Ngày 18-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
19/3 – Lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:34 18/03/2024

BÀI ĐỌC 1  2Sm 7:4-5a,12-14a,16

Bài trích sách Sa-mu-an quyển thứ hai.

Hồi ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng:

“Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: Đức Chúa phán thế này:

Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.

Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.

Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.

Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Rm 4:13,16-18,22

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.

Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông.

Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.

Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Bởi thế, ông được kể là người công chính.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Tv 83:5

Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện
họ luôn luôn được hát mừng Ngài.

TIN MỪNG  Mt 1:16,18-21,24a

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

Đó là Lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:03 18/03/2024

25. Rước lễ là phương pháp mạnh nhất và tốt nhất để khắc chế những tấn công của ma quỷ.

(Thánh John Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:06 18/03/2024
6. THẦN BIA BẮN TÊN

Có một võ quan xuất trận, tưởng là bại trận, nhưng đột nhiên có binh thần cứu giúp nên chuyển bại thành thắng.

Võ quan quỳ bái lạy xin hỏi thần tiên quý danh tánh là gì, thần tiên đáp:

- “Ta là thần bia để bắn tên.”

Võ quan nói:

- “Tiểu tướng có công đức gì mà dám làm phiền ngài cứu giúp?”

Thần bia bắn tên trả lời:

- “Ta cảm kích ngươi vì lúc tập luyện bắn cung ở thao trường, từ trước đến nay người không bắn trúng tấm bia để làm hại đến ta !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 6:

Làm tướng mà không luyện tập bắn cung đánh kiếm thì không thể là tướng giỏi; khi luyện tập ở thao trường mà không chuyên cần thì không thể là một quân lính giỏi; tập luyện bắn cung mà bắn không trung tấm bia thì không thể là tay thiện xạ bách phát bách trúng...

Tất cả các dòng tu trong Giáo Hội đều có một hoặc hai năm nhà tập, các tu sĩ trong giai đoạn này gọi là tập sinh, tập tức là học tập: tập tành các nhân đức căn bản của đời sống tu trì, học hành các môn quan trọng của đời sống dòng tu như luật dòng, thánh kinh, nhân bản và quan trọng nhất chính là tập cầu nguyện...

Có các tập sinh cứ nôn nóng được ra giúp xứ khi chưa hết thời kỳ tập sinh; có các tập sinh lấy làm bất bình khi không được đi đây đi đó trong thời kỳ nhà tập.v.v... những Tập Sinh này -theo các vị giám tập- thì không thể trở thành một tu sĩ tốt được khi họ trở thành linh mục.

Thần của tấm bia bắn tên đã trả công bội hậu cho tên võ quan bắn dở khi tập luyện, ma quỷ cũng sẽ vui vẻ cám ơn những tập sinh đã coi nhẹ thời gian nhà tập, bằng cách làm cho họ sống tự do phè phỡn không tuân giữ luật dòng, kiêu căng, ghen ghét và cuối cùng thì trở thành gánh nặng cho những thành viên trong cộng đoàn và làm gương xấu cho giáo hữu...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Dám yêu với tất cả rủi ro
Lm. Minh Anh
15:28 18/03/2024
DÁM YÊU VỚI TẤT CẢ RỦI RO
“Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”.

Nghệ thuật có khuynh hướng mô tả thánh Giuse như một cụ già. Tuy nhiên, một ngoại lệ rất nổi bật là bức “Giuse” của El Greco, nghệ sĩ Tây Ban Nha, mô tả Giuse là một thanh niên cơ bắp, đáng tin cậy; trẻ Giêsu quấn lấy chân ngài. Điều này phù hợp với ngữ cảnh Tin Mừng và tính cách của Giuse; một người trẻ mạo hiểm, ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Tình yêu luôn đòi hỏi mạo hiểm và chuyện tình Giuse - Maria cũng không nằm ngoài quy luật đó! “Maria có thai”. May thay, nhờ sự can thiệp của sứ thần, Giuse đã yêu với ‘đôi mắt mở to’, ‘đôi tai mở rộng’, để ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ như Tin Mừng ngày lễ tiết lộ.

Thông thường, cuộc sống không như chúng ta tưởng; đặc biệt trong yêu đương, thật khó để đi từ logic ‘phải lòng một ai’ sang logic một ‘tình yêu trưởng thành!’. Nhưng khi những hoài bão xem ra kết thúc, thì chính tại ngõ cụt ấy, tình yêu đích thực bắt đầu bước vào! Thực tế, tình yêu không phải là những gì chúng ta kỳ vọng được người kia đáp ứng; thay vào đó, nó có nghĩa là tôi tự do chọn lựa để chịu trách nhiệm cho cuộc sống của người kia với bất cứ điều gì xảy ra. Đây là trải nghiệm cũng là bài học đắt giá của Giuse!

Trải nghiệm của Giuse cũng có thể là trải nghiệm của bạn và tôi; đó là một mối nguy có thể tồn tại trong hành trình tâm linh của bất cứ người nào! Khi mọi thứ yên ả, xuôi may, cuộc sống tôi như đang thăng hoa; nhưng khi mọi thứ trở nên tồi tệ như vầng mây xám, liệu Chúa có còn yêu tôi không? Và bấy giờ, Giuse là tấm gương cho chúng ta!

Vậy nhờ đâu Giuse có thể tin? Thưa, một lương tâm trong sạch! Tin Mừng nói, “Giuse là người công chính”. Giuse yêu Maria, nhưng sự thật quá khắc nghiệt để có thể vượt qua; và dẫu quan tâm Maria, Giuse vẫn cảm thấy bị phản bội! Nhưng, với một lương tâm trong sạch, Giuse hy sinh ước mơ cưới lấy Maria để ly hôn trong lặng lẽ. Và Thiên Chúa nhìn thấy sự trung thực này, Ngài thổ lộ cho Giuse sự thật về sự chính trực của người thiếu nữ. Một thông điệp ngắn trong mơ đủ để Giuse đón nhận tất cả với sự ngạc nhiên!

Thánh Bernard viết, “Hãy nhớ đến vị tộc trưởng vĩ đại bị bán sang Ai Cập! Thánh Giuse không chỉ nhận tên ông mà còn nhận được sự trong trắng, vô tội và ân phúc của ông! Giuse Cựu Ước ‘giỏi đọc’ giấc mơ; Giuse Tân Ước ‘giỏi tin’ giấc mơ. Giuse Cựu Ước ‘tích trữ ngũ cốc’ cho một dân; Giuse Tân Ước ‘trông coi Bánh Hằng Sống’ cho muôn dân; và còn hơn thế, bảo tồn những gì Chúa hứa cho Abraham và nhà Đavít!”. Các bài đọc hôm nay và Thánh Vịnh đáp ca xác nhận, “Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ!”.

Anh Chị em,

“Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”. “Trong các Tin Mừng, Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ và can đảm, một người làm việc; tuy nhiên, trong trái tim ngài, chúng ta thấy một sự dịu dàng vô cùng, đó không phải là nhân đức của kẻ yếu đuối mà là dấu hiệu của sức mạnh tinh thần và khả năng quan tâm vì lòng trắc ẩn, vì sự cởi mở chân thành với người khác, vì tình yêu!” - Phanxicô. Thử hỏi, có ai ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ bằng Thiên Chúa? Thánh giá, ‘rủi ro vĩ đại’ của mọi rủi ro, tình yêu vô bờ của Ngài, một tình yêu cứu độ đòi hỏi mạo hiểm khi phải đánh cược chính Con mình. Và ngày nay, Đấng Phục Sinh vẫn đang chấp nhận rủi ro khi trao vào tay chúng ta những gì Ngài chưa hoàn thành!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con kiếm tìm bất kỳ một sự an thân nào. Cho con biết ‘mở to đôi mắt’ đầy ngạc nhiên để trở nên ‘khí cụ độc đáo’ cho thế giới trong bàn tay Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Dưới Chân Thánh Giá
Lm Vũđình Tường
19:18 18/03/2024
Phúc Âm thuật lại dưới chân thánh giá có Đức Trinh Nữ Maria và môn đệ Người yêu mến. Cả hai người im lặng, lắng nghe tiếng mình thổn thức trong tim. Lòng quặn đau từng cơn như sóng biển cuồn cuộn dâng lên cao, rồi thình lình ụp xuống đánh thập vào con tim đau nhói. Cả hai âm thầm nhìn lên thập tự thương khóc Đức Kitô đang quằn quại trong đau khổ. Trong khi đó Đức Kitô thập tự, trên cao nhìn xuống, cảm thông cho thân phận loài người. Biết rõ Đức Kitô đang chống lại từng cơn đau, miệng há lớn vì khát; hơi thở phì phò, đứt quãng, mỏi mệt. Khuôn mặt tan nát, xanh xám vì máu trong tim đã cạn; bụi đường tạo thành vết màn đất bùn, bít kín vết thương, máu không còn tuông rơi nhưng nhiểu thành giọt. Đức Trinh Nữ và thánh Gioan biết rõ Đức Kitô đau khổ đến cùng cực. Chính bản thân bà và thánh Gioan cũng không hơn gì. Cả hai đều bất lực. Ngoài âm thầm đứng nhìn ra; nước mắt lưng tròng, lăn dài trên má, đầu tóc rối bời, khuôn mặt u sầu; không ai có khả năng làm giảm bớt hay chia sẻ, gánh đỡ, niềm đau.

Đứng dưới chân thập tự mang nhiều í nghĩa thâm trầm. Thứ nhất, hình ảnh đứng dưới chân thánh giá là hình ảnh đau thương. Hình ảnh của cảm thông; của bất lực vì khả năng hạn hẹp của con người. Không ai ngờ được hình ảnh đứng dưới chân thánh giá của Đức Trinh Nữ Maria năm xưa lại trở thành hình ảnh chung cho toàn thể nhân loại bắt chước. Khi viếng thăm mộ phần của người thân thương, bạn và tôi đều đứng dưới chân thánh giá; diễn tả tình thương thầm kín trong lòng. Dù không nói ra nhưng mọi người nhìn thấy đều nhận biết đây là hình ảnh diễn tả nỗi nhớ thương tiềm ẩn trong cõi lòng. Một hình ảnh diễn tả tình yêu cao vời nhất. Không còn hình ảnh yêu thương nào rõ ràng hơn, bộc bạch hơn, và chân thành hơn; bởi tình yêu diễn tả trong trường hợp này hoàn toàn không dính bén gì đến vật chất mà thuần tấm lòng trinh trong, chân thành. Đứng nơi mộ phần gợi lại lời nói, việc làm, cách cư xử, lối sống, tình cảm của người nằm dưới mộ. Như thế người sống, kẻ chết không còn ngăn cách bởi ba tấc đất mà tấm lòng gặp lại tấm lòng. Theo cách đó thì tất cả những ai đứng dưới chân thập tự đều là môn sinh, môn đệ Đức Trinh Nữ Maria. Chính Đức Trinh Nữ dùng hình ảnh đó diễn tả cõi lòng tan nát thương nhớ Đức Kitô. Kitô hữu thường viếng mộ với lời kinh kèm theo, cầu xin Đức Kitô ban ơn lành xuống cho người đã nằm xuống.

Ngoài tiếng gió hú, tiếng cát bay sè sè trên đồi cao; cảnh trời âm u, màu tím úa, ảm đạn như cõi lòng sầu héo, thương con của Đức Trinh Nữ. Trong hoàn cảnh đau thương, tịch mịch đó, Đức Kitô phá vỡ bầu khí im lặng, tang thương chết chóc. Đức Kitô lên tiếng nói với Đức Trinh Nữ: Gioan là con bà và quay sang nói với Gioan; Đây là mẹ anh. Từ đó Gioan đón và chăm lo cho Đức Trinh Nữ. Lời vắn gọn Đức Kitô tiễn biệt mẹ là lời nói dặn bảo bàn tay con người dùng để chăm sóc, che chở, bảo vệ.

Í nghĩa thứ hai của hình ảnh đứng dưới chân thập tự không thuần chỉ âm thầm nhìn ngắm trong đau thương, tủi hờn, mà còn mang í nghĩa cao trọng. Đó là đi tìm hy vọng, sự sống nơi miền đất chết. Không người thân nào cho rằng đi thăm mộ là đi coi đống đất của người chết. Khách du lịch đi coi di tích cổ, nhìn xem mồ mả xưa. Mồ mả vua quan thường to lớn, đồ sợ, lộng lẫy nhưng mồ dấu kín bởi lúc còn sống họ mua oan, chuốc oán quá nhiều đến khi chết có mả đẹp; mộ to, nhưng không yên bởi sợ có kẻ trả thù nên có người canh đêm, kẻ gác ngày, tránh bị mạ lị ngay cả sau khi chết. Mộ dân nghèo, nhỏ bé, thấp lè tè mặt đất; mộ không đẹp nhưng lại là mồ yên. Kẻ có mộ đẹp thường ngủ không yên, kẻ ngủ yên, mộ thường không đẹp.

Í nghĩa thứ ba của việc viếng mộ thân nhân đó là niềm hy vọng, cậy trông. Dù nói ra hay giữ kín trong lòng; thân nhân ai cũng chung một í tưởng là người thân đang được sống nơi nào đó. Nơi đó không còn đau khổ, tang thương. Kitô hữu đi thăm mộ, đứng dưới chân thập tự đều chung niềm tin là người thân đang cư ngụ bên Đức Kitô Phục Sinh. Đấng mà xưa kia chết treo trên thập tự. Đấng lúc sắp sinh thì đã phá tan bầu khí im lặng, chết chóc, mang lại niềm tin, hy vọng, ủi an cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, và cho người môn đệ ngài yêu mến.

Sau ba ngày nằm trong mộ, Đức kitô sống lại vinh quang. Chính Ngài hiện ra với các môn đệ. Chính nhà cầm quyền bảo hộ Roma phao tin thất thiệt. Nhà cầm quyền hối lộ lính tráng, dậy bảo họ phải nói điều mắt họ không nhìn thấy, tai họ không nghe, nhưng miệng họ phao tin: vì tiền, vì lợi lộc và vì sợ nếu không làm như đã bảo họ sẽ lâm vào cảnh ngục tù. Í nghĩa thứ tư của việc thăm mộ thân nhân chính là cử chỉ phản đối bất bạo động những phao tin, đồn thổi của lãnh đạo Roma là sai, cố chấp, thiếu công chính.

TiengChuong.org
 
Mượn Mộ
Lm Vũđình Tường
19:22 18/03/2024
Joseph and Nicodemus’ act of love and respect for the body of Jesus was for them dangerous, costly, and without any personal gain. He was accompanied by Nicodemus, the man who earlier had visited Jesus at night. Nicodemus brought a mixture of myrrh and aloes, about seventy-five pounds. 40 Taking Jesus' body, the two of them wrapped it, with the spices, in strips of linen. This was in accordance with Jewish burial customs. John 19:39-40. Christ’s transforming work on the cross helps us to break free from desires that hold us in bondage. Jesus being buried in a brand new tomb? Probably to reflect the great esteem in which Joseph holds Jesus. It also counteracts any suggestion that when Jesus' body is missing on resurrection morning that the women mistake it for another burial. Mark identifies them as "Mary Magdalene and Mary the mother of Joses" (Mark 15:47). They know the exact place of Jesus' burial. On resurrection morning there is no mistaken location.

Mượn Mộ

Xã hội có nhiều thứ dịch vụ khác nhau phục vụ nhu cầu chung của đại chúng. Phổ quát nhất là dịch vụ mượn tiền. Lúc đầu là dân nghèo vay chủ giầu, quyền thế; sau này vay mượn trở thành dịch vụ lớn và ngân hàng nhảy vào đóng vai trò cho mượn tiền mua nhà, mua xe, làm thương mại. Nhu cầu di lịch, đi lại cần phương tiện di chuyển sanh ra dịch vụ thuê mượn xe cộ, tầu thuyền, dịch vụ tổ chức đi du lịch. Chiến tranh, thiên tai, đói kém, con người di dân từ nơi này sang nơi khác sinh sống; làm ăn khá hơn, gởi quà, tiền cho thân nhân nên có dịch vụ chuyển tiền, chuyển quà. Vấn đề bảo lãnh gia đình phổ quát hơn nên sinh thêm dịch vụ thuê mướn làm giấy tờ, điền đơn, nạp hồ sơ, từ đó sinh ra tệ nạn cạnh tranh, lừa gạt. Hầu như dịch vụ lớn nhỏ cho ngành nghề nào cũng có. Ai cũng muốn làm chủ hai ba căn nhà; riêng mộ phần thì không ai muốn làm chủ hai ba huyệt mộ. Lí do đơn giản, không ai muốn cảnh phải cải mộ, di chuyển từ nơi này đi nơi khác. Biết rõ, ai cũng phải chết nhưng người ta thường tránh bàn đến, suy niệm về sự chết. Không ai muốn làm chủ hai ba huyệt mộ.
Vay, mượn có nghĩa phải trả. Bởi mượn mộ phần không thể trả vì thế không có dịch vụ cho mượn mộ. Bởi không thể mượn mộ; phải mua đất chôn cất, an táng, vì thế đất mộ phần tăng giá. Cho mượn mộ là mất luôn. Cùng lắm người ta mua phần đất khác bù lại. Không có dịch vụ cho mượn mộ, mà có dịch vụ an táng.

Thời Đức Kitô, người nghèo thường thuê mộ chôn, thời gian sau bốc hài cốt và mộ đó lại cho người khác thuê. Đức Kitô được an táng trong ngôi mộ mà chưa chôn cất ai bao giờ nói lên điều trên. Ngài là Đấng duy nhất được chủ mộ tình nguyện cho mượn mộ phần để an táng. Chính Đức Kitô khi sinh tiền từng tuyên bố, sau ba ngày an táng trong mộ, Ngài sống lại vinh quang. Điểm này cho thấy Đức Kitô công khai thông báo trước cho toàn thể nhân loại biết, Ngài sẽ sống lại ba ngày sau khi an táng. Đây là điều được chính Đức Kitô khẳng định, xác định trước khi Ngài chết. Ngày nay Kitô hữu biết rõ điều này, nhưng thời buổi ấy, lúc ấy mấy ai tin, mấy ai chấp nhận. Có lẽ ngay cả ông Giuse, chủ nhân huyệt mộ thành Arimathaea (Matthew 23:50) cho Đức Kitô mượn mộ huyệt do lòng yêu mến. Ông không hề đặt vấn đề khi nào Đức Kitô trả mộ. Hành động cho mượn mộ huyệt là hành động cao trọng nhất trong tình thân hữu. Hành động tuyệt vời nhất trong tất cả các hành động cho vay mượn thuộc khả năng con người. Đức Kitô Phục Sinh còn có hành động cao cả ngàn trùng, Ngài cho nhân loại mượn sự sống Phục Sinh của chính Ngài. Con người có khả năng cho mượn mộ huyệt; Thiên Chúa cho mượn sự sống trường sinh. Đức Kitô sống lại xác định mộ huyệt là nơi tạm gửi thân xác hư nát. Cửa mộ không đóng kín mãi; cái hôi hám, u ám trong mộ không vĩnh viễn. Có ngày cửa mộ mở toang như ngôi mộ Đức Kitô. Đây không phải là cải mộ mà là sống lại với Đức Kitô.
Giuse và Nicodimô, cả hai đều là tông đồ âm thầm yêu mến Đức Kitô. Sau khi Đức Kitô chết, Giuse không sợ hiểm nguy, không tìm danh lợi cho cá nhân, ông cũng không lo cho uy tín cá nhân, ông đến gặp thẳng quan tổng trấn Philatô cho phép chôn cất Đức Kitô. Giuse là thành viên trong ban điều hành, lãnh đạo của Philatô. Ông chống việc đóng đinh Đức Kitô, bỏ phiếu không chấp nhận việc giết Đức Kitô. Chính ông chủ sự việc an táng Đức Kitô; người mà hội đồng cho là kẻ thù.

Ba ngày sau Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Nghe tin, môn đệ Đức Kitô vui mừng, còn phe chống đối, nhóm lãnh đạo Đền Thờ và thủ lãnh trong dân hoảng hốt loan tin xác Đức Kitô bị đánh cắp. Nếu xác Đức Kitô bị lấy trộm như thế sẽ có sự chôn cất lần thứ hai. Không một chi tiết nào, nơi nào ghi lại việc chôn cất Đức Kitô lần thứ hai. Nicodemô là thành phần giầu có, có thế giá, được trọng vọng. Ông Giuse và ông an táng Đức Kitô vì lòng yêu mến. Nicôdimô mang theo bảy chục cân thuốc thơm dùng vào việc ướp xác. Hai người danh giá này hẳn có mang theo không ít kẻ giúp việc, gia nhân dùng trong việc an táng Đức Kitô. Dù an táng trong vội vã, nhưng không phải làm cách kín đáo, âm thầm, mà làm cách chính đáng, công khai, có sự đồng í của quan toàn quyền cho phép. Mấy ai, mộ phần có lính gác ngày đêm. Hình ảnh lính thức canh gác mộ là hình ảnh quen thuộc thời Môisen; ông sai thanh niên trai tráng thay phiên nhau gác 'Nhà Tạm, nơi cất giữ Hòm Bia Thánh'. Với đoàn lính gác mộ Đức Kitô, việc ăn cắp xác không đơn giản như tin phịa, bịa đặt, tin hoang, tin đồn thổi. Hơn nữa, ăn cắp xác với mục đích gì? Lăn hòn đá lớn che cửa mộ một mình không thể làm được. Cân có nhiều người giúp tay, lăn tảng đá khổng lồ không dễ gì giữ im lặng. Nếu người ta có thể giữ im lặng, chưa chắc đã giúp tránh tiếng động do tảng đá nặng gậy ra. Xác được tẩm liệm với 70 cân thuốc thơm do Nicôđêmô cung cấp. Như thế một người không thể vác nổi mà cần khiêng. Đã khiêng thì không thể đi nhanh. Hơn nữa mùi thuốc thơm ướp xác cộng với nước hoa khoả ra trong sương đêm chắc chắn sẽ để lại mùi hương trên đường đi và như thế dễ theo dõi vết chân kẻ trộm. Chi tiết trên trái với tường thuật Phúc âm ghi. Khăn liệm được gấp gọn, để lại trong mộ. Như thế cần thời gian cuộn khăn, gấp khăn. Kẻ trộm nào cẩn trọng và có dư thời gian như thế? Thánh Marcô 15:47 ghi lại, sáng Chúa Nhật các bà yêu mến Đức Kitô, sáng sớm viếng mộ. Nếu môn đệ Đức Kitô ăn cắp xác thì các bà môn đệ đâu cần đi ra mộ.

Trong chiến tranh, nếu không thể mang xác đồng đội đi, thường có tình trạng chôn vội đồng đội trước khi ra đi. Chôn vội vàng như thế có nghĩa là mượn đất làm mộ phần cho đồng đội. 'Mượn' trong trường hợp này không có sự đồng í của chủ đất, và đôi khi chủ đất cũng không biết. Những ngôi mộ vô danh, ẩn tích này có kẻ thương, người nhớ, nhưng không biết đâu mà tìm. Sau này nếu may mắn tìm thấy, bốc mộ, chủ đất còn cám ơn là khác.

Câu người ta hay an ủi nhau khi sầu khổ. Câu nói rất chân tình, rất thật, đó là câu 'An giấc ngàn thu'. An giấc ngàn thu đây có nghĩa là ngủ hoài; an giấc từ thu này sang thu nọ, không bao giờ sống lại. Kitô hữu hiểu đây chỉ là câu an ủi tạm bợ. Tinh thần của Kitô hữu là sau khi qua đời, hy vọng được sống hạnh phúc, sống thanh bình, hoan lạc, trong nước Chúa đến muôn đời. Đây mới chính là cốt lõi tinh thần, niềm tin của Kitô hữu.

Được chung sống với Đức Kitô Phục Sinh bởi được chia sẻ sự sống của Đức Kitô. Nói cách khác, chính Đức Kitô cho Kitô hữu được ' mượn, chia sẻ' cuộc sống Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Cho mượn có nghĩa là có ngày phải trả, có ngày đòi lại. Bạn nên nhớ, Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Đấng luôn cho, luôn ban phát cách dồi dào, mà không bao giờ đòi trả. Chia sẻ cuộc sống Phục Sinh của Đức Kitô có nghĩa là chia sẻ sự sống của Ngài cách vĩnh viễn. Con người nghèo hèn đến độ không có gì xứng đáng đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa; ngay cả khi ta dâng lời ca tụng, tôn vinh cũng là điều Thiên Chúa ban cho.

Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài; xin cho con biết vâng phục chu toàn thánh í Chúa; xin cho con biết trung thành với ơn gọi của con.

Làm tốt những điều trên là làm đẹp lòng Thiên Chúa. Xét kĩ lại thì những điều trên đều là lời cầu, điều xin. Xin làm đẹp lòng Thiên Chúa. Như thế lời ca tụng, tán dương đều là lời cầu, lời van xin. Thiên Chúa luôn ban, cho, mà không nhận. Nếu có là nhận tâm hồn, con tim, tấm lòng thành. Những tấm lòng này cũng là quà Chúa ban.

Những gì thuộc về Chúa sẽ trở về cùng Chúa.

TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lại chiêu trò, Trung quốc bắt gỡ Thánh giá vì lý do an toàn!
Thanh Quảng sdb
17:15 18/03/2024
Lại chiêu trò, Trung quốc bắt gỡ Thánh giá vì lý do an toàn!

(UCN)

Chính quyền địa phương của thành phố tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc đã đưa ra thông báo yêu cầu nhà thờ dỡ bỏ ba cây thánh giá, với lý do “an toàn”.

Ủy ban Dân phố Yongqing ở thị trấn Wangfenggang, quận Xiejiaji thành phố Hoài Nam, đã ra thông báo tới cho Nhà thờ ở Wangfenggang, theo một thông cáo của tổ chức Trợ giúp Giáo hội Trung quốc (ChinaAid), một nhóm bất đồng chính kiến Trung Quốc lưu vong có trụ sở tại Hoa Kỳ cho hay vào ngày 15 tháng 3 vừa qua.

Ủy ban chi bộ địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết các cây thánh giá trên mái và tháp chính của Nhà thờ phải được dỡ bỏ vì vấn đề về cấu trúc và sự an toàn.

Thông thường, bộ tôn giáo đưa ra thông báo dỡ bỏ thánh giá theo chỉ thị của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ địa phương. Họ qui định rỡ bỏ nếu không chính quyền sẽ rỡ bỏ sau thời gian quy định!

Tổ chức Trợ giúp Giáo hội Trung quốc (ChinaAid), cho biết, trong trường hợp Nhà thờ Công Giáo ở Wangfenggang, chính quyền địa phương đã lấn át Chi bộ tôn giáo trong việc đưa ra thông báo này.

Ủy ban không giải thích cơ sở pháp lý cho việc bắt rỡ bỏ cũng như không cung cấp phương tiện an toàn cho những nhân chuyên chuyên rỡ bỏ!

Theo luật pháp Trung Quốc, ủy ban dân phố “là tổ chức quần chúng căn bản của chính quyền tự trị, trong đó dân chúng tự quản lý công việc của mình”. Đây không phải là cơ quan hành chính và không có trình độ thực thi pháp luật hành chính.

Nhân viên của nhà thờ cho biết nếu ủy ban địa phương lo ngại về các mối nguy hiểm về an toàn thì lẽ ra họ nên yêu cầu nhà thờ cung cấp bảng lượng giá an toàn của nhà thờ…

Thánh giá thí bắt rỡ bỏ vì an toàn, còn cột cờ cao ngất thì không nguy hiểm

Báo cáo cho biết, nhà thờ được xây dựng cách đây khoảng 40 năm theo thiết kế đã được chính quyền phê duyệt và trải qua quá trình kiểm tra của các cơ quan liên hệ. Cây thánh giá đã được đặt trên các tháp nhà thờ mà không có bất kỳ vấn đề an toàn nào trong nhiều năm qua.

Thông báo gợi lại những việc chính quyền phá hủy thánh giá các nơi thờ tự của một quốc gia Cộng sản cai trị, đặc biệt xiết chặt từ năm 2014.

Sau khi Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013, ĐCSTQ đã thắt chặt kiểm soát tôn giáo và các hoạt động tôn giáo ở quốc gia Cộng sản vô thần này!

ĐCSTQ đã thúc đẩy và thực hiện mạnh mẽ chính sách Hán hóa các tôn giáo gây nên những tranh cãi, một hệ tư tưởng chính trị đòi trung thành với đảng và áp đặt các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa nghiêm ngặt lên tất cả mọi cá nhân và tổ chức.

Ông Tập được cho là đã thông qua chiến dịch loại bỏ Thánh giá vào năm 2015 trong một cuộc phát động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, một cơ quan có ảnh hưởng của ĐCSTQ có nhiệm vụ thúc đẩy các quyết định của đảng trong và ngoài nước bằng một loạt hệ thống phức tạp và nhiều tổ chức mờ ám.

Ban lãnh đạo ĐCSTQ lập luận rằng việc trưng bày công khai các chứng tích Tôn giáo như Thánh giá thì không phù hợp với chính sách Hán hóa.

Bên cạnh việc dỡ bỏ thánh giá, chiến dịch Hán hóa còn ra lệnh đốt Kinh thánh và các bảng Tôn giáo bị buộc phải dỡ bỏ và phá hủy.

Tại Chiết Giang, một tỉnh phía đông có dân số theo Công Giáo lớn nhất có khoảng 1.500 nhà thờ đã bị rỡ bỏ Thánh giá trong quá khứ...
 
Bài xã luận của Tòa Thánh: Fiducia Supplicans và các phân biệt của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger
Vũ Văn An
17:18 18/03/2024

Hãng tin Zenit ngày 27 tháng 2 vừa qua, có đăng tải bài xã luận của Giám đốc xã luận của Tòa Thánh, Andrea Tornielli, về việc Tuyên bố Fiducia Supplicans theo đúng đường lối của vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y Fernandez ở Bộ Giáo Lý Đức Tin. Chúng tôi cho đăng toàn bài xã luận. Ngày mai chúng tôi sẽ đăng nguyên văn Huấn thị được bài xã luận nhắc tới để độc giả thấy rằng Tuyên bố Fiducia Supplicans và huấn thị của Đức Hồng Y Ratzinger nói tới hai đối tượng thụ hưởng phép lành hoàn toàn khác nhau, xem ra bài xã luận đánh vào không khí, không giải thích gì được cho Fiducia Supplicans. Nguyên văn bài xã luận có thể đọc tại đây: https://zenit.org/2024/02/27/fiducia-supplicans-and-the-distinctions-of-joseph-ratzinger/

“Tuyên bố Fiducia Supplicans: Về ý nghĩa mục vụ của các phép lành”, được công bố bởi Bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 12, như mọi người đều biết và như đã được nhiều người nhấn mạnh, không làm thay đổi tín lý truyền thống về hôn nhân, vốn chỉ ban phép lành hôn nhân cho người nam và người nữ kết hôn với nhau. Điều mà tài liệu đi sâu vào, bằng cách thừa nhận khả năng ban phép lành tự phát đơn giản ngay cả cho các cặp vợ chồng không hợp lệ hoặc những người cùng phái tính, mà không ngụ ý chúc phúc cho sự kết hợp của họ hoặc chấp thuận lối sống của họ, vốn là bản chất của các phép lành. Fiducia Supplicans phân biệt giữa các phép lành phụng vụ hoặc nghi lễ và các phép lành tự phát hoặc mục vụ. Có hai cách hiểu các phép lành phụng vụ. Có một nghĩa rộng, coi mọi lời cầu nguyện do một thừa tác viên có chức thánh thực hiện đều là “phụng vụ”, ngay cả khi nó được đưa ra mà không có hình thức nghi lễ và không tuân theo một văn bản chính thức. Và có một nghĩa hẹp hơn, theo đó, một lời cầu nguyện hoặc lời kêu gọi mọi người chỉ mang tính “phụng vụ” khi được thực hiện “theo nghi thức”, và chính xác hơn là khi nó dựa trên một văn bản đã được cơ quan có thẩm quyền giáo hội phê duyệt. Một số nhà phê bình đặt câu hỏi về Tuyên bố gần đây chỉ coi nghĩa rộng là được phép và do đó không chấp nhận sự phân biệt giữa những lời cầu nguyện hoặc phép lành “nghi thức” và “phụng vụ”, và những lời cầu nguyện hoặc phép lành “mục vụ” và “tự phát”. Trong số đó, một số người cho rằng ngay cả phụng vụ cũng có liên quan đến mục vụ. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là Fiducia Supplicans gán một ý nghĩa chuyên biệt cho hạn từ “mục vụ”. Tức là, có ý nói đến một hình thức chăm sóc đặc thù hướng đến việc đồng hành với những người được ban phép lành, theo hình ảnh “Mục tử nhân lành”, người không ngừng nghỉ cho đến khi tìm thấy từng kẻ lạc lối. Những người khác lập luận rằng mọi lời cầu nguyện đều mang tính “phụng vụ”, và do đó tất cả đều phải tuân theo những yêu cầu của phụng vụ Giáo hội. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời sự phản đối này trong một bài phát biểu trước những người tham gia phiên họp toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin vào ngày 26 tháng 1, nhấn mạnh vào sự hiện hữu của các phép lành mục vụ hoặc tự phát “nằm ngoài bất cứ bối cảnh và hình thức phụng vụ nào” và “không đòi hỏi sự hoàn thiện về mặt đạo đức để được đón nhận.” Do đó, những lời của Đức Giáo Hoàng xác nhận ý nghĩa hẹp hơn của các phép lành phụng vụ.

Có một tiền lệ quan trọng liên quan đến việc phân biệt giữa điều gì là phụng vụ và điều gì không phải là phụng vụ. Nó được tìm thấy trong Huấn thị năm 2000, do Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ công bố, được Đức Hồng Y Joseph Ratzinger ký và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phê chuẩn. Hướng dẫn là về những lời cầu nguyện để được chữa lành. Điểm thứ hai của phần đầu tiên của tài liệu nhắc lại điều đó; “Trong mục De Bênêđíctôionibus [về các phép lành] của sách Rituale Romanum [nghi thức Rôma], có Ordo Benedictionis infirmorum (Phép lành cho người bệnh], trong đó có nhiều lời cầu nguyện để được chữa lành.” Trong phần cuối cùng của hướng dẫn, dành riêng cho các quy tắc kỷ luật, có một điều (2) nêu rõ: “Những lời cầu nguyện chữa lành được coi là phụng vụ nếu chúng là một phần của các sách phụng vụ được cơ quan có thẩm quyền của Giáo hội phê chuẩn; nếu không thì chúng không mang tính phụng vụ.” Do đó, người ta xác định rằng có những lời cầu nguyện chữa lành mang tính phụng vụ hoặc nghi lễ và những lời cầu nguyện khác thì không nhưng vẫn được thừa nhận một cách hợp pháp. Mục tiếp theo nhắc lại rằng những lời cầu nguyện “phụng vụ” đó được cử hành theo nghi thức quy định và với lễ phục thánh được nêu trong Ordo Benedictionis infirmorum của Rituale Romanum. Những trích dẫn này từ văn bản được ký bởi Đức Hồng Y Ratzinger và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chấp thuận, cho thấy rằng ý nghĩa của thuật ngữ “phụng vụ” được sử dụng trong Fiducia Supplicans để định nghĩa các phép lành nghi thức, khác với các phép lành mục vụ, chắc chắn là một sự phát triển mới nhưng được đưa vào khuôn khổ Huấn quyền của những thập niên qua.

Trong số các phép lành, có những khác biệt khác: một số tượng trưng cho việc thánh hiến, hoặc ấn tín bí tích được đôi vợ chồng cử hành (trong trường hợp chúc phúc hôn nhân); những phép lành khác đại diện cho những lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa; và những phép lành khác nữa (chẳng hạn như trừ tà) có mục đích xua đuổi tà ác. Fiducia Supplicans liên tục làm rõ rằng việc ban phước lành mục vụ hoặc tự phát – không có bất cứ yếu tố hôn nhân nào – cho một cặp đôi “không hợp lệ” đến với một linh mục hoặc một phó tế không ngụ ý và không thể đại diện dưới bất cứ cách nào cho sự chấp thuận sự kết hợp giữa hai người. Như tài liệu nêu rõ, nó không thể được coi là mang lại “một hình thức hợp pháp về mặt đạo đức cho một sự kết hợp được coi là một cuộc hôn nhân” hoặc “một hành vi tình dục ngoài hôn nhân”. Thay vào đó, ý nghĩa là lời cầu xin Thiên Chúa cho phép những hạt giống tốt lành phát triển theo hướng Người mong muốn.

 
ĐTGM Charles Chaput: Những Hướng Dẫn Gây Lầm Lạc Của Hồng Y Fernández
J.B. Đặng Minh An dịch
20:58 18/03/2024

Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput, Dòng Anh Em Hèn Mọn, cai quản tổng giáo phận Philadelphia, Hoa Kỳ từ tháng 9 năm 2011 đến tháng Giêng năm 2020.

Ngài vừa có bài viết nhan đề “CARDINAL FERNÁNDEZ MISLEADS”, nghĩa là “Những Hướng Dẫn Gây Lầm Lạc Của Hồng Y Fernández”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, được biết đến nhiều hơn với tên gọi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, đã từ chức giáo hoàng vào năm 2013. Nhưng trước đó, ngài đã bắt đầu soạn thảo một thông điệp về bản chất của đức tin Kitô giáo. Mục tiêu của ngài là kết thúc những suy nghĩ đang diễn ra của mình về ba nhân đức thần học—đức tin, đức cậy và đức ái—và những tác động của chúng đối với sự phát triển thực sự của con người. Đối với Đức Bênêđíctô, đức tin là nền tảng và là năng lượng cung cấp thông tin cho hai nhân đức còn lại. Và trước uy tín to lớn của Đức Bênêđíctô, Đức Giáo Hoàng mới đắc cử Phanxicô đã thông qua dự thảo của Đức Bênêđíctô khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Đức Phanxicô đã thêm vào “một số đóng góp của riêng ngài. Sau đó, ngài ban hành văn bản kết quả dưới tên gọi là Lumen Fidei (“Ánh sáng đức tin”), là thông điệp đầu tiên và là tài liệu khai mạc triều đại giáo hoàng của ngài.

Những sự kiện sau này cho thấy rằng một số người ủng hộ mạnh mẽ nhất của vị tân giáo hoàng đã không mấy hào hứng với phong cách và nội dung của Lumen Fidei. Có thể hiểu như vậy. Bản văn này là một tác phẩm cổ điển của Ratzinger. Trong vai trò trước đây là chuyên gia tại Công Đồng Vatican II và là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Joseph Ratzinger là một trong những bộ óc Kitô giáo vĩ đại nhất của thế kỷ qua. Lumen Fidei là một sự phản ánh mạnh mẽ về bản chất của đức tin, vai trò của nó trong việc lý trí tìm kiếm sự thật và sự hướng dẫn của nó đối với đời sống Kitô hữu.

Đó là tin tốt. Tin tức khác là: Phẩm chất phong phú của Lumen Fidei trái ngược hẳn với mọi tài liệu khác trong triều đại của Đức Phanxicô. Đó là một sự phán xét đau đớn, nhưng đúng sự thật. Và về điểm đó, công lý đòi hỏi một số bối cảnh.

Rất ít người Mỹ sống trong cảnh nghèo đói thường thấy ở những nơi khác trên thế giới. Vì vậy, chúng ta khó có thể nắm bắt được nỗi đau khổ liên quan đến cuộc sống thường xuyên bất ổn. Thật dễ dàng—quá dễ dàng— để bác bỏ thái độ thù địch của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với chủ nghĩa tư bản hiện đại, và sự buông thả theo chủ nghĩa duy vật mà nó tạo ra, như một hình thức ngu dốt của chủ nghĩa Mác-xít mềm mỏng. Nhưng lòng trắc ẩn của ngài đối với người nghèo, sự tập trung của ngài vào những người bị lãng quên ở các vùng ngoại vi của thế giới và sự nhấn mạnh của ngài về ưu tiên của lòng thương xót không hoàn toàn chỉ thuần túy là Công Giáo. Chúng cũng là một lời khuyên răn và là giáo lý cần thiết cho những người trong chúng ta ở các quốc gia “phát triển” tự mãn. Sự chán ghét rõ ràng của Đức Thánh Cha đối với sự lãnh đạo của Giáo hội Hoa Kỳ và đời sống Công Giáo Hoa Kỳ có thể bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và điều đó gây thất vọng sâu sắc. Nhưng thái độ phê phán của ngài đối với các quốc gia giàu có ở Bắc bán cầu, và đặc biệt là Hoa Kỳ, không phải là không có cơ sở.

Để bảo vệ Đức Phanxicô, chúng ta cũng cần nhớ rằng trong suốt cuộc đời mục vụ, một linh mục sẽ nghe hàng ngàn lời xưng tội. Nhiều trường hợp sẽ liên quan đến những người chân thành đang đấu tranh với những hoàn cảnh phức tạp không thể tưởng tượng nổi. Đức Phanxicô rất quan tâm đến gánh nặng của họ. Đơn thuần trích dẫn giáo lý trong những trường hợp như vậy chẳng mang lại chút an ủi nào. Nó cũng thiếu tính nhân văn. Trong những trường hợp như thế, cám dỗ để xác nhận, hoặc ít nhất là xoa dịu những người có thiện chí trong những hành vi và mối quan hệ tội lỗi của họ có thể rất mãnh liệt.

Điều này giúp giải thích những lời phàn nàn thường xuyên của Đức Giáo Hoàng về chủ nghĩa lạc hậu, cứng nhắc và “chủ nghĩa cố định” trong tư tưởng Công Giáo. Nó giải thích nhiều lời chỉ trích của ngài đối với một giáo sĩ có ý tưởng không khoan nhượng. Nó giải thích thái độ không ưa của ngài đối với “các tiến sĩ luật” và đường lối lỏng lẻo của ngài đối với các vấn đề giáo luật. Nó giải thích sự khó chịu của ngài đối với sức hấp dẫn trí tuệ và sự chính xác của những người tiền nhiệm. Nó giải thích sự mơ hồ đã được nghiên cứu của ngài về một số vấn đề về giáo lý và kỷ luật giáo hội. Nó giải thích việc ngài từ chối sống trong Điện Tông Tòa Vatican, thái độ coi thường một số thủ tục thông thường trong chức vụ của mình, và thói quen tạo ra sự nhầm lẫn bằng những bình luận công khai thiếu thận trọng và thậm chí mang tính khiêu khích. Nó cũng giải thích thái độ thù địch đặc biệt của ngài đối với Thánh lễ Latinh cũ và những người bị cho là phản động “bám víu” vào nó—một số người trong số họ, vâng, là những kẻ sa ngã cay đắng và những kẻ nghiện những hoài nhớ, nhưng những người khác chỉ đơn thuần là những người trẻ và những gia đình đang tìm kiếm cái đẹp, sự ổn định, và một số khác có mối liên hệ với quá khứ đức tin trong sự thờ phượng của họ.

Thật khó để tránh khỏi kết luận cho rằng sự oán giận ngấm ngầm là một trong những dấu hiệu đáng chú ý và đáng tiếc nhất của triều đại giáo hoàng Phanxicô. Thật đáng tiếc vì nó làm tổn hại đến phẩm giá của sứ vụ Phêrô. Đáng tiếc, vì nó tạo ra những người chỉ trích và đối phương, thay vì hòa giải giữa họ. Thật đáng tiếc, vì nó làm suy yếu nhiệm vụ trọng tâm của mọi triều đại giáo hoàng: đó là cung cấp một nguồn hiệp nhất Công Giáo đáng tin cậy và trung thành. Và các cố vấn, những nhà biện giải, và những người viết diễn văn xung quanh triều đại giáo hoàng này đã góp phần làm cho vấn đề thêm trầm trọng.

Điều này đưa chúng ta đến với con người của Hồng Y Víctor Manuel Fernández. Là một nhà thần học và cựu hiệu trưởng Đại học Công Giáo Giáo hoàng của Á Căn Đình, Fernández là cựu tổng giám mục của La Plata. Ngài cũng là cộng sự thân cận, cố vấn và đôi khi là người viết diễn văn trong sứ vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là DDF. DDF chiếm một vị trí đặc biệt trong cơ cấu Vatican. Nó có nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn của giáo huấn và thực hành Công Giáo, một nhiệm vụ quan trọng đối với đời sống tín hữu. Lý do cho sự ưu việt của nó rất rõ ràng: Giáo Hội Công Giáo là một cộng đồng tín ngưỡng cũng như một cộng đồng bí tích. Những gì chúng ta tin – chẳng hạn như về Bí tích Thánh Thể, hay bản chất và mục đích của tình dục con người – và cách chúng ta hiểu và áp dụng những gì chúng ta tin, tạo thành “chất keo” gắn kết người Công Giáo như một dân tộc riêng biệt. Do đó, Fernández nắm giữ một chức vụ quan trọng đặc biệt, giống như Đức Joseph Ratzinger đã làm trước ngài. Nhưng về tư duy và bản chất, Fernández là một người rất khác so với người tiền nhiệm vĩ đại của mình.

Phần lớn đã được tạo ra từ cuốn sách gây tranh cãi năm 1995 của Fernández, Chữa lành vết thương cho tôi bằng miệng: Nghệ thuật hôn. Chúng ta không cần phải xem lại nó ở đây. Đó không phải là một tựa sách mà người ta thường gán cho nhà lãnh đạo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng coi suy nghĩ của Fernández là hời hợt sẽ là một sai lầm. Ngài có một khối lượng công việc đáng kể được ghi nhận. Suy nghĩ của ngài không hề nông cạn. Nhưng đơn giản là nó sai ở một số khía cạnh quan trọng và có những tác động lớn.

Nhưng chính xác thì “sai” như thế nào? Không ai giải quyết được những vấn đề trong tư tưởng của Fernández một cách tôn trọng, thuyết phục và toàn diện hơn linh mục kiêm nhà thần học người Tây Ban Nha José Granados. Cựu phó chủ tịch Viện Nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình của Giáo hoàng Gioan Phaolô II – trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô thay đổi trọng tâm – Cha Granados là bề trên tổng quyền của Dòng Môn đệ Trái tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria và đồng sáng lập Dự án Veritas Amoris. Viết trên tạp chí Communio: International Catholic Review số mùa đông năm 2023, Cha Granados đánh giá một cách có phương pháp sự hiểu biết của Fernández về lòng bác ái và việc áp dụng nó vào các tình huống đạo đức phức tạp. Bài viết, “'Đức ái thì xây dựng' (1 Cô-rinh-tô 8:1)—nhưng lòng bác ái nào? Về Đề xuất thần học của Víctor Manuel Fernández,” mặc dù tựa đề có chút khoa trương nhưng vẫn là một cuốn sách đáng đọc.

Cha Granados lưu ý rằng Đức Hồng Y Fernández nhấn mạnh đến “bối cảnh trực tiếp không thể tránh khỏi” của thần học. Vì vậy, đối với Đức Hồng Y, hoàn cảnh rất quan trọng, cũng như việc nghiên cứu thần học phải ít mang tính lý thuyết mà phải chú ý nhiều hơn đến những hoàn cảnh cụ thể của con người. Theo lời của Cha Granados:

Fernández tuyên bố rằng người Kitô giáo, đặc biệt là người đơn sơ và người nghèo, có một cái nhìn sâu sắc đặc biệt về các chân lý đức tin, mặc dù họ có rất ít khả năng suy đoán hoặc lý trí. Có những hình thức hiểu biết về Thiên Chúa mà các học giả khó vươn tới được, nhưng những người đơn sơ có thể nắm bắt tốt hơn qua kinh nghiệm sống về mầu nhiệm Thiên Chúa.... Việc đánh giá cao bối cảnh của người dân khiến Fernández viết rằng, thay vì sensus fidelium hay cảm thức của tín hữu, tốt hơn nên nói về sensus populi hay cảm thức của người dân. Lý do cho sự thay đổi này là vì với cách diễn đạt cảm thức đức tin, các “tín hữu” có thể thấy mình tách biệt với nhau và do đó đánh mất sự hiểu biết đến từ sự hiệp nhất của họ như một dân tộc. Vì có những yếu tố kiến thức mà một người bị cô lập không thể tiếp cận được mà chỉ có những người có mối quan hệ với toàn bộ nền văn hóa mới có thể tiếp cận được.

Tuy nhiên, như Cha Granados lập luận, “chỉ cách diễn đạt cảm thức bình dân là không đủ, vì nó bỏ qua tính trung tâm của đức tin”. Nó có nguy cơ là “tầm nhìn xã hội học của con người có thể được ưu tiên hơn sự mặc khải như nền tảng cho sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa”. Trên thực tế, điều mà Fernández thực sự đề xuất là “không phải là một nền thần học của dân chúng mà là một nền thần học từ dân chúng”. Đường lối này mâu thuẫn với “bối cảnh thực sự trực tiếp và không thể tránh khỏi của thần học Công Giáo được đưa ra bởi Giáo hội với tư cách là Thân thể Chúa Kitô, vốn bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể và trong mạng lưới các mối quan hệ mà Bí tích Thánh Thể thiết lập”.

Cha Granados tiếp tục nhận xét rằng Fernández, “khi mô tả đức ái, nhấn mạnh rằng biểu hiện bên ngoài chính của nó là giúp đỡ những người hàng xóm của chúng ta cải thiện nhu cầu vật chất của họ”. Nhưng đối với người theo Kitô giáo, mặc dù nhu cầu vật chất của một người là quan trọng nhưng chúng không phải là trọng tâm chính của hoạt động bác ái. Bác ái đích thực, và cách thể hiện của nó trong lòng thương xót, bao gồm việc “giúp tha nhân sống trong sự kết hợp với Thiên Chúa, bao gồm cả những hành động bên ngoài như sửa lỗi huynh đệ”. Hơn nữa, “đối với Thánh Tôma Aquinas, nhân đức vâng phục, vì qua đó chúng ta dâng ý muốn của mình lên Thiên Chúa, lớn hơn tất cả các nhân đức luân lý, kể cả lòng thương xót”. Chúng ta có lý khi cảm thấy thương xót những người bị nhốt trong hoàn cảnh tội lỗi. Nhưng lòng trắc ẩn không phải là một giấy phép để giảm thiểu, bào chữa hay chúc lành cho những hành vi phá hoại liên quan đến nó.

Lời phê bình của Cha Granados đối với thần học của Hồng Y Fernández sâu rộng và hấp dẫn hơn những gì có thể tóm tắt ở đây. Nhưng cuối cùng, nó chứng tỏ quan điểm không thỏa đáng của Đức Hồng Y Fernández, xét đến công việc thực tế mà DDF yêu cầu: đó là nuôi dưỡng và bảo vệ giáo lý Công Giáo cũng như đức tin của các tín hữu Công Giáo dấn thân. Nó cũng đặt ra những câu hỏi khó chịu về sự thận trọng khi bổ nhiệm ngài ngay từ đầu.

Blaise Pascal, nhà toán học, nhà khoa học và triết gia Công Giáo thế kỷ XVII, thường được nhớ đến với nhận xét của ông rằng “trái tim có lý lẽ của nó mà lý trí không biết”. Trái tim con người là đối trọng của chúng ta trước sự tàn bạo của logic lạnh lùng và sự thật không có tình yêu. Nhưng nó không phải là không thể sai lầm. Và những cảm xúc—bao gồm cả lòng trắc ẩn—khi chúng trở nên chủ đạo trong việc phân biệt thiện và ác về mặt đạo đức, có thể là những hướng dẫn thiếu sót nguy hiểm. Không có “mô hình mới” hay “sự phát triển giáo lý” nào có thể dẫn đến một bằng chứng ngoại phạm cho tội lỗi dưới ánh sáng Lời Chúa và sự khôn ngoan từ kinh nghiệm lâu dài của Giáo hội.

Quả thực trái tim có lý do của nó. Và đôi khi trái tim cũng sai lầm.


Source:First Things
 
Tĩnh tâm Mùa Chay 2024 cùng Giáo triều Rôma. Bài thứ Tư: Ta là sự sống lại và là sự sống
J.B. Đặng Minh An dịch
22:13 18/03/2024


Hàng năm, vào Mùa Vọng và Mùa Chay, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng có bài giảng tĩnh tâm trước Giáo triều Rôma.

Bài giảng thứ Tư của Đức Hồng Y trong Mùa Chay năm nay có tựa đề: Ta là sự sống lại và là sự sống.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Trong phần chú giải của chúng ta về những tuyên bố long trọng “Ta Là” của Chúa Kitô trong Tin Mừng Thánh Gioan, chúng ta đã đến Chương 11, chương hoàn toàn tập trung vào cảnh Ladarô sống lại. Lời dạy mà Gioan muốn truyền đạt cho Giáo hội với bố cục khôn ngoan của chương này có thể được tóm tắt ở ba điểm:

Điểm thứ nhất: Chúa Giêsu làm cho bạn Ngài là Ladarô sống lại (Ga 11:1-44).

Điểm thứ hai: Việc Ladarô sống lại khiến Chúa Giêsu bị kết án tử hình (11:47-50):

Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.”

Điểm thứ ba: Cái chết của Chúa Giêsu sẽ làm cho tất cả những ai tin vào Người sống lại (11:51-53). Thực ra, Thánh sử đã bình luận:

Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giêsu

Tóm lại, sự sống lại của Ladarô gây ra cái chết của Chúa Giêsu; cái chết của Chúa Giêsu làm cho tất cả những ai tin vào Người sống lại!

* * *

Bây giờ chúng ta có thể tập trung vào những lời tự mặc khải có trong văn cảnh:

Chúa Giêsu nói với chị: “Em chị sẽ sống lại”. Martha nói với Ngài: “Con biết em con sẽ sống lại vào ngày sau cùng”. Chúa Giêsu nói với cô: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống” (11:23-25).

“Ta là sự sống lại!” Chúng ta tự hỏi: Chúa Giêsu đang nói đến sự phục sinh nào? Martha nghĩ đến sự sống lại cuối cùng. Chúa Giêsu không phủ nhận sự phục sinh này “vào ngày sau cùng”, điều mà chính Người đã hứa ở nơi khác (Ga 6:54); nhưng ở đây Người loan báo một điều mới mẻ, đó là sự sống lại bắt đầu ngay bây giờ cho những ai tin vào Người. Thánh Augustinô bình luận: “Chúa đã chỉ cho chúng ta sự sống lại của người chết xảy ra trước cuộc sống lại cuối cùng. Và đó không phải là sự sống lại giống như sự sống lại của Ladarô, hay con trai của bà góa thành Na-in, người được sống lại để rồi lại chết một lần nữa”.

Như chúng ta có thể thấy, ý tưởng về sự phục sinh thiêng liêng và hiện sinh diễn ra ở đời này nhờ đức tin, không hề xa lạ trong truyền thống Kitô giáo. Điều mới lạ xảy ra khi có người muốn biến nó thành ý nghĩa duy nhất của lời Chúa Giêsu. Quan điểm của Bultmann đã được nhiều người biết đến, mặc dù hiện nay phần lớn đã lỗi thời, nhưng nó từng là một cơn thịnh nộ khi tôi nghiên cứu thần học. Theo ông, sự phục sinh mà Chúa Giêsu nói đến ám chỉ một sự phục sinh hiện sinh, một sự thức tỉnh lương tâm, dựa trên đức tin. Chúng ta đang ở trong ranh giới của “lời kêu gọi quyết định” mơ hồ và “quyết định cho Thiên Chúa”, mà ông giản lược gần như toàn bộ sứ điệp Tin Mừng.

Nhưng Thánh Gioan dành toàn bộ hai chương trong Phúc âm của mình để nói về sự phục sinh thực sự, về thể xác của Chúa Giêsu, cung cấp một số thông tin chi tiết nhất về sự kiện đó. Vì vậy, đối với thánh nhân, không chỉ “do Chúa Giêsu” đã sống lại từ cõi chết, mà còn là chính con người của Ngài nữa!

Sự sống lại hiện tại không thay thế sự sống lại cuối cùng của thân xác; đúng hơn, nó là sự bảo đảm của nó. Nó không làm cho sự phục sinh của Chúa Kitô từ ngôi mộ trở nên vô ích, mà đúng hơn là dựa chính xác vào đó. Chúa Giêsu có thể nói “Ta là sự sống lại” bởi vì Người là Đấng Phục Sinh! Trước Thánh Gioan, chính Tông đồ Phaolô đã khẳng định mối liên hệ không thể tách rời giữa đức tin Kitô giáo và sự phục sinh thực sự của Chúa Kitô. Việc ghi nhớ những lời sâu sắc của ông với tín hữu Cô-rinh-tô luôn là điều hữu ích và kịp thời:

Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Kitô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy. Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em (1 Cô-rinh-tô 15:14-17).

Chính Chúa Giêsu đã cho thấy sự phục sinh của Người như một dấu chỉ tuyệt vời về tính xác thực của sứ mệnh của Người. Đối với những đối phương xin Ngài một dấu lạ, Ngài đã đưa ra một câu trả lời khó có thể gán cho ai khác ngoài chính Chúa Giêsu:

Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy (Mt 12:39-40).

Đối thủ của Ngài biết rõ rằng Giôna không ở mãi trong bụng cá voi mà sau ba ngày vị ngôn sứ đã thoát ra khỏi nó.

Trong bài suy niệm trước, tôi đã nói về thành kiến của những người không có đức tin đối với đức tin, điều này cũng rõ ràng không kém những gì họ trách móc những người có đức tin. Thực ra, họ khiển trách các tín hữu vì không thể khách quan, vì đức tin ngay từ đầu đã áp đặt lên họ kết luận mà họ phải đi tới mà không nhận ra rằng điều tương tự cũng đang xảy ra giữa họ. Nếu bạn bắt đầu từ giả định rằng Chúa không tồn tại, rằng điều siêu nhiên không tồn tại và phép lạ là không thể xảy ra, thì kết luận mà bạn đạt được cũng đã được đưa ra ngay từ đầu, và do đó, theo nghĩa đen, là một sự phán xét đầy thành kiến.

Sự phục sinh của Chúa Kitô là trường hợp mẫu mực nhất về điều này. Không có sự kiện nào trong thời cổ đại được chứng minh bằng nhiều bằng chứng trực tiếp như sự kiện này. Một số chứng tá đó bắt nguồn từ những nhân cách có tầm trí tuệ như Saolô người Tắcxô, người trước đây đã đấu tranh quyết liệt chống lại niềm tin này. Ông cung cấp một danh sách chi tiết các nhân chứng, một số người trong số họ vẫn còn sống và có thể dễ dàng bác bỏ ông (1 Cô-rinh-tô 15:6-9).

Những khác biệt về địa điểm và thời gian của những lần hiện ra được đưa ra mà không nhận ra rằng sự trùng hợp không được hoạch định về sự kiện trung tâm là bằng chứng về sự thật lịch sử của nó, chứ không phải là sự phủ nhận nó. Không có “sự hòa hợp được thiết lập trước” trong trường hợp này! Trước khi được viết ra, các sự kiện trong cuộc đời Chúa Giêsu đã được truyền miệng trong hai thập kỷ, và những biến thể và điều chỉnh bên lề trong câu chuyện ban đầu là điển hình của mọi sự truyền miệng trong một cộng đồng đang sống và đang mở rộng.

Tất nhiên, những lần hiện ra không phải là bằng chứng duy nhất về sự phục sinh của Chúa Kitô. Thánh Gioan Kim Khẩu có một trang nổi tiếng mà không một cuộc điều tra phê bình hiện đại nào có thể bác bỏ được. Trong bài giảng cho mọi người, ngài nói:

Làm sao mà mười hai người nghèo, và cả những người ngu dốt, đã sống cả đời trên sông hồ, lại có thể đảm nhận một công việc như vậy? Họ, những người có lẽ chưa bao giờ đặt chân đến một thành phố hay quảng trường, làm sao họ có thể nghĩ đến việc đối mặt với cả trái đất? […] Đúng hơn, chẳng phải họ nên tự nhủ: “Trong đời ông ấy đã không chinh phục được một quốc gia nào và chúng ta, chỉ với tên tuổi của ông ấy, mà dám chinh phục cả thế giới sao?” Sẽ không phải là điều điên rồ nếu thực hiện một nhiệm vụ như vậy hay thậm chí chỉ nghĩ về nó sao? Do đó, rõ ràng là nếu họ không nhìn thấy Ngài sống lại và không có bằng chứng không thể chối cãi về sức mạnh của Ngài, thì họ sẽ không bao giờ dám đối mặt với rủi ro như vậy.

Đối với tất cả những bằng chứng này, người không có đức tin chỉ có thể phản đối niềm tin rằng sự sống lại từ cõi chết là một điều gì đó siêu nhiên và siêu nhiên không tồn tại. Và đây chính xác là gì nếu không phải là một sự phán xét trước và một “tiên nghiệm”?

Thánh Augustinô viết: “Fides christianorum revio Christi est” – “Đức tin của người Kitô hữu là sự phục sinh của Chúa Kitô”. Và ngài nói thêm: “Mọi người đều tin rằng Chúa Giêsu đã chết, ngay cả những kẻ đáng ghét cũng tin điều đó, nhưng không phải ai cũng tin rằng Ngài đã sống lại và bạn không phải là một Kitô hữu nếu bạn không tin điều này.” Đây là điều thực sự mà qua đó “Giáo hội đứng vững hay sụp đổ”. Trong Sách Tông Đồ Công Vụ, các Tông đồ được định nghĩa đơn giản là “những nhân chứng về sự sống lại” (Cv 1:22; 2:32). Đây là lý do tại sao thật đáng giá để làm mới lại đức tin của chúng ta vào điều đó, trước khi cử hành nó trong phụng vụ của chúng ta sau một vài tuần nữa.

* * *

Chỉ bây giờ, sau khi tái khẳng định sự kiện lịch sử về Sự Phục Sinh của Chúa Kitô, chúng ta mới có thể dành sự chú ý của mình vào ý nghĩa hiện sinh của lời Chúa Giêsu: “Ta là sự sống lại và là sự sống”.

Bình luận về cảnh những người chết sống lại và hiện ra ở Giêrusalem vào lúc Chúa Kitô chịu chết (Mt 27:52-53), Thánh Lêô Cả viết: “Hãy để những dấu chỉ về sự phục sinh trong tương lai hiện ra ngay bây giờ trong Thành Thánh, nghĩa là, trong Giáo Hội, và những gì phải được thực hiện trong thân xác một ngày nào đó, giờ đây có thể được thực hiện trong trái tim.”

Cách tốt nhất để hiểu ý nghĩa của sự phục sinh của trái tim là xem sự phục sinh về mặt thể xác của Chúa Giêsu đã tạo ra điều gì, về mặt thiêng liêng, trong cuộc đời của các Tông đồ. Thánh Phêrô bắt đầu Thư Thứ Nhất của mình bằng những lời cao cả này:

Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em (1 Pr 1:3–4)

Điều kỳ lạ là từ “hy vọng” lại vắng mặt trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Các Tin Mừng kể lại nhiều câu nói của Ngài về đức tin và lòng bác ái nhưng không có lời nào về hy vọng, ngay cả khi - như chúng ta sẽ thấy sau này - tất cả những lời rao giảng của Ngài đều công bố rằng có sự sống lại từ cõi chết và một cuộc sống vĩnh cửu. Ngược lại, sau lễ Phục sinh, chúng ta thấy ý tưởng và tình cảm hy vọng bùng nổ theo đúng nghĩa đen trong lời rao giảng của các Tông đồ. Chính Thiên Chúa được gọi là “Thiên Chúa của niềm hy vọng” (Rm 15:13). Lời giải thích cho việc thiếu vắng những câu nói về niềm hy vọng trong Tin Mừng rất đơn giản: Chúa Kitô đã chết và sống lại trước. Từ cõi chết sống lại, Người khai mở nguồn hy vọng; Ngài đã khai mở chính đối tượng của niềm hy vọng, đó là cuộc sống với Thiên Chúa vượt trên cái chết.

Chúng ta hãy thử xem niềm hy vọng dâng trào có thể tạo ra điều gì trong đời sống tâm linh của chúng ta. Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại những gì đã xảy ra một ngày nọ tại cửa đền thờ Giêrusalem được gọi là “Cửa Đẹp” (Cv 3:2). Một người què nằm đó xin bố thí. Một ngày nọ, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đi ngang qua, và chúng ta biết chuyện gì xảy ra tiếp theo. Người què, được chữa lành, nhảy dựng lên và cuối cùng, không biết anh ta đã bị bỏ rơi ở đó bao nhiêu năm, anh ta cũng đi qua cánh cửa đó và vào đền thờ “nhảy lên ca ngợi Thiên Chúa” (Cv 3:1–9).

Điều gì đó tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta về niềm hy vọng. Về mặt tâm linh, chúng ta thường thấy mình ở vị trí của người què trước ngưỡng cửa đền thờ; trơ lì và lãnh đạm, như thể bị tê liệt trước khó khăn. Nhưng ở đây niềm hy vọng thần linh đi ngang qua chúng ta, được Lời Chúa mang theo, và cũng nói với chúng ta, như Phêrô nói với người què và Chúa Giêsu nói với người bại liệt: “Hãy đứng dậy và đi!” (Mc 2:11). Và chúng ta đứng dậy và cuối cùng bước vào trung tâm của Giáo hội, sẵn sàng đảm nhận một lần nữa các nhiệm vụ và trách nhiệm một cách vui vẻ. Đây là những phép lạ hàng ngày của niềm hy vọng. Nó thực sự là một phép lạ vĩ đại; nó khiến hàng ngàn người què đứng dậy được, hàng ngàn lần. Quả thực—như Tiên Tri Isaia đã nói với chúng ta—nó mang đôi cánh đại bàng vào chân họ và khiến con người bước đi mà không vấp ngã.

Điều phi thường về niềm hy vọng là sự hiện diện của nó làm thay đổi mọi thứ, ngay cả khi bề ngoài không có gì thay đổi. Tôi có một ví dụ nhỏ về điều này trong cuộc sống của chính tôi. Tôi là người chịu lạnh nhiều hơn nóng. Bây giờ, ở Ý, vào tháng 3, đầu mùa xuân, nhiệt độ ít nhiều giống như cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Thế nhưng tôi nhận thấy cái lạnh tháng Ba khiến tôi đỡ chán nản hơn cái lạnh tháng Mười Một. Tôi tự hỏi tại sao và cuối cùng đã tìm ra câu trả lời. Cái lạnh của tháng 11 là cái lạnh vô vọng vì chúng ta đang hướng tới mùa đông. Cái lạnh tháng ba là cái lạnh hy vọng!

* * *

Thư gửi tín hữu Do Thái so sánh niềm hy vọng với “cái neo chắc chắn và vững chắc của cuộc đời chúng ta”. Chắc chắn và vững chắc vì nó không được ném xuống đất mà ở trên trời, không phải trong thời gian mà là trong cõi đời đời, “bên kia bức màn thánh điện” (Dt 6:18–19). Hình ảnh hy vọng này đã trở thành kinh điển. Nhưng chúng ta cũng có một hình ảnh khác của niềm hy vọng, theo một nghĩa nào đó, trái ngược với hình ảnh trước: đó là cánh buồm. Nếu chiếc mỏ neo là thứ mang lại cho con thuyền sự an toàn và giữ cho nó vững vàng giữa sóng nước lay động thì cánh buồm là thứ giúp con thuyền chuyển động và tiến lên trên biển.

Thông qua cả hai điều này, niềm hy vọng được thể hiện, cả trong con thuyền của Giáo hội lẫn trong cuộc sống của chúng ta. Nó thực sự giống như một cánh buồm thu gió và không có tiếng động, biến nó thành động lực đưa con thuyền ra khơi hoặc vào bờ tùy theo nhu cầu. Giống như cánh buồm trong tay của một thủy thủ giỏi có thể sử dụng bất kỳ cơn gió nào, từ bất kỳ hướng nào, thuận lợi hay bất lợi, để đưa con thuyền đi theo hướng mong muốn, hy vọng cũng vậy.

Trước hết, niềm hy vọng trợ giúp chúng ta trong hành trình thánh hóa cá nhân. Ở những người thực hiện nó, niềm hy vọng trở thành nguyên tắc chính của sự tiến bộ tâm linh. Niềm hy vọng luôn cảnh giác để khám phá những “cơ hội tốt lành” mới, luôn là điều gì đó có thể làm được. Vì vậy, nó không cho phép họ ổn định trong tình trạng hâm hẩm và lười biếng. Hy vọng hoàn toàn trái ngược với những gì đôi khi người ta nghĩ; không phải một tâm trạng nội tâm đẹp đẽ và thơ mộng khiến bạn mơ mộng và xây dựng những thế giới tưởng tượng.

Ngược lại, nó rất cụ thể và thực tế; nó dành thời gian để đặt các nhiệm vụ phải hoàn thành trước mặt bạn. Khi ở trong một tình huống nhất định, hoàn toàn không có gì để làm – triết gia Kierkegaard viết – thì, vâng, đó sẽ là sự tê liệt và tuyệt vọng. Nhưng niềm hy vọng, khi nhìn vào sự vĩnh hằng, luôn thấy rằng có thể làm được điều gì đó để cải thiện tình hình: làm việc chăm chỉ hơn, vâng lời hơn, khiêm tốn hơn, hành xác hơn.

Khi bạn muốn nói với chính mình “Không còn gì để làm nữa,” (lại là Kierkegaard đang nói), hy vọng sẽ xuất hiện và nói với bạn “Hãy cầu nguyện!” Bạn trả lời “Nhưng tôi đã cầu nguyện!” và hy vọng sẽ nói “Cầu nguyện lần nữa!” Và ngay cả khi hoàn cảnh trở nên vô cùng khó khăn, đến mức dường như thực sự không còn gì để làm, niềm hy vọng vẫn hướng bạn đến một nhiệm vụ: đó là kiên trì đến cùng và không mất kiên nhẫn.

Những mục tiêu này được triết gia tin tưởng nhấn mạnh là những mục tiêu đòi hỏi khắt khe, thậm chí hết sức anh hùng. Rõ ràng là những nỗ lực của chúng ta không thể thực hiện được mà chỉ nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng đến trợ giúp chúng ta và không để chúng ta cô đơn.

Trong Tân Ước, niềm hy vọng có một mối quan hệ đặc biệt với sự kiên nhẫn. Nó trái ngược với sự thiếu kiên nhẫn, vội vàng, của “mọi thứ và bây giờ”. Đó là liều thuốc giải độc cho sự chán nản. Nó giữ cho ước muốn tồn tại. Nó cũng là một nhà sư phạm tuyệt vời theo nghĩa là nó không chỉ ra mọi thứ cùng một lúc—tất cả những gì cần làm hoặc có thể làm—mà đưa ra trước mặt bạn từng khả năng một. Cô ấy chỉ cho “bánh mì hàng ngày”. Nó phân phối nỗ lực và do đó giúp bạn có thể thực hiện được.

Kinh Thánh liên tục làm sáng tỏ sự thật này – hoạn nạn không làm mất đi hy vọng mà còn làm tăng thêm: “ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy.”(Rô-ma 5:3–4). Hy vọng cần hoạn nạn cũng như ngọn lửa cần gió để tăng cường sức mạnh. Những lý do phàm trần cho hy vọng phải chết đi, hết lý do này đến lý do khác, vì lý do thực sự không thể lay chuyển là sự xuất hiện của Thiên Chúa.

Nó xảy ra như khi hạ thủy một con tàu. Điều cần thiết là giàn giáo đỡ con tàu một cách nhân tạo khi nó đang được xây dựng phải được dỡ bỏ và tất cả các đạo cụ khác nhau phải được dỡ bỏ lần lượt để nó có thể cất cánh và nổi tự do trên mặt nước. Hoạn nạn loại bỏ khỏi chúng ta mọi “sự nắm giữ” và dẫn chúng ta đến niềm hy vọng duy nhất nơi Thiên Chúa. Nó dẫn đến trạng thái hoàn hảo bao gồm niềm hy vọng khi dường như không còn hy vọng gì nữa (Rô-ma 4:18) - nghĩa là tiếp tục hy vọng bằng cách tin cậy vào lời Chúa đã từng phán, ngay cả khi mọi lý do hy vọng của con người đã biến mất. Đó là niềm hy vọng của Đức Maria dưới thập giá. Lòng đạo đức bình dân không sai khi kêu cầu Đức Maria với danh hiệu Mater Spei, mẹ của niềm hy vọng.

Tác dụng củng cố niềm hy vọng này được mô tả rất hay trong đoạn văn sau của Tiên Tri Isaia:

Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.

Nhưng những người cậy trông ĐỨC CHÚA thì được thêm sức mạnh.

Như thể chim bằng, họ tung cánh.

Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,

và đi mãi mà chẳng chùn chân.

(Is 40:30–31)

Lời tiên tri là câu trả lời cho lời than thở của những người nói: “Số phận của tôi bị Chúa giấu kín”. Thiên Chúa không hứa loại bỏ những lý do mệt mỏi và kiệt sức, nhưng Ngài ban niềm hy vọng. Tình hình vẫn như cũ, nhưng hy vọng mang lại sức mạnh để vượt lên trên nó. Nó thực sự giống như được khoác lên mình đôi cánh.

Trong sách Khải Huyền, chúng ta đọc rằng “Con rồng thấy mình bị ném xuống đất, liền đuổi theo người phụ nữ đã sinh con trai. Nhưng người đàn bà được ban cho đôi cánh đại bàng lớn để có thể bay đến chỗ của mình trong sa mạc” (Kh 12:13-14). Nếu hình ảnh đôi cánh chim đại bàng được lấy cảm hứng từ văn bản Isaia, thì điều này có nghĩa là toàn thể Giáo hội đã được ban cho đôi cánh hy vọng lớn lao để với đôi cánh đó, Giáo hội có thể, mọi lúc, thoát khỏi sự tấn công của sự dữ, và vượt qua mọi khó khăn.

Chúng ta kết thúc bằng việc lắng nghe lời kêu cầu của Thánh Phaolô gửi đến Thiên Chúa để ủng hộ các tín hữu ở Rôma ở cuối Bức Thư của ngài, như nó có ý nghĩa dành cho chúng ta trong chính thời điểm này:

Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng. (Rô-ma 15:13)

1.Augustinô, Về Tin Mừng Gioan, 19,9.

2.W. Marxsen, Sự phục sinh của Chúa Giêsu thành Nazareth, Luân Đôn, 1970.

3.Cf. JDG Dunn, Christian in the Making, tập 3, Grand Rapids, Mich, 2003, được tổng hợp trong A new Perspective on Jesus, Grand Rapids, Mich 2005.

4.John Chrysostom, Hom. 1 Cô-rinh-tô, 4, 4 (PG 61, 35 s.).

5.Augustinô, Enarr. Thánh Vịnh, 120,6.

6.Søren Kierkegaard, Công trình của tình yêu, Phần II, số. 3.


Source:Cantalamessa
 
Đức Phanxicô 11 năm Giáo hoàng
Vũ Văn An
23:00 18/03/2024

Cha Raymond J. de Souza trên The Catholic Thing ngày 16 tháng 3, 2024 cho rằng ở một mức độ bất thường, việc trình bày trước công chúng về triều giáo hoàng hiện tại, đánh dấu kỷ niệm 11 năm thành lập vào tuần này, đã được ủy thác cho nhiều nhà bình luận khác nhau.

Giáo triều Rôma dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thiếu những nhân vật thời Đức Gioan Phaolô như các Hồng Y Joseph Ratzinger, Benardin Gantin, Camillo Ruini, Phanxicô Arinze, và Eduardo Pironio (đã được phong chân phước), những người có tầm vóc và khả năng đưa ra những giải thích có thẩm quyền.

Dưới thời Đức Phanxicô, các cách giải thích có thẩm quyền chính thức – ít nhất bằng tiếng Anh – được giao cho các nhân vật độc lập như Austen Ivereigh (Anh), Michael Sean Winters (Mỹ), Massimo Faggioli (Ý) và (bằng mọi ngôn ngữ) Cha Antonio Spadaro. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, một sự thất vọng nào đó dường như đã xuất hiện, được thể hiện rõ ràng qua những bình luận gần đây của Đức Phanxicô về việc Ukraine giương cao “cờ trắng” đàm phán, gây ra sự mất tinh thần sâu xa trong lòng người Công Giáo Ukraine.

Tôi cung cấp để làm ví dụ nguồn ưa thích của tôi đối với phương pháp giải thích thân thiện với Đức Phanxicô: Where Peter Is (Phêrô đang ở đâu), một trang web do Mike Lewis điều hành. Ông thành lập trang mạng này vào năm 2018 để đưa ra “một phương thức hộ giáo” bênh vực Đức Phanxicô trước những người chỉ trích ngài. Tôi coi ông là một mẫu mực tốt đẹp cho cuộc đối thoại mà Đức Giáo Hoàng kêu gọi.

Lewis viết: “Chúng tôi đã giải thích rất chi tiết về cách hiểu truyền thống của Công Giáo về quyền tối thượng và quyền lực của giáo hoàng. Chúng tôi đã nhiều lần làm rõ những gì Giáo hội dạy về vai trò của Huấn quyền sống động. Đối với nhiều câu hỏi gây tranh cãi, chúng tôi đã nhiều lần trả lời rất chi tiết với quan điểm của Giáo hội về mọi khía cạnh được tranh luận của một vấn đề. Sáu năm trước, chúng tôi muốn thành lập một trang web giúp giải thích về Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho những người đồng đạo Công Giáo của chúng tôi, những người cho rằng họ “bối rối” về ngài và những lời dạy của ngài. Chúng tôi đã ủng hộ những lời giảng dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong suốt thời gian này.”

Các bài bình luận của Phêrô đang ở đâu rất nghiêm túc, được nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn thận. Ví dụ, các bài đăng gần đây về việc đồng tế và những người theo chủ nghĩa truyền thống, hoặc tính không vượt trội về mặt hữu thể học của các linh mục đều có tính toàn diện, có thẩm quyền về mặt thần học và công bằng. Phêrô đang ở đâu có quan điểm riêng nhưng thường chứng tỏ sự tôn trọng đối với những người bị chỉ trích. Điều đó luôn luôn nằm trong góc độ ủng hộ Đức Giáo Hoàng, nhưng đó không phải là điều xấu khi nói về người Công Giáo – và trong môi trường mà triều đại giáo hoàng này đã tạo ra điều đó là điều dễ hiểu. Tính đảng phái rất phổ biến.

Đối với những người muốn theo dõi những điều kỳ quặc đang diễn ra trong khu vực internet hoang dã của những người thực sự bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm cho bối rối, Phêrô đang ở đâu có đủ kiên nhẫn và kiên trì để báo cáo về điều đó.

Vì vậy, điều đáng chú ý là vào tháng 12, trong khi bảo vệ Fiducia Supplicans về việc ban phép lành cho các cặp vợ chồng bất hợp pháp và đồng tính, Lewis đã đề xuất một dốc lòng cho năm mới “bắt đầu lại với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Ông gợi ý rằng đã đến lúc quay lại và bắt đầu lại với Evangelii gaudium, vốn gây ảnh hưởng sâu xa đối với Lewis.

Lewis viết, “Nếu tuần này trong Giáo hội cho thấy bất cứ điều gì, thì đó là nhiều người Công Giáo đơn giản là không hiểu Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đặc biệt ở Hoa Kỳ – mặc dù những rạn nứt rõ ràng cũng đã xuất hiện ở Đức, Châu Phi và Đông Âu – vẫn có sự mất kết nối giữa Đức Giáo Hoàng và nhiều người dân, thậm chí sau mười năm. Nó không chỉ ảnh hưởng đến những người công khai nổi loạn hoặc chỉ trích ngài. Tôi đã thấy nhiều người bày tỏ rằng họ nghĩ ngài có thiện chí nhưng lại cảm thấy ngài ngây thơ, lạc lõng hoặc đang nghe theo những cố vấn tồi”.

Sau khi gửi đi hàng trăm nghìn lời lẽ trong sáu năm để giải thích về sự vĩ đại của triều giáo hoàng, Lewis cảm thấy thất vọng vì bằng cách nào đó nó không được thông suốt. Vì vậy, đã đến lúc phải bắt đầu lại từ đầu, vì chắc chắn lần thứ hai sẽ thuyết phục được người ngoan cố.

Những nhà phê bình Đức Giáo Hoàng có trách nhiệm về việc không hề nhận thức được vẻ đẹp của Niềm Vui Tin Mừng. Đơn giản là họ không thấy tính cấp bách của việc truyền giáo được phản ánh, chẳng hạn, trong tiến trình thượng hội đồng về tính đồng nghị đối với một Giáo hội đồng nghị.

Hãy nhớ lại rằng vào năm 2013, George Weigel đã viết rất đầy đủ trên tờ Wall Street Journal rằng Evangelii gaudium là “một lời kêu gọi rõ ràng về một sự thay đổi mang tính quyết định trong sự tự hiểu biết của Giáo Hội Công Giáo...sự chuyển đổi lịch sử vĩ đại từ Công Giáo duy trì thể chế sang Giáo hội Tân Phúc âm hóa.”

Tuần này Weigel quay lại những trang đó với một đánh giá sâu sắc về phương thức “cờ trắng” của Giáo hoàng Phanxicô đối với quan hệ quốc tế. Vấn đề khiến Lewis và những người khác thất vọng không phải là mọi người không chú ý đúng mức mà là quá nhiều. Vì vậy, Lewis đã kết luận vào tháng trước rằng ác ý – và tệ hơn – hẳn là vấn đề.

Lewis bực tức viết: “Thiệt hại do những người trong phong trào lạc hậu [indietrist] gây ra là có thật, nhưng không một cá nhân nào có thể ngăn chặn nó. Cách duy nhất để họ thay đổi là họ đáp ứng sự thúc giục của Chúa Thánh Thần trong lòng họ. Sự thật đau lòng là chúng ta không thể đối thoại với ma quỷ. Và phần lớn sự phản đối giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thẳng từ đáy địa ngục... Và cuối cùng tôi đã nhận ra rằng đã đến lúc tôi phải nói, theo lời của Cha Jacques Hamel, ‘Biến đi, hỡi Satan.’”

Vụ nổi giận đó không phải là đặc điểm của Lewis. Tất nhiên, không thiếu những ác ý được tìm thấy ở những góc cạnh giận dữ hơn trên Internet. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ đó. Câu hỏi mà các giám mục Châu Phi, Ukraine, Hà Lan và Châu Á (và Mỹ) đặt ra không phải là Phêrô ở đâu – Đức Phanxicô là Phêrô ở Rôma – mà là Phêrô của Evangelii gaudium đã đi đâu.

Không thể tưởng tượng rằng sau 11 năm trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô lại có người nghiêm túc nghĩ rằng đã đến lúc phải bắt đầu lại để hình dung ra ngôi vị giáo hoàng. Đức Gioan Phaolô không phải đối đầu với một mạng lưới giận dữ, nhưng ngài đã phải đối đầu với hàng trăm nhà thần học hàng đầu ký vào Tuyên bố Cologne, bao gồm những nhân vật hàng đầu như các Cha Eduard Schillebeeckx, Johann Baptist Metz, Hans Küng, Norbert Greinacher, Ottmar Fuchs và Bernard Häring. Tuyên bố tháng 1 năm 1989 là một cuộc bỏ phiếu rõ ràng về sự bất tín nhiệm đối với Đức Giáo Hoàng.

Đức Gioan Phaolô đã không quay lại từ đầu. Ngài tiếp tục nhiệm vụ trước mắt. Cuối năm đó Chủ nghĩa Cộng sản Châu Âu bị đánh bại; ba năm sau, Sách Giáo lý được xuất bản và năm 1993 Veritatis Splendor được ban hành.

Một thông dịch viên nổi bật khác của Đức Phanxicô là Michael Sean Winters của tờ National Catholic Reporter, người đã xuất bản một bài suy tư kỷ niệm trong tuần này với tựa đề “Giáo hoàng tuyệt vời của chúng ta đã sai lầm khủng khiếp về Ukraine”, trong đó đã gộp Đức Giáo Hoàng vào nhóm với Neville Chamberlain trong cách tiếp cận của ngài với các thế lực thù địch.

Ông viết về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Chứng tá Kitô giáo [của các giám mục Công Giáo Ukraine] không nên bị coi thường hoặc bị gián đoạn bởi sự lựa chọn ngôn từ bất cẩn trong một cuộc phỏng vấn.”

Một lần nữa, quả là một tuyên bố đáng chú ý. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ngừng nói về Ukraine trong hơn hai năm. Kể từ cuộc xâm lược đầu tiên vào năm 2014, đây là cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại quan trọng nhất trong thế kỷ này. Để nhận được “sai lầm khủng khiếp” đó sau ngần ấy thời gian là một lời cáo trạng khá tai hại từ một người bạn. Và việc “bất cẩn” trước một vấn đề nghiêm trọng như vậy đã khiến Winters khuyên Đức Giáo Hoàng “thực hiện ít cuộc phỏng vấn hơn đi".

Vì vậy, lễ kỷ niệm 11 năm đến với một số lo lắng trong số những người tận tâm nhất với chương trình của Đức Giáo Hoàng. Bất chấp sự thất vọng của mình, Lewis vẫn thề sẽ tiếp tục. Tôi sẽ tiếp tục đọc Phêrô đang ở đâu để thu được lợi lớn.
 
Tiến sĩ George Weigel: Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy cờ trắng với Vladimir Putin
J.B. Đặng Minh An dịch
23:18 18/03/2024
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết trên tờ Wall Street Journal với nhan đề “Pope Francis Waves a White Flag at Vladimir Putin”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy cờ trắng với Vladimir Putin” để nêu lên quan ngại về chính sách ngoại giao quá mềm mỏng với các chế độ nơi Giáo Hội đang bị bách hại công khai.Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine đã đến thăm Washington trong tháng này để đề nghị Mỹ tiếp tục viện trợ cho đất nước đang bị bao vây nhưng không bị bẻ gẫy của các ngài. Các giám mục đã sử dụng những lập luận hợp lý để tự vệ quốc gia dựa trên lý thuyết chiến tranh chính nghĩa, là truyền thống cổ xưa của chủ nghĩa hiện thực đạo đức Kitô giáo lần đầu tiên được hình thành một cách có hệ thống với Thánh Augustinô vào thế kỷ thứ năm. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của địa phận Kyiv-Halyč và Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak—là nhà lãnh đạo Giáo Hội Ukraine và vị giám mục cao cấp của Hoa Kỳ—cũng giải thích tại sao thất bại của Nga ở Ukraine là điều cần thiết cho hòa bình ở Âu Châu và quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.

Ngay sau khi những cuộc trò chuyện nghiêm chỉnh dành cho người lớn này diễn ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nổ ra một cuộc phỏng vấn ứng khẩu khác, hướng dẫn Ukraine phải có “can đảm” để giương “cờ trắng” và đàm phán với Nga: “Khi bạn thấy mình bị đánh bại, rằng mọi chuyện đang không ổn thì bạn phải có can đảm để thương lượng.”

Trong cuộc phỏng vấn, rõ ràng là không có lời kêu gọi nào của Đức Giáo Hoàng đối với Nga phải ngừng hành động gây hấn, là hành động đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người Ukraine và gây thiệt hại trị giá hàng ngàn tỷ đô la. Không có yêu cầu nào của Đức Giáo Hoàng rằng người Công Giáo được phép thờ phượng tự do tại các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm, nơi các nghi lễ Công Giáo hiện bị cấm. Không có sự nhấn mạnh nào của Đức Giáo Hoàng rằng Nga phải thả hàng chục ngàn trẻ em Ukraine bị bắt cóc đang được “cải tạo”. Không có sự lên án nào của Đức Giáo Hoàng đối với tội ác chiến tranh của Nga ở Bucha, Irpin, Mariupol và những nơi khác. Đức Giáo Hoàng cũng không tố cáo chiến dịch xuyên tạc thông tin của Giáo hội Chính thống Nga nhằm ủng hộ cuộc chiến của Vladimir Putin.

Đức Thánh Cha Phanxicô dường như hoàn toàn không biết về tuyên bố được suy luận cẩn thận, đúng đắn về chiến tranh mà hàng giám mục Ukraine đã đưa ra vài ngày trước lễ kỷ niệm lần thứ hai ngày Nga xâm lược, trong đó các giám mục kêu gọi người dân của các ngài tiếp tục hy sinh để bảo vệ tự do và chủ quyền của họ. Các giám mục cũng lưu ý rằng việc Nga vi phạm Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 mà Điện Cẩm Linh đã ký – trong đó Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự bảo đảm về sự toàn vẹn lãnh thổ của mình – đã khiến bất kỳ ý nghĩ nào về “các cuộc đàm phán” với chế độ của Putin trở nên nguy hiểm. Ngược lại, Đức Giáo Hoàng dường như đặt toàn bộ gánh nặng tìm kiếm con đường hòa bình lên nạn nhân chứ không phải kẻ xâm lược.

Sự thiển cận về mặt đạo đức ở mức độ nghiêm trọng như vậy sẽ không xứng đáng với phẩm giá của giáo hoàng. Tuy nhiên, sự thiếu cẩn trọng mà Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đối với Ukraine có liên quan đến việc ngài giương cờ trắng khi đối phó với các chế độ côn đồ. Điểm yếu đó được thể hiện rõ nhất trong cách ứng xử của Đức Giáo Hoàng với “người bạn thân” của Putin, là Tập Cận Bình. Nhờ thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Bắc Kinh và các phần mở rộng tiếp theo, Đảng Cộng sản thực hiện quyền kiểm soát trên thực tế đối với việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo ở Trung Quốc.

Trong suốt triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, những người Công Giáo cấp tiến đã vận động hành lang để Đức Giáo Hoàng bác bỏ truyền thống chiến tranh chính nghĩa như một phương pháp phân tích đạo đức tiêu chuẩn của Công Giáo khi đối mặt với những thách thức đạo đức của chính trị quốc tế. Việc từ chối như vậy là không thể được. Truyền thống chiến tranh chính nghĩa đã ăn sâu vào cả lý trí và chuẩn mực đạo đức đến mức việc bác bỏ thẳng thừng nó sẽ giống như dị giáo.

Chắc chắn là truyền thống này đòi hỏi sự phát triển để ứng phó với các công nghệ vũ khí mới – bao gồm cả chiến tranh không người lái – chiến tranh mạng, chủ nghĩa khủng bố và những kẻ xâm lược phi nhà nước. Thật không may, Vatican đã lỏng lẻo trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển lý luận đạo đức về việc sử dụng vũ lực hợp pháp, mà thích tham gia “đối thoại” với những người kêu gọi loại bỏ các phần về chiến tranh chính nghĩa khỏi Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Một chuỗi những sai lầm của Đức Giáo Hoàng trong thập kỷ qua cũng khiến cho các chính khách ít có khả năng trông cậy vào Vatican để được hướng dẫn trong việc điều hướng tình trạng hỗn loạn của thế giới mới.

Triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô đi song song với sự suy thoái của lý luận đạo đức về chính trị thế giới trong suốt sự lãnh đạo của các giáo phái Tin lành chính thống. Một năm trước lễ kỷ niệm 80 năm ngày tử đạo của Dietrich Bonhoeffer, người bị sát hại theo phán quyết vì chống lại sự gây ra và hành động của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, các nhà lãnh đạo Kitô giáo trên khắp phương Tây đắm mình trong chủ nghĩa quốc tế tự do sền sệt: họ không thể nhận ra sự cấp thiết của việc ngăn chặn quân sự các chế độ hung hãn, bị mê hoặc bởi quan điểm cho rằng vũ khí gây ra chiến tranh, không có khả năng hiểu rằng các chế độ toàn trị tiến lên với mục đích diệt chủng.

Các giám mục Công Giáo Đông Phương Ukraine là một ngoại lệ. Các ngài đứng trong một đường lối thần học liên tục với Thánh Augustinô, Thánh Aquinas, Bonhoeffer và những người theo chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo khác khi, trong một phản ứng ngày 10 tháng 3 trước lời kêu gọi giương cờ trắng của Đức Giáo Hoàng, các ngài tuyên bố rằng “Người Ukraine không thể đầu hàng vì đầu hàng đồng nghĩa với cái chết.”

Các ngài viết: “Người Ukraine sẽ tiếp tục tự vệ vì lịch sử gần đây đã chứng minh rằng với Putin sẽ không có cuộc đàm phán thực sự nào cả”. Bất kỳ thỏa thuận nào với một nhà độc tài đã từ chối quyền độc lập của Ukraine sẽ không có giá trị cho bằng tờ giấy viết ra”. Mục tiêu của Nga, như Putin đã tuyên bố, là xóa bỏ Ukraine. Mục tiêu của Ukraine, các giám mục tuyên bố, là bảo vệ tự do và phẩm giá để đạt được một nền hòa bình công bằng”.

Đó là phản ứng luân lý thích hợp của Kitô giáo đối với sự gây hấn làm chết người. Việc vẫy cờ trắng trước cái ác không chỉ gây thêm cái ác; trong quá trình này nó đã phản bội truyền thống Kitô giáo kéo dài một thiên niên kỷ rưỡi.


Source:Wall Street Journal
 
Văn Hóa
Cái Khăn Mặt
Lm Vũđình Tường
19:11 18/03/2024
Cái khăn mặt có nhiều công dụng, không phải chỉ dùng để lau mặt, mồ hôi và đôi khi cần thiết, còn dùng vào việc hữu dụng khác. Bạn tôi lúc nhỏ bị rắn cắn, không có giây cột, ba anh dùng cái khăn mặt cột chặt trên vết cắn, giữ cho nọc độc đến tim chậm hơn, trước khi chuyển đi bệnh viện cứu cấp. Ngày nóng, tôi thấy một số người dùng khăn mặt che nắng bằng cách cột một phần khăn quanh đầu, phần kia phủ qua đầu che nắng. Có thời khăn mặt đóng vai trò trang điểm. Nó được gấp gọn gàng, để ngay túi áo choàng trước ngực, một phần khăn nằm trong túi áo, phần hình tam giác chìa ra ngoài trông rất hách. Trong số cái khăn lau mặt, cái khăn của cô Veronica là nổi tiếng hơn cả. Veronica rất nghèo. Bạn cô cũng toàn là người nghèo. Martha có tài nấu ăn. Cô làm kẹo bột mì có thêm vào mùi dầu, mùi chanh, mùi rau thơm tạo nên hương vị khác nhau. Cô em hoàn toàn khác, là người cởi mở nhưng tiết kiệm lời nói. Cô thích suy tư hơn là bàn thảo, nói năng, ồm ào. Trong số các bạn, Veronia là nghèo hơn cả, nhưng không mặc cảm, bằng lòng với số phận. Vui với những gì trời ban. Năm cô mừng sinh nhật hai mươi mốt, gia đình tặng cô chiếc khăn mặt, cạnh góc trái có thêu hình hình thánh Gioan Tẩy Giả rửa tội cho Đức Kitô. Cô rất thích cái khăn thêu và luôn mang nó trong người. Cô cũng rất thích nghe Đức Kitô giảng dậy. Nghe Ngài đi qua làng hay làng bên, thế nào cô cũng tìm giờ đi nghe Ngài giảng dậy. Đối với cô mỗi chữ Đức Kitô nói ra được cô coi như một hạt kim cương; cô cố gắng ghim vào tim óc để suy niệm. Veronica quí chiếc khăn mặt và hãnh diện có nó. Nó là vật tuỳ thân của cô. Nó luôn đi chung với cô khi ra khỏi nhà. Cái khăn trở thành vật không dời thân. Nó tiện dụng cho cô bởi cô có một loại bệnh khác thường. Mỗi khi cô lo lắng, sợ sệt và ngay cả cảm động mồ hôi trong người tướt ra. Chiếc khăn trở nên cần thiết hơn lúc bình thường.

Nghe đồn Đức Kitô vác thập giá trên đường lên núi Sọ. Con đường quen thuộc cô thường đi qua vì thế cô không lạ gì con đường dốc đá gập gềnh này. Đâu ngờ con đường quen thuộc lại là con đường người cô quí mến, kính trọng vác thập giá đi qua. Cô rảo bước qua mặt mọi người, đến khi gặp Đức Kitô, cô vừa run rẩy vừa hốt hoảng không ngờ chỉ sau một đêm bị tra tấn mà thân hình Đức Kitô trở nên tàn tạ đến độ nhận không ra. Lưng cong quá nửa người vì sức nặng của khúc gỗ trên vai. Chân nọ đá chân kia, xiêu vẹo, bước từng bước chậm chạp, toàn thân đầy nốt đánh đập, chỗ sưng to tướng, chỗ khác cái móc sắt đầu cây roi kéo thịt toác ra để lộ lớp mỡ trắng đực, dính chút máu. Không cầm được lòng, cô nhào đến nhanh tay rút khăn ra lau mặt cho Đức Kitô. Đám lính dùng gươm ngăn cô lại; họ đẩy cô ra, cô cố tiến vào, kẻ xô người đẩy, giành giật, níu kéo, chiếc khăn cô đội đầu tuột xuống ngang vai, vài tên lính đó nhận biết cô là người quen, vô hại; họ để cô lau mặt cho Đức Kitô. Một người dục hãy làm mau lên rồi tiến ra, có trưởng toán trông thấy chúng tôi bị phạt oan đó. Nghe vậy, cô bước lui lại phía sau. Đức Kitô quay mặt lại nhìn cô trìu mến. Ngài âm thầm cám ơn cô bằng cách cho in khuôn mặt Ngài vào trong khăn. Veronica nào biết í định thầm kín đó. Cô tiếp tục theo Ngài tới núi Sọ. Đến nơi cũng là lúc đám lính đổi ca. Nhóm lính mới, cô không hề quen biết, nên họ đuổi cô ra khỏi khu vực núi Sọ.

Ra về trong hậm hực. Cứ đi mấy bước cô lại quay lại nhìn. Đôi lần cô té sấp mặt xuống đất, đau điếng nhưng may mặt không đập phải đá. Sau đó, cô cẩn thận hơn, đi một mạch về đến nhà. Tâm hồn cô in đậm hình ảnh tang thương, đau khổ của Đức Kitô. Mệt mỏi, đói khát và nóng bức, cô ngồi trên ghế định nghỉ một chút, rồi thiếp đi lúc nào không biết. Mãi cho đến chiều, màu trời ra ảm đạm, mặt trời không chiếu sáng, cô mới thức tỉnh, miệng khô khát đắng chát. Cô uể oải lấy nước uống lúc đó mới phát hiện ra trong tay còn nắm gọn chiếc khăn mặt. Veronica giơ chiếc khăn lên coi, màu đỏ nhiều hơn màu trắng, bụi đường pha lẫn màu máu tím dính đầy khăn. Cô uể oải đứng lên mang cái khăn ngâm nước. Nhớ người ta ngồi trên đống tro nguội để tro hút đi vết dơ của mụn nhọt. Sau này có ngày thứ Tư Lễ Tro, người ta dùng tro than xức trán, dấu chỉ của thanh tẩy, trở về. Thời xưa người ta ngâm tro trong nước; chờ lắng xuống gạn lấy nước trong dùng cho việc tẩy xoá vết dơ trên vải. Màu nước giặt khăn đổi thành màu hồng đục, nhưng vết máu không hề phai. Thực ra, đây không phải là lần đầu cô phải giặt cái khăn dính máu. Có lần bị chảy ( máu cam) máu mũi, cái khăn dùng thấm máu, cô dùng trước tro than giặt nó sạch bóng; lần này nó không hiệu nghiệm. Lần khác nữa cô bẻ cành bông mới nở đẹp rực rỡ. ham bẻ bông, thiếu cẩn trọng, không để í đến loại cỏ dại, lá nó có gai như răng cưa. Tay cô bị cắt một đường dài, chiếc khăn lại dùng rịn máu và cô cũng giặt bằng nước than, nó sạch trắng. Lần này lại không sạch. Còn một cách nữa: nước vo gạo. Hôm sau cô dùng nước vo gạo giặt khăn, bảo đảm khăn sẽ sạch như í muốn. Giặt khăn lần hai. Giơ khăn lên ngang tầm mắt nhìn. Cô ngạc nhiên đến rùng mình, nổi gai ốc toàn người. Chỗ không dính máu, màu vải trở nên trắng tinh, chỗ dính máu trong khăn vẫn i nguyên, không hề phai. Rõ ràng hình khuôn mặt Đức Kitô. Cô hôn tấm hình đó rồi trịnh trọng, run rẩy, mang khăn vào nhà. Suốt ngày hôm đó, cô quanh quẩn ở nhà, tí tí lại vào nhìn cái khăn có in hình khuôn mặt Đức Kitô. Ngày đó, cô quên ăn mãi đến tối mới nhớ là suốt ngày chưa ăn gì mà vẫn không cảm thấy đói.

Một phần vì buồn, phần vì nhớ, phần khác muốn thăm xem Veronica bị té có sao không; mấy cô bạn tới nhà. Mới một ngày xa cách mà khi gặp nhau họ vui như xa cách lâu ngày. Tâm hồn họ buồn vời vợi, nhưng gặp nhau sao cảm thấy được an ủi. Mừng hơn nữa là thấy Veronica khỏe. Có người để í, quan sát thấy Veronica dùng chiếc khăn cũ. Cô thắc mắc lên tiếng: Sao lại lôi khăn cũ ra sài, khăn mới đâu rồi. Veronica đành khai thật với mấy chị em. Nghe thế người nào cũng nhao lên, ước ao được coi cái khăn. Có chị lên tiếng, mình cũng định nhào vào lau mặt cho Ngài đấy chứ, nhưng nhìn thấy mấy tên lính, cái roi dài đầu có móc sắt và cây gươm le lói sáng dưới ánh nắng làm mình chùn bước.

Veronica để cái khăn ngay đầu gường, phía trên cái gối ngủ. Bình thường các cô hay bình phẩm, mỗi người nói một câu. Hôm nay đặc biệt cô nào cô đó âm thầm, chăm chú nhìn ngắm hình Đức Kitô trong khăn. Không ai nói với ai, nhưng ai cũng nhìn vào đôi mắt Ngài. Đôi mắt sưng húp, nửa mở, nửa nhắm nhưng càng nhìn càng cảm thấy bị lôi cuốn, cuốn hút bởi cái linh thiêng của đôi mắt sâu hoắm. Càng nhìn lâu càng cảm thấy tâm hồn bình an. Hình như lo âu, buồn tủi, sợ sệt tan biến trong đôi mắt trìu mến kia. Tâm hồn người nhìn ngắm đôi mắt cảm thấy an bình diệu vợi. Đôi mắt hình như mời gọi, quyến luyến, như âm thầm mời gọi: Hãy đến cùng Ta. Ta sẽ bổ sức cho các ngươi.
Tiếng đồn mỗi ngày mỗi xa. Người ta đến xin cô cho phép nhìn chiếc khăn in hình khuôn mặt Đức Kitô. Cô cho họ xem, một số âm thầm xin ơn và họ nhận được ơn từ ngắm nhìn chiếc khăn đó. Người ta kéo đến càng ngày càng đông. Một số được ơn tự nguyện dâng cúng tài vật. Người nghèo hơn không có gì cho, họ cho hoa quả trồng trong vườn quanh nhà. Người ăn xin bắt đầu xuất hiện. Cô chia sẽ cho họ tất cả những gì người ta đem đến. Cô quan niệm: Hết rồi Chúa lại ban cho. Người nọ đồn với người kia kéo đến. Đồn nhanh nhất là đám người ăn xin, chỉ sau một ngày mà mọi người ăn xin trong làng biết tin kéo đến. Kẻ xin ăn giã từ khu chợ, quanh quẩn gần nhà Veronica. Sự hiện diện của họ làm vài người hàng xóm khó tính than phiền. Vì lòng thương, cô không đành lòng lên tiếng nặng nhẹ vời kẻ nghèo, nói chi đến chuyện đuổi họ. Ít lâu sau, bọn lính xuất hiện. Họ lấy lí do làm mất an ninh trật tự trong xóm, ngăn cấm cô làm việc từ thiện. Cô nhìn vào tấm khăn, nước mắt lăn dài. Lệnh cấm cho cô ba ngày để chấm dứt tình trạng làm mất trật tự trong xóm. Sắp mãn hạn mà cô không biết phải làm gì. Đúng ngày mãn hạn, bọn lính đến, sẵn sàng ra tay. Veronica đứng trong nhà, lo lắng, sợ hãi. Dân ăn xin ra ngõ dàn hàng chào bọn lính. Họ réo gọi Veronica, cô đành lòng ra gặp họ. Khi Veronica ra tới nơi, cũng là lúc đám lính nhận biết trong số nhóm người ăn mày có thân nhân họ nữa. Một người lính nhận ra người ăn xin già lọm khọm kia chính là cha ruột anh. Anh nhớ lại ngày ấy, cha anh bán trọn bày dê hơn mười con chạy thuốc cho mẹ. Bệnh thuyên giảm ít nhiều. Tin tưởng thầy lang mát tay, ông bán luôn căn nhà lấy tiền chạy thuốc cho người vợ. Nào ngờ tiền bán nhà vừa hết, cũng là lúc bà qua đời. Ông năn nỉ anh dẫn ông đến nhà quan huyện mượn tiền. Anh đáp: bố đi một mình không được sao?. Có, sáng nay, bố có đến đó rồi, người lính canh không cho lọt cổng thì làm sao gặp được quan mà mượn tiền. Nhờ con là lính, may ra họ cho vào cổng. Một người lính khác nhận ra người ăn mày kia còm cõi, rách rưới, ăn mặc lôi thôi là chính là người anh ruột tàn tật của mình. Trước khi anh được nhận vào lính, gia đình anh luôn thiếu ăn; người anh cả phải nhịn cơm cho đàn em ăn. Anh đâu biết, người anh hai nhịn cơm cho em ăn, còn chính anh âm thầm qua làng kế bên xin ăn. Anh sống bằng miếng cơm nguội, chén canh thừa của tấm lòng từ tâm. Nhận biết tình thương người anh dành cho các em, anh lính quay mặt đi, nước mắt tuôn ra. Người lính thứ ba nhận ra người phụ nữ dùng nón che mặt chính là vợ anh. Anh nhớ lại câu vợ anh hay nói với anh: Lương lính của anh không đủ nuôi đàn con nhà mình đâu. Anh đau lòng lắm nhưng kiếm thêm tiền nằm ngoài khả năng hiện có. Bây giờ anh mới biết trái chuối, quả ổi, trái lê, quả quít, hoa quả trong nhà chính là do vợ anh đi ăn xin mang về nuôi gia đình. Anh là người hưởng thành quả của lòng từ tâm qua bàn tay vợ anh. Mấy người lính lẳng lặng nhìn nhau, nháy mắt rút khỏi hiện trường.

Họ báo cáo với thượng cấp thế nào? ai biết. Kể từ ngày đó, dân ăn xin trong làng được yên. Căn nhà riêng của cô Veronica trở thành điểm bố thí cho dân ăn mày toàn vùng. Họ không phải trả tiền, tự do ăn no thoả. Veronica dành cái sân sau nhà làm nơi cho người ăn mày ăn uống, ngủ nghỉ. Để đi vào sân, họ phải đi qua nhà. Veronica đưa ra một yêu cầu đơn giản và mong người ăn mày thi hành. Khi đi qua nhà nơi để tấm khăn, họ phải giữ im lặng, đồng thời nhìn lên chiếc khăn âm thầm nói lời cám ơn. Veronica giải thích cô không có gì để cho. Nhờ cái khăn mà họ có của ăn, nên cần phải cúi đầu cám ơn người in hình khuôn mặt trong khăn.

Cử chỉ bác ái đơn giản: dùng cái khăn lau mặt. Cái khăn mặt to không hơn hai, ba bàn tay chụm lại, mà có khả năng nuôi dân ăn mày toàn vùng.

TiengChuong.org
 
Ghen
Lm Vũđình Tường
19:33 18/03/2024
Nghe tin có quà nước ngoài gởi về; bà mẹ sai con đi nhận quà. Nếu là nơi gần thì chính bà thân chinh ra đi; đàng này nhà họ trên thành phố; mà thành phố thì xa lạ đối với bà nên bà sai con đi thay. Thằng nhỏ sống miền quê than buồn tẻ, nên có cơ hội đi phố là nó sốt sắng, đòi lái xe đi ngay trong đêm. Bà can ngăn mãi nó mới chịu, thế mà mới ba giờ sáng nó đã thức dậy chuẩn bị ăn qua loa rồi ra xe đi. Đến nơi người ta không chịu giao quà, bởi bố nó dặn phải giao đúng cho người mang tên ghi trên món quà. Thằng nhỏ đưa giấy chứng minh nó đúng là con, nhưng họ vẫn không chịu giao. Họ đòi cho đúng người có tên bố nó ghi. Nó ở lại phố chơi thêm hai ngày sau mới về. Mẹ ở nhà trông nó thì ít; trông quà nhiều hơn. Thấy mặt nó bà la toáng lên: Mày đi đâu mất tiệt hai ba ngày nay. Tao mong muốn chết. Giờ mới vác mặt về. Quà cáp ra làm sao. Đưa tao coi. Nó lắc đầu nguầy nguậy. Người ta không chịu giao, đòi đúng người họ mới giao. Không cần biết nó khoẻ hay mệt. Tỉnh táo hay bần thần. Bà bảo nó chở bà đi nhận quà. Ăn chơi hai ba ngày, ngủ nghê không đâu vào đâu, mỗi đêm được vài ba tiếng. Nó tần ngần một chút đáp. Để cho con ngủ vài tiếng lấy sức, tỉnh táo rồi con chở mẹ đi. Bà tiu ngỉu nhưng nếu bắt nó đi thì tai nạn xe cộ xảy ra là điều khó tránh. Nó tìm chút cơm nguội ăn, rồi vào giường đánh một giấc hết một buổi chiều, qua đêm, cho đến sáng hôm sau mới thức giấc.

Hai mẹ con lên đường. Xem đúng tên tuổi, nhìn đúng với hình bố nó đưa. Người ta giao quà cho. Nhận quà xong bà còn 'điều tra' về cuộc sống của ông chồng. Người kia vui vẻ, hí hửng ca ngợi. Nào ông ấy là người tốt, ông ấy hiền lành, dễ thương, chịu khó làm việc lo cho gia đình. Thế chị gặp anh ấy thường? Tôi ở sát bên nên chả mấy ngày không thấy nhau. Hơn nữa tôi giới thiệu anh ấy vào may cùng chỗ tôi. Lúc đầu tôi hướng dẫn anh ấy. Tôi quen việc; anh đang tập sự nên gặp trường hợp khó, tôi chỉ cho anh ấy làm. Anh ấy vừa thông minh, vừa khéo tay, nên chỉ hướng dẫn một chút là anh ấy làm được. Vậy chị là ân nhân của anh ấy. Không, đâu có ân với xá gì, giúp nhau thôi ấy mà. Lần trước anh gởi người khác mang quà về, lần này lại làm phiền đến chị. Đâu có phiền gì đâu? Đàng nào tôi cũng về thăm nhà, nên tiện thể cầm về dùm. Tôi về thăm nhà vì lúc này công việc hiếm, ít. Nhiều người mất việc. Đã mất việc rồi thì đi xin việc nơi đâu họ cũng lắc đầu, ngoại trừ trường hợp người đó thuộc vào lớp thợ giỏi tay nghề, bằng không thì ăn không, đi rông. Thế chỗ chị khối người ngồi không, đi rông? Vâng, số người đó cũng khá đấy. Đa số họ là phụ nữ trẻ, độc thân, không cạnh tranh nổi ở ngành nghề khác nên chấp nhận làm công việc may vá. Thứ nhất, nghề này không đòi bằng cấp. Học nghề lại mau, học không tốn tiền, thợ chỉ bảo cho nau. Chỉ cần khéo tay, chịu khó là có thể làm việc. Trước đây nhiều việc; thiếu thợ, nên xin việc là được nhận ngay. Bây giờ thì khác rồi, việc ít, thợ nhiều nên tay nghề giỏi mới có việc. Thế ông nhà tôi tay nghề khá chưa? Anh ấy cũng có bốn năm kinh nghiệm rồi. Tay nghề vững lắm. Chị về để cháu lại cho ai coi. Tôi độc thân, chưa có gia đình. Sao chị chọn lựa kĩ thế. Chọn gì đâu. Chỗ tôi ở trước đây trai thừa, gái thiếu. Sau này gia đình đoàn tụ nhiều, gái thừa trai thiếu. Hơn nữa đàn ông, con trai thường tìm chỗ làm lương cao hơn, nên họ bỏ xứ, di dời đi nơi khác. Thế sao ông nhà tôi không dời đi chỗ làm lương cao? Chỉ có anh ấy mới có câu trả lời. Ai cũng biết tính tình hiều hậu, siêng năng, không chè chén, ăn chơi. Đâu dễ tìm thanh niên như thế. Ông ấy lớn tuổi rồi, không còn thanh niên nữa. Đến đây chủ nhà cáo lỗi, viện cớ bận việc khác. Bà vội vã nói lời từ biệt.

Thay vì mừng có được người chồng, người cha biết lo lắng cho gia đình. Dù ở xa nhưng tâm lúc nào cũng hướng về vợ con. Đàng này bà phản ứng ngược lại ruột gan bà sôi lên vì ghen tức. Bà nghĩ người giao quà này là tình nhân của ông cũng nên. Người này ở gần bên, độc thân, hướng nghề, làm cùng chỗ. Hàng ngày gặp mặt, chung đụng nhau, mở miệng ra là khen ông ấy. Trên đường về, bà lồng lộn lên tiếng nói xấu người giao quà, kẻ làm ơn cho mình. Nào là nó là đứa ăn mặc hở hang; áo hở nách, quần cũn cỡn, nói ngọt lịm, nói về chồng người ta mà mặt tươi vui, hớn hở. Thế có tức không chứ. Người con vừa lái xe vừa lên tiếng bênh vực, nhưng bà át tiếng nó, không cho nó nói, để bà xả cơn giận. Biết nói gì mẹ cũng không nghe; nó im lặng; nghe bà xỉ vả người ta.

Cũng tại tính cẩn thận của ông mà sinh ra nhiều chuyện. Trước đây ông cũng gởi quà, do một người thanh niên cầm về thì mọi sự êm xuôi; tốt đẹp; lần này ông không dám tiêu xài, ki ki, cóp cóp, nhặt nhụm được đồng nào chờ cơ hội thuận tiện là gởi về cho vợ con. Ông sai lầm là nhờ một người phụ nữ trẻ mang quà về. Sai lầm thứ hai, lần này quà 'còm' hơn lần trước. Lần trước ông gởi quà về, bà sài sang, tiêu xài thoải mái bởi bà tin vào cái nguồn trợ cấp nước ngoài sẽ giúp bà giải quyết vấn đề xài trước, trả nợ sau. Lần này tiền gởi về ít đi, lại do người phụ nữ trẻ mang về, nên bà nghi là một phần tiền ông chi cho người đàn bà này. Người đó lại chính là người làm ơn cho ông. Bà đâu hiểu kinh tế nơi ông đang ở gặp khó khăn, việc làm bấp bênh. Ai cũng ăn tiêu dè xẻn, cẩn trọng khi chi tiêu. Cơ sở thương mại hạng nhỏ sợ ngày nào đó chính họ xập tiệm. Ông còn làm ra tiền gởi về cho bà là may lắm rồi.

Kẻ vô tình, kẻ đa nghi nên giữa cái vô tình và cái đa nghi là đầu mối của rạn nứt. Ông chồng nghĩ mình sống với vợ con mấy chục năm nên biết rõ tính tình bà ấy. Ông đâu ngờ ông chỉ biết bên ngoài, còn nội tâm bà; ông mù tịt. Người đưa quà tâm tình vô tư, không nghĩ là khách nhận quà đang để í từng lời nói, cử chỉ; ngay cả khuôn mặt, cách trả lời câu chuyện. Kẻ vô tình, người chú tâm nên càng nói càng gây thêm ngăn cách.

Ông vui mừng nhận thư gia đình. Đọc đến đâu; buồn đến đó. Khuôn mặt biến đổi liên tục, từ hường hường biến sang đỏ và sau cùng là xám như thiếu máu. Đúng lúc đó, người bạn ghé nhà. Thấy thế thắc mắc, làm gì mà ngồi đực mặt ra thế? Tôi vẫn nghe câu này nhưng không hình dung ra được. Bây giờ mới biết, thế ngồi yên, con mắt không hồn, lười không thèm chớp, ngó mông lung vào thinh không; tai đỏ ửng hồng nhưng da mặt xám. Hình ảnh của người ngồi đực mặt. Anh bạn lấy trong tủ hai chai bia, khui sẵn đưa cho ông một chai. Ông tu một hơi hết sạch. Người bạn ngạc nhiên lên tiếng. Uống từ từ thôi chứ ông này. Tu một hơi say chết đấy. Ông đâu có phải là dân ghiền đâu.

Ăn nói hàm hồ, thô lỗ; suy nghĩ, lí luận một chiều; hành động man dại, mất hết lí trí, xảy ra khi cơn ghen nổi sóng, vùng lên. Nó biến yêu thương thành thù hận; hành động nhân đạo thành hành động dã man; con ngoan thành con hoang. Đây chính là lối hành xử của nhóm Pharasiêu khi họ kết án Đức Kitô là tướng qủi Mathew 9,34. Họ ghen với Đức Kitô. Cái ghen của họ biến họ từ thành phần lãnh đạo dân chúng, khôn ngoan, thông thái thành hàm hồ, mê mội. Dựa vào lời ma quỉ tự thú, khi chúng lo lắng, run rẩy, sợ hãi than khóc nài van
'Lậy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân Danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi' Mc 5,7.
Như thế ma quỉ xác định Đức Kitô đến tiêu diệt chúng trước thời hạn. Đức Kitô không phải là tướng quỉ mà là khắc tinh của ma quỉ. Ngài không chung đường lối chúng, nhưng đến để tiêu diệt chúng. Đức Kitô bắt chúng phải khai tên chúng là gì? Chúng đáp là đạo binh, có nghĩa là đông lắm. Dù đông hàng ngàn, chúng cũng phải vâng phục Đức Kitô.

Sợ bị vợ ghen, nên từ đó về sau ông chồng khômg dám nhờ ai cầm quà về dùm. Ghen nên mất tất cả mọi nguồn lợi lớn nhỏ. Nhóm Pharisiêu cũng ghen với Đức Kitô nên chúng không nhận được ơn lành từ Đức Kitô. Ghen tuông mất tất cả.

TiengChuong.org
 
Lắng Nghe
Lm Vũđình Tường
19:42 18/03/2024
Người ta nói Mùa Chay là mùa lắng nghe. Lắng nghe tiếng từ bên ngoài đến và lắng nghe tiếng từ nội tâm, tiềm ẩn từ chính con người mình. Quan trọng nhất là lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi con người từ bỏ, xa lánh đường lối tà thẩn, trở về con đường công chính, lành thánh. Thứ đến là lắng nghe tiếng tâm hồn, rõ ràng nhất là tiếng lương tâm, thổn thức nhắc đi, nhắc lại, kêu gọi tránh điều xấu, khuyên làm điều tốt lành, ngay thẳng, chính trực. Lắng nghe tiếng con tim mình khát khao yêu mến điều trọn hảo, lành thánh.

Hình ảnh lắng nghe rõ ràng nhất là hình ảnh khi đi khám bệnh; vị i sĩ, dùng tay bắt mạch nhịp của tim, hay đặt ống nghe trước ngực, sau lưng bệnh nhân, nghe nhịp tim đập; cộng với những dấu hiệu quan sát và lời bệnh nhân khai báo, họ chuẩn đoán bệnh, cho toa mua thuốc trị bệnh.

Trong Cựu Ước có câu chuyện lắng nghe tuyệt vời. Tuyệt vời bởi thứ nhất đây là câu chuyện kẻ trên lắng nghe người dưới; người lớn lắng nghe người nhỏ; kẻ có quyền lắng nghe lời đầy tớ. Tuyệt vời thứ hai ở chỗ kẻ lắng nghe vâng lời thi hành làm việc tầm thường để có kết quả phi thường. Tuyệt vời thứ ba ở điểm người xin ơn nhận ra quyền năng Chúa qua khiêm nhường, vâng lời.
Sách các vua quyển thứ hai chương 5, các câu từ 11 đến 15 thuật lại việc tướng Naaman, xứ Syria là vị tướng được vua quí mến bởi tài quân sự của ông. Ông chiến thắng trận chiến tại Aramaeans. Dù là người có tài thao lược, lắm mưu nhiều kế, đánh đâu thắng đó nhưng ông lại thua cái bệnh nan i, quái ác trong con người ông. Ông mắc bệnh phong cùi là loại bệnh lúc đó không có thuốc chữa. Trong chiến tranh, không hiểu vì lí do gì có một bé gái gốc Do Thái lọt giữa đoàn quân. Đứa bé may mắn được vợ ông nhận làm đầy tớ, đứa hầu. Cô bé dù rất nhỏ, rất trẻ, lại có tài quan sát. Cô biết ông bà tướng ngày đêm lo buồn về bệnh phong cùi. Ông đau khổ, than thở suốt thời gian đêm trăng đêm bởi bệnh hoành hành dữ dội, đau nhói từ tim gan phát ra; vợ ông chia sẻ niềm đau của chồng và chỉ biết than vắn, thở dài, không biết giúp bằng cách nào. Cho đến một ngày kia cô bé thủ thỉ với phu nhân ông tướng là Israel có vị tiên tri tài ba, lỗi lạc, ông làm được nhiều việc lạ lùng; tên vị tiên tri đó là Elisha. Cô bé tin là vị tiên tri này có thể giúp trị tuyệt nọc bệnh cùi của ông. Đau phương nào, vái phương đó. Bà tướng nghe lời đứa gái hầu, nói với chồng bà. Lúc đầu ông từ chối vì chính ông mới đây mang quân đánh chiếm thành của họ, giết biết bao người. Lời họ than khóc chưa hề nguôi. Nay đến xin họ chữa bệnh. Ai mà giúp. Ông nói thế. Đêm nào bà cũng năn nỉ, lập đi lập lại một điều duy nhất là đến tìm gặp Elisha xin chữa bệnh. Không biết ông tin lời vợ hay tin lời đứa bé mà ông xin vua miền Aram, thuộc xứ Syria, ban phép cho ông đi gặp nhà tiên tri. Nhà vua sợ mất vị tướng tài ba, liền chấp thuận lời ông yêu cầu và còn ban tặng nhiều quà quí làm lễ vận để tỏ lòng thành. Naaman ra đi trong lòng đầy hoan lạc, vui mừng, tràn trề hy vọng vị tiên tri sẽ giúp chữa tuyệt bệnh cùi cho ông. Naaman dâng thơ vua Aram cho Elisha. Tiên tri không đọc nhưng chuyển thơ này cho vua Israel. Trong thơ, vua Aram viết:

'Với lá thơ này, Ta gởi thuộc hạ Ta, tướng Naaman tới Ngài; xin Ngài giúp chữa bệnh phong cùi cho ông ấy'.

Lá thơ vỏn vẹn có thế mà đọc xong thơ, vua Israel lo lắng đến tột cùng. Ông xé áo đang mặc, than trời. Ai mà đồn đãi tin chết người, gian ác vậy? Tôi đâu có phải là chúa, cũng không phải là thầy thuốc, đâu thuộc hàng thần thánh mà chữa được bệnh nan i, bệnh phong cùi. Trong lúc hốt hoảng, bối rối, sợ sệt, nhà vua lí luận, suy đoán cách tiêu cực. Chữa bệnh tật gì? Đây chỉ là cách vua Syria tìm cớ xâm chiếm nước ta.

Tướng Naaman thật lòng muốn chữa bệnh. Vua xứ Syria yêu mến vị tướng nên cũng thật lòng cho phép và quà tặng. Tiên tri Elisha khiêm nhường im lặng, không quyết định nhưng gởi thơ đó đến nhà vua. Tiên tri im lặng trong cầu nguyện kiếm tìm í Chúa. Trong khi vua Israel sống trong lo sợ, hiểu lầm lòng thành của vua Syria và của tướng Naaman. Nhà vua cùng nội các họp hành, bàn thảo, tìm cách giải độc? Nhà vua đâu nghĩ tới tướng Naaman không mang theo đoàn quân, chỉ có đoàn tuỳ tùng. Nhưng vua Israel lại nghĩ vị tướng này dấu đoàn quân ở đâu đó, ông cho đoàn thám tử đi tìm kiếm. Kiếm sao ra nếu không có quẩn ẩn núp. Nghe biết lo sợ, bối rối của nhà vua, tiên tri Elisha nhắn tin cho vua Israel. Tại sao vua lại xé áo mình. Sao không gởi tướng Naaman đến cho ta; để vị tướng đó biết Thiên Chúa của Israel có quyền sống chết trên mọi người. Không chần chờ thêm một giây, nhà vua mau chóng gởi tướng Naaman tới tiên tri Elisha để tâm hồn ông lắng đọng xuống. Tướng Naaman dù phải chờ lâu, ông cũng không nản lòng. Ông và phái đoàn đến trước nhà vị tiên tri trình bày việc ông xin. Tiên tri Elish không ra gặp vị tướng, cũng không tổ chức đón tiếp phái đoàn. Ông sai người nhà ra nói với tướng Naaman hãy ra giòng sông Jordan và ngâm mình trong đó bảy lần. Làm thế ông sẽ sạch bệnh phong cùi, da trắng như da con trẻ. Nghe thế Naaman nổi điên, phải có quân sẵn trong tay ông đã giết sạch từ già đến trẻ, không chừa một mống. Ông bực bội, chán nản, tức giận, đỏ mặt, tía tai. Ông nói oang oang cho mọi người biết là ông giận đến cùng cực.

Ta tưởng khi nghe tin ta đến, nhà tiên tri sẽ ra đón tiếp cẩn thận, rồi kêu tên thần linh của ông ấy chữa bệnh, sờ trên các vết ghẻ lở của ta để chữa cho ta. Nào ngờ ông ta lại sai đầy tớ bảo ta đi tắm bảy lần ở sông Jordan. Ông ta không biết là nước ta cũng có sông, sông Abana và sông Pharpar và các sông ở vùng Damacus, các sông này nước không chảy mạnh hơn, nguồn nước không sạch hơn, tốt hơn sông ở Jordan sao?

Trong cơn giận dữ không ai dám đến gần khuyên vị tướng. Gần ông hơn cả là người lính hầu được ông sủng ái. Người lính này chờ cho Naaman nguôi cơn giận, nhẹ nhàng thỏ thẻ. Nếu ngài coi con như con ngài thì xin cho con lên tiếng. Có gì thì nói đi, rào trước đón sau làm gì? Con theo ngài nhiều năm, biết rõ tài ngài cao như đỉnh núi, trí ngài sâu như vực thẳm, ngài lanh lợi như linh dương; phán đoán sắc bén như móng đại bàng. Con biết trèo cao ngài không sợ, lặn sâu ngài không lo; đấu kiếm ngài không ngại, đánh võ ngài coi như mua vui. Đứng trước ngàn kị binh ngài coi nhẹ. Vị tiên tri có lẽ cũng biết tài của ngài như thế nên tiên tri không cần phải thử thách ngài nữa, mà chỉ yêu cầu ngài làm công việc đơn giản, nhẹ nhàng, tầm thường để ngài biết Thiên Chúa Israel dùng việc tầm thường để đạt việc phi thường. Naaman lặng yên nghe lời tên lính hầu trình bày lí lẽ, đúng sai, phải trái, hơn thiệt. Ông im lặng suy nghĩ hồi lâu, gật gù, nói với tên hầu. Đúng thế, tiếng tăm ta lừng lẫy, lẽ nào tiên tri không nghe. Ngoài chiến trường ta một mình, một ngựa xông pha dọc ngang, phải trái, tướng nào địch lại ta, lẽ nào tiên tri lại không biết? Nghe danh ta, quân thù run sợ, bỏ chạy trước. Những điều này tiên tri biết rõ vì thế ông không thách thức ta trèo cao, lặn sâu mà lại bảo ta làm việc tầm thường. Đúng thế, việc nhỏ nhẹ tầm thường hàng ngày ta làm, không ai nhắc đến. Bây giờ lại được chính tiên tri nhắc nhở ta. Ông âm thầm ra sông Jordan nhúng người lên xuống bảy lần. Bước chân lên bờ, vết loang nở, cùi hủi, trên người sạch bóng. Hai chân ông quị xuống, nước mắt lăn dài. Tay ông hết sờ trước ngực, sau lưng, từ phải sang trái, chỗ nào sờ đến cũng thấy bóng láng, không vết gợn. Ông cúi người nhìn trước, xem sau như tìm kiếm gì đó. Đoàn tuỳ tùng đứng từ xa ngó lại, không ai đoán biết sự gì xảy ra cho chủ mình; cũng không ai dám đến gần nếu ông không gọi. Tất cả đứng từ xa thầm ngó, không ai dám đến gần bởi không biết vị tướng sẽ phản ứng ra sao? Loạng quạng mất mạng như cánh lá trước cơn gió lốc. Sau hoảng hồn, kinh ngạc đến ngỡ ngàng, kinh ngạc. Vị tướng lên tiếng ca tụng Thiên Chúa. Đến lúc đó mọi người mới chạy đến vỗ tay hoan hô chúc mừng chủ tướng. Không đợi đến một giây, Naaman phóng thẳng lên lưng ngựa phóng thẳng về nhà tiên tri. Ông hối hả đến gần vị tiên tri vừa cáo lỗi, vừa tạ ơn, lên tiếng ca ngợi Thiên Chúa. Đoàn tuỳ tùng lục tục kéo đến sau, dâng lễ vật nhờ tiên tri dâng lời cảm tạ Thiên Chúa thay họ. Vị tiên tri nói với ông, đó là việc kì diệu Thiên Chúa Israel ban cho ông. Naaman quì gối trước mặt tiên tri vang lời ca tụng.

Quả thật, trên toàn cõi địa cầu ngoài Đức Chúa ở Israel ra, không còn vị chúa nào khác cao trọng hơn c.15.

Thiên Chúa kêu gọi con người lắng nghe và vâng theo Lời Chúa để tìm được nguồn vui nội tâm. Không hiểu do tình cờ hay do Thiên Chúa xếp đặt mà vợ ông tướng tin nghe lời con trẻ; còn ông tướng lại tin nghe đứa lính hầu.

Người lớn hay trẻ nhỏ, tài cao hay tài mọn; không ai khôn suôt đời, không ai dại muôn kiếp. Kẻ khôn triền miên có khi dại đột xuất. Ngược lại, kẻ dại triền miên có khi khôn đột xuất.

TiengChuong.org
 
Church Documents
Thủy 18/3/2024
VietCatholic Media
00:39 18/03/2024
1. Putin 'thắng' gian lận bầu cử Nga với 87% phiếu bầu

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin ‘wins’ rigged Russian election with 87 percent of the vote”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Kết quả sơ bộ cho thấy một chiến thắng áp đảo dành cho Vladimir Putin nhưng hàng ngàn người biểu tình phản đối tại các điểm bỏ phiếu và đại sứ quán Nga trên toàn thế giới.

Vladimir Putin siết chặt quyền lực, tuyên bố thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa với tư cách là tổng thống Nga sau một cuộc bầu cử bị bóp méo một cách tàn bạo, trong đó tất cả những kẻ thách thức nghiêm trọng đều bị tiêu diệt trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu.

Các quan chức bầu cử cho biết, với 50% số phiếu đã được kiểm, số phiếu bầu của Putin đạt 87,3%. Theo số liệu mới nhất từ chính quyền Nga, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 73,33%.

Chiến thắng của Putin không bao giờ bị nghi ngờ nhưng đây là tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất mà ông ta giành được trong bất kỳ chiến thắng nào trong số 5 chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống kể từ lần đầu tiên vào năm 2000. Ở tuổi 71, ông đã là nhà lãnh đạo Nga tại vị lâu nhất kể từ khi Josef Stalin nắm quyền. Putin đã đánh bại kỷ lục đó của Stalin. Một lễ kỷ niệm chính thức được lên kế hoạch vào hôm thứ Hai.

Phát biểu sau khi kết quả ban đầu được công bố, ông Putin cam kết sẽ dẫn dắt Nga giành chiến thắng trong việc đạt được các mục tiêu của mình, đồng thời khẳng định “chưa có ai trong lịch sử từng thành công” trong việc đàn áp ý chí của người Nga. “Họ đã thất bại bây giờ và họ sẽ thất bại trong tương lai,” ông nói.

Kết quả này còn hơn cả mục tiêu là một chiến thắng áp đảo nhằm củng cố tuyên bố của Putin rằng người Nga hết lòng ủng hộ nhà lãnh đạo của họ và cuộc xâm lược Ukraine của ông. Ba ngày bỏ phiếu là một cuộc vận động ủng hộ Putin và là phép thử lòng trung thành đối với bộ máy nhà nước Nga.

Nikolai Petrov từ tổ chức tư vấn đối ngoại Chatham House ở Luân Đôn cho biết kết quả này đã khiến Nga trở thành một “chế độ chuyên chế hoàn toàn được củng cố”.

Chiến dịch bầu cử chứng kiến ba ứng cử viên khác không chỉ trích tổng thống đã bị lu mờ bởi cái chết của đối thủ chính của Putin, Alexei Navalny vào tháng trước.

Ngay cả khi đã loại bỏ Navalny, Putin cũng không cho ai có cơ hội nào. Trong hai ngày bỏ phiếu đầu tiên, hàng ngàn nhân viên khu vực công, sinh viên và công nhân từ các tập đoàn Nga đã buộc phải bỏ phiếu.

Việc bỏ phiếu được ban quản lý giám sát - các nhân viên công vụ được yêu cầu báo cáo lại sau khi họ bỏ phiếu. Ở một số vùng, họ thậm chí còn phải đưa người thân đi cùng và chia sẻ vị trí địa lý của mình với người giám sát thông qua một ứng dụng được thiết kế đặc biệt.

Lửa và sơn

Nhưng Putin đã không làm được mọi việc theo ý mình. Hình ảnh đồng thanh dự định đã bị hủy hoại bởi hàng chục cuộc tấn công vào các điểm bỏ phiếu. Ở khoảng 20 khu vực của Nga, người dân đốt các phòng bỏ phiếu hoặc đổ sơn vào thùng phiếu.

Nhà chức trách khẳng định những kẻ tấn công - nhiều người trong số họ là phụ nữ lớn tuổi - đã hành động theo hướng dẫn từ nước ngoài. Tất cả những người liên quan hiện phải đối mặt với nguy cơ bị kết án lên tới 5 năm tù.

Sự phản kháng đáng kể nhất chống lại Putin xảy ra vào trưa Chúa Nhật, khi phe đối lập ở Nga tập hợp những người ủng hộ họ cho cuộc biểu tình “Buổi trưa chống lại Putin”. Sáng kiến này khuyến khích người dân đi bỏ phiếu lúc 12 giờ trưa và đồng thời bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào không phải là Putin.

Cuộc biểu tình vào buổi trưa nhằm mục đích thách thức tính hợp pháp của Putin, cả trong nước và quốc tế. Vợ góa của Navalny, Yulia Navalnaya, đã tham gia biểu tình ở Berlin sau khi khuyến khích động thái của phe đối lập vào buổi trưa. Cô nói với các nhà báo sau khi tự mình bỏ phiếu rằng cô đã viết tên người chồng quá cố của mình trên lá phiếu.

Bà nói: “Không thể nào chỉ một tháng trước cuộc bầu cử, trong chiến dịch tranh cử, đối thủ chính của Putin, người vốn đã ở trong tù, lại bị giết”.

Hàng ngàn người đã tham gia vào hành động tương tự trên khắp thế giới. Những đám đông lớn bất thường đã được nhìn thấy tại các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Nga, từ các thị trấn nhỏ nhất ở Siberia đến Mạc Tư Khoa và St. Petersburg, cũng như tại các đại sứ quán và lãnh sự quán Nga trên toàn thế giới – từ Phuket đến Paris và Brussels.

Daniel, người đã bỏ phiếu ở lãnh sự quán Nga ở Almaty, Kazakhstan, cho biết: “Đây là một cơ hội tuyệt vời để tạo ra vẻ ngoài rằng có những người không hài lòng với tình hình hiện tại, những người sẵn sàng đoàn kết để hành động tập thể, và có rất nhiều người trong số họ”. Anh ta từ chối cung cấp tên đầy đủ của mình vì lo ngại về khả năng bị trả thù.

Kể từ thời điểm cuộc biểu tình theo kế hoạch được công bố, nhà nước Nga đã tiến hành một nỗ lực phối hợp để phá hoại nó. Chính quyền địa phương ở Nga đã tổ chức các sự kiện công cộng giả vào buổi trưa để đánh lạc hướng cử tri.

Ngoài ra, còn có một số đợt gửi thư lừa đảo nhắm vào các cử tri đối lập ở Nga. Người đầu tiên, vào thứ Tư, đã khai man là thuộc nhóm của Navalny, thông báo hoãn cuộc biểu tình. Đội của Navalny nhanh chóng phủ nhận mọi sự chậm trễ.

Bức thư thứ hai, được gửi vào hôm thứ Bảy, nhằm mục đích đe dọa cử tri bằng thông điệp có nội dung: “Xin chào! Mặc dù thực tế là bạn ủng hộ ý tưởng của một tổ chức cực đoan, chúng tôi rất vui vì bạn sẽ bỏ phiếu ở Mạc Tư Khoa, vì mọi lá phiếu đều quan trọng! Chúng tôi kêu gọi bạn đừng khuất phục trước ý tưởng của những kẻ đang tìm cách lừa dối bạn và hãy bỏ phiếu một cách bình tĩnh, không xếp hàng hay khiêu khích.”

Yekaterina Duntsova và Boris Nadezhdin - hai ứng cử viên tiềm năng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình ngay lập tức và chấm dứt chiến tranh - đã bị cấm tranh cử với Putin trong cuộc tranh cử.

Các chính phủ nước ngoài lên tiếng chế nhạo cuộc bỏ phiếu ủng hộ Putin được tổ chức. “Cuộc bầu cử giả ở #Nga không tự do và công bằng, kết quả sẽ không làm ai ngạc nhiên,” Bộ Ngoại giao Đức đăng trên X. “Sự cai trị của Putin là độc tài, ông ấy dựa vào kiểm duyệt, đàn áp và bạo lực. 'Cuộc bầu cử' ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của #Ukraine là vô hiệu và là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khác.”

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc cho biết: “Cuộc bầu cử rõ ràng là không tự do và công bằng vì cách ông Putin đã bỏ tù các đối thủ chính trị và ngăn cản những người khác chống lại ông ấy”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói: “Những ngày này, nhà độc tài Nga đang giả mạo một cuộc bầu cử khác. Mọi người trên thế giới đều thấy rõ rằng nhân vật này, như đã từng xảy ra trong lịch sử, chỉ đơn giản là đắm say quyền lực và đang làm mọi cách để thống trị mãi mãi.”

2. Putin có thể là kẻ lừa đảo lớn nhất trong cuộc bầu cử giả mạo của ông ta

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin may be the biggest dupe of his fake election landslide”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Với kết quả chính thức cho thấy ông đã giành được gần 90% phiếu bầu, liệu nhà độc tài Nga đã chơi quá tay hay không?

“Kết quả quan trọng nhất của bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Nga là tính hợp pháp,” Vladimir Putin nói với các quan chức bầu cử hàng đầu của Nga khi họ tập trung tại dinh thự của ông ở ngoại ô Mạc Tư Khoa vào tháng 11. “Đó là nền tảng của sự ổn định chính trị.”

Hôm Chúa Nhật, sau ba ngày bỏ phiếu, cũng chính những quan chức đó đã tuyên bố chiến thắng áp đảo cho tổng thống.

Kết quả sơ bộ cho thấy Putin đã giành được kỷ lục 87% số phiếu bầu, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 73%, đánh bại ngay cả những dự đoán lạc quan nhất ủng hộ Điện Cẩm Linh.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Putin sẽ sử dụng kết quả này làm bằng chứng cho sự ủng hộ của đông đảo người dân. Nhưng một cuộc bầu cử méo mó như vậy – trong đó tất cả những kẻ thách thức đều bị nghiền nát và ngay cả những người đã chết cũng có thể bỏ phiếu cho Putin – có nguy cơ làm suy yếu sự ổn định chính trị mà ông mong muốn.

Cuộc bầu cử này là một mức thấp lịch sử đối với nước Nga thời hậu Xô Viết.

David Kankiya, thuộc nhóm giám sát độc lập Golos, nói với POLITICO: “Trong những năm qua, chính quyền tổng thống ngày càng tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho chính mình”. “Nhưng lần này nó đã đạt tới đỉnh cao chưa từng có.”

Ngay cả khi không tính đến việc đàn áp phe đối lập, cuộc bỏ phiếu vẫn ít cạnh tranh nhất trong lịch sử hiện đại của Nga: Chỉ có ba ứng cử viên Điện Cẩm Linh nhằm tách Putin ra khỏi cuộc bỏ phiếu kiểu Stalin trong đó chỉ có một ứng cử viên duy nhất.

Nó cũng kém minh bạch nhất: Chưa bao giờ có rất ít nhà quan sát độc lập với ít quyền truy cập như vậy (đáng chú ý là nhà lãnh đạo Golos đang ở trong tù.)

Và trong một trường hợp đầu tiên khác, ở khoảng 29 khu vực, bao gồm cả những khu vực có xu hướng biểu tình nhất, việc bỏ phiếu diễn ra bằng điện tử, được các nhà giám sát bầu cử độc lập mô tả là một phương pháp “hộp đen” được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giả mạo phiếu bầu.

Nhưng có lẽ vi phạm trắng trợn nhất trong “khung cảnh bất hợp pháp này”, Ekaterina Schulmann, nhà phân tích chính trị người Nga tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia ở Berlin, cho biết, là một đội quân bỏ phiếu gồm “những linh hồn đã chết”.

Điều này đặc biệt đúng với số phiếu bầu từ “các vùng lãnh thổ mới” bị Nga xâm lược ở Ukraine, nơi các cơ quan bầu cử cho biết có khoảng 4,6 triệu cử tri tiềm năng. Con số đó phù hợp với số liệu thống kê cũ của Ukraine từ thời bình, nhưng hầu như không tương ứng với dân số hiện tại.

Schulmann nói: “Rõ ràng là trong thời chiến, nhiều người bị giết, và nhiều người phải rời đi”.

3. Kyiv cho biết Nga mất gần 6.000 quân trong một tuần

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Loses Nearly 6,000 Troops in One Week: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo số liệu thống kê do quân đội Ukraine công bố hôm Chúa Nhật, Nga đã hứng chịu 5.760 thương vong trong tuần qua, khi những bước tiến của Mạc Tư Khoa về phía tây dọc theo chiến tuyến khiến lực lượng của nước này phải trả giá đắt.

Quân đội Ukraine cho biết lực lượng Nga tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đã mất 1.160 binh sĩ trong 24 giờ qua. Kyiv cho biết Mạc Tư Khoa đã mất tổng cộng 430.740 chiến binh kể từ khi tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

Đầu tháng 3, chính phủ Anh cho biết số thương vong hàng tháng của Nga trong suốt tháng 2 đã đạt mức cao nhất kể từ khi lực lượng Mạc Tư Khoa tiến vào Ukraine để tấn công toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

Luân Đôn cho biết Nga có thể đã phải hứng chịu hơn 335.000 thương vong trong thời gian này. Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo rằng điều này “gần như chắc chắn phản ánh cam kết của Nga đối với chiến tranh quy mô lớn và tiêu hao”.

Cuộc chiến kéo dài hơn hai năm cũng đã khiến Ukraine phải trả giá đắt. Nga hôm Chúa Nhật cho biết Kyiv mất khoảng 900 chiến binh trong ngày qua, nhưng không đưa ra ước tính về tổng số thương vong của Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022.

Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết Nga đã mất 11 xe tăng trong 24 giờ qua, nâng tổng số xe tăng Nga bị mất trong tuần qua lên 51. Theo Kyiv, kể từ tháng 2 năm 2022, Mạc Tư Khoa đã mất 6.790 xe tăng. Bộ Quốc phòng Nga hôm Chúa Nhật cho biết Ukraine đã mất tổng cộng 15.509 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác. Điều này không thể được xác minh bởi Newsweek.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ, tổn thất nặng nề cho cả hai bên xảy ra khi Nga có thể đã chiếm được hai thị trấn ở miền đông Ukraine. Quân đội Nga có thể đã kiểm soát Tonenke và Nevelske, những thị trấn ở phía tây và tây nam thành phố Avdiivka do Mạc Tư Khoa kiểm soát vào cuối tuần trước, tổ chức nghiên cứu này cho biết hôm thứ Bảy.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng của họ đã đẩy lùi 11 cuộc tấn công của Nga xung quanh Tonenke và Nevelske, cũng như xung quanh các làng Berdychi và Pervomaiske.

Chính phủ Nga hôm Chúa Nhật cho biết chiến binh của họ đã phá hủy các vị trí của Ukraine xung quanh Tonenke và đẩy lùi các cuộc phản công của Ukraine xung quanh Berdychi và Pervomaiske.

4. Nga rung chuyển vì vụ nổ thứ sáu tại nhà máy lọc dầu trong một tuần

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Rocked by Sixth Explosion at Oil Refinery in a Week”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ukraine bị cáo buộc đã tấn công một nhà máy lọc dầu khác trong đêm, chính quyền Nga cho biết hôm Chúa Nhật, trong vụ mới nhất trong một loạt vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Mạc Tư Khoa.

Chính quyền địa phương đưa tin hôm Chúa Nhật rằng “Một số” máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công vào nhà máy lọc dầu Slavyansk ở vùng Krasnodar phía nam Nga vào khoảng 3 giờ sáng giờ địa phương. Các quan chức địa phương cho biết, một đám cháy đã bùng phát tại cơ sở khi một trong những máy bay không người lái từ trên trời rơi xuống.

Kyiv đã tăng gấp đôi các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga, như các nhà máy lọc dầu, trong vài ngày qua. Thiệt hại đối với cơ sở Krasnodar dẫn đến một loạt các cuộc tấn công và được cho là nhà máy lọc dầu thứ sáu bị tấn công trong tuần qua, mặc dù truyền thông Ukraine và các quan chức Nga cho rằng số vụ cố gắng tấn công có thể cao hơn.

Các cuộc tấn công dường như nhằm mục đích làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu của Nga và khả năng tiến hành chiến tranh ở Ukraine, đồng thời trùng với thời điểm bầu cử tổng thống dự kiến sẽ duy trì quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin thêm sáu năm nữa. Các cuộc bầu cử không được cộng đồng quốc tế coi là tự do và công bằng.

Mỗi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái “làm gián đoạn hoạt động của một số cơ sở trong vài tuần hoặc vài tháng qua cũng làm gián đoạn tốc độ cung cấp nhiên liệu và chất bôi trơn cho lực lượng xâm lược ở Ukraine”, Andriy Yusov, phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, nói với các phóng viên. Cửa hàng Ukraine, Ukrainska Pravda, vào thứ Sáu.

Trong một tuyên bố tiếp theo vào Chúa Nhật, các quan chức địa phương ở Krasnodar cho biết ngọn lửa đã bị dập tắt hoàn toàn và một người đã chết vì đau tim trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Ukrainska Pravda hôm Chúa Nhật đưa tin rằng cơ quan an ninh Kyiv, lực lượng đặc biệt và các chuyên gia về máy bay không người lái trong lực lượng vũ trang nước này đã tấn công nhà máy Krasnodar.

Bộ Quốc phòng Nga không đề cập đến cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu trong bản cập nhật được công bố vào sáng sớm Chúa Nhật, nhưng cho biết lực lượng phòng thủ của họ đã chặn 17 máy bay không người lái của Ukraine trên khu vực Krasnodar trong đêm.

Hôm thứ Bảy, thống đốc địa phương vùng Samara của Nga cho biết hai trong số các nhà máy lọc dầu của họ đã bị máy bay không người lái tấn công. Thống đốc Dmitry Azarov cho biết máy bay không người lái đã tấn công vào các nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk và Syzran, dẫn đến hỏa hoạn bùng phát tại cơ sở Syzran. Truyền thông Ukraine đưa tin Kyiv đã tấn công vào nhà máy lọc dầu thứ ba, nhưng điều này không được các quan chức Nga đề cập.

Hôm thứ Sáu, Reuters đưa tin Kyiv đã tấn công một nhà máy lọc dầu ở vùng Kaluga của Nga, trích dẫn một nguồn tin tình báo. Vladislav Shapsha, thống đốc quận, cho biết lực lượng phòng không của Nga đã chặn 4 máy bay không người lái trong khu vực và không có thương vong cũng như thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Hôm thứ Tư, Thống đốc vùng Ryazan Pavel Malkov cho biết một nhà máy lọc dầu trong khu vực đã bốc cháy sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine. Sau đó ông cho biết có hai người bị thương.

Riêng hôm thứ Tư, Vasily Golubev, thống đốc khu vực Rostov, cho biết các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã chặn một máy bay không người lái của Ukraine bay qua nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk, tạm thời dừng hoạt động. Thống đốc vùng Leningrad của Nga, Alexander Drozdenko, cho biết trên Telegram hôm thứ Tư rằng một máy bay không người lái đã bị chặn khi đang hướng tới một cơ sở dầu mỏ gần thị trấn Kirishi.

Hôm thứ Ba, các quan chức Nga báo cáo về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào một nhà máy lọc dầu ở vùng Nizhny Novgorod của Nga. Thống đốc Gleb Nikitin cho biết một đám cháy đã bùng phát tại cơ sở lắp đặt và sau đó đã được dập tắt.

Theo Reuters, nhà máy lọc dầu Norsi ở Nizhny Novgorod là nhà máy lớn thứ tư của Nga. Hãng thông tấn này đưa tin ít nhất một nửa hoạt động sản xuất của cơ sở này đã bị dừng lại, trích dẫn các nguồn tin trong ngành.

5. Hàng chục người Nga dũng cảm đã đổ về mộ của Alexei Navalny

Tại Mạc Tư Khoa, hôm nay, hàng chục người Nga dũng cảm đã đổ về mộ của Alexei Navalny để 'bỏ phiếu' một cách tượng trưng cho chính trị gia đối lập quá cố đã qua đời, đoạn phim truyền hình cho thấy.

Navalny được chôn cất tại nghĩa trang Borisovo ở miền nam Mạc Tư Khoa vào ngày 1 tháng 3.

Đoạn video được hãng tin Novaya Gazeta Europe và các phương tiện truyền thông khác đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng chục người ủng hộ Navalny đến mộ ông. Reuters đưa tin, họ đã đặt nhiều lời tri ân khác nhau, với những cụm từ như “Chúng tôi chọn bạn” được viết trên đó.

Phiếu bầu cử chính thức đã được sửa đổi để đưa tên Navalny vào danh sách ứng cử viên có dấu tích bên cạnh cũng được hiển thị.

Những người ủng hộ đã đặt hoa lên mộ của Navalny, nơi đã chất đầy hoa.

6. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga đã cố gắng gợi ý rằng công dân Nga không tham gia vào các cuộc biểu tình chống Putin

Trong cuộc họp báo sáng Thứ Hai, 18 Tháng Ba, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, đã cố gắng gợi ý rằng công dân Nga không tham gia vào các cuộc biểu tình chống Putin đang diễn ra bên ngoài các đại sứ quán Nga trên khắp thế giới.

Cô đặt câu hỏi liệu tất cả những người bỏ phiếu tại đại sứ quán nước ngoài có phải là đối thủ của Putin hay không và cáo buộc truyền thông phương Tây đã tuyên truyền về các sự kiện này.

Zakharova nói: “Công dân Nga đã không đến tham dự các cuộc biểu tình và biểu diễn mà các chế độ không thân thiện và các dịch vụ thông tin trả tiền cho màn trình diễn”.

“Họ đến để bỏ phiếu. Họ bầu cho ai và bầu như thế nào là sự lựa chọn tự do của họ. Nhưng việc họ từ chối lời kêu gọi của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội là điều hiển nhiên đối với mọi người”.

Những người biểu tình đại diện cho một phần nhỏ trong số 114 triệu cử tri của Nga và dường như không có bất kỳ tác động nào đến kết quả cuối cùng.
 
VietCatholic TV
Moscow rúng động: Hàng loạt nhà máy lọc dầu nổ tung. Mối đe dọa nham hiểm của Nga với Latvia
VietCatholic Media
03:01 18/03/2024


1. Các vụ nổ nhà máy lọc dầu làm rung chuyển sâu bên trong nước Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Explosions Rock Oil Refineries Deep Inside Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thống đốc địa phương cho biết, hai nhà máy lọc dầu ở khu vực Samara của Nga đã bị tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trong cuộc tấn công mới nhất nhằm vào các cơ sở hạ tầng của đất nước, khiến giá năng lượng tăng vọt.

Máy bay không người lái đã tấn công các cơ sở năng lượng bên trong lãnh thổ Nga trong những tháng gần đây, và sự việc mới nhất hôm thứ Bảy xảy ra cách Ukraine rất xa, cách Mạc Tư Khoa hơn 500 dặm về phía đông nam.

Trong suốt cuộc chiến, chính quyền Nga đã đổ lỗi cho Ukraine về các cuộc tấn công ngày càng gia tăng về tần suất và đang ảnh hưởng đến nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, Kyiv thường không nhận trách nhiệm ngay lập tức. Ngược lại, Nga sử dụng máy bay không người lái và hỏa tiễn để tấn công cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine. Newsweek đã gửi email cho Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận.

Thống đốc Samara Dmitry Azarov hôm thứ Bảy cho biết máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các cơ sở thuộc tập đoàn năng lượng khổng lồ Rosneft thuộc sở hữu nhà nước, khiến một địa điểm bốc cháy.

Không có báo cáo ngay lập tức về người bị thương trong cả hai vụ việc, nhưng đoạn phim chưa được xác minh được chia sẻ bởi người dùng Telegram cho thấy một đám cháy ở nơi có vẻ là nhà máy lọc dầu Syzran. Kênh Baza Telegram cho biết ngọn lửa đã nhấn chìm 5.380 feet vuông sau vụ tấn công lúc 6 giờ sáng giờ địa phương ở khu vực sông Volga.

Cùng lúc đó, một số máy bay không người lái khác đã tấn công nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk, cách đó khoảng 120 dặm về phía đông, nơi một đám cháy cũng bùng phát và được dập tắt vài giờ sau đó, kênh Baza cho biết.

Hai ngày trước đó, ban giám đốc tình báo Ukraine, gọi tắt là GUR,được cho là đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào nhà máy lọc dầu Perviy Zavod gần thành phố Kaluga, nơi được quân đội Nga sử dụng.

Cũng trong tuần này, nhà máy lọc dầu Rosneft ở Ryazan, một trong những cơ sở chế biến dầu thô lớn nhất đất nước, đã bị tấn công bằng máy bay không người lái cũng như các cơ sở ở vùng Nizhny Novgorod, Leningrad, Oryol và Rostov.

Một nguồn tin của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, nói với tờ báo trực tuyến Ukrainska Pradva của Ukraine rằng hàng loạt cuộc tấn công là một phần trong “sự tiếp nối của một loạt các hoạt động đặc biệt chống lại các nhà máy lọc dầu của Nga”.

Theo Bloomberg, những sự việc này đã gây ra sự gián đoạn đáng kể, với các cơ sở bị tấn công trong vài ngày qua chiếm 12% công suất chế biến dầu của Nga.

Hãng tin kinh doanh RBC của Nga đưa tin, do các cuộc tấn công buộc các nhà máy lọc dầu phải tạm dừng hoạt động nên giá xăng dầu tăng cao do lo ngại về sự cân bằng cung cầu.

Giá xăng AI-95 trên Sàn giao dịch hàng hóa quốc tế St. Petersburg đã vượt 60.000 rúp hay 657 Mỹ Kim một tấn vào thứ Tư, tăng 1,88%, là mức cao nhất trong 5 tháng.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái diễn ra khi người dân Nga đang đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống được kiểm soát chặt chẽ mà Putin được cho là sẽ giành chiến thắng một cách dễ dàng.

2. Thủ đoạn tàn bạo của người Nga trong cuộc tấn công kép vào Odesa

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Russia kills rescuers in deadly double strike on Ukraine’s Odesa”, nghĩa là “Nga giết chết những người cấp cứu trong cuộc tấn công kép chết người vào Odesa của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga đã tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn chết người vào thành phố Odesa ở Hắc Hải vào sáng thứ Sáu, khiến 14 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Sau cuộc tấn công đầu tiên, một nhóm y tế và nhân viên cấp cứu đã đến hiện trường, lúc đó lực lượng của Điện Cẩm Linh đã bắn thẳng vào vị trí bằng một hỏa tiễn khác. Theo các quan chức địa phương, 21 người đã thiệt mạng, bao gồm một nhân viên cấp cứu và một bác sĩ đang giúp đỡ dân thường bị thương trong cuộc tấn công ban đầu.

“46 người khác, trong đó có 7 nhân viên của Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp quốc gia, bị thương. Nga là một quốc gia khủng bố”, Oleh Kiper, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự khu vực Odesa, cho biết trong một tuyên bố.

Văn phòng công tố địa phương đã mở thủ tục tố tụng hình sự đối với các cuộc tấn công như một tội ác chiến tranh, vì các công tố viên cho biết chỉ có các tòa nhà dân cư bị tấn công và dân thường phải chịu thiệt hại.

Nga đã tăng cường pháo kích vào Odesa trong tháng này, khi cuộc xâm lược toàn diện của Tổng thống Vladimir Putin kéo dài.

Lần cuối cùng Nga tấn công thành phố cảng - trung tâm xuất khẩu chính của Ukraine - là trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis vào ngày 6/3. Nhân dịp đó, một hỏa tiễn đã rơi cách phái đoàn chính trị cao cấp vài trăm mét.

Vào ngày 2 tháng 3, một máy bay không người lái của Nga đã tấn công một tòa nhà dân cư, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em.

3. Ba nhà máy lọc dầu ở vùng Samara của Nga bị máy bay không người lái SBU tấn công

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 17 Tháng Ba, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết các nguồn tin tại Nga đã xác nhận rằng cuộc tấn công trong đêm vào các nhà máy lọc dầu của Nga đã có hiệu quả. Máy bay không người lái chiến đấu của SBU tấn công vào ba nhà máy lọc dầu khác của Rosneft ở khu vực Samara vào hôm Thứ Bẩy, 16 Tháng Ba. Đó là các nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk, Kuibyshev và Syzran. Tổng cộng, các nhà máy lọc dầu này giải quyết khoảng 25 triệu tấn dầu mỗi năm, chiếm gần 10% tổng sản lượng lọc dầu ở Nga.

“SBU tiếp tục thực hiện chiến lược làm suy yếu tiềm năng kinh tế của Nga, điều này cho phép nước này tiến hành chiến tranh ở Ukraine. Mùa 'bavovna', hay mùa nổ tung, tại các nhà máy lọc dầu ở Nga đang diễn ra sôi nổi. Mỗi cuộc tấn công như vậy sẽ làm giảm dòng tiền petrodollar cung cấp cho nền kinh tế chiến tranh của Nga”, ông nói.

Ông cũng nhắc lại rằng đêm 15/3, nhà máy lọc dầu Perviy Zavod ở vùng Kaluga của Nga đã bị máy bay không người lái của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine tấn công.

4. Đồng minh của Putin đưa ra mối đe dọa nham hiểm đối với quốc gia NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Makes Sinister Threat to NATO Country”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Bẩy, 16 Tháng Ba, Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra lời đe dọa nham hiểm đối với Latvia, một quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO.

NATO đã lên án mạnh mẽ Nga vì cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu từ tháng 2 năm 2022, với việc các nhà tuyên truyền Nga liên tục đưa ra lời đe dọa về việc Mạc Tư Khoa sẽ truy lùng các nước trong liên minh quân sự. Tuy nhiên, Putin đã nói rằng Mạc Tư Khoa “không quan tâm” đến việc chiến đấu với các thành viên NATO.

Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là đồng minh thân cận của Putin, đã gọi Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs và những người khác là “những tên khốn của Đức Quốc xã” và nói rằng họ “phải ghi nhớ số phận của những kẻ phát xít”.

“Nhiều tên khốn của Đức Quốc xã muốn nước Nga phải chết – như rinkēvičs, tổng thống của một đất nước latvia không tồn tại – phải nhớ đến số phận của những kẻ phát xít, bao gồm cả phiên tòa Kharkiv năm 1943. Sự trả thù là điều không thể tránh khỏi. Memento mori!”

Memento mori là tiếng Latin có nghĩa là “hãy nhớ rằng bạn phải chết” và là lời nhắc nhở về cái chết.

Latvia, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đã giành được độc lập từ Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết, gọi tắt là Liên Xô, vào năm 1991 và được toàn cầu công nhận là một quốc gia có chủ quyền. Latvia trở thành thành viên của NATO vào năm 2004.

Trong phiên tòa xét xử Kharkiv vào tháng 12 năm 1943, ba tên Đức Quốc xã và một cộng tác viên Liên Xô đã bị Tòa án quân sự Liên Xô ở Kharkiv kết tội ác chiến tranh và bị kết án tử hình. Kharkiv, thường được người Nga gọi là Kharkov, là một thành phố ở Ukraine, vào thời điểm đó, do Liên Xô kiểm soát.

Khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, ông ta nói rằng ông ta muốn “phi Quốc Xã hóa” đất nước này.

Tuyên bố phi Quốc Xã hóa của Putin đã nhận được phản ứng dữ dội từ các nhà phê bình, những người tin rằng Nga đang xâm phạm chủ quyền của Ukraine để giành lấy quyền lực. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, một người Do Thái và có gia đình đã chết trong Holocaust, đã lên án tuyên bố phi Quốc Xã hóa của Putin.

Medvedev cũng đã nhắm vào Rumani vào thứ Sáu, nói rằng đây “không phải là một quốc gia”. Rumani, một thành viên khác của NATO, cũng giành được độc lập từ Liên Xô vào thế kỷ 20 và là một quốc gia có chủ quyền.

Medvedev cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo Âu Châu là “những kẻ yếu đuối” và “những kẻ vô dụng” đồng thời bác bỏ lời kêu gọi Nga trả lại số vàng của Rumani Medvedev cho rằng đã bị tịch thu vì Rumani có “hành vi xấu”.

Hôm thứ Năm, Nghị viện Âu Châu đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết không mang tính ràng buộc kêu gọi Nga trả lại báu vật quốc gia cho Rumani mà nước này đã lưu giữ kể từ Thế chiến thứ nhất, bao gồm nhiều loại trang sức và 91,5 tấn vàng.

5. Tổng thống Zelenskiy cho biết Ukraine bây giờ sẽ luôn có lực lượng tấn công trên bầu trời

Cỗ máy chiến tranh của Nga có những lỗ hổng có thể bị tấn công bằng vũ khí. Ukraine bây giờ sẽ luôn có lực lượng tấn công trên bầu trời.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nói điều này trong bài phát biểu video của mình, Ukrinform đưa tin.

Ông nói như sau:

“Thưa đồng bào Ukraine thân mến,

Thật không may, ngày nay số người thiệt mạng đã tăng lên sau cuộc tấn công ở Odesa: 21 sinh mạng đã bị cướp đi. Xin chia buồn cùng gia đình và những người thân yêu. Hỗ trợ cần thiết được cung cấp cho tất cả những người bị thương. Chính quyền địa phương và Bộ Nội vụ đang hỗ trợ.

Chắc chắn sẽ có những phản ứng quân sự của chúng ta đối với Nga. Những tuần này đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng cỗ máy chiến tranh của Nga có những lỗ hổng mà chúng ta có thể tiếp cận bằng vũ khí của mình. Tôi biết ơn Lực lượng Vũ trang Ukraine, Cơ quan An ninh Ukraine và Tình báo Quốc phòng về khả năng tầm xa mới của họ. Tôi cũng biết ơn tổ hợp công nghiệp quốc phòng của chúng ta và tất cả những người làm việc vì sức mạnh của Ukraine. Những gì máy bay không người lái của chúng ta có khả năng thực sự là khả năng tầm xa của Ukraine. Ukraine bây giờ sẽ luôn có lực lượng tấn công trên bầu trời.

Tôi muốn khen ngợi riêng các chiến binh của chúng ta trong tuần này, những người đang chiến đấu trên mặt đất ở tiền tuyến - mọi người lính, mọi chỉ huy, đặc biệt là ở những khu vực có giao tranh khốc liệt nhất. Pokrovsk, Kurakhove, vùng Donetsk, gần Kupyansk, ở phía Nam. Tôi cảm ơn tất cả các lữ đoàn của chúng ta, tất cả các đơn vị chiến đấu đang tiêu diệt quân xâm lược, mang lại cho chúng ta sự ổn định cao hơn trên mặt trận. Hôm nay, tôi đã thảo luận chi tiết về tình hình hoạt động với Tướng Syrskyi: khả năng của chúng ta và các mối đe dọa hiện có. Tôi cảm nhận được rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đang trở nên mạnh mẽ hơn.

Một điều nữa. Chúng ta luôn phải ăn mừng mọi thành công của Ukraine - tất cả những người mang lại niềm tự hào cho Ukraine và người Ukraine. Tuần này, đội của chúng tôi trở về từ Deaflympic ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lần đầu tiên sau khi giành được độc lập, đội tuyển Điếc quốc gia của chúng ta đã giành được nhiều huy chương vàng nhất trong tổng số huy chương đồng đội. Tôi đã có cơ hội cảm ơn các vận động viên, huấn luyện viên và tất cả những người đã giúp đỡ đội. Tôi đã trao giải thưởng nhà nước. Tôi tự hào rằng nhân dân chúng ta có khả năng vượt qua mọi khó khăn và bất chấp mọi khó khăn, có khả năng mang lại kết quả cho Ukraine.

Cảm ơn tất cả những người đã chiến đấu vì Ukraine, làm việc và cống hiến cuộc đời mình để bảo đảm Ukraine chiến thắng. Nó sẽ thắng. Tôi tự tin.

Niềm tự hào cho Ukraine!”

6. Hơn 60 tòa nhà bị hư hại trong vụ tấn công hỏa tiễn ngày 15/3 của Nga vào Odesa

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 17 Tháng Ba, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết 64 tòa nhà đã bị hư hại trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Odesa hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Ba.

“Sáu mươi bốn ngôi nhà của cư dân Odesa được biết là đã bị hư hại và bốn ngôi nhà tư nhân khác bị phá hủy. Cuộc kiểm tra đang diễn ra. Một trụ sở hoạt động có mặt tại hiện trường. Các dịch vụ tiện ích đang loại bỏ những hậu quả và cùng với các tổ chức và quỹ bác ái giúp che cửa sổ bằng phim và ván ép,” cô nói

Vào ngày 15 tháng 3, quân xâm lược Nga đã tấn công Odesa bằng hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M.

Vụ tấn công khiến 21 người thiệt mạng và khoảng 40 người bị thương.

7. Thăm dò ý kiến cho thấy người Nga ngày càng miễn cưỡng đấu tranh cho đất nước của họ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russians Increasingly Reluctant to Fight for Their Country: Poll”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một cuộc thăm dò mới, người Nga ngày càng miễn cưỡng chiến đấu vì đất nước của mình.

Dữ liệu do Gallup thu thập, công bố vào ngày 11 tháng 3, cho thấy ở Nga, 32% nói rằng họ sẵn sàng tham chiến vì đất nước nếu cần - giảm từ mức 59% một thập kỷ trước.

Công ty tư vấn và phân tích đa quốc gia của Hoa Kỳ đã yêu cầu các quốc gia trên toàn thế giới trả lời câu hỏi: “Nếu đất nước của bạn xảy ra chiến tranh, bạn có sẵn sàng chiến đấu vì đất nước của mình không?”

Cuộc thăm dò cho thấy 20% số người được hỏi ở Nga không sẵn sàng chiến đấu cho đất nước của họ và 48% trả lời rằng họ “không biết”.

Gallup nói: “Nhưng hãy lưu ý rằng câu hỏi này được đặt ra ở một quốc gia mà việc phản đối chiến tranh là một tội ác. Điều này đề cập đến đạo luật được Quốc hội Nga thông qua vào tháng 3 năm 2022, áp dụng các mức án tù lên tới 15 năm vì cố tình phát tán tin tức “giả mạo” về quân đội Nga.

Điện Cẩm Linh đã sử dụng luật này để trấn áp những người tránh xa câu chuyện của Putin về cuộc chiến, và nhiều người được cho là đã trả lời các cuộc thăm dò dư luận về chủ đề này một cách không trung thực vì sợ bị trả thù.

Việc công bố cuộc thăm dò của Gallup diễn ra ngay sau lễ kỷ niệm hai năm cuộc chiến Ukraine, bắt đầu khi Putin phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào đất nước này vào tháng 2 năm 2022.

Gallup cho biết tổng cộng 46.138 người đã được phỏng vấn trên toàn cầu. “Ở mỗi quốc gia, một mẫu đại diện gồm khoảng 1000 nam và nữ đã được phỏng vấn trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023, trực tiếp, qua điện thoại hoặc trực tuyến,” nó cho biết thêm. “Biên độ sai số của cuộc khảo sát là từ +3-5% ở mức độ tin cậy 95%.”

Cuộc thăm dò trước đây cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc xung đột đã giảm đáng kể.

Vào tháng 11 năm 2023, một cuộc thăm dò của Trung tâm Levada của Nga, một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mạc Tư Khoa, cho thấy 70% người Nga sẽ ủng hộ Putin nếu ông quyết định chấm dứt xung đột. Trung tâm Levada đã khảo sát 1.608 người trên khắp nước Nga từ ngày 19 tháng 10 đến ngày 25 tháng 10.

Tuy nhiên, nếu kết thúc chiến tranh sẽ bao gồm việc Nga trả lại các vùng lãnh thổ mà nước này đã xâm lược và sáp nhập trong suốt cuộc xung đột, thì chỉ 34% số người được hỏi cho biết họ sẽ ủng hộ quyết định đó, cuộc thăm dò cho thấy.

Khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga đã được nêu ra nhiều lần. Tháng trước, ông Putin cho biết một thỏa thuận hòa bình vẫn có thể đạt được khi ông được cựu người dẫn chương trình Fox News Tucker Carlson phỏng vấn ở Mạc Tư Khoa.

Mạc Tư Khoa đã chỉ định một số điều kiện không thể thương lượng, bao gồm cả việc Kyiv phải chấp nhận việc sáp nhập bốn khu vực của mình vào tháng 9 năm 2022 – Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia – sau các cuộc trưng cầu dân ý do Putin kêu gọi bị cộng đồng quốc tế coi là bất hợp pháp.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải vô hiệu hóa những cuộc sáp nhập đó và Crimea, nơi được Putin sáp nhập vào năm 2014, phải được trả lại cho nước này.

8. Lực lượng phòng vệ phá hủy 2 kho đạn, 11 xe thiết giáp của quân xâm lược ở miền nam Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 17 Tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ qua, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tiêu diệt 117 kẻ xâm lược, một hệ thống giám sát video Murom-M, 11 xe thiết giáp, hai kho đạn dược dã chiến và một kho nhiên liệu của đối phương ở phía nam đất nước.

“Lực lượng phòng thủ tiếp tục tấn công các vị trí phòng thủ, và khu vực hậu phương của quân xâm lược. Trong ngày, chúng tôi nhận được xác nhận 117 quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 2 khẩu pháo; 5 súng cối; 1 hệ thống tác chiến điện tử di động; 1 hệ thống giám sát video Murom-M; và 11 xe thiết giáp”.

Ngoài ra còn có hai điểm chứa đạn dược và một kho nhiên liệu.

Như Ukrinform đưa tin, tổn thất của quân đội Nga tại Ukraine từ ngày 24/2/2022 đến ngày 16/3/2024 lên tới khoảng 429.580 quân, trong đó có 1.160 binh sĩ thiệt mạng và bị thương trong ngày qua.

9. Kyiv cho biết chính quyền Nga sử dụng chính công dân của mình làm lá chắn sống

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Authorities Using Own Citizens as Human Shields: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo tình báo quân sự Ukraine, chính quyền Nga đang sử dụng chính công dân của mình làm “lá chắn sống” trong khi chống lại lời kêu gọi di tản của các lực lượng thân Ukraine nhằm đưa dân ra khỏi khu vực biên giới Belgorod và Kursk.

Ba đơn vị quân cách mạng Nga dang chiến đấu bên cạnh người Ukraine đã kêu gọi Putin ra lệnh di tản khỏi các thành phố Belgorod và Kursk vào đầu tuần này khi họ chuẩn bị pháo kích vào các vị trí của quân Putin trong khu vực.

“Chúng tôi buộc phải tấn công vào các vị trí quân sự”, các nhóm cho biết trong một tuyên bố chung hôm thứ Tư. “Để tránh thương vong cho dân thường, chúng tôi kêu gọi mọi người rời khỏi thành phố ngay lập tức. Chúng tôi kêu gọi chính quyền địa phương cứu mạng người dân và bắt đầu di tản các thành phố Kursk và Belgorod.”

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, cho biết trong một lần xuất hiện trên truyền hình Ukraine hôm thứ Năm rằng chính quyền Nga đã phớt lờ cảnh báo và thay vào đó đã chọn cách gây nguy hiểm cho người dân để bảo vệ “chế độ khủng bố” của Putin.

Yusov nói: “Chính quyền một lần nữa đang cố gắng sử dụng dân thường, đồng bào của họ, làm lá chắn sống để bảo vệ chế độ khủng bố Nga,” Yusov nói trước khi tuyên bố rằng người dân đang bị chặn sử dụng các trung tâm giao thông lớn cho phép họ rời khỏi các thành phố, theo Ukrainska Pravda.

Các nhóm quân cách mạng Nga, được gọi chung là “Tiểu đoàn Siberia”, hồi đầu tuần cho biết họ đã vượt qua lãnh thổ Nga và đang thực hiện sứ mệnh “giải phóng” đồng bào Nga “khỏi đói nghèo” dưới thời Putin.

Các thành viên của tiểu đoàn, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nói với kênh truyền hình Current Time TV bằng tiếng Nga vào tháng 11 rằng họ đã chiến đấu bên cạnh người Ukraine vì sự phân biệt đối xử mà họ phải đối mặt ở Nga và phản đối cuộc chiến của Putin.

Hôm thứ Năm, Tiểu đoàn Siberia cho biết họ đã thiết lập một “hành lang nhân đạo” sẽ tồn tại cho đến sáng thứ Sáu để cho phép “dân thường và quân nhân Nga tự do rời khỏi các khu định cư được chỉ định”.

Tiểu đoàn cho biết: “Chúng tôi kêu gọi di tản khẩn cấp cư dân tại các khu định cư sau ở khu vực biên giới”. “Hãy cứu mạng sống của bạn và con cái của bạn! Chúng tôi thấy quân đội của Putin đang ẩn náu giữa dân thường nên nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm an ninh tối đa cho người dân địa phương”.

Một bài đăng tiếp theo cho rằng “sự hoảng loạn đang lan rộng” ở thị trấn biên giới vùng Belgorod Grayvoron, đồng thời khẳng định rằng những chiếc xe hơi được phát hiện rời khỏi khu vực cho thấy “cư dân Grayvoron đã chú ý đến lời kêu gọi của phe đối lập vũ trang Nga”.

Trước những tuyên bố của tiểu đoàn trong tuần này, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng sử dụng người Ukraine làm lá chắn sống. Ngay trước khi Nga sáp nhập trái phép Crimea vào năm 2014, Putin đã cảnh báo rằng quân đội Nga sẽ “đứng sau nhân dân” ở Ukraine và thách quân đội Kyiv “bắn chính người dân của họ”.

Tháng 12 năm ngoái, xuất hiện một đoạn video được cho là cho thấy quân đội Nga sử dụng các quân nhân Ukraine bị bắt làm lá chắn khi chiến đấu trong phạm vi gần ở vùng Zaporizhzhia của Ukraine.

10. Người Nga phải đối mặt với án tù kéo dài vì bỏ phiếu vào buổi trưa

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russians Face Lengthy Jail Terms for Voting at Noon”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Những cử tri Nga muốn thể hiện sự phản đối của mình đối với cuộc bỏ phiếu tổng thống được kiểm soát chặt chẽ bằng cách đến các điểm bỏ phiếu cùng lúc có thể bị bỏ tù tới 8 năm nếu họ tham gia vào cái được gọi là “cuộc biểu tình chống lại Putin”.

Có rất ít nghi ngờ về việc ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử khi không có sự thay thế thực sự nào cho đương kim Vladimir Putin. Ứng cử viên đối lập hàng đầu, Boris Nadezhdin, bị cấm tranh cử và đối thủ chính trị chính của Putin, Alexei Navalny, chết trong tù.

Tuy nhiên, kể từ cái chết của Navalny, một kế hoạch đã thu hút được sự chú ý kêu gọi người Nga đến các địa điểm bỏ phiếu vào giữa trưa Chúa Nhật, ngày cuối cùng của cuộc bỏ phiếu kéo dài ba ngày.

Trang web “Buổi trưa chống lại Putin” kêu gọi cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu bằng giấy và “làm những gì bạn cho là đúng”, cho dù điều đó có nghĩa là ủng hộ người họ thích, đánh dấu vào từng ô, làm hỏng lá phiếu hoặc hoàn toàn không bỏ phiếu.

“Chúng tôi muốn thời kỳ đen tối này kết thúc”, trang Noon Against Putin cho biết. “Khi đến các điểm bỏ phiếu, chúng tôi sẽ chỉ cho những người khác và tận mắt chứng kiến rằng chúng tôi có rất nhiều người.”

Kênh Telegram của Navalny đã quảng bá ý tưởng này. Nó được ủng hộ bởi vợ của nhà phê bình quá cố Điện Cẩm Linh, Yulia Navalnaya, và được cơ quan truyền thông độc lập Nga Novaya Gazeta mô tả là “minh chứng chính trị của Navalny”.

Tuy nhiên, Văn phòng Công tố Mạc Tư Khoa đã cảnh báo rằng việc tham gia biểu tình như vậy có nguy cơ vi phạm ba điều của Bộ luật Hình sự Nga và có thể phải chịu mức án tối đa từ 5 đến 8 năm. Nó nói rằng những lời kêu gọi tham gia vào các hoạt động công cộng bất hợp pháp “có thể bị trừng phạt theo luật hình sự và hiện hành.”

Khi Putin lên nắm quyền vào năm 2000, hiến pháp Nga chỉ cho phép hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp kéo dài 4 năm. Sau khi nhường chỗ cho Thủ tướng lúc đó là Dmitry Medvedev vào năm 2008, Putin trở lại nắm quyền vào năm 2012 và kể từ đó, những thay đổi hiến pháp có thể khiến ông nắm quyền kiểm soát Điện Cẩm Linh cho đến năm 2036.

Tuy nhiên, trong khi Putin được bảo đảm về chiến thắng, với các cuộc thăm dò do nhà nước tổ chức trong những tuần gần đây cho thấy ông sẽ nhận được 3/4 số phiếu bầu, thì Điện Cẩm Linh sẽ muốn ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao.

“Đây là một cuộc bầu cử cổ điển thuộc loại được các nhà độc tài ưa chuộng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không có ý nghĩa”, John Hall, giáo sư luật, Trường Luật Fowler, Đại học Chapman ở Orange, California, nói với Newsweek.

“Điều quan trọng... đặc biệt nhất là vì Putin sẽ sử dụng chiến thắng bầu cử tất yếu làm bằng chứng cho sự nổi tiếng của cá nhân ông đối với người dân Nga và quan trọng nhất là như một sự chứng thực cho cuộc chiến thảm khốc của ông ở Ukraine.

“ Nó nhằm mục đích hỗ trợ cho ý tưởng rằng cuộc chiến bất hợp pháp của ông ta được người dân Nga ủng hộ rộng rãi. Ông ấy dự định cuộc bầu cử cũng sẽ chứng minh rằng người dân ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine cũng ủng hộ ông ấy và sự xâm lược của Nga”, Hall nói thêm.

Việc bỏ phiếu sớm ở các vùng sâu vùng xa đã bắt đầu vào tháng trước. Tuy nhiên, sau khi các điểm bầu phiếu mở cửa rầm rộ vào thứ Sáu, ít nhất bốn người đã thực hiện các cuộc tấn công đốt phá tại các địa điểm bỏ phiếu. Theo kênh Sota Telegram, đã xảy ra vụ việc một phụ nữ lớn tuổi bị giam giữ vì đốt một điểm bỏ phiếu ở Mạc Tư Khoa.

Oleksandra Matviichuk, luật sư nhân quyền người Ukraine và là người đồng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2022, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không công nhận kết quả của cuộc bầu cử cuối tuần này.

Matviichuk nói trong một tuyên bố với Newsweek: “Buổi biểu diễn được dàn dựng này không liên quan gì đến quyền bầu cử, không có tác động đến việc thay đổi cuộc sống của đất nước và do đó không gây hứng thú ngay cả với người dân Nga”.

Trong khi đó, Stephen Hanson, giáo sư về chính phủ tại Đại học William & Mary ở Virginia, nói với Newsweek: “Putin thực sự không còn coi việc giới hạn nhiệm kỳ tổng thống chính thức là một hạn chế đối với hành động của mình.

“Nếu bằng cách nào đó Putin vẫn còn tại vị vào năm 2036, chắc chắn có thể tìm ra cách để điều chỉnh hiến pháp một lần nữa, nếu nhà lãnh đạo mong muốn điều đó.”
 
Sứ thần Tòa Thánh tại Kyiv: Phản ứng của người Ukraine sau cuộc phỏng vấn cờ trắng
VietCatholic Media
03:34 18/03/2024


1. Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Kyiv thanh minh lập trường của Đức Thánh Cha

Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Kyiv, thủ đô Ukraine, bác bỏ lập trường của những người cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “phò Nga”.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho ký giả đài Truyền hình Thụy Sĩ Ý, Đức Thánh Cha nhắc đến biểu tượng “Trương cờ trắng” mà ký giả nêu lên trong câu hỏi và nhấn mạnh đến sự cần đối thoại, thương thuyết giữa hai phe lâm chiến. Mặc dù có sự thanh minh ngay sau đó của Phát ngôn viên Tòa Thánh nhưng nhiều người ở Ukraine vẫn nghi ngờ lập trường của Đức Thánh Cha. Họ “cay đắng” nghi ngờ ngài “thân và phò Nga”. Họ coi là ngài đề nghị Ukraine hãy “đầu hàng Nga” và họ tự hỏi không biết Vatican có nhận tiền của Putin hay không? Và nếu ngài yêu mến Ukraine thì tại sao không đến thăm nước này và tại sao lại không tố giác Nga?

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo La Stampa, số ra ngày 15 tháng Ba vừa qua ở Ý, Đức Tổng Giám Mục Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh, bác bỏ những lập trường vừa nói, đồng thời nói rằng: “Ukraine cần được hỗ trợ mỗi ngày, kể cả về tinh thần. Cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha bị nhiều người coi là một sự nhìn nhận thất bại, như một cái gì đè nặng và làm cho xuống tinh thần”. Một trong những hậu quả của tình trạng đó, là hiện nay tại Ukraine, người Công Giáo bị dân chúng đối xử với sự ngờ vực.”

Cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha với đài phát thanh và truyền hình Thụy Sĩ được nhiều người đánh giá là một biến cố bất hạnh, lẽ ra không nên xảy ra.

2. Tòa Thánh chúc mừng tín hữu Hồi giáo và kêu gọi hòa bình

Tòa Thánh đã công bố sứ điệp chúc mừng các tín hữu Hồi giáo trên thế giới và kêu gọi cùng nhau dập tắt ngọn lửa chiến tranh và thắp lên ngọn nến hòa bình.

Sứ điệp được Bộ Đối thoại liên tôn của Tòa Thánh công bố hôm 15 tháng Ba vừa qua, với chữ ký của Đức Hồng Y Bộ trưởng Miguel Ángel Ayuso Guixot, người Tây Ban Nha, và Đức ông Tổng thư ký Indunil, người Sri Lanka.

Hai vị khẳng định rằng: “Chúng tôi vui mừng được biết sứ điệp hằng năm của chúng tôi nhân tháng chay tịnh Ramadan mà một phương thế quan trọng để củng cố và xây dựng những quan hệ tốt giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo, nhờ sự phổ biến qua các cơ quan truyền thông truyền thống và tân tiến, đặc biệt là qua các mạng xã hội. Chính vì thế thật là điều hữu ích nếu sứ điệp này được phổ biến trong hai cộng đoàn”.

Sứ điệp Tòa Thánh nhắc đến “nhiều cuộc xung đột vũ trang đang xảy ra hiện nay với những cường độ khác nhau giữa các quốc gia, các tổ chức bất lương, các băng đảng võ trang và dân sự, đó là điều thực đáng báo động...

Tố giác sản xuất và buôn bán võ khí

“Những nguyên nhân gây ra các cuộc xung đột đó thật là đa tạp. Ngoài ý muốn phàm nhân ham thống trị, những tham vọng chính trị địa lý và những lợi lộc kinh tế, một trong những nguyên do chính chắc chắn tạo nên chiến tranh là sự liên tục sản xuất và buôn bán võ khí. Trong lúc một phần gia đình nhân loại của chúng ta chịu đau khổ dữ dằn vì những hậu quả tàn hại của việc sử dụng vũ khí trong các chiến tranh, những người khác thì vui mừng, trong thái độ sống chết mặc bay, vì những lợi lộc kinh tế to lớn đến từ nạn buôn bán vô luân này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả đó là nhúng một miếng bánh trong máu người anh em chúng ta”.

“Nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể vui mừng vì có những tài nguyên lớn lao về nhân sự và tôn giáo để thăng tiến hòa bình. Ước muốn hòa bình và an ninh ăn rễ sâu trong tâm hồn mọi người thiện chí, vì con người không thể không thấy những hậu quả thê thảm của chiến tranh trong sự mất mạng của bao nhiêu người, những người bị thương nặng và nhiều trẻ em mồ côi cũng như các góa phụ... Trong chiến tranh, mọi người đều là kẻ thua. Một lần nữa, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Chỉ có hòa bình là lành mạnh, chứ không phải chiến tranh”.

Tôn trọng sự sống

Sứ điệp Tòa Thánh khẳng định thêm rằng: “Mọi tôn giáo, mỗi đạo theo cách thế của mình, đều coi sự sống con người là thánh thiêng, vì thế đáng được tôn trọng và bảo vệ. Các quốc gia cho phép thực thi án tử hình ngày càng giảm bớt mỗi năm... Mặc dù có những khác biệt nhưng các tôn giáo đều nhìn nhận sự hiện hữu và vai trò quan trọng của lương tâm. Huấn luyện lương tâm tôn trọng giá trị tuyệt đối của sự sống mỗi người và quyền mỗi người được toàn vẹn thể lý, an ninh và một cuộc sống xứng đáng, sẽ góp phần vào việc lên án và loại bỏ chiến tranh, mọi loại chiến tranh”.

“Chúng ta nhìn Đấng Toàn Năng như Thiên Chúa hòa bình, nguồn mạch của hòa bình, Đấng đặc biệt yêu thương tất cả những người hiến thân phụng sự hòa bình.

“Trong tư cách là những tín hữu, chúng ta cũng là những chứng nhân hy vọng... Hy vọng có thể được tượng trưng bằng một cây nến, với ánh sáng chiếu tỏa an ninh và vui mừng, trong khi lửa, mà không chế ngự được, có thể dẫn tới tàn phá các động vật và thực vật, những cơ cấu hạ tầng và sự mất mát về nhân mạng”.

Và Sứ điệp Tòa Thánh kết luận rằng: “Anh chị em Hồi giáo quý mến, chúng ta hãy hiệp nhau để dập tắt những ngọn lửa oán ghét, bạo lực và chiến tranh. Chúng ta hãy thắp lên ngọn nến hòa bình tế nhị bằng cách kín múc trong những nguồn tài nguyên hòa bình hiện hữu trong các truyền thống phong phú về nhân bản và tôn giáo của chúng ta.

“Ước gì cuộc chay tịnh và những việc lành đạo đức của anh chị em trong tháng Ramadan và cử hành lễ Id al-Fitr kết thúc tháng chay tịnh mang lại cho anh chị em những thành quả dồi dào về hòa bình, hy vọng và vui mừng”.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Chúa Nhật 17 Tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay, Chúa nhật thứ năm Mùa Chay, khi chúng ta đã đến gần Tuần Thánh, Chúa Giêsu trong Tin Mừng (x. Ga 12,20-33) nói với chúng ta một điều quan trọng: đó là trên Thập Giá chúng ta sẽ thấy vinh quang của Người và của Chúa Cha (x... câu 23, 28).

Nhưng làm sao vinh quang của Thiên Chúa có thể biểu hiện ngay tại đó, trên Thập Giá? Người ta sẽ nghĩ điều đó chỉ xảy ra trong sự Phục Sinh, chứ không phải trên Thập Giá, đó là một thất bại, một sự nhục nhã. Thay vào đó, hôm nay, khi nói về Cuộc Khổ Nạn của Người, Chúa Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (c. 23). Ý Ngài là sao cơ?

Ngài muốn nói rằng vinh quang đối với Thiên Chúa không tương xứng với thành công, danh tiếng và sự nổi tiếng của con người; vinh quang, đối với Thiên Chúa, không có gì tự quy về nó, nó không phải là một biểu hiện quyền lực hoành tráng để được theo sau bởi những tràng pháo tay của công chúng. Đối với Thiên Chúa, vinh quang là yêu thương đến độ hy sinh mạng sống. Đối với Ngài, sự tôn vinh có nghĩa là hiến dâng chính Ngài, làm cho chính Ngài có thể tiếp cận được, dâng hiến tình yêu của Ngài. Và điều này đạt đến đỉnh điểm trên Thập Giá, ngay tại đó, nơi Chúa Giêsu lan tỏa tình yêu Thiên Chúa đến mức tối đa, tỏ lộ trọn vẹn khuôn mặt của lòng thương xót, ban cho chúng ta sự sống và tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người.

Anh chị em thân mến, từ Thánh Giá, “thánh đường của Thiên Chúa”, Chúa dạy chúng ta rằng vinh quang đích thực, điều không bao giờ phai nhạt và làm cho chúng ta hạnh phúc, được tạo thành từ sự cho đi và sự tha thứ. Cho đi và tha thứ là bản chất của vinh quang Thiên Chúa. Và đối với chúng ta, chúng là lẽ sống. Cho đi và tha thứ là những tiêu chuẩn rất khác với những gì chúng ta thấy xung quanh, cũng như bên trong chúng ta, khi chúng ta coi vinh quang là thứ để nhận hơn là cho đi; một cái gì đó để sở hữu thay vì một cái gì đó để cung cấp. Không, vinh quang trần thế tàn lụi, không để lại niềm vui trong lòng; nó thậm chí còn không dẫn đến điều tốt lành cho mọi người, mà đúng hơn là đưa đến sự chia rẽ, bất hòa và đố kỵ.

Và vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: vinh quang mà tôi mong muốn cho bản thân, cho cuộc đời tôi, mà tôi mơ ước cho tương lai của mình là gì? Đó là gây ấn tượng với người khác bằng năng lực, khả năng của tôi hay những thứ tôi sở hữu? Hay con đường cho đi và tha thứ, con đường của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh, con đường của những người không bao giờ mệt mỏi yêu thương, tin tưởng rằng điều này làm chứng cho Thiên Chúa trong thế giới và làm chứng cho vẻ đẹp của cuộc sống tỏa sáng? Tôi muốn loại vinh quang nào cho bản thân mình? Thật vậy, chúng ta hãy nhớ rằng khi chúng ta cho đi và tha thứ, vinh quang của Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trong chúng ta. Ngay tại đó: khi chúng ta cho đi và tha thứ.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã trung thành theo Chúa Giêsu trong giờ Chịu Khổ nạn, giúp chúng ta trở thành những phản ảnh sống động về tình yêu của Chúa Giêsu.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi nhẹ nhõm khi biết rằng ở Haiti, một giáo viên và bốn trong số sáu tu sĩ của Viện Frères du Sacré-Cœur, bị bắt cóc vào ngày 23 tháng 2 vừa qua, đã được trả tự do. Tôi yêu cầu trả tự do càng sớm càng tốt cho hai anh em còn lại và tất cả những người vẫn đang bị bắt làm con tin tại đất nước thân yêu đầy bạo lực này. Tôi mời gọi tất cả các nhà hoạt động chính trị và xã hội từ bỏ mọi lợi ích cá nhân và thể hiện tinh thần đoàn kết trong việc theo đuổi lợi ích chung, hỗ trợ quá trình chuyển đổi hòa bình sang một đất nước mà với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế có thể được trang bị thể chế vững chắc có khả năng lập lại trật tự và yên bình cho người dân.

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người dân đang bị dày vò bởi chiến tranh ở Ukraine, Palestine và Israel, cũng như ở Sudan. Và chúng ta đừng quên Syria, một đất nước đã phải chịu đau khổ nặng nề trong một thời gian dài vì chiến tranh.

Tôi chào tất cả anh chị em đã đến Rôma, từ Ý và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, tôi chào các sinh viên Tây Ban Nha từ mạng lưới các khu ký túc xá đại học “Camplus”, các nhóm giáo xứ từ Madrid, Pescara, Chieti, Locorotondo và giáo xứ San Giovanni Leonardi ở Rôma. Tôi xin chào Hợp tác xã xã hội Thánh Giuse ở Como, các trẻ em đến từ Perugia, các bạn trẻ ở Bologna trên hành trình Tuyên xưng Đức tin, và các ứng viên Thêm sức từ Pavia, Iolo di Prato và Cavaion Veronese.

Tôi vui mừng chào đón những người tham gia cuộc thi Marathon Rôma, một lễ kỷ niệm truyền thống về thể thao và tình huynh đệ. Một lần nữa trong năm nay, theo sáng kiến của Athletica Vaticana, nhiều vận động viên đã tham gia vào “các cuộc chạy tiếp sức đoàn kết”, trở thành những chứng nhân của sự chia sẻ.

Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Oanh liệt: Kyiv đánh trúng phi trường Moscow. Thủ đô Nga đóng cửa không phận. Shoigu thề sẽ trả thù
VietCatholic Media
15:46 18/03/2024


1. Phi trường Mạc Tư Khoa bị không kích trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Moscow Airport Targeted in Drone Strike”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Theo chính quyền địa phương, các máy bay không người lái mang chất nổ của Ukraine đã tấn công vào thủ đô của Nga trong đêm, khi các cảnh quay chưa được xác minh dường như cho thấy các phương tiện không có người lái đang tiếp cận một trong những phi trường chính của Mạc Tư Khoa.

Một đoạn video ngắn được đăng lên mạng xã hội hôm Chúa Nhật cho thấy ánh sáng lóe lên khi một vật thể không xác định chạm vào mái nhà của nơi dường như là một phần của phi trường Domodedovo ở Mạc Tư Khoa, sau một âm thanh vo ve đặc trưng của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Trong một đoạn clip khác, có thể nghe thấy một tiếng nổ lớn khi người đi đường quan sát và di chuyển để tìm chỗ ẩn nấp. Một video khác được lan truyền trên mạng cho thấy một căn phòng rộng như hang động đầy khói.

Kênh Telegram của Nga Mash đã đăng một đoạn video cho thấy “khoảnh khắc máy bay không người lái của Ukraine bị phá hủy gần phi trường Domodedovo của thủ đô”, đồng thời cho biết thêm rằng các mảnh vỡ đã rơi xuống một nhà kho gần đó.

Ukraine trước đây đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thủ đô của Nga và định kỳ sử dụng các máy bay không người lái để tấn công vào Mạc Tư Khoa, cùng với các khu vực khác trên lãnh thổ Nga.

Kyiv đã phá hủy một loạt tòa nhà ở Mạc Tư Khoa vào mùa hè năm 2023 và đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ Nga rộng lớn hơn trong những tuần gần đây. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã tạm thời làm gián đoạn hoạt động tại các phi trường lớn của Mạc Tư Khoa, bao gồm cả Domodedovo.

Chính quyền Nga cho biết lực lượng phòng không nước này đã tiêu diệt hàng loạt máy bay không người lái của Ukraine trên bầu trời thủ đô, bao gồm cả Domodedovo, nhưng không chỉ định phi trường là mục tiêu.

Hãng tin độc lập Astra của Nga đưa tin, trích dẫn Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang của nước này, các lệnh hạn chế chuyến bay đã được đặt ra ở một số phi trường của thành phố. Hãng thông tấn RIA Novosti được nhà nước Nga hậu thuẫn sau đó đưa tin rằng các biện pháp kiểm soát máy bay cất cánh và hạ cánh tại các phi trường đã được dỡ bỏ.

Ukraine đang phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn gần như liên tục của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. Lực lượng không quân Kyiv hôm Chúa Nhật cho biết họ đã bắn hạ 14 máy bay không người lái cảm tử trong đêm.

Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin sáng sớm Chúa Nhật cho biết lực lượng phòng không ở khu vực Domodedovo của thủ đô đã “đẩy lùi cuộc tấn công của hai máy bay không người lái bay về phía Mạc Tư Khoa”. Sobyanin sau đó cho biết ba máy bay không người lái khác, trong đó có một chiếc bay qua Domodedovo, đã bị lực lượng phòng không bắn hạ.

Ông cho biết như trên rằng các mảnh vỡ rơi xuống nhưng không có thương vong cũng như thiệt hại.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật rằng lực lượng phòng không của nước này đã bắn hạ 35 phương tiện không người lái của Ukraine trên lãnh thổ nước này chỉ trong một đêm, trong đó có 4 phương tiện bay qua khu vực Mạc Tư Khoa. Trong bản cập nhật tiếp theo, chính phủ Nga cho biết họ đã phá hủy một máy bay không người lái khác trên bầu trời thủ đô vào khoảng 10:15 sáng theo giờ Mạc Tư Khoa.

Theo Mạc Tư Khoa, Nga đã bắn hạ 17 máy bay không người lái ở khu vực Krasnodar phía nam đất nước, cũng như 3 máy bay không người lái ở khu vực biên giới Belgorod, và 3 chiếc khác ở Kursk, nằm ở phía bắc Belgorod ở rìa đông bắc Ukraine.

Bộ Quốc phòng Mạc Tư Khoa cho biết, 8 máy bay không người lái khác đã bị chặn trên khắp nước Nga trong đêm.

Chính quyền Nga ở Krasnodar cho biết “một số” máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công vào nhà máy lọc dầu Slavyansk trong khu vực và một đám cháy đã bùng phát tại cơ sở này. Các quan chức Nga sau đó cho biết một người đã chết vì đau tim trong cuộc tấn công và cho biết thêm ngọn lửa đã bị dập tắt.

Ukraine đã nhiều lần nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Nga, trong đó có một số nhà máy lọc dầu trong tuần qua.

Các cuộc tấn công diễn ra vào ngày cuối cùng của cuộc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Nga, với việc Tổng thống Vladimir Putin dự kiến sẽ củng cố quyền lực của mình trong sáu năm nữa trong những cuộc bỏ phiếu không được cộng đồng quốc tế coi là tự do và công bằng.

2. Nga rung chuyển vì vụ nổ thứ sáu tại nhà máy lọc dầu trong một tuần

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Rocked by Sixth Explosion at Oil Refinery in a Week”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ukraine bị cáo buộc đã tấn công một nhà máy lọc dầu khác trong đêm, chính quyền Nga cho biết hôm Chúa Nhật, trong vụ mới nhất trong một loạt vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Mạc Tư Khoa.

Chính quyền địa phương đưa tin hôm Chúa Nhật rằng “Một số” máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công vào nhà máy lọc dầu Slavyansk ở vùng Krasnodar phía nam Nga vào khoảng 3 giờ sáng giờ địa phương. Các quan chức địa phương cho biết, một đám cháy đã bùng phát tại cơ sở khi một trong những máy bay không người lái từ trên trời rơi xuống.

Kyiv đã tăng gấp đôi các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga, như các nhà máy lọc dầu, trong vài ngày qua. Thiệt hại đối với cơ sở Krasnodar dẫn đến một loạt các cuộc tấn công và được cho là nhà máy lọc dầu thứ sáu bị tấn công trong tuần qua, mặc dù truyền thông Ukraine và các quan chức Nga cho rằng số vụ cố gắng tấn công có thể cao hơn.

Các cuộc tấn công dường như nhằm mục đích làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu của Nga và khả năng tiến hành chiến tranh ở Ukraine, đồng thời trùng với thời điểm bầu cử tổng thống dự kiến sẽ duy trì quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin thêm sáu năm nữa. Các cuộc bầu cử không được cộng đồng quốc tế coi là tự do và công bằng.

Mỗi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái “làm gián đoạn hoạt động của một số cơ sở trong vài tuần hoặc vài tháng qua cũng làm gián đoạn tốc độ cung cấp nhiên liệu và chất bôi trơn cho lực lượng xâm lược ở Ukraine”, Andriy Yusov, phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, nói với các phóng viên. Cửa hàng Ukraine, Ukrainska Pravda, vào thứ Sáu.

Trong một tuyên bố tiếp theo vào Chúa Nhật, các quan chức địa phương ở Krasnodar cho biết ngọn lửa đã bị dập tắt hoàn toàn và một người đã chết vì đau tim trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Ukrainska Pravda hôm Chúa Nhật đưa tin rằng cơ quan an ninh Kyiv, lực lượng đặc biệt và các chuyên gia về máy bay không người lái trong lực lượng vũ trang nước này đã tấn công nhà máy Krasnodar.

Bộ Quốc phòng Nga không đề cập đến cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu trong bản cập nhật được công bố vào sáng sớm Chúa Nhật, nhưng cho biết lực lượng phòng thủ của họ đã chặn 17 máy bay không người lái của Ukraine trên khu vực Krasnodar trong đêm.

Hôm thứ Bảy, thống đốc địa phương vùng Samara của Nga cho biết hai trong số các nhà máy lọc dầu của họ đã bị máy bay không người lái tấn công. Thống đốc Dmitry Azarov cho biết máy bay không người lái đã tấn công vào các nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk và Syzran, dẫn đến hỏa hoạn bùng phát tại cơ sở Syzran. Truyền thông Ukraine đưa tin Kyiv đã tấn công vào nhà máy lọc dầu thứ ba, nhưng điều này không được các quan chức Nga đề cập.

Hôm thứ Sáu, Reuters đưa tin Kyiv đã tấn công một nhà máy lọc dầu ở vùng Kaluga của Nga, trích dẫn một nguồn tin tình báo. Vladislav Shapsha, thống đốc quận, cho biết lực lượng phòng không của Nga đã chặn 4 máy bay không người lái trong khu vực và không có thương vong cũng như thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Hôm thứ Tư, Thống đốc vùng Ryazan Pavel Malkov cho biết một nhà máy lọc dầu trong khu vực đã bốc cháy sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine. Sau đó ông cho biết có hai người bị thương.

Riêng hôm thứ Tư, Vasily Golubev, thống đốc khu vực Rostov, cho biết các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã chặn một máy bay không người lái của Ukraine bay qua nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk, tạm thời dừng hoạt động. Thống đốc vùng Leningrad của Nga, Alexander Drozdenko, cho biết trên Telegram hôm thứ Tư rằng một máy bay không người lái đã bị chặn khi đang hướng tới một cơ sở dầu mỏ gần thị trấn Kirishi.

Hôm thứ Ba, các quan chức Nga báo cáo về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào một nhà máy lọc dầu ở vùng Nizhny Novgorod của Nga. Thống đốc Gleb Nikitin cho biết một đám cháy đã bùng phát tại cơ sở lắp đặt và sau đó đã được dập tắt.

Theo Reuters, nhà máy lọc dầu Norsi ở Nizhny Novgorod là nhà máy lớn thứ tư của Nga. Hãng thông tấn này đưa tin ít nhất một nửa hoạt động sản xuất của cơ sở này đã bị dừng lại, trích dẫn các nguồn tin trong ngành.

3. Putin rất giỏi gieo rắc 'nỗi sợ hãi' trong xã hội nhưng lại sợ chiến tranh NATO

Thủ tướng Estonia tuyên bố Vladimir Putin “sợ” xảy ra chiến tranh với các quốc gia NATO.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC do Ukrinform đưa tin, Kaja Kallas kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia cũng hãy suy nghĩ về “điều Putin sợ hãi”.

“Ông ấy đã đe dọa chiến tranh hạt nhân từ khá lâu rồi. Nhưng đó chỉ là lời nói. Ông ta rất giỏi trong việc gieo rắc nỗi sợ hãi trong xã hội của chúng ta và lắng nghe những gì chúng ta sợ hãi,” Kallas nói.

“Chúng ta cũng phải nghĩ xem Putin sợ điều gì. Và thực ra ông ấy sợ gây chiến với các nước NATO. Ông ta không muốn điều đó. Và tất nhiên, chúng ta cũng không muốn điều đó”, cô nói thêm.

4. Nga cáo buộc Ukraine sử dụng “hoạt động khủng bố” để cố gắng phá hoại cuộc bầu cử tổng thống nước này

Nga cáo buộc Ukraine sử dụng “các hoạt động khủng bố” để cố gắng phá rối cuộc bầu cử tổng thống của nước này và cựu tổng thống Dmitry Medvedev đã chỉ trích những người biểu tình rải rác đã phóng hỏa tại các phòng bỏ phiếu và đổ thuốc nhuộm vào thùng phiếu là “những kẻ phản quốc”.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass cho biết một máy bay không người lái của Ukraine đã thả chất nổ gần một điểm bỏ phiếu ở khu vực Zaporizhzhia của Ukraine bị Nga sáp nhập. Không có thương tích hay thiệt hại nào được báo cáo và Reuters không thể xác minh độc lập vụ việc.

Sáng Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo có 35 vụ xâm nhập bằng máy bay không người lái của Ukraine, trong đó có 4 vụ ở khu vực Mạc Tư Khoa và 2 vụ ở các khu vực Kaluga và Yaroslavl lân cận. Bộ Quốc phòng cho biết thêm nhiều máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công ở các khu vực Belgorod, Kursk và Rostov giáp biên giới Ukraine và ở khu vực phía nam Krasnodar.

5. Phản ứng của thế giới trước kết quả Putin thắng cử với 87.9% phiếu bầu

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao David Cameron đã lên tiếng về cuộc bầu cử. Ông nói:

Các cuộc bỏ phiếu đã đóng cửa ở Nga sau khi tổ chức bầu cử bất hợp pháp trên lãnh thổ Ukraine, thiếu sự lựa chọn cho cử tri và không có sự giám sát độc lập của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Âu Châu. Đây không phải là cuộc bầu cử tự do và công bằng.”

Bộ Trưởng Ngoại Giao Ba Lan nói:

Từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 3 năm 2024, cuộc bầu cử tổng thống đã diễn ra ở Nga. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong điều kiện xã hội bị đàn áp cực độ, khiến không thể đưa ra lựa chọn tự do, dân chủ”.

Nữ Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức cũng bình luận:

Cuộc bầu cử giả ở Nga không tự do và không công bằng, kết quả sẽ không làm ai ngạc nhiên. Sự cai trị của Putin là độc tài, ông dựa vào kiểm duyệt, đàn áp và bạo lực. “Cuộc bầu cử” ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine là vô hiệu và là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khác.”

6. Hàng chục người Nga dũng cảm đã đổ về mộ của Alexei Navalny

Tại Mạc Tư Khoa, hôm nay, hàng chục người Nga dũng cảm đã đổ về mộ của Alexei Navalny để 'bỏ phiếu' một cách tượng trưng cho chính trị gia đối lập quá cố đã qua đời, đoạn phim truyền hình cho thấy.

Navalny được chôn cất tại nghĩa trang Borisovo ở miền nam Mạc Tư Khoa vào ngày 1 tháng 3.

Đoạn video được hãng tin Novaya Gazeta Europe và các phương tiện truyền thông khác đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng chục người ủng hộ Navalny đến mộ ông. Reuters đưa tin, họ đã đặt nhiều lời tri ân khác nhau, với những cụm từ như “Chúng tôi chọn bạn” được viết trên đó.

Phiếu bầu cử chính thức đã được sửa đổi để đưa tên Navalny vào danh sách ứng cử viên có dấu tích bên cạnh cũng được hiển thị.

Những người ủng hộ đã đặt hoa lên mộ của Navalny, nơi đã chất đầy hoa.

7. Nhà máy lọc dầu Slavyansk ở vùng Krasnodar của Nga bốc cháy hôm Chúa Nhật

Các quan chức địa phương cho biết, nhà máy lọc dầu Slavyansk ở vùng Krasnodar của Nga đã bốc cháy hôm Chúa Nhật sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine và một người nghi ngờ đã chết vì đau tim. Các video trực tuyến cho thấy các vụ nổ và lửa, cùng với âm thanh của máy bay không người lái đang tiếp cận hiện trường.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ca ngợi quân đội Ukraine về “khả năng tầm xa” mới, trong một diễn từ gởi quốc dân đồng bào. “Những gì máy bay không người lái của chúng ta có khả năng thực hiện thực sự là khả năng tầm xa của Ukraine. Ukraine bây giờ sẽ luôn có một lực lượng tấn công trên bầu trời”, ông nói.

Thống đốc khu vực cho biết bình luận của ông Zelenskiy được đưa ra sau khi máy bay không người lái của Ukraine tấn công hai nhà máy lọc dầu Rosneft ở khu vực Samara của Nga, khiến một cơ sở bị bốc cháy hôm thứ Bảy. Dmitry Azarov cho biết trên Telegram rằng nhà máy lọc dầu Syzran ở vùng sông Volga đang bốc cháy. Các quan chức cũng xác nhận một cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu Novokubyshev. Nhiều cuộc tấn công khác trong tuần qua đã gây thiệt hại lớn cho các nhà máy lọc dầu của Nga.

8. Vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào thành phố cảng Mykolaiv ở Hắc Hải

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Hai, 18 Tháng Ba, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết ít nhất 6 người đã bị thương trong vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào thành phố cảng Mykolaiv ở Hắc Hải vào sáng sớm hôm nay.

“Cảnh sát đã tìm thấy một cô gái bị thương do mảnh đạn và được cấp cứu ngay tại chỗ và đưa đến bệnh viện”

Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết: “Hậu quả của vụ tấn công là nhà cửa, phương tiện và cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng nề”.

Cô cho biết nhiều ngôi nhà bị phá hủy, cùng với những chiếc xe hơi bị cháy rụi, trong đó có một chiếc có một đôi giày bị bỏ rơi và các vật dụng hư hỏng khác nằm rải rác trên mặt đất dọc theo cửa tài xế đang mở và các nhân viên cấp cứu hỗ trợ mọi người rời khỏi hiện trường bên cạnh một chiếc xe hơi bị cháy đen.

Trong một diễn biến khác, quân đội Ukraine cho biết các cuộc không kích của Nga đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nông nghiệp và phá hủy một số tòa nhà công nghiệp ở Odesa.

Thống đốc khu vực Mykolaiv, Vitaliy Kim, cho biết trên Telegram rằng đã có hai cuộc tấn công vào Mykolaiv đến từ cùng hướng với cuộc tấn công vào Odesa.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 16 máy bay không người lái và 7 hỏa tiễn, đồng thời 14 máy bay không người lái đã bị phá hủy trên khu vực Odesa.

9. Nga thề sẽ đáp trả mạnh mẽ trước những thất bại của hải quân ở Hắc Hải

Theo Mạc Tư Khoa, Nga đang nâng cấp hạm đội Hắc Hải của mình với các loại vũ khí bổ sung nhằm ngăn chặn sự thành công của Ukraine trong việc sử dụng thuyền không người lái của hải quân chống lại các tài sản quý giá của nước này xung quanh bán đảo Crimea bị sáp nhập.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu “đã ra lệnh lắp đặt thêm vũ khí hỏa lực, hệ thống súng máy cỡ nòng lớn để tiêu diệt máy bay không người lái của đối phương”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm Chúa Nhật. Các khẩu súng này sẽ được triển khai trên các tàu của hạm đội Hắc Hải.

Nga đã chịu tổn thất nặng nề về hạm đội Hắc Hải của mình dưới tay Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022, khi Điện Cẩm Linh tiến hành cuộc xâm lược toàn diện. Mạc Tư Khoa đã kiểm soát Crimea kể từ khi sáp nhập bán đảo này từ Ukraine vào năm 2014, nhưng Kyiv tuyên bố sẽ chiếm lại bán đảo này.

Ukraine đã đạt được nhiều thành công hơn trong việc tấn công Nga ở Hắc Hải so với các hoạt động trên bộ khi Mạc Tư Khoa tiếp tục giành được lợi thế về phía tây dọc theo chiến tuyến. Nhưng quân đội Kyiv, mặc dù chỉ có một lực lượng hải quân nhỏ, đã sử dụng các tàu hải quân không người lái MAGURA V5 tự sản xuất trong một loạt các cuộc tấn công kịch tính vào hạm đội Hắc Hải, tiêu diệt một loạt tàu trong vài tháng qua.

Thuyền không người lái của hải quân Ukraine đã phá hủy tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn Ivanovets của Nga vào tháng 2. Cuối tháng đó, Kyiv cho biết họ đã tấn công vào Caesar Kunikov, một tàu đổ bộ lớn, với các phương tiện mặt nước không có người điều khiển, và trước đó vào tháng 3, Ukraine đã đăng tải đoạn phim cho thấy máy bay không người lái MAGURA V5 tấn công Sergei Kotov, một trong bốn tàu tuần tra Dự án 22160 của Nga.

Nga đã phải vật lộn để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thường xuyên của Ukraine bằng các phương tiện không người lái kamikaze. Mạc Tư Khoa cho biết hôm Chúa Nhật rằng hỏa lực mới sẽ giúp “tăng khả năng sống sót của tàu bè” cùng với các chương trình huấn luyện mới “cả ban ngày lẫn ban đêm để đẩy lùi các cuộc tấn công khủng bố của đối phương”.

“ Hàng ngày cần phải tiến hành đào tạo nhân sự. “Huấn luyện đẩy lùi các cuộc không kích và tấn công của tàu không người lái. Hãy tiến hành cả ngày lẫn đêm để tất cả thủy thủ đoàn của chúng tôi đều sẵn sàng.”

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết vào tháng 12 rằng Điện Cẩm Linh đã mất 20% hạm đội Hắc Hải trong 4 tháng trước đó, đồng thời nói thêm: “Sự thống trị của Nga ở Hắc Hải hiện đang bị thách thức”.

Điện Cẩm Linh đã di dời một số tài sản ở Hắc Hải từ Crimea đến căn cứ Novorossiysk ở vùng Krasnodar của Nga, cách xa bờ biển Ukraine hơn. Mạc Tư Khoa cũng được cho là đang thành lập một căn cứ khác ở Abkhazia, một khu vực ly khai được quốc tế công nhận là một phần của Georgia. Điều này sẽ đẩy các nguồn tài nguyên của Nga ra xa tầm tay của Ukraine hơn nữa.

10. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga đã cố gắng gợi ý rằng công dân Nga không tham gia vào các cuộc biểu tình chống Putin

Trong cuộc họp báo sáng Thứ Hai, 18 Tháng Ba, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, đã cố gắng gợi ý rằng công dân Nga không tham gia vào các cuộc biểu tình chống Putin đang diễn ra bên ngoài các đại sứ quán Nga trên khắp thế giới.

Cô đặt câu hỏi liệu tất cả những người bỏ phiếu tại đại sứ quán nước ngoài có phải là đối thủ của Putin hay không và cáo buộc truyền thông phương Tây đã tuyên truyền về các sự kiện này.

Zakharova nói: “Công dân Nga đã không đến tham dự các cuộc biểu tình và biểu diễn mà các chế độ không thân thiện và các dịch vụ thông tin trả tiền cho màn trình diễn”.

“Họ đến để bỏ phiếu. Họ bầu cho ai và bầu như thế nào là sự lựa chọn tự do của họ. Nhưng việc họ từ chối lời kêu gọi của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội là điều hiển nhiên đối với mọi người”.

Những người biểu tình đại diện cho một phần nhỏ trong số 114 triệu cử tri của Nga và dường như không có bất kỳ tác động nào đến kết quả cuối cùng.

11. Putin 'thắng' gian lận bầu cử Nga với 87% phiếu bầu

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin ‘wins’ rigged Russian election with 87 percent of the vote”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Kết quả sơ bộ cho thấy một chiến thắng áp đảo dành cho Vladimir Putin nhưng hàng ngàn người biểu tình phản đối tại các điểm bỏ phiếu và đại sứ quán Nga trên toàn thế giới.

Vladimir Putin siết chặt quyền lực, tuyên bố thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa với tư cách là tổng thống Nga sau một cuộc bầu cử bị bóp méo một cách tàn bạo, trong đó tất cả những kẻ thách thức nghiêm trọng đều bị tiêu diệt trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu.

Các quan chức bầu cử cho biết, với 50% số phiếu đã được kiểm, số phiếu bầu của Putin đạt 87,3%. Theo số liệu mới nhất từ chính quyền Nga, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 73,33%.

Chiến thắng của Putin không bao giờ bị nghi ngờ nhưng đây là tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất mà ông ta giành được trong bất kỳ chiến thắng nào trong số 5 chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống kể từ lần đầu tiên vào năm 2000. Ở tuổi 71, ông đã là nhà lãnh đạo Nga tại vị lâu nhất kể từ khi Josef Stalin nắm quyền. Putin đã đánh bại kỷ lục đó của Stalin. Một lễ kỷ niệm chính thức được lên kế hoạch vào hôm thứ Hai.

Phát biểu sau khi kết quả ban đầu được công bố, ông Putin cam kết sẽ dẫn dắt Nga giành chiến thắng trong việc đạt được các mục tiêu của mình, đồng thời khẳng định “chưa có ai trong lịch sử từng thành công” trong việc đàn áp ý chí của người Nga. “Họ đã thất bại bây giờ và họ sẽ thất bại trong tương lai,” ông nói.

Kết quả này còn hơn cả mục tiêu là một chiến thắng áp đảo nhằm củng cố tuyên bố của Putin rằng người Nga hết lòng ủng hộ nhà lãnh đạo của họ và cuộc xâm lược Ukraine của ông. Ba ngày bỏ phiếu là một cuộc vận động ủng hộ Putin và là phép thử lòng trung thành đối với bộ máy nhà nước Nga.

Nikolai Petrov từ tổ chức tư vấn đối ngoại Chatham House ở Luân Đôn cho biết kết quả này đã khiến Nga trở thành một “chế độ chuyên chế hoàn toàn được củng cố”.

Chiến dịch bầu cử chứng kiến ba ứng cử viên khác không chỉ trích tổng thống đã bị lu mờ bởi cái chết của đối thủ chính của Putin, Alexei Navalny vào tháng trước.

Ngay cả khi đã loại bỏ Navalny, Putin cũng không cho ai có cơ hội nào. Trong hai ngày bỏ phiếu đầu tiên, hàng ngàn nhân viên khu vực công, sinh viên và công nhân từ các tập đoàn Nga đã buộc phải bỏ phiếu.

Việc bỏ phiếu được ban quản lý giám sát - các nhân viên công vụ được yêu cầu báo cáo lại sau khi họ bỏ phiếu. Ở một số vùng, họ thậm chí còn phải đưa người thân đi cùng và chia sẻ vị trí địa lý của mình với người giám sát thông qua một ứng dụng được thiết kế đặc biệt.

Lửa và sơn

Nhưng Putin đã không làm được mọi việc theo ý mình. Hình ảnh đồng thanh dự định đã bị hủy hoại bởi hàng chục cuộc tấn công vào các điểm bỏ phiếu. Ở khoảng 20 khu vực của Nga, người dân đốt các phòng bỏ phiếu hoặc đổ sơn vào thùng phiếu.

Nhà chức trách khẳng định những kẻ tấn công - nhiều người trong số họ là phụ nữ lớn tuổi - đã hành động theo hướng dẫn từ nước ngoài. Tất cả những người liên quan hiện phải đối mặt với nguy cơ bị kết án lên tới 5 năm tù.

Sự phản kháng đáng kể nhất chống lại Putin xảy ra vào trưa Chúa Nhật, khi phe đối lập ở Nga tập hợp những người ủng hộ họ cho cuộc biểu tình “Buổi trưa chống lại Putin”. Sáng kiến này khuyến khích người dân đi bỏ phiếu lúc 12 giờ trưa và đồng thời bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào không phải là Putin.

Cuộc biểu tình vào buổi trưa nhằm mục đích thách thức tính hợp pháp của Putin, cả trong nước và quốc tế. Vợ góa của Navalny, Yulia Navalnaya, đã tham gia biểu tình ở Berlin sau khi khuyến khích động thái của phe đối lập vào buổi trưa. Cô nói với các nhà báo sau khi tự mình bỏ phiếu rằng cô đã viết tên người chồng quá cố của mình trên lá phiếu.

Bà nói: “Không thể nào chỉ một tháng trước cuộc bầu cử, trong chiến dịch tranh cử, đối thủ chính của Putin, người vốn đã ở trong tù, lại bị giết”.

Hàng ngàn người đã tham gia vào hành động tương tự trên khắp thế giới. Những đám đông lớn bất thường đã được nhìn thấy tại các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Nga, từ các thị trấn nhỏ nhất ở Siberia đến Mạc Tư Khoa và St. Petersburg, cũng như tại các đại sứ quán và lãnh sự quán Nga trên toàn thế giới – từ Phuket đến Paris và Brussels.

Daniel, người đã bỏ phiếu ở lãnh sự quán Nga ở Almaty, Kazakhstan, cho biết: “Đây là một cơ hội tuyệt vời để tạo ra vẻ ngoài rằng có những người không hài lòng với tình hình hiện tại, những người sẵn sàng đoàn kết để hành động tập thể, và có rất nhiều người trong số họ”. Anh ta từ chối cung cấp tên đầy đủ của mình vì lo ngại về khả năng bị trả thù.

Kể từ thời điểm cuộc biểu tình theo kế hoạch được công bố, nhà nước Nga đã tiến hành một nỗ lực phối hợp để phá hoại nó. Chính quyền địa phương ở Nga đã tổ chức các sự kiện công cộng giả vào buổi trưa để đánh lạc hướng cử tri.

Ngoài ra, còn có một số đợt gửi thư lừa đảo nhắm vào các cử tri đối lập ở Nga. Người đầu tiên, vào thứ Tư, đã khai man là thuộc nhóm của Navalny, thông báo hoãn cuộc biểu tình. Đội của Navalny nhanh chóng phủ nhận mọi sự chậm trễ.

Bức thư thứ hai, được gửi vào hôm thứ Bảy, nhằm mục đích đe dọa cử tri bằng thông điệp có nội dung: “Xin chào! Mặc dù thực tế là bạn ủng hộ ý tưởng của một tổ chức cực đoan, chúng tôi rất vui vì bạn sẽ bỏ phiếu ở Mạc Tư Khoa, vì mọi lá phiếu đều quan trọng! Chúng tôi kêu gọi bạn đừng khuất phục trước ý tưởng của những kẻ đang tìm cách lừa dối bạn và hãy bỏ phiếu một cách bình tĩnh, không xếp hàng hay khiêu khích.”

Yekaterina Duntsova và Boris Nadezhdin - hai ứng cử viên tiềm năng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình ngay lập tức và chấm dứt chiến tranh - đã bị cấm tranh cử với Putin trong cuộc tranh cử.

Các chính phủ nước ngoài lên tiếng chế nhạo cuộc bỏ phiếu ủng hộ Putin được tổ chức. “Cuộc bầu cử giả ở #Nga không tự do và công bằng, kết quả sẽ không làm ai ngạc nhiên,” Bộ Ngoại giao Đức đăng trên X. “Sự cai trị của Putin là độc tài, ông ấy dựa vào kiểm duyệt, đàn áp và bạo lực. 'Cuộc bầu cử' ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của #Ukraine là vô hiệu và là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khác.”

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc cho biết: “Cuộc bầu cử rõ ràng là không tự do và công bằng vì cách ông Putin đã bỏ tù các đối thủ chính trị và ngăn cản những người khác chống lại ông ấy”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói: “Những ngày này, nhà độc tài Nga đang giả mạo một cuộc bầu cử khác. Mọi người trên thế giới đều thấy rõ rằng nhân vật này, như đã từng xảy ra trong lịch sử, chỉ đơn giản là đắm say quyền lực và đang làm mọi cách để thống trị mãi mãi.”
 
Vì Fiducia, GH Coptic cắt đứt đối thoại với Công Giáo. LM Cuba: Cộng sản sẽ chấm dứt, GH sẽ tồn tại
VietCatholic Media
17:06 18/03/2024


1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thánh Giuse, phu quân của Đức Trinh Nữ Maria

THỨ BA 19/3/ 2024

2 Samuên 7:4-5, 12-14, 16

Thánh Vịnh 88(89):2-5, 27, 29

Rôma 4:13, 16-18, 22

Mt 1:16, 18-21, 24

Ông đã làm những gì thiên sứ của Chúa bảo ông làm. Mt 1:24

Cuộc đời của Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã không rao giảng một Tin Mừng thịnh vượng mà trong đó tôi có thể tận hưởng một cuộc sống thành công và thoải mái nếu tôi tuyên bố mình là người theo Chúa Kitô. Đúng hơn, Chúa yêu cầu chúng ta phải trung thành với Ngài bất kể chúng ta có đạt được thành công trong cuộc sống này hay không. Chúng ta, với tư cách là những vị thánh đang trong quá trình hình thành, thuộc về hàng dài các vị thánh bị đóng đinh, chặt đầu, bị thiêu, nghèo khó, bị bỏ rơi, bị cầm tù, bị hiểu lầm, bị tẩy chay và hơn thế nữa! Không bao giờ chúng ta tìm thấy một vị thánh mà người ta nói.

“Anh ta kiếm được rất nhiều tiền, có một cuộc sống lâu dài hạnh phúc vô bờ bến và mọi người đều thích anh ta.”

Thánh Giuse đã có một khởi đầu rất khó hiểu trong cuộc hôn nhân của mình, sống như một người tị nạn một thời gian và làm việc chăm chỉ để hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, ngài cũng biết sự bình yên khi sống một cuộc phiêu lưu siêu nhiên khi nhận biết Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, chia sẻ cuộc sống với Người tại nhà riêng và cuộc sống thường ngày của mình. Thánh Giuse không chọn tự quy chiếu, nhưng chọn cách trung thành thực hiện những gì Thiên Chúa yêu cầu. Ngài chọn sự chung thủy hơn là thành công và thoải mái. Lòng trung thành của Ngài đã mở đường cho một tương lai thịnh vượng vĩnh cửu cho tất cả những ai biết đến Con Ngài, là Chúa Giêsu.

Nếu chúng ta đón tiếp Chúa Kitô vào đời mình như Thánh Giuse đã làm, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui, bình an và tự do sâu xa, nhưng đó sẽ là trật tự siêu nhiên, chứ không phải trật tự thuần túy tự nhiên. Sự bình an này sẽ nảy sinh giữa những bối rối và thất vọng đang tràn ngập cuộc sống này.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn trung thành thầm lặng với kế hoạch của Chúa dành cho cuộc đời con như Chúa đã ban cho Thánh Giuse. Amen.

2. Linh mục Cuba: 'Chủ nghĩa Cộng sản sẽ chấm dứt' nhưng 'Giáo hội sẽ tồn tại'

Trong một cuộc phỏng vấn với EWTN Noticias, cơ quan thông tấn tiếng Tây Ban Nha của EWTN News, linh mục người Cuba Alberto Reyes đã nói về sứ vụ tông đồ của ngài tại tỉnh Camagüey, nằm ở khu vực trung tâm của hòn đảo, và về cách ngài bảo vệ quyền tự do tôn giáo trên đảo đã mang lại cho ngài những người bạn cũng như đối phương.

Cha Reyes không ngần ngại nói rằng ở Cuba “chủ nghĩa cộng sản sẽ không tồn tại” và “Giáo hội sẽ vẫn tồn tại”.

Theo phóng viên Rachel Diez của EWTN Noticias, vị linh mục người Cuba làm việc ở Esmeralda, một thị trấn nhỏ “đã từng hưng thịnh”. Ngày nay, cuộc sống hàng ngày của người dân cũng giống như cuộc sống của nhiều người khác ở Cuba, một trong những “nỗi buồn, sự di cư và thiếu thốn”, ngài nhận xét.

Kể từ khi được thụ phong linh mục, Cha Reyes luôn tham gia vào các vùng ngoại vi của xã hội, ở những khu vực rất nghèo, nhưng với một cộng đồng tín hữu luôn sẵn sàng phục vụ như họ ở Esmeralda.

Vị linh mục giáo phận là tiếng nói phê phán chống lại tình trạng nghèo đói cùng cực và các hành động đàn áp của nhà nước cảnh sát, vì chính ngài đã trải qua cả hai điều đó và đã nhìn thấy chúng trong cuộc sống của những người đồng bào Cuba.

Cha Reyes chia sẻ rằng dù lớn lên trong môi trường gần gũi với Giáo hội nhưng ngài chưa bao giờ nghĩ đến việc dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa Giêsu. Ngài nói: “Có người nói rằng tôi rất dũng cảm nhưng điều đó không đúng.

“Tôi nghĩ tôi đã học được cách chạy trốn về phía trước [thay vì chạy trốn khỏi vấn đề để đối mặt trực diện]. Tôi đã học được cách không bị nỗi sợ hãi bắt giữ”, ngài nói thêm và lưu ý rằng ngài đã tận mắt chứng kiến tình trạng nghèo đói cùng cực đang tồn tại ở Cuba. “Ở Maisí tỉnh Guantánamo, tôi thấy trẻ em ngủ trong hộp các tông, điều mà tôi chưa từng thấy trước đây”.

Vị linh mục giải thích rằng ngài cảm thấy cần phải cho thế giới bên ngoài biết về nỗi đau khổ của người dân Cuba để đối chiếu thực tế khủng khiếp đó với những gì bộ máy tuyên truyền nhà nước trình bày với thế giới.

“Đây là một Cuba đang đói và đó là sự thật: Mọi người đang đói. Thiên đường truyền hình và tuyên truyền quốc tế của Cuba không tồn tại. Điều khiến tôi đau lòng nhất về Cuba này là sự vô vọng. Mọi người cảm thấy như họ không thể làm gì được; họ sợ,” Cha Reyes nói.

Vị linh mục nhấn mạnh rằng, nỗi sợ hãi này được hiểu bởi vì mỗi lần người Cuba bày tỏ sự bất đồng với chế độ cộng sản, đều bị làm cho câm nín “bằng đánh đập và bỏ tù”. Ngài nhớ lại các cuộc biểu tình tự phát trên đường phố vào ngày 11 tháng 7 năm 2021 và nói rằng đó là dấu hiệu cho thấy người dân “không muốn hệ thống này”.

Ngày hôm đó hàng ngàn người dân Cuba đã xuống đường kêu gọi tự do và điều kiện sống tốt hơn. Các cuộc biểu tình rầm rộ đã bị chế độ của Tổng thống Miguel Díaz-Canel đàn áp dữ dội và cho đến ngày nay hàng trăm người biểu tình vẫn đang ở trong tù.

Như vị linh mục thấy, vào năm 1959, đất nước này đã ủng hộ cái gọi là cuộc cách mạng Cuba vì “họ đã bị Fidel Castro lừa dối”, người hứa sẽ khôi phục nền dân chủ mà chế độ độc tài của Tổng thống Fulgencio Batista đã đàn áp. Ngài nói thêm: “Chúng tôi đã bị lừa dối và một chế độ độc tài mới được thành lập, đó là một nhà tù vẫn tiếp tục cho đến ngày nay”.

Cha Reyes nói: “Chúng ta hãy trở thành một dân tộc tự do và thịnh vượng, bởi vì không có quyền giữ những người này trong cảnh khốn cùng mà họ đang phải chịu đựng”.

Một số nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Cuba đã dám tố cáo sự lạm dụng của chế độ. Về mặt cá nhân, Cha Reyes là đối tượng phải giám sát vì có “các hành vi phản động”, là thuật ngữ của chế độ nhằm quấy rối những người chỉ trích chính phủ, những người bị coi là đối phương của nhân dân.

“Đã có rất nhiều mối đe dọa, đôi khi tệ hơn và đôi khi ít hơn. Tôi cảm thấy như tôi đang làm những gì tôi phải làm,” ngài nói và lên án bạo lực và đàn áp mà những người bất đồng chính kiến phải chịu trong nước.

Cuối cùng, bất chấp những trở ngại và tình hình phức tạp mà Cuba đang trải qua, vị linh mục nói rằng để đạt được sự thay đổi thực sự trong nước, cần phải có “một dân tộc chấp nhận Thiên Chúa và dấn thân vào con đường thịnh vượng và hòa bình.


Source:Catholic News Agency

3. Cuộc tấn công vào tu viện Coptic ở Nam Phi cướp đi sinh mạng của ba tu sĩ

Giáo Hội Chính thống Coptic thông báo rằng ba tu sĩ đã bị tấn công và sát hại hôm thứ Ba tại tu viện Coptic St. Mark và Thánh Giám Mục Samuel Cha Giải Tội ở Cullinan, Nam Phi, cách thủ đô Pretoria của đất nước 28 dặm về phía đông.

Trong một tuyên bố chính thức, Giáo Hội Coptic cho biết vụ tấn công đã dẫn đến cái chết tử đạo của Cha Takla El-Samouili, cha sở nhà thờ; Cha Youstos Ava-Markos; và Cha Mina Ava-Markosba.

Theo Reuters, cả ba nạn nhân đều được tìm thấy với các vết đâm trong khi người thứ tư sống sót cho biết ngài bị đâm bằng một thanh sắt trước khi bỏ trốn được, phát ngôn nhân cảnh sát Nam Phi, Đại tá Dimakatso Nevhuhulwi, cho biết.

BBC đưa tin một người Ai Cập đã bị bắt vì có thể là nghi phạm.

Đức Thượng Phụ Tawadros II, theo tuyên bố của Giáo Hội, đang theo dõi chặt chẽ các chi tiết của vụ việc, chờ đợi để biết nguyên nhân của nó.

4. Vì Fiducia Supplicans, Giáo hội Ai Cập cắt đứt đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo

Charles Collins, Giám đốc điều hành của Tạp chí Crux, ngày 9 tháng 3, 2024, tường trình rằng một trong những Giáo hội Chính thống Đông phương có ảnh hưởng nhất đã đình chỉ đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo và tái khẳng định sự phản đối của mình đối với “tất cả các hình thức quan hệ đồng tính luyến ái”, trong đòn mới nhất nhằm vào một tài liệu gần đây của Vatican quy định cách thức ban phước lành cho các thành viên của các mối quan hệ đồng tính.

Tuyên bố – “Fiducia Supplicans: Về ý nghĩa mục vụ của các phép lành,” được công bố vào ngày 18 tháng 12 bởi Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández.

Mặc dù nói rằng giáo lý truyền thống của Giáo hội về hôn nhân vẫn không thay đổi, nhưng tài liệu này khuyến khích các giáo sĩ thực hành sự thận trọng và khôn ngoan cá nhân khi tham gia cầu nguyện “của những người, mặc dù ở trong một sự kết hợp không thể so sánh với hôn nhân theo bất cứ cách nào,” tuy nhiên mong muốn phó thác bản thân mình cho Thiên Chúa với một phép lành.

Tài liệu này đã gây ra nhiều tranh cãi trong Giáo Hội Công Giáo, với một số hội đồng giám mục nói rằng họ sẽ từ chối bất cứ điều gì có vẻ là lời chúc phúc cho một cặp đồng tính luyến ái.

Giờ đây Giáo hội Coptic ở Ai Cập đã “quyết định đình chỉ cuộc đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo, đánh giá lại những kết quả mà cuộc đối thoại đã đạt được kể từ khi bắt đầu hai mươi năm trước, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn và cơ chế mới để tiến hành cuộc đối thoại”.

Trong thông cáo ngày 7 tháng 3 của Thượng Hội đồng Giáo hội, Giáo hội Coptic cho biết họ “khẳng định lập trường vững chắc của mình là bác bỏ mọi hình thức quan hệ đồng tính luyến ái, vì chúng vi phạm Kinh thánh và luật mà Thiên Chúa tạo ra con người có nam và nữ, và Giáo hội cho rằng bất cứ phép lành nào, bất kể loại nào, đối với những mối quan hệ như vậy đều là chúc phúc cho tội lỗi, và điều này là không thể chấp nhận được.”

Đây là lời chỉ trích mới nhất của ngài về Fiducia Supplicans do một Giáo hội Đông phương đưa ra.

Ủy ban Thần học-Kinh thánh Thượng hội đồng của Tòa Thượng phụ Mạc tư khoa – cơ quan lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga – đã phát biểu về tài liệu của Vatican vào ngày 20 tháng 2, nói rằng “sự đổi mới này phản ảnh một sự rời xa rõ ràng khỏi giáo huấn đạo đức Kitô giáo”.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev của Budapest, nhà lãnh đạo ủy ban nghiên cứu Fiducia Supplicans, cho biết tài liệu này là “một loại gây sốc”.

Ngài nói trong một cuộc phỏng vấn: “Bây giờ mọi người sẽ tin rằng việc Giáo hội chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái lừa dối những người nhận được phép lành đó và những người chứng kiến điều đó”.

Bất chấp những phản đối này – cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội Công Giáo – Đức Giáo hòng Phanxicô vẫn bảo vệ tài liệu này.

“Mục đích của ‘các phép lành mục vụ và tự phát’ là thể hiện một cách cụ thể sự gần gũi của Chúa và của Giáo hội đối với tất cả những ai, khi thấy mình ở trong những hoàn cảnh khác nhau, xin được giúp đỡ để tiến bước – đôi khi là bắt đầu – một con đường đức tin,” Đức Phanxicô nói vào ngày 26 tháng 1 như thế.

“Tôi muốn nhấn mạnh ngắn gọn hai điều: Thứ nhất là những phép lành này, ngoài bất cứ bối cảnh hay hình thức phụng vụ nào, không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt đạo đức để được lãnh nhận; thứ hai, khi một cặp vợ chồng tự nhiên tiến tới yêu cầu [những phước lành này], thì không phải sự kết hợp được ban phước, mà chỉ là những người cùng đưa ra yêu cầu,” ngài nói tiếp như thế.

Đức Giáo Hoàng nói: “Không phải sự kết hợp, mà là những con người, một cách tự nhiên có tính đến bối cảnh, sự nhạy cảm và những nơi mà người ta sống, cũng như cách thức thích hợp nhất để thực hiện điều đó”. [Bản dịch từ tiếng Ý của Crux.]

Tuy nhiên, động thái mới nhất của Giáo hội Coptic cho thấy có vẻ như Fiducia Supplicans đã hạ nhiệt mối quan hệ với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Tawadros II – nhà lãnh đạo Giáo hội Coptic – lần đầu tiên gặp nhau vào ngày 10 tháng 5 năm 2013 và ấn định ngày này là “Ngày Hữu nghị giữa người Coptic và người Công Giáo” hàng năm.

Cách đây chưa đầy một năm, Đức Phanxicô đã công nhận 21 công nhân Chính thống Coptic bị phiến quân Hồi giáo chặt đầu ở Libya là các vị tử đạo và phong họ vào danh sách Tử đạo Rôma, được coi là một trong những chiến thắng đại kết quan trọng nhất giữa các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống giáo Đông phương.

Vào thời điểm đó, Đức Giám Mục Brian Farrell, thư ký của Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, cho biết: “Đây là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới của các mối quan hệ”.