Ngày 11-01-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giêsu không ba phải
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
06:38 11/01/2019
CHÚA CHỊU PHÉP RỬA

Một câu chuyện cười với nội dung: Một người mở tiệm bán cá. Anh ta căng bảng hiệu: "Ở đây bán cá tươi". Một người hàng xóm phê bình: "Anh bán cá tươi chứ có bán cá khô đâu. Cần gì phải để chữ 'tươi' trên bản hiệu?". Nghe có lý, anh chủ tiệm xóa chữ "tươi". Bảng hiệu chỉ còn: "Ở đây bán cá".
Người khác lại chê: "Tiệm bán cá, ai cũng biết, cần gì phải ghi 'ở đây'". Anh chủ tiệm lại nghe có lý. Vậy là bảng hiệu chỉ còn hai chữ "bán cá".
Một người khác lại thêm: "Tiệm bán cá chứ có bán rau đâu mà phải tốn cả bảng hiệu?". Ngay hôm sau, không ai còn thấy bảng hiệu của tiệm.

Câu chuyện phê bình người có tính ba phải, dễ bắt chước rập khuôn theo người khác mà không biết giữ lập trường của mình.

Tôi không có ý so sánh câu chuyện kể trên với nội dung Tin Mừng, vì chuyện vui không đáng so sánh với Tin Mừng. Tôi chỉ muốn qua đó nhận ra và vinh danh thái độ và hành động của Chúa Giêsu mà thôi.

Chúa Giêsu, người được thánh Gioan ca ngợi cách hết sức khác thường, trên mức bình thường. Nào là "Đấng cao trọng hơn tôi đang đến". Nào là "Tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người", hay "Tôi rửa anh em trong nước. Người rửa anh em trong Thánh Thần và lửa", thì chính Đấng ấy, Đấng mà thánh Gioan long trọng giới thiệu, lại đến xin thánh Gioan làm phép rửa cho mình. Chính Người cúi mình để thánh Gioan rửa thật sự.

Chúa Giêsu làm như vậy có ý gì, Hay Người cũng chỉ là kẻ ba phải, thấy người khác đến xin phép rửa, thì cũng đến như mọi người?

Lời của Chúa Cha khẳng định về Chúa Giêsu: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha", cho thấy Chúa Giêsu thực hành điều mà Người cần thực hành: Người tuân hành thánh ý Chúa Cha. Không chỉ hôm nay mà thôi, nhưng suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, Người làm tròn một nhiệm vụ: Thánh ý Chúa Cha được hoàn hảo, được nên vẹn toàn.

Chúa không ba phải, không là kẻ thấy ai làm gì cũng làm theo. Chúa Giêsu là Đấng Toàn năng hiện diện giữa thế giới loài người để lôi kéo họ về phía Chúa, để họ được nhờ Chúa, nhờ sống chính những giới răn Chúa hướng dẫn mà đạt tới hạnh phúc, được sống trong cõi an bình đời đời. Vì thế, Chúa Giêsu luôn đẹp lòng Chúa cha.

Hôm nay, đứng chung hàng ngũ những người chịu phép rửa của thánh Gioan trên sông Giođan, Chúa thiết lập phép thánh tẩy trong Chúa Thánh Thần. Chính trong phép rửa mà Người thiết lập, Chúa tỏ mình cho trần thế vinh quang của Chúa. Vinh quang được xác nhận trong mầu nhiệm Ba Ngôi vĩ đại: "Trời mở ra, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu". Cùng lúc Chúa Cha long trọng xác nhận: "Con là Con của Cha, Con đẹp lòng Cha".

Nếu lần tỏ mình trước trong lễ Hiển Linh, các đạo sĩ, các lời Kinh Thánh cho biết Chúa Giêsu nhập thể trong trần gian, thì lần này, đánh dấu một bước ngoặc mới, đó là Chúa Giêsu chuẩn bị bước vào đời sống công khai giữa trần gian. Người sẽ ra đi loan báo Tin Mừng.

Nếu lần trước, trong lễ Hiển Linh, Chúa chỉ tỏ mình trong cảnh âm thầm lặng lẽ của sự nghèo khó nơi hang Bêlem, thì lần này, sự tỏ mình diễn ra trong bầu khí uy nghi. Đúng hơn, cuộc tỏ mình là một cuộc Thần hiện: Ba Ngôi cùng hiện diện thật uy linh, thật mạnh mẽ, trong bối cảnh hùng vĩ chưa từng có.

Cuộc thần hiện như muốn nói rằng: Công trình cứu chuộc là công trình lớn của Thiên Chúa. Công trình ấy, nay được ủy thác cho Chúa Giêsu. Kể từ hôm nay, Chúa Giêsu ra đi công khai thực hiện công trình cứu chuộc ấy. Chúa sẽ đem Tin Mừng cho nhân loại. Người ban ơn tha thứ cho họ. Người giao hòa họ với Thiên Chúa. Người sẽ hiến mình để họ được gỉai cứu. Người sẽ sống lại để đưa họ vào sự sống đời đời của chính Thiên Chúa, Đấng đã sai Người, và ban Thánh Thần cho Người.

Cuộc thần hiện tỏ tường của Ba Ngôi còn cho thấy: Những gì Chúa Giêsu đang thể hiện, đều chắc chắn là những điều Thiên Chúa muốn và ấn định. Và công trình cứu chuộc do Chúa Giêsu thực hiện là công trình cần thiết tuyệt đối cho chúng ta trong ơn phần rỗi.

Ngày xưa, phép rửa của thánh Gioan chỉ là phép rửa kêu gọi thống hối. Nhưng với Chúa Giêsu, phép rửa mà chúng ta lãnh nhận là phép thánh tẩy. Nó có sức tẩy sạch mọi tội lỗi. Nó đưa ta về làm con của Thiên Chúa. Nó cho ta hưởng gia nghiệp của Thiên Chúa. Từ nay, ta và với Chúa Giêsu có cùng một Người Cha là Thiên Chúa.

Hội Thánh luôn kêu mời hãy tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và sống bí tích rửa tội. Chính trong bí tích rửa tội Thiên Chúa là Cha, là Con và Thánh Thần thánh hóa chúng ta.

Vậy hết mọi thời gian trong đời Kitô hữu của mình, chúng ta hãy luôn ý thức rằng, mình đã chịu phép rửa tội, đã là con Thiên Chúa, đã được tháp nhập vào Thiên Chúa để sống chính sự sống của Người.

Nhờ bí tích rửa tội, ta có Thiên Chúa là Cha, để cùng với Chúa Giêsu, ta hãnh diện làm con Thiên Chúa, có Chúa Giêsu là Anh Cả của mình.

Hãy luôn luôn trở về cùng Thiên Chúa. Hãy thành tâm thờ phượng Chúa bằng một tâm hồn gắn bó với Chúa trong cầu nguyện, trong việc tuân giữ và tham dự những nghi thức thờ phượng, nhất là tham dự phụng vụ cách tích cực. Đặc biệt, tham dự phụng vụ là dâng chính hy tế của Chúa Kitô, để thờ phượng Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần.

Ta cũng giữ cho lòng mình thanh sạch, càng ngày càng xa tránh những gì làm ta hư đốn, đi ngược với sự mong muốn và thánh ý của Chúa. Nhờ đó, ta có thể sống ơn gọi làm con Thiên Chúa mỗi ngày mỗi hoàn hảo hơn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta 07/01/2019: Tính cụ thể là một tiêu chí của Kitô giáo
Lệ Hằng, F.M.A.
02:21 11/01/2019
Thiên Chúa đã trở thành “cụ thể, sinh bởi một người phụ nữ cụ thể, sống một cuộc đời cụ thể, chết một cái chết cụ thể và Ngài yêu cầu chúng ta yêu anh chị em cụ thể”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai, mùng 7 tháng Giêng, tại nhà nguyện Santa Marta..

Các lệnh truyền của Thiên Chúa là “cụ thể”, do đó, sự cụ thể là “tiêu chí” của Kitô Giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên quan điểm trên trong Thánh lễ sáng thứ Hai, là thánh lễ đầu tiên tại Casa Santa Marta sau ngày lễ Giáng sinh.

Mô tả các vị thánh là “những người điên cuồng về tính cụ thể”, Đức Thánh Cha nói rằng các vị thánh sẽ giúp chúng ta đi trên con đường này và nhận ra những điều cụ thể theo thánh ý Chúa, trái với những hoang tưởng và ảo tưởng của các tiên tri giả mà Thánh Gioan đề cập đến trong Lá thư thứ Nhất.

Thiên Chúa và người lân cận

Đức Thánh Cha giải thích rằng những gì chúng ta mong muốn nhận được từ Chúa tùy thuộc vào kết ước của chúng ta với Ngài – tức là chúng ta phải tuân thủ các lệnh truyền của Ngài và làm những gì hài lòng Ngài.

Điều đầu tiên cần có ở đây, theo Đức Thánh Cha, là niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào Con Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một phàm nhân giữa chúng ta bằng xương bằng thịt - Chúa Giêsu, một Thiên Chúa cụ thể, Đấng đã được thụ thai trong lòng Đức Maria, Đấng được sinh ra ở Bêlem, Đấng lớn lên như một đứa trẻ thơ, trốn sang Ai Cập, trở về Nazareth, lớn lên và rao giảng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng Chúa Giêsu là một con người cụ thể, với bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người; chứ không phải là Thiên Chúa ngụy trang như một con người. Điều này, theo Đức Cha, là sự cụ thể trong điều răn thứ nhất.

Điều kiện thứ hai trong kết ước của chúng ta với Thiên Chúa cũng là một điều cụ thể - đó là yêu mến nhau, bằng một tình yêu cụ thể, chứ không phải với một tình yêu tưởng tượng. Không phải là “Ồ, tôi yêu bạn biết chừng nào” để rồi sau đó tiêu diệt người ta bằng miệng lưỡi và những lời vu khống.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tình yêu cụ thể, và nói rằng các giới răn của Thiên Chúa là cụ thể, và do đó, tiêu chí của Kitô giáo là sự cụ thể của nó. Kitô Giáo không phải là tập hợp những ý tưởng và những lời hay ý đẹp nhưng chính là sự cụ thể, đó là một thách đố. Chỉ như thế, chúng ta mới dám xin những gì chúng ta mong muốn nơi Chúa, với “lòng can đảm” và “mạnh dạn”.

Cảnh giác

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng bên cạnh niềm tin cụ thể vào Chúa Giêsu và sự cụ thể trong đức ái, cuộc sống của một Kitô hữu cũng đòi hỏi sự cảnh giác tâm linh. Về điều này, Thánh Gioan đã nói về những cuộc đấu tranh chống lại những ý tưởng phù phiếm và những tiên tri giả, là những người đề nghị một Chúa Kitô “mềm dẻo”, ít cụ thể hơn, và tình yêu dành cho người lân cận tương đối hơn. Vì thế, chúng ta cần phân định xem một nguồn cảm hứng có thực sự đến từ Thiên Chúa hay không, bởi vì có quá nhiều tiên tri giả trong thế giới này và ma quỷ luôn cố gắng làm chúng ta xa cách Chúa Giêsu, và làm mọi cách ngăn không cho chúng ta ở lại trong Ngài.

Phân định

Đức Thánh Cha nói rằng ngoài việc xét mình về những tội lỗi vào cuối ngày, một Kitô hữu cũng phải tìm hiểu xem những gì đang xảy ra trong trái tim, một nguồn cảm hứng hay sự điên rồ mà đôi khi Thánh Linh đưa đẩy chúng ta đến. Một trường hợp về sự điên rồ của Thiên Chúa cũng có mặt trong Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng, đó là một người đàn ông rời Ý hơn 40 năm trước để trở thành một nhà truyền giáo cho những người phong cùi ở Ba Tây. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến Thánh Frances Cabrini là người luôn đi tiên phong trong việc chăm sóc cho người di cư, và nói thêm rằng ta không nên sợ hãi nhưng phải phân định để biết đâu là thánh ý Chúa.

Trong việc phân định này, sẽ rất hữu ích khi có các cuộc trò chuyện tâm linh với những người có thẩm quyền về tinh thần, những người có đặc sủng để giúp chúng ta nhìn rõ mọi sự. Họ có thể là linh mục, tu sĩ, giáo dân và những người khác có khả năng giúp chúng ta nhìn thấy những gì xảy ra trong trái tim để không phạm sai lầm.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngay cả Chúa Giêsu cũng phải làm điều này khi bắt đầu cuộc sống công khai. Trong sa mạc, ma quỷ đã đề nghị với Ngài ba điều trái với Thần Khí của Thiên Chúa; và Ngài đã thẳng thừng dùng Lời Chúa để bác bỏ chước cám dỗ của ma quỷ. Vì thế, chúng ta cũng không thể là trường hợp ngoại lệ.

Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng ngay cả vào thời Chúa Giêsu, có những người có thiện chí đã nghĩ rằng có một đường lối khác của Thiên Chúa. Những người Pharisêu, Sađốc, Essenes và Zealots, không phải lúc nào cũng chọn con đường tốt nhất. Do đó, chúng ta được mời gọi “hiền lành vâng phục”. dân Chúa phải luôn tiến bước trong đức ái và đức tin cụ thể, đó là một kỷ luật giúp Giáo hội phát triển, tránh xa các thứ triết lý phù phiếm sai lầm như những thứ triết lý của người Pharisêu và người Sađốc.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói rằng chính Thiên Chúa đã trở nên cụ thể, sinh bởi một người phụ nữ cụ thể, sống một cuộc đời cụ thể, chết một cái chết cụ thể và Ngài yêu cầu chúng ta yêu anh chị em cụ thể, ngay cả khi một số người trong họ có thể rất khó mà yêu.


Source: Vatican News Pope at Mass: concreteness is the criterion of Christianity
 
Thánh lễ tại Santa Marta 08/01/2019: Sự thờ ơ trái ngược với tình yêu Thiên Chúa
Lệ Hằng, F.M.A.
03:55 11/01/2019
Thiên Chúa bước về phía chúng ta trước và yêu thương chúng ta vì Ngài từ bi và hay thương xót, bất chấp sự thờ ơ của chúng ta. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba, mùng 8 tháng Giêng, tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ hôm Thứ Ba để cầu nguyện cho linh hồn Đức Tổng Giám Mục Giorgio Zur, người vừa qua đời vào tối thứ Hai. Vị Tổng Giám Mục quá cố đã sống ở nhà trọ Santa Marta cùng với Đức Thánh Cha và từng phục vụ trong tư cách là Sứ thần Tòa thánh tại Áo.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Phúc âm trong ngày (Mc 6: 34-44) nói về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, và Bài đọc thứ nhất, trích từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan (4: 7-10).

Chúa yêu chúng ta trước

Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Gioan Tông Đồ giải thích về “cách thức Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài nơi chúng ta”. “chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4:7).

Đức Thánh Cha gọi đây là mầu nhiệm tình yêu: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Ngài đã đi bước đầu tiên”. Chúa yêu chúng ta, dù cho chúng ta không biết cách yêu, và “cần sự vuốt ve của Chúa để yêu thương.”

“Bước đầu tiên Chúa chọn là gởi Con của Ngài đến trong thế gian. Ngài sai Con Duy Nhất của Ngài đến để cứu chúng ta và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, để làm mới và tái tạo chúng ta.”

Chúa Giêsu có lòng trắc ẩn đối với đám đông

Trình bày các suy tư của ngài về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Đức Thánh Cha nói rằng vì lòng từ bi, Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng đám đông.

“Trái tim của Thiên Chúa, trái tim của Chúa Giêsu, đã bồi hồi xúc động khi nhìn thấy những người này, và Ngài không thể thờ ơ. Tình yêu làm tim ta bồn chồn không yên. Tình yêu không có chỗ cho sự thờ ơ; yêu là từ bi. Nhưng tình yêu có nghĩa là liều trao con tim mình cho người khác; nó có nghĩa là thể hiện ra lòng thương xót.”

Chính các con hãy cho họ ăn

Đức Thánh Cha đã mô tả cảnh tượng khi các môn đệ đi tìm thức ăn. Ngài nói rằng Chúa Giêsu đã dạy họ và mọi người nhiều điều, nhưng họ trở nên buồn chán, vì Chúa luôn nói những điều tương tự.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng khi Chúa Giêsu giảng dạy họ “với tình yêu và lòng trắc ẩn”, có lẽ họ đã bắt đầu nói chuyện với nhau. Họ bắt đầu xem đồng hồ, và nói rằng đã quá muộn.

Trích dẫn lời của Thánh Sử Máccô “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn”, Đức Thánh Cha nhận định rằng về cơ bản các môn đệ muốn người dân tự tìm lương thực cho họ. “Chúng ta có thể chắc chắn là, họ đã nói với Chúa rằng chắc chắn mấy người này có đủ bánh cho họ và họ muốn giữ riêng cho mình không trao ra thôi.” Đây là sự thờ ơ, Đức Thánh Cha nhận xét.

Các môn đệ không quan tâm đến dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu thì quan tâm đến họ, bởi vì ngài lo lắng cho họ. Các môn đệ không phải là những người ác, họ chỉ thờ ơ. Họ đã không biết ý nghĩa của tình yêu. Họ đã không biết cách thể hiện lòng trắc ẩn. Họ đã không biết sự thờ ơ là gì. Họ đã phải phạm tội, phản bội Thầy và bỏ rơi Ngài để hiểu được cốt lõi của lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Và phản ứng của Chúa Giêsu rất thẳng thừng và sâu sắc: ‘chính anh em hãy cho họ ăn đi!’ Đây là cuộc đấu tranh giữa lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu và sự thờ ơ, là điều luôn được lặp lại trong suốt lịch sử. Rất nhiều người là những người tốt lành, nhưng không hiểu được nhu cầu của người khác, không có khả năng từ bi. Họ là những người tốt, có thể vì tình yêu của Thiên Chúa chưa đi vào trái tim họ hay họ không để tình yêu Chúa len lỏi vào tim mình”

Người phụ nữ vô gia cư ở Rôma

Kế đó, Đức Thánh Cha mô tả một bức ảnh treo trên tường của Văn phòng Bác ái Giáo hoàng. Ngài nói rằng đó là một bức ảnh do một người đàn ông địa phương chụp. Người này đã trao bức ảnh ấy cho Quan Phát Chẩn của Đức Giáo Hoàng. Ông Daniel Garofani, hiện là nhiếp ảnh gia của tờ Quan Sát Viên Rôma, đã chụp bức ảnh này khi phân phát thức ăn cho những người vô gia cư cùng với Đức Hồng Y Krajewski. Bức ảnh cho thấy những người ăn mặc bảnh bao đang rời khỏi một nhà hàng ở Rôma khi người phụ nữ vô gia cư này giơ tay cầu xin bố thí. Bức ảnh đã được chụp ngay khi mọi người nhìn đi chỗ khác, để ánh mắt của họ không chạm trán với ánh mắt của người phụ nữ vô gia cư. Điều này, theo Đức Thánh Cha, là văn hóa của sự thờ ơ. Đó là những gì các môn đệ đã làm.

Sự thờ ơ là trái ngược với tình yêu

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tình yêu Thiên Chúa luôn đi bước trước, luôn từ bi và nhân hậu. Theo Đức Thánh Cha, đúng là phản nghĩa với tình yêu là sự thù ghét, nhưng nhiều người trong chúng ta không nhận thức được “sự thù ghét vô thức”.

“Sự đối nghịch phổ biến hơn đối với tình yêu của Thiên Chúa, đối với lòng từ bi của Ngài, là sự thờ ơ. ‘Tôi thấy thỏa mãn; Tôi không thiếu gì. Tôi có tất cả mọi thứ. Vị trí của tôi trong cuộc sống này và cả đời sau được bảo đảm rồi, vì tôi đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Tôi là một Kitô hữu tốt lành.’ Nhưng khi rời khỏi nhà hàng, tôi lại nhìn theo một hướng khác. Chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa xin Ngài chữa lành nhân loại, bắt đầu từ chúng ta. Mong cho trái tim tôi được chữa lành khỏi bệnh tật của thứ văn hóa thờ ơ.”

Lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 dành cho ông Kiko Argüello

Vào cuối thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến ông Kiko Argüello, đồng sáng lập viên của Con Đường Tân Dự Tòng, nhân ngày sinh nhật lần thứ 80 của ông vào ngày 9 tháng Giêng. Đức Thánh Cha cũng cảm ơn ông về lòng nhiệt thành tông đồ và tất cả các công việc ông đã làm cho Giáo hội.


Source: Vatican News Pope at Mass: ‘Indifference is opposed to God’s love’
 
Thánh lễ tại Santa Marta 10/01/2019: Ai yêu mến Chúa cũng phải yêu mến anh em mình
Lệ Hằng, F.M.A.
04:49 11/01/2019
Ai không yêu mến anh em mình, không thể nào yêu mến Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, mùng 10 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta

Trình bày các suy tư liên quan đến các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha nói để yêu mến Chúa một cách cụ thể, người ta cũng phải yêu mến anh chị em của mình - tất cả họ: cả những người chúng ta thích lẫn những người chúng ta không thích.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu tốt lành không được lơ là việc cầu nguyện ngay cả cho những kẻ thù của mình, cũng không được chiều theo lòng ganh ghét hay tham gia vào những tin đồn làm hại thanh danh người khác.

Trọng tâm trong thông điệp của Đức Thánh Cha là sự khích lệ để vượt thắng bằng sức mạnh của đức tin tinh thần thế gian đầy gian dối và gây chia rẽ.

Tinh thần thế gian đầy gian dối

Lấy ý từ Bài đọc thứ Nhất trong ngày, Đức Thánh Cha lưu ý rằng Thánh Gioan Tông đồ đề cập đến tinh thần thế gian khi Thánh Nhân nói rằng “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa,” và chinh phục được thế gian.

Ngài giải thích rằng điều này đề cập đến cuộc đấu tranh hàng ngày của chúng ta chống lại tinh thần thế gian đầy gian dối và thiếu nhất quán, trái với “thần khí của Chúa là sự thật”.

“Tinh thần thế gian là một tinh thần phù phiếm, tinh thần của những thứ không có sức mạnh, không có nền tảng và vận mệnh của nó là sự hủy diệt.”

Tinh thần thế gian chia rẽ gia đình, cộng đồng, xã hội

Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Tông đồ chỉ cho chúng ta thấy đâu là chính lộ bằng cách nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta đi theo Thần khí của Thiên Chúa, chúng ta sẽ làm những điều tốt lành.

Một cách cụ thể, ngài nói rằng, “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng mà họ không trông thấy.”

Đức Thánh Cha giải thích thêm “Nếu anh chị em không thể yêu điều gì đó mà anh chị em thấy được, thì tại sao anh chị em lại có thể yêu mến những gì mà anh chị em không nhìn thấy?” Mô tả điều này như một chuyện hoang đường, Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta yêu mến những gì chúng ta nhìn thấy, những gì có thể chạm đến, những gì là thực, chứ không phải những hoang tưởng tượng mà chúng ta không nhìn thấy.

Đức Phanxicô cũng nói rằng nếu ta không thể bộc lộ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa một cách cụ thể, thì đó không phải là một tình yêu đích thực.

Đối ngược với tình yêu là tinh thần thế gian mà Đức Thánh Cha cảnh báo nó có thể gây ra những hố sâu ngăn cách và tạo ra sự chia rẽ trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

“Khi những chia rẽ này được nhân lên, chúng mang đến sự thù hận và chiến tranh”.

Tiếp tục những suy tư của mình, Đức Thánh Cha đề cập đến ba dấu chỉ cho thấy ta không yêu mến anh em mình.

Dấu chỉ thứ nhất, thực sự là một câu hỏi mà tất cả chúng ta phải tự hỏi chính mình: Tôi có cầu nguyện cho người khác không? Cho những người tôi thích và cho cả những người tôi không thích?

Dấu chỉ thứ hai liên quan đến cảm giác ghen tị và đố kị, và lòng mong muốn một người nào đó gặp chuyện chẳng lành. Ngài cảnh giác: “Anh chị em đừng để những thứ cảm xúc này lớn lên trong lòng mình. Chúng rất là nguy hiểm.”

Dấu chỉ thứ ba, liên quan đến việc tham gia vào những trò ngồi lê đôi mách có hại cho người khác: “Nếu tôi làm điều này tôi không yêu mến Chúa vì qua lời nói của mình, tôi đang hủy hoại một người khác.”

Đức tin chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tinh thần thế gian

Đức Thánh Cha kết luận rằng tinh thần thế gian chỉ có thể bị chinh phục bằng tinh thần đức tin, bằng niềm tin rằng Thiên Chúa thực sự ở trong những anh chị em gần gũi với tôi.

Chỉ có niềm tin mới đem đến cho chúng ta sức mạnh để bước đi trên con đường của tình yêu đích thực.


Source: Vatican News Pope at Mass: whoever loves God must also love his brother
 
Lịch sử tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene tại Phi Luật Tân
Đặng Tự Do
06:16 11/01/2019
Các tín hữu Công Giáo Phi Luật Tân có một lòng sùng kính đặc biệt đối với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

Hàng năm, hàng mấy triệu người tham gia vào một cuộc rước khổng lồ một bức tượng Chúa Giêsu đang vác thánh giá gọi là tượng Black Nazarene. Tượng Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.

Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.

Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.

Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.

Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm nay cuộc rước kéo dài 7km này lôi cuốn đến 5 triệu người. Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros (Nội Thành), là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo. Sau đó, bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.

Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.

Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.

Năm nay cuộc rước tượng Black Nazarene đen đã được khởi động tại thủ đô Manila với thánh lễ nửa đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 do Đức Ông Hernando Coronel, cha sở Tiểu Vương Cung Thánh Đường chủ tế, và Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, thuyết giảng.

Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y kêu gọi anh chị em giáo dân hãy phân biệt giữa lòng sùng đạo và sự cuồng tín.

Đức Hồng Y Tagle cho biết chỉ những ai có lòng sùng kính thực sự mới có thể hiểu được ý nghĩa của ngày lễ này. Ngài nói rằng không giống như những kẻ cuồng tín, những người sùng mộ yêu mến Chúa “vô điều kiện”.

“Kẻ cuồng tín không yêu. Kẻ cuồng tín chỉ bám vào những ai là quan trọng đối với họ”, vị Hồng Y nói. “Nhưng một người sùng mộ thì mộ đạo vì tình yêu, và đó là những gì Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy”.

Theo Đức Hồng Y, người sùng đạo sẽ luôn trung thành vì tình yêu. Những người sùng mộ hiệp nhất với Đấng họ yêu mến, bất kể là trong đau khổ, gian truân, hạnh phúc, hay bệnh tật.

Ngài nhắc nhở người Công Giáo rằng là người tôn sùng tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene không chỉ là một việc chỉ diễn trong một ngày hay chỉ trong buổi lễ này.

“Lòng mộ mến là một hành động hàng ngày ... Mọi loại hình thái yêu mến, trung thành và hiệp nhất phải diễn ra hàng ngày”, Đức Hồng Y Tagle nói.


Source: Wiki and Vatican News Black Nazarene
 
Các nhà thờ tại Hoa Kỳ sẽ thu tiền để hỗ trợ Giáo Hội Châu Mỹ Latinh vào cuối tuần 26-27 tháng giêng 2019.
Lm. Nguyễn Tất Thắng, OP
09:32 11/01/2019
Các nhà thờ tại Hoa Kỳ sẽ thu tiền để hỗ trợ Giáo Hội Châu Mỹ Latinh vào cuối tuần 26-27 tháng giêng 2019. Trong hơn 50 năm qua, tiền hỗ trợ được coi là dấu hiệu liên đới giữa Giáo Hội Hoa Kỳ và các Giáo Hội tại Châu Mỹ và Caribê. “Tiền hỗ trợ Giáo Hội tại Châu Mỹ La tinh là cơ hội giúp những người Công Giáo tại Hoa Kỳ chia sẻ đức tin và gần gũi hơn với Chúa Kitô,” Đức cha Octavio Cisneros, Giám Mục Phụ Tá của Brooklyn và tân chủ tịch Tiểu ban Giáo Hội Châu Mỹ La tinh và Caribê nói: “Tôi cảm ơn các tín hữu của Hoa Kỳ vì tấm lòng trắc ẩn và quảng đại của họ đối với các anh chị em của họ ở Châu Mỹ Latinh và Caribê. Tôi đã tận mắt thấy người dân ở nhiều quốc gia được hưởng lợi từ sự quảng đại này.”

Tiền thu góp sẽ hỗ trợ công việc của Tiểu ban Giáo Hội Châu Mỹ Latinh bằng cách tài trợ cho các nỗ lực mục vụ như đào tạo giáo dân lãnh đạo, đào tạo chủng sinh và tu sĩ, mục vụ nhà tù, mục vụ giới trẻ và những mục vụ khác. Năm 2018, tiền thu được gần 7,5 triệu đô la để hỗ trợ Giáo hội Châu Mỹ Latinh và Caribê, bao gồm việc hỗ trợ cho các vùng bị tàn phá bởi thiên tai gần đây.

Tiểu ban cũng đã phê duyệt các khoản tài trợ để hỗ trợ mục vụ giới trẻ và chi phí di chuyển cho các đại biểu từ nhiều quốc gia Châu Mỹ Latinh, bao gồm Haiti, Peru và Cuba, sẽ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới tại Thành phố Panama, nước Panama, ngày 22-27 tháng 1 năm 2019.

Lm. Nguyễn Tất Thắng, OP
 
ĐGH Phanxicô sẽ tông du Romania vào cuối tháng 5 năm 2019
Nguyễn Long Thao
11:27 11/01/2019
Giám Đốc tạm thời Alessandro Gisotti của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, trong bản thông cáo báo chí cho biết, theo lời mời chính quyền và Hội Đồng Giám Mục Romania, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tông du Romania từ ngày 31 tháng 5 đến 2 tháng 6 năm 2019.

Tại Romania Ngài sẽ đế thăm thủ đô Bucharest, đến thành phố đại học phía đông Iași, đến Blaj ở Transylvania và đến đền thờ Sumuleu Ciuc ở ngoại ô thành phố Miercurea Ciuc.

Châm Ngôn của chuyến tông du được đặt là “Cùng Nhau Đồng Hành”. Biểu tượng của chuyến tông du được vẽ có nền là màu xanh dương và màu vàng vẽ một nhóm người Romania đi dưới bóng của Đức Mẹ mà theo Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, hình ảnh gợi lại việc Đức Mẹ chăm sóc và bảo vệ người dân Romania.

Bản thông cáo cũng cho biết Romania còn thường được gọi là “Vườn Của Mẹ Thiên Chúa”, một cụm từ mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dùng khi Ngài tông du nước này lần đầu tiên vào năm 1999

Hiện nay dân số Romania là 19.6 triệu người. Đa số theo Chính Thống Giáo, người Công Giáo chiếm 4% dân số.

Được biết vào đầu tháng 5 năm 2019, ĐGH sẽ tông du khu vực Đông Âu là Bulgaria và Macedonia từ ngày 5 đến 7 tháng 5 năm 2019.

Cũng có tin Tòa Thánh đang cứu xét đến việc ĐGH có thể thăm Madagascar và Nhật Bản và dịp cuối năm nay

Nguyễn Long Thao
 
Phòng Báo Chí Tòa Thánh loan báo cấu trúc tổ chức mới
Đặng Tự Do
15:51 11/01/2019
Từ ngày 31 tháng 12, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Tòa Thánh, Paolo Ruffini, đã bắt đầu một tiến trình hình thành một cấu trúc tổ chức mới cho Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Sau khi bổ nhiệm ông Alessandro Gisotti làm Giám đốc lâm thời Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Tòa Thánh đã bổ nhiệm ông Romilda Ferrauto, người Pháp, vào chức vụ Cố vấn cao cấp cho Giám đốc. Romilda Ferrauto trước đây từng là giám đốc phân bộ tiếng Pháp của Đài phát thanh Vatican và là trợ lý cho Phòng Báo Chí Tòa Thánh trong 5 Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Tòa Thánh đã trao phó vai trò Trợ lý Giám đốc cho Sơ Bernadette M. Reis, FSP, người Mỹ, là một nhà báo của Vatican News và cố vấn cho Ủy ban Truyền thông của Liên Hiệp Các Bề Trên Tổng Quyền Quốc Tế (International Union Superiors General – viết tắt là UISG); và Raúl Cabrera Pérez, người Peru, là một nhà báo lâu năm của Đài phát thanh Vatican và là cộng tác viên của Ủy ban thông tin Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên.

Cuối cùng, vai trò quản lý văn phòng của Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã được giao cho ông Thaddeus M. Jones, người Mỹ, là thành viên trong nhóm điều phối trong Cổng thông tin Vatican News và là cựu nhân viên của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội.


Source: Vatican News Holy See Press Office announces new organizational structure
 
Marco Tosatti: Văn Phòng Quản Gia Phủ Giáo Hoàng sẽ bị giải thể. Tương lai của ĐTGM Gaenswein
Đặng Tự Do
17:01 11/01/2019
Trên tờ STILUM CURIAE, số ra ngày 9 tháng Giêng, Marco Tosatti, ký giả chuyên đưa tin về các hoạt động của Tòa Thánh, có bài nhận định sau “Voci Dal Vaticano: Scompare La Prefettura Della Casa Pontificia…Il Mistero Delle Cifre Papali.” (Những tiếng nói từ Vatican: Giải thể Văn Phòng Quản Gia Phủ Giáo Hoàng … Những bí ẩn chung quanh các con số thống kê liên quan đến Đức Giáo Hoàng).

Dưới đây là bản dịch sang tiếng Việt.


Từ Vatican, các nguồn tin thông thạo cho chúng tôi biết rằng một Tự Sắc liên quan đến việc giải thể Văn Phòng Quản Gia Phủ Giáo Hoàng sẽ được công bố trong tương lai gần, nếu không muốn nói là sắp xảy ra. Văn Phòng Quản Gia Phủ Giáo Hoàng là cơ quan liên quan, một cách tổng quát, đến các cuộc tiếp kiến và các phiên điều trần của vị đương kim Giáo Hoàng; khi điều này không xảy ra thông qua Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hay vị thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng. Văn Phòng này sẽ trở thành một bộ phận trong phân bộ thứ Nhất của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (chuyên phụ trách các vấn đề tổng quát và nội bộ), và vì thế không còn là một cơ quan biệt lập nữa.

Vị trưởng phòng hiện nay, Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô thứ 16, và là người hiện đang chịu trách nhiệm chăm sóc các công việc hàng ngày của Đức Giáo Hoàng Danh dự, theo nguồn tin trên, sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Thư ký Bộ Tuyên Thánh thay thế cho Đức Tổng Giám Mục Marcello Bartolucci, sinh năm 1944 (sẽ tròn 75 tuổi vào ngày 9 tháng 4 tới đây). Đức Cha Bartolucci được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm vào vị trí này vào năm 2010. Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh hiện nay là Đức Hồng Y Angelo Becciu, nguyên là Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Có một điều đáng hiếu kỳ liên quan đến Văn Phòng Quản Gia Phủ Giáo Hoàng. Cho đến năm 2017, Văn Phòng này đã cung cấp dữ liệu về sự tham dự của các tín hữu và du khách hành hương tại các sự kiện do Đức Thánh Cha chủ sự. Năm 2017 đã có những tranh cãi, bởi vì, theo một số quan sát viên, những con số thống kê cho thấy có sự sụt giảm nhất quán và liên tục so với những năm trước; và đặc biệt thấp so với số người hiện diện đã được ghi lại dưới triều đại của Đức Bênêđíctô XVI. Điều đáng hiếu kỳ là - theo hiểu biết của chúng tôi - không có số liệu nào được cung cấp trong năm 2017. Vài tháng trước, cụ thể là vào tháng 9, chúng tôi đã hỏi về sự vắng mặt của những con số này với một vị đại diện cao cấp của Văn Phòng, là người đã bảo đảm rằng các số liệu này sẽ được công bố.

Các nguồn thạo tin cũng xác nhận những gì đã được tường thuật cách đây vài ngày, liên quan đến việc kết thúc sứ vụ của Ủy Ban Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa), là ủy ban chuyên về đối thoại với Huynh đoàn Thánh Piô X (FSSPX) và được giao trọng trách bảo đảm rằng các Giám Mục trên thế giới thi hành đầy đủ Tự Sắc Proprio Summorum Pontificum (về thánh lễ bằng tiếng La Tinh). Chúng tôi không biết nhiệm vụ nào sẽ được giao phó cho Đức Tổng Giám Mục Guido Pozzo, là một nhà thần học và một triết gia, là người lãnh đạo ủy ban này.


Source: STILUM CURIAE Voci Dal Vaticano: Scompare La Prefettura Della Casa Pontificia…Il Mistero Delle Cifre Papali.
 
Cảm tưởng của Đức Hồng Y Lucian Mureșan sau khi Tòa Thánh loan tin về chuyến tông du Rumani của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
17:35 11/01/2019
“Hân hoan và tri ân”, đó là những cảm xúc các giám mục Rumani đã bày tỏ trước tin tức về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Rumani từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6.

Trong một thông cáo báo chí, các giám mục Rumani đã mời gọi các tín hữu và tất cả những người thiện chí hãy cầu nguyện để sự kiện này có thể mang lại nhiều hoa trái trong đời sống tinh thần của các Kitô hữu vì thiện ích và sự hiệp nhất của toàn xã hội Rumani.

“Cầu xin cho sự hiện diện của Người kế vị Thánh Phêrô truyền cảm hứng cho người dân Rumani biết theo đuổi tất cả những gì là tốt đẹp và có giá trị cho đất nước và cho thiện ích chung. Chúng ta có thể tái khám phá mong muốn đối thoại giữa các Giáo hội Kitô dựa trên sự tôn trọng người khác, truyền cảm hứng cho các Kitô hữu tham gia vào việc đề cao sự sống và các giá trị tự nhiên của Sáng Tạo được Chúa giao phó cho chúng ta,” Đức Hồng Y Lucian Mureșan viết như trên trong bản thông cáo. Đức Hồng Y Mureșan là tổng giám mục trưởng của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Rumani hiệp thông hoàn toàn với Rôma. Ngài cũng chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Rumani.

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ hai đến thăm Rumani sau Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vị Giáo Hoàng Ba Lan đã thăm Rumani vào tháng 5 năm 1999.

Trong thông cáo hôm 11 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết:

“Để đáp lại lời mời của Tổng thống, chính quyền và Giáo Hội Công Giáo Rumani, Đức Giáo Hoàng sẽ thực hiện một chuyến tông du đến quốc gia này từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6 năm 2019. Ngài sẽ đến thăm các thành phố Bucharest, Iaşi và Blaj, và Đền Thánh Đức Mẹ Șumuleu Ciuc.”

Chương trình của chuyến tông du – theo ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh - sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp.

Ông Gisotti cho biết thêm “Să mergem împreună” (Hãy tiến bước bên nhau) sẽ là khẩu hiệu của chuyến tông du. Logo của chuyến tông du, được giới thiệu tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, mô tả dân Chúa đang tiến bước dưới sự hộ trì của Đức Mẹ. Thật vậy, Rumani thường được gọi là “khu vườn của Mẹ Thiên Chúa”, một thành ngữ đã được tất cả các tín hữu hò reo trong chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm năm 1999.


Source: SIR Pope in Romania: Card. Mureșan (Bishops’ president), “rediscover the desire for dialogue between Christian Churches”
 
Các tin cập nhật về Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama
Vũ Văn An
18:50 11/01/2019
Theo tin Zenit ngày 11 tháng 1, 2019, 2 trăm ngàn người trẻ, trong đó, có 1 ngàn người bản địa sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama. Những người trẻ này đến từ 155 quốc gia trên thế giới. Một ngàn người trẻ bản địa xuất phát từ 5 châu lục sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới đặc biệt dành cho họ 3 ngày trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới chính thức.



Theo Giancarlo Candanedo, phát ngôn viên của Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama, con số trên còn đang thay đổi.

Một triệu rưỡi cỗ tràng hạt

Về việc Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama chuẩn bị ra sao, Giancarlo cho hay: trước nhất bằng lời cầu nguyện. “Chúng ta không nên quên đây là một thách thức rất lớn đối với một quốc gia nhỏ bé như quốc gia của chúng tôi. Đức Thánh Cha muốn trao trách nhiệm này không những cho Panama mà thôi mà cho cả Trung Mỹ và mọi hàng giám mục của Trung Mỹ”.

“Chúa Nhật trước, chúng tôi đã triển lãm giáo hoàng xa nơi công cộng, do một nhóm người Panama trong thành phố thực hiện”.

Một mới lạ khác là cỗ tràng hạt mân côi do các gia đình nghèo Bêlem thực hiện và sẽ được bao gồm trong gói hành hương. Một triệu rưỡi cỗ đã được chế tạo.

Chính phủ Panama đã góp một phần rất quan trọng để chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Giancarlo cho hay: “Lần đầu tiên trong lịch sử các Ngày Giới Trẻ Thế Giới, chính phủ đã thiết lập một cơ cấu hành chánh riêng, có khả năng giúp chúng tôi trong việc tổ chức biến cố này. Họ đã làm mọi việc ra dễ dàng hơn. Quả là một sự trợ giúp đối với với Giáo Hội”.

Nhóm tham dự đông đảo đến từ nước ngoài sẽ là nhóm người Ý. Cha Michele Falabretti, đứng đầu văn phòng toàn quốc lo thừa tác vụ tuổi trẻ của Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết: dù gặp nhiều khó khăn, con số của chúng tôi đã vượt quá lòng mong đợi: gần 1,300 người trẻ sẽ tham dự. Đây là một con số đáng kể vì đi đến tận cùng phía bên kia thề giới trong mùa này là điều không dễ dàng”.

Tại nhiều giáo phận, như ở Bologna, họ tổ chức các buổi gặp gỡ song song với Ngày Giới Trẻ Thế Giới để người trẻ có thể cử hành và cùng nhau suy niệm và cầu nguyện.

Video khiêu vũ Đại Hội

Tưởng cũng nên biết, trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama một tháng, các người trẻ Ấn Độ tại các Tiểu Vương Quốc Thống Nhất Ả Rập (UAE) đã thực hiện một cuốn video khiêu vũ bằng tiếng Anh, dựa trên bài hát của Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama.

Bài hát chính thức của Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama bằng tiếng Tây Ban Nha, tựa đề là “Hágase en mi Según tu Palabra' (Xin làm theo lời ngài) do Abdiel Jiménez, một giáo lý viên và một thánh vịnh ca ở giáo xứ Cristo Resucitado thuộc vùng San Miguelito, Panamá, sáng tác.

Ban nhạc MasterPlan đặt trụ sở ở UAE có bản dịch tiếng Anh riêng. Họ thực hiện cuốn video với điệu múa của nhóm tuổi trẻ địa phương. Ban nhạc này vốn là thành viên của phong Trào Jesus Youth (JY) quốc tế được Tòa Thánh nhìn nhận, một phong trào khởi đầu từ Ấn Độ.

Họ cũng đã thực hiện một cuốn video tương tự nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới mới đây tại Krakow, Poland, năm 2016.

Ban nhạc cho hay phần lớn các sắp xếp về nhạc cụ thực hiện tại chỗ, với một ít ghita thường (không dùng điện), ghita ha-oai và âm thanh thực hiện tại phòng thu. Một số ngoại cảnh được thu tại các cơ sở của Nhà Thờ Công Giáo St Mary ở Dubai và dẫy núi Fujairah.

MasterPlan tìm sự hợp tác của đội múa của Thừa Tác Vụ Tuổi Trẻ Dubai ở Nhà Thờ St Mary trong việc biên đạo múa bài hát, với sự tham dự của tuổi trẻ địa phương thuôc Nhóm Thiếu Niên Jesus Youth và các thừa tác vụ tuổi trẻ.

Cuốn video cuối cùng, được Truyền Thông Ngày Giới Trẻ Thế Giới đăng trên FaceBook và Youtube, đã được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Khuôn mặt bản địa

Trong khi đó, cũng tin Zenit ngày 10 tháng 1, 2019 cho hay: lần đầu tiên tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới, các người bản địa sẽ trình bầy “khuôn mặt bản địa” của họ.



Thực vậy, hàng trăm người bản địa khắp thế giới sẽ gặp nhau từ ngày 17 tới ngày 21 trong Ngày Gặp Mặt Tuổi Trẻ Bản Địa Thế Giới (WMIY) trước thềm Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama năm 2019.

Từ các kho tàng phong phú trong nền văn hóa của họ, các thành viên của một số cộng đồng bản địa sẽ đáp lời mời của Đức GH Phanxicô tỏ lòng biết ơn lịch sử của dân tộc họ và tỏ lòng can đảm khi phải đối diện với các thách thức đang xuất hiện.

Ngày Gặp Mặt Tuổi Trẻ Bản Địa Thế Giới phát xuất như một sáng kiến của Ủy Ban Quốc Gia Chăm Sóc Mục Vụ Người Bản Địa (CONAPI) năm 2016. Trong một hội nghị mục vụ bản địa tại Chiapas, Mexico, thành viên các cộng đồng Amazon thắc mắc làm thế nào họ có thể trình bầy khuôn mặt bản địa của họ cho tuổi trẻ thế giới.

Đề nghị của họ đã được sự chúc lành của các giám mục lo chăm sóc mục vụ cho người bản địa ở một số quốc gia; các vị này hết sức thuận tình với hội nghị lần đầu tiên được người bản địa tổ chức.

Alexis Mendez Santo, người bản địa nói với một cơ quan truyền thông Công Giáo, rằng “Cuộc gặp gỡ [trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới] giữa các nền văn hóa này sẽ giúp chúng tôi liên đới với nhau, và khuyến khích chúng tôi dấn thân nhiều hơn cho Giáo Hội”.

Nó sẽ được tổ chức ở Soloy, vùng Ngabe-Bugle, thuộc giáo phận David; cộng đồng này thuận đường tới cho các khách hành hương thuộc Trung Mỹ, trên đường đi Panama City. Sau cuộc gặp gỡ này, người trẻ bản địa sẽ cùng nhau tới Panam dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới chính thức.

Còn nhớ, trong lần viếng thăm Chile và Peru hồi tháng 1 năm 2018, lúc gặp người bản địa ở Puerto Maldonado, Đức Phanxicô nói với họ:
“Cha trông mong khả năng thích ứng của các dân tộc và phản ứng của họ trước các khoảnh khắc khó khăn họ đang trải qua”.

Lòng trông mong ấy nay đang trở thành thực tại chỉ một năm sau.

Năm Quốc Trế Các Ngôn Ngữ Bản Địa

Theo Chủ Tịch Ủy Ban Tổ Chức Ngày Gặp Mặt Tuổi Trẻ Bản Địa Thế Giới, Cha Jose Fitzgerald, cuộc gặp gỡ cổ vũ việc xây dựng một thế giới khả hữu, củng cố niềm hy vọng của tuổi trẻ. Vị linh mục Tổng Thư Ký của Ủy Ban Phối Hợp Toàn Quốc Chăm Sóc Mục Vụ Người Bản Địa (CONAPI) này cho hay: khẩu hiệu của cuộc gặp gỡ là “chúng tôi mang ký ức quá khứ để can đảm xây dựng hy vọng”.

Tháng 1 năm 2018, trong lần viếng thăm Peru, Đức Phanxicô từng nói với người bản địa: “Chúng ta cần các dân tộc Amazon lên khuôn các giáo hội địa phương về phương diện văn hóa để một giáo hội có thể được lên khuôn với khuôn mặt Amazon”.

Thực ra, nhà truyền giáo Dòng Salesian, Diego Clavijo Illescas, từng đồng hành với người Achuar thuộc vùng biên giới giữa Peru và Ecuador, để truyền giảng Tin Mừng cho họ bằng văn hóa riêng, nhất là ngôn ngữ riêng, của họ. Cha Clavijo là học trò của Cha Luis Bolla, một linh mục người Ý vốn sống cả nửa thế kỷ với cộng đoàn Achuar để hội nhập văn hóa họ theo viễn kiến đức tin của chính họ.

Theo cái nhìn thông sáng của Đức Phanxicô trong Laudato Si’, việc mất văn hóa còn có thể nguy hiểm hơn việc mất một chủng loài vật rất nhiều. Và trong khuôn khổ Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngài công bố tên năm nay trên bình diện quốc tế sẽ là “Năm Quốc Tế Các Ngôn Ngữ Bản Địa”. Từ Panama, người trẻ bản địa sẽ được thế giới nghe tiếng.
 
ĐGH bất ngờ đến thăm các nữ tu dòng kín ở Umbria.
Nguyễn Long Thao
21:41 11/01/2019
Hôm thứ Sáu 11 tháng 1 năm 2019 Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bất ngờ đến tu viện của các nữ tu dòng kín Poor Clare ở vùng Umbria miền trung nước Ý.

Giáo phận Foligno phổ biến bản tin cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm các nữ tu của Tu viện Vallegloria ở Spell. Các nữ tu này đã được ĐGH tiếp kiến tại Vatican vào tháng 8 năm 2016.

Dịp đó, ĐGH đã trao cho các nữ tu Tông Hiến Vultum Dei quaerere nói về đời sống chiêm niệm của các nữ tu – Việc trao Tông Hiến này ĐGH muốn gửi tới tất cả các dòng tu kín trên thế giới về ý nghiã đời sống chiêm niệm.

Tại tu viện Vallegloria ở Spell, ĐGH đã cử hành thánh lễ cùng với ĐGM Gualtiero Sigismondi của giáo phận Foligno. Ngài nói chuyện thân mật với các nữ tu và dùng cơm trưa với họ.

Chuyến hành trình từ Vatican đến tu viện phải mất 2 tiếng lái xe và buổi chiều ĐGH đã trở về Vatican.

Đức cha Sigismondi cho biết các nữ tu rất vui mừng và kinh ngạc khi thấy ĐGH đột nhiên đến trước cổng tu viện

Đức Cha cũng cho biết Đức Giáo Hoàng bày tỏ lòng ngưỡng mộ về ơn gọi và đặc sủng của các nữ tu dòng chiêm niệm ở Spello.

Đức Giáo Hoàng đã ban phép làn cho toàn Giáo phận Foligno trong lúc giáo phận đang chuẩn bị mừng lễ bổn mạng.

Nguyễn Long Thao
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phóng sự Giáng Sinh tại Vatican: Kinh nghiệm một ca đoàn hát lễ muà Giáng Sinh ở Vatican.
Trần Mạnh Trác
19:44 11/01/2019
Như đã viết trước đây trong bài phóng sự đầu tiên, năm nay chúng tôi đi Roma để tháp tùng ca đoàn cuả đứa cháu ngoại đi hát lễ ở Vatican.

Ca đoàn cuả trường nữ trung học Công Giáo Ursuline Academy ở Dallas được mời sang Toà Thánh hát lễ muà Giáng Sinh, sau khi đã kiên trì nộp đơn xin ‘được bình chọn’ mỗi năm, từ 10 năm qua.

Tuy rằng đây là một ca đoàn cuả Mỹ, nhưng mọi dấu chỉ cho thấy sự lựa chọn không do vì có những ‘móc nối bên trong’ hay vì tăm tiếng cho bằng vì họ đã kiên trì nộp đơn xin ứng thí.

Bà Jane Chambers ca trưởng cuả ca đoàn đã gửi một cuốn băng thu các bài hát cuả các em tới thẳng văn phòng Thánh Nhạc ở Vatican (Vatican office of Sacred Music) và được Đức Ông Pablo Colino, Kinh Sĩ và Tổng Quản Lễ về hưu cuả ‘Vương Cung Thánh Đường’ Thánh Phêrô chính thức lựa chọn.

Và nếu việc lựa chọn ở Giáo Triều đơn giản như vậy thì một ngày nào đó, xét rằng chúng ta đã có những ca đoàn ‘lão luyện’ và cũng sẵn nhiều ‘tay trong tay ngoài ở Vatican’, thì sẽ có một ca đoàn Việt Nam, quốc nội hay quốc ngoại, được vinh dự có giấy mời qua hát lễ Giáng Sinh.

Những kinh nghiệm viết ra sau đây hy vọng sẽ góp một phần nào đó cho việc chuẩn bị sự việc đó.

Chúng ta biết rằng trong năm vừa qua có nhiều ca đoàn ‘ngoại quốc’ được Vatican mời tới hát vào những dịp lễ lớn, và mỗi lần như vậy đã trở thành một sự kiện lịch sử quan trọng, thí dụ trong buổi lễ Ngôi Toà Thánh Phêrô vào cuối tháng 6 vừa qua, ca đoàn cuả nhà thờ Hereford Cathedral cuả Anh Giáo đã được mời hát chung với ca đoàn cuả nguyện đường Sistine, và chỉ việc đó mà thôi đã trở thành một bước tiến ‘Liên Tôn’ quan trọng được các cấp lãnh đạo Anh Giáo hoan nghênh nồng nhiệt.

Riêng với ca đoàn Ursuline Academy ở Dallas, thì cái thư viết tay từ Vatican lập tức trở thành một thứ ‘huy chương’ vô giá, chứng tỏ rằng ‘We are best’ (Chúng ta là nhất), và ‘We are blessed’ (Chúng ta được đầy ơn phúc.) Nó không chỉ là một liều thuốc kích thích tinh thần để khởi đầu một cuộc chuẩn bị và luyện tập dài 6 tháng, nó cũng tạo ra một cái vinh dự mà cả vùng Dallas và Fort Worth muốn được chung vào, bằng cớ là đài CBS cuả DFW đã có một phiên phóng sự dài vào ngày 24 tháng 12 trong giờ ‘prime time’ để nói về các em, và đài NBC-5 đã chiếu một đoạn video cuả các em hát lễ ngày 28/12 ở Vatican.

Để đạt được vinh dự đó thì một cái giá không nhỏ cũng cần phải trả, không kể thời giờ và nỗ lực tập luyện, mỗi em trong ca đoàn đã phải chi ra US$6000, là số tiền cho một ‘tour 10 ngày’ đi Roma và Florence.

Nhưng đó là cái giá cuả một ‘tour’ hạng A cuả Mỹ, chúng tôi đã thấy nhiều tour do các hãng Việt Nam tổ chức có giá rẻ hơn nhiều, nhiều lắm, khoảng một nửa mà thôi. Còn nếu là phụ huynh đi tự túc như chúng tôi đã làm, thì sau khi lục lọi trên Internet (Priceline), mỗi người đã chỉ trả có US$780 cho vé ‘vừa máy bay vừa hotel’ (4 sao có ăn sáng) 7 ngày ở Roma.

Cũng xin lưu ý là ở Roma còn có Foyer Phát Diệm (Via della Pineta Sacchetti, 45) là một ‘nhà nghỉ’ do các Sơ Mến Thánh Giá Phát Diệm cai quản, giá rẻ, cung cấp các bữa cơm Việt Nam, và có thể giúp đỡ việc tìm kiếm phương tiện di chuyển và vé vào cửa.

Cho nên tuy phí tổn đi qua Roma là cao đối với lợi tức trung bình cuả người VN, nhưng không phải là không có cách vượt qua để có được một cơ hội ‘có một không hai’ trong đời.

Điều mà một ca đoàn không thể thương lượng được, đó là tài năng ca hát cuả họ. Trong những nhà thờ rộng mênh mông ở Roma, người ta không dùng máy phóng thanh mà lợi dụng cái độ ‘âm hưởng’ cuả các vòm trên nóc nhà. Ca đoàn cuả trường Ursuline hình như đã chuẩn bị chu đáo cho môi trường này, cho nên chỉ có 40 em có giọng tốt và đầy tự tín, đã trình diễn xuông xẻ một chương trỉnh ‘A Medieval Christmas’ (Một muà Giáng Sinh thời Trung Cổ) dưới vòm cuả nhà thờ Basilica di Sant'Andrea della Valle trước một cử toạ chăm chú và im phăng phăc vào chiều ngày 27 tháng 12. Những cử toạ người Ý tỏ ra rất nghiêm túc khi thưởng thức nghệ thuật, nhất là đối với những bài hát cổ xưa, và họ đến tham dự rất đông, thật là không hổ ngươi cho một giống dân đã tạo ra cuộc cách mạng văn hoá nghệ thuật gọi là ‘Thời Phục Hưng’ đưa đến nền văn minh hiện đại cuả Thế Giới ngày nay!

Xem hình ảnh

Buổi trình diễn dài gần 2 tiếng là một thành công lớn xét về thể loại hợp ca, nhưng không xuông xẻ lắm cho các bài độc tấu guitar hay violon…Dù cho những bản độc tấu đó được trình diễn bởi một giáo sư âm nhạc có hạng cuả trường đại học Texas Woman's University ở Denton, Texas. Theo thiển ý thì môi trường âm thanh dưới những chiếc vòm có thể phù hợp với các loại đàn phong cầm hơn là các loại nhạc cụ khác chăng?

Sáng hôm sau là lễ ‘Các Thánh Anh Hài’ diễn ra bên cánh trái cuả Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô gọi là nguyện đường Thánh Giuse. Người ta đến dự lễ chật kín, hầu hết vẫn là người Ý, và vị chủ tế, Đ.Ô. Colino, đã cử hành thánh lễ bằng tiếng Latin.

Nhưng không may, ca đoàn không hát được ‘bộ lễ Gregory tiếng Latin!’ Và Đức Ông đã vừa xướng vừa thưa một cách ‘độc thoại’ một cách vui vẻ…

Thêm một kinh nghiệm cho các ca đoàn: Nhớ tập hát lễ Gregory bằng tiếng Latin để ‘phòng khi hữu sự.’

Dù thế, 5 bài hát, Ca Đầu Lễ, Ca Dâng Lễ, Ca Hiệp Lễ và 2 bài Giáng Sinh cuối lễ là những giọng hát du dương như phát ra bởi các thiên thần từ trên trời vọng xuống, làm ngơ ngẩn người nghe. Có những phụ huynh đã rơi lệ và thố lộ tâm tình rằng những lo lắng và cực nhọc cuả cuộc du hành nửa vòng Thế Giới để tới đây thì đều tan biến hết.

Riêng chúng tôi đã quay video 5 bài hát và tuy không sử dụng một dụng cụ thâu âm nào khác ngoài bộ phận thu âm cuả chiếc máy hình, hình ảnh và âm thanh cũng không tệ, vậy xin gửi tới quí độc giả để cùng thưởng thức.

Xem hình ảnh và video
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018 về Giới Trẻ, Phần 2, Chương 2
Vũ Văn An
03:57 11/01/2019
Chương II: Mầu nhiệm ơn gọi

Tìm kiếm ơn gọi

Ơn gọi, hành trình và khám phá

77. Câu chuyện về lời kêu gọi của Samuen (1 Sm 3: 1-21) cho phép nắm bắt các yếu tố căn bản của biện phân: lắng nghe và nhận ra sáng kiến của Thiên Chúa, kinh nghiệm bản thân, thấu hiểu tiệm tiến, đồng hành kiên nhẫn và tôn trọng mầu nhiệm đang hành động, ý hướng cộng đồng. Ơn gọi không áp đặt lên Samuen như một định mệnh phải chịu đựng; đó là một đề nghị của tình yêu, một đặc sứ được sai vào lịch sử tin tưởng hỗ tương hàng ngày.



Giống như với Samuen lúc trẻ, với mọi người đàn ông và mọi người đàn bà, ơn gọi, mặc dù có những khoảnh khắc mạnh mẽ và đặc ân, vẫn đòi hỏi một hành trình dài. Lời của Chúa đòi hỏi thời gian để được hiểu rõ và giải thích; sứ mệnh mà Lời mời gọi tới đang dần dần được tỏ lộ. Giới trẻ bị cuốn hút bởi cuộc phiêu lưu tự khám phá bản thân mình một cách tiệm tiến. Họ tự nguyện học hỏi bắt đầu từ các hoạt động họ đang thực hành, bắt đầu từ các cuộc gặp gỡ và các mối tương quan, tự đặt mình vào các thử thách hàng ngày. Nhưng họ cần được giúp đỡ để hợp nhất các kinh nghiệm đa dạng này và hiểu chúng trong viễn tượng đức tin, để tránh nguy cơ phân tán và nhận ra các dấu chỉ qua đó, Thiên Chúa lên tiếng với họ. Trong việc khám phá ơn gọi, mọi thứ không rõ ràng ngay lập tức, bởi vì đức tin "nhìn thấy theo mức (người ta) bước đi, theo mức (họ) bước vào không gian được Lời của Thiên Chúa mở ra" (Đức Phanxicô, Lumen fidei, 9).

Ơn gọi, ơn thánh và tự do

78. Trong nhiều thế kỷ, việc thấu hiểu thần học về mầu nhiệm ơn gọi đã có những điểm nhấn khác nhau, tùy theo bối cảnh xã hội và giáo hội trong đó, chủ đề này được suy tư. Dù thế nào, chúng ta cũng phải nhận ra đặc tính loại suy (analogique) của thuật ngữ "ơn gọi" và nhiều chiều kích vốn là đặc trưng của thực tại được chỉ định này. Điều này có thể dẫn đến việc đặt một số khía cạnh thành chứng cớ, trong các quan điểm không phải lúc nào cũng biết bảo vệ sự phức tạp của toàn bộ một cách cân bằng. Như vậy, để nắm được một cách sâu sắc mầu nhiệm ơn gọi có nguồn gốc từ Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi thanh tẩy trí tưởng tượng và ngôn ngữ tôn giáo của chúng ta, bằng cách tìm lại sự phong phú và cân bằng của trình thuật Thánh Kinh. Mối liên kết chặt chẽ giữa sự lựa chọn thần thiêng và sự tự do nhân bản, cách riêng, phải được suy nghĩ vượt ra khỏi mọi thứ thuyết tiền định và chủ trương mọi sự đều đến với linh hồn từ bên ngoài (extrinsécisme). Ơn gọi không phải là một bản nhạc dàn bè (partition) đã được viết ra mà con người chỉ cần đọc thuộc lòng, cũng không phải là một ngẫu hứng sân khấu mà không có một hướng nghiên cứu nào. Vì Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở thành bạn hữu chứ không phải là đầy tớ của Người (xem Ga 15,13), nên những lựa chọn của chúng ta gặp gỡ thực sự với việc triển khai lịch sử dự án tình yêu của Người. Hơn nữa, nhiệm cục cứu rỗi là một Mầu nhiệm vượt quá chúng ta vô tận; đó là lý do tại sao chỉ có việc lắng nghe Thiên Chúa mới có thể tiết lộ cho chúng ta vai trò nào chúng ta được mời gọi phải có. Được nhận thức dưới ánh sáng này, ơn gọi thực sự xuất hiện như một việc ban ơn thánh và liên minh, như là bí mật đẹp đẽ nhất và quý giá nhất của sự tự do nơi chúng ta.

Sáng tạo và ơn gọi

79. Khẳng định rằng mọi sự đều được Chúa Kitô tạo nên và vì Chúa Kitô (x. Cl 1: 16), Sách thánh mời gọi chúng ta đọc mầu nhiệm ơn gọi như một thực tại đặc trưng hóa cho sự sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời của Người, một lời "kêu gọi" vào hiện hữu và vào sự sống biết "dị biệt hóa" trong sự hỗn mang của cảnh không dị biệt, bằng cách ghi khắc lên vũ trụ vẻ đẹp của trật tự và sự hài hòa của tính đa dạng. Nếu Thánh Phaolô VI đã khẳng định rằng "mọi sự sống đều là một ơn gọi" (xem Populorum Progressio, 15), thì Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh tới sự kiện con người được tạo ra như một hữu thể đối thoại: Lời sáng tạo "kêu gọi từng người bằng các hạn từ bản vị, do đó mạc khải rằng chính đời sống là một ơn gọi trong tương quan với Thiên Chúa "(Verbum Domini, 77).

Vì một nền văn hóa ơn gọi

80. Nói về sự hiện hữu của con người về mặt ơn gọi giúp làm nổi bật những yếu tố nhất định rất quan trọng đối với sự phát triển của người trẻ: điều này do đó đã loại trừ việc coi sự hiện hữu được xác định bởi số phận hoặc nó là thành quả của may rủi, tình cờ, thậm chí nó không phải là tài sản riêng tư mà người ta có thể tự quản lý. Nếu, trong trường hợp đầu, không có ơn gọi vì không có việc nhìn nhận một đích đến xứng đáng để hiện hữu, thì trong trường hợp sau, một hữu thể nhân bản bị coi là "không có nối kết" tự xác nhận mình là "không có ơn gọi". Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tạo ra các điều kiện để trong tất cả các cộng đồng Kitô giáo, khởi từ ý thức rửa tội của các thành viên của họ, một nền văn hóa ơn gọi thực sự và một dấn thân không ngừng để cầu nguyện cho ơn gọi sẽ tự phát triển.

Ơn gọi theo Chúa Giêsu

Sự lôi cuốn của Chúa Giêsu



81. Nhiều người trẻ bị lôi cuốn bởi hình ảnh Chúa Giêsu. Cuộc sống của Người tốt lành và đẹp đẽ đối với họ, bởi vì cuộc sống này nghèo nàn và đơn giản, được kết thành từ các tình bạn chân thành và sâu sắc, quảng đại dành cho anh em, không bao giờ khép kín với ai, nhưng luôn sẵn sàng có đó để hiến tặng. Cuộc sống của Chúa Giêsu ngày nay vẫn vô cùng hấp dẫn và gây cảm hứng; đối với mọi người trẻ, đời sống này tạo nên một sự kích thích có tính thách thức. Giáo hội biết rằng điều này phát sinh do sự kiện Chúa Giêsu duy trì một mối liên hệ sâu sắc với mỗi hữu thể nhân bản vì "Adam mới, tức Chúa Kitô, ngay trong việc mặc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Người, đã mạc khải trọn vẹn con người cho chính họ và khám phá cho họ sự cao cả trong ơn gọi của họ " (Gaudium et spes, số 22).

Đức tin, ơn gọi và tình huống người môn đệ

82. Thật ra, không những Chúa Giêsu chỉ gây lôi cuốn bằng cuộc sống của Người, mà còn minh nhiên kêu gọi người ta bước vào đức tin. Người đã gặp những người đàn ông và đàn bà biết nhận ra, qua các cử chỉ của Người và qua các lời nói của Người, cách đúng đắn để nói về Thiên Chúa và có tương quan với Người, bằng cách tiếp cận đức tin vốn cởi mở đón nhận sự cứu rỗi: "Này bé gái, đức tin của con đã cứu con; hãy ra đi trong bình an "(Lc 8:48). Những người khác từng gặp Người, ngược lại, đã được kêu gọi trở thành môn đệ và nhân chứng. Đối với người muốn trở thành môn đệ của Người, Người đã không che giấu sự cấp thiết phải vác thập giá của mình mỗi ngày, và đi theo Người trên con đường chết chóc và phục sinh. Đức tin nhân chứng tiếp tục sống trong Giáo hội, một dấu chỉ và dụng cụ cứu rỗi cho tất cả các dân tộc. Việc thuộc về cộng đồng của Chúa Giêsu luôn làm cho ta có quyền được theo Chúa Kitô nhiều cách khác nhau, dưới nhiều hình thức “sequela” khác nhau. Hầu hết các môn đệ sống đức tin trong các điều kiện thông thường của cuộc sống hàng ngày; trái lại, nhiều người khác, trong đó có một số nhân vật nữ, đã chia sẻ cuộc hiện hữu nay đây mai đó và có tính tiên tri của Thầy (x. Lc 8, 1-3); ngay từ đầu, các Tông đồ đã có một vai trò đặc biệt trong cộng đồng và được Chúa Kitô nối kết với thừa tác vụ hướng dẫn và rao giảng của Người.

Đức Trinh Nữ Maria



83. Trong tất cả các nhân vật trong Thánh Kinh từng soi sáng cho mầu nhiệm ơn gọi, Đức Maria chiếm một vị trí đặc biệt. Là một phụ nữ trẻ, người, bằng lời "xin vâng" đã làm cho việc Nhập Thể trở thành khả hữu bằng cách tạo điều kiện để mọi ơn gọi khác trong giáo hội có thể được phát sinh, Đức Mẹ mãi là người môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu và là mẫu mực của mọi phương cách trở thành môn đệ. Trong cuộc hành hương đức tin của mình, Đức Maria đã theo Con của mình đến chân thập giá và sau Phục sinh, Đức Mẹ đã đồng hành với Giáo hội non trẻ trong Lễ Ngũ Tuần. Là mẹ và cô giáo nhân hậu, Đức Mẹ tiếp tục đồng hành cùng Giáo hội và cầu khẩn Chúa Thánh Thần làm sống động mọi ơn gọi. Do đó, rõ ràng là "nguyên tắc Thánh Mẫu" đóng một vai trò tuyệt vời và soi sáng toàn bộ đời sống của Giáo hội trong những phát biểu khác nhau. Bên cạnh Đức Trinh Nữ, hình ảnh Thánh Giuse, chồng của Trinh Nữ, cũng tạo nên một khuôn hình mẫu mực của đáp trả ơn gọi.

Ơn gọi và các ơn gọi

Ơn gọi và sứ mệnh của Giáo hội

84. Không thể hiểu đầy đủ ý nghĩa của ơn gọi rửa tội, nếu không coi nó như yếu tố cấu thành lời kêu gọi nên thánh cho mọi người, không trừ ai. Lời kêu gọi này nhất thiết ngụ ý một lời mời tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội, mà mục đích căn bản là hiệp thông trong Thiên Chúa và giữa mọi người. Thật vậy, các ơn gọi trong giáo hội là những biểu thức đa dạng qua đó Giáo hội thể hiện ơn gọi làm dấu chỉ thực sự của Tin mừng được chào đón trong một cộng đồng huynh đệ. Các hình thức khác nhau của việc theo chân Chúa Giêsu, trong cách riêng của chúng, đều nói lên sứ mệnh làm chứng cho biến cố Chúa Giêsu, trong đó mọi người đàn ông và đàn bà đều tìm thấy sự cứu rỗi.

Sự đa dạng của các đặc sủng,

85. Trong các bức thư của ngài, Thánh Phaolô nhiều lần trở lại với chủ đề này, bằng cách gợi lên hình ảnh Giáo hội như một cơ thể gồm các chi thể khác nhau và nhấn mạnh rằng mỗi chi thể đều cần thiết và, đồng thời, luôn nối kết với toàn thể, vì chỉ có sự thống nhất mọi chi thể mới làm cho cơ thể sống động và hài hòa. Thánh Tông đồ tìm thấy nguồn gốc của sự hiệp thông này trong chính mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: "Chắc chắn có những đặc sủng khác nhau, nhưng cùng một Thánh Thần; sự đa dạng của các thừa tác vụ, nhưng cùng một Chúa Thánh Thần; sự đa dạng của các hoạt động, nhưng cũng chính cùng một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người "(1 Cr 12: 4-6). Công đồng Vatican II và Huấn quyền tiếp theo đó đã cung cấp các hướng dẫn qúy giá để khai triển chi tiết một nền thần học chính xác về các đặc sủng và các thừa tác vụ trong Giáo hội, theo cách chào đón với lòng biết ơn và sử dụng cách khôn ngoan các hồng ơn thánh sủng mà Chúa Thánh Thần không ngừng làm cho phát sinh trong Giáo hội, để trẻ trung hóa Giáo Hội.

Chuyên nghiệp và ơn gọi

86. Đối với nhiều người trẻ, việc hướng nghiệp được sống trong chân trời ơn gọi. Không hiếm trường hợp họ từ chối các đề xuất việc làm hấp dẫn nhưng không phù hợp với các giá trị Kitô giáo, và họ chọn các hành trình giáo dục cho mình bằng cách tự hỏi làm cách nào biến các tài năng bản thân của họ sinh hoa trái cho việc phục vụ Nước Thiên Chúa. Đối với nhiều người, việc làm là cơ hội để nhận ra và coi trọng các ơn phúc nhận được: bằng cách này, các người đàn ông và đàn bà tích cực tham gia vào mầu nhiệm Ba Ngôi sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.

Gia đình

87. Hai Phiên họp Thượng hội gần đây về Gia đình, tiếp theo là Tông huấn Amoris Laetitia, đã cống hiến một đóng góp phong phú cho ơn gọi gia đình trong Giáo hội và cho sự đóng góp không thể thay thế được của các gia đình được mời gọi làm chứng cho Tin mừng nhờ tình yêu hỗ tương, việc sinh sản và giáo dục con cái. Trong khi nhắc đến sự phong phú của các văn kiện mới đây, chúng ta nhớ lại tầm quan trọng của việc tiếp nhận lại thông điệp của chúng để tái khám phá và làm cho người trẻ hiểu thấu vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân.

Đời sống thánh hiến

88. Hồng ơn đời sống thánh hiến mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong Giáo hội, dưới cả hai hình thức hoạt động và chiêm niệm, mang một giá trị tiên tri đặc biệt bao lâu nó tạo thành một chứng từ hân hoan về tính nhưng không của tình yêu. Khi các cộng đồng tôn giáo và các cơ sở mới được thành lập thực sự sống tình huynh đệ, họ trở thành các trường hiệp thông, các trung tâm cầu nguyện và chiêm niệm, những nơi làm chứng cho đối thoại liên thế hệ và liên văn hóa và là các không gian dành cho việc truyền giảng Tin Mừng và bác ái. Sứ mệnh của nhiều người đàn ông và đàn bà thánh hiến, chăm sóc những người bé nhỏ ở các vùng ngoại vi thế giới, chứng tỏ một cách cụ thể sự tận tụy của một "Giáo hội ra đi". Nếu, ở một số vùng nhất định, Giáo Hội bị giảm về số lượng và sự mệt mỏi của cảnh già nua, thì đời sống thánh hiến vẫn tiếp tục kết trái và có tính sáng tạo nhờ việc cùng chịu trách nhiệm của hàng ngũ giáo dân, những người biết chia sẻ tinh thần và sứ mệnh của các đặc sủng khác nhau. Giáo hội và thế giới không thể bỏ qua hồng ân ơn gọi này, một hồng ân tạo nên một nguồn tài nguyên tuyệt vời cho thời đại chúng ta.

Thừa tác vụ thụ phong

89. Giáo hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với thừa tác vụ thụ phong, vì ý thức rằng thừa tác vụ này là một yếu tố cấu thành bản sắc của mình và cần thiết cho đời sống Kitô giáo. Vì lý do này, Giáo hội luôn dành sự chú ý đặc biệt cho việc đào tạo và đồng hành với các ứng viên chịu chức linh mục. Mối bận tâm của nhiều giáo hội vì sự suy giảm số lượng của họ làm cho một suy tư mới về ơn gọi bước vào thừa tác vụ thụ phong trở thành cần thiết và về một nền mục vụ ơn gọi có thể triển khai một sức hấp dẫn thực sự đối với con người của Chúa Giêsu và tiếp nhận lời kêu gọi của Người trở thành các mục tử cho đoàn chiên của Người. Ơn gọi bước vào chức phó tế vĩnh viễn cũng đòi hỏi sự chú ý lớn hơn vì đây là một nguồn tài nguyên mà mọi tiềm năng của nó vẫn chưa được khai triển.

Tình trạng các "người độc thân"

90. Thượng hội đồng đã suy tư về tình trạng của những người sống "độc thân", khi nhìn nhận rằng thuật ngữ này có thể đề cập đến nhiều tình huống khác nhau của cuộc sống. Tình trạng này có thể tùy thuộc nhiều lý do, tự nguyện hoặc không tự nguyện, và các nhân tố văn hóa, tôn giáo và xã hội. Do đó nó có thể diễn tả một loạt các diễn trình. Giáo hội nhìn nhận rằng tình trạng này, hiểu theo luận ký học đức tin và ơn phúc, có thể trở thành một trong nhiều con đường cho phép ơn thánh của phép rửa được cụ thể hóa và dẫn đến sự thánh thiện mà tất cả chúng ta đều được mời gọi.

Kỳ sau: Chương 3: sứ mệnh đồng hành
 
Hình ảnh con chim Bồ câu
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
12:07 11/01/2019
Bồ câu thuộc loại thú vật giống chim có hai cánh bay cao trên trời cùng có nhiều chủng loại khác nhau trên thế giới.

Theo niềm tin tôn giáo và dân gian chim Bồ câu có đóng giữ vai trò gì không?

Theo nền văn hóa bên Đông phương chim Bồ câu là con vật thánh. Nên có luật cấm không được giết sát hại loài chim này

Trong Kinh thánh nơi sách Sáng thế ký thuật lạị hình ảnh chim Bồ câu là sứ giả của Tổ phụ Noe:

„ Từ trong tàu ông lại thả con bồ câu, để xem nước đã giảm trên mặt đất chưa.9 Nhưng con bồ câu không tìm được chỗ đậu chân, nên trở về tàu với ông, vì còn nước trên khắp mặt đất. Ông bèn giơ tay bắt lấy nó mà đưa vào trong tàu với ông.10 Ông đợi thêm bảy ngày, rồi thả con bồ câu ra khỏi tàu một lần nữa.11 Vào buổi chiều, con bồ câu trở về với ông, và kìa trong mỏ nó có một nhành lá ô-liu tươi! Ông Nô-ê biết là nước đã giảm trên mặt đất.12 Ông lại đợi thêm bảy ngày, rồi thả con bồ câu ra, nhưng nó không trở về với ông nữa“.( St 8, 8-12).

Như thế chim Bồ câu, sứ gỉa của tổ phụ Noe là hình ảnh trong ý nghĩa sự hòa giải, hòa bình và ơn cứu độ. Vì nhờ chim bồ câu đi dò đường mang tin tức báo cho Ông biết trận lụt đại hồng thủy, án phạt của Giavê Thiên Chúa đổ xuống trên mặt đất, đã qua, cơn mưa kéo dài 40 ngày đêm đã chấm dứt, nước đã rút không còn bao phủ tràn ngập mặt đất nữa, và gia đình ông cùng xúc vật được cứu độ còn sống sót.

Hình ảnh con chim Bồ câu bay trở về tầu với tổ phụ Noe ngậm mang cành lá Oliu nói cho biết Thần Linh Thiên Chúa, sức sống niềm hy vọng đang bừng lên trên địa cầu con người.

Chim bồ câu như thế là hình ảnh chỉ về đức Chúa Thánh Thần trong niềm tin đạo Công Giáo.

Trước khi vũ trụ thành hình, Thần Linh Thiên Chúa bay là là trên nước. ( St 1,2).

Sau khi Giêsu lên khỏi dòng nước sông Jordan đễ chịu phép rửa do Thánh Gioan làm, Thánh Thần Thiên Chúa hiện thân là một con chim Bồ câu đáp xuống trên Chúa Giêsu. Mt 3,16, Ga 3,22). Và trong dòng lịch sử đời sống Giáo hội, hình ảnh chim Bồ câu luôn dương rộng đôi cánh với vòng triều thiên thánh thiêng là hình ảnh nói về Đức Chúa Thánh Thần.

Chim bồ câu theo luật lệ lễ nghi thời Cựu ước của ngườ Do Thái là con vật được dùng làm lễ tế hy sinh đền tội dâng lên Giavê Thiên Chúa ( Sách levi 5,7-10. 14,21-23) cùng làm lễ vật thanh tẩy ( Levi 15, 13-15. 28-30, Lc 2,22-24).

Vì thế thời Chúa Giêsu, người ta đem chim gáy, bồ câu vào bán trong khu sân bên ngoài đền thờ Gierusalem, để dân chúng nhất là người nghèo mua làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa. ( Mt 21,12, Mc 11,15 và Ga 2,14.16).

Với người Hylạp và người Do Thái chim Bồ câu là hình ảnh mẫu gương về sự hiền hòa ngây thơ, trong trắng thanh sạch. Vì thế, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của chim Bồ câu nói về đức tính ngay thẳng thành thực làm ví dụ cho dễ hiểu.

Tiếng rầm rì lục cục của chim Bồ câu phát tỏa ví tựa như tiếng than thở về nỗi đau khổ của con người. ( Isia 38,14. Isaia 59,11).

Người cầu nguyện mong sao mình có đôi cánh của chim Bồ câu bay cao xa thoát khỏi cảnh chao đảo hỗn độn đầy đe dọa, để tìm đến nơi bình an.

( Tv 55,7).

Từ thế kỷ thứ 6. sau Chúa giáng sinh hình ảnh chim Bồ câu không chỉ là hình ảnh tượng trưng chỉ về đức Chúa Thánh Thần, nhưng còn trở thành dấu hiệu tượng trưng cho phong trào hòa bình trên thế giới, và cũng là hình ảnh nói về tình yêu. Vì đặc tính hiền hòa của loài chim này.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long.
 
Văn Hóa
Chùm Lục Bát “Nguyện Cầu Bên Máng Cỏ”
Nữ Tu Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương
20:57 11/01/2019
1. LẶNG NGẮM HÀI NHI (Lc 2,1-20)

Chúa Con nhập thể cứu đời
Bởi lòng Trinh Nữ sinh nơi nghèo nàn.
Hang nghèo quạnh quẽ lầm than,
Thiên thần ca hát lừng vang cuối trời.

Mục đồng hối hả đến nơi,
Ngỡ ngàng sao sáng rạng ngời đêm đông.
Tin yêu choáng ngợp cõi lòng,
Hài Nhi Cứu Chúa chờ mong bao đời.

Từ đây nhân thế muôn nơi,
Xa lìa bóng tối, tội đời thứ tha.
Vũ hoàn chung tiếng hát ca,
Ngợi khen tình Chúa chan hoà yêu thương.

Bê- lem vang suốt canh trường,
“Vinh Danh” nhạc khúc thiên đường xa khơi.
Lặng thầm chiêm ngắm Ngôi Lời,
Con tin Chúa bỏ ngai trời vì con !

T. Oanh
(Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)

2. CAO VỜI TÌNH CHÚA

Quỳ bên hang đá, máng chiên
Ai hay Chúa Cả vô biên vô ngần !
Yêu con Chúa đã xuống trần,
Mang thân cát bụi, cơ bần phàm nhân.
Ba mươi năm sống âm thầm,
Lao công tay thợ, lặng thầm Thánh Gia.
Một lòng vâng phục mẹ cha,
Hoàn thành sứ mạng bao la ngất trời.
Tình yêu cứu thế gọi mời,
Ra đi rao giảng cuộc đời hiến trao.
Tình yêu Thiên Chúa vút cao,
Mối tình nhân loại nói sao cho vừa.
Ba năm xuôi ngược sớm trưa,
Loan tin Cứu Độ, nắng mưa dặm trường.
Đồi cao loang máu tình thương,
Kề môi nhấp chén đoạn trường điêu linh.
Tình yêu nên lễ hy sinh,
Con đường nhập thể trọn tình ý Cha
Muôn đời tấu khúc tình ca,
Hồng ân cứu độ bao la ngút trời !
Hôm nay chiêm ngắm Ngôi Lời,
Con nghe tiếng Chúa gọi mời yêu thương.
Theo chân Chúa bước lên đường,
Mỗi ngày nguyện ướp nồng hương cho đời !

Maria H.T. Thu
(Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)

3. LỜI KINH ĐÊM

Lạy Cha là Chúa Thượng Con,
Từng đêm con đã mỏi mòn đợi mong.
Đời con trôi nổi giữa dòng,
Chúa ơi thương dẫn qua vòng bến mê.
Vì thương Chúa đã chẳng nề,
Chung chia kiếp phận muôn bề đắng cay.
Chúa thương nắm lấy bàn tay,
“Đồng xanh suối mát” tràn đầy tình yêu.
Thân con tội lỗi trăm chiều,
Xót thương ngập lối, dập dìu thứ tha.
Mong con quay gót về nhà,
Vòng tay Chúa đợi bao la ân tình.
Nói làm sao, chỉ lặng thinh,
Chúa ơi nghe thấu lời kinh mọn hèn.
Dẫu đời mưa nắng, đêm đen,
Bước đi cùng Chúa ca khen rạng ngời…!
Lời kinh đêm nguyện chơi vơi,
Đời con vui sướng thảnh thơi yên bình.

Têrêsa Quang Khôi
(Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)

4. KHIÊM NHƯỜNG XIN THƯA

Giêsu yêu dấu một đời,
Con theo tìm kiếm suốt đời không nguôi.
Thuở ban đầu, tuổi xuân tươi,
“Thuyền con không bến” ngược xuôi giữa dòng.
Thầm nghe Chúa gọi trong lòng,
Mùa xuân đã đến mộng vàng biến tan.
Đời con hạnh phúc chứa chan,
Ngày xưa nhìn lại xốn xang cõi lòng.
Bây giờ “bến đục bến trong”,
Chúa thương con vững một lòng hiên ngang.
Ân ban nào dám vênh vang
Ngày đêm dâng khúc “nhạc vàng Chúa thương”
Đời vui phục vụ thơm hương,
Đáp đền ơn Chúa yêu thương mặn nồng.
Từ nay vững chí cậy trông,
Khắc ghi tình Chúa thắm nồng tin yêu.
Nguyện xin ơn Chúa dắt dìu,
Vuông tròn thánh ý trăm chiều xin vâng.
Đời con nguyện chữ hiến dâng,
Chúa ơi xin đổ thiên ân dạt dào.

Maria Phương Uyên
(Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chốn Tịnh Yên
Vũ Đình Huyến Lm.
09:41 11/01/2019
CHỐN TỊNH YÊN
Ảnh của Vũ Đình Huyến, Lm. (CRM)
Đôi khi cần chốn tịnh yên
Niệm suy lời Chúa răn khuyên trần đời
(bt)