Ngày 27-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn vào phụng vụ Tuần Thánh
LM. Jos. Trương Đình Hiền
08:33 27/03/2010
DẪN VÀO PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH

I. Ý NGHĨA TỔNG QUÁT PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH

Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô cùng những biến cố gần gũi chung quanh sự kiện đó hợp thành một “giai đoạn” cao trọng nhất, một “điểm nhấn chót vót” trong Năm Phụng Vụ. Bởi vì, như lời khẳng định của Hội Thánh: Chúa Kitô đã hoàn thành công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa “nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, khi Người chịu chết, Người sống lại từ cõi chết và lên trời. Trong mầu nhiệm Vượt Qua nầy, Người đã chết để tiêu diệt cái chết của chúng ta, và sống lại để ban cho ta nguồn sống mới”. (Hiên chế PV số V). Vì thế, “Hội Thánh Mẹ chúng ta, tưởng niệm Chúa phục sinh, mỗi tuần vào Ngày Chúa Nhật, và còn họp mừng Chúa đã chịu khổ nạn và đã phục sinh mỗi năm một lần vào kỳ đại lễ Phục Sinh” (PV số 102).

Tất cả chiều kích trọng đại và thánh thiện đó được Phụng vụ tập trung cử hành trong một TUẦN LỄ ĐẶC BIỆT gọi là TUẦN THÁNH.

Sau đây là lược tóm các cử hành phụng vụ của Tuần Thánh.

1. Khai mạc Tuần Thánh đó là cử hành Phụng vụ CHÚA NHẬT LỄ LÁ: kỷ niệm việc Chúa Kitô khải hoàn vào thành Giêrusalem để bắt đầu cuộc “vượt qua” đẩm máu và vinh quang.

2. Trong Tuần Thánh có 3 ngày rất thánh gọi là TAM NHẬT VƯỢT QUA: Bắt đầu từ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH và kết thúc vào CHIỀU CHÚA NHẬT PHỤC SINH. Trong TAM NHẬT VƯỢT QUA nầy, các tín hữu đem lòng tôn kính mế yêu và “tưởng-niệm-tái-diễn” những gì Chúa Giêsu đã làm từ “Bữa ăn sau hết” với các môn sinh (Lễ Tiệc Ly, Thứ Năm Tuần thánh), với cuộc khổ nạn đau thương (Thương khó, Thứ Sáu Tuần Thánh) và cuộc vượt qua bóng đêm sự chết, khải hoàn vào ánh sáng vinh quang phục sinh (Đêm Vọng Phục Sinh), để rồi xuất hiện giữa các môn sinh vào NGÀY THỨ NHẤT TRONG TUẦN (Chúa Nhật Phục Sinh).

3. Cao điểm chót vót của Phụng Vụ Tuần Thánh, của Tam Nhật vượt Qua, và cũng là của cả Năm Phụng Vụ, đó chính là Đêm Vọng Phục Sinh. Trong Đêm Canh Thức cực thánh nầy, các tín hữu ngày từ buổi sơ khai, tụ tập nhau khi đêm xuống, mừng kính TOÀN THỂ MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ DO CHÚA KITÔ THỰC HIỆN. Hình thức cuộc mừng long trọng trong một đêm canh thức nầy bắt nguồn từ cuộc mừng “VƯỢT QUA” của dân Ít-ra-en, nhưng với một nội dung mới mẻ: Cuộc Vượt Qua mới của Chiên Vượt Qua đích thực là chính ĐỨC KITÔ.

“Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta.Vì thế, ta hãy lấy bánh không men tượng trưng lòng chân thật tinh tuyền mà ăn mừng đại lễ.” (1 Cr 5,8).

4. Còn một sự kiện khác liên quan mật thiết với các cử hành Phụng vụ Tuần Thánh đó là: trong những ngày nầy, các anh chị em dự tòng được tuyển chọn, kết thúc thời kỳ chuẩn bị để chính thức được lãnh nhận các Bí tích gia nhập Kitô giáo vào thánh lễ Đêm Vọng Phục Sinh.

Phần các Kitô hữu, Tuần Thánh cũng là thời gian kết thúc chu kỳ trai tịnh với tâm hồn sám hối sâu đậm và sự trở lại trọn vẹn hơn để thực sự hội nhập vào cuộc Vượt Qua của Đức Kitô.

Để đánh giá đúng mức ý nghĩa và tầm quan trọng bậc nhất của cử hành Phung Vụ Tuần Thánh, Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta có thể đọc lại lời khẳng định của sách lễ Rôma: “Tam Nhật Vượt Qua kính nhớ Chúa chịu nạn và sống lại là điểm cao chói lọi của Năm Phung Vụ”

II. DẪN VÀO CÁC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH

A/. CHÚA NHẬT LỄ LÁ

1. Dẫn nhập trước Ca Nhập lễ:

Cộng đoàn Dân Chúa hôm nay họp nhau để cử hành một thánh lễ đặc biệt: LỄ KỶ NIỆM VIỆC CHÚA KITÔ KHẢI HOÀN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM để chính thức khai mạc “Hành trình Vượt Qua” của Người, tức là biến cố Người chịu khổ nạn đau thương và phục sinh vinh quang. Thật vậy, Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật khai mạc Tuần Thánh, một tuần lễ đặc biệt nhất và cũng cao trọng nhất của Năm Phụng Vụ. Bởi vì trong Tuàn Thánh nầy, Hội Thánh kỷ niệm lại những biến cố quan trọng nhất mà Chúa Kitô đã thực hiện để hoàn tất Chương trình tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi con người.

Giờ đây, chúng hãy sốt sắng hát Ca nhập lễ, đón đoàn chủ tế vào cử hành Phụng Vụ Lễ Lá.

2. Dẫn nhập trước nghi thức kiệu lá:

Đây là một nghi thức giản đơn gợi nhớ lại việc Chúa Giêsu Kitô khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem với tư cách là Đấng Được Xức Dầu, Đấng Thiên Sai, như lời loan báo của các sứ ngôn (Dcr 9,9-10). Hành vi nầy của Chúa Giêsu chính là MỘT TIA SÁNG RỌI CHIẾU VÀO HÀNH TRÌNH KHỔ NẠN của Ngài để báo trước rằng: Khởi từ thập giá, ánh vinh quang phục sinh bắt đầu chỗi dậy, cuộc toàn thắng và ơn cứu rỗi khởi sự thành đạt.

3. Dẫn vào các Bài đọc Lời Chúa:

· Bài đọc 1: “Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê” cho dầu phải chịu nhục hình vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

· Bài đọc 2: Chúa Giêsu Kitô đã tự hạ và vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên cây thập giá. Chính với sự tự hạ thẳm sâu đó, Thiên Chúa đã tôn vinh Người. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

NHỮNG NGÀY ĐẦU TUẦN THÁNH

THỨ HAI TUẦN THÁNH

Hôm nay, phụng vụ mời gọi chúng ta theo chân Chúa Giêsu trên những chặng đường và biến cố cuối cùng của cuộc đời Ngài. Đặc biệt trích đoạn Tin Mừng với biến cố “Xức dầu tại Bêtania” vào ngày thứ hai trong tuần lễ cuối cùng của Chúa Giêsu vừa như dấu chỉ tiên báo cái chết và sự phục sinh của Ngài, vừa là một hành vi diễn tả một tình yêu trao ban, hiến tặng mà chỉ những ai thuộc về Ngài một cách đích thực mới có thể dấn thân thực hiện. Trong khi đó, bài đọc 1, trích đoạn trong sách I-sa-i-a đệ nhị, là những sấm ngôn đẹp nhất đã khắc hoạ hình ảnh một Vị Cứu Thế, một Đấng Tôi Tớ Gia-vê nhân hiền; đó chính là chân dung của vị “mục tử nhân hiền”, chân dung của chính Đức Kitô bình thản bước vào con đuờng khổ nạn để thực thi thánh ý Chúa Cha và mang cứu độ cho toàn thể chúng sinh.

Chúng ta hãy cùng nhau hát ca nhập lễ để sốt sắng bước vào thánh lễ trong tâm tình tri ân cảm tạ và một tình yêu sâu lắng kết hợp với chính Chúa Giêsu một lần nữa đang tái diễn hành vi tự hiến của Ngài trên bàn thờ trần gian.

THỨ BA TUẦN THÁNH

Từ khung cảnh “Xức dầu ở Bê-ta-ni-a” vào chiều Thứ Hai, phụng vụ hôm nay đưa chúng bước thẳng tới khung cảnh bữa Tiệc ly Ngày Thứ Năm. Ngoài chân dung Đức Ki-tô được Tin Mừng Gioan khắc hoạ bằng một thái độ bình thản, sáng suốt và đầy tế nhị thân thương khi đối diện với cái chết, với phản bội, phụng vụ hôm nay còn mời gọi chúng ta nhìn ngắm 3 gương mặt khác: Một Gioan: thân mật tựa đầu vào ngực Chúa, một Phêrô, nhiệt thành nhưng nông nổi đã được Chúa Giêsu cảnh báo về lần phản bội trong đêm Ngài bị nộp; và nhất là một Giu-đa lầm lỳ trong cố chấp chối từ, không đếm xỉa gì đến những gọi mời thân thương và nhắc nhở tế nhị của Thầy Chí Thánh.. Qua thái độ của Chúa Giêsu và các nhân vật nầy, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết đón nhận thánh ý của Chúa trong mọi biến cố cuộc sống với thái độ vâng phục yêu mến của người con thảo đối với Cha, biết luôn gặp gỡ kết hợp với Đức Kitô và đón nhận Ngài vào cuộc và biết không ngừng lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần để khiêm hạ ăn năn sám hối và canh tân cuộc sống.

Giờ đây, chúng ta hãy cùng đứng lên hát ca nhập lễ để bắt đầu hiệp dâng Thánh lễ, tái diễn mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Đức Kitô để cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi trở thành của lễ sống động đáp trả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Sứ điệp Phụng vụ hôm nay một lần nữa tập chú vào “thái độ tự hạ đón nhận thương đau của Người Tôi Tớ Đau Khổ của Gia-vê” qua trích đoạn sách Sứ Ngôn I-sa-i-a và “Sự Kiện Bữa iệc Ly” được tin mừng Matthêô tường thuật. Hình ảnh Đức Ki-tô đi vào cuộc Thương Khó với thái độ vâng phục trong tình yêu đối với Chúa Cha nhắc chúng ta nhớ lại lời thư Hi-bá đặt trên miệng Ngài khi Ngài nhập thể vào trần gian: ” Nầy con xin đến để thực thi ý Cha”. Tuy nhiên, qua hình ảnh và cung cách ứng xử của Giu-đa, chúng ta lại thấy trách nhiệm của loài người chúng ta trong cái chết của Con Một Thiên Chúa. Thật vậy, phải chăng, Giu-đa là đại biểu của muôn thế hệ nhân loại đã chọn tiền bạc, sự giàu sang thế tục, uy quyền của vật chất để đứng lên chối từ Thiên Chúa và sự thánh thiện của Ngài. Một lần nữa, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nghiêm túc đối diện với Đức Ki-tô, với Thánh Thể với Lời Chúa để kiểm tra lại hành trình đức tin của chúng ta và mức độ trung tín của chúng ta đối với Thiên Chúa, với Đức Ki-tô và với Hội Thánh.

Giờ đây, chúng ta hãy hiệp lời hát ca nhập lễ để bắt đầu thánh lễ.

TAM NHẬT VƯỢT QUA – THỨ NĂM TUẦN THÁNH

1. Giới thiệu tổng quát Phung vụ Tam Nhật Vượt Qua :

Mỗi người Kitô hữu cũng như toàn thể Dân Thiên Chúa, cảm thấy có nhu cầu phải lần lượt ôn lại, trong kỳ Đại lễ Vượt Qua hằng năm, những gì xảy ra trong cuộc Thương khó của Chúa Giêsu như các sách Tin Mừng thuật lại. Từ Bữa tối Người ngồi ăn với các môn đệ trước khi đi chịu chết, cho đến lần Người hiện ra với cũng các môn đệ đó “Ngày Thứ Nhất trong tuần” kế tiếp, tất cả những gì Người đã làm, nhất là việc Người chết và sống lại, đều đem lại ơn cứu độ, tất cả những gì Người nói đều là Lời cứu độ.

Hội Thánh xưa nay vẫn đặc biệt lưu tâm đến việc cử hành “ba Ngày trọng đại nhất trong đó Chúa Kitô đã chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh” (St. Ambrosiô). Tam Nhật Vươt Qua bắt đầu với THÁNH LỄ TIỆC LY chiều Thứ Năm Tuần thánh, và kết thúc vào chiều Chúa Nhật Phục sinh, sau khi đã đạt tới những giờ phút sốt sắng nhất trong buổi CANH THỨC ĐÊM VỌNG PHỤC SINH, là Đêm gồm tóm tất cả việc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.

2. Dẫn vào cử hành Phụng vụ Lễ Tiệc Ly:

a/. Dẫn nhập trước ca Nhập lễ: Mỗi lần cử hành Lễ Tạ Ơn, chúng ta tái diễn và hiện thực hóa BỮA TIỆC VƯỢT QUA mà Đức Kitô và các môn sinh của Người đã thực hiện vào buổi chiều Thứ Năm trước khi Ngài bước vào cuộc Thương Khó. Tuy nhiên, không có giây phút nào mà Phụng vụ Thánh Lễ lại mang một ý nghĩa sâu xa, một cung cách đậm đà, hiện thực, như Thánh lễ chiều hôm nay, LỄ TIỆC LY CHIÈU THỨ NĂM TUẦN THÁNH cử hành khai mạc TÂM NHẬT VƯỢT QUA. (Xem Hiến chế PV số 102 và Sách Lễ Rôma)

Thật vậy, chúng ta được mời gọi đi vào của hành Phụng vụ chiều hôm nay không chỉ bằng một ý thức đức tin không thôi, nhưng là phải hội nhập vào đó toàn thể trái tim, ý chí, và cả tưởng tượng nữa. Đó có nghĩa là chúng ta phải vận dụng toàn thể con người chúng ta để sống lại cái “GIỜ” của Đức Kitô, “Giờ” mà ở đó, Ngài đã biến bữa tiệc Vượt Qua của Do Thái giáo thành TIỆC VƯỢT QUA CỦA GIAO ƯỚC MỚI NGÀN ĐỜI TỒN TẠI (1 Cr 11,25). Giao ước bằng chính máu đào hy sinh Ngài tuôn đổ ra trên thập giá mà TẤM BÁNH LY RƯỢU là hiện thực đi trước (1 Cr 11,25).

Cùng với Mầu Nhiệm Thánh Thể được “Tưởng niệm tái diễn” cách hiện thực, trong thánh lễ Tiệc Ly chiều nay, chúng ta môt lần nữa được sống lại tâm tình cảm tạ và yêu thương của các môn sinh Đức Kitô, khi chứng kiến hình ảnh khiêm nhu và phục vụ đầy yêu thương của Thầy Chí Thánh khi quỳ xuống rửa chân cho các môn sinh và tiếp đó ân cần ban cho họ “Điều Răn Mới”, điều răn yêu thương, bác ái.

Sau cùng, cũng chính chiều hôm nay, trong thánh lễ Tiệc Ly nầy, chúng ta cảm nhận cách sâu xa hồng ân của bí tích truyền chức. Chính nhờ thánh chức linh mục, Giám mục mà Hy tế Đức Kitô mãi mãi nối dài trên bàn thờ nhân loại. Chúng ta cầu nguyện cho thế giới hôm nay có được nhiều phó tế, linh mục, giám mục như lòng Chúa mong ước.

Giờ đây chúng ta cùng sốt sắng hát Ca Nhập Lễ bắt đầu thánh lễ.

b/. Dẫn trước các Bài đọc:

Bài đọc 1: Qua cuộc Hy tế thập giá, Đức Kitô đã trở nên “Chiên Vượt Qua đích thực” mà Cựu ước đã tiên báo qua lễ Vượt Qua của Do thái giáo, Chiên Vượt Qua mới mang lấy và xóa sạch tội lỗi trần gian, đưa con người vào cuộc “giải phóng mới” đích thực và trọn hảo.

Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

Bài đọc 2: “Lễ Vượt Qua mới’ do Đức Kitô thực hiện một lần qua Hy tế Thập Giá, đã được mầu nhiệm Thánh Thể làm cho tái diễn hiện thực trong lịch sử, và liên kết chúng ta với cuộc Vượt Qua của Ngài, khi chúng ta thông hiệp Mình Máu Thánh Ngài. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

c/. Dẫn trước nghi thức Rửa chân:

Như vậy, hành vi rửa chân là biểu tượng của việc Ngài sắp hư vô bản thân mình trên Thập Giá. Hình ảnh Đức Giêsu bưng chậu nước, quì dưới chân các môn đệ là hình ảnh một Thiên Chúa cao sang nhưng «không nghĩ phải dành cho được địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa….song đã hũy mình ra không tức là lĩnh lấy phận tôi đòi.. » (Phi.2,5-7).

TAM NHẬT VƯỢT QUA – THỨ SÁU TUẦN THÁNH

1. Giới thiệu tổng quát Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh :

Theo truyền thống lâu đời của Hội Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày CHAY VƯỢT QUA, ngày Kỷ Niệm việc CHÚA GIÊSU CHỊU THƯƠNG KHÓ VÀ CHỊU CHẾT. Tuy nhiên, cử hành Phụng vụ chiều hôm nay không đơn thuần là một cuộc họp tưởng niệm các đau khổ và nhục hình của biến cố Thương Khó. Nhưng cốt lõi, đó chính là họp mừng “VINH QUANG THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ”. Vì mỗi lần Hội Thánh tưởng niệm việc Chúa chịu chết, thì đồng thời cũng tuyên xưng Người đã sống lại.

Tiến trình Phụng Vụ chiều hôm nay bao gồm 3 cử hành: Phụng Vụ Lời Chúa, Tôn thờ Thánh Giá và Hiệp Lễ.

· Phụng Vụ lời Chúa: Với 3 Bài đọc như trong thánh lễ Chúa Nhật. Đặc biệt, Bài Tin Mừng hôm nay luôn luôn là Trình thuật Thương Khó theo Tin Mừng Thánh Gioan. Kết thúc Phần Phụng Vụ Lời Chúa là phần Kinh Nguyện Đại Đồng long trọng mang tính truyền thống và hướng đến mọi nhu cầu của nhân loại.

· Tôn thờ Thánh Giá: Thánh giá được giương để cộng đoàn tôn thờ và hôn kính.

· Hiệp lễ: Sau cùng cộng đoàn thông hiệp Mình Thánh Chúa Kitô.

Giờ đây, chúng ta cùng lắng đọng tâm tình trong thái độ tin yêu, sốt sắng, cùng với sự yên lặng nội tâm hướng để đón tiếp đoàn đồng tế bắt đầu cử hành Mầu Nhiệm Khổ Nạn và vinh quang Thập Giá Đức Kitô.

2/. Dẫn trước các Bài đọc:

· Bài đọc 1: Trích đoạn sách sứ ngôn Isaia tiên báo cuộc Thương Khó của Đấng Cứu Thế qua hình ảnh “NGƯỜI TÔI TỚ ĐAU KHỔ CỦA GIAVÊ”. Sứ điệp nầy làm bật nổi cái “GIỜ” của Đức Kitô, Giờ Khổ Nạn để chính thức thực hiện Chương trình cứu rỗi. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

· Bài đọc 2: Thư Do Thái trình bày chân dung Đức Kitô là Vị Thượng Tế cao cả từ trời “vâng phục thánh ý Chúa Cha”, hóa thân nhập thể “sống trọn thân phận con người”. Nhờ đó đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

3/. Dẫn trước phần Kinh nguyện đại đồng:

Giờ đây, cộng chúng ta, lắng nghe lời gọi mời của Chủ Tế và thành tâm hiệp thông với Ngài trong những lời cầu nguyện sốt sắng cho mọi nhu cầu của nhân loại và Hội Thánh.

4/. Dẫn trước Nghi Thức Tôn Thờ Thánh Giá:

Thánh Giá hôm nay xuất hiện trước cộng đoàn chúng ta với một cung cách long trọng khác thường. Trong khi tôn vinh Thánh Giá, chúng ta tôn thờ chính Chúa Kitô, Đấng đã dùng thập giá để biểu lộ tình yêu thương cao vời dành cho Thiên Chúa Cha và cho loài người. Cử hành Tôn Thờ Thánh giá hôm nay cũng nói với chúng ta rằng: Chính qua nẻo đường thập giá, Đức Kitô đã bước vào vinh quang Phục sinh. Xin cộng đoàn sốt sắng đón mừng Thánh Giá Chúa Kitô.

5/. Dẫn trước Nghi thức Hiệp Lễ:

Kết thức cử hành chiều hôm nay đó là cuộc thông hiệp Mình và Máu Chúa Kitô. Giây phút nầy nói lên tính cách hiện thực của mầu nhiệm chúng ta đang cử hành. Thật vậy, cử hành chiều hôm nay, không phải là cuộc tưởng niệm suống cuộc khổ nạn đã qua của Đức Kitô, mà chính là sự thông hiệp trọn vẹn và hiện thực với Đấng đã giải thoát chúng ta khổi tội lỗi bằng cuộc khổ bạn và cái chết đau thương của Ngài. Chúng cùng sốt sắng đón nhận Mình Thánh Chúa Kitô.
 
Tình Yêu Chúa Ôi Vĩ Đại
Tuyết Mai
09:48 27/03/2010
Chúa Nhật Lễ Lá

Con người thật có nhiều bộ mặt, ai đã từng coi phim Cuộc Khổ Nạn Của Chúa, không ai có thể ngăn được những giòng lệ tuôn, không ai có thể giữ được tình cảm ướt át của mình, không ai mắc cở nếu mình có khóc, bởi đâu phải chỉ có một mình mình là khóc đâu!? Có người còn khóc rất là thảm thiết!? Có người xỉu tại chỗ khi thấy Chúa Giêsu bị tra tấn thật dã man và khi Chúa bị đóng đinh vào Thập Giá!.

Công nhận làm con người thì ai cũng rất giầu tình cảm, nhất là những ai thích coi phim bộ tình cảm xã hội, bởi những người này là những người thích sống tình cảm ướt át, coi phim nào thì cũng bị ảnh hưởng?? Hễ ai trong tuồng mà đóng vai ác thì các bà, các ông, các cô, chửi họ rất thậm tệ; còn ai mà đóng vai hiền lành bị hiếp đáp thì thấy rất là thương cảm!? Cho nên tất cả những phim bộ tình cảm xã hội càng rối rắm, càng làm cho người xem khóc nhiều, thì phim ấy đã đạt được mức thành công.

Cuộc Tử Nạn của Chúa cũng thế thưa anh chị em!? Năm nào thì phim Passion Of The Christ cũng được chiếu đi chiếu lại trong suốt Tuần Thánh và trước ngày Lễ Lá. Tâm trạng của chúng ta tất cả tôi không biết anh chị em ra sao khi coi lại phim này!? Chứ riêng tôi thì hễ coi là khóc, coi xong một tuồng thì đầu tôi nhức như búa bổ vì khóc, nhưng rồi sau khi coi phim xong không biết anh chị em có suy niệm gì về Cuộc Thương Khó Của Chúa không? Và nếu có thì tôi và anh chị em đã, đang, và sẽ làm được điều gì để được thông phần trong sự đau khổ của Chúa Giêsu? Hay chúng ta có tâm trạng là coi xong phim thì là xong, có nghĩa là phim thì chỉ là phim mà thôi! Cũng cho chúng ta một xúc cảm tương đối y như xem những phim tình cảm khác, có nghĩa là dù là phim Cuộc Tử Nạn Của Chúa Giêsu mà người đóng vai chính là Chúa Giêsu, anh đã thành công trong vai tuồng của anh, là anh đã lấy được bao nhiêu nước mắt của khán thính giả, và hãng phim đã thâu được biết bao nhiêu tiền trong suốt thời gian phim được chiếu trước đây vài năm??

Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu hằng năm đã nhắc nhở gì cho chúng ta trong cuộc sống thưa anh chị em!? Ngoài sự giữ đạo là đi xưng tội lỗi của mình, nếu rảnh thì đi dự ngắm 14 Đàng Thánh Giá, nhiều giáo xứ có đóng tuồng diễn lại Chặng Đàng của Chúa Giêsu, rồi thì xem lễ và rước mình máu thánh Chúa, rồi thì tụ họp nhau lại từng nhà một để đọc kinh, để giúp chúng ta sống thánh thiện hơn trong Mùa Chay năm nay! Rồi thì gì nữa thưa anh chị em? Chúng ta đã làm đủ mọi lễ nghi, giữ đạo như thế thưa đã đẹp lòng Chúa chưa nhỉ!?? Hay Chúa còn trông mong ở chúng ta điều chi khác nữa!?? Theo tôi nghĩ nếu chỉ ngần ấy lễ nghi chúng ta giữ thì chẳng khác nào chúng ta chỉ là những con người đi coi phim mà thôi! Vì coi phim thì chúng ta vào rạp hát trả tiền, khóc lóc, hay có cười ra nước mắt, rất thỏa mãn vì xem được một phim rất hay, rất đáng đồng tiền chúng ta bỏ ra, rồi thì ra về là hết, nếu có thì cũng để lại trong trái tim chúng ta một câu chuyện tình cảm hay, cho đến khi chúng ta lại đi xem một phim tình cảm hay khác???

Chuyện phim Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, nếu chúng ta có từng xem đi xem lại, chúng ta sẽ thấy rằng nhân vật nào trong tuồng, cũng đều cho chúng ta thấy rằng mình có thể là tất cả trong từng ấy nhân vật!? Từ 12 Tông Đồ, Phêrô chối Chúa 3 lần; Giuđa bán Chúa lấy 30 đồng bạc; những Tông Đồ còn lại đã sợ hãi bỏ chạy tứ tán; cho đến tất cả những người muốn kết án Chúa Giêsu!? Vâng, ngay cả chúng ta là những con người tung hô Chúa, lót áo trải lá cho Chúa tiến vào thành Giêrusalem để hoàn tất Mầu Nhiệm Vượt Qua. Tất cả mọi người miệng tung hô Chúa, tay cầm những nhành lá, đón tiếp Ngài như một vị Vua, để rồi sau những lời tung hô đó, vài ngày sau họ cũng lại hô hào và muốn đóng đinh Chúa vào Thập Giá.

Đấy! Con người nhân loại của chúng ta có rất nhiều bộ mặt là như vậy đấy! Cũng như chuyện được nghe kể lại rằng có một nhà họa sĩ rất nổi tiếng đã chịu khó đi tìm cho được người làm mẫu có một khuôn mặt hiền từ y như Chúa Giêsu vậy! Và anh đã tìm được người mẫu ấy và anh đã hoàn thành một bức họa rất là nổi tiếng và rất thành công. Bao nhiêu năm sau, anh họa sĩ này lại một lần nữa đi khắp mọi nẻo đường để tìm kiếm cho anh một người mẫu có khuôn mặt gian ác như tông đồ Giuđa. Anh họa sĩ sau bao nhiêu năm tìm kiếm và sau cùng anh cũng đã tìm gặp và cũng rất tâm đắc với bức họa của mình. Đặc biệt một điều mà anh họa sĩ phải vô cùng ngạc nhiên mà không thể tin nổi ở mắt của mình là anh người mẫu này sau nhiều năm lại thay đổi diện mạo của mình nhanh đến thế!? Vì chính anh trước đây làm người mẫu cho anh họa sĩ này với một bức họa của khuôn mặt Chúa Giêsu nhân lành mà hôm nay cũng chính anh, diện mạo thật thay đổi quá khác đã biến anh thành một Giuđa gian ác cho bức họa của anh họa sĩ nổi tiếng này! Thế mới cho chúng ta thấy rằng cùng một con người, nhưng có lúc chúng ta cũng giống như những thiên thần trước mặt những anh chị em của chúng ta. Nhưng cũng có lúc chúng ta biến dạng y như một con quỷ dữ đang lồng lộn như muốn ăn tươi nuốt sống anh chị em chúng ta vậy!? Mà có phải xa xôi gì đâu! Đó là những ngày sống trong cuộc sống ngày lại ngày của chúng ta mà thôi! Giữa cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái, và cháu chắt của chúng ta đây! Có những lúc họ thấy ở chúng ta sự hiền hòa nhã nhặn, ôn hòa vui vẻ, lịch sự mau mắn giúp đỡ mọi người, nhưng cũng là khuôn mặt ấy mà anh chị em và mọi người chung quanh chúng ta phải xa tránh, vì khuôn mặt ấy đã biến dạng làm cho chúng ta trở nên xấu xa giữ tợn, đanh đá hỗn xược, điên dại y như quỷ nhập??

Cuộc Tử Nạn Của Chúa Giêsu, giúp chúng ta rất nhiều trong sự suy gẫm về cuộc đời của chúng ta nơi trần thế này!? Chúa Giêsu là Chúa trên các Chúa, và là Vua trên các Vua, Ngài từ Trời Cao Sang mà đến thế gian, không màng sinh ra nơi chốn hôi hám của một hang lừa trong đêm đông giá buốt. Chọn nằm trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse. Cả hai cha mẹ nuôi có một cuộc sống rất nghèo nàn không là gì trong một xã hội thời đó! Đâu cũng gọi là nhà. Sống 33 năm trên trần gian này để yêu thương, để dậy dỗ, để hướng dẫn con người biết Nước Trời để mà tìm về. Chương trình Cứu độ nhân loại là Con Đường mà Thiên Chúa Cha đã định sẵn, mà chỉ có Chúa Con duy nhất của Ngài mới có thể hoàn thành được mà thôi! Tình yêu ấy chỉ có thể diễn đạt được nơi Người Con của Ngài, và qua Con của Ngài thì nhân loại mới được Cứu Rỗi. Giá chuộc của Ngài là Thập Giá, là Tử Hình, là chết treo, và là chén đắng mà Ngài Giêsu không còn con đường nào khác. Vì yêu thương nhân loại mà Ngài chấp nhận con đường Khổ Nạn đó! Vì phải qua cái chết nhục nhã ấy! Ngài mới Phục Sinh và trở nên Vinh Hiển muôn đời, và nhờ ở cái chết của Ngài thì con người mới lên được với Ngài trên Nước Trời..

Lậy Chúa Giêsu! Chúng con đón Chúa vào thành với những nhành lá tung hô vạn tuế Ngài như một vị vua của yêu thương, xin cho chúng con luôn được theo chân Chúa dù biết rằng theo Chúa là cũng phải vác Thập Giá của đời mình mà theo Chúa, có nghĩa là theo Chúa chẳng phải bằng môi miệng nhưng phải bằng cả tấm lòng. Xin cho chúng con được thấm nhuần những Lời dậy dỗ của Chúa mà qua đấy chúng con sẽ được trở nên giống Chúa nhiều hơn. Kính Chúa và yêu thương anh chị em của mình, mới là sự chân thật và là con đường Chúa mong đợi chúng con đi. Con đường Thập Giá thì ai cũng biết rồi Chúa ơi! Xin cho chúng con biết chấp nhận mà vác từng ngày, không than trách, không đòi hỏi, nhưng biết chịu đựng và kiên nhẫn chờ đợi. Vì cuộc sống đời này thì tất cả chỉ là phù vân. Amen.
 
Đồng Hành với Chúa Giêsu Trên Đường Thập Giá - Bài 6
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
10:43 27/03/2010
Nơi Thứ Năm: Ông Simong Vác Thánh Giá Ðỡ Đức Chúa Giêsu


Sự trưởng thành tinh thần là lòng sẵn sàng để người khác hướng dẫn và giúp đỡ tôi. Ga 21:18

Khi Chúa Giêsu vác thập giá của Người lên Núi Sọ, quân lính gặp một người quê thành Cyrênê, tên là Simong, và chúng bắt ông này vác thập giá vì nó đã trở nên quá nặng nề cho Chúa Giêsu vác một mình. Chúa Giêsu không thể vác nó đến nơi Người sẽ bị hành quyết và cần sự giúp đỡ của một kẻ xa lạ để hoàn thành sứ mạng của Người.

Vì quá yếu mệt, vì quá tổn thương, Chúa Giêsu cần chúng ta để chu toàn sứ vụ của Người. Người cần người chúng ta vác thập giá với Người và cho Người. Người đến với chúng ta để chỉ cho chúng ta đường về nhà Cha Người. Người đến để ban cho chúng ta nơi cư ngụ mới, cho chúng ta một cảm giác thân thuộc mới, chỉ cho chúng ta sự bảo đảm chân thật. Nhưng Người không thể làm một mình. Công cuộc Cứu Độ khó khăn và đau đớn là công việc mà trong đó Thiên Chúa trở nên lệ thuộc vào con người.

Ðúng, Thiên Chúa có đầy quyền năng, vinh quang, và uy phong. Nhưng Thiên Chúa chọn sống giữa chúng ta như một người trong chúng ta – như một con người lệ thuộc vào người khác. Người bảo các môn đệ muốn dùng gươm bảo vệ Người rằng: “Hãy sỏ gươm vào vỏ… Hay các con nghĩ rằng Thầy không thể xin Cha Thầy, Ngài có thể gửi ngay hơn mười hai đạo binh thiên sứ đến bảo vệ Thầy sao? Nhưng như vậy, làm sao Kinh Thánh được nên trọn rằng đây là cách thế phải xảy đến?” (Mt. 26:52-54)

Con đường của Chúa Giêsu là con đường bất lực, của lệ thuộc, của khổ nạn. Người, là Ðấng đã trở nên một trẻ nhỏ, lệ thuộc vào tình yêu và sự chăm sóc của Ðức Mẹ Maria và Thánh Giuse, và nhiều người khác, hoàn thành cuộc hành trình dương thế của Người trong sự lệ thuộc hoàn toàn. Người trở nên một Thiên Chúa đợi chờ. Người chờ đợi, thắc mắc rằng kẻ khác sẽ làm gì cho Người. Người sẽ bị bội phản hay được công nhận? Bị xử tử trong bỏ rơi hay được người ta đi theo? Người sẽ bị đóng đinh trên thập giá mà không có một môn đồ nào gần Người hay sẽ có ai giúp Người vác thập giá không? Ðể Chúa Giêsu trở thành Ðấng Cứu Độ của thế gian, Người cần có người khác sẵn lòng cùng vác thập giá với Người. Có người tự nguyện vác; có người bị vác; nhưng khi họ cảm nhận sức nặng của cây gỗ, họ khám phá ra rằng thập giá này là một ghánh nhẹ nhàng, một ách dễ dàng dẫn đến Nhà Cha.

Tôi cảm thấy trong tôi một ước ao mãnh liệt được sống tự lập. Thực ra, xã hội của tôi ca ngợi những người tự lập tự làm chủ tương lai của họ, tự đặt ra mục tiêu của họ, thực hiện được những nguyện vọng của họ, và xây dựng vương quốc riêng của họ. Rất khó cho tôi thật sự tin rằng sự trưởng thành tâm linh là sự tự nguyện để cho người khác hướng dẫn tôi và “dẫn tôi đến cả những nơi tôi không muốn đến” (Ga 21:18). Và hơn nữa khi tôi muốn thoát ra khỏi nhu cầu tự túc giả tạo của tôi và dám xin giúp đỡ, một cộng đoàn mới được thành hình - một hội ái hữu của những người yếu đuối - mạnh tin rằng hợp cùng nhau họ có thể thành một dân tộc hy vọng cho một thế giới đổ vỡ.

Ông Simong thành Cyrênê khám phá ra một quan hệ mới. Bất cứ ai tôi để cho chạm đến tôi trong sự yếu đuối của tôi và giúp tôi trung thành với cuộc hành trình về Nhà Chúa của tôi sẽ nhận ra rằng họ có một món quà để cho đi mà có thể đã cất giấu từ lâu. Việc nhận sự giúp đỡ, nâng đỡ, hướng dẫn, âu yếm, và săn sóc có thể là một lời mời gọi to lớn hơn là cho đi tất cả những điều trên, vì trong khi lãnh nhận, tôi để lộ món quà của người cho và một cuộc chung sống mới có thể bắt đầu… Ðó là lời mời gọi của Chúa Giêsu đến với tất cả mọi người, một lời mời gọi thường đến với chúng ta qua những người nghèo khó.

Lm. Henri J.M. Nouwen

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Đồng Hành với Chúa Giêsu Trên Đường Thập Giá - Bài 7
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
11:05 27/03/2010
Nơi Thứ Sáu: Ðức Chúa Giêsu Gặp Bà Verônica


Lạy Chúa, khi nào con sẽ được no thỏa những ước vọng thầm kín nhất trong tim con. (Is 50:6-7)

Bà Verônica đã ở cùng Chúa Giêsu khi Người giảng dạy, chữa người bệnh tật, và công bố Nước Trời. Chúa Giêsu đã trở nên trọng tâm của đời bà. Bây giờ bà thấy Người bị lôi kéo một cách tàn nhẫn khỏi bà. Bà đầy đau khổ và lo âu và muốn làm một cái gì. Khi thấy Người đến gần, bà rẽ đám đông và lấy khăn lau mặt đầy mồ hôi và máu của Người. Chúa Giêsu trả lời cử chỉ yêu thương và đau buồn này bằng cách để lại thánh nhan của Người – khuôn mặt của một nhân loại méo mó. Dung nhan của Chúa Giêsu là khuôn mặt của những người đau khổ vì phân ly, kỳ thị, và bị tẩy chay. Bà Verônica là một phụ nữ của đau buồn, một niềm đau đâm thấu con tim với một nỗi đau đớn khôn lường; một nỗi đau đớn mà phụ nữ thuộc nhiều quốc gia, chủng tộc, và điều kiện xã hội, trên khắp thế giới đang phải chịu đựng. Câu hỏi nhức nhối là: “Tại sao chúng lại bắt con tôi, chồng tôi, bạn tôi?” có thể được nghe như là một tiếng la hét vang rền trên mọi xó góc của thế giới chúng ta.

Tôi cũng có thể nghe tiếng la hét này tận đáy lòng tôi không? Các bức tường của phòng tôi đầy hình ảnh của bạn bè và thân nhân cùng với ảnh Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và các Thánh, nhưng tận đáy lòng tôi có một niềm đau vô tả - niềm đau vì sự vắng mặt. Người mà tôi rất muốn ở với tôi thì lại xa tôi, và ngay cả nếu chúng tôi có ở với nhau, chúng tôi cũng không thể thấu suốt nhu cầu thầm kín của nhau.

Cái đau của bà Verônica cũng là cái đau của tôi. Tôi quá khát khao cảm thông, một cảm giác lệ thuộc sâu sa, sự mật thiết, nhưng đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai, tôi luôn có và lại có cảm nghiệm của sự vắng mặt, thiếu cảm thông, và cô lập. Hình như có một lưỡi gươm đâm qua tất cả những liên hệ và tăng thêm đau khổ cho mọi tình thân. Những bức hình trên tường của tôi tỏ ra sự khát khao cảm thông của tôi, nhưng khi tôi nhìn ngắm chúng với tình yêu lớn lao, tôi cảm thấy một niềm đau trào dâng trong tôi: “Tại sao tôi lại không thể nói với anh ta? Tại sao cô ấy không bao giờ viết cho tôi? Tại sao họ lại lià trần trước khi chúng mình làm hoà với nhau? Tại sao chúng ta đã không cảm thấy an toàn khi sống với nhau?” Và khi tôi thắp lên một ngọn nến trước ảnh Chúa Giêsu của tôi và nhìn vào sự vô tận của mắt Người, tôi thưa: “Lạy Chúa, khi nào, khi nào Chúa sẽ đến và làm no thỏa sự khao khát chìm sâu trong tim con?” Lòng khao khát cảm thông lại bùng lên mỗi khi tôi thấy cái khăn của bà Verônica với dung nhan Ðức Kitô và khuôn mặt của tất cả những người tôi yêu mến đang ở trên đó…, và càng thêm tuổi niềm, đau của tôi lại càng thêm sâu.

Tôi biết rằng tôi phải mất mạng sống tôi để tìm thấy nó - phải bỏ đi những bức hình của tôi và gặp lại con người thật - để chết cho những kỷ niệm đầy tình cảm và tin tưởng vào sự cảm thông mới sẽ phát sinh vượt trên trí tưởng tượng của tôi. Nhưng làm sao tôi có thể tin tưởng vào một đời sống mới khi tôi nhìn thấy cuộc đời đầy máu và mồ hôi của Chúa Giêsu và của những người đang chịu ở trong lao tù, ở trong trại tạm cư, và phòng tra tấn? Chúa Giêsu nhìn tôi và đóng ấn vào tim tôi với dung nhan của Người. Tôi sẽ mãi mãi tìm kiếm, luôn chờ đợi, và luôn hy vọng. Dung nhan đau khổ của Người không cho phép tôi thất vọng. Sự đau buồn của tôi là một cơn đói, sự cô đơn của tôi là một cơn khát. Khi chúng ta gặp nhau, chúng ta biết rằng tình yêu đã làm chúng ta đau khổ, là hạt giống của một cuộc sống mà trong đó đau khổ không còn nữa.

Lm. Henri J.M. Nouwen

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông cáo của Toà Thánh về Hội nghị của Ủy Ban về Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa
Nguyễn Hoàng Thương
08:39 27/03/2010
Thông cáo Toà Thánh về Hội nghị của Ủy Ban về Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa

Vatican (VIS) – Hôm 25/03/2010, Văn phòng báo chí Tòa Thánh Vatican đã đưa ra thông cáo báo chí khi kết thúc hội nghị của Ủy ban Tòa Thánh Vatican về Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa. Dưới đây là toàn văn của bản thông cáo:

Từ ngày 22 đến 24 tháng Ba, Ủy ban được Đức Thánh Cha thiết lập vào năm 2007 để nghiên cứu về các vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa đã họp lần thứ ba tại Tòa Thánh Vatican.

Trong tinh thần gắn bó sâu sắc trong đức tin với tất cả anh chị em sống tại Trung Hoa, các tham dự viên đã khảo sát tỉ mỉ chủ đề về đào tạo con người, tri thức, tâm linh và mục vụ của các chủng sinh, những người sống đời thánh hiến và người đang được đào tạo trở thành linh mục, với sự quan tâm đặc biệt về tu đức của họ. Những khó khăn gặp phải trong lĩnh vực đào tạo, và những nhu cầu mục vụ mới, có liên quan đến nhiệm vụ truyền giáo trong một xã hội rất năng động và phức tạp như Trung Quốc, là một thách đố lớn. Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, có đầy đủ phẩm giá và trách nhiệm như các nhà lãnh đạo của các cộng đoàn giáo hội phải nên được công nhận, được tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo: trong sự hiệp nhất với họ, chúng ta tiếp tục đưa ra sự cộng tác thân thiện, công nhận rằng giáo dục Kitô giáo đích thực trên hết chính là Chúa Kitô "để biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người" (Philípphê 3, 10).

Trong ánh sáng của Bức thư Đức Thánh Cha gửi người Công Giáo ở Trung Hoa vào ngày 27 tháng 5 năm 2007, Ủy ban đã suy tư về đường hướng để thúc đẩy sự hiệp nhất trong Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa và vượt thắng những khó khăn đã phải đối mặt trong mối quan hệ với xã hội dân sự. Tiến trình thực hiện để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha nhằm đi đến sự hiệp thông đích thực trong giáo hội đã được ghi nhận bằng sự hài lòng, sự hiệp thông đó không thể được diễn tả mà không cần sự nỗ lực cá nhân để tìm kiếm chân lý và sự hòa giải tâm linh. Với nhận thức rằng cuộc hành trình của sự tha thứ và hòa giải không thể được thực hiện trong một ngày một bữa, chắc chắn rằng toàn thể Giáo Hội đồng hành trong cuộc hành trình này và sẽ dâng lời cầu nguyện nài xin cho đến cùng, nhất là vào ngày 24 tháng Năm, phụng vụ kính Đức Maria Đồng Trinh Vinh Phúc, Đức Mẹ Phù Hộ các Kitô hữu và là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa. Tầm quan trọng của việc thực hiện các bước hữu hình theo hướng tăng cường và thể hiện sự thắt chặt về tinh thần giữa các vị mục tử và tín hữu cũng đã được nhấn mạnh.

Đồng thời, các tham dự viên nhất trí bày tỏ hy vọng rằng tất cả các giám mục tại Trung Hoa ngày càng trở nên dấn thân vào sự phát triển thuận lợi của hiệp nhất, đức tin và đời sống giữa mọi người Công Giáo, tránh những cử chỉ (chẳng hạn như việc cử hành các bí tích, tấn phong giám mục và tham dự các cuộc họp) chống lại sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, người đã bổ nhiệm họ vào cương vị mục tử, và tạo ra những khó khăn - đôi khi là những khó khăn hết sức nghiêm trọng – trong lòng các cộng đoàn giáo hội tương ứng của họ.

Để phù hợp với những mong muốn mà Đức Thánh Cha bày tỏ trong thư nói trên, Ủy ban lặp lại hy vọng rằng, qua cuộc đối thoại tôn trọng và cởi mở giữa Tòa Thánh và các giới chức chính phủ, những khó khăn hiện tại có thể được khắc phục và đạt được một thỏa thuận có ích, thuận lợi cho cộng đồng Công Giáo và sự gắn kết xã hội. Trong tinh thần này, các tham dự viên hiệp cùng tất cả người Công Giáo ở Trung Hoa cầu nguyện liên lỉ để các giám mục và các linh mục, những người đã từ lâu bị tước quyền tự do, một lần nữa có thể sớm thực hiện thừa tác vụ linh mục và giám mục của họ trong sự ủng hộ của tín hữu mà họ được trao phó chăm sóc mục vụ.

Trong buổi gặp gỡ vào cuối phiên họp toàn thể, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết đảm bảo sự đào tạo vững chắc, dựa trên tình huynh đệ với Chúa Kitô, cho những người đang chuẩn bị vào chức linh mục hay đời sống tận hiến. Điều này sẽ là một bảo đảm cho sự thành công trong đời sống cá nhân và trong công việc mục vụ. Đức Thánh Cha tái khẳng định vai trò quan trọng của những người tham gia vào việc đào tạo và lưu ý rằng đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của các Giám mục. Cuối cùng, ngài cảm ơn các tham dự viên vì những dấn thân của họ để ủng hộ cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa.
 
Tòa Thánh công bố tài liệu thời kỳ 1865-2007 và tài liệu chính thức về Đệ Nhị Thế Chiến trên website
Nguyễn Hoàng Thương
08:41 27/03/2010
Tòa Thánh công bố tài liệu thời kỳ 1865-2007 và tài liệu chính thức về Đệ Nhị Thế Chiến trên website

Vatican (VIS) - Trong thông cáo báo chí hôm 25/03/2010, Văn phòng báo chí Tòa Thánh Vatican đã công bố việc phát hành trực tuyến các hoạt động chính thức của Tòa Thánh và bộ sưu tập các tài liệu từ thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Thông cáo cho hay: "Những văn kiện quan trọng mà cho đến nay chỉ mới ở dạng in ra giấy trong các thư viện, giờ thì có thể truy cập tại trang web chính thức của Tòa Thánh www.vatican.va, trong phần "Resource Library"

"Toàn bộ các sưu tập về 'Actae Sanctae sedis (A.S.S.)' (các Văn kiện Toà Thánh) và 'Acta Apostolicae sedis (A.A.S.)' (các Văn kiện Tông Toà) - tức là các hoạt động chính thức của Tòa Thánh từ 1865-2007 - đã có sẵn ở định dạng pdf, cũng như là bộ mười hai tập 'Actes et documents du Saint-Siège relatifs à la Seconde Guerre Mondiale' (Các hoạt động và văn kiện của Tòa Thánh liên quan đến Đệ Nhị Thế Chiến), phát hành theo lệnh của Đức Phaolô VI bắt đầu từ năm 1965, và được biên tập bởi một nhóm chuyên môn bốn nhà sử học dòng Tên.

"Những văn kiện đại diện cho nguồn tài liệu vô giá giờ là lúc dành cho các học giả và tất cả những người quan tâm được tùy nghi sử dụng miễn phí. Đó chính là một đóng góp to lớn cho nghiên cứu và thông tin về lịch sử và các hoạt động của Tòa Thánh".
 
Hội Đồng Giám Mục Chí-Lợi công bố dự án đem nụ cười đến cho các nạn nhân động đất.
Dominic David Trần
10:47 27/03/2010
Thủ đô SANTIAGO, nước Chí-lợi ngày 26 tháng Ba năm 2010, theo tin của Thông Tấn Xã Công giáo toàn cầu (CNA).- Các Đức Giám Mục nước Chí Lợi vừa công bố một chiến dịch mới do Tổ chức Caritas thuộc Hội Đồng Giám Mục Công giáo Chí Lợi bảo trợ. Dự án này nhằm đem lại niềm vui và tiếng cười đến các nạn nhân của trận động đất qua hàng loạt các buổi công diễn văn nghệ và trình diễn nghệ thuật trên khắp đất nước Chí Lợi. Đến nay đã có hơn 30 nghệ sĩ chuyên về hài kịch và các diễn viên chọc cười đồng ý tham gia dự án này.

Đợt công diễn đầu tiên sẽ được ra mắt vào ngày thứ Tư ở thủ đô Santiago. Mọi người đều được khuyến khích hãy mang những vật dụng và thực phẩm không bị hư hỏng đến tham dự hội diễn chọc cười này để làm qùa tặng cho các nạn nhân và những người đang gặp khó khăn.

Đức Cha Manuel Camilo Vial, Giám mục Chính tòa Giáo phận Temuco kiêm Chủ tịch Tổ chức Caritas của Công giáo Chí Lợi đã cùng với ông Juan Carlos "Palta" Melendez là nghệ sĩ chọc cười nổi tiếng nhất Chí-lợi- cùng thông báo lịch trình lưu diễn của các nghệ sĩ tấu hài và cũng tuyên bố rõ ràng là đem niềm vui và nụ cười có ý nghĩa tốt đến cho các nạn nhân và những ai chịu đau khổ vì trận động đất kinh hoàng của thế kỷ đã xảy đến với đất nước và nhân dân Chí-Lợi là điều cần thiết trong lúc này.

Chia sẻ đại kết của Dominic David Trần: Lạy Chúa qua sự quan phòng của Chúa chúng con tín thác moị sự vào Chúa. Xin Chúa thương xót và nâng đỡ Hôi Đồng Giám mục và nhân dân nước Chí-Lợi. Xin hợp ý với lời ca Kinh Hoà Bình của thánh Francis d'Assissi: " Đem niềm vui đến chốn ưu phiền," Xin cho niềm vui đích thực và nụ cười trong Chúa được nở rộ trên khuôn mặt của nhân dân và đất nước Chí-Lợi.
 
Lạm dụng tình dục bị khai thác với chủ đích vu khống Giáo Hội Công giáo
Trần Mạnh Trác
22:08 27/03/2010
Washington DC, ngày 24 tháng 3 năm 2010 (CNA). - Một nhà văn Công Giáo nổi tiếng cho rằng những thông tin đang bị "chọn lọc" và những chủ đề "dâm ô" của nhửng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ đang được sử dụng để nhằm đánh phá "tiếng nói đạo đức" trong cuộc tranh luận công cộng. Tuy những lạm dụng là có thật, nhưng những hình thức chống giới tu sĩ ngày nay phản ánh những vụ vu khống trước thời Cách mạng Pháp.

Bà Elizabeth Lev, một sử gia nghệ thuật viết cho những tạp chí Inside the Vatican, Sacerdos, First Things và Zenit và cũng là con gái của cựu đại sứ Mỹ tại Vatican, bà Mary Ann Glendon.

"Trong khi không có ai phủ nhận những sai trái và tai hại gây ra bởi một thiểu số nhỏ các linh mục, hành vi sai trái của họ đã được sử dụng để làm giảm danh tiếng của đa số áp đảo các giáo sĩ, là những người đang sống một cuộc sống thánh thiện âm thầm trong giáo xứ của họ," Bà Lev viết trên tờ Politics Daily.

Bà Lev thấy có sự giống nhau giữa những cuộc "tấn công thù địch kéo dài" chống hàng giáo sĩ Công Giáo trước cuộc Cách mạng Pháp và những hình ảnh về Giáo Hội Công Giáo tung ra bởi những phương tiện thông tin ngày nay.

Sau khi Quốc hội năm 1789 giảm bớt quyền lực của nhà vua nước Pháp, lời buộc tội ác liệt chống lại các giáo sĩ Công giáo tăng lên.

"Những lỗi phạm lẻ loi của một số giáo sĩ đã được phóng đại lên để làm như thể sự đồi bại ấy là đặc thù của toàn bộ các linh mục (Trở trêu thay, sự việc này đã xảy ra trong thời kỳ mà sự tự do tình dục đang ở hồi cực kỳ phát triển). Những nhân viên tuyên truyền Pháp khổ công đêm ngày nạo vét các vụ bê bối trong quá khứ cho dù những vụ đó đã cũ hàng nhiều chục năm hoặc thậm chí từ nhiều thế kỷ xa xôi."

Bà Lev trích dẫn lời của chính trị gia và nhà văn Edmund Burke, năm 1790, đã ghi nhận rằng các nhà bút chiến Pháp đã miêu tả hàng giáo sĩ là “một loại quái vật," lười biếng, gian lận và tham lam.

Burke viết: "Tôi không thể tin được những điều họ vu khống. Tôi nghi ngờ rằng những tệ nạn mà họ đưa ra là giả hoặc là phóng đại vì mục đích là kiếm lợi khi những người đó vị trừng phạt". Đó là lúc mà Cách Mạng Pháp chuẩn bị thu hồi hàng loạt các vùng đất của Giáo Hội.

Bà Lev tố cáo rằng những báo cáo về lạm dụng tình dục được trình bày như thể là tội phạm đó chỉ giới hạn trong hàng giáo sĩ Công giáo. Họ đã thổi phồng lên hơn cả những vụ thảm sát các Kitô hữu tại Ấn Độ và Iraq.

"Không cần phải có sự bén nhạy của một Burke Edmund để hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo đã bị cố tình ngược đãi."

Theo bà Lev, ước tính có 39 triệu trẻ em ở Mỹ là nạn nhân bị lạm dụng tình dục, giữa 40 và 60 phần trăm trong số này đã bị lạm dụng bởi một thành viên trong gia đình, năm phần trăm do giáo viên trường học, và ít hơn hai phần trăm đã bị lạm dụng bởi các linh mục Công giáo.

"Nhưng khi đọc báo, có vẻ là các giáo sĩ Công giáo giữ độc quyền lạm dụng tình dục trẻ em,".

Bà Lev cho rằng lý do đằng sau các vụ tấn công vào các linh mục Công giáo là nỗ lực để "tiêu diệt mức độ tin cậy của một tiếng nói đạo đức mạnh mẽ trong cuộc tranh luận công khai."

Những thông tin về lạm dụng tình dục tăng đến độ “điên cuồng” khi cuộc bỏ phiếu cuối cùng về chăm sóc sức khỏe bị các giám mục Công giáo phản đối.

"Để bưng bít tiếng nói đạo đức của Giáo Hội, cách tốt nhất là tạo tai tiếng cho bậc chủ chăn."

”Burke đã thấy trước các chiến dịch chống giáo sĩ chỉ là một chuẩn bị cho mưu đồ tiêu diệt Kitô giáo bằng cách tạo ra sự khinh rể hàng giáo sĩ”, Bà Lev nhắc lại việc hàng trăm linh mục đã bị đưa lên đọan đầu đài trong thời kỳ Reign of Terror.

"Chúng ta hy vọng là người Mỹ sẽ ý thức kịp thời để thay đổi chiều hướng trước khi đi tới điểm đó," bà Lev kết luận.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thông báo: Liên quan đến tin đồn Nữ Tu tại Việt Nam bị bắt cóc và bị hãm hiếp
LM. Tômas Vũ Quang Trung, S.J
19:05 27/03/2010
LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VIỆT NAM

180 – Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh – Email: betrenthuongcap@gmail.com

Số 01/TB-10 Ngày 27 tháng 03 năm 2010

THÔNG BÁO: LIÊN QUAN ĐẾN TIN ĐỒN NỮ TU TẠI VIỆT NAM BỊ BẮT CÓC VÀ BỊ HÃM HIẾP

Kính gởi: Quý Bề Trên các Dòng Tu, Tu Hội và Tu Đoàn Tông Đồ toàn quốc

Ban Điều Hành Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam xin thông báo đến Quý Bề Trên như sau:

Gần đây có nhiều tin đồn liên quan đến một số nữ tu bị bắt cóc, bị hãm hiếp tại Việt Nam, gây nhiều hoang mang cho các nữ tu và nhiều người khác trong và ngoài nước. Một vài trang thông tin điện tử cũng đã chuyển đi các nội dung tin đồn này.

Sau khi trực tiếp kiểm chứng các thông tin này qua các Bề Trên của các Dòng Tu liên hệ tại Việt Nam, Ban Điều Hành đều được các vị xác nhận trong các Dòng tu này hoàn toàn không hề có các sự việc xảy ra như nội dung các tin đồn trên đây.

Xin Quý Bề Trên vui lòng nhắc các chị em nữ tu cẩn trọng và tỉnh táo trước những thông tin không được kiểm chứng trên đây đang gây xáo trộn và ảnh hưởng đến các sinh hoạt phục vụ bình thường của các nữ tu tại Việt Nam.

Kính chúc Quý Bề Trên và Quý Nữ Tu một Tuần Thánh sốt sắng và một Đại Lễ Phục Sinh tràn đầy ơn bình an trong Đấng Phục Sinh.

TM Ban Điều Hành LHBTTCVN

Chủ Tịch

LM Tôma Vũ Quang Trung, S.J.

Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam
 
Đại hội giới trẻ giáo phận Quy Nhơn năm 2010
Phêrô Bùi Huy Ngọc
23:24 27/03/2010
ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN QUI NHƠN NĂM 2010

GHI NHANH NGÀY KHAI MẠC

Như chương trình dự kiến, 14h00 ngày 27-03-2010 đông đảo các bạn trẻ từ các giáo xứ trong giáo phận Qui Nhơn tề tựu tại Chủng Viện Qui Nhơn để bắt đầu khai mạc hội trại Đại Hội Giới trẻ Giáo Phận Qui Nhơn.

Dịp gặp gỡ của các bạn trẻ ngày hôm nay là lần đầu tiên giáo phận tổ chức một đại hội qui mô dành riêng cho giới trẻ, chính vì thế có thể nhận thấy nét rạng ngời và háo hức trên từng khuôn mặt trại viên ngay từ lúc đặt chân tới chủng viện báo hiệu một kỳ đại hội đầy ý nghĩa và bổ ích cho từng bạn trẻ với các hoạt động gặp gỡ thắm đượm tình thân thương, chia sẻ cho nhau và cùng đồng hành với nhau trong những hoạt động sinh hoạt chung, chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ kinh nghiệm sống, và cùng nhau tĩnh nguyễn trước Chúa.

Theo danh sách đăng ký với ban tổ chức con số trại viên tham dự đại hội lần này là 816 trại sinh đến từ 42 giáo xứ, ngoài ra còn có sự tham dự của các tu sĩ nam nữ, các dự tu và các bạn trẻ khác.

Đúng 16h đức cha phó – trại trưởng đã tuyên bố khai mạc hội trại, bắt đầu khai mạc chương trình từ chiều ngày hôm nay đến chiều ngày mai.

Trong lần đầu tiên này Đại Hội đã lấy chủ đề “Tôi Phải Làm Gì?” được gợi hứng từ câu hỏi của chàng thanh niên trong Mc 10,17 “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”, một chủ đề rất nhiều ý nghĩa cho các bạn trẻ, nhất là trong thời đại ngày hôm nay, một xã hội có nhiều tiến bộ, phát triển rất nhanh về mọi mặt cả tích cực lẫn tiêu cực, dễ làm cho những người trẻ mất đi định hướng, từ đó có những chọn lựa lệch lạc. Chính vì thế, với chủ đề này hy vọng rằng là dịp tốt để các bạn trẻ có những định hướng có những dự phóng cho tương lai của chính mình.

Mở đầu chương trình là sinh hoạt làm quen, tập băng reo, tập bài hát chủ đề, kế đó là những hoạt động chính của đại hội với huấn từ và lời tuyên bố khai mạc của đức cha phó Mathêu Nguyễn Văn Khôi – Trại trưởng.

Khai mạc xong, chương trình tạm lắng đọng khi các bạn trẻ dùng cơm tối với nhau để rồi sau đó các bạn tưng bừng sinh hoạt lửa trại và giao lưu văn nghệ. Kết thúc buổi sinh hoạt đầu tiên là giây phút tĩnh nguyện với những ngọn nến trên tay đã mang đến phút lắng đọng trong tâm hồn để rồi những cảm xúc những lời thân thưa cùng Chúa được vang lên từ cõi lòng của mỗi bạn trẻ.
 
Văn Hóa
Những Bóng Ma Chơi
Vọng Sinh
10:07 27/03/2010

Chúa ơi! Giữa đêm đen cuộc đời
Thân con đây người lữ hành đơn độc
Bước chơ vơ lê gót sắp mòn hơi…
Đường mòn nào con lê từng bước nhỏ?
Mãi chải bơi sao mãi chẳng tới nơi…!

Đêm dày đặc ngàn bóng ma cuốn hút
Ma bạc tiền ma nhục dục vinh hoa
Ma hưởng thụ ma tham lam gian tà
Ngàn ma quái bắt hồn con khờ dại…

Giữa đêm đen …qủi ma…cơn lốc xoáy…
Con sức hèn hồn cuốn mất về đâu?
Mải rong chơi chạy theo bả vân lâu
Hồn lạc mất quên đường về cõi phúc.

Hôm nay đây Mùa Chay chợt tỉnh thức
Giữa cuồng say điên loạn cuộc tranh đua
Hơn thua nhau chẳng qua một trò đùa…
Còn gì lại sau ngày dài vật lộn?

Chúa ơi ! Một thân xác rã rời…!
Bao chán ngán chất chồng trên mỏi mệt
Chúa ơi…! Hồn con mãi băn khoăn thao thức
Cho đến khi yên giấc dưới Bóng Ngài.
Bóng Cánh Tay Thập Tự Chúa vươn cao
Ôm ấp con giấc ngọt ngào muôn thuở.

Cho một lần thôi bước chân lầm lỡ.