Ngày 28-03-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lazarô sống lại
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:50 28/03/2017
Chúa Nhật V Mùa Chay, năm A
Ga 11,1-14

Lazarô sống lại

Nói đến cái chết, con người từ cổ chí kim đều lo âu sợ hãi. Do đó, đã có nhiều vị Vua chúa, nhiều nhà giầu có. Nhiều đại gia đã cố đi tìm loại thuốc kéo dài sự sống. Tuy nhiên, ai cũng phải chết là một định luật bất di bất dịch: không ai được miễn trừ cái chết ! Chúa Nhật V mùa chay cho chúng ta đọc bài Tin Mừng của thánh Gioan nói về việc Chúa Giêsu làm phép lạ cho Lazarô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại. Phụng vụ chuẩn bị cho chúng ta đi vào cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Đức Giêsu Kitô cũng đã chết và đã sống lại, chúng ta cũng sẽ phải chết và được sống lại với Chúa.

Thực tế, khi nói về sự sống lại nhiều người xem ra khó tin, đặc biệt những người không phải là Kitô hữu. Nhiều bản điều tra của những người có đạo cho thấy rằng dù họ tin Chúa nhưng nói về cái chết và sự sống lại sau cái chết, họ tỏ vẻ ngần ngừ, do dự. Sở dĩ có sự do dự bởi vì có thể khi con người sung túc, giầu sang, dư ăn, dư mặc, tiền tài chất đống, con người dễ lìa xa Thiên Chúa hoặc khi con người nghèo túng, khốn cùng, họ cũng dễ đi đến chỗ tuyệt vọng, khó lòng tin cậy vào Thiên Chúa. Do đó, giầu có quá và nghèo khó cùng cực cũng dễ đẩy con người xa cách Thiên Chúa.

Tin mừng Ga 11,1 – 45 tường thuật lại việc Chúa Giêsu mạc khải cho gia đình chị em Matta, Maria và Lazarô về sự sống vĩnh cửu, sự sống đời đời :” Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời “ ( Ga 11, 25a.26 ). Vâng, Chúa đã mạc khải sự thực căn bản này cho gia đình của Matta, Maria và Lazarô tại làng Bêtania. Đáng lẽ Chúa phải đến sớm hơn khi Lazarô đang đau nặng, đang cần sự có mặt của Chúa. Mặc dầu Chúa biết gia đình của Lazarô đang rất cần sự giúp đỡ của Chúa, nhưng Chúa không đáp lại lời mong đợi của họ :” Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết”. Giờ này, Lazarô đã chết, đã được chôn trong mồ bốn ngày rồi, chị em Matta và Maria cùng mọi người đang hoang mang, bối rồi, Chúa lại đến. Sự có mặt của Chúa lúc này, theo sự suy nghĩ của gia đình Matta là để an ủi, động viên để họ vượt qua cơn thử thách lớn lao, nặng nề này. Tuy nhiên, Chúa không an ủi, động viên, khích lệ gia đình nhà tang theo lẽ thường tình, ở đây Chúa lại nói về sự thật căn bản của sự sống đời đời :” …ai tin vào Ta sẽ không chết bao giờ “. Sự thật này đã được Chúa Giêsu minh xác nhiều lần:” Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một mình; tất cả ai tin ở Ngài, sẽ sống đời đời “ ( Ga 3, 16 ) hay “ Đây là ý của Cha Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để hư mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại “ ( Ga 6, 39 ) hoặc “ Đây là ý của Cha Ta, là hễ ai tin vào Chúa Con, thì được sống đời đời, và ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại “ (Ga 6, 40 ).

Chúa Giêsu đã mạc khải về sự sống lại, sự sống trường sinh giữa lúc Matta và Maria, cùng đại gia đình của họ đang rất lạc lõng, bối rối. Hai chị em của Matta lúc đó và hai người Do Thái đến chia buồn với Maria và Matta đang xem Chúa Giêsu có thể làm một cái gì chăng thay đổi hoàn cảnh tang thương lúc đó ! Tuy nhiên, Matta và Maria đã ra khỏi con người thường của mình để tin thật vào Chúa là Đấng đang nói với họ :” Ta là sự sống lại…”. Matta đã tuyên xưng mạnh mẽ :” Lạy Thầy, con tin “. Maria và cả Matta đã tin như tông đồ trưởng Phêrô đã tuyên xưng :” Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa…”. Lời tuyên xưng của Matta lúc này và tại nơi Chúa đang có mặt là một lời tuyên xưng thẩm sâu vào Chúa là “ Đường, là Sự thật và là Sự sống “. Chính niềm tin của Matta, của Maria, Chúa Giêsu đã làm cho Lazarô sống lại sau khi được chôn trong mồ bốn ngày.

Khi làm phép lạ cho Lazarô sống lại, Chúa cũng làm cho cả Matta và Maria sống lại. Chính nhờ niềm tin mà Chúa đã làm cho Lazarô sống lại. Thực tế, có nhiều Kitô hữu còn sống đã mất niềm tin vào Chúa, nên họ cũng mất niềm tin vào sự sống lại. Thánh Phaolô đã xác tín mạnh mẽ khi Ngài viết :” Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, thì chúng ta sẽ cùng sống với Người; nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ thống trị với Người “ ( 2 Tim 2, 11-12a ) hoặc “ Quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta “ ( Phil 3, 20 ).

Biến cố Chúa làm cho Lazarô sống lại chuẩn bị cho chính việc lạ lùng, kỳ diệu là chính cái chết và sống lại của Chúa Giêsu mà chúng ta mừng trong Tuần Thánh. Chúa chết và sống lại để hoàn thành mạc khải Chúa đã loan báo, cứu chuộc loài người, cứu độ con người và cho con người được sống lại với Chúa :” Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin vào Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không ? “. Matta thưa :” Thưa Thầy : vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian “ ( Ga 11, 26-27 ).

Chắc hắn Chúa cũng sẽ hỏi chúng ta như Chúa đã hỏi Matta và Maria xưa :” Ta là sự sống lại và là sự sống “, con có điều đó hay không ?

Lạy Chúa, Chúa đã chết và đã sống lại, xin cho chúng con luôn xác tín mạnh mẽ chúng con chết và sẽ được sống lại với Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con luôn sẵn sàng tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúng ta có tin vào sự chết và sống lại hay không ?
2.Chúa đã mạc khải với Martha điều gì ?
3.Martha đã thưa gì với Chúa Giêsu ?
4.Tại sao Chúa lại không an ủi Martha và Maria khi Lazarô đã chết ?

 
Chúa Kitô là sự sống lại và là sự sống
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:52 28/03/2017
Chúa Kitô là sự sống lại và là sự sống

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay – năm A

(Ga 11, 1-45)

Với Chúa Nhật của Niềm Vui (Lætare) vừa qua, màu hồng Phụng Vụ của Giáo Hội là màu của bình minh, hé mở ánh sáng huy hoàng của Đại Lễ Phục Sinh sắp tới. Dù còn hai tuần nữa, nhưng niềm vui ấy đã ló rạng trong các bài đọc Chúa Nhật hôm nay, tuy không nói về sự sống lại của Chúa Giêsu vì đó là điều tất yếu, nhưng nói về sự phục sinh của chúng ta, chính Chúa Kitô ban cho chúng ta : trỗi dậy từ trong cõi chết.

Phục sinh Lagiarô báo trước cái chết của Chúa Giêsu

Sự kiện Lagiarô sống lại như một bi kịch giữa Sự Sống và Sự Chết, giữa Đấng được Chúa Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô, Chúa của Sự Sống, và thủ lãnh sự chết tiềm ẩn nơi : bệnh tật, cái chết của Lagiarô, cũng như các âm mưu chống lại Chúa Giêsu.

Ngay từ đầu, Chúa Giêsu cho thấy những thử thách về bệnh tật của bạn mình, cũng như cái được cái mất trong cuộc thương khó của Ngài : "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa " (Ga 11, 4). Chúa Giêsu biết rõ, Lagiarô chết và việc của Ngài nên nói với các môn đệ : " Lagiarô đã chết " ( Ga 11, 14). Nhưng Ngài sẽ cho sống lại, vì "sáng danh Thiên Chúa " ( Ga 11, 4).

Đây là phép lạ thứ bẩy và cuối cùng thu hút sự chú ý nhất của dân chúng vào Chúa Giêsu trước khi Ngài bị bắt. Khi loan báo cho các môn đệ biết về ý muốn trở lại Giuđêa của Chúa Giêsu để gặp Lagiarô đã chết, các ông hết sức ngạc nhiên và lo lắng nên nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư ? "(Ga 11, 8). Quả thật, các nhà lãnh đạo Do thái đã để mất Chúa Giêsu vào dịp này : " Bởi vậy từ ngày đó, họ quyết định giết Người " (Ga 11, 53 ). Nhưng phản ứng của Chúa Giêsu là : " Lagiarô đã chết, chúng ta hãy đi với anh ta" (Ga 11, 15), Ngài sẽ đánh bại sự chết, cứu con người khỏi chết và ban cho sự sống.

Niềm hy vọng của chúng ta

Trọng tâm của Tin Mừng hôm nay là câu : " Ta là sự sống và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ "(Ga 11, 25-26). Nếu chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, Chúa Cha " Đấng đặt Thánh Thần của Ngài trong chúng ta, và chúng ta đang sống " sự sống của Người (Ez 1, 13) thì chúng ta sẽ được Thiên Chúa cho sống lại ngày sau hết.

Chúa cho Lagiarô sống lại như Ngài đã làm cho con gái ông Giairô, con trai của bà góa thành Naim trở lại sự sống tự nhiên lần thứ hai trong một thời gian ngắn. Trái lại, "Ðức Kitô sống lại từ cõi chết, không còn chết nữa, sự chết không còn bá chủ được Ngài nữa" (Rm 6, 9) vì Ngài sống sự sống của Thánh Thần Thiên Chúa. Nhưng "nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em" (Rm 8,11). Sao chúng ta không thể hy vọng được.

Phần lớn chúng ta mong đợi trở lại cuộc sống tự nhiên. Chắc chắn chúng ta sẽ chết, bởi vì " thân xác chúng ta đã chết vì tội lỗi " (Rm 8, 10) nhưng " nếu Đức Kitô ở trong chúng ta" và chúng ta ở trong Ngài với đức tin sống động, thì linh hồn chúng ta sẽ sống bằng sự sống của Thiên Chúa và được tham dự vào sự bất tử của Ngài. Hơn nữa : chúng ta tin vào phép rửa " Vậy nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới ". (Rm 6, 4).

Thật là đại tin mừng : " Nơi Ngài là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại. Và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không tiêu diệt được sự sáng" ( Ga 1, 4-5). Nếu như tác giả Tin Mừng đã hai lần thuật lại điều Martha và Maria than với Chúa về đau khổ của hai bà : "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết", há không phải muốn nhấn mạnh rằng, từ nay, tiếng khóc không còn nữa đó sao? Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi : " Đã an táng Lagiarô ở đâu? " Nước mắt Chúa như mưa, Lagiarô như hạt giống, và ngôi mộ như một thửa đất. Chúa Giêsu hô lớn tiếng, tiếng Ngài làm cho sự chết run sợ, Lagiarô đã bung lên như hạt giống, anh bước ra khỏi mồ và tôn thờ Đấng đã cho anh sống lại.

Mãnh lực của sự chết đã thống trị Lagiarô bốn ngày. Chúa Giêsu đã đánh bại sự chết ngày thứ ba, đúng như lời Ngài đã hứa rằng, Ngài sẽ sống lại ngày thứ ba sau khi chết (x. Mt 16, 21).

" Hãy đẩy tảng đá ra " (11, 39). Cái gì vậy, Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại, nay không thể mở cửa mồ hay phán một lời để di chuyển tảng đá đóng cửa mồ hay sao ? Chắc chắn, Ngài có thế khiến tảng đá lăn ra khỏi mồ bằng lời Ngài phán, khi Ngài bị treo trên thập giá, Ngài đã từng chẻ đôi tảng đá và mở tung các cửa mồ (Mt 27,51-52 ).

" Hãy cởi ra cho anh ấy đi "(11, 44). Chúa bảo người chung quanh cởi cho anh để họ nhận ra chính anh là người họ đã bọc vào trong khăn an táng, thân xác đã phân hủy, nay sống lại nhờ quyền năng Chúa.

Hình ảnh báo trước và là lời hứa phục sinh cho các dự tòng

Là người thật, Ðức Kitô đã khóc Lagiarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Lagiarô sống lại ra khỏi mồ. (Kinh Tiền Tụng ). Hôm nay Chúa cũng tuyên bố : " Ta là sự sống lại và là sự sống" và hỏi "Con có tin điều đó không?" Cùng với Martha chị của Lagiarô các anh chị em dự tòng thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11,). Chúa phục sinh Lagiarô là hình ảnh báo trước sự phục sinh cho các dự tòng là những người mong đợi trong Đêm Vọng Phục Sinh. Khi dìm mình trong nước nước Rửa tội, người dự tòng được giải thoát khỏi sự chết và sống lại với Chúa Kitô. Sự sống lại này, như lời tiên tri Êgiêkiêl : "Ta sẽ mở cửa mồ cho các người, Ta sẽ kéo các người ra khỏi mồ " (Ez 37, 12-14). "Ta đặt thần khí ta vào tâm hồn anh em " (Ez 37, 6) : nhờ Phép Rửa tội, Thần Khí Đức Kitô ngự vào trong chúng ta (Rm 8, 8-11), Thần Khí kết hợp người chịu phép rửa trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con ; khi đón nhận, chúng ta được tham dự vào tình yêu này của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:54 28/03/2017
37. THƠ CỦA SỬ TƯ MINH
Sau khi An Lộc Sơn bị giết, Sử Tư Minh tiếp tục phản loạn và tiếp tục đánh cho đến Lạc Dương, gặp lúc anh đào chín, con trai của Sử Tư Minh ở Hà Bắc không có loại anh đào ấy để ăn, Sử Tư Minh bèn phái mấy người chuẩn bị đem về cho con ăn, đồng thời viết một bài thơ kèm theo, thơ viết như sau:
- “Anh đào một giỏ, đỏ một nửa, vàng một nửa, một nửa với Hoài vương, một nửa với Châu Chí”, Châu Chí đã có dạy và giúp cho Hoài vương..
Mọi người nghe được đều khen, nói:
- “Thơ hay, thơ hay ! Nhưng nếu đem “một nửa Châu Chí, một nửa Hoài vương” đổi lại chút xíu, để “hoàng” “vương” tương xứng với cách gieo vần, thì rất là hay.”
Sử Tư Minh nổi giận nói:
- “Con trai của ta lại có thể ở dưới Châu Chí à !”
(Nụ cười Quần Cư)

Suy tư 37:
Thông thường người có chức vụ càng cao thì sĩ diện càng lớn, người thích coi trọng cái “mã” bên ngoài thì tâm hồn không có gì, người thích chỉ trích phê bình người khác là người tự đề cao mình lên trên mọi người, người hay tâng bốc người khác là người có đầu óc chênh lệch, âm mưu...
Vì cái chức vụ cao của mình nên những người này thường hay bảo thủ, cố chấp nên dễ dàng đi đến sai lầm, độc đoán và độc tài. Xã hội đã chứng minh không phải ai làm chức vụ cao cũng đều có tài, nhất là về mặt chuyên môn, bởi vì “nhân vô thập toàn”.
Linh mục không phải là bác sĩ, nên đừng tranh cãi chuyện y tế thuốc men với bác sĩ, vì đây là chuyên môn của họ.
Linh mục không phải là cái máy computer để biết tất cả mọi chuyện, nên đừng dành cho mình tất cả mọi phát biểu, diễn đàn, nhưng hãy khiêm tốn lắng nghe và nói lúc cần thiết.
Người ta sẽ kính trọng và yêu mến một linh mục khiêm tốn đạo đức hơn là một linh mục thông thái, uyên bác nhưng kiêu ngạo.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:56 28/03/2017

9. Giờ cầu nguyện giống như tấm gương có thể soi thấy cái tốt đẹp của đức hạnh và sự xấu xa của tội lỗi.

(Thánh Nilus of Rossano)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Quyền Năng và Yêu Thương
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
18:20 28/03/2017
Chúa Nhật V Chay A

Quyền Năng và Yêu Thương

Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể làm người. Ngài đồng hành cùng mọi người trong đời sống trần thế. Ngài đã từng đến chia sẻ niềm vui trong đám cưới tại Cana (x. Ga 2,1). Ngài đã buồn sầu thương khóc Ladarô cùng với hai chị em cô Matta (x. Ga 11,32-38)…

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Tin Mừng các Chúa Nhật Mùa Chay kể chuyện rõ ràng, Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Chúa Nhật I, Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong thân phận con người. Chúa Nhật II, Chúa Giêsu Hiển Dung trong thần tính vinh quang trên núi Tabor. Chúa Nhật III, Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống đem lại sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài. Chúa Nhật IV, Chúa Giêsu là sự sáng thế gian, ai đi theo Ngài sẽ bước đi trong ánh sáng. Chúa Nhật V, Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ngài thì được sống đời đời.
Nhiều lần Chúa Giêsu nói về sự sống đời đời. Với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacob, Ngài xác quyết: Nước Ta ban sẽ vọt lên đem lại sự sống đời đời. Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Ngài nói với người Do thái: Ta là bánh ban sự sống. Nơi khác Ngài bảo: Ta là ánh sáng mang lại sự sống. Có lần Ngài khẳng định: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Chúa Giêsu đến thế gian để cho con người được sống và sống dồi dào.

“Thầy là sự sống lại và sự sống”, lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Ladarô sống lại là một trong những lời kỳ diệu nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Kitô giáo và những người vô thần ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó là chính nền tảng, và là hy vọng của cuộc đời.

Ladarô đau nặng, Matta và Maria sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay : “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Chúa bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa”.

Cho dù Ladarô đã chết, nhưng Chúa Giêsu vẫn nói với các môn đệ: “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó để anh em tin”. Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Matta đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối: “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Ladarô đã chết nhưng Matta tin chắc chắn Chúa có thể làm cho em trai mình được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu mạc khải: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Với lời xác quyết vừa trang trọng vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi Matta phải xác tín: “Con có tin điều đó không?”. Matta tuyên xưng: “Thưa Thầy có, con vẫn tin Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian”. Matta biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng gió phải im lặng. Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ. Ngài truyền cho Ladarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha. Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa. Một số khác, nhất là các Biệt phái và các Thượng tế lại chống đối cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và quyết định kết án tử hình cho Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay chứng minh cách tổng hợp, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa quyền năng vừa là con người yêu thương. Quyền năng làm cho kẻ chết sống lại. Con người nhân ái đến thăm gia đình có người qua đời, trái tim rung động thổn thức. Chúa Giêsu khóc nức nở trước ngôi mộ của Ladarô khiến dư luận bàn tán: “Coi kìa. Ông ấy thương Ladarô biết dường nào!”. Thánh Gioan cũng thấy như vậy: “Đức Giêsu quý mến cô Mácta cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô”.

Ladarô đi vào đường hầm của sự chết. Chúa đã gọi anh quay trở lại: “Ladarô, hãy ra đây!... Người chết đi ra, chân tay còn quấn những mãnh vải…”. Ladarô xuất hiện với cùng một thân xác như khi đi vào mồ. Anh nằm trong mộ bốn ngày rồi, thối rữa ra rồi.Thế mà Chúa bảo hãy đi ra. Anh đi ra thật. Giải băng còn quấn cứng ngắc...Sự hoảng hốt bao trùm. Niềm vui bùng nổ. Hàng ngàn người lại nườm nượp tuôn đến. Đến để xem người chết sống lại. Ladarô sống lại là hiện thân của một biến cố lịch sử ngàn năm một thuở.

Trong Cựu Ước, ngôn sứ Êlia đã làm cho con trai của bà góa ở Sarépta sống lại (x.1V 17,17-24), ngôn sứ Êlisa cũng làm cho đứa con trai của bà Sunêm sống lại (x.2V 4,32-37). Trong Tân Ước, Phêrô đã làm cho bà Tabitha đã chết sống lại (x.Cv 9,39-42). Chúa Giêsu đã làm cho người chết sống lại ít nhất ba lần: cho con trai bà góa thành Naim (x. Lc 7,11-15), cho con gái một ông trưởng hội đường (x. Mt 9,18-26; Mc 5,35-43; Lc 8,49-56), và cho Ladarô. Cũng như những người được hồng ân sống lại từ cõi chết, Ladarô sau này sẽ lại chết, người thân phải mai táng anh lần nữa.

Chúa Giêsu đối đầu với sự chết ngay trong lãnh địa thần chết. Ngài vào và ra khỏi đó như một người chủ vì Ngài nắm giữ chìa khóa sự chết và âm phủ (Kh 1,18). Ngài đã chịu chết nên Thiên Chúa đã ban triều thiên vinh quang cho Ngài (Dt 2,9); Ngài trở nên “trưởng tử giữa các vong nhân” (Cl 1,18). “Nhờ sự chết của mình, Chúa Giêsu đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5,10) “để chúng ta được lãnh gia nghiệp đã hứa cho” (Dt 9,15). Đối với người Kitô hữu, chính cái chết thân xác mang một ý nghĩa mới. Chết không còn là một định luật con người đành phải tuân theo, đành phải chấp nhận hay một hình phạt do tội lỗi gây ra. Người Kitô hữu “chết cho Chúa”, như đã sống cho Chúa (Rm 14,7; Pl 1,20). Nếu họ hy sinh đổ máu để làm chứng cho Chúa, cái chết của họ là một hy lễ tiến dâng lên Thiên Chúa (1Tim 4,6) và đáng được triều thiên sự sống (Kh 2,10; 12,11).

Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống.Tin vào Ngài là thông hiệp vào sự sống lại sau khi chết, khiến cái chết không còn nghĩa lý gì nữa. Cái chết của Ladarô chỉ là một giấc ngũ (Ga 11,11), người tin Chúa sẽ coi nhẹ cái chết chỉ như một giấc ngũ, một chặng đường dẫn tới sự kết hợp vĩnh viễn với Chúa. Đức tin, nền tảng tư duy dẫn vào cuộc đổi mới đời mình và đổi mới cả môi trường trần thế đang là đất sống của con người tại thế. Từ chỗ là do định luật thiên nhiên đáng lo sợ, cái chết trở thành cõi phúc “Phúc thay những người chết trong Chúa” (Kh 14,13), để được sống đời sống mới và ở đó “không còn sự chết nữa” (Kh 21,4). Đối với những ai sống lại với Chúa Kitô sẽ không có “cái chết lần thứ hai” (Kh 20,6). Như thế đối với người Kitô hữu, chết là một phúc lợi vì được chính Chúa Kitô là sự sống (Pl 1,21).

Thiên Chúa là Đấng có quyền trên sự sống của con người. Chúa Giêsu hứa ban sự sống lại vào ngày sau hết cho những ai tin vào Ngài. Chúa Giêsu đã nối kết niềm tin vào sự sống lại của con người với niềm tin vào chính sự sống lại của Ngài: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25; 1Cor 15,16-19). Chúa Giêsu đã đưa ra một chiều kích hiện sinh mới, mở ra cho ta con đường tiến tới chân lý sự sống bằng sự chết mà Ngài đã thực hiện. Chính sự tử nạn và phục sinh của Ngài làm cho mọi cái chết trở thành Tin Mừng của sự sống.

Chúa Giêsu không chỉ yêu thương chúng ta bằng tình yêu thần linh của một vị Thiên Chúa, mà còn yêu bằng chính tình cảm đầy tính người của con người. Và dù mang tính con người, tình yêu ấy vẫn rất bao la, quảng đại và triệt để: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). “Đến cùng” ở đây là tới mức tận cùng của tình yêu con người, không ai có thể yêu hơn được nữa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô không những đã chuộc lại những gì con người đã mất do tội lỗi nhưng còn là một cuộc sáng tạo. Nhờ sự chết và sống lại mà Ngài đã nối nhịp cầu hiệp thông liên kết giữa Thiên Chúa và con người, thiết lập một tương quan mới Cha con. Nhân loại từ đây không những được ơn tha thứ, được gột rửa sạch tội lỗi để khỏi án chết đời đời, nhưng còn được trở nên con cái Thiên Chúa, được gọi Người là Abba, Cha ơi (Rm 8,15).

Sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người khi sáng tạo là sự sống trong tương quan giữa Hoá Công và thọ tạo. Sự sống mà Chúa Kitô đem lại cho con người là sự sống trong tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và loài người được nâng lên địa vị làm con. Sự sống “tự nhiên” là một thực tại khách quan. Sự sống mới hay sự sống “siêu nhiên” là một trạng thái ân tình mà con người phải đi vào để được thực sự thông hiệp với Thiên Chúa.

Tin và sống trong ân tình Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, là mang trong mình mầm mống của sự sống đời đời. “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết” (Ga 11, 26; 1Ga,14). “Không bao giờ chết” là không bao giờ mất hiện hữu trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con.
Xin cho chúng con được sống lại trong niềm tin vào Chúa để chúng con được sống dồi dào trong tình thương của Chúa
. Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhìn lại Hội Nghị Thần Học Châu Phi
Vũ Văn An
00:55 28/03/2017
Hội Nghị Thần Học Châu Phi tại Rôma trong các ngày 22 tới 25 tháng Ba, do Đại Học Notre Dame, Hoa Kỳ, bảo trợ, đã bế mạc.

Sau bốn ngày hội họp với 46 bài thuyết trình, 14 cuộc thảo luận, và rất nhiều phát biểu khác nhau, bất cứ nỗ lực nào nhằm tóm lược toàn diện Hội Nghị cũng là một điều khó thực hiện. Nhưng theo ký giả John Allen, điều người ta thấy xuất hiện từ Hội Nghị này chính là một thứ "Đạo Công Giáo Châu Phi Ấn Bản 2".

Thực vậy, trong phần lớn giai đoạn hậu thuộc địa, Giáo Hội ở Châu Phi đã dành nhiều thời gian cho hai thách thức chính. Thách thức đầu tiên là theo kịp tốc độ tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng; và thách thức thứ hai là đối mặt với các vấn đề xã hội hết sức phức tạp của lục địa, như xung đột vũ trang, nghèo đói kinh niên, suy thoái môi trường, xung đột sắc tộc và bộ lạc, và HIV / AIDS.

Tuy các thách thức trên hiện vẫn còn dai dẳng, nhưng điều vừa xuất hiện từ hội nghị thượng đỉnh ở Rôma là cảm thức về một sự trưởng thành ngày càng gia tăng, một niềm xác tín rằng Đạo Công Giáo Châu Phi đã vượt qua tuổi thơ ấu và thiếu niên để bước vào tuổi trưởng thành và sẵn sàng tiến vào một giai đoạn mới.

Nhưng đâu là các đặc điểm của thứ “Đạo Công Giáo Châu Phi Ấn Bản 2” ? Dựa vào tuần qua ở Rôma, John Allen cho rằng có ít nhất ba đặc điểm sau đây.

Đối ngoại và đối nội

Một đặc điểm của Giáo Hội trưởng thành ở Châu Phi là cảm thức nó có những đóng góp phải thực hiện không những đối với Châu Phi, mà còn đối với cả thế giới và Giáo Hội phổ quát nữa.

Đức Cha Tharcisse Tshibangu thuộc Cộng Hòa Dân Chủ Congo nhấn mạnh rằng thần học Công Giáo Châu Phi phải là một phần của cuộc đàm đạo hoàn cầu.

Đức Cha Tshibangu cho biết vào hôm thứ Tư: "Đây không những là vấn đề thần học Châu Phi đối với người Châu Phi, nhưng còn là một nền thần học có giá trị đối với từng người và mọi người”.

Trong một cuộc phỏng vấn của Crux, Đức Hồng Y Francis Arinze của Nigeria, một người “nặng ký” lâu năm của Tòa Thánh Vatican, nay đã nghỉ hưu, nói rằng sự xuất hiện của các vị giáo phẩm Châu Phi trong tư cách các nhà chủ đạo trong Giáo Hội hoàn cầu, trong đó có các vai trò then chốt các ngài đã đóng trong hai Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây về gia đình, là một kết quả hữu cơ của sự trưởng thành của Giáo Hội Châu Phi.

Ngài nói: "Các giám mục và Hồng Y có nhiều kinh nghiệm hơn về Giáo Hội, và vì thế các ngài buộc phải đóng góp nhiều hơn. Đây chỉ là sự phát triển bình thường của sự quan phòng của Thiên Chúa".

Một phần của bức tranh có thể là số lượng lớn các linh mục và tu sĩ Châu Phi đang phục vụ ở nước ngoài, vì vậy đã có một cảm thức cho rằng Giáo Hội phổ quát cần đến Châu Phi. Một phần nữa, cũng có thể là cảm thức cho rằng Đạo Công Giáo Châu Phi đã sản sinh ra một khối sâu sắc gồm cả suy tư thần học lẫn thực hành mục vụ, mà nó có lý để tự hào.

Dù sao, cũng đã có một cảm thức mạnh mẽ ở Rôma cho rằng "thời điểm Châu Phi" trong Giáo Hội Công Giáo đã xuất hiện. Không rút chân ra khỏi các thách thức của Châu Phi, Giáo Hội trên lục địa này rõ ràng đã sẵn sàng hơn để đóng vai trò dẫn đầu trên sân khấu hoàn cầu.

Trung thực và tự phê

Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Công Giáo Châu Phi thường tỏ ra tự vệ trước bất cứ lời phê phán nào về Giáo Hội trên lục địa, vì sợ rằng lời phê phán này sẽ nuôi dưỡng nhận định coi Châu Phi như khủng hoảng chức năng và chưa chín muồi.

Nhưng hiện nay, chính nhờ cảm thức tự tin ngày càng gia tăng, người Công Giáo Châu Phi rõ ràng có khuynh hướng trung thực thừa nhận các thất bại và thiếu sót của mình, vì biết rằng Giáo Hội của họ có đủ sức mạnh để chống lại bão tố.

Cha Paulinus Odozor người Nigeria, người tổ chức hội nghị thượng đỉnh, đã đưa ra quan điểm sau đây trong một cuộc phỏng vấn với Crux.

Ngài nói: "Bạn phải sẵn sàng giặt quần áo dơ bẩn của bạn trước công chúng, nơi mọi người có thể nhìn thấy. Nếu muốn được xem xét nghiêm túc như một người tham gia, Châu Phi phải trung thực với chính mình.

"Chúng tôi không những muốn mọi người nghe những điều tuyệt vời mà chúng tôi đang làm. Chúng tôi cũng muốn mọi người nghe những điều khủng khiếp mà chúng tôi đang làm, và những điều chúng tôi không làm tốt lắm".

Điểm trên đã được củng cố suốt trong Hội Nghị, như các ví dụ sau đây chứng thực.

• Đức Giám Mục Godfrey Onah của Nigeria than thở rằng mặc dù Châu Phi cổ đại đã sản sinh ra các giáo phụ vĩ đại cho Giáo Hội, ngày nay nó nổi tiếng với các nhà chữa bệnh bằng đức tin và các trung tâm làm phép lạ.

• Cha Ludovic Lado, một tu sĩ dòng Tên ở Bờ Biển Ngà, báo cáo rằng một số linh mục Công Giáo ở Châu Phi không những làm trò phù thủy, mà còn thực hiện bùa phép chống lại nhau nữa.

• Nữ tu Maamalifar Poreku của Ghana không những phàn nàn rằng phụ nữ trong Giáo Hội Châu Phi thường không làm gì khác ngoài việc lau dọn các khăn thánh của giáo xứ, thế mà chính Hội Nghị Thượng Đỉnh ở Rôma cũng đã không thực sự cho bà chút hy vọng nào là mọi thứ sẽ thay đổi.

Bất kể người ta sẽ làm gì với những điểm trên, những người đề xuất chúng không hề có cảm thức cho rằng làm như vậy sẽ gây tổn hại đến các triển vọng của Công Giáo Châu Phi. Tiền đề không được nói ra dường như là thế này: "Chúng tôi đã thực hiện được đủ điều đến nỗi nói ra những điểm này không hề thay đổi gì trong căn bản của phương trình”.

Quân bằng về Người Khác

Khi Đạo Công Giáo Châu Phi bắt rễ lần đầu tiên, có một cảm thức dễ hiểu này là việc loan báo Tin Mừng là việc mong manh, và do đó, đôi khi, có một sự thù nghịch mạnh mẽ đối với bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai xem ra muốn đe dọa tới việc Đạo nắm giữ đàn chiên của mình.

Trong bối cảnh Châu Phi, điều trên, nói chung, thường được diễn dịch thành sự cạnh tranh sắc cạnh đối với hai biểu thức tôn giáo về "người khác": đó là Hồi Giáo và Phái Ngũ Tuần (Pentecostalism).

Dù ngày nay, nhiều người Công Giáo vẫn tỏ ra thận trọng đối với cả hai nhóm người trên, và họ không hẳn không có lý do chính đáng, nhưng càng ngày họ càng tỏ ra có khả năng biết thừa nhận điều tốt của cả hai nhóm trên, và thậm chí còn miễn cưỡng thừa nhận rằng việc cạnh tranh để chiếm trái tim và trí óc người khác có thể là một điều thực sự lành mạnh.

Đức Giám Mục Matthew Kukah của Sokoto ở miền bắc Nigeria, một vùng có số người Hồi Giáo áp đảo, từng xuất hiện như là một trong những người đối thoại chính với Hồi Giáo của Đạo Công Giáo Châu Phi, cho rằng việc sống chung hòa bình thực sự là chuẩn mực của Châu Phi còn bạo lực chỉ là ngoại lệ.

Ngài nói trong một cuộc phỏng vấn của Crux: "Điều người ta gọi là cuộc xung đột Kitô Giáo và Hồi giáo, thực ra không có gì là không thể tránh được. Tôi nghĩ rằng các phương tiện truyền thông phương Tây đã dựng nên nó, và nó rất phổ biến".

Ngài nói thêm: "Điều mà chúng ta thực sự gọi là bạo lực giữa người Kitô hữu và người Hồi giáo ở Nigeria là sự thất bại của luật pháp và trật tự. Rất nhiều vấn đề dẫn đến bạo lực rất ít có liên quan đến tôn giáo”.

Còn về người Ngũ Tuần, đã có nhiều bài tham luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Rôma nói về cách họ "rù quyến" người ta ra khỏi Giáo Hội Công Giáo – như cho những người này việc làm, tổ chức các dịch vụ hẹn hò để cung cấp cho họ các người phối ngẫu, và chào mời các chủng sinh và linh mục đào ngũ.

Nhưng mặt khác, một số tham dự viên cũng thừa nhận rằng thách thức Ngũ Tuần thực sự là một thách thức lành mạnh, vì nó buộc đạo Công Giáo phải "thức tỉnh".

Bà Obiageli Nzenwa, một phụ nữ giáo dân Công Giáo và là chuyên gia tư vấn độc lập về các tài nguyên nhân lực tại Abuja, Nigeria, nói rằng: "Điều đó làm chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không được coi người của chúng tôi là tự nhiên mà có được”.

Bà nói bà hy vọng sự bùng nổ của Ngũ Tuần có thể thúc đẩy Đạo Công Giáo chú ý nhiều hơn đến tầm quan trọng của việc đào luyện và trợ giúp phụ nữ, vì họ tạo thành xương sống của Giáo Hội Châu Phi.

"Đạo Công Giáo Châu Phi Ấn Bản 2" tỏ ra tự tin hơn, trung thực hơn về chính mình, và ít đưa ra các phán đoán vội vàng đối với người khác.

Với tất cả những gì mà ấn bản 1 đã hoàn thành, trong đó có việc lên khuôn cho cộng đồng Công Giáo năng động và nhiệt tình nhất trên thế giới, quả là điều thích thú khi theo dõi xem ấn bản 2 sẽ tiến hành ra sao.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi từ bỏ võ khí hạt nhân
Lm. Trần Đức Anh OP
08:54 28/03/2017
VATICAN. ĐTC kêu gọi cộng đồng thế giới từ bỏ võ khí hạt nhân, xây dựng hòa bình trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện và trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp các nước tham dự Hội nghị của LHQ đang tiến hành tại New York từ ngày 27 đến 31-3-2017, nhắm thương lượng về một văn kiện pháp lý, có tính chất bó buộc, về sự cấm các võ khí hạt nhân, để đi tới sự hoàn toàn loại trừ thứ võ khí này.

Sứ điệp của ĐTC đã được Đức Ông Antoine Camilleri, người Malta, Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị tuyên đọc, trong đó ĐTC khẳng định rằng ”một thứ luân lý và luật pháp dựa trên sự đe dọa phá hủy lẫn nhau, và có thể hủy diệt toàn thể nhân loại, là điều tương phản với chính tinh thần của LHQ. Vì thế, chúng ta phải dấn thân cho một thế giới không còn võ khí hạt nhân và hoàn toàn áp dụng Hiệp ước về sự không lan tràn thứ võ khí này”.

ĐTC cũng nhận xét rằng chủ trương trang bị võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ mà không dám tấn công, đó là điều không thích hợp, vì nó không đáp ứng hữu hiệu những thách đố và những đe dọa chính đối với nền hòa bình và an ninh của thế giới trong thế kỷ 21 này như nạn khủng bố, các cuộc xung đột không đối xứng (conflitti asimetrici), an ninh tin học, các vấn đề môi trường, nghèo đói. Ngoài ra, việc sử dụng võ khí hạt nhân còn gây nên những hậu quả thê thảm về nhân mạng và môi trường, với những hậu quả tàn phá bừa bãi trong thời gian và không gian. Thêm vào đó, việc trang bị võ khí hạt nhân còn đưa tới sự phí phạm tài nguyên, lẽ ra được sử dụng cho những ưu tiên quan trọng hơn, như thăng tiến hòa bình và phát triển nhân bản toàn diện, chiến đấu chống nghèo đói và thực hiện chương trình hành động 2030 do LHQ đề ra để phát triển dài hạn”.

Cũng trong sứ điệp, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Hòa bình và sự ổn định quốc tế không thể dựa trên một cảm thức giả tạo về an ninh, trên sự đe dọa phá hủy nhau hoặc hoàn toàn tiêu diệt nhau, trên sự duy trì quân bình thế lực. Trái lại hòa bình phải được xây dựng trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện, trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người, trên việc bảo tồn thiên nhiên, sự tham gia của tất cả mọi người vào đời sống công cộng, trên sự tín nhiệm giữa các dân tộc, thăng tiến các tổ chức hòa bình, trên sự được hưởng giáo dục và sức khỏe, đối thoại và liên đới.

Theo ĐTC, ”trong viễn tượng này, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đi xa hơn chủ trương trang bị võ khí để làm cho đối phương nể sợ: cần chấp nhận những chiến lượng nhìn xa trông rộng để thăng tiến đối tượng hòa bình và sự ổn định, và tránh những đường lối tiếp cận thiển cận về những vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế” (SD 28-3-2017)
 
Thủ đô Caracas của Venezuela là thành phố bạo lực nhất trên thế giới
Nguyễn Long Thao
09:46 28/03/2017
Theo tin của Agenzia Fides, thủ đô Caracas của nước Venezuela là thành phố bạo lực nhất trên thế giới. Bản tin viết ngày 28/03/ 2017 cho biết có trường hợp trẻ em mới lên 8 tuổi đã giết người.

Theo kết quả của cuộc nghiên cứu của cơ quan Cecodap, một tổ chức độc lập, phi chính phủ, có mục đích bảo vệ nhân quyền các thanh thiếu niên thì trong năm 2016 có ít nhất 2936 thanh thiếu niên dưới 17 tuổi phạm tội ác, trong đó 34% phạm tội cướp, 8% tội giết người.

Theo một báo cáo khác của cơ quan chính phủ có tên là Cơn Quan Quan Sát Tội Phạm Venezuela, gọi tắt là VOV thì trong năm 2016 có 28,476 vụ giết người.
 
Bảo vệ sự sống ngay từ lúc thụ thai, chính là để ngăn ngừa sự bạo hành
Bùi Hữu Thư
16:03 28/03/2017
Bảo vệ sự sống ngay từ lúc thụ thai, chính là để ngăn ngừa sự bạo hành

Tweet của Đức Thánh Cha Phanxicô

27 tháng 3, 2017

Một lần nữa Đức Thánh Cha lại mời gọi chúng ta bảo vệ sự sống: ngài nói sẽ giúp cho nền hòa bình trên thế giới.

Một điện tín tweet mới của Đức Thánh Cha được gửi đi ngày 27 tháng Ba, 2017 trên chương mục @Pontifex bằng chin ngôn ngữ. Đức Thánh Cha viết: “Bảo vệ kho tàng chí thánh của tất cả mọi đời sống con người, từ lúc thụ thai đến lúc qua đời là đường lối tốt nhất để ngăn ngừa mọi hình thức bạo hành.”

Trong Evangelii Gaudium, Radio Vatican nhắc lại, Đức Thánh Cha khẳng định mạnh mẽ là Giáo Hội luôn luôn ở kế bên những người yếu đuối nhất, “trong đó cũng có những thai nhi, là những kẻ không tự bảo vệ mình và vô tội nhất, mà ngày nay người ta lấy mất đi nhân phẩm để có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, bằng cách lấy đi sự sống và bằng cách cổ võ các đạo luật khiến cho không có ai có thể ngăn cản họ làm như vậy” (213).

Đức Thánh Cha viết thêm: “Chúng ta không thể nào mong đợi Giáo Hội sẽ thay đổi lập trường về vấn đề này. Tôi muốn hết sức thành thật về điều này. Đây không phải là một vấn đề để thảo luận về những phương thức cải cách hay ‘hiện đại hóa” giả dụ. Không thể được coi là cấp tiến khi lấy đi một mạng sống con người.

Nhưng sự thật là đìều chúng ta cũng có thể đồng hành đầy đủ bên các phụ nữ ở trong những trường hợp hết sức khó khăn, khi việc phá thai được họ coi là một giải pháp nhanh chóng cho những lo âu khủng khiếp của họ.” (214).

Bùi Hữu Thư
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Giáo xứ Thánh Linh, Tĩnh Tâm Mùa Chay 2017 Chủ đề: Lời Từ Trên Cao Ngày 1
Lê Sự
11:56 28/03/2017
Cộng Đoàn Giáo Xứ Thánh Linh

Tĩnh Tâm Mùa Chay

Chủ đề: Lời Từ Trên Cao

Lm. Joseph Nguyễn Thiết Thắng thuyết giảng

ngày 9, 10, 11 tháng 3 năm 2017





 
Cộng đoàn Giáo xứ Thánh Linh, Tĩnh Tâm Mùa Chay 2017 Chủ đề: Lời Từ Trên Cao Ngày 2
Lê Sự
11:14 28/03/2017
Cộng Đoàn Giáo Xứ Thánh Linh

Tĩnh Tâm Mùa Chay

Chủ đề: Lời Từ Trên Cao

Lm. Joseph Nguyễn Thiết Thắng thuyết giảng

ngày 9, 10, 11 tháng 3 năm 2017



 
Hình ảnh truyền giáo 'Đường Lên Bản Thượng' cuả vùng Tây Bắc Bộ.
Trần Mạnh Trác
21:01 28/03/2017
Xem hình ảnh

Bài hát "Con đường nào Chuá đã đi qua" cuả Cha Văn Chi, phó giám đốc VietCatholic, chắc hẳn phải ỉ ôi bên tai cuả linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình trong suốt lộ trình 40 km cheo leo khi ngài vượt đường rừng để đến với một cộng đoàn mới mẻ người dân tộc H'mông.

Tại đây, ngài đã gứi đi nhiều tấm hình sống động cuả những mảnh đời cô quạnh trong cảnh bần cùng, tuy chưa đến nỗi như cảnh 'nuí Sọ' năm xưa, nhưng cũng đầy dẫy những bi thương về các thân phận 'lỡ phải sinh ra' trong một vùng 'bị bỏ rơi'.

Ngài viết:

"Lần đầu tiên đến với Bản Toòng, một cộng đoàn H'mông cách Sapa 40km, nơi còn khó khăn nhiều mặt. Cả 4 tiêu chí để phát triển ĐIỆN-ĐƯỜNG-TRƯỜNG-TRẠM (điện thắp sáng, đường giao thông, trường học, trạm y tế) đều hầu như chưa có.

Ghi công cha Giuse Đỗ Tiến Quyền đã vất vả gầy dựng nên cơ sở vật chất này và cha Đaminh Hoàng Thế Bằng đã thường xuyên đến dâng lễ cho cộng đoàn."


'Con đường lên bản thượng' này phải chăng là con đường Nuí Sọ mà các nhà truyền giáo ngày nay đang gắng sức vượt qua, tìm gặp sự thương khó cuả Chuá Kitô trên những đỉnh núi, đồ̀ng thời mang đến những tia hy vọng cuả một muà phục sinh?
 
Hình ảnh Cursilo Melbourne đi Đàng Thánh Giá Mùa Chay 2017
Hình Lê Hải
21:31 28/03/2017
Hình ảnh Cursilo Melbourne đi Đàng Thánh Giá Mùa Chay 2017
Xin xem hình
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Nến tín hữu trong đêm Vọng Phục sinh được thắp vào lúc nào?
Nguyễn Trọng Đa
08:54 28/03/2017
Giải đáp phụng vụ: Nến tín hữu trong đêm Vọng Phục sinh được thắp vào lúc nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Chúng con đang có các bất đồng trong giáo xứ của chúng con vể cách tiến hành một số phần của Thánh Lễ Vọng Phục Sinh. Thứ nhất (1): Khi có ngọn lửa mới ở ngoài trời, lệnh rước đi vào nhà thờ dường như là khá rõ ràng trong chữ đỏ. Tuy nhiên, ở lần hát thứ hai (số 16), câu "mọi người thắp nến từ ngọn lửa của cây nến Phục sinh..." dường như bị hiểu sai, vì nhiều người đi trước cả thầy phó tế, nên họ thắp nến hoặc từ ngọn nến Phục sinh sau lẩn hát thứ nhất, hoặc từ các người khác. Cá nhân con cảm thấy rằng chúng ta nên tuân theo chữ đỏ càng sát càng tốt. Con cảm thấy chúng ta nên theo sát các hướng dẫn một cách chặt chẽ hơn. Việc thắp nến cũng tạo ra một sự hiểu biết trân trọng hơn và tốt hơn về phép rửa tội của chúng ta. Thời gian kéo dài và trật tự phụng vụ sẽ là đáng giá cho việc này. Cha có thể đề nghị gì trong cách thức con nói nên giải quyết vấn đề này? Thứ nhì (2): Sau lần hát thứ ba “Ánh sáng Chúa Kitô, Lumen Christi" (số 17), cụm từ "Và thắp hết các đèn trong nhà thờ..." cũng dường như rõ ràng, nhưng trong giáo xứ của chúng con và nhiều giáo xứ khác trong khu vực, bóng tối vẫn còn đó. Tất cả các bài đọc được đọc trong bóng tối với đèn pin được sử dụng cho việc đọc sách. Sau đó, khi chữ đỏ nói (số 31): "nến bàn thờ được thắp sáng", tất cả đèn nhà thờ được bật sáng, và Kinh Vinh danh (Gloria) được hát. Các gợi ý nào có thể được thực hiện để cho chữ đỏ được tuân giữ cách chặt chẽ hơn? Con cảm thấy khó chấp nhận rằng chúng ta thay đổi phụng vụ theo ý thích của chúng ta, vốn không phải là việc chúng ta làm, đặc biệt là khi chữ đỏ là khá rõ ràng rồi. Hay là con cũng đang quá "đúng theo phụng vụ"? - T. V., Ottawa, Ontario, Canada.


Đáp: Tôi không nghĩ rằng bạn đọc này của chúng ta là không đúng, khi muốn rằng chữ đỏ cần được tuân theo cách chính xác.

Văn bản của chữ đỏ cho biết:

"Khi ngọn nến đã được thắp sáng, một thừa tác viên lấy than ra khỏi lửa và đặt vào bình hương, và linh mục bỏ hương vào bình theo cách thông thường. Thầy Phó tế, nếu không có Phó tế, một thừa tác viên phù hợp khác, cầm cây nến Phục sinh và đoàn rước được hình thành. Người cầm bình hương, có bỏ hương, đi trước thầy Phó tế hoặc thừa tác viên khác cầm nến Phục Sinh. Sau họ, là linh mục với các thừa tác viên khác và dân chúng cầm trong tay nến chưa thắp sáng.

"Tại cửa nhà thờ, thầy Phó tế, đứng và nâng cây nến và hát: "Ánh sáng Chúa Kitô" và tất cả đều thưa “Tạ ơn Chúa”.

"Linh mục thắp nến của mình từ ngọn nến Phục sinh.

"Sau đó thầy Phó tế tiến vào giữa Nhà thờ, đứng lại, và nâng nến lên và hát lần thứ hai ...

"Mọi người thắp nến của mình từ cây nến Phục sinh và tiếp tục cuộc rước.

"Khi thầy Phó tế đến trước bàn thờ, thầy quay mặt ra phía dân chúng, nâng nến lên và hát lần thứ ba ...

"Sau đó, thầy Phó tế đặt cây nên Phục sinh trên giá nến lớn, đặt cạnh tòa giảng hoặc ở giữa cung thánh.

"Ðến đây thắp hết các đèn trong nhà thờ, trừ các ngọn nến bàn thờ".

Về Kinh Vinh Danh, chữ đỏ cho biết:

"Sau bài đọc cuối cùng trích Cựu Ước cùng với đáp ca và lời nguyện, thì đốt nến trên bàn thờ và linh mục xướng kinh Vinh Danh. Mọi người cùng đọc hay hát tiếp. Trong lúc đó kéo chuông hoặc đánh chiêng trống, tùy theo thói quen địa phương”.

Như bạn đọc của chúng ta nhắc đến, chữ đỏ là rõ ràng về việc rước nến Phục sinh. Đồng thời, một số thích nghi có thể là cần thiết, do hoàn cảnh địa phương hoặc do nhu cầu phụng vụ.

Thí dụ, ở Canada, có thể là không phải mọi người đều chờ đợi bên ngoài nhà thờ, khi nhiệt độ ban đêm vào tháng Ba và tháng Tư có thể dao động quanh mức 0 độ Celsius. Trong các trường hợp như vậy, phần lớn dân chúng có thể đứng cầm nến chưa thắp bên trong nhà thờ.

Trong thời kỳ đông lạnh hơn, một số biện pháp thiết thực có thể được thực hiện, chẳng hạn chỉ mở cửa chính nhà thờ, khi đoàn rước đến, và sử dụng dây thừng hoặc các phương tiện khác để hướng dẫn đoàn rước.

Tương tự như vậy, vì mục đích an toàn và phụng vụ, khu vực xung quanh ngọn lửa mới, nên có rào cản để người dân không tự ý thắp nến của họ tại đó.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là làm cho các tín hữu hiểu, thông qua một số hình thức chuẩn bị ban đầu, như có một lời dẫn ngắn gọn trước khi buổi lễ bắt đầu, cũng như về tầm quan trọng của biểu tượng của mọi ngưởi thắp nến từ cây nến Phục sinh, vốn tượng trưng cho Chúa Kitô Phục Sinh, Người mang lại cho chúng ta cuộc sống mới và ánh sáng mới. Một khi giá trị biểu tượng đằng sau chữ đỏ được nắm bắt, thì sẽ dễ dàng hơn để sống phụng vụ thật đầy đủ.

Điểm thứ hai cũng là khá rõ ràng. Sau khi thầy Phó tế hát lần thứ ba câu "Ánh sáng Chúa Kitô”, các đèn trong nhà thờ được thắp sáng.

Tập tục đọc các bài đọc trong bóng tối là không phù hợp với chữ đỏ, và dường như không phải là sự lưu giữ trực tiếp từ phụng vụ cũ của hình thức ngoại thường, vì chữ đỏ của hình thức ngoại thường cho đêm Vọng Phục sinh cũng quy định việc thắp sáng nhà thờ, sau lần hát thứ ba của câu "Ánh sáng Chúa Kitô".

Tuy nhiên, chữ đỏ của hình thức ngoại thường là hơi khác, vì chỉ hàng giáo sĩ thắp nến của họ sau lần hát thứ hai của câu "Ánh sáng Chúa Kitô", và dân chúng thắp nến của họ sau lần hát thứ ba, vốn trùng hợp với việc thắp sáng đèn trong nhà thờ. Chữ đỏ này có thể làm giảm tác dụng của nhà thờ chỉ được sáng bằng các ngọn nến.

Cũng là đúng rằng thời gian hát kinh Vinh Danh được nhấn mạnh nhiều hơn trong hình thức ngoại thường, so với nghi thức hiện tại.

Theo Cẩm nang hướng dẫn của Fortescue-O'Connell-Reid:

"[Linh mục] xướng 'Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, Gloria in excelsis'. Các chuông của nhà thờ, lớn và nhỏ, đều rung reo suốt cả kinh Vinh danh, phần hát kinh này được đệm đàn phong cầm. Các tượng ảnh trong nhà thờ được mở phần che ra”.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, mặc dù không được quy định trong các nghi thức, có thể chắc rằng một mong muốn kéo dài thời gian thắp nến của nhà thờ , và tầm quan trọng được dành cho kinh Vinh Danh, dẫn đến tập tục phổ biến rộng rãi cho việc trì hoãn thắp sáng đầy đủ Nhà thờ, cho thời điểm này, hoặc ít nhất là cho đến sau khi hát xong bài Mừng Vui Lên (Exsultet). Tập tục này sau đó được chuyển sang nghi lễ hiện tại.

Bạn đọc trên đây của chúng ta sống ở Canada, nhưng tôi đã thấy tập tục này cũng có ở Mexico và các nước Nam Mỹ. Ở một số nơi, nhiều linh mục vẫn nghĩ rằng đây là cách đúng đắn để thực hiện, và là một lỗi lầm khi chỉ thắp đèn sau lần hát thứ ba của câu "Ánh sáng Chúa Kitô”.

Lẽ tự nhiên, tôi ủng hộ việc tuân theo chữ đỏ đã được thiết lập. Chữ đỏ nói rằng "các đèn trong nhà thờ được thắp sáng", chứ chữ đỏ không quy định rằng tất cả các đèn phải được bật sáng lên.

Vì lý do này, mặc dù cá nhân tôi không ủng hộ hình thức thắp sáng dần dần này, nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ chống lại chữ đỏ, để thắp sáng một phần nhà thờ sau lần hát thứ ba của câu "Ánh sáng Chúa Kitô", và sau đó bật tất cả hoặc hầu hết các đèn sau bài “Mừng vui lên”, khi các ngọn nến bị dập tắt.

Không có gì trong Sách lễ, cũng không gì trong nghĩa chung của nghi thức hiện tại, có thể ủng hộ sự kéo dài gần như mờ tối, cho đến Kinh Vinh Danh. Tuy nhiên, bài “Mừng vui lên” là lời loan báo về Chúa Phục Sinh, và các bài đọc của Cựu Ước không là dấu chỉ của một khoảng thời gian của tối tăm, nhưng là các bài ngôn sứ giúp cho việc hiểu đầy đủ về sự viên mãn trong Chúa Phục Sinh.

Chúng ta có thể nói rằng, theo một cách nào đó, ánh sáng của các nến bàn thờ tại thời điểm này tượng trưng cho sự xuất hiện của nhiệm cục bí tích của ơn cứu độ, mà trung tâm của nó là việc cử hành Thánh lễ.

Ở nơi đâu nhấn mạnh thời điểm này của Lễ Vọng là một tập quán đã được thiết lập từ lâu, người ta có thể được chấp nhận chờ cho đến thời điểm này, để bật đèn chiếu sáng trực tiếp bàn thờ. (Zenit.org 28-3-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thông Báo
Phân Ưu: Ông Cố Antôn Maria Nguyễn Minh Xuân qua đời tại Nam Cali
Ban Giám Đốc VietCatholic
23:04 28/03/2017
PHÂN ƯU
Chúng tôi mới nhận được ai tín

Ông Cố Antôn Maria Nguyễn Minh Xuân
Sinh ngày 02 tháng 03 năm 1932
tại làng Tân Hưng, Đông Quan, Thái Bình, Việt Nam.
từ trần ngày thứ Tư, ngày 22 tháng 03 năm 2017
tại bệnh viện UCI, Thành Phố Orange, California.
Hưởng thọ 85 tuổi.

Linh cửu hiện quàn tại Arboretum Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô
13280 Chapman Avenue, Garden Grove, CA 92840, (714) 893-3525

Chương trình cầu nguyện, hiệp dâng thánh lễ, và tang lễ
được cử hành tại Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô như sau:

Thứ Sáu, ngày 31 tháng 03 năm 2017
* 10:00 AM - 11:00 AM: Nghi thức phát tang
* 5:30 PM: Thánh Lễ do Cha Christopher Phạm Quốc Tuấn chủ tế.

Thứ Bảy, ngày 01 tháng 04 năm 2017
* 11:30 AM: Thánh Lễ An Táng do Đức Ông Giuse Phạm Quốc Tuấn chủ tế và quý Cha đồng tế.
* Sau Thánh Lễ, đưa rước Linh Cữu Ông Cố Antôn Maria đến yên nghỉ tại nghĩa trang Nhà thờ Chính Tòa.

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Chúng tôi xin thành kính phân ưu cùng ÔB. Nguyễn Thanh Hà (cộng tác viên VietCatholic)
và các con, các cháu và tòan thể đại gia đình ông Cố Antôn Maria.
Xin Chúa ban phúc trường sinh cho linh hồn Antôn Maria nơi Thiên Quốc.

LM Trần Công Nghị và Ban Giám Đốc VietCatholic

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đan Cờ Vàng
Đặng Đức Cương
18:50 28/03/2017
ĐAN CỜ VÀNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Ngày xưa em vá cờ Vàng
Bây giờ xa xứ khăn quàng em đan
Vẫn mơ ngày ấy vinh quang.
(bt)