Ngày 28-02-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa Diện mạo của con người – Chặng Thứ Năm: Ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa - Bàn tay thân hữu đỡ nâng
VietCatholic Network
06:34 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chặng thứ Năm:

Ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa

Bàn tay thân hữu đỡ nâng


“Họ bắt một người qua đường vác đỡ thập giá cho Người. Ông tên là Simon người xứ Xirênê, thân phụ của Alessandro và Rufo” (Mc 15,21)

Chia sẻ:

Tình cờ, ông Simon Xirênê đi qua đó. Nhưng điều này trở thành một thời khắc quyết định trong cuộc đời của ông. Ông từ ngoài đồng trở về. Một người lao động lam lũ và khỏe mạnh. Vì thế, ông bị buộc vác thập giá của Chúa Giêsu, người bị kết án tử hình ô nhục (Xc Pl 2:8).

Nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ này dẫn đến một quyết định đổi đời để đi theo Chúa Giêsu, vác lấy thập giá mỗi ngày, và từ bỏ chính mình (Xc Mt 16,24-25). Thánh Marcô bảo với chúng ta rằng ông Simon là thân phụ của hai tín hữu Kitô được biết đến trong cộng đoàn Roma là Alessandro và Rufo. Một người cha chắc chắn đã in dấu trong tâm hồn các con sức mạnh của thập giá Chúa Giêsu. Cuộc sống, nếu bạn bám víu vào nó quá, thì nó sẽ thoái hóa và trở thành tro bụi. Nhưng nếu bạn cho nó đi, thì sự sống sẽ tươi nở và sinh đầy hoa trái cho bạn và cho toàn thể cộng đoàn!

Đây chính là bí quyết thực sự chữa trị tính ích kỷ vẫn luôn rình mò chúng ta. Tương quan với người khác chữa lành chúng ta và sinh ra tình huynh đệ huyền nhiệm, chiêm niệm, biết nhìn đến sự cao cả thánh thiêng của tha nhân, biết khám phá Thiên Chúa trong mọi người, biết chịu đựng những phiền toái trong cuộc sống, và biết bám chặt vào tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ khi chúng ta mở rộng con tim cho tình yêu Chúa, chúng ta mới được thúc đẩy tìm kiếm hạnh phúc cho tha nhân qua bao nhiêu cử chỉ thiện nguyện: một đêm ở nhà thương, cho mượn mà không đòi lãi cao, một dòng nước mắt được lau khô trong gia đình, sự quảng đại chân thành, việc sử dụng công ích một cách sáng suốt, chia sẻ cơm bánh và công ăn việc làm, và khước từ mọi hình thức ghen tương.

Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: “Những gì anh em làm cho những kẻ bé mọn này, là anh em làm cho ta” (Mt 25:40).

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, tại Xirênê, người bạn này đánh động con tim Giáo Hội, là nơi trú ẩn của tình yêu dành cho tất cả những ai khao khát Chúa.

Giúp đỡ anh chị em chúng con là chìa khóa cánh cửa sự Sống.

Cầu xin cho những ích kỷ không khiến chúng con ngoảnh mặt không nhìn đến tha nhân, nhưng xin giúp chúng con tuôn đổ dầu ủi an trên những vết thương của họ, và do đó trở thành một người bạn đồng hành trung tín, bền đỗ không mệt mỏi trong dấn thân của chúng con cho tình huynh đệ. Amen.

 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa Diện mạo của con người – Chặng Thứ Sáu: Bà Vêrônica lau mặt Chúa - Tình yêu dịu dàng của người phụ nữ
VietCatholic Network
06:35 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chặng thứ Sáu

Bà Vêrônica lau mặt Chúa

Tình yêu dịu dàng của người phụ nữ


“Tim con lập lại lời mời của Chúa: Hãy tìm kiếm nhan thánh Ta!”. Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài. Xin Ngài đừng ẩn mặt, đừng giận mà ruồng rẫy tôi tớ Ngài. Chúa là Đấng phù trợ con, xin đừng bỏ con, đừng xua đuổi con, lạy Thiên Chúa Đấng cứu độ con” (Tv 27,8-9).

Chia sẻ:

Chúa Giêsu lê bước, thở hổn hển. Nhưng ánh quang rạng ngời trên khuôn mặt Ngài vẫn nguyên vẹn. Những vết khạc nhổ và những cái tát không làm lu mờ vẻ đẹp của Ngài. Khuôn mặt Ngài như bụi gai cháy đỏ, khi càng bị xúc phạm, thì càng chiếu tỏ ánh sáng cứu độ. Những dòng lệ âm thầm chảy xuống từ đôi mắt của Thầy. Ngài mang lấy gánh nặng bị bỏ rơi. Nhưng Chúa Giêsu vẫn tiến bước, không dừng lại, không ngoái nhìn đàng sau. Ngài đối diện với đau thương. Ngài bị giao động vì sự tàn ác, nhưng Ngài biết rằng cái chết của Ngài không phải là uổng công vô ích.

Bấy giờ Chúa Giêsu dừng lại trước một phụ nữ đến gặp Ngài không chút do dự. Đó là bà Veronia, một hình ảnh của sự dịu hiền phụ nữ đích thực!

Ở đây Chúa là hiện thân nhu cầu của chúng ta mong có được sự yêu thương nhưng không, cảm thấy được yêu mến và được bảo vệ nhờ những cử chỉ ân cần săn sóc. Những săn sóc an ủi của người phụ nữ ấy thật quí giá đối với Chúa Giêsu và dường như cất đi những hành vi xúc phạm mà Ngài đã chịu trong những giờ tra tấn ấy. Bà Veronica đã làm rung động được Chúa Giêsu dịu dàng, cảm nhận được chút gì trong ánh quang của Ngài, không những để thoa dịu nhưng còn để dự phần vào sự đau khổ của Ngài. Trong Chúa Giêsu, bà nhìn thấy những người láng giềng đang cần đến sự an ủi dịu dàng của chúng ta, và tiến đến để lắng nghe tiếng rên xiết đau thương của những người ngày nay là những ai chẳng nhận được sự giúp đỡ cụ thể cũng chẳng có chút hơi ấm nào của tình người, những người chết trong cô đơn.

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, thật nặng nề ngần nào, khi chúng con bị tách biệt khỏi tất cả những ai chúng con nghĩ rằng lẽ ra phải đứng bên cạnh chúng con vào ngày bất hạnh của mình!

Xin bọc chúng con trong vải vấy máu cực trọng của Chúa đổ ra dọc theo con con đường của bỏ rơi, mà Chúa phải chịu đựng bất công.

Nếu không có Chúa, chúng con chẳng có, cũng chẳng cho đi một chút ủi an nào. Amen.
 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa Diện mạo của con người – Chặng Thứ Mười Ba: Đưa xác Chúa xuống khỏi thập giá - Tình yêu mạnh hơn sự chết'
VietCatholic Network
06:41 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chặng Thứ Mười Ba:

Đưa xác Chúa xuống khỏi thập giá - Tình yêu mạnh hơn sự chết


“Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxép, và cũng là môn đệ Ðức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Ðức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông.” (Mt 27,57- 58).

Chia sẻ:

Trước khi được mai táng trong mồ, Đức Giêsu rốt cuộc cũng được trao cho mẹ Ngài. Mẹ là hình ảnh con tim bị đâm thâu, nói với chúng ta rằng cái chết không ngăn cản được nụ hôn cuối cùng của người mẹ dành cho con mình. Bên xác Giêsu, Mẹ Maria tiến sát bên Ngài bằng một cái ôm trọn vẹn dành cho Ngài. Hình ảnh này thường được gọi là “Mẹ Sầu Bi”. Thật đau buồn nhưng nó cho thấy cái chết không phá vỡ được tình yêu, vì tình yêu thì mạnh hơn sự chết! Tình yêu thuần khiết thì luôn còn mãi. Đêm đã đến. Trận chiến đã phân định thắng thua rạch ròi. Tình yêu vẫn còn nguyên trọn vẹn. Những ai sẵn sàng hiến mạng sống vì Đức Kitô, sẽ lại tìm thấy được nó, một sự sống được biến đổi sau cái chết.

Máu và nước mắt đã hòa lẫn trong tấn thảm kịch này. Cũng như cuộc sống của gia đình chúng ta, đôi khi cũng bị vây hãm bởi những mất mát bất ngờ và đau xót, với khoảng trống không thể khỏa lấp được, đặc biệt khi con cái của chúng ta qua đời.

Lòng thương xót có nghĩa là biến anh chị em thành người thân cận, những người đang trong cơn đau buồn và cảm thấy bất an. Thật là một lòng bác ái cao cả khi ta biết chăm sóc cho những ai đang chịu đau khổ nơi thân xác tổn thương, nơi tinh thần sa sút, nơi linh hồn tuyệt vọng. Tình yêu bao giờ cũng là một bài học cao cả mà Đức Giêsu và Mẹ Maria để lại cho chúng ta. Đó là sứ mạng an ủi anh chị em trong cuộc sống hàng ngày, một sứ mạng được trao ban trong chúng ta trong cái ôm thành tín giữa Đức Giêsu chịu chết và Đức Mẹ sầu bi của Ngài.

Lời Nguyện:

Lạy Mẹ Đồng Trinh Sầu Bi, nơi bàn thờ của chúng con Mẹ cho chúng con thấy khuôn mặt rạng ngời của Mẹ; với đôi mắt ngước lên trời và đôi bàn tay rộng mở, Mẹ dâng lên Chúa Cha trong cử chỉ hiến tế nạn nhân cứu độ là Chúa Giêsu Con Mẹ.

Xin chỉ cho chúng con vị ngọt của vòng tay trung thành cuối cùng và ban cho chúng con sự an ủi từ mẫu của Mẹ, để những nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày của chúng con không bao giờ làm lu mờ hy vọng của chúng con về cuộc sống đời sau. Amen.
 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa Diện mạo của con người – Chặng Thứ Nhất : Chúa Giêsu bị kết án tử hình - Những ngón tay chỉ trỏ buộc tội
VietCatholic Network
06:28 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Diện mạo của Thiên Chúa

Diện mạo của con người


Dẫn Nhập

Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.

Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu. (Ga 19:35-37).


Lạy Chúa Giêsu chí ái,

Chúa đã bước lên đồi Golgotha không chút do dự, trong một tình yêu tuyệt đối,

và để cho mình bị đóng đinh mà không phàn nàn trách móc.

Lạy Người Con khiêm nhu của Mẹ Maria,

Chúa kề vai gánh lấy đêm đen của chúng con

để cho chúng con thấy ánh sáng bao la

mà Chúa muốn đong đầy trái tim chúng con.

Nơi sự đau khổ của Chúa là ơn cứu độ chúng con

trong nước mắt Chúa, chúng con thấy "giờ khắc"

mà tình yêu đầy ân sủng của Thiên Chúa được tỏ lộ.

Trong hơi thở cuối cùng của Chúa, như một phàm nhân,

Chúa dẫn chúng con quay về với trái tim của Cha, với bảy lần tha thứ,

và Chúa chỉ cho chúng con, trong những lời cuối cùng của mình,

con đường dẫn đến sự giải thoát mọi buồn sầu của chúng con.

Lạy Chúa, Đấng là Tất Cả đã Nhập Thể, đã tự trút bỏ ra hư không trên thập tự giá,

đến mức chỉ còn một người hiểu được là Mẹ,

người đứng trung thành dưới thập giá dành cho tội nhân.

Cái khát của Chúa là suối nguồn hy vọng,

bàn tay chìa ra cho cả người trộm có lòng ăn năn,

là người ngày nay nhờ Chúa, đã được vào thiên đường.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh

Xin ban cho tất cả chúng con, lòng thương xót vô hạn của Chúa,

một hương thơm Bethany trên thế giới,

một tiếng kêu của cuộc sống cho tất cả nhân loại.

Và cuối cùng, khi chúng con phó mình trong tay Cha,

xin mở cho chúng con những cánh cửa của Cuộc Sống muôn đời! Amen.

Chặng thứ Nhất

Chúa Giêsu bị kết án tử hình

Những ngón tay chỉ trỏ buộc tội


Philatô muốn thả Ðức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: "Ðóng đinh! Ðóng đinh nó vào thập gía!" Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra". Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.

Và ông Philatô phán quyết chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Ðức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn. (Lk 23:21-25).

Chia sẻ:

Philatô, kẻ nhút nhát và sợ sự thật, cùng với những ngón tay chỉ trỏ buộc tội, và những tiếng kêu la càng lúc càng ồn ào của đám đông giận dữ: đó là những giai đoạn đầu tiên trong cái chết của Chúa Giêsu. Ngây thơ, giống như chiên con, bị sát tế lấy máu cứu dân Người. Chúa Giêsu, Đấng đi giữa chúng ta mang lại ơn chữa lành và ân sủng của Thiên Chúa, giờ đây bị kết án tử hình. Không một lời tri ân nào được thốt lên từ đám đông đang chọn Baraba thay vì chọn Ngài. Về phần Philatô, phiên tòa này là một sự sỉ nhục. Ông ta trao Ngài cho đám đông và rửa tay mình. Chỉ biết lo lắng cho quyền uy của mình, ông ta trao Chúa Giêsu cho người ta đưa đi đóng đinh. Ông không muốn biết gì hơn về Chúa Giêsu. Đối với Philatô, phiên tòa đã chấm dứt, hồ sơ đã đóng lại.

Việc lên án Chúa Giêsu vội vàng như vậy, với cơ man những cáo buộc dễ dàng, với bao nhiêu những phán xét hời hợt của đám đông mà lòng dạ họ đã chai cứng đi vì những lo sợ bóng gió và những định kiến hình thành nên một nền văn hóa phân biệt chủng tộc và loại trừ, một nền văn hóa của những thư nặc danh và những trò xuyên tạc bỉ ổi. Một khi chúng ta bị cáo buộc, tên của chúng ta ngay lập tức xuất hiện trên trang nhất những tờ báo; nhưng khi chúng ta được tuyên bố trắng án, tin tức được đăng nơi cột cuối cùng!

Còn chính chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có hay không một lương tâm trong sáng, ngay thẳng và có trách nhiệm, một lương tâm không bao giờ bỏ rơi những người vô tội nhưng can đảm đứng về phiá người yếu thế, chống lại bất công và bảo vệ sự thật bất cứ khi nào nó bị vi phạm?

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Trong cõi đời này có những bàn tay chìa ra hỗ trợ và có cả những bàn tay ký những bản án oan sai.

Xin ban cho chúng con, khi được nâng đỡ bởi ơn Chúa, đừng gạt bỏ ai sang một bên.

Xin cứu chúng con khỏi những xuyên tạc và những lời dối trá.

Giúp chúng con luôn luôn tìm kiếm sự thật của Chúa,

đứng về phía người yếu thế,

và đồng hành với họ.

Xin Chúa soi sáng cho tất cả những ai được bổ nhiệm làm thẩm phán tại các tòa án của chúng con để họ có thể luôn luôn đưa ra những bản án công bằng và đúng sự thật. Amen.
 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa - Diện mạo của con người – Chặng Thứ Mười Bốn
VietCatholic Network
06:42 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chặng thứ Mười Bốn

Táng xác Chúa vào huyệt đá mới

Khu vườn mới


“Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Dothái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.” (Ga 19,41-42)

Chia sẻ:

Khu vườn, nơi có ngôi mộ mai táng Đức Giêsu, nhắc nhớ chúng ta về một khu vườn khác: Vườn Êđen. Một khu vườn đã bị mất đi nét đẹp và trở thành nỗi sầu khổ, nơi chết chóc và không còn sự sống nữa bởi sự bất tuân của con người. Những nhành cây hoang dại vốn ngăn cản chúng ta hít thở thánh ý Thiên Chúa, cũng như sự gắn bó với tiền tài, danh vọng, lối sống phóng đãng, giờ đây đã bị cắt bỏ và đính chặt vào gỗ cây Thập Giá. Đây là khu vườn mới: cây thánh giá được cắm vào thế gian!

Trên cao ấy, Đức Giêsu đã mang tất cả trở lại với sự sống. Sau khi Ngài trở lại từ nơi hố thẳm địa ngục, nơi Satan đã giam giữ rất nhiều linh hồn, tất cả mọi sự đã bắt đầu được phục hồi. Ngôi mộ là biểu tượng cho cái kết thúc của con người cũ. Thiên Chúa đã không để cho Chúa Giêsu và tất cả chúng ta, là con cái Ngài phải chịu hình phạt là cái chết đời đời. Trong cái chết của Đức Kitô, vương quyền của sự dữ, thứ vương quyền đặt nền trên tham vọng và con tim cứng cỏi, đã bị bẻ gãy.

Cái chết sẽ tước đoạt hết mọi thứ của chúng ta, làm cho chúng ta hiểu rằng sự hiện hữu của chúng ta trên dương thế này có một giới hạn và tới hồi kết thúc. Nhưng trước thân xác Đức Giêsu, một thân xác chịu mai táng trong mồ, chúng ta ý thức được chúng ta là ai. Chúng ta là những thụ tạo cần đến Đấng Tạo Hóa của chúng ta để không phải chết. Sự thinh lặng đang phủ kín khu vườn cho phép chúng ta lắng nghe được thanh âm của làn gió nhẹ: “Ta là Đấng hằng sống và ta luôn ở với các con” (Xh 3,14) Tấm màn trướng trong đền thờ đã bị xé toạc ra. Cuối cùng, chúng ta cũng được thấy dung nhan của Thiên Chúa chúng ta. Chúng ta biết được tên đầy đủ của Người: đó là lòng thương xót và sự trung tín, để ta không còn phải bối rối sợ hãi cả khi phải đối diện với cái chết vì Con Thiên Chúa đã sống lại từ trong kẻ chết (X. Tv 88,6)

Lời Nguyện:

Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,

vì bên Ngài con đang ẩn náu.

Con thưa cùng CHÚA: "Ngài là Chúa con thờ,

ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc?"

Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ,

vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo.

Máu tế thần, con quyết chẳng dâng,

tên của thần, môi con không tụng niệm!

Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,

là chén phúc lộc dành cho con;

số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,

vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn.

Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,

ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.

được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,

thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.

Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,

không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:

trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,

ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! Amen

(x. Tv 15)
 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa - Diện mạo của con người – Chặng Thứ Bẩy Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai - Nỗi thống khổ của ngục tù và tra tấn
VietCatholic Network
06:35 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chặng thứ Bẩy

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

Nỗi thống khổ của ngục tù và tra tấn


Chúng bủa vây tôi.. Chúng bao quanh tôi như bầy ong, chúng như lửa bụi gai cháy bừng bừng, nhờ Danh Chúa tôi đã trừ diệt chúng. Chúng đã xô đẩy tôi, xô thật mạnh cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này. Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi, nhưng không nỡ để tôi phải chết. (Tv 118, 11.12 - 13.18)

Chia sẻ:

Quả thật, nơi Chúa Giêsu chúng ta đã thấy sự hiện thực của những lời tiên tri cổ xưa về Người Đầy Tớ khiêm hạ và vâng phục, là Người đã mang trên vai toàn bộ lịch sử thương đau của loài người chúng ta. Và như thế, Chúa Giêsu, bị xô đẩy thô bạo, té ngã vì mệt nhọc và hành hạ, bị bạo lực vây bủa tứ bề, không còn sức chịu đựng nữa. Ngài càng cô đơn hơn, càng chìm sâu trong đen tối hơn! Tan da nát thịt, xương cốt mỏi mòn!

Chúng ta nhận ra trong Người kinh nghiệm đắng cay của những ai chịu giam cầm trong ngục tù, với tất cả những trái ngược vô nhân. Bị vây bủa, bị xô đẩy tàn bạo cho té ngã. Nhà tù ngày nay vẫn còn bị tách biệt, bị quên lãng, bị xã hội dân sự bỏ rơi và khét tiếng với bao nhiêu những ác mộng của bộ máy hành chánh, của bao nhiêu những chậm trễ của công lý. Bản án bị nhân lên gấp đôi bởi những nhà tù đông nghẹt: sự trừng phạt trầm trọng hơn, sự đàn áp bất công, làm hao mòn xương thịt. Quá nhiều người, không thể chịu đựng nổi.. Và ngay cả khi một người anh chị em của chúng ta được ra khỏi ngục tù, chúng ta vẫn xem họ là “cựu tù nhân từng bị kết án”, và như thế, khép kín cánh cửa giúp họ tìm lại phẩm giá trước mặt xã hội và hội nhập thế giới lao động.. Nhưng trầm trọng hơn cả là hiện tượng tra tấn vẫn còn quá thịnh hành tại nhiều nơi trên trái đất, dưới mọi hình thức. Cũng như trong trường hợp Chúa Giêsu: chính Ngài đã bị đánh đập, bị đám quan binh chế diễu nhạo cười, tra tấn hành hạ với chiếc mão gai, roi đòn tàn nhẫn.

Ngày nay, khi chúng ta suy niệm về cái té ngã lần thứ hai của Chúa Giêsu, chúng ta thấy đúng làm sao câu nói của Ngài đã từng vang lên: “Ta bị tù và các ngươi đã đến thăm Ta.” (Mt 25,26) Trong mọi nhà tù, bên cạnh những người bị tra tấn, đều có Người, Đức Kitô đau khổ, bị giam cầm và hành hạ. Ngay cả trong đau khổ tột cùng, Ngài giúp ta đừng chiều theo nỗi sợ. Chỉ với sự trợ giúp này những ai đã té mới gượng dậy được trên đôi chân mình với sự giúp đỡ của các chuyên viên, của những bàn tay huynh đệ của những thiện nguyện viên trước một xã hội dân sự phải chịu trách nhiệm về bao nhiêu những bất công bên trong những bức tường nhà giam.

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, lòng con bồi hồi khi thấy Chúa ngã xuống vì con.

Con chẳng có công đức gì, đầy tội lỗi, mâu thuẫn và thất bại nhưng Chúa đáp lại với một tình yêu vô biên!

Bị xã hội ruồng bỏ, bị kết án tử Chúa còn chúc phúc cho chúng con muôn đời.

Phúc cho chúng con nếu hôm nay chúng con hiệp cùng Chúa trong cái té ngã này và tránh xa hành vi kết án tha nhân.

Xin giúp chúng con đừng chạy trốn trách nhiệm.

Xin cho chúng con biết nương náu nơi sự khiêm hạ của Chúa, tránh xa những kiêu căng giả trá và được tái sinh trong cuộc sống mới như những tạo vật dành cho nước trời. Amen
 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa - Diện mạo của con người – Chặng Thứ Tám Chúa Giêsu an ủi dân thành Giêrusalem - Liên đới và cảm thông
VietCatholic Network
06:36 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chặng thứ Tám

Chúa Giêsu an ủi dân thành Giêrusalem

Liên đới và cảm thông


Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu mình mà chớ. (Lc 23, 28)

Chia sẻ:

Như những ngọn đuốc cháy sáng, chúng ta thấy xuất hiện những phụ nữ đứng dọc theo con đường khổ nạn. Những người phụ nữ trung thành và can đảm này không sợ hãi vì bọn lính hay kích động vì những vết thương của Thầy nhân lành. Họ sẵn sàng gặp gỡ và ủi an Người. Chúa Giêsu đứng đó, trước mặt họ. Có những người chà đạp Chúa khi Người ngã gục mỏi mòn trên mặt đất. Nhưng các phụ nữ đứng đó, sẵn sàng dâng tặng Chúa sự nồng ấm của những con tim yêu thương. Các bà đã đứng nhìn Người từ xa, nhưng rồi cố tiến đến gần, như mỗi người bạn, mỗi người anh chị em đều làm khi thấy người mình yêu mến đang gặp khó khăn.

Chúa Giêsu xúc động vì tiếng khóc đắng cay của họ, nhưng mời gọi họ đừng tan nát con tim khi thấy Chúa bị hành hạ đọa đày, hãy đừng là những phụ nữ khóc lóc thở than nhưng hãy trở thành những phụ nữ của đức tin. Người kêu mời một tình liên đới trước khổ đau chứ không muốn một lòng thương hại cằn cỗi và đẫm nước mắt. Đừng than van khóc lóc, nhưng quyết tâm tái sinh, nhìn thẳng về đàng trước, tiến bước với tràn đầy lòng tin và hy vọng hướng về rạng đông chan hòa ánh sáng trên đầu những ai đang trên đường hướng về Chúa. Chúng ta hãy khóc cho chính mình nếu chúng ta còn chưa tin vào Đức Giêsu, Đấng đã loan báo với chúng ta Vương Quốc Cứu chuộc. Chúng ta hãy khóc cho những tội lỗi chưa xưng thú của chính chúng ta.

Và còn nữa, chúng ta hãy khóc cho những người nam chỉ biết trút mọi bạo lực chứa đựng trong lòng trên những phụ nữ. Chúng ta hãy khóc cho những phụ nữ nô lệ của sự sợ hãi và lạm dụng. Tuy nhiên, đấm ngực than van và thương hại thôi thì chưa đủ. Chúa Giêsu đòi hỏi nhiều hơn nữa. Người đòi hỏi phải trấn an các phụ nữ như Chúa đã làm, phải yêu thương họ như một món quà không thể xúc phạm đến của toàn thể nhân loại để con cái chúng ta có thể lớn lên trong phẩm giá và hy vọng.

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin chặn lại bàn tay của những kẻ tấn công phụ nữ!

Xin nâng đỡ trái tim của những người phụ nữ đang trong vực thẳm của tuyệt vọng khi họ là nạn nhân của bạo lực.

Xin nhìn đến những giọt lệ cô đơn và bị bỏ rơi của họ, và mở rộng trái tim của chúng con để chia sẻ mọi nỗi buồn đầy đủ và thành tâm, vượt lên và vượt xa lòng trắc ẩn.

Xin biến chúng con thành phương tiện cho tự do thực sự. Amen.
 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa - Diện mạo của con người – Chặng Thứ Mười Hai: Chúa Giêsu chết trên thánh giá - Bẩy lời cuối cùng
VietCatholic Network
06:40 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chặng thứ Mười Hai

Chúa Giêsu chết trên thánh giá

Bẩy lời cuối cùng


Sau đó, Ðức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Ta khát!" Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Ðức Giêsu nói: "Thế là đã hoàn tất!" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19:28-30).

Chia sẻ:

Bẩy lời cuối cùng của Giêsu trên thập giá là một kiệt tác của niềm hy vọng. Một cách từ từ từng bước một, Đức Giêsu đã đi qua tất cả sự tăm tối của đêm đen phó thác hoàn toàn trong vòng tay Cha. Đó là tiếng than van của người đang hấp hối, tiếng kêu của người tuyệt vọng, lời cầu cứu của người lạc lối. Là tiếng kêu của chính Đức Giêsu!

“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Đây là tiếng kêu của Giob, của những ai đang bị vận rủi bủa vây. Thiên Chúa im lặng. Im lặng vì lời đáp trả của Ngài đã ở đó, trên cây thập giá: chính Ngài, Đức Giêsu, là lời đáp trả của Thiên Chúa, Lời vĩnh cửu đã nhập thể vì tình yêu. “Xin hãy nhớ đến tôi...” (Lc 23,42). Lời kêu cứu của người cùng chịu án tử bên kia đã đi vào con tim của Chúa Giêsu, nó vang vọng chính nỗi đau của Người. Và Giêsu đã lắng nghe lời kêu xin đó: “Hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi”. Những nỗi đau của người khác thường giải thoát chúng ta vì nó khiến chúng ta ra khỏi chính mình.

“Này bà, đây là con bà!...” (Ga 19,26). Chính mẹ của Ngài, Mẹ Maria, đang cùng với Gioan đứng dưới chân thập giá, đã phá tan nỗi sợ. Mẹ mang đến cho hiện trường một sự dịu dàng và hy vọng. Chúa Giêsu không hề cảm thấy đơn độc chút nào. Cũng giống như chúng ta, nếu bên cạnh giường bệnh có ai đó mà chúng ta thương mến chân thành cho đến cùng.

“Ta khát” (Ga 19,28). Giống như đứa trẻ xin mẹ mình cái gì đó để uống; giống như bệnh nhân bị cơn sốt làm nóng người... Cơn khát này của Chúa Giêsu là cơn khát của tất cả những ai đang khát khao sự sống, tự do, công bình. Và đó là cơn khát của người đang khát nhất là Thiên Chúa, Đấng còn hơn chúng ta, đang khát ơn cứu độ cho chúng ta.

“Mọi sự đã hoàn tất!” (Ga 19,30). Tất cả: mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi lời tiên báo, mọi khoảnh khắc của đời sống Chúa Giêsu. Tấm thảm hoa đã hoàn thành. Hàng ngàn sắc màu của tình yêu giờ đây tỏa ra nét đẹp lấp lánh. Chẳng có gì vô ích. Chẳng có gì bị vứt bỏ. Tất cả đều trở thành tình yêu. Tất cả đều được dành cho tôi, cho bạn! Ngay cả cơn hấp hối của Ngài cũng có một ý nghĩa!

“Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,24). Giờ đây, một cách anh hùng, Đức Giêsu thoát ra khỏi nỗi sợ chết. Vì nếu chúng ta sống trong tình yêu được cho đi nhưng không, tất cả sẽ là sự sống. Sự tha thứ sẽ đổi mới, chữa lành, biến đổi và an ủi! Nó tạo ra một dân mới. Nó chấm dứt chiến tranh.

“Lạy Cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con” (Lc 23,46). Nỗi thất vọng không còn nữa, nhưng chỉ còn niềm tin tưởng tràn đầy trong tay Cha, tựa mình vào tim Cha. Bởi vì trong Thiên Chúa, từng mảnh cuối cùng sẽ được gắn lại với nhau thành một tổng hợp!

Lời Nguyện:

Lạy Thiên Chúa, Đấng trong cuộc thương khó của Chúa Kitô, đã giải phóng chúng con khỏi sự chết, là giá phải trả cho tội lỗi xưa của chúng con, mà toàn thể nhân loại thừa kế, xin đổi mới chúng con theo hình ảnh của Con Chúa.

Khi được hoài thai chúng con mang trong mình hình ảnh của những người phàm nhân trên dương thế, xin Chúa cho chúng con nhờ tác động của Thánh Thần có thể mang hình ảnh của con người thiên quốc.

Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa - Diện mạo của con người – Chặng Thứ Ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất - Sự yếu đuối đang mở ra cho chúng ta sự cởi mở đón tiếp
VietCatholic Network
06:31 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chặng thứ Ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất - Sự yếu đuối đang mở ra cho chúng ta sự cởi mở đón tiếp

Sự thật là chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Is 53,4-5).

Chia sẻ:

Đó là một Đức Giêsu yếu đuối, mong manh, rất là phàm nhân, Đấng mà chúng ta kinh ngạc chiêm ngắm trong chặng rất đau thương này. Nhưng chính cái ngã của Chúa càng tỏ lộ tình thương vô biên của Ngài. Ngài bị đám đông chen lấn, bị điếc tai vì những tiếng la của binh sĩ, bị sưng phồng vì những vết thương đánh đòn, đầy cay đắng trong lòng vì những chiều sâu vô ơn của loài người. Và thế là Ngài ngã xuống đất!

Nhưng trong cái ngã xóng xoài dưới sức nặng của thập giá và nhọc mệt, Chúa Giêsu một lần nữa trở thành Thầy dạy Sự Sống. Ngài dạy chúng ta chấp nhận sự dòn mỏng yếu đuối của mình, đừng nản chí vì những thất bại của chúng ta, hãy chân thành nhìn nhận những giới hạn của mình. Thánh Phaolô đã nói:

“Trong tôi có ước muốn làm điều thiện nhưng tôi lại không có khả năng thực hiện ước muốn ấy” (Rm 7,18).

Với sức mạnh nội tâm đến từ Chúa Cha, Chúa Giêsu giúp chúng ta đón nhận những thất bại của người khác; thương xót người bị ngã, không dửng dưng với những ai đang kêu cứu. Và Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để không khép kín đối với người gõ cửa nhà chúng ta, xin tị nạn, xin phẩm giá và một tổ quốc. Ý thức về sự mong manh của chúng ta, chúng ta sẽ đón nhận sự mong manh nơi những người di dân, để họ tìm được an ninh và hy vọng.

Thực vậy, chính trong chậu nước dơ tại nhà Tiệc Ly, nghĩa là trong sự dòn mỏng yếu đuối của chúng ta, đã ánh lên thiên nhan đích thực của Thiên Chúa chúng ta! Vì “thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng đã đến và hoá thành phàm nhân, thì thần khí ấy ắt phải đến từ Thiên Chúa” (1 Ga 4,2)

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa hạ mình để cứu chuộc những dòn mỏng yếu đuối của chúng con.

Xin giúp chúng con tiến vào vào mối tương giao chân chính

với những người nghèo nhất trong anh chị em chúng con.

Xin nhổ tận gốc khỏi con tim của chúng con sự sợ hãi, niềm tự mãn và sự thờ ơ,

là những điều ngăn cản chúng con nhìn thấy Chúa trong những người nhập cư,

là những điều ngăn cản chúng con tuyên xưng rằng Giáo Hội của Chúa không có biên giới, vì Giáo Hội thật sự là mẹ của tất cả! Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:46 28/02/2015
CÁI RÌU THÙ HẬN
N2T

Có một người chuẩn bị một cái rìu để giết chết kẻ thù của anh ta.
Một hôm anh ta đi ngang qua nhà thờ, sau khi nghe linh mục giảng đạo thì trong lòng cảm nhận sâu xa bèn đem cái rìu chôn xuống đất, và nói với linh mục là anh ta muốn trở thành một Ki-tô hữu, rồi nói rõ chuyện chôn cái rìu, vị linh mục cảm thấy bị tò mò bèn đi với anh ta đến nơi chôn cái rìu ấy.
Nhưng khi đến nơi thì phát hiện cái rìu để lộ ra bên ngoài, nguyên nhân là anh ta chưa thật lòng xóa bỏ hận thù, anh ta để cái rìu lộ ra, mục đích là nếu gặp đối phương thì có thể nhanh chóng tìm được cái rìu để báo thù.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Có một vài người nói tha thứ nhưng chỉ tha thứ một nửa, còn lại nửa kia thì tìm dịp để trả thù hoặc chơi khăm anh em chị em; có một vài người nói bỏ qua mọi chuyện cho tha nhân, nhưng bỏ qua những chuyện nhỏ, còn chuyện lớn thì giữ lại để khi có dịp thì đem cả chuyện nhỏ lẫn chuyện lớn ra để chửi bới...
Con người ta khi không có ơn Chúa thì bất cứ điều gì cũng có thể trở thành công cụ của thù hận:
- Có người có cái rìu thù hận để chém người khác.
- Có người có ngòi bút thù hận để bôi nhọ người khác.
- Có người có computer thù hận, để chuyển đi những lời nói ác ý và nội dung thù hận cho người khác đọc.
- Có người có cái lưỡi thù hận, nên hay nói móc xóc họng anh em để chia rẽ nhau trong cộng đoàn...
Khi thù hận chiếm đầy tâm hồn thì dù cho họ là linh mục hay tu sĩ, dù cho họ hằng ngày nghe giảng Kinh Thánh Lời Chúa, thì tất cả công cụ của họ dùng để làm việc thì đều có thể biến thành dụng cụ giết người, không những để trả thù mà thôi, nhưng còn là để thỏa mãn tính ích kỷ ngạo mạn của mình nữa.
Tại sao vậy ? Thưa vì họ tu mà không sửa, nghe mà không suy gẫm, nói mà không thực hành.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 2 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:49 28/02/2015
Chúa Nhật II MÙA CHAY

Tin Mừng: Mc 9, 2-10
“Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi”.


Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su dẫn ba môn đệ mà Ngài yêu quý cách đặc biệt lên một ngọn núi và tỏ cho các ông thấy được vinh quang rạng ngời của Ngài: mặt Ngài sáng như ánh mặt trời, áo Ngài trắng như tuyết. Đúng là một quang cảnh mà nằm mơ cũng không thấy được, nhưng các ông đã thấy và ngây ngất sung sướng không nói nên lời, chỉ có ông Phê-rô lên tiếng: “Thưa thầy, chúng con ở đây thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều...” Và rồi ông Phê-rô không muốn trở lại với cuộc sống đời thường nữa, ông đã quên mất thực tế đang chờ trước mắt của ông là cuộc sống nay đây mai đó không chỗ gối đầu với thầy của mình, và với những tranh biện ghen ghét của những người Pha-ri-siêu và các kinh sư, ký lục.

Cuộc sống có rất nhiều điều để cho con người chúng ta ước mơ, có người ước mơ được có công ăn việc làm đang khi thất nghiệp; có người ước mơ có cơm ngày ba bữa trong khi gia đình nghèo đói; có người mơ được ở trong căn nhà khang trang so với mái nhà ổ chuột đang ở; có người mơ được vợ đẹp con ngoan. Tất cả cuộc sống đều là ước mơ, và ước mơ này cắm mốc hy vọng cho con người.

Có những lúc chúng ta giữ đạo như trong mơ, chúng ta mơ đến một thiên đàng vĩnh cửu bất diệt và hạnh phúc, nhưng cái vĩnh cửu bất diệt và hạnh phúc ấy đang tuỳ thuộc vào thực tại mà chúng ta đang sống, đó là chấp nhận một cuộc sống gian nan với thân phận của người có niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng ta mơ đến ngày Thiên Chúa xuất hiện và sẽ nhốt sa-tan muôn đời trong hoả ngục không cho nó tung hoành trên địa cầu, nhưng cái thực tại trước mắt là sa-tan đang thống trị địa cầu với sự dữ, chết chóc và tội lỗi đang tăng dần trong thế giới ngày nay, cái thực tại này đòi hỏi chúng ta phải thực tế hóa đời sống tín ngưỡng của chúng ta, thực tế hóa tín ngưỡng là nhìn thấy và chấp nhận một sự tồn tại của sự dữ để vươn lên đến sự trọn lành mà Đức Chúa Giê-su –trong thân phận con người- cũng đã thốt lên: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén đắng này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” . Chén đắng là sự dữ, là tội lỗi của nhân loại, của chúng ta.

“Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi.”
Ba tông đồ không còn thấy ai nữa, hai ông Ê-li-a và Môi-Sê biến đâu mất tiêu, chỉ còn lại một mình Đức Chúa Giê-su, và như thế cũng đã đủ cho các ông rồi, bởi vì các ông đi theo là đi theo Đức Chúa Giê-su, theo Đấng mà họ chỉ biết có tin tưởng và phó thác, mặc dù không biết ngày mai sẽ ra sao...

Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, chúng ta cầu nguyện rất nhiều, chúng ta làm việc hy sinh rất nhiều, chúng ta đọc kinh rất nhiều với hy vọng được ơn lành của Thiên Chúa ban cho để bù lại những việc làm mà chúng ta đã làm vì Chúa, vì anh em, vì tha nhân. Nhưng thực tế trước mắt thì chúng ta không nhận được gì cả, thậm chí, có lúc những việc ngoài ý muốn xảy đến cho chúng ta, cho gia đình chúng ta như con bệnh, vợ ốm, chồng thất nghiệp...

Anh chị em thân mến,
Đức tin mời gọi chúng ta sống tốt đẹp giây phút hiện tại, phó dâng giây phút hiện tại cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa; đức tin mời gọi và giúp chúng ta chấp nhận hiện tại, vượt qua mọi khó khăn để vươn tới một đích điểm cao hơn là được phục sinh với Đức Chúa Giê-su.

Người có đức tin trưởng thành là người sống thiên đàng mai sau ngay tại cuộc sống ở trần gian này.

Nguyện xin Đức Mẹ Ma-ri-a, Đấng luôn đồng hành với Đức Chúa Giê-su trên đường khổ nạn cầu bàu cho chúng ta.
----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info

 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa - Diện mạo của con người – Chặng Thứ Hai: Chúa Giêsu vác thánh giá - Gỗ nặng của thập giá
VietCatholic Network
06:30 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chặng thứ Hai

Chúa Giêsu vác thánh giá

Gỗ nặng của thập giá


Tội lỗi của chúng ta, chính người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Ðấng chăm sóc linh hồn anh em. (1 Pr 2:24-25).

Chia sẻ:

Gỗ thánh giá nặng nề, vì trên đó Chúa Giêsu gánh lấy tội lỗi của tất cả chúng ta. Ngài lảo đảo với một gánh quá nặng đối với một người (Ga 19:17).

Gỗ thánh giá cũng là gánh nặng của tất cả những sai lầm đã tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế và hậu quả xã hội nghiêm trọng: công ăn việc làm bấp bênh, thất nghiệp, sa thải, một nền kinh tế thống trị chứ không phải là phục vụ, đầu cơ tài chính, các chủ doanh nghiệp tự sát, nạn tham nhũng và cho vay nặng lãi, công nghiệp địa phương chết dần chết mòn.

Đây là thập giá đè nặng trên giới thợ thuyền, là bất công đè lên vai người lao động. Chúa Giêsu tự mình vác lấy và dạy chúng ta phải chống lại bất công và với sự giúp đỡ của Ngài hãy học cách xây dựng những nhịp cầu của tình liên đới và của hy vọng, nếu không chúng ta cũng chỉ như những con chiên lạc lối trong bối cảnh cuộc khủng hoảng này.

Chúng ta hãy quay lại với Chúa Kitô, là người mục tử và người giám hộ linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy phấn đấu, sát cánh với nhau, cung cấp công ăn việc làm, để vượt qua những sợ hãi và sự cô lập, để phục hồi một sự tôn trọng đối với đời sống chính trị và cùng nhau giải quyết các vấn nạn của chúng ta.

Thánh giá sẽ trở nên nhẹ hơn nếu chúng ta cùng vác với Chúa Giêsu, và nếu tất cả chúng ta cùng nhau nhấc nó lên, vì “nhờ những vết thương - mà nay mở tung những cửa sổ tâm hồn chúng ta - mà chúng ta được chữa lành.”(x. 1 Pr 2:24).

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

đêm đen của chúng con càng ngày càng tối!

Nghèo đói gia tăng và trở nên cùng cực.

Chúng con không có bánh cho con em của chúng con và mẻ lưới của chúng con chẳng thu được gì.

Tương lai của chúng con bất định.

Xin cho chúng con có công ăn việc làm.

Xin thức tỉnh trong chúng con lòng khát khao cháy bỏng cho công lý,

để cuộc sống của chúng con không thường xuyên là một gánh nặng nhưng là một cuộc sống đúng phẩm giá! Amen.
 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa - Diện mạo của con người – Chặng Thứ Mười Một: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá -Bên giường người bệnh
VietCatholic Network
06:39 28/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chặng thứ Mười Một:
Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá -Bên giường người bệnh


Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Lúc chúng đóng đinh Người vào giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng: "Vua dân Dothái". Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp. (Mc 15, 24-28)

Chia sẻ:

Và họ đã đóng đinh Người! Hình phạt dành cho những kẻ gian ác, những tên phản bội, những nô lệ nổi loạn. Đây là một bản án dành cho Chúa Giêsu của chúng ta: những đinh nhọn xù xì, nỗi đau khổ tê buốt, nỗi sầu buồn của Mẹ Người, sự nhục nhã vì bị xếp ngang hàng với hai tên trộm cướp, bị quân lính tước hết áo để chia nhau, bị những người đi ngang qua chế giễu: “Nó cứu được người khác nhưng không thể tự cứu mình! Xuống khỏi thập giá đi thì chúng tôi sẽ tin ông” (Mt 27,42)

Họ đã đóng đinh Người! Giêsu đã không đi xuống khỏi thập giá, đã không từ bỏ thập giá. Ngài lưu lại trên thập giá và vâng phục ý Cha cho đến cùng. Ngài yêu thương và Ngài tha thứ.

Giống như Giêsu, ngày nay, rất nhiều anh chị em của chính ta đang bị đóng đinh vào giường bệnh, trong bệnh viện, nhà thương, trong gia đình. Đó là thời gian thử thách, những ngày cay đắng của cô đơn và thậm chí là thất vọng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài lại bỏ con?” (Mt 27,46)

Cầu xin cho đôi tay chúng ta không bao giờ gây thương tích, nhưng luôn luôn ở kề bên, an ủi và nâng đỡ những bệnh nhân, nâng họ dậy từ giường bệnh. Căn bệnh xảy đến chẳng bao giờ xin phép ai, nó đến bất thình lình. Đôi khi nó gây khó chịu, nó giới hạn tầm nhìn của chúng ta, thử thách niềm hy vọng của chúng ta. Nó rất cay đắng. Chỉ khi nào chúng ta thấy bên cạnh mình có ai đó lắng nghe chúng ta, gần gũi chúng ta, ngồi bên giường chúng ta... căn bệnh mới có thể trở thành trường dạy khôn ngoan vĩ đại, trở thành nơi gặp gỡ Thiên Chúa Nhẫn Nại. Bất cứ khi nào có ai đó chia sẻ những đau yếu của chúng ta vì tình yêu thì lúc đó cả ngay trong đêm tối của khổ đau vẫn bừng lên ánh sáng vượt qua của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Điều đối với con người là một bản án cũng có thể biến thành một hy lễ cứu chuộc vì lợi ích cho cộng đoàn và gia đình chúng ta. Các thánh đã cho chúng ta thấy điều đó.

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Xin đừng bao giờ rời xa con, xin ngồi bên cạnh chiếc giường đau yếu của con và đồng hành với con.
Xin đừng để con một mình nhưng giang tay ra và nâng con lên!
Con tin Chúa là tình yêu,
và con tin rằng thánh ý Chúa là biểu hiện của tình yêu của Ngài;
vì vậy con phó thân con theo thánh ý Chúa,
vì con đặt niềm tín thác nơi tình yêu Chúa. Amen
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:52 28/02/2015
N2T

30. Nhờ con đường yêu thương mà Thiên Chúa đến gần nhân loại, nhân loại đến gần Thiên Chúa . Ngược lại, nơi đâu không có đức ái thì không nhìn thấy được yêu thương của Thiên Chúa.

(Thánh James of the March)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:53 28/02/2015
CA ĐOÀN
Giáo xứ lớn và ngày Chúa Nhật có nhiều thánh lễ, mà giáo xứ chỉ có ba ca đoàn nên không phục vụ hết các thánh lễ được, ban hành giáo đề nghị cha sở đứng ra thành lập ca đoàn và phụ trách, vì ngài biết nhạc lý và biết đánh nhịp.
Cha sở cười nói:
- “Tôi sẽ mời gọi thành lập thêm một vài ca đoàn nữa để hát lễ, nhưng tôi sẽ không phụ trách ca đoàn nào cả, bởi vì tất cả ca đoàn đều là của giáo xứ, nếu cha sở phụ trách ca đoàn, thì sẽ có nhiều chuyện không tốt xảy ra, nhất là người ta sẽ nói cha sở chỉ ưu tiên cho ca đoàn của ngài, thế là có chia rẻ…”
--------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Đàng Thánh Giá Diện mạo của Thiên Chúa - Diện mạo của con người – Chặng Thứ Mười: Chúa Giêsu bị lột áo - Hiệp nhất và phẩm giá
VietCatholic Network
06:38 28/02/2015
Chặng thứ Mười:
Chúa Giêsu bị lột áo -
Hiệp nhất và phẩm giá


Ðóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: "Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được". Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh:
Áo xống tôi, chúng đem chia chác, còn áo dài, cũng bắt thăm luôn. Ðó là những điều lính tráng đã làm. (Ga 19: 23-24)


Chia sẻ:

Không một miếng vải nào được bọn lính chừa lại để che thân thể Chúa Giêsu. Họ lột trần Người. Chúa không còn áo choàng hay áo dài, không còn quần áo gì cả. Chúng lột trần Người như là hành vi hạ nhục cuối cùng. Thân xác Người chỉ còn được che đậy bằng dòng máu tuôn trào ra từ những vết thương sâu rộng.

Chiếc áo dài được giữ nguyên vẹn là hình ảnh của sự hiệp nhất của Giáo Hội, sự hiệp nhất đang được cố gắng tìm lại trên con đường kiên nhẫn, trong một nền hòa bình dày công xây dựng từng ngày, trên một khung cửi dệt tấm vải bằng sợi vàng của tình huynh đệ trong niềm hòa giải và trong sự tha thứ lẫn nhau.
Trong Chúa Giêsu, Đấng vô tội, bị lột trần và bị tra tấn, chúng ta nhận ra phẩm giá bị xúc phạm của tất cả mọi người vô tội, đặc biệt là của những kẻ bé mọn. Thiên Chúa không hề can thiệp, hay ngăn cản không để cho thân thể trần trụi của Người bị phơi bày trên thập giá. Người đã làm như thế để chuộc lại mọi lạm dụng, được che đậy cách bất công, và chứng tỏ rằng Người, Thiên Chúa, chắc chắn đứng về phía những nạn nhân một cách không thể quay lui được.

Lời Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn trở lại ngây thơ như trẻ con, để được vào Nước Trời; Xin tẩy sạch chúng con khỏi những ô uế và những ngẫu tượng.
Xin lấy đi khỏi chúng con những trái tim chai đá tạo ra chia rẽ gây tổn hại đến uy tín của Giáo Hội Chúa. Xin ban cho chúng con một trái tim mới và một tinh thần mới để chúng con có thể sống theo lệnh truyền của Chúa và sẵn sàng tuân theo pháp luật của Người. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đoạn chót cuộc hành trình của một người hành hương tầm thường, Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Van An
09:36 28/02/2015
"Các con biết rằng đối với cha, hôm nay khác với những ngày trước đó: cha không còn là Giám Mục Tối Cao của Giáo Hội Công Giáo nữa: cho tới 8 giờ tối nay, cha sẽ im lặng, và rồi không còn nữa. Cha chỉ còn là một người hành hương bắt đầu đoạn chót cuộc hành trình trên dương thế của mình”.

Ngày 28 tháng Hai, 2013: một ngày không thể nào quên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Rôma. Sau một cuộc trực thăng vận vắn vỏi tới Tông Điện tại Castel Gandolfo và chào hỏi hàng ngàn tín hữu, triều đại giáo hoàng của “người lao công khiêm hạ trong vườn nho Chúa” chấm dứt vào lúc 8 giờ tối.

Đức Bênêđíctô XVI làm cả thế giới ngỡ ngàng vào ngày 11 tháng Hai năm đó, khi tuyên bố ngài sẽ không còn điều khiển con thuyền của Thánh Phêrô nữa và trong 17 ngày, các vị Hồng Y của Giáo Hội sẽ bắt đầu công việc chọn người thay thế ngài.

Thế giới như điên cuồng, cố gắng tìm hiểu cho được lý do tại sao vị giáo hoàng này lại quyết định trở thành vị giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm trong hơn 500 năm qua. Dù Đức Bênêđíctô cho biết chỉ vì lý tuổi già của ngài, nhưng đối với nhiều người, điều ấy không đủ để giải thích.

Vì gương can đảm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhất định tiếp tục cai quản Giáo Hội dù mắc chứng Parkinson trầm trọng, nên nhiều người nghĩ rằng việc từ nhiệm của vị kế nhiệm chắc hẳn vì sự căng thẳng trong Giáo Hội, bị rúng động bởi tai tiếng, lạm dụng, phản bội, và nói thẳng, là quá sức chịu đựng. Nói cách khác, ngài thấy mình yếu đuối, cần phải rút lui.

Nhưng ngược lại, theo nhận định của Junno Arocho Esteves, sự yếu đuối biểu kiến kia chính là giờ phút chói sáng cho thấy sức mạnh tuyệt đối của ngài.

Đức Bênêđíctô XVI đã làm điều rất ít nhà lãnh đạo nào dám làm: đặt lợi ích của Giáo Hội lên trước nhất, lên trên điều nhiều người cho là “quyền lực”. Ngài đã sống đúng tước hiệu của các Giám Mục Rôma: Servus Servorum Dei (Tôi tớ các tôi tớ Chúa).

Cho tới nay, nhiều người vẫn còn lý luận rằng ngài là người độc đoán. Lúc còn đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngài đảm nhiệm công việc khó khăn bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội chống lại các trào lưu vũ bão của thuyết duy tương đối và thuyết duy tục khắp trên thế giới. Tuy đảm nhiệm chức vụ ít được lòng mọi người nhất, nhưng ngài đã thi hành nó không những một cách đầy thế giá mà còn với tình yêu nữa. Có thể nói suốt triều giáo hoàng của ngài, cái bản năng yêu thương này vẫn tiếp tục tỏa sáng.

Hai năm sau, có người vẫn tự hỏi, thậm chí còn hy vọng nữa rằng Đức Bênêđíctô XVI sẽ ra khỏi cảnh ẩn dật để giải quyết giây phút khẩn trương trong lịch sử Giáo Hội này. Có thể vững tâm mà nói rằng họ không nên nín hơi chờ đợi vô ích. Ngoài lòng tôn trọng và tôn kính hiển nhiên đối với vị kế nhiệm, ngài đã minh xác: sứ mệnh của ngài hiện nay là phục vụ Giáo Hội trong im lặng và cầu nguyện.

Ngài tiếp tục làm thế, ẩn mình ngay tại trung tâm Thị Quốc Vatican, trong Tu Viện Mater Ecclesiae. Và chính vì thế, và hơn thế nữa, ta chỉ còn biết thưa với người hành hương tầm thường này rằng: Cám ơn Đức Thánh Cha!
 
Sứ thần Tòa Thánh tại Syria nói Kitô hữu nước này cảm thấy bị thế giới bỏ rơi
Đặng Tự Do
17:12 28/02/2015
Kitô hữu Syria cảm thấy bị thế giới bỏ rơi, sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Damascus đã nói như trên với Đài phát thanh Vatican hôm thứ Năm 26 tháng Hai.

Trong một diễn biến tệ hại, từ hôm thứ Hai 23 tháng Hai, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã mở một cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Tel Hamis ở Đông Bắc Syria với những chiến thắng dòn dã chiếm được hàng loạt những làng mạc, thị trấn Kitô Giáo. Ít nhất 5,000 Kitô hữu đang phải lánh nạn sang Qamishli và Al-Hasakah gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức Tổng Giám mục Mario Zenari nói người Kitô hữu Syria lo sợ thấy rằng không có sự cải thiện an ninh tại đất nước họ, và nhiều người đang chuẩn bị để lại gia nhập vào đội ngũ hàng trăm ngàn người đã rời bỏ đất nước.

Theo Đức Tổng Giám mục Zenari, Syria đang phải đối mặt với hai tai họa riêng biệt: "cuộc nội chiến đã diễn ra trong gần 5 năm qua, giết chết hơn 200,000 người và làm bị thương hàng triệu người khác trong khi 11 triệu người phải tản cư; và sau đó là tất cả những điều khủng khiếp đang xảy ra tại các khu vực dưới sự kiểm soát của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo"

Hai điều này cộng lại tạo thành một trong những thảm kịch nhân đạo lớn nhất thế giới kể từ thế chiến II.

"Cuộc nội chiến này phải được dừng lại và đà tiến của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo phải được kềm hãm" Đức Tổng Giám Mục nói.
 
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt hàng trăm phụ nữ Kitô Giáo làm nô lệ
Đặng Tự Do
21:23 28/02/2015
Linh mục Emanuel Youkhana phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Syria cho biết “ít nhất 15 thanh niên Kitô Giáo đã chịu tử đạo” sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tiến như vũ bão vào các làng mạc và thị trấn ở Đông Bắc Syria trong khu vực Tel Hamis vào đầu tuần này.

Thông tấn xã AFP ước lượng có ít nhất 150 Kitô hữu đã bị bắt hôm thứ Hai 23 tháng Hai, là ngày đầu tiên bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào các khu vực Kitô Giáo ở Đông Bắc Syria. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết khoảng 5,000 Kitô hữu đã kịp thời chạy thoát khỏi vòng vây và đang tản cư tại hai thị trấn Al-Hasakah, là thủ phủ khu vực, hoặc Al-Qamishli, là một thành phố có 180,000 dân sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Linh mục Emanuel Youkhana cho biết thêm là tính đến ngày thứ Năm 26 tháng Hai, khoảng 350 phụ nữ Kitô Giáo đã bị bắt và các nhân chứng cho biết một phụ nữ trong số các phụ nữ bị bắt đã bị chặt đầu để de dọa các phụ nữ khác.

Luật Hồi Giáo Sharia coi các phụ nữ bị bắt trong chiến tranh là “al-sabi”, nghĩa là chiến lợi phẩm các chiến binh Hồi Giáo có thể chia chác với nhau để làm nô lệ tình dục và mua bán tại các chợ buôn người ở Trung Đông.

Đức Tổng Giám mục Jacques Behnan Hindo tố cáo với AFP rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các chiến binh Hồi giáo vượt biên giới vào Syria nhưng đã không cho phép các Kitô hữu chạy trốn được tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Cụm từ “chiến tranh huynh đệ tương tàn” làm tổn thương tình cảm của người dân Ukraine
Nguyễn Việt Nam
21:42 28/02/2015
Nhấn mạnh rằng Ukraine không phải đang trải qua "một cuộc xung đột nội bộ, nhưng đang gánh chịu một cuộc tấn công từ bên ngoài", nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine Hy Lạp cho biết tại một cuộc họp báo ở Rôma rằng ngài đã nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng thuật ngữ “chiến tranh huynh đệ tương tàn” mà Đức Thánh Cha dùng trong buổi tiếp kiến chung hôm 4 tháng Hai đã làm tổn thương tình cảm của người dân Ukraine."

Vào lúc kết thúc buổi tiếp kiến chung hôm 04 tháng 2 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ứng khẩu kêu gọi hòa bình và đối thoại ở Ukraine. Ngài nói: "Thật không may tình hình đang xấu đi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn khủng khiếp này có thể chấm dứt càng sớm càng tốt ... Tôi nghĩ đến anh chị em, tất cả các tín hữu nam nữ Ukraine.”

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt ngay cuộc chiến này vì nó là một gương mù thê thảm cho thế giới. Đức Thánh Cha nhận xét: “Đây là một cuộc chiến tranh giữa các Kitô hữu."

Ngài kết luận rằng chiến thắng và thất bại "không phải là từ thích hợp trong trường hợp này. Từ ngữ duy nhất đúng là hòa bình."

Bên cạnh đó, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk cũng nói thêm là các giám mục Ukraine cảm thấy “được Đức Thánh Cha thông cảm, chào đón và khích lệ" trong cuộc hành hương ad-limina viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh gần đây và các ngài đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Ukraine.

Ngài nói thêm: "Tôi đã xin Đức Thánh Cha và các cơ quan khác nhau của Giáo Triều Rôma khởi động một lời kêu gọi viện trợ nhân đạo trên cấp độ quốc tế. Chúng tôi đang phải lo cung cấp nơi trú ẩn cho 40,000 người tại các trung tâm Caritas Ukraine, nhưng điều này vẫn chưa thấm vào đâu vì có tới 140,000 trẻ em tản cư và còn bao nhiêu những người bị thương phải được điều trị. Vì vậy, để thực sự có thể cứu mạng sống nhiều người, chúng ta cần đoàn kết trên cấp độ quốc tế."
 
Quốc hội Áo thông qua tu chính án cấm tài trợ nước ngoài cho các đền thờ Hồi Giáo
Nguyễn Việt Nam
21:58 28/02/2015
Hôm thứ Tư 25 tháng Hai, Quốc Hội Áo đã thông qua một tu chính án nhằm sửa đổi một đạo luật đã có từ năm 1912 về Hồi giáo. Với tu chính án này quốc hội Áo cấm tất cả các nguồn tài trợ nước ngoài dành cho hầu hết các đền thờ Hồi giáo và yêu cầu các Imam phải nói được tiếng Đức.

"Mục tiêu của chúng tôi là phải có Imam người Áo riêng của chúng tôi," Ngoại trưởng Áo đã cho biết như trên. Ông bày tỏ hy vọng rằng luật này sẽ thúc đẩy hình thành một điều ông gọi là "Hồi giáo với các tính cách châu Âu" mà theo ông đó là một trong những cách thức hay để chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo.

Ông nói thêm: "Điều cần thiết là chúng ta phải nhìn thấy những người trẻ tuổi Hồi Giáo ở quốc gia này có thể vừa có một niềm tin Hồi giáo và đồng thời lại có thể tự hào rằng mình là một người Áo".