Ngày 05-03-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư Lễ Tro 6/3/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
05:25 05/03/2019
 
Tro nhắc ta ý thức thân phận mình
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:56 05/03/2019
Thứ Tư Lễ Tro

Năm nào cũng thế, Hội Thánh dành cả một mùa Chay dài để mời gọi chúng ta ý thức thân phận nhỏ nhoi mỏng dòn nơi bản tính con người của mình, vốn dễ bị tội lỗi thống trị.

Nghi thức xức tro chính là nghi thức khai mạc mùa chay. Nó là hành động hữu hiệu và cụ thể nhất nhắc nhở ta về thân phận và kiếp người nhỏ nhoi mỏng dòn ấy. Để khi cúi đầu nhận lãnh một chút tro từ tay thừa tác viên, bạn và tôi hiểu rằng: Thân phận này chỉ là bụi tro, Bởi thế, nghi thức xức tro là một nghi thức sám hối nhiều ý nghĩa.

Nếu ta xức tro bằng một ý hướng ngay lành, bằng một tâm hồn thành thật, nghi thức này sẽ cho ta sự khiêm tốn cần thiết để đón nhận bài học của một sự thật rất quí giá: xuất phát từ tro bụi, thân phận được hoàn trả cho bụi tro. Chỉ cần một lần xuôi tay nhắm mắt là đủ để tất cả tan biến.

Đồng thời mùa chay còn giúp ta có đủ thời gian chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Phục Sinh, đón mừng vị thủ lãnh của ta vượt qua sự chết, sự đau khổ đưa ta vào nguồn sống thật. Dẫu chỉ là tro bụi, nhưng nhờ Chúa Kitô, thân phận bụi tro không mất đi, không tan biến đời đời, nhưng lại được mặc lấy sự sống vĩnh cửu, sự sống phục sinh huy hoàng của chính Chúa Kitô.

Với hai tâm tình chính của mùa Chay: ý thức thân phận của bản thân và chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Phục sinh như thế, Hội Thánh mời gọi ta ăn năn sám hối, mời gọi ta trở về với Chúa bằng nỗ lực nên thánh của mình. Bài học của sự trở về và nên thánh của các thánh sẽ là bài học cụ thể cho ta noi gương bắt chước. Tôi muốn nói với bạn về cuộc trở lại của thánh Phaolô tông đồ.

Sách Công vụ tông đồ cho biết, thánh Phaolô là một thanh niên Dothái nhiệt thành và rất sùng đạo. Phaolô không thể chấp nhận giáo thuyết quá mới mẽ của ông Giêsu, một thứ giáo thuyết dường như đi ngược lại mọi lề luật, mọi truyền thống của cha ông. Chính bản thân ông Giêsu đã bị các bậc lãnh đạo trong đạo Dothái và chính quyền đế quốc giết chết nhục nhã và thảm hại trên thập giá.

Cuộc đời Giêsu đã chấm hết từ đó, vậy mà những người tự xưng là môn đệ của Giêsu lại rao giảng ở khắp nơi rằng Giêsu đã sống lại, không những vẫn sống cho đến nay, mà sẽ sống đời đời.
Đám môn đệ khờ dại ngu ngốc còn cho rằng: Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu thế mà trần gian này chỉ có một. Mỉa mai thay! Làm sao một người đạo đức như Phaolô, rất mực tôn thờ Chúa như Phaolô lại có thể chấp nhận những điều ấy. Phạm thượng đến thế là cùng!

Chưa hết, đám môn đệ đáng thương đó còn hăng say gieo rắc cái lý thuyết đầy tội lỗi ấy khắp nơi. Bây giờ lũ người mê muội ấy càng lúc càng đông. Phải chặng đứng. Phải tiêu diệt. Phải bảo vệ tôn giáo và truyền thống của cha ông.

Và cuộc tử đạo đầu tiên bắt đầu. Một người thanh niên cũng ngoan đạo không kém gì Phaolô: Stêphanô. Khác một điều, Stêpanô lại trung thành với Giêsu quá mức, sẵn sàng chết để tuyên xưng niềm tin vào Giêsu. Tội của Stêphanô đáng chết lắm.

Ngày tử hình Stêphanô, Phaolô đã làm chứng nhân cho cuộc hành quyết này. Từ đó chàng trai Phaolô càng hăng say bảo vệ Dothái giáo. Anh đã lên Giêrusalem, xin các bậc lãnh đạo chứng minh thư để đi Damas bắt hết bọn người ngu ngốc tin tưởng vào Giêsu, đem về Giêrusalem mà xử tội.

Phaolô lầm to. Các môn đệ của Chúa Giêsu không hề ngu ngốc, chỉ có Phaolô là không hiểu biết gì. Phaolô không hề là đối tượng thù ghét của Giêsu. Chỉ có Phaolô là thù ghét Giêsu và bắt bớ môn đệ của Người mà thôi.

Phaolô đâu có ngờ rằng, chính khi ra sức bảo vệ đạo giáo, bảo vệ truyền thống của cha ông, Phaolô đã kịch liệt chống đối Thiên Chúa, phạm thượng đến mức quá sức tưởng tượng và tàn nhẫn vô song khi đổ máu các môn đệ.

Chính Giêsu chẳng những không thù ghét mà còn muốn Phaolô trở lại làm môn đệ cho Người. Buổi trưa hôm ấy, tiếng của Chúa Giêsu uy hùng trong ánh sáng huyền diệu siêu phàm: "Saolô, Saolô sao người bắt bớ Ta?", đã xô Phaolô ngã trong cơn khiếp sợ kinh hoàng.

Từ đó Phaolô đã đổi đời. Chàng trai Saolô ngày nào hăng say chống phá đạo mới của thủ lãnh Giêsu bao nhiêu, giờ đây trở nên thánh Phaolô hăng say gìn giữ và bảo vệ giáo huấn của Giêsu bấy nhiêu.

Chúa Giêsu đã không lầm khi chọn một kẻ thù nghịch với mình làm môn đệ. Bởi kẻ thù nghịch ấy bây giờ đã trở thành một trong những môn đệ hàng đầu trong số các môn đệ. Phaolô nguyện suốt đời tôn thờ Chúa Giêsu, suốt đời trung thành với giáo huấn của Người.
Thánh Phaolô đã nên giống Thầy Giêsu cho đến mức, cuối đời, sau những năm tháng dài vất vả bôn ba khắp nơi để rao giảng giáo huấn của Thầy, đã hiến dâng dòng máu, hiến dâng mạng sống của mình làm chứng tá cho giáo huấn đó.

Thánh Phaolô là tấm gương cho sự quyết tâm trở về và trung thành với Chúa của Chúng ta. Cuộc trở về của ngài là bài học của sự dứt khoát từ bỏ quá khứ mà ta cần học lấy cho chính mình, để dù có tội lỗi đến đâu, có bất xứng cách mấy, ta vẫn có thể nhìn vào đó mà đứng lên, làm một cuộc đổi đời như thánh Phaolô.

Không chỉ là tấm gương tuyệt hảo cho ta, trong bài đọc hai của lễ Tro, bài trích thư gửi giáo dân thành Côrintô, thánh Phaolô còn mời gọi: "Nhân danh Chúa Kitô, tôi năn nỉ anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa". "Tôi năn nỉ anh em"! Lời mời gọi sao mà tha thiết, sao mà đáng yêu. Từ một con người quá xa lạ với đạo Chúa, xa lạ đến mức như là tội ác, vậy mà giờ đây lại có những lời chân thành thấm thía đến thế.

Con người đó rất đáng để bạn và tôi khâm phục, rất đáng để bạn và tôi bước theo, rất đáng để bạn và tôi học đòi bắt chước mà sống ơn gọi sám hối trong suốt mùa Chay. Cả con người và lời "năn nỉ" đó, nếu bạn và tôi mang theo và ghi nhớ vào lòng mình, thì không chỉ trong mùa Chay, nhưng còn là cả cuộc đời, chúng ta sẽ nên tốt lành thánh thiện như chính bản thân thánh nhân.

Có ai ngờ một kẻ chống đạo lại trở thành thánh nhân. Thánh Phaolô, một bầu trời hy vọng cho ta. Ngay cả một lần chối Chúa cũng chưa từng, và sẽ không bao giờ dám có một ý nghĩ nào manh nha như thế, đừng nói chi đến chống đối Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng điều mà thánh Phaolô đã đạt được hôm nay, nhờ tình yêu của Chúa, ta cũng sẽ đạt được trọn vẹn như thế.

Mùa chay, rắc một chút tro tàn lên đầu để mỗi ngày ý thức thân phận bé nhỏ của mình mà cảm nhận lòng thương xót của Chúa, mà nỗ lực cộng tác với ơn Chúa. Nhờ đó ta dám hy vọng chính bản thân ta có thể bước ra từ thân phận tội nhân để trở thành thánh nhân.

 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Thứ Tư Lễ Tro C 6.3.2019
Lm Francis Lý văn Ca
07:07 05/03/2019
ÐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta bắt đầu Mùa Chay Thánh của Giáo Hội qua việc ăn chay và kiêng thịt. Giờ đây chúng ta tham dự thánh lễ cũng như tham dự nghi thức làm phép và xức tro sau bài chia sẻ của linh mục chủ tế.

Mùa Chay trở về mời gọi người tín hữu sống tinh thần của việc ăn năn sám hối, trở về với Chúa qua chay tịnh và làm hòa với Ngài cũng như Anh Chị Em qua Bí Tích Hòa Giải một cách cụ thể.

Chu kỳ Phụng Vụ của Mùa Chay được bắt đầu qua nghi thức làm phép và xức tro hôm nay, có ý nghĩa kêu mời chúng ta ăn năn thống hối, qua việc làm cụ thể nầy, chúng ta sẽ nhận được sự khoan hồng thứ tha của Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót.

Mỗi người tín hữu chúng ta được kêu mời gia tăng những việc lành đạo đức, những nghĩa cử bác ái đối với tha nhận biểu lộ lòng thương xót của Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận trong tinh thần chia sẻ những hồng ân Chúa ban tặng cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày

Giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Giona nhắc nhở dân chúng quay trở về với Thiên Chúa Giavê, qua chay tịnh phần xác. Chúng ta cũng được Giáo Hội mời gọi hy sinh, hãm mình và đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội trong chiến dịch tình thuơng của Mùa Chay Thánh.

TRƯỚC BÀI II:
Qua Ðức Kitô, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa Cha. Nhưng với thân phận yếu hèn, chúng ta chúng ta đã đánh mất ơn Chúa qua tư tưởng, lời nói và việc làm. Mùa Chay là dịp thuận lợi để chúng ta chuẩn bị làm hòa lại với Chúa và với anh chị em qua những nghĩa cử cao đẹp.

TRƯỚC BÀI PHÚC ÂM:
Chúa Giêsu nhắc nhở các tông đồ những nguyên tắc chính để thực hiện trong việc chay tịnh: Bố Thí, Cầu Nguyện và Ăn Chay Hãm Mình. Chúng ta đã thực hiện một phần nào đó trong ngày hôm nay và trong suốt lộ trình của Mùa Chay.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Qua phần phụng vụ đặc biệt của ngày lễ hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta trở về với Ngài, qua chay tịnh phần xác và hướng đến tha nhân trong sự bác ái. Giờ đây chúng ta dâng lên Thiên Chúa ý nguyện cầu sau đây:

1. Mùa Chay nhắc nhở chúng ta phải trở về với Chúa và làm hòa với anh em. Xin Chúa giúp mỗi nguời trong chúng ta tìm gặp được Chúa qua bí tích hòa giải và làm hòa với anh em trong thông cảm và tha thứ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Ðáp lại tiếng Chúa và Giáo Hội kêu mời, chúng ta đã bước vào ngày đầu tiên của Mùa Chay Thánh. Xin cho chúng ta biết dùng 40 ngày của Mùa Chay Thánh, mưu ích cho cá nhân bằng những ích lợi thiêng liêng và tha nhân nhận được lòng quảng đại của chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Một năm đã qua, có quá nhiều biến cố đau thương xảy đến: thiên tai, chiến tranh, hỏa hoạn, mất mùa, khủng bố gieo tang tóc kinh hoàng. Xin cho chúng ta biết dùng khả năng Chúa ban để phần nào xoa dịu những thống khổ của anh chị em kém may mắn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho mắt tâm hồn của chúng ta rộng mở, trái tim chúng ta biết thông cảm với những nổi thống khổ của tha nhân và tay của chúng ta biết chia sẻ với anh chị em đang khốn cùng nhửng hồng ân Chúa ban tặng cho chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng con cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên, anh chị em của chúng ta đã qua đời, đặc biệt là những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, là Ðấng hay thương xót và tha thứ, xin nhìn đến sự thống hối ăn năn của chúng con trong ngày lễ hôm nay. Xin tăng thêm ơn thần lực, để chúng con mạnh dạn biến đổi đời sống và hướng đến anh em trong tình bác ái. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.

 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:38 05/03/2019
50. THI NÓI KHOÁC

Giáp nói:

- “Trong nhà tôi có một cái trống, mỗi lần đánh lên thì trong phạm vi một trăm dặm đều nghe tiếng trống.”

Ất nói:

- “Trong nhà tôi có một con trâu, đứng ở bờ sông phía nam uống nước, đầu có thể vươn thẳng đến bờ sông phía tây.”

Giáp gật gật đầu nói:

- “Làm gì có con trâu lớn như thế chứ ?”

Ất nói:

- “Nếu không có con trâu ấy thì làm gì có miếng da trâu lớn để cho anh làm mặt trống lớn khổng lồ chứ !”

(Tiếu phủ)

Suy tư 50:

Nói khoác thì cũng giống như nói láo, bởi vì nói ra toàn là chuyện bịa đặt.

Ma quỷ là tên đại gia nói khoác số một đã phỉnh phờ nguyên tổ chúng ta phạm tội mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, và nó vẫn còn nói khoác mãi mãi vì bản chất của chúng nó là như thế.

Người thích nói khoác là người có một tâm trạng bất ổn, là người có mặc cảm thua kém người khác, họ khoác lác để che giấu cái mà mình không có như những người khác, do đó mà họ trở thành những người nói láo.

Người Ki-tô hữu không thích nói khoác, nhưng rất thích rao giảng Lời Chúa cho mọi người bằng chính cuộc sống phục vụ của họ, họ đem những gì nghe được trong bài giảng Lời Chúa của các thánh lễ ra thực hành cách quảng đại mà không phô trương hay khoác lác, bởi vì chính họ đã cảm nghiệm được rằng: chỉ có lời nói thành thật và việc làm chân thành mới lôi kéo được người ta đến với Chúa mà thôi...

Có con trâu lớn thì mới có tấm da lớn để làm mặt trống, đó là lời nói hợp lý, nhưng làm gì có cái trống đánh vang dội trong phạm vi một trăm dặm vẫn nghe, nhưng làm gì có con trâu lớn đầu ở bờ sông phía nam vươn tới bờ sông phía tây, đúng là khoác lác. Ma quỷ cũng đã khoác lác như thế khi cám dỗ chúng ta phạm tội: “Làm gì có Thiên Chúa, mà có chăng nữa thì Chúa không phạt liền đâu mà sợ, cứ ăn chơi đi... !”

Thế là có rất nhiều người đua nhau đi vào hỏa ngục đời đời kiếp kiếp vì lời cám dỗ ngọt ngào này...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:40 05/03/2019

98. Ở đâu có sự kính sợ Thiên Chúa, thì ở đó có sự thuần khiết thống trị.

(Thánh Basilius Magnus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Tư Lễ Tro: Đặc tính trổi vượt của Mùa Chay
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:56 05/03/2019
Thứ Tư Lễ Tro: Đặc tính trổi vượt của Mùa Chay

Nếu có hỏi ai và nếu có ai hỏi Mùa Chay là gì, thì hầu như 99% trả lời dễ dàng, Mùa Chay là mùa sám hối, đổi mới, mùa trở về, ăn năn, và dĩ nhiên là mùa “ăn” chay. Ấy vậy, mà trả lời ấy lại không trúng hẳn. Cái mà chúng ta ít nghe nói tới, lại là đặc điểm chính của Mùa Chay.

Nói có sách, mách có chứng. Sách mà ta dẫn chứng, là hiến chế Phụng Vụ của CĐ Vatican 2, ra năm 1963, số 109 ghi: “Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu Phép Rửa, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh. Hai đặc tính này phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong phụng vụ lẫn giáo lý Phụng Vụ” (bản dịch GHHV Piô X). Thật không gì rõ ràng hơn. Với phó từ “nhất là,” nhất thiết Công Đồng Vatican 2 muốn xem trọng đặc tính đi sau chữ “nhất là.” Vậy mà đặc tính này ít được đề cao và nhắc nhở trong các bài giảng, kể cả các bài Kinh Thánh và Lời nguyện. Đặc tính “sám hối” hầu như lướt thắng và áp đảo tuyệt đối, đẩy đặc tính Phép Rửa suýt đi ra ngoài lề.

Khi ta nói, “ba thương con Hương, con Lan, con Huệ, và nhất là con Cúc,” thì rõ ràng tuy con Cúc xếp sau, nhưng được chữ nhất là làm cho con Cúc vượt lên hàng đầu cách vẻ vang, hơn là chỉ xếp đầu mà không nói gì thêm, như “ba thương con Cúc, con Hương, con Huệ, con Lan.” Tuy con Cúc đứng đầu đàn nhưng làm sao vẻ vang bằng đứng cuối mà có chữ nhất là: ba thương con Hương, con Lan, con Huệ, và nhất là con Cúc. Thì CĐ Vatican 2 cũng nói vậy: “Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu Phép Rửa, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh. Hai đặc tính này phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong phụng vụ lẫn giáo lý Phụng Vụ.” Xếp sau, nhưng oai hùng vượt lên trước.

Tại sao đặc tính nhớ lại hoặc dọn mình chịu Phép Rửa lại là đặc tính trổi vượt của Mùa mà Việt Nam ta gọi là Chay. Câu trả lời rất dễ nếu nói dài, nhưng khá khó khi bó gọn trong vài ý.

Việt Nam ta gọi là Mùa Chay là đã vô tình xem đặc tính sám hối là chính. Trong khi đúng từ ngữ phải dịch là Mùa Bốn Mươi. Bốn Mươi không chỉ là 40 ngày chay tịnh của Chúa chúng ta trong hoang địa, mà còn là 40 năm cũng trong hoang mạc dân Chúa đi về Đất Chúa. Elia cũng đi 40 ngày mới lên núi Khoreb gặp Chúa. Vậy là con số 40 là con số của chuẩn bị, của một hành trình con người đi gặp Chúa. Bằng chứng là các bài đọc I của các Chúa Nhật Mùa Chay sẽ nhắc cho ta những chặng đường chính trong cuộc hành trình của nhân loại tiến đến cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Do đó, Bài đọc I của Chúa Nhật I và II lần lượt nói về giao ước nguyên thủy và giao ước với Ab-ra-ham. Bài đọc I của ba Chúa Nhật sau nói về các giai đoạn lịch sử Dân Thánh: Thời Mô-sê (CN III), thời Đất Hứa (CN IV), thời Ngôn Sứ (CN V).

Và vì mùa 40 là giai đoạn chuẩn bị đi gặp Chúa, nên phải thanh luyện, phải sám hối, phải đổi mới, phải chay lòng… thì mới xứng đáng gặp Người.

Mà có cuộc gặp gỡ nào linh thiêng kỳ diệu cho bằng cuộc gặp gỡ làm cho ta biến thành người ta gặp gỡ. Gặp Tổng Thống và trở thành Tổng Thống. Gặp Chủ Tịch trở thành Chủ Tịch. Kỳ diệu quá ! Ta gặp Chúa và trở thành Chúa. Ta thành Chúa, hoặc nói nghe dễ hơn, thành con Chúa như Đức Giêsu, khi ta chịu Phép Thánh Tẩy Tái Sinh, sinh ta lại lần nữa để làm con Chúa. Vậy là mùa chay hay đúng hơn mùa 40 là mùa diễn lại cuộc hành trình con người đi gặp Chúa, mà gặp thật vinh quang: nên giống Chúa !

Hèn gì mà CĐ không ngại nói: hai đặc tính của mùa chay là sám hối và nhất là nhớ lại hoặc dọn mình lãnh nhận phép rửa tái sinh. CĐ lại còn ra lệnh: Những yếu tố về phép Rửa riêng cho mùa Chay phải được áp dụng rộng rãi hơn, một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu được, cần phải tái lập.

Xức Tro để ý thức mình là phận bụi tro, nhưng qua Phép Rửa, phận bụi tro này được nâng lên bậc khanh tướng. Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng. Và hơn cả khanh tướng, bụi tro đi thẳng vào hoàng cung, trở thành thiên tử, con Trời, con Chúa, nhờ phép Rửa.

Xức tro để trở về với phép rửa, phép biến hóa phận tro trở thành mệnh Chúa.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Thứ Tư Lễ Tro : Cám Dỗ Được Xức Tro
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:59 05/03/2019
Vừa đọc cái tựa bài viết, hẳn nhiên không ít người phân vân tự hỏi: người viết có ấm đầu chăng hay người viết đã lạc đạo? Để có thể phân bua hay gọi là giải thích cho sự thắc mắc thường tình ở trên, xin được cùng nhau xem xét một vài hiện tượng rất phổ biến trong sinh hoạt nhà đạo chúng ta. Đó là việc người người tranh nhau hôn kính Thánh Giá Chúa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và người người đua nhau đến để được xức chút muội than trên đầu vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, ngày khởi đầu mùa Chay Thánh.

Nói rằng người người thì cũng chẳng hàm hồ, vì ngay một trong những hình ảnh của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã từng ví là các bé thơ trong trắng vẫn được bố mẹ hay anh chị bồng đến để lãnh nhận chút tro hay được bố mẹ “dí mũi” vào tượng chuộc tội để chúng được hôn chân Chúa. Nói rằng người người thì cũng chẳng là phóng đại theo hình thái văn chương ngoa ngữ, vì không ít người đang ngần ngại đến toà cáo giải nhưng vẫn không thể bỏ việc hôn chân Chúa hay cúi đầu nhận tro. Vậy thử hỏi cớ nguyên nào có các hiện tượng ấy? Xin được mạo muội vạch ra một vài lý do, cho dù chưa hẳn là xác đáng nhưng hy vọng có thể giúp chúng ta suy nghĩ thêm chút gì.

1.Tâm lý chung thường xem cái gì hiếm thì quý: Mỗi năm chỉ một lần được hôn chân Chúa giữa cộng đoàn. Cũng thế mỗi năm chỉ một lần cử hành nghi thức xức tro. Tượng chuộc tội, có thể nói là không còn hiếm với ngày nay. Đã là Kitô hữu Công Giáo thì hầu như nhà nào cũng có tượng chuộc tội vì dư khả năng để mà có. Các tượng đời mới lại xem ra có mỹ quan hơn so với trước đây. Trừ một số người có thói quen đạo đức, thì ít có ai “hôn Chúa” dăm bảy lần trong năm chứ đừng nói gì là hằng ngày. Cái tượng mà hằng năm được trưng ra để tín hữu hôn chân vẫn để hay treo đâu đó trong phòng thánh, nhưng thử hỏi có mấy ai đến “hôn chân” ngoài ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Giả như nghi thức xức tro diển ra hằng ngày hay hằng tuần, giả như nghi thức “hôn chân Chúa” cũng được cử hành hẳng tuần hay hằng ngày thì chắc chắn có chăng chuyện người người tranh dành nhau vì không thể bỏ?

2.Tâm lý không muốn bị mất phần trong những sự gọi là của chung: “Một miếng giữa làng bằng cả sàng trong bếp”. Câu ngạn ngữ này dù chưa phản ánh cách sít sao nhưng cũng nói lên cái tâm lý không muốn bị mất phần. Đêm tiệc ly, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô rằng nếu không để Chúa rửa chân thì sẽ không được dự phần với Người thì dù chẳng biết là phần gì, Phêrô đã sợ mất phần nên vội xin không chỉ rửa chân mà rửa cả tay và đầu! (x.Ga 13,6-11). Trong một cuộc họp hay hội chung, có phát một tờ giấy tài liệu đơn giản, nếu mình không có thì cũng cảm thấy thiếu thiếu gì đó. Đúng là chuyện bình thường kiếp người cho dù bản thân là linh mục hay tu sĩ.

3.Tâm lý muốn biểu hiện tâm tình cách chung chung, như mọi người: để biểu lộ tâm tình sám hối cách chung chung như lên chịu chút tro thì hầu như rất dễ thực hiện. Vừa nhanh, vừa chẳng cần xưng thú điều gì cách cụ thể, thì việc chịu tro đã trở thành “một cám dỗ” khó bỏ qua. Giả như Hội Thánh thay đổi hình thức lãnh nhận bí tích hoà giải bằng việc chịu tro thì người người, nhà nhà sẽ nô nức lãnh nhận “bí tích hoà giải kiểu này” hằng ngày không chừng. Cái tâm tình chung chung tuy vẫn có tác dụng của nó nhưng hiệu quả thì hạn chế và chóng qua. Sám hối là để đổi thay, không biết có được bao nhiêu người nhận tro bày tỏ sự sám hối đã có được quyết tâm thay đổi? Yêu mến Chúa là để dõi theo chân Chúa, nên một với Chúa, sống như Chúa sống. Không biết có được bao nhiêu người bày tỏ sự mến yêu Chúa qua việc hôn chân Chúa đã có được nỗ lực đi theo chân Chúa, sống và yêu thương như Chúa đã sống và yêu thương?

Mùa chay thánh lại về. Các nghi thức, nghi lễ, các cách thức sống đạo được lập ra nhằm giúp ta sám hối ăn năn, thay đổi cuộc sống như xức tro, ăn chay, hôn chân Chúa, ngắm đàng Thánh Giá, ngắm nguyện các sự thương khó Chúa Giêsu…quả là tốt đẹp đáng trân trọng và phát huy. Những tâm tình đạo đức vốn có giá trị và chỗ đứng của chúng trong đời sống đạo, đời sống đức tin. Tuy nhiên, lời dạy của Mẹ Hội Thánh về việc tôn kính Đức Maria chắc chắn cũng không thể sai khi áp dụng với những hình thức đạo đức của mùa Chay. “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật…” (GH 67).

Chước cám dỗ luôn có đó. Ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta như tìm mồi cắn xé (x.1P 5,8). Chước cám dỗ mà ẩn sâu trong các hình thức đạo đức thì lại càng khó nhận diện để chống trả. Nếu chỉ hài lòng với một vài tình cảm đạo đức như “thấy thương Chúa”, “thấy mình là kẻ tội lỗi”…mà thôi chứ không thay đổi cuộc sống để nên tốt hơn, quảng đại hơn, thánh thiện hơn…thì cũng rất dễ sa chước cám dỗ. Quả thật, những câu chuyện thật như bịa “cười ra nước mắt” về việc sống đạo mùa chay vẫn chưa có hồi kết.

“Tên kia, đứng lại, lấy tiền ra, nộp ông đây”. Cha thánh Gioan Vianey nhân một buổi đi kẻ liệt trong ngày thứ Tư Lễ Tro về, cảm thấy có cái gì lành lạnh như con dao nhọn dí ở sau lưng, ngài nói: “Tôi không có tiền, nhưng hôm nay trời lạnh qua, mời anh điếu thuốc”. “Ồ, xin lỗi cha, trời tối quá, con không nhận ra cha. Xin cám ơn cha, hôm nay thứ Tư lễ Tro, ngày ăn chay, con không dám hút thuốc, kẻo phá chay”.

Một chuyện khác: “Sao chúng con đánh nhau?” Cha xứ hỏi hai thiếu niên. Một em thút thít trả lời: “Thưa cha, bạn ấy dành hôn chân Chúa, xô con té”.

Lại một chuyện khác nữa: Đêm thứ Tư Tễ Tro, cha xứ thấy đèn một phòng học giáo lý còn sáng, ngài đến để tắt đèn bỗng thấy năm, sáu giáo lý viên còn ở đó. “Sao giờ này chúng con còn ở đây? Họp hành gì khuya thế! “ Thưa cha - Một giáo lý viên gãi đầu thú nhận - dạ chúng con chờ đồng hồ điểm 12 giờ đêm để nhậu mà khỏi phá chay”. Cha xứ chào thua, tuy nhiên, vốn quá cẩn thận việc giữ luật, ngài căn dặn: “Nhưng cha cấm chúng con không được vặn đồng hồ chạy nhanh đó nghen, nhanh một phút cũng không được!”. Chuyện mùa chay còn tiếp…

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột.


 
Ném đá
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
19:36 05/03/2019
Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi thường thắc mắc khi nghe các cụ ông, cụ bà nói với nhau khi tính toán thời gian đến lễ Phục Sinh qua các ngày Chúa Nhật: “Ném đá, lễ lá, phục sinh”. Lễ lá, lễ phục sinh thì dễ hiểu, nhưng làm gì có “lễ ném đá” ?!

Thì ra theo sự hiểu biết của các cụ, đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ V mùa chay nói về người phụ nữ ngoại tình đã được tóm gọn bằng hai từ “ném đá” cho dễ nhớ. Cách nhớ thật đơn giản vì lúc đó lịch Phụng vụ chưa được phổ biến rộng rãi và các phương tiện truyền thông cũng chưa được như bây giờ.

Đoạn Tin Mừng của thánh Gioan thuật lại việc đang khi Chúa Giêsu giảng dậy cho đám đông dân chúng, thì các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? "(Ga 8,4-5)

Lúc đó ắt hẳn người phụ nữ ấy nhục nhã lắm bởi vì cái tội bị khơi lên cho toàn dân thiên hạ biết là cái tội phạm một cách thầm kín. Chắc người đàn bà ấy sợ lắm vì theo luật, bà ấy sẽ bị ném đá cho đến chết. Bà đang đối diện với cái chết, không sợ sao được. Cái sợ ấy càng tăng lên gấp bội khi giờ đây bà đang đứng trơ trọi một mình giữa đám đông lăm le gạch đá, đối diện với người thầy của sự công chính chờ sự phán quyết.

Trước mặt Thiên Chúa ai cũng giống ai, tất cả đều là tội nhân. Có khác chăng chỉ là người tội nhiều hay ít, kẻ tội này người tội kia. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về tội lỗi. Người càng lớn tuổi, chức càng cao, quan hệ càng rộng bao nhiêu thì cạm bẫy kéo theo cũng nhiều bấy nhiêu và vì thế bản thân sẽ rất dễ vướng vào vòng tội lỗi. Từ đó dễ nhận ra càng nhiều tuổi, càng làm lớn … càng dễ gặp những thử thách cám dỗ và như vậy có khi tội càng nặng hơn!

“Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1,5). Tội lỗi làm cho con người sợ ánh sáng, sợ phải đối diện trước mặt Chúa. Thiên Chúa là ánh sáng, nên khi đối diện với Người thì mọi tội lỗi sẽ bị phơi bày như Ađam trần truồng trong vườn địa đàng thuở xưa sau khi phạm tội. Càng phạm tội, người ta càng che giấu; tội càng trọng, càng giấu diếm tinh vi. Cái giấu đáng sợ nhất là giấu chính Thiên Chúa, nhưng giấu diếm sao được vì Thiên Chúa luôn luôn thấu suốt tâm hồn của con người!

Trước sự truy vấn gài bẫy nham hiểm của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, Đức Giêsu cứ cúi xuống và chậm rãi viết trên đất. Tâm tình như chùng xuống, không hừng hực như những người đang kết án, để làm cho mọi việc lắng đọng. Người chậm giận trước tội lỗi của người phụ nữ và bảo họ rằng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.

Câu nói nhẹ nhàng nhưng thật ý nhị đã đụng chạm vào lương tâm mỗi người trong bọn họ, bởi người ta rất thích ném đá nhau, kết tội nhau, nhưng luôn che giấu tội lỗi của mình cho thật khéo. Câu nói như tiếng chuông giúp lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi mê muội, nhận biết mình tội lỗi. Vì thế khi nghe vậy, họ bỏ đi hết - kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi - không dám kết án người phụ nữ nữa.

Khi chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ, Người ngẩng đầu lên với ánh mắt hiền từ và nhẹ nhàng nói: “Tôi không kết án chị đâu!”. Vị thẩm phán giàu Lòng Thương Xót đã tha tội cho một kẻ đáng chết bằng lời tuyên án dịu dàng nhân hậu. Lời phán xét của Người không sỉ nhục nhưng phục hồi nhân phẩm, đã bỏ qua quá khứ u mê lầm lỗi và mở ra một tương lai hướng thiện: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Lúc còn là một cô, cậu thiếu nhi đến tòa giải tội. Ta chỉ xưng những tội rất đơn sơ như: ham chơi, không vâng lời, chửi thề, thậm chí bỏ lễ ngày Chúa Nhật… Nhưng khi trưởng thành, chúng ta cảm thấy rất rõ tội lỗi không đơn giản như thế. Người ta có thể phạm tội một cách có ý thức, hay có khi đặt một đam mê nào đó lên trên lề luật của Thiên Chúa. Người ta cố tình lẩn tránh, lần lữa việc xưng tội vì sợ ảnh hưởng đến địa vị, sợ bị chê cười … và an tâm với ảo tưởng mình không có tội trước mặt mọi người!

Một chuyên gia trong các vụ trọng án cho biết: khi tuyên án tử hình thì kẻ tử tội lúc ấy chưa thấy sợ hãi, có chăng chỉ là chút cảm xúc. Nhưng trước ngày thi hành án tử, kẻ tử tội vô cùng bấn loạn và sợ hãi, bởi vì lúc ấy anh ta biết là cái chết đã gần kề mà không thể thoát được. Kẻ lạnh lùng ghê gớm lắm cũng phải toát mồ hôi trước cái chết mà mình sẽ phải lãnh nhận.

Do vậy, chỉ khi nào chúng ta nhận thức được rằng án tử bởi tội lỗi sẽ làm cho mình chết đời đời, mà bây giờ lại được tha bổng, thì lúc bấy giờ ta mới cảm nếm được cái hương vị hạnh phúc ngất ngây của sự tha thứ. Hãy quay về và giao hòa với Thiên Chúa để làm mới lại cuộc đời. Trở về với Thiên Chúa để nhận ra con người thật của mình, để rồi không còn buông thả theo những đam mê trần tục tầm thường, để lãnh nhận tình yêu thương tha thứ, để được ra đi thanh thản như Chúa Giêsu đã nói: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

 
CN I Mùa Chay: Quỷ mang hình người
Lm. Alf Nguyễn Công Minh, OFM
22:33 05/03/2019
Quỷ mang hình người

Năm 1971, báo chí có đăng tải một câu chuyện là lạ có thật mà cũng khó tin như thế này: Ở Vineland bang New Jersey, một thanh niên 21 tuổi tên là Mike đã làm một nghi lễ tôn thờ Satan bằng cách bóp nát 2 con chuột cống trong 2 bàn tay của mình và lấy máu bôi lên áo rồi yêu cầu 2 người bạn của mình trói tay chân của anh ta lại rồi thảy xuống nước. Mike tha thiết thuyết phục 2 người bạn đẩy anh ta xuống hồ nước để nhìn xem anh ta vùng vẫy và chết như thế nào. Tại sao lại như vậy ?

Thưa, Mike là một người thờ ma quỉ. Anh ta bị ám ảnh bởi tư tưởng quỉ quái này: là nếu anh bị sát hại, thì sẽ tái sinh thành vị tướng chỉ huy 40 đạo quân ma quỉ ? Chúng ta nghe chuyện, cho anh chàng Mike này là mát là hâm là chạm điện, khi không lại thờ ma quỉ với tư tưởng quỉ quái ! Nhưng chúng ta đừng quên tại Hoa Kỳ, một số người đang quay trở về thờ ma quỉ. Một khu phố ở San Francisco có ngôi đền thờ Satan, với hơn 10 ngàn người lui tới vái lạy…

Bộ mặt của ma quỉ: đen thui (đối với người da đen : quỉ màu trắng !), có sừng, có đuôi, gớm ghiếc mà vẫn có người thờ. Hành động thờ nó cũng ghê rợn, máu me, quái ác, vậy mà cũng có kẻ thực thi, đi theo. .. huống gì là ma quỉ khôn ngoan lắm, “ma nó quỉ lắm,” “quỉ nó ma lắm” (chỉ thua Đức Chúa Trời một chút !), nó không dại gì xuất đầu lộ diện nguyên hình xấu xí của nó, mà nó ẩn mình dưới nhiều bộ mặt đáng yêu, như thế thì sức mấy ta không tôn thờ. Trong Tây Du Ký, yêu quái xuất hiện như những nàng tiên cám dỗ Đường Tăng. Trong Thạch Sanh - Lý Thông: yêu quái xuất hiện như chàng thanh niên giỏi giang tuấn tú, để cướp cho được công chúa mỹ miều. Và còn muôn vàn bộ mặt đáng yêu đáng quý khác như vàng bạc lấp lánh, quyền thế oai linh, danh vọng tột đỉnh, mà quỉ ma núp bóng, ẩn mình, che mặt để ta phải sụp lạy.

Trong muôn vàn bộ mặt đó, hôm nay chỉ nhắc đến một bộ mặt : đó là bộ mặt “người” : vì Mùa Chay, mùa nhắc chúng ta đến Phép Rửa mà Công Đồng đã ra lệnh phải làm nổi bật trong 40 ngày này.

Ma quỉ ẩn hình dưới dạng con người để nhân loại phải thờ lạy. Khi người ta không thờ lạy Thiên Chúa, thì người ta phải tìm một cái gì khác để lạy lục. Satan đã khôn ngoan tìm giúp ta: con người. Con người có 3 mặt : con người nói chung (nhân loại) ; con người là một người nào đó; con người là chính mình.

1.- Quỉ dưới bộ mặt con người nói chung: chúng ta thấy rõ lắm. Càng khoa học, càng tối tân, con người càng nghĩ rằng chính con người sẽ trả lời tất cả mọi đòi hỏi, thắc mắc của con người: máy tính điện tử do con người sáng tạo, mạnh như Deep Blue của hãng IBM sẽ trả lời hết các câu hỏi, kể cả câu hỏi “có Chúa không, có đời sau không ?”

Điển hình cho việc thờ lạy loài người là bài xã luận sau lần đầu tiên con người phóng thành công vệ tinh Spoutnik lên không gian, đưa Gagarin vào quĩ đạo. Bài xã luận coi đây là ngày thứ 8 của công cuộc sáng tạo : “Chúng tôi đã hoàn tất công cuộc sáng tạo. Chúng tôi còn qua mặt công cuộc sáng tạo nữa. Vệ tinh chúng tôi phóng lên đang chạy vòng quanh trái đất, tuân theo ý muốn của con người. Từ nay không ai còn có thể nói được có một Thiên Chúa đã điều khiển vũ trụ trăng sao.”

Ta không bình luận bài xã luận đó. Nhưng nêu lên để cho ta thấy một điển hình muốn nâng con người lên hàng Thượng đế, có khi hơn cả Thượng Đế !

Các nhà khoa học ở Trường Đại học Tyne (Anh) tuyên bố họ đã sẵn sàng trong việc tạo tinh trùng từ tủy xương phụ nữ. Nghĩa là, trong tương lai gần, phụ nữ không cần tinh trùng của đàn ông để sinh con. Bước đột phá này sẽ mở đường cho những cặp “vợ chồng” đồng tính nữ có con một cách tự nhiên

Song song, các đôi “vợ chồng” đồng tính nam cũng hoàn toàn có hy vọng tạo con từ bản thân họ. Các nhà khoa học nói trên cũng đang nghiên cứu tạo trứng từ tủy xương của đàn ông. Trứng này sẽ được phối với tinh trùng của người bạn đời đồng tính rồi thuê tử cung của một phụ nữ để sinh con.

2.- Quỷ dưới dạng một con người nào đó: rõ ràng, cụ thể: người khác. Ta nói thờ lạy, chứ không chỉ tôn kính, coi trọng. Thờ lạy là coi người khác đó chính là thần tượng của mình. Thần tượng chỉ huy (viễn khiển: remote control) tất cả lời nói, hành động của ta và ta làm gì nói gì cũng qui về người đó, vì người đó. Hitler của đệ nhị thế chiến, nay nhiều bạn trẻ còn muốn làm sống lại. Ngày nay cũng có những kẻ thờ lãnh tụ. Có thời Lý Tiểu Long là thần tượng của võ thuật phim ảnh, Marađona của bóng đá, Madonna của ca hát một thời, Brigitte Bardot minh tinh cũng từng là thần tượng lắm kẻ theo. Ở Việt-Nam ta có các ca sĩ mà ta kết làm thần tượng, minh tinh tài tử Hàn Quốc mà ta không thấy mặt là chịu không được: thế là hớt tóc cho giống, nhuộm tóc cùng màu, quần áo y chang, nói đúng từng chữ. Hình ảnh thần tượng ta phóng to đặt lên bàn…thờ, dán trong buồng ngủ để trước khi nằm nhìn thấy mà gặp trong mơ. Đi đường mang theo trong ví, có hình thần tượng để ngắm mà lấy sức mạnh…

3.- Quỷ là chính ta. Đây đích thị là kiêu ngạo, ta thờ lạy ta, ta tự hào về mình. Một trong bảy mối tội đầu và cũng là tội nguyên thuỷ như Adong và Eva nguyên tổ loài người.

Adong và Evà muốn biết tất cả (thiện, ác) như Thiên Chúa, muốn làm chủ mình, một mình. Về mặt này, ma quỉ tinh vi lắm, đến độ mình thờ mình mà không biết.

Một người học giỏi cậy mình thông minh. Một người có tài cậy mình tháo vát. Một anh giàu cậy mình lắm của. Một cô duyên dáng cậy mình dễ thương, một cô đẹp đẽ ỷ mình là Tây Thi, một người quyền thế coi mình là tất cả. Ta thấy lặp đi lặp lại chữ “mình.” Mình là nhất, tìm cho ra được một cái nhất nào đó để thờ mình. Nếu không đẹp, thì có duyên nhất ; nếu không có duyên nhất, thì giàu nhất ; nếu không giàu nhất thì đạo đức nhất ; nếu không đạo đức nhất, thì ta đành đưa mình lên hàng khiêm nhường nhất. Mà mình là nhất thì Chúa phải nhì ! Nhất vợ thì trời phải nhì.

Có con quỉ kia cám dỗ nhà vua. Nó thấy nhà vua ngủ dậy trễ, nó đến cám dỗ bằng cách lay nhà vua dậy để đọc kinh. Tại sao vậy ? Bởi khi nhà vua dậy đúng giờ đọc kinh, thì tự hào tự cao, còn nhà vua dậy trễ, hối hận, xin tha, Chúa tha, là quỉ thua xa rồi. Chúa ghét kẻ kiêu ngạo, và yêu thương kẻ khiêm nhường. Mà nhiều khi ta nghĩ ta khiêm nhường nhất, lại chính lúc ta kiêu ngạo số một.

Quỉ cám dỗ để ta thờ ta mà ta không biết : nó núp bóng dưới một cái nhất nào đó của ta để ta dễ vênh vang...

Không biết Chúa Giêsu xưa được quỉ hiện ra dưới hình dạng nào để cám dỗ về của ăn, về giàu có, về quyền cao, chứ ngày nay, quỷ thường hiện hình dưới dạng con người để cám dỗ ta, dưới ba dạng người: người nói chung; một người cụ thể, và người đó chính là ta. Ta khó thoát đi đâu.

Tuy nhiên ta cũng có một vũ khí thắng quỉ : qui về Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, chứ không phải hình ảnh quỉ ma. Vì thế con người là nhất : đúng. Ngay từ đầu thuở sáng tạo, con người là nhất. Khi tổ tông phạm tội Chúa không bỏ mặc nhưng đã tái sáng tạo qua công trình cứu chuộc của Đức Giêsu. Sáng tạo đã kỳ diệu, tái tạo càng diệu kỳ hơn. Nếu sáng tạo con người là nhất thì tái tạo là nhất hơn nữa. Mà Chúa tái tạo, tái sinh ta qua Bí tích Thánh Tẩy (trong đêm vọng Phục sinh chúng ta long trọng cử hành hoặc nhớ lại). Vậy thì : Nếu quỉ cám dỗ tôi: Minh ơi, mày là nhất đó. thì tôi không ngần ngại gì mà không dĩ độc trị độc, tương kế tựu kế mà trả lời với quỉ rằng : “OK, sure, đúng thế, chính tao là nhất, là năm bơ oăn. Nhưng đó là do Chúa cho. Chúa làm người để người làm Chúa. Mà làm Chúa là nhất !”

Qua Phép Rửa tái sinh, ta được sinh lại làm con Chúa Cha, làm em Chúa Con, đồng thừa tự Nước Trời với Chúa Kitô (sunkleronomos).

Không phải chỉ hồn làm con Chúa, mà cả xác lẫn hồn đều được cứu, được làm con Chúa, được cùng đồng phục sinh với Chúa Kitô.

Ơn này lớn lao quá: Nếu vênh vang là công ta mà có, ta đã lọt bẫy quỷ ma. Nếu ta hướng về Chúa Cha mà cảm tạ, thì đó chính là vũ khí thắng ma quỷ. Chúa nhận ta làm con qua Phép Rửa tái sinh mà mùa chay là mùa nhắc ta nhớ lại vậy. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mỹ Latinh: ĐTC Phanxicô kêu gọi người Công Giáo dấn thân vào chính trị
Chân Phương
09:29 05/03/2019
Vatican – Hôm Thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng mời gọi một cách thức tiếp cận mới về chính trị ở khu vực Mỹ Latinh, tuân thủ nguyên tắc của giáo huấn xã hội Công Giáo.

Trong huấn từ với các tham dự viên một hội nghị chuyên đề do Ủy ban Giáo hoàng về MỹLatinh tổ chức hôm 4 tháng 3, Đức Thánh Cha nói: “Một sự hiện diện mới của người Công Giáo trong lãnh vực chính trị là điều cần thiết chokhu vực MỹLatinh”.

Ngài chia sẻ: “Điều này không hẳn là chỉ có thêm những gương mặt mới trong các chiến dịch tranh cử, mà còn là các phương pháp mới, vận dụng linh hoạt và rõ ràng căn tính xã hội Kitô giáo”.

“Những ai thuộc các phong trào tham gia vào chính trị mà mang lấy cảm hứng của Tin Mừng thì sẽ trở nên mạnh mẽ để có thể làm trong sạch bộ máy dân chủ yếu đuối của chúng ta”, ngài cho biết.

Đức Giáo Hoàng Phanxicôcũng nói rõ rằng: “Không ý thức hệ chính trị duy Công Giáo”, “không có đảng phái Công Giáo”, nhưngngài nhấn mạnh là “chính đức tin chungKitô giáo có thể lãnh đạo các đường lối khác nhau”.

Đức Thánh Cha đã huấn từ với 26 tham dự viên Công Giáo trẻ trong một hội nghị chuyên đề kéo dài chín ngày về học thuyết xã hội của Giáo Hội và nền chính trị ở MỹLatinh do Ủy ban Giáo hoàng về khu vực MỹLatinh tổ chức.

Ngài kêu gọi các đại biểu tự bảo vệ mình tránh xa hệ tư tưởng thực dân.

Đức Giáo Hoàng còn nêu lên tấm gương của Đức Cha Oscar Romero mới được tuyên thánh gần đây. Ngài nói rằng, vị thánh nhân đã nhận thấy có nhiều giáo dân muốn tạo nên sự thay đổi [cho xã hội], nhưng họ thường lạc lối bằng việc đi theo những ý thức hệ sai lầm. Đức Cha Romero đã giúp họ tái khám phá lý do tại sao cần dấn thân làm chính trị, nhưng khi làm thì phải bắt nguồn từ Tin Mừng, chứ không phải bằng ý thức hệ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trích dẫn lời của Thánh Romero: “Để trở thành một chính trị gia kiệt xuất, bạn không nhất thiết phải làm một Kitô hữu; nhưng một khi đã là một Kitô hữu tham gia hoạt động chính trị thì bạn phải có bổn phận biểu tỏ đức tin của mình. Và nếu như đang khi làm chính trị, xảy ra sự mâu thuẫn giữa lòng trung nghĩa với đức tin và lòng trung thành với tổ chức, thì người Kitô hữu chân chính nên ưu tiên cho đức tin của mình,và hãy chứng minh rằng việc mình đấu tranh cho công lý chính là cho công lý của Nước Chúa chứ không phải cho công lý của nơi nào khác”.

Đức Giáo Hoàngcũng trích dẫn thêm: “Không phải mọi Kitô hữu đều cóơn gọi làm chính trị, và chính nó cũng không phải là cách duy nhất để hướng đến công lý. Còn có nhiều cách khác để biến đức tin thành một nhiệm vụ của công lý và lợi ích chung”.

Đức Thánh Cha đã nhắc rằng năm 2031 sẽ đánh dấu kỷ niệm 500 năm ngày Đức Mẹ Guadalupe hiện ra, sự kiện này đã làm cho đức tin vươn xa khắp đất nước Mexico và mọi miền MỹLatinh. Hai năm sau đó, tức là năm 2033, Giáo Hội sẽ kỷ niệm 2000 năm ChúaGiêsu cứu độ thế gian bằng việc tử nạn phục sinh.

“Thánh Juan Diego, một người bản địa nghèo khổ và bị loại trừ khỏi xã hội, chính ngài là một khí cụ nhỏ bé và khiêm nhường mà Đức Mẹ Guadalupe đã dùng cho một sứ mệnh vĩ đại, tạo nên diện mạo đa dạng của một khu vực MỹLatinh vĩ đại… Chúng ta phó thác, xin thánh nhân phù trợ cho các anh chị em nhỏ bé đang đấu tranh cho nhân dân của chúng ta, hãy nhớ rằng từ sựnhỏ bé yếu đuối nhất, Thiên Chúa đã từng nâng thánh Diego lên mạnh mẽ, để ngài có thể làm tốt sứ vụ của mình”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói. (CNA)

Chân Phương
 
Vatican phát hành ứng dụng 'Pokémon Go' cho phép bạn trẻ chơi trò đuổi bắt Chuá Giêsu.
Trần Mạnh Trác
15:54 05/03/2019
Vatican vừa phát hành một ứng dụng (App) cho trò chơi nổi tiếng ‘Pokemon Go’ dành cho các ‘con mọt điện thoại’.

“Con mọt điện thoại’ nói ở đây có cùng một ý nghiã giống như khi người ta gọi những người suốt ngày bù đầu vào sách vở là ‘mọt sách’. Vậy thì chữ ‘con mọt’ không có ý khen chê mà chỉ mô tả một tình trạng ‘đam mê’ mà thôi.

Những ‘con mọt’ Pokemon trên điện thoại thì nhiều lắm, họ ở cùng khắp trái đất. Ở bên Mỹ một số nhà thờ đã ‘welcome’ (chào đón) những người đi ‘lạc’ vào nhà thờ trong lúc đang săn lùng một Pokemon hiếm có, vì nhờ đó mà các giáo sĩ mới có cơ hội gặp gỡ để hoán chuyển những người trẻ.

Nhưng không phải chỗ nào cũng nghĩ như bên Mỹ cà đâu, trên Thế Giới này đã có người bị bỏ tù vì đã đi ‘vớ va vớ vẩn’ như vậy! Đó là ở bên Nga, anh Ruslan Sokolovsky đã bị kết án ba năm quản chế vì anh ta tự quay phim trên Youtube cảnh anh chơi Pokémon Go trong một nhà thờ lịch sử.

Điều trớ trêu là trong pha Youtube cuả anh, anh đã than vãn một cách khôi hài rằng anh "không thể bắt được một Pokémon hiếm có nhất, đó là Chuá Jesus.”

Với trò chơi mới của Vatican, anh ta sẽ được ‘very welcomed’ (rất là hoan hô)!

Trong trò chơi "Follow JC Go" cuả Vatican, thay vì đuổi bắt Pikachu hay Squirtle, các ‘con mọt điện thoại’ sẽ săn lùng các vị thánh.

Sau khi một người "bắt được hết" các thánh, thì các đồng đội của họ (nhóm người ở cùng một nơi) sẽ trở thành một "nhóm tông đồ" đi theo Chúa Giêsu.

Người chơi phải tìm hiểu cách ăn uống cuả các vị thánh mà họ bắt được (chắc là có thể áp dụng để giảm cân lẹ lắm), và đạt đến "số lượng kinh nguyện" bằng cách thực hiện một số mục tiêu đặc thù cuả vị thánh đó, như cầu nguyện cho một người bệnh hay ghé vào một nhà thờ mỗi lần đi ngang qua.

‘Follow JC Go’ ban đầu được phát triển bởi nhóm ‘Fundación Ramón Pané’ cho Ngày Giới trẻ Thế giới. Họ đã bỏ ra một số vốn 500.000 đô la và hai năm với tổng số giờ là 32.000 giờ để phát triển.

Trò chơi hiện có sẵn cho iOS và Android, nhưng chỉ hoạt động ở Ý và Tây Ban Nha mà thôi, hy vọng sẽ dần dần lan rông ra những nơi khác sau. Nhưng như vậy thì ít nhất là bạn có thể đến Vatican mà chơi trò "Popemon Go" mà không bị ai rầy rà gì cả.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô được cho là một ‘fan’ (người hâm mộ) của trò chơi này. Sự khẳng định như thế cũng không là quá đáng lắm đâu, vì mặc dù Ngài đã không xem TV từ năm 1990, ĐTC vẫn là một vị giáo hoàng am hiểu về công nghệ thông tin và đang có một tài khoản Twitter hoạt động, mới đây Ngài đã lên tiếng trên Twitter để kết án các vụ đưa tin giả mạo.

Giáo Hội Công Giáo đang huy động mọi cách thức cần thiết để tiếp cận với giới trẻ millennial (sinh ra từ thiên niên kỷ). Gần 20 phần trăm những người xa rời Giáo hội đều ở độ tuổi dưới 25, thêm vào là những vấn đề như những sự bê bối lạm dụng đang diễn ra đã ngăn cản họ quay trở lại.
 
Sự lạ từ sở cứu hoả: Nhà thờ cháy rụi nhưng sách thánh vẫn còn nguyên
Trần Mạnh Trác
20:57 05/03/2019


Ngôi nhà thờ ‘Freedom Ministries Church’ ở Grandview, West Virginia đã bị cháy gần hết hôm Chuá Nhật vừa qua, nhưng bộ Kinh Thánh và những cây Thánh Giá hầu như không bị hề hấn gì, theo tin cuả CNN.

Sở cứu hoả cuả thành phố Coal City đã đưa hình ảnh lên Facebook để chia sẻ sự khám phá này cho mọi người biết.

“Mặc dù rủi ro đã đập vào chúng tôi, nhưng Chuá thì không,” trang Facebook viết.”Hãy tưởng tượng mà xem, căn nhà nóng đến độ các nhân viên cứu hoả đã phải lùi bước. Vậy thì mọi sự phải tàn ruị hết, thành tro bụi hết, phải không? Nhưng mà, không hề có một cuốn Kinh Thánh nào bị cháy cả và không hề có một cây Thánh Giá nào bị hư hại cả!! Không hề có một nhân viên cứu hoả nào bị thương tích cả!”

Bài viết cuả sở cứu hoả đã được truyền bá thêm 36 ngàn lần với 33 ngàn ý kiến kinh ngạc, đã được nhiều người xem như là một thông điệp hy vọng trước một thảm cảnh.

CBS News cho biết nguyên do cuả vụ cháy vẫn còn trong vòng điều tra.

Xin xem trang Facebook cuả sở cứu hoả sau đây:

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh ăn năn thống hối
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
10:00 05/03/2019
Hình ảnh ăn năn thống hối

Hằng năm trong nếp sống đức tin của Giáo hội có mùa ăn năn thống hối kéo dài sáu tuần lễ trước khi mừng lễ Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

Nói đến ăn năn thống hối con người chúng ta nghĩ ngay đến ảm đạm buồn bã, đến sự xét mình , sự hy sinh đền tội hối lỗi và cùng muốn hướng về tương lai qua sự xin ơn chữa lành cải thiện đổi mới đời sống. Và như thế cần thiết cho đời sống.

Ăn năn thống hối bên trong tâm hồn, nhưng cũng có những hành động dấu chỉ thể hiện ra bên ngoài nói lên tâm tình từ bên trong thâm tâm. Ngày xa xưa như Ngôn sứ Daniel đã diễn tả cung cách ăn năn thống hối:„ Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van. ( Daniel 9,3).

Ngôn sứ Giona nói đến cung cách ăn năn thống hối của nhà vua:

„ Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.( Giona 3,6-7).

Theo gương cung cách sống ăn năn thống hối đó, hằng năm vào ngày thứ Tư Lễ Tro bắt đầu mùa chay, trong các thánh đường có nghi lễ làm phép Tro và xức tro trên trán hay đỉnh đầu người tín hữu để nói lên cung cách ăn năn thống hối: Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro!

Lời nhắc nhở này không là lời bi quan yếm thế, nhưng là lời giúp nhớ đến nguồn gốc thân xác con người do từ đâu và đi về đâu.

Lời nhắc nhớ này cũng không là lời làm lung lạc tinh thần đời sống con người, nhưng muốn nói mối tương quan đời sống giữa con người với Đấng Tạo dựng nên con người, với công trình thiên nhiên và với đồng loại cũng do Thiên Chúa tạo dựng nên, như Đức Thánh Cha Phanxico cắt nghĩa về ba việc làm trong mùa chay ăn năn thống hối ăn chay, cầu nguyện và làm việc bố thí :

„ Chay tịnh, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và tất cả những loài thọ tạo, học cách từ bỏ cám dỗ “nuốt chửng” mọi thứ để thỏa mãn lòng khao khát tham lam của chúng ta và sẵn sàng chịu đựng cho tình yêu, là điều có thể lấp đầy sự trống rỗng trong con tim chúng ta.

Lời cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ thói thờ ngẫu tượng và sự tự mãn của bản ngã, giúp ta nhìn ra rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Ngài.

Việc bố thí, nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc tích trữ mọi thứ cho bản thân với niềm tin viễn vông rằng chúng ta có thể bảo đảm cho mình một tương lai không hề thuộc về chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui trong chương trình của Chúa dành cho sáng tạo và cho mỗi người chúng ta, đó là yêu mến Người, anh chị em của chúng ta, và toàn bộ thế giới, và tìm thấy nơi tình yêu này hạnh phúc đích thực của chúng ta.“ ( Đức Giáo Hoàng Phanxico, Sứ điệp mùa Chay 2019).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ý Niệm Linh Hứng trong Thánh Kinh, Do Thái Giáo
Vũ Văn An
20:41 05/03/2019
(II). Do Thái Giáo

Linh hứng của các tiên tri là một chuyện; linh hứng của Thánh Kinh (nghĩa là công trình viết) lại là một chuyện khác. Việc các trước tác chứa lời tiên tri được linh hứng chưa bao giờ được minh nhiên nói đến trong Thánh Kinh Do Thái, cho dù Thánh Kinh này không ngừng khẳng định rằng Chúa Thánh Thần can dự sâu xa vào các hoạt động và tuyên bố của các tiên tri (2Sm 23:2; Hs 1:1; Ge 3:1-2...).



Philo nhắc lại niềm tin truyền thống của Do Thái Giáo: “Tiên tri không có phát ngôn nào tự ý riêng, nhưng mọi phát ngôn của ông đều xuất phát từ nơi khác, là tiếng vang của một giọng nói khác. Kẻ dữ có thể không bao giờ là người phiên dịch của Thiên Chúa, đến nỗi không kẻ bất xứng nào được ‘Thiên Chúa linh hứng’ (enthousia) theo nghĩa đúng đắn của nó” (Quis Rerum 259; xem De praemiis 55). Giống tác giả 2Pr, Philo phân biệt tiên tri thật và được linh hứng với tiên tri giả. Ông gán hồng phúc tiên tri cho Môsê, Nôê, Isaác, và Giacóp, nhưng trên hết cho Môsê, người được “khắp nơi tưởng nhớ như một tiên tri” (Quis rerum 262).

Theo ý kiến Philo, lời lẽ của Môsê và của các tổ phụ đều được linh hứng, và mọi điều trong các sách thánh (hosa en tais hierais bibliois) đều là các sấm ngôn truyền qua cửa miệng Môsê. Thành thử, Tôra hay lề luật mà truyền thống vốn gán cho Môsê chứa các lời tiên tri được linh hứng. Sách Talmud Babylonia đi xa hơn khi nói đến Tôra như là “được Thiên Chúa mạc khải”. Thực vậy, các rabbis vốn dạy rằng lề luật ở Ds 15:31: “Vì nó đã khinh chê lời của Chúa, và phạm giới răn của Người, nên kẻ ấy sẽ bị tiêu diệt” áp dụng vào kẻ “chủ trương rằng Tôra không phải từ trời” (b. Sanh. 99a).

Rõ ràng, học lý linh hứng tiên tri nằm ở gốc rễ học lý Do Thái về sự linh hứng của Sách Thánh. Toàn bộ Těnāk (nghĩa là Tôra, các Tiên Tri và các Trước Tác) đều được coi là được linh hứng vì cả ba đơn vị đều được dẫn khởi từ phát ngôn tiên tri mà ra. Việc cả Tôra phát xuất từ Môsê, tiên tri tối hảo (xem Đnl 15:18), lẫn các sách tiên tri phát xuất từ các phát ngôn tiên tri là điều gần như không cần phải nói. Có những đoạn rải rác còn cho rằng ngay các phát ngôn của các hiền nhân (sages) cũng nên được giải thích theo đường hướng phát ngôn tiên tri được linh hứng (Is 11:2; Xh 15:20-21; 2Sb 15:1-5).

Chính dựa vào truyền thống Do Thái trên mà tác giả 2Pr đã khẳng định rằng ton prophētikon logon trở thành chắc chắn hơn, tức “lời tiên tri” theo lối dùng văn hóa Hy Lạp của người Do Thái, nơi nó chỉ toàn bộ Těnāk. Các Sách Thánh này sẽ đứng vững vì chúng bắt đầu được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Như thế, Kitô Giáo buổi đầu đã chia sẻ với truyền thống Do Thái ý niệm coi Thánh Kinh Do Thái được linh hứng; chứng cớ cụ thể là việc dùng như nhau hai kiểu nói “có lời chép” (Cv 13:33) và “Người (Thiên Chúa) phán thế này” (13:34, 35).



(III). Các Giáo Phụ

Chứng tá Tân Ước mạnh đến nỗi các Giáo Phụ tiên khởi coi tính linh hứng của các Sách Thánh như điều tự nó gần như hiển nhiên, dùng lại ngôn từ truyền thống để mô tả nó. Tuy nhiên, trong các thế kỷ thứ 2 và thứ 3, “các Sách Thánh” (hai graphai) cũng được dùng để chỉ các trước tác Kitô Giáo có thế giá; các trước tác này, sau cùng, đã được lồng vào qui điển. Việc mở rộng hạn từ vốn được dùng cho các trước tác Do Thái này cho thấy nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Trong trường phái Alexandria, Thánh Clêmentê (khoảng năm 150-215) viết về “các trước tác thánh thiêng” (hiera grammata) và “các sách thánh thiện” (hagiai biblioi), quả quyết rằng Sách Thánh là công trình của “các tác giả thần linh” (theiōn graphōn). Học trò của ngài là Origen (khoảng năm 185-254) viết về các sách thánh thiêng (hierai biblioi) được dẫn xuất “từ sự linh hứng” (ex epipnoias). Tại Antiôkia, cùng lúc ấy, Theophilus viết về “các Sách Thánh Thánh Thiện” (ha hagiai graphai) và trích dẫn các tác giả của chúng như người “mang thần khí” (pneumatophoroi).



Các quan điểm giáo phụ như trên làm nổi bật thế giá của Thánh Kinh Do Thái và Kitô Giáo.Thánh Clêmentê thành Alexandria, chẳng hạn, viết về khả thể trích dẫn man vàn các bản văn Thánh Kinh mà "một chấm một phết cũng sẽ không qua đi” (Mt 5:18), vì chúng đã được phát ngôn từ chính cửa miệng Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, “Đấng đã phát ngôn chúng” (Is 1:20; Protrepticus 9.82.1). Dù thừa nhận rằng Thánh Kinh không cung cấp mọi giải đáp cho mọi vấn đề của chúng ta, Thánh Irênê thành Lyons (khoảng năm 130-200) nhận định rằng Thánh Kinh hoàn hảo vì chúng đã được trao ban nhờ lời “Thiên Chúa và Thánh Thần” (Ad. Haer. 2.82.2). Trong số các Giáo Phụ miền Cappadocia, Thánh Grêgôriô thành Nazianzô (329-389) muốn ta lưu ý tới cả những bản văn Thánh Kinh ngắn nhất vì chúng được Chúa Thánh Thần chăm sóc (Oratio, 2.105; PG 35.504).

A.Các giải thích về linh hứng



Một vấn đề khác hẳn nữa là cách các Giáo Phủ hiểu sự linh hứng. Một số các Giáo Phụ tiên khởi coi nó là kết quả của một hiện tượng xuất thần. Theophilus ví tiên tri như bà đồng bà cốt, vì ngài “bị Thần Khí thánh thiện chiếm hữu (pneumatophoroi pneumatos hagiou) mà trở thành tiên tri [kai prophētai genomenoi) và được linh hứng và dạy dỗ bởi chính Thiên Chúa (hyp’auto tou theou empneusthentes kai sophisthentes) (Ad autolycum 2.9; PG 6.1064). Thánh Giustinô Tử Đạo (khoảng năm 100-165) viết: “khi nghe các lời tiên tri, nói nhân danh một ai đó, bạn đừng nghĩ chúng được nói bởi chính ý muốn các tiên tri được linh hứng, nhưng là do Lời Thiên Chúa thúc đẩy họ nói” (Apol. 1.36). Trên thực tế, Thánh Giustinô rất ít khi nêu tên một vị tiên tri cá thể nào, chỉ có trong Dial. 118, ngài nhắc tên các tiên tri Nathan, Êdêkien, và Isaia. Tiên đoán các biến cố tương lai là một hồng phúc đối với các tiên tri (Apol. 1.31; Dial. 7), và linh hứng gần như là vấn đề Thiên Chúa đọc chính tả. Các quan điểm tương tự phần nào cũng được Thánh Athenagoras, nhà hộ giáo thế kỷ thứ 2, chủ trương. Dựa vào nguyên gốc Hy Lạp pneu-(pnei, “thổi”; pneuma “thần khí”) và dự ứng học lý nguyên nhân tính có tính dụng cụ (instrumental causality) của kinh viện trong cuộc thảo luận về linh hứng, ngài đã viết về các giáo huấn của “Môsê hoặc của Isaia và Giêrêmia và các tiên tri khác, những vị lúc đang ngất trí trong suy nghĩ, như thể Thần Khí Thiên Chúa thúc đẩy, nói ra những điều họ được linh hứng để nói, Thần Khí dùng họ như người thổi kèn sáo thở vào ống sáo” (Legatio 9; GP 6.905-906).

B.Origen

Ở Phương Đông, Origen, một trong các nhà văn Kitô Giáo tiên khởi đã tiếp nối ý niệm linh hứng một cách chi tiết, chứng tỏ muốn nghiêng về phía chống lại quan điểm cho rằng kinh nghiệm ngất trí hay xuất thần nằm ở nguồn cội việc nói tiên tri và linh hứng thánh kinh. Công trình lớn của ông, Về Các Nguyên Lý Đệ Nhất (Peri Archon; De pricipiis), có một chương tựa là “Linh Hứng của Thánh Kinh Thiên Chúa”. Ông nhắc đến các chứng từ “rút từ các Sách Thánh, mà chúng ta vốn coi là của Thiên Chúa, cả từ bộ gọi là Cựu Ước lẫn bộ gọi là Tân Ước” (4.1; PG 11.341). Nhắc đến “các trước tác thần linh” và đặc điểm thần linh” của các Sách Thánh, Origen cho rằng không thể chấp nhận việc một số tuyên bố trong Thánh Kinh “được phát ngôn bởi con người” (4.22;PG 11.391). “Ai tiếp cận các lời tiên tri một cách cẩn trọng và chú ý... sẽ được xác tín bởi chính các cảm quan của họ là những lời được chúng ta tin là phát xuất từ Thiên Chúa không do con người soạn tác” (4.6; PG 11.353). Chúa Thánh Thần “soi sáng” (tō phōtizontipneumati) người viết được linh hứng (4.14; PG 11.372) bằng hành động trực tiếp trên tâm trí, ý chí và ký ức nhân bản (Contra Celsum 7.3-4; PG 11. 1424-1425). Tuy nhiên, đối với Origen, các tiên tri trong Thánh Kinh “tự ý và đầy ý thức khi hợp tác với lời lẽ tỏ cùng các ngài” (Hom. In Ezech., Frg. 6.11; PG 13.709), và các soạn giả Tin Mừng thì có khả năng phát biểu ý kiến của họ. Thực vậy, ông phân biệt giữa lời mạc khải và lời nhận định về lởi mạc khải này; lời nhận định thì phát xuất từ tác giả nhân bản của Sách Thánh. Việc phân biệt này dẫn Origen tới chỗ công nhận có thể có sự sai lầm của cả tiên tri Cựu Ước lẫn tác giả Tân Ước.

Đóng góp lớn nhất của Origen có lẽ hệ ở việc ông nhấn mạnh tới sự linh hứng của bản văn chứ không như trước đây, thường nhấn mạnh tới sự linh hứng của tiên tri. Sự thay đổi về nhấn mạnh rằng chính bản văn là lời Thiên Chúa này, ít nhất một phần, do cuộc chiến đấu của Origen chống lại tàn dư của thuyết Montanô là thuyết quá nhấn mạnh đến các tiên tri được Thần Trí hướng dẫn. Origen cũng thừa nhận nhiều bình diện hay nhiều mức độ linh hứng, một chủ trương sau đó được thần học gia Theodore thành Mopsuestia người Antokia (khoảng năm 350-428) bước theo, nhưng không được các Giáo Phụ Đông Phương ủng hộ cách chung.



C. Thánh Augustinô

Trong số các Giáo Phụ Tây Phương, Thánh Augustinô (354-430) bàn sâu rộng nhất về ý nghĩa của Sách Thánh, nhất là trong cuốn Sự Hòa Hợp của Các Sách Tin Mừng và cuốn Về Tín Lý Kitô Giáo. Ngài nhấn mạnh đến ý nghĩa Thánh Kinh mà tác giả muốn có: “Mục tiêu của chúng ta không gì khác hơn là xác định đâu là tâm trí và ý định của người nói” (Sự Hòa Hợp 2.12; PL 34. 1092; xem Về Tín Lý 1.36; Pl 34.34). Nhìn chung, Thánh Augustinô chủ trương rằng Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần đọc chính tả cho các tác giả nhân bản chép: “Tác giả (mà qua đó Chúa Thánh Thần đem Thánh Kinh vào hiện hữu)” và Thần Khí Thiên Chúa “Đấng tạo ra các lời này qua tác giả này” (Về Tín Lý 3.27; PL 34.80). Ngài dành cho các tác giả nhân bản một vai trò lớn; vị này sử dụng các hình thức phát biểu mà các nhà văn phạm Hy Lạp gọi là “tropes”(hình thái tu từ; Về Tín Lý 3.29; PL 34. 80). Soạn giả Tin Mừng có thể giới thiệu một chủ đề mà không khai triển đầy đủ chi tiết hoặc tự ý thêm vào “không phải là chính nội dung mà là các chữ để phát biểu nội dung này”. “Soạn giả này rất có thể không thành công hoàn toàn... trong việc nhắc lại hay đọc lại một cách chính xác từng chữ chính các lời lẽ ngài nghe được vào dịp đó” (Sự Hòa Hợp, 2.12; Pl 34.1091).

D. Các công thức quan trọng

Dù các Giáo Phụ cả Đông lẫn Tây Phương nói chung đều quả quyết tính linh hứng của Thánh Kinh, nhưng các ngài vẫn phải cố gắng đương đầu một cách thực tiễn với các vấn đề giải thích, nên 3 công thức có ý nghĩa đã xuất hiện trong các trước tác của các ngài; các công thức này sau đó rất nổi bật trong các cuộc tranh luận. Đó là hạ cố (condescension), đọc viết chính tả (dictation), và “Thiên Chúa là tác giả các Sách Thánh”.

(a) Hạ Cố

Từng có tiên phong trong chữ “thích ứng” (chữ Hy Lạp: symperihora) nơi Origen, ý niệm hạ cố (synkatabasis), phát xuất từ Thánh Gioan Kim Khẩu (khoảng năm 347-407) có giá trị lâu bền nhất trong cuộc thảo luận về linh hứng (Vawter, Biblical 40). Nó tiếp tục được trích dẫn trong các văn kiện của Giáo Hội như Divino Afflante Spiritu (EB 559; RSS tr.98) và Dei Verbum (3:13) của Vatican II. Văn kiện vừa nhắc trích tác phẩm của Thánh Gioan Kim Khẩu viết về Sáng Thế 3:8 (Bài Giảng 17.1; PG 53: 134) tuyên xưng sự hạ cố của đức khôn ngoan Thiên Chúa “nhờ thế, chúng ta có thể học biết lòng nhân từ dịu dàng của Thiên Chúa, lòng nhân từ mà không lời lẽ nào có thể diễn tả được, và Người đã đi xa biết bao nhiêu khi thích ứng ngôn ngữ của Người với một quan tâm đầy suy nghĩ đối với bản tính nhân loại yếu ớt của chúng ta”. Nó cũng coi điều này tương tự như việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, một loại suy thường được sử dụng để giải thích linh hứng và được chính Thánh Gioan Kim Khẩu gợi ý (Bài Giảng 15.3 về Gioan 1:18; PG 59.100). Thánh Gioan Kim Khẩu thường sử dụng chữ “hạ cố” để nói về Thánh Kinh như được viết bởi các tác giả phàm trần, đôi khi diễn tả suy nghĩ của mình bằng những ẩn dụ (metaphor) hay ngoa dụ (hyperbole) hay một cách để được các độc giả dễ tiếp nhận hơn (captatio benevolentiae) (Xem R.C. Hill, Compass Theological Review 14 [1980] 34-38).

(b) Đọc viết chính tả

Việc cho rằng các Sách Thánh “được đọc viết chính tả” (chữ Latinh: dictare) đã tìm thấy nơi các giáo phụ phương Tây như Thánh Augustinô (xem En. In Ps. 62.1; PL 36, 748) và Thánh Giêrônimô (Thư Rôma của Thánh Phaolô được Chúa Thánh Thần đọc cho viết chính tả; Epist. 120.10; PL 22.997). Cả trong các cuộc tranh luận của Phong Trào Cải Cách thế kỷ thứ 16, việc Chúa Thánh Thần đọc để viết ra các sách thánh đã được sử dụng để mô tả sự linh hứng từ cả hai phía. Đối với người Công Giáo, năm 1546, Công đồng Trent rõ ràng “đã cho rằng chân lý và qui luật này đã được chứa đựng cả trong các bản văn sách thánh lẫn trong truyền thống bất thành văn được truyền đến chúng ta, sau khi các tông đồ đã tiếp nhận từ chính môi miệng Chúa Kitô, hoặc từ các tông đồ qua việc Chúa Thánh Thần đọc chính tả (Spiritu Sancto dictante) [cho các ngài chép] và đã được lưu truyền như thế từ tay nọ tới tay kia” (DS 1501) – một đoạn đã được trích từng lời năm 1870 bởi Công đồng Vatican I (Dei Filius; DS 3006).

Trong cùng một đường hướng trên, “các nhà cải cách đã tiếp nhận không nghi vấn và không dè dặt câu tuyên bố về linh hứng, và cả chữ linh hứng nữa, của Thánh Kinh, như nó đã minh nhiên và mặc nhiên chứa đựng trong đoạn thư của Thánh Phaolô mà chúng ta đã lấy làm căn bản của chúng ta, thậm chí bao gồm luôn công thức nói rằng Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh, và đôi khi sử dụng ý niệm đọc cho viết chính tả qua các người viết Thánh Kinh” (Karl Barth, Church Dogmatics 1.2.520). Về việc Thánh Kinh là lời Thiên Chúa đến mức nào, Barth thấy nơi các nhà Cải Cách “Thiên Chúa hay Chúa Thánh Thần là tác giả đệ nhất đẳng (auctor primarius) của nó; nội dung của nó ‘được ban cho’ các tiên tri và các tông đồ...; nó được mandata, inspirata, dictata (truyền lệnh, linh hứng, đọc để viết chính tả)... bởi ‘thúc đẩy’ (impulse) của Thiên Chúa; đến nỗi, trong việc biên soạn các trước tác của các ngài, các tiên tri và tông đồ hành động như các amanuenses (phụ tá viết)... hay librarii (người sao chép)... hoặc actuarii (thư ký)” (1.2.523).



John Calvin (1509-1564) thường dùng chữ “đọc viết chính tả” để mô tả quyền tác giả của Thiên Chúa đối với Thánh Kinh và “các thầy ghi chép” (scribes) để mô tả vai trò của các tác giả nhân bản. Bất cứ điều gì Đanien “nói ra đều được đọc chính tả bởi Chúa Thánh Thần” và các tác giả Tân Ước đều là “các phụ tá viết chắc chắn và chân chính của Chúa Thánh Thần” (Institutes, 4.8.9). Isaia và Môsê là “các dụng cụ của Thần Trí Thiên Chúa” không tự mình cung hiến được gì (Bài giảng thứ 24 về 2Tm; Corpus Reformatorum 54. 285-86). Tuy thế, khi Calvin nói đến Thánh Kinh như đã “được đọc chính tả” và “các thầy ghi chép”, thì việc đọc chính tả này, đối với ông, không phải chỉ là phép tốc ký (stenography). Chẳng hạn, ông nhìn nhận rằng các tác giả Sách Thánh chịu ảnh hưởng của sự tối tăm thời đại (Institutes 2.11.6) và ngay Thánh Phaolô cũng không trích dẫn Thánh Kinh một cách không lầm lẫn.

(c) “Thiên Chúa là tác giả”

Được một nhà Cải Cách như Calvin sử dụng, hạn từ này đã được chứng thực đầy đủ trong các tuyên bố của Giáo Hội Công Giáo về đức tin và tín lý, như trong thế kỷ 13, trong phái Walđensiô (DS 790) và nơi Hoàng Đế Michael Palaeologus (DS 854), trong các Công đồng Trent, Vatican I và Vatican II (DS 1501, 3006; Dei Verbum 3:11). Giáo hội chính thức sử dụng kiểu nói này lần đầu tiên là trong một lời tuyên xưng đức tin của các tân giám mục trong điều gọi là Các Quy Chế Xưa của Giáo Hội (Ancient Statutes of the Church) (năm 450-500) “Có một tác giả duy nhất và như nhau và là Thiên Chúa của cả Tân Ước lẫn Cựu Ước, nghĩa là, của Lề Luật, Các Tiên Tri và Các Tông Đồ” (DS 325). Công thức này dường như phát sinh từ các cuộc tranh cãi ở Châu Phi thế kỷ thứ 5 với phái Manikêô, bút chiến phản công lại phái lưỡng vị (dualism, chủ trương Chúa Kitô có 2 ngôi vị). Do đó, Thánh Augustinô đã nói đến “việc tôn thờ Thiên Chúa như là tác giả của cả hai giao ước” (Contra Adimantum 16.3; PL 42.157). Tương tự như thế, Thánh Ambrôsiô, khi chứng minh sự liên hệ qua lại giữa Cựu Ước và Tân Ước đã nói đến một tác giả duy nhất của nhận thức (Exp. In Ps. 118.8; PL 15.1320). Những nguồn gốc có tính bút chiến này đã được nhắc lại trong Sắc Lệnh cho Những Người Giacôbita (chủ trương nhất tính), một sắc lệnh đã minh nhiên nối kết Thiên Chúa với Thánh Kinh như tác giả. Giáo hội Rôma “tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất và cùng một Thiên Chúa là tác giả của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước... vì các thánh của cả hai giao ước đều cùng nói bằng sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần... Nó phạt tuyệt thông sự điên khùng của phái Manikêô vì đã thiết lập ra hai nguyên lý đầu hết, một nguyên lý hữu hình, một nguyên lý vô hình; và họ còn cho rằng có một Thiên Chúa cho Tân Ước và một Thiên Chúa cho Cựu Ước” (DS 1334).

Công thức “tác giả” cho thấy: Thiên Chúa là nguồn tối hậu của cả hai giao ước nhưng không nhất thiết gán quyền tác giả viết lách (literary authorship) cho Người. Chữ Latin auctor có một loạt ý nghĩa rộng hơn là chữ “author” của chữ Anh chẳng hạn, để chỉ một người sản xuất ra một điều gì, bất luận một tòa nhà, một cây cầu, hay một công trình viết văn. Trong truyền thống của Giáo Hội về quyền tác giả Thánh Kinh của Thiên Chúa, auctor có một nghĩa chung hơn chỉ người sản xuất hay nguồn, chẳng hạn, trong lời tuyên xưng đức tin dành cho Michael Palaeologos, chữ Latinh auctor đã được dịch sang chữ Hyalạp là archēgos nghĩa là “khởi thủy, người sáng lập, người khởi nguyên”.

Kỳ sau: III. Mô hình tiên tri của linh hứng
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 5/3/2019 - Tân Giám mục phụ tá TGP Los Angeles
VietCatholic Network
02:12 05/03/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, Thứ Tư ngày 6/3/2019.

2- Đức Thánh Cha nói rằng: Nói xấu người khác giống như “ném bom nguyên tử”.

3- Đức Thánh Cha tuyên bố mở Văn khố triều đại Đức Piô XII.

4- Đức Thánh Cha tiếp 26 học viên lãnh tụ Công Giáo Mỹ La Tinh.

5- Chủ đề Ngày Thế giới về Di Dân và Tị Nạn lần thứ 105.

6- Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Ông Alex Aclan làm tân Giám Mục Phụ Tá TGP Los Angeles, California.

8- Sự kiện giới trẻ Công Giáo lớn nhất của vương quốc Anh.

9- Đức Cha Nguyễn Văn Long nói về trường hợp Đức Hồng Y Pell.

10- Các Giám Mục Venezuela cảnh báo việc chính phủ thiêu hủy viện trợ nhân đạo.

11- Người Thiên Chúa Giáo Bắc Hàn bị ngược đãi thậm tệ.

12- Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc đón nhận gần 50 ngàn tân tòng trong năm 2018.

13- Người Công Giáo ở Yên Bái bị xung đột bởi nghề nấu rượu.

14- Giới thiệu Thánh Ca: Tâm Ca Mai Đệ Liên.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Các linh mục Việt Nam tại Melbourne nghĩ gì về lời buộc tội Đức Hồng Y Pell?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:14 05/03/2019