Ngày 21-03-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vì sao bút chì có cục tẩy?
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
02:16 21/03/2017
Vì sao bút chì có cục tẩy?

Câu trả lời thật rõ ràng: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa hoàn toàn một đoạn văn nào đó!

Khi một đứa trẻ mới vào lớp một, cô giáo không cho chúng viết bằng bút bi mà viết bằng bút chì. Bởi vì, bàn tay yếu ớt của các bé nhất định sẽ có lúc viết những nét nghuệch ngoặc, sai từ này đến từ khác. Và khi đó, bé sẽ dùng tẩy để xóa đi những chữ viết chưa đúng, chưa đẹp của mình.

Chúng ta cũng vậy, không ai sinh ra đã có thể viết lên những bài ca cuộc đời một cách hoàn chỉnh! Không ai có thể trưởng thành mà chưa một lầm vấp ngã hay mắc sai lầm! Vì thế, trong cuộc sống này, chúng ta cũng cần có một cục tẩy cho riêng mình. Cục tẩy giúp xóa đi những sai lầm vấp váp của chính bản thân. Có lúc chúng ta không dùng đến cục tẩy đó khiến cho những trang giấy cuộc đời nhem nhuốc bởi những dòng gạch và xóa.

Cần biết chấp nhận sai lầm như một điều tự nhiên trong cuộc sống.Cục tẩy là để xóa đi những chữ viết chưa được tròn trịa, chưa được chính xác. Cục tẩy phải mòn dần theo năm tháng, nếu nó cứ mới mãi như ngày xuất xưởng sẽ không ý nghĩa gì cả. Không sử dụng cục tẩy, cuộc đời của chúng ta sẽ chi chít những vết gạch xóa sau những lần mắc sai lầm. Một tờ giấy như vậy có đẹp đẽ gì không? Hãy để cuộc đời là một tờ giấy được viết nên bởi những trải nghiệm, những thử thách, những quyết tâm và cả lòng bao dung tha thứ nữa.

Bút chì có cục tẩy cũng giống như đời sống con người cần có Bí Tích Hòa Giải. Thánh Gioan Tông đồ viết: “Nếu ai nói rằng mình không có tội, thì người đó tự lừa dối mình” (1Ga 1,8). Bao lâu còn tồn tại trong thân xác là bấy lâu người ta còn sống trong tội lỗi. Điều này giúp mỗi người ý thức thân phận tội lỗi của mình để luôn khao khát tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa.
Mùa Chay và Tuần Thánh, các Giáo xứ nhộn nhịp bầu khí đạo đức: tĩnh tâm, giải tội.

Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa.

Khi được Thánh Tẩy, chúng ta đã trở nên tạo vật mới nhưng bản chất con người vốn yếu đuối thường hay sa ngã nên cần được phục hồi qua Bí tích Hòa Giải (x.1Cr 6,11; 1Ga 1,8). Nhờ đó, hối nhân được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh.

1. Hiệu quả của Bí Tích Hòa Giải

- Xưng Tội là để được tha tội, nhằm giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em. Tội lỗi nào cũng là một vết thương, một sự cắt đứt mối giao hảo nối liền chúng ta với Thiên Chúa và anh chị em. Tội trước hết là xúc phạm tới Thiên Chúa, là đoạn tuyệt với Người, đồng thời cũng làm tổn thương sự hiệp thông với Hội Thánh. Cao điểm của bí tích này chính là để giao hòa, gặp gỡ Thiên Chúa và người đồng loại. Được sạch tội là tạo điều kiện cho sự gặp gỡ thân mật ấy. Chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội cho con người, và quyền ấy cũng được Chúa Kitô chuyển giao cho Hội Thánh để nhân danh Người mà tha tội (Ga 20,21.23). Đây là một trong những chân lý quan trọng nhất của Kitô giáo : “Không có tội nào nặng đến nỗi Hội Thánh không thể tha thứ được. ‘Dù có ai gian ác và xấu xa đến đâu… vẫn có thể tin chắc được tha thứ, miễn là chân thành sám hối’. Đức Kitô, Đấng đã chết cho mọi người, muốn rằng : mọi cánh cửa tha thứ trong Hội Thánh luôn rộng mở cho bất cứ ai ăn năn trở lại” (GLCG # 982).

Những thế kỷ đầu, Hội Thánh rất ít ban bí tích này và đòi hối nhân phải chịu một hình thức kỷ luật công khai rất khắt khe. Sang đến thế kỷ VII, với ‘hình thức thống hối riêng tư’mở đường cho việc năng nhận Bí tích Giải Tội. Việc tha tội đặt nền tảng trên hai yếu tố chính là những hành vi thống hối của con người, và tác động tha thứ của Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Hội Thánh.

Linh mục vừa là đại diện Chúa Kitô, Đấng giải hoà chúng ta với Thiên Chúa; vừa là đại diện Hội Thánh để tha thứ tội lỗi và đón nhận chúng ta trở lại với cộng đồng. Hối nhân cần trung thực cởi mở cõi lòng với linh mục, và cũng nên biết rằng mình đang đối thoại với một tội nhân khác. Linh mục cũng là người, nghĩa là cũng được Chúa Kitô tha tội như những người khác. Vì thế với đức tin, chúng ta nhìn nhận linh mục trong toà giải tội như vị đại diện Chúa Kitô, nhưng cũng như một người anh em và là bạn hữu của các tội nhân.

- Bí tích Hòa Giải còn ban ơn trợ giúp hối nhân vượt thắng tội lỗi. Do đó, dù khi chỉ phạm tội nhẹ, chúng ta cũng cần đến bí tích này để lãnh nhận ơn trợ giúp của Chúa.
“Bí tích Thống Hối phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa và liên kết chúng ta với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả’. Mục đích và hiệu quả của bí tích này là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. Ai lãnh nhận Bí tích Giao Hòa với lòng thống hối và đạo đức, lương tâm ‘sẽ bình an thư thái, được an ủi thiêng liêng”. Bí tích Giao Hòa thực hiện một ‘cuộc phục sinh thiêng liêng’ đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người” (GLCG # 1468)

2. Diễn tiến giao hoà

- Xét mình là nhìn lại đời sống của mình trong ba tương quan (3 bổn phận) với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại và với chính bản thân mình. Không thể giao hòa cùng Thiên Chúa và Hội Thánh mà trước đó lại không chịu nhìn nhận tội lỗi của mình.
- Lòng thống hối ăn năn rất cần thiết để nhận được ơn tha tội. Bí tích Giải Tội chỉ có hiệu lực đối với những ai thực tình thống hối tội lỗi của mình và quyết tâm hối cải những tội mình đã phạm và chiến đấu chống trả tội lỗi. Thói quen thống hối thường hay đọc kèm kinh Thú Nhận, kinh Ăn năn tội.
- Xưng tội vừa có ý nghĩa nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, và đồng thời thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Toà giải tội không phải là diễn đàn để khoe mình, cũng không phải là ‘toà án’ để tự biện hộ cho mình hay cáo tội người khác. Đơn sơ và khiêm tốn trình bày những lỗi lầm của mình, cả về số lần phạm tội, để linh mục, thầy thuốc tâm hồn, có thể khuyên bảo cách thích hợp và hữu ích. Không thể khuyên bảo cùng một cách cho những người nhiều năm không giữ đạo, giống với những người vẫn Xưng Tội đều đặn hàng tháng; vì làm như vậy, ơn trở lại của họ bị giới hạn rất nhiều.
Tác vụ Giải Tội rất cao trọng đòi hỏi cha giải tội phải tôn trọng và tế nhị đối với người xưng tội. Nhân danh Chúa Kitô, linh mục đón nhận hối nhân, chuyển đạt cho họ tình thương của Chúa Cha, và nghe họ thố lộ những bí mật của lương tâm. Giáo Luật điều 983 $1 buộc nhặt linh mục , khi giải tội, phải giữ kín tuyệt đối những gì mà hối nhân đã xưng thú. Đây là ‘ấn tín bí tích’, vì tất cả những gì hối nhân xưng thú đều được bí tích ‘niêm ấn’. Bí mật tòa giải tội không chấp nhận một luật trừ nào, cho nên ai vi phạm sẽ mắc vạ nặng nề (GLCG # 1467).
- Xá giải là tháo cởi, giải thoát tội nhân khỏi những xiềng xích ràng buộc của tội lỗi. Nhờ ơn Thiên Chúa, xá giải là sự tha thứ trọn vẹn các tội được xưng thú và thiếu sót không cố ý. Linh mục giơ tay hoặc đặt tay trên đầu hối nhân và đọc lời xá giải (giơ tay là một cử chỉ biến thể của nghi thức đặt tay vì tha tội cũng là ơn của Thánh Thần). Hối nhân quỳ hay đứng cúi đầu, im lặng lắng nghe lời xá giải và thưa : “Amen”, chứ không phải là đọc kinh Ăn năn tội (sám hối là việc phải làm trước khi vào tòa xưng tội). Lời xá giải là lời cầu khẩn hơn là một án lệnh.
- Đền tội là tạ ơn lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Tất cả phạm nhân bị toà án phân xử đều phải nhận một hình phạt tương xứng với tội của họ. Trong Bí tích Giải tội, việc này không nhằm đền tội đã phạm cho bằng giúp hối nhân tạ ơn và quyết tâm sống cuộc đời mới, giúp cải thiện tương quan với tha nhân vì ‘tình yêu có thể che lấp mọi tội lỗi’ (1Pr 4,8).

3. Nghi thức giao hòa

Sách nghi thức Bí tích Hòa Giải có nhiều mẫu nghi thức :

- Nghi thức Giao Hòa từng hối nhân bao gồm cả phần đón tiếp hối nhân, đọc Lời Chúa (hối nhân nghe hoặc tự đọc), hướng dẫn cầu nguyện, xét mình, xưng tội, lời khuyên của linh mục, nhận việc đền tội, cầu nguyện xin ơn tha thứ, linh mục xá giải, lời nguyện tạ ơn trước khi ra về. Nếu có nhiều người lãnh nhận cùng lúc, có thể đọc chung cho nhiều người, tuy nhiên việc đọc Kinh Thánh này cũng không bắt buộc, và tùy nghi đơn giản các diễn tiến.
- Nghi thức Giao Hòa nhiều hối nhân nhưng xưng tội và giải tội từng người để nhấn mạnh tính cộng đoàn vì sự liên đới trong tội của nhiều người. Tội không chỉ là hành vi cá nhân mà nhiều khi còn là hệ quả của sự đồng lõa nên cũng cần giúp nhau sám hối.
“Bí tích Giải Tội có thể được cử hành cộng đoàn : tất cả cùng chuẩn bị xưng tội và cùng nhau cảm tạ vì được ơn tha thứ. Lúc đó việc xưng tội và giải tội cá nhân được tiến hành trong một cử hành Lời Chúa, với việc đọc Sách Thánh và diễn giảng, cộng đoàn được hướng dẫn xét mình ; xin ơn tha thứ, đọc kinh Lạy Cha và cùng tạ ơn. Hình thức này diễn tả rõ nét hơn tính Hội Thánh của việc thống hối” (GLCG # 1482).
- Nghi thức Giao Hòa nhiều hối nhân nhưng thú tội và giải tội chung, còn gọi là Giải Tội tập thể. Trong trường hợp nguy tử hay thật khẩn thiết về điều kiện thời gian và hoàn cảnh, linh mục có thể cử hành Bí tích Giải Tội tập thể, nghĩa là xưng tội chung và tha tội chung, nhưng đòi buộc phải xưng lại những tội trọng khi có dịp xưng tội riêng.
- Nghi thức thống hối cộng đồng mà không Xưng Tội nhằm gợi lên tinh thần sám hối để dọn mình Xưng Tội vào một dịp thuận tiện khác.
Sám hối là tâm tình luôn phải có của giới luật mến Chúa yêu người. Đặc biệt mỗi tối trước khi ngủ nên đọc kinh tối, xét mình và xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi trong tư tưởng, lời nói và hành động.

4. Cuộc gặp gỡ kỳ diệu làm nên hạnh phúc

Trong Bí Tích Hòa Giải, Chúa và con người gặp nhau cách kỳ diệu nhiệm mầu. Người ta ra về với một trời mới, đất mới. Cỏ cây xanh tươi. Nắng chan hoà ấm cúng trong lòng người. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ tòa giải tội bước ra.

Khi còn bé, Washington rất thích trồng cây. Có lần Washington đã nhổ một cây quý của ba đem đi trồng chỗ khác. Khi về đến nhà, ba của ông rất tức giận. Washington đã can đảm vào xin lỗi ba. Thấy con xin lỗi, ba của ông đã ôm con vào lòng và nói: “Tất cả tài sản của ba không quý bằng lòng thành thật nhận lỗi của con”.Washington biết nhận lỗi và can đảm xin lỗi tức là thú tội của mình với ba. Khi nhận lỗi Washington không bị phạt mà còn được ba yêu thương hơn. Sau này Washington trở thành vị tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ.

Bút chì cần cục tẩy, mỗi người cần Bí Tích Hòa Giải. Mỗi lần được tẩy xóa tội lỗi chúng ta lại có một mùa xuân thiêng liêng mới đang nở trong lòng nhờ được chìm sâu trong Trái Tim Nhân Lành của Thiên Chúa Tình Yêu. “Anh chị em hãy cùng hướng về trái tim Đức Kitô, dấu chứng hùng hồn của lòng thương xót Thiên Chúa, “của lễ đền tội chúng ta”, “niềm bình an và hòa giải của chúng ta”, hầu kín múc nơi đó sức mạnh nội tâm dẫn đưa chúng ta ra khỏi tội lỗi và quy hướng chúng ta về Thiên Chúa, đồng thời tìm thấy nơi đó lòng nhân ái của Thiên Chúa như lời đáp trả thân tình cho hối nhân” (Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Hòa giải và Sám hối, số 28).




 
Cầu nguyện
Lm Martin Trần Minh Quân, S.J
08:04 21/03/2017
Cầu nguyện
(Mt 17, 1-8)

Biến cố Chúa biến hình cho chúng ta một hình ảnh sinh động về Thiên Chúa. Có một cái gì đó liên hệ giữa Đức Giêsu của hôm qua và chúng ta hôm nay. Bạn và tôi, thật khó mà tưởng tượng nổi sự ‘biến hình’ của bản thân, nhưng một lẽ nào đó, chúng ta ước mơ nó xảy đến, phải không? Ta muốn nhìn, muốn cảm thấy, và trở nên một con người khác hơn cái tôi của hiện hữu. Vô số những tín hiệu ta nhận được từ thế giới quanh ta đã như là nguồn thôi thúc sự đổi thay, sự biến dạng. Dáng vẻ bề ngoài, những gì ta có, và nhất là kẻ bàng quang nghĩ gì về ta, thấy gì nơi ta.

Nỗi ám ảnh về việc thiên hạ nhìn ta dưới nhãn quang nào đã thậm chí đưa chúng ta tới nghĩ suy: hình dạng ta sẽ ra sao trước mặt Thiên Chúa. Đây thật là điều nực cười vì ta cứ làm như thể Chúa chẳng thấu rõ ta là ai: trong lẫn ngoài.

Có phải đó cũng chính là nguyên nhân làm ta không muốn cầu nguyện bởi vì ta sợ rằng một khi ta tâm tình với Chúa, Ngài sẽ hiểu nết xấu của ta rõ hơn; hoặc như là ta chưa ở trong sự tuyệt hảo cần thiết? Ta nghĩ là ta cần phải sẵn sàng khi Chúa đến, điều này đúng thôi. Nhưng có đôi khi ta đi xa hơn đến độ tưởng rằng ta có thể tiên đoán ngày và giờ ấy. Và rất có thể ta cũng tưởng mình sẵn sàng được theo kiểu của Phêrô, Giacôbê, Gioan hôm nay: “Chúng con sẵn sàng, xin cho chúng con lập ba lều . . .”

Tôi còn nhớ những câu chuyện của 30 ngày tĩnh tâm dài. Trong khi chiêm niệm, tôi luôn tưởng đời tôi cũng như một căn nhà ấm cúng. Tôi cứ mải miết dọn dẹp, lau rửa mỗi ngày. Cửa trước được trang hoàng kỹ lưỡng chờ Ngài đến. Mà thật, tôi chờ và khao khát Ngài. Thế nhưng hình bóng của Giêsu chưa bao giờ xuất hiện từ ngưỡng cửa đầy hoa và thảm đỏ. Ngài đã đến trong đời tôi mà không qua ngưỡng cửa ấy, bởi lúc thì Ngài vào cửa sau, khi thì chui qua ống khói, và thậm chí có lần Ngài trèo cửa sổ mà vào.

Trong lúc ta bận rộn tô vẽ cho đời mình trông cho đẹp mắt, gọn ghẽ và tuyệt hảo trước Nhan Thánh, thì lời nhắn gửi của Chúa Giêsu hôm nay lại là sự quan trọng của những biến đổi đích thực rất người. Biến đổi là công việc của Thiên Chúa, không phải là việc của ta. Thường lắm khi ta cứ bỏ lỡ một chi tiết quan trọng (như các Tông Đồ ngày xưa cũng phạm phải) là viễn tượng của sự đẹp đẽ, sự tuyệt hảo luôn được theo sau bằng những tiên đoán của Chúa Giêsu về chính những đau khổ và sự chết.

Vậy thì làm sao chúng ta có thể thực thi những điều này? Tôi muốn đề nghị hôm nay về nhiệm vụ của ta trong sự ‘biến hình’ cho bản thân: mở lòng ra cho quyền năng của Thiên Chúa được thực thi. Và theo kinh nghiện truyền thống thì còn gì có giá trị hơn khi ta để cho năng lực của Ngài tràn vào qua việc cầu nguyện?

Bởi đó, trong giây phút này đây, tôi muốn chia xẻ với các bạn về đời cầu nguyện, về sự quan trọng trong cách nhìn Thiên Chúa của ta, về những lý do khiến ta bỏ lơ nguyện ngắm, những nguy cơ gặp phải khi cầu nguyện, về sự thực hành cầu nguyện trong đời sống và những hoa trái tiềm ẩn từ nó.

Trong quyển sách “Clinging,” Emilie Griffin đã nói rằng cầu nguyện chẳng phải là những chi ta làm, mà là chính Chúa Kitô làm trong ta. Theo bà, cầu nguyện giúp ta ‘cling’ (bám chặt) vào Thiên Chúa, và giải phóng ta khỏi tư tưởng ‘tự làm lấy,’ ‘không lệ thuộc’—những tư tưởng đẩy ta xa Ngài.

Clinging không phải là những tư tưởng hay phương thức của cầu nguyện mà chỉ là những bước dọ dẫm, những kinh nghiệm của nó mà thôi. Bởi thế mà ngay cả Thiên Chúa khi muốn phá tan khỏi ta những bức tường ngăn cách, thì Ngài cũng đi rất từ tốn, nhẹ nhàng vì Ngài chẳng muốn làm ta sợ hãi hay thậm chí đe dọa sự tự do của ta.

Karl Rahner đã viết: “Chẳng phải con vồ lấy Cha, nhưng chính Cha chộp lấy con.” Mà Thiên Chúa này là ai mà lại chộp lấy ta trong cầu nguyện? Ta nhìn Chúa dưới nhãn quang nào? Ta đã cầu nguyện với một Thiên Chúa, Đấng chỉ dùng quyền năng để cho đi hay giữ lại những điều tốt, để cân đo đong đếm sự thưởng phạt, hay để gửi đến ta bao khó khăn, đau khổ hầu thử thách ta xem ta có xứng đáng vào hưởng cuộc sống thần thánh mai hậu? Hay ta cầu nguyện với một Thiên Chúa, Đấng dắt ta ra khỏi những khó khăn do chính ta và anh em tạo nên?

Chúng ta cần xét lại về cách nhìn Thiên Chúa thật cẩn thận để xem xem nó có thực sự giống với Thiên Chúa của Tạo Thành, của xuất hành, của Đức Giêsu cứu đời, của Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống, của sự huyền nhiệm, của các tiên tri những kẻ rao giảng công bình qua các thời đại – một Thiên Chúa luôn yêu thương. Nói theo kiểu Griffin: “Chúng ta được Ngài yêu chẳng phải vì ta đạo đức mà vì qua tình yêu ấy, Ngài sẽ làm ta nên đạo đức hơn.”

Những lý do khiến ta ngại cầu nguyện. Khi tôi cầu nguyện, tôi chẳng có cảm giác gì hết. Sự vô cảm này lắm khi lại do chính sự thờ ơ, tự thu mình trong hệ thống phòng thủ tiềm ẩn trong lòng tôi – những thứ bảo vệ tôi khỏi cái mà tôi sợ nhất: sự chối từ. Hơn nữa, nếu tôi cầu nguyện mà không có cảm giác gì hết thì điều này đã nói gì cho tôi hay về cảm giác của Thiên Chúa lúc đó đối với tôi?

Lý do khác: khi tôi cầu nguyện, tôi không tập trung vào cái mà Chúa ban cho nhưng mà vào thứ mà Ngài còn cất dấu cứ như thể Ngài là Thiên Chúa kiểu ông già Noel, mang trong mình một danh sách dài và xét năm lần bẩy lượt xem ta làm tốt hay xấu.

Lý do thứ ba: cầu nguyện là một việc quá hiển nhiên, tìm một lối về, một ngã rẽ khi tôi chạm trán với tham vọng của đời thường. Griffin đã gọi “cầu nguyện là một manh mối còn ẩn nấp trong đồng cỏ bao la.” Hay nói khác đi, cầu hoài mà chả được. Sự nhận xét này thường khởi phát từ những con người chả bao giờ cầu nguyện hoặc từ kẻ muốn biết muốn tìm một khởi phát cho những lối thoát. Điều cần nhớ là Thiên Chúa biết cách đáp trả lời cầu của ta hơn ta tưởng ta suy. Đã từ lâu tôi bỏ đi việc cầu nguyện cho người khác một cách chi tiết mà thay vào đó là xin Chúa ban cho họ những chi mà họ thực sự cần. Dĩ nhiên, khi họ gặp hoạn nạn, khổ đau về tinh thần, vật chất hay tâm lý, tôi đã xin Ngài an ủi, thêm sức và ban cho họ cảm nhận về sự hiện hữu của Ngài trong những đau khổ ấy.

Lý do kế: ta cầu nguyện mà lòng thấy khô khan vô tả. Tôi đề nghị một cách nhìn khác hơn cho cảm giác khô khan và trống rỗng của ta. Đó là thay vì nhìn thấy sự trống rỗng, ta nhận ra cái mênh mang của lòng ta đang khao khát chờ Ngài đong đầy và dằn lắc. Há chẳng phải khi đói và lúc khát thì thức ăn và nước uống trở nên ngon hơn sao? Đây cũng chính là một trong những lý do của chay tịnh hầu giúp ta gọt dũa cho sắc khao khát được có Ngài. Thông thường tim ta cũng giống như đầu, tay và bao tử cứ đầy ắp những thứ đẩu đâu làm ta chẳng còn chỗ chứa. Qua cầu nguyện, ta có cơ hội trỗng rỗng đủ để Ngài thực sự được chào đón.

Có lẽ ngáng trở lớn nhất khi cầu nguyện là sự sợ phải im lặng. Thứ im lặng mà qua nó, ta cảm thấy cái ham muốn gần gũi, nhưng đồng thời cũng là những dằn vặt của tiến hay lui, khao khát hay chối từ. Nói một cách khác đi, cầu nguyện là nguy cơ, mà nó là nguy cơ thật bạn ạ. Nguy cơ rằng Thiên Chúa sẽ biến đổi ta, thay cách nhìn của ta, sự hiểu biết của ta, giá trị, ưu tiên... và tệ hơn nữa biến ta thành một kẻ mà ta chẳng thể chấp nhận. Rồi chúng ta có thể sẽ bắt đầu quan tâm đến giá trị khác hay anh em đồng loại theo cách làm ta không mấy thoải mái; hoặc ta ngừng quan tâm đến một số giá trị ưu tiên của riêng mình.

Hồi còn trong nhà tập, một lần ngồi nói chuyện với Cha Giám Tập, Cha đã hỏi tôi: “Phải chăng con sợ Chúa biến đổi mình vì rất có thể Ngài sẽ đưa con đến một mẫu người mà con không chấp nhận?” Có lẽ Cha nói đúng.

Mặt khác, qua cầu nguyện, ta có cơ may cảnh giác với những ấn tượng sai, những mặt nạ của đời ta và thậm chí ta có thể quên đi mà dâng hiến cái ưu tư, sợ hãi, và phiền muộn của ta cho Ngài. Như Griffin nói: “Đồng bạc duy nhất mà ta có thể dâng là chính con người của ta.” Và nếu như ta keo kiệt ở điểm này thì ta chỉ cách ly mình ra khỏi cái tôi thật của ta mà thôi. Thậm chí nếu ta miễn cưỡng với Thiên Chúa thì như một bài thơ nào đã viết: “ Nếu bạn chẳng thành tâm khi cầu nguyện Mà chỉ dâng Chúa những tâm tư khô cạn, hay những kiêu căng và hồ nghi, Thì trong tình yêu bao la của Ngài, Nhận được đồng bạc xấu xí làm phần thưởng là bạn đã may lắm thay!”

Các bạn mến, khi chúng ta dâng Ngài thời giờ quý báu, khi tất cả những kiểu cách, kế hoạch, phương thức được quét sạch đi thì lúc ấy, ta sẽ nghe Ngài nói với ta trong chỗ lặng lẽ nhất của trái tim. Và điều Chúa nói là tên gọi của chính ta. Chỉ trong tiếng gọi và lắng nghe ấy, ta biết rằng ta thuộc về Người.

Nhìn một người bạn, ta có thể nói người đó có đời sống cầu nguyện sâu sắc. Bởi họ sống rất nhân hậu, vị tha, khiêm tốn, nhẫn nại, cởi mở, và bình tĩnh trước khó khăn. Có lẽ là qua cầu nguyện, đời sống nội tâm của họ đã phủ lấp cái ngoại hình ồn ào đáng ghét.

Thế nên bạn ơi, khi cầu nguyện, đừng lo lắng cho việc nên đứng hay ngồi, quỳ hay nằm. Đừng ưu tư về việc nên đọc kinh Lạy Cha cách chậm rãi, hay đọc một đoạn Phúc Âm, cầu nguyện với nét nhạc, với Thánh Tích hay dùng Kinh Mân Côi. Phương thức luôn thay đổi mà đề tài thường dễ thương thuyết.

Cầu nguyện thực sự là im lặng trước Thánh Nhan và thả hồn trong tình yêu của Thượng Đế. Cầu nguyện tự nó không phải là thành công hay thất bại mà là đưa cái tôi của ta vào lòng Ngài, vì Thiên Chúa luôn luôn yêu ta, nhất là lúc ta trở về từ những vấp ngã: “Con muốn ở nơi những bước chân Ngài đi, bởi trước khi bước đi, Ngài đã nhìn xuống lòng đất, Và qua đó Ngài thấy con mà chúc lành cho”.

Vâng, hãy cầu nguyện luôn vì Thiên Chúa muốn chúc lành và biến đổi con người yếu đuối của ta.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:15 21/03/2017
32. TRÊU MỄ NGUYÊN CHƯƠNG
Lúc Mễ Nguyên Chương cư trú tại chùa Cam Lộ ở Trấn Giang, có viết ba chữ “am Mễ Lão” nơi chỗ ở của mình.
Năm nọ chùa Cam Lộ bị hoả hoạn và các đồ vật đều bị cháy rụi, chỉ có tháp Lý Vệ công và am Mễ Lão là không bị cháy. Thấy không bị cháy, Mễ Nguyên Chương liền làm một bài thơ:
- “Mây hộ tháp Vệ công, trời giữ am Mễ Lão.”
Có một người rất thích trêu đùa, bèn ngầm đổi bài thơ trên viết lại thành câu: “Thần hộ tháp Lý Vệ công, trời giữ am bà Mễ Lão”.
Mẹ của Nguyên Chương nhìn thấy câu đối này thì vội vàng chạy thẳng vô phòng giậm chân kêu trời, nguyên nhân là Mễ Nguyên Chương vì nhờ bà mẹ mới được thăng lên làm quan.
(Hiên Cứ lục)

Suy tư 32:
Có người nhờ mẹ dạy dỗ mà được “nở mặt nở mày” với đời, có người nhờ mẹ mà trở nên người tốt, lại có người nhờ mẹ mà trở nên những vị đại thánh của Giáo Hội...
Nhưng ngược lại cũng có những đứa con bỏ mẹ đói không cho ăn khi cha mẹ già yếu, có những đứa con coi cha mẹ như là một cái “oan nợ” phải gánh khi cha mẹ già yếu, có những đứa con bắt mẹ mình phục vụ như người ở trong nhà, lại có những đứa con coi trọng vợ mình hơn mẹ ruột, nghe lời vợ hơn cả nghe lời của Chúa, nên đã to tiếng càm ràm với mẹ mình, và thậm chí có khi chửi mẹ mình trước mặt vợ mình để vợ mát lòng hả dạ !!
Có người dựa hơi vào cha mẹ làm ông này ông nọ để hù doạ người khác, có người ỷ lại vào bà mẹ ăn nói giao thiệp rộng quen biết nhiều mà có địa vị mà trở nên kiêu ngạo, lại có người cậy vào tiền của của cha mẹ mà không lo học hành chỉ biết ăn chơi...
Người Ki-tô hữu có một người mẹ thật tuyệt vời, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a, Mẹ luôn thương yêu săn sóc chúng ta, chính Mẹ đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta hãy sống đẹp lòng Thiên Chúa, cải thiện đời sống.
Có nhiều linh hồn đã nhờ Mẹ mà đã từ bỏ con người cũ tội lỗi của mình để nên người tốt, có những người Ki-tô hữu đã yêu mến Mẹ, đã để Mẹ dẫn dắt họ đến với Đức Chúa Giê-su –Con của Mẹ, để họ được trở nên những môn đệ đích thực của Ngài.
Ai yêu mến Đức Mẹ Ma-ri-a thì người ấy sẽ rất yêu mến cha mẹ sinh ra mình; ai yêu mến Đức Mẹ Ma-ri-a thì người ấy sẽ trở nên người con hiếu thảo với cha mẹ của mình, bởi vì Thiên Chúa sẽ không bao giờ lầm khi chọn Đức Mẹ Ma-ri-a làm Mẹ Ngài trong khi nhân loại đang sống trong nô lệ cho tội lỗi; bởi vì Đức Chúa Giê-su rất có lý khi trao phó toàn thể nhân loại cho Mẹ của mình -qua thánh Gioan Tông Đồ- để nhờ Mẹ mà nhân loại tìm thấy nơi nương tựa bảo đảm trước toà công thẳng của Thiên Chúa.
“Lạy Đức Mẹ Ma-ri-a, chúng con diễm phúc được Mẹ làm mẹ của chúng con, qua Mẹ, chúng con cảm tạ tình yêu cao cả và thượng trí của Thiên Chúa đã an bài cách khôn ngoan khi chọn Mẹ làm máng chuyển thông ơn của Chúa xuống cho chúng con.
Xin Mẹ ban cho chúng con có một tâm hồn khiêm cung, nhạy bén trước tình yêu của Mẹ dành cho chúng con trong cuộc sống, để chúng con biết lắng nghe tiếng Mẹ dạy bảo chúng con những gì phải làm để được sống đẹp lòng Chúa và tha nhân. Xin Mẹ nghe lời chúng con. Amen


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:35 21/03/2017

4. Cầu nguyện so với tất cả sức mạnh của ma quỷ thì mạnh hơn nhiều.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Giờ Chầu Thánh Thể mùa chay: Chủ đề : “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
21:18 21/03/2017
Giờ Chầu Thánh Thể: 24 giờ cho Chúa; Chủ đề : “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”

Mùa Chay 2017

CHỦ ĐỀ : “LỜI CHÚA LÀ MỘT HỒNG ÂN. THA NHÂN LÀ MỘT HỒNG ÂN”

I. KHAI MẠC :

- Lời dẫn nhập (Người dẫn đọc)

Kính thưa cộng đoàn,

Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, bằng nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa : Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng, hoặc : Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi (SLRM).

Lời Chúa qua miệng tiên tri Joel: "Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van" (Joel 2,12) lại văng vẳng bên tai mỗi khi Mùa Chay về.

Để giúp con cái mình bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng thu được nhiều ơn ích. Ngoài những phướng thế Giáo Hội vẫn đề ra như : Ăn Chay, Cầu Nguyện, Làm Phúc, vị cha chung của Giáo Hội là Đức Thánh còn ban hành sứ điệp như là kim chỉ nam để các tín hữu sống trong Mùa Chay Thánh.

Với chủ đề : "Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân". Trong Sứ điệp Mùa Chay 2017 năm nay, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra và phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, nhất là những người nghèo khổ. Ngài cũng mời gọi chúng ta dành "24 giờ cho Chúa" để cầu nguyện, lắng nghe Chúa nói, đón nhận ý Chúa, và quyết tâm thực hành ước muốn của Đức Thánh Cha là vâng nghe Lời Chúa và coi trọng tha nhân, vì chính họ cũng là hồng ân của chúng ta.

Vì thế, đây là thời gian hoán cải, trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, canh tân cá nhân và cộng đoàn, sống trọn Giới răn mến Chúa và yêu người.

Thật là ý nghĩa trong giờ phút này đây, trước Thánh Thể Chúa, hiệp cùng với Mẹ Maria, thánh cả Giuse, Các Thánh Nam Nữ, các Tổng Thần, Quyền Thần và toàn thể đạo binh thiên quốc, cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, với anh chị em trên toàn thế giới, chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Chúa, chúc tụng và tung hô quyền năng Chúa, chiêm ngắm Chúa, tuyên xưng Chúa ngự thật trong phép Mình Thánh. Chúng ta thờ lạy, phủ phục và tôn thờ Chúa Giêsu ẩn mình dưới hình bánh. Chúng ta cám ơn Chúa Giêsu đã trao ban chính mình cho chúng ta. Và sau hết xin Chúa xót thương, chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Giờ đây chúng ta khẩn cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm Giờ Thánh này cho nên.

-Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần

- Đặt Mình Thánh Chúa

- Hát : Thờ Lạy Chúa Giêsu

(Vị Chủ sự quì trước Thánh Thể xông hương, hát xong và đọc lời nguyện sau)

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng sáng tạo trời đất muôn vật hữu hình và vô hình, trong đó có loài người chúng con. Chúng con tôn thờ và kính lạy Ngôi Con là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại, trong đó có mỗi người chúng con. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Ba là Chúa Thánh Linh, Đấng thánh hóa trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự thật giữa chúng con đây, và giờ phút này, Chúa thấy chúng con đang ở đây với Chúa, trước sự hiện diện của Chúa.

Đã gần hai ngàn năm, Chúa đã sẵn lòng bước lên Thánh Giá ô nhục để rồi sau đó phục sinh và ở lại mãi với chúng con là những người anh chị em của Chúa. Chúng con chiêm ngắm Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.

Hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, vì yêu thương nhân loại và yêu cho đến cùng, Chúa đã ban Mình và Máu cho các môn đệ, để ở với họ "mãi mãi, cho đến tận thế" (Mt 8,20). Chúa là nguồn gốc và cùng đích đời sống đức tin của chúng con, chúng con thờ lạy Chúa. Vì không có Chúa, chúng con không có ở đây giờ phút này, không có Chúa, chúng con sẽ không hiện hữu, không có Chúa, sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì.

Chúa là Đấng "vạn vật được tạo thành" (Ga 1, 3). Chúa là Đấng nhờ Chúa mà chúng con được tạo thành. Chúa đang ở giữa chúng con, cho chúng con được chiêm ngắm Chúa.

Lạy Thiên Chúa đầy tình thương mến, xin ôm ấp tất cả chúng con giờ đây đang thờ lạy trước Thánh Thể tình yêu Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa.

Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng con nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng con về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng con cho Chúa Cha.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp nhận hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người.

- Hát : Con Thờ Lạy Hết Tình (Hoài Chiên)

1. Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong phép thánh. Yêu quý nhân loại hiến thân trong hình bánh, nuôi hồn con tháng ngày, cho lòng con vui say. Dâng hiến Cha lành khúc hoan ca tràn đầy.

ÐK: Lòng con hân hoan mến tin một Cha. Trần gian bao nhiêu khó nguy lệ sa. Trông cậy ơn Chúa giúp con mau vượt qua. Ðời con tin yêu sống trong tình Cha. Ngày đêm vang lên biết bao lời ca. Dẫu ngàn sầu thương vững tin thiết tha.

2. Chúa ngự trong phép mầu, chỉ vì ơn thương mến, ban xuống nhân loại chúng con không bờ bến. Con nguyện xin tháng ngày, thương đoàn con yếu đuối, tha thứ muôn tội lỗi xưa nay tràn đầy.

Vị chủ sự xướng :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện trên bàn thờ này, chúng con quỳ gối trước nhan Chúa. Con tin thật Chúa là Chúa của chúng con, chúng con là tạo vật của Chúa. Trước nhan Chúa, chúng con ý thức về thân phận của chúng con. Chúng con muốn chứng tỏ rằng con thuộc về Chúa, và chúng con là anh em với nhau. Chúng con thờ lạy Chúa là Chúa của chúng con.

Cộng đoàn đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.

Lạy Thiên Chúa là Cha, vì tình thương vô lượng hải hà, Cha đã sai Con Một mình là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, đi rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại để cứu chuộc chúng con. Trước khi về trời Chúa còn lập Phép Mình Thánh để ở với chúng con.

Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con kính thờ lạy Chúa, xin Chúa khấn thương ban cho gia đình, giáo xứ và cho toàn thể nước Việt Nam chúng con được ơn sốt sắng, bình an và thịnh vượng. Chúng con cũng xin Chúa gìn giữ Ðức Giáo Hoàng là đấng đại diện Chúa ở trần gian, Ðức Giám Mục Giáo phận chúng con và Cha xứ chúng con. Chúng con lại xin Chúa đoái thương cách riêng đến các linh hồn nơi luyện ngục nhất là những linh hồn khi còn sống đã có lòng tôn kính Phép Thánh Thể.

Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã chịu chết vì chúng con, nhưng Chúa chưa lấy làm đủ, Chúa còn lập phép Mình Thánh rất đáng kính này để ban trót mình cho chúng con là loài thụ tạo đáng ghét và tệ bạc. Ôi lòng Chúa thương yêu chúng con vô cùng! Chúng con không tài nào suy thấu được. Chớ gì chúng con được kính mến Chúa hết lòng hết sức, chớ gì chúng con được thấy mọi người kính mến Chúa và chớ gì chúng con làm cho mọi người kính mến Chúa như Chúa đáng kính mến.

Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu và thực hiện được điều đó cho gia đình chúng con. Bởi vì có tình yêu chân thành, chúng con mới có thể hy sinh cho nhau, cảm thông, tha thứ, nhịn nhục, chịu đựng lẫn nhau. Có thế, chúng con mới có thể chu toàn nhiệm vụ gia đình là tận tâm giáo dục con cái, trung thành với nhau.

Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ngự trị trong gia đình chúng con, và xin cho mọi người trong gia đình chúng con sống với nhau bằng một tình yêu chân thành bắt nguồn từ tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ vậy, gia đình chúng con sẽ được sống hạnh phúc tốt đẹp trong tình thương vô biên của Chúa.

Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.

(Vị Chủ sự cùng giúp lễ đi vào)

II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM :

- Hát : Xin cho con biết lắng nghe

- Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Ga 1, 1-5. 9-14)

"Ngôi Lời đã làm Người và ở cùng chúng ta"

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Ðó là lời Chúa.

- Gợi ý suy niệm 1 (Mọi người ngồi)

Câu "Ngôi Lời đã làm Người và ở cùng chúng ta", gợi lên cho chúng ta câu hỏi: Tại sao Ngôi Lời phải làm người?

Sách sáng thế 1, 26- 27 cho ta biết, "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa", và trong các loài Chúa đã dựng nên, chỉ có con người được Thiên Chúa ban cho linh hồn thiêng liêng, bất tử. Nhờ đó, con người có khả năng hiểu biết, chọn lựa điều hay lẽ phải và quyết tâm loại trừ điều xấu để hướng đến hạnh phúc đích thực và tròn đầy. Nhưng ngay từ đầu, tổ tông loài người đã từ chối hồng ân Lời Chúa, không lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy, nghe theo xúi dục của ma quỷ, chối từ Thiên Chúa, lạm dụng tự do của mình để phạm tội chống lại Thiên Chúa, và làm hư hỏng hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, khiến con người trở nên lầm lạc, yếu đuối, hay hướng chiều về điều xấu. Hậu quả là con người làm mất tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa, gây xáo trộn nơi bản thân, đánh mất sự hoà hợp với người khác, con người đổ lỗi, nghi ngờ và giết nhau. Không những thế, con người còn làm mất sự hòa hợp với thiên nhiên (vạn vật trở nên gai góc, lao khổ đối với con người) và hậu quả nặng nề là cái chết.

Để cứu con người ra khỏi tình trạng đó, Thiên Chúa đã không để con người ra hư không, mà đã sai Con Một là Đức Giêsu Kitô đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi bằng chính cái chết và sự phục sinh của Người, để những ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết nhưng được sống đời đời.

Nếu Lời của Thiên Chúa Sáng Tạo là Hồng Ân, tổ tông nghe theo thì không phải chết. Thì Chúa Giêsu Kitô chính là Lời, là hiện thân của Thiên Chúa Cha, là Hồng Ân, sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ Maria, do Thiên Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Người mang đến cho nhân loại tình yêu, bình an và hạnh phúc của Chúa Cha trên trời. Chính Người là Ðấng Cứu Độ chúng ta.

Thiên Chúa Cha đã tặng Con Một mình cho thế gian, với lý do như chính Chúa Con đã tuyên bố với ông Nicôđêmô: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16). Với lời này, Chúa Giêsu khẳng định Người là món quà mà Chúa Cha ban tặng cho thế gian.

Tình yêu là bằng chứng cao cả nhất của Thiên Chúa. Đây cũng là một biện pháp cuối cùng mà Thiên Chúa đã thực hiện, sau khi đã dùng nhiều thể nhiều cách trong lịch sử mà phán dạy con người (x. Dt 1,1). Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu luôn minh chứng và thể hiện tình thương vô bờ bến của Chúa Cha. Người không chỉ đem cho con người những lời giáo huấn về chân lý vĩnh cửu, Người còn hiến chính mạng sống vì con người. Trên cây thập giá, Người thể hiện cách rõ ràng Người là quà tặng của Thiên Chúa để cữu chuộc trần gian.

Khi Thiên Chúa tặng ban món quà Giêsu cho con người, có người đón nhận, nhưng cũng có nhiều khinh miệt chê bai, thậm chí còn gạt bỏ, khước từ và cuối cùng đóng đinh Người trên thập giá. Ai đón nhận, người ấy có được bình an và ơn cứu rỗi. Kẻ nào khước từ thì nhận lấy án phạt đời đời vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa (x. Ga 3, 18).

(Mọi người thinh lặng trong giây phút chiêm ngắm Chúa)

- Hát : Mình Máu Thánh (Thu Lâm)

1. Ôi Cha yêu con, yêu con thật hết tình, này Mình Máu Thánh nuôi hồn con thêm thắm tình. Ôi Cha, yêu con, yêu con quên cả chính Mình, này Mình Máu Thánh đủ minh chứng cho tình yêu.

ĐK: Tâm tư con hoan lạc được rước Mình Máu Thánh, tâm tư con vinh hạnh được diện kiến Tim Cha, biết nói chi cho cân tình mến Cha đã dành, biết đáp chi cho cân tình mến Cha rộng ban.

2. Ôi Cha, bao la, yêu con thật hải hà, này Mình máu Thánh nuôi hồn con khỏi giá lạnh. Ôi Cha, yêu con, bao la ôi thật hải hà, này Mình Máu Thánh lò nung nóng con người ta.

(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)

- Công bố lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 16, 22-31)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

'Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này'. Abraham nói lại: 'Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được'.

Người đó lại nói: 'Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này'. Abraham đáp rằng: 'Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài'. Người đó thưa: 'Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải'. Nhưng Abraham bảo người ấy: 'Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'".

- Gợi ý suy niệm 2 (Mọi người ngồi)

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2017 năm nay với chủ đề : "Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân". Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hữu lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra và phụng sự Chúa Kitô trong tha nhân, nhất là những người nghèo khổ. Ngài trưng dẫn đoạn Tin Mừng Luca (16,19-31) để quảng diễn. Chi tiết "người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình" (Lc 16,19) chứng tỏ đây là người không có nhân đức chừng mực ; nhưng không nói ông đã làm giầu cách bất lương : ông dùng của cải ông có. Tương phản với "anh Lagiarô nghèo" (Lc 16,20), gợi lên những chỉ trích phê bình. Người phú hộ, nếu có điều kiện ông sẽ chè chén, đó là việc làm của ông ; nhưng ông không nhận ra anh Lagiarô nghèo nằm ở cổng nhà mình là một điều không thể chấp nhận được.

Đức Thánh Cha viết : "Ông Lagiarô dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người hệ tại nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Cả người nghèo nơi cổng nhà người giầu không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi hoán cải và thay đổi cuộc sống.. Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho mỗi người túng thiếu và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người đến gặp chúng ta là một hồng ân và đáng được tiếp đón, tôn trọng và yêu mến. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt" (Số 1).

Có người bất mãn tự hỏi: Ông nhà giàu đâu có tội gì mà phải xuống hỏa ngục. Ông không gian tham, trộm cắp, bóc lột. Tiền của do công sức mồ hôi nước mắt ông làm ra, ông có quyền ăn xài chứ? Giàu có đâu phải là tội?

Vâng, giàu có không phải là một tội, nhưng khi không làm chủ được các thứ mình có, chúng sẽ làm chúng ta vong thân, mất tha nhân và mất phần phúc đời đời. Nên khi phân tích thái độ của người phú hộ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: "Tiền bạc có thể biến chúng ta và cả thế giới thành nô lệ, phải tuân hành một tiêu chuẩn ích kỷ, không còn chỗ cho tình thương và cản trở hòa bình. Dụ ngôn này tỏ cho chúng ta thấy sự ham hố tiền bạc của người phú hộ làm cho ông ta kiêu hãnh, háo danh, chỉ quan tâm phô trương bề ngoài trong khi trống rỗng trong nội tâm.. Người phú hộ ăn mặc như thể mình là vua, giả bộ cung cách như một vị thần, mà quên mình chỉ là một phàm nhân hay chết.. Vì thế, kết quả của sự quyến luyến tiền bạc là một thứ mù quáng: người giàu không thấy người nghèo đang chịu đói, bị đè bẹp trong tủi nhục! " (Số 1)

Quả thật, đời sống ích kỷ khiến người giầu chỉ chú ý đến mình, qui mọi sự về mình, bị mắc kẹt trong sự thờ ơ, trở thành tù nhân của nhà tù mạ vàng của chính mình, mù quáng trước nhu cầu của người đồng loại, và điếc trước tiếng gọi của Thiên Chúa từ bi nhân ái, đánh mất hồng ân tha nhân.

Tuy nhiên trong trình thuật, Đức Giêsu lại làm nổi bật hơn, khi đưa ra một vấn đề thời sự khá bất ngờ, buộc người nghe phải đặt mình trong tương quan với bản thân.

Nhà phú hộ xin với Cha Abraham, nếu không bớt được đau khổ cho ông thì ít ra cũng cảnh báo anh em ông khỏi rơi vào cảnh buồn tủi thế này. Câu trả lời của tổ phụ Abraham nại đến "Môisen và các tiên tri" sẽ thức tỉnh lương tâm họ : nhưng theo nhà phú hộ thì các chứng nhân Cựu Ước không đủ để thức tỉnh anh em ông về sự quyến rũ của thế gian này. Nên ông nài nỉ : "Nhưng nếu có ai đó trong kẻ chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải" (Lc 16,30). Lời khước từ của Abraham khép lại dụ ngôn ngay lập tức : "Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu" (Lc 16,31).

Rõ ràng : nếu chúng ta từ chối đón nhận hồng ân Lời Chúa không ngừng kêu gọi sám hối ăn năn, đóng kín lòng mình trong sự ích kỷ của cái tôi, kéo theo đánh mất hồng ân tha nhân, chúng ta sẽ không thể gia nhập cộng đoàn huynh đệ đã được Đức Kitô Phục sinh khai mở, mất luôn cả phần phúc đời đời là chính Chúa. Ông nhà giầu không bị kết án vì các của cải của mình, nhưng vì đã không có khả năng cảm thương và cứu giúp Ladarô, đại diện cho tiếng kêu thầm lặng của người nghèo thuộc mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới, trong đó các của cải và tài nguyên mênh mông nằm trong tay một ít người. Cảnh này nhắc lại lời quở trách nặng nề của Con Người trong ngày sau hết: "Ta đã đói và các ngươi không cho ăn, đã khát và các ngươi đã không cho uống, đã trần truồng và các ngươi đã không cho mặc" (Mt 25,42- 43).

Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy : "Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dùng. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền xử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái… mọi người đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia đình mình. Các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Giáo Hội đã nghĩ như thế. Các ngài dạy rằng mọi người có bổn phận phải nâng đỡ người nghèo và không phải chỉ giúp đỡ bằng của dư thừa. Còn những người sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền lấy ở của cải người khác những gì cần thiết cho mình. Trước con số quá lớn những người đói khổ trong thế giới, Thánh Công Ðồng thiết tha kêu gọi mọi người hoặc mọi chính quyền hãy nhớ lại lời sau đây của các Giáo Phụ: "hãy cho kẻ sắp chết đói của ăn, vì nếu không cho họ ăn tức là đã giết họ". Tùy theo khả năng, họ nên thực sự san sẻ và dùng của cải của mình đặc biệt để giúp phương tiện cho mỗi người hoặc cả một dân tộc để chính họ có thể tự túc và phát triển". (Gaudium et Spes) § 69.

Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong hành trình Mùa Chay Thánh, thực hiện một con đường hoán cải đích thực, tái khám phá hồng ân Lời Chúa, để được thanh thẩy khỏi tội lỗi vốn làm cho chúng ta mù quáng, hầu phụng sự Chúa Kitô nơi các anh chị em túng thiếu, vì họ cũng chính là hồng ân của chúng ta.

(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)

- Hát : THÁNH VỊNH 50 Lm. Kim Long

1. Xin thương con lạy Chúa theo lượng từ bi Chúa xóa tội con theo lượng hải hà. Rửa con sạch muôn vàn lầm lỗi, tội tình con xin Ngài tẩy luyện.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

2. Vâng con nay đà biết bao tội tình vương mắc suốt ngày đêm luôn ở trước mặt. Dám sai phạm với một mình Chúa, từng tà gian ngay ở trước Ngài.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

3. Ban cho con, lạy Chúa cõi lòng thực trong trắng, phú vào con tinh thần vững mạnh. Chớ xua từ con khỏi mặt Chúa, đừng biệt con khỏi Thần Trí Ngài.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

4. Cho con vui được thấy ơn Ngài thương cứu rỗi, đỡ vực con theo lòng quảng đại. Cúi xin Ngài thương mở miệng lưỡi, để hồn con dâng lời tán tụng.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

(Vị Chủ sự và giúp lễ với bình hương, nến nghi ngút đi ra quì trước Thánh Thể)

III. CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ

(Mời cộng đoàn quì)

-Chủ sự :

Anh chị em thân mến,

Hiệp cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới, trong giờ phút linh thiêng này, trước Đức Giêsu Thánh Thể, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin.

- Ý cầu nguyện

(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con)

1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy, chúc tụng và tôn vinh Chúa, vì Chúa đã hiến dâng chính mình lên Thiên Chúa Cha làm của ăn nuôi sống chúng con. Xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các giám mục, linh mục và các thừa tác viên trong Hội Thánh, trở nên những tấm bánh được bẻ ra cho muôn người.

2. Lạy Chúa Giêsu đang hiện trong Bí tích Thánh Thể, Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.

3. Lạy Chúa Giêsu là tấm Bánh Cha trên trời ban xuống để nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết tận hưởng nguồn lương thực thiêng liêng cao quí này với lòng trong sạch, để ngày càng lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến, đợi chờ ngày được tham dự vào sự sống viên mãn mai sau.

4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì những gì chúng con xúc phạm đến Mình Thánh Chúa, chúng con đã từ chối hồng ân Lời Chúa, từ chối anh em cũng là hồng ân của chúng con. Xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con, để Ngài giúp chúng con thêm hiểu biết về Bí tịch nhiệm mầu cao cả này.

-Chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hiệp cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng lên Chúa những ý nguyện của người, cùng với ý của chúng con vừa nói lên, với bao ý nguyện của anh chị em chúng con trên toàn thế giới, và của nhiều người chưa thể nói ra, Chúa đều biết cả, Chúa thấu hiểu lòng chúng con, xin Chúa thương đón nhận, thánh hóa và ban ơn theo thánh ý Chúa. Amen.

IV. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA

-Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.

- Hát : Ca Thánh Thể.

-Lời nguyện.

- Phép Lành Mình Thánh Chúa.

V. BẾ MẠC

- Hát kết thúc

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô xin Chúa thứ tha sai sót, thất bại của Giáo Hội trong nạn diệt chủng ở Rwanda
Nguyễn Long Thao
12:37 21/03/2017
Gặp Tổng Thống Rwanda, ĐGH Phanxicô xin Chúa thứ tha những sai sót, thất bại của Giáo Hội trong nạn diệt chủng

Vatican City- Thứ Hai, ngày 20 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Ông Paul Kagame, Tổng thống Cộng hòa Rwanda. Sau đó, Tổng thống đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul R. Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao.

Trong cuộc họp với ĐTC, hai bên đã nhắc lại những quan hệ tốt đẹp giữa Vatican và Rwanda. Tòa Thánh cũng đánh giá cao Rwanda đã hồi phục và ổn định tình hình xã hội, chính trị và kinh tế.

Đồng thời Tòa Thánh cũng ghi nhận sự hợp tác giữa Nhà nước Rwanda và Giáo Hội địa phương trong công tác hòa giải dân tộc và củng cố hòa bình vì lợi ích chung.

Trong dịp này, Đức Giáo Hoàng cũng đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc của Ngài, của Tòa thánh và của Giáo Hội địa phương, trước nạn diệt chủng Tutsi vào năm 1994. Ngài bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân và với những người còn tiếp tục chịu đựng những hậu quả của các biến cố thảm khốc đó. Ngài lập lại cử chỉ của ĐGH Gioan Phaolô II trong năm Ân Xá 2000 là xin Chúa tha thứ những tội lỗi và những thất bại của Giáo Hội và các thành viên, trong đó có các linh mục, nam nữ tu sĩ, vì sợ hận thù và bạo lực, đã làm ngơ trước nạn diệt chủng người Tutsi. Như thế là phản lại sứ mệnh rao giảng tin mừng của mình.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng những thất bại bại trong thời gian đó đã làm biến dạng khuôn mặt Giáo Hội. Nay với việc Giáo Hội khiêm tốn nhận những sai sót đó có thể góp phần vào việc thanh tẩy ký ức, đổi mới niềm tin, thúc đẩy tương lai hòa bình, chứng kiến khả năng chung sống khi nhân phẩm và lợi ích chung được đặt lên chính sách hàng đầu của quốc gia

Theo số liệu của Agenzia Fides vào thời điểm có nạn diệt chủng tại Rwanda vào năm 1994, có 248 nạn nhân của Giáo Hội điạ phương đã bị giết trong đó có 3 giám mục, 103 linh mục, còn lại các nam nữ tu sĩ thuộc nhiều dòng tu.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Hà Đông Hạ Xóm Mới: Mừng lễ Thánh Giuse bổn mạng
Giáo xứ Hà Đông
08:41 21/03/2017
Giáo xứ Hà Đông Hạ Xóm Mới: Mừng lễ Thánh Giuse bổn mạng

“Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ,

ngai báu Người bền vững tựa thái dương!” (Tv 89,37-38).

TTHĐ - Chiều thứ Hai ngày 20/3/2013, Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, đã được tổ chức trọng thể tại nhà thờ giáo xứ Hà Đông – giáo hạt Xóm Mới.

Xem Hình

Thánh Giuse được gọi là Người Công Chính và Ngài đã được chọn làm bổn mạng Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội Việt Nam; cách riêng, giáo xứ Hà Đông cũng chọn Ngài làm bổn mạng.

Giáo xứ Hà Đông là một giáo xứ nằm trong giáo hạt Xóm Mới, được thành lập từ năm 1955. Đến nay, giáo xứ có trên 6.000 giáo dân cư trú trong chính giáo họ. Mừng lễ bổn mạng hôm nay, nhà thờ được trang hoàng đẹp đẽ hơn, các em thiếu nhi và mọi người trong giáo xứ nhanh chóng có mặt tại khuôn viên nhà thờ. Tiếng chuông, cùng các bản nhạc vang xa báo hiệu giờ lễ sắp đến, càng làm cho mọi người thêm nao nức.

Đúng 17g00, Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse, bổn mạng giáo xứ được bắt đầu với phần cung nghinh kiệu Thánh Giuse chung quanh thánh đường một cách trang nghiêm, trong tiếng hát của mọi người, dưới sự hướng dẫn của ca đoàn Monica.

Cha chính xứ Gioan B. Vũ Mạnh Hùng chủ sự Thánh lễ. Đồng tế với ngài có Cha phụ tá Martino Trần Đình Khiêm Ái và hai cha khách.

Trong phần giảng lễ, Cha phụ tá Martino gợi lên 3 nhân đức của Thánh Giuse: “Công chính – Nhẫn nại – Ân cần”. Ngài mời gọi cộng đoàn noi gương Thánh Giuse sống khiêm nhường, nhẫn nại, ân cần, hy sinh và phục vụ tha nhân để cùng nhau đưa giáo xứ tiến lên trong lãnh vực đức tin và thăng tiến xã hội qua việc loan báo Tin mừng sống bái ái. Theo sách Đệ Nhị Luật “Người Công Chính là người đặt trọn niềm tin vào Chúa và tìm Thánh ý Chúa để thi hành”. Chọn Ngài làm bổn mạng, chúng ta cầu nguyện, mong ước được noi gương Ngài.

Cuối lễ, cha chính xứ cảm ơn và chúc mừng quý cha, quý ông, quý anh em đã chọn Thánh Giuse làm bổn mạng. Sau cùng, cha cũng không quên cảm ơn Quý chức HĐMVGX, Quý Đoàn thể cùng cộng đoàn đã góp phần cộng tác trong công việc chung của giáo xứ..

Thánh lễ kết thúc, mọi người ra về trong tâm tình hân hoan. Xin Thánh Cả Giuse cầu bầu cùng Chúa ban ơn lành cho tất cả mọi người trong giáo xứ biết nêu gương nhân đức của Thánh Cả.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Sự phát triển của các Thánh lễ trong Tam nhật thánh
Nguyễn Trọng Đa
08:44 21/03/2017
Giải đáp phụng vụ: Sự phát triển của các Thánh lễ trong Tam nhật thánh

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, khi nào sự cử hành hiện đại của Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa vào chiều tối được thiết lập? Lễ Tiệc Ly trước kia mang hình thức nào, khi tất cả các Thánh Lễ phải được cử hành trước buổi trưa? Ngoài ra, xin cha cho biết thêm về sự phát triển của Tam nhật thánh trong hai thiên niên kỷ qua? Con nghĩ rằng nó đã thay đổi theo thời gian, đặc biệt là khi việc rửa tội trẻ sơ sinh trở nên phổ biến ở phương Tây, và sau đó trong các thập niên 1960 và 1970 trong "sự phục hồi" của Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn (RCIA). - D. S., Peoria, Illinois, Hoa Kỳ.


Đáp: Tôi sẽ cố gắng có một câu trả lời tóm lược, bởi vì đây là các câu hỏi đòi hỏi câu trả lời dài bằng cả một cuốn sách. Tôi sẽ nói ngắn gọn về vấn đề tổng quát của Tam Nhật thánh (hay Tam nhật Phục sinh) và sau đó nói về Thứ Năm Tuần Thánh. Nếu Chúa muốn, chúng tôi sẽ nói về các ngày lễ khác trong các dịp khác sau này.

Các đề cập sớm nhất về Tam nhật thánh thường không bao gồm Thứ Năm Tuần Thánh. Thí dụ, thánh Ambrôxiô (337-397) đã viết về Tam nhật thánh, mà trong đó Chúa Kitô "chết, yên nghỉ và phục sinh". Khoảng năm 1000, do sự việc rằng lễ Vọng Phục sinh bắt đầu được cử hành vào sáng Thứ bảy tuần Thánh, khái niệm Tam nhật thánh bắt đầu bao gồm cả Thứ Năm Tuần Thánh. Sau khi Đức Thánh Cha Piô XII phục hồi lễ Vọng Phục Sinh năm 1951 và sau đó, năm 1955, đã cải cách toàn bộ cấu trúc của Tuần Thánh, Tam nhật thánh bắt đầu bằng Thánh Lễ Tiệc Ly vào chiều tối.

Nội dung cải cách của Đức Thánh Cha Piô XII là giống như ngày nay, mặc dù lễ cử hành hiện tại có khác về nhiều chi tiết.

Ban đầu, có vẻ như ở Rôma không có Thánh Lễ vào các ngày Thứ Năm Mùa Chay, kể cả Thứ Năm Tuần Thánh. Tuy nhiên, có một nghi thức hòa giải của các hối nhân được tổ chức vào sáng ngày này, để họ có thể được rước lễ trong lễ Vọng Phục sinh.

Ở bên ngoài Rôma, một Thánh lễ được cử hành. Điều này là đặc biệt đúng với Giáo Hội Giêruxalem, nơi mà các Kitô hữu có xu hướng làm sống lại các sự kiện của Tuần Thánh trong bối cảnh ban đầu của chúng. Do đó, các người hành hương đến Đất Thánh, chẳng hạn phụ nữ nổi tiếng Egeria (khoảng năm 380), đã mô tả các buổi cử hành, như lễ Tiệc Ly vào chiều tối.

Các người hành hương này thường mang các tập tục như thế về quê hương của họ.

Có bằng chứng rõ ràng, từ khoảng năm 450, rằng việc cử hành Thánh Lễ được thực hiện ở Rôma, cùng với sự thánh hiến riêng biệt các loại dầu thánh. Hai nghi thức được kết hợp thành một trong khoảng một thế kỷ sau đó, và được ghi lại trong một bản viết tay năm 546-547. Cho đến thế kỷ VII chúng ta mới thấy có Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa. Vào đầu thế kỷ VIII, các Thánh lễ gồm có ba: một cho sự hoà giải, một cho việc làm phép các dầu thánh, và một cho Bữa Tiệc Ly. Hai Thánh lễ sau đã được giảm ngắn, không có phần phụng vụ Lời Chúa.

Với việc hủy bỏ sự sám hối công khai, cuối cùng Thánh lễ hòa giải đã biến mất và không còn được tìm thấy trong các bản viết tay sau năm 790. Thánh lễ Dầu cũng biến mất trong thực tế, và nghi thức làm phép các dầu thánh được chèn vào Thánh Lễ Tiệc Ly, chắc chắn không trễ hơn dưới thời Đức Thánh Cha Grêgôriô II (715-731).

Các cải cách của Đức Thánh Cha Piô V năm 1570 đã cấm việc cử hành Thánh Lễ sau buổi trưa, và Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa, Thánh Lễ duy nhất hiện nay được cử hành vào Thứ Năm Tuần Thánh, đã trở thành một Thánh Lễ ban sáng. Các truyền thống, như tôn thờ bàn thờ Chúa yên nghỉ, được thực hiện cách đơn giản cho nơi nào có Thánh lễ sau đó.

Tình hình vẫn là như thế, cho đến khi các cải cách của Đức Thánh Cha Piô XII khôi phục Thánh lễ vào chiều tối. Cho đến khi Thánh lễ đồng tế được tái lập trong Công Đồng chung Vatican II, Thánh Lễ Tiệc ly này được các Giám mục cử hành trong nhà thờ chính tòa (với việc làm phép các dầu thánh), và bởi một linh mục trong các nhà thờ khác. Tất cả các linh mục khác tham dự Thánh lễ, chứ không cử hành lễ vào ngày này.

Trong cuộc cải cách của mình, Đức Thánh Cha Piô XII khôi phục Thánh Lễ Dầu ban sáng, và Giám mục cử hành Thánh lễ này. Cuộc cải cách của Đức Thánh Cha Phaolô VI đã làm cho lễ này thành Thánh lễ đồng tế, với việc các linh mục nhắc lại lời hứa trước mặt Giám mục.

Đức Thánh Cha Piô XII cũng khôi phục Thánh lễ Tiệc Ly vào chiều tối với nghi thức rửa chân. Để làm cho Thánh lễ chiều tối khả thi, trước đó Đức Thánh Cha đã ban hành sắc lệnh giảm bớt việc giữ chay Thánh Thể từ nửa đêm của ngày rước lễ, xuống còn ba giờ chay trước khi rước lễ. (Zenit.org 21-3-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Chứng Nhân Đường Hy Vọng: Một Tấm Gương Chủ Chăn Tuyệt Vời
Đinh Văn Tiến Hùng
17:29 21/03/2017
Chứng Nhân Đường Hy Vọng: Một Tấm Gương Chủ Chăn Tuyệt Vời

( Cảm xúc khi đọc tác phẩm ‘Đường Hy vọng’ của Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê
Nguyễn văn Thuận – Bài học sống động cho Giáo Hội Việt Nam hiện nay. )

“Như Man-na nuôi dưỡng dân Do Thái trên đường về Đất Hứa, Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng con đi cùng Đường Hy vọng” ( Ga.6 : 53 )

*Chúa là Đấng con ca mừng buổi sáng,
Chúa là Đấng con khấn nguyện chiều hôm,
Chúa là Đấng con trọn niềm Hy Vọng,
Mãi ngàn đời xin kính cẩn suy tôn. (1)

Cuộc đời Ngài trên con Đường Hy Vọng,
Từ khi chào đời đến lúc ra đi,
Chính là bản trường ca thật diệu kỳ,
Khiến muôn người đều ngợi ca ngưỡng phục,
Vì năm tháng tuổi thơ được hun đúc,
Trong dòng máu Đấng Tử Đạo anh hùng,
Hòa cùng tinh thần ái quốc kiên trung,
Đã tạo nên một tấm gương oanh liệt.
Người Tông Đồ hăng say đầy nhiệt huyết,
Một Linh Mục trẻ khát vọng dâng đầy,
Một Giám Mục chưa tròn tuổi bốn mươi (2),
Nêu cao khẩu hiệu ‘ Vui Mừng & Hy Vọng ‘
Vâng Thánh ý vượt qua bao biến động,
Trước bạo quyền, tù ngục chẳng hề nao,
Lòng bền vững không khiếp sợ gian lao,
Dâng Lễ ba giọt rượu, một giọt nước (3)
Lên Thiên Chúa mỗi ngày lời nguyện ước,
Trước Thánh Giá gỗ, giây điện treo lên (4)
Ôi Thánh Thể ban sức mạnh niềm tin !
Trao cho Chúa dù qua bao thử thách,
Lời cầu nguyện đã dâng đầy sức mạnh,
Nên vượt thắng mười ba năm tù đầy,
Và vinh quang đang chiếu sáng giờ đây,
Mang tâm huyết ghi vào Đường Hy Vọng, (5)
Một tuyệt tác với niềm tin chân lý,
Như Man-na để nuôi dưỡng tâm hồn,
Như hòa bình mà nhân loại chờ mong,
Từng tờ lịch đã trở thành Sứ điệp,
Đem Hy Vọng vào cuộc sống bất diệt,
Chính tình yêu đong đầy trao thế nhân,
Khiến cai tù phải thức tỉnh hồi tâm.
Cuộc đời- Tu sĩ- Tù nhân- Truyền giáo,
Đều phát xuất từ thiết tha cầu nguyện.
Người tù kiệt xuất được Chúa cất lên,
Thành Hồng Y Tổng Trưởng trong Giáo triều,
Đem Công lý Hòa bình cho nhân thế.
Và rồi đây tiếp theo muôn thế hệ,
Vinh danh Ngài là Một Vị Thánh Nhân,
Sống trọn vẹn với năm tháng thế trần,
Làm Nhân chứng Tình yêu ĐƯỜNG HY VỌNG.

*Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm trở thành một đường dài.
Phủt này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường Hy Vọng do mỗi chấm Hy Vọng.
Đường Hy Vọng do mỗi phủt Hy Vọng. (6)

*CON CÓ MỘT TỔ QUỐC
Tiếng chuông ngân trầm,
Việt Nam nguyện cầu.
Tiếng chuông não nùng ,
Việt Nam buồn thảm.
Tiếng chuông vang lừng ,
Việt Nam khải hoàn.
Tiếng chuông thanh thoát,
Việt Nam hy vọng.

Con có một Tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu Non sông gấm vóc,
Con yêu Lịch sử vẻ vang,
Con yêu Đồng bào cần mẫn,
Con yêu Chiến sĩ hào hùng.

Sông cuồn cuộn, máu chảy cuộn hơn.
Núi cao cao, xương chất cao hơn.
Đất tuy hẹp nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết.
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc,
Vui niềm vui đồng bào,
Buồn nỗi buồn của Dân tộc. (7)

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

*Ghi chú: 1) Trích Thánh Kinh Phụng Vụ.
(2) ĐHY Nguyễn văn Thuận lãnh chức Linh Mục 25 tuổi và Giám Mục 39 tuổi.
(3 & 4) Trong tù hàng này ĐHY dâng Thánh Lễ với 3 giọt rượu và 1 giọt nước trong lòng bàn tay trước Thánh Giá gỗ và giây đeo bằng giây điện do Ngài làm.
(5) Tên tác phẩm ĐHY viết trong tù trên những tờ lịch rời do 1 em bé cung cấp.
(6 & 7) Trích trong Đường Hy Vọng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tâm Kinh
Đặng Đức Cương
18:31 21/03/2017
TÂM KINH
Ảnh của Đặng Đức Cương
Trăm năm tóc cũng đổi mầu
Chữ Tâm sống mãi giữa mầu thời gian.
(kd)