Ngày 03-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật tuần 2A Mùa Chay
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:08 03/03/2020
Chúa Nhật 2 MÙA CHAY. A
(Mt. 17:1-9)
HIỂN DUNG.


Sự kiện Chúa biến hình trên núi là niềm hy vọng cho mọi kẻ tin vào vinh quang ngày sau. Một phút chốc tỏ hiện trong ánh quang, Chúa Giêsu đã củng cố niềm tin và hy vọng của các tông đồ. Chúa Giêsu đã mặc khải điều được ẩn dấu trong con người bình thường. Ngài hạ thân làm người như mọi người. Ngài đã lên núi cao bỏ lại đằng sau những vẩn đục của trần thế. Chúa biến hình có nghĩa là Chúa tỏ hiện bản tính Thiên Chúa trong con người của Ngài.

Ánh sáng thần tính soi dọi vào nhân tính đã đem lại cho chúng ta niềm hy vọng. Ánh sáng giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa vẫn đang ẩn hình trong con người và vạn vật. Thật vậy, có nhiều cái hiện hữu mà chúng ta vẫn không nhìn thấy, vì giác quan bị giới hạn trong không gian và thời gian. Chúng ta không nhìn thấy gió và không thấy dòng điện. Chúng ta chỉ thấy hậu qủa xảy ra khi cành cây rung động hay bóng đèn cháy sáng. Chúng ta cũng không thấy tình yêu, tình bạn hay tình mẫu tử. Chỉ cảm nghiệm được qua sự âu yếm, quan tâm của người khác, còn cốt lõi của tình yêu là vô hình.

Chúa Giêsu ẩn dấu vinh quang sáng lạng trong một thân xác nghèo hèn. Không ai có thể nhận ra thiên tính của Ngài ngay cả các môn đệ. Nay Chúa tỏ mình ra làm các môn đệ bỡ ngỡ và tràn ngập niềm vui. Thần tính của Chúa tỏ hiện: Diện mạo Ngài chói lọi như mặt trời và y phục của Ngài trở nên trắng tinh như tuyết.

Qua thị kiến biến hình, các tông đồ xác tín niềm tin vào Chúa Kitô và sứ mệnh của Ngài. Trong mọi lời giảng dạy, mọi cách xua trừ ma qủy, chữa lành bệnh tật và làm các phép lạ, Chúa đã tỏ ra uy quyền và thiên tính của Ngài nhưng nhiều người vẫn không nhận ra Chúa. Chúng ta cũng chứng kiến nhiều phép lạ qua việc chữa lành bệnh tật, qua các bí tích biến đổi tâm hồn, qua lời Chúa giảng dạy nhưng rồi chúng ta vẫn không nhận ra Chúa, lòng tin vẫn yếu kém.

Con đường vinh quang của Chúa là con đường thập giá. Chúa đã loan báo sự khổ nạn phải đi qua trước khi bước vào vinh quang đích thực. Chúng ta hãy tháp nhập những khổ đau, gánh nặng và thánh giá hàng ngày vào với khổ đau của Chúa trên thánh giá. Vinh quang sẽ chói ngời. Hạnh phúc đang chờ đón chúng ta nơi cuối đường. Con đường lữ hành trần thế sẽ qua đi và ánh quang phục sinh sẽ chiến thắng.

THỨ HAI
Luca 6: 36-38


Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ: Các con hãy nhân từ, đừng xét đoán, đừng kết án, hãy tha thứ và hãy cho đi. Thật là lý tưởng nếu chúng ta biết vâng nghe lời Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống. Lời Chúa là gương soi để đánh thức lương tâm của chúng ta.

Tất cả những điều Chúa dạy chúng ta, Chúa đã thực hành trong đời sống. Đây chính là những tinh hoa của Đạo Mới. Chúa là Đấng thánh thiện, trọn lành và nhân từ vô cùng. Thiên Chúa đã đối xử đại lượng với chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta hãy đáp trả tình yêu và cư xử như thế với những người anh chị em của chúng ta. Lòng nhân từ của Chúa sẽ xóa nhòa tất cả những thói ích kỷ, bủn xỉn và ghen tỵ. Lòng nhân hậu dẫn tới việc không xét đoán và không kết án.

Tình yêu khởi đi từ đời sống gia đình. Khi lọt lòng mẹ, con cái đã được ấp ủ và dưỡng nuôi trong bầu khí yêu thương gia đình. Cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu thương cha mẹ và yêu thương nhau. Lòng nhân từ của người cha và người mẹ cũng cần có để tha thứ cho con cái. Cha mẹ phải biết phân xử công bằng giữa con cái nhưng cũng cần tấm lòng yêu thương bù đắp.

Từ tình yêu thương trong gia đình sẽ giúp chúng ta lan trải tình yêu ra những người chung quanh và yêu mến cả kẻ thù.

THỨ BA
Mt. 23: 1-12


Lời nói đi đôi với việc làm sẽ có hiệu qủa tốt. Chúa Giêsu phiền trách những người nói mà không làm. Từ lời nói tới việc làm có một khoảng cách cần phải lấp đầy. Có những người thích nói, thích bày vẽ công việc nhưng không muốn cộng tác để thực hiện. Cũng có những người thích đứng bên ngoài chê bôi, phê bình chỉ trích việc của người khác nhưng lại không muốn ghé vai chia xẻ gánh vác.

Chúa Giêsu nói với dân chúng rằng: Các luật sĩ và biệt phái đứng trên tòa Môisen giảng dạy, các con hãy tuân giữ nhưng đừng làm theo hành vi của họ. Lời Chúa cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta về các hành xử của mình trong cuộc sống. Có biết bao lần chúng ta cũng rơi vào những yếu đuối như các luật sĩ. Chúng ta khuyên dạy người khác sống công chính, thành thật và gương mẫu nhưng nhìn lại bản thân mình, chúng ta còn khoảng cách rất xa.

Chúa Giêsu không ưa thích những thói tục khoe khoang bên ngoài. Người ta làm chỉ cốt để được người khác khen thưởng. Họ chất những gánh nặng trên vai người khác còn chính họ lại không muốn đụng ngón tay vào. Muốn nêu gương tốt, hãy thực hành những điều mình nói và khuyên dạy người khác.

Lạy Chúa, chúng con yếu đuối và tội lỗi lắm. Chúng con chỉ biết cậy dựa vào lòng nhân hậu của Chúa để đứng vững.

THỨ TƯ
Mt. 20: 17-28


Các môn đệ đi theo Chúa đã lâu nhưng các ông chưa hiểu được sứ mệnh của Chúa. Đã nhiều lần Chúa Giêsu hé mở cho các môn đệ biết con đường thập giá. Con đường khổ giá đó sẽ dẫn đến cái chết của Chúa Kitô. Nhưng hình như các môn đệ không quan tâm nhiều đến mầu nhiệm cứu độ. Các ngài còn mải mê sống theo thói đời. Các ông đi tìm quyền hành và chỗ đứng trong xã hội.

Bà mẹ của các con ông Giêbêđê đến xin Chúa cho hai người con là Gioan và Giacôbê, một người ngồi bên tả và một người ngồi bên hữu trong Nước Chúa. Có lẽ bà không hiểu gì về lời bà đang van xin và bà cũng không biết gì về nước trời. Lợi dụng cơ hội này, Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ bài học về sự phục vụ. Chúa nói: Ai muốn làm lớn trong các con, thì hãy là người phục vụ các con.

Trong nước trời, không có cấp bậc quyền hành như xã hội ngoài đời. Vai trò, bổn phận và trách nhiệm của các bề trên được trao phó là để phục vụ và mưu ích chung cho mọi người. Đôi khi có những vị đại diện trong Giáo hội vì lòng tham danh vọng, sự kiêu căng uy hiếp và uy quyền xét xử, đã có sự lạm dụng quyền hành để gây ảnh hưởng trong cộng đoàn và Giáo hội. Chúa Giêsu luôn nhắc nhở vai trò của người lãnh đạo là đến để phục vụ. Lạy Chúa, chính Chúa đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Xin Chúa cho chúng con biết bước theo con đường của Chúa.

THỨ NĂM
Luca 16: 19-31


Trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là loài thụ tạo suốt đời chịu ơn. Tất cả những gì chúng ta có đều là hồng ân của Chúa ban. Từ sự sống, từ hơi thở, trí khôn và sức khỏe, mọi sự đều do ơn lộc của Chúa. Chúa rút hơi thở, con người trở về hư vô. Những của cải con người kiếm tìm được ở đời này cũng chỉ là giọt nước trong đại dương. Ấy thế mà nhiều khi chúng ta cậy dựa vào những của cải chóng qua để làm bảo hiểm cho đời mình.

Bài phúc âm nói câu truyện của ông đại phú gia và ông Lazarô. Thảm cảnh giữa hai người giầu và nghèo. Người giầu mở yến tiệc linh đình. Người nghèo bệnh hoạn đói khổ không có thuốc thang và của ăn. Người giầu cảm thấy sung sướng được mọi người phục vụ và sống thoả thích trên của cải. Người nghèo, nghèo cả bạn, không ai muốn chia xẻ và kết bạn. Giữa người giầu có và người nghèo có một hố ngăn cách không phải do của cải tiền bạc nhưng do tấm lòng.

Hố sâu ngăn cách của cuộc sống này cũng chính là hố sâu ngăn cách của cuộc sống mai hậu. Chúa ban cho chúng ta có của cải, có khả năng và có cơ may trong cuộc sống không phải Chúa ban riêng cho chúng ta để hưởng lạc một mình. Chúa cho chúng ta để chúng ta cùng làm giầu cho xã hội và phân phát chia xẻ với anh chị em trong mọi khả năng. Khi chúng ta còn nhận được hồng ân của Chúa, chúng ta còn có bổn phận chia xẻ với người khác.

THỨ SÁU
Mt. 21: 33-43, 45-46


Chúa Giêsu nói với các kỳ lão trong dân dụ ngôn về chủ vườn nho và tá điền. Diễn tiến của công việc cho tá điền thuê để sinh lợi đã xảy ra nhiều sự cố đau thương. Các tá điền là những người tham lam và qủy quyệt muốn thâu lợi và chiếm hữu. Vì chủ đi xa, ông sai các đầy tớ đến thu hoa lợi nhưng đều bị từ chối và bị ám hại. Ông chủ sai chính con ruột của mình đến thu hoạch hoa qủa nhưng cũng bị đối xử tàn tệ.

Dùng dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến một vườn nho sống động, đó là vườn nho của nước trời. Vườn nho được trao phó cho các đầu mục và kỳ lão trong dân Do Thái trông coi. Họ là những người quản lý và dẫn dắt toàn dân. Qua dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã sai phái các tiên tri đến dạy dỗ và cảnh tỉnh cuộc sống của dân. Các đầu mục trong dân đã khử trừ từng vị tiên tri được sai đến. Các tiên tri đều bị bách hại, xua đuổi và giết chết. Người con duy nhất của chủ vườn cũng không thoát khỏi những mưu đồ thâm độc của họ.

Người con duy nhất đó chính là Chúa Giêsu. Những kỳ lão và đầu mục trong dân đã toa rập để diệt trừ chính Đấng mà họ đã trông mong. Họ đã cộng tác với chính quyền bảo hộ ra lệnh lên án tử hình người con duy nhất của chủ. Chúa Giêsu đã tiên báo về cái chết của chính Ngài. Ngài đã hy sinh mạng sống để cứu độ trần gian. Lạy Chúa, xin tha tội cho chúng con vì chúng con đã tham dự vào việc kết án Chúa.

THỨ BẢY
Luca 15: 1-3. 11-32


Dụ ngôn về người con phung phá làm cảm động nhiều người. Cảm động về sự trở về của người con thứ. Người con đã phung phí hết tiền của vào những sự ăn chơi trụy lạc. Đến lúc kiệt quệ, không còn đồng xu dính túi, anh phải đi làm thuê đói khổ. Tỉnh ngộ nghĩ về cha già ở nhà cùng với các người làm công ăn no ngủ yên. Anh thèm khát chút tình yêu để sưởi ấm tâm hồn. Anh cảm thấy như thiếu vắng một báu vật gì đó. Nghĩ đến cha và anh vội vã quyết định trở về xin lỗi cha.

Suy nghĩ, quyết định và đứng dậy trở về. Một thái độ dứt khoát, anh đã gặp lại được cha già. Người cha độ lượng bao dung, nhìn thấy con từ đàng xa, đã vội chạy ra đón con và ôm hôn con. Đứa con như đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Cha không cần nghe con giải thích hay xin lỗi về các tội đã phạm. Sự trở về của con đã trả lời cho tất cả. Tình yêu nhân hậu của cha đã bao dung tha thứ vượt ngoài ước mơ của anh. Cha đã mở tiệc ăn mừng.

Người anh cả buồn lòng vì cha đối xử đại lượng với người em. Đây cũng là thói thường tình ở đời. Anh cả cũng giống như mỗi người chúng ta, trong cuộc sống chúng ta tính toán, so đo hơn thiệt và ghen tị với những người chung quanh. Cha già cư xử rất bao dung đối với cả hai anh em. Cha ra van xin anh hãy vào nhà và chung vui cùng mọi người vì đứa em đã hoàn thiện trở về. Rất đúng nghĩa, khi nói rằng đây là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu.
 
Mùa Chay biến đổi tâm hồn
Lm Đan Vinh
21:20 03/03/2020


Chúa Nhật 2 Mùa Chay A
St 12,1-4a; 2 Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 17,1-9.

(1) Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. (2) Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (3) Và kìa các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. (4) Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều. Ngài một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a một cái”. (5) Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. (6) Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. (7) Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!”. (8) Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giê-su biến hình trên một núi cao trước mặt ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Mặt Người chiếu sáng như mặt trời. Áo người trở nên trắng như tuyết. Có hai nhân vật Cựu Ước là Mô-sê và Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người, có tiếng Chúa Cha giới thiệu Người là Con yêu dấu và đòi các môn đệ phải vâng nghe lời Người. Ba môn đệ từ vui mừng đến khiếp sợ khi đối diện với vinh quang Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: +Các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê: Đây là ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giê-su. Các ông là những người nhiệt thành yêu mến Thầy, và được trao các nhiệm vụ then chốt, nên Đức Giê-su đã cho các ông thấy trước vinh quang của Người, để thêm lòng tin, hầu đủ sức vượt qua giờ phút đau thương trong cuộc khổ nạn của Người (x. Mt 26,37). + Một ngọn núi cao: Theo truyền thống xa xưa, thì đó là ngọn Ta-bo. Tuy núi này chỉ cao 360 m so với Địa Trung Hải, nhưng nằm trên cánh đồng rộng lớn Ét-rê-lon, cũng gây cho người ta cảm tưởng một ngọn núi cao. Ngày nay nhiều người nghĩ tới ngọn Khéc-môn cao 2.795 m gần thành Xê-da-rê của Phi-líp-phê. Đi từ Xê-da-rê tới nơi mất khoảng 5 ngày đường như Tin Mừng đã viết. Tuy nhiên có lẽ khi viết câu này, Mát-thêu chỉ chú trọng đến ý nghĩa tượng trưng của Núi: Núi là nơi khởi đầu và kết thúc mặc khải của Thiên Chúa đối với Mô-sê thời Cựu Ước hay với Đức Giê-su thời Tân Ước (x. Mt 5,1; 28,16). Núi cũng là nơi quy tụ muôn người nên một trong Nước Trời trong thời cánh chung (x. Mt 15,29; Is 2,2-3). + Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông: Đức Giê-su tỏ bày Thiên tính vinh quang của Người cho các môn đệ thấy. Trong thời Xuất Hành, sau mỗi lần đàm đạo với Đức Chúa, mặt Mô-sê sáng chói, đến nỗi dân Ít-ra-en sợ không dám lại gần ông (x. Xh 34,29-30). + Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng: “Chói lọi như mặt trời” là biểu hiện của sự thuộc về thiên quốc (x. Mt 28,3; Cv 9,3) và thời cánh chung (x. Kh 1,14; 4,4). Theo thể văn khải huyền thì y phục trắng tinh giống như ánh sáng là biểu hiện vinh quang thiên giới dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn.
- C 3-4: + Ông Mô-sê và ông Ê-li-a: Hai ông này tượng trưng cho Luật Mô-sê và các ngôn sứ, nghĩa là cho toàn bộ Cựu Ước. Như thế tất cả Cựu Ước đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giê-su. Hai vị này đàm đạo với Đức Giê-su về cái chết của Người sắp được thực hiện tại Giê-ru-sa-lem như một cuộc Xuất Hành Mới (x. Lc 9,31). Như vậy, toàn bộ khung cảnh biến hình này đều qui hướng về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su. + Dựng ba cái lều: Theo truyền thống Do thái thì Thiên Đàng được gọi là “Lều vĩnh cửu” hay “Nhà tạm đời đời” (x. Lc 16,9). Vào thời cuối cùng, Thiên Chúa sẽ ngự giữa dân Người trong lều vinh quang của Người, và dân chúng sẽ cắm lều quanh Đấng Cứu Thế (x. Ga 1,14).
- C 5-6: + Đám mây sáng ngời bao phủ các ông: Trong Cựu Ước, khi tiếp xúc với dân Ít-ra-en, Đức Chúa thường xuất hiện trong đám mây (x. Xh 24,15-16). Ở đây, Thiên Chúa dùng mây che phủ các ông, để nói lên sự can thiệp đặc biệt như Người đã từng cho mây rợp bóng trên dân Ít-ra-en xưa (x. Xh 13,21; 14,19-20), hay “rợp bóng” trên Đức Ma-ri-a vào ngày sứ thần truyền tin sau này (x. Lc 1,35). + Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người: Lời này nhắc lại lời Chúa Cha phán khi Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Mt 3,17). Nhưng ở đây còn thêm mệnh lệnh cho các môn đệ: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Qua đó, cho thấy Đức Giê-su chính là vị Mô-sê Mới thời cánh chung sẽ xuất hiện thay thế cho Mô-sê cũ thời Xuất Hành (x. Đnl 18,15). + Các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất: Thái độ và cử chỉ của các môn đệ là phản ứng người ta thường có khi tiếp xúc với Thiên Chúa (x. Xh 19,21; Is 6,5).
- C 7-9: + “Trỗi dậy đi, đừng sợ!”: Đức Giê-su đã ra lệnh các môn đệ giống như khi Người phục sinh đứa bé gái con viên thủ lãnh (x. Mt 9,25). + Chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi: Khi tiếng nói vừa dứt, thì mọi sự cũng tan biến theo. Từ đây, chỉ còn một mình Đức Giê-su là Thầy dạy của Luật mới, Luật hoàn hảo và vĩnh viễn. + “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”: Lệnh truyền: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy” cho thấy một mầu nhiệm lớn lao vừa được mặc khải (x. Đn 12,4.9). Có lẽ Đức Giê-su muốn tránh sự xáo trộn về chính trị, vì dân Do thái lúc bấy giờ đang trông chờ một Đấng Thiên Sai đến giải phóng họ khỏi ách thống trị của Rô-ma. Chỉ sau khi Chúa Giê-su sống lại thì vai trò của Người mới được hiểu cách đúng đắn theo thánh ý Thiên Chúa.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao ba ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lại được Đức Giê-su cho chứng kiến cảnh Người biến hình?
2) Núi cao nói đây là núi nào? Thực ra, Núi ở đây ám chỉ điều gì?
3) Thời Xuất Hành, nhân vật nào cũng được biến hình giống như Đức Giê-su?
4) Việc Đức Giê-su biến đổi dung nhan và áo mặc mang ý nghĩa gì?
5) Hai ông Mô-sê và Ê-li-a là đại diện điều gì? Nội dung hai ông đàm đạo với Đức Giê-su xoay quanh đề tài nào?
6) Lều là hình ảnh tượng trưng điều gì?
7) Đám mây bao phủ các môn đệ tượng trưng gì?
8) Lời Chúa từ đám mây khẳng định thế nào về Đức Giê-su?
8) Tại sao Đức Giê-su đòi ba môn đệ phải giữ kín điều họ mới được chứng kiến?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

“Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2).

2. CÂU CHUYỆN:

1) HOÀNG TỬ GÙ LƯNG:

Tập nhân đức trái với thói hư là phương thế giúp nên hoàn thiện.
Có một hoàng tử kia đẹp trai lại văn võ song toàn. Nhất là luôn khiêm tốn hòa nhã, nên rất được vua cha và bá quan trong triều nể phục. Hoàng tử chỉ có một khuyết điểm duy nhất là cái tật gù lưng từ lúc mới sinh. Chính vì mang dị tật ấy mà chàng bị mặc cảm tự ti và không dám xuất hiện trước công chúng. Triều đình có cái lệ này là tạc tượng các nhân vật trong hoàng tộc khi họ được 20 tuổi. Bức tượng ấy sẽ được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân chiêm ngưỡng. Năm đó, hoàng tử vừa tròn 20 tuổi. Dù không muốn cho người ta tạc tượng, nhưng không dám trái lệnh vua cha, chàng chỉ yêu cầu hai điều và được vua cha chấp thuận: Một là bức tượng của chàng phải được tạc trong tư thế đứng thẳng chứ không bị gù lưng. Hai là bao lâu chàng còn sống thì chỉ được đặt bức tượng ấy tại phòng riêng của chàng.
Từ khi có bức tượng trong phòng, mỗi ngày hoàng tử đều đến trước tượng ngắm nhìn hình ảnh của mình. Chàng rất thích dáng vẻ hiên ngang của bức tượng, và cố bắt chước tư thế của bức tượng. Sau một thời gian, mọi người đều ngạc nhiên nhận thấy hoàng tử đã được biến đổi không còn bị gù lưng như trước nữa. Trái lại chàng có dáng vẻ hiên ngang oai vệ giống hệt bức tượng trong phòng của chàng. Sau khi sửa được cái tật gù lưng, hoàng tử đã đồng ý cho trưng bày bức tượng của mình tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân mặc sức chiêm ngưỡng.

Trong Mùa Chay này, chúng ta cần tìm ra mối tội đầu là thói xấu quan trọng đang mắc phải và quyết tâm làm các việc cụ thể thuộc nhân đức đối lập để khắc phục thói hư.

2) TU THÂN, TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ:

Cần thay đổi bản thân trước hết. Một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau: Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này".
Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.”
Giờ đây tôi đã già và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con."
Và ông kết luận: “Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời.”
(Anthony de Mello, Trích trong “The Song of the Bird”)

3) SƯ TỬ NGẠO MẠN ĐÃ TỰ HẠI MÌNH:

“cái tôi” ích kỷ tự mãn là kẻ thù lớn nhất. Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Ngày xưa thỏ và sư tử sống gần nhau, nhưng sư tử rất kiêu ngạo, vẫn cho mình là to khoẻ nên xem thường loài thỏ. Sư tử thường mắng thỏ và doạ nạt thỏ suốt ngày. Thỏ tức mình không chịu nổi mới nghĩ ra cách báo thù.
Một lần kia nó nói với sư tử rằng: “Thưa ông anh, em vừa gặp một thằng to lớn và trông giống anh lắm. Nó bảo em rằng: "Trên đời này nó chưa sợ ai, và cũng chưa ai dám đối mặt với nó". Thằng cha này không coi ai ra gì cả!
Sư tử tức giận và bảo rằng: "Thế mày có nhắc đến tên tao không?"
Thỏ trả lời: “Sao lại không? Em vừa nhắc đến tên anh thì nó lồng lộng lên và bảo rằng anh chỉ đáng đàn em nó thôi”.
Sư tử càng tức điên người lên và hỏi: “Nó ở đâu? dẫn tao đến ngay”.
Thỏ liền dẫn sư tử ra phía sau núi, và chỉ một cái giếng sâu và bảo: “Đấy, nó ở trong đó đấy!”. Sư tử đi lại gần giếng vẻ mặt căm tức nhìn xuống đáy giếng. Quả thực, nó trông thấy một tên sư tử cặp mắt giận dữ đang trừng trừng nhìn nó. Sư tử liền rống lên một tiếng ra oai và tên kia cũng rống lên một tiếng giống như nó. Sư tử xù lông cổ lên và tên kia cũng xù lông cổ lên không sợ hãi. Sư tử nhe nanh múa vuốt đe doạ, tên kia cũng hăm dọa lại. Sư tử căm tức đến tột độ liền dồn hết sức nhảy phốc xuống giếng để cho thằng khốn nạn kia một bài học. Thế là, con sư tử ngạo mạn đã tự huỷ diệt đời mình dưới giếng sâu không sao trèo lên được nữa...

Trong các thói hư thì thói kiêu ngạo đứng hàng đầu, thể hiện qua thái độ luôn tự mãn về cái tôi ích kỷ của mình, thích được người khác khen ngợi xu nịnh hoặc hay tự đề cao mình lên và coi thường người khác, luôn lấn át những người thân cô thế cô hoặc những ai yếu thế hơn mình.

4) BIẾN TỪ NGƯỜI TỐT THÀNH KẺ XẤU CHỈ SAU VÀI NĂM PHÓNG ĐÃNG:

Nhiều người đã được trông thấy bức ảnh rất nổi tiếng của nhà danh hoạ LEONARD DE VINCI, trong đó có các hình ảnh của Chúa Giê-su với 12 tông đồ đang ăn Bữa Tiệc Ly. Sau đây là câu chuyện về sự hình thành của bức tranh này:

Sau khi sơ phác bức tranh, họa sĩ Leonard muốn tìm một khuôn mặt nhân hậu bao dung và đẹp đẽ, để làm mẫu vẽ khuôn mặt cực thánh của Chúa Giê-su, thì may mắn làm sao: một ngày nọ khi tham dự thánh lễ tại một nhà thờ nọ, ông nhìn thấy trong đám ca viên hát lễ, có một thanh niên tên Pietro Bandenelli, có nét mặt khôi ngô phi thường. Sau một hồi tiếp xúc, cậu ta đã bằng lòng theo họa sĩ về xưởng tranh để làm mẫu cho ông vẽ khuôn mặt của Chúa Giê-su.
Sau đó, họa sĩ tiếp tục dành nhiều thời gian để vẽ các khuôn mặt 12 tông đồ. Khi vẽ khuôn mặt của Giu-đa phản bội, ông tìm mãi mà không thể tìm ra một con người có nét mặt vừa gian ác vừa xấu xí để làm mẫu vẽ tông đồ này. Một hôm khi đi qua một khu chợ, tình cờ họa sĩ nhìn thấy một gã ăn mày bên lề đường có khuôn mặt rất gian ác xấu xa, quần áo nhếch nhác bẫn thỉu, đang giơ chiếc nón ra xin ông làm phúc bố thí. Họa sĩ thầm nghĩ: Có lẽ đây chính là kẻ mình muốn tìm. Dù có đi hết các phố chợ trong thành phố cũng chẳng thể tìm ra kẻ nào có khuôn mặt xấu xa gian ác hơn gã ăn mày này. Ông đề nghị anh ta làm người mẫu với một số tiền thù lao khá hậu hĩnh và anh ta đã vui vẻ theo ông về xưởng vẽ, giúp ông hoàn thành bức họa chỉ còn thiếu khuôn mặt của Giu-đa phản bội.
Sau khi đã ngồi làm người mẫu và nhận tiền thù lao, trước khi ra về, gã ăn mày yêu cầu và được họa sĩ cho xem bức tranh hoàn tất. Đột nhiên gã ta bật khóc, và khi được hỏi lý do thì gã đã tâm sự như sau: “Ông quên tôi rồi sao? Cách đây mấy năm, tôi cũng được ông mời đến đây làm người mẫu giống như hôm nay. Lúc đó ông đã khen tôi có khuôn mặt đẹp như thiên thần và ông lấy tôi làm mẫu vẽ khuôn mặt của Chúa Giê-su... Nhưng sau đó, tôi đã lỡ dại nghe theo bạn bè, sa đà vào các thói hư như rượu chè, hút chích, chơi bời trác táng và nợ nần chồng chất. Tôi đã phải đi trộm cướp rồi bị cảnh sát bắt đi tù. Khi được thả, sức khỏe bị suy yếu và không nghề nghiệp, tôi rơi vào cảnh đói khát bần cùng, phải đi ăn xin như ông đã thấy”.

Phải. Đây chính là câu chuyện điển hình của một cuộc biến đổi hình dạng: từ một khuôn mặt tốt đẹp thánh thiện ban đầu trở thành xấu xa gian ác chỉ sau mấy năm chơi bời trác táng!

3. SUY NIỆM:

1) CÂU CHUYỆN BIẾN HÌNH CỦA ĐỨC GIÊ-SU:

Tin Mừng thuật lại câu chuyện Đức Giê-su biến hình trước mặt ba môn đệ thân tín là các ông: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Chính khi ở trên núi cao và trong lúc Đức Giê-su đang cầu nguyện sốt sắng, mà các môn đệ đã nhìn thấy khuôn mặt của Người biến đổi: Dung nhan Người trở nên sáng ngời như Mô-sê xưa kia, sau khi ông được gặp gỡ Đức Chúa (x. Xh 34,29-35); Y phục của Đức Giê-su trở thành trắng tinh như ánh sáng là biểu hiện vinh quang thiên giới dành cho các người được Thiên Chúa tuyển chọn; Đồng thời có hai nhân vật đại diện Lề Luật và ngôn sứ thời Cựu Ước là ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Như vậy tất cả Cựu Ước đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giê-su. Điều đáng lưu ý là giữa vinh quang ấy, hai vị này đã đàm đạo về cái chết của Đức Giê-su, như một cuộc Vượt Qua Mới mà Người sắp trải qua tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra còn có đám mây tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, và tiếng phán của Chúa Cha từ trong đám mây xác nhận Đức Giê-su là Mô-sê Mới của thời Cánh Chung, như ông Mô-sê đã từng tuyên sấm (x. Đnl 18,15).

2) ĐI THEO CON ĐƯỜNG: “QUA ĐAU KHỔ VÀO TRONG VINH QUANG”:

Đức Giê-su được biến hình sau khi đã chấp nhận cuộc Thương Khó và đã chiến thắng Xa-tan cám dỗ qua lời can của ông Phê-rô (x. Mt 16,22-23). Người cương quyết đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” theo thánh ý Chúa Cha.

Trong Mùa Chay này, để được thay hình đổi dạng như Đức Giê-su, chúng ta cần kiên trì tập luyện, chấp nhận đường thập giá nhỏ hẹp leo dốc.

Phải siêng năng cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa, và sẵn sàng từ bỏ ý riêng để vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa. Nhờ đó, chúng ta hy vọng sẽ được vào trong vinh quang phục sinh với Người.

3) MÙA CHAY LÀ THỜI GIAN THUẬN TIỆN ĐỂ BIẾN ĐỔI NÊN TỐT HƠN:

Muốn được “biến hình” nên “con yêu dấu của Thiên Chúa”, trong Mùa Chay này chúng ta cần thực hành lời Chúa Cha dạy các môn đệ là vâng nghe lời Đức Giê-su. Không chỉ nghe bằng tai, bằng mắt mà còn nghe bằng lòng trí và bằng cuộc sống quy chiếu theo gương mẫu và lời Chúa dạy cụ thể như sau:

- Năng tham dự thánh lễ để được gặp Chúa Giê-su trong phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Năng đọc và suy niệm Lời Chúa trong giờ kinh tối hằng ngày, tham dự các buổi “học sống Lời Chúa” theo Nhóm nhỏ hằng tuần…
- Trong ngày hãy năng cầu nguyện như trẻ Sa-mu-en trong đền thờ khi xua: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe'' (I Sm 3,9), hoặc như Sau-lô sau khi bị ngã ngựa ở thành Đa-mát: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (x. Cv 22,10).
- Mỗi khi gặp hoàn cảnh thực tế không biết phải ứng xứ thế nào cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, chúng ta hãy thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, nếu Chúa ở trong hoàn cảnh của con bây giờ thì Chúa sẽ làm gì?”. Rồi lắng nghe Lời Chúa phán trong lòng trí và quyết tâm thực hành lời Chúa dạy.
- Ngoài ra còn phải sống Lời Chúa cụ thể bằng việc: thăm viếng bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, nhà nuôi người già, nhà tình thương… để chia sẻ cơm bánh cụ thể; Đến với anh em lương dân muốn theo đạo để truyền giảng Tin Mừng cho họ…

4. THẢO LUẬN:

Mùa Chay là mùa biến đổi: lọai bỏ tội lỗi xấu xa để nên tốt lành hơn. Vậy trong Mùa Chay này chúng ta cần biến đổi điều gì trong lối sống đạo, để trở nên Con rất yêu dấu của Chúa Cha như Chúa Giê-su?

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa muốn chúng con thực thi giới răn quan trọng nhất là sống tình yêu thương tha nhân. Tuy nhiên nói thì dễ, nhưng thực hành lại không dễ chút nào. Thực vậy: Làm sao chúng con có thể yêu thương được một người hàng xóm lắm điều xấu tính; Một ông chồng khó ưa hay bẳn gắt nạt nộ vợ con; Một người mua hàng tham lam gian dối; Một bà hàng xóm ưa tò mò tọc mạch, hay nói xấu thêm bớt để hạ uy tín của chúng con…? Xin giúp chúng con biết nhẫn nhịn chịu đựng, cầu nguyện điều lành cho họ, làm điều tốt để đáp lai điều xấu. Ước gì chúng con luôn nói những lời an ủi động viên những người gặp đau khổ rủi ro. Ước gì chúng con biết quảng đại chia sẻ tiền bạc vật chất cho những bệnh nhân nghèo đói mắc chứng bệnh nan y. Ước gì chúng con biết mở rộng vòng tay thân ái đón nhận tha nhân và nhìn họ là anh chị em, là con của một Cha Chung trên trời là Thiên Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Lên Núi Thánh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:29 03/03/2020


Chúa Nhật 2 Chay A

Giữa hai lần báo trước biến cố Thương Khó và Phục Sinh, Đức Giê-su đưa ba môn đệ ra khỏi đời thường để bước vào thế giới của Thiên Chúa. Ở đó, những điều xảy ra nhằm mặc khải căn tính của Đức Giê-su. Biến cố trên núi cao báo trước sự Phục Sinh của Đức Giê-su vì Người có nguồn gốc thần linh, Người có Cha là Thiên Chúa, Người là Con và được Chúa Cha yêu thương. Chính Chúa Cha ra lệnh cho các môn đệ lắng nghe giáo huấn của Đức Giê-su.

Trình thuật bắt đầu bằng sự tách biệt với đời thường về thời gian, về không gian và về con người: “Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).

Về thời gian là “sáu ngày sau”, đánh dấu sự phân cách với những gì đã xảy ra trước đó một tuần. Về nơi chốn: ba môn đệ được tách riêng ra một nơi và được đưa lên một ngọn núi cao. Về con người: chỉ có ba môn đệ được chọn: “Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an”.

Sau khi được tách biệt khỏi thời gian và không gian bình thường, những gì xảy ra trên núi thuộc về một thế giới khác. Đó là thế giới của Thiên Chúa, thế giới không còn khoảng cách thời gian và không gian, thế giới mà ngôn ngữ không thể diễn tả được. Trong khoảng khắc thần linh đó, mặc khải của Thiên Chúa được tỏ bày qua thị giác (để thấy) và qua thính giác (để nghe).

Đức Giê-su được biến đổi hình dạng trước mặt ba môn đệ: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Nếu dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời thì làm sao các môn đệ có thể nhìn mà không bị mù mắt. Nếu y phục của Đức Giê-su trở nên trắng tinh như ánh sáng thì làm sao các môn đệ có thể thấy được, vì không ai thấy được ánh sáng mà chỉ có thể thấy sự phản chiếu của ánh sáng nơi sự vật mà thôi.

Thực ra, đây là cách diễn tả những thực tại thần linh bằng thứ ngôn ngữ thị kiến của sách Khải Huyền. Ba môn đệ đang đối diện với thế giới của Thiên Chúa, đối diện với những thực tại thuộc về Thiên Chúa, đối diện với vinh quang của Thiên Chúa, nên ngôn ngữ loài người hoàn toàn bất lực. Ngôn ngữ loài người không mô tả được, chỉ vì điều xảy ra không có trong kinh nghiệm cuộc sống thường ngày của con người. Bằng ngôn ngữ, sách Khải Huyền chỉ có thể mô tả những thị kiến về thế giới thần linh bằng các từ: “như”, “giống như”, “tựa như”... còn điều trông thấy thì không thể mô tả được. Chẳng hạn Gio-an mô tả thị kiến ở Kh 4,2-3: “Lập tức tôi xuất thần. Kìa một cái ngai đặt ở trên trời và có một Đấng ngự trên ngai. Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc”. Kh 4,6 viết: “Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê”. “Trông giống như...”, “như...”, còn thực sự thế nào thì không mô tả được.

Có thể nói, trên núi cao, giữa trời và đất, ba môn đệ được thấy “thị kiến” về Đức Giê-su trong thế giới của Thiên Chúa, chỉ có thể mô tả bằng so sánh “như”: “Chói lọi như mặt trời”, “trắng tinh như ánh sáng”, nghĩa là dung nhan của Đức Giê-su không phải là mặt trời, và y phục của Người cũng chẳng phải là ánh sáng, chỉ là “như”, “giống như” mà thôi.

Trong thế giới thần linh ấy, các nhân vật sống cách nhau hàng thế kỷ có thể ngồi lại đàm đạo với nhau. Theo Kinh Thánh, Mô-sê dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập vào thế kỷ XIII TCN, Ê-li-a là ngôn sứ dưới thời vua A-kháp, thế kỷ VIII TCN và Đức Giê-su thế kỷ I SCN. Nội dung đàm đạo không được kể ra, nhưng điều chắc chắn là có trao đổi giữa các nhân vật. Trong thế giới trên cao, điều nhấn mạnh là tương quan giữa người sống và người đã khuất, là nối kết giữa các thế hệ với nhau, như thể khoảng cách thời gian không còn nữa. Ba môn đệ là chứng nhân cuộc đàm đạo nhưng nội dung lại vượt ra ngoài sự nắm bắt của người phàm.

Mặc khải bằng thị kiến kết thúc với sự lên tiếng của con người, cụ thể là Phê-rô, và chuyển sang hình thức mặc khải thứ hai: “Tiếng nói từ đám mây”: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (17,5). Từ kinh nghiệm thị kiến, thấy bằng mắt, chuyển sang mặc khải bằng lời qua tiếng phát ra. Các môn đệ chỉ có thể lãnh hội được nội dung bằng cách “nghe”. Tiếng phát ra từ đám mây không phải là tiếng con người, tiếng này có nguồn gốc từ trời và bí ẩn. Lối hành văn phù hợp với bối cảnh của biến cố trình bày mặc khải của Thiên Chúa.

Đối diện với thế giới của Thiên Chúa và vinh quang của Người, các môn đệ đã “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất” (17,5). Chính Đức Giê-su đã đưa các ông trở lại đời thường bằng cách chạm vào các ông và nói: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”, các ông ngước mắt lên và mọi chuyện lại trở về thực tế. Nhưng biến cố ấy, những gì đã thấy, những lời đã nghe, sẽ không bao giờ rời khỏi các ông. (x. Suy niệm CN 2 Mùa Chay A, Giu-se Lê Minh Thông, O.P.)

Ba môn đệ thân tín được Đức Giê-su dẫn lên núi Tabor. Ở đó cả ba nhìn thấy vinh quang của vương quốc Thiên Chúa chói sáng nơi Đức Giê-su. Trên núi, đám mây thánh thiện của Thiên Chúa bao phủ họ. Trên núi, trong cuộc đàm đạo của Đức Giê-su Hiển Dung với Lề luật và Tiên tri, họ hiểu rằng, giờ của ngày Lễ Lều đích thực đã đến. Trên núi, họ cảm nghiệm, Đức Giêsu chính là Tora sống động, là lời trọn vẹn của Thiên Chúa. Trên núi, họ thấy “quyền lực” của vương quốc đang đến trong Đức Ki-tô. Nhưng chính trong sự gặp gỡ đáng sợ với vinh quang của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, họ phải học biết điều thánh Phao-lô nói trong lá thư thứ nhất gởi giáo đoàn Cô-rin-tô với các môn đệ thuộc mọi thời đại: “Chúng tôi rao giảng một Đức Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, Người là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1,23-24). Sức mạnh của vương quốc tương lai xuất hiện nơi Đức Giê-su Hiển Dung, Đấng nói với các chứng nhân Cựu ước về sự cần thiết của cuộc khổ nạn như con đường tiến đến vinh quang (x. Lc 24,26-27). Như thế, họ được tiền dự vào ngày quang lâm; nhờ đó dần dần họ được dẫn vào mầu nhiệm sâu thẳm của Đức Giê-su.(x.Đức Giêsu thành Nazareth, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh biên dịch, trang 273).

Đức Giê-su đưa các môn đệ lên đỉnh núi Tabor chiêm ngắm vẻ đẹp của thế giới thần linh, sau đó Ngài đưa các môn đệ xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên núi Sọ. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Đức Giê-su phải chịu khổ nạn, chịu chết rồi mới Phục Sinh mở lối vào thiên đàng. Hai đỉnh núi: núi Ta-bor và núi Sọ cách nhau không xa về địa lý nhưng lại là con đường vạn lý. Chỉ có con đường tình yêu mới nối liền hai núi mà thôi.Với Đức Giêsu, vinh quang núi Ta-bor chỉ là chốc lát, chỉ là khởi đầu, chỉ là lời báo trước cho mầu nhiệm núi Sọ nơi vinh quang vĩnh cửu sau cuộc Khổ Nạn. Còn với Phê-rô, đây là vinh quang của ơn cứu độ, và ông phải dấn mình vào: ông tưởng rằng không cần có thập giá vẫn có vinh quang. Mãi đến sau này, sau biến cố Phục Sinh, ông mới hiểu rõ và thuật lại toàn bộ sự kiện (x. 2 Pr 1,16-20).

Thánh Phê-rô cùng các Tông đồ còn phải vượt qua những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, còn phải chịu đau khổ vì Thầy chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước. Các ngài chỉ đi một con đường Thầy mình đã đi qua. Đó là con đường tình yêu.

Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự Thánh lễ, kinh nguyện, những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi Tĩnh Tâm. Cần phải dành những giây phút lên núi với Chúa : Núi của thánh lễ, núi của cầu nguyện, núi của sám hối, núi của những dịp tĩnh tâm. Đó là những giây phút lên núi để gặp gỡ Chúa, để lắng nghe, để chiêm niệm, để biến đổi bản thân mình.

Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những thách đố của đời sống. Núi Thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên Đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.

Chúng ta có sẵn sàng nhận lời mời của Chúa Giê-su để cùng với Người “lên núi” không? Mỗi lần Cầu Nguyện, Tĩnh Tâm, Linh Thao, Dâng Lễ, lắng nghe Lời Chúa, đón nhận các Bí Tích, là chúng ta được “lên núi” với Chúa. Nhiều lần “lên núi” như thế là để thực tập cho quen với một lần “lên Núi Thánh” là đỉnh cao cuối cùng trong Nước Trời.


 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
22:28 03/03/2020
14. Vì yêu Đức Chúa Giê-su là duyên cớ mà thương yêu người nghèo khổ, thì lớn hơn tự mình xót thương Đức Chúa Giê-su. (Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
23:01 03/03/2020
61. TƯỞNG LẦM MÀ KHÔNG LẦM

Vào thời Minh Mục Tông, vợ của quận Thiệu Hưng là quận hầu Sầm mang thai sắp lâm bồn.

Một hôm, quận hầu Sầm đi ra khỏi nhà, có người đi bộ né không kịp nên tông vào ông ta và thế là bị trói đem vào trong phủ.

Quận hầu Sầm hỏi:

- "Mày làm việc gì?”

Đáp:

- “Coi tướng số”.

Quận hầu Sầm hào hứng lên bèn hỏi:

- "Vợ của ta có thai, là “lộng chương hay là lộng ngõa?"

Người tướng số không hiểu “lộng chương lộng ngõa” là gì nên trả lời hồ đồ:

- Chương cũng lộng, ngõa cũng lộng”.

Quận hầu Sầm giận dữ nặng lời chỉ trích người coi tướng bất tài. Không đầy mấy ngày sau, vợ của ông ta sinh đôi một trai và một gái, người coi tướng nổi danh từ đó, được vinh dự là “coi tướng như thần”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 61:

Có những lời nói đoán mò nhưng lại đúng vào thời điểm nên được gọi là “coi tướng như thần”; có những lời nói đúng nhưng sai thời điểm nên bị coi là kẻ phá hoại. Con người ta thường hay phán đoán theo tình cảm cá nhân chứ ít khi phán đoán theo tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su.

Sinh con trai hay con gái thì thời nay khoa học đều có thể biết vì có máy siêu âm, nhưng để biết tính tình của con tốt hay xấu thì chỉ có...trời mới biết được.

Thời nay người ta cậy vào sự tiến bộ khoa học của y khoa để giết con mình: mình thích con trai nhưng siêu âm thấy bào thai là con gái thì giết nó ngay trong bụng mẹ, gọi là phá thai, hoặc nếu không thích con trai nhưng bào thai là con trai thì giết đi, tất cả hành động này được gọi là tàn nhẫn vô nhân đạo và cha mẹ sẽ chịu tất cả những hậu quả trước mặt Thiên Chúa ngay đời này và đời sau, bởi vì con cái (con trai hay con gái) đều là món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho cha mẹ...

Sinh con trai hay sinh con gái đều do Thiên Chúa chứ không phải do cha mẹ muốn, bởi vì Ngài biết gia đình này cần con trai hơn con gái, hoặc cần con gái hơn con trai, nhưng giết con từ trong bào thai là ý muốn của cha mẹ, bởi vì cha mẹ chỉ biết theo ý riêng của mình mà không nhìn thấy thánh ý của Thiên Chúa qua con cái của mình, cho nên trên thế gian hằng ngày vẫn có rất nhiều nhiều thai nhi bị giết chính tay cha mẹ ruột của mình.

Điều răn thứ năm của Thiên Chúa: chớ giết người.

Nhưng cha mẹ lại đi giết con ruột vì tính ích kỷ của mình, đó là hành động của kẻ sát nhân hơn mọi kẻ sát nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng: Tòa Thánh nhận định sai về Trung Quốc
Đặng Tự Do
04:19 03/03/2020
Nam tước Christopher Francis Patten, tên tiếng Hoa là Bàng Định Khang (彭定康) là toàn quyền cuối cùng của Hương Cảng từ ngày 19 tháng 7, 1992 cho đến ngày 30 tháng 6, 1997 khi miền đất này được trả lại cho Trung Quốc. Trước khi làm toàn quyền Hương Cảng, ông đã từng làm chủ tịch Đảng Bảo Thủ Anh từ năm 1990 đến 1992.

Là người Anh, gốc Ái Nhĩ Lan, ông là một người Công Giáo rất có ảnh hưởng tại cả Anh quốc lẫn Ái Nhĩ Lan.

Tờ The Tablet, của Công Giáo Anh, vừa đăng một bài phỏng vấn ông về thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Vatican “got it wrong” about China says Patten

Nam tước Patten cho rằng Vatican “nhận định sai” về Trung Quốc.


Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng, Nam tước Patten của xứ Barnes, cho biết ông nghĩ rằng Tòa Thánh đã sai lầm về Trung Quốc trong những nỗ lực của mình nhằm tái lập quan hệ với chính quyền của Tập Cận Bình.

Nói với báo The Tablet, cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ Anh cho biết: “Tất nhiên tôi ủng hộ các cố gắng của Tòa Thánh làm những gì có thể được để giúp người Công Giáo và các Kitô hữu khác được thờ phượng dễ dàng ở Trung Quốc.”

Nhưng ông nói thêm: “Tôi chỉ nghĩ rằng thời gian này là một thời gian lạ thường để làm điều đó với một chính phủ Trung Quốc đã đi thụt lùi về phương diện nhân quyền – họ đã làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với nhân quyền. Đó là những gì Tập Cận Bình đã và đang làm.”

Nam tước Patten đã nói chuyện với tờ The Tablet ở Dublin sau khi ông đọc một diễn văn về “Tương lai của nền dân chủ tự do”. Bài thuyết trình này được tổ chức bởi tạp chí Các Nghiên Cứu của Dòng Tên và được tổ chức nhằm vinh danh Peter Sutherland, cựu Tổng chưởng lý Ái Nhĩ Lan và là người bảo trợ cho tạp chí này.

“Thật đáng buồn là dưới thời Tập Cận Bình, mọi thứ đã bị lùi lại tại Trung Quốc,” ông nói và nhận xét thêm rằng Vatican cố gắng bình thường hóa mối quan hệ với Trung Quốc vào thời điểm này là “không phải lúc”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị (Wang Yi-王毅), đã gặp Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, vào ngày 14 tháng Hai để thảo luận về sự phát triển của tình hình kể từ khi một thỏa thuận Trung Quốc -Vatican được ký kết vào năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc. Nam tước Patten lưu ý rằng nhà ngoại giao cộng sản này có cùng tên với một mục sư Kitô giáo nổi tiếng, là người đã bị kết án chín năm tù vào tháng 12 vừa qua vì tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Mục sư Vương Nghị của Giáo hội Giao ước Mưa Sớm (Early Rain Covenant Church - 早雨圣约教堂) đã bị bắt vì chỉ trích các chính sách độc đoán của Tập Cận Bình.

Nam tước Patten nhấn mạnh rằng: “Người mà họ vừa bổ nhiệm đứng đầu văn phòng Hương Cảng và Ma Cao sự vụ nhằm đối phó với tình hình ở Hương Cảng đã khởi đầu sự nghiệp của mình bằng cách xóa bỏ những biểu tượng Kitô giáo trong tỉnh mà hắn ta điều hành trước đây.”

Hạ Bảo Long (Xia Baolong - 夏宝龙) là đồng minh thân cận của Tập Cận Bình và từng làm phó cho hắn ta ở tỉnh Chiết Giang (Zhejiang - 浙江). Hơn 1,200 cây thánh giá đã bị gỡ bỏ và hàng loạt các nhà thờ đã bị phá hủy từ năm 2013 đến 2017 khi Hạ Bảo Long là Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, một trong những khu vực có đông tín hữu Kitô nhất Hoa Lục.

Nam tước Patten đặt câu hỏi: “Làm thế nào bạn có thể bang giao về các vấn đề tôn giáo với một chế độ đang giam cầm một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương?”

Ông nói thêm: “Tôi thấy mình đồng cảm với Đức Hồng Y Trần Nhật Quân và với những người khác về điều này. Tôi ngưỡng mộ những người ở Rôma, những người đã cố gắng trong nhiều thập kỷ để cải thiện mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc. Tôi biết những vấn đề này không dễ dàng chút nào. Nhưng tôi nghĩ rằng bây giờ không phải là lúc để làm điều này với một chính phủ Trung Quốc đã đi thụt lùi về phương diện nhân quyền.”

Nam tước Patten, người lãnh đạo Ủy ban Độc lập về Chính sách cho Bắc Ireland, cũng đã nói chuyện với The Tablet về Ả Rập Saudi và nói rằng Anh và Châu Âu không thể áp dụng tiêu chuẩn kép.

“Trong khi chúng ta đang thực hiện một đường lối cứng rắn đối với Iran và Syria về mặt nhân quyền, chúng ta không thể bỏ qua những gì đã xảy ra ở Ả Rập Saudi, cho dù đó là vụ giết một người bất đồng chính kiến hay là việc tiếp tục ngược đãi phụ nữ.”

Ông nói rằng nhân quyền phải được coi là phổ quát và phải được áp dụng theo cùng một cách ở mọi nơi.

Trong bài phát biểu của mình, ông nói rằng mối đe dọa từ bên ngoài đối với nền dân chủ tự do chủ yếu đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, rồi sau đó là đến từ Nga.

Ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Trung Quốc phải đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong cộng đồng nhân loại nhưng nói thêm: “Chúng ta không nên có thái độ đối kháng với người Trung Hoa, nhưng là đối kháng với ý định và hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Ông lưu ý rằng các cuộc tấn công nghiêm trọng và dai dẳng nhất vào các giá trị của nền dân chủ tự do đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, và những tấn kích này có được những thành công nhất định là nhờ vào kinh tế Trung Quốc và chính sách ngoại giao bằng cách cho vay có tính toán của nước này.

Thuyết phục các nước phương Tây rằng muốn tiếp cận với thị trường Trung Quốc, người ta phải chiều theo đường lối chính trị của Trung Quốc, là “chính sách ngoại giao chó sói”, ông nói.

Nam tước Patten, một người Công Giáo rất có ảnh hưởng, đã nói với một cử tọa chật cứng trong Nhà thờ St Ann trên đường Dawson, ở thủ đô Dublin, rằng một lý do có thể giải thích cho đường lối cứng rắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hương Cảng là thành phố này đại diện cho nhiều khía cạnh của nền dân chủ tự do mà Đảng Cộng sản ghét cay ghét đắng.


Source:The Tablet
 
Linh mục bộ trưởng cộng sản từng bị Đức Gioan Phaolô II điểm mặt và treo chén đã qua đời
Đặng Tự Do
15:36 03/03/2020
Cha Ernesto Cardenal, một nhà thơ Nicaragua và nhà hoạt động thần học giải phóng Mácxít đã qua đời vào hôm Chúa Nhật ở tuổi 95.

Cha Cardenal qua đời ngày 1 tháng 3 sau một thời gian nằm bệnh viện ngắn ngủi.

Thánh lễ an táng cho ngài đã được cử hành tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày 3 tháng Ba.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phục hồi tác vụ tư tế cho ngài, một nhà thơ linh mục mê say cộng sản đã từng bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II treo chén khoảng 35 năm trước đó vì không chịu rời bỏ chức vụ trong chính phủ cộng sản Sandinista tại Nicaragua.

Linh mục Cardenal đã bị vị Giáo Hoàng Ba Lan cấm cử hành Thánh lễ và ban các phép bí tích vào năm 1984.

Cha Cardenal sinh năm 1925, trong một gia đình thượng lưu tại Granada, Nicaragua. Ngài đã từng du học tại Managua, Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ. Năm 1950, sau khi theo học 2 năm tại New York, ngài về nước bí mật tham gia vào phong trào cộng sản và tham dự vào cuộc đảo chính tháng Tư, 1954 nhằm lật đổ tổng thống Anastasio Somoza García. Cuộc đảo chính thất bại, nhiều người thân bị giết, ngài bị truy nã nên trở lại Hoa Kỳ. Tại đây, ngài gia nhập Tu viện Giệtsimani của dòng Trap tại Kentucky. Năm 1959, ngài bỏ Tu viện này sang Mễ Tây Cơ theo học Thần học tại Cuernavaca.

Sau khi tổng thống Anastasio Somoza García bị ám sát, ngài trở về quê nhà và được thụ phong linh mục vào năm 1965 tại quê nhà Granada. Cha Cardenal được cử chăm sóc mục vụ cho người dân tại quần đảo Solentiname, nơi đa số là dân nghèo. Cuốn “El Evangelio en Solentiname” – (Tin Mừng của người Solentiname) được viết vào thời kỳ này. Cuốn sách phản ảnh những kỳ vọng hoang tưởng của ngài vào khả năng của chủ nghĩa cộng sản trong việc chấm dứt tình cảnh lầm than của dân nghèo. Đối với các Giám Mục Nicaragua, cuốn “Tin Mừng” này là một điều đáng âu lo: Nó bóp méo những giá trị chân thật của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô dưới ‘bóng tối” [chứ không phải là ánh sáng] của học thuyết cộng sản.

Ngày 17 tháng Bẩy 1979, cộng sản chiếm được thủ đô Managua. Hai ngày sau đó, chính phủ cộng sản ra mắt dân chúng. Hàng giáo phẩm Nicaragua và người Công Giáo tại quốc gia này ngỡ ngàng thấy cha Ernesto Cardenal được giới thiệu là Bộ trưởng Văn Hoá. Em trai, nhỏ hơn ngài 9 tuổi, là linh mục dòng Tên Fernando Cardenal được giới thiệu là Bộ trưởng Giáo dục.

Cũng như ở tất cả các nước cộng sản khác, sau khi nắm được chính quyền. Bọn cộng sản Mác Sandinista thực thi một chính sách đàn áp dã man Giáo Hội tại quốc gia này.

Tấm hình bên cạnh là một tấm hình lịch sử. Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Nicaragua vào tháng Ba năm 1983, trong một cử chỉ đầy kịch tính cha Ernesto Cardenal, Bộ trưởng Văn Hoá cộng sản, quỳ trước mặt Đức Gioan Phaolô II để chào đón ngài.

Theo tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, toàn bộ là một vở kịch của cộng sản. Trong tính toán của chúng, Đức Gioan Phaolô II chắc không biết Ernesto Cardenal là ai. Trước một người quỳ gối trước mặt ngài như thế, ngài chắc sẽ ban phép lành cho y hay ít nhất cũng có một vài cử chỉ thân thiện nào đó. Hình ảnh đó sẽ được guồng máy tuyên truyền của cộng sản diễn dịch như thể Đức Giáo Hoàng chúc phúc cho Ernesto Cardenal và công việc của ông.

Đó là một tính toán sai lầm. Vị Giáo Hoàng Ba Lan không để mình bị lọt bẫy. Ngài chỉ thẳng vào mặt Ernesto Cardenal nói dõng dạc bằng tiếng Tây Ban Nha “Usted tiene que arreglar sus asuntos con la Iglesia” – “Ông phải làm hòa với Giáo Hội”.

Linh mục dòng Tên Fernando Cardenal đứng ngay gần bên, định quỳ xuống đóng kịch như anh, thấy không xong, lảng đi chỗ khác, bỏ lại người anh đang bơ mặt ra ngượng ngùng tê tái.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Nicaragua buộc hai anh em nhà Cardenal phải từ bỏ các chức vụ trong chế độ cộng sản. Cả hai đều bất tuân lệnh của các Giám Mục. Do đó, dòng Tên ra quyết định trục xuất Fernando Cardenal.

Ngày 4 tháng Hai, 1984, đích thân vị Giáo Hoàng Ba Lan ra lệnh treo chén cả hai anh em nhà Cardenal theo giáo luật 285 triệt 3: “Các giáo sĩ bị cấm đảm nhận các chức vụ công quyền đòi hỏi phải tham gia vào việc thực thi quyền lực dân sự”

Ernesto Cardenal vẫn tiếp tục là Bộ trưởng Bộ Văn hóa cho đến năm 1987, khi Bộ của ông bị đóng cửa vì lý do kiệt quệ kinh tế. Em trai ngài, linh mục Fernando Cardenal, đã qua đời ngày 20 tháng Hai, 2016.

Quyết định khoan hồng cho Ernesto Cardenal của Đức Thánh Cha Phanxicô, có lẽ xuất phát từ lòng thương xót, dựa trên các báo cáo là ông đang hấp hối. Quyết định này đã được chào đón một cách lạnh nhạt tại Nicaragua, nơi Giáo Hội trong những ngày này vẫn tiếp tục đụng độ với Daniel Ortega.

Thật thế, Daniel Ortega, là một lãnh tụ cộng sản trong phong trào Mác Sandinista đã lật đổ chế độ độc tài của tướng Anastasio Somoza Debayle, và đã cai trị Nicaragua từ năm 1979 cho đến năm 1990 khi trào lưu cộng sản bị lật nhào trên quy mô toàn thế giới.

Trong những năm sau đó, Daniel Ortega đã diễn nhiều vở kịch hay: tuyên bố sám hối vì tội lỗi với Giáo Hội Công Giáo, đi nhà thờ, tham dự các nghi lễ tưởng niệm. Nhờ khả năng diễn xuất quá thành công, nhờ những khó khăn trong buổi đầu chuyển từ thời cộng sản sang kinh tế thị trường tự do, Ortega lại dần dần lấy lại được uy tín và giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 và 2011.

Ngồi vững trở lại trên quyền lực, Daniel Ortega lại bắt đầu những chiến dịch đàn áp Giáo Hội một cách tinh vi và nham hiểm hơn.


Source:Catholic News Agency
 
Iran và Iraq đang trở thành các ổ dịch coronavirus kinh hoàng tại Trung Đông
Đặng Tự Do
16:14 03/03/2020
Tờ Vox và đài truyền hình Al Jeera của Qatar đều đưa ra nhận định rằng các chính sách sai lầm của Iran và Iraq đang khiến cho các quốc gia này sớm muộn cũng trở thành các ổ dịch coronavirus kinh hoàng tại Trung Đông.

Iran đang cố gắng che đậy các con số thương vong vì coronavirus khiến người dân lơ là mất cảnh giác.

Trong khi đó, Iraq lại thổi phồng những lo sợ liên quan đến coronavirus. Người dân cho rằng chính phủ đang hù dọa họ để có cớ cấm các cuộc biểu tình. Người dân cũng đâm ra lơ là mất cảnh giác.

Mohammad Mirmohammadi, một thành viên của một hội đồng cố vấn cho lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, đã qua đời vì coronavirus vào hôm thứ Hai 2 tháng Ba. Cái chết của ông theo sau hai nhà lãnh đạo Iran khác - một cựu đại sứ cạnh Tòa Thánh và một thành viên mới được bầu vào Quốc hội.

Các báo cáo cho thấy có tổng cộng khoảng bảy quan chức hàng đầu đã nhiễm coronavirus, bao gồm cả Margarj Harirchi, thứ trưởng bộ y tế, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống coronavirus, và Phó Tổng thống Iran Masoumeh Ebtekar.

Việc tiết lộ Ebtekar nhiễm bệnh, đặc biệt gây sốc cho các lãnh đạo Iran, vì tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi bà tham dự một cuộc họp nội các, trong đó bà ngồi gần các quan chức chế độ, bao gồm cả lãnh tụ Khamenei 80 tuổi.

Việc coronavirus có khả năng lây lan đến cấp cao nhất trong chính phủ Iran, là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy quốc gia này đang thất bại trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

Cho đến nay, Iran thừa nhận có 1,501 trường hợp nhiễm bệnh và 66 trường hợp tử vong. Đài BBC cho rằng Iran cố tình che đậy các con số thương vong vì coronavirus. Hôm 28 tháng Hai, Iran nói chỉ có 34 trường hợp tử vong. Nhưng đài BBC cho biết ít nhất 210 người đã thiệt mạng. Việc cố ý che đậy các con số thương vong vì coronavirus có thể khiến người dân mất cảnh giác và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.

Trong khi đó, tại Iraq, tình hình xem ra lại ngược hẳn lại. Người dân Iraq cho rằng chính phủ đang thổi phồng sự nguy hiểm của coronavirus để cấm đoán các cuộc biểu tình.

Biểu tình đã nổ ra tại Baghdad và các thành phố khác từ tháng 10 năm ngoái. Quảng trường Giải phóng là trung tâm của các cuộc đối đầu bạo lực giữa lực lượng an ninh và người biểu tình chống chính phủ. Bây giờ, quân đội đang phun hóa chất để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Một người nói: “Chúng tôi không sợ những tay súng bắn tỉa, chúng tôi sẽ không sợ coronavirus. Iraq quan trọng hơn bất cứ điều gì. Iraq là tất cả mọi thứ, coronavirus là cái quái gì chứ? Chúng tôi phải đối mặt với nhiều điều còn tồi tệ hơn nhiều so với coronavirus. Chúng tôi phải đương đầu với những tay súng bắn tỉa giết người, và các loại bom khác nhau.”

Chính phủ đang cấm các cuộc tụ họp công cộng lớn. Họ muốn đóng cửa các trường học, các trường đại học cũng như các nhà hàng và quán cà phê như thế này trong một trung tâm mua sắm ở Baghdad.

Một dược sĩ nói:

“Tôi nghĩ rằng tất cả mọi thứ đã được phóng đại. Đúng là có mối quan tâm và lo lắng. Nhưng khi nói đến ngành y tế Iraq thì luôn luôn có sự phóng đại. Vâng, có một ít vấn đề nhưng tôi lo lắng về an ninh hơn là về sức khỏe.”

Các chủ doanh nghiệp đã phải đối mặt với các quan chức y tế đến kiểm tra xem các cửa hàng của họ đã được khử trùng chưa.

Koval Marvin, là người quản lý thương xá này nói: “Nhà nước hù doạ người dân. Chúng tôi phải thận trọng không phải là với con virus nhưng phải đề cao cảnh giác trước bất kỳ quyết định nào của Bộ Y tế hoặc chính nhà nước, điều này sẽ có tác động đến kinh doanh.”

Ít nhất một bệnh nhân được xác nhận nhiễm coronavirus đang được điều trị tại bệnh viện Baghdad này. Đó là một người đàn ông Iraq đi du lịch sang Iran. Ông ta là trường hợp nhiễm virus đầu tiên được xác nhận tại thành phố có chín triệu người này.

Những bệnh nhân khác đang được điều trị tại thành phố Kirkuk ở phía bắc. Hàng chục trường hợp nghi ngờ đang được theo dõi trên khắp đất nước. Bất chấp các cảnh báo của chính phủ, các thánh địa của Iraq vẫn đang thu hút rất đông người dân. Những lo ngại về coronavirus có thể đã làm giảm bớt đám đông thường tập trung ở Quảng trường Tahrir này, nhưng ở Baghdad, đường phố vẫn chật cứng xe cộ và nườm nượp người qua kẻ lại.

Nhiều người Iraq đã sống qua nhiều thập kỷ xung đột và biến động chính trị. Nhưng dường như họ chưa sẵn sàng nhận thức cuộc sống hàng ngày của họ đang bị đảo lộn vì virus. Nguy cơ nhiễm coronavirus đang tiến gần đến các trung tâm đông đúc của Baghdad nhưng người Iraq ở đây dường như quyết tâm tiếp tục tỉnh bơ sống như bình thường.


Source:Vox
 
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn Giáo hội cử hành Tuần lễ kỷ niệm ngày Tông huấn Laudato Si được công bố
Thanh Quảng sdb
16:23 03/03/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn Giáo hội cử hành Tuần lễ kỷ niệm ngày Tông huấn “Laudato Si” được công bố

Qua một thông điệp bằng video, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu toàn thể Giáo hội trên khắp thế giới tổ chức học hỏi suy tư và đem Tông huấn Laudato Si ra thực hành trong tuần lễ kỷ niệm ngày công bố Tông huấn từ 16 đến 24 tháng 5 năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tông huấn được công bố.
(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tư tưởng “Một thế giới nào chúng ta muốn để lại cho hậu thế sau chúng ta, cho những người trẻ đang lớn lên?" Đó là nội dung của thông điệp Đức Thánh Cha nhắn gửi qua video.
Đức Thánh Cha thúc đẩy tất cả phải tập trung vào việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.
Đức Thánh Cha cũng tái khẩn thiết lời mời gọi của mình nhằm cứu vãn cuộc khủng hoảng sinh thái: Tiếng kêu cầu của trái đất và tiếng khóc than của người nghèo phải được chấm dứt!...
Chăm sóc và cộng tác vào sự sáng tạo là một món quà Thiên Chúa Tạo dựng ban cho chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau kỷ niệm ngày Tông huấn “Laudato Si’’ được ban hành…

Tham gia
Tuần lễ kỷ niệm công bố Tông huấn “Laudato Si” được tài trợ bởi Tổ chứa Dic Abbey nhằm thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện và thúc đẩy các cộng đồng Kitô hữu thực hiện các kế hoạch to lớn và táo bạo hơn được đề ra; cũng như những bàn thảo khác hầu đem ra thực hiện trong suốt tuần kỷ niệm tới.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tất cả những ai quan tâm muốn tham gia và tiến bước thực hiện các kế hoạch theo Tông huấn “Laudato Si” có thể tìm thấy các tài liệu có sẵn trên trang web Tuần lễ Laudato Si.
Là một phần tử của cộng đoàn Tuần lễ kỷ niệm này, các bạn được mời gọi trở thành những công cụ hữu ích cho các kế hoạch và là Phương tiện để đưa các kế hoạch đó vào hành động cùng với các thành viên khác...

2020 là thời điểm và mục tiêu
Lễ kỷ niệm lần thứ năm của Laudato Si, trùng hợp với các sự kiện quan trọng trong cuộc tìm kiếm các giải pháp cho cơn khủng hoảng môi trường chúng ta đang sinh sống.

Năm nay là năm chót để các nước công bố kế hoạch nhằm đáp ứng các mục tiêu về những thỏa thuận khí thải được nêu lên trong Công ước Paris.
Năm 2020 cũng là năm của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về tính đa dạng của ngành sinh học, trong đó con người chúng ta có cơ hội đặt ra các mục tiêu bảo vệ trái đất chúng ta đang sinh sống và duy trì sự sống con người và các loài vật khác...

 
Hội Đồng Giám Mục Đức đã bầu tân chủ tịch mới là Đức Cha Georg Bätzing
Đặng Tự Do
16:56 03/03/2020
Đức Cha Franz-Josef Bode của Osnabrück, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức là người hăng hái nhất trong cái gọi là tiến trình công nghị tại quốc gia này. Ngài đã không được bầu làm chủ tịch thay thế cho Đức Hồng Y Reinhard Marx. Điều này cùng với sự từ chức của Đức Hồng Y Marx và cha Tổng Thư Ký Hans Langendörfer, là những dấu chỉ rõ rệt cho thấy tiến trình công nghị tại Đức đang tàn lụi.

Tháng 5 năm ngoái, một phong trào phụ nữ Công Giáo tại Đức chịu ảnh hưởng bởi các ý thức hệ cực đoan đã khởi xướng một cuộc biểu tình kéo dài trong một tuần từ ngày 11 đến 18 tháng Năm. Họ từ chối không bước vào nhà thờ và không tham dự các Thánh lễ trong suốt thời gian biểu tình phản đối. Tự gọi mình là nhóm “Maria 2.0”, nhóm này đã gửi một bức thư ngỏ tới Đức Thánh Cha Phanxicô, kêu gọi phong chức cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục và công nhận các kết hiệp đồng tính.

Trang Web chính thức của Giáo Hội Công Giáo ở Đức đăng tải các tin tức sâu rộng về hoạt động và những lời kêu gọi biểu tình của họ, và tường thuật rằng chính Đức Cha Franz-Josef Bode là người hỗ trợ cho chiến dịch.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường thuật sau về kết quả bầu cử Hội Đồng Giám Mục Đức.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Đức đã bầu Đức Cha Georg Bätzing, Giám mục Limburg làm chủ tịch mới. Đức Cha Bätzing sẽ thay thế chủ tịch sắp mãn nhiệm, là Hồng Y Reinhard Marx của Münich và Freising, và sẽ lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục trong nhiệm kỳ sáu năm.

Kết quả bầu cử đã được xác nhận hôm thứ Ba 3 tháng Ba, sau 3 vòng bỏ phiếu của các giám mục Đức tại hội nghị mùa xuân của các ngài, hiện vẫn còn đang được tiến hành tại Mainz. CNA Duetsch đã báo cáo hôm 3 tháng Ba rằng, trong 2 vòng bỏ phiếu đầu không có ứng cử viên nào nhận được đa số 2 phần 3 cần thiết. Đức Cha Bätzing đã được bầu vào vòng thứ ba với đa số đơn giản, nghĩa là ai nhiều phiếu hơn là thắng cử, không cần đạt túc số 2 phần 3.

Trong lần xuất hiện trước báo chí đầu tiên của mình với tư cách là tân chủ tịch, Đức Cha Bätzing đã tái khẳng định sự hỗ trợ của Hội Đồng Giám Mục đối với tiến trình công nghị đang diễn ra và được thực hiện với sự hợp tác của Ủy ban Công Giáo Đức (ZdK).

“Tại trung tâm của những cân nhắc của chúng tôi là ‘tiến trình công nghị’. Tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó”, Đức Cha Bätzing nói hôm thứ ba.

Cái gọi là tiến trình công nghị có hiệu quả ràng buộc chính thức được khai mạc vào tuần thứ nhất Mùa Vọng 1 tháng 12, 2019, nhưng cuộc họp đầu tiên của tiến trình công nghị này đã được triệu tập vào tháng Giêng năm nay. Các nhóm làm việc của Hội đồng sẽ đưa ra những thay đổi được đề xuất cho các khía cạnh khác nhau trong giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội, bao gồm cả việc phong chức cho phụ nữ, độc thân giáo sĩ và giáo huấn về tình dục của con người.

Đức Cha Bätzing, 58 tuổi, đã được Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki tấn phong Giám Mục vào ngày 13 tháng 9 năm 2016.

Khi được hỏi liệu có phải một số mục tiêu đã nêu trong tiến trình công nghị, đặc biệt là việc phong chức linh mục phụ nữ, đã bị Đức Thánh Cha Phanxicô thẳng thừng loại trừ trong tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Amazon gần đây hay không, Đức Cha Bätzing nói theo quan điểm của ngài, Đức Thánh Cha đã không đưa ra một quan điểm nào về một số vấn đề được nêu ra trong tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng Amazon, và không loại trừ bất kỳ kết luận cuối cùng nào của tiến trình công nghị tại Đức.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một bức thư cho toàn thể Giáo hội tại Đức, được công bố hồi tháng Sáu. Đức Thánh Cha đã cảnh báo người Công Giáo Đức cần chống lại một công nghị “chỉ tập trung vào việc xem xét các cấu trúc chứ không được linh hoạt bởi sứ mệnh thiết yếu của Giáo Hội là truyền bá đức tin.”

Ngài cảnh báo rằng tiến trình công nghị của Đức phải tránh cám dỗ chạy theo “chủ nghĩa tân Pelagiô” [dựa vào sức riêng của mình] khi “tìm cách điều chỉnh cuộc sống của Giáo Hội theo luận lý hiện tại.” Hệ quả là chúng ta có thể có “một cấu trúc giáo hội gọn gàng và thậm chí là được ‘hiện đại hóa’, nhưng không có linh hồn và hấp lực truyền giáo.”

Đức Giáo Hoàng đặc biệt cảnh báo Giáo Hội Đức đừng nên theo đuổi bất kỳ đường lối nào nhắm thích nghi với não trạng đương thời và thúc giục người Công Giáo Đức phải bảo vệ Giáo Hội cả về cơ cấu lẫn đức tin.

“Giáo Hội hoàn vũ sống trong và với các Giáo Hội địa phương, cũng thế các Giáo Hội địa phương sống và phát triển trong và với Giáo Hội hoàn vũ, và nếu chúng ta tách ra khỏi toàn thể Giáo Hội, chúng ta sẽ suy yếu, khô héo và tàn lụi. Do đó, cần phải luôn luôn sống và hiệp thông hiệu quả với toàn thể Giáo Hội,” Đức Thánh Cha viết.

Các quan chức Vatican sau đó đã thông báo cho Hội Đồng Giám Mục Đức rằng các kế hoạch của tiến trình công nghị là không có giá trị về mặt Giáo Hội, và đã kêu gọi các ngài sửa đổi đáng kể tài liệu làm việc.

Với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, Đức Cha Bätzing sẽ đồng chủ trì tiến trình công nghị, cùng với lãnh đạo ZdK.

Tháng trước, Đức Cha Bätzing đã được bầu làm đồng chủ tịch nhóm làm việc trong tiến trình công nghị về “Cuộc sống trong các mối quan hệ thành công - Tình yêu sống trong tình dục và quan hệ đối tác”, cùng với Birgit Mock, phát ngôn viên của ZdK về chính sách gia đình.

ZdK đã kêu gọi sửa đổi toàn bộ giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái và đòi hỏi các quan hệ đồng tính phải được chúc phúc trong nhà thờ như trường hợp hôn nhân giữa một người nam và một người nữ.

Tháng 9 năm 2019, Đức Cha Bätzing đồng chủ trì một nhóm làm việc đại kết gồm các nhà thần học Công Giáo và Tin lành, đã tạo ra một tài liệu, có tựa đề là “Cùng nhau tại Bàn tiệc Chúa”. Ngài đã kết luận rằng “sự tham gia cùng nhau trong việc cử hành Tiệc ly/Thánh Thể Chúa về mặt thần học là hợp lý.”

Tại thời điểm công bố tài liệu, Đức Cha Bätzing cho biết rằng ngài đã tham gia nhóm quá muộn màng trong quá trình này và ban đầu tự hỏi mình rằng liệu ngài có thể đồng ý với điều này hay không.

“Nhưng tôi phải nói rằng, sự biện phân thần học trong bài viết cơ bản này rất rõ ràng với tôi đến mức tôi không muốn và không thể trốn tránh”.

Trong Giáo Hội Công Giáo, chỉ những người Công Giáo được rửa tội và đang trong tình trạng có ân nghĩa với Chúa mới được phép rước lễ. Giáo luật nêu ra những trường hợp rất hãn hữu trong đó những người không theo đạo Công Giáo có thể được cho rước lễ. Trong khi các giám mục ở một số quốc gia Bắc Âu đã nhiều lần kêu gọi cho những người ngoài Công Giáo được rước lễ, Tòa Thánh đã liên tục bác bỏ.

Tại thời điểm của bản tin này, Đức Cha Bätzing thừa nhận rằng sự xác tín của ngài về vấn đề này không có nghĩa là ngài được tự do thay đổi kỷ luật bí tích.

“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi trong tư cách một giám mục có thể thay đổi, nhưng cuộc thảo luận thần học bây giờ phải được nâng lên đến mức một giáo huấn được đón nhận, tức là phải có sự chấp nhận của Huấn Quyền Giáo Hội Công Giáo. Và quá trình này vẫn còn trong vòng chờ đợi”, ngài nói.


Source:Catholic News Agency
 
Tội Báng Bổ Kinh Thánh Và Dịch Tầu Ô
Lê Đình Thông
17:40 03/03/2020
- Ngày 06/11/2019, Tầu Cộng công khai báng bổ Kinh Thánh.

- Ngày 08/12/2019, xuất hiện triệu chứng đầu tiên của dịch Tầu Ô ở Vũ Hán.

Sự việc 2 xảy ra 1 tháng 2 ngày sau sự kiện 1 chứng minh hai sự việc có liên hệ nhân quả. Sau đây, ta sẽ lần lượt xét đến việc Tầu Cộng phạm tội báng bổ Kinh thánh phải chăng là nguyên nhân của dịch Tầu Ô hiện nay?

I - TẦU CỘNG PHẠM TỘI BÁNG BỔ KINH THÁNH :

Ngày 06/11/2019, Tập Cận Bình ra lệnh cho các tôn giáo phải sửa đổi kinh sách cho phù hợp với các yêu cầu của ‘‘thời đại mới’’. Quy định bắt buộc viết lại Kinh thánh theo đúng đường lối của đảng cộng sản. Chỉ thị còn quy định việc đánh giá lại toàn bộ các bản dịch Kinh Thánh, thay đổi hoàn toàn các nội dung không thích hợp.

Chức sắc các tôn giáo ở Hoa Lục được lệnh phải triệt để thi hành quyết định vừa kể. Quyết định này xuất phát từ phiên họp lần thứ 4 của đảng vào tháng 10/2019, theo lệnh của Tập Cận Bình.

Tổ chức phi chính phủ Better Winter ghi nhận ‘‘tại các trường Công Giáo, công an thay ảnh tượng Đức Mẹ bằng chân dung của Tập Cận Bình.’’

Theo sử gia Yves Chiron, tác giả ‘‘La longue marche des catholiques de Chine’’ (Cuộc vạn lý trường chinh của người Công Giáo tại Hoa Lục), với quyết định vửa kể, Tập Cận Bình buộc các tôn giáo phải phục vụ mục tiêu chính trị.

Tư tưởng họ Tập về chủ nghĩa cộng sản mang đặc tính Trung Hoa. Tư tưởng này được đưa vào hiến pháp bao gồm chiến lược bốn toàn diện. Chiến lược 2 ‘‘cải cách toàn diện’’ nhắm vào các tôn giáo để thực hiện ‘‘giấc mơ Trung Hoa’’ : vô thần, vô tôn giáo. Ngay dưới chế độ sắt máu Staline, Liên Xô cũng không cả gan phạm tội báng bổ (blasphème) tầy trời này.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu đã phán dạy về tôi danh này như sau :

‘‘Những ai nói phạm đến Thánh thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.’ (Mt 12,31-32).

Tội phạm đến Thần khí (péché contre l’Esprit) hoặc phạm đến Thánh thần (péché contre l’Esprit saint) còn được gọi là tội báng bổ (blasphème) chính là tội danh mà Tập Cận Bình đã phạm phải khi cả gan đưa cái gọi là ‘‘tư tưởng Tập Cận Bình’’ xấc xược vào Kinh Thánh.

Kinh Thánh gồm Cựu ước, được biên soạn từ thế kỷ VIII đến thế kỷ II trước CN và Tân ước : từ giữa thế kỷ I đến đầu thế kỷ II sau CN. Hiện nay, trên thế giới có từ 2,5 đến 6 tỷ cuốn Kinh thánh lưu hành, mỗi năm còn in thêm 25 triệu ấn bản. Cựu ước viết bằng cổ ngữ Do thái gồm Ngũ kinh (Pentateuque), Sử và Truyện (les livres historiques), Thi phú (les livres poétiques et sapientiaux) và sách Tiên trị (les livres prophétiques).

Tân ước viết bằng cổ ngữ Hy lạp được dịch ra 1500 ngôn ngữ (langues) hoặc tiếng địa phương (dialectes), trên tổng số 6900 ngôn ngữ và phương ngữ trên thế giới.

Chúa Giêsu đã truyền dạy về giá trị vĩnh cửu và bất biến của Kinh thánh như sau :

‘‘Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành’’(Mt 5,18).

Nguyên bản chữ Hy lạp : Ἀμὴν γὰρ λέγω ὑμῖν, ἕως ἂν παρέλθῃ ὁ οὐρανὸς καὶ ἡ γῆ, ἰῶτα ἓν ἢ μία κεραία οὐ μὴ παρέλθῃ ἀπὸ τοῦ νόμου, ἕως ἂν πάντα γένηται.

Trong mẫu tự Hy lạp, ἰῶτα là chữ thứ 9, tương ứng với chữ i, bản quốc ngữ dịch là ‘‘một chấm một phết’’, cho dù một dấu phết hậu thế không được tự ý bỏ đi.

Linh mục Jean Basset (Hội Thừa sai Paris) là tác giả Kinh Thánh đầu tiên dịch sang Hoa ngữ. Ngày 29/09/2012, linh mục Gabriel Marie Allegra (1907-1976), dòng Phanxicô được phong chân phước vì có công dịch Kinh Thánh sang Hoa ngữ. Ngài là sáng lập Nhóm Nghiên cứu Kinh thánh dòng Phanxicô (Studium Biblicum Franciscanum).

Tội danh báng bổ Kinh Thánh của họ Tập còn được quy định trong hai văn bản sau đây :

- ‘‘Từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý.’’ (Rm 1,18)

- ‘‘Vì ngày lớn lao, ngày thịnh nộ của Ngài đã tới, và ai có thể đứng vững được?’’ (Kh 6,17)

Tập Cận Bình ra lệnh hủy bỏ nhiều trình thuật trong Kinh Thánh. Xin đơn cử một trường hợp : điều răn thứ 5 chép rằng: ‘‘chớ giết người’’. Họ Tập bèn ra lệnh bỏ điều 5 vì đi ngược với chủ trương giết người của đảng. Theo Tổ chức n xá Quốc tế, 2/3 cuộc hành hình trên thế giới đều xuất phát từ Trung Cộng.

Năm 2018, trong số 20 quốc gia trên thế giới xử bắn tử tội, Tầu Cộng đứng đầu, tiếp theo là Iran, Arabie Sauoudite, Việt Nam và Irak. Mỗi năm, Tầu xử bắn trên 1000 tử tội. Các sinh viên tham gia biểu tỉnh đòi tự do dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn đều bị xử bắn bẳng súng liên thanh, các tử tội chính trị hoặc tôn giáo bị bắn bằng súng lục. Ngày 04/08/2009, bộ Y tế Bắc Kinh cho phép mổ tử thi lấy nội tạng đem bán. Thị trường bán nội tạng của Tầu trị giá 1 tỷ đô la. Giá bán một lá gan là 160 000 đô la Mỹ.

II - ĐẠO CỘNG GIÁO TẠI HOA LỤC BỊ BÁCH HẠI :

Tấm hình chụp đầu bài viết này là một nhà thờ ở Hoa lục vừa bị phá hủy, mặt tiền có hàng chữ : 基督教堂 (Ki Tô Thánh đường). Ngôi thánh đường này là tiêu biểu cho Giáo hội thầm lặng ở Hoa Lục đã và đang bị bách hại.

Từ năm 1289, dòng Phanxicô hoạt động truyền giáo tại Hoa Lục. Từ năm 1552, các linh mục dòng Tên tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Năm 1605, LM Matteo Ricci (dòng Tên) thành lập Giáo hội Trung Hoa. Năm 1900, giặc quyền phỉ (rébellion des boxeurs) giết hại hơn 30 000 giáo dân và 300 giáo sĩ.

Năm 1949, đảng cộng sản ra lệnh cấm Giáo Hội Công Giáo hoạt động. Năm 1978, cộng sản thành lập Giáo hội Yêu nước

Theo thống kê, có khoảng 10 triệu người Công Giáo tại Hoa lục. Năm 2013, họ Tập nắm giữ chức vụ chủ tịch Nước, bắt các tôn giáo phải chịu sự kiểm soát khắt khe hơn. Ngày 30/12/2000, Tập Cận Bình ban hành biện pháp hành chính áp dụng cho các tôn giáo. Điều 5 và 17 bắt buộc các tôn giáo phải theo đúng cương lĩnh của đảng. Học sinh, sinh viên phải ký vào bản tự khai chống lại đức tin. Năm 2016, Tập ban hành chủ trương Hán hóa các tôn giáo (sinisation des religions). Theo lời Đức cha Colomb, giám mục La Rochelle, theo lệnh họ Tập, trẻ em bị cấm không được vào nhà thờ.

Ngay từ năm 1957, tại Hoa Lục hình thành Hội thánh chui (Église souterraine) gồm 150 giáo phận, 39 Doãn phận Tông tòa (préfectures apostoliques).

Các giáo dân ở Hoa Lục rất mực sùng kính Đức Mẹ. Năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI ấn định 24/04 là ngày quốc tế cầu nguyện cho Giáo hội Trung Hoa. Trong ngày này, các giáo dân Hoa Lục hướng về Đức Mẹ, ‘‘xin Mẹ thương cứu chúng con cùng’’.

Đảng cộng sản rất sợ Đức Mẹ Fatima, từng cứu Liên Xô và các nước Đông u thoát ách cộng sản vô thần. Các cấp ủy cấm giáo dân không được thờ kính Đức Mẹ Fatima.

Nạn dịch Coronavirus phát xuất từ Vũ Hán vào đầu tháng 12/2019. Đến ngày 23/01/2019, Tổ chức Y tế Thế giới mới lên tiếng báo động. Số người nhiễm virus và tử vong tại Hoa Lục tăng mỗi ngày làm tan biến giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình. Ngày 26/01/2020, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo nạn dịch (épidémie) có thể biến thành đại dịch (pandémie) có quy mô toàn cầu. Sự lan tràn này giúp thế giới sớm cảnh tỉnh về họa Tầu cộng.

Việc ho Tập báng bổ Kinh Thánh và nạn dịch lan tràn trên đất nước của họ Tập cho thấy hình phạt báng bổ được nói đến trong Kinh thánh phải chăng đã ứng nghiệm?

Lê Đình Thông
 
Tiểu sử Đức Cha Tân chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức
Đặng Tự Do
18:28 03/03/2020
Đức Cha Bätzing sinh ra ở Kirchen và lớn lên ở Niederfischbach. Ngài từng là một cậu bé giúp lễ, ca viên trong dàn hợp xướng nhà thờ và chơi đàn organ trong các thánh lễ. Sau khi hoàn tất bậc trung học, ngài gia nhập đại chủng viện Giáo phận Trier. Ngài học thần học và triết học tại Đại học Trier và Đại học Freiburg, và tốt nghiệp năm 1985.

Trong tư cách phó tế, ngài giúp xứ cho giáo xứ Sankt Wendel. Ngài được Đức Cha Hermann Josef Spital phong chức linh mục tại Trier vào ngày 18 tháng 7 năm 1987. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm cha phó tại trung tâm hành hương Thánh Mẫu Heimsuchung ở Klausen và tại giáo xứ Thánh Giuse ở Koblenz cho đến năm 1990. Sau đó, ngài là Phó Giám Đốc đại chủng viện Giáo phận Trier cho đến năm 1996. Cùng năm đó, ngài nhận được bằng tiến sĩ và trở thành hiệu trưởng đại chủng viện.

Một trong những thành công lớn của ngài là tổ chức vào năm 2012 cuộc hành hương Heilig-Rock-Wallfahrt ở Trier. Đó là một cuộc hành hương viếng các thánh tích quan trọng nhất của nhà thờ chính tòa thành Trier, bao gồm chiếc áo liền một mạch không có đường khâu của Chúa Giêsu, được trưng bày trong nhà thờ vào ngày 13 tháng 4 năm 2012. Lần đầu tiên chiếc áo này được trưng bày là vào năm 1996.

Vào ngày 1 tháng 11 năm 2012, Cha Bätzing được bổ nhiệm làm tổng đại diện của Giáo phận Trier, phụ tá cho Đức cha Stephan Ackermann. Năm 2016, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Limburg thay thế cho Đức Cha Franz-Peter Tebartz-van Elst. Đức Hồng Y Rainer Woelki, Tổng Giám mục Köln đã tấn phong Giám Mục cho ngài vào ngày 18 tháng 9 năm 2016.

Kể từ ngày 3 tháng 3 năm 2020, Đức Cha Bätzing là chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức thay cho Đức Hồng Y Reinhard Marx của Münich và Freising, và sẽ lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục trong nhiệm kỳ sáu năm.

Hai phần ba các Giám Mục Đức là có xu hướng cấp tiến. Đức Cha Bätzing cũng được xem là một người có khuynh hướng này. Tuy nhiên, việc bầu Đức Cha Bätzing làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức gây thất vọng lớn cho Ủy ban Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK.

Trước phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Đức tại Mainz, ZdK kỳ vọng Đức Cha Franz-Josef Bode của Osnabrück, hay Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch, của tổng giáo phận Berlin, hay Đức Cha Franz-Josef Overbeck của giáo phận Essen, sẽ được bầu làm chủ tịch. Đức Cha Bätzing có khuynh hướng dè dặt và tôn trọng Tòa Thánh hơn ba vị kia.

Những người Công Giáo có khuynh hướng đề cao các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội hy vọng nơi sự thắng cử của Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick của tổng giáo phận Bamberg. Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick là một trong 7 Giám Mục Đức lên tiếng quyết liệt chống tiến trình công nghị tại Đức.

Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick, Đức Cha Bätzing, và Đức Cha Franz-Josef Overbeck là những vị được nhiều phiếu nhất nhưng không ai đủ túc số hai phần ba.

Đức Cha Franz-Josef Overbeck, Giám Mục giáo phận Essen, là người rất cấp tiến. Ngài đứng đầu cơ quan trợ giúp nhân đạo của các giám mục Đức tại Châu Mỹ Latinh, và đã tài trợ phần lớn cho sự chuẩn bị của Thượng Hội Đồng Amazon. Ngài đã tiên đoán Thượng hội đồng này sẽ dẫn dắt Giáo hội đến “một điểm không thể quay trở lại”, và do đó, Giáo Hội Công Giáo “không có gì sẽ giống như trước nữa”.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Tông huấn Querida Amazonia hôm 12 tháng Ba, Đức Cha Franz-Josef Overbeck bày tỏ sự thất vọng với tài liệu này vì thiếu sự ủng hộ cho đề nghị phong chức linh mục cho những người đã kết hôn, và nói rằng ngài ước gì Đức Giáo Hoàng tuân theo các quyết định của Thượng hội đồng và “cho phép việc phong chức linh mục cho những người nam đã kết hôn được chứng minh có đức hạnh (được gọi là viri probati) trong khu vực Amazon như một ngoại lệ.”

Sau vòng bỏ phiếu thứ hai, cả ba vị vẫn không đạt được đủ túc số hai phần ba. Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick rút lui. Trong vòng bỏ phiếu sau cùng, Đức Cha Bätzing đã bỏ xa Đức Cha Franz-Josef Overbeck, và trở thành chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức.


Source:Die Tagespost
 
Tòa Thánh mở Văn Khố Mật về Hồ Sơ Thời Thế Chiến II
Vũ Văn An
18:34 03/03/2020
Theo VaticanNews, kể từ 2 tháng 3 năm 2020, Văn Khố Vatican cùng một số văn khố khác của Tòa Thánh về triều Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958) sẽ được chính thức mở cửa để các học giả nghiên cứu.

Được Đức Phanxicô công bố lần đầu ngày 4 tháng 3 năm 2019, việc mở cửa này là kết quả hơn 14 năm chuẩn bị của Các Văn Khố Lịch Sử thuộc Phân Bộ Liên Lạc với Các Quốc Gia của Tòa Thánh.

Một số lượng hết sức lớn lao các tư liệu đã sẵn sàng để nghiên cứu trong đó có 120 Nhóm và Văn Khố thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, Các Thánh Bô Tòa Thánh và các Phòng Sở Giáo Triều, với tổng số lên tới 20,000 đơn vị văn khố.

Theo công bố hôm thứ hai của Văn Khố Vatican, phần lớn các nguồn tài liệu trên dưới hình thức kỹ thuật số.



Chỗ ngồi có giới hạn

Các văn khố khác nhau của Tòa Thánh có chỗ cho khoảng 120 nhà nghiên cứu một lúc.

Văn Khố Vatican, tức văn khố trưng bầy các tài liệu liên quan đến triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII, chỉ vào được với điều kiện giữ chỗ trước. Việc ghi tên giữ chỗ đã bắt đầu từ hồi tháng 10 và những ai đã giữ chỗ đã được phân phối chỗ nghiên cứu trong vòng mấy tháng (cho tới tháng 5 tháng 6) để bảo đảm có đồng đều tài liệu cho các học giả nghiên cứu triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII.

Triều Giáo Hoàng trên kéo dài gần 20 năm và bao trùm các biến cố quan trọng trong sinh hoạt của Giáo Hội và của xã hội trong Thế Chiến II.

Thời gian trên cũng đã chứng kiến cảnh thù địch giữa các khối chính trị Đông Tây và việc Giáo Hội từ từ bớt qui Âu Châu hơn và trở nên ngày càng có tinh thần hoàn vũ hơn.

Đức Giáo Hoàng Piô XII gặp rất nhiều người kể cả các phạm nhân chiến tranh, các nông dân, thợ mỏ, nhà thể thao, nhà báo, và các tâm lý gia thể thao, bác sĩ, nghệ sĩ và thiên văn gia. Tư liệu văn khố sẽ cho biết về những cuộc gặp gỡ này.

Việc mở văn khố

VaticanNews cho hay chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có quyền cho phép mở các tài liệu về các vị tiền nhiệm của ngài.

Năm 1881, Đức Lêô XIII mở các văn khố thuộc thời kỳ cho tới năm 1815. Năm 1921, Đức Bênêđíctô XV mở rộng thời kỳ này cho tới năm 1830. Trong những năm gần đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cho phép mở các tài liệu của triều Giáo Hoàng Piô XI.

Mục đích của việc mở các văn khố về Đức Piô XII là để các học giả có cơ hội đọc được các nguồn tài liệu cho tới nay họ chưa tiếp cận được.

Văn khố Vatican sẽ cho thấy sự cao cả của Đức Piô XII

Cũng theo tin VaticanNews, Bộ trưởng Liên Lạc với Các Quốc Gia của Tòa Thánh, Đức Tổng Giám MụcThe Paul Richard Gallagher, cho hay: việc mở các văn khố của Tòa Thánh giữa các năm 1939 và 1958 sẽ cho thấy các việc làm vĩ đại của Đức Giáo Hoàng Piô XII, cũng như các cố gắng của ngài trong việc truyền thông với Liên Bang Xô Viết.



Trước ngày mở cửa nói trên, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher đã có cuộc đàm đạo với Ông Andrea Tornielli, Giám Đốc Xã Luận của Bộ Truyền Thông. Trong khi làm nổi bật tầm quan trọng của văn khố lịch sử tại Phủ Quốc Vụ Khanh, Đức Tổng Giám Mục

Gallagher chia sẻ cái nhìn thấu suốt của ngài đối với phần văn khố thuộc Phân Bộ Liên Lạc Với Các Quốc Gia, phần mà theo ngài “quan trọng, trước hết, vì những tầm nhìn thấu suốt về phương diện liên tục tính lịch sử”.

Ngài cho biết văn khố đặc thù trên có nguồn gốc từ năm 1814 và nó hội tụ nhiều văn khố của các công đồng và văn phòng mà cuối cùng đã trờ thành Phân Bộ Liên Lạc Với Các Quốc Gia như hiện nay, với tính liên tục của các tài liệu từ đầu thế kỷ 19 cho đến nay.

Tầm nhìn thấu suốt độc đáo

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhận định rằng thông thường, các văn khố này chỉ mở cho tới năm 1939, tức tới ngày Đức Piô XI băng hà, nhưng Đức Phanxicô đã quyết định càng mở nhanh càng tốt, và thực tế, đã mở chúng cho tới cuối triều Đức Piô XII vào năm 1958.

Đức Tổng Giám Mục cho hay “1939 tới 1948 đã hoàn toàn sẵn sàng và có sẵn vào ngày 2 tháng 3” trong khi những năm từ 1948 đến 1958 thì việc chuẩn bị đã tiến khá xa nhưng chưa hoàn tất và do đó, chưa sẵn sàng.

Đức Tổng Giám Mục cho biết các tư liệu sẽ giúp người ta có cái nhìn thấu suốt rất độc đáo về nền chính trị và ngoại giao của Tòa Thánh suốt thời kỳ này.

Cách riêng, liên quan đến triều Giáo Hoàng Piô XII, các văn khố cung cấp “như chưa từng có trước đây, cái hiểu toàn bộ về những gì đã xẩy ra, về con người của ngài, về loại chính sách mà Đức Piô XII đã ban hành trong những năm đầy biến động kinh khủng ấy, nhất là trong Thế Chiến II, và về thời kỳ tiếp liền sau đó”.

Cỡ và nội dung

Về tầm cỡ, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng văn khố rất lớn “Khoảng 2 triệu tài liệu! Và nếu trải dài ra, nó chiếm đến 323 mét các tài liệu đựng trong hộp, trong thùng...”

Các tài liệu trên bao trùm một phạm vi hoạt động rất lớn: các hoạt động của Tòa Thánh trong Thế Chiến II, nền ngoại giao của Tòa Thánh, các Thông Hiệp (concordats) đã thương thảo, công tác nhân đạo của Giáo Hội, các báo cáo đặc thù về các vấn đề tôn giáo và chính trị, các báo cáo giáo dục, và các tài liệu liên quan tới Thị Quốc Vatican.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher cũng cho hay việc làm của một số vị nổi bật như những người chủ động trong thời gian ấy, trong đó có Đức Cha Montini, tức Đức Phaolô VI sau này.

Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng thời Thế Chiến II và Chiến Tranh Lạnh

Lẽ dĩ nhiên, nhiều tài liệu chứa trong các văn khố liên quan tới các hoạt động của Đức Giáo Hoàng và của Tòa Thánh trong các năm Thế Chiến II.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng Đức Giáo Hoàng Piô XII “xuất hiện như một quán quân vĩ đại của nhân loại, một con người quan tâm sâu xa tới số phận của nhân loại trong những năm khủng khiếp này, một người rất nhậy cảm và quan tâm tới những ai bị bách hại, một người chính mình cũng là đích nhắm hận thù của Quốc Xã và Phátxít”.

Một phần đặc biệt đáng lưu tâm của văn khố rõi ánh sáng mới cho thời kỳ đầu của “Chiến Tranh Lạnh”. Đức Tổng Giám Mục Gallagher tiết lộ rằng phần này cung cấp tài liệu đối với vai trò của Đức Piô XII và của Đức Hồng Y Casaroli trong những năm sau chiến tranh, và việc làm của các tu sĩ và linh mục “cố gắng tiếp xúc với các chính quyền Xôviết địa phương nhằm cố gắng đưa ra được một modus vivendi (lối sống) tuy khó khăn nhưng cần thiết để Giáo Hội có không gian hoạt động”.

Đó cũng chính là điều Đức Hồng Y Casaroli tiếp tục làm sau này tại Đông Âu “để cố gắng tạo ra một mức độ hiểu nhau và một không gian để Giáo Hội có thể hoạt động”.

Không phải chỉ là hồ sơ chiến tranh

Edward Pentin nhấn mạnh thêm rằng một hội nghị ở Vatican trước khi cho mở văn khố đã làm nổi bật nhiều phạm vi khác ngoài hồ sơ chiến tranh.

Thực vậy, Hội nghị dành cho các thủ văn khố (archivists) tại Vatican ngày 21 tháng 2 vừa qua cho thấy nhiều khía cạnh khác, nhất là văn khố của Bộ Giáo Lý Đức Tin với tên hồi đó là Văn Phòng Thánh.

Đức Cha Alejandro Cifres, giám đốc văn khố của Bộ, cho hay các chủ đề lớn được Công Đồng Vatican II bàn luận và sau đó trở thành “tâm điểm cho đời sống của Giáo Hội” từ giai đoạn hậu công đồng cho tới nay “phần lớn đã được dự ứng từ triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII”.

Thí dụ vấn đề trợ tử êm ái (euthanasia) đã được đặt ra cho Tòa Thánh từ thời Quốc Xã (1940), vấn đề phá thai tại Pháp lúc đó bị Quốc Xã chiếm đóng (1942), vấn đề thụ thai nhân tạo tại Đức thời Quốc xã (1944) và việc thụ tinh cưỡng bức cũng tại Quốc Xã Đức (1940). Ngoài ra còn có thắc mắc (dubium) nêu ra với Tòa Thánh về việc đổi giống sau thời Quốc xã nữa.

Đức Cha Cifres cũng đề cập tới nhiều “dubia” khác như “dubium” về “giáo sĩ ly giáo”, kể cả các giáo sĩ đã lập gia đình muốn được chào đón và trở về với Giáo Hội Công Giáo, cũng như việc rước lễ liên phái (intercommunion).
 
Giáo phái Shincheonji đưa dịch bệnh Corona vào Nam hàn
Nguyễn Long Thao
20:25 03/03/2020
Giáo phái Shincheonji có nghiã là Tân Thiên Điạ do ông Lee Man He thành lập ngày 14 tháng 3 năm 1984 tại Hàn Quốc. Shincheonji là một giáo phái gây nhiều tranh cãi.

Theo tài liệu năm 2014, tại Nam Hàn ước tính có hơn 120.000 tín đồ,

Năm 2020 có vào khoảng 200.000 tín đồ.Nhưng vào tháng 3 năm 2020, các cơ quan y tế Nam Hàn điều tra dịch bệnh coronavirus cho biết họ đã thu được một danh sách gồm 317,320 tín đồ của giáo phái Shincheonji.

Giáo chủ Lee Man He
Những người theo giáo phái Shincheonji tin rằng ông Lee Man He, người sáng lập giáo phái, chính là Chúa Giêsu tái thế (the second coming or the returned Jesus Christ).

Giáo phái Shincheonji cũng cho rằng vì Kinh thánh được viết theo phép ẩn dụ nên chỉ có ông Lee Man He, là người mà họ tin là Chúa Giêsu tái thế, mới có thể giải thích chính xác được kinh thánh.

Trước khi thành lập giáo phái Shincheonji của riêng mình, ông Lee từng là thành viên của giáo phái khác được gọi là Cây ô liu.

Ông Lee Man He được các tín đồ Shincheonji sùng kính như thần thánh, đi qua đâu, tính đồ cúi rạp xuống tỏ long cung kính ông.. Giáo phái có lối truyền giáo rất đặc biệt., bị giới chức tôn giáo khác tố cáo dùng mưu chước xâm nhập vào các tôn giáo để bí mật khuyến dụ họ theo giáo phái Shincheonji Tân Thiên Địa

Vào tháng 11 năm 2016, Anh Giáo đưa ra một thông báo chính thức cho khoảng 500 giáo xứ ở Luân Đôn, cảnh báo họ về các hoạt động của giáo phái Shincheonji. Tại London, giáo phái Shincheonji hoạt động dưới cái tên tên là Parachristo. Parachristo là một tổ chức từ thiện đăng ký ở Anh. Họ điều hành các khóa học Kinh Thánh tại London và đã dùng các khóa học này để thâu dụng thành viên cho giáo phái Shincheonji

Cũng tại London, cha xứ Nicky Gumble của Holy Trinity Brompton và John Peters của xứ St Mary, London cũng đưa ra những cảnh báo tương tự.

Vào tháng 8 năm 2019, Công nghị hội của giáo phái Tin Lành Baptist ở Manipur, Ấn Độ, cũng đã cảnh báo tín hữu phải cảnh giác với giáo phái Shincheonji.

Giáo chủ Lee Man-Hee cho các mục sư, các linh mục không biết những bí mật của kinh thánh. Ông tuyên bố người ta chỉ có thể thực sự biết Chúa nếu chỉ làm theo và lắng nghe những lời dạy của giáo phái Shincheonji.

Những người gia nhập giáo phái Shincheonji dần dần xa khỏi bạn bè và gia đình và thường nói dối về cuộc sống thực của họ. Họ dành phần lớn thời gian để khuyến dụ người khác theo giáo phái Shincheonji. Họ dành ít thời gian hơn cho gia đình, bạn bè, bỏ bê học hành hoặc làm việc.

Giáo phái này cũng có một số tín đồ Nam Hàn hoạt đông tại Vũ Hán Trung Quốc là nơi phát sinh dịch cúm Corona. Khi dịch cúm bùng nổ các tín đồ Shincheonji Nam Hàn hoạt động trở về nước. Chính những người này đã mang dịch bệnh về Nam Hàn. Tuy nhiên, ban đầu giáo chủ Lee Man He phủ nhận tất cả cáo buộc tìn đồ Shincheonji đã mang dịch bệnh về. Khi các cơ quan y tế Nam Hàn xét nghiệm, họ thấy chính những người đâu tiên mắc dịch bệnh là tín đồ Shincheonji từ Vũ Hán Trung Quốc trở về.

Điều mà làm cho dịch bệnh Corona lây lan nhanh, theo các ký giả của CNN viết về dịch cúm ở Nam Hàn, là do giáo phái này buộc những tín đồ dù bệnh tật, vẫn phải tham dự các nghi thức phụng vụ. Và khi tham dự, họ phải ngồi sát nhau bầy tỏ những cử chỉ liên kết chặt chẽ trong giáo phái. Vì lý do này, cơn dịch bệnh đã phát triển nhanh và đa số các trường hợp nhiễm bệnh là ở Daegu, nơi có giáo đường chính của giáo phái Shincheonji

Cho tới ngày hôm nay 3 tháng 3 Nam Hàn có 5000 ca nhiễm bệnh trong đó có 31 người chết. Tông Thống Moon Jae-in đã tuyên bố Nam Hàn phải đương đầu với cuộc “Chiến Tranh”’

Giáo chủ Lee Man He xin lỗi dân chúng Nam Hàn
Trước tình hình đó, hôm qua giáo chù Shincheonji đã quỳ rạp xuống trong giáo đường của ông ỏ Daegu để chính thức xin dân chúng Nam Hàn tha tội. Trong khi đó các công tố viên Nam Hàn đa xem xét đền việc truy tố giáo chủ Le Man He và 12 giới chức cao cấp của giáo phài này về tội sát nh
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Giỗ 3 Năm Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
10:33 03/03/2020
Lúc 9giờ sáng thứ ba ngày 3.3.2020, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức Lễ Giỗ 3 năm Đức cha Giuse Vũ Duy Thống tại Nhà thờ Chính tòa.

Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế và giảng lễ. Linh mục đoàn, các chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ, quý thân nhân và đông đảo các thành phần dân Chúa trong giáo phận hiệp thông cầu nguyện.

Khởi đầu thánh lễ, Đức cha ngỏ lời cùng cộng đoàn phụng vụ.

Xem Hình

Hôm nay, chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành lễ giỗ 3 năm cho Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, nguyên giám mục Giáo phận Phan Thiết của chúng ta.

Cách đây 3 năm, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống đã qua đời vào lúc 8g00, thứ Tư ngày 01/3/2017 tại Sài-gòn, hưởng thọ 65 tuổi, 32 năm linh mục, 16 năm giám mục. Sự ra đi rất nhanh và đột ngộ của ngài làm bao nhiêu người ngỡ ngàng.

Kèm theo đó là những buồn thương, nuối tiếc về ngài. Hình ảnh của ngài và những kỷ niệm về ngài vẫn còn sống động trong tâm trí của mỗi người chúng ta.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho Đức cha Giuse.

Hiệp với hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá được hiện tại hóa trong thánh lễ này, xin Thiên Chúa là Cha nhân từ sớm đưa Đức cha Giuse vào hưởng thánh nhan Chúa. Và chắc chắn Đức cha Giuse cũng luôn nhớ đến mỗi người chúng ta, nhớ đến Giáo phận Phan Thiết mà Chúa và Giáo hội đã trao phó cho ngài chăm sóc trong suốt 8 năm (2009-2017)

Trong bài giảng lễ, Đức cha gợi lên 3 tâm tình từ cuộc đời Đức cố Giám mục Giuse.

“Xin cúi chào tất cả tôi ra đi

Tôi ra đi, đi về nhà Cha dấu yêu

Một lần cuối, xin vĩnh biệt

Vĩnh biệt muôn người tôi dấu yêu…”

1. Kính thưa cộng đoàn,

Đây là lời bài hát “Giã từ” trong đoạn video clip dài 5 phút về Nghi thức Tẩn Liệm Đức cha Giuse Vũ Duy Thống… Khởi đầu từ hình ảnh của chiếc xe cứu thương đến khuôn mặt thật của Đức cha Giuse trước khi nhạp quan và những giọt nước mắt của người thân… thật đau thương.

Nhưng sau đó vô cùng an ủi là thánh lễ mà Đức cha Emmauel Nguyễn Hồng Sơn và rất nhiều linh mục trong giáo phận cùng đồng tế…

Những hình ảnh thật thân thương về Đức cha Giuse giờ đây cũng đang đầy ắp trong tâm trí của mỗi người chúng ta, đặc biệt của tang quyến và của những linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân làm việc sát cánh với Đức cha Giuse.

Cách đây 3 năm, Đức cha Giuse đã ra đi vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, 1/3/2017. Với Lễ Tro, Hội Thánh phủ lên mình màu tím của sám hối và bắt đầu vào Mùa Chay thánh. Cũng ngày hôm ấy, Giáo phận Phan Thiết khoác lên mình màu trắng của khăn tang vì mất đi người cha chung của giáo phận.

Cho đến nay, 3 năm đã trôi qua, nhưng nỗi buồn thương xem ra con rất mới. Tuy vậy, là kitô hữu, chúng ta không dừng lại ở nỗi buồn thương tự nhiên, nhưng lại được mời gọi hướng về sự sống đời sau, sự sống vĩnh cửu bên Chúa.

Cái chết đau thương trên thập giá của Chúa Giêsu đã trở thành niềm an ủi và hy vọng cho toàn thể con người khi phải đối diện với cái chết, như là dấu chấm hết của cuộc đời mỗi người.

Thánh lễ hôm nay đang hiện tại hóa hy tế thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Tôi xin được chia sẻ 3 tâm tình mà các bài đọc Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay đã gợi lên cho tôi.

(*) Trước hết, tâm tình về sự sống bình an trong Chúa của Đức cha Giuse sau cái chết.

2. Trong bài đọc 1, sách Khôn ngoan cho chúng ta biết sự thật về sự sống vĩnh cửu sau cái chết:

“Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra cá ngài sống trong bình an.”

Kính thưa cộng đoàn. Cuộc đời của Đức cha Giuse với 65 tuổi đời, đặc biệt là những năm cuối đời với nhiều bệnh tật và đau đớn thể xác… và sự ra đi rất nhanh và đột ngột của ngài làm mọi người ngỡ ngàng, buồn thương… Nhưng Lời Chúa đang an ủi chúng ta:

“Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài.”

Thật vậy, giờ đây, đau khổ và cái chết không còn làm gì được Đức cha Giuse nữa. Với hy tế thập giá của Chúa Giêsu và ơn cứu độ Chúa Giêsu mang lại… Đức cha Giuse giờ đây đang sống bình an trong Chúa.

Tình yêu và bình an của Chúa Giêsu phục sinh lức này cũng đang bao phủ cộng đoàn chúng ta, trong lúc chúng ta tưởng nhớ về Đức cha Giuse với nỗi buồn thương tiếc.

(*) Tâm tình thứ hai về Đức cha Giuse là một người mục tử với tâm hồn nghệ sĩ, sống và chết cho Chúa.

3. Là con tưởng trong một gia đình 4 người con, gồm 2 trai, 2 gái… Đức cha Giuse là anh cả của 1 em trai và 2 em gái. Với một tâm hồn nhạy cảm, người con trai cả rất thương mẹ của mình, vất vả, lam lũ… Tôi từng được nghe ngài kể về bà cố: “Mẹ mình vất vả lắm. Là một nông dân, cuộc đời cứ phải cúi gầm trên đất để cấy, cày… làm lụng, lo cho gia đình, cho con cái…”

Từ đó, tôi hiểu được chút tâm tình bài hát “Để Mẹ Trọn Niềm Vui” của tác giả Thông Vi Vu. Nội dung bài hát diễn tả về “bà mẹ quê gửi cho con đi học ở xa chai thuốc ‘bổ óc” vào kỳ thi. Thế nhưng, gần lúc kỳ thi năm ấy, người con bị đau, có nguy cơ bị rớt. Người con không dám cho mẹ biết. Tuy vậy, thật may mắn, “mùa thi ấy vẫn kết trái. Người mẹ nhận tin vui đã nhắn cho con với một niềm tin thật chất phát “thuốc thật công hiệu phải không con.”

Và câu điệp khúc của bài hát đã vang lên:

“Mẹ tôi là thế, giống như bao mẹ quê

Thương con trọn bề, giang cánh tay

âm thầm vỗ về mãi chở che

Tình thương vì thế mới thiêng liêng làm sao

Tâm tư dạt dào

Nhưng nỗi riêng con nào dám ngỏ để mẹ trọn niềm vui.”

Kính thưa cộng đoàn,

Ai sống và làm việc cạnh Đức cha Giuse có thể cảm nghiệm được điều này… Như tâm tình của người con đối với bà mẹ quê, người con không dám nói hết sự thật mình nghĩ “để mẹ trọn niềm vui”…

Đức cha Giuse cũng thế, với trái tim rất nhạy cảm của một nghệ sĩ, nhưng cũng là trái tim của một mục tử, cảm nghiệm và giữ những nỗi đau cho riêng mình, không nói ra cho người khác… Để những người chung quanh, con cái trong giáo phận “được bình an”.

Thật vậy, những điều xem ra rất nhỏ của cuộc sống, như: đôi dép, một chút, hạt cà phê, củ cà rốt, dấu dân,… đã từng làm trái tim của Thông Vi Vu rung lên… thật thi vị, tha thiết, như:

“Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ. Mà yêu quá chẳng rời nhau nửa bước.”

Và Đức cha Giuse chỉ chia sẻ, hay nói ra điều thi vị, và xem ra, như lờ đi những cái tầm thường, bụi bặm, nhỏ nhặt,…

Và với sự nhạy cảm như thế Đức cha Giuse đã sống trọn với những gì mà Thiên Chúa và Giáo hội trao phó, dù đó là những điều xem ra không hợp với sở thích bản thân.

Tôi củng đi du học với ngài: tôi họ về Linh đạo – tu đức, còn Đức cha Giuse được bề trên đề nghị học “Tín lý, với chuyên ngành Giáo hội học”.

Môn “Tín lý” thật “vô cùng nghiêm túc, với những điều phải tin, nghiêm khắc, chính xác…” xem ra không hợp với “những cảm nghiệm mơ mộng, mênh mông, rất linh động” của người nghệ sĩ… Môn tín lý ấy đã được Đức cha Giuse đón nhận với sự vâng phục và lòng yêu mến đối với Chúa và Giáo hội.

Quả vậy, nhìn lại cuộc đời của Đức cha Giuse với biết bao “dấu thăng, dấu giáng” đã làm cho đời mục tử của ngài trở thành những dòng nhạc, những bài ca, vẫn còn đang tiếp tục làm rung động bao người.

Cũng hôm qua vừa rồi, tôi xem lại video bài hát cách đây 2 năm với tựa đề “Một chút nhớ cha lắm…” Sáng tác: Dấu Chân – Trình bày: Nguyễn Hồng n… và bên dưới là những lời chia sẽ “comment” như sau:

“Chúa gọi Cha về quá bất ngờ. Sự ra đi đến ngỡ ngàng. Những gì Cha đã làm trên cuộc đời trần thế đối với Chúa là đủ rồi. Yên nghỉ bình an Cha nhé. Chúng con luôn nhớ đến Cha. Luôn nhớ đến Thông Vi Vu thân yêu của chúng con.”

Hay một lời comment khác:

“Cha ơi, Cha đã về với Chúa quá sớm: chúng con mãi thương tiếc và nhớ Cha lắm. Tấm lòng, cung cách sống và các tác phẩm của Cha để lại làm cho người nghe được thúc đẩy sống tốt và sống gần gũi Chúa hơn.”

(*) Và tâm tình thức ba: Đức cha Giuse để lại niềm tín thác vào Thiên Chúa.

4. Kính thưa cộng đoàn,

Những lời chia sẻ trên đây là của những bạn trẻ Công Giáo, có lẽ giờ đây cũng là tâm tình của chúng ta dưới ánh sáng đầy an ủi của Lời Chúa. Đó là lời của Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ, đang buồn sầu, xao xuyến, trước sự loan báo về cuộc tử nạn, cuộc ra đi của Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha:

“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. (Ga 14,1-3)

65 tuổi đời, xem ra còn trẻ… còn cống hiến được nhiều cho Giáo hội và xã hội… Nhưng Chúa đã gọi Đức cha Giuse về với Chúa.

Và cách đây 3 năm, Đức cha đã nhanh nhẹn, đón nhận cuộc ra đi này. Và giờ đây, với tâm tình của thánh Phaolô trong bài đọc 2, Đức cha Giuse như muốn ngỏ với chúng ta:

“Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14,7-8)

Kết: Kính thưa cộng đoàn,

Giờ đây, khi đã về bên Chúa, chắc chắn Đức cha Giuse sẽ không quên chúng ta và giáo phận Phan Thiết.

Tuy vậy, trong niềm tín thác vào tình thương của Thiên Chúa, chúng ta nhìn nhận rằng: là con người chắc chắn ai cũng có những khiếm khuyết, những thiếu sót lỗi lầm, như lời Kinh Vực Sâu chúng ta vẫn thường đọc: “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được”.

Để rồi, chúng ta tiếp tục dâng lời cầu xin: Xin cho linh hồn Đức cha Giuse được sớm hưởng Thánh Nhan Chúa. Amen.

***

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Cha cùng Cha Tổng và Đan viện phụ Châu thủy đến trước phần mộ Đức Cha Giuse rảy nước thánh và xông hương, cộng đoàn đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính. Sau thánh lễ nhiều người đến quỳ gối trước phần mộ Đức Cha Giuse cầu nguyện sốt mến.Quý cha về Tòa Giám Mục dự tĩnh tâm tháng 3.

Mầu nhiệm các thánh cùng thông công là một trong những đề mục của kinh Tin kính, và mỗi người cũng đã sống với lòng tin này ngay từ khi dấn bước vào trong Giáo hội. Những người đã khuất không cách ly với những người còn đang sống trên trần thế, bởi vì họ muôn đời được gắn kết với nhau trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô.

Hôm nay đại gia đình giáo phận hiện diện trong Nhà thờ Chính tòa hiệp dâng thánh lễ tưởng nhớ Đức cố Giám mục Giuse, vị mục tử kính yêu đã chứng kiến và chia vui sẽ buồn với nhịp sống của giáo phận qua nhiều năm tháng. Nhớ đến ngài nhân dịp giỗ ba năm cũng chính là lúc mọi người trầm mình trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công, ở đó ngài vẫn nối kết với cộng đoàn bằng tinh thần nâng đỡ, một lời cầu nguyện, và mỗi người nối kết với ngài bằng niềm hiệp thông của kinh nguyện. Mong rằng sự phục sinh của Đức Kitô là chất dẫn khởi gắn kết mỗi người với Đức cha Giuse sẽ còn luôn sinh động mãi, để rồi ngày giỗ hôm nay như là một khởi đầu giúp mỗi người bước vào niềm hân hoan. Xin Chúa thương thanh tẩy Đức cha Giuse kính yêu bằng lòng thương xót của Chúa và thương đón nhận ngài vào quê hương vĩnh phúc, nơi đó Đức Kitô là sự sống phục sinh cho mọi người tin cậy nơi Ngài.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tại sao không đọc số chương và số câu của bài đọc?
Nguyễn Trọng Đa
10:38 03/03/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Gần đây con đã được yêu cầu giải thích lý do tại sao người đọc trong Thánh lễ không đọc số chương và số câu được trích từ đâu, cho bài đọc trong Thánh lễ. Con đã cố gắng kiểm tra nhiều tài liệu để tìm ra lời giải thích, nhưng cho đến nay con đã không tìm thấy đó là một quy định, hoặc thậm chí chỉ nhắc sự thực hành mà thôi. - C. M., Lusaka, Zambia


Đáp: Tôi muốn nói rằng có một số lý do tại sao việc công bố chương và các câu đọc thường không phải là một phần của truyền thống phụng vụ, cho dù là Công Giáo hay Chính thống giáo. Theo như tôi có thể xác định, các buổi cử hành của Anh giáo đều công bố chương và câu trước khi đọc.

Lý do đầu tiên, tôi có thể nói, là rằng các nghi thức phụng vụ về công bố các bài đọc đã được thiết lập từ lâu, trước khi có việc đưa số chương và số câu vào Kinh thánh. Khi giảng thuyết, các Giáo phụ nói: “Như thánh Gioan nói ở đâu đó…” hoặc “Như lời ngôn sứ Êdêkien về đền thờ…,” vì các tham chiếu chương và câu chưa có lúc ấy.

Việc đưa số chương vào Kinh Thánh đã được thực hiện bởi Đức Hồng Y Stephen Langton, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Canterbury (1150-1228). Có lẽ công trình này đã được thực hiện khi ngài còn là giáo sư tại Đại học Paris vào những năm 1204-1205, để mang lại sự đồng nhất trong việc giảng dạy Kinh Thánh cho các sinh viên đến từ khắp châu u. Các số chương này sau đó đã được chọn đưa vào ấn bản đầu tiên của Kinh Thánh Phổ thông Latinh.

Còn số các câu được giới thiệu trễ hơn, sau khi phát minh báo in. Đối với Cựu Ước, sự phân chia câu dựa trên một thoả thuận năm 1440 của Kinh thánh Do Thái do Giáo sĩ Isaac Nathan ben Kalonymus chuẩn bị, dựa trên một hệ thống phân chia cũ hơn nhiều, được sử dụng để nghiên cứu và soạn thảo sách thánh trong cộng đồng Do Thái. Thoả thuận này được in lần đầu tiên vào năm 1523 và hệ thống của nó đã trở thành tiêu chuẩn.

Mặc dù không phải là người đầu tiên phân chia Tân Ước thành các câu, nhưng hệ thống hiện đại này được giới thiệu bởi học giả và nhà xuất bản Robert Estienne (1503-1559) trong ấn bản Tân Ước Hy Lạp năm 1551, một phiên bản tiếng Pháp năm 1553 và bản Phổ thông Latinh năm 1555.

Vì chu kỳ các bài đọc và các nghi thức giới thiệu đã có sẵn, và cho đến thời gian tương đối gần đây, các bài đọc được công bố bằng tiếng Latinh, việc phân chia thành chương và câu không bao giờ được đưa vào phụng vụ.

Một lý do thứ hai là rằng Hội Thánh Công Giáo Rôma thường chọn và xóa các văn bản cho việc công bố phụng vụ, để truyền tải một thông điệp cụ thể phù hợp với thời đại, trong khi bỏ đi một số câu. Thí dụ, vào Chúa Nhật 23-2-2020, bài đọc 1 trích từ sách Lêvi 19: 1-2 và 17-18, các câu đầu giới thiệu và bối cảnh hóa các câu sau. Sự thực hành này sẽ làm cho việc công bố là khá lúng túng.

Một lý do thứ ba là rằng các lời giới thiệu phụng vụ hướng đến việc thúc đẩy một thái độ lắng nghe chăm chú nơi tín hữu, hơn là truyền đạt thông tin. Điều này là khá đơn giản trong nghi thức Rôma, mặc dù việc loan báo Tin Mừng được mở đầu bằng lời chào và lời đáp “Chúa ở cùng anh chị em. - Và ở cùng cha” nhấn mạnh rằng sự giao tiếp đến từ Chúa Kitô. Đó là lời sống động được cảm nghiệm, chứ không chỉ là một bài đọc hay bản văn được sử dụng như một điểm khởi đầu để rao giảng.

Phụng vụ phương Đông có xu hướng nhấn mạnh thực tại này mạnh mẽ hơn nhiều. Chẳng hạn, Phụng vụ Thánh Gioan Kim Khẩu được sử dụng rộng rãi giới thiệu Phụng vụ Lời Chúa theo cách như sau:

“Đối với Thư, linh mục hát: Chúng ta hãy lắng nghe.

(Người đọc đọc các câu từ Thánh vịnh.)

Phó tế: ‘Đức Khôn ngoan.’

Người đọc: Bài đọc từ sách …(tên của sách Tân Ước mà từ đó bài đọc Tông đồ được chọn).

Phó tế: Chúng ta hãy lắng nghe.

(Người đọc đọc bản văn)

Linh mục: Bình an của Chúa ở cùng anh chị em.

Cộng đoàn: Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Linh mục (đọc nhỏ): Lạy Chúa yêu thương, xin tỏa chiếu trong tâm hồn chúng con ánh sáng thuần khiết của trí khôn của Chúa, và mở mắt của tâm trí chúng con, để chúng con có thể hiểu được thông điệp Tin Mừng của Chúa. Xin thấm nhuần trong chúng con sự quý trọng các điều răn của Chúa, để khi chinh phục các ham muốn tội lỗi, chúng con có thể theo đuổi một đời sống thiêng liêng, suy nghĩ và làm tất cả những gì làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.”

Các nghi thức giới thiệu cho việc công bố bài Tin Mừng theo sau:

Linh mục: Đức Khôn ngoan. Hãy đứng lên. Chúng ta hãy nghe bài Tin Mừng. Bình an của Chúa ở cùng anh chị em.

Cộng đoàn: Và ở cùng cha.

Phó tế: Bài đọc từ Tin Mừng theo thánh (Tên). Chúng ta hãy lắng nghe.

Cộng đoàn: Lạy Chúa, vinh danh Chúa.

(Phó tế đọc bài Tin Mừng đã định.)

Cộng đoản: Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa. (Zenit.org 3-3-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/chapter-and-verse-of-the-readings/
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Tím Mùa Chay
Nguyễn Trung Tây Lm.
22:49 03/03/2020
HOA TÍM MÙA CHAY
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Hoa tím mùa Chay nhắc nhở thầm thì:
Xin đổi cõi lòng, chớ đổi xiêm y!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha và các biện pháp phòng chống coronavirus tại giáo triều Rôma.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:28 03/03/2020
Trong một diễn biến thật đáng lo ngại, vì tình trạng sức khoẻ, Đức Thánh Cha đã không thể tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay tại Trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolô ở Ariccia, thuộc giáo phận Albano, cách Rôma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Tuần tĩnh tâm Mùa Chay bắt đầu từ Chúa Nhật mùng 1 và kết thúc vào mùng 6 có chủ đề là “Bụi cây cháy bừng (Xh 3: 2) - Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người dưới ánh sáng của sách Xuất hành, Tin mừng Thánh Matthêu và lời cầu nguyện của Thánh vịnh.” Vị giảng thuyết trong tuần tĩnh tâm này là Cha Pietro Bovati, linh mục Dòng Tên và Thư ký của Ủy ban Tòa Thánh về Kinh thánh.

Chủ đề của tuần tĩnh tâm Mùa Chay này chạm đến kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa, được thể hiện qua cuộc gặp gỡ của ông Môisê với Thiên Chúa khi ông nghe giọng nói của Thiên Chúa từ bụi cây đang cháy bừng. Chính giọng nói này chiếu sáng cuộc sống của dân Chúa và truyền cho họ phải sống như thế nào. Cha Pietro Bovati cho biết: “Các bài tĩnh tâm, về cơ bản, được soạn thảo như một sự giúp đỡ cho cuộc gặp gỡ cá vị này của các linh hồn với Thiên Chúa.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tòa Thánh đã thực hiện các biện pháp y tế đặc biệt, và đã hủy bỏ một số sự kiện trước tin tức cho biết tính đến chiều thứ Bẩy 29 tháng Hai, 1,128 người đã thử nghiệm dương tính với coronavirus ở Ý, và 29 người đã thiệt mạng vì virus cực kỳ nguy hiểm này.

“Các chai thuốc khử trùng tay đã được lắp đặt tại các văn phòng trong quốc gia thành Vatican. Bên cạnh đó, một y tá và bác sĩ túc trực tại một phòng khám của Vatican để sẵn sàng hỗ trợ ngay lập tức,” ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói với Vatican News.

Mặc dù chưa có trường hợp nào được chẩn đoán nhiễm coronavirus tại Vatican, nhưng ông Bruni cho biết rằng các nhân viên y tế của Vatican đã làm việc với Bộ Y tế Italia về các thủ tục có thể được thực hiện và liên hệ chặt chẽ với chính quyền miền Lazio, bao quanh Rôma.

Tuân thủ các quy định của chính quyền Ý, một số sự kiện được lên kế hoạch trong vài ngày tới bên trong những phòng họp, và có đông công chúng tham dự đã bị hoãn lại,” ông Bruni cho biết thêm.

Vì có tuần tĩnh tâm Mùa Chay từ 1 đến 6 tháng Ba, nên Vatican đã không lên kế hoạch cho các buổi triều yết với Đức Giáo Hoàng trong tuần lễ này. Đồng thời, các hội nghị ở Rôma và các sự kiện bên trong các tòa nhà khác đã bị hủy bỏ.

Một hội nghị dự trù diễn ra trong hai ngày 5 và 6 tháng Ba tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô về việc mở văn khố Tòa Thánh về Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã bị hủy bỏ. Một cuộc hội thảo về truyền thông từ ngày 2 đến 7 tháng 3 tại Đại học Giáo hoàng Urbanô cho các đại diện trên toàn cầu của các hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cũng đã bị hủy bỏ.

Hôm 25 tháng Hai, một buổi ra mắt sách về Đức Hồng Y Celso Costantini, với các diễn giả chính là các Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; Luis Antonio Tagle tân Bộ Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc; và Fernando Filoni, nguyên bộ trưởng bộ này đã bị hủy bỏ trước những lo ngại liên quan đến coronavirus.

Trong một quyết định đau lòng, tổng giáo phận Milan đã đình chỉ tất cả các thánh lễ bắt đầu từ tối 23 tháng Hai cho đến khi có thông báo mới.

Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Venice, là Đức Tổng Giám Mục Francesco Moraglia, đã đình chỉ các Thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác, trong một tuần, bao gồm lễ rửa tội và chặng đàng Thánh Giá, cho đến Chúa Nhật mùng 1 tháng Ba.

Trong miền Lazio, bao quanh Rôma, cho đến nay chỉ có ba trường hợp được báo cáo: một người Ý, đã hồi phục và hai khách du lịch Trung Quốc đang được điều trị trong bệnh viện.




Source:Catholic News Agency