Ngày 28-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Về với Gia Đình
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:48 28/01/2017
Mồng 2 Tết : Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ

Những ngày giáp Tết, dọc dài Quốc lộ I, xe cộ nối đuôi nhau tấp nập ngược xuôi Nam Bắc. Ai cũng hối hả, nôn nao mong sớm về với gia đình.
Tết là dịp mọi người về sum họp mái ấm tình thương. Con cháu sum vầy bên cha mẹ và anh chị em hòa hợp bên nhau. Anh chị em công nhân đi chuyến xe cuối năm chấp nhận bị nhồi nhét miễn là về đến nhà.

“Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình”. Về với mẹ cha nguồn cội gia đình hay về nhà tự thắp nén hương bày tỏ tấm lòng thành của con cháu với ông bà tổ tiên.

Tết là lễ hội của gia đình. Nhà cha mẹ trở nên ấm cúng thân thương. Con cháu quy tụ về vui mừng nói cười rộn rã. Con cháu thắp nén hương trước bàn thờ tiên tổ với tâm tình thành kính tri ân rồi thì thầm với các ngài những điều nguyện ước. Quây quần quanh ông bà cha mẹ để chúc thọ tỏ lòng thảo kính và đón nhận lời giáo huấn đầu năm.Tết còn liên kết người sống với người chết, hiệp thông con cháu với tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời. Nhiều người có thói quen đi tảo mộ những ngày trước Tết. Nhiều giáo xứ tổ chức Thánh lễ tại nghĩa trang để cầu nguyện cho những người thân yêu đã an nghĩ. Người ta tin rằng dịp đầu năm ông bà tổ tiên về sum họp với con cháu. Niềm tin đó có tác dụng tích cực giúp người sống luôn nhớ tới cội nguồn, sống hiếu thảo, ăn ở xứng đáng với dòng tộc của mình. Đạo lý ngày Tết tuyệt đẹp: “Uống nước nhớ nguồn”, con cháu tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Người Việt rất trọng lễ giáo, coi trọng sự bền vững gia đình với những tôn ti trật tự.Trong lễ giáo thì ân nghĩa là đầu tiên.Tôn kính tổ tiên là cách tỏ ân nghĩa đối với các vị tiên nhân,ông bà cha mẹ.Lúc các ngài còn sống,con cháu phải kính mến phụng dưỡng,vâng lời chiều ăn ở sao cho các ngài hài lòng. Khi các ngài qua đời, lo an táng tử tế, con cháu thờ kính, giỗ chạp hàng năm.Việc thờ cúng tổ tiên là mạch nước ngầm trong mát vẫn mãi nuôi sống và nối kết những tâm hồn Việt giàu tình trọng nghĩa.

Mỗi người Việt đều có một đạo rất gần gũi. Đó là Đạo Ông Bà hay Đạo Hiếu.

Đạo Hiếu là cốt tuỷ của nền văn hoá Việt Nam. Hiếu là gốc của Đức. Người ta có một trăm nết nhưng hàng đầu vẫn là Hiếu.Chưa từng có người nào hiếu thảo lại bất trung,cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.
Cốt lõi của Hiếu bắt đầu bằng: tôn kính cha mẹ lúc còn sống, thờ phượng cha mẹ lúc qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng giỗ chạp.Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người.
Việc hiếu lễ từ ngàn xưa đã in sâu vào tâm linh mỗi người. Dân tộc Việt từ Nam chí Bắc, dù ai theo tín ngưỡng nào, dù có bài bác thần linh nhưng với ý niệm “Cây có cội,nước có nguồn”, đều coi trọng gia lễ.
Ca dao đã đúc kết lòng hiếu nghĩa ấy:
Cây có gốc mới nở ngành sanh ngọn.
Nước có nguốn mới bể rộng sông sâu.
Người ta có gốc từ đâu.
Có cha có mẹ rồi sau có mình.
Biết ơn là sống tâm tình tri ân tình cha nghĩa mẹ. Cha mẹ đã hy sinh cả đời mưa nắng cho con. Cha mẹ đã sống vì hạnh phúc của con. Lòng hiếu thảo hơn mọi lễ vật mà con cái dâng cho các ngài.
Đạo Hiếu chính là đạo của lòng biết ơn.Biết ơn trời đất,biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ.Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành, ơn chín chữ, đức cù lao, ơn võng cực biển trời “Ai ai phụ, mẫu sinh ngã cù lao,dục báo chi đức,hạo thiên võng cực”. Cha mẹ sinh ra ta, nâng đỡ ta từ cung lòng,vỗ về âu yếm, nuôi dưỡng bú mớm, bồi bổ cho lớn khôn, dạy ta điều hay lẽ phải, dõi theo mỗi bước đường đời của ta, tuỳ tính tình mỗi đứa con mà khuyên dạy, che chở bảo vệ con. Ơn Đức Cha mẹ như trời biển : “Công cha như núi thái sơn,nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Đạo Hiếu là nền tảng văn hoá gia đình. Người Việt yêu chuộng những gì là tình, là nghĩa, coi tình nghĩa hơn lý sự “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”; chấp nhận “bán anh em xa mua láng giềng gần”; thích “dĩ hoà vi quý”, độ lượng “chín bỏ làm mười”; quý trọng con người, không tôn thờ của cải “người là vàng, của là ngãi; người làm ra của chứ của không làm ra người”; mong muốn anh em bốn biển một nhà “tứ hải giai huynh đệ”; đề cao tinh thần khoan dung “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”. Đỉnh cao của lòng nhân ái là “thương người như thể thương thân”.
Gia đình Việt Nam có nhiều thế hệ sống với nhau “tứ đại đồng đường”. Cha mẹ già không còn lo việc đồng áng, ở nhà chăm nom giữ cháu. Bầu khí gia đình luôn ấm cúng.Tuổi thơ con trẻ được ươm đầy tiếng ầu ơ của bà, câu chuyện cổ tích của ông.Từ lúc chưa rời vành nôi, trẻ thơ đã được trau dồi cái nhân cái nghĩa. Khi lớn lên, con cái lập gia thất, cha mẹ cho miếng đất dựng căn nhà, con cháu sum vầy bên ông bà cha mẹ, tối lửa tắt đèn có nhau. Chính gia sản tinh thần gia đình là chất keo nối kết tầm hồn con người lại để rồi ai ai cũng cảm thấy “quê hương mỗi người chỉ một ….đi đâu cũng phải nhớ về” (Quê hương, Đỗ Trung Quân). Dù đi học xa, đi làm xa, đi đâu xa cũng phải về với gia đình sum họp những ngày cuối năm, ngày đầu năm.Tết là những ngày thiêng liêng ấm áp tình gia đình.

Gia đình là môi trường đào tạo con người toàn diện, tỉ mỉ và hiệu lực nhất. Dưới mái trường này, con người được đào tạo cả về kiến thức, tâm hồn, tư duy, nhân cách, lối sống để rồi có đủ bản lãnh và khả năng bước vào đời sống xã hội.Gia đình là nơi đào tạo căn bản nhất lòng đạo đức, giúp phát triển cái tài, nhân rộng cái đức cho con cái vào đời.

Đạo Hiếu chính là sợi chỉ vàng nối kết mọi người, mọi sinh hoạt gia đình. Đạo Hiếu làm nên bản sắc văn hoá người Việt. Như thế, tâm thức dân Việt rất gần với Tin mừng Đạo Chúa.

Điều răn thứ bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa đủ nói lên tính cách quan trọng của lòng hiếu thảo.
Sách Giảng Viên dạy: “Thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa,tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa”.
Sách Huấn ca dạy : “Hỡi các con hãy nghe cha đây.Hãy xử sự sao để được độ sinh.Vì Chúa đặt vinh quang cha trên con cái,quyền lợi mẹ, Ngài củng cố nơi đàn con.
Kẻ tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm và trọng kính mẹ khác gì tích trữ kho tàng.Kẻ tôn kính cha sẽ hoan lạc nơi con cái, khi khẩn nguyện, sẽ được nhậm lời.Kẻ tôn vinh cha sẽ được trường thọ, người an ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa.Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha,nó sẽ phục vụ các bậc sinh thành như chủ của mình.
Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, ngõ hầu mọi phúc lành đổ xuống trên con, vì chúc lành của cha làm cho rễ chắc, còn chúc dữ của mẹ thì nhổ cả cây.
Con đừng vênh vang về việc cha con bị nhục,vì vẻ vang gì cho con, cái nhục của cha con!
Quả thế, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính, và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh bỉ.
Con ơi! Hãy săn sóc cha con lúc tuổi già. Sinh thời người, chớ làm người sầu tủi. Trí khôn người có suy giảm, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.Vì lòng hiếu thảo đối với cha sẽ không bị quên lãng, nó sẽ đền bù tội lỗi cho con.
Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan, như sương muối biến ta lúc đẹp trời.Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, Kẻ khinh rể mẹ, chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3,1-16).

Thiên Chúa muốn con cái phải hết lòng tôn kính và thảo hiếu, đặc biệt nhấn mạnh đến công ơn sinh thành của người mẹ: “Hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra. Làm sao con báo đền được điều họ cho con?” (Hc 7,27-28).
Sách Tôbia cũng dạy rằng :“Hãy thảo kính mẹ con. Đừng bỏ người ngày nào trong suốt đời người. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Hỡi con, con hãy nhớ là người đã phải trải qua bao nỗi gian lao hiểm nguy vì con khi con còn trong lòng dạ người” (Tob 4,3-4).
Thánh Phaolô khẳng định, hiếu thảo là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa” (Col 3,20).

Chính Chúa Giêsu là mẫu mực hiếu thảo với Cha, yêu mến Cha, vâng ý Cha, luôn làm đẹp lòng Cha. Là Ngôi Hai Thiên Chúa và với thân phận con người, trong vai trò làm con, Ngài đã thực hành đạo hiếu qua đời sống vâng phục cha mẹ của mình. Thánh Kinh ghi lại rằng sau khi hoàn tất công việc của Thiên Chúa tại đền thờ Giêrusalem: “Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài” (Lc 2,51).

Đạo Chúa cũng là Đạo Hiếu. Hiếu với cha mẹ, đấng bậc sinh thành dưỡng dục. Hiếu với Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, Đấng sáng tạo muôn loài, dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Như vậy Đạo Chúa cũng chỉ gồm chữ Hiếu.Thờ lạy Thiên Chúa là chân nhận Ngài chủ tể muôn loài, con người có bổn phận tôn vinh thờ phượng tỏ bày lòng hiếu thảo. Đối với tha nhân, Đạo Chúa dạy phải sống hiếu, phải thể hiện hiếu. Điều răn trọng nhất “kính Chúa,yêu người” là điều răn của Đạo Hiếu. Không một tôn giáo nào khai triển Đạo Hiếu cho bằng Đạo Chúa. Hiếu với Chúa, hiếu với tha nhân, đặc biệt hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ.Vì hiếu với Chúa nên phải tu thân tích đức để làm vui lòng Chúa, xứng đáng làm con cái của Ngài.Vì hiếu với ông bà cha mẹ nên phải sống đạo làm con, giữ nề nếp gia phong lễ nghĩa, làm vinh dự cho gia đình, gia tộc. Nếu một người con không thảo kính cha mẹ, người đó không phải là một Kitô hữu đúng nghĩa. Bởi lẽ, người ấy đã không giữ luật Thiên Chúa. Giới luật Thứ Tư còn được gọi là giới răn hiếu thảo: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ.”. Mỗi Kitô hữu đều biết hiểu và thực hành giới răn này.

Chính từ tổ tiên ông bà cha mẹ mà người Việt có thể tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Đạo Hiếu là một điểm tựa, một bước đi khởi đầu thuận lợi, một lối đi dễ dàng, gần gũi, một mãnh đất phì nhiêu để đưa con người vào Đạo Chúa. Loan báo Tin mừng của Đạo Chúa chính là làm sáng lên những nét tinh tuý tiềm tàng trong mỗi nền văn hoá. Đối với môi trường gia đình Việt Nam, đó chính là “minh minh đức”, làm sáng cái đức sáng trong môi trường gia đình. Tin Mừng chính là nguồn nước thẩm thấu qua mọi lớp ngăn văn hóa và tôn giáo. Tin Mừng là ánh sáng cho các dân tộc (LG). Tin Mừng là ánh sáng trần gian (Ga 8,12). Tin Mừng và văn hóa giao thoa và hoà điệu với nhau.

Phụng vụ Giáo Hội dành ngày Mồng Hai Tết để cầu cho tổ tiên. Hằng ngày trong mọi thánh lễ, Giáo Hội đều có lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Đạo Chúa dạy, có một Cha trên trời mà con người phải tôn kính hiếu thảo; dạy yêu thương nhau : “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; dạy sống chan hoà, bình dị : “anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, dạy yêu quý sự sống : “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào”.Tin Mừng làm sáng lên những giá trị sáng ngời có sẵn trong môi trường văn hoá Việt Nam, mang đến cho các giá trị văn hoá ấy chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ.

Tinh thần hiếu hoà, lòng thảo hiếu của người Việt là điểm son đậm đà bản sắc dân tộc.Tin Mừng bén rễ sâu vào nền văn hoá ấy làm xanh lên chồi lộc sự sống tình yêu rồi kết thành hoa trái tốt lành cho con người và cuộc đời.

Dưới ánh sáng đức tin, Đạo Hiếu không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội mà còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Người Công Giáo thảo hiếu, kính trọng cha mẹ không chỉ theo ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, tâm lý, mà còn đặt trên niềm tin tôn giáo. Thảo kính cha mẹ là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo.
Hôm nay nhân dịp đầu năm mới Nhâm Thìn.
Chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.
Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con,và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Amen (Lời nguyện nhập lễ, Mồng Hai Tết).





 
Suy Niệm Ngày Mùng Ba Tết Thánh hóa Công việc làm ăn
Lm. Anthony Trung Thành
10:07 28/01/2017
Suy Niệm Ngày Mùng Ba Tết Thánh hóa Công việc làm ăn

Giáo Hội dành ngày Mùng Ba tết Nguyên Đán này để xin ơn thánh hóa công việc làm ăn. Đây là một việc làm phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, của truyền thống dân tộc cũng như sự cần thiết của mỗi người chúng ta. Bởi vì, ai trong chúng ta cũng phải làm việc: Có người làm việc tri óc, có người làm việc chân tay.

Từ khởi nguyên lịch sử, Thiên Chúa đã làm việc trong 6 ngày và cao điểm của công việc đó là Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Sách Sáng thế tường thuật rằng: "Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu." (x. St 1,26). Và Ngài tiếp tục làm việc để quan phòng và giữ gìn muôn loài muôn vật mà Ngài đã dựng nên, đúng như thánh vịnh 64,2 đã khẳng định: “Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi".

Khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài được sinh ra trong một gia đình lao động. Cha Ngài là thánh Giuse và mẹ Ngài là Đức Maria. Ngài đã làm nghề thợ mộc để góp phần với cha mẹ nuôi sống gia đình. Ngài đã từng nói: “Cha tôi làm việc liên lỉ, tôi cũng vậy.”(Ga 5,17). Trong các bài giảng, Ngài thường đề cập đến vấn đề lao động. Đặc biệt Ngài kể nhiều dụ ngôn liên quan đến vấn đề lao động: Dụ ngôn người gieo giống (x. Lc 8,4-15); dụ ngôn hạt giống và hạt cải (x. Mc 4,26-34), dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng (x. Mt 13,36-43), dụ ngôn chiếc lưới (x. Mt 13,47-53)…và đặc biệt dụ ngôn các nén bạc mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay (x. Mt 25, 14-30).

Đa số các Tông đồ cũng xuất thân từ những người lao động. Trước khi theo Đức Giêsu, các ngài đã có nghề nghiệp ổn định, đó là nghề chài lưới đánh bắt cá. Các ngài đã tự làm việc để nuôi sống mình và giúp đỡ tha nhân. Cả khi đã đi theo Đức Giêsu, các ngài vẫn tiếp tục đi đánh bắt cá. Không những đánh bắt cá bình thường mà còn đánh bắt cá người.

Bài đọc II hôm nay, cho chúng ta thấy, Thánh Phaolô đã tự làm việc để nuôi sống mình, Ngài nói: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” (x. Cv 20,34). Không những Thánh nhân làm việc để nuôi sống mình mà Ngài còn làm việc để có của giúp đỡ tha nhân: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." (x. Cv 20,35).

Mỗi người chúng ta hãy bắt chước Đức Giêsu, các Tông đồ, đặc biệt hãy bắt chước Thánh Phaolô để chăm chỉ làm việc, “Ai không chịu làm thì cũng đừng có ăn.” (2Tx 3,10).

Tục ngữ có câu:

“Có làm thì mới có ăn,

Không dưng ai dễ đem phần đến cho.”

Để các công việc của chúng ta mang lại kết quả hồn xác, thiết tưởng chúng ta cần phải thực hiện những điều sau đây:

Thứ nhất, những ai có công việc tốt, hay duy trì công việc của mình. Những ai chưa có công việc ổn định, hãy tìm cho mình một công việc tốt nhất. Công việc đó: Không được vi phạm pháp luật; đặc biệt không vi phạm luật Chúa, luật Hội Thánh; không ảnh hưởng đến các việc bổn phận khác của người kitô hữu, như ngăn cản việc thực thi luật ngày Chúa Nhật.

Thứ hai, hãy trung thành với công việc mình đã chọn, luôn chăm chỉ trong công việc. Thiên Chúa trao cho mỗi người chúng ta những nén bạc tùy theo địa vị và khả năng của từng người: Có người được giao 5 nén, có người được giao 2 nén, có người được giao 1 nén. Đó chính là đức tin, sức khỏe, tài năng của chúng ta. Khi được trao như thế, mỗi người phải có nhiệm vụ sinh lãi. Giống như người thứ nhất và người thứ hai trong dụ ngôn: Người được giao 5 nén, ông đã sinh lãi được 5 nén khác; người được giao 2 nén, ông đã sinh lãi được 2 nén khác.

Thứ ba, không được lười biếng nhác nhớn, đi muộn về sớm, hãy tránh xa thái độ của người thứ ba trong bài Tin mừng hôm nay, chẳng những ông không sinh lãi một cách tối thiểu vốn liếng ông chủ giao mà còn lười biếng chốn dấu nén bạc, ngoài ra ông còn phàn nàn kêu trách ông chủ: “…người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này !” (x. Mt 25,24-25).

Thứ tư, biết sử dụng đồng tiền mình kiếm được một cách hợp lý: Giúp bản thân mình có một cuộc sống đúng với nhân phẩm; giúp gia đình và các thành viên trong đại gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em, những người kém may mắn trong xã hội; nếu có thể, nên đóng góp và các công việc công ích trong Giáo Hội và ngoài xã hội. Vì, như câu Lời Chúa mà Thánh Phaolô nhắc tới: “Cho thì có phúc hơn lãnh nhận.” (x. Cv 20,35).

Thứ năm, cần phải cầu nguyện xin Chúa giúp cho công việc làm ăn của mình, vì “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”; "Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công." (x. Tv 127,1). Vì vậy, sáng vừa thức dậy hãy dâng tất cả công việc mình làm cho Chúa và phó thác mọi sự trong tay Ngài để Ngài hướng dẫn. Cha ông chúng ta ngày xưa cũng đã từng cầu nguyện cho công việc làm ăn rằng:

"Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp."

Cuối cùng, hãy nhớ rằng con người có hai phần hồn xác. Chúng ta không chỉ cần cơm bánh để nuôi phần xác mà còn cần của ăn nuôi phần hồn. Đó là đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, biết thực hành Lời Chúa. Đức Giêsu đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Lc 4,4). Chính vì vậy, cần phải dành thời gian cho những điều ưu tiên, quan trọng trước, những điều không quan trọng sau. Chính Đức Giêsu đã chỉ dạy chúng ta: “Trước tiên các con phải tìm nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, rồi mọi sự Ngài sẽ ban cho sau.”(x. Mt 6,33).

Ước gì mỗi chúng ta có công ăn việc làm xứng đáng và luôn biết dành thời gian ưu tiên cho những việc quan trọng hơn nhất là những công việc liên quan đến sự sống đời đời. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh đình chỉ nhận người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày
Đặng Tự Do
06:52 28/01/2017
Hôm thứ Sáu 27 tháng Giêng, tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh đình chỉ việc nhận tất cả những người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày. Trong thời gian đó, một hệ thống mới sẽ được nghiên cứu nhằm thắt chặt việc rà soát đối với những người từ các nước Hồi giáo và ưu tiên cho các tôn giáo thiểu số. Tổng thống nói rằng mục tiêu là để lọc ra “những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan” và ưu tiên cho các Kitô hữu.

Đề cập đến những người có nguy cơ gây ra những vụ khủng bố tại Mỹ, ông Trump nói: “Chúng tôi không muốn họ đến đây. Chúng tôi chỉ muốn đón nhận vào đất nước này những người sẽ hỗ trợ quốc gia chúng tôi và yêu mến sâu sắc người dân của chúng tôi.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Christian Broadcasting Network vào buổi sáng thứ Sáu, khi được hỏi liệu ông sẽ ưu tiên cho các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông được tị nạn tại Hoa Kỳ, ông nói ngay: “Yes.”

Giải thích thêm, ông nói: “Họ đã bị đối xử tồi tệ. Bạn có biết, trước đây nếu bạn là một Kitô hữu ở Syria thì không thể, hay ít nhất là rất khó khăn, để được nhận vào Hoa Kỳ không? Nếu bạn là một người Hồi giáo, bạn có thể được nhận vào, nhưng nếu bạn là một Kitô hữu thì gần như là vô phương. Và như thế là không công bằng – công tâm mà nói tất cả mọi người đã bị bách hại, ai cũng có thể bị chặt đầu nhưng các Kitô hữu bị nhiều hơn. Và tôi nghĩ rằng như thế là rất, rất không công bằng.”

“Vì vậy, chúng ta sẽ giúp họ.”

Trong năm tài chính 2016, 38,901 người Hồi Giáo được nhận vào Hoa Kỳ theo diện tị nạn. Trong số đó có 12,587 người đến từ Syria. 99% những người Syria được cấp quy chế tị nạn này là người Hồi Giáo. Chỉ có 1% trong số đó là các Kitô hữu.

Theo một cuộc thăm dò của tờ Washington Post vào năm 2015, 78 phần trăm người Mỹ ủng hộ việc xem xét bình đẳng đối với những người tị nạn, không phân biệt tôn giáo.

Sắc lệnh của ông Trump cũng ngăn chặn việc tiếp nhận người tị nạn từ Syria cho đến khi có lệnh mới, và cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày tới những người đến từ bảy quốc gia Hồi giáo có liên quan nhiều đến những lo ngại về khủng bố. Những nước này là Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen.
 
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và cơn lốc các sắc lệnh của tổng thống Mỹ trong tuần lễ đầu tiên sau khi nhậm chức
Đặng Tự Do
16:40 28/01/2017
Từ "January" (Tháng Giêng), lấy từ tên của một vị thần trong thần thoại La Mã là thần Janus. Đây là vị thần về những gì là khởi đầu, chuyển tiếp, bản lề, và kết thúc. Ông thường được mô tả như một vị thần có hai mặt, nhìn vào hai hướng đối nghịch nhau là quá khứ và tương lai.

Hình ảnh của thần Janus có thể dùng để phản ảnh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các Giám Mục Hoa Kỳ đang phải đối diện. Các vị vừa phấn khởi trước sắc lệnh khôi phục lại chính sách “Mexico City” của tân tổng thống Donald Trump, vừa chán nản bởi những hành động đầu tiên của ông về xuất nhập cảnh.

Ngày 23 tháng Giêng - ba ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, và trong tuần đầu tiên của công việc tại Tòa Bạch Ốc – ông Trump đã ký một sắc lệnh khôi phục lại chính sách Mexico City, đảo ngược một trong những hành động đầu tiên mà Obama đã thực hiện trong cùng văn phòng này vào cùng một ngày 23 tháng Giêng tám năm về trước.

Hành động này đã được các Giám Mục Mỹ hoan nghênh nhiệt liệt. Đức Hồng Y Timothy Dolan Tổng Giám Mục New York, và đồng thời là Chủ Tịch Ủy Ban các hoạt động Phò Sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói:

“Chúng tôi hoan nghênh hành động ngày hôm nay của Tổng thống Trump nhằm khôi phục lại chính sách Mexico City, trong đó chặn đứng việc lấy tiền đóng thuế của dân trao cho các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài nhằm thúc đẩy hoặc thực hiện các ca nạo phá thai ở hải ngoại, là những hành động thường xuyên vi phạm luật pháp của nước sở tại”

Ngài nói thêm:

“Đây là một bước chào đón sự khôi phục và thực thi các chính sách liên bang quan trọng trong việc tôn trọng quyền căn bản nhất của con người – là quyền được sống – cũng như sự đồng thuận lưỡng đảng chống lại việc buộc người Mỹ tham gia vào các hành động bạo lực của hành vi phá thai.”

Nhưng hai ngày sau đó, ông Trump đã ký hai sắc lệnh về xuất nhập cảnh. Sắc lệnh thứ nhất liên quan đến một bức tường được xây dựng dọc theo biên giới với Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ để hạn chế việc nhập cư bất hợp pháp. Đây là điều ông đã hứa nhiều lần trong chiến dịch tranh cử của mình. Cho nên, các Giám Mục không ngạc nhiên trước một việc các ngài tin rằng sớm muộn gì cũng sẽ đến. Tuy thế, Đức Cha Joe Vasquez của giáo phận Austin, Texas, chủ tịch Ủy ban Di cư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng ra một thông báo cho biết, “Tôi chán nản rằng tổng thống đã ưu tiên xây dựng một bức tường trên biên giới của chúng ta với Mễ Tây Cơ. Hành động này sẽ đặt sinh mạng những người nhập cư vào một hoàn cảnh nguy hiểm không cần thiết. Xây dựng một bức tường như vậy sẽ chỉ làm cho người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương, dễ trở thành nạn nhân của bọn buôn người và buôn lậu.”

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ghi nhận rằng biên giới Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ dài khoảng 2,000 dặm đã có 700 dặm được rào bằng các hàng rào và các chướng ngại vật.

Theo Đức Cha Vasquez, việc xây dựng một bức tường như thế làm “mất sự ổn định của nhiều cộng đồng đang có những liên kết sống động và đẹp đẽ với nhau trong cuộc sống yên bình dọc theo biên giới. Thay vì xây dựng bức tường, vào thời điểm này, các giám mục anh em của tôi và tôi sẽ tiếp tục làm theo gương của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng tôi sẽ xem xét việc xây dựng các cầu nối giữa con người, những cây cầu cho phép chúng ta phá vỡ các bức tường của loại trừ và khai thác”.

Cũng trong ngày 25 tháng Giêng, ông Trump đã ký một sắc lệnh tăng cường các hành động cưỡng chế và trục xuất đối với những người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là những người phạm tội.”

Ông Trump nói: “Nhiều người nước ngoài vào Mỹ bất hợp pháp và nhiều người cư trú quá hạn hoặc vi phạm các điều khoản của visa hiện đang là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia và an toàn công cộng.”

Hầu chắc trong những ngày tới chính phủ Mỹ sẽ hạn chế việc tài trợ cho những tổ chức đang cung cấp nơi cư trú cho những người nhập cư không có giấy tờ.

Đức Cha Vasquez lo ngại rằng những tuyên bố tăng cường các hành động cưỡng chế và trục xuất của ông Trump sẽ châm ngòi cho sự sợ hãi và hoảng loạn trong cộng đồng.
 
Giám mục Ý bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề tra tấn
Đặng Tự Do
17:08 28/01/2017
Đáp lại một tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng ông sẽ không phản đối việc sử dụng tra tấn, thư ký của Hội Đồng Giám Mục Ý nói rằng tra tấn luôn luôn là vô đạo đức.

“Tôi không nghĩ rằng chủ nghĩa khủng bố có thể được khắc phục bằng một hình thức khủng bố khác thể hiện qua các hành vi tra tấn”. Đức Cha Nunzio Galantino nói. “Chắc chắn là vấn đề không thể được giải quyết bằng cách tra tấn”.

Đức Cha Galantino đã bị lôi kéo vào các cuộc thảo luận về tra tấn sau những câu hỏi từ các phóng viên. Trước đó, tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ không chống lại việc sử dụng tra tấn đối với các nghi phạm khủng bố.

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ là tổng thống Trump cũng cho biết ông sẽ làm theo lời khuyên của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, là người luôn phản đối các hình thức tra tấn.

Ông nói: “Nếu họ không muốn làm điều đó, thì tôi thấy cũng được, không sao.”
 
Tổ chức phá thai Planned Parenthood kỷ niệm 100 năm thành lập với số thai nhi bị giết là 6,803.782.
Giuse Thẩm Nguyễn
22:15 28/01/2017
Thật khủng khiếp: Tổ chức phá thai Planned Parenthood kỷ niệm 100 năm thành lập với số thai nhi bị giết là 6,803.782.

(CNSNews.com) Tổ chức có tên là Planned Parenthood Federation of America (Hiệp Hội Kế Hoạch Gia Đình Hoa Kỳ) đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào ngày 16 tháng Mười năm 1916 khi Margaret Sanger mở phòng phá thai đầu tiên ở Brooklyn. Đến năm 1978, nó đã trở thành tổ chức phá thai lớn nhất Hoa Kỳ và đã lấy đi mạng sống của 6,803,782 trẻ em. Đây là con số chính thức từ tài liệu của Planned Parenthood, nhưng theo CNSNews.com, căn cứ vào bản báo cáo hằng năm của cơ sở này thì con số thai nhi bị giết sẽ vươt quá hơn nhiều.

Con số 6,803,782 gần tương đương với dân số của hai thành phố lớn là Los Angeles và Chicago cộng lại là 6,692,379 theo thông kê của Ủy Ban Dân Số Hoa Kỳ vào năm 2015.

CNSNews.com đã có hồ sơ Planned Parenthood từ nhiều nguồn cung cấp như từ chính cơ sở này, từ Jim Sedlak, người sáng lập ra tổ chức STOPP International (Stop Planned Parenthood) và từ Giám Đốc của Liên Minh Sự Sống Hoa Kỳ (American Life League). Liên minh này đã lưu giữ những tài liệu của Planned Parenthood trong những thập niên qua, trong đó bao gồm những bản báo cáo hằng năm, những bản theo dõi và tường trình dịch vụ của Planned Parenthood được công khai hóa bởi cơ sở này.

Theo Sedlak, mặc dầu những ngày đầu tiên khi Sanger bắt đầu mở phòng phá thai ở Brooklyn thì việc phá thai còn chưa hợp pháp , nhưng đến ngày 1 tháng Bẩy năm 1970 thì tiểu bang NewYord đã cho phép phá thai và ngay ngày hôm sau, ngày 2 tháng Bẩy năm 1970 , cơ sở này đã thực hiện vụ phá thai đầu tiên. Cũng theo tờ Chicago Tribune thì đã có 58 vụ phá thai được thực hiện trong chỉ một ngày ở thành phố NewYork và cở sở này đã thực hiện ít nhất là 5,000 vụ phá thai trong một tháng.

Như vậy chúng ta có thể đoán được là Planned Parenthood đã thực hiện nhiều vụ phá thai như thế nào tại những cơ sở phá thai đầu tiên của nó vào thập niên 1970 và những năm sau khi có quyết định Roe v. Wade vào năm 1973.

Nhưng số liệu về phá thai từ năm 1978 đến năm 2014 thì có thể kiểm chứng được. Theo báo cáo hàng năm, thì năm 1978 đến năm 2014-15, các vụ phá thai có mức từ 70.000 đến 323,999 vụ.

Mỗi năm, tổ chức Planned Parenthood nhận được hằng triệu dollars tiền thuế qua Title X, Kế Hoạch Hóa Gia Đình. Báo cáo mới nhất cho biết là 43 phần trăm ngân sách của Planned Parenthood lấy từ các chương trình bảo hiểm của chính phủ và tiền bồi hoàn của các tiểu bang đã lên tới tổng số là 553.7 tỉ Dollars trong năm 2014.

Con số những vụ phá thai do Planned Parenthood thực hiện từ năm 1978- 2014 được tóm tắt như sau:

Năm 1978: 70,000 vụ.

Năm 1979: 67,000 vụ.

Năm 1980: 77,880 vụ.

Năm 1981: 79,997 vụ.

Năm 1982: 80,000 vụ.

Năm 1983: 85,242 vụ.

Năm 1984: 88,824 vụ.

Năm 1985: 91,065 vụ.

Năm 1986: 91,000 vụ.

Năm 1987: 98,000 vụ.

Năm 1988: 104,000 vụ.

Năm 1989: 111,000 vụ.

Năm 1990: 122,000 vụ.

Năm 1991: 129,000 vụ.

Năm 1992: 132,000 vụ.

Năm 1993: 134,277 vụ.

Năm 1994: 133,289 vụ.

Năm 1995: 139,899 vụ.

Năm 1996: 153,367 vụ.

Năm 1997: 165,174 vụ.

Năm 1998: 168,509 vụ.

Năm 1999: 182,792 vụ.

Năm 2000: 197,070 vụ.

Năm 2001: 213,026 vụ.

Năm 2002: 230,630 vụ.

Năm 2003: 245,015 vụ.

Năm 2004: 255,015 vụ.

Năm 2005: 264,943 vụ.

Năm 2006: 289,750 vụ.

Năm 2007: 305,310 vụ.

Năm 2008: 324,008 vụ.

Năm 2009: 331,796 vụ.

Năm 2010: 329,445 vụ.

Năm 2011: 333,964 vụ.

Năm 2012: 327,166 vụ.

Năm 2013: 327,653 vụ.

Năm 2014: 323,999 vụ.

Tổng số các thai nhi bị giết qua phá thai là 6,803,782. Thật là con số khủng khiếp.

Lạy Chúa, xin thương các linh hồn thai nhi bị chết một cách tức tưởi bởi chính mẹ ruột của mình.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Giao Thừa tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam Huế
Trương Minh Phương
09:32 28/01/2017
ĐÓN GIAO THỪA VÀ MỪNG NĂM MỚI ĐINH DẬU 2017 TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA PHỦ CAM HUẾ

Sau những ngày ảm đạm giá rét, Tết Đinh Dậu này như báo hiệu một Năm Mới đầy khởi sắc của Tổng Giáo phận Huế: Tiết trời ấm áp và khô ráo. Đêm Giáo Thừa năm nay, Cha Quản xứ An tôn Nguyễn Văn Tuyến lại tổ chức vui Xuân ngay trong đêm 30 để đón Giáo Thừa: Vui Xuân cùng với Chúa Xuân.

Xem Hình

Tối 30 Tết, từ lúc 20 giờ 30, Cộng đoàn Giáo xứ đã tập trung để Chầu Thánh Thể, tổng kết lại một năm của Lòng Thương xót Chúa mà Đức Thánh Cha Phanxico đã khai mở và kết thúc. Nhìn lại tình yêu thương hải hà vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta. Cũng trong buổi chầu Thánh Thể này, Cha Quản xứ đã mời gọi cộng đoàn dâng lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxico, vị kế tục Thánh Tông đồ Phêrô, Đại diện Chúa Kitô cầm đầu Hội Thánh của Ngài nơi trần thế.

Sau giờ Chầu Thánh Thể là Thánh lễ Giao Thừa, tiễn năm củ và đón chào năm mới. Trước khi đi vào Thánh lễ, ông Phê rô Đặng Văn Hoàng, Chủ tịch HĐGX đọc Thư Chúc mừng Năm mới Đinh Dậu 2017 của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế: Trong tinh thần Hội nhập Văn hóa, Ngài mời gọi mọi thành phần dân Chúa trong nước cũng như hải ngoại, thử vận dụng hình ảnh “Tết con Gà” để khám phá những thông điệp dành riêng cho người Kitô hữu Việt Nam trong năm mới này. Hình ảnh con Gà diễn tả giấc mơ hạnh phúc, thành đạt của người Việt Nam. Vì tiếng gáy sớm mai của con gà báo hiệu một ngày mới tràn đầy sức sống mới. Đối với Kitô hữu, sức sống mới đó là sức sống thần linh của Thiên Chúa Quan phòng, Đấng đã từng bảo đảm: “Một sợi tóc trên đầu của anh em cũng đã được đếm từng sợi”.

Cùng đồng tế Thánh lễ Giao Thừa này còn có quí Cha đồng hương trong nước và hải ngoại cùng quí Cha người nước ngoài cùng về thăm quê hương sum vầy trong bầu khí hạnh phúc đoàn tụ.

Sau Thánh lễ, Cha Quản xứ An tôn Nguyễn Văn Tuyến, 2 Cha Phó và quí Cha cùng cộng đoàn quy tụ trước Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, dâng lên Mẹ tràng chuỗi Mân Côi 5 Sự Vui, xin Mẹ luôn đồng hành cùng đàn con trong tất cả những lúc vui buồn, đặc biệt trong năm nay: năm Kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.

Vui Xuân đón Giáo Thừa, thời khắc chuyển giao năm củ và năm mới. Cha Quản xứ tổ chức xổ số chào Xuân Mới với những món quà tuy bé nhỏ, nhưng đầy ý nghĩa mà tất cả những ai được hưởng đều cảm thấy hết sức vui mừng vì đây chính là ân lộc của Chúa ban tặng trong ngày cuối năm và đầu năm mới. Đúng giờ giao thừa, khi tiếng chuông Nhà thờ vang lên chào năm mới, những tràng pháo sáng bùng lên trên tháp Nhà thờ hòa với niềm vui của mọi người bằng tràng pháo tay kéo dài rộn rả.

Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ nghĩ ngơi, đúng 6 giờ sáng mùng Một Tết, cộng đoàn lại chào đón Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tân Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Đức Tổng Giám mục Phanxico Xavie Lê Văn Hồng, nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Cha Etcharren, nguyên Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris và quí Cha đồng hương trong nước cũng như hải ngoại về sum họp gia đình trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Trước Thánh lễ, ông Phêrô Đặng Văn Hoàng, Chủ tịch HĐGX thay mặt Giáo xứ chúc mừng năm mới 2 Đức Tổng và quí Cha cùng cộng đoàn.

Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám mục mượn hình ảnh con gà để gởi đến cộng đoàn dân Chúa:

Con gà thứ nhất là con gà của Thánh Phêrô, trước khi gà gáy thì Ngài cũng là một con người tội lỗi, thậm chối bỏ cả Thầy mình. Sau khi gà gáy thì sự thống hối và đau buồn để hoán cải con người trần tục của Ngài để trở thành Tông đồ cầm đầu Giáo Hội của Chúa nơi trần thế. Tiếng gà gáy trong năm Đinh Dậu này cũng sẽ hoán cải mỗi một người chúng ta trong năm mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.

Con gà thứ hai là con gà trong văn hóa dân gian Việt Nam: biểu tượng cho sự chung thủy và tần tảo. phù hợp với chủ đề mục vụ mà theo gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxico trong Tông huấn “Niềm vui Tình yêu” và HĐGM Việt Nam đã đề ra trong năm 2017: Chuẩn bị cho Giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân với ý thức triệt để trung thành xây dựng và nuôi dưỡng tình yêu và cần cù như con gà nhặt thóc nuôi sống và tương trợ lẫn nhau.

Sau Thánh lễ, hai Đức Tổng và quí Cha đồng tế cùng chụp hình lưu niệm trước Tiền đường và cũng vui xuân với cộng đoàn. Đức Tổng Giám mục Giuse đã khai mở biểu tượng năm Mục vụ Gia đình trẻ. Ngài cùng nâng ly rượu mừng đầu Xuân với cộng đoàn và hái lộc Lời Chúa đầu năm mới.

Trương Trí
 
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn: Khai mạc hành hương minh niên
Người Giồng Trôm
09:40 28/01/2017
ĐỀN ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP SÀI GÒN: KHAI MẠC HÀNH HƯƠNG MINH NIÊN

Như truyền thống từ nhiều năm trước và đặc biệt trong sứ mạng “làm cho Thế Giới biết Mẹ”. Dòng Chúa Cứu Thế vẫn tổ chức Hành Hương Minh Niên vào dịp đầu năm mới.

Xem Hình

Năm nay, đặc biệt hơn mọi năm đó là cộng đoàn cùng hành hương với bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép. Được biết bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được chuyền đi khắp các nước Đông Nam Á và trong những ngày này, bức Ảnh này được về Việt Nam và chiều nay hiện diện tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng.

Đầu giờ chiều hôm nay, mùng 1 Tết Nguyên Đán, từ rất sớm, những tấm lòng yêu mến Mẹ cách đặc biệt đã trở về với ngôi Đền kính Mẹ thân thương mang tên Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng. Dẫu trời nắng và khí hậu khá oi nhưng không cản được bước chân của những tấm lòng kính Mẹ.

16 g 30, cộng đoàn cùng hướng về đoàn đồng tế cất bước lên đường hành hương với Mẹ. Người đi sát cạnh Linh Ảnh Tình Yêu cùng đoàn linh mục đồng tế đó chính là Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn Phaolô Bùi Văn Đọc cũng là chủ tế trong Thánh Lễ sau cuộc hành hương này.

Đi cạnh Đức Tổng Phaolô có Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích – Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế - cùng với rất đông quý Cha thuộc Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn và một số Cha khác về thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán.

Đoàn rước Mẹ chiều hôm nay đủ các thành phần dân Chúa từ các hội đoàn trong cũng giáo dân hay lui tới với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Bước lên đường hành hương với Mẹ chiều hôm nay, cộng đoàn được Cha Anphongsô Trần Ngọc Hướng hướng dẫn cách sốt sắng.

Trong tâm tình cũng như ý hướng của ngày đầu năm, cha Anphongsô mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lên Mẹ Maria là Nữ Vương ban sự Bình An như muốn ngỏ lời với Mẹ ban bình an cho con cái của Mẹ trong năm mới 2017 này.

Cuộc hành hương kết thúc, 17 g 00 cộng đoàn bước vào Thánh Lễ cầu bình an trong năm mới Đinh Dậu này.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích –Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế - ngỏ đôi lời chào mừng Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc đã đến với cộng đoàn trong Thánh Lễ chiều nay.

Mở đầu bài chia sẻ, Đức Tổng ngỏ lời nói thói quen của Dòng Chúa Cứu Thế vì cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế vẫn thường tổ chức các cuộc kiệu hành hương kính Đức Mẹ vào những ngày đầu năm Âm Lịch mà chúng ta đã làm. Đây là điều làm đẹp lòng Đức Mẹ.

Đức Tổng Phaolô nói: “Hôm nay là ngày mùng Một, tôi rất phấn khởi đến với anh chị em, xin Chúa và Mẹ ban cho anh chị em nhiều sức khỏe, nhiều ân sủng và may mắn trong năm mới. Xin Thần Khí của Ngài cho anh chị em để Thần Khí của Ngài trở nên nguồn vui, nguồn sức mạnh cho anh chị em. Xin cho anh chị em giống Đức Mẹ Maria siêng năng lắng nghe Lời Chúa”.

Sau đó, Đức Tổng mời gọi cộng đoàn cùng để cho Lời Chúa trong trang Tin Mừng hôm nay soi chiếu. Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi cộng đoàn tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa.

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích đại diện cho cộng đoàn chúc Tết Đức Tổng Phaolô.

Đáp lại lời của Cha Giám Tỉnh Giuse, Đức Tổng bày tỏ niềm vui của Đức Tổng khi Đức Tổng hiện diện chiều hôm nay. Đức Tổng cũng nói lên cảm tình rất đặc biệt với Dòng Chúa Cứu Thế vì lúc 11 tuổi cũng thích đi tu Dòng Chúa Cứu Thế vì các cha Dòng Chúa Cứu Thế giảng Tuần Đại Phúc nhưng lúc đó còn nhỏ quá. .. Năm mới, xin Chúa chúc phúc cho Cha Giám Tỉnh, cho quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế và mọi người đầy tràn lòng thương xót Chúa theo dõi anh chị em suốt cả cuộc đời. Amen.

Sau đôi lời chân tình quý báu, Đức Tổng Phaolô làm phép Lộc Lời Chúa.

Phép Lành cuối Lễ từ tay Đức Tổng Phaolô đã khép lại Thánh Lễ cầu bình an năm mới Đinh Dậu hôm nay.

Phải nói rằng cộng đoàn dân Chúa đã dành cho Đức Tổng những tâm tình hết sức trân quý. Chúng tôi ghi nhận được nhiều và rất nhiều người vây quanh Đức Tổng để như xin Đức Tổng ban phúc lành của Ngài. Dân chúng vây quanh đến độ Đức Tổng phải rất khó khăn mới có thể vào được Phòng Chung của Tu Viện và Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Ngọc Bích phải cầm gậy mục tử thay Đức Tổng.

Nguyện xin ơn Thánh Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp tuôn đổ muôn ơn lành cho quý Cha quý Thầy Dòng Chúa Cứu Thế và cho những ai đến với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thân thương này. Xin trao vào tay Chúa và Mẹ Hằng Cứu Giúp tất cả năm mới 2017 này để Chúa chở che, giữ gìn con cái của Chúa và Mẹ trong tình thương của Chúa và Mẹ.
 
Tết Đinh Dậu tại Giáo xứ Nhượng Nghĩa- Giáo phận Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
21:28 28/01/2017
Tết Đinh Dậu tại Giáo xứ Nhượng Nghĩa- Giáo phận Đà Nẵng

Như nhiều năm trước, ngày đầu năm mới ( Mồng 1 Tết), cộng đoàn Giáo xứ Nhượng Nghĩa dâng Thánh lễ Minh niên, cám ơn Chúa mọi ơn trong năm qua, và dâng Chúa mọi ước nguyện sống đời phó thác vâng theo ý Chúa trong năm mới. Tết Đinh Dậu năm nay, cộng đoàn được tăng thêm niềm vui vì Thánh lễ có Thầy Giuse Phạm Phi Phong- Tân Phó tế ( Đức Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng mới phong ngày 18.1.2017) người con của giáo xứ Nhượng Nghĩa, trợ tế với Cha Phê-rô Quản xứ.

Xem Hình

Trong bài chia sẻ, Cha Quản xứ đã dùng hình ảnh biểu tượng của con gà trống để cầu chúc mọi người: Văn – Võ – Dũng – Nhân - Tín

+ Văn (Chiếc mào đỏ): tượng trưng cho ý chí, cho văn hóa, văn minh.

+ Võ ( chiếc cựa ): phòng thân, bảo vệ mình khi thật cần thiết.

+ Dũng: chú gà trống sẵn sàng bảo vệ đàn của nó.

+ Nhân: mỗi lúc có thức ăn, con gà trống thường gọi các con khác đến cùng ăn ( chia sẻ cho nhau)

+ Tín: gà trống gáy đều và rất dúng giờ.

Cuối Thánh lễ, Ông Phê-rô Võ Thái Hoàng- Trưởng Ban Thường vụ, vinh dự Đại diện cộng đoàn, chúc Tết Cha Quản xứ, Thầy Tân Phó tế, quý Nữ Tu, ông bà cao niên và tất cả cộng đoàn, năm mới dồi dào ơn lành của Chúa.

Sau Thánh lễ, Cộng Đoàn quây quanh Đài Đức Mẹ, xin Mẹ cho mỗi người tín hữu, và cầu cùng Chúa cho đoàn con biết học theo gương Mẹ sống tâm tình xin vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Tiếp đó, các em thiếu nhi của Giáo xứ múa những vũ điệu sôi động đón Tết: “…Tết Tết Tết, Tết đến rồi……Tết đến trong tim mọi người….” “ …Mừng xuân, xuân mới, ta chúc….”thật vui và hấp dẫn khi các em thiếu nhi múa rượu xuân ( ly cầm trên tay múa có chứa rượu), vừa xong, các em cầm luôn ly rượu đó đến dâng cho quý Ông Bà cao niên và quý vị trong Hội đồng mục vụ.

Bầu khí Tết thật vui hơn, khi Cha Quản xứ phát tiền Lì-xì lộc xuân cho hầu hết người tham dự (xấp tiền khá dày của Cha Sở xem như không còn đồng nào).

Sau đó cộng đoàn cùng chung chia những ly rượu xuân và quà bánh Tết thật là vui ngay tại sân nhà xứ.

Tại gia đình các tín hữu, các nghi lễ theo truyền thống Dân tộc Việt Nam, được diễn ra trong tâm tình yêu thương, giáo dục con cháu luôn sống biết ơn Ông bà Cha mẹ, những Bậc sinh thành, dưỡng dục, biết tâm tình sống hiếu thảo đúng Đạo làm con.

Xin Chúa xuân ban muôn ơn trong tâm hồn và thể xác của mỗi người chúng con, để tâm hồn chúng con luôn được bình an hạnh phúc trong Chúa xuân muôn đời.

Toma Trương Văn Ân
 
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, OR tổ chức Lễ Giao Thừa và Mừng Xuân Mới Đinh Dậu
Lê Quang Uyên
21:36 28/01/2017
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, OR tổ chức Lễ Giao Thừa và Mừng Xuân Mới Đinh Dậu

Thứ Sáu ngày 27 tháng 1 năm 2017 tức ngày 30 tháng chạp Âm Lịch. Vào lúc 7:00 PM. Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon tổ chức Lễ Giao Thừa và Đón Mừng Năm Mới Đinh Dậu 2017 tại Thánh Đường Giáo Xứ.

Xem Hình

Như hằng năm, đến dự và chủ tế Thánh Lễ do Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Portland, OR Alexander K. Sample, cùng Đồng Tế có Đức Cha Phụ Tá Peter L. Smith, quý Cha Tổng Giáo Phận, quý Cha Phó Xứ và Hưu Dưỡng của Giáo xứ và quý Cha khách ở Tu Đoàn Giáo Sĩ Nhà Chúa, quý Thầy Sáu Vĩnh Viễn. Ngoài ra, tham dự Thánh Lễ còn có quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Gía Đà Lạt/Miền Portland, OR, Thủ Thiêm/ Beaverton cùng đông đảo giáo dân của giáo xứ tham dự.

Trước khi cử hành Thánh Lễ là tiết mục dâng hương để kính nhớ Tổ Tiên do Cha Chánh Xứ Đaminh Phạm Tĩnh, SDD và 2 Cha Phó Xứ Giuse Nguyễn Văn Minh, SDD, Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Vinh, SDD cử hành với sự hiện diện của Đức Tổng, Đức Cha Phú tá và quý Cha khách hợp cùng những hồi chiên trống vang lên trông rất lễ nghi dân tộc… Bàn thờ Tổ quốc được trang trí ngay ngắn giữa dưới chân Bàn Thánh thật trang nghiêm.

Trước Thánh Lễ Cha Chánh Xứ Đaminh Phạm Tĩnh đã ngỏ lời hân hoan chào đón Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá, quý Cha, quý Sơ và cộng đoàn dân Chúa của giáo xứ. Cha nhấn mạnh. Đây là ngày lễ hội truyền thống hằng năm của giáo xứ đối với tổ quốc dân tộc Việt “Tết Nguyên Đán” mà quý Đức Cha đã ưu ái dành tình cảm đặc biệt riêng đối với cộng đoàn giáo xứ để đến tham dự hằng năm, cũng như quý Cha khách, quý Tu Sĩ Nam Nữ và giáo dân đã không quản ngại thời gian để đến với giáo xứ. giáo xứ xin chân thành tri ân.

Trong bài chia sẻ ngắn gọn, Đức Tổng có lời chào giáo dân và gia đình cộng đoàn giáo xứ Đức Mẹ La Vang thân yêu, cũng như hằng năm vào dịp Tết dân tộc Việt, Ngài đều hân hạnh được về đây cùng chung vui với cộng đoàn giáo xứ. Đức Tổng có vẽ am tường nhiều về nền văn hoá Việt hơn, khi cách đây mấy năm lúc Ngài mới về nhận cai quản Giáo Phận lúc bấy giờ Ngài nói; cái gì Ngài cũng thấy bở ngở vì sự khác biệt của hai nền văn hóa Việt Mỹ. Ngài khuyên nhủ cộng đoàn hãy bỏ lại sau lưng những cái gì không tốt của năm củ để đón nhận hồng ân Chúa ban cho năm mới và sống biết phó thác vào tình yêu Thiên Chúa thì chúng ta sẽ được bình an và vui vẻ, trước khi chấm dứt bài chia sẻ Ngài cũng không quên nói lời“Happy New Year” đến cộng đoàn.

Kết thúc Thánh Lễ, Cha Chánh Xứ Đaminh Phạm Tĩnh, SDD đã ngỏ lời chúc Tết và cám ơn Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá, quý Cha khách, quý Thầy Sáu, quý Sơ của hai Hội Dòng Mến Thánh Gía Đà Lạt/Portland và Thủ Thiêm/Beaverton OR cũng như quý cộng đoàn giáo dân của giáo xứ, tiếp theo là mục không thể thiếu cho các cháu thiếu nhi “lì xì” do quý Đức Cha mừng tuổi các cháu, cũng như phân phát cho giáo dân “lộc Chúa” đầu năm, khác hơn mọi năm, năm nay giáo dân không tự bốc mà chỉ được nhận qua tay một Linh Mục hay một Tu Sĩ trao ban, một hình thức như rước lễ.

Cuối cùng là tiết mục Tiệc Mừng Tất Niên do giáo xứ khoản đãi với những món ăn thuần tuý ba ngày Xuân là bánh chưng dưa món, hiện diện trong buổi tiệc mừng có 2 Đức Cha, quý Cha nhà và Cha khách, quý Sơ và đông đảo giáo dân ở lại tham dự tại Hội Trường của giáo xứ, một tiết mục không thể thiếu mỗi đô Xuân về là “múa Lân” do đoàn múa Lân Việt Hồng trình diễn rất ngoạn mục cũng như chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn của giáo xứ, mọi người đều ở lại đến khi hết chương trình và ra về trong niềm vui, hân hoan và chúc nhau năm mời, sức khỏe, an khang thịnh vượng trong tình yêu Chúa Xuân năm Đinh Dậu./.

Lê Quang Uyên
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ Giao thừa Đinh Dậu 2017
Văn Minh
21:56 28/01/2017
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ Giao thừa Đinh Dậu 2017

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không, cùng muôn loài vạn vật. Đồng thời, chính Ngài đã ban cho giáo xứ cho gia đình và cho mỗi người chúng ta những ơn lành trong suốt một năm vừa cho qua.

Xem Hình

Đó là tâm tình chia sẻ của cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, trong Thánh lễ Giao thừa diễn ra lúc 21g00 ngày 27.01.2017. Thánh lễ trọng thể do cha xứ GioaKim Lê Hậu Hán – chủ tế. Tham dự trong Thánh lễ, có quý thầy ĐCV, quý soeur, là những người con của giáo xứ nhân dịp được nghỉ Tết về bên gia đình cùng đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ cùng hiệp dâng.

Trong phần giảng lễ, cha Gioakim chia sẻ cùng cộng đoàn: Trong giờ phút thiêng liêng sắp bước sang năm mới, chúng ta quy tụ về ngôi thánh đường thân thương này để cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không, cùng muôn loài vạn vật. Đồng thời, chính Ngài đã ban cho giáo xứ cho gia đình và cho mỗi người chúng ta những ơn lành trong suốt một năm vừa cho qua. Dẫu có gặp phải những khó khăn, thử thách trong cuộc đời, chúng ta hãy vững một lòng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và tạ ơn Ngài trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra, còn phải quan tâm giúp đỡ lần nhau như Lời Chúa đã truyền dạy“Phúc thay ai xót thương người, thì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7).

Thánh lễ được nói tiếp với lời nguyện tín hữu được vị đại diện giáo xứ cầu xin Thiên Chúa thương ban cho Giáo Hội luôn được bình an trong năm mới, và tinh thần hiệp nhất yêu thương.

Sau phần hiệp lễ, ông Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thơi - chủ tịch, thay mặt cộng đoàn giáo xứ lên ngỏ lời tạ ơn Chúa, cảm ơn cha xứ GioaKim, quý thầy, quý soeur, cùng mọi thành phần dân Chúa đã hiệp dâng Thánh lễ thật sốt sắng; và bó hoa tươi thắm gói ghém tâm tình của những người con được em Lễ sinh dâng lên vị mục tử trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Đáp lời, ngài cảm ơn quý chức HĐMV, đại diện các ban ngành cùng cộng đoàn giáo xứ đã đáp lại lời mời gọi của ngài trong thời gian qua. Nhân đây, ngài mong ước trong năm mới này, mỗi người tuy theo khả năng của mình chung tay góp sức cùng giáo xứ sớm có được một ngôi nhà để cho các em thiếu nhi có được nơi học giáo lý được tốt hơn.

Thánh lễ khép lại lúc 22g00. Trước khi ra về, cộng đoàn cùng nhau lên hái lộc xuân đầu năm. Trong đó, có câu Lời Chúa mang về để áp dụng vào đời sống cho mình và gia đình trong năm mới.
 
Thánh lễ Minh Niên 2017 tại Nhà thờ Chính tòa Banmêthuột
Vũ Đình Bình
22:09 28/01/2017
Thánh lễ Minh Niên 2017 tại Nhà thờ Chính tòa Banmêthuột

Sáng mùng một Tết Đinh Dậu, khi:

“Trí đương no và khí Xuân đương khỏe

Nhạc đương say và rượu hãy còn thơm” (Nguồn Thơm – Hàn Mặc Tử)

Tại nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột, Cộng đoàn Giáo xứ Thánh Tâm hân hoan tụ họp về trước Núi đá Đức Mẹ, hiệp dâng Thánh lễ Minh Niên tán tụng Thiên Chúa và cầu xin an bình cho quê hương, cho đất nước, cho mọi người, mọi nhà.

Xem Hình

Thánh lễ do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ tế, đồng tế với ngài có Cha quản xứ Giuse Trịnh Văn Hân, Cha Giám đốc TTMV GB. Nguyễn Huy Bắc, và ba linh mục là con của giáo xứ về thăm gia đình: cha Antôn Trần Mạnh Tiến, cha Giuse Phạm Văn Nam (SDB), cha Phanxicô Salêsio Lê Văn La Vinh (OP).

Tham dự Thánh lễ đầu xuân, có Quý Tu sĩ nam nữ, Quý Chức và hơn 3.000 tín hữu. Mặc dù lễ ngoài trời mà thời tiết năm nay khá lạnh nhưng nhiều cụ cao niên cũng sốt sắng hiện diện, nhiều gia đình trẻ đưa cả con nhỏ đến hiệp thông cầu nguyện trong ngày đầu năm mới.

Sau bài ca nhập lễ, Đức Cha Vinh Sơn mời gọi cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa tâm tình yêu mến biết ơn về những ân huệ trong năm qua. Tạ ơn Chúa cho chúng ta một năm mới, cho chúng ta được xum họp bên nhau. Xin cho Giáo phận được mọi sự an lành. Xin cho dân thánh Chúa biết sống hiệp nhất, sống thánh thiện trong tinh thần truyền giáo và chia sẻ.

Bài giảng lễ ngày đầu xuân Đinh Dậu, dựa vào lời của thánh Phaolô trong bài đọc II, Đức Cha Vinh Sơn mời gọi anh chị em hãy vui lên, vui trong niềm vui của Chúa. Niềm vui được bày tỏ qua cuộc sống hiền hòa rộng rãi với tất cả mọi người. Niềm vui của những người biết sống “thuận lòng Trời, hợp lòng người”.

Trong chương trình “Mục vụ Gia đình” trải dài 03 năm, năm nay Giáo Hội quan tâm đến việc “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”. Xin quý ông bà và anh chị em động viên con cái, cháu chắt, những người chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, biết quan tâm hơn đến chiều kích linh thánh trong đời sống hôn nhân, trong sự kết hợp hai tâm hồn nên một, biết xây dựng gia đình hạnh phúc theo ý Chúa muốn. Các bạn trẻ hãy chịu khó theo học các lớp giáo lý chuẩn bị cho các bạn bước vào đời sống mới một cách tốt đẹp.

Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những anh chị em đang gặp khó khăn trong công ăn việc làm, trong đời sống tình cảm gia đình, trong việc giáo dục con cái… để trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng biết đi theo Chúa Giê-su là Đường, là Ánh Sáng và là Sự Thật. Chỉ có hành động theo đức tin mới đem lại sự bình an đích thực cho chúng ta. (Mời nghe BÀI GIẢNG)

Trước khi kết lễ, ông Chủ tịnh HĐGX chúc tuổi Đức Giám Mục, Cha Quản xứ, Quý tu sĩ nam nữ, Quý cụ cao niên, Quý Hội đoàn và toàn thể cộng đoàn.

Sau Thánh lễ Đức Cha Vinh Sơn làm phép “Lộc Xuân” để phân phát cho mọi người biết sống Lời Chúa trong năm mới. Đức Cha được mời “Khai Lộc” và “Lộc Xuân” của ngài là: “Vì bạn có CHÚA làm nơi trú ẩn, có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân” (Tv 91, 9). Đức Cha rất vui khi nhận được câu này. Ngài nói: “Gia đình của tôi là Giáo phận Ban Mê Thuột, vì thế tôi rất yên tâm được sống trong lòng gia đình Giáo phận. Xin cho Giáo phận Ban Mê Thuột là một gia đình hạnh phúc, mọi thành phần trong Giáo phận biết sống Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến một cách mạnh mẽ và biết hiệp nhất thương yêu nhau”.

Mùa Xuân đã về trên quê hương, trên mọi nẻo đường, trên từng góc phố xua tan giá lạnh cuối đông. Mùa Xuân đã về mang sắc xuân huy hoàng, hương xuân thơm ngát, gió xuân ngọt lành. Mùa Xuân đã về ban tặng cho chúng ta sức sống mới cùng với muôn vàn ân thiêng.

Nguyện xin:

“Tứ thời Xuân! Tứ thời Xuân non nước

Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang

Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước

Như triều thiên vờn lượn khắp không gian” (Nguồn Thơm – Hàn Mặc Tử)

Xin Thiên Chúa là Chúa Mùa Xuân ban cho mọi người, mọi nhà ơn bình an, biết sống yêu thương, trên thuận dưới hòa và tràn đầy niềm vui linh thánh.

Vũ Đình Bình
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ông Gorbachev và Đồng Hồ Tận Thế
Vũ Văn An
19:17 28/01/2017
Mấy ngày nay, thiên hạ xôn xao hẳn lên vì chiếc Đồng Hồ Tận Thế (Doomsday Clock) của các nhà khoa học.

Thực vậy, mới đây, tạp chí Bulletin of Atomic Scientists vừa mới cập nhật chiếc Đồng Hồ Tận Thế từng khởi động từ lâu để nói rằng chúng ta chỉ còn 2 phút rưỡi nữa là đến nửa đêm, nghĩa là đến ngày tận số (apocalypse).

Có hẳn như thế không? Ai cũng biết Tạp Chí Bulletin đã giới thiệu chiếc Đồng Hồ Tận Thế này từ năm 1947 để đáp ứng sự đe doạ của chiến tranh hạch nhân mỗi ngày một gia tăng. Ngày nay, Ủy Ban Khoa Học và An Ninh của Tạp Chí này phối hợp các mức độ cái nhiên (probability) của chiến tranh hạch nhân, của các thảm họa an toàn sinh học (biosecurity), thay đổi khí hậu, và nhiều viễn ảnh tận thế khác, để chỉnh đồng hồ gần hơn hay xa hơn đêm tận số. Chiếc đồng hồ càng chỉ gần nửa đêm, ta càng gần ngày tận thế.

Thành thử đây không hẳn là một dự phóng theo nghĩa đen về ngày chung cục, mà đúng hơn là một ước lượng có tính ý niệm để nhắc nhở thế giới các vấn đề vĩ mô mà thế giới chúng ta nên dành giờ và cố gắng giải quyết.

Năm nay là năm thứ 70 của chiếc đồng hồ này và sự việc rõ ràng đang ở những giây phút đen tối nhất của chúng trong khoảng 20 năm nay. Năm 1991, chúng ta có thời gian xa nhất nửa đêm, tức 17 phút. Trước đó, năm 1953, giữa thời có những cuộc thử nghiệm vũ khí hạch nhân trong Chiến Tranh Lạnh, chúng ta chỉ còn 2 phút là tới nửa đêm tận số.

Năm ngoái, vẫn còn chẵn 3 phút mới tới nửa đêm, do đâu năm nay chỉ còn 2 phút rưỡi, gần hơn 30 giây? Do sự kiện chúng ta đang đương đầu với nhiều vấn đề nan giải và các nhà khoa học không tin rằng Donald Trump có khả năng giải quyết.

Trong một bản tuyên bố, Ủy Ban cho rằng: “Quyết định của Ủy Ban nhích đồng hồ lên non một phút, một điều nó chưa bao giờ làm trước đây, phản ảnh sự kiện đơn giản này: khi bản tuyên bố này được công bố, thì Donald Trump mới chỉ làm Tổng Thống Hoa Kỳ được mấy ngày. Tuy nhiên, dù ông ta mới nhậm chức, các tuyên bố vô độ của ông, việc ông thiếu cởi mở đối với ý kiến chuyên môn, và việc bổ nhiệm các bộ trưởng có vấn đề đã làm cho tình hình an ninh quốc tế vốn tệ trở nên tệ hơn”.

Ông Gorbachev

Nhà lãnh tụ của Nga Sô trong những giờ phút cuối cùng của nó tưởng đã im hơi từ lâu, không ngờ ông lại tái xuất giang hồ trong một bài báo viết cho tạp chí Time. Bài báo được viết một ngày sau khi các nhà khoa học của tờ Bulletin nhích Đồng Hồ Tận Thế gần lại nửa đêm tận số hơn.

Ông Mikhail Gorbachev cảnh cáo rằng một cuộc chạy đua vũ khí mới có nghĩa “sự đe dọa hạch nhân một lần nữa xem ra có thực chất” vì “xem ra thế giới đang chuẩn bị chiến tranh”.

Nhà lãnh đạo của cựu Nga Sô kêu gọi Ông Donald Trump và ông Vladimir Putin làm việc với nhau để đưa ra các biện pháp nhằm giảm bớt kho hạch nhân của thế giới. Ông viết: “Các chính khách và các nhà lãnh đạo quân sự càng ngày càng ăn nói hiếu chiến hơn và các lý thuyết quốc phòng càng ngày càng nguy hiểm hơn. Các nhà bình luận và các nhân vật Truyền Hình đang tham gia ban hợp xướng hiếu chiến. Tất cả như thể thế giới đang chuẩn bị chiến tranh”.

Ông Gorbachev cho rằng: các tổng thống Mỹ và Nga nên vận động để có được một nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chống lại bất cứ cuộc tranh chấp hạch nhân nào. “Tôi nghĩ sáng kiến chấp nhận một nghị quyết như thế nên phát xuất từ Donald Trump và Vladimir Putin, hai tổng thống của hai quốc gia hiện nắm giữ trên 90% kho hạch nhân của thế giới và do đó mang một trách nhiệm đặc biệt”.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, Ông Trump nói rằng ông sẵn sàng ủng hộ các nước như Nhật và Saudi Arabia phát triển vũ khí hạch nhân.

Tháng Mười Hai vừa qua, ông “hót” như sau: “Hiệp Chúng Quốc phải tăng cường và mở rộng rất nhiều khả năng hạch nhân của mình cho đến lúc thế giới thức tỉnh đối với vũ khí hạch nhân”.

Trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC cùng ngày, ông nói: “Hãy để một cuộc chạy đua vũ khí diễn ra. Chúng ta sẽ vượt xa họ và sẽ tồn tại lâu hơn tất cả bọn họ”.

Cho rằng mình từng cố gắng phi hạch nhân hóa vào những ngày sau cùng của Chiến Tranh Lạnh vào thập niên1980, Ông Gorbachev đưa ra lời cảnh cáo về một thế giới trong đó, các vũ khí giết người hàng loạt trở nên rẻ hơn và sẵn có hơn.

Ông viết: “Người ta kiếm tiền dễ dàng để mua các vũ khí tối tân có sức tàn phá giống như sức tàn phá của các vũ khí giết người hàng loạt; để mua những tầu ngầm mà chỉ một lần nhả đạn cũng có thể làm tan hoang cả một nửa châu lục; để mua các hệ thống hoả tiễn bảo vệ quốc phòng có sức tiêu diệt khả năng chiến lược”.

Ông cho rằng trong nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà ông nhắc đến ở đây nên nói rõ: “Chiến tranh hạch nhân là điều không thể chấp nhận được và không bao giờ được tuyên chiến”.

Như trên đã nói, lời cảnh báo của Ông Gorbachev được đưa ra một ngày sau khi các nhà khoa học của tạp chí Bulletin quyết định nhích Đồng Hồ Tận Thế lên non một phú về phía nửa đêm. Các nhà khoa học này cho rằng rất có thể có cuộc trả đũa hạch nhân bất ngờ, không được phép hoặc bất cẩn giữa Hiệp Chúng Quốc và Nga”. Họ cho rằng hai nước này hiện có 800 đầu đạn hạch nhân sẵn sàng để phóng.

Vào hôm thứ Tư vừa qua, Ông Trump thừa nhận: tiếp nhận mã số hạch nhân quả là một “giây phút làm ta tỉnh hẳn người ra” cũng như “rất, rất, rất kinh hãi”.
 
Văn Hóa
Ước mơ bước vào năm mới
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:25 28/01/2017
Ước mơ bước vào năm mới

Bước sang năm mới con người ai nấy vui mừng đón Tết mới, đón mùa Xuân mới. Con đường đời sống tiếp tục như dòng sông chảy tiến vào không gian cùng thời gian năm mới. Nhưng có lẽ nhiều người tự hỏi chúng ta cần gì cho tương lai năm mới nhằm giúp đời sống phát triển vươn lên tốt đẹp?

Mỗi người có câu trả lời riêng cho mình, tùy theo suy nghĩ mong muốn của mình.

Và có lẽ cũng không ít người có câu trả lời: Cần ước mơ dự phóng cho những chương trình hoạch định, cho đích điểm muốn đạt tới!

Như vậy có thể hiểu ước mơ dự phóng là tầm nhìn hướng về phía trước, vẽ phác họa ra điều mong muốn đạt tới trong tương lai.

Đây là điều tốt cùng cần thiết cho đời sống được phát triển vươn lên. Ước mơ dự phóng là kết qủa của những suy nghĩ sâu thẳm tận trong tâm hồn nơi con người, cùng ẩn hiện nguồn sức năng động mới, và khơi lên niềm phấn khởi hướng lên cao.

Và như vậy có thể nói được, sức mạnh đối nghịch lại với ước mơ dự phóng là nản chí buông xuôi đầu hàng.

Mục sư Martin Luther King, người có ước mơ dự phóng to lớn qua bài diễn văn thần thoại I have a Dream, đã có suy nghĩ: „ Người nào có đảm lựơc dám mơ ước, người đó có đủ sức mạnh chiến đấu.“

Ngày xưa Christoph Columbus đã có dự phóng, bên kia „Terra finistra“, tận cùng biên giới thế giới vùng bờ biển Tây ban Nha, còn có thể khám phá ra vùng đất nước mới nữa. Và kết qủa Ông đã tìm khám phá ra châu lục Mỹ châu Latinh. Không phải chỉ thực tế, nhưng những hình ảnh dự phóng trong thâm tâm đã thúc đẩy Columbus và con người tiến bước đi xa về phía đàng trước.

Văn hào Antoine de Saint - Exupery có suy tư:“ Khi bạn dự định đóng một con tầu, không phải chỉ thử đi thu tập người làm, cùng sắm gỗ, vật liệu cần thiết, đinh, búa. Nhưng Bạn phải nghĩ đến việc khơi lên nơi trái tim tâm hồn con người muốn ra khơi vượt đại dương.“.

Và luôn hằng có những người đạt được thành công to lớn trong đời sống , vì họ đã có những mơ ước dự phóng như đà thúc đẩy ý chí can đảm dám xông pha vượt khó khăn gian khổ.

Trong tâm hồn chúng ta có những ước mơ tốt đẹp cho đời sống mình qua các giai đoạn quãng đường đời sống, cho dù có khi không đạt được như ý mong muốn trông chờ. Nhưng bao lâu còn ước mơ được là nói lên đời sống còn khoẻ mạnh, còn có khả năng sức lực tinh thần hăng hái muốn vươn lên.

Trong tâm trí suy nghĩ chúng ta còn có những ước mơ về một nếp sống đạo đức tinh thần, về công bình bác ái, về tình liên đới giữa con người với nhau, về lòng biết ơn yêu mến quê hương dân tộc, lòng hiếu thảo với tổ tiên. Cung cách nếp sống như thế lành mạnh giúp cho tinh thần có sức lực can đảm chống trả lại những cám dỗ sự xấu sự dữ.

Khi nghĩ đến những hy sinh cố gắng trong đời sống đức tin của mọi người, Thánh Giaon Tông Đồ đã viết nhắn nhủ lại: „Anh em phải có dự phóng canh chừng đừng để đánh mất những gì anh em đã làm được, nhưng để lãnh đầy đủ phần thưởng.“ ( 2. Ga 8)

Theo tập tục nếp sống văn hóa Á Đông xã hội Việt Nam, năm mới Đinh Dậu, vào ngày 28. 01.2017, tiến vào không gian trời đất kết tạo nên thời gian mùa Xuân năm mới theo cách tính Âm Lịch của chúng ta.

Năm mới có tên Đinh Dậu thêo ngôn ngữ văn chương. Còn theo ngôn ngữ thông thường trong đời sống là năm con Gà.

Gà là thú động vật nuôi trong nhà. Gà cung cấp trứng và thịt dùng làm thức ăn thực phẩm cho đời sống con người.

Gà mái ngoài khả năng đẻ trứng, còn là người mẹ chăn nuôi đàn con rất chu đáo cho tới khi con khôn lớn. Gà mẹ đi trước bới giãi tìm mồi thức ăn cho gà con, đàn gà con đi theo sau hay chui vào trốn ẩn dưới cánh của gà mẹ khi gặp nguy hiểm đe dọa… là hình thơ mộng chan chứa tình yêu thương của người mẹ với con mình.

Và Chúa Giêsu cũng đã dùng hình ảnh gà mẹ ấp ủ bảo vệ đàn con, khi nói về lòng yêu thương của Chúa với Giêrusalem. ( Mattheo 23,37)

Chú Gà trống với vóc dáng cao lớn mầu tóc đỏ chói chang hùng dũng hiếu chiến luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và cất tiếng gáy vang trời báo hiệu giờ giấc đánh thức cho con người.

Đây cũng là hình ảnh Chúa Giêsu đã dùng trong rao giảng: „ Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nhà chủ nhà đến, lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.“ ( Marco 13, 35).

Và Chúa Giêu cũng dùng tiếng gà gáy như lời tiên báo về sự thử thách lòng trung thành của Ông Thánh Phero. ( Marco 14,30) . Qủa thật, tiếng gà gáy đã thức tỉnh Ông Phero ăn năn hối lỗi vì đã chối Thầy mình. ( Marco 14,72).

Đón mừng mùa Xuân mới , mừng Tết Nguyên Đán năm Đinh Dậu, chúng ta cùng cầu chúc cho nhau trong năm mới luôn nuôi ước mơ dự phóng vươn lên cho đời sống hôm nay và ngày mai.

Chúc mừng Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 24-30/01/2017: Chúc mừng Năm Mới Đinh Dậu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:34 28/01/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết âm lịch tới các gia đình miền Viễn Đông

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 22 tháng Giêng tại quảng trường thánh Phêrô, sau khi quảng diễn sứ điệp Tin Mừng, Đức Thánh Cha gửi lời chúc mừng Năm Mới đến các gia đình đang chuẩn bị đón Tết âm lịch. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Tại miền Viễn Đông và nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu người đang chuẩn bị mừng Năm Mới âm lịch. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến mọi gia đình, với hy vọng rằng mỗi gia đình ngày càng trở nên mái trường mà nơi đó mọi người học cách tôn trọng nhau, học cách tương quan và quan tâm chăm sóc nhau một cách vô vị lợi. Cầu chúc niềm vui của tình yêu mến chan hòa trong mỗi gia đình và tỏa lan ra toàn xã hội.

2. Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia đả kích đường lối mị dân

Trong một cuộc họp gần đây với các nhà báo, Đức Hồng Y Angelo Bagnasco của Genoa nói rằng đường lối mị dân không phải là câu trả lời cho những vấn đề Châu Âu đang phải đối mặt.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Ý và cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Âu.

Trước làn sóng nhập cư ồ ạt chưa từng có, nhiều người châu Âu ngày nay đang sống chung với nỗi sợ hãi và những cảm giác khó chịu, trong khi lo lắng về việc mất đi bản sắc dân tộc của mình. Nhiều đảng phái chính trị mới đang mọc nên như nấm, khai thác triệt để tâm lý bất mãn của dân chúng và đưa ra các chiêu bài mị dân.

Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, đường lối mị dân “không phải là câu trả lời cho các vấn đề và các thách đố trong thời đại chúng ta. Nó lợi dụng và nuôi dưỡng sự bất mãn, nhưng không thể kiểm soát được sự bất mãn. Thay vào đó, chúng ta cần một phân tích tổng hợp mới, một tầm nhìn toàn cầu để nhìn về tương lai với niềm hy vọng”.

3. Các Giám Mục Pháp và Đức ra tuyên bố chung về vấn đề trẻ em di cư

Suy tư về thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn, Hội đồng giám mục Pháp và Đức vừa công bố một tuyên bố chung về hoàn cảnh của trẻ em di cư ở châu Âu.

Số lượng trẻ em di cư đã tăng từ 23,000 vào năm 2014 lên đến gần 100,000 trong năm 2015 và con số này còn cao hơn nữa trong năm 2016 vừa kết thúc. Do đó, các giám mục nói rằng “trong tư cách là các Kitô hữu, chúng ta không thể tỉnh bơ không quan tâm đến thực tế này.”

Các giám mục kêu gọi các Kitô hữu cầu nguyện và ủng hộ cho các trẻ em di cư và yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị làm mọi cách để đảm bảo rằng các trẻ em di cư có thể sống một cuộc sống đúng phẩm giá con người.

4. Các Giám Mục Hoa Kỳ hoan nghênh tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ

Đức Hồng Y Joseph Tobin Newark và Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia đã ra một tuyên bố chung chào đón sự ra đời của các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục, với chủ đề là “Thanh Niên, Đức Tin, và Việc Phân Định Ơn Gọi” sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 10 năm 2018

Trong cơ cấu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Joseph Tobin Newark là chủ tịch Ủy ban Giáo Sĩ, Đời Sống Tận Hiến và Ơn Gọi, trong khi Đức Tổng Giám Mục Chaput là chủ tịch Ủy ban về Giáo Dân, hôn nhân, cuộc sống gia đình và thanh niên.

Đề cập đến tài liệu này như một “la bàn”, các giám mục đã cầu nguyện để tài liệu này có thể “hướng dẫn các bước của chúng tôi khi chúng tôi đồng hành cùng với những người trẻ trong việc chuẩn bị cho cuộc đối thoại toàn cầu này. Chúng tôi cũng cầu nguyện để các thanh thiếu niên và người trẻ trưởng thành trên khắp Hoa Kỳ, và các vị mục tử cho họ và với họ, sẽ giúp chúng tôi hoàn toàn hiểu sâu hơn những kinh nghiệm của người trẻ trong Giáo Hội và trong đất nước của chúng ta”

Các ngài nói thêm, “Cầu xin cho mọi người trẻ quảng đại đáp lại ơn gọi và sứ vụ của Chúa Giêsu, là Đấng kêu gọi chúng ta vác thập giá hàng ngày, và theo Ngài bất cứ nơi nào Ngài mời gọi họ”.

5. Giám Mục Ái Nhĩ Lan kêu gọi chào đón di dân

Đức Cha John McAreavey là Giám Mục giáo phận Dromore, và cũng là chủ tịch ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan, đã lên tiếng kêu gọi người dân Ái Nhĩ Lan chào đón những người nhập cư và tị nạn, là những người đang tuôn đến với Ái Nhĩ Lan đông đảo “chưa từng trong lịch sử của chúng ta.”

Trong một tuyên bố đưa ra trong tuần qua, Đức Cha John McAreavey viết:

“Đã có rất nhiều thay đổi trong xã hội Ái Nhĩ Lan nhưng nghĩa vụ phải yêu người thân cận của chúng ta bất kể người ấy là ai vẫn không thay đổi”

Đức Cha McAreavey nhận xét rằng tình trạng nhiều người phải di cư hiện nay là do “mô hình kinh tế toàn cầu đang thịnh hành trên thế giới”

“Nếu người ta không thể kiếm đủ tiền để sống một cuộc sống tươm tất nơi đất nước của họ thì điều không thể tránh khỏi là nhiều người sẽ cố gắng di chuyển đến những nơi mà ngay cả những công ăn việc làm với mức lương thấp nhất cũng đem lại nhiều hy vọng hơn là tại quê hương của họ.”

Đức Cha McAreavey cũng khích lệ người Ái Nhĩ Lan mua hàng hóa của các nước nghèo để dân chúng ở các nước ấy đủ sống và như thế họ không cần phải bỏ quê hương bản quán của mình. Ngài viết:

“Khi chúng ta đi ra ngoài để mua sắm hoặc muốn mua hàng trực tuyến trên mạng, chúng ta nên chọn mua hàng hóa sao cho có thể đem lại những nguồn lợi cho người dân và các quốc gia sản xuất ra các hàng hóa ấy.”

6. Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm tài trợ phá thai tại hải ngoại

Một trong những sắc lệnh đầu tiên được tổng thống Donald Trump ban hành là sắc lệnh cấm sử dụng quỹ liên bang để thúc đẩy việc phá thai ở nước ngoài.

Sắc lệnh này thiết định lại chính sách “Mexico City” đã được đưa ra lần đầu tiên bởi Tổng thống Reagan, nhằm ngăn chặn việc lấy tiền thuế dân để tài trợ cho các tổ chức phá thai. Chính sách này đã bị hủy bỏ bởi Tổng thống Clinton, rồi lại được phục hồi bởi Tổng thống Bush. Theo gương Clinton, Obama lại một lần nữa hủy bỏ chính sách này khi lên nắm quyền và tích cực vung tiền cho các tổ chức phò phá thai.

Trong hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, các nghị phụ ở Phi Châu than thở rằng nhiều cơ quan cấp viện Hoa Kỳ và phương Tây bắt buộc chính phủ các nước nhận viện trợ tại Phi Châu phải thi hành một chế độ triệt sản và phá thai rất tàn bạo như một điều kiện để được cấp viện.

Hành động của tổng thống Trump đáp ứng một lời hứa với những người phò sinh trong chiến dịch tranh cử.

Giới phò sinh tại Hoa Kỳ hy vọng trong nay mai tân tổng thống cũng sẽ thực hiện một cam kết khác là cắt đứt mọi tài trợ liên bang cho tổ chức Planned Parenthood.

7. Tòa Thánh và Israel tái đối thoại

Sau nhiều tháng tạm ngưng hoạt động, Ủy ban làm việc song phương thường trực giữa Tòa Thánh và Israel đã nhóm khóa họp toàn thể hôm 18 tháng Giêng tại Jerusalem.

Thông cáo chung công bố cùng ngày cho biết mục đích khóa họp là để tiếp tục thương thuyết dựa trên điều 10 triệt 2 trong hiệp định cơ bản ký kết cách đây 24 năm (1993) giữa Tòa Thánh và Israel.

Hai vị đồng chủ tịch khóa họp là Ông Tzachi Hanegbi, Bộ trưởng cộng tác miền của Israel và Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh. Phái đoàn Tòa Thánh có 11 người, trong đó có 3 Giám Mục, phái đoàn Israel có 12 người.

Ủy ban đón nhận những tiến bộ đã đạt được cho đến nay và hài lòng vì những cuộc thương thuyết diễn ra trong bầu không khí suy tư và xây dựng. Ngoài ra, Ủy ban cũng nhìn nhận công việc của Bộ tư pháp Israel liên quan đến việc áp dụng hiệp định song phương năm 1997 về tư cách pháp nhân. Hai bên đã thỏa thuận với nhau về những bước tương lai, để chuẩn bị cho khóa họp toàn thể của Ủy ban, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới đây tại Vatican.

Sau cuộc họp của Ủy ban song phương, Tòa Thánh và Israel đã có một cuộc họp tham khảo ý kiến hai bên tại Bộ ngoại giao Israel, và đã thảo luận về những vấn đề chung và tìm hiểu về những cơ hội cộng tác với nhau.

8. Đức Thánh Cha kêu gọi chống buôn lậu di dân và buôn người

Đức Thánh Cha kêu gọi các giới chức an ninh Italia chống nạn buôn người và nạn buôn lậu người di dân.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 23 tháng Giêng dành cơ quan lãnh đạo toàn quốc Italia chống nạn mafia và chống khủng bố.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi công việc quan trọng của cơ quan này và nói rằng: “Xã hội cần được chữa trị khỏi nạn tham nhũng, tống tiền, buôn bán ma túy và võ khí bất hợp pháp, cũng như khỏi nạn buôn người, trong đó có các trẻ em bị biến thành nô lệ. Đó thực là những tai ương xã hội, đồng thời cũng là những thách đố hoàn cầu mà cộng đồng quốc tế được kêu gọi quyết liệt đương đầu”.

“Tôi khuyên anh chị em đặc biệt dành mọi nỗ lực để chống lại nạn buôn người và buôn lậu di dân: đây là những tội ác rất trầm trọng đánh vào những người yếu thế nhất trong những người yếu. Về vấn đề này, cần gia tăng hoạt động bảo vệ các nạn nhân, dự trù trợ giúp pháp luật và xã hội cho các anh chị em chúng ta đang tìm kiến an bình và tương lai. Bao nhiều người rời bỏ quê hương để trốn chạy chiến tranh, bạo lực và bách hại, họ có quyền tìm được một sự tiếp đón thích hợp và một sự bảo vệ thích đáng nơi những quốc gia tự định nghĩa là văn minh”.

Đức Thánh Cha không quên đề cao vai trò quan trọng của việc giáo dục các thế hệ trẻ trong nỗ lực chống lại nạn mafia. Để đạt tới mục tiêu này, các tổ chức giáo dục khác nhau, trong đó có các gia đình, học đường, các cộng đoàn Kitô, các tổ chức thể thao và văn hóa, được kêu gọi giúp dân chúng và con người ý thức về luân lý đạo đức và luật pháp, nhắm đến những mẫu gương cuộc sống lương thiện, an bình, liên đới, dần dần giúp chiến thắng sự ác và dọn đường cho sự thiện”.