Ngày 11-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:28 11/02/2020

20. Người góa phụ nghèo được coi là dâng cúng nhiều hơn tất cả mọi người, bởi vì khi bà ta bỏ vào hòm cúng hai đồng xu, thì mang tấm lòng thanh khiết thiện tâm yêu mến Thiên Chúa.

(Thánh Bruno)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:39 11/02/2020
42. NĂM NHIỀU CẢM XÚC

Giữa năm Đường Trung Tôn, Quyền Long Tương làm thích sứ ở Châu Thắng.

Tết đã đến, các bạn hữu ở trong kinh thành đều gởi tình cảm nhớ nhung đến Long Tương, bèn viết một bức thư:

- “Năm thay đổi nhiều cảm xúc, tưởng kính nhớ đến đồng bạn”.

Quyền Long Tương đem thư này chuyển cho thông phán, thư lại và nhân viên giúp việc coi và nói:

- “Có chiếu chỉ ra lệnh cải niên hiệu để năm mới nhiều cảm xúc.”

Các nhân viên giúp việc cười lớn, Long Tương vẫn chưa hiểu ra, tiếp tục nói:

- “Nhiều năm khi tân hoàng đế đăng quang hay cải niên hiệu đều nhanh chóng ra lệnh đại xá, lệnh đại xá lần này sao giờ này mà vẫn chưa đến?”

(Cổ kim tiểu sử)

Suy tư 42:

Văn chương thì bát ngát, ý văn thì rộng, mà quan thích sứ lại dốt nên làm trò cười cho thuộc hạ.

Cuộc sống có nhiều cái dở khóc dở cười, là vì cái nên làm thì không làm và cái không nên làm thì lại làm. Cái không nên làm là những người học hành giỏi giang có tinh thần trách nhiệm thì bị cho “về vườn” sớm, còn những người ngay cả cái công văn mà đọc cũng không hiểu lại còn phê phán cách bậy bạ, thì lại được ở những chức vụ cao trên đầu trên cổ người khác...

Thiệp chúc tết mà cứ tưởng là công văn thì đúng là hết...đường dốt, thật tội nghiệp cho ông quan thích sứ đời nhà Đường, nhưng tội nghiệp hơn nữa khi mà cấp trên không tinh tế nhìn thấy nụ cười coi thường của cấp dưới, nên cứ huênh hoang, khoát lác.

Làm linh mục là làm nhà mô phạm, mà mô phạm là mẫu mực, là gương mẫu. Gương mẫu trong cách hành xử và mẫu mực trong cách sống, mà cách sống và hành động của linh mục chính là phản ảnh lại hình ảnh của Đức Chúa Giê-su –vị Linh Mục tối cao.

Tôi là linh mục tu sĩ của Đức Chúa Giê-su, anh là người có địa vị trong xã hội, chị là một nữ tu đang học hành và làm công việc bác ái, chúng ta đều là những nhà mô phạm cho mọi người, nhất là lớp trẻ, mọi thành công của chúng ta đều là từ việc học theo gương mẫu của Đức Chúa Giê-su mà ra, nếu không thì chỉ là gió thổi mây bay...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Suy niệm Chúa Nhật tuần 6A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:44 11/02/2020
Chúa Nhật 6 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 5, 17-37)
HÒA GIẢI


Hãy làm hòa với anh em trước khi dâng của lễ trên bàn thờ. Truyện kể: Có hai ông bà già giận nhau đòi ly thân. Dù khuyên thế nào, ông già nhất định không chịu hòa giải với bà cụ. Sau lời khuyên của cha xứ, bà cụ đã sám hối, sẵn sàng bỏ qua, tha thứ và hòa giải nhưng ông chồng nhất định không chịu. Ông thì cứ khăng khăng bắt lỗi bà. Linh mục hỏi rằng vậy nếu khi bà cụ chết trước, được lên thiên đàng, rồi sau đó, ông cũng chết, Chúa cho ông lên thiên đàng gặp bà cụ. Ông tính thế nào? Chưa hết giận, ông liền nói: Nếu gặp bà ở đó, tôi sẽ đi ra.

Hòa giải là một ơn huệ giúp tâm hồn chúng ta thanh thản và mang lại cuộc sống an vui thư thái. Nếu chúng ta không biết bỏ qua và tha thứ những lỗi lầm cho nhau, cuộc sống tự nó sẽ trở thành gánh nặng. Chúng ta phải vác và phải mang nó đi mọi nơi. Nó sẽ âm thầm gặm nhấm cuộc đời qua cách cư xử, qua sự lộ diện và mọi biểu tỏ cuộc sống. Chúng ta cứ phải nghĩ đến nó và đau khổ với nó. Cách tốt nhất hãy rời nó lại đàng sau và tiến bước.

Truyện kể: Người Ấn Độ muốn bắt khỉ, người ta lấy một chiếc hộp rồi cắt một lỗ nhỏ vừa đủ. Để những hạt đậu rang thơm phức bên trong. Chú khỉ ta đi qua, bắt mùi, thò tay vào bốc một nắm đầy. Vì tham, chú khỉ không rút tay ra được, đành chịu đứng đó cho người ta bắt. Chỉ vì chú khỉ không muốn buông nắm mồi. Để được tự do, chú khỉ chỉ việc buông tay và chạy thoát. Cuộc đời chúng ta cũng thế, chúng ta cần buông bỏ những thứ không cần thiết để được tự do.

Trong bài phúc âm dài Chúa Giêsu dậy chúng ta rất nhiều điều và nhiều luật. Luật bác ái và yêu thương là quan trọng nhất. Mọi điều luật đều qui về hai giới răn này là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Chúa nói rằng ai giữ và dạy người khác chu toàn lề luật là người cao trọng trong Nước Trời.

Chúa dạy rằng không được giết người, không nên phẫn nộ, không gọi anh em mình là ngốc và không rủa anh em là khùng, không ngoại tình và không thề gian dối. Nếu có chuyện bất bình, hãy làm hòa với nhau. Hòa thuận là mối phúc thật. Anh em xum họp một nhà bao la tốt đẹp, bao là sướng vui.

Hãy hòa giải với chính mình, với người khác và với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tìm được nguồn vui tự tại trong an bình. Hãy hòa giải với nhau, đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.

TUẦN 6 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mc. 8: 11-13


Những người biệt phái cảm thấy ghen tị và khó chịu với Chúa Giêsu. Họ tranh luận với Chúa và đòi được xem dấu lạ từ trời. Biết bao nhiêu dấu lạ cũng thế thôi, khi mà lòng con người đã đóng. Mắt của họ mở mà không nhìn thấy. Tai của họ cũng bị bịt kín không còn nghe được những lời tin mừng. Những người biệt phái luôn tìm cách gây khó dễ cho việc truyền đạo của Chúa.

Biệt phái là những tai mắt trong dân. Họ không muốn khoanh tay nhìn những tín đồ của họ chạy theo ông Giêsu. Họ cũng thường có mặt trong khi Chúa rao giảng. Nhiều lần họ cũng đã lên tiếng hạch hỏi Chúa những khoản luật về tập tục và những quy định của cha ông. Có những cuộc tranh luận tốt làm sáng tỏ vấn đề và giúp mọi người hiểu rõ hơn về chính luật. Có những tranh luận chỉ là để dò xét và hạch hỏi nghi ngờ, điều này sẽ không giúp ích trong đối thoại.

Các người biệt phái xin dấu lạ. Chúng ta biết rằng con người có cao trọng đến đâu cũng chỉ là loài thụ tạo hư vô. Sống đó rồi chết đó. Con người chỉ sống trong khoảng thời gian rồi sẽ trở về cát bụi. Thụ tạo phàm phu đòi dấu lạ từ trời cao. Chúa đã làm biết bao phép lạ, nếu không phải là từ trời cao, vậy các dấu lạ từ đâu chứ ! Con người cần khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài và Ngài có quyền thay đổi theo ý Ngài muốn.

THỨ BA
Mc. 8: 14-21


Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê. Men là chất xúc tác làm dậy đấu bột. Men của biệt phái và của Hêrôđê là những ảnh hưởng của cuộc sống. Men của sự tự kiêu, men của ganh tị và men của sự gian tham. Men chính là cách suy nghĩ và là cách sống ở đời.

Người ta nói: Gần mực thì đen gần đèn thì rạng. Ở đời có những người có thể gây ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng. Thí dụ như các triết thuyết xã hội vô thần, phátxít, quân phiệt hay tự do. Các tư tưởng cách mạng có thể ảnh hưởng đến cả thời đại và làm thay đổi cả hệ thống chính trị. Các biệt phái có những chủ trương và cách sống riêng ảnh hưởng tới dân chúng. Họ thích sống hình thức và phô trương bên ngoài. Họ có những chủ trương phân biệt chủng tộc và mị dân. Họ là những người có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình phát triển dân tộc.

Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ hãy ý tứ đừng rơi vào lối sống của họ. Những thứ men giả hình và độc ác sẽ làm biến chất con người. Chúng ta luôn nhớ xa tránh những thứ men xấu của những phong trào chống lại sự sống và hạ thấp phẩm giá của con người.

Lậy Chúa, Chúa cũng nhắc nhở chúng con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men của người đời.

THỨ TƯ
Mc. 8: 22-26


Chúa đến Bétsaiđa, người ta dẫn một người mù đến và xin Chúa chữa. Marcô ghi chi tiết việc Chúa làm. Chúa dắt anh ra khỏi làng, bôi nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: Anh có thấy gì không? Anh chưa thấy rõ, Chúa lại đặt tay trên mắt anh lần nữa và anh đã thấy rõ. Chúng ta cũng không hiểu sao mà Chúa thực hiện từng phần trong việc chữa mắt cho anh được sáng.

Người mù không thể nhìn thấy sự gì chung quanh. Cả đời cứ phải lần mò trong đêm tối. Họ không được chia xẻ những vẻ đẹp của thế giới chung quanh. Họ khổ đau vì mất đi một phần của sự sống con người. Chúa ban cho con người có ngũ quan như là những cửa sổ để tiếp cận với thế giới bên ngoài. Có tai để nghe âm thanh. Có mắt để nhìn ngắm sự vật. Có mũi để ngửi mùi vị. Có lưỡi để nếm thử và có tay chân để di động, sờ mó. Mất đi một giác quan là mất đi một phần của sự sống.

Chúng ta có mắt sáng nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy mọi sự. Chúng ta không nhìn thấy hết vạn vật chung quanh vì mắt của chúng ta có giới hạn. Đôi khi chúng ta có mắt sáng nhưng không nhìn biết những việc ngay bên. Có khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ những nhu cầu cần thiếu hay những đau khổ bệnh hoạn cần giúp đỡ và thăm viếng. Mắt tinh thần của chúng ta bị khép kín. Lạy Chúa, xin mở mắt tâm hồn để chúng con nhận biết Chúa và nhận biết và giúp đỡ những nhu cầu thiếu thốn của anh em.

THỨ NĂM
Mc. 8: 27-33


Dọc đường đi đến Xêdarê Philipphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Người ta nói Thầy là ai? Các ông thưa rằng: Có người nói Thầy là Gioan Tẩy Giả. người khác nói là Êlia và số khác cho là một trong các tiên tri. Dân chúng đã nghe Chúa giảng và chứng kiến các phép lạ Chúa làm nhưng họ chưa biết rõ Chúa là ai. Họ chỉ đoán già đoán non về Chúa. Họ chỉ nhận biết rằng Thiên Chúa đã đoái thương ban cho họ một tiên tri để xoa dịu những khổ đau trong cuộc sống.

Có lẽ trong thâm tâm, họ cũng không muốn biết hơn về Chúa Giêsu. Họ theo Chúa, tôn kính Chúa và bái phục Chúa. Họ không đặt vấn đề vì họ biết Chúa là vị tiên tri được Thiên Chúa sai đến như tất cả các vị tiên tri khác. Còn các tông đồ, sau một thời gian bên Chúa, được chỉ dạy nhiều điều và hiểu biết Chúa nhiều hơn. Chúa cũng dò hỏi các ông: Còn các con, các con nói Thầy là ai? Rất may mắn, có Phêrô đỡ lời: Thầy là Đức Kitô. Phêrô trả lời đúng ý Thầy và Thầy nghiêm cấm các ông không được nói với ai.

Chúng ta cũng thấy hơi lạ là tại sao Chúa không muốn các môn đệ tuyên xưng Chúa với người đời. Đã nhiều lần Chúa nói về chính mình, người ta cũng không tin. Chúa muốn hoàn tất hành trình cứu độ qua con đường khổ giá. Con đường của Chúa khác con đường của Chúng ta. Chúa muốn mọi người nhận ra Chúa khi Ngài bị treo lên trên thập giá và Ngài sẽ kéo mọi người lên cùng Ngài.

THỨ SÁU
Mc. 8: 34-9:1


Chúa Giêsu gọi dân chúng và các môn đệ lại và nói: Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Tôi. Theo Chúa không phải tin theo một học thuyết hay một phong trào nhất thời nhưng là chia xẻ cuộc đời và vinh quang với Chúa. Chúa có thái độ dứt khoát, không mị dân và không hứa hão. Điều kiện theo Chúa không dễ, làm sao chúng ta có thể từ bỏ mình. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và Chúa còn cho chúng ta hưởng hạnh phúc làm con Chúa.

Chúa lại muốn chúng ta từ bỏ mình và vác thánh giá mình đi theo Chúa. Từ bỏ mình không phải là đánh mất mình hay là vong thân. Nhưng từ bỏ mình là để trở nên chính mình hơn. Bỏ đi những ước muốn dục vọng bất chính, bỏ đi những sự tham lam, bỏ đi sự kiêu căng và chấp nhận con người thật của mình. Con người là chi mà Chúa tôi để ý chăm nom. Con người chỉ là cát bụi nhưng được Thiên Chúa phú trao linh hồn nên con người trở thành loài thụ tạo cao qúy.

Chúa Giêsu báo trước cuộc khổ nạn Chúa sẽ phải chịu. Chúa muốn những người theo Chúa phải hiểu rõ và tự do chấp nhận. Chấp nhận theo Chúa là chấp nhận đi theo con đường khổ giá sẽ có nhiều chông gai. Ít người thích đi vào con đường hẹp này. Chúng ta rất muốn theo Chúa nhưng chúng ta ngại vác thánh giá. Chúng ta muốn cắt nhẹ thánh giá để cuộc sống dễ chịu hơn. Lậy Chúa, chúng con yếu đuối lắm. Chúng con sợ khổ lắm. Xin Chúa giúp sức cho chúng con.

THỨ BẢY
Mc. 9: 2-13


Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên núi cao, rồi Chúa biến hình trước mặt các ông. Hằng ngày Chúa ở bên các môn đệ, Chúa cùng chia xẻ bữa ăn, những giờ giải lao và những lúc chuyện gẫu bên lề, các môn đệ đâu có ý tưởng một Thiên Chúa uy quyền ở giữa các ông. Nhìn bề ngoài con người của Chúa Giêsu đâu có khác chi những người khác. Ngài cũng ăn mặc giống mọi người, cũng nói cùng một ngôn ngữ, cũng chia các phần ăn và cũng dùng rượu ngon. Nhưng trong con người của Chúa Giêsu là một mầu nhiệm ẩn dấu không trí khôn nào có thể hiểu thấu.

Chúa biến hình tỏ diện bản tính Thiên Chúa của Ngài. Ngài quá cao siêu, quá sáng láng và vượt quá tầm nhìn của con người. Không có mắt trần nào chịu thấu sự hiện diện uy linh của Chúa. Các tông đồ phủ phục trước tôn nhan Thiên Chúa. Thời gian thoáng qua như trong mơ, các tông đồ quá sung sướng ngất lịm. Chúa đã đánh thức các ông và đưa các ông trở lại thực tại của cuộc sống.

Chúa Giêsu hé mở một chút vinh quang trời cao cho các tông đồ. Sau đó khi xuống núi, Ngài đã loan báo về cuộc khổ nạn mà Ngài phải trải qua rồi mới vào vinh quang bất diệt. Các tông đồ được hưởng giây phút thần tiên bên Chúa. Khi trở lại cuộc đời thường, các ngài bắt đầu lữ hành trên con đường theo Chúa. Niềm hy vọng vinh quang đó phấn chấn niềm tin và dẫn đưa các tông đồ tới cùng đích của cuộc sống.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Mẹ Lộ Đức và Thánh Nữ Bernadette.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:50 11/02/2020
Lộ Đức là trung tâm hành hương quốc tế. Cách đây mấy năm, tôi có đi hành hương Đức Mẹ Lộ Đức. Từ Rôma qua hướng Tây Ban Nha, vượt đỉnh Pyrênê đến miền Nam nước Pháp. Lộ Đức nằm ở một vị trí khá hẻo lánh, thuộc một tỉnh nhỏ. Nơi đây, từng giờ từng phút, khách thập phương tấp nập đổ về để dâng lễ, cầu nguyện và xin ơn với Đức Mẹ.

Khi bước vào Vương Cung Thánh Đường Vô Nhiễm Nguyên Tội, tôi thấy bên phải, có phiến đá cẩm thạch ghi lời tuyên bố long trọng của Đức Giám Mục Laurence về những lần hiện ra của Đức Mẹ: "Chúng tôi tuyên bố rằng Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã thực sự hiện ra với Bernadette Soubirous, ngày 11 tháng 02 năm 1858 và những ngày kế tiếp, tất cả là 18 lần, trong hang động Massabielle, gần thành Lộ Đức; rằng sự hiện ra này mang tất cả những tính cách của sự thật, và các giáo hữu đều đã tin là chắc chắn. Chúng tôi xin dâng cách khiêm nhượng sự phán đoán của chúng tôi cho Sự Phán Đóan của Đức Giáo Hoàng, Vị được giao trọng trách guồng lái Giáo Hội hoàn vũ ".

Đức Mẹ đã hiện ra 18 lần tại Hang đá Lộ Đức, từ ngày 11 tháng 02 đến ngày 16 tháng 07 năm 1858.

Ngày 28 tháng 07 năm 1858, Đức Giám Mục địa phận Lộ Đức đã thiết lập Ủy Ban Điều Tra về những lần Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại hang đá Massabielle. Công việc điều tra kéo dài trong 4 năm.

Trang web: lourdes-france.com, cho biết công việc nghiên cứu điều tra tỉ mỉ và sự phân định sáng suốt, trong lời kinh nguyện. Sau 4 năm, ngày 18 tháng 01 năm 1862, Đức Giám Mục, nhân danh Giáo Hội, nhìn nhận những lần hiện ra là đích thực. Giáo Hội nhìn nhận chính thức những lần Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, dựa trên chứng từ xác quyết của cô Bernadette Soubirous.

Đức Thánh Cha Lêô XIII chấp thuận mừng lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Thánh Cha Piô X cho phép toàn thể Giáo hội mừng lễ này vào ngày 11.2 hàng năm.

Chúng tôi dâng lễ tại Hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra. Cạnh bàn thờ dâng lễ là mạch nước chảy không ngừng từ trong Hang Đá. Ngày nay, mạch suối này được dẫn xuôi theo Nhà thờ tới chân tháp để khách hành hương tới lấy nước và uống nước suối này. Tôi uống liền mấy ly và đem về 5 lít nước để tặng cho bà con giáo dân.

Hành hương về Lộ Đức, tôi được hiểu biết thêm nhiều về lịch sử và sứ điệp Đức Mẹ nhắn gửi qua thánh nữ Bernadette.

Bernadette là một cô bé 14 tuổi, không biết đọc, không biết viết, con một gia đình nghèo ở Lộ Đức. Gia đình cô tạm trú tại một nơi trước kia dùng làm nhà giam.Nơi tồi tàn này, cả gia đình gồm ông bà thân sinh và bốn chị em Bernadette làm nơi nương thân. Đức Mẹ muốn chọn một cô bé nơi nghèo hèn để làm sứ giả của Mẹ.

Theo lời kể của Bernadette. Hôm đó là ngày thứ năm, 11.02.1858, được nghỉ học, Bernadette xin phép mẹ đi nhặt củi. Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới tiến đến một hang động gần đó mà dân làng quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay nhặt củi, từ trong hang đá, một thiếu nữ diễm lệ xuất hiện và đứng trên một tảng đá, ánh sáng bao trùm cả hang Massabielle. Theo lời mô tả của cô, thì người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ diễm lệ chỉ mỉm cười. Trong cơn xúc động, Bernadette lấy tràng chuỗi từ trong túi áo ra và bắt đầu đọc kinh Kính Mừng. Khi Bernadette vừa lần xong chuỗi mân côi, người thiếu nữ làm hiệu cho cô tiến lại gần hơn. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn.

Cô về nhà kể lại biến cố ấy, nhưng chẳng ai tin cô. Chính cha mẹ cô cũng không muốn cho cô trở lại hang đá nữa. Nhưng như có một sức hấp dẫn lạ kỳ nào đó khiến cô vẫn trở lại hang đá ấy.

Sau lần này, cô còn được trông thấy “người thiếu nữ diễm lệ” hiện ra 17 lần nữa.

Khi hiện ra lần thứ ba, ngày 18.02.1958, người thiếu nữ ấy mới bắt đầu nói với cô: “Con có vui lòng đến đây liên tiếp 15 ngày nữa không? Ta không hứa sẽ làm cho con được sung sướng ở đời này, nhưng là ở đời sau.”.

Trong 15 ngày tiếp đó, người thiếu nữ đã nhắn nhủ và truyền cho Bernadette nhiều điều. Cô kể : “Bà dặn tôi nhiều lần rằng: Hãy sám hối, hãy nói với các linh mục xây một nhà nguyện ở đây, hãy đến uống và rửa ở suối này, phải cầu nguyện cho những người tội lỗi được ơn hối cải. Trong vòng 15 ngày ấy, Bà còn nói với tôi 3 điều và dặn tôi không được nói với ai. Tôi vẫn trung thành giữ kín. Sau ngày thứ 15, tôi hỏi Bà 3 lần liên tiếp: Bà là ai? Nhưng Bà chỉ mỉm cười. Tôi đánh bạo hỏi thêm lần thứ tư. Lúc ấy, Bà mới buông tay xuống, ngước mắt nhìn lên trời rồi vừa nói vừa chắp tay trước ngực: ‘QUE SOY ERA IMMACULADA COUNCEPTIOU’”. Đó là thổ âm của vùng Lộ Đức lúc bấy giờ, được dịch ra tiếng pháp là: ‘Je suis l’Immaculée Conception’, và dịch sang tiếng Việt Nam là: ‘Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội’.

Các bậc khôn ngoan chống đối, dân chúng xúc động, cảnh sát thẩm vấn Bernadette nhiều lần. Cô bình thản trả lời và không hề nao núng trước những lời đe dọa. May mắn là cô không bị vướng mắc vào những tiểu xảo của người thẩm vấn. Các nữ tu dạy học cũng tỏ ra bất bình, còn Bernadette vẫn luôn giữ được thái đô khiêm tốn lịch sự.

Ngày 25.2.1858, một đoàn người cảm kích theo cô sau khi cầu nguyện, Bernadette đứng dậy, ngập ngừng tiến tới gần hang đá rồi quì xuống. Theo lệnh của “người thiếu nữ diễm lệ”, cô cúi xuống lấy tay cào đất. Một dòng nước vọt lên. Dòng nước đó đến nay cứ chảy mãi, cứ 24 tiếng đồng hồ là có khoảng 120.000 lít nước chảy ra.

Ông biện lý cho gọi Bernadette tới. Ông chế giễu, tranh luận và đe dọa cô nữa. Cuối cùng ông kết luận :

- Cô hứa với tôi là sẽ không tới hang đá nữa chứ?

Nhưng Bernadette bình tĩnh trả lời cách rõ ràng.

- Thưa ông, cháu không hứa như vậy.

Cha sở tỏ ra nghi ngại, ngài cấm các linh mục không được tới hang. Khi Bernadette tới gặp ngài và thuật lại "“người thiếu nữ diễm lệ” nói : Ta muốn mọi người tổ chức rước kiệu tại đây".

Cha sở liền quở trách và gằn từng tiếng :

- Con hãy nói với bà ấy rằng, đối với cha sở Lộ Đức, phải nói cho rõ rệt. Bà muốn những buổi rước kiệu và một nhà nguyện à? Trước hết Bà phải cho biết Bà tên là gì và làm một phép lạ đã chứ.

Dòng nước vẫn chảy thành suối. Dân chúng vẫn lũ lượt kéo nhau tới, những kẻ hoài nghi phải chùn bước.

Đã có những phép lạ nhãn tiền :

- Một người thợ đẽo đá mù lòa đã thấy được ánh sáng.

- Một phụ nữ bại tay sáu năm nay bình phục.

- Một em bé hai tuổi bệnh hoạn đang hấp hối trước những cặp mắt thất vọng của cha mẹ. Họ nghèo lắm, bà hàng xóm đã dọn sẵn cho một một cái quách. Người cha thở dài : - Nó chết rồi.

Người mẹ chỗi dậy. Không nói một lời nào, bà ôm đứa trẻ chạy thẳng ra hang đá, dìm nó vào trong dòng nước giá lạnh. Dân chúng cho rằng bà khổ quá hóa điên. Sau khi tắm cho bé khoảng 15 phút, bà ẵm con về nhà. Sáng hôm sau, bé hết bệnh. Ba bác sĩ đã chứng thực chuyện lạ này.

Báo chí công kích dữ dội và cho rằng đó chỉ là ảo tưởng. Bernadette vẫn giản dị vui tươi tự nhiên. Hàng ngày cô trở lại hang đá.

Ngày 25.3, cô quì cầu nguyện và khuôn mặt bỗng rỡ nên rạng rỡ. Rồi cô quay lại nói với vài người có mặt : - Bà nói : Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội.

Vài phút sau, lời Đức Trinh Nữ được truyền từ miệng người này sang người khác. Đám đông cất cao lời cầu khẩn:

- Lạy Đức Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Đức Mẹ.

Ngày 8.12.1854, Ðức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Hiến Chế Ineffabilis Deus. Hơn ba năm sau, trong lần hiện ra ngày 25.3. 1858, Đức Mẹ tự xưng là: "Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.".

Vào năm 1866, Bernadette được gửi vào dòng Nữ Tu Ðức Bà ở Nevers. Ở đây, sơ trở nên một phần tử của cộng đoàn, và bị sơ giám đốc đệ tử đối xử rất tệ hại. Sự bất nhẫn ấy chỉ chấm dứt khi họ khám phá rằng sơ Bernadette đang chịu đau khổ vì một căn bệnh bất trị. Sơ từ trần ở Nevers vào ngày 15.4.1879, khi mới 35 tuổi. Sơ Bernadette được phong chân phước năm 1925, và được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1933. Lễ kính thánh nữ vào ngày 16.4 hàng năm.

Lộ Ðức đã trở nên trung tâm hành hương và chữa lành, nhất là đức tin. Ðối với những người có đức tin thì không có gì ngạc nhiên. Ðó là sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu được tiếp tục thể hiện qua sự can thiệp của mẹ Người.

Nhiều người đến Lộ Ðức và trở về với một đức tin được đổi mới, sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa trong các nhu cầu của tha nhân. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nghi ngờ việc hiện ra ở Lộ Ðức. Ðể nói với họ, có lẽ tốt hơn là dùng những lời mở đầu của cuốn phim "Song of Bernadette": "Với những ai tin vào Chúa thì không cần giải thích. Với những người không tin, thì chẳng sự giải thích nào đầy đủ.".

Sứ điệp Đức Mẹ trao cho Bernadette có thể tóm lược trong ba lời mời gọi sau đây:

- Mời gọi cầu nguyện: Khi hiện ra lần thứ nhất, Mẹ đã dạy Bernadette làm dấu Thánh Giá và lần hạt cách sốt sắng. Mỗi lần hiện ra Mẹ đều làm như vậy. Mẹ còn dạy riêng cho Bernadette một kinh nguyện, rồi cuối cùng mới trao cho cô sứ điệp cầu nguyện: Con hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện cho kẻ có tội được ơn trở lại.

- Mời gọi sám hối: Đức Trinh Nữ lập lại với Bernadette ba lần: ‘Hãy sám hối, sám hối, sám hối’. Ngày 25-2-1858, Mẹ nói với Bernadette: ‘Con hãy đến uống và rửa ở suối này’. Mẹ chỉ cho cô tìm ra một giòng suối. Suối nước này ban đầu rất đục, sau đó bùn lắng xuống rồi trở thành suối nước trong lành. Đó là dấu hiệu cho sự sám hối. Nó tượng trưng cho sự lắng đọng trong tâm hồn tất cả những gì là vẩn đục hầu nên thanh sạch hơn.

- Mời gọi rước kiệu và xây nhà nguyện:“Con hãy nói với các linh mục xây nhà nguyện ở đây. Mẹ muốn người ta đến đây rước kiệu”. Nhà nguyện là nơi dân Chúa tụ họp để nghe lời Chúa và cử hành nhiệm tích Thánh Thể. Để đáp lại nguyện vọng của Đức Maria mà ba đại giáo đường và 2 Nhà thờ khá lớn lần lượt được xây dựng ở đây.“Người ta sẽ xây nhà nguyện cho con, và xây rất lớn”, cha sở Lộ Đức Peyramale đã nói với Bernadette như thế khi cô đến trình bày về lời yêu cầu của Đức Mẹ, hẳn cha đã không ngờ rằng mình nói rất đúng.Những Thánh đường này hằng ngày quy tụ từng đoàn người hành hương đến viếng thăm, chầu Thánh Thể và rước kiệu. Chính tại nơi đây, Thánh lễ cũng như các buổi rước kiệu Thánh Thể luôn được cử hành rất long trọng. Lộ Đức xứng với danh hiệu “Thành phố của nhiệm tích Thánh Thể”.

Hai buổi chiều, tôi dành thời giờ ngồi bên dòng sông Pau, đối diện với Hang Đá, ngắm nhìn Vương Cung Thánh Đường uy nghi xây vách đá, nơi Đức Mẹ hiện ra, nhìn dòng người không ngớt cầu nguyện dưới chân Mẹ. Tôi hiểu tại sao Giáo hội, trong dọc dài thời gian hơn hai ngàn năm qua vẫn luôn vững bền và phát triển cho dù trải biết bao thăng trầm dâu bể của lịch sử nhân loại. Nhờ Mẹ Maria luôn chở che Giáo hội như Mẹ đã bao bọc nâng đỡ các Tông Đồ sau Lễ Ngũ Tuần. Mẹ là dòng sông tưới mát cho nhân loại đang trên hành trình tìm về nguồn hạnh phúc bên Chúa.

Lộ Đức là địa chỉ của tình thương, là điểm hẹn của bình an nội tâm. Tạ ơn Đức Mẹ và xin Mẹ thương ban ơn cho các bệnh nhân.
 
Đức Hồng Y Marx hết đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức
Vũ Văn An
18:34 11/02/2020
Theo tin của Elise Ann Allen thuộc tờ Crux Now, hôm thứ ba, Đức Hồng Y Reinhard Marx tuyên bố rằng ngài sẽ không ứng cử nhiệm kỳ hai để làm người đứng đầu hội đồng giám mục quốc gia; ngài trích dẫn tuổi và mong muốn dành nhiều thời gian hơn trong tổng giáo phận của ngài như lý do chính cho quyết định này.



Đức Hồng Y Marx, người được cử làm tổng giám mục Munich và Freising năm 2008, đã được bầu làm chủ tịch của hội đồng giám mục Đức năm 2014. Trong một thông cáo ngày 11 tháng 2 được đăng trên trang web của hội đồng giám mục Đức, ngài nói trong phiên họp toàn thể của hội nghị từ ngày 2 tới ngày 3 tháng 5, ngài sẽ “không có đó” để được bầu cho nhiệm kỳ hai.

Ngài nói, “mọi điều đã rõ ràng trong thời gian qua”; ngài lưu ý rằng ngài sẽ 72 tuổi khi nhiệm kỳ thứ hai kết thúc, chỉ ba năm trước tuổi 75 là tuổi, các giám mục và Hồng Y được yêu cầu nộp đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng.

Ngài nói, “Tôi nghĩ rằng nay là lúc nên hướng về thế hệ trẻ trung hơn”. Ngài nói thêm rằng ngài tin việc chuyển đổi thường xuyên hơn trong chức vụ này có thể là một điều tích cực đối với hội đồng giám mục.

Đức Hồng Y Marx cho biết ngài sẽ tiếp tục tích cực tham gia hội đồng, cũng như tham gia vào “con đường đồng nghị” kéo dài hai năm mà các giám mục người Đức hiện đang trải qua.

Kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhậm chức năm 2013, Đức Hồng Y Marx đã trở thành nhân vật chủ chốt trong triều đại giáo hoàng của ngài. Ngay sau cuộc bầu cử của ngài, Đức Phanxicô đã đích thân bổ nhiệm Đức Hồng Y Marx làm thành viên của hội đồng cố vấn hàng đầu của ngài, một Hội Đồng gồm các vị giáo phẩm từ các khu vực khác nhau trên thế giới.

Đức Hồng Y Marx cũng đã chứng tỏ là một người kích thích khá nhất quán, đóng vai trò lãnh đạo trong cải cách tài chính của Vatican trong tư cách chủ tịch Hội đồng Kinh tế, cổ vũ một lối giải thích tiến bộ hơn đối với tông huấn năm 2016 của Đức Phanxicô về gia đình, Amoris Laetitia, ủng hộ việc hai bên trong cuộc Hôn nhân hỗn hợp Công Giáo-Tin lành đều được rước lễ qua lại, và cũng kêu gọi cho có sự cởi mở hơn đối với các mối quan hệ LGBT (đồng tính và đổi tính).

Tháng 2 năm 2018, Đức Hồng Y Marx đã công bố các kế hoạch của hội nghị các giám mục Đức để công bố một thông báo nêu chi tiết cụ thể về việc khi nào các người phối ngẫu Thệ Phản của người Công Giáo “trong các trường hợp cá thể” và “đưới một số điều kiện” có thể được rước lễ, miễn là họ tin giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về Phép Thánh Thể.

Mặc dù một bản dự thảo thông báo của Đức Hồng Y Marx đã được hai phần ba giám mục Đức thông qua, nhiều người đã phản đối và kêu gọi Vatican can thiệp. Cuối cùng, Vatican đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về vấn đề này và cuối cùng đã trả lại vấn đề này cho các giám mục Đức để thảo luận thêm, yêu cầu họ đưa ra giải pháp mà mọi người đều có thể hài lòng.

Gần đây nhất, Đức Hồng Y Marx đã gây ra tranh cãi với công bố tháng 3 năm 2019 về một “diễn trình đồng nghị ràng buộc”, được thực hiện như một phản ứng đối với việc con số tín hữu Công Giáo giảm dần nhanh chóng, qua điều ngài nói là ba vấn đề chính nảy sinh từ cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng: vấn đề độc thân linh mục, giáo huấn của Giáo Hội về đạo đức tính dục, và giảm quyền lực giáo sĩ.

Trong bài giảng đêm giao thừa năm mới 2018, Đức Hồng Y Marx cho biết Giáo hội có thể cần phải sửa đổi các truyền thống của mình để đáp ứng thỏa đáng cuộc khủng hoảng lạm dụng, vì, theo quan điểm của ngài, các biện pháp phòng ngừa hiện tại là không đủ.

Ngài nói rằng “giờ đây đã đến lúc cam kết sâu sắc để mở đường cho Giáo hội đổi mới và cải cách”; ngài nói thêm rằng ngài mong năm 2019 sẽ là một năm “bất ổn và chống đối” trong Giáo hội Đức, nhưng “ta cần lối suy nghĩ mới".

Các nhà phê bình đã phản bác rằng cái gọi là “con đường đồng nghị” sẽ dẫn đến việc nới lỏng chủ trương của Giáo Hội Công Giáo về tình trạng độc thân linh mục và đồng tính luyến ái, và Đức Hồng Y Marx đã gặp phải sự phản đối của một số giám mục Đức, trong đó có Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Cologne.

Tháng 6 năm 2019, ba tháng sau khi Marx công bố “con đường đồng nghị”, Đức Phanxicô đã can thiệp vào qua một lá thư gửi các giám mục Đức nhắc nhở họ rằng họ không tiến bước một mình, nhưng với Giáo hội hoàn vũ. Đức Giáo Hoàng cũng nhắc nhở họ rằng một cuộc cải cách có tính “cơ cấu”, bằng cách đơn giản thích nghi với thời hiện đại, không phải là giải pháp.

Trong một lá thư riêng đề ngày 4 tháng 9, Đức Hồng Y người Gia Nã Đại, Marc Ouellet, đứng đầu Bộ Giám mục của Tòa thánh, đã cảnh báo các giám mục Đức rằng các cuộc tham vấn của họ phải tuân thủ các thủ tục giáo luật dành cho một công đồng toàn thể.

Đức Hồng Y Ouellet nhắc nhở các giám mục rằng trong khi đề xuất một diễn trình gồm các “cuộc nghị bàn có tính ràng buộc” về các quy định của Giáo hội ở Đức, các ngài đã lên kế hoạch cho một “công đồng toàn thể”, một điều cần phải có sự chấp thuận trước của Đức Phanxicô trước khi bất cứ thay đổi nào được chính thức đưa ra.

Trong tuyên bố của ngài, Đức Hồng Y Marx cho biết ngài rất hài lòng với tiến trình đồng nghị Đức đang tiến hành; ngài nói rằng đây là một “khởi đầu tốt”, và ngài dự định sẽ tiếp tục tham gia ngay cả khi nhiệm kỳ làm chủ tịch hội đồng giám mục của ngài kết thúc.
 
Chiếc tàu khốn khổ lang thang giữa biển khơi sau khi bị 5 nước từ chối không cho cập bến vì sợ virus
Đặng Tự Do
21:05 11/02/2020
1,455 khách và 802 thủy thủ đoàn trên chiếc Westerdam của hãng tàu du lịch Holland America Line đang trong tình trạng sống dở chết dở ở ngoài khơi phía Nam Việt Nam. Những lo ngại về coronavirus mới, hiện được biết đến với tên chính thức là COVID-19, đã khiến bốn quốc gia khác nhau và lãnh thổ đảo Guam của Hoa Kỳ từ chối không cho chiếc tàu này cập bến mặc dù không có ai trên tàu được chẩn đoán là đang mắc phải chứng bệnh gây hoang mang toàn cầu.

Sau khi bị từ chối nhập cảnh vào Nhật Bản, đảo Guam, Phi Luật Tân và Đài Loan, những người trên con tàu đã cảm thấy nhẹ nhõm khi thuyền trưởng của con tàu du lịch này thông báo rằng cuối cùng họ sẽ lên đường đến Bangkok, Thái Lan, và sẽ được lên bờ vào ngày 13 tháng Hai.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Anutin Charnverakul đã tạt một gáo nước lạnh vào mặt họ khi thông báo vào hôm thứ Ba rằng nó sẽ không được phép cập bến bất cứ hải cảng nào của quốc gia này.

Theo Associated Press, con tàu đã khởi hành ngày 16 tháng Giêng từ Singapore, và ban đầu dự định sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng Hai tại Yokohama, Nhật Bản. Tuy nhiên, tại Yokohama, chính phủ Nhật Bản đã cách ly một con tàu du lịch khác là chiếc Diamond Princess với khoảng 3,700 hành khách và thủy thủ đoàn, trong đó ít nhất 61 người đã được chẩn đoán mắc COVID-19. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi Nhật Bản khám phá ra rằng một nhân viên y tế của họ vừa mắc phải căn bệnh quái ác này khi khám cho các hành khác trên con tàu Diamond Princess.

Chính vì thế, vào ngày 6 tháng Hai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng chiếc tàu Westerdam, trên đường từ Hương Cảng sang Nhật Bản, sẽ không được phép cập bến bất cứ hải cảng nào của Nhật.

Hết quốc gia này đến quốc gia khác đã từ chối yêu cầu của Westerdam xin được cập bến. Các nước đều sợ hành khách mang theo COVID-19, bất kể các tuyên bố liên tục từ các viên chức của Holland America Line rằng không có trường hợp nào mặc bệnh trên tàu và con tàu không nằm trong tình trạng bị cách ly.

Chính phủ Thái Lan tuyên bố hôm thứ Ba rằng mặc dù con tàu không thể cập bến tại Thái Lan, nước này sẽ cung cấp các hỗ trợ nhân đạo, như nhiên liệu và thực phẩm.

Trong tuyên bố hôm thứ Ba 11 tháng Hai, Holland America Line cho biết các hành khách và gia đình của họ rất hoang mang trong tình huống hiện nay. Con tàu đã gần cạn kiệt lương thực, nước uống và nhiên liệu.

“Chúng tôi biết điều này gây hoang mang cho hành khách của chúng tôi và gia đình của họ và chúng tôi đánh giá rất cao sự kiên nhẫn của họ,” công ty nói.

Holland America Line đã hứa rằng tất cả khách sẽ được hoàn tiền 100%; và sẽ được miễn phí 100% cho một chuyến đi trong tương lai. Con tàu dự kiến sẽ có một chuyến đi mới từ Yokohama vào ngày 15 tháng Hai, nhưng hãng tàu đã quyết định hủy chuyến đi này cho đến khi tình hình trở nên sáng sủa.

Holland America Line cho biết họ có đủ nhiên liệu cần thiết cho đến ngày 15 tháng Hai. Sau đó, có lẽ họ sẽ phải phát tín hiệu cầu cứu như trong trường hợp một con tàu lâm nạn.


Source:Time
 
Lời nguyện cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân năm 2020
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
21:57 11/02/2020
“Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang mệt mỏi vả bị áp bức, Ta sẽ ban bồi dưỡng” (Mt 11, 28)

Lạy Cha toàn năng là Chúa Cả trời đất, Chúa đã tiết lộ cho những người hèn mọn về những bí ẩn của nước trời. Trong bệnh tật và đau khổ, Chúa giúp chúng con trải nghiệm sự tổn thương của chúng con là những thụ tạo mỏng manh: xin ban cho chúng tôi tràn đầy phúc lành của Chúa.

Lạy Chúa Con duy nhất, ngài đã gánh chịu những đau thương của con người, xin hỗ trợ chúng con trong lúc bệnh tật và xin giúp chúng con mang ách của ngài, học hỏi nơi ngài là người hiền lành và khiêm tốn trong tâm hồn.

Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi hoàn hảo, chúng con xin được hồi phục khỏi mệt mỏi và áp bức, để chính chúng con có thể trở thành công cụ tình yêu của ngài là an ủi. Xin ban cho chúng tôi sức mạnh để sống, niềm tin để phó thác chúng con cho ngài, niềm hy vọng chắc chắn sẽ gặp ngài trong cuộc sống vĩnh hằng.

Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của chúng ta, xin đồng hành với chúng con đến nguồn mạch của nước hằng sống đang tuôn ra và phục hồi cho đến vĩnh cửu.

Amen.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: CEI - Hội Đồng Giám Mục Ý
 
Cha Bernardo Cervellera: Trung Quốc trấn áp những người đưa thông tin trung thực về dịch bệnh. Số tử vong tiếp tục tăng kinh hoàng.
Đặng Tự Do
22:35 11/02/2020
Tính cho đến 10 giờ sáng ngày thứ Tư 12 tháng Hai, số người chết vì dịch coronavirus đang tiếp tục tăng. Các quan chức Trung Quốc cho biết trên toàn cõi Hoa Lục, thêm 97 trường hợp tử vong mới trong ngày thứ Ba và thêm 2,015 trường hợp nhiễm bệnh mới trong vòng 24 giờ.

Các số liệu mới đưa tổng số người chết ở Trung Quốc lên tới ít nhất 1,113 người. Và tổng số trường hợp được xác nhận đã tăng lên 44,653. Hầu hết 94 trường hợp tử vong mới được báo cáo xảy ra ở tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch bệnh.

Cha Bernardo Cervellera, Giám Đốc Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, và là một chuyên gia về Trung Quốc có trụ sở ở Rôma, là người đã từng giảng dạy nhiều năm tại Đại Học Bắc Kinh, vừa có bài tường thuật sau về sự bưng bít thông tin của Bắc Kinh trong dịch bệnh Coronavirus.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Thế giới có thể đang ca ngợi cách thức nổi bật của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của coronavirus, nhưng không ai muốn nhắc đến thành công của nước này trong việc chống lại thông tin tự do mà bọn cầm quyền nước này cho là một thứ “virus” khác.

Các nhà báo, luật sư, giáo sư và bác sĩ nào dám bày tỏ mối quan tâm hoặc truyền lại những hình ảnh và dữ liệu bị cho là không phù hợp với các nguồn chính thức đã bị cảnh sát đe dọa, hoặc thậm chí còn bị giam giữ.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin cảnh sát đã bắt giữ nhà báo và luật sư Trần Thu Thực (Chen Qiushi - 陈秋实) và “cách ly” anh ta (như một bệnh nhân coronavirus) vì các videos của anh từ Vũ Hán. [Luật sư Trần đã nổi tiếng với một câu nói thời danh khi mô tả về cách thức bệnh viện Trung ương Vũ Hán xua đuổi những người dân tìm kiếm trợ giúp về y tế trong bối cảnh hoang mang có mắc phải căn bệnh quái ác này không, sau khi đã có các triệu chứng đáng âu lo. Anh nói: “Có nhà nước nào lại khốn nạn như thế không?” – chú thích của người dịch]

Một trong những báo cáo mới nhất của luật sư Trần tập trung vào các bệnh viện mới được xây dựng cấp tốc trong vài ngày.

Nhà báo này cho biết các bệnh viện này không được thiết kế để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, mà chỉ đơn giản là các “bệnh viện chiến trường”, với hàng trăm bệnh nhân chất đống trong các phòng bệnh, thường không được khám hay điều trị gì cả.

Một nạn nhân khác của cảnh sát là Giáo sư Chu Hiền Nhất (Zhou Xuanyi - 周贤一), một triết gia tại Đại học Vũ Hán, là người đã bị chính các sinh viên của mình báo cáo với cảnh sát vì đã nói trên các phương tiện truyền thông xã hội rằng giới lãnh đạo tại Vũ Hán đã chậm trễ trong việc giải quyết dịch bệnh và thông báo cho công chúng về nguy cơ của nó.

Giáo sư Chu đã bị tố cáo vì dám “chất vấn Đảng Cộng sản” và “thù ghét đất nước của chính mình”.

Mặc dù Thị trưởng Vũ Hán và nhà cầm quyền cũng thừa nhận rằng họ hành động quá muộn, Học viện Khoa học Xã hội, nơi Giáo sư Chu làm việc, đã đưa ra một thông báo nói rằng vị Giáo sư này đã “vi phạm các hướng dẫn về hành vi chuyên nghiệp của giáo viên đại học trong kỷ nguyên mới dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.”

Đài Á Châu Tự Do cũng báo cáo về việc bắt giữ ông Quách Quân (Guo Quan - 郭全), một nhà hoạt động dân chủ và cựu giảng viên đại học, ở Nam Kinh.

Cuộc đàn áp đã trở nên mạnh mẽ hơn sau khi nhiều người Trung Quốc bày tỏ nỗi buồn và chỉ trích bọn cầm quyền về cái chết của Bác sĩ Lý văn Lương (Li Wenliang - 李文亮), là bác sĩ đầu tiên đưa ra cảnh báo về coronavirus và cảnh sát, cũng như cấp trên tại bệnh viện đã bắt anh phải im lặng. Anh đã chết trong bệnh viện sau khi nhiễm bệnh từ một bệnh nhân.

Hôm thứ Ba, tờ Tài Tân (Caixin - 财新) đã công bố cuộc phỏng vấn với hai bác sĩ khác chịu chung số phận với bác sĩ Lương. Đó là bác sĩ Tạ Lâm Ca (Xie Linka - 谢琳卡), là bác sĩ chuyên khoa ung thư tại trung tâm ung bướu của Bệnh viện Liên minh Vũ Hán, và bác sĩ Lưu Văn (Liu Wen - 刘雯), làm việc tại khoa thần kinh của Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán.

Vào tháng 12, họ cũng đã cố gắng thông báo cho những người khác về bệnh viêm phổi kỳ lạ ảnh hưởng đến số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, nhưng cả hai bị cảnh sát ngăn chặn.

Hai nhân vật trí thức nổi tiếng của Trung Quốc đã lên tiếng chống lại sự thiếu tự do thông tin. Đó là Giáo sư Từ Chương Nhuận (Xu Zhangrun - 徐章润) tại Đại học Luật Khoa Thanh Hóa (Tsinghua -清华) và ông Từ Chí Dũng (Xu Zhiyong - 徐志勇),cựu giảng viên tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh.

Giáo sư Từ Chương Nhuận đã công bố một bài tiểu luận chỉ trích giới lãnh đạo Trung Quốc vì đã không kiểm soát được dịch coronavirus. Ông Từ Chí Dũng đã công bố một bài báo trên các phương tiện truyền thông xã hội yêu cầu Tập Cận Bình từ chức vì không có khả năng xử lý các cuộc khủng hoảng lớn. Bây giờ cả hai đều có nguy cơ đi tù.

Rõ ràng là kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, một lệnh cấm vận thông tin đã gây hại cho người dân ở Trung Quốc và trên thế giới, khiến cho virus lây lan gần như tự do trong nhiều tuần lễ.

Một số người cũng tự hỏi liệu Tổ chức Y tế Thế giới - với sự dè dặt không dám tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ca ngợi quá mức “phương pháp Trung Quốc” trong việc ngăn chặn dịch bệnh – phải chăng đã bị Bắc Kinh nắm trong tay khi không đòi hỏi tự do thông tin và các kiểm tra độc lập hơn về tình hình.

Trên thực tế, cho đến nay, những con số về tử vong và nhiễm trùng là những con số được độc quyền cung cấp bởi các cơ quan y tế Trung Quốc.

Mặc dù khen ngợi hành động của Bắc Kinh, nhiều quốc gia đã đóng cửa các đường dây liên lạc với Trung Quốc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Điều này cho thấy rằng họ có ít niềm tin vào những gì chính quyền Trung Quốc nói, nhưng sự im lặng của họ đã cho phép Bắc Kinh đàn áp mọi hình thức chỉ trích tại Hoa Lục.


Source:Asia News
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gx Vĩnh Hòa Sàigòn Chầu lượt thay Giáo phận
Văn Minh
10:53 11/02/2020
Vào Chúa Nhật thứ V mùa thường niên A, sau thánh lễ thiếu nhi, lúc 8g00 ngày 09/02/2020, tại giáo xứ Vĩnh Hòa – Sài Gòn, linh mục chánh xứ Gioakim đã long trọng khai mạc ngày chầu lượt thay Giáo phận. Trong tâm tình cầu nguyện xin ơn bình an, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt cơn đại dịch Corona.

Xem Hình

Chầu luợt mang ý nghĩa đặt lòng tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể. Qua những giờ phút tĩnh lặng, kết hiệp mật thiết với Chúa. Mỗi người có cơ hội được:

Phân định đức tin của mình, qua những thử thách và khổ đau trong cuộc sống. Với người Kitô hữu, đó là đức tin của mình vào một Thiên Chúa Cứu Độ vô song tuyện đối, và chỉ trong nhãn quan đó chúng ta mới hiểu được rằng: đau khổ và thử thách tuy vẫn có chỗ đứng nhất định trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhưng chúng không bao giờ, hay có thể là một thực tại quá bi lụy và thê lương. Minh chứng qua con đường khổ nạn mà con Thiên Chúa đã đi, và đi đến cùng con đường mình đã chọn, ngõ hầu đau khổ và thử thách mặc lấy một ý nghĩa mới: ý nghĩa cứu độ. Thực vậy, người Kitô hữu với đức tin vào Thiên Chúa, trong sự thông phần đau khổ với Đức Kitô, con người được thanh luyện hầu đạt tới ơn cứu độ

Chọn lựa trong đức cậy. Đức Kitô đi qua cái chết để hóa giải những bất trung, bất tin của con người với Thiên Chúa. Đem lại tình yêu cứu độ cho con người. Còn ta, ta có sẵn sàng chết đi với những nhỏ nhen, ích kỷ, những đam mê tội lỗi, và không ngừng đốt cháy lên trong ta ngọn lửa cậy trông hy vọng, tiến bước trên con đường mà Thầy Giêsu chí thánh đã dạy “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”, để rồi mai này chúng ta cùng được hưởng cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu nơi thiên quốc.

Qua đức tin, đức cậy để triển nở đức mến. Chiêm ngắm Thánh Thể là chiêm ngắm mầu nhiệm Tình Yêu. Nhãn quan tình yêu chỉ có được khi mình hết lòng tin tưởng – cậy trông nơi Đức Kitô, và tình yêu đó sẽ được triển nở khi người Kitô hữu sống và nghe Lời Người qua lời dạy: “anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”. Thực vậy, sự Phục Sinh của Đức Kitô là biến cố của Tình Yêu. Chúng ta hãy để tình yêu, hay đức mến của chúng ta đối với Thiên Chúa được thể hiện nơi tha nhân, và tình yêu đó luôn được tái hiện hằng ngày trong cuộc sống chúng ta nơi mỗi người xung quanh. Đó chính là tiêu chuẩn trở thành người môn đệ đích thực của Đức Kitô.

Kết thúc ngày chầu lượt, vào lúc 15g30, cha giáo Giuse Đỗ Xuân Vinh cùng cộng đoàn đã cung nghinh kiệu Thánh Thể, rước đi chung quanh thánh đường và cử hành phép lành Thánh Thể. Sau đó là thánh lễ tạ ơn bình an cũng do ngài chủ tế vào lúc 16g00 cùng ngày.
 
Giáo xứ Tân Phú Hòa Sàigon : Ngày thế giới cầu nguyện cho bệnh nhân
Martino Lê Hoàng Vũ
21:47 11/02/2020
Chiều thứ ba ngày 11.2.2020 tại Giáo xứ Tân Phú Hòa hạt Phú Thọ đã diễn ra thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức và cử hành ngày thế giới bệnh nhân.

Trước thánh lễ, cộng đoàn giáo xứ chầu Thánh Thể cầu nguyện cho cơn đại dịch Corona mau chóng được đẩy lùi, cho những người nhiễm bệnh được chữa lành, cho các nhà hữu trách làm việc tận tâm cứu chữa con người đang bị đại dịch hoành hành.

Xem Hình

Lúc 18g, Linh mục chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Trọng chủ tế thánh lễ cùng với đông đảo cộng đoàn giáo xứ tham dự, nhất là hôm nay có rất nhiều ông bà anh chị em đau bệnh ngồi chật kín trong nhà thờ.

Trong phần chia sẻ Tin Mừng, linh mục chánh xứ mời gọi mọi người noi gương Mẹ Maria luôn vững tin vào Chúa trong hoàn cảnh đau bệnh của mình, nhất là thế giới đang phải đối diện với dịch cúm Corona. Thiên Chúa yêu thương quan phòng chăm sóc mỗi người chúng ta, Ngài chắc chắn thấy được những khó khăn đau khổ của mỗi người và của toàn thế giới. Tại Lộ Đức, bên Pháp có rất nhiều bệnh nhân qua lời cầu nguyện đã được Chúa chữa lành về phần xác, nhưng quan trọng hơn có những người được an ủi nâng đỡ và chữa lành phần hồn.

Sau bài giảng linh mục chánh xứ ban bí tích xức dầu cho những người đau bệnh, những người già yếu ngồi tại chỗ.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể

Sau thánh lễ, các bệnh nhân và người già đau yếu được phần quà, thể hiện tấm lòng yêu thương quan tâm chia sẻ của cộng đoàn giáo xứ.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Ai hát câu tung hô trước bài Tin Mừng?
Nguyễn Trọng Đa
10:35 11/02/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trước khi bài Tin mừng được công bố, và sau Alleluia (khi có), chúng ta nghe một câu ngắn Tung hô Tin Mừng được hát hoặc đọc. Ai phải làm việc này? Linh mục? Phó tế? Ca viên? Hay người đọc? Tôi đã thử nghiệm tất cả mọi người hát hay đọc. - J. L., Oswego, New York, Hoa Kỳ.


Đáp: Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), khi nói về các công thức khác được sử dụng trong thánh lễ, nói như sau:

“37. Sau hết, trong các công thức khác: Có những công thức tạo nên một nghi thức hay một hành vi biệt lập, như thánh thi Vinh Danh, thánh vịnh đáp ca, Alleluia và lời tung hô trước bài Tin Mừng, bài ca Thánh! Thánh! Thánh!, lời tung hô sau truyền phép, bài hát sau Hiệp lễ…

“Lời tung hô trước bài Tin Mừng

“62. Sau bài đọc liền trước bài Tin Mừng, hát Alleluia hay bài nào khác do chữ đỏ quy định tùy mùa phụng vụ. Lời tung hô như vậy tự nó là một nghi thức hoặc một hành vi độc lập, qua đó cộng đoàn tín hữu đón chào Chúa sắp nói với mình trong Tin Mừng và dùng lời hát tuyên xưng niềm tin của mình. Ca đoàn hoặc ca viên xướng trước Alleluia, mọi người đứng hát, và nếu cần thì lặp lại. Còn câu tung hô thì ca đoàn hoặc ca viên hát.

“a) Alleluia được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay, câu tung hô lấy ở Sách Bài đọc, hoặc sách Các bài ca tiến cấp.

“b) Mùa Chay, thay vì Alleluia thì hát câu tung hô trước bài Tin Mừng có trong Sách Bài đọc. Cũng có thể hát một thánh vịnh khác hay ca tiếp liên mùa Chay, như thấy trong sách Các bài ca tiến cấp.

“63. Nếu trước Tin Mừng chỉ có một bài đọc, thì:

“a) Trong mùa phải đọc Alleluia, có thể sử dụng thánh vịnh có Alleluia, hoặc thánh vịnh và Alleluia với câu tung hô.

“b) Trong mùa không được đọc Alleluia, có thể sử dụng thánh vịnh và câu xướng trước bài Tin Mừng, hoặc chỉ một mình thánh vịnh thôi.

“c) Alleluia hoặc lời tung hô trước bài Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ.

“64. Ngoài lễ Phục sinh và lễ Hiện Xuống thì tùy nghi có thể bỏ qua ca tiếp liên. Nếu đọc, thì đọc trước Alleluia” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

Các chỉ dẫn trên đây đã chỉnh vài chỗ cho cuốn Dẫn nhập sách Bài Đọc có trước đó. Năm 2000, cuốn Dẫn nhập Sách Tin Mừng đã nói đến vấn đề này:

“CHUẨN BỊ CHO RƯỚC SÁCH TIN MỪNG

“10. Sau một thinh lặng ngắn suy tư về bài đọc trước từ Sách Bài Đọc, hoặc khi có dịp quy định, sau Thánh vịnh đối đáp, người đọc cất Sách Bài Đọc. Các người mang nến đi đến bàn thờ, nơi đặt Sách Tin Mừng.

“11. Các tín hữu đứng lên chào và tung hô Lời thành xác phàm, và tôn vinh Sách Tin Mừng, vốn là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Người. Mọi người hát Tung hô Tin mừng, vốn kết thúc khi phó tế đến tới giảng đài.

“12. Phó tế, đi cùng với người thủ hương, đi tới linh mục chủ tế. Khi cộng đoàn bắt đầu hát lời Tung hô Tin Mừng, phó tế giúp linh mục đặt hương vào bình hương.

Các hướng dẫn của cuốn “Hãy hát mừng Chúa, Sing to the Lord” của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng nêu ra các điểm sau:

“Tung hô Tin Mừng

“161. Trong Lời tung hô Tin Mừng, cộng đoàn tín hữu đón chào Chúa sắp nói với mình trong Tin Mừng. Ca đoàn hoặc ca xướng viên có thể xướng trước Alleluia, mọi người đứng hát. Sau khi Ca đoàn hoặc ca xướng viên câu tung hô hát, cộng đoàn hát lại lời tung hô. Nếu có rước Tin Mừng, lời tung hô được hát nhiều lần theo đoàn rước. Câu tung hô, như luật quy định, được lấy từ Sách Bài Đọc.

“162. Tung Hô Tin Mừng (Alleluia) được phổ nhạc Bình ca rất thích hợp để dùng trong những cộng đoàn có khả năng hát chung.

“163. Alleluia được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay, câu tung hô lấy ở Sách Bài Đọc, hoặc sách Graduale Romanum. Mùa Chay, thay vì Alleluia thì hát câu tung hô trước Tin Mừng có trong Sách Bài Đọc. Cũng có thể hát một Thánh vịnh khác hay Ca tiến cấp Mùa Chay, như thấy trong sách Graduale Romanum.

“164. Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng thì Tung hô Tin Mừng có thể bỏ; nếu trong mùa phải hát Alleluia, có thể hát hoặc bài thánh vịnh có chữ Alleluia, hoặc thánh vịnh và Alleluia với câu tung hô. Tung hô Tin Mừng có thể bỏ nếu không hát.”

Từ các tài liệu trên, chúng ta có thể thấy rằng việc hát câu tung hô là của Ca đoàn hoặc ca xướng viên. Trong khi đó chức năng của phó tế là không hát câu này, nhưng nếu thầy hát, thầy thực sự là như một ca xướng viên vào lúc ấy.

Nếu Tung hô Tin Mừng được phổ nhạc Bình ca, tài liệu trên cũng thấy trước khả năng cộng đồng hát câu này. Điều này là bởi vì câu Alleluia Bình ca thường là rất phức tạp và thường cần một số kinh nghiệm trong việc hát hợp xướng. Vì vậy, các câu Alleluia Bình ca thường được hát trong khung cảnh tu viện và chủng viện.

Theo một bức thư của Thánh Grêgôriô Cả, được viết vào năm 598, tập tục hát Alleluia đã được đưa đến Rôma vào thời thánh Đamasô (Giáo hoàng 366-384). Mặc dù các chuyên viên không đồng ý với các chi tiết, họ cũng không làm gì, nhưng có vẻ như hầu hết các Alleluia phức tạp này được sáng tác vào khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X. (Zenit.org 11-2-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/the-verse-before-the-gospel/
 
Sự Tự do của Kitô hữu, Khảo luận của Martin Luther: Xác minh của Tòa Thánh về học lý công chính hóa
Vũ Văn An
16:26 11/02/2020
Xác minh của Tòa Thánh về học lý công chính hóa

Chúng tôi nhận thấy khảo luận “Sự Tự Do của Kitô Hữu” có nhiều tầm nhìn thấu suốt về đức tin đến nỗi nếu bỏ được cụm từ “chỉ...mà thôi” trong công thức cốt lõi và nổi tiếng của Luther “công chính hóa chỉ nhờ đức tin mà thôi”, và các chỉ trích có tính bút chiến nhắm vào ngôi vị giáo hoàng Rôma thì đây là một khảo luận hàng đầu về đức tin mà Kitô hữu nào cũng nên học hỏi. Chúng tôi cho chuyển khảo luận sang tiếng Việt vì nghĩ rằng đức tin của người tín hữu Việt Nam đã trưởng thành đủ để không bị chao đảo trước các sai lầm minh nhiên hay mặc nhiên ẩn nấp đàng sau các trước tác Thệ Phản. Vả lại, muốn phê phán cho chính xác quan điểm của họ, ta cần biết thực ra họ nói gì. Đàng khác, nay là lúc, Giáo Hội đã nhìn ra các đóng góp đáng kể của Luther song song với các thiếu sót sai lầm của Ông. Muốn cổ vũ phong trào đại kết để hy vọng một ngày nào có được sự hợp nhất hữu hình, người tín hữu cũng nên bước theo chân Huấn Quyền để khám phá cả các ưu điểm lẫn khuyết điểm của các giáo hội anh em.

Tuy nhiên, trước khi đi vào chính khảo luận của Luther, tưởng nên nhắc lại: sau nhiều năm đối thoại tích cực, năm 1999, Tòa Thánh và Liên Đoàn Luther Thế giới đã đạt được một thỏa thuận về học lý Công Chính Hóa. Tuyên bố chung đã được công bố vào ngày 31 tháng Mười năm 1999. Kèm theo Tuyên Bố chung này, còn có 1 phụ lục, và hai tuyên bố riêng của mỗi Giáo Hội, cho thấy đây là 1 vấn đề chưa hẳn đã được giải quyết dứt khóat.

Thực vậy, trong “Trả Lời của Giáo Hội Công Giáo Đối Với Tuyên Bố Chung của Giáo Hội Công Giáo Và Liên Đoàn Lutherô Thế Giới Về Học Lý Công Chính Hóa”, Giáo Hội Công Giáo cho rằng Tuyên Bố Chung xác nhận nhiều điểm trùng hợp nhau nhưng vẫn còn nhiều điểm khác biệt nhau về học lý công chính hóa. Bởi thế, Giáo Hội Công Giáo xin minh xác một số điểm quan trọng. Trong phạm vi của chúng ta, các điểm sau đây có liên hệ:

Thứ nhất: đối với Giáo Hội Công Giáo, trong phép rửa, mọi tội lỗi được cất bỏ, nên, nơi người tái sinh không còn gì đáng ghét đối với Thiên Chúa nữa. Nên công thức “là người công chính và đồng thời là người tội lỗi” như được giải thích trong số 29: “các tín hữu hoàn toàn công chính, theo nghĩa Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của họ nhờ Lời và Bí Tích... Tuy nhiên, nhìn vào chính họ, họ cũng nhận thấy họ vẫn hoàn toàn là các tội nhân. Tội lỗi vẫn sống trong họ” là điều không thể chấp nhận được.
........

Thứ ba, tuy Công Giáo và người Lutherô đều nhất trí rằng đời sống mới phát sinh từ lòng Thiên Chúa thương xót chứ không do bất cứ công trạng nào của chúng ta, nhưng như thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (5:17) đã viết, lòng Chúa thương xót đem đến một sáng thế mới và do đó làm cho con người có khả năng đáp trả ơn phúc của Thiên Chúa, hợp tác với ơn thánh. Về phương diện này, Giáo Hội Công Giáo hài lòng ghi chú rằng số 21, phù hợp với điều 4 của Sắc lệnh về Công Chính Hóa của Công Đồng Trent (DS 1554) quả quyết rằng con người có thể từ khước ơn thánh; nhưng cũng phải khẳng định rằng, với tự do từ khước này, cũng có khả năng tuân theo thánh ý Thiên Chúa, một khả năng có tên rất đúng là “cooperatio” (hợp tác). Khả năng mới này được ban cho trong sáng thế mới không cho phép chúng ta dùng kiểu nói “chỉ có tính thụ động” (số 21) trong đồng văn này. Thành thử, số 24 khi nói rằng “hồng ân ơn thánh Thiên Chúa trong công chính hóa vẫn luôn độc lập đối với sự hợp tác của con người” phải được hiểu là ơn thánh này không lệ thuộc việc làm của con người, chứ không theo nghĩa công chính hóa có thể diễn ra không có sự hợp tác của con người. Cả số 19 theo đó tự do của con người “không phải là tự do trong tương quan với sự cứu rỗi” cũng phải liên hệ tới việc con người không thể đạt tới công chính hóa bằng cố gắng riêng của họ.

Hơn nữa, Giáo Hội Công Giáo chủ trương rằng việc làm tốt của người đã được công chính hóa luôn luôn là hoa trái của ơn thánh. Nhưng đồng thời, và không cách chi giảm thiểu sáng kiến hoàn toàn của Thiên Chúa, chúng cũng là hoa trái của con người, đã được công chính hóa và biến đổi bên trong. Do đó, chúng ta có thể nói sự sống đời đời, cùng một lúc, vừa là ơn thánh vừa là phần thưởng được Thiên Chúa ban vì việc làm tốt và công đức. Học lý này là kết quả của sự biến đổi bên trong của con người mà chúng tôi đã nhắc đến ở số 1 “nhận định” này...

Bản minh xác cũng nhấn mạnh rằng cần nhiều suy tư hơn nữa để đi đến thoả thuận chung nhiều hơn. Việc suy tư này nên dựa vào toàn bộ Tân Ước chứ không chỉ các thư của Thánh Phaolô mà thôi. Vả lại, ngay các thư Thánh Phaolô cũng nhắc đến các khía cạnh quan trọng khác như tư cách con cái và thừa hưởng gia nghiệp của tín hữu (Gl 4:4-7; Rm 8:14-17).

Riêng về vấn đề “việc làm tốt”, Luther không quên nhấn mạnh đến sự cần thiết của nó, không phải để được công chính hóa, nhưng vẫn là những bổn phận đích thực của một Kitô hửu đích danh, vì trong khảo luận này, chính Ông đã viết như sau:

“Đó là điều biến việc chăm sóc thân xác thành một việc làm của Kitô hữu, nghĩa là nhờ có sức khỏe và tiện nghi, chúng ta có thể làm việc, mua sắm, và để dành quĩ để giúp đỡ người túng thiếu, nhờ cách này, chi thể mạnh có thể phục vụ chi thể yếu hơn, và chúng ta có thể trở nên con cái Thiên Chúa, mỗi người biết chăm sóc và làm việc cho người khác, mang gánh nặng của nhau và nhờ thế chu toàn lề luật của Chúa Kitô (Gl 6:2). Đó mới là cuộc sống Kitô hữu đích thực. Ở đây, đức tin thực sự tích cực nhờ tình yêu (Gl 5:6), nghĩa là, nó tìm được biểu thức trong các việc làm trong việc phục vụ tự do nhất, thực hiện một cách vui vẻ và đầy yêu thương, với tình yêu này, người ta sẵn lòng phục vụ người khác không hy vong được ban thưởng; và cho riêng họ, họ hoàn toàn hài lòng với sự viên mãn và phong phú của đức tin”.

Như trên đã nói, về phần mình, cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo đối với chính Martin Luther đã thay đổi rất nhiều và với một vận tốc ngày càng nhanh hơn dưới triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô. Năm 1983, nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Luther, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giảng tại một nhà thờ Luthêrô ở Rôma. Dịp ấy, ngài gọi Luther là một người “có lòng đạo sâu sắc” luôn được “thúc đẩy bởi việc khảo sát ơn cứu rỗi đời đời”. Tại Erfurt năm 2011, Đức Bênêđíctô XVI cho hay: tâm điểm nền thần học của Luther là Kitô học. Với ông, Thiên Chúa chân thật và sống động không còn là một giả thuyết triết học nữa. Thiên Chúa ấy có một bộ mặt, và Người đã lên tiếng với chúng ta. Người trở nên một người giữa chúng ta dưới cái tên Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật. Suy tư của Luther, trọn nền linh đạo của ông, hoàn toàn là qui Kitô: ‘điều gì cổ vũ chính nghĩa của Chúa Kitô’, với Luther, đều là tiêu chuẩn giải thích dứt khoát đối với khoa giải thích sách thánh”.

Thực ra từ năm 1939, Linh mục Joseph Lortz, Dòng Tên, tác giả cuốn The Reformation in Germany (Phong Trào Cải Cách tại Đức), vốn dọn đường cho Sắc lệnh về Đại Kết, Unitatis Redintegratio (21 tháng 11 năm 1964) của Vatican II, đã cho rằng “Trong chính ông, Luther đã vật lộn và ném bỏ thứ Đạo Công Giáo không Công Giáo chút nào”.

Trong một tường trình dài 276 trang tựa là The Reformation in Ecumenical Perspective (Phong Trào Cải Cách trong Viễn Ảnh Đại Kết) của Ủy Ban Đại Kết, Hội Đồng Giám Mục Đức, để kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách, Martin Luther được ca tụng như một “chứng nhân Tin Mừng và là thầy dậy đức tin”.

Đức Cha Farrell, Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, rất đúng khi nhận định rằng: điều rõ ràng là Luther nói sự thật khi ông phản kháng nhiều lạm dụng trong Giáo Hội, những lạm dụng mà Công Đồng Trent thời đó đã cố gắng sửa chữa. Trong các cuộc đấu tranh và tranh chấp tiếp theo sau Cuộc Cải Cách, hai bên trở nên cứng rắn trong việc bác bỏ nhau “đến nỗi ý niệm cho rằng Luther đúng” trong một số vấn đề đã bị mất hút.

Còn Đức Phanxicô? Phát biểu đáng lưu ý của ngài là trong cuộc họp báo trên không trên đường từ Armenia trở về Rôma hồi tháng 6 năm 2016: “Tôi nghĩ rằng các ý hướng của Martin Luther đã không lầm lẫn. Ông là một nhà cải cách. Có lẽ một số phương pháp không đúng. Nhưng vào thời đó... Giáo Hội chính xác không phải là một mẫu mực để noi theo... và ông phản đối việc này. Rồi ông thông minh... đưa ra một số biện pháp... Còn ngày nay, người Luthêrô và người Công Giáo, người Thệ Phản, tất cả chúng ta đều đồng ý về học lý công chính hóa. Về điểm này, một điểm quan trọng, ông không lầm. Ông tạo thuốc chữa cho Giáo Hội”.

Sau đó mấy tháng, Đức Phanxicô đích thân qua Lund, Thụy Điển, mừng 500 năm việc thành lập Phong Trào Thệ Phản do Martin Luther khởi xướng, một biến cố có chủ đề là “Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông” với lời cầu nguyện chung khởi đầu bằng việc cảm tạ Chúa “về các hồng phúc của Phong Trào Thệ Phản”. Ngày 1 tháng 4 năm 2017, trong gặp gỡ các tham dự viên cuộc hội thảo tại Vatican do Uỷ Ban Giáo Hoàng về Khoa học Lịch Sử tổ chức với chủ đề: “Luther: 500 Năm Sau: Việc Hiểu Lại Cuộc Cải Cách Luther trong Bối Cảnh Lịch Sử Giáo Hội", Đức Phanxicô nói rằng “Việc nghiên cứu nghiêm túc về nhân vật Luther và sự phê bình của ông đối với Giáo Hội và triều giáo hoàng thời đó chắc chắn sẽ góp phần vượt thắng bầu khí không tin tưởng lẫn nhau và tranh cãi mà đã quá lâu đánh dấu trên các mối quan hệ giữa Công Giáo và Tin Lành”.

Ngài nói thêm: “một sự nghiên cứu chú tâm và nhiệt thành, thoát khỏi thành kiến và những vấn đề” là cách đúng đắn để tìm kiếm “tất cả mọi điều tích cực và hợp pháp trong Cuộc Cải Cách, trong khi tách bản thân chúng ta ra khỏi những sai lỗi, những thái cực và những thất bại, và nhìn nhận tội lỗi dẫn đến sự chia rẽ”.

Với các “caveat” (thận trọng) như trên, xin mời qúy độc giả đọc chính khảo luận của người sáng lập ra Phong Trào Thệ Phản trong Kitô Giáo, chuyển sang tiếng Việt từ bản tiếng Anh trong bộ The Great Ideas Today, 1962, của Nhà Xuất Bản The Encyclopaedia Britannica, Inc.

Kỳ sau: Sự Tự Do của Kitô Hữu, khảo luận của Martin Luther
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tình Yêu Có Đôi
Joseph Ngọc Phạm
22:49 11/02/2020
TÌNH YÊU CÓ ĐÔI
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Tuổi gì thì cũng biết yêu
Năm nay Canh Tý tình yêu tràn đầy
Chúc mừng Ngày Lễ Tình Yêu !!!
(bt)
 
VietCatholic TV
Tấm lòng vàng của một giáo dân thời coronavirus. 350,000 người kêu gọi Tổng Giám Đốc WHO nên từ chức
Giáo Hội Năm Châu
15:21 11/02/2020
Khi nguồn cung cấp khẩu trang y tế giảm dần ở Hương Cảng, cô Maria Trần Chân Tử (Mako Chan - 陈真子), giáo dân giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ở quận Thái Phố (Tai Po - 大埔),là chủ một thẩm mỹ viện, đã làm việc trong bốn ngày để làm 2,100 chai nước diệt trùng để rửa tay trong kho của mình. Được sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, cô cũng đã phát cho những người nghèo những chai nước này và tổng cộng gần mười nghìn khẩu trang y tế làm từ Indonesia.

Giải thích về hành động nghĩa hiệp của mình, cô Chân Tử nói: “Một hộp khẩu trang y tế lên tới khoảng 300 HKD, tức là 39 Mỹ Kim và các sản phẩm diệt trùng giá khoảng 200 HKD tức là 26 Mỹ kim. Tôi tự hỏi anh chị em này thậm chí không đủ khả năng để có một bữa ăn, thì làm sao có thể mua các thiết bị bảo vệ.”

Cô giải thích thêm:

“Chiến đấu một mình chống lại virus là chuyện vô dụng. Trong cuộc chiến chống lại virus, rất nhiều người đã bỏ bê những người khác, bao gồm cả người già. Thật vô nghĩa nếu chúng ta chỉ sử dụng các vật phẩm để bảo vệ cho chính bản thân mình”.

Cửa hàng của cô Chân Tử cung cấp các dịch vụ làm đẹp và mát xa mặt cho phụ nữ. Cô nói rằng cô đã đặt một lượng lớn khẩu trang y tế vào cuối tháng Giêng, với ý định tặng cho các thành viên dễ bị tổn thương trong xã hội.

Các hiệu thuốc ở Hương Cảng đã bị buộc tội trục lợi từ nỗi sợ hãi của dân chúng đối với coronavirus Vũ Hán, và hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đã phải xếp các hàng dài khi nhìn thấy khi các cửa hàng lớn có nguồn cung cấp sản phẩm mới như khẩu trang y tế và chất khử trùng tay.

Số người chết vì dịch coronavirus đang tiếp tục tăng tại Trung Quốc. Bọn cầm quyền Bắc Kinh cho biết tính đến 10 giờ sáng thứ Ba 11 tháng Hai, con số tử vong trên toàn quốc là 1,016 người, tức là tăng 108 người chỉ trong vòng một ngày.

Số ca mắc bệnh cũng tăng, lên tới hơn 42,638 người.

Đáp lại các báo cáo này, Tổng Giám Đốc WHO cảnh báo rằng những gì thế giới đã thấy cho đến nay chỉ là phần trên của tảng băng đá.

Trong một động thái quyết liệt, Hoa Kỳ, được hỗ trợ bởi các đồng minh ngoại giao của Đài Loan như Guatemala, Haiti, Honduras, Nauru, Saint Kitts và Nevis và Quần đảo Marshall, đã lên tiếng cảnh cáo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, và yêu cầu tổ chức này phải mở một kênh liên lạc trực tiếp với các cơ quan y tế Đài Loan trong nỗ lực chung để ngăn chặn khẩn cấp.

Liên minh châu Âu, Canada, Úc và Nhật Bản hỗ trợ cho việc đưa Đài Loan vào WHO với tư cách là một quan sát viên.

Cộng sản Trung Quốc, coi hòn đảo này là một tỉnh nổi loạn và ngăn cản Đài Loan gia nhập vào WHO. Điều này khiến chính quyền Đài Loan khó có thể ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Các chuyên gia Đài Loan không thể tham dự các cuộc họp khẩn cấp của WHO vì áp lực của Trung Quốc đối với ban lãnh đạo cao nhất của tổ chức này.

Tổng thống Đài Loan là cô Thái Anh Văn đã tố cáo WHO gộp chung Đài Loan vào Trung Quốc trong các thống kê liên quan đến tình trạng dịch bệnh, khiến nhiều nước đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Đài Loan cũng như hạn chế xuất nhập khẩu từ quốc gia này.

Tính đến sáng ngày thứ Ba 11 tháng 2, 18 trường hợp nhiễm bệnh đã được báo cáo tại Đài Loan. Hòn đảo này đã phải trả giá đắt về nhân mạng trong đại dịch SARS 2002-2003.

Một kiến nghị trực tuyến tại Change.org, kêu gọi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới từ chức, cho đến nay đã thu được hơn 350,000 chữ ký trên toàn thế giới.

Bản kiến nghị được bắt đầu vào ngày 31 tháng Giêng bởi một người đàn ông tên Otsuka Yip, sống tại Canada. Kiến nghị kêu gọi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nên từ chức vì bất tài trong việc đương đầu với đại dịch coronavirus.

Bản kiến nghị viết: “Vào ngày 23 tháng Giêng năm 2020, Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từ chối tuyên bố dịch virus Trung Quốc là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Như chúng ta đã biết, coronavirus hiện tại không thể điều trị được. Số người nhiễm và tử vong đã tăng hơn mười lần chỉ trong 5 ngày. Một phần của thảm họa này có liên quan đến việc người đứng đầu WHO đã đánh giá thấp coronavirus. Chúng tôi tin tưởng rằng ông ta không phù hợp với vai trò là Tổng giám đốc WHO. Chúng tôi kêu gọi Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức ngay lập tức.

Nhiều người trong chúng ta thực sự thất vọng. Chúng ta tin rằng WHO phải trung lập về chính trị. Không có bất kỳ cuộc điều tra nào, người đứng đầu WHO chỉ đơn giản là tin vào các con số tử vong và con số những người nhiễm bệnh mà chính phủ Trung Quốc đã cung cấp.

Mặt khác, Đài Loan không thể bị loại trừ khỏi WHO vì bất kỳ lý do chính trị nào. Các công nghệ tiên tiến của quốc gia này vượt xa hơn nhiều so với một số quốc gia trong danh sách được WHO lựa chọn.

Hãy giúp thế giới có được niềm tin vào Liên Hiệp Quốc và WHO một lần nữa.
 
Chiếc tàu khốn khổ lang thang giữa biển khơi sau khi bị 5 nước từ chối không cho cập bến vì sợ virus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:45 11/02/2020
1,455 khách và 802 thủy thủ đoàn trên chiếc Westerdam của hãng tàu du lịch Holland America Line đang trong tình trạng sống dở chết dở ở ngoài khơi phía Nam Việt Nam. Những lo ngại về coronavirus mới, hiện được biết đến với tên chính thức là COVID-19, đã khiến bốn quốc gia khác nhau và lãnh thổ đảo Guam của Hoa Kỳ từ chối không cho chiếc tàu này cập bến mặc dù không có ai trên tàu được chẩn đoán là đang mắc phải chứng bệnh gây hoang mang toàn cầu.

Sau khi bị từ chối nhập cảnh vào Nhật Bản, đảo Guam, Phi Luật Tân và Đài Loan, những người trên con tàu đã cảm thấy nhẹ nhõm khi thuyền trưởng của con tàu du lịch này thông báo rằng cuối cùng họ sẽ lên đường đến Bangkok, Thái Lan, và sẽ được lên bờ vào ngày 13 tháng Hai.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Anutin Charnverakul đã tạt một gáo nước lạnh vào mặt họ khi thông báo vào hôm thứ Ba rằng nó sẽ không được phép cập bến bất cứ hải cảng nào của quốc gia này.

Theo Associated Press, con tàu đã khởi hành ngày 16 tháng Giêng từ Singapore, và ban đầu dự định sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng Hai tại Yokohama, Nhật Bản. Tuy nhiên, tại Yokohama, chính phủ Nhật Bản đã cách ly một con tàu du lịch khác là chiếc Diamond Princess với khoảng 3,700 hành khách và thủy thủ đoàn, trong đó ít nhất 61 người đã được chẩn đoán mắc COVID-19. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi Nhật Bản khám phá ra rằng một nhân viên y tế của họ vừa mắc phải căn bệnh quái ác này khi khám cho các hành khác trên con tàu Diamond Princess.

Chính vì thế, vào ngày 6 tháng Hai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng chiếc tàu Westerdam, trên đường từ Hương Cảng sang Nhật Bản, sẽ không được phép cập bến bất cứ hải cảng nào của Nhật.

Hết quốc gia này đến quốc gia khác đã từ chối yêu cầu của Westerdam xin được cập bến. Các nước đều sợ hành khách mang theo COVID-19, bất kể các tuyên bố liên tục từ các viên chức của Holland America Line rằng không có trường hợp nào mặc bệnh trên tàu và con tàu không nằm trong tình trạng bị cách ly.

Chính phủ Thái Lan tuyên bố hôm thứ Ba rằng mặc dù con tàu không thể cập bến tại Thái Lan, nước này sẽ cung cấp các hỗ trợ nhân đạo, như nhiên liệu và thực phẩm.

Trong tuyên bố hôm thứ Ba 11 tháng Hai, Holland America Line cho biết các hành khách và gia đình của họ rất hoang mang trong tình huống hiện nay. Con tàu đã gần cạn kiệt lương thực, nước uống và nhiên liệu.

“Chúng tôi biết điều này gây hoang mang cho hành khách của chúng tôi và gia đình của họ và chúng tôi đánh giá rất cao sự kiên nhẫn của họ,” công ty nói.

Holland America Line đã hứa rằng tất cả khách sẽ được hoàn tiền 100%; và sẽ được miễn phí 100% cho một chuyến đi trong tương lai. Con tàu dự kiến sẽ có một chuyến đi mới từ Yokohama vào ngày 15 tháng Hai, nhưng hãng tàu đã quyết định hủy chuyến đi này cho đến khi tình hình trở nên sáng sủa.

Holland America Line cho biết họ có đủ nhiên liệu cần thiết cho đến ngày 15 tháng Hai. Sau đó, có lẽ họ sẽ phải phát tín hiệu cầu cứu như trong trường hợp một con tàu lâm nạn.


Source:Time
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Ngài ở nơi đâu? Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic
15:28 11/02/2020