Ngày 21-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:26 21/03/2024

28. Chúng ta nên tham dự thánh lễ hằng ngày, rước lấy bữa ăn tối (Thánh Thể) thần kỳ, như thế, thân thể của chúng ta sẽ dần dần biến thành thân thể của Đức Chúa Giê-su, thần mà lại hóa ra là tôi.

(Thánh Nilus the Eldes)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:35 21/03/2024
9. VIẾT DƯỚI TÊN CỦA HẮN

Có một người thư sinh đi du ngoạn đến chùa Phật.

Đi đến gian nhà ở phía tây, hòa thượng ở đó rất không khách sáo với ông ta nên ông ta rất giận, ông ta lại đến gian nhà ở phía đông, nhìn thấy hòa thượng ở đây đang niệm kinh, bèn hỏi:

- “Ngài sám hối giùm cho ai đó?”

Hòa thường trả lời:

- “Khi rảnh rỗi thì tôi học những kinh góp nhặt, nếu gặp người hành thiện bố thí, tôi liền đem nó viết dưới tên của họ.”

Người thư sinh nghe xong bèn gõ mạnh trên đầu hòa thượng, hòa thượng không hiểu, hỏi:

- “Tôi có tội gì?”

Thư sinh đáp:

- “Mới rồi ông đầu trọc nhà bên phía tây kia thật đáng ghét, đã đem tất cả những người đánh ngài viết dưới tên của ông ta !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 9:

Làm hòa thượng ở nhà bên tây hay nhà bên đông thì đều giống nhau, hoặc ở chùa này hay chùa khác thì cũng là hòa thượng, có khác chăng là tính tình của mỗi người không giống nhau mà thôi...

Làm linh mục giáo phận (linh mục triều) hay làm linh mục dòng (bất cứ dòng nào) thì cũng là linh mục, có khác nhau chăng là tính tình của mỗi linh mục mà thôi.

Có linh mục tính tình nóng nảy cộc cằn dù họ là linh mục của dòng, có linh mục hiền lành điều độ dù các ngài là linh mục triều, người giáo dân thì không cần phân biệt ai là linh mục dòng hay là linh mục triều, nhưng họ căn cứ vào mức độ phục vụ và khiêm tốn của một linh mục mà biết các ngài vì ai mà phục vụ. Nếu vì Thiên Chúa và các linh hồn mà phục vụ, thì linh mục ấy phải là người hiền lành khiêm tốn và nhiệt thành với bổn phận của mình; nếu vì cá nhân mình mà phục vụ, thì linh mục ấy có thái độ kiêu căng, hưởng thụ và miễn cưỡng khi thi hành bổn phận của mình...

Người ta ngán ngẫm khi nhắc đến tên linh mục này linh mục nọ, bởi vì các vị ấy không có tinh thần khiêm tốn và phục vụ, đó chính là một nỗi đau cho Giáo Hội trong công việc truyền giáo vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 22/03: Đức Giêsu là con Thiên Chúa – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
Giáo Hội Năm Châu
02:40 21/03/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan,

Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.

Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

Đó là lời Chúa
 
Thánh giá và thân xác của Con Người đẹp nhất
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:44 21/03/2024
THÁNH GIÁ VÀ THÂN XÁC CỦA CON NGƯỜI ĐẸP NHẤT
SUY NIỆM TUẦN THÁNH

Nói đến Thánh giá là nói đến tình yêu: Tình yêu diệu vợi của Thiên Chúa đã làm phát sinh những kết quả vô cùng từ Thánh giá.

Học lấy tình yêu của Thiên Chúa nơi thánh giá Chúa Kitô, chúng ta xác tín mạnh mẽ, chỉ một mình Thiên Chúa mới đích thực là Tình yêu. Chỉ có Thiên Chúa mới là Người Yêu đích thực của chúng ta.

Nhờ Người Yêu và nhờ Tình yêu có một không hai ấy, con đường Thánh giá trở thành con đường đẹp, tinh tuyền, xóa hết những tội lỗi, những thù nghịch để chỉ còn lại một bầu trời dung thứ, bình an, thắng vượt, nghĩa ân.

Chúa Kitô muôn đời trở nên vì Thiên Chúa gần gũi, sống động của con người. Thánh giá của Chúa Kitô mãi mãi là cây Thánh giá của ơn nâng đỡ, sớt chia, ủi an dành cho từng phận người.

Biết bao nhiêu tâm hồn chìm trong tội, nhận ra bầu trời trong – mát – dịu của Thánh giá, can đảm tách rời khỏi quá khứ tội lỗi, làm lại cuộc đời.
Biết bao nhiêu tâm hồn suốt đời chỉ chìm trong bạo lực đã nhìn lên bóng thánh giá mà rửa mình sạch mọi dơ bẩn để trở nên hiền hòa, đức độ.

Biết bao nhiêu con người đêm ngày ngụp lặt trong bất công, xảo kế, bỗng một lần nhìn lên Thánh giá, đã quay lưng với tất cả lợi lộc từ những gian xảo mang lại, để biến mình thành môn đệ Chúa Kitô.
Biết bao nhiêu những tâm hồn lồng lộn dữ dằn như những con thú hoang, bỗng một lần khám phá ánh sáng yêu thương chiếu dọi từ Thánh giá, đã trở nên hiền hòa, nhân hậu, đáng mến.
Biết bao nhiêu kẻ sống ích kỷ, đêm ngày chỉ biết tư lợi, bỗng một lần nhìn lên Thánh giá, đã trở thành kẻ xả kỷ, biết hiến thân và hiến dâng.

Cũng vậy, biết bao nhiêu tâm hồn bị đày ải, khổ đau, cuộc sống như chỉ còn muốn sống cho qua ngày, đoạn tháng, bỗng được tình yêu của Thánh giá chiếu rọi, trở nên bình an hơn, chấp nhận trong vui tươi hơn.

Biết bao nhiêu kẻ tử tù, trên đường đi về cái chết, đã nhìn thấy Thánh giá, và Thánh giá bỗng trở nên sức mạnh khiến cuộc ra đi không còn đau đớn, chỉ còn là niềm tin chiến thắng.
Biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta thầm lặng, hoặc công khai, giữa những lúc bị bách hại, vì Thánh giá, bất chấp mọi đe dọa, đêm ngày rao giảng đức tin vào tình yêu kỳ diệu của Thánh giá Chúa Kitô.

Biết bao nhiêu người, nhìn cứ tưởng yếu đuối, mỏng dòn, nhưng nhờ tin vào Thánh giá Chúa Kitô, họ đã có sức mạnh phi thường vượt thắng mọi thách thức mà con người, hay hoàn cảnh, hay môi trường mang lại.
Biết bao nhiêu người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi…, vì Thánh giá Chúa Kitô, đã có thể sống trung thành với đức tin mà không gợn một chút nghi nan, một chút u uất nào.
Biết bao nhiêu tâm hồn đầy chữ nghĩa, khoa bảng, hiểu biết…, nhìn lên Thánh giá, đã biết học lấy bài học của khiêm tốn, sống đơn sơ, thậm chí thô sơ với mọi anh chị em dù họ thấp kém, hay sang trọng.

Ngược lại, cũng có biết bao nhiêu tâm hồn, nhờ tình yêu đối với Thánh giá, và đêm ngày chỉ biết suy tư cùng Thánh giá, ôm lấy Thánh giá trọn đời mình, dù họ là người kém cõi, ít hiểu biết, lại trở nên khôn ngoan, thấu hiểu những chân lý cao siêu lạ thường.

Biết bao nhiêu người suốt đời chỉ biết nhìn lên Thánh giá, chọn Thánh giá làm lẽ sống, vì thế đời họ luôn luôn sáng rực nụ cười và gieo nụ cười ấy khắp nơi.
Biết bao nhiêu người đã có thể trải lòng mình cho mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, nhờ kiên định trong tình yêu đối với Thánh giá Chúa Kitô.
Biết bao nhiêu người bước ra từ trong đau khổ, vẫn không mất niềm bình an, bởi họ đã tin vào Thánh giá Chúa Kitô...

Chúng ta có nhìn thấy vẽ đẹp của Thánh giá mà bao nhiêu anh chị em của mình nhìn thấy hay vẫn còn những oán than, những lối sống, lối nghĩ, lối thực hành đạo không phù hợp với tình yêu mà Thánh giá gợi lên trong chúng ta?

Nhìn thân xác quằn quại trên Thánh giá, một thân xác không còn hình tượng người ta, khó có ai bảo rằng đó là thân xác đẹp. Nhưng chính khi thân xác của “Con Người” không còn vẻ đẹp ấy, lại chính là biểu tượng của một Tình yêu đẹp không gì bằng, một Tình yêu vĩnh cửu.

Về phía trách nhiệm của mình, chúng ta phải tự hỏi, vì đâu mà thân xác của “Con Người” ấy lại không còn vẽ đẹp? Phải chăng những kẻ mang danh của Người để được gọi là "Kitô hữu" lại cũng đang là kẻ phá hoại chính thân xác ấy?

Nhưng quả thật, đó là “Con Người” đẹp nhất trần gian, một khi chúng ta nhìn bằng ánh mắt của tình yêu mà Người đã yêu, và vẫn yêu chúng ta. Chúa Kitô, một tình yêu kiểu mẫu, một tình yêu rực sáng, một tình yêu dòi dọi, một tình yêu vĩnh cửu, một tình yêu đại lượng.

Người là người đẹp nhất bởi vì Người đã yêu, vẫn yêu, yêu đến cùng, yêu cả khi không nhận được tình yêu từ người mình yêu, yêu càng mãnh liệt khi bị kẻ mình yêu khước từ, chống đối, giết chết.
Người là người đẹp nhất bởi tình yêu nguyên tuyền, không một chút phai, không một chút nhạt, không một chút suy suyển, dẫu Người chỉ nhận được những cuồng nộ, những bạo lực.
Người là người đẹp nhất, bởi tình yêu của Người đứng trên tất cả mọi tình yêu. Tình yêu của Người còn đứng trên cả sự tàn ác, hung bạo của những kẻ mình yêu.

Mãnh lực của tình yêu Giêsu Kitô vừa lạ lùng, vừa cuốn hút, vừa êm đềm, vừa mạnh mẽ. Tất cả chúng ta hãy sống, hãy tỉnh thức mà khám phá tình yêu quá đỗi ấy. Hãy bắt chước Người mà yêu đến cùng, yêu đến hy sinh, yêu đến mất mạng sống… cho tất cả mọi anh chị em mà Chúa dạy chúng ta phải yêu.

“Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác Thập giá mình mà theo Ta”. Đó là lời mời gọi Chúa Kitô dành cho những kẻ muốn tiếp bước đi theo Người, để họ nhận ra điều kiện tiên quyết là phải hy sinh. Hy sinh là chữ đầu tiên mà ta có thể sống để tháp nhập mình vào thánh giá Chúa Kitô.

Là Kitô hữu chính danh, ta càng tập sống yêu như Chúa đã yêu ta. Hãy để thánh giá Chúa sống trong đời ta. Thánh giá sẽ nhắc ta trong mọi chiều kích của cuộc đời rằng: LẼ SỐNG CỦA CHÚNG TA LÀ CHÍNH CHÚA GIÊSU KITÔ.
 
Kiệt tác của sự thánh thiện
Lm. Minh Anh
15:20 21/03/2024
KIỆT TÁC CỦA SỰ THÁNH THIỆN
“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”.

Trong sách Xuất Hành, từ chương 25-30, Chúa chỉ thị cho Môsê cách thức thiết kế Nhà Tạm, Hòm Bia, bàn thờ và phẩm phục... Môsê phải tìm các nghệ nhân. Họ lấy vàng, bạc, vải và đá quý để thiết kế chúng lộng lẫy nhất có thể. Mục đích của Chúa gợi lên mục đích chung cho mọi công trình lớn nhỏ của Ngài: “Tôn vinh vẻ huy hoàng của Thiên Chúa và biểu lộ vinh quang Ngài”. Chúng phải là những ‘kiệt tác của sự thánh thiện!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘kiệt tác của sự thánh thiện’. Chúng không chỉ là những gì được đem vào cung thánh đền thờ, nhưng còn là những chứng từ không lời. Đó là những việc làm tốt lành của một chứng nhân đích thực!

Chúa Giêsu tiết lộ một điều hết sức quan yếu: đức tin không chỉ đặt nền tảng trên những gì Thiên Chúa hứa, nhưng còn trên những việc Ngài làm! Công việc vĩ đại nhất Chúa Cha đã làm là phục sinh Chúa Con mà Giáo Hội sắp tưởng niệm. Và Chúa Con vẫn tiếp tục thực hiện các công trình của Cha qua các chứng nhân của Ngài và qua các Bí tích; đặc biệt, Thánh Thể và Hoà Giải. Đó cũng là những ‘kiệt tác của sự thánh thiện!’.

Chúng ta không đánh giá thấp tầm quan trọng và sức mạnh của những lời chứng cá nhân trong một thế giới ngập tràn thông tin thuộc mọi kiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hỗn tạp này, chỉ những ‘kiệt tác của sự thánh thiện’ mới có thể nói tiếng nói mạnh nhất, vang vọng nhất! Về điểm này, Phaolô VI có một câu bất hủ, “Người đương đại cần lời chứng hơn lý lẽ!”. Các việc chúng ta làm có phù hợp với những lời chúng ta nói không? Chúng có nói lên điều bạn và tôi tuyên xưng? Hay “Tất cả chỉ là từ ngữ?”.

Kết thúc Tin Mừng hôm nay, Gioan viết, “Ở đó, nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu”. Dẫu bao chống đối, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu vẫn có khả năng thâm nhập trái tim con người. Sự chống đối khủng khiếp; thậm chí, thâm độc, không thể cản trở người khác tin vào Ngài. ‘Mầu nhiệm’ này lặp đi lặp lại trong đời sống Hội Thánh! Ở đâu có sự chống đối lớn nhất đối với Tin Mừng, ở đó luôn có những ‘kiệt tác hoán cải’ lớn nhất!

Từ thời Cựu Ước, Giêrêmia đã trải nghiệm một niềm vui tương tự. Dẫu bao bạo hành, bách hại của dân mình, Giêrêmia vẫn chứng tỏ là một người được Chúa sai đến để hoán cải họ; lời nói và việc làm của ông đầy thuyết phục, “Hãy ca tụng Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo!” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Lúc ngặt nghèo, tôi kêu cầu Chúa; Người đã nghe tiếng tôi!”.

Anh Chị em,

“Nếu tôi làm các việc đó!”. Hãy chiêm ngắm một Giêsu từ máng cỏ Bêlem cho đến một Giêsu giãy giụa trên đồi Canvê để thấy “việc” Thiên Chúa làm! Hãy trầm mình sâu lắng bên Thánh Thể để hiểu Thiên Chúa là ai, Giêsu là ai, may ra con tim của bạn và tôi có thể dịch chuyển. Nếu các việc làm của Chúa Con tiết lộ danh tính Ngài, thì “thập giá” là kiệt tác biểu lộ danh tính Ngài trọn vẹn nhất, Ngài là Con Thiên Chúa! Nhờ ‘kiệt tác tử nạn và phục sinh’ của Ngài, bạn và tôi được tái sinh, không chỉ để trở nên một tạo vật mới, nhưng còn là những kiệt tác cho vinh quang Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con không bắt đầu từ đâu khác, cho bằng khởi đi từ việc hoán cải chính mình và con cũng trở nên một ‘kiệt tác’ của Chúa. Tại sao không?”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 23/03: Một Người Chết thay cho Toàn Dân – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
22:27 21/03/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan,

Khi ấy, sau khi ông La-da-rô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. 48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.

Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?” Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

Đó là lời Chúa
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 12. Nhân đức thận trọng khôn ngoan
Vũ Văn An
00:46 21/03/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Thứ tư, 20 tháng 3 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về nhân đức thận trọng khôn ngoan. Vì ngài chưa được khỏe, nên Đức Ông Pierluigi Giroli, đã đọc bài giáo lý này. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta dành bài giáo lý hôm nay cho nhân đức thận trọng khôn ngoan (prudence). Cùng với công lý, dũng cảm và tiết độ, đó là một trong những nhân đức được gọi là nhân đức chính, không phải là đặc quyền riêng của người Kitô hữu, mà thuộc về di sản của túi khôn cổ xưa, đặc biệt là của các triết gia Hy Lạp. Vì vậy, một trong những chủ đề đáng lưu ý nhất trong công cuộc gặp gỡ và hội nhập văn hóa chính là chủ đề về các nhân đức.

Trong các tác phẩm thời Trung cổ, việc trình bày các nhân đức không chỉ đơn giản là danh sách những phẩm tính tích cực của linh hồn. Trở lại với các tác giả cổ điển dưới ánh sáng mạc khải Kitô giáo, các nhà thần học hình dung bộ bảy nhân đức – ba nhân đức đối thần và bốn nhân đức chính – như một loại cơ thể sống, trong đó mỗi nhân đức có một không gian hài hòa để chiếm giữ. Có những nhân đức thiết yếu và những nhân đức phụ tùng như trụ, cột, và đầu cột. Quả thực, có lẽ không gì làm cho ý tưởng về sự hòa hợp giữa con người và khát vọng không ngừng hướng tới điều thiện một cách tốt đẹp hơn một nhà thờ chính tòa thời Trung cổ.

Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu với đức thận trọng khôn ngoan. Đó không phải là nhân đức của người sợ sệt, luôn do dự về việc phải làm gì. Không, đây là một cách giải thích sai lầm. Nó thậm chí không chỉ đơn thuần là sự thận trọng (caution). Dành tính ưu thế cho đức thận trọng khôn ngoan có nghĩa là hành động của con người nằm trong trí hiểu và tự do của họ. Người thận trọng khôn ngoan là người sáng tạo: họ lý luận, đánh giá, cố gắng hiểu sự phức tạp của thực tại và không để mình bị choáng ngợp bởi cảm xúc, sự lười biếng, áp lực và ảo tưởng.

Trong một thế giới bị thống trị bởi vẻ bề ngoài, bởi những suy nghĩ hời hợt, bởi sự coi thường cả điều tốt lẫn điều xấu, bài học cổ xưa về sự thận trọng khôn ngoan xứng đáng được làm sống lại.

Thánh Tôma, sau Aristốt, gọi nó là “lý lẽ chính đáng của những điều có thể được làm [recta ratio agibilium]”. Đó là khả năng điều khiển các hành động nhằm hướng chúng tới điều tốt lành; vì lý do này, nó được mệnh danh là “người đánh xe của các nhân đức”. Người thận trọng khôn ngoan là những người có khả năng lựa chọn: chỉ cần nó còn trong sách vở thì cuộc sống luôn dễ dàng, nhưng giữa sóng gió của cuộc sống đời thường lại là chuyện khác; chúng ta thường không chắc chắn và không biết phải đi đường nào. Người thận trọng khôn ngoan không lựa chọn ngẫu nhiên: trước hết, họ biết mình muốn gì, sau đó họ cân nhắc các tình huống, tìm kiếm lời khuyên, và với tầm nhìn rộng rãi và sự tự do nội tâm, họ chọn con đường nào để dấn thân. Điều đó không có nghĩa là họ không mắc sai lầm: suy cho cùng, tất cả chúng ta đều là con người; nhưng ít nhất họ tránh được những thất bại lớn. Thật không may, trong mọi môi trường đều có người có xu hướng gạt bỏ vấn đề bằng những trò đùa hời hợt hoặc kích động tranh cãi. Thay vào đó, thận trọng khôn ngoan là phẩm chất của những người được kêu gọi cai trị: họ biết rằng quản trị là điều khó khăn, có nhiều quan điểm và người ta phải cố gắng hòa hợp chúng, người ta không được làm lợi ích cho một số người mà là cho tất cả mọi người.

Sự thận trọng khôn ngoan cũng dạy rằng, như người ta thường nói, “kẻ hoàn hảo là kẻ thù của điều tốt”. Thật vậy, quá nhiệt tình trong một số tình huống có thể gây ra thảm họa: nó có thể phá hỏng một công trình vốn cần phải được thực hiện dần dần; nó có thể gây ra xung đột và hiểu lầm; nó thậm chí có thể gây ra bạo lực.

Người khôn ngoan biết cách bảo vệ ký ức của quá khứ, không phải vì sợ hãi tương lai, mà vì họ biết rằng truyền thống là di sản của sự khôn ngoan. Cuộc sống được tạo thành từ sự chồng chéo liên tục của những điều cũ và mới, và không phải lúc nào cũng nghĩ rằng thế giới bắt đầu từ chúng ta, rằng chúng ta phải giải quyết những vấn đề bắt đầu từ đầu. Và người khôn ngoan cũng là người biết trước. Khi đã xác định được mục tiêu phấn đấu thì cần phải tìm mọi cách để đạt được mục tiêu đó.

Nhiều đoạn Tin Mừng giúp giáo dục chúng ta về sự khôn ngoan. Ví dụ: người khôn ngoan xây nhà trên đá, còn kẻ khờ dại xây nhà trên cát (x. Mt 7:24.27). Những cô gái mang dầu thắp đèn là khôn ngoan và những cô không mang dầu theo đèn là những kẻ ngu ngốc (x. Mt 25:1-13). Đời sống Kitô hữu là sự kết hợp giữa sự đơn giản và sự khôn lanh. Khi chuẩn bị cho các môn đệ của mình thi hành sứ mạng, Chúa Giêsu khuyên nhủ: “Này đây Thầy sai anh em như chiên đi vào giữa bầy sói; vậy hãy khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Như muốn nói rằng Thiên Chúa không chỉ muốn chúng ta nên thánh, Người còn muốn chúng ta nên những vị thánh thông minh, vì nếu không thận trọng khôn ngoan thì đi sai đường là sai lầm lúc ấy!
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Cha cũng là con của những người di cư’
Thanh Quảng sdb
17:09 21/03/2024
Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Cha cũng là con của những người di cư’

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp tới một nhóm người di cư đang tụ tập tại Lajas Blancas, Panama, ngài coi những người di cư như là “khuôn mặt của Chúa Kitô”, Đấng mà Giáo hội yêu thương kêu cầu “như niềm vui nhẹ nhàng và hy vọng”.

(Tin Vatican - Sr. Francine-Marie Cooper)

Trong một bức thư đề ngày 21 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến một nhóm người di cư đang tụ tập tại Lajas Blancas, Panama.

Đức Thánh Cha nói về việc ngài muốn đích thân đến cùng họ và bày tỏ tâm tình của ngài đối với hoàn cảnh của họ.

ĐTC nói: “Cha cũng là con của những người di cư, những người đã đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn”.

Ngài cảm ơn các giám mục và nhân viên mục vụ đã thay thế ngài tiếp đón họ.

Đức Thánh Cha nói họ là “khuôn mặt của một Giáo hội mẹ đang đồng hành với con cái mình, trong đó Giáo hội khám phá ra khuôn mặt của Chúa Kitô và, giống như bà Veronica, mang lại niềm cảm thông trìu mến và hy vọng đầy yêu thương cho Con đường Thập giá di cư”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng những người di cư “đại diện cho diện mạo đau khổ của Chúa Kitô khi họ bị buộc phải rời bỏ đất nước mình, đối diện với những rủi ro chết chóc và đau khổ của một cuộc hành trình đầy gian khổ khó khăn, nhất là khi họ không tìm được lối thoát nào khác”.

Ngài kêu gọi những người di cư đừng bao giờ quên phẩm giá con người của họ, và đừng “sợ nhìn vào mắt tha nhân”, vì họ “không phải là đồ phế bỏ!”.

Ngài trấn an họ rằng họ “cũng là một thành phần của gia đình nhân loại và gia đình của con cái Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha cám ơn sự hiện diện của những người di cư và ngài xin họ cầu nguyện cho ngài.
 
‘Ủy ban đồng nghị’ của Đức sống hay chết?
Vũ Văn An
17:18 21/03/2024

Luke Coppen của tạp chí The Pillar, ngày 19 tháng 3 năm 2024, cho rằng đây có thể coi là một tuần quan trọng đối với đạo Công Giáo ở Đức.
Vào thứ Tư, các giám mục và các nhà lãnh đạo giáo dân sẽ tham dự một cuộc họp bất thường để thảo luận về tương lai của dự án “con đường đồng nghị”.

Và vào thứ Sáu, các giám mục Đức sẽ tham gia một vòng đàm phán mới với các viên chức Vatican, những người lo ngại dự án có thể dẫn đến sự bất hòa giữa Rome và Giáo hội ở Đức.

Hai cuộc họp có thể giúp giải quyết một câu hỏi đang đè nặng lên Giáo hội Đức trong những tháng gần đây: Liệu “ủy ban đồng nghị” – một cơ quan gồm các giám mục và giáo dân được thành lập sau khi Con đường đồng nghị kết thúc một năm trước – đã chết hay còn sống?

Con đường/ủy ban/hội đồng đồng nghị là gì?

Trước hết, xin cập nhật nhanh các sự kiện gần đây.

Năm 2018, một nghiên cứu do các giám mục ủy quyền đã kết luận rằng hơn 3,600 trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo ở Đức từ năm 1946 đến năm 2014.

Hội đồng giám mục và cơ quan giáo dân có ảnh hưởng, Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), đã cùng nhau phát động Con đường đồng nghị vào năm 2019, để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng và trong bối cảnh một cuộc rời khỏi Giáo hội hàng loạt của người Công Giáo.

Hội đồng giám mục và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức đã trình bày Con đường đồng nghị như một phản ứng cần thiết đối với các khuyến nghị của nghiên cứu, trong đó bao gồm “sự thay đổi trong cơ cấu quyền lực giáo sĩ”, sự chú ý nhiều hơn “đến những phát hiện của y học tình dục hiện đại” và việc tăng các khoản thanh toán bồi thường.

Từ năm 2020 trở đi, Con đường đồng nghị đã quy tụ các giám mục và giáo dân tại năm hội nghị được công bố rộng rãi để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực, chức linh mục, phụ nữ trong Giáo hội và tình dục.

Con đường đồng nghị chính thức kết thúc vào tháng 3 năm 2023 với việc phê chuẩn các nghị quyết hỗ trợ các nữ phó tế, xem xét lại vấn đề độc thân linh mục, giáo dân thuyết giảng trong Thánh lễ, ban phép lành đồng tính và “đa dạng giới tính”.

Trong số các nghị quyết được thông qua – dài tới 150 trang bằng tiếng Anh – có một nghị quyết dành riêng cho “việc củng cố bền vững tính đồng nghị”.

Văn bản, được phê duyệt vào năm 2022, kêu gọi thành lập một cơ quan trung gian gọi là ủy ban đồng nghị để chuẩn bị cho việc thành lập một “hội đồng đồng nghị” thường trực gồm các giám mục và giáo dân “muộn nhất là vào tháng 3 năm 2026”.

Ủy ban đồng nghị lâm thời sẽ bao gồm 27 giám mục giáo phận, 27 thành viên Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức và 20 người khác được bầu tại phiên họp cuối cùng của Con đường đồng nghị.

Ủy ban, được thành lập theo “cách thức bình đẳng giữa các thế hệ và giới tính”, sẽ đảm bảo rằng các nghị quyết của Con đường đồng nghị được thực hiện tại các giáo phận ở Đức, đồng thời đặt nền móng cho hội đồng, vốn sẽ vừa là “cơ quan tư vấn vừa ra quyết định”.

Hội đồng sẽ “đưa ra các quyết định cơ bản có ý nghĩa cấp giáo phận về kế hoạch mục vụ, quan điểm tương lai của Giáo hội, cũng như các vấn đề tài chính và ngân sách của Giáo hội mà không được quyết định ở cấp giáo phận”.

Thách thức Rôma

Vào tháng 1 năm 2023 - trước khi Con đường đồng nghị kết thúc - Rôma đã ra hiệu phản đối hội đồng đồng nghị, lập luận rằng điều đó sẽ làm suy yếu quyền lực của các giám mục như được nêu trong các tài liệu của Công đồng Vatican II.

Nó nói rằng các giám mục không có nghĩa vụ phải tham gia vào ủy ban đồng nghị, nhưng không minh nhiên phản đối việc thành lập ủy ban này.

Vào tháng 6 năm 2023, bốn trong số 27 giám mục giáo phận của Đức đã phủ quyết việc sử dụng quỹ chung để chi trả cho việc tiếp tục dự án Con đường đồng nghị.

Bất chấp sự không chắc chắn về nguồn tài trợ của mình, Ủy ban đồng nghị đã tổ chức cuộc họp khai mạc vào tháng 11 năm 2023, tại đó các thành viên đã phê chuẩn các quy chế và quy tắc thủ tục của cơ quan.

Các quy chế đã từ bỏ một cách gây tranh cãi một quy tắc đồng nghị vốn qui định rằng các quyết định đòi hỏi đa số 2/3 trong số các giám mục, cũng như giáo dân. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các thành viên giáo dân có thể thông qua các nghị quyết mà không cần sự hỗ trợ của các giám mục.

Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức đã thông qua các quy chế, nhưng họ cũng cần sự chấp thuận của hội đồng giám mục Đức. Vào tháng 2 năm nay, Vatican đã yêu cầu các giám mục Đức không bỏ phiếu về các quy chế, đồng thời nói rằng các bước tiếp theo hướng tới việc thành lập một hội đồng đồng nghị sẽ không có giá trị, “với những hậu quả pháp lý tương ứng”.

Các giám mục Đức đã chú ý đến yêu cầu này, nhưng không rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Liệu dự án Con đường đồng nghị có bị dừng lại một cách run rẩy không? Nếu không có sự chấp thuận của hội đồng giám mục, thì chính xác Ủy ban đồng nghị là gì?

Chủ tịch hội đồng giám mục, Đức Giám Mục Georg Bätzing dường như vẫn để ngỏ mọi lựa chọn vào tháng 2, chỉ nói rằng các giám mục coi trọng bức thư của Vatican.

Các cuộc gặp gỡ ở Đức và Rôma

Tình trạng của Ủy ban đồng nghị đã trở nên rõ ràng hơn một chút vào tuần trước, khi trang web chính thức của Giáo hội Đức, katholisch.de, đưa tin về một lá thư ngày 14 tháng 3 gửi cho các thành viên của nó.

Các tác giả – Giám mục Bätzing và chủ tịch Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức Irme Stetter-Karp – xác nhận rằng cuộc họp ủy ban thứ hai dự kiến vào tháng 6 sẽ diễn ra theo kế hoạch, “để xây dựng dựa trên các cuộc thảo luận tốt tại cuộc họp khai mạc”.

Các đồng chủ tịch của Ủy ban đồng nghị cũng thông báo rằng một cuộc họp bất thường của một cơ quan được gọi là hội nghị chung sẽ được tổ chức vào thứ Tư tuần này, ngày 20 tháng 3.

Các thành viên của hội nghị chung – 10 giám mục và 10 giáo dân – thường gặp nhau hai lần một năm để thảo luận về các nhiệm vụ chung cho cả hội đồng giám mục và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức.

Bức thư lưu ý rằng hội nghị chung “hiện đang kỷ niệm 50 năm hiện hữu và công việc đồng nghị tiếp theo việc thành lập vào năm 1974 do kết quả của Thượng hội đồng Würzburg,” một tiền thân của Con đường đồng nghị vào những năm 1970.

Theo katholisch.de, cuộc họp bất thường sẽ giải quyết “câu hỏi làm thế nào để tiếp tục giải quyết nội dung các nhiệm vụ của ủy ban đồng nghị trong hoàn cảnh hiện tại”.

Tiếp theo cuộc họp sẽ diễn ra vào Thứ Sáu, ngày 22 tháng 3, bằng các cuộc đàm phán giữa các giám mục Đức và các viên chức Vatican, trong ranh giới đỏ do Rôma đặt ra vào tháng 10 năm ngoái.

‘Con đường vô pháp luật’

Bức thư ngày 14 tháng 3 và cuộc họp bất thường nhấn mạnh rằng sự lãnh đạo của hội đồng giám mục Đức và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức vẫn hoàn toàn cam kết với cả ủy ban đồng nghị lẫn hội đồng đồng nghị.

Nhưng ủy ban hiện đang hiện hữu trong một vùng đen trắng lẫn lộn khó xử. Nếu không có sự chấp thuận của các giám mục Đức đối với các quy chế của mình, liệu ủy ban có giá trị gì không? Có vẻ như không, theo bức thư tháng Hai của Vatican.

Trong một chuyên mục ngày 16 tháng 3 trên tờ Die Tagespost, giáo sư giáo luật đã nghỉ hưu Heribert Hallermann lập luận rằng ủy ban là bất hợp pháp.

Ông viết, “[Bức thư ngày 14 tháng 3] giờ đây cho thấy rằng ủy ban đồng nghị có ý định tiếp tục công việc của mình như kế hoạch ban đầu - không những trái với trật tự pháp lý hiện hành của Giáo hội, mà còn không có quy chế hợp lệ”.

“Đàng khác, các cơ quan thường xuyên bị nại tới luật pháp, khả thể dự đoán và tính minh bạch đang hoàn toàn dấn thân vào con đường vô luật pháp, tùy tiện và thất thường.”

Trong khi đó, các kiến trúc sư của Con đường đồng nghị tiếp tục nhấn mạnh rằng ủy ban đồng nghị hài hòa với luật Giáo hội, bất chấp mọi bề ngoài trái ngược, và hội đồng đồng nghị cũng sẽ như vậy.

Một ủy ban dở sống dở chết?

Kể từ năm 2019, các kiến trúc sư của Con đường đồng nghị đã trả lời mọi câu nói “không” từ Rôma bằng câu “dạ, nhưng”. Họ hứa sẽ giải quyết các mối quan ngại của Rôma trong khi vẫn tiếp tục thực hiện các kế hoạch của mình, xác lập “sự kiện trên thực địa” trước khi Vatican có thể ngăn cản chúng.

Vào tháng 11, có vẻ như họ đã thực hiện thành công chiến lược này một lần nữa. Họ đã thành lập ủy ban đồng nghị bất chấp việc Vatican nhấn mạnh rằng mục tiêu trọng tâm của nó - thành lập hội đồng đồng nghị - là không hợp lệ.

Cuộc họp thứ hai đã được lên kế hoạch vào tháng 6, nhưng có lẽ dựa trên giả định rằng hội đồng giám mục sẽ thông qua các quy chế của mình trong thời gian chờ đợi. Nhưng nếu không có sự chấp thuận chính thức của các giám mục, ủy ban sẽ có vẻ vô hiệu khi các thành viên nhóm họp tại Mainz vào ngày 14-15 tháng Sáu.

Do đó, ủy ban đồng nghị dường như không chết cũng không sống, mà là một thứ gì đó ở giữa: một loại dở sống dở chết sẽ ẩn nấp khi các giám mục Đức và các viên chức Vatican gặp nhau trong tuần này.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Chúa Giêsu được đón tiếp
Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
06:30 21/03/2024
Hình ảnh Chúa Giêsu được đón tiếp

Xưa nay ở các quốc gia đất nước, khi có vị quốc khách nào, như Vua, Tổng thống, Thủ tướng đến thăm viếng, thảm đỏ được trải dài hoặc từ chân cầu thang máy bay, hay trước sân cung nhà Vua, dinh Tổng Thống hoặc dinh Thủ tướng, dinh quốc khách… để chào mừng đón tiếp danh dự vị quốc khách đến thăm.

Thảm đỏ cũng được trải ra chào đón những nhân vật nổi tiếng ở những buổi lễ hội hằng năm về phim ảnh nghệ thuật như lễ trao giải Oscar Hollywood, ở Cannes, ở Berlin, và nhiều nơi khác trên thế giới…

Lễ nghi chào mừng đón tiếp nhân vật quý trọng bước đi trên thảm đỏ đã có từ thời xa xưa trong văn hóa dân gian. Khoảng năm 500 trước Chúa giáng sinh, thi sĩ Aischylos, người Hy Lạp, đã có bài về nói thảm kịch xảy ra vì tấm thảm đỏ.

Số là vua Agamemnon của vùng Kykene được vợ ông chào mừng đón tiếp sau khi ông thắng trận ở Troja trở về. Gia đình Ông cho trải tấm thảm màu đỏ bên dưới nền nơi ông bước đi vào, để nói lên sự chào đón trong vui mừng cùng trân trọng vinh danh. Nhưng vua Agamemnon lưỡng lự không dám bước đi trên đó. Vì thảm đỏ theo văn hóa niềm tin tôn giáo thời đó là điều quý giá cao cả chỉ dành riêng cho (việc kinh thờ) Thần Minh thôi.

Sau khi đã thuyết phục được nhà vua, ông bằng lòng bước đi lên trên tấm thảm đỏ. Nhưng vì nghĩ mình là người phàm, loài thụ tạo phải chết, nên Ông kính cẩn tháo cởi giày dép ra, chỉ dám đi chân trần bước trên đó thôi, để tỏ lòng tôn kính không muốn xúc phạm tới Thần Thánh.

Dẫu vậy một thảm kịch đã xảy cho Ông: Ngay cùng ngày hôm đó chân Ông bị xưng đau chảy máu và ông đã qua đời vì vết thương chảy máu quá nhiều …

Chúa Giesu theo Phúc âm thuật lại cũng đã được chào mừng đón tiếp, khi Ngài tiến vào thành thánh Jerusalem. Vậy hình ảnh Chúa được chào mừng đón tiếp như thế nào?

Chuyện thần thoại của nhà văn Aischylos về bi thảm vua Agamemnon với tấm thảm đỏ đã có từ thời xa xưa hằng trăm năm trước Chúa Giesu, tuy nhiên cũng có phần nào tương tự như đã xảy ra vào những ngày sau cùng của cuộc đời Chúa Giesu trên trần gian. Lẽ dĩ nhiên không xảy ra vì tấm thảm đỏ như với vua Agamemnon.

Chúa Giesu cũng được dân chúng chào mừng đón tiếp nồng nhiệt, như một vị vua theo Kinh thánh phúc âm thuật lại ( Mc 11,1-10; Mc 15,1-39).Thay vì thảm đỏ trải trên đường cho Chúa Giesu đi qua, dân chúng lấy quần áo vải vóc trải trên đường nơi Chúa Giesu cỡi con lừa còn non trẻ đi qua. Họ reo hò hát mừng với nhánh cành lá xanh tươi tung hô vạn tuế Hosiana Chúa Giesu như vị anh hùng cứu tinh là người con thuộc dòng dõi vua David. Vì họ từ lâu mong đợi một Đấng cứu tinh đến giải thoát họ khỏi ách bị thống trị của đế quốc Roma.

Và cũng đồng số phận như vua Agamemnon chết vì vết thương chảy máu quá nhiều. Chúa Giesu sau khi được đón tiếp tung hô lại bị chính dân chúng lên án hành quyết đóng đinh vào thập tự. Vì họ thấy nơi Chúa Giesu không như họ trông chờ. Ngài không là một vị Vua hay tướng quân uy nghi hùng dũng có binh lính. Trái lại Ngài cỡi trên một con Lừa còn non trẻ cùng không có quân lính đi theo. Một hình ảnh gây nhiều thất vọng cho dân chúng, nó giống như một trò chơi vui nhộn thôi! Đã thế Ngài còn quát mắng xua đuổi những người hành nghề buôn bán xưa nay trong đền thờ. Việc này càng làm cho họ thêm giận dữ phẫn nộ, và cho ngài là người ngạo mạn xúc phạm tới Thiên Chúa Giave của họ.

Vì thế đám đông dân chúng cùng với các Thầy cả và những Luật sĩ hàng lãnh tôn giáo đồng lòng tìm cách lên án giết chết ngài. Hình ảnh thảm kịch cho cuộc đời của Chúa Giesu đã bắt đầu manh nha ngày Người được chào mừng đón tiếp: Lời xưng tụng chào mừng Đấng nhân danh Thien Chúa biến đổi thành lời lên án “Đóng đinh nó vào thập tự!

Và sau này trong dòng lịch sử thời gian, từ khi Giáo hội Chúa ở trần gian, Giáo Hội Công Giáo Roma phát triển lan rộng, hằng năm Giáo hội dành một tuần lễ thánh ghi nhớ tưởng niệm biến cố chết và sống lại của Chúa Giesu.

Ngày Chúa Nhật lễ Lá được thành lập lan rộng ở Âu châu từ thế kỷ 08. sau Chúa giáng sinh, là ngày khai mạc tuần lễ thánh tưởng nhớ biến cố những ngày sau cùng cuộc đời Chúa Giesu trên trần gian được dân chúng thành Jerusalem chào mừng đón tiếp nồng nhiệt bằng vải vóc cùng cành lá vẫy chào như vị Cứu tinh, và liền sau đó họ lên án hô to: Đóng đinh nó vào thập tự!

Suy nghĩ về biến cố ngày lễ Lá, Đức cố giáo hoàng Benedicto 16., trong bài giảng ngày Chúa Nhật lễ Lá, 01.04.2012, đã suy tư:

“Phải chăng dân chúng thời lúc đó reo hò đón mừng Chúa Giesu Kito như Vua Israel? Chắc chắn có những người đã có suy nghĩ về Đấng Cứu Thế (Messias), mà các vị Ngôn sứ từ thời xa xưa đã nói đến, và họ trông mong chờ đợi từ lâu vị Vua này đến.

Không phải là điều ngẫu nhiên, những ngày sau đó đám đông dân chúng ở Jerusalem thay vì tung hô Chúa Giesu, lại phẫn nộ gào thét cho Pilatus nghe: Đóng đinh nó đi !

Ngay các Môn đệ Chúa cũng như những người khác, khi nghe thấy vậy, cũng đều câm lặng lảng tránh đi. Phần đông thất vọng về cách thế Chúa Giesu chọn dùng để trình bày tỏ mình là Đấng Cứu và là Vua dân Israel.

Đây là nội dung nhân tố chính yếu ngày Chúa Nhật lễ Lá cả cho chúng ta nữa: Chúa Giesu thành Nazareth là ai cho chúng ta? Chúng ta có ý nghĩ thế về Đấng Cứu thế, về Thiên Chúa? Đó là thắc mắc mang tính quyết định, mà chúng ta không sao hay ít có thể chấp nhận hiểu được, tin theo Đấng CứuThế, vị Vua của chúng ta đã chọn thập giá là ngai tòa. Tin theo Đấng Cứu thế, Đấng không hứa hẹn bảo đảm cho chúng ta đơn giản hạnh phúc trần gian, nhưng niềm hạnh phúc nơi Thiên Chúa ở bên kia đời sống trần gian…”

Là người tín hữu tin theo Chúa Giesu Kito, khi mạnh khỏe gặt hái thành công trong đời sống, niềm tin vào Ngài trong vui mừng vững chắc hân hoan. Nhưng trong những giai đoạn con đường đời sống gặp chịu những thử thách, những đau khổ bệnh tật, những thất vọng chao đảo chới với… Lúc đó đức tin vào Chúa Giesu Kito, Đấng cứu chuộc, Đấng chịu đau khổ gánh vác tội trần gian cho nhân loại, hơn khi nào hết cần vững lòng trung thành vào Thien Chúa, nguồn sự sống cho hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Đời sống như Chúa Giesu đã trải qua, có ngày Chúa Nhật lễ Lá được chào mừng đón tiếp, và sau đó xảy đến ngày thứ Sáu tuần thánh bị lên án chịu đau khổ rồi phải chết như bao con người khác cùng được chôn vùi trong lòng đất. Nhưng đời sống Ngài không chấm dứt nơi đó. Trái lại, Ngài đã được cho chỗi dậy sống lại từ nấm mồ cõi người chết.

Đây cũng là hình ảnh đời sống con người có vui mừng hạnh phúc, được chào mừng đón tiếp, có thành công… Nhưng cũng có cả thử thách, có đau khổ bệnh tật, và có ngày sau cùng đời sống trên trần gian. Nhưng không là hết, là tận cùng. Trái lại, ngày được cứu độ cho sống lại cũng đã được Thiên Chúa hứa ban cho qua Chúa Giesu Kito, như Ngài đã cho Chúa Giesu phục sinh sống lại sau khi đã chết.
 
VietCatholic TV
Truyền thông và Bộ Ngoại Giao Nga đưa tin giả Vua Charles băng hà. Quân Putin tháo chạy ở Belgorod
VietCatholic Media
02:52 21/03/2024


1. Nga lặng lẽ di tản khỏi Belgorod dù Putin nói rằng các cuộc tấn công của quân cách mạng đã 'thất bại'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Quietly Evacuating Belgorod as Putin Says Rebel Raids 'Failed'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính quyền Nga hôm thứ Ba cho biết 9.000 trẻ em sẽ được di tản khỏi khu vực Belgorod gần biên giới với Ukraine vì bị pháo kích, trong khi Tổng thống Vladimir Putin cho biết cuộc tấn công của ba nhóm dân quân gồm những người Nga lưu vong chiến đấu bên cạnh Lực lượng vũ trang Ukraine đã “thất bại”.

Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết: “Hôm nay chúng tôi đang tái định cư một số lượng lớn các thị trấn. Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch di dời khoảng 9.000 trẻ em khỏi Belgorod, quận Belgorod, quận Shebekinsky, quận Grayvoronsky”.

Diễn biến mới nhất diễn ra sau khi Quân đoàn Tự do Nga, Tiểu đoàn Siberia và Quân đoàn tình nguyện Nga, gọi tắt là RDK - ba đơn vị quân sự tình nguyện liên kết với Ukraine - tiến hành một cuộc đột kích xuyên biên giới vào các khu vực Belgorod và Kursk phía nam Nga vào ngày 12 tháng 3. cho biết hoạt động của họ đang diễn ra.

Tuần trước, các nhóm dân quân cho biết họ đã chiếm được thị trấn Kozinka. Hôm Chúa Nhật, các thành viên của các nhóm dân quân đã treo cờ trong thị trấn, đăng ảnh lên Telegram. RDK cũng công bố một đoạn video cho thấy một trong các thành viên của họ bắn vào một xe thiết giáp của Nga trong khu vực.

Hôm thứ Tư, có thông tin về vụ pháo kích ở làng Razumnoye thuộc vùng Belgorod, khiến 3 người bị thương, Gladkov cho biết.

Ông cho biết: “Tại làng Razumnoye, do mảnh đạn rơi trúng một tòa nhà dân cư tư nhân, 2 người bị thương: một thiếu niên 14 tuổi bị cắt cụt một phần chi trên, mảnh đạn găm vào người. ngực và chi dưới bên trái, còn mẹ anh ta bị mảnh đạn găm vào cổ, khoang bụng và chi dưới”. Ông nói thêm rằng cả hai nạn nhân đều đang trong tình trạng nghiêm trọng.

“Một người phụ nữ khác cũng bị thương trong làng; cô ấy đang ở trên đường vào thời điểm xảy ra vụ tấn công; Cô ấy bị mảnh đạn ở tứ chi trên và dưới”, Gladkov nói.

Thống đốc cho biết vụ pháo kích đã làm hư hại 10 tòa nhà dân cư tư nhân và một số căn nhà trong 5 tòa nhà chung cư. Cửa sổ của một trường học và các tòa nhà mẫu giáo bị vỡ.

Trong khi đó, Putin hôm thứ Ba cho biết các cuộc tấn công xuyên biên giới đã thất bại.

Putin nói: “Mọi nỗ lực xâm nhập vào lãnh thổ của chúng ta bằng các băng nhóm phá hoại và khủng bố bao gồm các đơn vị đối phương thông thường, lính đánh thuê nước ngoài... và tất cả các loại rác rưởi... tất cả những nỗ lực này đều thất bại”.

Putin cũng cho biết, các nhóm này “đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công khủng bố thực sự vào các thành phố và thị trấn của vùng Belgorod và Kursk ở biên giới, nhưng đã gặp phải sức kháng cự và “chịu tổn thất nặng nề, bao gồm cả xe thiết giáp và pháo binh”.

Ba nhóm này đã nhiều lần kêu gọi cư dân Belgorod và Kursk di tản. Vào ngày 13 tháng 3, họ nói trong một tuyên bố chung trên Telegram rằng họ “buộc phải nổ súng vào các vị trí quân sự ở Belgorod” vì “mỗi ngày, hàng chục người Ukraine vô tội bình thường (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) chết vì pháo kích từ Belgorod”.

Hôm thứ Ba, Quân đoàn Tự do Nga đã yêu cầu cư dân thành phố Belgorod “rời khỏi ngay lập tức” hoặc “tìm nơi trú ẩn đáng tin cậy trước mối đe dọa từ hỏa lực hỏa tiễn và pháo binh”.

“Chúng tôi tấn công vào các mục tiêu quân sự, nhưng do các cơ sở quân sự của địch bố trí trong khu dân cư nên dân thường có thể phải chịu thiệt hại! Chúng tôi yêu cầu người dân Belgorod di tản khẩn cấp!” nhóm cho biết.

2. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin: Chúng tôi 'sẽ không để Ukraine thất bại'

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US Defense Secretary Austin: We ‘won’t let Ukraine fail’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết hôm thứ Ba rằng các nền dân chủ sẽ không để Ukraine thất vọng trước cuộc chiến tranh xâm lược của Putin.

“Thông điệp ngày hôm nay rất rõ ràng: Mỹ sẽ không để Ukraine thất bại. Liên minh này sẽ không để Ukraine thất bại và thế giới tự do sẽ không để Ukraine thất bại”, ông nói.

Ông phát biểu trước cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, một sáng kiến quy tụ hơn 50 quốc gia gặp nhau thường xuyên để thảo luận về việc chuyển giao vũ khí cho Kyiv. Đây là chuyến đi quốc tế đầu tiên của Austin kể từ khi ông vào bệnh viện và là chuyến đi đầu tiên kể từ khi Thụy Điển gia nhập NATO vào đầu tháng này.

Cuộc họp diễn ra sau khi các bộ trưởng Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Hai phê duyệt việc thành lập Quỹ mới hỗ trợ Ukraine trị giá 5 tỷ euro để hoàn trả một phần các chuyến hàng vũ khí tới Kyiv theo Cơ sở Hòa bình Âu Châu.

Tuần trước, Mỹ cũng công bố viện trợ quân sự trị giá 300 triệu Mỹ Kim - bao gồm đạn dược cho Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao và đạn pháo 155 ly và 105 ly - nhưng yêu cầu viện trợ khẩn cấp trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Tổng thống Joe Biden vẫn còn nằm trong tình trạng lấp lửng tại Quốc hội Mỹ.

Giúp Kyiv giành chiến thắng trong cuộc chiến là vấn đề an ninh đối với phương Tây vì “Putin sẽ không dừng lại ở Ukraine”, Austin cảnh báo.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: “Tất cả chúng ta sẽ kém an toàn hơn nếu Putin đi theo con đường của mình, tất cả chúng ta sẽ kém an toàn hơn trong một thế giới bạo lực, vô luật pháp, nơi những kẻ độc tài có thể vẽ lại biên giới bằng vũ lực, xóa sổ các quốc gia khỏi bản đồ và xây dựng lại đế chế cũ của họ”.

3. Căng thẳng ngoại giao Anh – Nga: Truyền thông và các quan chức Nga đua nhau tung tin giả Vua Charles băng hà

Ký giả WILL STEWART của tờ The Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “'King Charles is NOT dead': British embassy in Moscow issues furious denial after Russian media shared fake Buckingham Palace statement claiming Monarch 'passed away unexpectedly yesterday afternoon'“, nghĩa là “'Vua Charles KHÔNG chết': Đại sứ quán Anh tại Mạc Tư Khoa đưa ra lời phủ nhận giận dữ sau khi truyền thông Nga chia sẻ tuyên bố giả mạo của Cung điện Buckingham tuyên bố Quốc vương 'đã qua đời bất ngờ vào chiều hôm qua'“.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Hàng loạt trang tin Nga hôm nay đưa tin Nhà vua băng hà thọ 75 tuổi

Đại sứ quán Anh tại Mạc Tư Khoa hôm nay buộc phải đưa ra tuyên bố chính thức xác nhận Vua Charles III vẫn còn sống sau khi truyền thông Nga đưa tin ông đã qua đời.

Một loạt các phương tiện truyền thông chính thức của Nga và các tài khoản mạng xã hội liên quan của họ hôm nay đã đưa tin rằng Nhà vua đã qua đời ở tuổi 75 do biến chứng ung thư, trích dẫn các nguồn 'truyền thông' giấu tên trong một loạt các bài đăng không thể giải thích được.

Nó xuất hiện khi hình ảnh một tuyên bố rõ ràng là giả mạo từ 'Cung điện Buckingham' báo cáo về 'cái chết bất ngờ' của Vua Charles được lan truyền trên mạng xã hội.

Hãng tin Sputnik của Nga đưa tin: “Vua Charles III của Vương quốc Anh đã qua đời ở tuổi 75, theo các phương tiện truyền thông đưa tin”.

Vài phút sau, câu chuyện của họ được cập nhật sau khi họ buộc phải leo xuống sau khi có báo cáo rằng Nhà vua thực tế chưa chết.

Đại sứ quán Anh tại Mạc Tư Khoa sau đó đã giận dữ đăng trên X: 'Các báo cáo về cái chết của Vua Charles III của Vương quốc Anh là giả mạo!'

Đại sứ quán Anh tại Kyiv ngay sau đó đưa ra tuyên bố: 'Chúng tôi muốn thông báo với các bạn rằng tin tức về cái chết của Vua Charles III là giả.'

Một số cơ quan truyền thông nổi tiếng đã đưa tin tin giả nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có nhầm lẫn hay không; người ta cũng chưa rõ bộ máy tuyên truyền của Vladimir Putin có trực tiếp đứng đằng sau việc này hay không.

Tin giả bệnh hoạn liên quan đến quốc vương diễn ra sau những lời chỉ trích ở Anh và các nước phương Tây khác về 'chiến thắng' bầu cử của Vladimir Putin trong một cuộc bầu cử tổng thống 'gian lận'. Người ta ghi nhận rằng chiến lược đưa tin giả của Nga là tưng bừng đưa tin, sau đó âm thầm đính chính. Nó phục vụ mục đích phân tán sự chú ý của dư luận vào một vấn đề nào đó. Trong trường hợp này là tính hợp pháp của cuộc bầu cử tại Nga.

Các cơ quan báo chí ban đầu đưa tin giả là RIA, Sputnik, Readkovka và Mash - những cơ quan trung thành ủng hộ Putin - nhưng sau đó tất cả đều đã sửa lại câu chuyện của họ.

Cơ quan truyền thông Mash viết: 'Vua Charles III của Anh đã qua đời, Cung điện Buckingham đưa tin. Con trai của Elizabeth II lên ngôi cách đây chưa đầy một năm - lễ đăng quang diễn ra vào ngày 6 tháng 5 năm 2023. Ông đã 75 tuổi.'

Nó được cập nhật để nói rằng 'tin nhắn hóa ra là giả mạo' đồng thời nói thêm: 'Chúng ta hãy nhớ rằng vài tháng trước anh ta được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.'

Nhưng tờ báo này sau đó tuyên bố: 'Tin tức giả về cái chết của Charles III đã nhanh chóng lan truyền và nhanh chóng bị vạch trần.”

'Vua của Vương quốc Anh vẫn còn sống và tiếp tục thực hiện công việc thường lệ của mình. Ít nhất đó là những gì Cung điện Buckingham nói.”

Ngay cả phát ngôn nhân của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Maria Zakharova, cũng tham gia vào cuộc tranh luận, khi bà ta tuyên bố rằng: 'Luân Đôn trông thật thảm hại'.

Truy tìm tung tích, người ta phát hiện ra rằng: Cơ quan truyền thông ủng hộ chiến tranh có liên kết với Điện Cẩm Linh Readovka là một trong những nguồn truyền thông đầu tiên của Nga đăng một tuyên bố giả mạo của Cung điện Buckingham về cái chết của Vua Charles III

Phương tiện truyền thông trực tuyến ủng hộ Điện Cẩm Linh BAZA đăng: 'Truyền thông Nga đưa tin về cái chết của Vua Anh Charles III có liên quan đến một tài liệu được cho là do Cung điện Buckingham xuất bản.

'Ảnh chụp màn hình tin nhắn về cái chết của Charles III hóa ra là giả mạo.'

Hãng tin độc lập Meduza cho biết: 'Một số kênh truyền thông và Telegram đã đưa tin về cái chết của Vua Anh Charles III – có liên quan đến một tuyên bố giả mạo từ Cung điện Buckingham.

'Đặc biệt, ảnh chụp màn hình của tuyên bố, đã trở thành một nguồn tin tức, được cung cấp bởi kênh BAZA Telegram.

‘Tuyên bố này không có trên trang web hay mạng xã hội của hoàng gia.’

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đã sửa lại báo cáo trước đó của mình trong khi thừa nhận nó dựa trên 'tin đồn', nêu rõ: 'Dịch vụ báo chí của Cung điện Buckingham đã bác bỏ tin đồn của RIA Novosti về cái chết của Vua Charles III.

'Ông ấy tiếp tục tiến hành các công việc chính thức và riêng tư.

'Thông tin về cái chết của Charles' đã xuất hiện cách đây một thời gian trong nhiều nguồn tin của Nga. Cơ sở của nó là một thông điệp được cho là của Cung điện Buckingham và rõ ràng là giả mạo.'

Tờ báo riêng của Điện Cẩm Linh Rossiyskaya Gazeta, do chính phủ Putin xuất bản, viết: 'Vua Charles III tiếp tục thực hiện công việc và các vấn đề riêng tư, Cung điện Buckingham cho biết.

4. Hơn chục thành viên Hội đồng Âu Châu đã nói rằng Liên Hiệp Âu Châu phải tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Phần Lan, Bulgaria, Cộng hòa Tiệp, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Ba Lan, Rumani và Thụy Điển là những bên ký kết bức thư chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu đối với an ninh Âu Châu rộng hơn.

Bức thư viết:

Cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp của Nga chống lại Ukraine đã mang lại những thay đổi nhanh chóng, sâu sắc và lâu dài cho môi trường an ninh Âu Châu.

Chúng ta phải tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính trị, kinh tế và quân sự cho Ukraine trong thời gian cần thiết và Liên Hiệp Âu Châu phải tăng cường sức mạnh cũng như khả năng của mình về an ninh và quốc phòng.

Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ đặt ra các ưu tiên chiến lược trong tương lai của Liên Hiệp Âu Châu, trong đó lĩnh vực an ninh và quốc phòng sẽ là một trong những vấn đề chính.

Các bên ký kết cho biết Ngân hàng Đầu tư Âu Châu (EIB), hoạt động như một cơ quan cho vay đối với Liên Hiệp Âu Châu và đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ đầu tư ở Âu Châu, cần được trao quyền để đầu tư vào các sáng kiến liên quan đến quốc phòng ngoài các dự án lưỡng dụng hiện có.

Bức thư viết: “Điều này có nghĩa là thảo luận và đánh giá lại các định nghĩa hiện tại về các dự án sử dụng kép và danh sách các hoạt động bị loại trừ cũng như xem xét lại chính sách cho vay ngành công nghiệp quốc phòng và các yếu tố hạn chế khác”.

“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận vấn đề này theo cách có tính đến tác động đến hồ sơ rủi ro của EIB và bảo vệ cơ sở tài chính của EIB.”

5. Ukraine đang tích cực chuẩn bị cho cuộc họp NATO tại Washington DC vào tháng 7 tới đây

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ukraine đang nỗ lực bảo đảm “một bước đi mạnh mẽ và sâu rộng” hướng tới tư cách thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh liên minh quân sự ở Washington vào tháng 7.

“Chúng tôi nghĩ rằng Ukraine đáp ứng các tiêu chuẩn chính của tư cách thành viên, đó là khả năng bảo vệ biên giới NATO. Đó là những gì chúng tôi đang làm để bảo vệ Ukraine”, ông nói với các phóng viên.

“Hãy để tôi nói điều này, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để thực hiện một bước đi mạnh mẽ và sâu rộng hướng tới việc Ukraine trở thành thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington.”

Giới lãnh đạo Ukraine đã thất vọng cay đắng khi dưới áp lực của Mỹ và Đức, NATO tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái đã đưa ra tuyên bố nói rằng Ukraine sẽ được mời khi điều kiện cho phép, từ chối yêu cầu của Ukraine về một ngày cụ thể.

6. Chế độ của Putin tàn bạo hơn chế độ Stalin - Vương Quốc Anh cần phải chi tiền cho quân đội của mình trước khi quá muộn

Tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “PROF MICHAEL CLARKE Putin’s regime is more brutal than Stalin’s – Britain needs to spend money on our army before it’s too late”, nghĩa là “Giáo sư Michael Clarke nhận định: Chế độ của Putin tàn bạo hơn chế độ Stalin - Vương Quốc Anh cần phải chi tiền cho quân đội của mình trước khi quá muộn” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Giáo sư Michael Clarke đã có bài nói chuyện tại Viện Dịch Vụ Hoàng Gia, gọi tắt là RUSI. Dưới đây là những ý tưởng chính của ông.

Vladimir Putin đã tuyên bố một chiến thắng bầu cử vang dội khác sẽ giúp ông cai trị nước Nga lâu hơn quái vật Liên Xô Joseph Stalin.

Putin được cho là đã giành được 87,3% số phiếu bầu tổng thống trong cuộc bầu cử - nhưng đó là một sự giả tạo lố bịch.

Đối thủ chính trị mạnh nhất của chế độ độc tài Điện Cẩm Linh, Alexei Navalny, đã chết - hoặc bị sát hại - trong một trại tù ở Siberia vào tháng trước.

Và Putin sau đó đã bảo đảm rằng ứng cử viên Boris Nadezhdin, người tin rằng ông có tỷ lệ bỏ phiếu cao tới 30%, đã bị từ chối một vị trí trên lá phiếu.

Mặc dù chưa bao giờ đích thân chỉ trích Putin nhưng Nadezhdin đang vận động phản đối cuộc chiến ở Ukraine.

Vậy Anh và phương Tây có thể mong đợi điều gì ở Putin - ít nhất là trong sáu năm nữa?

Ông ta còn gây chiến nhiều hơn và đàn áp chính người dân của mình.

Chế độ của Putin ít nhất cũng tàn bạo như chế độ của Stalin.

Sự khác biệt duy nhất là trong các cuộc thanh trừng của Stalin, là người ta chỉ bị đưa ra ngoài và bắn bỏ. Trong các cuộc thanh trừng của Putin, những đối thủ bị hạ nhục và cầm tù, họ không bị sát hại nhiều như dưới thời Stalin.

Nhưng bên trong nước Nga, cảm giác bị áp bức vẫn lớn như thời Stalin.

Giờ đây, Putin chỉ có thể đi theo một hướng duy nhất - ông phải tiếp tục đàn áp phe đối lập và truy đuổi các đối thủ của mình cả trong và ngoài nước.

Putin sẽ tin rằng 87,3% phiếu bầu tổng thống - ngay cả khi ông ta thắng không công bằng - sẽ mang lại cho ông tính hợp pháp mới với người dân của mình.

Những kẻ độc tài luôn làm vậy.

Vì vậy, ông ta nghĩ rằng điều đó cho phép ông ta tăng cường gấp đôi và giành chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine.

Lựa chọn duy nhất khác của ông là rút khỏi cuộc xung đột với những điều kiện rất có lợi cho Nga, điều này có nghĩa là sẽ chiếm được một lượng lớn đất đai ở phía đông Ukraine và bờ biển phía nam nước này.

Putin sẽ có thêm nhiệm kỳ 6 năm nữa vào năm 2030 trừ khi ông bị đẩy lùi và thua ở Ukraine.

Người Ukraine có thể giành được chiến thắng nếu chúng ta ở phương Tây cung cấp cho họ vũ khí và đạn dược phù hợp, chỉ đơn giản như vậy.

Vấn đề là chúng ta quá thiển cận hoặc đơn giản là quá sợ hãi - như trong trường hợp của Đức - để dám làm điều đó.

Nước Anh hiện chi 2,2% GDP cho quốc phòng, giảm từ mức gần 4% vào cuối Chiến tranh Lạnh năm 1991.

Bất cứ ai biết gì về quốc phòng sẽ nói với bạn rằng nó phải tăng lên ít nhất 3% và có thể cao hơn.

Cho đến nay, Mỹ là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, tính đến nay khoảng 36 tỷ bảng Anh.

Và phần lớn số tiền đó được chi tiêu ở Mỹ cho vũ khí, mang lại sự thúc đẩy thực sự cho ngành công nghiệp vũ khí ở đó.

Nếu họ cứ tiếp tục duy trì mức chi tiêu đó, Nga có thể bị đánh bại và điều đó sẽ khiến họ phải rời khỏi tiền tuyến trong vài thế hệ.

Điều đó sẽ giải phóng người Mỹ để tập trung vào Trung Quốc, đó là điều họ nói họ muốn làm.

Nhưng viện trợ quân sự mới đã bị Quốc hội đình trệ và viện trợ này có thể bị cắt giảm hoàn toàn.

Anh sẽ có vai trò to lớn trong việc phòng thủ Âu Châu nếu Mỹ rút lui.

Âu Châu lẽ ra nên tái vũ trang và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng ngay bây giờ - nhưng thực tế không phải vậy. Điều đó có vẻ điên rồ.

Putin đang cố gắng tái tạo lại Đế quốc Nga cũ, vì vậy ông muốn chiếm một phần của các nước vùng Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania - một phần của Phần Lan, và toàn bộ Ukraine, Moldova và Georgia.

Khi đó, cái bóng của một nước Nga vĩ đại bao trùm phần còn lại của Âu Châu có nghĩa là các quốc gia không thể đưa ra quyết định độc lập mà không tham khảo những gì Mạc Tư Khoa nghĩ.

Tuy nhiên, dù nói nhiều về sức mạnh của Putin, sự cai trị của ông có thể dễ vỡ hơn bề ngoài tưởng tượng.

Vào một thời điểm nào đó, tôi tin rằng có thể sẽ có một cuộc nổi dậy chống lại ông ấy, cho dù đó là trong nhiệm kỳ tổng thống này hay sau năm 2030.

Nền kinh tế Nga đang bắt đầu gặp khó khăn.

Người Nga hiện đang phải trả giá cho cuộc chiến này theo cách mà họ chưa từng phải trả trong những tháng đầu tiên.

Vì lý do đó, tôi tin rằng các nhà tài phiệt Nga cuối cùng sẽ đoàn kết chống lại ông ta.

Vẫn chưa có dấu hiệu nào về điều đó nhưng tôi tin nó sẽ đến.

Nước Anh có thể làm gì để giúp đỡ?

Hãy chắc chắn rằng Nga sẽ thua trong cuộc chiến ở Ukraine.

Sau đó người dân Nga có thể làm phần còn lại.

7. Vương Quốc Anh cho biết Hải quân Nga hạn chế hoạt động ở Hắc Hải để 'bảo vệ Hạm đội'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Navy Limiting Black Sea Operations to 'Preserve Fleet': UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, Hạm đội Hắc Hải của Nga đang cắt giảm các hoạt động xung quanh Bán đảo Crimea bị sáp nhập, sau một loạt các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các tài sản quan trọng của Mạc Tư Khoa trong khu vực.

Chính phủ Anh cho biết trong một phân tích đăng trên mạng xã hội hôm thứ Ba: “Hải quân Nga rất có thể đã phải hạn chế hoạt động ở phía đông Hắc Hải khi tổn thất ngày càng gia tăng”.

Bộ Quốc phòng Anh đánh giá, khi Kyiv tiến hành tấn công các tài sản của Nga bằng khả năng tầm xa, Mạc Tư Khoa buộc phải “tăng cường nỗ lực bảo vệ hạm đội của mình ở Hắc Hải”.

Bất chấp những bước tiến của Nga rải rác dọc theo chiến tuyến xuyên qua miền đông Ukraine, Kyiv đã đạt được thành công trong việc tấn công vào các tài sản của Nga ở Hắc Hải và xung quanh Bán đảo Crimea. Mạc Tư Khoa đã nắm quyền kiểm soát Crimea 10 năm trước và Kyiv đã thề sẽ giành lại nó.

Một phần trong nỗ lực này của Ukraine bao gồm các cuộc tấn công hỏa tiễn tầm xa và sử dụng hiệu quả các thuyền không người lái của hải quân nội địa - một diễn biến thời chiến mà Nga không được trang bị đầy đủ để chống đỡ. Ukraine cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quanh Hắc Hải.

Phó đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu Robert Murrett nói với Newsweek hồi đầu tháng này: “Ukraine phần lớn đã giành chiến thắng trong trận Hắc Hải.”

Kyiv cho biết các máy bay không người lái hải quân MAGURA V5 của Ukraine được ghi nhận đã thực hiện một loạt cuộc tấn công thành công vào hạm đội Hắc Hải của Nga, với việc các máy bay không người lái này đã phá hủy tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn Ivanovets vào tháng 2.

Cuối tháng 2, Ukraine cho biết họ đã tấn công vào Caesar Kunikov, một tàu đổ bộ lớn, với các phương tiện mặt nước không có người lái và đã tấn công một số tàu đổ bộ còn lại của Nga trong các cuộc tấn công riêng biệt. Trong tháng này, Ukraine đã đăng tải đoạn phim cho thấy máy bay không người lái MAGURA V5 tấn công tàu Sergei Kotov, một trong 4 tàu tuần tra Dự án 22160 của Nga.

Trước đó trong cuộc chiến, hỏa tiễn chống hạm của Ukraine được cho là đã đánh chìm soái hạm Mosvka của Nga ở Hắc Hải và Kyiv đã sử dụng hỏa tiễn phóng từ trên không tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công một tàu chiến Nga và tàu ngầm Rostov-on-Don của Nga ở Biển Đông. Cảng Sevastopol của Crimea vào tháng 9 năm 2023.

Nga vẫn chiếm ưu thế trên phần lớn Hắc Hải, ngay cả khi nước này bị hạn chế ở góc tây bắc gần Ukraine nhất vì các cuộc tấn công của lực lượng Kyiv, Đại úy Hải quân Ukraine đã nghỉ hưu Andrii Ryzhenko nói với Newsweek vào đầu tháng 3.

Ukraine đã thành công trong việc buộc Nga tiến về phía đông, chuyển một số nguồn tài nguyên của nước này tới Novorossiysk, một thành phố cảng ở Hắc Hải nằm trong lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận và quan trọng là cách xa vùng biển duyên hải của Ukraine hơn.

Các báo cáo cũng cho thấy Điện Cẩm Linh đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới tại cảng Ochamchire ở Abkhazia, một khu vực ly khai của Georgia. Điều này sẽ đẩy các tài sản ở Hắc Hải của Nga ra xa bờ biển Ukraine hơn nữa.

Ryzhenko cho biết Mạc Tư Khoa hiện nay thận trọng hơn nhiều trong việc giữ các tàu lớn, mới hơn của mình ở Crimea và đã chuyển một số tàu đến Novorossiysk.

Nga dường như đã nhận ra điểm yếu của Hạm đội Hắc Hải. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu “đã ra lệnh lắp đặt thêm vũ khí hỏa lực, hệ thống súng máy cỡ nòng lớn để tiêu diệt máy bay không người lái của đối phương”. Các khẩu súng này sẽ được triển khai trên các tàu của hạm đội Hắc Hải, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin.

Mạc Tư Khoa cho biết hôm Chúa Nhật rằng hỏa lực mới sẽ giúp “tăng khả năng sống sót của tàu bè” cùng với các chương trình huấn luyện mới, “cả ban ngày lẫn ban đêm để đẩy lùi các cuộc tấn công khủng bố của đối phương”.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết vào tháng 12 rằng Điện Cẩm Linh đã mất 20% hạm đội Hắc Hải trong 4 tháng trước đó, đồng thời nói thêm: “Sự thống trị của Nga ở Hắc Hải hiện đang bị thách thức.

8. Các nhà lãnh đạo phương Tây tố Putin thắng cử 'bất hợp pháp'

Theo các cuộc thăm dò ý kiến, các nhà lãnh đạo phương Tây đã tố cáo những gì họ mô tả là một cuộc bầu cử giả mạo ở Nga, trong đó Vladimir Putin đã giành được nhiệm kỳ tổng thống Nga thứ năm với tỷ lệ phiếu bầu khoảng 87%.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bác bỏ kết quả này là bất hợp pháp.

Ông nói: “Mọi người trên thế giới đều hiểu rằng con người này, giống như nhiều người khác trong suốt lịch sử, đã trở nên bệnh hoạn với quyền lực và sẽ không dừng lại ở việc cai trị mãi mãi”.

“Không có điều ác nào mà hắn ta không làm để duy trì quyền lực cá nhân của mình. Và không ai trên thế giới có thể được bảo vệ khỏi điều này.”

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, John Kirby, cho biết: “Cuộc bầu cử rõ ràng là không tự do và công bằng khi ông Putin đã bỏ tù các đối thủ chính trị và ngăn cản những người khác chống lại ông”.

Ngoại trưởng Vương quốc Anh, David Cameron, cho biết cuộc bầu cử “bất hợp pháp” dẫn đến “thiếu sự lựa chọn cho cử tri và không có sự giám sát độc lập của OSCE”, đồng thời nói thêm: “Đây không phải là cuộc bầu cử tự do và công bằng”.

Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cho biết “cuộc bầu cử không tự do và công bằng”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Tiệp Jan Lipavsky gọi cuộc bầu cử là một “trò hề và sự nhại lại”. Ông nói: “Đây là cuộc bầu cử tổng thống Nga cho thấy chế độ này đàn áp xã hội dân sự, truyền thông độc lập và phe đối lập như thế nào”.

Tuy nhiên,, một số đồng minh của Nga đã chúc mừng chiến thắng của ông Putin và cho biết họ hy vọng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước sẽ tiếp tục.

Bắc Kinh chúc mừng Tổng thống Nga, cho rằng “Trung Quốc và Nga là láng giềng lớn nhất của nhau và là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình và Putin “sẽ tiếp tục duy trì trao đổi chặt chẽ, dẫn dắt hai nước tiếp tục duy trì tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp lâu đời, tăng cường phối hợp chiến lược toàn diện”.

Lãnh đạo người Serbia ở Bosnia Milorad Dodik cho biết: “Người Serb vui mừng chào đón chiến thắng của Tổng thống Putin vì họ nhìn thấy ở ông ấy một chính khách vĩ đại và một người bạn mà chúng tôi luôn có thể tin cậy và là người sẽ dõi theo người dân của chúng ta”.

Nhà độc tài Venezuela, Nicolas Maduro, nói: “Người anh trai của chúng ta đã chiến thắng, điều này báo hiệu điều tốt cho thế giới”.

9. Kyiv hy vọng có đủ đạn dược chiến trường cho binh lính vào tháng 4

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Ukraine hy vọng có đủ đạn dược cho binh lính của mình, những người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo, để đẩy lùi lực lượng Nga từ tháng 4.

Praha đã chuyển đơn đặt hàng 800.000 quả đạn pháo sang các nước thứ ba vào đầu năm nay để cung cấp cho Ukraine và cho biết họ đã huy động vốn từ các đồng minh để mua lô 300.000 quả đầu tiên.

Một quan chức cao cấp của Tiệp cho biết đợt giao hàng đầu tiên dự kiến chậm nhất là vào tháng 6.

“Chúng tôi hy vọng rằng sáng kiến này của Tiệp, mà Luxembourg tham gia, sẽ giúp ích cho chúng tôi và bắt đầu từ tháng 4, chúng tôi sẽ có đủ đạn dược để bảo vệ tiền tuyến của mình”, Shmyhal nói trong một cuộc họp báo nhân chuyến thăm Luxembourg.

“Chúng tôi cũng trông cậy vào việc cung cấp hỏa tiễn tầm xa và tầm trung để cắt giảm hậu cần của Nga trên các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm. Nó cũng cực kỳ quan trọng, giống như đạn pháo dành cho chúng tôi vậy”, Shmyhal nói thêm.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, hồi đầu tháng cho biết Ukraine đã hết đạn trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của Nga và các đồng minh chưa nỗ lực đủ để giúp đỡ Kyiv. Diễn biến này xảy ra trong khi một dự luật tại Quốc hội Hoa Kỳ nhằm gửi thêm viện trợ cho Ukraine đang bị đình trệ trong bối cảnh tranh luận đảng phái.
 
Tin vui: Cố vấn an ninh Mỹ khẳng định 60 tỷ sắp được thông qua. Putin ra lệnh truy nã quân cách mạng
VietCatholic Media
15:10 21/03/2024


1. Putin kêu gọi FSB truy lùng người Nga gia nhập quân đội Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin calls on FSB to hunt Russians who joined Ukraine’s army”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Putin đã ra lệnh cho lực lượng an ninh truy lùng và “trừng phạt” những người Nga đã gia nhập các trung đoàn trong quân đội Ukraine.

“Tôi yêu cầu, như đã từng xảy ra trong lịch sử của chúng ta, rằng chúng ta đừng quên họ là ai, hãy nêu đích danh họ. Chúng ta sẽ trừng phạt họ mà không có bất kỳ thời hiệu nào, dù họ ở bất cứ đâu”, ông nói trong cuộc họp hội đồng FSB hôm thứ Ba.

Putin sau đó đã so sánh giữa người Nga trong quân đội Ukraine và Quân đội Giải phóng Nga - khoảng 50.000 quân Nga đã chiến đấu bên cạnh Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. “Đối với những kẻ phản bội này, chủ nhân hiện tại của họ không tha cho họ: Họ bị đưa thẳng vào trận chiến như bia đỡ đạn. Họ nhận được những gì họ xứng đáng,” ông kết luận.

Những cáo buộc của Putin được đưa ra trong bối cảnh có tuyên bố rằng Quân đoàn Tình nguyện Nga, Quân đoàn Tự do Nga và Tiểu đoàn Siberia - các đơn vị bán quân sự chống chính phủ của công dân Nga - thường xuyên tiến hành các hoạt động nghi binh ở vùng Belgorod của Nga, giáp biên giới Ukraine.

Trong những tuần qua, các đơn vị này thường xuyên thông báo về các cuộc tấn công bằng pháo binh vào khu vực Belgorod và kêu gọi người dân Nga địa phương di tản. Hôm thứ Ba, thống đốc vùng Belgorod báo cáo việc di tản 9.000 trẻ em khỏi các quận gần biên giới Ukraine.

Trên thực địa quân Nga lùi dần trước sức tấn công của quân cách mạng Nga. Tuy nhiên, Putin lại trấn an người Nga rằng quân cách mạng Nga đã bị đẩy lui về phía biên giới với Ukraine.

2. Người của Tổng thống Biden thề sẽ có thêm sự trợ giúp cho Ukraine bất chấp tình hình bế tắc của Mỹ

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Biden’s man vows more help coming for Ukraine despite US gridlock”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Trong chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Jake Sullivan, kêu gọi Ukraine hãy tin tưởng vào Mỹ và bày tỏ tin tưởng Quốc hội sẽ bỏ phiếu ủng hộ viện trợ bổ sung.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Jake Sullivan đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv để “kiểm tra đồng hồ” và trấn an Ukraine rằng nước này vẫn có thể dựa vào Mỹ như một đồng minh hùng mạnh.

Chuyến thăm của ông diễn ra chỉ một ngày sau cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức và trong bối cảnh Quốc hội vẫn từ chối bỏ phiếu thông qua dự luật viện trợ khẩn cấp trị giá 60 tỷ Mỹ Kim.

“Chúng ta sẽ nhận được một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng mạnh mẽ tại Quốc hội. Chúng tôi sẽ chuyển số tiền đó cho các bạn theo đúng kế hoạch, vì vậy tôi không nghĩ chúng ta cần nói về Kế hoạch B hôm nay,” Sullivan nói trong cuộc họp báo ở Kyiv hôm thứ Tư.

Thừa nhận rằng các khoản tiền mới sẽ mất “quá nhiều thời gian” để đến nơi, ông nói thêm: “Tôi không có bất kỳ dự đoán nào về thời điểm chính xác việc này sẽ được thực hiện, nhưng chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thành nó càng sớm càng tốt. Tổng thống Biden đang làm việc này hàng ngày để cố gắng chuyển gói hàng này đến nhà nhưng tôi không thể đưa ra bất kỳ dự đoán cụ thể nào.”

Lần cuối cùng Sullivan đến Kyiv là cùng với Tổng thống Biden vào tháng 2 năm 2023. Tuy nhiên, ông và nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, liên lạc gần như hàng ngày.

Phát biểu cùng với Sullivan, Yermak cho biết: “Tôi một lần nữa nghe ông Sullivan nói rằng Mỹ ủng hộ Ukraine. Chúng tôi biết rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ làm mọi thứ có thể để dự luật viện trợ 60 tỷ Mỹ Kim vô cùng cần thiết được thông qua. Tôi cũng muốn nói rằng đối tác chiến lược của chúng tôi ngay cả trong tình huống này cũng sẽ tìm ra cách giúp đỡ chúng tôi. Tuần trước chúng tôi đã nhận được 300 triệu Mỹ Kim viện trợ quân sự.”

Yermak đang đề cập đến gói đạn dược, hệ thống phòng không và các thiết bị quan trọng khác đang rất cần thiết ở tiền tuyến. “Những nguồn cung cấp đó sẽ đến với các bạn khi chúng tôi nói chuyện,” Sullivan nói.

Ukraine không phải là bên duy nhất trong cuộc chiến sử dụng vũ khí do nước ngoài sản xuất. Khi các phóng viên đang chờ cuộc họp báo bắt đầu, các lính canh đã mang một chiếc máy bay không người lái Shahed lớn, màu đen do Iran sản xuất đi qua hành lang liền kề.

Sullivan nói: “Chúng tôi đã sát cánh bên các bạn kể từ khi chiến tranh bắt đầu, chúng tôi đã cung cấp sự hỗ trợ to lớn và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy bằng mọi cách có thể”. “Bạn hoàn toàn xứng đáng với điều đó… chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ nhận được khoản viện trợ này cho Ukraine.”

Sullivan cho biết Mỹ hiểu rõ rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến và thoát khỏi cuộc chiến một cách mạnh mẽ và thịnh vượng. Ông nói thêm, với tư cách là một đồng minh, Mỹ nên bảo đảm rằng Ukraine có thể đứng vững không chỉ tự do và độc lập mà còn được an toàn và bảo đảm trước sự xâm lược của Nga trong tương lai.

Tuy nhiên, Sullivan không công bố các gói viện trợ cụ thể mới cho Kyiv, cũng như không xác nhận tin đồn Mỹ có thể sớm đưa hỏa tiễn ATACMS tầm xa tới Ukraine.

“ATACMS, tôi sẽ làm bạn thất vọng, hôm nay tôi không có gì để công bố ở đây một cách công khai về vấn đề đó. Khi chúng tôi có điều gì đó muốn chia sẻ, chúng tôi chắc chắn sẽ chia sẻ nó, nhưng chúng tôi sẽ nói rằng chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất mang tính xây dựng về sự hỗ trợ quân sự và khả năng của chúng tôi”, Sullivan nói.

Tổng thống Biden đã đưa ra sáng kiến viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine vào tháng 8, nhưng kể từ đó nó đã bị mắc kẹt trong Quốc hội, bị ràng buộc với nguồn tài trợ an ninh biên giới trong nước và đảng Cộng hòa từ chối thông qua. Người ta tin rằng đã có đủ phiếu ủng hộ viện trợ tại Quốc hội, nhưng sự lãnh đạo của đảng đang cản trở nó.

3. Video Belgorod cho thấy thị trấn ở Nga bị tàn phá bởi các cuộc tấn công là 'Không thể ở được'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Belgorod Video Shows Russian Village Ravaged by Strikes: 'Not Habitable'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một đoạn video được quay ở vùng Belgorod của Nga gần biên giới với Ukraine dường như cho thấy thị trấn Kozinka bị tàn phá bởi các cuộc tấn công trong bối cảnh ba nhóm quân cách mạng Nga chiến đấu bên cạnh Lực lượng vũ trang Ukraine đang tiến hành xâm nhập.

Đoạn phim được chia sẻ trên X,, bởi người dùng Dmitri từ War Translated, một dự án độc lập chuyên dịch các tài liệu về chiến tranh. “Kozinka, Belgorod, [khu vực hoạt động quân sự đặc biệt, không còn có thể sinh sống được nữa,” ông viết.

Quân đoàn Tự do Nga, Tiểu đoàn Siberia và Quân đoàn Tình nguyện Nga, gọi tắt là RDK - ba đơn vị quân sự tình nguyện liên kết với Ukraine - đã phát động một cuộc đột kích xuyên biên giới vào các khu vực Belgorod và Kursk phía nam Nga vào ngày 12 tháng 3, và hoạt động đó vẫn đang tiếp diễn.

Belgorod nằm gần biên giới Ukraine và là nơi có nhiều căn cứ quân sự và cơ sở huấn luyện của Nga. Khu vực này đã rung chuyển bởi các vụ nổ và hỏa hoạn bí ẩn trong suốt cuộc xâm lược Ukraine của Putin. Chính quyền địa phương thường xuyên báo cáo có máy bay không người lái, gọi tắt là UAV trong khu vực. Giao tranh đã gia tăng trong khu vực trong bối cảnh cuộc xâm nhập.

Đoạn video được quay từ bên trong một chiếc xe hơi khi nó đang lái qua làng Kozinka, nơi mà các nhóm tuyên bố đã chiếm được vào tuần trước. Hôm Chúa Nhật, các thành viên của các nhóm dân quân đã treo cờ ở Kozinka, đăng ảnh lên Telegram. RDK cũng công bố một đoạn video cho thấy một trong các thành viên của họ bắn vào một xe thiết giáp của Nga trong khu vực.

“Kozinka thật khốn nạn. Chết tiệt, nhìn kìa! Nó biến mất rồi, cửa hàng! Cửa hàng không còn nữa, chết tiệt!” Một người đàn ông Nga đứng sau camera cho biết, cho thấy quy mô tàn phá của khu vực.

Có thể nghe thấy tiếng nổ và có thể nhìn thấy đám khói trên gương chiếu hậu của xe.

“Ôi chết tiệt, ngôi nhà đó biến mất rồi,” người đàn ông nói.

Ba nhóm này đã nhiều lần kêu gọi cư dân Belgorod và Kursk di tản. Vào ngày 13 tháng 3, họ nói trong một tuyên bố chung trên Telegram rằng họ “buộc phải nổ súng vào các vị trí quân sự ở Belgorod” vì “mỗi ngày, hàng chục người Ukraine vô tội bình thường (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) chết vì pháo kích từ Belgorod”.

Ba nhóm này đưa ra cảnh báo tương tự hai ngày sau đó, nói rằng “trong vòng một giờ tới, một cuộc tấn công lớn sẽ được thực hiện nhằm vào các mục tiêu quân sự ở thành phố Belgorod”.

Hôm thứ Ba, Quân đoàn Tự do Nga đã yêu cầu cư dân thành phố Belgorod “rời đi ngay lập tức” hoặc “tìm nơi trú ẩn đáng tin cậy trước mối đe dọa từ hỏa lực hỏa tiễn và pháo binh”.

“Chúng tôi tấn công vào các mục tiêu quân sự, nhưng do các cơ sở quân sự của địch bố trí trong khu dân cư nên dân thường có thể phải chịu thiệt hại! Chúng tôi yêu cầu người dân Belgorod di tản khẩn cấp!” nhóm cho biết.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng, vào khoảng 10h30 sáng theo giờ Mạc Tư Khoa, Ukraine đã cố gắng tấn công khu vực Belgorod bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt RM-70 Vampire của Tiệp.

“Các hệ thống phòng không làm nhiệm vụ đã phá hủy 9 hỏa tiễn trên không ở khu vực Belgorod,” nó cho biết.

4. Thủ tướng Estonia kêu gọi các đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 3% GDP

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã kêu gọi các đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội, gọi tắt là GDP.

Estonia đã đầu tư hơn 3% GDP vào quốc phòng và tất cả các đồng minh NATO nên làm theo, Reuters dẫn lời bà nói tại một sự kiện truyền thông ở Berlin và nói thêm rằng bà hiểu rằng rất khó để làm như vậy.

Các thành viên NATO đã tăng đều đặn chi tiêu quốc phòng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea phía nam Ukraine và tiến vào Donbas ở miền đông Ukraine vào năm 2014, mặc dù chi tiêu quốc phòng của các chính phủ trong khối không đồng đều.

Theo dữ liệu của liên minh, tất cả các thành viên NATO ở Âu Châu đã chi thêm 32% cho quốc phòng kể từ năm 2014, mặc dù chỉ có 10 thành viên trong số đó chi hơn 2% GDP.

5. Von der Leyen làm loãng kế hoạch dùng tài sản của Nga để mua vũ khí Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Von der Leyen dilutes plan to use Russian assets to buy Ukraine arms”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã tiết lộ kế hoạch sử dụng số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để mua vũ khí cho Ukraine.

Theo một tài liệu mà POLITICO nhìn thấy, giám đốc điều hành Liên Hiệp Âu Châu sẽ đề xuất vào thứ Tư rằng một phần trong số khoảng 3 tỷ euro thu được từ tài sản cố định trong năm nay cũng sẽ cung cấp hỗ trợ phi quân sự cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Hai quan chức cho biết dự kiến số tiền này sẽ lên tới 10%, trong khi 90% còn lại sẽ được dành để mua vũ khí.

Theo đề xuất của Ủy ban, vấn đề này sẽ được các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào thứ Năm. Các thủ đô đang tìm cách bổ sung kho vũ khí đang suy giảm của Ukraine khi cuộc xâm lược của Nga bước sang năm thứ ba. Khối này đặt mục tiêu đưa tiền đến Ukraine vào tháng 7.

Cuộc tranh luận này tách biệt với nỗ lực đang diễn ra của Mỹ nhằm thuyết phục Liên Hiệp Âu Châu sử dụng toàn bộ số tiền có được từ việc tịch thu toàn bộ tài sản của Nga bị đóng băng ở phương Tây - trị giá hơn 250 tỷ euro - thay vì chỉ đơn thuần là lợi nhuận từ các khoản đầu tư của Nga. Các thủ đô Âu Châu phần lớn đã tránh xa ý tưởng này vì những rủi ro pháp lý và tài chính.

Ý tưởng ban đầu của Ursula von der Leyen là dùng toàn bộ số tiền lời ước tính là 3 tỷ từ số tiền 250 tỷ của Nga để mua vũ khí cho Ukraine.

Với mục đích làm cho ý tưởng tịch thu số tiền lời trao cho Ukraine dễ chấp nhận hơn, Ủy ban quyết định làm loãng lập trường ban đầu của von der Leyen, cụ thể, Ủy ban sẽ đề xuất số tiền mặt này sẽ không hoàn toàn dành cho việc mua vũ khí thông qua một quỹ có tên là Cơ sở Hòa bình Âu Châu.

Von der Leyen đã ủng hộ lựa chọn này vào tháng 2, khi bà nói rằng “đã đến lúc bắt đầu cuộc trò chuyện về việc sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để cùng mua thiết bị quân sự cho Ukraine”.

Thay vào đó, một phần tiền mặt cũng sẽ cung cấp hỗ trợ ngân sách thông thường cho Kyiv.

Mục đích của đề xuất này là “hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả thông qua Cơ sở Hòa bình Âu Châu, cũng như các chương trình của Liên minh phi quân sự được tài trợ từ ngân sách Liên minh, chẳng hạn như cơ sở ở Ukraine,” theo tài liệu mà POLITICO đã xem.

Văn bản cũng đề cập đến việc sử dụng nguồn vốn này để hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Kế hoạch giảm nhẹ này là sự nhượng bộ đối với một số quốc gia phản đối ý tưởng sử dụng toàn bộ số tiền thu được để mua vũ khí cho Ukraine.

Một quan chức Liên Hiệp Âu Châu cho biết thủ đô của các quốc gia vẫn có thể điều chỉnh tỷ lệ giữa hỗ trợ quân sự và tài chính.

Các quốc gia như Hung Gia Lợi và Slovakia lo ngại rằng việc mua vũ khí sẽ góp phần vào điều mà họ coi là leo thang quân sự ở Ukraine, trong khi các quốc gia khác – bao gồm Malta và Ái Nhĩ Lan – không được phép mua vũ khí sát thương cho nước ngoài theo chính sách trung lập kéo dài hàng thập kỷ của họ.

Một quan chức Liên Hiệp Âu Châu khác cho biết họ hy vọng rằng các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra chỉ đạo chính trị về cách sử dụng nguồn vốn nhưng sẽ không đạt được thỏa thuận trong tuần này do các đánh giá pháp lý.

Đề xuất của Ủy ban chỉ áp dụng cho số tiền thu được từ tài sản sau ngày 15 tháng 2 năm 2024.

Lợi nhuận từ năm 2022 và 2023 sẽ được lưu giữ bởi Euroclear, công ty lưu ký chứng khoán có trụ sở tại Bỉ, nơi nắm giữ phần lớn tài sản bị phong tỏa, như một tấm đệm chống lại những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.

6. Nga bỏ tù người phụ nữ viết chữ 'không chiến tranh' trên phiếu bầu

Một tòa án Nga hôm thứ Tư đã kết án một phụ nữ ở St Petersburg 8 ngày tù vì viết “không chiến tranh” trên một lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống nước này để phản đối chiến dịch tranh cử ở Ukraine của Vladimir Putin, AFP đưa tin.

Cuộc bỏ phiếu kéo dài ba ngày cuối tuần qua đã chứng kiến Putin tranh cử nhiệm kỳ thứ năm ở Điện Cẩm Linh mà không gặp bất cứ trở ngại nào, điều này sẽ kéo dài thời gian nắm quyền của ông cho đến ít nhất là năm 2030.

Cuộc bầu cử đã bị hủy hoại do nhiều cố gắng hủy hoại lá phiếu, với việc Putin cảnh báo trong bài phát biểu chiến thắng của mình rằng những người Nga làm như vậy “phải bị giải quyết”.

Theo AFP, tòa án quận Dzerzhinsky của St Petersburg cho biết họ đã ra lệnh giam giữ Alexandra Chiryatyeva trong 8 ngày và phạt 40.000 rúp hay 433 Mỹ Kim. Họ nói rằng cô đã phạm tội côn đồ và “làm mất uy tín của lực lượng vũ trang Nga”.

Tòa án cho biết: “Chiryatyeva đã lấy một lá phiếu bầu và dùng bút đánh dấu màu đỏ viết 'không chiến tranh' ở mặt sau trước khi bỏ nó vào thùng phiếu. “Bằng cách này, Chiryatyeva đã làm hư hại tài sản nhà nước và làm mất uy tín của lực lượng vũ trang Nga”, nó nói thêm.

Tòa án cho biết Chiryatyeva đã làm như vậy vào ngày cuối cùng của cuộc bỏ phiếu kéo dài ba ngày, khi các nhóm đối lập ở Nga kêu gọi biểu tình phản đối một cuộc bầu cử trong đó chiến thắng của Putin là điều không thể tránh khỏi.

7. Lindsey Graham phải đối mặt với phản ứng dữ dội về lời kêu gọi động viên ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Lindsey Graham Faces Backlash Over Ukraine Mobilization Call”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã bị chỉ trích vì kêu gọi các nhà lập pháp Ukraine nhanh chóng thông qua đạo luật nhằm động viên thêm công dân gia nhập quân đội chống lại Nga.

Đến thăm Kyiv, đảng viên Đảng Cộng hòa Nam Carolina hôm thứ Hai cho biết quốc hội Ukraine nên thông qua dự luật huy động, đồng thời đặt vấn đề về việc miễn nghĩa vụ cho nam giới dưới 27 tuổi.

Đối mặt với tình trạng thiếu quân, luật huy động mới của Ukraine đã gây tranh cãi trong nhiều tháng và đề xuất hạ độ tuổi nhập ngũ của nước này xuống 25, nhưng tiến độ diễn ra rất chậm.

Công dân Ukraine có thể tự nguyện gia nhập quân đội từ 18 tuổi và nam giới từ 18 đến 60 tuổi bị cấm rời khỏi đất nước theo luật thiết quân luật, nhưng dự thảo cho đến nay vẫn bảo vệ nam giới trẻ tuổi khỏi bị cưỡng bức huy động.

Trong bối cảnh này, Graham bày tỏ lo ngại rằng những người Ukraine trẻ tuổi không được khuyến khích tham gia một cuộc chiến sinh tồn mà đất nước họ đang phải đối mặt.

“Tôi hy vọng rằng những người đủ điều kiện phục vụ trong quân đội Ukraine sẽ tham gia,” ông nói. “Tôi không thể tin được là ở tuổi 27.”

“Bạn đang chiến đấu cho cuộc sống của mình, vì vậy bạn nên phục vụ — không phải ở tuổi 25 hay 27. Chúng ta cần nhiều người hơn nữa,” ông nói. Newsweek đã liên hệ với văn phòng của Graham để bình luận.

Tuy nhiên, những người sử dụng mạng xã hội thân Ukraine đã không đồng tình với yêu cầu của ông đối với Kyiv. “Người Ukraine tự quyết định ai sẽ được cử ra mặt trận,” người dùng Poslanik Mira đăng trên X.

Người dùng Mojmir Vedic gọi nhận xét của Graham là “một tuyên bố thực sự đáng xấu hổ”.

Nhận xét của Graham cũng đề cập đến việc Mỹ tiếp tục viện trợ cho Kyiv. Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua gói tài trợ trị giá 95 tỷ Mỹ Kim, trong đó có 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Kyiv nhưng gói này bị đình trệ tại Hạ viện.

Graham, người đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận vì lo ngại về cuộc khủng hoảng ở biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ, cho biết hôm thứ Hai: “Nếu bạn muốn viện trợ cho Ukraine, tốt nhất bạn nên bắt đầu nói chuyện với những người nộp thuế ở Mỹ”.

Thượng nghị sĩ cho biết ông đã nêu ra ý tưởng này trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Đáp lại, Eric Chenoweth, giám đốc Viện Dân chủ ở Đông Âu, đăng trên X: “Graham can thiệp vào việc thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách đàm phán trực tiếp với Zelenskiy.”

Graham chỉ trích việc giao hàng chậm trễ các hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS,và nói rằng chúng “đáng ra phải có mặt ở đây ngày hôm qua” để lực lượng Ukraine có thể “đánh sập cây cầu chết tiệt nối Crimea với Nga”.

Tài khoản X của Đảng Dân chủ tại Thượng viện đăng: “Thượng nghị sĩ Graham cần sửa lại quan điểm của mình và cùng chúng tôi thúc giục Hạ viện thông qua dự luật bổ sung an ninh quốc gia lưỡng đảng mà ông ấy phản đối trên sàn Thượng viện”.

Tuần trước, Politico đưa tin rằng Mỹ sẽ gửi thêm ATACMS tới Ukraine như một phần của gói trị giá 300 triệu Mỹ Kim, theo hai quan chức Mỹ. Thành viên cao cấp tại Viện Hudson, Luke Coffey nói rằng hỏa tiễn là cần thiết để bắn trúng bán đảo bị tạm chiếm.

Coffey nói với Newsweek: “Tuy nhiên, nếu báo cáo của các phương tiện truyền thông là chính xác thì tình hình sẽ không lạc quan như lúc đầu. Trong khi biến thể ATACMS có tầm bắn 100 dặm được hoan nghênh, thì người Ukraine cần hỏa tiễn có tầm bắn xa hơn 190 dặm.”

8. Trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu vào cuối tuần này, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, nói rằng ông đã nói chuyện với Chủ tịch Hội đồng Âu Châu, Charles Michel.

Tổng thống Zelenskiy nói: “Chúng tôi tập trung vào các bước tiếp theo hướng tới sự khởi đầu thực sự của các cuộc đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine, cũng như sự hỗ trợ toàn diện hơn nữa của Liên Hiệp Âu Châu dành cho Ukraine”.

Chúng tôi cũng xác định những cách tiềm năng để tăng cường cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc mở rộng lợi ích thương mại tự trị cho Ukraine thêm một năm nữa. Tôi nhấn mạnh rằng việc duy trì chế độ tự do hóa thương mại với Liên Hiệp Âu Châu là rất quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế Ukraine trong chiến tranh.

9. Trong sự thay đổi có tính chất lịch sử, Bulgaria tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để thoát khỏi sự kiểm soát hạt nhân của Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “In historic shift, Bulgaria seeks US help to escape Russia’s nuclear grasp”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga đang mất quyền kiểm soát lưới điện của Bulgaria vào tay quốc gia cuối cùng mà họ muốn thấy trên thị trường năng lượng béo bở của Âu Châu: là Mỹ

Bulgaria, quốc gia đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân duy nhất với sự hỗ trợ của Liên Xô cách đây gần 60 năm, hiện đang chờ đợi các thanh nhiên liệu mới do Mỹ phát triển mà họ hy vọng sẽ trở thành một trong những quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw đầu tiên chấm dứt sự phụ thuộc kéo dài hàng thập kỷ vào Nga..

Trong một tuyên bố tuần trước, Tsanko Bachiiski, Chủ tịch Cơ quan quản lý hạt nhân Bulgaria, cho biết nhiên liệu do công ty Westinghouse của Mỹ sản xuất sẽ được vận chuyển từ Thụy Điển trong tháng tới và có thể được đưa vào tổ máy số 5 của Nhà máy điện hạt nhân Kozloduy.

Động thái này thể hiện một bước đi mang tính biểu tượng đối với Bulgaria, quốc gia từ lâu đã duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Nga về mặt chính trị và kinh tế. Điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc Mạc Tư Khoa sẽ mất doanh thu, vốn phụ thuộc một phần vào hoạt động buôn bán nhiên liệu hạt nhân trị giá hàng tỷ Mỹ Kim để tài trợ cho cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm ở Ukraine.

Martin Vladimirov, giám đốc chương trình năng lượng và khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ, cho biết: “Đây là một sự thay đổi lớn về chính sách - trong nhiều thập kỷ Bulgaria đã bị ràng buộc trong các hợp đồng dài hạn để nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga”.

Vladimirov nói thêm rằng Bulgaria cũng có “mạng lưới các nhà tài phiệt thân Nga” đã dành nhiều năm để tranh luận rằng các kế hoạch hạt nhân của nước này chỉ có thể hoạt động bằng nhiên liệu của Nga.”

Vladimirov cho biết những cảnh báo đó “đã được chứng minh là bị thổi phồng quá mức”. Các cơ quan quản lý Bulgaria cho biết họ không lường trước được những vấn đề lớn khi chuyển từ đạn hạt nhân của Nga sang đạn hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên trong một loạt động thái có thể phá vỡ sự kiểm soát của Mạc Tư Khoa đối với an ninh năng lượng của Bulgaria.

Bulgaria không đơn độc phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga. Cộng hòa Tiệp, Slovakia, Hung Gia Lợi và Phần Lan đều duy trì nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, ngay cả trong bối cảnh nỗ lực thoái vốn khỏi dầu khí của Mạc Tư Khoa.

Theo một phân tích mới của tổ chức tư vấn Bellona, các nước Liên Hiệp Âu Châu đã tăng gấp đôi lượng mua nhiên liệu hạt nhân của Nga vào năm ngoái, trả tổng cộng 686 triệu euro, so với 280 triệu euro của năm trước. Một đội gồm 19 lò phản ứng do Liên Xô thiết kế, được biết đến với tên viết tắt VVER của Nga, được xây dựng trên khắp Trung và Đông Âu trong thế kỷ qua, đã thúc đẩy nhu cầu.

Nhưng Westinghouse, công ty của Mỹ, sẽ sớm giúp cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện VVER của Bulgaria tại Kozloduy - một bước ngoặt trong nỗ lực của Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng hạt nhân của Âu Châu. Ngoài ra, Westinghouse còn đang làm việc tại Bulgaria để xây dựng hai lò phản ứng mới với chi phí khoảng 14 tỷ Mỹ Kim. Trong khi công ty từ chối đưa ra bình luận, Tarik Choho, chủ tịch phụ trách nhiên liệu hạt nhân của công ty, cho biết vào tháng 12 rằng họ “tự hào hỗ trợ Bulgaria trên con đường bảo đảm đa dạng hóa và an ninh năng lượng”.

Các công ty Mỹ đang làm việc ở quê nhà để mở lại các mỏ uranium trước đây đã bị đóng cửa trong bối cảnh nhu cầu giảm sút, nhằm hướng tới sự hồi sinh của các cơ hội hạt nhân. Thị trường đã phản ứng, với hợp đồng uranium tương lai tăng gấp 4 lần trong 4 năm qua.

Ngoại lệ Âu Châu

Liên Hiệp Âu Châu có một ngoại lệ lớn khi nói đến năng lượng hạt nhân của Nga: đó là Hung Gia Lợi.

Trong khi các nước láng giềng đua nhau cắt đứt quan hệ với Nga thì Hung Gia Lợi lại đang tích cực tăng cường sự phụ thuộc vào Mạc Tư Khoa. Công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom đang nỗ lực mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks II của Hung Gia Lợi, dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2025. Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, người đã nhiều lần thách thức áp lực của phương Tây và duy trì quan hệ hữu nghị với Điện Cẩm Linh, đã tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ động thái nào liên quan đến các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực hạt nhân dân sự của Nga.

Vào tháng 11, Thứ trưởng năng lượng Ukraine, Farid Safarov, nói với POLITICO rằng đường lối của Budapest làm suy yếu an ninh của Âu Châu.

Ông nói: “Tham vọng đế quốc của Nga có thể sẽ lan rộng ra khỏi giới hạn của Ukraine và do đó Hung Gia Lợi có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của sự xâm lược của Nga”.

Việc giám sát vai trò của Nga trong ngành điện hạt nhân chỉ tăng lên cùng với những lo ngại về việc xâm lược Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, nhà máy lớn nhất Âu Châu.

Quân đội Nga đã nắm giữ địa điểm này trong gần hai năm, giữ các nhân viên của Ukraine làm tù nhân và đóng quân ở đó khi giao tranh diễn ra ác liệt gần kế bên. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã liên tục cảnh báo về thảm họa nếu tình hình xấu đi.

10. Thủ tướng Armenia nói: Chúng tôi sẽ trao cho Azerbaijan một số lãnh thổ để tránh một cuộc chiến mới

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Armenian PM: We’ll hand Azerbaijan some territory to avoid a new war”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thủ tướng nước này cho biết Armenia phải bàn giao 4 thị trấn biên giới cho Azerbaijan và quay trở lại biên giới thời Liên Xô như một phần của nỗ lực thúc đẩy hòa bình, đồng thời cảnh báo giải pháp thay thế là một vòng giao tranh đẫm máu khác giữa hai quốc gia Nam Caucasus.

Trong chuyến thăm biên giới hôm thứ Ba, Thủ tướng Nikol Pashinyan cho biết chính phủ đã quyết định phân định ranh giới toàn bộ biên giới, bao gồm cả việc trả lại các khu vực nằm trong lãnh thổ được quốc tế công nhận của Azerbaijan nhưng do Armenia kiểm soát kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Ông nói: “Chính sách của chúng tôi là phải ngăn chặn chiến tranh - chúng tôi không được cho phép chiến tranh bắt đầu,” đồng thời cho rằng Armenia có thể phải đối mặt với một cuộc tấn công “vào cuối tuần” nếu nước này không nhượng lại các thị trấn.

Trong khi Azerbaijan yêu cầu trả lại các vùng đất tách rời, Yerevan hy vọng họ có thể trở thành một phần của cuộc trao đổi, với việc quân đội Azerbaijan rút khỏi lãnh thổ Armenia ước tính rộng 215 km2 mà họ đã chiếm trong một cuộc xâm lược ngắn ngủi vào năm 2022. Theo Pashinyan, thỏa thuận đó đã bị từ chối và các thị trấn phải được trả lại để bảo đảm Azerbaijan không tiến hành một cuộc tấn công nào khác.

Không có đề cập nào được đưa ra về việc liệu Azerbaijan có đồng ý bàn giao một vùng đất thuộc Armenia nằm trong biên giới của mình hay không, có diện tích gần bằng bốn thị trấn.

Tuyên bố này được đưa ra khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến thăm Armenia, ca ngợi sự ủng hộ ngày càng tăng của nước này dành cho Ukraine và cho biết liên minh này sẽ ủng hộ “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của nước này.

Armenia đã tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực của Nga ở Ukraine, khi Pashinyan nói với POLITICO năm ngoái rằng Mạc Tư Khoa không còn là người bảo đảm an ninh đáng tin cậy.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã đến thăm khu vực Nagorno-Karabakh cũ, nằm trong biên giới đất nước của ông nhưng khu vực này cho đến năm ngoái vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Armenia kể từ cuộc chiến vào những năm 1990. Một cuộc tấn công của Azerbaijan vào tháng 9 đã chinh phục lãnh thổ này, gây ra một cuộc di cư hàng loạt của 100.000 cư dân Armenia tại đây.
 
Hà Lan hào hiệp mua sẵn đạn cho F-16. Quân đội Nga đào ngũ hàng loạt. Ukraine bất ngờ có 4,5 tỷ Euro
VietCatholic Media
22:30 21/03/2024


1. Quân đội Nga bị tấn công bởi những cuộc đào ngũ hàng loạt

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Military Hit by Mass Desertions”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo số liệu từ một cơ quan điều tra độc lập, số lượng binh sĩ Nga quay lưng lại với lực lượng vũ trang đã gia tăng đáng kể kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.

Trong vài tháng đầu tiên trong cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin, đã có một cuộc di cư của những người đàn ông trong độ tuổi quân nhân khỏi Nga. Trong số những người đến Ukraine, có rất nhiều báo cáo về tinh thần xuống thấp và không hài lòng với chỉ huy của họ.

Trong suốt cuộc chiến, chính quyền Nga đã thắt chặt bộ luật hình sự của nước này để tăng cường kỷ luật trong lực lượng vũ trang. Mặc dù Nga không chính thức tham gia chiến tranh mà là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, thiết quân luật không được ban hành và việc huy động lực lượng do Putin công bố vào tháng 9 năm 2022 chỉ được mô tả là “một phần”.

Các số liệu từ báo cáo vừa nêu cho thấy vào năm 2023, 4.373 người đã bị kết án vì đào ngũ khỏi đơn vị của họ — tăng gấp 5 lần so với 887 trường hợp của năm trước. Đây cũng là mức tăng gần gấp 9 lần so với 527 trường hợp được ghi nhận vào năm 2021, một năm trước chiến tranh.

Trong khi đó, năm ngoái có 289 binh sĩ bị buộc tội không tuân thủ mệnh lệnh. Trước năm 2023, những trường hợp như vậy rất hiếm, chỉ có 9 trường hợp trong 5 năm trước đó cộng lại. Cũng trong năm 2023, 129 người đã bị xét xử vì tội “đào ngũ”, trong khi 31 người bị buộc tội giả bệnh và các phương pháp trốn nghĩa vụ khác.

Proekt cho biết, nếu từ chối chiến đấu rõ ràng sẽ bị phạt trung bình hai năm ba tháng trong trại hình sự, nhưng việc đào ngũ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc hơn.

Tờ báo này lưu ý rằng 8 người đàn ông được huy động đã bị kết án 7 năm tù trong một khu thuộc địa của chế độ nghiêm ngặt vì trốn khỏi vùng Luhansk của Ukraine cùng với vũ khí và đạn dược.

“Các bản án với lý do 'xung đột vũ trang hoặc thù địch' được đưa ra với những điều khoản khắc nghiệt nhất”, Proekt cho biết trong phân tích của mình vào tháng trước, đồng thời cho biết thêm “có lẽ còn nhiều trường hợp mang tính đàn áp hơn” vì không phải tất cả chúng đều xuất hiện trong hồ sơ tòa án Nga..

Các lực lượng Nga đã phải đối mặt với tổn thất to lớn trong cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin, với số liệu mới nhất từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm thứ Tư cho biết thương vong về số người chết và bị thương là 433.090 binh sĩ, mặc dù các ước tính khác thấp hơn.

Đã có suy đoán rằng ông Putin sẽ công bố một lệnh động viên khác để bù đắp cho số lượng quân đội đang suy giảm sau chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử do Điện Cẩm Linh kiểm soát vào cuối tuần trước.

2. Hà Lan cam kết 164 triệu Mỹ Kim mua đạn F-16 cho Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Netherlands Pledges $164M in F-16 Ammo for Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Chương trình chiến đấu cơ F-16 của Ukraine đang nhận được sự thúc đẩy khác từ các đồng minh NATO, trong đó Hà Lan cam kết cung cấp cho Kyiv số đạn dược trị giá 164 triệu Mỹ Kim cho máy bay này.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết hôm thứ Năm rằng quỹ sẽ hướng tới việc sản xuất hỏa tiễn không đối đất có thể bắn từ máy bay F-16. Hà Lan cũng bảo đảm thêm 218,7 triệu Mỹ Kim để sản xuất máy bay không người lái Tình báo, Giám sát và Trinh sát cho Kyiv.

Thông báo của Ollongren diễn ra sau chuyến đi kéo dài hai ngày tới Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người đã cảm ơn chính phủ Hà Lan vì đã tiếp tục hỗ trợ trong suốt cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga. Hà Lan, cùng với Đan Mạch, là nước đi đầu trong nỗ lực đưa các chiến đấu cơ do phương Tây sản xuất đến tay binh lính Ukraine.

“Chúng tôi rất biết ơn chính phủ Hà Lan do Thủ tướng, quốc hội và xã hội đứng đầu vì tất cả sự hỗ trợ và các quyết định quan trọng đối với Ukraine”, ông Zelenskiy nói trong thông cáo báo chí hôm thứ Tư.

Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đều cam kết cung cấp F-16 cho lực lượng vũ trang Ukraine và một số thành viên NATO khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã tăng cường nỗ lực đào tạo phi công của Kyiv trên máy bay hiện đại.

Ollongren nói với Reuters hôm thứ Tư rằng bà tin tưởng rằng lô chiến đấu cơ đầu tiên mà Đan Mạch cam kết sẽ đến Ukraine vào mùa hè này và các máy bay F-16 của Hà Lan sẽ tới Kyiv trong “nửa cuối năm nay”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine qua email vào thứ Tư để biết thêm thông tin.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng trước cho biết vẫn chưa rõ khi nào Ukraine sẽ nhận được F-16, đồng thời nói với Radio Liberty rằng có một “vấn đề nan giải” trong việc đưa máy bay này đến Ukraine.

“Tất cả chúng ta đều muốn F-16 có mặt ở đó càng sớm càng tốt”, Stoltenberg nói. “Tất nhiên, đồng thời, tác dụng của F-16 sẽ mạnh mẽ và tốt hơn khi có nhiều phi công được đào tạo bài bản hơn. Và không chỉ phi công, mà còn cả bảo trì, nhân sự và tất cả các hệ thống hỗ trợ đều phải có sẵn.”

Một trong những phi công của Kyiv đang được huấn luyện để tăng tốc độ trên những chiếc F-16 nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vào tháng 2 rằng anh ta có “ấn tượng rất mạnh mẽ” với chiếc máy bay hiện đại này và việc huấn luyện đã diễn ra “theo kế hoạch”.

“Chiếc máy bay này đơn giản là đã vượt quá sự mong đợi của họ”, phi công có biệt danh Phantom cho biết. “Ngay cả với lượng thông tin họ nhận được trong quá trình huấn luyện, họ cũng đã nhìn thấy triển vọng và tiềm năng to lớn về việc chiếc máy bay này sẽ giúp Lực lượng Không quân của chúng ta tăng cường khả năng chiến đấu trên không như thế nào.”

3. Cơ quan an ninh FSB địa phương hôm thứ Tư cho biết một người đàn ông sống ở vùng viễn đông của Nga bị cáo buộc làm gián điệp cho Ukraine để giúp nước này thực hiện hành vi phá hoại đã bị buộc tội phản quốc.

FSB không nêu tên nghi phạm nhưng cho biết anh ta là cư dân của Komsomolsk-on-Amur, một thành phố xa xôi của Nga ở vùng viễn đông Khabarovsk.

Người đàn ông này “đã chủ động liên lạc với đại diện của tổng cục tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine qua internet”, một chi nhánh khu vực của FSB nói với các hãng thông tấn Nga.

Sau đó, ông ta cung cấp “thông tin về doanh nghiệp quốc phòng vùng Khabarovsk, cho phép đối phương lập kế hoạch và thực hiện phá hoại các cơ sở và doanh nghiệp của tổ hợp công nghiệp quốc phòng”, nó nói.

Theo AFP, đoạn video do các hãng tin Nga công bố cho thấy lực lượng an ninh lao về phía nghi phạm bên ngoài một tòa nhà chung cư vào ban đêm và đè anh ta xuống tuyết.

4. Người Nga đang săn lùng người tị nạn Ukraine trong lòng NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russians Are Hunting Down Ukrainian Refugees in Heart of NATO”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các cuộc tấn công nhằm vào người tị nạn Ukraine trốn sang các quốc gia NATO do cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể đang gia tăng.

Một phụ nữ Nga, 43 tuổi và một người đàn ông Đức, 44 tuổi, đã bị buộc tội giết Marharyta Razaz, 27 tuổi, người tị nạn Ukraine, thi thể của người này được tìm thấy bên bờ sông Rhine ở Hockenheim, Đức, vào ngày 7 tháng 3, bốn tháng sau khi đến từ Slovakia sau khi chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine.

Tờ Bild của Đức đưa tin, các nghi phạm cũng bị buộc tội bắt cóc đứa con 5 tuần tuổi của Razaz.

Theo UNHCR, Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc, gần 6,5 triệu người tị nạn từ Ukraine đã được ghi nhận trên toàn cầu tính đến tháng 2 năm 2024, lưu ý rằng Ba Lan là nơi tiếp nhận số lượng người tị nạn Ukraine lớn nhất - gần 60%. Theo Statista, Đức tiếp đón hơn một triệu người tị nạn Ukraine.

Razaz trốn khỏi Kharkiv, Ukraine và sống với mẹ tại một nơi trú ẩn dành cho người tị nạn ở Mannheim. Cảnh sát phát hiện cô đã chết do “bạo lực từ bên ngoài”.

Trích dẫn các báo cáo của phương tiện truyền thông Ukraine, Bild cho biết Razaz và mẹ cô được nhìn thấy lần cuối tại một nhà hàng với một phụ nữ đến từ Walldorf, người được cho là đã đề nghị với người tị nạn Ukraine cần giúp đỡ giải quyết các tài liệu của Đức thông qua mạng xã hội.

Hãng tin này cho biết không rõ liệu người phụ nữ đến từ Walldorf có phải là một phụ nữ Nga 43 tuổi đang bị giam giữ vì tình nghi giết người hay không. Mẹ của nạn nhân, Maryna Stetsenko, 51 tuổi, vẫn mất tích.

“Cặp đôi được cho là đã sát hại mẹ của Mia là Marharyta R. (27 tuổi, biệt danh Rita) và bà của cô ấy là Maryna Stetsenko (51) để bắt cóc đứa trẻ!” Bild đưa tin.

Trong một vụ việc khác vào tháng 11, Bild đưa tin rằng một nhóm 4 người Ukraine đã bị 7 người Nga khiêu khích và tấn công ở thành phố Bremen, Đức. Những người này đã đến gần họ và hét lên các khẩu hiệu thân Nga, trong đó có “Tự do cho nước Nga”.

Cơ quan điều tra Balkan Insight đưa tin riêng rằng các cuộc tấn công nhằm vào người Ukraine cũng đang gia tăng ở Cộng hòa Tiệp, nơi có hơn 380.000 người tị nạn Ukraine. Nó trích dẫn một báo cáo của tổ chức pháp lý In Iustitia cho thấy tội ác căm thù nhắm vào người Ukraine đang tiếp tục “gia tăng đáng kể”.

In Iustitia cho biết, sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào người tị nạn Ukraine “phản ánh ảnh hưởng của những người chỉ trích sự tham gia của nhà nước Tiệp trong việc hỗ trợ người tị nạn Ukraine và chính phủ Ukraine trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình”. “Đó là…bạo lực nhằm thể hiện sự không khoan dung đối với người tị nạn hoặc ủng hộ chủ nghĩa đế quốc Nga.”

5. Cố vấn hàng đầu của Zelenskiy lên án chủ nghĩa bảo hộ của Liên Hiệp Âu Châu

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Top Zelenskiy adviser condemns Liên Hiệp Âu Châu protectionism”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Mykhailo Podolyak cảnh báo Nga đang tìm cách làm suy yếu phương Tây bằng một cuộc chiến lâu dài.

Mykhailo Podolyak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói với POLITICO hôm thứ Năm rằng hai năm sau khi Nga xâm chiếm Ukraine, các đồng minh phương Tây của Kyiv vẫn đang cố gắng đạt được điều đó theo cả hai cách ngay cả khi Mạc Tư Khoa đang bước vào một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài.

“ Một mặt, bạn là đồng minh và bạn phải giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến. Mặt khác, bạn đang cố gắng bảo vệ thị trường của mình theo cách bảo hộ”.

Mối quan hệ giữa Kyiv và các đồng minh Âu Châu đã trở nên căng thẳng sau nhiều tuần biểu tình của nông dân ở Ba Lan và các nơi khác chống lại việc nhập khẩu nông sản từ Ukraine mà họ lo ngại sẽ làm giảm giá sản phẩm của họ.

Và hiện nay, các nước Liên Hiệp Âu Châu đang bị chia rẽ về việc có nên gia hạn miễn thuế nhập khẩu các sản phẩm của Ukraine hay không, trong đó Ba Lan và Pháp đang thúc ép đưa ra những hạn chế cứng rắn hơn.

Podolyak phàn nàn rằng cuộc tranh luận về việc có nên tái áp đặt các rào cản vốn được dỡ bỏ sau cuộc tấn công của Điện Cẩm Linh vào Kyiv là không xứng đáng với các đồng minh của Ukraine. Ông lưu ý rằng các nước Âu Châu tiếp tục giao thương với Nga ngay cả khi cuộc chiến kéo dài.

“Đối với tôi, điều này có vẻ kỳ lạ,” anh nói. “Các bạn đang đồng thời tài trợ cho việc phòng thủ của Ukraine, quốc gia đang tự vệ trước Nga. Các công ty của bạn tài trợ cho ngân sách liên bang Nga, 42% trong số đó được dùng trực tiếp cho chiến tranh. Vì vậy, bạn vừa ở đây vừa ở đó cùng một lúc.”

Ông nói thêm, Điện Cẩm Linh đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài và đang câu giờ để khiến cuộc chiến trở nên tốn kém hơn đối với các nước phương Tây và Ukraine.

“Nga quan tâm đến một cuộc chiến tranh kéo dài và các nước phương Tây cảm thấy mệt mỏi và nói, 'thế là xong, hãy tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp nào đó'. Nhưng không có giải pháp thỏa hiệp nào trong cuộc chiến này”, ông nói.

Hôm thứ Ba, Mạc Tư Khoa tuyên bố quân đội của họ đã đạt được những tiến bộ ở miền đông Ukraine, bổ sung thêm vào chuỗi thành quả đạt được kể từ khi chiếm được thành phố Avdiivka vào tháng trước. Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội của họ đã tràn vào làng Orlivka.

Các quan chức Ukraine đang trở nên chán nản về việc viện trợ quân sự bị đình trệ khi kho đạn dược - đặc biệt là đạn pháo - cạn kiệt một cách nguy hiểm, buộc các đơn vị tiền tuyến phải phân phối đạn dược khi họ chiến đấu để ngăn chặn các cuộc đột kích của Nga.

Podolyak bày tỏ sự thất vọng trước chủ nghĩa gia tăng của phương Tây, đặc biệt là trong việc cung cấp đạn pháo.

Ông nói nếu không có thêm nguồn cung cấp, người Ukraine sẽ chết với số lượng lớn hơn “vì thiếu vũ khí để tiến hành một cuộc chiến phòng thủ hiệu quả”. “Nó sẽ được ghi vào lịch sử về việc một quốc gia hung hãn và khát máu nhất đã đến và quốc gia nạn nhâ bị giết vì phương Tây không muốn cung cấp thêm đạn pháo.”

Đầu tuần này, trong cuộc gặp ở Kyiv với Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham, cấp trên của Podolyak, Tổng thống Zelenskiy, đã kêu gọi Quốc hội Mỹ khẩn trương phê duyệt hàng tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự cho Ukraine.

“Điều cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi là Quốc hội sớm hoàn thành tất cả các thủ tục cần thiết và đưa ra quyết định cuối cùng… điều này sẽ củng cố nền kinh tế Ukraine và các lực lượng vũ trang của chúng tôi”, ông Zelenskiy được trích dẫn trong một tuyên bố chính thức của tổng thống.

Gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ Mỹ Kim đã bị đình trệ trong nhiều tháng tại Capitol Hill khi các nhà lập pháp khẳng định bất kỳ khoản tiền mới nào dành cho Ukraine đều phải liên quan đến nhiều hành động chống nhập cư bất hợp pháp dọc biên giới phía Nam Hoa Kỳ.

Podolyak cho biết ông “vẫn lạc quan về lập trường của Hoa Kỳ” bất chấp các cuộc chiến chính trị đang nổ ra khi đất nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống khó khăn giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông nói rằng ông trông cậy vào các nhà lập pháp Hoa Kỳ cuối cùng cũng hiểu rằng việc ủng hộ Ukraine là điều cần thiết. Ông nói: “Đầu tư vào Ukraine là đầu tư vào danh tiếng của Mỹ, vào sự thống trị của nước này, vào quyền đặt ra các quy tắc toàn cầu và bảo đảm chúng không bị vi phạm”.

Tương tự như vậy, ông không loại trừ khả năng Đức cung cấp hỏa tiễn tầm xa Taurus mà Ukraine cho rằng họ cần để nhắm vào các tuyến tiếp vận và hậu cần của Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước cho biết việc cung cấp hỏa tiễn là “không thể”, nói với Bundestag rằng cách duy nhất để cung cấp hỏa tiễn là có sự hỗ trợ của nhân viên Đức. Ông nói: “Đó là ranh giới mà tôi – với tư cách là thủ tướng – không muốn vượt qua.

Nhưng một số người trong liên minh cầm quyền của Scholz không coi đó là quyết định cuối cùng. Ví dụ, Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã kêu gọi chính phủ của cô “cân nhắc kỹ lưỡng” việc gửi hỏa tiễn tới Ukraine.

Podolyak nói rằng các cường quốc phương Tây phải nhận ra rằng cuộc chiến này không chỉ liên quan đến Ukraine.

Ông nói thêm: “Đây là một cuộc chiến về các quy tắc mà bạn sẽ sống, chúng tôi sẽ sống, Nga sẽ sống”. “Nếu Nga không thua thì luật chơi sẽ khác một chút. Chuyên quyền, bạo lực, đây sẽ là những hình thức thể hiện chính sách đối ngoại chủ đạo.

6. Ukraine nhận được 4,5 tỷ euro hỗ trợ đầu tiên theo Cơ chế Ukraine mới của Liên Hiệp Âu Châu

Ủy ban Âu Châu đã giải ngân khoản hỗ trợ trị giá 4,5 tỷ euro đầu tiên theo Cơ chế Ukraine mới của Liên Hiệp Âu Châu.

Trong một tuyên bố được ủy ban công bố hôm thứ Năm, chủ tịch Ursula von der Leyen cho biết:

Hôm nay là một ngày tốt lành đối với Ukraine khi nhiều nguồn vốn của Liên Hiệp Âu Châu đang chảy vào để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết.

Ủy ban vừa thanh toán cho Ukraine đợt đầu tiên trị giá 4,5 tỷ euro. Khoản thanh toán này rất quan trọng để giúp Ukraine duy trì hoạt động của Nhà nước trong thời điểm khó khăn này.

Kế hoạch của Liên Hiệp Âu Châu vạch ra cách Ukraine có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và bắt đầu khắc phục những tổn thất mà chiến tranh đã gây ra. Với kế hoạch này, Ukraine đã đặt nền tảng vững chắc cho sự hỗ trợ của Liên Hiệp Âu Châu cho đến cuối năm 2027.”

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội trên X rằng sau “các cuộc thảo luận hiệu quả ở Brussels”, ông “rất vui được chia sẻ tin tốt”.

Ông viết: “Hôm nay, chúng tôi đã nhận được đợt đầu tiên trị giá 4,5 tỷ euro thông qua Cơ chế tài trợ đặc biệt cho Ukraine”. Shmyhal cũng cho biết anh “biết ơn” von der Leyen vì “sự hỗ trợ vô giá của cô ấy”.

Ông nói thêm: “Điều này củng cố sự ổn định kinh tế và tài chính của chúng tôi”.

7. Vận động viên Nga, Belarus bị cấm dự lễ khai mạc Thế vận hội Paris

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian, Belarusian athletes barred from Paris Olympics opening ceremony”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ủy ban Olympic quốc tế, gọi tắt là IOC, cho biết hôm thứ Ba rằng các vận động viên Nga và Belarus sẽ không được phép tham gia lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024.

IOC đã ra phán quyết vào năm ngoái rằng các vận động viên Nga và Belarus sẽ được phép tham gia Thế vận hội với tư cách là vận động viên trung lập, không có quốc kỳ hoặc quốc ca đi kèm. Hôm thứ Ba, ủy ban đã vạch ra một bộ quy tắc dành cho các vận động viên trung lập.

Trong lễ khai mạc vào tháng 7, những chiếc thuyền đại diện cho mỗi đoàn quốc gia sẽ đi dọc sông Seine, đánh dấu lần đầu tiên buổi lễ diễn ra bên ngoài một sân vận động. Nhưng các vận động viên trung lập “sẽ không tham gia vào cuộc diễn hành của các đoàn trong Lễ khai mạc, vì họ là những vận động viên cá nhân”, IOC cho biết như trên.

Ủy ban cho biết thêm: “Nhưng họ sẽ có cơ hội trải nghiệm sự kiện này”.

IOC cho biết họ dự kiến sẽ có 36 vận động viên Nga và 22 vận động viên Belarus đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Paris. Các vận động viên “tích cực ủng hộ cuộc chiến” ở Ukraine hoặc ký hợp đồng với quân đội hoặc cơ quan an ninh sẽ không đủ điều kiện thi đấu.

IOC cho biết họ sẽ quyết định “ở giai đoạn sau” xem có cho phép các vận động viên trung lập tham gia lễ bế mạc hay không.

Tháng 10 năm ngoái, IOC đã cấm Ủy ban Olympic Nga vì họ vi phạm Hiến chương Olympic khi yêu cầu ghi danh dưới lá cờ Nga các tổ chức thể thao khu vực ở 4 khu vực bị tạm chiếm của Ukraine.

8. Cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv làm ba người thiệt mạng

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Năm, 21 Tháng Ba, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết một cuộc tấn công của Nga vào thành phố Kharkiv phía bắc Ukraine hôm thứ Tư đã nhằm vào một tòa nhà 8 tầng và một nhà máy, khiến 3 người thiệt mạng và ít nhất 5 người khác bị thương.

Một nhà in thông thường, một nhà máy sản xuất đồ nội thất và sơn bị tấn công.

Cô nói thêm, cuộc tấn công đã gây ra một đám cháy trên diện tích hơn 1.000 mét vuông.

Khu vực Kharkiv, giáp biên giới với Nga ở phía bắc và nằm sát chiến tuyến, thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công trong cuộc xâm lược kéo dài hai năm của Nga.

9. 10 năm sau khi chiếm được Crimea, Nga cảnh báo phương Tây về 'sự sụp đổ' của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Warns West Will Be Ukraine's 'Downfall' 10 Years After Taking Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Một thập kỷ sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea có vị trí chiến lược trong bối cảnh tình trạng bất ổn trên toàn quốc ở Ukraine, Đại Sứ của Mạc Tư Khoa tại Washington nói với Newsweek rằng thất bại là không thể tránh khỏi đối với quốc gia láng giềng khi nước này tiếp tục trông cậy vào sự hỗ trợ của phương Tây trong suốt cuộc chiến kéo dài hai năm giữa hai nước.

Đại sứ Nga Anatoly Antonov cho biết trong bài phát biểu được chia sẻ với Newsweek: “Chúng tôi tin tưởng rằng các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt sẽ đạt được và sẽ cho phép chúng tôi chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều năm chống lại người dân của mình bởi chính quyền Kiev”. Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi.

Ông nói thêm: “Đã đến lúc những người Ukraine bình thường phải từ bỏ ảo tưởng của mình và nhận ra rằng việc tạo ra một phong trào 'chống Nga' và hoàn toàn phụ thuộc vào phương Tây không dẫn đến sự thịnh vượng mà là sự sụp đổ không thể tránh khỏi của đất nước..”

Trong khi cuộc chiến toàn diện của Nga ở Ukraine bắt đầu bằng việc phát động cái mà Điện Cẩm Linh gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2 năm 2022, gốc rễ của cuộc xung đột đã bùng phát 8 năm trước đó khi một cuộc nổi dậy ở Kyiv lật đổ chính phủ, mang lại sự lãnh đạo mới cho người dân Ukraine đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với phương Tây. Washington và các đồng minh Âu Châu mô tả các sự kiện này như một sự từ chối phổ biến đối với phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô cũ, nhưng Mạc Tư Khoa coi chúng là một nỗ lực của liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu nhằm mở rộng hơn nữa qua biên giới Nga.

Khi phe ly khai thân Nga cầm vũ khí chống lại lực lượng an ninh Ukraine ở khu vực phía đông Donbas, quân đội Nga đã tiến tới bảo vệ bán đảo Crimea ở Hắc Hải và vào ngày 18 tháng 3 năm 2014, một cuộc trưng cầu dân ý đã mở đường cho việc sáp nhập, mặc dù thiếu sự ủng hộ quốc tế, và những phản đối từ những người ủng hộ Kyiv và phương Tây.

Ngày nay, khi thương vong tiếp tục gia tăng trong một trong những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất thế kỷ mặc dù hầu như không thay đổi chiến tuyến, Antonov ví các sự kiện 10 năm trước giống như “một chiếc rìu đập nát Ukraine”.

Antonov lập luận rằng Mạc Tư Khoa “không có lựa chọn nào khác ngoài việc đứng lên bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga trên vùng đất lịch sử của mình, chống lại Đức quốc xã và ngăn chặn cỗ máy quân sự của NATO tiếp cận biên giới của chúng tôi”.

Câu chuyện này đã bị Ukraine và các đối tác phương Tây phản đối kịch liệt, những nước đã cam kết hỗ trợ Kyiv hơn 230 tỷ Mỹ Kim, bao gồm cả các hệ thống vũ khí ngày càng tinh vi, kể từ tháng 2 năm 2022.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố vào tháng trước trong bài phát biểu trùng với lễ kỷ niệm 10 năm ngày lực lượng Nga tiến vào bán đảo này: “Tất cả bắt đầu từ Crimea - chủ nghĩa phục thù của Nga, cuộc chiến tranh này của Nga”. Vì vậy, ông lập luận rằng “chính tại Crimea, cái ác của Nga phải chịu một thất bại quyết định”.

Trong các bình luận được chia sẻ với Newsweek, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã khẳng định quan điểm của Washington rằng “Crimea là của Ukraine” và phản đối tuyên bố của Mạc Tư Khoa về các sự kiện dẫn đến việc sáp nhập bán đảo và các cuộc xung đột sau đó.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao cho biết: “Ukraine không làm gì để kích động cuộc chiến này, kể cả vào tháng 2 năm 2022 hay năm 2014, khi Nga lần đầu tiên xúi giục hành động thù địch ở Crimea và các khu vực khác ở miền đông Ukraine”.

Các quan chức Ukraine và phương Tây cũng thường xuyên chỉ trích việc Nga sáp nhập Crimea, cũng như các cuộc trưng cầu dân ý tiếp theo do Mạc Tư Khoa tổ chức dẫn đến việc sáp nhập thêm 4 tỉnh của Ukraine—Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia—vào tháng 9 năm 2022 trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.

Khi cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống Nga diễn ra ở 5 tỉnh do Nga sáp nhập, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Matthew Miller nói rằng “Hoa Kỳ lên án những nỗ lực liên tục của Nga nhằm làm suy yếu chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine thông qua các cuộc bầu cử giả mạo được tổ chức tại các vùng lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm”.

Ông nói thêm: “Nói rõ hơn, Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhya, Kherson và Crimea là của Ukraine”. “Kết quả của những cuộc tập trận kiểu Potemkin này sẽ do Mạc Tư Khoa ra lệnh và không thể phản ánh ý chí tự do của những công dân Ukraine đang bị buộc phải bỏ phiếu trong đó”.

Bất chấp những phàn nàn của phương Tây về tính toàn vẹn của cuộc đua, Putin đã tuyên bố giành chiến thắng áp đảo vào Chúa Nhật, gần như trùng với dịp kỷ niệm 10 năm sáp nhập Crimea. Nhiệm kỳ thứ sáu sẽ cho phép Putin trở thành nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở Nga kể từ Catherine Đại đế, người đầu tiên giám sát việc sáp nhập Crimea, sau đó được cai trị bởi một Hãn quốc Tatar, vào cuối thế kỷ 18.

Bán đảo này vẫn là một phần của Nga thông qua nội chiến, thành lập Liên Xô và Thế chiến thứ hai, và lần đầu tiên được chuyển sang quyền tài phán của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine vào năm 1954, mặc dù quyền lực trung tâm vẫn được giữ ở Mạc Tư Khoa. Điều này đã thay đổi vào năm 1991 với sự sụp đổ của Liên Xô và sự độc lập của Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền.

Nhưng Crimea vẫn giữ được tầm quan trọng chiến lược đối với Liên bang Nga mới thành lập vì thành phố lớn nhất bán đảo, Sevastopol, vẫn là trụ sở của Hạm đội Hắc Hải của Nga. Khi tình trạng bất ổn bùng phát trên khắp Ukraine cách đây 10 năm, Crimea và vùng biển xung quanh ngay lập tức trở thành điểm nóng.

Giữa các sự kiện năm 2014, Antonov lập luận rằng phương Tây chỉ khuyến khích những gì ông coi là sự tiếp quản cực đoan của cánh hữu đối với Ukraine nhằm vào những người bất đồng chính kiến và cộng đồng người nói tiếng Nga. Ông khẳng định “các nhà hòa giải Âu Châu đã không động tay” khi “những tên côn đồ phát xít chà đạp lên các thỏa thuận” được ký kết giữa Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovich và các nhân vật đối lập “và lật đổ chính phủ hợp pháp”.

Antonov nói: “Rõ ràng là người dân ở Crimea, nơi chủ yếu là người Nga sinh sống, đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng”. “Người Crimea quay sang Nga để được bảo vệ. Rõ ràng nước ta không thể để người dân gặp khó khăn mà phải ra mặt.

Ông nói thêm: “Trước hết, cần phải giúp tạo điều kiện cho việc thể hiện ý chí một cách hòa bình và tự do, để người dân Crimea có thể tự quyết định số phận của mình”.

Các quan chức Ukraine đã bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào với chủ nghĩa phát xít và thay vào đó cáo buộc Nga theo đuổi hành vi giống như Đức Quốc xã trong nỗ lực chinh phục Âu Châu.

Các quan chức Mỹ cũng lặp lại cáo buộc của Ukraine rằng Nga đã có hành vi ngược đãi người dân Crimea kể từ khi thiết lập quyền kiểm soát bán đảo này. Trong báo cáo nhân quyền quốc tế mới nhất được công bố năm ngoái, Bộ Ngoại giao khẳng định rằng “ Việc Nga xâm lược và có mục đích sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine tiếp tục ảnh hưởng đáng kể và tiêu cực đến tình hình nhân quyền ở đó”.

Giờ đây, Crimea, với lịch sử kéo dài hàng thế kỷ về các trận chiến giữa các cường quốc cạnh tranh, một lần nữa lại đứng ở tiền tuyến.

Các quan chức Ukraine đã nhấn mạnh rằng việc rút lực lượng Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ nước này, bao gồm cả 5 khu vực bị sáp nhập, là điều kiện tiên quyết cho hòa bình, một quan điểm được Washington ủng hộ.

“Bất kỳ sáng kiến nào cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine phải dựa trên sự tôn trọng đầy đủ đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận và phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao nói với Newsweek.

Phát ngôn nhân nói thêm: “Không ai muốn cuộc chiến này kết thúc hơn Ukraine và người dân nước này”. “Nga hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc chiến và là trở ngại duy nhất cho hòa bình ở Ukraine. Putin có thể kết thúc cuộc chiến này ngay hôm nay. Thật không may, Điện Cẩm Linh vẫn chưa thể hiện bất kỳ sự quan tâm có ý nghĩa nào đến việc chấm dứt chiến tranh của mình, hoàn toàn ngược lại”.

Khi Nga tiếp tục tiến hành các đợt tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn vào Ukraine, các cuộc tấn công được cho là do lực lượng Ukraine thực hiện đã tấn công nhiều mục tiêu khác nhau ở Crimea cũng như một số tàu chiến của Hạm đội Hắc Hải của Nga ở vùng biển xung quanh.

Nhưng những gì chính quyền Zelenskiy miêu tả là một nỗ lực phối hợp nhằm giải phóng Crimea khỏi sự cai trị của Nga, Antonov mô tả là “các phương pháp khủng bố, nhắm vào dân thường và cơ sở hạ tầng trên bán đảo”. Ông còn cáo buộc Kyiv “thực hiện chính sách phong tỏa Crimea, cố gắng tước đoạt nước, nhiệt và điện của người dân”.

Antonov nói: “Đáng chú ý là thực tế này đã bị chính quyền Hoa Kỳ cố tình phớt lờ, những người thường xuyên thể hiện sự quan tâm của họ đối với nhân quyền”.

Antonov cho biết, “sự phát triển của cuộc xung đột Ukraine là một bằng chứng khác cho thấy việc thống nhất với Nga là bước đi đúng đắn và khả thi duy nhất đối với người dân Crimea, hoàn toàn phù hợp với lợi ích cơ bản của họ”. Ông cho biết Mạc Tư Khoa chỉ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và bảo vệ quyền lợi của người thiểu số trên bán đảo.

Khi Zelenskiy tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn trong bối cảnh các cuộc chiến chính trị ngày càng khốc liệt ở các thủ đô phương Tây về tương lai của viện trợ cho Ukraine, Antonov cảnh báo những người ủng hộ sự hỗ trợ lớn hơn sẽ chỉ mang lại thêm đau khổ cho đất nước và người dân.

Antonov nói: “Rõ ràng là các chính trị gia phương Tây và 'các nhà hoạt động nhân quyền chuyên nghiệp' hoàn toàn bất cẩn trước số phận của những người dân Ukraine bình thường bị mắc kẹt giữa những cối xay của cuộc xung đột vũ trang”. “Các đối thủ của chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để bảo đảm Ukraine trở thành một quốc gia chống Nga, tiếp tục cuộc tàn sát tự sát.”