Ngày 17-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:15 17/02/2019
35. KHÔNG BIẾT MÌNH XẤU

Vùng đất Nam Kỳ ở trong khe núi thuộc Tần Thục, nước uống ở đây có mùi vị ngọt, nhưng chất đất thì rất xấu, người uống loại nước này thì sinh ra bệnh phù cổ, con cháu đời sau không ai là không bị bệnh phù cổ.

Một hôm có người ở bên ngoài thôn đến, tức thì nam phụ lão ấu đều đến vây quanh quan sát, và lớn tiếng cười nhạo nói:

- “Thật kỳ quái, cái cổ của người này sao lại gầy nhỏ khô ráo như thế, không giống cái cổ của chúng ta chút nào cả !”.

Người ngoài thôn ấy nói:

- “Cái cục nhô lên trên cổ của các anh là một loại bệnh gọi là bệnh tràng nhạc, các anh không chịu tìm thuốc chữa trị thì sao lại cho rằng cái cổ của tôi khô ráo nhỏ chứ ?”

Người đất Nam Kỳ nghe xong thì cười to lên nói:

- “Tất cả chúng tôi ở đây đều như thế cả, làm gì mà phải đi bác sĩ chữa bệnh chứ ?”

Suốt đời họ không biết cái cổ của mình rất là xấu !

(Ứng hài lục)

Suy tư 35:

Người kiêu ngạo thì thường không thấy cái lỗi của mình, mà nếu có thấy thì cũng không thừa nhận, bởi vì họ cứ luôn cho mình là người có lý như người dân ở Nam Kỳ của Tần Thục có cái bướu cổ to vậy.

Người ta thường dễ dàng chấp nhận và thông cảm cho người tội lỗi biết hối hận, hơn là người biết mình sai lỗi mà không chịu thừa nhận lỗi của mình.

Người bị bệnh cổ trướng thì không thấy được cái cổ của mình, nhưng có thể nhìn thấy cái cổ của người khác, mà người kiêu ngạo thì cũng như thế mà thôi: họ chỉ thấy cái khuyết điểm nhỏ không đáng kể nơi tha nhân, nhưng lại không nhìn thấy cái tội và khuyết điểm to lớn nơi bản thân của mình.

Ai hiểu thì tự xét mình vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:18 17/02/2019

83. Nếu chúng ta đem ý chí của mình dâng hiến cho Thiên Chúa, thì có thể khơi dậy sự kết hợp giữa Ngài với chúng ta là kẻ thấp hèn.

(Thánh Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Giáo phận Salina về tình trạng cư trú của Mr. McCarrick
Đặng Tự Do
18:00 17/02/2019
Theodore McCarrick, cựu Tổng Giám mục của Washington, DC, người vừa bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô trục xuất khỏi hàng giáo sĩ vì lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn, sẽ tiếp tục sống tại cư xá dành cho các tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin ở Victoria, Kansas, nơi ông chuyển đến vào tháng 9 năm ngoái.

Giáo phận Salina đã đưa ra một tuyên bố vào hôm thứ Bảy 16 tháng Hai rằng: “Ông McCarrick sẽ tiếp tục cư trú tại Tu viện Thánh Fidelis ở Victoria, Kansas cho đến khi quyết định cuối cùng về nơi thường trú của ông được hoàn tất.”

Tu viện Thánh Fidelis được điều hành bởi dòng Phanxicô Capuchin.

Tuyên bố cũng nói rằng Đức Cha Gerald Vincke, Giám Mục giáo phận Salina, “bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin tại Tu viện Thánh Fidelis trước tình hình khó khăn này.”

Vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc cựu giáo sĩ McCarrick, năm nay gần 89 tuổi, sẽ sống như thế nào trong những ngày sắp tới, mặc dù ông được tường thuật là có đủ các phương tiện tài chính để sống độc lập theo ý mình. Những câu hỏi quan trọng liên quan đến khả năng tài chính của McCarrick - một người rất thành công trong việc gây quỹ - không thể có câu trả lời. Theo thông tấn xã Catholic News Agency, vô phương mà biết được ông ta đã thu góp được bao nhiêu trong suốt hơn sáu thập kỷ làm giáo sĩ.

Vào buổi trưa ngày thứ bảy, Giám đốc lâm thời của Văn phòng Báo chí của Tòa thánh, Alessandro Gisotti, đã xuất hiện trước các phóng viên để đọc thông cáo của Bộ Giáo Lý Đức Tin bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Nói bằng tiếng Anh, ông Gisotti cho biết quy trình tố tụng trong Bộ Giáo lý Đức tin có thể là một trong hai hình thức. Hình thức tư pháp thông thường là thông qua các phiên xử giáo luật. Hình thức thứ hai là hình thức ngoại thường thông qua một thủ tục tố tụng hành chính được áp dụng khi các bằng chứng phạm tội đã quá hiển nhiên. Hình thức thứ hai đã được áp dụng trong trường hợp của McCarrick nhưng ông Gisotti nhấn mạnh rằng: “Tất cả các quyền chính đáng của ông ấy đều được tôn trọng. Tôi có thể khẳng định rằng luật sư của McCarrick, đóng vai trò tích cực trong quá trình thẩm vấn”

Ông Gisotti cũng nói thêm rằng: “Tôi xin nhấn mạnh rằng quyết định này là chung cuộc, không thể kháng cáo.”

Ông Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng đã trích dẫn một thông cáo ngày 6 tháng 10 năm 2018 từ Văn phòng Báo chí của Tòa Thánh, trong đó tuyên bố rằng “Sự lạm dụng và cả sự che đậy tội ác này không còn có thể dung thứ được và một cách đối xử biệt đãi dành riêng cho các Giám mục đã phạm tội hoặc bao che tội lỗi lạm dụng, trên thực tế tiêu biểu cho một hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ trị không còn có thể chấp nhận được.”


Source:Catholic Herald
 
ĐTC cảnh báo sự thờ ngẫu tượng, và nhấn mạnh chính Chúa Giêsu gọi mời chúng ta tới Hạnh phúc
Thanh Quảng sdb
22:14 17/02/2019
ĐTC cảnh báo sự thờ ngẫu tượng, và nhấn mạnh chính Chúa Giêsu gọi mời chúng ta tới Hạnh phúc

Suy tư về Tin Mừng theo Thánh Luca của Chúa Nhật, trong đó Chúa Giêsu công bố Hiến Chương Nước trời của Ngài qua Tám mối Phúc Thật.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tại sao Chúa Giêsu lại tuyên dương phúc cho những ai nghèo khó, cho những ai đói khát, cho người đau khổ, cho những ai bị bắt bớ trong khi Ngài khuyến cáo những kẻ giàu có, những kẻ sung túc, những kẻ vui cười và được người ca ngợi tung hô.
Chúa đã dùng cụm từ "Khốn cho ai", để gửi đến họ một tín hiệu, một sự "đánh thức" họ khỏi sự lừa dối nguy hiểm của ích kỷ hầu hướng họ tới viễn ảnh tình yêu, trong khi họ vẫn còn thời gian để thực hành yêu thương."
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng qua đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa sâu sắc của đức tin, trong sự tín thác hoàn toàn vào Chúa ... và chỉ một mình Ngài mới có thể mang lại cho chúng ta sự tròn đầy của mọi khát vọng, một điều mà chúng ta khó mà tiến đạt tới được.

Mối nguy của sự thờ ngẫu tượng
ĐTC lưu ý chúng ta ngay cả ngày hôm nay, có rất nhiều người tự cho mình là kẻ phân phát hạnh phúc. Họ hứa sẽ giúp người khác tiến đạt thành công một cách nhanh chóng! ĐTC nói những phương thế dẫn tới những lợi nhuận chấp nhoáng, bất luận thông qua bằng những con đường tội lỗi là chống lại điều răn thứ nhất, đó là tôn thờ ngẫu tượng, chứ không tôn thờ một mình Thiên Chúa hằng sống.
Đó là lý do Chúa Giêsu muốn mở mắt chúng ta ra nhìn thấy được thực tại, chúng ta được kêu gọi đến hạnh phúc, nhận được ơn phước và tiến về Thiên Chúa, về Vương quốc của Ngài, chọn một cuộc sống vĩnh cửu thay vì của cải phù du trần thế! ĐTC nói tiếp: chúng ta hạnh phúc vì chúng ta nhận biết chúng ta cần Chúa và giống như Chúa, chúng ta gần gũi với người nghèo, khổ đau và đói khát.

Tám mối phúc thật là một thông điệp cho đường đời
Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: Tám mối phúc thật của Chúa là một thông điệp tiên quyết, thúc đẩy chúng ta không đặt niềm tin vào vật chất nhất thời, không tìm kiếm hạnh phúc chóng qua của người đời, sống ảo!
ĐTC nói: Để có được một cái nhìn sâu sắc về thực tại, để chữa lành những cơn bện kinh niên trần tục đang vây bủa chúng ta. Chính trong những Lời nghịch lý của Tám mối, Chúa đánh động tâm cam chúng ta, khiến chúng ta nhận ra những gì thực sự làm cho chúng ta được sung mãn, hạnh phúc và mang lại cho chúng ta sự sung mãn hạnh phúc tròn đầy của những người con cái Thiên Chúa…
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
„Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh“
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
13:57 17/02/2019
„Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh“(Isaia,6,3)

Trong thánh lễ Misa sau Kinh Tiền tụng, cả nhà thờ đọc hay hát vang rộn rã lời ca tụng Thiên Chúa: Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa“.

Đâu là nguồn gốc cùng ý nghĩa đạo đức thần học lời ca tụng hùng tráng này dâng lên Thiên Chúa?

Lời ca tụng này là câu hát xướng ca tụng Thiên Chúa trên trời do các Thiên Thần ca hát mà Ngôn sứ Isaia trong thị kiến đã nghe và ghi chép lại về quang cảnh Ông được Thiên Chúa kêu gọi trao cho sứ vụ là Ngôn sứ rao giảng Lời Chúa cho dân chúng. ( Isaia 6,1-8).

Lời kinh ca ngợi này cũng là tinh thần lời tạ ơn ca ngợi chào mừng Thiên Chúa mà vua thánh David viết trong Thánh vịnh 118, 25 ….sau khi chiến thắng trở về nhà.

Lời ca ngợi này cũng là lời dân chúng tung hô vạn tuế chào mừng Chúa Giesu ngày xưa cỡi lừa đi vào thành thánh Jerusalem.( Mt 21,9).

Lời ca ngợi tạ ơn Thiên Chúa có nguồn gốc trong Kinh thánh, nhưng tới thế kỷ 4. ở trong vùng Đông phương Syria Palestina hay bên Aicập mới được đưa vào trong thánh lễ Misa.

Lời kinh ca tụng Thánh thánh thánh là thành phần trong thánh lễ Misa diễn tả bao gồm những tâm tình ý nghĩa đạo đức thần học:

- Lời tuyên xưng Thiên Chúa ba Ngôi

- Nhiều Giáo phụ Thánh như các thánh Gioan Chrysostomus, Theodor thành Mopsuestia, Cyrillo thành Alexanria, cho đó là lời loan báo Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người. Chúa Giesu Kito đến chiếu tỏa tình yêu vinh quang Thiên Chúa đến bao phủ trần gian. Vì thế, lời ca tụng thánh thánh thánh được đọc hát xướng trong thánh lễ liền trước Kinh nguyện thánh thể giây phút truyền phép bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Giesu Kito.

- Là lời cảnh báo về một đời sống luân lý sao cho thánh thiện như Chúa là đấng Thánh.

- là lời mời kêu gọi hướng lên đời sống tâm linh.

- Lời kinh diễn tả khoảnh khắc thần thánh sự nối kết giữa trời và đất.

Lời kinh ca tụng này không chỉ theo phương diện kỹ thuật lễ nghi là một thành phần được đọc ca hát trong thánh lễ Misa, nhưng đó cũng là lời cầu nguyện của Giáo hội của dân Chúa.

Và xưa nay trong dòng lịch sử thời gian đã có không biết bao nhiêu nhà đạo đức thần học có năng khiếu thi ca nhạc sĩ đã suy gẫm cảm hứng viết thành những ca khúc bài hát dài ngắn khác nhau danh tiếng hùng tráng, giúp cho người hát, người nghe cảm thấm được tinh thần đạo đức của lời kinh ca tụng này.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thông Báo
Không vào được VietCatholic, không thấy gì mới, phải làm sao?
VietCatholic Network
17:00 17/02/2019
Kính thưa quý vị và anh chị em,

1. Một số vị hỏi trong những ngày qua chúng tôi có nghỉ Tết không, có gặp “sự cố” gì không vì vào VietCatholic chỉ thấy bài cũ, không thấy bài mới.

Thưa: chúng tôi không nghỉ Tết vì Đức Thánh Cha tông du Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đúng vào dịp Tết, bao nhiêu bài phải tường thuật nên chúng tôi vẫn làm việc liên tục không nghỉ ngày nào.

Chúng tôi cũng chẳng gặp trục trặc kỹ thuật gì cả.

Nếu quý vị vào VietCatholic xem mà không thấy gì mới hay không thể vào được thì phải làm sao?

Thưa: quý vị và anh chị em có thể nhấn F5 để refresh cái chương trình duyệt Internet (browser).

Nếu vẫn thấy không thay đổi thì có thể thử nhiều địa chỉ khác nhau.

http://vietcatholic.org
http://vietcatholic.net
http://vietcatholicnews.org

2. Khi vào VietCatholic tôi thấy trên màn hình đề chữ Not secure. VietCatholic không an toàn à?

Giao thức phổ biến để truyền dữ liệu từ máy quý vị và anh chị em đến server (tức là đến máy mà quý vị và anh chị em muốn truy nhập vào) là http.

Phương thức truyền tải dữ liệu này dùng văn bản giản đơn (plain text) không được mã hoá. Những ai trên đường truyền từ máy quý vị và anh chị em đến server có thể đọc được dễ dàng. Chính vì thế, nếu quý vị và anh chị em vào một site bằng http thì browser báo là “Not secure” để cảnh giác mình. Nếu quý vị và anh chị em chỉ đơn giản là vào xem thông tin thì chẳng có vấn đề gì.

Nhưng nếu quý vị và anh chị em mua hàng trên Net hay nói chung là thực hiện các công việc phải cho người ta biết những chi tiết cá nhân của mình như credit card, ngày sinh… thì đừng dùng http mà dùng https. Phương thức thứ hai này sẽ mã hóa dữ liệu trên đường chuyền, do đó, an toàn hơn.

Khi vào VietCatholic, quý vị và anh chị em chỉ xem thông tin nên cứ dùng http.

Tuy nhiên, nếu thích thì cứ đánh https://vietcatholic.org. Đây hoàn toàn là nhiệm ý, không nhất thiết phải như vậy.



 
VietCatholic TV
Đức Giáo Hoàng trục xuất McCarrick khỏi hàng giáo sĩ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:15 17/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong chương trình thời sự đặc biệt này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em một quyết định quan trọng của Đức Giáo Hoàng và Bộ Giáo Lý Đức Tin vừa được công bố hôm thứ Bẩy 16 tháng Hai.

Trong Tuyên bố trên Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết như sau:

Vào ngày 11 tháng Giêng năm 2019, Hội Nghị của Bộ Giáo Lý Đức Tin, khi kết thúc một tiến trình tố tụng, đã ra một nghị định về việc tìm thấy Theodore Edgar McCarrick, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Washington, DC, đã phạm vào các tội sau trong khi là một giáo sĩ: đó là gạ gẫm trong Bí tích Giải tội và phạm Điều răn thứ Sáu, với yếu tố gia trọng là lạm dụng quyền lực.

Hội Nghị đã tuyên phạt trục xuất đương sự khỏi hàng giáo sĩ. Vào ngày 13 tháng Hai năm 2019, Phiên họp thường kỳ mỗi thứ Tư hàng tuần của Bộ Giáo lý Đức tin đã cân nhắc kháng cáo của đương sự đối với quyết định này. Sau khi xem xét các lập luận kháng cáo, Phiên họp thường kỳ đã chuẩn y sắc lệnh của Hội Nghị. Quyết định này đã được thông báo cho Theodore McCarrick vào ngày 15 tháng Hai năm 2019. Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đã công nhận bản chất chung cuộc của quyết định này được đưa ra theo đúng pháp luật, xem nó là một res iudicata – phán quyết chung thẩm (tức là, xác nhận rằng miễn bàn cãi thêm nữa)”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi vừa nêu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Bộ Giáo lý Đức tin, đã ra lệnh trục xuất khỏi hàng giáo sĩ Theodore McCarrick, nguyên là một Hồng Y và Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của tổng giáo phận Washington, và là một nhân vật đầy thế giá trong Giáo Hội, trong giới ngoại giao và chính trị tại Hoa Kỳ, cũng như trên thế giới.

Quyết định này đã được Tòa Thánh công bố vào ngày thứ Bẩy 16 tháng Hai theo sau một “thủ tục tố tụng hành chính” do Bộ Giáo Lý Đức Tin tiến hành, trong đó McCarrick bị kết tội “gạ gẫm trong Bí tích Giải tội, và phạm vào Điều răn thứ Sáu với trẻ vị thành niên và người lớn, với yếu tố gia trọng là lạm dụng quyền lực”.

Việc kết án được đưa ra theo một “thủ tục tố tụng hành chính”, là một cơ chế tố tụng nhanh gọn được sử dụng trong các trường hợp những bằng chứng phạm tội đã quá rõ ràng đến mức không cần thiết phải xét xử đầy đủ.

Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn bản án và truyền lệnh trục xuất khỏi hàng giáo sĩ, đương sự không có quyền kháng cáo, bản án không thể bị đảo ngược. Nói cách khác, phán quyết này là chung cuộc.

Tuyên bố của Tòa Thánh vào ngày 16 tháng Hai cho biết rằng phán quyết McCarrick có tội đã được công bố vào ngày 11 tháng Giêng. Đương sự kháng cáo nhưng đã bị Bộ Giáo Lý Đức Tin bác bỏ vào ngày thứ Tư 13 tháng Hai.

McCarrick đã được thông báo về quyết định trục xuất khỏi hàng giáo sĩ vào ngày 15 tháng Hai và Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đã công nhận bản chất chung cuộc của quyết định này được đưa ra theo đúng pháp luật, xem nó là một res iudicata /ras ju-di-ka-ta/- phán quyết chung thẩm (tức là, xác nhận rằng miễn bàn cãi thêm nữa)”

McCarrick, 88 tuổi, đã bị buộc tội công khai hồi năm ngoái vì đã lạm dụng tình dục ít nhất hai cậu bé vị thành niên, và trong nhiều thập kỷ đã có các hành vi cưỡng ép tình dục đối với các linh mục và chủng sinh.

Các cáo buộc được công bố lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2018, khi Tổng giáo phận New York báo cáo rằng họ đã nhận được một cáo buộc “đáng tin cậy” rằng McCarrick lạm dụng tình dục một cậu bé tuổi thiếu niên vào những năm 1970, khi đang làm linh mục ở New York. Cũng trong tháng Sáu vừa qua, theo sự chỉ đạo của Tòa Thánh, McCarrick bị buộc không được thi hành các thừa tác vụ công khai.

Tháng 7 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chấp nhận đơn từ chức khỏi Hồng Y đoàn của McCarrick và ra lệnh cho ông ta phải sống một cuộc đời cầu nguyện và đền tội trong khi chờ Tòa Thánh hoàn thành các tiến trình điều tra về giáo luật liên quan đến các cáo buộc. Kể từ cuối tháng 9, McCarrick đã cư trú tại cư xá St. Fidelis dành cho các thầy dòng Capuchin ở Victoria, Kansas.

James Grein là nhân vật chính trong số những người tố cáo McCarrick. James đã đưa ra các bằng chứng trước các viên chức đại diện cho tổng giáo phận New York vào ngày 27 tháng 12 năm ngoái. Cuộc điều trần này là một phần trong cuộc điều tra của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Grein cho biết McCarrick, là một người bạn của gia đình anh, đã lạm dụng tình dục anh trong một khoảng thời gian nhiều năm, bắt đầu từ khi anh lên 11 tuổi. Anh ta cũng tố cáo McCarrick đã lạm dụng tính dục anh ngay trong tòa giải tội. Chỉ với tội này mà thôi, McCarrick đã vi phạm giáo luật một cách nghiêm trọng, đến mức đáng lãnh hình phạt trục xuất khỏi hàng giáo sĩ.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng đã nhận được báo cáo từ một nạn nhân khác của McCarrick – bị lạm dụng tính dục ở tuổi 13; và của 8 nạn nhân là các chủng sinh trong các giáo phận Newark và Metuchen ở New Jersey, nơi McCarrick từng là giám mục trước đây.

Trong tư cách là Tổng Giám Mục Washington, D.C., và trước đó là Giám mục Metuchen và Tổng Giám mục Newark, McCarrick đã chiếm một vị trí nổi bật trong Giáo hội Hoa Kỳ.

Ông cũng là người tham gia hàng đầu trong việc phát triển Hiến chương Dallas và Các Tiêu Chuẩn Thiết Yếu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nhằm thiết lập các thủ tục giải quyết các cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan đến các linh mục.

Mặc dù bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ, về mặt bí tích mà nói, McCarrick vẫn còn là giám mục, vì một khi được tấn phong, bí tích truyền chức linh mục và tấn phong giám mục không thể bị hủy bỏ.

Hình phạt trục xuất khỏi giáo sĩ - thường được gọi là huyền chức hay hồi tục - ngăn McCarrick không được tự xưng hoặc hoạt động như một linh mục, dù ở nơi công cộng hoặc trong chốn riêng tư. Vì việc phong chức có một đặc tính bí tích, nên không thể bị hủy bỏ bằng một quyết định của Giáo Hội. Tuy nhiên, theo sau việc huyền chức, ông ta bị tước bỏ tất cả quyền lợi và đặc quyền của một giáo sĩ bao gồm, về mặt lý thuyết, quyền nhận được hỗ trợ tài chính từ Giáo Hội.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám mục Galveston-Houston và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố sau đây về quyết định của Tòa Thánh trục xuất Theodore McCarrick khỏi hàng giáo sĩ.

Toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y DiNardo như sau:

“Thông báo của Tòa Thánh liên quan đến Theodore McCarrick là một tín hiệu rõ ràng rằng lạm dụng sẽ không được dung thứ. Không có giám mục nào, dù có ảnh hưởng đến đâu, được ngồi trên giáo luật. Đối với tất cả những người bị McCarrick lạm dụng, tôi cầu nguyện cho phán quyết này sẽ là một bước nhỏ, trong số nhiều bước khác, hướng đến việc chữa lành. Đối với các giám mục chúng tôi, điều này củng cố quyết tâm của chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tôi biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đường lối quyết liệt mà ngài đã dẫn dắt Giáo hội trong việc đáp trả.

Nếu anh chị em đã từng bị lạm dụng tình dục dưới tay của ai đó trong Giáo Hội Công Giáo, xin vui lòng liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật địa phương của anh chị em và giáo phận địa phương hoặc giáo phận Công Giáo Đông phương. Các Điều Phối Viên Hỗ Trợ Nạn Nhân sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi quyết tâm dấn thân trong việc chữa lành và hòa giải.”

Đức Hồng Y Daniel DiNardo

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ trước tin McCarrick bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Dù là ngày cuối tuần, bận rộn với các nghi lễ phải cử hành, các giám mục trên toàn cõi Hoa Kỳ đã đưa ra các phản ứng trước tin tức Theodore McCarrick đã bị kết tội lạm dụng tình dục và bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ.

Bản tuyên bố đưa ra hôm thứ Bảy của Tổng giáo phận Washington viết:

“Việc áp đặt hình phạt trục xuất khỏi hàng giáo sĩ đối với cựu Tổng Giám mục Theodore E. McCarrick, và như thế cấm ông bất kỳ thừa tác vụ tư tế nào, nhấn mạnh sự nghiêm trọng trong các hành động của ông.”

McCarrick là Tổng Giám Mục thủ đô Washington từ năm 2001 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2006.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết hình phạt của Vatican đối với McCarrick là một tín hiệu rõ ràng rằng lạm dụng sẽ không được dung thứ.

Ngài nói thêm:

“Không có giám mục nào, dù có ảnh hưởng đến đâu, được ngồi trên giáo luật. Đối với tất cả những người bị McCarrick lạm dụng, tôi cầu nguyện cho phán quyết này sẽ là một bước nhỏ, trong số nhiều bước khác, hướng đến việc chữa lành.”

Đức Hồng Y DiNardo nhận định rằng đối với các giám mục anh em của ngài “điều này củng cố quyết tâm của chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tôi biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đường lối quyết liệt mà ngài đã dẫn dắt Giáo Hội trong việc đáp trả.”

Đức Hồng Y Joseph Tobin, là Tổng Giám Mục Newark, nhiệm sở cũ của McCarrick cho biết trong một tuyên bố khác rằng McCarrick và những kẻ lạm dụng giáo sĩ khác đã “chà đạp một sự tin tưởng thiêng liêng”, và gây ra tổn hại khôn lường cho cuộc sống của nạn nhân - già trẻ.

“Đối với tất cả những người bị giáo sĩ lạm dụng, đặc biệt là các nạn nhân của Theodore McCarrick, tôi tiếp tục bày tỏ nỗi buồn sâu sắc và xin lỗi họ với những lời xin lỗi chân thành về sự đau khổ suốt đời mà anh chị em phải chịu đựng,” Đức Hồng Y Tobin nói.

“Bất kể những hành vi sai trái đáng trách và những tội ác của tất cả những người đã lạm dụng trẻ vị thành niên, chúng ta phải kiên vững thách thức bản thân mình để tiếp tục theo Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta trong Giáo Hội của Người, nơi sức mạnh chữa lành của tình yêu Thiên Chúa được thể hiện mỗi ngày.”

Tổng giáo phận Washington bày tỏ hy vọng quyết định của Vatican sẽ hỗ trợ những nạn nhân bị lạm dụng tính dục trong tiến trình chữa lành và trấn an những người đã thất vọng hoặc vỡ mộng vì những gì cựu Tổng giám mục McCarrick đã làm.

Đức Cha James F. Checchio ở Metuchen, New Jersey, cũng là một giáo phận cũ của McCarrick, đã đưa ra một tuyên bố vào hôm thứ Bảy, trong đó ngài phản ảnh những cảm xúc đa dạng của anh chị em giáo dân, và các linh mục nam nữ tu sĩ trong giáo phận của ngài trước tin Đức Giáo Hoàng trục xuất McCarrick khỏi hàng giáo sĩ.

“Hôm nay tôi cầu nguyện cách riêng cho những giáo dân và linh mục là những nạn nhân của Theodore McCarrick,” Đức Cha Checchio viết.

“Mặc dù tin tức này không làm tan biến đi những nỗi đau mà những nạn nhân này đã phải trải qua, nhưng tôi hy vọng rằng một bước tiến nữa vừa được thực hiện cho sự chữa lành của họ và đó là một tuyên bố mạnh mẽ của Giáo Hội rằng những tội ác và tội lỗi này chắc chắn sẽ không được dung thứ.”

Đức Cha Checchio cũng lưu ý rằng trên thực tế McCarrick là giám mục tiên khởi của giáo phận Metuchen sau khi được thành lập năm 1981.

“Theodore McCarrick sẽ luôn gắn liền với lịch sử của giáo phận chúng ta và di sản của ông đáng tiếc đã trở thành một trong những biểu tượng tai tiếng và phản bội,” ngài viết.

“Tuy nhiên, tôi đã được nhắc nhở khi cầu nguyện rằng giáo phận của chúng ta không được thành lập trên nền tảng của Theodore McCarrick, mà là trên nền tảng của Chúa Kitô, Đấng làm mới Giáo Hội của Ngài trong mọi thời đại ... Tôi rất biết ơn sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hành động dứt khoát, khi tiến hành quá trình điều tra và đi đến kết luận thích hợp này.”

Đức Cha Checchio cũng nhắc lại sự ủng hộ của ngài đối với “tất cả những ai đã bị lạm dụng và trở thành nạn nhân của các giáo sĩ” và ngài khuyến khích các nạn nhân hãy tiến ra tố cáo.

“Kể từ lần đầu tiên khi ân sủng của Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên các tín hữu tiên khởi, qua nhiều thời đại, Giáo Hội đã từng bị bao vây bởi những vụ tai tiếng và những phản bội gây chia rẽ,”.

“Tuy nhiên, những thất bại đó không định nghĩa Giáo Hội của chúng ta, mà là làm chứng cho sự thật rằng Chúa Kitô tiếp tục làm việc thông qua những thất bại bằng cách kêu gọi tất cả chúng ta đến với một cuộc sống sám hối và thánh thiện.”
 
Giáo Hội Năm Châu 18/02/2019: Ủng hộ chính nghĩa tự do chống độc tài của hàng giáo phẩm Venezuela
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:22 17/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sau sáu năm từ nhiệm Đức Thánh Cha Danh dự Benedictô suy tư về: Huấn quyền của Vị Đại diện Thánh Phêrô

Ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Thánh Cha Benedictô XVI tuyên bố từ chức. Vị Giám đốc chủ biên tờ tin Vatican nhìn lại sự kiện và cho rằng có thể đây là một sai lầm mỗi khi ngài nghĩ đến Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI.

Tác giả Andrea Tornielli cho hay sau sáu năm trôi qua, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên về việc từ chức của Đức Giáo Hoàng vì lý do sức khỏe và lớn tuổi được công bố. Sau tám năm của Triều đại Giáo hoàng của Ngài, Đức Benedictô XVI tuyên bố ý định từ chức chức vụ đại diện Thánh Phêrô vào cuối tháng 2; vì Ngài cảm thấy không thể chu toàn sứ vụ này cách hữu hiệu cả về thể chất lẫn tinh thần - một quyết định đã gây sốc, làm đảo lộn những truyền thống lâu đời trong quá khứ suốt nhiều thế kỷ qua... cả về mặt truyền thống, dấn thân và ảnh hưởng quốc tế.

Những suy tư của Đức Benedictô XVI

Nhiều điều đã được nói và viết về sự từ nhiệm này của Đức Benedictô XVI. Kết quả là chúng ta đối diện với nguy cơ chỉ tập trung hoàn toàn vào chính sự việc từ chức, mà không lưu ý tới tâm tình và trên hết là ý niệm về Huấn quyền của Đức Benedictô XVI.

Chỉ ít ngày sau Đức Benedictô từ nhiệm thì một Hội nghị Bảo vệ trẻ vị thành niên được tổ chức tại Vatican, với sự tham gia của các vị Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục từ khắp nơi trên thế giới, họp lại cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô. Theo như những suy tư của Đức Benedictô thì điều cần phải nhìn nhận là chính Ngài là người đã bắt đầu gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng. Các cuộc họp này được diễn ra cách thầm lặng không kèn không trống của các phương tiện truyền thông báo chí và Truyền hình! Nhưng đã diễn ra trong thinh lặng, lắng nghe, cầu nguyện và nước mắt. Đi cùng với các cuộc họp này là các quy luật rõ ràng và quyết đoán mạnh mẽ để chống lại căn bệnh dịch khủng khiếp của việc lạm dụng tính dục này.

Ngày nay, không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều thay đổi cần thiết về tâm lý, về phía các giám mục và các cấp bề trên dòng tu, trước hết là tạo ra các cuộc họp để gặp gỡ các nạn nhân và gia đình họ. Tiến trình này đòi hỏi phải đồng cảm với những nỗi đau của những câu chuyện mang nhiều bi kịch của họ, với một ý thức rằng hiện tượng này chưa bao giờ được đối diện với các quy tắc và quy luật nhằm đề ra một cách giải quyết tốt nhất...

Huấn quyền theo Đức Benedictô XVI

Huấn quyền theo Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI thường được nhìn và diễn giải cách đơn giản, được lồng trong những khuôn đúc có sẵn, chứ không được nhìn dưới nhãn quan phong phú, phức tạp hầu trung thành với những lời giảng dạy của Công đồng Vatican II. Làm sao chúng ta không nhớ được niềm xác tín của Ngài về Giáo hội “không có gì là của riêng Giáo Hội mà mọi sự thuộc về Đấng sáng lập ra Giáo Hội, để Giáo Hội có thể tuyên xưng: đây là một điều tuyệt vời mà chúng ta có thể làm! Sự gắn bó của Giáo hội vào Chúa hầu trở thành nguồn ơn cứu chuộc cho chính mình và tha nhân qua lời của Chúa và làm thế giới được hiệp nhất yêu thương trong Chúa “.

Đó là tầm nhìn với sự tin tưởng vào các chiến lược và dự án như Đức Benedictô đã phát biểu trong buổi hòa nhạc ở Freiburg im Breisgau, vào tháng 9 năm 2011, Ngài đã mô tả cái nhìn của Ngài về Giáo hội: “Khi Giáo hội thực sự là Giáo Hội, Giáo hội ấy phải luôn chuyển động; sự phục vụ của sứ mệnh mà Giáo hội đã nhận lãnh từ Chúa. Do đó, Giáo hội phải luôn luôn mở rộng trước những quan tâm của thế giới, mà chính Giáo hội đang là thành phần, dấn thân để hiện diện và tiếp tục thánh hóa thế giới qua chính mầu nhiệm Nhập thể của vì Thiên Chúa”.

Cũng trong bài phát biểu đó, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI cảnh báo chống lại khuynh hướng: một Giáo hội tự thỏa mãn hài lòng, co ro trong một nơi chốn của thế giới này... Giáo hội không được co rút vào những việc tổ chức và thể chế hóa hơn là sống ơn gọi của mình theo ý định của Thiên Chúa. Qua lời phát biểu đó, Đức Giáo Hoàng Benedictô đã thể hiện một cách tích cực phương diện trần thế, đóng góp đáng kể vào việc thanh tẩy và cải cách nội tâm” của Giáo hội, bằng cách phân quyền và loại bỏ các đặc quyền của mình như Ngài đã kết luận, “một khi được giải phóng khỏi gánh nặng vật chất, chính trị và đặc quyền, Giáo hội có thể tiếp cận hiệu quả hơn và sống thực sự tinh thần Kitô giáo với thế giới, Giáo hội ấy có thể thực sự mở lòng mình ra cho thế giới. Giáo hội ấy có thể sống tự do hơn với ơn gọi của mình, chu toàn bổn phận thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân”

2. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm mục vụ Tổng Giáo phận Naples của Ý vào tháng 6

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vừa thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm mục vụ Tổng Giáo phận Naples của Ý vào ngày 21 tháng 6.

Trong chuyến viếng thăm mục vụ này vào ngày 21 tháng 6 năm 2019, Đức Thánh Cha sẽ tham dự cuộc họp Thần học hội thảo về Tông huấn “Niềm Vui của Chân Lý” (Veritatis Gaudium) trong bối cảnh Địa Trung Hải.

Trong một thông báo được loan ra vào thứ Hai vừa qua, Vị Giám đốc lâm thời của Văn phòng Báo chí Vatican, Ông Alessandro Gisotti, cho biết Đức Thánh Cha sẽ đến vào khoảng 9 giờ sáng và tham gia phần đúc kết của những tham dự viên trong Đại hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám mục của Napoli, Đức Giám Mục Francesco Marino của Giáo phận Nola, và Cha Arturo Sosa, Bề trên cả của Dòng Tên tiếp đón.

Hội nghị được Phân Khoa Thần học của Đại học Giáo hoàng Thánh Louis miền Nam nước Ý tổ chức.

Theo thông cáo báo chí thì Đức Thánh Cha sẽ thuyết trình chủ đề gặp gỡ với Chúa, trước khi Ngài trở về lại Vatican vào buổi chiều.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã quyết định thực hiện một chuyến viếng thăm mục vụ đến Tổng Giáo phận Napoli vào ngày 21 tháng 3 năm 2019 sắp tới.

3. Ái Nhĩ Lan thắp những nến đền tội để cầu nguyện cho cuộc họp thượng đỉnh về nạn lạm dụng tính dục

Mười ngày trước cuộc họp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rôma, từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 2, với các chủ tịch, hay đại diện, của tất cả các Hội đồng Giám mục để thảo luận về việc bảo vệ trẻ em trong toàn Giáo hội, Ái Nhĩ Lan sẽ tổ chức Ngày cầu nguyện hàng năm cho những nạn nhân bị lạm dụng tình dục vào ngày Thứ Sáu, 15 tháng Hai.

Trong ngày này, một lời cầu nguyện đặc biệt được soạn ra cho dịp này sẽ được đọc trước “những ngọn nến Đền Tội” được thắp sáng tại các nhà thờ và giáo xứ trên khắp Ái Nhĩ Lan để “cầu xin sự tha thứ cho một Giáo hội quá đau khổ vì tội lỗi lạm dụng”, Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của tổng giáo phận Armagh và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan cho biết như trên.

“Khi thắp lên những ngọn nến này chúng ta hãy nhớ đến những anh chị em của chúng ta, và gia đình của họ, những người đã phải chịu một nỗi đau suốt đời vì bị lạm dụng, niềm tin đã bị phản bội sâu sắc và đã bị thử thách tàn nhẫn Trong những tuần gần đây, tôi đã vinh dự gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng và các thành viên trong gia đình họ ở bốn tỉnh của Ái Nhĩ Lan. Nhiều người đã nói với tôi về tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho những nạn nhân và nhu cầu của Giáo hội phải cởi mở với công lý, đền tội và không bao giờ quên họ. Tôi đã bị rúng động bởi lòng can đảm của họ và bị choáng ngợp bởi sự hào phóng của họ. Ý định của tôi là truyền đạt kinh nghiệm sống và hiểu biết của những nạn nhân ở Ái Nhĩ Lan, và của cả cá nhân tôi cho Đức Thánh Cha Phanxicô, và rộng rãi hơn cho các thành viên trong cuộc họp ở Rôma vào cuối tháng này.”

Đức Tổng Giám Mục Martin khuyến khích các giáo phận và giáo xứ trên khắp Ái Nhĩ Lan thực hiện sáng kiến cầu nguyện mới này và thắp “ngọn nến đền tội” trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục với Đức Thánh Cha tại Rôma.

Ngài nhấn mạnh rằng “Những ngọn nến là một dấu chỉ của sự ăn năn, là ánh sáng trong bóng tối, và là hy vọng”.

Lời cầu nguyện được dâng lên khi thắp sáng các ngọn nến này là: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con là những kẻ đã phạm quá nhiều tội lỗi. Chúng con đau buồn và ăn năn với tất cả trái tim của chúng con vì đã xúc phạm Chúa, vì những thất bại trầm trọng và sự bỏ bê những người trẻ tuổi và dễ bị tổn thương. Lạy Chúa, xin mang lại sự bình an cho cuộc sống tan vỡ của họ và chỉ cho chúng con thấy mọi phương cách để thoát khỏi bóng tối và đi vào ánh sáng của Lời Chúa.”

4. Sĩ quan binh lính Venezuela ngăn cản viện trợ lương thực và y tế là phạm vào tội ác chiến tranh

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Catholic News Agency, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio nói rằng lệnh ngăn chặn viện trợ qua biên giới là bất hợp pháp. Các sĩ quan và binh lính Venezuela phải từ chối thi hành lệnh này.

“Họ đang được yêu cầu làm một điều bất hợp pháp, họ đang được yêu cầu làm một điều - mà nếu đây là một cuộc xung đột vũ trang – thì chắc chắn nó sẽ cấu thành một tội ác chiến tranh”, Rubio nói.

“Theo Công ước Geneva, việc từ chối vận chuyển thực phẩm và thuốc men đến dân cư sẽ là một tội ác chiến tranh - đó là những gì họ được yêu cầu tham gia.”

Ông Marco Rubio là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc tiểu bang Florida, và là một chiến lược gia và cố vấn chính cho chính quyền Trump trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo ở Venezuela.

Rubio nói rằng trong khi hỗ trợ quốc tế là quan trọng, cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo ngày càng leo thang ở Venezuela chỉ có thể được chấm dứt bởi hàng lãnh đạo và dân chúng của quốc gia.

“Cuối cùng, vấn đề được đặt trên vai người dân Venezuela, bao gồm cả các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia, lực lượng vũ trang và lực lượng cảnh sát. Họ phải tự quyết định vận mệnh và tương lai của chính họ.”

“Cộng đồng quốc tế chỉ có thể giúp đỡ và hỗ trợ, nhưng chính họ phải hành động.”

Thượng nghị sĩ Rubio nhấn mạnh rằng Maduro phải từ bỏ quyền lực để mang lại sự ổn định cho một quốc gia đã phải chứng kiến hơn 3 triệu người chạy trốn khỏi đất nước kể từ năm 2015 trong bối cảnh lạm phát gia tăng, và thiếu lương thực, thuốc men.

Các tình huống mà Maduro có thể bị thuyết phục từ bỏ quyền lực là không rõ ràng, thượng nghị sĩ nói.

“Anh hỏi tôi có nghĩ Maduro cuối cùng sẽ mất quyền lực hay không? Tôi tuyệt đối tin vào điều đó. Hắn ta sẽ làm điều đó một cách tự nguyện hay không thì tôi không biết. Nhưng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào những người hộ hắn ta.”

“Đây là điểm mấu chốt: quân nhân các cấp không ủng hộ Maduro, nhưng họ không sẵn sàng đối mặt với những hậu quả rất nghiêm trọng khi đoạn tuyệt với hắn ta.”

“Có bốn hoặc năm nhà lãnh đạo quân sự cấp cao, bắt đầu với bộ trưởng quốc phòng Vladimir Padrino López, nếu họ công nhận chính phủ lâm thời, thì đó sẽ là ngày tàn của chế độ Maduro.”

5. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ủng hộ hàng giáo phẩm Venezuela

Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, của tổng giáo phận Quân Đội Hoa Kỳ và là Chủ tịch Hoa Kỳ Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế đã ra tuyên bố sau đây bày tỏ tình đoàn kết với các Giám mục Venezuela.

“Thay mặt Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, tôi bày tỏ tình đoàn kết với các Giám mục Venezuela, và với tất cả những người làm việc vì một giải pháp hòa bình và chính đáng cho cuộc khủng hoảng ở đó. Tình hình nhân đạo thật thảm khốc. Suy dinh dưỡng nghiêm trọng và tử vong thậm chí chỉ vì các căn bệnh thông thường, đã khiến cho số người Venezuela chịu ảnh hưởng ngày càng tăng.

Tôi biết ơn sự cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo rất cần thiết cho người Venezuela. Tôi kêu gọi chính quyền giúp tạo điều kiện cung cấp hỗ trợ nhân đạo, và, khi cần thiết, giúp phối hợp các lựa chọn di cư an toàn, để tránh nhiều đau khổ hơn nữa. Giáo hội tại Venezuela, như các giám mục tuyên bố vào ngày 4 tháng 2, hành động ‘theo nguyên tắc độc lập, khách quan và nhân bản’, và sẵn sàng giúp đỡ phân phối các trợ giúp một cách công bằng và đồng đều.

Xin Đức Mẹ Coromoto, Đấng bảo trợ của Venezuela, phù hộ tất cả người Venezuela khi họ cố giành lại hòa bình và thịnh vượng ở đất nước họ.”

6. Ðức Hồng Y Parolin cho biết Tòa Thánh trung lập về Venezuela

Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết lập trường của Tòa Thánh trước cuộc khủng hoảng hiện nay ở Venezuela là một “thái độ trung lập tích cực.

Tuyên bố trên đài truyền hình TV2000 của Hội Ðồng Giám Mục Italia, Ðức Hồng Y Parolin nói: “Chính Tổng thống Nicolás Maduro và Tổng thống lâm thời Juan Guaidó là những người phải xin Tòa Thánh làm trung gian giữa họ nếu họ muốn.. Thái độ của Tòa Thánh trong vấn đề này là trung lập tích cực, chứ không phải là thái độ của những người đứng trước cửa sổ nhìn xem sự việc trong thái độ của người bàng quan, dửng dưng. Thái độ của Tòa Thánh là ở trên các phe xung đột.”

Trên chuyến bay từ Abu Dhabi về Roma hôm 5 tháng 2 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng tuyên bố rằng để Tòa Thánh làm trung gian, thì phải có lời thỉnh cầu của hai bên. Cho đến nay chỉ có phía tổng thống Maduro yêu cầu về việc này.

7. Thông điệp Đức Thánh Cha gửi cho Hội nghị thượng đỉnh các Chính phủ trên thế giới: “Thiếu tình Đoàn kết thì không thể có sự phát triển”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bằng video tới những thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh các chính phủ thế giới, diễn ra tại Dubai, tại Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Các nhà lãnh đạo thế giới hiện đang họp tại Hội nghị thượng đỉnh các chính phủ trên thế giới, diễn ra tại Dubai từ ngày 10-12 / 2. Trong thông điệp video của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chào thân ái tới các tham dự viên của Hội nghị thượng đỉnh và nhắc nhớ lại chuyến thăm của Ngài tới các quốc gia trong Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hồi đầu tháng này. Tôi đã hân hạnh được gặp gỡi một số quí quốc đang nỗ lực hướng đến tương lai mà không quên cội nguồn của quí quốc. Tôi cũng chứng kiến những nỗ lực của quí vị đang tìm cách vun trồng làm nẩy sinh những bông hoa tươi nở và phát sinh ngay giữa sa mạc. Tôi đã trở về Vatican với hy vọng nhiều nơi sa mạc trên thế giới cũng có thể làm trổ sinh hoa trái như nơi quí quốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi hướng về quí vị và hiệp thông với quí vị trong những ngày này, khi quí vị phải đối diện với các vấn đề cơ bản bao gồm các thách đố chính trị, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và sử dụng công nghệ”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: chúng ta không thể thực sự nói về sự phát triển bền vững, nếu không có sự đoàn kết. Đức Thánh Cha kết thúc thông điệp của mình bằng tri ơn các tham dự viên và đoan chắc cùng tất cả tâm tình cầu nguyện và phép lành xin Thiên Chúa ban phước lành cho quí vị trong công cuộc kiến tạo một thế giới công bằng và thịnh vượng hơn cho mọi người”.

8. Linh mục đầu tiên của bộ lạc Asmat, Indonesia.

Trong dịp Ðức cha Aactsius Murwito, giám mục địa phương, đã truyền chức phó tế cho ba thầy. Ơn gọi thánh hiến trong giáo phận rất hiếm: không có tiểu chủng viện và các bộ lạc là dân du mục. Năm 2018, khu vực này có 70 trẻ em chết do mắc bệnh sởi và các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng.

Việc truyền chức linh mục cho phó tế Moses Amiset, linh mục đầu tiên của bộ lạc Asmat, là niềm vui cho cả Giáo hội Indonesia, nhưng trên hết là cho giáo phận Agats thuộc Papua, tỉnh cực đông của vùng có dân số chủ yếu là Kitô giáo. Thánh lễ được cử hành vào ngày 02 tháng 02 năm 2019 tại nhà thờ Thánh Giá ở Agats. Ðức cha Aactsius Murwito, giám mục địa phương, cũng đã truyền chức phó tế cho: thầy Laurensius A. Kupea, thầy Innocentius Nurmalay và thầy Yohanis Laritembun.

Asmat là vùng lãnh thổ nghèo và xa nhất của Papua, ơn gọi ít do các nguyên nhân khác nhau; một trong những nguyên nhân đó là do Agats không có tiểu chủng viện. Hầu hết các chủng sinh của giáo phận đến từ các đảo Maluku phía đông nam và Flores, hai “lãnh thổ Công Giáo” của Indonesia.

Cha Bobby Harimapen, cha sở của giáo xứ Agats cho biết Ðức cha Murwito đã giao cho cha Moses chăm sóc mục vụ giáo xứ Kamur. Tân linh mục sinh năm 1982 tại Pau, Asmat. Tại đây, cha đã sống những năm đầu đời, trước khi chuyển đến Tual để theo học trường trung học. Từ năm 2005 đến 2006, cha đã hoàn thành năm chuẩn bị cho đời sống tôn giáo ở Sorong, một thành phố lớn của Papua. Cha Moses đã hoàn thành triết học và thần học tại Jayapura, trước khi được sai đi thi hành việc mục vụ tại giáo xứ Bayun giữa năm 2013 và 2014. Cha đã được truyền chức phó tế trong năm 2017 tại giáo xứ Atsj.

Giáo phận Agats là một lãnh thổ rất biệt lập, với những đặc điểm độc đáo không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên quần đảo Indonesia rộng lớn. Năm 2018, khu vực này đã gặp phải tình trạng khẩn cấp nhân đạo nghiêm trọng; hơn 70 trẻ em chết do mắc bệnh sởi và các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng. Giáo Hội Công Giáo địa phương là một trong những tổ chức đầu tiên đã hỗ trợ người dân bản địa. Ðức cha Murwito đã phối hợp hai nhóm tình nguyện phân phát viện trợ ở một số ngôi làng có địa hình khó khăn. Việc di chuyển trong khu vực là rất nguy hiểm và tốn kém.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 18/2/2019: Phép lạ thứ 70 được công nhận tại Lộ Đức
VietCatholic Network
18:26 17/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 17 tháng 2, 2019.



2- Cựu Hồng Y McCarrick bị Tòa Thánh buộc hồi tục.

3- Họp báo giới thiệu cuộc gặp gỡ về bảo vệ trẻ em trong Giáo Hội.

4- Đức Thánh Cha kêu gọi đẩy mạnh việc huấn luyện phụng vụ.

5- Đức Thánh Cha kêu gọi đừng sợ hãi người di dân và tị nạn.

6- Đức Thánh Cha tại buổi khai mạc Hội nghị Quỹ quốc tế về Phát triển Nông Nghiệp IFAD.

7- Đức Thánh Cha gặp đại diện các dân tộc bản địa về tầm quan trọng các vấn đề môi trường.

8- Các vị lãnh đạo Tòa Thánh gặp gỡ chính quyền Italia.

9- Phép lạ thứ 70 được công nhận tại Lộ Đức.

10- Thảm trạng về những cuộc hôn nhân sớm.

11- Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn quốc thăm viếng Triều Tiên.

12- Giới thiệu Thánh Ca: Khúc Cảm Tạ.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết