Ngày 10-02-2019
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cập nhật tin tức về nạn lạm dụng tình dục trong Giáo Hội
Vũ Văn An
05:23 10/02/2019
Gần tới Hội Nghị về lạm dụng tình dục ở Vatican, Michael J. O’Loughlin của tờ America cho ta một cái nhìn cập nhật về hội nghị này.

Theo ký giả trên, cuối tuần trước, Đức Hồng Y Cupich của Chicago đã gửi 1 thư luân lưu cho giáo dân của ngài, đề cập đến Hội nghị. Ngài nói với họ: hội nghị sẽ thành công.

Gọi các nạn nhân bị một số giáo sĩ lạm dụng là “can đảm”, Đức Hồng Y nói: Đức Giáo Hoàng hiểu vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục và việc một số giám mục che đậy các lạm dụng này là một “một vấn đề hoàn vũ cần 1 giải pháp hoàn vũ”.

Ngài cho biết: “Mục đích của Đức Thánh Cha khi triệu tập hội nghị vào cuối tháng này là để bảo đảm việc mọi giám mục trên thế giới nhận trách nhiệm bản thân và phải giải trình trách nhiệm này về cách các ngài xử lý vấn đề. Nhưng Đức Giáo Hoàng cũng có y định chỉ rõ cho các vị những biện pháp cụ thể để tuân thủ nghị trình này”.

Như mọi người đã biết hồi tháng Chín năm ngoái, sau nhiều tháng có những tiết lộ liên tiếp về lạm dụng tình dục ở Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, Tòa Thánh công bố Đức Phanxicô sẽ triệu tập các chủ tịch các hội đồng giám mục của 130 quốc gia về Vatican tham dự hội nghị vừa nói.

Tuy Đức Phanxicô khuyên những người quá hy vọng vào hội nghị nên dè dặt, nhưng các kỳ vọng vào hội nghị vẫn rất cao, một phần do một số viên chức Giáo Hội vốn thúc đẩy các nhà lãnh đạo Giáo Hội phải xem xét vân đề lạm dụng một cách nghiêm túc hơn.

Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, một chuyên viên về lạm dụng tình dục trong Giáo hội, hồi tháng 10, nói với các nhà báo rằng “chúng tôi biết người ta đang rất mong có nhiều giải trình trách nhiệm (accountability) hơn” và người Công Giáo “cần tín thác Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc khai triển 1 hệ thống căn cứ vào đó sẽ có nhiều giải trình trách nhiệm hơn”.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna là một trong bốn viên chức trong ban tổ chức Hội Nghị sắp tới.

Trong khi đó, viết cho Religion News Service, linh mục Thomas Reese, S.J., thì cho rằng hội nghị “rất có thể thất bại trước lúc khai mạc”. Lý do: không dành đủ thì giờ cho việc lên kế hoạch cho hội nghị, phạm vi hội nghị quá rộng lớn và 1 cuộc họp hoàn vũ ít khi có được một bộ chính sách chung.

Cha Reese nói rằng “Đức Phanxicô có thể thành công, nhưng khi hội nghị kết thúc, nó chỉ được coi như 1 bước nhỏ tiến tới trong 1 cố gắng cần rất nhiều năm”.

Ấy thế nhưng Zach Hiner, đứng đầu mạng lưới Survivors Network for those Abused by Priests, nói rằng nhóm của ông hy vọng “có được một thứ kế hoạch giải trình trách nhiệm nào đó đối với bât cứ vị giám mục hay Hồng Y nào đóng 1 vai trò nào đó trong việc che đậy hay giảm thiểu các lời tố cao lạm dụng”.

Nhóm trên mong việc thực thi các qui định buộc các giám mục phải giải trình trách nhiệm đối với việc che đậy lạm dụng mà không đòi Vatican điều tra và hành dộng, 1 diễn trình họ coi là quá luộm thuộm.

Ông Hiner cho rằng ông không dự ứng “bất cứ thay đổi đột phá nào nhưng tôi hy vọng các thay đổi loại này sẽ được xem xét”.

Ở Hoa Kỳ, nhiều nhóm Công Giáo đã tổ chức các buổi thảo luận liên quan đến hội nghị nói trên. Đại học Công Giáo America có 1 buổi tập huấn vào ngày 6 tháng 2 vừa qua, tổ chức Catholic Commonground Initiatives tổ chức 1 hội nghị vào ngày 18 tháng 2 sắp tới và nhóm chủ trương cải tổ Leadership Roundtable vừa tổ chức tuần rồi 1 cuộc hội thảo với sự tham dự của hơn 200 nhà lãnh đạo Giáo hội, trong đó có các Hồng Y Cupich, O’Malley và Tobin, cũng như Cha Zoller, và một số nạn nhân bị lạm dụng. Các tham dự viên thảo luận “các biện pháp cụ thể ngắn hạn, trung hạn và dài hạn dẫn đến cuộc cải tổ và phục hồi cần thiết”. Kerry Robinson, đại sứ hoàn cầu của nhóm cho biết như thế.

Bà Robinson nói rằng thời gian ngắn dành cho hội nghị có thể giới hạn thành quả của nó, nhưng bà được khích lệ bởi việc Đức Phanxicô cam kết tiếp tục gặp gỡ các nạn nhân và bản chất hoàn cầu của hội nghị.

Bà nhận định: “dựa vào các chuyến viếng thăm giáo hội khắp thế giới, tôi có thể chứng thực rằng đây là 1 vấn nạn có hệ thống, nhưng mức độ ý thức về tính khẩn trương và ưu tiên về nó như một thách thức đối với giáo hội thì rất khác nhau tùy theo bạn ở chỗ nào trên thế giới. Đem mọi người lên cùng một bình diện ý thức về tính trầm trọng và khẩn trương là một thành tố quan yếu của hội nghị”.

Người ta cũng nhớ, ủy ban tổ chức hội nghị, hồi tháng 12, có gửi cho các vị chủ tịch các hội đồng giám mục một lá thư thúc giục các ngài tìm dịp thăm viếng các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, trước khi đi phó hội, “để đích thân học biết nỗi đau khổ họ phải chịu”.

Một bức thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau đó, gửi cho các giám mục Hoa Kỳ, lúc đó đang tĩnh tâm tại Chicago để yêu cầu các ngài suy nghĩ về cuộc khủng hoảng lạm dụng, đã kết án “não trạng che đậy sự việc”.

Ngài viết rằng “Đấu tranh chống nền văn hóa lạm dụng, đánh mất khả tín tính, sự ngỡ ngàng và bối rối do đó mà ra, và sự giảm lòng tin tưởng ở sứ mệnh của chúng ta đòi ta phải có 1 cách tiếp cận đổi mới và cương quyết để giải quyết các tranh chấp”.

Nhưng trong những ngày gần đây, Đức Phnaxicô đã cho hiểu là đừng quá trông mong vào hội nghị. Nói với các nhà báo trong chuyến bay từ Panama trở lại Rôma, ngài bảo: “tôi nhận thấy đã có những mong đợi thổi phồng. Chúng ta cần xì hơi các mong chờ ấy xuống tới những điểm tôi đã đưa ra vì vấn đề lạm dụng sẽ vẫn tiếp tục; nó là một vấn đề của con người, một vấn đề của con người ở khắp nơi”. Đức Giáo Hoàng cho hay: Thay vì tạo ra các qui định mới, hội nghị sẽ thông tri cho các giám mục về tầm cỡ của cuộc khủng hoảng lạm dụng và cho các ngài biết các ngài giả thiết phải xử lý các khiếu nại ra sao.

Trong khi ấy, một khía cạnh khác của nạn lạm dụng tình dục lại vừa được công luận nêu lên và được Đức Phanxicô chính thức nhìn nhận: đó la việc các nữ tu bị một số giao sĩ và giáo phẩm lạm dụng.

Nicole Winfield của A.P. khi thuật lại câu trả lời của Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Abu Dhabi trở về Vatican, cho hay: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hôm thứ Ba, công khai nhìn nhận tai tiếng một số linh mục và giám mục đã lạm dụng tình dục các nữ tu và đoan hứa sẽ làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề, (đây là) dấu hiệu mới nhất cho thấy chưa có kết thúc nào ở chân trời đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo”.

Dịp này, Đức Phanxicô nói rằng: “không phải mọi người làm việc này, nhưng đã có những linh mục và giám mục làm thế. Và tôi nghĩ nó sẽ tiếp diễn vì không có chuyện một khi bạn hiểu ra nó, nó sẽ chấm dứt. Nó sẽ tiếp tục. Và chúng tôi vốn đã đang làm việc đối với nó trong thời gian qua”.

Ngài nói với các nhà báo “Chúng ta có nên làm nhiều hơn không? Có. Có ý chí không ? Có. Nhưng là con đường chúng ta đã bắt đầu”.

Theo Nicole, hiện đã có bằng chứng lạm dụng loại này tại Ấn Độ, Phi Châu, Âu Châu và Nam Mỹ. Tháng 11, Hiệp hội Quốc tế Các Bề Trên cả, đại diện cho các dòng nữ Công Giáo thế giới, đã công khai tố cáo “nền văn hóa im lặng và bí mật” vốn ngăn cản các nữ tu tố cáo, và thúc giục họ báo cáo việc lạm dụng cho các bề trên của họ và cảnh sát.

Và tuần rồi, tờ báo chính thức của Tòa thánh, tờ L’Osservatore Romano đã chỉ rõ nền văn hóa giáo sĩ trị là thủ phạm. Tạp chí “Women Church World” của tờ báo này cho hay các nữ tu nạn nhân buộc phải hoài thai đứa con của các linh mục phạm tội hoặc mang thai đứa con nhưng không được các linh mục phạm tội nhìn nhận.

Đức Phanxicô trưng dẫn việc Đức Bênêđíctô từng hành động chống lại 1 dòng tu tại Pháp vì đã thừa nhận vị linh mục sáng lập dòng đã vi phạm lời khấn khiết tịnh với các tuyển sinh nữ. Ngài nói rằng các nữ tu đã bị biến thành “nô lệ tình dục” trong tay linh mục Marie-Dominique Philippe và các linh mục khác.

Ngày 6 tháng 2 vừa qua, quyền giám đốc phòng Báo chí, Alessandro Gisotti, cải chính câu “nô lệ tình dục” trên đây của Đức Phanxicô. Ông nói: “khi Đức Thánh Cha, nhân nhắc đến việc giải tán 1 hội dòng, đã nói đến ‘nô lệ tình dục’, ngài có ý nói đến ‘thao túng’, 1 hình thức lạm dụng quyền hành cũng phản ảnh trong việc lạm dụng tình dục”.

Phòng Báo chí minh xác: việc thao túng tình dục đã diễn ra tại dòng tu đó chứ không phải nô lệ tình dục và dòng tu đó là Dòng Nữ Chiêm Niệm Thánh Gioan, bị Đức Bênêđíctô XVI dẹp bỏ năm 2013.

Người ta hy vọng khía cạnh này sẽ được bàn đến trong hội nghị cuối tháng này vì quả tình vấn đề này nổi bật ở những nước như Phi Châu hơn là lạm dụng tình dục vị thành niên.
 
Manifesto of Faith - Tuyên Ngôn Đức Tin - Đức Hồng Y Gerhard Müller
J.B. Đặng Minh An dịch
05:51 10/02/2019
Trong tuyên ngôn được công bố hôm 8 tháng Hai, Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 2012 đến năm 2017, đã trình bày các suy tư của ngài liên quan đến các cuộc tranh luận thần học trong Giáo Hội về khả thể cho những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ, thậm chí cho cả các Kitô hữu ngoài Công Giáo cũng được rước Mình Thánh Chúa, việc phong chức cho phụ nữ và các vấn đề thần học khác.

Theo Đức Hồng Y Gerhard Müller, ngày nay, nhiều Kitô hữu thậm chí không còn nhận thức được những đạo lý cơ bản của Đức tin, vì vậy ngày càng có nguy cơ lạc xa khỏi con đường dẫn đến sự sống đời đời. Thêm vào đó, nhiều giám mục thích làm chính trị gia hơn là những người loan báo Tin Mừng và những thầy dạy trong Đức tin.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải có một định hướng rõ ràng vì mục đích chính của Giáo Hội vẫn giữ nguyên như từ trước đến nay là dẫn dắt nhân loại đến với Chúa Giêsu Kitô, là ánh sáng của các dân tộc. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Giáo lý Giáo Hội Công Giáo là một “tiêu chuẩn an toàn cho tín lý.” Vì thế, Đức Hồng Y đã viết ra “Manifesto of Faith” – Bản Tuyên Ngôn Đức Tin – tóm tắt những điểm chính trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo với mục đích củng cố đức tin của anh chị em tín hữu trong thời điểm niềm tin của họ đã bị hoang mang trầm trọng bởi “chế độ độc tài của thuyết tương đối”.

Bản tuyên ngôn của Đức Hồng Y Gerhard Müller đề cập đến 5 lĩnh vực của giáo lý Công Giáo là Kitô học, Giáo Hội học, các phép bí tích, luân lý và cuối cùng là cánh chung học, một nhánh thần học đề cập đến cái chết, sự phán xét, thiên đàng và địa ngục.

Bản tiếng Anh nhan đề “Manifesto of Faith”, có thể đọc tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn Tuyên Ngôn này


Tuyên ngôn Đức tin


Anh em đừng xao xuyến! (Ga 14:1)

Trước sự nhầm lẫn ngày càng tăng về đạo lý, nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Công Giáo đã yêu cầu tôi đưa ra một chứng từ công khai về chân lý mặc khải. Nhiệm vụ của chính các mục tử là hướng dẫn những người được giao phó cho họ trên con đường cứu độ. Điều này chỉ có thể thành công nếu họ biết con đường này và chính họ đi theo con đường ấy. Những lời của Thánh Phaolô thật đúng ở đây: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận” (1 Cr 15: 3). Ngày nay, nhiều Kitô hữu thậm chí không còn nhận thức được những đạo lý cơ bản của Đức tin, vì thế ngày càng có nguy cơ lạc xa con đường dẫn đến sự sống đời đời. Tuy nhiên, mục đích chính của Giáo Hội vẫn là dẫn dắt nhân loại đến với Chúa Giêsu Kitô, là ánh sáng của các dân tộc (xem LG 1). Trong tình huống này, nảy sinh vấn đề cần phải định hướng. Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Giáo lý Giáo Hội Công Giáo là “một tiêu chuẩn an toàn cho tín lý” (Fidei Depositum IV). Sách giáo lý được viết ra với mục đích củng cố đức tin của những anh chị em mà niềm tin của họ đã bị hoang mang trầm trọng bởi chế độ độc tài của thuyết tương đối.

1. Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất được mặc khải trong Chúa Giêsu Kitô

Tuyệt đỉnh đức tin của tất cả các Kitô hữu được tìm thấy trong lời tuyên xưng Chúa Ba Ngôi. Chúng ta đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, con cái và bạn bè của Thiên Chúa qua phép Rửa Tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Sự phân biệt của Ba Ngôi trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa (Sgl 254) đánh dấu một sự khác biệt cơ bản trong niềm tin vào Thiên Chúa và hình ảnh con người so với các tôn giáo khác. Các tôn giáo không đồng ý với nhau chính là về niềm tin này vào Chúa Giêsu Kitô. Ngài là Thiên Chúa thật và là Người thật, được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ duy nhất của thế gian (Sgl 679) và là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (Sgl 846). Vì thế, thư thứ nhất của Thánh Gioan nói kẻ nào chối bỏ thiên tính của Ngài thì đều là kẻ phản Kitô (1 Ga 2:22), vì Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, từ thuở đời đời là một với Thiên Chúa, Cha của Ngài (Sgl 663). Chúng ta phải chống lại với một quyết tâm rõ ràng sự tái phạm những sai lầm của các dị giáo xa xưa, trong đó chỉ xem Chúa Giêsu Kitô như một người tốt, một người anh em bằng hữu, hay như một tiên tri hoặc một nhà đạo đức. Trước hết và trên hết, Ngài là Ngôi Lời hằng ở cùng Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Con của Chúa Cha, Đấng mặc lấy bản tính loài người của chúng ta để cứu chuộc chúng ta và là Đấng sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Ngài là Đấng duy nhất chúng ta tôn thờ trong sự hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần như là Thiên Chúa duy nhất và chân thật (Sgl 691).

2. Giáo Hội

Chúa Giêsu Kitô đã thành lập Giáo Hội như một dấu chỉ hữu hình và là công cụ cứu rỗi được thực hiện trong Giáo Hội Công Giáo (Sgl 816). Ngài đã ban cho Giáo Hội của Ngài, “nảy sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô, Đấng đã chết trên Thập giá” (Sgl 766), một cơ cấu bí tích tồn tại cho đến khi Nước Người được hoàn thành trọn vẹn (Sgl 765). Chúa Kitô, là Đầu và các tín hữu như các chi thể của thể xác, là một nhiệm thể (Sgl 795), đó là lý do tại sao Giáo Hội là thánh thiện, vì Đấng Trung Gian duy nhất đã thiết kế và duy trì cấu trúc hữu hình của Giáo Hội (Sgl 771). Thông qua Giáo Hội, công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô trở nên hiện diện trong thời gian và không gian thông qua việc cử hành các Bí tích Thánh, đặc biệt trong Hy Tế Thánh Thể, là Thánh lễ (Sgl 1330). Giáo Hội truyền đạt với thẩm quyền của Đức Kitô mặc khải về Thiên Chúa, “trải rộng tới tất cả các yếu tố của đạo lý, trong đó có đạo lý về luân lý, nếu không có những yếu tố này, các chân lý cứu độ của đức tin sẽ không thể được bảo toàn, trình bày hay tuân giữ” (Sgl 2035).

3. Phẩm trật bí tích

Giáo Hội là bí tích cứu độ phổ quát trong Chúa Giêsu Kitô (Sgl 776). Giáo Hội không phản chiếu chính mình, nhưng phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô, tỏa sáng trên khuôn mặt của Giáo Hội. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi chân lý do Chúa Giêsu Kitô mạc khải trở thành điểm quy chiếu, chứ không phải là quan điểm của đa số hoặc tinh thần của thời đại; vì chính Chúa Kitô đã ủy thác ân sủng và sự thật trọn vẹn cho Giáo Hội Công Giáo (Sgl 819), và chính Ngài hiện diện trong các bí tích của Giáo Hội.

Giáo Hội không phải là một hiệp hội do loài người tạo ra mà cấu trúc của nó được các thành viên bầu chọn theo ý muốn của họ. Giáo Hội có nguồn gốc thần thánh. “Chính Chúa Kitô đã thiết lập thừa tác vụ, và trao ban thẩm quyền, sứ vụ, phương hướng và mục đích cho thừa tác vụ trong Hội Thánh” (Sgl 874). Lời quở trách của Thánh Phaolô dành cho bất cứ ai dám công bố một phúc âm khác “kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống” (Gal 1: 8) vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay. Việc làm trung gian đức tin bị ràng buộc chặt chẽ với uy tín cá nhân của các sứ giả, là những người trong một số trường hợp đã bỏ rơi những người được giao phó cho họ, làm họ xao xuyến, và thậm chí làm tổn hại nghiêm trọng đến đức tin của họ. Ở đây, Lời Kinh Thánh cảnh cáo những người không nghe theo sự thật nhưng chạy theo dục vọng của mình, theo những kẻ tâng bốc mình, không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh (x. 2 Tim 4: 3-4).

Nhiệm vụ của Huấn Quyền Hội Thánh là “bảo vệ dân Thiên Chúa khỏi những sai lệch và bội giáo”, để “bảo đảm cho họ khả năng khách quan có thể tuyên xưng đức tin chân thực không chút tì vết (Sgl 890). Điều này đặc biệt đúng đối với tất cả bảy bí tích. Bí Tích Thánh Thể là “nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô giáo” (Sgl 1324). Hy Tế Thánh Thể, trong đó Chúa Kitô bao gồm chúng ta trong Hy Tế của Người trên Thánh giá, là nhằm vào sự kết hiệp mật thiết nhất với Ngài (Sgl 1382). Do đó, Kinh Thánh khuyên răn về việc rước lễ như sau: “bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.” (1 Cor 11:27). “Ai biết mình đang mắc tội trọng, thì phải lãnh nhận bí tích Hòa Giải trước khi đi lên rước lễ” (Sgl 1385). Luận lý nội tại của bí tích này cho thấy những người đã ly dị và tái hôn dân sự, trong khi hôn nhân bí tích của họ vẫn tồn tại trước mặt Thiên Chúa, cũng như những Kitô hữu không hiệp thông trọn vẹn với Đức tin Công Giáo và Giáo Hội, thì giống như tất cả những ai không thích hợp để nhận Bí tích Thánh Thể một cách hiệu quả (Sgl 1457), vì nó không mang lại cho họ ơn cứu rỗi. Vạch ra điều này là vì lòng thương xót dành cho các linh hồn [thương linh hồn bẩy mối: lấy lời lành mà khuyên người].

Việc xưng thú tội lỗi trong bí tích hòa giải ít nhất một lần một năm là một trong những luật buộc của Giáo Hội (Sgl 2042). Khi các tín hữu không còn thú nhận tội lỗi của mình và không còn trải nghiệm ơn xá giải các tội lỗi của họ, ơn cứu rỗi trở nên bất khả thi; nói cho cùng, Chúa Giêsu Kitô đã giáng trần thành Con Người để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi. Sức mạnh của ơn tha thứ mà Chúa Phục sinh đã ban cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài trong chức vụ giám mục và linh mục cũng áp dụng cho những tội nặng và tội nhẹ mà chúng ta phạm phải sau khi chịu Bí tích Rửa tội. Thực hành xưng tội phổ biến hiện nay cho thấy rõ rằng lương tâm của tín hữu chưa được hình thành một cách đầy đủ. Lòng thương xót của Chúa được ban cho chúng ta là để chúng ta có thể thực thi các Giới Răn của Ngài ngõ hầu nên một với Thánh ý của Ngài, chứ không phải để tránh né lời mời gọi ăn năn (Sgl 1458).

“Linh mục tiếp tục công việc cứu chuộc trên trái đất” (Sgl 1589). Việc phong chức linh mục “ban cho ngài một sức mạnh thiêng liêng” (Sgl 1592), không thể thay thế được, bởi vì qua đó, Chúa Giêsu trở nên hiện diện một cách bí tích trong hành động cứu độ của Ngài. Do đó, các linh mục tự nguyện chọn đời sống độc thân như “một dấu chỉ của cuộc sống mới” (Sgl 1579). Đó là sự tự hiến để phục vụ của Chúa Kitô và vương quốc sắp đến của Ngài

4. Luật luân lý

Đức tin và cuộc sống không thể tách rời, vì Đức tin không có việc làm là Đức tin chết (Sgl 1815). Luật đạo đức là công việc của thượng trí Thiên Chúa và đưa con người đến với phúc lành đã hứa (Sgl 1950). Do đó, “kiến thức về luật thần linh và tự nhiên là cần thiết” để thực thi điều thiện và đạt tới mục đích của mình (Sgl 1955). Chấp nhận sự thật này là điều cần thiết cho tất cả mọi người có thiện chí. Vì kẻ chết trong tội lỗi mà không ăn năn sẽ mãi mãi xa cách Thiên Chúa (Sgl 1033). Điều này dẫn đến những hậu quả thực tế trong cuộc sống của các Kitô hữu, mà thường bị bỏ qua ngày nay (x. 2270-2283; 2350-2381). Luật luân lý không phải là gánh nặng, nhưng là một phần của sự thật giải phóng (x. Ga 8,32) qua đó người Kitô hữu bước đi trên con đường cứu rỗi; và như thế luật luân lý không thể bị tương đối hóa.

5. Cuộc sống vĩnh cửu

Ngày nay, nhiều người tự hỏi, Giáo Hội tồn tại nhằm mục đích gì, khi mà ngay cả các giám mục cũng thích làm các chính trị gia hơn là loan báo Tin Mừng như những thầy dạy trong Đức tin. Vai trò của Giáo Hội không được hạ thấp bởi những điều tầm thường, nhưng vị trí thích hợp của Giáo Hội cần phải được đề cập đến. Mỗi con người đều có một linh hồn bất tử, tách ra khỏi thân xác khi chết đi, với niềm hy vọng được sống lại từ trong kẻ chết (Sgl 366). Cái chết khiến cho quyết định tùng phục hoặc chống lại Thiên Chúa của con người thành ra chung cuộc. Mọi người phải đối mặt với sự phán xét cụ thể ngay sau cái chết (Sgl 1021). Hoặc một sự thanh luyện là cần thiết, hoặc con người đi thẳng vào hạnh phúc thiên đàng và được phép nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt. Ngoài ra còn có khả năng khủng khiếp là người ấy vẫn chống lại Thiên Chúa đến giờ phút sau cùng, và bởi sự từ khước tình yêu của Ngài, kẻ ấy “đã lên án chính mình ngay lập tức và mãi mãi” (Sgl 1022). “Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta mà không có chúng ta, nhưng Ngài không muốn cứu độ chúng ta mà không có chúng ta” (Sgl 1847). Sự bất tận của hình phạt địa ngục là một thực tế khủng khiếp, mà - theo lời chứng của Thánh Kinh – cuốn hút tất cả những ai chết trong tình trạng tội lỗi nghiêm trọng (Sgl 1035). Người Kitô hữu phải đi qua cổng hẹp, vì “cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó” (Mt 7:13).

Giữ im lặng về những điều này và những sự thật khác của Đức tin để rồi theo đó mà dạy người ta là một sự dối trá lớn nhất mà Sách Giáo lý cảnh báo mạnh mẽ. Nó tiêu biểu cho thử thách cuối cùng của Giáo Hội và đưa con người đến một ảo tưởng tôn giáo, “với giá phải trả là sự bội giáo” (Sgl 675); đó là mưu gian chước dối của tên phản Kitô. “Nó sẽ lừa dối những kẻ phải hư mất bằng mọi phương thế bất công, vì những kẻ ấy đã đóng kín chính mình không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ” (2 Thessalônica 2:10).

6. Lời kêu gọi

Là những người thợ trong vườn nho của Chúa, tất cả chúng ta có trách nhiệm nhắc nhớ những sự thật cơ bản này bằng cách bám vào những gì chúng ta đã được nhận lãnh. Chúng ta muốn khích lệ các tín hữu can đảm đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô với quyết tâm, để có được sự sống đời đời khi tuân theo các lệnh truyền của Ngài (Sgl 2075).

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết ân sủng Đức tin Công Giáo quý giá là dường nào, vì Đức tin ấy mở ra cánh cửa dẫn đến sự sống đời đời. “Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.” (Mc 8:38) Do đó, chúng ta phải cam kết củng cố Đức tin bằng cách tuyên xưng chân lý, là chính Chúa Giêsu Kitô.

Cả chúng ta, và đặc biệt là các giám mục và linh mục, cũng được Thánh Phaolô, Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, khuyên bảo khi thánh nhân nhắc nhở Timôthê là người bạn đồng hành và là người kế vị của mình: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.” (2 Tim 4: 1-5).

Xin Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cầu bầu cho chúng ta ân sủng để trung thành không dao động trong sứ vụ tuyên xưng sự thật về Chúa Giêsu Kitô.

Hiệp nhất trong đức tin và lời cầu nguyện

+ Đức Hồng Y Gerhard Müller, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin 2012-2017


Source:Catholic News Agency
 
Thông điệp Đức Thánh Cha gửi cho Hội nghị thượng đỉnh các Chính phủ trên thế giới: “Thiếu tình Đoàn kết thì không thể có sự phát triển”
Thanh Quảng sdb
17:52 10/02/2019
Thông điệp Đức Thánh Cha gửi cho Hội nghị thượng đỉnh các Chính phủ trên thế giới: “Thiếu tình Đoàn kết thì không thể có sự phát triển”


Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bằng video tới những thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh các chính phủ thế giới, diễn ra tại Dubai, tại Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Các nhà lãnh đạo thế giới hiện đang họp tại Hội nghị thượng đỉnh các chính phủ trên thế giới, diễn ra tại Dubai từ ngày 10-12 / 2. Trong thông điệp video của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chào thân ái tới các tham dự viên của Hội nghị thượng đỉnh và nhắc nhớ lại chuyến thăm của Ngài tới các quốc gia trong Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hồi đầu tháng này. Tôi đã hân hạnh được gặp gỡi một số quí quốc đang nỗ lực hướng đến tương lai mà không quên cội nguồn của quí quốc. Tôi cũng chứng kiến những nỗ lực của quí vị đang tìm cách vun trồng làm nẩy sinh những bông hoa tươi nở và phát sinh ngay giữa sa mạc. Tôi đã trở về Vatican với hy vọng nhiều nơi sa mạc trên thế giới cũng có thể làm trổ sinh hoa trái như nơi quí quốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi hướng về quí vị và hiệp thông với quí vị trong những ngày này, khi quí vị phải đối diện với các vấn đề cơ bản bao gồm các thách đố chính trị, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và sử dụng công nghệ".

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: chúng ta không thể thực sự nói về sự phát triển bền vững, nếu không có sự đoàn kết. ĐTC kết thúc thông điệp của mình bằng tri ơn các tham dự viên và đoan chắc cùng tất cả tâm tình cầu nguyện và phép lành xin Thiên Chúa ban phước lành cho quí vị trong công cuộc kiến tạo một thế giới công bằng và thịnh vượng hơn cho mọi người ".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Fresno, California mừng xuân Kỷ Hợi
Magarita Nguyễn Phương Lan.
18:51 10/02/2019
“ Ngày đầu xuân, con dâng lên Thiên Chúa chí tôn.

Lời cảm mến, chúc khen Cha chí lành. “

Cùng hòa chung niềm vui với cả dân tộc Việt Nam đón mừng Xuân Mới Kỷ Hợi 2019. Vào lúc 10g30 sáng Chúa Nhật ngày 10 tháng 2 năm 2019 tức mồng sáu tết Nguyên Đán, Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang thành phố Fresno thuộc tiểu bang California dâng Thánh lễ Mừng Năm Mới. Đặt biệt năm nay có Cha David Norris, cựu chánh xứ Nhà Thờ Thánh Helen chủ tế, Cha Chánh Xứ Giuse Victor Đinh Toàn cùng với Thầy Phó tế Giuse Nguyễn Phi Hùng.

Xem Hình

Bắt đầu thánh lễ bằng nghi thức lễ gia tiên kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên do Hội Đồng Mục Vụ phụ trách. Các ông mặc áo dài khăn đóng rất đẹp, một nét văn hóa cổ truyền mà người Việt Nam chúng ta đã gần quên lãng nơi xứ người. Đây cũng là dịp để mọi người trong Giáo Xứ bày tỏ lòng hiếu thảo với Cha Mẹ và kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên.

Trong thánh lễ Cha chủ tế cũng như Cha Chánh Xứ Giuse nói lên tâm tình cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân mà Ngài đã ban cho Giáo Xứ nói chung và mỗi từng gia đình, từng người nói riêng trong suốt một năm qua. Và các Cha cùng với Thầy Phó tế rất vui khi thấy Giáo Xứ dù sống ở xứ người nhưng vẫn gìn giữ tiếng Việt và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt. Cha Chánh xứ đặc biệt cám ơn các hội đoàn, gia đình và mỗi cá nhân đã tích cực trong việc chuẩn bị đại lễ ngày hôm nay được tốt đẹp.

Và cuối cùng Cha chủ tế, Cha Chánh Xứ và Thầy Phó tế lì xì cho tất cả các em thiếu nhi cũng như Thiệp Lộc Xuân cho mỗi gia đình một phong tục tốt đẹp hay nói đúng hơn cũng là một nét văn hóa của người Việt trong ngày Tết.

Niềm hân hoan gặp gỡ trong những ngày đầu năm được tiếp nối bằng bữa tiệc mừng xuân sau tiếng pháo dồn dã cùng hòa vui với nhịp điệu múa lân do các em trong Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Thánh Linh Fresno phụ trách. Nguyện xin Chúa và Mẹ La Vang luôn tiếp tục đồng hành, yêu thương và chúc lành cho Giáo Xứ chúng con trong Năm Mới Kỷ Hợi 2019 này ngày càng đi lên trong ân nghĩa của Chúa và của Mẹ.

“…Xin chúc nhau một mùa xuân hạnh phúc. Xin chúc nhau một mùa xuân hy vọng.

Ta chúc nhau một mùa xuân ấm êm và chúc mọi người một năm mới bình an.”

Magarita Nguyễn Phương Lan.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Sớm Bình Minh
Lê Trị
15:34 10/02/2019
MỘT SỚM BÌNH MINH
Ảnh của Lê Trị

Mặt trời đang đi lên
Đời không thể đi xuống!
Những gì ta ước muốn
Nói đi với bình minh!

(Trích thơ của Huệ Thu)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 11/2/2019: Liên Tu sĩ Miền Tây Nam HK mừng Tết Kỷ Hợi
VietCatholic Network
15:23 10/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 10 tháng 2, 2019.

2- Đức Thánh Cha cổ võ nền luân lý thương xót và có tinh thần truyền giáo.

3- Đức Thánh Cha tiếp 80 thừa sai Phi châu, nam và nữ.

4- Đức Thánh Cha tiếp 600 nhân viên nhà tù Regina Coeli.

5- Lễ kính Thánh Phaolô VI Giáo Hoàng được đưa vào lịch chung.

6- Ngày thế giới cầu nguyện chống nạn buôn người.

7- Tòa Thánh kêu gọi gia tăng nỗ lực chống nạn bài Do Thái.

8- Chương trình Ngày Thế Giới các bệnh nhân tại Calcutta, Ấn Độ.

9- Các Giám Mục Venezuela ra tuyên bố yêu cầu tuyển cử tự do, chấm dứt ngay đàn áp.

10- Dân biểu gốc Việt Kathy Trần gây ra những cái nhìn ác cảm với người Việt Nam.

11- Liên Tu sĩ Miền Tây Nam Hoa Kỳ mừng Tết Kỷ Hợi.

12- Giới thiệu bài hát:: Xuân Đã Về.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Giáo Hội Năm Châu 11/02/2019: Hồng Y Miến Điện - Hợp tác với Trung Quốc là đại họa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:11 10/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hồng Y Miến Điện cảnh báo về những tai họa khi chính phủ cho Trung Quốc xây nhà máy thủy điện

Dừng ngay lại dự án cho Trung Quốc xây nhà máy thủy điện tại Myanmar, Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon nói. Ngài nhấn mạnh rằng có quá nhiều vấn đề gây tranh cãi xung quanh dự án này và lưu ý rằng dòng sông Irrawaddy là biểu tượng thiêng liêng nhất của đất nước.

Sông Irrawaddy là “mẹ của chúng ta” và có nguy cơ bị mất đi “trước sự tham lam của một siêu cường”, Đức Hồng Y nói.

Sông Irrawaddy là con sông dài nhất của quốc gia Đông Nam Á này, chạy từ bắc xuống nam, “là một người đồng hành bất tận” trong sinh kế của người dân Miến. Trong tuyên bố hôm 28 tháng Giêng, Đức Hồng Y nói Miến Điện là “một quốc gia nông nghiệp, nơi 80% người dân sống bằng nghề nông”.

“Nhân danh tất cả người dân Miến, đặc biệt là các nông dân nghèo, chúng tôi thành khẩn van nài các bên hữu quan dừng ngay lại những nỗ lực lạm dụng của họ”. Irrawaddy được coi là cái nôi của nền văn minh cho sắc dân Miến chiếm đa số tại Miến Điện. Vì thế, “Chúng tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta phải chống lại mọi nỗ lực hủy hoại vận mệnh và nhân phẩm của quốc gia chúng ta.”

Dự án đập thủy điện Myitsone với chi phí $ 3.6 tỷ này, nếu được xây dựng như thiết kế, sẽ làm ngập hơn 200 dặm vuông đất rừng tại tiểu bang Kachin. Theo hợp đồng hiện nay, Trung Quốc sẽ xây đập thủy điện này cho Miến Điện. Đổi lại, Trung Quốc được hưởng 90 phần trăm nguồn điện sản xuất ra. Trung Quốc đã từng cố thuyết phục chính phủ quân sự về dự án này. Nhưng cánh quân nhân, cầm quyền trước năm 2011, đã bác bỏ dự án này.

Miến Điện “cầu xin tất cả mọi người có thiện chí hãy hỗ trợ người nghèo”, Đức Hồng Y Bo nói.

Theo Đức Hồng Y, dòng sông này “là chứng nhân cho những nỗi buồn, niềm vui và lịch sử bị tổn thương của chúng ta. Nó là niềm hy vọng của chúng ta, là định mệnh của chúng ta,”.

Dịp này, Đức Hồng Y cũng mạnh mẽ lên án các tội ác mà Trung Quốc gây ra cho quốc gia của ngài.

“Trong nhiều thập kỷ qua Trung Quốc đã lợi dụng Miến Điện, bao gồm cả việc buôn bán các cô gái và phụ nữ của chúng ta thông qua việc buôn người ở các bang phía bắc của Miến Điện”, Đức Hồng Y Bo nói.

“Viễn cảnh nghiệt ngã của hàng triệu nông dân mất sinh kế, việc lạm dụng các địa điểm linh thiêng dọc theo các dòng sông, cái chết và sự hủy diệt hệ động thực vật quý giá của quốc gia thân yêu chúng ta đang trở thành hiện thực kinh hoàng. Một tương lai ảm đạm đang chờ đợi người dân Miến Điện trừ khi dự án xây đập này bị chặn đứng.”

Lợi ích địa chính trị của Trung Quốc tại Miến Điện có tính chiến lược, bao gồm cả lối thoát ra Ấn Độ Dương cho các tỉnh phía tây nam Trung Quốc.

Đức Hồng Y cảnh báo rằng tình trạng nghèo đói, và bị cô lập của Miến Điện, và một loạt các sự kiện gần đây, thật không may, đã “làm tăng đòn bẩy dòm ngó của một số quốc gia đối với đất nước chúng ta”.

Các cuộc nội chiến ở các vùng ngoại vi của Miến Điện đã làm khổ cả quốc gia từng được gọi là Burma kể từ khi giành được độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1948. Các dân quân người dân tộc đã giao tranh với quân đội, là những người đã cai trị đất nước từ năm 1962 đến 2011, và sau đó tiếp tục khuynh đảo chính quyền trước cuộc bầu cử tháng 11 năm 2015.

2. Đức Giáo Hoàng hóa giải chiêu thức của nhà độc tài Nicolas Maduro

Tên độc tài Nicolas Maduro của Venezuela gần đây đã nói với TV Sky24 của Ý rằng y đã gửi thư cho Đức Giáo Hoàng để yêu cầu ngài làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela.

Độc tài Nicolas Maduro cho rằng y là “người phục vụ cho sự nghiệp của Chúa Kitô”, “là Kitô hữu sâu sắc, và với tinh thần này, tôi đã cầu xin sự giúp đỡ của Đức Thánh Cha trong một tiến trình tạo điều kiện cho việc củng cố đối thoại.”

“Chúng tôi hy vọng [Đức Thánh Cha sẽ có] một phản ứng tích cực, ngay lập tức.”

Hôm thứ Hai 4/2, sau thời hạn tối hậu thư, một số nước châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha, tuyên bố công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido, chủ tịch Quốc hội, là tổng thống lâm thời ở Venezuela.

Trước đó, trong cuộc tổng biểu tình hôm thứ Bẩy 2/2, tướng không quân Francisco Yanez tuyên bố theo phe cách mạng, tố cáo Maduro là tên phản quốc đang âm mưu mang 20 tấn vàng ra nước ngoài, kêu gọi quân đội làm binh biến lật đổ tên độc tài này.

Trước những diễn biến bi đát này, tên độc tài Nicolas Maduro tung ra chiêu mới là yêu cầu Đức Thánh Cha đứng làm trung gian hòa giải. Chiêu câu giờ, vừa đánh vừa đàm là chiêu bọn cộng sản thường dùng.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã được tờ Crux hỏi về bức thư vào hôm thứ Hai, khi một nhóm các nhà báo gặp gỡ ngài tại Hội nghị liên tôn quốc tế về tình huynh đệ của nhân loại ở Abu Dhabi

Đức Hồng Y Parolin xác nhận rằng Maduro đã gửi thư và có ý định tái lập đối thoại nhưng từ chối bình luận thêm.

Đức Giáo Hoàng, theo truyền thống lâu đời của Vatican, đã quyết định Tòa Thánh sẽ đứng ngoài cuộc xung đột, không bày tỏ sự ủng hộ cho người này hay người kia.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn dành cho các ký giả trên chuyến bay trở về Rôma từ Abu Dhabi, khi được các phóng viên hỏi rằng liệu ngài có sẵn sàng làm trung gian chính thức hay không, giống như Vatican đã làm vào năm 1972 giữa Á Căn Đình và Chí Lợi, đang trên bờ vực chiến tranh, Đức Phanxicô nói rằng “cả hai bên phải cởi mở”.

“Trước chuyến đi, thông qua bộ phận chuyển thư phát nhanh ngoại giao, tôi biết bức thư [từ Maduro] đang đến. Nhưng tôi vẫn chưa đọc được bức thư đó.”

“Chúng tôi sẽ xem xét những gì có thể được thực hiện. Nhưng để có thể là một người trung gian, và đây là bước cuối cùng [trong ngoại giao] ý chí của cả hai bên là cần thiết. Cả hai bên đều phải yêu cầu điều đó. Đây là trường hợp với Á Căn Đình và Chí Lợi.”

Tòa Thánh đã tham gia vào các nỗ lực đối thoại trước đó về tình hình Venezuela, nhưng như Đức Phanxicô đã nói hôm thứ Ba, “chẳng được cái gì”.

Trước đó, tổng thống lâm thời Juan Guaidó tuyên bố không chấp nhận đối thoại. “Nicolas Maduro chỉ có một con đường là từ bỏ quyền hành trong hòa bình,” ông nói. Như thế, với điều kiện “Cả hai bên đều phải yêu cầu điều đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoá giải dễ dàng chiêu thức lợi dụng ngài và Tòa Thánh vào những âm mưu chính trị đen tối của tên độc tài Maduro.

Phản ứng mới nhất của Nicolas Maduro, sau cuộc phỏng vấn trên máy bay trở về từ Abu Dhabi của Đức Thánh Cha, là tuyên bố sẽ bắt giam ông Juan Guaidó. Trong bối cảnh đã có quá nhiều quốc gia trên thế giới và các định chế quốc tế công nhận ông Juan Guaidó, quyết định “bắt khẩn cấp” vị tổng thống lâm thời này được nhiều quan sát viên xem là một hành động “hết khôn dồn đến dại’ của Maduro.

3. Đức Thánh Cha thăm cộng đoàn Công Giáo Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

Một ngày sau khi kêu gọi các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo hợp tác để thúc đẩy hòa bình và từ khước chiến tranh. Trong ngày thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng sự chú ý của ngài đến cộng đồng Công Giáo rất năng nổ tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất khi ngài chuẩn bị kết thúc chuyến thăm lịch sử đến Bán đảo Ả Rập.

Đức Phanxicô đã đến thăm một nhà thờ ở Abu Dhabi và sau đó cử hành Thánh lễ tại sân vận động Zayed của thành phố. Đây là buổi thờ phượng Kitô giáo lớn nhất trên bán đảo Ả Rập từ khi Hồi Giáo chiếm được vùng này.

Lúc 9g10 sáng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nhà thờ Thánh Giuse là nhà thờ chánh tòa của Đức Cha Paul Hinder, Giám Quản Tông Tòa Miền Nam Ả Rập để thăm viếng trước khi cử hành Thánh lễ tại sân vận động Zayed.

Ngài được chào đón ngay từ bên ngoài bởi một dàn hợp xướng thanh niên mặc áo choàng đỏ và trắng.

Đức Thánh Cha đã đến trên một chiếc Kia nhỏ bé và ngài vẫy tay chào những người đang chờ.

Một số người hô vang: “Viva el Papa!” Những người khác vươn tay ra cố bắt tay ngài.

Bên trong, các tín hữu ngồi chật ngôi thánh đường trông đợi Đức Phanxicô.

Ngài đã ôm hôn các trẻ em, và đặt tay chúc lành cho vài người ngồi trên xe lăn.

Trong những nhận xét ngắn gọn bằng tiếng Ý, ngài đã cám ơn các tín hữu đã chào đón ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cảm ơn rất nhiều vì đã đến đây và chào đón tôi. Thật là một niềm vui lớn khi được đến thăm những ngôi nhà thờ nhỏ đầy nghẹt người.”

Ngài đã cùng cầu nguyện các tín hữu tại nhà thờ Thánh Giuse trước khi dâng Thánh lễ tại sân vận động của thành phố Abu Dhabi.

Lúc hơn 10g Đức Thánh Cha đã đến sân vận động Vua Zayed của thủ đô Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong chiếc pope mobile mui trần, vẫy tay chào hơn 135,000 tín hữu.

Krystal Recana, một y tá Phi Luật Tân 31 tuổi, nói rằng cô đã đến gặp Đức Giáo Hoàng “bởi vì tôi biết chỉ nhìn thấy Đức Giáo Hoàng thôi cũng đủ để một phép lạ xảy ra bên trong tất cả chúng ta.”

Một người Phi Luật Tân khác, Khristen Gracia, nói rằng vụ tấn công gần đây của các chiến binh Hồi giáo vào một nhà thờ trong thánh lễ sáng Chúa Nhật ở quê hương cô đã giết chết 23 tín hữu Phi Luật Tân khiến cô choáng váng. Tuy nhiên, điều này không hề thay đổi nhận thức của cô về người Hồi giáo, là những người làm việc chặt chẽ với cô trong tư cách là một y tá ở Abu Dhabi.

Grace nói: “Họ cho phép chúng tôi cầu nguyện ở đây. Họ cho phép chúng tôi có chuỗi tràng hạt, và được mang theo những cuốn Kinh Thánh đến đây.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các tín hữu Công Giáo ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất rằng họ không cần xây dựng những công trình vĩ đại để chứng tỏ lòng trung thành với sứ điệp Tin Mừng, nhưng hãy rao giảng sứ điệp ấy với sự hiền lành cho một bầy chiên thưa thớt ở một đất nước có cơ man các tòa nhà chọc trời lớn nhất thế giới và được biết đến với sự sang trọng và thừa mứa của nó.

Đức Thánh Cha đã tập trung bài giảng của ngài vào Tám Mối Phúc Thật. Ngài nói rằng sống theo Các Mối Phúc không đòi hỏi “những cử chỉ tuyệt vời” hay những “hành động siêu phàm”.

Ngài nói rằng Chúa Giêsu “không yêu cầu chúng ta xây dựng những công trình vĩ đại hoặc thu hút sự chú ý đến bản thân chúng ta bằng những cử chỉ phi thường. Ngài yêu cầu chúng ta sản xuất chỉ một tác phẩm nghệ thuật, là điều khả thi với tất cả mọi người: đó là chính cuộc sống của chúng ta.”

4. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ Ngày đời dâng hiến thế giới

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ vào tối thứ Bảy 2 tháng Hai để đánh dấu Ngày Tu trì thánh hiến Thế giới lần thứ 23, và mời các tu sĩ sống thánh hiến biến cuộc sống theo Chúa Giêsu thành viễn ảnh tiên tri cho Giáo hội.

Người tu sĩ nam nữ được kêu gọi sống sự vâng phục trên hai bình diện mà Đức Thánh Cha Phanxicô quảng diễn trong bài chia sẻ của mình trong Thánh lễ đánh dấu Ngày Thế giới của đời thánh hiến.

Đức Thánh Cha nói hai khía cạnh đó là tuân giữ luật pháp, trên bình diện thực tế là làm cho cuộc sống của chúng ta được hài hòa, và trên bình diện tâm linh, họ mang lại những khía cạnh mới cho cuộc sống của chúng ta. Khám phá ra Thiên Chúa vô hình và mời Ngài đồng hành với cuộc sống kiên trì hàng ngày của chúng ta.

Thánh lễ được cử hành tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô cũng là Lễ dâng mình của Chúa. Cho nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về bài Phúc âm theo thánh Luca chương 2 các cầu 22-40, trong đó Chúa Giêsu được dâng mình trong Đền thờ sau 40 ngày Ngài được giáng sinh.

Đức Thánh Cha cho biết Phụng vụ trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, bộc lộ chính Người cho dân tộc của mình, đó là một cuộc gặp gỡ… Sự dâng mình của trẻ thơ Giêsu làm chu toàn truyền thống của dân thánh Chúa; để lời tiên hứa được nên trọn qua chính cuộc gặp gỡ Mẹ Maria, thánh Giuse bồng trẻ thơ cho ông già Simeon và bà Anna chiêm ngưỡng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói các tu sĩ nam nữ được mời gọi gặp gỡ Chúa Giêsu mỗi ngày trong cuộc sống, đó là một sự dấn thân hàng ngày.

Câu chuyện xảy ra trong Đền thờ năm xưa cũng đang xảy ra cho chúng ta: Chính trong, vì và với Chúa Giêsu mọi sự được hội tụ và trở nên hài hòa. Đức Thánh Cha nói tất cả mọi sự được gặp gỡ trong Chúa Giêsu như là nguồn mạch của hoàn vũ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói qua việc trở về nguồn và đổi mới tình yêu ban đầu, những người tu sĩ nam nữ tận hiến đã biến cuộc sống tu trì của họ thành một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa qua dòng thời gian.

Đức Thánh Cha nói: Cuộc gặp gỡ ban đầu với Chúa, đã không phát sinh như một cái gì đó riêng tư giữa loài người với Thiên Chúa. Ngược lại đó là một cuộc gỡ rộng mở trong bối cảnh của một dân tộc đã có niềm tin với anh chị em đồng đạo vào một thời điểm và một địa danh cố định.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu diễn ra trong bối cảnh dân của Chúa và trong một cộng đồng tôn giáo. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta gặp gỡ Ngài qua chính những trung thành nắm giữ các điều luật cụ thể: cầu nguyện hàng ngày, Thánh lễ, Xưng tội, làm việc thiện và sống lời của Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết, người tu sĩ sống đời tận hiến, luôn thân mật tâm giao cùng Chúa Giêsu hầu mong tiếng đạt được cùng đích của một tương lai lý tưởng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói ông Simeon đã nhìn thấy trẻ thơ Giêsu và ông tìm được ơn cứu độ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Cái nhìn đơn sơ này cũng chính là cái nhìn của cuộc đời tận hiến, tiến đạt được Thiên Chúa là tiến đạt được mọi sự, đó là một lời khen ngợi vượt lên tất cả mọi sự.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô tóm gọn đời sống tu trì thánh hiến không phải là đi tìm cuộc sống an toàn mà là tìm đạt một cuộc sống mới, cuộc sống gặp gỡ thần linh sống động với Chúa.

Cho nên cuộc sống tận hiến là một lời ngợi khen mang lại niềm vui cho Giáo hội, cung cấp một viễn ảnh thần thiêng và tiên tri về một trời mới một đất mới trong tương lai mai hậu.

5. Các môn đệ của Chúa theo Ngài vì niềm tin, chứ không phải vì phép lạ

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin với khách hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật về hồng ân cứu độ và tính phổ quát của mầu nhiệm cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô.

Suy niệm về Tin mừng của ngày Chúa Nhật hôm 3 tháng Hai (Lc 4: 21-30), Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ những phản ứng của những người đồng hương của Chúa Giêsu trước sứ mệnh của Chúa, là người mà Thánh thần Thiên Chúa sai đến thế gian để thực thi sứ mệnh loan truyền ơn cứu rỗi của Thiên Chúa cho nhân loại. .

Nhưng người đồng hương của Chúa hoài nghi về sứ vụ ấy và yêu sách Chúa phải thể hiện các phép lạ nơi họ, nhưng Chúa Giêsu từ chối.

Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa mong muốn dân Chúa phải có niềm tin, nhưng dân chúng lại đòi phép lạ, Thiên Chúa mong muốn cứu độ tất cả mọi người, nhưng dân chúng lại muốn một Đấng cứu thế theo ý của họ và có lợi cho họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết người đồng hương của Chúa Giêsu được mời gọi mở lòng ra đón nhận ơn cứu độ. Nhưng họ đã không đón nhận mà thậm chí còn giận dữ đưa Chúa lên sườn đồi của nguyện đường của họ với ý tưởng đen tối là xô Ngài xuống vược thẳm!

Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu thực thi sứ mạng Chúa Cha giao phó, ý thức mình phải đối diện với những khó khăn, bị từ chối, bắt bớ và thất bại... Đây là cái giá mà người ngôn sứ đích thực của Chúa phải đối diện và trả giá đắt đỏ ngày xưa cũng ngày nay! Tuy nhiên, dù phải khó khăn trăm bề vẫn không thể cản bước tiến của Chúa trong cuộc hành trình và thực thi sứ mệnh tiên tri ngôn sứ của Ngài.

Đức Thánh Cha nói thế giới ngày nay cần những người môn sinh đóng trọn các vai trò tiên tri, truyền giảng sứ điệp của ơn gọi Kitô giáo.

Đức Thánh Cha nói: Họ là những ngôn sứ của niềm tin, chứ không phải của các dấu lạ, họ tận tâm phục vụ mọi người chứ không loại trừ bất kỳ ai, và họ sẵn sàng chấp nhận sống theo ý của Thiên Chúa Cha và làm chứng cho niềm tin yêu ấy cho người khác với một lòng trí trung thành bền bỉ!

Đức Thánh Cha Phanxicô nguyện cầu cho tất cả các môn sinh của Chúa được vững mạnh thăn tiến và hăng say trong nhiệt huyết tông đồ vì Nước Thiên Chúa qua sứ mệnh được truyền lại từ Chúa Giêsu Cứu Chúa!

6. Tòa án Nhân quyền Châu Âu bác bỏ kháng cáo của giám mục đã từng bị vạ tuyệt thông hai lần

Kháng cáo của Giám Mục Richard Williamson chống lại một bản án vào năm 2010 vì tội kích động thù hận chủng tộc đã bị Tòa án Nhân quyền Châu Âu bác bỏ vào ngày 31 tháng Giêng.

Giám Mục Richard Williamson, bị Vatican ra vạ tuyệt thông đến hai lần trong hai dịp riêng biệt, đã bị kết tội kích động thù hận chủng tộc vì những lời bình luận của ngài phủ nhận biến cố diệt chủng người Do Thái, gọi tắt là Holocaust, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình được phát sóng ở Thụy Điển vào tháng Giêng năm 2009.

Trong cuộc phỏng vấn, Giám Mục Williamson phủ nhận thực tế là hàng triệu người Do Thái đã bị chế độ Đức Quốc xã sát hại, và nói rằng ngài không tin rằng các buồng hơi ngạt đã được sử dụng trong các trại tập trung.

“Tôi tin rằng các bằng chứng lịch sử đang chống lại mạnh mẽ câu chuyện cả sáu triệu người Do Thái bị cố tình sát hại trong các buồng hơi ngạt như một chính sách có chủ ý của Adolf Hitler,” Giám Mục William nói trước camera. Ngài tiếp tục biện minh rằng số người thiệt mạng thấp hơn rất nhiều.

Giám Mục Williamson là một người có một lịch sử bài Do Thái lâu dài.

Kể từ Công đồng Vatican II, các vị Giáo Hoàng thường xuyên lên án chủ nghĩa bài Do Thái.

Gần đây nhất, vào tháng 11 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Chúng ta được mời gọi phải dấn thân để bảo đảm rằng chủ nghĩa bài Do Thái bị loại trừ khỏi cộng đồng loài người,” và ngài nói thêm rằng điều quan trọng là phải nhớ đến biến cố Holocaust để đừng lặp lại những tội lỗi tương tự.

“Một Kitô hữu không thể là một người bài Do Thái, chúng ta có chung nguồn gốc,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như trên vào tháng 11 năm ngoái, 2018.

Tại Đức, nơi cuộc phỏng vấn được thu hình vào năm 2008, việc phủ nhận Holocaust là một tội hình sự. Các luật sư của Giám Mục Williamson lập luận rằng ngài không thể bị kết án vì cuộc phỏng vấn chỉ được phát sóng ở Thụy Điển, nơi không có luật phủ nhận Holocaust.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu có trụ sở tại Strasbourg bác bỏ lời bào chữa này và kết luận rằng Giám Mục Williamson biết rằng ngài đã vi phạm luật pháp Đức vào thời điểm đó và không có cố gắng nào nhằm giới hạn việc phát sóng cuộc phỏng vấn này tại Thụy Điển mà thôi.

Giám Mục Williamson ban đầu bị phạt 12,000 euro, sau đó được giảm xuống còn 1, 500 euro sau khi kháng cáo. Sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng, ngài nhanh chóng bị loại khỏi vị trí là người đứng đầu một chủng viện của Huynh Đoàn Thánh Piô X ở Á Căn Đình.

Giám Mục Williamson giữ một “kỷ lục” độc đáo: Ngài là người đã bị Giáo hội trục xuất đến hai lần.

Lần đầu tiên ngài bị Giáo Hội Công Giáo trục xuất là vào năm 1988, sau khi ngài được Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre truyền chức Giám Mục bất hợp pháp tại Écône, Thụy Sĩ, chống lại lệnh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vào thời điểm đó, Williamson là một linh mục thành viên của Huynh Đoàn Thánh Piô X, một tổ chức không hoàn toàn hiệp thông với Giáo hội.

Ngày 21 tháng Giêng, 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ký sắc lệnh tha vạ tuyệt thông cho Giám Mục Williamson, và ba Giám Mục khác của Huynh Đoàn Thánh Piô X bị vạ tuyệt thông vào năm 1988; với ý ngay lành là đưa Huynh Đoàn Thánh Piô X quay trở lại trong tình hiệp thông với Tòa Thánh.

Bất hạnh thay, ngày Đức Bênêđíctô ký sắc lệnh này cũng chính là ngày đài truyền hình Thụy Điển phát hình cuộc phỏng vấn Giám Mục Williamson.

Những làn sóng giận dữ tới tấp nhắm vào Đức Bênêđíctô. Giám Mục Williamson có viết thư cho Đức Bênêđíctô để xin lỗi ngài nhưng cương quyết không rút lại lập trường phủ nhận Holocaust.

Các quan chức Vatican nói rằng họ đã không biết về quan điểm của Giám Mục Williamson hay những lời bình luận của ngài trước khi ra thông báo tha vạ tuyệt thông. Tòa Thánh ra lệnh cho ngài rút lại các tuyên bố của mình nhưng ngài ngoan cố không tuân theo các chỉ thị của Tòa Thánh.

Vào ngày 4 tháng 10 năm 2012, Giám Mục Williamson đã chính thức bị trục xuất khỏi Huynh Đoàn Thánh Piô X sau khi từ chối thể hiện sự tôn trọng và vâng phục đối với Đức Cha Bernard Fellay, là bề trên tổng quyền của Huynh Đoàn Thánh Piô X, trong một chuyến viếng thăm Brazil không được báo trước của Đức Cha Bernard.

Vào năm 2015, một lần nữa ngài lại bị Giáo hội tuyên bố vạ tuyệt thông sau khi tấn phong giám mục trái phép cho một linh mục ở Brazil mà không có sự chấp thuận của Vatican. Kể từ đó, ngài đã tấn phong thêm hai giám mục khác. Lần mới nhất là vào năm 2017.

7. Tình trạng của Asia Bibi

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức tường thuật hôm thứ Sáu 1 tháng Hai rằng luật sư của người phụ nữ Công Giáo Pakistan, bị cáo gian tội phạm thượng đối với tiên tri Muhammad của Hồi Giáo, cho biết cô và chồng cô đã đến Canada. Các nguồn khác lại khẳng định cô vẫn còn ở Pakistan.

Theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, luật sư Saif-ul-Malook nói với tờ báo rằng: “Cô ấy đã được xum họp với gia đình.” Hai cô con gái của Bibi được tin là đã được đưa sang sống ở Canada trước đó.

Tờ báo nói luật sư Saif-ul-Malook đã không tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào về việc Bibi rời khỏi Pakistan, vì lý do an ninh.

Tuy nhiên, chính luật sư này đã phủ nhận tuyên bố trên khi tổ chức Bác ái Truyền giáo của Công Giáo Đức liên lạc với ông vài giờ sau đó.

Trong một tin nhắn trên Twitter, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ ở Pakistan bác bỏ nguồn tin này và nói Asia Bibi vẫn còn ở tại Pakistan.

Cuối tháng 10 vừa qua Tối Cao Pháp Viện Pakistan đã đưa ra phán quyết tha bổng Asia Bibi vì không đủ bằng chứng buộc tội. Phán quyết này đã làm nổ ra các cuộc biểu tình dữ dội của các lực lượng Hồi Giáo cực đoan, như nhóm Tehreek-e-Labbaik do Khadim Rizvi, một thày giảng Kinh Qu’ran cực đoan lãnh đạo.

Các thành phần cực đoan đã yêu cầu tái xét vụ án. Trong phiên xử ngày 29 tháng Giêng, Tối Cao Pháp Viện đã giữ nguyên quyết định lật ngược án tử hình Bibi mà tòa này đã truyền hồi tháng 10 vừa qua. Đã không có những phản ứng nào đáng kể của các thành phần Hồi Giáo cực đoan vì các nhân vật lãnh đạo quá khích đã bị bắt sau các cuộc biểu tình bạo động hồi năm ngoái.

Diễn biến này khiến nhiều người tin rằng Asia Bibi sẽ sớm được đưa ra nước ngoài. Tuy nhiên, các báo cáo trước đây của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ nói rằng Bibi không thể rời khỏi quê hương của mình trên một chuyến bay thông thường vì quá nguy hiểm.

Frankfurter Allgemeine Zeitung nói thêm luật sư Saif-ul-Malook của Bibi đang có mặt ở Pakistan. Ông đã trở về nước ngay trước phiên điều trần cuối cùng của Tòa án Tối cao sau khi trải qua nhiều tháng sống ở nước ngoài vì các mối đe dọa liên quan đến tính mệnh.

“Tôi đang ở trong nhà mình, tôi không đến văn phòng của mình,” ông nói với tờ báo.

8. Trung Quốc: mục tử quốc doanh lo làm đầy túi tiền hơn là rao giảng Tin Mừng

Theo bài viết của Cha John Lo, một linh mục Công Giáo ở Trung Quốc (UCANews),thường thì các quan chức chính phủ Trung Quốc bị gán cho tiếng xấu là bòn rút của công, nhưng dường như, những lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo quốc doanh cũng rất dễ bề tham nhũng, gần như đang ở mức độ đáng báo động.

Giám mục Đàm Yến Toàn (Tan Yan-quan 譚燕全) thuộc Giáo phận Nam Ninh ở tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, là một trường hợp điển hình. Ông ta bị nghi ngờ đã biển thủ 27 triệu nhân dân tệ (khoảng 4 triệu Mỹ Kim) ngân khố của giáo hội để thành lập ra ít nhất 5 công ty tư nhân. Giám mục quốc doanh này cũng bị nghi là đang nợ nần hàng triệu nhân dân tệ vì thua lỗ trong đầu tư bất động sản. Do đó, bây giờ ông ta không thể chi trả các khoản tiền sinh hoạt thường ngày, bảo hiểm y tế và tiền dưỡng già cho các linh mục, nữ tu và những thành viên khác trong địa phận của mình.

Những trường hợp kiểu này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi vì có một luật bất thành văn khiến cho giáo hội quốc doanh Trung Quốc không thể bạch hóa và đưa ra ánh sánh những vụ bê bối xấu xa, đó chính là hậu quả của thứ văn hóa che đậy.

Với “văn hóa câm nín” nhân danh cho cái gọi là “bảo vệ” giáo hội này, những vụ việc liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ em hoặc biển thủ công quỹ nhà thờ, là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tính chính danh của Giáo Hội ngày nay.

Ở Trung Quốc, người ta cho rằng bòn rút tài sản của nhà thờ thì dễ hơn, vì Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc (quốc doanh) không có hệ thống giám sát để ngăn chặn điều đó.

Tuy nhiên, lý do chủ yếu làm cho nạn tham nhũng tràn lan trong giáo hội Trung Quốc là vì rất nhiều thành viên của tổ chức quốc doanh này lại không hề có đức tin thực thụ.

Nếu họ thực sự có Chúa trong tâm hồn, thì họ sẽ không tham dự vào những hành vi gây bất lợi cho đời sống tâm linh và danh tiếng của Giáo hội Chúa Kitô