Ngày 04-02-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Anh em là muối, là ánh sáng thế gian
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
20:23 04/02/2014
Chúa Nhật V THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 5, 13-16

Anh em là muối, là ánh sáng thế gian

Chúa Giêsu sau khi đã giảng về các Mối Phúc như nền tảng của Hiến Chương Nước Trời. Chúa Giêsu lại đem ra ba hình ảnh phổ thông ở nước Do Thái lúc đó để mời gọi các môn đệ thực thi và rồi khi đã thực thi những điều Chúa đề nghị, họ sẽ trở nên những chứng nhân loan báo Nước Trời.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa kêu mời các môn đệ, những cánh tay nối dài của Chúa trở nên muối và đèn soi. Hình ảnh muối và đèn soi được dùng rất nhiều trong Kinh Thánh.Hai hình ảnh rất phổ thông này, Chúa Giêsu vạch ra một lối sống mà các môn đệ phải tuân thủ khi họ được sai đi truyền giáo. Muối được dùng làm gia vị để ướp măn đặc biệt để ướp cá và để tra canh. Người Do Thái dùng muối để làm phân bón cho vườn cây, cho rau, hoa, quả vv... Trong y học, người ta dùng muối để làm thang thuốc, để bảo vệ sinh tố, để làm cho tiêu hóa dễ dàng và để dẫn thuốc vào thận.Riêng Cựu Ước, muối biểu trưng cho sự trung tín của Thiên Chúa: Sách Dân số có nói Thiên Chúa đã ký kết với dân một khế ước bằng muối. Tân Ước, Chúa Giêsu nói:” Anh em là muối cho đời “. Khi nói như thế, chúng ta hiểu được hai ý nghĩa: thứ nhất, thêm hương vị tức là thêm sức sống ơn Thiên Chúa. Thứ hai bảo vệ đồ ăn khỏi hôi thối nghĩa là bảo vệ chân lý hằng sống.

Do đó, người Kitô hữu là người thuộc về Chúa, sống giữa trần gian nhưng không thuộc trần gian. Chúng ta là con cái Chúa nhưng chúng ta vẫn là những người đang sống trong xã hội loài người.Nên, chúng ta cũng có bổn phận đối với Xã hội, Gia đình và Giáo Hội.Sống giữa trần gian nhưng không thuộc về thế gian, bởi lẽ chúng ta là những phần tử của Chúa, của Giáo Hội, chúng ta có bổn phận xây dựng xã hội sao cho tốt đẹp nhưng đồng thời chúng ta cũng không để cho thế gian, sự dữ, ma quỉ lôi cuốn quên đường về Quê Trời. Chúng ta phải sống làm sao để như lời thánh Phaolô đã viết :” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Bổn phận của chúng ta là muối, là ánh sáng,muối ướp cho đời để đời khỏi ươn thối.Chính vì thế, mọi Kitô hữu có bổn phận rao giảng, dạy giáo lý để nhiều người được nhận biết Chúa, tin và đi theo Chúa.Là ánh sáng, chúng ta phải chiếu tỏa đức tin sâu xa của chúng ta cho những người khác để họ cũng có đức tin như chúng ta. Đọc Tin mừng của Chúa Giêsu chúng ta nhận ra rằng môn đệ của Chúa là người làm chứng và loan truyền Giáo lý, rao giảng Tin mừng. Muối phải mặn.Ánh sáng phải sáng tỏ như thành phố được xây trên núi, nghĩa là Nước Trời được công khai xây dựng bằng cả vật chất, bằng cả con người, bằng cách biểu lộ, diễn tả đến nỗi ai nhìn thấy cũng nhận ra Nước Trời.

Chúa Giêsu đã trao sứ mạng đó cho các tông đồ và cho tất cả chúng ta để mọi dân, mọi nước được mặn lại, được soi sáng và Nước Trời được lan tỏa đến mọi nơi.

Lời Chúa trong Chúa Nhật V thường niên, nhắc chúng ta kiểm điểm xem chúng ta có có là muối mặn hay muối đã nên lạt? Chúng ta có còn là ánh sáng hay ánh sáng của chúng ta nghĩa là đức tin đã trở nên lu mờ ? Chúng ta có còn là thành xây trên núi để mọi người nhận ra Nước Trời hay không ? Kiểm điểm lại những tiêu chuẩn ấy là kiểm điểm lại chính cuộc sống của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn trở nên muối ướp mặn cho đời, luôn trở nên ánh sáng soi chiếu để nhiều người nhận ra Nước Trời. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống Tám Mối Phúc để Giáo lý chúng con lãnh nhận nơi Chúa, nơi Kinh Thánh luôn được chia sẻ cho nhiều người, để mọi người nhận ra chúng con đích thực là môn đệ của Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa nói :” Anh em là muối, là ánh sáng thế gian “ có nghĩa gì ?
2.Ánh sáng tượng trưng cho gì ?
3.Thành phố xây trên núi có nghĩa gì ?
4.Tại sao thánh Phaolô lại nói :” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp Mùa Chay đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô: 2014
+ ĐGH Phanxicô
08:44 04/02/2014
VATICAN. Sáng ngày 4-2-2014, ĐHY Robert Sarah, người Guinée Equatoriale, bên Phi châu, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm) đã giới thiệu Sứ điệp Mùa Chay đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hiện diện trong trên bàn chủ tọa cuộc họp báo còn có 2 vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Hội đồng Đồng Tâm và ông Bà Davide Dotta và Anna Zumbo, thừa sai giáo dân tại Haiti.
Sau đây là toàn văn Sứ Điệp của ĐTC.

”Ngài đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được giàu có nhờ cái nghèo của Ngài” (Xc 2 Cr 8,9)

Anh chị em thân mến,
Nhân dịp Mùa Chay, tôi muốn cống hiến anh chị em vài suy tư có thể giúp anh chị em trong hành trình hoán cải bản thân và cộng đồng. Tôi lấy hứng từ câu nói của thánh Phaolô: ”Thực vậy, anh chị em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2 Cr 8,9). Thánh Tông Đồ ngỏ lời với các tín hữu Kitô thành Corintô để khích lệ họ quảng đại trong việc giúp đỡ các tín hữu thành Jerusalem ở trong tình trạng túng thiếu. Những lời này của thánh Phaolô nói gì với các Kitô hữu chúng ta ngày nay? Lời nhắn nhủ trở nên nghèo khó, sống thanh bần theo tinh thần Tin Mừng có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

Ân sủng của Chúa Kitô

Trước tiên những lời ấy nói với chúng ta đâu là đường lối của Thiên Chúa. Thiên Chúa không tỏ mình bằng những phương thế quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng bằng những phương thế yếu đuối và nghèo nàn: ”Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em...”. Chúa Kitô, Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha về quyền năng và vinh quang, đã trở nên nghèo; Ngài đã xuống giữa chúng ta, trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Ngài đã cởi bỏ, ”trở nên trống rỗng”, để trở nên giống chúng ta hoàn toàn (Xc Pl 2,7; Dt 4,15). Mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa cao cả dường nào! Chính tình yêu của Thiên Chúa là nguyên nhân mầu nhiệm ấy, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, và không do dự hiến thân và hy sinh vì những thụ tạo mà Ngài yêu mến. Lòng bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ trong mọi sự số phận của người mình yêu. Tình yêu làm cho trở nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và những ngăn cách. Và đó là điều Thiên Chúa đã làm với chúng ta. Thực vậy, Chúa Giêsu ”đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người, đã hành động với ý chí của con người, đã yêu thương với trái tim của con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi” (Gaudium et Spes, 22,2).

Lý do thúc đẩy Chúa Giêsu trở nên nghèo không phải là sự nghèo nàn tự nó, nhưng - như thánh Phaolô đã nói - ”.. là để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài”. Đây không phải là một kiểu chơi chữ, một kiểu nói để gây ấn tượng! Trái lại đó là một sự tổng lô-gíc của Thiên Chúa, lô-gíc yêu thương, lô-gíc Nhập Thể và Thập Giá. Thiên Chúa đã không làm cho ơn cứu độ rơi xuống chúng ta từ trên cao, như kẻ thương người lấy của dư thừa của mình mà làm phúc bố thí. Đó không phải là tình yêu của Chúa Kitô! Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giordano và chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, Ngài không hành động vì thấy cần phải thống hối, hoán cái; Ngài làm như thế để nhập hàng giữa dân chúng là những người đang cần ơn tha thứ, Ngài ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Đó chính là con đường Ngài chọn để an ủi chúng ta, cứu thoát chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi tình trạng lầm than. Chúng ta có ấn tượng mạnh vì Thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta đã được giải thoát không phải nhờ sự giàu sang của Chúa Kitô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài. Tuy Thánh Phaolô biết rõ ”những sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô” (Ep 3,8), ”là người được thừa tự mọi sự” (Dt 1,2).

Như thế, cái nghèo mà Chúa Giêsu dùng để giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giàu sang, là gì? Thưa đó chính là cách thức Ngài yêu thương chúng ta, Ngài trở nên người thân cận của chúng ta như Người Samaritano nhân lành đến gần người bị bỏ mặc giở sống giở chết bên vệ đường (Xc Lc 10,25tt). Điều mang lại cho chúng ta tự do chân thực, ơn cứu độ thực sự và hạnh phúc đích thực chính là tình yêu thương xót, dịu dàng và chia sẻ của Ngài. Cái nghèo của Chúa Kitô làm cho chúng ta được giàu sang chính là sự kiện Ngài làm người, gánh lấy những yếu đuối của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, thông truyền cho chúng ta lượng từ bi vô biên của Thiên Chúa. Cái nghèo của Chúa Kitô là sự giàu sang lớn nhất: Chúa Giêsu giàu lòng tín thác vô biên nơi Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Cha trong mọi lúc, luôn luôn và chỉ tìm kiếm thánh ý và vinh danh Thiên Chúa. Ngài giàu sang như một trẻ em giàu sang khi cảm thấy được yêu thương và mến yêu cha mẹ, và không nghi ngờ một giây phút nào về tình thương và sự dịu dàng của cha mẹ. Sự giàu sang của Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa; tương quan có một không ai với Chúa Giêsu chính là đặc ân cao cả nhất của Đấng Messia nghèo khó này. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mang lấy ”ách nhẹ nhàng” của Ngài, Ngài mời gọi chúng ta hãy trở nên giàu có bằng ”cái nghèo giàu sang” và ”sự giàu sang nghèo” của Ngài, chia sẻ với Ngài tinh thần con thảo và huynh đệ, trở nên con cái trong Con của Ngài, là anh em trong người Anh Trưởng Tử (Xc Rm 8,29).
Người ta nói rằng có một điều sầu muộn duy nhất, đó là sầu muộn vì không được nên thánh (L. Bloy); chúng ta cũng có thể nói rằng có một sự lầm than đích thực duy nhất, đó là: không sống như con cái Thiên Chúa và như những người em của Chúa Kitô.

Chứng tá của chúng ta

Chúng ta có thể nghĩ rằng ”con đường” nghèo như thế là con đường của Chúa Giêsu, trong khi chúng ta, là những người đến sau Ngài, chúng ta có thể cứu vớt thế giới bằng những phương thế thích hợp của con người. Không phải như vậy. Trong mọi thời đại và mọi nơi, Thiên Chúa tiếp tục cứu vớt con người và thế giới nhờ cái nghèo của Chúa Kitô, Đấng trở nên nghèo trong các Bí tích, trong Lời Chúa và trong Giáo Hội của Ngài, là một dân tộc gồm những người nghèo. Sự giàu sang của Thiên Chúa không thể đến với chúng ta qua sự giàu sang của chúng ta, nhưng luôn luôn và chỉ qua cái nghèo của chúng ta, bản thân và cộng đoàn, được Thần Khí của Chúa Ktiô linh hoạt.

Noi gương Thầy Chí Thánh, các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hãy nhìn đến tình cảnh lầm than của anh chị em chúng ta, động chạm đến, gánh lấy và hoạt động cụ thể để thoa dịu những lầm than ấy. Lầm than (miseria) không đồng nghĩa với nghèo (povertà); lầm than là sự nghèo nàn không có lòng tín thác, không có tình liên đới, không có hy vọng. Chúng ta có thể phân biệt ba loại lầm than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than tinh thần. Lầm than vật chất vẫn thường được gọi chung là sự nghèo khổ và đè nặng trên những người sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với con người: những người bị thiếu các quyền cơ bản và nhu yếu phẩm như lương thực, nước, những điều kiện vệ sinh, công ăn việc làm, khả năng phát triển và tăng trưởng về văn hóa. Đứng trước lầm than này, Giáo Hội cống hiến dịch vụ của mình, diakonia, để đi gặp gỡ những người túng thiếu và chữa lành nhưng vết thương làm xấu xí khuôn mặt của nhân loại. Nơi những người nghèo và những người rốt cùng, chúng ta nhìn thấy tôn nhan của Chúa Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa Kitô. Sự dấn thân của chúng ta cũng nhắm làm sao để chấm dứt những vụ vi phạm phẩm giá con người trên thế giới, những kỳ thị và lạm dụng là nguồn gốc gây ra lầm than trong bao nhiêu trường hợp. Khi quyền lực, sa hoa và tiền bạc trở thành thần tượng, thì người ta coi chúng quan trọng hơn đòi hỏi phải phân phối công bằng những của cải. Vì thế, các lương tâm cần hoán cải, trở về với công lý, sự bình đẳng, sự điều độ và chia sẻ.

Điều không kém phần gây lo âu chính là lầm than luân lý, nó hệ tại trở nên nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình, thường là người trẻ, nghiện ngập rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang mang cơm bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe. Trong những trường hợp ấy, lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát. Hình thức lầm than này cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế suy sụp, nó luôn gắn liền với lầm than tinh thần mà chúng ta khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Ngài. Nếu chúng ta cho rằng mình không cần Thiên Chúa, Đấng đang giơ tay cho chúng ta trong Chúa Kitô, vì chúng ta nghĩ mình tự mãn, thì chúng ta đang đi vào con đường thất bại. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu vớt và giải thoát chúng ta thực sự.

Tin Mừng là thuốc giải độc đích thực chống lại lầm than tinh thần: Kitô hữu được mời gọi mang vào mọi môi trường lời loan báo giải thoát, theo đó có sự tha thứ tội lỗi đã phạm, Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng không, luôn luôn, và chúng ta được dựng nên để hiệp thông và sống vĩnh cửu. Chúa mời gọi chúng ta hãy trở thành những người hân hoan loan báo sứ điệp từ bi và hy vọng ấy! Thật là đẹp khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền tin mừng đó, chia sẻ kho tàng đã được ủy thác cho chúng ta, để an ủi những con tim tan vỡ và mang lại hy vọng cho bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị bóng đêm bao phủ. Vấn đề ở đây là đi theo và noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã đi đến với người nghèo và tội nhân như một mục tử đi tìm con chiên bị lạc mất, và Ngài đến gặp chúng ta với đầy tình yêu thương. Khi hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể can đảm mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người.

Anh chị em thân mến, ước gì Mùa chay này thấy được toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Kitô. Chúng ta có thể thi hành điều ấy theo mức độ chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài. Mùa Chay là mùa thích hợp để cởi bỏ, làm cho chúng ta tự hỏi đâu là điều chúng ta có thể chịu thiếu để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên phong phú nhờ cái nghèo của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng sự nghèo nàn đích thực gây đau khổ: một sự cởi bỏ mà không có chiều kích thống hối thì không có giá trị. Tôi không tín nhiệm việc làm phúc mà chẳng làm cho chúng ta mất mát hoặc không gây đau đớn nào.

Xin Chúa Thánh Linh, - nhờ Ngài ”chúng ta vốn là người nghèo, nhưng có khả năng làm bao nhiêu điều phong phú: như người không có gì cả, nhưng lại sở hữu tất cả” (2 Cr 6,10),- nâng đỡ những quyết tâm trên đây của chúng ta và củng cố trong chúng ta mối quan tâm và trách nhiệm đối với sự lầm than của con người, để chúng ta trở nên từ bi và là những người thực thi lòng từ bi. Với lời cầu chúc ấy, tôi hứa cầu nguyện cho anh chị em, để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến bước một cách hiệu quả trong hành trình Mùa Chay, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.

Vatican ngàyb 26 tháng 12 năm 2013
Lễ Thánh Stephano, Phó Tế và là Vị Tử Đạo tiên khởi

(LM Trần Đức Anh, O.P, chuyển ý)

 
10 quốc gia nguy hiểm cho Kitô hữu
Trầm Thiên Thu
10:56 04/02/2014
Thế giới càng ngày càng có nhiều quốc gia nguy hiểm cho Kitô hữu. Hằng năm, tổ chức Open Doors (Mở Cửa), trụ sở đặt tại Hà Lan, được Brother Andrew thành lập hồi “Chiến Tranh Lạnh”. Brother Andrew là nhà truyền giáo bí mật, ông cho biết 10 quốc gia nguy hiểm nhất đối với những người theo Chúa Giêsu. Năm nay, danh sách này có gây chút ngạc nhiên.

Tử đạo ngày nay có thật. TS David Curry, trưởng tổ chức Open Doors, cho biết: “Các Kitô hữu là những người bị bách hại nhiều nhất trên thế giới. Các nước trong Danh sách Theo dõi của Thế giới (World Watch List), như Bắc Hàn, Ả-rập Saudi, Trung Đông và Bắc Phi đang nhắm vào các Kitô hữu – bỏ tù, trừng phạt và thậm chí là giết chết những người bày tỏ niềm tin Kitô giáo. Danh sách Theo dõi của Thế giới năm nay là lời kêu gọi Hoa Kỳ cần biết thêm về sự tàn bạo và sự hạn chế đối với sự tự do tôn giáo”.

Trong 12 năm liên tục, quốc gia cộng sản Bắc Hàn vẫn là nước bách hại Kitô giáo nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các nơi khác có chiều hướng gia tăng đáng kể trong việc bách hại các Kitô hữu. Trên khắp thế giới, việc bách hại dữ dội đới với các Kitô hữu ở 36 nước trong 50 nước có Hồi giáo cực đoan.

1. Bắc Hàn. Không có nơi nào trên thế giới bách hại các Kitô hữu dữ dội như ở Bắc Hàn. Các Kitô hữu phải sống khổ sở dưới chế độ đàn áp kinh khủng. Họ phải chịu đựng sự tham nhũng của các viên chức nhà nước, chính sách tồi tệ, bệnh tật và đói kém. Khổ sở nhất là họ phải che giấu niềm tin vào Đức Kitô. Ai cầm cuốn Kinh Thánh là bị bắt bớ và bị hành hạ. Ước tính có 50.000 tới 70.000 Kitô hữu sống ở các trại tập trung, nhà tù và những nơi giống như lao tù dưới chế độ độc tài Kim Jong-Un.

Nhà cầm quyền Kim Jong-Un và Đảng Lao Động của ông ta là tuyệt đối. Không ai được phép làm gì trái ý nhà nước. Bắc Hàn hiện hữu để phục vụ những người lãnh đạo ung dung sống trong giàu sáng phú quý – còn dân chúng phải đói khát. Sự nịnh hót các nhà cầm quyền khiến không còn chỗ cho bất kỳ tôn giáo nào. Các Kitô hữu phải chịu đàn áp và thường xuyên không dám bày tỏ niềm tin Kitô giáo. Giáo Hội tại Bắc Hàn phải bí mật hoạt động.

Tại Bắc Hàn, hệ thống giai cấp xã hội gọi là “Songbun”, các Kitô hữu bị coi là “thù địch” và chỉ là giai cấp phụ. Không chỉ riêng các tín hữu bị bách hại, mà cả gia đình họ cũng bị bách hại. Thân nhân của các Kitô hữu thường phải vào các trại cải tạo và lao động chính trị lâu dài. Ước tính có khoảng 70.000 Kitô hữu ở mỗi trại tập trung. Công an Bắc Hàn hành hạ dã man với bất kỳ ai theo Kitô giáo. Ai sống đức tin thì bị tử hình.

2. Somalia . Các Kitô hữu ở Somalia là những người chuyển đạo từ Hồi giáo. Việc bách hại các Kitô hữu ở Somalia tới mức cực độ. Sự cực đoan Hồi giáo và sự tham nhũng có tổ chức tại Somalia rất khó phân biệt. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo và chính quyền công khai tuyên bố rằng không có chỗ cho Kitô hữu. Nhóm khủng bố al-Shabaab có mặt ở nhiều nơi để bách hại các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Tình trạng tại Somalia vẫn là nơi rất khó sống đối với các Kitô hữu.

3. Syria. Lần đầu tiên trong lịch sử, Syria thuộc Top 10 trong Danh sách Theo dõi của Thế giới. Tình trạng của các Kitô hữu ở Syria rất tệ hại, vì Hồi giáo cực đoan chiếm ưu thế và chính quyền chuyên chế. Gần một nửa số người nổi loạn tại Syria là tín đồ Hồi giáo chiến đấu vì Thánh chiến. Xung đột ngày càng căng thẳng, bạo lực nhắm vào các Kitô hữu. Sự đối lập tại Syria là muốn “Hồi giáo hóa”. Với cuộc nội chiến, xã hội Syria bị xáo trộn nhiều. Tổ chức Open Doors đã nhận được các báo cáo về việc nhiều Kitô hữu bị bắt cóc, bị hành hạ và bị giết chết. Hồi giáo cực đoan nổi lên khiến các Kitô hữu rất cực khổ.

4. Iraq. Tình trạng của các Kitô hữu ở miền Trung và miền Nam Iraq rất tồi tệ trong năm qua, riêng miền Bắc cũng đang trở thành nơi nguy hiểm cho các Kitô hữu. Các tín đồ của các Giáo Hội truyền thống, Tân giáo và Hồi giáo gia nhập Kitô giáo đều bị kỳ thị và bị bách hại dữ dội, thậm chí là bị đày biệt xứ. Luật Sharia cấm người ta chuyển từ Hồi giáo sang các tôn giáo khác, và trong chứng minh thư có ghi rõ tôn giáo. Là thiểu số, các Kitô hữu dễ bị bắt cóc và bị bách hại.

5. Afghanistan. Tục ngữ Afghanistan có câu: “Khi nào Satan suy sụp trên thế gian thì nó sẽ suy sụp ở Kabul”. Các Kitô hữu ở Afghanistan đều chuyển đạo từ Hồi giáo. Nếu ai bị phát hiện bỏ Hồi giáo để vào Kitô giáo, người đó sẽ bị áp lực về xã hội và gia đình. Các giáo sĩ Hồi giáo là những kẻ xúi bẩy, chính quyền địa phương có thể dính líu. Ai bỏ Hồi giáo đều phạm tội bội giáo và phải sống rất khó khăn, điều mà nghị sĩ Nazir Ahmad Hanafi đã tuyên bố. Kitô giáo vẫn bị coi là đạo của Tây phương và thù địch với Hồi giáo, văn hóa và xã hội Afghanistan.

6. Ả-rập Saudi. Vương quốc kiểm soát Hồi giao là Thánh địa Mecca và Medina (nơi sinh và nơi an nghỉ của Mohammed, tiên tri của Hồi giáo). Điều này đã được xác định bởi cách hiểu thuần túy và nghiêm khắc về Hồi giáo – gọi là Wahhabism. Các tôn giáo khác không được công khai hoạt động. Đa số các Kitô hữu ở Ả-rập Saudi đều bị đày biệt xứ hoặc phải sống ở một nơi nào đó. Các công nhân Á châu và Phi châu không chỉ bị bóc lột và lãnh lương rẻ mạt, mà còn bị bạo hành về lời nói và hành động chỉ vì họ là Kitô hữu.

Họ là những người bỏ Hồi giáo để chịu âm thầm sống đức tin Kitô giáo của mình. Hiến pháp và luật pháp không có điều khoản về tự do tôn giáo. Hệ thống luật pháp dựa trên luật Sharia, ai bội giáo đều bị tử hình. Truyền giáo cho người Hồi giáo, phổ biến Kinh Thánh hoặc cá loại văn chương khác Hồi giáo đều là phi pháp.

7. Quần đảo Maldive. Chính quyền Hồi giáo tự coi mình là người bảo vệ của Hồi giáo, họ thành lập các luật cấm dân Maldive gia nhập các tôn giáo khác. Là công dân Maldive cũng là tín đồ Hồi giáo, không thể khác được. Các Kitô hữu Maldive bị bách hại đủ kiểu. Dân Maldive chỉ có thể đi qua con đường Hồi giáo. Áp lực rất mạnh, thế nên không thể có những buổi thờ phượng tại các nhà thờ hoặc nhà riêng tại Maldive. Các Kitô hữu Maldive luôn phải cảnh giác cao độ để khỏi bị phát hiện.

8. Pakistan. Các Kitô hữu luôn bị theo dõi, bị cô lập. Nhiều Kitô hữu phải rời bỏ đất nước để được tự do tôn giáo. Nhóm cực đoan đã đánh bom nhà thờ Các Thánh của Anh giáo tại Peshawar đã làm 89 người chết. Phụ nữ và con gái dễ bị lạm dụng tình dục hoặc bị hãm hiếp. Họ thường nghèo khó, sống lệ thuộc điền chủ và đi làm thuê. Dù họ có báo với cảnh sát thì cũng vô ích, chẳng ai can thiệp. Đàn ông Hồi giáo thường lạm dụng tình dục các Kitô hữu nữ. Các tổ chức Công Giáo phi chính phủ ước tính mỗi năm có ít nhất khoảng 700 các Kitô hữu nữ bị bắt cóc và bị bắt phải theo Hồi giáo.

9. Iran. Hồi giáo là tôn giáo chính, mọi luật pháp phải phù hợp với cách hiểu của luật Sharia. Hầu hết các hoạt động của Kitô giáo đều là phi pháp, nhất là khi dùng ngôn ngữ Ba Tư. Các Kitô hữu bị chính phủ coi là mối đe dọa vì số người theo Kitô giáo ngày càng đông, đặc biệt là con cháu của các nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần đều bỏ Hồi giáo để theo Kitô giáo. Tương đối ít áp lực đối với thiểu số Kitô hữu so với Armenia và Assyria, vì họ không truyền giáo cho người Hồi giáo. Bất cứ tín đồ Hồi giáo nào bội giáo đều bị tử hình, các buổi thờ phượng đều bị cảnh sát bí mật theo dõi. Mặc dù gọi là có tự do tôn giáo, nhưng các Kitô hữu vẫn bị bỏ tù, đánh đập, quấy nhiễu và kỳ thị. Tuy nhiên, dân chúng vẫn quan tâm tìm hiểu Kitô giáo (hoặc các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo), họ càng ngày càng nhận biết mình bị ảo tưởng.

10. Yemen. Nước này thuộc khối Ả-rập, hiến pháp nước này nói rằng Hồi giáo là quốc giáo và Sharia là nguồn gốc của mọi luật pháp. Họ cấm truyền giáo. Nếu bội giáo, người đó không chỉ bị hành hạ dã man bởi chính quyền mà còn bởi gia đình và các thành phần xã hội khác. Họ không được công khai nhóm họp, thế nên họ phải bí mật nhóm họp. Ai bội giáo đối với Hồi giáo sẽ bị tử hình. Nhiều Kitô hữu phải trốn tránh trong nước hoặc trốn khỏi đất nước để được tự do sống đức tin.

(Chuyển ngữ từ beliefnet.com)
 
“Ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn” lần thứ 100
Linh Tiến Khải
11:03 04/02/2014
Chúa Nhật 19-1-2014 là ”Ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn” lần thứ 100. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ anh chị em di cư tị nạn đừng mất niềm hy vọng nơi một thế giới tốt lành hơn, và ngài cũng cám ơn những ai bảo vệ họ khỏi các ”kẻ buôn thịt người”. Ngài nói: ”Hôm nay chúng ta cử hành ”Ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn” với đề tài ”Di dân và tị nạn. Hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn”, mà tôi đã khai triển trong sứ điệp được công bố cách đây mấy tháng. Tôi muốn gửi lời chào đặc biệt đến đại diện các cộng đoàn sắc tộc hiện diện tại đây, đặc biệt là cộng đoàn Công Giáo ở Roma. Các bạn thân mến, các bạn ở rất gần con tim của Giáo Hội, vì Giáo Hội là một dân tiến bước về Nước Chúa, mà Đức Giêsu Kitô đã mang đến giữa chúng ta. Đừng bao giờ đánh mất đi niềm hy vọng nơi một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi xin chúc các bạn được sống trong hòa bình nơi các quốc gia mà các bạn được tiếp đón, và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các bạn. Tôi cũng cám ơn những ai làm việc cho người di cư để tiếp đón họ và đồng hành với họ trong những lúc khó khăn và bảo vệ họ khỏi những người, mà chân phước Scalabrini định nhĩa là ”những kẻ buôn bán thịt người”, muốn biến các người di dân thành nô lệ. Tôi cũng xin cám ơn Dòng thừa sai thánh Carlo, các linh mục tu sĩ Scalabrini phục vụ Giáo Hội và trở thành người di cư với những người di cư. Trong lúc này đây chúng ta nghĩ tới biết bao nhiêu người di cư, biết bao nhiêu người tị nạn, nghĩ đến các khó khăn của họ, cuộc sống của họ, biết bao lần không có công ăn việc làm, không có giấy tờ, biết bao đớn đau, và tất cả chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện cho những người tị nạn và di dân đang sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và khó khăn”. Rồi Đức Thánh Cha đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu cho các người di cư tị nạn.

Theo ước lượng của tổ chức Liên Hiệp Quốc có hơn 45 triệu người di cư và 230 triệu người tị nạn. Họ là một đạo binh khổng lồ liên tục di chuyển. Và năm 2013 là năm có con số các nạn nhân bị chết hay mất tích cao nhất. Thật ra, không ai biết rõ đã có bao nhiệu người di cư tị nạn bị chết trên biển cả hay trong các sa mạc, trên đường tìm môt cuộc sống và một tương lai tốt đẹp hơn. Hồi tháng 10 năm 2013 Liên Hiệp Quốc cho biết số người di cư đã chiếm 3,2% tổng số dân toàn cầu, khoảng hơn 78 triệu so với năm 1990, tức cách đây 23 năm. Trong số này có 46% là phụ nữ. Trong các năm qua các lý do của phong trào di cư cũng thay đổi. Chúng không chỉ giản lược vào loại lý do kinh tế, nhưng cũng còn vì các tai ương thiên nhiên, các xung khắc chiến tranh tàn phá, như trong trường hợp các người di cư tị nạn Siria.

Trong sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu phải xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho các người di cư tị nạn, ở những nơi mà niềm hy vọng, sự tôn trọng và tiếp đón đối lập với sự khước từ, kỳ thị, các buôn bán khai thác, nỗi khổ đau vá cái chết.

Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo ra các điều kiện sống xứng đáng hơn với phẩm giá cho tất cả mọi người, từ một nền ”văn hóa loại bỏ” bước sang nền ”văn hóa gặp gỡ”. Tuy nhiên, sứ điệp của Đức Thánh Cha khó lọt tai các xã hội giầu, là các cảng cặp bến của nhiều người di cư tị nạn, và nói chung cũng là các quốc gia gây ra các tình trang chênh lệch giầu nghèo, các cuộc chiến hay các xung đột vũ trang tại các nước nghèo, khiến cho người dân các nước này phải di cư tị nạn.

Mọi quốc gia trên thế giới đều chiến đấu chống lại nạn di cư tị nạn, trồi sụt tùy theo thời điểm lịch sử. Dĩ nhiên, các nước giầu như Hoa Kỳ, Canada, Đức và Australia là các nước người di cư tị nạn mơ ước nhất. Italia là nước đón tiếp nhiều người di cư tị nạn nhất, đứng hàng thứ 5 trong cố các nước Âu châu và hàng thứ 11 trên thế giới.

Để đương đầu với nạn thiếu nhân công ngay từ thập niên 1970 Canada đã lựa chọn đường lối chính trị mềm dẻo và rộng mở, tiếp đón người di cư tị nạn, đặc biệt các chuyên viên mọi ngành nghề. Chính sách lựa lọc người tị nạn theo tiêu chuẩn vụ lợi này đã khiến cho nhiều thuyền nhân Việt Nam không được sang Canada, vì không có các bằng biếu nghề nghiệp chuyên môn và đủ tiêu chuẩn đòi hỏi. Theo các thống kê mới nhất năm 2010 có khoảng 21,3% tổng số dân Canada là người di cư. Tháng 4 năm 2013 chính quyền Toronto lại còn tỏ ra mềm dẻo hơn nữa đối với các người di cư vì lý do học hành hay làm việc có bằng kỹ sư, kiến trúc, hay thợ mộc và cả đầu bếp nữa, nhằm lôi cuốn họ đầu tư và ở lại sinh sống bên Canada. Tất cả những người di cư nhận được trợ giúp từ các hãng xưởng hay nhóm đầu tư Canada để bắt đầu làm ăn có thể xin giấy phép thường trù ngay lập tức, mà không cần phải chờ đợi lâu như trước. Nếu không may thua lỗ họ cũng không mất giấy phép thường trú, và lại có thể bắt đầu một nghề làm ăn mới. Hồi tháng 8 năm 2013 chính quyền Canada lại còn khích lệ các người đồng tính luyến ái Nga sang xin tị nạn tại Canada để khỏi bị luật lệ Liên bang Nga truy tố.

Nếu Canada là một loại ”Thiên đàng cho người di cư”, thì Australia lại là ”hỏa ngục của người di cư”. Theo các thống kê của Liên Hiệp Quốc trong năm 2013 Austrtalia đã nhận khoảng 15.800 đơn xin tị nạn, tức gia tăng 37% so với năm trước đó. Luật di cư năm 1958 của chính phủ Australia cho phép cảnh sát bắt giữ và nhốt trong các trại tù ở Auatralia hay bên Papua Tân Guinea, tất cả những ai không phải là công dân Australia hay cư ngụ bất hợp pháp, kể cả trẻ em. Và những người này phải sống tại đây nhiều tháng, có khi nhiều năm mà vẫn không được cấp quy chiếu tị nạn. Hải quân biên phòng Australia canh gác và kiểm soát các bờ biển rất nghiêm ngặt. Một khi có chiếu khán, nếu không tuân theo một số tiêu chuẩn người tị nạn cũng có thể bị bắt nhốt. Tuy nhiên, những ai có từ một triệu mỹ kim trở lên gửi sang đầu tư bên Australia đều được giấy phép di cư rất dễ dàng.

Trong vùng Á châu Nhật Bản là quốc gia vẫn có đường lối chính trị cô lập hóa, do đó rất hạn chế việc nhận người di cư tị nạn. Thống kê năm 2010 cho biết người di cư tị nạn chiếm 1,7% trên tổng số 128 triệu dân Nhật. Cũng giống như Canada tỷ số sinh tại Nhật rất thấp, và từ nay tới năm 2060 số người Nhật sẽ giảm một phần ba so với hiện nay. Để sửa chữa tình trạng này chính quyền Tokyo quyết định mở cửa tiếp đón người di cư tị nạn, nhưng có một bảng điểm làm tiêu chuẩn dựa trên khả năng và kinh nghiệm làm ăn của các đương sự. Các bác sĩ, kỹ sư, giáo sư và thương gia được ưu tiên có phép thường trú và làm việc. Tiêu chuẩn này không nhắm mục đích nhân đạo nên gạt bỏ tất cả các thanh phần di cư tị nạn khác.

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật di cư tị nạn ban hành năm 1790. Nhưng trong hai thế kỷ qua có thêm một số luật lệ mới ấn định số người di cư tị nạn. Hiện nay hàng năm chính quyền Hoa Kỳ cấp giầy thường trú cho hơn 1 triệu người di cư tị nạn theo nhiều loại khác nhau. Trước hết là giấy thường trú hợp lệ cho tất cả những ai muốn sống tại Hoa Kỳ một thời gian. Họ không được coi như người di cư, vì thế họ không thuộc số di dân được thu nhận hằng năm từ khắp nơi trên thế giới. Thế rồi còn có những người muốn làm việc tại Hoa Kỳ. Họ phải trình diện một công việc tìm được tại Hoa Kỳ với giấy của văn phòng di cư chứng nhận là không có công nhân Mỹ nào có thể nắm giữ vai trò này. Bên cạnh đó có các giấy nhập cảnh cấp cho các sinh viên, các gia đình và các du khách thuộc diện riêng với thời gian hạn chế.

Năm 2013 Thượng Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chấp thuận luật cải tổ di dân nhằm hợp thức hóa và cấp quốc tịch cho hàng triệu người di cư bất hợp pháp đang sống và làm việc tại Mỹ, đa số họ là người gốc châu mỹ latinh. Ngoài ra chính quyền Hoa Kỳ cũng gia tăng kiểm soát dọc biên giới với Mêhicô để ngăn chận nạn di cư lén lút, bằng cách dùng cả máy bay trinh sát không người lái.

Bước sang châu Âu, Thụy Điển là nước đứng đầu danh sách các nước có đường lối chính trị tiếp đón người di cư đến từ các vùng có chiến tranh như Somalia, Irak, và Siria. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế và số người nước ngoài thất nghiệp hiện lên tới 16%, và các người di cư bị tố cáo là ăn cắp việc làm của người Thụy Điển. Do đó chính quyền đang duyệt xét lại luật di cư. Trong năm 2012 số người xin tị nạn lên tới 44.000 người, tức gia tăng 50% so với năm trước đó.

Bên Tây Ban Nha thập niên phát triển kinh tế khiến cho số người di cư từ 2 tăng lên 12%. Vào cuối năm 2010 Tây Ban Nha có 5,6 triệu người di cư nhờ đường lối mở cửa của chính quyền xã hội José Luis Rodriguez Zapatero. Nhưng cuộc khủng hoảng tài cánh kinh tế trầm trọng đã khiến cho chính quyền đảng Nhân dân của thủ tướng Mariano Rajoy hạn chế việc tiếp nhận người di cư. Tuy nhiên, nếu muốn có chiếu khán thường trú, người di cư có thể mua bất động sản từ 500 ngàn Euros trở lên. Vì thế các người giầu gốc A rập Nga và cả Pháp đang tính chuyện mua nhà bên Tây Ban Nha để có giấy thường trú.

Pháp là một trong các nước âu châu có nhiều người di cư nhất: khoảng 7,2 triệu, tức chiếm hơn 11% tổng số dân. Hồi tháng Giêng năm 2013 Quốc hội Pháp đã thay đổi luật đo tổng thống Nicolas Sarkozy ban hành, giam tù từ 24 tới 48 giờ những người di cư bất hợp pháp, phạt tù 5 năm và 30.000 Euros những ai giúp người di cư bất hợp pháp. Nhưng các biện pháp mới chỉ giam người di cư bất hợp pháp 16 giờ và không phạt những ai giúp họ vì lý do nhân đạo hay không khai thác lao động. Tổng thống Hollande cũng đã hứa cải cách luật tị nạn chính trị, nhưng đảng Quốc gia của bà Marine Le Pen yêu cầu giảm số người di cư tị nạn vào Pháp. Trong khối Âu châu Pháp là quốc gia thứ hai có nhiều người xin tị nạn chính trị nhất, 61.000 cuối năm 2012.

Đức là quốc gia mà người di cư tị nạn ưa thích nhất, vì có nến kinh tế vững vàng và có nhiều công ăn việc làm. Trong các năm từ 1955 tới 1973 Tây Đức đã tuyển lựa khoảng 14 triệu nhân công khách, nhưng đã không có quy chế rõ ràng, nên con cái của họ tuy thuộc đời thứ ba, sinh ra và lớn lên tại Đức nhưng vẫn bi gọi là ”con của những nhân công khách”, và khi lớn lên chúng phải đợi chờ lâu có khi nhiều năm mới có quốc tịch Đức. Theo luật ban hành năm 2007 để có quốc tịch Đức một công nhân ngoài Liên Hiệp Âu châu phải chứng minh có lương bổng ít nhất 85.000 Euros mỗi năm và phải có sổ thông hành. Như thế những người xin tị nạn chính trị bị loại bỏ vì không hội đủ điều kiện.

Đan Mạch là quốc gia nhận người di cư tị nạn nhưng khuyến khích họ về nước nếu không thể hội nhập nền văn hóa Đan Mạch. Đây là ảnh hưởng của đảng Nhân dân có khuynh hướng bài người nước ngoài và không chấp nhận một xã hội đa chủng tộc. ”Luật 24 tuổi” khẳng định một người chồng hay vợ ngoại quốc hoặc gốc Đan Mạch chỉ có thể xin quốc tịch khi được 24 tuổi. Nếu là một người tị nạn hay có con sinh tại Đan Mạch hoặc đau nặng hay bị tàn tật, thì không được hưởng luật này.

Anh quốc là nước trong 10 năm qua đã có đông người di cư từ 4,5 triệu hồi năm 2001 lên 7,5 triệu vào cuối năm 2011. Quốc hội Anh sẽ thảo luận một dự luật hạn chế số người di cư tị nạn trong tương lai. Tất cả những ai có tiền án hay phạm tội trên đất Anh đều bị trục xuất và gửi trả về nguyên quán. Các lý do xin tị nạn chính trị từ 17 giảm xuống còn 4.

Liên bang Nga và Trung Quốc là hai thiên đàng mới của người di cư. Theo luật mới ban hành năm 2002, người di cư phải có giấy thông hành có gía trị khi tới biên giới Nga. Ai muốn xin phép ở lại làm việc phải có giấy chứng nhận có việc làm của hãng xưởng. Nội trong 90 ngày mà giấy xin phép không được chấp nhận vì các bàn giấy rườm rà, đương sự phải ra khỏi nước Nga, nếu không sẽ bị bắt và bị đi đầy. Nhưng cũng có những trường hợp trừ như nghệ sĩ Gerard Depardieu, bạn của tổng thống Putin, được cấp quốc tịch tuy không ở Nga. Tuy nhiên, tình hình xem ra khó khăn hơn vì các nhóm bài người nước ngoài hoạt động mạnh tai Nga.

Riêng tại Trung Quốc hồi tháng 7 năm 2013 nhà nước Bắc Kinh đã ban hành luật mới về di dân. Các người di cư bất hợp pháp để sống hay làm việc bị phạt nặng hơn, nếu bị bắt, có thể bi giam từ 5 tới 15 ngày. Trong các năm qua thường có người Myanmar, Việt Nam và Bắc Hàn bị bắt. Người di cư bất hợp pháp bị phạt 5.000 tới 20.000 nhân dân tệ, tức từ 604 đến 2.400 Euros trước khi bị tù. Người cho việc bị phạt 100.000 nhân dân tệ, tức 12.000 Euros. Theo thống kê của Bộ an ninh năm 2012 đã có 47.000 người di cư lén lút bị bắt. Chính quyền Bắc Kinh cũng cải tổ luật liên quan tới Thẻ Xanh cho phép người di cư nước ngoài được thường trú và làm việc. Trong năm 2011 đã chỉ có 4.752 người được Nhà nước Trung Quốc cấp Thẻ Xanh. (RG 19-1-2014)
 
Không thể tưởng tượng được một Giáo Hội mà không có các nữ tu.
Minh An
16:13 04/02/2014
VATICAN - Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 2 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô dù trời mưa.

Đức Thánh Cha nói:

"Anh chị em đang bị ướt hết! Anh chị em tất cả rất dũng cảm."

Trình bày suy tư của ngài về Ngày Quốc Tế Đời Thánh Hiến, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng của các nữ tu đối với Giáo Hội và cho xã hội. Ngài mô tả các nữ tu như men mang sứ điệp của Chúa.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi:

Điều gì sẽ xảy ra nếu không có các nữ tu? Không có nữ tu trong bệnh viện, trong việc truyền giáo, trong các tổ chức bác ái, trong các trường học... Anh chị em có thể tưởng tượng nổi một Giáo Hội mà không có các nữ tu không. Thật là không thể tưởng tượng nổi!

Mỗi một người thánh hiến là một ơn của Thiên Chúa trên cuộc lữ hành của Giáo Hội. Cần có các sự hiện diện này biết bao nhiêu, cho việc củng cố và canh tân dấn thân phổ biến Tin Mừng, cho việc giáo dục Kitô, cho việc bác ái đối với các người cần được trợ giúp, cho việc cầu nguyện chiên niệm, cho dấn thân đào tạo nhân bản và tinh thần cho người trẻ và các gia đình, và cho dấn thân cho công lý và hòa bình trong gia đình nhân loại. Giáo Hội và thế giới cần đến chứng tá này của tình yêu và lòng thương xót Chúa. Vì thế cần đánh giá cao với lòng biết ơn các kinh nghiệm của đời sống thánh hiến và đào sâu việc hiểu biết các đặc sủng và nền tu đức khác nhau. Cần phải cầu nguyện để người trẻ trả lời “vâng” với Chúa là Đấng gọi họ tận hiến cho Người để phục vụ các anh em chị em khác một cách vô vị lợi. Chình vì các lý do đó nên năm 2015 sẽ là Năm của đời thánh hiến.

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc tới Ngày cho sự sống được Hội Đồng Giám Mục Italia phát động cử hành Chúa Nhật hôm qua về đề tài “Sản sinh ra tương lai”. Ngài khích lệ các hiệp hội, các phong trào và trung tâm văn hóa dấn thân bảo vệ và thăng tiến sự sống.

Cùng với các Giám Mục ngài tái nhấn mạnh rằng: “Mọi con cái là gương mặt của Chúa là Đấng yêu thương sự sống, là ân sủng cho gia đình và cho xã hội”
 
Văn hóa Công Giáo hậu hiện đại
Vũ Văn An
17:15 04/02/2014
Điều tình cờ là trong tuần này, hai tác giả trùng tên cùng nói về nền văn hóa hậu hiện đại. Đó là Đức Cha James D Conley, giám mục giáo phận Nebraska, và linh mục John J Conley, Dòng Tên, giáo sư triết học và thần học tại Loyola University Maryland, Baltimore. Tưởng hai vị có liên hệ xa gần với nhau nên có thần giao cách cảm, nhưng đọc tiểu sử thì Đức Cha Conley chỉ có một người em gái. Thành thử liên hệ, nếu có, giữa hai vị, có lẽ cũng giống như liên hệ giữa Vũ Văn An và Vũ Văn Mẫu!

Bắt cóc ngôi vị giáo hoàng

Cơ hội khiến Đức Cha Conley đề cập tới nền văn hóa hậu hiện đại là bài báo của tờ Rolling Stone ca tụng (hết mình) Đức Phanxicô và mạt sát (cũng hết mình) Đức Bênêđíctô. Ngài cho hay, ngài vốn “mê” nền văn hóa dân gian của Hoa Kỳ, yêu cái nét duyên dáng, những cái nhìn thông sáng “kỳ quái nhưng đôi khi sâu sắc” của nó. Chính vì thế một vị giám mục bạn đã gửi tặng ngài cuốn sách gồm những bức tranh lớn của các ban nhạc rock cổ điển, từ ban The Who, tới Led Zeppelin, Nirvana, Metallica và Grateful Dead.

Ngài hiểu tầm quan trọng của nền văn hóa này. Vì phần lớn công luận chính trị và xã hội của Mỹ phát xuất từ thế giới của những người như Lorne Michaels và Jon Stewart hơn là từ những trang phẳng lặng của cả những tờ như New York Times hay Wall Street Journal. Người trẻ, khi nói về hôn nhân đồng tính, thường trích dẫn Macklemore hơn là Maureen Dowd. Chính vì thế, ngài càng thấy bài báo của Binelli trên Rolling Stone đáng ngại.

Dĩ nhiên đó là hành động của chủ thuyết xét lại, dùng đủ mọi cách để chứng minh rằng Đức Phanxicô tách mình ra khỏi một Giáo Hội bị coi là bảo thủ cũ kỹ. Nhẹ về sự kiện, nặng về hậu ý, sự thật nửa vời và lời đồn đại, họ cố tình biến ngài thành người anh hùng trầm lặng của phe tả tự do. Họ dùng các tai tiếng về tài chánh và lạm dụng tình dục cộng với một số câu đệm về Opus Dei và Lễ bằng tiếng La Tinh để biến Đức Bênêđíctô thành kẻ âm mưu bảo thủ đáng thương. Đức Phanxicô được họ sử dụng để làm nổi hình ảnh nhà lãnh đạo bất đắc dĩ, rất được lòng dân của một động thái nhằm giải thoát và tục hóa Giáo Hội Công Giáo.

Mục đích chính của họ, theo Đức Cha Conley, là “bắt cóc ngôi vị giáo hoàng của một người con trung thành, tuy đôi lúc bất qui ước, của Giáo Hội”. Lý do rất dễ hiểu: “những người phóng đãng về tính dục và xã hội không mấy lưu ý tới việc làm mất thể diện Kitô Giáo. Họ lưu ý nhiều hơn tới việc tái lên khuôn nó, bằng cách cho rằng Chúa Kitô, và vị đại diện của Người, là những người hỗ trợ họ. Nghị trình xã hội của phe duy tục sẽ dễ chịu hơn đối với tuổi trẻ dễ bị xúc cảm nếu nó bổ xung chứ không cạnh tranh thứ Kitô Giáo còn rơi rớt trong gia đình của những người này. Kẻ thù ta không mấy hứng thú với việc nhổ tận gốc Kitô Giáo nếu nó thăng hoa được tôn giáo này để phục vụ chính các mục tiêu của nó”.

Đức Cha cho rằng: “trò ma giáo lớn nhất của ma qủy không nhằm thuyết phục thế giới rằng nó không hề hiện hữu, mà làm thế giới xác tín rằng Chúa Giêsu Kitô là chiến sĩ tranh đấu cho chính nghĩa của nó”.

Và cái trò ấy qua tay Binelli hiện tỏ ra hết sức hữu hiệu. Nhất là nó đã thành công phân rẽ được Đức Phanxicô và vị tiền nhiệm của ngài bằng cách ít chú trọng tới thực chất cho bằng phương pháp. Trong niên lịch của nền văn hóa bình dân, Đức Phanxicô đã trở thành một siêu sao nhạc rock!

Tuy nhiên, Đức Cha Conley tin rằng hiểu rõ hiệu quả này và sẵn sàng đối phó, thì ta có cơ may sử dụng được giờ phút văn hóa bình dân này, thay vì trở thành nạn nhân của nó. Trước nhất, biến cố này nên thúc đẩy các Kitô hữu chịu dấn thân vào ngành truyền thông thế tục và xã hội, truyền thanh, phim ảnh và truyền hình.

Trước đây, có thời các nhật báo và tạp chí đôi chút có tầm cỡ còn có một hai ký giả, tuy bản thân chẳng tôn giáo bao nhiêu, nhưng có hiểu biết đủ để đối xử với tôn giáo một cách vô tư, theo đúng giá trị của nó. Bây giờ, thời ấy không còn nữa. Nên nếu muốn ngăn cản truyền thông thế tục khỏi “bắt cóc” các thực tại tôn giáo, ta cần có những người tôn giáo ở đó, sử dụng các ngả truyền thông bình thường để trình bày một chứng tá đầy thuyết phục cho sự thật.

Truyền thông Công Giáo đã đành là quan trọng, nhưng việc ta sẵn sàng làm việc tại và với truyền thông thế tục sẽ xác định được tầm cỡ ta kiểm soát được việc người ta kể truyện về ta.

Đức Cha Conley cho rằng có lẽ đó chính là tâm thức của Đức Phanxicô. Đôi lúc, Đức Cha tự hỏi không biết Đức Giáo Hoàng có ý thức được rằng ngài đang bị truyền thông giải thích sai lạc hay không. Dù không đích thân hiểu biết Đức Phanxicô, nhưng Đức Cha cho rằng Đức GH ý thức rất rõ các quyết định của ngài và các nguy cơ do các quyết định này đặt ra. Chính vì thế, ngày Thế Giới Truyền Thông của Giáo Hội vừa qua, ngài nhận định rằng “nếu phải chọn giữa một Giáo Hội bị bầm tím vì ra ngoài đường phố và một Giáo Hội mắc chứng bệnh chỉ biết lo lắng cho chính mình, chắc chắn tôi thích Giáo Hội trước hơn. Các “đường phố” này chính là thế giới nơi người ta sinh sống và được giao tiếp một cách vừa có hiệu quả vừa đầy cảm tính”.

Ý thích của Đức Thánh Cha, giống ý thích của Chúa Giêsu, là giao tiếp với thế giới, là chấp nhận nguy cơ có thể có những nhà báo như Binelli sẵn sàng viết những phác thảo vô căn cứ, do nghị trình của họ thúc đẩy. Ta sẵn sàng làm như thế, vì ta tin Chúa Giêsu Kitô sau cùng sẽ chiến thắng.

Chỉ có thế, ta mới mong kết hợp được biểu hiệu với thực chất, dựa vào sự hứng khởi của thế gian dành cho Đức Phanxicô và những buổi chuyện trò trầm lặng, có tính bản vị dẫn đưa truyền thông thế tục vào cuộc hồi hướng đích thực.

Một cái nhìn pha trộn về hậu hiện đại

Linh mục John Conley, Dòng Tên, thì dựa vào hai câu nói của hai người khác nhau để suy nghĩ về nền văn hóa hậu hiện đại. Ngài tham dự thánh lễ an táng của một linh mục cùng Dòng. Nhà giảng thuyết hôm đó ca tụng người vừa qua đời là đã có công “xây một cây cầu giữa nền văn hóa hậu hiện đại và Giáo Hội”. Rồi, trong một chuyến du lịch Miami, người hướng dẫn vừa chỉ vào dẫy dinh thự mới xây vừa nói: đây là các dinh thự hậu hiện đại. Nhưng khi hỏi điều gì làm chúng ra hậu hiện đại thì cô ta im lặng, không trả lời được.
Chính các tác phẩm kịch của Cha Conley, có lần, cũng được các nhà điểm sách nhận định rằng “Conley cố gắng trở thành hậu hiện đại, nhưng khó có thể là tiền hiện đại”. Chính cha không hiểu họ muốn nói gì?

Cha cho rằng khi người của Giáo Hội khuyên ta dấn thân vào việc tân phúc hóa, các vị ấy thường thúc giục ta phúc âm hóa nền văn hóa hậu hiện đại, nhưng ta thường không hiểu mình phải phúc âm hóa ai.

Về phương diện này, trong số các lý thuyết gia về hậu hiện đại, nhà triết học người Pháp là Jean-Francois Lyotard (1924-1998) có lẽ giúp ích cho ta hơn cả. Không những ông cho ta thấy nền văn hóa ta đang sống khác nền văn hóa ở đầu thế kỷ 20 ra sao; ông còn giúp ta nhận diện được các nét hậu hiện đại của chính Đạo Công Giáo đương thời khi ta cố gắng công bố Phúc Âm cho một xã hội xem ra hoàn toàn đối kháng nó.

Theo Lyotard, một trong các nét nổi bật của hậu hiện đại là việc sụp đổ của các trình thuật vĩ đại từng trổi vượt trong những ngày đầu thời hiện đại. Bắt nguồn từ phong trào Ánh Sáng, các trình thuật này nhấn mạnh rằng nhân loại cuối cùng đã tới tuổi khôn và hiện đang hướng về một chân lý và một niềm hạnh phúc phổ quát mới, nhờ các cuộc chinh phục độc đạo của khoa học và của lý trí được huấn luyện theo triết học. Chủ nghĩa Mácxít và biểu thức chính trị của nó là chủ nghĩa Cộng Sản chính là các đại biểu đầy quyền uy của hiện đại có tính thập tự chinh, hoàn toàn xác tín rằng chân lý có thể được chứa đựng bên trong một hệ thống bao gồm tất cả. Tuy nhiên, kinh nghiệm của hai cuộc thế chiến và của các chế độ toàn trị đã hủy diệt hoàn toàn sức lôi cuốn của các hệ thống hiện đại này. Và sự thật được bật mí trong thời hậu hiện đại sẽ có tính địa phương và có tính dò tìm nhiều hơn. Lòng khiêm nhu đã trở lại như một nhân đức thuộc tri năng (noetic virtue).

Đạo Công Giáo cũng trải qua một thứ tháo gỡ hậu hiện đại nào đó. Cận kề Công Đồng Vatican II, chủ nghĩa tân Tômít, được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, vẫn còn đứng nguyên tại chỗ. Trong hệ thống triết học đầy tham vọng này, mỗi ngành triết học và mỗi luận đề triết học đều tìm được sự dung hợp hoàn hảo và sự thống nhất nhịp nhàng trong cấu trúc tổng thể của hệ thống. Nhưng một trong các thách thức vĩ đại nhất đối với hệ thống thịnh hành này là Phong Trào Tân Thần Học (La Nouvelle Théologie), phát động tại Pháp trong thập niên 1940. Thoạt nhìn, “việc trở về nguồn” này chẳng mưu toan lật đổ điều chi.

Nhưng càng nghiên cứu các nguồn, người ta càng khám phá ra rằng lời giải thích của Thánh Irênê về cuộc sa ngã khá khác với lời giải thích của Thánh Augustinô. Còn lý thuyết của Thánh Anselmô về việc xá tội (atonement) thật khác với học lý của Công Đồng Trent. Do đó, chủ thuyết Tômit được Decartes hóa trong các sách giáo khoa ở các chủng viện không còn là điểm tham chiếu chính nữa.

Cha Conley cho rằng dị biệt, gián đoạn và mâu thuẫn đã thay thế cho tính thống nhất và sự hoà hợp trong hệ thống tự cao trước đó, một hệ thống đã cẩn thận che dấu nhiều vá víu và lỗ hổng của mình.

Cha Conley cũng cho rằng ngay Đức Gioan Phaolô II cũng có những thời điểm hậu hiện đại của mình. Trong thông điệp “Fides et Ratio” (1998) của ngài, Thánh Giá đứng phán xét mọi cố gắng xây dựng hệ thống triết học. “Con Thiên Chúa chịu đóng đinh là biến cố lịch sử trên đó mọi cố gắng của trí khôn nhằm xây dựng một lối giải thích thoả đáng về ý nghĩa hiện sinh chỉ dựa trên luận chứng nhân bản đều sẽ thất bại. Điểm then chốt thực sự, một điểm thách thức mọi thứ triết học, là cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên Thánh Giá. Chính tại đó, mọi cố gắng nhằm rút gọn kế hoạch cứu rỗi của Chúa Cha vào một luận lý học hoàn toàn có tính nhân bản chắc chắn sẽ không thành công”.

Theo Cha Conley, công trình suy tư triết học vẫn tiếp diễn một cách mạnh mẽ trong Giáo Hội, nhưng nay nó đứng một cách rõ ràng dưới sự phán xét của dấu mâu thuẫn nơi Thánh Giá, là dấu, trong nỗi thống khổ đầy chiến thắng của nó, đã vạch trần các tự phụ trong các hệ thống siêu hình học đầy sáo mòn của ta.

Tuy nhiên, Cha Conley cho rằng: xét cho cùng, hậu hiện đại chỉ là việc trở lại thời hiện đại ở cái chỗ sáo rỗng nhất của nó: tức chủ nghĩa duy chủ quan (“đây là truyện của tôi; đây là sự thật của tôi; hãy chấp nhận nó”) và chủ nghĩa duy tương đối (“đây là truyện của chúng tôi; đây là sự thật của chúng tôi; chỉ có thế). Các thứ lập trường lười biếng này đơn thuần chỉ là những lập trường nhằm loại bỏ phê phán, loại bỏ thống hối và hồi tâm. Học lý trở thành câu truyện của nếm thử hơn là câu truyện về sự thật. Nhưng, cũng có những lúc thuận lợi, trong đó hậu hiện đại đem ta tới sự thật tôn giáo, không hẳn trong cảnh êm đềm hòa điệu mà là trong cái chói tai gai mắt, trong điều chưa được giải đáp hơn là trong điều chắc chắn, trong điều gồ ghề lởm chởm hơn là trong điều hoàn hảo trọn vẹn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên tu sĩ giáo phận Thanh hóa gặp mặt đầu xuân Giáp Ngọ 2014
BBT Thanh Hóa
11:28 04/02/2014
Liên tu sĩ giáo phận Thanh hóa gặp mặt đầu xuân Giáp Ngọ 2014

Tết đến xuân về là dịp thuận tiện để người dân việt quây quần bên nhau trong mái ấm gia đình, tình bằng hữu, tình quê hương. Là dịp tốt để người đi xa, kẻ ở nhà chia sẻ niềm vui nỗi buồn sau bao ngày xa cách. Để rồi từ trong mái ấm tình thương ấy, những con tim được sưởi ấm đem theo tin vui vào dòng đời ngược xuôi trong những ngày tháng đang chờ đợi phía trước. Giáo phận Thanh hóa cũng là một gia đình, trong mái ấm gia đình ấy, nhiều người con đã lên đường theo tiếng gọi của đời sống thánh hiến, sống trong các dòng tu và tu hội rải rác trên khắp ba miền của tổ quốc.

Xem Hình

Để bày tỏ tình yêu thương liên đới cách đặc biệt với những người con đã chọn đời sống độc thân thánh hiến này, từ hai năm nay, vị Cha chung của giáo phận, Đức Giám Mục giáo phận Giuse Nguyễn Chí Linh đã muốn Uỷ Ban Ơn Gọi giáo phận tổ chức ngày hội đầu xuân liên tu sĩ giáo phận tại Tòa giám mục, trung tâm của giáo phận.

Theo lời của cha Chủ tịch UB Ơn Gọi, Trưởng Ban tổ chức Giuse Vũ Thanh Long: “ Đây là cơ hội để cha con được gần nhau, anh chị em được gần nhau để cùng chia sẻ cho nhau những vui buồn sướng khổ, thuận lợi khó khăn trên đường theo đuổi ơn gọi và sống đời thánh hiến hay cùng tâm sự những điều chưa ngỏ cùng ai.

Cuộc họp mặt đầu xuân là dịp để góp ý về các sinh hoạt Liên tu sĩ giáo phận Thanh hóa trong tương lai và có chương trình hoạt động cụ thể để mọi người hòa mình vào dòng chảy giáo phận, luôn được hiệp thông trong mọi biến cố lớn nhỏ của giáo phận để tình thân ái và mối dây hiệp nhất của các thành viên trong gia đình Liên tu sĩ giáo phận không bị phôi phai vì đường xa cách trở ”.

Cha Chủ tịch cũng cho biết: Gia đình Liên tu sĩ giáo phận bao gồm tất cả các nam nữ tu sĩ, đệ tử, tập sinh đang sống và tu ngoài giáo phận Thanh hóa. Cuộc gặp mặt lần này quy tụ được 179 nam nữ tu sĩ, đệ tử của 49 dòng tu, tu hội đang hiện diện trên cả nước.

Trong giờ thảo luận ghóp ý kiến cho công tác tổ chức năm tới, các thành viên đã đề nghị cần chia phụng vụ cho các đơn vị theo giáo tỉnh, tăng thêm thời gian hội thảo, lập danh bạ liên lạc, mở một cửa sổ của gia đình liên tu sĩ trên trang web giáo phận…

Đức Cha giáo phận cũng ấn định ngày gặp mặt truyền thống gia đình liên tu sĩ giáo phận sẽ diễn ra hằng năm vào ngày Mồng Bốn Tết.

Trong bài huấn từ dành cho gia đình liên tu sĩ giáo phận, Đức Cha đã bày tỏ niềm tin tưởng rằng trong mỗi con tim của những người con trong gia đình liên tu sĩ vẫn có một chỗ ưu ái dành cho giáo phận “dù đi xa vẫn cánh cánh bên lòng hai chữ Thanh hóa. Dù làm được hay chưa, dù nhiều hay ít chúng ta vẫn mong làm cái gì đó cho Thanh hóa”.

Vị Cha chung giáo phận cũng mong muốn các thành viên “cố gắng sống thế nào để có danh thơm tiếng tốt trong các hội dòng, vừa xây dựng hội dòng vừa đóng ghóp xây dựng quê hương”. Đồng thời Đức Cha cũng hy vọng khi chính sách xã hội thông thoáng hơn, chính những người con xa quê này sẽ giúp giáo phận trong nhiều công tác xã hội theo đường hướng hoạt động tông đồ của hội dòng.

Giảng trong thánh lễ, Đức Cha cũng nhấn mạnh đến mối tương quan cá vị giữa người tu sĩ với Chúa Kitô: Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô là quan trọng bậc nhất, thâm sâu nhất và không thể không có trong đời sống thánh hiến. Đồng thời cuộc gặp gỡ này phải biến đổi, thúc đẩy đời sống chúng ta sống tốt hơn.

Đại diện cho Liên tu sĩ giáo phận, thầy Phê rô Vũ Minh Tuyên, giáo xứ Kẻ Bền, tu tại Dòng Đức Mẹ Người Nghèo đã bày tỏ niềm vui và tâm tình tri ân: “Một năm xa quê, nhưng cũng là một năm đong đầy tình yêu và nỗi nhớ thương. Hôm nay trở về nhà, chúng con thật hạnh phúc vì cánh cửa Tòa Giám mục luôn mở rộng chào đón chúng con”. Thầy cũng khẳng định: "Cuộc gặp mặt này tăng thêm sức mạnh của tình liên đới hiệp nhất cho hành trình sắp tới của chúng con”.

Ngày gặp mặt kết thúc bằng bữa cơm thân mật tại Tòa Giám mục và tay trong tay mọi người cùng cất bài hát quen thuộc của cố nhạc sĩ họ Trịnh “Nối vòng tay lớn”.
 
Giáo xứ Việt Nam Tiểu Bang Washington mừng Xuân Giáp Ngọ.
Nguyễn An Quý
13:41 04/02/2014
TUKWILA. Niềm vui của những ngày đầu Xuân đến với toàn thể Dân Chúa giáo xứ CTTĐVN là niềm vui tràn ngập khi cơ sở mới của giáo xứ đã thực sự trở thành nhà cầu nguyện đã được làm phép đúng vào đêm Giáo Thừa tiễn đưa năm Con Rắn và chào đón Năm Con Ngựa do Đức Tổng Giám Mục Seattle chủ sự. Cơ sở mới này được tọa lạc tại một vùng đất thơ mộng có diện tích gần 6 mẫu, có dòng sông xanh mang tên Green River bao quanh ba phía.Từ cổng chính nhìn vào, một toà nhà rộng lớn khá khang trang với diện tích trên 62 ngàn SQF. Nơi đây, thật là một khung cảnh đầy thánh thiêng, đúng như lời đức Tổng Giám Mục Peter Sartain đã chia sẻ hôm ngài đến dâng Thánh lễ tạ ơn và làm phép ngôi nhà thờ tạm đúng vào đêm Giao Thừa chuẩn bị đón Xuân Giáp Ngọ. Khi đón Xuân Giáp Ngọ thì giáo xứ vừa hoàn thành giai đoạn một, tức công việc tân trang một khu vực khá rộng với diện tích 8 ngàn SQF vừa được làm phép để dùng làm nhà thờ tạm trong khi chờ đợi xây cất Ngôi Thánh Đường mới và đã có được một số phòng ốc đủ cho các sinh hoạt của các lớp giáo lý, các lớp Việt Ngữ, Thiếu Nhi Thánh Thể. Chúa Nhật ngày 2 tháng 2 tức Mồng Ba Tết, tất cả các sinh hoạt này đều được bắt đầu mỗi Chúa Nhật từ 9 giờ 30 sáng đến 2 giờ chiều thì có Thánh lễ cho Thiếu nhi và giới trẻ. Bầu khí sinh động đã thực sự đến với cộng đoàn dân Chúa nơi đây nhất là các em thiếu nhi và giới trẻ đã có nơi sinh hoạt ổn định và tự do thoải mái chứ không còn như những ngày sinh hoạt ở nơi thuê mướn trong suốt bao nhiêu năm qua.

Xem Hình

Hôm nay thứ bảy ngày Mồng Hai Tết, một ngày vui lại đến với dân Chúa khi cùng nhau cử hành thánh lễ tân niên mừng Xuân Giáp Ngọ. Thánh lễ được cử hành vào lúc 5 giờ chiều. Mới hơn 4 giờ chiều, xe cộ tấp nập nối đuôi nhau trên các con đường dẫn vào nhà thờ. Đoàn Liên Minh Thánh Tâm đã sẵn sàng tiếp đón một số quan khách người Mỹ cũng giáo giáo dân vào vị trí chỗ ngồi trong trật tự. Hơn 4 giờ 45 phút, trong nhà thờ đã đầy kín các ghế ngồi nên anh em Ban Đón Tiếp phải sắp thêm ghế ở khu vực sát nhà thờ. Lượng người đến tham dự Thánh lễ Tân Niên hôm nay còn đông hơn cả đêm lễ Giao Thừa với khoảng trên 2 ngàn người kể cả một số đồng hương thuộc các tôn giáo bạn cũng có mặt trong ngày Tân Niên này.

Đúng 5 gìờ, vị MC trong Ca Đoàn đọc Lời Dẫn Lễ:" Hòa chung niềm vui với dân tộc Việt Nam trong ngày đầu xuân, chúng ta cùng hiệp ý cầu xin Chúa ban cho mỗi gia đình, mỗi người trong giáo xứ chúng ta trong năm mới này được sự bình an, hạnh phúc, và xin Chúa chúc lành cho mọi người chúng ta được mọi sự an lành trong tình thương yêu quan phòng của Thiên Chúa..."

Lời dẫn lễ vừa dứt, ba hồi chiêng trống ngân vang làm tăng thêm vẻ thiêng liêng mang truyền thống Việt Nam. Ba hồi chiêng trống dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cung với các linh mục cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn Thánh.Thánh lễ được cử hành đồng tế do cha chánh xứ chủ tế, cùng đồng tế thánh lễ có linh mục phụ tá Nguyễn Sơn Miên, linh mục Trần Đình Toản, linh mục Phạm Trung và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế Thánh lễ.

Mở đầu Thánh lễ cha chánh xứ ngỏ lời chào mừng, ngài nói: "Con xin cám ơn và chào mừng qúy cha đã đến dâng Thánh lễ tạ ơn mừng Xuân Giáp Ngọ của Giáo xứ chúng con hôm nay.Bên cạnh con là cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Đình Toản, cha Phạm Trung và Thầy Phó tế Nguyễn Đức Mậu. Xin chào mừng quý xơ,( trong thánh lễ có sự hiện diện của một số người Mỹ, ngài ngỏ lơì cháo mừng các vị này bằng anh ngữ.) chào mừng các vị từ xa đến tham dự và chào mừng toàn thể các Cộng Đoàn, Hội Đoàn, và toàn thể giáo dân hiện diện. Xin chúc mừng năm mới đến toàn thể quý vị. Xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau.

Thánh lễ được tiếp nối với phần Phụng Vụ Lời Chúa qua các bài đọc Thánh lễ Tân Niên. Bài đọc I: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. Vì Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ hoan hỷ, Vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng...

Bài đọc 2 là lời nhắn nhủ của Thánh Phaolo: Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy.. .

Phần giảng lễ do cha chánh xứ phụ trách. Bài giảng lễ khá súc tích và ngắn gọn đã giúp mọi tín hữu trân trọng về những hồng ân mà Chúa đã ban cho mọi người trong năm qua và với quyết tâm năm mới sống thánh thiện hơn. Trước khi đi vào bài giảng, ngài ngỏ lời chào mừng và cám ơn các vị khách người đã đến tham dự Thánh lễ Tân niên mừng Xuân Giáp Ngọ như quý Cộng Đoàn người Phi thuộc xứ đạo Anthonny mà trước đây ngài đã làm việc ở đó..ngài nói tiếp: Chúng ta thường nghe bài phúc âm trong ngày đầu năm với đoạn mà Chúa bảo: anh em đừng lo lắng gì hết, nào đừng lo của ăn, áo mặc. Hãy nhìn xem những hoa huệ ngoài đồng, những con chim sẻ không phải lo gì hết nhưng Thiên Chúa vẫn cho đầy đủ. Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh. Trong thánh lễ này, chúng ta hướng đến biến cố trùng vào ngày đầu năm, đó là việc Đức Mẹ Dâng Con trong Đền Thánh. Theo tục lệ của Do Thái ngày xưa, khi sinh con đầu lòng thì sau 40 ngày phải đưa con lên Đền thờ để mà dâng lên Thiên Chúa. Đây là việc khởi sự từ truyền thống của thời cựu ước. Chúng ta biết rằng dân Do Thái cho rằng nếu sinh được người con trai đầu lòng là được phúc của Thiên Chúa, cho nên người Do Thái luôn ghi nhớ biến cố đó như một lời tạ ơn bằng cách luôn giữ luật dâng con vào Đền Thánh để tạ ơn những gì mà Chúa đã ban cho. .Người Việt Nam chúng ta thường có câu: ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Khi chúng ta đang được hưởng những gì bây gìờ thì chúng ta phải nhìn về quá khứ. Những gì mà chúng ta đang có bây giờ thì phải nhớ đến cội nguồn: uống nước nhớ nguồn. Hôm nay ngày Mồng Hai Tết, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta nhớ đến ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các ngài, nhất là những ngươì cha, người mẹ của chúng ta là nững người có công sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta. Tất cả những tâm tìnn này đều nhắc nhở chúng ta cùng một lòng tri ân. Chúng ta phải hảnh diện, vì chúng ta luôn là những con người biết trả ơn. Khi nhìn về quá khứ, khi nhận ra những gì mà chúng ta đã có như thế nào, chúng ta đang sống trong hiện tại làm sao để chúng ta được xứng đáng với những ơn mà chúng ta đang nhận lảnh. Chúng ta khi hướng về tương lai để rồi chúng ta phải biết làm gì cho xứng đáng về những ơn lành mà chúng ta đã nhận được. Chúng ta có biết chia sẻ tình thương cho nhau như Chúa đã ban cho chúng ta tình yêu vô bờ bến. Hôm nay qua biến cố Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thánh, Đức Mẹ cũng đã dạy cho chúng ta một mẫu gương trong ngày đầu năm, đó là việc Thánh cả Giuse, Đức Mẹ đã dâng lên Thiên Chúa người con của mình là Giêsu. Mẹ cũng đã từng suy nghĩ: Bởỉ đâu tôi được cái ân huệ như thế này, Đức Mẹ luôn suy đi nghĩ lại trong lòng điều đó. Chúng ta cũng đã được mang nhiều ơn, đã được Chúa cho quá nhiều. Chúng ta là những người tỵ nạn, chúng ta cũng phải biết tri ơn đất nước này đã giúp chúng ta tù khi chúng ta mới đặt chân đến đất nước này cho đến hôm nay. Hôm nay khi chúng ta đi vào ngôi Thánh đường này, anh chị em thấy sao( có tiếng giáo dân nói đẹp, ngài cười nói: hẹp phải không- có tiếng cười rộ) Quả thật, nhiều người cảm thấy nơi đây thật thánh thiêng. Nhìn cơ sở này chắc chắn chúng ta đều công nhận đây là công lao khó nhọc của những vị tiền bối, của ông bà và anh chị em từ thời còn là Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam đã quyết tâm để xây dựng Cộng Đồng Đức Tin Việt nam. Trong hiện tại với sự hiệp nhất và cộng tác của mọi người theo từng khả năng, thời giờ hy sinh đóng góp của nhiều người. Chúng ta tạ ơn Chúa trong suốt gần 40 năm qua là cuộc hành trình của một chặng đường dài trải qua biết bao chông gai, sóng gió, và nhờ ơn Chúa hưóng dẫn chúng ta được thêm sức mạnh của Chúa nên đã vượt thắng tất cả cho đến khi chúng ta trở nên một giáo xứ và bằng quyết tâm cùng nhau xây dựng ngôi Thánh Đường mới. Đi từ Seattle nơi nhà thờ cũ về đây với khoảng cách chừng 14 Miles, vơí một khoảng cách như thế nhưng tất cả chúng ta đã cố gắng vượt qua. Chúng ta đã vuợt qua được những khó khăn nay đã đạt được phần đầu khi có đuợc một ngôi nhà thờ tạm mà chúng ta đang dùng làm nhà cầu nguyện hôm nay, đấy chỉ là nhà thờ tạm thôi, chúng ta sẽ tiếp tục quyết tâm xây ngôi nhà thờ lớn hơn để đủ chỗ cho mọi người, chúng ta thấy hôm nay còn quá đông đảo qúy ông bà và anh chị em đang ngồi ờ phòng bên ngoài với số người còn đông hơn trong nhà thờ tạm nữa, cũng tạ ơn Chúa dù đó là nơi không phải trơng nhà thờ nhưng cũng là vị trí khá tốt đẹp cho những thánh lễ đông như hôm nay. Giờ dây chúng ta phải nói: Chúng con cùng ta ơn Chúa, tạ ơn Chúa vì Chúa đã mời gọi mọi người trong giáo xứ cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau đóng góp công sức, tài lực như trong những tháng vừa qua với một lực lượng thiện nguyện khá đông đảo đến làm đủ mọi công việc từ sáng sớm cho đến 10 giờ đêm mới có kết quả của giai đoạn một như hôm nay mà chúng ta ngồi ở nhà thờ tạm này.

Trong ngày đầu năm hôm nay, chúng ta cùng tri ân tất cả các công lao khó nhọc của từng người đã giúp cho giáo xứ, chúng ta cũng tri ân đến Đức Cha trước đây đã rộng mở đón những người Công Giáo Việt nam đến đây và tạo điều kiện cho thành lập Cộng Đồng Công Giáo dù với một số người ít ỏi, đó là ngài Hunthausen, tri ân vị nguyên Tổng Giám Mục Brunett đã ưu ái nâng Cộng Đồng chúng ta lên hàng giáo xứ, đó là một cơ hội thuận lợi cho chúng ta phát triển như hôm nay.Trước khi Đức Tổng Giám Mục Sartain đến đây chủ sự lễ làm phép nhà thờ tạm vào đêm Giao Thừa, ngài đã gặp Đức Bruett và ngài Brunett cũng đã thăm hỏi và gởi lơì chúc mừng đến giáo xứ chúng ta. Năm mới không gì tốt đẹp hơn bằng lòng tri ân của chúng ta đến hết thảy mọi ân nhân. Chúng ta cũng cảm nhận rằng, chúng ta không bao giờ tạ ơn Chúa cho đủ những gì Chúa đã cho chúng ta. Chúng ta chỉ dâng lên Chúa lời ca tiếng hát, lời kinh nguyện qua tâm tình tạ ơn của chúng ta khi chúng ta còn sống. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa từ những chuyện nho nhỏ và biết dâng lên Chúa tất cả cuộc sống của chúng ta mỗi ngày bao lâu mà chúng ta còn sống cho đến khi lìa đời. Bao lâu còn sống chúng ta phải làm một cái gì đó cho vinh quang của Chúa được sáng ngời. Năm nay là năm Ngọ, năm Con Ngựa, ai tuổi ngựa đứng lên có tiếng cười kéo dài với giọng nói từ xa: ông cố, ( mọi người nhìn thì thấy thân phụ của cha chánh xứ đứng dậy, cha giảng lễ lại nói: con cũng Ngựa luôn) nhiều tiếng cười. Ngài nói tiếp: Khi nói đến con ngựa thì người ta nghĩ ngay đến sức chạy nhanh, nghĩ đến sức mạnh gọi là mã lực để đánh giá động cơ đó có sức mạnh đến mấy sức ngựa- mấy mã lực - con ngựa lại có đặc điểm là sự trung thành đi đâu rồi cũng trở về với chủ, nên ngươì ta thường gọi là ngựa quen đường cũ. Con ngựa khi được huấn luyện rồi thì luôn luôn đi theo sự hướng dẫn của chủ. Ước vọng của chúng ta năm nay là năm ngựa thì phải làm khoẻ như ngựa, nhất là chúng ta mong muốn có được sức mạnh tinh thần để được kết hợp với Chúa giúp chúng ta tiếp tục làm những điều gì dù khó khăn. Chúng ta cũng xin cho được sự trung thành với ơn gọi của mình, trung thành với những gì mà chúng ta đã đặt ra như đã hứa với giáo xứ trong việc xây dựng phát triển. Chúng ta phải nhắm thẳng đường để tiến đi như con ngựa dù khó khăn. Năm nay, con gặp những lời chúc thật vui vui, con xin đọc: Cung chúc tân niên -sức khỏe vô biên- thành công liên miên - hạnh phúc triền miên - túi luôn đầy tiền - sung sướng như tiên - cùng với cha Miên - cầu cho Seahawks ( tiếng cười vang ).

Người viết xin thêm: cha Nguyễn Sơn Miên là Fans của Seahawks cho nên từ khi hay tin Seahawks được vào chung kết tranh giải Super Bowl thì ngài ngày đêm cầu nguyện cho Seahwawks nên Seahawks đã thắng trận vẻ vang.

Thánh lễ tiếp nối với phần dâng lễ vật rất trang trọng, trước khi dâng lễ vật là phần Dâng Hoa do các em Thiếu Nhi phụ trách với vũ điệu kèm theo những bông hoa rực rỡ dâng lên Chúa trước bàn thánh. Ban Dâng Lễ Vật gồm đại diện Ba Miền Bắc, Trung, Nam, miền Bắc do Cộng Đoàn Mông Triệu, miền Trung do Cộng Đoàn Fatima, miền Nam do Cộng Đoàn Mân Côi phụ trách và Giới trẻ tiêu biểu cho Hải ngoại đại diện cho giáo xứ với lời dẫn nguyện cầu theo từng thành phần rất cảm động.

Sau lời nguyện kết lễ, cha chánh xứ một lần nữa trịnh trọng cám ơn và tri ân đến quý cha, qúy xơ, quý quan khách, nhất là sự cám ơn chân thành đến từng thành phần trong giáo xứ như HĐMV, HĐTC, các đoàn thể, anh em Liêm Minh Thánh Tâm, Hội Các Bà Mẹ, Ban An Ninh, Ban Đón Tiếp và toàn thể quý ông bà và anh chị em thiện nguyện viên đã hy sinh thì giờ công sức làm việc tận tuỵ giúp giáo xứ mơí có được thành quả tốt đẹp như hôm nay. Cuối cùng ngài trân trọng kính mời tất cả ra hội trường tham dự chương trình văn nghệ và giáo xứ sẽ khoảng đãi thức ăn nhẹ cho toàn thể giao dân tham dự. Thánh lễ kết thúc lúc 6 giờ 30, đông đảo giáo dân tiến về phía hội trường để tham dự chương trình văn nghệ. Chừng hơn một ngàn năm trăm người tham dự văn nghệ. Đúng 7 giờ, chương trình văn nghệ được bắt đầu bằng đoàn múa lân chào đón và chúc mừng năm mới, kế đến là lễ chào cờ trọng thể. Buổi chào cờ và phút mặc niệm vừa dứt, cha chánh xứ ngỏ lời khai mạc chương trình văn nghệ vơí chủ đề Xuân Tạ Ơn, ngài trịnh trọng cám ơn ban tổ chức, cám ơn các anh chị em đã giúp cho chương trình văn nghệ hôm nay. Ban Văn nghệ phụ trách trình diễn đón Xuân tạ Ơn có tên là ban văn nghệ cây nhà lá vườn đã trình diễn một chương trình văn nghệ hết sức phong phú. Hấp dẫn nhất là màn sứ táo quân do anh chị em ca đoàn Tin Yêu trình diễn, Hội Các Bà Mẹ cũng đóng góp tiết mục trình diễn áo dài, tuy các bà đã ngoài tuổi ngũ niên cả nhưng cũng khá ẻo lả khi trình diễn, nổi bật là vũ khúc của nhóm sắc tộc với hoá trang như những chú công đầy màu sắc rực rật mang tính hồn nhiên trình diễn khá tuyệt vời. Quý cha đi lì xì các em nhỏ đã làm tăng thêm ý ngày của ngày đầu Xuân. Vào khoảng 7 giờ 30, anh em ban tiếp tân mang thức ăn đến tận từng người, thức ăn tuy đơn giản nhưng cũng làm ấm lòng mọi người vì đã đến gìờ dạ dày đòi hỏi. Buổi văn nghệ kết thúc bằng cuộc xổ số vui và cắt bánh mừng Xuân Tạ Ơn vào khoảng 10 giờ 30.

Mọi người chia tay ra về trong niềm hân hoan khi nghĩ đến tương lai đầy hy vọng của giáo xứ nơi vùng đất mới này.

Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng ngôi thánh đường chính thức sớm hoàn thành mỹ mãn.

Nguyễn An Quý
 
Đại hội Giới trẻ Giáo phận Vinh: Niềm vui gặp gỡ và dấu ấn ngày khai mạc
CTV GPVO
20:30 04/02/2014
VINH - Ngày thứ nhất của Đại hội Giới trẻ Giáo phận Vinh lần I, 04.02.2014, đã diễn ra trong niềm hân hoan gặp gỡ, với sự rộn ràng trong bầu khí ấm áp của những ngày xuân mới, với tình yêu thương gắn kết giữa những người trẻ đến từ khắp các Giáo hạt thuộc Giáo phận Vinh rộng lớn.

Hình ảnh

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù 12 giờ trưa mới là thời điểm bắt đầu đại hội, nhưng ngay từ sáng sớm, các ngả đường tiến về Linh địa Trại Gáo đã tấp nập các đoàn giới trẻ từ các giáo hạt về tham dự đại hội. Các bạn trẻ, bằng những cử chỉ đầy thân ái, đã thể hiện tinh thần yêu mến, tin tưởng lẫn nhau trong niềm vui hội ngộ.

Các bạn trẻ và quý khách tham dự, từ những phút đầu tiên, có thể dễ dàng nhận thấy sự chuẩn bị công phu, bài bản của Ban Tổ chức. Trên con đường dẫn vào Đền thánh Antôn, hàng chục lá cờ vàng trắng đang tung bay trong gió. Các băng rôn, biểu ngữ với nội dung là các câu Lời Chúa được treo tại vị trí cao, dễ thấy, như những lời nhắc nhở đoàn con con Giáo phận tụ hội về đây!

Sân khấu của đại hội lần này được thiết kế hoành tráng, đẹp mắt. Điểm nhấn là câu chủ đề “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”, kết hợp hài hòa cùng lôgô của Giới trẻ Giáo phận Vinh, được đặt ở vị trí trung tâm sân khấu.

Lúc 13 giờ 30, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ chăn Giáo phận long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo phận Vinh lần I.

Sau phần khai mạc tưng bừng, rộn rã, vào lúc 15 giờ, Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, qua bài thuyết trình của mình, đã cùng các bạn trẻ khai triển cụ thể chủ đề đại hội năm nay. Bài thuyết trình xoay quanh đoạn Tin mừng Mc 10,17-22. Qua hình ảnh người thanh niên giàu có, Đức Cha Phêrô mời gọi các bạn trẻ một lần nữa thẩm định bản thân về niềm tin của mình, đồng thời chân thành thốt lên với Chúa: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Mc 10,17), và nỗ lực thi hành lời Ngài dạy. Đức Cha Phêrô ân cần cầu chúc các bạn trẻ sống tốt “6 T”: Tài năng, Tâm sáng, Tình nồng, Trở về, Từ bỏ, Tái định hướng.

Tiếp đến, các tham dự viên được chìm đắm trong bầu khí thiêng thánh của giờ Chầu Thánh Thể. Giờ chầu thực sự là cơ hội để người trẻ được trở về với lòng mình. Nơi đó, tình yêu Đức Kitô như một lời gọi mời tha thiết, khiến họ thốt lên: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”

Bắt đầu từ 18 giờ, đại hội thực sự bước vào cao trào, tựa hồ một bức tranh đa sắc. Đó là sự phong phú và độc đáo của các món ăn đặc trưng vùng miền mà các giáo hạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An mang đến cho đại hội trong “hội chợ ẩm thực”. Đặc biệt, đó chính là những đặc sắc, giàu tính nghệ thuật của các tiết mục văn nghệ mà các bạn trẻ trong khắp giáo phận mang đến trong “đêm nhạc hội mừng xuân”. Tất cả đã làm nên một đêm hội rộn rã, lung linh sắc màu và nhiều cung bậc cảm xúc. Có tiếng cười rộn ràng của không khí xuân, có những nghẹn ngào khi suy ngẫm về nhân tình thế thái, có những phút lắng lòng như khẽ chạm vào nơi kín ẩn của niềm tin…

Đêm nhạc hội kết thúc đã khép lại ngày đầu tiên của Đại hội Giới trẻ Giáo phận Vinh lần I. Một ngày mang đến cho người trẻ nhiều giá trị và ơn ích. Các bạn như được tái định hướng cuộc sống mình theo thánh ý Chúa.

Uớc mong rằng câu hỏi của người thanh niên giàu có “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” vang vọng trong đời sống mỗi bạn trẻ hôm nay và cả ngày mai!

BTT GP Vinh
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
“Đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi.” (tuyển tập HCM)
Bảo Giang
11:12 04/02/2014
Khi cái thước thợ đặt lên bàn, nó chỉ có thể kẻ được những đường thẳng. Tuy thế, người ta vẫn không ngừng che dấu những sự thật, để được sống trong gian dối!

Cái chết của Nông thị Xuân là một diển hình. Cái chết được che đạy bằng một thứ bạo quyền lực tuyệt đối. Được tính toán ngụy trang bằng một tai nạn giao thông để triệt, xóa án. Kết quả, chỉ vài chục năm sau, câu chuyện ấy hầu như không ai mà không nghe biết là: Trần quôc Hoàn đã dùng búa đập đầu, giết Xuân theo lệnh của Hồ chí Minh? Rồi quăng xác của cô ra ngoài đường với mưu đồ già làm tai nạn lưu thông, triệt bí mật. Tuy thế, trời bất dung gian. Đã chẳng có chiếc xe nào, kể cả các loại xe côn đồ do Hòan chỉ huy chịu cán đè lên cái xác đã chét ấy để cho Hoàn đến lập biên bản. Thay vào đó là giấy chứng nhận, không được công bố ra ngoài, của các y sỹ pháp y tại bệnh viện. “Nạn chân chết vì bị vỡ sọ, toàn thân không có một dấu vết nào do tai nạn”! Người được đọc qua giấy chứng tử ấy là Nguyễn thị Vàng, và một người chị em khác tên Nguyệt, nhanh chân về Bắc Giang để báo tin cho người nhà, đều không thoát khỏi cái búa diệt khẩu của Hòan. Nhưng vụ án không kết thúc ở ba cái chết thê thảm này, nhưng là treo vào cổ những tên sát nhân.

Rồi ở miền nam, vào năm 1963 cũng có một vụ án mạng kinh thiên động địa có thể còn hơn thế. Một tốp ngưòi với danh xưng, tưởng không còn gì lững lẫy và oai vệ hơn, “ hội động quân nhân cách mạng” bao gồm những Minh, Khiêm, Đôn, Đính, Xuân, Mậu, Lắm, Nghĩa, Nhung… đã thảm sát Tổng Thống Ngô đình Diệm và bào huynh của ông là Ngô đình Nhu trong lòng chiếc thiết vận xa một cách man rợ. Nhóm này đã đưa ra một bản tin láo khoét để lừa bịp dân chúng là hai ông đã tự vận. Kết quả, chỉ ba tháng sau thì sự việc dã phơi bày ra ánh sáng. Nhung đã đền tội trong trại Hoàng hoa Thám. Rồi những “ông cách mạng” kia đã được trao cho cái danh hiệu để đời ” những tên côn đồ ác ôn đáng nguyền rủa” ( tổng thống Johson)! Qủa là một nghiệp chướng! Còn hơn cả nghiệp chướng là không một ai trong số ấy dám hé răng nói lại nửa lời phản bác!

Trở lại câu chuyện, ngọn đèn đặt trên giá, soi sáng cho cả nhà. Vào thời gian gần đây, nhất là sau khi cuốn “ Bình Sinh Khảo” của Tg Hồ Tuấn Hùng viết về Hồ chí Minh, được ông Thái Văn dịch ra tiếng Việt. Bất cứ nơi đâu, ở trong nưóc hay hải ngoại, người ta đều thắc mắc:

- Hồ chí Minh là ai?

- Hồ chí minh là ngưòi Tàu hay là người Việt Nam ? Y là Hồ tập Chương hay Nguyễn tất Thành?

Lại có nhiều người phản ứng như là đã có đầy đủ bằng chứng chắc chắn HCM là người Tàu, nên đã nói toạc ra là:

- Vì không phải là ngưòi Việt Nam nên Y mới tàn ác và đấu tố, giết dân mình theo sách của Tàu.

- Vì là ngươi Tàu, nên vảo năm 1952, lúc chưa nắm được quyền Y đã lệnh cho Đặng xuân Khu dâng Việt Nam cho Trung cộng bằng cách, viết lòi kêu gọi đồng bào bỏ chữ Quốc Ngữ học chữ Tàu và xin làm phiên thuộc cho Tàu…

- Và còn nhiều lời luận tội bắt đầu bằng câu khai mào tương tự như thế.

Tôi không biết những lời nói mà ai cũng có thể nghe thấy như thế, có phải là một kết án vội vàng hay không? Chì thấy phía CS hoàn toàn im lặng, không dám lên tiếng, dù chỉ nửa lời phản bác cuốn sách của Hồ tuấn Hùng. Họ im lặng như “những kẻ côn đồ đáng nguyền ruả”! Và còn tồi tệ hơn thế, họ rất tích cực chứng minh cho những lời kết án trên là đúng khi tiếp tục, hung hãn ra tay bắt bớ và giam cầm những thanh niên yêu nước quyết chống trả cuộc đô hộ từ phương bắc. Nhưng không dám có lấy một phản ứng nào đáp trá khi ngư dân của Việt Nam ra khơi thả lưới bị Trung cộng ức chế, bắt bớ và đánh đập. Thái độ của họ xem ra là hết sức nghịch lý đối với nhiệm vụ của một tập hợp được gọi là “ nhà nưóc”! Không biết họ là chính phủ hay là một tập thể thái thú, nô lệ?

Viết đên đây, tôi nhớ đến một câu chuyện trong cổ sử của Việt Nam. Đó là trường hợp của Cù thị và Triệu minh Vương. Liệu HCM, có phải là một hình thưc khác trong câu chuyện Cù Thị, Triệu minh Vuơng trên đất Việt hôm nay không? Theo dòng sử liệu “Triệu Kiến Đức là con của Triệu Minh vương, mẹ ông là người Việt. Vua cha không chọn ông nối nghiệp mà chọn Triệu Hưng là con của hoàng hậu người Hoa Cù thị. Cù hậu tư thông với sứ giả nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý, muốn mang Nam Việt quy phục nhà Hán. Triệu Ai Vương còn trẻ, chỉ biết nghe theo lời mẹ. Kết quả là Thừa tướng Lữ Gia giết Cù hậu, Ai Vương và cả Thiếu Quý. Sau đó, đưa Kiến Đức kế vị, tức là Triệu Dương Vương. Sử ký Tư Mã Thiên chép (q. 113, t. 5b): "Lữ Gia... và các quận huyện lập con trai trưởng của Minh Vương, con người vợ Việt Nam là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua".

Câu chuyện hôm nay tuy có khác xưa, nhưng xem ra có cùng một mục đích là HCM và tập đoàn CS muốn đưa Việt Nam vào vòng nô lệ cho Tàu. Theo đó, càng ngày người dân càng mong mỏi có một Lữ Gia đứng lên chém Cù Thị, hạ Trần Hưng, để bảo vệ giang sơn và dân tộc Việt! Nhưng lý do nào tôi cho Hồ chí Minh là một Triệu Hưng thời đại?

1. Lời tự khai của Hồ chí Minh.

Tháng giêng năm 1949, tạp chí "Sinh hoạt nội bộ" kỳ thứ 13 của Việt Nam có đăng tải một bài viết nhan đề "Đảng ta" do Hồ Chí Minh viết dưới bút danh Trần Thắng Lợi. Nhà xuất bản Chính trị Quôc gia đã đưa "Đảng ta" vào Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 547. Bài viết này đã được TG Hồ tuấn Hùng ghi lại trong Bình Sinh Khảo, thiên II, nhan đề “ ve sầu thoát xác, thật giả kiếp ngưòi”. như sau

" Năm 1929 (chính xác là ngày 19 tháng giêng năm 1929), trong khi đồng chí Nguyễn ái Quốc đi vắng, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội khai toàn quốc Đại hội ở Hương Cảng. Đại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức đảng cộng sản, bị gạt đi, liền bỏ hội nghị ra về….

Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn ái Quốc trở lại Tàu (chính xác là ngày 20 tháng giêng năm 1930), cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.

Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám. Để giữ bí mật, các đại biểu khai hội bên sân đá banh của người Tàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về Đảng.

Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng. Thế là Đảng ta chân chính thành lập...".( Trần thắng Lợi, tức Hồ chí Minh)) Ôi! Nó chân chính theo hệ… Tầu làm sao chứ!

Tưởng cũng cần nhắc lại là. Theo tài liệu do nhà cầm quyền cộng sản công bố trong “những tên gọi bí danh, bút danh của Hồ Chí Minh; do NXB Chính trị Quốc Gia.- Hà Nội 2001, có tất cả là169 cái tên chính! Bút danh Trần thắng Lợi, là một cái tên chính thức, mang số thứ tự thứ 114 trong tổng số 169 bí danh, bút hiệu, tên gọi của HCM. C ũng theo nhiều tài liệu của họ, bảy ủy viên đứng ra thành lập đảng CS lúc bấy giờ là: Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng mậu, Trịnh Đình Cửu, Lê Tản Anh, Trần Văn Cung, Lê Hồng Sơn và Hồ Tập Chương* (* theo Tg HT Hùng, Chương là người Tàu, là ủy viên liên lạc của CSQT trong hội nghị trù bị thành lập đảng cộng sản Đông Dương 3-2-1930, Trong nội bộ, Chương đã xử dụng cái tên Hồ chí Minh ngay từ thời gian này. Hùng viết ” Thời gian từ năm 1929 đến năm 1933, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tập Chương cùng hoạt động trên vũ đài chính trị, đặc biệt vào năm 1930 và nửa đầu năm 1931, hai người từng nhiều lần qua lại làm việc với nhau. Sở dĩ vào sau năm 1934, Quốc tế cộng sản có ý đồ lấy Hồ Tập Chương thay thế thân phận Nguyễn Ái Quốc, là bởi vì vào những năm 1929 đến năm 1933, hầu hết những hoạt động của Hồ Tập Chương đều mang tên Hồ Chí Minh. Do đó mọi việc Hồ Tập Chương làm đều được hiểu một cách sai lầm là của Nguyễn Ái Quốc.”( bình sinh khảo)

Trong đoạn văn tường thuật ngắn trên, có đến hai lần Hồ chí Minh tự xác nhận Y và Nguyễn ái Quốc là hai người hoàn toàn khác nhau.

a. “Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi”. Đoạn này xác định rõ ràng Nguyễn ái Quốc và Hồ chí Minh( tôi, tác giả bài viết) là hai người hoàn toàn khác nhau. Khác nhau như vợ với chồng, hai người nam, nữ khác biệt nhưng là một cặp.

b. “Sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất”…. xác nhận công lao của Nguyễn ái Quốc, trong việc kết hợp ba nhóm lại với nhau. Và cá nhân Hồ chí Minh chỉ là một phần trong chữ “ mọi người” mà thôi.

Với sự các nhận này, Hồ chí Minh và Nguyễn ái Quốc không phải là một người, nhưng là hai người có lý lịch riêng biệt. Xin nhớ, đây không phải là một bài báo thường. Trái lại, bài viết mang tính cách lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam. Bởi vì, nó được chính một trong bày ủy viên dự hội nghị còn sống, lại đang giữ vai trò lớn nhất trong đảng, viết lại sự việc thành lập đảng của mình. Một câu, một chữ trong bài viết ấy là lịch sử đảng. Theo đó, đảng cộng sản VN, toàn là những ngưòi đến và theo sau cái sự kiện ban đầu 3-2- 1930 ấy, không ai có bất cứ một tư cách nào để phủ nhận về những sự kiện lịch sử do chính người ủy viên thành lập đảng viết ra. Nghĩa là, bất cứ một thứ biện luận nào, dù cho là, vì có là sự nhầm lẫn trong in ấn, trong câu văn, để phũ nhận sự kiện ”đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi” là hai người, do chính Hồ chí Minh viết ra là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, sự phủ nhận ấy chính là sự phủ nhận về tính lịch sử và sự việc thành lập đảng cộng sản vào ngày 3-2-1930. Xin nhớ, đây là bài viết duy nhất về việc thành lập đảng CS, không có bài viết thứ hai của bất cứ một trong bảy ủy viên tham dự nào khác. Như thế, cũng không thể có sự kiện người này nhớ đúng người đi kia nhớ sai.!

2. Những lời phủ nhận, ngoài bản văn, từ Hồ chí Minh.

Tuy đã vào Hà nội từ 1945, nhưng xem ra, bàn thân Hồ chí Minh còn e ngại rất nhiều chuyện, nên không dám đương nhiên nhận mình là Nguyễn ái Quốc. Việc Y không dám coi trời bằng vung, rồi tự cho mình là Nguỳễn ái Quốc ngay từ đầu không phải là không có lý do. Thứ nhất, vừa mới chân ướt chân ráo vào Hà Nội là lần lượt bà Nguyễn thị Thanh rồi ông Nguyễn sinh Khiêm thay nhau, quần nâu áo vải từ quê nhà Nam Đàn lặn lội ra tận Hà Nội xin gặp HCM, sau khi nghe tin phong phanh HCM là Nguyễn tất Thành. Chuyện anh em họ tìm gặp nhau là phải đạo, nhưng với Hồ chí Minh có thể là một đại hoạ. Theo đó, Y không thể để họ thăm mình như anh em ruột thịt thường tình, nên được thay vào đó là vở tuồng: “ bác bận việc nước, không tiếp được, bà bằng lòng vậy nhá!” để cho bà Nguyễn thị Thanh lủi thủi ra về. Uất lên mà chết! Phần ông Nguyễn sinh Khiêm thì nghe nói, được tiếp dưới ngọn đèn mờ không nhìn rõ mặt nhau và câu chuyện cũng chẳng kéo dài qúa năm phút. Tại sao phải gặp nhau trong nhà kín, dưói đèn mờ? Có phải ngoài cái hình dạng của Hồ chí Minh có thể gây ra đại hoạ cho Hồ tập Chương, còn có chuyện nhà, chuyện anh em đưa nhau đi ăn xin khi xưa cũng là cái thòng lọng để Hồ chí Minh tự buộc vào cổ mình, nên HCM không dám gặp mặt những người này? Có thể là như thê, bởi lẽ, Y có thể học được tiếng Việt giọng Nghệ rất chỉnh, Khuôn mặt , tai măt, mũi được chỉnh hình cắt xén thật giống với Nguyễn sinh Cung. Nhưng không thể biết được những câu chuyện mà chỉ có anh em Nguyễn sinh Cung mới biết!

Sau cuộc tiếp ông Khiêm? Dĩ nhiên, Hồ chí Minh tự biết, không phải chỉ có bấy nhiêu người biết rõ về Nguyễn sinh Cung còn sống. Theo đó, nếu muốn nhận mình là Nguyễn sinh Cung thì phải tuyệt đối im lặng và chờ đợi thời gian thuận tiện, và có thể ngụy tạo thân phận để nhờ người khác tình cờ khám phá ra hơn là tự công bố. Y tuyệt đối không dám khinh xuất vì có thể bị lộ thân phận do những duyên cớ bất ngờ, không thể dự trù trước. Và đó có thể là một tính toán để chính Hồ chí Minh đã nhiều lần công khai xác nhận Y không phải là Nguyễn ái Quốc, như ông Hoàng Văn Chí ghi trong "Từ thực dân đến cộng sản - Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam" , thì ông Hồ nhiều lần đã nói ông không phải là Nguyễn Ái Quốc! Rồi về phía người ngoại quốc cũng thế. Ngay cả khi tướng Salan, đại diện Pháp dự cuộc đàm phán năm 1946, hỏi thẳng vào mặt ông Hồ, Y vẫn một mực chối cãi. Ông không phải là Nguyễn ái Quốc.

Việc này cũng được kể lại trong” Truyện Hồ chí Minh” của William j. Duiker, trang 449 như sau:”"Trước đây, Hồ Chí Minh chưa thừa nhận mình là Nguyễn Ái Quốc, nên vào năm 1946, khi triệu tập Hội nghị Quốc dân đại hội, Bộ trưởng Lao động Nguyễn Văn Thái có đề nghị vinh danh Hồ Chí Minh là "công dân số một" của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bởi lẽ, lúc ấy thân phận Hồ Chí Minh chưa được xác nhận là Nguyễn Ái Quốc( nhiều người cho rằng). Hồ Chí Minh chính là Hoa kiều tại Việt Nam, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là phái viên "Quốc tế cộng sản" được cử đến Việt Nam với nhiệm vụ thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.". (bình sinh khảo)

3. Những phủ nhận bằng hành động của Hồ chí Minh.

Khi Hồ chí Minh từ chối gặp bà Nguyễn thị Thanh và ông Nguyễn sinh Khiêm thì rõ ràng là Y đã từ chối nhận anh em, nhận họ hàng với những người này. Bởi lẽ, như tôi viết ở trên, anh em ruột thịt xa cách nhau hằng mấy chục năm trời, thì không một người nào, không một lý do nào có thể ngăn cản họ gặp nhau và chuyện vãn hết ngày này sang ngày khác. Nhưng HCM thì khác. Y cũng là con người, không phải là khúc cây cục đá, lại không theo khuôn mẫu con người. Y chẳng một lần muốn gặp họ. Đã thế, cũng chỉ viết thư chia buồn với giòng họ Nguyễn Sinh khi Nguyễn sinh Khiêm qua đời và ký tên là Chí Minh! Sao mà nó nhảm nhí đến như thế nhỉ? Tại sao cả hai người lại chết sớm thế? Liệu cái chết sớm của bà Thanh và ông Khiêm, cũng như Lê Hồng Phong, Nguyễn thị Minh Khai có là một bí ẩn, hoặc, có liên quan gì đến việc phải bảo toàn tông tích của HCM không bị tiết lộ hay chăng?

Nếu không, thì cũng chỉ có thể suy diễn là Y không có tình máu mủ với những ngưòi này. Vì không có tình máu mủ ruột thịt, nên Hồ phải chờ cho đến khi những người này đã chết mục mả, năm 1957, HCM mới dám lò mò về Nam Đàn, và sau đó, (1958) lần hồi cho người ta biết Y là Nguyễn ái Quốc. Tuy nhiên, khi về Nam Đàn, HCM lại vấp phải một tai hoạ khác mà Y không không ngờ tới là. Y tự để cho bia miệng truyền đến đời đời, nguyễn rủa Y như một tên đại bất hiếu nếu y là Nguyễn sinh Cung. Lý do, khán đài nơi Y đứng … ba hoa, chỉ cách mộ bà Hoàng thị Loan có vài trăm mét, nhưng Y đã không đến thắp nhang cho bà. Như thế, bà là kẻ bạc phước hay Hồ chí Minh là kẻ bất hiếu đây?

Chuyện HCM không thắp nhang cho bà mang ý nghĩa gì? Có phải HCM tự cho mình đã là chủ tịch nửa nước, phần bà gìa nhà quê nằm trong cái mộ kia không đáng để cho Y đến gọi mẹ, và nhận một nén nhang đạo hiếu của Y? Hay còn vì một lý do nào khác? Chẳng lẽ, một ngưòi rất tài gian dối, giỏi đóng kịch lại không thể đóng nốt vở tuồng đạo hiếu với ngôi mộ kia để làm tuyên truyền truyền ư? Tôi không nghĩ HCM nằm trong hai trường hợp này. Nhưng đơn giản hơn, vì một ý do khác. Người nằm đưới mộ sâu kia không phải là mẹ của Y. Nên dù rất muốn, Y cũng không thể đóng kịch được. Hơn thế, đó còn là lòng tự ái dân tộc trong lòng của Y. HCM không thể cúi đầu lạy nấm mộ như là người con, dù Y đang đóng vai là con của bà. Ngoài ra, không có một lý do nào khác để biện minh.

Đó là câu chuyện cũ về Hồ chí Minh và Nguyễn ái Quốc. Nhưng dầu có giỏi tính toán gian trá đến đâu thì cũng sẽ bị phá vỡ. Nghĩa là, chuyện Hồ chí Minh là Hồ tập Chương chỉ còn trong sớm tối sẽ bị bóc trần. Nó sẽ bị bóc trần và khai tử bởi chính những đảng viên cộng sản. Bằng chứng là, những người đảng viên cộng sản trẻ tuổi, có tri thức, có văn hóa, có hiểu biết, điển hình như Đặng xương Hùng, đã công khai, minh bạch về việc ra khỏi đảng CSVN bằng một lý do mà không ai ngờ tới là. Các đảng viên như Hùng đã nghi ngờ, không phải chỉ vì cái phẩm chất man rợ của đảng cộng sản và Hồ chí Minh, nhưng còn là sự kiện giối trá, Hồ chí Minh là Hồ Tập Chương nữa! Hùng viết:

”Gần đây những bí mật của ông Hồ Chí Minh đã bị phơi bày. Chúng tôi, hầu hết là đảng viên, vẫn thường vui vẻ đùa cợt, có những bài vè chế giễu, nhưng rất đúng về nhân vật này. Ông Hồ Chí Minh đã bị nghi ngờ là một người Trung quốc, có tên là Hồ Tập Chương, do Quốc tế cộng sản dựng lên, thay thế cho Nguyễn Ái Quốc, người đã chết năm 1932. Mọi niềm tin đã bị đánh cắp. Tôi tuyên bố ra khỏi đảng. Ngày 5/12/2013 (Đặng xương Hùng)

Tôi trân trọng lý do ra khỏi đảng của anh. Hơn thế, tôi trân trọng tinh thần nhân bản trong con ngưòi của anh. Bởi vì, lý do ấy là tình người và lý trí Việt Nam. Điều ấy cũng có nghĩa, Đặng xương Hùng không chỉ đoạn tuyệt với cái gỉa dối, cái gian trá của cá nhân Hồ tập Chương trong vai Hồ chí Minh, nhưng còn là tập thể đảng cộng sản nữa. Anh đã nói lên một điều mà tôi cho rằng, tất cả các đoàn đảng viên đảng CSVN có học, có tri thức, có hiểu biết, phải nghĩ đến và quay về phục vụ cho quyền lợi của Tổ Quốc và dân tộc Việt Nam. Họ không thể tự lừa dối mình, tiếp tục nhận giặc làm cha, thờ Hồ tập Chương và phục vụ cho quyền lợi của CSTrung quốc để kiếm bỗng lộc riêng mà quên đi Tổ Quốc và đồng bào Việt Nam của mình. Bởi vì, theo lời Hùng tiết lộ, “hầu hét là đảng viên vẫn thường vui vẻ đùa cợt”. Nghĩa la họ chẳng còn tin gì HCM. Hơn thế, họ đã nghi ngờ HCM là Hồ tập Chương, ngưòi tàu, đóng thế vai HCM để mưu đồ chiếm đoạt đất nước và chế ngự dân ta. Một khi đã biết như thế mà các đảng viên CS không có thái độ dứt khoát thì khó tránh phần nhiệm trưóc lịch sử, nếu như không muốn nói đó là một trọng tội với tổ quốc và dân tộc Viêt Nam.

Kế đến, lời đoạn tuyệt với Hồ chí Minh và đảng cộng sản của Đặng xương Hùng phải được coi là vì tương lai của dân tộc và của đất nước Việt Nam. Nó biểu lộ một tâm tình trong sáng về với cái thật. Cái thật mà anh đã bị đánh cắp bằng lừa dối, bằng gian trá của cộng sản. Nó hoàn toàn khác với cái toan tính, có thể vẫn là không thật của Lê hiếu Đằng. Đằng cũng đã thoái đảng, nhưng với lý do :” “Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước – đấu tranh giải phóng dân tộc – mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”

Đằng viết thế là hoàn toàn sai trái, là gian trá, lừa mình bịp đời. Là thể hiện một tâm sinh lý bệnh hoạn, một não trạng nô lệ cộng sản. Vì thực tế, ngay từ khi thành lập đảng cộng sản 3-2-1930, cộng sản đã là một lực cản phá hoại sự tiến bộ của đất nước. Chính đảng cộng sản bằng muôn vàn những gian trá đã đưa cả dân tộc làm nô lệ cho cộng sản. Từ đó, đoạ đày, đẩy dân tộc vào con đường u tối lầm than, khốn cùng trên mọi phương diện, từ chính trị, văn hóa đến xã hội. Nó đã đưa đất nưóc tụt hậu, lại còn tưóc đoạt tất cả mọi quyền tự do căn bản của con ngưòi. Những quyền tự do mà ngay thời pháp, thời phong kiến ngưòi dân đã có. Thế đấy, đảng cộng sản xưa khá hơn nay ở cái điểm nào? Đảng cộng sản giải phóng dân tộc ở điểm nào mà Đằng ngoa ngữ tuyên truyền cho cộng sản đến khi xuôi tay?

Rõ ràng, khi cái thước đặt lên bàn, nó chỉ có thể kẻ được những đường thẳng. Nó không có khả năng quanh co. Sự thật cũng thế. Hơn lúc nào hết, người dân Việt Nam, mong mỏi những đoàn đảng viên đảng CSVN nhận thức đúng đắn được sự kiện bản thân họ đã bị lừa dối, bị gạt gẫm như Đăng xương Hùng, Để từ đó, họ quay về, thể hiện lòng yêu nước nhân bản của ngưòi Việt Nam. Cùng đứng dậy, bỏ đảng, làm những Lữ Gia của thế kỷ, để giải phóng dân tộc ra khỏi ách nô lệ của cộng sản. Và dập tan mưu đồ dâng Việt Nam cho Tàu mà Hồ chí Minh, ( Hồ Tập Chương) cũng như Đặng xuân Khu và tập đoàn lãnh đạo CS đã ra sức thực hiện trên đất nước ta từ 3-2-1930 đến nay. Có thế, đất nươc và dân tộc Việt Nam mới có ngày mai. Đưọc như thế, chúng ta mới có cơ hội xóa sổ toàn bộ những bản văn bản bất cân xứng, thiểu năng hay những thoả thuận ngầm giữa Việt cộng với Trung cộng. Từ đó, chúng ta mới có thể tính đến chuyện đòi lại đất, đòi lại biển về cho tổ quốc và dân tộc Việt Nam.

Bảo Giang

2-2014
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
“Requiescat in pace” : An nghỉ trong Chúa
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
10:57 04/02/2014
“Requiescat in pace” : An nghỉ trong Chúa

Tấm bia có khắc câu "Requiescat in pace" (an nghỉ) được tìm thấy khoảng năm 688/689 AD.

Ngày nay, trong các bản cáo phó ta thấy có rất nhiều kiểu báo tin về người quá cố, văn ngôn có thể nói thiên hình vạn trạng. Bên Lương có cách nói, như: An giấc nghìn thu; mãn phần; (an nhiên) thu (thâu) thần thị tịch (viên tịch, tịch diệt), viên tịch;nhập cõi niết bàn; thuận lý vô thường; tiêu diêu nơi miền cực lạc; về nơi chín suối…

Riêng về phía Công Giáo, cách thường thấy là: An nghỉ (nghỉ yên) trong Chúa; được (Thiên) Chúa (thương) gọi về; (vĩnh viễn) ra đi về với Chúa (nhà Chúa); (trở) về nhà Cha (nước Chúa), qua đời, tạ thế, từ trần, vừa (đã) hoàn tất hành trình trần thế (hành trình Đức Tin Công Giáo, cuộc đời thánh hiến), đã mãn phần trong tay Chúa và Mẹ Maria...Vậy, cách nói nào thích hợp. Thiết tưởng cần tìm về truyền thống của Hội Thánh.

1. Truyền thống.

Các mộ bia Công Giáo thường có ghi những chữ R.I.P., viết tắt của "Requiescat in pace" (Rest In Peace: Hãy an nghỉ). Câu này đến từ lời nguyện lễ an táng: “Anima eius et animae omnium fidelium defunctorum per Dei misericordiam requiescant in pace: Nhờ lượng từ bi Chúa, xin cho linh hồn ấy và linh hồn các tín hữu đã qua đời được nghỉ ngơi bình an”.

Trong Sách Isaia cũng tìm thấy câu có nghĩa tương tự: “The just man enters into peace; There is rest on his couch for the sincere, straightforward man: Người công chính bước vào cõi phúc bình an; Kẻ dõi theo đường ngay nẻo chính sẽ nghỉ ngơi trên giường của mình” (Is 57, 2). Câu này đã được tìm thấy trong tiếng Do Thái, trên bia mộ có niên đại từ thế kỷ I trước Công Nguyên, trong nghĩa trang của Beit She'arim, nói về người công chính đã chết, bởi vì anh ta không thể chịu được cái ác xung quanh mình. Câu tắt là “đến và nghỉ bình an” đã được chuyển thành lời cầu nguyện trong tiếng Talmudic cổ đại của thế kỷ III. Nhưng trước thế kỷ VIII, người ta chưa thấy câu “Requiescat in pace” trên mộ bia, sau thế kỷ XVIII thì rất phổ biến.

Thánh lễ an táng trong tiếng Anh thường được gọi là A requiem hay Requiem Mass, vì câu đầu tiên trong ca nhập lễ là: “Requiem æternam dona eis, Domine, et lux perpetua luceat eis: Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy”. Như vậy, truyền thống Hội Thánh luôn nhấn mạnh đến requiem: an nghỉ.

2. Thử tìm câu thích hợp.

Những lời báo tử cách chung chỉ nói là “qua đời”, “tạ thế”, “từ trần”. Trong các tôn giáo thường dùng cách nói thích ứng với niềm tin của mình. Riêng với Công Giáo lại càng cần thiết có cách nói thích hợp hơn, nhằm diễn tả đúng đắn giáo lý của Hội Thánh về mầu nhiệm sự chết và sự sống lại.

Trong những câu thường dùng, chúng tôi thấy câu “an nghỉ trong Chúa” có lẽ tốt hơn. Bởi vì Chúa là cùng đích của con người. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa, và phải trở về với Chúa, Chúa là niềm hoan lạc đời đời. Ngoài Chúa ra, không có gì tồn tại mãi mãi. Có Chúa mới có hạnh phúc thật. Chính Thiên Chúa đã phán: “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi.” (Xh 33, 14) . Chúa Giêsu cũng nói tương tự: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Thánh Phêrô khuyên chúng ta: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7).

“Requiescat in pace” chỉ có nghĩa là “Nghỉ ngơi trong an bình”, và bài ca nhập lễ của lễ an táng: “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời” cũng chỉ là nghỉ yên muôn đời. Nhưng câu “An nghỉ trong Chúa” không những giữ được truyền thống của Hội Thánh, mà còn nhấn mạnh được sự bình an nơi Thiên Chúa. Bài ca “An nghỉ trong Chúa” của Thanh Đan nói: “Khi tấm khăn phủ che thân xác con, con an nghỉ trong Chúa Tình Yêu”.

3. Cách hành văn.

Trong cáo phó, người ta thường viết: "Trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc (đau đớn) báo tin (T.) đã được Chúa gọi về (an nghỉ trong Chúa)...". Cách hành văn như thế xem ra có sự mâu thuẫn trong niềm tin. Đã có “niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh”, đã “được Chúa thương gọi về” (hay an nghỉ), thì tại sao lại còn “vô cùng thương tiếc” hay "đau đớn" được? Thật ra chỉ cần viết “trân trọng kính báo” thì thích hợp hơn: “gia đình chúng tôi trân trọng kính báo (T.) đã được Chúa gọi về...”

Kết luận

Các bản cáo phó từ sau năm 1975 có nhiều thay đổi, lồng vào ý nghĩa tôn giáo rất hay, nhưng cũng cần chú ý đến tính tổng thể. Nếu thấy người khác dùng một câu nào hay, rồi cứ thế mà đưa vào, vô tình làm sai lệch ý nghĩa.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

 
Giải đáp phụng vụ: Có buộc tráng chén với nước và rượu không?
Nguyễn Trọng Đa
11:08 04/02/2014
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi thấy hầu như các linh mục, sau phần cho Rước lễ, đều tráng chén bằng nước mà thôi. Nhưng Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma [GIRM] cũng nói rằng việc tráng chén có thể sử dụng cả rượu và nước. Thưa cha, tại sao một phương pháp lại áp đảo hầu như hoàn toàn phương pháp kia? Nếu có người muốn sử dụng cả nước và rượu, thì cách thức làm ra sao? - J. F., Adelaide, Australia.


Đáp: Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma [GIRM] nói như sau trong số 279:

"Các chén thánh được vị tư tế, phó tế hay thầy có chức giúp lễ tráng lau sau rước lễ hoặc sau Thánh Lễ, nên làm việc này tại bàn phụ. Tráng chén bằng nước hoặc bằng nước và rượu, và người tráng uống hết. Ðĩa thánh được chùi bằng khăn lau.

Phải liệu sao Máu Thánh còn lại sau khi cho rước được uống hết tại bàn thờ" (bản dịch tiếng Việt của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Việc tráng chén này dựa vào việc tráng chén của hình thức ngoại thường, mà trong đó việc tráng chén bằng nước và rượu là một qui định.

Chữ đỏ trong Sách lễ với hình thức ngoại thường qui định tiến trình như sau:

"Sau khi cho Rước lễ, linh mục cất mọi Bánh thánh còn lại vào Nhà Tạm, sau đó ngài cầm chén thánh và người giúp lễ rót rượu vào chén thánh. Linh mục uống rượu và đọc thầm: “Lạy Chúa, (Quod ore súmpsimus, Dómine, pura mente capiámus), những gì chúng con đã rước trong miệng chúng con, xin cho chúng con rước với tâm hồn thanh sạch; và xin cho của lễ đời tạm này trở nên cho chúng con phương thuốc đời đời.

"Rượu và nước được đổ trên các ngón tay của linh mục vào chén thánh. Trong khi ngài làm khô các ngón tay, ngài đọc thầm:

"Lạy Chúa (Corpus tuum, Domine, quod sumpsi, et Sanguis, quem potavi), xin cho Mình Chúa mà con đã ăn và Máu Chúa mà con đã uống, đến tới các bộ phận sâu thẳm nhất của con, và làm cho không còn vết tội ở lại trong con, là người đã được nuôi dưỡng với Bí tích tính tuyền và thánh thiện này. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen”

"Linh mục uống rượu và nước, lau chén thánh và lấy khăn đậy lại".

Phần cổ xưa nhất của nghi lễ này là phần đầu tiên, sự làm sạch miệng ("ablutio oris"), trong đó linh mục uống một chút rượu để bảo đảm rằng không còn chút Mình Thánh Máu Thánh nào trong miệng nữa. Trong một số nghi thức phụng vụ Đông phương, chủ tế cũng có thể dùng một chút bánh thánh. Có bằng chứng của sự thực hành này từ ít là thế kỷ thứ tư.

Ở một số nơi, cũng có tập tục là các tín hữu cũng uống chút rượu hay nước sau khi Rước lễ. Lý do cho việc này là vì Giáo Hội vẫn còn sử dụng bánh có men cho Thánh lễ, nên khi rước lễ, người ta phải nhai. Có bằng chứng cho thấy rằng dấu vết của tập tục này còn tồn tại ở nhiều vùng của châu Âu cho đến đầu thế kỷ 20.

Lúc đầu, sự thanh tẩy các ngón tay và tráng chén được thực hiện sau thánh lễ, nhưng không có luật hoặc quy định đặc biệt vể việc này. Các quy tắc đầu tiên xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ chín, và ban đầu chỉ dùng nước mà thôi. Chúng tôi tìm thấy tài liệu đầu tiên của việc dùng rượu trong truyền thống đan tu của thế kỷ 11. Trong một số trường hợp, việc này được phát triển thành một nghi lễ chi tiết, trong đó chén thánh được tráng ba lần.

Lúc đầu, bàn tay hoặc ít nhất là các ngón tay được rửa sạch trong một cái chậu gần bàn thờ. Bằng chứng sớm nhất của việc rửa các ngón tay trên chén thánh là từ một nguồn tài liệu dòng Đa Minh năm 1256. Nguồn tài liệu này nói rằng, do thiếu một cái chậu phù hợp, thì tốt hơn nên rửa các ngón tay bằng nước trên chén thánh, và sau đó uống nước này cùng với rượu, mà trước đó đã được sử dụng để làm sạch các ngón tay. Tài liệu này cũng là một trong các tài liệu đầu tiên nhắc đến việc sử dụng một miếng vải lau, mà sau này trở thành khăn lau chén thánh.

Các tập tục này dần dần lan rộng nhưng không trở nên phổ quát, cho đến khi được đưa vào luật bởi Sách lễ Rôma của thánh Giáo hoàng Piô V vào năm 1570.

Còn hiện nay thì sao? Làm thế nào một linh mục tráng chén bằng rượu và nước trong hình thức thánh lễ bình thường?

Tôi đề nghị rằng việc tráng chén nên được thực hiện theo cách thức đơn giản nhất. Khi tráng chén, nên rót rượu và nước vào chén thánh rồi uống hết. Tỉ lệ của rượu và của nước là tùy vào linh mục. Vì mục đích thực tiễn, một sự pha trộn khá loãng là được ưa thích hơn, trước tiên nhằm tránh làm dơ khăn lau chén thánh.

Việc chỉ sử dụng nước để tráng chén thánh đã chiếm ưu thế, do sự thực hành sau các cải cách phụng vụ. Sự xuất hiện việc đồng tế thánh lễ và việc cho Rước lễ khá thường xuyên dưới hai hình đòi hỏi có nhiều hơn một chén thánh được tráng. Ngoài ra cũng có nhiều bình thánh hơn, trong đó một số cần phải được tráng bằng nước. Tất cả điều này làm cho việc sử dụng cả rượu và nước để tráng chén là ít thực tế hơn, và vì vậy không đáng ngạc nhiên khi sự lựa chọn hợp pháp của việc sử dụng cả rượu và nước để tráng chén đã bị gác qua một bên. (Zenit.org 4-2-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nuôi Con
Lê Trị
22:10 04/02/2014
NUÔI CON
Ảnh của Lê Trị
Tảo tần một nắng hai sương
Nuôi con khôn lớn, trăm đường khó khăn.
(Ca dao)