Ngày 21-02-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Buổi triều yết chung thứ Bẩy 20 tháng Hai: Hãy hăng say thể hiện Lòng Thương Xót Chúa
Đặng Tự Do
03:02 21/02/2016
Trong buổi triều yết chung sáng thứ Bẩy 20 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành bài giáo lý của ngài để nói về Năm Thánh Lòng Thương Xót trong bối cảnh Mùa Chay. Thông thường, mỗi tuần Đức Thánh Cha chỉ có một buổi triều yết chung vào sáng thứ Tư. Tuy nhiên, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ngài có thêm một buổi triều yết chung vào sáng thứ Bẩy của tuần cuối cùng trong tháng. Đây là buổi triều yết chung đặc biệt thứ hai trong khuôn khổ này.

Phát biểu với hàng ngàn tín hữu và khách hành hương, Đức Thánh Cha nói trong những tuần trước lễ Phục Sinh Giáo Hội mời gọi các tín hữu hăng say hơn trong việc “bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày của họ.”

Ngài nói rằng “chứng tá Kitô đó là cách chúng ta đáp lại những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta trước, được thể hiện không chỉ nơi ân sủng là kỳ công sáng tạo của Ngài, nhưng trên hết là nơi việc Thiên Chúa sai Con Một của Ngài đến trong thế gian”.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa tự hiến chính mình để mang lại niềm hy vọng và ơn cứu chuộc cho người nghèo, người bệnh, người tội lỗi và tất cả những ai trong cảnh bức bách. Thiên Chúa dấn thân làm mọi sự cho chúng ta, công việc đầu tiên của Ngài là tạo ra thế giới, và bất chấp những nỗ lực của con người làm hư hỏng thế giới này, Ngài quyết liệt giữ cho nó sống còn.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu “là biểu hiện sống động của lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi để làm chứng cho Tin Mừng của niềm hy vọng và tình liên đới.”

Sau bài giáo lý, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào Liên đoàn Hiến Máu của Italia, gọi tắt là FIDAS. Các thành viên FIDAS đang thực hiện cuộc hành hương Năm Thánh của họ tại Vatican.

FIDAS nhân dịp này đã ăn mừng những thành công của họ kể từ khi được thành lập nhằm đáp lại lời mời gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm Năm Thánh 2000.

Liên đoàn đang hy vọng rằng mọi người sẽ xem xét việc tình nguyện hiến máu như một cử chỉ bác ái trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

Kết thúc buổi triều yết chung, Đức Thánh Cha Phanxicô chào tất cả các khách hành hương nói tiếng Anh và bày tỏ hy vọng rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ là một thời điểm của ân sủng và canh tân tinh thần cho họ và cho gia đình của họ.
 
Thánh Lễ với các linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ tại Morelia
VietCatholic Network
00:05 21/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 7:50 sáng thứ Ba, Đức Thánh Cha đã 9áp máy bay đi Morelia. Việc đầu tiên là ngài cử hành Thánh Lễ với các linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ tại Vận Động Trường Venustiano Carranza của thành phố và thúc giục các vị đừng đầu hàng các khó khăn đặt ra bởi bạo lực, thối nát, buôn bán ma túy và coi thường nhân phẩm, trái lại tiếp tục kiên trì rao giảng Tin Mừng.

Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng tại Morelia cũng là một dấu chỉ lòng kính trọng của ngài đối với Đức Tổng Giám Mục của Thành Phố mà ngài vừa nâng lên hàng Hồng Y năm ngoái, Đức Hồng Y Alberto Suarez Inda.

Trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô nói với các vị hiện diện rằng đời các vị “nói về cầu nguyện” và “trường cầu nguyện là trường đời”.

Đức Thánh Cha nói:

Có một câu ngạn ngữ nói rằng “hãy cho tôi biết bạn cầu nguyện ra sao, tôi sẽ cho bạn biết bạn sống thế nào; hãy cho tôi biết bạn sống thế nào, tôi sẽ cho bạn biết bạn cầu nguyện ra sao. Vì khi chỉ cho tôi thấy bạn cầu nguyện ra sao, tôi sẽ học được cách tìm thấy vị Thiên Chúa mà bạn đã sống vì, và khi chỉ cho tôi thấy bạn sống thế nào, tôi sẽ học được cách tin vị Thiên Chúa mà bạn cầu nguyện với”. Vì đời sống ta nói về cầu nguyện và cầu nguyện nói về đời sống ta. Cầu nguyện là một điều học được, giống như ta học đi, học nói, học lắng nghe.

Trường cầu nguyện là trường đời và trong trường đời ta tiến bộ trong trường cầu nguyện. Và khi Thánh Phaolô quen nói với người môn đệ yêu mến của ngài là Timôtê, khi ngài quen dạy ông và khuyên bảo ông sống đức tin của ông, ngài thường nói rằng “Con hãy nhớ tới mẹ con và bà con”. Và khi các chủng sinh buớc vào chủng viện, họ thường hỏi tôi: “Thưa cha, con muốn cầu nguyện một cách sâu sắc hơn, trong tâm trí nhiều hơn… ”. “Cứ cầu nguyện theo lối người ta dạy con ở nhà. Rồi từ từ, việc cầu nguyện của con sẽ phát triển như con đã phát triển trong đời”. Ta học cầu nguyện, y hệt như ta học sống.

Chúa Giêsu muốn dẫn đưa các đồng bạn của Người vào mầu nhiệm Sự Sống, vào mầu nhiệm sự sống thần linh của Người. Người chỉ cho họ bằng cách ăn, ngủ, chữa bệnh, rao giảng và cầu nguyện, là Con Thiên Chúa có nghĩa gì. Ngài mời gọi họ chia sẻ cuộc sống của Người, nội tâm của Người, và sự hiện diện của Người giữa họ; Người cho phép họ rờ mó sự sống của Chúa Cha trong thân xác Người. Người giúp họ cảm nghiệm sự mới mẻ khi đọc kinh “Lạy Cha” ngay trong ánh mắt của Người, ngay trong cách ngài mạnh mẽ lên đường. Trong Chúa Giêsu, việc biểu lộ này không hề có dấu vết nào của lề thói hay lặp đi lặp lại nguyên tuyền. Trái lại, nó có ý hướng sống, trải nghiệm, chân thực. Với hai chữ “Lạy Cha”, Người biết phải sống sự cầu nguyện và phải cầu nguyện sự sống ra sao.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cũng làm y hệt như thế. Ơn gọi thứ nhất của ta là cảm nghiệm tình yêu đầy thương xót của Chúa Cha trong đời ta, trong các trải nghiệm của ta. Ơn gọi thứ nhất của Người là dẫn chúng ta vào tính năng động mới mẻ của tình yêu, của phận làm con. Ơn gọi thứ nhất của ta là học đọc “Lạy Cha”, nghĩa là Thưa Bố.

Thánh Phaolô từng nói rằng “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”, vâng, “khốn cho tôi!”. Ngài nói tiếp, vì rao giảng Tin Mừng không phải là vì vinh vang mà đúng hơn là một nhu cầu (1Cr 9:16).

Người vốn mời gọi chúng ta chia sẻ đời sống Người, đời sống Thiên Chúa của Người, và khốn thay cho chúng ta nếu chúng ta không chia sẻ đời sống này, khốn cho chúng ta, các người tận hiến nam nữ, các linh mục, các chủng sinh, các giám mục, khốn cho chúng ta, nếu chúng ta không làm chứng cho những điều chúng ta đã thấy và đã nghe, khốn cho chúng ta. Chúng ta không phải là và không muốn là “những nhà quản trị của thể thần linh”, chúng ta không là và không muốn là các công nhân của Thiên Chúa, vì chúng ta được mời gọi chia sẻ đời sống Người, chúng ta được mời gọi bước vào trái tim Người, một trái tim cầu nguyện và sống, khi nói “Lạy Cha”. Nếu không nói thế bằng đời sống ta, thì đâu là mục đích của chúng ta. Từ đầu đến cuối, như hiền huynh giám mục của chúng ta mới chết đêm qua, đâu là sứ mệnh của ta nếu không nói thế bằng đời sống mình, “Lạy Cha”?

Đấng là Cha chúng ta, Người chính là Đấng chúng ta ngỏ lời năn nỉ cầu xin hàng ngày: Chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Chúa Giêsu cũng đã xin y như thế. Người cầu xin để các môn đệ của Người, của ngày qua và của ngày nay, khỏi sa chước cám dỗ. Đâu là cơn cám dỗ phạm tội đang vây khốn ta? Đâu là cơn cám dỗ phát sinh không những từ việc quan sát thực tế mà còn từ việc sống thực tế nữa? Cơn cám dỗ nào đến với chúng ta từ những chỗ thường bị thống trị bởi bạo lực, thối nát, buôn bán ma túy, coi thường nhân phẩm, và dửng dưng trước đau khổ và kém thế? Cơn cám dỗ nào ta từng chịu tới chịu lui khi đối diện với thực tế xem ra đã biến thành một hệ thống thường trực này?

Tôi nghĩ ta có thể tóm tắt trong một chữ “nhẫn nhục buông xuôi” (resignation). Đối diện với thực tế này, ma qủy có thể thắng lướt chúng ta bằng một trong các vũ khí ưa thích của hắn: nhẫn nhục buông xuôi. Một nhẫn nhục buông xuôi làm chúng ta tê liệt và ngăn chúng ta không những bước đi mà còn cả thực hiện cuộc hành trình nữa; một nhẫn nhục buông xuôi không những làm chúng ta khiếp đảm, mà còn làm chúng ta cố thủ trong các “phòng áo lễ” và các an ổn giả tạo của ta nữa; một nhẫn nhục buông xuôi không những ngăn cản chúng ta tuyên xưng, mà còn ngăn cấm chúng ta dâng lời ngượi khen nữa. Một nhẫn nhục buông xuôi không những cản trở chúng ta nhìn về tương lai, mà còn phá ngang ý muốn chấp nhận rủi ro và thay đổi của chúng ta. Và do đó, “Lạy Cha, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Tốt đẹp biết bao nếu khi bị cám dỗ, ta biết nối mạch vào các ký ức của mình. Sẽ giúp ích biết mấy nếu ta chịu nhìn vào “chất liệu” mà từ đó ta đã được tạo nên. Mọi sự không bắt đầu với ta, mọi sự cũng không kết thúc với ta, và do đó, điều tốt đối với ta là biết nhìn trở lại các trải nghiệm quá khứ của mình, những trải nghiệm đã đem ta tới chỗ ta hiện diện bây giờ.

Và trong việc hồi tưởng này, ta không thể bỏ qua một người từng yêu nơi này xiết bao, một người tự biến mình thành người con của lãnh thổ này. Chúng ta không thể bỏ qua một con người từng nói về mình rằng: “Các ngài đã lãnh tôi từ một tòa án và đặt tôi vào nghĩa vụ trông coi chức linh mục vì tội lỗi của tôi. Tôi, một kẻ vô dụng và không hề có khả năng thi hành một nhiệm vụ cao cả như thế; tôi, người không biết sử dụng mái chèo, các ngài đã chọn tôi làm Giám Mục đầu tiên của Michoacán” (Vasco Vázquez de Quiroga, Thư Mục Vụ, 1554). Và tôi muốn cám ơn Đức Hồng Y Tổng Giám Mục vì ngài muốn Thánh Lễ này được cử hành bằng chén thánh của con người vừa nói.

Tôi muốn nhắc nhớ người truyền giảng Tin Mừng trên với anh chị em; ngài là người đầu tiên có biệt danh “người Tây Ban Nha đã trở thành người Bản Địa”.

Tình huống người Bản Địa Purhépechas, những người ngài mô tả là “bị bán, bị hạ nhục và vô gia cư ở các cửa chợ, đi lượm các mẩu bánh dưới đất”, thay vì cám dỗ ngài phờ phạc buông xuôi, đã đốt cháy đức tin của ngài, đã củng cố lòng cảm thương của ngài và linh hứng ngài thi hành nhiều kế hoạch vốn là “làn khí tươi mát” giữa không biết bao nhiêu bất công từng làm tê liệt nhiều người. Cái đau và cái khổ của các anh chị em của ngài đã trở thành lời cầu nguyện của ngài, và lời cầu nguyện của ngài đã dẫn tới đáp ứng của ngài. Nơi người Bản Địa, ngài có tên “Tata Vasco”, mà trong tiếng Purhépechan, có nghĩa là cha, bố, bố cưng…

Chúa Giêsu mời gọi ta đọc lời cầu nguyện này, đọc kiểu nói này. Lạy Cha, thưa bố, bố cưng ơi… chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhẫn nhục buông xuôi, chớ để chúng con sa chước cám dỗ đánh mất ký ức, chớ để chúng con sa chước cám dỗ quên khuấy các vị cao niên của chúng con, những người từng dạy chúng con kinh “Lạy Cha” bằng chính cuộc sống của các ngài.
 
Trọn nội dung cuộc họp báo trên không của Đức Phanxicô trên đường từ Mễ Tây Cơ trở về Rôma
Vũ Văn An
00:56 21/02/2016
Đêm ngày 17 tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết thúc chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ trong 5 ngày của ngài và ngài đã lên đưởng trở về Rôma từ phi trường quốc tế tại Juárez, nơi ngài cử hành Thánh Lễ cuối cùng với sự tham dự của người ở cả hai bên biên giới Mỹ Mễ để nói rằng “không biên giới nào ngăn cản chúng ta là một gia đình”.

Trước khi lên máy bay, ngài cám ơn đại gia đình Mễ Tây Cơ đã mở rộng cửa đời sống họ và quốc gia họ để nghinh đón ngài. Trích dẫn thi hào Octavio Paz, người viết trong bài thơ “Tình Anh Em” rằng “Tôi là một con người: tôi chỉ kéo dài giây lát, và đêm tối thì mênh mông. Nhưng nhìn lên, tôi thấy các vì sao đang viết. Tôi hiểu tuy không quán triệt: tôi cũng đang viết và chính trong khoảnh khắc này, một ai đó đang giải nghĩa cho tôi”, ngài cho hay: người giải nghĩa và chỉ đường cho ta chính là Thiên Chúa mầu nhiệm nhưng rất thực trong xác thịt thực của mọi người, nhất là những người nghèo nhất và thiếu thốn nhất của Mễ Tây Cơ”.

Ngài nói thêm: “Đêm xem ra mênh mông và tối đen, nhưng trong các ngày qua, tôi đã có thể quan sát thấy rằng trong dân tộc này, có rất nhiều đuốc sáng đang công bố hy vọng; tôi đã có thể nhìn thấy, trong nhiều chứng từ, trên nhiều gương mặt, sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục bước đi trên lãnh thổ này, hướng dẫn anh chị em, nâng đỡ hy vọng; với các cố gắng hàng ngày của họ, nhiều người nam nữ đã làm xã hội Mễ Tây Cơ không bị trơ trọi trong bóng tối. Họ là các tiên tri của ngày mai, họ là dấu chỉ của một hừng đông mới”.

Họp báo trên không

Trên chuyến phi cơ của hãng Hàng Không Mễ Tây Cơ, từ Ciudad Juárez trở lại Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành cho các nhà báo tháp tùng ngài một cuộc phỏng vấn về đủ mọi vấn đề, nổi bật nhất là ca ngợi các cố gắng của Đức Bênêđíctô XVI trong việc chống trả cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục, lên án phá thai và việc bùng phát của vi khuẩn Zika. Cũng trong cuộc họp báo này, ngài cho rằng nếu Donald Trump chủ trương xây tường chứ không xây cầu di dân, ông ta không phải là 1 Kitô hữu.

Sau đây là trọn nội dung cuộc phỏng vấn, dựa vào bản tiếng Anh của Catholic News Agency:

Cha Lombardi: Kính thưa Đức Thánh Cha, xin cám ơn Đức Thánh Cha đã hiện diện ở đây, giống như vào cuối mọi chuyến đi, để chuyện trò tóm kết, có cái nhìn bao quát về chuyến đi đã diễn ra, và Đức Thánh Cha đã sẵn lòng trả lời rất nhiều câu hỏi từ cộng đồng quốc tế chúng con. Giống như bình thường, chúng con đã yêu cầu các nhóm ngôn ngữ khác nhau tổ chức và chuẩn bị một ít câu hỏi, nhưng lẽ dĩ nhiên chúng con bắt đầu với các đồng nghiệp Mễ Tây Cơ của chúng con.

Maria Eugenia Jimenez Caliz, Milenio (Mễ Tây Cơ): Thưa Đức Thánh Cha, tại Mễ Tây Cơ, có cả hàng nghìn người “desaparecidos” (mất tích). Nhưng vụ 43 (sinh viên) ở Ayotzinapa là điển hình. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha, tại sao Đức Thánh Cha không gặp gia đình họ? Và việc này nữa, (xin Đức Thánh Cha gửi) 1 thông điệp cho các gia đình của hàng nghìn “desaparecidos”.

Đức Phanxicô: Nếu cô chú ý đọc các sứ điệp, (cô sẽ thấy) tôi liên tục nhắc tới các vụ sát hại, cái chết, và sự sống bị cướp mất bởi các băng đảng buôn bán ma túy và buôn bán người. Tôi nói tới vấn đề này như những vết thương mà Mễ Tây Cơ đang gánh chịu. Đã có các cố gắng tiếp đón một trong các nhóm này, và có nhiều nhóm lắm, thậm chí các nhóm này chống đối lẫn nhau, đánh nhau ngay trong nội bộ, do đó, tôi thích nói rằng tôi muốn thấy mọi nhóm dự Thánh Lễ tại Juárez hay tại một Thánh Lễ khác. Trên thực tế, không thể gặp hết mọi nhóm được, vì mặt khác, họ còn đánh nhau nữa. Đây là một tình thế khó hiểu, nhất là đối với tôi vì tôi là người ngoại quốc, đúng không? Tôi nghĩ rằng ngay xã hội Mễ Tây Cơ cũng là một nạn nhân của tất cả các điều này, của những tội ác muốn “rửa sạch” người ta, muốn liệng bỏ người ta. Tôi nói về nó trong 4 bài diễn văn tất cả và cô có thể kiểm tra việc này ở đó. Quả là một đau đớn lớn lao mà tôi từng gặp, vì quốc gia này không đáng chịu một bi kịch như thế.

Javier Solorzano, Canal 11 (Mễ Tây Cơ): Như Đức Thánh Cha biết, chủ đề ấu dâm ở Mễ Tây Cơ có một gốc rễ rất nguy hiểm, rất đau lòng. Trường hợp Cha Marciel để lại một dấu ấn rất mạnh, nhất là đối với các nạn nhân. Họ tiếp tục cảm thấy không được Giáo Hội che chở. Nhiều người tiếp tục làm người có đức tin. Thậm chí, một số người vẫn còn trong chức linh mục. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha nghĩ gì về chủ đề này? Đức Thánh Cha có nghĩ đến một lúc nào đó, ngài sẽ gặp gỡ các nạn nhân không? Và nói chung, ý tưởng cho rằng khi các linh mục bị khám phá trong các vụ có bản chất này, điều được làm là các ngài được đổi đi nơi khác, không còn gì khác nữa? Con xin cám ơn.

Đức Phanxicô: Rồi, tôi sẽ bắt đầu với câu hỏi thứ hai. Trước nhất, vị giám mục nào đổi một linh mục tới một giáo xứ khác khi bị khám phá là ấu dâm thì là một người vô ý thức và điều tốt nhất ngài có thể làm là nộp đơn từ chức. Rõ chứ?

Thứ hai, nói trở lui, vụ Marciel, và ở đây, tôi tự cho phép mình vinh danh người đã tranh đấu trong những lúc không còn sức để gánh vác, cho tới khi ngài có thể lo liệu để gánh vác. Ratzinger. Đức Hồng Y Ratzinger đáng được vỗ tay. (Vỗ tay). Đúng, hãy vỗ tay ngài. Ngài có đủ tài liệu. Ngài là người, trong tư cách đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã có đủ tài liệu trong tay. Ngài đã tiến hành mọi cuộc điều tra, cứ thế tiếp diễn, tiếp diễn, tiếp diễn, cho tới lúc không thể đi xa hơn nữa. Nhưng nếu ông còn nhớ, 10 ngày trước khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, trong Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh năm ấy, ngài nói với toàn thể Giáo Hội rằng cần phải quét dọn mọi rác rưởi của Giáo Hội. Và trong Thánh Lễ Cầu Cho Việc Bầu Cử Giáo Hoàng, dù biết mình là một ứng viên, ngài cũng không dại, ngài cũng không ngại đưa ra câu trả lời, ngài đã nói y hệt câu trả lời ấy. Ngài là người can đảm đã giúp rất nhiều trong việc mở toang chiếc cửa này. Bởi thế, tôi muốn nhớ tới ngài vì đôi lúc chúng ta quên khuấy công trình kín đáo này mà thực ra là nền tảng cho việc “mở nắp chiếc bình”.

Thứ ba, chúng ta đang thực hiện rất nhiều việc với Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh (Pietro Parolin), và với nhóm 9 Hồng Y cố vấn. Sau khi lắng nghe, tôi đã quyết định đề cử phụ tá thư ký thứ ba cho Bộ Giáo Lý Đức Tin để chuyên đảm trách các vụ này, vì Bộ không giải quyết kịp mọi vụ hiện có.

Ngoài ra, tòa chống án cũng đã được thiết lập bởi Đức Ông Scicluna để xử lý các trường hợp của tòa thứ hai khi có chống án, vì phán quyết đầu được toàn Bộ Giáo Lý Đức Tin đưa ra, họ gọi là “feria quarta”, thường họp vào hôm thứ Tư. Khi có chống án, nếu nó được đệ nạp ở tòa đầu, thì đâu có công bằng. Do đó, tòa thứ hai cũng là một vấn đề luật lệ, với luật sư bênh vực, nhưng chúng ta cần làm nhanh hơn, vì chúng ta đã không làm kịp nhiều vụ, vì các vụ cứ tiếp tục xẩy ra.

Một điều nữa hiện đang tiến triển tốt là ủy ban bảo vệ vị thành niên. Nó không chuyên nhất chỉ đảm trách các vụ ấu dâm, nhưng bảo vệ trẻ vị thành niên. Ở đó, tôi đã từng dành cả một buổi sáng cho 6 người họ, 2 người Đức, 2 người Anh và 2 người Ái Nhĩ Lan. (Họ là) các người đàn ông và đàn bà bị lạm dụng. Là nạn nhân. Và tôi cũng đã gặp các nạn nhân ở Philadelphia. Như thế, chúng tôi quả có đang làm việc. Nhung tôi tạ ơn Thiên Chúa vì nắp bình đã được mở, và chúng ta phải tiếp tục cất cái nắp bình ấy đi. Chúng ta cần có ý thức.
Và, điều cuối cùng tôi muốn nói: đây là điều quái dị, vì linh mục được thánh hiến để dẫn một đứa trẻ tới Thiên Chúa, thế mà ngài lại nghiến ngấu em trong một hy lễ quỉ quái. Ngài hủy diệt em.

Javier Solorzano: Thế còn Marciel?

Đức Phanxicô: À, về Marciel, trở lại với hội dòng (ghi chú: Đạo Binh Chúa Kitô, hội dòng do Cha Marciel lúc ấy thiết lập), đã có sự can thiệp và hiện nay việc quản trị hội dòng có tính can dự bán phần. Nghĩa là, bề trên cả do một hội đồng, do hội đồng toàn dòng, bầu lên, còn hai vị khác thì do Đức Giáo Hoàng chọn. Nhờ cách này, chúng ta giúp duyệt lại các vấn đề cũ.

Phil Pullella, Reuters: Hôm nay, Đức Thánh Cha nói rất hùng hồn tới vấn đề di dân. Ở phía bên kia biên giới, hiện đang có cuộc tranh cử rất gay go. Một trong các ứng viên vào Nhà Trắng, đảng viên Cộng Hòa Donald Trump, trong một cuộc phỏng vấn gần đây nói rằng Đức Thánh Cha là một người chính trị và thậm chí ông ta còn nói rằng Đức Thánh Cha là một con tốt, một dụng cụ của chính phủ Mễ Tây Cơ trong bàn cờ chính trị di dân. Ông Trump nói rằng nếu ông được bầu, ông muốn xây một bức tường dài 2,500 kilô mét dọc theo biên giới. Ông muốn trục xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp, phân rẽ các gia đình, v.v… Con muốn hỏi Đức Thánh Cha ngài nghĩ gì về những cáo buộc chống lại ngài này và khi một người Công Giáo Bắc Mỹ bỏ phiếu cho một người như thế này?

Đức Phanxicô: Tạ ơn Thiên Chúa, ông ta bảo tôi là một chính khách vì Aristốt từng định nghĩa con người là 'animal politicus' (con vật chính trị). Ít nhất, tôi cũng là một con người. Còn về việc liệu tôi có phải là một con tốt hay không, thì, có thể, tôi không biết. Tôi để chuyện này cho ông phán đoán và cho người ta phán đoán. Còn người nào chỉ nghĩ đến việc xây tường, bất cứ ở đâu, chứ không xây cầu, thì người đó không phải là Kitô hữu. Điều này không có trong Tin Mừng. Còn về việc ông bảo liệu tôi có nên cho ý kiến bầu hay không bầu, thì tôi sẽ không can dự vào việc này đâu. Tôi chỉ nói rằng người này không phải là Kitô hữu nếu ông ta nói những điều như thế. Chúng ta phải thấy liệu ông ta có nói những điều ấy cách ấy không và trong chuyện này, tôi nghĩ là không có.

Jean-Louis de la Vaisserie, AFP (Pháp): Cuộc gặp gỡ Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Kirill và việc ký bản tuyên bố chung đã được toàn thế giới nghinh đón như một bước tiến lịch sử. Nhưng hôm nay ở Ukraine, người Công Giáo Hy Lạp cảm thấy bị phản bội. Họ nói tới một văn kiện chính trị nhằm ủng hộ các chính sách của Nga. Ở đấy, chiến tranh bằng lời đang được châm ngòi trở lại. Đức Thánh Cha có nghĩ là ngài sẽ có khả năng đi Mạc Tư Khoa không? Ngài có được thượng phụ mời không? Hay, ngài sẽ tới Crete để chào mừng Công Đồng Toàn Chính Thống Giáo vào mùa xuân?

Đức Phanxicô: Tôi sẽ bắt đầu với câu hỏi sau cùng. Tôi sẽ có mặt… bằng tinh thần. Và bằng một thông điệp. Tôi rất muốn chào mừng các ngài ở đấy tại công đồng toàn Chính Thống. Các ngài là anh em, nhưng tôi phải tôn trọng các ngài. Nhưng tôi biết rõ: họ muốn mời các quan sát viên Công Giáo và đây là một chiếc cầu tốt, nhưng phía sau các quan sát viên Công Giáo, tôi sẽ cầu nguyện với một ước muốn tốt nhất của tôi là: người Chính Thống Giáo tiến lên phía trước vì họ là anh em và các giám mục của họ là giám mục giống chúng tôi.

Rồi Đức Kirill, người anh em của tôi. Chúng tôi hôn nhau, ôm lấy nhau, rồi nói chuyện cả một giờ (Cha Lomardi nói đỡ)… hai giờ. Tuổi già lú lẫn. (Cười). Hai giờ chúng tôi nói chuyện với nhau như anh em, một cách thành thật và không ai biết nói về gì, chỉ những điều chúng tôi nói tới vào lúc kết thúc, một cách công khai, về việc chúng tôi cảm nhận ra sao khi nói chuyện với nhau.

Thứ hai, lời phát biểu ấy, lời tuyên bố về Ukraine. Khi đọc điều này, tôi hơi lo lắng một chút vì chính (Đức Tổng Giám Mục) Sviatoslav Schevchuk đã nói rằng người Ukraine, một số người Ukraine, cả nhiều người Ukraine cảm thấy thất vọng và bị phản bội. Tôi rất biết (Đức Tổng Giám Mục) Sviatoslav. Ở Buenos Aires, chúng tôi làm việc với nhau 4 năm. Khi ngài được bầu, lúc mới 42 tuổi nhá, một con người tốt lành, ngài được bầu làm tổng giám mục chính, ngài trở lại Buenos Aires để lấy đồ đoàn. Ngài tới gặp tôi và tặng tôi bức ảnh, lớn thế này, bức ảnh Đức Mẹ Âu Yếm. Và ngài bảo tôi, ‘bức ảnh này từng đồng hành với con suốt đời. Con muốn để lại cho Đức Hồng Y, người đã đồng hành với con trong 4 năm qua. Đó là một trong ít món tôi mang theo từ Buenos Aires và tôi hiện giữ trên bàn làm việc của tôi. Nghĩa là, ngài là người tôi kính trọng và thân quen nữa. Chúng tôi dùng chữ “tu” (anh) với nhau (chữ “tu” trong tiếng Ý là cách nói suồng sã để nói với bằng hữu thân mật) v.v…

Bởi thế, việc này xem ra khá lạ lùng đối với tôi và tôi nhớ lại một điều tôi đã nói ở đây với ông: để hiểu một mẩu tin, một lời phát biểu, ông cần phải nhờ đến khoa chú giải mọi điều.

Nhưng, khi ông nói điều này, điều được nói trong một lời phát biểu hôm 14 tháng Giêng, tháng Hai vừa qua, Chúa Nhật vừa rồi… một cuộc phỏng vấn do một người anh em thực hiện… tôi không nhớ… một linh mục, một linh mục Ukraine, đã được tiến hành tại Ukraine và được công bố. Tin tức ấy, cuộc phỏng vấn ấy dài 1 trang, hai trang, hơn một chút, ít nhiều như thế. Cuộc phỏng vấn ấy đăng ở trang cuối, ít nhiều như thế. Tôi đã đọc cuộc phỏng vấn này và tôi xin nói điều này: (Đức Tổng Giám Mục) Schevchuk, về phía tín lý, tuyên bố ngài là người con của Giáo Hội và hiệp thông với giám mục Rôma và với Giáo Hội. Ngài nói tới Đức Giáo Hoàng và sự gần gũi của ngài với Đức Giáo Hoàng, và nói về chính ngài, về đức tin của ngài, và về cả người Chính Thống ở đấy nữa. Không có gì khó khăn về tín lý hết. Ngài chính thống theo nghĩa tốt của từ ngữ, nghĩa là chính thống trong tín lý Công Giáo. Không phải sao.

Và rồi, trong một cuộc phỏng vấn giống như cuộc phỏng vấn này, mọi người đều có quyền nói chuyện của mình và điều này không được thực hiện trong cuộc gặp gỡ, vì cuộc gặp gỡ, đó là điều tốt và chúng ta phải tiến về phía trước. Điều này, ngài không làm trong cuộc gặp gỡ, cuộc gặp gỡ là một điều tốt và chúng ta phải tiến về phía trước. Còn điều này, điều thứ hai, ý nghĩ riêng của một người. Thí dụ điều này, điều tôi đã nói về các giám mục đổi các linh mục ấu dâm đi nơi khác, việc tốt nhất các ngài có thể làm là từ chức. Đây không phải là chuyện tín lý, nhưng là điều tôi nghĩ. Bởi thế, ngài có ý nghĩ riêng. Các ý nghĩ này để đối thoại và ngài có quyền có các ý nghĩ ấy.

Thứ ba… à, tất cả các điều ngài nói tới đều ở trong văn kiện, đó là vấn đề. Về sự kiện gặp gỡ: Chúa muốn nó tiến về phía trước, cái ôm hôn và mọi điều đều tốt. Văn kiện. Đây là một văn kiện có thể đem ra bàn cãi và cũng có thể thêm bớt. Ở Ukraine, đây là lúc đang có chiến tranh, đang có đau khổ, với thật nhiều giải thích. Tôi đã nêu danh người Ukraine, xin người ta cầu nguyện, gần gũi, rất nhiều lần cả trong khi đọc kinh Truyền Tin lẫn trong các buổi yết kiến ngày thứ Tư. Có sự gần gũi như thế. Nhưng sự kiện lịch sử về chiến tranh, được cảm nghiệm như… tôi không biết liệu… vâng đúng, mọi người đều có ý nghĩ riêng về chiến tranh, ai khởi diễn nó, phải làm gì và hiển nhiên đây là vấn đề có tính lịch sử, nhưng cũng là một vấn đề riêng tư, lịch sử, hiện sinh của đất nước ấy và nó nói tới đau khổ. Và tôi xin chêm vào đoạn này. Ông có thể hiểu các tín hữu, vì Stalislav cho tôi hay ‘rất nhiều tín hữu đã viết cho tôi, nói rằng họ thất vọng sâu xa và bị Rôma phản bội’. Ông có thể hiểu người trong hoàn cảnh này hẳn phải cảm nghĩ như thế, không phải sao? Nhưng văn kiện sau cùng quả có ghi nhanh một số điều. Tha thứ, người ta có thể bàn luận về vấn đề này tại Ukraine. Nhưng trong đó, nó nói phải làm cho chiến tranh kết thúc, phải tìm các thỏa hiệp. Chính tôi cũng từng nói: các thoả ước Minsk phải tiến về phía trước chứ không bị loại trừ. “Điều không được viết bằng tay thì viết bằng cùi chỏ” (nguyên văn tiếng Ý: “Con il gomito quello che non e scritto con le mani”).

Giáo Hội Rôma, Đức Giáo Hoàng đã luôn luôn nói: ‘hãy tìm kiếm hòa bình’. Tôi cũng đã tiếp kiến cả hai vị tổng thống. Bình đẳng, phải không? Và vì thế, khi ngài bảo ngài nghe điều trên từ dân chúng của ngài, tôi hiểu. Tôi hiểu lắm. Nhưng đó không phải là tin tức. Tin tức là mọi sự.

Nếu ông đọc toàn bộ cuộc phỏng vấn, ông sẽ thấy tuy vẫn còn những vấn đề tín lý nghiêm trọng, nhưng đã có ý muốn hợp nhất, tiến bước trên đường đại kết, và ngài là con người đại kết. Có một số ý kiến. Ngài viết cho tôi khi nghe biết chuyến đi, cuộc gặp gỡ, nhưng như một người anh em, góp ý kiến như một người anh em. Tôi không ngại văn kiện nó ra sao. Tôi thích nó theo nghĩa chúng ta cần tôn trọng các điều mà mọi người được tự do nghĩ và trong (ngữ cảnh) hoàn cảnh quá khó khăn này. Từ Rôma, đức sứ thần hiện đang ở biên giới nơi đang đánh nhau, giúp đỡ binh sĩ và người bị thương. Giáo Hội Rôma đã gừi nhiều trợ giúp tới đó. Luôn phải có hòa bình, thỏa hiệp. Chúng ta phải tôn trọng Thỏa Ước Minks, v.v… Phải toàn diện. Nhưng đừng hoảng sợ hạn từ này. Đây là một bài học: một mẩu tin phải được giải thích bằng khoa chú giải mọi sự, chứ không phải chỉ một phần.

de la Vaisserie: Thượng Phụ có mời Đức Thánh Cha một ngày nào đó tới Mạc Tư Khoa không?

Đức Phanxicô: Thượng Phụ Kirill. Tôi thích, vì nếu tôi đã nói một điều, tôi phải nói một điều khác, rồi một điều khác và một điều khác nữa. Tôi thích những điều chúng ta đang nói ở đây, giữa chúng ta mà thôi, sẽ chỉ là những gì chúng ta đã nói công khai. Đây là một sự kiện. Và nếu tôi nói điều này, thì tôi phải nói một điều khác và một điều khác… không đúng sao! Điều tôi đã nói công khai, điều ngài đã nói công khai. Đó là điều có thể nói về cuộc đàm đạo riêng tư. Đã nói ra thì không còn riêng tư nữa. Nhưng, xin nói với ông, tôi ra khỏi nó một cách vui vẻ, và ngài cũng thế.

Carlo Marroni, Il Sole 24 (Ý): Thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi của con là về gia đình, một đề tài mà Đức Thánh Cha thường nói tới trong chuyến đi này. Quốc hội Ý đang thảo luận một đạo luật về các cuộc kết hợp dân sự, một đề tài đang khiêu khích tạo ra các va chạm chính trị mạnh mẽ nhưng cũng là một cuộc tranh biện mạnh mẽ trong xã hội và giữa người Công Giáo. Đặc biệt, con muốn biết ý nghĩ của Đức Thánh Cha về việc chấp nhận các cuộc kết hợp dân sự và do đó, về quyền lợi trẻ em và của các con trai con gái nói chung.

Đức Phanxicô: Trước nhất, tôi không biết hiện nay quốc hội Ý nghĩ thế nào. Đức Giáo Hoàng không pha mình vào chính trị Ý. Tháng Năm, 2013, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với các giám mục (Ý), một trong ba điều tôi nói là: về chính phủ Ý, tùy các hiền huynh xử lý. Vì Đức Giáo Hoàng là người của mọi người và ngài không thể ghép mình vào một nền chính trị chuyên biệt nội trị nào của một quốc gia. Đó không phải vai trò của giáo hoàng, đúng không? Và điều tôi nghĩ là điều cả Giáo Hội nghĩ và vốn từng nói xưa nay, vì đây không phải là nước đầu tiên có trải nghiệm này, nhiều nước lắm, nên tôi suy nghĩ như Giáo Hội vốn luôn nói xưa nay về việc này.

Paloma García Ovejero, Cadena COPE (Tây Ban Nha): Thưa Đức Thánh Cha, trong mấy tuần qua, đã có khá nhiều quan tâm đối với vi khuẩn Zika tại nhiều nước Mỹ Châu Latinh và cả ở Âu Châu nữa. Nguy cơ lớn nhất này tác động đối với các phụ nữ mang thai. Người ta rất xao xuyến. Một số nhà cầm quyền đã đề nghị phá thai, hay cách nào đó để tránh có thai. Liên quan tới việc tránh có thai, về vấn đề này, liệu Giáo Hội có thể xem xét ý niệm chọn “sự ác kém hơn” hay không?

Đức Phanxicô: Phá thai không phải là sự ác kém hơn. Nó là một tội ác. Đó là chuyện vứt bỏ một người để cứu một người khác. Đó là điều Mafia làm. Nó là một tội ác, một sự ác tuyệt đối. Về “sự ác kém hơn”, tức tránh có thai. Đức Phaolô VI, một người vĩ đại, trong một tình huống khó khăn ở Phi Châu, đã cho phép các nữ tu sử dụng thuốc ngừa thai trong trường hợp bị hiếp.

Cô đừng lẫn lộn sự ác tránh có thai đúng nghĩa với phá thai. Phá thai không phải là một vấn đề thần học, nó là một vấn đề nhân bản, một vấn đề y khoa. Cô giết một con người để cứu một con người khác, ấy là xét trong một hoạt cảnh tốt đẹp nhất. Hay để sống thoải mái, không chứ? Điều này chống lại lời thề của Hippocrate mà các bác sĩ phải tuyên thệ. Trong nó và tự nó, nó là một tội ác, nhưng ngay từ đầu nó đã không phải là một sự ác tôn giáo mà là một sự ác nhân bản. Thành thử hiển nhiên, mỗi việc giết người đều bị kết án, y hệt mọi sự ác nhân bản.

Mặt khác, tránh có thai không phải là một sự ác tuyệt đối. Trong một số trường hợp, như trong trường hợp này chẳng hạn, hay trong trường hợp của Chân Phúc Phaolô VI, vấn đề đã rõ. Tôi muốn thúc giục các bác sĩ làm hết cách để tìm ra thuốc chích chống lại hai thứ muỗi mang bệnh này. Cần phải cố gắng về phương diện này.

Jurgen Erbacher, ZDF (Đức): Thưa Đức Thánh Cha, không lâu nữa Đức Thánh Cha sẽ lãnh Giải Charlemagne, và đây là một giải chính ở Âu Châu. Đức Thánh Cha nói gì với Âu Châu, một lục địa xem ra hiện đang rơi từng mảnh, trước nhất với cuộc khủng hoảng đồng euro và nay cuộc khủng hoảng tỵ nạn? Có lẽ Đức Thánh Cha có lời nào đó nói với chúng con trong tình huống khủng hoảng ở Âu Châu chăng?

Đức Phanxicô: Trước nhất, về Giải Charlemagne. Tôi có thói quen không nhận các giải thưởng hay các vinh dự, nhưng không phải luôn do lòng khiêm nhường, mà vì tôi không thích chúng. Có lẽ hơi khùng một chút, vì nhận chúng là điều tốt, nhưng chỉ là tôi không thích chúng. Nhưng trong trường hợp này, tôi không nói (là mình) bị ép buộc, mà là được thuyết phục bởi sự ương ngạnh thánh thiện và thần học của Đức Hồng Y Kasper, vì ngài đã được chọn, được Aachen bầu để thuyết phục tôi. Và tôi nói vâng, nhưng phải ở Vatican. Và tôi nói tôi sẽ tặng nó cho Âu Châu, như một thứ đồng vinh dự cho Âu Châu, một giải thưởng để Âu Châu làm những điều nó muốn tại Strasburg; để nó không còn là “bà Âu Châu” nữa mà là “mẹ Âu Châu”.

Thứ hai, một ngày kia, đọc tin tức về cuộc khủng hoảng này, vân vân, tôi đọc chút chút, chỉ liếc mắt qua một nhật báo, tôi sẽ không nói tên để khỏi gây ghen tương, nhưng tờ báo này có tiếng! Chì 15 phút thôi, rồi tôi nhận tín liệu từ Phủ Quốc Vụ Khanh vân vân. Và có một chữ tôi thích, nhưng không biết người ta có chấp nhận nó hay không, chứ đó là “tái lập Liên Hơp Âu Châu” (“the re-foundation of the European Union”). Tôi nghĩ tới các vị cha già vĩ đại, nhưng ngày nay các Schuman, các Adenauer đang ở đâu, những con người vĩ đại này sau chiến tranh đã lập nên Liên Hợp Âu Châu. Tôi thích ý niệm tái lập Liên Hợp Âu Châu, có lẽ nó có thể thực hiện được, vì Âu Châu, tôi không nói nó độc đáo, nhưng nó có một sức mạnh, một nền văn hóa, một lịch sử không thể phí phạm, và chúng ta phải làm mọi sự để Liên Hợp Âu Châu có sức mạnh và cũng có linh hứng để tiến lên phía trước. Đó là ý nghĩ của tôi.

Anne Thompson, NBC (Mỹ): Một số người thắc mắc làm thế nào một Giáo Hội tự cho mình có lòng thương xót, làm thế nào Giáo Hội lại có thể tha thứ cho một tên sát nhân dễ dàng hơn là một người ly dị và tái hôn?

Đức Phanxicô: Tôi thích câu hỏi này! Về gia đình, hai thượng hội đồng đã nói về nó. Đức Giáo Hoàng đã nói về nó quanh năm trong các bài giáo lý Thứ Tư. Vấn đề đích thực, cô đặt rất hay. Trong văn kiện hậu thượng hội đồng sắp sửa được phát hành, có lẽ trước Phục Sinh, nó đề cập đến mọi chuyện của thượng hội đồng, trong một chương, vì nó có nhiều chương, nó nói tới các tranh chấp, các gia đình bị thương tổn và việc chăm sóc mục vụ các gia đình. Đây là một trong các quan tâm. Quan tâm khác là việc chuẩn bị hôn nhân và rồi sau một thời gian không thể chịu được nữa, cô có thể xin phép chuẩn, cô bỏ đi, và mọi chuyện đều O.K. Mặt khác, thực hiện một (hôn nhân) bí tích, đây là chuyện suốt đời, có ba tới bốn hội đồng… Chuẩn bị hôn nhân là điều rất quan trọng. Nó rất, rất ư là quan trọng, vì tôi tin đây là một điều mà trong Giáo Hội, trong thừa tác mục vụ chung, ít nhất tại nước tôi, tại Mỹ Châu Latinh,Giáo Hội chưa đánh giá nhiều.

Thí dụ, chưa nhiều nữa nhưng mấy năm qua tại quê hương tôi, đã có thói quen, điều có thể gọi là ‘casamiento de apuro’, lấy nhau vội vàng vì đứa con sắp ra đời và để cứu vãn danh dự của gia đình về mặt xã hội. Như thế, họ không có tự do và trong phần lớn các trường hợp này, cuộc hôn nhân bất thành. Là một giám mục, tôi đã cấm các linh mục của tôi không được làm thế. Khi có những điều như thế, tôi dám nói, các linh mục cứ để đứa bé ra đời, để họ tiếp tục là những người đính hôn, và tới khi họ cảm thấy họ có thể tiếp tục suốt đời họ, thì họ có thể tiến tới. Sẽ không có thiếu sót lúc ấy.

Một chương khác rất đáng lưu ý là việc giáo dục con cái: các nạn nhân của các vấn đề gia đình là con cái. Con cái. Thậm chí của các vấn đề mà cả chồng lẫn vợ cũng không nói gì được. Thí dụ, nhu cầu làm việc. Khi ông bố không có giờ rảnh nói với con cái, khi bà mẹ không có giờ nói với con cái. Khi tôi giải tội cho một cặp vợ chồng có con, tôi hỏi “các con có mấy đứa con?” Một số cặp lo lắng và nghĩ là ông linh mục này sẽ hỏi tại sao không có thêm. Tôi thường hỏi câu thứ hai, “các con có chơi với các con không?” Đa số trả lời, “nhưng thưa cha, con không có giờ. Con làm suốt ngày”. Con cái là nạn nhân của vấn đề xã hội đang làm tổn thương gia đình. Đây là một vấn đề… tôi thích câu hỏi của cô.

Một chuyện đáng lưu ý nữa từ cuộc gặp gỡ các gia đình ở Tuxtla. Ở đấy, có một cặp, tái hôn trong cuộc kết hợp lần thứ hai được hội nhập vào thừa tác mục vụ của Giáo Hội. Thuật ngữ chủ yếu được thương hội đồng sử dụng, mà tôi vừa lặp lại, là “hội nhập” (integrate) các gia đình bị thương tổn, các gia đình tái hôn v.v… vào đời sống Giáo Hội. Nhưng không được quên con cái ở giữa trong các trường hợp này. Chúng là các nạn nhân đầu tiên, cả trong các vết thương lẫn trong các hoàn cảnh nghèo đói, làm việc, v.v…

Thompson: Điều ấy có nghĩa họ được rước lễ?

Đức Phanxicô: Đây là điều sau cùng. Hội nhập vào Giáo Hội không có nghĩa là rước lễ. Tôi biết những người Công Giáo kết hôn trong cuộc kết hợp lần thứ hai đi nhà thờ, đi nhà thờ mỗi năm một hay hai lần và nói con muốn rước lễ, như thể tham dự việc rước lễ là một phần thưởng. Đây là việc hướng tới hội nhập, mọi cánh cửa đều được mở rộng, nhưng ta không thể nói, “từ nay, họ được rước lễ”. Làm thế sẽ gây thương tích cho chính hôn nhân, cho cặp vợ chồng, vì sẽ không giúp họ tiếp tục tiến trên đường hội nhập. Và hai người ấy rất hạnh phúc. Họ dùng một câu phát biểu rất đẹp: chúng con không hiệp lễ, nhưng chúng con tiếp nhận sự hiệp thông mỗi khi đi thăm bệnh viện hoặc làm việc này việc nọ. Sự hội nhập của họ là như thế. Nếu có gì hơn, Chúa sẽ cho họ biết, nhưng đây là một nẻo đường, một con lộ.

Antoine Marie Izoard, I.Media (Pháp): Thưa Đức Thánh Cha, con chào Đức Thánh Cha, xin cho phép con trước nhất nói đùa một câu, để nói với Đức Thánh Cha: chúng con, các người viết về Vatican, đã là con tin xiết bao của nghị trình của Đức Thánh Cha nên chúng con đã không chơi với con cái chúng con được. Thứ bẩy là ngày tiếp kiến trong Năm Thánh, Chúa Nhật đọc kinh Truyền Tin và từ thứ Hai tới thứ Sáu chúng con phải đi làm. Và do đó, xin ôm Alberto một cái, người cùng Cha Lombardi đã thuê con cách nay 20 năm tại Đài Phát Thanh Vatican. Chúng ta là một gia đình ở đây.

Thưa Đức Thánh Cha, một câu hỏi hơi “risqué” (liều) một chút. Nhiều phương tiện truyền thông đã khiêu khích và khá ầm ĩ về việc thư từ qua lại đầy nhiệt tình giữa Đức Gioan Phaolô II và nữ triết gia Mỹ, Ana Teresa Tymieniecka, người được người ta cho là có rất nhiều tình cảm âu yếm đối với vị Giáo Hoàng người Ba Lan. Theo quan điểm của Đức Thánh Cha, liệu một giáo hoàng có thể có mối liên hệ thân mật với một người đàn bà không? Và điều này nữa, nếu Đức Thánh Cha cho phép con, Đức Thánh Cha là người đã có việc thư từ quan trọng, Đức Thánh Cha có biết loại kinh nghiệm này không?

Đức Phanxicô: Tôi đã biết tình bạn giữa Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và triết gia này khi còn ở Buenos Aires. Ai cũng biết. Và sách vở của bà nổi tiếng. Đức Gioan Phaolô II là một người hiếu động. Rồi tôi còn có thể nói rằng một người không biết làm thế nào để có mối liên hệ bạn bè với một người đàn bà – tôi không nói tới những người ghét đàn bà, là những người bệnh hoạn – đúng, ngài là một người thiếu một điều gì đó.

Và trong kinh nghiệm của tôi, kể cả lúc cô hỏi ý kiến tôi, tôi sẽ hỏi người hợp tác, người bạn, tôi cũng muốn nghe ý kiến một người đàn bà vì họ nhiều hiểu biết xiết bao. Họ nhìn sự việc cách khác. Tôi thích nói rằng phụ nữ là những người tạo sự sống trong bụng họ, và đây là lối ví von của tôi, họ có đặc sủng đem đến cho cô những điều cô có thể dùng để xây dựng. Tình bạn với một người đàn bà đâu phải là một tội. Nó là một tình bạn. Một tình bạn thơ mộng với một người đàn bà không phải là vợ bạn, điều ấy mới là tội. Cô hiểu chứ?

Nhưng Giáo Hoàng là một con người. Giáo Hoàng cũng cần nhập liệu (input) của phụ nữ. Và Giáo Hoàng cũng có một trái tim có thể có một tình bạn lành mạnh, thánh thiện với một người đàn bà. Có những bạn bè làm thánh, Thánh Phanxicô và Thánh Clara, Thánh Têrêxa và Thánh Gioan Thánh Giá, cô đừng sợ. Nhưng phụ nữ vẫn chưa được coi trọng lắm: chúng ta vẫn không hiểu lợi ích mà một người đàn bà làm cho đời sống vị linh mục và đời sống Giáo Hội trong chiều hướng cố vấn, giúp đỡ qua một tình bạn lành mạnh.

Franca Giansoldati, Il Messaggero (Ý): Thưa Đức Thánh Cha, con xin chào Đức Thánh Cha. Con xin trở lại với chủ đề luật lệ đang được bỏ phiếu tại quốc hội Ý. Xét theo một vài cách nào đó, thì đây là một luật lệ liên quan tới các quốc gia khác, vì các quốc gia khác đã có luật về các cuộc kết hợp giữa những người cùng phái rồi. Có một văn kiện của Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 2003 vốn lưu ý nhiều tới vấn đề này và thậm chí, còn dành hẳn một chương nói về lập trường của các dân biểu Công Giáo đối với vấn đề này nữa. Văn kiện này minh nhiên nói rằng các dân biểu Công Giáo không được bỏ phiếu ủng hộ các luật này. Xét vì hiện có nhiều lờ mờ về vấn đề này, con muốn hỏi, trước nhất, văn kiện năm 2003 này còn hiệu lực không? Và đâu là lập trường mà một dân biểu quốc hội phải có? Và rồi vấn đề nữa, sau Mạc Tư Khoa và Cairo. Liệu có một cuộc tan băng giá nào khác ở chân trời không? Con có ý nói tới cuộc hội kiến mà Đức Thánh Cha muốn có cho Đức Giáo Hoàng và phái Sunni (của Hồi Giáo), ta hãy gọi họ như thế, Imam của Al Azhar.

Đức Phanxicô: Vì việc này, Đức Ông Ayuso đã tới Cairo tuần rồi để gặp vị thứ hai sau Imam và chào kính Imam. Đức Ông Ayuso, thư ký của Đức Hồng Y Tauran ở Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn. Tôi muốn gặp ngài. Tôi biết ngài muốn thế. Chúng tôi đang tìm cách, luôn luôn qua Đức Hồng Y Tauran vì đây là một con đường, nhưng chúng tôi sẽ đạt được thôi.

Về văn kiện kia, tôi không nhớ văn kiện năm 2003 của Bộ Giáo Lý Đức Tin mấy nhưng mọi dân biểu Công Giáo phải bỏ phiếu theo lương tâm được đào luyện kỹ của mình. Tôi chỉ muốn nói như thế. Tôi tin như thế đã đủ vì – tôi nói được đào luyện kỹ vì đây không phải là thứ lương tâm của “điều hình như đối với tôi”. Tôi nhớ khi hôn nhân dành cho những người cùng phái được bỏ phiếu ở Buenos Aires và số phiếu rất xít xao. Và cuối cùng, có người nói để cố vấn cho người kia: “Nhưng nó không rõ với anh sao? Không, cả với tôi cũng không, thế mà ta lại thua như thế này. Nhưng nếu ta không đến đó thì làm gì có túc số (quorum) cần thiết”. Người kia bảo: “Nếu có túc số cần thiết ta sẽ dành cho Kirchner”. Và, người này trả lời “thích dành túc số cho Kirchner chứ không cho Bergoglio”. Và họ đã cứ thế mà lao đầu vào. Đấy không phải là một lương tâm được đào luyện kỹ.

Về những người cùng phái, tôi nhắc lại điều đã nói trên chuyến bay đi Rio de Janeiro. Nó có trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo.

Javier Martinez-Brocal, Rome Reports (Ý): Chúng ta chưa về tới Rôma, nhưng chúng con đã nghĩ tới các chuyến đi tương lai, về việc chuẩn bị hành trang một lần nữa. Thưa Đức Thánh Cha, khi nào Đức Thánh Cha sẽ đi Á Căn Đình, nơi người ta đang chờ Đức Thánh Cha từ lâu? Khi nào Đức Thánh Cha sẽ trở lại Mỹ Châu La Tinh? Hay đi Trung Hoa? Rồi, một câu nhận định nhanh, Đức Thánh Cha nhiều lần, trong chuyến đi này, nói tới việc mơ - Đức Thánh Cha mơ về những gì? Và đâu là cơn ác mộng của Đức Thánh Cha?

Đức Phanxicô: Trung Hoa. (Cười) Đi tới đó. Tôi rất thích việc này. Tôi muốn nói một điều chỉ về nhân dân Mễ Tây Cơ thôi. Đấy là một dân tộc giầu có, hết sức giầu có, một dân tộc làm ta ngạc nhiên. Họ có một nền văn hóa, một nền văn hóa cả hàng thiên niên kỷ nay. Ông có biết ở Mễ Tây Cơ ngày nay, họ nói 65 ngôn ngữ khác nhau, kể cả các ngôn ngữ bản địa, 65 ngôn ngữ. Đó là một dân tộc có đức tin vĩ đại. Họ cũng đã chịu bách hại tôn giáo. Có những vị tử đạo, mà nay tôi sẽ phong hiển thánh cho hai vị. Đây là một dân tộc ông không thể giải thích được, ông không thể giải thích vì chữ “dân tộc” không phải là một phạm trù hợp luận lý, nó là một phạm trù huyền thoại học. Dân tộc Mễ Tây Cơ, ông không thể giải thích sự phong phú này, lịch sử này, niềm vui này, khả năng hội hè giữa nhiều thảm kịch mà ông đã hỏi về. Tôi có thể nói một điều nữa, là sự thống nhất này, là dân tộc này đã lo liệu đề khỏi thất bại, không kết liễu mọi sự dù sau nhiều cuộc chiến tranh, những điều vẫn đang xuất hiện bây giờ. Tại thành phố Juárez, đã có thoả hiệp hòa bình kéo dài 12 tiếng trong chuyến viếng thăm của tôi. Sau đó, họ lại tiếp tục đánh nhau, không phải thế sao? Những ông buôn lậu. Nhưng dân tộc ấy thì vẫn ở với nhau bất chấp mọi chuyện kia, ông chỉ có thể giải thích bằng Guadalupe mà thôi. Và tôi mời ông nghiêm túc nghiên cứu các sự kiện ở Guadalupe. Đức Mẹ đang ở đấy. Tôi không thể tìm được lời giải thích khác. Và sẽ là điều tốt nếu các nhà báo các ông – có một số sách giải thích bức ảnh như thế nào, ý nghĩa của nó, và đó là cách các ông có thể hiểu tốt hơn dân tộc vĩ đại và tươi đẹp này.

Caroline Pigozzi, Paris Match (Pháp): Kính thưa Đức Thánh Cha, con xin kính chào Đức Thánh Cha. Hai điều, con muốn biết Đức Thánh Cha đã xin Đức Mẹ Guadalupe điều gì? Vì Đức Thánh Cha ở đấy khá lâu trong ngà nguyện cầu nguyện cùng Đức Mẹ Guadalupe. Và rồi một điều khác nữa, Đức Thánh Cha mơ bằng tiếng Ý hay tiếng Tân Ban Nha?

Đức Phanxicô: Tôi dám nói tôi mơ bằng tiếng Esperanto (tiếng quốc tế) (cười). Tôi không biết phải trả lời câu hỏi đó ra sao. Thực thế. Đôi lúc tôi nhớ một số giấc mơ bằng một ngôn ngữ khác, nhưng mơ bằng các ngôn ngữ thì không, nhưng bằng hình ảnh thì có, tâm lý tôi là như thế. Tôi mơ rất ít bằng lời, không đúng sao? Còn câu hỏi thứ nhất?

(Guadalupe)

Tôi cầu xin cho thế giới, cho hòa bình, nhiều thứ lắm. Điều bất hạnh lên đến đầu ngài thế này (nâng tay lên khoảng đầu). Tôi xin sự tha thứ, tôi xin cho Giáo Hội phát triển lành mạnh, cầu xin cho dân tộc Mễ Tây Cơ. Và một điều nữa tôi xin nhiều là: các linh mục trở thành các linh mục đích thực, các nữ tu trở thành các nữ tu đích thực, và các giám mục thành các giám mục đích thực. Như Chúa mong muốn. Điều ấy tôi xin nhiều lắm, nhưng rồi, những điều một đứa trẻ thưa cùng mẹ nó thì hơi bí mât một chút. Cám ơn cô, cô Carolina.
 
Top Stories
Cardinal Sandri: Cyprus a bridge between peoples
Fides
19:44 21/02/2016
The Prefect of the Congregation for the Oriental Churches, Cardinal Leonardo Sandri, recently visited the small Maronite Catholic community on the island of Cyprus, the population of which is mostly Greek Orthodox.

During a Mass on the Solemnity of St. Maron on 7 February, he spoke about the desire of the Maronite community “to be recognized as a national, and not only religious, minority” in a possible unitary and federal state entity which might evolve in the future if the island – currently partitioned between the internationally recognized government, and the Turkish-occupied north – achieve unification.

“In order to remain a bridge between peoples, Cyprus cannot allow itself to maintain walls, barriers and divisions,” Cardinal Sandri said. “To live without them, however, it is necessary above all, as Pope Francis often repeats, especially during this Jubilee of Mercy, to disarm one’s heart and dispose oneself to pardon and reconciliation.”

He also spoke about the situation in Lebanon, which has been without a president, who must be a Maronite Christian, since May 2014.

“This is something for which the people have already awaited for too long, something of which they have need, as does the region for purposes of equilibrium,” he said.
 
Anglican leader notes Vatican support for Primates meeting
Radio Vatican
19:45 21/02/2016
The Archbishop of Canterbury, Justin Welby, has spoken about the significance of last month’s meeting of Anglican leaders from across the global communion, noting also the significance of Vatican support for the crucial encounter.

The Anglican leader used his presidential address to the Church of England’s General Synod on Monday to review the Primates Meeting in Canterbury which focused on healing divisions, especially over issues of sexuality and the family life.

Archbishop Welby noted the important intervention at the meeting of Jean Vanier, founder of the Arche Community, as well as the presence in Canterbury Cathedral of the ancient Augustine Gospels and the head of a crozier on loan from the Rome Church of San Gregorio al Celio which he described as a remarkable “symbol of ecumenical unity”.

Also in Canterbury for the duration of the January 11th to 15th meeting was the Anglican Communion’s Mission Theologian, Bishop Graham Kings.
 
Pakistani police ordered to probe kidnap of Christian woman
UCAN
19:46 21/02/2016
Pakistani police were given a court order on Feb. 18 to investigate the kidnapping and forced conversion of a young Christian woman, the victim's lawyer said. “After four months of inquiry, the court has accepted our plea,” Sardar Mushtaq Gill, a Christian lawyer and rights activist told UCANEWS. The hearing was held at a lower court in the town of Pattoki, Punjab province. Gill filed a writ petition on behalf of 22-year-old Nabila Bibi's family last October after police refused to lodge a complaint against her kidnappers. Four armed men abducted Bibi when she was in the company of her mother and sister in Pattoki last September. The men later told police that Bibi had converted to Islam and married one of the kidnappers on her own will. Bibi's father Bashir Masih said that his daughter was threatened with death and forcibly converted. The threat of death continues, he said. “My daughter has been told that if she renounces Islam and reconverts to Christianity, she will be declared a murtad (apostate), an act which deserves nothing but death,” Masih told UCANNEWS. After police refused to lodge the complaint against the kidnappers the family approached the courts. Around 1,000 girls are forcibly converted to Islam in the south Asian country every year, said a June report by the Aurat Foundation.
 
Cardinal Ortega: “Obama's visit will be of help to the country's development”
Radio Vatican
19:46 21/02/2016
Havana - Cuban Cardinal Jaime Ortega spoke about the decision of US President Barack Obama to travel to Cuba in March. Obama announced that he will travel to the island on 21 and 22 March. He is the first US president in office, who will visit Cuba since 1928.

Cardinal Ortega, who was a “special messenger” in the process of involving the Pope in the negotiations between the United States and Cuba, told Reuters news agency that “Obama's visit is something important for the country”.”This visit to Cuba is very significant, said the Cardinal, it has a practical importance because it will be of help to the development of the country, for the people”, said the Archbishop of Havana.
 
“Solar power energy” used in the schools of the Latin Patriarchate
Fides
19:47 21/02/2016
Schools of the Latin Patriarchate in Jerusalem that choose to use solar panels to produce electricity increase. This is what is referred by official sources of the Latin Patriarchate, announcing the next installation of Solar power energy in the schools of the Jordanian city of Wasiyeh, Madaba and Karak. In Palestine the patriarchal schools in Beit Jala, Beit Sahour and Ramallah have already opted for solar panels

The introduction of solar power energy systems - explain the sources of the Patriarchate - reduce electricity bills and allows to re-use the saved money in training activities. But the initiative is itself a great opportunity to raise students' awareness on ecology and renewable energy and prevent the emission of carbon dioxide.The ecological “new course” of schools and Catholic institutions in Holy Land was opened two years ago by the Latin Catholic Church of the Twelve Apostles in Zarqa which was the first parish in the Middle East that used the sun to produce energy through installing solar panels. “The idea”, said to Agenzia Fides Fr. Elias kurzum “came to me in summer, seeing the sun that here in the desert in June, July and August makes us suffer the heat ... I thought, why not try to exploit it”. The pilot project at the parish of the Twelve Apostles was made possible thanks to the contribution of Oeuvre d'Orient, a French organization that supports the Middle Eastern Christian communities.
 
Russia denies creating massive wave of Syrian refugees
Radio Vatican
19:47 21/02/2016
Russia has denied that it is targeting civilians in Syria amid fresh accusations that Moscow's military intervention in that country has displaced more than half a million Syrians since September, while 2016 is expected to see even more Syrians flooding Europe than the record numbers seen last year. Turkish and American leaders have accused Russia of using refugees from Syria as a geopolitical tool to further undermine stability in Turkey, the European Union, and the NATO military alliance.

Turkish Prime Minister Ahmet Davutoglu says Russia is in his words “behaving like a terrorist organization and forcing civilians to flee” by carrying out air strikes “without any discrimination between civilians and soldiers, or children and the elderly.”

Outspoken U.S. Senator John McCain agrees. He believes Russian President Vladimir Putin's support for Syrian President Bashar al-Assad's regime is intentionally creating a fresh, destabilizing flood of refugees aimed at overwhelming Turkey and the rest of Europe.
 
Pope Francis: video-message for Mexico's Jesuits
Radio Vatican
19:48 21/02/2016
The Society of Jesus in Mexico has published a brief video message of the Pope addressed to the Jesuit community in the country.

In the message, Pope Francis asked his Jesuit brothers to continue to work for the dignity of all people: “Keep working for the dignity of Jesus,” he said, “which is working in every man and woman of Mexico.” He repeated, “keep working for the dignity of Jesus” who even on the Cross continued to work for those who crucified Him.

The Pope underlined the importance of Mexico’s youth, saying, “Mexico has a young face.”

He noted, too, that Mexico suffers. But, he continued, Mexico is great, filled with amazing riches. He recognized Mexico’s history, a history that is unique among Latin American countries.

Pope Francis said he was praying for his Jesuit brothers, and asked them to pray for him. He called on them to “make a mess,” repeating one of his most famous sayings. And he asked them, in conclusion, to work for the cause of Blessed Miguel Pro and to pray for the protection of the Virgin of Guadalupe.
 
Văn Hóa
Lòng Chúa Thương Xót!
Nguyễn Trung Tây
03:51 21/02/2016
Nguyễn Trung Tây
Lòng Chúa Thương Xót!



Em hỏi tôi, “Bí quyết nào để thành công? Ngủ trễ, thức sớm, chuyên cần. Vậy đã đủ để mình sẽ trở thành một người thành công trong xã hội hay không?”
Nghe em hỏi, tự dưng tôi muốn phá ra cười (thật sự là tôi đã nhìn thấy mình đang đứng cười, thiếu điều muốn sặc cần cổ!). Em hỏi tôi, một người sinh ra và lớn lên với thất bại; có những lần thất bại đến nỗi khô khốc trống rỗng cả hai bàn tay (vừa nghĩa đen lẫn nghĩa bóng)!
Tôi nhìn em, em tuổi thanh xuân hai mươi; mắt sáng rực rỡ, tóc đen lay láy không một cọng bạc.
Tôi cũng đã từng ở tuổi hai mươi. Nhưng (tiếc quá!) tuổi hai mươi của một thời bể dâu; tuổi hai mươi mất niềm tin vào mình và vào người; tuổi hai mươi sợ hãi học đường và xã hội; tuổi hai mươi cương quyết bỏ đi, để lại sau lưng một quá khứ và hiện tại xám buồn trộn lẫn với một viễn ảnh tương lai bấp bênh. Sau mỗi lần vượt biên thất bại, thuyền gỗ lênh đênh trôi dạt về lại đất Mẹ, tuổi hai mươi chân đất bước xuống thuyền, hai tay bị còng, công an áp giải dẫn thẳng vào nhà tù Gò Công, Tiền Giang, và Hàm Tân; tuổi hai mươi làm bạn với muỗi, rệp, rán, chuột của xà lim và nhà tù ẩm thấp chật nghẹt tù nhân.
Tôi đã ngủ trễ và thức sớm, nhưng bừng con mắt dậy, vẫn thấy mình tay trắng lại hoàn trắng tay.
Giờ em hỏi tôi. Xin đừng trách nếu tôi muốn phá ra cười.
Em mến,
Cuộc sống nào cũng là một hành trình của lên đường, tìm kiếm. Có những hành trình thành công. Có những hành trình… thì ngược lại!
Từ những ngày cuối cùng tháng Tư định mệnh, những con thuyền gỗ đã nhổ neo lên đường bỏ lại sau lưng bờ biển quê hương. Trên những khoang thuyền tỵ nạn chật hẹp, bao nhiêu thân xác Việt Nam đã đứng, tay giơ cao ngang trán ngong ngóng chờ đợi giây phút diện kiến sợi chỉ mới tinh khôi kéo dài nơi đường chân trời. Những con thuyền tỵ nạn đã khởi hành với lòng quyết tâm và lòng đam mê đời tự do. Sau những ngày giờ trôi nổi trên sóng nước, những con thuyền gỗ cuối cùng dừng những vòng quay chân vịt, đỗ lại tại bến lạ, Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Hong Kong. Một trang sách mới mở ra chào đón những người quyết tâm lên đường. Hành trình kiếm tìm tự do chung cuộc là một hành trình thành công.
Cộng đồng Việt Nam hải ngoại, sau những ngày tháng tỵ nạn, cuối cùng, tái định cư trên những vùng đất mới, Na Uy, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu. Những bàn chân Việt, gần như một mẫu số chung, khởi đầu hành trình mới tại những quốc gia mới với hai bàn tay trắng tinh! Sau một cuộc bể dâu tại quê nhà, sau những giây phút nhấp nhô trên sóng biển, sau những mòn mỏi đợi chờ tại trại tỵ nạn, người Việt lên đường với gia sản của con số không, không gia đình, không công việc, không ngôn ngữ, không tài sản. 40 năm đã trôi qua, con số không của ngày xưa giờ đã chuyển mình, hóa ra phố Little Saigon của Quận Cam bảng đường chỉ dẫn từ xa, trên những siêu xa lộ. Bắc Cali với Vietnam Town lẫy lừng vươn cao. Ở đâu có người Việt, nơi đó có phố xá, quán ăn, nhà thờ, đình chùa của người Việt. Tuổi trẻ Việt Nam thành công trong nhiều lãnh vực y như tuổi trẻ bản xứ. Tuổi trẻ Việt nói tiếng Anh và tiếng Việt giỏi như nhau. Dừng lại một phút để tự hỏi, tại sao lại có hiện tượng đũa thần đổi thay Cô Tấm lọ lem. Câu trả lời nằm ở lòng quyết tâm và sự say mê, hai trong số nhiều yếu tố đã góp phần vào hiện tượng Việt Nam tỵ nạn thành công. Bởi quyết tâm và say mê xây dựng lại một đời sống mới tinh trên vùng đất mới, gia đình Việt Nam, cả bố cả mẹ lên đường nhập cuộc. Trời thu cũng như trời đông, bố mẹ tỵ nạn chở con tỵ nạn tới trường; khi con biến mất sau khung cửa, bố mẹ quay ra nhập vào dòng xe cộ ngược xuôi hướng thẳng tới công xưởng làm Technician, Assembler, bưng tô Phở, nửa đêm về sáng quét dọn quán rượu Mễ, và đủ các nghề để kiếm tiền nuôi con Việt. Ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật, bố mẹ chở con tới trường Việt Ngữ học tiếng Việt. Bởi quyết tâm và say mê xây dựng một tương lai vững chắc cho mình và cho con cái, bố mẹ Việt Nam hy sinh tất cả. Bởi thế, tỵ nạn Việt Nam thuả xưa biến hình. Hành trình Việt Nam hải ngoại, 40 năm viễn xứ, hành trình thành công.
Tôi nhìn em một lần nữa. Lần này tôi nói,
— Nếu quyết tâm và đam mê, hy vọng rất nhiều hành trình em đang theo đuổi sẽ là một hành trình về đích với hoa quả thơm tho và ngọt ngào (thơm tho cho riêng hồn mình và ngọt ngào cho cả xã hội).
Em hỏi ngay, vầng trán thông minh lăn tăn gợn sóng,
— Tại sao lại có yếu tố hy vọng xuất hiện trong trường hợp này?
Tôi trả lời,
— Một bộ óc quyết tâm và một trái tim đam mê vẫn chưa đủ. Vẫn còn một yếu tố khác, một yếu tố chung cuộc, yếu tố này sẽ quyết định tất cả…
Em rõ ràng ngạc nhiên, háo hức chờ đợi,
— Cha ơi! Yếu tố nào vậy?
Tôi nói ngay,
— Lòng Chúa Thương Xót!
Những con thuyền tỵ nạn đã cương quyết lên đường mặc dù biết trước hành trình tỵ nạn nhiều nỗi gian nan, tù tội, sóng biển, ngư phủ Thái, xua đuổi từ phía chính quyền của những nước lân bang. Mà thật sự là như vậy, nhiều con thuyền gỗ xuất phát từ cửa biển Việt Nam đã không bao giờ cặp bến. Biển xanh đã biến thành mộ phần cho nhiều mảng thuyền tỵ nạn và thân xác Việt Nam, những máu đỏ da vàng quyết tâm lên đường bởi mê say hít thở không khí tự do. Những con thuyền còn lại cặp bến (dù có là rách nát!) hoàn toàn nhờ vào Lòng Chúa Thương Xót. Không có Ơn Trời, thuyền tỵ nạn và thuyền nhân sẽ không bao giờ có cơ hội đặt chân lên bờ, bước đi những bước chân tự do (chữ Ơn này, xin ngắn gọn, cũng có thể gọi với chữ Duyên, Duyên Trời).
Cũng tương tự như thế, tất cả những thành công của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ và trên thế giới cũng đều nhờ vào Lòng Chúa Thương Xót. Có lòng quyết tâm, có niềm đam mê, nhưng không có Thiên Chúa tặng ban sức khỏe sung mãn và ngay cả những toa thuốc chữa lành vết thương (thân xác và tâm hồn), thương xá Việt Nam rộn ràng và tòa nhà chủ nhân danh tính Việt Nam cao ngất trên những đỉnh đồi sẽ không bao giờ xuất hiện trên mặt quả địa cầu. Chẳng trách chi, ông bà mình có câu, “Người tính không bằng trời tính”.
Tôi dừng lại. Em và tôi cùng nhìn ra ngoài khung cửa văn phòng bởi những tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà.
Mưa kéo về sa mạc nguyên một tuần rồi. Mưa từ sáng tới chiều, mưa tiếp tục tưới xanh xanh cỏ từ nửa đêm về sáng. Cả một vùng trời héo úa bỗng dưng bừng xanh hớn hở vui tươi. Trời xanh, đất xanh, cỏ xanh! Cả một bức tranh héo úa giờ này rộn ràng mầu xanh. Bởi mưa trời, cỏ khô chuyển mình thay đổi màu sắc. Giờ này xanh xanh ngút ngàn!
Một định luật, một tự nhiên, bao giờ cũng thế, cỏ khô quyết tâm nhô cao, vươn thẳng! Cỏ khô từ những ngày đầu tiên của tuần sáng thế ký luôn luôn mê man đắm say tia nắng mặt trời. Nhưng không có mưa trời, cỏ khô vẫn khô héo, vẫn úa tàn dù quyết tâm nhô cao để thỏa mãn niềm đam mê nắng trời. Nhưng, tạ ơn thiên đàng, bởi mưa trời đổ xuống, cỏ khô vươn cao, úa vàng chuyển mình hóa ra màu xanh xanh non vườn Địa Đàng.
Tôi bước ra sân, giơ hai bàn tay hướng lên trời cao hứng lấy những hạt nước mát lạnh của thiên đàng. Mưa trời tuôn đổ thấm ướt hai bàn tay tôi khô cằn từ bao lâu nay. Mưa trời đổ xuống, tôi giơ hai tay ra hứng lấy. Mưa trời đổ xuống đầy tràn lênh láng hai bàn tay tôi từ lâu khô khốc trống rỗng.
Tự nhiên đâu đó trong hồn tu sĩ sa mạc vang vang câu đồng dao ngọt ngào thơm mùi lúa chín,
Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cầy,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp.

Cuộc sống nào cũng là một hành trình của lên đường tìm kiếm. Có những hành trình thành công bởi nhờ vào một tấm lòng quyết tâm, một trái tim đam mê, và trên hết tất cả, nhờ vào Lòng Chúa Thương Xót.
Có Lòng Chúa Thương Xót, có tất cả. Chẳng lạ chi từ ngày 8/12 của năm 2015 vừa qua, Giáo Hội Công Giáo qua bàn tay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở rộng cánh cửa của năm Hồng Ân, năm Lòng Chúa Thương Xót. Nhiều cánh cửa của Lòng Chúa Thương Xót trên toàn thế giới đã mở rộng để ngợi ca Lòng Thương Xót của thiên đàng.
Mùa Xuân dân tộc đang tới. Kính chúc người tín hữu Việt Nam một năm Bính Thân 2016 mới tinh khôi với nhiều thành công mới. Nguyện cầu năm Hồng Ân Lòng Chúa Thương Xót 2015-2016 đổ xuống từng tâm hồn của chúng ta thêm nhiều hồng ân.
Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lễ Rằm Tháng Giêng
Nguyễn Bá Khanh
19:20 21/02/2016
LỄ RẰM THÁNG GIÊNG
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Cúng quanh năm
Không bằng cúng rằm tháng giêng.
(Ca dao)