Ngày 27-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chuẩn bị
Lm Vũđình Tường
03:24 27/02/2020
Chuẩn bị hay sửa soạn là điều ai cũng làm bởi nó là một phần của cuộc sống. Chuẩn bị đi trước mọi việc, mọi biến cố to nhỏ đều đòi có chuẩn bị. Sự việc đơn giản cần chuẩn bị ít và chúng ta quen thuộc với chúng nên chuẩn bị trở thành thói quen, dường như không có. Sự việc quan trọng và phức tạp cần chuẩn bị kĩ và dường như không bao giờ đủ. Chuẩn bị mất nhiều thời gian, công sức nhưng chúng cần thiết bởi chuẩn bị càng kĩ mức độ lo lắng càng giảm.

Trong Kinh thánh, sa mạc hay hoang địa thường được chọn là nơi chuẩn bị cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Đây là nơi mình gặp chính mình, nhìn vào cõi lòng mình để nhận biết chính mình, biết tình yêu mình dành cho Chúa và quan hệ với Thiên Chúa mật thiết, gắn bó đến mức nào. Đây là nơi giúp ta đi từ hoang địa bên ngoài tiến vào hoang địa tâm hồn. Đây là nơi ta không còn chú tâm vào tiếng gầm gừ bên ngoài nhưng lắng nghe tiếng nói trong tâm tư. Đây là nơi giúp ta nhận biết đâu là tiếng Chúa mời gọi, chọn đi theo Ngài; đâu là tiếng ma quỉ phủ dụ, từ bỏ chúng, tránh bị chúng lường gạt. Đây là nơi ta chọn sống theo í Chúa và từ bỏ ước muốn, tham vọng cá nhân. Chọn bước theo con đường Chúa mời gọi và nhận sự hướng dẫn, quan phòng của Thiên Chúa. Quan trọng hơn hết, đây cũng là nơi ta nhận biết tội làm cho hình ảnh trong ta ra nhơ nhuốc, bẩn thỉu, xấu xa, bởi theo con đường ma quỉ phủ dụ. Nơi đây ta tẩy rửa, tắm gội, đánh bóng hình ảnh nguyên thủy Chúa dựng nên ta.

Để cứu dân Ngài, Thiên Chúa mời gọi Môisen từ hoang địa vùng núi Sinai làm công việc cứu dân Chúa khỏi tay Pharaô (Sáng Thế Kí chương 24 và tiếp theo). Dân Do Thái cũng luẩn quẩn từ sa mạc này đến hoang địa khác trước khi họ tiến vào vùng Đất Hứa tràn đầy sữa và mật ong. Thánh Gioan Tẩy giả cũng sống trong hoang địa trước khi rao giảng kêu gọi mọi người thống hối và nhận phép rửa từ ông. Trong tinh thần đó, Mùa Chay không phải là thời gian thất vọng mà chính là thời gian tràn trề hy vọng. Hy vọng bởi đây là thời gian chuẩn bị tâm hồn cho trong sáng, cho trái tim đong đầy yêu thương, nối kết lại các mối quan hệ, quan hệ gia đình, thân tộc, thân hữu, hoặc đang lỏng lẻo, hoặc đã bị cắt đứt, chia lìa. Hy vọng bởi đây là thời gian ta nhìn vào chính mầu nhiệm cuộc sống, tìm hiểu thêm í nghĩa tích cực của đau khổ, bệnh tật, thành công, thất bại, và ngay cả già nua trong đời. Hy vọng bởi chúng ta học từ Đức Kitô phương thế chống lại cám dỗ trong đời.
Đức Kitô sống trong hoang địa, sau đó Ngài cảm thấy đói và ma quỉ dến cám dỗ Ngài ba lần. Lần đầu liên quan đến thực phẩm, lần thứ hai liên quan đến danh vọng và lần cuối đến quyền lực. Cơ thể con người cần cơm ăn, áo mặc. Đức kitô đáp lại ma quỉ. Cơm ăn áo mặc không chưa đủ mà còn cần đến Lời Chúa. Bởi chính Lời Chúa ban bình an cho tâm hồn. Đức Kitô đáp lại ma quỉ. Danh vọng không làm nên con người; yêu thương đồng loại, nhân ái, khiêm nhường mới chính là đường lối Chúa. Quyền lực cần đi chung với trách nhiệm bảo vệ sự sống và công lí cho mọi người. Thực phẩm, danh vọng, và quyền lực đều là những món quà đáng giá khi chúng nằm trong tay những người hiền lương, hỗ trợ sự sống và kiến tạo hoà bình, công lí cho mọi người. Thực phẩm, danh vọng và quyền lực trở thành vũ khí hại người khi chúng rơi vào tay những kẻ bất lương, mong thoả mãn ích kỉ, phục vụ tham vọng cá nhân. Cám dỗ thứ ba bạch hoá ma quỉ là cha của mọi dối trá, gian manh, lừa đảo. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ; ma quỉ hứa vinh hoa phú quí trần gian cho những ai thờ lậy chúng. Chúng không thể cho những gì chúng không có.

Đức kitô không để chúng hỗn hào, lộng hành hơn nữa Ngài ra lệnh cho chúng. Ngươi phải thờ lậy Thiên Chúa. Một mình Ngài là Thiên Chúa, ngoài ra không còn thần nào khác. Sau đó Đức Kitô nói với chúng, satan hãy cút đi. Mat 4,10. Chúng vâng phục Đức Kitô, chúng biến mất. Vâng Đức Kitô mà không ph ục, kh ông yêu mến Ngài chính là phong cách của ma quỉ. Chúng ta xin ơn vâng phục Ngài trong tâm tình yêu mến.

TiengChuong.org

Preparation

Events happen daily. Simple and ordinary events, we deal with without much difficulty because we get used to them. For complicated and extraordinary events, we need time to learn about them. It is a great help when we know about a complex event in advance, otherwise it is a great challenge in life. Preparations for a complex event are time consuming, and it may hardly be enough. However, more preparation will lessen the anxiety a person may have.

In the scriptures, 'wilderness experience' is a time of preparation for a specific mission. It is a time to look deep within oneself examining love, and the relationship that person has with God. It is a time to make a move from the desert of the wilderness into the desert of one's heart. It is a time of listening not to voices of the outside world, but rather of discerning the inner voices, deep within one's heart. It is a time for choosing God's voice and rejecting the devil's voice. It is a time of letting go of our own will and adopting God's will. It is a time of waiting for God's guidance and direction. Ultimately it is the time for restoring the image of one's true self, that has been damaged by sins.

To save his people, God asked Moses to spend time in the wilderness- Mount Sinai- before giving him the rescue mission (Ex.3f). The Israelites wandered in the wilderness before entering the Promised Land (Ex.16f). John the Baptist gained wisdom from the wilderness experience. In that spirit, Lent is not a time of despair, but of hope. We hope to prepare ourselves for our conversion of the heart. We hope to understand more deeply the mystery of life with its daily struggles, failures and sickness. We hope to learn from Jesus about resisting temptations with the assistance of God's power.

Jesus spent time in the wilderness, and after that the devil tempted him three times. The first temptation involved food, the second temptation related to worldly power, and the third temptation was about worldly glory. Our physical body needs food and water as nutrition for survival. Jesus told the devil, that bread alone won't give life, but the word of God does. We are given authority and responsibility to fulfil our mission. Doing God's work means to serve with love and humility, and not to show off with pride, as the devil advocated. We all need food, power and glory, but they are not for selfish purposes. We need to do the right thing, that means, food must be shared when we can; power is for maintaining peace and justice, and glory is to make God's Name known to others. The final temptation confirmed the devil is the father of lies. He can't give what he doesn't have. God, not the devil, created the world. Jesus told the devil 'You must worship the Lord your God, and serve him alone'. Mt 4,10 The devil went too far in his temptation. Jesus told him, that God, he must worship, not the other way round. Second, God alone is worthy of all praise and glory, and there are no other gods beside Him. Serving God means to obey God with love from one's heart. The devil left Jesus when he told them: 'Be off'. Doing things without love is the work of the devil.
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Chủ Nhật Thứ I Mùa Chay. Năm A 1.3.2020
Lm Francis Lý văn Ca
17:10 27/02/2020
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta bắt đầu Chúa Nhật thứ I của Mùa Chay Thánh. Đây là dịp thuận tiện để chúng ta lắng nghe Lời Chúa. Hình ảnh Chúa Kitô đau thương, thân hình tiều tụy, khuôn mặt bê bết máu sẽ là nguồn an ủi và tin tưởng cho những ai đang sầu khổ.

Giáo Hội dùng 6 tuần lễ liên tiếp để sửa soạn cho người tín hữu sống mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại. Sự phục sinh của Chúa là trung tâm điểm của đời sống người tín hữu chúng ta. Đó là tất cả ý nghĩa chúng ta tóm lượt chia sẻ và suy nghĩ trong suốt lộ trình của Mùa Chay và Phục Sinh. Đồng thời, áp dụng những suy tư đó vào đời sống chứng nhân của mình.

Mùa Chay cũng là dịp thuận lợi để chúng ta mở rộng bàn tay hướng đến tha nhân; những người nghèo khó, ốm đau bệnh tật. Hãy đáp lại dự án tìn thương mà Giáo Hội mời gọi chúng ta chia sẻ trong Mùa Chay.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây.

TRƯỚC BÀI I:
Bài đọc đầu tiên hôm nay, thuật lại việc tổ tông sa ngã. Sự sa ngã nầy vẫn cò tồn tại nơi cuộc sống của chúng ta, khi biết điều nọ điều kia là xấu mà chúng ta vẫn cứ bị cám dỗ thực hiện.

TRƯỚC BÀI II:
Nơi con người có đầy dẫy sự yếu đuối do tội nguyên tổ của Adong và Evà. Nhưng qua Đức Kitô, chúng ta nhận được ơn thánh, để chống trả lại chước cám dỗ.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Chúa Kitô bị ma quỷ cám dỗ, sau 40 đêm ngày chay tịnh và cầu nguyện trong sa mạc. Chúa có thể tỏ quyền năng của Ngài để thắng ma quỷ, nhưng không, Ngài muốn dạy chúng ta chấp nhận con đường khổ giá và hoàn tất ý nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha trong chương trình cứu chuộc.


LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta vừa lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ Lời Ngài. Giờ đây, với tâm tình con thảo, chúng ta van nài Cha từ ái ban cho chúng ta những ơn sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô và tất cả hàng Giáo Phẩm trên thế giới, được đầy khôn ngoan và thánh thiện, để hướng dẫn Cộng Đoàn dân Chúa đạt được những ích lợi thiêng liêng trong Mùa Chay Thánh Năm nay. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho những anh chị em tân tòng, đang được chuẩn bị để lãnh nhận bí tích rửa tội trong Mùa Phục Sinh năm nay, với ơn Chúa ban và sự hướng dẫn của các giảng viên giáo lý, họ sẽ được chuẩn bị xứng đáng lãnh nhận những bí tích khai tâm Kitô giáo. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho mỗi người tín hữu chúng ta, biết dùng những thời gian của mùa Chay, để tìm về nguồn sống sung mãn trong ơn thánh và lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và Giáo Hội van nài, để gặp gỡ Chúa nơi những anh chị em, kém may mắn hơn chúng ta trong cuộc sống vật chất. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Ngoài những ý hướng chung của Giáo Hội trong mùa Chay, xin cho mỗi người chúng ta được trở thành những sứ giả của Cộng Đoàn Xứ Đạo, mời gọi những người đồng hương Công Giáo về thông hiệp cuộc sống Cộng Đoàn Xứ Đạo trong Mùa Chay năm nay. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu, qua tình thương hải hà của Chúa, ban cho các ngài được hưởng niềm vui bất diệt trên thiên quốc. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một lương tâm sáng suốt, để chọn lựa những điều nào nên làm hay nên tránh. Với ơn khôn ngoan Chúa ban, chúng con sẽ chọn những điều giúp chúng con chiếm hữu đời sống vĩnh cửu mai ngày. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
CĐ: Amen.
 
Chúa Nhật I Mùa Chay A : Quỷ ké tinh ranh
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:28 27/02/2020
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Một lời cầu mà Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha khiến chúng ta không thể xao lãng và xem thường chước cám dỗ, nhất là khi chước cám dỗ ấy lại do chính thần dữ chủ mưu gây ra. Bước vào Chúa Nhật thứ nhất của mùa Chay thánh, qua ba bài đọc Lời Chúa, giáo hội cho chúng ta trực diện với chước cám dỗ để nhận rõ sự thâm độc của thần dữ để rồi bền bỉ chiến đấu đến cùng.

Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế tường thuật câu chuyện tiên tổ loài người thất bại trước chước cám dỗ của Satan. Thế nhưng bài tin mừng cho thấy Satan đã phải chuốc lấy thất bại trước Chúa Giêsu. Thánh Phaolô qua bài đọc thứ hai đã làm một so sánh mang tính đối nghịch giữa sự thất bại của tổ tiên loài người với sự chiến thắng của Chúa Kitô chỉ muốn nhấn mạnh đến tính phổ quát của công trình cứu độ của Đấng làm người.

Xin được mạo muội vạch trần một nét tinh ranh của Satan trong chước cám dỗ của nó và mong sao chúng ta thêm phần cảnh giác. Đã là quỷ thì kế mưu cám dỗ của nó hẳn là tinh ranh và xảo quyệt khó lường. Sự thường nếu lấy điều xấu mà cám dỗ thì rất dễ bị nhận diện. Chính vì thế ma quỷ thường lấy điều tốt để cám dỗ loài người chúng ta. Với tổ tiên loài người thì nó dụ dỗ họ tìm biết sự thiện sự ác. Phân biệt điều lành điều dữ, là điều đáng làm và là việc phải làm cho đúng với phận người. Nỗ lực tìm biết điều lành, điều dữ quả thật là việc làm đáng khen, vì đó là việc rất tốt, việc chính đáng và phải đạo, đạo làm người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu thì ma quỷ cám dỗ Người tìm sự thành công trong công cuộc cứu độ nhân trần. Thực thi công trình cứu độ đạt kết quả là một điều tốt, đáng ước mong, vì đó là mục đích của việc nhập thể làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Có thể nói rằng quỷ kế của Satan là đề ra một việc tốt, một việc phải làm và đáng làm nhưng rồi lại khôn khéo dẫn dụ chúng ta thực hiện việc ấy bằng những phương thế sai lạc, nghĩa là trái với đuờng lối của Thiên Chúa. Luân lý Công Giáo khẳng định rõ nguyên tắc “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Để đạt một đích tốt phải phải sử dụng những phương tiện tốt hoặc mang tính trung dung nghĩa là tự chúng không xấu. Chủ trương của ngài Đặng Tiểu Bình: “Mèo đen hay mèo trắng cũng được, miễn là bắt được chuột” không phù hợp với luân lý Công Giáo.

Satan đâu có cám dỗ tổ tiên loài người làm điều xấu, nó chỉ xúi giục tiên tổ nỗ lực tìm biết sự lành sự dữ. Cái tinh quái của nó là ở chỗ xúi giục tiên tổ lấy bản thân mình, lấy lợi ích của mình làm tiêu chí để phân biệt điều tốt xấu, lành dữ. Chi tiết này được trình bày qua dữ kiện là sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội thì thấy mình trần truồng. Người ta thấy mình trần truồng là khi hướng cái nhìn vào bản thân mình.

Phải xác định rằng chỉ có nhà sản xuất mới có khả năng và thẩm quyền khẳng định sản phẩm mình làm ra là tốt hay xấu vì chính họ đặt ra tiêu chuẩn kỷ thuật sản phẩm. Chúng ta nhận ra hiện thực này qua những lần thu hồi xe hơi lỗi kỷ thuật của nhiều nhà sản xuất như Honda, Toyota… Như thế, chỉ có mình Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ vạn vật mới có thẩm quyền xác định các sự vật hiện tượng, các hành vi nào là tốt hay xấu, lành hay dữ. Như thế con người chúng ta chỉ có thể tìm biết điều lành điều dữ cách chuẩn xác dựa vào thánh ý Thiên Chúa, dựa vào chương trình và ý định của Người.

Cái sai lầm của tổ tiên loài người là lấy bản thân mình, lấy lợi ích riêng của mình làm tiêu chí để thẩm định điều tốt xấu, lành dữ. Khi nghiêng chiều theo chước cám dỗ này thì sự lành dữ, tốt xấu không còn mang tính khách quan. Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa và được mùa lúa thì úa mùa xoài…là những điều như hiển nhiên. Như thế một dữ kiện có thể tốt với người này và xấu với người kia. Nếu nhân loại cứ theo sự chủ quan để chọn lựa và hành xử thì sẽ sinh ra hỗn độn.

Satan khi cám dỗ Chúa Giêsu cũng thực hiện chiêu trò này. Nó không cám dỗ Người từ bỏ công cuộc cứu độ nhân loại nhưng nó lại cám dỗ Người thực thi công trình cứu độ theo ý riêng của Người chứ không theo thánh ý Cha trên trời. Cám dỗ thứ nhất: Sử dụng của cải vật chất, cơm áo gạo tiền thì dễ thành công lắm chứ, vì có thực mới vực được đạo, có tiền thì mua tiên cũng được mà. Cám dỗ thứ hai: Sử dụng quyền năng phi thường thì dễ lôi cuốn lòng người và nói gì người ta cũng dễ nghe theo. Cám dỗ thứ ba: Thoả hiệp với mãnh lực sự xấu. Chỉ là tận dụng nó hay là lợi dụng nó mà thôi, có gì đâu phải ầm ỉ. Chúng quả thật là tinh vi và xảo quyệt.

Để chiến thắng chước mưu ma quỷ thì Chúa Giêsu đã phải chiến đấu trong sự tỉnh thức và nỗ lực hết mình. Để có được động thái hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha trên trời qua lời thân thưa: “…Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”, thì Chúa Giêsu đã phải tuôn mồ hôi pha lẫn cả máu đào.

Xây cất nhà thờ là một điều tốt, thành lập một giáo xứ mới cũng có thể là điều tốt, thuyên chuyển nhân sự dễ dàng cũng có thể là điều tốt… tuy nhiên để đạt được những điều tốt ấy thì không thể thoả hiệp với sự dữ, không thể sử dụng những phương thế làm cớ cho những tâm hồn bé mọn vấp phạm… Quỷ kế của Satan luôn tinh quái và chước mưu cám dỗ của nó vẫn còn đó dưới nhiều hình thái tinh vi. Và chúng ta cần phải bền chí khẩn cầu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Thiên Chúa không hề cám dỗ bất cứ một ai, và Người cũng chẳng thể để mặc chúng ta sa chước cám dỗ. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa để nhận biết thánh ý Người. Chắc chắn qua lời cầu xin trên, Thiên Chúa muốn dạy chúng ta hãy cẩn trọng với chước mưu ma quỷ cám dỗ và hãy biết lánh xa dịp tội. Biết mình yếu thi đừng ra đầu gió. Chuyện đơn giản mà thực ra không mấy dễ dàng.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột



 
Xin Ơn Chúa giúp để chống trả Tên Cám Dỗ
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
21:34 27/02/2020
Bước vào Mùa Chay Thánh, mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo truyền thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Hôm nay Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay Thánh. Phúc âm trình bày cho chúng ta một cuộc chiến đấu làm theo ý Chúa Cha hay là theo ý của Satan. Quả thật, trước khi sứ vụ cứu thế khai mào, Chúa Giêsu đã vào hoang địa, ăn chay, cầu nguyện bốn mươi đêm ngày và ở đó chịu Satan cám dỗ.

Xem video và nghe bài giảng

Satan lợi dụng thời gian này để tấn công và cám dỗ Chúa đi khác đường lối của Chúa Cha, đây cũng là cám dỗ bất tuân giống như con rắn xưa đã cám dỗ Ađam. Satan muốn Chúa Giêsu là một con người hoàn toàn thuộc về thế gian, thế giới mà hắn làm chủ. Vì là con người, Chúa Giêsu đã dựa vào Lời Chúa và sức mạnh của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần để chiến đấu. Người đã chiến thắng, ma quỷ đã phải rút lui, và các các thiên sứ đến hầu hạ Người (x. Mt 4,1-11).

Bước vào Mùa Chay Thánh, chúng ta phải ý thức rằng, những quỉ kế mà ma quỉ dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, cũng là những cách chúng cám dỗ chúng ta ngày hôm nay.

Satan là kẻ thù lớn nhất của chúng ta. Có người không tin có Satan, họ cho rằng, Satan là một sản phẩm do trí tưởng tượng của con người hoặc là sự dữ trừu tượng pha trộn trong con người và thế giới. Không!

Kinh thánh nói nhiều lần về Satan như một hữu thể cụ thể và có thực. Hắn là một thiên thần sa ngã. Chúa Giêsu khẳng định khi nói : "Hắn là kẻ nói dối và là cha của sự dối trá" (Ga 8,44). Thánh Phêrô ví ma quỉ như con sử tử gầm thét : "Đối thủ của anh em là ma quỉ như sư tử rống, nó lượn rình tìm sao nuốt được một ai" (1Pr 5,8). Và Chân phước Phaolô VI, Giáo hoàng dạy chúng ta : "Ma quỉ là kẻ thù số một, nó cám dỗ rất tinh vi. Chúng ta biết rằng nhân vật tối tăm và phá rối này thực sự tồn tại và tiếp tục hành động".

Nó làm thế nào? Thưa, nó nói dối, lừa dối chúng ta. Baudelaire viết : "Chiến thắng lớn nhất của ma quỉ là làm cho chúng ta tin rằng ma quỉ không hiện hữu". Nó nói dối chúng ta thế nào?

Hắn trình bày hành động xấu như thể là tốt, hắn thúc giục chúng ta làm điều xấu, hắn gợi lên những lý do để biện minh cho tội lỗi của chúng ta. Sau khi lừa dối chúng ta rồi, hắn làm cho chúng ta lo lắng và buồn bã. Hỏi chúng ta có bao giờ cảm thấy điều đó không?

Chúa Giêsu đã bị cám dỗ bất tuân lệnh truyền của Chúa Cha, Người đã chống trả quyết liệt và đã vâng phục cho đến chết; sự bất tuân ấy được diễn tả như thế nào? Nội dung của sự cám dỗ ấy là gì?

Chúa Giêsu là con người hoàn toàn như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, nên những thử thách mà Người phải đương đầu, những cám dỗ Người phải chịu, cũng là những thử thách, những cám dỗ của nhân loại hôm nay. Cám dỗ ấy là cám dỗ về vật chất tư lợi, uy quyền danh vọng, và về hưởng thụ thỏa mãn các đam mê trần tục.

Của cải vật chất là một cám dỗ lớn, mãnh liệt, không trừ một ai, từ em bé mới có trí khôn cho đến người già sắp lìa cõi thế, từ người buôn bán giữa chợ cho đến vị bậc vị vọng ở nơi nhà thờ. Tự bản chất, vật cất không xấu; xã hội phải làm ra của cải thì mới tồn tại và phát triển được; con người phải có điều kiện vật chất tối thiểu mới có thể sống. Nhưng tiền là một người đầy tớ tốt, và là một ông chủ xấu. Biết sử dùng và làm chủ của cải, chúng ta sẽ làm được rất nhiều việc, kể cả những việc ích Nước lợi Dân. Trái lại, khi nô lệ của cải, để của cải làm chủ, nó sẽ hủy hoại tất cả những giá trị đạo đức, từ tình nghĩa gia đình, vợ chồng, cho mẹ con cái, cho đến những giá trì về công bằng xã hội, về đạo đức và tôn giáo.

Danh vọng là một cám dỗ cũng mạnh không kém. Con người ngày hôm nay có khuynh hướng lẫn lộn danh dự với danh vọng. Thực ra danh dự thì ai cũng cần; có danh dự thì mới có thể sống vui, sống xứng đáng là con người. Mất hết danh dự, con người nhiều khi không còn thiết sống nữa. Nhưng danh vọng thì khác; danh vọng thường phát xuất từ một địa vị cao, hoặc một đời sống giầu có, hoặc từ sự thành công được nhiều người biết đến và khen ngợi. Người ham mê danh vọng là người thích được người khác vỗ tay đề cao, thích được nổi bật giữa đám đông. Có người ham mê danh vọng đến mức sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh cả những giá trị đạo đức, chạy theo danh vọng nhiều khi là thả mồi bắt bóng và dẫn tới những sụp đổ bi đát nhất.

Cám dỗ thứ ba là quyền lực. Ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, cám dỗ về quyền lực vẫn là một cám dỗ đáng sợ nhất. Thường khi đã có tiền và danh vọng, điều mà người ta ao ước là có quyền trên những người khác, điều khiển người khác. Các tranh chấp về quyền hành làm nảy sinh những biến động xã hội rất tai hại, có khi còn phát sinh giặc giã chiến tranh và gieo rắc đau khổ tan tóc trên nhiều người. Có những người đang nắm quyền cố gắng giữ chặt quyền bính bằng mọi giá, kể cả những thủ đoạn bất chính và phi nhân.

Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan; nên Người được các thánh Giáo phụ gọi là Ađam mới, sinh ra một nhân loại mới, sống bằng sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ mình là con người mới được tái sinh nhờ Phép rửa, được kêu mời sống ơn gọi đó.

Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã đập vỡ đầu con rắn độc ác, giúp chúng ta vượt qua những cám dỗ mỗi ngày và sống Mùa Chay Thánh này cho nên. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục: Hãy biến thương đau thành nước trong lành cho dân chúng
Thanh Quảng sdb
21:59 27/02/2020
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục: Hãy biến thương đau thành nước trong lành cho dân chúng

Để đánh dấu Mùa Chay thánh, trong một nghi thức sám hối truyền thống thường được tổ chức cho các giáo sĩ trong Giáo phận Rôma vào thứ năm sau thứ Tư lễ Tro, tại Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateran, nhà thờ chính tòa của Giáo phận.
(Tin Vatican)

Sau Bài suy gẫm của Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Giáo phận Rôma, các linh mục có cơ hội để cử hành bí tích Hòa giải... Thông thường, Đức Đức Thánh Cha Phanxicô, với tư cách là Giám mục Rôma, có mặt trong buổi lễ này, và đích thân Ngài ngồi tòa giải tội cho linh mục nào muốn đến với Ngài. Tuy nhiên, năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định tham dự nghi thức tại nhà nguyện thánh Mát-ta với giáo triều... Tuy vậy, Ngài đã gửi một thông điệp qua Đức Hồng Y De Donatis để ngài đọc cho các linh mục tại giáo phận Roma.
Trong sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ về nỗi thống khổ của một số linh mục, trong khi bày tỏ hy vọng các linh mục đó có thể biến những thương đau đó thành nước trong lành cho giáo dân khi chính các ngài cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nguồn gốc gây ra nỗi đau
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ nguồn gây ra nỗi đau, có thể bắt nguồn từ niềm tin và từ mối quan hệ giữa các linh mục hoặc với chính Giám mục của mình!
Liên quan đến đức tin, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng nỗi đau khởi đi từ sự thất vọng, xuất phát từ những ước muốn bất chính của chính chúng ta, thay vì đổ lỗi cho Thiên Chúa. Đức Thánh Cha viết để chuyển từ vô vọng sang hy vọng, chúng ta phải vượt lên chính mình, để tín thác vào Chúa.

Sự thiếu quan tâm của giám mục cũng có thể là nguồn đau khổ cho các linh mục, những người đôi khi thấy Giám mục của mình độc đoán làm cho mình có cảm giác như bị loại trừ, hoặc thấy những nỗ lực của mình không được đấng bản quyền lưu tâm tới! Mặc dù biết rằng Giám mục phải là người có phán quyết cuối cùng; nhưng Đức Thánh Cha cho rằng chủ nghĩa độc đoán không phải là câu trả lời! Các giám mục nên tham khảo nhu cầu và khát vọng của người khác để các quyết định của các ngài chỉ vì lợi ích chung.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho hay mối liên hệ giữa các linh mục cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi các vụ bê bối, đặc biệt là các vụ lạm dụng tình dục và tài chính. Điều này có thể dẫn đến một cái nhìn khinh thị Giáo hội! Vì yếu tính Giáo hội là hoàn hảo nhưng thụ tế lại khác vì những sự sai trái lầm lạc của thành phần dân Chúa, từ đó dẫn đến một chủ thuyết duy giáo hội. Đức Thánh Cha chia sẻ để đáp lại trào lưu đó, chúng ta phải nhớ rằng trong cuộc sống này lúc nào cũng có cỏ lùng mọc xen kẽ với lúa và lúc nào cũng có người tốt và người xấu, kẻ lành và người dữ trong cùng một thực tại của Giáo hội.

Sự nguy hiểm của nỗi cô đơn
Đức Thánh Cha Phanxicô xin các linh mục hãy lưu ý đừng để mình bị rơi vào nỗi cô đơn, bị cô lập, đặc biệt bị lìa xa ân sủng, tẻ lạnh với đời sống tâm linh; cô lập khỏi xã hội và đặc biệt xa lìa ơn cứu độ; tự tách ly khỏi các mối liên hệ của niềm tin và ơn gọi truyền giáo.
Để chống lại trào lưu này, điều quan trọng là các linh mục phải có một vị linh hướng khôn ngoan, có thể chia sẻ tâm tư với các ngài và dẫn đưa các ngài hòa mình vào cộng đoàn dân Chúa.

Hiệp thông với dân Chúa
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc những tâm tư của ngài bằng cách nhắc nhở các linh mục rằng người chủ chiên phải biết các chiên của mình hơn bất kỳ ai khác; các ngài phải biết tôn trọng, đồng hành và cầu nguyện cho giáo dân của mình. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho chính mình và cầu xin Chúa biến nỗi đau của chúng ta thành nước tinh khiết ngọt ngào cho dân Chúa. Hãy cầu xin Chúa ban cho tất cả chúng ta biết nhận ra lỗi lầm của chúng ta, giúp chúng ta hòa giải với Chúa hầu chúng ta có thể mang hòa bình và hy vọng cho anh chị em của chúng ta…
 
Công Đồng Toàn Thể Úc 2020: Một số điểm trong Phúc Trình Sau Cùng của giai đoạn Lắng Nghe và Đối Thoại: Lạm dụng tình dục và Ủy Ban Hoàng Gia
Vũ Văn An
22:44 27/02/2020
Lạm dụng tình dục và Ủy Ban Hoàng Gia

Một vấn đề quan trọng được đưa ra bởi những người tham gia là vụ tai tiếng lạm dụng tình dục và Ủy ban Hoàng gia sau đó điều tra các đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em. Mặc dù người ta thừa nhận rằng các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân chịu trách nhiệm đối với việc gây ra lạm dụng tình dục trong Giáo hội, nhưng những đệ trình của các người tham gia đã tập chú cách riêng vào việc lạm dụng của các giáo sĩ. Những người tham gia nhận diện việc cần phải kêu gọi toàn thể cộng đồng Công Giáo hối cải và phẩm trật của Giáo hội có mối quan tâm lớn hơn đối với các nạn nhân và những người sống sót việc giáo sĩ lạm dụng tình dục. Cũng có những gợi ý để Giáo hội lãnh đạo các buổi phụng vụ hàn gắn và tham gia vào các hành vi đền tội công khai. Một số người nhận diện việc cần phải minh bạch, nhiều trách nhiệm giải trình, báo cáo tin tức cân bằng về cuộc khủng hoảng và nghiên cứu về nguyên nhân và tác động của lạm dụng tình dục trẻ em nhiều hơn. Cũng có một lời kêu gọi Giáo hội làm tốt hơn trong việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia. Những người tham gia cũng cảm thấy rằng cộng đồng Công Giáo cần phải vượt quá tai tiếng và công chúng nói chung cần phải ngừng diễn dịch rằng tất cả những người có liên kết với Giáo Hội Công Giáo đều là những kẻ ấu dâm. Cuối cùng, một số người mong muốn việc chăm sóc nhiều hơn đối với các linh mục ấu dâm bị kết án.

Kêu gọi sám hối vì việc giáo sĩ lạm dụng tình dục

Một số đáng kể những người tham gia cảm thấy điều quan yếu là phẩm trật của Giáo hội biểu lộ sự ăn năn đối với tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục. Nhiều người tham gia cảm thấy phẩm trật của Giáo hội cần chịu “trách nhiệm giải trình” và nhiều “tương cảm’ hơn trong các cố gắng ăn năn của mình.

Phẩm trật cần thực sự lắng nghe người ta và học cách xây dựng lại niềm tin sau các tai tiếng giáo sĩ lạm dụng – nhiều cuộc sống bị hủy hoại cả về thể chất lẫn tâm lý. Cần có trách nhiệm giải trình và cởi mở thực sự trong việc quản lý Giáo Hội. Các giám mục cần lắng nghe một cách cảm thương và tương cảm. Chứ không phải chỉ nói ‘xin lỗi', mà là ‘làm’ việc xin lỗi.

Hãy biểu lộ sự ăn năn về những sai trái của Giáo hội tại Úc và thế giới. Giới lãnh đạo đã thất bại trong việc lãnh đạo... Các Giám mục nên dạy dỗ, hướng dẫn và sửa chữa các linh mục và tín hữu công dân.


Một số người tham gia cũng nhận trách nhiệm tập thể đối với cuộc khủng hoảng, kêu gọi toàn thể cộng đồng Giáo hội ăn năn và chấp nhận trách nhiệm. Một người tham gia tuyên bố:

Trong tư cách Giáo hội, chúng ta công khai chấp nhận và thừa nhận rằng chúng ta, Giáo hội, là một dân tộc tội lỗi. Nhiều cuộc đời đã bị hủy hoại qua việc lạm dụng tình dục, xúc cảm và thể xác, và sự kỳ thị của các giáo sĩ, tu sĩ [và] giáo dân giữ một chức vụ có trách nhiệm và tin tưởng.

Quan tâm nhiều hơn đối với các nạn nhân và người sống sót

Nhiều người tham gia cảm thấy cần phải quan tâm hơn đối với các nạn nhân và những người sống sót nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục. Những người tham gia tin rằng “việc thừa nhận” nhiều hơn là điều cần thiết để đạt được điều này, như một người tham gia đã quả quyết:

Thừa nhận sự tổn thương, đau khổ và đau đớn mà người ta đang phải chịu do tội lỗi của những ông cha, các tội lỗi liên quan đến lạm dụng tình dục, việc che đậy lạm dụng tình dục và chủ nghĩa giáo sĩ trị rộng lớn và cố thủ hơn, việc lạm dụng quyền lực và rối loạn chức năng có hệ thống.

Hơn nữa, những người tham gia cảm thấy cần phải đưa ra mọi cố gắng để “hỗ trợ, lắng nghe và chăm sóc” cho các nạn nhân. Thí dụ:
Chúng ta đang sống sau thảm họa lớn nhất có thể giáng xuống Giáo hội tại đất nước này (cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục). Đầu tiên, tôi nghĩ Thiên Chúa muốn mọi nỗ lực có thể có phải được hướng đến việc cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân bị lạm dụng trong Giáo hội. Thứ hai, tôi nghĩ Thiên Chúa muốn chúng ta như một tập thể Giáo hội cúi đầu xấu hổ.

Một cách được gợi ý để hỗ trợ các nạn nhân là qua Giáo hội tham gia vào các hành vi đền tội công khai.

Phụng vụ hàn gắn và các dấu chỉ công khai hoặc các hành vi phạt tạ

Các người tham gia đã có nhiều đề nghị để Giáo hội tiến hành các hành vi phạt tạ (reparation) công khai đối với các nạn nhân và những người sống sót nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục. Điều này bao gồm một “ngày hòa giải toàn quốc” với các nạn nhân và một “lời xin lỗi công khai toàn quốc được lưu hành trên các tờ báo” trên khắp nước Úc. Hơn nữa, những người tham gia cảm thấy “các buổi phụng vụ công cộng” tại các thành phố thủ phủ nổi tiếng của Úc cũng có thể mang lại cơ hội hàn gắn. Thí dụ, như một người tham gia đã quả quyết:

Thực hiện một hành vi đền tội công khai cho những tội lỗi của các giám mục anh em của các ngài và của các linh mục trong nhiều thập niên qua liên quan đến việc lạm dụng trẻ em và việc che đậy sau đó... Một tuần cầu nguyện và ăn chay thực sự ở ngoài đường phố? Điều này sẽ cho thấy việc lãnh đạo và ăn năn thực sự và có thể giúp một bình diện hàn gắn diễn ra. Nó cũng có thể châm ngòi cho những hành vi sám hối và ăn năn tương tự ở nơi khác.



Cuối cùng, những người tham gia cảm thấy rằng nên có những hành vi phạt tạ công khai trong Thánh lễ. Như một người tham gia đề nghị:

Chúng ta cần phải lồng vào “Lời nguyện giáo dân” một lời xin lỗi và công nhận sự tàn bạo trong quá khứ và lạm dụng trẻ em dưới sự chăm sóc của các định chế Công Giáo.

Minh bạch và trách nhiệm giải trình nhiều hơn liên quan đến việc giáo sĩ lạm dụng tình dục

Một vấn đề quan trọng được nêu ra liên quan đến cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục là Giáo hội phải minh bạch hơn. Như một người tham gia đã quả quyết:

Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa đang kêu gọi Giáo hội phẩm trật chính thức và các dòng tu phải trung thực, minh bạch và ăn năn về việc vi phạm và che đậy nạn lạm dụng trẻ em của chúng ta và phản bội lòng tin của dân Chúa.

Cũng có những lời kêu gọi Giáo hội có trách nhiệm giải trình nhiều hơn đối với các hành động của mình. Thí dụ:

Những điều đã xảy ra liên quan đến [việc] lạm dụng tình dục trẻ em [là] điều không thể tha thứ được. Giáo hội lẽ ra phải hành động. Không có gì như thế này sẽ xảy ra một lần nữa. Những người đã không hành động khi được cho biết những gì đang xảy ra cũng nên chịu trách nhiệm - họ nên chịu trách nhiệm giải trình.

Cũng có những lời kêu gọi xem xét các phúc trình công khai về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Những người tham gia kiên quyết cho rằng hành động của những kẻ phạm tội và đáp ứng của Giáo hội là điều “không thể chấp nhận được”. Tuy nhiên, cũng có mối lo ngại cho rằng các tin tức báo cáo cuộc khủng hoảng không phải lúc nào cũng đúng sự thật. Cộng đồng nói chung nghĩ 2 phần 3 các vụ lạm dụng tình dục đã được vi phạm trong Giáo Hội Công Giáo, trong khi chỉ là 1 phần 3, một sự hiểu lầm về số liệu thống kê... Tuy nhiên, Giáo hội nên xem xét tất cả các khuyến nghị trong Phúc trình sau cùng và chúng nên được thảo luận rộng rãi trong Giáo hội để không vội vã tiến bước mà không nghiên cứu kỹ lưỡng cho việc thực hành trong tương lai.

Nghiên cứu thêm về nguyên nhân và hệ lụy của lạm dụng tình dục trẻ em

Nhiều người tham gia muốn Giáo hội có một “sự hiểu biết nhiều hơn” về cách thức cuộc khủng hoảng này xảy ra. Một số người tham gia kêu gọi Giáo hội xem xét và nghiên cứu các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục và hiểu hậu quả ra sao đối với các nạn nhân muốn tiến tới. Như một người tham gia đã tuyên bố:

Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa muốn chúng ta khảo sát xem làm thế nào thảm họa này có thể trở nên sâu rộng đến thế.

Một người tham gia khác đề nghị Giáo hội đầu tư vào các tài nguyên giáo dục để hiểu rõ hơn điều gì đã xảy ra và hậu quả của cuộc khủng hoảng:

Tiến hành một diễn trình suy tư nền tảng và thần học cũng như liên ngành về nguyên nhân và hệ lụy của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trẻ em, và biện phân các cách tiếp cận thần học mới đối với cơ thể, tính dục, giới tính và trẻ em được thông tri bằng kinh nghiệm đương thời và hiểu biết khoa học, chứ không chỉ có Kinh thánh và truyền thống. Mời các Giáo Hội khác tham gia, và cả chính quyền dân sự nữa, bằng cách tài trợ và tạo ra các trung tâm nghiên cứu đặc biệt để thông tri các thực hành giảng dạy đã được cải thiện về quản trị và thừa tác vụ và cũng để cung cấp việc huấn luyện, việc cấp phép (accreditation), phát triển chuyên nghiệp và việc thực hành tốt nhất.

Thực thi tốt hơn các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia

Một số lượng đáng kể những người tham gia cảm thấy Giáo hội bắt buộc phải thực thi các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia. Như một người tham gia đã phát biểu “hãy tin tưởng Ủy ban Hoàng gia và làm theo các khuyến nghị của Ủy Ban”. Cũng có những lo ngại cho rằng giới lãnh đạo Giáo hội sẽ không hợp tác hoàn toàn với các hậu quả pháp lý của những phát hiện của Ủy ban Hoàng gia:

[Thiên Chúa] đang yêu cầu tinh thần, tính toàn vẹn và tính xác thực được tiếp tục với việc thực thi mọi khuyến nghị được hỗ trợ và chấp nhận của Ủy ban Hoàng gia điều tra việc lạm dụng tình dục trẻ em. Thiên Chúa cũng muốn chúng ta cũng tích cực nhận diện và dập tắt các nỗ lực trong Giáo hội muốn sử dụng kiểu nói nước đôi, dùng ngôn ngữ luật pháp (legalese) để bỏ qua các thách đố trong các khuyến nghị.

Hàn gắn và vượt quá tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục

Một số người tham gia cảm thấy rằng Giáo hội cần phải “xin tha thứ”, “tìm cách tạo hòa bình”, “làm dễ dàng diễn trình hàn gắn cho các cá nhân” đã bị tổn thương do nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục và sau đó, “tiến về phía trước”. Những người tham gia cảm thấy rằng để tiến lên phía trước, toàn thể cộng đồng Giáo hội cần “tìm cách học hỏi” và “tạo ra một tương lai tốt hơn” cho Giáo Hội Công Giáo ở Úc. Đối với một số người, ta có thể đạt được việc tiến lên phía trước bằng cầu nguyện:

Cầu nguyện đặc biệt cho những người [đã] liên lụy vào các vụ tai tiếng mà Giáo hội đã phải chịu đựng. Để cởi mở với việc thay đổi và có sự thay đổi trong tâm hồn, để chấp nhận việc các sai lầm đã xảy ra nhưng chúng ta phải tìm cách sửa chữa và học hỏi từ các sai lầm trong quá khứ.

Tóm lại, một số người tham gia cảm thấy cần có sự thừa nhận các sai lầm trong quá khứ, cố gắng hàn gắn những sai lầm đã phạm phải và sau đó tiến về tương lai.

Không coi tất cả mọi người hay linh mục là kẻ ấu dâm

Một vài người tham gia đã lo ngại về việc dán nhãn hiệu cho các linh mục và Giáo Hội Công Giáo nói chung là những kẻ phạm tội tình dục. Một người tham gia đã nhấn mạnh điểm này như sau:

Hãy ngưng đối xử với mọi người, đặc biệt là các tình nguyện viên, như thể họ là những kẻ ấu dâm và lạm dụng và coi họ như những người chịu trách nhiệm.

Một người tham gia khác nhấn mạnh rằng đại đa số cộng đồng Giáo hội là các công dân tuân thủ luật pháp và muốn Giáo hội “sửa chữa sự gây hại của 7%. Công bố sự tốt lành của 93%”.

Chăm sóc các linh mục ấu dâm

Đề tài cuối cùng trong chủ đề Lạm dụng tình dục và Ủy ban Hoàng gia là quan tâm của cộng đồng Công Giáo nói chung đến việc chăm sóc các linh mục ấu dâm đã bị kết án. Thí dụ, một người tham gia nói rằng Giáo hội cần “tìm một cách tiếp cận chung để chăm sóc một cách kính trọng và trung thực các linh mục ấu dâm đã bị kết án”. Một người tham gia khác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải đảm bảo “mối liên kết giữa Thiên Chúa và các linh mục bị kết án”. Người tham gia này đã khẳng định “sự nâng đỡ những người phạm tội. Tôi tin rằng điều quan trọng là phải tha thứ và trợ giúp để người ta duy trì được mối liên hệ với Thiên Chúa”. Cuối cùng, các người tham gia cảm thấy cần phải có lòng “cảm thông”, “bối cảnh” và “viễn tượng” cho từng tình huống:

Cần phải làm nhiều hơn nữa để chữa lành những người vi phạm để họ không tái phạm. Nhiều linh mục này đã bị chính những người cha của mình lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Các buổi cầu nguyện chữa lành nội tâm nên được cổ vũ công khai hơn và có sẵn đó cho những linh mục mong muốn và tìm kiếm sự chữa lành cho chính họ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt Thứ Tư Lễ Tro
Vinh sơn Trần văn Đẩu
21:26 27/02/2020
“ Ngày Thứ Tư Lễ Tro, khởi đầu Mùa Chay Thánh, chúng ta được mời gọi ăn chay cầu nguyện và làm việc bác ái “.

Đó là lời chia sẻ của Lm Chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ trong Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro, được cử hành lúc 17g ngày 26/2/2020 tại giáo xứ Tân Việt do Ngài chủ tế, cùng với sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

Xem Hình

Đầu lễ Cha chủ tế nhắn nhủ : “ Ngày Thứ Tư Lễ Tro, khởi đầu Mùa Chay Thánh, chúng ta được mời gọi ăn chay cầu nguyện và làm việc bác ái. Mùa Chay là mùa thống hối, chúng ta chỉ thống hối khi tin vào Lòng Thương Xót của Chúa, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang lo lắng về dịch cúm Corona,tuy nhiên chúng ta tin vào Lòng Thương Xót Chúa với sự cộng tác của các nhà khoa học sẽ tìm ra vacxin chống lại dịch cúm này. Chúng ta nhớ rằng mọi biến cố đều là sứ điệp mà Chúa gởi đến cho chúng ta, để chúng ta ăn năn thống hối trở về với Chúa và với nhau.

Chia sẻ Tin mừng Cha chủ tế nói : Mùa Chay lại trở về với chúng ta, mùa chay là mùa Sám hối mà cũng là mùa chúng ta được gọi trở về với Chúa và với nhau. Lời Chúa chúng ta lắng nghe một khía cạnh nào đó về việc trở về. Hãy trở về để giao hòa với Chúa cụ thể đến với Chúa qua Bí Tích hòa giải, đến với Chúa qua Thánh lễ để có những giây phút cầu nguyện, gặp gỡ để Lời Chúa thấm nhuần, canh tân đời sống chúng ta.

Nghi thức chịu tro chúng ta sắp lãnh nhận đây không chỉ là nghi thức bên ngoài mà chúng ta hãy trở về với cõi lòng mình, để khiêm tốn hơn,chân thành hơn và chúng ta tin rằng Chúa đang lắng nghe lời cầu Chúa chúng ta.

Ngài kết luận: Ngày Thứ Tư Lễ tro hôm nay, chúng ta thấy cộng đoàn tham dự rất đông và sốt sắng điều đó cho thấy mỗi người chúng ta đều ý thức về việc ăn năn sám hối. Ước mong sao mùa chay thánh này mỗi người chúng ta hãy làm hòa với nhau và gia tăng những việc đạo đức để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh.

Sau bài giảng là nghi thức làm phép Tro và sức Tro với lời nguyện và rảy Nước Thánh. Sau đó Ngài lấy Tro đã làm phép xứ ghi dấu trên đầu mình và trao cho các thừa tác viên xức tro trên đầu các tín hữu theo hình Thánh Giá. Hình thức xức tro hôm nay biểu lộ lòng tin của người Ki Tô hữu vì con người được tạo dựng bằng bùn đất, sẽ trở về bụi tro.

“ Hãy xé lòng, chớ đừng xé áo. Hãy trở về với Cha nhân từ. Hãy xé lòng, chớ đừng xé áo. Hãy trở về thống hối ăn năn… Lời bài ca Kết lễ đã kết thúc Thánh lễ Thứ Lễ Tro lúc 18g.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết tận dụng cơ hội này sống tâm tình sám hối, ăn năn biết hợp mật thiết với Thiên Chúa và biết hướng lòng đến với tha nhân.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Khai mạc Mùa Chay Thánh
Văn Minh
22:01 27/02/2020
“Mùa Chay Thánh là dịp để chúng ta tập sống khắc khổ, đi vào cuộc chiến thiêng liêng với ba thù (ma quỷ, thế gian và xác thịt), thông phần vào mầu nhiệm được cùng đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá của Chúa, Và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”.

Xem Hình

Trên đây là lời mời gọi mở đầu thánh lễ Tro, khai mạc mùa Chay Thánh, của linh mục (LM) Gioakim, chánh xứ Vĩnh Hòa, chủ tế thánh lễ vào lúc 5g00 sáng, ngày 26/2/2020. Cùng với sự hiện diện rất đông cộng đoàn tín hữu trong giáo xứ tham dự.

Trong phần giảng lễ, Lm Gioakim đã hướng dẫn cộng đoàn năm cách thế mà thánh Gioan Kim Khẩu dạy sám hối trong mùa chay là:

Lên án tội của mình

Tha thứ tội lỗi cho anh em

Cầu nguyện

Bố thí

Sống giản dị và khiêm tốn.

Đồng thời, ngài cũng nhấn mạnh đến lời Chúa Giêsu dạy trong trang Tin mừng (Mt 6,1-6.16-18) “Khi làm việc lành phúc đức, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy; khi cầu nguyện, đừng phô trương như bọn đạo đức giả; Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay”, mà hãy làm từ sâu thẳm trong tâm hồn, vì “Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em” (Mt 6,18).

Thánh lễ được kết thúc lúc 6g00 cùng ngày. Mọi người ra về, mang trong tâm lời kêu gọi của Hội Thánh “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” để từng ngày trong đời sống cố gắng thay đổi chính mình, và cùng được phục sinh với Đức Kitô.

Văn Minh
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lê thuộc vào Tầu đã thấm chưa ?
Phạm Trần
08:57 27/02/2020
Chỉ khi xẩy ra nạn dịch chết người Vũ Hán (Trung Cộng) có tên khoa học COVID-19 (Corona Virus Disease-2019), Việt Nam Cộng sản mới thấy thấm đòn lệ thuộc vào kinh tế Trung Cộng đã đe dọa nghiêm trọng đến độc lập và chủ quyền quốc gia.

Trước hết, Việt Nam không dám đóng cửa biên giới để ngăn người Tầu, có thể nhiễm Corona tràn qua Việt Nam.

Lý do, theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh,: ”Giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định biên giới, chỉ đóng cửa khi xuất hiện vấn đề an ninh, dịch bệnh, nhưng phải có thoả thuận giữa Chính phủ hai nước và báo trước 5 ngày nên một bên không thể đơn phương áp dụng.” (theo VNEXPRESS, ngày 30/1/2020)

Nhưng Việt Nam và Trung Cộng chưa tổ chức bất cứ cuộc họp song phương nào về vấn đế này, sau khi xẩy ra dịch Vũ Hán từ trung tuần tháng 12/2019. Ngược lại, Ngoại trưởng Trung Cộng, Vương Nghị đã đơn phương yêu cầu Việt Nam “khôi phục việc đi lại của công dân Trung Quốc sang Việt Nam”, vì công nhân Tầu về nước nghỉ Tết cần trở lại Việt Nam làm việc tại các dự án kinh tế của Trung Cộng ở Việt Nam. Nhưng tại sao tại Trung Quốc, Chính phủ đa ra lệnh hạn chế di chuyển để ngăn chận lay lan đã được thi hành tại 29/31 Tỉnh, Thành phố. Riêng 50 triệu người dân Tỉnh Hồ Bắc, có trung tâm dịch lây nhiễm là Thủ đô Vũ Hàn với 10 triệu dân, đã bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Họ Vương đã đưa ra đề nghị với Phó Thủ tướng, Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 5, và Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về hợp tác ứng phó COVID-19 tổ chức tại Vientiane, Lào. (báo Quốc tế.VN, ngày 19/02/2020)

Như vậy, Trung Cộng một mặt tăng cường kiểm soát trong nước để bảo đảm sức khỏe cho dân, nhưng lại muốn Việt Nam mở cửa để đón công nhân Tầu trong tình trạng “nếu có bệnh chữa sau” thì có phải là một áp lực ngoại giao dành cho Việt Nam Cộng sản không?

Bằng chứng như đã diễn ra trong cuộc họp báo ngày 20/02/2020 của Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt.

Nguyện văn:

(Báo Tuổi trẻ) H: Liên quan đến đề nghị của ông Vương Nghị về đề nghị sớm khôi phục đi lại giữa Trung Quốc và Việt Nam, phía Việt Nam trả lời thế nào? Có thông tin cập nhật gì thêm không?

(Đoàn Khắc Việt) Đ: “Để phòng chống dịch bệnh COVID-19 lan rộng và có ảnh hưởng đến sức khỏe của công dân Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua đã và đang phối hợp rất chặt chẽ trong việc quản lý các hoạt động giao thương, giao thông vận tải giữa hai nước. Trên tinh thần phòng chống dịch nhưng không “đóng cửa”, không để ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, thời gian vừa qua, trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã từng bước được khôi phục, song vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm quy trình kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguyên tắc an toàn nhất.”

Cho đến nay, sau hơn 2 tháng từ khi dịch Vũ Hán được xác nhận lây nhiễm nhanh từ người sang người, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát gắt gao nạn dịch, trong đó có việc ngưng gửi lao động qua Trung Cộng; ngưng các chuyến bay đến các vùng miền có dịch ở Trung Quốc và Nam Hàn; kiểm soát và khám y tế bệnh dịch những người Tầu qua Việt Nam và người Việt từ Tầu về nước.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có 33.700 lao động người Tầu có phép làm việc ở Việt Nam, trong đó có 26.400 người về Tầu ăn Tết.

Tuy nhiên, mới có 7.600 công nhân Tầu quay lại Việt Nam. Trong số này, có 5.112 người đang được cách ly tại 41 tỉnh, thành trên cả nước (theo báo Thanh Niên và Zing.VN)

Trong tương lai, khi những công nhân Tầu còn lại trở qua Việt Nam làm việc thì liệu dịch Vũ Hán đã kết thúc chưa, hay Thế giới đã có thốc diệt nó chưa?

Không ai biết chắc, nhưng trong khi Việt Nam khoe thành công chữa lành người thứ 16 nhiễm Covid-19 thì đã chuẩn bị đối phó với hàng ngàn công nhân Tầu như thế nào?

HIỆP ĐỊNH NÓI GÌ?

Nên biết, hai nước Việt-Trung đã ký Hiệp định “về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biện giới trên đất liền” ngày 18/11/2009 tại Bắc Kinh, có giá trị 10 năm, nhưng đã được tự động gia hạn kể từ năm 2020.

Tuy Hiệp định chỉ có 12 Điều, nhưng nội dung trong Điều 5 cho thấy, trong bối cảnh dịch Vũ Hán (Covid-19) và hoàn cảnh bị lệ thuộc vào Trung Cộng, nước Việt Nam Cộng sản đã bị lép vế và phải làm theo những gì Trung Cộng muốn.

Nguyên văn Điều 5 như sau:

1. Các cửa khẩu biên giới đã mở chính thức làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả trong các ngày nghỉ lễ theo luật định của hai Bên, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

Thời gian làm việc của các cửa khẩu đường sắt thực hiện theo giờ tàu chạy do hai Bên thỏa thuận.

2. Trong trường hợp đặc biệt phải đóng cửa khẩu hoặc tạm thời mở cửa ngoài thời gian làm việc, hai Bên cần phải thông báo và trao đổi thống nhất với nhau qua đường ngoại giao trước ít nhất 5 ngày. Việc mở lại cửa khẩu cần phải thông báo cho phía Bên kia qua đường ngoại giao và phải được phía Bên kia xác nhận.

3. Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ.

4. Việc thay đổi vị trí, loại hình, thời gian mở và thời gian làm việc ở các cửa khẩu biên giới đã được mở cần thông qua chính quyền cấp tỉnh (khu tự trị) ở vùng biên giới hai nước hiệp thương thống nhất và phải được sự đồng ý của Chính phủ hai Bên; đồng thời, thông qua đường ngoại giao để xác định. Văn bản thỏa thuận liên quan sẽ trở thành văn bản bổ sung của Hiệp định này.

5. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, không Bên nào được quyền đơn phương đóng cửa khẩu nếu chưa được Bên kia đồng ý; nếu một Bên đơn phương đóng cửa khẩu gây thiệt hại cho phía Bên kia, hai Bên sẽ thông qua đường ngoại giao hiệp thương giải quyết các vấn đề liên quan.

ÁP LỰC KÉP

Qua việc thi hành Hiệp định Cửa khẩu từ khi xẩy ra dịch Vũ Hán (COVID-19), Việt Nam đã phải nhượng bộ Trung Cộng trong đòi hỏi phải mở cửa biên giới cho lưu thông đường bộ của các loại xe, tầu lửa và người giữa hai nước.

Lý do thứ hai buộc Việt Nam phải mở cửa biên giới vì Việt Nam hầu như hoàn toàn phải lệ thuộc vào kinh tế Trung Cộng để sống còn.

Các ngành dệt may, giầy dép, thời trang và điện tử, đóng vai quan trọng hơn 1/3 lợi tức của kinh tế Việt Nam đều phải nhập nguyên liệu từ Trung Cộng. Trong khi nông sản, xuất khẩu chính sang Trung Cộng sẽ bị tồn đọng, nếu dịch Vũ Hán tiếp tục hoành hàng ở Trung Hoa khiến công nhân Tầu không thể đi làm và nhiều nhà máy sản xuất phải đình trệ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam nói:” Sự đứt gẫy của các chuỗi giá trị, sự suy giảm sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ còn kéo dài.

Những tác động từ dịch cúm có thể kể đến như tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc; thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên…”

“Nguyên nhân của căn bệnh kinh tế này mang tên “phụ thuộc” - tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế và các chuỗi giá trị toàn cầu” (theo Một Thế Giới, ngày 25/02/2020)

VẪN CHƯA NHÚC NHÍCH

Ông Lộc đưa ra viễn ảnh không sáng cho kinh tế Việt Nam vào lúc nhiều chuyên gia của Chính phủ Việt Nam vẫn chưa muốn “điều chỉnh” các mục tiêu phát triển kinh tế. Ngược lại họ muốn nhà nước phải “quyết liệt trong chống dịch cần tiếp tục được phát huy, bởi khó khăn hiện nay chính là do Covid-19 gây nên.” (theo tin TTXVN (Thông tấn xã Việt Nam)

Ý kiến này được đưa ra tại phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ngày 25/02 (2020), do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ tọa.

Đối với thị trường nhập khẩu, các chuyên viên yêu cầu: ” Cần tích cực xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thay vì tập trung vào một số thị trường. Việc đa dạng hóa thị trường cần thực hiện với cả hàng hóa nhập khẩu, bởi hiện nay tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc của các doanh nghiệp khá lớn.”

Trong cương vị Chủ tịch Hội đồng, VNTTX viết:”Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các tổ chức, như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá kinh tế nhiều nước sụt giảm, trong đó nhiều nước có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với Việt Nam, khiến không ít chuỗi sản xuất, thương mại bị đứt gãy. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Cần có loại vaccine chữa trị căn bệnh sụt giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu kép, đó là ưu tiên ngăn ngừa Covid-19 lây lan, để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời giữ được nhịp độ phát triển của kinh tế Việt Nam.”

Vaccine gì trong bối cảnh Việt Nam đang lưỡng đầu thọ địch với Trung Cộng cả vế sức ép chính trị và hàng hóa nhập và xuất khẩu?

Trước mắt, Việt Nam đang mất nhiều du khách, nhiều khách sạn, khu tham quan, nhà hàng vắng như chùa bà đanh. Công nhân trong nước mất việc. Nhiều dịch vụ như kỹ nghệ Taxi, xem ôm, xe du khách, xe bus, tầu bay, tầu thủy, xe lửa, du thuyền v.v… bị đình trệ, vắng khách, ế ẩm.

Rồi từ những thứ xuống dốc không phanh này, đời sống của các hàng quán, sản phẩm tiêu dùng, phục dịch khác sẽ ra sao mà ông Thủ tướng Phúc còn “lăng ba vi bộ” kế “Vaccine kép”?

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc nói tiếp:” Trong thế giới này, chẳng có doanh nghiệp nào, quốc gia nào có thể tự mình làm từ A đến Z. Nhưng riêng khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng khách nước ngoài tới Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 35% kim ngạch suất khẩu nông sản của Việt Nam, linh kiện phụ tùng cho các ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử… nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất thì khó có thể yên ổn được.

“Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một mắt khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương. Với tình trạng này thì khi doanh nghiệp Trung Quốc “hắt hơi”, doanh nghiệp Việt Nam không “sổ mũi” thì mới là chuyện lạ và tác động của COVID-19 chỉ là một ví dụ”.

Đã rõ như ban ngày chưa?

Hãy đọc nhận định ngắn của hai Tác giả Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh trên Thới báo Kinh tế Sàigon (TBKTSG) ngày 27/11/2019: ”Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có chung đường biên giới dài 1.281km với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước như một sự tất yếu và nếu có chính sách đúng thì có lợi cho sự phát triển của cả hai nước.

Tuy nhiên, trong quan hệ này phía Việt Nam luôn bị thâm hụt thương mại và tình trạng ngày càng trầm trọng, do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào.”

Trong khi đó Tác giả Hùng Lê, cũng của TBKTSG đã cho biết một tin không vui: ”Chiều ngày 25-2, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA—Foreign Invesment Agency) công bố báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm 2020, trong đó điểm đáng chú ý trong báo cáo này là số tiền rót để triển khai thực hiện các dự án của doanh nghiệp trong khu vực này có dấu hiệu bị sụt giảm.

Cụ thể trong 2 tháng đầu năm nay, vốn thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,45 tỉ đô la Mỹ, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức trong tháng qua, thời điểm bùng nổ thông tin phát dịch do Covid-19 từ Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài ước chỉ rót khoảng 850 triệu đô la Mỹ, bằng hơn phân nửa số vốn thực hiện của tháng liền kề trước đó và giảm khoảng 180 triệu đô la so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu hai năm qua của FIA cho thấy số vốn triển khai thực hiện của doanh nghiệp khu vực này luôn có mức tăng trưởng 7-10%. Do đó, nguồn vốn rót thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài bị sụt giảm trong khoảng thời gian thông tin dịch bệnh từ Covid-19 xuất phát ở Trung Quốc và lan rộng đi nhiều nước cũng phần nào cho thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng đến quyết định rót vốn triển khai của doanh nghiệp.”

Như vậy, cơn ác mộng nào đang chờ Việt Nam khi các Lãnh đạo, từ thời Tổng Bí thư “Thành Đô” Nguyễn Văn Linh cho đến ông Nguyễn Phú Trọng là 34 năm, mà chưa ông nào dám nghĩ thoát Trung? -/-

Phạm Trần

(02/020)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bạo chúa Tập Cận Bình: Tấn thảm họa của Trung Hoa và thế giới
Đặng Tự Do
17:33 27/02/2020
Mã Kiến (Ma Jian -马建) là một nhà văn quê ở Thanh Đảo (Qingdao -青岛), Trung Quốc. Ông rời Bắc Kinh chạy sang Hương Cảng vào năm 1987, xin tị nạn với tư cách là một nhà bất đồng chính kiến; và sau khi bán đảo này bị bàn giao lại cho Trung Quốc, ông chuyển đến London. Tất cả sách của ông đều bị cấm ở Trung Quốc.

Trên tờ The Guardian của Anh, ông đã viết một bài có nhan đề “Xi Jinping has buried the truth about coronavirus” nghĩa là “Tập Cận Bình đã chôn vùi sự thật về coronavirus.”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Trong 70 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hết lần này đến lần khác đẩy đất nước vào các thảm họa do con người gây ra, từ trận Đại đói kém kinh hoàng, đến cuộc Cách mạng Văn hóa và vụ Thảm sát Thiên An Môn; từ việc đàn áp mạnh mẽ nhân quyền ở Hương Cảng và Tây Tạng, đến việc giam cầm người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong các trại tập trung khổng lồ. Các vụ che đậy và tham nhũng của các quan chức đã nhân lên gấp bội số người chết vì thiên tai, từ virus Sars đến trận động đất ở Tứ Xuyên.

Giờ đây, việc đối phó sai lầm trước dịch bệnh coronavirus của Tập Cận Bình phải được thêm vào danh sách các tội ác nhục nhã của đảng cộng sản. Với những vụ bùng phát nghiêm trọng xảy ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Ý, rõ ràng con virus là chế độ toàn trị của Tập đang đe dọa sức khỏe và quyền tự do không chỉ của người dân Trung Quốc, mà của tất cả chúng ta ở khắp mọi nơi.

Tầm nhìn ngớ ngẩn, tự phóng đại huênh hoang của Tập nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo đảng vào năm 2012, hắn tuyên bố “giấc mơ Trung Quốc” xoay quanh khái niệm trẻ hóa quốc gia, hứa hẹn rằng đất nước sẽ khá giả vào dịp kỷ niệm bách chu niên thành lập đảng cộng sản vào năm 2021, và hoàn toàn tiên tiến đến mức bá chủ kinh tế toàn cầu trước dịp kỷ niệm bách chu niên thành lập cộng hòa nhân dân Trung Quốc 2049. Tập thề rằng, đến lúc đó, thế giới sẽ phải cúi đầu nhìn nhận rằng chế độ độc tài độc đảng của hắn vượt trội hơn so với mớ hỗn độn của nền dân chủ tự do.

Bằng cách tự bổ nhiệm mình thành “đại đế suốt đời”, Tập hiện nay có quyền lực hơn bất kỳ nhà lãnh đạo đảng nào kể cả Mao Trạch Đông, và đã nghiền nát tất cả những thành phần bất đồng chính kiến bằng cách cố gắng để xây dựng một nhà nước độc tài công nghệ cao. Đảng Cộng sản là một mầm bệnh xảo quyệt đã lây nhiễm cho người dân Trung Quốc kể từ năm 1949. Nhưng dưới sự cai trị của Tập, nó đã đạt tới hình thức độc ác nhất của nó, cho phép chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ trong khi tái khẳng định sự kiểm soát xã hội của chủ nghĩa Lênin. Lời hứa về sự giàu có và vinh quang quốc gia đã khiến nhiều người dân Trung Quốc mù quáng không nhìn thấy những sợi xích quanh chân họ, và những hàng rào dây thép gai quanh các trại tập trung ở các vùng xa xôi hẻo lánh.

Trong một bài phát biểu hôm 31 tháng 12 năm 2019, Tập báo trước một năm mới đầy hân hoan như “một cột mốc đầy ý nghĩa trong việc thực hiện mục tiêu một trăm năm đầu tiên!” Đương nhiên, hắn không đề cập gì đến dịch viêm phổi bí ẩn được báo cáo trước đó bởi cơ quan y tế ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới đã được thông báo, nhưng người dân Trung Quốc phần lớn bị giữ chặt trong bóng tối. Làm thế nào những con siêu vi vô hình có thể được phép làm giảm bớt vinh quang trong giấc mơ Trung Quốc của Tập?

Trong bất kỳ thời kỳ khủng hoảng nào, đảng luôn luôn đặt sự sống còn của mình lên trên phúc lợi của người dân. Lý Văn Lương, một bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện trung ương Vũ Hán, đã trở thành biểu tượng bi thảm của thảm họa này. Vào ngày 30 tháng 12, anh ta đã thông báo cho các bạn học cũ của mình trên WeChat rằng bảy người bị nhiễm coronavirus bí ẩn, khiến anh ta nhớ đến Sars (loại virus đã giết chết gần 800 người vào năm 2003), đang bị cách ly tại bệnh viện của anh ta và khuyên họ nên tự bảo vệ mình. Trong bất kỳ xã hội bình thường nào, điều này sẽ không thể bị coi là âm mưu lật đổ chính quyền - nhưng ở Trung Quốc, ngay cả một hành động nhỏ của lòng tốt, một cảnh báo thận trọng và riêng tư cho đồng nghiệp, có thể khiến một người gặp nguy hiểm chính trị. Vào ngày 3 tháng Giêng, bác sĩ Lương bị cảnh sát cảnh cáo - sau đó anh ta quay trở lại làm việc và trong vài ngày bị nhiễm virus.

Trong hai tuần sau đó – tức là thời gian mong manh của cơ hội ngăn chặn dịch bệnh- bọn cầm quyền tuyên bố vấn đề đã được kiểm soát. Nhưng coronavirus lạnh lùng với những ham muốn duy ý chí của những kẻ đê tiện. Không bị khống chế, nó tiếp tục lây lan. Tới lúc mà Tập quyết định cho dân chúng biết về các ổ dịch, tức là ngày 20 tháng Giêng, và ra lệnh “kiên quyết ngăn chặn”, tình trạng đã trở nên quá muộn.

Vào ngày 23 tháng Giêng, Vũ Hán đã bị cô lập. Tuy nhiên, cùng ngày hôm đó, tại một buổi tiếp tân tại Bắc Kinh, Tập chỉ nhấn mạnh sự cần thiết phải “chạy đua với thời gian và theo kịp với lịch sử để thực hiện mục tiêu một trăm năm đầu tiên của giấc mơ Trung Quốc là trẻ hóa dân tộc”. Các videos trên WeChat và Weibo đã tiết lộ sự rỗng tuếch trong tham vọng của Tập. Có những thước phim về những đại lộ vắng vẻ trong những thành phố bị ảnh hưởng. Các xác chết trên hè phố. Một phụ nữ trên ban công của một tòa nhà sang trọng gõ vào một cái chiêng và kêu la hốt hoảng giữa thinh không: “Mẹ tôi đang hấp hối, cứu chúng tôi với!”

Khi bác sĩ Lương nằm trên giường hấp hối vào ngày 30 tháng Giêng, anh đã tiết lộ sự thật về trải nghiệm của mình đối với dịch bệnh. Anh đã nói chuyện với tờ New York Times về thất bại của các quan chức trong việc công bố các thông tin quan trọng về virus cho công chúng, và nói với tờ Tài Tân có trụ sở ở Bắc Kinh rằng: “Một xã hội lành mạnh không thể chỉ có một tiếng nói.” Trong chỉ một câu đó thôi, anh đã xác định được nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật Trung Quốc. Tập ngăn chặn sự thật và thông tin để tạo ra hoang tưởng về một xã hội “hài hòa”. Nhưng sự hòa hợp chỉ có thể nổi lên từ một số lượng lớn các tiếng nói khác nhau, chứ không phải từ lời độc thoại của một tên bạo chúa.

Sau sự bùng nổ nỗi đau và sự tức giận của công chúng trước cái chết của bác sĩ Lương, vào ngày 06 tháng Hai, bọn cầm quyền nhượng bộ, và ca ngợi chính vị bác sĩ mà họ đã từng bịt miệng như “một anh hùng”. Nhưng đằng sau hậu trường, sự bách hại vẫn tiếp tục: một số người đã lên tiếng về cách thức bọn cầm quyền đối phó với dịch bệnh đã bị giam giữ.

Trong màn sương dày đặc của thảm họa, mọi người cuối cùng cũng hiểu rằng nếu bọn cầm quyền không quan tâm đến cuộc sống hay quyền tự do của con người, thì có tiền cũng không thể cứu được mạng sống mình. Cơ man các gia đình đã bị virus giết chết hết khi hơn 70 triệu người bị giam giữ trong nhà. Các quan chức Trung Quốc hôm nay đã báo cáo 78,500 ca nhiễm trùng và 2,744 trường hợp tử vong, chủ yếu ở Hồ Bắc. Nhưng không ai tin tưởng vào các số liệu của đảng. Điều chắc chắn duy nhất về những con số, do nó đưa ra, là chúng chỉ là những con số mà đảng cộng sản muốn bạn phải tin. Trong một nỗ lực để thay đổi câu chuyện sau cái chết của bác sĩ Lương, đảng đã kêu gọi chiến tranh nhân dân chống lại virus, và đã hô hào các nhà báo hãy thay thế các “nội dung tiêu cực” trên các phương tiện truyền thông xã hội với những “câu chuyện cảm động từ tuyến đầu của cuộc chiến chống căn bệnh này”. Đã từng chôn vùi sự thật về tai họa của Cách mạng Văn hóa và các tội ác khác trước đó, giờ đây đảng lại đang lôi kéo quốc gia trở về quá khứ Maoist của mình.

Ngôn ngữ chính thức đang bị ô nhiễm một lần nữa với những biệt ngữ quân sự; xã hội đang bị chia rẽ một lần nữa thành các nhóm đối kháng - không phải là giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, mà là những người bị nhiễm chống lại những người chưa bị nhiễm bệnh. Cảnh sát nông thôn hãnh diện đăng các videos về các cuộc tấn công tàn bạo của họ vào những công dân dám mạo hiểm ra khỏi nhà mà không đeo khẩu trang y tế.

Các phương tiện truyền thông nhà nước đã đăng tải hình ảnh một y tá mang thai trong bộ đồ hazmat phục vụ ở tiền tuyến. Rồi cũng có những bệnh nhân đeo khẩu trang y tế trong một bệnh viện dã chiến khác được kết nạp đảng trên giường bệnh của họ, vui vẻ giơ nắm đấm lên trời khi họ cam kết trung thành với Tập. Đối với bất cứ ai có lương tâm, những cá nhân buồn thảm này trông giống như nạn nhân của một giáo phái vô nhân đạo. Chính cái niềm tin mù quáng cho rằng những hình ảnh như thế có thể thúc đẩy một “năng lượng tích cực” nào đó, cho thấy cái vực thẳm đạo đức mà chủ nghĩa toàn trị đã dìm dân tộc Trung Hoa vào.

Trong khi dịch bệnh vẫn đang tiếp tục hoành hành, Tập đã ra lệnh cho đất nước phải quay trở lại làm việc, tất cả nhằm bảo đảm rằng các mục tiêu kinh tế trong kế hoạch cho thế kỷ 21 của hắn ta phải được được đáp ứng. Tất nhiên, tên bạo chúa vẫn đang cố giữ cho giới tinh hoa chính trị được an toàn, bằng cách hoãn Đại hội Nhân dân Toàn Quốc vào tháng Ba. Có còn cần thêm bằng chứng nào nữa không, để cho thấy giấc mơ Trung Quốc cho mọi người dân của Tập chỉ là một sự giả tạo?


Source:The Guardian
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chim Xanh Đậu Nhánh Mùa Đông
Nguyễn Đức Cung
22:25 27/02/2020
CHIM XANH ĐẬU NHÁNH MÙA ĐÔNG
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Chim xanh đậu nhánh mùa Đông
Thân tâm mơ ước, ngóng trông Xuân về
(nđc)
 
VietCatholic TV
Sứ điệp Mùa Chay 2020 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:06 27/02/2020
Ngày 24 tháng Hai năm 2020, Tòa Thánh đã công bố sứ điệp Mùa Chay, trong đó Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy hướng về mầu nhiệm Vượt qua như là trung tâm của tiến trình hoán cải.

Trong Thông điệp Mùa Chay 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến mầu nhiệm Vượt qua - mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu nạn, Cái chết và Phục sinh – như nền tảng cho sự hoán cải. Thông điệp mang tiêu đề “Chúng ta cầu xin cho nhau nhờ danh Chúa Kitô để được hòa giải cùng Thiên Chúa”, trích từ Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côrinhtô.

Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha gồm 4 phần chính. Phần thứ nhất: Mầu nhiệm phục sinh là cơ sở của việc hoán cải. Phần thứ hai: Tính cấp thiết của hoán cải. Phần thứ ba: Thánh ý say mê của Thiên Chúa muốn đối thoại với con cái Người. Và cuối cùng là phần thứ tư: Giàu có để chia sẻ, không giữ cho riêng mình.

Dưới đây là toàn văn sứ điệp này:

“Chúng tôi cầu xin anh em, nhân danh Chúa Kitô, hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2 Cr 5:20)

Anh chị em thân mến,

Năm nay, Chúa ban cho chúng ta, một lần nữa, một thời gian thuận lợi để chuẩn bị cử hành bằng những tâm hồn đổi mới, mầu nhiệm lớn lao tức cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, vốn là nền tảng của đời sống Kitô hữu có tính bản thân và cộng đồng của chúng ta. Chúng ta phải liên tục trở lại với mầu nhiệm này trong trí khôn và tâm hồn, vì nó sẽ tiếp tục lớn lên trong chúng ta theo mức độ chúng ta mở lòng ra đón nhận sức mạnh thiêng liêng của nó và đáp ứng một cách tự do và quảng đại.

1. Mầu nhiệm phục sinh là cơ sở của việc hoán cải

Niềm vui Kitô giáo phát xuất từ việc lắng nghe và chấp nhận Tin mừng về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Giáo lý sơ truyền này tóm kết mầu nhiệm của một tình yêu “có thực chất, chân thật, cụ thể đến nỗi nó mời gọi chúng ta tiến vào một mối liên hệ cởi mở và đối thoại hữu hiệu” (Christus Vivit, 117). Bất cứ ai tin thông điệp này cũng đều bác bỏ lời dối trá cho rằng cuộc sống của chúng ta là để chúng ta muốn làm gì theo ý muốn thì làm. Đúng hơn, sự sống được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa là Cha của chúng ta, từ ước mong của Người muốn ban cho chúng ta sự sống dồi dào (x. Ga 10:10). Trái lại, nếu chúng ta lắng nghe tiếng nói đầy cám dỗ của “cha mọi dối trá” (Ga 8:44), chúng ta có nguy cơ sa vào vực thẳm của sự phi lý, và trải nghiệm địa ngục ở đây trên trái đất, như quá nhiều sự kiện bi thảm trong kinh nghiệm bản thân và tập thể, buồn thay, vốn làm chứng.

Trong Mùa Chay năm 2020 này, tôi muốn chia sẻ với mọi Kitô hữu những gì tôi đã viết cho những người trẻ tuổi trong Tông huấn Christus Vivit: “Hãy luôn nhìn lên đôi tay dang rộng của Chúa Kitô bị đóng đinh, hãy để các con được cứu rỗi hết lần này đến lần nọ. Và khi các con đi xưng các tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Người, một lòng thương xót vốn giải thoát các con khỏi mặc cảm tội lỗi. Các con hãy chiêm ngưỡng dòng máu Người tuôn ra một cách đầy yêu thương đến thế, và để mình được gột rửa bởi nó. Nhờ cách này, các con có thể được tái sinh một lần nữa” (Số 123). Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu không phải là một biến cố trong quá khứ; đúng hơn, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn hiện diện, cho phép chúng ta, bằng đức tin, nhìn và sờ vào xác thịt của Chúa Kitô nơi những người đau khổ.

2. Tính cấp thiết của hoán cải

Điều tốt lành là suy ngẫm sâu sắc hơn về mầu nhiệm vượt qua mà qua đó, Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta. Thật vậy, kinh nghiệm thương xót chỉ có thể xảy ra khi mối liên hệ “mặt đối mặt” với Chúa bị đóng đinh và phục sinh, “Đấng đã yêu tôi và đã phó mình cho tôi” (Gl 2:20), trong một cuộc đối thoại chân thành giữa bạn bè. Đó là lý do tại sao cầu nguyện rất quan trọng trong Mùa Chay. Thậm chí hơn cả một bổn phận, cầu nguyện phát biểu việc chúng ta cần phải đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu luôn đi trước và nâng đỡ chúng ta. Các Kitô hữu cầu nguyện trong khi biết rằng, mặc dù không xứng đáng, chúng ta vẫn được yêu thương. Cầu nguyện có thể có bất cứ con số các hình thức khác nhau nào, nhưng điều thực sự quan trọng trong con mắt của Thiên Chúa, là nó thâm nhập sâu trong chúng ta và đẽo dần sự cứng lòng của chúng ta, khiến chúng ta hoán cải, mỗi ngày mỗi hoàn toàn hướng về Thiên Chúa và Thánh ý của Người hơn.

Như thế, trong mùa thuận lợi này, chúng ta có thể cho phép mình được dẫn dắt vào sa mạc như Israel (xem Hôsê 2:14), để cuối cùng chúng ta có thể nghe tiếng nói của Phu quân chúng ta và cho phép nó vang lên mỗi ngày một sâu hơn trong chúng ta. Chúng ta càng gắn bó với lời nói của Người, chúng ta sẽ càng trải nghiệm được lòng thương xót mà Người tự do ban cho chúng ta. Mong sao chúng ta không để thời gian ân sủng này trôi qua vô ích, trong ảo ảnh dại dột rằng chúng ta có thể kiểm soát thời gian và phương tiện cho việc hoán cải của mình hướng về Người.

3. Thánh ý say mê của Thiên Chúa muốn đối thoại với con cái Người

Không bao giờ nên coi việc Thiên Chúa, một lần nữa, muốn dành cho chúng ta một thời gian thuận lợi để chúng ta hoán cải như một điều đương nhiên. Cơ hội mới này phải đánh thức trong chúng ta một cảm thức biết ơn và khuấy động chúng ta khỏi cơn lười biếng của chúng ta. Mặc dù đôi khi có sự hiện diện bi thảm của tội ác trong cuộc sống của chúng ta và trong cuộc sống của Giáo hội và thế giới, cơ hội để thay đổi đường đi của chúng ta này nói lên thánh ý bất di bất dịch của Thiên Chúa không làm gián đoạn cuộc đối thoại cứu rỗi của Người với chúng ta. Nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, Đấng không biết gì đến tội lỗi, thế nhưng, vì lợi ích của chúng ta, đã bị biến thành tội lỗi (x. 2Cr 5:21), thánh ý cứu rỗi này đã khiến Chúa Cha đặt lên vai Con của Người sức nặng của tội lỗi chúng ta, như trong kiểu phát biểu của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, “biến Thiên Chúa chống lại chính Người (Deus Caritas Est, 12). Vì Thiên Chúa cũng yêu cả các kẻ thù của Người nữa (x. Mt 5: 43-48).

Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn thiết lập với mỗi chúng ta qua mầu nhiệm Vượt qua của Con Người không liên quan gì đến cuộc trò chuyện trống rỗng, giống như cuộc trò truyện vốn được gán cho các cư dân cổ xưa của Athens, những người “dành thì giờ của mình không làm gì cả, ngoài việc kể hay nghe một điều gì đó mới lạ” (Công vụ 17:21).

Trò chuyện như vậy, được xác định bởi một óc tò mò trống rỗng và hời hợt, đặc trưng cho tính thế gian của mọi thời đại; trong thời đại của chúng ta, nó cũng có thể là mẹ đẻ của việc sử dụng sai lạc các phương tiện truyền thông.

4. Giàu có để chia sẻ, không giữ cho riêng mình

Đặt mầu nhiệm vượt qua vào trung tâm cuộc sống của chúng ta có nghĩa là cảm thấy thương cảm đối với các vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh hiện diện trong nhiều nạn nhân vô tội của chiến tranh, trong các cuộc tấn công vào sự sống, từ sự sống của người chưa sinh đến sự sống của người già và các hình thức bạo lực khác nhau. Các vết thương này cũng hiện diện trong các thảm họa môi trường, sự phân phối không đồng đều của cải trên Trái đất, buôn bán người dưới mọi hình thức và lòng thèm khát lợi nhuận không kiềm chế được, vốn là một hình thức thờ ngẫu tượng.

Ngày nay cũng thế, cần phải kêu gọi những người thiện chí nam nữ chia sẻ, bằng cách bố trí, các của cải của họ với những người thiếu thốn nhất, như một phương thế đích thân tham gia việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Việc bác ái cho đi làm cho chúng ta trở nên con người hơn, trong khi tích trữ có nguy cơ làm cho chúng ta trở nên ít con người hơn, bị giam cầm bởi sự ích kỷ của chính chúng ta. Chúng ta có thể và phải đi xa hơn nữa, và xem xét các khía cạnh cơ cấu của đời sống kinh tế của chúng ta. Vì lý do này, giữa Mùa Chay năm nay, từ ngày 26 đến 28 tháng 3, tôi sẽ triệu tập một cuộc gặp gỡ ở Assisi với các nhà kinh tế trẻ, doanh nhân và người tạo thay đổi, nhằm mục đích lên khuôn một nền kinh tế công bằng và bao gồm hơn. Như Huấn quyền Giáo hội thường lặp đi lặp lại, đời sống chính trị đại diện cho một hình thức bác ái nổi bật (x. Đức Piô XI, Diễn Văn trước Liên đoàn sinh viên Đại học Công Giáo Ý, 18 tháng 12 năm 1927). Điều tương tự cũng đúng đối với đời sống kinh tế, một đời sống có thể được tiếp cận với cùng một tinh thần Tin Mừng, tinh thần các Mối Phúc Thật.

Tôi cầu xin Mẹ Maria chí thánh cầu nguyện để việc cử hành Mùa Chay của chúng ta sẽ mở tâm hồn để nghe tiếng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hòa giải với chính Người, rõi nhìn vào mầu nhiệm vượt qua, và được hoán cải quay về đối thoại cởi mở và chân thành với Người. Nhờ cách này, chúng ta sẽ trở thành điều Chúa Kitô từng gọi các môn đệ của Người: muối của trái đất và ánh sáng của thế gian (x. Mt 5: 13-14).

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Rôma, tại Nhà Thờ Thánh Gioan Latêranô, 7 tháng 10 năm 2019, Lễ Đức Mẹ Mân Côi.
 
Trường hợp thoát chết coronavirus thật lạ lùng của một Giám Mục Hoa Lục đã gần 100 tuổi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:09 27/02/2020
1. Tịch thu tài liệu và computers tại Phủ Quốc Vụ Khanh.

Hiến binh Vatican đã tịch thu tài liệu và các computer tại Phủ Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, liên quan đến các tai tiếng về tài chánh và bất động sản.

Toàn văn thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết như sau:

“Sáng nay, trong khuôn khổ một cuộc tìm kiếm theo yêu cầu của Chưởng Lý Gian Piero Milano, và Phó Chưởng Lý Alessandro Diddi, việc thu giữ các tài liệu và thiết bị máy tính đã được thực hiện tại Văn phòng và nhà ở của Đức Ông Alberto Perlasca, nguyên Chánh văn phòng phân bộ tổng vụ của Phủ Quốc vụ khanh.

Biện pháp này, được thực hiện trong bối cảnh cuộc điều tra các khoản đầu tư trong thị trường tài chính và bất động sản của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cũng liên quan đến những gì được phát hiện từ các cuộc thẩm vấn đầu tiên các quan chức bị điều tra và bị ngưng chức vào thời điểm đó, tuy vẫn tôn trọng nguyên tắc các đương sự được coi là vô tội cho đến khi bị kết án.

Văn phòng Chưởng Lý và đoàn Hiến binh tiếp tục điều tra về phương diện hành chính và kế toán và tiếp tục các hoạt động hợp tác với các cơ quan điều tra nước ngoài.”

“Các quan chức bị điều tra và bị ngưng chức” nói ở trên là năm quan chức Vatican bị đình chỉ vào tháng 10 trong bối cảnh một cuộc tái duyệt nội bộ về một thỏa thuận của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhằm mua một bất động sản rộng 17,000m2 tại khu phố Chelsea của Luân Đôn, bao gồm một nhà kho cũ thuộc cửa hàng bách hóa Harrod dự kiến chuyển đổi thành các căn hộ cao cấp. Kinh phí cho việc mua ban đầu đó được lấy từ Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô, được người Công Giáo trên toàn thế giới quyên góp hàng năm để hỗ trợ các hoạt động của Đức Giáo Hoàng. Tổng số tiến lên đến 220 triệu Mỹ Kim.

2. Ðức Cha Giuse Chu Bảo Ngọc (Zhu Baoyu) của Trung Quốc 98 tuổi khỏi bệnh coronavirus.

Ðức Cha Giuse Chu Bảo Ngọc (Zhu Baoyu - 朱宝玉), 98 tuổi, nguyên Giám mục giáo phận Nam Dương (Nanyang - 南阳), tỉnh Hà Nam (Henan - 河南), bên Trung Quốc, là bệnh nhân cao niên nhất được khỏi bệnh dịch corona.

Hãng tin Asia News ở Roma, truyền đi hôm 17 tháng 02 năm 2020, cho biết Ðức Cha Chu Bảo Ngọc bị viêm phổi vì Virus Covid-19 ngày 03 tháng 02 năm 2020, nhưng từ ngày 12 tháng 02 năm 2020, các cuộc khám bệnh và thử nghiệm cho thấy ngài không còn virus, và ngày 14 tháng 02 năm 2020, hai buồng phổi của Ðức Cha không còn bị thương tổn nữa.

Ðức Cha được chữa trị tại bệnh viện trung ương ở Nam Dương. Ngoài coronavirus, ngài còn bị rối loạn nhịp tim và tràn dịch màng phổi phải thở nhờ một ống thông dẫn lưu từ ngực. Cuộc khỏi bệnh của Ðức Cha Chu Bảo Ngọc được coi là lạ thường, vì cho đến nay tất cả các bác sĩ và các nhà dịch tễ học đều nói coronavirus gây tử vong cho những người già và các bệnh nhân có tiền sử các bệnh nghiêm trọng khác.

Việc Ðức Cha Chu Bảo Ngọc trở thành một tin lớn ở Trung Quốc, và tờ Nhân Dân Nhật báo đã dành một bài báo và một video để nói về việc này.

Cha Sergio Ticozzi, Thừa sai thuộc Hội Giáo hoàng hải ngoại Milano, gọi tắt là PIME, từ hơn 50 năm nay ở thế giới người Hoa, và đã quen biết Ðức Cha Chu Bảo Ngọc, cha nói với hãng tin Asia News rằng: “Tin về việc khỏi bệnh của Ðức Cha Giuse Chu Bảo Ngọc làm cho tôi rất vui mừng. Cách đây hai năm, khi tôi gặp Ðức Cha, ngài phải ngồi xe lăn và sống tại một tu viện trong giáo phận. Thoạt nhìn, Ðức Cha không nhận ra tôi, nhưng khi một nữ tu nói tên tôi, ngài mỉm cười và chào: ‘Ô, ông bạn cũ của tôi!’ Cuộc gặp gỡ thật cảm động.”

Cha Sergio cho biết giáo phận Nam Dương, trước kia được Tòa Thánh ủy thác cho các thừa sai PIME coi sóc, hiện có 20 ngàn tín hữu Công Giáo, với khoảng 20 linh mục và khoảng 100 nữ tu dòng thánh Giuse. Ðức Cha Chu Bảo Ngọc được bọn cầm quyền Trung Quốc nhìn nhận là giám mục chính tòa, và cách đây 1 năm, nhà nước nhìn nhận Ðức Giám mục Phó của ngài là Phêrô Cận Lộc Cương (Jin Lugang - 晋露刚). Nhưng đối với Tòa Thánh, Ðức Cha Cận Lộc Cương mới là Giám mục chính tòa và Ðức Cha Chu Bảo Ngọc là giám mục hiệu tòa.

3. Ðức Hồng Y Bo mời gọi tín hữu Miến Điện bảo vệ môi trường trong Mùa Chay.

Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2020 được công bố hôm 16 tháng 02 năm 2020, Ðức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á châu, đã đề nghị các tín hữu Miến Điện thực hiện các bước để bảo vệ môi trường trong 40 ngày Mùa Chay.

Trong sứ điệp, Ðức Hồng Y Bo nói rằng Mùa Chay là thời gian hòa giải giữa Thiên Chúa và con người, giữa các dân tộc và giữa con người với môi trường. Vì sự tham lam ích kỷ của con người, các nguồn nước, đất đai, đồi núi, thú vật của thế giới nơi chúng ta sống đã bị hủy hoại trầm trọng.

Ðức Hồng Y nhận định: “Ðể xây dựng sự hòa giải với Thiên Chúa và con người được Ngài tạo dựng, con người và môi trường tự nhiên, hướng tới mối tương giao hòa bình, làm cho thế giới trở nên xanh và giữ gìn thời tiết tốt, điều quan trọng là phải thay đổi thái độ, hành vi, cách chúng ta nói và viết.”

Các chỉ dẫn thực hành được Ðức Hồng Y Bo đề nghị cho 40 ngàỳ Mùa Chay bao gồm việc đọc thông điệp “Laudato Sì” của Ðức Thánh Cha Phanxicô, nghiên cứu các sách về môi trường, trồng rau, tưới và trồng cây, đi bộ trong vườn và suy tư, và cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha, người khuyến khích gìn giữ môi trường sinh thái.

Trong một video nhân chiến dịch trồng cây được tổ chức Caritas phát động vào tháng 07 năm 2019, Ðức Hồng Y Bo mời gọi mỗi công dân Miến Điện trồng và chăm sóc ít nhất 10 cây để làm cho đất nước này thật sự trở thành quốc gia xanh.

Ðức Hồng Y nói rằng “việc bảo vệ môi trường nên được bắt đầu bằng việc trồng hàng triệu cây. Cây cối là sự sống. Hàng triệu người hãy bảo vệ thiên nhiên khỏi tay những người hủy diệt rừng, những người cướp nó của người nghèo và của các thế hệ tương lai.” Ngài cảnh báo rằng lòng tham đang tạo nên cuộc khủng hoảng sinh thái của thế giới và ngày nay chúng ta phải đối mặt với một cuộc tàn sát môi trường. Trích dẫn thông điệp “Laudato Sì”, Ðức Hồng Y nói rằng những kẻ khủng bố kinh tế và khủng bố sinh thái đang gâylàm cho môi trường bị xuống cấp.”

4. Ðức Hồng Y Gracias tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng giám mục Ấn Ðộ.

Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục của Bombay, đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng giám mục Ấn Ðộ nhiệm kỳ thứ hai, kéo dài hai năm.

Cuộc bầu cử diễn ra ngày 17 tháng 02 năm 2020, ngày cuối cùng trong phiên họp toàn thể lần thứ 34, được tổ chức hai năm một lần, của các giám mục Ấn Ðộ thuộc ba nghi lễ Latin, Syro-Malabar và Syro-Malankar, diễn ra từ ngày 13 tháng 02 năm 2020 tại Học viện y khoa thánh Gioan ở Bangalore, thủ phủ bang Karnataka, về chủ đề đối thoại.

Ðức Hồng Y Gracias đã tròn 75 tuổi vào ngày 24 tháng 12 năm 2019. Hồi tháng 11 năm 2019, ngài đã đệ đơn từ chức tổng giám mục Bombay theo giáo luật, vì lý do tuổi tác, nhưng Ðức Thánh Cha Phanxicô đã xác định ngài tiếp tục tại chức.

Ðức Hồng Y Gracias được Ðức Giáo hoàng Biển Ðức XVI thăng Hồng Y trong Công nghị ngày 24 tháng 11 năm 2007. Ngày 13 tháng 04 năm 2013, ngài được Ðức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào Hội đồng Hồng Y cố vấn. Bên cạnh việc nhiều lần giữ chức Chủ tịch Hội đồng giám mục liên nghi lễ Ấn Ðộ, cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, Ðức Hồng Y còn là Chủ tịch Liên Hội đồng giám mục Á châu.

5. Giáo phận Lisbon kỷ niệm 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô.

Nhân kỷ niệm 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô, tổng giáo phận Lisbon, sinh quán của thánh nhân, đã tổ chức một chương trình mừng kỷ niệm sự kiện này.

Thánh Antôn là vị thánh nổi tiếng ở Ý, thường được gọi là thánh Antôn Padova, vì ngài qua đời và thi hài được kính tại đền thánh Antôn ở Padova nước Ý. Nhưng thánh Antôn nguyên là một người Bồ Ðào Nha, sinh tại Lisbon, với tên gọi là Fernando. Tuy đã chọn dòng kinh sĩ thánh Augustinô, nhưng vào năm 1220, thánh Antôn đã chọn theo bước thánh Phanxicô Assisi và chọn tên Antôn.

Hoạt động đầu tiên trong chương trình kỷ niệm đã được cử hành ngày 16 tháng 02 năm 2020, với “lễ hội di chuyển lưỡi” của thánh Antôn. Lễ hội này nhắc lại sự kiện thánh tích này - lưỡi của thánh Antôn - được tìm thấy còn nguyên vẹn, không bị hư hoại sau hơn 30 năm thánh nhân qua đời.

Sau đó, sẽ có các lễ kỷ niệm ngày thánh Antôn được tuyên thánh, ngày 30 tháng 05 năm 1232, theo ý muốn của Ðức Giáo hoàng Gregorio IX, ngày kỷ niệm thánh nhân qua đời 13 tháng 06 năm 1231, và ngày sinh của thánh nhân, 15 tháng 08 năm 1195.

Nhân dịp kỷ niệm này, các buổi triển lãm, hội nghị, hòa nhạc và thăm viếng, cũng được Trung tâm học hỏi và nghiên cứu của Văn phòng Tòa thượng phụ Lisbon về du lịch và Ủy ban quốc gia về các tài sản văn hóa của Giáo Hội Công Giáo tổ chức. Ðặc biệt là có “Hành trình thánh Antôn tại Lisbon” để thăm viếng các nơi lưu giữ các thánh tích của thánh nhân ở thủ đô Bồ Ðào Nha. “Hành trình thật và đúng của thánh Antôn” sẽ được tổ chức giữa thủ đô Lisbon và thành phố Coimbra để ghi nhớ một hành trình đã được thánh nhân thực hiện.

6. Tiến trình án phong Chân phước cho chị Lucia thật dài.

“Án phong chân phước cho chị Lucia, một trong 3 trẻ đã từng được thấy Đức Mẹ tại Fatima, thật dài, đòi nhiều kiên nhẫn và nghiêm túc”.

Trên đây là lời tuyên bố của Nữ tu Angela Coelho, Phó thỉnh nguyện viên án phong cho chị Lucia, với hãng tin Eclesia của Bồ đào nha, nhân dịp lễ giỗ lần thứ 15 của chị Lucia hôm 13 tháng 02 năm 2020.

Chị Lucia là một trong 3 trẻ đã được Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917. Chị qua đời năm 2005 thọ 97 tuổi, và 3 năm sau, 2008, Ðức Giáo hoàng Biển Ðức XVI đã cho phép mở án điều tra phong chân phước cho chị, hai năm trước hạn định. Sau 9 năm tiến hành, cuộc điều tra cấp giáo phận của án phong đã kết thúc với lễ nghi trọng thể hồi tháng 2 năm 2017, và toàn bộ hồ sơ thu thập được đã chuyển về Bộ Phong Thánh ở Roma để cứu xét.

Trong cuộc phỏng vấn, nữ tu Angela Coelho nói: “Tôi rất an tâm, vì tiếng tăm thánh thiện của chị Lucia rất mạnh, đến độ tôi biết rằng Chúa muốn chị Lucia được Giáo hội nhìn nhận vì lòng trung thành của chị trong cuộc sống. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi đi trước phán đoán của Giáo hội”.

Nữ tu Angela cho biết, công việc hiện nay tại Bộ Phong thánh là soạn Positio, tức là hồ sơ đúc kết về cuộc sống và các nhân đức anh hùng của Vị Tôi Tớ Chúa Lucia. Chị nói: “Công việc tiến hành chậm chạp hơn sự mong mỏi của chúng tôi và của các tín hữu. Nhưng đây là giai đoạn phải suy tư, cầu nguyện, và để cho chín mùi”.

Nữ tu Phó thỉnh nguyện viên cho biết, tuy sống trong Ðan viện kín ở thành Coimbra, Chị Lucia có liên lạc với bên ngoài qua hàng chục ngàn thư từ, và các cuộc viếng thăm của nhiều nhân vật, trong đó có 48 Hồng Y. Các thư từ đó và chứng từ của 61 nhân chứng, cô đọng trong 15 trang, được gửi về Bộ Phong Thánh để cứu xét.

7. Tình hình khó khăn tại Liban theo Ðức cha Udo Benz.

Sau cuộc viếng thăm tại Liban, Ðức cha Udo Bentz, Chủ tịch Tiểu Ban về Trung Ðông thuộc Hội đồng Giám mục Ðức về Giáo hội hoàn vũ, tỏ ra lo âu về tình hình chính trị căng thẳng tại Liban.

Tuyên bố với hãng tin Công Giáo Ðức KNA hôm 15 tháng 02 năm 2020 tại thành phố Bonn, Ðức cha Udo Bentz, cũng là Giám Mục Phụ Tá giáo phận Mainz, cho biết: “Lo lắng chính của dân chúng ở Liban là tình hình kinh tế suy sụp, nhất là những vấn đề tham nhũng, và hiện nay người ta chưa tìm được con đường để khỏi cuộc khủng hoảng tại nước này.”

Theo Ðức cha Udo Bentz, các Giáo hội Kitô ở Liban ý thức rõ về tình hình nghiêm trọng và đề ra những lập trường thật rõ ràng, chứng tỏ các tín hữu Kitô có thể giữ một vai trò tích cực trong việc cải tiến cuộc sống của xã hội.

Ðức Tổng giám mục Paul Sayah, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng phụ Công Giáo Maronite cho biết, các Giáo hội Kitô Liban muốn dấn thân cho sự bình quyền giữa mọi công dân trong vùng này.

Ðức cha Udo Bentz đến Liban để trao đổi với Hội đồng các Giáo hội Kitô Trung Ðông, gọi tắt là MECC, là cơ quan thăng tiến sự cộng tác giữa các Giáo hội Kitô tại 14 nước Trung Ðông. Trong những năm tới đây Hội đồng MECC cùng với Hội đồng Giám mục Ðức sẽ tổ chức các hội nghị nhắm hỗ trợ sự phát triển các Giáo hội Kitô ở Trung Ðông.
 
Đau lòng: Sau 236 năm lịch sử, Nam Hàn phải đình chỉ tất cả các Thánh lễ trên toàn lãnh thổ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:40 27/02/2020
Trong một diễn biến thật đau lòng, Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn đã quyết định đình chỉ tất cả các Thánh lễ có giáo dân tham dự trên cả nước. Đây là quyết định đầu tiên như thế trong lịch sử 236 năm của Giáo Hội, nhằm hợp tác với chính phủ trong nỗ lực chống lại sự lây lan của coronavirus.

Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn gọi tắt là CBCK cho biết quyết định này có hiệu lực tại tất cả 16 giáo phận và tổng giáo phận từ thứ Năm 27 tháng Hai cho đến khi có lệnh mới. Một tuần trước đó, giáo phận Đại Khẩu, tiếng Hàn gọi là Daegu, cách Hán Thành khoảng 300 km về phía đông nam, là tâm chấn bùng phát COVID-19, đã đình chỉ các Thánh lễ ở 40 giáo xứ trong tổng số 162 giáo xứ của giáo phận này. Giáo phận An Đông, tiếng Hàn là Andong, cách Hán Thành 191 km về phía đông nam cũng đình chỉ các thánh lễ tại 12 giáo xứ trong tổng số 40 giáo xứ của mình.

Đây là lần đầu tiên, Giáo Hội Công Giáo ở Nam Hàn ngừng tổ chức Thánh lễ kể từ năm 1784, khi đạo Công Giáo đến với quốc gia này qua lễ rửa tội của Thánh Lý Thừa Huân (Yi Seung-hun), vị tử đạo tiên khởi của Hàn quốc.

Số người Công Giáo nhiễm coronavirus cho đến nay là 30 người. Đó là những người Công Giáo gần đây đã thực hiện một chuyến hành hương đến Israel từ mùng 8 đến 15 tháng Hai. Hầu hết anh chị em này là giáo dân cư ngụ ở phía Bắc tỉnh Khánh Thượng (Gyeongsang -慶尙道), bao quanh thành phố bị nhiễm virus Daegu.

Tổng giáo phận Hán Thành, đã quyết định ngừng tổ chức các thánh lễ từ thứ Tư Lễ Tro. Giải thích với các linh mục trong tổng giáo phận về quyết định này, trong thánh lễ cầu cho quốc thái dân an, tổ chức hôm thứ Ba 25 tháng Hai tại nhà thờ chính tòa Mân Đông, Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (Andrew Yeom Soo-jung) cho biết các Giám Mục Nam Hàn đồng ý với tổng thống Văn Tại Dần, theo đó, dịch bệnh cần phải được quyết liệt chống trả ngay từ đầu. Vấn đề, theo tổng thống không chỉ là sức khoẻ và tính mạng của người dân, là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa, đó là vận mệnh của một quốc gia khi đứng trước một trận dịch mà đến nay vẫn chưa ai hình dung ra được nguyên nhân thực sự, cũng như tác hại và quy mô của nó. Cho đến nay, Nam Hàn vẫn được coi là một quốc gia trong thời chiến.

Theo Niên Giám Tòa Thánh vào năm 2018, trong tổng số 53 triệu dân, Nam Hàn có 5,866,510 người Công Giáo, chiếm tỷ lệ, 11.1% dân số, sinh hoạt trong 1,747 giáo xứ và 729 cứ điểm truyền giáo.

Tính đến sáng thứ Năm 27 tháng Hai, Nam Hàn đã báo cáo có đến 1,595 trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus, bao gồm 12 trường hợp tử vong. Như thế, chỉ trong ngày thứ Tư Lễ Tro, đã có thêm 334 trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nam Hàn, gọi tắt là KCDC, giải thích lý do của sự gia tăng đột biến như thế là vì họ bắt đầu cuộc kiểm tra khoảng 210,000 các tín hữu của giáo phái Shincheonji.

Trong 334 trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, 307 trường hợp là tại Daegu, tâm chấn của sự bùng phát dịch bệnh, và 4 trường hợp là ở phía Bắc tỉnh Khánh Thượng (Gyeongsang -慶尙道).

Trong khi đó, Giáo hội Tin lành cũng đang tiến tới thu hẹp quy mô hoặc tạm dừng các cuộc tụ họp vào ngày Chúa Nhật để tham gia vào nỗ lực toàn quốc nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng coronavirus. Họ không buộc phải làm như thế vì thực ra đến nay, Nam Hàn vẫn không cấm các cuộc tụ họp đông người.

Nhiều người Nam Hàn khi cần mua sắm thường đến các siêu thị vì họ tin rằng khả năng nhiễm trùng thấp hơn. Tuy nhiên, các chợ theo hình thái cổ điển, như ta thường thấy ở Việt Nam vẫn hoạt động được.

Theo KCDC, giáo phái Shincheonji có 9,336 thành viên tại chi nháng Daegu. Đến nay 1,848 người đã được xét nghiệm và 833 trường hợp nhiễm coronavirus đã được tìm thấy. 7,488 thàn viên còn lại sẽ được xét nghiệm trong những ngày tới.

Một cựu thành viên giáo phái Shincheonji cho biết khả năng lây lan trong các buổi sinh hoạt là rất cao. Giáo phái này thường tập trung rất đông các thành viên trong các hội trường lớn để học hỏi và ca hát. Các thành viên khi hát thường vòng tay quàng vai nhau và có các cử chỉ tiếp xúc thân mật thể lý khác nên rất dễ lây bệnh.

Tại Hoa Lục, tính đến 10 giờ sáng thứ Năm 27 tháng Hai, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 đã tăng lên đến 2,744 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 78,500 người. Như thế, trong ngày thứ Tư đã có thêm 29 người bị thiệt mạng, và thêm 433 người được xác nhận là đã nhiễm bệnh.


Source:Yonhap
 
Quê hương Bavaria của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 bày tỏ niềm cảm thông với người Trung Hoa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:19 27/02/2020
Thuật ngữ Sinophobia, nghĩa là bài người Hoa, đã có từ lâu trong tự điển. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, khi dịch coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, xu hướng này có thể thấy rất rõ trên các phương tiện truyền thông và trong đời sống thường nhật. Những cách thế khác nhau, mà nó đã thể hiện trong cuộc khủng hoảng coronavirus này, cho thấy mối quan hệ ngày càng phức tạp của thế giới với Trung Quốc vào thời điểm này.

Sammi Yang lần đầu tiên nhận ra có gì đó không ổn khi cô đến khám tại phòng mạch một bác sĩ ở Berlin và ngay lập tức bị người bảo vệ ngăn không cho vào tòa nhà.

Những bệnh nhân khác đến sau cô, cứ lần lượt bước qua cửa, vào phòng khám, trong khi cô Yang, một chuyên viên trang điểm đến từ Trung Quốc, phải đợi bên ngoài trong cái lạnh tháng Giêng. Cuối cùng, bác sĩ của cô cũng xuất hiện. Câu nói đầu tiên của bà ấy là: “Đây không phải là chuyện cá nhân nhưng...”

Ngập ngừng một lát bà ấy nói: “Chúng tôi hiện không nhận bất kỳ bệnh nhân người Hoa nào vì loại virus Trung Quốc này”. Rồi bà khép cửa lại không đợi cho cô gái người Hoa có thể nói một lời.

Yang nói với BBC trong nước mắt: “Tôi không có cơ hội để giải thích, tôi không kịp nói rằng tôi vẫn khỏe mạnh. Tôi cũng không đi du lịch Trung Quốc gần đây.”

Trong một trường hợp khác, một nữ sinh viên Trung Quốc đến từ Thành Đô (Chengdu - 成都)sống ở Berlin đã được chủ nhà của cô, là nữ diễn viên người Đức, Gabrielle Scharnitzky, cho thời hạn hai tuần phải dọn ra khỏi nhà cô ta. Scharnitzky bảo vệ hành động của mình, nói rằng “Tôi phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm thực sự có thể xảy ra bởi một người trở về từ khu vực bị nhiễm virus, cứ ra vào nhà tôi thế này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của tôi và sức khỏe của các khách đến thăm tôi”. Trước đó, nữ sinh này đã thông báo cho Scharnitzky về ý định về thăm Trung Quốc vào dịp Tết Canh Tí, nhưng cuối cùng cô không đi. Dù vậy, cô vẫn bị đuổi ra khỏi nhà.

Trong những tuần kể từ khi virus lan truyền khắp thế giới, nhiều câu chuyện phân biệt đối xử đối với các công dân Trung Quốc hoặc bất kỳ ai nhìn có vẻ như người Hoa đã nổi lên rất nhiều.

Ngay cả khi sự cảm thông đã tăng lên đối với các nạn nhân Trung Quốc, đặc biệt là sau cái chết của “bác sĩ anh hùng” Lý Văn Lương, nạn phân biệt chủng tộc và bài ngoại liên quan đến coronavirus đã phát triển mạnh.

Tuy nhiên, tại Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, tình hình có khác biệt.

Một liên hoan về văn hóa Trung Hoa đã được tổ chức tại thị trấn Dietfurt. Thị trấn vùng Bavaria này đã tổ chức liên hoan về văn hóa Trung Hoa từ những thập niên 1950 dựa trên những giai thoại lịch sử lượm lặt đó đây.

Một số du khách tham dự sự kiện này. Đặc biệt, được ưu tiên là các du học sinh đến từ Trung Quốc. Từ Nhã Văn (Yawen Xu- 徐雅文) và Lý Thu Đồng (Qiutong Li -李秋彤) là các sinh viên đến từ Trung Quốc. Hai cô nói rằng “Tôi nghĩ người Đức có hiểu biết riêng của họ về văn hóa Trung Hoa. Điều được thể hiện trong liên hoan này trông hơi khác so với tại Trung Hoa!”

Nhiều dịp hội hè tại tại Âu Châu bị đánh giá là không nhạy cảm về văn hóa. Angela, một sinh viên người Mỹ gốc Hoa, nói: “Tôi nghĩ hơi buồn cười. Một số biểu ngữ treo trên kia nói ‘Ê người Tầu!’ Nó có vẻ đúng nhưng người ta không chào nhau như thế. Có cả lô những điều ngớ ngẩn, một số viết bằng chữ Hoa, nhưng thiếu cái này cái kia khi viết tay theo lối của người không nói tiếng Hoa.”

Sự kiện hàng năm này lôi cuốn hàng trăm khách du lịch.

“Những người Hoa tham dự phản ứng rất tích cực. Chúng tôi chụp hình chung với họ và họ rất thích.”

Mỗi năm thị trấn cũng chọn ra một đại đế Trung Hoa cho tuần liên hoan này.

Sự kiện văn hóa cũng có những yếu tố tích cực là thể hiện tình liên đới với một dân tộc đang gặp nhiều tai họa: vừa bị bọn cầm quyền cướp mất tự do, vừa phải chịu một trận dịch kinh hoàng.