Ngày 24-03-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:02 24/03/2015
CON LỪA LẤY LÒNG CHỦ
N2T

Có một người nuôi một con chó và một con lừa.
Người này thường đùa giỡn với con chó, mỗi lần ông ta đi ra ngoài dùng cơm thì không quên đem về ít miếng xương cho con chó, khi con chó ngoắc đuôi đi đến thì ông ta quăng miếng xương cho nó ăn.
Con lừa thấy vậy, trong bụng rất ngưỡng mộ nên chạy đến, vừa chạy vừa nhảy, kết quả là một cái chân của nó đá nhằm ngay ông chủ nhà làm ông ta té nhào, ông chủ rất giận, lập tức kêu người đến dẫn con lừa đi, lại còn dùng dây thừng đánh nó nữa.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Mỗi người được Thiên Chúa trao cho bổn phận và trách nhiệm không giống nhau.
Dùng tài năng của mình để chu toàn trách nhiệm xây dựng xã hội, thăng tiến đời mình và tôn trọng trách nhiệm và bổn phận của người khác, chính là yêu mến Thiên Chúa và phục vụ Ngài nơi tha nhân.
Con lừa không thể nhảy cao để gặm khúc xương như con chó, cũng không thể ngoắc đuôi chạy nhảy như con chó để đùa giỡn với ông chủ, nhưng con lừa có thể chở đồ vật nặng cho ông chủ, có thể kêu be be cho ông chủ vui tai...
Thiên Chúa không ban ơn làm cha làm mẹ cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ, nhưng ngài ban cho họ sự hiểu biết sâu xa về tình yêu của cha mẹ đối với con cái; Thiên Chúa không ban cho các bậc cha mẹ ơn làm linh mục và tu sĩ, nhưng ban cho họ ơn biết cộng tác với các linh mục và tu sĩ trong việc dạy dỗ con cái xây dựng Hội thánh...
Đừng vì lấy lòng cấp trên hoặc khoe khoang mà không làm bổn phận và trách nhiệm của mình;trễ nãi trách nhiệm và bổn phận của mình nhưng lại thích lấn qua trách nhiệm của người khác chính là không kính trọng Thiên Chúa và không tôn trọng tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu Danh Ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:05 24/03/2015
N2T

36. Đức ái chân chính thì luôn luôn lấy thiện báo ác.

(Thánh Marcellus of Carthage)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Mỗi ngày một câu Danh Ngôn của các thánh

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tam Nhật Vượt Qua
Trầm Thiên Thu
08:53 24/03/2015
Tam Nhật Vượt Qua

Tam Nhật Vượt Qua (Paschal Triduum), cũng gọi là Tam Nhật Thánh (Holy Triduum) hoặc Tam Nhật Phục Sinh (Easter Triduum). Đó là trung tâm điểm của đức tin: Sự Chết và Sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Giới thiệu

Tam nhật Vượt qua – gồm Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday), Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday), Thứ Bảy Tuần Thánh (Holy Saturday), và Lễ Phục Sinh (Easter). Điều này bao gồm Đêm Vọng Phục Sinh (Great Easter Vigil), đỉnh cao của Tam Nhật Thánh. Từ Triduum có gốc tiếng Latin nghĩa là “ba ngày”. Tam Nhật Thánh bắt đầu từ bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào kinh chiều (Evening Prayer) của Chúa Nhật Phục Sinh. Như vậy, Tam Nhật Thánh gồm 3 ngày trọn vẹn bắt đầu và khết thúc vào chiều tối. Tam Nhật Thánh là một phần của Mùa Chay (ít là theo phụng vụ), nhưng Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh vẫn được tính vào 40 ngày Mùa Chay truyền thống. Tam Nhật Thánh cử hành trung tâm điểm của đức tin và ơn cứu độ: Sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Như vậy, Tam Nhật Thánh tưởng niệm Bí tích Thánh Thể (Bí tích của các Bí tích), cuộc khổ nạn, sự đóng đinh, sự chết và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Cùng với việc Thăng Thiên, các sự kiện quan trọng này tạo nên Mầu nhiệm Vượt Qua (Paschal Mystery).

Mặc dù năm phụng vụ khởi đầu vào Mùa Vọng nhưng vẫn đạt tới đỉnh cao trong Tam Nhật Thánh, đặc biệt vào Lễ Phục Sinh, lễ trọng của các lễ trọng, gọi là đại lễ. Giáo lý Công Giáo mô tả tầm quan trọng của Tam Nhật Thánh thế này:

Bắt đầu bằng Tam Nhật Thánh như nguồn ánh sáng, thời đại mới của sự phục sinh đổ đầy cả năm phụng vụ bằng sự rực rỡ của ánh sáng. Dần dần, về phương diện khác của nguồn gốc này, năm được tôn lên bằng phụng vụ. Đây thực sự là “năm của ân sủng Thiên Chúa”. Sự cứu độ hoạt động trong khung thời gian, nhưng vì sự viên mãn trong cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu và sự tràn đầy Thánh Thần, đỉnh cao của lịch sử được tiên báo là “sự nếm trước” và Vương quốc của Thiên Chúa đến trong thời đại của chúng ta (Giáo lý Công Giáo, số 1168).

Lịch sử

Các Kitô hữu tưởng niệm cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu từ thời các Tông đồ, vì sự chết và sự sống lại của Ngài là trung tâm ơn cứu độ Kitô giáo. Ít là vào thế kỷ II, các Kitô hữu đã cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, bắt đầu đêm thứ Bảy, tiếp tục đến sáng lễ Phục Sinh. Trong Đêm Vọn Phục Sinh, các Kitô hữu tưởng niệm lịch sử ơn cứu độ, chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu, và cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu vào sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, các tân tòng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể lần đầu tiên.

Từ việc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, Đêm Vọng Phục Sinh và Tam Nhật Thánh lại đạt được vị thế ưu tiên trong lịch Phụng vụ Công Giáo Tây phương. Luật năm Phụng vụ và lịch Phụng vụ đã tái tiết lập Tam Nhật Thánh là mùa sau Mùa Chay trong Giáo Hội Công Giáo. Nhiều Giáo Hội Tin Lành không coi Tam Nhật Thánh là mùa phụng vụ, và cử hành Mùa Chay cho tới trước Đêm Vọng Phục sinh.

Thứ Năm Tuần Thánh

Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday hoặc Holy Thursday) khởi đầu Tam Nhật Vượt Qua – ba ngày quan trọng nhất trong năm phụng vụ. Thời gian này kỷ niệm Bữa Tiệc Ly, Cuộc Khổ Nạn, và Sự Phục Sinh của Đức Kitô.

Trong khi dùng Tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu, rồi trao cho các môn đệ. Các Kitô hữu tiếp tục cùng chia sẻ bánh và rượu là một phần trong việc thờ phượng trong Giáo Hội. Đó là Thánh Thể Đức Kitô.

Bữa Tiệc Ly là tiệc Vượt Qua – bữa ăn mà người Do Thái chia sẻ với nhau để kỷ niệm thời gian Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ người Ai Cập. Đêm Thứ Năm Tuần Thánh là đêm Chúa Giêsu bị môn đệ Giuđa phản bội tại Vườn Gết-sê-ma-ni (Vườn Dầu).

Chữ Maundy có gốc tiếng Latin là “mandatum”, nghĩa là “điều răn” hoặc “mệnh lệnh”. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu truyền lệnh: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Hành động này đôi khi được thực hiện theo nghĩa đen như một cách tốt để nhắc nhở những người cai trị rằng họ có chức có quyền là để phục vụ mọi người chứ không phải để được phục vụ hoặc hưởng thụ.

Tại Anh quốc, thói quen Quốc vương rửa chân cho người khác được thể hiện tới năm 1689. Lúc đó Hoàng đế hoặc Nữ hoàng rửa chân cho người nghèo vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại Tu viện Westminster. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng các chủ tiệm giặt quần áo phải rửa chân cho người khác trước khi Quốc vương phải rửa và hôn chân họ. Thực phẩm và quần áo được trao tặng cho người nghèo.

Ngày nay, tại Anh quốc, Nữ hoàng theo truyền thống là “lì xì” tiền cho những người hưu trí, gọi là Maundy Money (tạm dịch “tiền lệnh”). Truyền thống “lì xì” tiền cho người nghèo có từ thế kỷ XIII, thời Vua Edward I.

Có một thời, những người nhận tiền phải cùng phái tính với Quốc vương, nhưng từ thế kỷ VIII, luật này không còn. Hằng năm, vào ngày này, Nữ hoàng tham dự Lễ Hoàng Gia (Royal Maundy service) tại một trong các đại giáo đường trong nước. “Tiền lệnh” được “lì xì” cho quý ông và quý bà hưu trí ở gần nhà thờ đó.

Các vệ sĩ đựng “tiền lệnh” trong các ví da đỏ và trắng trên khay vàng để trên đầu. Tiền trong ví đỏ là tiền thay cho thực phẩm và quần áo, còn tiền trong ví trắng là tiền đồng bằng kim loại dùng để “lì xì”. Năm 2009, mỗi người nhận được trao 2 ví – ví đỏ có đồng 5 Bảng Anh, kỷ niệm lần thứ 500 ngày lên ngôi của Vua Henry VIII và đồng 50 xu để kỷ niệm ngày thành lập Vườn Kew, còn ví trắng có 83 xu vì Nữ hoàng được 83 tuổi.

Nhiều Kitô hữu kỷ niệm Bữa Tiệc Ly là cử hành Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Tại nhiều nhà thờ có nghi thức rửa chân. Sau Thánh lễ, bàn thờ được bỏ khăn. Nhiều nơi tổ chức chầu Thánh Thể suốt đêm cho tới sáng, với ý thông phần đau khổ với Đức Kitô trong những giờ cuối đời của Ngài tại Vườn Dầu, trước khi Ngài bị xử tử vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

Hãy cầm lấy tấm-bánh-cuộc-đời-mình, tạ ơn Chúa, bẻ ra và trao cho nhau, để thực hiện mệnh lệnh yêu thương của Thầy Chí Thánh Giêsu!

Thứ Sáu Tuần Thánh

Tại sao Thứ Sáu Tuần Thánh tốt lành? Thứ Sáu là ngày Chúa Giêsu bị đóng đinh, vậy tại sao là tốt lành?

Đây là vấn đề gây “rối trí” không chỉ đối với trẻ em mà cả nhiều người lớn. Chúng ta không nói Thứ Sáu Tuần Thánh là tốt, vì đó là ngày Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá. Làm sao Thứ Sáu Tuần Thánh có thể là tốt khi mà chính tội lỗi chúng ta đã giết chết Thiên Chúa?

Nhưng Thứ Sáu Tuần Thánh tốt lành vì Đức Kitô, qua cái chết của Ngài, đã tỏ lòng thương xót bao la đối với nhân loại, và đã cứu chuộc chúng ta. Tốt lành ở đây có nghĩa là thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày thánh và quan trọng đối với các Kitô hữu Đông phương, cả Công Giáo và Chính thống giáo. Thứ Sáu Tuần Thánh cũng được gọi là ngày thánh trong ngôn ngữ Rôma.

Anh ngữ gọi Thứ Sáu Tuần Thánh là Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday). Không rõ nguồn gốc, một số người cho là do cách nói “God's Friday” (Thứ Sáu của Chúa) mà thành; một số người khác lại cho là do Đức ngữ là Gute Freitag, chứ không là gốc Anh ngữ. Đôi khi, ngày này được người Anglo-Saxons gọi là “Thứ Sáu Dài” (Long Friday), trong tiếng Đan Mạch cũng vậy. Đức ngữ gọi ngày Thứ Sáu Tốt Lành là Karfreitag – nghĩa là Thứ Sáu Đau Buồn hoặc Thứ Sáu Đau Khổ.

Chẳng ai rõ nguồn gốc, nhưng lý lẽ thần học rất giống cách diễn tả trong Giáo lý Baltimore: Thứ Sáu Tuần Thánh là tốt vì chính cái chết của Đức Kitô dẫn tới sự sống lại trong Chúa Nhật Phục Sinh, đem lại sự sống mới cho những người tin.

Thứ Sáu Tuần Thánh có là ngày buộc? Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, người Công Giáo tưởng niệm sự đóng đinh và sự chết của Đức Kitô, gọi là Cuộc Khổ Nạn. Người Công Giáo được khuyến khích tham dự nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô vào Thứ Sáu Tuần Thánh để chuẩn bị đầy đủ cho sự sống lại của Đức Kitô vào Chúa Nhật Phục Sinh, như vậy Thứ Sáu Tuần Thánh không là ngày buộc. Tuy nhiên, đây lại là ngày buộc ăn chay và kiêng thịt.

Tháng 7-2007, cựu giáo hoàng Biển Đức XVI, trong Tự sắc Summorum Pontificum, đã duy trì Thánh lễ Latin Truyền thống là một trong hai dạng Thánh lễ được duy trì, người ta cho rằng ngài cũng sẽ xem lại các “Lời nguyện Trọng thể” (Solemn Prayers) dùng trong Thứ Sáu Tuần Thánh. Các lời nguyện này cầu cho Giáo Hội và mọi người Công Giáo, rồi cầu cho các Kitô hữu ngoài Công Giáo, cầu cho người Do Thái, và cuối cùng cầu cho người ngoại giáo.

Các lời nguyện khác nhau nhưng có điểm chung: Nhận biết Đức Kitô, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, là Đấng Cứu Độ của nhân loại. Do đó, các lời cầu xin cho người Công Giáo mạnh mẽ trong đức tin, các Kitô hữu ngoài Công Giáo trở về hiệp nhất trong đức tin Công Giáo, người Do Thái và ngoại giáo nhận biết Đức Kitô là Thiên Chúa cứu độ họ. Nói cách khác, hy vọng mọi người được cứu độ nhờ tin vào Đức Kitô.

Thứ Hai, ngày 4-2-2008, Thư ký Tòa thánh thông báo rằng cựu giáo hoàng Biển Đức đã xem lại lời nguyện này, và bản chỉnh sửa được dùng trong nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh theo sách lễ truyền thống là Sách Lễ Rôma (Missale Romanum) xuất bản năm 1962.

Trong thư gởi Giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô viết: “Nếu bạn vốn là cành của cây ô-liu dại, mà còn được chặt đi và tháp vào cây ô-liu tốt, trái lẽ tự nhiên, thì phương chi họ vốn là những cành của cây ô-liu chính, họ lại càng có thể được tháp vào cây cũ. Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Sion, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Gia-cóp” (Rm 11:24-26).

Theo Thánh Phaolô, Ơn Cứu Độ chỉ đến từ Đức Kitô, do đó, bác ái Kitô giáo đòi buộc chúng ta cầu nguyện cho mọi người cùng trở lại. Sẽ là sai nếu chúng ta tin Đức Kitô là Đấng cứu chuộc nhân loại mà lại loại trừ người Do Thái. Chúa Giêsu đã vì mọi người mà chịu chết để cứu độ mọi người tin vào Ngài.

Thứ Bảy Tuần Thánh

Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày cuối cùng của Mùa Chay, của Tuần Thánh, và của Tam Nhật Vượt Qua, ngay trướ Đại lễ Phục Sinh. Thứ Bảy Tuần Thánh đang tròng thời gian tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết của Đức Giêsu Kitô, và chuẩn bị việc Ngài phục sinh.

Cũng được gọi là Vọng Phục Sinh (đúng ra là đêm Thứ Bảy Tuần Thánh), Thứ Bảy Tuần Thánh có một lịch sử dài và thay đổi. Bách khoa Công Giáo ghi: “Thời Giáo Hội sơ khai, đây là Thứ Bảy duy nhất phải ăn chay”. Ăn chay là dấu hiệu sám hối, vì vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta bằng Giá Máu của Ngài. Như vậy, từ nhiều thế kỷ qua, các Kitô hữu đã coi Thứ Bảy và Chúa Nhật (ngày Chúa Giêsu phục sinh) là những ngày cấm ăn chay. Cách thực hành này vẫn có trong luật mùa Chay của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Chính thống giáo Đông phương, giảm nhẹ việc ăn chay vào các Thứ Bảy và Chúa Nhật.

Thế kỷ II, các Kitô hữu bắt đầu ăn chay toàn phần (không ăn bất kỳ thứ gì) suốt 40 giờ trước lễ Phục Sinh, nghĩa là trọn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ăn chay.

Cũng như vào Thứ Sáu Tuần Thánh, không có Thánh lễ trong ngày Thứ bảy Tuần Thánh. Lễ Vọng Phục Sinh diễn ra sau khi mặt trời lặn ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, đúng là thuộc về Chúa Nhật Phục Sinh, vì theo phụng vụ, mỗi ngày bắt đầu từ lúc mặt trời lặn của ngày hôm trước. Đó là lý do mà dự lễ vọng đêm Thứ Bảy có thể đã giữ trọn luật dự lễ Chúa Nhật. Khác là vào ngày Thứ Sáu, rước lễ khi tham dự phụng vụ buổi chiều tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh thì Thánh Thể chỉ được trao có các tín hữu như “của ăn đàng” (viaticum) – nghĩa là trong trường hợp nguy tử.

Trong Giáo Hội sơ khai, các tín hữu họp nhau vào chiều Thứ Bảy Tuần Thánh để cầu nguyện và rửa tội cho các tân tòng – đã trải qua mùa Chay để chuẩn bị được đón nhận vào Giáo Hội. Theo Bách khoa Công Giáo, thời Giáo Hội sơ khai, Thứ Bảy Tuần Thánh và vọng lễ Ngũ Tuần (Pentecost) là những ngày duy nhất có thể rửa tội cho tân tòng. Thời gian vọng này kéo dài cả đêm tới sáng Chúa Nhật Phục Sinh, khi bài Alleluia được hát lần đầu tiên kể từ đầu mùa Chay, và các tín hữu – kể cả những người mới được rửa tội – kết thúc 40 giờ ăn chay (nhịn mọi thứ) bằng việc rước lễ.

Thời Trung Cổ, khoảng đầu thế kỷ VIII, các nghi thức Vọng Phục Sinh, nhất là làm phép lửa mới và thắp Nến Phục Sinh, được áp dụng từ rất sớm. Cuối cùng, các nghi thức này được cử hành vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh. Cả ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, trước đây là ngày than khóc Chúa Giêsu chịu đóng đinh và mong đợi Ngài sống lại, ngày nay chỉ còn là việc tham dự Đêm Vọng Phục Sinh.

Với cải cách phụng vụ Tuần Thánh năm 1956, các nghi thức này trở thành chính Lễ Vọng Phục Sinh (nghĩa là Thánh Lễ được cử hành sau khi mặt trời lặn ngày Thứ Bảy Tuần Thánh), và như vậy là tính chất nguyên thủy của Thứ Bảy Tuần Thánh được phục hồi.

Tới khi có bản sửa đổi luật ăn chay và kiêng thịt năm 1969, việc ăn chay và kiêng thịt nghiêm ngặt tiếp tục được giữ vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, điều đó nhắc các tín hữu nhớ tới bản chất u sầu của ngày này và chuẩn bị vui mừng đón Lễ Phục Sinh. Ăn chay và kiêng thịt không còn bắt buộc vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, nhưng việc thực hành các luật mùa Chay vẫn là cách tốt để cử hành ngày thánh này.

(Chuyển ngữ từ ChurchYear.net, Resources.Woodlands-Junior.kent.sch.uk, Catholicism.about.com)
 
Thư gửi người bán Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
19:50 24/03/2015
THƯ GỞI NGƯỜI BÁN CHÚA

Bác Mười Hai thân mến!

Có lẽ Bác ngạc nhiên vì cách xưng hô “hơi lạ” của cháu. Lạ vì nhiều người vẫn viết thư cho Bác với cách xưng hô là ông – ông Giuđa, hoặc là anh – anh Giuđa; còn cháu lại thích cách xưng hô là Bác (viết hoa) - Bác Mười Hai. Bác có biết tại sao cháu lại gọi Bác là Bác Mười Hai không? Gọi Bác là Bác Mười hai, đơn giản vì Bác luôn ở vị trí thứ mười hai, vị trí cuối cùng trong danh sách các Tông Đồ. Gọi như thế cho thấy cháu vẫn tôn trọng Bác, vì dù sao Bác cũng là một trong mười hai vị Tông Đồ được Thầy Giêsu đích thân chọn gọi, sau khi đã “trắng đêm” cầu nguyện để thỉnh ý Chúa Cha.

Thưa Bác, hôm nay cháu viết thư này cho Bác vì cháu có một vài tâm sự muốn gởi đến Bác.

Bác biết không? Cứ vào dịp Mùa Chay, tên của Bác lại được nhắc đến rất nhiều, nhất là khi nguyện ngắm. Có điều, người ta nhắc đến tên Bác không phải với lòng kính cẩn mến yêu, mà nhắc với thái độ mỉa mai khinh thị. Nhiều sách ngắm vẫn gọi Bác bằng “thằng” nữa đấy! Thậm chí người ta còn lấy cả tên Bác ra để gán cho những kẻ phản bội hoặc những kẻ hám tiền: “Đồ Giuđa”. Nghe mà thấy xót xa quá đỗi! Đúng là “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Biết làm sao có thể gột rửa được tiếng đời, nhất là tiếng ấy đã được ghi lại trong Kinh Thánh?

Người ta có ác cảm với cái tên của Bác đến nỗi mà ghét luôn cả những người đóng vai Bác trong Tuồng Thương Khó Mùa Chay. Nghe đâu ở một xứ đạo ngoài Bắc, có chàng thanh niên vào vai Bác quá đạt; nhưng bất hạnh đã xảy ra: sau khi xong Tuồng Thương Khó, anh ta đã bị “các bà đạo đức” lôi ra đánh cho một trận. Các bà ấy nói rằng họ muốn đánh cho bỏ ghét vì cái tội nhẫn tâm bán Chúa để rồi Chúa mới bị hành hạ và “chết oan” trong tay đám quân dữ như thế. Vậy đó, họ nào có biết trong “vụ án bán Chúa”, ai ai cũng có “dự phần”!

Đọc lại diễn tiến hành trình thương khó của Thầy Giêsu 2000 năm trước, cháu rất hiểu tâm trạng của Bác lúc bấy giờ. Cháu tin rằng không phải vì tiền mà Bác cam tâm bán Thầy mình. Bác đã được Thầy Giêsu tín cẩn giao cho một trọng trách là quản lí tài chánh (ngày nay có thể ngang tầm với Đức Hồng Y George Pell cơ đấy)! Dĩ nhiên thời bấy giờ thì Bác không được coi trọng gì mấy. Nhưng dẫu sao Bác cũng là người quyết định sự sống của 13 Thầy trò. Mọi chi tiêu ăn uống, đi lại đều được ký thác cho Bác.

Thiết nghĩ đó là vinh dự, chứ không phải là cơ hội để Bác “tham nhũng” như cách nói của thánh Gioan! Thánh Gioan kết án Bác là tham tiền vì ngài có nỗi niềm riêng của mình. Đơn giản vì anh Gioan của Bác quá yêu mến Thầy Giêsu, nên khi Bác “làm hại” Thầy thì người bị tổn thương nhiều nhất không ai khác ngoài anh Gioan. Chắc Bác rất hiểu điều này!

Vậy thì vấn đề cháu nghĩ ở đây lại là vấn đề khác. Ba năm theo thầy, Bác những mong ngày Thầy khởi nghĩa, “xưng vương, xưng bá” để học trò còn kiếm chút “cháo”, nhưng mãi chẳng thấy “cháo” đâu! Thất vọng hơn nữa, khi chính tai Bác nghe lời loan báo của Thầy Giêsu: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục loại trừ và giết chết…”. Bác nghe không lầm vì Thầy Giêsu loan báo đến ba lần. Chắc hẳn lúc đó tâm trí Bác rối bời như mớ canh hẹ! Quá rối bời dẫn đến tuyệt vọng. Và vì tuyệt vọng nên bác đã làm liều. Nghĩ là làm, đó cũng là cung cách của người Nam Bộ như Bác, bởi cháu biết Bác là người duy nhất trong 12 Tông Đồ có quê ở tận mãi Miền Nam, tức miền Giuđêa. Có lẽ trong thâm tâm Bác chỉ muốn đẩy Thầy mình vào đường cùng bằng cách nộp Thầy cho quân dữ, may ra Thầy sẽ “phản pháo”! Và biết đâu nhân cơ hội này, Thầy sẽ làm cách mạng, sẽ khởi nghĩa. Nhưng Bác nghĩ một đàng mà Thầy của Bác lại làm một nẻo. Thế mới chết! Thầy của Bác đã không khởi nghĩa, cũng không chống cự, mà ngoan ngùy để cho người ta bắt trói và “dẫn độ” về dinh Caipha, rồi sau đó còn để họ giao nộp cho vị tổng trấn dân ngoại là Philatô.

Cái tin từ dinh tổng trấn Philatô: “Thầy bị kết án tử và sẽ bị đóng đinh nay mai” đã làm cho bác suy sụp hoàn toàn. Mặt mũi nào còn nhìn Thầy và nhìn các bạn đồng môn. Tai não nào còn nghe nỗi dư luận xầm xì chỉ chỏ… Và bác đã đường đột tìm ngay giải pháp “độn thổ” bằng cái chết tòng teng tức tưởi trên dây thòng lọng.

Chỉ một phút tuyệt vọng, Bác đã hành động thiếu suy nghĩ. Bác đã chọn giải pháp tiêu cực nhất đó là cái chết tự vẫn. Không như anh Phêrô của Bác đã biết sám hối và làm lại cuộc đời. Thầy của Bác nhân từ lắm cơ mà! Có bao giờ kết án tội nhân đâu! Tiếc là Bác quên mất điều này, nên Bác đã để cho nỗi ân hận làm tan nát cuộc đời. Nếu “sám hối tích cực” dẫn Anh Hai Phêrô của Bác đến tương lai huy hoàng là được cả thế giới ngưỡng mộ và muôn người hậu thế kính tôn, thì “sám hối tiêu cực” đã dẫn Bác đến kết cục chua chát thê lương!

Cũng do kết cục thê lương này, mà nhiều người bảo rằng Bác sa hỏa ngục và trở thành “quan thầy” cho những người tự vẫn. Chúng cháu không dám “phán xét” vì chúng cháu không có quyền. Hơn nữa, Thầy Giêsu cũng đã cảnh cáo chúng cháu: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán”. Chúng cháu vẫn tin vào lòng thương xót vô biên của Thầy Giêsu Chí Thánh. Biết đâu mai sau khi được vào Thiên đàng, chúng cháu thấy bác ngồi chễm chệ trên đó thì sao!

Giáo Hội chỉ có quyền tuyên bố một người nào đó là thánh (tuyên thánh) dựa vào đức hạnh của người đó, chứ Giáo Hội không bao giờ dám tuyên ngôn một người nào đó là quỷ. Cả trong trường hợp xấu nhất, Giáo Hội vẫn luôn phó thác cho lòng từ bi thương xót của Chúa, kể cả những người mà thế gian cho là tội lỗi “hết thuốc chữa”. Đức Thánh Cha Phanxicô còn công bố thiết lập một năm về lòng từ bi, gọi tắt là “Năm Từ Bi” nữa cơ mà! Điều này càng làm cho chúng cháu thêm niềm xác tín về Hồng ân cứu độ của Chúa. Cho dù tội lỗi con người có ngút ngàn như núi thì tình thương của Chúa còn cao hơn nhiều nhiều, như lời một ca khúc mà ca sĩ Phan Đình Tùng đã hát trong CD thánh ca đầu tay của anh: “Dù tội ta có cao biết mấy, nhưng tình Chúa vẫn cao hơn nhiều, luôn thừa sức san lấp lỗi tội ta”.

Một vài tâm sự như thế xin gởi đến Bác với ước mong Bác và nhiều người cũng được thêm phần hy vọng vào ơn cứu độ mà Thầy Giêsu đã mang đến cho trần gian!

Kính chào Bác Mười Hai!

Rạng - Mùa Chay 2015

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu chấp nhận đường lối của Chúa
LM. Trần Đức Anh OP
10:00 24/03/2015
VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu chấp nhận đường lối hành động của Chúa, thay vì kêu than và bất mãn.

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, 24-3-2015 tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài đọc sách Dân Số kể lại sự tích: trong hành trình trong sa mạc hướng về Đất Hứa, dân Chúa nổi loạn, kêu trách Chúa, chán ngán lương thực Manna, không chấp nhận hồng ân và đường lối hành động của Chúa. Vì thế họ bị rắn lửa cắn, nhưng Chúa đã truyền cho Ông Môisê làm con rắn đồng để dân nhìn lên đó mà được cứu thoát.

ĐTC nhận xét rằng: ”Ngày nay, bao nhiêu tín hữu Kitô chết trong sa mạc vì buồn sầu, vì sự kêu ca lẩm bẩm của họ, vì không muốn đường lối hành động của Thiên Chúa.. Chúng ta hãy nhìn con rắn, nọc độc ở đó, trong thân mình Chúa Kitô, nọc độc của mọi tội lỗi trần thế và cầu xin ơn chấp nhận những lúc khó khăn. Chấp nhận đường lối cứu độ của Chúa, chấp nhận cả lương thực ”nhẹ” mà dân Do thái đã than trách, chấp nhận con đường Chúa dẫn chúng ta đi qua.. Ước gì Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật tới đây, giúp chúng ta ra khỏi cám dỗ trở thành những tín hữu Kitô nửa vời”.
 
1,062 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới trong thời gian từ 1980 đến 2014
Nguyễn Việt Nam
16:36 24/03/2015
Ngày 24 tháng 3, Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới kỷ niệm ngày “Các Nhà Truyền Giáo Tử Đạo” là ngày cầu nguyện và ăn chay để tưởng nhớ các nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên bước đường rao giảng Chúa Kitô cho muôn dân.

Đây là một sáng kiến của phong trào thanh niên của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, được cử hành đúng vào ngày Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng Giám Mục San. Salvador bị giết chết. Ngài sẽ được phong chân phước vào ngày 23 tháng 5 tới đây.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trong thập niên từ năm 1980 đến 1989, có115 nhà truyền giáo bị giết. Thập niên tiếp theo, tức là từ năm 1990 đến Năm Thánh 2000 con số này tăng lên gần gấp 6 lần với 604 nhà truyền giáo bị sát hại. Sự đột biến này chủ yếu là kết quả của tội ác diệt chủng ở Rwanda, với 248 nhà truyền giáo bị giết tại đây.

Trong thời gian từ năm 2001 đến cuối năm 2014, 343 nhà truyền giáo bị thiệt mạng vì bạo lực chống lại đức tin Kitô. Riêng trong năm qua 2014, 26 vị đã bị giết bao gồm 17 linh mục, 1 thầy, 6 nữ tu, 1 chủng sinh, và 1 giáo dân.
 
Rung chuông 100 lần trong các thánh lễ tiếng Armenia để tố cáo tội ác diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ
Nguyễn Việt Nam
16:59 24/03/2015
Ngày 23 tháng Tư 1915, bọn cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh tàn sát người Armenia. Ước tính từ 1 triệu đến 1.5 triệu người Armenia đã bị giết chết từ năm 1915 đến năm 1918 trong các vụ thảm sát, trong các trại tập trung, và trong các cuộc cưỡng bức trục xuất.

Tuy nhiên, do những dàn xếp chính trị lắt léo, không một tên nào phạm tội ác chống nhân loại nghiêm trọng như thế bị đưa ra xét xử sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, luôn phủ nhận tội ác này, coi như chưa từng xảy ra.

Nỗi oan ức đó đã khiến người Armenia đề ra nhiều sáng kiến kêu gọi sự chú ý của thế giới. Năm nay, kỷ niệm 100 năm biến cố bi thảm này, Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị đưa ra sáng kiến tất cả các nhà thờ Kitô Giáo của người Armenia trên toàn thế giới cử hành thánh lễ càu hồn cho những nạn nhân và rung chuông 100 lần vào lúc 19:15. Thời điểm 19:15 là để nhắc nhớ đến năm 1915.

Sáng kiến này được chào đón trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà thờ Armenia tại Thổ Nhĩ Kỳ không thể tham gia sau những răn đe của Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các triều Giáo Hoàng đều mạnh mẽ lên án tội ác này.

Gần đây nhất là chuyện Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đưa công hàm phản đối với Vatican sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến việc tàn sát hàng loạt người Armenia trong thời gian từ 1915 – 1918 và gọi đó là "cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20."

Đức Giáo Hoàng đã đề cập một chút về những tội ác diệt chủng chống lại người Armenia trong một cuộc tiếp kiến hôm 04 tháng 6 năm 2013 với Đức Thượng Phụ Công Giáo Nerses Bedros Tarmouni thứ 19 của thành Cilicia.

Đức Thượng Phụ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một cây thánh giá bằng đồng hai người mới khiêng nổi. Trong đoàn tùy tùng của Đức Thượng Phụ có một cặp vợ chồng đi theo với trách nhiệm khiêng cây thánh giá này. Người phụ nữ nói với Đức Giáo Hoàng rằng gia đình cô là nạn nhân của nạn diệt chủng Armenia hồi năm 1915.

Đức Thánh Cha đáp lại:

-Đó là tội ác diệt chủng tàn ác trên quy mô lớn đầu tiên của thế kỷ XX.

Giáo Hội Armenia hiện có khoảng 350,000 thành viên ở rải rác trong khu vực Trung Đông; đông nhất là là tại Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ

Vài năm trước đây, khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã mô tả vụ sát hại và trục xuất hàng triệu người Armenia là "tội phạm trầm trọng của Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người dân Armenia và toàn thể nhân loại."

Trong công hàm chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ "bày tỏ sự thất vọng" về những nhận xét của Đức Giáo Hoàng. Họ đã bày tỏ sự không hài lòng của mình với đại diện ngoại giao Vatican cả tại Ankara và Rôma.

Trong thế kỷ thứ 20, một cuộc diệt chủng kinh hoàng khác thường được đề cập đến là việc tàn sát người Do Thái của Đức Quốc Xã. Nhưng đó là cuộc diệt chủng thứ hai. Ngoài ra còn có những cuộc diệt chủng khác tiêu biểu là cuộc diệt chủng do Liên Sô thực hiện đối với người Đông Âu, cuộc tàn sát hơn 60 triệu người Trung Hoa của Mao Trạch Đông trong các chiến dịch thanh trừng giai cấp và trong 10 năm thi hành cuộc cách mạng văn hóa (1966-1976).
 
Đóng cửa tất cả các trường học Công Giáo trong một ngày để phản đối làn sóng tấn công người Công Giáo tại Ấn
Nguyễn Việt Nam
17:39 24/03/2015
Tổng giáo phận Mumbai, hay thường được gọi là Bombay, đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học Công Giáo trong ngày 25 tháng Ba. Hành động này là để phản đối sự ngầm xúi giục những bách hại chống lại các Kitô hữu của nhà cầm quyền, và đã xảy ra sau khi lại có thêm hai nhà thờ Công Giáo khác bị tấn công.

Hôm thứ Bẩy 21 tháng Ba, ba kẻ bịt mặt đi xe gắn máy tới nhà thờ Thánh George ở New Panvel, chúng ném gạch đá vào nhà thờ và đập vỡ kiếng bảo vệ tượng Thánh George.

Trước đó một ngày, hôm thứ Sáu 20 tháng Ba, một nhóm người hung hăng xông vào nhà thờ chánh tòa của giáo phận Jabalpur đập phá tan tành cửa chính và các cửa sổ. Đức Cha Gerald Almeida cho biết cảnh sát đã bắt được 6 người theo hình ảnh thu được từ camera của nhà thờ nhưng sau đó đã thả ra hôm thứ Hai 23 tháng Ba vì cho rằng đó chỉ là những tội nhẹ. Đức Giám Mục cho biết, cũng trong đêm thứ Sáu, những kẻ cực đoan cũng xông vào một trường học cách đó khoảng một cây số và đánh đập dã man anh chị em giáo dân đang theo học một khóa Kinh Thánh tại đây.

Đức Hồng Y Baselios Cleemis, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn nói: “Tình hình đang chuyển biến từ xấu sang tồi tệ”.

Hôm 17 tháng Hai, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói:

"Chính phủ của tôi đảm bảo rằng công dân của quốc gia này có hoàn toàn tự do tín ngưỡng và rằng mọi người đều có quyền giữ đạo hay theo một tôn giáo do mình lựa chọn mà không bị ép buộc hoặc bị lung lạc. Chính phủ của tôi sẽ không cho phép bất kỳ nhóm tôn giáo, thuộc các tôn giáo đa số hay thiểu số kích động hận thù chống lại những người khác, công khai hoặc ngấm ngầm. Chính phủ của tôi sẽ là một chính phủ mang lại sự tôn trọng bình đẳng cho tất cả các tôn giáo."

"Ấn Độ là đất của Phật và Gandhi. Sự tôn trọng bình đẳng dành cho tất cả các tôn giáo phải có trong DNA của mỗi người Ấn Độ. Chúng tôi không thể chấp nhận bạo lực đối với bất kỳ tôn giáo nào vì bất kỳ lý do nào và tôi mạnh mẽ lên án bạo lực như vậy. Chính phủ của tôi sẽ hành động mạnh mẽ trong vấn đề này. "

Đức Hồng Y Baselios Cleemis bày tỏ sự hoài nghi về giá trị thực của những lời nói này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là thành viên của đảng Ấn Giáo cực đoan - Bharatiya Janata Party. Từ khi ông Modi lên nắm quyền vào ngày 26 tháng Năm năm 2014, hàng chục nhà thờ Công Giáo bị đốt phá và hôi của trong mấy tháng vừa qua.

Đức Hồng Y Baselios Cleemis chỉ ra rằng ông Narendra Modi đã quy định cả nước cử hành rầm rộ ngày “Chính quyền tốt” vào đúng ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng Hai. Ngài nói: “Chính quyền phải là tốt quanh năm suốt tháng chứ không phải chỉ riêng một ngày, và ngày lễ của Kitô Giáo phải được tôn trọng”.

Một số nhân vật trong chính phủ Ấn nói Mẹ Têrêsa đã làm nhiều việc bác ái nhưng với “ý đồ đen tối” là cải đạo những người Ấn cùng đinh sang Kitô Giáo.

Đức Hồng Y nói: “Tôi rất đau đớn và buồn phiền trước những nhận định như thế về Mẹ Têrêsa là người mà quốc gia này đã từng tôn vinh với tước hiệu Bharat Ratna”.

Narendra Modi cũng cho phép các phương tiện truyền thông quốc gia quyên góp trên quy mô cả nước cho một chương trình gọi là Ghar Wapsi nhằm cải đạo sang Ấn Giáo tất cả những Kitô hữu và tín hữu Hồi Giáo.
 
Bút ký: một cuộc do thám Đức Giáo Hoàng ở Napoli trên Mạng.
Trần Mạnh Trác
21:29 24/03/2015


Làm phóng sự về ĐGH chưa bao giờ dễ như ngày nay. Những phát triển về kỹ thuật truyền thông giúp cho một người ngồi ở nhà cũng có thể theo dõi trên computer những phóng sự truyền hình giống như chính mình là một phóng viên đặc biệt có quyền tới sát ghế ngồi cuả ĐTC.

Không chỉ có thế, những 'apps' ('ứng dụng') trên mạng xã hội còn có thể 'bơm' (beam) tới chúng ta những hình ảnh, âm thanh và bản dịch cuả một sự kiện đang diễn ra, qua nhiều góc cạnh cuả hàng ngàn nhãn quan sử dụng những chiếc 'smart phone' (điện thọai di động thông minh).

Từng theo học khoa Computer từ lúc khởi đầu thập niên 80 và tiến theo nghề cho tới khi bị đào thải vì tuổi già, tôi cương quyết không 'update' (cập nhật) những gì đã có, vì đã chán ngấy với cả hai loại 'mềm và cứng' (software và hardware) từng làm khổ cái não cuả mình trong gần một phần tư thế kỷ.



Do đó cái điện thoại di động của tôi vẫn 'khư khư' là cái 'vỏ sò' goị là Blazer cuả hãng Motorola, rất là 'cool' khi dùng ngón cái 'búng' nó ra, nói theo ngôn ngữ cuả những năm 2000 khi tôi mới 'tạo mãi' nó.

Những đứa cháu gái cuả tôi, từ VN sang làm nghề 'nail', 'xoa' ipod, ipad, iphone loạn cào cào, thường cười tôi: "sao cậu còn cổ thế".



Mà mình 'cổ' thiệt, rõ ràng những đứa cháu ấy là những bậc 'hậu sinh khả úy', bây giờ tôi mới nhận ra lẽ ấy, sau khi cái 'Blazer' làm reo và phải đổi qua caí 'Samsung' loại 'Galaxy SII' mà đứa con gái đã vất bỏ từ lâu.

Quan sát những chức năng cuả cái Galaxy, tôi quyết định dùng thử nó trong việc theo dõi cuộc tông du cuả ĐTC tới Napoli trong tuần vừa qua.

Những gì tôi khám phá được qua cái 'Galaxy SII' này, là loại yếu ớt, thì chắc chắn qúi độc giả cũng có thể khám phá ra nhiều hơn thế nữa với những chiếc 'smart phone' mới hơn, chưa kể đến những chiếc tân thời nhất như 'Galaxy S6' hoặc 'Iphone 6'.

Tôi xin chia sẻ những gì tôi làm và kết quả đạt được. Tôi dám kết luận một điều:

"Ai dám nói việc do thám ĐGH trên Mạng là buồn chán nhỉ?"

Và quan trọng hơn hết, trong suốt hai ngày 'do thám', tôi có cảm tưởng như mình vừa được giải trí, vừa được tham dự 2 ngày tĩnh tâm mùa chay vậy.

Cài đặt chức năng.



Việc đầu tiên phải làm sau khi đã 'set up' cái phone xong, là setup wi-fi ở nhà, tức là băng tần cuả làn sóng điện tử để sử dụng 'Mạng' không cần đến giây. Đây là việc quí vị sẽ phải làm mỗi khi di chuyển chiếc phone đến một nơi khác. Nhiều hotel và quán ăn cung cấp wi-fi miễn phí. Một khi đã setup một wi-fi ở đâu rồi thì chiếc phone sẽ nhớ sử dụng lại nó mỗi khi gặp lại.

Quí vị có thể dùng băng tần cuả chính chiếc điện thoại mà truy cập vào Mạng ở bất kỳ nơi đâu (ở đâu có thể gọi phone được), với một giá rẻ (khoảng thêm 10 đô mỗi tháng). Chiếc phone cuả tôi có sẵn một số lượng băng tần miễn phí tính bằng Data, tổng cộng được 5 gig (5 tỷ bytes) Data một tháng, sau một tuần tôi chỉ sử dụng mất 34MB Data (tức là có 1 phần 147.)

Noí dài dòng như thế để cho quí vị đừng bỏ thêm tiền mua thêm Data mà phí phạm đi. Nếu quí vị không rành rẽ việc setup wi-fi thì hãy nhờ con cháu làm giùm, đứa cháu gái cuả tôi mới 13 tuổi đã có thể dậy cho cả nhà việc sử dụng smart phone rồi.



Việc kế tiếp là cài đặt những chức năng bằng cách download các Apps từ một chỗ goị là "Play Store" (iphone gọi là App Store). Hai App mà tôi dùng trong việc 'do thám' này là "Facebook" và "Twitter".

Sở dĩ tôi cần Facebook vì khi cài đặt Twitter, nó hỏi đến Facebook. Nhưng kỳ thật tôi chỉ dùng Twitter để theo dõi ĐTC trong kỳ vừa qua.

Setup Twitter.

Tôi đã dùng những account mà tôi đã có sẵn trên chiếc Computer ở nhà để setup Facebook và Twitter. Tuy nhiên quí vị không cần phải làm như vậy, quí vị có thể tạo ra một account mới nếu muốn.

Vì mục đích là để theo dõi ĐGH, tôi "following" (theo dõi) những nhân vật (Friend) nói tiếng Anh như sau:

Pope Francis ‏@Pontifex

VaticanCommunication ‏@PCCS_VA

Vatican - news ‏@news_va_en

Catholic News Svc ‏@CatholicNewsSvc

Catholic News Agency ‏@cnalive

USCCB ‏@USCCB

EWTN ‏@EWTN


Voilà ! Nào chúng ta cùng đợi.

Theo dõi cuộc tông du Napoli.



Tôi đã bắt đầu nhận được những "tweet" (tiếng hót) từ những Friends ngay sau khi setup xong.

Để chiếc phone trong túi, thỉnh thoảng nghe thấy có tiếng "chim chíp" kêu, tôi giở ra thì quả nhiên có một ai đó vừa mới 'hót' lên rồi, có khi chỉ là một câu nói, nhưng nhiều khi có cả hình ảnh đính kèm.

Thí dụ:

Catholic News Agency ‏@cnalive Mar 20

http://ow.ly/KBMSo Pope Francis: No matter what the crime, 'the death penalty is inadmissible' #PopeFrancis

(Báo Catholic News Agency cho biết ĐGH vừa nói:) Dù là tội ác có lớn tới mấy chăng nữa, 'án xử tử cũng không thể chấp nhận được'


...



Càng gần cuộc tông du thì số lượng tweet càng nhiều và nhanh hơn.



...: ĐGH đã tới Pompeii, trên đường đi tới nhà thờ Mân Côi (có hình ĐGH đang xuống Trực Thăng)

...: ĐGH tới nhà thờ Mân Côi trên chiếc xe jeep (có hình)

...: ĐGH đang cầu nguyện trong nhà thờ Mân Côi ở Pompeii

...: ĐGH cầu nguyện "Xin ĐM giúp chúng con xây dựng một thế giới theo như lòng mẹ mong muốn...một thế giới hoà bình và tha thứ" (Hình ĐGH và bức ảnh Mân Côi)


Cái thú vị khi theo dõi những diễn biến là nó giúp chúng ta cùng 'sống' với 'lịch sử đang diễn ra'. Chia sẻ những tình cảm, vui buồn hay khắc khoải cuả những người trong cuộc, ngay trước hiện trường trong cùng một khoảng khắc.



Hơn thế nữa, thỉnh thoảng chúng ta được 'thết đãi' bằng một vài ngạc nhiên thích thú như sau:

...: ĐGH đang thăm viếng một khu ngoại ô ở ngoài thành Napoli

...: ĐGH hỏi một cặp vợ chồng là khi họ cãi nhau thì có ném chén ném bát không? Họ trả lời "chúng con dùng toàn là chén nhựa mà thôi".


Khi tới Scampia là một nơi nghèo khổ, nạn thất nghiệp lên tới 40%, Mafia lộng hành như rươi, ĐGH không dùng xe jeep nữa mà dùng chiếc xe màu trắng có kính ở trước mặt, nhưng để hở cả hai bên và đằng sau.

...: ĐGH đã tới 'khu bất hủ Scampia' cuả Napoli. Đây là lúc phải dùng chiếc xe Popemobile thứ thiệt (Hình ĐGH trên xe với ban an ninh đứng vây quanh)

Nhưng dù vậy, Ngài cũng không bỏ cái thói quen là để cho dân chúng xà vào mình.



...: ĐGH đứng chụp hình với thanh thiếu niên ở Scampia (hình ảnh nhiều thanh niên râu ria xồm xoàm đang bá vai ĐGH)

...: ĐGH nói Cuộc sống ở Napoli này chưa bao giờ là dễ dàng cả, nhưng cũng không bao giờ là buồn thảm. Sự vui mừng cuả quí bạn là một báu vật.

...: 'Cha đã nói với chúng con điều này chưa, là những di dân cũng là con cuả Chuá? Họ cũng cùng đi một con đường lữ thứ như chúng ta?'

...: Không ai trong chúng ta có một căn nhà vĩnh viễn ở trần gian này cả. Tất cả chúng ta đều là người di dân.

...: Hãy tranh đấu cho có công việc tử tế! hãy tranh đấu cho cái phẩm giá là kiếm được thức ăn hằng ngày cho mình và cho gia đình mình.

...: Một xã hội tham nhũng là một xã hội thối tha như mùi cuả một xác chết.




Khi ĐGH tới nhà thờ chánh toà gặp riêng các chủng sinh và tu sĩ, tôi đã có ý định không theo dõi tiếp nữa bởi vì nghĩ rằng một sự kiện như thế chỉ toàn là đọc kinh và cầu nguyện. Nhưng những sự việc xảy ra đã hoàn toàn khác hẳn với ý nghĩ cuả tôi. Nó còn vui nhộn hơn là những diễn biến ngoài đời.

Triều yết các tu sĩ:

Catholic News Agency: Bình máu cuả thánh Januarius sẽ có lỏng ra không? Mọi người ở Napoli sẽ coi đó là một điềm may mắn. (có hình bình máu đông cuả thánh Juanuarius)

Các nữ tu vây quanh ĐTC, người ta phải khó khăn lắm mới 'giải thoát' cho ngài được.



...: Đức Hồng Y Sepe than thở:" Phải đây là các Sơ dòng Kín không? Hãy tưởng tượng các bà Sơ ở ngoài thì sẽ như thế nào đây."

Đức Giáo Hoàng ban những lời khuyên cho hàng tu trì:

...: Nếu Chuá Giêsu không là trọng tâm cuả đời sống cuả các con, thì hãy khoan việc tuyên khấn. Hãy tìm câu trả lời trước đã.

...: Một linh mục, một bà Sơ phải có sự gần gũi thân mật với đức Maria. Các con không biết người Mẹ thì làm sao biết được người Con.


Về việc ham mê tiền bạc:

...: Khi một linh mục hoặc một bà Sơ mà gắn bó với tiền bạc, họ tự nhiên chỉ thích những người có tiền.

...: ĐGH kể chuyện tiếu lâm một bà Sơ thích tiền bị ngất sỉu, người ta đã đề nghị đánh thức bà ta dậy bằng cách cho bà ấy ngửi một đồng tiền 100 pesos.


Về việc ham mê coi TV:

...: ĐGH buồn bã kể chuyện một dòng tu đã tân trang để có TV cho mỗi phòng ngủ. Mỗi khi chương trình 'cải lương' bắt đầu, người ta không thể tìm ra một bà Sơ nào hết cả!



Về việc ngồi lê đôi mách:

...: Đời sống tu trì không dễ dàng đâu. Ma quỉ luôn gieo rắc sự ganh tị. "Lắm mồm là khủng bố", là dấu hiệu lớn nhất rằng ma quỉ đang hoạt động.

...: Ở đâu có việc mách lẻo là ở đó không có tình huynh đệ...một người lắm mồm là một tên khủng bố.


Sự việc gây kích động mạnh nhất có lẽ là lúc kết thúc buổi triếu yết khi mà ĐTC chuẩn bị ban phép lành cho cử toạ.

...: ĐHY Sepe tuyên bố rằng bình máu cuả thánh Januarius đã lỏng ra một nửa rồi.

(Xin coi bài nói về phép lạ này)

Một chuyện vui nữa thay lời kết: ĐGH và cái pizza.



Trong cuộc phỏng vấn mới nhất dành cho một tờ báo Mexico, ĐGH có tâm sự rằng Ngài thiếu vắng sự việc là được đi ra ngoài, có thể mua một cái bánh pizza, mà không ai nhận biết đến mình, giống như lúc còn là một linh mục thường vậy.

Pizza là loại đồ ăn quan trọng cuả Napoli, cho nên một ông bếp tên là Enzo Cacialli đã chăm chỉ nướng một cái pizza với cà chua mầu vàng (theo mầu cờ cuà Vatican), có ricotta cheese và có hàng chữ "Il Papa".



Khi chiếc popemobile của ĐGH chạy nhanh trên con đường ven biển, không rõ làm thế nào mà ông bếp Cacialli đã vượt qua được hàng rào an ninh, đến bên chiếc xe, và trao cho ĐGH chiếc pizza đặc biệt ấy.

Lập tức nhiều tweets đã đua nhau nổi lên với hình ảnh hoặc video:

...: Pizza đã được trao tới ĐGH Phanxicô trên chiếc xe popemobile.

Câu chuyên không dừng lại đó, người ta khám phá ra rằng người bố cuả ông bếp cũng là một nhân vật nổi danh: ông ta từng nướng pizza cho cưụ Tổng Thống Hoa Kỳ là ông Clinton vào năm 1994. Thật là cha nào thì con nấy.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc, ông chủ nhà hàng là Roberto Biscardi, liền đăng các video để quảng bá nhà hàng cuả mình là rất xứng đáng cho các bậc lỗi lạc, rồi ông khoe khoang bằng một câu rất ư là 'anh chị', rất ư là Napoli, rất ư theo kiểu Mafia:

"Từ nay tôi sẽ không phải 'màu mè' để tìm cách hối lộ ĐHG nữa, tôi biết chắc Ngài muốn gì rồi..."
 
Việc bách hại Kitô hữu tại Trung Đông
Vũ Van An
22:54 24/03/2015
Hơn 125,000 Kitô hữu Iraq đã buộc phải trốn khỏi quê cha đất tổ nơi họ từng sống gần 2,000 năm nay sau khi bị ISIS đe dọa và cưỡng bức.

Ngày 22 tháng Ba vừa qua, chương trình 60 Minutes của Đài CBS, Hoa Kỳ, đã cho chiếu phóng sự của phóng viên Lara Logan về “Các Kitô Hữu Iraq”.

Lara cho rằng ít nơi nào trên trái đất mà Kitô Giáo lại cổ xưa bằng ở Iraq. Tại đây, các Kitô hữu có thể rở lại lịch sử của họ từ các tông đồ thuộc thế kỷ thứ nhất. Nhưng ngày nay, sự hiện diện của họ đã và đang bị đe dọa bởi nhóm khủng bố tự gọi là Nhà Nước Duy Hồi Giáo (IS). Hơn 125,000 Kitô hữu, gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em, đã buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ trong hơn 10 tháng qua.

Mùa hè vừa qua, Nhà Nước Duy Hồi Giáo đã tràn vào thành phố lớn thứ nhì của Iraq là Mosul, và chiếm giữ nó. Từ đó, chúng xâm chiếm các làng và thị trấn lân cận thuôc Bình Nguyên Ninivê, một vùng rộng lớn vốn là quê hương của Kitô hữu từ thế kỷ thứ nhất sau Chúa Kitô. Phần lớn những gì cần tới gần 2,000 để xây dựng đã bị mất hết trong vòng vài tháng.

Trên sườn một ngọn núi, nhìn xuống Bình Nguyên Ninivê là Đan Viện Thánh Mátthêu, một trong các đan viện lâu đời nhất trên trái đất.
Thực vậy, tiếng nói của các đan sĩ đã vang vọng ở đây từ thế kỷ thứ tư, dâng lên những lời cầu nguyện chưa bao giờ thay đổi.

Lara Logan: Cha cầu nguyện bằng tiếng Aram?

Cha Joseph Ibrahim: Vâng.

Lara Logan: Là ngôn ngữ của Chúa Giêsu.

Cha Joseph Ibrahim: Đúng thế.

Lara Logan: Cha là một trong những người cuối cùng trên trái đất nói thứ ngôn ngữ ấy?

Cha Joseph Ibrahim: Chúng tôi nghĩ vậy vì chúng tôi giữ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ cầu nguyện.


Những lời cầu nguyện xuyên suốt nhiều thế kỷ bị bách hại. Cha Joseph Ibrahim là một trong số 7 đan sĩ còn sót lại ở đây. Ngài cho chúng tôi hay đan việc được thành lập năm 363, và từng sống thoát các đế quốc Ba Tư và Ottoman, các cuộc xâm lăng của Mông Cổ và các cuộc chiếm đóng của người Kurds. Ngày nay, nó đang bị Nhà Nước Duy Hồi Giáo đe dọa: các chiến binh của họ đã tiến sát cổng của đan viện sau khi chiếm giữ Mosul mùa hè năm rồi. Các chiến binh người Kurds đã đẩy lui chúng trở lại ngôi làng kia nơi cờ của chúng vẫn còn tung bay chỉ cách đan viện bốn dặm.

Lara Logan: Cha sợ gì nhất?

Cha Joseph Ibrahim: Tương lai mù mịt.

Lara Logan: Tương lai mù mịt sao?

Cha Joseph Ibrahim: Đúng.

Lara Logan: Cha nghĩ điều gì sẽ xẩy ra?

Cha Joseph Ibrahim: Chúng tôi không biết đích xác nhưng sẵn sàng chờ đợi điều tệ hơn.


"Họ lấy hết mọi sự của chúng tôi, nhưng họ không thể lấy mất Chúa khỏi trái tim chúng tôi, họ không thể”

Con đường từ Đan Viện Thánh Mátthêu dẫn chúng tôi tới tuyến đầu, chỉ cách ngoại biên Mosul 6 dặm. Mọi thị trấn và làng mạc giữa chỗ này và thành phố bị chiếm đóng hiện nằm trong tay Nhà Nước Duy Hồi Giáo. Và nay, người ta kể cho chúng tôi hay: lần đầu tiên trong gần 2,000 năm nay, không còn một Kitô hữu nào bên trong Mosul cả.

Đức Tổng Giám Mục Nicodemus Sharaf: họ lấy hết mọi sự của chúng tôi, nhưng họ không thể lấy Chúa khỏi trái tim chúng tôi, họ không thể.

Đức Cha Nicodemus Sharaf là Tổng Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Syriac tại Mosul, một trong khoảng 10,000 Kitô hữu trốn khỏi thành phố. Chúng tôi tìm được ngài đang sống tị nạn tại thủ phủ người Kurds là Erbil. Ngài cho hay lúc ngài trốn thoát, các binh sĩ của ISIS đã có mặt trong Mosul rồi.

Đức TGM Nicodemus Sharaf: Tôi không có được một phút để lấy theo bất cứ vật dụng gì. Tôi chỉ lấy theo 5 cuốn sách rất cổ mà thôi.

Trong số đó, có cuốn thủ bản bằng tiếng Aram này. Ngài cho chúng tôi hay cuốn sách được viết cách nay 500 năm và hàng trăm cuốn bị để lại còn cổ hơn cuốn này nữa, những di cảo Kitô Giáo sẽ chẳng bao giờ tìm lại được.

Đức TGM Nicodemus Sharaf: Tôi nghĩ họ đã đốt sạch các sách này. Trong đó, có những cuốn từ thế kỷ thứ nhất của Kitô Giáo.

Lara Logan: Đức Cha nói từ thế kỷ thứ nhất…

Đức TGM Nicodemus Sharaf: Vâng, của Kitô Giáo. Khi nhớ lại, tôi không thể… (ngài khóc) từ khởi thủy Kitô Giáo, đây là lần đầu tiên chúng tôi không thể cầu nguyện trong các nhà thờ của mình.


Trong cố gắng xoá sạch Kitô Giáo khỏi khu vực, Nhà Nước Duy Hồi Giáo không chừa bất cứ biểu tượng nào của tôn giáo này. Chúng vừa công bố các hình ảnh cho thấy việc chúng phạm tới ngôi thánh đường mà người ta tin là đan viện Mar Gorgis, phía bắc Mosul.

Và không còn gì là thánh thiêng nữa. ISIS vừa cho nổ tung ngôi đền Hồi Giáo này chỉ hơn một tháng sau khi chiếm đóng nơi đây, đây là địa điểm thánh thiêng đối với cả người Kitô Giáo lẫn người Hồi Giáo vì tiên tri Giôna của Cựu Ước được truyền tụng là chôn ở bên trong.

Giống Quốc Xã từng đánh dấu nhà cửa của người Do Thái, nhà cửa của các Kitô hữu tại Mosul cũng bị đánh dấu với biểu tượng mầu đỏ này. Đó là chữ N trong tiếng Ả Rập, viết tắt chữ Masara, mà Hồi Giáo sơ khai vốn dùng chỉ các Kitô hữu. Khi ISIS viết nó lên nhà bạn, một là bạn trở lại Hồi Giáo, hai là đóng thứ thuế tống tiền hoặc bị chém.

Issah Al Qurain là một trong hàng nghìn người đã phải chọn lựa như thế. Ông đang ở nhà với gia đình tại ngôi làng Kitô Giáo nơi ông từng sống suốt đời, thì các chiến binh ISIS tới tìm ông. Ông cho chúng tôi hay: đầu tiên, chúng lấy hết tiền bạc của ông, rồi vợ và con ông.

Lara Logan: Chúng có nói với ông phải trở lại, trở lại, trở lại không?

Issah Al Qurain: Có, phải trở lại. Thoạt đầu, tôi từ khước. Tôi bảo chúng tôi là Kitô hữu, tôi có tôn giáo của tôi, chúng có tôn giáo của chúng. Nhưng chúng bảo tôi, nếu không trở lại, bọn tao sẽ giết mày rồi bắt vợ và con cái mày.


Cuối cùng, ông ưng thuận và được đưa tới Mosul để trở lại. Chính tại đó, ông được đoàn tụ với gia đình. Chẳng bao lâu, các binh lính ISIS hỏi thăm về đứa con gái nhỏ của ông, và ông cho chúng tôi hay điều ấy làm ông khiếp sợ hơn bất cứ điều gì khác.

Issah Al Qurain: Chúng bảo tôi rằng trong Hồi Giáo, luật Sharia dạy: con gái đến 10 tuổi nên đi lấy chồng. Ngay khi chúng rời khỏi, vợ tôi và tôi bèn đóng cửa lại. Chúng tôi nhìn nhau và vợ tôi oà lên khóc và bắt đầu cầu nguyện. Chúng tôi hết sức kinh hãi sợ chúng sắp đến cướp mất đứa con gái nhỏ.

Rồi họ chạy trốn trong một chiếc taxi. Issah nói rằng họ năn nỉ qua được 3 trạm kiểm soát của ISIS và theo đường tắt tới Erbil sau hơn 4 giờ du hành. Tại Erbil, họ hiện sống như người tị nạn, giống Đức TGM Sharaf.

Khoảng 30,000 Kitô đã sống tại Erbil trước khi có cuộc khủng hoảng lần này, phần lớn họ là người Công Giáo theo nghi lễ Canđê, được phép duy trì các truyền thống xưa nhưng thừa nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng. Đức Cha Bashar Warda là Tổng Giám Mục của giáo phận này. Ngài nói: cộng đoàn của ngài đã tăng thêm hơn 60,000 người tị nạn… vì vùng người Kurds gần như tự trị ở phía bắc Iraq này đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho người Kitô Giáo trốn chạy Nhà Nước Duy Hồi Giáo.

Lara Logan: Đây có phải là một trong những cộng đồng Kitô giáo cổ xưa nhất trên thế giới không? Hàng nghìn năm?

Đức TGM Bashar Warda: Gần 2,000 năm rồi.

Lara Logan: Và khi Đức Cha nhìn nó ngày nay, thì cộng đồng ấy đang ở đâu?

Đức TGM Bashar Warda: Nó đang biến dạng. Đang chết dần.


Đức TGM Warda cho biết: một cách nghịch lý, dưới thời Saddam Hussein, các Kitô hữu ở Iraq cảm thấy an toàn hơn. Dân chủ đem tới một làn sóng bách hại mới, buộc các Kitô hữu ồ ạt kéo nhau trốn chạy. Khi Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn vào năm 2011, Đức TGM Warda nói rằng tình thế còn trở nên xấu hơn nữa vì các nhà tân lãnh đạo của Iraq không có khả năng cai trị nếu không được người ngoài trợ giúp.

Đức TGM Bashar Warda: Tôi nghĩ sự trợ giúp của Hoa Kỳ là điều cần thiết, cần thiết một cách mạnh mẽ. Bạn không thể để lại một đất nước như thế này mà bảo: “đó, chúng tôi đã giải phóng các anh rồi. Chúng tôi không thể làm công việc thay cho các anh được, chúng tôi phải bước khỏi đây thôi. Đây là đất nước của các anh, liệu mà cai trị”.

Lara Logan: Thành thử, theo Đức Cha, việc bỏ đi năm 2011 cũng gây thiệt hại cho Iraq y như cuộc xâm lăng của Mỹ năm 2003?

Đức TGM Bashar Warda: Đúng. Tôi không đổ lỗi đâu, đây là thực tế. Đây không phải là điều năm 2003 bạn vào đây để làm. 4,000 sinh mạng lính Mỹ chắc chắn không nhằm để tiến tới như ngày hôm nay.


Kitô Giáo ở Iraq được hạ sinh tại các thị trấn và làng mạc ở Bình Nguyên Ninivê, giống như thị trấn này, tên là Tel Isqof, tọa lạc chưa tới 20 dặm về phía bắc Mosul.

Các Kitô hữu sống tại đây và từng đi lại trên các đường phố của nó hơn một nghìn năm nay. Nhưng ngày nay, không còn ai cả, họ đã bỏ đi tất cả. Trốn chạy vì sợ. Và một trong những điều ngỡ ngàng bạn lưu ý ngay là sự im lặng.

Mọi con đường đều hoang vắng. Nhà cửa đồ đoàn bị bỏ rơi. Những thứ khác bị phá hủy. Tel Isqof, trước đây, vốn là nơi nương náu của người Kitô hữu Iraq, cho tới tháng Tám năm ngoái khi ISIS tiến vào và 7,000 Kitô hữu bỏ trốn. Ba tuần sau, binh sĩ Kurds đẩy lui được các tên khủng bố.

Nhưng Cha Rony Hana cho hay ISIS đã làm dân chúng ở đây sợ đến nỗi không dám hồi hương. Ngài cũng sợ như thế, nhưng mỗi sáng trở về hai, ba giờ để trông nom ngôi nhà thờ vốn bị binh lính ISIS sử dụng làm căn cứ. Ngài cho chúng tôi hay: một trong bọn binh lính ấy còn gọi số di động của ngài để hỏi cách sử dụng máy phát điện.

Lara Logan: Chúng thực sự làm thế, chúng hỏi cha điều ấy? Và cha cho chúng biết?

Ngài bảo chúng tôi: “tôi cho chúng hay nó nằm ở góc phía kia và giải thích cách cho máy nổ. Điều cuối cùng tôi nói với chúng là làm ơn trông nom ngôi nhà thờ, nhưng chúng chỉ cúp máy”

Việc thanh trừng các Kitô hữu Iraq khỏi mảnh đất này là một điều mà Đức TGM Sharaf tin các bạn hữu và hàng xóm Hồi Giáo của ngài đáng lý ra phải lớn tiếng phản đối hơn nữa.

Đức TGM Nicodemus Sharaf: Hãy lớn tiếng phản đối. Dĩ nhiên, vẫn còn những người tốt lành trong số các người Hồi Giáo. Không phải mọi người Hồi Giáo đều xấu. Tôi tin như thế. Nhưng nếu còn người tốt thì tiếng nói của họ ở đâu? Không có gì cả. Ít lắm. Ít lắm.

Lara Logan: Với mọi sự xẩy ra cho Kitô hữu ở đây, điều gì mất mát?

Đức TGM Nicodemus Sharaf: Họ làm chúng tôi mất phẩm giá. Tôi xin lỗi khi nói như thế. Chúng tôi không có phẩm giá ngay trên quê hương mình, trên lãnh thổ mình.


Phần lớn những người chúng tôi gặp đều hoan nghinh các cuộc không kích do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhưng họ cũng nói rằng chúng gần như không đủ. Lấy lại Mosul, một thành phố vào khoảng 1.5 triệu dân, được coi là một nhiệm vụ khó khăn. Đức TGM Warda tin rằng quân đội Iraq không thể một mình làm được và bao lâu thành phố còn nằm trong tay ISIS, không một Kitô hữu nào dám hồi hương.

Đức TGM Bashar Warda: Đối với tôi, ISIS là một bệnh ung thư. Nó là một thứ bệnh. Thành thử, đôi khi bạn phải đưa ra biện pháp mạnh, những biện pháp không may để đương đầu và trị dứt chứng ung thư này.

Lara Logan: Vậy là Đức Cha muốn thấy một cuộc tấn công quân sự lớn để lấy lại Mosul?

Đức TGM Bashar Warda: Đúng, để đưa Iraq trở lại tình thế bình thường.

Lara Logan: Và Đức Cha hiểu việc đưa Iraq trở lại tình hế bình thường là tái lập biên giới giữa Iraq và Syria?

Đức TGM Bashar Warda: Đúng thế.

Lara Logan: Bằng cách loại bỏ ISIS, loại bỏ Nhà Nước Duy Hồi Giáo?

Đức TGM Bashar Warda: Không sai chút nào.

Lara Logan: Đánh bại chúng về quân sự?

Đức TGM Bashar Warda: Xin Chúa vui lòng.


Cộng đồng Kitô Giáo đã vội vàng tổ chức dân quân để canh giữ các làng mạc và nhà cửa bị bỏ hoang của họ dọc theo giới tuyến, và họ đang nhận được một ít trợ giúp. Chúng tôi ngạc nhiên tình cờ gặp được người Mỹ tên Brett Felton, một cựu chiến binh theo Kitô Giáo trong chiến tranh Iraq, người đã bằng tiền túi từ Detroit tới đây để huấn luyện các chí nguyện quân Kitô Giáo. Và cả người này nữa, anh Khamis, người cho biết phát xuất từ Úc, được thúc đẩy phải bảo vệ mảnh đất nơi anh sinh ra.

Lara Logan: Anh nghĩ Nhà Nước Duy Hồi Giáo có ý định làm gì với các Kitô hữu ở đây?

Khamis: Quét sạch họ đi. Trở thành số không. Không còn nơi nào mang danh Kitô hữu hay Kitô Giáo.


Các Kitô hữu ở thị trấn tuyến đầu là al Qosh đang sống dưới bóng Nhà Nước Duy Hồi Giáo. Bị đe dọa thường xuyên, các dân quân Kitô Giáo luôn canh chừng dù là lúc đang cử hành đức tin của họ… và tiếp tục thực hành các truyền thống vốn xưa như chính Kitô Giáo trên Bình Nguyên Ninivê này.
 
Top Stories
Singapour: L’héritage paradoxal de la politique religieuse de Lee Kuan Yew
Eglises d'Asie
16:17 24/03/2015
Ce 23 mars, en annonçant le décès de Lee Kuan Yew, les autorités singapouriennes ont décrété un deuil de sept jours dans la cité-Etat afin d’honorer la mémoire et l’œuvre de celui qui fut le premier Premier ministre de Singapour. Une mesure exceptionnelle à la hauteur de la place prise par celui qui restera dans les chroniques comme le fondateur et le maître incontesté d’une réussite économique et d’un « modèle » social unique.

« Lee Kuan Yew a réussi à créer à Singapour un pays qui est un modèle de coexistence pacifique entre les religions ainsi que de liberté religieuse réelle. Suite aux émeutes raciales de 1969, l’harmonie raciale et religieuse a été le leitmotiv de sa politique de construction de la nation. » C’est en ces termes que le P. Joseph de Dinechin, jeune missionnaire français à Singapour, décrit à l’agence Fides l’œuvre de Lee Kuan Yew, mort ce 23 mars à l’âge de 91 ans après avoir été le Premier ministre de Singapour de 1959 à 1990 et avoir, après cette date, exercé une influence prépondérante sur la vie de cette micro-nation peuplée de 5,6 millions d’habitants.

A propos de la liberté de religion à Singapour, le P. de Dinechin, membre de la Société des Missions Etrangères de Paris, rappelle ceci : « Lee Kuan Yew, lui-même officiellement sans religion, était un pragmatique qui avait pris acte que l’aspiration religieuse faisait partie intégrante de l’humanité et que la religion représentait un apport positif à la société ; les différentes religions ont donc eu totale liberté de se développer, pourvu qu’elles ne s’opposent pas au bien commun de la société. » Cette conception des rapports humains a ainsi trouvé à s’appliquer dans une politique du logement volontariste placée sous la houlette du House Development Board (HDB), qui construit les immeubles et oblige à une mixité sociale et religieuse. « Chrétiens, musulmans, hindous, taoïstes et bouddhistes coexistent dans une amitié réelle. A Singapour, le gouvernement est partie prenante du dialogue interreligieux qu’il encourage et coordonne », remarque le missionnaire.

Aujourd’hui, « l’Eglise catholique réunit 6 % des Singapouriens et exerce une réelle influence dans les domaines éducatifs et sociaux ; les fils de Lee Kuan Yew (dont l’actuel Premier ministre Lee Hsien Loong) ont ainsi été éduqués dans des écoles catholiques, et l’Eglise continue d’évangéliser librement et avec passion », indique encore le P. de Dinechin, qui ne cache pas que « des sujets de désaccord » ont pu exister entre l’Eglise catholique et le gouvernement du People’s Action Party (PAP), le parti longtemps hégémonique de Lee Kuan Yew. Ces désaccords ont porté notamment dans les années 1970 sur la politique de limitation drastique des naissances et dans les années 1980 sur la défense des travailleurs migrants, notamment des employées de maison.

Immergée au cœur d’un vaste ensemble malais, la cité-Etat n’était viable que si elle était capable de se construire une identité nationale. Tel était du moins l’objectif qu’avaient à l’esprit les fondateurs de Singapour, et le plus illustre d’entre eux en tête. Lee Kuan Yew a voulu inventer une modernité qui ne soit pas occidentale, mais asiatique. Misant dans un premier temps sur le confucianisme traditionnel, il avait développé une pensée où les religions, quelles qu’elles soient, se devaient d’être au service d’un bien commun défini comme le développement économique et l’élévation du niveau de vie.

Au cours des années 1980, la politique qui en découla se heurta à la naissance d’embryons de société civile, notamment au sein de l’Eglise catholique. Mais le gouvernement réagit alors par la répression, faisant voter une loi de « maintien de l’harmonie religieuse », dont l’objet était de contrôler les espaces de réflexion, éventuellement de contestation, qui seraient venus à exister hors du contrôle gouvernemental, dans les religions. Au fil des années 1990, avec le développement des classes moyennes éduquées, la nouvelle génération de dirigeants qui accéda aux responsabilités se rendit compte que le système avait besoin d’un peu de souplesse, mais il n’était toujours pas admis que la société civile puisse se développer de manière autonome. On parla alors de « société civique » pour désigner la fabrique sociale à l’œuvre à Singapour.

Durant ce demi-siècle de développement économique remarquable, la population singapourienne n’est pourtant pas restée aussi passive que pourrait le laisser penser l’absence de réel débat sur les destinées de la cité-Etat. Selon le Bureau gouvernemental des statistiques, les équilibres entre les « races », pour reprendre la terminologie employée localement, étaient quasi figés : les Chinois représentaient un peu plus de 75 % de la population, les Malais un peu moins de 15 %, les Indiens un peu plus de 8 % et « autres » 2 % ; et, dans ce schéma, l’appartenance religieuse était censée correspondre à l’appartenance ethnique : les Chinois seraient ainsi bouddhistes ou taoïstes, les Malais musulmans, les Indiens hindous et les « autres » chrétiens.

Or, à étudier les chiffres des appartenances religieuses, on constate que la stabilité tant désirée par les autorités ne se vérifie pas : en 1950, Singapour comptait bien 2 % de chrétiens, catholiques et protestants confondus, mais aujourd’hui ils sont entre 16 et 17 % (6 % de catholiques et 11 % de protestants). Comme l’a montré le P. Guillaume Arotçarena, MEP, dans un ouvrage collectif paru en 2009 (Démocratie, modernité et christianisme en Asie, Paris, Les Indes savantes), ceux que l’on pourrait classer sociologiquement parmi les classes moyennes supérieures sont « passés » au christianisme, vécu comme porteur de modernité. Parallèlement, l’agnosticisme de type occidental ainsi que le bouddhisme réformé ont eux aussi gagné du terrain, mais précisément par qu’au sein des classes moyennes montantes, ils ont su intégrer des pratiques et des valeurs considérées comme occidentales.

L’ironie de l’histoire, analyse encore le P. Arotçarena, est que si Lee Kuan Yew n’a cessé de chercher un modèle de modernité démarqué de la modernité occidentale, il a échoué sur ce point car la modernité singapourienne est en grande partie nourrie par les représentations du monde que lui fournit le christianisme, ici associé au monde occidental. (eda/ra)

(Source: Eglises d'Asie, le 24 mars 2015)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Việc đọc bài Thương Khó có được diễn như kịch không?
Nguyễn Trọng Đa
05:35 24/03/2015
Giải đáp phụng vụ: Việc đọc bài Thương Khó có được diễn như kịch không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tại giáo xứ chúng con, có yêu cầu diễn tuồng Thương Khó, nhằm thay thế hoặc như một phần của bài Thương Khó thứ Sáu Tuần Thánh. Linh mục có thể đọc phần của Chúa Giêsu, nhưng mỗi nhân vật khác nhau trong bài Thương Khó sẽ được đại diện và thực sự được diễn bởi một "diễn viên" khác nhau trong bài. Thưa cha, việc này có được phép trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh không? Cha xứ chúng con không tìm thấy bất cứ điều gì để hỗ trợ hoặc từ chối việc này, và các chức sắc giáo phận cũng không rõ ràng trong việc cho phép hoặc từ chối cho việc này diễn ra. - J. Z., Columbia, South Carolina, Mỹ.


Đáp: Việc đọc bài Thương Khó ngày Chúa Nhật Lễ Lá và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh cho phép một số yếu tố kịch, trong khi không nói gì đến việc diễn xuất. Các người đọc hoặc người hát duy trì tính chất trang trọng truyền thống của nghi thức, và tránh điệu bộ nét mặt và cử chỉ bề ngoài.

Thư Luân Lưu 1988 về việc chuẩn bị Lễ Phục Sinh, do Thánh Bộ Phụng Tự ban hành năm 1988, nói như sau:

"64. Trình tự cho việc cử hành cuộc Thương Khó của Chúa (phụng vụ lời Chúa, tôn thờ Thánh giá, và Rước lễ), vốn bắt nguồn từ một truyền thống cổ xưa của Giáo Hội, cần được tuân giữ một cách trung thực và theo tôn giáo, và không thể được thay đổi bởi bất cứ ai, theo sáng kiến riêng của mình.

"66. Các bài đọc sẽ được đọc toàn bộ. Thánh vịnh đáp ca và thánh ca trước bài Tin mừng cần được hát theo cách thông thường. Bài Thương Khó của Chúa theo thánh Gioan được hát hay đọc theo cách quy định cho ngày Chúa Nhật trước đó (xem số 33). Sau khi bài Thương Khó được đọc xong, linh mục có thể giảng, sau đó các tín hữu được mời gọi suy niệm trong chốc lát".

Số 33 được nêu ở trên mô tả việc đọc bài Thương Khó như sau:

"33. Việc đọc bài Thương Khó chiếm một vị trí đặc biệt. Bài Thương Khó nên được hát hay đọc theo cách truyền thống, nghĩa là, bởi ba người đóng vai Chúa Giêsu, người kể và dân chúng. Bài Thương Khó được công bố bởi các phó tế, linh mục hoặc giáo dân. Trong trường hợp giáo dân giữ hai vai trò, phần của Chúa Kitô nên được dành cho linh mục.

"Việc công bố bài Thương Khó diễn ra không có nến đốt và không xông hương; lời chào của linh mục và việc làm dấu Thánh giá bị bỏ qua; chỉ có phó tế xin phép lành của linh mục, như thầy thường làm trước khi đọc bài Tin Mừng”.

Như vậy, việc đọc bài Thương Khó gồm ba người đọc hoặc ba người hát, mỗi người đóng vai một nhân vật đặc biệt. Một người đóng vai người kể chuyện, một người khác, thường là linh mục, nói các lời của Chúa chúng ta, và một người đóng vai các nhân vật khác.

Ca đoàn hay cả cộng đoàn có thể đóng vai đám đông, hoặc thay cho nhiều nhân vật trong Tin Mừng phát biểu cùng một lúc.

Hiệu ứng "kịch tính" và thiêng liêng trên cộng đoàn, khi chính họ, chứ không phải một người, hô to “Đóng đinh nó vào Thập giá”, có thể là khá cảm động, và có thể nói rõ hơn trách nhiệm của tội lỗi cá nhân của mỗi người đối với cuộc Khổ Nạn của Chúa chúng ta.

Tại Tòa thánh Vatican, bài Thương Khó ngày Chúa Nhật Lễ Lá đã được hát trong nhiều năm qua, bằng tiếng Ý, bởi ba phó tế và ca đoàn. Các phó tế duy trì một cung giọng nghiêm trang đúng mực, mặc dù có thay đổi nhỏ trong cung giọng của mỗi người. Ca đoàn hát phần của đám đông trong đa âm.

Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tiến trình cũng diễn ra như vậy, nhưng dùng tiếng Latinh truyền thống, với ca đoàn Sistine giữ phần của đám đông trong đa âm. Trong mỗi buổi như vậy, bài Thương Khó kéo dài khoảng 50 phút.

Hệ thống chia bài đọc thành nhiều phần đôi khi cũng được cho phép trong Thánh Lễ dành cho Thiếu nhi, nếu tiến trình này tạo điều kiện dễ dàng cho việc hiểu bài đọc (xem số 47 của Hướng dẫn về Thánh Lễ dành cho Thiếu nhi).

Tuy nhiên, điều này là khác với việc diễn xuất bài Thương Khó, vốn có thể có tác dụng ngược lại với điều sách phụng vu mong muốn. Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma đề cập chủ đề này trong số 38 về "Cách đọc các bản văn khác nhau”:

“Khi vị tư tế, người giúp lễ hay mọi người phải đọc các bản văn cách rõ ràng và lớn tiếng, thì phải liệu sao cho giọng nói phù hợp với từng loại bản văn, tùy như đó là bài đọc, lời nguyện, lời nhắn nhủ, lời tung hô hay bài hát, đồng thời cũng phải phù hợp với hình thức cử hành và tính cách long trọng của buổi lễ. Ngoài ra, còn phải để ý đến tính chất của các ngôn ngữ khác nhau và cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc.

Vậy trong các nghi tiết và các quy tắc sau đây, các từ "nói" hay "đọc" phải hiểu cả về hát lẫn đọc, miễn là giữ các nguyên tắc nêu trên” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Do đó, văn bản này nhắc trước hết đến cung giọng, chứ không nhắc đến việc kèm theo lời đọc cử chỉ nét mặt hoặc điệu bộ khác. Điều này là phù hợp với tính nghiêm trang đứng đắn truyền thống của nghi lễ Roma, và với bản chất thừa tác của các công việc phục vụ, như việc đọc sách chẳng hạn.

Tôi tin rằng tiêu chuẩn nền tảng chính là việc phục vụ lời Chúa. Công tác của người đọc là nêu ra và công bố ý nghĩa của sứ điệp của Chúa với hết khả năng của mình, đồng thời tránh gây sự chú ý vào người đọc bằng y phục hoặc điệu bộ.

Cũng có thể có sự nguy hiểm nào đó của người đọc, khi áp đặt sự giải thích các cảm xúc của mình, được giấu kín trong đoạn văn, hơn là cho phép lời Chúa nói tâm tình với mỗi thành viên của cộng đoàn.

Do đó, một số biến đổi trong ngữ điệu là được mong muốn, để làm rõ ý nghĩa của bản văn, chẳng hạn để phân biệt một câu hỏi với một lời khuyên, hay tiếng kêu lòng thương xót với việc ban sự thương xót.

Việc sử dụng một cung giọng không thay đổi hoặc đơn điệu cho cả đoạn văn là làm hại cho lời Chúa và cho cộng đoàn. Nhưng bất kỳ gợi ý nào về diễn xuất, cho dù bằng nét mặt, cử chỉ, thay đổi ngữ điệu hay giọng nói cho các nhân vật khác nhau, cũng cần phải tránh, vì chúng có xu hướng thu hút sự chú ý đi xa văn bản và chỉ hướng tới người đọc.

Các cung giọng Latinh truyền thống cho việc hát các bài đọc có thể gợi ý một mô hình cho việc đọc sách thánh, hoặc thậm chí cho việc soạn nhạc mới theo tiếng mẹ đẻ để hát Kinh Thánh, như đã thực hiện thành công trong một số ngôn ngữ.

Việc hát các bản văn, ít là vào các dịp lễ trọng, nhắc nhở chúng ta rằng đây không phải là bản văn bình thường, nhưng là lời Chúa nói với chúng ta. Nó cũng giúp tăng sự chú ý nhiều vào lời Chúa.

Năm 2005, một độc giả đã cung cấp một gợi ý có giá trị như sau, dựa vào kinh nghiệm, mà tôi nghĩ là đáng được nhắc lại ở đây:

"Khi dạy các người đọc sách và chủng sinh, tôi thấy là hữu ích để nói với họ là họ nên tự nghĩ mình như “đang ở tại đài phát thanh”, chứ không “như đang trình diễn trên đài truyền hình”. Điều này làm cho họ phải suy nghĩ cách tốt nhất để sử dụng giọng nói của mình để rao giảng lời Chúa, không bị xao lãng bởi việc “nhìn vào cộng đoàn, cử chỉ nét mặt, điệu bộ…”. Cách tiếp cận này cho phép người đọc quan tâm đến người nghe, làm cho ý nghĩa của văn bản trở nên rõ ràng trước mặt họ - khi Chúa đang nói qua miệng của họ. Nó cũng cho phép họ nhận ra rằng “lời họ nói” là lời Chúa sống động, và do đó, là điều quan trọng nhất. Nó cũng làm cho họ tránh diễn kịch cho bản văn". (Zenit.org 24-3-2015)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thập Giá Giữa Trời Xanh
Tấn Đạt
20:54 24/03/2015
THẬP GIÁ GIỮA TRỜI XANH
Ảnh của Tấn Đạt
Chúa là Tình Yêu !.