Ngày 01-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người cha nhân từ
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:05 01/03/2016
Chúa Nhật IV MÙA CHAY, năm C
Lc 15, 1-3.11-32

NGƯỜI CHA NHÂN TỪ

Năm thánh Lòng Thương Xót Chúa càng làm chúng ta cảm nghiệm sâu xa về dụ ngôn người Cha nhân từ. Người Cha không đi tìm con như đi tìm con chiên lạc.Nhưng lòng người Cha lúc nào cũng ngong ngóng người con út trở về. Tôn trọng sự tự do của con, người Cha vẫn luôn mong con mình trở về với mình. Dụ ngôn này gợi cho chúng ta cái thực tế của cuộc đời.Mất con, xa con, chưa thấy con, người Cha người Mẹ nào lại không nôn nóng trông chờ. Ở đây, trong dụ ngôn này, người con chưa kịp thấy Cha thì Cha đã thấy con. Sự độc đáo, kỳ diệu nằm ở chỗ này. Câu chuyện dụ ngôn hôm nay minh họa cho chúng ta về bí tích hòa giải. Chúa mời chúng ta sám hối, trở về…

Đọc Tin mừng của thánh Luca, chúng ta nhận ra một cách rõ ràng lòng nhân từ của Chúa: con chiên lạc, đồng bạc bị mất. Không quản ngại ngùng, không sợ khó khăn, nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội trèo đèo, lội suối đi tìm con chiên lạc; người đàn bà, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa tình thương cũng đối xử với những tội nhân như thế. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, hạnh phúc của người Cha lớn lao thế nào khi người con út trở về. Người Cha mở tiệc linh đình để ăn mừng người con hư, người con hoang đàng trở về khiến chúng ta hiểu rõ lòng thương xót của Chúa và hiểu ý nghĩa đặc biệt của bí tích hòa giải. Người Cha tha thứ cho đứa con hư đốn với tất cả tình thương, không tính toán, không so đo. Bữa tiệc linh đình : hạ bò tơ béo và tặng ban cho đứa con út những đồ quí giá càng làm nổi bật tấm lòng cao thượng và tình thương vô biên của người Cha. Quyết định quay trở về, quyết tâm hối cải, thay đổi cuộc sống và xin Cha tha thứ những lỗi lầm của mình là mẫu mực cho chúng ta trở lại với Chúa trong bí tích hòa giải.Thực tế, trong những thế kỷ đầu, lễ tro là dịp để tội nhân xưng thú tội lỗi với Chúa qua Đức Giám Mục. Hối nhân sẽ nhận tro trên đầu, được phát áo nhặm, tội nhân sẽ được ghi vào danh sách của các hối nhân. Đức Giám Mục sẽ ra việc đền tội và tội nhân sẽ làm việc đền tội trong suốt Mùa Chay. Ngày nay, hình thức ấy không còn nữa, bí tích hòa giải sẽ giúp hối nhân quay trở về với Chúa khi họ thật lòng ăn năn sám hối và quyết tâm đổi mới, thay đổi lối sống, từ bỏ tội lỗi, tính hư, nết xấu để làm hòa với Chúa và với anh chị em của mình.

Việc người con út trở về là niềm vui thực sự. Nhưng người anh cả mới là đích nhắm của mọi người, bởi vì xem ra người con cả là người con mẫu mực, anh không ăn chơi đàng điếm, không phung phí của cải, lúc nào cũng chăm chỉ làm việc. Tuy nhiên, biến cố người em út trở về mới làm lộ bộ mặt thật của anh bởi vì anh ở nhà nhưng lòng anh lại xa Cha. Anh không thể hiểu được lòng tốt : nhân từ, chạnh thương và tha thứ của Cha. Anh cho rằng Cha nhu nhược, bất công đối với anh. Hạ con bê béo để ăn mừng em của anh đi hoang trở về. Còn anh không được Cha làm một con dê nhỏ để lai rai nhậu nhoẹt với chúng bạn. Nên, anh không thể vui với Cha và càng lại không vui với người em. Người anh đã dùng ngôn từ thật tệ “ thằng con của Cha đó …” ( Lc 15, 30 ). Một câu nói thật thiếu nhân bản, thiếu tình thương! Tại sao anh không gọi là em của con mà lại thằng con của Cha ! Thật mỉa mai, thật đau khổ. Anh không chịu vào nhà. Hóa ra, cả hai đều ở ngoài Cha, ở trong nhà mà lại như ở ngoài nhà vì cả hai anh em đều không ở trong con tim của Cha. Người em út không thấy hạnh phúc ở bên Cha, nên đã ra đi phương xa. Người con cả không cảm thấy hạnh phúc với Cha, nên không vào nhà vì thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm. Mùa chay trong năm thánh Lòng Thương Xót của Chúa, giúp chúng ta hiểu rõ : cả hai, con cả, con út đều phải sám hối, trở về, vào nhà…Tuy nhiên, muốn trở về, muốn thay đổi, đòi hỏi mỗi người đều phải can đảm, khiêm nhường, hiền lành để ngoan ngoãn trở về với Cha. Sám hối là nhìn lên Chúa để thấy con người quá khiếm khuyết, cần thay đổi để càng ngày càng hoàn thiện hơn. Sám hối là nhìn vào đổi mắt hiền từ của Chúa để có thái độ như Phêrô là ăn năn, khóc lóc và thật lòng trở về với Chúa, thay đổi cuộc sống. Thiên Chúa giầu lòng thương xót, Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi con người, chờ đợi mỗi người quay trở về với Ngài…

Niềm vui vì người con hư đã trở về. Trên trời, Thiên Chúa vui mừng vì một tội nhân ăn năn hối cải. Người Cha là chính Thiên Chúa đã giơ đôi tay ôm chầm lấy đứa con hoang trở về. Thiên Chúa thật sung sướng khi chúng ta sống đúng thánh ý của Ngài. Thiên Chúa giầu lòng thương xót vì tình thương lớn lao, vô biên, tuyệt mỹ của Ngài. Năm thánh Lòng Thương Xót của Chúa là cơ hội tốt giúp chúng ta nhận ra tình thương vô biên của Chúa và quyết tâm trở về với Chúa, làm mới cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, xin cho chúng con xác tín sâu xa tình thương vô biên của Chúa để chúng con thật tâm quay trở về với Chúa như người con hoang đàng đã nghĩ lại, và quyết tâm thay đổi, quyết tâm trở về và xin được cha tha thứ. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao cả người con cả và con thứ đều phải quay trở về ?
2.Tại sao người con thứ lại đòi Cha chia gia tài cho mình ?
3.Tại sao người con cả lại gọi em của mình là thằng con của Cha ?
4.Thái độ của người con cả thế nào ? tại sao anh lại không chịu vào nhà ?
5.Mọi sự của Cha là của con nghĩa là sao ?
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ IV Mùa Chay C - 6.3.2016
Lm Francis Lý văn Ca
15:42 01/03/2016
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Chủ đề của thánh lễ hôm nay hướng chúng ta đến một điểm quan trọng nhất đó là hoà giải với anh chị em sống xung quanh, trong tình yêu thương của Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa cho tinh thần của của các bài đọc hôm nay giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa để phục thiện. Lắng nghe tiếng nói của lương tâm để sửa đổi chính cuộc sống, quan niệm và lập trường. Sau hết là đến với anh chị em trong tinh thần thông cảm và tha thứ.
Nếu thực hiện được những điều trên thì không những cá nhân chuẩn bị mà còn có thể nói cộng đoàn-xứ đạo cũng đang chuẩn bị một cuộc đổi mới, canh tân và hòa giải để đón nhận ơn thánh Chúa trong Mùa Phục Sinh năm nay. Đặc biệt là mỗi người chuẩn bị để lãnh nhận bí tích hòa giải trong Mùa Phục Sinh.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Hôm nay, cùng với dân Dothái, chúng ta tiến vào Đất Hứa. Trong miền đất nầy họ đã cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên. Cũng bắt đầu từ ngày kỷ niệm nầy, ngày lễ có tính cách tôn giáo đó đã được nâng lên hàng quốc giáo.

TRƯỚC BÀI II:
Qua sự chết và phục sinh của Đức Kitô, Người đã giao hòa nhân loại với Thiên Chúa Cha. Đối với chúng ta, những kẻ được giao hòa phải là những sứ giả của tình yêu và tha thứ.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Câu chuyện người con trai hoang đàng một trình thuật độc đáo của Luca, diễn tả lòng nhân hậu của một ngưởi cha. Thay vì chúng ta gọi đây là dụ ngôn đứa con trai hoang đàng thì có người đề nghị gọi đây là dụ ngôn người cha nhân hậu.


Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Qua câu chuyện người con trai hoang đàng và lòng tha thứ của người cha già, chúng ta cầu xin Thiên Chúa với lượng từ bi hải hà, đón nhận những ý nguyện chúng ta dâng hôm nay:

1. Xin cho cá nhân hay gia đình trong cộng đoàn giáo xứ gặp những khó khăn, hiểu lầm trong cuộc sống, với ơn Chúa ban họ sẽ vượt thắng trong tinh thần tha thứ và cảm thông, không những trong Mùa Chay Thánh mà đặc biệt hơn trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho những anh chị em tân tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội. Qua sự giúp đỡ của các giảng viên giáo lý, họ sẽ gặp được Chúa là Chủ Tể Càn Khôn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho chúng ta được trưởng thành trong tư tưởng, trong nhận thức để nhìn thấy nơi những anh chị em sống xung quanh, sự thiếu thốn, nghèo đói, để chia sẻ cho nhau những tặng vật của Thượng Đế. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho các tín hữu đã qua đời, những linh hồn chúng ta nhớ đến trong tuần nầy, được yên nghỉ trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, chúng con là những sứ giả đem bình an đến cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng con biết lợi dụng cơ hội thuận tiện của Mùa Chay – Năm Thánh của Lòng Thương Xót để đem đến anh chị em sống xung quanh, sứ điệp của Tin Mừng của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Suy niệm Chúa Nhật IV mùa chay C
Lm. Anthony Trung Thành
21:40 01/03/2016
Suy Niệm Chúa Nhật IV MÙA CHAY C

Có một bà mẹ ngoại giáo đến gặp tôi và trình bày về hoàn cảnh của gia đình bà rằng: Vợ chồng tôi sinh được một thằng con trai. Lúc nhỏ, nó rất ngoan ngoãn, dễ thương. Chúng tôi nuôi dạy và cố gắng cho nó học hành tử tế. Tốt nghiệp đại học xong, nó lấy vợ. Nhưng hai đứa ở với nhau chẳng được bao lâu thì chia tay. Từ đó, nó theo bạn bè xấu, sa vào các tệ nạn xã hội: Nghiện ma tuý, cờ bạc, rượu chè, trai gái. Dịp tết vừa qua, nó đi uống rượu về, đập nát các đồ dùng trong gia đình chúng tôi. Vợ chồng chúng tôi khuyên bảo, nhưng nó chẳng nghe. Thậm chí, nó còn chửi lại, đòi đánh cả vợ chồng chúng tôi. Chúng tôi rất thương nó, mong muốn nó hiểu được tình thương của cha mẹ để biết trở về làm người lương thiện. Nhiều người khuyên bàn chúng tôi nên báo với công an để đưa nó đi cai nghiện, nhưng chúng tôi không dám làm vậy, vì thương nó. Không còn cách nào khác, tôi đến đây xin Cha thương giúp cầu xin ơn trên phù hộ cho nó.

Câu chuyện trên đây phản ánh phần nào câu chuyện chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Mặc dù Thánh Luca không kể lại khoảng thời gian từ lúc sinh ra cho tới khi đứa con hoang đàng xin chia gia tài, nhưng kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết: Đây là thời gian cực khổ nhất của cha mẹ. Cha mẹ nào cũng mong muốn cho thời gian này qua đi mong chóng để khi con cái trưởng thành mà nhờ vả. Đặc biệt khi cha mẹ về già, được nó phụng dưỡng. Nhưng không ai biết trước chữ ngờ. Thay vì phụng dưỡng cha, nó lại xin chia gia tài. Nó nhẫn tâm để mặc cha già lủi thủi một mình ở nhà. Theo thói quen của người Do thái, muốn được chia gia tài phải chờ đến lúc cha mẹ qua đời. Nếu xin chia gia tài khi cha mẹ còn sống thì chẳng khác gì muốn cha mẹ chết đi. Dầu vậy, người cha vẫn sẵn sàng chấp nhận chia gia tài cho nó. Nhận được gia tài từ người cha, nó trẩy đi phương xa ăn chơi trác táng với bọn điếm. Hết tiền, hết bạc, nó phải chăn heo và mong muốn ăn cả những thứ heo ăn mà không được. Khi thiếu thốn đủ điều, nó mới nghĩ đến người cha. Nghĩ đến cha không phải vì thương cha nhưng vì miếng ăn: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!” (Lc 15,17). Vì miếng ăn nên nó mới quyết tâm trở về.
Nếu chúng ta là người cha trong câu chuyện trên đây, chúng ta có dễ dàng đón nhận người con bất hiếu như thế hay không, hay chúng ta cũng cư xử giống như người anh cả: Không thể chấp nhận một đứa con sau khi phung phí hết tài sản với bọn điếm, nay trở về với hai bàn tay trắng. Nếu có chấp nhận thì cũng phải dạy cho nó một bài học để đời.
Nhưng suy nghĩ của chúng ta khác hẳn với những gì xảy ra trong câu chuyện. Từ khi đứa con ra đi, người cha luôn trông ngóng đợi chờ và mong muốn con trai của mình trở về. Vì vậy, khi trông thấy nó từ xa, Thánh Luca diễn tả nỗi vui mừng của người cha bằng các cụm từ: Động lòng thương, chạy, ôm choàng lấy cổ, hôn nó hồi lâu. Khi đã đưa nó vào nhà, ông sai các đầy tớ: Mặc áo đẹp, đeo nhẫn, xỏ dầy…Cuối cùng, ông sai người nhà mổ bê béo để ăn mừng. Như vậy, chúng ta thấy người cha đã tìm mọi cách để phục hồi nhân phẩm và địa vị cho đứa con đã một thời đi hoang.
Thế nhưng, hành động của người cha nhân từ bao nhiêu thì người con cả lại tỏ thái độ khó chịu, ghen tỵ bấy nhiêu. Anh ta không chấp nhận thái độ của cha mình đối xử khoan dung đối với đứa con thứ như vậy. Vì thế, “anh nổi giận và quyết định không vào nhà”(x. Lc 15,28). Anh nói: "Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó"(Lc 15,29-30).

Người cha trong câu chuyện trên đây là hình ảnh của Thiên Chúa nhân hậu, Ngài luôn luôn yêu thương con cái, không quản ngại gì, không so đo tính toán, không cậu nệ, không sợ người ta trách móc.
Người con thứ là hình ảnh của những người thu thuế, tội lỗi đến nghe lời Chúa Giêsu rao giảng và quyết tâm ăn năn thống hối trở về làm người lương thiện.
Người con cả là hình ảnh của những người biệt phái, luật sĩ luôn tự cho mình là đạo đức, thánh thiện, không chịu hiểu về tình thương của Chúa Giêsu, thậm chí khi thấy Ngài quan tâm đến người tội lỗi và thấy họ ăn uống với Chúa thì ghen tức, lên án cả chính Chúa nữa.

Xét mình lại, có khi chúng ta thấy dáng dấp của chúng ta trong hình ảnh của người con thứ. Chúng ta được sống trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa qua Cha mẹ, Giáo xứ, Giáo Hội, nhưng chúng ta vẫn cố tình “đi hoang” khi chúng ta bỏ cầu nguyện, đọc kinh, xem lễ…Đặc biệt, nhiều khi chúng ta cả lòng phạm tội trọng mất lòng Chúa. Cũng có khi chúng ta thấy dáng dấp của chúng ta nơi người con cả. Đó là khi chúng ta có thái độ kiêu ngạo, ích kỷ không muốn cho người anh em của chúng ta trở về để hưởng tình thương của Thiên Chúa.

Mùa chay là mùa hoán cải, mùa trở về. Chúng ta hãy mạnh dạn đứng dậy và quyết tâm trở về với Chúa. Một người cha phải quyết tâm từ bỏ một cuộc sống bê tha trong rượu chè, bài bạc, trác táng để trở về với mái ấm gia đình. Một người mẹ phải từ bỏ những thói hư tật xấu để chu toàn nhiệm vụ làm mẹ, làm vợ. Những cặp vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt, đang sống bên bờ của đổ vỡ, biết suy nghĩ lại, để sống trọn vẹn ý nghĩa vợ chồng. Những người con hoang đàng biết thống hối trở về cùng cha. Những gia đình luôn lục đục vì những giận hờn nhỏ nhen biết dẹp bỏ tự ái, vượt qua những sóng gió để đưa gia đình đến hạnh phúc. Đó chính là những hình thức thống hối ăn năn, giao hòa để trở về với Thiên Chúa. Khi thực sự có lòng thống hối ăn năn quyết tâm trở về thì dầu “Tội có đỏ như son cũng sẽ nên trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều cũng nên trắng như bông” (x. Is 1, 18).

Một nhà truyền giáo trong vùng Thái Bình Dương có kể lại sự kiện như sau: Ngày nọ có một người đàn bà bước vào lều của ngài với đôi bàn tay nắm chặt cát ướt. Bà hỏi ngài: Cha có biết cái gì trong tay con không ?
Vị linh mục đáp: Hình như chị đang cầm cát trong tay thì phải ?
Người đàn bà lại hỏi tiếp: Cha có biết tại sao con mang cát ấy đến đây không ?
Nhà truyền giáo lắc đầu. Người đàn bà liền giải thích: Thưa cha, đây là tội lỗi của con, tội của con nhiều như cát biển, làm sao con có thể được tha thứ ?
Lúc bấy giờ vị linh mục mới an ủi: Có phải chị lấy cát từ bờ biển không, vậy chị hãy quay trở lại bờ biển và giống như các em bé vẫn thường làm, chị hãy xây lên một núi cát, rồi chị ngồi đó và ngắm những đợt sóng biển, sóng biển sẽ vỗ vào bờ và cuốn đi ngọn núi cát của chị. Ơn tha thứ của Chúa cũng giống như thế, lòng nhân từ của Ngài bao la như đại dương, chị hãy thành tâm thống hối và Chúa sẽ tha thứ cho chị.

Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con đừng bỏ đi hoang như người con thứ, đừng kiêu ngạo, ích kỷ như người con cả. Xin cho chúng con luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa để biết đứng dậy trở về mỗi khi sa ngã. Xin cho chúng con có lòng nhân hậu tha thứ như tấm lòng của Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:14 01/03/2016
3. TIẾN SĨ MUA LỪA.
Có một người được gọi là học rộng, thông kim bác cổ, đi mua một con lừa nhỏ, khi viết giấy biên nhận thì viết dồi dào trôi chảy những ba trang giấy, nhưng không thấy chữ “con lừa” nào trong cả !
(Nhan thị gia huấn)

Suy tư 3:
Con người thời nay thích cái gì là ngắn gọn, nhanh nhẹn nhưng súc tích ý nghĩa, đạt chất lượng và dễ hiểu, bởi vì thời giờ đối với họ là vàng bạc.
Có người được mời để thuyết trình trong buổi họp của thanh thiếu niên, thì nói tràng giang đại hải, không đi vào nội dung, kết quả phòng họp biến thành phòng...ngủ gật tập thể !
Có những linh mục khi lên tòa giảng thì nói thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng pha trò để chọc cười giáo dân, nhưng giáo dân...đốt đuốc tìm cũng không thấy ý chính của bài giảng, bởi vì cha giảng lễ quá chú trọng đến các danh từ thần học, phạm trù triết học, phụng vụ và thỉnh thoảng chêm vào vài tiếng La Tinh hoặc tiếng Anh, để ra vẻ ta đây học nhiều, mà không chú trọng đến đối tượng của mình là ai: là giáo dân hay các thầy trong đại chủng viện ?
Có người khi cầu nguyện thì hết xin cái này đến xin cái nọ, hết than thân rồi oán phận, mà không có một chút tâm tình chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa...
Học thần học và triết học là để hộ giáo, nhưng để chia sẻ Lời Chúa cho giáo dân nghe,thì phải sống và cảm nghiệm những gì mình đã sống qua bài Phúc Âm hôm đó, không nên giảng dài nói dai mà trong bài giảng đốt đuốc tìm cũng không ra ý chính của bài giảng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:21 01/03/2016

24. Thắt lưng là giữ gìn đức trinh khiết, cầm đèn sáng là làm việc thiện.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hàng ngàn người diễu hành ở Mạc Tư Khoa để vinh danh nhà đối lập bị giết Nemtsov
Đặng Tự Do
15:29 01/03/2016
“Chết cho chính nghĩa Tự do.” Đó là nội dung của hàng ngàn băng rôn người dân Mạc Tư Khoa cầm trong lễ kỷ niệm đầu tiên một năm sau ngày lãnh tụ đối lập Boris Nemtsov bị giết chết.

Chính trị gia đối lập Ilya Yashin nói trong cuộc biểu tình: “Giết Nemtsov là một hành động khủng bố, đó là một vụ giết người được chỉ thị nhằm mục đích gieo rắc sợ hãi trong xã hội Nga, nơi một phần dân chúng không đồng ý với Putin về mặt chính trị.”

Nhà lãnh đạo đối lập 55 tuổi đã bị bắn chết gần bức tường Kremlin một năm trước đây. Các nhà điều tra đã buộc tội một nhóm người Chechnya giết ông, nhưng những người ủng hộ ông Boris Nemtsov nói rằng những hung thủ đã được trả tiền để giết anh ta.

Những người biểu tình muốn biết ai đã ra lệnh giết Boris Nemtsov. Cảnh sát ước tính số lượng người tham dự cuộc biểu tình lên đến 7,500 người; nhưng các nhà đối lập cho biết có tới 100,000 đã tham gia.

Irina Drozdova, một người tham gia biểu tình nói: “Đối với tôi Boris Nemtsov Yefimovich là một người đàn ông tuyệt vời và thực tế là ông không còn sống với chúng ta là một mất mát lớn.”

Người biểu tình đã bị cấm không được đi qua chỗ Nemtsov đã bị giết chết. .. nhưng nhiều người cách nào đó đã đặt được hoa tại đài tưởng niệm của ông. Các sứ quán phương Tây cũng đặt hoa tưởng niệm tại đây.
 
Ngày đầu thi hành lệnh ngừng bắn tại Syria
Đặng Tự Do
15:22 01/03/2016
Niềm vui thanh bình hiếm hoi ngày đầu ngưng bắn
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Syria bày tỏ hy vọng rất nhiều nơi lệnh ngừng bắn tại Syria và hài lòng ghi nhận rằng nói chung, lệnh ngừng bắn được thực hiện tại nhiều nơi ở quốc gia đã quá tang thương này.

Tuy nhiên, các video nghiệp dư quay được ở Aleppo hôm thứ Bảy 27 tháng 2 là ngày đầu thi hành lệnh ngừng bắn lại cho thấy một cảnh tượng khác. Video này cho thấy một máy bay không rõ của nước nào và một làn khói dâng lên trên đường chân trời, như thể máy bay này vừa thực hiện một cuộc không kích.

Phó Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria Nagham al-Ghadri cáo buộc rằng Nga và chính phủ Syria vẫn đang thực hiện các cuộc không kích như thế.

Ông Nagham al-Ghadri nói: “Các cuộc tấn công của không quân Nga và chế độ Bashar al-Assad cũng như các cuộc pháo kích vẫn không ngừng Và tất nhiên chúng tôi gọi Liên Hiệp Quốc và chúng tôi thông báo cho họ về những khu vực đang bị oanh kích. Chúng tôi biết ngay từ đầu, chế độ này, và cả Nga, sẽ không thực hiện nghiêm chỉnh cam kết ngừng bắn này”

Ghadri nói các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã diễn ra tại Latakia, Aleppo, Hama và Damascus.

Trong khi đó, Nga cho biết đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay trên không phận Syria trong ngày đầu tiên để đảm bảo không oanh kích nhầm vào các mục tiêu.

Tưởng cũng nên biết thêm, lệnh ngừng bắn tại Syria không áp dụng cho quân khủng bố Hồi Giáo IS. Cuộc chiến chống quân khủng bố Hồi Giáo IS vẫn tiếp tục. Do đó, Nga và liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào các địa điểm của quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Tại Geneva, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Syria, là ông Staffan de Mistura, cho biết “Liên Hiệp Quốc đang làm việc ngày và đêm, giám sát tất cả các vụ vi phạm được báo cáo, để xem cái nào là thực sự và làm thế nào chúng ta có thể khống chế chúng.”

Nếu thỏa thuận này được thực hiện, ông Mistura sẽ bắt đầu một vòng đàm phán hòa bình mới trong một nỗ lực nhằm chấm dứt một cuộc chiến đã giết chết hơn 250,000 người.
 
Trung Quốc: chính quyền tỉnh Chiết Giang tấn công một nhà thờ Công giáo
Tiền Hô
10:16 01/03/2016
Trung Quốc: chính quyền tỉnh Chiết Giang tấn công một nhà thờ Công Giáo

Qua việc tấn công một nhà thờ Công Giáo, chính quyền tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) đã mở rộng thêm chiến dịch loại bỏ các cây Thánh giá tại địa phương. Sự việc này xảy ra vào lúc tờ mờ sáng ngày 25 tháng 2 năm 2016.

Hai tuần sau khi trưởng ban tôn giáo tỉnh Chiết Giang kêu gọi "ổn định tôn giáo" trước hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến ​​diễn ra vào tháng 9 tới đây, họ đã đến tháo gỡ cây Thánh giá của Nhà thờ Trạng Nguyên (Zhuangyuan), thuộc giáo xứ Vĩnh Cường (Yongqiang).

Ucanews.com báo cáo rằng vào buổi tối trước đó, cộng đồng Công Giáo trong giáo xứ Vĩnh Cường đã triệu tập khẩn cấp trước lời cảnh báo về việc tháo gỡ cây Thánh giá của nhà thờ. Tuy nhiên, giáo dân đã không thể ngăn chặn chính quyền làm việc này.

"Người quản lý nhà thờ đã không thông báo cho cha xứ về thời gian tháo gỡ cây Thánh giá, có thể là vì chính quyền đã đe dọa ông phải im lặng", một người làm công trong nhà thờ nói với ucanews.com với điều kiện ẩn danh. "Cho đến khi cha xứ biết được tình hình này từ những người khác, ngài đã triệu tập một cuộc họp ngay lập tức."

Trong năm nay, ít nhất 18 nhà thờ Tin Lành ở tỉnh Chiết Giang cũng đã bị chính quyền tháo gỡ cây Thánh giá.

Đây là lần đầu tiên chính quyền nhắm mục tiêu vào Công Giáo, vốn có lượng tín hữu nhỏ hơn với khoảng 210.000 người. Trong bối cảnh một chiến dịch bài trừ Thánh giá đang diễn ra, hơn 1.700 cây thánh giá đã bị chính quyền loại bỏ kể từ cuối năm 2013.

Một mục tiêu khác thuộc giáo xứ Vĩnh Cường đó là nhà thờ Bát Giáp (Bajia), chính quyền địa phương đã ra lệnh cúp điện và nước của nhà thờ này vào hôm 24 tháng 2.

Chiến dịch mới nhất về việc loại trừ cây Thánh giá ở tỉnh Chiết Giang là hệ quả theo sau một hội nghị của Ban tôn giáo tỉnh này vừa diễn ra vào ngày 4 tháng 2. Khi đó, trưởng ban tông giáo là Phong Chi Lê (Feng Zhili) đã nói với các quan chức địa phương là phải chuẩn bị để duy trì "sự ổn định tôn giáo" trước hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra ở Hàng Châu (Hangzhou) trong hai ngày 4-5 tháng 9 năm 2016.

G20 là Nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, bao gồm cả nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý và Canada cùng một số thành viên khác, trong đó có Trung Quốc.

Tiền Hô
 
Khó lòng Đức Hồng Y Pell đuợc đối xử công bằng
Vũ Văn An
23:59 01/03/2016
Trước ngày Đức Hồng Y George Pell trả lời cuộc điều tra của Ủy Ban Hoàng Gia về Các Đáp Ứng Của Các Định Chế Đối Với Việc Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em, các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Úc và cả Hội Đồng Úc Châu về Các Quyền Tự Do Dân Sự đều đã lên tiếng phải dành cho ngài sự đối xử công bằng như mọi công dân khác.

Nhận định của hàng giáo phẩm Úc

Tổng Giám Mục Sydney, Đức Cha Anthony Fisher OP, dù đang dưỡng bệnh, cũng đã ra tuyên bố tỏ ý hy vọng Đức Hồng Y George Pell sẽ “được lắng nghe một cách tôn trọng” vì ngài biết “tất cả chúng ta thường bị cám dỗ muốn vội vàng kết luận sau khi đọc những hàng tít lớn của truyền thông” trong khi ta nên “hãm quyết đoán cho tới khi nghe mọi sự kiện”. Ngài cho rằng mọi người có quyền được hưởng một diễn trình công bằng và trong sáng, độc lập đối với mọi nghị trình, ngoại trừ sự thật.

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc, Đức Tổng Giám Mục Denis Hart, thì cho rằng “Việc quản trị hệ thống công lý hình sự ở Úc đặt cơ sở trên các nguyên tắc nền tảng … các lời tố cáo phải được thông tri cho bị cáo, phải tiền giả thiết sự trong trắng của họ và phải có phiên xử công bằng trước Tòa Án độc lập với cảnh sát và chính phủ. Bất cứ khi nào một trong các nguyên tắc này không được tuân giữ đối với một cá nhân bất kể địa vị của họ trong xã hội, thì mọi người đều chịu thiệt hại”. Ngài tin Đức Hồng Y Pell của các lời tố cáo không phải là Đức Hồng Y ngài đã biết trong suốt 50 năm qua. Ngài cho rằng “trách nhiệm của Ủy Ban Hoàng Gia là cung cấp một diễn đàn công bằng và quân bằng cho mọi người ra trước nó”.

Lời lẽ mạnh nhất có lẽ là của Đức Cha Peter Comensoli, Giám Mục Broken Bay. Ngài thừa nhận vai trò quan trọng của truyền thông trong việc buộc các nhân vật và định chế công cộng, kể cả Giáo Hội, phải giải thích hành động của họ, nhưng ngài cho rằng truyền thông cũng rất “hay bị thao túng bởi những người mà nghị trình không hẳn là tìm sự thật. Do đó, truyền thông đã bị sử dụng như là một diễn đàn của những lời bóng gió, và cuối cùng, của hăm dọa. Nó không phục vụ ích chung mà đúng hơn dẫn nhập vào xã hội một hình thức bắt nạt tinh vi mà người ta khó có thể bảo vệ quyền có danh thơm và liêm chính của một người chống lại nó”.

Ngài cho rằng “Truyền thông không được thay thế Ủy Ban (Hoàng Gia) như là một diễn đàn trong đó việc điều tra và qui trách nhiệm được thi hành”.

Theo ngài, đức tin của chúng ta đứng về phía phẩm giá của mọi người. Nên ngài cho rằng ta phải bênh vực các nạn nhân bị các giáo sĩ và người của Giáo Hội nói chung lạm dụng tình dục. Nhưng ta cũng phải bênh vực quyền của mọi người, trong đó có Đức Hồng Y Pell, được hưởng “một diễn trình công bằng và thích đáng”.

Hội Đồng Úc Châu về Các Quyền Tự Do Dân Sự thì cho rằng “Các lời kêu gọi để Đức Hồng Y George Pell được đối xử công bằng trước Ủy Ban Hoàng Gia… vốn được Hội Đồng Úc Châu về Các Quyền Tự Do Dân Sự hỗ trợ”. Hội Đồng nói rằng: phải làm thế nào để “danh thơm tiếng tốt của một con người không bị tan tành nếu lời tố cáo không đúng sự thật”.

Tác phong truyền thông

Nhưng đọc các phúc trình của truyền thông mấy ngày nay, khi Đức Hồng Y Pell thực sự đang trả lời các chất vấn của Ủy Ban Hoàng Gia qua ngả viễn thoại từ Khách Sạn Quirinale ở Rôma do chính Ủy Ban lựa chọn, người ta thấy các lời kêu gọi trên đã không được một ai lưu ý.

Chỉ cần lướt qua bất cứ tựa đề nào của truyền thông, ta đều thấy những hàng tít tiêu cực về các câu trả lời của Đức Hồng Y, không một phản ứng điềm đạm và hữu lý nào thừa nhận thiện chí của ngài, kể cả việc ngài bắt tay các nạn nhân, gắn các giải vải của Phong Trào Loud Fence, tức phong trào đấu tranh cho các nạn nhân của lạm dụng tính dục ở Ballarat, ở hang Đức Mẹ Lộ Đức trong nội thành Vatican, một cái nhất trong lịch sử, và thừa nhận Giáo Hội đã mắc nhiều sai lầm trầm trọng trong việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục.

Hãy đọc các hàng tít của tờ The Australian: Tôi bị giám mục và các linh mục nói láo; cuộc trình diễn vừa được chấp nhận vừa bị giận dữ, với tựa đề phụ: ông ta không thèm nhìn các nạn nhân; một Hồng Y hòa hoãn đang trình diễn>; ít có cơ may chạy thoát, thuật lại lời thóa mạ của những người chống đối, gọi ngài là “scum” (cặn bã), “coward” (thằng hèn); Pell tin các linh mục, không tin tin đồn, với tựa phụ: ông ta thú nhận khuynh hướng chấp nhận việc chối lạm dụng tình dục trẻ em; hồ sơ Giáo Hội được khám xét sau lời tố cáo (bóng gío kéo việc cảnh sát Melbourne đang điều tra những vụ có thể Đức Hồng Y Pell xâm phạm tình dục trẻ em); một cú đấm nữa đối với Giáo Hội; Khách sạn 4 sao để trả lời Ủy Ban

Ngược lại, với các nạn nhân, truyền thông không có một lời nhận định phê phán dù trước những tĩnh từ hỗn xược đối với một người chưa bị luật pháp kết án như trên.

Một số nạn nhân

Một số nạn nhân muốn biết sự thật. Sự thật là Giáo Hội thừa nhận lầm lỗi của mình, dù lầm lỗi ấy một phần vì quá tin vào khoa tâm lý học thời ấy, một tâm lý học dành thật nhiều không gian cho việc phục hồi, cải tạo bất cứ đối với loại tội ác nào, kể cả tội ác lạm dụng tình dục trẻ em. Người ta không nói tới nhà tù, người ta nói tới trung tâm cải huấn. Ngay với những tên cán binh cộng sản khát máu, người ta cũng dùng chính sách chiêu hồi cải tạo. Tâm lý học chả lẽ lại là lang băm! Bây giờ, người ta tin tâm lý học hồi đó đúng là lang băm đối với các tội nhân lạm dụng tình dục trẻ em. Hồi ấy có ai tin như thế không?

Và Giáo Hội đã đưa ra nhiều biện pháp để không những bồi thường thiệt hại (bồi thường đến khánh kiệt, khiến một số nạn nhân thành triệu phú như anh chàng Gallagher ở Hoa Kỳ mà chúng tôi vừa đề cập tới trong bài Kẻ Tố Cáo Giáo Sĩ Ấu Dâm Bị Lột Mặt Nạ) mà còn tìm cách đem lại bình an cho các nạn nhân nữa vì sự bình an này là điều Giáo Hội hết sức mong muốn.

Nhưng một số nạn nhân vẫn không cho rằng đó là sự thật. Sự thật của họ không phải là chữa lành, là hàn gắn. Sự thật của họ là làm điêu đứng Giáo Hội, là những nhà lãnh đạo có khả năng của Giáo Hội như Đức Hồng Y Pell phải cúi mặt ra đi, dù không làm điều gì sai trái cả. Sự thật của họ là người của sự thật phải nói láo nhận tội. Người ta tin các nạn nhân này là nạn nhân của nhiều lèo lái, thao túng tinh vi. Tự họ, không ai hành động phi lý như thế cả.

Ủy Ban Hoàng Gia

Còn chính Ủy Ban Hoàng Gia? Đây là lần thứ ba, Ủy Ban này đòi Đức Hồng Y phải cung khai trước họ, lấy lý do, các tố cáo lần này phức tạp hơn, dù vẫn là các vụ đã cũ mèm, và chúng diễn ra trong một khoảng thời gian dài hơn, tới 30 năm từ thập niên 1960 tới thập niên 1990, cũng là thời gian của những vụ cũ mèm. Và phải từ Rôma về Sydney để bị thẩm vấn.

Lấy lý do sức khỏe, Đức Hồng Y thỉnh cầu để được tiếp tục sử dụng hình thức “teleconference” (hội nghị viễn liên) như năm trước, nhưng bị Ủy Ban bác bỏ lấy lý do kỹ thuật “video link” giữa Rôma và Sydney không tốt đủ, dù nó đã hay hơn trước nhiều rồi mà Ủy Ban đâu có thèm “nghiên cứu” để biết. Mãi tới khi Đức Hồng Y trưng đủ bằng cớ y khoa, Ủy Ban mới chịu và lúc ấy mới thừa nhận rằng “video link” giữa Rôma và Sydney o.k.! Thiển nghĩ phần nào Ủy Ban bị “mờ trí” do áp lực của những người không thích Đức Hồng Y Pell. Họ muốn “nhìn thẳng” vào mắt ngài và buộc ngài phải nhìn thẳng vào mắt họ, như một số nạn nhân vừa tuyên bố ở Rôma, vì nghĩ rằng nhờ đó, ngài sợ phải nói dối cho rồi mà nhận tội.

Trong diễn trình lấy lời khai của ngài, Ủy Ban Hoàng Gia đã có thái độ hết sức trịch thượng và nhiều lần vượt quá phạm vi thẩm quyền là lấy chứng cớ để đặt những nhận định bóng gió, nói kháy tỏ ý không chấp nhận lời khai ấy, một thứ buộc tội gián tiếp.

Thí dụ, khi đề cập tới trường hợp cựu linh mục Ridsdale ấu dâm gần như ai cũng biết, như nhận định của Furness, nữ luật sư của Ủy Ban, người tra vấn Đức Hồng Y, ngài cho bà này hay lúc ấy ngài được cử làm đại diện giám mục trông coi việc giáo dục. Vì thế, ngài phải đi Melbourne mỗi tuần ít nhất vài lần, nên không biết sinh hoạt của giáo xứ nhiều như những người phục vụ toàn thời gian ở đấy, cố ý cho thấy ngài không biết nhiều về việc ấu dâm của Ridsdale. Vả lại, trong chứng từ của mình, cựu linh mục Ridsdale cho biết: ông không bao giờ ghoả luận tác phong ấu dâm của mình với Đức Hồng Y Pell lúc hai người người chung sống một nhà tại Ballarat. Nhưng ký giả của The Australian ghi: “Furness không lưu ý tới phát biểu của ngài và tiếp tục cuộc tra vấn của mình”.

Và ngay sau đó, Furness phạm một sai lầm khác. Bà ta hỏi liệu Đức Hồng Y có nhận bất cứ trách nhiệm nào đối với việc cựu linh mục ấu dâm Gerald Ridsdale được đổi hết giáo xứ này đến giáo xứ khác thay vì báo cho cảnh sát không. Khi nghe ngài trả lời “Không, tôi không nhận”, bà ta đánh một câu: “Điều ấy cần nhiều thứ hơn là tài lãnh đạo chắc? Đây là việc tất cả các cha xứ, cha phó, cố vấn, tham vấn, tất cả đều cùng sai phạm trong việc bảo vệ trẻ em lúc ấy đang sống và dưới sự sắn sóc của Giáo Hội tại giáo phận trong các thập niên 1970 và 1980?”

Đức Hồng Y Pell trả lời: “tôi nghĩ đây là một lời cường điệu quá rộng và gây hiểu lầm… Chúng ta không được phép đi quá chứng cớ”.

Furness chữa thẹn: “vâng có chứng cớ, phải không, là có hơn một cha xứ biết các lời tố cáo chống Ridsdlale?”

Đức Hồng Y Pell: “điều đó đúng”.

Thí dụ thứ ba: thấy ngài không nhận mình biết chuyện ấu dâm của cựu linh mục Ridsdale vì giám mục và các linh mục khác dấu ngài, chính Tổng Ủy Hoàng Gia Peter McClellan “hoạnh” ngài: “tôi không hiểu tại sao giám mục lại quyết định lừa ngài và nói dối ngài, một thành viên của nhóm cố vấn cho vị ấy, về tác phong của Ridsdale khi nó đã là điều biết chung ở ít nhất hai giáo xứ. Vì đây là điều biết chung của nhiều người, tại sao vị ấy lại quyết định lừa ngài?”

Đức Hồng Y Pell kiên nhẫn trả lời: “Vì có lẽ ngài biết là tôi không biết và ngài không muốn tôi dự phần vào tội lỗi của ngài, và tôi cũng nghĩ rằng ngài không muốn nhắc với tôi và một số người khác điều ấy, vì ít nhất chúng tôi cũng sẽ chất vấn ngài về việc thích đáng của một thực hành như thế”.

McClellan vẫn không chịu, vặn lại: “Có gì sai với điều ấy? Đó là việc của ngài, không phải sao?”

Đức Hồng Y Pell: “tôi cố gắng giải thích tại sao ngài không muốn”.

McClellan: “ngài nói tới tội lỗi của vị giám mục. Nếu chúng tôi biết được là ngài biết, ngài cũng là người phạm tội, phải không?”

Đức Hồng Y Pell: “điều đó đúng”.

Đức Hồng Y sẵn sàng chấp nhận hậu quả nếu ngài có tội và ngài hoàn toàn hợp tác với Ủy Ban, trả lời bất cứ câu hỏi nào của họ, và không ngại chỉnh sửa các thái quá, bất công của họ. Qua đó, chứng tỏ ngài không sợ sự thật và dù giữa “bầy sói”, ngài vẫn giữ được phong độ bất khuất của mình. Chính vì thái độ này, mà “kẻ thù” của ngài tìm mọi cách để “đo ván” ngài cho bằng được, thua keo này, họ bày keo khác.

Hội chứng Alice tại Đất Lạ Lùng

Nói theo John Allen, “ở Úc Châu, (Đức Hồng Y) Pell đã trở nên bộ mặt công cộng của điều bị coi là đáp ứng nhẫn tâm của Giáo Hội đối với các tai tiếng lạm dụng. Ngài bị chế giễu trong một bài ca nhạo báng, gọi ngài là “scum” (cặn bã) và là một “tên hèn” (coward), ngài đã trở thành chất liệu của những đàm tiếu mới”.

Lý do một phần là người ta muốn biết ngài có biết gì về các vụ lạm dụng mà không chịu hành động, hay chỉ hành động để bảo vệ Giáo Hội mà thôi không. Một phần cũng do cá tính hay đấu tranh, rất bảo thủ của ngài và việc ngài không phóng chiếu được bất cứ sự ăn năn nào theo như ý muốn của nhiều người Úc.

Các chỉ trích ấy có công bằng không thì hiện vẫn còn đang được kịch liệt tranh cãi, nhưng trong cuộc điều tra này, dường như sự công bằng đó không có.

John Allen viết rằng “ngay một số người Úc tôi gặp trong tuần này, những người tự mô tả mình như là người chỉ trích hay thù địch của (Đức Hồng Y) Pell từ lâu cũng tỏ ý lo ngại rằng trong môi trường như thế, một phiên tòa công bằng khó mà đạt được”.

Điều làm John Allen ngỡ ngàng được ông gọi là hội chứng Alice tại Đất Lạ Lùng (Alice-in-Woderland), hay hội chứng tiểu thị (micropsia), đại thị (macropsia), cận thị (pelopsia), viễn thị (teleopsia) hay nhìn sai kích thước giữa các hình ảnh công cộng về Đức Hồng Y Pell tại quê hương ngài và tại Vatican.

Nói cách khác, tại Úc, (Đức Hồng Y) Pell bị coi là hiện thân của quá khứ đen tối của Giáo Hội, của hệ thống giáo sĩ thối nát cổ hủ (old-guard) chỉ biết chăm sóc lấy mình và đẩy mọi vấn nạn xuống dưới gầm giường. Tuy nhiên, ở Rôma, câu chuyện ngược hẳn lại, vì ở đây ngài bị coi là kẻ thù không đợi trời chung của phe bảo thủ, của những người cổ hủ.

Các chia rẽ ở Vatican về cuộc cải tổ tài chánh mà Đức Phanxicô mong muốn và do (Đức Hồng Y) Pell thi hành, xét trong căn bản, chẳng có gì là ý thức hệ cả. Đúng hơn, nó thuôc vấn đề trong sáng, tính trách nhiệm, và liêm chính, làm thế nào để các tài nguyên thực sự phục vụ các mục tiêu của Giáo Hội chứ không phải nghị trình bản thân của bất cứ ai.

Nói trên bình diện vĩ mô, nhất định (Đức Hồng Y) Pell không đứng về phía những người cổ hủ ở Vatican, ngài là đối cực của họ. Hình ảnh này ít được biết đến tại Úc.

Nhận định của John Allen có thể đúng mà cũng có thể sai. Người ta sợ rằng ở Úc người ta biết rõ như thế, và chính vì vậy họ cố gắng hạ cho bằng được ngài ra khỏi cái vai trò quan trọng ấy. Không ít người đang vận động gặp được Đức Phanxicô để làm việc đó. Cả chương trình Sunrise của Đài Số 7 của Úc cũng hỏi: ông ấy có bị (Vatican) cho về vườn không?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Huynh đoàn Đa Minh Hố Nai, Biên Hòa hành hương Đức Mẹ La Mã
Người La Mã
10:30 01/03/2016
HUYNH ĐOÀN ĐA MINH HỐ NAI – BIÊN HÒA HÀNH HƯƠNG KÍNH MẸ LA MÃ VÀ LÀM VIỆC BÁC ÁI MÙA CHAY

Với tâm tình kính Mẹ cách đặc biệt, con cái của Mẹ thuộc huynh đoàn Đaminh Hố Nai – Biên Hòa đã vượt quãng đường dài đến bên Mẹ La Mã Bến Tre.

Từ sáng sớm, con cái của Mẹ đã “khăn gói quả mướp” để đến với vùng đất miền Tây Sông Nước Sơn Đốc – Bến Tre. Phương tiện di chuyển khá khó vì xe lớn không thể vào tận trung tâm hành hương nên phải nại đến xe lôi và xe ôm. Chính vì vậy kẻ trước người sau chứ không thể nào đến chung một lần được.

Xem Hình

Đến với trung tâm, vị trưởng đoàn được Cha Đaminh – Quản Nhiệm Trung Tâm hành hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre – tiếp đón thật nồng hậu. Trong tâm tình chia sẻ Mùa Chay, cạnh việc viếng Mẹ thì Huynh Đoàn góp chút phần để chia sẻ với bà con nghèo thuộc họ đạo La Mã.

Trong khi chờ mọi người vào đông đủ thì những ai có nhu cầu lãnh bí tích Hòa Giải có thể đến với Tòa Giải Tội đặt sẵn bên Tòa Thánh Giuse.

Những lời kinh râm ran bắt đầu được vang lên với giọng “Bắc Kỳ” nghe thánh thót giữa vùng đất rặc tiếng Nam Bộ.

10 g 30, Thánh Lễ tạ ơn được cử hành bởi Cha quản nhiệm Đaminh. Giúp Lễ này là thầy Sáu Giuse Lê Hữu Tú và hẳn nhiên, cộng đoàn tham dự là huynh đoàn Đaminh Hố Nai – Biên Hòa và một số khách hành hương khác nữa.

Trong bài chia sẻ (kính mời cộng đoàn xem https://youtu.be/Zp4MbbZgpNE), Cha Đaminh mời gọi cộng đoàn nhìn lại bản thân mình, đặc biệt là sự tha thứ để rồi xin Chúa tha thứ như trong bài Tin Mừng hôm nay. Cha cũng mời gọi cộng đoàn nhìn lên hình ảnh của Mẹ Maria dưới chân cây Thập Giá. Mẹ đã tha thứ cho đến cùng và Cha mời gọi cộng đoàn cùng tha thứ như Mẹ ...

Trước khi nhận phép lành cuối Lễ. Vị đại diện của Huynh Đoàn thay mặt cộng đoàn ngỏ lời cảm ơn Cha Đaminh, thầy phó tế, quý nữ tu và cộng đoàn ...

Đáp lời, Cha Đaminh cảm ơn cộng đoàn. Cha thay lời cho những người nghèo cảm ơn về phần quà mà Huynh Đoàn đã gửi tặng. Cha mời gọi cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho công việc của Cha và nhất là thao thức để xây dựng ngôi nhà chung để mọi người đến đây được có nơi nghỉ ngơi khang trang hơn.

Bài ca kết Lễ kết thúc, cộng đoàn cùng nhau dâng lên Mẹ lời kinh tiếng hát lên Mẹ, kèm theo đó là những lời tạ ơn và xin ơn của cộng đoàn.

Giờ cầu nguyện chung kết thúc và mỗi người tùy nghi cầu nguyện riêng.

Và chắc chắn cũng đến giờ chia tay để trở về với gia đình, với công việc thường ngày. Nguyện xin Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre tuôn đổ muôn ơn lành cho con cái Mẹ đến đây kính viếng Mẹ, cách riêng cho Huynh Đoàn Đaminh Hố Nai – Biên Hòa ngày hôm nay.

Người La Mã
 
Trại đoàn Thiếu Nhi ThánhThể Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Miami .
BTT Giáo xứ Đức Mẹ La Vang,
10:40 01/03/2016
Trại đoàn Thiếu Nhi ThánhThể Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Miami.

Hằng năm, cứ vào cuối tuần tháng 2, Đoàn TNTT Giáo xứ ĐMLV, Miami, lại có cơ hội tổ chức những ngày trại cho các em Thiếu Nhi. Trại đầu tiên cho các em khi Đoàn mới được thành lập vào năm 2010 tại Giáo xứ cũ Thánh Helen với tên Hừng Đông 1. Từ năm 2011, các em đã được khuyến khích đi trại ngoài trời nơi các công viên, và năm nay 2016, Trại Hừng Đông 5 mới diễn ra tại Công viên có tên TREE TOP PARK. Chủ để của Trại dựa theo câu Kinh Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót: "Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót --- Be merciful, just as your Father is merciful" ( Lu-ca 6:36). Số các em tham dự cũng đông hơn các năm trước là 113 em dưới sự hướng dẫn của hơn 20 Huynh trưởng và sư cộng tác của quí phụ huynh.

Xem Hình

Trại Đoàn Hừng Đông 5 bắt đầu từ chiều thứ Sáu 26-03 và kết thúc vào trưa Chúa Nhật 28-03. Chương trình của những ngày Trại kết hợp thật phong phú giữa những sinh hoạt trò chơi vận động, Hành trình Đức Tin theo chủ đề Trại về Lòng Thương Xót, sinh hoạt Lửa thiêng với các hoạt cảnh theo các câu truyện trong Kinh Thánh về Lòng Thương Xót, và đời sống thiêng liêng qua cuộc rước Thánh Thể trong khuôn viên đất trại và các Thánh Lễ sáng thứ Bảy và Chúa Nhật.

Cho dù thời tiết của những ngày cuối tuần thật lạnh khoảng 50F, không có phòng tắm, sinh hoạt liên tục, nhưng tất cả trại sinh từ ngành Ấu 7, 8 tuổi, đến ngành Thiếu, Nghiã Sĩ, Hiệp Sĩ và các Huynh trưởng đã tham gia hết mình. Các em được chia thành 10 đội để thi đua và các đội đã thể hiện tinh thần ở mức cao nhất nhằm đạt được cờ danh dự và các tua phần thưởng.

Những ngày trại qua đi và điều các em học hỏi được là: Tình bạn, tình đồng đội, khả năng đóng góp trong việc chung, lắng nghe nhau và sự cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Đây là những bài học quí giá cho các em, những thế hệ tương lại của dân tộc Việt Nam và của đất nước Hoa kỳ, khi các em hằng ngày phải đối diện với một lối sống ích kỷ, hưởng thụ và đầy cám dỗ. Vì vậy các cha mẹ nên hãnh diện về những điều tốt nơi con cái mình và đừng sợ khi được khuyến khích cho các em tham dự các trại đoàn Thiếu nhi nơi Giáo xứ của mình.

Xin cảm tạ Chúa, Mẹ La Vang và Thánh cả Giuse, đã ban cho Giáo xứ chúng con những ngày trại của Đoàn TNTT được bình an và tốt đẹp.

BTT G

 
Hành hương năm thánh kính Đức Mẹ Wietmarschen
Trầm Hương Thơ
16:16 01/03/2016
HÀNH HƯƠNG CỬA THÁNH KÍNH ĐỨC MẸ WIETMARSCHEN

Năm Lòng thương xót bao la

Ơn Cha đổ xuống cho ta hưởng dùng

Trở về trong mái nhà chung

Lãnh ơn "Toàn Xá" hiệp cùng muôn dân.


Năm nay là năm thánh "Lòng Thương xót" đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô khai mạc vào lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Tội ngày mùng 8 tháng 12 năm 2015 và sẽ kết thúc vào dịp lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ ngày 20 tháng 11 năm 2016.

Theo đó tất cả các nhà thờ chính tòa và các nhà thờ quan trọng, những trung tâm hành hương, được mời gọi vào dịp này mở cửa Lòng thương xót, vì không một ai bị loại trừ bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, với điều kiện giục lòng thống hối lãnh nhận "Bí Tích Hòa Giải" để trở về với Giáo Hội và bước qua "Cửa từ Bi" của lòng thương xót Chúa.

Năm thánh này cũng đặt trọng tâm vào "Bí Tích Hòa Giải" và đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô long trọng khai mạc vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 08.12.2015, trùng với dịp kỷ niệm 50 năm ngày bế mạc Công Đồng Vaticanô II.

Chủ đề của Năm thánh này được lấy từ câu “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô 2,4.

Khi công bố Năm thánh này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của lòng thương xót, giúp Giáo Hội được hưởng nhiều ơn thương xót của Thiên Chúa.

Năm thánh Lòng Thương Xót là cơ hội mở ra cho toàn thể dân Chúa nên mỗi giáo phận đều có cửa thánh nơi nhà thờ chính tòa. Ngoài ra cũng có một số nơi được giáo phận chọn để đặt cửa thánh, thường là những trung tâm hành hương của Giáo phận, hoặc là một thánh đường đặc biệt nào đó trong Giáo phận.

Ở Giáo phận Osnabrück ngoài nhà thờ chính tòa ra còn bốn nơi đặt cửa thánh nữa như sau:

- Địa điểm hành hương Đức Mẹ Wietmarschen

- Điạ điểm hành hương Đức Mẹ ở Heede

- Nhà thờ thánh Michael ở Leer

- Nhà nguyện thánh Joseph-Stifts ở Bremen.

Hôm nay cuối tuần chúng tôi cùng nhau đi hành hương Đức Mẹ Wietmarschen nơi giáo phận Osnabrück chọn đặt cửa thánh của năm "Lòng Thương Xót"

Sự tích về Trung tâm hành hương Đức Mẹ Wietmarschen.

Vào năm 1152 Hiệp sĩ Hugo von Büren là người đã sáng lập tu viện Wietmarschen, vùng đất này thuộc sở hữu của nữ bá tước Gertrudis von Bentheim. Sau này được đặt dưới sự cai quản của tòa giám mục Münster. Khoảng hơn một thế kỷ các tu sỹ nơi đây tự mưu sinh bằng các chăn nuôi và trồng cấy.

Từ năm 1259 được sát nhập vào địa phận Utrecht thuộc Hòa Lan ngày nay. Các tu viện sau đó đã tồn tại trong nhiều thế kỷ cho đến sau thời chiến tranh ba mươi năm. Wietmarschen càng nổi tiếng về bức tượng Mẹ Thiên Chúa và luôn là một địa điểm hành hương của cả vùng.

Theo tài liệu kể lại rằng: trong thời gian trước đây khi bá tước Bentheim, cai quản cả vùng đất này, có cô công chúa con gái của bá tước đến thăm tu viện Wietmarschen. Khi cô nhìn vào hình ảnh của tượng Đức Mẹ bồng Chúa con xinh đẹp và thích qúa nên khi trở về nhà cô quyết định đem theo và đặt trong lâu đài Bentheim ở một vị trí thật xứng đáng. Sáng hôm sau khi cô ra viếng tượng Đức Mẹ thì đã biến mất trước sự ngạc nhiên và kinh hoàng của gia đình.

Họ đã cố gắng đi tìm khắp vùng mà không thấy. Cuối cùng người ta tìm thấy tượng Đức Mẹ trong tu viện Wietmarschen nơi vị trí cũ. Cô đã thỉnh tượng Đức Mẹ về lâu đài nhiều lần nữa nhưng tượng Đức Mẹ đã luôn trở về vị trí cũ nơi tu viện, cuối cùng công chúa đã từ bỏ ý định đó chắc cô cũng hiểu rằng ý Đức Mẹ muốn thế... Từ đó thánh tượng Đức Mẹ được đặt trong nhà nguyện để khách hành hương đến kính viếng cho đến ngày nay.

Tượng Đức Mẹ bồng Chúa Con tại Wietmarschen được tạc bằng gỗi sồi mạ vàng, đã trãi qua thời gian hơn 8 thế kỷ nhưng vẫn con nguyên vẹn hình hài dù đã có rất nhiều cuộc chiến tranh ở vùng này xảy ra. Đặc biệt là mỗi lần có giặc giã hay chiến tranh thì người người đổ vế đây hành hương cầu xin rất đông.

Từ ngôi nhà nguyện không đủ chỗ chứa khách hành hương ngày một tìm đến nhiều hơn theo dòng thời gian trải qua nhiều thế kỷ.

Năm 1600 một ngôi thánh đường được xây dựng thay cho nhà nguyện nhỏ cũ qúa chật chội.

Chiến tranh Ba mươi năm xảy ra bắt đầu từ năm 1618 kết thúc năm 1648 diễn ra tại vùng nay là nước Đức và bao gồm hầu hết các cường quốc của Âu châu thời bấy giờ. Mặc dù trên danh nghĩa đó là cuộc xung đột tôn giáo giữa những người Tin Lành và những người Công Giáo nhưng thật ra toàn là những tranh giành quyền lực của vua chúa thời bấy giờ và vùng này đa số theo Tin lành nên người Công Giáo từ đây trở thành thiểu số. Trung tâm hành hương cũng ngày một giảm sút đi từ đó.

Sau thời đệ nhất thế chiến nhà thờ bị hư hại nặng nề hầu như hoàn toàn đổ nát.

Vị quản xứ lúc bấy giờ là Linh mục Rosemann bắt đầu vận động tài chánh để xây lại, ngài phải quyên góp từng đồng xu một khi được con số 30.000 Đức Mã, ngôi thánh đường mới này bắt đầu được xây lại từ ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1927. Ngài đã liều lĩnh vay mượn cũng như phải thế chấp những gì có thể để ngôi thánh đường từ từ được hoàn thành sau mấy năm trời ròng rã. Nhà thờ dài 44m rộng 19 m và tháp chuông cao 34 m chọn thánh Gioan tông đồ là thánh Bổn mạng.

Chiến tranh thứ 2 xảy ra dân làng chạy vào nhà thờ ẩn nấp dưới sự chở che của Đức Mẹ ngày 13 tháng chín năm 1944 một trái bom đã rơi xuống chạm vào tháp của nhà thờ đã phát nổ làm 3 người chết. Nhiều người đã cầu nguyện trước hình ảnh linh thiêng của Đức Mẹ và tin rằng nếu không có Đức Mẹ chở che thì chắc chắn rằng con số thương vong sẽ không phải chỉ có 3 người mà là 1 trăm người vì cả một đống đổ nát khủng khiếp như thế.

Sau chiến tranh những người thợ Hòa Lan đã giúp đỡ sửa chữa và tặng gỗ làm lại mái nhà, các tù nhân của lính Liên Xô trong chiến tranh từ các trại gần đó được giải thoát đã biết ơn dân làng Wietmarschen hỗ trợ lương thực cho họ trong thời gian bị giam giữ nên tình nguyện ở lại phụ giúp công sức vào việc sửa chữa nhà thờ này.

Hiện nay hàng năm vào ngày hiền mẫu (Muttertag) giáo phận Osnabrück đều tổ chức hành hương về đây với vị Giám mục giáo phận. Vị giám mục hiện và nay là Giám mục Franz-Josef Bode.

Nhà Nguyện Đức Mẹ hiện nay.

Ngay trong ngôi nhà thờ của Thánh Gioan Tông Đồ Wietmarschen là trung tâm hành hương này, người ta đến hành hương để tạ ơn, cũng như để cầu nguyện nhưng ơn cần kíp của Chúa qua Đức Mẹ Maria.

Một nhà nguyện mới đã được kiến trúc sư Tobias Klodwig vẽ kiểu và được kiến trúc ngay trong lòng nhà thờ rất đẹp theo mô hình cánh cung, hay một nửa của hình bầu dục. nhà nguyện đã được khánh thành và được Đức Giám Mục giáo phận Franz-Josef Bode thánh hiến vào ngày 21.05.2014.

Nhà nguyện mới rất đẹp, thanh nhã, tạo sự trang nghiêm cho tâm linh, chính giữa là thánh tương Đức Mẹ bồng Chúa Con rất thuận lợi cho những nhóm hành hương từ 60- 70 người.

Hai cửa và hai bên trong năm nay được đặt làm cửa thánh có hàng chữ bằng tiếng Đức "pforte der barmherzigkeit". Tiếng Việt nghĩa là "cửa Từ Bi" hoặc "Cửa Thánh".

Hôm nay nhân dịp năm thánh chúng tôi hành hương nơi đây và xin ghi lại để tạ ơn Chúa qua Đức Mẹ Maria, và đồng thời chia sẻ với qúy vị bài viết và một số hình ảnh để những ai muốn hành hương bước qua cửa thánh trong năm "Lòng Thương Xót" thì có thể tới đức Mẹ Wietmarschen là một trong những nơi được Tòa Giám Mục giáo phận Osnabrück đã chọn.

Lòng thương xót Chúa bao la

Muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Ngài
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hoàng - Trường Sa về đâu?
Bảo Giang
09:45 01/03/2016
Hoàng - Trường Sa về đâu?

Một câu hỏi tự dưng làm đau buốt tim lòng người dân Việt Nam. Đau, không phải vì không biết câu trả lời. Nhưng đau vì không dám trả lời! Tại sao? Tại vì nó là máu thịt, là phần hơi thở, là cuộc sống chung của tổ quốc. Chẳng một ai muốn chấp nhận một thực tế là nó đã buộc phải lìa xa đất mẹ. Đau hơn, nó lìa xa quê, không phải vì bỏ ra đi, nhưng vì có kẻ đã bán nó đi. Bán nó đi để lấy súng đạn, đem hoả pháo, xe tăng, tàu bay về giết đồng bào Việt Nam ta bằng từ “giải phóng”! Chuyện lạ!

Không lạ đâu. Câu chuyện này đã có từ ngày 14-9-1958, nhưng mãi đến khoảng 10 năm sau 30-4-1975 người ta mới được biết đến. Biết đến từ cái lệnh cấm nổ súng của Lê đức Anh, (1988). Y cấm người lính Việt Nam bắn vào tập đoàn Cộng Sản Tàu khi chúng kéo quân vào chiếm Trường Sa giữa ban ngày. Từ đó, nỗi đau mỗi lúc một dầy thêm rồi ngấm dần vào chi thể Việt Nam. Đau là, từ đó, nó không thể trở mình. Sự thật như thế ư?

Hỏi lại đi, có một em bé, một học sinh nào ở miền Nam mà không biết đến Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam? Hơn thế, đã có nhiều em, chiều chiều nước mắt chan cơm khi ánh mắt vươn ra biển lớn. Em mơ nhìn ra đó, trên một hòn đảo nhỏ mà cha em, và bằng hữu của ông, những người lính Việt Nam Cộng Hòa đang ở đó, tay ghìm cây súng nhỏ giữ gìn phần đất của quê hương. Khi đó, nào có phải chỉ là mồ hôi, nhưng còn là nước mắt và máu để bảo vệ phần lãnh thổ của quê hương Việt Nam nữa. Rồi theo từng nhịp trống giữa canh khuya, bao nhiêu nước mắt của người vợ lính, của người góa phụ hay mẹ già nhớ con đã thấm đẫm trên đôi gối lạnh? Tất cả những hy sinh, khổ đau ấy là vì Hoàng Sa, Trường Sa, vì sự vẹn toàn lãnh thổ, vì sự Tự Do và Độc Lập của tổ quốc Việt Nam.

Chuyện là thế, nhưng trên mắt môi những khổ đau ấy là những ánh luôn ngời sáng, chờ đợi một niềm vui. Một niềm vui sẽ đến cho cả một dân tộc. Trong cuộc chờ đợi, tin vui chưa thấy. Bỗng đời đổi khác, sự chờ đợi vỡ tan. Biển vươn lên những cột khói đen như những đợt sóng dài, vô tận. Nó vươn lên không phải chỉ phủ lấp những cỏ cây trên đảo xa, nhưng là chính thân xác những con dân Việt vì Tổ Quốc. Nó vươn lên theo cái bản công hàm giao đất của Phạm văn Đồng ký từ ngày 14/9/1958 cho Trung cộng.

1. Vị trí của Hoàng Sa Trường Sa trên bản đồ.

a. Quần đảo Hoàng Sa. Paracel Islands (tiếng Anh), chữ Hán: 黄沙, (có nghĩa là Cát vàng hay bãi cát vàng), là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông. Quần đảo nằm cách cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 200 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung cộng khoảng 230 hải lý. Hoàng Sa có nghĩa là "cát vàng", là tên Người Việt đặt cho quần đảo này.

b. Quần đảo Trường Sa. Spratly Islands; (tiếng Anh). Tiếng Hoa: Trung văn giản thể. Từ Hán Việt: Nam Sa quần đảo (wikipedia )

II. Quyền chủ Quyền:

Ai cũng biết, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là vì dựa trên các luận cứ về hành động chiếm hữu thực tế, quản lý liên tục trong hoà bình. Hơn thế, các sử liệu của Việt Nam như sách Phủ Biên Tâp Lục (1776) của Lê qúy Đôn xác định Bãi Cát Vàng thuộc về địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Kế đến, trong hòa ước Giáp Thân (1884) giữa Pháp và Việt Nam, Pháp đã đại diện cho Việt Nam về mặt ngoại giao và thi hành chủ quyền trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Kế đến, xét tính thừa kế, hoàn toàn không có bất cứ một tranh chấp, một gián đoạn nào về chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa từ trước kia cho đến sau Đệ Nhị thế chiến. Đó là lý do Hội nghị Sans Francisco vào tháng 7- 1951 đã không bác bỏ lời phát biểu của Thủ tướng Trần văn Hữu trưởng phái đoàn chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Đó có thể được coi là một sự công khai và khẳng định với thế giới về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Lời khẳng định này được coi là thành sự vì không có một thành viên nào trong hội nghị phản bác. Nói cách khác, chính Hội Nghị này đã chung quyết về diện địa thuộc các quốc gia vùng Nam Á và chung quyết số phận của Nhật Bản tại đây.

III. Xác định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

a. Hội Nghị Cairo 27/11/1943

Năm 1943, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc chiến tranh đã bước vào giai đoạn khốc liệt. Tuy nhiên, việc xem xét biên giới của các lãnh thổ sau chiến tranh cũng trở thành một vấn đề rất quan trọng. Lúc ấy, ba nước Anh, Mỹ và Trung Quốc (Cộng hòa Trung Hoa, do Tưởng giới Thạch lãnh đạo) được coi là các cường quốc đã nhóm họp tại Cairo ngày 27/11/1943, đã đưa ra Tuyên bố chung, trong đó viết: “Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất năm 1914, và tất cả những lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng Hòa Trung Hoa.” Như vậy, lãnh thổ của Cộng Hòa Trung Hoa do Tưởng giới Thạch lãnh đạo, người đồng thời là đồng chủ tịch trong Hội nghị, đã được phân định rõ ràng, không hề có liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

b. Hội nghị Sans Francisco 7/9-1951

Theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, và với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam đã tham dự Hội nghị này. Ngày 7-9-1951, Thủ tướng Trần Văn Hữu nêu rõ: “Chúng tôi sẽ trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội Nghị chứng nhận. Về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam khẳng định: “Vì nhu cầu cần phải xác minh tất cả mọi sự kiện liên hệ, ngõ hầu dập tắt những mầm mống các cuộc tranh chấp sau này. Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Rõ ràng lời xác nhận công khai chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam là một thực thể giá trị. Hơn thế, lời công bố trong Hội Nghị không hề gây ra một phản ứng ngỡ ngàng, chống đối hoặc yêu sách nào của 51 quốc gia tham dự Hội Nghị, kể cả Nhật và Liên Sô. Theo đó, Lời công bố này phải được coi là một thành sự, hay là một sự kiện hiển nhiên không cần bàn luận nữa.

Đây là sự kiện đã thành sự. Trước đó, Andrei A. Gromyko, Ngoại trưởng Liên Xô đã đưa ra đề nghị gồm 13 khoản tu chính để định hướng cho việc ký kết hòa ước với Nhật Bản. Trong đó có khoản tu chính liên quan đến việc “Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam”. Lời yêu cầu này được đáp ứng trong Hội Nghị bằng cách bỏ phiếu. Kết qủa, với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận, Hội nghị đã bác bỏ hoàn toàn yêu cầu của phái đoàn Liên Xô.

Tưởng cũng nên nhắc lại, nội dung của Hiệp ước tại San Francisco ngày 8-9-1951 đã quy định là: “Nhật Bản phải rút lui khỏi những nơi mà nước này đã dùng vũ lực để chiếm đóng trong cuộc chiến”. Riêng Điều 2 khoản (f) của Hiệp ước viết: “Nhật Bản phải từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và đòi hỏi với quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands)”. Điều này, một lần nữa xác định đề nghị của Nhật Bản đã nêu ra ở trên là hoàn toàn vô giá trị. Nói cách khác, cái gọi là danh nghĩa chủ quyền của Trung Hoa đối với các quần đảo ngoài khơi biển Đông đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ rõ ràng trong khuôn khổ của một hội nghị quốc tế.

Có một điều cũng cần phải minh bạch ngay là vào thời kỳ mở hội nghị, chẳng có một quốc gia nào trong số những Brunei, Đài Loan, Malaysia, philìines, lên tiếng nhận Trường Sa là của mình. Riêng Đài Loan, lúc đó còn gọi là Trung Hoa Quốc Gia do Tưởng giới Thạch làm đại diện, dù là một trong những thành viên trong hội nghị San Francisco cũng đã phải chấp hành cuộc bỏ phiếu trong hội nghị do Liên Sô bảo trợ với số phiếu như đã nhắc ở trên.

Rồi ai cũng biết, từ trước và sau Hội nghị San Francisco, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn do lực lượng trú phòng của Chính quyền Quốc gia Việt Nam quản lý. Đến năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, hai quần đảo này theo hiệp định Genève đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Câu chuyện đến đây là rõ, nếu như không muốn nói là kết thúc.

Tuy nhiên, chỉ mấy năm sau, cục diện trong vùng đổi khác, có nhiều phức tạp hơn. Trước hết, vào khoảng tháng 5-1950 Trung cộng chiếm được Hoa Lục từ tay Tưởng giới Thạch. Trước đó, vào tháng 9-1945 Việt cộng cướp chính quyền tại Hà Nội, nhưng năm sau tập đoàn HCM phải tháo chạy khỏi thành phố. Rồi nhờ cuộc chiến thắng của Mao Trạch Đông ỏ Hoa Lục, Việt cộng đã được hồi sinh và kéo vào Hà Nội sau chiến dịch Điện Biên (1954).

Tuy thế, việc được trở lại Hà Nội, Việt cộng đã phải trả bằng cái gía không hề nhỏ. Ngoài những nhân mạng cả Tàu lẫn Việt là bản Công Hàm mà Phạm văn Đồng phải ký vào ngày 14-9-1958 về Hoàng Sa và Trường Sa. Ở đó, có một câu chuyện được mô tả bằng ngôn từ, giọng văn không mấy hoa mỹ là: Một đám ăn cướp nhỏ phải nhờ đám ăn cướp lớn chống lưng, nên đành phải hy sinh cái thứ mà mình đang muốn cướp cho băng đảng lớn hơn.

IV. Kẻ bán nước là ai?

Sau khi vào được Hà Nội, Hồ chí Minh chỉ đạo: "Mấy cái đảo hoang ngoài khơi đó của ai thì tôi không rõ lắm, nhưng cũng chỉ là mấy cồn đá hoang toàn phân chim ỉa. Nếu các đồng chí Trung Quốc muốn thì cứ cho họ đi. (Hồ Chí Minh, trong HCM toàn tập).

Một chủ tịch nước mà mở mồm ra nói loạn ngôn như thế thì còn ra thể thống gì? Hẳn nhiên, ai cũng biết là đất nước ta đã mất từ đây. Và ai là kẻ bán nước, mọi người cũng đã nhìn rõ mặt. Bởi vì, sau lời tuyên bố ấy, Trung cộng vẽ ra một Tuyên Bố, làm nền cho cái Công Hàm của Phạm văn Đồng như sau:

“Tuyên bố của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa về lãnh hải, lãnh thổ vào ngày 4-9-1958.

1. Bề rộng lãnh hải của nước CHNDTQ là 12 hải lý… bao gồm phần đất TC trên đất liền và các đảo phụ cận, bao gồm quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, Quần Đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Quần đảo Nam Sa (Hoàng Sa) ….

4. Điều (2), (3) bên trên cũng áp dụng cho Đài Loan và các đảo phục cận, quần đảo Penghu. Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa Nam Sa và các đảo khác của TQ.”

Đài Loan chẳng thèm nhắc chi đến cái thông cáo này. Nhưng CS bắc Việt, kẻ đang phải nương tựa áo cơm và sự trợ giúp của Trung cộng trong cuộc chiến, nên Phạm văn Đồng đã thay mặt nhà nước CSVN đền ơn Trung cộng bằng việc dâng chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà theo hiệp định Genève thì thuộc quyền quản trị của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, vì nằm ở dưới vĩ Tuyến 17, cho Trung cộng. Chính Phạm văn Đồng đã nhân danh Thủ tướng của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa viết giấy bán đất nhà người cho Trung cộng với lời lẽ như sau:

“Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Hà Nội ngày 14 tháng 9 năm 1958, thủ tướng Phạm Văn Đồng.”

Ai dám bảo cái Công Hàm này có tính cách tư và không có gía trị, xin giơ tay? Trước khi ai đó giơ tay lên, tôi xin nhắc rằng, Phạm văn Đồng còn làm Thủ tướng gồm cả hai miền Bắc Nam từ 1975 cho đến năm 1985. Mãi đến 29-4-2000 Đồng mới bắt chuồn chuồn theo HCM. Tuy nhiên, trong từng đó năm từ 1974 cho đến khi Y về với giun dế, Phạm văn Đồng không một lần lên tiếng về chuyện này. Đã thế, chính Y còn đưa hai đệ tử là Đỗ Mười và Nguyễn văn Linh sang Trung cộng dự Hội nghị Thành Đô (1990) để xin cho VN được làm, một phiên trấn của Trung cộng vào năm 2020? Trong chuyến đi này, Y là cố vấn hay chính là kẻ thực hiện kế hoạch và đã lệnh cho Mười và Linh phải ký Hiệp Ước Thành Đô?

V. Những lý do để TC xua quân chiếm Hoàng Sa, Trường Sa.

Dù trong tay đã nắm chắc cái Công Hàm do PVĐ ký, nhưng khi Mỹ còn ở trên biển đông, có cho thêm tiền TC cũng không dám đến. Trái lại, TC chỉ quyết định chiếm lấy đảo sau khi đã biết rõ, hơn thế, được chính HK xác nhận ngày sẽ bỏ đi. Nói rõ hơn, TC chỉ quyết định đánh úp Hoàng Sa sau ngày Kissinger rồi Nixon sang Trung cộng, thông báo cho TC biết việc Mỹ rút khỏi chiến trường Việt Nam và Biển Đông. Khi TC biết rõ ràng ý định của chuyến đi ấy là cuộc tháo chạy khỏi VN, nên đã nhân cơ hội chiếm lấy cái đảo mà PVĐ đã “đánh tiếng” trong công hàm 1958. Vào lúc ấy, Việt cộng đã không một lời xác nhận TS, HS là của Việt Nam. Trái lại, còn hồ hởi mở rượu chúc mừng chiến thắng ké, vì biết Biển Đông đã thuộc về “phe ta” rồi!

Sự việc diễn tiến như thế. Tuy nhiên, nếu mở lại hồ sơ, không phải chỉ có một công hàm của PVD xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của TC. Nhưng trước đó đã có ít nhất hai lần VC xác định điều này:

Lần thứ 1. Theo tờ Far Eastern Economic Review ngày 2/10/1979, dưới tiêu đề Paracels Islands Dispute, tác giả Frank Ching cho biết tháng 6 năm 1956, Bộ Trưởng Ngoại Giao nhà nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam (tức Bắc Việt) Ung Văn Khiêm đến gặp ông Li Zhimin, đặc sứ của Trung Quốc tại Hà Nội, xin Trung Quốc ủng hộ vũ khí và nhân sự để Việt cộng mở chiến tranh với Nam Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ này, Ung Văn Khiêm đã nói: “Theo các dữ kiện lịch sử Việt Nam, hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc”.

Lần thứ 2. Dường như TC không dễ gì tin lời sảo trá của Ung văn Khiêm. Theo đó mấy ngày sau, Phạm Văn Đồng, với tư cách là Thủ tướng, xác nhận những lời của Ung Văn Khiêm: “Căn cứ trên sử quan, những hòn đảo này nằm trong lãnh thổ của Trung Cộng.” (Bejing Review, March 30, 1979 trang 20). Từ đó câu chuyện đổi khác.

Điều đó cho thấy, TC và Việt cộng đã có những cuộc thảo luận ở giới chức cao cấp, và sau khi hai bên đã thỏa thuận xong, ngày 4-9-1958, Chu Ân Lai mới công bố lãnh thổ Trung Quốc nới rộng thêm 12 hải lý gồm có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đáp trả, ngày 14-9-1958, Bộ Chính Trị ĐCSVN quyết định cử Phạm Văn Đồng gởi điện quốc thư cho Chu Ân Lai vừa chúc mừng, vừa tán đồng quyết định chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng cần phải nói thêm là vào thời điểm 1958, có lẽ tập đoàn CS cũng chỉ nghĩ rằng viết để mà viết, mà lừa nhau vậy thôi, không ai có khả năng nhìn ra cái họa về lâu về dài. Lý do, TC không bao giờ dám đánh chiếm lấy Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trước mũi “thằng” Mỹ. Kế đến, cả hai đều biết, tại hội nghị San Francisco, Thủ tướng của Việt Nam lúc bấy giờ là Trần văn Hữu đã công khai xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Cũng từ Hội Nghị này đã quyết định bác yêu cầu của ngoại trưởng Liên Sô là Gromico, và của Nhật muốn bảo quản phần đất này là của Trung Hoa quốc gia (khi đó Trung Hoa đã rơi vào tay cộng sản). Kế đến, theo hiệp định Geneve 1954, hai quần đảo này thuộc về VNCH. Nay VNCH được Hoa Kỳ và đồng minh bảo trợ, Trung quốc khả năng đâu ra đó mà tranh chiến? Tóm lại, Minh, Đồng và tập thể BCT/ CS bắc Việt khi ấy chỉ muốn dùng kế Bán Đất Nhà Người lừa TC để nhận viện trợ mà thôi.

VI. Tại Sao TC không đánh Hoàng Sa sớm hơn?

Có hai lý do:

1. TC không dám mở cuộc chiến từ sớm để chiếm cứ Hoàng Sa, Trường Sa là vì sự hiện diện của Hoa Kỳ tại đây. Họ không muốn cùng xa lầy hay trực diện với Hoa Kỳ trong cuộc chiến. Nay tình hình chiến sự làm Mỹ xa lầy, Nixon muốn thắng cử, họ buộc phải rút chân ra. Ây là thời cơ thuận lợi cho họ ra tay.

2. Kế đến, đầu thập niên 1970, dầu hỏa được khám phá ở Biển Động. Công ty khai thác dầu hỏa Mobil cho biết là Bạch Hổ có một lượng dữ trữ dầu hỏa rất lớn. Đã thế, họ còn phỏng đoán trữ lượng dầu hỏa có thể có ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là rất lớn. Bản tin này và cái bản Công Hàm của PVD trở thành lý do thúc Trung Cộng đưa Hải Quân xuống phương nam, mở cuộc chiến và chiếm đóng Hoàng Sa rồi Trường Sa để chiếm tiên cơ. Mọi thủ tục tính sau.

Chuyện Trường Sa, Hoàng Sa rõ ràng giữa ban ngày như thế, ai dám bảo là vùng đất đang tranh chấp đây?

VII. Để kết.

Thực ra tôi không muốn viết, đặt vấn đề với bất cứ ai. Tuy nhiên, v
ì Dân Tộc vì bản Dư Đồ của Tổ Quốc, dù còn hay mất (trong tương lai), tôi không thể im tiếng trước những điều mà người ta tự đặt ra, xé toạc quê hương tôi ra và bảo đó là của người khác. Hoặc gỉa, bảo là chiếm từ tay người khác (MN) để chạy tội bán nước cho tập đoàn cộng sản. Nghĩa là, gì thì gì, tất cả đúng hay sai phải cho công minh, chính trực, cho mình cũng như cho người.

Ở đây, chuyện Hoàng Sa và Trường Sa là chuyện giữa ban ngày, mọi người đều thấy rõ, không ai có thể lừa được ai. Thứ nhất, Hoàng Sa, Trường Sa bị mất vào tay Trung cộng là do chính Cộng sản bắc Việt dưới sự lãnh đạo của Hồ Quang (Hồ chí Minh) dâng hiến cho kẻ thù truyền đời của Dân Tộc từ 1958. Đây là một trọng tội phản quốc và bán nước. Một tội ác mà từ xưa Lê chiêu Thống, Trần ích Tắc… muốn thực hiện để cầu danh, cầu lợi, nhưng bất thành. Nay Hồ chí Minh và tập đoàn CSBV đã toại nguyện.

Thứ hai, sự hy sinh của Thiếu Tá Ngụy văn Thà và các chiến sỹ bảo vệ quê hương sẽ lưu danh vạn đời trong lịch sử Việt với Hoàng Sa, Trường Sa.

Như thế việc còn lại hôm nay là gì? Liệu con cháu của những Trưng, Triệu, của những Ngô Quyền, Quang Trung, Hưng Đạo, Lê Lợi…có cách nào lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa, khôi phục lại cơ nghiệp của tiền nhân hay không?

Tôi cho rằng, câu chuyện của Việt Nam Tự Do, của Hoàng Sa, Trường Sa sẽ tùy thuộc vào hai trường hợp sau:

1. Nếu còn Cộng sản, cả Trung cộng và Việt cộng, chúng ta không có một phương cách nào lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi lẽ, tấm giấy xác nhận giao đất của chế độ CS cho Trung cộng vẫn còn đó. Nó là bức mành bất khả phá. Như thế, kèn loa của Hoa Kỳ chỉ có cơ may giúp Hoa Kỳ hưởng ké những lợi nhuận trên trường kinh tế cho riêng họ.

2. Đối diện với thế đứng trên. Người dân Việt phải quật cường hơn, theo gương của Đức Quang Trung, tạo nên một chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa mới, để giải phóng đất nước. Khi ấy, tờ giấy bán nước ô nhục của Phạm văn Đồng đã bị xé bỏ, Trường Sa, Hoàng Sa có cơ khăn áo trở về với quê mẹ. Và cái thế đồng minh với Hoa Kỳ sẽ giúp chúng ta giữ yên bờ cõi, dù Trung cộng còn hay mất.

Bảo Giang

29-2-2016
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hãy đón nhận lời đã gieo trong chúng ta : Suy tư về Hiến chế Tín lý Dei Verbum
Lm. Nguyễn Văn Hương
10:54 01/03/2016
HÃY ĐÓN NHẬN LỜI ĐÃ GIEO TRONG CHÚNG TA

Suy tư về Hiến chế Tín lý Dei Verbum

(Bài giảng II Mùa Chay năm 2016 của Cha Raniero Cantalamessa)

Chúng ta hãy tiếp tục suy tư về những tài liệu chính yếu của Công Đồng Vatican II. Một trong bốn “Hiến Chế” đã được Công Đồng phê chuẩn, đó là Hiến Chế về Lời Chúa, Dei Verbum, một tài liệu duy nhất cùng với Hiến Chế về Giáo Hội, Lumen Gentium, có tựa đề là “Hiến Chế Tín Lý”. Điều này có thể lý giải sự kiện là với bản văn này Công Đồng có ý tái khẳng định tín điều về sự linh hứng thần linh của Kinh Thánh và đồng thời muốn xác định tương quan của nó với truyền thống. Trung thành với ý định của mình là chỉ để làm nổi bật những khía cạnh tu đức và giáo huấn trong các bản văn của Công Đồng, tôi sẽ giới hạn ở đây cho những suy tư nhắm tới những thực hành và suy niệm cá nhân.

1- Một vị Thiên Chúa đang nói

Thiên Chúa của Kinh Thánh là một vị Thiên Chúa đang nói: “Đức Chúa, Thượng Đế chí tôn, ngay Người lên tiếng… Người không nín lặng” (Tv 50,1. 3). Chính Thiên Chúa lặp đi lặp lại vô số lần trong Kinh Thánh: “Dân Ta hỡi, nghe đây Ta phán dạy (Tv 50,1. 3). Về điểm này Kinh Thánh giới thiệu một sự tương phản rất rõ rệt so với các ngẫu tượng “có mắt có miệng, không nhìn không nói” (Tv 115, 5). Thiên Chúa sử dụng từ ngữ để liên lạc với con người.

Nhưng chúng ta hiểu những diễn tả theo các như nhân của Thiên Chúa có ý nghĩa gì như kiểu nó “Thiên Chúa phán với Adam”, “Thiên Chúa phán như thế”, “Chúa phán”, “sấm ngôn của Đức Chúa”, và những diễn tả tương tự khác? Rõ ràng chúng ta đang đề cập đến việc Thiên Chúa nói khác biệt với việc con người nói, đây là một lối nói cho sự lắng nghe của con tim. Thiên Chúa nói như Thiên Chúa viết! Qua ngôn sứ Giêrêmia, Người nói: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33).

Thiên Chúa không có môi miệng và hơi thở như con người: môi miệng của Người là các ngôn sứ và hơi thở của Người là Chúa Thánh Thần. “Ngươi sẽ là môi miệng Ta”, Chúa phạn với các ngôn sứ Người, hay “Ta sẽ đặt những lời của Ta trên miệng ngươi”. Nó cũng có cùng ý nghĩa đó như trích đoạn nổi tiếng: “… Nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1,21). Hạn từ “những thần ngôn nội tâm” cho thấy việc nói trực tiếp từ Thiên Chúa đến với một số tâm hồn thần bí, có thể cũng được áp dụng cho việc Thiên Chúa nói với các ngôn sứ trong Kinh Thánh theo một ý nghĩa trổi vượt và khác biệt về phẩm chất. Tuy nhiên, chúng ta không thể loại trừ điều mà trong một số trường hợp, như trong phép rửa và biến cố biến hình của Chúa Giêsu, cũng có một âm vang lên rõ ràng cách phi thường.

Bất luận thế nào, chúng ta đề cập đến lời nói của Thiên Chúa trong một ý nghĩa thực; thụ tạo đón nhân một sứ điệp có thể được chuyển dịch sang ngôn ngữ nhân loại. Lời nói của Thiên Chúa thì rất sống động và rất thực mà một ngôn sứ có thể nhắc lại một cách chính xác nơi chốn và thời gian mà trong đó lời đó “xuống trên” ông: “Năm vua Út-di-gia-hu băng hà (Is 6,1); “Ngày mồng năm tháng tu năm thứ ba mươi, lúc tôi đang ở giữa những người lưu đày, bên bờ sông Cơ-va (Ed 1,1); “Ngày mồng một tháng sáu năm thứ hai triều vua Đa-ri-ô (Kg 1,1).

Lời Chúa rất cụ thể nên có thể gọi Lời Chúa như một hòn đá “rơi” trên Israel : “Chúa Thượng đã gửi một lời đến Gia-cóp, lời ấy rơi xuống Israel” (Is 9,7). Ở lúc khác, tính cụ thể và vật lý được diễn tả không bằng biểu tượng của một hòn đá mà bằng tấm bánh ăn vào cảm thấy ngon miệng: “Gặp được lời Ngài, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con (Gr 15,16; x. Ed 3,1-3).

Không có tiếng nói con người nào có thể vươn tới chiều sâu con người cho bằng Lời Chúa. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Đôi khi sự phát biểu của Thiên Chúa giống như một “tiếng sấm” mạnh mẽ “đánh gãy ngàn hương bá Li-băng” (Tv 29,5). Khi khác lời đó giống như “tiếng gió hiu hiu” thổi (x. 1 V 19,12). Lời thấu triệt mọi sắc điệu của ngôn ngữ con người.

Diễn từ về bản tính của Lời Chúa làm thay đổi tận gốc rễ tại lúc mà chúng ta đọc trong Kinh Thánh, “Lời trở thành nhục thể” (Ga 1,14). Với việc Chúa Kitô đến, bây giờ Thiên Chúa nói với một tiếng nói của con người mà tai con người có thể nghe được. “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống… chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa” (1 Ga 1,1-3).

Lời được nhìn thấy và được nghe! Tuy nhiên, Lời mà chúng ta nghe được không phải là lời của con người nhưng là Lời Chúa, bởi vì người nói không phải là bản tính nhưng là một ngôi vị, và ngôi vị của Chúa Kitô cũng là Ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa. Trong Người, Thiên Chúa không còn nói nhờ một trung gian, “nhờ các ngôn sứ”, nhưng trong một người, bởi vì Chúa Kitô “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,2-3). Lối nói trực tiếp trong ngôi thứ ba nay được thay thế bởi lối nói trực tiếp trong ngôi thứ nhất. Không còn “Đức Chúa nói thế này” hay “sấm ngôn của Đức Chúa!” nhưng “Tôi nói với anh em…”

Lời Thiên Chúa nói, cả những lời được các ngôn sứ suy niệm trong Cựu Ước, cả những lời trong Tân Ước và những lời nói trực tiếp của Chúa Kitô, sau khi đã được truyền miệng, cuối cùng được viết ra, và như thế mà chúng ta có “Kinh Thánh”.

Thánh Augustinô định nghĩa một bí tích như là “một lời mà ta thấy được” (verbum visible).[1] Chúng ta có thể định nghĩa Lời Chúa như là “một bí tích mà ta nghe được”. Trong mỗi bí tích có một dấu chỉ hữu hình và một thực tại vô hình, đó là ân sủng. Lời mà chúng ta đọc trong Kinh Thánh chỉ là một dấu chỉ hữu hình giống như nước trong phép rửa tội hoặc như bánh trong phép Thánh Thể, một lời trong từ vựng của con người không khác gì với những hạn từ khác. Tuy nhiên, nhờ có một đức tin và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, xuyên qua dấu chỉ này, chúng ta đi vào gặp gỡ cách huyền nhiệm với chân lý sống động và ý muốn của Thiên Chúa, và chúng ta nghe chính tiếng nói của Chúa Kitô. Jacques-Bénigne Bossuet viết:

“Cũng như thân mình của Đức Kitô hiện diện thực sự trong bí tích đáng tôn thờ (Thánh Thể), thì chân lý của Đức Kitô cũng hiện diện như thế trong lời rao giảng Tin Mừng. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, hình bánh rượu mà chúng ta thấy là những dấu chỉ, nhưng bên trong chúng chính là mình Chúa Kitô; trong Kinh Thánh, những lời mà chúng ta nghe là những dấu chỉ, nhưng ý nghĩa mà chúng mang lại là chân lý của Con Thiên Chúa”.[2]

Tính bí tích của Lời Chúa được mạc khải trong sự kiện mà đôi khi Lời Chúa tác động một cách rõ ràng vượt trên sự hiểu biết rất giới hạn và bất toàn của con người; Lời Chúa tác động gần như là tự thân – ex opera operato, giống như chúng ta nói trong các bí tích. Trong Giáo Hội đã có và sẽ có những cuốn sách có giá trị giáo huấn hơn một số sách trong Kinh Thánh (chúng ta chỉ cần nghĩ đến cuốn “Gương Chúa Giêsu), tuy nhiên không có cuốn sách nào có sức tác động các âm thầm nhất như những cuốn sách đã được linh hứng.

Tôi đã nghe một người làm chứng cho điều này trên chương trình truyền hình mà tôi tham gia. Anh ta ở trong tình trạng nghiện rượu nặng mà không thể không uống sau hơn hai giờ; gia đình anh ở trong sự tuyệt vọng. Anh và vợ anh được mời tới dự một cuộc hội thảo về Lời Chúa. Những người ở đó đọc những câu từ Sách Thánh. Một đoạn đặc biệt xuyên thấu anh như một ánh lửa và cho anh sự chắc chắn để được cai nghiện. Sau đó, mỗi khi anh bị cám dỗ uống rượu, anh đi mở Kinh Thánh, tìm đến đoạn đó và đọc đi đọc lại những lời đó, anh tìm được sức mạnh trở lại với mình cho đến khi anh hoàn toàn bỏ rượu. Khi anh cố gắng chia sẻ về đoạn Lời Chúa rất ý nghĩa này, anh nói không rõ bởi vì xúc động. Đó là câu trích từ sách Diệu Ca: “Tình yêu của anh còn mặn nồng hơn rượu” (Dc 1,2). Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh có lẽ sẽ nở mặt nở mày trước những áp dụng này, nhưng con người đó có thể nói: “Tôi đã chết nay tôi sống lại”, như người mù bẩm sinh nói với những người chỉ trích anh: “Chỉ tôi biết tôi mù lòa và nay tôi nhìn thấy được” (x. Ga 9,10 tt).

Một điều tương tự như thế đã xảy ra với thánh Augustinô. Khi cuộc chiến đấu vì sự khiết tịnh ở đỉnh cao, ngài nghe một tiếng nói: “Tolle, lege!” (cầm lấy và đọc!). Đang khi có trong tay các thư của thánh Phaolô, ngài đã mở sách ra với ý định lấy một bản văn đầu tiên và xem đó là thánh ý Thiên Chúa. Đây là đoạn trong thư gửi tín hữu Rôma 13,13 tt: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày; không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đảng, cũng không cãi cọ ghen tuông”. Ngài viết trong cuốn Confessiones (Tự Thú): “Con không muốn đọc thêm nữa, và không cần đọc nữa. Vừa đọc xong đoạn đó, có một ánh sáng xuyên qua lòng con, xua đi bóng tối bao phủ tâm hồn con”.[3]

2- Lectio divina

Sau những nhận định chung về Lời Chúa, tôi muốn tập trung về Lời Chúa như là con đường để thánh hóa bản thân. Hiến chế Dei Verbum dạy:

“Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội”.[4]

Từ thời Guigo II dòng Chartreux, có những phương pháp và những lối tiếp cận khác nhau được đề nghị để làm lectio divina.[5] Tuy nhiên, chúng có những bất tiện vì được áp dụng hầu như cho đời sống đan tu và chiêm niệm và vì thế chúng không phù hợp lắm cho chúng ta hôm nay khi người đọc bản văn Lời Chúa thuộc mọi hạng người tin, tu sỹ và giáo dân.

May cho chúng ta, chính Kinh Thánh đề nghị một phương pháp đọc Lời Chúa mà mọi người có thể áp dụng. Trong thư của thánh Giacôbê (Gc 1,18-25) chúng ta đọc một bản văn nổi tiếng về Lời Chúa. Chúng ta có thể rút ra từ đó một chương trình cho lectio divina qua ba bước hay ba giai đoạn liên tiếp nhau: đón nhận Lời, suy niệm Lời, và thực hành Lời. Chúng ta hãy suy nghĩ về từng bước một:

a. Đón nhận Lời

Bước đầu tiên là lắng nghe Lời, thánh Tông Đồ nói: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em” (Gc 1,21). Đây là bước đầu tiên bao gồm mọi hình thức và cách thế mà một người Kitô hữu đến tiếp xúc với Lời Chúa: chúng ta nghe Lời trong phụng vụ, khi nghiên cứu Kinh Thánh, khi việc chú giải Kinh Thánh, và khi mỗi người đọc Kinh Thánh, đó là việc làm không thể thay thế. Chúng ta hãy đọc trong Dei Verbum:

“Thánh Công Đồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hãy năng đọc Kinh Thánh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Kitô” (Pl 3,8)… Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Kinh Thánh nhờ Phụng vụ thánh dồi dào Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào”.[6]

Trong đoạn này có hai nguy hiểm cần tránh. Nguy hiểm thứ nhất là chỉ dừng ở giai đoạn đầu và chuyển việc đọc Lời Chúa cách cá nhân (personal) sang việc đọc Lời Chúa phi cá nhân (impersonal). Đây là một sự nguy hiểm đáng quan tâm cách đặc biệt nơi những trường huấn luyện. Theo Søren Kierkegaard, một người muốn để Lời Chúa chất vấn mình một cách cá vị cho đến lúc người đó đã không giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến bản văn, những thay đổi và sự bất đồng ý kiến chú giải, anh sẽ không bao giờ đi đến kết luận điều gì. Lời Chúa được ban để bạn đem ra thực hành, và không phải để bạn thực hành việc chú giải về những sự khó hiểu của nó. Như một triết gia đã nói: không phải “những điểm khó hiểu” trong Kinh Thánh làm tôi sợ hãi; mà là những điểm rõ ràng của Kinh Thánh![7]

Thánh Giacôbê so sánh việc đọc Lời Chúa với việc soi mình trong gương. Một người tự giới hạn mình để nghiên cứu các nguồn, những thay đổi và những thể loại văn chương của Kinh Thánh và không làm gì khác hơn như một người dùng thời gian để soi gương - khi kiểm tra hình dáng, chất liệu, kiểu và thời gian của nó mà không bao giờ nhìn mình trong gương. Đối với anh, gương không có thực thi chức năng của mình. Phương pháp phê bình Kinh Thánh là cần thiết và chúng ta không thể cám ơn cho đủ đối với những ai đã dùng cả cuộc đời mình tìm ra những con đường cho việc hiểu biết cách chính xác các bản văn Kinh Thánh, nhưng sự hiểu biết này cũng không khám phá hết ý nghĩa của Kinh Thánh, nó cần nhưng không đủ.

Nguy hiểm thứ hai đó là lối chú giải theo mặt chữ, hiểu mọi điều trong Kinh Thánh theo nghĩa đen mà không có một suy tư theo phương pháp chú giải nào. Có hai sự thái quá ở đây, đó là chủ nghĩa phê bình khắt khe (hypercriticism) và chủ nghĩa duy kinh thánh (fundamentalism), cả hai xem ra có vẻ trái nghịch nhau, nhưng có chung một giới hạn là chỉ dừng lại ở nhưng từ ngữ mà lại lãng quên Chúa Thánh Thần.

Với dụ ngôn người gieo giống và hạt giống (x. Lc 8,5-15), Chúa Giêsu ban cho mỗi người chúng ta một sự trợ giúp để khám phá những điều kiện của chúng ta khi đón nhận Lời Chúa. Người phân biệt bốn loại đất: đất vệ đường, đất sỏi đá, đất gai mọc và đất tốt. Rồi Người giải thích đâu là sự khác biệt giữa các loại đất biểu trưng: đất vệ đường là những kẻ mà Lời Chúa không thể nào gieo vào được; đất sỏi đá là những người hời hợt bên ngoài và hay thay đổi, người nghe Lời với niềm vui nhưng không cho Lời cơ hội để đâm rễ; đất có nhiều bụi gai là những kẻ để cho mình bị tràn ngập những lo lắng và sự vui thích thế gian; đất tốt là những ai nghe Lời và mang lại hoa trái nhờ sự kiên trì bền bỉ của mình.

Khi đọc điều này, chúng ta có thể bị cám dỗ bỏ qua cách vội vàng ba loại người đầu tiên, để dừng lại ở loại người thứ tư mà chúng ta cho rằng đó chính là mỗi người chúng ta dẫu chúng ta có nhiều giới hạn.

Trong thực tế - và có sự ngạc nhiên ở đây – mãnh đất tốt là những người dễ dàng nhận biết mình trong mỗi loại của ba hạng người đầu tiên! Họ là những con người rất khiêm tốn nhận biết rằng đã bao nhiêu lần họ đã lắng nghe Lời trong một cách thế chia lòng chia trí; đã bao nhiêu lần họ đã hay thay đổi về những ý hướng họ được giáo huấn khi nghe Lời từ Tin Mừng; đã bao nhiêu lần họ đã để cho mình bị tràn ngập bởi những hoạt động và những lo lắng trần thế. Đây, những người này, dù không ý thức điều đó, đang trở thành những mãnh đất tốt đích thực. Xin Chúa chúng ban cho chúng ta trở thành những người trong số này!

Liên quan đến bổn phận phải đón nhận Lời Chúa và không để bất cứ Lời nào trong đó rơi vào chỗ trống rỗng, chúng ta hãy nghe lời huấn dụ mà Origene, một trong những người yêu Lời Chúa nhất, ban cho các Kitô hữu thời ngài:

“Anh chị em là những người thường tham dự vào các mầu nhiệm Thiên Chúa, khi đón nhận Mình Chúa, anh chị em hãy biết làm sao để bảo vệ Mình Chúa với tất cả sự cẩn trọng và tôn kính đùng để bất cứ một mảnh nhỏ nào rơi xuống, đừng để bất cứ điều gì từ món quà được thánh hiến bị mất. Anh chị em hãy xác tín cách đúng đắn rằng sẽ có tội nếu làm rơi những mẫu bánh thánh vì sự bất cẩn. Nhưng để bảo quản Mình Thánh anh chị em hãy rất cẩn trọng, và đúng thật anh chị em đã làm như thế. Anh chị em hãy biết rằng việc lơ là Lời Chúa không phải là tội nhẹ hơn việc lờ là Mình Thánh đó sao?[8]

b. Chiêm ngắm Lời

Giai đoạn thứ hai mà thánh Giacôbê đề nghị đó là “chăm chú nhìn” vào Lời, khi đặt mình trước tấm gương này lâu giờ, để suy niệm và chiêm ngắm Lời. Các Giáo phụ sử dụng hình ảnh nhai đi nhai lại và suy đi nghĩ lại để miêu tả điều này. Guigo II viết:

“Việc đọc là đưa thức ăn đầy dinh dưỡng vào trong miệng, suy niệm là nhai nó và nghiền nó ra”.[9] Theo thánh Augustinô: “Khi một người tìm lại trong ký ức những gì đã được nghe, và suy đi nghĩ lại cách thư thái trong lòng những lời này, người đó giống như loài động vật nhai lại”.[10]

Người soi mình trong gương của Lời là người học để hiểu “nó như thế nào”; học để hiểu chính mình và khám phá sự khác biệt của họ với hình ảnh của Thiên Chúa và hình ảnh của Đức Kitô. Chúa Giêsu nói: “Thầy không tìm kiếm vinh quang Thầy” (Ga 8,15): Đây là một tấm gương trước mặt bạn, và lập tức bạn sẽ thấy bạn xa cách Chúa như thế nào nếu bạn đang tìm kiếm vinh quang cho mình. “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”: Một lần nữa, đây là một tấm gương ở trước mặt bạn, và bạn lập tức khám phá bạn đang chứa đầy những sự dính bén và những điều vô ích, trên hết là sự tự mãn chính mình. “Bác ái thì kiên nhẫn...” và bạn ý thức được sao bạn lại không kiên nhẫn, đố kỵ, và ích kỷ. Hơn cả việc “nghiên cứu Kinh Thánh” (x. Ga 5,39), bạn hãy để cho Kinh Thánh đào sâu trong bạn. Thư Do Thái nói:

“Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13).

Trong gương của Lời, may thay, chúng ta không chỉ nhìn ngắm mình và những thiếu sót của mình: trước hết chúng ta nhìn ngắm dung mạo Thiên Chúa, hay tốt hơn, chúng ta chiêm ngắm trái tim Thiên Chúa. Thánh Grêgôriô Cả nói: “Đó là một lá thư của Thiên Chúa quyền năng gửi cho thụ tạo của Người; trong đó, chúng ta được học để nhận biết trái tim của Thiên Chúa trong Lời Chúa”.[11] Điều Chúa Giêsu nói: “Lòng đầy miệng mới nói ra (Mt 12,34), cũng đúng với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nói với chúng ta trong Kinh Thánh là những gì chứa đựng trong trái tim Người, đó chính là tình yêu. Tất cả Kinh Thánh được viết ra với mục đích là con người có thể nhận biết rằng Thiên Chúa yêu họ đến mức nào và khi học biết điều này họ có thể nóng lên lòng yêu mến Thiên Chúa.[12] Năm Thánh Lòng Thương Xót là một cơ hội rất ý nghĩa để đọc lại toàn bộ Kinh Thánh từ viễn tượng này như là lịch sử của lòng thương xót Chúa.

c. Thực hành Lời

Bây giờ chúng ta đến với giai đoạn thứ ba trong lộ trình được thánh Giacôbê đề nghị: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành… Ai thi hành luật Chúa… thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm (Gc 1,22. 25). Mặt khác, “thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào” (Gc 1,23).

Trở thành một người thi hành Lời Chúa cũng là điều Chúa Giêsu ước ao nhất: “Mẹ Thầy và anh chị em của Thầy là những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Không “thực hành Lời Chúa” mọi sự chỉ là ảo tưởng và chúng ta đang xây nhà trên cát (x. Mt 7,26). Một Người không thể hiểu gì cả khi nói rằng họ đã hiểu Lời, bởi vì như thánh Grêgôriô Cả nói, Lời Chúa thực sự được hiểu chỉ khi người ta bắt đầu thực hành Lời Chúa”.[13]

Giai đoạn thứ ba hệ tại trong việc thực hành, trong việc tuân theo Lời Chúa. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa trở thành sự diễn tả thánh ý sống động của Thiên Chúa đối với tôi trong mọi giây phút được ban. Nếu chúng ta lắng nghe Lời cách chăm chú, chúng ta sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng có một ngày mà trong phụng vụ, khi đọc một Thánh Vinh, hay trong một lúc khác, chúng ta phám phá ra một Lời trong đó khiến chúng ta phải nói rằng: “Lời này cho tôi! Lời này là lời mà tôi phải thực hiện hôm nay!”

Vâng nghe Lời Chúa là sự vâng lời mà chúng ta phải làm luôn mãi. Vâng nghe những lệnh truyền và những thẩm quyền hữu hình, thường chỉ cần thực hiện trong một lúc, ba hoặc bốn lần trong suốt đời, nếu đó là sự vâng phục nghiêm chỉnh; nhưng chúng ta phải vâng theo Lời Chúa trong mỗi giây phút. Đây cũng là sự vâng nghe mà tất cả chúng ta phải thực hiện, cả người dưới và người trên. Thánh Ignatiô thánh Antiochia có lời khuyên rất tuyệt vời cho một người bạn giám mục của ngài: “Đùng làm gì nếu không có sự đồng ý của anh, nhưng anh đừng có làm gì nếu không có sự đồng ý của Thiên Chúa”.[14]

Lắng nghe Lời Chúa có nghĩa một cách cụ thể là đi theo những sự gợi hứng tốt lành. Tiến trình tâm linh chúng ta phụ thuộc phần lớn vào tính nhạy bén của chúng ta với những sự gợi hứng tốt lành và sự sẵn sàng của chúng ta để đáp trả. Một Lời Chúa gợi cho bạn một ý tưởng, nó đặt vào lòng bạn một ước muốn cho một sự thú tội chân thành, cho một sự hòa giải và cho một hành vi bác ái; nó mời gọi bạn ngưng làm việc để tìm một giây phút và thực hiện một hành vi yêu thương đối với Thiên Chúa. Đừng có trì hoãn, đừng có để cho sự gợi hứng đó qua đi. Thánh Augustinô nói rằng: “Timeo Jesum transeumtem” (Tôi sợ hãi vì mất Chúa Giêsu”,[15] Điều này cũng giống như khi nói: “Tôi cảm thấy khiếp sợ vì sự gợi hứng tốt lành của Chúa đi qua và không còn trở lại nữa”.

Chúng ta hãy kết luận với một tư tưởng từ một Giáo Phụ ở sa mạc cổ xưa[16]: Ngài nói:

“Tâm trí chúng ta giống như một máy xay lúa; hạt đầu tiên được bỏ vào trong máy từ buổi sáng, máy này sẽ tiếp tục xay trong suốt cả ngày. Vì thế, từ sáng sớm chúng ta hãy mau mắn bỏ vào trong máy này hạt lúa tốt là Lời Chúa, nếu không, ma quỷ sẽ tới và bỏ vào trong máy hạt cỏ lùng của nó và suốt ngày tâm trí không chỉ xay hạt cỏ lùng”.

Lời đặc biệt mà hôm nay chúng ta đặt vào trong máy tâm trí chúng ta là câu khẩu hiệu của năm thánh: “Anh em hãy thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng giàu lòng thương xót”.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

Chuyển dịch từ: https://zenit.org/articles/father-cantalamessas-2nd-lent-homily-2016/

[1] St. Augustine, Tractates on the Gospel of John 55-111, 80, 3, vol. 90, trans. John W. Rettig, The Fathers of the Church (Washington, DC: Catholic University of America Press, 2014), p. 117.

[2] Jacques-Bénigne Bossuet, “Sur la parole de Dieu,” in Oeuvres oratoires de Bossuet, vol. 3 (Paris: Desclée de Brouwer, 1927), p. 627.

[3] S. Augustine, Confessions, VIII, 29, trans. John K. Ryan (Garden City, NY: Doubleday, 1960), p. 202.

[4] DV 21.

[5] See Guigo II, The Ladder of Monks: A Letter on the Contemplative Life, trans. Edmund Colledge and James Walsh (Kalamazoo, MI: Cistercian Publications, 1981).

[6] DV 25.

[7] Søren Kierkegaard, Self-Examination / Judge Yourself, ed. and trans. Howard V. Hong and Edna H. Hong (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1990), p. 29.

[8] Origen, “Homily 13 on Exodus,” 3, in Homilies on Genesis and Exodus, trans. Ronald E. Heine (Washington, DC: Catholic University of America Press, 2010), pp. 380-381.

[9] Guigo II, The Ladder of Monks, 3, p. 68.

[10] Augustine, Expositions on the Psalms, 46, 1, The Works of Saint Augustine, Part 3, vol. 16, trans. Maria Boulding, ed. John E. Rotelle (Hyde Park, NY: New City Press, 2000), p. 325.

[11] See Gregory the Great, “Letter 31, to Theodorus,” in Epistles of Gregory the Great, vol. 12, Nicene and Post-Nicene Fathers, trans. James Barmby, eds. Philip Schaff and Henry Wace (Grand Rapids: Eerdmans, 1997), p. 156.

[12] See Augustine, First Catechetical Instruction, 1, 8, vol. 2, Ancient Christian Writers (Mahwah, NJ: Paulist Press, 1978), p. 23.

[13] Gregory the Great, Homilies on the Book of the Prophet Ezekiel, 1, 10, 31, trans. Theodosia Tomkinson, 2nd ed. (Etna, CA: Center for Traditionalist Orthodox Studies, 2008), pp. 200-201; see also CCL 142, p. 159.

[14] Ignatius of Antioch, “Letter to Polycarp,” 4, 1, in The Apostolic Fathers: Greek Texts and English Translations, 3rd ed., ed. and rev. trans. Michael W. Holmes (Grand Rapids: Baker Academic, 2007), p. 265.

[15] Augustine, “Sermon 88,” 13, The Works of Saint Augustine, Part 3, vol. 3, trans. Edmund Hill, ed. John E. Rotelle (Brooklyn, NY: New City Press, 1991), p. 341.

[16] See Abbot Moses in John Cassian, Conferences, “Conference One,” 18, trans. Colm Luibhéid (Mahwah NJ: Paulist Press, 1985), p. 52.


 
Sống Lòng Thương Xót Trong Gia Đình
Tạ Ân Phúc
17:58 01/03/2016
Sống Lòng Thương Xót Trong Gia Đình

Để mở đầu cho một năm mới Bính Thân tràn đầy sức sống, vui mừng và hy vọng, vào chiều tối ngày 28/02/2016, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục, trực thuộc Ban Mục vụ Gia Đình Tổng Giáo phận Sài Gòn đã có buổi chuyên đề khai Xuân số 228 qua đề tài: "Sống Lòng Thương Xót Trong Gia Đình" do anh Luca Nguyễn Võ Minh Tâm chia sẻ tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn với khung giờ mới từ 18g00 đến 20g30.

Bắt đầu buổi chia sẻ, anh Luca nói rằng đề tài về lòng thương xót đã được nhiều người nhắc đến, anh chia sẻ để nhắm đến việc đem ra thực hành. Chính vì thế, anh đã tạo bầu khí thoải mái, vui vẻ bằng các hoạt động như yêu cầu các tham dự viên di chuyển ra khỏi chỗ ngồi và bắt cặp với một người bạn rồi chúc Xuân, nắm tay trò chuyện, thăm hỏi nhau, và từng cặp đôi này sẽ cùng nhau đồng hành trong các hoạt động suốt buổi chia sẻ. Anh nói rằng bài chia sẻ đơn giản chỉ gói gọn trong 7 thông điệp và mời gọi mọi người nắm bắt và cùng nhau hành động:

1. Nét đẹp

Với một hình ảnh có nền trắng và 3 chấm đen, người ta dễ nhận thấy 3 chấm đen hơn là nền trắng rộng lớn. Nếu ví những chấm đen kia như những khuyết điểm của người thân trong gia đình thì người ta dễ nhận ra khuyết điểm đó mà không nhận ra những phẩm chất tốt đẹp nơi họ. Để thể hiện lòng thương xót trong gia đình, đừng quên "kể một cách say sưa những điều tốt đẹp nơi người thân của mình". Thông điệp đầu tiên cần có trong gia đình:

"Trân trọng “nét đẹp” của người thân trong gia đình"

2. Nhu cầu tình cảm

Theo Tiến sĩ Gary Chapman, tác giả cuốn sách “5 Ngôn ngữ tình yêu”, thì người ta có nhu cầu về 5 loại tình cảm trong cuộc sống:

- Nhu cầu về lời nói: Thích nghe lời nói ngọt ngào như cám ơn, xin lỗi, ngợi khen.

- Nhu cầu về chia sẻ: Thích có ai đó kề bên để chia sẻ, đồng cảm, động viên trong những lúc khó khăn, vui buồn trong cuộc sống.

- Nhu cầu về chăm sóc: Thích được quan tâm, giúp đỡ.

- Nhu cầu về quà tặng: Thích được tặng quà cả vật chất lẫn tinh thần.

- Nhu cầu về cử chỉ: Thích bắt tay, có cái ôm, vỗ vai hay một cử chỉ thân mật, trìu mến nào đó.

Đối với 5 loại ngôn ngữ tình yêu này, điều quan trọng là hiểu mình trội ngôn ngữ nào hơn, và gợi ý cho những người xung quanh đáp ứng nhu cầu của mình, vì “không nói ra thì không ai biết”. Ngược lại, cần phải biết người thân trội về loại ngôn ngữ nào để đáp ứng nhu cầu của họ, “gãi đúng chỗ ngứa”. Thông điệp thứ hai cần có trong gia đình:

"Tinh ý nhận ra “chỗ ngứa” tình cảm của người thân trong gia đình"

3. Hành động ngay

Anh Luca gợi ý các tham dự viên hãy điện thoại hay nhắn tin ngay cho người thân lâu ngày không liên hệ. Hành động nhỏ đó thể hiện lòng thương xót trong gia đình với thông điệp thứ ba:

Hãy “hành động” nếu bạn nhận thấy đó là việc cần làm và nên làm cho người thân của mình.

4. Nước đục, nước trong

Câu hỏi được đặt ra: “Có 2 cái ly: một ly nước đục, một ly nước trong, làm thế nào ly nước trở nên trong hơn?”. Có hai cách giải quyết: đổ ly nước đục đi rồi đổ ly nước trong vào hoặc là pha ly nước trong vào ly nước đục, nó sẽ bớt đục và trong hơn. Anh Luca cho làm hoạt động này để nói rằng trong gia đình nếu có một người thân chưa tốt đẹp, cũng có 2 cách giải quyết: hoặc là bỏ mặc, hoặc là đồng hành. Nhưng để thể hiện lòng thương xót, thì cần phải đồng hành để giúp người thân tốt hơn, đừng nóng vội mà phải kiên trì. Dẫu cho người thân của mình có nhiều điều khó thay đổi, thì cũng phải đón nhận họ. Thông điệp thứ tư rút ra là:

Hãy kiên trì làm gương, cho đi và yêu thương. Sẽ có ngày “nước đục” dần thành “nước trong”.

5. Hy sinh và tha thứ

Trích từ một ý của Kinh Lạy Cha: “Tha kẻ có nợ chúng con”, anh Luca nói rằng người ta thường rất giận một ai đó trong gia đình mà không bỏ qua được, để tha cho họ không phải là điều dễ dàng. Vậy, thông điệp thứ năm cần nhớ là:

Hãy nói ra hết bực tức nơi người thân. Sau đó, hãy tha thứ thiếu sót đó của họ: “Đỉnh cao của Yêu thương, Hy sinh và Tha thứ”.

6. Vì nhau

“Đâu là điều vô cùng quan trọng để gìn giữ hạnh phúc gia đình?”. Trò chơi ô chữ với 5 hàng ngang có đáp án là trách nhiệm, tôn trọng, hy sinh, làm gương và yêu thương đã tạo ra đáp án hàng dọc với chữ vì nhau, đây chính là thông điệp thứ sáu:

Hãy “Vì Nhau”, vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai của con cái, vì đời sống đức tin, vì sự sống đời sau.

7. Thông điệp thứ 7:

“Bạn muốn đi cùng ai đến cuối cuộc đời?”

Sau khi tham dự viên được xem một đoạn video clip một người đàn ông đang lúc hấp hối và thái độ của những người xung quanh với những trái tim và những chiếc mặt nạ, anh Luca nhắn nhủ rằng: Trong cuộc sống này, chúng ta không thể biết được đâu là những trái tim chân thật dành cho mình. Những ai là những người thực sự vì ta và cho ta, và những ai trong cuộc đời này là những người mà mình thực sự vì họ và cho họ. Hãy nhắn nhủ cho chính mình, trong cuộc sống chỉ có một số người rất thân và quan trọng đối với mình; đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em. Hãy chọn những người rất thân và quan trọng đối với mình, và hãy dành nhiều thời gian hơn cho họ, dành nhiều sự quan tâm hơn cho họ; hãy động viên họ nhiều hơn, tha thứ những lỗi lầm cho họ nhiều hơn. Nếu đã chọn những người đó rồi, hãy sống hết mình vì họ và cho họ. Khi đó, ngày cuối cùng của ta trên giường bệnh, ta sẽ được vây quanh bởi rất nhiều người, không phải là những chiếc mặt nạ giả tạo mà là những trái tim thật sự dành cho mình. Ta sẽ cảm thấy rằng cuộc đời mình rất là ý nghĩa và đáng sống. Đó là thông điệp cuối cùng.

Để kết thúc bài chia sẻ, anh Luca nhắn nhủ mỗi người hãy chọn ra một vài thông điệp nào đó phù hợp và thực hiện ngay để lòng thương xót hiện hữu trong gia đình chứ không phải chỉ nói lý thuyết suông. Buổi chia sẻ kết thúc sau lời cầu nguyện và đâu đó trên vẻ mặt của các tham dự viên thể hiện lòng hân hoan sau khi tham dự buổi chia sẻ. Mong sao lòng thương xót lan tỏa trong các gia đình họ và những gia đình khác trong Năm Thánh Lòng Thương xót này.

Tạ Ân Phúc
 
Thân xác người nam, người nữ: Tặng phẩm tình yêu
Trường Quốc Phương
17:54 01/03/2016
Thân xác người nam, người nữ: Tặng phẩm tình yêu

Trường Quốc Phương lược ghi

Tiếp theo dư âm của Đại hội Thế giới về Gia Đình lần VIII được tổ chức tại Philadelphia vừa qua, và với sáng kiến phục vụ cộng đồng, ngoài những buổi nói chuyện chuyên đề vào tối thứ Bảy hằng tuần tại Trung tâm Mục vụ TGP SG, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục – Ban Mục vụ Gia Đình kết hợp, tổ chức miễn phí các buổi chuyên đề hằng tháng tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà.

Thế nên, chiều thứ Bảy, ngày 27.02.2016 là buổi chuyên đề đầu tiên, với đề tài: THÂN XÁC NGƯỜI NAM, NGƯỜI NỮ: TẶNG PHẨM TÌNH YÊU, do cha Luy Nguyễn Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn - đảm trách.

Qua đề tài này, ngài chia sẻ những tư tưởng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: thánh nhân, nhà nhân học, vị giáo hoàng của gia đình.

1. Ý nghĩa sâu xa của thân xác con người:

Con người là một thể thống nhất giữa hồn và xác; hồn mà không có xác thì hồn lơ lững; xác mà không sống phần linh hồn thì xác đó chỉ là một bóng ma. Con người là hữu thể biết yêu và biểu hiện tình yêu qua thân xác. Thân xác con người là tặng phẩm tình yêu vì nó có ý nghĩa trong sự cho – nhận, hy sinh cho nhau và cho tình yêu đó. Thân xác là một ngôi vị, là một con người. Thân xác con người vừa là cứu cánh, vừa là phương tiện để tồn tại và để biểu lộ cội nguồn của tình yêu Thiên Chúa.

2. Tặng phẩm của tình yêu:

Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II có nói: “Thân xác của bạn là tình yêu”. Tình yêu thì liên quan đến tặng phẩm, vì tình yêu là cho và nhận (qua thân xác con người). Bản tính của tình yêu nam nữ là hướng đến nên “một xương một thịt”. Được gọi là tình yêu hợp hôn, nghĩa là nên một.

Khi nói đến thân xác người đàn ông và thân xác người đàn bà là đã bao gồm giới tính trong đó. Trong cuộc sống ngày nay, khi những đối nghịch với tình yêu như ly thân, ly dị - đặc biệt là đối với người Công Giáo – thì thân xác không còn là quà tặng của nhau nữa, không biểu hiện tình yêu mà đôi khi biểu hiện ngôn ngữ của căm ghét, giận dữ, thù nghịch. Người ta sống chung trước hay ngoài hôn nhân, thì khi họ trao thân cho nhau, đó có phải là tặng phẩm tình yêu không?! Và những hành vi tính dục thuộc về vợ chồng kia có phải là hành vi hôn nhân đúng nghĩa không?

3. Tình yêu là đích thực:

Tình yêu không chỉ là cảm xúc mà còn có sự tham gia của một chọn lựa tự do của cá nhân trong quyết định đồng hành mãi mãi với một nửa kia của mình. Thứ tình yêu mà không hướng tới giao ước đi cùng nhau đến trọn đời thì không phải là tình yêu đúng nghĩa, bởi vì tình yêu là vĩnh cửu.

“Thiên Chúa Làm Người” biểu hiện độc đáo và cụ thể như thế nào để trở nên tình yêu đích thực? Chính khi thân xác Người bị đóng đinh, bị tra tấn, đánh đập, phỉ bánh, chế nhạo và chịu hiến thân mình là một hành vi cao cả: chết cho người mình yêu. Những dấu thánh chính là bí tích tình yêu hữu hình và hữu thanh, mà con người trần thế có thể cảm nghiệm, sờ chạm được. Đối với người Công Giáo, thứ Sáu Tuần Thánh là cao điểm của tình yêu Con Thiên Chúa hiến thân vì nhân loại. Qua cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta hy vọng và tin tưởng về một tình yêu đích thực sẽ tồn tại mãi đến muôn đời. Vì thế, một tình yêu đích thực giữa người nam và người nữ không chỉ là đam mê của thân xác mà còn phải chết đi, hiến mình vì tình yêu. Việc cử hành hôn lễ của các đôi tân hôn trong nhà thờ là việc xã hội hóa, công khai hóa tình yêu của họ.

4. Kinh Thánh mạc khải về tình yêu:

Sách Sáng Thế từ chương 1 đến chương 3 mạc khải về hôn nhân, về tình yêu nam nữ. Niềm vui thống trị khi Chúa cho Adam đặt tên muôn loài kém xa nhiều so với tình yêu của một người đang yêu khi Adam gặp Eva. Adam đã sáng rỡ và tuyên bố tuyên ngôn tình yêu đầu tiên của nhân loại: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Đây chính là cứu cánh, là cùng đích, là lý do ta tồn tại.

5. Tình yêu hôn nhân phản chiếu chính tình yêu cho đi và trung tín của Thiên Chúa:

Người ta sẽ không nhận ra Thiên Chúa, nếu không có tình yêu hiện diện một cách cụ thể qua thân xác và nhất là tình yêu hôn nhân giữa hai người khác nhau về giới tính, cùng nhau gầy dựng một gia đình trong đó có sự sống mới xuất hiện. Vì tình yêu đích thực là luôn luôn mở ngõ ra với sự sống. Tình yêu nào ngăn cản sự sống, ngay trong ý định đều là tình yêu giả trá, bao gồm cả tình yêu mà có chủ định ngừa thai bằng mọi phương tiện nhân tạo hay phá thai, thủ dâm, đồng tính, chung sống ngoài hôn nhân. Tình yêu đích thực là hướng tới trung tín với nhau cho đến cuối đời và thuộc trọn về nhau. Do đó, đặc tính của hôn nhân là duy nhất và bất khả phân ly. Hơn nữa, Thiên Chúa muốn tình yêu của đôi bạn Ki-tô hữu trong hôn nhân, phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, một tình yêu cho đi và trung tín.

Tạm kết:

Trong xã hội thực dụng, vô cảm ngày nay, thế gian không nhìn thấy lòng thương xót vô hình của Thiên Chúa đâu cả. Thế gian chỉ thấy những bí tích của lòng thương xót nơi các đôi bạn Ki-tô hữu, nơi các gia đình sống yêu thương một cách trung thành “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe”. Tình yêu của người Ki-tô hữu là tình yêu phản chiếu lòng trung thành và thương xót. Thế nên, những người tin Chúa phải sống cuộc hôn nhân của mình qua những thăng trầm, một cách trung thành và mãi mãi. Và tin tưởng rằng mình có làm được điều đó là do sức mạnh của ân sủng của Chúa ban, khi lãnh nhận bí tích Hôn phối. Do đó, đừng sợ đảm đương trách nhiệm hôn nhân vì luôn có Chúa đồng hành trong cuộc sống gia đình. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô chương 13, câu 4-7, Thánh Phaolô đã có chỉ dẫn về việc sống tình yêu đích thực như sau:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Kính mời Quý vị click vào đây để nghe audio bài giảng.
 
Giải đáp phụng vụ: Tại sao kiêng thịt? Tục lệ địa phương ảnh hưởng luật kiêng thịt.
Nguyễ Trọng Đa
21:36 01/03/2016
Giải đáp phụng vụ: Tại sao kiêng thịt? Tục lệ địa phương ảnh hưởng luật kiêng thịt.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. Hỏi 1: Đâu là lý do cho việc kiêng thịt ngày Thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh? Có bất kỳ bối cảnh lịch sử nào cho việc này không? Con ngạc nhiên về sự kết nối giữa cái chết của Chúa Giêsu và việc kiêng thịt. Xin cha giúp con hiểu rõ vấn đề. - F. A., Ibadan, Nigeria

Hỏi 2: Tại sao người Công Giáo chúng ta bị cấm ăn thịt trong Mùa Chay? Có truyền thống nào hoặc cơ sở Kinh Thánh cho việc này không? - D. O., Philippines

Đáp: Các câu hỏi tương tự đến với tôi khá thường xuyên, và do đó câu trả lời hiện nay của chúng tôi sẽ sử dụng lại phần trả lời trước đây, nhất là từ năm 2006 đến năm 2009.

Trước tiên, thật là cần thiết để phân biệt giữa luật ăn chay, mà người Công Giáo Rôma áp dụng vào thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, và quy định về kiêng thịt vốn là thường xuyên hơn.

Trong truyền thống của Giáo Hội, các luật liên quan đến việc ăn chay là chủ yếu nhằm xác định những gì liên quan đến số lượng thực phẩm được phép ăn vào các ngày ăn chay, trong khi những người ra luật ăn chay nhắc nhở đến chất lượng thức ăn.

Luật ăn chay có nghĩa là người ta được phép ăn một bữa ăn đầy đủ trong ngày đó, và hai bữa ăn nhẹ, phù hợp với tập tục địa phương về số lượng và loại thực phẩm.

Trong khi việc tiêu thụ các thực phẩm rắn giữa các bữa ăn là bị cấm, các chất lỏng, như trà, cà phê và nước trái cây, có thể được dùng bất cứ lúc nào.

Luật kiêng thịt cấm ăn các sản phẩm thịt, tủy và máu của động vật và các loài chim làm thành thịt.

Trong thời trước đây, luật kiêng thịt cũng cấm các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, chẳng hạn sữa, bơ, phô mai, trứng, mỡ và nước sốt làm từ mỡ động vật. Việc hạn chế này không còn hiệu lực trong nghi lễ Rôma hiện nay nữa.

Rau quả cũng như cá và động vật máu lạnh tương tự (ếch, trai, rùa, ...) có thể được ăn. Động vật lưỡng cư được chuyển xuống danh mục mà chúng chịu sự tương đồng nổi bật nhất.

Sự phân biệt này giữa động vật máu nóng và động vật máu lạnh có lẽ là lý do tại sao thịt trắng như gà không thể thay thế cá vào các ngày kiêng thịt.

Việc phân loại này khó có thể ngăn cản tất cả nghi ngờ liên quan đến luật kiêng thịt. Nhưng tập tục địa phương và Giáo quyền địa phương thường cung cấp một cơ sở đầy đủ để giải quyết vấn đề thắc mắc ấy.

Việc kiêng thịt là chặt chẽ hơn về mặt kỹ thuật trong thời trước đây, và áp dụng cho mỗi ngày của Mùa Chay. Tuy nhiên, việc tuân giữ luật hiện nay đã và đang giới hạn trong các trường hợp, để không mang gánh nặng không thể chịu nổi.

Đó là lý do tại sao các người bệnh, người quá nghèo hoặc người làm việc nặng (hoặc người gặp khó khăn trong việc mua cá) không buộc phải tuân giữ luật kiêng thịt, miễn là điều kiện như vậy được áp dụng.

Sự đa dạng trong tập tục, khí hậu và giá lương thực, cũng điều chỉnh luật kiêng thịt.

Thí dụ, một đặc ân cho phép các người ở Mỹ không kiêng thịt trong bữa ăn chính của họ trong Mùa Chay vào các ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy.

Một đặc ân, ban hành ngày 3-8-1887, cho phép sử dụng mỡ động vật trong việc làm món cá và và rau quả trong tất cả các bữa ăn và vào tất cả các ngày. Các đặc ân tương tự đã được cấp cho các nước khác.

Mặc dù trong thời trước đây, các ngày sám hối và thời gian đòi hỏi ăn chay và/hoặc kiêng thịt là nhiều hơn, Giáo luật hiện hành (Các điều 1250-1253) đã giảm bớt các ngày ấy.

Điều 1250 khẳng định: "Những ngày và mùa Sám Hối trong Giáo Hội toàn cầu là các ngày thứ sáu trong năm và mùa chay” (Bản dịch Việt ngữ của của HĐGMVN).

Điều 1251: "Vào các ngày thứ sáu trong năm, nếu không trùng với một trong những ngày lễ trọng, thì phải kiêng thịt hoặc phải kiêng một thức ăn nào khác, theo quy định của Hội Đồng Giám Mục; nhưng phải kiêng thịt và ăn chay trong ngày thứ tư Lễ Tro và ngày thứ sáu kính cuộc Thương Khó và tử nạn của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (Bản dịch, như trên).

Hội Đồng Giám Mục có thể thay thế việc kiêng thịt bằng thức ăn khác ở các nước, mà tại đó việc ăn thịt là không phổ biến, hoặc vì một lý do chính đáng nào khác.

Hội Đồng Giám Mục cũng được hưởng quyền rộng, trong ánh sáng của Điều 1253: "Hội Đồng Giám Mục có thể ấn định rõ ràng hơn những thể thức ăn chay và kiêng thịt, cũng như những hình thức Sám Hối khác, nhất là những công việc bác ái và những việc đạo đức có thể thay thế toàn phần hay một phần việc kiêng thịt và ăn chay" (Bản dịch, như trên).

Trong các nước như Mỹ và Ý, các Giám Mục khuyên kiêng thịt vào tất cả các ngày Thứ Sáu trong năm. Việc kiêng thịt là bắt buộc trong tất cả các ngày Thứ Sáu Mùa Chay. Các Giám Mục của Vương Quốc Anh đã có một quy định tương tự, nhưng cách đây vài năm, Hội Đồng quyết định trở lại việc thực hành truyền thống kiêng thịt vào tất cả các ngày Thứ Sáu trong năm.

Việc kiêng thịt là bắt buộc từ 14 tuổi; và việc ăn chay trở thành bắt buộc từ 18 tuổi cho đến khi tròn 59 tuổi.

Hầu hết các Giáo Hội Đông Phương, cả Công Giáo và Chính Thống Giáo, có luật khắt khe hơn về ăn chay và kiêng thịt, và duy trì luật cấm dùng sữa và sản phẩm gia cầm.

Trong truyền thống Byzantine, thí dụ, việc ăn chay Mùa Chay bắt đầu sau "Kinh chiều Tha thứ" vào chiều Chúa Nhật Cheesefare (Tạm biệt phó mát, tức Chúa Nhật trước thứ Tư Lễ Tro), với sự xức dầu cho tín hữu, chứ không xức tro.

"Cheesefare" nhắc đến sự “tạm biệt” với các sản phẩm sữa trong chế độ ăn uống của các tín hữu trong suốt thời gian Ăn Chay Thánh. Chúa Nhật trước đó là Chúa Nhật Meatfare (Tạm biệt thịt), nói lên sự tạm biệt thịt trong chế độ ăn uống.

Việc này tiếp tục (càng xa càng tốt cho người Rước lễ) trong suốt Mùa Chay. Tuần Thánh là nghiêm ngặt hơn – ăn chay nhiểu hơn kiêng thịt nữa.

Đồng thời, việc cử hành phụng vụ Thánh Thể bị cấm - nhưng các tín hữu rước lễ trong Phụng vụ đặc biệt như giờ Kinh Chiều của Lễ vật tiền thánh hiến, vốn sử dụng Mình Thánh đã được truyền phép trong Chúa Nhật trước đó.

Mục đích của luật kiêng thịt là để giáo dục chúng ta trong luật thiêng liêng cao hơn của đức ái và sự tự chủ.

Mục đích thiêng liêng này cũng có thể giúp chúng ta hiểu được lý do để loại trừ thịt vào những ngày sám hối. Có một niềm tin phổ biến rằng thịt có nghĩa là khiêu gợi và kích thích các dục vọng cơ bản của con người. Việc từ bỏ các thực phẩm thịt được coi là một phương tiện tuyệt vời chọ sự chinh phục bản thân bướng bỉnh và hướng cuộc đời của mình vào Thiên Chúa.

Mục đích khổ hạnh và thiêng liêng của việc ăn chay và kiêng thịt cũng có thể giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao các việc này đã luôn được gắn với việc bố thí.

Bằng cách này, nó không có nghĩa là bỏ bò bít tết để ăn tôm hùm và trứng cá muối. Ý tưởng cùa việc kiêng thịt là ưa thích một chế độ ăn uống ít xa hoa và đơn giản hơn so với bình thường.

Vì thế chúng ta có dư chút tiền của để giúp đỡ cho những người kém may mắn hơn mình, và cũng rèn luyện bản thân thoát khỏi ách nô lệ của các thú vui vật chất. Ngay cả một người Công Giáo ăn chay trường cũng có thể thực hành kiêng thịt bằng cách thay thế một thức ăn đắt tiền hơn trong chế độ ăn uống, bằng một cái gì đó đơn giản hơn.

Trong thế giới phát triển, mảng rộng lớn của các loại thực phẩm có sẵn tại các siêu thị địa phương làm cho việc sống luật kiêng thịt là tương đối dễ dàng. Trong hầu hết các trường hợp, người ta có thể từ bỏ thịt và vẫn duy trì một chế độ ăn uống đơn giản và cân bằng.

Tuy nhiên, trong khi trung thành với luật này, chúng ta luôn phải phấn đấu để thâm nhập các lý do bên trong cho việc ăn chay và kiêng thịt, chứ không ngừng ở bình diện hời hợt của luật vì luật mà thôi.

Các động cơ thiêng liêng cho việc thực hành kiêng thịt đã được diễn tả thật tuyệt vời bởi thánh Âu Tinh trong Bài Giảng về Cầu nguyện và Ăn chay: việc kiêng thịt thanh luyện tâm hồn, nâng cao tâm trí, làm cho xác thịt phụ thuộc vào tinh thần, sinh ra một tâm hồn khiêm nhường và thống hối, phân tán các đám mây của nhục dục, dập tắt ngọn lửa của sự ham muốn, và kích động ánh sáng thật của đức khiết tịnh.

Điều này được tóm tắt trong Kinh Tiền Tụng IV của Mùa Chay: "Qua việc chay tịnh thân xác, anh chị em kiềm chế các lỗi lầm, nâng cao tâm hồn, và dành được đức hạnh và phần thưởng của nó".

Nói tóm lại, Giáo Hội qui định việc ăn chay và kiêng thịt, để giúp giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của nô lệ tội lỗi. Thay vì là một nghĩa vụ nặng nề, đó là một tiếng kêu của sự tự do khỏi tất cả những gì liên kết chúng ta với chính bản thân và dục vọng của chúng ta.

(Zenit.org 1-3-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngày Đông Băng Giá
Joseph Ngọc Phạm
18:53 01/03/2016
NGÀY ĐÔNG BĂNG GIÁ
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Một lời thân ái ân tình
Là lò sưởi ấm hành trình mùa đông.
(nđc phóng ngữ)

One kind word can warm three winter months.
(Japan proverb)