Ngày 19-01-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đây Chiên Thiên Chúa
Lm Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
08:27 19/01/2008
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN A

Đây Chiên Thiên Chúa

Trong Thánh Kinh có nhiều hình ảnh có thể áp dụng vào Đức Kitô: Sư tử nhà Giuđa (St 49,9), Ngôi sao nhà Giacóp (Ds 24,17), Con vua Đavít (2 Sm 7,12), Chồi non từ gốc Giêsê (Is 11,1), Thủ lãnh hoà bình (Is 9,5), Chồi non chính trực (Gr 23,5)… Các tước hiệu này xem ra “hoành tráng” hơn hình ảnh con chiên. Dầu vậy, Tin Mừng Gioan cũng như sách Khải Huyền đã nhiều lần dùng con chiên để chỉ Chúa Giêsu.

Chiên là một con vật hiền lành: như con chiên hiền lành… Không như dê bị coi là con vật ương ngạnh hay sói là con vật hung dữ. Chiên biết chủ trong khi dê không biết ai là chủ. Hơn nữa, chiên là con vật phục vụ sự sống của con người. Ngôn sứ Ezekiel tố cáo các mục tử Israel mặc áo lông chiên, uống sữa chiên, ăn thịt chiên mà không chăm sóc đoàn chiên. Khi người ta muốn dâng tế lễ Thiên Chúa thì người ta lại bắt chính con chiên giết đi làm của lễ. Đặc biệt trường hợp con chiên Vượt Qua: máu chiên bôi trên cửa là dấu hiệu được cứu. Và Hội Thánh đã đọc những bài Sách Thánh liên hệ trong Tuần Thánh.

Tin Mừng Gioan nhấn mạnh Chúa Giêsu bị kết án tử hình vào trưa ngày áp lễ Vượt Qua (Ga 19,14): đó chính là giờ sát tế chiên Vượt Qua ở đền thờ. Và sau khi Chúa tắt thở, lính đã không đánh giập ống chân Chúa (Ga 19,33): đó là người công chính gặp gian truân, nhưng được Thiên Chúa che che, không một cái xương nào bị đánh giập (Tv 33,21); đó cũng là chiên mừng lễ Vượt Qua, không được đánh giập xương (Ds 9,12). Chúa Giêsu là con chiên Vượt Qua đích thực, đó là sứ điệp thánh Gioan muốn gửi đến chúng ta. Và Hội Thánh hằng ngày giới thiệu Chúa Giêsu Thánh Thể: Đây Chiên Thiên Chúa…

Một Thiên Chúa trở thành con chiên Vượt Qua cho nhân loại: Hội Thánh là đoàn chiên của Thiên Chúa cũng được mời gọi cùng với Chúa Giêsu trở thành đoàn chiên Vượt Qua cho cả nhân loại.
 
Con Chiên đền tội
LM Inhaxiô Trần Ngà
08:35 19/01/2008
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

Con Chiên đền tội

Mùa hè năm nào vua Duy Tân cũng ra nghỉ mát ở cửa Tùng, một cửa biển đẹp, yên tĩnh, bãi tắm bằng phẳng, cát trắng mịn màng.

Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay còn dính cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa vừa hỏi đùa:

- Tay bẩn lấy thì lấy nước mà rửa, còn 'nước' bẩn lấy gì mà rửa?

Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì Vua hỏi tiếp:

- "Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch? ".

Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói:

- Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!"

Nhà vua khéo chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác ngàn lần đáng quý trọng là đất nước, là quê hương.

Khi đất nước bị làm nhục, làm bẩn bởi ngoại bang, không có thứ nước nào có thể rửa được, mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc.

Nhìn theo góc độ thánh kinh, tội lỗi cũng là một vết nhơ trầm trọng không có thứ nước nào có thể tẩy xoá được mà phải cần đến... máu!

Chiên đền tội

Trong thời cựu ước, người có tội cần nhờ đến một con bò, dê hay chiên đổ máu đền tội thay cho mình. Sách Lê vi chép: "Nếu một người vô ý phạm tội, làm một trong những điều mà ĐỨC CHÚA cấm làm... thì vì tội đã phạm, nó sẽ đưa đến một con dê (hoặc chiên) làm lễ tiến. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ.... Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha. (Lê-vi 4, 27-32)

Nhưng thực ra, máu bò, máu chiên không thể trừ khử được tội lỗi của mọi thời, thế nên, Ngôi Hai Thiên Chúa chấp nhận đầu thai xuống thế làm người, trở nên một Con Chiên, Chiên của Thiên Chúa, đổ máu mình rửa sạch tội lỗi thế gian:

"Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. (Dt 10, 4-7)

Ngay từ đầu, ông Gioan Tẩy giả đã nhận ra vai trò làm Chiên đền tội của Chúa Giê-su nên "khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi." (Gioan 1, 29-30)

Thế là Chúa Giê-su cam phận làm Chiên mới để hiến thân chịu chết và đổ máu mình rửa sạch tội lỗi thế gian.

Chiên Vượt Qua

Để giải phóng dân Ít-ra-en thoát khỏi kiếp nô lệ bên Ai-cập, Mô-sê truyền cho dân Ít-ra-en, mỗi nhà giết một con chiên đực, lấy máu bôi lên khung cửa nhà mình. Đến nửa đêm, thiên thần sẽ rảo qua toàn cõi Ai-cập, sát hại mọi con đầu lòng người Ai-cập; còn dân Ít-ra-en, nhờ vết máu được bôi lên khung cửa làm dấu, thiên thần sẽ vượt qua và để cho họ được an toàn.

Thế là nhờ máu chiên vượt qua mà con đầu lòng dân Ít-ra-en được cứu sống và toàn dân thoát khỏi kiếp nô lệ Ai-cập. (Xuất hành, 12, 1-13)

Thánh Phao-lô nhận ra Chúa Giê-su chính là Chiên Vượt Qua mới, ngài viết: "Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta" (I Corinto 5,7)

Mang thân phận chiên vượt qua, Chúa Giê-su chịu đổ máu để rửa chúng ta khỏi vết nhơ tội lỗi, chịu sát tế để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Thế nên, vào đúng thời điểm dân Ít-ra-en thọc tiết chiên để mừng lễ vượt qua vào chiều thứ sáu, thì trên thập giá, Chiên Vượt Qua mới là Chúa Giê-su cũng bị tên lính đâm thủng cạnh sườn. (Gioan 19, 34)

Hôm nay, tội lỗi của riêng bản thân chúng ta cũng như của nhân loại còn đang chất ngất. Thế nên, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hiến mình làm chiên xoá tội trong hy tế thánh thể hằng ngày. Trong mỗi thánh lễ, khi nâng cao Mình thánh Chúa Giê-su cho tín hữu tôn thờ, linh mục dùng lại lời của thánh Gioan tẩy giả để giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên Mới đang tiếp tục hiến tế cứu độ thế gian: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian".

Được trở thành chi thể của Chúa Giê-su nhờ bí tích rửa tội, được hiệp thông nên một với Chúa Giê-su qua hy tế thánh lễ mỗi ngày và nhất là được thông dự vào chức tư tế của Chúa Giê-su, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở nên chiên Thiên Chúa với Chúa Giê-su, để cùng Ngài dâng hiến cuộc đời chúng ta làm hy tế cứu độ thế gian.

Trở nên chiên Thiên Chúa để cùng hiến tế với Chúa Giê-su không chỉ là một lời mời gọi mà là một sứ vụ không thể tách lìa của mỗi người kitô hữu.

Lạy Chiên Thiên Chúa, xin giúp chúng con thực hiện sứ mạng rất cao quý và cũng rất nặng nề nầy.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:14 19/01/2008
LƯƠNG UYÊN NUÔI THÚ

N2T


Trong hoàng cung của Châu Tuyên vương, có một người tên là Lương Uyên chuyên phụ trách chăm sóc các động vật, anh ta hiểu cách đặc biệt về cách nuôi động vật hoang dại. Các động vật được Lương Uyên nuôi trong vườn, dù cho là các loại cầm thú dũng mãnh như hổ, lang sói, điểu, chim ó, cũng đều biểu hiện được sự hoàn thuận ôn thuần.

Châu Tuyên vương lo là sau khi Lương Uyên chết thì kỷ thuật cũng bị thất truyền, nên phái Mao Khâu Viên đến học nghệ cùng anh ta.

Lương Uyên nói với Mao Khâu Viên: “Công việc tôi làm thật đơn giản, hoàn toàn không có gì đặc biệt để dạy cho anh, bèn tạm đem một vài nguyên tắc dạy hổ nói cho anh vậy: Phàm là động vật có khí huyết, chỉ cần chiều theo nó thì nó rất vui mừng, làm nghịch lại với nó thì nó giận dữ, đó chính là bản tính. Chỉ cần chiều theo bản tính của con hổ, thì hổ cũng sẽ lấy lòng người nuôi dưỡng nó, nhược bằng vi phạm bản tính của nó, thì nó sẽ cắn người. Do đó, chỉ cần khống chế chuẩn xác cách ăn uống của thú hoang dại, không nên để chúng nó đói; chiều theo tính khí của chúng nó, không nên để chúng nó giận dữ, như thế chúng nó coi chúng ta là đồng loại với chúng, tự nhiên sẽ không nghĩ đến núi sâu đất dã.

“Động vật trong vườn của tôi, chính là bị tôi trung hòa bản tính nên mới như thế đó.”


(Liệt tử Hoàng đế)

Suy tư:

Có hai bí quyết để chế phục động vật hoang dã, đặc biệt là những loài có khí huyết: một là hiểu được bản tính của nó, hai là không chế việc ăn uống của nó. Bởi vì dù là động vật có khí huyết –như con người- nhưng nó vẫn là loài không có trí khôn như con người.

Con người là một động vật có khí huyết đồng thời cũng có trí khôn, có lý trí, cho nên không thể dùng vật chất để khống chế, càng không thể dùng bạo lực để chế ngự, nhưng chỉ có sự công bằng trong tự do mới có thể khắc chế loài người có trí khôn và lý trí mà thôi.

Người Ki-tô hữu đều biết rằng, con người không những có thân xác, có linh hồn mà còn là được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa nữa, mà Thiên Chúa chính là chân lý, là hoàn thiện, là tuyệt mỹ và rất thánh. Cho nên con người bao lâu còn ở thế gian này thì vẫn luôn khát khao tìm kiếm chân lý để được sống hoàn thiện, tìm sự đẹp đẽ trong tư tưởng và việc làm để cuối cùng trở nên thánh khi diện kiến với Cha trên trời.

Hiểu được bản tính của động vật hoang dã và chế phục cách ăn uống của nó là việc làm của người nuôi dạy thú; dùng tự do và công bằng để thu phục và kiến tạo lòng tin của mọi người, là việc làm của những người có trách nhiệm với mọi người, trách nhiệm này sẽ giải bày công khai khi ra trước tòa án công thẳng của Thiên Chúa.

Đáng sợ thật.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:15 19/01/2008
N2T


10. Phục tùng cách hoàn mỹ là đức khiêm tốn tạo thành các bộ phận, cũng là kết quả việc kính sợ Thiên Chúa. (Thánh Benedictus).

(Thánh Ignatius de Loyola)
 
Rao giảng Tin Mừng Nước Trời
Lã Mộng Thường
21:16 19/01/2008
CHỦ NHẬT THỨ HAI THƯỜNG NIÊN

Rao giảng Tin Mừng Nước Trời

Qua bài Phúc Âm, chúng ta thấy những diễn tiến sau:

  • 1/ Trông thấy Chúa Giê su tiến đến, Gioan Tẩy Giả lớn tiếng công bố: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.
  • 2/ “Nầy tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước.”
  • 3/ “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.”
  • 4/ “Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa.”
Nơi Phúc Âm Matthêu được ghi lại, “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, ta hài lòng về Người” (Mt. 3:16-17).

Qua diễn trình Phúc Âm thánh Gioan ghi lại, có thể Chúa Giêsu đến nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa lần thứ hai vì Gioan Tẩy Giả đã được thấy Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu; thế nên Gioan Tẩy Giả lên tiếng minh xác về Ngài.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu truyền cho các môn đồ sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Trời và rửa tội cho muôn dân, “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.”

Mỗi người khi chịu phép Rửa Tội, được Chúa Giêsu làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần, được thông quyền tư tế, tiên tri, và vương quyền của Ngài. Như vậy, mỗi người theo Chúa Giêsu được gọi là con của Thiên Chúa và mang sứ vụ giống như Chúa Giêsu đã thực hiện, rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Chẳng những thế, Chúa Giêsu đã rõ ràng minh xác, “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thày, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm” (Gn. 14:12-13). Hơn nữa, Ngài còn đoan chắc, “Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: 'Dời chỗ đi, nhào xuống biển!', mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều ấy sẽ được ban cho. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc. 11:23-24).

Chúa Giêsu đã rao giảng về Tin Mừng Nước Trời như thế nào. Tin Mừng Nước Trời Ngài rao giảng là gì? Tại sao Phúc Âm được ghi, “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 1:23).

Chúa Giêsu rao giảng thế nào về đức tin, lòng tin? Đức tin Ngài rao giảng là gì và tại sao "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc. 17:6).

Chúng ta thực lòng nghĩ mình tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu; chúng ta tuyên dương mình có đức tin. Vậy đức tin của chúng ta như thế nào? Nếu đem so sánh với lời giảng dạy của Chúa Giêsu nơi Phúc Âm thì đức tin của mình lớn hay nhỏ hơn hạt cải?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dòng Tên tại Anh được nghe tường trình chuyện Việt Nam
Nguyễn Việt Nam
03:27 19/01/2008
Luân Đôn - Tối thứ Sáu 18/1/2008, tỉnh dòng Tên tại Anh đã chính thức khai mạc một Web site tin tức Công Giáo có tên gọi là Thinking Faith tại địa chỉ www.thinkingfaith.org. Đến dự buổi ra mắt này có hơn 400 vị khách gồm các nhà thần học, các nhà văn, các ký giả và một số nhân vật trong chính giới Anh.

Thinking Faith được xây dựng dựa trên tạp chí truyền thống của dòng Tên tại Anh là tờ The Month. Tuy nhiên, khác với tờ The Month, Thinking Faith không xuất bản định kỳ. Tin tức được cập nhập liên tục. Trong bài diễn văn khai mạc, cha Peter Scally SJ, cũng cho biết là Thinking Faith sẽ bao gồm nhiều lãnh vực hơn từ khoa học cho đến thần học, nghiên cứu chính trị tới thơ văn, linh đạo, văn hóa và truyền giáo.

Trong buổi tối khai mạc, các vị quan khách đã được nghe giới thiệu một số đề tài tiêu biểu về vấn đề tự do tôn giáo, như bài nói chuyện của cha Raúl Gonzalez SJ về chế độ Hugo Chávez của Venezuela; bài của cô Josephine Siedlecka, chủ biên Independent Catholic News, người về từ Hà Nội, người đã tận mắt chứng kiến những gì xảy ra trên Phố Cầu Nguyện; và bài của Anthony Egan ở Nam Phi về vai trò của tổ chức trợ giúp các Giáo Hội Đau Khổ tại Phi Châu.

Trong tinh thần của Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất, cha Michael Hurley SJ, tỉnh dòng Tên Ái Nhĩ Lan đã có bài nói chuyện về tiến trình đại kết tại quốc gia này.

Cha Guy Consolmagno của tờ Vatican Observatory cũng đã đề cập đến thông điệp Spe Salvi của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI.

Muốn đăng ký nhận tin tức xin liên lạc tại địa chỉ jmi@jesuits.org.uk
 
Cả thế giới đang chờ đợi và đã có danh tánh vị Tân Bề Trên Cả Dòng Tên
Ngọc Loan
07:08 19/01/2008
Roma: Hôm nay Đức Giáo Hoàng và cả thế giới đang chờ đợi tin tức bầu cử vị Bề Trên Cả Dòng Tên (cũng thường được gọi là Giáo Hoàng Đen), đang diễn ra tại Roma trong Tổng Tu Nghị lần thứ 35 của Dòng Tên.

Cha Adolfo Nicolas, Linh Mục Dòng Tên người Tây Ban Nha, 71 tuổi đã được bầu làm tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, nguyên là vị Bề Trên đặt trách vùng Đông Nam Á. Ngay khi được danh tánh, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã được thông báo ngay việc tuyển chọn này. Đây là vị Tân Bề Trên Tổng Quyền lần thứ 30 của Dòng Tên và là vị thứ 29 kế nhiệm đấng sáng lập Dòng, Thánh I Nhã thành Loyola.

Với trường hợp rất ngoại lệ, cựu Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, Cha Peter-Hans Kolvenbach, đã được Đức Giáo Hoàng cho phép để xin từ nhiệm và ngày thứ Hai 14/1, các Cha Dòng Tên tham dự Tổng Tu Nghị đã chấp thuận đơn từ nhiệm, cùng tiếp theo trong 5 ngày tĩnh tâm, các Cha Dòng Tên sẽ bầu vị Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên đã được diễn ra từ 9.30 sáng hôm nay Thứ Bảy 19/1/2008.

Mọi người vẫn gọi Vị Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên là vị Giáo Hoàng Đen, vì một lý do đơn giản đó là vị Bề Trên Tổng Quyền với áo trùm đen sẽ giữ mãi nhiệm vụ đó cho tới khi Chúa gọi về. Nhưng khác với lần bầu cử trong Cơ Mật Viện để bầu Giáo Hoàng, khi trúng cử khói trắng trên ống khói nguyện đường Sixtine sẽ bốc lên, và vị tân tuyển cử Giáo Hoàng sẽ được hỏi là có chấp nhận chức vị Giáo Hoàng hay không, thế nhưng vị Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên sẽ được bầu sau những ngày tĩnh tâm cật lực và vốn đặt đức vâng lời lên trên hết, vị tân Bề Trên Tổng Quyền được bầu bắt buộc phải nhậm chức cũng như không có làn khói trắng nào tỏa ra.

Hẳn nhiên, các vị đại biểu Dòng Tên sẽ kinh ngạc vào sự sáng suốt khôn ngoan, cầu nguyện trong 5 ngày qua tín thác nơi Chúa quan phòng, vị tân Bề Trên Tổng Quyền sẽ bắt đầu ngay vào nhiệm vụ của mình qua các hình thức nghi lễ bận rộn trong một ngày.

Vào chiều Chủ Nhật ngày mai, 20/1/2008, vị Tân Bề Trên Tổng Quyền Adolfo Nicolas, sẽ chủ tế Thánh Lễ đầu tay trong tư cách vị chủ chăn của Dòng Tên, một Dòng lớn nhất trên thế giới. Trước khi cử hành Thánh Lễ, vị tân Bề Trên sẽ đến căn phòng của Đấng lập Dòng, tại đây được gọi là camerete, là nơi Thánh I Nhã đã viết thủ bản, và cũng là nơi Cha Thánh đã dành trọn những năm cuối cùng của Ngài nơi trần thế. Cũng tại trong 4 bức tường này sau khi Cha Thánh I Nhã qua đời, đã được dựng lên thành nhà nguyện, hình thức trang trí trong nhà nguyện này cũng phản ánh lên được hầu như trọn cuộc đời của Thánh I Nhã.

Tại nhà nguyện, cùng tháp tùng với Cha Tân Bề Trên Tổng Quyền Adolfo Nicolas,, sẽ có một nhóm nhỏ đại diện các đại biểu Dòng Tên tham dự Tổng Tu Nghị, Cha Tân Bề Trên Adolfo Nicolas, sẽ giữ thinh lặng cầu nguyện. Một vị phó tế Dòng Tên sẽ mở sách Phúc Âm thánh Matthêu và đọc to đoạn sau đây (Chương 23: 8-12).

"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Sau đó đọan sách Phúc Âm được mở ra chương Matthêu sẽ đặt ngay trên bàn thờ nhà nguyện. Từ lúc này, vị Cựu Bề Trên Tổng Quyền, Cha Peter-Hans Kolvenbach với tư cách là niên trưởng của Dòng Tên sẽ hướng về vị Tân Bề Trên Adolfo Nicolas, để đọc một đoạn văn trong thủ bản bằng tiếng La Tinh, chào mừng và nói lên những lời khuyên và những lời cam kết đối với vị Tân Bề Trên Tổng Quyền, văn bản tiếng La Tinh được dịch ra tiếng Anh như sau: (vì là thủ bản, nên xin dành bản dịch tiếng Việt cho các Cha Dòng Tên)

"Your Fatherhood, the Lord has chosen you as successor of St Ignatius in the leadership of his Company.

Remember the qualities that the Constitutions recommend that the Superior General must expect of himself: be always united intimately with the Lord, for familiarity with God in prayer and in all things is the fountain of grace for the entire apostolic work of the Society.

Be for us an example of virtue, let charity for all be resplendent in you, and true humility: this will make you lovable before our Lord God and before men.

Be free from passions, live with mortification and rectitude, that you may always be pure in your justice and each one inspired by your integrity.

Know to moderate kindness with firmness, just indulgence with severity, that you might match the love of Christ the Lord.

With strength of spirit, support the weakness of the many and persevere constantly in the face of adversity, trusting not in your own strengths, but in the love and grace of God. Be firm in doctrine, wise in your judgments, prudent in your decisions, illumined in discerning the spirits, vigilant in leading to fulfillment that which is entrusted to you.

Seek not the esteem or the honors of men, but seek rather to please only the Lord, to receive from him your just reward.

Love the Company, not as your possession, but as that which has been entrusted to you, that it might bring forth countless fruits of charity and service; and when the owner of the house returns, know that from this you will make account before his just mercy.

Remember, then, that you are given to us as a guide, so that in watching and following you in the acceptance of our own vocation, all of us might persevere and grow in that way which leads to the Lord, with the end of reaching that for which we have been created and called.

May the good Father bring to completion that which he has begun in you, for the good of the church, of the Company and of men.

In all things love and serve."
 
Luân lý và Chính trị theo tư tưởng của ĐHY Joseph Ratzinger
Nguyễn Mừng
08:32 19/01/2008
Luân lý và Chính trị

Bàn về những tư tưởng của Hồng Y Joseph Ratzinger nay là Giáo Hoàng Biển-đúc 16 trong cuón sách “Những giá trị trong một thời đại hổn loạn” (bản tiếng Anh “Values in a time of upheaval)

Nhiều người thường nói “Tổ quốc trên hết, hay Quốc gia trên hết” Nhưng theo Ratzinger thì tổ quốc cũng như quốc gia không phải là một quyền uy tối thượng.. Quyền uy của quốc gia phải được đặt dưới sự chỉ đaọ của một đạo lý và nột nền luân lý biết tôn trọng nhân phẩm của con người và phân biệt được thiện ác. Nếu không thì những người cầm vận mệnh của quốc gia, tức là vua chúa hay chính quyền, sẽ lợi dụng uy quyền tuyệt đối của quốc gia để áp bức dân chúng.

Cũng có nhiều người cho rằng trong một thể chế dân chủ, đa số quyết định những luật lệ có lợi cho toàn thể xã hội và như vậy không cần một đạo lý chỉ đạo. Nếu đa số bị bắt buột phải tuân theo một nền đạo lý nào mà mình không ưa thích thì hình như tự do bị xâm phạm và nguyên tắc dân chủ bị hũy bỏ. Nhưng nếu không có những căn bản về việc tôn trọng nhân phẩm và công bằng, dù cho những căn bản đó không được đa số chấp nhận, thì quyền sống của các nhóm thiểu số có thể bị chà đạp trong một chế độ độc tài của đa số, như đã nhiều lần diễn ra trong lịch sử nhân loại (mà lịch sử của dân da đen ở Hoa Kỳ là một ví dụ) Hơn nữa ta khó có thể phủ nhận rằng đa số đôi khi có thể bị lầm lẩn, ngay cả trong những vấn đề quan trọng, làm cho nhân phẩm và nhân quyền không còn được bảo đãm nữa và tự do mất hết ý nghĩa của nó. Thế kỷ 20 vừa qua đã cho thấy các nhà chính trị hoạt đầu có thể dùng những chính sách mỵ dân lèo lái đa sồ để thực hiện những ý đồ đen tối của mình,(như Mussoloni, Hitler và Stalin), đưa đến những hậu quả thê thảm cho toàn thể nhân loại.

Nhiệm vụ chính của chính trị là đặt quyền lực dưới tiêu chuẩn của luân lý và luật lệ.,và như vậy quy định việc dùng quyền lực một cách có ý nghĩa. Không phải luật cuả kẻ mạnh hay của nhà cầm quyền phải đưọc thượng tôn, mà mà chính pháp luật phải được đề cao. Quyền lực phải được dùng để phục vụ pháp luật. Môt uy quyền không đếm xỉa gì đến pháp luật và luân lý thì nó không còn là một uy quyền chính đáng nữa mà đó chỉ là baọ qquyền. Muốn cho đời sống của xã hội được an toàn thì phải tránh những gì gây sự nghi ngờ cho pháp luật và những quy định của nó,vì như vậy thì mới tránh được cách cư xử độc đoán cuả chính quyền và tất cả mọi người mới thực sự có tự do. Một nền tự do không có pháp luật và luân lý phân minh sẽ đưa đến hỗn lọan, và như vây tư do sẽ bị tiêu diệt.

Luật pháp phải được lập ra dựa trên những nguyên tắc luân lý. Môt xã hội tốt đẹp không thể đưa ra những đạo luật trái với luân lý, ví dụ như cho phép giết một hạng người nào đó. Luật pháp cũng phải được lập ra vói sư tham gia của mọi người (qua những đaị biểu chính đáng của họ). Như vậy uy quyền mới được chia sẻ một cánh hợp lý và công bằng, và nhân quyền của mọi người mới được bảo đãm.

Tự do đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng luân lý. Luân lý tự nó không có quyền lực nhưng chúng ta phải hiểu rằng chỉ có luân lý mới có sức mạnh thực sự để thăng tiến con người. Tự do đòi hỏi những chính phủ và những ai có trách nhiệm phải tôn trọng một thực thể không có một tý khả năng ép buột nào: đó là luân lý. Chế độ độc tài Đức Quốc xã cũng như Cộng sản đã không xem một hành động nào tự nó là độc ác và luôn luôn vô luân. Bất cứ hành động nào phục vụ cho mục đích cuả phong trào hay đảng đều đáng được ca ngợi, dù cho nó vô nhân đạo và tàn nhẩn đến đâu mặc lòng.

Nhiệm vụ của chính quyền là điều hòa đời sống của con người trong xã hội, tạo nên một thế cân bằng giữa tự do và luân lý, gíúp cho mỗi cá nhân sống một đời sống xứng đáng. Ta cũng có thể nói chính quyền bảo đãm luật pháp. Đó là một diều kiện tiên quyết của tự do và việc chia sẽ phồn thịnh. Cai trị là một phần nhiệm vụ của chính quyền, nhưng sự cai trị này không chỉ là thi thố quyền hành mà là bảo đảm nhân quyền của mỗi cá nhân và phúc lợi cho mọi người.

Chính quyền không có nhiệm vụ hay khả năng biến thế giới thành thiên đường.Nếu chính quyền hành xữ như là Thiên Chúa (nghĩa là xem mình có uy quyền tuyệt đối)thì nó sẽ trở thành con thú của địa ngục. Chính quyền phải tỏ ra mình là cơ quan gìn giữ sự thật và công lý. Chính quyền phải là kẻ giám hộ trung thành của trật tự, giúp cho mọi người sống an lành trong xã hội. Chúng ta phải tuân theo một chính quyền như vậy. Tuân thủ luật pháp không làm chúng ta mất tự do, nhưng làm cho tự do được bảo đãm. Nhưng nếu chính quyền tự xem mình như Thiên Chúa và đơn phương quyết định cái gì là lẽ phải và chân lý thì nó sẽ phá huỹ con người bằng cách chối bỏ chân tính của họ. Chúng ta không có bổn phận phải tuân phục một chính quyền như vậy. Đó là chưa nói đến những chính quyền tham nhũng hay dùng vũ lực để áp bức dân chúng. Họ không còn là một chính quyền chính đáng nữa, là chỉ là một băng đảng..

Chính quyền tự nó không phải là nguồn gốc của chân lý và đạo đức. Nó không có quyền taọ ra chân lý bằng một chủ nghĩa dựa trên dân chúng, chủngtộc, giai cấp hay một thực thể nào khác. Nó cũng không thể sản xuất ra chân lý qua đa số. Uy quyền của chính quyền không phải là tuyệt đối.

Mục tiêu của chính quyền không phải là để bảo vệ một nền tư do không có những nguyên tắc luân lý rỏ rệt. Để gây đựng một trật tự thỏa đáng cho đời sống xã hội, chính quyền cần phải tôn trọng môt chân lý và một nền luân lý tối thiểu và không được thao túng chúng. Nếu không, xã hội sẽ chỉ ngang hàng với một băng đảng trôm cưóp đuợc điều hành một cách êm thấm.
 
Dòng Tên có Bề Trên Tổng Quyền mới người gốc Tây Ban Nha
Nguyễn Thiện Chí
12:02 19/01/2008
Roma (17/1/2008)- Sau bốn ngày cầu nguyện, suy tư và bàn hỏi, 217 đại biểu tại Tổng Hội lần thứ 35 của dòng Tên đã bầu ra vị bề trên Tổng Quyền mới thay thế cha Peter Hans Kolvenbach, SJ, người lãnh đạo dòng Tên từ năm 1983. Cha Peter Hans Kolvenbach đã chính thức về hưu với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha và hội đồng đại biểu vào thứ Hai 14/1 vừa qua, mở đường cho cuộc bầu vị tân tổng quyền cho dòng.

Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên: LM. Adolfo Nicholas
Cha ADOLFO NICHOLAS, 71 tuổi, người gốc Tây Ban Nha, cựu bề trên tỉnh dòng Nhật Bản, hiện đang làm Chủ Tịch vùng Đông Á – Úc của Dòng Tên, đã được Tổng Hội bầu làm vị Bề Trên Tổng Quyền thứ 30 kế vị thánh I-nhã.

Thể thức bầu cử vị tân Bề Trên Tổng Quyền đã diễn ra nhanh chóng theo thủ tục. Sau thánh lễ trọng thể tại nhà thờ Chúa Thánh Thần lúc 8g00 sáng 19/1/2008, các đại biểu đã vào phòng riêng cầu nguyện và bỏ phiếu kín lúc 9g30 theo như các quy định trong Hiến Pháp dòng. Các phiếu kín sẽ được kiểm nghiệm bởi một nhóm ba người được chỉ định trước. Ai được đa số phiếu (51%) sẽ được coi là thắng cử.

Danh tánh vị tân tổng quyền sẽ được thông báo trước tiên cho Đức Thánh Cha, trước khi công bố cho các đại biểu bằng công thức: “Tôi công bố cha (tên) được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền của Hội Dòng Chúa Giêsu, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Vị tân cử sẽ hướng về thánh giá và tuyên xưng đức tin: “Tôi, (tên), xác tín vững vàng tất cả mỗi một chân lý trong Tín Biểu (Kinh Tin Kính)” và đọc Kinh Tin Kính. Tiếp theo các đại biểu lần lượt lên chào mừng cha Bề Trên Cả mới. Sau đó, cả Tổng Hội đã vào nhà nguyện tạ ơn Thiên Chúa. Chiều mai, Chúa Nhật 20/1/2008, lúc 16g00 sẽ có thánh lễ đồng tế tạ ơn tại nhà thờ Mẹ của dòng Tên, thánh đường Gesù với cha Bề Trên Cả mới.

Được biết cha ADOLFO NICOLAS sinh ngày 29.04.1936 tại Palencia, Tây Ban Nha

Ngài gia nhập Dòng Tên năm 1953 tai Aranjuez, Madrid, Tây Ban Nha

Từ năm 1955-1960: Học triết học tai Aranjuez, Alcala de Henares

Từ năm 1964-1968: Học thần học tai Tokyo, Nhật Bản

Chịu chức linh muc ngày 17.03.1967 tai Tokyo, Nhật Bản

Từ năm 1968-1971: Học Thần Học Tín Lý tai Dai Hoc Gregoriana, Roma

Từ năm 1971-2002: Dậy Thần Học tai Đại Học Sophia, Nhật Bản

Từ năm 1978-1984: Giám Đốc East Asia Pastoral Institute tai Manila, Philippines

Từ năm 1993-1999: Giám Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản

Từ năm 2004-2007: Chủ Tịch Vùng Đông Á - Úc

Ngày 19.01.2008: Tổng Hội 35 bầu ngài làm Bề Trên Cả thứ 30 sau Thánh I-Nhã

Cha Nicholas thông thao tiếng Tây Ban Nha, Nhật, Anh, Pháp và Ý
 
Hội HLI với 10 Thách Đố dành cho Phong Trào Bảo Vệ Sự Sống trong Năm 2008
Anthony Lê
12:18 19/01/2008
Hội HLI với 10 Thách Đố dành cho Phong Trào Bảo Vệ Sự Sống trong Năm 2008

Cha Tom Euteneuer, Chủ Tịch của Hội Mạng Sống Con Người Quốc Tế (Human Life International), Đã Liệt Kê Ra 10 Thách Đố Sau Đây:

WASHINGTON, D.C. (HLI): Khi chúng ta đang chuẩn bị cho Cuộc Diễn Hành vì Sự Sống tại Washington, D.C. vào ngày Thứ Ba sắp tới đây, tôi muốn liệt kê ra những thách đố đối với phong trào bảo vệ sự sống ở Hoa Kỳ. Nếu chúng ta thật sự muốn đánh bại nền văn hóa phá thai, thì chúng ta phải cùng ngau lớn mạnh lên trong tư cách là một phong trào. Những chiến lược và ý tưởng của 35 năm về trước sẽ chẳng giúp được gì cho chúng ta với chiến thắng mà chúng ta đang phải kiếm tìm vì lẽ cuộc chiến chống lại thứ tội lỗi tâm linh có tính khống chế và thuyết phục nhất, đã và đang hoành hành thế giới, và chúng ta chỉ có thể thắng được nếu như chúng ta biết hoàn toàn dựa trên Lời của Thiên Chúa.

Phong Trào Bảo Vệ Sự Sống đã đầu tư quá nhiều trong lãnh vực chính trị và văn hóa, mà quên bẵng đi đời sống tâm linh. Chúng ta đừng sợ khi phải chống lại những thứ vũ khí giết người hàng loạt của chàng khổng lồ Goliah, vì với đức tin của David - người đã dũng cảm chống lại tên khổng lồ đó nhân danh Thiên Chúa - thì chiến thắng ắt hẳn sẽ sớm về tay của chúng ta.

10 Thách Đố mà tôi muốn liệt kê ra cho tất cả mọi người chúng ta đó là:

(1) Chúng ta hãy quỳ xuống, và nguyện cầu chân thành đến Thiên Chúa - Đấng Cứu Chuộc của chúng ta - để Ngài giúp cho chấm dứt vấn nạn phá thai:

Phong Trào Bảo Vệ Sự Sống phải cần khiêm tốn nhìn nhận rằng: phá thai chính là một thứ tội lỗi kinh khủng và dã man, nó tiềm ẩn quá sâu trong lớp vỏ của xã hội mà khó có ai có uy quyền để loại bỏ được nó. Dẫu rằng, chúng ta phải có trách nhiệm để bầu cho các ứng cử viên hay các chính trị gia có quan điểm phò sinh, thế nhưng họ vẫn không phải là những vị cứu tinh cho chúng ta. Việc phá thai cần phải nhờ đến một sức mạnh tâm linh uy quyền đến từ Thiên Chúa, và chỉ có Ngài mới có thể hủy diệt được nó mà thôi. Một khi phong trào bảo vệ sự sống bắt đầu nghiêm túc chống lại vấn nạn phá thai theo chiều kích của tâm linh, thì chúng ta mới có thể nhìn thấy được những chiến thắng về việc phò sinh thật sự trong nền chánh trị và xã hội thời nay. Chúng ta không thể cứ khăng khăng mà nói rằng: lời nguyện cầu chẳng có hiệu nghiệm gì cả mãi cho đến lúc chúng ta thật sự cố gắng.

(2) Chúng ta phải năng ăn chay, đền tội, và nguyện cầu cho sự hoán cãi tâm linh, con tim và khối óc của những ai cổ võ cho việc phá thai:

Như chính Chúa đã nói trong Sách Máthêu 17:21 rằng: "Một số loài quỷ không thể nào bị diệt trừ ngoài việc cầu nguyện và ăn chay." Nếu chúng ta biết thường xuyên hy sinh và thực hiện việc ăn chay lẫn cầu nguyện, thì ngay cả những con quỷ phá thai nào có hung tợn và dã man đến mấy, cũng sẽ phải sụp đổ và tan rả. Thiên Chúa chỉ cần đến những đạo binh của tâm hồn, những người thật sự muốn làm việc này, thì khi đó kết quả khả quan sẽ thật là dồi dào. Thế tại sao chúng ta lại không quay trở lại việc ăn chay kiêng thịt vào mỗi ngày Thứ Sáu như chúng ta vẫn thường làm trước kia, từ tháng này qua tháng khác?

(3) Hãy nhắc nhở cho các giáo hội Kitô Giáo khác rằng việc phá thai sở dĩ hãy còn tồn tại chính là vì sự cho phép của họ:

Lịch sử sẽ phải phán quyết và phân xử một cách rất minh định về những giáo hội Kitô Giáo nào đã quá thờ ơ hay quá lãnh đạm trước vấn nạn phá thai. Và trong chiều kích cá nhân cũng vậy, Thiên Chúa rồi đây sẽ chất vấn từng người trong chúng ta một cách rất tỏ tường rằng: chúng ta đã làm được gì để bảo vệ sự sống? Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi đứng ngoài và ơ thờ mãi hay sao? Những ân phúc về sự sống mà chúng ta đón nhận từ cha-mẹ và Thiên Chúa, chẳng lẽ chúng ta không biết chia sẽ lại cho những anh-chị-em bé nhỏ và suy yếu nhất của chúng ta hay sao? Những người Kitô Giáo, và nhất là những người Công Giáo chúng ta, phải biết rằng chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa nếu như chúng ta lãnh đạm, thờ ơ, và im tiếng trong cuộc chiến dành lại sự sống cho những người anh-chị-em của chúng ta, tức những người bạn bé nhỏ nhất của Chúa Kitô.

(4) Phải xem chuyện nghiên cứu tế bào thai và việc trợ tử cũng giống như là việc phá thai vậy:

Đừng bao giờ để cho tâm trí, lương tâm, con tim, và cách hành xử của chúng ta phải cuốn theo chiều những người có giọng điệu "vô đạo đức," nhưng được "ngấm ngầm" hiện thể ra bên ngoài bằng những ngữ từ rất hoa mỹ, rất bóng loáng và chau chuốt, khiến cho chúng ta phải khâm phục, hay tôn sùng. Những thứ giọng điệu giả tạo nhân danh khoa học đó chỉ là những lời nói của ma quỷ và của nền văn hóa sự chết mà thôi. Chúng ta phải cùng nhau nhìn nhận rằng việc bảo vệ sự sống phải là một sứ vụ rất kiên định và không hề thay đổi, phải bảo vệ toàn bộ chiều kích trọn vẹn của sự sống, cho dẫu sự sống đó là quá nhỏ, quá suy yếu, hay quá già nua, vân vân. ... Con người cần phải được sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già nua, rồi chết đi, bằng chính cái chết tự nhiên theo chu kỳ sống-chết tự nhiên của con người.

(5) Phải mạnh mẽ lên tiếng chống lại việc tài trợ cho Tổ Chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình (Planned Parenthood):

Chuyện phá thai không những là nguồn tài chánh duy nhất đổ vào Tổ Chức gồm những kẻ chủ trương giết hại các trẻ em, mà Tổ Chức này còn nhận thêm vào rất nhiều khoản tiền mặt "lợi nhuận" đến từ các cơ sở và bệnh viện phá thai, cũng như việc tài trợ của chính phủ cho cái được gọi là "hoạch định gia đình." Thêm vào đó, các công ty lớn và nhỏ tại Hoa Kỳ cũng thường tài trợ cho Tổ Chức này. Do đó, chúng ta - những người Công Giáo - cần phải cẩn thận khi làm việc, đầu tư, hay sử dụng các dịch vụ tài chánh từ các công ty này. Chúng ta cần phải đầu tư một cách có đạo đức và lương tâm, và chúng ta phải dóng lên tiếng nói công chính của chúng ta vì những công ty đó đã ngang nhiên dùng tiền của chúng ta để tài trợ cho chuyện phá thai.

(6) Tẩy chay các công ty hay các tổ chức nào tài trợ hay ủng hộ phá thai:

Kỹ nghệ phá thai thu hút rất nhiều sự ủng hộ của công luận duới bất kỳ hình thức nào. Các công ty kinh doanh, tài chánh và các tổ chức tài trợ cho những người giết hại các trẻ em cần phải được thức tỉnh một cách mạnh mẽ bởi lương tâm trong sáng của những người thuộc nhóm phò sinh trong xã hội của chúng ta. Những công ty nào từ chối hay bỏ qua chiều kích đạo đức và luân lý của chuyện phá thai, thì xét về mặt kinh tế, chúng ta phải cần làm cho họ biết rằng việc tài trợ cho chuyện phá thai thật sự chính là một quyết định kinh doanh sai lầm. Chúng ta cần phải tẩy chay và báo cho những công ty này biết được sự phản đối của chúng ta trước nền văn hóa sự chết mà công ty này đang cổ võ.

[Trong quá khứ, người viết đã có một bài viết liệt kê ra danh sách những công ty đó, để cho Quý Vị tham khảo - NV]

(7) Giáo dục cho các Bác Sĩ để họ hiểu rằng thuốc ngừa thai chính là chất hóa học giết người:

Hầu hết các bác sĩ đều coi thường đến bản chất phá thai tự nhiên của tất cả các phương pháp ngừa thai hóa học. Họ chính là những người đã dùng các chất hóa học này để giết chết hàng triệu triệu các trẻ em, và họ phải cần biết rằng: họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Ngai Tòa Tối Cao của Thiên Chúa về bất kỳ toa thuốc nào có mang chữ ký của họ. Nếu chúng ta thật sự quan tâm đến tâm hồn của vị bác sĩ nam hay nữ nào mà chúng ta biết, thì chúng ta phải tìm cách giáo dục cho vị bác sĩ của chúng ta!

(8) Chúng ta hãy dám mạnh mẽ để lên tiếng thách đố lại quan niệm cho rằng: bao cao su và thuốc ngừa thai là để làm giảm vấn nạn phá thai:

Chúng ta hãy đảo ngược lại sự dối trá đó bằng một sự thật rất hiển nhiên rằng: chuyện ngừa thai không làm giảm chuyện phá thai, mà trái lại, còn làm tăng thêm việc phá thai mà thôi. Tại sao một xã hội đã bị thấm nhuần bởi chuyện ngừa thai, thế mà mỗi năm vẫn có đến 1.3 triệu vụ phá thai là sao vậy? Có gần 60% phụ nữ bước vào các cơ sở hay bệnh viện phá thai. Hãy nhớ rằng cũng chính những kẻ buôn bán cho việc phá thai, giờ đây lại buôn bán tiếp cho cả chuyện ngừa thai, và những kẻ này chính là những kẻ giết người thật sự không hơn, không kém.

(9) Từ chối những chính trị gia nào tin rằng: chuyện hiếp dâm, chuyện loạn luân, cuộc sống của người mẹ, và tình trạng biến dạng của bào thai, thì đó mới chính là "những ngoại lệ":

Các ứng cử viên chánh trị nào tin rằng những điều vừa kể trên chính là những ngoại lệ, và rằng chúng hợp pháp để có thể giết chết đi đứa trẻ, hòng cứu sống lấy mạng sống của những người mẹ, thì đó là điều không chấp nhận được, vì họ còn tệ hơn cả những vị tiên tri giả nữa. Hay nói khác hơn, họ chính là những người lừa đảo, những kẻ tìm cách dung túng cho một khái niệm rằng: chúng ta có thể lưu giữ các giá trị của ma quỷ trong khi hãy còn phục vụ Thiên Chúa. Do đó, hãy bỏ phiếu cho những ai hoàn toàn phò sinh, chứ không phải chỉ phò sinh vào một khía cạnh nào đó mà thôi!

(10) Hãy tuyển vào những người gốc Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha và những người thuộc các nhóm thiểu số khác vào phong trào bảo vệ sự sống:

Trong khi chúng ta chuẩn bị diễn hành tại Washington, D.C., thì kỹ nghệ phá thai đang áp dụng chiến thuật lôi kéo thật nhiều phụ nữ thuộc gốc thiểu số vào làm việc cho các trung tâm giết người, cũng như tìm mọi cách để lợi dụng vào những yếu điểm của những người di dân mới này, cho dẫu họ có hợp lệ hay không. Mỗi một nhóm phò sự sống cần phải chú ý và hướng tới các cộng đồng gốc Mễ và gốc thiểu số này, để giữ cho nền văn hóa và các giá trị Công Giáo của họ đừng bị tiêm nhiễm bởi nền chánh trị phá thai của quốc gia này!

Ước mong rằng 10 Thách Đố trên sẽ giúp chúng ta tự suy nghĩ và rút ra được những gì mà chúng ta cần phải làm vào lúc này, để không còn kịp nữa, khi con số các trẻ em cứ mãi bị hủy diệt đi, ngày càng tăng lên!
 
Cuộc thi viết văn về việc bày tỏ lòng kính trọng và nhớ ơn đến Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị
Anthony Lê
13:03 19/01/2008
Cuộc thi viết văn về việc bày tỏ lòng kính trọng và nhớ ơn đến Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị

ROME (Zenit.org).- Các nhà thơ và nhà văn nào vốn bị lắng động một cách sâu lắng bởi ý tưởng về niềm hy vọng của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, thì được mời gọi để tham gia vào cuộc thi tuyển lựa quốc tế nhắm vào việc tỏ bày lòng kính trọng và tinh thần biết ơn đến vị Cố Giáo Hoàng gốc Ba Lan này.

Cuộc thi có tên chính thức là "Cuộc Tuyển Lựa Quốc Tế về Thơ và Văn 'Vượt Qua Ngưỡng Cửa của Niềm Hy Vọng': Việc Tỏ Bày Lòng Kính Trọng đến Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị" (International Contest on Poetry and Narrative 'Crossing the Threshold of Hope': A Tribute to John Paul II).

Ban tổ chức đang chấp nhận các bài đóng góp và dự thi bằng bất kỳ một ngôn ngữ nào từ đây cho đến hết ngày Thứ Hai - Ngày 28 Tháng 2 Năm 2008 - sắp tới. Cuộc thi được tài trợ bởi Trung Tâm Nghiên Cứu về Văn Hóa và Truyền Thông Vintar có trụ sở tại Ý Quốc.

Cuộc thi càng được cổ võ thêm bởi thông điệp mới nhất của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 có nhan đề "Spe Salvi" (tức Được Cứu Rỗi Nhờ Hy Vọng).

Umberto Tarsitano, Giáo Sư về Truyền Thông và cũng là vị Chủ Tịch của Trung Tâm Vintar cho hãng thông tấn Zenit biết rằng: sau khi việc xuất bản ra bức thông điệp mới nhất của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16, thì nhu cầu cần có "một cuộc nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn về chủ đề này, đã tạo cho chúng tôi một lực đẩy để đề nghị ra giải thưởng này như là một cách suy niệm về văn hóa."

Giáo Sư cũng còn cho biết thêm rằng cuộc thi được thành hình là do sự khởi hứng và cảm truyền bởi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị nhằm mục đích "tiếp tục khuyến khích cam kết về mặt văn hóa để tạo ra một ảnh hưởng nào đó, cũng như để thêm vào một thứ gia vị thú vị nào đó vào trong xã hội."

Thông tin về cuộc thi có thể được tìm hiểu thêm tại trang Web bằng tiếng Ý có địa chỉ là: http://www.agendaitaliana.it
 
Tân Bề Trên Cả Dòng Tên: gần trọn cuộc đời phục vụ tại Á Châu và thương mến Việt Nam
Ngọc Loan
13:23 19/01/2008
Roma: Dòng Tên đã có vị Tân Bề Trên Cả Dòng Tên đã đắc cử sau lầu bầu chung kết vòng 2, Linh Mục người Tây Ban Nha Adolfo Nicolas, nguyên là Bề Trên Dòng Tên tại Đông Nam Á. Đây là vị Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên lần thứ 30 và là vị thứ 29 kế nhiệm Đấng sáng lập Dòng, Thánh I Nhã thành Loyola.

Cha Nicolas làm việc tại Tokyo, một người rất khiêm nhường, sáng suốt, thông minh và rất thánh thiện, rất ít được nhiều người biết đến, cũng như ít được nhiều người đoán mò xếp vào danh sách xem ai sẽ là vị tân Bề Trên Cả Dòng Tên tương lai kế nhiệm Cha Peter- Hans Kolvenbach. Vì Cha Nicolas không có nhiều kinh nghiệm làm việc tại Roma.

Thế nhưng, Deo Gratias! Với ơn Chúa quan phòng, Cha Nicolas đã được chọn, ngài từng là Bề Trên tỉnh dòng tại Nhật Bản, đã theo học 3 năm tại Đại Học Greogoriô tại Roma và suốt 3 thập niên, Cha làm giảng sư tại Đại Học Sofia ở Nhật Bản, và hẳn nhiên là không lạ gì là Cha đã nói tiếng Nhật như tiếng mẹ đẻ.

Được ca ngợi như là vị “có tấm lòng niềm nở, sáng suốt, khôn ngoan và đạo đức”, thành thạo 4 ngoại ngữ ngữ Anh, Pháp, Ý, Nhật. Cha Nicolas người Tây Ban Nha đã được 217 đại biểu trong Tổng Tu Nghị Dòng Tên lần thứ 35 tuyển chọn sau vòng bầu cử chung kết lần 2.

Cha Aldofos Nicolas, không được coi như là một người Tây Ban Nha từ Châu Âu nhưng là người đến từ Châu Á, thật vậy khi vừa tròn 24 tuổi Ngài đã đến Nhật Bản và gần trọn cuộc đời Ngài đã phục vụ tại Á Châu. Sau khi được đắc cử, vào buổi trưa tại Roma, Linh Mục Dòng Tên Fernando, chủ tịch văn phòng Công Lý Xã Hội của Dòng Tên đã chính thức tuyên bố:

“Chúng tôi vừa mới xong cuộc bầu cử cách đây một vài phút. Tôi vui mừng tuyên bố rằng chúng tôi đã có một vị Tân Bề Trên Cả Dòng Tên. Thật là niềm vui cực độ khi các thành viên trong Hội nghị đã đến chào mừng và ôm lấy vị tân Bề Trên Tổng Quyền. Cha Adolfo Nicolas SJ là một người đến từ Á Châu, một thần học gia từ Nhật Bản, nhưng sinh trưởng tại Palencia- Tây Ban Nha vào năm 1936. Ngài đại diện cho một thế hệ mới cho các vị thừa sai Tây Ban Nha tại Nhật Bản sau Cha Arrupe.”

“Ngài đã gia nhập Dòng Tên tại tập viện Aranjuez, một làng nhỏ bé gần Madrid vào năm 1953. Sau khi tốt nghiệp Triết Học tại Alcalá, Madrid vào năm 1960, rồi Ngài đã đi Nhật Bản vùi mình trong ngôn ngữ và văn hóa Nhật. Năm 1964, Ngài bắt đầu theo học Thần Học tại Đại Học Sophia, Tokyo và được thụ phong Linh Mục vào ngày 17 tháng Ba năm 1967 tại Tokyo. “

“Sau khi lấy bằng Cao Học Thần Học tại Đại Học Gregoriô, Roma, Cha trở về Nhật Bản làm Giảng Sư Thần Học Phương Pháp Luận tại Đại Học Sophia. Từ năm 1978 đến năm 1984, Cha trở thành Giám Đốc Học Viện Mục Vụ tại Manila, Phi Luật Tân và làm Giám Đốc Học Viện Thần Học cho các tu sĩ trẻ Dòng Tên tại Á Châu. Từ năm 1993 đến năm 1999 Ngài được cử làm Bề Trên Tỉnh Dòng Tên tại Nhật Bản.”

“Sau những năm tháng không ngừng nghỉ trong “quyền hạn” của mình, Cha đã dành thời gian 3 năm làm việc tại một giáo xứ cho những người di dân nghèo túng tại Tokyo. Công việc của Ngài thật gian truân, thế nhưng Ngài đã có thể giúp cả ngàn người Phi Luật Tân và những người di dân Á Châu và cảm nghiệm trực diện đến những nỗi thống khổ của họ. Bằng cách này, sau rất nhiều năm nó đã trở nên việc mục vụ quan trọng nhất đối với ngài, là lòng yêu thương đối với người nghèo và người bị áp bức mà Ngài đã có như hiện nay.”

“Năm 2004 một lần nữa lại điều hành những chức vụ và được bổ nhiệm chịu trách nhiệm toàn thể Dòng Tên trong vùng Đông Á bao gồm các quốc gia từ Miến Điện đến Đông Timo, bao gồm tân tỉnh dòng tại Trung Hoa. Trong những năm này Cha có thể ủng hộ nâng đỡ đến hiện tượng lớn mạnh của Dòng Tên hiện diện tại Việt Nam và tại những quốc gia khác. (Xin mở ngoặc ở đây vào năm 2005, 15 tập sinh Dòng Tên Việt Nam khấn dòng tại Tu Viện Tam Hà vào tháng 5, kể là con số khấn Dòng đáng kể từ trước tới nay).”

“Một số người có thể nói sau khi cử hành 100 năm sinh nhật của Cha Arrupe (Bề Trên Cả Dòng Tên thứ 28)), Dòng Tên đã bầu vị Bề Trên Tổng Quyền có rất nhiều gần gũi với quy tắc của Ngài (Cha Arrupe). Có lẽ đó là Dòng muốn khẳng định lại một lần nữa đặc tính truyền giáo và sự cam kết của mình tới tất cả mọi dân tộc và các nền văn hóa.”

Từ tư liệu năm 2007:

Đã được 46 năm từ khi Cha Adolfo Nicolas lần đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản với tư cách là môt nhà truyền giáo đến từ Tây Ban Nha. Đó đã là một cuộc đàm luận lâu dài, đầu tiên tại Nhật Bản, nhưng rồi cũng tại Triều Tiên và mới đây tại Phi Luật Tân. Nó đã thuyết phục Ngài rằng Phương Tây không có một độc quyền về ý nghĩa và linh đạo và có thể học được rất nhiều từ kinh nghiệm của các nền văn hóa Á Châu.

Cha Nicolas đã nói “Á Châu có rất nhiều để cống hiến cho Giáo Hội, cho toàn thể Giáo Hội, nhưng chúng ta đã chưa làm. Có lẽ chúng ta chưa có can đảm đủ, hay chúng ta chưa mạo hiểm đủ như điều chúng ta đáng nên làm”.

Có thể nói là có cả đến khối sách, để Cha Nicolas nói về Á Châu, Ngài đã dùng từ “chúng tôi”. Khi là Bề Trên Dòng Tên tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, ngài đã có trách nhiệm để mang tu sĩ Dòng Tên trong vùng cùng nhau vượt khỏi biên giới của chính quốc gia mình, và an tâm đối đầu với toàn cầu.

Nhóm mà Ngài đại diện kéo dài từ Trung Hoa và Miến Điện về hướng Tây, đến Đại Hàn về hướng Bắc, Úc tại phía Nam và các nước trong quần đảo thuộc hướng Đông. Họ đã cùng nhau trở thành một nhóm từ các nền văn hóa và xã hội khác nhau một cách lạ thường. Từ những quốc gia mà Kitô Giáo rất mạnh mẽ trong quá khứ nhưng đang trên đường phôi pha, đến những nơi mà Kitô Giáo chỉ là một số nhỏ nhưng là một thiểu số sống động.

Nếu được hỏi con người đến từ một nền văn hóa như Nhật Bản, thì cảm nghiệm Linh Thao I Nhã có khác gì với phương Tây, Cha Nicolas nói rằng cảm nghiệm thật sự khác nhau nhưng rồi cũng đúc thành khuôn khổ.

“Tôi nghĩ đến kinh nghiệm thật sự tại Nhật Bản thì xa lạ. Và nói phải xa lạ. Nhưng khuôn khổ vẫn gần giống như khuôn khổ của Phương Tây".

Một Linh Mục Dòng Tên Nhật Bản, Cha Katoaki, mới đây đã dịch và thêm lời bình luận đến cuốn sách Linh Thao từ bối cảnh của người Nhật đa số theo Phật Giáo. Cha Aldofo nói rằng đã có những cuộc hội thảo là cuốn sách Linh Thao có nên đưa ra trình bày cho người Kitô Giáo hay không, và nếu có thì phải trình bày như thế nào.

“Câu hỏi là làm thế nào để đưa kinh nghiệm I Nhã cho người Phật Giáo. Không thể nào đúc kết theo từ Kitô Giáo, như những gì Cha I Nhã yêu cầu, nhưng đi đến trọng tâm của linh thao. Những gì sẽ xảy ra khi một người đã trải qua nhiều lần linh thao, rồi cuối cùng trở thành một người nửa nạc nửa mỡ. Đây vẫn là một thử thách lớn đối với chúng tôi”.

Trong khi so sánh một số công việc đã được thực hành linh thao I Nhã đối với người Ấn Giáo, Cha nói không có nhiều việc để mà so sánh sự giống nhau đối với nền văn hóa Nhật, Trung Hoa và Đại Hàn. Cha nói Người Á Đông rất chậm chạp để làm điều này tại Ấn Độ, một phần vì người Á Đông có một sự tôn trọng mạnh mẽ đến truyền thống, và như thế có một sự kính trọng đối với truyền thống Kitô Giáo của Châu Âu. Tuy nhiên những sự xa xôi cách biệt trong vùng cũng tạo nên nhiều tự do hơn để sáng tạo.

Cha Nicolas nói “Thật có nhiều khoảng không để thử nghiệm, cố gắng, suy nghĩ và trao đổi”.

Cần thiết là như Cha Nicolas nói Linh Thao là để Thiên Chúa hướng dẫn con người. Đây chính là điều mà những vị hướng dẫn tĩnh tâm đã phải cẩn trọng trong quá khứ, nhưng còn có những điều quan trọng khi tiếp xúc đối với những người có quá trình từ các nền văn hóa khác nhau.

Cha Nicolas nói rằng “Sự thật là nếu Thiên Chúa hướng dẫn người Nhật thì sẽ phải là hướng dẫn theo lối người Nhật. Và cũng giống như thế đối với người Trung Hoa và với con người đến từ các tôn giáo khác”.

“Rồi vị hướng dẫn Linh Thao một cách đơn giản là phải cảm thụ được, để nhìn thấy dấu chỉ rằng ở đây Thiên Chúa đang nói cái gì đó mà tôi không hiểu, và phải khiêm nhường cho đủ để tiếp tục bao lâu mà mình phải ôn hòa và cân nhắc v.v.”.

Những người khác tại khắp Á Châu đã trực diện đến các câu hỏi cho sự khác biệt văn hoá, khi làm việc truyền giáo tại Cam Bốt và tại Miến Điện, Cha Nicola nói rằng ngài đã cảnh giác đến các vị truyền giáo đã không đi vào đời sống con người, nhưng lại giữ khuôn mẫu từ nền văn hóa của họ như Âu Châu hay Mỹ Châu La Tinh trong đầu họ. Đối với họ, đó không phải là một sự trao đổi nhưng là một sự dạy dỗ và áp đặt đạo lý.

“Đối với nhưng ai đi vào đời sống con người, họ bắt đầu đặt câu hỏi hoàn toàn triệt để đến vị thế của mình. Bởi vì họ nhìn thấy tình người thành thật nơi con người có một cuộc sống đơn giản, và rồi chính sự thành thật của con người này đang đi kiếm tìm chiều sâu của một sự đơn giản hóa, thành thật, sự tốt lành mà nó không đến từ nguồn gốc nơi chúng ta”.

Đó là một cuộc đàm luận phải được tiếp tục, nếu chúng ta học được từ Á Châu và Á Châu sẽ học được từ chúng ta”.

Cha Nicolas kết luận “Đó là một thử thách lớn lao, và tôi nghĩ thật sự đó là một thử thách mà chúng ta phải đối đầu. Chúng ta không phải có một sự áp đặt, và chúng ta phải có nhiều điều để học hỏi”.

Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên lần thứ 30, Cha Aldofo Nicolas thật sự là một chiếc cầu nối trong Giáo Hội giữa Đông và Tây để lèo lái con thuyền Dòng Tên với con số hơn 19,000 tu sĩ có mặt khắp nơi trên thế giới.
 
Những dấu chỉ băng hoại văn hóa xã hội tại Italia
Linh Tiến Khải
20:39 19/01/2008
Phỏng vấn giáo sư Renato Guarini, viện trưởng đại học La Sapienza Roma, về vụ phản đối Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viếng thăm đại học nhân lễ khai giảng niên khóa 2008

Trong các ngày qua dư luận Italia và Âu châu đột nhiên nóng bỏng vì vụ một nhóm 67 giáo sư đại học La Sapienza ở Roma viết thư phản đối viện trưởng mời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tham dự và phát biểu trong buổi lễ khai giảng niên khóa 2008. Bên cạnh đó một vài nhóm sinh viên cực tả qúa khích đã tổ chức biểu tình trong sân đại học, rồi chiếm văn phòng viện trưởng để phản đối chuyến viếng thăm, trong khi ban giám đốc và đa đố các sinh viên chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này. Tuy Bộ trưởng Nội Vụ D'Amato bảo đảm an ninh cho chuyến viếng thăm, nhưng bầu khí thiếu an bình thanh thản đã khiến cho Tòa Thánh ra thông cáo cho biết Đức Thánh Cha quyết định rời chuyến viếng thăm, và chỉ gửi bài nói chuyện của ngài cho buổi lễ khai giảng thôi.

Đại học La Sapienza được Đức Giáo Hoàng Bonifazio VIII thành lập năm 1303 và là một trong những đại học lớn nhất thế giới, với 150.000 sinh viên, 4500 giáo sư giảng dậy trong 21 phân khoa. Ngoài ra đại học cũng có 130 ban nghành và học viện, cộng thêm 127 trường chuyên môn, 21 viện bảo tàng và hơn 150 thư viện, với tổng cộng hơn 100 sơ cở, trong đó có 36 cơ sở nằm trong thành phố Roma.

Nhóm 67 giáo sư nói trên thuộc phân khoa khoa học vật lý, đứng đầu là giáo sư Marcello Cini, cho rằng Đức Giáo Hoàng khi còn là Hồng Y, trong một bài thuyết trình ngày 15 tháng 2 năm 1990 tại chính học La Sapienza, đã bênh vụ án chống Galileo, nên không xứng đáng đến phát biểu tại đại học La Sapienza.

Nhật báo ”Il Giornale” xuất bản tại Italia ngày 14 tháng Giêng đã đăng nguyên văn bài thuyết trình của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger và cho thấy rõ nhóm giáo sư khoa học nói trên đã ”phản đối thuộc lòng” theo tin tức phiến diện, đọc được đâu đó trên Internet, mà không đọc nguyên văn bài này, nên hiểu ngược lại tư tưởng của Đức Hồng Y Ratzinger. Trong bài thuyết trình hồi đó, Đức Hồng Y Ratzinger đã trích lại câu của triết gia về khoa học Paul Feyerabend, không phải để tán đồng tư tưởng của ông, mà là để bênh vực tính duy lý theo kiểu khoa học gia Galileo, chống lại khuynh hướng hoài nghi và chủ nghĩa tương đối của nền văn hóa hậu tân tiến. Triết gia Feyerabend khẳng định rằng vào thời Galileo Giáo Hội khoa học hơn cả khoa học gia Galileo nên vụ kết án Galileo là đúng và hợp lý. Đức Hồng Y Ratzinger phản bác lại lập luận này và cho rằng thật là vô lý khi đưa ra những nhận xét như vây để bênh vực Giáo Hội. Thật thế, những ai theo dõi các buổi nói chuyện mới đây của Đức Thánh Cha đều biết rằng Đức Thánh Cha rất khâm phục khoa học gia Galileo là người đã khẳng định rằng cuốn sách của thiên nhiên được viết bằng ngôn ngữ toán học.

Cuộc tranh luận này khiến cho người ta nhớ lại vụ thế giới Hồi giáo bồng bột ồn ào phản đối bài diễn văn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đọc tại đại học Regensburg, bên Đức, một cách hời hợt, theo cảm hứng và dựa trên các tin tức thất thiệt, phiến diện bị giới truyền thông lèo lái, mà không hiểu biết nội dung và chủ ý đích thực của bài diễn văn là khuyến khích đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo.

Biến cố nói trên đã gây ra một làn sóng phẫn nộ giữa các giáo sư đại học La Sapienza, giới trí thức, nhiều nhà chính trị hữu phái cũng như tả phái và giới văn hóa xã hội.

Giáo sư Giorgio Israel phê bình sự kiện này như sau: ”Một giáo sư phải coi kiểu đọc không chú ý, hời hợt và thiếu sót dẫn đến một sự méo mó đích thật như vậy, là một thất bại nghề nghiệp. Nhưng tôi sợ là ở đây sự sít sao trí thức ít được chú ý, mà chủ ý là gây ra các rạn nứt bằng mọi giá”.

Các tin tức cuối cùng cho biết nhóm sinh viên phản đối cũng đã cản ngăn không cho Đức Cha Enzo Dieci, Giám Mục Phụ tá Roma, đến dâng thánh lễ cho sinh viên trong nhà nguyện đại học, như dự kiến sau lễ nghi khai giảng, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nhà nguyện này.

Thế là hình ảnh Italia, một quốc gia quy tụ 70% gia tài nghệ thuật toàn thế giới và có đa số dân theo Công Giáo, đã lọ lem vì hàng trăm ngàn tấn rác chất đống ngập đầu trong thành phố Napoli từ bao tuần qua, giờ đây lại càng lem luốc hơn trước mặt toàn thế giới. Lý do chỉ vì một nhóm giáo sư và sinh viên duy đời cực đoan phản đối không cho Đức Giáo Hoàng là quốc trưởng của Nước Vaticăng, đồng thời là thủ lãnh của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ gồm hơn 1 tỷ tín hữu, một thần học gia và là một giáo sư tên tuổi, lên tiếng tại đại học La Sapienza, là đại học đã do chính Giáo Hội thành lập cách 705 năm. Hai nước Tây Ban Nha và Đức đã coi vụ việc xảy ra là một ”xì căng đan” chưa từng thấy. Nhật báo ”Suddeutsche Zeitung” vùng Bavière, nam Đức, châm biếm tường thuật diễn biến với hàng tít lớn ”Đại học Khôn Ngoan hay Ngu Đần”.

Biến cố nói trên đã gây sóng gió trong quốc hội, giữa các giới chức chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo Italia.

Giáo sư khoa học gia vật lý Antonio Zichichi nói: “Các ông này của đại học La Sapienza phản đối và xuyên tạc tư tưởng của Đức Giáo Hoàng, vì họ qúa khiếp sợ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và sự uyên bác vĩ đại của ngài”.

Còn giáo sư Roberto Colombo, giám đốc Phòng thí nghiệm sinh học phân tử và di truyền đại học Mlano, thì khẳng định rằng: ”Một người mà không biết tiếp đón một chứng nhân của việc tìm kiếm chân lý, hòa bình, thì không thể là thầy dậy giới trẻ được”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Renato Guarini, viện trưởng đại học La Sapienza, về biến cố đáng buồn hạ nhục quốc thể Italia này.

Hỏi: Tại sao giáo sư lại mời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tham dự buổi lễ khai mạc niên khóa 2008 tại đại học La Sapienza?

Đáp: Mỗi năm đại học La Sapienza chọn một đề tài thảo luận cho buổi lễ khai giảng. Năm nay chúng tôi chọn đề tài ”Án tử hình”. Vì thế tôi thấy không có ai uy tín hơn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI để giúp chúng tôi suy tư về đề tài này. Và nhất là bởi vì trong qúa khứ Đức Thánh Cha đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ các quyền dân sự và các quyền con người.

Hỏi: Có nhiều người phản đối không muốn cho Đức Thánh Cha đến tham dự và phát biểu trong buổi lễ khai giảng, kể cả các giáo sư, có đúng thế không, thưa giáo sư viện trưởng?

Đáp: Điều trước tiên tôi muốn nói là có rất nhiều giáo sư và sinh viên ghi danh tham dự buổi lễ, nhưng vì đại thính đường chỉ có 1000 chỗ thôi nên chúng tôi dự trù đặt các màn truyền hình lớn trong nhà nguyện cũng như ngoài sân đại học để các sinh viên có thể theo dõi. Ban giáo sư đại học là 4500 người, trong khi lá thư phản đối chỉ do 67 người ký. Hơn nữa lá thư phản đối đó lại dựa trên các điểm tham chiếu và trích dẫn sai lạc. Các giáo sư vật lý lỗi lạc như thế, mà lại chưa đọc hết những gì Đức Hồng Y Ratzinger đã nói liên quan tới vụ án Galileo và các vấn đề khoa học, thì thật là tồi tệ và đáng tiếc.

Thế rồi tôi cũng phải minh xác thêm hai điều: thứ nhất theo nghi thức vẫn được duy trì nguyên vẹn từ trước tới nay, phần đầu là lễ nghi khai giảng niên khóa với bài thuyết trình của một giáo sư của đại học và các trao đổi tư tưởng giữa các giáo sư và sinh viên. Đức Thánh Cha chỉ phát biểu trong phần hai sau lễ nghi khai giảng mà thôi.

Hỏi: Trong các diễn văn của người Đức Thánh Cha Biển Đức XVI liên tục mời gọi đối thoại giữa lòng tin và lý trí. Có phải vì thế mà giáo sư mời Đức Thánh Cha phát biểu không hay?

Đáp: Tôi thấy là điều hiển nhiên là trong một đại học cần phải luôn luôn có sự đối chiếu giữa lòng tin và lý trí. Nhất là phải đưa ra câu hỏi liên quan tới sứ mệnh của khoa học, của việc nghiên cứu khoa học, liên quan tới các giá trị luân lý của nó. Và phải đưa ra các suy tư này một cách độc lập với các ý thức hệ và sự tùy thuộc tôn giáo. Lý do vì các giá trị luân lý đạo đức là của tất cả mọi người, độc lập với lòng tin. Điều quan trọng là lắng nghe và thảo luận về mọi sự, mà không có thái độ khép kín và ngăn cản, vì làm như thế là khước từ chính tính cách đời.

Hỏi: Giáo sư chờ đợi gì nơi chuyến vgiếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI?

Đáp: Tôi hy vọng đây là dịp giúp đào sâu và rộng mở cho các đối chiếu liên quan tới các đề tài về xã hội và con người. Đức Thánh Cha là một nhà văn hóa lớn, chúng ta tất cả đều biết Đức Thánh Cha là một người có suy tư triết học rất sâu sắc, vì thế có thể mở ra cuộc đối thoại với người liên quan tới các đề tài này. Vì nói cho cùng chúng ta phải trao ban cho người trẻ các viễn tượng tốt đẹp, lý do là vì ngày nay giới trẻ không còn có các lý tưởng cao đẹp nữa. Chúng ta phải tìm mọi cách giúp họ có được các lý tưởng đó. Và người ta không thể đạt các lý tưởng cao đẹp bằng cách giảng dậy sự tàn phá tất cả. Tôi thấy trong lãnh vực này lại tái xuất hiện các ”thầy dậy xấu” của một vài năm trước đây.

Hỏi: Khuynh hướng duy đời cực đoan tự tôn mình lên hàng tôn giáo có khiến cho giáo sư khó chịu không?

Đáp: Rất tiếc đây là điều đang xảy ra. Nó rất là nguy hiểm và đáng buồn, vì nó dựa trên ý thức hệ của sự tàn phá, chứ không đặt nền tảng trên việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Hỏi: Thưa giáo sư, các phản kháng tại đại học La Sapienza đã khiến cho Tòa Thánh hủy bỏ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Giáo sư có cảm nghĩ gì?

Đáp: Đây là một thất bại cho sự tự do diễn tả, nhưng cũng là một thất bại cho thế giới đời. Đáng lý ra chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã là một dịp rất quan trọng cho cộng đoàn đại học chúng tôi, một dịp lắng nghe tiếng nói của một học giả có tiếng tăm lớn và là người hiểu biết các vấn đề của khoa học và đạo đức luân lý. Diễn văn Đức Thánh Cha gửi tới và đã được tuyên đọc đã an ủi chúng tôi một chút. Nhưng cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha đáng lý ra đã là một thời điểm suy tư quan trọng đối với những người tin cũng nhưng không tin, liên quan tới các vấn đề đạo đức dân sự, như việc dấn thân hoạt động để hủy bỏ án tử hình, là các vấn đề diễn tả nhựa sống cho công việc giảng dậy và nghiên cứu của chúng tôi. Việc lắng nghe tiếng nói của một học giả đã viết về các vấn đề của thời đại chúng ta sẽ là thực phẩm cho tự do lương tâm và cho những người tự vấn theo tinh thần đời.

(Avvenire 15/16-1-2008)
 
Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 16: 11-2-2008
G. Trần Đức Anh OP dịch
20:41 19/01/2008
Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 16: 11-2-2008

Anh chị em thân mến,

1. 11 tháng 2, lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, Ngày Thế giới các bệnh nhân được cử hành; đây là cơ hội thuận tiện để suy tư về ý nghĩa đau khổ và bổn phận Kitô hữu đón nhận đau khổ ấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi đau khổ xuất hiện. Năm nay, dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa này gắn liền với hai biến cố quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, như chúng ta đã hiểu được ngay từ đề tài được chọn: ” Thánh Thể, Lộ Đức và việc săn sóc mục vụ các bệnh nhân ”: kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra tại Lộ Đức và cử hành Đại Hội Thánh Thể quốc tế tại Québec, Canada. Đây là cơ hội đặc biệt để cứu xét liên hệ chặt chẽ giữa Mầu Nhiệm Thánh Thể, vai trò của Mẹ Maria trong dự án cứu độ và thực tại khổ đau của con người.

150 năm trôi qua từ các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Lộ Đức mời gọi chúng ta hướng nhìn về Đức Thánh Trinh Nữ, sự Vô Nhiễm Nguyên tội của Mẹ là hồng ân tột đỉnh và nhưng không Thiên Chúa ban cho một phụ nữ, để có thể tuân hành trọn vẹn ý định của Thiên Chúa với một niềm tin kiên vững và không thể lay chuyển, mặc dù có những thử thách và đau khổ Mẹ sẽ gặp phải. Vì thế, Mẹ Maria là mẫu gương về sự hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa: Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Vĩnh Cửu trong tâm hồn và chịu thai Chúa trong cung lòng đồng trinh của Mẹ; Mẹ đã tín thác vào Thiên Chúa, và với tâm hồn bị lưỡi gươm đau khổ đâm thâu qua (cf Lc 2,35), Mẹ không do dự chia sẻ cuộc khổ nạn Con của Mẹ, lập lại dưới chân Thánh Giá trên đồi Canvê lời thưa ”xin vâng” của Mẹ trong cuộc Truyền Tin. Vì thế suy tư về sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria có nghĩa là để cho mình bị thu hút bởi lời thưa ”xin vâng” đã liên kết Mẹ một cách lạ lùng với sứ mạng của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại; là để cho mình được Mẹ cầm tay dìu dắt để thưa ”fiat”, xin vâng theo thánh ý Chúa trong trọn cuộc sống với những vui buồn, những hy vọng và những điều không được mãn nguyện, với ý thức rằng thử thách, đau đớn và sầu khổ làm cho cuộc lữ hành của chúng ta trên mặt đất thêm phong phú về ý nghĩa.

2. Chúng ta không thể chiêm ngắm Mẹ Maria mà lại không được Chúa Kitô lôi kéo và chúng ta không thể nhìn Chúa Kitô mà không nhận thấy ngay sự hiện diện của Mẹ Maria. Có một mối liên hệ không thể tách rời giữa Mẹ và người Con được sinh ra trong cung lòng Mẹ do hoạt động của Chúa Thánh Linh, và chúng ta nhận thấy mối liên hệ này một cách huyền nhiệm trong Bí Tích Thánh Thể, như các Giáo Phụ và các nhà thần học đã nêu bật ngay từ những thế kỷ đầu tiên. Thánh Hilario thành Poitiers quả quyết: ”Thân xác sinh bởi Mẹ Maria, đến từ Chúa Thánh Linh, là bánh bởi trời mà xuống”, và trong cuốn Nghi thức bí tích ” Sacramentarium Bergomense ”, hồi thế kỷ thứ 9, chúng ta đọc thấy: ”Cung lòng Mẹ đã làm nảy sinh một hoa trái, một bánh làm cho chúng ta được tràn đầy hồng ân thiên thần. Mẹ Maria đã trả lại cho ơn cứu độ điều mà Eva đã phá hủy do tội lỗi của bà”. Rồi thánh Phêrô Damiano đã nhận xét: ”Thân xác mà Đức Trinh Nữ rất diễm phúc đã sinh ra, đã nuôi dưỡng trong cung lòng Mẹ với sự săn sóc từ mẫu, tôi xác quyết thân xác ấy, chứ không phải thân xác khác, chính là Mình Thánh mà chúng ta đón nhận từ bàn thánh, và chúng ta uống máu từ thân xác ấy như bí tích cứu chuộc chúng ta. Đó là điều thuộc về đức tin Công Giáo, là điều mà Hội Thánh trung thành giảng dạy”. Mối liên hệ giữa Đức Thánh Trinh Nữ với Con, là Chiên bị sát tế gánh tội trần gian, được mở rộng tới Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô 2 đã nhận xét: Mẹ Maria là ”phụ nữ Thánh Thể” bằng trọn cuộc sống của Mẹ, và khi nhìn Mẹ như mẫu gương của mình, Giáo Hội ”được kêu mời bắt chước Mẹ cả trong quan hệ của mình với Mầu Nhiệm cực thánh này” (Thông điệp 'Ecclesia de Eucharistia', 53). Trong nhãn giới đó, chúng ta càng hiểu rõ hơn tại sao tại Lộ Đức, gắn liền với lòng sùng kính Đức Mẹ Maria có một lời nhắc nhớ mạnh mẽ và liên lỷ về Thánh Thể, qua những buổi cử hành Thánh Lễ hằng ngày, các buổi chầu với phép lành Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân, và đây là một trong những lúc nồng nhiệt nhất trong cuộc hành hương của các tín hữu nơi hang đá Massabielles.

Sự hiện diện của nhiều tín hữu bệnh nhân và những người thiện nguyện tháp tùng họ tại Lộ Đức giúp suy tư về sự chăm sóc ân cần và từ mẫu mà Đức Mẹ biểu lộ đối với những nỗi đau đớn và sầu khổ của con người. Được liên kết với Hy Tế của Chúa Kitô, Mẹ Maria, Mẹ Sầu Bi (Mater Dolorosa), dưới chân Thánh Giá cũng chịu đau khổ với Người Con Thần Linh của Mẹ, và được cộng đồng Kitô đặc biệt cảm thấy gần gũi, một cộng đồng quây quần quanh các phần tử đau khổ của mình đang mang những dấu hiệu thương khó của Chúa. Mẹ Maria cùng chịu đau khổ với những người gặp thử thách, và Mẹ cùng hy vọng với họ và là niềm an ủi cho họ, Mẹ nâng đỡ họ bằng sự phù trợ hiền mẫu. Một điều chân thực là chính kinh nghiệm thiêng liêng của bao nhiêu bệnh nhân đã thúc đẩy họ ngày càng hiểu rằng ”Đấng Cứu Chuộc muốn đi sâu vào tâm hồn của mỗi người đau khổ qua trái tim Người Mẹ rất thánh của Ngài, là hoa quả đầu mùa và là tột đỉnh của mọi người được cứu chuộc” (Gioan Phaolô 2, Tông thư ” Khổ đau cứu độ ”, 26).

3. Nếu Lộ Đức dẫn đưa chúng ta đến chỗ suy niệm về lòng từ mẫu của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội đối với những người con bệnh tật và đau khổ của Mẹ, thì Đại Hội Thánh Thể quốc tế tới đây sẽ là cơ hội để thờ lạy Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong Bí Tích bàn thánh, tín thác vào Chúa như Niềm Hy Vọng không bao giờ làm thất vọng, đón nhận Chúa như thần dược bất tử chữa lành thể lý và tinh thần. Chúa Giêsu Kitô đã cứu chuộc trần thế bằng đau khổ, bằng cái chết và sự sống lại của Ngài và đã muốn ở lại với chúng ta như ”bánh sự sống” trong cuộc lữ hành trên mặt đất này. ” Thánh Thể hồng ân của Thiên Chúa cho thế giới được sống ”: Đó là đề tài Đại Hội Thánh Thể, Đại Hội này nhấn mạnh Thánh Thể là hồng ân mà Chúa Cha ban cho thế giới qua chính Con duy nhất của Ngài, nhập thể và chịu đóng đanh. Chính Người tụ hợp chúng ta quanh bàn tiệc Thánh Thể, khơi dậy nơi các môn của của Người sự quan tâm yêu thương đối với những người đau khổ và bệnh nhân, nơi họ cộng đồng Kitô nhận ra tôn nhan của Chúa. Như tôi đã nêu rõ trong Tông Huấn hậu Thượng HĐGM ”Bí tích Tình Thương” (Sacramentum caritatis ), ”các cộng đoàn của chúng ta, khi cử hành Thánh Thể, ngày càng phải ý thức hơn rằng hy tế của Chúa Kitô là cho tất cả mọi người và vì thế Thánh Thể thúc đẩy mỗi tín hữu của Chúa trở nên 'bánh được bẻ ra' cho tha nhân” (n.88). Vị vậy chúng ta được khích lệ dấn thân hàng đầu trong việc phục vụ anh chị em, nhất là những người ở trong tình cảnh khó khăn, vì ơn gọi của mỗi Kitô hữu thực sự là ơn gọi, cùng với Chúa Giêsu, trở thành bánh được bẻ ra cho thế giới được sống.

4. Vì thế, ta thấy rõ, chính từ Thánh Thể mà việc mục vụ sức khỏe phải tín múc sức mạnh thiêng liêng cần thiết để cứu giúp hữu hiệu cho con người và giúp họ hiểu giá trị cứu độ của những đau khổ đang chịu. Như Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô 2 đã viết trong Tông thư ”Khổ đau cứu độ” nói trên, Giáo Hội nhìn thấy nơi các anh chị em đau khổ hầu như thể đó là những chủ thể sức mạnh siêu nhiên của Chúa Kitô (cf n.27). Kết hiệp huyền nhiệm với Chúa Kitô, người chịu đau khổ trong tình thương yêu và ngoan ngoãn phó thác cho thánh ý Chúa, trở thành lễ vật sinh động để cứu độ thế giới. Vị Tiền Nhiệm yêu quí của tôi cũng quả quyết rằng ”hễ con người càng bị tội lỗi đe dọa, và những cơ cấu tội lỗi mà thế giới mang nơi mình càng nặng nề bao nhiêu, thì đau khổ mà con người mang nơi mình càng có tính chất hùng hồn mạnh mẽ bấy nhiêu. Và Giáo Hội càng cảm thấy cần phải nại đến giá trị đau khổ nhân trần để cứu độ thế giới” (ibid.), Vì thế, nếu tại Québec, chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Thể như hồng ân của Thiên Chúa cho thế giới được sống, thì trong Ngày Thế giới các bệnh nhân, qua một sự song song tinh thần, không những chúng ta cử hành sự tham gia đích thực của đau khổ con người vào hoạt động cứu độ của Thiên Chúa, nhưng, theo một nghĩa nào đó, chúng ta còn có thể vui hưởng những thành quả quí giá được hứa cho những người tin tưởng. Vì vậy, đau khổ, khi được đón nhận trong đức tin, trở thành cánh cửa để bước vào mầu nhiệm khổ đau cứu chuộc của Chúa Giêsu và cùng với Ngài đạt tới an bình và hạnh phúc phục sinh của Chúa.

5. Trong khi tôi gửi lời chào thân ái tới tất cá các bệnh nhân và những người săn sóc họ bằng nhiều cách khác nhau, tôi mời gọi các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ cử hành Ngày Thế giới các bệnh nhân sắp tới, bằng cách làm nổi bật sự trùng hợp phúc lợi giữa việc kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và Đại hội Thánh Thể quốc tế. Ước gì đây là cơ hội để nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Lễ, việc Chầu Mình Thánh Chúa và tôn sùng Thánh Thể, làm sao để các nhà nguyện tại các trung tâm y tế trở thành con tim sinh động trong đó Chúa Giêsu không ngừng dâng mình cho Chúa Cha để nhân loại được sống. Cả việc phân phát Thánh Thể cho các bệnh nhân, được thực hiện một cách trang nghiêm và với tinh thần cầu nguyện, cũng là niềm an ủi thực sự cho những người đang chịu đau khổ vì các loại bệnh tật khác nhau.

Ước gì Ngày Thế giới các bệnh nhân tới đây là cơ hội thuận lợi để đặc biệt cầu khẩn sự bảo vệ của Mẹ Maria trên những người đang bị thử thách vì bệnh tật, trên các nhân viên y tế và những người làm việc mục vụ y tế. Đặc biệt tôi nghĩ đến các linh mục dấn thân trong lãnh vực này, các tu sĩ nam nữ, những người thiện nguyện và bất kỳ ai thực sự dấn thân chăm sóc các bệnh nhân và những người túng thiếu trong thân xác và linh hồn. Tôi phó thác tất cả mọi người cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Xin Mẹ giúp mỗi người chứng tỏ rằng câu trả lời duy nhất có giá trị đối với đau đớn sầu khổ của con người chính là Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết khi phục sinh và ban cho chúng ta sự sống không cùng tận. Với tâm tình ấy, tôi chân thành ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho mọi người.

Vatican ngày 11 tháng 1 năm 2008

Biển Đức 16, Giáo Hoàng
 
Top Stories
Enough is enough: Vietnamese Catholics cannot be treated as second-class citizens
J.B. An Dang
15:21 19/01/2008
A short summary on the Catholics’ fight for justice in Vietnam

Human rights and religious freedom repression in Vietnam continues to escalate at an alarming rate. Vietnam's Permanent Normal Trade Relations with the United States, and its admission to both the World Trade Organization and the United Nations as an observer seem not to help improve its religious freedom conditions.

A short history

Vietnam was divided into two quite distinct states for most of the 17th and 18th centuries, and again between 1954 and 1975. The division has deeply affected the Catholic Church in the two areas. With the flight of hundreds of thousands of Catholics to south in the mid-'50s, the Church in the North lost between one third and one half of its membership. Those who remained lived under extremely harsh treatment by the atheist regime. They were denied access to education and decent jobs, and treated as second-class citizens. Seminaries were closed. The ordination, appointment and transfer of priests were severely restricted. Many Church properties have been seized. Consequently, church-going became all but impossible in many regions, resulting in many people abandoning their faith.

The Church in South Vietnam, meanwhile, enjoyed much more freedom and experienced an unprecedented growth. It ran prestigious institutions of education from kindergarten to tertiary level. Many prominent hospitals were run under Catholic Church auspices. There was a tide of vocations to the priesthood and religious life flourishing in all dioceses. All these underwent significant changes in 1975.

From 1975 until roughly the early 1990s, there continued to be severe discrimination against Christian believers. The Church's ministries were severely hampered, seminaries could not function, and many dioceses remained without bishops. Many Church properties were confiscated or transferred to the State under coercive conditions. The atheist government seized all Catholic schools and hospitals. At least 265 churches were confiscated. Some of them were destroyed for new constructions. The rest were converted into state-owned buildings, distributed or sold to officials.

Current situation

With the introduction to open market, the gradual opening to the West, especially to the United States, beginning with the lifting of the U.S. trade embargo in February 1994, the normalization of relations in July 1995, and the accession into WTO in November 2006; there has been a number of positive developments in religious liberty. The situation of the Church in Vietnam was improved due in good part to the persistent efforts of the Holy See to maintain an official dialogue with the authorities, including a more or less annual visit to Vietnam of a Vatican delegation.

However, there can be no denying that religious freedom is severely limited in today's Vietnam. It is fair to say that persecutions are still on their way especially in the rural areas such as in the North and in the Central Highlands. There are severe restraints on religious freedom, which Catholic bishops in Vietnam repeatedly speak out on, calling for the government to relax specific restrictions. After each meeting of the episcopal conference, the bishops typically send a memorial of the meeting to the Prime Minister, in which they list the areas of great concerns. One of outstanding issues is Church properties that the government has seized illegally or under coercive conditions.

Many properties that once belonged to the Church have been administered by the State on the grounds that they were needed for social purposes. Even when their purposes are no longer met, they are seldom returned to their owners. Recently, it is reported that they have been used as financial resources for government officials. Needless to say, activities held in these premises often disrupt religious services in the nearby churches.

For more than thirty years, bishops, priests, religious and lay people in Vietnam have called for the return of these properties. But their petitions have gone unanswered.

It worths to note that their requests are within the framework of the laws in Vietnam. The Catholics, recalling that the constitution safeguards religious freedom and places of worship, have underlined in particular directive 379/TTG, which specifies that places of worship borrowed by the authorities must be returned to the churches or their owners when their use is no longer justified. Added to this there is decree 26/1999/ND- which provides that church properties must be kept under the management of the state, and the state should not let these places of worships be transgressed, as well as ordinance 21/2004/PL-UBTVQH11 of June 18, 2004 regarding Religious Belief and Religious Organizations, which elaborates that the legal property of places of religious belief and of religious organizations is protected by law; any violation of this right is forbidden.

Vietnam laws regarding disputed properties state that neither side has the right to build on them or change their status before a final legal decision. However, some bureaus have authorised constructions and modifications despite protests.

The basic problem is one of justice. It lies in the partisan silence by the concerned agencies which have not upheld the rights of the people and given instead a free rein to those who violated them. This provocative and cavalier attitude by local government agencies has greatly irritated Vietnamese Catholics.

Some typical Church property disputes

Hanoi apostolic delegate’s office

Since 18 December 2007, thousands of Catholics in the Archdiocese of Hanoi have been organising peaceful demonstrations outside the former apostolic delegate’s office in Hanoi to ask for the return of the building to the archdiocese.

Demonstrations began after the release of a pastoral letter from Archbishop Joseph Ngô Quang Kiệt, in which he told Catholics in Hanoi that his petition to the Communist government for the return of the building seemed to go nowhere. In the letter, dated on December 15, he asked the Catholic community to pray intensively that finally justice would prevail.

Here is a brief history of the issue:

On 18 Oct 1951, Pope Pius XII appointed Archbishop John Jarlath Dooley, S.S.C.M.E (1906 – 1999) as the Apostolic Delegate to Indochina.

On arrival to Vietnam, Archbishop John Dooley decided to move the Indochina Apostolic Delegate’s residence from Hue to Hanoi due to the political importance of the latter.

His office was set temporarily inside Hanoi Archbishopric complex. The Apostolic Delegate’s Office had the same address as that of Hanoi Archbishop’s Palace: 40 Phố Nhà Chung, Hanoi.

When Vietnam was divided into two distinct states in 1954, he remained in Hanoi.

In March, 1959 he had to leave Hanoi for medical treatment. Before leaving Vietnam, he wrote a letter in which he thanked Bishop Joseph Marie Trịnh Như Khuê (1898-1978) of Hanoi to allow him to use the building for a long time.

Father Terence O'Driscoll, an Irish priest, undertook the office temporarily while waiting for the Holy See’s instructions. However, within 2 weeks after Archbishop John Dooley left Vietnam, Hanoi deported Fr. O'Driscoll and all staff of the Apostolic Delegation.

After the deportation of the Apostolic Delegation, despite the protest of Bishop Joseph Marie Trinh, the communist government occupied the Apostolic Delegate’s Office, built a wall to separate it with the rest of the Archbishopric complex, and created a new address: 42 Phố Nhà Chung.

Since then, the former Apostolic Delegate’s Office has been used for various purposes, including those as means to torture Hanoi Catholic leaders and staff who lived nearby with loudly music played late into midnight. Needless to say, the music and other activities from the building disrupt badly church services in the nearby Hanoi Cathedral.

In 1980s, Cardinal Joseph-Marie Trịnh Văn Căn (1921-1990), the then Archbishop of Hanoi, had repeatedly reported the issue but the government kept torturing him with loudly music until his death.

In 2000, Cardinal Paul Joseph Phạm Đình Tụng requested the return of the building to the archdiocese.

For many years, Archbishop Joseph Ngô, his predecessors, and the bishops’ conference have called for the return of the building. So, it is disputed property and neither side has the right to build on it or change its status before a final legal decision. This year the apostolic delegation compound was constantly violated when the agency that is momentarily managing it built a two-storey Tonkinese restaurant. Some bureau authorised the construction.

Despite a request made by the archbishop on 4 December 2007 to maintain the status quo, the roof and floor of the main building were removed. And despite further protests, the courtyard was turned into a parking lot.

In the evening of December 18, more than 2,000 Catholics in Hanoi-- priests, religious, and laity-- gathered outside the building with candles praying for the justice. The government responded by deploying more police to intimidate the protestors. Nevertheless, every day hundreds of people have been coming to the building. They stand outside it, quietly praying.

On Christmas Eve, a crowd of about 4,000 candle-holders sang and prayed in front of the building.

On December 30 there was a meeting between the Vietnamese Prime Minister Nguyễn Tấn Dũng and the archbishop of Hanoi, but so far nothing has been done.

Catholics in Hanoi made a resolution that they will pray and light candles in front of the building until it is returned to the Catholic Church.

Thái Hà parish land

While peaceful demonstrations for the restitution of the old building of the apostolic delegation in Hanoi continue, police have forcibly intervened in an analogues protest in the parish of Thái Hà.

Thái Hà parish is run by Redemptorists. The order arrived in Vietnam in 1925. Since then, Redemptorists have taken the Good News to many provinces in the North of the country. In 1928, they bought 6 hectares at Thái Hà, Hanoi to build a convent and a church. Mass for the Inauguration of the convent was held on 7th May 1929. The church was inaugurated 6 years later, in 1935.

In 1941, there were up to 66 members including 17 priests, 12 brothers, 26 seminarians, and 11 novices living in the convent. The number of members kept increasing steadily until 1954, when Vietnam was divided into two distinct states. In 1954, most Redemptorists moved to the South of Vietnam. Fr. Joseph Vũ Ngọc Bích, Fr. Denis Paquette, Fr. Thomas Côté, Br. Clement Phạm Văn Đạt and Br. Marcel Nguyễn Tấn Văn remained in Hanoi. They lived under extremely harsh treatment by the atheist regime, and soon faced brutal persecutions. On 7th May 1955, Br. Marcel Nguyễn was arrested. Four year later, on 9th July 1959, he died in the communist jail. Fr. Denis Paquette faced deportation on 23rd October 1958. One year later, Fr. Thomas Côté faced the same fate. Less than three years later, on 9th October 1962, Br. Clement Phạm was jailed. He died later in the communist jail on 7th October 1970 in a rural area of Yên Bái. Since 1962, Fr. Joseph Vũ has run the church alone. Despite Fr. Joseph Vũ’s persistent protests, local authorities have managed to nibble bite by bite the parish’s land. The original area of 60,000 square meters was reduced to 2,700 square meters. The communist government converted the convent into Đống Đa hospital, and government officials.

Priests, religious and the laity of Thái Hà parish have repeatedly requested for the return of the land seized by the government. In support of their demands they note that the Redemptorists hold the legal land deeds and have never signed agreements to offer any part of the land to the government even under coercive conditions.

Despite all of this, the local authorities of Đống Đa district persist in their attempts to take even more land away from the parish. At the start of the year, fences went up and security officials were called in to protect the Chiến Thắng Sewing Company which had begun to build. Irritated, some parishioners began to protest.

In a message sent last January 7 to all the Redemptorists in the country, the provincial superior Fr Joseph Cao Đình Trị says the local government has illegally confiscated land belonging to their monastery at Thái Hà, Hanoi and is supporting a construction project there. The previous day, the government had sent security forces to the spot, to allow the Chiến Thắng Sewing Company to build on the land in question.

The Redemptorists in Hanoi, Fr Cao continues, "have responded by gathering people to pray at the construction site, asking the government to respect fairness and put justice into practice. I would earnestly implore all of you, the whole province of Vietnam, to be in solidarity with our brother Redemptorists in Hanoi, in order to pray for our common apostolate".

In the afternoon of 7 January the authorities came to allay the concerns of the crowd, promising that construction work would end. Instead the next day the Hanoi People’s Committee issued an official order authorising the company in question to continue its work. Angered by the turn of event, people realised that government institutions have made a mockery of their own words and of people’s sentiments in order to protect those who break the law. This is why, not knowing to whom they should turn to, they turned to prayer.

Hà Ðông parish presbytery

After Hanoi and Thái Hà, protests have reached Hà Ðông, a city with about 200,000 residents located some 40 kilometres from the Vietnamese capital. Here Catholics have peacefully protested demanding the return of their parish building which the authorities illegally seized claiming that it had been donated.

The protest began 6 January and since then has seen hundreds of faithful meeting in front of what was once their parish building to pray for justice to be done.

The faithful were provoked into action by a statement made by government officials rejecting their demand that the building be returned to its owners after it was seized 30 years to house the Hà Ðông People’s Committee. Parishioners have repeatedly forwarded petitions demanding the building’s return but to no avail.

However, Hà Ðông was recently elevated to the status of city and so the Committee was moved. This persuaded the parish vicar, Fr Joseph Nguyễn Ngọc Hinh, to try again to get the building back.

This time however he got an astonishing answer. He was told that a “parish leader” had donated the building to the government in 1977.

Father Nguyễn responded saying that no parishioner has the right to do such a thing.

Even more astonishing was the fact that the “parish leader” who made the donation was in fact a member of the Communist Party appointed by the government to the parish council who in turn donated the property to the government.

In Hà Ðông the protest continues.

Saigon Major Seminary

In a related development, Cardinal Jean Baptiste Phạm Minh Mẫn of Saigon has also criticised the government for its failure to resolve a dispute over confiscated church property. The cardinal had made a request more than 3 years ago for the use of a building on the property of the Saigon seminary; the government finally respected to his request-- negatively-- in November 2007. In a letter that was sent in December, but only recently made public, the Vietnamese cardinal said that he was "shocked at both reasons for the rejection of his request, and at the long waiting time."

Along with the letter from Cardinal Jean Baptiste Phạm, Saigon archdiocese also published a statement in which the Cardinal stated that the building "was seized illegally by the local government". The building had been used to house French missionaries until it was confiscated in 1976 when all missionaries were deported.

The government argued that the building was a foreign property. But, "French missionaries were only the resident", the statement of Saigon archdiocese argued back, "they were not the owner of the building. Therefore, when they left Vietnam, the building remained a property of the archdiocese, of the Church in Vietnam".

The Church in Vietnam needs your help

For more than a month now, thousands of faithful have held prayer vigils in and around Hanoi, representing the faith's largest challenge so far to the communist government. While tensions mount as the issue of illegally-seized Church properties is not solved, Hanoi authorities accuse Archbishop Joseph Ngô Quang Kiệt and Catholic activists of taking advantage of religious freedom to stir up protests against the government - hinting that a crackdown was likely.

On January 11, Ms Ngô Thị Thanh Hằng, deputy chairman of the capital’s People’s Committee released a statement falsely accusing the prelate, priests, religious and the laity of Hanoi of “causing public disorder, adverse effect on good and cooperative relations among Vietnamese Conference of Catholic Bishops, the Archbishop’s Office and the local government, creating opportunities for dissidents to ignite, distort, propagandise, and sow divisions between the laity and local government, rifting the good image of Catholicism within the community, and affecting the ongoing relations that are being improved between Vietnam and the Vatican”.

Threatening words like these referring to abuses of religious freedom have been used in the past as a warning about possible repression.

To remain silent in front of the violations by the agency charged with managing the apostolic delegation, to ignore the legitimate aspirations of Hanoi Catholics, to brazenly protect the Chiến Thắng Company and blame the Catholics is proof of an extremely partisan spirit of Vietnam government, and of its discrimination to the Catholics in Vietnam.

Please pray for the Church in Vietnam and put some actions to stop persecutions that it has been suffered since 1954. All Vietnamese Catholics are demanding is for the government to be impartial, to respect its own laws, and to stop the persecutions on the Church in Vietnam so that the population can go back to a quite life and live happily in peace.
 
Annual Report Of The United States Commission On International Religious Freedom May 2007
U.S. Commission on International Religious Freedom
23:20 19/01/2008
ANNUAL REPORT OF THE UNITED STATES COMMISSION ON INTERNATIONAL RELIGIOUS FREEDOM MAY 2007

U.S. Commission on International Religious Freedom


Vietnam

Since Vietnam was named a “country of particular concern” (CPC) in 2004, Vietnam and the United States have engaged diplomatically to address a number of religious freedom concerns. In the process, conditions for many religious communities have improved in some respects, as Vietnam has expanded the zone of permissible religious activity and issued new administrative ordinances and decrees that outlined registration procedures and outlawed forced renunciations of faith. In addition, Vietnam has also granted early release to specific prisoners whose cases were presented by the United States. These advances were cited by the State Department in November 2006 when it lifted the CPC designation.

The Commission has noted this progress in Vietnam, but has concluded that these improvements were insufficient to warrant lifting the CPC designation. This conclusion was reached because it was too soon to determine if legal protections would be permanent and whether such progress would last beyond Vietnam’s accession to the World Trade Organization. In addition, the Commission’s view was that lifting the CPC designation potentially removed a positive diplomatic tool that had proved to be an effective incentive to bilateral engagement on religious freedom and related human rights.

In the last year, there have been arrests and short-term detentions of individuals because of their religious activity. There were also reports of individuals threatened unless they renounced their religious affiliations, and new legal regulations were used, in some cases, to restrict religious freedom. Targeted in particular were religious leaders and individuals associated with ethnic minority Protestants, Hoa Hao Buddhists, Vietnamese Mennonites, Khmer Krom Buddhists, and monks and nuns of the government-banned Unified Buddhist Church of Vietnam (UBCV). In addition, since it joined the World Trade Organization (WTO), the government of Vietnam has initiated a crackdown on human rights defenders and advocates for the freedoms of speech, association, and assembly, including many religious leaders who previously were the leading advocates for religious freedom in Vietnam. Given the recent deterioration of human rights conditions in Vietnam and because of continued abuses of and restrictions on religious freedom, the Commission recommends that Vietnam be re-designated as a CPC in 2007.

Since November 2006, Vietnam has received a state visit from President Bush, was granted Permanent Normal Trade Relations (PNTR) with the United States, had the CPC designation lifted, and joined the WTO. However, since January 2007, Vietnam has carried out a wide-ranging crackdown on individuals associated with human rights, democracy, legal reform, labor, and free speech organizations. Among the first arrested were Fr. Nguyen Van Ly and lawyer Nguyen Van Dai, two well-known advocates for religious freedom and legal reform in Vietnam. Previously, Father Ly had been arrested in 2001 and sentenced to 15 years in prison after submitting written testimony to the Commission. After Father Ly was granted early release in 2005, he founded the Vietnam Progression Party, became an editor of “Freedom of Speech” magazine, and helped organize the Block 8406 democracy movement, which began in April2006 when hundreds of people signed public petitions calling for greater democracy and human rights, including religious freedom, in Vietnam. On April 2, 2007, Fr. Ly and several associates were sentenced under Article 88 of Vietnamese criminal code for “propagandizing against the state.” Fr. Ly received a sentence of eight years in prison and five years house arrest. Nguyen Van Dai, one of Vietnam’s few human rights lawyers, was arrested in Hanoi in March 2007.Lawyer Dai defended individuals arrested for their religious activities; he is also the co-founder of the Committee for Human Rights in Vietnam and one of the principal organizers of Block8406. He is currently awaiting trial. Some of the public charges leveled against Fr. Ly and Lawyer Dai are related to their religious freedom activities. In Family and Society newspaper, Fr. Ly is described as “joining hands with black forces and reactionary elements to build a force under the cover of freedom of religion activities.” In the online publication of the Ministry of Public Security entitled Law and Order, Dai is accused of collecting “evidence of Vietnam’s religious persecution” to send to “enemy powers and overseas reactionaries.”[1]

Religious leaders and religiously-motivated dissidents like Fr. Ly and Nguyen Van Dai have fought for religious freedom in Vietnam and have become leaders in the fight for legal reforms and human rights. The step from advocating for religious freedom to peacefully advocating for legal and political reforms and the freedoms of speech, assembly, and association was a small one for many of the leaders of Vietnam’s dissident community. They contend that freedom of religion or belief is intimately connected to other human rights and that religious freedom cannot be fully protected without legal and some political reform. Vietnam’s recent wave of harassments, arrests, and criminal prosecutions are a direct challenge to the positive trajectory of U.S.-Vietnamese relations. They also endanger all of Vietnam’s human rights1Other human rights advocates who have been temporarily detained, interrogated, beaten, arrested, or had warrants issued for their arrest since January 2007 include Fr. Chun Tin and Fr Phan Van Loi, Mennonite Pastors Nguyen Quang, Nguyen Cong Chinh, and Tran Van Hoa, Catholic seminary professor Nguyen Chinh Ket, and lawyers Li Thi Cong Nhan and Le Quoc Quan advocates and call into question the Vietnamese government’s commitment to protect and advance religious freedom over the long term.

In the 18 months leading to President Bush’s visit in November 2006, however, Vietnam made progress in addressing some of the longstanding religious freedom concerns. In May 2005,the State Department announced it had reached an agreement with Vietnam on benchmarks to demonstrate an improvement in religious freedom conditions. Under the agreement, the Vietnamese government committed to: 1) implement fully the new legislation on religious freedom and render previous contradictory regulations obsolete; 2) instruct local authorities strictly and completely to adhere to the new legislation and ensure compliance; 3) facilitate the process by which religious congregations can open houses of worship; and 4) give special consideration to prisoners and cases of concern raised by the United States during the granting of prisoner amnesties. The U.S. government agreed to consider taking Vietnam off the CPC list if these conditions were met.

Following the signing of the agreement, the United States and Vietnam held productive diplomatic discussions leading to noticeable improvements in law and practice for many Vietnamese religious groups and a decline in the overall number and frequency of forced renunciations of faith, imprisonments, and torture. Vietnamese Catholics and Buddhists associated with the government-sanctioned Vietnamese Buddhist Sangha (VBS) report that they experience few restrictions in conducting worship activities and the number of religious adherents of these communities continues to grow. The government has also gradually eased restrictions on the Catholic Church. In the past year, the government approved a new bishop for the newly created Ba Ria Vung Tau Diocese, allowed additional priests to be ordained, approved the establishment of a new seminary, and permitted several local dioceses to conduct religious education classes for minors and some charitable activities. In addition, Hanoi continues to discuss with the Holy See conditions for the normalization of relations, discussions that included a meeting between Pope Benedict XVI and Prime Minister Nguyen Tan Dung at the Vatican and a corresponding visit of a high-level Vatican delegation to Vietnam in February 2007.

Vietnam also issued several decrees and ordinances that outlawed forced recantations of religion and provided new guidelines to help ease the process of registration. Over the past year, the government has extended some form of legal recognition or permission to a diverse and growing number of religious communities and individual congregations, including the United Christian Mission Church of Danang, the Baha’is, Seventh-Day Adventists, and individual churches in Ho Chi Minh City, including Grace Baptist, the Mennonite Church of Pastor Nguyen Trung, and a reported 91 individual “house churches.” The government has also allowed hundreds of previously closed churches and meeting points to open and operate in the Central Highlands and northwest provinces, though only an estimated 25 percent of these churches have gained some form of legal recognition or permission to operate. Religious leaders from Protestants groups in urban areas report that disruptions of their activities occur less frequently than in the past and they are allowed to conduct some large-scale meetings and religious education classes. The government has also granted, for the first time, permission to print Bibles in two ethnic minority languages. In addition, Vietnam continued to grant early release of individuals incarcerated for their religious activities, including Brother Nguyen Thien Phung, a member of the order of Mother Co-Redemptrix, Ma Van Bay, a leader of the Hmong Protestant community, and Y’ Oal Nie, a Protestant leader of the Ede ethnic minority. Finally, the Committee on Religious Affairs (CRA), the government organization that oversees the regulation of religious affairs, has held at least three meetings to explain the new laws to religious leaders, and there are some reports of training for local CRA officials as well. These are important and positive steps, and most were taken in the months immediately preceding Vietnam’s WTO accession.

Despite these positive developments and a corresponding decline in the intensity of religious freedom abuses in Vietnam, the government continues to maintain overall control of religious organizations and restricts their activities and growth through a pervasive security apparatus and the process of recognition and registration. Unregistered religious activity is illegal and legal protections for government-approved religious organizations are both vague and subject to arbitrary or discriminatory interpretations based on political factors.

The Vietnamese government continues to remain suspicious of ethnic minority religious groups, such as Montagnard and Hmong Protestants and Khmer Buddhists; those who seek to establish independent religious organizations, such as the UBCV, Hao Hoa, and Cao Dai; and those it considers to pose a threat to national solidarity or security, such as “Dega” Protestantsand individual Mennonite, Catholic, Buddhist, and house church Protestant leaders. In addition, Vietnam’s new ordinances and decrees on religion continue to require that religious groups seek advance permission for most religious activity and ban any religious activity deemed to cause public disorder or “sow divisions.” In some cases, the new laws are being used to restrict, rather than promote, religious freedom.

In the past year, Vietnamese security forces detained, interrogated, arrested, imprisoned, beat, harassed, or threatened adherents from many of Vietnam’s diverse religious communities. In January 2007, security forces briefly detained the congregation and tore down part of the church structure of Pastor Nguyen Quang in Ho Chi Minh City. Pastor Quang had previously been arrested in 2004, along with five other members of his congregation. In February 2007,security forces reportedly beat Mennonite pastor Nguyen Cong Chinh in Kontum. In June and July 2006, police beat two men and two women from an unregistered Protestant church in Thanh Hoa Province, after a dispute erupted over the home used by the congregation as a place of worship. There are reports that security officials were punished for the June incident, although another member of the Thanh Hoa congregation was beaten in October 2006 when he refused police orders to leave a prayer meeting. In September 2006, Protestant pastor Tran Van Hoa was arrested and detained for two weeks. In addition, security officials closed down Christmas celebration services in a Baptist church in Haiphong, Bac Giang province. In Quang Ngai province, security officials reportedly told ethnic Hre Protestants that “unless they behave,” their churches would be destroyed and leaders arrested “once APEC [the Asia-Pacific Economic Cooperation summit meeting] is over.” In June 2005, police detained 17 ethnic Hre Protestants. When community members refused to cease their religious activities, their homes and rice fields were burned and land confiscated.

Relations between ethnic minority residents and government officials in the Central Highlands remain tense and there continue to be reports of a large and intrusive security presence in the region. In 2001 and 2004, over 45,000 people demonstrated for religious freedom and land rights in Gai Lai, Dak Lak, and Dak Nong provinces. Numerous eyewitnesses report that the 2004 demonstrations were disrupted by attacks on protestors by security forces and hired proxies. There are credible reports of severe violence occurring in Dak Lak province, including the deaths of at least 10 demonstrators. No public investigation or accounting of police action during the 2001 and 2004 demonstrations has occurred. Since the demonstrations, however, Vietnamese officials imprisoned those believed to have organized the protests, as well as others suspected of taking part, or those who sought asylum in Cambodia. Vietnamese security officials have also pursued Montagnards into Cambodia to stop the flow of asylum seekers. Montagnard villages and communes remain under tight control, and no international observer has been allowed unobstructed access to the region, though diplomats have occasionally visited. However, in the last year, the Vietnamese government has relaxed some restrictions on ethnic minority Protestants associated with the Evangelical Church of Vietnam, South (SECV),particularly in Gai Lai province. The government has allowed a reported 80 churches in the Central Highlands to register legally with the SECV. Several hundred more have been given defacto or official permission to operate. Religious leaders in the Central Highlands claim that nearly 800 of the 1,250 churches and meeting points closed since 2001 have been re-opened. However, outside of Gai Lai province, there remain severe restrictions on the activities of religious groups and believers. In the last year, Human Rights Watch (HRW) conducted extensive interviews with Montagnard Protestants and concluded that they face severe restrictions on religious practice and association. Most repression targeted Protestants who refused to join the SECV or those suspected of affiliating with the banned Tin Lanh Dega (Dega Protestant Church).

The Vietnamese government has forcibly repressed remnants of the Tin Lanh Dega, which it views as a subversive institution combining religion and advocacy of political autonomy. A recent study commissioned by the UN High Commissioner for Refugees found that few self-identified adherents of Tin Lanh Dega sought any type of political autonomy. Most sought “enhancement of their human rights position” and the “need to gather in independent Tin Lanh Dega church communities” separate from what they viewed as the Vietnamese-led SECV. Even those Tin Lanh Dega leaders who expressed a desire for greater political autonomy sought to advance this position peacefully.

Nevertheless, to suppress Tin Lanh Dega activity or sympathy with the group, security officials in Dak Nong, Dak Lak, and parts of Gai Lai and Kontum provinces have engaged in severe violations of religious freedom and related human rights. HRW found that police do not allow people to gather for worship, often live in the homes of known religious leaders, constantly monitor and interrogate religious leaders, and arrest and detain those found meeting clandestinely for prayer. In addition, police also use a variety of methods to “refer” suspected Dega Protestants to join the SECV. In February and March 2006, police in Gai Lai province reportedly detained individuals from several Tin Lanh Dega congregations in an attempt to force them to join the government-approved religious organization. Police asked those detained whether they would remain “political” or whether they would follow the “Christianity of [the Prime Minister].” Those who refused to cease their religious activity were beaten and later released. Others were pressured to sign pledges agreeing to “abandon Christianity and politics.”

Only isolated cases of forced renunciations have occurred in the Central Highland since the practice was outlawed in a February 2005 decree. However, the practice still occurs in places and has taken on different forms. In September 2006, a pastor in Dak Nong province reported that the deputy chairman of Dak Mil District accused him and his church of “anti-government activities” for not participating in required Sunday buffalo sacrifices. There were other instances of fines, police “summons,” short-term detentions, or threats of withholding government benefits used to induce individuals to abandon their religion, including 30 ethnic minority Protestants in Coastal Ninh Thuan Province.

Over the past year, even members of the government-approved SECV have been subjected to arrest, beatings, and other restrictions. According to the State Department, “one third” of the SECV churches in Dak Lak Province that were closed in 2001 face severe restrictions on their activities. Police regularly prevent people from gathering and break up meetings, halting religious activity in as many as 100 congregations. In Sa Thay, Kontum province, district officials told visiting State Department diplomats that “no religion” existed in the area and refused to provide details about the alleged beatings of two ethnic minority Dzao Protestants leaders. In July 2006, police in Dak Nong province arrested and reportedly mistreated 10 ethnic minority M’Nong Protestants and accused them of “participating in American Protestantism” and “anti-government activities.” Six were detained for between three and six months. At this time, four remain incarcerated pursuant to vague national security and national solidarity provisions of the legal code. Religious leaders from Dak Nong report that most of those arrested were young people holding unauthorized prayer meetings outside of a recognized religious venue and for possessing cell phones. Since November 2006, religious leaders in the Central Highlands have reported that progress made in the previous year has stalled, new legal registrations and recognitions have stopped, officials are refusing to approve building permits, and the authorities have not renewed permission to hold additional theology classes.

Hmong Protestants in the northwest provinces continue to experience restrictions and abuses. Since 2001, the government has conducted campaigns of harassment, detentions, beatings, monitoring, and forced renunciations of faith among Hmong Protestants, including in the 2002- 2003 beating death of at least two pastors and the forcing underground of hundreds of churches and meetings points. The Vietnamese government has long connected the growth of Hmong Protestantism with the “receive the king” tradition of Hmong culture. This tradition was interpreted as a harbinger of political secession, requiring a security response from the government.

Leaders from the Evangelical Church of Vietnam, North (ECVN) reported to the Commission in April 2006 that police continue to beat and threaten Hmong Protestants in Dien Bien Province in order to get them to renounce Christianity. This is consistent with reports that police have forced Hmong Protestants to take part in self-criticism sessions or sign written renunciation pledges. For example, in May 2005, police in Dien Bien province issued at least 21“re-education” summons to local Hmong Protestants. At the time, religious believers were threatened with beatings, loss of government services, or fines if they did not give up their religious beliefs. Also in Muong Lay district, Dien Bien province, police forced several Protestants to construct traditional animistic altars in their homes and to sign documents renouncing Protestantism. In Ha Giang province in November 2005, police forced an ethnic minority Protestant pastor to sign a pledge to renounce his faith and cease religious activities after his congregation sought to register legally with the government approved ECVN. At the same time, four Hmong Protestants in Hoang Su Phi district, Ha Giang province were pressured unsuccessfully by border guards to sign documents renouncing their faith. In January 2007,security officials threatened to freeze the bank account of a Protestant leader in Muong Khong district, Dien Bien province unless he either left the district or renounced his faith. In some of the cases just mentioned, Hmong Protestants are refusing to abandon their religious traditions or are ignoring threats and fines. There are no reports, however, that security officials are being punished for these actions, which have been illegal since the February 2005 decree prohibiting forced renunciation of faith.

Hmong Protestants have also been harassed and detained for carrying Protestant literature and training materials and for providing researchers with information about religious freedom conditions. In Muon Nhe district, Dien Bien province, a “house church deacon” was detained after he returned from Hanoi carrying church documents and applications for registration. Since that time, there are reports that a special task force of security personnel has been living in the district to monitor activities of Hmong Protestants there. Two Protestant leaders from Lao Cai province were detained for two weeks and fined because they traveled to Hanoi to acquire registration applications forms from ECVN leaders. In January 2007, four Protestants from Tuyen Quang province were arrested for transporting 115 Christian books and training materials. They were released after a week and fined $1,000 (approximately five years’ wages). Police have threatened to charge the village chief of Muong Nhe district, Dien Bien province, with national security crimes for sending to researchers documents about government attempts to “prohibit Christian practice” in the northwest provinces. In 2002 – 2004, police in Dien Bien province beat to death Protestant leader Mu Bua Sehn, imprisoned his brother Mua Say So, for seeking to bring those responsible to account, and severely beat elder Lau Vang Mua for continuing to conduct religious activities in the district despite their orders to stop. Mua left Vietnam for Laos with 19 Protestant families. In December 2006, Vietnamese police arrested Mua and his brother in Laos and took them back to Dien Bien province. Mua’s brother was released, but there remains no word on the conditions or charges Mua faces.

The Vietnamese government is beginning to allow Hmong Protestants to organize and, according to the State Department, conduct religious activity in homes and “during the daytime.”In the last year, the government has given an estimated 30 churches official permission to conduct religious activity as a pilot project. An estimated 1,000 other religious communities in the northwest provinces are seeking affiliation with the ECVN. At this time, 532 religious venues have applied for registration. Though required by law to respond to such application in a timely manner, Vietnamese government officials have denied or ignored all of these applications. ECVN officials were told that they should not expect approval of new registration applications this year.

ECVN leaders who have visited those churches given legal permission to operate are concerned about the way local authorities are interpreting the new laws on religion. In a survey of current conditions, Hmong religious leaders report that security officials regularly attend religious services and check church membership lists and force anyone not on the list to leave.

In some locations, security officials reportedly bar anyone under the age of 14 from attending services, ban mid-week meetings and programs for children and young people, and have insisted that religious leaders be chosen under their supervision. Such restrictions may be directly related to a handbook published by the Committee on Religious Affairs in Hanoi to train local officials how to manage religious affairs. Though the handbook recognizes that “some” Hmong have a “genuine need” for religion, it instructs officials to manage tightly religious communities and to restrict their growth. The most troubling aspect of the handbook is its advisory that officials take active measures to “resolutely subdue” new religious growth, to “mobilize and persuade” new converts to return to their traditional Hmong religions, and to be vigilant against anyone who “abuses religion” to undermine “the revolution.” On the one hand, the handbook is important because it finally recognizes the legitimacy of some Hmong Protestant religious activity. However, it also indicates that the Vietnamese government will continue strictly to control and manage religious growth, label anyone who seeks to propagate Protestantism in the northwest provinces as a national security threat, and use unspecified tactics to get new converts to renounce Protestantism. In this case, the government is using law to restrict rather than protect religious freedom.

Significant pressure remains on leaders, monks, and nuns associated with the UBCV.UBCV leaders Thich Quang Do and Thich Huyen Quang are still restricted in their contacts and movement. Western diplomats and high-level Vietnamese officials have met with both leaders in the last year, and Thich Huyen Quang was allowed to seek needed medical treatment. However, at least 11 other senior UBCV monks remain under some form of administration probation or “pagoda arrest.” Charges issued in October 2004 against UBCV leaders for “possessing state secrets” have not been rescinded. Repression of the UBCV is not entirely focused on its leadership, but also on local attempts to organize “provincial committees” and the “UBCV Buddhist Youth Movement.” Police reportedly detain and interrogate monks suspected of organizing these activities in Quang Nam-Danang, Thua Thien-Hue, Binh Dinh, Dong Nai,and Bac Lieu provinces. In August and September 2005, monks were detained in these provinces and ordered to withdraw their names from the committees and cease all connections with the UBCV. In the last year, police have briefly detained monks attending a youth conference in Hue and have subjected the organizers of the conference to constant interrogations and harassment. There are reports that the UBCV’s national youth leader, Le Cong Cau, is being held in virtual house arrest. Former religious prisoner Thich Thien Minh continues to face constant harassment and local officials in March 2007 reportedly tore down the pagoda in which he was living. The next day he was presented with a “police order” accusing him of “activities opposing the Socialist Republic of Vietnam.” In addition, Thich Thien Minh was ordered to renounce his position as UBCV Youth Commissioner, cease all contacts with the outlawed UBCV leadership and disband operation of the Former Political and Religious Prisoners Association which the authorities consider an “illegal organization.”

Vietnamese authorities continue to threaten and detain monks, adherents of UBCV affiliated monasteries, and others seeking to meet UBCV leaders. In December 2005, reports emerged that UBCV nun Thich Nu Thong Man was subject to a “denunciation campaign” and expulsion order by provincial authorities in Khanh Hoa province. Police threatened local villagers with the loss of jobs and government services unless they publicly denounced the nun and asked provincial authorities to have her expelled from the local monastery. In January 2007,security officials from Binh Dinh province issued orders prohibiting future religious gathering sat the Thap Thap Monastery, reportedly threatening that local Buddhists would lose their jobs or their children expelled from school if they did not obey. In March 2007, police detained ThereseJebsen of the Norwegian Rafto Foundation as she tried to visit Thich Quang Do to present him with the foundation’s annual award.

Buddhists throughout Vietnam have become increasingly vocal about past and current religious freedom abuses. Since 2003, local Buddhists in Bac Gian province issued multiple petitions to protest the arrest and torture of eight Buddhists, including the beating death of monk Thich Duc Chinh. In July 2006, an appeals court ordered the temporary release of the eight citing the “lack of evidence” against them. Nonetheless, 50 monks and nuns from the government-recognized VBS demonstrated for their complete acquittal and to demand that those responsible for the monk’s death be held accountable. In Soc Trang province, there are also multiple reports of large scale demonstrations against the defrocking and arrest of several ethnic Khmer Buddhist monks. The monks who were arrested reportedly conducted their own peaceful protest over longstanding restrictions placed on the religious, cultural, and language traditions of the Khmer ethnic minority. In response, police have expanded arrests, harassment, and restrictions on Khmer Buddhist religious activity. As Theravada Buddhists, the Khmer have distinct ethnic and religious traditions from the dominant Mahayana tradition of the VBS. Some Khmer Buddhists have called for a separate religious organization from the VBS. The situation of the Khmer Buddhist will require additional monitoring, as information from that remote region is difficult to confirm.

U.S. Ambassador Michael Marine stated in September 2006 that there are “no longer any prisoners of concern” in Vietnam. Yet, at least 10 Hoa Hao followers remain in prison, in part for their role in organizing protests over the government’s harassment of their fellowship in An Giang province and also over the arrest of monk Vo Van Thanh Liem, who was arrested partly for submitting written statements to a U.S. congressional hearing on human rights in Vietnam. The Vietnamese government continues to ban participation in unregistered Hoa Hao groups, many of whom refuse to join the officially-approved organization because of the government’s role in selecting the leadership of that organization. Also incarcerated are Hmong Protestants Mua Say So, Lau Vang Mua, Cao Dai Hong Thien Hanh, and Hoa Hao Bui Tan Nha. There are also at least four ethnic M’Nong Protestants incarcerated in Dak Nong province. In addition, according to the State Department, Vietnam continues to hold at least 13 individuals under house arrest, including the UBCV leadership and Fr. Phan Van Loi of Hue.

In addition to more recent cases, there remain credible reports of religious leaders and individuals being held in long-term detention and re-education camps. In May 2006, UBCVmonk Thich Thien Minh published a list of 62 “prisoners of conscience” held at the Z30A reeducation camp in Xuan Loc, Dong Nai province. Religious prisoners on his list include Roman Catholic priests, a Buddhist monk, and several Hoa Hao Buddhists. Also, Nguyen Khac Toan, sentenced to 12 years in prison in 2002 for his advocacy of Internet and speech freedoms, stated that in the prison where he was held were “225 ethnic Protestant Montagnards,” including several minors. Toan’s testimony confirms HRW’s well-documented prisoner list, which includes 355 ethnic Montagnards. The number of Montagnard Protestants currently remaining in prisons is a significant ongoing religious freedom concern. Most arrests stem from participation in the 2001 and 2004 peaceful demonstrations for land rights and religious freedom, for alleged connection to outside groups with political aspirations, for organizing refugee flights to Cambodia, or for affiliation with the banned Tin Lanh Dega. Because of tight security and government secrecy, it is difficult to determine whether any or all Montagnards on these lists are imprisoned for their religious practice or affiliation. However, an official in the SECV has compiled a list of 153 prisoners who, he claims, are innocent religious leaders arrested for alleged sympathy with Tin Lanh Dega or because they failed to turn in members of their congregations who participated in the 2001 and 2004 demonstrations.

Commissioners and staff have traveled to Vietnam and met with Vietnamese government officials and religious leaders. In addition, the Commission has met with officials in the U.S. government, Members of Congress, the Acting UN High Commissioner for Refugees (UNHCR),and congressional staff about current U.S. policy toward Vietnam and the Commission’s policy recommendations.

In March 2006, Commission Vice Chair Michael Cromartie testified before the House International Relations Subcommittee on Africa, Human Rights and International Organizations at a hearing entitled “Vietnam: The Human Rights Dialogue with Vietnam: Is Vietnam Making Significant Progress?” In June 2005, Commission Vice Chair Nina Shea testified before the House International Relations Committee hearing entitled “Human Rights in Vietnam.” She discussed Vietnam’s record on religious freedom and related human rights, the provisions of the May 2005 agreement on religious freedom, as well as the Commission’s recommendations for U.S. policy. In July 2005, then-Commission Chair Cromartie testified at a joint Congressional Caucus on Vietnam and Congressional Human Rights Caucus hearing on Vietnam entitled, “The Ongoing Religious Freedom Violations in Vietnam.”

In the past year, the Commission has also issued statements about the State Department’s lifting of the CPC designation and the arrest of Fr. Nguyen Van Ly and Nguyen Van Dai and other human rights advocates. All of the Commission’s statements on Vietnam can be found on the Commission’s Web site.

In addition to its recommendation that Vietnam continue to be named a CPC, the Commission recommended that the U.S. government should:
  • Work to implement fully the Montagnard Development Program (MDP) created last year as part of the House and Senate Foreign Operations conference report. The MDP should provide targeted humanitarian and development funds to ethnic minorities whose demands for land rights and religious freedom are closely connected. This program is consistent with Vietnam’s own stated goals of reducing poverty in the Central Highlands and northwest provinces and with the need for reform, transparency, and access to regions where many religious freedom abuses continue to occur.
  • Re-allocate foreign assistance funds that formerly supported the STAR (Support for Trade Acceleration Program) to new projects in human rights training, civil society capacity building, non-commercial rule of law programs in Vietnam, education programs for minors and young adults, and exchange programs between the Vietnamese National Assembly and the U.S. Congress. The Commission suggests the funds go to the creation of the Promoting Equal Rights and the Rule of Law (PEARL) program. Previously, the Commission has urged the U.S. government to make clear to the government of Vietnam that ending violations of religious freedom is essential to the continued expansion of U.S.-Vietnam relations, urging the Vietnamese government to meet certain benchmarks consistent with international religious freedom standards including:
  • establishing a non-discriminatory legal framework for religious groups to engage in peaceful religious activities protected by international law without requiring groups to affiliate with any one officially registered religious organization; for example:--allow the Unified Buddhist Church of Vietnam and Khmer Buddhists to legally operate independently of the official Buddhist organization, the Vietnam Buddhist Songhai;--allow leaders chosen by all Hoa Hao adherents to participate in the Executive Board of the Hoa Hao Administrative Council or allow a separate Hoa Hao organization to organize and register as the Hoa Hao Central Buddhist Church with the same privileges as the Administrative Council;--allow Presbyterian, Assembly of God, Baptist, Mennonite, Jehovah’s Witness, and any other Christian denominations that do not wish to join either the Southern Evangelical Church or the Northern Evangelical Church of Vietnam, to register independently; and--allow Cao Dai leaders opposed to the Cao Dai Management Council to form and register a separate Cao Dai organization with management over its own affairs;
  • amending the 2004 Ordinance on Religious Beliefs and Religious Organizations, Decree 22,and the “Prime Minister’s Instructions on Protestantism” and other domestic legislation so that it does not restrict the exercise of religious freedom and conforms to international standards for protecting the freedom of thought, conscience, and religion or belief;
  • establishing a legal framework that allows for religious groups to organize and engage in humanitarian, medical, educational, and charitable work;
  • enforcing the provisions in the Prime Minister’s “Instructions on Protestantism” that outlaw forced renunciations of faith, and establish in the Vietnamese Criminal Code, specific penalties for anyone who carries out such practices;
  • repealing those ordinances and decrees that empower local Security Police to detain citizens in administrative detention for vague national security or national solidarity offenses, including Ordinance 44, Decree 38/CP, and Decree 56/CP;
  • setting up a national commission of religious groups, government officials, and independent, on-governmental observers to find equitable solutions on returning confiscated properties to religious groups;
  • releasing or commuting the sentences of all those imprisoned or detained on account of their peaceful advocacy of religious freedom and related human rights including, among others, UBCV Patriarch Thich Huyen Quang, Thich Quang Do, 13 UBCV leaders detained since the2003 crackdown, members of ethnic minorities in the Central Highlands and northwest provinces, Hoa Hao followers arrested in July 2005, and Fr. Ly, Nguyen Van Dai, and others arrested since January, 11 2007;
  • re-opening all of the churches, meeting points, and home worship sites closed after 2001 in the Central Highlands and northwest provinces;
  • investigating and publicly reporting on the beating deaths of Hmong Protestant leaders Mua Bua Senh and Vang Seo Giao, and prosecuting anyone found responsible for these deaths; allowing ethnic minorities in the Central Highlands safely to seek asylum in Cambodia and continue to allow representatives of the UN High Commissioner for Refugees (UNCHR) and other appropriate international organizations unimpeded access to the Central Highlands in order voluntarily to monitor repatriated Montagnards consistent with the Memorandum of Understanding (MoU) signed on January 25, 2005 between the UNHCR, Cambodia, and Vietnam, and provide unhindered access for diplomats, journalists, and non-governmental organizations (NGOs) to members of all religious communities in Vietnam, particularly those in the Central Highlands and the northwestern provinces; and
  • halting incursions into Laos and Cambodia by the Vietnamese military and police in pursuit those seeking asylum because of abuses of and restrictions on their religious freedom. The Commission has also recommended that religious freedom in Vietnam be both protected and promoted through expanded foreign assistance programs in public diplomacy, economic development, education, good governance, and the rule of law; including by:
  • expanding funding for additional Voice of America (VOA) and Radio Free Asia (RFA)programming for Vietnam and to overcome the jamming of VOA and RFA broadcasts;
  • working to improve the capacity and skills of Vietnamese civil society organizations, including medical, educational, development, relief, youth, and charitable organizations run by religious organizations;
  • targeting some of the Fulbright Program grants to individuals and scholars whose work promotes understanding of religious freedom and related human rights;
  • requiring the Vietnam Educational Foundation, which offers scholarships to Vietnamese high school-age students to attend college in the United States, to give preferences to youth from ethnic minority group areas (Montagnard and Hmong), from minority religious communities(Cao Dai, Hoa Hao, Catholic, Protestant, Cham Islamic, and Khmer Krom), or former novice monks associated with the Unified Buddhist Church of Vietnam and Khmer Krom Buddhists;
  • providing grants to educational NGOs to bring Vietnamese high school students to the United States for one year of study, prioritizing minority groups and communities experiencing significant poverty and human rights abuses;
  • creating new exchange programs between the Vietnamese National Assembly and its staff and the U.S. Congress;
  • working with international corporations seeking new investment in Vietnam to promote international human rights standards in Vietnam and find ways their corporate presence can help promote and protect religious freedom and related human rights; and
  • expanding existing rule of law programs to include regular exchanges between international experts on religion and law and appropriate representatives from the Vietnamese government, academia, and religious communities to discuss the impact of Vietnam’s laws and decrees on religious freedom and other human rights, to train public security forces on these issues, and to discuss ways to incorporate international standards of human rights in Vietnamese laws and regulations.
In addition, the U.S. Congress should appropriate additional funds for the State Department’s Human Rights and Democracy Fund for new technical assistance and religious freedom programming. Funding should be commensurate with new and ongoing programs for Vietnamese workers, women, and rule of law training.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Suy tư về sự chết
Vô Thường
08:42 19/01/2008
Suy tư về sự chết

Cuộc đời con người chấm dứt bằng cái chết. Cái chết là số phận của con người. Tôi đang khoẻ mà, đang lên như diều, thăng quan tiến chức lên ông chủ tịch này, bà trưởng ban nọ, sao mà chết được. Thế nhưng chúng ta vẫn hàng ngày hàng giờ chứng kiến:

Lá vàng đeo đẳng trên cây

Lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời!


Có người chết êm ái trên giường. Có người chết do hoảng sợ, hãi hùng vì tội lỗi. Có người chết do thiên tai, bệnh tật. Và cũng có người chết do tranh giành quyền lực mà mưu sát lẫn nhau…

Là người tận mắt chứng kiến sự hấp hối của nhiều tầng lớp, tôi đã có nhiều cảm nghiệm về sự chết khi nghe được những lời trăng trối: “ Là người ai chả phải chết nhưng tôi không sợ chết vì tôi xét lại cả đời tôi không làm điều ác, nếu tôi làm điều gì ác tôi đã bị báo ứng”.

Cụ H, khi Toà Khâm Sứ bị cướp, đã nhặt bốn viên gạch bị phá ra từ hang đá Đức Mẹ về kê chân giường. Kể từ đó, cụ đau ốm triền miên mà không rõ nguyên nhân. Chữa trị bao thời gian mà chẳng khỏi. Con cháu trong nhà cũng bị vạ lây. Chỉ đến khi cụ nhớ ra và đem bốn viên gạch trả lại, gia đình cụ mới trở lại yên ổn.

Bà cụ T trước khi lâm chung đã kể lại: Hồi đó nhà con nghèo lắm. Khi đi ngang qua nhà thờ con thấy có đống gạch, con nhặt một ít về xây cái bếp. Thế mà cả đời con cứ giật mình khi thấy những viên gạch. Lúc trẻ do vất vả nhưng khi có tuổi con rất ân hận, con đã đem gạch vào trả lại và bây giờ con đã lấy được sự thanh thản”.

Còn ông D, trước làm to lắm. Sau năm 1954 – 1955, ông đã sai khiến người khác đấu tố lẫn nhau. Bao gia đình tan nát, lâm cảnh vợ goá con côi, bao người vô tội đã chết dưới bàn tay sũng máu của ông. Đến khi về hưu ông mới giật mình nhận ra mình tay trắng. Khi ông đương chức, đương quyền thì biết bao kẻ luồn cúi, nịnh bợ. “Đời là thế’ – ông thở dài. Những ngày cuối đời, ông sống trong đau khổ, bệnh tật, nhục nhã và luôn hoảng sợ bị báo thù. Lúc gần trút hơi thở cuối đời, sắp phải về gặp những người mà ông đã ám hại, ông thều thào nói: “ Xin cầu nguyện cho tôi được rỗi linh hồn và cả đời tôi chỉ làm điều ác. Đến bây giờ tôi mới nghiệm. Đời cha ăn mặn thì đời con phải khát. Tất cả đã rời bỏ tôi, chỉ trừ có anh là người giúp tôi nhận ra có Chúa. Nếu tôi biết sớm tôi sẽ bỏ mọi thứ chỉ đổi lấy niềm tin”.

Một số tôn giáo quan niệm rằng đời người có nhiều kiếp. Ki – tô giáo chỉ nhận có một cuộc đời ta đang sống. Chính cuộc đời duy nhất này định đoạt số phận vình cửu của ta. Không có cơ hội thứ hai để làm lại. Chính vì thế ta phải sống hết mình cho đời này để đáng hưởng hạnh phúc đời sau.

Nếu giả sử có quả báo nhãn tiền, tôi làm điều ác sẽ bị phạt, thì chẳng ai dám làm điều ác nữa. Cái mầu nhiệm ở đây là không phạt nhãn tiền để còn xem thái độ sửa chữa. Giống như sự chết, không ai chụp hình được thiên đàng hay hoả ngục. Người đã chết cũng không trở lại để kể ta nghe về âm phủ là nơi tối tăm, hoảng sợ, ân hận vì tội ác mình đã gây ra khi còn tại thế. Nhưng người đang sống thì luôn tự chất vấn lương tâm về điều lành, điều dữ mình đã gây ra.

Cái chết dạy tôi biết cách sống. Sống công bằng, sống ngay thẳng. Tôi tin có đời sau, vì niềm tin đó kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo, những đồng tiền đẫm mồ hôi xương máu của đồng bào tôi. Chỉ có sự chết mới giúp tôi lột bỏ lớp mặt nạ đã đeo đẳng suốt mấy chục năm dương thế. Sự chết giúp tôi đối diện với khuôn mặt thật của mình.

Có ai dám khẳng định rằng tôi sẽ sống mãi. Từ bà chủ tịch này ông trưởng ban kia đến những người cùng khổ, cái chết luôn là một nguyên lý không thể chối cãi. Vậy tôi phải sống thế nào cho những chuỗi ngày sống của tôi có ý nghĩa và gặp được Đấng mà tôi đã tin yêu suốt cả cuộc đời.

Lạy Chúa Giê-su!

Mỗi khi có dịp đưa tiễn người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng, hay khi vào kính viếng người đã khuất, con chợt bừng tỉnh, và chợt hiểu ra một ngày nào đó thân xác con cũng trở nên hư nát, trở về bụi tro. Nhưng nhờ vào lòng tin lớn lao, thân xác sẽ sống lại để chịu sự phán xét trước Đấng Công Bình, người lành sẽ được hưởng triều thiên Thiên quốc. Còn kẻ dữ sẽ phải chịu cực hình hoả ngục, nơi chỉ có “ khóc lóc và nghiến răng”.

Lạy Chúa Giê-su!

Trần gian này quả đẹp, cái đẹp nguỵ trang làm cho con sống trong ảo ảnh. Nhiều khẩu ngữ, quảng cáo làm con nhoà mắt. Con đắm mình trong quyền lực, tiền bạc và dục vọng, quên mình là lữ khách. Con mãi mê vơ vét tham nhũng, cướp bóc tiền bạc, đất đai của chính những dồng bào của con. Con ngỡ rằng con có thể sống đời đời kiếp kiếp với những hạnh phúc giả tạo đó. Xin khơi dậy nơi con niềm tin khao khát những điều cao cả.

Lạy Chúa Giê-su

Xin cho mở mắt cho những người đang mê đắm tiền bạc, danh lợi, nhất là những người đang nắm trong tay quyền lực biết nhận ra chân giá trị của cuộc sống. Xin cho họ nhận ra một điều thật đơn giản: “chạy đi đâu khi trước mặt là vực thẳm, quay đầu lại là bờ”.

Amen.
 
Đòi đất là bước đầu cứu nước! (thơ)
Bs Vũ Linh Huy
08:44 19/01/2008
Đòi đất là bước đầu cứu nước!

Bạo quyền tham nhũng phá non sông,

Ta dùng kinh nguyện tháo cùm gông.

Giúp người oan ức tìm Công Lý,

Soi kẻ ác tâm sáng cõi lòng.

Tôn vinh Lẽ Phải, yêu Sự Thật,

Vạch trần gian trá, chống bất công.

Thôi thúc bởi lòng yêu dân, nước,

Vượt qua nỗi sợ, dẹp gai chông!

Boston, ngày 18 tháng 1 năm 2008

Tròn một tháng cầu nguyện với Hà Nội,

Thái Hà và Hà Đông.
 
Cựu Chủ tịch TP Hà Nội: 'Muốn mua nhà rẻ, tôi đã làm khi đương chức'
Pháp Luật TP HCM
09:06 19/01/2008
Cựu Chủ tịch TP Hà Nội: 'Muốn mua nhà rẻ, tôi đã làm khi đương chức'

Cựu chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên khẳng định, nếu muốn lợi dụng chức quyền để mua nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa thì ông đã làm từ lúc đương chức. Hiện, ông sẵn sàng chờ quyết định thu hồi nhà, nhưng chưa thấy.

- Thưa ông, việc đề xuất đưa ông chuyển nhà từ tập thể Bách khoa sang nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa diễn ra như thế nào?

- Đó là năm 2001. Người gợi ý đầu tiên là Sở Nhà đất và anh Lê Quý Đôn, Vũ Văn Hậu là những người trực tiếp giải quyết. Anh Đôn còn bảo cái nhà ấy nó bệ rạc lắm, phải sửa. Tôi chỉ bảo nếu chỗ đó không có ai ở thì tôi mới ở, tốt nhất là đừng đụng đến ai.

- Ông thấy việc được mua biệt thự này theo Nghị định 61 là bình thường hay bất thường?

- Suy cho cùng cũng là bình thường như những việc khác, nhưng không phải cứ mua theo Nghị định 61 là rẻ. Bởi vì mỗi nơi, mỗi chỗ mỗi điều kiện có tiêu chuẩn khác nhau.

- Khi Công ty Kinh doanh nhà định bán hóa giá nhà ở Nguyễn Chế Nghĩa, ông có biết họ định giá bao nhiêu tiền?

- Vừa qua, giá cả nhà, đất điều chỉnh liên tục, tôi biết làm sao được. Tôi là khách hàng, người ta bảo mua thì tôi mua, bảo thuê thì tôi thuê.

- Phát biểu tại Thành ủy, ông nói rằng nếu có ý định mua rẻ căn nhà cho mình ông đã thực hiện khi đương chức, đương quyền, không phải đợi đến lúc thành dân thường. Ý ông là gì?

- Tôi nói thế ý rằng nếu muốn lợi dụng chức quyền để mua nhà thì tôi đã làm từ lúc đương là chủ tịch. Còn khi nhận thông báo bán nhà, tôi chả có chức quyền gì, tại sao bảo tôi lợi dụng?

Nhà 12 Nguyễn Ché Nghĩa. Ảnh: P.V
- Khi việc mua nhà của ông bị đưa ra công luận, Văn phòng UBND thành phố ra Thông báo Hà Nội không có chủ trương bán ngôi nhà ông đang ở. Nhưng ông lại nói rằng trong danh sách những biệt thự không được bán không hề có hai căn nhà ấy. Xin ông giải thích rõ ý này?

- Khi có Nghị định 61 cho phép bán nhà nhà nước thì Hà Nội và TP HCM lập danh sách những căn nhà không được bán. Nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa không có trong danh sách đó. Hà Nội báo cáo, Chính phủ chấp nhận và đấy là chủ trương có đóng dấu quốc huy, do lãnh đạo UBND thành phố ký.

Kể cả văn bản mới nhất là báo cáo số 10 (tháng 1/2007) Chính phủ yêu cầu thành phố Hà Nội báo cáo, trong danh sách những nhà không được bán cũng không có cái nhà này. Nhưng có điều là những biệt thự sau này bán thì thành phố xin ý kiến, thế thôi!

- Tại sao ông nói Thông báo 225 của UBND thành phố Hà Nội là trái pháp luật?

- Thứ nhất thông báo không phải là văn bản pháp quy mà chỉ bộ phận nào liên quan thì bộ phận đó thực hiện. Văn phòng tung ra cho mọi người thực hiện là không đúng. Hơn nữa, thông báo mang danh UBND và con dấu quốc huy thì phải xem ai được ký trên con dấu ấy. Theo quy định, chỉ chủ tịch, phó chủ tịch (ký thay) và chánh văn phòng nếu là ủy viên UBND thì ký thừa lệnh. Còn những chức danh khác không được ký vào đây. Đằng này là phó văn phòng ký có phải là vi phạm pháp luật không?

- Trong Thông báo 225 nói cuộc họp ngày 3/10/2006 UBND thành phố đã họp và thống nhất chỉ đạo không bán nhà cho ông. Tại sao ông lại rất căng thẳng khi đề cập chuyện này ở Thành ủy?

- Tôi không biết họp ở đâu và ai họp, nhưng tôi khẳng định sự liên quan của tôi là sự liên quan giữa một công dân và Công ty Kinh doanh cho thuê nhà là quan hệ dân sự. Thật ra, thái độ của tôi bức xúc chỉ vì những dạng thông báo liên quan những việc hệ trọng thế này mà trái luật thì ai chịu trách nhiệm? Đụng đến quyền lợi công dân ai chịu trách nhiệm?

Tôi phân tích cái văn bản này không phải chỉ cho tôi, dù là sự bức xúc của mình nhưng cũng là vấn đề trong cung cách quản lý của thành phố. Cho nên trong buổi họp hôm 25/12/2007, anh Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch, đứng lên còn nói là nhìn cái thông báo này chỉ muốn xé ngay.

- Bây giờ là công dân, ông nói thông báo sai, như thế ông có tính đến việc kiện văn bản hành chính này vì đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông?

- Tôi chỉ muốn nói nếu chính quyền làm việc cung cách này thì dân khổ. Tôi là người đã xử lý rất nhiều những khiếu kiện, oan trái của dân, tôi thấy đến tôi mà còn phải chịu thế này thì những người dân khác chịu làm sao thấu. Với cái thông báo như thế bắt tôi phải dời nhà. Tôi đã nói rất rõ, tôi sẵn sàng chờ quyết định, nhưng có ai ra quyết định nào đâu. Toàn bộ vấn đề pháp lý của việc thu hồi nhà chỉ có mỗi cái thông báo trái luật.

- Vậy ông dời căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa là theo chỉ đạo trong thông báo hay vì lý do gì?

- Ai ở trong hoàn cảnh như tôi liệu có sống yên ổn không? Nhiều con mắt soi mói cứ nhìn tôi, tôi không chịu nổi. Nhưng dù không ở, hiện tôi vẫn thuê người trông nom, vẫn trả tiền nhà đàng hoàng.

- Trong hai sự việc xe và nhà tạm coi là scandal của ông trước lúc nghỉ hưu, nếu được quay trở lại ông có xử sự khác không?

- Trong hoàn cảnh khác, điều kiện khác thì tôi sẽ xử sự khác.

Ông Nghiên còn nói với báo chí, nếu chính quyền thành phố có chủ trương thu hồi biệt thự này, ông sẵn sàng trả lại để xin thuê nhà khác. Tháng 2/2007, ông Nghiên dọn đi khỏi biệt thự này.
Cuối năm 2006, nhiều báo đưa thông tin biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa hai tầng, tổng diện tích xây dựng 139 m2 trên tổng diện tích 410 m2 đất, giá thị trường lên tới hàng chục tỷ đồng được đề nghị duyệt bán cho ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, với giá chưa tới một tỷ đồng.
Biệt thự nói trên được UBND thành phố Hà Nội cho ông Nghiên thuê để ở cùng với gia đình (từ tháng 7/2001, khi ông Nghiên làm chủ tịch UBND thành phố) với giá 500.000 đồng một tháng. Ông Nghiên đã làm đơn xin mua nhà này theo Nghị định 61. Sau khi công luận lên tiếng, ông Nghiên giải thích: “Công ty Quản lý nhà gửi công văn xuống yêu cầu tôi nếu có nhu cầu mua nhà thì làm đơn. Và tôi đã làm đơn... Mình là người trong tổ chức, tổ chức bảo mình làm gì thì mình làm theo thế!”.


(Nguồn: Pháp luật TP HCM, ngày Thứ bảy, 19/1/2008)
 
Tiếp bài ''Đòi đất là bước đầu cứu nước'' (thơ họa)
Đinh Phan
10:43 19/01/2008
Tiếp bài "Đòi đất là bước đầu cứu nước"

Theo Đạo Hà Lan rọ trôi sông,
Thích chữ vào trán, mang cùm gông.
Bao triều vua trước từng bách hại,
Đức Tin thờ Chúa vẫn trong lòng.

Thời đại văn minh vẫn bất công,
Giáo Hội càng thêm những tân tòng.
Công dân hạng hai người Công Giáo.
Đường đi sao mà lắm gai chông!

Đàn con thể hiện sống Phúc Âm,
Sớm hôm cầu nguyện đóa hoa hồng.
Mong sao bạo quyền mau tỉnh ngộ
Tôn trọng công lý ước mơ chung.

Hà Nội 19/01/08
 
Dậy mà đi! Hỡi Đồng Bào ơi! (thơ)
Bs Vũ Linh Huy
10:47 19/01/2008

Dậy mà đi! Hỡi Đồng Bào ơi!



Dậy mà đi, đừng ngồi than mãi!
Dậy mà đi dành lại quê hương,
Dân mình đã quá đau thương,
Đồng bào ơi, hãy xuống đường hôm nay!.

Kim bọc giẻ lâu ngày cũng lộ,
Nói dối hoài tới chỗ cùng thôi.
Cộng nô như mả tô vôi,
Trong là cái xác hối thôi trương sình!

Luôn rêu rao là binh người thợ,
Tự gọi mình đầy tớ nhân dân,
Khi còn chui rúc, ẩn thân,
Ăn bờ, ngủ bụi, nịnh dân:“mẹ hiền.”

Nhưng khi đã nắm quyền sinh sát,
Là bắt đầu bắt nạt dân đen.
Bao nhiêu tình “mẹ” cũng quên,
Bao “cha”, bao “chị” cũng nèn nát thây!

Đem dân giết tế thày Mao, Xít, (*)
Đẩy dân vào chỗ chết, đường cùng,
Không hề sám hối, thẹn thùng,
“Đỉnh cao trí tuệ” một cung hát hoài!

Hễ có dịp ra tay là: “GIẾT!”,
Thật điển hình là Tết Mậu Thân,
Đập đầu, chôn sống ngàn dân,
Hoặc xô khe núi nát thân bao người!

Nổi danh khắp trần đời: tham nhũng,
Cướp cuả dân, thâm thủng cuả công,
Mặc dân dưới mức bần cùng,
Mình, tư bản đỏ, ung dung sang giàu.

Làm nô lệ cho Tàu Trung Cộng,
Đất cha ông đem cống quan thày,
Biển vàng thác bạc dâng ngay,
Ải Nam Quan đó vào tay ai rồi!

Hoàng, Trường Sa thành trời Trung Quốc,
Khiến toàn dân sôi sục đấu tranh,
Cộng nô đàn áp thật nhanh,
Đêm ngày luống sợ đàn anh mích lòng!

Dẹp ngay lũ lưng cong, đầu tối,
Đuổi hết phường phản bội giống nòi,
Cho dân đứng dậy làm người,
Dựng Muà Xuân mới sáng ngời Tin Yêu!

Boston, ngày 19 tháng 1 năm 2008
(Để cùng hưởng ứng với toàn dân biểu tình ngày hôm nay 19.01.2008
đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là với Khối Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ
trong ngày cầu nguyện cho Giáo hội và Tổ quốc Việt Nam)
.

Chú thích:
(*) Thơ Tố Hữu: "Giết! Giết nưã! Bàn tay không phút nghỉ!
Cho ruộng đồng luá tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước, chung lòng,
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít-ta-lin bât diệt!"

Nên biết, trong suốt hơn bốn ngàn năm lịc sử VN, cũng đã có nhiều kẻ bán nước cầu vinh,
nhưng chưa từng có ai công khai, lớn tiếng hô hào giết dân mình
để thờ các lãnh tụ ngoại bang như Hồ Chí Minh và bè lũ cộng sản VN.
 
Công giáo Việt Nam trên toàn thế giới tổ chức các Buổi Cầu Nguyện hướng về Hà Nội và Quê hương
VietCatholic
11:26 19/01/2008
Cuối tuần nầy tất cả người Công giáo Việt Nam trên toàn thế giới

Tổ chức Buổi Cầu Nguyện và hướng về Hà nội và Quê hương Việt Nam


• Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức TGM Ngô Quan Kiệt, kể từ hôm 18.12.2007 đến nay, các Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh và anh chị em giáo dân Tổng Giáo Phận Hà Nội đã liên tiếp đến cầu nguyện trong khuôn viên hay phía ngoài Tòa Khâm Sứ để đòi lại thửa đất này dùng cho nhu cầu tôn giáo của Giáo Hội. Cũng cùng hiệp thông với các giáo phận, giáo xứ, nhà dòng có đất đai bị chính quyền CSVN chiếm hữu bất hợp pháp, tỉ dụ như Thái Hà và Hà Đông, v.v...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Cha Mai Thanh Lương, giám mục phụ tá Orange, Hoa Kỳ, kêu gọi các Cộng đoàn, giáo xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ tiếp tục cầu nguyện, đặc biệt tổ chức các buổi cầu nguyện trong cuối tuần này) cho Giáo hội và Tổ Quốc Việt Nam trong thời điểm đang xẩy ra những biến có có ảnh hưởng lâu dài tới tương lai của Giáo hội và đất nước.

• Hưởng ứng lời kêu gọi của Linh mục Chủ Tịch Liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, và các lời kêu gọi của các Ban Tuyên Úy các Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam ở các quốc gia Âu châu như Pháp, Anh, Đức, Ý, Hòa Lan... ở Á châu như Phi luật tân và Nhật Bản, ở Úc châu và Thái Bình Dương, tất cả đều kêu gọi các Cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở hải ngoại tham dự các Buổi Cầu Nguyện và Đốt Nến đặc biệt trong cuối tuần này hãy hướng về Tổng giáo phận Hà nội, nơi mà giáo dân và giáo sĩ đang ngày đêm cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ và nhà thờ Thái Hà và Hà Đông... cho công lý và hòa bình được mau thực hiện.

• Hưởng ứng lời mời gọi của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức “Đêm thắp nến cầu nguyện cho quê hương” tại Trung Tâm Công Giáo ở Santa Ana và cuối tuần này với mục đích cầu nguyện cho sự vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam, cho công lý và công bằng cho các tôn giáo và dân oan khiếu kiện cầu nguyện cho cuộc tranh đấu của các tôn giáo tại quê nhà.

Đặc biệt kêu gọi các Cộng Đoàn CGVN thực hiện 2 công việc sau đây:

• 1. Các linh mục quản nhiệm và các Ban Đại Diện CĐCGVN địa phương tổ chức các Buổi Cầu Nguyện để giáo dân được tham dự, đặc biệt là vào cuối tuần này, cầu nguyện cho Giáo hội và Quê hường Việt Nam được mau chóng có tự do tôn giáo, nhân quyền được tôn trọng, tài sản của Giáo hội được trả lại, công lý được thực thi. Cuối tuần này cũng là Ngày mà Tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi Ngày cầu nguyện cho Tự Do Tôn Giáo ở khắp nơi trên thế giới.

• 2. Nhân dịp cầu nguyện chung với nhau, cũng xin kêu gọi giáo dân và đồng bào ký vào Thỉnh Nguyện Thư đòi Nhân Quyền, Công Lý và Tự Do Tôn Giáo cho đồng bào Việt nam, để gửi Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, các Nghị sĩ và Dân biểu Hoa Kỳ. Mẫu thư đã được Nhóm sinh viên và giới trẻ Call to Action soạn thảo và đã được phát động trên trang VietCatholic Net.
 
Tiếp bài ''Dậy mà đi! Hỡi đồng bào ơi!'' (thơ họa)
Đinh Phan
12:35 19/01/2008
Tiếp bài "Dậy mà đi! Hỡi đồng bào ơi!"

Bạo quyền thì cứ u mê mãi!
Sao không mở mắt nhìn xung quanh?
Bàng quan thiên hạ tiến rất nhanh,
Vô thần vẫn còn trong tăm tối!

Kể từ cái ngày đem nhập nội
Chủ thuyết Mác-Lê máu hôi tanh.
Ra tay hãm hại đám dân lành
Tội ác tầy trời nước nào gội!

Có súng trong tay thì cứ giết!
Giết nhiều, giết nữa, giết bằng hết!
Cáo gìa cùng bè lũ đàn em
Từ trên xuống dưới đều qúan triệt !

Hà Nội 19/01/08
 
Thông báo : Cầu nguyện hiệp thông tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigon
DCCT Việt Nam
16:41 19/01/2008
Thông báo: Cầu nguyện hiệp thông tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigon

“Bạn hãy ký thác đường đời cho Chúa.

Và Chúa, chính Chúa Người sẽ ra tay”


Chiều Thứ Tư ngày 23 tháng 01 năm 2008, lúc 15g30 tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigon,

giới gia trưởng, giới hiền mẫu, gia đình Con Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigon

sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện hiệp thông với Giáo Phận Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà.

Chủ đề của buổi cầu nguyện là: “Cầu cho Công lý và Hòa Bình”.

Buổi cầu nguyện sẽ được Cha Bề trên chánh xứ, Tu viện Trưởng Saigon chủ sự.

Kính mời anh chị em tín hữu tham dự.
 
Gương Bà Maria: Sống lành mới chết lành
Vô Thường
17:09 19/01/2008
Gương Bà Maria: Sống lành mới chết lành

HÀ NỘI -- Sáng ngày 17 tháng 1 năm 2008, Giáo xứ Chính toà Hà nội cùng với tang quyến đã dâng Thánh lễ tiễn đưa cụ bà Ma-ri-a về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong ngôi thánh đường sáng nay có đông đủ những gương mặt thân quen với cụ bà Ma-ri-a khi còn sống. Cụ Ma-ri-a là một giáo dân nhiệt thành và là một thành viên trong hội bà thánh An-na. Bà được Chúa cho có một cung giọng thật tuyệt vời để ca ngợi Thiên Chúa vào các giờ kinh trong nhà thờ. Cách đây hai năm, cụ đã phải nhập viện (cùng ngày với Đức Hồng Y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng) vì tuổi cao, sức yếu nhưng vì lòng yêu mến Chúa nên cụ sớm bình phục. Trí nhớ của cụ rất sáng suốt.

Là người thường xuyên viếng thăm, tôi rất cảm phục vì ở nơi cụ là một chứng nhân của niềm tin, lúc nào trên tay cũng cầm chuỗi Mân côi để kết hiệp mật thiết với sự đau khổ của Chúa. Vào một buổi cuối tuần, như thường lệ, tôi lại đến thăm cụ. Nhìn thấy tôi, cụ mỉm cười trìu mến. Tôi chào cụ và hỏi thăm tình hình sức khoẻ. Cụ nói: “Nhờ ơn Chúa, tôi khoẻ. Tôi chỉ xin Chúa một lần thôi đến nhà thờ và đến Toà Khâm sứ, để cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho các cấp chính quyền trả lại Toà Khâm sứ”. Tôi khôi hài: “ Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, khi còn quân ngũ con đã hát chán cái điệp khúc đó rồi, rồi phải học thuộc lòng: “ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan ”. Vậy giữa thủ đô mệnh danh là ngàn năm văn hiến đến nơi rồi, mà vẫn còn có cướp vậy sao? Vậy phải gọi đó là cướp gì?”. Cụ thở dài:: “… Giáo hội Việt Nam phải trải qua bao đau khổ, cấm cách, phân biệt người Công giáo, rồi miệng hơn hớt bụng một bồ dao găm, bằng mặt mà không bằng lòng, nói tự do mà không có tự do gì cả…”.

Thật sửng sốt vào sáng thứ hai tôi đang đi làm thì nghe tin cụ Ma-ri-a đã được Chúa gọi về nhà Cha hưởng thọ 80 tuổi.

Trong Thánh lễ sáng nay, khi ngắm nhìn con cái cháu chắt, tang quyến và chị em trong Hội, mặc vải xô đầu đội khăn tang trắng… Tất cả nói lên sự buồn rầu, đau đớn, thương nhớ. Thương nhớ người thân là một tình cảm chính đáng, khóc vĩnh biệt người chết là một điều hợp lý, hợp tình, nhưng tất cả những ai thương tiếc bà cụ Ma-ri-a sẽ biến đau thương thành niềm hy vọng.

Sau khi cha cháu của bà cụ Ma-ri-a làm nghi thức cuối cùng, linh cữu cụ được rước từ lối giữa nhà thờ qua phố Nhà Chung. Rất đông đảo bà con giáo dân đi tiễn biệt cụ. Con cháu muốn cho cụ được lần cuối chào ngôi Nhà Chung mà không một người tín hữu nào lại không yêu mến. Linh cữu cụ dừng trước cửa Toà Khâm sứ. Các con cháu lấy hoa nà nến, hương thắp lên cầu nguyện. Con cháu là những người gần cụ nhất luôn được nghe những thao thức và nay muốn thực hiện bằng lời cầu nguyện cho linh hồn cụ được thanh thản.

Người Việt Nam chúng ta thường nói: “ Sinh ký tử quy, sống gửi thác về ”. Sống ở trần gian được ví như cuộc lữ hành. Mục tiêu cuối cùng của cuộc hành trình là có hậu hay không? Muốn có cái chết êm ả như cụ bà Ma-ri-a thì hôm nay, ta phải sống trong Chúa để khi chết trong Chúa. Tôi là đầy tớ của nhân dân, tôi phải sống đạo đức bác ái, vị tha, phục vụ nhân dân, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi… Hàng ngày, tôi được hưởng sự ưu đãi hơn những người dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương làm nên hạt gạo, hạt muối…

Khi màn đêm bao phủ, thay vì nửa đêm đi xem vận mệnh tương lai, tôi đặt tay lên trán nghĩ suy, ngày hôm nay, tháng này, năm này, tôi đã làm gì? Có bao nhiêu sự bất công đòi tôi tháo gỡ. Tôi hô hào chống tham nhũng, bệnh quan liêu, bệnh thành tích nhưng chẳng ai chống lại chính mình. Tiếng nói của người dân có được tôn trọng không? Tôi đang tích luỹ hay cho đi? Tôi đang hàn gắn hay phá huỷ? Tôi đã giật mình khi đang ngủ không? Tôi có nghĩ tới sự chết không? Như lời thánh Phao-lô: “ Các ngươi chết sẽ được xét xử tuỳ theo việc làm”. Qua cái chết của cụ bà Ma-ri-a như nhắn nhủ tôi cũng như những người con dân Việt Nam: “ Sống lành mới chết lành”.
 
Hình ảnh cảm động: Xin được cầu nguyện với Mẹ trước khi yên nghỉ trong lòng đất
DCCT Việt Nam
17:36 19/01/2008
HÀ NỘI -- Ngày 17.1.2008. Một đoàn xe tang dừng lại trước Toà Khâm Sứ. Một buổi cầu nguyện nhỏ được cử hành cho Bà Maria. Người qua đời được biết vẫn thường đến đây cầu nguyện. Bà cầu nguyện với Mẹ lần cuối trước khi nghỉ yên trong lòng đất. Và có lẽ trên trời Bà vẫn đang tiếp tục cầu nguyện cho công lý được thực thi.










Đây là hình chụp lúc 6 giờ sáng trước Toà Khâm Sứ


Hoa vẫn thường bị quăng đi nhưng rồi lại được gắn lên
Bật mí cái này nhé. Nhân viên bên trong rất sợ thắp nhang
Vì họ nghĩ chúng ta đang cầu nguyện cho họ sớm phiêu diêu miền cực lạc!


Qua sự kiện cầu nguyện trước Toà Khâm Sứ và Thái Hà, Nhà nước giúp chúng ta
cảm nghiệm được chút nào đó thời bách hại mà cha ông ta đã trải qua,
giúp con cháu chúng ta hiểu chính xác thế nào là tự do tôn giáo,
và không được quên đó là gia sản của cha ông truyền lại.
 
Giáo dân Thái Hà cảnh tỉnh hơn với những người lạ mặt đến rình mò và nhập đoàn
PV VietCatholic
18:39 19/01/2008
DIỄN BIẾN MỚI XUNG QUANH VỤ ĐÒI ĐẤT TẠI THÁI HÀ

NHẬT KÝ NGÀY 18.01.2008

Vấn đề Thái Hà bây giờ gần như gắn liền với vấn đề Toà Khâm Sứ. Những bước đi giữa Nhà nước và Gíao Hội đi nhằm tìm một giải pháp cho Toà Khâm Sứ trong những ngày qua cũng là những bước đi dò tìm một giải pháp cho Thái Hà.

Trong khi đó, tại các khu vực đất đai tranh chấp tình hình có vẻ dịu hơn. Giáo dân vẫn tụ họp cầu nguyện sớm tối sau giờ lễ và vài chục người vẫn canh thức ngày đêm bên lề đường cạnh khu đất.

Khu vực Nhà thờ Thái Hà hết xe cảnh sát. Nhưng quanh nhà thờ và bên khu đất tranh chấp đã trở thành bãi đậu xe taxi và du lịch. Ai cũng biết chủ nhân thật của những xe ấy là ai. Cảnh sát mang quân phục cũng ít khi xuất hiện. Công an ngồi nhìn ra từ bên trong các căn nhà đối diện cách kín đáo. Rõ ràng một lối ứng xử như vậy đẹp hơn và hay hơn cho cả hai bên.

Số người đi lễ ngày thường gia tăng và số người không Công giáo khu vực nhà thờ cũng nhiều hơn. Có người lạ lên nhận Mình Thánh rồi đem về chỗ ngồi mà không biết làm gì khiến những người ngồi xung quanh phát hiện. Hôm sau, cha xứ ở nhà thờ Thái Hà phải thông báo trước khi rước lễ rằng: “Xin những anh chị em không phải kitô hữu không lên rước lễ”.

Thỉnh thoảng có người ngoại quốc ra vào nhà thờ Thái Hà. Bình thường thì chẳng ai để ý, nhưng những lúc thế này thì không thể không có người theo. Tối hôm trước, có một đoàn hơn chục người đến đi lễ, khi vừa xuống xe ở sân nhà thờ, thì công an thành phố đã tiếp cận và hỏi thăm các linh mục ở đây.

Quanh nhà thờ Thái Hà buổi tối có những phụ nữ người mạo danh giáo dân gia nhập vào giữa các giáo dân đang ngồi ở ven đường khu đất xin các giáo dân này giải tán, không nên ngày đêm dầm mưa giãi nắng, chịu gió bụi rét mướt như vậy.

Một số phụ nữ khác vào sân nhà thờ trước bảng thông tin chụp ảnh và mang theo cả đơn kiện đòi đất của chỗ này chỗ kia. Họ còn “cò mồi” các giáo dân ở đây đặt niềm tin vào họ và luôn miệng nói xấu chính quyền. Một linh mục trong nhà thờ mặc thường phục cũng đứng đấy khi nghe thấy đã yêu cầu một người đàn ông và hai người đàn bà kia ra khỏi khu vực nhà thờ.

Các giáo dân nam nữ ở trong giáo xứ đã trở nên cảnh giác với các người lạ đến rình mò quấy rối và kích động. Họ không cho ngồi chung, không đứng chung, không nói chuyện, không tán đồng trước những lời nói xấu hay kích động của những người lạ có “nhiệt tình đáng ngờ” này.

Số người tham gia canh thức vào đêm khuya hai hôm nay đông hơn. Có khi lên đến hơn 40 người. Hầu hết là phụ nữ. Có khi đến đông quá khiến mấy cái lều bạt tại hiện trường không đủ chỗ cho các bà các chị canh thức qua đêm.

Có mấy ông bà đã sáng kiến lấy nến cũ đúc trong các hộp sữa tạo thành các ống nến treo trước các khung ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp khiến cho khi gió to thì ngọn nến cũng không thể tắt được. Ảnh lửa lập loè trong đếm tối nhắc nhớ sự hiện diện và lời cầu nguyện của họ suốt canh thâu.

Có vị cao niên phát biểu rằng: "Nỗ lực giải quyết vấn đề về phía Giáo xứ Thái Hà chúng tôi thấy chủ yếu vẫn là việc cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ Maria. Còn về phía chính quyền, chúng tôi nghe nói có một số cán bộ tôn giáo và công an vẫn đang có những cuộc tiếp xúc cá nhân với một số linh mục và giám mục. Chúng tôi nghĩ những cuộc tiếp xúc này như là những bước tiền trạm chuẩn bị cho những cuộc gặp gỡ ở cấp cao hơn giữa Giáo Hội và Nhà Nước nhằm tìm một giải pháp cho vấn đề".

Trong khi đó, tại hiện trường khu đất tranh chấp, chia sẻ với các giáo dân ở Thái Hà chúng tôi nhận thấy mục đích duy nhất của các buổi cầu nguyện ôn hoà chỉ là đòi lại các phần đất bị tạm chiếm để đáp ứng nhu cầu phượng tự và các sinh họat tôn giáo của họ. Ngoài ra họ không có mục đích nào khác có tính cách chính trị như những ai đó gán cho.

Họ coi đây là mảnh đất thiêng liêng mà tổ tiên của họ tạo lập từ thuở ban đầu khi thành lập tu viện và giáo xứ ở đây và hành vi canh thức cầu nguyện của họ cũng là thiêng liêng. Họ sẵn sàng cho một đời sống cầu nguyện lâu dài. Một phụ nữ nói: “Chúng tôi cầu nguyện ở đây cho tới khi nào lấy lại được đất thì thôi”. Một bà khác nói: “Chúng tôi cầu nguyện cho đòi được lẽ công bằng”.

Số tượng ảnh nơi hàng rào cũng nhiều lên theo ngày tháng. Hôm nay trở lại chúng tôi thấy tường rào khu đất đã gần kín các cây thánh giá nhỏ và các bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Không biết mấy ngày nữa có còn chỗ cho giáo dân ở đây gắn nữa không?

Chúng tôi thấy trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng của giáo dân xứ này, không những có nhiều người yêu công lý và công bằng ở trong và ngoài nước đồng hành với họ mà còn có Chúa. Họ mạnh vì họ có niềm tin vào công lý. Họ mạnh bởi họ có Chúa.
 
Vụ Tòa Khâm Sứ còn đang tiếp diễn những cuộc dò đường cho một giải pháp
PV VietCatholic
18:45 19/01/2008
DIỄN BIẾN MỚI NHẤT XUNG QUANH VỤ ĐÒI ĐẤT TOÀ KHÂM SỨ

Nhật ký ngày 19.01.2008 do Nhóm phóng viên VietCatholic

Chưa thấy có bước đi nào chính thức từ phía chính quyền sau công văn 273/UBND-VX của UBND TP Hà Nội ký ngày 11.01.2008. Trong khi những cuộc gặp gỡ không chính thức nhằm tìm ra một giải pháp cho vấn đề vẫn đang được tiếp tục.

Tại khu vực Toà Khâm Sứ giáo dân vẫn tụ họp cầu nguyện sớm tối sau giờ lễ. Các tu sĩ nam nữ bên phố Nhà Chung thường vào lúc 20 h tối vẫn xướng lên lời kinh thảm thiết: “Lạy Chúa Trời xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa xin mau phù trợ”.

Thỉnh thoảng vẫn có những xung đột cục bộ giữa các nhân viên an ninh hay bảo vệ xung quanh chuyện cầu nguyện, cắm hoa, gắn thánh giá quanh tường rào. Mấy ngày trước chúng tôi thấy còn một thánh giá nhỏ ở cổng sắt. Hôm nay thứ sáu 18.01 cây thánh giá đã bị ai đó gỡ đi.

Sáng thứ năm khoảng gần 9 h, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng và cảm động: Có một đám tang của một bà đạo đức trong xứ Nhà Thờ Chính Toà đã rước ra cầu nguyện trước Toà Khâm Sứ. Nghe nói bà cụ quá cố khi còn sống đã cầu nguyện ở đây và rất thiết tha với phần đất thánh thiêng này.

Từ quảng trường Nữ Vương Hoà Bình đoàn xe và người đưa tang ngược phố Nhà Chung tiến sang phía Toà Khâm Sứ, dừng lại hướng vào phía tượng Đức Mẹ Sầu Bi, thắp hương, đặt hoa, cầu nguyện, rồi đoàn kèn tây cử mấy bài thánh ca, sau đó mới tạm biệt Đức Mẹ Sầu Bi và tiếp tục lên đường.

Mọi người chứng kiến, cả bảo vệ lẫn nhân viên an ninh đều kinh ngạc và không ai nói được lời nào và không biết phản ứng ra sao. Phố Nhà Chung kẹt xe bất ngờ vì lượng xe và người đưa tang dừng lại cầu nguyện còn đông hơn Chúa Nhật.

Buổi tối ngày thường chúng tôi không còn thấy hệ thống tăng âm phát các bài thánh ca. Chúng tôi không hiểu tại sao. Có thể do thành phố đề nghị không dùng tăng âm hay do tu sĩ và giáo dân ở đây không muốn làm ồn hàng xóm? Thực tình buổi tối khi đến đây, nghe những lời thánh ca êm đềm và sâu lắng dưới ánh đèn lung linh huyền ảo với ánh lửa lập loè theo mùi hương lan toả, chúng tôi thấy phố này có một nét gì đó độc đáo, khác hẳn những thứ âm thanh và ánh sáng chớp chảo náo lọan đang làm ô nhiễm môi sinh thành phố.

Tối hôm nay thứ bảy, giáo dân Cổ Nhuế, Thượng Thuỵ, Cửa Bắc, những xứ đạo ở phía Tây Bắc thành phố đến phiên cầu nguyện. Cá nhân và từng nhóm nhỏ của các giáo xứ này đã đến viếng từ lâu, nhưng trong tư cách là cả giáo xứ thì nay mới đến lượt. Những người tham dự hôm nay đón nhận sự kiện này với lòng hồ hởi và vui mừng.

Còn bao nhiêu xứ đạo trong Giáo phận đang đợi đến phiên mình và chương trình cầu nguyện của họ còn kéo dài đến bao giờ? Có Chúa biết. Chỉ biết rằng vấn chừng nào họ còn cầu nguyện thì vấn đề còn đang được đặt trên bàn giải quyết. Sau công văn 273/UBND-VX chính quyền Hà Nội có thể thấy mình thất thố phần nào trong nghệ thuật cai trị. Vì vậy vai trò trung gian của Ban Tôn giáo và Công an có thể sẽ gia tăng trong những bước kế tiếp.

Những ngày vừa qua, theo tin hành lang, Bộ Công an đã có những người gặp gỡ một số linh mục giám mục để dò đường. Có thể đấy là những bước đi tiền trạm cho những cuộc gặp gỡ ở cấp cao hơn nhằm tìm ra một giải pháp cho vấn đề Toà Khâm Sứ và Thái Hà. Vì chính quyền trung ương cũng không muốn để hiện tượng này kéo dài gây nhức nhối giữa Thủ Đô và có thể gợi hứng cho các hình thức đấu tranh hoà bình tương tự.
 
Những người không đi bằng hai chân
Chu Văn - Radio Veritas
19:43 19/01/2008

Những người không đi bằng hai chân

“Tôi vừa theo chuyến bay liên hành tinh đến thăm một tinh cầu không xa trái đất. Người trên tinh cầu ấy trông rất giống chúng ta nhưng họ đi đứng bằng hai tay, chúc đầu xuống đất. Có lẽ vì thế nên những thứ trên tinh cầu ấy đều mang những định nghĩa ngược lại với những định nghĩa của chúng ta.

Từ điển tra ngược: Chìa dao vào cổ bắt người ta ký tên thì gọi đó là “hiến”. Cướp lấy và sử dụng không kỳ hạn thì gọi là “mượn”.Tôi trao đổi với một khoa học gia cùng chuyến bay, chị ấy đã đến tinh cầu nầy một lần rồi nên biết nhiều hơn tôi. Tôi hỏi chị: ‘Tại sao con người ở đây không đi bằng hai chân mà đi bằng hay tay chúc đầu xuống đất như thế?’ Nữ khoa học gia đáp: ‘Vì họ đã được trồng như thế lúc mới sinh ra.’ Tôi thắc mắc: ‘Trồng à? Họ là cây cối ư?’ Chị nói: ‘Không, họ là những con người nhưng chính quyền của tinh cầu nầy đã quyết định trồng họ để tạo nên một giống người hoàn toàn mới, đồng nhất và ưu việt hơn tất cả những giống người trên tất cả những tinh cầu khác.’ Tôi tiếp tục hỏi: ‘Trồng bao lâu thì được một giống người hoàn toàn mới, đồng nhất và tối ưu việt?’ Chị lắc đầu: ‘Không rõ, ta hãy đến hỏi người đại diện của họ.’

Chị khoa học gia đưa tôi đến gặp đại diện của tinh cầu nầy. Ông ấy tuổi đã cao nên hai tay run lẩy bẫy, ráng giữ thăng bằng cho khỏi ngã, cái đầu hói của ông chạm xuống mặt đất, nước dãi tràn ra khỏi cái miệng xệ làm ướt đẫm cả mặt và trán. Chúng tôi hỏi ông: ‘Thưa ngài, chúng tôi từ quả đất đến tham quan tinh cầu nầy, chúng tôi có một thắc mắc muốn hỏi ngài.’ Vị bô lão gật đầu: ‘Xin chào, tôi sẳn sàng trả lời.’ Câu hỏi mà của chúng tôi muốn nêu lên là: Chính quyền của tinh cầu nầy định trồng bao lâu thì sẽ tạo được một giống người hoàn toàn mới, đồng nhất và ưu việt? Vị đại diện trả lời: ‘Hãy đọc khẩu hiệu kia!’

Tôi liền hỏi một thông dịch viên: ‘Khẩu hiệu ấy nghĩa là gì?’ Thông dịch viên giải thích: ‘Vì lợi ích trăm năm trồng người.’ Chúng tôi lại thắc mắc: ‘Thế thì trồng bằng gì?’ Ông đại diện tinh cầu hổn hển đáp: ‘Bằng phân, tất nhiên.’ Khi về lại trái đất tôi sực nhớ rằng tôi đã quên hỏi cái lợi ích ấy là gì và cho ai?”

Kính thưa quí vị, các bạn thân mến, trên đây là nguyên văn của một chuyện phiếm được đăng trên một tờ báo Xuân xuất bản tại Sydney, Úc Đại Lợi.

Chuyện ngược ngạo của một hành tinh nào đó có hay không thì người Việt Nam cũng đã và đang chứng kiến ngay trên đất nước của mình. Ngày nay, xem ra mọi ngôn từ đều có một ý nghĩa hoàn toàn đảo ngược. Chúng ta hãy thử đọc lại di chúc được viết hồi năm 1955 của người đã tự viết tiểu sử của mình để tự xưng là người khiêm nhường và giản dị như sau:

“Về việc riêng sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức đám đình lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài của tôi được đốt đi, nói chữ là ‘hỏa táng’. Tôi mong rằng cách hỏa táng dần dần sẽ được phổ biến vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện thì điện táng lại càng tốt hơn. Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì hình như có nhiều đồi tốt. Trên mộ thì xây nên một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây làm kỷ niệm; trồng cây nào phải tốt cây ấy; lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp.”

Mới nghe qua di chúc, người ta có cảm tưởng đây quả là con người khiêm tốn quên mình luôn sống giản đơn và chỉ muốn tiết kiệm từng tấc đất cho dân tộc. Thế nhưng tiết kiệm kiểu nầy thì quả là ngược ngạo. Ít ra, ông Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc thành thật hơn. Theo di chúc của ông, người ta mang tro tàn của ông rắc xuống biển, thế là xong, chẳng có nơi nào để dân chúng tụ tập lại mà tưởng nhớ và tung hô ông nữa. Nhưng người viết di chúc trên đây quả có lối tiết kiệm một cách ngược ngạo: đòi chiếm nguyên cả một ngọn đồi mà ngọn đồi ấy lại là Tam Đảo Ba Vì một thắng cảnh nổi tiếng của đất nước. Lại còn yêu cầu xây cho mình một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ nữa. Theo cách hiểu thông thường nhất trong ngôn ngữ Việt Nam từ bao nhiêu thế hệ nay, những từ như khiêm tốn, giản đơn, tiết kiệm hẳn không thể áp dụng cho trường hợp lãng phí trên đây!

Người tự xưng là "cha già dân tộc" đã ngược ngạo như thế, cho nên, mọi thứ tại Việt Nam ngày nay cũng đều ngược ngạo. Chẳng hạn tại Việt Nam khi nghe khẩu hiệu dân chủ gấp triệu lần các nước dân chủ trên thế giới thì phải chăng người dân lại chẳng hiểu ngược lại là độc tài đó sao? Người Việt Nam hiểu như thế nào về khẩu hiệu “do dân, vì dân và cho dân” nếu không phải là “do đảng, vì đảng và cho đảng” mà thôi sao? Người Việt Nam hiểu thế nào khi đảng nói chỉ có đảng mới nắm sự thật, chỉ có đảng mới nói sự thật nếu không phải là chỉ có dối trá mà thôi sao? Người Việt Nam hiện nay hiểu như thế nào về những người “nô bộc, đầy tớ của nhân dân” nếu không phải là những kẻ ngồi trên đầu trên cổ nhân dân. “Chuyên chính vô sản” là ai nếu không phải là những kẻ sống trong những khu sang trọng, di chuyển trong những phương tiện đắt giá, gởi con đi học tại các nước tư bản, ăn chơi trác táng và quăng tiền cá cược đến hằng triệu Mỹ kim.

Tất cả từ ngữ bình thường của Việt Nam và của thế giới đều đã chẳng được hiểu ngược lại sao? Chìa dao vào cổ bắt người ta ký tên thì gọi đó là “hiến”. Cướp lấy và sử dụng không kỳ hạn thì gọi là “mượn”. Ngôn ngữ thì ngược ngạo, hành xử thì bất công. Linh mục Lê Trọng Cung chánh văn phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã phân tích một cách chí lý cái lối lý luận và hành xử quyền hành ngược ngạo ấy: bao nhiêu năm trời làm đơn khiếu kiện thì không thấy trả lời, đến khi người ta lên tiếng một cách ôn hòa thì bảo đó là “vi phạm pháp luật”, kẻ trâng tráo vi phạm thì không bị trừng phạt, còn người bị vi phạm lại bị đe dọa. Chẳng còn đâu là công lý, chẳng còn đâu là tự do! Quả đúng như người Sàigòn thường nói: “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”. Và dĩ nhiên, ngược ngạo nhất vẫn là ý nghĩa của hai chữ “đạo đức”. “Đạo đức cách mạng” là gì nếu không phải là dùng mọi thủ đoạn dối trá, lừa gạt, sử dụng mọi phương tiện bất chánh và tàn ác để đạt được cứu cánh. Chẳng còn gì ngược ngạo hơn!

Nhà tư tưởng Quản Trọng của Trung quốc mà người ta đã ăn cướp câu nói: “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” để đặt vào miệng người tự xưng là cha già dân tộc, nếu có một lần đến thăm Việt Nam ngày nay hẳn sẽ phải thất vọng khi thấy rằng “con người mới” được trồng ở Việt Nam đã không đi bằng chân, suy nghĩ bằng trí tuệ, cư xử bằng con tim mà trái lại vì đã bị trồng ngược xuống đất cho nên lý luận và hành xử hoàn toàn ngược ngạo.

Trong những ngày vừa qua, người giáo dân Hà Nội, kể cả các em thiếu nhi đã thể hiện một cung cách mà Đức Tổng Giám Mục Hà Nội gọi là trưởng thành. Họ tuần hành trong ôn hòa, họ cầu nguyện cho hòa bình và công lý. Họ xin cho được ơn để có thể tha thứ cho những người thù hận với mình. Xã hội Việt Nam đang cần có những người biết sống theo tinh thần ấy của Thánh Phanxicô Assisi. Bởi lẽ, như người đã khai sinh chủ nghĩa cộng sản tại Nga đã nói “chỉ cần mười người như thánh nhân cũng đủ để cải tạo nước Nga”.
 
Vatican tiếp tục lên tiếng: Thắp lên và giữ mãi ánh sáng không bao giờ tắt cho sự thật, công lý, hòa bình và nhân quyền tại Việt Nam
Linh Tiến Khải - Radio Vatican
20:08 19/01/2008
Thắp lên và giữ sáng mãi những ánh nến không bao giờ tắt cho sự thật, công lý, hòa bình và nhân quyền tại Việt Nam

Từ ngày 18-12-2007 giáo dân Hà Nội đã bắt đầu các buổi thắp nến cầu nguyện cho công lý hòa bình và nhân quyền, ở đây là cho công lý được thực thi, một cách cụ thể liên quan tới việc trả lại Tòa Khâm Sứ Hà Nội.

Tòa Khâm Sứ thuộc tài sản của Tổng Giáo Phận, nhưng đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm từ năm 1959 và xử dụng cho những mục tiêu kinh doanh kiếm lời và vũ trường cố ý khuấy động bầu khí nghiêm trang tĩnh mịch của tòa Tổng Giám Mục và đại chủng viện.

Mặc dù từ hàng chục năm nay Tổng Giáo Phận đã viết đơn yêu cầu nhà nước trả lại, nhưng không có thư trả lời.

Chiến dịch thắp nến cầu nguyện nói trên của giáo dân Hà Nội đã mau chóng được hưởng ứng và lan nhanh, vì các bản tin, các bài tường thuật và hình ảnh đã được các cơ quan truyền thông quốc tế liên tục đăng tải và bình luận. Các cơ quan này cũng thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn nhiều thành phần xã hội trong cũng như ngoài nước. Vì thế chiến dịch thắp nến cầu nguyện cũng đã được phát động trong các cộng đồng công giáo Việt Nam và các tôn giáo khác tại hải ngoại.

Sau giáo dân Hà Nội đến phiên giáo dân xứ Thái Hà, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế trông coi. Họ cùng nhau đến cầu nguyện trước bức tường và hàng rào do công ty may Chiến Thắng xây trên khu đất của giáo xứ. Khu đất này rộng hơn 61 ngàn mét vuông, nhưng đã bị nhà nước cưỡng chiếm, chỉ chừa lại cho giáo xứ và dòng Chúa Cứu Thế 2.700 mét.

Vài ngày sau đó tại Sài Gòn 4000 tín hữu cũng đã đến nhà thờ Kỳ Đồng của các cha Dòng Chúa Cứu Thế tham dự buổi thắp nến cầu nguyện và liên đới với giáo dân Thái Hà. Linh Mục chủ sự buổi cầu nguyện đã nói với 4000 người hiện diện rằng: ”Xã hội hôm nay đã đánh mất tâm linh, lại không còn công lý. Vì thế nhân phẩm con người không còn được tôn trọng, các quyền căn bản của con người không còn được duy trì và bảo đảm đúng nghĩa”.

Trong khi đó tại Hà Nội, giáo dân nhiều giáo xứ khác cũng thay phiên nhau đến cầu nguyện bên ngoài Tòa Khâm Sứ. Họ hát Kinh Hòa Bình và lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, rất trật tự, nghiệm trang và sốt sắng.

Thói quen đọc kinh kính Đức Mẹ tại Tòa Khâm Sứ đã có từ hàng trăm năm nay, kể từ khi có hang đá Đức Mẹ tại đây, cho tới khi Tòa Khâm Sứ bị chiếm năm 1959 và bị rào lại năm 1960, rồi giao cho các công ty khai thác kinh doanh. Thế rối giáo dân Hà Đông cũng thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình, vì đất của Giáo Xứ cũng bị nhà nước cưỡng chiếm. Từ nhiều năm nay giáo xứ làm đơn yêu cầu trả lại, mà vẫn không được trả lời.

Thực ra đây là tình trạng chung trên toàn nước. Ngày 14 tháng giêng vừa qua, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Thái Bình, đã viết một bài tựa đề: ”Lại chuyện đất của tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Niềm vui chưa qua nỗi buồn đã tới”. Trong đó ngài cho biết theo tin hành lang nhà nước sẵn sàng trao lại các đất của Tòa Khâm Sứ cũ, đất tại Thánh Địa La Vang, và Học Viện Giáo Hoàng Pio X Đà Lạt, nhưng yêu cầu Hội Đồng Giám Mục ra lệnh cho các nơi đang có đất tranh chấp ngưng các buổi cầu nguyện. Chính phủ hứa sẽ lập một Ủy ban gồm các bên hữu quan để cứu xét và mau chóng giải quyết các tranh chấp. Đức Cha Sang cũng ghi nhận rằng chính bản thân ngài ”cũng như các vị lãnh đạo tôn giáo ở các giáo phận, giáo xứ, giáo họ khác đang có những vấn đề bức xúc về đất đai mà trong thời gian qua đã phải hy sinh rất nhiều, không khỏi cay đắng, phẫn uất trong lòng. Khi thấy chính quyền chỉ giải quyết những khu vực đất đai lớn lao do Hội Đồng Giám Mục yêu cầu, còn những địa phương mà những vấn đề đất đai, liên hệ đến sinh hoạt cuộc sống hàng ngày của các vị, lại không được hay chưa được giải quyết”.

Thật ra chiến dịch thắp nến cầu nguyện không chỉ nhằm đòi lại đất đai sở hữu của các tôn giáo, mà trước hết liên quan tới sự thật, công lý, hòa bình và các quyền của người dân Việt. Vì thế nó cũng liên quan tới nhân dân toàn nước. Ai theo dõi tình hình Việt Nam mà không nhận thấy các sự kiện sau đây:

- Dân khiếu kiện về oan ức đất đai nhà cửa khắp nơi kéo về thủ độ Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh nhiều tháng và nhiều lần, đến nỗi chính quyền phải giải tán bằng sức mạnh và phải cho dời các trụ sở tiếp dân ra xa thành phố;

- Chế độ lao động bóc lột không đủ sống của công nhân, các vụ xỉ nhục nhân phẩm, các công đoàn thì bênh chủ nhân thay vì bảo vệ giới công nhân bị ức hiếp bất công;

- Các bất công chồng chất khác trong xã hội qúa sức chịu đựng của người dân gây nên các cuộc đình công lớn trong các xí nghiệp của Đại Hàn, Đài Loan;

- Người công giáo bị coi là loại công dân hạng hai, không được tuyển dụng vào nhiều ngành nghề;

- Các đảng viên cộng sản được trả lương hàng tháng, dù không làm gì cả hay không có chức vụ nào thiết thực có ích lợi, trong khi toàn dân phải đóng thuế.

- Chính phủ chỉ bảo hiểm sức khẻe cho các cựu kháng chiến, các người có công với cách mạng, mà loại bỏ các thành phần khác của xã hội, coi họ là công dân hạng hai, trong khi Hiến Pháp công nhận mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được đối xử công bằng và bình đẳng.

Thêm vào đó luân thường đạo lý xuống cấp thê thảm chưa từng có trong lịch sử: các vụ buôn phụ nữ và trẻ em qua biên giới làm nô lệ tình dục dưới chiêu bài lấy chồng ngoại quốc, hà hiếp, lao động xuất khẩu...;

- Tham nhũng lan tràn trong mọi ngành và mọi giai tầng xã hội từ trung ương tới địa phương;

- Trong khi đại đa số dân phải sống trong nghèo khổ, thì giai cấp mới có tên gọi là ”tư bản đỏ” lại giầu kếch sù, do đầu cơ trái phép đất đai bất động sản, do móc ngoặc hoặc mua bán thông tín thị trường chứng khoán;

- Các vụ bắt bớ và xử án bất công không đúng pháp luật quốc nội cũng như quốc tế. Người dân thường bị xử ép theo pháp luật, còn các viên chức có quyền lại hành xử theo luật rừng;

- Dân chúng, học sinh, sinh viên muốn tỏ tình yêu nước chống Trung Quốc chiếm đất đai biển đảo của tổ quốc cũng bị cấm đoán;

Tất cả những tình trạng này đều là đối tượng của chiến dịch đốt nến cầu nguyện để cho toàn dân Việt mạnh dạn đứng lên, thay đổi tư duy và hành động hầu đem lại phúc lợi cho toàn thể xã hội và đất nước.

Lậy Chúa, hôm nay chúng con xin cho các tín hữu và toàn dân trong và ngoài nước cùng nhau thắp lên và giữ sáng mãi những ánh nến không bao giờ tắt cho sự thật, công lý, hòa bình và nhân quyền tại Việt Nam.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cỏ cây và Dã Thú
Lm. Joseph M. Nettekoven
00:22 19/01/2008

CỎ CÂY VÀ DÃ THÚ



Ảnh của Lm. Joe M. Nettekoven, St. Justin Martyr, Anaheim, Ca.(Hình chụp tại Alaska)

“..Còn đối với mọi dã thú, chim trên trời và

mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban

cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực..”

(Trích sách Sáng thế 1, 30)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền