Ngày 17-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đường lối Thiên Chúa
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
07:37 17/01/2018
Chúa Nhật 3 Thường Niên B

Có một thầy ẩn tu tên là Xê-bat-chiêng thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên núi. Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng Thánh Giá với tước hiệu là "Tượng Chúa ban ơn".

Thấy dân chúng có lòng tin thường đến cầu xin ơn lành, thầy Xê-bat-chiêng cũng thêm lòng tin cậy.

Một hôm vắng người, thầy quỳ gối trước Thánh Giá và chân thành khấn nguyện: "Lạy Chúa, con ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thánh giá".

Thầy quỳ yên lặng, mắt đăm đăm nhìn lên Thánh Giá mong đáp lời. Một lúc sau, từ Thánh Giá có tiếng phán bảo: "Được, Ta bằng lòng để con thế chỗ Ta trên Thánh Giá nhưng với một điều kiện duy nhất là bất cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng không được nói năng gì hết". Xê-bat-chiêng hứa và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên Thánh Giá.

Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến trước tượng Thánh Giá để cầu nguyện. Không ai hay biết về việc đổi chỗ này.

Một hôm, có người xứ nọ đến cầu nguyện. Khi ra về, ông để quên dưới ghế quỳ cái túi đầy những đồng tiền vàng. Thấy vậy thầy vẫn yên lặng.

Lúc sau, có một người nghèo khổ vào nhà nguyện, ông ta sung sướng nhìn túi tiền vàng, tưởng là Chúa ban cho liền xách túi, tạ ơn và đi ra.

Rồi có một chàng thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện xin ơn che chở vì sắp đi xa. Vừa ra khỏi nhà nguyện thì gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền. Không thấy đâu, ông nghi chàng thanh niên đã lấy đi, tranh cãi và cả hai mời cảnh sát phân xử.

Không cầm lòng được nữa, từ trên Thánh Giá, thầy Xê-bat-chiêng hét lên: Đứng lại. Mọi người ngạc nhiên. Thầy phân trần sự việc. Người phú hộ tìm người nghèo xin lại túi tiền. Chàng thanh niên cũng vội vã đi cho kịp chuyến tàu.

Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng bảo Xê-bat-chiêng: "Con hãy xuống ngay khỏi Thánh Giá, con không xứng đáng thế chỗ cho Ta, vì con đã không biết giữ yên lặng như lời con đã hứa".

Thầy vội vã phân trần: Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?

Chúa Giêsu đáp: Thật con không hiểu gì hết! Tiền của người phú hộ là tiền bất lương, trong khi người nghèo đói kia vất vả mà không kiếm đủ miếng cơm manh áo cho đàn con nhỏ. Và nếu chàng thanh niên kia có bị cảnh sát giữ lại, anh ta lỡ chuyến tàu, như thế đã cứu được mạng sống mình. Kìa, tàu của anh ta đang lao đao giữa biển cả sắp chìm vì sóng to gió lớn. (Trích tuyển tập truyện hay, Giấc Mộng Vàng, trang 27).

Câu chuyện gợi nhớ Lời Chúa trong sách Isaia: Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu.

Ngôn sứ Isaia mời gọi các dân tộc : “Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người”; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem. Thế nhưng, dân Chúa đã bao phen chối bỏ đường lối của Chúa: “Đây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta...” (Tv 95,10-11;x.Xh 16,7-8; Ds 11,18-20; 14,27; Tv 81,11-13; Is 8,6;31,1-2.15; Lc 7,30; x. Lv 26,15; 1V 19,14; Hs 8,1).

Dân Israen đã được chuẩn bị hàng ngàn năm để đón nhận Đức Mêsia, nhưng rốt cuộc họ đã không đón nhận được Đức Mêsia. Không phải chỉ có những người biệt phái kiêu căng, không phải chỉ có Sa đốc an thân, mà hầu như tất cả những người Do Thái, từ Gioan Tẩy Giả, đến các môn đệ của Đức Giêsu cũng đều không hiểu được cách thức cứu độ của Thiên Chúa, đường lối của Ngài.

Cũng vậy, trong suy nghĩ của con người, chúng ta không thể hiểu được tại sao Chúa Giêsu lại gọi bốn môn đệ đầu tiên để đặt nền tảng xây dựng Giáo hội như bài Phúc âm hôm nay vừa kể.

Đó là những người chài lưới "ăn với sóng, nói với gió", ít học, quê mùa. Chúa Giêsu lại chọn họ làm môn đệ. Tại sao Chúa Giêsu không chọn những Luật sĩ, những Pharisiêu, những Ký lục thông thái?

Cũng như chúng ta cũng hỏi, tại sao Chúa Giêsu không sinh ra nơi cung điện nguy nga lộng lẫy mà lại chọn hang đá Bêlem hôi hám lạnh lẽo để giáng sinh? Tại sao Chúa Giêsu lại chọn cái chết Thập giá đau đớn tủi nhục để làm phương thế cứu độ? Ngắm nhìn Hài Nhi trong máng cỏ cũng như nhìn lên tử tội Giêsu trên thập giá, chúng ta thường tự hỏi tại sao Chúa lại thích những điều nghịch lý? Làm sao người ta có thể tuyên xưng Người là Đấng Giải Thoát khi Người đến trong dáng vẻ yếu đuối bé bỏng?

Thánh Phaolô đã từng thốt lên: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1, 22-24). Thập giá là một sự điên rồ với người Hy Lạp; Thập giá là một ô nhục với người Do Thái. Thật ra, Thập giá là thách đố đối với tất cả mọi người, những kẻ mang thân phận “người phàm mắt thịt”.

Bởi đó, đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của con người. Thiên Chúa là Thiên Chúa. Con người là thụ tạo.

Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, những người được mời gọi đi vào nẻo được cứu độ “ngược đời tuyệt diệu”. Người thường chọn những cái nghịch lý để làm những điều vĩ đại. Tám mối phúc thật là nghịch lý đối với người đời nhưng lại là Hiến Chương Nước Trời. Chúa Giêsu không đến với sức mạnh bạo lực nhưng với những gì yếu ớt mỏng manh kết tụ nơi Hài Nhi bé nhỏ. Chúa Giêsu cũng kêu gọi những người tầm thường, những người khiêm nhường bé nhỏ. Chính bằng cái mỏng manh bé nhỏ ấy mà Người khơi dậy nơi con người cái chân tâm để rồi tình yêu của Người giúp họ biến đổi để trở nên những rường cột của Giáo hội.

Như thế Chúa nhìn con người với cái nhìn yêu thương, tôn trọng, luôn thấy cái tốt, cái đáng yêu nơi mỗi người cho dù họ nhỏ bé, họ tầm thường. Chính sự bé nhỏ đó mà Chúa biến đổi để nên lớn lao.
Mỗi người chúng ta trong cách nhìn về tha nhân cũng cần học theo gương của Chúa. Đó là cái nhìn về phía đàng trước, về phía tương lai.

Nhiều lần ta khóa chặt anh chị em mình trong quá khứ lỗi lầm. Nhiều khi chỉ vì vài xích mích, vài lỗi lầm trong cuộc sống, nhưng ta lại vịn vào đó mà phủ nhận, mà phán đoán và đánh giá chính họ theo thành kiến của mình. Có người giận Cha xứ mà bỏ Nhà thờ không đi lễ, không xưng tội rước lễ. Có người tâm sự: mọi người coi tôi như một người xấu xa, ai cũng lên án, ai cũng xa lánh, cùng lắm chỉ thương hại, không còn cánh cửa mở ra phía trước cho tôi.

Về mặt xã hội, mấy mươi năm qua cũng có thái độ xét đoán con người như thế. "Chủ nghĩa lý lịch" tạo nên sự kỳ thị khủng khiếp. Biết bao nhân tài bị mai một, không phát huy được tài năng chỉ vì lý lịch. Biết bao kẻ bất tài nhờ lý lịch được thăng quan tiến chức. Khóa chặt con người trong quá khứ, một quá khứ do cha mẹ, do hoàn cảnh xã hội tạo nên. Vì quá khứ ấy mà mà mọi cánh cửa mở ra cho tương lai của xã hội đất nước cũng bị thiệt thòi.

Cho nên xem ra con người ta vẫn hay nhìn lại phía đàng sau hơn là nhìn về phía đàng trước. Trong khi đó, niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngỏ cho tương lai lại thúc bách ta nhìn về phía tương lai.
Nhìn về phía tương lai là không chấp nhận thái độ thất vọng: thất vọng về chính mình, về anh em, về cuộc đời. Nhìn về phía tương lai là thay thế thất vọng bằng niềm tin: tin vào chính mình, tin vào con người, tin vào cuộc đời...Niềm tin gắn liền với hy vọng. Thất vọng như Giuđa nên đã thắt cổ tự vẫn. Hy vọng như Phêrô, đã từng sa ngã và tin vào ơn thứ tha nên tìm lại mùa xuân tâm hồn. Vào một buổi sáng mùa xuân, có hai người mất hy vọng đang đi với nhau, buồn phiền sầu não chán chường mệt mỏi. Nhưng Đấng Hy Vọng đã tới với họ. Người chuyện trò với họ. Hai môn đệ trên đường Emmau quyết định quay về Giêrusalem. Niềm hy vọng làm bừng dậy sức sống mới. Từ đó Đấng Hy Vọng là niềm hạnh phúc cho nhân loại.

Nhìn về phía tương lai là tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngỏ và dẫn đưa chúng ta đi về quê trời dấu yêu, niềm hy vọng tuyệt vời trên hành trình đức tin.

“Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau ...” (Mt 25,32). Sự công bằng luân lý của Thiên Chúa được mạc khải trong các lề luật và xét xử của Ngài. Các giới răn và phán quyết của Chúa là khuôn mẫu của sự công minh. Hình phạt và ân thưởng của Ngài hoàn toàn công bằng. Sự công minh của Chúa không thiên vị. Thật đáng ca ngợi, việc Chúa bênh vực hối nhân và người khốn khổ không được ai bảo vệ. Rốt cuộc, mọi đường lối Chúa phải được coi là chính trực công bình.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con theo đường lối của Người, và chúng con sẽ đi theo ý định của Người. Amen.

 
''Hãy theo Ta''
Lm GB Nguyễn Minh Hùng
07:41 17/01/2018
Chúa Nhật Thứ III Thường Niên Năm B

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi bốn tông đồ đầu tiên theo Chúa. Các ngài là hai cặp anh em: Simon (Phêrô) và Anrê; Giacôbê và Goan. Tất cả đều có nghề nghiệp ổn định: đánh bắt hải sản. Nghĩa là cả bốn tông đồ đều là những người đang làm ra tiền, đang sống tự do với nghề nghiệp. Cả bốn đều có đời sống riêng và có khả năng làm chủ cuộc đời mình...

Nhưng bỗng một ngày Chúa cất tiếng gọi: "Hãy theo Ta". Đi cùng tiếng gọi là lời hứa: "Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Chài lưới người để làm gì? Tại sao không là chài lưới cá, mà lại chài lưới người? Chài lưới người để kiếm tiền thay chài lưới cá sao? Nếu như thế thì phải chăng theo Chúa để lừa đảo kiếm sống?

Lời mời gọi của Chúa Giêsu xem ra khó hiểu. Nếu nghe thoáng qua, lời mời gọi của Chúa chắc chắn sẽ làm người nghe băn khoăn nhiều hơn, khó tin tưởng và càng khó bước theo hơn.

Thế nhưng cả bốn tông đồ, ngay sau khi được Chúa Giêsu mời gọi, đã bỏ lại phía sau tất cả. Cả bốn lập tức bước theo Chúa. Cả bốn lập tức bỏ sự nghiệp. Cả bốn đã nhanh chân "đầu quân" bên Chúa.
Nói như thế, không có nghĩa là các tông đồ nhẹ dạ. Bởi các ngài là những người biết suy nghĩ, khôn ngoan. Ta không thể tìm ra lý do để cho rằng, với những người đang trải nghiệm trong cuộc đời bằng lao động để tìm kế sinh nhai, lại là những người không biết gì, những người ngu muội.

Như vậy, chắc chắn, các tông đồ đã có một hành trình trải nghiệm về Chúa. Các ngài đã từng quen biết Thầy Giêsu và kính nể Người. Bây giờ, đã đến thời điểm Chúa đòi hỏi các ngài phải dứt khoát, phải dấn thân trọn vẹn. Và đây là lúc Chúa hoàn toàn chinh phục các ngài. Các ngài sẵn sàng ra đi theo Chúa, lòng nhẹ tênh, đầy tín thác.

Các ngài hiểu được lời mời gọi: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người" không nhắm vào vật chất, nhưng là lời mời gọi bước vào chân trời vĩnh cửu, một lý tưởng sống không tàn không phai. Họ hiểu Chúa Giêsu mới chính là đích đến, là hạnh phúc trọn vẹn cho cuộc đời, cho sự sống, cho lý tưởng của từng con người.

Chắc chắn, thánh Marcô, khi viết Tin Mừng, đã lược bỏ nhiều chi tiết. Trong ý hướng mà thánh nhân muốn nhấn mạnh, đó là xây dựng ơn gọi của các tông đồ là ơn gọi cấp bách, nhanh chóng, không toan tính, không ngoảnh lại phía sau.

Qua đó, thánh nhân dạy chúng ta bài học của sự đáp lại tiếng Chúa và bước theo Chúa không bao giờ chần chờ, không bao giờ được phép để chậm trễ tích tắc nào. Phải nhanh chóng hết sức để đáp lại tiếng Chúa. Trước lời mời gọi của Chúa, dù là ai, hãy tín thác cả cuộc đời, con người, sự sống, sự nghiệp, gia nghiệp... của mình cho Chúa, chỉ trọn một lòng tiến về phía Chúa, gắn bó cùng Chúa.

Chúa Giêsu vẫn đi ngang qua đời ta mỗi ngày như xưa Người đã đi dọc biển hồ Galilê để gọi các tông đồ. Người thấy ta như đã từng thấy các tông đồ. Chúa thấy ta trước khi ta thấy Chúa. Cái nhìn của Chúa trên ta không làm ta tê liệt vì cái nhìn ấy khơi dậy những năng lực thánh thiêng, làm mạnh mẽ trọn vẹn con người của ta để sáng danh Chúa và cứu độ ta.

Dẫu ta vẫn còn đó những yếu đuối, lỗi lầm, nhưng Chúa đón nhận ta, Chúa thánh hóa ta, tha thứ cho ta, tuôn đổ ơn để ta tiếp tục sống với Chúa. Hãy nhớ: Hạnh phúc cho ai được thấy Thiên Chúa. Nhưng hơn nữa, hạnh phúc cho ai được Thiên Chúa thấy.

Hãy nhanh chóng bước theo Chúa. Hãy chỗi dậy để làm mới cuộc đời của mình bằng cộng tác với ơn Chúa sinh kết quả thánh thiện cho mình, cho muôn người.

Có một điều mà chúng ta luôn phải ghi nhớ: Các tông đồ ngày xưa theo Chúa không hề biết đến tương lai, không hề có bất cứ một bảo đảm nào. Các ngài theo Chúa chỉ mang trong tâm tư của mình lời hứa "Ta sẽ làm cho các người thành những kẻ chài lưới người", rồi cứ thế mà tự ném mình vào vô định, tự ném mình cho lý tưởng Nước Trời.

Ngày nay chúng ta cũng không khác. Đáp lời Chúa, ta hãy ra đi. Ra đi dứt khoát. Ra đi không ngại ngần, dẫu có phải dấn mình vào cuộc tương lai mờ mịt. Nhưng chỉ mang theo một hành trang duy nhất là đặt trọn niềm tín thác vào Đấng yêu thương chúng ta.

Hãy theo Chúa Giêsu trên mỗi chặng đường có khi gập ghềnh, có khi gió bụi nhưng đầy trung kiên, dẫu có phải đối mặt cùng những đanh đá hay điềm đạm, giận dữ hay dịu dàng, chia rẽ hay hiệp nhất, Hận thù hay yêu thương, xa lạ hay huynh đệ, ích kỷ hay rộng lượng, hám danh hay tha thiết phục vụ...

Từng chút một, ta cần thay đổi mình để nên tông đồ của Chúa, dẫu phải chấp nhận đảo lộn đời mình, chấp nhận nghiền nát như tấm bánh, chấp nhận đổ vạ, cáo gian, sống một cuộc sống tử đạo, thậm chí cả cái chết phi lý trên thập giá.

Hãy chỉ mang trong tim một lời nhắn của Chúa: "Hãy theo ta" để làm lẽ sống, làm sức mạnh, làm lý tưởng nhằm vượt thắng tất cả.
 
Sám Hối Và Tin Theo Chúa Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:34 17/01/2018
Suy niệm Chúa Nhật III - Năm B

(Mc 1, 14-20)

Bước vào Chúa Nhật thứ III thường niên, chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan xong, được Gioan giới thiệu cho mọi người biết Người là : " Chiên Thiên Chúa " (Ga 1, 29). Ông bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, một hành động diễn tả sự liên tục giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, với sứ điệp : " Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm " (Mc 1, 14).

Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến

Viên cai ngục của Hêrôđê tra tay bắt Gioan Tẩy Giả tống ngục. Sứ mạng, lời rao giảng cũng như phép rửa của Gioan chấm dứt, thời giờ đã mãn, Đức Giêsu xuất hiện. Không như Gioan, Chúa Giêsu không đến để thay đổi phép rửa thống hối, sứ mệnh của Người là loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Tin Mừng Người loan báo không phải là "tin mới" hay tin mừng như bao tin mừng. Chúa Giêsu nhân danh Thiên Chúa loan báo Tin Mừng, Người chính là Tin Mừng, là Lời Thiên Chúa, Lời cứu rỗi, là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người.

Gioan loan báo thời mới sẽ đến, thời viên mãn. ‘Thời khác’ là chính Chúa Giêsu, thời của Gioan và thời của Chúa Giêsu nối liền với nhau không có sự gián đoạn.

Gioan đã lãnh nhận sức thiêng khi Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giorđan. Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Gioan đổ nước. Chúa Cha chứng nhận Chúa Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài.

Từ " gần đến " phải được hiểu là : " Ở bên anh em ". Người ở giữa chúng ta. Chúa Giêsu đã nói với một viên ký lục khi hỏi Chúa về hai điều răn trọng nhất: " Ngươi không còn xa Nước Thiên Chúa đâu " (Mc 12, 34).

Hãy theo Ta

Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển. Chúa gọi hai ông, biến các ông thành những người cộng tác. Chúa không chỉ ủy thác cho họ một học thuyết, nhưng biến họ, những người lưới cá thành những kẻ lưới người, quăng Lời Chúa vào thế gian để đánh bắt người, đưa người ta lên bờ cho Chúa, đúng như lời Chúa Giêsu nói: "Ta sẽ làm cho các người trở thành những kẻ chài lưới người" (Mc 1, 17).

Giacôbê và Gioan đang xếp lưới trong thuyền với cha mình cùng với các người làm công. Một sự tương phản Marcô đã quan sát và làm nổi bật. Simon và Anrê đã bỏ lưới. Giacôbê và Gioan đã bỏ cha. Hai người con bỏ lại cha với những người đang làm việc không phải vì tình nghĩa con cái hay gia đình, nhưng là vì đồng tiền bát gạo. Marcô sử dụng thuật ngữ " người làm thuê " mà chúng ta dịch là "người làm công". Hai người con " bỏ cha", thay vì ở bên cha, nay thay bằng " theo sau Chúa Giêsu" (x. Mc 1, 20).

Những ngư phủ đến với Chúa Giêsu, đã trở thành những kẻ đánh bắt người như lời Chúa phán : " Này Ta sai ngư phủ đến … và họ sẽ (vung) lưới bắt chúng" (Gr 16, 16). Nếu Chúa sai những người khôn ngoan tới, họ sẽ thuyết phục dân, hoặc bắt lấy dân. Nếu Chúa gửi những người giầu đến, họ sẽ dùng tiền mua chuộc dân và thống trị dân. Nếu Chúa gửi những người khỏe mạnh đến, họ sẽ dùng sức mạnh dụ dỗ dân và cưỡng bức dân bằng bạo lực.

Không có ai trong số các tông đồ là những người ấy. Simon Phêrô là một bằng chứng. Ông nhút nhát, đến nỗi sợ cả một đầy tớ nữ; ông nghèo không có gì, thậm trí cả tiền thuế cũng không có (Mt 17, 24). Phêrô nói: "Bạc vàng tôi không có " (Cv 3,6). Và ông là người ít học, nên từ khi chối Chúa, ông cũng chẳng biết rút ra bài học.

Những kẻ đánh cá được Chúa Giêsu chọn và sai đi, họ ra đi và đã mang lại kết quả mĩ mãn hơn cả những kẻ mạnh, người giầu có và khôn ngoan. Với giáo lý Chúa dạy, họ đã thu hút nhiều người mà không cần bạo lực; phận nghèo khó, họ đã dạy dỗ những kẻ giàu có; là người dốt nát, họ huấn giáo những kẻ khôn ngoan.

Bước theo Chúa Giêsu cần phải sám hối để hiệp nhất

Chúa Giêsu gọi các môn đệ của mình "ăn năn sám hối"(Mc 1, 15). Sám hối là đi từ đời sống tội lỗi sang đời sống con cái Chúa, từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ chán nản đến vui mừng, từ bóng tối ra ánh sáng. "Sám hối vì nước Thiên Chúa đã gần đến" (Mc 1, 15) vẫn luôn có tính chất thời sự của Tin Mừng. Quyết tâm sám hối trở về cùng Chúa là con đường dẫn đưa Giáo Hội đến sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn vào thời kỳ Thiên Chúa thiết định.

Ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta mang vào thế giới sứ điệp sự thật và tình thương của Chúa. Hãy sẵn sàng tham gia vào sứ mạng này và nhất là cầu xin Chúa đừng để những chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu Kitô làm lu mờ khả năng chiếu tỏa của Tin Mừng. Các cuộc gặp gỡ đại kết trong thời gian gần đây gia tăng trên thế giới là một dấu chỉ chứng tỏ điều đó.

Trước giờ Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23/1/2011, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đưa ra lời kêu gọi sau đây : " Ngày nay cũng vậy, để trở thành dấu chỉ và phương thế kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa trong thế giới, các tín hữu Kitô chúng ta phải xây dựng cuộc sống trên 4 cột trụ, đó là: cuộc sống trên nền tảng đức tin của các Tông Ðồ được chuyển lại trong Truyền Thống sinh động của Giáo Hội, tình hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và kinh nguyện. Có thế, Giáo Hội mới được kết hiệp bền vững với Chúa Kitô và chu toàn sứ mạng của mình, dù có những chia rẽ như thánh Phaolô Tông Ðồ nói đến : "Hỡi anh em, tôi khuyên nhủ anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý trong lời nói, để không có sự chia rẽ nơi anh em, nhưng hãy kết hiệp trọn vẹn trong tư tưởng và cảm thức" (1 Cr 1,10). Thực ra thánh nhân đã biết trong cộng đoàn Kitô ở Côrintô, đã nảy sinh những bất thuận và chia rẽ; vì vậy, ngài nghiêm nghị viết thêm rằng: "Phải chăng Chúa Kitô bị chia rẽ sao?" (1,13). Ngài quả quyết mọi chia rẽ trong Giáo hội là làm xúc phạm đến Chúa Kitô, Thủ Lãnh duy nhất và là Chúa, chúng ta luôn luôn có thể tái hiệp nhất, nhờ sức mạnh vô tận của ơn thánh Chúa.

Theo giáo huấn của thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi loại bỏ gương mù chia rẽ nơi chúng ta để mang sứ điệp của Chúa Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho sớm đến ngày Giáo Hội được hoàn toàn hiệp nhất. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Chúa Nhật III Thường Niên
Lm. Anthony Trung Thành
09:35 17/01/2018
Suy Niệm Chúa Nhật III Thường Niên – Năm B

Sám hối là điều kiện cần thiết để được tha thứ tội lỗi và để được vào Nước Trời. Vì thế, sám hối là chủ đề xuyên suốt Kinh Thánh và cũng là chủ đề chính mà Lời Chúa hôm nay đề cập tới.

Bài đọc I, Thiên Chúa mời gọi tiên tri Giona rao giảng về sự sám hối cho thành Ninivê: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi.”(Gn 3,2). Giona đã làm theo lời Chúa dạy, tới Ninivê và rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ.”(Gn 3,4). Nghe lời Giona rao giảng, dân thành Ninivê đã tin tưởng vào Thiên Chúa và quyết tâm sám hối bằng cách: “Công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.” (Gn 3,5). Thấy được sự sám hối chân thành của họ, vì họ bỏ đời sống xấu xa, nên Thiên Chúa đã bỏ ý định phạt họ (x. Gn 3,10).

Bài đọc II, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Conrintô phải có thái độ sống siêu thoát, không dính líu với những của cải vật chất và những thực tại trần gian. Ngài nói:“những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng” (1Cr 7,29-31). Lời mời gọi này xem ra nghịch lý với cuộc sống thông thường nhưng đó lại là sự thật. Bởi vì, mọi sự thuộc thế gian này rồi sẽ qua đi, chỉ có Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài mới tồn tại.

Bài Tin mừng được Thánh Marcô ghi lại về những hoạt động của Đức Giêsu trong thời gian khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài. Đề tài rao giảng của Ngài là mời gọi mọi người sám hối. Ngài nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Đề tài này được Ngài lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt thời gian hoạt động công khai. Tiếp nối sứ mạng của Ngài, suốt hai ngàn năm qua, Giáo hội cũng không ngừng rao giảng và kêu gọi con cái mình thực hành sám hối.

Vậy, sám hối là gì? Công đồng Trentô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải”(DZ.1676). Theo ý công đồng, sám hối không chỉ là thái độ đau buồn, gớm ghét vì tội lỗi đã phạm trong quá khứ, mà còn phải có tâm tình hướng tới tương lai để quyết tâm chừa bỏ tội lỗi, đồng thời phải ra sức làm nhiều việc lành phúc đức. Việc làm này tương tự như người nông dân sau khi làm cỏ ruộng mình. Để cỏ không mọc trở lại, họ cần phải trồng cây khác thế vào đó.

Ai cần phải sám hối ? Tất cả mọi người, vì đã là con người thì ai cũng có tội. Ngạn ngữ La tinh có câu : “errare humanum est”, nghĩa là : con người là sai lầm. Thánh Gioan Tông Đồ thì nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.”(1Ga 1,8). Vì thế, để được tha tội, để được vào Nước trời thì cần phải sám hối. Một hôm Satan kêu trách Chúa rằng : “Chúa thật là bất công ! Cụ thể là có rất nhiều kẻ phạm đủ thứ tội ác, thế mà Ngài vẫn hay tha tội cho chúng. Có nhiều kẻ sa đi ngã lại nhiều lần cùng một thứ tội, mà khi chúng ăn năn sám hối thì Ngài vẫn tha thứ cho chúng. Còn tôi, tôi chỉ phạm tội không vâng lời Ngài duy chỉ một lần, thế mà Ngài kết án phạt tôi phải hoả ngục đời đời, và không bao giờ tha thứ cho tôi.” Bấy giờ Thiên Chúa ôn tồn nói với Satan rằng : “Sở dĩ Ta tha tội cho con cái loài người tội lỗi vì chúng khiêm tốn nhận mình là kẻ có tội, và hồi tâm sám hối, quyết tâm canh tân đời sống. Còn ngươi, từ ngày ngươi phạm tội kiêu ngạo bất tuân lời Ta và bị phạt trong hoả ngục đến nay, đã có bao giờ ngươi khiêm nhường nhận lỗi và hồi tâm sám hối để xin Ta tha thứ cho ngươi hay chưa?”

Để sám hối cần phải nhận ra tội lỗi của mình : Tội là sự xấu xa làm cho ta mất liên lạc với Chúa và tha nhân. Tội có thể trong tử tưởng, lời nói hoặc việc làm. Để sám hối, hối nhân phải ý thức và chấp nhận mình có tội như nội dung Kinh Thú Nhận :“lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” Nhưng trong thực tế, để nhận ra tội lỗi của mình không phải là chuyện dễ dàng. Con người thường có khuynh hướng đổ lỗi cho kẻ khác. Ngày xưa, ông Adong đã đổ tội cho bà Evà. Bà Evà lại đổ tội cho con rắn. Ngày hôm nay, cha mẹ - con cái, vợ - chồng, cấp trên – cấp dưới, ngày này – người khác…thường đổ lỗi cho nhau. Ít khi người ta can đảm để nhận trách nhiệm về mình. Vì cái tôi của người ta lớn quá. Vì người ta mất ý thức về tội. Vì vậy, người ta khó thực hành việc sám hối ăn năn.

Để nhận ra tội lỗi của mình cần phải biết sống khiêm nhường : Khiêm nhường như người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, ông đứng xa xa, đấm ngực ăn năn và thưa với Chúa : “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”(x. Lc 18,13) ; Khiêm nhường như ông Giakêu : đường đường là một thủ lĩnh thu thuế, nhưng ông không ngại “trèo lên” cây sung để được nhìn thấy Đức Giêsu và ông cũng không ngại “tụt xuống” để mong muốn được gặp Ngài. Khi gặp được Đức Giêsu thì ông đã quyết tâm từ bỏ nghề cũ, thực thi bác ái bằng cách chia nữa tài sản của mình cho người nghèo và đền trả gấp bốn những gì ông làm thiệt hại cho kẻ khác (x. Lc 14,1-10) ; Khiêm nhường như Phêrô, sau khi chối Chúa, nghe tiếng gà gáy, nhớ lại lời Chúa, ông đã ra ngoài khóc lóc thảm thiết (x. Lc 22,60-62). Khiêm nhường như kẻ trộm lành đã nhận ra tội lỗi của mình và xin Chúa thứ tha (x. Lc 23, 40-43) ; Khiêm nhường như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Ngài luôn xác nhận rằng: “Tôi là người tội lỗi.”

Vâng, chúng ta là người tội lỗi, nên chúng ta cần phải sám hối để được Chúa tha tội và được vào Thiên đàng. Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi tiếp tục đi rao truyền Lời Chúa để cho mọi người được sám hối như lời mời gọi của Đức Giêsu đối với bốn môn đệ đầu tiên: “Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người”(Mc 1,17).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết khiêm nhường nhận ra tội lỗi của mình và hết lòng sám hối ăn năn. Đồng thời, xin Chúa cho chúng con biết noi gương các Tông đồ tiếp tục ra đi rao giảng sự sám hối cho muôn dân. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh Chile, nguyên văn bài diễn văn của ngài
Vũ Văn An
00:46 17/01/2018


Theo tin Zenit, ngày 16 tháng 1, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, nam nữ tu sĩ, các người tận hiến và chủng sinh Chile tại nhà thờ chính tòa Santiago. Ngài nói tới 3 giờ phút quan trọng trong kinh nghiệm của Thánh Phêrô và của cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi: ngã lòng, được tỏ lòng thương xót, được hiển dung.

Sau đây là bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng:

Anh chị em thân mến

Tôi vui mừng được gặp anh chị em. Tôi thích lối Đức Hồng Y Ezzati giới thiệu anh chị em: Đây họ là… các người nam nữ tận hiến, các linh mục, các phó tế vĩnh viễn, và các chủng sinh. Lối này làm tôi nghĩ đến ngày chúng ta chịu chức hay tận hiến, lúc, sau khi được giới thiệu, mỗi người chúng ta thưa: “Lạy Chúa, đây con đây để làm theo ý Chúa”. Trong cuộc gặp mặt này, chúng ta muốn thưa với Chúa: “đây chúng con đây”, và lặp lại tiếng “xin vâng” của chúng ta cho Người nghe. Chúng ta muốn cùng nhau lặp lại lời đáp lại ơn gọi mà một ngày nào đó đã chiếm hữu tâm hồn ta một cách bất ngờ.

Tôi nghĩ điều có ích cho ta là bắt đầu với đoạn Tin Mừng ta vừa nghe và chia sẻ 3 giờ phút quan trọng từng được Thánh Phêrô và cộng đồng đầu tiên cảm nghiệm: Thánh Phêrô và cộng đồng ngã lòng, Thánh Phêrô và cộng đồng được tỏ lòng thương xót, và Thánh Phêrô và cộng đồng được hiển dung. Tôi chơi chữ khi cặp đôi Thánh Phêrô và cộng đồng vì quả đời sống các tông đồ có hai chiều kích sau đây, chiều kích bản thân và chiều kích cộng đồng. Hai chiều kích này đi đôi với nhau và ta không thể tách rời chúng được. Chúng ta được kêu gọi từng cá nhân nhưng luôn là thành phần của một nhóm lớn hơn. Nói về ơn gọi, không có gì có thể gọi là tự xướng (selfie)! Ơn gọi đòi hỏi một ai khác lấy hình của anh chị em, và đó là điều chúng ta sắp sửa làm!

1. Thánh Phêrô ngã lòng

Tôi luôn thích cách các sách Tin Mừng không tô điểm hay làm nhẹ sự việc hay sơn phết chúng bằng những mầu sắc ưa nhìn. Các sách này cho ta thấy đời sống y như nó là chứ không như nó nên là. Tin Mừng vốn không sợ cho chúng ta thấy những giờ phút khó khăn, và thậm chí căng thẳng, mà các môn đệ từng trải nghiệm.

Chúng ta hãy dựng lại cảnh tượng. Chúa Giêsu đã bị giết, nhưng một số phụ nữ cho hay Người vẫn đang sống (Lc 24:22-24). Mà ngay cả sau khi đã được nhìn thấy Chúa Giêsu sống lại, biến cố này có tác động mạnh mẽ đến độ phải có thì giờ họ mới có thể hiểu hết những gì đã xẩy ra. Cái hiểu này sẽ đến với các ông vào ngày Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần được sai đến. Việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh cần có thời gian mới tìm được chỗ đứng trong tâm hồn các môn đệ.

Các môn đệ về nhà. Họ trở lại làm những gì họ biết cách làm: đánh cá. Không phải tất cả, nhưng chỉ một số người. Họ có chia rẽ không? Có bị phân mảnh hay không? Chúng ta không biết. Thánh Kinh cho chúng ta hay: những người đi đánh cá chẳng bắt được chi. Lưới của họ trống không.

Thế nhưng một thứ trống rỗng khác vốn đè nặng tâm hồn họ một cách vô thức: nỗi thất vọng và rối bời trước cái chết của Thầy. Người không còn nữa; Người đã bị đóng đinh. Nhưng không phải chỉ có Người bị đóng đinh, cả họ cũng bị đóng đinh, vì cái chết của Chúa Giêsu làm nổi lên cả một cơn gió lốc tranh chấp trong tâm hồn các bằng hữu của Người. Thánh Phêrô vốn bác bỏ Người; Giuđa thì phản bội Người; các môn đệ khác thì trốn chạy và đi ẩn núp. Chỉ một nhúm phụ nữ và người đầy tớ yêu qúy ở lại mà thôi. Còn ai cũng trốn cả. Trong ít ngày, mọi chuyện đều tan vỡ. Đó là những giờ phút thất vọng và rối bời trong đời sống người môn đệ. Có những lúc “khi bão tố bách hại, khổ não, nghi ngại, và vân vân, nổi lên bởi các biến cố văn hóa và lịch sử, khó mà tìm ra đường phải theo. Những lúc ấy có các cơn cám dỗ riêng của chúng: cám dỗ tranh biện các ý tưởng, tránh các vấn đề hiện có, quá quan tâm đến kẻ thù của chúng ta… Và tôi tin rằng cơn cám dỗ tệ nhất là cứ loay hoay mãi trong nỗi bất hạnh của chính ta”. [1] Đúng vậy, cứ loay hoay trong nỗi bất hạnh của mình.

h

Như Đức Hồng Y Ezzati đã nói với chúng ta, “chức linh mục và đời sống tận hiến ở Chile đã chịu đựng và còn tiếp tục chịu đựng nhiều thời kỳ khó khăn gồm đủ rối loạn và thách thức quan trọng. Bên cạnh lòng trung thành của đại đa số, đả nẩy sinh nhiều thứ cỏ dại sự ác và những hậu quả tai tiếng cũng như đào ngũ của chúng”.

Thời kỳ rối loạn. Tôi biết nỗi đau do các vụ lạm dụng vị thành niên gây ra và tôi lưu ý tới những gì anh chị em đang làm để giải quyết sự ác lớn lao và gây đau đớn này. Gây đau đớn vì sự tai hại và đau khổ của các nạn nhân và gia đình họ, những người thấy niềm tin họ đặt nơi các thừa tác viên của Giáo Hội đã bị phản bội. Gây đau đớn cũng vì sự đau khổ của các cộng đồng giáo hội, nhưng cũng gây đau đớn cho anh chị em, các anh chị em của tôi đây, những người, sau khi vất vả như thế, chỉ để thấy sự tai hại dẫn đến nghi ngờ và tra vấn; nơi một số hay nhiều anh chị em, điều này trờ thành nguồn nghi ngại, sợ sệt và thiếu tin tưởng. Tôi biết có lúc anh chị em còn bị nhục mạ ngay trong đường xe điện ngầm hay khi đang đi ở ngoài phố và đi quanh quẩn với chiếc áo giáo sĩ ở nhiều nơi, anh em còn phải trả một giá rất đắt. Vì thế, tôi đề nghị chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta sự sáng suốt để gọi thực tại bằng chính tên của nó, sức mạnh để xin tha thứ và khả năng lắng nghe điều Người muốn nói với chúng ta.

Có một điều khác tôi muốn nhắc tới. Các xã hội chúng ta đang thay đổi. Chile ngày nay rất khác với điều tôi biết lúc còn trẻ, khi tôi còn đi học. Các phát biểu văn hóa mới và khác đang phát sinh không hẳn thích hợp với các khuôn mẫu quen thuộc. Chúng ta phải hiểu ra rằng nhiều lúc, chúng ta không biết phải đương đầu ra sao với những tình huống mới này. Đôi khi chúng ta mơ có “những nồi thịt Ai Cập” mà quên mất rằng đất hứa đang nằm trước mặt ta, lời hứa có phải về hôm qua đâu mà là về tương lai. Chúng ta có thể sa vào cơn cám dỗ tự khép kín, tự cô lập mình và bảo vệ lối nhìn sự vật của mình, một lối nhìn sau đó trở thành không hơn không kém những cuộc độc thoại tinh tế. Chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng mọi chuyện đều sai lầm, và thay vì “tin mừng”, chuyện duy nhất chúng ta tuyên xưng lại là lãnh cảm và thất vọng. Kết quả, chúng ta nhắm mắt trước các thách thức mục vụ, nghĩ rằng Thần Trí chẳng có gì để nói về chúng. Bằng cách này, ta đã quên rằng Tin Mừng là một cuộc hành trình hồi tâm, không phải chỉ cho người khác mà còn cho cả chúng ta nữa.

Bất kể thích hay không, chúng ta đã được kêu gọi trực diện với thực tại như nó là, thực tại của bản thân ta và thực tại của các cộng đồng và xã hội ta. Các môn đệ bảo lưới trống rỗng, và chúng ta có thể hiểu tâm tư của họ. Họ về nhà mà chẳng có chi lớn lao đáng kể lại; họ trở về tay không; họ trở về não lòng thất vọng.

Điều gì đã xẩy ra cho những môn đệ mạnh mẽ, hăng hái và cao thượng này, những người thấy mình được chọn lựa và đã để lại mọi sự cho chúng ta bước chân theo Chúa Giêsu (xem Mt 1:16-20)? Điều gì đã xẩy ra cho các môn đệ vốn rất tin ở chính mình này đến nỗi đã sẵn sàng vào tù và thậm chí hy sinh tính mạng vì Thầy (xem Lc 22:33), những người để bênh vực Người, họ đã muốn sai lửa tới thiêu rụi trần gian (xem Lc 9:54). Vì Người họ đã rút gươm khỏi vỏ và chiến đấu (xem Lc 22:49-51)? Điều gì đã xẩy ra cho Thánh Phêrô người đã trách Thầy về cách phải sống đời mình ra sao (xem Mc 8:31-33)?

2. Thánh Phêrô được tỏ lòng thương xót

Đây là giờ phút sự thật trong đời sống cộng đồng tiên khởi. Đây là lúc để Thánh Phêrô phải trực diện với một phần con người của ngài. Phần mà nhiều lúc ngài không muốn nhìn. Ngài từng cảm nhận sự giới hạn của mình, sự yếu đuối của mình và cả tính tội lệ của mình nữa. Thánh Phêrô, người nóng nẩy, một lãnh tụ và người cứu vớt đầy xung động, tự mãn và quá ư tự tin vào chính mình và các khả năng của mình, đã phải thú nhận điểm yếu và tội lỗi của mình. Ngài là người có tội y như mọi người khác, cũng thiếu thốn như nhiều người khác, cũng mỏng manh như bất cứ ai khác. Thánh Phêrô đã thất hứa với Đấng ngài hứa sẽ bảo vệ. Đây là giây phút chủ chốt trong đời Thánh Phêrô. Là các môn đệ, là Giáo Hội, ta có thể có cùng một cảm nghiệm: có những thời điểm ta phải đối diện không những với các thành công mà cả các yếu đuối của ta nữa. Các thời điểm chủ chốt trong đời sống người môn đệ, nhưng cũng là các thời điểm một tông đồ được sinh ra. Ta hãy để bản văn hướng dẫn ta.

“Khi họ ăn xong bữa sáng, Chúa Giêsu nói với Simon Phêrô, ‘Này Simon, con Gioan, con có yêu Thầy hơn các người này không?’” (Ga 21:15).

Sau khi họ ăn uống, Chúa Giêsu nói riêng với Thánh Phêrô và lời lẽ duy nhất của Người là một câu hỏi, một câu hỏi về tình yêu: Con có yêu Thầy không? Chúa Giêsu không trách cứ cũng không lên án. Điều duy nhất Người muốn làm là cứu Phêrô. Người muốn cứu ngài khỏi nguy cơ cứ mãi khép kín trong tội lỗi của ngài, không ngừng loay hoay với hối hận vì sự mỏng manh của ngài, nguy cơ đầu hàng, vì sự mỏng manh kia, vì mọi sự tốt lành ngài từng có với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn cứu ngài khỏi việc tự lấy mình làm trung tâm và tự cô lập. Người muốn cứu ngài khỏi thái độ tự hủy biến mình thành nạn nhân hay nghĩ “đâu có quan hệ gì”, một thái độ làm nhụt bất cứ cam kết nào và kết cục sẽ rơi vào thứ chủ nghĩa tương đối tồi tệ nhất. Chúa Giêsu muốn giải thoát ngài khỏi nhìn người đối lập như kẻ thù và buồn lòng vì bị chống đối và chỉ trích. Người muốn giải thoát ngài khỏi bị nản lòng thất vọng, và trên hết, khỏi bị tiêu cực. Qua câu hỏi này, Chúa Giêsu yêu cầu Thánh Phêrô lắng nghe lòng mình và học cách biện phân. Vì “Đường lối của Thiên Chúa không phải là bênh vực sự thật mà hại tới đức ái, hay bênh vực đức ái mà hại tới sự thật, hay làm xuôi chẩy sự việc mà hại tới cả hai. Chúa Giêsu muốn tránh biến Phêrô thành một người làm mếch lòng người khác bằng cách nói sự thật hay tử tế với người khác bằng cach nói dối hay chỉ là một người bị tê liệt bởi chính sự không biết chắc của mình”, [2] như có thể xẩy ra với chúng ta trong cùng một hoàn cảnh.

Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô về tình yêu và tiếp tục hỏi ngài cho tới khi ngài trình Người một câu đáp có tính thực tiễn: “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự; Thầy biết con yêu Thầy” (Ga 21:17). Nhờ cách này, Chúa Giêsu đã xác nhận ngài trong sứ vụ của ngài. Bằng cách này, Người biến ngài vĩnh viễn thành tông đồ của Người. Điều gì xác nhận Thánh Phêrô là một tông đồ? Điều gì nâng đỡ chúng ta như những tông đồ? Chỉ một điều này mà thôi: là chúng ta “nhận được lòng thương xót” (1Tm 1:12-16). “Vì mọi tội lỗi của ta, mọi giới hạn của ta, mọi sai phạm của ta, mọi giây phút ta sa ngã, Chúa Giêsu đã đoái nhìn ta và lại gần ta. Người đã chìa bàn tay Người cho ta và biểu lộ lòng thương xót với ta. Mọi người chúng ta có thể nghĩ lại và nhớ lại nhiều lần Chúa đã đoái nhìn ta, tiến lại gần và tỏ lòng thương xót với ta”. [3] Chúng ta không ở đây vì chúng ta tốt hơn những người khác; chúng ta không phải là những siêu anh hùng từ trên cao cúi xuống gặp gỡ những người chỉ là tử sinh. Đúng hơn, chúng ta được sai đi như những người nam nữ biết mình được tha thứ. Đó chính là nguồn vui của chúng ta. Chúng ta là người thánh hiến, là các mục tử lấy khuôn mẫu là Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết và sống lại. Người đàn ông hay người đàn bà thánh hiến coi các vết thương của mình như những dấu chỉ phục sinh; thấy sức mạnh phục sinh trong các thương tích của thế giới này; giống Chúa Giêsu, họ không gặp gỡ anh chị em mình để trách móc và lên án.

Chúa Giêsu Kitô không hiện ra với các môn đệ mà lại không có các thương tích; những thương tích này giúp Thánh Tôma tuyên xưng đức tin của ngài. Chúng ta không bị yêu cầu phải làm ngơ hay che dấu các vết thương của mình. Một giáo hội có các vết thương có thể hiểu các vết thương của thế giới hôm nay và biến chúng thành các vết thương của mình, chịu đau khổ với họ, đồng hành với họ và tìm cách chữa lành cho họ. Một Giáo Hội bị thương sẽ không lấy mình làm tâm điểm mọi sự, không tin là mình hoàn hảo, nhưng đặt vào tâm điểm mình Đấng có thể chữa lành các vết thương này, Đấng có tên là Giêsu Kitô.

Biết mình bị thương sẽ giải thoát ta. Đúng thế, nó giải thoát ta khỏi trở thành tự qui chiếu và nghĩ mình hay hơn người khác. Nó giải thoát ta khỏi khuynh hướng Prômêthê của “những người tối hậu chỉ tin tưởng vào các năng lực của riêng mình và cảm thấy cao hơn những người khác vì mình giữ các luật lệ nào đó hoặc tuyệt đối trung thành với một phong thái Công Giáo nào đó của quá khứ”. [4]

Nơi Chúa Giêsu, các vết thương của ta sẽ chỗi dậy. Chúng gợi hứng cho tình liên đới; chúng giúp chúng ta giật sập các bức tường vốn giam hãm chúng ta trong chủ nghĩa ưu tuyển và chúng kích thích ta xây dựng những cây cầu và gặp gỡ tất cả những ai mong ước thứ tình yêu thương xót mà chỉ Chúa Kitô mới có thể ban. “Chúng ta thường mơ ước xiết bao các dự án tông đồ lớn lao, được lên kế hoạch tỉ mỉ, giống hệt mấy ông tướng bại trận! Nhưng như thế là bác bỏ lịch sử chúng ta như một Giáo Hội, một Giáo Hội vinh quang chỉ là vì có một lịch sử hy sinh, hy vọng và chiến đấu hàng ngày, lịch sử các đời sống tận tụy phục vụ và trung thành làm việc, dù mệt mỏi, vì mọi công việc ‘đều phải toát mồ hôi trán’”. [5] Tôi lo ngại khi thấy các cộng đồng lo lắng về hình ảnh, về việc chiếm không gian, về vẻ bề ngoài và tiếng tăm nhiều hơn là ra ngoài tiếp xúc với sự đau khổ của các tín hữu chúng ta. Lời cảnh cáo do một vị thánh Chile nói ra sao sâu sắc và thông sáng quá: “Mọi phương pháp ấy sẽ thất bại khi được áp đặt một cách nhất thể, khi đem chúng ta tới với Thiên Chúa bằng cách làm ta quên khuấy anh chị em chúng ta, khiến chúng ta nhắm mắt trước vũ trụ thay vì dạy chúng ta mở chúng ra và nâng mọi sự lên cùng Đấng Tạo Dựng ra tất cả, khiến chúng ta vị kỷ và tự khép kín vào chính mình”.[6]

Dân Thiên Chúa không mong chờ cũng không cần chúng ta trở thành các siêu anh hùng. Họ mong chờ các mục tử, những người thánh hiến, biết thế nào là cảm thương, có thể chìa bàn tay giúp đỡ, có thể dành thì giờ với những người sa ngã và, giống Chúa Giêsu, giúp họ vùng ra khỏi sự hối tiếc khôn nguôi vốn chuốc độc linh hồn.

3. Thánh Phêrô được hiển dung

Chúa Giêsu yêu cầu Thánh Phêrô biện phân, và rồi các biến cố trong đời Thánh Phêrô tự nhiên ăn khớp với nhau, như cử chỉ rửa chân đầy tính tiên tri. Thánh Phêrô, người phản đối để chân mình được rửa ráy, nay bắt đầu hiểu rằng sự cao cả đích thực phát xuất từ việc sống thấp hèn và làm tôi tớ. [7] Chúa chúng ta là một ông thầy tốt lành xiết bao! Cử chỉ tiên tri của Chúa Giêsu hướng về một Giáo Hội tiên tri, một Giáo Hội, khi đã được rửa sạch tội lỗi của mình, chẳng sợ hãi gì mà không ra ngoài để phục vụ một nhân loại bị thương tích. Thánh Phêrô cảm nghiệm trong thân xác ngài vết thương tội lỗi, nhưng cả vết thương các giới hạn và yếu đuối của mình. Thế nhưng, ngài học được nơi Chúa Giêsu rằng các thương tích của ngài là đường dẫn đến phục sinh. Biết cả Phêrô thất vọng lẫn Phêrô hiển dung là một lời mời từ một Giáo Hội bất hạnh và thất vọng bước qua một Giáo Hội phục vụ tất cả những ai bất hạnh và thất vọng giữa chúng ta. Một Giáo Hội có khả năng phục vụ Chúa mình nơi những người đói ăn, bị cầm tù, khát uống, không nhà, trần truồng và yếu đau…(Mt 25:35). Một phục vụ không hề liên quan gì tới não trạng an sinh (welfare) hay thái độ cha chú (paternalism), nhưng đúng hơn liên quan với việc hồi hướng các tâm hồn. Vấn đề không phải là nuôi ăn người nghèo, mặc quần áo cho người trần truồng và thăm viếng bệnh nhân, nhưng đúng hơn là nhìn nhận người nghèo, người trần truồng, người yếu đau, tù nhân và người không nhà cũng có phẩm giá ngồi chung bàn với ta, cảm thấy “như ở nhà” với chúng ta, cảm thấy là thành phần của một gia đình. Đây là một dấu hiệu chỉ ra rằng nước trời đang ở giữa chúng ta. Đây là dấu chỉ một Giáo Hội bị thương bởi tội, được Chúa tỏ lòng thương xót, nay trở thành tiên tri nhờ ơn gọi của Người.

Làm mới lại việc tiên tri trên là làm mới lại cam kết của ta không mong chờ một thế giới lý tưởng, một cộng đồng lý tưởng hay một môn đệ lý tưởng để có thể sống và truyền giảng Tin Mừng, nhưng đúng hơn làm mọi người thất vọng gặp gỡ Chúa Giêsu. Người ta không yêu các tình huống lý tưởng hay các cộng đồng lý tưởng; người ta yêu những con người. Việc nhìn nhận một cách thành thực, đầy hối hận và đầy cầu nguyện các giới hạn của ta, thay vì làm chúng ta ra xa Chúa, thì thực ra giúp ta khả năng trở về với Chua Giêsu vì biết rằng “với tính mới mẻ của Người, Người luôn có khả năng đổi mới đời ta và các cộng đồng ta, và cho dù sứ điệp Kitô có những thời kỳ đen tối và yếu ớt trong Giáo Hội, nó sẽ không bao giờ bị già cũ… Bất cứ lúc nào ta cố gắng trở về nguồn cội và tái khám phá ra sự tươi mát nguyên thủy của Tin Mừng, đều xuất hiện những đại lộ mới, những ngả đường mới đầy sáng tạo sẽ mở ra, với nhiều hình thức phát biểu khác nhau, nhiều dấu chỉ hùng hồn hơn và nhiều lời lẽ với ý nghĩa mới cho thế giới ngày nay”. [8] Sẽ tốt dường bao nếu mọi người chúng ta để cho Chúa Giêsu đổi mới cõi lòng ta. Lúc buổi gặp gỡ này mới bắt đầu, tôi nói với anh chị em rằng chúng ta đến đây để đổi mới lời “xin vâng” của chúng ta, một cách hào hứng, say sưa. Chúng ta muốn đổi mới lời “xin vâng” của mình, nhưng phải là lời “xin vâng” thực tiễn, được nâng đỡ bởi ánh mắt Chúa Giêsu. Khi anh chị em trở về nhà, tôi xin anh chị em soạn trong tâm hồn anh chị em một chúc thư thiêng liêng, theo đường hướng của Đức Hồng Y Raúl Silva Henríquez và lời cầu nguyện rất đẹp đẽ của ngài, lời cầu nguyện bắt đầu như sau: “Giáo Hội mà con yêu mến là Giáo Hội thánh thiện hàng ngày… Của Chúa, của con, Giáo Hội thánh thiện của mỗi ngày… “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng, bánh ăn, Thánh Thể, nhiệm thể khiêm nhường của Chúa Kitô mỗi ngày. Với các gương mặt người nghèo, các gương mặt các người nam nữ ca hát, chiến đấu, chịu đau khổ. Giáo Hội thánh thiện mỗi ngày.”

Anh chị em muốn thứ Giáo Hội nào? Anh chị em có yêu Giáo Hội bị thương tích đang gặp gỡ sự sống trong thương tích của Chúa Giêsu không? Cám ơn anh chị em vì buổi gặp gỡ này. Cám ơn anh chị em vì cơ hội được nói lời “xin vâng” một lần nữa với anh chị em. Xin Đức Mẹ Núi Cát Minh che chở anh chị em dưới tà áo ngài. Xin anh chị em vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi.

_______________________

[1] Jorge M. Bergoglio, Las Cartas de la tribulación, xuất bản lần 9. Diego de Torres, Buenos Aires, 1987.

[2] Ibid.

[3] Sứ Điệp Video gửi CELAM dịp Năm Thánh Đặc biệt về Lòng Thương Xót ở Lục Địa Mỹ Châu, 27 tháng Tám 2016.

[4] Tông Huấn Evangelii Gaudium, 94.

[5] Ibid., 96.

[6] Thánh ALBERTO HURTADO, Diễn Từ với Giới Trẻ của Công Giáo Tiến Hành, 1943.

[7] “Ai muốn là người trước hết phải là người chót hết và phục vụ mọi người” (Mc 9:35). BOLLETTINO N. 0033 – 16.01.2018 18

[8] Tông huấn Evangelii Gaudium, 11.

[00055-EN.01] [Nguyên bản: tiếng Tây Ban Nha]

© Libreria Editrice Vatican

 
Hoa Kỳ có thêm một vương cung thánh đường mới: nhà thờ St Mary ở Old Town Alexandria, Virginia.
Trần Mạnh Trác
16:02 17/01/2018
Khác với các vương cung thánh đường ở những nơi khác, thường là những công trình kiến trúc nguy nga vĩ đại, ngôi nhà thờ cuả giáo xứ St Mary ở Old Town Alexandria, Virginia, là một thánh đường nhỏ, kiến trúc đơn sơ kiểu thời Thuộc Điạ, và nằm xa trung tâm thị tứ Washington DC-Arlington khoảng 10 dậm về phiá Nam (16km).

Ngày 14/1/2018 vừa qua ngôi nhà thờ này đã được nâng lên hàng tiểu vương cung thánh đường (minor basilica) và từ nay người ta sẽ không viết bảng hiệu là nhà thờ giáo xứ St Mary nữa và sẽ phải viết là Vương Cung Thánh Đường cuả Đức Thánh Maria (The Basilica of Saint Mary).

Sự thay đổi về danh xưng chỉ là một trong nhiều chi tiết bề ngoài cuả một vương cung thánh đường, những chi tiết khác là ở bên phải cuả cung thánh, sẽ luôn có một chiếc lọng hai màu vàng đỏ gọi là umbraculum và một cây trượng có treo một chiếc chuông vàng gọi là tintinnabulum.

Chiếc lọng làm bằng nhung nếu là một đại vương cung thánh đường và bằng luạ trong trường hợp một tiểu vương cung thánh đường, sẽ chỉ được mở ra khi có vị cha chung là Đức Giáo Hoàng đến viếng thăm.

Cũng vậy, cây trượng có chuông vàng sẽ dẫn đường cho đoàn rước khi có ĐGH tham dự. Cả hai cây lọng và cây trượng đều có mang dấu ấn cuả Vương Toà Thánh Phêrô, những vật dụng quan trọng khác cuả VCTĐ từ nay cũng được phép in lên dấu hiệu cuả ĐGH.

Những chi tiết (lẩm cẩm) ấy là những di tích ‘lễ tân’ còn xót lại từ thời Trung Cổ nhưng vẫn được duy trì vì chúng biểu hiện cho một thân thế rất đặc biệt của ngôi nhà thờ và cuả cộng đoàn giáo xứ, đó là sự liên hệ mật thiết và trực tiếp với Đức Gíao Hoàng.

VCTĐ Saint Mary là một trong 84 VCTĐ ở Hoa Kỳ, là VCTĐ đầu tiên cuả giáo phận Arlington.

Khắp thế giới có gần 1.800 Tiểu VCTĐ, và 4 Đại VCTĐ ở Rome.

Khi Đức Giám Mục Michael Burbidge của Arlington công bố về quyết định cuả Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích (Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments) vào lễ 8 h 30 sáng, cộng đoàn giáo dân đã vỡ oà lên bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt.

"Trong Giáo Hội Công Giáo của chúng ta, điều này thực sự là một tin tuyệt vời, và nó là kết quả cuả một quá trình rất kỹ lưỡng," ĐGM Burbidge nói. Ngài cũng nói đùa rằng cha xứ Edward Hathaway đã xin ngài ký giấy cho phép theo đuổi tiến trình này chỉ "khoảng ba phút" sau khi ngài được thăng lên làm giám mục Arlington hồi cuối năm ngoái.

ĐGM Burbidge nhấn mạnh rằng đây là một vinh dự to lớn cho giáo xứ St Mary bởi vì tầm quan trọng của nó trong cộng đồng giáo hội Hoa Kỳ, và lịch sử của nó mang nhiều ý nghĩa trong lịch sử quốc gia cuả Hoa Kỳ.

Giáo xứ được thành lập năm 1795 vào lúc mà đạo Công Giáo chịu rất nhiều hạn chế tại Virginia, như là việc người Công Giáo bị cấm bỏ phiếu hoặc nắm giữ những chức vụ công cộng. Dù thế một trong những nhà tài trợ đầu tiên đóng góp vào quĩ xây nhà thờ là ông tổng thống George Washington, ông không phải là người Công Giáo, nhưng qua người phụ tá có đạo cuả ông là đại tá John Fitzgerald, vị tổng thống đã biếu tặng cho giáo xứ một số tiền tương đương với $1,200 tính theo thời giá ngày hôm nay.

Mảnh đất đầu tiên cuả ngôi nhà thờ cũ nay trở thành nghĩa trang của giáo xứ, ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng lại từ năm 1810, và khánh thành năm 1827.

Giáo xứ Saint Mary sẽ ăn mừng kỷ niệm thứ 220 vào năm 2020.
 
Giới thiệu vài nét về Chí Lợi và Peru
Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng
17:31 17/01/2018
 
Hàng trăm bạn trẻ phi ngựa 300km từ giáo phận Calama đến gặp Đức Thánh Cha
Khắc Thái
17:33 17/01/2018
 
Tin ghi nhanh của Associated Press về ngày đầy đủ thứ hai của Đức Phanxicô tại Chile
Vũ Văn An
18:59 17/01/2018
Hãng tin Associated Press cho đăng tải nhiều tấm hình liên quan xa gần đến ngày đầy đủ thứ hai của Đức Phanxicô tại Peru.

Tấm hình đầu tiên cho thấy cảnh sát đang đặt rào cản an ninh chuẩn bị đón tiếp Đức Phanxicô tới Căn Cứ Không Quân Maquehue, ở Temuco, Chile, ngày thứ Tư, 17 tháng 1, 2018. Đức Phanxicô tới tâm điểm cuộc tranh chấp hàng thế kỷ qua của Chile với người bản địa để cử hành Thánh Lễ tại địa điểm này, cũng lả mảnh đất tranh chấp và trước đây vốn được dùng làm nơi giam giữ vả tra tấn thời độc tài quân phiệt đẫm máu.

Tấm hình thứ hai cho thấy biểu ngữ hoan hô Đức Phanxicô phản chiếu nơi cặp kính mát của một phụ nữ đang đứng đợi ngài tới Căn Cứ Không Quân.

Tấm hình thứ ba chụp dân chúng, một số mang cờ Á Căn Đình, đang đi bộ tới Căn Cứ Maquehue nơi Đức Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ ngoài trời.

Tấm hình thứ tư chụp Đức Phanxicô đang tới Căn Cứ trên giáo hoàng xa. Các nhà lãnh đạo của cả nhóm Mapuche lẫn chính phủ Chile đều tỏ hy vọng Đức Phanxicô sẽ có thể môi giới cuộc đối thoại. Cuộc tranh chấp của họ đã bắt đầu từ thế kỷ 19, khi quân đội Chile đánh bại người Mapuche, là những người từng mãnh liệt chống lại các người lập nghiệp Tây Ban Nha và Âu Châu khác trong nhiều thế kỷ.

Sau đây là bản tin ghi nhanh của A.P. theo giờ Santiago

10:05 giờ sáng

Đức Phanxicô đang chuẩn bị cử hành Thánh Lễ tại một khu vực vốn tượng trưng cho cuộc tranh chấp lâu hàng thế kỷ với người bản địa.

Căn cứ Không Quân Maquehue ở Temuco được xây dựng trên đất lấy của người bản địa Mapuche đầu thế kỷ 20.

Nó cũng đã được dùng làm trung tâm giam giữ trong các năm 1973-1990, thời độc tài của Tướng Augusto Pinochet. Hai sự kiện này biến nó thành 1 nơi đầy những ký ức đau buồn cho cả người Mapuche lẫn các gia đình nạn nhân của chế độ độc tài.

Hàng ngàn người chào đón Đức Phanxicô vào hôm thứ Tư khi ngài đến Temuco trên chiếc giáo hoàng xa của ngài. Đây là ngày đầy đủ thứ hai của ngài tại Chile, một quốc gia có đến 17 triệu dân. Hôm thứ Ba, ngài gặp gỡ một số nạn nhân của tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục vị thành niên và xin họ tha thứ.

10:55 giờ sáng

Đức Phanxicô đang tỏ lòng tôn kính các người Chile bị tra tấn hay bị giết tại Căn Cứ nơi ngài cử hành Thánh Lễ.

Ngài đưa ra nhận định trên trong bài giảng của Thánh Lễ ngoài trời tại sân bay Maquehue ở Temuco.

Đức Phanxicô nói rằng khu vực này là “địa điểm của những vi phạm nhân quyền trầm trọng.”

Ngài cho hay: ngài dâng Thánh Lễ này cho tất cả những ai chịu đau khổ hay chịu chết.

Nhiều năm trước thời kỳ độc tài quân phiệt 1973-1990, mảnh đất này vốn lấy của người bản địa Mapuche. Cho đến nay, nó vẫn lả điểm tranh chấp đối với những người cho rằng nó phải được trả lại.

11:00 giờ sáng

Đức Phanxicô đang thúc giục người bản địa Mapuche từ khước bạo lực trong lúc thúc đẩy chính nghĩa của họ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên trong lúc cử hành Thánh Lễ tại Temuco. Thành phố này là thủ phủ của vùng Araucania, nơi nhiều người trong số khoảng 1 triệu dân Chile thuộc sắc dân Mapuche.

Người Mapuche vốn tranh đấu đòi lại đất đai tổ tiên cũng như ngôn ngữ và văn hóa của họ được nhìn nhận. Một thiểu số nhỏ đã sử dụng bạo lực để tranh đấu.

Trong mấy năm gần đây, hàng chục nhà thờ đã bị đốt ở trong vùng. Chỉ mới tuần trước thôi, ít nhất 10 nhà thờ ở Chile đã bị nổ bom lửa. Không thấy ai bị bắt.

Đức Phanxicô nói rằng không thể đặt căn bản cho nền văn hóa tái thiết trên bạo lực được.

Ngài nói: “anh chị em không thể tự khẳng quyết về mình mà lại đi tiêu diệt người khác vì điều này chỉ dẫn đến nhiều bạo lực và tiêu diệt hơn.”

11:55 giờ sáng

Các nhà cầm quyền ở Chile đang điều tra vụ đốt 3 chiếc trực thăng và 1 nhà thờ Công Giáo chỉ mấy giờ trước khi Đức Phanxicô cử hành Thánh Lễ tại vùng có nhiều tranh chấp nhất nước.

Vụ tấn công xẩy ra tại thành phố Collipulli, nơi 1 ngôi trường và ngôi nhà thờ kế cận không còn sử dụng được nữa vì cả hai đã bị cháy một nửa.

Ít nhất 10 nhà thờ đã bị nổ bom lửa vào tuần trước, phần lớn tại vùng Araucania, nơi người bản địa Mapuche đang đòi lại đất đai tổ tiên.

Công tố viên Enrique Vasquez, hôm thứ Tư, nói với truyền thông địa phương có mặt tại hiện trường rằng các điều tra viên tìm thấy các dấu hiệu và truyền đơn đòi phải thả các tù nhân người Mapuche.

Trong khi đó, hai trực thăng hoàn toàn cháy rụi và chiếc thứ ba thì cháy một phần tại thành phố Curanilahue. Thành phố này cũng là một phần của vùng giáp ranh với vùng Araucania.

Các nhà cầm quyền nói rằng các phi cơ này thuộc công ty lâm sản Arauco. Các truyền đơn ủng hộ người Mapuche cũng được tìm thấy tại hiện trường.

Trong Thánh Lễ hôm thứ Tư tại Temuco, Đức Phanxicô kêu gọi chấm dứt bạo lực.

1:15 giờ chiều

Đức Phanxicô đang đãi một số thành viên của người bản địa Mapuche ở Chile một bữa trưa ngon, có món mực carpaccio, osso bucco và bánh ngọt phết mức (bánh flăng).

Tòa Thánh công bố thực đơn do Đức Phanxicô khoản đãi sau khi cử hành Thánh Lễ tại Temuco, thủ phủ lãnh thổ Mapuche ở miền Nam Chile. Đức Phanxicô vốn ưa thích các bữa ăn đơn giản, nhưng thực đơn này cho thấy ngài và các đồng chủ nhân của ngài đã làm hết sức để đãi khách.

Một nhóm nhỏ từng bẻ bánh tại 1 nhà của giáo hội ở Temuco nay đang bắt đầu với món ragu nấu nấm, tiếp theo là món mực carpaccio và càng cua. Thịt thì có món osso bucco với cơm nghệ và rau, và bánh flăng tráng miệng.

Tòa Thánh nói rằng Đức Giáo Hoàng và 8 người Mapuche với sự tham gia của một phụ nữ được Tòa Thánh mô tả là “nạn nhân của bạo lực nông thôn” và của một hậu duệ những nhà lập nghiệp Đức-Thụy Sĩ từng tranh chấp hàng thế kỷ với người Mapuche.Thực khách còn gồm vị giám mục của Temuco và 1 di dân Haiti mới tới vùng này.

1:20 giờ chiều

Các nhà chức trách ở Chile cũng đang điều tra một vụ đốt 1 nhà thờ Công Giáo nữa trong khi Đức Phanxicô đang viếng thăm nước này.
Vụ đốt nhà thờ tại Panguipulli, cách Santiago 515 dặm (830 kilô mét) về phía nam này đem con số các nhà thờ bị đốt ít nhất lên 11 chỉ trong non một tuần lễ.

Cảnh sát nói rằng các vụ tấn công được thực hiện bằng những cuộn vải tẩm hơi đốt ném thẳng vào các nhà thờ và sau đó bị xịt các chất hóa học làm tăng độ cháy.

Tướng Diego Olate nói rằng vụ tấn công xẩy ra sớm hôm thứ Tư. Ông nói với truyền thông địa phương rằng truyền đơn tìm thấy ở hiện trường nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Tin tức về vụ tấn công mới nhất được phát đi trong lúc Đức Phanxicô đang cử hành Thánh Lễ tại Temuco, thủ phủ vùng Araucania vốn nhiều tranh chấp nhất.

Người bản địa Mapuche đang buộc Chile phải trả lại đất đai của tổ tiên họ. Đại đa số từ khước bạo lực, nhưng một thiểu số sử dụng nó để yêu sách.

Trong vòng mấy năm gần đây, hàng chục nhà thờ đã bị đốt cháy. Các truyền đơn ca ngợi chính nghĩa Mapuche thường được tìm thấy tại hiện trường.

3:25 giờ chiều

Các nhà lãnh đạo người bản địa Peru đã gửi cho Đức Phanxicô 1 lá thư, thúc giục ngài gây áp lực để làm sạch các sông ngòi bị ô nhiễm và nhìn nhận quyền đất đai tổ tiên trong chuyến ngài viếng vùng Amazon.

Ba tổ chức lớn đại diện cho các cộng đồng bản địa ở Amazon yêu cầu Đức Giáo Hoàng hỗ trợ các đòi hỏi buộc chính phủ Peru làm sạch các vùng lãnh thổ rộng lớn từng bị ô nhiễm thủy ngân từ việc khai thác vàng bất hợp pháp gây ra.

Các nhà lãnh đạo này cũng muốn được Đức Phanxicô ủng hộ lời kêu gọi của họ để nhà nước chịu cấp cho các nhóm bản địa 20 triệu mẫu thuộc đất đai tập thể. Diện tích này gần bằng cả Nebraska hay Senegal.

Khoảng 4,000 người từ các nhóm bản địa khắp Nam Mỹ sẽ tụ tập để nghe Đức Giáo Hoàng nói chuyện hôm thứ Sáu này tại vùng Amazon của Peru.

Nhiều người hy vọng Đức Phanxicô là cây cầu giữa người bản địa và chính phủ.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại phi trường Maquehue, Temuco
J.B. Đặng Minh An dịch
20:49 17/01/2018
Lúc 8h sáng thứ Tư, 17 tháng Giêng, Ðức Thánh Cha đã đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago hơn 600 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10h30 tại phi trường Maquehue

Theo niên giám Tòa Thánh năm 2016, giáo phận Temuco do Đức Cha Hector Vargas Bastidas coi sóc có 395,000 người Công Giáo trong tổng số 611,000 dân, chiếm tỉ lệ 64.6%. Giáo phận Temuco được thành lập như một miền Phủ Doãn Tông Tòa vào năm 1908 và được nâng lên hàng giáo phận vào ngày 18 tháng 10, 1925. Giáo phận Temuco với 35 giáo xứ hiện có 71 linh mục bao gồm 49 linh mục triều và 22 linh mục dòng, 42 phó tế vĩnh viễn, 117 nam tu sĩ không có chức linh mục và 34 nữ tu.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


“Mari, Mari” Chào buổi sáng!

“Küme tününün ta niemün” “Bình an cùng anh chị em!” (Lc 24:36)]

Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã cho tôi được đến thăm phần đất xinh đẹp này của lục địa chúng ta, miền Araucanía. Đó là mảnh đất Tạo Hóa chúc phúc với những cánh đồng bao la và màu mỡ, với những cánh rừng đầy những cây araucarias tuyệt vời - là bản “tán tụng ca” thứ năm của Gabriela Mistral về đất nước Chí Lợi này [1]; và với những ngọn núi lửa tuyết phủ hùng vĩ, những sông hồ đầy tràn sức sống. Cảnh quan này nâng chúng ta lên cùng Thiên Chúa, và cho chúng ta dễ dàng thấy được bàn tay của Người trong mỗi tạo vật. Nhiều thế hệ nam nữ đã yêu mến đất nước này với một lòng biết ơn nhiệt thành. Ở đây, tôi muốn tạm dừng và chào hỏi một cách đặc biệt các thành viên của dân tộc Mapuche, cũng như các dân tộc bản xứ khác ở những vùng đất phía Nam: những người Rapanui (từ đảo Easter), những người Aymara, những người Quechua và Atacameños, và nhiều dân tộc khác nữa.

Nhìn với đôi mắt của những du khách, vùng đất này sẽ làm chúng ta trầm trồ khi đi ngang qua, nhưng nếu chúng ta để tai xuống đất, chúng ta sẽ nghe nó hát: “Arauco có một nỗi buồn không thể im lặng được, đó là những bất công hàng thế kỷ mà mọi người đều thấy vẫn đang diễn ra”. [2]

Trong tâm tình vừa tạ ơn mảnh đất này và con người của nó, vừa đau buồn, chúng ta cử hành Phụng Vụ Thánh Thể này. Chúng ta làm như vậy trong sân bay Maquehue này, nơi đã từng xảy ra các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Chúng ta dâng Thánh lễ này cho tất cả những ai đã phải đau khổ và những người đã chết, và những người hàng ngày vẫn phải vác trên vai gánh nặng của những bất công đó. Hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá gánh lấy tất cả những tội lỗi và nỗi đau của các dân tộc chúng ta, để cứu chuộc.

Trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Vào một khoảnh khắc sinh tử trong cuộc đời mình, Chúa Giêsu dừng lại để cầu xin sự hiệp nhất. Trong trái tim của mình, Người biết rằng một trong những mối đe dọa lớn nhất cho các môn đệ của mình và cho toàn thể nhân loại sẽ là sự chia rẽ và đối đầu, và sự áp bức người khác. Cơ man những giọt nước mắt phải đổ ra! Hôm nay chúng ta muốn bám lấy lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu, để đồng hành cùng với Ngài vào khu vườn buồn sầu này với những sầu buồn của chính chúng ta, và cầu xin Chúa Cha, cùng với Chúa Giêsu, để chúng ta cũng có thể nên một. Cầu xin cho sự đối đầu và chia rẽ không bao giờ chiếm được thế thượng phong giữa chúng ta.

Sự hiệp nhất Chúa Giêsu nài xin này là một ân sủng phải được liên lỉ tìm kiếm, vì lợi ích của mảnh đất này và con cái của nó. Chúng ta cần phải cảnh giác chống lại những cám dỗ có thể nảy sinh để “đầu độc tận gốc” ân sủng mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta và qua đó Ngài mời gọi chúng ta đóng vai trò thật sự trong lịch sử.

1. Những từ đồng nghĩa giả

Một trong những cám dỗ chính mà chúng ta cần phải chống lại chính là sự nhầm lẫn giữa sự hiệp nhất và sự đồng hóa. Chúa Giêsu không xin Chúa Cha để tất cả mọi người có thể giống như nhau, vì sự hiệp nhất không có nghĩa là vô hiệu hóa hoặc làm câm nín những khác biệt. Hiệp nhất không có nghĩa là một thần tượng hoặc là kết quả của việc cưỡng bách hội nhập; nó không phải là một sự hài hòa mua được với cái giá là gạt một số người ra rìa. Sự phong phú của một miền đất được nảy sinh chính xác từ ước muốn được chia sẻ sự khôn ngoan của mỗi vùng của nó với những vùng khác. Hiệp nhất không bao giờ có thể là một sự đồng nhất ngột ngạt được áp đặt bởi kẻ mạnh, hoặc một sự cô lập trong đó hạ thấp những tốt lành của người khác. Sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu tìm kiếm và đưa ra thừa nhận những gì mỗi người và mỗi nền văn hoá được kêu gọi đóng góp vào mảnh đất được chúc phúc này. Hiệp nhất là một sự đa dạng đã được hòa hợp, bởi vì nó sẽ không cho phép những sai lầm cá nhân hoặc cộng đồng có thể xảy ra nhân danh sự hiệp nhất. Chúng ta cần đến sự phong phú mà mỗi người phải cống hiến, và chúng ta phải từ bỏ quan niệm cho rằng có những nền văn hoá cao hơn hoặc thấp hơn. Một tấm vải “chamal” đẹp đẽ đòi hỏi những người thợ dệt phải biết nghệ thuật pha trộn những vật liệu và các màu sắc khác nhau, và dành thời gian cho từng yếu tố và từng giai đoạn của công việc. Quá trình này có thể được công nghệ hóa, nhưng mọi người sẽ nhận ra đó là một tấm vải thêu bằng máy. Nghệ thuật hiệp nhất đòi hỏi phải có những nghệ nhân thực sự biết cách làm cho hài hoà những khác biệt trong “thiết kế” các đô thị, đường xá, quảng trường và cảnh quan. Nó không phải là thứ “nghệ thuật bàn giấy”, hoặc công việc giấy tờ; nhưng nó là một nghề thủ công đòi hỏi sự chú ý và sự hiểu biết. Đó không chỉ là nguồn gốc hình thành nên vẻ đẹp của nó, mà còn là sức đề kháng của nó đối với thời gian và trước bất cứ cơn bão nào có thể ập đến.

Sự thống nhất mà con người chúng ta cần đến đòi hỏi chúng ta phải biết lắng nghe lẫn nhau, nhưng quan trọng hơn nữa là chúng ta phải biết tôn trọng lẫn nhau. “Điều này không chỉ là có được nhiều thông tin hơn về người khác, mà còn là gặt hái những gì Chúa Thánh Linh đã gieo trong họ” [3]. Điều này đặt chúng ta trên con đường của tình đoàn kết như một phương tiện để dệt nên sự hiệp nhất, và một phương tiện để đắp xây lịch sử. Tình đoàn kết làm cho chúng ta nói: Chúng ta cần nhau, và cần đến sự khác biệt giữa chúng ta để mảnh đất này có thể đẹp mãi! Đây là vũ khí duy nhất của chúng ta để chống lại “nạn phá rừng” đang đốn ngã và thiêu đốt hy vọng. Đó là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những nghệ nhân của sự hiệp nhất.

2. Các vũ khí cuả sự hiệp nhất.

Nếu hiệp nhất phải được xây dựng trên lòng tôn trọng và tình đoàn kết, thì chúng ta không thể chấp nhận đạt được nó bằng bất kỳ phương tiện nào. Có hai loại bạo lực, thay vì giúp tăng trưởng tình đoàn kết và sự hòa giải, lại thực sự đe doạ chúng. Thứ nhất, chúng ta phải cảnh giác trước những thỏa thuận “tao nhã” mà sẽ không bao giờ được thực hiện. Những từ ngữ hay, những kế hoạch chi tiết – là cần thiết đấy – nhưng mà, khi không được thực hiện, cuối cùng chỉ là “dùng cùi chỏ để xóa đi những gì đã được viết bằng tay”. Đây là một loại bạo lực, bởi vì nó làm nản lòng hy vọng.

Điều thứ hai là chúng ta phải nhấn mạnh rằng một nền văn hoá tôn trọng nhau không thể dựa trên các hành vi bạo lực và phá hoại mà cuối cùng chỉ là lấy đi mạng sống con người. Bạn không thể khẳng định mình bằng cách tiêu diệt người khác, bởi vì điều này chỉ dẫn đến bạo lực và chia rẽ nhiều hơn. Bạo lực gây ra bạo lực, hủy diệt gây ra thêm đổ vỡ và chia ly. Bạo lực chung cuộc chỉ dẫn đến dối trá. Đó là lý do tại sao chúng ta nói “không với bạo lực hủy diệt” trong cả hai hình thức của nó.

Hai hình thức này giống như dung nham của một ngọn núi lửa quét sạch và đốt cháy mọi thứ trên con đường của nó, chỉ để lại một sự khô cằn và hoang vu. Thay vào đó chúng ta hãy tìm kiếm con đường tích cực bất bạo lực, “như một phong cách chính trị vì hòa bình” [4]. Chúng ta hãy tìm kiếm, và không bao giờ mệt mỏi tìm kiếm, sự đối thoại để hiệp nhất. Đó là lý do tại sao chúng ta kêu lên: Chúa ơi, hãy làm cho chúng con nên những nghệ nhân của sự hiệp nhất của Chúa.

Tất cả chúng ta, ở một mức độ nhất định, là những phàm nhân trên trái đất này (xem Sáng thế ký 2: 7). Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hướng đến một “cuộc sống tốt đẹp” (Küme Mongen), như sự khôn ngoan của tổ tiên người Mapuche nhắc nhở chúng ta. Chúng ta còn phải đi bao xa, và còn phải học bao nhiêu nữa! Küme Mongen, một khao khát sâu xa không chỉ dâng lên từ trái tim của chúng ta mà còn vang lên như tiếng kêu lớn, như một bài hát, trong tất cả tạo vật. Vì thế, anh chị em, vì những con cái của mảnh đất này, vì những cháu chắt của mảnh đất này, chúng ta hãy nói cùng Chúa Giêsu với Chúa Cha: xin cho chúng con đây cũng có thể nên một; xin biến chúng con nên những nghệ nhân của tình hiệp nhất.

_________________________

[1] GABRIELA MISTRAL, Elogios de la tierra de Chile.
[2] VIOLETA PARRA, Arauco tiena una pena.
[3] Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 246.
[4] Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 2017
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại nhà tù phụ nữ ở Santiago
J.B. Đặng Minh An dịch
22:15 17/01/2018
Lúc 4h chiều thứ Ba 17 tháng Giêng Ðức Thánh Cha đã viếng thăm một nhà tù dành cho phụ nữ ở thủ đô Santiago. Nhà tù dành cho phụ nữ mà Đức Thánh Cha viếng thăm được gọi là nhà tù thánh Joakim. Trong hơn 100 năm trời, từ 1864 đến 1996, nhà tù này được chính phủ ủy thác cho các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành, và các nữ tù nhân tại đây là những thường phạm, họ bị bắt vì các tội nhỏ như trộm cắp, chỉ có vài trường hợp, các nữ tù nhân phạm tội sát nhân bị giam giữ tại đây. Nhưng rồi với sự gia tăng nạn buôn bán ma túy và nghiện ngập, tình hình thay đổi, các nữ tù nhân phạm trọng án cũng bị giam tại đây. Cho đến năm 1980, số tù nhân không quá 160 người, nhưng từ năm 1998, con số đã lên tới khoảng 600 người. Trong những năm 2000, con số tăng quá gấp đôi, lên đến 1,400 người, trong khi nhà tù chỉ sức chứa là 855 tù nhân.

Ngày nay, nhà tù Thánh Gioakim tiếp nhận tới 45% tổng số nữ tù nhân trên toàn Chí Lợi. Họ phải sống trong tình trạng chật chội, là điều mà Giáo Hội Công Giáo Chí Lợi đặc biệt quan tâm.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến,

Cảm ơn anh chị em đã cho tôi cơ hội này để đến thăm anh chị em. Đối với tôi, điều quan trọng là chia sẻ thời gian này với anh chị em và gần gũi hơn với nhiều người trong chúng ta hiện đang bị tước mất tự do.

Cảm ơn sơ Nelly vì những lời chào mừng của sơ và đặc biệt là lời chứng rằng sự sống luôn luôn chiến thắng cái chết. Cảm ơn chị Janeth, đã chia sẻ nỗi đau của chị với tất cả chúng ta và lòng can đảm xin tha thứ của chị. Chúng ta học được bao nhiêu điều từ hành động can đảm và khiêm tốn của chị! Tôi xin được trích lại lời của của chị: “Chúng con cầu xin sự tha thứ từ tất cả những người mà chúng con đã làm hại bằng những hành động sai trái của chúng con”. Tôi cảm ơn chị đã nhắc nhở chúng ta rằng nếu không có thái độ này chúng ta sẽ mất đi nhân tính của mình, chúng ta sẽ quên rằng chúng ta đã làm sai và rằng mỗi ngày là một lời mời để bắt đầu lại.

Tôi cũng nghĩ đến những lời của Chúa Giêsu: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8: 7). Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy bỏ đi cái lối suy nghĩ giản đơn, phân chia thực tại thành tốt và xấu, và mời gọi chúng ta đón nhận một tư duy mới trong đó chúng ta nhận ra những khuyết điểm, những hạn chế và thậm chí cả tội lỗi của chúng ta, và do đó giúp chúng ta tiếp tục tiến lên.

Khi tôi bước vào, hai bà mẹ gặp tôi với con cái của họ và một số hoa. Họ là những người chào đón tôi, và cách thế chào mừng của họ có thể diễn tả bằng ba từ thật đẹp, đó là: mẹ, con cái và hoa.

Mẹ. Nhiều chị em ở đây là những bà mẹ và chị em biết ý nghĩa của việc mang lại một sự sống mới cho thế giới. Chị em đã có thể “mang trong chính mình” một sự sống mới và cho sự sống ấy được chào đời. Làm mẹ không phải là, và sẽ không bao giờ là một vấn đề. Đó là một món quà và là một trong những ân sủng tuyệt vời nhất chị em có thể có được. Hôm nay chị em phải đối mặt với một thách thức rất thực: đó là chị em cũng phải quan tâm đến sự sống mới đó. Chị em được yêu cầu chăm sóc cho tương lai. Làm cho sự sống ấy phát triển và giúp nó tăng trưởng. Không chỉ cho chính mình, mà còn cho con cái của chị em và toàn xã hội. Là phụ nữ, chị em có một khả năng đáng kinh ngạc để thích nghi với hoàn cảnh mới và tiến lên phía trước. Hôm nay tôi kêu gọi khả năng hướng đến tương lai ấy đang sống động trong mỗi chị em. Khả năng đó cho phép chị em chống trả lại tất cả mọi thứ có thể cướp khỏi chị em bản sắc của mình và chung cuộc là giết chết hy vọng của chị em.

Janeth đã nói đúng: mất tự do không có nghĩa là mất hết ước mơ và hy vọng. Mất tự do không phải là đồng nghĩa với mất đi phẩm giá của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải từ chối tất cả những ý tưởng vớ vẩn cho rằng chúng ta không thể thay đổi, rằng cố gắng mà làm gì, rằng không thể thay đổi được vận mệnh đâu. Không, các chị em ơi! Có những điều làm nên sự khác biệt! Tất cả những nỗ lực của chúng ta để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn - ngay cả khi có vẻ như chúng chẳng có ơn ích gì - tất cả chúng chắc chắn sẽ sinh hoa kết quả và mang lại những hệ quả tốt.

Từ thứ hai là trẻ em. Trẻ em là sức mạnh của chúng ta, là tương lai của chúng ta, là sự khích lệ của chúng ta. Chúng là một lời nhắc nhở sống động rằng cuộc sống phải được sống cho tương lai, chứ không phải là cho quá khứ. Ngày nay tự do của chị em đã bị lấy đi, nhưng đó không phải là tiếng nói chung cuộc. Không phải đâu! Hãy nhìn về phía trước. Hãy trông đợi ngày chị em được trở lại cuộc sống trong xã hội. Vì lý do này, tôi hoan nghênh và khuyến khích mọi nỗ lực để truyền bá và hỗ trợ các dự án như Espacio Mandela và Quỹ Phụ Nữ Trỗi Dậy.

Tên của Quỹ này làm cho tôi nhớ đến đoạn Phúc Âm, khi mọi người cười nhạo Chúa Giêsu vì Ngài nói rằng con gái của ông trùm hội đường không chết đâu, mà chỉ ngủ thôi. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết làm thế nào để đối mặt với những lời châm biếm như thế: Ngài đi thẳng vào phòng của cô gái, nắm lấy tay cô và nói: “Cô bé ơi, hãy trỗi dậy đi!” (Mc 5:41). Những dự án mà tôi đã đề cập là những dấu chỉ sống động của Chúa Giêsu, Đấng đang bước vào từng ngôi nhà của chúng ta, không màng đến những lời chế giễu và không bao giờ bỏ cuộc. Ngài nắm lấy tay chúng ta và nói với chúng ta hãy “trỗi dậy”. Thật là tuyệt vời khi có rất nhiều Kitô hữu và những người thiện chí theo bước chân của Chúa Giêsu và quyết định đến đây để nên như dấu chỉ của bàn tay nối dài của Chúa nâng chúng ta dậy.

Chúng ta đều biết rằng, thật đáng buồn, một bản án tù thường chỉ đơn thuần là một hình phạt, không mang lại chút cơ hội nào cho sự tăng trưởng cá nhân. Điều này không tốt. Ngược lại, những sáng kiến cung cấp việc dạy nghề và giúp tái xây dựng lại các mối quan hệ là những dấu chỉ hy vọng cho tương lai. Chúng ta hãy giúp họ phát triển. Trật tự công cộng không thể bị giản lược thành các biện pháp an ninh mạnh hơn nhưng cần phải quan tâm đặc biệt đến các biện pháp phòng ngừa, như công việc, giáo dục và sự tham gia nhiều hơn vào cộng đồng.

Cuối cùng là hoa. Tôi tin rằng bản thân cuộc sống “nở hoa” và cho chúng ta thấy tất cả vẻ đẹp của nó khi chúng ta làm việc cùng nhau, tay trong tay, để làm cho mọi thứ tốt hơn, để mở ra những khả năng mới. Nghĩ thế, nên tôi chào đón tất cả các nhân viên mục vụ, các tình nguyện viên và nhân viên chuyên nghiệp, đặc biệt là các cảnh sát viên và gia đình họ. Tôi cầu nguyện cho anh chị em. Công việc của anh chị em rất nhạy cảm và phức tạp, vì vậy tôi thỉnh cầu chính quyền cố gắng cung cấp cho anh chị em những điều kiện cần thiết để thực hiện công việc của mình với phẩm giá. Một phẩm giá tạo ra phẩm giá. Đức Maria là Mẹ của chúng ta và chúng ta là con cái của Người, chị em là con gái của Mẹ. Chúng ta cầu xin Mẹ cầu bầu cho anh chị em, cho mỗi con cái của anh chị em và những người thân yêu của anh chị em. Xin Mẹ che chở anh chị em dưới tà áo Mẹ. Và tôi xin anh chị em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Những bông hoa anh chị em đã cho tôi, tôi sẽ đưa đến cùng Đức Trinh Nữ Maria nhân danh tất cả anh chị em. Một lần nữa, cảm ơn rất nhiều!

 
Đức Giáo Hoàng nói chuyện với tuổi trẻ Chile
Vũ Văn An
22:55 17/01/2018
‘Hãy là những người Samaritanô, những người không bao giờ bước qua một ai đó đang nằm bên lề đường.’

Ngày 17 tháng 1, gặp tuổi trẻ Chile tại Đền Thờ Maipú ở Santiago sau khi từ Temuco trở về, Đức Giáo Hoàng đặt với họ câu hỏi đơn giản này: “Chúa Giêsu sẽ làm gì nếu ở vị trí của tôi?” vốn được coi như “khuôn vàng thước ngọc” của Thánh Alberto Hurtado, vị thánh được Đức Phanxicô viếng mộ hôm trước.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài với giới trẻ Chile:

Này Ariel, cha cũng rất vui được hiện diện với con. Cám ơn con đã ngỏ lời chào mừng nhân danh mọi người có mặt. Cha là người biết ơn vì được chia sẻ lúc này với các con. Đối với cha, điều rất quan trọng là chúng ta gặp gỡ và cùng bước bên nhau một lúc. Chúng ta hãy giúp nhau nhìn về phía trước!

Cha vui mừng vì cuộc gặp gỡ này diễn ra ở đây, ở Maipú. Ở vùng đất này, nơi lịch sử của Chile bắt đầu bằng một cái ôm hôn âu yếm, trong ngôi đền này vốn vươn lên ở giao điểm bắc nam, nối liền tuyết và biển và là nhà của cả trời lẫn đất. Một ngôi nhà cho Chile, ngôi nhà cho các con, những người trẻ thân yêu, nơi Đức Mẹ Carmel đang đợi các con và chào đón các con với một trái tim rộng mở. Đức Mẹ đã cùng đồng hành với sự ra đời của quốc gia này và đã cùng đồng hành với rất nhiều người Chile trong suốt hai trăm năm nay như thế nào, ngài cũng muốn tiếp tục đồng hành với những giấc mơ mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim các con như thế: giấc mơ tự do, giấc mơ niềm vui, giấc mơ một tương lai tốt đẹp hơn: mong muốn, như con nói, Ariel, "làm những người chủ đạo của thay đổi". Làm những người chủ đạo. Đức Mẹ Núi Carmel đồng hành với các con để các con có thể là những người chủ đạo cho Chile mà trái tim các con hằng mơ ước. Cha biết rằng tâm điểm ước mơ của người trẻ Chile, và họ mơ những ước mơ lớn, là những vùng đất này làm nảy sinh những trải nghiệm lan rộng và nhân rộng khắp các quốc gia khác nhau trong lục địa của chúng ta. Ai đã gợi hứng cho những giấc mơ này? Đó là những người trẻ giống như các con, những người được gợi hứng để trải nghiệm cuộc phiêu lưu của đức tin. Vì đức tin kích thích nơi người trẻ các tâm tình phiêu lưu, một cuộc phiêu lưu mời gọi họ vượt qua những cảnh quan không thể nào tin được, những địa hình khắc nghiệt, hiểm trở. .. nhưng, lại một lần nữa, các con thích các phiêu lưu và thách thức! Dù sao, các con sẽ cảm thấy chán khi không có những thách thức để phấn khích các con. Chúng ta thấy điều này rõ ràng, ví dụ, bất cứ khi nào có thiên tai. Các con có một khả năng tuyệt vời trong việc huy động, đây là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy lòng đại lượng của trái tim các con.

Trong thừa tác vụ giám mục của cha, cha đã được thấy không biết bao nhiêu ý tưởng tốt đẹp nơi những người trẻ, trong tâm trí họ. Những người trẻ rất bồn chồn; họ là những người tìm kiếm và duy lý tưởng. Vấn đề mà người lớn chúng ta có là, như thể mình biết hết, nên hay nói thế này: "Chúng nghĩ như vậy vì chúng còn trẻ; chúng vẫn còn cần phải lớn thêm". Như thể lớn thêm có nghĩa là chấp nhận sự bất công, là tin rằng không có gì có thể làm được, tin rằng đây là cách mọi việc luôn luôn diễn ra.

Vì hiểu ra tầm quan trọng xiết bao của người trẻ và các trải nghiệm của họ, nên năm nay cha muốn triệu tập một Thượng Hội Đồng, và trước hội đồng này, là cuộc họp mặt của người trẻ, để các con có thể cảm thấy, và thực sự là những người chủ đạo giữa lòng Giáo Hội. Để giúp gương mặt Giáo Hội được trẻ trung, không phải bằng cách sử dụng mỹ phẩm mà bằng cách để Giáo Hội được thách thức sâu xa bởi các con trai và con gái của mình, giúp Giáo Hội hàng ngày trung thành hơn với Tin Mừng. Giáo hội ở Chile cần các con xiết bao để "rung chuyển đất dưới chân chúng ta" và giúp chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn! Các câu hỏi của các con, các ước muốn hiểu biết của các con, các ước nguyện trở thành rộng lượng của các con, tất cả đều cần thiết để chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn. Tất cả chúng ta đều được mời gọi, một lần nữa, đến gần Chúa Giêsu.

Hãy để cha chia sẻ một câu chuyện với các con. Một ngày kia, chuyện vãn với một người đàn ông trẻ tuổi, cha hỏi anh ta loại sự vật nào làm anh ta bất hạnh. Anh ta nói với cha: "Khi điện thoại di động của con hết pin hoặc con bị mất nối kết với liên mạng". Cha hỏi anh ta: "Tại sao?" Anh ta trả lời: "thưa cha, thật đơn giản; con bỏ lỡ tất cả những gì đang diễn ra, con bị khóa kín khỏi thế giới, bị mắc kẹt. Trong những khoảnh khắc đó, con nhảy bổ, chạy đi tìm bộ sạc điện hoặc mạng Wi-Fi và mật khẩu để nối kết lại".

Điều này khiến cha nghĩ rằng cùng một điều có thể xảy ra với đức tin của chúng ta. Sau một thời gian rong ruổi cuộc hành trình hoặc sau nước rút lúc ban đầu, có những khoảnh khắc, dù không hay, "dãy sóng" của chúng ta bắt đầu loãng dần rồi chúng ta mất nối kết, mất điện; lúc ấy, chúng ta trở nên bất hạnh và mất đức tin, chúng ta cảm thấy chán nản và bơ phờ, và bắt đầu nhìn mọi thứ dưới một ánh sáng xấu. Khi chúng ta thiếu “nối kết” để sạc điện cho các ước mơ của mình, trái tim chúng ta bắt đầu nao núng. Khi pin của mình hết điện, chúng ta cảm thấy như bài hát vốn mô tả - "Tiếng ồn đàng sau và sự cô đơn của thành phố cắt chúng ta khỏi tất cả mọi thứ. Thế giới lùi lại, cố gắng lấn áp tôi và dìm chết mọi suy nghĩ và ý tưởng của tôi". [1]

Không có nối kết, với Chúa Giêsu, kết cục, chúng ta sẽ dìm chết các suy nghĩ và ý tưởng của chúng ta, các giấc mơ và đức tin của chúng ta, và như thế chúng ta sẽ trở nên nản lòng và bực bội. Là những người chủ đạo, mà chúng ta vốn là và muốn là - chúng ta có thể tiến tới chỗ cảm thấy rằng làm hay không làm bất cứ điều gì đều không có gì khác nhau. Chúng ta bắt đầu cảm thấy chúng ta "bị khóa kín khỏi thế giới", như người trẻ tuổi kia nói với cha. Điều làm cha lo lắng là, khi mất "nối kết", nhiều người nghĩ rằng họ không có gì để cung hiến; họ cảm thấy mất hết. Các con đừng bao giờ nghĩ rằng các con không có gì để cung hiến hoặc không ai quan tâm đến các con.

Đừng bao giờ! Ý nghĩ đó, như Alberto Hurtado thường nói, "là tiếng nói của ma quỷ", kẻ muốn làm cho các con cảm thấy các con vô giá trị. .. và duy trì mọi thứ như chúng hiện là. Tất cả chúng ta đều cần thiết và quan trọng; tất cả chúng ta đều có điều gì đó để cung hiến.

Người trẻ tuổi trong Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay muốn có sự "nối kết" đó để giúp họ duy trì ngọn lửa trong trái tim họ sống động. Họ muốn biết cách sạc điện cho các ổ điện trong trái tim họ. Thánh Anrê và người đệ tử kia – tên không được cung cấp, để chúng ta có thể tưởng tượng mỗi người chúng ta là người "đệ tử" ấy - đang tìm kiếm mật khẩu để nối kết với Đấng vốn là "đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14: 6). Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã chỉ cho họ thấy đường đi. Cha tin rằng các con cũng có một vị thánh vĩ đại có thể là người hướng dẫn của các con, một vị thánh đã biến đời mình thành một bài ca: "Lạy Chúa, con hạnh phúc, con hạnh phúc". Alberto Hurtado đã có một luật vàng, một luật làm cho trái tim của ngài sáng rực ngọn lửa giữ cho niềm vui luôn sống động. Vì Chúa Giêsu là lửa đó; tất cả những ai tiến lại gần nó đều được bừng cháy lên.

Mật khẩu của Hurtado khá đơn giản - nếu điện thoại của các con đã bật lên, cha muốn các con ghi mật khẩu này vào. Ngài hỏi: "Chúa Kitô sẽ làm gì nếu ở vị trí của tôi?" Ở trường học, ở đại học, khi ở ngoài trời, khi ở nhà, giữa các bạn bè, khi làm việc, khi bị chế giễu: "Chúa Kitô sẽ làm gì nếu ở vị trí của tôi?" Khi các con nhảy múa, khi các con đang chơi hoặc xem thể thao: "Chúa Kitô sẽ làm gì nếu ở vị trí của tôi?"

Người là mật khẩu, nguồn năng lượng sạc điện cho trái tim chúng ta, đốt cháy niềm tin của chúng ta và làm cho đôi mắt của chúng ta sáng ngời. Đó là ý nghĩa của việc trở thành người chủ đạo trong lịch sử. Mắt của chúng ta sáng ngời, vì chúng ta đã khám phá ra rằng Chúa Giêsu là nguồn sự sống và sự vui mừng. Các người chủ đạo của lịch sử, vì chúng ta muốn truyền lại sự sáng ngời kia cho những trái tim đã trở nên lạnh giá và ảm đạm đến nỗi họ đã quên mất thế nào là hy vọng, cho tất cả những trái tim "đã hóa ra chết" và chờ đợi ai đó đến và thách thức họ bằng một điều gì đó đáng giá. Là người chủ đạo có nghĩa là làm những gì Chúa Giêsu đã làm.

Dù các con ở bất cứ đâu, ở với bất cứ ai, và bất cứ khi nào các con gặp nhau: "Chúa Giêsu sẽ làm gì?" Cách duy nhất không quên mật khẩu là sử dụng nó đi và sử dụng nó lại nhiều lần. Ngày qua ngày. Sẽ đến lúc các con thuộc lòng nó, và có ngày, dù không nhận ra, trái tim các con sẽ đập như trái tim Chúa Giêsu.

Nghe một bài giảng hay học hỏi một câu trả lời từ sách giáo lý là điều không đủ; chúng ta muốn sống theo cách Chúa Giêsu đã sống. Để làm điều đó, người trẻ trong Tin Mừng hỏi: "Lạy Chúa, Chúa ở đâu?" (Ga 1:38). Chúa sống thế nào? Chúng ta muốn sống như Chúa Giêsu, với tiếng "xin vâng" khiến lòng chúng ta rung động ấy. Để đặt mình lên tuyến đầu, để chấp nhận rủi ro. Các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm lên, hãy ra đi gặp gỡ bạn bè, những người các con không biết, hoặc những người đang gặp rắc rối.

Hãy ra đi với lời hứa duy nhất chúng ta hiện có: bất cứ nơi nào các con ở - trong sa mạc, đang hành trình, giữa sự phấn khích, các con sẽ luôn luôn được "nối kết"; sẽ luôn có một "nguồn điện lực". Chúng ta sẽ không bao giờ cô đơn. Chúng ta sẽ luôn luôn hưởng được tình đồng hành của Chúa Giêsu, của Mẹ Người, và của cộng đồng. Chắc chắn, cộng đồng không hoàn hảo, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có bao nhiêu để yêu thương và để hiến tặng người khác.

Các bạn thân yêu, những người trẻ thân yêu: "Hãy là những Samaritanô trẻ tuổi, những người không bao giờ bước qua một ai đó đang nằm bên lề đường. Hãy là những Simon Cyrênê trẻ tuổi, những người giúp Chúa Kito vác thập giá của Người và giúp làm giảm các đau khổ của các anh chị em mình. Hãy như Giakêu, người đã chuyển hướng trái tim mình từ chủ nghĩa duy vật qua tình yêu liên đới. Hãy như Mary Mađalêna trẻ tuổi, tìm kiếm yêu thương một cách say mê, người chỉ tìm thấy nơi Chúa Giêsu những câu giải đáp mình cần. Hãy có trái tim của Thánh Phêrô, để các con có thể bỏ lưới của mình lại bên hồ. Hãy có tình yêu của Thánh Gioan, để các con có thể đặt mọi ưu tư của các con ở nơi Người. Hãy có sự cởi mở của Đức Maria, để các con có thể hát vì vui và làm theo ý Chúa. [2]

Các bạn thân mến, cha muốn ở lại lâu hơn. Cảm ơn các con vì buổi gặp gỡ này và vì sự vui vẻ của các con. Cha xin các con một điều: vui lòng nhớ cầu nguyện cho cha.

__________________

[1] LA LEY, Aquí.

[2] Đức Hồng Y RAÚL SILVA HENRÍQUEZ, Mensaje a los jóvenes (7 October 1979). [00058-EN.01]

[Nguyên bản: Tiếng Tây Ban Nha]

© Libreria Editrice Vatican

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ tuyên khấn lần đầu tại đan viện Cát Minh Phú Cường
Maria Nguyễn Hiếu
09:45 17/01/2018
Trong niềm hân hoan và tạ ơn Thiên Chúa, dưới sự phù trợ của Mẹ núi Cát Minh và cha thánh Giuse, Đan viện Cát Minh Thánh Giuse Phú Cường vui mừng cử hành thánh lễ tuyên khấn lần đầu cho đan nữ Marie Rose Nhan Thánh Ngô Thị Bích Thủy vào lúc 6 giờ sáng ngày 17/01/2018 tại nguyện đường đan viện.

Xem Hình

Thánh lễ do Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục giáo phận Phú Cường, chủ tế; đồng tế với ngài có cha Luciano Nguyễn Thành Tiến - phó xứ Bến Sắn cùng quý cha ân nhân.

Tham dự thánh lễ tạ ơn có sự hiện diện của quý tu sĩ, quý thân nhân, ân nhân và bà con giáo dân trong khu vực giáo xứ Bến Sắn.

Sau phần phụng vụ lời Chúa là nghi thức tuyên khấn của tân khấn sinh.

Trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse chia sẻ cho cộng đoàn được biết thêm về đời sống tu trì của các nữ tu Dòng Kín. Vẫn là những lời tuyên khấn ấy, các chị xin lòng nhân từ của Thiên Chúa, xin đức khó nghèo của dòng và đời sống chung với các chị em trong đan viện.

Đời sống người đan sĩ Cát Minh luôn được mời gọi gắn liền với lời khuyên Phúc Âm, nhất là tinh thần khó nghèo, qua gương khó nghèo của Chúa Giêsu – Người sẵn sàng bỏ ngai vàng để xuống thế gian làm một con người bình thường chỉ vì tình yêu.

Con đường tìm kiếm nước Thiên Chúa trong ơn gọi tu trì không phải dễ dàng thuận lợi, nhưng phải nhờ vào ơn Chúa và sự dũng cảm của bản thân, biết quên mình cho đi tất cả. Chính vì vậy, phải cần thật nhiều ơn Chúa để người đan sĩ Dòng Cát Minh mới đủ sức vượt qua những khó khăn trong ơn gọi. Nhờ đó, người đan sĩ sẽ sống cách trọn vẹn ơn gọi của mình trong sự cậy trông và phó thác cách triệt để vào ơn Thiên Chúa.

Cuối thánh lễ, một đại diện người thân trong gia đình của nữ tu đã có đôi lời tri ân đến Đức cha Giuse, cùng quý cha đồng tế, mẹ Bề trên và tất cả cộng đoàn, đã dành tình yêu thương đến hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho nữ đan sĩ.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 7 giờ 30 trong niềm hân hoan và bình an mà ơn Chúa đã ban xuống cho đan viện và toàn thể cộng đoàn.

Maria Nguyễn Hiếu - Truyền thông Phú Cường
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Các Giáo Hội địa phương mừng lễ Bổn mạng như thế nào?
Nguyễn Trọng Đa
09:37 17/01/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong quy chế của niên lịch phụng vụ, có đề cập đến một số lễ riêng và lễ trọng riêng, vốn thay đổi tùy thuộc vào địa điểm, trong đó có "Lễ trọng kính tước hiệu một Giáo hội địa phương”. Thưa cha, liệu thuật ngữ "Giáo Hội địa phương" ám chỉ trước hết đến một giáo phận (hoặc tương đương giáo phận, như được sử dụng trong Bộ giáo luật) hoặc đến nhà thờ giáo xứ chăng? Có nghĩa là, một giáo xứ có thể cử hành lễ bổn mạng hoặc lễ kính bổn mạng như là một lễ trọng không? - S. I., Dallas, Texas, Hoa Kỳ.


Đáp: Trong Bộ giáo luật, thuật ngữ “Giáo Hội địa phương” là thường tương đương với một giáo phận. Xin mời đọc:

"368. Các Giáo Hội địa phương, trong đó và từ đó mà một Giáo Hội Công Giáo duy nhất hiện hữu, ám chỉ trước hết là các giáo phận; các lãnh thổ thuộc giám hạt tòng thổ và đan viện tòng thổ, Ðại Diện Tông Tòa và Phủ Doãn Tông Tòa và cả Giám Quản Tông Tòa được thiết lập cách thường trực cũng được đồng hóa với các giáo phận, trừ khi đã rõ cách nào khác” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Tuy nhiên, đối với các quy chế được đề cập ở trên liên quan đến niên lịch phụng vụ, thuật ngữ “Giáo Hội địa phương” cũng có nghĩa là một nhà thờ giáo xứ hoặc bất kỳ nhà thờ nào có tước hiệu cung hiến riêng. Hầu hết các tài liệu chính thức và bản dịch của chúng sử dụng các thuật ngữ khác để tránh nhầm lẫn.

Chúng tôi đã thảo luận về tập tục kính thánh bổn mạng giáo xứ và các quy chế liên quan trong bài trả lời ngày 17-10-2017. Tuy nhiên, trong bài ấy, chúng tôi không đề cập đến vấn đề cử hành các lễ mừng như thế.

Các quy chế tổng quát liên quan đến niên lịch phụng vụ và "các lịch địa phương" được ban hành vào năm 1969. Văn kiện này nêu rõ:

"52. Một lịch địa phương được soạn thảo bằng cách đưa các lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ đặc biệt của mình vào Lịch chung này:

"a. trong lịch giáo phận, ngoài lễ Bổn mạng chính của địa phận và kỷ niệm Cung hiến nhà thờ chính tòa, có lễ các thánh và chân phước có mối liên quan đặc biệt với giáo phận, thí dụ, nơi sinh, nơi ở trong thời gian dài và nơi qua đời của các ngài.

“b. Trong lịch của Dòng tu hội, ngoài các lễ kính mừng tước hiệu, Đấng sáng lập, Thánh Bổn mạng, có lễ các thánh và chân phước thành viên của Dòng tu hội ấy, hoặc có mối liên quan đặc biệt với Dòng tu hội ấy.

"c. trong một lịch cho các nhà thờ riêng tư, có các lễ mừng riêng cho một giáo phận hoặc cộng đoàn tu sĩ, các lễ mừng này là riêng cho nhà thờ ấy, và được liệt kê trong Danh sách các Ngày Phụng vụ, và lễ các thánh được an táng trong nhà thờ ấy. Các thành viên của các cộng đoàn tu sĩ nên tham gia với cộng đồng của Giáo hội địa phương trong dịp kỷ niệm cung hiến nhà thờ chính tòa, và lễ các thánh bổn mạng chính của địa phương hay vùng rộng lớn, nơi họ sinh sống".

Đáng chú ý là văn bản không nói các Giáo Hội địa phương nhưng nói các Giáo hội cá nhân (riêng, singularum), để khỏi có sự nhầm lẫn từ ngữ trong tài liệu. Theo bảng thứ tự ưu tiên phụng vụ, việc cử hành mừng tước hiệu nhà thờ thường được xếp là một lễ trọng. Bảng thứ tự ưu tiên và lễ trọng riêng của một nhà thờ cá nhân được liệt kê trong 4a-b:

"1. Tam Nhật Vượt Qua tưởng niệm cuộc Thương khó và sự Phục sinh của Chúa.

"2. Lễ Giáng sinh, Hiển linh, Thăng thiên và Hiện xuống. Các Chúa Nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh. Thứ Tư lễ Tro. Các ngày trong Tuần Thánh, từ thứ Hai đến hết thứ Năm. Các ngày trong tuần Bát nhật Phục sinh.

“3. Các lễ trọng kính Chúa, Đức Mẹ và các Thánh có ghi trong lịch chung. Lễ cầu cho mọi tín hữu đã qua đời (2-11).

“4. Các lễ trọng riêng, tức là:

a) Lễ trọng Thánh Bổn mạng chính của địa phương, thành phố hay quốc gia;

b) Lễ trọng Cung hiến thánh đường, hay ngày kỷ niệm Cung hiến thánh đường đó;

c) Lễ trọng mừng tước hiệu của nhà thờ;

d) Lễ trọng của dòng hay hội dòng mừng tước hiệu, hoặc Đấng sáng lập dòng, hay Bổn mạng chính của dòng.

“5. Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung”.

Liên quan đến việc cử hành các ngày lễ này, các quy tắc thứ tự ưu tiên nói:

"58. Ðể phục vụ lợi ích mục vụ cho giáo dân, trong các Chúa Nhật Thường Niên, được phép mừng các lễ nào gặp trong tuần mà được giáo dân sùng mộ, miễn là những lễ ấy cao hơn chính ngày Chúa Nhật theo bảng ghi thứ tự ưu tiên. Có thể mừng các lễ ấy trong mọi thánh lễ có đông giáo dân tham dự”.

Do đó, nếu tước hiệu một giáo xứ không phải là một lễ trọng trong lịch chung (Thánh Giuse, lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội, vv), thì đó là một lễ trọng trong nhà thờ địa phương ấy.

Nếu lễ trọng rơi vào một ngày thường trong mùa thường niên, cha xứ có thể chọn chuyển lễ này vào Chúa Nhật gần nhất để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó.

Do đó, nếu một giáo xứ có thánh bổn mạng, thí dụ, là thánh Bonaventura hoặc Đức Mẹ Núi Cát Minh (ngày 15 và 16-7), lễ trọng nên chuyển vào Chúa Nhật gần nhất sau đó.

Tuy nhiên, nếu giáo xứ có thánh bổn mạng là thánh Athanasius (ngày 2-5) hoặc thánh Gioan Thánh giá (ngày 14-12), việc chuyển lễ vào ngày Chúa Nhật sẽ không thể thực hiện được, vì Chúa Nhật mùa Phục Sinh và Chúa Nhật Mùa Vọng là ưu tiên hơn lễ trọng riêng.

Lễ ấy vẫn là một lễ trọng vào đúng ngày, với mọi thuộc tính phụng vụ của một lễ trọng, chẳng hạn có ba bài đọc, kinh Vinh Danh và kinh Tin Kính.

Nếu lễ trọng riêng trùng hợp với ngày Chúa Nhật ưu tiên cao hơn (thí dụ: lễ thánh Gioan Thánh Giá rơi vào một Chúa Nhật Mùa Vọng), thì ngày lễ của vị thánh thường được chuyển sang ngày thứ Hai tiếp sau đó. (Zenit.org 17-1-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Ngỗng Dạy Con
Nguyễn Đức Cung
09:39 17/01/2018
MẸ NGỖNG DẠY CON
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Dạy con từ lúc còn non
Để khi khôn lớn con còn mưu sinh.
(nđc)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 18/1/2018
VietCatholic Network
11:40 17/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay đặc biệt tường trình về chuyến Tông Du của Đức Thánh Cha Phanxicô trong 2 ngày đầu tại Chilê:

1- Những hoạt động chính của Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Chilê.

2- Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Tổng thống, chính quyền dân sự Chilê và ngoại giao đoàn ngày 16/1/2018.

3- Bài giảng của Đức Thánh Cha tại công viên O'Higgins, Chilê, thứ Ba ngày 16/1/2018.

4- Giới thiệu Thánh Ca: Dấu Ấn Tình Yêu.

Sau đây là phần tin chi tiết:


1- Những hoạt động chính của Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Chilê.

Tin Vatican, chuyến bay chở Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nam Mỹ để tông du Chilê và Pêru đã rời Rôma vào lúc 8h55 sáng thứ Hai 15 tháng Giêng. Sau hơn 15 giờ bay, Đức Thánh Cha đã tới thủ đô Santiago của Chilê. Sứ thần Tòa Thánh tại Chilê là Đức Tổng Giám Mục Ivo Scapolo, đã bước lên máy bay để chào đón Đức Thánh Cha. Ra đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay, có Tổng thống Michelle Bachelet, Đức Hồng Y Ricardo Ezzati, là Tổng giám mục Santiago, và Đức Cha Santiago Silva, là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Chilê.
Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha đã ghé thăm giáo xứ San Luis Beltrán ở Pudahuel và cầu nguyện trước ngôi mộ của Đức Cha Enrique Alvear Urrutia, người được mệnh danh là “Giám Mục của người nghèo”. Hàng trăm cư dân của quận Pudahuel đã chào đón Đức Thánh Cha với đầy cảm xúc. Sau đó, Đức Thánh Cha đã về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại thủ đô Santiago để nghỉ đêm tại đây. Trên đường đi, Đức Thánh Cha đã xuống xe và bước lên một chiếc xe mui trần và đi dọc theo các đại lộ chính của thành phố Santiago để chào thăm dân chúng cho đến khi vào đến bên trong tòa Sứ Thần Tòa Thánh.
Cuộc viếng thăm của Đức đương kim Giáo Hoàng có chủ đề là câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Thầy ban bình an cho các con” (Ga 14,27) được ghi trên huy hiệu chuyến viếng thăm, có hình thánh giá lớn màu vàng gắn liền với bản đồ Chile, như muốn trải dài niềm an bình của Chúa trên đất nước này. Đây là lần đầu tiên Đức Phanxicô viếng Chile từ ngày lên ngôi giáo hoàng vào năm 2013.
Chuyến tông du của Đức Phanxicô, theo hang thông tấn A.P., nhằm làm nổi bật số phận của di dân và nhấn mạnh tới việc phải bảo tồn rừng già Amazon. Tuy nhiên, việc lạm dụng tình dục của một số linh mục đã chiếm một vị trí khá rõ trong chuyến đi này. Nhưng nhìn cảnh ngài được đón tiếp dọc đường từ phi trường Santiago về Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh và thái độ cởi mở đáp ứng của ngài, tất cả các lo ngại trên, nhất là các lo ngại về chính trị quanh chuyến đi của ngài tự nhiên biến mất. Ngài đến đây không phải vì chúng mà vì những con người thực chất này. Họ có thể là những con người không ra gì về phương diện kinh tế, xã hội và cả tôn giáo theo nghĩa định chế nữa, nhưng họ cần ngài, cần người đại diện của Đấng Siêu Việt trên trần gian.

2- Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Tổng thống, chính quyền dân sự Chilê và ngoại giao đoàn ngày 16/1/2018.

Tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong ngày thứ Ba, 16 tháng Giêng diễn ra trong phạm vi thủ đô Santiago. Ban sáng, sau thánh lễ sáng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda vào lúc 8h20. Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:
Kính thưa tổng thống, các thành viên của chính phủ và ngoại giao đoàn, đại diện của các tổ chức xã hội dân sự, các giới hữu trách, các quý bà và quý ông,
Thật là một niềm vui cho tôi được trở lại Mỹ châu Latinh và bắt đầu cuộc viếng thăm tại đất nước Chilê yêu quí này, nơi đã từng đón tiếp và huấn luyện tôi khi tôi còn trẻ; tôi ước muốn rằng thời gian ở với quí vị cũng là lúc bày tỏ lòng biết ơn vì bao nhiêu điều tốt lành tôi đã nhận được. Tôi nhớ đến một đoạn trong Quốc Ca của các bạn: “Thật tinh khiết bầu trời xanh Chilê, làn gió thuần khiết cũng thổi trên quê hương, và những cánh đồng đầy hoa, là bản sao của vườn Địa Đàng”. Đó là một bài tán tụng ca thực sự ngợi khen mảnh đất họ cư trú, đầy hứa hẹn và thách thức; nhưng đặc biệt là hoài thai một tương lai hứa hẹn.
Xin cám ơn Tổng thống vì những lời chào mừng đã gửi đến tôi. Qua Tổng thống, tôi cũng muốn chào thăm và ôm lấy toàn thể nhân dân Chilê, từ vùng cực bắc của miền Arica và Painacota cho đến quần đảo miền nam, những mảnh đất nhô ra biển của bán đảo và các kênh rạch. Sự đa dạng và phong phú về địa lý của quốc gia này làm ta liên tưởng đến sự phong phú và đa dạng của văn hoá là nét đặc trưng cho đất nước này.
Tôi tri ân sự có mặt của các thành viên trong chính phủ; các vị chủ tịch Thượng viện, Hạ viện và Tối cao Pháp viện, cũng như các vị thẩm quyền khác của nhà nước và cộng tác viên của họ. Tôi chào đón Tổng thống tân cử, là ông Sebastián Piñera Echenique, người vừa mới nhận được sự tín nhiệm của người dân Chilê để lèo lái vận mệnh của đất nước trong bốn năm tới.
Chilê đã lừng danh trong những thập kỷ qua vì sự phát triển của một nền dân chủ mà nhờ đó nó có được một sự tiến bộ bền vững. Các cuộc bầu cử chính trị gần đây là biểu hiện của sự vững mạnh và sự trưởng thành của công dân mà đất nước đã đạt được, đặc biệt là trong năm nay, khi Chilê kỷ niệm 200 năm ngày tuyên bố độc lập. Đây là thời điểm quan trọng đặc biệt, vì nó cho thấy Chilê như một dân tộc, dựa trên tự do và luật pháp, đã từng phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn khác nhau nhưng đã có thể thanh thản vượt qua. Nhờ thế, các bạn đã có thể củng cố và tăng cường ước mơ của tiền nhân khai phá ra quốc gia này.
Theo nghĩa này, tôi nhớ đến những lời đầy biểu tượng của Đức Hồng Y Silva Henríquez trong một buổi kinh chiều tạ ơn Te Deum đã khẳng định: “Chúng ta - tất cả chúng ta - là những người xây dựng một công trình đẹp nhất, đó là Tổ quốc. Quê hương trần thế này tiên báo và chuẩn bị cho chúng ta một quê hương không có biên giới. Nước đó không bắt đầu ngày hôm nay, với chúng ta; nhưng nó không thể lớn lên và sinh hoa trái mà không có chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta đón nhận với lòng tôn trọng, lòng biết ơn, như một nhiệm vụ đã bắt đầu cách đây nhiều năm, như là một di sản làm cho chúng ta vừa tự hào và vừa phải dấn thân”
Mỗi thế hệ phải đón nhận những cuộc tranh đấu và những thành tích của các thế hệ đi trước và nâng chúng lên những mục tiêu cao hơn nữa. Thiện ích, cũng như tình thương, công lý và tình liên đới, không thể đạt được một lần cho tất cả, nhưng cần phải được chinh phục mỗi ngày. Không thể hài lòng với những gì đã đạt được trong quá khứ và nghỉ yên, và tận hưởng nó vì tình huống đó dẫn chúng ta đến việc bỏ qua thực tế là nhiều anh chị em của chúng ta vẫn phải chịu đựng những tình huống bất công đang kêu đòi tất cả chúng ta.
Do đó, các bạn có một thách thức to lớn và thú vị: là tiếp tục hoạt động để nền dân chủ và ước mơ của những bậc tiền bối, thật sự dành cho tất cả mọi người. Hãy biến nó trở thành nơi cho mọi người, không trừ một ai, cảm thấy được kêu gọi xây dựng một ngôi nhà, một gia đình và một quốc gia. Một nơi, một ngôi nhà, một gia đình, được gọi là Chilê: hào phóng, chào đón, yêu thích lịch sử của mình, cùng làm việc cho hiện tại của mình cùng tồn tại và cùng trông với hy vọng cho một tương lai sán lạn. Chúng ta cần nhớ những lời của Thánh Albéron Hurtado: “Một quốc gia, nhiều hơn biên giới, nhiều hơn đất đai, các dãy núi, các biển cả của nó, nhiều hơn ngôn ngữ hay truyền thống của nó, là một sứ mệnh để hoàn thành.” Đây là tương lai. Và tương lai đó có được hay không phần lớn phụ thuộc vào khả năng lắng nghe của người dân và chính quyền.
Khả năng lắng nghe đó có một giá trị to lớn tại đất nước này, nơi mà sự đa nguyên về chủng tộc, văn hóa và lịch sử đòi phải được bảo tồn, chống lại mọi toan tính thiên vị hoặc bá quyền, gây nguy hiểm cho khả năng loại bỏ cái thái độ giáo điều loại trừ người khác nhằm tiến đến một thái độ cởi mở lành mạnh đối với công ích. Nếu nó không có một yếu tính cộng đồng nó sẽ không bao giờ là một điều tốt. Điều không thể thiếu được là lắng nghe: lắng nghe những người thất nghiệp không thể đảm bảo được hiện tại và tương lai của gia đình họ; lắng nghe các thổ dân bản xứ, thường bị quên lãng, quyền lợi của họ phải được quân tâm và văn hóa của họ phải được bảo vệ, để không bị mất một phần căn tính và sự phong phú của quốc gia này. Lắng nghe những người di dân, đang gõ cửa đất nước này để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, và với lòng can đảm và hy vọng, họ muốn kiến tạo một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Hãy lắng nghe những người trẻ, trong những băn khoăn mong được có nhiều cơ hội hơn, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, và qua đó họ cảm thấy mình là những người nắm vai chính tại Chilê mà họ ước mơ; cần tích cực bảo vệ người trẻ chống lại tai ương ma túy đang tước đoạt những điều tốt nhất trong cuộc sống của họ. Hãy lắng nghe người già, với những khôn ngoan rất cần thiết của họ và nâng đỡ sự yếu đuối mong manh của họ. Chúng ta không thể bỏ rơi họ.
Hãy lắng nghe những đứa trẻ, những người nhìn ra thế giới bằng đôi mắt đầy ngạc nhiên và ngây thơ và đang mong đợi từ chúng ta những câu trả lời thực sự cho một tương lai xứng đáng. Và ở đây tôi không thể không bày tỏ sự đau buồn và xấu hổ mà tôi cảm thấy trước những thiệt hại không thể sửa chữa được mà các thừa tác viên của Giáo Hội đã gây ra. Tôi muốn hiệp cùng với các anh em tôi trong hàng Giám Mục, vì điều công bằng là phải xin lỗi và hết sức nâng đỡ các nạn nhân, trong khi chúng ta phải dấn thân để những điều đó không xảy ra nữa.
Với khả năng lắng nghe này, đặc biệt ngày nay, chúng ta được mời gọi chú ý đặc biệt đến căn nhà chung của chúng ta: nuôi dưỡng một nền văn hóa biết chăm sóc trái đất và với mục đích ấy, chúng ta không chỉ hài lòng với việc cung cấp những câu trả lời đặc thù cho các vấn đề trầm trọng về sinh thái học và môi trường đang xảy ra; nhưng trong lãnh vực này cần phải có sự táo bạo, cống hiến một cái nhìn khác, một tư tưởng, một chính sách, một chương trình giáo dục, một lối sống và một linh đạo nhằm chống lại sự bành trướng của những khuôn mẫu duy kỹ thuật, dành ưu tiên cho những thế lực kinh tế mà xem nhẹ hệ thống môi sinh tự nhiên, và qua đó xem thường công ích của các dân tộc.
Sự khôn ngoan của các dân tộc bản xứ đóng góp một phần quan trọng. Chúng ta có thể học được từ nơi họ điều này: không có sự phát triển chân thực nơi một dân tộc quay lưng lại với trái đất và tất cả những gì và những người xung quanh. Chilê, trong căn cội của mình, có một sự khôn ngoan có khả năng giúp đi xa hơn quan niệm thuần túy duy tiêu thụ về cuộc sống để đạt tới một thái độ khôn ngoan khi đứng trước tương lai.
Linh hồn của Chilê là một ơn gọi liên lỉ. Đó là một ơn gọi cho tất cả chúng ta trong đó không ai có thể cảm thấy bị loại trừ hoặc không cần thiết. Một ơn gọi đòi hỏi một sự lựa chọn triệt để cho sự sống, đặc biệt là trong những tình huống mà nó đang bị đe dọa.
Tôi xin cảm ơn một lần nữa vì lời mời đến và gặp gỡ các bạn, và gặp gỡ tâm hồn của dân tộc này; và tôi cầu nguyện xin Đức Trinh Nữ Carmelô, là Mẹ và Nữ Vương Chilê, tiếp tục đồng hành và nâng đỡ các ước mơ của quốc gia được chúc phúc lành này.

3- Bài giảng của Đức Thánh Cha tại công viên O'Higgins, Chilê, thứ Ba 16/1/2018.

Sáng ngày thứ Ba 16 tháng Giêng, sau thánh lễ sáng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Moneda vào lúc 8h20. Lúc 10h30, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại công viên O'Higgins, Chilê với sự tham dự của hơn nửa triệu người. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng...” . Trong những lời đầu tiên này của bài Phúc Âm ngày hôm nay, chúng ta khám phá ra cách thế Chúa Giêsu muốn gặp gỡ chúng ta, đường lối Thiên Chúa luôn luôn gây bất ngờ cho dân Ngài (xem Ex 3: 7). Điều đầu tiên Chúa Giêsu làm là nhìn ra và thấy khuôn mặt dân Người. Những khuôn mặt đánh thức tình yêu nội tâm của Thiên Chúa. Trái tim của Chúa Giêsu không rung động bởi các ý tưởng hay những khái niệm, nhưng bởi những khuôn mặt, những con người đang khát khao sự sống mà Chúa Cha muốn ban cho chúng ta.

Khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng, Ngài nhìn đến khuôn mặt của những môn đệ Người, và điều nổi bật nhất là các ngài, về phần mình, thấy được trong ánh mắt của Chúa Giêsu tiếng vang những ước vọng của họ. Cuộc gặp gỡ này làm phát sinh danh sách các Mối Phúc Thật, là chân trời mà chúng ta được mời gọi và thách thức để vươn tới. Các Mối Phúc không phải là thành quả của một thái độ thụ động đứng trước thực tại, hay đơn thuần là kết quả thu hoạch được của một người quan sát, đang góp nhặt các thống kê buồn thảm về những gì đang xảy ra. Các Mối Phúc cũng không phải là thành quả của những tiên tri loan báo tai ương, là những kẻ chỉ hài lòng với việc gieo vãi những thất vọng. Các Mối Phúc ấy cũng không nảy sinh từ những ảo ảnh hứa hẹn hạnh phúc mà chỉ cần nhấn một cái trong nháy mắt là có ngay. Trái lại các Mối Phúc Thật nảy sinh từ tâm hồn cảm thương của Chúa Giêsu, đang gặp gỡ tâm hồn những người nam nữ tìm kiếm và khát khao một đời sống hạnh phúc; những người biết đau khổ là gì, những người ngỡ ngàng và đau đớn khi mặt đất dưới chân họ rung chuyển, hay khi những giấc mơ của họ bị cuốn trôi đi, khi những chắt chiu trọn cuộc sống của họ bất chợt tan biến; và cả từ những người biết kiên trì và chiến đấu để tiếp tục tiến bước, biết tái thiết và bắt đầu lại.

Cơ man con tim của người dân Chilê biết xây dựng lại và bắt đầu lại! Cơ man những anh chị em biết đứng dậy sau nhiều lần vấp ngã! Đó là những trái tim mà Chúa Giêsu đang ngỏ lời; đó chính là trái tim mà các Mối Phúc Thật muốn nói đến!

Các Mối Phúc Thật không phải là kết quả của một thái độ quá khích hoặc những lời “rẻ tiền” của những người tưởng là biết hết mọi sự nhưng lại không muốn dấn thân làm gì hoặc với một ai, và chung cuộc họ ngăn cản mọi cơ may tạo nên những tiến trình biến đổi và tái thiết trong các cộng đoàn và trong đời sống chúng ta. Các Mối Phúc Thật phát sinh từ trái tim từ bi, không ngừng hy vọng, một con tim cảm thấy rằng hy vọng chính là ngày mới, là sự xua đi thái độ bất động, rũ bỏ thái độ cam chịu tiêu cực. (Pablo Neruda, El habitante y su esperanza, 5).

Chúa Giêsu, khi tuyên bố phúc cho những người nghèo, người đau khổ, bị thương tổn, bệnh nhân, người có lòng thương xót. .. muốn xua tan quán tính đang làm tê liệt những người không còn niềm tin nào nơi quyền năng biến đổi của Thiên Chúa Cha chúng ta, và cũng chẳng còn tin vào những anh chị em của họ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và bị bỏ rơi. Chúa Giêsu, khi công bố các Mối Phúc Thật, muốn xua tan nơi chúng ta thái độ tiêu cực đó, là cảm thức cam chịu khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu chúng ta thoát khỏi những vấn đề của chúng ta, tránh xa người khác, ẩn náu trong cuộc sống thoải mái của chúng ta, và làm lu mờ các cảm thức của chúng ta bằng chủ nghĩa tiêu thụ (x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 2). Ý thức trùm chăn có khuynh hướng cô lập chúng ta khỏi những người khác, phân chia và tách biệt chúng ta, làm chúng ta đui mù với cuộc sống quanh mình và những đau khổ của người khác.

Các Mối Phúc Thật là ngày mới cho tất cả những ai nhìn về tương lai, những ai tiếp tục mơ ước, những ai để cho mình được cảm động và được sai đi bởi Thánh Linh của Thiên Chúa.

Thật tốt là dường nào nếu chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đang đến từ núi Cierro Renca hay Puntilla để nói với chúng ta rằng phúc cho anh, cho chị, cho em. ... Phúc cho các ngươi, nếu được Thần Khí của Thiên Chúa thúc đẩy, các ngươi biết tranh đấu và làm việc cho ngày mới đó, cho một Chí Lợi mới, vì nước các ngươi sẽ là nước thiên đàng. “Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Hãy chống lại thái độ cam chịu giống như một dòng nước ngầm làm tiêu tan những mối quan hệ sâu xa nhất của chúng ta và chia rẽ chúng ta, Chúa Giêsu nói với chúng ta: Phúc cho những ai hoạt động cho sự hòa giải. Phúc cho những người sẵn sàng xắn tay áo hoạt động để những người khác được sống trong an bình. Phúc cho những người cố gắng không gieo rắc chia rẽ. Đó là cách mà các Mối Phúc Thật dạy chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình; mời gọi chúng ta dấn thân để mở rộng hơn bao giờ tinh thần hòa giải giữa chúng ta. Anh chị em có muốn được chúc phúc không? Anh chị em có muốn được hạnh phúc không? Phúc cho những ai hoạt động để người khác có thể được hạnh phúc. Anh chị em có muốn hòa bình? Nếu muốn hãy nỗ lực cho hòa bình.

Ở đây tôi không thể không đề cập đến một vị giám mục lớn của Santiago, là người mà trong một buổi kinh chiều tạ ơn Te Deum đã từng nói: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy hoạt động cho công lý. .. Và nếu ai đó hỏi chúng ta: ‘công lý là gì?’ Hoặc phải chăng công lý chỉ là chuyện ‘Đừng trộm cắp’, chúng ta sẽ nói với họ rằng còn có một loại công lý khác: đó là công lý đòi hỏi mọi người nam nữ phải được đối xử bình đẳng như vậy”

Hãy gieo trồng hòa bình bằng sự gần gũi, bằng việc đi ra khỏi nhà, để quan sát các khuôn mặt, gặp gỡ những người đang khó khăn, những ai không được đối xử như con người, như một người con xứng đáng của đất nước này. Đó là cách thức duy nhất chúng ta có để dệt lên một tương lai hòa bình, một kiến trúc không bao giờ tan rã. Người kiến tạo hòa bình biết rằng quá thường khi cần phải vượt qua được những lỗi lầm lớn nhỏ hay những tham vọng xuất phát từ lòng khao khát quyền lực hay thói háo danh “lấy tiếng cho riêng mình”, hay do mong muốn trở nên quan trọng với giá mà người khác phải trả. Người kiến tạo hòa bình biết rằng thật không dễ để nói: “Tôi không làm tổn thương bất cứ ai”. Như Thánh Alberto Hurtado đã từng nói: “Rất tốt để không làm sai, nhưng rất xấu nếu không làm điều tốt” (Meditación radial, April 1944).

Xây dựng hòa bình là một tiến trình liên kết chúng ta và kích thích tinh thần sáng tạo của chúng ta để tạo nên những tương quan có khả năng nhìn người láng giềng không phải như một người xa lạ, vô danh, nhưng như là một người con của đất nước này.

Chúng ta hãy phó dâng cho Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Đấng từ đỉnh Cerro San Cristóbal đang theo dõi và đồng hành cùng với thành phố này. Cầu xin Mẹ giúp chúng ta sống và khát khao tinh thần của các Mối Phúc Thật, để từ mọi góc của thành phố này chúng ta sẽ nghe, giống như một lời thì thầm nhẹ nhàng: “Phúc cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt. 5: 9).

4- Giới thiệu Thánh Ca: Dấu Ấn Tình Yêu.

Kính thưa quý vị và anh chị em, chúng tôi hân hạnh giới thiệu một bài thánh ca mang tựa đề: Dấu Ấn Tình Yêu của Linh mục Nhạc sĩ Ân Đức. Bài thánh ca này sẽ được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Như Mai.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha với các giám mục, linh mục, chủng sinh, và tu sĩ nam nữ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:18 17/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây