Ngày 20-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy để đôi mắt được thắp sáng
Lm. Jb Nguyễn Minh Hùng
00:17 20/03/2020

Chúa Nhật IV Mùa Chay A

Người được Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt trong Tin Mừng theo Thánh Gioan hôm nay là "người mù từ thuở mới sinh". Thái độ của anh đối diện với Chúa, với dấu lạ Chúa ban cho anh có nhiều biến đổi:

1. Khởi đầu, khi bị điều tra, anh nói về Chúa quá mơ hồ: "Người có tên là Giêsu trộn một chút bùn và xức vào mắt tôi" (Ga 9, 11). Anh chưa có thể nói thêm bất cứ kinh nghiệm hay cảm nghiệm nào của chính anh về Chúa.

2. Về sau, càng lúc anh càng thấm thía ân huệ mà mình đã nhận được, nhất là khi so sánh thái độ đố kỵ, hung hăng của những người có trách nhiệm khi đối diện với sự thật anh được chữa lành, cõi tâm hồn anh càng lúc càng biến đổi, càng lúc càng nhận ra Chúa. Anh khẳng khái nói về Chúa Giêsu: “Người là một vị ngôn sứ” (Ga 9, 17).

Anh dám phản biện những lời kết án Chúa Giêsu là người tội lỗi: "Ông ấy có phải là người tội lỗi không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được" (Ga 9, 25).

Khi bị tra khảo dồn dập, người từng bị mù còn dám trêu những kẻ đang đe dọa mình: "Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?" (Ga 9, 27).

Càng lúc thái độ của anh càng mạnh mẽ. Anh cho thấy đức tin của mình vào Chúa Giêsu thật lớn, thật can đảm. Anh tuyên bố trước mặt những kẻ nắm quyền hành trong thế gian: “Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9, 31-33).

Hóa ra trước dấu lạ của Chúa, người mù không chỉ đã được sáng đôi mắt. Anh còn sáng cả tâm hồn, sáng cả một đức tin thật kiên cường.

Còn những kẻ chưa bao giờ mù đôi mắt, những kẻ cứ tưởng mình thật sáng suốt vì nắm giữ truyền thống tôn giáo lại là kẻ đui mù. Nguy hiểm và thật đáng sợ vì đây là sự đui mù về tâm linh, về nhận thức chân lý, về sự sống của đức tin.

1. Hành trình đức tin của người mù được chữa lành là khuôn mẫu cho hành trình đức tin của từng người. Chúng ta cần trưởng thành mỗi ngày một hơn trong hành trình sống của mình.

Nhất là những lúc đối diện với nguy nan, thử thách, đối diện với những ai tấn công đức tin của mình, chúng ta càng phải mang trong tâm tư một tư thế của người hãnh diện về đức tin, một tư thế của người luôn xác tín: Chỉ một mình đức tin vào Chúa Giêsu mới là tất cả.

2. Cả thái độ ngạo mạn, kiêu căng của những người bị mù tối tâm hồn cũng thành bài học kinh nghiệm cho chúng ta.

Hãy nhìn vào đó để luôn khiêm nhường nhận ra Chúa, thờ lạy Chúa trong bất cứ những điều tốt đẹp nào, nếu nó mang lại giá trị thiêng liêng cho linh hồn.

Hãy loại khỏi trái tim những đố kỵ, thù hằn, ganh tỵ, ganh ghét, để con mắt tâm hồn được sáng mà nhận ra những huyền nhiệm của Thiên Chúa trong cõi đời, và trong từng hoàn cảnh của đời sống.

Hãy sống có tình người để có thể yêu cái đáng yêu của người khác, cảm thông cái khó khăn của người khác, vui mừng với cái tốt mà người khác có được, hạnh phúc trong niềm hạnh phúc của người khác, đau trong cái đau của người khác, khóc hay cười trong tiếng khóc hay nụ cười của người khác...

Dù bất cứ hoàn cảnh nào, hãy để đôi mắt được thắp sáng.
 
Suy tư trong đại dịch Corona-vuhan
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:58 20/03/2020
SUY TƯ TRONG ĐẠI DỊCH CORONA-VUHAN

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Trong thời ông Nô-ê khi người ta đang bận ăn uống vui chơi, dựng vợ gả chồng, xây dựng nhà cửa, thì thình lình mưa trên trời ập xuống bốn mươi ngày và bốn mưởi đêm (Stk 7, 12) nhận chìm tất cả vào cơn cuồng loạn của hồng thủy. Thiên Chúa đã phạt loài người vì tội lỗi của họ, nhưng trong nhân loại tội lỗi ấy Thiên Chúa vẫn còn nhìn thấy người biết kính sợ Chúa là ông Nô-ê và gia đình của ông, và Chúa đã tha cho họ.

Theo báo Dân Trí số ra ngày thứ sáu 7/2/2020 đưa tin thì trước tết tại Vũ Hán-Trung Quốc, ngày 19/1/2020 chính quyền địa phương đã tổ chức một buổi tất niên có hơn 40.000 hộ tham dự, “nhiều người trong khu dân cư Baibuting, quận Giang Ngạn, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã bắt đầu có triệu chứng sốt sau khi tham dự tiệc tất niên khổng lồ hôm 18/1 ở đây. Điều này buộc chính quyền địa phương gọi 57 tòa nhà ở đây là “tòa nhà sốt”.

Rồi những con virus-Vũ Hán mà các nhà khoa học chỉ nhìn thấy được dưới kinh siêu hiển vi ấy đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân Vũ Hán tại Trung Quốc, nó lây lan từ người này qua người nọ, từ nhà này qua nhà khác, từ nơi công cộng đến nơi riêng tư như phòng ngủ phòng khách phòng ăn của các gia đình…

Có người vui mừng hớn hở nói là Chúa phạt Trung Quốc vì nhà nước bách hại đạo công giáo của Ngài, vì chính quyền bạo ngược kiêu căng muốn viết lại Kinh Thánh của Chúa.

Chính quyền cách ly những người bị nghi nhiễm virus Vũ Hán, gia đình ly tán, bạn bè hàng xóm nghi kỵ nhau, làng trên xóm dưới coi nhau như kẻ thù, người người sợ nhau, nhà nhà nhìn nhau như kẻ thù truyền kiếp. Ma quỷ vui mừng vì con người đối xử với nhau như trong hỏa ngục.

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Từ Vũ Hán-Trung Quốc con virus này đã theo những người về quê ăn tết, du lịch, đi chu du đến mọi miền đất nước, vượt qua biên giới trở thành đại dịch cho thế giới.

Người ta dẹp bỏ các cuộc hội họp đông người, người ta cách ly những người bị nghi và nhiễm bệnh, bởi vì đó là phương pháp hay nhất để khỏi lây lan qua người khác. Sự cách ly này là chính đáng, người tích cực thì cho là tốt và tình nguyện cách ly, người tiêu cực thì lại sợ hãi, trốn tránh và làm cả cho cả xã hội loạn lên vì họ không ý thức được sự nguy hiểm của đại dịch này.

Khi số người bị lây nhiễm quá nhanh, người ta không còn tụ họp đông người nữa, trên các chuyến xe liên lục tỉnh không còn cảnh chen chúc nhau nữa, không còn cảnh quán xá đèn xanh đèn đỏ và người đông như trẩy hội nữa. Ai cũng sợ lây nhiễm, và tìm cách để tránh khỏi nhiễm bệnh.

Từ cách tránh bệnh nơi chỗ đông người này, các giáo dân cũng bị ảnh hưởng của cơn dịch, ít người đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, và ngay cả trong gia đình người ta cũng được khuyên là nên đọc kinh riêng, tránh ngồi đọc kinh chung với nhau…

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Giáo dân đến nhà thờ ít và nỗi lo sợ lây lan nên có nhiều nhà thờ đóng cửa, hủy bỏ các thánh lễ ngày Chúa Nhật, hủy bỏ các buổi họp hành, các lớp giáo lý và các sinh hoạt của giáo xứ đều tạm ngưng, giáo dân hoang mang, đức tin không còn là ngọn đuốc soi đường cho họ nữa, và họ cảm thấy mình bất lực, và có người còn nói Chúa bất lực khi nạn dịch hoành hành đến nỗi phải đóng cửa nhà của Chúa, tức là nhà thờ có Chúa ngự trong bí tích Thánh Thể và giáo dân đến thờ lạy mỗi ngày.

Thời các vua chúa bách hại đạo nhưng không thể cấm họ tụ họp, và càng cấm đạo thì giáo dân càng tìm cách tụ họp lại để cử hành thánh lễ và cầu nguyện chung, các nước cộng sản trong lúc bách hại đạo gay gắt nhất cũng không cấm cản được giáo dân đến nhà thờ. Nhưng với con virus-Vũ Hán này có nhiều nhà thờ trên thế giới bị đóng cửa cách hợp pháp do chính các giám mục của mình vì sợ lây lan cho mọi người khi tụ họp với nhau…

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Khi đóng cửa nhà thờ -với bất cứ lý do gì- thì có hai phản ứng tích cực và tiêu cực: tích cực là giáo dân sẽ yêu mến đi dự thánh lễ hơn, và tiêu cực là giáo dân sẽ quên đến nhà thờ và đức tin sẽ bị lung lay.

Dù cho phản ứng có tích cực hay tiêu cực, thì ma quỷ và những người chống đối, phỉ báng và ghen ghét giáo hội của Chúa vẫn được lợi lộc hơn, nhất là ma quỷ, bởi vì tụi nó “bất chiến tự nhiên thành”.

Nhưng Thiên Chúa luôn thực hiện những công việc mà ma quỷ và con người không thể hiểu được, suy nghĩ của con người thì khác xa với tư tưởng của Chúa như trời với đất, qua cơn đại dịch này có người nói giáo hội công giáo thua rồi, vì ngay cả Rô-ma cũng đóng cửa nhà thờ…

Họ quên mất một điều là như thế này: Đức Giêsu phán với người phụ nữ Samaria: «Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. (Ga 4, 21-23)

“Nhưng giờ đã đến, và chính lúc này đây” là giờ của đại dịch corona-vuhan, giáo dân một số nơi trên thế giới không được đến ngôi nhà thờ thân yêu của mình nữa để tham dự thánh lễ, để lãnh nhận các bí tích, nhưng họ vẫn còn có một ngôi đền thờ mà Thiên Chúa yêu thích nhất, đó là tâm hồn của họ.

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Tâm hồn của các tín hữu là đền thờ của Thiên Chúa, khi cánh cửa của đền thờ xây dựng bằng gạch đá đóng lại, thì cửa của ngôi thánh đường tâm hồn họ mở ra, và chính tâm hồn họ là một nhà tạm di động và sống động, họ không còn phải gò bó bởi giờ giấc của nhà thờ, nhưng họ tự do tự tại đem Chúa đến cho mọi người bằng việc lành phúc đức của họ.

Khi họ hạn chế đi lại ngoài đường thì gia đình trở thành nhà thờ nho nhỏ của họ, cha mẹ con cái có thời gian quây quần bên nhau, chia sẻ với nhau những công việc trong nhà. Tất cả cùng hồi tâm lại và quay trở về với thân phận giáo dân trong gia đình mình bằng những kinh nguyện và chăm sóc lẫn nhau.

Chỉ một con virus vô hình vô dạng mà con người cảm thấy mình bất lực và giới hạn, và người ta nhận ra rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng mới là nơi họ ẩn náu, bởi vì Thiên Chúa đang ở trong tâm hồn của họ, Ngài nhìn thấy tất cả những đau khổ của con người, nhìn thấy sự thất vọng của con người. Và như người nông dân đang sàng lọc và giữ lại những hạt lúa tốt trên cái nia của mình, Thiên Chúa cũng sẽ sàng lọc nhân loại như thế qua cơn đại dịch này, và lời Đức Chúa Giê-su ngày xưa vẫn đang vang vọng trong giáo hội và trong mỗi người chúng ta: “Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Nhà thờ đóng cửa hợp pháp, thời gian thử thách sàng lọc dữ dội bắt đầu.

Các giáo hữu nhiệt thành than trách các giám mục và linh mục sợ hãi trước cơn dịch, họ quên mất một điều trách nhiệm này thuộc về các ngài vì các ngài là những đại diện cho Thiên Chúa, chúng ta cứ việc vâng lời và gia tăng lời cầu nguyện cho mọi người, và tuân giữ những gì mà những người hữu trách chỉ dẫn, đó mới là việc bác ái vĩ đại và yêu mến hội thánh Chúa.

“Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 8b)

Đó là lời cảnh cáo của Đức Chúa Giê-su cho chúng ta trong những giây phút của cơn đại dịch corona-vuhan này.

Xin Thiên Chúa là cha từ bi nhân hậu, thương đến nhân loại đang quằn quại chống chọi với đau khổ, không những với cơn đại dịch này, mà còn những đau khổ khác trong tâm hồn và trong cuộc sống của họ.

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con. (Lc 17, 5) để khi Chúa đến Chúa vẫn còn nhìn thấy con. Amen.

Corona-vuhan, ngày 20 tháng 3 năm 2020

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Xin Cho Con Đừng Thấy !
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:32 20/03/2020
Chúa Nhật IV Mùa Chay A

“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39). Lời khẳng định của Chúa Giêsu xem ra khó nghe thậm chí thật khó hiểu nếu không ở trong ngữ cảnh lúc bấy giờ. Cùng với anh mù từ thưở mới sinh, chúng ta chân thành tin nhận “Người là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Dưới cái nhìn đức tin này chúng ta có thể hiểu phần nào lời tuyên bố của Đấng Cứu Độ.

1. Người làm cho kẻ tự cho mình là thấy, là sáng, là am hiểu, trở nên đui mù, nghĩa là nhận ra sự lệch lạc, sai lầm của mình.

Xem quả thì biết cây. Không ai hái được trái nho nơi bụi gai. “Trong nhóm Pharisiêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabbat”, kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi thì làm sao có thể làm đựơc những dấu lạ như vậy?”. Thế là họ đâm ra chia rẽ. Một dấu lạ vượt quá khả năng bình thường của con người là làm cho kẻ mù từ thưở mới sinh được trông thấy. Đúng là một dấu lạ tốt đẹp. Một hành vi tự nó là tốt đẹp được thực hiện trong một hoàn cảnh trái với quy định của luật lệ thì có còn là tốt đẹp chăng? Nếu luật lệ ấy thuộc hàng thiên luật (như luật tự nhiên, luật mạc khải) thì nói chung là không còn là tốt đẹp vì “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Giúp kẻ nghèo là việc tốt, lo lắng cho gia đình là việc tốt, nhưng không thể biện minh cho cách thế kiếm tiền để làm những điều ấy bằng việc ăn cắp, tham ô, hối lộ…được. Tuy nhiên nếu luật đó thuộc hàng nhân luật (như luật quốc gia, luật Hội Thánh…), thì các việc tốt đẹp cao cả như việc cứu sống người hay mở mắt người mù thì luôn ở trên các quy định của nhân luật. Chúa Kitô không chỉ một lần như trong câu chuyện hôm nay mà đã nhiều lần vạch trần sự sai lầm của một số người biệt phái, luật sĩ khi họ tuyệt đối hoá nhân luật như luật Lễ nghỉ hay các tập tục tiền nhân mà xem nhẹ và bỏ qua lề luật của Thiên Chúa như đức công bình và đạo yêu thương, lòng từ bi và tình thương xót.

Chước cám dỗ muốn tuyệt đối hoá các chỉ thị, các quy định hay luật lệ của mình, dù chỉ là phàm nhân, vẫn còn đó dưới mọi hình thức. Tình trạng “phép vua thua lệ làng hay đạo trời còn dưới ý con người” vẫn đang tồn tại cách này cách khác ngoài xã hội và có khi cả trong các tập thể tôn giáo. Xin cho ánh sáng Đấng Cứu Độ chiếu soi sự u minh của những người tự cho mình là sáng nhưng thực ra đang ở trong mê lầm. “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9,41).

2. Người làm cho người không xem thấy được thấy: Con người thường xem xét dựa vào cái bên ngoài, còn Thiên Chúa thì thấy tận cõi sâu tâm hồn con người. Chính vì thế, để có một cái nhìn quân bình và toàn diện, cần phải biết nhìn theo cách nhìn của Thiên Chúa. Đức Kitô, cuộc đời, những lời giảng dạy và các hoạt động của Người chính là cách thế giúp ta nhìn nhận cuộc đời, con người, các sự vật, hiện tượng cách đúng đắn và chuẩn mực.

Chúa Kitô không chỉ dùng quyền năng làm cho anh mù từ thưở mới sinh được thấy ánh sáng tự nhiên, Người còn khai mở con mắt đức tin của anh khiến anh can đảm nhìn nhận và tuyên xưng Người là một vị Ngôn sứ cho dù phải bị trục xuất ra khỏi Hội đường. Các môn đệ vốn mù tối lầm lạc khi cho rằng anh mù từ thưở mới sinh là do tội của anh ta hoặc do tội của cha mẹ anh ta. Chúa Kitô đã mở mắt cho các ngài để các ngài nhận ra rằng có nhiều sự dữ là do tội lỗi con người gây ra nhưng cũng có nhiều sự dữ xảy ra mà chẳng do bởi lỗi của người này hay người kia. “Đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể được” (Mt 19,26). Qua các sự dữ, Thiên Chúa có thể làm nổi rõ quyền năng và tình yêu của Người.

3. Là ánh sáng thế gian, Chúa Kitô thúc bách ta phải thấy cả những điều ta không muốn thấy. Quả thật, rất nhiều khi ta bị cám dỗ “được không nhìn thấy” để khỏi phải vất vả, khỏi phải hy sinh hay khỏi phải dấn thân, chia sẻ… Mở cửa ra, nhìn thấy người tàn tật, thế là được mời gọi chia sẻ. Một đôi lần thì có thể được, nhưng một ngày mà đến ba bốn lần nhìn thấy thì sao đây? Thấy chuyện bất công là được mời gọi săn tay áo để tạo lập sự công bằng… Không nguyên chỉ vất vả mà còn biết bao điều phiền toái có thể ập đến. Lắm khi chưa được mạ thì má đã sưng hoặc cảnh ai thổi lữa người đó bỏng môi là điều dường như khó tránh.

Lạy Chúa xin cho con đừng thấy. Một lời cầu xin để mình được an phận. Ánh sáng đã đến thế gian. Chúa Kitô đã đến thế gian, Người làm cho kẻ mù được thấy và bắt kẻ không thích nhìn thấy cũng phải thấy, ngoại trừ chính họ tự ý bịt mắt không muốn nhìn. Không cứu sống là đang giết chết. Không làm điều lành là đã làm điều dữ (x.Mc 3,1-5). Phải làm ngay hôm nay những gì ta thấy phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm…Một lời cầu xin thật chính đáng và phải đạo mà Kitô hữu thường xuyên đọc. Thế nhưng khi Chúa cho ta thấy, cho ta biết việc phải làm thì sao đây? Có khi nào ta bị cám dỗ “ước gì đừng thấy, ước gì đừng biết” chăng?

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban mê Thuột.

Attachments area
 
Xin Chúa soi sáng chúng con
Lm Nguyễn Xuân Trường
15:08 20/03/2020

Phúc Âm tuần này kể chuyện Chúa dùng nước miếng chữa mắt người mù. Nghe đến nước bọt có người thốt lên: Giêsu ma, may là thời Chúa chưa bị dịch bệnh Corona!

Cùng với mắt mù, đời còn có lắm thứ mù khác. Mù thể lý, mù tri thức, mù tâm hồn, mù tâm linh. Mù thể lý là mù loà không nhìn thấy gì. Mù tri thức là mù tịt không biểu biết gì. Mù tâm hồn là mù quáng không thấy điều hay lẽ phải. Mù tâm linh là mù tối không thấy Chúa yêu thương. Thực tế cho thấy: mù lòa hay mù tịt chỉ làm thiệt thân phận người mù, còn mù quáng và mù tối khiến cả một tập thể, một đất nước, có khi cả nhân loại lâm vào cơn điêu linh! Câu hỏi được đặt ra: Tôi đang bị mù gì?

Ngày nay người ta có đôi mắt thể lý to tròn hơn, long lanh hơn, nhưng không phải thân xác cứ có đôi mắt sáng thì tâm hồn cũng sáng láng tốt lành, có khi còn ngược lại! Phúc Âm cho thấy những cảnh mù trái ngược nhau. Người mù mắt thì lại sáng tâm hồn tin nhận Chúa, còn những người Pharisiêu sáng mắt thì lại mù tâm hồn đến độ bảo Chúa là kẻ tội lỗi! Còn có sự mù tối nào hơn!?

Muốn thấy rõ cần phải có ánh sáng, không chỉ là ánh sáng con mắt, mà còn cần ánh sáng mặt trời, ánh sáng tâm hồn, ánh sáng tâm linh. Ánh sáng vật lý làm cho ta thấy sự vật, nhưng ánh sáng tinh thần mới làm cho ta thấy lẽ sống! Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là ánh sáng thế gian. Vậy thì, xin cho chúng ta đón nhận ánh sáng Chúa để ta có cách nhìn giống Chúa, nhìn thấy vẻ đẹp của con người cùng cảnh vật xung quanh, nhất là nhìn thấy tình Chúa yêu con như lời kinh nguyện:

Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt,

Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi. Amen
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:57 20/03/2020

26. Làm việc thiện, nếu như không có đức ái thì không giúp gì cả, phút chốc qua đi.

(Thánh Christina)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 20/03/2020
73. ÉP “LIỄU LIỄU CHÂU”

Tang Duyệt có tài khí nên mới mười chín tuổi đã đậu cử nhân.

Năm nọ, thượng phủ ra lệnh điều ông ta qua Liễu Châu làm việc, Tang Duyệt không muốn đi.

Có người hỏi ông ta nguyên nhân tại sao, ông ta thái độ rất ngạo khí nói:

- “Liễu Tông Nguyên đã đến Liễu Châu làm việc, người ta gọi là “Liễu Liễu Châu”, bây giờ lại để tôi đi, không phải là họ kiên quyết để tôi dùng thanh danh mình mà ép ông ta sao? Việc này, xin lỗi Liễu Tông Nguyên, tôi không làm !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 73:

Người kế nhiệm mà giỏi hơn người tiền nhiệm thì dân bớt khổ và bản thân mình cũng phải nổ lực nhiều hơn, bởi vì không một thành quả nào do sự lười biếng và hưởng thụ đem lại, chỉ có những ai tận tụy với công việc của mình mới có thể thành công và được mọi người tín nhiệm...

Có những cha sở thấy cha phó hay cha phụ tá năng nổ giỏi giang hơn mình thì tìm cách này hay cách khác ngăn lại; cũng có những cha phó hay cha phụ tá được giáo dân yêu mến hơn cha sở nên không mấy...vui vẻ, đó là những chuyện ngược đời và ngược với phong cách của một linh mục là nâng đỡ và yêu mến đàn em của mình, bởi vì cha sở không nâng đỡ và tạo điều kiện cho cha phó hay cha phụ tá học hỏi là một điều không mấy tốt đẹp.

Hôm nay mình làm cha sở thì hãy nhớ lại mấy năm trước mình làm cha phó hoặc làm thầy giúp xứ để yêu mến và nâng đỡ đàn em của mình hơn, đó cũng chính là “tình huynh đệ linh mục” vậy.

Được sai đến nhiệm sở mới thì cứ vui vẻ mà đi, dù cho cha sở trước làm không tốt, nhưng hãy làm tốt hơn để danh Thiên Chúa được cả sáng, và giáo dân cũng thấy được tình yêu của Thiên Chúa nơi việc làm của cha sở mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:02 20/03/2020
Chúa Nhật 4 MÙA CHAY

Tin mừng: Ga 9, 1.6-9. 13-17. 34-38

“Anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác và khi về thì nhìn thấy được”.


Anh chị em thân mến,

Theo truyền thống của Giáo Hội, Chúa Nhật thứ tư mùa chay là Chúa Nhật của vui mừng và hy vọng, vui mừng là vì chúng ta sẽ được cùng sống lại với Đức Chúa Giê-su trong đêm phục sinh của Ngài, và hy vọng chờ ngày Ngài đến trong vinh quang phục sinh. Do đó mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chia sẻ nổi vui mừng với người mù đã được Đức Chúa Giê-su làm cho sáng mắt và được nhìn thấy.

Là người Ki-tô hữu, chúng ta đều biết rằng, ngoài con mắt xác thịt ra, thì chúng ta còn có thêm “con mắt đức tin” nữa, con mắt xác thịt thì chúng ta nhìn thấy mọi sự theo xác thịt và tính ích kỷ của chúng ta; con mắt đức tin thì nhìn mọi sự theo sự hướng dẫn của Lời Chúa và lời giáo huấn của Giáo Hội.

Có một câu chuyện nhỏ như thế này:

Có con sâu róm đi ngang qua trước mặt con trâu, con trâu la lớn:

- ”Trời ạ, nó xấu quá”.

Đấng tạo hóa nói:

- “Không, nó rất đẹp”.

- “Ngài cảm thấy nó đẹp ư?”

Con trâu nghi ngờ và cảm thấy ghét, nói tiếp:

- “Ngài coi, toàn thân nó toàn lông là lông, béo phệ ụt ịt, nhìn thấy tởm lợm”.

Đấng tạo hóa nói:

- “Này con, con nhìn vẻ bên ngoài của nó, còn Ta, Ta nhìn vẻ bên trong của nó !”.


Anh chị em thân mến,

Con trâu nhìn vẻ bên ngoài của con sâu róm bằng con mắt xác thịt, nên nó thấy con sâu róm rất xấu và tởm lợm muốn nôn mửa, nhưng Thiên Chúa lại nhìn vẻ bên trong của con sâu róm, nên Ngài thấy nó rất đẹp, bởi vì vẻ xấu xí bên ngoài của con sâu róm sẽ không lâu, và nó sẽ trở thành một con bướm có nhiều màu sắc rực rỡ đẹp đẽ.

Có rất nhiều lần chúng ta nhìn vẻ bên ngoài của người anh em chị em bằng con mắt xác thịt, nên chúng ta chỉ thấy họ toàn là những người xấu, những người tội lỗi đáng bị gạt ra bên ngoài xã hội, cho nên chúng ta không thèm qua lại với họ, thế là chúng ta đã tự mình xây một bức tường ngăn cách giữa chúng ta với tha nhân, giữa Thiên Chúa với chúng ta; con mắt xác thịt chính là những thành kiến nặng nề của mình, nó cũng là những kiêu ngạo và những suy nghĩ thiên vị của chúng ta trong cuộc sống đời thường.

Chúng ta tự hào mình là người sáng mắt, thông biết thiên văn địa lý, cho nên chúng ta coi thường tha nhân, thế nhưng con mắt đức tin của chúng ta đã bị mù mất tiêu mà chúng ta không biết.

Đức Chúa Giê-su đã chữa cho người mù sáng mắt, và đồng thời, Ngài cũng mở mắt đức tin cho anh ta, để anh ta nhận thấy được người đang nói chuyện với mình chính là Đấng Mê-si-a. Chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Giê-su chữa con mắt tâm hồn của mình, để chúng ta không còn nhìn thấy người tội lỗi là người đáng chết, vì Ngài không kết án họ; không còn nhìn thấy người nghèo là những người ăn bám vì Đức Chúa Giê-su vẫn thương xót họ; không còn nhìn thấy những cô gái điếm là những người đáng bị ném đá vì Đức Chúa Giê-su luôn sẵn sàng tha thứ cho họ…

Vui mừng vì mình được chữa lành hơn là bặm môi kết án anh em chị em, hy vọng vì mình được cứu chuộc hơn là thở dài thất vọng vì anh em chị em mình, đó là sứ điệp của Chúa Nhật thứ tư mùa chay hôm nay vậy…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nhân viên y tế và các nhà lãnh đạo dân sự Italia
Đặng Tự Do
06:31 20/03/2020
Lúc 7 sáng thứ Sáu 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các nhân viên y tế và các nhà lãnh đạo dân sự Italia.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm qua, tôi nhận được tin nhắn từ một linh mục từ vùng Bergamo. Cha ấy xin tôi cầu nguyện cho các bác sĩ làm việc ở đó. Họ đang kiệt sức và thực sự cống hiến cuộc sống của họ để giúp đỡ những bệnh nhân, và cứu những người khác. Cha ấy cũng xin tôi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo dân sự đang đương đầu với cuộc khủng hoảng và thường phải đau khổ vì bị hiểu lầm. Họ là những trụ cột giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng này và đang bảo vệ chúng ta khỏi tai họa kinh hoàng này. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung vào chủ đề “quay về với Chúa” như được trình bày trong Bài đọc Thứ Nhất trong ngày.

Bài Ðọc I: Hs 14, 2-10

“Chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: Hỡi Israel, hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi, vì ngươi đã gục ngã trong đường tội ác. Các ngươi hãy mang lấy lời Chúa và trở về với Chúa; các ngươi hãy thưa rằng: “Xin hãy xoá bỏ mọi tội ác, và nhận điều lành. Chúng tôi dâng lên Chúa của lễ ca tụng. Asurô sẽ không giải thoát chúng tôi, chúng tôi sẽ không cỡi ngựa và sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra, vì nơi Chúa, kẻ mồ côi tìm được sự thương xót”.

Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ và đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như cây ô-liu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho. Nó sẽ được lừng danh như rượu Liban.

Hỡi Ephraim, tượng thần giúp ích gì cho ngươi không? Chính Ta sẽ nhậm lời và săn sóc ngươi, cho ngươi mọc lên như cây hương nam xinh tươi. Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả.

Ai là người khôn ngoan hiểu được các việc này, ai là người sáng suốt biết được các việc đó? Vì chưng đường lối của Chúa là đường ngay thẳng và những người công chính sẽ đi trên đó, còn các người gian ác sẽ gục ngã trên đó”.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Những lời của tiên tri Hôsê luôn nhắc nhở tôi về một ca khúc đã được Carlo Buti hát vào 75 năm trước.

“Các gia đình người Ý ở Buenos Aires rất thích nghe bài hát này. Họ rất thích bài hát này. ‘Hãy trở về với bố, ông vẫn sẽ hát cho bạn nghe một bài hát ru’. Hãy trở về. Đó là Cha của anh chị em, người bảo anh chị em trở về. Chúa là bố của anh chị em, Ngài không phải là một thẩm phán. Ngài ấy là bố của anh chị em. Hãy trở về nhà.”

Bài hát mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến có tên là “Torna Piccina Mia”

Người Cha chờ đợi đứa con hoang đàng.

Ký ức về bài hát đó đã dẫn Đức Thánh Cha đến chương 15 trong Tin Mừng theo thánh Luca. Ở đó, một người cha khác đang chờ đợi đứa con trai hoang đàng bỏ nhà đi sau khi lấy hết phần gia tài của nó và lãng phí số tiền ấy.

“Người cha ấy có thể nhìn thấy anh ta từ xa, đó là vì ông đang đợi anh ta. Đã bao nhiêu lần ông lên sân thượng ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, có lẽ là nhiều năm. Ông ấy đã đợi con trai mình.”

Đây là cách Chúa thể hiện sự dịu dàng của Ngài. Điều này nói với chúng ta cách đặc biệt trong Mùa Chay.

Mùa Chay là thời gian để đi vào chính chúng ta và nhớ đến Cha và trở về với Cha của chúng ta. “Nhưng, Cha ơi, con xấu hổ khi quay trở lại bởi vì, Cha biết đấy, con đã làm biết bao những điều sai trái” Chúa sẽ nói gì? Thưa: Ngài sẽ nói với chúng ta: “Hãy trở về. Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. (Hs 14: 4). Hãy trở về với Cha của anh chị em. Đấng dịu dàng sẽ chữa lành chúng ta.

Người Cha này sẽ chữa lành biết bao những vết thương trong cuộc đời của chúng ta.

Quay trở lại với Chúa là quay trở lại với một vòng tay, vòng tay của người Cha.

Xưng tội khi không có linh mục

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: việc quay về với Chúa diễn ra một cách cụ thể trong Bí tích Hòa giải.

Tôi biết rằng nhiều anh chị em đi xưng tội trước Lễ Phục Sinh Nhiều người sẽ nói với tôi: ‘Nhưng Cha ôi, con muốn làm hòa với Chúa lắm nhưng con không thể ra khỏi nhà. Con muốn Ngài ôm chầm lấy con nhưng làm sao con có thể làm được điều đó trừ khi con tìm được một linh mục? Anh chị em hãy làm những gì sách Giáo lý nói. Sách Giáo lý nói rất rõ ràng. Nếu anh chị em không tìm được một linh mục để đi xưng tội, hãy thưa lên với Chúa. Ngài là Cha của anh chị em. Hãy nói với Ngài trong sự thật: Lạy Chúa, con đã làm điều này điều kia. Xin Chúa tha thứ cho con. Hãy cầu xin sự tha thứ của Chúa bằng tất cả trái tim của anh chị em, kết thúc bằng một kinh ăn năn tội và hứa với Ngài, ‘sau này con sẽ đi xưng tội’. Anh chị em sẽ quay về với trạng thái có ân nghĩa với Chúa ngay lập tức. Như sách Giáo lý dạy, anh chị em có thể tự mình đến gần với lòng thương xót Chúa, trong trường hợp không có linh mục.

Để kết luận, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng từ “trở lại”, có thể tìm thấy tiếng vang trong tai chúng ta ngày hôm nay.

Hãy quay trở lại với bố của anh chị em. Hãy trở về với Cha của anh chị em. Ngài đang đợi anh chị em và Ngài sẽ tổ chức một bữa tiệc mừng đón anh chị em.


Source:Vatican News
 
COVID-19: Giáo phận Fort Worth ra sáng kiến cho Rước Lễ ngoài trời.
Trần Mạnh Trác
12:20 20/03/2020
Fort Worth, Texas, ngày 18 tháng 3 năm 2020 ( CNA ).- Đức Giám Mục Michael Olson của Fort Worth đã ban hành một lá thư mục vụ ngày 18 tháng 3 cho việc cử hành Thánh lễ trong muà dịch coronavirus (COVID-19). Những chỉ thị ban hành gồm có một kế hoạch phân phát Bí tích Thánh Thể sau khi các Thánh lễ (kín) kết thúc.

Trong khi tất cả các Thánh lễ phải cử hành không có sự hiện diện của cộng đoàn dân Chuá (kín), ĐGM Olson khuyến khích việc cho rước lễ ở bên ngoài nhà thờ tại một nơi thuận tiện cho những người tiếp nhận đứng cách xa một khoảng cách an toàn.

“Sau khi tham khảo ý kiến với các linh mục và quan chức dân sự ở cấp địa phương và cấp tiểu bang, và hợp tác với họ vì lợi ích chung của xã hội, tôi thông báo với Anh Chị Em rằng Thánh lễ sẽ tiếp tục được cử hành theo lịch trình đã định trên toàn lãnh thổ của Giáo phận Fort Worth, nhưng không có sự hiện diện cuả giáo dân trong nhà thờ,” ĐGM Olson viết.

"Về việc Rước Lễ,” Ngài nói, “Mình Thánh sẽ được phân phát trong một không gian mở (ngoài trời), giữ một khoảng cách an toàn, trên tay và không qua cửa sổ xe hơi.”

Tại quận Tarrant, là quận cuả thị xã Fort Worth, chính quyền dân sự đã kêu gọi hủy bỏ các cuộc tụ họp hơn 250 người.

Khu vực Fort Worth đã có hai trường hợp được xác nhận là COVID-19 tính đến ngày 18 tháng 3.

ĐGM Olson nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn rằng mỗi cha xứ trong giáo phận sẽ chịu trách nhiệm nghĩ ra cách phân phát Mình Thánh trong giáo xứ của mình như thế nào sau những thánh lễ không có giáo dân (Sine Populo).

“Có thể là một nơi được chỉ định ngoài trời, mọi người sẽ không tụ tập hoặc xếp hàng, nhưng sẽ lần lượt đi tới, đón nhận Bí tích Thánh Thể, làm một cử chỉ tôn kính, rồi đi tiếp và tạ ơn ở một nơi an toàn”.

“Tôi để cho các cha sở, sau khi tham khảo ý kiến và nói chuyện với họ, để nghĩ ra cách thức thực hiện như thế nào. "

Hơn 100 giáo phận trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ đã đình chỉ Thánh lễ công cộng sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thúc giục hủy bỏ các cuộc tụ họp từ mười người trở lên và thực hành việc giữ khoảng cách xã hội, tức là ít nhất 6 feet (2m) cách xa người khác.

Các chỉ thị của Địa phận Fort Worth dường như là duy nhất trong quy định của các giáo phận về việc phân phát Bí tích Thánh Thể sau Thánh lễ.

ĐGM Olson nói với CNA rằng “người ta thường coi nhu cầu tâm linh của con người là không thiết yếu,“ nhưng kế hoạch tiếp tục phân phối Bí tích Thánh Thể trong giáo phận của ngài là một cách thức để chăm sóc cả linh hồn lẫn thể xác.

"Đây thực sự là một hoàn cảnh đang thay đổi và chúng tôi phải uyển chuyển để hợp tác [với các cơ quan thế tục]," ĐGM Olson nói.

"Nhưng công việc của Giáo hội phải được tiếp tục, bao gồm việc cử hành Thánh lễ. Các giáo phận khác đang cử hành các Thánh lễ riêng tư, do đó Thánh lễ vẫn diễn ra. Chúng tôi ở đây chỉ muốn kết nối điều này với việc rước lễ... Đây không phải là một hành động thách thức. Đây chỉ là một hành động kết hợp. "

Lá thư mục vụ của ĐGM Olson nói rằng các linh mục và phó tế trên 60 tuổi thì không nên phân phát Mình Thánh, và nhấn mạnh rằng trong tình huống hiện tại thì việc tham dự thánh lễ là một việc làm hầu như là bất khả thi, và do đó không bắt buộc phải tham dự.

ĐGM Olson yêu cầu các linh mục cử hành thánh lễ tại nhà thờ theo đúng thời gian dự kiến và cho ý chỉ được công bố, với sự trợ giúp cuả một phó tế hoặc một em giúp lễ hoặc một tu sĩ.

Nếu thời tiết khắc nghiệt không cho phép việc rước lễ ngoài trời, Ngài nói, thì việc rước lễ có thể được thực hiện trong nhà thờ với khoảng cách xã hội an toàn và không có sự tụ tập theo như giới hạn cuả chính quyền.

Các chỉ thị trên sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 19 tháng 3.

Giáo phận Ft Worth đang làm việc với chính quyền địa phương để đánh giá xem có nên cử hành đám cưới và đám tang trong những tuần tới hay không.
 
Sắc lệnh ban ơn Toàn Xá của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tình trạng dịch bệnh lan tràn hiện nay
J.B. Đặng Minh An dịch
13:04 20/03/2020
Hôm thứ Sáu, ngày 20 tháng Ba năm 2020, Tòa Thánh đã công bố Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao, liên quan đến những ân xá đặc biệt dành cho các tín hữu trong cuộc khủng hoảng đại dịch coronavirus hiện nay. Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa và Đức Ông Krzydztof Nykiel, Nhiếp chính, đã ký Sắc lệnh vào ngày 19 tháng 3.

Trường hợp thứ nhất được hưởng ơn Toàn Xá này là những người nhiễm bệnh đang cách ly tại nhà hoặc tại bệnh viện, theo lệnh kiểm dịch của Cơ quan Y tế, “nếu, với một ý chí từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi, tham gia về mặt tinh thần thông qua các phương tiện truyền thông các Thánh Lễ trực tuyến, hay lần chuỗi Mân Côi, hay thực hành đạo đức đi Đàng Thánh Giá hoặc các hình thức sùng kính khác, nếu ít nhất họ đọc một kinh Tin Kính, một kinh Lạy Cha và một lời cầu khẩn đến Đức Trinh Nữ Maria, dâng thử thách này với một tinh thần đức tin nơi Thiên Chúa và đức ái huynh đệ.”

Tòa Ân Giải Tối Cao nhắc lại các điều kiện luật định để được ơn toàn xá là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Tuy nhiên, việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha có thể làm sau khi có thể.

Trường hợp thứ hai được hưởng ơn Toàn Xá này là các nhân viên y tế, các thân nhân của họ và tất cả những người mà, “theo gương của người Samaritanô nhân hậu, liều mình với các nguy cơ nhiễm trùng khi chăm sóc cho người nhiễm coronavirus, và thực hiện các điều kiện như đề cập đến bên trên.

Trường hợp thứ ba là tất cả mọi tín hữu nào thực hiện các điều kiện như đề cập đến bên trên, đồng thời, “kính viếng Thánh Thể, tham gia vào việc Chầu Mình Thánh Chúa, hoặc đọc Thánh Kinh trong ít nhất nửa giờ, hoặc lần chuỗi Mân Côi, hoặc thực hiện thực hành đạo đức đi Đàng Thánh Giá, hoặc cầu nguyện với Lòng thương xót Chúa, để cầu khẩn Thiên Chúa Toàn năng chấm dứt dịch bệnh, chữa lành cho những người bị ảnh hưởng và ban ơn cứu độ muôn đời cho những người mà Chúa đã gọi về với Ngài”

Toàn văn sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao

Ơn xá đặc biệt được ban cho các tín hữu nhiễm COVID-19, thường được gọi là coronavirus, cũng như cho các nhân viên y tế, người thân của họ và tất cả những người chăm sóc họ ở mọi mức độ.

“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12:12). Những lời này của Thánh Phaolô viết cho Giáo Hội tại Rôma vang lên trong suốt lịch sử của Giáo Hội và định hướng sự phán đoán của các tín hữu trước mọi đau khổ, bệnh tật và tai họa.

Khoảnh khắc hiện tại mà toàn bộ nhân loại đang phải trải qua, khi bị đe dọa bởi một căn bệnh vô hình và quỷ quyệt, trong một thời gian đã bước vào [thế giới] một cách ngạo nghễ để hình thành một phần trong cuộc sống của mọi người, được đánh dấu qua từng ngày bởi những nỗi sợ hãi, những bất trắc mới và trên hết, những khổ đau lan rộng về thể chất và đạo đức.

Theo gương Thầy Chí Thánh của mình, Giáo hội luôn quan tâm đến việc chăm sóc các bệnh nhân. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra, giá trị của đau khổ nhân sinh là hai mặt: “Siêu nhiên và, đồng thời, là nhân bản. Nó là siêu nhiên, bởi vì nó bắt nguồn từ mầu nhiệm thiêng liêng của ơn cứu chuộc thế giới, và nó cũng là nhân bản sâu sắc, bởi vì trong đó con người tìm thấy chính mình, bản tính loài người của chính mình, phẩm giá của chính mình và sứ mệnh của chính mình.” (Tông Thư Salvifici Doloris, 31).

Trong những ngày qua, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã biểu lộ sự gần gũi hiền phụ của ngài và lặp lại lời mời cầu nguyện không ngừng cho những người nhiễm coronavirus.

Để tất cả những ai phải đau khổ vì Covid-19, chính trong mầu nhiệm đau khổ này, có thể tái khám phá “cùng một đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô, Tòa Ân Giải Tối Cao này, ex auctoritate Summi Pontificis, tin tưởng vào (thd., 30) Lời của Chúa Kitô và xem xét với một tinh thần đức tin dịch bệnh hiện tại đang diễn ra, để sống tình trạng này với tinh thần hoán cải cá vị, quyết định ban ơn xá theo quy định sau đây.

Một ơn Toàn Xá được ban cho các tín hữu nhiễm coronavirus, bị cách ly theo lệnh của Cơ quan y tế tại bệnh viện hoặc tại nhà riêng của mình, nếu, với một tinh thần từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi, tham gia về mặt tinh thần thông qua các phương tiện truyền thông các Thánh Lễ trực tuyến, hay lần chuỗi Mân Côi, hay thực hành đạo đức đi Đàng Thánh Giá hoặc các hình thức sùng kính khác, nếu ít nhất họ đọc một kinh Tin Kính, một kinh Lạy Cha và một lời cầu khẩn đến Đức Trinh Nữ Maria, dâng thử thách này với một tinh thần đức tin nơi Thiên Chúa và đức ái huynh đệ, và với một ý chí thực hiện các điều kiện thông thường (là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha), ngay khi có thể.

Các nhân viên y tế, các thân nhân, và tất cả những người mà, theo gương của người Samaritanô nhân hậu, liều mình với các nguy cơ nhiễm trùng khi chăm sóc cho người nhiễm coronavirus, theo lời của Chúa Cứu Thế: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13) sẽ nhận được cùng một Ơn Toàn Xá trong cùng các điều kiện trên.

Hơn nữa, với cùng một điều kiện trên, Tòa Ân Giải Tối Cao này cũng sẵn lòng ban Ơn Toàn Xá trước đại dịch toàn cầu hiện nay, cho những tín hữu kính viếng Thánh Thể, tham gia vào việc Chầu Mình Thánh Chúa, hoặc đọc Thánh Kinh trong ít nhất nửa giờ, hoặc lần chuỗi Mân Côi, hoặc thực hiện thực hành đạo đức đi Đàng Thánh Giá, hoặc cầu nguyện với Lòng thương xót Chúa, để cầu khẩn Thiên Chúa Toàn năng chấm dứt dịch bệnh, chữa lành cho những người bị ảnh hưởng và ban ơn cứu độ muôn đời cho những người mà Chúa đã gọi về với Ngài.

Giáo Hội cầu nguyện cho những người không thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh Nhân và Của Ăn Đàng [Viaticum - nghi thức cho những người đang hấp hối được rước lễ], phó thác mỗi người và tất cả mọi người cho Lòng thương xót Chúa, nhờ tình Hiệp Thông với Các Thánh, và ban một Ơn Toàn Xá vào lúc lâm tử nếu họ ước ao và đã đọc một số lời cầu nguyện trong suốt cuộc đời của họ (trong trường hợp này, Giáo Hội bãi miễn ba điều kiện bắt buộc thông thường). Để có được Ơn Toàn Xá này, nên sử dụng cây thánh giá hoặc dấu thánh giá (x. Enchiridion Indulgentiarum, số 12).

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Giáo hội, là Sức khỏe của các Bệnh Nhân và Sự Phù Hộ của các Kitô hữu, Trạng sư của chúng ta, giúp đỡ nhân loại khổ đau, xua trừ cái ác của đại dịch này và cầu bầu cho chúng ta mọi điều tốt đẹp cần thiết cho ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa chúng ta.

Sắc lệnh này có hiệu lực bất kể những quy định ngược lại.

Làm tại Rôma, từ trụ sở của Tòa Ân Giải Tối Cao, vào ngày 19 tháng 3 năm 2020.

Đức Hồng Y Mauro Piacenza
Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao

Đức Ông Krzysztof Nykiel
Nhiếp chính



Source:Holy See Press Office
 
Cơn dịch COVID-19 dạy chúng ta là một cộng đồng nhân loại
Thanh Quảng sdb
22:28 20/03/2020
Cơn dịch COVID-19 dạy chúng ta là một cộng đồng nhân loại

Trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo La Stampa của Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ nỗi buồn khổ do cơn đại dịch Covid-19 gây ra và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện.

(Tin Vatican)

Trong cuộc phỏng vấn với tờ La Stampa, được xuất bản vào thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay cách duy nhất để sinh tồ trong thảm trạng này là gắn bó với nhau. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta sống khoảnh khắc này "với lòng sám hối, trắc ẩn và hy vọng. Chúng ta cần khiêm nhường, vì chúng ta thường quên đi những thời khắc đen tối trong cuộc sống." Chúng ta thường nghĩ những chuyện đó chỉ xảy ra cho một số người nào đó... Nhưng thời khắc này nó đang xảy ra cho mọi người ". Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích mùa Chay mời gọi chúng ta để thể hiện tình đoàn kết với người khác, đặc biệt những người đang chịu đau khổ.

Hãy cầu nguyện

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện, ngài nhắc nhở chúng ta lúc các Tông đồ kêu cầu Chúa Giêsu thương cứu họ trong cơn bão táp (Mác 4: 35-41). "Cầu nguyện giúp chúng ta nhận thức được giới hạn của mình. Đó là tiếng kêu cầu của những người đang bị nhậm chìm, những người cảm thấy họ đang gặp nguy hiểm và cô đơn. Và trong tình huống khó khăn tuyệt vọng, điều quan trọng là nhận ra rằng Chúa là cái phao cho ta bám vúi".

Tất cả đều đau khổ

Đức Thánh Cha Phanxicô nói không phân biệt Kitô hữu hay người vô tín ngưỡng... Tất cả mọi người đều đau khổ. Chúng ta đều là trẻ thơ trước mặt Thiên Chúa".

Những người chết mà không có người thân

Sau đó Đức Thánh Cha nói về những người đang hấp hối trong cô đơn một mình, không người thân an ủi nâng đỡ… Đức Thánh Cha chia sẻ ngài thật cảm động trước câu chuyện của một người đàn bà lớn tuổi nói lời tạm biệt cuối cùng với người thân yêu của mình qua chiếc điện thoại của một người y tá. Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay "Nỗi đau của những người chết mà không một lời từ biệt trăn trối đã hằn sâu một vết thương trong trái tim của những người còn sống!” Đức Thánh Cha cám ơn các y tá, bác sĩ và tình nguyện viên, mặc dù mệt mỏi kiệt sức, vẫn cố gắng kiên trì và quảng đại phục vụ những bệnh nhân mà gia đình của họ không thể hiện diện để trợ giúp!

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhìn nhận cuộc khủng hoảng hiện nay nhắc nhở chúng ta: “nhân loại là một cộng đồng duy nhất”. Đó là mối liên hệ phổ quát, quan trọng của người tín hữu. Chúng ta có thể nghĩ đây cũng là khoảng khắc giống như sau thế chiến! Đây là thời khắc của ‘chúng ta’. Bởi vì chúng ta có thể cùng nhau thoát khỏi thảm trạng này!

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng: Mỗi người cần nhìn kỹ hơn vào cội nguồn của mình: ông bà của chúng ta, chúng ta còn cơ hội để xây dựng mối quan hệ họ hàng thực sự với nhau".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới trẻ Miền Bắc Việt Nam học hỏi về Công Đồng Vatican II: Hiến Chế về Giáo Hội
Lm Giuse Phạm Thanh Quang CSsR
09:02 20/03/2020
GIỚI TRẺ MIỀN BẮC HỌC HỎI VỀ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II
HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI TUYÊN NGÔN CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II VỀ VIỆC TU CHỈNH NIÊN LỊCH


117. Kính chào cha! Con thấy Lễ Phục Sinh được mừng vào Ngày Chúa Nhật thật sự quan trọng đối với người Công Giáo chúng ta. Niên Lịch vĩnh viễn thì có tầm quan trọng đối với cả nhân loại. Vậy ai đó có được phép di dời Lễ Phục Sinh hoặc thay đổi Niên Lịch không? Công Đồng Vaticanô II đã xác quyết gì về những vấn đề này?

Các bạn thân mến! Công Đồng Vaticanô II quan tâm đặc biệt đến nguyện vọng của nhiều người về việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào Ngày Chúa Nhật nhất định và về việc thiết lập một Niên Lịch vĩnh viễn. Công Đồng đã tuyên bố như sau:

117.1. Công Đồng không phản đối việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định trong Niên Lịch Gregorianô, miễn là có sự đồng ý của những người liên hệ, nhất là các anh em ly khai với Tông Tòa.

117.2. Công Đồng không phản đối những sáng kiến có liên hệ đến việc đưa vào xã hội dân sự một Niên Lịch vĩnh viễn. Tuy nhiên Hội Thánh chỉ không phản đối những hệ thống duy trì và bảo vệ tuần lễ 7 ngày với Ngày Chúa Nhật, vẫn để sự kế tiếp các tuần được nguyên vẹn, không thêm vào một ngày nào khác giữa các tuần. Trừ trường hợp có lý do quan trọng khiến Tông Tòa sẽ ra một phán quyết.

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI (Lumen Gentium)

118. Thưa cha, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội có tầm quan trọng như thế nào ạ?

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội có tầm quan trọng đặc biệt. Ngày nay hầu hết mọi người đều công nhận Hiến Chế này là then chốt của cả Công Đồng Vaticanô II. Bởi lẽ sau thế chiến thứ nhất, vấn đề bản tính Hội Thánh đã trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận về thần học.

119. Con nghĩ rằng tình hình Hội Thánh lúc ấy có ảnh hưởng không nhỏ khiến Công Đồng đã cho ra đời Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội?

Đúng vậy. Lúc ấy, một tình trạng mới nảy sinh, kéo theo một lối nhìn mới về Hội Thánh, xuất hiện một cách cảm nghiệm mới về những thực tại của Hội Thánh (chưa kể những yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội).

Các phong trào Công Giáo Tiến Hành hay những phong trào tương tự đã làm dấy lên một tinh thần tông đồ mới, làm cho họ tin tưởng mình thuộc về Hội Thánh nhiều hơn. Cũng nhờ đó kéo theo lối suy tư thần học mới về Hội Thánh. Các phong trào hiệp nhất cũng ảnh hưởng không nhỏ khiến Công Đồng đề cập nhiều về vấn đề cởi mở, đối thoại với mọi thành phần, nhiều lĩnh vực kể cả đối thoại với những Kitô hữu không Công Giáo và thế giới thờ ơ lãnh đạm với Thiên Chúa, với ơn cứu rỗi.

120. Xin cha tóm gọn tính chất của lối suy tư thần học mới về Hội Thánh được không ạ?

Được chứ! Lối suy tư thần học mới về Hội Thánh không còn mang nặng tính cách pháp lý như trước đây nữa, mà mang tính xã hội và nhân loại, ý nghĩa xã hội gắn liền với chính nhân vị. Lối suy tư này cũng mang đậm tính hiệp nhất, hiệp thông, đối thoại chân thành và cởi mở với mọi thành phần từ tôn giáo đến xã hội dân sự, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, tính nhập thế, tính canh tân và cải tổ không ngừng để Hội Thánh hòa nhịp với sự phát triển không ngừng của con người để như cánh tay nối dài của Chúa Kitô cứu chuộc thế giới.

121. Thưa cha, chúng con nóng lòng muốn biết Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội bàn về những vấn đề gì ạ?

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội bàn về những vấn đề sau:

- Mầu Nhiệm Giáo Hội.
- Dân Thiên Chúa.
- Tổ chức phẩm trật Giáo Hội và đặc biệt về chức Giám Mục.
- Giáo Dân
- Lời kêu gọi mọi người nên thánh trong Giáo Hội.
- Tu Sĩ.
- Đặc tính cánh chung của Giáo Hội lữ hành và sự hiệp nhất với Giáo Hội trên trời.
- Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội.

MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

122. Thưa cha, cho con hỏi, tại sao Giáo Hội Công Giáo lại là Mầu Nhiệm?

Các bạn nên biết, nói đến mầu nhiệm là nói đến siêu nhiên, nói đến tính bí nhiệm, bí tích. Vậy khi nói về mầu nhiệm Giáo Hội, ta nói về Giáo Hội là một bí tích trong Chúa Kitô. Chúa Kitô chính là ánh sáng chiếu soi muôn dân. Do đó, Giáo Hội cũng phải là ánh sáng phản chiếu Chúa Kitô cho mọi người, đồng thời là bí tích, là dấu chỉ, là khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.

123. Thưa cha, vậy khi ở giữa nhân loại, Giáo Hội cần phải làm gì cụ thể chứ, để tránh mang tính xa cách, khó hiểu, khó gần?

Bạn có câu hỏi hay đấy! Đúng vậy, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới. Nhiệm vụ của Giáo Hội trở nên khẩn thiết khi phải chứng kiến những hoàn cảnh trong hiện tại. Giáo Hội cũng thấy mình bị ràng buộc bởi xã hội, kỹ thuật, văn hóa,… của nhân loại vì đang sống giữa và ở trong đó. Tất cả cần được hợp nhất trong Chúa Kitô. Bạn hãy nhìn các Đại Sứ Quán của 183 quốc gia bên cạnh Tòa Thánh Vatican và Đức Giáo Hoàng sẽ thấy rõ điều đó! Giáo Hội rất gần gũi, gắn bó, hướng dẫn, đồng hành, vui buồn, sướng khổ cùng nhân loại!

124. Thưa cha, có phải Giáo Hội Công Giáo mang một trọng trách và sứ mạng cao cả từ Thiên Chúa? Vậy xin cha nói rõ về điều này được không ạ?
Được chứ!


- Thứ nhất, sứ mạng cao cả này xuất phát từ thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha. Ngài muốn thế! Sau khi loài người làm đổ vỡ và đánh mất cuộc sống hạnh phúc bên Thiên Chúa bởi tội nguyên tổ, tội Adam và Eva, Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã muốn cứu chuộc con người và muốn đưa con người vào trong sự sống đời đời của Thiên Chúa. Vậy thực thi sứ mạng cứu rỗi con người nhờ ai và qua ai? Qua chính Con Một yêu dấu của Thiên Chúa Cha là Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội được trao phó cho sứ mạng quy tụ tất cả những ai tin và đón nhận Chúa Kitô, đón nhận Thiên Chúa thì được cứu chuộc.
- Vậy tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, sống công chính thánh thiện và thực thi Lời Thiên Chúa thì đều được tập hợp trong Giáo Hội Công Giáo bên Thiên Chúa Cha.
- Thứ hai, Chúa Con, tức Chúa Giêsu Kitô đã được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để thực thi kế hoạch cứu độ. Thiên Chúa Cha muốn cứu chuộc tất cả nhân loại trong Chúa Con. Chúa Kitô đã xuống thế làm người như bao người, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã mạc khải Nước Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha cho mọi người, kêu gọi người ta sám hối, làm nhiều phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết chỗi dậy, sẵn sàng đón lấy khổ đau, roi vọt, sỉ nhục, đổ máu, chịu chết nhục nhã trên thập giá và sống lại hiển vinh vì yêu thương và muốn cứu độ tất cả mọi người, nhất là những ai đặt niềm tin tưởng nơi Ngài. Chính Ngài đã thiết lập Giáo Hội Công Giáo qua các tông đồ và những người tin Ngài để cộng tác với Ngài trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội chính là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô hiện diện cách cụ thể giữa trần gian để đem Nước Thiên Chúa đến với mọi người. Hội Thánh xuất phát từ Chúa Kitô, sống nhờ Chúa Kitô và hướng về Chúa Kitô.
- Thứ ba, khi Chúa Kitô đã hoàn thành sứ vụ Thiên Chúa Cha trao phó, thì Chúa Thánh Thần được sai đến, đặc biệt trong ngày lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi và tất cả những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Giáo Hội duy nhất. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội luôn mới mẻ, tràn đầy sức sống, tràn đầy ân sủng. Như thế, Giáo Hội Công Giáo phổ quát hiện diện giữa nhân loại như “một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

125. Con nghe nói nhiều về Nước Thiên Chúa. Thưa cha, vậy phải hiểu thế nào cho đúng về Nước Thiên Chúa? Giáo Hội Công Giáo có phải là hiện thân của Nước Thiên Chúa không ạ?

- Một câu hỏi khá hay! Các bạn biết đấy, Giáo Hội Công Giáo do chính Chúa Kitô thiết lập và sai đi loan báo Tin Mừng, loan báo Nước Thiên Chúa cho muôn dân. Chúa Kitô chính là hiện thân của Nước Thiên Chúa, chiếu sáng cho muôn dân qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Ngài. Nước ấy như viên ngọc quý mà ai thấy cũng muốn sở hữu. Tất cả những ai tin và gia nhập Giáo Hội thì đều được thuộc về Nước ấy. Giáo Hội Công Giáo được xem là thân mình nhiệm mầu của Chúa Kitô và mang lấy sứ mạng của Chúa Kitô. Như vậy, Giáo Hội cũng là hiện thân của Nước Thiên Chúa giữa trần gian. Với sự phục sinh vinh hiển và ân huệ trào tràn của Chúa Kitô, Đấng sáng lập, Giáo Hội được trao cho sứ vụ rao giảng Nước Chúa Kitô hay Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc. Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Đang lúc dần dần phát triển, Giáo Hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và hy vọng được kết hợp mật thiết với đầu là Đấng Phục Sinh trong vinh quang.

126. Thưa cha, khi diễn tả về Giáo Hội Công Giáo, chúng ta thường dùng những hình ảnh nào ạ?

Chúng ta thường dùng những hình ảnh sau đây để diến tả về Giáo Hội Công Giáo:
- Hình ảnh “chuồng chiên” (theo văn hóa Trung Đông. Nước Israel nằm trong vùng Trung Đông). Bạn nào về Phan Rang, Phan Rí, vùng đất khô cằn, sẽ thấy có những con chiên mà người dân nuôi! Chiên ở đây là con vật rất hiền lành. Chúa Kitô là Chúa chiên hiền lành. Chúa Kitô được ví như là cửa ra vào duy nhất và cần thiết của chuồng chiên (Giáo Hội Công Giáo).
- Hình ảnh “đàn chiên”: Giáo Hội như đàn chiên mà chính Chúa Kitô là chủ chăn vô cùng nhân lành, đầy tình yêu thương. Chính Ngài đã phải hiến mạng sống mình cho đàn chiên để đàn chiên được sống và sống dồi dào.
- Hình ảnh “thửa ruộng” hay “cánh đồng” hoặc “vườn nho”. Nơi đó Thiên Chúa trồng tỉa, vun xới, chăm bón làm cho cây lúa hay cây nho xanh tốt sinh nhiều hoa trái là chính hồng ân cứu độ.
- Hình ảnh “tòa nhà của Thiên Chúa”: Chính Chúa Kitô là viên đá góc tường làm nên nền móng vững chắc cho tòa nhà Giáo Hội luôn vững bền.
- Hình ảnh “Đền thánh” nơi Giáo Hội, Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị.
- Hình ảnh “hiền thê” của Chúa Kitô: ý muốn diễn tả sự gắn bó, gắn kết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội một cách chặt chẽ, mật thiết như phu thê, như vợ chồng. Nếu Chúa Kitô đã Phục Sinh và hằng sống, thì Giáo Hội được gắn kết với Chúa Kitô và những mong chính bản thân cũng được tràn đầy sự sống của Chúa Kitô ngay khi còn ở dưới thế.
- Và còn nhiều hình ảnh khác nữa mà chúng ta không thể liệt kê hết ở đây.

127. Thưa cha, con cũng hay được nghe câu này: “Giáo Hội là thân thể Đức Kitô”. Vậy câu ấy được hiểu như thế nào ạ?

Các bạn đều biết, thân thể con người đều phải có đầu và phần thân thể bao gồm các bộ phận. Thiếu hay hư hỏng bộ phận nào thì người ta gọi là khuyết hay tật. Vậy khi nói “Giáo Hội là thân thể Đức Kitô” ý muốn diễn tả Chúa Kitô là đầu và Giáo Hội là thân thể được gắn kết với đầu. Chúa Kitô sống và hoạt động, toàn thân là Giáo Hội cũng được sống và hoạt động. Tất cả các tín hữu làm nên Giáo Hội, làm nên thân mình của Chúa Kitô. Các bạn cũng thuộc về Giáo Hội, là chi thể của thân mình ấy. Giả sử có bạn nào đó tách mình ra khỏi đầu là Chúa Kitô hay thân mình là Giáo Hội thì không thể tiếp nhận sức sống, sự sống của Chúa Kitô nơi thân mình của Ngài. Ngược lại, tất cả chúng ta luôn gắn kết với Chúa Kitô trong Giáo Hội, chắc chắn chúng ta sẽ tràn đầy sự sống của Chúa và ân huệ của Ngài, đồng thời làm cho Giáo Hội không ngừng mạnh mẽ và phát triển, nhất là giới trẻ như các bạn. Các bạn nên nhớ “tất cả sự sung mãn về bản tính Thiên Chúa ở trong Chúa Kitô cách hữu hình, nên Người đổ tràn ơn thiêng trên Giáo Hội, là thân thể, là sự sung mãn của Người, để Giáo Hội cố gắng đạt tới sự viên mãn hoàn toàn của Thiên Chúa” (các bạn xem trong thư của thánh Phaolo gửi cho tín hữu Corinto đoạn 2 và Epheso đoạn 1 và 3 nhé!).

128. Vâng, con cám ơn cha nhiều! Bây giờ chúng con mới hiểu rõ hơn! Lại một vấn đề khác nữa, chúng con muốn đặt ra: khi nói về Giáo Hội, chúng con thấy Giáo Hội cụ thể, rõ ràng đấy nhưng cũng có cái gì đó rất thiêng liêng cao cả. Vậy xin cha cho chúng con biết về vấn đề này nhé?!

Được chứ! Phần trước, chúng ta đã nói về Giáo Hội là một mầu nhiệm. Giáo Hội gồm những con người tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Kitô, đang sống giữa trần gian cách cụ thể, rõ ràng, hữu hình. Đồng thời, Giáo Hội vì được Chúa Kitô thiết lập, Chúa Kitô là đầu, nên Giáo Hội vừa mang yếu tố nhân loại, vừa mang yếu tố thần linh; vừa mang yếu tố thực tại, vừa mang yếu tố siêu nhiên; vừa mang yếu tố thực tại hữu hình, nhân loại, vừa mang yếu tố thần linh kết thành. Giáo Hội Công Giáo chính là Giáo Hội độc nhất của Chúa Kitô, do Chúa Kitô thiết lập, mang tính duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.

Giáo Hội có tổ chức, có phẩm trật như một xã hội (bao gồm Chúa Kitô là đầu, kế đến là thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng kế vị, các Giám Mục hiệp thông với ngài, các linh mục, tu sĩ, giáo dân), và còn hơn thế nữa, Giáo Hội mang trong mình kho tàng chân lý và ơn cứu độ của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô, của Chúa Thánh Thần.

129. Thưa cha, thế giới này mang tính mong manh, hữu hạn và cũng đến ngày chấm dứt của nó; còn Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, vĩnh cửu. Hội Thánh đang sống trong thế giới hữu hạn mong manh đó. Con nghĩ Giáo Hội cũng phải kết thúc cùng với thế giới đó chứ ạ?

Bạn đưa ra vấn đề quá hay! Thật vậy, Chúa Kitô đã vâng lời Thiên Chúa Cha, đi vào trần gian đầy mong manh, tội lỗi nhằm cứu rỗi tất cả mọi người trong trần gian ngang qua và nhờ Giáo Hội Công Giáo. Thế nên, Giáo Hội luôn gắn bó với Chúa Kitô, luôn đồng hành cùng với Chúa Kitô và Chúa Kitô luôn ở cùng Giáo Hội.

Chúa Kitô đi vào con đường nghèo khổ, Giáo Hội cũng vậy. Chúa Kitô đi trên con đường hy sinh, thập giá, chịu bách hại, Giáo Hội cũng thế. Chúa Kitô hăng hái đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Tin Mừng Nước Trời, kêu gọi người ta sám hối, từ bỏ tội lỗi, sống công chính thánh thiện, Giáo Hội cũng như thế. Các bạn thân mến! Giáo Hội đang trên đường lữ hành trên trần thế giữa bao khó khăn thử thách, bách hại trăm bề của thế gian, nhưng luôn trong niềm an ủi của Thiên Chúa. Giáo Hội rao truyền cái chết và thập giá của Chúa Kitô cho đến khi Người lại đến. Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa Phục Sinh để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương với sự kiên trì và lòng trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa Kitô còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết. Vậy ngày kết thúc của Giáo Hội phải là ngày chiến thắng trong Chúa Kitô, tức là ngày Giáo Hội và tất cả những ai đồng hành cùng Giáo Hội, tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Kitô và thực thi lời Ngài dạy sẽ được đi vào trong sự sống đời đời, đi vào trong ánh vinh quang bất diệt của Chúa Kitô Phục Sinh. Ngày đó phải là ngày Giáo Hội hoàn tất sứ mệnh của mình trong Chúa Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chắc chắn tôi và các bạn đều mong ước điều đó xảy ra với chính mình, miễn sao mỗi người đều trung thành, trung tín, yêu thương và quyết một lòng kiên vững trong Giáo Hội của Chúa Kitô.
 
Giáo xứ Tân Việt Lễ Thánh Giuse
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:07 20/03/2020
“ Mừng kính Thánh Giuse hôm nay mong ước mỗi người chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho nhau hơn nữa hôm nay theo lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng chúng ta cùng cầu nguyện để xin Thánh Cả Giuse cầu bầu trước tòa Chúa cho trận dich Covit 16 mau chóng qua đi…” Đó là lời chia sẻ của Lm Chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ khi Ngài chủ tế Thánh lễ Kính Thánh Giuse, bổn mạng Cha Phó Giuse, bổn mạng Hội dòng MTG Tân Việt, bổn mạng giáo họ Giuse và rất nhiều quý ông diễn ra lúc 17g thứ năm 19/3/2020 tại giáo xứ Tân Việt.

Xem Hình

Đầu lễ, Lm chủ tế nhắn nhủ: Hôm nay cùng với toàn thể giáo hội, chúng ta long trọng cử hành Lễ Kính Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Maria bổn mạng Hội dòng MTG Tân Việt,Bổn mạng Lm phó Giuse,giáo họ Giuse và quý ông trong cộng đoàn giáo xứ. Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng chúc mừng nhau.

Chia sẻ Tin mừng, Lm chủ tế nói: Thánh Giuse và Đức maria đã cộng tác tích cực trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Từ đó nhiều giáo xứ, đoàn thể nhận Thánh Giuse làm bổn mạng cũng như nhiều đền thờ kính Thánh Giuse được xây dựng. Nhưng chúng ta thường đến để cầu xin hơn là cầu nguyện, chúng ta chỉ cầu xin cho được cái này cái kia về mặt vật chất. Nhưng cái quan trọng là học nơi Thánh Giuse những nhân đức mà giáo hội đề cao,để trong vai trò làm chồng làm cha cũng như những đóng góp trong đời sống gia đình và giáo hội và xã hội.

Ngài kết luận : Mừng kính Thánh Giuse ước mong mỗi người chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho nhau hơn nữa hôm nay theo lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng chúng ta cùng cầu nguyện để xin Thánh Giuse cầu bầu trước mặt Chúa cho trận dịch Covit 19 mau chóng qua đi. Như lời Thánh Teresa Avila nói, trong ngày hôm nay những điều chúng ta cầu xin với Chúa, Thánh Giuse sẽ chuyển cầu cho chúng ta để Chúa nhậm lời đặc biệt là vượt qua những khó khăn của cơn đại dịch Covit 19 này.

Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện Tín hữu và dâng của lễ.

Sauk hi nhận phép lành cuối lễ, Lm chủ tế và cộng đoàn cùng với ca đoàn hướng về đài Thánh Giuse cất cao tiếng hát :” GIuse trong xóm nhỏ khó nghèo thuở xưa, miền Nadaret, Thánh gia Người vui sống. Nêu gương cho tất cả gia đình cần lao, tình yêu tha thiết với cảnh đời đơn nghèo…”.

Mừng kính Thánh Giuse xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng con, biết noi gương Thánh nhân, luôn tìm kiếm và vâng theo thánh ý Chúa trong từng hoàn cảnh của cuộc sống, chuyên chăm với bổn phận hằng ngày, để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho mọi người.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cây Chổi Vũ Hán - Ngôi Làng Toàn Cầu
Nguyễn Trung Tây
12:10 20/03/2020
Ngày rồi cũng tới! Tagaytay, phố cao nguyên nơi tôi sinh sống bị cô lập, nội bất xuất ngoại bất nhập (lockdown). Tất cả cư dân thị trấn du lịch (nằm cách thủ đô Manila 55 cây số về hướng nam) đều bị cấm ra đường trừ khi cần phải mua nhu yếu phẩm và thuốc men. Bởi lệnh cấm, những trạm kiểm soát nằm dọc lề đường của phố nhỏ nhanh chóng dựng lên. Xe hơi xe máy lăn bánh tới, lính đeo khẩu trang kín mít giơ tay chận lại, đo nhiệt độ, hỏi giấy tờ và lý do tại sao đi ra ngoài. Người nào thân nhiệt sốt nóng sẽ được gửi ngay lập tức tới khu cách ly dành cho người nghi nhiễm cúm Vũ Hán.

Mà không phải chỉ riêng phố Tagaytay của Philippines, phố lớn Vũ Hán của Trung Cộng nơi dịch cúm được phát hiện cũng đã từng bị đóng cửa (bởi thế cúm cũng có tên Vũ Hán). Ý tiếp theo! Rồi kinh đô Công Giáo cũng đóng. Rồi Tây Ban Nha. Mã Lai mới đây nối bước; cùng lúc thủ đô Manila, đảo Luzon và nhiều đảo lớn của Philippines bế môn tỏa cảng! Việt Nam không còn cấp visa cho du khách nữa. Thung Lũng Điện tử và Quận Cam của nước Mỹ cũng đã đóng cửa.

Mà không phải chỉ có quốc gia hoặc phố thị; nhà thờ Công Giáo (gần như trên phương diện toàn cầu) cũng đã đóng cửa im lìm, mặc dù Giáo hội đang cử hành nghi thức mùa Chay, chặng đường 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện. Tấm hình gợi cảm xúc cho nhiều người ghi lại giây phút Đức Giáo Hoàng Phanxicô đứng lặng lẽ từ một khung cửa trên lầu, ban phép lành tới công trường Thánh Phêrô rộng mênh mông không một bóng người! Nối tiếp là hình ảnh ngài đi bộ trên những con đường trống vắng tới nhà thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện.

Mà không phải chỉ có tôn giáo, giờ này trường học, thương xá, quán càfe quán rượu quán ăn của Âu Châu, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đều cửa đóng then cài. Phố xá trên toàn thế giới tự nhiên hóa ra phố ma! Dân chúng hốt hoảng vét sạch hàng hóa bày bán trong siêu thị… Thị trường chứng khoán chao đảo!

Thế giới những ngày của tháng 3 năm 2020 đang ồn ào bỗng nhiên trở nên yên lặng. Kinh đô Vatican trống vắng. Khu hành hương Mecca Hồi Giáo cũng thế. Thủ đô Manila bao lâu nay kẹt xe cứng ngắc, xe hơi, xe bus, xe jeepney đuôi nối đuôi ồn ào nóng nẩy rú còi, bỗng nhiên trống trơn sạch bóng. Cứ như có cây chổi thần của ai đó phất lên! Vậy là biến… biến mất tất cả con người! Cây chổi này mắt thường nhìn không ra; tác giả đặt tên cây chổi Vũ Hán; nơi đã phát sinh đại dịch viêm phổi chủng mới họ Corona.

Cây chổi Vũ Hán uy quyền tuyệt đối tính tới thời điểm hiện tại. Không ai có khả năng cản được đường đi của chổi. Chổi tới đâu, nơi đó trở nên sạch bóng người, bởi không ai dám hoặc là bị cấm bước ra đường. Chính trị và tôn giáo, hai đề tài nhậy cảm, thông thường nhiều người né tránh, nhưng cây chổi Vũ Hán thì không! Chổi không kiêng nể chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản! Trung Cộng, Việt Nam hoặc Ý, Mỹ? Chổi thản nhiên quét sạch! Chổi cũng không e ngại tôn giáo. Vatican hoặc Mecca, hai nơi thánh thiêng thông thường chen chân người, giờ này chổi quét sạch bóng. Phi trường quốc tế, LAX của Los Angeles hoặc SGN của Sài Gòn, thông thường tấp nập khua vang bước chân người giờ này vắng hoe như chùa Bà Đanh… Cứ tưởng như đang ngồi coi phim giả tưởng sản xuất bởi kinh đô điện ảnh Holywood!

Điểm đặc biệt nhất mà cây chổi Vũ Hán đang tấn công và thử thách là mô hình sinh hoạt của “Ngôi Làng Toàn Cầu.” Từ lâu rồi, truyền thông liên mạng và kỹ nghệ siêu việt đã biến trái đất của năm châu với 24 múi giờ khác nhau hóa ra chỉ một ngôi làng của 1 múi giờ. Tất cả mọi sinh hoạt trên trái đất, ngay cả tại những vùng đất hẻo lánh, thí dụ, rừng núi Amazon, hoặc, lấy một thí dụ, thánh địa Mecca (chỉ dành riêng cho người) Hồi giáo, đều có thể xuất hiện trên những trang lưới mạng. Kỹ nghệ siêu đẳng thiên niên kỷ thứ 3 thật sự đã mang người dân của nhiều sắc tộc, nhiều ngôn ngữ của năm châu lại gần và sinh hoạt cùng một lúc với nhau. Ngày hôm nay, một người hoặc rất nhiều người đều có khả năng ăn sáng tại Tokyo, ăn trưa tại Taipei và ăn tối tại Sài Gòn, hoặc ngược lại. Chỉ với một cái vé nho nhỏ cầm trong tay, mấy tiếng đồng sau, thiên hạ đã có thể hòa mình trong và sống với một nền văn hóa hoàn toàn mới lạ. Đặc biệt nhất, bởi phương tiện di chuyển liên tục và nhanh chóng của ngôi làng, rất nhiều người có thể di chuyển liên quốc gia hoặc liên lục địa trong một khoảng thời gian thật ngắn. Phân tích dưới lăng kiếng kinh tế, thông tin liên lạc toàn cầu và di chuyển liên quốc gia liên lục địa đã kích thích sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Ngôi làng toàn cầu nhờ thế có thêm nhiều hàng hóa để sản xuất, để buôn bán và để hưởng thụ nhiều hơn.

Nhưng thật bất ngờ, mô hình và sinh hoạt của ngôi làng toàn cầu giờ này đang bị đe dọa. Cây chổi Vũ Hán nương theo thực trạng ngôi làng toàn cầu đi (hoặc len lỏi) tới khắp nơi; để rồi quét sạch tất cả mọi người trên đường phố, tại cơ sở tôn giáo, trường học và thương xá. Giờ này, bởi những nhát chổi không hề nương tay của cây chổi Vũ Hán, thế giới chỉ còn những tiệm cung cấp thực phẩm, thuốc tây và bệnh viện đèn sáng mở cửa.

Cây chổi Vũ Hán rõ ràng đang phát đi một tín hiệu tới cư dân của ngôi làng toàn cầu. Tín hiệu này đang được và sẽ tiếp tục được giải mã dưới nhiều lăng kíếng, đặc biệt nhất, lăng kiếng của y khoa, kinh tế và tôn giáo. Nhiều chi tiết và dữ kiện mới trong lãnh vực y khoa, kinh tế và tôn giáo liên quan tới cây chổi Vũ Hán sẽ được đưa lên bàn mổ để phân tích và học hỏi. Nhưng! Nói nhanh và gọn, chổi Vũ Hán, như đã trình bày ở trên, đang thách thức ngành y khoa, giật sập nền kinh tế và đóng cửa tất cả những sinh hoạt tôn giáo của thế giới.

Kết nhỏ: Mà ai biết đâu, bởi sạch bóng người, Mẹ Đất và tất cả những sinh vật còn lại (thường bị coi là hạ đẳng) thở phào nhẹ nhõm và bắt đầu những bước chân hồi sinh.
 
Văn Hóa
Mùa Dịch Covid-19: Đây Là Lúc…
Lm. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
09:14 20/03/2020
Mùa Dịch Covid-19: “Đây Là Lúc…”

Tính đến sáng 20.03.2020, thống kê của Đại Học Y Khoa John Hopkins Hoa Kỳ cho thấy con số tử vong do coronavirus tại Ý đã vượt qua cả Trung Quốc với trên 3400 nan nhân. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ mà Ý đã có 427 người qua đời vì Covid-19. Điều này khiến nhiều người càng thêm hoang mang sợ hãi. Nỗi sợ hãi lớn đến nỗi hầu như ít có ai để ý đến bầu trời trong xanh tràn ngập nắng vàng ấm áp của ngày đầu tiên trong khoảnh khắc giao mùa của thành phố Rôma, Kinh Thành Muôn Thuở. Mùa xuân mang theo không khí ấm áp và trong lành. Tiếc thay ở đây mấy ai còn tâm trạng để cảm nghiệm tiết trời tươi mới ấy vì cả nước Ý đang tự cách ly, ai nấy hạn chế ra ngoài và tránh tiếp xúc với người khác.

Đã hơn 10 ngày qua, như hầu hết các chủng viện và cộng đoàn dòng tu khác, cộng đoàn Thánh Albertô Dòng Cát Minh tại Rôma cũng đã cửa đóng then cài tự nguyện cách ly với thế giới bên ngoài nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ban đầu, “cách ly” khiến tôi có cảm giác tù túng ngột ngạt như thể bản thân đang bị quản chế tại gia. Sinh hoạt hàng ngày bỗng chốc bị xáo trộn. Điều khiến cho tôi khó chịu nhất là vì không ai biết khi nào thì việc “quản chế” này mới chấm dứt. Nhưng sau nhiều ngày chiến đấu với cảm xúc, tôi mới nghiệm ra “đây là lúc thuận tiện! Đây là ngày cứu độ!” (2 Cr 6: 2)

Không phải ra ngoài, tôi có nhiều thời gian hơn để đọc, để nghiền ngẫm và để viết. Không phải bận tâm nhiều đến trường lớp bài vở, tôi có nhiều cơ hội để cầu nguyện, để suy niệm và nhất là để tìm đến bên Chúa trong thinh lặng và cô tịch. Thời gian “cách ly” nhờ đó mà trở nên quý hóa trong đời sống thiêng liêng của tôi. Nhờ bầu khí linh thiêng của giờ Chầu Thánh Thể chung với anh em, tôi có cơ hội để cảm nghiệm điều mà các Thánh Dòng Cát Minh, cách riêng Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đã xác tín hàng trăm năm qua: Thiên Chúa không ở đâu xa, Ngài đang ở đây, ở ngay trong lòng chúng ta. Chúng ta không cần phải tìm kiếm Ngài đâu đó ngoài kia, mà hãy quay về với chính mình để gặp Ngài.

Tối hôm 19.03, nhân ngày lễ kính Thánh Giuse, nhờ lần chuỗi Mân Côi hiệp thông cùng với Đức Thánh Cha Phanicô và toàn thể giáo hội Ý cầu nguyện cho nạn dịch sớm chấm dứt, tôi mới biết thế nào là bình an trong Chúa. Thứ bình an mà Đức Giêsu Phục Sinh đã ban cho các Tông Đồ để giúp các ngài thoát khỏi hoảng loạn, hoài nghi và tuyệt vọng. “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, [bình an] Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Đây là bình an đích thực. Bình an vì có Chúa hiện diện. Chúa vẫn luôn hiện diện giữa Hội Thánh Ngài như khi xưa Người hiện diện giữa cộng đoàn các tín hữu tiên khởi. Mặc cho bệnh dịch và khó khăn, bình an Chúa luôn chiếm ngự tâm hồn những con người biết “đồng tâm nhất trí, hiệp thông với nhau, chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (x. Cv 2, 42-46). Tôi được ơn cảm nghiệm như vậy một phần là vì suốt 2 tuần qua, trong các Thánh Lễ hàng ngày, tôi vẫn còn lúng túng và bận tâm với việc tạm đình chỉ hành vi chúc bình an cho nhau. Cảm giác khó chịu vì thiếu đi một cử chỉ biểu tượng bên ngoài đã mời gọi tôi dấn thân vào hành trình tìm kiếm bình an đích thực bên trong tâm hồn. Cảm xúc tự nhiên của con người cũng đã giúp tôi trở nên đồng cảm hơn với hàng triệu tín hữu khác những người bị ngăn trở khỏi việc tham dự Thánh Lễ và rước Chúa hàng ngày chỉ vì dịch bệnh Covid-19 còn đang hoành hành đánh phá.

Tôi sẽ nghe theo lời khuyên của Đức Thánh Cha, biến những ngày này thành cơ hội củng cố tình thân trong gia đình, trong cộng đoàn. Nếu như mến Chúa và yêu người không thể tách lìa (x. 1Ga, 21) thì thời gian cách ly khỏi thế giới ồn ào bên ngoài chính là thời khắc giúp ta đạt được cả hai: Trở nên gần gũi với Thiên Chúa và yêu mến tha nhân hơn. Tôi tự nhủ lòng hãy tin tưởng vào Chúa và không cho phép dịch bệnh tấn công vào đức tin của mình. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi để nhận ra “Đây là lúc thuận tiện! Đây là ngày cứu rỗi!” (2 Cr 6: 2).
 
Chút tản mạn về virus corona
Nicola Nguyễn.
09:36 20/03/2020
Chút tản mạn về virus corona

Trong mùa đại dịch Covid, đi lễ nghe giảng cha sở nói: “Có người hỏi tôi rằng Chúa có biết con virus này gây tác hại bao nhiêu người chết không? Thưa có biết !; Chúa có biết trận cháy rừng Úc châu tác hại như thế nào không? Thưa có biết !; Chúa có biết sóng thần ở Nhật Bản – động đất ở Inđô làm bao nhiêu người chết không? Thưa có biết!... Chúa có thể ngăn trở không cho những việc dữ ấy xảy ra được không? Thưa được! Vậy tại sao Chúa là đấng nhân từ vô cùng lại để cho những sự việc ấy xảy ra?!? Thì tôi tìm được câu trả lời từ Thánh Tô-ma A-qui-nô rằng: Thưa Chúa để cho những sự việc độc - dữ - ác ấy xảy ra để cho một việc thiện khác - tốt đẹp hơn xảy đến sau đó !”

Tôi không được học Thần học như Cha sở - không biết tra cứu tài liệu như ngài nên tôi cố gắng tìm hiểu mặt tốt đẹp, mặt tích cực, những điều thiện ẩn chứa đàng sau cơn đại dịch Covid này thì thấy rằng:

- Con Virus Corona nhỏ xíu xiu, không ai nhìn thấy được đã gây ra cơn khủng hoảng trên toàn thế giới nhưng nhờ nó mà mọi người đoàn kết nhau hơn, chia sẻ với nhau hơn… hãy nhìn cảnh người dân Ý đứng ở ban-công; thắp nến ở cửa sổ cùng ca vang những bài hát để khích lệ động viên nhau vượt qua thời kỳ cách ly là rõ. (nguồn: https://www.ntdvn.com/doi-song/giua-nhung-ngay-thang-cach-ly-nguoi-y-dong-loat-hat-vang-tren-ban-cong-21213.html )

- Nó là tâm điểm, cuốn hút sự chú ý của mọi người vào nó, nó làm người ta quên đi những tham – sân – si; những hỉ – nộ – ái – ố thường ngày; quên đi những cuộc chiến tranh, những vụ đánh bom tự phát đó đây để chỉ tập trung vào nó và chống lại nó: lo đi mua sắm khẩu trang, nước rửa tay…

- Nó làm xuất hiện những vị mục tử hết lòng vì đàn chiên, những chứng nhân thay vì thày dạy; gần gũi chiên đến độ lây bệnh từ chiên và… hy sinh vì đàn chiên: trích “Giáo phận Bergamo thuộc miền Bắc nước Ý là nơi có số người nhiễm virus Corona và qua đời nhiều nhất nước Ý. Trong số những bệnh nhân qua đời, có 6 linh mục. Đức cha Beschi cho biết, hiện còn 20 linh mục đang phải nhập viện. Đây là biến cố đau buồn, nhưng cũng là dấu chỉ cho thấy, các linh mục đã luôn hết lòng với dân chúng - “một dấu hiệu đau đớn của sự gần gũi và chia sẻ nỗi đau”. Các mục tử đã không tách rời khỏi cộng đồng, không tách rời đàn chiên ngay cả trong cái chết. (nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/mot-so-linh-muc-qua-doi-vi-covid-19-giao-hoi-tiep-tuc-cau-nguyen-va-phuc-vu-59903)

- Nó khiến người ta quan tâm đến gia đình, đến người thân hơn thay vì la cà quán xá, tụ tập ăn uống với bạn bè; ở nhà sinh hoạt với nhau thay vì đến các tụ điểm vui chơi. Rồi nhờ đó mà tới nhà thờ tham dự các sinh hoạt Phụng vụ nhiều hơn. Thật vui khi thấy trẻ em đi lễ ngày thường đông hơn, cùng nhau hát vang ‘Xin Vâng - Mẹ dạy con hai tiếng Xin Vâng…’ Tôi đã thấy có nhà cả gia đình ‘cùng nhau’ cọ rửa nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc như bài viết của cha Louis Kim Nguyễn (nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/255139.htm)

- Nó dạy con người biết sống chậm lại và cân nhắc đâu là điều thiết yếu; thay vì cuộc sống xô bồ, hối hả vội vã để rồi bị cuốn hút vào công việc và tiền bạc, phù du. (Thư Đức TGM Sài Gòn 19/3/2020 https://tgpsaigon.net/bai-viet/toa-tong-giam-muc-sai-gon-huong-dan-muc-vu-mua-dich-covid-19-ngay-19032020-59918)

- Nó dạy con người khiêm tốn hơn, biết nhận ra rằng rốt cuộc con người chỉ là thụ tạo yếu đuối mỏng manh, hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa là Chủ tể muôn loài; nhờ đó biết sám hối và định hướng lại cuộc đời để hướng tới Thiên Chúa vĩnh cửu. (Thư Đức TGM Sài Gòn 19/3/2020)

- Và cuối cùng, nó giúp mọi người ý thức hơn về sự Sống - Chết, về sự mong manh của kiếp người, thật đúng là ‘đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi…’ (TV 102).

Trong lúc chờ đợi điều thiện lớn lao Thiên Chúa cho xảy đến, chúng ta cùng tìm hiểu những mặt tích cực nho nhỏ mà con virus này đem lại để càng thêm tin tưởng – phó thác vào sự quan phòng của Chúa hơn.

Nicola Nguyễn. Mùa Chay 2020 – Mùa trở về
 
VietCatholic TV
Sắc lệnh ban ơn Toàn Xá của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tình trạng dịch bệnh nguy hiểm hiện nay
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:18 20/03/2020
Hôm thứ Sáu, ngày 20 tháng Ba năm 2020, Tòa Thánh đã công bố Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao, liên quan đến những ân xá đặc biệt dành cho các tín hữu trong cuộc khủng hoảng đại dịch coronavirus hiện nay. Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa và Đức Ông Krzydztof Nykiel, Nhiếp chính, đã ký Sắc lệnh vào ngày 19 tháng 3.

Trường hợp thứ nhất được hưởng ơn Toàn Xá này là những người nhiễm bệnh đang cách ly tại nhà hoặc tại bệnh viện, theo lệnh kiểm dịch của Cơ quan Y tế, “nếu, với một ý chí từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi, tham gia về mặt tinh thần thông qua các phương tiện truyền thông các Thánh Lễ trực tuyến, hay lần chuỗi Mân Côi, hay thực hành đạo đức đi Đàng Thánh Giá hoặc các hình thức sùng kính khác, nếu ít nhất họ đọc một kinh Tin Kính, một kinh Lạy Cha và một lời cầu khẩn đến Đức Trinh Nữ Maria, dâng thử thách này với một tinh thần đức tin nơi Thiên Chúa và đức ái huynh đệ.”

Tòa Ân Giải Tối Cao nhắc lại các điều kiện luật định để được ơn toàn xá là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Tuy nhiên, việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha có thể làm sau khi có thể.

Trường hợp thứ hai được hưởng ơn Toàn Xá này là các nhân viên y tế, các thân nhân của họ và tất cả những người mà, “theo gương của người Samaritanô nhân hậu, liều mình với các nguy cơ nhiễm trùng khi chăm sóc cho người nhiễm coronavirus, và thực hiện các điều kiện như đề cập đến bên trên.

Trường hợp thứ ba là tất cả mọi tín hữu nào thực hiện các điều kiện như đề cập đến bên trên, đồng thời, “kính viếng Thánh Thể, tham gia vào việc Chầu Mình Thánh Chúa, hoặc đọc Thánh Kinh trong ít nhất nửa giờ, hoặc lần chuỗi Mân Côi, hoặc thực hiện thực hành đạo đức đi Đàng Thánh Giá, hoặc cầu nguyện với Lòng thương xót Chúa, để cầu khẩn Thiên Chúa Toàn năng chấm dứt dịch bệnh, chữa lành cho những người bị ảnh hưởng và ban ơn cứu độ muôn đời cho những người mà Chúa đã gọi về với Ngài”

Toàn văn sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao

Ơn xá đặc biệt được ban cho các tín hữu nhiễm COVID-19, thường được gọi là coronavirus, cũng như cho các nhân viên y tế, người thân của họ và tất cả những người chăm sóc họ ở mọi mức độ.

“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12:12). Những lời này của Thánh Phaolô viết cho Giáo Hội tại Rôma vang lên trong suốt lịch sử của Giáo Hội và định hướng sự phán đoán của các tín hữu trước mọi đau khổ, bệnh tật và tai họa.

Khoảnh khắc hiện tại mà toàn bộ nhân loại đang phải trải qua, khi bị đe dọa bởi một căn bệnh vô hình và quỷ quyệt, trong một thời gian đã bước vào [thế giới] một cách ngạo nghễ để hình thành một phần trong cuộc sống của mọi người, được đánh dấu qua từng ngày bởi những nỗi sợ hãi, những bất trắc mới và trên hết, những khổ đau lan rộng về thể chất và đạo đức.

Theo gương Thầy Chí Thánh của mình, Giáo hội luôn quan tâm đến việc chăm sóc các bệnh nhân. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra, giá trị của đau khổ nhân sinh là hai mặt: “Siêu nhiên và, đồng thời, là nhân bản. Nó là siêu nhiên, bởi vì nó bắt nguồn từ mầu nhiệm thiêng liêng của ơn cứu chuộc thế giới, và nó cũng là nhân bản sâu sắc, bởi vì trong đó con người tìm thấy chính mình, bản tính loài người của chính mình, phẩm giá của chính mình và sứ mệnh của chính mình.” (Tông Thư Salvifici Doloris, 31).

Trong những ngày qua, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã biểu lộ sự gần gũi hiền phụ của ngài và lặp lại lời mời cầu nguyện không ngừng cho những người nhiễm coronavirus.

Để tất cả những ai phải đau khổ vì Covid-19, chính trong mầu nhiệm đau khổ này, có thể tái khám phá “cùng một đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô, Tòa Ân Giải Tối Cao này, ex auctoritate Summi Pontificis, tin tưởng vào (thd., 30) Lời của Chúa Kitô và xem xét với một tinh thần đức tin dịch bệnh hiện tại đang diễn ra, để sống tình trạng này với tinh thần hoán cải cá vị, quyết định ban ơn xá theo quy định sau đây.

Một ơn Toàn Xá được ban cho các tín hữu nhiễm coronavirus, bị cách ly theo lệnh của Cơ quan y tế tại bệnh viện hoặc tại nhà riêng của mình, nếu, với một tinh thần từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi, tham gia về mặt tinh thần thông qua các phương tiện truyền thông các Thánh Lễ trực tuyến, hay lần chuỗi Mân Côi, hay thực hành đạo đức đi Đàng Thánh Giá hoặc các hình thức sùng kính khác, nếu ít nhất họ đọc một kinh Tin Kính, một kinh Lạy Cha và một lời cầu khẩn đến Đức Trinh Nữ Maria, dâng thử thách này với một tinh thần đức tin nơi Thiên Chúa và đức ái huynh đệ, và với một ý chí thực hiện các điều kiện thông thường (là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha), ngay khi có thể.

Các nhân viên y tế, các thân nhân, và tất cả những người mà, theo gương của người Samaritanô nhân hậu, liều mình với các nguy cơ nhiễm trùng khi chăm sóc cho người nhiễm coronavirus, theo lời của Chúa Cứu Thế: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13) sẽ nhận được cùng một Ơn Toàn Xá trong cùng các điều kiện trên.

Hơn nữa, với cùng một điều kiện trên, Tòa Ân Giải Tối Cao này cũng sẵn lòng ban Ơn Toàn Xá trước đại dịch toàn cầu hiện nay, cho những tín hữu kính viếng Thánh Thể, tham gia vào việc Chầu Mình Thánh Chúa, hoặc đọc Thánh Kinh trong ít nhất nửa giờ, hoặc lần chuỗi Mân Côi, hoặc thực hiện thực hành đạo đức đi Đàng Thánh Giá, hoặc cầu nguyện với Lòng thương xót Chúa, để cầu khẩn Thiên Chúa Toàn năng chấm dứt dịch bệnh, chữa lành cho những người bị ảnh hưởng và ban ơn cứu độ muôn đời cho những người mà Chúa đã gọi về với Ngài.

Giáo Hội cầu nguyện cho những người không thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh Nhân và Của Ăn Đàng [Viaticum - nghi thức cho những người đang hấp hối được rước lễ], phó thác mỗi người và tất cả mọi người cho Lòng thương xót Chúa, nhờ tình Hiệp Thông với Các Thánh, và ban một Ơn Toàn Xá vào lúc lâm tử nếu họ ước ao và đã đọc một số lời cầu nguyện trong suốt cuộc đời của họ (trong trường hợp này, Giáo Hội bãi miễn ba điều kiện bắt buộc thông thường). Để có được Ơn Toàn Xá này, nên sử dụng cây thánh giá hoặc dấu thánh giá (x. Enchiridion Indulgentiarum, số 12).

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Giáo hội, là Sức khỏe của các Bệnh Nhân và Sự Phù Hộ của các Kitô hữu, Trạng sư của chúng ta, giúp đỡ nhân loại khổ đau, xua trừ cái ác của đại dịch này và cầu bầu cho chúng ta mọi điều tốt đẹp cần thiết cho ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa chúng ta.

Sắc lệnh này có hiệu lực bất kể những quy định ngược lại.

Làm tại Rôma, từ trụ sở của Tòa Ân Giải Tối Cao, vào ngày 19 tháng 3 năm 2020.

Đức Hồng Y Mauro Piacenza
Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao

Đức Ông Krzysztof Nykiel
Nhiếp chính



Source:Holy See Press Office
 
Tình trạng kinh hoàng ở Bergamo: Nhà xác hết chỗ, quan tài quàn trong nhà thờ. Tường trình của ĐGM
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:36 20/03/2020
Tính đến chiều thứ Sáu 20 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 đã tăng lên đến 10,064 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 247,603 người.

Ý là quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới hơn cả Trung Quốc, nơi tỷ lệ lây nhiễm dường như đã chậm lại. Tại Ý, số trường hợp tử vong đã lên đến 3,405 người vượt xa con số người chết do bọn cầm quyền Bắc Kinh công bố là 3,248 người. Số trường hợp nhiễm bệnh tại Ý hiện nay là 41,035 người trong đó 2,498 người được kể là đang trong tình trạng hết sức nghiêm trọng.

Thương vong trong các tỉnh ở miền Bắc nước Ý được kể là nặng nhất. Đặc biệt nghiêm trọng là tại thành phố Bergamo, cách Rôma 600km về phía Tây Bắc.

Bergamo là quê hương của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Tình trạng tại đây thê thảm đến mức, chính quyền địa phương Bergamo cho biết trong một thông báo hôm 13 tháng Ba rằng nhà xác bệnh viện thành phố đã hết chỗ, vì vậy chính quyền đã mở các nghĩa trang để quàn các thi thể đang chờ chôn cất.

Trước tình hình bi thảm này, Đức Cha Francesco Beschi, Giám Mục giáo phận Bergamo đã yêu cầu các linh mục mở cửa nhà thờ để có thể quàn các quan tài bên trong các nhà thờ trong khi chờ chôn cất.

Tờ Corriere Della Sera, nghĩa là Tin Chiều, cho biết từ đêm thứ Tư, các đoàn xe quân sự của quân đội Ý, như quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, đã di chuyển các thi thể từ các nhà xác trong thành phố và từ các nhà thờ để đưa đi hỏa táng tại 12 thị trấn khác của Ý, như Modena và Parma, vì các địa điểm hỏa táng của Bergamo đã quá tải.

Ít nhất 12 linh mục đã chết ở Ý vì virus vào tuần trước, hơn một nửa trong số các vị thuộc Giáo phận Bergamo. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm thứ Hai, Đức Cha Beschi nói rằng 20 linh mục trong giáo phận của ngài đã phải nhập viện và 6 người đã chết. “Số linh mục đã chết trong tuần này và số những người vẫn còn trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng là rất cao,” ngài nói thêm.

“Chúng tôi đang sống nỗi đau này khi chia sẻ chung một số phận với cộng đồng của chúng tôi, với số người nhiễm bệnh, và con số quá nhiều những người chết. Chúng tôi không tách rời khỏi cộng đồng của chúng tôi ngay cả trong cái chết,” Đức Cha Breschi nói với InBlu Radio.

Trong số các tu sĩ chết ở Bergamo còn có Thầy Silano Sirtoli, 59 tuổi và Thầy Giancarlo Nava, 70 tuổi, từng là một nhà truyền giáo ở Paraguay.

“Chúng ta đang trải qua một cái gì đó vượt xa những thăng trầm bình thường của cuộc sống”, Đức Cha Breschi nói trong bài giảng thánh lễ trực tuyến hôm Chúa Nhật 15 tháng Ba.

Hiện nay, Bergamo là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch coronavirus ở Âu Châu. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho Đức Cha Francesco Beschi, Giám Mục giáo phận Bergamo để bày tỏ sự gần gũi với mọi người.

Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nhớ đến Bergamo trong lòng và cầu nguyện cho người dân mỗi ngày, Đức Giám Mục Francesco Beschi của thành phố miền bắc nước Ý cho biết. Trong một bài đăng trên trang web của giáo phận, Đức Cha nói rằng Đức Thánh Cha đã gọi điện cho ngài vào ngày thứ Tư để bày tỏ sự ủng hộ và cảm thông đối với một trong những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi coronavirus.

Đức Cha Beschi nói với Đài phát thanh Vatican: “Đức Thánh Cha tỏ ra rất ưu ái khi thể hiện sự gần gũi hiền phụ của ngài với tôi, với các linh mục, với những người bệnh, với những người chăm sóc họ và tất cả cộng đồng của chúng tôi”.

Mặc dù, đã “được thông báo rất rõ”, Đức Thánh Cha đã hỏi chi tiết về tình trạng mà mọi người đang phải trải qua. Đức Cha Beschi cho biết Đức Thánh Cha rất âu lo trước số người thiệt mạng, sự cô đơn và hoang mang mà các gia đình buộc phải trải qua một cách đau đớn.

“Đức Thánh Cha xin tôi mang đến cho mọi người lời chúc phúc của ngài để xin Chúa an ủi và mang lại ân sủng, ánh sáng và sức mạnh.”

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với các bệnh nhân và “với tất cả những người cách này cách khác đang làm việc một cách anh hùng vì lợi ích của người khác như các bác sĩ, y tá, các cơ quan dân sự, y tế và các cơ quan thực thi pháp luật”.

“Đức Thánh Cha cũng đặc biệt cảm ơn các linh mục. Ngài không chỉ bị rúng động trước số các linh mục hay phải nằm bệnh viện nhưng còn rất thán phục trước sự tích cực, các sáng kiến mục vụ và các hình thức gần gũi với các gia đình, người già và trẻ em đã được đề ra như một dấu chỉ cho thấy Chúa đang gần gũi dân Ngài”, Đức Cha Beschi nói.

Thông qua Tổ chức Thiên thần hộ thủ, Giáo phận Bergamo đang cung cấp một đường dây trợ giúp qua điện thoại để cung cấp các hỗ trợ về tâm lý và tinh thần cho những người có nhu cầu. Các linh mục, những người tận hiến, giáo dân và nhà tâm lý học và các nhà tâm lý trị liệu tư vấn cho các gia đình đang điều hành những dịch vụ này.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo đảm với chúng tôi rằng ngài mang chúng tôi trong trái tim và trong những lời cầu nguyện hàng ngày.

Cử chỉ tinh tế này, sự chu đáo và phép lành của ngài trong tư cách là một người cha, đối với tôi và toàn bộ giáo phận và mỗi người chúng tôi, đã là một tiếng vang, một sự tiếp nối, một nhận thức cụ thể về sự âu yếm của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII mà chúng tôi liên tục cầu nguyện trong những ngày qua.”

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nhân viên y tế và các nhà lãnh đạo dân sự Italia

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 7 sáng thứ Sáu 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các nhân viên y tế và các nhà lãnh đạo dân sự Italia.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm qua, tôi nhận được tin nhắn từ một linh mục từ vùng Bergamo. Cha ấy xin tôi cầu nguyện cho các bác sĩ làm việc ở đó. Họ đang kiệt sức và thực sự cống hiến cuộc sống của họ để giúp đỡ những bệnh nhân, và cứu những người khác. Cha ấy cũng xin tôi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo dân sự đang đương đầu với cuộc khủng hoảng và thường phải đau khổ vì bị hiểu lầm. Họ là những trụ cột giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng này và đang bảo vệ chúng ta khỏi tai họa kinh hoàng này. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung vào chủ đề “quay về với Chúa” như được trình bày trong Bài đọc Thứ Nhất trong ngày.

Bài Ðọc I: Hs 14, 2-10

“Chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: Hỡi Israel, hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi, vì ngươi đã gục ngã trong đường tội ác. Các ngươi hãy mang lấy lời Chúa và trở về với Chúa; các ngươi hãy thưa rằng: “Xin hãy xoá bỏ mọi tội ác, và nhận điều lành. Chúng tôi dâng lên Chúa của lễ ca tụng. Asurô sẽ không giải thoát chúng tôi, chúng tôi sẽ không cỡi ngựa và sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra, vì nơi Chúa, kẻ mồ côi tìm được sự thương xót”.

Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ và đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như cây ô-liu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho. Nó sẽ được lừng danh như rượu Liban.

Hỡi Ephraim, tượng thần giúp ích gì cho ngươi không? Chính Ta sẽ nhậm lời và săn sóc ngươi, cho ngươi mọc lên như cây hương nam xinh tươi. Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả.

Ai là người khôn ngoan hiểu được các việc này, ai là người sáng suốt biết được các việc đó? Vì chưng đường lối của Chúa là đường ngay thẳng và những người công chính sẽ đi trên đó, còn các người gian ác sẽ gục ngã trên đó”.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Những lời của tiên tri Hôsê luôn nhắc nhở tôi về một ca khúc đã được Carlo Buti hát vào 75 năm trước.

“Các gia đình người Ý ở Buenos Aires rất thích nghe bài hát này. Họ rất thích bài hát này. ‘Hãy trở về với bố, ông vẫn sẽ hát cho bạn nghe một bài hát ru’. Hãy trở về. Đó là Cha của anh chị em, người bảo anh chị em trở về. Chúa là bố của anh chị em, Ngài không phải là một thẩm phán. Ngài ấy là bố của anh chị em. Hãy trở về nhà.”

Bài hát mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến có tên là “Torna Piccina Mia”

Người Cha chờ đợi đứa con hoang đàng.

Ký ức về bài hát đó đã dẫn Đức Thánh Cha đến chương 15 trong Tin Mừng theo thánh Luca. Ở đó, một người cha khác đang chờ đợi đứa con trai hoang đàng bỏ nhà đi sau khi lấy hết phần gia tài của nó và lãng phí số tiền ấy.

“Người cha ấy có thể nhìn thấy anh ta từ xa, đó là vì ông đang đợi anh ta. Đã bao nhiêu lần ông lên sân thượng ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, có lẽ là nhiều năm. Ông ấy đã đợi con trai mình.”

Đây là cách Chúa thể hiện sự dịu dàng của Ngài. Điều này nói với chúng ta cách đặc biệt trong Mùa Chay.

Mùa Chay là thời gian để đi vào chính chúng ta và nhớ đến Cha và trở về với Cha của chúng ta. “Nhưng, Cha ơi, con xấu hổ khi quay trở lại bởi vì, Cha biết đấy, con đã làm biết bao những điều sai trái” Chúa sẽ nói gì? Thưa: Ngài sẽ nói với chúng ta: “Hãy trở về. Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. (Hs 14: 4). Hãy trở về với Cha của anh chị em. Đấng dịu dàng sẽ chữa lành chúng ta.

Người Cha này sẽ chữa lành biết bao những vết thương trong cuộc đời của chúng ta.

Quay trở lại với Chúa là quay trở lại với một vòng tay, vòng tay của người Cha.

Xưng tội khi không có linh mục

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: việc quay về với Chúa diễn ra một cách cụ thể trong Bí tích Hòa giải.

Tôi biết rằng nhiều anh chị em đi xưng tội trước Lễ Phục Sinh Nhiều người sẽ nói với tôi: ‘Nhưng Cha ôi, con muốn làm hòa với Chúa lắm nhưng con không thể ra khỏi nhà. Con muốn Ngài ôm chầm lấy con nhưng làm sao con có thể làm được điều đó trừ khi con tìm được một linh mục? Anh chị em hãy làm những gì sách Giáo lý nói. Sách Giáo lý nói rất rõ ràng. Nếu anh chị em không tìm được một linh mục để đi xưng tội, hãy thưa lên với Chúa. Ngài là Cha của anh chị em. Hãy nói với Ngài trong sự thật: Lạy Chúa, con đã làm điều này điều kia. Xin Chúa tha thứ cho con. Hãy cầu xin sự tha thứ của Chúa bằng tất cả trái tim của anh chị em, kết thúc bằng một kinh ăn năn tội và hứa với Ngài, ‘sau này con sẽ đi xưng tội’. Anh chị em sẽ quay về với trạng thái có ân nghĩa với Chúa ngay lập tức. Như sách Giáo lý dạy, anh chị em có thể tự mình đến gần với lòng thương xót Chúa, trong trường hợp không có linh mục.

Để kết luận, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng từ “trở lại”, có thể tìm thấy tiếng vang trong tai chúng ta ngày hôm nay.

Hãy quay trở lại với bố của anh chị em. Hãy trở về với Cha của anh chị em. Ngài đang đợi anh chị em và Ngài sẽ tổ chức một bữa tiệc mừng đón anh chị em.