Ngày 01-02-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xin ơn chữa lành bệnh tật xác hồn
Lm Trần Bình Trọng
16:32 01/02/2012
Chúa Nhật 5 Thường Niên, Năm B (G 7:1-4, 6-7; 1Cr 9:16-19' 22-23; Mc 1:29-39)

Gần đến tuổi xế chiều thì cơ thể con người khó thích ứng được với một số đồ ăn, thức uống và những yếu tố ảnh hưởng bên ngoài. Do đó cơ thể phát ra những chứng bệnh tật, đau yếu khác nhau. Như vậy thì ta có thể đồng hoá với dân chúng trong Phúc âm hôm nay, gồm bà nhạc mẫu của thánh Phêrô, vây quanh Chúa để xin được chữa lành bệnh tật.

Hôm nay Chúa đến chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỉ (Mc 1:34) nghĩa là đem lại tự do cho con người. Chúa dùng nhiều cách thế khác nhau để chữa trị bệnh tật loài người.

Chúa dùng loài người như là bác sĩ, nha sĩ, y tá cùng với thuốc men để chữa trị bệnh tật. Tuy nhiên Chúa cũng chữa trị bệnh tật loài người cách trực tiếp mà không cần sự cộng tác của loài người, cùng với thuốc men. Cách thế chữa trị đó được gọi là phép lạ. Có những trường hợp Chúa không chữa trị loài người khỏi bệnh ngay, nhưng Chúa chữa trị dần dần để thử lòng tin và lòng kiên nhẫn của họ. Lại có những trường hợp Chúa muốn loài người cộng tác với đường lối chữa trị tự nhiên, bằng cách soi sáng cho người ta biết cách giữ gìn sức khoẻ như ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, tập thể thao dưỡng sức. Vấn nạn ở đây là sự thể đã không xẩy ra như vậy. Có người đi bác sĩ thường xuyên, nằm nhà thương lâu ngày, cầu nguyện liên tục mà bệnh tật vẫn không thuyên giảm. Nhiều người còn phải mang bệnh tật lâu dài. Như vậy bệnh tật có phải là do hậu quả của tội lỗi gây ra không?

Hình như Thánh kinh Cựu ước có ám chỉ như vậy, nghĩa là những tai hoạ xẩy ra cho loài người được coi là hình phạt của Thiên Chúa. Ðạo lí nhà Phật thì cho là tại nghiệp chướng: kiếp trước làm bậy thì kiếp sau phải gánh chịu hậu quả tai hại. Ðạo lí nghiệp chướng cũng giống ý nghĩa trong câu ngạn ngữ: Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước. Có điều khác biệt là trong thuyết nghiệp chướng thì cùng một cá nhân phải chịu hậu quả trong kiếp luân hồi; còn quan niệm cha ăn mặn, con khát nước là hai cá nhân khác nhau: cha có liên hệ huyết nhục với con, nhưng không phải là con.

Quan niệm trong câu ngạn ngữ Việt Nam trên đây còn giống quan niệm trong câu ngạn ngữ mà người ta truyền tụng trong dân Ít-ra-en: Ðời cha ăn nho xanh (chua), đời con phải ghê răng (Gr 31:29; Ed 18:2). Để sửa sai quan niệm đó, Thiên Chúa dùng miệng nhị vị ngôn sứ Giêrêmia và Êdêkien để trách dân Do thái sao cứ truyền tụng câu ngạn ngữ đó và dạy họ rằng mỗi thế hệ hay mỗi cá nhân chịu trách nhiệm về hành động của thế hệ đó hay cá nhân mình (Gr: 31:30; Ed 18:3). Quan niệm trong câu ngạn ngữ trên của dân dân Do thái chỉ đúng khi áp dụng vào một số bệnh di truyền nào đó dựa vào lí do sinh thể lí mà thôi.

Theo giáo lí Do thái giáo là đạo Cựu ước và giáo lí Kitô giáo là đạo Tân ước thì tội lỗi không cắt nghĩa được hết tại sao người ta phải mang tai họa. Sách Gióp đã chứng minh điều đó. Ông Gióp phàn nàn về những tai họa xẩy đến cho ông và gia đình ông như phải mất của cải, vợ con (G 7:1-4,6-7). Các bạn ông cho rằng những bất hạnh đó là hình phạt cho tội lỗi của ông. Tuy nhiên ông Gióp không thể chấp nhận lối giải thích đó vì ông sống đời ngay lành, công chính và cảm thấy lương tâm không bị trách móc. Vậy thì phải có lý do nào khác, điều mà người ta không hiểu được hay chưa hiểu được ở đời này. Người ta không hiểu được tại sao có những người hiền đức, ăn ngay ở lành mà phải chịu bệnh tật đau khổ? Người ta cũng không hiểu được tại sao một số trẻ em vô tội cũng phải mang bệnh hoạn tật nguyền?

Là người Kitô giáo, ta phải tin rằng Chúa có thể giải thoát loài người khỏi bệnh tật, nếu điều đó có ích lợi cho linh hồn. Tuy nhiên đức tin của người công giáo không dựa trên việc phục hồi khỏi bệnh tật phần xác mà thôi. Xét về phương diện nào đó thì loài người, cũng như loài vật, cỏ cây hoa lá, đều trải qua tiến trình của kiếp sống con người: sinh, lão, bệnh, tử. Việc phục hồi khỏi bệnh tật phần xác là một ân huệ và là niềm vui. Tuy nhiên đó không phải là điều quan trọng nhất trong ước muốn của người Kitô giáo.

Chúa Cứu Thế đến với mục đích chính là để chữa lành bệnh tật phần hồn của loài người, giải thoát con người khỏi tội lỗi, để phục hồi sự sống thiêng liêng bằng cách giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Ðó là lí do tại sao khi ta cầu nguyện, xin ơn chữa lành bệnh tật phần xác mà Chúa lại ban ơn chữa lành bệnh tật phần hồn, mà ta không hay biết.. Có những trường hợp mà việc mang bệnh tật phần xác, có thể mang lại lợi ích cho đời sống thiêng liêng, khiến người ta tuỳ thuộc vào Chúa. Nếu được chữa khỏi bệnh tật phần xác, người ta có thể lầm tưởng rằng đời sống thiêng liêng của họ là tốt lành, không gì đáng trách. Vì lợi ích thiêng liêng cho loài người, Chúa cũng có thể trì hoãn việc chữa lành. Nếu Chúa ban ơn ngay cho mỗi người, họ có thể chóng quên ơn Chúa, không đánh giá được tầm quan trọng của ơn chữa lành, khiến họ bớt tuỳ thuộc vào Chúa.

Ðó là lý do giải thích tại sao trong Phúc âm hôm nay Chúa tách biệt khỏi đám đông quần chúng để đi cầu nguyện, rao giảng trong các hội đường và trừ quỉ (Mc 1:35-39). Trong khi còn nhiều người đau yếu bệnh tật cần được chữa lành mà Chúa vẫn bỏ đi. Lý do là vì Chúa còn một sứ mệnh quan trọng hơn để thi hành là truyền bá tin mừng cứu độ, đem ơn chữa lành cho tâm hồn nữa. Chúa cũng không dùng quyền năng để tự cứu mình khỏi đau khổ và sự chết. Chúa tự ý chấp nhận đau khổ và sự chết vì Người ý thức được giá trị của đau khổ và sự chết vì yêu mến Chúa và tha nhân để mang lại ơn cứu độ cho loài người.

Ðể đi đến kết luận thực hành, thái độ người tín hữu phải có là khi đau ốm bệnh tật, người ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị, đồng thời phải cầu xin cho được ơn chữa lành. Tuy nhiên bao lâu người ta còn mang bệnh tật, người ta cần cầu xin để được ơn can đảm và nhẫn nại chịu đựng vì yêu mến Chúa. Người tín hữu chấp nhận đau khổ bệnh tật không phải như một đường cùng không lối thoát. Người tín hữu chấp nhận đau khổ bệnh tật vì tin yêu và phó thác để được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa. Chỉ bằng việc chấp nhận như vậy mới đem lại bình an và ơn phúc cho tâm hồn khi phải mang bệnh tật đau khổ về phần xác. Để khỏi ngã lòng trông cậy Chúa và khỏi trở nên gánh nặng cho người săn sóc, có linh mục kia vẫn cầu nguyện xin Chúa đừng để mình phải nằm trên giường bệnh lâu dài.

Lời cầu nguyện xin cho được khỏi bệnh phần xác phần hồn:
Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa đã đến,
chữa lành bệnh tật hồn xác loài người.
Xin Chúa ban ơn chữa lành cho bệnh nhân
đau yếu, bệnh tật trong thời đại chúng con.
Xin Chúa soi sáng cho giới bác sĩ và khoa học gia,
tìm ra thuốc men và phương pháp chữa trị bệnh tật.
Xin Chúa cũng chữa lành bệnh tật của chính con:
phần xác, phần hồn, phần tâm trí, phần tình cảm
để con có thể phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân
với hồn xác an vui và lành mạnh. Amen.


(Nguồn: http://www.chuanoitadap.net/)
 
Tiếp xúc với Cha trên trời
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
20:48 01/02/2012
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B
+++
A. DẪN NHẬP

Không tôn giáo nào mà không chú trọng đến sự cầu nguyện, tuy cách thức có khác nhau. Dân Do thái ngày xưa, mỗi khi đi chinh phạt các dân ngoại hay dân phản động chung quanh, thì ông Maisen phải lên đỉnh núi giang hai tay ra cầu nguyện. Lúc nào ông giang hai tay ra cầu nguyện thì lúc đó quân Do thái thắng, trái lại lúc nào ông hạ tay xuống thì dân Do thái thua. Nên dân Do thái phải cắt người đỡ hai tay để ông Maisen có thể giang tay cầu nguyện mãi mãi cho dân để đánh thắng các quân địch.

Đức Giêsu cũng làm gương cho chúng ta về sự cầu nguyện. Ngài đã tận dụng những giờ phút tĩnh lặng, những nơi thanh vắng, nhất là ban đêm để tiếp xúc với Cha Ngài. Theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng phải chuyên cần cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa trong mọi hoàn cảnh. Hãy tập cho có thói quen biến những công việc thường ngày của chúng ta thành những lời kinh sống động dâng lên Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : G 7,11-.6-7

Đoạn sách Gióp hôm nay cho ta thấy cái nhìn bi quan của người Do thái trước đau khổ : con người sẽ phải chết, mọi chân trời đều bị bít lại, tất cả đều ê chề, tuyệt vọng, vô nghĩa. Ông Gióp là một người thánh thiện, không thể hiểu được tại sao ông lại bị phạt trong khi ông không ý thức được rằng mình đã phạm tội. Tuy nhiên, ông không quay lưng lại với Chúa, ông âm thầm chịu đdựng và đợi trông...

Cái nhìn bi quan này sẽ được sửa sai bằng gương làm việc của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay,

+ Bài đọc 2 : 1 Cr 9,16-19,22-23

Thánh Phaolô tự nhận là mình có nhiệm vụ phải rao giảng Tin mừng :”Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Ngài cố gắng thi hành nhiệm vụ này một cách vô vị lợi, không tìm vinh danh cho mình nhưng chỉ dành cho Chúa. Chính vì thế, Ngài đã cố gắng trở nên mọi sự cho mọi người, chia sẻ những sự yếu đuối của anh em, sống cuộc sống của họ, tự đặt mình làm tôi tớ phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo hèn, và mục đích của Ngài là tranh thủ đem về cho Chúa Kitô nhiều linh hồn.

Thánh nhân cho biết Ngài rao giảng Tin mừng một cách tự nguyện chứ không phải do một động lực nào khác bó buộc Ngài.

+ Bài Tin mừng : Mc 1,29-39

Thánh Marcô cho chúng ta biết một ngày làm việc tiêu biểu của Đức Giêsu ở thành phố Capharnaum, thành phố của Phêrô và Anrê. Ngài giảng dạy ở hội đường, chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon cho khỏi cơn sốt, chữa nhiều bệnh nhân và trừ qủi từ chiều cho đến tối. Sáng sớm tinh sương đi cầu nguyện nơi thanh vắng, và tiếp tục đi rao giảng ở những nơi khác. Tóm lại, Đức Giêsu là một người làm việc bận rộn suốt ngày và trừ qủi.
Những công việc bận rộn như vậy cũng không hề làm cho Ngài mất tiếp xúc với Cha của Ngài ở trên trời. Ngài sẽ dùng nhiều thời giờ nghỉ ban đêm để sống thân mật với Cha Ngài ở trền trời. Ngài sẽ dành nhiều thời giờ ban đêm để sống mật thiết với Cha Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Cầu nguyện và làm việc

I. ĐỨC GIÊSU VỚI SỰ CẦU NGUYỆN

1. Đức Giêsu làm việc và cầu nguyện

Đức Giêsu là gương mẫu của sự cầu nguyện. Cách đây không lâu, Đức Giêsu đã lên rừng ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày. Thánh Marcô hé mở cho ta biết Đức Giêsu một mình sáng sớm lên nơi thanh vắng để cầu nguyện. Suốt ngày Ngài bận rộn với công việc rao giảng Tin Mừng : giảng dạy ở hội đường, chữa bệnh, trừ qủi, tiếp xúc với mọi người, trưa về nhà tiếp xúc với môn đệ. Trong khi mọi người còn ngon giấc thì Đức Giêsu đã lên núi cầu nguyện một mình. Đây không phải là lần cuối, mà luôn luôn như vậy. Ngài đã tỏ ra rất ham mộ cầu nguyện, nhất là trước những việc trọng đại.

Đọc Tin mừng, chúng ta thấy rất nhiều lần Đức Giêsu đã đi cầu nguyện và cầu nguyện nơi thanh vắng :
Vừa khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả, Chúa lắng sâu trong cầu nguyện và đồng thời cửa mở ra (Lc 3,21 ; Ga 1,32-34).
Năm đầu cuộc đời công khai, ngày sabat Chúa vào hội đường cầu nguyện (Lc 5,16).
Đêm áp ngày Chúa chọn 12 tông đồ, Chúa đã lên núi và cầu nguyện suốt đêm(Lc 6,12).
Trước khi Chúa hỏi các tông đồ về dư luận dân chúng về Ngài, Chúa đã tìm nơi thanh vắng mà cầu nguyện (Lc 9,18).
Trước khi biến hình Chúa đã lên núi cầu nguyện (Lc 9,28) và trong khi cầu nguyện thì Ngài biến hình.
Lần kia, sau khi thấy Chúa rời các ông để cầu nguyện, các Tông đồ xin Chúa dạy các ông cầu nguyện như Gioan đã dạy các môn đệ của ông. Và Chúa đã dạy các ông kinh Lạy Cha (Lc 11,1-4).
Hơn nữa, nhất là trong giờ hấp hối trong vườn Cây Dầu, Chúa đã cầu nguyện thống thiết tới 3 lần (Lc 22,40-45).
Tại sao Đức Giêsu lại hối hả đi cầu nguyện như vậy ? Trước hết là vì Ngài khao khát sống một mình với Cha Ngài, và lấy làm sung sướng khi ở riêng với Cha Ngài.

2. Đức Giêsu dạy ta cầu nguyện

Đức Giêsu đã cầu nguyện và đã làm gương cho ta về sự cầu nguyện. Rất nhều lần Ngài đã khuyên các môn đệ cầu nguyện. Ta chỉ ghi ra đây một số trường hợp :

. Cầu nguyện trong thinh lặng : vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha nơi kín ẩn (Mt 6,6).
. Cầu nguyện với lòng tin : Thiên Chúa có thể ban mọi sự (Mc 11,23-24).
. Cầu nguyện với Cha chúng ta ở trên trời (Lc 11,13).
. Cầu nguyện không nhiều lời (Mt 6,7).
. Biết tha thứ cho người khác để Cha trên trời có thể tha thứ cho chúng ta (Mc 11,25).
. Với lòng khiêm tốn và thống hối như người thu thuế tội lỗi (Lc 18,9-14).
. Cầu nguyện không ngừng (Lc 19,1).
. Cầu nguyện chung với người khác (Mt 1118,119).
. Nhận biết ân huệ của Thiên Chúa (Ga 4,10).
. Xin những sự trên trời (Ga 6,27).
. Kinh Lạy Cha (Lc 11,2t ; Mt 6,9-13).

Đức Giêsu đã cảnh báo Phêrô về nguy cơ ma qủi làm cho ông bị sa ngã, phải luôn tỉnh thức và đề cao cảnh giác :”Phêrô, ma qủi nó sàng con như sàng gạo”. Sức riêng của loài người không thể chống lại được sức mạnh của ma qủi, nên phải cậy nhờ vào ơn Chúa, đừng cậy vào sức riêng mình.

Về điểm này, Đức Cha Tihamer Toth đã nói chuyện với thanh niên như sau :
”Bạn không muốn sao lãng những công việc bề bộn, thế thì, bạn ơi, hãy nghe tôi : Đây là chiếc tầu vượt đại dương bắt đầu mở máy giữa lúc giông tố nổi to, và một đoàn hải điểu theo bên như những tầu khác khởi hành. Chiếc tầu nọ mở hết tốc lực mà không vượt được những làn sóng dữ dội. Gió ngược mạnh vô cùng, chiếc tầu nghiêng ngả. Cả bộ máy rung chuyển, nhưng chiếc tầu chỉ tiến khó khăn được đôi chút. Một hành khách thương hại nói:”Khốn nạn đàn hải điểu. Mở máy tới hàng trăm, hàng ngàn mã lực thế mà chúng ta chỉ tiến được đôi chút thôi. Chim ơi, chim làm được gì với đôi cánh mong manh và bắp thịt yếu đuối” ?

Nhưng người hành khách thương hại bỗng nói và cảm động vô ngần:”Đàn hải điểu nhẹ nhàng bay lượn với đôi cánh Đức Chúa Trời ban cho. Chúng gối lưng lên gió vật. Và trong khi chỉ còn một việc, chỉ trông cậy có máy móc, người ta tiến rất khó khăn, rất vất vả, thì đàn hải điểu vượt nhẹ nhàng lên trước chiếc tầu với đôi cánh khéo léo, bay lượn thay cho sức yếu đuối của mình”.

Bạn ơi, chiếc tầu đó là hình ảnh kẻ muốn thắng bằng sức riêng mình. Đôi cánh chim hải điểu là hai tay người ta giơ lên trong lúc cầu guyện. Bạn có còn cho rằng thời giờ bạn nguyện ngắm là thời giờ bỏ phí không ? Bạn có còn nói rằng bạn không có thời giờ cầu nguyện không”? (Tihamer Toth, Chúa Cứu thế với Thanh niên, tr 209).

3. Giáo huấn của Giáo hội

Việc cầu nguyện phát xuất do chức Linh mục vương giả:”Phần tín hữu nhờ chức Linh mục vương giả , cộng tác dâng Thánh lễ, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn. Bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực” (Hiến chế về Giáo hối, số 10).

“Mọi người phải nhớ rằng nhờ phụng vụ và cầu nguyện, nhờ sám hối và tự ý chấp nhận công việc cũng như những khổ cực của cuộc đời làm cho nên giống Chúa Kitô đau khổ, họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới” (Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 16).

II. CHÚNG TA VỚI SỰ CẦU NGUYỆN

1. Nói về sự cầu nguyện
a) Cầu nguyện là gì ?

Chúng ta không muốn định nghĩa sự cầu nguyện như các nhà tu đức học mà chỉ nói đơn sơ như thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nói:”Con đã ở như một đứa trẻ không biết chữ : con cứ đơn sơ thật thà than thở cùng Chúa những điều con ước muốn, bao giờ con cũng được Chúa hiểu thấu tình.

Với con, cầu nguyện chỉ là một cơn lòng sốt sắng, một liếc mắt nhìn lên trời, một tiếng kêu tri âm, một lời nói tình giữa lúc phải gian nan khốn cực, cũng như khi được bình an vui sướng. Và nữa, cầu nguyện là một cái gì cao thượng, siêu nhiên cởi mở lòng, phơi giãi linh hồn, trao đổi lại tâm tình, để được kết hợp cùng Chúa cách chí thiết” (Trích Một tâm hồn, Kim Thiếu dịch, tr 204).

Cầu nguyện có thể ví như tình yêu. Chúng ta không thể học yêu qua sách vở được. Phải có phần thực hành. Cầu nguyện ví như học bơi lội. Muốn biết bơi thì phải nhào xuống nước, không thể vừa khô ráo trên bờ vừa lại biết bơi. Cầu nguyện cũng như việc học gia chánh. Muốn thực tập làm các món ăn thì phải lăn vào bếp. Cầu nguyện cũng giống như việc chăm sóc mảnh vườn. Muốn có hoa đẹp thì phải trồng, phải phân bón, phải có nắng, phải tưới nước và phải chăm làm cỏ. Cầu nguyện không là một đề tài để bàn luận, nhưng là một thực tại để sống. Chúa Kitô là thầy dạy chúng ta, và tất cả chúng ta đều là học trò trong lớp “cầu nguyện”. Muốn có một đời sống sung mãn trong Chúa Kitô, chúng ta phải cầu nguyện (Thanh Thủy, Con đường tình yêu, tr 197).

b) Cấp độ của sự cầu nguyện

Có nhiều cách cầu nguyện. Thường thường người ta cho rằng cầu nguyện là chuyện vãn với Chúa, là một cuộc đối thoại, mình phải nói với Chúa, nói cho nhiều cho Chúa nghe. Cũng có người có ý kiến cao hơn : cầu nguyện là lắng nghe tiếng Chúa, cầu nguyện chỉ là cơ hội để Chúa nói với ta. Tất cả đều đúng.

Nhưng cầu nguyện cao nhất là sự thinh lặng tuyệt đối, trong đó chẳng ai nói mà cũng chẳng ai nghe vì lúc đó giữa Chúa và ta có một sự kết hợp mật thiết rồi, một sự kết hợp cao độ đến nỗi không còn phân biệt giữa Chúa và ta nữa. Tư tưởng này đã được Cha Anthony de Mello diễn tả trong câu chuyện sau đây :

Truyện : Sự im lặng tuyệt đối.
Sau một ngày học hành mệt nhọc, người bạn trẻ thường có thói quen ghé ngang qua nhà thờ để viếng Chúa, và lần nào cũng bắt gặp một cụ già ngồi yên lặng trước Thánh Thể trong nhà tạm. Ngày kia, người bạn trẻ chờ cho cụ cầu nguyện xong, tiến đến gần và hỏi :
- Cụ ngồi lâu giờ như vậy, có nghe Chúa nói gì với cụ không?
Cụ già chậm rãi trả lời :
- Chúa không nói gì hết, Ngài chỉ nghe thôi.
- Vậy thì cụ nói những gì với Chúa?
- Lão cũng chẳng nói gì cả, chỉ nghe thôi.
Thấy người bạn trẻ có vẻ ngỡ ngàng, cụ nói tiếp:
- Lão thấy có 4 giai đoạn trong đời sống cầu nguyện. Thời gian đầu thì lão nói, Chúa nghe, sau đó thì Chúa nói, lão nghe. Giai đoạn kế tiếp thì không ai nói hết vì cả hai cùng nghe và có lẽ giai đoạn cuối là lúc không ai nói mà cũng không ai nghe. Tất cả chỉ là một sự thinh lặng tuyệt đối (Dựa theo truyện của Anthony de Mello, Taking Flight).

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc cầu nguyện là sự thinh lặng. Chúng ta cần sự thinh lặng, vì chính trong sự thinh lặng này – một sự thinh lặng mà người “hướng ngoại” không thể nào chịu nổi – Chúa Cha sẽ nói với ta lời của Ngài, Chúa Kitô sẽ chia sẻ với chúng ta ý nghĩa của mầu nhiệm Chết và Phục sinh của Người, và Chúa Thánh Thần sẽ thôi thúc để chúng ta tìm ra đường hướng Chúa muốn chúng ta đi. Ngày nay, con người dường như rất sợ sự thinh lặng, do đó con người tạo ra trăm ngàn cớ để chạy trốn cái giây phút tĩnh lặng trước mặt Chúa, Đấng lột trần cho thấy sự hư vô tột cùng của kẻ từ chối chấp nhận mình nghèo khó và yếu đuối. (Thanh Thủy, op.cit. tr 203-204)

c) Cầu nguyện rất cần thiết

Việc cầu nguyện có thể ví được như cách điều chỉnh radio và vô tuyến truyền hình. Chúa và ân sủng của Ngài lúc nào cũng sẵn sàng, bàng bạc khắp không gian như luồng điện. Con người nào không cầu nguyện cũng ví như máy thu thanh và vô tuyến truyền hình không bao giờ dùng tới. Muốn cho các máy đó bắt đúng luồng sóng, đúng tần số, ta cần điều chỉnh nhẹ nhàng, trong thinh lặng để các máy đó bắt đúng tần số; bằng không, vẫn chơ vơ một mình, đơn chiếc, lẻ bóng và chẳng ích lợi gì.

Hơn nữa, việc cầu nguyện còn có thể ví như “xạc” bình điện. Chúng ta ưa phóng ngoại, để chạy theo những cái hào nhoáng, những hấp dẫn bên ngoài, thích chạy trên chính mình chẳng khác gì bình điện xài luôn nên hết điện, hết năng lực. Thế nên cần phải có thời gian nghỉ ngơi, thinh lặng để “xạc” lại bình, để hấp thụ và để bắt liên lạc với chính nguồn điện lực.

Giờ cầu nguyện là lúc bồi dưỡng, chuyển hóa, thăng hoá chính bản thân mình như bắt lại với chính nguồn là Thiên Chúa, chính Thánh Thần là Tình Yêu, để ta được gọi Thiên Chúa là Cha (Rm 8,1-5 ; Gl 5,22-26). Nhờ đó con người được đổi mới (Cl 3,9-11) tìm lại được con người nội tâm (Rm 7,22) của chúng ta. Tìm gặp, biến thể và hoà đồng với chính Tình yêu.

Thật vậy, ta có thể nhận ra và cảm nghiệm được kết quả của việc cầu nguyện qua biến thể tâm hồn và đổi mới của thiếu phụ Samaria bên bờ giếng Giacóp; hoặc như hai môn đệ đi Emmau trong lúc lòng buồn và chán nản, xa rời tập thể, thế mà sau khi đã tâm sự với Chúa cải trang thành bộ hành, các ông đã nhận ra Chúa, tìm lại niềm tin vui và vội vã trở về với cộng đoàn (Lc 24,13-35) (Thái Hoà, Cải tiến Công giáo VN, số 7-8, tr 130-131).

Truyện : Luther bỏ cầu nguyện.
Tại bảo tàng viện ở Wittenberg (Đức) người ta còn lưu giữ một lá thư của một tu sĩ dòng Augustinô rất thời danh, mới 35 tuổi, đã làm tới chức Giám tỉnh. Bức thư như sau:”Tôi quá bận rộn, phải đi dạy học, giảng thuyết, viết sách, tôi làm quản lý, bắt cá ở hồ... nên không có giờ đọc kinh, không có giờ nguyện gẫm, không có giờ dọn mình dâng Thánh lễ, có lúc phải bỏ luôn cả lễ...” Vị cựu tu sĩ thời danh ấy là ai? Là Luther, người đã khởi xướng lên chủ thuyết Tin lành, ly khai khỏi Giáo hội, ra khỏi dòng, lập gia đình, lôi kéo nhiều người theo, đi vào con đường ly khai.

Tuy thế, có những người vẫn chưa công nhận sự cầu nguyện là cần thiết, mà còn bác bỏ và chê trách sự cầu nguyện. Thi sĩ Alfred de Vigny đã nói:”Thở than khóc lóc, cầu khẩn là hèn nhát”.

Phải phân biệt hai lối cầu nguyện : thụ động và chủ động. Cầu nguyện thụ động là thái độ của kẻ ươn hèn, muốn được điều lành mà không cố gắng, không làm gì cả : họ chỉ há miệng chờ sung rụng hay ôm gốc cây chờ thỏ. Trái lại cầu nguyện chủ động là tính cách của người vừa cầu nguyện vừa làm việc để đi tới mục đích mình cầu xin : Aide-toi, le Ciel t’aidera (Tục ngữ Pháp) : (Anh hãy tự giúp mình rồi trời sẽ giúp anh).

Câu nói trên của Alfred de Vigny chỉ đúng cho những kẻ cầu nguyện thụ động. Còn chính nhà khoa học lừng danh Alexis Carrel đã nói:”Dẫu có vẻ lạ lùng, người ta vẫn phải nhận là đúng rằng kẻ nào cầu xin sẽ được và cửa sẽ mở cho kẻ gõ”. Một nhà khoa học đã từng được giải Nobel vào năm 1912 còn tin tưởng như vậy, thì sự cầu nguyện đã rõ ràng không phải là sự mơ hồ.

Văn hào Cronin đã than thở cho những kẻ mất lòng tin tường, những kẻ không cầu nguyện:”Địa ngục là khi lòng mất hy vọng”. Sống là hy vọng, mà mất hy vọng thì còn sống làm sao? Chính vỉ vậy, những kẻ tự tử là những kẻ không còn tin tưởng, những kẻ không biết có sự cầu nguyện.

d) Ích lợi của sự cầu nguyện

Cầu nguyện đem lại cho con người rất nhiều lợi ích cho linh hồn. Điều đó chúng ta đã nói nhiều ở trên. Cầu nguyện cũng còn lợi ích nhiều cho đời sống tâm lý và thể lý nữa. Chính những nghiên cứu của các nhà khoa học thời danh đã chứng minh điều đó.
Môt hôm, một bệnh nhân trạc tuổi 40 , đến gõ cửa phòng mạch bác sĩ. Người bệnh nói:
- Đã lâu rồi tôi mắc bệnh mất ngủ. Tôi đã uống nhiều loại thuốc an thần, thuốc ngủ. Ban đầu uống một viên, sau đó uống hai viên. Hiện giờ tôi uống những ba viên mà cũng chẳng tài nào ngủ được. Hết muốn sống.
Bác sĩ là một người Công giáo, liền cho một toa thuốc an thần, thật bất ngờ, lại không mất tiền mua:
- Từ nay ông đừng uống thuốc ngủ nữa. Thế vào đó, trước khi lên giường, ông hãy đọc một câu kinh sốt sắng, và dâng phú những lo lắng của ông vào lòng Thượng Đế.
Đã lâu lắm, bệnh nhân chẳng hề đọc kinh chiều. Tối hôm ấy, chàng áp dụng toa thuốc của bác sĩ đã cho một cách nghiêm chỉnh.
Một tuần lễ sau, thần kinh bớt căng thẳng, chàng được lành mạnh, ăn ngon ngủ ngon và làm việc như thường lệ.

Bác sĩ Carl Jung cho biết:”Trong 30 năm trời gần đây, có nhiều người từ các nước văn minh tới phòng mạch của tôi. Tôi nhận thấy rằng những bệnh nhân trên 35 tuổi, rút cuộc người nào cũng phải tìm một giải pháp tôn giáo mới hết bệnh. Họ đau vì mất quân bình, mất tin tưởng”.
Giải pháp ông nói đây rõ ràng là CẦU NGUYỆN.
(Viết theo Vũ minh Nghiễm, Sống sống, tr 44-45)

2. Thực hành cầu nguyện

Đức Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều trong công cuộc truyền giáo. Tuy rất bận rộn với công việc rao giảng, chữa bệnh, trừ qủi và tiếp xúc với mọi hạng người, nhưng Ngài không quên cầu nguyện, Ngài tranh thủ những lúc vắng vẻ, những đêm tĩnh lặng để tiếp xúc với Cha Ngài. Ngài đã làm gương cho chúng ta về sự cầu nguyện và còn thúc giục chúng ta cầu nguyện. Do đó, chúng ta không còn hoài nghi về sự cần thiết và ích lợi của sự cầu nguyện.

Hãy theo gương Đức Giêsu mà cầu nguyện trong đời sống hằng ngày, mặc dầu chúng ta rất bận rộn với công việc. Trong khi cầu nguyện chúng ta hãy lưu ý đến hai điểm này :


a) Cầu nguyện đơn sơ
Chúa không đòi chúng ta phải cầu nguyện bằng những lời lẽ hoa mỹ hay bằng những hình thức gò bó, mất tự nhiên, nhưng hãy cầu nguyện đơn sơ như một em bé nói chuyện với cha mình, nói lên tất cả tâm tình của mình, nói lên những việc lớn cũng như việc nhỏ trong cuộc sống, cầu nguyện như thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã làm. Về điểm này Cha Charles khuyên :

“Khi bạn qùy gối trước nhan Chúa, bạn đừng xua đuổi những cái khác ra ngoài, nhưng hãy làm ngược lại. Khi bạn thưa chuyện với Chúa Giêsu Kitô, bạn đừng bỏ bớt ba phần tư từ ngữ quen dùng của bạn đi, bạn đừng dùng những từ ngữ ít gặp và đừng tránh không nói đến những chuyện tầm thường. Đừng giả vờ biến thành một người khác. Bạn hãy dám thưa với Chúa Giêsu rằng:”Bạn bị nhức đầu, bạn bị bực mình khó chịu, bạn làm bữa cho gia đình trễ quá rồi”.
(Charles, La prière de toutes les heures, tr 10)

Cũng cần lưu ý thêm khi cầu nguyện trong những biến cố quan trọng :

“Dĩ nhiên rằng khi một biến cố quan trọng xẩy ra, nhất là một thử thách xẩy đến trong đời bạn, bạn đem ra thưa với Chúa trong kinh nguyện của bạn, nhưng đàng khác cũng có một nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ không đưa vào kinh nguyện của bạn hàng ngàn chuyện lặt vặt xẩy ra hàng ngày, nhưng quan trọng đối với bạn và làm thành những đường chính yếu dệt nên đời sống độc điệu của bạn” (Gaston Dutil, Đạo trong đời bạn, tr 29).

b) Làm việc và cầu nguyện
Thường người ta quan niệm rằng làm việc và cầu nguyện là hai việc khác nhau, có khi đối chọi nhau. Người ta tưởng rằng cầu nguyện là phải chu chu chăm chắm, nhắm mắt nhắm mũi lại mà cầu nguyện, chứ còn làm việc nữa thì làm sao mà gọi là cầu nguyện được ? Thực ra, với lòng yêu mến, chúng ta có thể biến tất cả công việc làm của chúng ta thành kinh nguyện. Như thế, suốt ngày làm việc của chúng ta là một lời kinh nguyện dâng lên Chúa. Cần nhất ban sáng khi thức dậy, chúng ta đã dâng lên Chúa mọi công việc trong ngày, thì mọi việc trong một ngày có thể trở thành kinh nguyện liên miên.
Truyện : Cầu nguyện và làm việc.
Một ông cụ già dẫn một thanh niên xuống thuyền của mình. Thuyền này có hai mái chèo: một cái đề chữ “cầu nguyện”, một chiếc khác có đề hai chữ “làm việc”.
Người thanh niên nói kháy cụ già:
- Ông cụ ơi, chèo thế này chậm lắm. Người đã làm việc thì không cần cầu nguyện nữa (có ý nói: chỉ cần chèo một chiếc chèo có chữ “làm việc” thôi).
Ông cụ không nói gì, chỉ buông chiếc chèo có hai chữ “cầu nguyện” ra thôi, rồi cứ chèo chèo chiếc có hai chữ “làmviệc” kia.
Ông cụ cứ cố sức chèo nhưng thuyền không đi được bước nào, chỉ quay tròn đi thôi.
Thấy thế người thanh niên kia mới hiểu rằng, ngoài chiếc chèo làm việc ra, còn cần phải có chiếc chèo cầu nguyện nữa, thuyền mới đi được.
(GM Tihamer Toth, Dieu, La Providence, Sermons, tr 81)

Gaston Dutil nói một cách quả quyết:”Ngày nào mà bạn đem tất cả đời sống bạn vào lời cầu nguyện, thì bạn sẽ thấy ngày ấy bạn say mê cầu nguyện”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
HĐGMHK: Sắc lệnh Ngừa thai và Triệt sản của Obama là một sự tấn công trên Quyền làm theo Lương Tâm
Phaolô Phạm Xuân Khôi
13:55 01/02/2012
Dưới dây là bản dịch tài liệu Câu Hỏi và Trả Lời (Q&A) của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về sắc lệnh Ngừa Thai và Triệt Sản của chính quyền Obama. Có thể tải nguyên bản Tiếng Anh tại: http://www.usccb.org/issues-and-action/religious-liberty/conscience-protection/upload/preventiveqanda2012-2.pdf

Quyền làm theo lương tâm quan trọng thế nào trong truyền thống Hoa Kỳ?

Nó luôn luôn luôn có tầm quan trọng tối cao: “Không một điều khoản nào trong Hiến Pháp của chúng ta được con người quý chuộng hơn điều khoản bảo vệ quyền làm theo lương tâm chống lại những việc làm táo bạo của chính quyền dân sự” (Thomas Jefferson, 1809).

Trong quá khứ, chính quyền liên bang có tôn trọng những chống đối theo lương tâm về những phẫu thuật như triệt sản là điều có thể vi phạm niểm tin tôn giáo hay xác tín về luân lý không?

Có. Thí dụ như, một đạo luật có hiệu lực năm 1973 nói rằng không cá nhân nào bị bắt buộc phải tham gia vào “bất cứ phần nào của chương trình Y tế hay hoạt động nghiên cứu được tài trợ toàn phần hay một phần dưới một chương trình điều hành bởi Tổng Trưởng Y tế và Dịch Vụ Nhân Sinh (HHS)” nếu nó “trái ngược với niềm tin tôn giáo hay xác tín luân lý của người ấy” (42 USC 300a-7 (d)). Ngay cả chương trình Sức Khỏe của nhân viên chính phủ Liên Bang, dù đòi hỏi hầu hết các chương trình bảo hiểm phải bao gồm thuốc ngừa thai, cũng vẫn có luật trừ cho những chương trình liên quan đến tôn giáo và bảo vệ quyền làm theo lương tâm của các chuyên viên y tế trong những chương trình khác. Hiện giờ, không có một luật liên bang nào bắt bất cứ ai phải mua, bán, bảo trợ, hay bao gồm trong một chương trình bảo hiểm tư phải làm trái với lương tâm của người ấy.

Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh đã làm khác với chính sách này thế nào?

Qua việc ra sắc lệnh bắt buộc phải bao gồm việc triệt sản và ngừa thai (kể cả những thuốc chích hay cấy dưới da dài hạn, và “thuốc viên buổi sáng hôm sau” là thuốc có thể gây ra phá thai) trong hầu hết các chương trình bảo hiểm sức khỏe tư nhân. Vào thánh 8 năm 2011 HSS đã liệt kê những phẫu thuật này trong một danh sách “những dịch vụ ngừa bệnh cho phụ nữ” phải được bao gồm trong các chương trình bảo hiểm sức khỏe có hiệu lực sau tháng 8 năm 1012. Vào ngày 20 tháng 1 năm 2012, HSS tái xác nhận rằng luật buộc cùa nó trong khi gia hạn thi hành luật này cho một số chủ nhân tôn giáo cho đến tháng 8 năm 2013.

Việc bắt buộc phải bao gồm “những dịch vụ phòng ngừa” này có chính đáng không?

Không. Những dịch vụ khác trong danh sách của HSS tìm cách phòng ngừa những bệnh trầm trọng như ung thư vú, ung thư phổi, bệnh AIDS. Thụ thai không phải là một bệnh. Ủy ban của Học Viện Y Khoa là cơ quan liệt kê “những dịch vụ phòng ngừa” này cho HSS đã viết trong báo cáo của họ rằng việc có thai ngoài ý muốn là “một tình trạng mà đối với nó việc phòng ngừa cách an toàn và hiệu quả cùng chữa trị” cần phải có sẵn một cách rộng rãi – dàn cảnh cho sắc lệnh bắt buộc bao gồm việc phá thai như “cách chữa trị” khi việc phòng ngừa không có hiệu quả. Ghi chú rằng các phụ nữ mắc bệnh hiếm muộn, một bệnh thật sự, đã bị lờ đi trong sắc lệnh bắt buộc này.

HSS có luật trừ cho các tôn giáo không?

Có, một luật trừ rất hạn chế cho “chủ nhân tôn giáo” là luật trừ không bao vệ được nhiều, có thề là hầu hết, các chủ nhân tôn giáo. Để được miễn trừ, một tổ chức phải thỏa mãn bốn điều kiện rất khắt khe, kể cả việc nó phải thuê và phục vụ chíủ yếu những người có cùng một đức tin (đạo) với nó. Các trường Công Giáo và bệnh viện phải sa thải các nhân viên, cùng đuổi các học sinh và bệnh nhân không Công giáo ra ngoài, hoặc phải mua bảo hiểm bao gồm những điều phạm đến giáo huấn về luân lý và tôn giáo của họ. Chính Chúa Giêsu và các Tông Đồ cũng không “đủ điều kiện tôn giáo” để được miễn trừ, vì các Ngài đã chữa lành và phục vụ những người thuộc những tôn giáo khác. Luật trừ này cũng không bảo vệ gì cả cho những cơ quan bảo trợ hay cung cấp những chương trình bảo hiểm sức khỏe cho quần chúng, cho những người hay những thương nhân phò sự sống, haoặc cho những cá nhân không chấp nhận những phẫu thuật này vì lý do luân lý hay tôn giáo.

Bình diện này của chính phủ có giúp nhiều người nhận được việc săn sóc sức khỏe hơn không?

Dù chính quyền có ý định ấy hay không thì kết quả vẫn ngược lại. Dân chúng không được tự do giữ bảo hiểm mà họ đang có phù hợp với xác tín của họ. Các cơ quan có nhiều nhân viên sẽ phải làm trái với lương tâm hay không cung cấp bảo hiểm cho nhân viên nữa. Và tài nguyên cần thiết để cung cấp việc săn sóc sức khỏe căn bản cho những người không có bảo hiểm sẽ bị sử dụng để cung cấp vòng xoắn (IUD) và thuốc chích ngừa thai Depot-Provera cho những người đã có dư thừa bảo hiểm. Điều này đi trật con đường chăm sóc sức khỏe phổ quát (universal helth care).

Nhưng có phải điều này không cung cấp “việc ngừa thai miễn phí” cho các phụ nữ Hoa Kỳ không?

Đây là một công bố dối trá vì hai lý do. Trước hết, việc bao gồm chúng là điều bắt buộc, chứ không phải là phụ nữ có quyền tự do chọn lựa. Thứ đến, các hãng bảo hiểm phải trả 100% phí tổn chứ không được trừ tiền cùng trả (co-pay) hay giảm phí (deductible), cho nên họ chỉ cần cộng những phí tổn này vào tiền bảo hiểm mà mọi người phải trả - mà trong số những người bị bắt buộc phải trả tiền này có những người không đồng ý điều đó vì lý do lương tâm. Đây không phải là một chiến thắng cho tự do.

Có phải Hội Thánh Công Giáo kỳ thị phụ nữ vì chống lại việc bao gồm này không?

Không chút nào. Giáo huấn của Hội Thánh chống lại việc phá thai là dựa trên việc tôn trọng tất cả sự sống con người, nam cũng như nữ. Giáo huấn của Hội Thánh chống lại ngừa thai và triệt sản là dựa trên sự tôn trọng khả năng giúp sinh ra những sự sống con người mới, là khả năng của cả người nam lẫn người nữ. Chính sắc lệnh bắt buộc của HSS tỏ ra coi thường phụ nữ bằng cách buộc họ phải mua việc bao gồm những thứ này dù họ muốn hay không.

Các chủ nhân tôn giáo có vi phạm quyền làm theo lương tâm của những phụ nữ muốn điều hòa sinh sản vì từ chối việc bao gồm nó trong chương trình bảo hiểm của mình không?

Không, họ chỉ từ chối không chịu tích cực hỗ trợ những phẫu thuật trái với lương tâm của chính họ. Nếu một nhân viên không đồng ý, người ấy có thể đơn thuần chỉ mua bảo hiểm bao gồm những phẫu thuật ấy ở chỗ khác.

Giải pháp nào có thể chấp nhận được cho cuộc tranh chấp này?

Cách hay nhất là HHS cứ để luật như vẫn có từ trước đến nay, để cho những người cung cấp, bảo trợ và mua bảo hiểm có thể tự quyết định về việc có muốn bao gồm những phẫu thuật này không mà không cần chính quyền áp đặt một giải pháp trên mọi người. Nếu HSS từ chối, thì Quốc Hội phải cấp bách thông qua dự luật “Đạo Luật Tôn Trọng Quyền Làm Theo Lương tâm” (HR 1179/S. 1467), để tránh việc Đạo Luật về cải tổ y tế được dùng để vi phạm niềm tin luân lý và tôn giáo của các hãng bảo hiểm và những người mua bảo hiểm.
 
Niềm phấn chấn của giáo dân Mễ Tây Cơ trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha
Jos. Tú Nạc, NMS
09:36 01/02/2012
Chỉ còn không đầy hai tháng nữa Đức Thánh cha sẽ thăm Mễ Tây Cơ và Cuba, Đại sứ Mễ Tây Cơ đã đến Tòa Thánh. Ông hector Federico Ling-Altamirano đã nói với Đài phát thanh Vatican về những chuẩn bị và xu hướng trông chờ rằng đang nô nức trong nước. Ông nói: “Sự hang hái, nhiệt tình đã, đang lan tỏa như những đường tròn đồng tâm, và giờ đây niềm phấn chấn đang háo hức, toàn đất nước.” Ông cho biết có những nhóm người đã chuẩn bị cho chuyến đi hơn hai ngàn cây số - từ mãi tận Tijuana hoặc Merida – đến để được thấy và được nghe Đức Thánh Cha ở Guanajuato .
Ông Đại sứ nói về cảm giác trông chờ trong số những giáo hữu, những người mà nóng lòng muốn biết được từ những người tổ chức những chuyến hành hương như thế nào, khi nào và ở đâu để có thể được nghe và được trông thấy Đức Thánh Cha.
Ông Đại sứ cho biết thêm rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha là điều mà hứa hẹn để trở thành cơ hội dành cho sự suy tư sâu sắc về tầm quan trọng của đức tin Ki-tô giáo đối với Mễ Tây Cơ. “Về tôn giáo, những cấp độ văn hóa và xã hội,” ông nói, “Chuyến Thăm Của ĐứcThánh Cha có thể cung cấp chất liệu cho sự suy tư sâu sắc về ý nghĩa của triết thuyết Thiên chúa giáo trong, và cho đời sống quốc gia Mễ Tây Cơ.” ĐTC Benedict sẽ lưu lại Mễ Tây Cơ từ 23 tháng Ba đến 25 tháng Ba.
 
Linh Mục bị ám sát tại Mễ Tây Cơ và Guatemala
Bùi Hữu Thư
10:16 01/02/2012
Bạo tàn lan tràn khắp nơi gây nên cái chết của hai cha xứ

MEXICO CITY, Ngày 31 tháng 1, 2012 (Zenit.org).- Chỉ cách nhau một ngày, hai linh mục tại hai quốc gia lân cận Mễ Tây Cơ và Guatemala đã bị ám sát. Các giới chức Giáo Hội gán cho hoạt động của các băng đảng tội phạm trong trường hợp thứ nhất và bạo tàn cố hữu trong trường hợp thứ hai.

Cha Genaro Díaz thuộc giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm (Immaculate Conception), tại Atizapán, Mexico, đã bị giết sáng ngày thứ bẩy vừa qua trong nhà xứ.

Đức Cha Héctor Luis Morales Sánchez Giáo Phận Nezahualcóyotl than phiền là cái chết của vị linh mục này là do các băng đảng tội phạm.

Vì thiếu an ninh, Đức Cha đã ra lệnh đóng cửa nhà thờ để tránh các vụ cướp bóc và có thể bị tấn công.

Đức Cha bầy tỏ lòng phân ưu đến gia đình của linh mục bị ám sát và kêu gọi việc đào tạo các gia đình để cho con cái sẽ được nuôi dưỡng bằng các giá trị luân lý" và chúng ta sẽ không còn có những thảm trạng như chúng ta đang than khóc bây giờ."

Ngay ngày hôm trước, vào buổi sáng thứ sáu, Giáo Hội Guatemala đã than khóc cái chết của linh mục David Donis Barrera, 60 tuổi, thuộc cộng đồng Santa Rosa và đang du hành cùng với trưởng ban phụng vụ Phòng Thánh của giáo xứ Thánh Gia (Holy Family parish), là ông Vicente Donis Barrera, ông này không bị thương tích gì cả.

Cha David đã bị giết hại thảm thương trên xa lộ ranh giới với El Salvador. Ngài vừa mới dâng Thánh Lễ và đang trên đường đi đến Guatemala City, khi có tại nạn xe hơi xẩy ra.

Tài xế của chiếc xe kia, bước tới bên linh mục và để trả thù về vụ tai nạn, đã bắn ngài nhiều lần. Guatemala, với dân số 14 triệu 3 trăm ngàn đã có trung bình 16 vụ ám sát một ngày, là một quốc gia có nhiều vụ bạo tàn nhất tại Châu Mỹ La Tinh. Năm 2011, có khoảng 6.000 người bị giết.

Hàng trăm người dân điạ phương, và các giới chức của Giáo Hội đã tham dự Thánh Lễ an táng linh mục này ngày Chúa Nhật.

Đức Hồng Y Rodolfo Quezada, tổng giám mục về hưu của Guatemala City, mạnh mẽ lên án biến cố này.

Ngài nói: "Cái chết này cộng thêm với hàng ngàn người Guatemala đã bỏ mạng tại quốc gia này, hiện nay và cả trong thời chiến tranh, mời gọi tất cả những ai hiện diện hãy cầu nguyện và hành động để cho có hòa bình."
 
ĐTC: Chúa Giêsu cần sự liên đới tỉnh thức cầu nguyện của chúng ta
Linh Tiến Khải
13:53 01/02/2012
Dù trời Roma mưa và lạnh sáng thứ tư 1-2-2012 cũng đã có đông đảo tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsêmani trên núi Cây Dầu. Sau khi hát thánh thi, tức các Thánh Vịnh Hallel, cảm tạ Thiên Chúa đã giải phóng dân Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập và cầu xin Chúa trợ giúp giữa các khó khăn và đe dọa mới trong hiện tại, Chúa Giêsu và các Tông Đồ ra đi về núi Cây Dầu (Mc 14,26).

Tới nơi, Chúa Giêsu chuẩn bị cầu nguyện, nhưng xem ra Người không muốn ở một mình như vẫn thường xảy ra trước đó, khi Người thường rời xa đám đông và các môn đệ để vào ”nơi vắng vẻ” (Mc 1,35) hay ”lên núi” (Mc 6,46) cầu nguyện. Tại Giệtsêmani, trái lại, Chúa Giêsu mời Phêrô, Giacôbê và Gioan ở gần Người. Chúa đem họ theo Người (Mc 14,33-34). Họ là các môn đệ Người đã đem theo trên núi hiển dung (x. Mc 9,2-13). Trong đêm đó, Chúa Giêsu cũng cầu nguyện một mình, bởi vì tương quan của Người với Thiên Chúa Cha là duy nhất và riêng tư: tương quan của Con Một. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Tuy nhiên, mặc dù ”một mình” đến điểm để dừng lại cầu nguyện, Chúa Giêsu muốn rằng ít nhất ba môn đệ không ở xa, mà ở trong một tương quan chặt chẽ hơn với người. Đây là một sự gần gũi không gian, một lời xin liên đới trong lúc Người cảm thấy cái chết đến gần, nhưng nhất là một sự gần gũi trong lời cầu nguyện, để diễn tả, trong một cách thế nào đó, sự đồng điệu với Chúa, trong lúc Người chuẩn bị chu toàn tới cùng ý muốn của Thiên Chúa Cha; và nó là lời mời gọi từng môn đệ đi theo Người trên con đường Thập Giá.

Trong lời nói với ba môn đệ Chúa Giêsu dùng lời Thánh Vịnh 43: ”Linh hồn Thầy buồn đến chết được” (x. Tv 43,5). Sự cương quyết khó khăn ”cho đến chết” nhắc mhớ hoàn cảnh, mà nhiều người được Thiên Chúa sai đi trong Cựu Ước nói lên trong lời cầu của họ. Vì thường khi đi theo sứ mệnh được trao phó cho họ có nghĩa là gặp thù nghịch, khước từ và bách hại. Ông Môshê cảm thấy thử thách thê thảm phải chịu, khi hướng dẫn dân Israel trong sa mạc nên nói với Thiên Chúa: ”Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng qúa sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn, ấy là nếu con đẹp lòng Ngài” (Ds 11,14-15). Đối với ngôn sứ Elia cũng thế, không dễ mà tiếp tục phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài. Sách Các Vua I kể: ”Ông đi một ngày đường trong sa mạc, đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: ”Lậy Chúa đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1 V 19,4).

Các lời Chúa Giêsu nói với ba môn đệ mà Người muốn gần Người trong khi cầu nguyện tại vườn Giệtsêmani, vén mở cho thấy Chúa Giêsu cảm thấy sợ hãi và âu lo trong ”Giờ” đó như thế nào; Người kinh nghiệm sự cô đơn sâu thẳm cuối cùng, chính trong lúc dự định của Thiên Ghúa đang được thực hiện. Và trong sự âu lo sợ hãi đó của Chúa Giêsu tóm gọn tất cả sự kinh hoàng của con người trước cái chết của chính mình, cái chắc chắn về sự không lay chuyển của nó, và trực giác về sức nặng của sự dữ gặm nhấm sự sống của chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Sau khi mời ba môn đệ ở lại và tỉnh thức cầu nguyện, Chúa Giêsu một mình hướng về Thiên Chúa Cha. Thánh sử Marcô thuật lại rằng: ”Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy nếu có thể được” (Mc 14,35). Chúa Giêsu ngã sấp mình xuống đất: đây là một tư thế cầu nguyện diễn tả sự vâng phục ý muốn của Thiên Chúa Cha, sự phó thác với lòng tin tưởng tràn đầy nơi Ngài.

Nó là một cử chỉ được lập lại vào đầu việc cử hành cuộc Khổ Nạn, Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cũng như trong lễ khấn tại đan viện và trong các cuộc truyền chức phó tế, linh mục và giám mục, để diễn tả trong lời cầu nguyện và cả trong tư thế của thân thể nữa, sự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Rồi Chúa Giêsu xin Thiên Chúa Cha nếu có thể được cho Người khỏi phải qua giờ này. Đây không chỉ là nỗi sợ hãi và lo âu trước cái chết, mà còn là sự đảo lộn của Con Thiên Chúa, trông thấy khối nặng sự dữ kinh khủng phải mang trên mình nữa, để vượt thắng nó, để lấy đi quyền lực của nó. Rồi Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người như sau:

Anh chị em thân mến, cả chúng ta nữa, trong lời cầu nguyện chúng ta cũng phải có khả năng đem đến trước mặt Thiên Chúa các mệt nhọc của chúng ta, nỗi khổ đau của một vài tình trạng, của một vài ngày sống, dấn thân thường ngày để theo Chúa, để là các tín hữu kitô, và cả gánh nặng của sự dữ mà chúng ta trông thấy trong chúng ta và chung quanh chúng ta, để Người trao ban hy vọng cho chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Người, ban cho chúng ta một chút ánh sáng trên con đường cuộc sống.

Trong lời cầu Chúa Giêsu nói với Thiên Chúa Cha: ”Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36), Chúa Giêsu vén mở cho chúng ta thấy ba điểm. Trước hết là kiểu gọi ”Abba” trong tiếng Aramay là kiểu trẻ em gọi cha chúng, và như thế nó diễn tả tương quan dịu hiền, yêu thương, tin tưởng, tín thác của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha. Thứ hai là ý thức về sự toàn năng của Thiên Chúa Cha, dẫn vào lời xin cho thấy thảm cảnh ý chí nhân loại của Chúa Giêsu trước cái chết và sự dữ: ”Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con”. Yếu tố định đoạt thứ ba là việc ý chí con người hoàn toàn chấp nhấn ý muốn của Thiên Chúa: ”Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”. Trong sự hiệp nhất của bản vị thiên tính của Chúa Con, ý muốn nhân loại tìm thấy sự hiện thực tràn đầy của nó trong sự tín thác hoàn toàn cái ”tôi” cho ”Ngài” của Thiên Chúa Cha, được gọi là Abba.

Thánh Massimo Tuyên Giáo khẳng định rằng từ lúc tạo dựng người nam và người nữ, ý chí của con người hướng về ý chí của Thiên Chúa, và chính trong tiếng ”có” nói lên với Thiên Chúa mà ý chí của con người được hoàn toàn tự do, và tìm thấy sự hiện thực tràn đầy của nó. Nhưng rất tiếc, vì tội lỗi, tiếng ”có” ấy với Thiên Chúa đã biến thành sự chống đối: Ađam và Evà đã nghĩ rằng tiếng ”không” với Thiên Chúa là tột đỉnh sự tự do, là sự tràn đầy của mình. Trên Núi Cây Dầu Chúa Giêsu đem ý chí của con người trở lại với tiếng ”có” tràn đầy đối với Thiên Chúa... Như thế Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: chỉ trong việc phù hợp ý muốn của riêng mình với ý muốn của Thiên Chúa con người mới tiến tới sự cao cả đích thật của nó, trở thành ”thiên linh”. Chỉ khi ra khỏi chính mình, chỉ trong tiếng ”có” với Thiên Chúa ước muốn hoàn toàn tự do của Ađam, của tất cả chúng ta, mới hiện thực. Và điều Chúa Giêsu thành toàn trong vườn Giệtsêmani: khi di chuyển ý muốn của con người vào trong ý muốn của Thiên Chúa, nảy sinh con người đích thực, và chúng ta được cứu rỗi.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn du: Mỗi ngày khi đọc kinh Lậy Cha, chúng ta xin cho ý Chúa được thi hành trên trời cũng như dưới đất. Nghĩa là chúng ta thừa nhận rằng có một ý muốn của Thiên Chúa với chúng ta và cho chúng ta, một ý muốn của Thiên Chúa trên cuộc sống chúng ta, và nó phải càng ngày càng trở thành điểm tham chiếu cho ý muốn và cuộc sống chúng ta. Rồi chúng ta thừa nhận rằng trên trời, nơi ý muốn của Thiên Chúa đưực thi hành, và ”trái đất” trở thành ”trời” - nơi có sư hiện diện của tình yêu, lòng tốt, chân lý, vẻ đẹp thiên linh - chỉ khi nào trong đó ý muốn của Thiên Chúa được thực thi. Trong lời cầu Chúa Giêsu thưa lên với Thiên Chúa Cha, trong đêm kinh khủng và tuyệt diệu ấy của vườn Giệtsêmani, ”đất” đã trở thành ”trời”. Trái đất của ý muốn con người bị rúng động bởi sự sợ hãi và âu lo đã được ý muốn của Thiên Chúa nâng cao, và như thế ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện dưới đất. Rồi Đức Thánh Cha nhắn nhủ tín hữu như sau:

Chúng ta phải học tín thác mình cho sự Quan Phòng của Thiên Chúa hơn, xin Chúa cho chúng ta sức mạnh ra khỏi chính mình để canh tân tiếng ”có” của chúng ta với Chúa, để lập lại với Người ”xin làm theo ý Cha”, để làm cho ý muốn của chúng ta phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Đây là lời cầu mà chúng ta phải xin mỗi ngày, bởi vì không luôn luôn dễ dàng tín thác mình cho ý muốn của Thiên Chúa, và lập lại tiếng ”có” của Chúa Giêsu cũng như tiếng ”có” của Mẹ Maria. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có khả năng thức tỉnh với Người trong lời cầu nguyện, thực thi ý muốn của Thiên Chúa mỗi ngày cả khi ý muốn ấy có nói tới Thập Giá, và sống một sự thân tình ngày càng lớn hơn với Chúa để đem một chút ”trời” xuống trên ”trái đất này.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Nhắc tới lễ thánh Gioan Bosco Giáo Hội mừng kính ngày 31 tháng Giêng vừa qua Đức Thánh Cha xin thánh nhân che chở người trẻ, và ngài cầu chúc họ có được các nhà giáo dục khôn ngoan và các người hướng dẫn chắc chắn. Ngài xin các bệnh nhân dâng mọi nỗi khổ đau của họ đề cầu cho công việc mục vụ giới trẻ của Giáo Hội được phong phú. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cặp vợ chồng trẻ mới cưới chuẩn bị trở thành các nhà giáo dục đầu tiên cho con cái họ. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xuân trên đảo Cát Bà
Minh Hoà
15:56 01/02/2012
HẢI PHÒNG - Thế là cái Tết đã đến, Cha Giám đốc Caritas Giáo Phận Hải phòng lại bận rộn hơn với những công việc giúp đỡ người nghèo được đón Tết. Mặc dug thời tiết giá lạnh 12 o C nhưng không Cha đã không chùn bước lên đường cùng với các thành viên của Caritas đặt chân lên vùng đất xa xôi của Hải Phòng đó là Huyện Cát Hải, huyện này gồm Đảo Cát Bà và đảo Cát Hải với diện tích 345Km2, dân số sống bằng nghề đánh cá, làm muối và du lịch.

Ngay từ sáng sớm Cha và nhóm tình nguyện viên đã phải vượt qua gần 50 cây số qua một chiếc phà để đến với Đảo Cát Hải, đảo này hầu hết là người không Công Giáo, sống bằng nghề đánh cá và làm muối, với tâm tình của vị mục tử Cha đã chia sẻ những món quà do quý vị ân nhân giúp đỡ để chia sẻ với các em có hoàn cảnh đặc biệt, những bao gạo, những chiếc chăn ấm, những món quà ngày Tết đã làm ấm lòng người dân nơi đây.

Buổi chiều cùng ngày Cha tiếp tục sang Đảo Cát Bà và dừng chân tại Xã Trân Châu và Gia luận để chia sẻ những món quà Tết cho người nghèo nới đây. Những khuôn mặt của những anh chị em khi nhận dược những món quà từ Cha, họ vui không hẳn là những món quà vật chất, nhưng vui vì có một linh mục đã đến với những vùng sâu vùng xa của Hải Phòng này. Buổi tối Cha dâng Thánh lễ Tất Niên cho anh chị em nơi đây.

Cái Tết đã đến với những người dân tại Cát Hải, nhưng cái Tết năm nay thật ấm hơn khi có sự hiện diện của Cha giám đốc và anh chị em cộng tác viên của Caritas Giáo Phận Hải Phòng. Nguyện xin Chúa trả công cho Cha, Cho anh chị em cộng tác viên và Quý vị ân Nhân. Xin Chúa của Mùa Xuân chúc lành và luôn hiện diện với những con người ở những vùng đất xa xôi này.
 
Người Việt Nam tại vùng Moenchengladbach mừng Xuân Nhâm Thìn 2012
Lê Ngọc Châu
09:45 01/02/2012
ĐỨC QUỐC - Hội Xuân Nhâm Thìn 2012 do Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Moenchengladbach (MG) và vùng phụ cận, với sự hỗ trợ của nhóm sinh viên MG/Niederrhein cùng đồng hương vùng Niederrhein, Ủy Ban Điều Hợp Công Tác đấu tranh tại Cộng Hoà Liên Bang Đức và Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do (HPNVNTD_Đức) tại Đức Quốc tổ chức hôm 28-01-2012 tại hội trường Mehrzweckhalle Neuwerk, câu lạc bộ thể thao của thị trấn Moenchengladbach chính thức bắt đầu mở cửa từ 16 giờ 00, đã thành công mỹ mãn. Có khoảng hơn 1000 (một ngàn) người, gồm đồng hương Việt Nam (hơn 90%) và người Đức tham dự.

Xem hình ảnh

Tôi và vài người bạn đến địa điểm tổ chức lúc 13h trưa, sớm hơn giờ chính thức khai mạc Tết đã ấn định nên có dịp quan sát quang cảnh Tết cho đến khi "thu dọn chiến trường", trước khi trả lại phòng sinh hoạt cho người Đức. Tìm hỏi anh Rị, trưởng ban tổ chức đã gởi thư mời chúng tôi nhưng được cho biết là anh đã có mặt từ 10 giờ sáng, chắc bận phân chia công việc đâu đó nên khó tìm lắm. Nhìn các anh chị em ban tổ chức loay hoay làm việc "mệt nghỉ", lo trang trí sân khấu, chỉnh âm thanh, đàn ... trong khi các ca sĩ dợt sơ vài bài hát, thấy cảnh ban tổ chức nói chung chạy tứ tung từ sân khấu xuống đến bếp rồi ra bến đậu xe... nhất là cảnh anh Rị chạy lui chạy tới cổ động, hối thúc và chỉ dẫn giới trẻ làm việc thôi mà chúng tôi cũng đã thấy mệt "thân già" rồi.

Gặp anh Rị và nhận được một chỗ được ấn định, chị Hiền, phó chủ tịch ngoại vụ của Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do Đức đến từ Frankfurt am Main ra xe lấy đồ và đã cùng với chị Phượng làm một quày thông tin bày bán sách báo và các ấn phẩm đấu tranh của Phong Trào Hưng Ca Việt Nam gồm cờ Vàng, dù có in cờ Việt Nam Cộng Hoà, CD Xuống Đường của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh v.v. ...

Từ sau trưa 28.01.2011, đồng hương lần lượt tụ tập về địa điểm tổ chức Hội Tết. Khoảng 17giờ 30 thì quan khách Đức đến. Ban tổ chức tiếp đón ông đại diện thị trưởng và chính giới Đức rất trang trọng ngay từ cổng vào. Sau khi giới thiệu họ với một số đồng hương, anh Bất, chị Nhất Hiền, bác sĩ Huân và tôihân hạnh được ban tổ chức (BTC) đề nghị lên phòng tiếp tân trên lầu để trò chuyện và giải lao cùng quan khách Đức, trước khi Hội Tết chính thức khai mạc. Đúng 18h15 phút ban tổ chức mời tất cả xuống hội trường sau khi chụp hình lưu niệm với chính giới Đức. Ngay tại hội trường quan khách, đồng hương còn có dịp xem hình ảnh triển lãm liên quan đến cuộc vượt biển tìm Tự Do của người Việt cách đây hơn 30 năm về trước.

Đến giờ khai mạc Hội Tết, ban tổ chức kêu gọi tất cả mọi người đang trò chuyện bên ngoài vào hội trường và Hội Xuân Nhâm Thìn 2012 được chính thức khai mạc ngay sau đó.

Theo sự ghi nhận của chúng tôi thì ngoài cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Moenchengladbach, Krefeld còn nhiều đồng hương từ những nơi khác của nước Đức cũng về tham dự Hội Tết như Koeln, Duesseldorf, Dortmund, Troisdorf, Neuss, Essen, Krefeld, Viersen, Witten, Oberhausen, Aachen, Koblenz, Frankfurt am Main, Neustadt an der Weinstrasse..., thậm chí có nhiều người đến từ các quốc gia láng giềng như Bỉ, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Pháp ...

Người Đức thì có ông thị trưởng thứ ba của thành phố (3. Buergermeister), Klaus Schaefler, đại diện cho ông Thị trưởng (Oberbürgermeister) Norbert Bude vì bị bệnh bất ngờ nên không thể đến tham dự dù đã có thư nhận lời mời của ban tổ chức, bà Guelistan-Yueksel, chủ tịch các sắc dân ngoại kiều thành phố MG; Bà Michaela Morschhoven, trưởng phòng hội nhập của thành phố Moenchengladbach, ông Detlef Klump, đại diện cho Integrationsrat (tạm dịch là Ủy Ban Hội Nhập) thuộc khối dân biểu SPD trong Hội Đồng Thành Phố MG. Ngoài ra còn có sự hiện diện của phóng viên tờ báo Rheinische Post mà tôi biết là đã viết bài tường thuật về buổi Hội Tết Nhâm Thìn 2012 do Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Moenchengladbach đứng ra tổ chức.

Về phía đại diện các tôn giáo và thân hào nhân sĩ người Việt chúng tôi thấy có Cư sĩ Đặng Phú Hiệp (Phật Giáo Hoà Hảo_MG); Mục Sư Huỳnh Văn Công (Hòa Lan), Ông Bà Bác sĩ trưởng Nguyễn Nam Huân, giám đốc bệnh viện Elisabeth_MG; ông Nguyễn Thanh Văn, chủ tịch UBĐHCTĐT của CĐNVTN tại CHLB Đức, ông Hồ Đông trưởng ban đại diện CĐCG_MG; ông Đào Văn Bất, nguyên chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên VNCH; ông Lê Ngọc Châu, nguyên phó chủ tịch ngoại vụ Hội Người Việt Tỵ Nạn Cao Niên Muenchen/Bayern, ông Nguyễn Hữu Dõng (Koeln), Ông Nguyễn Tấn Năng (Langenfeld), ông Trần Viết Huấn (Krefeld), anh Trần Thanh Khoa (Nhiếp Ảnh Gia). Đặc biệt có sự hiện diện của hai ông Phó Chủ Tịch Nguyễn Hữu Phước và Nguyễn Khai Trí đại diện cho Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản (NVTNCS) Hoà Lan, Ông Bùi Văn Thẩm và ca sĩ Kim Ngọc, vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Long và Trần Kim Ngọc đến từ Bỉ Quốc. Ngoài ra còn có sự hiện diện của ca sĩ Khanh Trang và phu quân đến từ Pháp Quốc. Thêm vào đó còn có phái đoàn hùng hậu của võ đường VoviNam do võ sư Tiến điều hành cũng đến từ Bỉ Quốc. Ngoài ra, đặc biệt có sự hiện diện của anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh, phó chủ tịch ngoại vụ đại diện cho Liên Hội NVTNCS tại Đức và bà Lê Nhất Hiền, phó chủ tịch ngoại vụ Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do Đức Quốc (Ghi chú thêm của người viết: tôi không thể thu nhận tất cả được nên chỉ ghi lại tên tuổi các quan khách Việt-Đức do ban tổ chức (BTC) cung cấp để bài tóm lược xác tín hơn, xin cám ơn BTC).

Mở đầu chương trình Tết Nhâm Thìn 2012 là lễ chào cờ Đức Việt với quốc ca Đức và quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, kèm theo một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh cho lý tưởng tự do và chính nghĩa Quốc Gia cũng như những đồng hương thiếu may mắn đã bỏ mình trên đường vượt biên, vượt biển đi tìm Tự Do. Sau đó là Lễ dâng hương, do quý bậc trưởng thượng đảm trách dâng hương lên bàn thờ Tổ Quốc.

Kế đến là lời chào mừng quan khách cũng như lý do tổ chức Hội Tết hôm nay bằng tiếng Việt của anh Nguyễn văn Rị, Hội trưởng Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Moenchengladbach e.V., đại diện ban tổ chức (BTC). Thêm vào đó anh Nguyễn Văn Rị giới thiệu một số quan khách Đức như đã nêu tên ở trên, đồng thời thay mặt BTC chúc mọi người hiện diện hưởng một mùa Xuân vui vẻ, đầm ấm, an khang và thịnh vượng. Ông Rị cũng không quên ngỏ lời cám ơn tất cả hội viên và thân hữu xa gần đã bỏ công sức giúp đỡ BTC hoàn thành Hội Tết Nhâm Thìn 2012.

Bài diễn văn được chuyển ngữ, do cô Kim Ngân, một thiếu nữ trẻ lớn lên tại đây đọc lưu loát để quan khách Đức hiểu nội dung bài phát biểu của ông Hội Trưởng.

Tiếp theo là phần phát biểu cảm tưởng của ông thị trưởng Schaefer đại diện Oberbuergermeister thành phố Moenchengladbach và bà Guelistan-Yueksel. Về phía Việt Nam thì có anh PCTNgVụ Nguyễn Hữu Phước, đại diện cho CĐNVTN Hòa Lan phát biểu cảm tưởng nhân ngày Hội Tết. Anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh, PcTNgVụ, đại diện cho Liên Hội NVTNCS tại Đức và bà Nhất Hiền (PcTNgVụ, đại diện Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do tại Đức đã được mời lên sân khấu ngỏ lời chào mừng và cả hai chúc Tết mọi người hiện diện bằng tiếng Việt+Đức ngữ. Sau lời phát biểu của mỗi khách Đức + Việt là phần trao quà lưu niệm cho từng diễn giả. Đặc biệt, ông thị trưởng Schaefer trang trọng đón nhận nhận từ anh Rị cái khăn quàng cổ mang nhiều ý nghĩa với biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ.

Một đặc điểm khác, các chính khách Đức nhận phong bì do ban tổ chức chuẩn bị sẳn và rất vui khi chính họ "lì xì" cho các em bé Việt Nam hiện diện trong khi tiếng trống đáng tùng tùng vang dội ầm ĩ. Cả hội trường theo dõi Đội Lân .... do những thanh niên trẻ đảm trách gồm con Lân màu vàng đỏ thật đẹp, cùng ông địa tiến vào khoảng trống đã được dành sẳn giữa hội trường, trước sân khấu chào đón Xuân về. Với hơn 10 phút ngoạn mục đã tạo sự chú ý, nhất là từ quan khách Đức hiện diện về nét cổ truyền vui Xuân ngay từ lúc đầu. Theo tục lệ Việt Nam đội lân đã nhận được lì xì, đặc biệt là từ tay ông thị trưởng Moenchengladbach, Klaus Schaefer.

Ban Tổ Chúc đầu năm gặp hên nên hôm nay trời đẹp, thời tiết khá ấm áp nên số người đến tham dự mỗi phút càng đông thêm. Tôi chạnh nghĩ, trong không khí ấm cúng hôm nay hẳn quý đồng hương cũng cảm thấy bùi ngùi nhớ lại cảnh chợ Tết ở quê nhà, hay nếu ai từng ở Sàigòn thì chắc không quên được cảnh Chợ Tết Bến Thành, Chợ Hoa Tết Nguyễn Huệ Saigon, Chợ Hoa trên đường Tổng Đốc Phương ở Chợ Lớn ... những hình ảnh Tết yêu thương, trân quý xa xưa của chúng ta có lẽ đã được thu hẹp lại trong hội trường nhộn nhịp, tưng bừng này tùy theo sự tưởng tượng của mỗi người. Bà con mừng rỡ gặp lại bạn bè đã từ lâu cách biệt, gặp lại tay bắt mặt mừng vui vẻ chúc tụng nhau cũng như có dịp thấy lại những tà áo dài màu sắc lộng lẫy của quý bà quý cô, của các em bé vừa kín đáo mà lộng lẫy, vừa khiêm tốn mà thướt tha, nét đẹp cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Tất cả màu sắc rực rỡ đã hòa cùng âm thanh vui tươi của các bản nhạc Tết đã tạo nên vẻ đẹp thanh tao của ngày Tết hôm nay, nơi xứ lạ quê người.

Tết tại xứ Đức chúng tôi rất tiếc không rực rỡ, không có chợ Hoa, diễn hành rầm rộ như ở Mỹ, Úc hay Gia Nã Đại là những nơi có đông người Việt định cư. Chúng tôi cũng không có điều kiện thuê mướn những hội trường khang trang, rộng rãi như ở Mỹ, Úc ... với sức chứa một vài ngàn người, nhưng giống như mọi năm, tại Hội Tết Nhâm Thìn 2012 chúng tôi thấy có gian hàng bán nước, gian hàng bán chè, bán thức ăn đượm tình quê hương luôn thu hút rất đông khách như bánh chưng, bánh tét, bánh cuốn, bánh mì thịt, gỏi cuốn, mì xào, bánh canh giò heo, cháo lòng... do các thân hữu và mạnh thường quân từ Krefeld, thành viên của Hội NVTNCS Moenchengladbach (MG), thành viên cộng đoàn Công Giáo MG, Hội Bác Ái Vinh Sơn và một số gia đình phật tử vùng Niederrhein đóng góp và hổ trợ. Đi dạo một vòng thấm mệt là bà con có thể dừng lại ở những hàng thức ăn nóng để thưởng thức những món ăn thơm ngon...hay ăn một ly chè, uống một ly café, nước ngọt hay chai bia ... và ...trước khi ra về người nào (nếu muốn) cũng (có thể) mua thức ăn mang về nhà để ăn Tết tiếp tại gia.

MC chương trình văn nghệ Tết là chị Mai Linh và anh Anh Minh, với sự đóng góp của ban vũ Mây Vàng của Moenchengladbach và ban nhạc sống "Mây Bốn Phương" tại Đức Quốc.

Chương trình văn nghệ Xuân năm nay khá đặc sắc với sự đóng góp của nhiều ca sĩ quen thuộc tại Moenchengladbach, Krefeld như chị Thụy Kim và các em thuộc thuộc lớp Việt Ngữ của thành phố MG. Phải công nhận các cháu quá giỏi, một cháu bé mới 5-6 tuổi đã biết ngâm thơ và đặc biệt một cháu gái (nếu không nhầm) chỉ mới 10 tuổi mà đọc một bài diễn văn tiếng Việt khá dài rất trôi chảy. Qua đó tôi mới biết thêm anh Rị cũng chính là người gâỳ dựng, cố gắng duy trì lớp Việt Ngữ từ suốt hơn 10 năm qua. Các cô thiếu nữ duyên dáng thuộc đội múa của thành phố MG đã cống hiến cho quý khán thính giả màn vũ thật hay.

Tiết mục đặc sắc không những quan khách chăm chú theo dõi và đã làm cho riêng tôi thán phục đó là màn trình diễn VoViNam dưới sự hướng dẫn của võ sư Tiến. Tôi thán phục vì võ đường VoViNam của võ sư Tiến xuất hiện với lá cờ Vàng, ngạo nghễ không sợ hãi đã phản ảnh đúng tinh thần võ sĩ đạo! Môn sinh VoViNam nam nữ đã trình diễn thật độc đáo trên sàn nhà gỗ (không lót nệm) ngay dưới khán đài những bài quyền, những thế võ tự vệ, bài múa côn, múa đao, song dao và những đòn chân có một không hai của phái Việt Võ Đạo (VoViNam). Trò chuyện cùng võ sư Tiến thì được biết anh cùng thời với võ sư Thanh Xê (dạy VoViNam tại Munich là vùng tôi ở), đã từng theo học với võ sư Nhàn hiện cư ngụ tại Đức mà cá nhân tôi (tuy là thư sinh trói gà không chặt) cũng đã nghe danh. Trước khi chia tay chúng tôi có hẹn nếu tiện sẽ gặp lại nhau vào tháng hai 2012 tại Đức!

Đêm văn nghệ Tết phong phú, với chủ đề " Xuân Yêu Thương Và Hy Vọng " do các bạn trẻ đến từ những thành phố lân cận như Viersen, Koeln, Duesseldorf, Neuss, Aachen, Witten, Troisdorf, Essen, Dordmund... Khác với Tết Năm 2011, Ly Rượu Mừng mở đầu cho Hội Tết rất quen thuộc với khán thính giả được thể hiện qua một hoạt cảnh gồm người lính VNCH, bác nông phu, bà mẹ già, ông thương gia ...do chị Hồng Yến (FFM) dàn dựng. Trong khi trình diễn ban tổ chức và nghệ sĩ trên sân khấu mời quan khách Đức- Việt cùng nâng ly rượu (do các thanh thiếu nữ phục vụ chuẩn bị trước) để mừng Xuân mới. Ngoài ra đồng hương và quan khách hiện diện còn có dịp thưởng thức nhiều tiết mục khác rất hay như màn vũ Về Quê Cũ hoặc Về Miền Tây với đoàn vũ MG hay Đoàn Xuân Ca do các cháu Lớp Việt Ngữ trình diễn.

Ca sĩ Khanh Trang đến từ Pháp đã cống hiến khán thính giả bài hát hay, đầy đủ ý nghĩa "Đón Xuân" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương; Ban Tứ Ca MBP đóng góp với nhạc phẩm "Chúc Xuân". Đôi Song Ca Văn Thẩm và Kim Ngọc đến từ Bỉ Quốc chúc Tết "những cặp uyên ương" bằng bản nhạc "Đám Cưới Đầu Xuân" của cố nhạc sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh; Đôi Song Ca Mai Linh và Tố Quỳnh tha thiết trong nhạc phẩm "Thì Thầm".

Nữ ca sĩ "sân nhà" Thụy Kim (cũng là người nấu món Suppe "Măng Cua" mà chị Nhất Hiền phải khen là rất ngon!) nồng nàn với "Chiếc Lá Cuối Cùng". Ngoài ra còn có những màn đơn ca rất hay khác như "Dáng Xuân" với Ban Nhạc MBP; ca sĩ Thụy Khanh duyên dáng qua bài hát "Boulevard"; hai nam nữ ca sĩ đến từ Bỉ Quốc với "Tuyết Rơi" và "Rừng Chưa Thay Lá". A. Khánh trình bày "Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa". Ca sĩ Khanh Trang đã cống hiến khán thính giả thêm hai bài hát khác là "Đồn Vắng Chiều Xuân" và "Xuân Tha Hương" như muốn qua đó bày tỏ nỗi lòng của những đứa con xa xứ đón Tết quê người, luôn mơ ước ngày quê hương không còn cộng sản để "đàn con Việt lưu vong" có dịp trở về quê Mẹ hưởng một cái Tết đượm tình Quê Hương Dân Tộc, như đã từng trải qua dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, trước 1975!

Xen kẽ phần văn nghệ là mục xổ số Tôm Bô La do anh Huỳnh Thanh Hà (Krefeld) đảm trách. Và cuối cùng là màn Hợp Ca "Một Cánh Tay Vươn Lên" do tất cả nghệ sĩ hiện diện, đóng góp cho Hội Tết Nhâm Thìn trình bày, trước khi bắt đầu "Đêm Dạ Vũ" cho những ai muốn co giãn tay chân sau nhiều tiếng đồng hồ hết lòng góp sức mang lại kết quả khả quan cho Hội Tết 2012 do Hội NVTNCS Moenchengladbach tổ chức.

Cùng nhau đón Xuân, vui Tết là một truyền thống tốt đẹp của CĐNVTN tại Đức nói chung và Moenchengladbach nói riêng, hằng năm vẫn cố gắng tổ chức Tết, kể từ khi người tị nạn bắt đầu đặt chân đến Moenchengladbach từ đầu thập niên 80. Hơn nữa đây là dịp để bày tỏ tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng một cộng đồng vững mạnh, và hướng về đồng bào ruột thịt ở quê nhà, hiện đang còn kém may mắn chưa hưởng được một mùa Xuân thực sự có tự do, dân chủ như chúng ta nơi đất khách.

Chúng tôi hân hạnh được dịp gặp gỡ, hàn huyên với bạn bè, thân hữu và đại diện các hội đoàn phục vụ bất vụ lợi cho Cộng Đồng NVTNCS đến từ Bỉ, Hoà Lan, Pháp ...trong niềm hy vọng là những người cùng chiến tuyến, có lập trường rõ ràng giữa hai lằn ranh quốc cộng sẽ gặp lại nhau tại các sinh hoạt đấu tranh chống Việt Cộng đòi Tự Do, Nhân Quyền cho Việt Nam hay trong những sinh hoạt lành mạnh khác sẽ được tổ chức ở nước Đức, Bỉ, Pháp và Hòa Lan từ đây đến hết quý II của năm 2012.

Hình ảnh Tết đã được Trọng Phương quay phim và Nhiếp Ảnh Gia được Hội NVTNCS_MG chính thức nhờ là anh Trần Thanh Khoa ghi nhận đầy đủ, chưa kể đến những khách tham dự chụp hình tài tử để kỷ niệm Nghe đâu sẽ thực hiện DVD và ngay cả Video Clip đưa lên Youtube để giới thiệu với đồng hương xa gần. Ngoài ra, trong khuôn khổ buổi hội ngộ còn có thêm phần triển lãm phiá sau hội trường trang trí rất đẹp với nhiều hình ảnh tỵ nạn đập ngay vào mắt mọi người cũng được giới thiệu và trực tiếp giải thích đến quan khách Đức tham dự.

Chúng tôi được dịp thưởng thức một trương trình ca vũ nhạc đặc sắc, phong phú với sự tham dự của những tài năng trẻ khá quen thuộc trong cộng đồng người Việt tỵ nạn vùng Niederrhein. Đây là sự thành công đáng khen của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn cộng sản tại vùng Niederrhein nói riêng! Lễ Tết Mừng Xuân Nhâm Thìn 2012 kết thúc vào lúc 23 giờ 00 cùng ngày.

Một bông hồng nhỏ để kính tặng ban tổ chức, những mạnh thường quân đã hy sinh công sức và thì giờ tạo cơ hội cho đồng hương gặp gỡ mừng Xuân Nhâm Thìn 2012, được dịp hàn huyên chúc tụng nhau, đồng thời có dịp thưởng thức những món ăn thuần túy quê hương.

Xa hơn nữa, đây cũng là dịp để Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn tại Niederrhein giới thiệu cho người bản xứ biết đến sự thành công trên phương diện hội nhập, nhất là của thế hệ thứ hai hay thứ ba qua truyền thống bất di bất dịch của người Việt là: "Nhập Sông Tùy Khúc, Nhập Gia Tùy Tục".

Được anh Rị, trưởng ban tổ chức gởi tài liệu cho biết, ký giả của báo "Rheinische Post" đã viết bài tường thuật và ca ngợi Hội Tết Nhâm Thìn thành công mỹ mãn. Không những thế, thị trưởng Schaefer còn khen thành viên Hội NVTNCS_MG, nhất là thế hệ thứ hai thứ ba của NVTNCS thông thạo tiếng Đức, đã thực sự hội nhập, phát huy nền văn hoá đa dạng qua sự đóng góp cụ thể của Cộng Đồng người Việt tỵ Nạn Cộng Sản vào những sinh hoạt tại Moenchengladbach. Một thiệp chúc Tết Năm Con Rồng do chính tay Thị trưởng (Oberbuergermeister) Norbert Bude và bà Guelistan-Yueksel, chủ tịch các sắc dân ngoại kiều thành phố ký tên gởi cho Hội gồm hai ngôn ngữ Đức-Việt với những lời chúc đẹp như sau: An Khang Thịnh Vượng, Sức Khỏe Dồi Dào, Sống Lâu Trăm Tuổi và Tiền Vô Như Nước nhân dịp Lễ Tết lần thứ 30 tổ chức tại Moenchengladbach!

Dù vui Xuân xứ người nhưng người Việt Tỵ Nạn Cộng sản không quên Tổ Quốc Việt Nam trước nguy cơ mất nước vào tay Tàu Cộng; không quên đồng bào nạn nhân bão lụt tại Miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam cũng như cầu mong cho đất nước Việt Nam sớm có Tự Do, Dân Chủ, Công Bằng và Bác Ái.

Tóm lại, „Buổi Hội Tết Nhâm Thìn 2012 tại Moenchengladbach“ phản ảnh đúng ý nghĩa Tết của nó, đã đạt kết quả mà ban tổ chức và cộng đồng người Việt tỵ nạn vùng Niederrhein mong muốn cũng như đáp ứng được truyền thống, phong tục cao quý của dân tộc Việt với chủ đề " Yêu Thương Và Hy Vọng" qua hai câu đối:

"Tết Đến Quê Người Buồn Xa Xứ,
Xuân Về Đất Khách Vọng Cố Hương !"
 
Văn Hóa
Xuân An Bình
Quang Huấn
12:41 01/02/2012
Mùa Xuân lại trở về rồi

Cỏ cây đơm lộc nẩy chồi xanh tươi

Nụ Xuân hé nở môi cười

Xuân về trang điểm cho đời phấn hương

Chúa Xuân trổ đóa yêu thương

Cho cuộc sống khắp muôn phương thái hòa

Lỗi lầm xin hãy thứ tha

Bất đồng mau hãy làm hòa cùng nhau

Để trần gian thôi khổ đau

Lòai người chung sống bên nhau hiền lành

Không còn thảm họa chiến tranh

Mùa xuân nắng đẹp trời xanh rạng ngời

Vườn xuân hoa nở xinh tươi

Ngày xuân thắm thiết tiếng cười vang cao

Ơn trên xin đổ tuôn trào

Tâm hồn an lạc tiến vào Đền Xuân

Thanh tao nếp sống thiên thần

Trọn vui hưởng một mùa Xuân an bình

Note: Tác giả Quang Huấn là một giáo dân lão thành của Gx ĐMHCG, Garland, TX.
 
Hốn khổ kiếp người
Trầm Thiên Thu
09:30 01/02/2012
Từ sinh ra đến lúc về cát bụi
Phận con người mau tàn tựa cánh hoa
Nhưng canh cánh bên lòng một nỗi lo
Nợ phong trần đương nhiên vẫn phải trả
Dù từng ngày cái chết là nỗi sợ
Vẫn không ngừng ám ảnh chẳng trừ ai
Từ vua chúa, người áo mão cân đai
Đến thường dân, kiếp chân bùn tay lấm
Người giàu sang có đâu được an phận
Kẻ cùng đinh buồn khố rách áo ôm
Cứ giằng co giữa ghen ghét, yêu thương
Thấy điều thiện, muốn làm mà lại ngại
Biết là ác mà sao lòng yếu đuối
Để suốt đời lần bước giữa ăn năn
Khối thất tình xoay tít giữa băn khoăn
Kiếp ngườikhổ trong Vòng-Xoáy-Khát-Vọng
Lạy ThiênChúa, xin Ngài thương định hướng
Để chúngcon đi đường chính, nẻo ngay
Luôn can trường chịu đựng mọi đắng cay
Vững bước theo Giêsu, Đấng Cứu Độ.

(Diễn ý Hc 40:1-4)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bữa Ăn Trưa – Good Lunch!
Richard Drysdale
23:01 01/02/2012
BỮA ĂN TRƯA – Good Lunch!
Ảnh của Richard Drysdale

Bãi xa sông rộng sóng to
Vì lo cái bụng đi mò cái ăn.
(Ca dao)

Good Lunch ! Yummy!!!

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền