Ngày 20-01-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau
Lm Jude Siciliano, OP
01:27 20/01/2011
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN A

Isaia 8: 23-9:3; Thánh Vịnh: 27; 1 Côrintô 1: 10-13; Matthêu: 4: 12-23

Gần đây, tôi nghe chương trình ra-đi-ô địa phương khi đang lái xe qua thị trấn. Chủ đề nói về việc những người con chăm sóc cha mẹ ốm đau và lớn tuổi. Khách mời là một thanh niên đã và đang chăm sóc mẹ trong suốt 5 năm qua. Bà ta bị chứng mất trí. Trong khi làm việc, anh luôn để tâm đến mẹ; còn khi trở về nhà, anh dành hết thời gian chăm sóc mẹ. Anh đã làm việc này suốt 5 năm qua. Anh nói: “Đó là công việc vất vả nhất tôi từng làm”. Nhưng anh cũng nói thêm: “Tôi cảm thấy vinh dự khi làm việc này, đây là một trong những việc tốt nhất tôi từng làm”.

Anh cho biết công của anh cũng đã khiến anh mệt mỏi, và rồi khi trở về nhà sau một ngày dài làm việc ở văn phòng anh còn phải chăm sóc mẹ. Nhiều đêm anh thức trắng vì sợ mẹ tỉnh giấc và đi loanh quanh trong nhà. Anh nói: “Việc đó làm tôi kiệt sức, và khi tình trạng của mẹ ngày càng xấu hơn và cần sự chăm sóc vượt quá khả năng của tôi, cuối cùng thì tôi đành phải đưa bà vào nhà dưỡng lão”. Người dẫn chương trình hỏi anh: “Anh nghĩ mình làm đúng chứ?”. Anh trả lời: “Vâng, nhưng tôi thấy bất an vì đã ủy thác việc chăm sóc mẹ cho người khác”.

Người dẫn chương trình hỏi anh: “Điều gì đã giúp anh trong suốt những ngày tăm tối của 5 năm qua”. Anh nói là đã học cách trân trọng Hiện tại. Chẳng hạn như, anh yêu quý những giờ phút ngắn ngủi khi, ngồi bên cạnh mẹ xem ti vi, thì mẹ sẽ cười. Anh nói với giọng cảm động: “Đây là những món quà thật quý giá”.

Bạn bè cũng giúp đỡ anh trong những lúc khó khăn: Họ ghé thăm để quản lý công ty giúp anh; một người anh họ ngồi với mẹ anh để cho anh được nghỉ ngơi đôi chút; một người bạn thường xuyên lo bữa ăn; nữ y tá kinh nghiệm và những người khác am hiểu y khoa không phải lúc nào cũng có những giải đáp cho anh, nhưng họ cho anh sự tự tin và những chỉ dẫn. “Tất cả những người thân thương ấy là những tia sáng trong đêm tối, là những sự hiện diện dễ chịu trong những lúc nghi nan và bối rối”.

Ngôn sứ Isaia đã viết bản văn 800 năm trước thời Chúa Giêsu. Ông nói với Israel và Giuđa (hai nước phía Bắc và Nam), những người dương dương tự đắc với thế lực và nền độc lập của mình. Vị ngôn sứ tố cáo họ chỉ tin vào ánh sáng soi dẫn của chính mình mà không quan tâm đến ánh sáng của Giao ước với Thiên Chúa. Họ đã cố gắng liên minh với các thế lực ngoại bang để bảo vệ họ khỏi tay kẻ thù. Isaia đã cảnh báo họ về sự liên minh đó, nhưng họ đã không nghe ông. Những ngày tháng tăm tối phía trước dành cho Dơ-vu-lun và Náp-ta-li (câu 23) – đây là 2 nước đầu tiên rơi vào tay những người At-xi-ri hùng mạnh.

Với một Giu-đa đã hoàn toàn sụp đổ, Isaia cảnh báo rằng Israel cũng sẽ sụp đổ do bất trung và không tin cậy vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, ông hứa rằng Thiên Chúa sẽ cứu giúp dân nếu họ biết ăn năn và quay về với Thiên Chúa. “Sợ hãi tan biến thì bóng tối cũng bị xua tan: vì ở đâu có sự u ám thì ở đó có sự buồn phiền. Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng…”.

Isaia nói đơn giản rằng: Bóng tối bị xua tan thì u ám sẽ tan biến và niềm vui sẽ đến ngự trị. Nghe có vẻ như quá khứ của dân thật khủng khiếp, còn hiện tại thì lạc quan hơn. Thực ra hiện tại của họ thật đáng thương. Họ sống trong “vùng đất u ám”. Tuy nhiên, Isaia nói ở thì hiện tại, như thể là mọi sự đã trôi qua và hoàn tất. Ông đang nhấn mạnh đến lời hứa cho tương lai, như thể đó là một thực tại hiện hữu. “Sợ hãi đã tan biến” chứ không phải “Sợ hãi sẽ tan tiến”.

Isaia hứa hẹn một ánh sáng ở cuối đường hầm, qua việc hình dung nó như một thực tại hiện hữu. Rồi ông ngỏ lời xin Thiên Chúa thực hiện những việc Người đã làm – ngay cả khi không có những dấu hiệu hiện tại về hoạt động của Thiên Chúa. Isaia tin tưởng Thiên Chúa sẽ mang lại sự giải thoát cho dân đến nỗi hiện tại ông đã dâng lời ca ngợi Chúa. Thật can cảm! Hết sức tin tưởng! Ông muốn ám chỉ cách thức mà ông Ghít-ôn đã đánh bại dân Ma-đi-an cách phi thường, nhằm khuyến khích những người dân của ông đang bị chèn ép. Ông hoàn toàn tin tưởng vào những gì Thiên Chúa có thể và sẽ thực hiện.

Chúng ta có thể nhận ra trong cuộc sống của mình những lời hứa mà Thiên Chúa đã hoàn trọn trong quá khứ không? Ký ức đó có cho chúng ta niềm hy vọng, bởi vì, khi lâm cảnh khốn quẫn, làm những điều hời hợt trong đời sống hàng ngày, chúng ta tìm thấy sự giải thoát? Chàng thanh niên chăm sóc người mẹ bệnh tật của mình thì có thể.

Ngay trong thánh lễ này chúng ta nói lời “tạ ơn” khi chúng ta nhắc lại những thời điểm trong quá khứ và cả hiện tại mà ánh sáng đã xua tan đêm tối, khi gia đình và bạn bè thấy: chúng ta bị quấy rầy và giúp chăm sóc bọn trẻ cả ngày; giúp ta mua sắm; cho ta mượn tiền; cho ta tựa vào vai để khóc, một bàn tay rắn chắc cho ta thêm sức mạnh; đồng hành với ta trong suốt cuộc hành trình khi mọi người rời bỏ ta. Cách này hay cách khác, chúng ta vượt qua đêm tối và Isaia nhắc chúng ta cách thức thực hiện: Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong những tia sáng rất cụ thể; hôm nay chúng ta nhớ lại tên gọi của chúng và tỏ lòng biết ơn.

Nhưng ngay ở đây, chúng ta quy tụ trong một cộng đoàn phụng vụ, nơi đây vài người trong chúng ta hiện đang trong tình trạng tăm tối, khốn quẫn và bất định. Sợ hãi vẫn còn chưa “tan biến” hay đêm tối vẫn chưa xua tan. Làm gì đây? Chúng ta hãy trung thành với lời của ngôn sứ, người mà đã bày tỏ niềm tin mạnh mẽ hơn cảm nhận của chúng ta hiện nay; hy vọng hơn chúng ta có thể gắng sức. Chúng ta dựa vào những lời của Isaia và cùng với cộng đoàn tín hữu cầu nguyện để xin sự trợ giúp, để một ngày nào đó chúng ta cũng có thể nói rằng: “Tôi đang ở giữa tối tăm, nhưng “sợ hãi đã tan biến và bóng tối đã xua tan: vì ở đâu có sự u ám thì ở đó có sự buồn phiền”, cho dù lúc này chúng ta chưa hề chắc chắn.

Hãy để cho Thánh Thể trở thành lời kinh tạ ơn của chúng ta, một lời cầu xin trong ánh sáng và sự giải thoát mà chúng ta đang hy vọng nhận được. Chúng ta tạ ơn vì niềm khích lệ và sự hỗ trợ chúng ta đón nhận từ những tâm hồn quảng đại, những người đang giúp đỡ chúng ta vượt qua bất cứ nỗi buồn phiền hiện tại nào mà chúng ta đang trải qua: những người đặc biệt đoan chắc với chúng ta: “Đừng lo lắng, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua”. Chúng ta biết chắc rằng họ sẽ giữ lời. Qua họ, chúng ta cũng có thể thấy được bàn tay Thiên Chúa đang hoàn trọn những lời hứa khi xưa được thực hiện qua ngôn sứ Isaia: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.

Chúng ta có thể nhận ra chính mình trong lời mời gọi của tin mừng dành cho các môn đệ đầu tiên hay không? Lời mời gọi này không dành cho những tông đồ thuộc giới thượng lưu, nhưng chỉ dành riêng cho vài người được chọn. Tất cả chúng ta được mời gọi làm môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu. Trong tâm tưởng của Isaia, Đức Giêsu mời gọi chúng ta trở thành ánh sáng cho những ai đang ở trong tăm tối và trong tình trạng khốn quẫn. Như Isaia đã mường tượng, chúng ta cũng sẽ thấy Đức Giêsu xuất hiện như một “ánh sáng huy hoàng”. Nếu chúng ta trở về với Đức Giêsu như lời Ngài mời gọi chúng ta hôm nay, thì chúng ta sẽ trở thành những tấm gương phản chiếu ánh sáng của Ngài – chúng ta là những người mang ánh sáng. Chúng ta đã trở thành ánh sáng cho những người chúng ta gặp gỡ trong tuần hay chưa? Chúng ta có sẵn sàng gác sang một bên những mối ưu tư và những định kiến của mình, bỏ lại tất cả, để phục vụ Đức Kitô trong một thế giới đầy đau khổ hay không?

Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở thành một phần trong việc hoàn trọn về lời hứa của Isaia: Mang ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui cho những ai sầu khổ. Chúng ta là những người được mời gọi để phá tan “cái ách đang đè nặng trên vai họ”

Có thể trong số những người chúng ta biết có người đang trải qua một cuộc ly hôn nghiệt ngã; mất đi người mình yêu thương; đang tìm việc làm; bị đuổi ra khỏi nhà; có đứa con đi hoang; ở tù; bị giam hãm trong nhà; thất bại trong cuộc chiến đấu với căn bệnh ung thư… Chúng ta có nghe thấy lời Đức Giêsu mời gọi “hãy theo Ta…” hay không? Chúng ta đáp trả bằng cách nào đây? Chúng ta có thể chiếu một tia sáng hy vọng cho những ai “đang ở trong bóng đêm tử thần” hay không?

Các Giáo hội Kitô giáo của chúng ta đang cử hành tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu và ước mong có được nhiều dấu hiệu xác thực hơn về sự hiệp nhất. Chúng ta rất khác biệt trong niềm tin, trong việc thực hành tôn giáo và sống đạo. Có chăng một sự hiệp nhất thực sự đằng sau tính đa dạng này; lòng bao dung và sự trân trọng những tặng phẩm khác nhau chúng ta nhận được? Hay chúng ta cũng vẫn còn để tâm đến những dị biệt, những thiếu sót trong chúng ta? Hôm nay, thánh Phaolô khích lệ chúng ta rằng: “Đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau”. Đó là điều chúng ta cầu xin và phấn đấu cho năm mới này.

Chuyển ngữ: Anh Em HV Đaminh Gò Vấp
 
Anh em hãy sám hối
Giuse Đinh Lập Liễm
09:03 20/01/2011
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN A

+++

A. DẪN NHẬP

Sau khi nguyên tổ phạm tội, cửa thiên đàng bị đóng lại, nhân lọai phải sống trong bóng tối tăm của tội lỗi và sự chết. Ngôi Hai Thiên Chúa đã đem ánh sáng đến cho nhân lọai. Từ lâu, tiên tri Isaia đã loan báo cho biết sẽ có một vầng ánh sáng chiếu soi cho nhân lọai để cứu họ ra khỏi bóng đêm của tội lỗi. Chính Đức Giêsu đã thực hiện lời loan báo ấy khi Ngài đến rao giảng Tin mừng cho dân vùng Giabulon và Neptali, đại diện cho dân ngọai, lúc Ngài khởi đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng.

Đề tài chính khi khởi sự rao giảng của Đức Giêsu là: ”Hãy sám hối, vì Nước Trời đa gần đến”. Đề tài này xem ra không có gì mới mẻ vì chính Gioan Tẩy giả cũng đã rao giảng như vậy để giúp dân chúng dọn lòng chờ đợi Đấng Cứu Thế. Như vậy có sự tiếp nối chặt chẽ giữa Đức Giêsu và Gioan Tẩy giả, để rồi sau này các tông đồ cũng sẽ tiếp nối công việc ấy. Đức Giêsu rao giảng sự sám hối vì sám hối là điều kiện cần thiết để vào Nước Trời. Hay nói khác đi, muốn làm môn đệ Chúa Kitô thì phải sám hối.

Từ xưa đến nay, Đức Giêsu đã từng kêu gọi người ta sám hối và ngày nay Giáo hội vẫn tiếp tục kêu mời và thúc giục con cái mình thực hiện tinh thần sám hối ấy trong đời sống thường ngày vì mỗi ngày chúng ta đi xa dần đường lối của Thiên Chúa: chúng ta không còn là ánh sáng chiếu soi trần gian nữa, lại còn gây chia rẽ làm mất sự hiệp nhất trong Giáo hội. Hãy sám hối để chúng ta sống xứng đáng với Đấng đã phán với dân Người: ”Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng thánh”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 9,1-4

Giabulon và Neptali ngày xưa thuộc vùng Bắc xứ Palestina (vương quốc Israel, sau này gọi là Galilê) đã bị đế quốc Assyria đánh chiếm vào năm 734. Người ta đã bắt dân chúng đi lưu đầy, đặc biệt là các thành phần ưu tú trong dân. Thay thế cho đám dân bị lưu đầy, người ta đã đem đến đây dân cư của khắp các xứ, đủ mọi thành phần. Bởi thế, sau này người ta gọi vùng Giabulon và Neptali là vùng của dân ngọai, vùng của lương dân, vùng đất tối tăm.

Nhưng tiên tri Isaia loan báo cho họ rằng vùng dân ngọai Giabulon và Neptali một ngày kia sẽ được ánh sáng chiếu rọi, dân sẽ được thóat khỏi tối tăm, sẽ được chứa chan hoan hỉ như trong ngày mùa, như khi chia nhau chiến lợi phẩm.

+ Bài đọc 2: 1Cr 1,10-13.17

Côrintô là một thành phố cảng tấp nập. Dân chúng tới 2/3 là nô lệ. Thánh Phaolô đã đến truyền giáo ở đây và đã lôi kéo được một số người tin theo Chúa. Phaolô đã lập được một giáo đòan ở đây mà đa số là người lương trở lại. Sau đó dân Côrintô đã đuổi ngài đi. Sau khi ông ra đi ít lâu, có một nhà trí thức Do thái ở Alexandria tên là Apôlô đến nối tiếp sứ mạng rao giảng Tin mừng cho dân Côrintô và thu được nhiều kết qua tốt đẹp. Sau đó lại có thêm thánh Phêrô nữa.

Nhưng không phải cái gì cũng tốt đẹp êm xuôi, có nhiều vấn đề nội bộ rất phức tạp, nhiều khi rất đau lòng. Người ta đã dựa vào các thừa sai mà chia thành bốn nhóm chống nhau: nhóm theo Phaolô, nhóm theo Apôlô, nhóm theo Phêrô, nhóm theo Đức Kitô. Phaolô đã phải viết thư khuyên nhủ họ hãy tránh sự chia rẽ, phải đồng tâm nhất trí với nhau.

+ Bài Tin mừng: Mt 4,12-23

Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu không chọn Nazareth quê hương của mình mà lại chọn Capharnaum thuộc miền đất Giabulon và Neptali làm trung tâm truyền giáo. Như thế hợp với lời tiên tri Isaia đã báo trước: vùng lương dân này sẽ được ánh sáng chiếu soi. Năm 734 trước công nguyên, hai miền đất này bị quân Assyria chiếm đóng, vì thế, dân chúng bị ảnh hưởng nặng nề dân ngọai nên được gọi là “Galilê ngọai bang”.

Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ khi Thiên Chúa chấm dứt họat động của Gioan Tẩy giả (ông bị bắt cầm tù). Điều này chứng tỏ hai sứ vụ có liên kết thành một trong một chương trình của Thiên Chúa. Đức Giêsu tuyên bố: ”Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Câu này đánh dấu khởi điểm chính thức sứ vụ của Đức Giêsu. Kiểu nói này của Đức Giêsu giống như kiểu nói của Gioan Tẩy giả (Mt 3,2) và huấn thị của Đức Giêsu cho các tông đồ khi sắp đi truyền giáo (Mt 18,7). Nó khẳng định tính cách liên tục việc rao giảng của Gioan Tẩy giả là bước chuẩn bị cho Đức Giêsu rao giảng với việc rao giảng của các tông đồ là nối tiếp sứ vụ của Đức Giêsu Thầy mình.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Anh em hãy sám hối

I. ĐỨC GIÊSU ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG

Thánh Matthêu viết thư cho người Do thái nên ngài chủ ý chứng minh rằng tất cả các lời tiên tri Cựu ước đều được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu; bởi đó, Ngài phải là Đấng Cứu Thế (Messia), có một câu thường được lặp đi lặp lại suốt cả sách đến 16 lần như một điệp khúc: ”Việc này xẩy ra như vậy để ứng nghiệm lời Chúa dùng Đấng tiên tri mà phán rằng…”.

1. Capharnaum, trung tâm truyền giáo

Vì thế khi Gioan bị bắt cầm tù, nhiệm vụ của ông đã xong, vai phụ phải lui vào hậu trường để nhân vật chính xuất hiện. Đức Giêsu đã rời Nazareth đến Galilê chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo. Vùng Galilê này bị người ta khinh dể bởi vì đối với thủ đô, Galilê chỉ là tỉnh lẻ; đối với người mộ đạo sùng tín, miền này thật đáng nghi ngờ. Đó là miền hầu như thuộc ngọai bang, nơi hội tụ dân ngọai. Một dân cư phức tạp, nông dân và ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu cợt hằng ngày.

Thế mà tại sao Đức Giêsu lại tới cư ngụ tại Capharnaum, bên bờ hồ ? Thưa, Ngài chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo vì ba lý do:

Thứ nhất để thực hiện đúng lời tiên tri Isaia đã loan báo từ 732 năm trước cho các chi họ sống chung đụng với các dân ngọai.

Thứ hai Capharnaum là quê hương của bốn môn đệ đầu tiên, mà có lẽ nhà ông Phêrô là nơi thuận tiện cho việc truyền giáo.

Thứ ba đây là lý do quan trọng nhất: để cho muôn dân được thấy “một ánh sáng huy hòang”.

2. Đặc điểm của vùng Galilê

Ngòai ra, Galilê không rộng lắm, từ bắc chí nam dài khỏang 60 cây số, nhưng dân cư sống đông đúc vì là phần đất phì nhiêu nhất Xứ thánh. Đất hẹp người đông. Thời Josephus làm tổng trấn, ông đếm được 294 làng, mỗi làng không dưới 15.000 dân. Galilê không những là khu đông dân cư nhưng dân ở đó cũng có một cá tính đặc biệt. Galilê sẵn sàng mở cửa đón những ý niệm mới. Josephus nói về dân Galilê như sau: ”Bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên, họ cũng là những người hào hùng nhất”.

Đặc tính bẩm sinh của người Galilê khiến việc truyền giáo cho họ rất thuận lợi. Thái độ cởi mở đón nhận những tư tưởng mới cũng góp phần cho việc truyền giáo trở nên dễ dàng. Có lẽ vì những yếu tố này mà Đức Giêsu chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo.

Như vậy, Capharnaum trở nên quê hương thứ hai, “thành” của Chúa. Ngài đóng thuế ở đây (Mt 17,23), có nhà để ở, có lẽ là nhà của ông Phêrô (Mt 13,1-26). Đây là nơi xuất phát các việc tông đồ: như hành trình truyền giáo, giảng dạy, làm phép lạ. Đức Giêsu đi rồi lại trở về. Tại đây Ngài giảng trong hội đường (Ga 6,60), trên bãi biển hay trên đồi lân cận. Đây cũng là nơi Ngài đã làm biết bao phép lạ, là nơi tuyển chọn một số các tông đồ.

3. Nội dung việc rao giảng

Có thể nói thánh Matthêu đã tóm gọn nội dung việc rao giảng của Đức Giêsu trong một câu: ”Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến”. Thực ra, nội dung việc giảng dạy này đã được Gioan Tẩy giả rao giảng và sau này các tông đồ cũng tiếp tục thực hiện.

Sám hối là bước dứt khóat đầu tiên tiến vào Nước Trời, là sức mạnh nhạy bén biến đổi đời người nên mới. Nền tảng sự hối cải là khiêm tốn, nhìn nhận sự lẫm lỗi và tội lỗi của mình trước Thiên Chúa. Đề tài sám hối rất thích hợp với tâm hồn của dân Galilê. Họ thờ Thiên Chúa nhưng lòng họ bị ô nhiễm quá nhiều bóng tối sự chết, bóng tối của tà thần, của tệ đoan xã hội, của lòng tham do các dân ngọai cư ngụ, buôn bán ở Capharnaum.

Sám hối là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Một trong những nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo chính là càng nhận ra sự nhỏ bé bất tòan của mình, con người càng lớn lên trong ân sủng của Chúa. Chính khi Gioan Tẩy giả nhận mình nhỏ bé. Chúa lại cho Ngài được lớn lên. Chính lúc ý thức mình thấp kém, Chúa lại tôn vinh ngài như người cao trọng nhất trong Nước Trời.

II. NHỮNG BÀI HỌC QUA CÁC BÀI ĐỌC

1. Sám hối vì Nước Trời đã gần đến (Mt 4,17)

Lời đầu tiên Đức Giêsu dạy khi rao giảng Tin mừng là “Hãy sám hối”. Theo nguyên nghĩa của nó là trở lại (metanoia). Tại sao chúng ta phải quay trở lại ? Vì đã đi lạc đường, lạc hướng. Đời sống con người là một cuộc hành trình đi về quê trời. Cuộc hành trình nào cũng phải có đích đến và cuộc hành trình chỉ kết thúc khi đến đích. Trong cuộc hành trình có những người đi lạc hướng, mà nếu đã lạc hướng thì không bao giờ tới đích. Ai đã lạc hướng mà càng chạy nhanh thì càng xa đích đến. Thánh Augustinô khen họ là những người “bene currit, sed extra viam”: chạy nhanh đấy nhưng lạc đường.

Đại triết gia thời cổ Hy lạp xưa, ông Platon, đã nói: ”Người chạy thì bao giờ cũng phải tới đích. Nếu không tới đích thì chạy mau lẹ đến đâu cũng bằng vứt đi”.

Điều kiện sám hối là phải “biết mình”, xem mình đang ở trong tình trạng nào và phải chỉnh hướng cuộc đời làm sao cho đúng. Cổ nhân thường nói: ”Khôn chết, dại chết, biết là sống”. Chính vì thế ông Socrate đã mở đầu triết thuyết của ông bằng câu châm ngôn nổi tiếng: ”Anh hãy tự biết mình” (Connais-toi, toi même).

Chúng ta có thể biết được nhiều sự từ xa đến gần, biết được nhiều sự trong trời đất, nhưng có một điều gần nhất mà ta lại không biết, đó chính là con người của mình.

Truyện: Hậu sinh khả úy.

Người ta kể rằng: một hôm Khổng Tử và đồ đệ đang đi đường, thình lình một cậu bé chặn đường không cho đi và xin hỏi Khổng Tử một câu:

- Nghe tin ngài hiểu biết nhiều lắm, nhìn xa thấy rộng, xứng đáng là bậc thầy của thiên hạ. Dám xin hỏi ngài một câu. Khổng Tử trả lời:

- Cứ nói.

Cậu bé hỏi ngay:

- Trước mắt ngài có bao nhiêu cái lông mi ?

Khổng Tử lắc đầu, trả lời:

- Chịu, không biết được.

Cậu bé trả lời:

- Có một cái gần nhất mà ngài không thấy thì làm sao thấy được những cái ở xa.

Khổng Tử tỏ vẻ cảm phục và khen:

- Thật, hậu sinh khả úy.

Biết mình là một điều rất khó, nên thánh Augustinô đã phải cầu nguyện để được biết Chúa hơn và hiểu rõ con người mình hơn “Noverim Te, noverim me”.

- Biết con là tạo vật một kiếp đời sống kiếp con người.

- Biết con không là gì chỉ là bụi cát mà thôi.

- Biết con thân phận hèn mỏng dòn muôn vàn yếu đuối.

- Biết con bao tội tình để lòng xao xuyến khôn nguôi.

(Bài hát: Biết Chúa, biết con).

Không ai biết khuôn mặt thật của mình, chỉ có thể biết qua trung gian một chiếc gương soi. Nhưng cũng chưa chắc, nhiều khi cái gương kém phẩm chất phản chiếu không trung thực, có khi làm méo mó khuôn mặt thật của mình. Cũng thế, không ai biết khuôn mặt thật của linh hồn mình nếu không có Chúa để soi, chỉ có Chúa mới phản ánh cho ta biết được khuôn mặt thật của linh hồn mình.

Khởi đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu đã đưa ra câu châm ngôn hướng dẫn: ”Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Sách Tin mừng (hay Phúc âm) là cái gương cho ta soi vì Phúc âm là những lời dạy dỗ của Đức Giêsu được các thánh sử ghi lại, làm chỉ nam cho đời sống của ta. Hãy để cho Chúa hướng dẫn đời ta, chúng ta tin chắc rằng không bao giờ bị lạc hướng vì Ngài đã nói: ”Chính Thầy là con đường, là sự thật và sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6). Nhờ đọc lời Chúa mà chúng ta được Chúa soi dẫn, vạch đường chỉ lối cho ta đi, ban cho ta sức mạnh thiêng liêng để kiên nhẫn thực hiện Lời Chúa.

Truyện: Tướng cướp sám hối.

Trong một khu rừng già miền núi Hắc sơn ở nước Đức, một bọn cướp đang chia nhau chiến lợi phẩm mà chúng lấy được hồi đêm. Bọn cướp này có thói quen bán đấu giá với nhau của cải chúng cướp được, rồi sau đó chúng mới đem bán lại cho người khác.

Hôm ấy, món cuối cùng chúng đem ra đấu giá là một cuốn Thánh Kinh. Tên cướp đóng vai hộ giá viên giới thiệu món hàng này bằng những lời diễu cợt phạm thượng khiến cả bọn cười ồ lên. Một tên khác mở đại một trang như kiểu bói tóan. Hắn chỉ vào một câu và đọc to lên rồi thêm những lời trào phúng làm cả bọn cười ngặt nghẹo.

Nhưng tên cầm đầu trong bọn bỗng dưng trở nên nghiêm nghị, hai tay ôm đầu rồi gục xuống tỏ vẻ suy nghĩ. Ba mươi năm về trước, chính vào buổi sáng ngày hắn quyết định bỏ nhà ra đi, hắn đã nghe ông bố hắn đọc những lời Thánh Kinh này trong giờ kinh sáng của gia đình. Lúc này đây hắn không thể ngờ được rằng hắn lại nghe vang lên những lời ấy.

Tên tướng cướp còn đang chúi đầu về dĩ vãng thì một đồng bọn vỗ vai hắn và bảo: ”Này, sao đàn anh có vẻ mơ mộng thế ? Đàn anh muốn mua nó không ? Đàn anh cần cuốn Thánh Kinh hơn đàn em đó, vì điển mặt anh hùng phạm pháp trên thế giới thì đàn anh phải là vô địch mà”.

Trước lời diễu cợt bạo gan đó, hắn chỉ chậm rải trả lời: ”Mày nói đúng ! Tao chính là thằng phạm tội nặng nhất. Cứ để cuốn sách cho tao, bao nhiêu cũng được”.

Bọn cướp chia tay để đem các món hàng đi bán. Riêng tên tướng cướp thì cầm cuốn Thánh Kinh, đi tìm một chỗ vắng trong rừng ở lại đó đọc Lời Chúa và ăn năn sám hối về cuộc đời tội lỗi của mình (Mỗi ngày một tin vui, tr 7-8).

Tên tướng cướp có được lòng sám hối vì anh ta tin vào Lời Chúa. Lời Chúa có sức giúp anh cải tà qui chính và có thể trở nên thánh. Bởi vì, thánh nhân không phải là lọai người phi thường không có tội lỗi, nhưng các ngài cũng như chúng ta, chỉ hơn ta ở chỗ các ngài sống thực với lòng mình, biết kiên trì sửa sai lỗi lầm, biết khiêm tốn cậy nhờ Chúa giúp sức, biết cố gắng làm thiện hơn điều ác. Chúng ta đâu có khác gì với các thánh, đâu có thua gì các ngài. Chúng ta sẽ làm được nếu chúng ta muốn.

2. Đám dân đã thấy ánh sáng huy hòang (Mt 4,16)

Trước khi Đức Giêsu giáng lâm, thế gian ở trong tình trạng tối tăm và đáng sợ. Nhưng giữa tình trạng hãi hùng này đã vọng lên tiếng nói trấn an của Isaia, là vị tiên tri đã hứa với dân chúng rằng chẳng bao lâu nữa một ánh sáng vĩ đại sẽ xuất hiện để phá tan đêm tăm tối. Và lời hứa của tiên tri Isaia đã được thực hiện viên mãn khi Đức Giêsu giáng lâm.

Matthêu so sánh Đức Giêsu đến và xuất hiện giữa cuộc đời như một ánh sáng huy hòang chiếu soi mọi người đang sống trong bóng đêm sâu thẳm. Matthêu thấy Đức Giêsu là sự hòan thành lời tiên tri cao cả của Isaia: ”Đòan dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hòang, những kẻ ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu soi”. Đức Giêsu đã mô tả sứ vụ của Ngài bằng những lời tương tự khi Ngài nói: ”Ta là ánh sáng thế gian”.

Con người cũng như vạn vật cần có ánh sáng để sống, riêng với con người thì không những ánh sáng cần cho sự sống của thân xác mà còn giúp cho con người khỏi cô đơn. Bóng tối thường làm cho con người cảm thấy cô đơn và sợ hãi. Có nhiều thứ bóng tối trong cuộc đời chúng ta: bóng tối của ích kỷ, của ganh ghét, của hận thù, của đam mê. Càng giam mình trong những bóng tối ấy, chúng ta càng cảm thấy cô đơn và càng trở nên bệnh họan. Người nào càng sống ích kỷ, và người nào càng nghiền ngẫm đắng cay hận thù, người đó càng hạ giảm nhân tính của mình. Vì thế, chúng ta cần có ánh sáng để sống, để lớn lên trong tình người như để chữa trị những băng họai trong tâm hồn.

Các nhà tu đức bảo chúng ta rằng điều đã xẩy đến với Israel trên bình diện một dân tộc thì cũng sẽ xẩy đến với mọi người chúng ta xét trên bình diện cá nhân. Nói cách khác, trong đời sống chúng ta có những lúc ánh sáng vụt tắt khiến chúng ta rơi vào tăm tối y hệt như dân chúng phải sống trong tối tăm trước khi Đức Giêsu giáng lâm. Vậy trong bóng tối tăm của tội lỗi, ai có thể xua đuổi được bóng tối ấy ? Thưa, chỉ có ánh sáng của Đức Kitô. Ngài là ánh sáng được Chúa Cha sai đến chiếu soi mọi người sinh trong thế gian. Ngài đã tuyên bố: ”Ta là ánh sáng thế gian”, và ánh sáng là một trong những đề tài nổi bật trong lời rao giảng của Ngài. Ngài mời gọi mọi người đi trong ánh sáng của Ngài: ”Các con là ánh sáng cho thế gian. Không ai đốt đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng để trên cao soi cho cả nhà”.

Truyện: Ánh lửa trong đêm tối

Trong cuốn Justs for today người ta có kể lại: ông J. Keller, một nhà diễn thuyết nổi tiếng, đang nói truyện trước trăm ngàn thính giả tại vận động trường Los Angeles, Hoa kỳ, đang diễn thuyết, ông bỗng dừng lại và nói: ”Bây giờ xin các bạn đừng sợ, tôi sắp cho tắt tất cả các đèn điện trong sân vận động này”. Ông vừa dứt lời thì cả sân vận động chìm trong bóng tối. Nhà diễn thuyết nói tiếp: ”Bây giờ tôi xin đốt một que diêm, những ai nhìn thấy que diêm tôi đốt, xin kêu lên: “Đã thấy”. Cả sân vận động vang dội tiếng: ”Đã thấy”. Rồi tất cả đèn điện lại được bật sáng. Diễn giả giải thích: “Ánh sáng của một nghĩa cử sẽ chiếu sáng trong đêm đen của nhân lọai như thế. Một lần nữa, tất cả đèn điện lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: ”Tất cả những ai ở đây có đem theo diêm quẹt hãy bật lửa, xin hãy đốt cháy lên”. Bỗng chốc, cả sân vận động rực sáng. Diễn giả kết luận như sau: ”Nếu tất cả chúng ta cùng hiệp lực với nhau, chúng ta có thể chiến thắng bóng tối của sự dữ, hận thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.

3. Anh em hãy nhất trí với nhau (1Cr 1,10)

Đức Giêsu đến trần gian không có mục đích gì khác hơn là khôi phục lại sự hiệp nhất hài hòa giữa Thiên Chúa và nhân lọai, giữa con ngưởi với nhau, và chính nơi tâm hồn mỗi người. Sự hiệp nhất trong tình yêu này chính là lý tưởng của Đức Giêsu và là điều Ngài hằng tha thiết cầu xin cùng Chúa Cha để trở nên hiện thực như lời cầu nguyện hiến tế của Ngài: ”Xin cho chúng hiệp nhất nên một”(Ga 17,21).

Trong bài đọc 2 của Thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô, vị Tông đồ Dân ngọai, đã kêu gọi các tín hữu tiên khởi sống tinh thần yêu thương hiệp nhất trong đời sống cộng đòan và tỏ dấu quan tâm về sự chia rẽ bè phái đang diễn ra nơi họ. Thánh Tông đồ đã viết: ”Hỡi anh em, nhân danh Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh em hãy lo cho được đồng ý với nhau hết thảy, đừng để có sự chia rẽ trong anh em, nhưng hãy đòan kết trong cùng một tâm trí, cùng một quan điểm”(1Cr 1,10).

Sở dĩ thánh Phaolô phải viết thư cho tín hữu Côrintô là vì ở đó đang có sự chia rẽ trầm trọng. Các tín hữu đã chia thành bốn nhóm dựa vào một thừa sai mà chống lại nhau: ”Tôi thuộc về Phaolô, tôi về phe Apôlô, còn tôi về phe Phêrô, và tôi thuộc về phe Chúa Kitô. Vậy Chúa Kitô bị phân chia rồi sao”(1Cr 1,12)? Tuy nhiên, những vấn đề tranh chấp giữa họ không thuộc phạm vi tín lý hay luân lý, nhưng chỉ là những khác biệt về tính tình, sở thích. Khi đã đến lúc phải chặn đứng vấn đề phe nhóm trong giáo đòan, thánh Phaolô bảo họ: ”Người lãnh đạo của anh chị em là Đức Kitô chứ không phải tôi hay Apôlô. Và anh chị em chịu phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, chứ không phải nhân danh Phaolô hay Apôlô”(1Cr 1,13-15).

Truyện: Mầm mống chia rẽ

Chuyện kể một nhà buôn nọ. Mặc dầu vất vả làm ăn nhưng anh ta không bao giờ bỏ việc khấn vái với thần thánh. Gặp kỳ cạnh tranh gay gắt trong công việc, anh ta càng gia tăng lời khẩn cầu gấp bội.

Động lòng trắc ẩn, một hôm thần tiên hiện ra với anh và nói: ”Thấy nhà ngươi thành tâm cầu xin nên ta không nỡ từ chối. Thôi thì bây giờ cứ cho ta biết ngươi muốn gì, ta sẽ ban cho… và đồng thời để tỏ cho nhân gian biết lòng quảng đại của ta thì hễ ban cho ngươi điều chi, ta cũng ban cho đồng nghiệp hay hàng xóm của ngươi như thế… và có khi gấp đôi luôn”.

Nghe thần phán, lòng anh thương gia chuyển từ vui mừng hân hoan qua buồn sầu lo lắng. Anh tự nhủ: ”Nếu bây giờ mình xin một chiếc Lexus thì mấy thằng bạn… chúng nó sẽ được hai chiếc. Ồ, thế thì không được ! Nhưng nếu mình xin cho đươc trúng số 2 tỷ thì mấy nhà hàng xóm… họ sẽ được tới 4 tỷ. Thế lại càng không được ! Còn nếu mình xin cho có vợ đẹp con khôn thì coi chừng đồng nghiệp sẽ có vợ đẹp gấp đôi vợ mình, con khôn gấp đôi con mình. Đó là chưa nói tới chuyện chúng nó được hai vợ, trong khi mình chỉ có một… Thời buổi cạnh tranh như thế này thì phải làm sao cho hơn người chứ ? Nhưng xin như thế làm sao mà hơn được”.

Chàng thương gia nhíu mày đắn đo. Một lát sau, chợt anh ta reo lên như vừa tìm ra điều gì thú vị. Anh đến qùi xuống và thưa với thần: ”Lạy Ngài, xin vui lòng cho tôi đui một con mắt”.

Đọc câu chuyện này, chúng ta thấy lời cầu xin của người thương gia này thật là quái gở ! Đáng lẽ anh ta phải cầu xin cho mình được giầu sang phú qúi, được mọi sự may mắn để bản thân mình, gia dình mình được hạnh phúc và cả xã hội cũng được hạnh phúc theo, chứ tại sao lại cầu cho mình phải rủi ro để người khác phải gặp rủi ro hơn. Thật lòng con người quá nhỏ nhen, ích kỷ và dã tâm.
 
Nước Trời đang đến
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
13:48 20/01/2011
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Thường Niên, Năm A

Không thể phủ nhận một trong những chủ đề chính của lời rao giảng của Chúa Kitô đó là “hãy ăn năn sám hối” (x.Mt 4,17; Mc 1,15). Sám hối ăn năn không chỉ là nhìn nhận sự sai lầm trong thái độ, hành vi của mình, cũng không chỉ là ân hận về những lầm lỗi mình đã phạm, nhưng còn là một sự thay đổi tận căn lối sống của mình. Các nhà chú giải Kinh Thánh thường phân tích hạn từ “Metanoia”, nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng…để khẳng định ăn năn sám hối là thay đổi cách ăn, nếp ở, thay đổi hướng đi, để trở về với Thiên Chúa, sống theo đường lối Thiên Chúa chỉ dạy.

Làm cho một người thay đổi lối sống quả là không dễ chút nào, nhất là khi lối sống ấy đã trở thành nếp do một quá trình hình thành từ lâu. Tuy nhiên, với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể. Và một phương thế Thiên Chúa đã thực thi đó là chiếu giải ánh sáng tình yêu diệu kỳ. Sứ ngôn Isaia đã loan báo xưa: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng…”(Is 9,1). Ánh sáng ấy chính là tình yêu, là ân sủng mà Thiên Chúa đổ xuống trên họ, khi cho họ thoát khỏi ách gông cùm nô lệ. Thánh sử Matthêu đã lấy lại lời của sứ ngôn Isaia để áp dụng vào trường hợp dân chúng vùng Capharnaum, những người đang hưởng phúc lành của Chúa Giêsu, Đấng đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó (x.Cvtđ 10,38).

Để mời gọi các nhà lãnh đạo cũng như dân chúng sám hối ăn năn, thay đổi đời sống, thì các ngôn sứ ngày xưa thường nghiêng chiều việc cảnh báo về các tai hoạ do Thiên Chúa sẽ đoán phạt nhiều hơn là tình yêu và lòng từ nhân của Thiên Chúa. Vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước là Gioan tẩy giả cũng như vậy. Ngài nghiêm nghị cảnh báo nhiều người thuộc phái Pharisiêu và phái Sađốc: “Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống…cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quẳng vào lửa” (Mt 3,7-10, x.Lc 3,7-18).

Chúa Giêsu thì trái lại, Người chủ yếu mạc khải về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa để con người cảm mến, tin tưởng trở về. Các Tin Mừng Nhất lãm tường thuật lời rao giảng của Chúa Giêsu khi Người khởi đầu sứ vụ như sau: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Nước Thiên đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15); “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17); “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe đó là: ‘Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Tin Mừng thứ tư thì tuờng thuật việc Chúa Giêsu hoá nước thành rượu ngon tại một tiệc cưới ở Cana cho dù trước đó Người nói rằng giờ của Người chưa đến (x.Ga 2,1-12).

Trời càng sáng thì những chỗ bẩn, chỗ nhơ càng lộ rõ. Ân phúc của Thiên Chúa là ánh sáng giúp con người nhận ra thân phận tội lỗi của mình. Hơn thế nữa, tình yêu của Thiên Chúa chính là ánh sáng dẫn đưa con người quay bước trở về. Khi biết mình được yêu, được tha thứ, được đón nhận thì tội nhân sẽ can đảm chỗi dậy và đổi thay. Trên con đường chiếu giải ánh sáng thiên linh, Chúa Giêsu mời gọi một số người cộng tác là các tông đồ, các môn đệ. Người đã sai các vị đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời bằng việc chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ và chia sẻ ơn bình an (x.Mt 10,1-16).

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban và sai Con của Người đến thế gian không phải để luận phạt thế gian nhưng để những ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời (x.Ga 3,16-17). Đến thế gian, một trong những sứ mạng chính yếu của Chúa Kitô đó là mạc khải chân dung Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng đầy quyền năng và cũng là Đấng toàn thiện, toàn hảo, Đấng không chỉ “không dập tắt tim đèn còn khói, không bẻ gảy cây lau bị giập” mà còn “cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân”, Đấng khộng chỉ sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên trên núi để đi tìm một con chiên lạc đàn mà còn sẵn sàng giang rộng cánh tay đón nhận đứa con đi hoang trở về, cho dù lý do nó trở về là để kiếm chút cơm canh lót dạ mà thôi (x.Mt 6,43-45; Lc 15).

Có thể nói rằng đường lối của Thiên Chúa chủ yếu là tỏ bày tình yêu để con người cảm mến, tin tưởng mà hoán cải, đổi thay. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể nhận ra đây là đường lối chung của Thiên Chúa dành cho người bé mọn, kẻ yếu đuối, người tội lỗi, thấp hèn. Còn với một số ít người xem ra cố chấp, tự hào về tài năng, chức quyền hay về chút công trạng của mình mà ở lỳ trong tội, thì Chúa Kitô có vẻ nghiêm khắc cách khác thường. Nhiều người biệt phái, luật sĩ hay tư tế Do Thái thời bấy giờ ở trong trường hợp này. Và Chúa Kitô đã dùng những kiểu nói đanh thép để cảnh tỉnh họ như “khốn cho các nguơi”, hay “vô phúc cho các ngươi” (x.Lc 6,24-26; 11,37-52; Mt 23,1-36).

Cũng như các môn đệ năm xưa, chúng ta hôm nay được Chúa Kitô mời gọi làm kẻ chài “lưới người như lưới cá”. Để mời gọi tha nhân hoán cải ăn năn không gì hơn là hãy cho họ thấy Nước Trời đang ở giữa họ (x.Lc 17,21), tức là nỗ lực dệt xây một môi trường sống trong tình thương và chân lý, trong bình an và sự liên đới hiệp thông, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của thần dữ. “Nếu Tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,21). Khi chúng ta tích cực gieo rắc ân tình, thì một cách nào đó, chúng ta làm cho người yếu đuối, kẻ tội lỗi nhận biết họ vẫn được yêu thương, được đón nhận. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên mạnh mẻ cảnh báo những ai vì quá tham danh, hám lợi hay vì cao ngạo mà cố chấp và cố tình ở lỳ trong tội, đồng thời gây cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn, gây thiệt hại cho những người cô thân, phận bé. Nước Trời thường được Chúa Giêsu ví như bữa tiệc đầy sơn hào hải vị mà Thiên Chúa ban cách nhưng không (x.Mt 22,1-10), nhưng Nước Trời cũng được ví như tấm lưới kéo từ biển lên, cá tốt thì cho vào giỏ, còn cá xấu thì bị vứt ra ngoài (x.Mt 13,47-48).

Ban Mê Thuột
 
Lắng nghe tếng Chúa trong cuộc sống
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
13:56 20/01/2011
Tin Mừng Mt 4, 12 – 23 trình thuật cho chúng ta về công việc khởi sự của Đức Giêsu trong hành trình rao giảng. Cùng với việc đem hồng ân cứu độ đến cho “vùng Ga-li-lê dân ngoại”, Đức Giêsu đã chọn gọi các môn đệ đầu tiên (Simon Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan). Hành động đáp trả mau mắn, nhiệt tình của các “ngư ông” trước lời mời gọi của Đức Giêsu vừa mang ý nghĩa quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời khai mở cho chúng ta hướng khả quan nhất để lắng nghe tiếng Chúa và thực thi cách hữu hiệu.

1. Từ việc Đức Giêsu chọn gọi các môn đệ đầu tiên

Để chọn gọi những cộng sự viên đầu tiên, Đức Giêsu đã không tìm đến nơi phồn hoa đô thị để gặp gỡ, chiêu tập các thương gia quý phái với hy vọng được đón tiếp trọng thị và được tài trợ dư dật tiền của. Ngài cũng không đến tại các cơ sở tôn giáo để “kết bạn” với giới thượng tế, kinh sư nhằm tận dụng nguồn “vốn” kinh nghiệm, học thức dồi dào sẵn có nơi họ… Nhưng Đức Giêsu đã đến giữa “vùng Ga-li-lê dân ngoại” để đem ánh sáng Tin Mừng cho họ và kêu gọi các môn đệ đầu tiên là những người đánh cá nghèo hèn, chất phác đi theo Người (Mt 4, 18 – 21).

Cuộc gặp gỡ tâm giao giữa Đức Giêsu với các môn đệ đầu tiên cho thấy giá trị lớn lao của hồng ân cứu độ. Con người trở thành trung tâm điểm được Thiên Chúa nhắm đến để trao ban hồng ân ấy, miễn là chúng ta biết mau mắn nhận ra và kịp thời đáp trả lời Ngài.

Các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu là những mẫu mực về thái độ đáp trả tiếng Chúa. Như chúng ta, các ngài cũng là những con người bình thường, phải vật lộn với cuộc sống một nắng hai sương để có của ăn của để. Và tất cả sẽ chỉ dừng lại ở đó, nếu không có một ngày, Đức Giêsu bất ngờ xuất hiện đánh thức những con tim tràn đầy nhiệt huyết và mời gọi các ông dấn thân phục vụ chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Dù chỉ mới thoáng nghe biết rất mơ hồ về thân thế của Đức Giêsu qua lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả, nhưng với niềm xác tín tuyệt đối được thúc đẩy từ sâu thẳm, các ngài đã sẵn sàng chấp nhận bỏ lại tất cả những gì gắn bó máu thịt trong cuộc sống đời thường để bước theo Đức Giêsu (Mt 4, 20.22).

2. Chúa vẫn mời gọi ta

Hôm nay, Giáo hội do Đức Kitô thiết lập đã trưởng thành cách toàn diện cả về chiều kích trần thế và thiêng liêng. Lời tiên tri Isaia loan báo xưa đã được thực hiện đích thực: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9, 1). Ơn cứu độ phổ quát đã thực sự tỏ hiện giữa nhân loại. Ánh sáng Tin Mừng của Đức Kitô đã lan tỏa đến cuộc sống con người trên mọi phương diện. Do những hoàn cảnh sống và thái độ tiếp nhận khác nhau, nhân loại đang từng bước lĩnh hội sứ điệp yêu thương của Đức Kitô qua Giáo hội, nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh.

Thiên Chúa đang mời gọi mỗi người chúng ta cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Đức Kitô không hiện hữu với ta cách tỏ tường như đã xuất hiện trước các môn đệ đầu tiên. Nhưng Ngài vẫn “lên tiếng” kêu mời ta trong mỗi giây phút, trong những hoàn cảnh và môi trường sống khác nhau.

Hình ảnh Biển hồ Ga-li-lê, nơi các môn đệ đã từng vất vả nghề chài lưới gợi cho chúng ta về những sắc màu của cuộc sống hôm nay. Ở đó, chúng ta cũng đang phải tất bật với những lo toan đời thường. “Mẻ lưới đời” nhiều khi không được như ý muốn, đã làm cho ta trở nên chán nản thất vọng mà quên đi bổn phận của một con người, và hơn nữa của một Kitô hữu. Chúa vẫn không bỏ rơi ta trước những con sóng dữ của những đam mê, vui thú trần thế. Quan trọng là ta phải làm sao để nhận ra tình thương của Chúa, để được Ngài hướng dẫn lựa chọn cách sáng suốt trước những thực tại ấy.

Chúa vẫn đến bên cuộc đời ta, lay động ta hãy hướng thẳng lên Thập giá, để biết chấp nhận khước từ những suy tưởng tầm thường, hẹp hòi, vụ lợi hầu có thể dấn thân làm môn đệ Chúa.

Chúa vẫn đến bên cuộc ta trong thân phận của những người nghèo khổ, bị ruồng rẫy, chê bỏ, và mời gọi ta hãy cộng góp phần tâm lực của mình để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những người ấy.

Chúa vẫn đến bên cuộc đời ta qua Giáo hội, qua những người có trách nhiệm săn sóc, lo lắng cho sự sống còn của nhân loại, cho phần rỗi của mỗi người. Chúa muốn ta hãy là những cộng sự viên đắc lực cùng với Giáo hội và những người thiện chí trong sứ vụ đem ánh sáng Lời Chúa đến những vùng tối của bao tâm hồn đang chìm đắm trong thù hận, ích kỷ, thành kiến, lãnh đạm…

3. Bước theo Đức Kitô

Như các môn đệ đầu tiên, ta hãy mau mắn đáp trả tiếng Chúa mà không so đo tính toán thiệt hơn. Ta hãy dứt khoát với những gì đang níu kéo làm cản bước tiến của ta trên đường theo Chúa và làm chứng cho Ngài.

Xin cho những con sóng của bao vướng bận đời thường, của những suy tính hẹp hòi không thắng nổi lý tưởng dấn thân phục vụ nơi ta. Xin cho hành trình bước theo Chúa của mỗi người chúng ta luôn rạng ngời ánh sáng nghị lực phi thường, để gương mặt của Đức Kitô được tỏ hiện.

Thánh Charles Cornay (Cố Tân) đã từ bỏ gia đình theo tiếng Chúa gọi. Một hôm trên đường truyền giáo, lúc xe lửa dừng ở một ga gần làng của ngài, cha mẹ và tất cả anh chị em ngài đều ra đó để đón thăm. Vì quá thương con, cầm lòng không được, cha mẹ ngài đã ngã lăn trên đường, ngăn cản không cho ngài đi tiếp. Cornay đã can đảm bước qua mình cha mẹ mà ra đi. Ngày 20 – 9 – 1837, ngài đã chịu tử đạo với án lăng trì tại Sơn Tây, Bắc Việt.

Dẫu biết hành trình bước theo Đức Kitô là con đường đau khổ Thập giá. Nhưng chính nhờ việc lắng tiếng Chúa và sống cho lời mời gọi của Ngài sẽ đem lại cho chúng ta hoa quả đích thực của hồng ân cứu độ.
 
Con có yêu mến Thầy không?
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
18:28 20/01/2011
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Thường Niên, Năm A

“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Lời mời gọi của Đức Giêsu đã làm thay đổi số phận của những con người lênh đênh trên biển hồ Galilê ngày trước. Họ đã bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cả cha mẹ lại mà đi theo Đức Giêsu làm nghề “lưới người”. “Hãy theo tôi”, 4 môn đệ đầu tiên: Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê đã đáp trả tiếng gọi, đi theo Đức Giêsu và trở nên cột trụ của Giáo hội. Phêrô được Chúa chọn làm Tảng Đá “Đức Giêsu đã nhìn ông Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô) (Ga 1,42); “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.” (Mt 16,17).

Chúa nhật III hôm nay,Phúc Âm kể về ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên. Xin được suy niệm về Thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng, vị Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội, một con người với nhiều lầm lỗi, yếu đuối nhưng rất nhiệt thành, can đảm, xác tín, chân thành và tràn đầy lòng mến.

Có thể chia cuộc đời Thánh Phêrô làm hai phần: Cuộc đời phần một từ khi theo Chúa Giêsu ở biền hồ Galilêa (Mt 4,12-23) đến lúc chối Thầy (Ga 18, 25-27). Cuộc đời phần hai từ khi theo Thầy ở Biển Hồ Tibêria (Ga 21,1-19) cho đến cuối đời Tử Đạo ở Roma (x. Cô đơn và sự tự do.Lm Nguyễn Tầm Thường).

1. CUỘC ĐỜI PHẦN MỘT

Cuộc đời phần một của Phêrô có đặc điểm là đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác. Góp nhặt những đoạn Phúc âm nói về Phêrô, sẽ thấy một mảnh đời phần một của Ngài có nét chân dung: vị Tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.

- Mắng lần thứ nhất:

Quân yếu tin! (Mt 14,31).Vào một đêm, Chúa Giêsu hiện ra đi trên biển. Chưa có ai đi trên biển bao giờ. Các môn đệ thấy vậy liền hoảng hốt la lên: “Ma kìa!”. Chúa Giêsu bảo không phải là ma mà là Thầy đây. Các môn đệ bán tín bán nghi, Phêrô thách đố: Nếu là Thầy thật, hãy truyền cho tôi đi trên mặt nước mà đến với Thầy. Người ấy truyền cho Phêrô: Hãy đến! Phêrô liền bước xuống biển đi nhẹ nhàng, nhưng rồi ông ngờ vực nên bị chìm xuống. Sợ hãi quá đổi, Phêrô van xin: Lạy Thầy, xin cứu con. Đưa tay cứu Phêrô lên, Chúa mắng: Quân yếu tin!

- Mắng lần thứ hai:

Ngu tối! (Mt 15,16). Có lần tranh luận với các Pharisiêu về tập tục rửa tay trước khi ăn, Chúa Giêsu nói: ‘Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế”(Mt 15,11). Chúa ám chỉ tâm địa trong lòng xác định tốt xấu chứ không phải hình thức tập tục bên ngoài. Có môn đệ lại hỏi: Xin Thầy giải nghĩa cho chúng con! Đến bây giờ rồi anh em còn ngu tối đến vậy sao? Người bị mắng đó là Phêrô. Cụm từ “Đến bây giờ rồi” cho ta cảm tưởng là đã hoài công dạy dỗ mà vẫn không khá, nghĩa là chậm hiểu, cho đến bây giờ mà vẫn còn chậm như thế.

Mắng lần thứ ba:

Satan! (Mc 8,33). Lần này Chúa mắng Phêrô một cách thê thảm. Chúa bảo Phêrô là Satan khi Phêrô can ngăn Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn.Đọc Phúc âm, ta thấy càng ngày Chúa càng mắng Phêrô nặng hơn. Đến cuối đời còn mắng thêm một lần nữa. Chuyện xảy ra lúc các thượng tế, binh lính cùng gậy gộc đến bắt Chúa trong vườn Cây Dầu, Phêrô rút gươm. Nhưng Chúa đã trả lời hành động ấy: hãy xỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm. Hay ngươi tưởng Ta không thể cầu cứu với Cha Ta cấp cho Ta ngay mười hai cơ binh thiên thần sao? (Mt 26,52).

Nhìn lại cuộc đời Phêrô, thấy Chúa mắng nhiều hơn khen. Chỉ có một lần khen, khi Chúa hỏi các môn đệ: Các con nghĩ Thầy là ai? Phêrô tuyên tín: Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa khen: “Này anh Simon, con ông Giona, anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,16-17). Như vậy là Thần Khí Chúa nói, nếu không do Thần Khí thì Phêrô không biết sẽ nói Chúa là ai.

Môn đệ đi theo Chúa bị mắng nhiều hơn khen. Lần nào Chúa cũng mắng Phêrô trước đám đông. Điều lạ lùng là Phêrô không bao giờ giận Chúa, không lúc nào bỏ Chúa mà vẫn luôn xác tín “bỏ Thầy con biết theo ai?”. Điều hết sức huyền nhiệm là Chúa lại chọn kẻ bị mắng ấy làm Tảng Đá để xây dựng Giáo hội và trao chìa khoá Nước trời.

Thánh Phêrô là con người yếu đuối hay lầm lỗi nhưng rất chân thành và tràn đầy lòng yêu mến Thầy. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, Thánh Phêrô đã bộc lộ sự yếu đuối và lòng mến của mình cách rõ ràng nhất. Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy đến ba lần. Phêrô chối Thầy vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy. Trước cái chết của Thầy, Phêrô rùng mình sợ hãi, tìm đường chạy trốn. Lúc bình tĩnh lại, đối diện với sự yếu đuối và vấp ngã của mình, Phêrô đã khóc lóc hối hận, nước mắt ăn năn nhạt nhoà khuôn mặt hốc hác hằn những nếp nhăn. Gà gáy lần thứ ba, Phêrô nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa trẻ, khóc thoả thích, khóc cho vơi hết bao sầu muộn chất chứa trong lòng.

Cuộc đời Thánh Phêrô là sự giằng co giữa yếu đuối và dũng cảm, giữa trọn vẹn và dang dở. Trái tim Ngài có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Sứ vụ Tông đồ có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Chính trong sự vấp ngã vì yếu đuối, cuộc đời phần một của Thánh Phêrô vẫn luôn có một tấm lòng yêu mến, gắn bó với Chúa.

2. CUỘC ĐỜI PHẦN HAI

Cuộc đời phần hai là một thiên anh hùng ca.Sứ mạng theo Đức Kitô nơi phần hai của cuộc đời Thánh Phêrô là một thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca được khởi đầu từ sự kiện Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra và ban cho các môn đệ mẻ cá lạ lùng (Ga 21,1-19).

Chúa hỏi Phêrô: Anh có yêu mến Thầy không? Phêrô đáp: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Phêrô trả lời câu hỏi ấy với tất cả chọn lựa cân nhắc. Chúa hỏi Phêrô đến ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Phêrô xác định cả ba lần, càng về cuối càng cương quyết hơn. Ba lần chối Chúa đi từ chối nhẹ đến chối nặng thì Phêrô ba lần xác định tình yêu từ nông đến sâu. Sau ba lần đáp lại là một bình minh rửa tội quá khứ. Sau ba lần đáp trả lòng mến chân thành của Phêrô, Chúa Giêsu giao phó sứ mạng: Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy.

Nhìn lại cuộc đời của Thánh Phêrô, chúng ta thấy một điều rất rõ là trong trái tim vị Tông đồ lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

Chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu không trao Giáo hội cho một người trí thức thông thái, có tài lãnh đạo, có uy tín mà Chúa lại trao Giáo hội cho Phêrô, một Tông đồ nhiều khuyết điểm, bị la mắng nhiều hơn khen ngợi? Chắc chắc nơi Phêrô có một lòng mến Chúa thiết tha. Sau ba lần hỏi: Con có yêu mến Thầy không? Và sau ba lần Phêrô xác định tình yêu ấy, Chúa Giêsu trao Giáo hội cho Ngài. Ngài vâng lời Chúa về Giêrusalem, bài giảng đầu tiên hùng hồn mang về cho Chúa 3000 người xin rửa tội. Kể từ đó Ngài đi vào cánh đồng truyền giáo bao la là thành đô Roma. Đối diện với gian nguy bắt bớ tù đày, Thánh Nhân đã can trường làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh. Ngài đã lấy máu đào tử đạo minh chứng cho lòng yêu mến Thầy. Ngài đã viết nên trang sử vàng, hào hùng, vẻ vang cho Giáo hội sơ khai.

Lòng khiêm nhường, lòng mến Chúa của Thánh Phêrô, kinh nghiệm về ơn tha thứ của Chúa, tất cả đều dẫn đưa Thánh Nhân đến với tình yêu của Chúa. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối mà Ngài đã đi bất cứ nơi nào Chúa muốn, cho dẫu nơi đó là ngục tù, là cái chết, bởi lẽ vì tình yêu của Chúa lớn hơn tất cả. Lòng mến Chúa sẽ mở cửa cho người tín hữu chúng ta đi vào Nước trời. Chúa không đòi hỏi nơi mỗi người sự khôn ngoan, tài năng. Chúa chỉ cần lòng mến “con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Khi yêu mến Chúa chúng ta sẽ làm mọi sự đẹp lòng Chúa. Lòng mến là thước đo cho mọi giá trị đạo đời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Iran cấm quà tặng Ngày Tình Nhân
Trâm Thiên Thu
00:01 20/01/2011
Phương tiện truyền thông của Iran nói rằng Iran đã cấm sản xuất quà tặng Ngày Tình Nhân và không được khuyến khích kỷ niệm ngày lãng mạn để chống lại việc truyền bá văn hóa Tây phương.

Ngày 14/2 là ngày dùng tên một vị thánh Thiên Chúa giáo không chính thức bị cấm nhưng bị cảnh báo về việc phát triển các giá trị Tây phương. Theo luật Hồi giáo ở Iran, các đôi tình nhân chưa kết hôn không được phép đi với nhau.

Các sản phẩm in ấn cũng bị chính quyền Iran cấm, kể cả thiệp và các hộp có hình trái tim và bông hồng.

Ali Nikou Sokhan, thuộc hãng thông tấn ILNA, nói: “Theo kiểu ngoại quốc là truyền bá văn hóa Tây phương, đất nước chúng tôi có nền văn minh cổ và có những ngày khác để vinh danh sự tử tế, tình cảm và yêu”.

Ngày Tình Nhân càng ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ Iran và là dịp kiếm tiền của các doanh nghiệp trong nước. Iran có 70% số dân dưới 30 tuổi và không biết gì về cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã khiến Shah phải trở về Mỹ.

Lời hướng dẫn ghi: “In và sản xuất các sản phẩm liên quan Ngày Tình Yêu, kể cả các poster, tờ rơi, giấy quảng cáo, hộp có hình trái tim, nửa trái tim, hoa hồng và các hoạt động cổ vũ ngày này đều bị cấm. Chính quyền sẽ phạt những ai vi phạm”.

Một số người đề nghị thay Ngày Tình Nhân là “Mehregan”, một lễ hội của Iran từ kỷ nguyên tiền Hồi giáo (pre-Islamic era). Mehr nghĩa là tình bạn, tình cảm hoặc tình yêu.

(Chuyển ngữ từ cnews.canoe.ca)
 
Gel ngăn ngừa nhiễm HIV
Trâm Thiên Thu
00:02 20/01/2011
Ngày 19/1/2011, các nhà nghiên cứu đã công bố một loại gel đã thử nghiệm thành công có thể bảo vệ khỉ cái không bị nhiễm HIV/AIDS trong một thí nghiệm bắt chước sự truyền bệnh ở người qua đường tình dục.

Các nhà nghiên cứu công bố trên báo Public Library of Science rằng chất gel này dùng một loại thuốc điều trị AIDS, cùng với hợp chất kẽmvà bảo vệ cả 21 con khỉ cái bị nhiễm HIV. Nó có thể bảo vệ trong 24 giờ sau 2 tuần dùng hằng ngày.

Hội đồng Dân số (Population Council) ở New York, nhóm đã thực hiện nghiên cứu này, nói rằng chất gel này dùng một liều nhỏ thuốc nhưng vẫn an toàn và rẻ tiền nếu mua ngoài thị trường.

Hy vọng một ngày không xa sẽ có thuốc chủng ngừa AIDS. HIV đã nhiễm 33 triệu người trên thế giới và đã có 25 triệu người chết vì AIDS.

Melissa Robbiani, thuộc Hội đồng Dân số, người làm việc với Viện Ung thư Quốc gia (National Cancer Institute) và các phòng thí nghiệm khác thí nghiệm loại gel này, hy vọng sớm có thể thử nghiệm ở người.

Tháng 7/2010, các nhà nghiên cứu đã làm ngạc nhiên các chuyên gia về AIDS khi họ phát hiện một loại gel tương tự làm giảm nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ khoảng 39% trong 2 năm rưỡi.

Các nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận đang tiếp tục nghiên cứu loại gel này, với sự trọ giúp của cơ quan Thực Dược phẩm Hoa kỳ (FDA, US Food and Drug Administration).

Bethany Young Holt, chuyên gia về khử vi trùng (microbicide), nói: “Giống như hiệu ứng domino vậy”.

Chuyển ngữ từ Global Times)
 
ĐTC Gioan Phaolô II được nhớ đến như một người bảo vệ sự sống và gia đình tuyệt vời
Paul Bùi Nguyên Tâm
00:07 20/01/2011
(CNA)- Một thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Đặc Trách về Sự Sống gần đây đã giải thích rằng ĐTC Gioan Phaolô II sẽ được nhớ đến như là "một người yêu cuộc sống tuyệt vời và bảo vệ" cho những thai nhi

Patricio Ventura-Junca, giám đốc Trung tâm Đạo đức sinh học tại Đại học Công giáo Chile, đã nói với CNA vào ngày 17 tháng 1 về phản ứng của mình về việc phong chân phước sắp tới cho ĐTC Gioan Phaolô II.

Tòa thánh Vatican đã công bố rằng ĐTC sẽ được phong chân phước vào ngày 1 tháng 5.

Ventura-Junca bày tỏ niềm vui và nhận thấy rằng ĐTC chấp nhận tiến bộ trong sinh học cũng như các ý tưởng rằng "không ai có quyền loại bỏ một người vô tội."

ĐTC là "một người có tầm nhìn tuyệt vời bởi vì Ngài nhận ra rằng tương lai của thế giới phụ thuộc vào gia đình, bởi vì gia đình chính là hạt nhân của thế giới, nơi các giá trị và đức tin được phát triển,".

Ông cũng cho biết do bởi ĐTC Gioan Phaolô II hướng dẫn, Giáo Hội đã cung cấp một mô hình mới cho tất cả các Kitô hữu và không phải Kitô hữu. "Số lượng những người đến viếng tại lễ tang của ĐTC cho thấy điều đó. Tôi tin rằng Ngài là một người đàn ông đã đi vượt ra ngoài biên giới của Vatican, đi qua thế giới và cũng mang tư tưởng Kitô giáo ra ngoài Kitô giáo, "ông nói.

"ĐTC Gioan Phaolô II là một người đàn ông đi trước thời đại của Ngài bởi vì Ngài tin cậy trong các giáo dân" của Giáo Hội tham gia trong các ngành như triết học, khoa học và đạo đức sinh học”.
 
Đức Thánh Cha thiết lập cấu trúc cho các cựu giám mục Anh giáo được truyền chức linh mục
Bùi Hữu Thư
04:05 20/01/2011
Luân Đôn (CNS) – Hầu như ngay sau khi ngài được truyền chức linh mục Công Giáo cùng với hai cựu giám mục Anh giáo khác, Cha Keith Newton đã được bổ nhiệm làm giám quản Lãnh Hạt Tòng Nhân mới dành cho các tín hữu cựu Anh giáo tại Anh và Wales.

Tòa Thánh đã tuyên bố ngày 15 tháng 1 là Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã thành lập Lãnh Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham "dành cho những nhóm linh mục tu sĩ và giáo dân Anh giáo đã bầy tỏ ước muốn tham dự vào sự hiệp thông toàn vẹn và rõ rệt với Giáo Hội Công Giáo.”

Linh mục Newton, là một người 58 tuổi đã lập gia đình và là cựu giám mục Anh giáo tại Richborough, đã được truyền chức linh mục Công Giáo vào ngày 15 tháng 1 bởi Đức Tổng Giám Mục Vincent Nichols tổng giáo phận Westminster. Cũng được truyền chức linh mục trong cùng một thánh lễ được cử hành tại nhà thờ chánh tòa Westminster là cựu giám mục Anh giáo John Broadhurst ở Fulham và cựu giám mục Anh giáo Andrew Burnham ở Ebbsfleet.

Lãnh Hạt Tòng Nhân đầu tiên trên thế giới được thiết lập cho các cựu tín hữu Anh giáo được cung hiến cho Đức Mẹ, Đức Mẹ Walsingham, đấng được cả người Công giáo lẫn Anh giáo sùng kính tại Anh.

Thánh đường Đức Mẹ Walsingham thời Trung Cổ tại Đông Anglia bị phá hủy trong thời kỳ Cải Cách Tin Lành, nhưng đã được tái thiết khoảng một thế kỷ trước đây bởi người Anh giáo và Công giáo.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tuyên bố vào tháng 11 năm 2009 về quyết định của ngài là thành lập một Lãnh Hạt Tòng Nhân cho các cựu tín hữu Anh giáo muốn gia nhập vào sự hiệp thông toàn vẹn với Tòa Thánh tại Rôma trong khi được phép gìn giữ các nghi thức phụng vụ và các yếu tố khác của di sản Anh giáo của họ, kể cả một phần nào về việc điều hành theo tính cách bỏ phiếu để có sự đồng ý.
 
Đâu là các yếu tố giúp làm giảm thiểu nạn ly dị?
Nguyễn Kim Ngân
08:19 20/01/2011
Đâu là các yếu tố giúp làm giảm thiểu nạn ly dị?

Tiến Sĩ Jeff Mirus, thuộc Catholicculture.org, trong bài đăng hôm qua, ngày 18 tháng Giêng, năm 2011, đã trích thuật kết quả thống kê do “National Marriage Project” thực hiện, nêu lên sáu yếu tố lớn giúp cho nạn ly dị có cơ may giảm thiểu, đó là:

1) Gia tăng mãnh lực thu nhập, nói nôm na là phát triển khả năng kiếm tiền: nếu bạn kiếm được khoảng trên $50,000 một năm thì bạn có thể giảm được mức ly dị đến 30%;

2) Trong khi đó, nếu bạn có văn bằng đại học, thì mức giảm ly dị sẽ là khoảng 25%;

3) Nếu bạn chờ sau khi kết hôn mới sinh con, thì bạn sẽ giảm được 24% mức ly dị;

4) Nếu bạn chờ đợi cho đến trên 25 tuổi mới kết hôn, thì bạn có cơ giảm mức ly dị được chừng 24%;

5) Còn nếu bạn cổ võ cho cha mẹ mình sống mãi với nhau thì bạn sẽ có cơ giảm mức ly dị được chừng 14%;

6) Sau cùng, nếu bạn chịu khó siêng năng đi nhà thờ, thì bạn có thể giảm được nạn ly dị chừng 14%.

Nhìn chung, các yếu tố vừa nêu thật là hữu lý. Những cặp nào có lòng đạo đức tương đối trưởng thành, xuất thân từ một gia đình gắn bó bền chặt với nhau, lại kiếm được tương đối đầy đủ thu nhập để không bị áp lực tài chánh quá nặng, có đủ trí thông minh và tính tự chủ, cả về mặt học vấn lẫn tinh thần trách nhiệm nuôi dậy con cái, thì những cặp này sẽ có triển vọng về một đời sống hôn nhân thành công. Cũng vậy, những ai có mức trưởng thành nhân bản cao, lại biết duy trì một sự cam kết sâu xa đối với các giá trị tinh thần, và rộng mở tâm hồn trước sức soi động của thánh ân, ngay giữa lòng một mái gia đình nồng ấm yêu thương, thì có nhiều cơ may thành công trong hôn nhân cũng như tránh thoát được những đổ vỡ thật đáng tiếc.

Có nghĩa là các bạn thanh niên chớ có vội vàng hấp tấp, cứ nhìn vào gương sống của cha mẹ mình, sống dưới một mái gia đình êm ấm, cố công học hành cho thành đạt, đi làm cho có lương hướng tương đối đầy đủ, rồi sau đó bắt đầu tìm hiểu người bạn đường để xây dựng hạnh phúc hôn nhân. Sau cùng, nhưng quan trọng hơn hết, nhớ đừng quên đi lễ nhà thờ, bởi vì làm gì thì làm, nếu quên Chúa là trung tâm và cứu cánh của đời sống, thì coi như hoàn toàn thất bại, và con đường ly dị sẽ không còn bao xa.

Nói kiểu này nghe quen quen, nghe đi nghe lại đã nhiều lần, nhưng đem ra thực hành quả là một thách đố lớn. Năm 2011 đã đến, xuân Tân Mão đang chực chờ trước ngõ, sao bạn không coi đó là một quyết tâm để thực hành trong năm mới này?
 
Trường hợp phong Chân phước cho ĐTC Gioan Phaolo II cách rất đặc biệt
Paul Bùi Nguyên Tâm
13:44 20/01/2011
Rome, (EWTN News)- Việc phong chân phước cho ĐTC Gioan Phaolo II, ĐGH Benedict XVI sẽ chủ trì vào tháng 1, sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong 1.000 năm một ĐTC phong chân phước cho người tiền nhiệm của mình ngay lập tức.

Giám đốc của L'Osservatore Romano, Giovanni Maria Vian, trong một bài báo cho biết, "Chúng ta đã trở về thời Trung cổ để tìm một tình huống tương tự." Tuy nhiên, ông nói, "ngay cả trong hoàn cảnh đó nó cũng không thể so sánh với quyết định của ĐTC Benedict XVI: trong 10 thế kỷ qua không có ĐGH nào đã tôn vinh ngay lập tức người tiền nhiệm của mình lên hiển thánh. "

"Pietro Morrone del (ĐTC Celestine V) đã được phong thánh năm 1313, ít hơn 20 năm sau khi Ngài chết, bởi người kế nhiệm thứ ba của ông, và hơn hai thế kỷ trước việc phong thánh cho Đức Leo IX và Gregory VI, qua đời vào năm 1054 và 1085 mới được công nhận, "Vian giải thích.

Sau khi ghi nhận rằng ĐGH cuối cùng được phong thánh là Thánh Piô X, Vian nhớ lại rằng vấn đề thiết yếu trong mọi phong chân phước và phong thánh gây ra là cuộc sống gương mẫu của các ứng cử viên.

ĐGH Phaolo VI cho biết khi thông báo việc mở án cho những người tiền nhiệm của Ngài ngay lập tức, John XXIII và Piô XII, điều này phải đảm bảo rằng "di sản tinh thần của họ" được giữ tách biệt với "bất kỳ lý do nào khác hơn là sự tận tâm của họ để nên thánh, đó là, để vinh quang của Thiên Chúa và sự sáng suốt của Giáo Hội. "

"Và Karol Wojtyla là một tôi tớ đích thực của Thiên Chúa, một chứng nhân nhiệt thành của Chúa Kitô cho những người trẻ tuổi cho đến hơi thở cuối cùng của Ngài. Nhiều người, Công giáo và không Công giáo, đã nhận ra điều này trong cuộc sống gương mẫu của Ngài ", biên tập viên của một tờ báo Vatican cho biết.

Vì lý do này và nhiều hơn nữa, Vian kết luận, ĐTC Bênêđictô XVI đã quyết định chủ sự lễ phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Hành Hương "để gửi cho thế giới biết đến một con người thánh thiện của Gioan Phaolo II."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cảm nghĩ của một học viên về lớp Ca Trưởng cấp I tại giáo phận Huế
Maria Thuỷ Tiên
07:30 20/01/2011
Cảm nghĩ của một học viên về lớp Ca Trưởng cấp I tại giáo phận Huế

Lần đầu tiên được tham dự Khóa Huấn Huyện Ca Trưởng Cấp I, đợt I, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Huế, tôi cảm thấy đây quả là một niềm vinh dự lớn lao và hạnh phúc cho bản thân, cho Giáo xứ của tôi nói riêng và cho cả Địa phận Huế nói chung.

Đến với khóa học này, tôi nhận thấy mình được tiếp xúc gần gũi với môi trường Thánh nhạc trong Phụng Vụ hơn, dưới sự giảng dạy rất nhiệt tình của nhạc sư Giuse Phạm Đức Huyến và phu nhân, nhạc sỹ Hoàng Bổn, nhạc sỹ Văn Duy Tùng, nhạc sỹ Phạm Trung, nhạc sỹ Nguyễn Đức Kỳ, ca trưởng Lê Hùng, ca trưởng Phạm Thị Quý, ca trưởng Viên Bích Hòa, ca trưởng Kim Anh, ca trưởng Hà Minh Tâm - người trẻ nhất.

Được biết, Ban Giảng Huấn này đã đào tạo thành công nhiều khóa Ca Trưởng ở khắp nơi trên thế giới, đa số quý thầy cô trong Ban Giảng Huấn là những người mà tôi cũng như một

số lớn học viên chưa hề quen biết bao giờ. Thế nhưng qua những ngày học, những giờ thực hành đã giúp tôi cảm nhận chính họ là những người chuyên dùng lời ca tiếng hát và những sáng tác của mình để tôn vinh Chúa, phục vụ nhu cầu Phụng Vụ cũng như góp phần vào việc đào tạo nên những ca trưởng hữu ích cho các Giáo xứ, Giáo phận và Giáo Hội.

Những ngày tham gia khóa học này, tôi cứ bị “ám ảnh” mãi về một hình ảnh thật đơn sơ, đáng yêu của một học viên đặc biệt đó chính là Đức Tổng Giám Mục Stêphanô. Chính ngài đã để lại cho tôi những mẫu gương cần phải “học đòi bắt chước” và ngẫm nghĩ trong lòng mình.

Trước hết, ngài là một học viên đúng giờ đến lớp, dù bận nhiều công việc khác của Giáo phận nhưng ngài luôn dành thời gian để đến lớp thường xuyên, trở thành “học viên giữa các học viên”qua mỗi tiết học, giờ thực hành, giờ giải lao. Thời tiết ở Huế vẫn còn lạnh, lại thêm ngài đã “có tuổi” nhưng khi nhìn thấy ngài học một cách hăng say, kiên trì với từng cử chỉ đánh nhịp, trong từng lời ca tiết tấu, khiến cho tôi cảm nhận dường như tâm hồn thánh nhạc đang thấm nhập trong con người của ngài, tôi thấy ngài trẻ hơn và hình ảnh Đức Tổng Stêphanô không còn trở nên xa lạ hay khoảng cách với chúng tôi nữa. Ngài dễ thương, đáng mến là thế đó!

Không chỉ riêng gì cảm nhận của tôi mà còn của nhiều học viên trong lớp học nữa: “Nhìn Đức Tổng dễ thương chưa?”, có thể cho đó là câu nói “cửa miệng” nhưng lại được phát xuất từ tận đáy lòng của con cái, chắc hẳn ai cũng cảm thấy ấn tượng về sự hiện diện của Đức Tổng trong những ngày học này.

Tuy tay nhịp của ngài không còn uyển chuyển, mềm mại như các “nam thanh nữ tú” nữa, thế nhưng ngài không ngừng luyện tập nhịp nhàng, hòa cùng hàng trăm cánh tay nhịp của con cái ngài. Có gì vui và hạnh phúc cho bằng cả cha và con cùng học đánh nhịp, đọc xướng âm, học làm ca trưởng và tôi nghĩ có thể sau khóa học này, ngài sẽ trở thành “ca trưởng của Nhà Chung” cũng nên!

Tôi cảm thấy sự hiện diện của Đức Tổng trong mỗi ngày học khiến cho bầu khí lớp học trở nên thân thương, ấm áp tình “chiên con và mục tử” hơn. Đồng thời tạo nên sự gần gũi, thêm niềm động viên, khích lệ cho Ban Giảng Huấn cũng như cho những học viên trong lớp tham gia khóa học Ca Trưởng này.

Qua những gì tôi cảm nhận được ở ngài, tôi thầm nghĩ đức cha đang âm thầm, lặng lẽ làm gương cho con cái của ngài về tinh thần kiên trì, ham học hỏi cũng như thấy được lòng thao thức, khát khao để đào tạo nên những ca trưởng cho các giáo xứ. Đức Tổng còn ước ao với Ban Giảng Huấn sẽ tổ chức khóa ca trưởng đợt II, cấp 2 trong tháng 7/2011. Điều đó chứng tỏ ngài rất quan tâm đến vấn đề đào tạo và nâng cao trình độ cũng như số lượng ca trưởng trong mỗi giáo xứ nói chung và cách riêng trong toàn Giáo phận, nhằm đáp ứng nhu cầu thánh nhạc trong phụng vụ hơn.

Bên cạnh hình ảnh đức Tổng, tôi không thể nào quên được hình ảnh của Ban Giảng Huấn, gồm quý thầy cô ca trưởng làm việc hết mình, rất nhiệt tình, hăng say trong tinh thần vui tươi và khiêm tốn. Tôi cảm thấy quý thầy cô ca trưởng đã truyền đạt kiến thức về kĩ thuật và mĩ thuật cho các học viên bằng tất cả tấm lòng cùng “cái chất lửa” thánh nhạc trong con người được thể hiện qua nhiều nội dung học phong phú như:

- nhạc lý cơ bản,

- xướng âm cơ bản,

- nhịp cơ bản, thực tập nhịp cơ bản,

- kỹ thuật tập hát,

- thanh nhạc cơ bản,

- tìm hiểu ngũ cung ba miền,

- tìm hiểu Bình ca,

- cách đọc tiếng La tinh và hát nhạc Bình ca

- và cả đạo đức cơ bản của người ca trưởng.

Thêm phần “Huế, Lời Kinh Tiếng Hát, rất Huế & Ý Nghĩa Các Phần Trong Thánh Lễ”, qua bài chia sẻ của cha Đaminh Minh Anh, trưởng ban thánh nhạc của giáo phận đã đưa tâm hồn của các học viên đến với vùng đất “thần kinh”, nhưng không kém phần thơ mộng, chân chất qua những nét “rất Huế”. Ngoài ra, ngài còn dẫn chứng bằng những lời chia sẻ thật hài hước, vui nhộn và đúng với thực tế nên các học viên dễ dàng tiếp thu và hiểu biết thêm “ Ý nghĩa Các Phần Trong Thánh lễ”.

Tôi quan sát và nhận thấy có đến hơn 350 học viên, đa số là các thỉnh sinh, tập sinh, cùng các sơ Dòng MTG, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Dòng Phaolo, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế, Thiên An. .. và một vài linh mục cùng một số học viên thuộc các giáo xứ trong giáo phận. Xa xôi nhất, đáng kể nhất, đáng hoan nghênh nhất, là những anh chị em thuộc các giáo xứ ngoài giáo phận như: Vinh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá...

Qua những ngày học, những giờ luyện tập thực hành, trên 350 đôi tay nhịp mỗi lúc trở nên nhịp nhàng, mềm mại, uyển chuyển hơn. Giọng hát càng ngày càng thêm phần thánh thót, chất giọng cất lên theo cung trầm bổng thể hiện được “chất lửa” và cả tâm tình bên trong con người của ca viên, đưa tâm hồn mỗi người dễ đi vào cầu nguyện và cha trưởng ban thánh nhạc giáo phận mong muốn trong tương lai lớp học này sẽ trở thành “Ca đoàn Tổng Hợp” của giáo phận phận trong mỗi dịp lễ lớn.

Trong tâm tình là một học viên của khóa học, ngoài những điều để tôi phải nói lời tri ân, cám ơn đến những người đáng kính. Tôi thầm cám ơn những người đã lặng lẽ, tận tình phục vụ cho các học viên có được những bữa ăn ngon miệng, những giờ giải lao vui vẻ, thoải mái với nhau bên cốc cà phê, cốc nước ấm với những cái bánh, kẹo....

Những ngày theo học khóa ca trưởng này, tôi cảm nghĩ đến giáo xứ Sơn Qủa của tôi. Một ngôi nhà thờ trang nghiêm, hoành tráng được cung hiến long trọng vào ngày 17/08/2010, nhưng vẫn chưa có cha sở riêng, mọi sinh hoạt trong giáo xứ vẫn còn nhiều trở ngại. Cho nên khi tôi cùng một người khác trong giáo xứ được tham dự khóa học ca trưởng này, tôi cảm thấy thật vui mừng, và có ích cho giáo xứ của tôi sau này. Tôi nghĩ đây cũng là một sự chuẩn bị trước về ca trưởng, ca đoàn của giáo xứ để một ngày cất lời ca tiếng hát đón cha sở giáo xứ Sơn Qủa, điều đó thật ý nghĩa ! Hy vọng ngày đó sẽ không còn xa.

Ước gì sau khóa học này, bản thân tôi cũng như mỗi người biết vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào công việc mục vụ của giáo xứ, trở thành những ca trưởng thực sự để điều khiển những ca đoàn trong mỗi giáo xứ, làm sống động nhu cầu thánh nhạc trong phụng vụ của giáo phận cũng như của Giáo Hội.

Mỗi người hãy dâng lời ca tiếng hát để tôn vinh Chúa, bởi trong lời kinh Tiền Tụng đã viết “ việc chúng con ca tụng Chúa chẳng đem lại lợi ích gì cho Chúa nhưng đựơc ca tụng lại là một hồng ân cao cả, đem lại ơn cứu độ cho chúng con”.

Hay thánh Augustino đã nói “ hát hay là cầu nguyện hai lần”.

Maria Thủy Tiên
 
Giáo xứ Lộc Bình, GP Lạng Sơn, khánh thành nhà xứ và khởi công xây dựng tháp chuông
Giuse Trần ngọc Huấn
12:12 20/01/2011
LẠNG SƠN – Sau bao ngày tháng chờ đợi và phấn đấu, hôm nay một niềm vui thật lớn đã trùm phủ lên mọi thành phần Dân Chúa nơi giáo xứ Lộc Bình, khi ngôi nhà xứ mới đã được chính thức cắt băng khánh thành và làm phép, đồng thời khởi công xây cất tháp chuông của nhà thờ.

Xem hình ảnh

Giáo xứ Lộc Bình thuộc giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng. Nhà thờ giáo xứ được xây dựng từ năm 1944, nằm trên đường quốc lộ 4A, cách Tòa Giám mục khoảng 30km. Số giáo hữu hiện nay là 163 nhân danh, sống quy tụ trong thị trấn Lộc Bình và các khu vực lân cận, có một số là dân tộc thiểu số. Giáo xứ Lộc Bình hiện nay do linh mục Giuse Tôn Khánh Duy, dòng Đaminh, quản nhiệm.

Ngôi nhà thờ của giáo xứ do Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, khi đó là cha sở Lộc Bình, xây dựng. Khoảng đầu những năm 40 của thế kỷ trước, Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ nhận quản nhiệm giáo xứ Lộc bình thay thế cha già Lương. Nơi đây năm 1944, ngài xây cất ngôi nhà thờ thật khang trang theo tỷ lệ giáo dân lúc đó. Ngày ngày chính ngài lên ráo để trông coi, đốc thúc việc xây cất.

Khi ngôi nhà thờ đã cơ bản hoàn thành, phần nhà và nội thất đã xong thì tính đến việc xây dựng thêm ngôi tháp. Tuy nhiên, khi công việc chưa khởi sự được bao lâu thì trong một lần lên quan sát công trình, cha xứ Micae bị ngã và bị thương khá nặng. Từ đó, việc xây tháp nhà thờ bị đình trệ. Và công việc ngưng lại cho đến ngày nay. Ngôi nhà thờ Lộc Bình với ngọn tháp chuông còn dang dở đã ghi dấu bao kỷ niệm trong dòng lịch sử đầy thăng trầm của giáo phận truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng. Dù dang dở nhưng vẫn đứng vững cho đến ngày nay, như một dấu chỉ của sự tiếp nối, sự hồi sinh và phát triển của giáo phận.

Trong bài chia sẻ “Thánh Thể và việc truyền giáo tại Lạng Sơn”, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhắc đến tình trạng của nhà thờ Lộc Bình khi ngài về nhận giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng (1999): “Nhà thờ Lộc Bình, Bản Lìm lâu năm không có người lui tới, dơi dơi rủ nhau đến trú ngụ. Cả nhà thờ trở thành một chuồng dơi khổng lồ. Cơ man là dơi. Chúng bay lượn. Chúng kêu chí choé. Và nhất là chúng phóng uế. Khủng khiếp nhất là phân và nước tiểu dơi dơi. Vừa hôi hám không chịu nổi vừa tàn phá cả trần, tường và nền nhà thờ. Sau nhiều năm dơi dơi trú ngụ, trần nhà thờ Bản Lìm đã sập xuống vì phân dơi nặng và vì nước tiểu dơi làm mục tre nứa, vôi trên trần. Lần đầu tiên sau nhiều năm vắng bóng chủ chăn, nhà thờ Lộc Bình được đón Đức giám mục về dâng lễ Tro khai mạc mùa Chay. Giáo dân vừa dự lễ vừa đề phòng dơi dơi bay trên đầu. Lúc chủ tế xức tro trên trán giáo dân thì từ trên nóc nhà thờ, dơi dơi cũng xức đủ thứ xuống đầu họ, nên bà con giáo dân dự lễ mà phải một tay bịt mũi, một tay che đầu”.

Dù vậy, sức sống Đạo nơi vùng đất này vẫn không hoàn toàn lụi tàn đi. Đức Tổng Giuse chia sẻ tiếp: “Nhưng dần dà, nhờ có thánh lễ đều đặn, bà con giáo dân tụ tập ngày càng đông. Dơi dơi bỏ đi. Người càng ngày càng đông hơn. Dơi càng ngày càng thưa dần. Cho đến một ngày dơi không còn đất sống, bỏ đi tất cả. Cửa nhà thờ mở liên tục cho không khí tràn vào đánh tan đi mùi dơi dơi hôi hám. Cho đến khi sửa lại trần, quét vôi mới và lát nền gạch mới thì nhà thờ chỉ còn mùi vôi mới. Mùi vôi mới đánh tan mùi dơi hôi hám là dấu hiệu hồi sinh của cộng đoàn. Cộng đoàn ngày càng đông đúc làm cho mọi người thêm phấn khởi. Có chủ chăn thường xuyên lui tới làm cho giáo dân lên tinh thần. Có nhà thờ khang trang sạch đẹp làm cho giáo dân tự hào và thích đến nhà thờ hơn. Chính nhờ thánh lễ mà cộng đoàn tìm lại được sức sống. Chính nhờ thánh lễ mà cộng đoàn được hồi sinh”.

Thật vậy, ngày hôm nay, 20 tháng 01 năm 2011, một dấu chỉ nói lên sự hồi sinh thật sống động nơi giáo xứ Lộc Bình, khi mọi thành phần Dân Chúa từ Đức Giám mục giáo phận, quý Cha, quý nam nữ tu sỹ và anh chị em giáo dân quy tụ về đây để cử hành những nghi thức thật trang trọng: làm phép nhà xứ mới, làm phép hang đá Đức Mẹ, thánh Giuse quan thầy và khởi công xây dựng tháp chuông của nhà thờ giáo xứ. Đây thật là niềm vui lớn lao, không chỉ riêng đối với giáo xứ Lộc Bình, nhưng còn là niềm vui chung làm nên sức sống và sự hồi sinh, phát triển của giáo phận truyền giáo miền sơn cước.

Đúng 9h45 sáng, Đức cha Giuse chủ sự nghi thức làm phép ngôi nhà xứ mới được xây dựng của giáo xứ Lộc Bình. Ngài nhấn mạnh với mọi người tham dự về ý nghĩa của ngôi nhà chung này, là nơi tụ họp, là nơi gặp gỡ để sẻ chia, để nâng đỡ, để xây dựng tình yêu thương, hiệp nhất và mối dây liên đới giữa mọi người trong giáo xứ với nhau và với mọi người xung quanh. Đức cha Giuse long trọng đọc lời nguyện làm phép, sau đó ngài rảy nước thánh trên ngôi nhà cũng như từng phòng trong đó.

Tiếp đến, Đức cha Giuse chủ sự nghi thức làm phép tượng thánh Giuse, được đặt ở bên hông nhà thờ. Thánh Giuse là bổn mạng của giáo xứ Lộc Bình. Sau đó, ngài và đoàn đồng tế cùng mọi người tiến đến để làm phép núi đá Đức Mẹ trong khuôn viên thánh đường giáo xứ. Những lời kinh nguyện hòa với lời ca tiếng hát làm nên một không gian thật lắng đọng và trang nghiêm.

Sau các nghi thức làm phép, Đức cha Giuse và đoàn đồng tế tiến vào ngôi nhà thờ của giáo xứ để cử hành Thánh lễ tạ ơn, cũng là cầu nguyện để khởi công xây dựng tháp chuông của nhà thờ này. Thánh lễ được cử hành trang trọng do Đức cha Giuse chủ sự. Cùng đồng tế với ngài có cha Giuse Nguyễn Cao Luật, đại diện Giám tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam, cha Tổng đại diện Giuse Trần Đức Hạnh, cha đại diện Giuse Nguyễn Ngọc Thể, cha quản xứ Lộc Bình, quý cha quản hạt và hầu hết các linh mục triều và dòng đang làm mục vụ tại giáo phận.

Tham dự Thánh lễ có đông đảo quý nam nữ tu sỹ, chủng sinh, quý vị đại diện các cấp chính quyền, quý vị trong Hội Đồng Giáo xứ của hầu hết các giáo xứ trong giáo phận và anh chị em giáo dân. Nơi ngôi nhà thờ nhỏ nhắn nhưng đậm nét rêu phong của giáo xứ Lộc Bình hôm nay làm nên dấu chỉ sống động của tình hiệp thông nơi giáo hội địa phương, khi có sự hiện diện của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận. Bầu khí trang nghiêm, ấm cúng làm xua tan đi cái giá lạnh mùa đông miền sơn cước.

Trong bài giảng lễ, khởi đi từ bài Tin Mừng trích trình thuật về hai môn đệ gặp Chúa trên đường Emmaus, Đức cha Giuse đã chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ về những ý nghĩa của giá trị đức tin, niềm tín thác và nhất là sự quý trọng khi gặp gỡ chính Thiên Chúa. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh đến những giá trị lịch sử của ngôi nhà thờ Lộc Bình, nơi đó ghi dấu ấn nhiệt tâm tông đồ và phấn dấu gây dựng của các vị chủ chăn, các đấng bậc trong giáo xứ, giáo phận. Ngôi nhà thờ tuy không rộng lớn nguy nga, nhưng mang đậm giá trị đức tin, tinh thần truyền giáo và nhiệt tâm sống đạo. Với việc tiếp tục gìn giữ, tu bổ ngôi nhà thờ này, đã nói lên tinh thần quý trọng những giá trị mà các bậc tiền nhân, ân nhân và của chính mỗi người gầy dựng nên. Đức cha Giuse cầu chúc mọi thành phần Dân Chúa nơi giáo xứ Lộc Bình luôn thăng tiến hơn nữa trong đời sống đạo, trong việc gìn giữ và củng cố giá trị đức tin, giá trị của yêu thương, hiệp nhất.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha Giuse Tôn Khánh Duy, quản nhiệm giáo xứ Lộc Bình, đã đại diện cho mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ cảm ơn sự quan tâm ưu ái của Đức cha Giuse, cảm ơn sự hiện diện đầy hiệp thông của cha đại diện Giám tỉnh dòng Đaminh, cha Tổng đại diện, quý Cha, quý khách, quý nam nữ tu sỹ và mọi người.

Thánh lễ kết thúc với phép lành của Đức Giám mục chủ sự. Sau đó, mọi người cùng quy tụ trong nhà xứ mới và khuôn viên nhà thờ để gặp gỡ, chia sẻ niềm vui và chúc mừng giáo xứ Lộc Bình trong ngày hồng ân hôm nay.
 
Văn Hóa
Phúc-Lộc Thọ
Hai Tê Miệt Vườn
00:10 20/01/2011
Phúc lộc thọ mọi người mong ước,
Bởi đây là ơn phuớc Cha ban.
Lòng người chan chứa hân hoan,
Cuộc đời nhân thế đầy tràn tình thương.

Mọi người thế theo đường công chính,
Dẹp bỏ đi toan tính thấp hèn,
Loại trừ lòng dạ ghét ghen,
Chẳng cho hờn giận bôi đen cuộc đời.

Toàn nhân thế dâng lời cảm tạ,
Cùng giúp nhau giữ dạ thẳng ngay.
Thế trần sẽ được đổi thay,
Mọi người sẽ sống đẹp hay mọi bề.

Cả nhân loại tiến về Thiên Quốc,
Chính đây là cõi phúc vô biên.
Nghĩa tình gắn kết nối liền,
Mọi người nên một vững bền trong Cha.

Xuân Tân Mão 2011


 
Khúc Xuân Ca
Mic. Cao Danh Viện
13:41 20/01/2011
Em cứ để sẵn tay trên bàn phím

Đợi giao thừa rồi gõ khúc Xuân ca

Đón trời cao về ở với mọi nhà

Trời xông đất, đất mặn mà ân lộc



Một năm mới địa cầu đầy ơn phúc

Cánh chim câu về mang nhánh ô liu

Dòng thời gian chuyên chở những thương yêu

Cây bác ái đâm chồi non ân sủng



Sẽ không còn gươm đao hay tiếng súng

Sẽ không còn những tiếng khóc oán than

Vua Hòa Bình đã ngự xuống trần gian

Ngay trong phút thiêng liêng đầu năm mới



Em có nghe điều trần gian mong đợi

Đang chuyển mình theo nhịp khúc Xuân ca

Mở lòng ra! Mở cả bàn tay ra!

Cho bác ái chan hòa trong vũ trụ



Khúc Xuân ca đến cùng muôn tinh tú

Đẹp mê ly trong muôn vạn thiều quang

Say ngất ngư niềm hạnh phúc thiên đàng

Là Đức Chúa của mùa xuân viên mãn



20-1-2011

 
Biết Em đến rồi đi...
Jos. Tú Nạc, NMS
13:53 20/01/2011
Ngay tự lúc em về,

Ta đã biết chia xa,

Nên đong đầy nhung nhớ,

Vỗ về lúc em xa.

Suốt hạ vàng hanh nắng,

Ta phơi hồn mênh mang,

Những tháng ngày trống vắng,

Sao nghe những bẽ bàng.

Của bước chân thu sang,

Mang lời tình xa vắng,

Gieo xuống từng phiến lá,

Vàng theo dấu chân ta.

Như cành khô xa lá,

Ta lặng cả mùa đông,

Đợi chờ trong rét mướt,

Từng giọt nắng xuân nồng.

Về đi em xiêm áo,

thướt tha cho đời vui,

Cho muôn loài thụ tạo,

Vang tiếng hát xuân tươi.

Jos. Tú Nạc, NMS
 
Tóm tắt hoạt động của chúa Giê-su
Ngô xuân Tịnh, CVK
18:32 20/01/2011

Mc 2,7-1





Vì thái độ thù nghịch của bọn biệt phái
Chúa và các môn đệ phải lánh về phía Biển Hồ
Từ Ga-li-lê từng doàn người lũ lượt đổ xô tìm Người
Và tất cả nhiều nơi dòng thác người tuôn tới:
Từ xứ I-Du-mê cùng với vùng bên kia sông Gio-đan
Và từ vùng phụ cận hai thành Tia và Si-don
Từng dòng người cuốn trôi về gặp Chúa
Bởi họ nghe những việc Người đã làm.
Để khỏi bị chìm ngập giữa đám đông chen lấn
Chúa sai các môn đệ dành một chiếc thuyền nhỏ để dừng chân
Mà quả vậy rất nhiều bệnh nhân được Người chữa lành
Nên ai ai bị bệnh đều xô đến sờ vào mình Người quyền năng
Còn thần ô uế hễ trông thấy liền sấp mình dưới chân Người



kêu lên rằng
"Ông là Con Thiên Chuá"
Nhưng Chúa cấm ngặt chúng tiết lộ Người là ai
Ma quỷ, thần gian dối và phá hoại
Chúng tiết lộ Người nhưng âm mưu làm hiểu sai
Sứ vụ mà Chúa Cha sai Người thực hiện
Nên Người biết và cấm chúng trước tiên



Rồi sau đó Chúa đi lên trên núi
Cùng những người mà Chúa muốn theo Người
Và Người thành lập nhóm Mươi Hai
Đặt tên các ông và để các ông sống với Người
Sai các ông đi thi hành sứ vụ rao giảng
Ban cho các ông quyền năng trừ quỷ



Xin Thần Khí Chúa cho em tin rõ
Chúa Giê-su Con Thiên Chúa ban hồng ân cứu độ
Cùng với Người em thi thố quyền năng
Để loan truyền Nước Thiên Chúa vĩnh hằng
Cho Hòa bình Công lý ngự trị trần gian
Để muôn người hưởng hạnh phúc vô vàn
Chúa Giê-su chết sống lại đầy quyền năng
Và Người hằng hiện diện với giáo hội với em
Hãy để Thần Khí Người tác dộng ngày đêm
Bằng con tim rực cháy lửa đức tin
Để quyền năng đặc sủng Ngưòi thể hiện.







 
Xuân tươi trẻ trong lòng mọi người
Tuyết Mai
18:36 20/01/2011
Thật phải khi tôi nói như vậy! Từ trẻ thơ cho đến người già, tất cả ai cũng muốn đón một cái Xuân, tràn đầy sức sống. Không phải sao khi Xuân về chúng ta ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên; chúng cho chúng ta một cảm nhận thật vui, thật rộn rã, thật nôn nao trong lòng, và một hy vọng chờ đợi gì đó thật ngạc nhiên và ngóng chờ. Trong vườn nhà thì bông hoa chúng đua nhau cho chúng ta những nụ hoa lấp ló như hé chào. Muôn mầu sắc thắm. Hương thơm của chúng cũng thoang thoảng bay nhè nhè vào trong nhà và vào mũi của chúng ta; làm cho chúng ta ngây ngất như món quà mà Mẹ Xuân ban cho trần thế nhân loại con người trong những lần Xuân về. Còn trong nhà ư! Từ trẻ con cho đến người già ai cũng cảm thấy một mùa Xuân dâng lên trong một tầm hồn thật tràn đầy sức sống và tràn đầy nhựa sống. Tất cả mọi thứ chúng ta bày biện trong nhà không cho chúng ta sức sống hay nhựa sống sao được, khi mà từ bàn thờ tổ tiên được lớp lang chưng bầy để cúng ông bà tổ tiên và mời họ về ăn Tết với chúng ta; trong một gia đình Việt Nam mà trên dưới phải có biết. Phong tục VN chúng ta ai cũng phải hiểu rằng không có ông bà tổ tiên thì làm sao có ông bà, cha mẹ, bác, chú, dì, cô, chú, cháu, chắt, và chit chứ!?. Đó là bàn thờ của ông bà tổ tiên gồm có lư hương; mâm trái cây gồm có cầu, dừa, đủ, xoài; hai bình hoa lây dơn thật đỏ thắm hai bình hai bên.

Thứ đến là phòng khách của chúng ta cũng được thay đổi mầu sắc để chúng ta đón Xuân. Cái bàn khách là gồm có bộ ấm trà, mứt đủ kiểu đủ loại, bánh chưng, bánh tét, dưa món, bánh dầy, bánh đường, v.v…. Không thể thiếu ít nhất là bình cắm hoa mai, hoa đào, hoa cúc, lây dơn, một cành hoa sống đời cộng với những bao lì xì mầu thật đỏ treo lủng lẳng trên cành cây, ý cầu cho sự xung túc trong suốt cả một năm. Có nhà có tiền khá giả thì chưng trước cửa nhà một cây mai cổ thụ loại bonsai thật mắc tiền và thật là hiếm quý; và có cả cây đào cũng không thua gì mai thắm hiếm quý kia. Mỗi một cây cho chúng ta cái nhìn thật đẹp mắt, mà bao nhiêu khách khứa sẽ đến trầm trồ khen ngợi, và cũng là đầu mối câu chuyện để chủ nhà và khách chung vui với nhau trong mùa Xuân đượm thắm tình người và tình gia đình.

Tiếp theo là trong gia đình có những anh chị đang ở lứa tuổi cặp kê; mùa Xuân là mùa mà những nàng tiên trẻ muốn bước lên xe hoa mà về nhà chồng. Ôi! Đẹp và thơ mộng xiết bao vì đám cưới cũng được trang sức và y phục cũng thật lộng lẫy chung với mầu Tết. Cô dâu được trang phục trong chiếc áo dài đỏ khăn đống đỏ; còn chú rể cũng được trang phục trong chiếc áo dài mầu xanh biển và khăn đống cùng mầu. Hình ảnh của hai anh chị đứng trước bàn thờ Thiên Chúa có làm cho tất cả chúng ta được vui lây!?. Trẻ thì ao ước tương lai mình cũng sẽ được như thế! Trung trung thì nhớ lại cái thuở còn thon gầy, còn xung xoe trong chiếc áo dài mà thắt lưng thật nhỏ thật eo. Các ông cũng nhớ lại cái thời mà sao các ông còn ngây dại còn mê tít với sắc đẹp của vợ mình khi mà cả hai thề nguyền cùng sống với nhau đến răng long đầu bạc. Còn ông bà ư!? Họ vui lắm vì trong nhà họ sẽ có thêm cháu chắt và được mọi người chúc rằng: “đầu năm con trai; cuối năm con gái nhé!”. Thế là tất cả mọi người không ai mà không cầu chúc cho đôi tân hôn sớm có con để bồng ẵm.

Sau cùng là các trẻ thơ, chúng được cha mẹ may cho quần áo mới, giầy mới, tập học thuộc lòng vài câu chúc Tết, tùy theo số tuổi của các em; để mà đi chúc cho ông bà, cha mẹ, cô dì, chú thím, và các anh chị, hoặc tất cả những ai lớn tuổi hơn mình. Xuân đến thật là lạ, vì ai cũng có muốn được niềm vui đến tận trong lòng người mà suốt một năm chúng ta ít ai có thể được vui. Ai cũng muốn có được một mùa Xuân bất diệt vì thế cho nên trên quê hương VN yêu dấu của chúng ta có những nơi vui Xuân cả một tháng trời. Quả thật mùa Xuân đến đem cho tất cả chúng ta hạnh phúc ngập tràn. Thưa không phải mùa Xuân chỉ đến cho những ai khá giả và giầu có đâu thưa anh chị em. Vì mùa Xuân là của muôn người và của muôn loài; tất cả đều được hưởng vui xuân, trong nắng ấm, trong cái tiết của Xuân; mà Mẹ Xuân (mother nature) chính là người đã mang lại niềm vui cho tất cả chúng ta.

Đi đâu, đến đâu chúng ta cũng thấy được cái Tết vui tươi, ồn ào, đùng đùng tiếng pháo nổ dòn tan; Truyền thống Lân đi chúc Tết mà tất cả con nít, người người ai cũng rất thích coi, và lì xì cho Lân để lấy lộc hên. Những bàn để chơi lắc nai, bầu, cua, tôm, cá thưa rất là ồn ào ở khắp mọi chỗ mọi nơi; không thể nào mà chúng ta bỏ qua cho được. Các em khi được tiền lì xì xong thường là mất hết vì bị các anh chị em trong nhà dụ dỗ???. Nhưng có phải đó là cái vui Xuân không thể thiếu trong mọi gia đình người VN chúng ta ngoài hải ngoại cũng như trong nước.

Xin Thiên Chúa ban cho tất cả anh chị em chúng ta một mùa Xuân vui tươi, thuận hòa, an bình, hạnh phúc, nhất là trong tâm hồn. Để chúng ta có dịp ngơi nghỉ và vui chơi với gia đình, họ hàng, và bạn bè. Để chúng ta nhận biết rằng Thiên Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu và Bất Diệt.
 
Hun đúc nhờ Đức Tin
Trâm Thiên Thu
18:40 20/01/2011
Bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người (1 Ga 3:22).

Không khí ban đêm hắt vào mặt tôi khi chiếc xe hơi của chúng tôi chạy trên đường. Đó là một ngày thứ Tư, cũng như những ngày khác. Mẹ tôi, ba anh, hai chị, và tôi trên đường xa về nhà sau buổi sinh hoạt giới trẻ ở nhà thờ. Dù tôi chưa đủ tuổi để tham dự hoạt động giới trẻ, nhưng tôi luôn nôn nóng nhìn từ phía sau căn phòng khi tinh thần hưng phấn và chia sẻ những nụ cười với nhau. Có thể vì tôi mong mau đến buổi sinh hoạt ngày thứ Tư khi một đứa con nít không vì niềm tin cháy bỏng mà vì niềm tin kéo tôi ra khỏi những rắc rối ở gia đình.

Trong những năm đó, gia đình khó khăn về tài chính. Khó khăn cho ba có công việc ổn định, còn lương mẹ chẳng bao nhiêu. Nhiều lần chúng tôi thực sự không biết lấy gì mà sinh sống, vậy mà chúng tôi vẫn vượt qua. Chúng tôi vẫn luôn đi lễ mỗi Chúa nhật và sinh hoạt ngày thứ Tư.

Vào thứ Tư đặc biệt tôi vừa nói, chúng tôi lên xe và đến nhà thờ. Chắc hẳn mẹ tôi biết còn ít xăng và ít tiền, nhưng mẹ vẫn quyết định đi. Trên đường về nhà rất tối tăm và vắng vẻ, chiếc xe chạy rề rề rồi đứng khựng lại.

Chúng tôi ngồi chờ có đến cả tiếng đồng hồ, mẹ tôi thử khởi động máy nhưng vô ích. Tôi lo sợ nên ngồi co rúm trên xe. Chúng tôi ngồi nhìn nhau, điện thoại cũng không liên lạc được. Những ý nghĩ thoáng hiện trong đầu tôi. Ba tôi đi công tác xa. Không ai có thể biết chúng tôi đang gặp rắc rối. Có thể chúng tôi phải ngồi đây suốt đêm. Cuối cùng mẹ tôi nhìn về phía sau, nơi anh chị em chúng tôi ngồi.

Mẹ tôi nói nhỏ: “Các con cầu nguyện đi”. Không ai thắc mắc gì. Gia đình tôi luôn coi trọng việc cầu nguyện. Nhưng trong lúc đó, cầu nguyện rất khó vì không thể quỳ gối như ở nhà thờ. Mỗi người tự nhận trách nhiệm về sự an toàn của gia đình. Là một đứa trẻ, tôi nắm chặt hai tay và lo sợ, tôi cầu nguyện thành khẩn hơn bao giờ.

Chúng tôi tin sẽ có người đi qua và nhận ra chúng tôi. Tôi không nhớ mình đã cầu nguyện bao lâu, nhưng tôi có thẩ nhớ là tâm hồn cảm thấy bình an. Chúng tôi lại nhìn nhau.

Mẹ tôi cười và đưa tay mở khóa xe. Bất ngờ đèn xe sáng lên. Chúng tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn kim xăng chỉ dưới chữ E. Hoàn toàn hy vọng và chờ chiếc xe chuyển bánh. Trước những con mắt ngạc nhien và lo lắng, chiếc kim chuyển dần qua chữ E. Mẹ nhìn chúng tôi đầy vẻ ngạc nhiên rồi chuyển sang vui mừng. Chiếc xe từ từ chuyển bánh và về đến nhà an toàn.

Chúng tôi không nói gì về sự cố đó. Không cần nói. Sáng hôm sau, khi mẹ tôi đổ xăng vào xe, tôi nhìn và thấy có điều kỳ diệu đã xảy ra đêm qua mà chúng tôi không thể hiểu và không thể phủ nhận. Từ đó, tôi biết rằng phép màu khả dĩ xảy ra và cuộc đời tôi luôn được hun đúc bởi niềm tin thác vào Thiên Chúa.

(Chuyển ngữ từ Chicken Soup for the Soul: A Book of Miracles)
 
Nhịp Xuân
Trâm Thiên Thu
18:42 20/01/2011
Tùng cắc tùng tùng tiếng trống lân

Rộn ràng nhịp Tết đón chào Xuân

Ong bay, bướm lượn cùng chim én

Đào nở, mai vàng với lay-ơn

Bầy cháu, đàn con khoe áo mới

Ông bà, cha mẹ được an tâm

Điệu Xuân rung nhịp cùng thơ nhạc

Hạnh phúc êm đềm vẫn chứa chan

Xuân Tân Mão – 2011
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tri Kỷ Tình Đôi
Thérésa Nguyễn
21:29 20/01/2011
TRI KỶ TÌNH ĐÔI

Ảnh của Thérésa Nguyễn

Thăng trầm những bước trần ai

Tình thâm tri kỷ chẳng phai sắc màu…

(Trích thơ của TTL)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền