Ngày 08-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Thứ Năm Quanh Năm 9/2/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:18 08/02/2020
Bài Ðọc I: Is 58, 7-10

"Sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Này đây Chúa phán: "Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý của ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang của Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi. Như thế, ngươi gọi, Chúa sẽ trả lời; ngươi la lên, Chúa sẽ phán: "Này Ta đây". Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 111, 4-5. 6-7. 8a và 9

Ðáp: Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay (c. 4a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. Phước đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình.

Xướng: Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng cậy trông vào Chúa.

Xướng: Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang.

Bài Ðọc II: 1 Cr 2, 1-5

"Tôi đã công bố cho anh em bằng chứng của Chúa Kitô chịu đóng đinh".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan; tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 5, 13-16

"Các con là sự Sáng thế gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

"Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".

Ðó là lời Chúa.
 
Để thành Ánh Sáng
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:20 08/02/2020


Chúa Nhật V Thường Niên Năm A

“Các con là ánh sáng thế gian… Sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.

Bạn và tôi đều là ánh sáng, bởi chính Chúa Giêsu đã khẳng định như thế. Đã là ánh sáng thì không thể che dấu. Ánh sáng thì phải soi, phải rọi. Ở đâu có bóng tối, dù cho bóng tối dày đặc cách mấy, chỉ cần đốt lên một đốm lửa, sẽ phá tan bóng tối.

Nếu chúng ta là ánh sáng của trần gian thì hãy đốt lên ngọn lửa đức tin, đi vào mọi góc tối của cuộc đời, để Chúa Kitô được biết đến, Thiên Chúa được tôn thờ.

Nhưng làm sao để có thể thắp sáng đức tin đi vào cuộc đời? Chúa Giêsu không dừng lại ở lời khẳng định “các con là ánh sáng”, nhưng Người vạch ra cho ta thấy ánh sáng đức tin là gì? Và thắp sáng đức tin để đi vào cuộc đời là thế nào?

Đó là “việc lành của các con”. Nhưng “việc lành của các con” cần được “chiếu giãi ra”, nhờ đó “mọi người xem thấy mà ngợi khen Cha các con trên trời”.

Chắc chắn không ai trong chúng ta, từ thuở nhỏ, lại không quá quen với trò chơi lấy mảnh gương soi, chạy ra sân đón ánh nắng mặt trời, rọi vào nhà, hay một nơi tối nào đó. Anh sáng mặt trời phản chiếu qua tấm gương, làm sáng lên trong căn nhà hay trong bóng tối.

Hình ảnh ánh sáng mà chúng ta phải trở nên là như thế: Nhận lấy đức tin, qua bí tích rửa tội để được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trở nên con Thiên Chúa; nhận lãnh Lời Thiên Chúa từ nơi một con người mang tên Giêsu, là ánh sáng thật, là sự sáng nguồn mọi sự sáng, chúng ta cũng trở thành ánh sáng tiếp bước Chúa Giêsu, chiếu sáng trần gian.

Lý thuyết là vậy: nhận lấy ánh sáng đức tin từ nơi Chúa Kitô, chúng ta sẽ là ánh sáng cho anh chị em mình. Nhưng trong đời sống thường ngày, bởi nhiều lý do khác nhau, hay bởi ta chưa siêng năng, cũng có thể ta cứ mải để cuộc đời cuốn trôi mình, thay vì mình thánh hóa nó, vì thế ánh sáng đức tin của ta đã quá lu mờ, quá tối tăm, chẳng những không thể chiếu sáng, có khi còn trở nên gương mù, gương xấu.

Chẳng hạn, một ngày nào, ngưới bạn thân giới thiệu một cuốn phim không lành mạnh, biết mình là Kitô hữu, ta có dám thẳng thắn chối từ, hay vì cả nể, ta cứ mặc cho bạn mình dẫn lối đi vào sự tối tăm?

Ta có can đảm đứng ngoài cuộc cứ để mình dính bén vào một đường dây tội phạm như trộm cắp, buôn lậu, lừa đảo, tham lạm của công, hối lộ, bóc lột, chèn ép dân lành…
Cả một tổ chức được hình thành nhằm trả thù, bạo động, gây rối, cướp giật..., ta có dám nói “không”, dù biết rằng, hành động ấy có thể gây nguy hiểm cho mình vì không đi chung đường với tội phạm?...

Và biết bao nhiêu hình thức phạm tội khác như cái bẩy đang giăng mắc trong cuộc đời, chỉ chờ đợi chụp lấy, lôi ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa. Hay vì đồng tiền, ta lại bán mình cho tội. Hoặc vì ta đã quá quen với việc phạm tội, quá quen làm bạn cùng bóng tối, nên đã mất hết can đảm, lương tâm không còn nhạy bén, chẳng thể nào rút mình ra khỏi lối mòn của tội lỗi?

Vì thế, giờ đây, xét lại bản thân, ta chẳng công trạng, ngược lại còn có quá nhiều những lỗi nghịch cùng Chúa, cùng anh chị em của mình... Nếu để xảy ra như thế, thì thật là bi đát, thật là nguy hiểm. Bi đát và nguy hiểm khôn cùng.

Bạn thân mến, tách mình khỏi những dính bén của cám dỗ, của sự dữ và tội lỗi, chính là lúc chúng ta đã tỏa ánh sáng đức tin. Nếu mỗi Kitô hữu, dù chỉ là một đốm sáng, thì khi mọi Kitô hữu đều biết chiến đấu để vươn lên trong sự thánh thiện, sẽ trở thành một khối lửa tỏa sáng lớn vô cùng, đủ để phá tan bóng tối trong cuộc đời.

Chúng ta hãy thành tâm tạ lỗi trước Chúa. Tạ lỗi về những lỗi lầm, những manh nha đưa mình vào sự dữ, những thói hư tật xấu, hay cả thói quen phạm tội… của bản thân và cả của anh chị em, của biết bao nhiêu người đang ngụp lặn trong bóng tối của trần thế.

Một lần nhìn lại bản thân cũng như nhìn lại đời sống nhân loại cách chung, để mỗi chúng ta, cố gắng hết sức đổi mới đời sống, nên chứng tá cho Chúa giữa trần đời. Đó chính là thắp lên và làm cho chiếu tỏa ánh sáng đức tin. Thứ ánh sáng cần thiết đưa ta vào chính sự sống của Thiên Chúa, điều mà Chúa Giêsu đã dạy: “Các con là ánh sáng thế gian… Sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.
 
Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên - Năm A
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:37 08/02/2020
Là Muối Đất Và Là Sự Sáng Thế Gian

(Mt 5,13 - 16)

Sau khi công bố Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu phán tiếp những lời hằng sống, mở ra cho chúng ta chân trời hạnh phúc dẫn đến sự sống đời đời. Như thế, cách nào đó, Người mời gọi chúng chọn lựa cách sống, nói “vâng” theo Người.

Xem video và nghe bài giảng

Chúa Giêsu bảo chúng ta : “Là muối đất... là sự sáng thế gian” (x. Mt 5, 13-14). Lời trên chứa đựng căn tính Kitô giáo của chúng ta. Điều đáng nói ở đây là Chúa Giêsu không chỉ nói các môn đệ đơn giản là “ muối”, là “ánh sáng” nhưng là “muối đất” và là “sự sáng thế gian”.

Tại sao lại là muối đất?

Muối theo nền văn hóa Trung Đông gợi lên nhiều giá trị như giao ước, tình liên đới, sự sống và sự khôn ngoan. Trong Cựu ước, muối tượng trưng cho sự trung thành của Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa đã ký kết với dân người một khế ước bằng muối : “Ðó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan Ðức Chúa, cho ngươi và dòng dõi ngươi” (Ds 18,19). Trong Tân ước, Chúa Giêsu nói : “Các con là muối đất ” (Mt 5, 13).

Muối là một trong những vị cần thiết nhất cho con người. Muối còn có nhiều công dụng như dùng để tra vào đồ ăn để món ăn thêm hương vị mặn mà, ướp đồ ăn tránh khỏi hư.

Qua các hình ảnh giầu ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn thông truyền cho các môn đệ mình và cả chúng ta ngày hôm nay nữa ý nghĩa sứ mệnh và chứng tá của Tin Mừng. Thêm hương vị là thêm sức sống ơn thánh. Ướp đồ ăn cho khỏi hư, nghĩa là bảo vệ chân lý hằng sống.

Sao lại là sự sáng thế gian?

Khi Chúa Giêsu nói: “Các con là sự sáng thế gian” (Mt 5,14). Chúng ta biết rằng ánh sáng là công trình đầu tiên của Thiên Chúa Sáng Tạo và là nguồn mạch sự sống. Chính Lời Chúa cũng được tác giả Thánh Vịnh ví: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho đi” (Tv 119.105). Isaia cũng nói: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông” (Is 58,10).

Sự khôn ngoan tóm gọn nơi mình các hiệu quả ích lợi của muối và ánh sáng: thật thế, các môn đệ Chúa được mời gọi trao ban hương vị mới cho thế giới và giữ gìn nó khỏi hư thối, với sự khôn ngoan của Thiên Chúa tỏa sáng rạng ngời trên gương mặt Chúa Con, vì “Ngài là ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).

Là muối đất và là sự sáng thế gian

“Các con là sự sáng thế gian”, lời này chứa đựng sứ mạng được sai đi. Hành động và con người của các kitô hữu liên kết chặt chẽ với nhau, chứng tỏ rằng nhiệm vụ của “muối” và “ánh sáng”cho trần gian là của riêng chúng ta và không ai làm thay chúng ta. Vì thế, chúng ta phải chịu trách nhiệm về những gì chúng ta là Kitô hữu.

Trở lại với hình ảnh của muối. Hỏi, có thức ăn nào của con người mà không có sự hiện diện của Chúa Kitô trong các bí tích, hay Lời Người và hành động yêu thương nhân hậu của Chúa Thánh Thần? Nên chúng ta phải duy trì nhận thức về sự hiện diện của Chúa Cứu Thế ở giữa loài người, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vinh quang, loan báo quyền năng cứu độ tiềm ẩn trong Tin Mừng của Chúa. Hiệp nhất với Người, các kitô hữu có thể chiếu sáng giữa các bóng tối của sự thờ ơ và ích kỷ ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

Muối là hương vị giữ thức ăn. Người kitô hữu được kêu gọi cải thiện cái “hương vị” lịch sử loài người. Đó là thực hành trong cuộc sống ba nhân đức đối thần đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Điều đến từ Thiên Chúa luôn làm cho con người trở nên người hơn, hơn bao giờ hết là hình ảnh Chúa và giống Thiên Chúa. Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, chúng ta được mời gọi chiếu sáng và thể hiện lòng nhân giữa một thế giới sống trong đêm đen của thử thách, của tuyệt vọng và thờ ơ. Bài đọc I nhắc nhở chúng ta rằng: “Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày” (x. Is 58,7-10).

Do đó, mối liên kết giữa “muối” và “ánh sáng” được thể hiện. Lời Chúa Giêsu gửi đến mỗi chúng ta là hãy chiếu tỏa “ánh sáng” trước mặt mọi người, nghĩa là toàn bộ đời sống ta phải phản ánh ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội: “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” ( x. 2 Cor 1, 22). Ngọn lửa này tỏa sáng qua việc loan báo Tin Mừng với lòng từ tâm, Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người trong Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại.

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhắc lại rằng “Quả thật, lời rao giảng và chứng tá cho Tin Mừng là công việc phục vụ đầu tiên mà những người kitô có thể cống hiến cho mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại, xét vì những người kitô là những kẻ được mời gọi thông truyền cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa Cha, được biểu lộ tròn đầy nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế Duy Nhất của thế giới”. (Diễn văn tại Ðại Học Truyền Giáo Roma 11/3/ 2006 nhân dịp kỷ niệm bốn mươi của Nghị định “Ad gentes” của Công Đồng Vatican II).

Việc phục vụ loan báo Tin Mừng được thực hiện trong “Đức ái”, không dựa vào những lời quyến rũ khôn ngoan của loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và “quyền năng Chúa Thánh Thần” (x. Bài đọc II).

Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến chúng con trở nên những người của Tám Mối Phúc Thật là muối đất và ánh sáng thế gian.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:53 08/02/2020

18. Hành vi thánh thiện là cách có thể làm cho tâm hồn bình an, lương tâm khiết tịnh là cách có thể làm cho tâm hồn cậy trông vào Thiên Chúa.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 08/02/2020
39. MỘT CON BỒ CÂU PHÂN BA (1)

Đại tướng nam Đường là Vương Kiến Phong không thông văn tự lễ nghĩa, bắt Tỷ Sử sao lục trong “Đông trực sớ” có một câu giải thích về chim “bồ câu”, lúc Tỷ sử sao chép thì không chuyên tâm nên đem chữ “bồ câu” phân ra, viết thành ba chữ “nhân, nhật, điểu”.

Vương Kiến Phong vừa nhìn thì cho rằng đó là “nhân, nhật, điểu", và cũng không suy xét tỉ mỉ, bèn ra lệnh cho thuộc hạ:

- “Sau này mỗi lần gặp ngày “nhân nhật” (2) mở tiệc, thì trước tiên phải đem lên vị “điểu”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 39:

Đi ăn tiệc cưới mà thấy miếng thịt thái thật mỏng thì nói là gia chủ keo kiệt, huống hồ cho chim bồ câu nhỏ xíu mà cũng phân làm ba, thì có nước mà bị cười cho rát mặt, nhưng con bồ câu mà phân ra làm ba thì là chuyện chữ nghĩa của người Trung Hoa ngày xưa, không ăn nhằm gì đến chuyện ăn uống của mọi người.

Nghe nói có người làm quan đến chức ông này bà nọ nhưng không biết một chữ, cho nên bị những thành phần mánh mung dùng chữ nghĩa để lường gạt; có người chữ nghĩa đầy mình nhưng coi thường chữ “đạo” nên trở thành kẻ hại nước hại dân...

Người Ki-tô hữu được gọi là giỏi chữ nghĩa khi họ biết thực hành những gì mà lời Đức Chúa Giê-su đã nói đã dạy trong Phúc Âm, bởi vì nếu chỉ thuộc lòng thôi mà không thực hành Lời Chúa thì sẽ trở thành cái phèng la nói đạo lý rất hay, biện minh cho hành vi sai lỗi của mình rất giỏi, nhưng không làm cho họ trở thành “chói sáng” trước mặt người đời cũng như trước mặt Thiên Chúa.

“Bồ câu” phân ba là chữ viết của người Trung Hoa khi họ làm biếng viết, nhưng đọc Phúc Âm mà phân ra làm hai ngôn hành bất nhất là của người Ki-tô hữu đạo đức giả để phỉnh gạt người khác mà thôi...

(1) 鴿 là bồ câu, viết rời ra là 人 nhân、日nhật、鳥điểu。

(2) Ngày 7 tháng Giêng âm lịch, người Trung Quốc xưa gọi là ngày “nhân nhật”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa Nhật V Thường Niên A : Thế Giới Chưa Bao Giờ Hết Cần
Lm Giuse Trương Đình Hiên
21:17 08/02/2020
Thế Giới Chưa Bao Giờ Hết Cần

Chúa Nhật V Thường Niên A (2020)

Trong những ngày “tâm điểm” của đại dịch “Coronavirus – Vũ Hán” nầy, ngoài những trang thông tin dày đặc mang đầy lo âu và đe doạ với sự gia tăng không ngừng những người chết và những ca lây nhiễm, người ta lại tìm được những gương mặt, những chứng nhân của lòng tận tuỵ phục vụ con người. Đó là những bác sĩ, y sĩ ngày đêm quên ăn, quên ngủ, chấp nhận mang gương mặt đầy vết hằn của khẩu trang phải đeo lâu ngày, mặc những bộ đồ bảo hộ cho đến bốc mùi, hay với những đôi tay nứt nẻ vì thuốc sát trùng …; và cái “giá đầu tiên để trả cho tình nhân loại” đó phải dành cho bác sĩ Lý Văn Lượng 34 tuổi (Li Wenliang), là một trong những người cảnh báo sớm về dịch cúm Corona, bị nhiễm chính loại virus nầy và qua đời tại bệnh viện Trung ương Vũ Hán ngày 6.2 vừa qua.

Nhắc đến sự kiện nầy trong khung cảnh Phụng vụ hôm nay thật là thích hợp; vì quả thật, sứ điệp Lời Chúa hôm nay – Chúa Nhật V Thường niên, muốn chuyển tải đến chúng ta một “kết luận thực hành” nẻo đường “Tám Mối Phúc thật qua hai thực tại rất gần gũi với nhịp sống đời thường: Muối, Ánh Sáng.

Thật vậy, người môn đệ Đức Kitô khi sống và thực hành con đường “Bát Phúc” (Khó nghèo, hiền lành, trong sạch, biết xót thương, xây dựng hòa bình…) thì chắc chắn sẽ trở thành “hương vị đậm đà cải tạo môi trường cuộc sống”, như muối ướp mặn thức ăn; hay như ngọn đèn rực rỡ thắp sáng những mảnh đời tăm tối mịt mù…

Vâng, thế giới hôm nay đang cần muối !

Cho dù là “muối mỏ” hay “muối biển”, theo quan niệm chung, muối là vật tinh khiết nhất vì phát xuất từ hai nguồn năng lượng sạch và quan trọng nhất: Biển và Mặt Trời. Ánh nắng mặt trời chiếu dọi biến nước biển xanh thành muối trắng. Trộm nghĩ, nếu một ngày nào đó không còn biển xanh, không còn mặt trời, dĩ nhiên, không còn muối mặn, thì thế giới nầy ắt hẳn chỉ còn là một bãi tha ma đầy những xác chết tanh hôi thối rửa.

Nhưng cái quan trọng nhất lại là cái giản đơn nhất. Hạt muối lúc nào cũng hiền lành, thầm lặng. Hiện nay, giá muối trên thị trường so với các thương phẩm khác, chỉ là một thứ rẻ mạt, chẳng có giá trị gì. Có lẽ từ những yếu tố giàu chất biểu tượng đó mà Đức Kitô đã phong tặng tước vị đặc biệt cho người kitô hữu, cho các môn sinh của Ngài: “Các con là muối ướp đời”. Cách đây 2000 năm, Kitô giáo đã hội nhập vào trần gian trong bối cảnh một xã hội đang “ươn thối”, một xã hội đang mất dần hương vị của chân lý, tình yêu và hạnh phúc đích thực.

Vâng, giữa một thế giới bị chi phối giữa hai nền văn hoá Hi-La, một đàng dẫn dắt tư tưởng loài người trên những con đường triết lý và huyền thoại hư ảo, một đàng xô đẩy con người vào trong thế giới đa thần đồi truỵ, giàu nghèo xa cách và hưởng thụ vật chất trong vô vọng…, Tin Mừng của Chúa Kitô chính là những viên muối được quăng vào trần gian để ướp mặn lại thế giới, để đem hương vị cho cuộc đời, để làm cho kiếp nhân sinh sáng lên niềm tin yêu hy vọng.

- Hạt Muối Tin Mừng đó đã phục sinh La-gia-rô sau bốn ngày chết thúi trong mộ, để trả lại niềm vui, tiếng cười cho một gia đình trẻ ở Bêtania.

- Hạt muối Tin Mừng đó cho chàng thanh niên đã chết sống lại để lau sạch những giọt lệ trên gương mặt già nua buồn khổ của người mẹ goá Naim.

- Hạt muối Tin Mừng đó đã cho những người cùi hủi tê tái thất vọng giam mình trong hoang mạc tối tăm bỗng một ngày được ngẩng mặt bước vào cõi sống đường hoàng với xác thân lành lặn;

- Hạt muối Tin Mừng đó đã mở mắt anh mù ở Giê-ri-cô, đã gọi Lêvi bỏ bàn thu thuế gian lận để trở nên sứ đồ, đã hoán cải cô gái làng chơi Mai-đệ-Liên thành chứng nhân loan truyền chân lý, đã biến gã lùn Giakê giàu sụ, ham tiền thành một con người mới của sẻ chia, công bình, bác ái…

- Hạt muối Tin Mừng đó đã biến những anh chàng ngư phủ chân quê, dốt nát nơi biển hồ Galilê trở thành những “tay chài lưới người”, xả thân vì Nước Trời, bôn ba đi loan báo Tin Mừng và dựng xây một thế giới mới, cho dù phải hy sinh mạng sống…

Quả thật, Tin Mừng đó, một Tin Mừng cho dù thấp cổ bé miệng, một Tin Mừng đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật suốt 300 năm của thiên niên kỷ đầu tiên trong đế quốc Rôma hùng mạnh, bằng những cuộc bách hại khủng khiếp, bị dè bỉu khinh khi như một thứ rác rưởi… đã từ từ biến đổi một nền văn hóa đồi trụy bất công của đế quốc thành một xã hội bình đẳng quí trọng con người. Và rồi sau những ngàn năm kế tiếp, Tin mừng đó tiếp tục hóa thân trong những viên muối mặn giản đơn nhỏ bé như Phanxicô thành Assisi, như Phanxicô Xavie, như Têrêxa hài Đồng, như Mẹ Á Thánh Têrêxa thành Calcutta, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, như Các thánh Tử đạo Việt Nam, như Á Thánh Anrê Phú Yên…

Trong những ngày “tâm bão Coronavirus” nầy, chân dung của anh chị em tín hữu Công Giáo Trung quốc đã bừng sáng lên như những viên muối và những tia sáng qua những công tác bác ái phục vụ các bệnh nhân luôn ở tuyến đầu. Phải chăng đó là những người đi xây dựng một thế giới mới, một tương lai rạng ngời cho nhân loại, như lời nguyện của ĐHY Roger Etchegaray:

“…Xin dạy con nhìn về phía trước

Đừng lầm lẫn những gì

của ngày mai với hôm qua.

Xin dạy con cùng Ngài

Làm nên ngày mới

Đừng tích tụ hoa tàn nhụy rữa

Bên lối cũ đường xưa.

Xin dạy con mở toang những vách ngăn

Thành cánh cổng của một lộ trình mới

Và thế giới cũng đang cần ánh sáng !

Là muối ướp mặn cuộc đời đã là khó. Tuy nhiên Đức Kitô không dừng lại ở đó mà Ngài còn đòi hỏi cao hơn, khó hơn, đầy cao sang vinh dự, nhưng cũng đầy thử thách gian nan. Các môn sinh của Ngài phải trở nên ánh sáng soi đường: “Các con là ánh sáng cho trần gian”. Thật ra, chính bản thân chúng ta với xác đất vật hèn, làm gì chúng ta “là ánh sáng”; vã lại, đã là “viên muối khiêm hạ, ẩn khuất”, sao lại bất chợt trở nên ánh sáng soi đường dẫn lối. Như thế có quá mâu thuẩn chăng? Không đâu, thánh tiến sĩ Giáo Hội Cyrilo thành Alexandria đã dạy: "Không phải bạn đang sống, nhưng chính ánh sáng là Đức Kitô, Ngài có khả năng soi chiếu toàn thể thế giới bằng lời của Ngài, đang sống trong bạn."

Quả đúng như thế, con người Kitô hữu chúng ta trước tiên phải được biến đổi nhờ cuộc sống nội tâm sâu sắc tràn đầy ánh sáng Tin Mừng của Đức Giêsu, để rồi dân dần cung cách hiện diện của chúng ta giữa lòng thế giới cũng thay đổi, không còn là sự hiện diện của một con người tầm thường, nhưng phải toả sáng bằng cuộc sống Kitô giáo đích thực, để cho những người tiếp cận với chúng ta có thể nhận ra được dấu ấn Tin Mừng trên bản thân chúng ta.

Không những chúng ta được Đức Kitô mời gọi toả sáng bằng đời sống nội tâm mà thôi, nhưng còn bằng đức bác ái mang đầy tính năng động. Bài đọc I hôm nay sứ ngôn I-sa-i-a đã nói: "Nếu ngươi loại bỏ nơi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm dọa, lời nói xấu xa, hoặc khi ngươi hy sinh làm cho ngươi đói rách và những người đau khổ được vui thích thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối trở thành ánh sáng giữa ban ngày".

Như thế, lòng tốt đối với tha nhân trở thành một loại ánh sáng của đời sống Kitô giáo. Việc giúp đỡ những người nghèo khó, khốn khổ… trở thành ánh sáng tình yêu đối với tha nhân. Trong thế giới hiện đại, mối liên hệ giữa người với người lắm lúc trở thành băng giá vì bị đặt trên cơ sở tiền bạc, vật chất và lợi nhuận, thiếu hẳn hơi ấm tình người.

Thánh Augustinô đã nói: “Đây là giới răn vắn gọn được trao cho bạn: Hãy yêu thương, rồi bạn có thể làm bất cứ điều gì…Bạn hãy giữ trong tim cội rễ yêu thương. Vì những điều tốt đẹp chỉ mọc lên từ cội rễ yêu thương”.

Đúng thế, tình yêu không được thiếu hay vắng bóng trong mối tương quan với tha nhân, nhưng mỗi ngày phải có đủ tình yêu để toả sáng trong cuộc sống. Đó mới là điều đáng nói và đáng lưu tâm trong cuộc sống. Chỉ có ánh sáng tình yêu Kitô giáo mới có khả năng trở thành một dòng chảy yêu thương lan toả đến mọi người, bất chấp mọi chướng ngại. Chỉ khi trở thành những chứng nhân cho ánh sáng tình thương, người Kitô hữu chúng ta mới đạt được những hiệu năng cao nhất trong việc giới thiệu Chúa cho người khác, mới trở thành “Ánh sáng cho trần gian”.

Vì thế, muôn nơi và muôn thuở, sứ điệp “Muối, Ánh Sáng” không bao giờ cũ và hết hợp thời đối với người Kitô hữu. Bởi vì đó không là “sự khôn ngoan của loài người” mà chính là lời, là mệnh lệnh của Đấng mà nhà giảng đạo lừng danh Phaolô đã tuyên bố dứt dạc rằng: “Tôi không biết điều gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (Bđ 2). Chắc chắn, thế giới hôm nay, con người hôm nay, cũng như thế giới và con người thời Thánh Phaolô 2000 năm trước, họ chẳng cần chúng ta trao cho họ “sự khôn ngoan của loài người”, nhưng họ đang cần những “chứng nhân của đức tin”, chứng nhân của tình yêu và phục vụ; vâng, họ đang cần, muối và ánh sáng của Tin Mừng.

Ngoài kia Mùa Xuân đang về. Bàn tiệc Thánh Thể hôm nay sẽ đưa chúng ta đi vào cuộc sống đời thường để làm những viên muối ướp mặn và những ngọn đèn thắp sáng mùa xuân, như ước nguyện trong bài thơ “Bài ca Nhập Thể” của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, được ngài viết trong những năm gian khổ đồng hành với các chủng sinh trên bãi bờ ruộng muối:

Nầy đời con Chúa ơi như biển xanh

Chúa biến con thành muối mặn gian trần.

Đời cần lao bao vất vả gian nan,

Giọt nước mặn trở thành viên muối trắng…

Nguyện đời con thắp lên như hải đăng,

Mãi sáng soi rạng chiếu mọi gian trần.

Vượt trùng dương bao sóng vỗ gian nan,

Được chiếu dọi mở đường theo chân lý…

Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cha giảng rất hay nhưng giống ông Trump quá nên phải xin lỗi. Đức TGM cũng phải nói giúp cho cha
Đặng Tự Do
16:07 08/02/2020
Một linh mục của Tổng giáo phận Saint Paul and Minneapolis nổi tiếng có tài thuyết giảng nhưng ngài đã phải xin lỗi về một bài giảng trong đó ngài mô tả Hồi Giáo là mối đe dọa lớn nhất trên thế giới đối với Hoa Kỳ và Kitô giáo.

“Bài giảng của tôi về vấn đề người nhập cư có những từ gây tổn thương cho người Hồi giáo,” Cha Nick VanDenBroeke, cha sở của Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Lonsdale, Minneapolis, cho biết như trên trong một tuyên bố ngày 29 tháng Giêng được đăng trên trang web của Tổng giáo phận Saint Paul and Minneapolis.

“Tôi xin lỗi vì điều này. Bây giờ tôi nhận ra rằng những lời bình luận của tôi không phản ánh một cách đầy đủ giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về Hồi giáo,” ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda cũng đưa ra một tuyên bố về bài giảng này, trong đó ngài cho biết ngài đã nói chuyện về vấn đề này với Cha VanDenBroeke, và “vị linh mục đã bày tỏ nỗi buồn vì những lời nói của ngài và tỏ ra cởi mở để thấy rõ hơn về quan điểm của Giáo hội về mối quan hệ của chúng tôi với Hồi giáo.”

“Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo rất rõ ràng. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã lưu ý, ‘Giáo Hội Công Giáo, trung thành với những lời dạy của Công đồng Vatican II, nhìn người Hồi Giáo với lòng tôn trọng, như những người tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự bằng cách cầu nguyện, bố thí và ăn chay, tôn kính Chúa Giêsu như một tiên tri dù không thừa nhận thiên tính của ngài, và cũng tôn vinh Đức Maria, Mẹ đồng trinh của Người,” Đức Cha Hebda nói.

“Những điều đó tiếp tục là giáo huấn của Giáo Hội chúng tôi ngày hôm nay,” Đức Tổng Giám Mục nói thêm.

Đức Cha Hebda cũng nhấn mạnh rằng:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại những lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, khi nói rằng điều quan trọng là phải tăng cường đối thoại giữa người Công Giáo và Hồi giáo. Ngài đã nhấn mạnh ‘tầm quan trọng rất lớn của đối thoại và hợp tác giữa các tín đồ các tôn giáo, đặc biệt là giữa Kitô hữu và người Hồi giáo, cũng như sự cần thiết phải tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.’ Ngài kêu gọi tất cả các Kitô hữu và người Hồi giáo phải là ‘những người cổ vũ thực sự cho sự tôn trọng lẫn nhau và tình bằng hữu, đặc biệt thông qua giáo dục”.

Câu chuyện đã bắt đầu vào ngày Chúa Nhật 5 tháng Giêng, là ngày các Giám Mục trong bang Minnesota chỉ định là Chúa Nhật cầu nguyện cho người nhập cư trong năm 2020 này.

Tờ báo địa phương City Pages, đã theo dõi sát các bài giảng của Cha VanDenBroeke, nhất là từ sau vụ Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Các bài giảng của Cha VanDenBroeke không chỉ giới hạn trong nhà thờ mà còn được đưa lên YouTube.

Cha VanDenBroeke nói trong bài giảng của ngài hôm 5 tháng Giêng rằng không giống như các vấn đề như phá thai và hôn nhân đồng tính, giáo huấn của Giáo hội về vấn đề nhập cư không phải là chuyện “đen hay trắng”.

Ngài giải thích rằng “các quốc gia có quyền bảo vệ những ý tưởng và lý tưởng của họ, và đồng thời có nghĩa vụ phải chào đón khách ngoại kiều tìm kiếm sự che chở trên mảnh đất của mình.”

Ngài nhấn mạnh rằng “với tư cách là người Mỹ và là Kitô hữu, chúng ta không cần phải giả vờ rằng tất cả những người tìm cách vào Mỹ nên được đối xử như nhau.”

“Tôi tin rằng điều cần thiết là phải xem xét tôn giáo và thế giới quan của người nhập cư hoặc người tị nạn. Cụ thể hơn, chúng ta không nên cho phép một số lượng lớn người Hồi giáo tị nạn hoặc nhập cư vào đất nước của chúng ta,” ngài nói.

Cha VanDenBroeke nói thêm rằng Hồi giáo là “một mối đe dọa lớn nhất trên thế giới đối với các Kitô hữu và Hoa Kỳ.” Cho nên, Giáo hội phải hoạt động để xua trừ những ý tưởng tồi tệ ra khỏi đất nước chúng ta.

“Tôi không nói chúng ta nên ghét người Hồi giáo,” Cha VanDenBroeke nói. “Họ là những người được Chúa tạo ra từ tình yêu giống như mỗi người trong chúng ta. Nhưng trong khi chúng ta chắc chắn không thù ghét họ như những con người, chúng ta phải phản đối tôn giáo và thế giới quan của họ.”

Ngài nói thêm rằng ngài ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong kế hoạch xây dựng một bức tường dọc biên giới giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, và ngài cũng ủng hộ con đường trở thành công dân Mỹ của những sinh viên và thanh niên không có giấy tờ được cha mẹ đưa vào Hoa Kỳ.

Tờ Minnesota Star Tribune báo cáo rằng Cha VanDenBroeke đã đưa ra các bài giảng liên quan nhiều đến chính trị trong quá khứ, bao gồm cả bài giảng vào năm 2018, trong đó ngài kêu gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho thẩm phán Brett Kavanaugh được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện. Thẩm phán Kavanaugh, một người Công Giáo phò sinh nổi bật, được nhiều người Công Giáo coi là một đề cử quan trọng vào Tối Cao Pháp Viện nhằm lật ngược lại phán quyết Roe chống Wade của Tòa án Tối cao vào năm 1973 cho phép phá thai hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Theo City Pages, bài giảng ngày 5 tháng Giêng đã được đăng lên trang web của giáo xứ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Lonsdale, Minneapolis, và đã bị gỡ xuống. Tờ báo này cho rằng bài giảng của Cha VanDenBroeke gây ra một sự náo động trong cộng đồng địa phương. Hội đồng Hồi giáo Minnesota, đã đưa ra tuyên bố kêu gọi các nhà lãnh đạo Công Giáo lên án bài giảng này.

Trong một tuyên bố được báo cáo trên tờ Minnesota Star Tribune, Jaylani Hussein, giám đốc điều hành của Hội đồng Hồi giáo Minnesota nói: “Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo ở Minnesota phải quyết liệt lên án những nhận xét đầy thù hận và phi Kitô giáo này là không thể hiện được đức tin mà họ yêu quý.”

Trong tuyên bố của ngài, Đức Cha Hebda đã tìm cách đấu dịu và nói rằng ngài “rất biết ơn về nhiều tấm gương nói lên tình bạn đã được cộng đồng Hồi giáo trong khu vực của chúng tôi trao ra và chúng tôi cam kết tăng cường mối quan hệ giữa hai cộng đồng.”


Source:Catholic News Agency
 
Các Thượng Phụ Giáo Chủ ở Trung Đông thảo luận với Đức Thánh Cha về hoàn cảnh của các nhóm thiểu số Kitô giáo
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
19:08 08/02/2020
Vatican ngày 7 tháng 2 năm 2020, sáu Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo từ Lebanon, Syria, Ai Cập và Iraq đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô để thảo luận về những khó khăn mà các Kitô hữu phải đối mặt trong khu vực và sự di cư hàng loạt của họ. Đức Thánh Cha đã gặp Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Giáo Chủ Chaldean của Babylon; Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, Giáo Chủ Maronite của Antioch; Giáo Chủ Coplic Ibrahim Isaac Sedrak của Alexandria; Giáo Chủ Melkite Youssef Absi của Antioch; Giáo Chủ Armenia Gregoire Pierre XX Ghabroyan của Cilicia; và Giáo Chủ Syriac Ignatius Youssef III Younan của Antioch.

Giáo Chủ Younan nói với CNA rằng các Giáo Chủ đã yêu cầu cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì tình hình bi đát của Trung Đông nói chung, cho dù ở Syria, Iraq, Lebanon, và vì dòng người thiểu số Kitô giáo di cư từ quê hương của họ. Đó là một mối đe dọa đối với sự sống còn của chúng tôi, ngài giải thích rằng họ đang đấu tranh để cung cấp hỗ trợ tinh thần đúng đắn cho các tín hữu của họ ở các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là Tây Âu.

Sáu Thượng Phụ Giáo Chủ gặp Hồng Y Quốc Vụ Pietro Parolin để thảo luận về các chủ đề tương tự vào ngày 8 tháng 2. Giáo Chủ Younan nói rằng các Giáo Chủ đã cám ơn Đức Giáo Hoàng về con người cá nhân và nói rằng họ muốn Vatican “tiếp tục bảo vệ nguyên do của tất cả các Kitô hữu bị đàn áp, tất cả các nhóm thiểu số bị đàn áp ở Trung Đông, nơi tình hình chính trị không hứa hẹn cho [các nhóm thiểu số] và họ không có phương tiện để tự vệ và cung cấp an toàn cho cộng đồng của họ.”

Giáo Chủ Công Giáo Syriac cũng chỉ trích Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về Đề xuất kế hoạch “Hòa bình để Thịnh vượng,” đã công bố vào tuần trước, trong đó vạch ra một con đường dẫn đến việc thành lập quốc gia Palestine như là một phần của giải pháp “hai nhà nước.” “Đối với chúng tôi, nó mang lại nhiều mối đe dọa hơn so với các giải pháp,” Giáo Chủ Younan nói thêm rằng những yêu cầu của người Palestine không được xem xét. “Tuy nhiên, đó là một kế hoạch, ít nhất chúng ta có thể nói rằng nó sẽ đặt lại câu hỏi này và hy vọng sẽ có những nỗ lực chân thành để đưa hai dân tộc đến với nhau để... thảo luận cho tương lai,” Giáo Chủ Younan đã kêu gọi mọi người “giúp đỡ các Kitô hữu ở lại quê hương. Vì thế, chúng ta cần nhiều việc hơn là lời nói.” Người Công Giáo và Tòa thánh nên làm việc để tác động đến các quan chức được bầu để xem người dân Trung Đông không phải là những con số, mà là người dân, những người mà họ xứng đáng “được sống trong nhân phẩm và tự do,”

Giáo Chủ Younan sẽ là một trong số những người tham gia hội nghị của các giám mục Địa Trung Hải ở Bari, nước Ý, ngày 19-23 tháng 2. Hội nghị được tổ chức bởi các giám mục người Ý với chủ đề “Địa Trung Hải, biên giới của hòa bình”, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tham dự vào ngày cuối cùng 23 tháng 2. Giáo Chủ Younan cho biết rằng hội nghị sẽ bao gồm cuộc thảo luận về sự hiện diện của Kitô hữu ở Trung Đông và đối thoại đại kết.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Source: Catholic News Agency
 
Chúa Nhật Ánh Sáng
Vũ Văn An
23:26 08/02/2020
Mùa nóng gắt hình như đã đi khỏi Sydney, mùa cháy rừng như thiêu như đốt tưởng chừng như lửa hỏa ngục nhận chìm nhiều khu vực rộng lớn của New South Wales dường như cũng đã hoàn toàn kết liễu với những trận mưa khởi đầu còn lác đác nay càng ngày càng ào ào như trút nước khỏi bầu trời nặng chĩu. Cha sở tôi bảo các trận mưa này, dù chính chúng ta cầu xin cho có, đang làm chúng ta mất vui (unpleasant). Riêng bản thân tôi thì vẫn chào đón mưa rơi, bởi mực nước cung cấp cho Sydney vẫn ở mức báo động và việc dùng nước vẫn bị hạn chế ở cấp hai nghĩa là chỉ được tưới cây vào những giờ nhất định và tưới bằng thùng tưới chứ không bằng vòi nước lấy thẳng từ hệ thống phân phối của WATER BOARD! Tưới kiểu này không hợp với tuổi già của tôi chút nào!

Giữa bối cảnh ấy, sáng nay, ngay lúc nước trời đổ xuống như thác, bầu trời đen nghịt, trước khi đến nhà thờ xứ tham dự thánh lễ Chúa Nhật, tôi mở sách lễ và rất vui đọc được nhiều điều về ánh sáng:



Phần chữ đỏ ngay sau phần giới “bài trích sách Tiên Tri Isaia” 58:7-10 viết như sau: “Ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông”. Phần Thánh vịnh đáp ca thì có câu đáp: “Một ánh sáng xuất hiện trong u tối cho kẻ lòng ngay” (Tv 111:4). Bài tung hô Tin Mừng trích y lời Chúa “"Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống" (Ga 8:12). Phần chữ đỏ sau lời giới thiệu bài “Tin Mừng theo thánh Máttêu 5:13-16 tóm lược “Các con là ánh sáng thế gian”.

Chúa và chúng ta đều là “ánh sáng thế gian”. Tất cả các chi tiết ấy khiến tôi nẩy ra ý muốn đặt tên cho Chúa Nhật thứ Năm Mùa Thường Niên, Năm A, là Chúa Nhật Ánh Sáng.

Ít người chia sẻ ý muốn trên vì phần đông lưu ý tới khía cạnh khác của Chúa Nhật này. Thí dụ, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, trong bộ sách “Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật, Năm A”, không hề lưu ý đến ánh sáng, chỉ nói tới muối. Người bạn ở Sydney của tôi, Anh Mai Tá, trong cuốn “Lời Chúa Sẻ San Năm A”, diễn dịch 1 tác phẩm của Cha Kevin O’Shea, Dòng Chúa Cứu Thế, cũng phần nào nhấn mạnh nhiều hơn tới Muối vì thấy anh viết nghiêng chữ “Muối” và “Các con là muối cho đời”, chứ không viết nghiêng chữ “ánh sáng”.

Phải chăng vì các tác giả trên nghĩ, như cha Tanila Hoàng Đắc Ánh, Dòng Đaminh (Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Theo Thánh Mátthêu [dẫn vào và chú giải]), muối có đến hai, ba tác dụng, trong khi ánh sáng chỉ có một tác dụng là soi sáng cho mọi người? Cha Ánh cũng nói nhiều đến muối, nhiều gấp đôi, so với ánh sáng.

Theo ngài, công dụng thứ nhất của muối là làm cho thức ăn thêm mùi gia vị, giữ cho các thức ăn khỏi hư đến nỗi nó gợi lên tính cách lâu bền, thậm chí vĩnh viễn của một giao ước như Kinh Thánh nói đến “một giao ước muối” nghĩa là một giao ước vĩnh viễn (Ds 18:19; Lv 2:13; 2Sb 13:5). Muối còn một công dụng khác là làm cho phân, cho đất tốt thêm (Lc 14:35).

Cha Ánh không đi cải tạo dưới chế độ Cộng Sản, nên không lưu ý một công dụng khác của muối: muối làm chè ngọt hơn. Hồi bản thân tôi đi “Học Tập Cải Tạo” ở Suối Săng Máu, Biên Hòa, rất ngạc nhiên, khi anh bạn cùng bị tù, lúc nấu chè đậu xanh, bỏ vào một nắm muối, nói là để chè ngọt đậm hơn. Mà đúng thật, “cải tạo” rất qúy và hiếm đường, phương pháp nấu chè này có “năng xuất” rất cao, rất thành công!

Nhưng Cha Ánh có nói đến việc người môn đệ Chúa Giêsu “phải làm sao cho thế gian nên ngon, ngon mãi, ngon hơn”, thiển nghĩ cũng đồng nghĩa với hoàn cảnh trên.

Một điều nữa được cha Ánh lưu ý là nối kết hai ý niệm muối và ánh sáng. Thực vậy, theo cha, “Đức Giêsu nói: ‘Nếu muối mà nhạt, thì nó thành vô dụng’. ‘Nhạt đi’ dịch động từ μωραίνω (moraino). Mà động từ này có nghĩa là ‘làm cho dại, làm cho nhạt, làm mất mùi’ (Is 19:11-12; Grm 10:14; Hc 23:14; Rm 1:22; 1Cr 1:20). μωρóς (morôs) là dại, ngây dại theo nghĩa đen cũng như theo nghĩa bóng”.

Dại theo nghĩa bóng thì không thể làm gương sáng, không thể là “ánh sáng” thế gian. Thiển nghĩ đây cũng là nối kết được Phụng Vụ Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Thường Niên, Năm A xây dựng một cách công phu.

Phụng vụ này không chỉ nhấn mạnh đến muối như Đức Cha Kiệt hay đến ánh sáng như Cha O’Shea. Vị sau, dành phần lớn bài suy niệm cho ánh sáng dưới dạng “rao giảng cho mỗi người phải sống nền văn hóa mới”.

Nền văn hóa mới này không được Cha O’Shea minh nhiên mô tả, tuy ngài có đề cập tới việc “sống đích thực tinh thần của Công Đồng Vatican II... Đổi mới thế giới... không theo chiều hướng tệ bạc, ngày càng mất đi giá trị đạo đức... Khám phá chính mình... xứng đáng là dân con Đức Chúa, có khả năng tân tạo thế giới... Đem Tin Mừng đến với mọi nơi, như thời tiên khởi”.

Sau đó, Cha nhấn mạnh: thế giới hiện nay là thế giới đa tôn giáo, “nên dân con Đạo Chúa cần tìm nơi Tin Mừng điều gì đó mới mẻ và thích hợp với mọi người”. Để làm mọi người thấy ra rằng Đức Kitô quả “là Đấng cứu chuộc mọi người”. Hệ luận là “mọi người có cơ hội đồng đều. Được kính trọng như người có phẩm cách. Và, là người có những quyền căn bản. Ngang đồng.”

Cha không khai triển ý niệm “mọi người”: liệu ý niệm này có bao gồm cả người đồng tính, người ly dị tái hôn... hay không. Nhưng Cha nhấn mạnh rằng xác tín trên bắt nguồn từ Đạo Chúa: mọi người “được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”. Và điều đáng lưu ý nữa là: “Tín hữu Đức Kitô vẫn nhận được những thông điệp như thế ngang qua văn hóa hiện thời”.

Cha cho rằng “mọi người vẫn hành xử như các Kitô Hữu”, cả người không tin Đạo Chúa, cả người vô thần. Ai cũng có “lòng cảm thông/thương xót người nghèo túng. Sự tôn trọng bản vị con người. Niềm ước ao được kết đoàn. Lòng quyết tâm đòi công minh chính trực. Ước vọng được thấy tình thương yêu mọi người trở thành hiện thực”.

Cha kết luận “Khi ta duy trì các giá trị của nền văn hóa theo cách ấy, ta càng trở nên muối cho đời. Càng trở thành ánh sáng đặt trên bục cao”.

Chú giải và bình luận của Cha O’Shea dĩ nhiên là chính xác. Nhưng dường như bất cập nếu dựa vào tầm nhìn có tính tổng hợp và thăng hoa của Phụng Vụ Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Thường Niên Năm A, một tầm nhìn mà Cha Talina Hoàng Đắc Ánh đã vắn tắt nhắc đến theo quan điểm dẫn giải Kinh Thánh.



Trước nhất là các dòng dẫn giải của St Paul Sunday Missal dùng cho Úc Châu (năm 2014), nhấn mạnh đến việc “tất cả chúng ta đều có những hồng phúc đặc biệt, nhưng đôi khi chúng ta không nhận ra điều này. Chúng ta thường cảm thấy mình có rất ít để hiến tặng người khác. Điều ấy không bao giờ đúng cả. Như Chúa Giêsu từng nói: ‘Các con là muối đất! Các con là ánh sáng thế gian! Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận ra các hồng phúc độc đáo của chúng ta và san sẻ chúng cho người khác”.

Thế là tôi phải thay đổi cách nhìn trước đã: muối đấtánh sáng không hẳn là một gánh nặng tôi phải lo lắng gánh vác, chu tòan nhưng là những hồng phúc chắc chắn tôi sẽ san sẻ. Chẳng ai có tài cán, hồng phúc, thiên phú mà lại âm thầm cất giấu. Âm sắc ở đây hình như tích cực, hân hoan hơn nhiều.

Dĩ nhiên, theo Tiên tri Isaia, cái hồng phúc kia, cái thiên phú kia, chỉ có tính tiềm tàng, một tiềm năng hay một hữu thể có đó dưới dạng phôi thai, chưa thành hình thực sự, nói theo triết lý, nó là một hữu thể đang hoàn thành (l'être en devenir). Điều gì làm nó hoàn thành? Tiên tri nói ngay: “Hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục, Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhậm lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại : ‘Có Ta đây!’ Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ”.

Không những ánh sáng sẽ thành hình hoàn toàn mà nó “sẽ chiếu tỏa trong bóng tối”. Muối, tức các chia sẻ của ta với người khác, nhất là những người dễ bị thương tổn hơn cả, làm ánh sáng xuất hiện. Đó là tổng hợp của Isaia.
Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp lại cùng một tổng hợp ấy (Tv 111, 4-5. 6-7. 8a và 9)

Ðáp: Một ánh sáng xuất hiện trong u tối cho kẻ lòng ngay.

Xướng: Họ là ánh sáng trong u tối cho kẻ lòng ngay: họ là người nhân hậu, từ bi và công chính. Người tốt lành biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình.

Ðáp: Một ánh sáng xuất hiện trong u tối cho kẻ lòng ngay.

Xướng: Người công chính sẽ không nao núng: họ sẽ được ghi nhớ muôn đời. Họ không kinh hãi vì tin xấu; họ vững lòng cậy trông vào Chúa.

Ðáp: Một ánh sáng xuất hiện trong u tối cho kẻ lòng ngay.

Xướng: Với lòng kiên nghị, họ sẽ không kinh hãi, người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, đức công chính của họ muôn đời còn mãi, đầu họ được ngẩng lên trong vinh quang.

Ðáp: Một ánh sáng xuất hiện trong u tối cho kẻ lòng ngay.

Ở đây, ta thấy ánh sáng hoàn thành, ngoài các san sẻ với người khác, còn là với “lòng cậy trông vào Chúa”. Điều này được lặp lại bởi lời tung hô trước khi đọc bài Tin Mừng: "Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". Và chính Chúa Giêsu xác nhận tổng hợp của Isaia khi Người nói ở cuối bài Tin Mừng: “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.

Không phải là vô tình khi Chúa Giêsu cùng một lúc, cùng một mạch văn, nhắc đến hai hồng phúc Chúa ban cho chúng ta để chúng ta chia sẻ với anh chị em mình: muốiánh sáng vì chúng vốn là đièu kiện của nhau. Bài đọc thứ hai trích từ Thư thứ nhất Thánh Phaolô gửi Tín hữu Côrintô (2:1-5) không minh nhiên nhắc chi tới muối hay ánh sáng. Nhưng trong đồng văn ánh sáng, ngài có nhắc đến điều Bản Tiếng Anh dịch là philosophy (triết lý) trong khi Bản Tiếng Việt dịch là khôn ngoan theo bản Hy Lạp (σοφίας, sofia) và Bản Phổ Thông (sapientia). Ngài bảo “trong các phát biểu và bài giảng của tôi... không hề có bất cứ luận điểm nào thuộc triết lý; chỉ là một chứng minh quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và tôi làm thế để đức tin của anh em không tùy thuộc triết lý loài người mà tùy thuộc quyền năng Thiên Chúa”.

Phải chăng Thánh Phaolô muốn nhắn nhủ: muối và ánh sáng kia có điều gì đó vượt quá “triết lý” hay sự “khôn ngoan” của con người. Phải đem muối ấy và ánh sáng ấy cho thế gian với đủ nồng độ “quyền năng Thiên Chúa” chứ không dừng lại ở bình diện “mọi người” dù nay Kitô giáo không còn được coi là chuyện đương nhiên nữa.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tại sao phụ nữ nhiều nơi mang voan che đầu?
Nguyễn Trọng Đa
09:39 08/02/2020
Giải đáp phụng vụ: Tại sao phụ nữ nhiều nơi mang voan che đầu?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Một người bạn của con nói rằng theo Kinh thánh, một người phụ nữ nên che đầu trước sự hiện diện ​​của Chúa chúng ta (Thánh Thể / trong Thánh lễ). Trong các nhà thờ của chúng con, điều này đã không được thực hành. Xin cha vui lòng cho con biết làm thế nào và khi nào việc thực hành của phụ nữ che đầu đi đến kết thúc, hoặc đó là chúng ta đang làm điều gì không đúng chăng? - J. M., Doha, Qatar.


Đáp: Bản văn Kinh thánh được đề cập chắc là 1 Cr 11: 4-16:

“Phàm người nam nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà che đầu, thì hạ nhục Ðấng làm đầu mình. Phàm người nữ nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà lại để đầu trần, thì làm nhục kẻ làm đầu mình, vì người ấy như thể trọc đầu vậy. Nếu người nữ để đầu trần, thì cứ cắt tóc đi! Nhưng nếu cắt tóc hay trọc đầu là một điều xấu hổ đối với người nữ, thì hãy che đầu lại! Người nam không được che đầu, bởi vì là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người nữ là vinh quang của người nam. Thật vậy, không phải người nam tự người nữ mà có, nhưng người nữ tự người nam. Cũng chẳng phải người nam được dựng nên vì người nữ, nhưng người nữ vì người nam. Bởi thế, người nữ phải mang trên đầu một dấu hiệu phục tùng, vì có các thiên thần. Tuy nhiên, trong Chúa, không nam thì chẳng có nữ, và không nữ thì chẳng có nam. Thật thế, như người nữ tự người nam mà có, thì người nam cũng bởi người nữ mà sinh ra, và mọi sự đều tự Thiên Chúa mà có.

“Anh em hãy tự xét xem: người nữ không che đầu mà cầu nguyện với Thiên Chúa thì có xứng hợp không? Chính thiên nhiên lại không dạy anh em rằng người nam mà để tóc dài là điều ô nhục, còn người nữ mà để tóc dài thì lại là vinh dự cho họ đó sao? Là vì Thiên Chúa ban cho người nữ mái tóc làm khăn che đầu. Ngoài ra, nếu có ai nghĩ mình phải cãi lý, thì đó không phải là thói quen của chúng tôi, cũng như không phải là thói quen trong các Hội Thánh của Thiên Chúa” (Bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.)

Một sự thảo luận đầy đủ về bản văn này là nằm ngoài phạm vi của bài hôm nay. Nhưng chúng ta có thể nói rằng đoạn văn trên chứa một số yếu tố, vốn có giá trị thần học lâu đời và các yếu tố khác, vốn phản ánh các tập tục xã hội nhất thời, chỉ áp dụng cho thời kỳ đặc biệt và thành phố Cô-rin-tô.

Chẳng hạn, trong dỏng lịch sử, có những lúc người ta thường thấy đàn ông, và thậm chí cả giáo sĩ nữa, để tóc dài; và không ai cảm thấy rằng lời của thánh Phaolô coi việc thực hành này là một sự ô nhục áp dụng cho họ.

Tương tự như vậy, các quy định phụng vụ nói rằng các Giám mục đội mũ sọ (skullcap) trong một số lời nguyện trong Thánh lễ, và các vị có thể đội mũ lễ giám mục (miter) trong khi giảng, mà không rơi vào lời của thánh Phaolô rằng sự thực hành này mang lại sự xấu hổ cho đầu các vị. Tuy nhiên, các quy định yêu cầu các vị cởi mũ ra trong phần Kinh nguyện Thánh Thể và khi chầu Thánh Thể.

Ngoài các Giám mục và một số kinh sĩ, tập tục vẫn quy định rằng tất cả người đàn ông khác nên để đầu trần trong nhà thờ, ngoại trừ khi dự Thánh lễ ngoài trời.

Trong thời thánh Phaolô, người phụ nữ được coi là khiêm hạ khi che đầu, và ngài đã nhấn mạnh điểm này khi họ hiện diện trong cộng đoàn phụng vụ.

Tập tục này được coi là quy phạm và được quy định trong điều 1262.2 của Bộ Giáo luật năm 1917, bên cạnh khuyến nghị rằng nam giới và nữ giới nên ngồi tách biệt trong nhà thờ và đàn ông để đầu trần. Điều luật này đã bị loại bỏ khỏi Bộ Giáo luật mới ban hành năm 1983, nhưng sự thực hành đã bắt đầu rơi vào tình trạng không áp dụng, từ khoảng đầu thập niên 1970. Mặc dù không còn ràng buộc về mặt pháp lý, tập tục che đầu này vẫn được áp dụng rộng rãi ở một số quốc gia, đặc biệt là ở châu Á. Nói chung, nó đã bị bỏ ở hầu hết các nước phương Tây mặc dù phụ nữ, không giống như đàn ông, vẫn có thể đội mũ và voan khi dự lễ, nếu họ chọn.

Các yếu tố xã hội học cũng có thể đã tham gia vào. Sự nhấn mạnh lớn hơn về sự bình đẳng nam nữ có xu hướng hạ thấp các yếu tố, vốn nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai phái.

Tương tự như vậy, lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, việc không đội mũ ngoài trời, đặc biệt là đối với nam giới, đã không còn bị coi là thói xấu, trong khi một vài năm trước đó, người ta coi đó là không hợp lẽ khi đi ra ngoài mà không đội mũ.

Việc hai giới giảm bớt sự đội mũ cũng có thể ảnh hưởng đến sự biến mất của phong tục tôn giáo trên.

Một bạn đọc cho biết ông nghe nói rằng Bộ Giáo luật mới không bãi bỏ việc buộc đội mũ và voan, nhưng đơn giản là không đề cập đến nó thôi.

Mặc dù một số chuyên viên giáo luật có thể chấp nhận giả thuyết này, nhưng đó không phải là cách giải thích có thể xảy ra nhất, vì không chắc là nhà làm luật sẽ khiến tín hữu nghi ngờ về sự tồn tại của một việc buộc. Bằng cách không còn đề cập đến tập tục này, nhà làm luật đã loại bỏ nó khỏi lãnh vực buộc, trong khi vẫn giữ nguyên khả năng còn lại của nó như một tập tục ở một số địa phương hoặc bối cảnh.

Một bạn đọc ở Kuala Lumpur, Malaysia, đã đề cập đến một trường hợp đặc biệt: "Chúng tôi có một nhóm nhỏ giáo dân duy truyền thống đến dự lễ với khăn che đầu (đặc biệt là phụ nữ). Trong hầu hết các phần của Thánh lễ, họ đều quỳ khi mọi người khác đứng. Khi rước lễ, họ quỳ gối và sẽ chỉ rước lễ nếu được một linh mục cho họ rước lễ, chứ họ không rước lễ bởi các thừa tác viên giáo dân hay tu sĩ. Có trường hợp họ từ chối rước lễ, vì linh mục cử hành thánh lễ chỉ cho các người đứng rước lễ mà thôi. Điều này dẫn đến việc họ phải di chuyển từ nhà thờ này đến nhà thờ khác, tìm kiếm được các linh mục sẽ cho họ quỳ rước lễ. Quy định của Hội Thánh về việc này là thế nào, thưa cha?"

Một số bạn đọc khác đề cập đến các trường hợp tương tự, khi phụ nữ bị các linh mục chủ động ngăn cản đội mũ và voan, vì chúng "gây lo ra."

Lý do chính khiến thánh Phaolô buộc phụ nữ phải che đầu là vì sự khiêm hạ trong phụng vụ, đặc biệt là vì trong bối cảnh văn hóa của một thời kỳ, mà trong đó một phụ nữ không che đầu truyền đạt một thông điệp của sự vô phép.

Vì sự khiêm hạ là lý do chính, một phụ nữ có thể tự do hoặc che đầu vì sự khiêm hạ, hoặc đơn giản không tôn trọng tập tục lâu đời.

Mặc dù sự khiêm hạ cũng khuyên không nên sử dụng các chiếc mũ và voan cầu kỳ phức tạp, nhằm thu hút sự chú ý đến mình, nhưng không thẩm quyền nào trong giáo luật hay trong các phong tục xã hội thông thường sẽ cho phép cấm dùng màn, hay ngăn cản tất cả các voan che đầu. Linh mục phải đủ linh hoạt để thích ứng với các nhạy cảm tâm linh khác nhau của đàn chiên của họ, ngoại trừ trong trường hợp không tương thích rõ ràng với bản chất của nghi thức thánh.

Một điểm tương tự có thể được đưa ra liên quan đến các người Malaysia duy truyền thống. Các tín hữu này nên được khuyến khích tham gia vào cử chỉ chung của buổi lễ, vốn thể hiện sự hiệp nhất của cầu nguyện và mục đích cầu nguyện.

Mặc dù linh mục nên cố gắng giáo dục họ theo các quy định và lòng đạo đức chân chính của Hội Thánh, nhưng thường được khuyên nên kiên nhẫn và tránh tạo ra sự chia rẽ không cần thiết, về các điểm vốn không phải lúc nào cũng được quy định rõ ràng trong luật phụng vụ.

Đồng thời, Tòa Thánh đã nói rõ rằng ngay cả khi Hội đồng Giám mục đã thiết lập việc thực hành đứng rước lễ như một chuẩn mực chung, các tín hữu nào muốn, có thể quỳ xuống để rước lễ. Tòa Thánh cũng đã nhấn mạnh trong các điều khoản rất rõ ràng rằng không có chuyện tín hữu có thể bị từ chối cho rước lễ, chỉ vì họ quỳ xuống.

Tuy nhiên, các tín hữu như vậy cũng nên cẩn thận, kẻo việc thực hành của họ gây ra bất kỳ sự xáo trộn nào cho dòng người lên rước lễ và nếu cần, chẳng hạn, họ nên đợi cho đến khi gần hết người, họ mới lên để quỳ rước lễ.

Như một phiên bản của câu ngạn ngữ đạo đức cổ điển nói: "Hãy hợp nhất trong những gì cốt yếu, tự do trong những gì chưa chắc, nhưng bác ái trong hết mọi sự" (in necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas; In important things unity, in less important things liberty, in all things charity; Dans ce qui est nécessaire, unité, dans des choses douteuses. liberté, en toutes choses, charité.) (Zenit.org 22-5 và 5-6-2007)

Nguyễn Trọng Đa

https://www.ewtn.com/catholicism/library/head-coverings-for-women-4371
 
VietCatholic TV
Giáo Hội địa phương cho biết tin bác sĩ cũng chết gây kinh hãi và tức giận tại Vũ Hán
Giáo Hội Năm Châu
01:45 08/02/2020
Nguồn tin của Giáo Hội địa phương nói với Asia-News, cơ quan thông tin của PIME, tức là Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, rằng tin một bác sĩ đã chết vì coronavirus gây kinh hãi cho người dân tại Vũ Hán. Bác sĩ với đầy đủ kiến thức và các phương tiện y tế mà còn chết thì huống hồ gì là dân thường.

Dân chúng cũng bày tỏ sự tức giận của họ vì cách thức thông tin che dấu sự thật của bọn cầm quyền Bắc Kinh.

Bác sĩ Lý văn Lương (Li Wenliang - 李文亮), là bác sĩ đầu tiên đưa ra cảnh báo về coronavirus và cảnh sát đã bắt anh phải im lặng. Anh đã chết trong bệnh viện sau khi nhiễm bệnh từ một bệnh nhân. Cái chết của anh - đầu tiên bị bọn cầm quyền phủ nhận, sau đó được cả truyền thông nhà nước thừa nhận - đang gây ra những lời bình luận dữ dội trên mạng, ngay cả khi cảnh sát internet đang cố gắng xóa sạch những lời bình luận.

Tháng 12 năm ngoái, vị bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi này đã gửi tin nhắn cho các đồng nghiệp của mình để cảnh báo về một loại virus tương tự như virus Sars. Nhưng cảnh sát internet đã ngay lập tức can thiệp và cáo buộc anh ta “tung tin đồn” gây rối trật tự công cộng. Sau đó, anh bị nhiễm virus và bị cô lập tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.

Theo một số báo cáo trên các phương tiện truyền thông, bác sĩ Lương đã kết hôn và vợ anh sắp có một đứa con trai vào tháng Sáu tới đây.

Cái chết của anh tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã gây ra một loạt các bình luận ca ngợi anh là một “anh hùng thường nhật”, người đã hy sinh mạng sống của mình cho người dân, trái ngược với “các thủ lĩnh béo tốt”, là những người đã dấu nhẹm tin tức về virus trong hơn 40 ngày, vì chỉ quan tâm làm sao duy trì “sự ổn định” và sức mạnh của họ.

Các bài khác kêu gọi nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do báo chí, cho rằng chính sự thiếu các quyền cơ bản này đã dẫn đến sự hoành hành kinh hoàng của dịch bệnh. Những người khác yêu cầu bọn cầm quyền Vũ Hán phải xin lỗi gia đình bác sĩ Lương.

Bọn cầm quyền Vũ Hán chỉ nói rằng, từ quan điểm của chính phủ, họ “cảm thấy tiếc” trước cái chết của vị bác sĩ này. Trong khi đó, bọn cầm quyền ở trung ương đã và đang bận rộn trong cố gắng “hóa giải” tin tức về cái chết của anh.

Tin tức về cái chết của bác sĩ Lương đã xuất hiện vào khoảng 9h30 tối ngày thứ Năm 6 tháng Hai, thoạt đầu cũng được các phương tiện truyền thông của Đảng, như tờ Hoàn cầu Thời báo, và tờ Nhân dân đưa tin. Nhưng nhiều giờ sau đó, tin tức này đã bị phủ nhận, nói rằng bác sĩ Lương thực sự đang được điều trị đặc biệt. Các nhà báo và các bác sĩ nói rằng các thành viên của chính phủ đã đến bệnh viện, buộc mọi người phải thay đổi bản tin của họ, nói rằng bác sĩ vẫn còn sống. Nhưng khoảng 3 giờ sáng, các bác sĩ đã quyết định thông báo cái chết của anh.

Trong khi đó, tình hình ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng. Vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ Sáu 7 tháng Hai, các số liệu chính thức nói rằng các ca tử vong do coronavirus đã tăng lên đến 637 trường hợp; có 31,211 trường hợp nhiễm bệnh; 26,369 trường hợp nghi ngờ.

Nguồn tin từ Giáo Hội địa phương cho Asia News biết tại Vũ Hán nhân viên y tế không thể đối phó với tất cả các yêu cầu điều trị và phân tích liên quan đến virus. Trong các bệnh viện mới được dựng lên cấp tốc và trong các phòng hội thảo mới được chuyển thành phòng bệnh, rất đông bệnh nhân nằm la liệt trên mặt đất mà không được nhìn thấy bóng dáng một bác sĩ nào trong nhiều ngày qua.


Source:Asia News
 
Thảm sát kinh hoàng trong siêu thị ở Thái Lan, Hồng Y chủ tịch kêu gọi cầu nguyện cho các con tin
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:10 08/02/2020
Trong thánh lễ tối thứ Bẩy 8 tháng Hai tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của thủ đô Bangkok, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovithavanij, Tổng Giám Mục Bangkok và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Thái đã mời gọi anh chị em cầu nguyện cho các nạn nhân trong một vụ thảm sát kinh hoàng vẫn còn đang diễn ra.

Ngài cũng kêu gọi anh chị em cầu nguyện cho hàng trăm người bị hung thủ bắt làm con tin, những người bị thương và gia đình các nạn nhân trước những đau khổ bất ngờ chụp xuống đầu họ trong một hình thái bạo lực vô nghĩa. Ngài bày tỏ lo âu trước điều ngài gọi là sự băng hoại luân lý, và những tiền lệ nguy hiểm trong xã hội khi hung thủ truyền hình trực tiếp cảnh thảm sát trên các mạng xã hội và đưa ra các thông điệp mù quáng theo kiểu thế thiên hành đạo.

Ít nhất 20 người đã thiệt mạng và ít nhất 31 người bị thương trong một vụ giết người hàng loạt xảy ra khoảng 3 giờ 30 chiều Thứ Bảy 8 tháng Hai tại thành phố Nakhon Ratchasima, khoảng 250km về phía đông bắc của thủ đô Bangkok.

Sát thủ là một người lính Thái Lan, đã bắt những người mua sắm trong siêu thị Terminal 21 làm con tin và đã giết ít nhất là 20 người và làm 31 người khác bị thương. Sát thủ đã tự mình phát trực tiếp cảnh thảm sát kinh hoàng trên Facebook Live gây rúng động trong dư luận tại quốc gia vốn có truyền thống hiền hòa này.

Trước vụ thảm sát này sát thủ đã viết một bài đăng trên mạng xã hội nói rằng “không ai có thể tránh khỏi cái chết”, và “những kẻ giàu có bằng cách trục lợi những người khác liệu có thể sử dụng những đồng tiền ấy trong địa ngục không?”

Trước khi xảy ra vụ thảm sát ở trung tâm thương mại, tại căn cứ quân sự Suatham Phithak ở Nakhon Ratchasima, người lính Thái Lan này đã bắn chết viên sĩ quan chỉ huy của mình.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Thái Lan đã xác định hung thủ là Trung sĩ nhất Jakrapanth Thomma, 32 tuổi

Anh ta cũng đã giết chết ít nhất hai người khác tại căn cứ này, trong đó có một phụ nữ 63 tuổi và một người lính thứ hai, trước khi lấy thêm vũ khí, đạn dược và nhảy lên một chiếc xe quân sự phóng đi.

Hung thủ đã lái xe đến khu thương mại Terminal 21 của thành phố, lao vào các cửa hàng và xả súng bắn bừa bãi làm ít nhất 20 người thiệt mạng, và 31 người đã bị thương. Sau đó, y bắt giữ hàng trăm người làm con tin.

Cũng có các tin tức từ Thái Lan cho biết hung thủ dường như đã nổ súng tại một ngôi chùa Phật Giáo trước khi lái xe đến trung tâm thương mại.

Video trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một đám cháy lớn bên ngoài trung tâm thương mại này, mà một số cửa hàng địa phương báo cáo là xuất phát từ một vụ nổ gây ra bởi một ống ga bị trúng đạn của hung thủ.

Các quan chức cho biết họ đã sơ tán thành công hơn 100 người khỏi trung tâm thương mại vào lúc 10:30 tối giờ địa phương.

Cảnh sát đang đưa mẹ hung thủ đến hiện trường trong một nỗ lực để thuyết phục anh ta đầu hàng.

Cảnh sát cũng đã đăng một bức ảnh của hung thủ và kêu gọi mọi người ở khu vực gần đó thận trọng.

Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, cảnh sát vẫn chưa khống chế được tên sát thủ cho nên con số chính xác của những người thiệt mạng hoặc bị thương đến nay vẫn chưa có thể biết chính xác.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Kongcheep Tantrawanit nói với Reuters: “Hiện chúng tôi không biết tại sao ông lại làm vậy. Có vẻ như hắn đã phát điên.”