Ngày 13-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hạnh phúc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:10 13/02/2019
Chúa Nhật VI THƯỜNG NIÊN

Là con người, ai cũng mong muốn hạnh phúc và nỗ lực đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của mỗi người. Khi con người chiều theo cơn cám dỗ của loài rắn, đó chính là lúc hạt mầm hạnh phúc không còn đủ “thiên thời địa lợi” để đơm hoa kết trái. Bất hạnh và gian dối theo về, ùa vào cuộc đời, chảy xuôi dòng lịch sử. Con người bắt đầu dệt những ước mơ, chắt chiu từng kỷ niệm, hồi tưởng về quá khứ, một quá khứ in đầy dấu chân hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì giữa đa đoan và trắc trở, giữa bền vững và mong manh, giữa ích kỷ và bao dung?

1. Quan niệm về hạnh phúc.

Có người cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền của, nhiều vàng bạc, lúa thóc đầy kho; hạnh phúc là quyền lực, địa vị danh vọng. Có người nghĩ hạnh phúc là có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con thơ, ruộng vườn thẳng cánh cò bay. Có người lại quan niệm hạnh phúc là sức khoẻ, là sự bình an thư thái của tâm hồn; hạnh phúc là sự hòa hợp giữa thể xác và tâm hồn, giữa cá nhân và cộng đồng xã hội, giữa cái tôi và vũ trụ bao la.

Theo truyền thống Ấn Độ, hạnh phúc là Sukha, đó là trạng thái giống như một bánh xe mà trong đó mọi sự đều ăn khớp với nhau: vành xe, ổ trục và các đũa xe đều tốt và nằm đúng vị trí, hòa hợp với các thành phần khác, do đó mà bánh xe chạy trơn tru. Còn đau khổ là Dukha, đó là tình trạng một bánh xe trục trặc vì có những thành phần hư hỏng hay không ăn khớp với những thành phần khác.

Tần Thuỷ Hoàng cho xây vạn lý trường thành, sai người đi tìm thuốc trường sinh bất tử để mong thỏa ước mơ được hạnh phúc, được sống bất tử. Với Nhà văn Philippe Delerm, hạnh phúc là điều thật đơn giản, là tổng cộng các niềm vui nhỏ gộp lại. Năm phút nằm dài trên bãi cỏ xanh nhìn mây trời lãng đãng trôi, hớp ngụm bia ngon, thưởng thức một bản nhạc hay… đều có thể làm hưng phấn, tạo được niềm vui hạnh phúc. Kim Thánh Thán, nhà phê bình Trung Hoa đã từng có 33 phút vui tinh thần mà ông cho đó là phút giây thực sung sướng trong đời. Thú vui đó là thưởng thức thiên nhiên, dưới ánh trăng non, tay bầu rượu túi thơ, cùng bạn hữu trao đổi kinh sử văn thơ, cùng uống trà để quên đi sự huyên náo của phồn hoa, lòng thấy thanh thản (x. quan niệm về hạnh phúc, nội san chia sẻ số 23). Có muôn lối nhìn về hạnh phúc tuỳ theo quan niệm mỗi người.

2. Đi tìm về hạnh phúc.

Hạnh phúc không như bông hoa có thể dễ dàng hái được ở bên đường, không giống như chiếc áo, chiếc xe đạp hay cái nhà có thể vẽ ra thành hình hài màu sắc có thể mua bán. Hạnh phúc là điều cảm thấy được trong tâm hồn, nó thuộc chiều sâu cõi lòng tuỳ thuộc thái độ sống đối với cuộc đời. Con người phải ra công chăm sóc vun trồng thì cây hạnh phúc mới đơm hoa kết trái.

Hạnh phúc chính là khát khao được sống, được hiện diện, được yêu thương. Đi tìm hạnh phúc cũng là đi tìm sự sống. Sống là tồn tại, có tồn tại mới có yêu thương, có tương quan, có sinh trưởng. Đi tìm hạnh phúc cũng như đi tìm tình yêu. Khi người ta yêu nhau, mọi sự đều trở nên nhẹ nhàng, tốt đẹp “yêu nhau yêu cả đường đi; yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng; yêu nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Hạnh phúc là tình yêu. Tình yêu nối dài những ước mơ, ước mơ thường hướng con người về hạnh phúc.

Hạnh phúc chính là sự sống và là tình yêu. Tình yêu và sự sống như đôi cánh đưa con người bay vào khung trời hạnh phúc.

3. Tám mối phúc thật.

Đức Phật Thích Ca mở đầu bài thuyết pháp đầu tiên tại Bênarêch bằng câu: Vạn sự vô thường vạn sự thường, nghĩa là mọi sự thay đổi không ngừng nên mọi sự chỉ là khổ. Sinh lão bệnh tử, con người sinh ra để rồi già yếu, bệnh tật và cuối cùng là phải chết. Đời là bể khổ, muốn có hạnh phúc, ra khỏi bể khổ, cần diệt lòng tham sân si. Khổ diệt lòng tham muốn mới thoát khỏi bến mê, khỏi u minh chốn hồng trần.

Đức Kitô trên “Núi Bát Phúc” đã thuyết giảng điệp ca hạnh phúc “Tám mối phúc thật”: Phúc cho ai… (Mt 5, 1-12).

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Đức Phật coi đời là bể khổ. Đức Giêsu nhìn thấy màu hồng trong cái thanh bạch của tâm hồn nghèo khó.

LmThiện Cẩm đã nhận định rằng: Người ta đã tốn khá nhiều giấy mực và thời gian, sức lực để nghiên cứu suy tư bàn cãi về hai bài giảng đầu tiên của Đức Phật và của Đức Giêsu. Tuy nhiên, có lẽ chẳng mấy ai hiểu chính xác nội dung ý nghĩa hai bài giảng có tính cách ngôn sứ ấy. Vì thực ra cả Đức Phật và Đức Giêsu đều không chú ý đề ra một lý thuyết về vấn đề hạnh phúc và đau khổ mà chỉ chia sẻ cho anh em nhân loại chính kinh nghiệm sống của mình. Kinh nghiệm của Đức Phật là kinh nghiệm của một người đã đạt tới chân như, vượt ra ngoài thế giới vô thường của những đam mê mù quáng, của sự phân chia đối kháng. Còn kinh nghiệm của Đức Giêsu là kinh nghiệm của một người thấy được cái tồn tại trong cái mất mát, thấy được sự sống trong cái chết.

Điệp ca trên núi của Đức Giêsu đã trở thành Hiến Chương Nước Trời: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai hiền lành. Phúc cho ai… điệp ca vang vọng mãi ở trên núi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho các môn đệ và cho nhân loại qua muôn thế hệ.

Tất cả Tám Mối Phúc đều có hai vế: vế thứ nhất là nhân, vế thứ hai là quả; vế thứ nhất là gieo, vế thứ hai là gặt; vế thứ nhất là mình vì người khác, vế thứ hai là người khác vì mình; vế thứ nhất là đau khổ, vế thứ hai là hạnh phúc. Các mệnh đề trong vế một phải hiểu ngầm là vì Chúa, vì tha nhân, nghèo vì tha nhân, hiền lành đau khổ vì tha nhân. Nếu không do tự nguyện vì Chúa, vì tha nhân thì sự nghèo, sự hiền lành, sự đau khổ, bách hại ta phải chịu đều là đau khổ chứ không phải là phúc đức. Chẳng hạn, mối phúc thứ nhất là nghèo vì người khác, sống nghèo cho người khác thì mới là phúc thật, còn sống nghèo để dành dụm tiền của ngày càng nhiều thì đó là trọc phú, là hà tiện chứ không phải là sống nghèo theo Tin mừng. Cái nghèo mà Đức Giêsu nói đến là nghèo vì yêu thương tha nhân. Nghèo vì cho đi vì muốn làm lợi ích cho người khác thì cái nghèo đó mới gọi là Đức Khó Nghèo. Vì thế giữa Đức Khó Nghèo và Đức Bác Ái có tương quan với nhau. Khó nghèo để bác ái, khó nghèo mà không bác ái thì trở thành hà tiện. Hà tiện là một trong bảy mối tội đầu. Vì thế tâm hồn nghèo khó của Tin mừng là tâm hồn sẵn sàng chấp nhận mất mát thời giờ, vật chất, sức lực, của cải, tài năng vì yêu thương tha nhân, vì mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Một người có tinh thần phục vụ cao, dám hy sinh cho người khác, chắc chắn người đó sẽ được mọi người quý trọng, yêu mến, được tín nhiệm, được giao những trọng trách. Một người như vậy thì Nước Trời trong lòng họ, tinh thần họ luôn bình an, hạnh phúc, tràn đầy niềm vui vì sống cho hạnh phúc của người khác.

Kinh nghiệm trong cuộc sống cho thấy, những người ích kỷ suốt ngày chỉ nghĩ tới mình, tới hạnh phúc hay nỗi đau của mình đều là những người đau khổ nhất. Còn những người có tâm hồn vị tha, chỉ nghĩ đến người khác, đến hạnh phúc và đau khổ của người khác, không còn thời giờ để nghĩ đến mình thì những người ấy luôn luôn hạnh phúc thoải mái trong tâm hồn và thành công trong cuộc đời.

Người Kitô hữu chúng ta cần tập thói quen sống vì Chúa, vì tha nhân và thường xuyên tìm đủ mọi cách để người xung quanh mình được hạnh phúc. Sống như thế không những được hạnh phúc ở đời này mà còn đời sau nữa. Đường lên thiên đàng thì nhỏ và chật hẹp, vất vả hơn đường xuống hỏa ngục đầy thênh thang bóng mát. Chọn lựa theo Chúa Giêsu là đón nhận cho đời mình chính nguồn hạnh phúc chân thật và sự sống phong phú dồi dào.

Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người để giúp con người sống hạnh phúc. Sau khi sống lại, Người mở đường dẫn lối cho chúng ta đi về hạnh phúc viên mãn trong Thiên Chúa Tình Yêu và Sự sống.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phép lạ thứ 70 được công nhận tại Lộ Đức
LM. Nguyễn Tất Thắng, OP
19:36 13/02/2019
Đền Đức Mẹ Lộ Đức ở phía nam nước Pháp là một trung tâm hành hương nổi tiếng dành cho các khách hành hương sùng kính Đức Mẹ và cho các người muốn được khỏi bệnh. Đây là nơi chị Bernadette Soubirous đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra 18 lần từ ngày 11.2.1858 đến 16.7.1858. Ngày 25.2.1858, một đoàn người cảm tình đi theo Bernadette đến hang động. Sau khi cầu nguyện, cô đứng dậy, ngập ngừng tiến tới gần hang đá rồi qùi xuống. Theo lệnh của “người thiếu nữ diễm lệ”, cô cúi xuống lấy tay cào đất. Một dòng nước vọt lên. Dòng nước đó chảy mến cho đến ngày nay, khoảng 120.000 lít nước chảy ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Khách hành hương đến uống nước và ước mong được chữa lành bệnh tật xác hồn. Nhiều người đã nhận được ân phúc nhờ uống nước Lộ Đức.

Trong số 70 ngàn trường hợp khỏi bệnh nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ Lộ Đức, chỉ có 70 trường hợp được chính thức công nhận là phép lạ qua các thủ tục điều tra và khám nghiệm y khoa.

Ngày 11.2.2019, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Ngày Thế Giới của Bệnh Nhân, Đức Cha Jacques Benoit-Gonin, Giám mục giáo phận Beauvais, đã chính thức công nhận phép lạ thứ 70 tại Lộ Đức.

Từ năm 1980, nữ tu Bernadette Moriau bị đau cột xương sống nên phải dùng xe lăn di chuyển vì không thể đi đứng được. Dì phải dùng thuốc phiện để giảm đau. Dì đi hành hành tại đền Đức Mẹ Lộ Đức năm 2008. Nữ tu 79 tuổi kể lại: Vào 10 năm trước, tôi đi hành hương đền Đức Mẹ Lộ Đức nhưng không cầu xin phép lạ. Tuy nhiên, sau khi tham dự nghi thức xức dầu bệnh nhân và chúc lành Thánh Thể cho bệnh nhân tại đền Đức Mẹ, tôi cảm thấy có gì đang xảy ra. Tôi cảm thấy thân thể khỏe mạnh và thư giãn…Tôi về phòng và có tiếng nói với tôi “hãy bỏ nạng đi”. Thật ngạc nhiên, tôi có thể đi lại…tôi rời xe lăn, đôi nạng và thuốc giảm đau”

Trường hợp Dì Moriau được trình lên Ủy Ban Y Khoa Quốc Tể để khám nghiệm việc dì được khỏi bệnh lạ lùng và khoa học không thể giải thích được về việc khỏi bệnh này. Sau khi việc khỏi bệnh được Ủy Ban Y Khoa Quốc Tế nhìn nhận, hồ sơ được gửi đến Giám Mục Giáo Phận phán quyết. Sau khi Đức Giám Mục Giám Mục nhìn nhận sự kiện, việc khỏi bệnh có thể được Giáo Hội công nhận là một phép lạ.

Phép lạ là một dấu hiệu ngoại lệ của Chúa vượt qua khả năng và trật tự thụ tạo nhưng con người có thể cảm nhận được qua giác quan. Có 5 yếu tố cấu tạo: 1/. Phép lạ hoàn toàn là do quyền năng Thiên Chúa vì Thiên Chúa là nguồn gốc của phép lạ; 2/. Phép lạ vượt khỏi quyền năng của thụ tạo. Mặt trời đứng yên như được thuật lại trong sách Joshua 10,33. Mặt trời múa ngày 13.10.1917 tại Fatima; 3/. Phép lạ vượt khỏi trật tự của thụ tạo. Chúa Giêsu làm phép nước thành rượu tại tiệc cưới Cana; 4/. Phép lạ là biến cố ngoại lệ. Lazarô chết 3 ngày được Chúa cho sống lại; 5/. Phép lạ có thể cảm nghiệm được qua giác quan. Chúng ta không hiểu tại sao xảy ra nhưng cảm giác đón nhận được sự kiện lạ là những công trình của Thiên Chúa, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, của một vị thánh hay nhiều vị thánh.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Một Vị Thánh Thời Đại: Đức Hồng Y John Henry Newman
Thanh Quảng sdb
20:06 13/02/2019
Một Vị Thánh Thời Đại: Đức Hồng Y John Henry Newman

Hôm thứ Tư vừa qua 13/2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã châu phê sắc lệnh thừa nhận phép lạ mà ĐHY John Henry Newman thể hiện như là điều kiện để Ngài được nâng lên hàng Hiển thánh.
Đức Hồng Y John Henry Newman sắp được nâng lên hàng hiển thánh, một vị thánh mới cho nước Anh kể từ khi Thánh John Ogilvie được Đức thánh Giáo hoàng Paul VI phong thánh vào năm 1976.
Đức Hồng Y Newman, người được Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI phong chân phước vào năm 2010, Ngài sinh vào năm 1801. Ngài là một linh mục Anh giáo, đã thành lập Hiệp hội sống tinh thần Chúa Kitô tại Đại học Oxford, và sau này Ngài đã tuyên xưng Đức tin Công Giáo và thông hiệp hoàn toàn vào Giáo Hội Công Giáo vào năm 1845.
Sau đó Ngài được tấn phong Hồng Y và qua đời ở tuổi 89. Trong lễ an táng của Ngài, hơn 15.000 người đã xếp hàng dài trên đường phố để tiễn đưa Ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng…
Hồ sơ phong thánh cho Ngài được bắt đầu vào năm 1958 và Ngài được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô tuyên dương là Đầy tớ Chúa vào năm 1991 sau khi nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Ngài và quảng bá lối sống hùng anh của Ngài trên bước đường tiến tới việc phong thánh.
Sau khi được phong chân phước, Đức ông Roderick Strange, một học giả chuyên nghiên cứu về ĐHY Newman và là tác giả của tác phẩm mang tựa đề John Newman, Một nhà Tư tưởng sống của Thời đại; còn tác giả Veronica Scarisbrick nói về vị Hồng Y người Anh này như là một trong những nhân vật quan trọng vào bậc nhất của thế kỷ 19.

Phỏng vấn Đức ông Roderick Strange
Tư tưởng của ĐHY Newman còn âm vang, vì Ngài không phải là một nhà trí thức trong giảng đường đại học, mà Ngài là một người biết thông truyền những suy tưởng, cảm hóa tâm tư của rất nhiều người. Đức ông Roderick Strange, qua cuộc trao đổi với tác giả Veronica Scarisbrick, nói về ĐHY Newman là một nhà tư tưởng, một người bạn, một linh mục.
Trước hết, Đức ông chia sẻ ĐHY Newman, là nguồn cảm hứng cho nhiều người, dù phải sống một cuộc sống phức tạp, vật lộn với cơm áo, bạc tiền nhưng vẫn có thể vươn lên trong đời sống tâm linh làm người… trong một cuộc sống đảo điên, tục hóa của thực tại của một xã hội tục hóa ngày nay…

ĐHY Newman, một người bạn
Đức ông Strange tiếp tục mô tả: dù ĐHY là một người với cá tính phức tạp: nhiều khi cương trực cố hữu, tự hào với lối suy tư riêng của mình, nhưng Ngài vẫn là một người bạn rộng mở lòng, sẻ chia với người khác!
Ngài sống hòa đồng với mọi người, nam cũng như nữ, quý ông cũng như quí bà, với các nữ tu… ĐHY có một năng khiếu nối kết xã giao với mọi người một các tuyệt vời.

Một Học giả
Đức ông Strange mô tả ĐHY Newman được nhiều người biết đến như là một học giả tuyệt vời, với những suy tư phong phú, phản ánh cuộc sống qua những hành trình tâm linh và hiện thực trong đời mục vụ của Ngài dành cho đại chúng.
Đức ông Strange còn cho hay khía cạnh nổi bật nhất của ĐHY là việc rao giảng và truyền đạt đạo lý thật sâu sắc của ĐHY đã đi vào tâm trí của nhiều người mà hoán cải, đổi mới tâm tư của họ.
Cuối cùng, Đức ông Strange tóm tắt cuộc đời của ĐHY là một người rất hoàn hảo: Ngài là một con người, mà cũng là một vị thánh nhân, là một nhà thần học, một nhạc sĩ, một nhạc sĩ vĩ cầm và là một linh mục tốt lành.

Newman và Manning
Đức ông Strange so sánh những tương đồng và tương phản mà người đương thời của ĐHY thường so sánh Ngài với Đức Tổng Giám Mục Henry Edward Manning, cũng là một người trong Giáo hội Anh giáo đã trở về hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.
Tuy thế có rất nhiều điểm khác biệt giữa hai nhân vật này. Rất nhiều câu chuyện đã được kể về Đức Hồng Y Newman, những tương đồng và tương phản giữa hai vị, nhưng theo Đức ông Strange thì sự khác biệt cốt lõi nhất của cuộc đời Đức Hồng Y Newman là công việc mục vụ rất linh hoạt của Ngài đã đem lại nhiều hoa trái cho Giáo hội.

Gia sản Tinh thần của ĐHY
Theo Đức ông Strange thì ĐHY Newman đã để lại cho Giáo hội và hậu thế một gia sản tinh thần: những tư tưởng thần học về Huấn quyền, vai trò quan trọng của Đức Maria trong tiến trình đại kết, cũng như vị trí của người giáo dân trong Giáo hội , thái độ và tâm tư của chúng ta đối về đời sống tâm linh và cuối cùng là tấm gương trung tín của Ngài trước mọi khó khăn thử thách.

Đức ông Strange cũng nói nhiều về tình bạn giữa ĐHY Newman với Edward Pusey, một người bạn cùng sinh hoạt trong Phong trào Kitô hữu tại Đại học Oxford, một phong trào củng cố Giáo hội Anh giữ được cốt tủy của Anh giáo nhưng lại hướng tới một lối sống và phát huy những truyền thống Công Giáo.
Đức ông Strange cho hay ĐHY Newman trở thành người Công Giáo trong khi Pusey vẫn giữ nguyên là người Anh giáo, cả hai vẫn là những người bạn tâm giao thân thiết. Đức ông cho hay: Có một thời điểm, cả hai đã công khai tranh luận về giáo lý: mặc dù họ tranh luận công khai, nhưng họ vẫn trao đổi với nhau qua thư từ: thật là một ví dụ tuyệt vời về cách xử lý, tranh luận những dị biệt hầu xây dựng đi tới những điểm tương đồng…
Đức ông Strange nói về niềm xác tín cá nhân của ĐHY Newman là một đặc điểm quan trọng trong tất cả các mối quan hệ đại kết – ĐHY Newman đã làm thế nào để giữ đưiợc một sự quân bình trước thực tại này và làm thế nào Ngài vẫn giữ được mối thân tình liên đới với Giáo hội Anh giáo ngày nay: Đức Hồng Y không chỉ là một người của một quá khứ xa xôi mà là một người thực sự có những liên đới rất phong phú và đầy ý nghĩa đối với tất cả chúng ta trong cuộc sống ngày hôm nay.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ nhậm chức Giám mục Giáo phận Vinh
Trương Trí
09:51 13/02/2019
Sau Lễ Công bố Sắc lệnh chia tách và thành lập Giáo phận Hà Tĩnh và bổ nhiệm Giám mục tiên khởi Phaolô Nguyễn Thái Hợp tại Nhà thờ Chính tòa Văn Hạnh, tỉnh Hà Tĩnh. Để thuận tiện cho việc đi lại của các vị Tổng Giám mục và Giám mục cùng các linh mục và khách mời từ những nơi xa xôi về tham dự, sáng hôm sau ngày 12 tháng 2 nhằm ngày 8 Tết Kỷ Hợi, Giáo phận Vinh đã tổ chức lễ Nhậm chức vụ Giám mục Tông tòa Giáo phận của Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, nguyên Giám Mục Phụ Tá Giá phận Hưng Hóa. Với sự hiệp thông chia sẻ và tỏ bày sự đồng hành, 32 vị gồm Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục trên khắp toàn quốc đều về dự đông đủ, trong đó có cả một số Tổng Giám mục và Giám mục đã nghỉ hưu. Cùng với chừng 500 linh mục từ khắp nơi về dự, sở dĩ số linh mục về tham dự thánh lễ nhậm chức của ngài đông đúc vì ngài đã một thời gian khá dài là cha giáo đào tạo nhiều linh mục tại Đại Chủng viện Xuân Bích Huế.

Xem Hình

Đoàn rước Đoàn đồng tế do Đức Tổng Giám Mục Zalewski, đại diện của Đức Thánh Cha tại Việt Nam chủ sự tiến từ Tòa Giám mục về Nhà thờ Chính tòa, ngôi Nhà thờ tuy nhỏ bé so với một số nhà thờ chính tòa khác, nhưng hiện diện trên Cung Thánh là pho tượng Đức Mẹ bằng thạch cao mà vào năm 1972, khi nhà thờ chính tòa bị san bình địa vì bom đạn thì pho tượng vẫn nguyên vẹn và tồn tại.

Mở đầu nghi thức nhận sư vụ Mục tử, Đức Tổng Giám Mục Zalewski, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam trao Tông sắc bổ nhiệm và trình lên linh mục Chưởng ấn công bố Tông sắc.

Đức Giám Mục tân nhiệm Anphong Nguyễn Hữu Long long trọng tuyên xưng Đức Tin và tuyên hứa tùng phục Đức Cha, vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh mà đại diện là Đức Tổng Giám Mục Đại diện Đức Thánh Cha cùng hàng Giáo phẩm thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và toàn thể đoàn dân Chúa.

Tiếp đó Ngài cùng với Đức Tổng Giám Mục đại diện Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh-Chủ tịch HĐGM Việt Nam-Tổng Giám mục Giáo phận Huế và Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Hà Nội cùng ký vào biện bản nhậm chức.

Đức Tổng Giám Mục Zalewski thay mặt Đức Thánh Cha trao gậy mục tử cho Đức Giám Mục tân nhiệm Anphong Nguyễn Hữu Long và dẫn Ngài về ngai tòa.

Đại diện các thành phần dân Chúa thuộc Giáo phận Vinh tiến lên trước vị chủ chăn và bày tỏ lòng thần phục vâng lời vị mục tử mà Chúa đã trao ban cho Giáo phận.

Chía sẻ trong bài giảng lễ, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký HĐGM Việt Nam nhấn mạnh việc Đức Thánh Cha đã ký Tông sắc bổ nhiệm Đức Giám Mục Anphong Nguyễn Hữu Long làm Giám mục chính tòa Giá phận Vinh. Tông sắc bổ nhiệm bằng tiếng La tinh và được dịch ra tiếng Việt, có khuôn dấu và chữ ký của Đức Thánh Cha Phanxicô: Cha hãy coi sóc đoàn chiên Giáo phận Vinh mà Chúa đã trao phó cho cha. Và thực tiễn điều đó đã được xác tín khi ngài về đến Tòa Giám mục vào ngày 20 tháng 1 năm 2019, trên cổng Tòa Giám mục có treo biểu ngữ: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Và hôm nay, Đại diện Đức Thánh Cha đã trao Tổng sắc và gậy Mục tử cho ngài. Vương trượng của một vị vua có ý nghĩa như thế nào thì Gậy Mục tử cũng có ý nghĩa như thế đối với vị Giám mục Giáo phận, nghĩa là gậy mục tử tỏ rõ quyền lãnh đạo giáo phận.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Zalewski, đại diện Đức Thánh Cha nói lời chúc mừng Đức tân Giám mục giáo phận Vinh.

Phát biểu chúc mừng sự kiện trọng đại này, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục giáo phận Huế nói rằng hôm qua, tại Nhà thờ Văn Hạnh đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập Giáo phận Hà Tĩnh, có thêm một Giáo phận, ghi thêm một bước phát triễn mới của Giáo hội Việt Nam qua không gian và thời gian, đây là một niềm vui lớn của mọi thành phần dân Chúa giáo phận Vinh và Hà Tĩnh, hy cọng rằng ngày hôm nay sẽ là khởi đầu cho một tương lai tươi sang của cả hai giáo phận. Đức Cha Phêrô Trần Xuân Hạp là người đã khởi xướng việc chia tách giáo phận từ năm 1994, nhưng Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên mới là người xúc tiến việc đưa giấc mơ của Đức Cha Phêrô Trần Xuân Hạp trở thành hiện thực. Đức Cha Phaolô Maria là người đã xây nhà thờ chính tòa Xa Đoài và chính ngài đã cho xây nhà thờ Văn Hạnh để sẽ làm nhà thờ chính tòa sau này. Đứa con tinh thần mà ngài cuuw mang đã hiên ngang chào đời. Giáo phận Vinh và Giáo phận Hà Tĩnh mãi mãi ghi tâm khắc cốt công lao của Đức cha, và cũng không bao giừ quên hình ảnh của vị mục tử suốt cả cuộc đời dong ruỗi trên mọi nẽ đường của giáo phận Vinh, xin chia sẻ niềm vui với Đức cha. Xin chúc mừng Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã hoàn thành công việc chia tách giáo phận. Hà là giòng sông, Tĩnh là yên tĩnh, Ngài tin rằng trải qua 8 năm làm Giám mục giá phận Vinh và làm Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của HĐGM Việt Nam, Đức Cha đã trải qua biết bao gian nan vất vả. Đức Cha đã đúc rút biết bao kinh nghiệm để cho giòng sông Hà Tĩnh êm đềm.

Ngài tiếp tục chúc mừng Đức Cha Anphong với những lời ví von hài hước tạo cho bầu khí thật vui nhộn: “ngày xưa những gì cao quí đều là của vua và gọi là “long”, mặt của vua thì gọi là long nhan, râu của vua gọi là long tu, giường của vua gọi là long sàn, vua mà nổ quá thì gọi là long trời lỡ đất… nhưng có một người không phải là vua nhưng vẫn gọi là Long đó là “Long Vinh”, nghĩa là không phải giáo phận Vinh của Vua mà là giáo phận Vinh của Đức cha Long, mọi người cười vang cả nhà thờ. Ngài cầu chúc cho Đức Cha Anphong mọi sự sẽ tốt đẹp và hiển hách như vì vua, và ngài cũng cầu chúc toàn thể cộng đoàn một năm mới an lành hạnh phúc. Thay mặt HĐGM Việt Nam, ngài trân trọng tặng Đức Cha tân nhiệm lẵng hoa tươi thắm.

Đức Cha Anphong với một tâm tình xúc động đã nói lời tri ân Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Zalewski đại diện Đức Thánh Cha, quí Đức Tổng, Hồng Y và Giám mục cùng quí linh mục và toàn thể cộng đoàn đã về dự lễ hôm nay. Ngài hết lòng cảm ơn Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên như là một người Ông đã để lại những di sản quí báu. Ngài cũng cảm ơn chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc chia tách giáo phận và bổ nhiệm Giám mục của hai giáo phận đồng thời giúp đỡ cho việc tổ chức ngày lễ hôm nay tốt đẹp cũng như đã đến chúc mừng và tặng hoa dịp lễ nhậm chức hôm nay.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh, phó Chủ tịch Hội đòng Linh mục thay mặt Giáo phận chúc mừng Đức tân Giám mục Giáo phận và bày tỏ lòng thần phục vị chủ chăn của Giáo phận. Đại diện các thành phần dân Chúa của Giáo phận trao tặng những lẵng hoa tươi thắm lên Đức Giám Mục tân nhiệm và Đức Tổng Giám Mục Zalewski-đại diện Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh-Chủ tịch HĐGM Việt Nam để tỏ lngf biết ơn.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Giám Mục Anphong Nguyễn Hữu Long mời tất cả các vị Hòng Y, Tổng Giám mục và Giám mục cùng ban Phép lành Tòa Thánh cho toàn thể cộng đoàn tham dự.

Trương Trí
 
Hình ảnh các cặp đôi lập lại lời thề Hôn ước tại Cộng đoàn Costa Mesa
Kingston Bùi
11:22 13/02/2019
Lập lại lời thề Hôn ước kỷ niệm Ngày Cưới tại Cộng đoàn Costa Mesa ngày 9/2 /2019

 
Văn Hóa
Quà tặng Valentine cho '' Mối Tình Dâng Hiến''
Sơn Ca Linh
14:11 13/02/2019
QUÀ VALENTINE CHO “MỐI TÌNH DÂNG HIẾN” !

(Dành tặng những ai đang dấn thân trong cuộc đời hy sinh dâng hiến)

Em nghĩ
Có một chút gì đó “bất công”,
Khi mỗi mùa “Lễ Hội Tình Yêu” chợt đến !
thì tủ em đầy quà,
“Nick-name” facebook em ngập tràn lời cung chúc,
Những lời thơ, câu hát mang giai điệu tình yêu…
Đính thêm kẹo Chocolat, hoa hồng thắm mỹ miều…

Trong khi anh, khi chị,
ngồi đó, bước đi, lặng thầm…cô đơn da diết !

Hà cớ chi,
Nói đến “Tình Yêu”, chỉ có một thứ tình để biết,
Tình gái trai, tình đôi lứa yêu nhau ?
Còn biết bao nhiêu,
Những khối tình son, tha thiết, thắm màu,
Trái tim “đời dâng hiến”,
Tình sẻ chia, tình cho đi…, ngàn trùng biển rộng !

Nên Valentine nầy,
Em sẽ mang về
biếu anh một cánh hoa tươi màu rực sáng,
Dẫu hoa sim rừng, hay cải vàng, vạn thọ quê ta…
Trao về chị,
Một đoá hồng, một nhành lan hương sắc đậm đà,
Vâng,
Chút quà mọn, gọi là,
Quà “VALENTINE” dành cho những mối tình dâng hiến !

Sơn Ca Linh
Mùa “Valentine” 2019
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14/02/2019: Các tín hữu Kitô Bắc Hàn – Chế độ Maduro hấp hối tại Venezuela
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
09:33 13/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích ra thông cáo ngày 29 tháng 5 là lễ nhớ Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục

“Đồng thuận với các kiến nghị và mong muốn của dân Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền rằng lễ nhớ Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục được đưa vào Lịch Phụng Vụ Công Giáo Rôma vào ngày 29 tháng 5 với cấp bậc là lễ nhớ tùy chọn”. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho biết như trên trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư 6 tháng Hai.

Thông thường, lễ kỷ niệm một vị thánh được chọn vào ngày thánh nhân qua đời. Tuy nhiên, trong trường hợp của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, lễ nhớ vừa được công bố là kỷ niệm ngày ngài được phong chức linh mục.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tên khai sinh là Giovanni Battista Montini. Ngài sinh tại Concesio (Brescia) năm 1897. Được thụ phong linh mục năm 1920, ngài tiếp tục học tại Rôma, trong khi nắm giữ các chức vụ trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh. Ngài trở thành Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào năm 1937. Trong Thế chiến thứ hai, ngài đảm nhận trách vụ tìm kiếm những người mất tích và hỗ trợ cho những người bị bách hại. Năm 1952, ngài được bổ nhiệm làm Đồng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh [cùng với Đức Hồng Y Domenico Tardini]. Năm 1955, ngài được bổ nhiệm Tổng Giám mục Milan, là nơi ngài đã lo lắng đặc biệt cho những người ở các vùng xa xôi hẻo lánh và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Năm 1958, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tấn phong Hồng Y. Ngài được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 21 tháng 6 năm 1963 với danh hiệu Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục. Trong cương vị đó, ngài đã tiếp tục và kết thúc Công Đồng Chung Vatican II.

Ngài đã dẫn dắt Giáo Hội đối thoại với thế giới hiện đại và giữ cho Giáo Hội hiệp nhất trong cuộc khủng hoảng sau Công Đồng. Ngài ban hành 7 Tông thư và nhiều Tông huấn. Ngài đã dâng hiến đời mình cho việc công bố Tin Mừng, nhiệt thành yêu mến Chúa và Giáo Hội. Ngài qua đời tại Castel Gandolfo vào ngày 6 tháng 8 năm 1978. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên Chân Phước cho ngài vào ngày 19 tháng 10 năm 2014 và tuyên thánh vào ngày 14/10/2018.

2. Biểu tình phò sinh tại Virginia – Dân biểu gốc Việt Kathy Trần gây ra những cái nhìn ác cảm với người Việt Nam

Sự tức giận và ghê tởm về những lời bình luận của chính trị gia gốc Việt Kathy Trần, là người tung ra dự luật cho phép phá thai ngay cả khi một phụ nữ đang chuyển dạ sinh con đã truyền cảm hứng cho hàng trăm người tham dự Infanticide Rally – nghĩa là cuộc biểu tình chống tận diệt hài nhi - dù thông báo về cuộc biểu tình tại trường trung học South County ở Lorton hôm 2/2 chỉ được công bố trước đó có 2 ngày.

Những người tham gia cuộc biểu tình nói rằng những tuyên bố nhẫn tâm của bà Kathy Trần về phá thai ngay cả lúc người mẹ đang lâm bồn đã khiến họ bị sốc và buộc họ phải phản đối mặc dù dự luật gây ra tranh cãi này đã thất bại và bà Kathy Trần là người đưa ra dự luật này đã phải tuyên bố hủy bỏ một cuộc họp báo tại tòa thị chính Lorton vào tối hôm trước.

Erin Caines, giáo dân tại giáo xứ Chúa Thánh Thần ở Annandale, nói: “Chúng tôi sững sờ, kinh hoàng, và sợ hãi về tất cả những lãnh vực khi bạn có thể nghĩ rằng Virginia sẽ đi theo con đường tương tự như New York.” Cô Erin đã tham dự cuộc biểu tình với chồng và năm đứa con, tuổi từ 1 đến 13.

“Chúng tôi muốn bảo đảm rằng mọi người phải biết rằng người Virginia chống lại dự luật đó. Người dân Virginia là những người phò sinh và chúng tôi không muốn thấy những luật phá thai cực đoan như thế được thông qua tại tiểu bang chúng tôi,” cô nói với phóng viên tờ Arlington Catholic Herald, là tờ báo của Giáo phận Arlington.

Đầu tuần trước, đảng Cộng hòa ở bang Virginia đã công bố một video trong đó bà Kathy Trần, thuộc đảng Dân Chủ, trả lời các câu hỏi chất vấn của dân biểu Todd Gilbert, thuộc đảng Cộng Hoà, chủ tịch khối đa số tại Hạ Viện Virginia.

Ông Todd Gilbert đặt câu hỏi với bà Kathy Trần: “Đâu là hạn chót trong tam cá nguyệt thứ ba, một bác sĩ có thể thực hiện phá thai nếu ông ta đã xác định rằng phẫu thuật này sẽ làm ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của người phụ nữ?”

“Cho đến hết tam cá nguyệt thứ ba”, bà Kathy Trần trả lời “chắc như đinh đóng cột” trong phiên điều trần ngày 28 tháng Giêng tại Quốc Hội Lưỡng Viện ở Richmond.

Sau đó, ông Todd Gilbert hỏi tiếp, “Khi rõ ràng là một người phụ nữ sắp chuyển dạ sinh con, lúc đó cô ấy có thể yêu cầu phá thai được không?”

Bà Kathy Trần thản nhiên trả lời: “Dự luật của tôi sẽ cho phép điều đó”.

Thống đốc bang Virginia là Ralph Northam, một nhân vật phò phá thai, tiếp tục châm dầu vào lửa trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 30 tháng Giêng khi được hỏi về video này. Ông nói: “Như thế, nếu một người mẹ chuyển dạ, đứa trẻ sẽ được sinh ra, đứa trẻ sẽ được giữ thoải mái, đứa trẻ sẽ được hồi sinh nếu người mẹ và gia đình mong muốn, theo sau một cuộc thảo luận sẽ xảy ra giữa các bác sĩ và người mẹ.” Nói cách khác, dự luật của bà Kathy Trần cực đoan đến mức cho phép người mẹ yêu cầu các bác sĩ giết chết đứa con ngay cả khi đứa bé đã được chào đời.

Angela McGuire, giáo dân của Nhà thờ St. Patrick ở Fredericksburg, cho biết cô rất đau lòng sau khi biết về dự luật của bà Trần. Năm năm rưỡi trước, con trai cô McGuire là Jude Lucas đã chết khi thai được 18 tuần. Dự luật của Kathy Trần “khiến vết thương rộng mở đối với tôi,” McGuire nói. “Nó giống như chuyện mới xảy ra là ngày hôm qua.”

Jennifer Brandi từ Hyattsville, Maryland, cho biết cô thường không đến các sự kiện như các cuộc biểu tình, nhưng trong trường hợp này, cô cảm thấy đó là nghĩa vụ công dân của mình phải tham dự.

“Tôi thấy chuyện này quá đau lòng. Tôi nghĩ rằng chuyện này làm nhiều người đau lòng,” cô nói. “Tôi không thể tìm ra bất kỳ lời nào có thể biện minh cho dự luật. Ngay cả đối với những lý do đã được đưa ra, không có điều nào trong số đó thực sự có ý nghĩa và nó thực sự làm mất đi giá trị cuộc sống của con người. Tôi chỉ hy vọng (các chính trị gia) có một sự thay đổi trong trái tim của chính họ.”

Trước các bài diễn văn, đông đảo các nam phụ lão ấu đứng co ro vì thời tiết lạnh lẽo trên vỉa hè mang theo những dòng chữ: “Hãy yêu mến cả hai người mẹ và hai nhi”, “Cuộc sống vẫn tốt hơn” và “Ngăn chặn chủ nghĩa phá thai cực đoan ở Virginia”.

Vào buổi trưa, đám đông đã tập trung quanh bục giảng để nghe các diễn giả từ một số tổ chức phò sinh, bao gồm Susan B. Anthony List, Student for Life of America, The Family Foundation, Virginia Association for Human Life, và March for Life and Concerned Women for America .

Nhiều diễn giả kêu gọi những người ủng hộ sử dụng tiếng nói và phiếu bầu của họ để ủng hộ cho cuộc sống. Hiện nay, những người phò sinh chiếm đa số tại cơ quan lập pháp nhà nước bởi với hơn một dân biểu ở Hạ Nghị Viện và hai thượng nghị sĩ ở Thượng Viện. Nhiều người tin rằng Quốc Hội Virginia có nguy cơ chuyển sang đa số phò phá thai sau cuộc bầu cử tháng 11 tới.

“Chúng ta cần phải chuẩn bị bởi vì (dự luật này) sẽ quay trở lại ở Virginia,” Tina Whittington của tổ chức Student for Life of America cảnh báo.

Với dự luật cho phép phá thai quá cực đoan này bà Kathy Trần, dân biểu gốc Việt đầu tiên tại Virginia đã gây ra những cái nhìn ác cảm với người Việt Nam. Vì thế, sau cuộc biểu tình, một đại gia đình Việt Nam gồm ông bà nội ngoại cháu chắt đã ở lại để hiển thị các biển báo tự chế của họ cho các tài xế đi qua.

Anh Anthony Cao cho biết anh đau lòng khi nghe tin bà Kathy Trần, một người đồng hương Việt Nam, đã giới thiệu dự luật này.

“Người Việt Nam chúng tôi không phải là những người bạo động. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều điều độc ác. Và đây chỉ là một dự luật để giới thiệu cái ác và chúng ta không thể để điều đó xảy ra”, Cao, một giáo dân của giáo xứ Thánh Philipphê ở Falls Church nói.

“Tôi không quan tâm đến đảng phái chính trị hay tôn giáo của bạn. Tôi là người Công Giáo nên cố nhiên tôi đánh giá cao tất cả những dấu chỉ tôn giáo này, nhưng sự sống là một nguyên tắc phổ quát.”

Khi được một người đàn ông khác hỏi bạn muốn nói gì với Kathy Trần, Anthony, suy nghĩ một chút rồi nói, “Tôi sẽ nói bà ta bạn là một con người được yêu thương. Bạn xứng đáng với tình yêu. Và tình yêu không có nghĩa là giết chóc.”

3. Các Giám Mục Venezuela ra tuyên bố yêu cầu tuyển cử tự do, ngưng ngay đàn áp

Trong một tuyên bố chung được đưa ra hôm thứ Hai 4 tháng Hai, Hội Đồng Giám Mục Venezuela, Liên đoàn nam nữ tu sĩ Venezuela và Hội đồng quốc gia giáo dân yêu cầu các cơ quan nhà nước tổ chức “bầu cử tự do và hợp pháp để lập lại con đường đi tới dân chủ”, cho phép viện trợ nhân đạo được đưa vào đất nước và chấm dứt tức khắc sự đàn áp chống lại các công dân.

Tuyên bố ngày 4 tháng 2 cho biết người Công Giáo Venezuela, đối mặt với “tình trạng bất công và đau khổ”, đang tìm kiếm một sự chuyển tiếp trong “hòa bình và minh bạch”, dẫn đến “bầu cử tự do và hợp pháp để giành lại con đường đi tới dân chủ, khôi phục lại chế độ dân chủ pháp trị, và thúc đẩy việc tái cấu trúc xã hội, năng suất kinh tế, đạo đức trong nước và hòa giải giữa tất cả người dân Venezuela.”

Tuyên bố kêu gọi cuộc bầu cử chuyển tiếp được thực hiện “một cách hòa bình theo Hiến pháp quốc gia” để tránh gây thêm đau khổ.

“Trong thời điểm quan trọng này trong lịch sử của đất nước, chúng tôi mời toàn thể người dân Venezuela, mọi người trong phạm vi công việc và hành động của họ, cống hiến hết mình để dấn thân cho tình đoàn kết, liên đới và trách nhiệm đạo đức, với một tinh thần thanh thản, chúng ta có thể tìm kiếm các thiện ích chung và làm việc không mệt mỏi cho việc tái thiết nền dân chủ và toàn bộ quê hương của chúng ta, tránh gây thêm đổ máu”.

Ngoài lời kêu gọi bầu cử tự do, tuyên bố yêu cầu cho phép các viện trợ nhân đạo đến được với người dân, “để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng đối với những người dễ bị tổn thương nhất của quốc gia chúng ta.”

“Caritas Venezuela và các tổ chức viện trợ Công Giáo quốc gia khác cam kết tiếp tục dịch vụ mà chúng tôi đã cung cấp với sự công bằng, hội nhập mọi người, minh bạch và hiệu quả”, văn bản viết.

Kể từ ngày 21 tháng Giêng, ít nhất 40 người đã chết và hàng trăm người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống lại Maduro.

Tuyên bố ngày 4 tháng 2 nói rằng trong bối cảnh khủng hoảng, “sự đàn áp ngày càng tăng đối vì các động cơ chính trị, vi phạm nhân quyền và các vụ bắt giữ tùy tiện và có chủ ý là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.”

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội yêu cầu “các lực lượng an ninh nhà nước không được tiếp tục đàn áp những anh chị em Venezuela của họ, và thay vào đó nhận trách nhiệm thực sự của họ là bảo vệ người dân trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi thực hiện quyền biểu tình ôn hòa”.

Họ cũng nhắc nhở Văn phòng Công tố viên và Văn phòng Thanh tra Nhân dân rằng họ phải hoàn thành nhiệm vụ của mình bằng cách chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền, “đặc biệt liên quan đến việc giam giữ trẻ vị thành niên.”

Cuối cùng, tuyên bố chung đã mời người Venezuela tham gia Chầu Thánh Thể trong ngày Chúa Nhật ngày 10 tháng 2 và “cầu nguyện trong tất cả các nhà thờ, gia cư và cộng đồng, cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an, hòa giải, tự do cả tinh thần lẫn thể xác.”

“Chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa là chủ tể của lịch sử. Ngài là Thiên Chúa cứu độ nơi Chúa Giêsu, Đấng giải phóng chúng ta, Đấng nói với chúng ta 'đừng sợ, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.' Xin Đức Mẹ Coromoto, bổn mạng quốc gia của chúng ta, luôn đồng hành cùng chúng ta như một dân tộc.”

4. Đức Thánh Cha nói về lá thư của Nicolas Maduro

Tên độc tài Nicolas Maduro của Venezuela gần đây đã nói với TV Sky24 của Ý rằng y đã gửi thư cho Đức Giáo Hoàng để yêu cầu ngài làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela.

Độc tài Nicolas Maduro cho rằng y là “người phục vụ cho sự nghiệp của Chúa Kitô”, “là Kitô hữu sâu sắc, và với tinh thần này, tôi đã cầu xin sự giúp đỡ của Đức Thánh Cha trong một tiến trình tạo điều kiện cho việc củng cố đối thoại.”

“Chúng tôi hy vọng [Đức Thánh Cha sẽ có] một phản ứng tích cực, ngay lập tức.”

Hôm thứ Hai 4/2, sau thời hạn tối hậu thư, một số nước châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha, tuyên bố công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido, chủ tịch Quốc hội, là tổng thống lâm thời ở Venezuela.

Trước đó, trong cuộc tổng biểu tình hôm thứ Bẩy 2/2, tướng không quân Francisco Yanez tuyên bố theo phe cách mạng, tố cáo Maduro là tên phản quốc đang âm mưu mang 20 tấn vàng ra nước ngoài, kêu gọi quân đội làm binh biến lật đổ tên độc tài này.

Trước những diễn biến bi đát này, tên độc tài Nicolas Maduro tung ra chiêu mới là yêu cầu Đức Thánh Cha đứng làm trung gian hòa giải.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã được tờ Crux hỏi về bức thư vào hôm thứ Hai, khi một nhóm các nhà báo gặp gỡ ngài tại Hội nghị liên tôn quốc tế về tình huynh đệ của nhân loại ở Abu Dhabi

Đức Hồng Y Parolin xác nhận rằng Maduro đã gửi thư và có ý định tái lập đối thoại nhưng từ chối bình luận thêm.

Đức Giáo Hoàng, theo truyền thống lâu đời của Vatican, đã quyết định Tòa Thánh sẽ đứng ngoài cuộc xung đột, không bày tỏ sự ủng hộ cho người này hay người kia.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn dành cho các ký giả trên chuyến bay trở về Rôma từ Abu Dhabi, khi được các phóng viên hỏi rằng liệu ngài có sẵn sàng làm trung gian chính thức hay không, giống như Vatican đã làm vào năm 1972 giữa Á Căn Đình và Chí Lợi, đang trên bờ vực chiến tranh, Đức Phanxicô nói rằng “cả hai bên phải cởi mở”.

“Trước chuyến đi, thông qua bộ phận chuyển thư phát nhanh ngoại giao, tôi biết bức thư [từ Maduro] đang đến. Nhưng tôi vẫn chưa đọc được bức thư đó.”

“Chúng tôi sẽ xem xét những gì có thể được thực hiện. Nhưng để có thể là một người trung gian, và đây là bước cuối cùng [trong ngoại giao] ý chí của cả hai bên là cần thiết. Cả hai bên đều phải yêu cầu điều đó. Đây là trường hợp với Á Căn Đình và Chí Lợi.”

Tòa Thánh đã tham gia vào các nỗ lực đối thoại trước đó về tình hình Venezuela, nhưng như Đức Phanxicô đã nói hôm thứ Ba, “chẳng được cái gì”.

5. Đức Hồng Y Baltazar Enrique Porras Cardozo tố giác âm mưu của Maduro trong lá thư y gửi cho Đức Thánh Cha

Đức Tổng Giám Mục Merida đã bác bỏ khả năng Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela sau khi tên độc tài Nicolas Maduro công khai một bức thư gửi Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu can thiệp.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ nói không trong những hoàn cảnh này. Tại sao? Bởi vì đó là một lời mời lơi, để nói về những gì trong khi không có chương trình nghị sự gì hết”, Đức Hồng Y Baltazar Enrique Porras Cardozo của Merida nói với Radio Continental, một đài tin tức của Á Căn Đình, vào ngày 6 tháng 2.

Đức Hồng Y Porras, cũng là Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận Caracas, đã lưu ý rằng vào những lần trước đây khi Vatican tham gia với tư cách là người điều phối đối thoại, những gì Vatican nhận được từ chính phủ Maduro chỉ là một sự nhạo báng.

“Đó là những gì bạn thực sự phải nhớ lại vào thời điểm Vatican được kêu gọi làm trung gian,” Đức Hồng Y Porras nói. “Xuất phát từ thiện chí của mình, Đức Giáo Hoàng đã muốn gửi ai đó đến, nhưng tất cả đã đều ra vô ích.”

“Thêm vào đó ý định của ông Maduro không phải là thực tâm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề khiến cho sự hòa giải của Vatican trở nên không khả thi,” ngài nói.

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trên đường từ Abu Dhabi về Rôma hôm 5 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hòa giải cần có ý chí của cả hai bên, phải là cả hai bên yêu cầu thì Tòa Thánh mới có thể đứng làm trung gian.

Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó, người tuyên bố mình là tổng thống lâm thời của Venezuela, đã không yêu cầu Vatican giúp hòa giải. Hoa Kỳ, Canada, phần lớn Liên minh châu Âu và hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh đã công nhận ông Juan Guaidó là tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Đức Hồng Y Porras nói thêm rằng “đã trở thành thói quen của chính phủ xã hội chủ nghĩa tại Venezuela, khi họ cảm thấy bị áp lực, khi nước đã ngập đến cổ, thì họ lại kêu gọi người làm trung gian” trong số đó có “các quốc gia không thể nào tin tưởng một chút xíu nào là quan tâm đến nền dân chủ. Đó không phải là cách.”

Trong số các quốc gia hỗ trợ cho Maduro, Đức Hồng Y nhắc đặc biệt đến Trung Quốc và Nga.

Khi được hỏi liệu có bất kỳ sự khác biệt hay xa cách nào giữa các giám mục Venezuela và Tòa thánh hay không, Đức Hồng Y giải thích rằng “có sự hiệp nhất hoàn tòan và đầy đủ về tiêu chí và hành động, và có một mối quan hệ thường trực giữa Tòa thánh và chúng tôi với sự hỗ trợ hoàn toàn của Đức Thánh Cha.”

“Những gì đang diễn ra là như thế này: mọi người phải hoàn thành vai trò của mình. Chúng tôi là những người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã nói với nhà cầm quyền thông qua người phát ngôn của Hội Đồng Giám Mục rằng họ muốn nói trực tiếp với Đức Thánh Cha cũng được thôi, nhưng trước tiên họ nên thông qua chúng tôi vì có sự hòa hợp hoàn toàn [giữa chúng tôi với nhau] và họ đi thẳng [với Vatican] thì cũng chẳng có gì khác biệt.”

“Chúng tôi là những người đang phải chịu đựng tình huống này là những người muốn có đối thoại hơn ai hết, nhưng phải là đối thoại thực sự”

Đức Hồng Y nhận xét rằng với bức thư này gửi cho Đức Giáo Hoàng, Maduro không thực tâm tìm kiếm đối thoại nhưng chỉ câu giờ để đàn áp bằng bạo lực khi người dân Venezuela đang xuống đường một cách hòa bình để yêu cầu một giải pháp nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở nước này.

Ngài nhắc lại rằng vào tháng 8 năm 2017, Tòa Thánh đã thúc giục chính phủ Venezuela từ bỏ Quốc Hội lập hiến và tôn trọng hiến pháp hiện hành. Maduro đã bỏ qua lời kêu gọi này và tiếp tục chính sách hình thành ra Quốc hội lập hiến nhằm thay thế Quốc hội, cơ quan lập pháp do phe đối lập Venezuela kiểm soát.

Thêm vào đó, theo Đức Hồng Y, Tòa Thánh biết rất rõ tình hình tại Venezuela. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, đã từng là sứ thần tông đồ tại Venezuela từ năm 2009 cho đến khi được bổ nhiệm làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hồi tháng 10 năm 2013.

Trong những diễn biến mới nhất, tổng thống lâm thời Guaidó đã sắp xếp để chuyển các lô hàng viện trợ đến nước này, nhưng Maduro vẫn tiếp tục từ chối.

Maduro cho quân đặt một chiếc xe tải chở dầu và một container chở hàng trên cầu Tienditas nối liền Cucuta, Colombia với Urena, Venezuela để ngăn không cho các phẩm vật cứu trợ từ Colombia vào Venezuela.

Caritas Venezuela đã yêu cầu các viện trợ nhân đạo phải được phép vào nước này.

6. Đức Hồng Y Timothy Dolan phản bác luận điệu chụp mũ của Thống đốc Cuomo

Hôm 7 tháng Hai, trên Web site riêng của ngài, Đức Hồng Y Timothy Dolan của tổng giáo phận New York đã có bài phản bác luận điệu chụp mũ bằng cách dán các nhãn hiệu của Thống đốc Cuomo[1]. Bản gốc bằng Anh ngữ nhan đề là “Hiding Behind Labels” có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Núp đằng sau những nhãn hiệu

Ngày nay, với lợi thế sân nhà trên tờ New York Thời báo, Thống đốc Cuomo đã liên kết tôi với khuynh hướng “tôn giáo hữu khuynh” [2].

Đây là một cái mới từ thống đốc. Ông ta đã không coi tôi là một thành phần “tôn giáo hữu khuynh” khi tìm kiếm sự giúp đỡ của tôi trong việc tăng mức lương tối thiểu, cải tạo nhà tù, bảo vệ người lao động nhập cư, chào đón người nhập cư và người tị nạn, và vận động cho các chương trình liên quan đến dân số trong các nhà tù của tiểu bang, mà chúng tôi rất vui được hợp tác với ông ta vì những điều ấy cũng là những mục tiêu của chúng tôi. Tôi đoán tôi là một thành phần “tôn giáo tả khuynh” trong những trường hợp như thế.

Quyền dân sự của đứa trẻ bất lực, vô tội, trong bụng mẹ, như Thống đốc đảng Dân chủ tự do ở Pennsylvania Robert Casey đã có lần nhận xét không phải là chuyện “hữu khuynh hay tả khuynh, mà là vấn đề đúng hay sai”.

Ông Thống đốc [Cuomo] cũng tiếp tục nỗ lực của mình để giản lược sự vận động cho nhân quyền của trẻ sơ sinh thành một “vấn đề Công Giáo”, đó là một sự xúc phạm đối với các đồng minh của chúng tôi từ rất nhiều các tôn giáo, và cả những người không có niềm tin gì cả. Một lần nữa, Thống đốc Casey cũng đã từng khẳng định: “Niềm tin phò sinh của tôi không đến từ lớp tôn giáo của tôi trong một trường Công Giáo, nhưng từ các lớp về sinh học và về hiến pháp Hoa Kỳ của tôi.”

Vâng, tôn giáo là vấn đề cá vị; nhưng nó khó có thể nói là một vấn đề riêng tư, như cuộc đời và cuộc đấu tranh vì quyền công dân của Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King đã chỉ ra một cách hùng hồn. Đức tin mà Thống đốc Cuomo tuyên xưng cũng dạy rằng phân biệt đối xử với người nhập cư là vô luân. Phải chăng điều đó có nghĩa là ông ta không thể để nguyên tắc đạo đức này dẫn dắt chính sách công cộng của mình? Rõ ràng là không.

Hãy tranh luận về việc phá thai trên những gì nó là. Đừng núp đằng sau các nhãn hiệu như “cánh hữu” và “Công Giáo.”

[1] Andrew Cuomo, sinh ngày 6 tháng 12, 1957, đã từng kết hôn với Kerry Kennedy, con thứ bảy của Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, vào ngày 9 tháng 6 năm 1990. Họ có ba cô con gái trước khi ly thân vào năm 2003 và ly dị vào năm 2005. Năm 2011, ông ta bắt đầu sống với người dẫn chương trình của Food Network, Sandra Lee.

Cuomo là một người Công Giáo nhưng theo đuổi các quan điểm đối kháng triệt để với Giáo Hội về các vấn đề ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính. Theo tờ New York Times, các quan điểm này của Cuomo xuất phát từ trình trạng bất quy tắc trong cuộc sống hôn nhân sống chung mà không kết hôn với Lee. Sau khi ký Đạo luật Sức khoẻ Sinh sản hôm 22 tháng Giêng vừa qua trong đó mở rộng thời hạn cho phép phá thai đến cả những thời kỳ cuối của thai kỳ và loại bỏ hàng loạt các cấm cản phá thai do tiểu bang áp đặt, Cuomo thách thức các chỉ trích của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ bằng cách ra lệnh cho thắp sáng bằng ánh sáng màu hồng Trung tâm Thương mại Thế giới và các địa danh khác.

Một số nhà lãnh đạo Công Giáo đã kêu gọi ra vạ tuyệt thông cho Cuomo.

[2] ‘religious right’ hay ‘Christian right’

Các phong trào cánh tả trong thế kỷ 19 như chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản có tính bài bác hàng giáo sĩ rất hung hăng. Các cuộc cách mạng ở Pháp, Nga và Tây Ban Nha một phần nhằm vào hàng giáo phẩm địa phương và thiết lập một sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước.

Dù thế, vào thế kỷ 19, một số nhà văn và các nhà hoạt động xã hội như Robert Owen, Henri de Saint-Simon đã phát triển một trường phái tư tưởng gọi là chủ nghĩa xã hội Kitô giáo - Christian Socialism - dựa trên các nguyên tắc của Kitô Giáo nhưng tiêm nhiễm ít nhiều chủ nghĩa xã hội.

Những người tin vào những suy nghĩ này được gọi là ‘Christian left’. Sau này khi các xã hội trở nên ngày càng đa nguyên tôn giáo, từ ngữ phổ biến hơn là ‘religious left’ được dùng để chỉ những người có khuynh hướng tôn giáo tả khuynh.

Cố nhiên, có những người ‘Christian left’ mặn mà với chủ nghĩa xã hội đến mức xa lìa các giá trị truyền thống Kitô. Tuy nhiên, hầu hết những người có khuynh hướng này vẫn có những ý tưởng tương tự như các nhóm chính trị Kitô giáo khác, chỉ khác về trọng tâm. Họ có thể xem các tín lý Kitô về một số vấn đề nhất định, chẳng hạn như việc cấm giết người, hay việc Kinh Thánh chỉ trích tội tham lam của cải…là quan trọng hơn nhiều về mặt chính trị so với các vấn đề xã hội khác như phản đối đồng tính luyến ái.

Ở một mức độ rất đáng kể, những người có khuynh hướng tôn giáo tả khuynh thực ra cũng chẳng quan tâm gì đến bất cứ triết lý xã hội nào. Khuynh hướng của họ chỉ đơn giản xuất phát từ các quan tâm mục vụ và truyền giáo cho giới công nhân.

‘Christian right’ hay ‘religious right’ – khuynh hướng tôn giáo hữu khuynh - được đặc trưng bởi sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các chính sách xã hội truyền thống của Kitô Giáo. Những người theo khuynh hướng này chủ yếu tìm cách áp dụng những hiểu biết của họ về tín lý Kitô giáo vào chính trị và chính sách công cộng bằng cách đề cao giá trị của các nguyên tắc Kitô, tìm cách sử dụng những nguyên tắc đó để tác động đến luật pháp và chính sách công cộng như trong các vấn đề bao gồm việc cầu nguyện ở các trường học, nghiên cứu tế bào gốc, đồng tính luyến ái, trợ tử, giáo dục giới tính, phá thai và vấn đề các hình ảnh khiêu dâm.

7. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ủng hộ hàng giáo phẩm Venezuela

Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, của tổng giáo phận Quân Đội Hoa Kỳ và là Chủ tịch Hoa Kỳ Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế đã ra tuyên bố sau đây bày tỏ tình đoàn kết với các Giám mục Venezuela.

“Thay mặt Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, tôi bày tỏ tình đoàn kết với các Giám mục Venezuela, và với tất cả những người làm việc vì một giải pháp hòa bình và chính đáng cho cuộc khủng hoảng ở đó. Tình hình nhân đạo thật thảm khốc. Suy dinh dưỡng nghiêm trọng và tử vong thậm chí chỉ vì các căn bệnh thông thường, đã khiến cho số người Venezuela chịu ảnh hưởng ngày càng tăng.”

Đức Tổng Giám Mục Timothy nói thêm:

Tôi biết ơn sự cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo rất cần thiết cho người Venezuela. Tôi kêu gọi chính quyền giúp tạo điều kiện cung cấp hỗ trợ nhân đạo, và, khi cần thiết, giúp phối hợp các lựa chọn di cư an toàn, để tránh nhiều đau khổ hơn nữa. Giáo hội tại Venezuela, như các giám mục tuyên bố vào ngày 4 tháng 2, hành động ‘theo nguyên tắc độc lập, khách quan và nhân bản’, và sẵn sàng giúp đỡ phân phối các trợ giúp một cách công bằng và đồng đều.

Xin Đức Mẹ Coromoto, Đấng bảo trợ của Venezuela, phù hộ tất cả người Venezuela khi họ cố giành lại hòa bình và thịnh vượng ở đất nước họ.”

8. Đức Cha Paul Hinder: Chuyến tông du Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất của Đức Thánh Cha thành công vượt quá mọi mong đợi

Đức Cha Paul Hinder, Giám Quản Tông Tòa Nam Ả Rập, bao gồm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ôman và Yemen, đã nêu bật tầm quan trọng của chuyến tông du vừa qua của Đức Thánh Cha với thông tấn xã AsiaNews. “Đối với các tín hữu, chủ yếu là người nhập cư, cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô là một nguồn khích lệ lớn,” ngài nói.

Một bầu không khí vui mừng và nhiệt tình trước nhiều sự kiện đặc trưng trong ba ngày Đức Thánh Cha đến thăm vẫn còn đọng lại ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đặc biệt là thánh lễ công cộng đầu tiên trước hơn 135 nghìn người, bao gồm cả người Hồi giáo, và cuộc họp liên tôn ở Abu Dhabi.

Các nhà phân tích và chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tài liệu được ký bởi Đức Giáo Hoàng và bởi Đại Immam Ahmad Muhammad Al-Tayyib của Đại Học Al-Azhar, về giá trị “tiên tri và cách mạng”.

Đức Cha Hinder giải thích rằng “Cao trào của chuyến tông du là ngày cuối cùng mà Đức Thánh Cha dành trọn vẹn cho cộng đoàn Công Giáo địa phương, từ sáng, với bữa ăn sáng rồi tới một cuộc họp với một số đại diện trong miền Giám Quản Tông Tòa. Lời chào đến người khuyết tật, trẻ em, gia đình và người già. Cuộc gặp gỡ với vị linh mục già nhất trong miền, năm nay đã 92 tuổi, diễn ra đặc biệt cảm động. Cuối cùng, cuộc hành trình cùng nhau qua đám đông với một rừng các điện thoại di động, cho đến khi vào cổng sân vận động và sự bùng nổ của niềm vui đã đồng hành cùng Đức Giáo Hoàng. Rồi thánh lễ, đơn giản nhưng đồng thời thật cảm động.”

Đức Cha Hinder cho biết “Trên đường từ Tòa Giám Mục ra sân vận động, tôi đã nói chuyện với Đức Thánh Cha. Chúng tôi đã thảo luận về tình hình của Giáo Hội địa phương. Điều quan trọng là Đức Thánh Cha thấy tận mắt thực tế địa phương, vượt lên trên các tài liệu và báo cáo. Đó là một kiến thức trực tiếp về một Giáo Hội bao gồm hầu hết là những người di dân, với những vấn nạn và đặc thù của nó. Ngài chứng kiến tận mắt sức sống của một cộng đồng người Phi Luật Tân, Ấn Độ, Châu Phi vừa nghèo nàn nhưng lại giàu đức tin.”

“Về phương diện cá nhân thời điểm quan trọng nhất là cuộc gặp gỡ với cộng đồng Công Giáo địa phương và thánh lễ sau đó. Tuy nhiên, từ quan điểm toàn cầu hội nghị liên tôn và văn kiện được ký kết với Đại Imam, đại diện cho một bước tiến quan trọng trong cuộc đối thoại với Hồi giáo, có giá trị lớn”.

Đức Cha Hinder quan sát rằng các nhà lãnh đạo Hồi giáo và các nhà lãnh đạo chính quyền dân sự Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất “không chỉ có sự đón tiếp chính thức theo như văn hóa địa phương, mà còn trung thực và chân thành trong các mối quan hệ.” Tuy nhiên, ngài nhận xét dè dặt rằng “Liệu điều này có được chuyển hóa thành sự tăng cường các quyền tự do, đặc biệt là tự do tôn giáo, hay không chỉ có thể được nhìn thấy theo dòng thời gian”.

Đức Cha Hinder đánh giá cao lời kêu gọi quyền tự do tôn giáo ở vùng đất Ả Rập của Đức Giáo Hoàng là “can đảm” và nói thêm rằng “không có bình luận tiêu cực nào, ngay cả cho đến giây phút cuối cùng, một bầu không khí thân mật tuyệt vời vẫn ngự trị”.

Đối với các tín hữu “lời nói của Đức Giáo Hoàng là nguồn tự hào và lời mời gọi tiếp tục sống đức tin”, góp phần “xây dựng” với các Kitô hữu của các giáo phái khác và công dân của các niềm tin khác, đặc biệt là Hồi giáo, để xây dựng “một xã hội đa nguyên nhưng không mất truyền thống”.

Trong những ngày này, vị Giám Mục gốc Thụy Sĩ 76 tuổi cũng đã gặp “một phái đoàn nhỏ” từ Yemen, những người đã có thể rời khỏi đất nước bất chấp chiến tranh. “Thật tuyệt khi có thể an ủi họ trong tình huống vẫn còn quá nhiều những khó khăn đối với họ”.

Để kết luận, Đức Cha Hidender đã chia sẻ một suy tư cá nhân: “Đây là một nguồn vui lớn trong giai đoạn cuối cùng trong sứ vụ của tôi tại một vùng đất trong thực tế đã phát triển đáng kể trong 15 năm qua. Và cuối cùng, suy nghĩ của tôi gửi đến người tiền nhiệm của tôi, là Đức Cha Bernardo Gremoli, hôm qua tôi đã viết cho người thân của ngài rằng tôi chắc chắn ngài đã cùng đồng hành với chúng tôi với những lời cầu bầu của ngài.”

Đức Cha Bernardo Gremoli, sinh ngày 30/6/1926 và qua đời ngày 6/7/2017, đã là Giám Quản Tông Tòa Ả Rập từ 1976 đến 2005.

9. Tình cảnh của các tín hữu Kitô Bắc Hàn theo tự thuật của những người đào thoát

Tình cảnh các tín hữu Kitô ở Bắc Triều Tiên ra sao là điều ít ai biết đến vì sự bưng bít thông tin của một chế độ hầu như cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hôm 2 tháng Hai, thông tấn xã AP có bài “Christians in N. Korea tell of struggle to practice faith” – “Các Kitô hữu Bắc Hàn kể về nỗi vất vả để thực hành đức tin”. Bài báo vén lên được một chút bức màn bí mật này. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.

Kitô giáo hầu như bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Bắc Triều Tiên, nơi nhà độc tài Kim Chính Ân được coi là nhân vật chính của một giáo phái tôn sùng lãnh tụ coi ông ta như một vị thần. Việc sở hữu Kinh Thánh, điều hành các dịch vụ tôn giáo công khai, và bất kỳ nỗ lực nào để xây dựng mạng lưới giáo hội hầm trú đều có thể dẫn đến bị tra tấn, ở tù dài hạn hoặc xử tử.

Sau đây là những gì những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, một nhà hoạt động Kitô giáo và một giám mục Công Giáo Hàn Quốc có những liên kết trước đó với Bắc Triều Tiên nói với Associated Press về cách người Bắc Triều Tiên duy trì niềm tin của họ:

10. Câu chuyện của LEE HANBYEOL

Lee, 35 tuổi, là một người tị nạn Bắc Triều Tiên tại Hán Thành, có người cha Kitô giáo đã cầu nguyện mỗi khi mẹ cô đến Trung Quốc để vay tiền từ người thân vào giữa những năm 1990.

“Tôi thấy cha tôi cầu nguyện nhiều lần. ... Mẹ tôi đã liều mạng sang Trung Quốc để nuôi sống gia đình chúng tôi. Vì vậy, khi mẹ tôi cất bước ra đi, cha tôi tiếp tục cầu nguyện, ngồi xếp bằng và run rẩy ở góc phòng của chúng tôi,” Lee nói.

Lee nói rằng cô ấy không biết gì về Kitô Giáo vào thời điểm đó. Cha cô giữ niềm tin cho riêng mình cho đến khi qua đời vào năm 1997 rõ ràng vì lo ngại các con ông phải khổ vì đạo. Lee tin rằng cha mình là một phần của dân số Kitô giáo phát triển mạnh ở Bắc Triều Tiên trước Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Lee, hiện là một Kitô hữu sùng đạo nói: “Tôi thường nghĩ là sẽ tuyệt vời thế nào nếu cha tôi và tôi có thể cầu nguyện cùng nhau trong khi nắm tay nhau”.

11. Câu chuyện của J.M.

Một cựu cư dân của tỉnh Hamgyong ở Bắc Triều Tiên, anh J.M cho biết anh biết đến niềm tin Kitô sau khi trốn sang Trung Quốc vào năm 1998. Anh ta bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ và đưa về nước năm 2001. Sau khi ngồi tù vài tháng, anh đã cố gắng truyền bá đức tin của mình cho cha mẹ mình.

“Cha tôi cảm thấy khó khăn để có thể đón nhận Kitô Giáo nhưng mẹ tôi đã nhanh chóng chấp nhận niềm tin này”. Mặc dù anh đã đồng ý nói chuyện với AP để làm nổi bật cảnh ngộ của các Kitô hữu ở Bắc Triều Tiên, anh đã yêu cầu viết tắt tên của mình vì lo lắng cho sự an nguy của người thân ở miền Bắc. “Mẹ tôi nói với tôi rằng bà sẽ cầu nguyện cho tôi.”

Năm 2002, J.M. đã trốn thoát đến Hàn Quốc để anh ta có thể thờ phượng tự do. Sau đó, anh nhận được tin cả hai cha mẹ anh đều đã chết.

Bây giờ là một mục sư có trụ sở tại Hán Thành, J.M. đang cố gắng quảng bá Kitô giáo ở Bắc Triều Tiên. Anh đã viếng thăm Trung Quốc và rửa tội cho sáu người Bắc Triều Tiên được phép thăm viếng các thị trấn biên giới Trung Quốc trong một thời gian ngắn.

12. Câu chuyện của PETER JUNG

Jung là người Nam Hàn, chồng của Lee và là một mục sư chuyên truyền bá Kitô giáo ở Bắc Triều Tiên. Ông nói rằng nhóm của ông cung cấp nơi trú ẩn, thực phẩm và tiền bạc cho người Bắc Triều Tiên đến thăm các thị trấn biên giới Trung Quốc trước khi dạy họ về niềm tin Kitô.

Khi họ trở về nhà, Jung cho biết nhóm của anh yêu cầu một số du khách đáng tin cậy Bắc Triều Tiên ghi nhớ những câu Kinh Thánh hoặc mang theo Kinh Thánh về nước. Một số thường xuyên quay lại và nhận được những hỗ trợ tài chính và huấn luyện mới về Kitô giáo. Nhiệm vụ của họ ở Bắc Triều Tiên bao gồm tạo ra một “bầu không khí tôn giáo” bằng cách khiến mọi người ở đó trao đổi những tin nhắn với những từ ngữ chứa đựng các chủ đề Kitô giáo như “hòa bình”, Jung nói.

13. Nhận xét của Đức Cha JOHN CHANG

Đức Cha Chang là một giám mục Công Giáo đã đến thăm Bắc Triều Tiên vào năm 1987 và đã gặp năm người Bắc Triều Tiên được nhà cầm quyền giới thiệu với ngài là người Công Giáo. Sau khi nói chuyện với những người Bắc Triều Tiên, tất cả những người này đều có tên thánh khi được rửa tội, Đức Cha Chang nói rằng ngài tin chắc rằng họ là người Công Giáo chân chính.

“Tôi hỏi họ nơi họ được rửa tội và ai rửa tội cho họ. Họ đều quen thuộc các thuật ngữ Công Giáo. Nếu chỉ biết những thuật ngữ này bằng cách học thuộc lòng, họ không thể sử dụng tất cả những thuật ngữ ấy một cách tự nhiên như thế,” ngài nói. “Câu chuyện của họ không phải là những chuyện được dàn dựng.”

Năm sau, hai người Công Giáo Bắc Triều Tiên đã được đến thăm Thành phố Vatican và được gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Các nhà hoạt động Kitô giáo bảo thủ ở Hán Thành nói rằng những người Hàn Quốc đó có thể là những tín hữu giả hoặc những người đã từ bỏ đức tin của họ từ lâu để sống sót sau những cuộc đàn áp tôn giáo khắc nghiệt. Các chuyên gia cho biết vào cuối những năm 1980, Bắc Triều Tiên đã tìm cách cải thiện mối quan hệ với Vatican như một cách để giảm bớt sự cô lập quốc tế.

14. Đức Thánh Cha thăm cộng đoàn Công Giáo Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

Một ngày sau khi kêu gọi các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo hợp tác để thúc đẩy hòa bình và từ khước chiến tranh. Trong ngày thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng sự chú ý của ngài đến cộng đồng Công Giáo rất năng nổ tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất khi ngài chuẩn bị kết thúc chuyến thăm lịch sử đến Bán đảo Ả Rập.

Đức Phanxicô đã đến thăm một nhà thờ ở Abu Dhabi và sau đó cử hành Thánh lễ tại sân vận động Zayed của thành phố. Đây là buổi thờ phượng Kitô giáo lớn nhất trên bán đảo Ả Rập từ khi Hồi Giáo chiếm được vùng này.

Lúc 9g10 sáng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nhà thờ Thánh Giuse là nhà thờ chánh tòa của Đức Cha Paul Hinder, Giám Quản Tông Tòa Miền Nam Ả Rập để thăm viếng trước khi cử hành Thánh lễ tại sân vận động Zayed.

Ngài được chào đón ngay từ bên ngoài bởi một dàn hợp xướng thanh niên mặc áo choàng đỏ và trắng.

Đức Thánh Cha đã đến trên một chiếc Kia nhỏ bé và ngài vẫy tay chào những người đang chờ.

Một số người hô vang: “Viva el Papa!” Những người khác vươn tay ra cố bắt tay ngài.

Bên trong, các tín hữu ngồi chật ngôi thánh đường trông đợi Đức Phanxicô.

Ngài đã ôm hôn các trẻ em, và đặt tay chúc lành cho vài người ngồi trên xe lăn.

Trong những nhận xét ngắn gọn bằng tiếng Ý, ngài đã cám ơn các tín hữu đã chào đón ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cảm ơn rất nhiều vì đã đến đây và chào đón tôi. Thật là một niềm vui lớn khi được đến thăm những ngôi nhà thờ nhỏ đầy nghẹt người.”

Ngài đã cùng cầu nguyện các tín hữu tại nhà thờ Thánh Giuse trước khi dâng Thánh lễ tại sân vận động của thành phố Abu Dhabi.

15. Đức Thánh Cha Phanxicô gửi điện văn chia buồn với các nạn nhân của cuộc lũ lụt ở Townsville Úc Châu

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân của trận lụt tai hại tại Townsville, Australia, xin Chúa cho họ được nhiều may lành

Bức điện văn đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi đến Đức Giám Mục Timothy Harris của Townsville.

Dưới đây là toàn văn của bức điện thư:

Mến gửi tới Đức Cha Timothy Harris, Giám mục Giáo phận Townsville

Biết được sự tàn phá, gây lên những mất mát và hủy hoại tài sản do trận lụt lớn ở Townsville, Đức Thánh Cha gửi tới hiền huynh và giáo phận của huynh sự hiệp thông chân thành và cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa này. Đức Thánh Cha đặc biệt cầu nguyện cho các nạn nhân bị tử vong và cầu mong nhiều sự an lành cho những người bị thương và cho công cuộc tái thiết lại cuộc sống. Trên hết, Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành và cầu xin Thiên Chúa ban nhiều hồng ân may lành và niềm hy vọng cho mọi người.

16. Đức Cha Conley: Nhiều Hồng Y có quan điểm “rất đáng lo ngại” về luân lý

Giám mục James Conley của Lincoln, Nebraska nhận xét rằng có những “hồ nghi và nhầm lẫn” trong Giáo Hội về giáo huấn luân lý, ngay cả “ở các cấp rất cao” trong hàng giáo phẩm.

Trong khi đánh giá cao Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Cha Conley cũng đã thảo luận về vai trò của Đức Giáo Hoàng, và nói rằng ngay cả các vị Giáo Hoàng cũng “không thể lật ngược những gì đã được dạy bảo một cách không thể sai lầm”.

Những nhận xét của Đức Cha Conley được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Giáo sư Robert George của Đại học Princeton, và xuất hiện như một chương trong cuốn sách mới nhan đề Mind, Heart, and Soul: Intellectuals and the Path to Rome (Tâm trí, Trái tim và Linh hồn: Những nhà trí thức và Con đường dẫn đến Rome).

Khi được hỏi về sự chia rẽ trong Giáo Hội, Đức Cha Conley đã trả lời rằng “Xem ra có một số tiếng nói trong Giáo Hội, một số ở cấp độ rất cao, đang đặt vấn đề về một số sự thật cơ bản liên quan đến con người.” Đức Cha Conley, chủ tịch ủy ban Đề cao và Bảo vệ Hôn nhân, cho biết ngài muốn đề cập đến những sự thật về hôn nhân và tình dục.

“Những sự thật này đã được Giáo Hội giảng dạy từ lâu”, Đức Cha Conley nói với Giáo sư George, “và được tái khẳng định mạnh mẽ bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô. Đó là các vấn đề liên quan đến bản chất và chức năng của lương tâm, tội lỗi và hành vi luân lý, tội ác nội tại và luật tự nhiên. “

Theo Đức Cha Conley, “một số tiếng nói này” là “rất đáng lo ngại. Và một số tiếng nói ấy là những tiếng nói rất quan trọng - các nhà thần học và thậm chí là giám mục, tổng giám mục và Hồng Y”. Nhưng bất chấp những “chia rẽ sâu sắc” này, vị giám mục nói rằng ông không “bị lung lay”. “Tôi tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần cuối cùng sẽ sắp xếp tất cả và không để Giáo Hội đi ra khỏi đường ngay nẻo chính.”

Đức Cha Conley nói rằng ngài nghĩ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cao các giáo huấn của Giáo Hội. Tuy nhiên, ngài cũng đề cập đến “những gì các tín hữu Công Giáo bị ràng buộc bởi lương tâm phải làm nếu lương tâm được hình thành đúng đắn của họ có sự xung đột với những điều một vị giáo hoàng nói. Đó có thể là Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoặc bất kỳ vị Giáo Hoàng nào.”

Trong những hoàn cảnh như vậy, Đức Cha Conley lập luận rằng cần phải “tuân theo Sensus fidelium”, đó là “niềm tin của Giáo Hội qua các thời đại, ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi”. Đức Cha Conley nêu bật sự tương phản giữa Sensus fidelium là “giáo lý vững chắc, liên tục và đúng đắn của Giáo Hội” – và những quan điểm bất đồng hiện đại, chẳng hạn như, các biện pháp tránh thai.

Đức Cha Conley nói rằng trong lịch sử “hiếm” khi một vị Giáo Hoàng lại nói “điều gì đó mâu thuẫn hoặc không phù hợp về mặt luận lý với giáo huấn vững chắc và liên tục của Giáo Hội về vấn đề đức tin hay luân lý”. Nếu điều này xảy ra, theo Đức Cha Conley, điều quan trọng cần nhớ là “Một vị Giáo Hoàng không thể lật ngược lại những gì đã được dạy một cách không thể sai lầm, cho dù là bởi chính huấn quyền Giáo Hoàng hay bởi một Công Đồng Chung hay bởi các đấng bản quyền của Giáo Hội phổ quát. Đức tin của Giáo Hội không nằm trong tay một vị Giáo Hoàng”.

Đức Cha Conley nói rằng Chân phước John Henry Newman có thể giúp người Công Giáo “hiểu sứ vụ Phêrô, đặc biệt là trong triều đại giáo hoàng hiện nay”. Trong khi Newman “có một sự tôn trọng, vâng lời và ngưỡng mộ giáo hoàng rất lành mạnh”, thì ông cũng “biết rằng không phải mọi phát ngôn phát ra từ miệng giáo hoàng đều là các học thuyết Kitô giáo chân thực nhất.” Đức Cha Conley nói rằng nhận thức này khiến Newman không được lòng nhiều nhân vật quyền thế và có thể đã ngăn Newman trở thành một giám mục. Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 đã tấn phong Hồng Y cho Newman, mặc dù ngài không phải là một giám mục.