Ngày 10-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con rất yêu dấu
Lm. Minh Anh
01:06 10/01/2021
CON RẤT YÊU DẤU
“Con là Con rất yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Giêsu là ai? Chúng ta là ai? Trả lời hai câu hỏi này, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay. Và đây là câu trả lời, Chúa Giêsu là ‘Con rất yêu dấu’ của Chúa Cha; và cả chúng ta, chúng ta cũng là ‘con rất yêu dấu’ của Người.

Theo quan điểm Thánh Kinh, sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa là thời điểm chuyển tiếp từ cuộc sống ẩn dật ở Nazareth sang việc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai. Một câu hỏi khác đơn giản nhưng thú vị hơn, vậy tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa? Vì rằng, phép rửa của Gioan được gọi là phép rửa thống hối, một hành động mà qua đó, Gioan mời gọi những người đến với ông từ bỏ tội lỗi và quay về với Thiên Chúa; Chúa Giêsu thì vô tội, vậy tại sao Ngài chịu phép rửa?

Trước hết, Tin Mừng hôm nay cho biết ‘chính danh’ của Chúa Giêsu được thể hiện qua việc Ngài chịu phép rửa của Gioan; qua đó, Chúa Cha từ trời xác nhận Ngài, “Con là Con rất yêu dấu của Cha”; và này, Chúa Thánh Linh cũng ngự xuống trên Ngài dưới hình một chim câu. Do đó, phép rửa của Chúa Giêsu, một phần, là lời tuyên bố công khai của Chúa Cha về Ngài là ai; là ‘Con Thiên Chúa, một Ngôi Vị thần linh, nên một với Cha và Thánh Thần’. Lời chứng công khai này là một ‘sự hiển linh’, một mặc khải về thần tính đích thực của Chúa Giêsu.

Thứ đến, qua phép rửa của Gioan, sự khiêm nhường đáng kinh ngạc của Chúa Giêsu được thể hiện. Dẫu là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Giêsu cho phép chính Ngài trở nên đồng nhất với tội nhân; bằng việc hạ mình ngang hàng với tội nhân, Ngài muốn liên kết với chúng ta, những tội nhân; Ngài đi vào tội lỗi, đi vào sự chết của chúng ta. Bằng cách dìm mình trong nước, cách tượng trưng, Ngài đi vào sự chết, hậu quả của tội lỗi; sau đó, chiến thắng bước lên khỏi nước, để cho phép chúng ta cùng Ngài sống lại một đời sống mới. Vì lý do này, qua phép rửa Ngài chịu, Chúa Giêsu đã thánh hoá nước; có thể nói, Ngài ‘rửa cho nước’, để bản thân nước, kể từ đó, có được sự hiện diện thiêng liêng của Ngài, hầu thông truyền cho tất cả những ai chịu phép rửa nhân danh Ngài, nhân danh Ba Ngôi. Do đó, qua phép rửa tái sinh, nhân loại tội lỗi ngày nay có thể gặp gỡ và thông phần thực sự vào sự sống thần linh của chính Thiên Chúa.

Cuối cùng, khi chúng ta tham dự phép rửa mới này, chúng ta thấy phép rửa của Chúa Giêsu là một mặc khải về một ‘con người mới’ mà trong Ngài, chúng ta trở thành; nói cách khác, chúng ta là ai trong Ngài, chúng ta là ‘con của Cha trên trời’. Như Chúa Cha tuyên bố Chúa Giêsu là Con yêu dấu, và như Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Ngài, thì trong bí tích Rửa tội, chúng ta cũng trở thành ‘con rất yêu dấu’ của Chúa Cha và cũng được đầy tràn Thánh Thần.

Chuyện kể về một con thiên nga xinh đẹp lạc mẹ từ hồi còn bé sống giữa đàn sếu xám; suốt ngày, nó cùng đàn sếu đi bắt ốc giữa đầm lầy và cứ tưởng mình là sếu. Sau bao năm rong ruổi tìm con, ngày kia, thiên nga cha vui mừng phát hiện con mình và nó quyết định cứu con. Nhưng bao lần tiếp cận, nó vẫn bất lực vì mỗi lần thấy thiên nga, đàn sếu đều vụt bay. Thiên nga cha đi đến một quyết định là tắm mình dưới bùn để có một bộ lông xám như sếu; nó dò dẫm, lân la nhiều ngày. Cho đến một ngày kia, nó đến được với thiên nga con… và thoắt một cái, quắp con ‘sếu nhỏ’ bay đi. Cả đàn sếu ngẩn ngơ. Thiên nga cha đem ‘sếu con’ đến một dòng suối, nó tắm mình trong nước để hiện nguyên hình xinh đẹp, nó tắm cả ‘sếu con’. Nó nói với ‘sếu con’, “Con là một thiên nga, con không phải là sếu; hãy nhìn xem, con thật xinh đẹp như cha”; thiên nga con mếu máo, “Con sẽ ăn gì, có ốc cho con không?”. Thiên nga cha đáp, “Con rất yêu dấu’ của cha, con sẽ bơi lội trong hồ hoàng cung của đức vua, con sẽ có tất cả… mà không phải là ốc!”.

Anh Chị em,

Để cứu chúng ta, Con Thiên Chúa cũng tự mình nên lem luốc như con thiên nga kia. Nhờ phép rửa tội, chúng ta được Mẹ Giáo Hội quắp vào giòng nước, nơi đó, chúng ta được chỉ cho thấy sự xinh đẹp, được tẩy sạch những tanh tưởi của đầm lầy, được phục hồi phẩm giá bị lem luốc bởi Adam và được ban Thánh Thần. Chúa đã lội xuống nước, để từ nay con người không còn lạc lối khỏi địa đàng, nhưng được vào trời, đền Vua, với lời gọi của Cha, “Con là con rất yêu dấu”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã khiêm tốn chịu phép rửa để thánh hoá mọi nguồn nước. Xin cho con biết mở lòng đón nhận ân sủng khôn lường của bí tích Rửa tội để có thể sống như ‘con rất yêu dấu’ của Cha và được đầy Thánh Thần, hầu thi hành sứ vụ của Cha trong đấng bậc mình”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Hai 11/1: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
03:09 10/01/2021


PHÚC ÂM: Mc 1, 14-20

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 10/01/2021

17. Con hy vọng không bị Thiên Chúa trừng phạt? Vậy thì con tự phạt mình đi.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:30 10/01/2021
32. COI KỊCH CÓ CẢM GIÁC

Trương Tam Nhai dạy học ở Chi Giang, một hôm cùng đi coi kịch “Tô Thái”, khi đến hồi chính là Tô Thái được làm tướng quốc sáu nước và trở về vinh quang, anh hai của ông ta rất ngưỡng mộ, vội vàng sắp xếp rất nhiều sách, nói:

- “Tôi phải đi học để tương lai cũng có đường công danh”.

Trương Tam Nhai coi đến đoạn này thì nói:

- “Chúng ta cũng nên chuẩn bị vài cái bao !”

Các bạn đồng hành ngạc nhiên hỏi tại sao, Trương Tam Thai nói:

- “Anh của Tô Thái đi học, mà chúng ta làm thầy giáo đều có hưởng một phần lễ vật kính trọng thầy giáo của ông ta chứ !”

(Tuyết Đào Hìa Sử)

Suy tư 32:

Người xưa coi kịch mà có cảm giác như chuyện mới xảy ra ngày hôm nay, nên cứ tưởng là mình sẽ được hưởng nhờ những lễ vật bái sư nơi người anh trai của Tô Thái thời xa xưa, đúng là bệnh nghề nghiệp.

Vở kịch rất bi thảm, rất sống động rất thật mà hiệu quả và rất ứng dụng mọi người Ki-tô hữu qua các thời đại, đó chính là sự chết của Đức Chúa Giê-su trên thập tự giá, chuyện có thật 100% này xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm trên đồi Golgotha ngoài thành Giê-ru-sa-lem, nhưng hiệu quả ơn cứu độ cho hết mọi thời đại từ nguyên tổ A-dong đến tận thế và viên mãn trong Nước Trời...

Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ điều ấy và có lúc lấy làm tiếc cho những người không tin vào Đức Chúa Giê-su...

Thế nhưng, cũng có rất nhiều người Ki-tô hữu chỉ tin có Đức Chúa Giê-su trong lịch sử loài người, nhưng lại rất thờ ơ với ơn cứu chuộc của Ngài được thể hiện trong thánh lễ trên bàn thờ và trong các bí tích, do đó mà họ không thể đem đức tin của mình ra để làm chứng cho tình yêu cứu độ ấy.

Chuyện ngày xưa của thế gian không thể làm sống trong hiện tại, nhưng việc làm hy tế của Đức Chúa Giê-su ngày xưa trên Thánh Giá vẫn cứ sống động trong hiện tại trong thánh lễ mọi ngày trên bàn thờ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Podcast Công Giáo Kinh Thánh Trong Một Năm đứng đầu bảng các podcasts, kể cả các podcasts thế tục nổi tiếng nhất
Vũ Văn An
00:57 10/01/2021

Theo tin của CNA ngày 8 tháng 1 năm 2021, một podcast Công Giáo trình chiếu chương trình trong đó một linh mục đọc và phân tích Kinh thánh đã đứng đầu bảng xếp hạng của Apple Podcast kể từ ngày 2 tháng 1, hơn cả các podcasts thế tục do các tổ chức như The New York Times, NBC News và NPR sản xuất.



“Kinh thánh Trong Một năm (Với cha Mike Schmitz)”, được sản xuất bởi Ascension Catholic Faith Formation, một phần của Ascension Press, có các tập chứa từ hai đến ba bài đọc Kinh thánh, một bài suy niệm về những bài đọc đó của cha Mike Schmitz, và một lời cầu nguyện. Mỗi tập dài khoảng 15 đến 25 phút và một tập mới sẽ được phát hành mỗi ngày trong năm 2021.

Thay vì đọc Kinh thánh từ đầu đến cuối, podcast này theo phương thức “Dòng thời gian các cuộc phiêu lưu vĩ đại trong Kinh thánh”, được khai triển bởi Jeff Cavins. Cha Schmitz, một linh mục của Giáo phận Duluth, nói với CNA rằng phương thức này, xoay quanh “14 sách trình thuật chủ chốt” xen kẽ với các sách không có tính trình thuật khác, giúp duy trì cấu trúc kể chuyện của lịch sử cứu độ.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 7 tháng 1, Cha Schmitz nói với CNA rằng “rất nhiều lần, điều khiến mọi người chệch hướng khi họ đang đọc câu chuyện Sáng thế, Xuất hành và Dân số, rồi đột nhiên đọc sách Lêvi, nên họ bảo: “ủa, sao tôi lạc mất câu chuyện rồi”.
Ngài nói thêm, “Vì vậy, điều chúng tôi làm là xây dựng những cuốn sách khác đó, tức những cuốn sách không có tính trình thuật, xoay quanh câu chuyện trình thuật hoặc về chính sách trình thuật. Và, nhờ thế, một trong những điều đang làm là giữ cho mọi người được tiếp nối với câu truyện khiến họ có thể nói, 'Ồ, phải vậy chứ, điều này có nghĩa: vì bạn đang ở đây trong hoang địa, và đó là lý do tại sao ta lại đọc sách Lêvi, bởi vì sách này được Thiên Chúa cần đến để ban cho dân Người lề luật liên quan đến nhà tạm'".

Phương thức “dòng thời gian” cũng có nghĩa: người nghe sẽ không cần phải đợi đến cuối năm mới nghe về Chúa Kitô.

Cha Schmitz giải thích: “Nếu ta (đọc Kinh thánh) xuốt dọc như vậy, chúng ta sẽ chỉ đến được Tân Ước khi tới tháng 11. Đại khái như thế. Điều đó không tốt. Chúng ta không thể sống suốt 10 tháng mà không nói gì về Chúa Giêsu một cách minh nhiên".

Để giúp khắc phục điều trên, Cha Schmitz cho biết sẽ có bốn "trạm kiểm soát về đấng thiên sai" sẽ dẫn nhập người nghe tới Chúa Kitô. Điều đầu tiên trong số này sẽ diễn ra “ngay vào khoảng ngày 90” và sẽ gồm Tin Mừng Gioan trong khoảng một tuần.
Cha Schmitz cho biết thêm, “Tôi thực sự phấn khích về điều đó. Khi, ở giữa câu chuyện Cựu Ước này, ta có thể nói ‘đây là sự mặc khải về Chúa Kitô’".

Người Công Giáo ở Mỹ ít đọc Kinh thánh hơn người Thệ phản. Cha Schmitz tin rằng điều này một phần là do cách người Công Giáo quen với việc Kinh thánh được “công bố” trong Thánh lễ.

Cha nói, “Ý tôi là, toàn bộ lý do khiến Tân Ước được gọi là Tân Ước là vì nó được đọc trong buổi cử hành giao ước mới, tức Bí tích Thánh Thể”.

“Và do đó, một trong những điều chúng ta quen là Kinh thánh được đọc to, như tôi đã nói, chúng ta đã quen với việc Kinh thánh được công bố. Và tôi nghĩ có lẽ vì vậy, chúng ta hơi thoải mái với các thành quả của mình, và không nhất thiết phải đào sâu và nêu ra mọi câu hỏi về bản dịch chẳng hạn, các câu hỏi về, ngữ cảnh và những gì khác".

Dù sao, cha Schmitz cho rằng “chúng ta vẫn còn cơn đói khát này để biết” và nhiều người đã nản lòng vì bản chất “khó nhá” của Kinh thánh. Ngài hy vọng podcast của ngài, với việc độc đáo định dạng lịch sử cứu độ theo dòng thời gian, sẽ thay đổi tri nhận này.

Ngài nói, “Vì vậy, tôi nghĩ sức hấp dẫn của Podcast Kinh thánh trong Một năm không chỉ là, bạn sẽ có thể xem qua toàn bộ Kinh thánh trong một năm, mà thứ hai, nó còn có kích thước chùm nhỏ gây hậu quả lớn. Và thứ ba, bạn còn có một thứ sách hướng dẫn nữa”.

“Và tôi nghĩ rằng đối với nhiều người điều đó sẽ khiến cho một điều gì đó dường như không thể tiếp cận được thành có thể tiếp cận được”.

Thành công của podcast đã khiến cả cha Schmitz lẫn Matthew Pinto, Giám đốc điều hành của Ascension Press, ngạc nhiên. Cha Schmitz nói rằng ngài được bạn bè và gia đình cảnh cáo “đừng để (thành công) lên đến đầu mình”, điều mà ngài cho hay chưa bao giờ xảy ra với ngài.

Cha Schmitz cho rằng ngài chỉ đơn giản đọc Kinh thánh và giúp người khác thỏa mãn cơn khát lời Chúa của họ mà thôi, không nghĩ đến điều gì khác.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào ngày 7 tháng 1, Pinto cho rằng công lao của Cha Smith không nhỏ trong việc thành công của chương trình. Ngoài ra, ông thừa nhận tính độc đáo của phương thức “dòng thời gian” cũng đã góp phần vào thành công rực rỡ của dự án. Nhưng trên hết, Ông cho rằng ơn Chúa đóng vai trò lớn trong thành công này. Vì thế, ông hứa cơ quan của ông sẽ cố gắng để chương trình này tiếp tục phục vụ các thính thị giả.
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
07:32 10/01/2021
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Một vài ngày trước, chúng ta đã cử hành lễ các đạo sĩ đến thăm Hài Nhi Giêsu; hôm nay chúng ta thấy Ngài là một người lớn ở bờ sông Gioóc-đăng. Phụng vụ khiến chúng ta có một bước nhảy vọt trong khoảng ba mươi năm, ba mươi năm mà chúng ta biết chỉ một điều: đó là những năm sống ẩn dật, mà Chúa Giêsu đã trải qua trong gia đình của Ngài - một số năm ở Ai Cập, như một người di cư trốn tránh cuộc bách hại của Hêrôđê, và một số năm khác ở Nadarét, học nghề với Thánh Giuse - trong gia đình vâng lời cha mẹ, vừa học vừa làm. Điều đáng chú ý là hầu hết thời gian trên dương thế này Chúa đã trải qua cuộc sống như thế, sống một cuộc sống thường nhật, chưa công khai rao giảng. Theo các sách Phúc âm, chúng ta biết rằng, đã có ba năm đầy ắp những bài giảng, phép lạ và nhiều điều khác nữa. Ba năm. Còn những năm khác, tất cả những năm khác, của Chúa Giêsu là dành cho cuộc sống ẩn dật trong gia đình. Đó là một thông điệp tuyệt đẹp cho chúng ta: nó cho thấy sự vĩ đại của cuộc sống hàng ngày, và tầm quan trọng trong mắt Chúa của mọi cử chỉ và khoảnh khắc của cuộc sống, dù là đơn giản nhất, thậm chí là ít được biết đến nhất.

Sau ba mươi năm sống ẩn dật này, cuộc đời công khai của Chúa Giêsu bắt đầu. Và nó bắt đầu chính xác với việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở sông Gioóc-đăng. Nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa? Thưa: Phép rửa của Gioan bao gồm một nghi thức sám hối, nó là dấu chỉ của ý chí muốn hoán cải, muốn trở nên tốt hơn, cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của một người. Chúa Giêsu chắc chắn không cần những điều đó. Quả thực Gioan Tẩy Giả cố gắng chống lại điều này, nhưng Chúa Giêsu nhất quyết chịu phép Rửa. Bởi vì sao? Thưa: bởi vì Chúa Giêsu muốn gần gũi với những người tội lỗi: đây là lý do tại sao Ngài xếp hàng chung với họ và thực hiện cùng một cử chỉ với họ. Ngài làm điều đó với thái độ của dân chúng, với cử chỉ của họ, những người, như một bài thánh ca phụng vụ đã nói, đã đón nhận phép Rửa của Gioan với “tâm hồn trần trụi và đôi chân trần trụi”. Linh hồn trần trụi, tức là không có gì che đậy, đơn sơ thú nhận mình là người tội lỗi. Đây là cử chỉ mà Chúa Giêsu thực hiện, và Người xuống sông để đắm mình trong cùng tình trạng của chúng ta. Thực ra, từ “Rửa Tội” thực sự có nghĩa là “ngâm mình vào”. Vào ngày đầu tiên của sứ vụ, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta “bản tuyên ngôn lập trình” của ngài. Ngài nói với chúng ta rằng Ngài không cứu chúng ta từ trên cao, bằng một quyết định tối cao hay một hành động áp đặt, một sắc lệnh, không: Ngài cứu chúng ta bằng cách đến gặp chúng ta và tự gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Đây là cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ của thế gian: đó là bằng cách hạ mình xuống, bằng cách gánh vác nó trên mình Ngài. Đó cũng là cách mà chúng ta có thể nâng người khác lên: không phải bằng cách phán xét, không phải bằng cách chỉ thị phải làm những gì, nhưng bằng cách làm cho chúng ta gần gũi, bằng cách hiệp thông, bằng cách chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa. Gần gũi là phong cách của Thiên Chúa đối với chúng ta; Chính Ngài đã nói điều đó với ông Môise: “Hãy nghĩ xem: có dân nào có thần thánh của họ gần gũi với họ như Ta gần gũi với dân Ta không?” Gần gũi là phong cách của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Sau cử chỉ nhân ái này của Chúa Giêsu, một điều phi thường xảy ra: các tầng trời mở ra và cuối cùng Ba Ngôi được tỏ lộ. Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình dạng chim bồ câu (x. Mc 1,10) và Chúa Cha nói với Chúa Giêsu: “ Con là Con yêu dấu của Cha” (c. 11). Chúa tỏ mình ra khi lòng thương xót xuất hiện. Đừng quên điều này: Thiên Chúa tỏ mình ra khi lòng thương xót xuất hiện, vì đó là khuôn mặt của Người. Chúa Giêsu trở thành người tôi tớ của những người tội lỗi và được loan báo là Con Thiên Chúa; Người hạ mình xuống trên chúng ta và Thánh Linh ngự xuống trên Người. Tình yêu gọi mời tình yêu. Điều này cũng áp dụng đối với chúng ta: trong mọi cử chỉ phục vụ, trong mọi công việc của lòng thương xót mà chúng ta thực hiện, Thiên Chúa biểu lộ chính Ngài, Thiên Chúa hướng ánh nhìn của Người về thế giới. Điều này cũng áp dụng cho chúng ta.

Nhưng, ngay cả trước khi chúng ta làm bất cứ điều gì, cuộc sống của chúng ta đã được ghi dấu bởi lòng thương xót đã ngự trên chúng ta. Chúng ta đã được cứu độ cách nhưng không. Ơn cứu rỗi là nhưng không. Đó là cử chỉ thương xót nhưng không của Thiên Chúa đối với chúng ta. Điều này này được thực hiện vào ngày Rửa tội của chúng ta; nhưng ngay cả những người chưa được rửa tội cũng luôn nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ở đó, Người chờ đợi, Người đợi những cánh cửa tâm hồn mở ra. Tôi dám nói rằng, Người đến gần, Người vuốt ve chúng ta với lòng thương xót của Người. Xin Đức Mẹ, Đấng mà chúng ta cầu nguyện bây giờ, giúp chúng ta bảo vệ căn tính của mình, đó là căn tính “giàu lòng thương xót”, là nền tảng của đức tin và cuộc sống của chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi lời chào trìu mến tới người dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đang bị rúng động bởi những sự kiện ở toà nhà Quốc hội gần đây. Tôi cầu nguyện cho những người đã mất mạng – năm người đã mất mạng trong những khoảnh khắc kịch tính đó. Tôi nhắc lại rằng bạo lực luôn tự hủy hoại bản thân. Không có gì có thể đạt được bằng bạo lực nhưng chúng ta mất mát rất nhiều. Tôi kêu gọi các cơ quan chức năng của nhà nước và toàn dân hãy duy trì tinh thần trách nhiệm cao, nhằm xoa dịu các tâm hồn, thúc đẩy hòa giải dân tộc và bảo vệ các giá trị dân chủ bám rễ trong xã hội Mỹ. Cầu xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng Bảo Trợ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, giúp duy trì nền văn hóa gặp gỡ, văn hóa chăm sóc, như cách thức chính để cùng nhau xây dựng công ích; và Mẹ đang làm điều đó với tất cả những người sống trong vùng.

Và bây giờ tôi thân ái chào tất cả anh chị em đã kết nối qua các phương tiện truyền thông. Như anh chị em đã biết, do đại dịch, tôi không thể cử hành lễ Rửa Tội trong Nhà nguyện Sistina hôm nay, như thường lệ. Tuy nhiên, tôi cũng xin cam đoan những lời cầu nguyện của tôi dành cho những trẻ em đã ghi danh và cho cha mẹ các em, cũng như những người đỡ đầu của chúng; và tôi mở rộng lời cầu nguyện này cho tất cả trẻ em lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong giai đoạn này, cầu xin cho các em nhận được căn tính Kitô giáo, nhận được ân sủng của sự tha thứ, của sự cứu chuộc. Xin Chúa phù hộ tất cả mọi người!

Anh chị em thân mến, ngày mai là kết thúc Mùa Giáng Sinh, chúng ta sẽ lại tiếp tục hành trình của Mùa Thường Niên trong phụng vụ. Chúng ta đừng mệt mỏi trong việc khẩn cầu ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để giúp chúng ta sống những điều bình thường với tình yêu và do đó làm cho chúng trở nên phi thường. Đó là tình yêu thay đổi: những điều bình thường dường như tiếp tục là bình thường, nhưng khi chúng được thực hiện với tình yêu thương, chúng trở nên phi thường. Nếu chúng ta vẫn cởi mở, ngoan ngoãn trước Thánh Linh, thì Ngài sẽ soi dẫn suy nghĩ và hành động của chúng ta mỗi ngày.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!


Source:Holy See Press Office
 
ĐTC Phanxicô Tuyên Bố Sẽ Chích Ngừa Covid-19
Lê Đình Thông
11:23 10/01/2021
Sáng nay (10/01/2021), kênh truyền hình Canale 5 của Ý đã trình chiếu tuyên bố của ĐTC Phanxicô theo đó ngài sẽ chích ngừa COVID-19 trong những ngày sắp tới, cùng với các vị Hồng Y trong Giáo triều và các nhân viên phục vụ tại Tòa thánh.

Ngài nhận định việc từ chối không chích ngừa là hành động tiêu cực tự sát tập thể. Cộng đồng dân Chúa trên khắp thế giới có nhiệm vụ chính ngừa. Đó là một chọn lựa đạo đức, không những để bảo vệ chính mình mà còn góp phần bảo vệ sinh mạng của đồng loại.

Sở Y tế Vatican cho biết việc phát động kế hoạch chích ngừa chống lại COVID-19 tại Tòa thánh sẽ được tiến hành từ trung tuần tháng 01/2021với số lượng đầy đủ, bắt đầu là ĐTC Phanxicô, tiếp đến là các nhân viên y tế, những vị cao niên và những người có nhiệm vụ tiếp xúc với công chúng.

Biện pháp này là cần thiết đề bảo vệ vị Giáo chủ 84 tuồi, từ lúc trẻ đã phải cắt bỏ thủy phổi (lobe du poumon).

ĐTC Phanxicô cho biết ‘‘Chúng ta vẫn vững mạnh là nhờ được chích ngừa. Tôi còn nhớ thuở niên thiếu có dịch bại liệt khiến nhiều trẻ em bị liệt mà không có thuốc chủng. Tôi không thể quan niệm được có người nói thuốc chủng là nguy hại, trái ngược với quan điểm của y giới. Vậy thì tại sao lại từ chối chích ngừa?’’

Trên bình diện quốc tế, Tòa thánh tỏ ra năng động trong việc cổ võ việc phân phối đồng đều thuốc chủng cho các nước nghèo.’’

Trong một công bố trước đây, Tòa thánh coi chiến dịch chích ngừa là trách nhiệm tinh thần của mỗi người, vì giữa sức khỏe cá nhân và y tế cộng đồng liên hệ mật thiết với nhau.

Lê Đình Thông
 
Nạn Dịch ở Hà Bắc: Người Công Giáo đang bị đổ vạ công khai như dưới thời bạo chuá Nêrô.
Trần Mạnh Trác
14:08 10/01/2021
Mặc dù không có chứng cớ là nạn dịch ở Hà Bắc gây ra vì những việc tụ họp cuả người Công Giáo, nhưng nhà cầm quyền và những luận điệu nặc danh dối trá trên phương tiện truyền thông vẫn tiếp tục đổ vạ cho người Công Giáo ở đây, một vài thí dụ điển hình:

-Theo những báo cáo bệnh lý cuả các nạn nhân bị lây nhiễm thì dạng Covid là từ nước Nga, nhưng theo những lời đồn đãi không bị kiểm duyệt và được khuyến khích lan rộng thì nó đã bắt đầu 20 ngày trước từ một cuộc đón tiếp các giáo sĩ Âu Châu và Mỹ Châu (?)
-Các ‘lý trưởng’ cuả nhiều làng xóm đã loan truyền trên các hệ thống truyền thông quốc tế là tại làng cuả họ, nhiều bô lão Công Giáo thường xuyên tụ tập 20,30 người để đọc kinh tại gia, nhiều ngày trong tuần. Nhưng thực tế thì tại làng cuả họ, không có người Công Giáo!
-Thái độ cuả nhà cầm quyền vẫn là nguyên nhân dịch bệnh từ những người Công Giáo, tuy nhiên trong số 300 người bị lây nhiễm từ hồi đầu năm, chỉ có 1 người là Công Giáo mà thôi.
-Mặc dù ở Hà Bắc là nơi dịch bệnh đang tái phát, các nhà thờ vẫn còn đóng cửa theo khuyến cáo cuả nhà cầm quyền và không cử hành lễ Giáng Sinh, chính quyền Cộng Sản vẫn ra lệnh tất cả các nhà thờ, kể cả ở Bắc Kinh, cũng phải đóng cửa để phòng ngừa.

Phải chăng đây là một âm mưu cuả đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn tận diệt Công Giáo? Chúng tôi xin được phỏng dịch bài viết sau đây cuả linh mục Sơn Nhân Linh Phụ, một linh mục nổi tiếng thường xuyên đóng góp trên các diễn đàn xã hội cuả Trung Quốc mà chúng tôi lâu lâu đã giới thiệu trên VietCatholic:


Hà Bắc, những Kitô hữu bị dán nhãn là ‘ổ lây dịch’. Sự trở lại của chế độ Nêrô.

bởi Sơn Nhân Linh Phụ (Shan Ren Shen Fu (山人 神父))

Vào khoảng 2 giờ chiều, một giáo dân của tôi hỏi qua diện đàm: "Thưa cha, có một bài báo viết rằng: làng Tiêu quốc trang (Xiao Guozhuang), gần Trần Thành (Gaocheng) là một làng Công Giáo; 20 ngày trước, có hoạt động tôn giáo ở đây, có một số linh mục từ Châu Âu và Hoa Kỳ... ”. "Tin tức này có đáng tin không?"

Tôi không thực sự hiểu câu hỏi bất ngờ này nên tôi hỏi lại: "Chuyện gì đã xảy ra?". Qua màn hình, tôi cảm nhận được sự sợ hãi của anh, bởi vì anh ta sợ rằng "tin tức này được ghi là có các chuyên gia nghiên cứu và phân tích" có thể trở thành sự thật.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói về nó; Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy một điều như vậy từ anh ấy và tôi không biết tin tức đó có phải là sự thật hay không. Tuy nhiên, vào một thời điểm quan trọng của nạn đại dịch ở Hà Bắc, tôi tự hỏi tại sao có người lại bịa ra một cái tin "khiêu khích" như vậy. Chính vì không biết sự việc nên lúc đó tôi không dám đưa ra kết luận.

Sau đó, tôi hỏi các tín hữu địa phương và một giáo viên nói: "Đây cũng là lý do mà các nhà trường đưa ra: theo họ, Tiêu quốc trang đã bị nhiễm bệnh vì hoạt động tôn giáo". Nhưng anh ấy cũng không biết chính xác ngôi làng này ở đâu hay sự việc thực sự như thế nào. Vì vậy, tôi nghĩ đó có thể là những lời đòn nhảm ở thành thị, và ở trường học.

Vì vậy, tôi tiếp tục tra hỏi thông tin từ những người khác, và càng đi sâu, tôi càng thấy tin tức đó không đáng tin cậy.

Trước hết, các nhà thờ ở khu vực Thạch Gia Trang đã nhận được thông báo vào đêm Giáng sinh (24/12), yêu cầu họ tạm dừng tổ chức lễ Giáng sinh; Thánh lễ đêm Giáng sinh được các linh mục giáo xứ cử hành một mình, và mọi công việc chuẩn bị cho lễ Giáng sinh đều bị bỏ dở.

Thứ hai, chính xác là 14 ngày đã trôi qua từ ngày 24 tháng 12 đến hôm nay, nhưng bài đăng của các chuyên gia cho biết: "Khoảng 20 ngày trước, làng Tiêu quốc trang tổ chức một hoạt động tôn giáo và có một số linh mục từ châu Âu và Hoa Kỳ tham gia... ". Tôi vẫn đang cố gắng xác định xem hoạt động nào đã được tổ chức cách đây 20 ngày ở Tiêu quốc trang, đến nỗi thậm chí có một số linh mục nước ngoài đến tham dự.

Thứ ba, hôm nay [7 tháng 1] lúc 11 giờ 40 sáng, một bài báo viết bởi một người ẩn danh đã được đăng, có tựa đề "Sự gia tăng tôn giáo ở các làng: làng Tiêu quốc trang, ở Trần Thành, đang tổ chức nhiều hoạt động bí ẩn vào mỗi thứ Tư và thứ Sáu?". Mục đích của việc phát hành một bài báo như vậy vào một thời điểm quan trọng như thế này, thì nghiã là gì?

May mắn thay, vị linh mục địa phương của Thạch Gia Trang đã lập tức đưa ra một tuyên bố ngăn chặn những lời dối trá này. Tuyên bố viết: “Các làng Tiêu quốc trang, Lưu gia tả (Liu Jiazuo,) Nam kiều trại (Nan Qiaozhai) không phải là những làng Công Giáo, chỉ có một số ít cư dân là người Công Giáo. Những ngôi làng này không có nơi cầu nguyện; họ không tổ chức các cuộc họp tôn giáo. Để tham gia hoạt động tôn giáo thông thường, tất cả các tín đồ phải đến những làng bên cạnh như Bối kiều trại (Bei Qiaozhai,) v.v. ”.

Do đó, trò hề này chỉ là một cách để đổ lỗi [đại dịch] cho các cuộc tụ họp tôn giáo. Hiện tại, đời sống tôn giáo bình thường đang phải chịu nhiều hạn chế: Thánh lễ Đêm Giáng sinh khắp vùng không có tín hữu là bằng chứng không thể chối cãi về điều này. Mà đợt dịch này lại bắt đầu sau đó, từ ngày 4 tháng Giêng.
Các hoạt động tôn giáo đã bị đình chỉ từ đêm Giáng sinh. Do đó những người có ý định tung tin vu khống chỉ có thể chuyển ngày này về 20 ngày trước, sử dụng một ngôi làng không theo Công Giáo như Tiêu quốc trang làm nguồn gốc của dịch.

Rõ ràng đó là tin tức được xây dựng một cách nghệ thuật; nếu nó được công chúng hấp thụ, các tín đồ sẽ không có cách nào để tự vệ. Nếu nó không được chấp nhận, nó chỉ bị coi là một trò đùa, không liên quan. Nhưng nếu các tín hữu nghĩ về điều đó, thì thật là kinh hãi. Nhân danh tôn trọng các quy tắc phòng ngừa, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc đình chỉ các hoạt động tôn giáo vừa mới được nối lại.

Thực tại đang được diễn ra thì Hiệp hội Yêu nước và Ủy ban Hành chính [của Giáo hội Quốc Doanh Trung Quốc], theo yêu cầu của cấp lãnh đạo, đã yêu cầu tất cả các giáo xứ trong giáo phận đình chỉ hoạt động của họ. Hơn nữa, đề cập đến lời đồn về sự lây lan là từ các cuộc tụ tập tín đồ ở Thạch Gia Trang mà dư luận đang hướng về các linh mục đến từ Châu Âu và Hoa Kỳ, Hiệp hội Yêu Nước không cải chính, chỉ bổ sung thêm câu sau: "sau khi các chuyên gia phân tích, người ta khẳng định virus tìm thấy ở Thạch Gia Trang và Hình Đài được nhập từ Châu Âu".

Điều này làm tôi nhớ đến hoàng đế Nêrô. Ông là một người yêu thơ; Ông thích đọc lại những bài thơ cuả người khác viết cùng với những bài thơ tầm thường cuả chính ông, và mỗi lần như thế ông đều muốn có những tràng pháo cuả đoàn tuỳ tùng. Rồi một ngày nọ, tin rằng sự im lặng của thành phố Rome không xứng đáng để ông say mê ngâm thơ, ông quyết định đốt cháy thành phố và ngâm thơ giữa tiếng la hét của dân chúng. Để đọc một bài thơ, hoàng đế ra lệnh đốt cháy một thành phố!

Giữa những ngọn lửa rực cháy và đám đông chạy trốn, vị hoàng đế cuối cùng cũng đã giải tỏa được niềm đam mê của mình. Khi tất cả kết thúc, hoàng cung bị bao vây bởi những người tức giận, thì Nêrô hoảng sợ. Có người gợi ý với ông ta rằng điều mà người dân La Mã muốn vào lúc này là trút giận, và [thế là đủ] để buộc tội những người theo đạo Cơ đốc đã phóng hỏa đốt thành phố. Khi đám đông nhìn thấy những con sư tử ăn thịt những người có đạo, họ sẽ quên điều tra xem ai thực sự là thủ phạm. Do đó sinh ra một cuộc đàn áp tùy tiện đối với Cơ đốc nhân. Những người đang ở trong tình trạng hoang mang, thì sự thật vẫn là, họ không quan tâm sự thật là gì!

Điều đáng mừng là vị Giám Mục cuả Thạch Gia Trang lần này đã phản ứng kịp thời, là lập tức tuyên bố chống lại sự dối trá để phong tỏa những hậu quả tiêu cực. Nhưng tôi vẫn muốn đặt lại một câu hỏi là: cơn gió ác này từ đâu thổi đến? Mặc dù nó chưa dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực trong lần này, nhưng chúng ta không nên bỏ qua nó vì trong quá trình lịch sử, Giáo hội đã bị tổn thương thường xuyên vì những lý do như thế...
 
Đức Thánh Cha nhắn nhủ chúng ta phải thăng tiến ơn gọi rửa tội của chúng ta
Thanh Quảng sdb
16:11 10/01/2021
Đức Thánh Cha nhắn nhủ chúng ta phải thăng tiến ơn gọi rửa tội của chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành lễ Chúa chịu Phép Rửa, ngài mời gọi các tín hữu hãy mừng ngày Rửa tội, ngày họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần và trở thành con yêu của Thiên Chúa.

(Tin Vatican)

Đánh dấu ngày lễ Chúa chịu Phép Rửa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về ý nghĩa Phụng vụ của ngày lễ, nói cho chúng ta về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu được khai mở như thế nào.

Phát biểu từ Thư viện điện Tông tòa trong giờ kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sau lễ Hiển Linh, Phụng vụ hôm nay trình bày một thời gian 30 năm, “ẩn dật” của Chúa trong mái ấm gia đình, vâng lời cha mẹ, học tập và làm việc.

Tất cả các thánh sử đều tường thuật cuộc đời công khai của Chúa trong ba năm.

ĐTC nói, điều đáng chú ý là Chúa đã dành phần lớn thời gian trên trần thế này để sống một cuộc sống bình lặng, không có gì nổi bật.

ĐTC cho: “Đó là một thông điệp tuyệt vời cho chúng ta: cho chúng ta thấy sự vĩ đại của cuộc sống thường ngày, đều là quan trọng dưới nhãn quan của Chúa về mọi cử chỉ và khoảnh khắc của cuộc sống, ngay trong những điều đơn sơ và vô danh nhất”.

Sau 30 năm sống ẩn dật này, Đức Thánh Cha nói tiếp nối là cuộc đời công khai của Chúa, khởi đi bằng phép rửa ở sông Gio-đan.

ĐTC giải thích phép rửa của Gioan bao gồm một nghi thức xám hối: “đó là dấu chỉ chứng tỏ một người sẵn sàng hoán cải, cầu xin sự tha thứ lỗi lầm của mình. Chúa Giêsu chắc chắn không cần đến điều này!”

Chúa không cứu chuộc chúng ta từ trời cao.

Dù cho Gioan Tiền hô cố gắng ngăn cản Chúa, nhưng Chúa nhấn mạnh ngài cần lãnh nhận phép rửa của Gioan, vì Ngài muốn tự hạ, đứng giữa hàng các tội nhân: “vì vậy, Chúa đã hòa mình với họ và cùng lãnh nhận một nghi thức thống hối như họ. Chúa đã xuống dòng sông và được nhậm chìm trong dòng sông như những kẻ tội lỗi”.

Trong ngày khai mạc sứ vụ của Chúa, Đức Thánh Cha nói, Chúa Giêsu đã công bố cho chúng ta “một bản tuyên ngôn về đường hướng” của Chúa dành cho chúng ta, Chúa cho chúng ta hay “Ngài không cứu chúng ta từ trời cao, bằng một quyết định thần thiêng hoặc bằng một quyết định độc đoán, cho bằng cách đến gặp gỡ chúng ta và tự gánh lấy tất cả tội lỗi cho chúng ta."

ĐTC nói, đây là cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ trần gian, “bằng cách hạ mình xuống và gánh chịu tội khiên!

ĐTC nhấn mạnh đây cũng là cách mà chúng ta phải học đòi để nâng đỡ người khác: “không phải bằng phê phán mà là chia sẻ, gợi ý cho nhau điều nên làm, trở thành người bạn cảm thông, chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa.

"Sự gần gũi", ĐTC nhấn mạnh đó "là cách Chúa đối sử với chúng ta!"

Chúa Thánh Thần

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục giải thích ẩn nấp đằng sau hành động khiêm hạ của Chúa Giêsu, một điều phi thường đã xảy ra: “các tầng trời mở ra và Thiên Chúa Ba Ngôi đã tỏ hiển.”

Thánh sử Marcô đã ghi lại (Mc 1, 10), Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu và tiếng Chúa Cha phán cùng Chúa Giêsu: “Này Con chí ái của Cha; Cha hài lòng về Con."

Đức Thánh Cha giải thích, Thiên Chúa tỏ mình ra qua lòng xót thương khiêm hạ của Chúa Giêsu, vì đó chính là diện mạo của Ngài.”

Tình tiết này trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã hạ mình thành tôi tớ của các tội nhân và được xưng tụng là Con Chí Ái, “Ngài hạ mình xuống làm tội nhân như chúng ta và Thánh Linh Chúa ngự xuống trên Ngài.”

Tình yêu mời gọi tình yêu

“Tình yêu mời gọi tình yêu”, Đức Thánh Cha nói, và điều này cần được chúng ta áp dụng: “trong mỗi hành vi phục vụ, trong từng công cuộc bác ái yêu thương chúng ta thực hiện, nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa và Ngài làm cho thế giới nhận chân ra được lòng bao dung của Ngài.”

ĐGH giải thích: Điều này cho chúng ta ý thức được ngay cả trước khi chúng ta làm bất cứ điều gì, cuộc sống của chúng ta đã được bao phủ bởi lòng thương xót và lòng thương xót Chúa chở che chúng ta.

ĐTC nói: Điều này đã khởi đầu trong ngày chúng ta chịu Phép Rửa: “Ngày đó, chúng ta được đắm mình trong tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Ngày đó, chúng ta đã nhận được hồng ân của Chúa Thánh Thần. Ngày đó, Thiên Chúa Cha đã phán với mỗi người chúng ta như đã nói với Chúa Giêsu: Con là con yêu dấu của Cha”.

Đức Thánh Cha nói tiếp, lòng thương xót của Thiên Chúa lớn lao, đến nỗi ngay cả những người chưa được rửa tội cũng có thể cảm nhận được lòng thương xót đó và tin vào sự phục sinh của Chúa nếu họ biết rộng mở tâm hồn của họ ra.

ĐTC kết luận: “Chúng ta có thể vấp phạm vào điều sai trái, nhưng chúng ta luôn là những người con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó là căn tính sâu xa nhất của chúng ta.“

Xin Mẹ Maria, người mẹ mà chúng ta hướng lòng lên kêu cầu, xin Mẹ giúp chúng ta biết trân quí ơn gọi tái sinh của chúng ta, đó là nền tảng cho niềm tin và cuộc sống của chúng ta."

Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện sau khinh Truyền Tin.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha kêu gọi một sự hòa giải hòa hợp cho đất nước Hoa Kỳ sau vụ tấn công vào Tòa nhà Quốc hội ngày 6 tháng 1 vừa qua và Ngài cầu nguyện cho 5 nạn nhân đã thiệt mạng trong cuộc bạo loạn này.

Đức Thánh Cha kêu gọi người Mỹ hãy bảo vệ nền dân chủ và thúc đẩy một sự hòa hợp hòa giải.

Cầu nguyện cho tất cả các trẻ em lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy

ĐTC cho hay năm nay ngài không thể chủ trì buổi lễ làm phép Rửa tội truyền thống tại nhà nguyện Sistina vào ngày lễ Chúa chịu Phép Rửa hôm nay vì đại dịch covid-19.

“Tuy nhiên, ĐTC đoan hứa cầu nguyện cho các em, cha mẹ và những người đỡ đầu của các em”, những người đang hiện diện trong buổi lễ, Đức Thánh Cha nói: “Cha xin gửi lời cầu nguyện của cha tới tất cả các em đang lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong giai đoạn này: các em đang nhận Ơn gọi Kitô hữu, hồng ân của sự tha thứ và ơn cứu chuộc. Xin Chúa chúc lành cho chúng con!”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc buổi triều yết bằng nhắc nhở cho các tín hữu biết ngày mai chúng ta trở lại mùa thường niên của năm phụng vụ. ĐTC mời gọi tất cả đừng bao giờ mệt mỏi trong việc cầu khẩn ánh sáng và quyền năng của Chúa Thánh Linh. ĐTC nói: “Chính tình yêu làm đổi thay mọi sự, khi chúng ta làm những việc bình thường với tình yêu, thì chúng trở nên phi thường, và nếu chúng ta rộng mở tâm lòng ra cho Chúa Thánh Linh, Ngài sẽ soi sáng cho những suy tư và hành động hàng ngày của chúng ta.”
 
Đức Cha Tôn Hoài Đức, giám mục hiệu tòa của Tam Nguyên đã qua đời
Đặng Tự Do
17:02 10/01/2021


Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, lúc 20g ngày 5 tháng Giêng, Đức Cha Giuse Tôn Hoài Đức (Zong Huaide, 宗怀德), giám mục nghỉ hưu của giáo phận Tam Nguyên (Sanyuan, 三元), thuộc tỉnh Thiểm Tây (陕西 – Shaanxi) đã qua đời. Ngài thọ 99 tuổi, nhưng đối với Trung Quốc - nơi tính cả 9 tháng trong bụng mẹ, ngài đã được 100 tuổi.

Thông báo của giáo phận nói rằng giờ đây ngài “an nghỉ trong vòng tay của Chúa sau một đời cầu nguyện và bác ái, trường thọ, vui tươi và không bệnh tật”.

Đức Cha Giuse Tôn Hoài Đức là một trong những giám mục đầu tiên được Tòa thánh bí mật phong chức cho Giáo Hội tại Hoa Lục. Vì điều này, ngài đã phải chịu ít nhất 14 năm lao động cưỡng bức trong một số trại ở Thiểm Tây. Với tính cách hiền hòa và tận tụy, ngài được cả những người Công Giáo thầm lặng và chính thức yêu mến. Trên mạng xã hội tràn ngập những kỷ niệm và các chứng tá ca ngợi ngài.

Đức Cha Tôn Hoài Đức sinh ngày 16 tháng 6 năm 1922 trong một gia đình Công Giáo lâu đời, là con thứ tư trong gia đình có 5 người con, ba anh em trai, một em gái, tại một ngôi làng nghèo ở phường Ngũ Quan (Wuguanfang, 五冠方) ở thành phố Tam Nguyên. Năm 1935, ngài vào tiểu chủng viện ở Đồng Nguyên (Tongyuanfang, 同元坊) và năm 1948 ngài học thần học. Được thụ phong linh mục năm 1949, ngài là cha xứ ở Phú Bình (Fuping, 富平) và Đồng Nguyên, trước khi trở thành Chánh Đại Diện của giáo phận. Từ năm 1961 đến năm 1965, ngài bị bọn cầm quyền cấm thi hành chức vụ linh mục, nên lui về nhà làm ruộng. Năm 1965, ngài bị bắt và năm 1966, giữa cuộc Cách mạng Văn hóa, ngài bị kết án “cải tạo lao động”, làm việc trong các trại lao động cưỡng bức ở Tam Nguyên, Tây An (Xian, 西安), Bảo Kê (Baoji, 宝鸡) và Diên An (Yanan, 延安). Tháng 2 năm 1980, ngài được trả tự do và trở lại làm linh mục ở Đồng Nguyên.

Theo các nguồn tin của giáo phận, năm 1985 ngài được bí mật bổ nhiệm làm giám mục Tam Nguyên và được bí mật tấn phong vào năm 1987. Ngày 23 tháng 12 năm 1997, ngài đã tìm cách thực hiện một chuyến đi đến Ý, nơi ngài đã được Đức Gioan Phaolô II tiếp đón. Năm 2003, Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức của ngài vì lý do tuổi tác.


Source:Asia News

 
Cuộc rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ngày 9/1/2021
Đặng Tự Do
17:03 10/01/2021


Giáo Hội Công Giáo và chính quyền Phi Luật Tân đã đồng ý hạn chế sự tham dự của anh chị em giáo dân trong cuộc rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene tại thủ đô Manila. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất của đất nước, thường quy tụ vài triệu người, có năm đạt đến kỷ lục là 15 triệu người.

Tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.

Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.

Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.

Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.

Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm ngoái cuộc rước kéo dài 7km này lôi cuốn đến 9 triệu người.

Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros (Nội Thành), là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo.

Tại nhà thờ Quiapo các thánh lễ được tổ chức từ nửa đêm 8 tháng Giêng cho đến sáng ngày mùng 9 khi bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.

Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.

Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.

Năm nay, vì đại dịch coronavirus, sẽ không có cuộc rước kiệu long trọng này.

Nhà thờ Quiapo đã ấn định giới hạn 400 người cho mỗi thánh lễ. Tuy nhiên, 15 thánh lễ được cử hành trong ngày lễ 9 tháng Giêng. Điều này có nghĩa là chỉ 6,000 người có thể tham gia các cử hành bên trong nhà thờ.

Đức Cha Broderick Pabillo, giám quản tông tòa của tổng giáo phận Manila, cử hành thánh lễ đầu tiên lúc 4:30 sáng ngày 9 tháng Giêng và Đức Ông Hernando Coronel, cha sở Nhà thờ Quiapo, chủ sự thánh lễ cuối cùng lúc 10:15 tối

Đối với những người không thể tham dự Thánh lễ bên trong Nhà thờ Quiapo, các màn hình lớn sẽ được hiển thị bên ngoài nhà thờ để các tín hữu không thể tham dự Thánh lễ bên trong nhà thờ có thể xem được.

Thay vì hôn bức tượng, một thực hành còn được gọi là pahalik, những người tham dự sẽ có thể tôn kính và cầu nguyện với bức tượng, bức tượng sẽ được hiển thị trên ban công của nhà thờ.

“Thay vì pahalik, nghĩa là tri ân. Chúng tôi đặt tượng Nazarene bên ngoài để mọi người có thể đến thăm bất cứ lúc nào và vẫy chiếc khăn tay của họ để thể hiện sự tôn vinh đối với Black Nazarene,” Cha Badong, là cha phó xứ nói với ABS-CBN.

Vị linh mục không khuyến khích những người tham dự mang các bản sao rất lớn của bức tượng. Ngài nói những hình ảnh nhỏ hơn thì được.


Source:Catholic News Agency

 
VietCatholic TV
Bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha chết vì COVID-19 gây bối rối và âu lo. California: nhà xác hết chỗ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:45 10/01/2021


1. Bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô chết vì các biến chứng COVID-19

Bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô, ông Fabrizio Soccorsi, đã qua đời vì các biến chứng sức khỏe liên quan đến coronavirus.

Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết vị bác sĩ 78 tuổi, đã được cấp cứu tại Bệnh viện Gemelli ở Rôma vì các biến chứng phức tạp do nhiễm coronavirus, đã qua đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ông Soccorsi là bác sĩ riêng của ngài vào tháng 8 năm 2015, sau khi không gia hạn nhiệm kỳ của bác sĩ Patrizio Polisca, bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, và cũng là người đứng đầu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Vatican.

Kể từ triều Giáo hoàng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, chức vụ bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng và chức vụ đứng đầu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Vatican đã được gắn liền với nhau, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tách khỏi truyền thống này bằng cách chọn Soccorsi, một bác sĩ từ bên ngoài Vatican.

Với tư cách là bác sĩ riêng của Đức Phanxicô, Soccorsi đã đi cùng với Đức Thánh Cha trong các chuyến công du quốc tế. Trong chuyến thăm Fatima, Bồ Đào Nha vào tháng 5 năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đặt hai bó hoa hồng trắng trước tượng Đức Mẹ Đồng trinh cho con gái Soccorsi, người bị bệnh nặng và qua đời vào tháng sau đó.

Soccorsi được đào tạo về y học và phẫu thuật tại Đại học La Sapienza của Rome. Sự nghiệp của ông bao gồm cả thực hành và giảng dạy y tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghiên cứu về gan, hệ tiêu hóa và miễn dịch học.

Bác sĩ Soccorsi cũng đã làm công việc tư vấn cho văn phòng sức khỏe và vệ sinh của Quốc gia Thành phố Vatican và là một phần của hội đồng các chuyên gia y tế tại Bộ Phong thánh.


Source:Catholic News Agency

2. Giám mục Venezuela, 69 tuổi, chết vì COVID-19

Sáng thứ Sáu, 8 tháng Giêng, Hội đồng Giám mục Venezuela đã công bố rằng Đức Cha Cástor Oswaldo Azuaje, 69 tuổi, Giám Mục giáo phận Trujillo, đã qua đời vì COVID-19.

Một số linh mục trên khắp đất nước đã chết vì COVID-19 kể từ khi đại dịch tràn tới đất nước này, nhưng Đức Cha Azuaje là giám mục Venezuela đầu tiên chết vì căn bệnh quái ác này.

Đức Cha Azuaje sinh tại Maracaibo, Venezuela vào ngày 19 tháng 10 năm 1951. Ngài gia nhập Dòng Cát Minh và hoàn thành việc đào tạo tại Tây Ban Nha, Israel và Rôma. Ngài khấn trọn trong Dòng Cát Minh vào năm 1974, và được thụ phong linh mục vào Ngày Giáng sinh, 1975, tại Venezuela.

Đức Cha Azuaje đã từng đảm nhận một số trách nhiệm lãnh đạo trong Dòng tu của mình.

Năm 2007, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá cho Tổng Giáo phận Maracaibo, và năm 2012, Đức Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Trujillo.

Thông cáo báo chí của Hội Đồng Giám Mục viết:

“Hội đồng Giám mục Venezuela hiệp thông trong nỗi buồn trước cái chết của một anh em chúng tôi trong hàng giám mục, chúng tôi hiệp thông với giáo phận trong niềm hy vọng Kitô từ sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”.

Venezuela có 42 giám mục đang tại chức.


Source:Catholic News Agency

3. Cẩn thận với vi rút Tầu độc địa: Tử vong tăng hơn 4 lần tại Los Angeles. Các nhà xác đã quá tải

Tờ Los Angeles Times cho biết các nhà xác bệnh viện đã bị quá tải trước số lượng thi thể tăng vọt trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 gia tăng kinh hoàng tại tiểu bang này. Nhiều quận của California đang phải vật lộn trong việc lưu giữ thi thể của những người đã chết.

Văn phòng pháp y của quận Los Angeles đang cố gắng đẩy nhanh nỗ lực lưu giữ tạm thời các xác chết khi số người chết tại địa phương đạt mức kỷ lục.

Sarah Ardalani, phát ngôn viên của văn phòng cho biết, trong tuần này, sáu thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia California đã đến để hỗ trợ nhân viên quận chuyển các thi thể từ các nhà xác của bệnh viện đến 12 đơn vị bảo quản lạnh đậu tại văn phòng pháp y. Những người trợ giúp bổ sung từ Vệ binh Quốc gia dự kiến sẽ đến vào tuần tới.

Mùa xuân năm ngoái, văn phòng điều tra đã dự đoán số người chết tăng vọt và ít nhất tăng gấp bốn lần khả năng lưu trữ bình thường. Vì thế, họ đã tăng khả năng lưu trữ lên ít nhất 2,000 thi thể bằng cách đưa vào thêm 12 xe đông lạnh. Ngoài ra, còn có các cải biên cho các xe đông lạnh này để có thể chứa thêm khoảng 25 thi thể mỗi chiếc.

Tính đến hôm thứ Hai, văn phòng pháp y của quận Los Angeles đang giữ 757 thi thể.

Vào cuối tháng 11, thời điểm bắt đầu đợt tăng COVID-19 gần đây nhất, mỗi xe đông lạnh chỉ chứa khoảng 60 thi thể.

Sau đó, tốc độ tử vong bắt đầu tăng lên. Vào đầu tháng 12, khoảng 30 người chết mỗi ngày; nhưng vào hôm thứ Sáu 8 tháng Giêng, mức trung bình trong bảy ngày trước đó là khoảng 190 người một ngày.

Hơn 4,200 ca tử vong vì COVID-19 đã được báo cáo kể từ ngày 1 tháng 12, đó là một con số đáng kinh ngạc chỉ trong vài tuần. Số người chết vì coronavirus tại quận Los Angeles cho đến nay là 11,872 người.

Chỉ trong bốn ngày qua, trung bình 250 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày đã được báo cáo tại Quận Los Angeles. Con số này cao hơn số người chết trung bình hàng ngày do tất cả các nguyên nhân khác cộng lại, bao gồm bệnh tim, ung thư, đột quỵ, tiểu đường, tai nạn xe hơi, tự tử và giết người, là khoảng 170 người.

California rất cần thêm các nhân viên y tế tại những cơ sở có bệnh nhân coronavirus, nhưng hầu như không có sự trợ giúp nào từ một chương trình tình nguyện mà Thống đốc Gavin Newsom đã tạo ra vào thời điểm bắt đầu đại dịch. Ban đầu, đội quân tình nguyện này gồm 95,000 người đã xung phong gia nhập. Nhưng đến nay chỉ có 14 người hiện đang làm việc thực sự.

Rất ít tình nguyện viên thực sự đáp ứng đủ điều kiện của Quân đoàn Y tế California, và một số lặng lẽ rút lui.


Source:Los Angeles Times
 
Cuộc rước thánh giá với hàng chục triệu người tại Phi Luật Tân thời đại dịch coronavirus ra sao?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:00 10/01/2021


1. Đức Cha Tôn Hoài Đức, giám mục hiệu tòa của Tam Nguyên đã qua đời

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, lúc 20g ngày 5 tháng Giêng, Đức Cha Giuse Tôn Hoài Đức (Zong Huaide, 宗怀德), giám mục nghỉ hưu của giáo phận Tam Nguyên (Sanyuan, 三元), thuộc tỉnh Thiểm Tây (陕西 – Shaanxi) đã qua đời. Ngài thọ 99 tuổi, nhưng đối với Trung Quốc - nơi tính cả 9 tháng trong bụng mẹ, ngài đã được 100 tuổi.

Thông báo của giáo phận nói rằng giờ đây ngài “an nghỉ trong vòng tay của Chúa sau một đời cầu nguyện và bác ái, trường thọ, vui tươi và không bệnh tật”.

Đức Cha Giuse Tôn Hoài Đức là một trong những giám mục đầu tiên được Tòa thánh bí mật phong chức cho Giáo Hội tại Hoa Lục. Vì điều này, ngài đã phải chịu ít nhất 14 năm lao động cưỡng bức trong một số trại ở Thiểm Tây. Với tính cách hiền hòa và tận tụy, ngài được cả những người Công Giáo thầm lặng và chính thức yêu mến. Trên mạng xã hội tràn ngập những kỷ niệm và các chứng tá ca ngợi ngài.

Đức Cha Tôn Hoài Đức sinh ngày 16 tháng 6 năm 1922 trong một gia đình Công Giáo lâu đời, là con thứ tư trong gia đình có 5 người con, ba anh em trai, một em gái, tại một ngôi làng nghèo ở phường Ngũ Quan (Wuguanfang, 五冠方) ở thành phố Tam Nguyên. Năm 1935, ngài vào tiểu chủng viện ở Đồng Nguyên (Tongyuanfang, 同元坊) và năm 1948 ngài học thần học. Được thụ phong linh mục năm 1949, ngài là cha xứ ở Phú Bình (Fuping, 富平) và Đồng Nguyên, trước khi trở thành Chánh Đại Diện của giáo phận. Từ năm 1961 đến năm 1965, ngài bị bọn cầm quyền cấm thi hành chức vụ linh mục, nên lui về nhà làm ruộng. Năm 1965, ngài bị bắt và năm 1966, giữa cuộc Cách mạng Văn hóa, ngài bị kết án “cải tạo lao động”, làm việc trong các trại lao động cưỡng bức ở Tam Nguyên, Tây An (Xian, 西安), Bảo Kê (Baoji, 宝鸡) và Diên An (Yanan, 延安). Tháng 2 năm 1980, ngài được trả tự do và trở lại làm linh mục ở Đồng Nguyên.

Theo các nguồn tin của giáo phận, năm 1985 ngài được bí mật bổ nhiệm làm giám mục Tam Nguyên và được bí mật tấn phong vào năm 1987. Ngày 23 tháng 12 năm 1997, ngài đã tìm cách thực hiện một chuyến đi đến Ý, nơi ngài đã được Đức Gioan Phaolô II tiếp đón. Năm 2003, Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức của ngài vì lý do tuổi tác.


Source:Asia News

2. Cuộc rước thánh giá hàng chục triệu người tại Phi Luật Tân thời đại dịch coronavirus

Giáo Hội Công Giáo và chính quyền Phi Luật Tân đã đồng ý hạn chế sự tham dự của anh chị em giáo dân trong cuộc rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene tại thủ đô Manila. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất của đất nước, thường quy tụ vài triệu người, có năm đạt đến kỷ lục là 15 triệu người.

Tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.

Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.

Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.

Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.

Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm ngoái cuộc rước kéo dài 7km này lôi cuốn đến 9 triệu người.

Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros (Nội Thành), là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo.

Tại nhà thờ Quiapo các thánh lễ được tổ chức từ nửa đêm 8 tháng Giêng cho đến sáng ngày mùng 9 khi bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.

Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.

Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.

Năm nay, vì đại dịch coronavirus, sẽ không có cuộc rước kiệu long trọng này.

Nhà thờ Quiapo đã ấn định giới hạn 400 người cho mỗi thánh lễ. Tuy nhiên, 15 thánh lễ được cử hành trong ngày lễ 9 tháng Giêng. Điều này có nghĩa là chỉ 6,000 người có thể tham gia các cử hành bên trong nhà thờ.

Đức Cha Broderick Pabillo, giám quản tông tòa của tổng giáo phận Manila, cử hành thánh lễ đầu tiên lúc 4:30 sáng ngày 9 tháng Giêng và Đức Ông Hernando Coronel, cha sở Nhà thờ Quiapo, chủ sự thánh lễ cuối cùng lúc 10:15 tối

Đối với những người không thể tham dự Thánh lễ bên trong Nhà thờ Quiapo, các màn hình lớn sẽ được hiển thị bên ngoài nhà thờ để các tín hữu không thể tham dự Thánh lễ bên trong nhà thờ có thể xem được.

Thay vì hôn bức tượng, một thực hành còn được gọi là pahalik, những người tham dự sẽ có thể tôn kính và cầu nguyện với bức tượng, bức tượng sẽ được hiển thị trên ban công của nhà thờ.

“Thay vì pahalik, nghĩa là tri ân. Chúng tôi đặt tượng Nazarene bên ngoài để mọi người có thể đến thăm bất cứ lúc nào và vẫy chiếc khăn tay của họ để thể hiện sự tôn vinh đối với Black Nazarene,” Cha Badong, là cha phó xứ nói với ABS-CBN.

Vị linh mục không khuyến khích những người tham dự mang các bản sao rất lớn của bức tượng. Ngài nói những hình ảnh nhỏ hơn thì được.


Source:Catholic News Agency

3. Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa

Chúa Nhật 10 tháng Giêng, Giáo Hội cử hành Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bắt đầu truyền thống rửa tội cho trẻ em trong nhà nguyện Sistina, nơi diễn ra các mật nghị bầu giáo hoàng, vào ngày Chúa Nhật này.

Vào ngày lễ năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rửa tội cho 32 trẻ sơ sinh - 17 bé trai và 15 bé gái – con cái của các nhân viên của Vatican.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Ba 5 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không rửa tội cho các trẻ sơ sinh trong nhà nguyện Sistina vào Chúa Nhật tuần này do đại dịch coronavirus. Thay vào đó, các trẻ sơ sinh sẽ được rửa tội tại giáo xứ địa phương của các em.

Phụng Vụ trong ngày hôm nay cho chúng ta biết như sau về biến cố Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa cho Chúa Giêsu:

Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”

Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật từ thư viện của Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Một vài ngày trước, chúng ta đã cử hành lễ các đạo sĩ đến thăm Hài Nhi Giêsu; hôm nay chúng ta thấy Ngài là một người lớn ở bờ sông Gioóc-đăng. Phụng vụ khiến chúng ta có một bước nhảy vọt trong khoảng ba mươi năm, ba mươi năm mà chúng ta biết chỉ một điều: đó là những năm sống ẩn dật, mà Chúa Giêsu đã trải qua trong gia đình của Ngài - một số năm ở Ai Cập, như một người di cư trốn tránh cuộc bách hại của Hêrôđê, và một số năm khác ở Nadarét, học nghề với Thánh Giuse - trong gia đình vâng lời cha mẹ, vừa học vừa làm. Điều đáng chú ý là hầu hết thời gian trên dương thế này Chúa đã trải qua cuộc sống như thế, sống một cuộc sống thường nhật, chưa công khai rao giảng. Theo các sách Phúc âm, chúng ta biết rằng, đã có ba năm đầy ắp những bài giảng, phép lạ và nhiều điều khác nữa. Ba năm. Còn những năm khác, tất cả những năm khác, của Chúa Giêsu là dành cho cuộc sống ẩn dật trong gia đình. Đó là một thông điệp tuyệt đẹp cho chúng ta: nó cho thấy sự vĩ đại của cuộc sống hàng ngày, và tầm quan trọng trong mắt Chúa của mọi cử chỉ và khoảnh khắc của cuộc sống, dù là đơn giản nhất, thậm chí là ít được biết đến nhất.

Sau ba mươi năm sống ẩn dật này, cuộc đời công khai của Chúa Giêsu bắt đầu. Và nó bắt đầu chính xác với việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở sông Gioóc-đăng. Nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa? Thưa: Phép rửa của Gioan bao gồm một nghi thức sám hối, nó là dấu chỉ của ý chí muốn hoán cải, muốn trở nên tốt hơn, cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của một người. Chúa Giêsu chắc chắn không cần những điều đó. Quả thực Gioan Tẩy Giả cố gắng chống lại điều này, nhưng Chúa Giêsu nhất quyết chịu phép Rửa. Bởi vì sao? Thưa: bởi vì Chúa Giêsu muốn gần gũi với những người tội lỗi: đây là lý do tại sao Ngài xếp hàng chung với họ và thực hiện cùng một cử chỉ với họ. Ngài làm điều đó với thái độ của dân chúng, với cử chỉ của họ, những người, như một bài thánh ca phụng vụ đã nói, đã đón nhận phép Rửa của Gioan với “tâm hồn trần trụi và đôi chân trần trụi”. Linh hồn trần trụi, tức là không có gì che đậy, đơn sơ thú nhận mình là người tội lỗi. Đây là cử chỉ mà Chúa Giêsu thực hiện, và Người xuống sông để đắm mình trong cùng tình trạng của chúng ta. Thực ra, từ “Rửa Tội” thực sự có nghĩa là “ngâm mình vào”. Vào ngày đầu tiên của sứ vụ, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta “bản tuyên ngôn lập trình” của ngài. Ngài nói với chúng ta rằng Ngài không cứu chúng ta từ trên cao, bằng một quyết định tối cao hay một hành động áp đặt, một sắc lệnh, không: Ngài cứu chúng ta bằng cách đến gặp chúng ta và tự gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Đây là cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ của thế gian: đó là bằng cách hạ mình xuống, bằng cách gánh vác nó trên mình Ngài. Đó cũng là cách mà chúng ta có thể nâng người khác lên: không phải bằng cách phán xét, không phải bằng cách chỉ thị phải làm những gì, nhưng bằng cách làm cho chúng ta gần gũi, bằng cách hiệp thông, bằng cách chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa. Gần gũi là phong cách của Thiên Chúa đối với chúng ta; Chính Ngài đã nói điều đó với ông Môise: “Hãy nghĩ xem: có dân nào có thần thánh của họ gần gũi với họ như Ta gần gũi với dân Ta không?” Gần gũi là phong cách của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Sau cử chỉ nhân ái này của Chúa Giêsu, một điều phi thường xảy ra: các tầng trời mở ra và cuối cùng Ba Ngôi được tỏ lộ. Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình dạng chim bồ câu (x. Mc 1,10) và Chúa Cha nói với Chúa Giêsu: “ Con là Con yêu dấu của Cha” (c. 11). Chúa tỏ mình ra khi lòng thương xót xuất hiện. Đừng quên điều này: Thiên Chúa tỏ mình ra khi lòng thương xót xuất hiện, vì đó là khuôn mặt của Người. Chúa Giêsu trở thành người tôi tớ của những người tội lỗi và được loan báo là Con Thiên Chúa; Người hạ mình xuống trên chúng ta và Thánh Linh ngự xuống trên Người. Tình yêu gọi mời tình yêu. Điều này cũng áp dụng đối với chúng ta: trong mọi cử chỉ phục vụ, trong mọi công việc của lòng thương xót mà chúng ta thực hiện, Thiên Chúa biểu lộ chính Ngài, Thiên Chúa hướng ánh nhìn của Người về thế giới. Điều này cũng áp dụng cho chúng ta.

Nhưng, ngay cả trước khi chúng ta làm bất cứ điều gì, cuộc sống của chúng ta đã được ghi dấu bởi lòng thương xót đã ngự trên chúng ta. Chúng ta đã được cứu độ cách nhưng không. Ơn cứu rỗi là nhưng không. Đó là cử chỉ thương xót nhưng không của Thiên Chúa đối với chúng ta. Điều này này được thực hiện vào ngày Rửa tội của chúng ta; nhưng ngay cả những người chưa được rửa tội cũng luôn nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ở đó, Người chờ đợi, Người đợi những cánh cửa tâm hồn mở ra. Tôi dám nói rằng, Người đến gần, Người vuốt ve chúng ta với lòng thương xót của Người. Xin Đức Mẹ, Đấng mà chúng ta cầu nguyện bây giờ, giúp chúng ta bảo vệ căn tính của mình, đó là căn tính “giàu lòng thương xót”, là nền tảng của đức tin và cuộc sống của chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi lời chào trìu mến tới người dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đang bị rúng động bởi những sự kiện ở toà nhà Quốc hội gần đây. Tôi cầu nguyện cho những người đã mất mạng – năm người đã mất mạng trong những khoảnh khắc kịch tính đó. Tôi nhắc lại rằng bạo lực luôn tự hủy hoại bản thân. Không có gì có thể đạt được bằng bạo lực nhưng chúng ta mất mát rất nhiều. Tôi kêu gọi các cơ quan chức năng của nhà nước và toàn dân hãy duy trì tinh thần trách nhiệm cao, nhằm xoa dịu các tâm hồn, thúc đẩy hòa giải dân tộc và bảo vệ các giá trị dân chủ bám rễ trong xã hội Mỹ. Cầu xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng Bảo Trợ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, giúp duy trì nền văn hóa gặp gỡ, văn hóa chăm sóc, như cách thức chính để cùng nhau xây dựng công ích; và Mẹ đang làm điều đó với tất cả những người sống trong vùng.

Và bây giờ tôi thân ái chào tất cả anh chị em đã kết nối qua các phương tiện truyền thông. Như anh chị em đã biết, do đại dịch, tôi không thể cử hành lễ Rửa Tội trong Nhà nguyện Sistina hôm nay, như thường lệ. Tuy nhiên, tôi cũng xin cam đoan những lời cầu nguyện của tôi dành cho những trẻ em đã ghi danh và cho cha mẹ các em, cũng như những người đỡ đầu của chúng; và tôi mở rộng lời cầu nguyện này cho tất cả trẻ em lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong giai đoạn này, cầu xin cho các em nhận được căn tính Kitô giáo, nhận được ân sủng của sự tha thứ, của sự cứu chuộc. Xin Chúa phù hộ tất cả mọi người!

Anh chị em thân mến, ngày mai là kết thúc Mùa Giáng Sinh, chúng ta sẽ lại tiếp tục hành trình của Mùa Thường Niên trong phụng vụ. Chúng ta đừng mệt mỏi trong việc khẩn cầu ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để giúp chúng ta sống những điều bình thường với tình yêu và do đó làm cho chúng trở nên phi thường. Đó là tình yêu thay đổi: những điều bình thường dường như tiếp tục là bình thường, nhưng khi chúng được thực hiện với tình yêu thương, chúng trở nên phi thường. Nếu chúng ta vẫn cởi mở, ngoan ngoãn trước Thánh Linh, thì Ngài sẽ soi dẫn suy nghĩ và hành động của chúng ta mỗi ngày.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!


Source:Holy See Press Office
 
Bác bỏ các fake news liên quan đến tình trạng của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:53 10/01/2021


Như chúng tôi đã đưa tin bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô, là bác sĩ tiến sĩ Fabrizio Soccorsi, năm nay 78 tuổi, đã được nhập viện vào ngày 26 tháng 12 nhưng chẳng may đã qua đời vì các biến chứng sức khỏe liên quan đến coronavirus tại Bệnh viện Gemelli ở Rôma.

Kể từ đầu đại dịch coronavirus cho đến nay, Tòa Thánh luôn áp dụng các giao thức phòng dịch nghiêm nhặt nên Đức Thánh Cha Phanxicô không mắc phải coronavirus.

Tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha rất khả quan. Trong mấy ngày cuối năm Đức Thánh Cha bị đau thần kinh tọa nhưng tình trạng đã được cải thiện và ngài đã có thể đích thân cử hành thánh lễ Chúa Hiển Linh hôm thứ Tư 6 tháng Giêng vừa qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Hôm Chúa Nhật 10 tháng Giêng, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin và ban huấn dụ. Đó là những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Trong ngày Chúa Nhật 10 tháng Giêng đã nổi lên một số fake news liên quan đến Đức Thánh Cha. Chúng tôi long trọng khẳng định với quý vị và anh chị em Đức Thánh Cha Phanxicô hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngài vẫn ở tại Vatican và làm việc như bình thường.

Những fake news liên quan đến Đức Thánh Cha, mà chúng tôi không muốn nêu cụ thể ở đây để tránh vô tình tiếp tay cho những kẻ bất lương, là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự suy đồi cả về văn hóa lẫn tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí đến mức tán tận lương tâm. Nó cũng cho thấy một sự ngu dốt về các hoạt động của Tòa Thánh và luật quốc tế.

Xin nói lại một lần nữa với quý vị và anh chị em Đức Thánh Cha Phanxicô hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngài vẫn ở tại Vatican và làm việc như bình thường.

Là tín hữu Công Giáo, chúng ta phải có lòng tôn kính Đức Thánh Cha, là người kế vị Thánh Phêrô, và là đại diện Chúa Kitô ở trần gian, chúng ta mắc một lỗi nghiêm trọng khi loan truyền các fake news hủy hoại hình ảnh của ngài, và chung cuộc là gây trở ngại cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta sau khi đã được rửa tội.

Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ các fake news liên quan đến tình trạng của Đức Thánh Cha Phanxicô, và xin được nói lại một lần nữa với quý vị và anh chị em Đức Thánh Cha Phanxicô hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngài vẫn ở tại Vatican và làm việc như bình thường.

Sau đây là một bản tin quan trọng cũng về những trò fake news, liên quan đến tình trạng của Giáo Hội tại Hoa Lục.

Mặc dù không có chứng cớ là nạn dịch ở Hà Bắc là do những cuộc tụ họp cuả người Công Giáo, nhưng bọn cầm quyền Bắc Kinh cùng những kẻ thù hận đức tin đã tung ra những luận điệu nặc danh dối trá trên phương tiện truyền thông trong đó chúng đổ vạ cho người Công Giáo.

Phải chăng đây là một âm mưu cuả đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn tận diệt Công Giáo? Dưới đây là ý kiến của linh mục Sơn Nhân, một linh mục nổi tiếng thường xuyên đóng góp trên các diễn đàn xã hội cuả Trung Quốc mà VietCatholic đã giới thiệu nhiều lần:

Hà Bắc, những Kitô hữu bị chụp mũ là ‘ổ lây dịch’. Sự trở lại của chế độ Nêrô.

Vào khoảng 2 giờ chiều, một giáo dân của tôi hỏi qua điện đàm: “Thưa cha, có một bài báo viết rằng: làng Tiêu quốc trang (Xiao Guozhuang), gần Trần Thành (Gaocheng) là một làng Công Giáo; 20 ngày trước, có hoạt động tôn giáo ở đây, có một số linh mục từ Âu Châu và Hoa Kỳ...” “Tin tức này có đáng tin không?”

Tôi không thực sự hiểu câu hỏi bất ngờ này nên tôi hỏi lại: “Chuyện gì đã xảy ra?”. Qua màn hình, tôi cảm nhận được sự sợ hãi của anh, bởi vì anh ta sợ rằng “tin tức này được ghi là xuất phát từ các chuyên gia nghiên cứu và phân tích” và có thể trở thành sự thật.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói về điều đó. Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy một điều như vậy từ anh ấy và tôi không biết tin tức đó có phải là sự thật hay không. Tuy nhiên, vào một thời điểm quan trọng của nạn đại dịch ở Hà Bắc, tôi tự hỏi tại sao có người lại bịa ra một cái tin “khiêu khích” như vậy. Chính vì không biết sự việc nên lúc đó tôi không dám đưa ra kết luận.

Sau đó, tôi hỏi các tín hữu địa phương và một giáo viên nói: “Đây cũng là lý do mà các nhà trường đưa ra: theo họ, Tiêu quốc trang đã bị nhiễm bệnh vì hoạt động tôn giáo”. Nhưng anh ấy cũng không biết chính xác ngôi làng này ở đâu hay sự việc thực sự như thế nào. Vì vậy, tôi nghĩ đó có thể là những lời đòn nhảm ở thành thị, và ở trường học.

Vì vậy, tôi tiếp tục tra hỏi thông tin từ những người khác, và càng đi sâu, tôi càng thấy tin tức đó không đáng tin cậy.

Trước hết, các nhà thờ ở khu vực Thạch Gia Trang đã nhận được thông báo vào đêm Giáng sinh (24/12), yêu cầu họ tạm dừng tổ chức lễ Giáng sinh; Thánh lễ đêm Giáng sinh được các linh mục giáo xứ cử hành một mình, và mọi công việc chuẩn bị cho lễ Giáng sinh đều bị bỏ dở.

Thứ hai, chính xác là 14 ngày đã trôi qua từ ngày 24 tháng 12 đến hôm nay, nhưng bài đăng của các chuyên gia cho biết: “Khoảng 20 ngày trước, làng Tiêu quốc trang tổ chức một hoạt động tôn giáo và có một số linh mục từ Âu châu và Hoa Kỳ tham gia... “. Tôi vẫn đang cố gắng xác định xem hoạt động nào đã được tổ chức cách đây 20 ngày ở Tiêu quốc trang, đến nỗi thậm chí có một số linh mục nước ngoài đến tham dự.

Thứ ba, ngày 7 tháng Giêng, lúc 11 giờ 40 sáng, một bài báo viết bởi một người ẩn danh đã được đăng, có tựa đề “Sự gia tăng tôn giáo ở các làng: làng Tiêu quốc trang, ở Trần Thành, đang tổ chức nhiều hoạt động bí ẩn vào mỗi thứ Tư và thứ Sáu?”. Mục đích của việc phát hành một bài báo như vậy vào một thời điểm quan trọng như thế này, có nghiã là gì?

May mắn thay, vị linh mục địa phương chịu trách nhiệm một vùng rộng lớn bao gồm Thạch Gia Trang đã lập tức đưa ra một tuyên bố ngăn chặn những lời dối trá này. Tuyên bố viết: “Các làng Tiêu quốc trang, Lưu gia tả (Liu Jiazuo,) Nam kiều trại (Nan Qiaozhai) không phải là những làng Công Giáo, chỉ có một số ít cư dân là người Công Giáo. Những ngôi làng này không có nơi cầu nguyện; họ không tổ chức các cuộc họp tôn giáo. Để tham gia hoạt động tôn giáo thông thường, tất cả các tín hữu phải đến những làng bên cạnh như Bối kiều trại (Bei Qiaozhai,) v.v.

Do đó, trò hề này chỉ là một cách để đổ lỗi đại dịch cho các cuộc tụ họp tôn giáo. Hiện tại, đời sống tôn giáo bình thường đang phải chịu nhiều hạn chế: Thánh lễ Đêm Giáng sinh khắp vùng không có tín hữu là bằng chứng không thể chối cãi về điều này. Mà đợt dịch này lại bắt đầu sau đó, từ ngày 4 tháng Giêng.

Các hoạt động tôn giáo đã bị đình chỉ từ đêm Giáng sinh. Do đó những người có ý định tung tin vu khống chỉ có thể chuyển ngày này về 20 ngày trước, sử dụng một ngôi làng không theo Công Giáo như Tiêu quốc trang làm nguồn gốc của dịch.

Rõ ràng đó là tin tức được xây dựng một cách nghệ thuật; nếu nó được công chúng hấp thụ, các tín hữu sẽ không có cách nào để tự vệ. Nếu nó không được chấp nhận, nó chỉ bị coi là một trò đùa, không liên quan. Nhưng nếu các tín hữu nghĩ về điều đó, thì thật là kinh hãi. Nhân danh tôn trọng các quy tắc phòng ngừa, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc đình chỉ các hoạt động tôn giáo vừa mới được nối lại.

Thực tại đang được diễn ra thì Hiệp hội Yêu nước và Ủy ban Hành chính của Giáo hội Quốc Doanh Trung Quốc, theo yêu cầu của cấp lãnh đạo, đã yêu cầu tất cả các giáo xứ trong giáo phận đình chỉ hoạt động của họ. Hơn nữa, đề cập đến lời đồn về sự lây lan là từ các cuộc tụ tập tín đồ ở Thạch Gia Trang mà dư luận đang hướng về các linh mục đến từ Châu Âu và Hoa Kỳ, Hiệp hội Yêu Nước không cải chính, chỉ bổ sung thêm câu sau: “sau khi các chuyên gia phân tích, người ta khẳng định virus tìm thấy ở Thạch Gia Trang và Hình Đài được nhập từ Âu Châu”.

Điều này làm tôi nhớ đến hoàng đế Nêrô. Ông là một người yêu thơ; Ông thích đọc lại những bài thơ cuả người khác viết cùng với những bài thơ tầm thường cuả chính ông, và mỗi lần như thế ông đều muốn có những tràng pháo tay cuả đoàn tuỳ tùng. Rồi một ngày nọ, tin rằng sự im lặng của thành phố Rôma không xứng đáng để ông say mê ngâm thơ, ông quyết định đốt cháy thành phố và ngâm thơ giữa tiếng la hét của dân chúng. Để đọc một bài thơ, hoàng đế ra lệnh đốt cháy một thành phố!

Giữa những ngọn lửa rực cháy và đám đông chạy trốn, vị hoàng đế cuối cùng cũng đã giải tỏa được niềm đam mê của mình. Khi tất cả kết thúc, hoàng cung bị bao vây bởi những người tức giận, thì Nêrô hoảng sợ. Có người gợi ý với ông ta rằng điều mà người dân La Mã muốn vào lúc này là trút giận, và thế là đủ để buộc tội các tín hữu Kitô đã phóng hỏa đốt thành phố. Khi đám đông nhìn thấy những con sư tử ăn thịt những người có đạo, họ sẽ quên điều tra xem ai thực sự là thủ phạm. Do đó sinh ra một cuộc đàn áp tùy tiện đối với các Kitô hữu. Những người đang ở trong tình trạng hoang mang, thì sự thật vẫn là, họ không quan tâm sự thật là gì!

Điều đáng mừng là vị linh mục gần Thạch Gia Trang lần này đã phản ứng kịp thời, là lập tức tuyên bố chống lại sự dối trá để phong tỏa những hậu quả tiêu cực. Nhưng tôi vẫn muốn đặt lại một câu hỏi là: cơn gió ác này từ đâu thổi đến? Mặc dù nó chưa dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực trong lần này, nhưng chúng ta không nên bỏ qua nó vì trong quá trình lịch sử, Giáo hội đã bị tổn thương thường xuyên vì những lý do như thế...


Source:Asia News