều, Thứ Bảy, 14 Tháng Giêng, tại Thánh Đường Little Saigon thuộc thành phố Westminster.

Chủ tịch HĐLT nhiệm kỳ mới là Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng (Tin Lành). Phó chủ tịch nội vụ là Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng (Cao Đài). Phó chủ tịch ngoại vụ do Linh Mục Trần Công Nghị (Công Giáo) đảm nhiệm.

Thư ký HĐLT là Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu (Phật Giáo Hòa Hảo). Giáo Sĩ Mai Biên (Chính thống giáo) đảm trách vai trò thủ quỹ. Ông Nguyễn Khanh (Công Giáo) giữ nhiệm vụ Ủy viên giao tế.
Bên cạnh đó, Tân Ban Thường Vụ của HĐLT còn có các thành viên gồm: Hòa Thượng Thích Minh Nguyện (Phật giáo), Linh Mục Trần Văn Kiểm (Công Giáo), Chánh trị sự Nguyễn Văn Lợi (Cao Đài), Mục Sư Lê Minh (Tin Lành), Linh Mục Trần Quang Lộc (Công Giáo), ông Trang Văn Mến (Phật Giáo Hòa Hảo), Hòa Thượng Thích Chân Thành (Phật Giáo) và Chánh Trị Sự Ngô Thành Thảo (Cao Đài).

HĐLT Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1993, là một tổ chức bao gồm các lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo gồm có: Cao Đài, Chính Thống Giáo, Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo và Tin Lành. Các tôn giáo luân phiên nhau đảm nhiệm chức vụ chủ tịch của HĐLT và mỗi nhiệm kỳ là hai năm.
 
Chính sách ngoại giao hàng đầu của tòa Thánh Vatican
Nguyễn Long Thao
23:21 16/01/2017
Chính sách ngoại giao hàng đầu của tòa Thánh Vatican

Vatican .- Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh Vatican đã cho cơ quan tin tức National Catholic Register của Hoa Kỳ biết chính sách ngoại giao ưu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngài nói đường lối ngoại giao ưu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô là cổ vũ hoà bình thế giới, chấm dứt chiến tranh tại Syria.

Đức Thánh Cha cũng rất quan tâm đến an sinh của các người di dân và tỵ nạn, đồng thời vận động chấm dứt chủ nghiã khủng bố.

Được hỏi Đức Thánh Cha dùng biện pháp nào để đạt được các mục tiêu đó. Đức TGM Paul Gallager trả lời vũ khí quan trọng nhất là đối thoại.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ ra mắt Tân Ban Thường Vụ
VietCatholic
19:41 16/01/2017
WESTMINSTER, NAM CALI - Tân Ban Thường Vụ của Hội Đồng Liên Tôn (HĐLT) Việt Nam tại Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2017-2019 chính thức ra mắt cộng đồng trong buổi họp báo diễn ra vào lúc 2 giờ chiều, Thứ Bảy, 14 Tháng Giêng, tại Thánh Đường Little Saigon thuộc thành phố Westminster.

Chủ tịch HĐLT nhiệm kỳ mới là Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng (Tin Lành). Phó chủ tịch nội vụ là Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng (Cao Đài). Phó chủ tịch ngoại vụ do Linh Mục Trần Công Nghị (Công Giáo) đảm nhiệm. Thư ký HĐLT là Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu (PGHH). Giáo Sĩ Mai Biên (Chính thống giáo ) đảm trách vai trò thủ quỹ. Ông Nguyễn Khanh (Công Giáo) giữ nhiệm vụ Ủy viên giao tế.

Bên cạnh đó, Tân Ban Thường Vụ của HĐLT còn có các thành viên, gồm: Hòa Thượng Thích Minh Nguyện (Phật giáo), Linh Mục Trần Văn Kiểm, Chánh trị sự Nguyễn Văn Lợi (Cao Đài), Mục Sư Lê Minh (Tin Lành), Linh Mục Trần Quang Lộc (Công Giáo), ông Trang Văn Mến (PGHH), Hòa Thượng Thích Chân Thành (Phật Giáo) và Chánh Trị Sự Ngô Thành Thảo (Cao Đài).

HĐLT Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1993, là một tổ chức bao gồm các lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo gồm có: Cao Đài, Chính Thống Giáo, Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo và Tin Lành. Các tôn giáo luân phiên nhau đảm nhiệm chức vụ chủ tịch của HĐLT và mỗi nhiệm kỳ là hai năm.

Trong cuộc họp báo sau khi giới thiệu Tân Ban Thường Vụ, Hội Đồng Liên Tôn đã ra một Bản Quyết Nghị về tình hình tôn giáo tại Việt Nam (xem ở dưới). Hội đồng cũng trả lời một số những câu hỏi của giới truyền thông báo chí, liên quan tới các sinh họat tương lai của Hội đồng và đường hướng nhập cuộc và thái độ chính trị của Hội đồng. Hội đồng cho biết sẽ cố gắng tham gia các sinh họat chung có tính cách mang lại sự đòan kết và tình liên đới của Cộng đồng người Việt hải ngọai, nhất là tại vùng Nam Cali. Chính thế thế mà thành viên Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ mới có thêm nhiều nhân sự.

Hội đồng cũng nhấn mạnh tới yếu tố gìn giữ văn hóa và truyền thống dân tộc, đối thọai liên tôn trong tinh thần tương kính và hòa đồng, đồng hành với Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa kỳ trong sứ mệnh tranh đấu cho nhân quyền, tự do tôn giáo, công lý và hòa bình cho đồng bào tại Việt Nam.

Sau khi, ra mắt Tân Ban thường vụ, mục sư Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng đã nói lời cảm tạ Ban Thường Vụ vửa mãn nhiệm và đọc bài diễn từ> nói nên quan điểm và ừoơng hướng của Ban Tân Thường Vụ nhiệm kỳ này.

Sau đây là Bản Quyết Nghị về tình hình tôn giáo tại Việt Nam:

QUYẾT NGHỊ CỦA HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VIỆT NAM TẠI HOA KỲ VỀ TỰ DO TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM

Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ gồm đại diện của các tôn giáo: Cao Đài, Chính Thống Giáo, Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo và Tin Lành. Trong Đại Hội thường niên của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng 1 năm 2017 tại Thánh Đường Little Saigon, 10321 Bolsa Ave, Westminster, California, đồng: NHẬN ĐỊNH

Từ khi nắm giữ quyền hành ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1945 cho tới khi chiếm đoạt toàn thể đất nước Việt Nam vào năm 1975 và trong những năm sau đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tìm cách ngăn chặn và kiểm soát tất cả các tôn giáo trong nước. Cụ thể, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã và đang tiếp tục thi hành những biện pháp đàn áp tôn giáo một cách tinh vi như đã được đại diện các tôn giáo trình bày trong đại hội thường niên.

Một số điểm chính như sau:

1. Bắt, giam cầm, thủ tiêu các hàng lãnh đạo, giáo phẩm, tu sĩ, tín đồ có uy tín, có ảnh hưởng.
2. Cấm đoán, hạn chế việc tuyển bổ, đào tạo tu sĩ.
3. Hạn chế việc di chuyển, sinh hoạt của các giáo sĩ, tu sĩ.
4. Tịch thu các cơ sở thờ phượng, trường học, bệnh viện, các cơ sở xã hội.
5. Hạn chế tối đa các sinh hoạt tôn giáo như thờ tự, lễ nghi, phổ biến tài liệu, sách báo tôn giáo.
6. Giải tán, giới hạn việc hội họp sinh hoạt của các hội đoàn tôn giáo.
7. Ngăn cấm, hạn chế việc liên lạc với các giáo quyền ở ngoài nước.
8. Lũng đoạn hàng ngũ các Giáo Hội bằng cách thành lập các Giáo Hội quốc doanh, Giáo Hội độc lập, hoặc cho người xâm nhập vào các tổ chức Giáo Hội để thu thập tin tức, phá hoại.
9. Âm mưu phân hóa giữa các Giáo Hội với nhau. 10. Nhục mạ, phỉ báng các tôn giáo bằng các phương tiện truyền thông, sách báo, chiến dịch rỉ tai v.v. để giảm thiểu uy tín của các tôn giáo.

Trước việc đàn áp tôn giáo trắng trợn đó của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, chúng tôi đồng thanh quyết nghị như sau:

QUYẾT NGHỊ

1. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những tu sĩ, tín đồ của các tôn giáo đang bị cầm giữ hoặc cô lập. 2. Hoàn trả ngay cho các tôn giáo những tài sản họ đã cưỡng chiếm một cách bất hợp pháp. 3. Tôn trọng tuyệt đối quyền căn bản và tối thiểu của các tôn giáo trong việc hành giáo và truyền giáo, trong việc huấn luyện, tuyển bổ, thuyên chuyển các tu sĩ của các tôn giáo mà không phải chịu một sự kiểm soát nào của nhà cầm quyền. 4. Giải tán các tổ chức tôn giáo quốc doanh đang tìm cách thao túng và phá hoại các tôn giáo. 5. Hủy bỏ các đạo luật, nghị định nhằm hạn chế các sinh hoạt tôn giáo.
Chúng tôi kêu gọi TỔNG THỐNG VÀ QUỐC HỘI HOA KỲ, TỔ CHỨC LIÊN HIỆP QUỐC, và QUỐC HỘI LIÊN HIỆP ÂU CHÂU VÀ CÁC QUỐC GIA TỰ DO KHÁC TRÊN THẾ GIỚI: 1. Can thiệp trực tiếp với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, buộc họ phải ngưng tất cả các chính sách và việc đàn áp, kỳ thị tôn giáo. 2. Mở các cuộc điều tra tại chỗ về những vụ vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng đang diễn ra tại Việt Nam. 3. Yêu cầu Quốc Hội và Chính Phủ Hoa Kỳ: Cứu xét việc tái xếp loại Việt Nam vào những “Quốc Gia Đặc Biệt Cần Quan Tâm” vì những vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng gần đây. 4. Áp dụng những biện pháp chế tài mạnh mẽ và hữu hiệu về kinh tế và viện trợ trước những sự vi phạm về quyền tự do tôn giáo của người dân.

Làm tại Westminster – California, ngày 14 tháng 1 năm 2017

Thành Viên Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đồng ký tên.

Giáo Hội Cao Đài: - Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng - Chánh Trị Sự Nguyễn Văn Lợi.
Công Giáo: - Linh Mục Trần Công Nghị, - Linh Mục Trần Văn Kiểm, - Linh Mục Trần Quang Lộc.
Giáo Hội Phật Giáo: - Hòa Thượng Thích Minh Nguyện - Hòa Thượng Thích Chân Thành
Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo: - Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu - Đồng Đạo Trang Văn Mến
Giáo Hội Tin Lành: - Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng - Mục Sư Lê Minh.
Chính Thống Giáo: - Giáo Sĩ Mai Biên.
 
Canada lên tiếng về vụ phá dỡ Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm
QD / Người Việt
09:29 16/01/2017
Canada lên tiếng về vụ phá dỡ Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm

SÀI GÒN (NV) – Tổng Lãnh Sự Quán Canada tại Sài Gòn vừa lên tiếng về việc nhà cầm quyền thành phố này dự định phá dỡ Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm, đồng thời nói rằng đây là các di sản còn lâu đời hơn cả Canada.

Chỉ ít giờ sau khi đưa nội dung này lên trang Facebook, “status” đã nhận được hơn 12,630 lượt “like” bày tỏ sự ủng hộ sự lên tiếng của Tổng Lãnh sự quán Canada, tiếp theo đó là hơn 2,200 lượt bình luận, và hơn 9,000 lượt share.

Nội dung của status như sau: “Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada? Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2, chính quyền Sài Gòn có dự định phá dỡ Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới. Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng? Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!”

Rất nhanh chóng, đã có hàng ngàn ý kiến bày tỏ sự quan tâm về việc này.

Facebooker Đức Thành bình luận: “Chỉ Taliban, IS mới đi phá các di sản hằng trăm năm tuổi”. Liền sau đó Facebooker Doãn Công Hào viết: “Và Cộng Sản nữa”.

Tiếp theo, Facebooker Bưởi Da Xanh viết: “Bọn Cộng Sản Việt Nam có khác gì IS”, và Facebooker Trần Ninh viết tiếp: “Bọn này còn hơn cả Taliban và IS”.

Facebooker Hung Nguyen nhận xét: “Đô thị mà không có đền đài, chùa chiền, nhà thờ, các di tích lịch sử… giống như cơ thể có xác mà không có hồn, thử tưởng tượng Sài Gòn mà không có nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành… thì có gì mà ấn tượng”.

Facebooker Anhngoc LE tự vấn: “Tôi không biết vì sao người ta lại muốn phá bỏ những công trình mang tính lịch sử như thế này? Vì quyền lợi cá nhân hay vì sự kém cỏi trong nhận thức xã hội? Hay là vì họ đang thực hiện hành vi ‘diệt chủng văn hóa’ theo lệnh của Bắc Kinh như lời thiên hạ đang đồn đoán? (Những gì mang dấu ấn lịch sử Việt Nam họ ra tay tàn phá). Tôi tự hỏi có ai lại tự phá đi những đi sản của mình không? Không!”

Facebooker Tong Ngoc Minh Chau nổi giận: “Chính quyền Cộng Sản chỉ quan tâm đến tiền, quyền và lợi ích nhóm. Ngay trong nội bộ chúng còn đấu đá nhau khốc liệt thì đối với dân thường chúng làm gì chả được. Luật của chúng là thứ luật rừng, tự biên tự diễn. Thêm nữa, tư tưởng Cộng Sản là vô thần nên chúng càng ra sức đàn áp tôn giáo, và tài sản đất đai của các dòng tu trở thành miếng ngon béo bở để chúng xâu xé chia nhau. Thời mới ‘giải phóng’ chúng đã cướp không biết bao nhiêu là tài sản của các dòng tu, các tu sinh thì bị đuổi về không cho tu nữa. Và hơn 40 năm qua cho đến bây giờ chúng vẫn còn tiếp tục cướp ở mọi nơi trên đất nước này”.

Đồng tình, Facebooker Dien Phuc Nguyen viết: “Cộng Sản thì không có xưa, cái gì cướp được thì cướp, chúng cố tình xóa bỏ những di tích của Sài Gòn để cho những thế hệ kế tiếp không biết gì, giống như chúng đã làm với chùa Liên Trì… Bất cứ quy hoạch đô thị ở đâu cũng vậy, đều có tâm linh, đó là món ăn tinh thần của mọi người dân, không phải cứ phát triển đô thị là phải san bằng. Là con người, sống phải có tình người huống chi loài cầm thú cũng có tình nghĩa vậy. Chỉ có những kẻ dòng máu lạnh cảm mới làm điều đó”.

Tổng Lãnh Sự Canada Richard Bale (phải) và Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Mary Tarnowka (thứ ba từ trái) trong một lần đến thăm Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. (Hình: Facebook)

Mềm mỏng hơn, Facebooker Mai Pham Thi Thanh viết: “Tôi không theo đạo nhưng tôi không đồng ý việc phá bỏ những di tích lịch sử này, nhất là khi việc thực hiện dự án này có thật sự là vì lợi ích chung?”

Là nhà báo, Facebooker Lê Thị Bạch Mai viết: “Thật cảm kích trước sự quan tâm của Tổng Lãnh Sự Quán Canada. Họ không phải là người Việt, cảnh quan này không thuộc đất nước của họ, không nằm trong hệ thống văn hóa kiến trúc của họ, lại càng không mang dấu ấn gì trong đời sống văn hóa của họ… Nhưng, người ta đã kịp đặt ra một câu hỏi khẽ khàng mà rất trang trọng (dễ làm ‘mất mặt’ chính quyền Sài Gòn khi đưa ra đề án phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm như thế này). Tầm nhìn hạn hẹp. Hiểu biết nông cạn về giá trị lịch sử của các công trình văn hóa lâu đời. Chỉ có lợi nhuận là trên hết. Thật tội nghiệp cho Sài Gòn trong tương lai, nếu đề án này được thực hiện! Tôi không đồng ý việc phá bỏ. 1,000 lần không!”

Facebooker Khanh Phan viết: “Tôi cảm ơn Tổng Lãnh sự quán Canada tại Sài Gòn đã quan tâm đến Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm. Đây là một công trình mang tính lịch sử và tôn giáo cần phải được bảo tồn một cách triệt để. Khu đô thị hiện đại có thể xây dựng trong 10 năm nhưng công trình lịch sử được xây dựng và bảo vệ hàng trăm năm bằng bao mồ hôi, công sức của quý cha và quý sœur”.

Theo trang web của Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, thời vua Minh Mạng, đạo bị bách hại dữ dội, tàn phá các nhà thờ, tu viện. Nhiều tu viện bị phá hủy hoàn toàn, chính vì thế các nữ tu của các tu viện này đã chạy tứ tán khắp nơi. Một số gặp nhau ở Thủ Thiêm và dừng chân ở đây vào khoảng năm 1840.

Theo trang web Giáo xứ Giáo họ Việt Nam, Nhà thờ Thủ Thiêm thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn hình thành từ năm 1859. Khi đó, nhiều Giáo dân ở các nơi vùng Gia Định, Biên Hòa kéo đến sinh sống, cất nhà cửa. Lúc đó chính quyền đã bán rẻ đất cho dân và đặc biệt còn tặng cho các tín hữu một ngôi đình bỏ hoang gần chợ, rồi cho thêm đất đai… thế là một ngôi Nhà thờ được hình thành.

Không chỉ là cơ sở tôn giáo, Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm còn là di tích văn hóa, cả hai cơ sở này đều đã được xây dựng hơn 150 năm. Theo kế hoạch xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm, Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm phải giải tỏa.

Chính quyền Quận 2 đề nghị Tổng Giáo phận Sài Gòn hoán đổi Nhà thờ Thủ Thiêm lấy một khu đất có diện tích 4,000 mét vuông và 16 tỉ đồng, đồng thời hoán đổi tu viện của Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm lấy một khu đất diện tích năm mẫu và 52 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2009, Tổng Giáo phận Sài Gòn cương quyết không di dời Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, và đây là câu trả lời chính thức của Giáo Hội trước những yêu cầu của chính quyền địa phương muốn di dời nhà thờ và tu viện đi chỗ khác để xây dựng một khu vực thương mại đa chức năng.

Q.D.
 
Gặp Mặt Ban Thường Vụ Giáo Xứ Và Đoàn Thể Cấp Giáo Phận- Giáo Phận Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
11:26 16/01/2017
Gặp Mặt Ban Thường Vụ Giáo Xứ Và Đoàn Thể Cấp Giáo Phận- Giáo Phận Đà Nẵng

Nhân dịp tất niên Bính Thân và mừng Tân niên Đinh Dậu 2017, lúc 9 giờ ngày 16 / 1 / 2017, hơn 200 thành viên Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ Giáo xứ và Đoàn thể cấp Giáo phận – Giáo phận Đà Nẵng ( Quý Chức) đã gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm công tác mục vụ tại hội trường Tòa giám mục.

Xem Hình

Đức Cha Giuse- Giám mục giáo phận đến trong niềm hân hoan và những tràng pháo tay của tất cả những người tham dự. Ngài ân cần thăm hỏi và huấn từ Quý Chức, về vai trò Giáo dân đặc biệt quan trọng của Quý Chức trong việc sống và loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

Đức Cha mong muốn Quý Chức được học hỏi nhiều hơn nữa để cộng tác đắc lực và đồng trách nhiệm với Cha Quản xứ, đắp xây tình liên đớivới anh chị em trong cộng đoàn…,. Đức Cha đã lược qua những điểm chính Quy chế Hội đồng mục vụ giáo xứ, để nhắc nhở Quý Chức cần có đời sống tự nhiên và siêu nhiên tốt.

”….Quý Chức cần có đời sống mẫu mực, có lòng tự trọng, không đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, tin vào khả năng và quyết định của mình, tự chủ bình tĩnh…. Không để việc cá nhân ảnh hưởng đến công việc chung của Giáo Hội, là trung gian cảm thông, bác ái công bằng trong cư xử, Quý Chức Đại diện Dân Chúa tại địa phương và mỗi người Tín hữu, phải trở thành Nhà truyền giáo, nhất là những nơi mà Giáo sĩ không thể đến truyền giáo được” ( Đức Cha Giuse).

Đức Cha đã dùng hình ảnh chú gà của Năm Dậu để chúc Quý Chức: Chí – Dũng - Nhân: như chiếc mào đỏ tượng trưng cho ý chí hoàn thiện và hướng thiện(Chí); sự bền bỉ mạnh mẽ, vượt khó….(Dũng); Sống chung, đồng hành, gánh bớt, sẻ chia..(Nhân); Cần mẫn bao dung ( tiếng gáy ) biểu tượng sự tỉnh thức, Quý Chức cần có tâm tình sám hối, sẻ chia, cảm thông…. Và trở thành dấu chỉ của tình thương.

Đặc biệt, Đức Cha nhắc nhở Quý Chức: là người cộng tác với cha Quản xứ, không có quyền thay Cha Quản xứ để bàn hoặc hứa điều gì về tất cả các vần đề, nếu không có sự bàn thảo và đồng ý của Cha Quản xứ.

Tiếp đó, Ban Thường vụ của Giáo xứ Việt An, Hội An, Hội Yên, Hoằng Phước, Hòa Cường, đã tường trình công việc phục vụ của mình, cả những thuận lợi và khó khăn… những ý kiến cá nhân đóng góp nhiều sự việc cụ thể, nhất là việc dạy và học Giáo lý, nhu cầu giáo phận cần có chương trình Giáo lý chung, áp dụng tại tất cả các giáo xứ trong Giáo phận. Đức Giám Mục chăm chú lắng nghe và giải đáp những vướng mắc cho từng trường hợp cụ thể và Ngài nêu những dự kiến cho việc mục vụ trong tương lai của Giáo phận.

Trong dịp này, Vị Đại diện Hội đồng mục vụ Giáo xứ Hòa Khánh, đã Đại diện Cộng đồng Dân Chúa mà cách riêng là tất cả các Ban Thường vụ Giáo xứ và Đoàn thể, cám ơn Đức Cha đã chăm lo chăm sóc Giáo phận. Đồng thời chúc Tết Đức Cha: Xin Chúa và mẹ Maria ban muôn ơn xuống cho Đức Cha.

Vị Đại diện cũng cám ơn và chúc mừng Tết Cha Tổng Đại diện. Mọi người cùng cám ơn nhau và chúc những điều tốt đẹp nhất từ Thiên Chúa đến với mỗi ngươi trong Năm mới, năm mà Giáo Hội quan tâm cách đặc biệt đến gia đình, nhất là gia đình trẻ và những người chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân.

Đáp từ, Đức Cha cầu chúc mọi thành viên năm mới, canh tân mới, cầu nguyện mới, sám hối mới, những yếu đuối sẽ khởi đầu yêu thương mới, dấn thân mới…. mỗi người cảm nhận được bình an yêu thương của Thiên Chúa và tràn đầy hạnh phúc.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, khi mỗi người nhận được phong bao Lì-xì của Đức Cha, chứa đựng bao yêu thương, gởi gắm tin tưởng sự hiệp thông, đồng trách nhiệm với Cha Quản xứ và Đức Cha trong công việc mục vụ tại Giáo Hội địa phương và công cuộc loan báo Tin Mừng cho anh chị em xung quanh nơi mình đang sống và làm việc chưa nhận biết Thiên Chúa.

Một tấm hình chung, ghi dấu sự kiện gặp gỡ thân mật con một nhà Giáo phận ngay trước tiền đường nhà thờ Chính Tòa, trước lúc mọi người tiến vào nhà thờ Chầu đền tạ Thánh Thể lúc 11 giờ.

Cám ơn Chúa đã ban muôn ơn cho Giáo phận trong Năm Thánh Lòng Thương xót và năm Bính Thân, xin dâng Chúa mọi dự định và cố gắng của Giáo phận và cộng đồng Dân Chúa trong Năm mới Đinh Dậu 2017 này.

Bửa cơm trưa thân mật với Đức Cha và Quý Cha của Quý Chức, tại hội trường nhà xứ Chính Tòa thật là vui, trước lúc chia tay.

Toma Trương Văn Ân
 
Phóng sự Tết 2017 bên Mỹ: Tất Niên Gia Đình Đa Minh Garland TX
Xuân Thủy
17:47 16/01/2017
Xem hình ảnh
Càng gần Tết thì những sinh hoạt cuả người Việt ở hải ngoại càng thêm nhộn nhịp, nào là mua bán bánh chưng, nào là tổ chức những hội hè tất niên và tân niên...

Riêng Gia Đình Đa Minh ở Hoa Kỳ, một hội từ thiện với trên 250 hội viên ở Garland TX, thì thông lệ ăn Tết đó vẫn được duy trì và lần này là lần thứ 3. Nhưng...thay vì chỉ tụ tập để vui hưởng cảnh xuân về, họ đến nhà dòng Đa Minh (2934 Landershire Ln, Garland, TX 75044) để 'đọc kinh cầu nguyện' cho những 'phận đời bất hạnh' ở quê nhà.

Nhân dịp này hội cũng đã phát hành Bản Tin số 2 với nhiều hình ảnh mô tả công việc mục vụ ở Việt Nam cuả dòng Đa Minh Tam Hiệp và kèm theo là những bức thơ 'cám ơn' cuả các Sơ phụ trách. Đó là những công việc nuôi dưỡng những bà già neo đơn chờ chết ở Viện Dưỡng Lão Suối Tiên, giúp đỡ tinh thần các bệnh nhân ở viện Ung Bướu Saigon, trợ giúp những người 'dân tộc' ở vùng cao nguyên Lâm đồng và Kontum, và việc truyền giáo ở Miền Tây. Ngoài ra cũng có những bức thư cám ơn sự trợ giúp về ơn gọi cuả hội từ các thỉnh sinh và cuả các Sơ sống tại viện An Dưỡng.

Chiều Chuá Nhật 15 tháng 1 ở Garland là một chiều mưa tầm tã, thêm vào đó lại đúng vào lúc đội banh Foot Ball nổi tiếng cuả vùng là đội Dallas Cowboys tranh giải chung kết với một đội banh (cũng không kém nổi tiếng) Green Bay Packers cuả Wisconsin, thì việc vừa phải đội mưa vừa phải bỏ coi Food Ball mà đến với nhà dòng là một việc hy sinh lớn lao, vậy mà các phòng tiếp khách cuả nhà dòng đều chật cứng, chứng tỏ một sự gắn bó thiết tha với nhà dòng, với công việc từ thiện và với nhau giữa các hội viên.
 
Diễn từ ra mắt Tân Ban Thường vụ Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ
Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng
19:52 16/01/2017
DIỄN TỪ LỄ RA MẮT TÂN BAN THƯỜNG VỤ HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
của Mục sư Chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn
ngày 14-1-2017


Kính thưa Hoà Thuợng Nguyên Chủ Tịch và quí vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo thành viên trong Hội Đồng,

Kính thưa quí vị đại diện các tổ chức cộng đồng, truyền thông, và quí thân hữu,

Thật là môt vinh hạnh cho tôi đuợc đứng lên đây nói lên cảm nghĩ của mình khi tiếp nhận công tác mới mẻ nầy. Truớc hết, tôi xin thay mặt cho tân ban thuờng vụ chân thành cảm ơn Hoà Thuợng Chủ Tịch và ban thuờng vụ vừa mãn khoá, cũng như những ban thuờng vụ các khoá truớc của HĐLT đã đi tiên phong mở đuờng để cho chúng tôi đuợc tiếp nối công trỉnh của qúi vị, đồng thời cũng xin chân thành cảm ơn tất cả chư vị quan khách đã có mặt để chứng kiến lễ ra mắt của chúng tôi hôm nay.

Kính thưa quí vị,

Ngay trong thời đại văn minh tân tiến nầy, chỉ trong muời mấy năm qua, nhân loại đã chứng kiến biết bao tội ác nhân danh tôn giáo. Những chiến binh cuồng tín ISIS, Taliban, Al Quaida, Boko Haram, Abu Sayab, đã đốt phá bao nhiêu làng mạc, chặt đầu, bắn giết, hành hạ, hãm hiếp vô số những nguời dân vô tội chỉ vì họ có tín nguỡng khác với chúng hay không chịu theo đạo của chúng. Trước một bối cảnh đen tối như vậy, hình ảnh những người Việt chúng ta từ những tín ngưỡng khác nhau cùng ngồi lại với nhau để nói lên tiếng nói chung của lương tri, cùng hành động cho lý tưởng tương thân tương ái, hẳn phải là một bức tranh đẹp của tình người.

Cổ nhân từng nói, “Quân tử hòa nhi bất đồng”: người cao thượng có thể hòa hợp với nhau mà không buộc phải đồng hóa với nhau. Đó là phương châm của HĐLT. HĐLT tin rằng, dù có tín ngưỡng khác biệt nhau, những người có thiện chí vẫn có thể cùng làm việc với nhau để đem lại sự hài hòa xã hội, để cổ võ những hoạt động nhân đạo, sưởi ấm tình đồng bào và làm thăng hoa tình nhân loại. HĐLT không làm chính trị, nhưng lên tiếng đòi hỏi công bình xã hội cho mọi công dân dưới thể chế bất công, vô cảm, và đòi hỏi công lý cho những kẻ bị tước đoạt quyền làm ngưởi vì bất kỳ lý do gì. Đó là nghĩa vụ của mọi tôn giáo và của tất cả những ai có lương tri trong nhân loại. Thế giới đã tôn vinh những người như Mục sư Martin Luther King, Giám Mục Desmond Tutu, Mother Theresa, Đức Đạt Lai Lạt Ma, trao tặng giải Nobel Hòa Bình cho họ, không phải vì tôn giáo của họ, mà vì họ đã dấn thân cho các giá trị của con người.

HĐLT không thể tự mình làm được tất cả những điều mong muốn, nhưng tin rằng tiếng nói của lẽ phải sẽ có sức mạnh thôi thúc mọi người cùng đứng chung với nhau để làm việc cho những giá trị trường tồn. Người Việt chúng ta khi đến đất nước nầy chỉ có hai bàn tay trắng với một quá khứ tan tác bầm giập vì bị hành hạ, áp chế, tước đoạt và xua đuổi. Nhưng nhờ tấm lòng bao dung nhân ái của dân tộc Mỹ, nhờ thể chế công bằng của xã hội Mỹ dành cơ hội đồng đều cho mọi người vươn lên, sau mấy chục năm, hầu hết những người tị nạn đã có đời sống vững chãi, ăn nên làm ra, với nhà cửa, hưu bổng, với doanh thương phát triển, con cái thành đạt, có mặt trong hầu hết mọi lĩnh vực của đất nước tiên tiến nầy. Nay đã đến lúc chúng ta phải trả món nợ ân tình cho xã hội. Chỉ cần mở mắt ra, chúng ta sẽ thấy biết bao nhu cầu cần đến những trái tim thương cảm. Ngay trong lòng xã hội Mỹ vẫn có những người sống vất vưởng trên hè phố. Tuy đã có những tổ chức cứu trợ họ nhưng vẫn chưa đủ, có nhiều khiếm khuyết cần được người có thiện chí bổ sung. Có những nhu cầu mà chỉ có ít người thấy, như sự phá thai đang thịnh hành là điều cấm kỵ đối với bât kỳ tôn giáo nào. Nhưng trong cuộc bầu cử vừa qua, phong trào bảo vệ sự sống được thắng thế. Đây là cơ hội cho các giới tôn giáo, y khoa, phụ nữ, hợp tác với nhau tổ chức những cơ quan tư vấn, cứu trợ những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, để giúp cho những thiên thần bé nhỏ được thấy ánh sáng mặt trời và đem niềm vui cho xã hội. Đó chỉ là vài ví dụ cho thấy trong xã hội sung túc nầy vẫn có chỗ cho chúng ta phục vụ tha nhân.

Rồi còn đồng bào ở quê nhà, nào thiên tai, nhân họa, môi trường bị xâm hại, kinh tế bấp bênh, bất công xã hội, rồi bệnh tật, nghèo đói, tát cả kêu gọi tấm lòng từ ái của chúng ta. Từng cá nhân riêng lẻ, chúng ta không thể làm được gì, nhưng khi cùng chung tay chung lòng, chúng ta có thể tạo nên lịch sử.

Kính thưa quí vị và quí đồng hương thân mến,

Trên đây chỉ là những ước mơ của chúng tôi. HĐLT chẳng có nhân sự hay phương tiện để thực hiện bất kỳ một chuong trình nào. Dù vậy, chúng tôi tin rằng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Khi có tiếng gọi của thiện chí thì chắc chắn sẽ có sự đáp ứng của nhiều thiện chí để tao nên hồi chuông vang rển của lòng nhân đạo.

Xin cảm tạ tất cả quí vị.

Cầu xin Ơn Trên ban phước lành cho tất cả chúng ta.

Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng
 
Giới thiệu cuốn Giáo hội Công giáo Việt Nam Niên giám 2016
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
20:03 16/01/2017
Giới thiệu cuốn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên giám 2016
do Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện

Kính thưa: Quý Hồng Y
Quý Đức Cha, Quý cha, Quý tu sĩ
và anh chị em tín hữu

Con xin thay mặt cho Ban Biên soạn và Thực hiện cuốn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên giám 2016 để giới thiệu về cuốn sách này.

1. Hình thức
Sách in khổ 16x25cm, dày 1.238 trang, trên giấy trắng với 32 trang in 4 màu. Bìa cứng, bao bên ngoài.

2. Nội dung
Sách gồm 3 phần: 50 chương.

Phần I (9 chương) trình bày về Giáo Hội Công Giáo toàn cầu:
Lịch sử, niên biểu, 266 giáo hoàng, các công đồng chung và các thượng hội đồng giám mục, phẩm trật, giáo triều Rôma, các tổ chức mới của Toà Thánh Vatican, các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Giáo Hội Chính thống, các Giáo Hội Cải Cách và các tôn giáo khác, Đức Maria và bí mật Fatima nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra, số liệu về Giáo Hội Công Giáo của 207 quốc gia trên thế giới, lịch Phụng vụ 2017, thống kê Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.

Phần II (14 chương) trình bày về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong dòng lịch sử:
Lược sử, niên biểu, các thánh tử đạo, GHVN và công cuộc Tân Phúc Âm hoá, danh sách các giáo phận, các giám mục, tổ chức Hội đồng Giám mục Việt Nam, các chủng viện và việc đào tạo chủng sinh, các dòng tu nam nữ và canh tân đời sống thánh hiến, các tổ chức Công Giáo Tiến hành (24), các dân tộc thiểu số và việc Tân Phúc Âm hoá, GHVN trong tình hiệp thông với các tôn giáo, Đức Maria là Mẹ Giáo Hội Việt Nam, các số liệu thống kê về Giáo Hội Việt Nam.

Phần III (27 chương) trình bày về Hiện tình Giáo Hội Công Giáo Việt Nam:
- 26 giáo phận trình bày về giáo phận của mình: lịch sử, hoạt động, danh sách các giáo xứ, giáo họ (3.000), danh sách và địa chỉ các linh mục (5.000), các cơ sở dòng tu trong giáo phận (1.000), số liệu thống kê của giáo phận.
- Chương cuối cùng, Cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại: lịch sử, hoạt động, danh sách địa chỉ các cộng đồng và linh mục hải ngoại (1.000).

3. Lượng giá
Đây là một công trình biên soạn rất công phu của nhiều giám mục, linh mục và giáo dân chuyên môn để tổng hợp và mở ra một hướng mới cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nhân dịp 400 Tin Mừng được chính thức loan báo ở Việt Nam (1615-2015).

4. Liên lạc
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Địa chỉ: 166F Bùi Thị Xuân, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM, Việt Nam.
ĐT: 0908 411106
Email: antnnson1948@yahoo.com

5. Phát hành
- Dự kiến ngày 20/1/2017 sẽ bắt đầu phát hành.
- Giá bìa: 250.000 VND/cuốn.
- Các giáo phận, dòng tu, tổ chức đăng ký mua tập thể được giảm 20% (tương đương 200.000đ/cuốn).
- Sách có bán tại nhà sách Hoàng Mai (địa chỉ: 736/79 Lê Đức Thọ, P.15, Gò Vấp, TP.HCM. ĐT: 08 3996 1289) và một số nhà sách Công Giáo khác.
- Quý Giáo phận, Quý cơ sở, Quý cha, cá nhân muốn chuyển sách tới nhà, xin vui lòng chịu tiền chuyên chở.

6. Cảm ơn và cầu chúc
Chúng con chân thành cảm ơn mọi người đã đóng góp vào việc biên soạn, sửa chữa, kiểm duyệt và thực hiện cuốn Niên Giám này. Chúng con trân trọng giới thiệu cuốn Niên Giám này như một quà Tết của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi đến cộng đồng Dân Chúa.
Kính chúc Quý Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý cha, Quý tu sĩ và anh chị em tín hữu tràn đầy ơn thiêng, niềm vui, hạnh phúc trong Năm Mới và Tết Đinh Dậu sắp đến.

Ngày 16/1/2017

Kính thư,
TM. Ban Biên soạn và Thực hiện
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài Liệu Chuẩn Bị Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15: ''Người Trẻ, Đức Tin, và Sự Biện Phân Ơn Gọi''
Vũ Văn An
19:25 16/01/2017
Dẫn Nhập

"Thầy nói với các con những điều này, để niềm vui của Thầy hiện diện trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn" (Ga 15:11). Đây là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mọi người nam và nữ ở mọi thời đại, trong đó, có mọi người nam nữ trẻ tuổi của thiên niên kỷ thứ ba, không trừ ai.

Loan báo niềm vui của Tin Mừng là sứ mệnh được Chúa ủy thác cho Giáo Hội của Người. Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa và Tông Huấn Evangelii Gaudium bàn đến việc làm cách nào để hoàn thành sứ mệnh này trong thế giới ngày nay. Hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình và Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia, trái lại, được dành riêng cho việc giúp các gia đình tìm được niềm vui này.

Để phù hợp với sứ mệnh này và để giới thiệu một phương thức mới thông qua một Thượng Hội Đồng với chủ đề: "Người trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi", Giáo Hội quyết định tự kiểm tra mình về việc làm thế nào có thể dẫn dắt các người trẻ nhận ra và chấp nhận lời mời gọi sống và yêu thương viên mãn, và yêu cầu họ giúp Giáo Hội nhận diện các cách thế hữu hiệu để loan báo Tin Mừng ngày hôm nay.

Bằng cách lắng nghe những người trẻ tuổi, Giáo Hội sẽ một lần nữa nghe Chúa nói trong thế giới ngày nay. Như trong thời Samuel (xem 1 Sm 3: 1-21) và Giêrêmia (Gr 1: 4-10), những người trẻ tuổi biết phải làm thế nào để biện phân các dấu chỉ thời đại của chúng ta, do Chúa Thánh Thần chỉ dạy. Lắng nghe các nguyện vọng của họ, Giáo Hội có thể thoáng nhìn thấy thế giới đang đứng ở phía trước và các nẻo đường mà Giáo Hội vốn được kêu gọi bước theo.

Đối với mỗi người, ơn gọi tình yêu có hình thức cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, thông qua một loạt các lựa chọn, được phát biểu trong các bậc sống (hôn nhân, thừa tác vụ thụ phong, đời sống thánh hiến vv), trong ngành nghề, trong các hình thức cam kết xã hội và dân sự, trong lối sống, trong việc quản lý thời gian và tiền bạc, vv. Bất kể các lựa chọn này được cố ý đưa ra hoặc chỉ được chấp nhận, một cách hữu thức hay vô thức, không ai không phải thực hiện các lựa chọn này. Mục đích của việc biện phân ơn gọi là để tìm ra cách làm thế nào để biến đổi các lựa chọn này, dưới ánh sáng đức tin, thành những bước tiến đi vào sự viên mãn của niềm vui mà mọi người đều được mời gọi bước vào.

Giáo Hội biết nền tảng của "sức mạnh và nét đẹp của những người trẻ tuổi, [tức là] khả năng hân hoan lúc khởi đầu một nhiệm vụ, khả năng tự hiến mình hoàn toàn mà không cần tháo lui, khả năng tự đứng lên và bắt đầu lại cuộc tìm kiếm các chinh phục mới của mình" (Thông điệp của Vatican II gửi Người Trẻ, ngày 8 tháng 12 năm 1965). Kho tàng phong phú trong truyền thống tâm linh của Giáo Hội cung cấp nhiều nguồn tài nguyên để hướng dẫn ta đào tạo lương tâm và sự tự do đích thực.

Ý thức được điều trên, Tài Liệu Chuẩn Bị này khởi đầu giai đoạn tham khảo toàn bộ dân Chúa của Thượng Hội Đồng. Ngỏ cùng các thượng hội đồng và các hội đồng thượng phụ của các Giáo Hội Công Giáo tự trị Phương Đông, các hội đồng giám mục, các thánh bộ của Giáo Triều Rôma và Liên Hiệp các Bề Trên Tổng Quyền, Tài Liệu này kết thúc bằng một loạt câu hỏi.

Việc tham khảo cũng sẽ bao gồm mọi người trẻ qua một trang mạng với các câu hỏi về các mong đợi của họ và cuộc đời của họ. Các câu trả lời cho cả hai loạt câu hỏi này sẽ là cơ sở để soạn thảo "tài liệu làm việc" hay Instrumentum laboris, dùng làm điểm tham chiếu trong cuộc thảo luận của các nghị phụ Thượng Hội Đồng.

Tài Liệu Chuẩn Bị này đề nghị một sự suy tư gồm ba bước, khởi đầu là việc phác họa có tính tổng lược một số năng động tính xã hội và văn hóa trong đó, người trẻ lớn lên và đưa ra các quyết định và đề nghị rằng các quyết định này được đọc dưới ánh sáng đức tin. Sau đó, Tài Liệu lần giở lại các bước căn bản của diễn trình biện phân, mà Giáo Hội cảm thấy như là phương tiện nền tảng mà mình có thể cung hiến để người trẻ có thể khám phá ra ơn gọi của họ, dưới ánh sáng đức tin. Sau cùng, Tài Liệu bàn đến các điểm chủ yếu trong chương trình mục vụ về ơn gọi dành cho giới trẻ. Như thế, Tài Liệu không bao trùm mọi vấn đề, nhưng phục vụ như một loại hướng dẫn để khuyến khích cuộc thảo luận xa hơn nữa, một cuộc thảo luận mà các hoa trái chỉ có thể có kết thúc Thượng Hội Đồng.

Theo chân Người Môn Đệ Yêu Quí

Hình ảnh Tin Mừng về Thánh Gioan Tông Đồ có thể dùng làm nguồn cảm hứng ở ngay lúc bắt đầu diễn trình này. Trong cách đọc Tin Mừng thứ tư của truyền thống, thánh nhân vừa là một điển hình về một người trẻ quyết định bước chân theo Chúa Giêsu vừa là "người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến" (Ga 13:23, 19:26; 21: 7).

“… và thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa!’. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: 'Các anh tìm gì thế?' Họ đáp: 'Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?' Người bảo họ: 'Đến mà xem'. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Chúa Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia' (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn ông S-môn và nói: 'Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha’ (tức là Phêrô) (Ga 1: 36-42)".

Trong khi đi tìm ý nghĩa cho đời sống của các ngài, hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả nghe Chúa Giêsu hỏi một câu hỏi thấu suốt: "Anh tìm điều gì?" Khi nghe câu trả lời của họ, "Thưa Rápbi (có nghĩa là Thưa Thầy), Thầy ở đâu?", Chúa đáp bằng một lời mời: "Hãy đến mà xem" (Ga 1: 38-39). Đồng thời, Chúa Giêsu mời họ xuống thuyền làm một cuộc hành trình nội tâm và sẵn sàng tiến bước một cách thực tế, mà không thực sự biết nó sẽ dẫn họ tới đâu'. Đây sẽ là một cuộc gặp gỡ đáng nhớ, đến độ họ nhớ cả thời gian chính xác trong ngày (xem Ga 1:39).

Nhờ lòng dũng cảm đến xem của họ, các môn đệ cảm nghiệm được tình bạn lâu dài của Chúa Kitô và có thể sống mỗi ngày với Người. Họ sẽ suy nghĩ các lời Người nói và được chúng linh hứng; và sẽ được các hành động của Người ảnh hưởng và đánh động sâu sắc. Cách riêng, Thánh Gioan sẽ được kêu gọi làm chứng cho sự thương khó và sự phục sinh của Thầy mình. Ở Bữa Tiệc Ly (x Ga 13,21-29), bản chất thân thiết trong mối quan hệ của ngài với Chúa Giêsu sẽ dẫn ngài tới chỗ tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và tín thác mọi lời Chúa nói. Khi theo Thánh Phêrô đến nhà thầy cả thượng phẩm, Thánh Gioan sẽ trực diện với đêm đau khổ và cô đơn (xem Ga 18: 13-27). Dưới chân Thánh Giá, ngài sẽ chịu đựng nỗi sầu muộn sâu sắc của Mẹ Chúa, đấng đã được ủy thác cho ngài, trong khi ngài chấp nhận trách nhiệm chăm sóc Mẹ (x Ga 19: 25-27). Vào buổi sáng Phục Sinh, ngài sẽ cùng Thánh Phêrô chia sẻ cuộc chạy bộ như điên cuồng nhưng đầy hy vọng tới ngôi mộ trống (Ga 20: 1-10). Cuối cùng, trong mẻ cá lạ lùng ở Biển Galilê (Ga 21: 1-14), ngài sẽ nhận ra Chúa Phục Sinh và sẽ làm chứng trưóc toàn bộ cộng đồng.

Điển hình của Thánh Gioan có thể giúp ta hiểu điều này: cảm nghiệm ơn gọi là một diễn trình tiệm tiến của việc biện phân nội tâm và của việc lớn mạnh trong đức tin, một diễn trình sẽ dẫn đến việc ta khám phá ra sự viên mãn của niềm vui sống và của tình yêu, của việc tự hiến và dự phần vào việc công bố Tin Mừng.

Kỳ sau: Chương I, Người Trẻ trong Thế Giới Ngày Nay
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Đào Tháng Chạp
Lê Trị
19:04 16/01/2017
HOA ĐÀO THÁNG CHẠP
Ảnh của Lê Trị
Tháng chạp đào nở chờ xuân
Sắc tươi mật ngọt ân cần mời chim.
(bt)