Ngày 02-02-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 03/02: Hãy nghĩ ngơi bên Chúa – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
02:29 02/02/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,
Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:02 02/02/2024

23. Đức Chúa Giê-su mỗi ngày từ trên thiên đàng xuống, không phải ở trong nhà tạm làm bằng vàng, nhưng là để tìm một thiên đàng khác. Thiên đàng khác mà Ngài thích cư ngụ nhất đó chính là linh hồn của chúng ta.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:06 02/02/2024
69. NGỰ SỨ BẮT CÁ

Ngự sứ Vi Quảng sau khi nghỉ hưu thì hồi hương ngụ tại một làng hẻo lánh. Một lần nọ, có người bạn đồng sự già đến đó để tuần sát, Vi Quảng nghĩ rằng không có gì để tiếp đãi nên đã tự mình ra sông bắt cá.

Không ngờ người bạn già đã đến, tùy tùng từ bên sông đi đến, Vi Quảng nhìn thấy thì vội vả đi về nhà và đi ngõ phía sau mà vào nhà thay áo và tiếp đãi bạn.

Người bạn già hỏi:

- “Tại sao ông mặt mày đổ mồ hôi thế, ngay cả tóc cũng ướt?”

Vi Quảng nói dối:

- “Vừa mới đi qua nhà hàng xóm, nghe nói ngài đến nên vội vả về, đi có hơi nhanh một chút”.

Các tùy tùng của ông bạn già cười thầm nói:

- “Ông coi người này rất giống với người bắt cá trên sông ấy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 69:

Làm quan về hưu mà trong nhà không có gì để đãi bạn nối khố, đến nỗi phải tự mình đi ra sông bắt cá đãi bạn thì thật là vị quan liêm khiết trong sạch.

Người đời thường nói sống liêm khiết thì chỉ có những vị tu trì mới làm được vì họ không có vợ chồng con cái để tham lam, họ không tham lam của cải, không tham địa vị danh vọng, không bon chen với đời...Nghe người đời nói như thế mà chúng ta -những người tu trì- thêm xấu hổ, bởi vì chúng ta vẫn còn tham lam của cải, vẫn còn thích ăn sung mặc sướng hơn người khác, vẫn còn bon chen để dành cho được chổ phục vụ tốt hơn anh em, vẫn nói xấu anh em khi họ làm việc hiệu quả hơn mình...

Có một vài linh mục tu sĩ chẳng ai nhìn biết các ngài là người lãnh đạo dân Thiên Chúa bởi vì họ rất bình dân như những người khác, các ngài không ăn cao lương mỹ vị không uống rượu hảo hạng, các ngài ăn mặc giản dị như người bình thường, không kiểu cách ta đây là linh mục là tu sĩ, các ngài không đòi hỏi phải được phục vụ chu đáo như một quan chức nhà nước, bởi vì các ngài là những người đã từ bỏ mọi sự để theo làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su. Khi người ta không nhìn ra chúng ta là linh mục tu sĩ trong những bộ áo quần giản dị bình dân, thì họ lại nhìn rất rõ chúng ta qua cung cách phục vụ tận tình yêu thương đối với giáo dân, đó chính là sự liêm khiết đáng nể mà người đời dành cho các linh mục tu sĩ của Đức Chúa Giê-su.

Đức Chúa Giê-su cũng chỉ thích như thế mà thôi, vì Ngài cũng đã làm như thế khi xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khổ khi không khỏe
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:23 02/02/2024

KHỔ KHI KHÔNG KHỎE

Ai cũng thích sống mạnh khỏe, chả ai dại gì lại mong bệnh tật. Tuy nhiên thực tế chúng ta không thể tránh được bệnh tật. Bệnh tật trở thành điều hiển nhiên trong vòng đời mỗi người: Sinh, lão, bệnh, tử. Vậy Chúa làm gì với bệnh tật và sức khỏe của chúng ta?

1. Bệnh tật. Phúc Âm nói rõ: “Chúa chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.” Chúa là Đấng chữa lành bệnh tật. Đáng tiếc là trong đời sống tôn giáo, nhiều khi người ta lại nghĩ bệnh tật do Chúa gây ra! Nên mới có những câu kết án: Nó bệnh tật thế là do Chúa phạt đấy! Rồi lại có những lời khuyên nghe rất đạo đức: Ông bà bệnh tật thế này là do Chúa gửi thánh giá cho đấy, chịu khó mà vác nhé! Rồi chính bản thân người bệnh cũng than thở: Chúa ơi, sao lại để con bệnh tật đau khổ thế này? Ôi, chả lẽ Chúa lại cứ thích làm khổ con người vậy sao? Oan cho Chúa quá. Có bố mẹ nào muốn con cái mình bị bệnh tật không? Không. Và Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót chắc chắn không đời nào lại muốn con cái Ngài bệnh tật. Chúa chỉ muốn chữa lành.

2. Khỏe mạnh. Ngày xưa đói, người ta hỏi thăm nhau: Ăn uống gì chưa? Ngày nay no ấm, người ta hỏi thăm nhau: Có khỏe không? Người ta quan tâm ăn thứ gì, uống thuốc gì cho khỏe. Thậm chí người ta còn bảo: có sức khỏe là có tất cả. Nhưng hãy cẩn thận hiểu cho đúng về sức khỏe. Nếu chỉ hiểu sức khỏe về cơ bắp vạm vỡ cao to, thì nhiều người làm thuê khỏe hơn ông giám đốc nhiều. Thế nên, phải hiểu sức khỏe một cách toàn diện cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cùng với chữa lành bệnh tật thân xác, Chúa còn chữa lành bệnh tật tâm hồn bằng việc trừ quỷ. Chúa còn bồi bổ sức khỏe tinh thần bằng rao giảng và cầu nguyện.

Chúa là Đấng chữa lành - đó là Tin Mừng để chúng ta cậy trông phó thác, sống an vui và hy vọng. Đồng thời, chúng ta cũng cần noi gương Chúa mở lòng mở tay chữa lành những đau khổ của tha nhân. Amen.
 
Nơi thanh vắng
Lm. Minh Anh
15:44 02/02/2024

NƠI THANH VẮNG
“Các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”.

“Mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không thể ngồi yên lặng trong phòng một mình!” - Blaise Pascal.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến sự cần thiết của ‘căn phòng’ mà nhà tư tưởng đề cập. Đó là ‘nơi thanh vắng’ mà một môn đệ Giêsu không thể thiếu. Sau chuyến thực tập, các tông đồ trở về, kể lại bao thành tích. Họ nghĩ Thầy mình sẽ khen; nhưng không, thấy họ thấm mệt, Ngài bảo, “Các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”.

Bạn và tôi có cần nghe lại những lời này không? Không chỉ nghe, hãy thưởng thức; lắng đọng và ‘uống từng lời’ yêu thương này! Tại một đại hội giới trẻ, một Giám mục Mỹ đã giảng một bài sôi nổi; trong đó, ngài lặp đi lặp lại ‘câu thần chú’: “Giáo Hội cần những Kitô hữu điên!”. Quan điểm của ngài thật rõ, Kitô hữu phải đi ngược lại các xu hướng thời đại. Khi làm điều đó, bạn trông có vẻ “điên”, nhưng nó lại trông giống Chúa Giêsu. “Điên” khi Kitô hữu trở nên công cụ của Chúa cho tha nhân trong một thế giới ích kỷ; “điên” khi thực hiện công lý trong một thế giới bất công; “điên” khi yêu thương trong một thế giới hận thù; “điên” khi tha thứ trong một thế giới tranh chấp. Và hôm nay, bạn và tôi “điên” khi cần cho mình một ‘nơi thanh vắng’ trong một thế giới điên đảo xô bồ hơn bao giờ hết!

Thế giới đang quay; và xem ra mọi người đang biến ‘sự bận rộn’ thành một ‘huy hiệu danh dự’. “Mọi chuyện thế nào, thưa cha?”; “Khá điên! Khá bận!”. Lời ấy mang một thông điệp ngầm, “Tôi đáng giá, vì tôi bận”. Không! Đó không phải là ‘huy hiệu danh dự’, nhưng là dấu của một cuộc sống mất cân bằng, một sứ vụ mất cân đối, và một nội tâm mất chiều sâu!

Chúa Giêsu đề nghị chúng ta tìm một ‘nơi thanh vắng’; không phải một mình, nhưng ‘lui vào’ đó với Ngài, cùng Ngài và trong Ngài. Ngài là ‘hiện thân của sự sảng khoái’ trong sự hiện diện của Chúa Cha. Bạn cần rút lui với Giêsu, ‘sạc lại pin’ với Ngài; thoát khỏi chiến hào để ở một mình với Ngài. “Nghỉ ngơi” không phải là lười, không là một trạng thái vĩnh viễn; nhưng tạm thời. Vì bạn không thể phục vụ liên tục, phục vụ tốt nhất. Không sống chậm, bạn chẳng có gì để cho; chẳng ích gì cho ai, và nhất là, chẳng ích gì cho Chúa.

Salômon - bài đọc Các Vua - cũng chỉ nghe được tiếng Chúa ở ‘nơi thanh vắng’. Ông cũng khá “điên” khi chỉ xin “một tâm hồn biết lắng nghe”, “Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con!” - Thánh Vịnh đáp ca. Chỉ trong yên ắng, bạn và tôi mới nghe được điều Chúa muốn!

Anh Chị em,

“Các con hãy lánh riêng ra!”. Biết chúng ta đang mệt mỏi, lo lắng, tính toán… với bao dự định tương lai; không ai dám quả quyết, mọi sự sẽ xuôi may và an bình trong những ngày tháng tới… Chúa Giêsu khuyên chúng ta, hãy vào ‘nơi thanh vắng’; ở đó, lòng kề lòng, Ngài sẽ thầm thì với chúng ta; nói cho chúng ta về tình yêu và kế hoạch của Ngài dành cho từng người. Chúa muốn chúng ta có cái điên của các Kitô hữu đích thực, cái điên của các thánh, của Salômon; thay vì tìm lợi lộc, hãy xin biết lắng nghe. ‘Nơi thanh vắng’ là điểm hẹn tuyệt vời bạn và tôi cần, cũng là nơi Thiên Chúa luôn hằng mơ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tìm ‘sai chỗ’ để nghỉ ngơi, với một người, với nhiều người. Xin quyến rũ con vào ‘nơi thanh vắng’ thực; vì biết rằng, ở đây, ‘Ai đó’ đang chờ con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 5 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:58 02/02/2024
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Mc 1, 29-39

“Đức Chúa Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật”.


Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su xuất hiện như vị cứu tinh của người nghèo, người bệnh tật và người bị quỷ ám, Ngài đã trở thành vị cứu tinh của họ, bởi vì không một ai chạy đến với Ngài mà trở về tay không. Nhưng đồng thời Đức Chúa Giê-su xuất hiện cũng như là cái gai trong mắt của những người biệt phái và những người kinh sư thông luật, bởi vì lời giảng dạy của Ngài làm cho dân chúng thích thú tin theo, và lòng họ nhận được một niềm an ủi trong kiếp sống lầm than khổ cực và đầy bệnh tật.

Đức Chúa Giê-su chữa bệnh.

Ngài chữa bệnh không như các lương y thời ấy và các bác sĩ thời nay. Các lương y và bác sĩ chữa bệnh nơi thân xác, còn Ngài chữa lành tâm hồn trước và đồng thời cũng làm cho thân xác được khỏe mạnh; các bác sĩ và lương y thì cho hết toa thuốc này đến phương thuốc nọ, mà bệnh nhân đôi lúc vẫn không thuyên giảm; còn Ngài chỉ nói một lời, đụng đến người bệnh, thì họ lập tức lành bệnh, Ngài không nại đến quyền năng của ai cả, nhưng tự nơi Ngài một quyền uy phát ra làm cho mọi bệnh tật tiêu tan, vì Ngài chính là Thiên Chúa.

Các lương y và bác sĩ thì treo bảng quảng cáo tài nghệ của mình để chiêu dụ bệnh nhân, còn Ngài thì lại cấm bệnh nhân không được nói với ai về việc mình đã được lành bệnh, nhưng càng cấm thì thiên hạ càng đua nhau loan truyền công việc kỳ diệu mà Ngài đã làm cho họ, chính vì điểm này mà người biệt phái tức tối, ghen tương và giết chết Ngài trên thập giá. Người ta sợ Ngài tranh giành ảnh hưởng với họ.

Đức Chúa Giê-su là người linh mục hôm nay.

Người ta mua một chiếc xe mới liền đến xin linh mục làm phép xe cho họ; người ta mua một ảnh tượng mới cũng tới xin linh mục làm phép cho họ; người ta mới cất một căn nhà đẹp cũng đến xin linh mục làm chúc lành nhà cho họ; linh mục đến thăm nhà, họ cũng mời linh mục chúc lành cho họ và gia đình. Không phải người ta tin dị đoan, nhưng người ta tin Đức Chúa Giê-su nơi con người của linh mục –người đã được đặt tay và xức dầu thánh để chúc lành- người ta xác tín linh mục là người của Đức Chúa Ki-tô đang thay mặt Ngài để giáng phúc cho họ, do đó, dù biết rằng linh mục vẫn chỉ là một con người như họ, có những bất toàn và những thói hư tật xấu, nhưng họ vẫn tin tưởng và yêu mến Đức Chúa Ki-tô nơi vị mục tử của mình.

Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su chính là người linh mục hôm nay, Ngài đang vất vả khó nhọc kiếm tìm con chiên lạc trong giáo xứ của mình; Ngài đang âm thầm cầu nguyện cho những con chiên nghèo đói của mình có được cuộc sống hạnh phúc; Ngài đang bị sỉ nhục trên đường công tác mục vụ, Ngài đang bị chống đối bởi những thế lực ma quỷ nơi những con người đã từng chống đối Giáo Hội, Ngài đang buồn sầu vì có những mục tử không như Ngài biết yêu mến và phục vụ đàn chiên của mình...

Đức Chúa Giê-su cũng chính là các linh mục, là lương y chữa lành các tâm hồn bệnh hoạn bởi tội lỗi, bởi vì khi cử hành các mầu nhiệm thánh và các bí tích thì các ngài nhân danh Đức Chúa Giê-su, chứ không nhân danh chính cá nhân mình để cử hành, do đó mà Đức Chúa Giê-su hành động trong hành động cử hành của linh mục, để tuôn đổ ơn sủng của Ngài trong mỗi cử hành mầu nhiệm cứu độ.

Gợi ý suy tư:

1- Tôi là linh mục của Đức Chúa Giê-su, trong công tác mục vụ, đôi lúc tôi bị ngay chính giáo dân của tôi chống đối, phê bình, tôi có nhận thấy Ngài nơi con người họ hay không?

2- Tôi là người Ki-tô hữu, có những lần tôi nghe nói linh mục này bê bối lăng nhăng, linh mục kia không chu toàn bổn phận của một mục tử, và thậm chí tự mắt tôi nhìn thấy linh mục nọ hạnh kiểm không tốt... Những lúc như thế, tôi có nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su nơi các ngài không?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật thứ Năm Mùa Quanh Năm 4 tháng Hai dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
21:31 02/02/2024

BÀI ĐỌC 1 G 7, 1-4.6-7

Bài trích sách Gióp.

Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói: Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?

Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê? Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công, cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.

Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: “Khi nào trời sáng?” Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: “Bao giờ chiều buông?”

Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng. Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng.

Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1 Cr 9, 16-19.22-23

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 8,17

Alleluia. Alleluia.

Đức Ki-tô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.

Alleluia.

TIN MỪNG Mc 1, 29-39

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Châu Phi tố thêm: ‘Fiducia’ đã làm mất uy tín của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị
Vũ Văn An
00:01 02/02/2024

Ngala Killian Chimtom, ký giả của Crux tại Châu Phi, ngày 30 tháng 1 năm 2024, tường trình rằng vị Hồng Y người Châu Phi gần đây đã lãnh đạo các giám mục của lục địa này trong việc từ chối ban phước lành cho các cặp đồng tính, giờ đây đã chỉ trích thời điểm đưa ra văn kiện của Vatican mở cửa cho một động thái “gây tổn hại” cho tiến trình đồng nghị do Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập.



Đức Hồng Y Fridolin Ambongo của Kinshasa ở Cộng hòa Dân chủ Congo nói rằng vì việc công bố Fiducia Supplicans vào ngày 18 tháng 12, cho phép ban phép lành phi phụng vụ cho những người liên quan đến các mối quan hệ đồng tính, nằm giữa hai Thượng Hội đồng Giám mục về tính đồng nghị, nên nó đã tạo ra quan niệm sai lầm rằng tài liệu này là kết quả của các cuộc thảo luận tại thượng hội đồng.

“Thời điểm, lúc tài liệu này được công bố, đã gây tổn hại cho tiến trình đồng nghị,” Đức Hồng Y Ambongo nói vào ngày 25 tháng 1.

Đức Hồng Y Ambongo, 64 tuổi, người cũng là chủ tịch của Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM), cho biết thời điểm phát hành tài liệu “đã làm mất uy tín của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị”.

Đức Hồng Y Ambongo nói: “Trong phiên họp đầu tiên, thượng hội đồng đã bàn đến tất cả những vấn đề này, nhưng đã không quyết định. Vì vậy, việc công bố tài liệu này, giữa hai phiên họp của Thượng Hội đồng, được hầu hết mọi người coi như thể đó là thành quả của Thượng hội đồng, trong khi nó không liên quan gì đến Thượng hội đồng cả”.

Bình luận của Đức Hồng Y Ambongo được đưa ra trong một cuộc họp báo trong cuộc họp chung từ ngày 24 đến 26 tháng 1 giữa đại diện của SECAM và Hội đồng Giám mục Châu Âu (CCEE) được tổ chức tại Nairobi, Kenya.

Đức Hồng Y Ambongo nói rằng nhiều người đã coi phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng ít nhất là gián tiếp biểu thị “việc chấp nhận các cặp đồng tính và đồng tính luyến ái”, theo ngài, điều này đi ngược lại cả văn hóa châu Phi và những giáo lý cơ bản của đức tin Công Giáo.

Kể từ khi xuất hiện, Fiducia Supplicans đã tạo ra những phản ứng trái ngược nhau. Chẳng hạn, các giám mục Công Giáo ở các vùng Tây Âu đã hoan nghênh quyết định này, mô tả đây là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực đưa các tín đồ LGBTQ+ vào đời sống của Giáo hội.

Đức Giám Mục Peter Kohlgraf của Mainz cho biết: “Tôi rất vui mừng vì bản văn này sẽ chấm dứt một số vụ từ chối mạnh mẽ và sẽ trở nên rõ ràng rằng việc ban phúc lành có tính Công Giáo thực sự”.

Tuy nhiên, ở Châu Phi, việc phản bác chống lại việc chúc phúc cho các cặp đồng tính là rất cô đọng và áp đảo. Trong một tuyên bố tập thể ban hành ngày 11 tháng 1, các thành viên của SCAM, do Đức Hồng Y Ambongo đứng đầu, đã bác bỏ ngay ý tưởng này.

Họ nói: “Chúng tôi, các giám mục Châu Phi, không coi việc Châu Phi ban phước cho các cuộc kết hợp đồng tính hoặc các cặp đồng tính là phù hợp, bởi vì điều này sẽ gây ra sự nhầm lẫn”.

Điểm mấu chốt, theo tuyên bố, là “sẽ không có phước lành nào cho các cặp đồng tính trong các nhà thờ ở Châu Phi”.

Vào thời điểm đó, Đức Hồng Y Ambongo lập luận rằng các mối quan hệ đồng tính là trái với cả quy luật tự nhiên lẫn văn hóa và truyền thống châu Phi, ngay cả khi ngài nhấn mạnh sự cần thiết của việc không phân biệt đối xử với mọi người dựa trên giới tính của họ.

“Các Hội đồng Giám mục Châu Phi nhấn mạnh rằng những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái phải được đối xử tôn trọng và có phẩm giá, đồng thời nhắc nhở họ rằng sự kết hợp của những người đồng tính là trái với ý muốn của Thiên Chúa và do đó không thể nhận được sự chúc lành của Giáo hội,” tuyên bố cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ báo La Stampa của Ý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng nhìn chung sự phản đối Fiducia Supplicans phát xuất từ “các nhóm ý thức hệ nhỏ”, đồng thời cho phép châu Phi là một “trường hợp đặc biệt”.

Đức Giáo Hoàng nói: “Đối với họ, đồng tính luyến ái là một điều gì đó ‘xấu’ từ quan điểm văn hóa, họ không chấp nhận điều đó”.

“Nhưng nói chung, tôi tin tưởng rằng dần dần mọi người sẽ được trấn an bởi tinh thần của tuyên bố Fiducia Supplicans của Bộ Giáo lý Đức tin: nó nhằm mục đích bao gồm chứ không phải chia rẽ. Nó mời gọi chúng ta chào đón mọi người và phó thác họ, như chúng ta phó thác chính mình cho Thiên Chúa,” ngài nói.

Đức Hồng Y Ambongo cho biết trong cuộc họp báo ngày 25 tháng 1 tại Nairobi rằng tuyên bố ngày 11 tháng 1 của SECAM bác bỏ chỉ thị của Vatican đã làm dịu đi những lo lắng của các Kitô hữu ở Châu Phi.

Ngài nói: “Tôi vui mừng nhận thấy rằng kể từ khi thông điệp của tôi được công bố vào ngày 11 tháng 1, sự bình yên đã trở lại với Châu Phi và sự hiệp thông đã trở lại với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Trong cuộc họp chung với các đối tác châu Âu, một số giám mục từ châu Phi đã nói rõ rằng, theo quan điểm của họ, tiến trình đồng nghị không nên cho phép Giáo hội hoàn vũ sửa đổi giáo lý nhằm “dành chỗ cho tất cả mọi người”, theo điều mà hầu hết các nhà quan sát coi là có ý nhắc đến cuộc tranh cãi về mối quan hệ đồng tính.

Cha Rafael Simbine, Tổng thư ký SECAM, cho biết: “Chúa Giêsu Kitô của chúng ta gửi lời mời làm môn đệ đến tất cả mọi người. Tuy nhiên, tất cả những ai muốn trở thành môn đồ của Người đều phải theo Người không phải theo điều kiện riêng của họ mà theo điều kiện và tiêu chuẩn của Chúa. Lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu liên quan đến thách đố liên tục hoán cải để từ bỏ cuộc sống tội lỗi để ôm lấy một cuộc sống thánh thiện.”

Các vị giáo phẩm châu Phi cũng nhấn mạnh rằng tiến trình đồng nghị cần chứng kiến sự bao gồm phụ nữ và giới trẻ vào hành trình đức tin.

Các thành viên SECAM cho biết: “Tương lai của Giáo hội nằm trong tay giới trẻ và để giới trẻ tham gia hữu hiệu vào Giáo hội, các chương trình và hoạt động của họ phải được ưu tiên”.

“Phụ nữ cùng nhau gắn kết Giáo hội; họ là đa số. Họ là xương sống của Giáo Hội. Phụ nữ là một món quà cho Giáo hội”, các giám mục nói thêm.
 
Công Giáo bản vị
Vũ Văn An
13:57 02/02/2024

David Warren, trên Catholic Thing, ngày 26 tháng 1, 2024, cho rằng “Chủ nghĩa nhân vị” chỉ là một hạn từ, nhưng giống như nhiều hạn từ khác, nó có ít nhất một nghĩa và có thể truyền đạt sự thật hoặc giả dối. Nhưng với tư cách là những yếu tố trong giáo lý, lời nói đơn thuần phải được đánh giá một cách cẩn thận. Những gì có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ không thể gói gọn được toàn bộ chân lý vô hạn. Đó là lý do tại sao học thuyết dường như “tiến hóa” - trong khi trên thực tế, chúng ta ngày càng tìm thấy nhiều cách diễn đạt nó hợp lý hơn.



Các học thuyết không “tiến hóa” theo nghĩa các loài được cho là tiến hóa. Chúng không trở nên khác biệt so với trước đây. Tuy nhiên, chúng có thể được phát biểu đầy đủ hơn cùng với thời gian.

Như cựu viện trưởng Đại học Harvard đã nói gần đây, việc nói về “diệt chủng” không phải là vấn đề bối cảnh.

Ngược lại, “Chủ nghĩa Nhân vị”, mặc dù nói chung không được ưa chuộng ở Harvard, lại được ủng hộ bởi Thánh Gioan Phaolô II, người chủ yếu rút nó ra từ nhà hiện tượng học Max Scheler và nhiều người đi trước khác. Dù chỉ là một hạn từ nhưng nó đưa ra một phương tiện để thoát khỏi sự tranh cãi giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể.

Khoảng năm 1960, Karol Wojtyla, vị giáo hoàng tương lai, đã giải thích thuật ngữ mà ngài gắn liền với truyền thống lớn của chủ nghĩa Thomas: “Con người là sự tốt lành mà thái độ đúng đắn và thỏa đáng duy nhất đối với nó là tình yêu”.

Điều này sẽ không làm giảm bớt sức nóng khỏi “người Do Thái”, nhưng mang lại sự bảo vệ cho tất cả mọi người, rõ ràng nhất là bằng cách giải phóng họ khỏi tư cách thành viên của một tập thể bị ghét bỏ. Bởi vì các tập thể khét tiếng là một vấn đề, cho dù họ được coi là tiêu cực hay tích cực.

“Phân biệt chủng tộc”, một cách tiêu cực, là một kế hoạch tập thể. Như Martin Luther King theo chủ nghĩa Nhân vị đã nói, có một vấn đề Kitô giáo với nó: vì nó tước đi tư cách ngôi vị của tất cả các nạn nhân. Và những gì bắt đầu bằng việc tước đoạt tư cách ngôi vị, đều kết thúc bằng việc Chúa Kitô bị đóng đinh.

Chủ nghĩa nhân vị đưa ra cách giải thích về con người có tính tôn giáo rõ ràng, và hơn thế nữa, hoàn toàn phi chính trị. Bạn không thể ghét một “người tập thể”, nhưng mặt khác, bạn cũng không thể yêu một người như thế.

Vì mọi tập thể đều bắt đầu từ ảo ảnh thể lý. Không có thứ gì như vậy thực sự có thể hiện hữu, chỉ là một sự trừu tượng - được tạo ra cho mục đích nào đó. Chính nỗ lực làm điều gì đó, dù ủng hộ hay chống đối, một tập thể đều phải dẫn đến sự nhầm lẫn về tội lỗi.

Tại Công đồng Vatican II, ý tưởng về Chủ nghĩa Nhân vị này đã xuất hiện. Nó được diễn đạt về mặt thần học: “Con người là tạo vật duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa muốn vì chính nó và con người không thể tìm thấy chính mình một cách trọn vẹn nếu không thành thật hiến thân mình”.

Karol Wojtyla (như ngài đã từng) phần lớn đứng sau một điều gì đó sâu sắc: cả việc làm sáng tỏ các học thuyết xã hội của Giáo hội, lẫn sự phân biệt giữa Kitô giáo và “chủ nghĩa nhân bản khai sáng” đã thay thế nó.

Ngài là một cách để loại bỏ vĩnh viễn Chủ nghĩa xã hội hoặc Chủ nghĩa tập thể khỏi giáo huấn xã hội của Giáo hội mà không đầu hàng Chủ nghĩa cá nhân cực đoan, hoặc sa vào những khuôn sáo duy nhân bản.

Và thật kỳ lạ, đây không phải là một tham vọng vừa được thực hiện. Wojtyla đã cố gắng hết sức để đạt được kết quả này và nêu rõ mục tiêu của mình. Ngài đã “vĩ đại” từ rất lâu trước khi được thăng chức giáo hoàng.

Ngài vừa đóng góp vào tư duy triết học đằng sau Gaudium et Spes, vừa từ khi nó ra đời, ngài đã sử dụng nó như một hướng dẫn “bản vị” cho riêng mình để thoát khỏi vùng hoang dã trong đó có quá nhiều giám mục đang bị nhầm lẫn.

Gaudium et Spes đã cung cấp cả một bản giải trình tuyệt vời về vị trí của Giáo hội, về mặt trí tuệ, cũng như vị trí mà Giáo hội chắc chắn phải đi tới.

Nó đã phân biệt một cách kỳ diệu giữa “sự tiến bộ” hời hợt của kỹ thuật và sự sung túc, với sự tiến bộ đích thực hướng tới việc hiện thực hóa con người trong Vương quốc của Thiên Chúa. Và trong cuộc “hướng dẫn tìm tòi [heuristic]” giữa Giáo hội và thế giới hiện đại, nó đã tuyên bố vai trò của Giáo hội trong việc tạo ra sự phân biệt này. Vì thế giới hiện đại cần được biến đổi và sứ mạng của Giáo hội là biến đổi.

Trong khi đó, Gaudium et Spes đã trình bày lại, “bằng những từ ngữ đơn âm”, quan điểm của Giáo hội luôn là về quyền tư hữu– quyền của con người đối với tài sản và những giới hạn của nó. Ngoài ra, nó còn giải thích lại “các dấu hiệu của thời đại”. Có những lúc để giảng dạy, học hỏi và phân biệt ý muốn của Thiên Chúa; thay vào đó, nó không bao giờ được hiểu là một trò chơi thông minh về khả năng thấu thị.

Các mục tiêu của Chủ nghĩa Nhân vị vẫn hợp thời.

Nhân danh “Vatican II”, một vị giáo hoàng sau này đã đưa Giáo hội ra xa những chiều sâu đã được phát biểu tại Công đồng, và khỏi công việc mà Đức Bênêđíctô XVI đã làm để bảo đảm chúng.

Vì bất chấp những nỗ lực khá tuyệt vời của hai vị giáo hoàng gần đây, chúng ta đã phải chịu đựng sáu mươi năm suy thoái của giáo hội, trong đó “cải cách” chỉ có nghĩa là từ bỏ di sản phụng vụ và nới lỏng các tiêu chuẩn đạo đức.

Đức Gioan Phaolô II không phải là người theo chủ nghĩa thỏa hiệp [accommodationist]. Ngài đến vào thời điểm Chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô đã gây đau khổ cho quốc gia của ngài cùng nhiều quốc gia khác, đã chín muồi để bị loại bỏ, và vì dự án này, ngài đã khẩn cầu Chúa Kitô.

Chúng ta có thể nhận thấy quan niệm triết học về Chủ nghĩa Nhân vị là phương tiện mà Chúa Kitô đã đáp lại. Thế giới - và không chỉ thế giới Công Giáo - đã phải vứt bỏ những gì đã trở thành ảo tưởng chi phối nó: ảo tưởng về Chủ nghĩa Tập thể và ảo tưởng thay thế về Chủ nghĩa Cá nhân (căn bệnh “Mỹ”) mà nó mắc phải.

Con người phát biểu những điều này lần lượt như lý tưởng về “bình đẳng” và “tự do” - không thể hiểu được tự trong nó mà cũng không có ý nghĩa khi trộn lẫn.

Vì trong cả hai trường hợp, “con người không chỉ sống vì cơm bánh”. Hai thái cực này xuất phát từ quan niệm duy vật về số phận con người, trong đó tính hiện đại của chúng ta được bộc lộ rõ ràng.

Dù có ngắn ngủi đến đâu, sự tiết lộ này đã đạt được, về một sự thật vượt xa chủ nghĩa duy vật. Trong một khoảnh khắc, chúng ta trở nên mệt mỏi với những ảo tưởng và nhận thức được sự đói khát sự thật của mình. Nhưng sau đó những ảo tưởng này bắt đầu thực hiện việc phục hồi mờ mịt của chúng.

Chúng ta luôn trôi dạt ra phía ngoài. Chúng ta đã đưa mình ra biển. Thực thế, chúng ta đang cầu nguyện để có thể nhìn thấy đất liền. “Chủ nghĩa nhân vị” ít nhất cũng gợi nhớ về vị trí của các mũi đất.
 
Linh mục Công Giáo Orlando trong số bốn người thiệt mạng trong vụ nổ súng ở Palm Bay
Đặng Tự Do
17:56 02/02/2024


Theo một tuyên bố của giáo phận, một linh mục Công Giáo đã nghỉ hưu thuộc Giáo phận Orlando và em gái của ngài nằm trong số bốn người thiệt mạng trong vụ xả súng chiều Chúa Nhật 28 Tháng Giêng, ở Palm Bay, Florida.

Cha Robert Hoeffner, người kỷ niệm 50 năm chức linh mục vào năm ngoái, được tường trình đã bị một người đàn ông 24 tuổi tên là Brandon Kapas sát hại vào Chúa Nhật, ngày 28 Tháng Giêng. Ngoài Cha Hoeffner và em gái ngài, Sally, kẻ bị tình nghi là kẻ xả súng cũng được cho là đã giết ông nội của mình, William Kapas, và một người khác vẫn chưa được tiết lộ tên.

Vụ bắn chết Cha Hoeffner và em gái diễn ra ở một địa điểm khác với vụ bắn ông nội của Kapas và một người chưa được xác định danh tính. Động cơ của vụ xả súng vẫn chưa rõ ràng.

Theo Cảnh sát trưởng Palm Bay Mariano Augello, người đã đề cập đến vụ việc trong một cuộc họp báo, cảnh sát đã bắn chết nghi phạm xả súng vào hôm Chúa Nhật sau khi anh ta bắn vào cảnh sát và làm bị thương hai viên chức. Augello nói rằng cả hai viên chức cảnh sát “sẽ sống sót”.

Đức Giám Mục John Noonan đã đưa ra một tuyên bố thương tiếc “sự mất mát bi thảm của bốn sinh mạng này” và nói rằng “chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn họ được yên nghỉ và gửi lời cầu nguyện đến gia đình họ”.

“Cha Robert 'Bob' Hoeffner và em gái của ngài, Sally, cả hai đều bị sát hại thảm khốc ngày hôm qua,” Đức Cha Noonan nói trong một tuyên bố do Giáo phận Orlando cung cấp cho CNA.

Noonan nói: “Trong suốt chức linh mục của mình, Cha Hoeffner đã phục vụ dân Chúa với lòng trắc ẩn và khiêm nhường.

“Chúng ta sẽ nhớ sự hiện diện đầy ân sủng của ngài. Chúng ta biết ngài và em gái ngài đã được Chúa đón nhận với lòng thương xót và yêu thương. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho hai viên chức cảnh sát bị thương ngày hôm qua và cho các công chức của chúng ta, những người bảo vệ cộng đồng của chúng ta và bày tỏ lòng biết ơn đối với họ trong thời điểm khó khăn này”, ngài nói.

Cha Hoeffner từng là cha sở tại Nhà thờ Công Giáo St. Joseph ở Palm Bay trước khi nghỉ hưu.

Sau vụ xả súng, Augello hoan nghênh các viên chức của mình và nói rằng cái chết của tay súng được cho là do hành động của chính anh ta.

Augello nói: “Hai viên chức của chúng tôi đã bị bắn hôm nay do đang thực hiện công việc của họ và đó là để bảo vệ và phục vụ cộng đồng của chúng tôi cũng như các thành viên và công dân của chúng tôi ở Palm Bay. “Chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ ai giơ súng hoặc sử dụng bất kỳ loại vũ lực gây chết người hoặc gây hấn nào đối với các viên chức cảnh sát của chúng tôi.”


Source:Catholic News Agency
 
Linh mục nói: Bất chấp sự đàn áp, ‘Giáo hội vẫn tồn tại ở Nicaragua’
Đặng Tự Do
17:57 02/02/2024


Mặc dù bị chế độ của Daniel Ortega đàn áp trong nhiều năm, “Giáo hội vẫn tồn tại ở Nicaragua”, một linh mục từ nước này nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA.

Vị giáo sĩ, người muốn giấu tên vì lý do an ninh, nói rằng “các cộng đồng giáo xứ và các gia đình tiếp tục phải chịu đựng việc trục xuất các mục tử và người thân của họ”.

Ngài than thở rằng “thêm vào nỗi đau khổ này là nỗi đau khổ của hơn 90 tù nhân chính trị, trong số đó có nhiều giáo dân cộng tác với Giáo Hội Công Giáo trong nước”, những người đang bị cầm tù và bị tra tấn tâm lý liên tục.

Ngài nói: “Họ đã trục xuất các linh mục của chúng tôi, họ đã phong tỏa tiền của giáo xứ và giáo phận, nhưng Giáo hội ở Nicaragua vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển”.

Đối với vị linh mục người Nicaragua, điều này là do “Thiên Chúa là Đấng điều hành Giáo hội, với quyền năng của Thánh Thần Ngài và Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng đồng hành cùng dân chúng chúng ta”.

Ngài nhấn mạnh thêm rằng “Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ cũng không phải là phe đối lập, như chính phủ Ortega tin tưởng; Giáo Hội là một cái gì đó vượt xa điều đó.”

Chứng từ sống động của Đức Giám Mục Álvarez

Sau 527 ngày ở tù, Đức Giám Mục Rolando Álvarez của Matagalpa được trả tự do và bị trục xuất vào ngày 14 Tháng Giêng sang Rôma cùng với Đức Giám Mục Isidoro Mora và các linh mục, chủng sinh khác.

Vị linh mục nhận xét: “Từ bóng tối trong phòng giam của mình ở 'La Modelo', nhà tù nơi các linh mục và tín hữu khác cũng bị giam cầm, Đức Cha Álvarez là một nhân chứng sống động của đức tin và là ánh sáng cho tất cả người Công Giáo ở Nicaragua”.

Ngài than thở sau khi trục xuất các vị Giám Mục và linh mục, cuộc bách hại vẫn tiếp tục. Ngài giải thích: “Các bài giảng được ghi lại với yêu cầu rõ ràng là không cầu nguyện cho Đức Giám Mục Rolando Álvarez.

Vị giáo sĩ người Nicaragua lưu ý rằng sau khi Đức Cha Álvarez bị trục xuất, vài ngày sau, ba linh mục thuộc Dòng Truyền giáo Thánh hiến của Dòng Chúa Cứu Thế đã bị bắt cóc và đày sang Mễ Tây Cơ.

“Các linh mục và giám mục đều im lặng. Các hoạt động mục vụ và thiêng liêng được tổ chức bên ngoài với sự tham dự đông đảo của các tín hữu như các cuộc rước kiệu, cũng như việc cử hành các ngày lễ kính các vị thánh bảo trợ và Tuần Thánh, cũng bị cấm.”

“Tuy nhiên, các linh mục vẫn tiếp tục công việc của mình với nhiều hạn chế, nhiều người trong số họ bị theo dõi hàng ngày khi họ thực hiện các hoạt động mục vụ theo lịch trình của mình”, ông than thở.

Đây là thực tế của Nicaragua, “trong nhiều năm đã phải chịu đàn áp tôn giáo, ngày càng có hệ thống, điều mà chế độ Sandinista đã gia tăng trong những tháng gần đây”.

Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng “mọi người không ngại bày tỏ đức tin của mình” và chỉ ra rằng trong thời gian Đức Cha Álvarez ở trong tù, “ngài đã thuyết giảng cả ngày lẫn đêm” bằng sự đau khổ vì đức tin của mình. “Lời chứng của ngài đã khuyến khích niềm hy vọng, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi và khiến chế độ độc tài phải run sợ.”

Vào ngày 4 tháng 8 năm 2022, Đức Cha Álvarez, người cũng là giám quản tông tòa của giáo phận Estelí, đã bị cảnh sát của chế độ buộc phải giam giữ tại nơi ở của ngài cùng với bốn linh mục, một phó tế, hai chủng sinh và một giáo dân đã ở cùng ngài.

Tất cả họ vẫn bị bao vây và không được phép rời đi khi rạng sáng ngày 19 tháng 8, họ được chuyển đến thủ đô Managua. Các giáo sĩ bị giam trong nhà tù La Modelo bên ngoài thị trấn, trong khi Đức Cha Álvarez bị quản thúc tại gia trong thành phố.

Trong một thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vào ngày 9 tháng 2 năm 2023, chế độ độc tài đã trục xuất 222 tù nhân chính trị sang Mỹ, bao gồm cả giáo sĩ và giáo dân.

Vì vị giám mục từ chối rời khỏi đất nước nên ngài bị đưa đến nhà tù La Modelo và vào ngày 10 tháng 2 bị kết án 26 năm 4 tháng tù, bị tước quyền công dân Nicaragua và không được hưởng các quyền công dân vì tội phản quốc, như Ortega đã nói.

Vị giám mục này vẫn ở trong tù 527 ngày cho đến khi bị đày đến Vatican vào ngày 13 Tháng Giêng cùng với Giám mục Isidoro Mora của Siuna, người đã bị bắt vào ngày 20 tháng 12 năm 2023.

Cùng bị lưu đày còn có 15 linh mục từ các giáo phận khác nhau và hai chủng sinh đã bị bắt từ ngày 20 tháng 12 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023. Ngoài ra, 12 linh mục này cũng bị trục xuất sang Vatican vào ngày 18 tháng 10 năm 2023.


Source:Catholic News Agency
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh sức khỏe
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
02:36 02/02/2024

Hình ảnh sức khỏe

Dân gian có ca ví khôn ngoan Sức khỏe là vàng- Sức khỏe rất quan trọng!

Gặp nhau hay những dịp mừng vui chúng ta chúc nhau Sức khoẻ, cầu xin được Thiên Chúa Trời ban cho có sức khoẻ tốt…Đây là cung cách nếp sống văn hóa tình người cao đẹp, cùng cần thiết cho tinh thần niềm tin trong đời sống.

Sức khoẻ làm thay đổi đời sống con người ảnh hưởng lên xuống thất thường, thường thì tiêu cực nhiều hơn. Kinh nghiệm này hầu như ai cũng đã đang có và sẽ trải qua!

Trong Kinh thánh có hình ảnh nói về sức khỏe không?

Con người là tạo vật do Thiên Chúa tạo dựng, sức khỏe do Ngài ban cho, nên cũng là một trong sứ mạng của Chúa Giesu xuống trần gian cứu giúp con người.

Ngài chữa cho bà mẹ vợ Ông Phero khỏi cơn sốt rét. Và trong suốt dọc hành trình rao giảng nước Ngài luôn luôn chữa lành cho nhiều người bị mắc bệnh tật được khỏe mạnh trở lại. Điều này nói lên mối dây nối liền với sứ mạng rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa của Ngài nơi trần gian cho con người: Thiên Chúa yêu mến bảo vệ sự sống con người.

Bệnh nạn cản trở đời sống. Nó làm cho đời sống bị tê liệt mất hạnh phúc niềm vui. Chúa Giesu chữa cho người bị bệnh được lành mạnh trở lại nói lên Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống.

Chúa Giesu chữa lành bệnh cho các người đau yếu, vì Ngài muốn con người có sức khỏe lành mạnh trở lại, có niềm vui hạnh phúc. Với Ngài bệnh tật là vô nhân đạo và là sự xấu xa, sự dữ. Chữa lành cho khỏi đau khổ tật bệnh là dấu chỉ nói lên tình yêu của Thiên Chúa.

Thế nhưng trong đời sống có những người bị bệnh tật tê bại liệt đau nhức, như suốt cả đời họ phải chịu đựng ngồi xe lăn… cùng lệ thuộc vào sự giúp của người khác, hay những căn bệnh hiểm nghèo khác..Như thế phải hiểu làm sao. Thật khó cắt nghĩa!

Lẽ dĩ nhiên bản thân người bệnh cũng cảm thấy như bị bỏ rơi tủi thân lắm chứ, tinh thần chao đảo khủng hoảng…. Nhưng dẫu vậy họ cũng vẫn có tâm tình đạo đức, niềm hy vọng, như một người bị bại liệt từ hàng chục năm sống ngồi trên xe lăn đã có tâm tình tâm linh tin tưởng trong hoàn cảnh đau khổ cay đắng nghĩ rằng Thiên Chúa muốn cuộc đời tôi như thế. Và dần dần tôi nhận hiểu ra rằng điều con người, như trường hợp của tôi, cho là cay đắng đau khổ nghiệt ngã thiếu bóng dáng tình yêu thương sự chữa lành của Ngài, không phải về sức khỏe và bệnh tật, mà nhiều hơn là sự tương quan liên hệ với Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống.

Đó là điều Chúa Giêsu ngày xưa đã qua phép lạ chữa lành cho các bệnh nhân khi đi rao giảng nước Thiên Chúa cho con người trần gian muốn gửi đi sứ điệp tin mừng này.

Chứng bệnh nặng làm tinh thần con người hoang mang, nó xô đẩy đời sống con người ra bên lề nếp sống chung cộng đồng xã hội. Nó có thể phá hủy làm hao mòn kiệt quệ tinh thần cùng thân xác con người.

Nhưng bệnh tật không tự động nói lên hình ảnh dấu chỉ sự vắng bóng của Thiên Chúa. Trái lại có thể giúp chú ý suy nghĩ sâu xa hơn như hiểu nhận rằng sức khỏe là điều quý báu cho sự sống được ban tặng. Sức khỏe mang đến giá trị cao cả cho sự sống.

Và Thiên Chúa, Đấng tạo dựng bảo vệ sự sống là nguồn cao cả nhất. Một người sống trong liên hệ tương quan mật thiết với Người kín múc nếp sống mới là một người được chữa lành. Và như vậy họ có thể đóng góp loan truyền nước Thiên Chúa cách hiệu quả tích cực.
 
Mây cuốn Rồng bay
Đinh văn Tiến Hùng
03:43 02/02/2024

* MÂY cuốn RỒNG bay *

Tổ tiên Việt Nam theo truyền thuyết thuộc Nòi giống TIÊN RỒNG đã xuất hiện cách đây 5000 năm trước.
Do sự kết duyên huyền thoại giữa Lạc Long Quân dòng dõi RỒNG và Âu Cơ dòng dõi TIÊN sinh ra 100 con cùng chung một bọc ( nên gọi là đồng bào )
Đến khi trưởng thành thì 50 con theo mẹ lên núi, còn 50 người theo cha xuống miền biển.
Người con trưởng lên làm vua thuộc họ Hồng Bàng, đặt tên nước là Văn Lang.
Chính vì sự tích này mà người Việt được gọi là Con Cháu TIÊN RỒNG ( Long Phụ Tiên Mẫu )
Âu Cơ Tiên Nữ giáng trần,
Hợp duyên cùng Lạc Long Quân giống Rồng.

Người Nhật tự hào là con cháu Thái Dương Thần Nữ, nên Quốc kỳ có hình Mặt Trời.
Dân tôc Việt Nam hãnh diện về tổ tiên mình là Tiên Rồng.

Trong 12 con Giáp gồm có : Tý (Chuột)- Sửu (Trâu)- Dần (Cọp)- Mão (Mèo)- Thìn (Rồng) - Tỵ (Rắn)- Ngọ (Ngựa)- Mùi (Dê)- Thân (Khỉ)- Dậu (Gà)- Tuất ( Chó) – Hợi (Heo)
Là những vật ta thường thấy, nhưng riêng Rồng đứng đầu Tứ linh ‘Long- Lân – Qui -Phụng’
Lại là vật huyền thoại rất mơ hồ khó diễn tả.

Theo các nhà sinh vật học và khảo cổ, Rồng đã xuất hiện từ thời tiền sử qua bộ xương các con khủng long Dinasaur tìm thấy khi khai quật.
Ngày nay nơi các Viện bảo tàng đã ghép lại những bộ xương hóa thạch khổng lồ để chứng minh một sinh vật giống Rồng đã bị tuyệt chủng và dựng lại nhiều bộ phim hấp dẫn có sức thuyết phục như : Last World- Jurssic Park…

Một số người còn quả quyết chính họ đã nhìn thấy những con quái thú khổng lồ tại rừng Phi châu hay biển hồ miền Scotland và quái vật nơi hồ Ness, đã từng gây xôn xao dư luận. Như vậy sự liên kết giữa loài bò sát hóa thạch và quái thú Lê-vi-a-then hay con Bê-hê-mốt được nói đến nhiều lần trong Thánh Kinh có phần khả tin?

Còn con Rồng tổ tiên ta không kinh khủng như thế, có phần thanh thoát hơn với mình dài uyển chuyển uốn khúc, có sừng và móng vuốt uy dũng, thân phủ lớp vảy màu lấp lánh rực rỡ, mà ta thường thấy trong các lễ hội có múa Rồng Lân hay những bích họa điêu khắc nơi đền đài cung miếu. Chính vì hình ảnh uy nghi lộng lẫy như thê, nên xưa kia Rồng chỉ dành độc quyền cho vua chúa như : Thân mình vua gọi là Long thể- Mặt vua là Long nhan- Áo vua là Long bào- Giường vua là Long sàn- Bàn vua làm việc là Long án – Ghế vua ngự là Long kỷ- Thuyền vua ngự là Thuyền Rồng- Sân các quan chầu vua là Sân Rồng….

Rồng cũng được gọi theo âm Hán Việt là Long, đó là con vật huyền thoại trong cổ tích của nhiều dân tộc trên thế giới, từ Á sang Âu. Người Á châu coi Rồng là con vật linh thiêng cao trọng, đứng đầu bốn con vật quý trong muôn vật: Long, Ly, Quy, Phụng.
Sách từ điển của Paulus Huỳnh Tịnh Của định nghĩa: “Rồng là loài rắn có sừng có chơn, vẩy có năm sắc, gọi là linh vật, không có ai hề ngó thấy”.
“Không có ai hề ngó thấy” nên chẳng ai dám quả quyết hình dáng con rồng ra sao, cũng chẳng biết đời sống con rồng thế nào, mà chỉ nghe nói và nhìn thấy hình tượng con rồng dài ngoằn ngoèo như con rắn, được vẽ trong tranh ảnh, hoặc đắp tạc nơi nóc đình miếu, cung điện vua chúa…

Chính vì con rồng không có thật nên hình thù con rồng bên Âu châu không phải giống như con rắn như quan niệm của người châu Á, mà họ mô tả con rồng giống một con kỳ nhông to lớn, một loại khủng long, có thêm cánh để bay, và mõm rồng có thể phà ra lửa. Có lẽ vì ảnh hưởng của Kitô giáo, người châu Âu cho rồng là biểu tượng của sự dữ, mang tai họa đến cho loài người, nên cánh của rồng không như cánh chim, mà na ná giống cánh con dơi nhiều hơn.

Mặc dầu con rồng là con vật không có trên mặt đất, nhưng vì nhiều người coi nó là cao quý, là linh vật có phép làm mưa tưới mát cây cỏ ruộng đồng, nên người ta mới đặt nó lên chức hành khiển, coi sóc sinh hoạt trên địa cầu trong năm Thìn. Ngày nay ai cũng biết rồng chỉ có trong truyền thuyết, nhưng các nhà làm lịch vẫn cứ giữ truyền thống của tổ tiên, nên vẫn cố duy trì cách tính thời gian theo Thìn, Tỵ, Ngọ… nhất là vào dịp đầu năm âm lịch.
Ở nước ta vẫn chưa hoàn toàn dùng dương lịch, mà chúng ta vẫn thấy lịch của chúng ta còn để ngày tháng âm lịch song song với dương lịch, nên chúng tôi cũng nhân ngày đầu năm, nói chuyện về con vật cầm tinh cho năm Thìn này...

Riêng bọn bá quyền Trung cộng tự xưng là Rồng đỏ thè lưỡi theo ‘Đường lưỡi bò’ muốn nuốt hết các nước lân bang làm bá chủ thế giới. Vì thế tác giả Peter Navarox đã cảnh báo trong tác phẩm của ông tựa đề ‘Death by China- Confromting the Dragon the Glolbal Call to Action’ (Chết dưới tay Trung cộng đối phó với con Rồng-Kêu gọi hành đông toàn cầu.)- Các chú ‘Đỉnh cao trí tuệ tiền sử đã nghiên cứu bí quyết để trở thành con rồng Á châu số 5 sau Singapore-Hồng kong- Đài Loan- Nam Hàn chưa? Thức thời hơn 2 ông Phạm Đỗ Chí và Phạm Nam Binh cùng các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước viết sách đánh thức con rồng VN ngủ quên, vì các tay tham nhũng ăn mập quá lười biếng bò dậy. Hơn thế nữa bon cầm quyền không thể nào hóa rồng trong khi miệng khẳng định ‘Yêu nước là yêu đảng- Thà mất nước còn hơn mất đảng.’

Nhìn vào những đia danh huy hoàng đất nước ta luôn tự hào và cả người nước ngoại cũng ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên xinh đẹp hùng vĩ :

-Đế đô Thăng Long : Tháng 7 âm lịch 1010 thuyền Rồng vua và triều đình nhà Lý rời đô từ đế đô Hoa Lư đến chân thành Đại La, vua Lý Công uẩn tức Lý Thái Tổ thấy Rồng bay lên trước thuyền vua nên đổi Đại La là Thăng Long thành, kinh đô mở đầu triều Lý. Năm 2010 nhà cầm quyền tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nhưng công việc lem nhem chỉ làm dơ trang Sử Việt.

-Vịnh Hạ Long : Theo truyền thuyết kể rằng khi xưa giặc Tàu sang xâm lăng nước ta, trời sai Rồng xuống giúp đuổi giặc. Nơi Rồng Mẹ đáp xuống goi là Hạ Long, chỗ Rồng con xuống gọi là Bái Tử Long và nơi chúng dùng đuôi dìm giặc gọi là Bạch Long Vĩ.
Hạ Long được UNESCO công nhân là một trong những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới đã thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng hùng vĩ.

-Sông Cửu Long : Tên Mê-Kong, một trong những con sông dài nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua các nước Trung Hoa-Lào- Miến Điện- Thái Lan- Campuchia và VN. Được gọi là Cửu Long vì chia ra làm 9 cửa Rồng trước khi đổ ra biển gồm An Định- Ba Thác-Tranh Đề-.Đại- Tiểu- Hàm Luông-Cổ Chiêm- Cung Hầu và Ba Lai. Hiện nay Trung Công đang xây nhiều đập lớn đầu nguồn đe dọa hệ sinh thái và đời sống của hàng trăm triệu cư dân dọc 2 bên bờ, nhất là vùng Biển Hồ Campuchia và đồng bằng Cửu Long. ( Quí vị muốn hiểu thêm tìm đọc tác phẩm của nhà văn Ngô thế Vinh ‘ Mê-kong dòng sông nghẽn mạch và Cửu Long cạn dòng-Biển Đông dậy sóng.’

Hai cây cầu mang tên Rồng là cầu Long Biên Hà Nội và cầu Hàm Rồng Thanh Hóa chung quanh phong cảnh đẹp thu hút nhiều du khách đến thưởng ngoạn.

Trong các đền đài cung miếu ta thường thấy điêu khắc hình ‘ Lưỡng Long Chầu Nguyệt hay Song Long Tranh Châu ‘ phản ảnh sắc thái tâm linh.

Trong giai thoại tương truyền có người con gái xứ Quảng tên Đoàn thị Ngọc trở thành Hoàng hậu của Thế Tử Lan, giọng hò trên sông của cô gái hái dâu đã làm Hoàng tử cảm động:
-Tai nghe chúa ngự thuyền rồng,
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa,
Thuyền rông chúa ngự đi đâu?
Thiếp thương phân thiếp hái dâu một mình.
(Giống cô hái dâu Lê thị Yến Loan trở thành Vương Phi Ỷ Lan có tài trị nước khi vua thân chinh dẹp giặc)

-Trải qua bao thế hệ thăng trầm chúng ta vẫn hãnh diện là con cháu TIÊN RỒNG.
Vẫn dùng Quốc Huy Con Rồng và Cờ Vàng 3 Xọc Đỏ tượng trưng máu đỏ da vàng.
Nhiều Quân Binh Chủng và các Cơ quan dân sự VNCH mang biểu hiệu Con Rồng.

Những vùng đất mang tên rồng. Vùng đất mang tên rồng cổ nhất nước ta là Long Đỗ. Long Đỗ ở bên tả ngạn sông Hồng. Bên hữu ngạn thì có Long Biên. Khi nước nhà chưa độc lập, trung tâm sinh hoạt của dân tộc cũng chỉ quanh quất ở vùng đất rồng này. Đến khi nước nhà cường thịnh Lý Công Uẩn dời đô về đây và đặt tên thủ đô là Thăng Long, phản ánh khí thế hào hùng của dân tộc.

Mở đất vào Nam, người Việt nhớ đến cội nguồn cũng đem chữ “Long” đặt tên cho chợ, cho phố, cho làng xã của Mình. Thừa Thiên có chợ Kim Long, chợ Long Hổ; Quảng Ngãi có chợ Long Tử; Bình Định có chợ Long Hương. Mạn Tiên Yên (Quảng Ninh) có núi Long Tu, trong núi có nhiều cỏ long tu (cỏ râu rồng) sống lâu năm, làm thuốc. Đồ Sơn (Hải Phòng) có núi Cửu Long hình con rồng chín khúc.

Vịnh Hạ Long có ngọn đèn biển trên đảo Long châu Không đêm nào tắt. Núi mang tên lâu đời nhất của ta có lẽ là Long Đọi ở Duy Tiên (Hà Nam), có tích truyện vua Lê Đại Hành từ kinh đô Hoa Lư ra đây cầy ruộng tịch điền (ruộng của vua), mở đầu cho công việc đồng áng. Nhưng không núi nào nổi danh bằng núi Hàm Rồng ở Thanh Hoá, đứng sừng sững, hùng vĩ trên hai bờ sông Mã. Rồi Hà Tĩnh có núi Long Tường, núi Long Mã Phụ Đồ hình yên ngựa. Miền Tây Quảng Bình có Thanh Long là ngọn núi cao xanh biếc, núi Long Tị bên bờ sông Gianh, núi Phúc Long dọc sông Nhật Lệ. Tại Quảng Ngãi, chỉ một huyện đã có ba ngọn núi tên rồng: Lạc Long, Long Phượng, Long Cốt. Bình Định có núi Hàm Long. Hà Tiên có núi Dương Long. Biên Hoà (Đồng Nai) có núi Long ẩn).

Núi mượn tên rồng là biểu hiện sự uy nghiêm. Nhưng các dòng sông, suối mới là hình tượng con rồng thân thuộc, kỳ vĩ trang nghiêm, gần gũi trong tâm thức con người. sông Hoàng Long (Ninh Bình) là con sông cổ nhất mang tên rồng. Long Môn là một đoạn của sông Đà chẩy qua núi Long Môn có cửa đá chắn ngang, chia nước thành ba dòng đổ xuống thành thác. Đất Nam bộ thì tên sông, tên bãi có chữ “long” khá nhiều và đều là sông lớn, bãi to cả. Chính sông Đồng Nai có tên chữ là Phước Long, tỉnh nó chẩy qua là tỉnh Phước Long. Đồng Tháp có bãi lớn Long Sơn do sông Tiền giang bồi lên địa phận Tân Châu, Hồng Ngự. Xuống một đoạn nữa là Long ẩn có bãi Long ẩn. Xuống tiếp có song Long Phương chẩy thông với sông Sa Đéc, đoạn chẩy về Vĩnh Long, quanh co giữa những thôn, bãi trù phú nên gọi là Long Hồ. Và Hậu Giang cũng là một con rồng lớn chẩy qua tỉnh Long Xuyên về Hậu Giang. Nhánh sông Hậu với sông Tiền đổ ra biển Đông bằng chín dòng sông nhánh qua chín cửa, tất cả cộng lại bề ngang rộng 20 km, rộng hơn nhiều eo biển trên thế giới.

Trước cảnh sông nước mênh mông bao la hùng vĩ ấy, ông cha ta đã không ngần ngại đặt cho những nhánh hạ lưu sông Mê Kông trên đất nước ta là Cửu Long Giang (sông chín rồng).

Một trong những địa danh Việt Nam được nhiều người trên thế giới biết đến là vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long nổi lên gần một nghìn hòn đảo đủ hình đủ dạng, trông như một khúc rồng vừa hạ xuống nước. Phía đông của Hạ Long có vịnh Bái Tử Long (rồng con lạy mẹ). Phía tây nam có đảo Phù Long (nay là đảo Cát Bà). Ngoài khơi Từ Sa Vĩ nơi địa đầu Tổ quốc, bờ biển của chúng ta dải trên 3200 km, trước thì lõm vào thành vịnh Bắc Bộ, kế phình ra ở Trung và nam Trung Bộ, rồi uốn mình về phía tây nam cho đến mũi Cà Mau, sau cùng lại lượn lên phía bắc đến Hà Tiên, Phú Quốc thành hình chữ S hoàn chỉnh như một con rồng uốn lượn, khiến có người nước ngoài gọi Việt Nam là Long Quốc.

Những danh nhân đất Việt tuổi con rồng

-Còn nhiều tranh cãi về năm sinh, nhiều ý kiến cho rằng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sinh năm Nhâm Thìn 1232 và mất năm 1300. Ông là danh tướng thời nhà Trần, anh hùng dân tộc, người có công rất lớn trong ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Đồng thời ông còn là một nhà nghiên cứu quân sự với các bộ binh pháp Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp bí truyền.
Trần Hưng Đạo được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh Trần. Ông nổi tiếng với thiên tài chỉ huy quân sự, tính cương quyết và sự khảng khái. Trong tác phẩm ‘Hịch tướng sĩ’, Trần Hưng Đạo đã đi vào lịch sử với những áng văn hùng hồn mà chứa chan lòng yêu nước “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.

-Thầy giáo Chu Văn An tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần. Ông được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An.
Ông sinh năm Nhâm Thìn 1292 mất năm 1370. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì), nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Chu Văn An là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng và có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam.
Vua Trần Minh Tông từng vời ông ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông. Đến đời Trần Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông được lịch sử tôn xưng là ‘Vạn thế sư biểu’ (người thầy của muôn đời).

-Trần Quang Diệu (1760[–1802), tuổi Canh Thìn là một trong Tây Sơn thất hổ. Ông cùng với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã cố sức chiến đấu để bảo vệ vương triều này, nhưng không thành công, và cả hai đều bị vua Gia Long xử tội chết.

Ngoài ra, còn rất nhiều những danh nhân trong lịch sử sinh ra trong năm Thìn như: Không Lộ Thiền Sư (1016-1094), năm Bính Thìn, người được coi là ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Lộ (1400-1442), tuổi Canh Thìn, là vợ thứ của Nguyễn Trãi và là một nữ quan nổi tiếng nhà Hậu Lê, gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên. Nguyễn Như Đổ (1424-1526), tuổi Giáp Thìn, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà giáo dục thời Hậu Lê. Phan Thanh Giản (1796-1867), tuổi Bính Thìn, là một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn.

Thời chống Pháp, lịch sử Việt Nam cũng có hai lãnh tụ khởi nghĩa tuổi Thìn. Trương Định (1820-1864) hay Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, tuổi Canh Thìn, là võ quan nhà Nguyễn, và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859-1864. Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926), lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19, lãnh tụ này tuổi Giáp Thìn.

-Bà Triệu Thị Trinh là danh nhân nổi tiếng đã mất trong một năm Thìn. Bà Triệu còn được gọi là Triệu Ẩu sinh năm 225 và mất năm Mậu Thìn 248. Bà là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam với công lao đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.

Năm Thìn còn chứng kiến sự ra đi của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765–1820). Là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam, ông được người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, Nguyễn Du được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Cho đến ngày nay, tác phẩm Truyện Kiều (tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn trường tân thanh) của Nguyễn Du vẫn luôn tồn tại trong đời sống của dân tộc Việt. Đây là một trong số ít các tác phẩm lớn được nhiều người dân đủ mọi tầng lớp học thuộc lòng. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá của một số cộng đồng người Việt. Nguyễn Du mất năm 1820, năm Canh Thìn.

Nhà bác học Lê Quý Đôn tên thật Lê Danh Phương, là quan của nhà Hậu Lê đồng thời có thể coi là một nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực. Ông sinh năm Bính Ngọ 1726, tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình và mất năm Giáp Thìn 1784. Sinh thời Lê Quý Đôn nổi tiếng là người uyên bác, Với tài trí thông minh và kiến thức, Lê Quý Đôn đã để lại cho hậu thế khoảng 40 bộ sách, bao gồm hàng trăm quyển, có giá trị đủ các thể loại như lịch sử, địa lý, thơ, văn, chú giải kinh điển, triết học, lý số. Có thể kể ra như: Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ…

Lịch sử còn ghi lại sự ra đi của rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong năm Thìn như: Huyền Trân công chúa sinh năm 1287, mất năm Canh Thìn 1340, người đã được gả cho vua Chiêm Thành (Champa) là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị), mở rộng thêm bờ cõi nước Việt ngày nay.

Năm Canh Thìn 1340 còn chứng kiến sự ra đi của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, người đã góp công lớn trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược.

Giai thoại dân gian kể rằng: Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm từng có mối ân tình với nhau với câu đối “Da trắng vỗ bì bạch nổi tiếng”. Có một điều đặc biệt là hai nhân vật của lịch sử này đều mất vào năm Mậu Thìn 1748. Bà Đoàn Thị Điểm snh năm 1705, hiệu là Hồng Hà Nữ Sĩ. Bà là tác giả tập truyện Truyền kỳ tân phả, và là dịch giả bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Còn Cống Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh, ông sinh năm 1677, nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng nguyên.

Xưa một số danh sĩ xưa thường dùng danh hiệu ghép với chữ Rồng như Long Cương Cao Xuân Dục- Long Phú Hồ Sĩ Đồng- Long Tài Từ Diễn Đồng- Bà Tùng Long được giới binh dân ưa thích vì nhữ truyện ‘Trong nhà ngoài phố’.

Hai anh chàng võ hiệp rất ăn khách trong các truyện Kiếm Hiệp hay gọi là truyện Chưởng là Lý Tiểu Long và Thành Long. Hai nhà văn viết truyện Kiếm Hiệp nổi tiếng là Kim Dung và Cổ Long.

-Cổ Long viết : Long Hổ Phong Vân- Bất Tử Thần Long- Long Kiếm truy tầm-Xích Long châu..
-Kim Dung nổi tiếng hơn với : Thiên Long Bát Bộ- Ỷ Thiên Đồ Long Ký - Cô Gái Đồ Long- Hàng Long Thập Bát Chưởng- Kháng Long Hữu Bối- Phi Long Tại Thiên…
-Hoàng Đế Quang Trung có thanh Ô Long Đao đầy uy lực cùng Đô đốc Vũ văn Dũng nổi tiếng với cây Lôi Long Đao.

Năm con Rồng xin giới thiệu các em truyên phiêu lưu thám hiển rất hấp dẫn tựa đề ‘Kỹ Sư Rồng’ của nhà văn Cornelia Funke.

Nhưng dần dần Rồng không còn là độc quyền của vua mà người ta dung theo ý thích mình như Đô đốc Nhật Yamamoto được tặng danh hiệu ‘ Con Rồng Thái Bình Dương ‘ Vì trong Đệ Nhị Thế Chiến ông đã đánh thắng Hải quân Hoa Kỳ-Anh và Hòa Lan, làm bá chủ chiến trường mênh mông gồm Thái Bình. Dương và Ấn Độ Dương.

Còn theo ông bà ta, nếu sinh được 5 cô con gái được gọi là ‘ Ngũ Long Công Chúa ‘ sẽ có nhiều chàng trai hào hoa phong nhã tấp nập tới lui. Còn sinh 5 con trai bị kêu là ‘Ngũ quỉ’ cũng nhiều người ra vô bực bôi kêu ca vì các quí tử phá làng phá xóm. Điều này chắc các bà trả thù vì sự bất công trọng nam khinh nữ của quí ông độc tài phong kiến cho rằng ‘ Nhất nam viết hữu, thâp nữ viết vô ‘, và các ông không chịu ngồi yên, liền tìm những mỹ từ độc đáo tặng lại quí bà là ‘ Rồng Cái- Sư Tử Hà Đông.’ -Cũng tốt thôi, vì đội ‘Cận vệ Rồng Cái’ của cố TT Gadhafi vang bóng một thời.

-Trong văn thơ ca dao tục ngữ Việt Nam nói về Rồng khá nhiều.
Trong Đại Thi phẩm Kim-Vân-Kiều, thi hào Nguyễn Du mừng cho giai nhân Kiều đã may mắn gặp được anh hùng Từ Hải như cá gặp nước, Rồng gặp mây :

-Thưa rằng lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy mây Rồng có phen.
Trai anh hung, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cỡi Rồng.

Còn chàng thư sinh trong Chinh Phụ Ngâm, vội vàng xếp bút nghiên, tới sân Rồng nhận Thanh Long kiếm vua trao, lên đường dẹp giặc xâm lăng. Hình ảnh oai hùng đẹp biết bao :

-Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung,
Thành liền mong kiến bệ Rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao,
Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu Vị ào gió thu.

Mỗi độ Xuân về Tết đến, ta lại tiếc nuối hình ảnh Ông Đồ già của nhà thơ Vũ Đình Liên đã chìm vào dĩ vãng :
-Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông Đồ già,
Bày mực tàu giấy đỏ,
Bên phố đông người qua,
Bao nhiêu người thuê viết,
Tấm tắc ngợi khen tài,
Hoa tay thảo những nét,
Như phượng múa Rồng bay.

Xưa các Bạch Diên thư sinh miệt mài kinh sử, mong thi đỗ, gặp hội Rồng mây, thăng quan hồi hương, vinh qui bái tổ. Còn các cô gái ước mơ kết duyên loan phụng cùng tân quan để được vinh dự ‘ Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau ‘

-Dinh Điền Sứ Nguyên Công Trứ dù làm quan cũng chẳng thấy vinh, xuống làm lính cũng không thấy nhục, cũng mang tâm tư hoài bão :

-Rồng mây khi gặp hội duyên ưa,
Đem tất cả sở tồn vào sở dụng.

-Trái lại, có những câu ca dao dạy đời, dù cố gắng thay đổi diện mạo, che đậy dòng dõi để học đòi ‘ Trưởng giả học làm sang ‘ như những tên tư bản đỏ ‘ cũng không che dấu được con người ‘ Đỉnh cao trí tuệ thuở hồng hoang ‘ :

-Trứng Rồng lại nở ra Rồng,
Liu điu lại nở ra dòng liu điu,
Trứng rồng lại nở ra Rồng,
Chim tiên lại nở ra dòng chim tiên.

Thật là bực mình chính tà, tốt xấu, vàng thau lẫn lộn, con cháu Tiên Rồng không thể chung sống với lũ vượn thành người :

-Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu bực mình.

Vì lý do đó, nên phải chon bạn chung sống để yêu đời giúp thế nhân :

-Một ngày ở với người khôn,
Cũng như cá vượt vũ môn hóa Rồng.

Người con gái xưa chỉ cầu mong được như cô gái xứ Quảng gặp Thế Tử Lan trở thành Hoàng hậu hay như cô gái hái dâu trở thanh Nguyên Phi Ỷ Lan và cô Tấm gặp Hoàng Tử Bạch Mã :

-Một ngày dựa mạn thuyền Rồng,
Con hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài.

Thương cho chàng trai chân tinh, tâm đầu ý hợp, không thể cùng người con gái kết tóc se duyên, ngẩn ngơ hối tiếc công lao mình :

-Hôm qua anh đến chơi nhà,
Thấy mẹ năm võng, thấy cha nằm giường,
Thấy em nằm đất anh thương,
Anh ra kẻ chợ đóng giường tám thang.
Bốn góc thì anh thếp vàng,
Bốn chân thếp bạc, tám thang chạm Rồng.
Bây giờ phải bỏ giường không,
Em đi lấy chồng phí cả công anh.

Có anh chàng còn buốt giá tim hơn :

-Khi đầu em nói em thương,
Bây giờ gánh nặng giữa đường đứt giây,
Tưởng rằng Rồng ấp lấy mây,
Ai ngờ Rồng ấp lấy cây bạch đằng.

Long cũng lắm truyện lạ kỳ, các nhà sinh vật học đã tìm ra một loại cá kỳ lạ màu sắc lộng lẫy chẳng cần vượt vũ môn để hóa rồng và được xếp vào danh sách đỏ gọi là Kim Long, Thanh Long, Long Hồng.

Việt Nam trái Thanh Long được nhiều người ưa thích và trồng đại trà xuất khẩu sang nhiều nước, nhưng nhiều người mong Thanh Long trái mau lớn dùng quá lượng thuốc trừ sâu nên bị trả về. Thật là bài học ‘ Hối bất cập ‘

Viết đến đây xin mượn một đoan trong sách Khải Huyền nói về Con Rồng hóa thân là Con Rắn Satan kết thúc bài viết về Rồng năm Thìn :

1. Người Phụ Nữ và Con Mãng Xà
2. 1 Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.2 Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.3 Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện.4 Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.5 Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người.6 Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.
3. 7 Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến.8 Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa.9 Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.10 Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời:
“Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Ki-tô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.
11 Họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Ki-tô: họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết.
12 Nào thiên quốc cùng chư vị ở chốn thiên đình, hãy vì đó mà mừng vui hoan hỷ! Khốn cho đất và biển, vì ma quỷ đã xuống với các ngươi, nó giận điên lên vì biết rằng nó chỉ còn một ít thời gian.”
13 Khi Con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai.14 Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà, tại đó bà được nuôi dưỡng một thời, hai thời và nửa thời, ở xa Con Rắn.15 Từ miệng, Con Rắn phun nước ra đằng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi.16 Nhưng đất cứu giúp bà: đất há miệng ra uống cạn dòng sông từ miệng Con Mãng Xà phun ra.17 Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giê-su.
( Trích dẫn : Khải Huyền - Kh.12 : 1- 17 )

Năm Giáp Thìn 2024, Kính chúc Quí Vị an mạnh, thăng tiến trong sự nghiệp mở ‘ Hội Long Vân ‘ như :
‘ MÂY cuốn RỒNG bay ‘
 
Church Documents
Thu Trinh 02 Feb 2024
VietCatholic Media
04:41 02/02/2024
1. Trung Tướng không quân Nga Alexander Tatarenko /a-lếch-san-đơ ta-ta-ren-kô/ tử trận

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Báo cáo cuộc tấn công căn cứ không quân Crimea khiến tướng không quân hàng đầu 'bị thanh lý'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Một tướng không quân hàng đầu của Nga đã thiệt mạng trong cuộc không kích vào Crimea hôm thứ Tư, theo báo cáo địa phương.

Nhiều kênh Telegram của Nga, trong đó có Crimea Wind, đưa tin Trung tướng Không quân Nga Alexander Tatarenko /a-lếch-san-đơ ta-ta-ren-kô/ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Ukraine vào phi trường quân sự Belbek ở Crimea.

Kênh Telegram Public Reserve Stugna, có hơn 73.000 người ghi danh, cho biết 10 quân nhân Nga đã bị “loại khỏi vòng chiến” trong vụ tấn công, trong đó có Tatarenko, chỉ huy đơn vị không quân tại căn cứ không quân Belbek.

Tatarenko, 63 tuổi, từng phục vụ ở vùng Viễn Đông của Nga, vùng Urals /u-ran/, Siberia và các khu vực phía bắc đất nước. Ông được bổ nhiệm làm tư lệnh Tập đoàn quân phòng không và không quân số 14 của Nga thuộc Quân khu trung tâm Liên bang Nga vào năm 2016, cơ quan truyền thông RBC của Ukraine đưa tin.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư cho biết họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công vào bán đảo Hắc Hải và bắn hạ 20 hỏa tiễn của Ukraine trên Crimea và Hắc Hải. Họ cho biết các mảnh vỡ từ hỏa tiễn đã rơi xuống lãnh thổ của một đơn vị quân đội gần căn cứ không quân Belbek, nhưng cho biết không có máy bay nào bị hư hại.

Chỉ huy lực lượng không quân Ukraine Mykola Oleshchuk hôm thứ Năm đã cảm ơn các phi công của ông đã thực hiện chiến dịch này.

Ông nói trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Các phi công Ukraine chắc chắn sẽ quay trở lại phi trường quê hương của họ an toàn”.

Yury Ignat, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng việc “phá hủy” cơ sở hạ tầng của Nga “sẽ làm giảm khả năng của Nga” và khả năng “tấn công đất nước chúng ta” của quân đội nước này.

“Chúng tôi có thể làm điều này ngay bây giờ vì chúng tôi có một số công cụ,” ông nói. “Việc tiêu diệt quân xâm lược ở Crimea… không còn là điều gì mới mẻ đối với chúng tôi, đây là công việc chiến đấu thông thường của lực lượng hàng không chiến thuật của chúng tôi. Đặc biệt, chúng tôi vừa có các hỏa tiễn hành trình tấn công quân xâm lược ở Crimea.

“Tất nhiên, chúng tôi cần nhiều vũ khí hơn và chúng tôi muốn nhận máy bay từ các đối tác của mình càng sớm càng tốt để có thể nâng cao khả năng của mình”.

Theo Kyiv, Nga đã mất đi một số lượng lớn tướng lĩnh và chỉ huy hàng đầu kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022. Mạc Tư Khoa hiếm khi xác nhận các báo cáo về cái chết của các chỉ huy hàng đầu của nước này.

Federico Borsari, thành viên Leonardo của Chương trình An ninh và Quốc phòng xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, nói với Newsweek vào tháng 9 rằng bằng cách loại bỏ các chỉ huy quân sự cao cấp của Nga, những người thường đưa ra mục đích, động lực và chỉ đạo, Ukraine đang tìm cách làm suy yếu năng lực của quân đội Nga để tiếp tục chiến tranh một cách có hiệu quả.

Borsari cho biết: “Đây là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm phá vỡ mạng lưới chỉ huy và kiểm soát của đối phương, với mục tiêu cuối cùng là làm suy giảm đáng kể khả năng lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động phối hợp của lực lượng Nga”.

2. Cập nhật Crimea: Hạm đội Hắc Hải của Nga chịu thêm một tổn thất nữa

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Cập nhật Crimea: Hạm đội Hắc Hải của Nga chịu thêm một tổn thất nữa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Cuộc tấn công hôm thứ Tư nhằm vào tàu chiến Ivanovets của Hạm đội Hắc Hải của Nga gần Crimea bị Nga sáp nhập đánh dấu cuộc tấn công thành công thứ 26 của Ukraine vào một tàu Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Bộ Quốc phòng Ukraine công bố đoạn phim vào ban đêm cho thấy khoảnh khắc máy bay không người lái trên biển tấn công tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn siêu thanh của Nga ở cảng Hồ Donuzlav. Không rõ có thương vong hay không.

Hãng tin độc lập của Nga The Insider đưa tin kể từ khi Putin cố gắng xâm chiếm Ukraine vào ngày 24/2/2022, ít nhất 26 tàu Nga đã bị lực lượng Kyiv tấn công. Hạm đội Hắc Hải đã bị Ukraine nhắm đến khi nước này tìm cách đảo ngược việc sáp nhập Crimea năm 2014 của Putin. Khu vực này đóng vai trò là trung tâm hậu cần trung tâm của Nga cho lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine.

“Con tàu đắm trong ngày!” Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm, đồng thời cho biết thêm rằng hoạt động phá hủy tàu được thực hiện bởi các binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt Nhóm 13 của Ukraine. Nhóm này được hỗ trợ bởi Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine và nền tảng United24, Tổng cục Tình báo Chính Ukraine cho biết.

“Do một số cú va chạm trực tiếp vào thân tàu, tàu hộ tống bị hư hỏng, lăn về phía đuôi tàu và chìm. Giá trị của con tàu vào khoảng 60-70 triệu Mỹ Kim”, Bộ Quốc phòng cho biết thêm. “Làm tốt lắm, các chiến binh!”

Trong khi Điện Cẩm Linh chưa bình luận về vụ việc, các blogger quân sự Nga cho biết Ukraine đã đánh chìm tàu.

Theo Telegram Rybar của Nga, Ukraine đã triển khai ít nhất 9 thuyền không người lái của hải quân rời khu vực phía tây Odesa tới Crimea và 4 chiếc trong số đó đã bị lực lượng Nga phá hủy. Một chiếc phát nổ bên cạnh tàu chiến Ivanovets, “làm hỏng nó”.

Yuri Kotenok, phóng viên chiến trường người Nga, blogger và nhà phân tích điều hành kênh Telegram Voenkor Kotenok Z, cho rằng ba thuyền không người lái của hải quân đã tấn công con tàu.

Nhà quan sát truyền thông Nga, Tiến sĩ Ian Garner, nói trên X,, rằng “tin tức về con tàu Nga bị đánh chìm mới nhất đã phơi bày sự bất lực đáng thất vọng trên Telegram của Nga: 'Không có gì để nói biện minh cho điều đó vào thời điểm này.'“

“Hãy chú ý đến phản ứng của biểu tượng cảm xúc: không phải nước mắt mà là cơn thịnh nộ,” anh ta viết, đề cập đến biểu tượng cảm xúc mà người dùng Telegram sử dụng để phản ứng với tin tức.

Garner nói thêm: “Nga không thể duy trì tình trạng này mãi được”.

Hạm đội Hắc Hải của Nga đã chịu nhiều thương vong trong suốt cuộc chiến. Soái hạm của nó, Moskva, bị tấn công vào tháng 4 năm 2022. Vào tháng 9 năm 2023, Ukraine tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol, được cho là đã giết chết một số sĩ quan chỉ huy và hạ gục một tàu ngầm Nga.

Ít nhất 37 thủy thủ Nga được cho là đã thiệt mạng khi Ukraine phá hủy tàu đổ bộ Novocherkassk của Nga vào tháng 12.

Kênh Telegram Crimea Wind đưa tin hôm thứ Năm rằng đã xảy ra một đám cháy ngoài khơi bờ biển Crimea. Không rõ đám cháy có thể là gì, nhưng họ lưu ý rằng trong khu vực bị ảnh hưởng “có nhiều tàu chở hàng khô và tàu chở dầu” đã tắt hệ thống nhận dạng.

“Các máy bay không người lái trên biển của Ukraine đang tiến tới Trifecta?” người theo dõi truyền thông Nga đã hỏi “Jay in Kyiv” trong một bài đăng trên X. “Một con tàu khác đang bốc cháy cách Crimea 80 km về phía nam theo kênh Crimea Wind Telegram.”

Ông nói thêm: “Người Nga đi du lịch mà không tắt bộ thu tín hiệu nên chúng tôi chưa thể xác nhận đó là con tàu nào”. “Tàu chở dầu, tàu chiến Nga, hay tàu chở ngũ cốc Ukraine bị đánh cắp?
 
VietCatholic TV
Ukraine thắng dồn dập: Orbán đầu hàng, EU trao Kyiv 50 tỷ. Đánh chìm hộ tống hạm Ivanovets của Nga
VietCatholic Media
02:56 02/02/2024


1. Nga than khóc tàu hộ tống mang hỏa tiễn siêu âm vừa bị Ukraine phá hủy

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Supersonic Missile-Armed Corvette Destroyed in Crimea Strikes—Video”, nghĩa là “Video cho thấy tàu hộ tống mang hỏa tiễn siêu âm của Nga bị phá hủy trong cuộc tấn công ở Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các quan chức cho biết lực lượng Ukraine đã phá hủy một tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn siêu thanh của Nga trong cuộc tấn công vào Crimea hôm thứ Tư, giáng một đòn nữa vào Hạm đội Hắc Hải của Tổng thống Vladimir Putin.

Thông báo này được Bộ Quốc phòng Ukraine đưa ra, cho biết trong cuộc tấn công vào phi trường Belbek gần căn cứ hải quân chính của Nga tại Sevastopol, lực lượng của nước này cũng đã phá hủy tàu hỏa tiễn Ivanovets của Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết “Con tàu đắm ngay trong ngày! Các chiến binh của đơn vị đặc biệt 'Nhóm 13' của Tình báo Quốc phòng Ukraine đã phá hủy tàu hộ tống hỏa tiễn 'Ivanovets' của Hạm đội Hắc Hải của Nga.”

“Do một số cú tấn công trực tiếp vào thân tàu, tàu hộ tống bị hư hỏng, lăn về phía đuôi tàu và chìm. Giá trị của con tàu vào khoảng 60 đến 70 triệu Mỹ Kim. Làm tốt lắm, các chiến binh!”

Trước đó, Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk đã cảm ơn quân đội Ukraine đã thực hiện chiến dịch này.

“Các phi công Ukraine chắc chắn sẽ quay trở lại phi trường quê hương của họ”, ông nói trong một video đăng trên mạng xã hội.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết Nga đã ngăn chặn một cuộc tấn công vào bán đảo Hắc Hải và bắn hạ 20 hỏa tiễn Ukraine trên Crimea và Hắc Hải. Họ cho biết mảnh vỡ của hỏa tiễn Ukraine đã rơi xuống lãnh thổ của một đơn vị quân đội gần căn cứ không quân Belbek, nhưng cho biết nó không làm hư hại thiết bị hàng không. Trong khi đó, các blogger quân sự Nga than khóc về sự mất mát con tàu và thủy thủ đoàn, mà cho đến nay vẫn chưa biết chính xác về tổn thất nhân mạng.

Tin tức về tàu hộ tống Ivanovets bị phá hủy đánh dấu đòn giáng mới nhất đối với Putin. Hạm đội Hắc Hải của ông ta đã bị Ukraine nhắm đến trong cuộc chiến khi nước này tìm cách đảo ngược việc sáp nhập Crimea năm 2014 của ông. Khu vực này là trung tâm hậu cần trung tâm của Nga cho lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine.

Hạm đội Hắc Hải của Nga đã chịu nhiều thương vong trong suốt cuộc chiến. Soái hạm của nó, Moskva, bị tấn công vào tháng 4 năm 2022. Vào tháng 9 năm 2023, Ukraine tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol, được cho là đã giết chết một số sĩ quan chỉ huy và hạ gục một tàu ngầm Nga.

Các chuyên gia thân cận với Bộ Quốc phòng Ukraine trước đây đã nói với Newsweek rằng Kyiv đang bắt tay vào chiến lược “phi quân sự hóa” Hạm đội Hắc Hải như một phần trong các bước tiến tới giải phóng bán đảo.

2. Liên Hiệp Âu Châu phê duyệt viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine khi Viktor Orbán nhượng bộ

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “EU approves €50B Ukraine aid as Viktor Orbán folds”, nghĩa là “Liên Hiệp Âu Châu phê duyệt viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine khi Viktor Orbán nhượng bộ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu hôm thứ Năm đã đạt được thỏa thuận cung cấp viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine - và họ đã đồng thanh làm như thế sau khi một số nhà lãnh đạo thuyết phục được người cản trở duy nhất, là Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, từ bỏ quyền phủ quyết của mình.

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel viết trên X, vài phút sau khi cuộc họp Hội đồng chính thức bắt đầu hôm thứ Năm: “Tất cả 27 nhà lãnh đạo đã đồng ý về gói hỗ trợ bổ sung trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine trong ngân sách Liên Hiệp Âu Châu”.

Ông nói thêm: “Điều này bảo đảm nguồn tài trợ ổn định, dài hạn, có thể dự đoán được cho Ukraine”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông “biết ơn” Charles Michel và các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu vì đã thành lập Cơ sở Ukraine trị giá 50 tỷ euro.

“Điều rất quan trọng là quyết định này được đưa ra bởi tất cả 27 nhà lãnh đạo, điều này một lần nữa chứng tỏ sự đoàn kết mạnh mẽ của Liên Hiệp Âu Châu”, ông Zelenskiy viết.

Ông nói thêm: “Việc Liên Hiệp Âu Châu tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine sẽ tăng cường sự ổn định tài chính và kinh tế lâu dài, điều này không kém phần quan trọng so với hỗ trợ quân sự và áp lực trừng phạt đối với Nga”.

Các nhà lãnh đạo Âu Châu đã giành được chiến thắng trước Orbán với ba sự bổ sung, các nhà ngoại giao cho biết. Sẽ có một báo cáo hàng năm của Ủy ban Âu Châu về việc thực hiện gói viện trợ, sẽ có một cuộc tranh luận ở cấp lãnh đạo về việc thực hiện gói này và nếu cần, trong hai năm, Hội đồng Âu Châu sẽ yêu cầu Ủy ban đề xuất xem xét lại ngân sách mới, theo phiên bản mới nhất của dự thảo kết luận của Hội đồng Âu Châu.

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đã thêm một dòng đề cập đến các kết luận trước đó từ tháng 12 năm 2020 để bảo đảm rằng cách thức pháp quyền ở Hung Gia Lợi được Ủy ban Âu Châu đánh giá được thực hiện một cách công bằng và khách quan.

Đây là âm nhạc lọt vào tai Orbán, vì văn bản năm 2020 có ý nghĩa đối với 6,3 tỷ euro quỹ gắn kết Liên Hiệp Âu Châu đã bị đóng băng đối với Hung Gia Lợi vì những thiếu sót trong quy định pháp luật.

Phần quan trọng của văn bản nhấn mạnh Ủy ban Âu Châu phải “khách quan, công bằng, vô tư và dựa trên thực tế” và bảo đảm “không phân biệt đối xử” khi kích hoạt cơ chế chặn nguồn tài trợ của Liên Hiệp Âu Châu cho các thủ đô quốc gia.

Những nhượng bộ ở Brussels được coi là nhỏ, vì các nhà lãnh đạo đã tránh được một kịch bản trong đó Orbán có khả năng phủ quyết hàng năm đối với huyết mạch tài chính cho Ukraine. Nhưng bằng cách này, Orbán có thể tuyên bố chiến thắng trên sân nhà khi nói rằng Hung Gia Lợi đã được xem xét lại.

Thỏa thuận này được đưa ra sau cuộc họp với các nhóm lãnh đạo nhỏ vào hôm thứ Năm. Michel và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cùng với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Ý đã tổ chức cuộc họp kín với thủ tướng Hung Gia Lợi. Cuộc họp sau đó được mở rộng với các nhà lãnh đạo khác, bao gồm Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.

Một số nhà ngoại giao đã từ chối những nhượng bộ khác dành cho Orbán, và áp lực ngày càng tăng từ các nhà lãnh đạo đã khiến Budapest thấy rõ rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ số tiền cho Ukraine. Một yếu tố quan trọng là xây dựng lại niềm tin giữa Hung Gia Lợi và Ủy ban Âu Châu, trong đó việc bổ sung thêm cơ chế có điều kiện là chìa khóa.

3. Đồng minh của Mỹ bị chỉ trích vì giúp Putin săn lùng người Nga phản chiến ở nước ngoài

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “US Ally Under Fire for Helping Putin Hunt Down Anti-War Russians Abroad”, nghĩa là “Đồng minh của Mỹ bị chỉ trích vì giúp Putin săn lùng người Nga phản chiến ở nước ngoài.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Michael McFaul, người từng là đại sứ Mỹ tại Nga từ năm 2012 đến năm 2014, nhận định rằng vụ bắt giữ một ban nhạc rock Nga chỉ trích cuộc xâm lược toàn diện Ukraine của Vladimir Putin ở Thái Lan đã làm dấy lên lo ngại rằng tầm ảnh hưởng của việc đàn áp những người bất đồng chính kiến của Điện Cẩm Linh đang lan rộng ra ngoài biên giới nước này.

McFaul nằm trong số những người kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hãy áp lực đồng minh thả các thành viên của nhóm Bi-2, bị cơ quan nhập cư Thái Lan ở Phuket bắt giữ vì làm việc không có giấy phép.

Nhóm này là một trong những ban nhạc rock thành công nhất của Nga trong 30 năm qua và đã sử dụng nền tảng của mình để lên án cuộc chiến ở Ukraine. Sau khi chỉ trích Putin trên mạng, ca sĩ chính của nhóm, Igor Bortnik, đã bị gắn mác “đặc vụ nước ngoài” — là cách gọi mà chính quyền Nga đưa ra trong một chiến dịch trấn áp những lời chỉ trích cuộc chiến ở Ukraine.

Theo McFaul, vào tháng 5 năm 2023, ca sĩ của ban nhạc Igor Bortnik đã viết trên Instagram của mình rằng anh ta sẽ không trở lại Nga, nói rằng, “mọi thứ mà nước Nga của Putin gây ra bây giờ chỉ là sự ghê tởm.”

Bảy thành viên của ban nhạc đã bị bắt vào ngày 24 Tháng Giêng vì các buổi biểu diễn trái phép khi đang đi du lịch Phuket, một hòn đảo ở miền nam Thái Lan nổi tiếng với khách du lịch Nga. Ban nhạc cho biết trên trang Facebook của mình rằng họ phải đối mặt với việc bị trục xuất và “áp lực từ bên ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc giam giữ chúng tôi” trong bối cảnh lo ngại việc bắt giữ họ có liên quan đến ảnh hưởng của Điện Cẩm Linh, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Mạc Tư Khoa có liên quan.

“Điều này thực sự nghiêm trọng. Chúng tôi không thể cho phép Putin bắt giữ người dân trên toàn thế giới”, McFaul nói hôm Thứ Tư, 31 Tháng Giêng, “Thái Lan là đồng minh của Mỹ, Bộ Ngoại giao cần phải chống lại điều này – có thể trở thành một tiền lệ rất xấu”.

Bill Browder, người từng có trụ sở tại Nga trước khi công ty Hermitage Capital của ông xích mích với chính quyền Nga. “Điều này hoàn toàn thái quá. Các chính phủ phương Tây nên gây áp lực rất lớn để Thái Lan không trả lại những nhạc sĩ vô tội này về Nga để đối mặt với án tù hoặc thậm chí tệ hơn,” ông viết.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết mối lo ngại là ba thành viên ban nhạc không có hai quốc tịch và đã đến Thái Lan bằng hộ chiếu Nga và họ có thể phải đối mặt với sự đàn áp nếu Bangkok trục xuất họ về Nga. Bốn trong số bảy người có hộ chiếu Israel, một trong số họ cũng có quốc tịch Australia.

Bortnik, đã rời Thái Lan đến Israel, theo một bài đăng trên tài khoản Facebook của ban nhạc hôm thứ Ba, trong khi những người còn lại vẫn “ở trong nhà tù di cư trong phòng giam chật chội dành cho 80 người”.

Nhà kinh tế học người Nga Konstantin Sonin, một nhà phê bình Điện Cẩm Linh, đồng thời là giáo sư tại Trường Chính sách công Harris của Đại học Chicago, đã đăng trên X: “ SOS Ban đầu nó trông không nghiêm trọng, nhưng bây giờ đã phát triển thành một cuộc khủng hoảng lớn đối với một nhóm nhỏ những người vô tội”, ông viết. “Ban nhạc bị nhắm đến vì họ khá công khai phản chiến và rất nổi tiếng.”

4. Thủ tướng Ukraine hoan nghênh Liên Hiệp Âu Châu phê duyệt gói viện trợ lớn

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hoan nghênh quyết định của Liên Hiệp Âu Châu phê duyệt gói viện trợ bổ sung 50 tỷ euro cho Ukraine.

Shmyhal viết: “Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu một lần nữa thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong các hành động đối với người dân Ukraine để chống chọi với chiến tranh”. Ông cho biết ông “biết ơn” Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu và lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu vì “sự ủng hộ không ngừng nghỉ” của họ.

Các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu hôm thứ Năm đã đạt được thỏa thuận cung cấp viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine - và họ đã đồng thanh làm như thế sau khi một số nhà lãnh đạo thuyết phục được người cản trở duy nhất, là Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, từ bỏ quyền phủ quyết của mình.

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel viết trên X, vài phút sau khi cuộc họp Hội đồng chính thức bắt đầu hôm thứ Năm: “Tất cả 27 nhà lãnh đạo đã đồng ý về gói hỗ trợ bổ sung trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine trong ngân sách Liên Hiệp Âu Châu”.

Ông nói thêm: “Điều này bảo đảm nguồn tài trợ ổn định, dài hạn, có thể dự đoán được cho Ukraine”.

5. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có công đầu khiến Orbán đồng ý viện trợ cho Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “How Giorgia Meloni and French hospitality got Orbán to OK Ukraine aid”, nghĩa là “Làm thế nào Giorgia Meloni và lòng hiếu khách của người Pháp đã khiến Orbán đồng ý viện trợ Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngay khi anh ta nghĩ mình đã ra ngoài, họ lại kéo anh ta trở lại.

Phải mất một cuộc tấn công quyến rũ kéo dài hàng tháng từ Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và một số chiêu đãi và ăn tối từ người Pháp để Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán đồng ý hỗ trợ gửi 50 tỷ euro viện trợ cho Ukraine.

Hai nhà ngoại giao từ các quốc gia không có chung quan điểm chính trị cực hữu với bà cho biết Meloni đã dẫn đầu cuộc trò chuyện với Orbán do mối quan hệ lâu năm của họ. Một nhà ngoại giao cho biết: “Bà ấy đã nhiều lần cố gắng trở thành cầu nối và có ấn tượng là lần này nó đã thành công”.

Quyết định này - đạt được tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hôm thứ Năm - là một quyết định quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu, những người muốn thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine đồng thời cho thấy họ có thể kiềm chế cuộc nổi dậy của Hung Gia Lợi. Orbán đã nhiều lần đe dọa sử dụng quyền phủ quyết mang tính chiến thuật đối với một loạt vấn đề của Âu Châu nhằm giành tiền từ Liên Hiệp Âu Châu.

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đã công bố bước đột phá quan trọng vào thời điểm viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine đã bị Quốc hội trì hoãn trong nhiều tháng và khi Ukraine cần nguồn tiền mặt quan trọng trong cuộc chiến trì trệ với Nga.

“Điều này cũng gửi một tín hiệu quan trọng tới Mỹ,” Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói trong phòng của các nhà lãnh đạo sau khi họ đạt được thỏa thuận, theo hai quan chức quen thuộc với cuộc thảo luận, giống như những người khác trong phần này, được giấu tên để phát biểu một cách tự do.

Bước vào cuộc họp hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng mặc dù có thể đạt được một thỏa thuận không có Hung Gia Lợi nhưng nó sẽ báo hiệu sự thiếu đoàn kết của Âu Châu đối với Nga.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết vào sáng thứ Năm trước khi thỏa thuận được công bố: “Hôm nay chỉ có một buổi biểu diễn trong thị trấn và đó là 27 buổi biểu diễn”.

Những người quen thuộc với văn phòng thủ tướng Ý cho biết bà đã bắt đầu cái gọi là công việc ngoại giao của mình từ nhiều tháng trước, với các cuộc đàm phán và gặp gỡ có sự tham gia của nhiều bộ trưởng và quan chức khác nhau, ngay cả trước khi 27 nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận về viện trợ Ukraine vào tháng 12, bởi vì Orbán khăng khăng rằng “Tôi sẽ không ủng hộ nó.”

Và vào tối thứ Tư, các phái đoàn đã làm việc đến tận đêm khuya để bảo đảm đạt được bước đột phá với Orbán.

Tuần này, Meloni đã tăng cường nỗ lực của mình, nói chuyện với Orbán qua điện thoại, gặp anh ta tại khách sạn sang trọng Amigo ở Brussels để trò chuyện kéo dài một giờ và một lần nữa vào sáng thứ Năm trước khi cuộc họp bắt đầu.

Tối thứ Tư, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã gặp Orbán, sau nhiều tuần tập trung xây dựng cầu nối với ông. Đầu tháng này, ông đã cố gắng lấy lòng nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi trong bữa trưa tại Elysée. Trong bữa trưa đó, Macron yêu cầu Orbán chia sẻ tầm nhìn của mình về cách hội nhập tốt hơn các nước Đông Liên Hiệp Âu Châu.

Người Pháp nhấn mạnh, Macron đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán này, một quan điểm được các quan chức không phải người Pháp lặp lại.

“Anh ta không bao giờ muốn chống lại Orbán, mà muốn lôi kéo anh ta vào cuộc. Đó là đường lối đang mang lại hiệu quả ngày hôm nay”, một người thân cận với tổng thống Pháp cho biết.

Một quan chức thông báo về cuộc thảo luận trong phòng cho biết, những hành vi xúc phạm quyến rũ này đã cho phép Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel ngay lập tức bắt đầu hội nghị thượng đỉnh bằng cách công bố thỏa thuận đã được chờ đợi từ lâu.

Michel bỏ qua các thủ tục, nhanh chóng trình bày chi tiết về thỏa thuận với Orbán, điều mà không nhà lãnh đạo nào phản đối, kể cả những nhượng bộ nhỏ đối với Hung Gia Lợi. Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu cho biết, một cuộc thảo luận hàng năm về gói viện trợ và việc xem xét “nếu cần” trong thời gian hai năm sẽ “cho phép Orbán giữ thể diện ở quê nhà”.

Hung Gia Lợi đã nhanh chóng xoay chuyển kết quả để giành chiến thắng cho Budapest. Giám đốc chính trị của Orbán, Balázs Orbán - người không có quan hệ họ hàng với Thủ tướng Hung Gia Lợi - tuyên bố Budapest đã đạt được những gì họ muốn sau hội nghị thượng đỉnh.

Balázs Orbán viết trên X: “Vào cuối năm đầu tiên, viện trợ cho Ukraine phải được đàm phán lại và vào cuối năm thứ hai, toàn bộ vấn đề sẽ được xem xét lại trong bối cảnh ngân sách Liên Hiệp Âu Châu cho giai đoạn tiếp theo”.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen nhấn mạnh không được nhượng bộ Orbán thêm nữa, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng vậy trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh.

Điều quan trọng hơn nữa trong việc đưa Budapest vượt giới hạn là một câu được bổ sung trong văn bản đề cập đến các kết luận của hội nghị thượng đỉnh trước đó, trong đó bảo đảm rằng cách thức pháp quyền ở Hung Gia Lợi được Ủy ban Âu Châu đánh giá được thực hiện một cách công bằng và khách quan. Điều này được thực hiện để khôi phục lại sự ngờ vực sâu sắc mà Budapest dành cho Ủy ban giải ngân tiền cho Hung Gia Lợi. Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu cho biết: “Orbán đã đạt được cam kết được đối xử công bằng.

Các nhà ngoại giao và quan chức cho biết Orbán chỉ cần nhượng bộ để tránh một cuộc khủng hoảng chính trị lớn. Và trước thông báo hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo đã không ngần ngại thể hiện Hung Gia Lợi là người nắm quyền.

“Hung Gia Lợi cần Âu Châu. Ông ấy cũng nên xem xét những gì có thể xảy ra đối với việc Hung Gia Lợi tham gia Âu Châu”, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói khi bước vào cuộc họp.

6. Nga đưa ra thông điệp đáng ngại về việc đối phó với 'mối đe dọa' NATO

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Issues Ominous Message About Dealing With NATO 'Threat'“, nghĩa là “Nga đưa ra thông điệp đáng ngại về việc đối phó với 'mối đe dọa' NATO”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh hôm thứ Tư đã gọi NATO là “mối đe dọa” đối với Nga trước khi gợi ý rằng có thể có phản ứng đối với các hành động gần đây của liên minh này.

“Tất nhiên đó là mối đe dọa đối với chúng tôi. Đó là mối quan ngại của chúng tôi và chúng tôi liên tục thực hiện các biện pháp thích hợp để đối phó với nó”, Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

Bình luận của Peskov được đưa ra khi được hỏi về cuộc tập trận quân sự của NATO có tên là “Người bảo vệ kiên định 2024”, được phát động vào tuần trước. Hoạt động của liên minh có sự tham gia của khoảng 90.000 quân nhân từ 31 đồng minh NATO và Thụy Điển.

Các quan chức NATO cho biết cuộc tập trận sẽ kiểm tra khả năng triển khai lực lượng nhanh chóng của các đồng minh cũng như thử nghiệm các kế hoạch phòng thủ mới. Điều này khiến các nhà phân tích quân sự cho rằng hoạt động này nhằm chuẩn bị cho khả năng xảy ra các cuộc xâm lược của Nga trong tương lai sau cuộc tấn công vào Ukraine gần hai năm trước.

Peskov cho biết: “Liên minh đã không ngừng di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của mình tới biên giới của chúng tôi trong nhiều thập kỷ qua”.

Peskov không phải là quan chức Nga đầu tiên cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra do cuộc tập trận của NATO. Sau khi cuộc tập trận được công bố vào đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã cảnh báo rằng nó có thể gây ra “biến cố quân sự”.

Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti trong một cuộc phỏng vấn đăng ngày 21 Tháng Giêng,, ông Grushko cho biết “các cuộc tập trận là một yếu tố khác của cuộc chiến hỗn hợp do phương Tây tiến hành chống lại Nga”.

Ông nói rằng “bất kỳ sự kiện nào ở quy mô này đều làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra sự việc quân sự và làm mất ổn định hơn nữa tình hình an ninh”.

Ông nói thêm: “Nhưng lợi ích an ninh Âu Châu ngày nay ít được những người lãnh đạo NATO quan tâm”. “Điều quan trọng đối với họ là duy trì công cụ gây ảnh hưởng này của Mỹ trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ quyền bá chủ của phương Tây trên thế giới vốn đã thất bại”.

Các quan chức Nga và các nhân vật truyền thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn thường xuyên gợi ý rằng Mạc Tư Khoa có thể tấn công các thành viên NATO vì đã viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch hội đồng an ninh của nước này, cho biết vào tháng 12 năm 2022 rằng các quốc gia hỗ trợ Kyiv có thể được coi là “mục tiêu quân sự hợp pháp”.

Peskov trước đây cho biết việc Nga xâm chiếm Ukraine đã phát triển thành một cuộc xung đột với toàn bộ liên minh NATO.

Ông nói với Newsweek vào tháng 3 năm ngoái: “Nó bắt đầu như một hoạt động chống lại chế độ Ukraine và trên thực tế, tiếp tục là một cuộc chiến chống lại NATO, với sự tham gia trên thực tế của nhiều quốc gia trong liên minh, bao gồm cả Hoa Kỳ”.

7. Đoạn phim Ukraine cho thấy hậu quả của cuộc chiến đô thị ở tàn tích Avdiivka

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Footage Shows Aftermath of Urban Combat in Ruins of Avdiivka”, nghĩa là “Đoạn phim Ukraine cho thấy hậu quả của cuộc chiến đô thị ở tàn tích Avdiivka.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đoạn phim mới xuất hiện cho thấy sự tàn phá xảy ra tại thị trấn Avdiivka sau nhiều tháng Nga tấn công liên tục vào khu định cư ở Donetsk.

Một đoạn clip ngắn được lực lượng đặc nhiệm Ukraine chia sẻ hôm thứ Tư cho thấy những tòa nhà bị cháy rụi, tan hoang và một người lính đang tìm đường đi qua những con đường phủ đầy tuyết trong thị trấn, nơi đã trải qua 10 năm ở tiền tuyến. Những mảnh vụn có thể nhìn thấy nằm rải rác khắp cảnh quan dưới những tán cây trơ trụi.

Đoạn phim ghi ngày tháng 1 năm 2024 nhưng không cung cấp thêm bất kỳ thông tin cụ thể nào. Newsweek đã liên hệ với lực lượng đặc biệt của Ukraine để bình luận qua email.

Nga phát động cuộc tấn công xung quanh Avdiivka vào ngày 10 tháng 10, khiến hàng ngàn người ở cả hai bên thiệt mạng ngay trước khi mùa đông khắc nghiệt kéo đến trên khắp Ukraine.

Mạc Tư Khoa đã đạt được những thành tựu chậm xung quanh khu công nghiệp trong những tháng kể từ đó. Mặc dù Nga ngày càng gia tăng các cuộc tấn công dọc theo tiền tuyến ở khu vực Kharkiv và Luhansk của Ukraine trong những tuần gần đây, Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Bảy cho biết Avdiivka là “ưu tiên chính” của Nga.

Chính phủ Anh cho biết Điện Cẩm Linh đã tiến hành một “cuộc tấn công ba mũi nhọn” nhằm bao vây Avdiivka từ phía nam và phía bắc, với giao tranh nổ ra ở rìa khu vực phía đông của Avdiivka. Bộ này cho biết quân đội Mạc Tư Khoa đang cố gắng tránh các công sự của Ukraine thông qua các đường hầm dịch vụ, đồng thời cho biết thêm rằng Ukraine có thể sẽ giữ quyền kiểm soát thị trấn trong vài tuần tới.

Một quan chức địa phương cho biết vào đầu tuần này rằng chỉ có chưa đến 1.000 cư dân vẫn ở Avdiivka và các nỗ lực di tản vẫn đang được tiến hành.

Việc chiếm được Avdiivka sẽ là một chiến thắng có ý nghĩa đối với Nga. Nó sẽ cho phép Mạc Tư Khoa mở rộng đáng kể các hoạt động hậu cần, gây nguy hiểm cho các hoạt động của Ukraine chống lại các vị trí của Nga ở thủ đô khu vực, Thành phố Donetsk, và có thể mở đường cho Nga đến Kostyantynivka - một “thành trì khá quan trọng”, cựu đại tá Ukraine, Serhiy Hrabsky, trước đây nói với Newsweek..

Thiết bị hạng nặng của Nga bị phá hủy gần đây được nhìn thấy ở ngoại ô thành phố Avdiivka ở Ukraine vào ngày 25 tháng 1 năm 2023. Một đoạn clip ngắn được lực lượng hoạt động đặc biệt Ukraine chia sẻ hôm thứ Tư cho thấy.

Hôm thứ Tư, Putin mô tả Avdiivka là một trong những điểm nóng giao tranh “quan trọng nhất”.

Ngược lại, Kostyantynivka trên đường tiếp cận các khu công nghiệp xung quanh Kramatorsk và Sloviansk, vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ukraine.

Tiến bộ của Nga xung quanh Avdiivka đã phải trả giá đắt. Tổn thất về phương tiện của Nga nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong cuộc tấn công của Điện Cẩm Linh, con số thương vong cũng tăng lên, giống như những gì đã xảy ra trong trận chiến kéo dài nhằm giành khu định cư Bakhmut ở Donetsk suốt năm 2023.

Bộ Quốc phòng Anh trước đó cho rằng Nga đã mất khoảng 200 xe thiết giáp trong ba tuần đầu tiên của cuộc tấn công vào Avdiivka, đồng thời cho biết thêm trong một phân tích cập nhật hôm thứ Hai rằng lực lượng mặt đất Nga ở Ukraine đã mất khoảng 365 xe tăng chiến đấu chủ lực kể từ đầu tháng 10.

Vào giữa Tháng Giêng, Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy nhóm lực lượng Tavria của Ukraine bao trùm Avdiivka, đã chia sẻ một hình ảnh cho thấy ảnh chụp nhanh các xe quân sự của Nga rải rác trên các cánh đồng xung quanh thành phố.

Tarnavskyi cho biết có “hàng trăm đơn vị thiết bị của Nga” dọc theo chiến tuyến gần thị trấn phía tây bắc thủ phủ khu vực, là Thành phố Donetsk.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết vào giữa tháng 12 rằng lực lượng Nga đã chuyển sang các cuộc tấn công do bộ binh dẫn đầu xung quanh Avdiivka để “bảo toàn xe thiết giáp sau hai đợt tấn công đầu tiên vào khu định cư”.

8. Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đã sáp nhập các đơn vị Wagner cũ vào lực lượng vệ binh quốc gia của mình

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, một lực lượng còn được gọi là Rosgvardia, đang kết hợp ba biệt đội tấn công cũ của Wagner vào đội hình quân đoàn tình nguyện đầu tiên của mình.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Bích Ngọc.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, Rosgvardia, đang kết hợp ba phân đội tấn công cũ của Wagner, số 15, 16 và 17, vào đội hình Quân đoàn Tình nguyện đầu tiên của mình. Vào ngày 25 tháng 12 năm 2023, Putin đã ký luật cho phép Rosgvardia thành lập đội tình nguyện viên của riêng mình.

Rosgvardia có thể sẽ triển khai các đội tình nguyện mới tới Ukraine và Phi Châu. Rosgvardia được cho là đang cung cấp cho các tình nguyện viên hợp đồng phục vụ trong 6 tháng ở Ukraine và hợp đồng 9 tháng để phục vụ ở Phi Châu.

Việc sáp nhập các đơn vị tấn công cũ của Wagner vào Quân đoàn tình nguyện của Rosgvardia rất có thể cho thấy rằng Wagner đã được sáp nhập thành công vào Rosgvardia, tăng cường quyền chỉ huy và kiểm soát của nhà nước Nga đối với Nhóm Wagner.

9. Bộ Y tế Ukraine cho biết 4 người bị thương trong vụ hỏa tiễn Nga tấn công cơ sở y tế Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 2 Tháng Hai, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết bốn người đã bị thương trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một cơ sở y tế ở khu vực phía đông Kharkiv, nơi gần đây đã bị bắn phá liên tục.

Cô cũng cho biết lực lượng Nga đã phóng 4 máy bay không người lái vào Ukraine chỉ trong đêm và hệ thống phòng không đã bắn hạ 2 chiếc ở Kharkiv.

Cô cũng đề cập đến cuộc tấn công hỏa tiễn vào cuối ngày thứ Tư nhằm vào một thị trấn gần Kupiansk, một thị trấn tiền tuyến mà lực lượng Nga đang cố gắng chiếm giữ. “Mặt tiền của tòa nhà hai tầng của cơ sở y tế, cửa sổ và mái nhà bị hư hại”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng 4 người bị thương và 38 người đã được di tản.

Trong khi đó, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ 11 máy bay không người lái của Ukraine trên lãnh thổ Nga trong đêm. Ông nói: “Đêm nay, nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái nhằm vào các địa điểm trên lãnh thổ Nga đã bị thất bại”. Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi.

“Lực lượng phòng không đã chặn và tiêu diệt máy bay không người lái trên các khu vực Belgorod và Kursk “ Tuyên bố cho biết, khoảng 03h30 sáng, 4 máy bay không người lái nữa đã bị bắn hạ ở vùng Belgorod và 2 chiếc ở vùng Voronezh.
 
Crimea dậy sóng: Trung Tướng Không Quân Nga trúng hỏa tiễn tử trận. 3 tháng tổn thất nặng nề của Nga
VietCatholic Media
16:00 02/02/2024


1. Trung Tướng không quân Nga Alexander Tatarenko tử trận

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Báo cáo cuộc tấn công căn cứ không quân Crimea khiến tướng không quân hàng đầu 'bị thanh lý'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Một tướng không quân hàng đầu của Nga đã thiệt mạng trong cuộc không kích vào Crimea hôm thứ Tư, theo báo cáo địa phương.

Nhiều kênh Telegram của Nga, trong đó có Crimea Wind, đưa tin Trung tướng Không quân Nga Alexander Tatarenko đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Ukraine vào phi trường quân sự Belbek ở Crimea.

Kênh Telegram Public Reserve Stugna, có hơn 73.000 người ghi danh, cho biết 10 quân nhân Nga đã bị “loại khỏi vòng chiến” trong vụ tấn công, trong đó có Tatarenko, chỉ huy đơn vị không quân tại căn cứ không quân Belbek.

Tatarenko, 63 tuổi, từng phục vụ ở vùng Viễn Đông của Nga, vùng Urals, Siberia và các khu vực phía bắc đất nước. Ông được bổ nhiệm làm tư lệnh Tập đoàn quân phòng không và không quân số 14 của Nga thuộc Quân khu trung tâm Liên bang Nga vào năm 2016, cơ quan truyền thông RBC của Ukraine đưa tin.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư cho biết họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công vào bán đảo Hắc Hải và bắn hạ 20 hỏa tiễn của Ukraine trên Crimea và Hắc Hải. Họ cho biết các mảnh vỡ từ hỏa tiễn đã rơi xuống lãnh thổ của một đơn vị quân đội gần căn cứ không quân Belbek, nhưng cho biết không có máy bay nào bị hư hại.

Chỉ huy lực lượng không quân Ukraine Mykola Oleshchuk hôm thứ Năm đã cảm ơn các phi công của ông đã thực hiện chiến dịch này.

Ông nói trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Các phi công Ukraine chắc chắn sẽ quay trở lại phi trường quê hương của họ an toàn”.

Yury Ignat, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng việc “phá hủy” cơ sở hạ tầng của Nga “sẽ làm giảm khả năng của Nga” và khả năng “tấn công đất nước chúng ta” của quân đội nước này.

“Chúng tôi có thể làm điều này ngay bây giờ vì chúng tôi có một số công cụ,” ông nói. “Việc tiêu diệt quân xâm lược ở Crimea… không còn là điều gì mới mẻ đối với chúng tôi, đây là công việc chiến đấu thông thường của lực lượng hàng không chiến thuật của chúng tôi. Đặc biệt, chúng tôi vừa có các hỏa tiễn hành trình tấn công quân xâm lược ở Crimea.

“Tất nhiên, chúng tôi cần nhiều vũ khí hơn và chúng tôi muốn nhận máy bay từ các đối tác của mình càng sớm càng tốt để có thể nâng cao khả năng của mình”.

Theo Kyiv, Nga đã mất đi một số lượng lớn tướng lĩnh và chỉ huy hàng đầu kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022. Mạc Tư Khoa hiếm khi xác nhận các báo cáo về cái chết của các chỉ huy hàng đầu của nước này.

Federico Borsari, thành viên Leonardo của Chương trình An ninh và Quốc phòng xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, nói với Newsweek vào tháng 9 rằng bằng cách loại bỏ các chỉ huy quân sự cao cấp của Nga, những người thường đưa ra mục đích, động lực và chỉ đạo, Ukraine đang tìm cách làm suy yếu năng lực của quân đội Nga để tiếp tục chiến tranh một cách có hiệu quả.

Borsari cho biết: “Đây là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm phá vỡ mạng lưới chỉ huy và kiểm soát của đối phương, với mục tiêu cuối cùng là làm suy giảm đáng kể khả năng lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động phối hợp của lực lượng Nga”.

2. Nga phải chịu tổn thất nặng nề nhất trong ba tháng kể từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Suffers Costliest Three Months Since Ukraine War Began: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv báo cáo rằng Nga phải chịu tổn thất nặng nề nhất trong ba tháng qua kể từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Năm chiến tranh thứ ba của Nga sẽ bắt đầu trong bối cảnh thương vong tăng vọt khi lực lượng của nước này tiến hành các cuộc tấn công mùa đông tại nhiều điểm dọc theo mặt trận dài 600 dặm ở miền nam và miền đông Ukraine.

Tháng Giêng chứng kiến 26.220 quân Nga “bị loại khỏi vòng chiến”, theo số liệu đối chiếu hàng ngày do lực lượng vũ trang Ukraine công bố, cũng như 339 xe tăng chiến đấu chủ lực bị loại khỏi vòng chiến.

Điều này khiến tháng Giêng trở thành tháng tốn kém thứ ba đối với quân nhân Nga ở Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022. Dữ liệu của Per Kyiv, chỉ có tháng 12 năm 2023 (29.970 quân) và tháng 11 năm 2023 (28.550) là đẫm máu hơn đối với người Nga.

Những con số nghiệt ngã hàng tháng đưa tổng số thương vong do Nga công bố ở Kyiv kể từ tháng 2 năm 2022 lên 386.230 và tổng số xe tăng bị phá hủy lên 6.322. Mạc Tư Khoa cũng mất 9.195 khẩu pháo, 663 hệ thống phòng không và 11.757 xe chiến đấu bọc thép, theo thống kê của Ukraine.

Con số tổn thất của Nga ở Ukraine cao đáng kinh ngạc, nhưng nhìn chung phù hợp với ước tính của các quan chức tình báo và quân đội Mỹ. Vào tháng 12, Reuters trích dẫn phân tích tình báo mật của Mỹ cho thấy Nga đã thiệt mạng và bị thương 315.000 binh sĩ trong cuộc xâm lược toàn diện.

Nếu chính xác, điều này có nghĩa là thương vong của Nga tương đương với gần 90% tổng số nhân sự mà nước này có khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Kusti Salm, thư ký thường trực của Bộ Quốc phòng Estonia, nói với Newsweek vào tháng 12 rằng Mạc Tư Khoa đã mất “nhiều hơn 50.000” quân nhân sáu tháng một lần.

Salm dự đoán những nỗ lực tấn công của Nga sẽ tiếp tục đến năm 2024 với “tỷ lệ tiêu hao rất cao”.

Một báo cáo của New York Times hồi tháng 8 dẫn lời các quan chức Mỹ ước tính số người Ukraine thiệt mạng là gần 70.000 người và 100.000 đến 120.000 người khác bị thương.

Bất chấp tổn thất tăng vọt, quân đội Nga lại tiếp tục tấn công ở Ukraine, tìm cách đảo ngược những gì Ukraine đã giành được vào mùa hè năm 2023 và hy vọng chiếm được lãnh thổ mới ở các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk, nằm trong số bốn khu vực bị tạm chiếm một phần của Ukraine mà Tổng thống tuyên bố sáp nhập. Vladimir Putin vào tháng 9 năm 2022.

Giám đốc Tổng cục Tình báo Quân sự Chính, gọi tắt là GUR, của Ukraine, Trung tướng Kyrylo Budanov, cho biết hôm thứ Ba rằng mặc dù có những thành công nhỏ gần đây, nhưng hiệu suất của quân đội Nga ở mặt trận phía đông “thậm chí không có gì” so với những gì Mạc Tư Khoa đã hình dung.

“Cuộc tấn công của họ vẫn tiếp tục,” ông nói. “Ở đâu đó vào đầu mùa xuân, nó sẽ hoàn toàn cạn kiệt.”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã gợi ý rằng bất chấp những lợi ích cục bộ, các đội hình của Nga dẫn đầu các cuộc tấn công mới xung quanh thành phố Kupyansk của Kharkiv “khó có thể chuyển những lợi ích chiến thuật này thành các cuộc diễn tập cơ giới hóa rộng rãi hơn cần thiết cho những tiến bộ đáng kể về mặt hoạt động có thể nắm bắt được”. thêm lãnh thổ ở tỉnh Kharkiv và đẩy tới biên giới hành chính của tỉnh Luhansk và Donetsk.”

Pavel Luzin, một nhà phân tích quân sự Nga và là học giả thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, nói với Newsweek rằng các cuộc tấn công gây thương vong cao của Mạc Tư Khoa phản ánh việc quân đội thiếu các lựa chọn sau gần hai năm chiến đấu đầy trừng phạt.

Ông nói: “Họ không có lựa chọn nào khác để thực hiện mệnh lệnh. “Và tất nhiên, họ không đủ can đảm để nói với Điện Cẩm Linh rằng cuộc chiến không thể thắng và phải kết thúc.”

Các nhà quan sát cho rằng Điện Cẩm Linh có ý định ổn định và mở rộng một chút việc xâm lược một phần Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine cho đến năm 2024, khi nước này tìm cách tồn tại lâu hơn Kyiv và các đối tác phương Tây.

Luzin nói: “Ổn định đường dây là một mục tiêu không thể thực hiện được. “Mục tiêu của Ukraine không phải là giải phóng lãnh thổ. Mục tiêu của Ukraine là loại bỏ mối đe dọa quân sự từ Nga và việc giải phóng lãnh thổ sẽ chỉ là một phần của mục tiêu chuẩn.”

3. Giám đốc tình báo Ukraine cho biết có thể sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Nga

Giám đốc tình báo Ukraine hôm thứ Năm cho biết lực lượng Kyiv đang lên kế hoạch tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Nga, sau một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở năng lượng của Nga trong năm nay, AFP đưa tin.

Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo đơn vị tình báo quân sự Bộ Quốc Phòng Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Số lượng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Nga có thể sẽ gia tăng”.

“Theo giả thuyết, có một kế hoạch để thực hiện tất cả những điều này. Tôi nghĩ rằng kế hoạch này có thể bao gồm tất cả các cơ sở hạ tầng quân sự và quan trọng ở Nga”, ông nói thêm trong một tuyên bố.

Trong nhiều tháng, Ukraine đã không bình luận công khai về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và các cuộc tấn công khác vào lãnh thổ Nga mà họ được cho là có liên quan. Nhưng trong những tháng gần đây, các cơ quan quân sự của Ukraine đã bắt đầu tuyên bố chịu trách nhiệm công khai về một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cách tiền tuyến hàng trăm km.

AFP cho biết họ gọi các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu khí của Nga là sự trả thù “công bằng” cho làn sóng tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của chính họ.

Bình luận của Budanov được đưa ra sau khi một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ cho biết Putin sẽ mong đợi một số “bất ngờ trên chiến trường”.

Tại Kyiv hôm thứ Tư, Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết bà tin tưởng rằng “khi Ukraine tăng cường phòng thủ, ông Putin sẽ có được một số bất ngờ thú vị trên chiến trường và Ukraine sẽ đạt được một số thành công rất mạnh mẽ”.

Budanov cũng kêu gọi Mỹ cung cấp chiến đấu cơ A-10 – còn được gọi là Thunderbolts – cho Ukraine để tăng cường khả năng tấn công. Budanov cho biết: “Máy bay tấn công A-10 có thể tăng cường đáng kể khả năng tiền tuyến của Ukraine”.

Washington là nhà cung cấp vũ khí chính của Ukraine, nhưng gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ Mỹ Kim mới nhất đã bị trì hoãn trong bối cảnh tranh cãi chính trị tại Quốc hội.

4. Chương trình ' The White Lotus ' đối mặt với lời kêu gọi tẩy chay

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'The White Lotus' Faces Boycott Calls, nghĩa là “Chương trình ' The White Lotus ' đối mặt với lời kêu gọi tẩy chay.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Chương trình trên kênh HBO được hoan nghênh The White Lotus trong mùa thứ ba sắp tới đang phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay vì tuyển diễn viên Miloš Biković, người ủng hộ Nga.

Biković, 36 tuổi, sinh ra ở Serbia, đã ghi danh đóng vai một chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong loạt phim do Mike White sáng tác với sự tham gia của Jennifer Coolidge trong hai mùa đầu tiên.

Việc tuyển diễn viên của Biković đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong các quan chức Ukraine, những người đã chia sẻ một đoạn video trên mạng xã hội cáo buộc nam diễn viên này ủng hộ cuộc chiến của Putin với Ukraine.

Đoạn video trong đó Biković bị coi là “người ủng hộ nạn diệt chủng” và là “cơ quan ngôn luận nước ngoài của Điện Cẩm Linh”, cho thấy nam diễn viên này tỏ ra ủng hộ việc Nga xâm lược Crimea — một hành động xảy ra trước khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022.

Biković, người đã trở thành công dân Nga theo sắc lệnh do Putin ký vào năm 2021, đã đến Crimea nhiều lần, kể cả để làm việc. Sau đó, anh ta bị cấm vào Ukraine vào năm 2019.

Một phần video được Bộ Ngoại giao Ukraine chia sẻ cho thấy Biković đang nói chuyện thân mật với Putin, người đã trao cho anh ta huy chương văn hóa vào năm 2018. Biković đã làm việc và sống ở Nga hơn một thập kỷ.

“Miloš Biković, diễn viên người Serbia, người đã ủng hộ Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, hiện sẽ đóng vai chính trong The White Lotus Season 3 của HBO,” chú thích đi kèm video. “@HBO, bạn có được làm việc với một người ủng hộ nạn diệt chủng và vi phạm luật pháp quốc tế không?”

Các báo cáo về việc tuyển diễn viên của Biković đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ người dùng X, một trong số họ đã viết: “hãy tẩy chay The White Lotus.”

“Đã đến lúc tẩy chay The White Lotus”, một người khác bình luận. “Dù sao thì nó cũng sẽ tệ lắm nếu không có Jennifer Coolidge.”

“Tẩy chay @HBO White Lotus,” một người khác lặp lại, trước khi chia sẻ một phần tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine.

Giữa cuộc tranh luận, Bộ Ngoại giao Serbia đã bảo vệ Biković, coi những cáo buộc rằng anh ta đứng về phía tội diệt chủng là “vô căn cứ”.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng những tuyên bố của phía Ukraine là vô căn cứ vì Miloš Biković trên hết là một trong những diễn viên Serbia tài năng và nổi tiếng nhất trong thế hệ của anh ta, người dù còn trẻ nhưng cũng đã để lại dấu ấn trong điện ảnh quốc tế Serbia,” theo một tuyên bố trên hãng thông tấn Tanjug của Serbia.

Ngay sau khi lực lượng Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Biković đã chia sẻ trong một bài đăng trên Instagram mong muốn không có chiến tranh.

“Mỗi cuộc xung đột đều có những hoàn cảnh riêng,” anh ta viết một phần bằng tiếng Nga. “Và điều tồi tệ nhất là chiến tranh và đổ máu ở hai bên nhắc nhở chúng ta rằng nhân loại còn cách xa sự hiệp nhất và tình yêu. Xin Chúa cứu mạng sống của tất cả những người hiện đang gặp nguy hiểm.”

5. Lính Nga bị thương phàn nàn về việc bị 'vứt bỏ ' mà không có thuốc

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wounded Russian Soldiers Complain About Being 'Dumped' Without Medicine”, nghĩa là “Lính Nga bị thương phàn nàn về việc bị ' vứt bỏ ' mà không có thuốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Bích Ngọc.

Một nhóm binh sĩ Nga bị thương khi chiến đấu ở Ukraine mới đây đã tung ra một đoạn video trong đó họ thảo luận về việc bị “vứt bỏ” tại bệnh viện dã chiến mà không có thuốc men cần thiết.

Đoạn clip được chia sẻ lên X () vào hôm thứ Năm bởi WarTranslation, một dự án truyền thông độc lập chuyên dịch các tài liệu về cuộc chiến Nga-Ukraine sang tiếng Anh.

“Đây là các bệnh nhân và cách họ được điều trị trong những điều kiện như thế nào đây,” một người lính thuật lại video nói ở đầu clip, theo chú thích của WarTranslation, trong khi máy quay lia xung quanh nơi có vẻ là một tầng hầm với ít vật dụng.

“Chúng tôi không cần thiết với bất cứ ai ở bất cứ đâu. Họ vừa bỏ rơi chúng tôi,” người kể chuyện tiếp tục. “Tôi đã được kê toa bao gồm thuốc tiêm, thuốc viên...nhưng tôi chỉ nằm đây và không được cho bất cứ thứ gì. Chúng tôi sống còn tệ hơn cả những người vô gia cư chết tiệt.”

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cũng đăng video về các binh sĩ trên X hôm thứ Năm.

Trong bài đăng của mình, Gerashchenko cho biết các quân nhân thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới số 144 của Nga và đã quay video của họ từ bên trong một bệnh viện dã chiến ở khu vực Kherson của Ukraine bị Nga tạm chiếm.

Gerashchenko viết: “Họ nói rằng họ bị bỏ ngủ trên sàn nhà…Nhiều người đã được kê đơn điều trị nhưng không được cho bất kỳ loại thuốc nào”.

WarTranslation thường xuyên đăng tải video binh lính Nga bày tỏ sự bất bình với Vladimir Putin hoặc các nhà lãnh đạo quân sự Nga. Vào tháng 11, tài khoản X của WarTranslation đã chia sẻ một đoạn video có sự góp mặt của một người đàn ông tự nhận mình là lính Nga. Ông khẳng định bộ chỉ huy quân sự Mạc Tư Khoa đã ra lệnh cho ông trở về Ukraine, mặc dù ông đã bị mất một mắt khi chiến đấu trong chiến tranh.

Dự án truyền thông này cũng đã đăng tải một đoạn video trước đó vào tháng 11 trên X được cho là quay cảnh những người lính Nga khỏa thân bị buộc phải ở trong một cái hố vì họ không chịu chiến đấu. Tương tự, WarTranslation đã đăng một đoạn video vào cuối tháng 6 về một đại đội Storm-Z của quân đội Nga nói rằng họ sẽ không quay trở lại cái mà họ gọi là “máy xay thịt” tiền tuyến.

Trong khi đó, giao tranh vẫn tiếp diễn giữa lực lượng Nga xâm lược và quân đội Ukraine ở vùng Kherson, nơi các binh sĩ bị thương được cho là đã quay video của họ. Theo báo cáo, không bên nào đạt được lợi ích, trong khi Kyiv cho biết quân đội của họ đã ngăn chặn các cuộc tấn công “tăng cường” từ bộ binh Nga.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, trong một đánh giá hôm thứ Tư đã viết rằng “các cuộc giao tranh định vị vẫn tiếp tục ở bờ đông” của sông Kherson gần làng Krynky.

Viện nghiên cứu này đưa tin rằng Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Thiếu tá Nataliya Humenyuk, cho biết lực lượng Nga “gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công bộ binh ở bờ đông Kherson và 70% quân nhân Nga bị thương vong trong các cuộc tấn công này”.

“Humenyuk tuyên bố rằng các lực lượng Nga ở bờ đông sông Dnipro đang cố gắng tăng cường sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất lên tới 70 máy bay không người lái mỗi ngày, nhưng lực lượng Ukraine có thể thường xuyên hạ gục một nửa trong số đó bằng hỏa lực vũ khí hạng nhẹ và các hệ thống tác chiến điện tử”.

6. Cập nhật Crimea: Hạm đội Hắc Hải của Nga chịu thêm một tổn thất nữa

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Cập nhật Crimea: Hạm đội Hắc Hải của Nga chịu thêm một tổn thất nữa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Cuộc tấn công hôm thứ Tư nhằm vào tàu chiến Ivanovets của Hạm đội Hắc Hải của Nga gần Crimea bị Nga sáp nhập đánh dấu cuộc tấn công thành công thứ 26 của Ukraine vào một tàu Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Bộ Quốc phòng Ukraine công bố đoạn phim vào ban đêm cho thấy khoảnh khắc máy bay không người lái trên biển tấn công tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn siêu thanh của Nga ở cảng Hồ Donuzlav. Không rõ có thương vong hay không.

Hãng tin độc lập của Nga The Insider đưa tin kể từ khi Putin cố gắng xâm chiếm Ukraine vào ngày 24/2/2022, ít nhất 26 tàu Nga đã bị lực lượng Kyiv tấn công. Hạm đội Hắc Hải đã bị Ukraine nhắm đến khi nước này tìm cách đảo ngược việc sáp nhập Crimea năm 2014 của Putin. Khu vực này đóng vai trò là trung tâm hậu cần trung tâm của Nga cho lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine.

“Con tàu đắm trong ngày!” Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm, đồng thời cho biết thêm rằng hoạt động phá hủy tàu được thực hiện bởi các binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt Nhóm 13 của Ukraine. Nhóm này được hỗ trợ bởi Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine và nền tảng United24, Tổng cục Tình báo Chính Ukraine cho biết.

“Do một số cú va chạm trực tiếp vào thân tàu, tàu hộ tống bị hư hỏng, lăn về phía đuôi tàu và chìm. Giá trị của con tàu vào khoảng 60-70 triệu Mỹ Kim”, Bộ Quốc phòng cho biết thêm. “Làm tốt lắm, các chiến binh!”

Trong khi Điện Cẩm Linh chưa bình luận về vụ việc, các blogger quân sự Nga cho biết Ukraine đã đánh chìm tàu.

Theo Telegram Rybar của Nga, Ukraine đã triển khai ít nhất 9 thuyền không người lái của hải quân rời khu vực phía tây Odesa tới Crimea và 4 chiếc trong số đó đã bị lực lượng Nga phá hủy. Một chiếc phát nổ bên cạnh tàu chiến Ivanovets, “làm hỏng nó”.

Yuri Kotenok, phóng viên chiến trường người Nga, blogger và nhà phân tích điều hành kênh Telegram Voenkor Kotenok Z, cho rằng ba thuyền không người lái của hải quân đã tấn công con tàu.

Nhà quan sát truyền thông Nga, Tiến sĩ Ian Garner, nói trên X,, rằng “tin tức về con tàu Nga bị đánh chìm mới nhất đã phơi bày sự bất lực đáng thất vọng trên Telegram của Nga: 'Không có gì để nói biện minh cho điều đó vào thời điểm này.'“

“Hãy chú ý đến phản ứng của biểu tượng cảm xúc: không phải nước mắt mà là cơn thịnh nộ,” anh ta viết, đề cập đến biểu tượng cảm xúc mà người dùng Telegram sử dụng để phản ứng với tin tức.

Garner nói thêm: “Nga không thể duy trì tình trạng này mãi được”.

Hạm đội Hắc Hải của Nga đã chịu nhiều thương vong trong suốt cuộc chiến. Soái hạm của nó, Moskva, bị tấn công vào tháng 4 năm 2022. Vào tháng 9 năm 2023, Ukraine tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol, được cho là đã giết chết một số sĩ quan chỉ huy và hạ gục một tàu ngầm Nga.

Ít nhất 37 thủy thủ Nga được cho là đã thiệt mạng khi Ukraine phá hủy tàu đổ bộ Novocherkassk của Nga vào tháng 12.

Kênh Telegram Crimea Wind đưa tin hôm thứ Năm rằng đã xảy ra một đám cháy ngoài khơi bờ biển Crimea. Không rõ đám cháy có thể là gì, nhưng họ lưu ý rằng trong khu vực bị ảnh hưởng “có nhiều tàu chở hàng khô và tàu chở dầu” đã tắt hệ thống nhận dạng.

“Các máy bay không người lái trên biển của Ukraine đang tiến tới Trifecta?” người theo dõi truyền thông Nga đã hỏi “Jay in Kyiv” trong một bài đăng trên X. “Một con tàu khác đang bốc cháy cách Crimea 80 km về phía nam theo kênh Crimea Wind Telegram.”

Ông nói thêm: “Người Nga đi du lịch mà không tắt bộ thu tín hiệu nên chúng tôi chưa thể xác nhận đó là con tàu nào”. “Tàu chở dầu, tàu chiến Nga, hay tàu chở ngũ cốc Ukraine bị đánh cắp?

7. Ukraine than thở về các phán quyết 'không có răng' của tòa án Liên Hiệp Quốc chống lại Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “‘Sign of the times’: Ukraine laments UN court’s ‘toothless’ ruling against Russia”, nghĩa là “Dấu chỉ thời đại: Ukraine than thở về các phán quyết 'không có răng' của tòa án Liên Hiệp Quốc chống lại Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong vụ án kéo dài 9 năm, Tòa án Công lý Quốc tế, gọi tắt là ICJ đã bác bỏ hầu hết các cáo buộc của Ukraine về việc Nga phân biệt chủng tộc và tài trợ khủng bố.

Ukraine tuyên bố không hài lòng với phán quyết hôm thứ Tư của Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague trong vụ án 9 năm cáo buộc Nga hỗ trợ khủng bố và phân biệt chủng tộc.

Tòa án nhận định rằng Nga đã thất bại trong việc “ngăn chặn các hành vi phạm tội tài trợ khủng bố” liên quan đến hoạt động của các nhóm vũ trang ở các tỉnh Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine, vốn bị Mạc Tư Khoa xâm lược từ năm 2014.

Phán quyết cũng thừa nhận rằng Nga đã vi phạm nghĩa vụ không phân biệt đối xử với người thiểu số nói tiếng Ukraine trong lĩnh vực giáo dục, với lý do số lượng trường học tiếng Ukraine ở Crimea bị tạm chiếm đã giảm 80%.

Tuy nhiên, tòa án không ủng hộ phần lớn các cáo buộc của Ukraine chống lại Nga, bao gồm cả việc phá hủy Mejilis, cơ quan đại diện cao nhất của Crimea Tatars, và nhiều vụ bắt giữ bất hợp pháp sau khi nước này xâm lược Crimea. Người Tatar là nhóm dân tộc nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và là nhóm thiểu số ở Crimea.

Lana Zerkal, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine và đại diện của nước này tại tòa án, nói với POLITICO: “Tôi thất vọng vì quyết định không có căn cứ của tòa án”. “Đây là mức tối thiểu so với những gì chúng tôi yêu cầu.”

Zerkal cho biết tòa án Liên Hiệp Quốc có cơ hội tạo ra tiền lệ lịch sử bằng cách công nhận một quốc gia là nhà tài trợ cho khủng bố, đồng thời lưu ý rằng Nga đã cung cấp cho các nhóm vũ trang ở miền đông Ukraine hỏa tiễn, bom và tiền – biết rằng số tiền đó sẽ được sử dụng để giết người và đe dọa thường dân.

Tuy nhiên, tòa án đã hạn chế định nghĩa về tài trợ khủng bố đối với các hoạt động tài chính không bao gồm tiền mặt, vũ khí và đạn dược. Điều này bất chấp phán quyết năm 2022 của tòa án Hà Lan kết án chung thân hai công dân Nga và một người ly khai Ukraine vì vụ bắn rơi chuyến bay 17 của Malaysia Airlines trên bầu trời Ukraine năm 2014. Những kẻ phạm tội đã sử dụng hệ thống hỏa tiễn BUK do Nga sản xuất do Mạc Tư Khoa cung cấp cho họ.

Zerkal nói: “Điều này tạo ra khoảng trống lập pháp. “Ngày nay, tài trợ khủng bố xuất hiện dưới mọi hình thức – bao gồm tiền mặt, vũ khí và bitcoin. Nhưng tòa án bảo thủ của Liên Hiệp Quốc đã ra phán quyết rằng đó không phải là tài trợ khủng bố nếu đó không phải là một hoạt động chuyển tiền tiêu chuẩn.”

Yêu cầu thứ hai của Ukraine phần lớn cũng không được chấp nhận, khi các thẩm phán nói rằng họ thiếu bằng chứng cho thấy lệnh cấm Mejilis được đưa ra trên cơ sở chủng tộc.

Zerkal nói rằng đối với cô, giờ đây rõ ràng là Nga sẽ không bị trừng phạt vì hành động của mình ở Ukraine kể từ năm 2014. “Tôi nghĩ đây là dấu hiệu của thời đại. Giống như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể làm gì, tòa án Liên Hiệp Quốc cũng không thể”.

Ukraine đã đệ đơn khiếu nại vào năm 2017, cáo buộc có nhiều hành vi vi phạm Công ước quốc tế về ngăn chặn tài trợ khủng bố và Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

8. Nhà lập pháp Nga cho biết Phái đoàn Bắc Hàn sẽ tới thăm Mạc Tư Khoa

Một phái đoàn Bắc Hàn sẽ đến thăm Hạ viện Quốc hội Nga vào ngày 13 Tháng Hai, hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời một phó đảng Cộng sản đối lập cho biết hôm thứ Năm.

Theo Reuters, nghị sĩ Kazbek Taysaev cũng cho biết, một phái đoàn quốc hội Nga dự kiến tới Bắc Hàn vào tháng 3.

Nga đã tăng cường quan hệ với Bắc Hàn và các quốc gia thù địch với Mỹ như Iran kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Ukraine - mối quan hệ giữa Nga và Bắc Hàn đang là mối quan ngại của phương Tây.

Putin năm ngoái đã chấp nhận lời mời của ông Kim Chính Ân tới thăm Bắc Hàn dù ngày tháng của chuyến đi vẫn chưa rõ ràng. Điện Cẩm Linh hồi tháng trước cho biết chuyến thăm của ông Putin sẽ diễn ra trong tương lai gần.

Mỹ cáo buộc Bắc Hàn cung cấp cho Nga đạn pháo và hỏa tiễn được sử dụng trong cuộc chiến Ukraine. Cả Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đều phủ nhận cáo buộc của Mỹ nhưng năm ngoái cam kết sẽ tăng cường quan hệ quân sự.

9. Latvia cấm các đội tuyển quốc gia thi đấu với Nga hoặc Belarus dưới bất kỳ màu cờ nào

Reuters đưa tin, như một cử chỉ đoàn kết với Ukraine, Quốc hội Latvia hôm thứ Năm đã bỏ phiếu cấm các đội tuyển quốc gia của họ thi đấu với bất kỳ đội tuyển quốc gia nào của Nga và Belarus bất kể họ có thể thi đấu dưới lá cờ nào.

Các đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ của Nga và đồng minh Belarus đã bị cấm thi đấu ở nhiều sự kiện quốc tế sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022.

Ủy ban Thế vận hội Latvia cho biết động thái này sẽ không ảnh hưởng đến việc nước này tham dự Thế vận hội ở Paris vì Ủy ban Olympic quốc tế chỉ cho phép các cá nhân vận động viên Nga hoặc Belarus - chứ không phải các đội - tham gia với tư cách trung lập mà không có cờ.

Điền kinh, sự kiện lớn nhất của Thế vận hội Olympic, đã duy trì lệnh cấm toàn diện đối với các vận động viên của cả hai quốc gia, bao gồm cả các cá nhân.

Trong một tuyên bố, quốc hội cho biết Latvia, thành viên Liên Hiệp Âu Châu, có biên giới với cả Nga và Belarus, đã thông qua luật “nhằm nhấn mạnh lại tình đoàn kết của Latvia với Ukraine và về cơ bản ngăn chặn mọi nỗ lực của Nga nhằm hợp pháp hóa tội ác chiến tranh của nước này thông qua ngành thể thao”.

UEFA vào tháng 9 đã khôi phục các đội U17 Nga tham dự các giải đấu Âu Châu, nói rằng “trẻ em không nên bị trừng phạt vì những hành động mà trách nhiệm hoàn toàn thuộc về người lớn”.

Tuy nhiên, quyết định đó đã bị đảo ngược trong vòng vài tuần sau khi các quốc gia khác đe dọa tẩy chay, bao gồm cả Vương quốc Anh.

Tháng 4 năm ngoái, Ukraine đã cấm các đội tuyển thể thao quốc gia của mình thi đấu tại các sự kiện Olympic, không thuộc Olympic và Paralympic có sự tham gia của các đối thủ đến từ Nga và Belarus. Lệnh cấm đã được giảm bớt vào tháng 7 để cho phép các vận động viên thi đấu với các vận động viên Nga hoặc Belarus thi đấu dưới lá cờ trung lập, vì lo ngại rằng lập trường cứng rắn như vậy sẽ loại Ukraine khỏi Thế vận hội Paris.
 
HĐGM Tiệp ra tuyên cáo bác bỏ Tuyên ngôn Fiducia. Xả súng ở Palm Bay: một linh mục bị thiệt mạng
VietCatholic Media
17:54 02/02/2024


1. Linh mục Công Giáo Orlando trong số bốn người thiệt mạng trong vụ nổ súng ở Palm Bay

Theo một tuyên bố của giáo phận, một linh mục Công Giáo đã nghỉ hưu thuộc Giáo phận Orlando và em gái của ngài nằm trong số bốn người thiệt mạng trong vụ xả súng chiều Chúa Nhật 28 Tháng Giêng, ở Palm Bay, Florida.

Cha Robert Hoeffner, người kỷ niệm 50 năm chức linh mục vào năm ngoái, được tường trình đã bị một người đàn ông 24 tuổi tên là Brandon Kapas sát hại vào Chúa Nhật, ngày 28 Tháng Giêng. Ngoài Cha Hoeffner và em gái ngài, Sally, kẻ bị tình nghi là kẻ xả súng cũng được cho là đã giết ông nội của mình, William Kapas, và một người khác vẫn chưa được tiết lộ tên.

Vụ bắn chết Cha Hoeffner và em gái diễn ra ở một địa điểm khác với vụ bắn ông nội của Kapas và một người chưa được xác định danh tính. Động cơ của vụ xả súng vẫn chưa rõ ràng.

Theo Cảnh sát trưởng Palm Bay Mariano Augello, người đã đề cập đến vụ việc trong một cuộc họp báo, cảnh sát đã bắn chết nghi phạm xả súng vào hôm Chúa Nhật sau khi anh ta bắn vào cảnh sát và làm bị thương hai viên chức. Augello nói rằng cả hai viên chức cảnh sát “sẽ sống sót”.

Đức Giám Mục John Noonan đã đưa ra một tuyên bố thương tiếc “sự mất mát bi thảm của bốn sinh mạng này” và nói rằng “chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn họ được yên nghỉ và gửi lời cầu nguyện đến gia đình họ”.

“Cha Robert 'Bob' Hoeffner và em gái của ngài, Sally, cả hai đều bị sát hại thảm khốc ngày hôm qua,” Đức Cha Noonan nói trong một tuyên bố do Giáo phận Orlando cung cấp cho CNA.

Noonan nói: “Trong suốt chức linh mục của mình, Cha Hoeffner đã phục vụ dân Chúa với lòng trắc ẩn và khiêm nhường.

“Chúng ta sẽ nhớ sự hiện diện đầy ân sủng của ngài. Chúng ta biết ngài và em gái ngài đã được Chúa đón nhận với lòng thương xót và yêu thương. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho hai viên chức cảnh sát bị thương ngày hôm qua và cho các công chức của chúng ta, những người bảo vệ cộng đồng của chúng ta và bày tỏ lòng biết ơn đối với họ trong thời điểm khó khăn này”, ngài nói.

Cha Hoeffner từng là cha sở tại Nhà thờ Công Giáo St. Joseph ở Palm Bay trước khi nghỉ hưu.

Sau vụ xả súng, Augello hoan nghênh các viên chức của mình và nói rằng cái chết của tay súng được cho là do hành động của chính anh ta.

Augello nói: “Hai viên chức của chúng tôi đã bị bắn hôm nay do đang thực hiện công việc của họ và đó là để bảo vệ và phục vụ cộng đồng của chúng tôi cũng như các thành viên và công dân của chúng tôi ở Palm Bay. “Chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ ai giơ súng hoặc sử dụng bất kỳ loại vũ lực gây chết người hoặc gây hấn nào đối với các viên chức cảnh sát của chúng tôi.”


Source:Catholic News Agency

2. Hội đồng Giám mục Tiệp ra tuyên cáo bác bỏ Tuyên ngôn Fiducia supplicans

Hội đồng Giám mục Tiệp nhận định rằng việc chúc lành cho những người sống trong những quan hệ “bất hợp lệ không phù hợp với giáo huấn của Giáo hội và vì thế không phù hợp với ý Chúa.”

Trong thông cáo mục vụ về Tuyên ngôn Fiducia supplicans, Lòng tín thác khẩn cầu, do Bộ Giáo lý đức tin ban hành ngày 18 tháng Mười Hai năm ngoái, cho phép chúc lành mục vụ, ngoài phụng vụ, cho những cặp sống trong những tương quan bất hợp lệ, các giám mục Tiệp nhận xét rằng mặc dù Tuyên ngôn của Bộ không chấp nhận cho chúc lành theo các nghi lễ và kinh nguyện có thể tạo nên lẫn lộn và giáo lý của Giáo hội về hôn nhân không có gì thay đổi, nhưng Hội đồng Giám mục Tiệp nhận xét rằng có thể có những đối nghịch thực hành giữa đạo lý và mục vụ. Thông cáo của các giám mục muốn ngăn chặn làm sao để một số chỉ dẫn trong tuyên ngôn của Bộ Giáo lý đức tin đừng gây ra những lẫn lộn, lo âu và nghi ngờ nơi dân Chúa.

Trong ý hướng đó, các giám mục Tiệp khẳng định rằng: bất kỳ ai chúc lành cho những người sống trong những tương quan bất hợp lệ cần để ý tới những điểm sau đây:

Mục đích việc chúc lành mục vụ là để cố gắng cứu độ mỗi người, đó là sứ mạng và mục đích của Giáo hội.

Trước khi chúc lành, người chúc lành phải thông tin trung thực và đầy đủ về mục đích của việc chúc lành này, đó là lời cầu xin mọi sự lành và củng cố ý muốn sống theo ý Chúa và đồng thời cầu xin được giải thoát khỏi những gì trái ngược với Tin mừng.

Việc chúc lành được ban cho con người làm sao để tránh có vẻ chấp thuận, hợp thức hóa hoặc nâng việc chúc lành này lên hàng bí tích hôn phối.

Việc chúc lành phải vắn tắt, cô đọng, đơn sơ, ví dụ dưới hình thức một kinh nguyện đơn giản, và kết thúc với dấu thánh giá trên mỗi người.

Nếu những người xin chúc lành không hiểu mục đích nói trên của việc chúc lành thì đừng chúc lành và cầu nguyện cho họ.

Và các giám mục Tiệp kết luận rằng: Chúng tôi hy vọng thái độ cởi mở và nhân hậu này của Giáo hội sẽ giúp nhiều người suy nghĩ sâu xa hơn về tình trạng của họ và chín chắn trong quyết định trở lại cuộc sống phù hợp với các nguyên tắc của Tin mừng.

3. Linh mục nói: Bất chấp sự đàn áp, ‘Giáo hội vẫn tồn tại ở Nicaragua’

Mặc dù bị chế độ của Daniel Ortega đàn áp trong nhiều năm, “Giáo hội vẫn tồn tại ở Nicaragua”, một linh mục từ nước này nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA.

Vị giáo sĩ, người muốn giấu tên vì lý do an ninh, nói rằng “các cộng đồng giáo xứ và các gia đình tiếp tục phải chịu đựng việc trục xuất các mục tử và người thân của họ”.

Ngài than thở rằng “thêm vào nỗi đau khổ này là nỗi đau khổ của hơn 90 tù nhân chính trị, trong số đó có nhiều giáo dân cộng tác với Giáo Hội Công Giáo trong nước”, những người đang bị cầm tù và bị tra tấn tâm lý liên tục.

Ngài nói: “Họ đã trục xuất các linh mục của chúng tôi, họ đã phong tỏa tiền của giáo xứ và giáo phận, nhưng Giáo hội ở Nicaragua vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển”.

Đối với vị linh mục người Nicaragua, điều này là do “Thiên Chúa là Đấng điều hành Giáo hội, với quyền năng của Thánh Thần Ngài và Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng đồng hành cùng dân chúng chúng ta”.

Ngài nhấn mạnh thêm rằng “Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ cũng không phải là phe đối lập, như chính phủ Ortega tin tưởng; Giáo Hội là một cái gì đó vượt xa điều đó.”

Chứng từ sống động của Đức Giám Mục Álvarez

Sau 527 ngày ở tù, Đức Giám Mục Rolando Álvarez của Matagalpa được trả tự do và bị trục xuất vào ngày 14 Tháng Giêng sang Rôma cùng với Đức Giám Mục Isidoro Mora và các linh mục, chủng sinh khác.

Vị linh mục nhận xét: “Từ bóng tối trong phòng giam của mình ở 'La Modelo', nhà tù nơi các linh mục và tín hữu khác cũng bị giam cầm, Đức Cha Álvarez là một nhân chứng sống động của đức tin và là ánh sáng cho tất cả người Công Giáo ở Nicaragua”.

Ngài than thở sau khi trục xuất các vị Giám Mục và linh mục, cuộc bách hại vẫn tiếp tục. Ngài giải thích: “Các bài giảng được ghi lại với yêu cầu rõ ràng là không cầu nguyện cho Đức Giám Mục Rolando Álvarez.

Vị giáo sĩ người Nicaragua lưu ý rằng sau khi Đức Cha Álvarez bị trục xuất, vài ngày sau, ba linh mục thuộc Dòng Truyền giáo Thánh hiến của Dòng Chúa Cứu Thế đã bị bắt cóc và đày sang Mễ Tây Cơ.

“Các linh mục và giám mục đều im lặng. Các hoạt động mục vụ và thiêng liêng được tổ chức bên ngoài với sự tham dự đông đảo của các tín hữu như các cuộc rước kiệu, cũng như việc cử hành các ngày lễ kính các vị thánh bảo trợ và Tuần Thánh, cũng bị cấm.”

“Tuy nhiên, các linh mục vẫn tiếp tục công việc của mình với nhiều hạn chế, nhiều người trong số họ bị theo dõi hàng ngày khi họ thực hiện các hoạt động mục vụ theo lịch trình của mình”, ông than thở.

Đây là thực tế của Nicaragua, “trong nhiều năm đã phải chịu đàn áp tôn giáo, ngày càng có hệ thống, điều mà chế độ Sandinista đã gia tăng trong những tháng gần đây”.

Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng “mọi người không ngại bày tỏ đức tin của mình” và chỉ ra rằng trong thời gian Đức Cha Álvarez ở trong tù, “ngài đã thuyết giảng cả ngày lẫn đêm” bằng sự đau khổ vì đức tin của mình. “Lời chứng của ngài đã khuyến khích niềm hy vọng, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi và khiến chế độ độc tài phải run sợ.”

Vào ngày 4 tháng 8 năm 2022, Đức Cha Álvarez, người cũng là giám quản tông tòa của giáo phận Estelí, đã bị cảnh sát của chế độ buộc phải giam giữ tại nơi ở của ngài cùng với bốn linh mục, một phó tế, hai chủng sinh và một giáo dân đã ở cùng ngài.

Tất cả họ vẫn bị bao vây và không được phép rời đi khi rạng sáng ngày 19 tháng 8, họ được chuyển đến thủ đô Managua. Các giáo sĩ bị giam trong nhà tù La Modelo bên ngoài thị trấn, trong khi Đức Cha Álvarez bị quản thúc tại gia trong thành phố.

Trong một thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vào ngày 9 tháng 2 năm 2023, chế độ độc tài đã trục xuất 222 tù nhân chính trị sang Mỹ, bao gồm cả giáo sĩ và giáo dân.

Vì vị giám mục từ chối rời khỏi đất nước nên ngài bị đưa đến nhà tù La Modelo và vào ngày 10 tháng 2 bị kết án 26 năm 4 tháng tù, bị tước quyền công dân Nicaragua và không được hưởng các quyền công dân vì tội phản quốc, như Ortega đã nói.

Vị giám mục này vẫn ở trong tù 527 ngày cho đến khi bị đày đến Vatican vào ngày 13 Tháng Giêng cùng với Giám mục Isidoro Mora của Siuna, người đã bị bắt vào ngày 20 tháng 12 năm 2023.

Cùng bị lưu đày còn có 15 linh mục từ các giáo phận khác nhau và hai chủng sinh đã bị bắt từ ngày 20 tháng 12 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023. Ngoài ra, 12 linh mục này cũng bị trục xuất sang Vatican vào ngày 18 tháng 10 năm 2023.


Source:Catholic News Agency