Ngày 30-03-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thông cảm với Chúa
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
01:09 30/03/2012
CHÚA NHẬT LỄ LÁ, A,B,C
+++
A. DẪN NHẬP

Hôm nay chúng ta bước vào Tuần thánh, kỷ niệm cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Tuần thánh được khai mạc bằng nghi thức làm phép lá và cuộc rước lá. Đây là những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu. Tất cả những việc làm của Chúa Giêsu trong tuần thánh này đều diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta : Ngài lập bí tích Thánh thể là bí tích yêu đương, Ngài hiến trọn thân xác mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta. Ngài còn dùng cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc chúng ta, một hành động diễn tả tình yêu đến tột cùng . Nhưng sau cái chết nhục nhã trên thập giá, Ngài sẽ sống lại vinh quang để đem lại cho chúng ta sự sống mới và bảo đảm phúc trường sinh.

Hôm nay là Chúa nhật Lễ Lá và Thương Khó, chúng ta bước vào những ngày mà nỗi khổ đau của Đức Giêsu lên đến cực điểm. Đây chắc chắn phải là những ngày cuộc đời làm sáng tỏ hơn hết tình yêu Chúa đối với chúng ta. Chính Ngài đã chẳng nói :”Bằng chứng lớn lao nhất của tình yêu đối với bạn hữu là chết cho bạn sao” ? Ngài đã chết cho chúng ta và chết trên thập giá ! Chúng ta có thấu hiểu mầu nhiệm của tình yêu này không ? Lời Chúa tiên báo :”Khi nào Ta được đưa lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” có hấp dẫn được tâm hồn chúng ta không ?

Chúng ta hãy dùng tuần lễ này để thông cảm với Đức Giêsu bằng việc suy niệm sự thương khó của Ngài để biết theo gương Ngài đi theo con đường Ngài đã chỉ vẽ : đường thập giá :”Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Đồng thời chúng ta hãy vui vẻ đón nhận mọi đau khổ trong đời sống hằng ngày để thông hiệp vào sự thương khó còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ngài nơi chúng ta để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta và nhiều người khác.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Is 50, 4-7)

Tiên tri Isaia có 4 bài ca về Người Tôi Tớ đau khổ. Bài ca hôm nay là bài ca thứ ba. Người tôi tớ Thiên Chúa này là một tôi tớ nào đó, được Isaia diễn tả với những đặc tính sau đây :
a) Người tôi tớ Thiên Chúa luôn trung thành với nhiệm vụ được giao phó nên đã chấp nhận tất cả : sự bách hại, tra tấn, phỉ nhổ, cô đơn.
b) Người tôi tớ nhẫn nhục chịu đựng, không dùng bạo lực chống bạo lực.
c) Người tôi tớ tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa là Đấng sẽ đến giải thoát mình.

+ Bài đọc 2 : Pl 2, 6-11

Chúa Giêsu đươc coi như người Tôi tớ mà Isaia đã loan báo trước. Nơi Người có hai sự tương phản rõ rệt : sự tự hạ phi thường và chiến thắng vinh quang. Theo thánh Phaolô, Đức Giêsu có thể là một Đấng Messia chiến thắng buộc mọi người phải nhận uy quyền của mình. Thế nhưng, Ngài lại muốn hạ mình làm một người tôi tớ, hạ mình đến tận cùng để phục vụ. Những ai càng hạ mình càng được nâng lên, sự hạ mình khiêm tốn của Chúa Giêsu đã được đền đáp : Thiên Chúa đã tôn Ngài lên làm Đức Chúa của muôn loài muôn vật.

+ Bài Tin Mừng : Mt 26,14-27,66

Chúng ta có bốn bài tường thuật cuộc thương khó của Đức Giêsu trong Tin Mừng của bốn thánh ký. Mỗi bài tường thuật đều có bố cục giống nhau nhưng mỗi tác giả chú trọng vào một ý làm cho nó nổi bật lên :
. Marcô chú trọng vào mục đích truyền giáo.
. Luca nhấn mạnh vào tình thương yêu của Chúa.
. Gioan làm nổi bật sự tự do chấp nhận của Chúa, đồng thời cũng nói lên vương quyền của Ngài.
. Matthêu trình bầy đầy đủ hơn cả. Bài thưong khó này được coi như bài giáo lý dành cho những người Do thái để họ biết Đức Giêsu là ai.

Bài tường thuật cuộc thương khó của Đức Giêsu là một bằng chứng hùng hồn về tình yêu của Ngài đối với chúng ta ; đồng thời cũng là một thiên anh hùng ca về lòng cam đảm và tinh thần hy sinh chịu đựng, cũng như thái độ khoan dung thứ tha của Ngài. Suy niệm cuộc thương khó của Chúa sẽ giúp chúng ta biết can đảm đón nhận mọi gian nan thử thách trong cuộc sống để góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA Cùng đau khổ với Chúa

1. Nói về đau khổ

Đau khổ có mặt trên mặt đất này ngay sau khi tổ tông Adong Evà phạm tội ăn trái cấm. Thiên Chúa đã ra án phạt cho ông bà phải chịu đau khổ và sau cùng phải chết, và hậu quả bi đát này còn truyền lại cho con cháu ông bà (x. St 3,14-18).

Đức Giêsu vì đã muốn trở nên con người như chúng ta nên cũng trở nên con cháu Adong Evà, và nếu đã là con cháu ông bà thì phải chịu đau khổ như chúng ta, bởi vì Ngài đã trở nên người phàm như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.

Có hai thứ đau khổ : đau khổ vật chất và đau khổ tinh thần. Thường người ta cho vật chất hay thể xác là đau đớn, còn đau đớn tinh thần là đau khổ. Tuy nhiên, đau đớn và đau khổ có sự tương quan với nhau : đau đớn có thể đưa đến đau khổ và ngược lại, đau khổ có thể đưa đến đau đớn , hoặc vừa đau đớn vừa đau khổ.

Con người ta ở đời dù lớn, dù nhỏ, thế nào cũng đã phải chịu đau đớn hay đau khổ hơn một lần. Đứa trẻ dù mới sinh ra cũng phải chịu đau đớn, mặc dầu chưa biết đau khổ là gì, vì thế :
Vừa sinh ra sao đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì.
(Cao bá Quát)

Thiên Chúa không chủ ý dựng nên các đau khổ cho loài người, nhưng đấy là hình phạt bất đắc dĩ theo sự công bình của Chúa. Ngoài ra, không phải mọi tai họa, mọi sự đau khổ đều do Chúa gửi đến, mà do chính con người độc ác đã tạo ra cho nhau. Gần đây người ta phân tích nguyên nhân đau khổ loài người thì được biết :
. 85% đau khổ là do người làm khổ người.
. 5% là do thiên tai như mưa, gió, lũ lụt, động đất…
. 10% là do ngẫu nhiên.
Nếu người yêu người, người thực hiện tình người thì 85% đau khổ sẽ không còn, chỉ còn 15% do thiên tai và ngẫu nhiên. Và 15% đau khổ này, khi loài người thương yêu nhau, san sẻ cho nhau, yên ủi giúp đỡ nhau thì coi như đau khổ không đáng kể.

2. Ý nghĩa của đau khổ

Đứng trước thực tại của đau khổ, không ai có thể phủ nhận được. Ai cũng phải chấp nhận sự hiện hữu của nó. Nhưng trước những đau khổ ấy, mỗi người, mỗi tôn phái có một chủ trương riêng, một cái nhìn đặc thù và gán cho đau khổ một ý nghĩa riêng.

a) Các chủ trương trước đau khổ

* Thiên Chúa giáo :

Theo nhiều bản kinh , nhất là kinh Lạy Nữ vương, thì đời người được coi như là chốn lưu đầy, là vũng khóc lóc, là thung lũng đầy nước mắt. Nhưng đấy chỉ là lời kinh của người Công giáo đặt ra, có khi là của bậc thánh nhân khả kính, chí như trong bộ sách Phúc âm, không hề thấy nói đời là bể khổ. Chỉ thấy cuộc đời của Chúa Cứu thế này đầy những đau khổ...

Còn trong những lời Chúa Giêsu giảng dạy, nhiều lần Ngài muốn cho người ta hiểu và tin trên mặt đất này chỉ là tạm gửi trong một khoảng thời gian dự bị , thời sau mới là sung sướng hay đau khổ, và cũng là yên ủi những ai lâm vào hoàn cảnh nghèo nàn trên mặt đất này vẫn đầy đau khổ, nhưng cần phải phân biệt những thứ giả dối qua đi không hẳn là đau khổ hay là hạnh phúc cho thực.

* Phật giáo.

Đức Thích Ca đã tìm ra nguyên nhân của các đau khổ là : sinh, lão, bệnh, tử. Ngài đã giác ngộ và giúp cho chúng sinh giải thoát khỏi đau khổ. Phật giáo cho đời là bể khổ “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”. Một số thi sĩ nước ta bị ảnh hưởng yếm thế của Phật giáo, nên các tác phẩm đề có phảng phất ý tưởng bi quan, coi đời chỉ là bể khổ, là bến mê, là ảo ảnh, là vô thường...

Đức Thích Ca nói với năm thầy Sa-môn trước kia đã tu luyện cùng ngài ở Khổ hạnh Lâm :”Này các thầy Sa-môn, đây là phép mầu về sự khổ : sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ” (trích trong kinh Mahavagga, theo bản dịch của Phạm Quỳnh, Phật giáo đại quan, Nam phong tùng thư, tr 47). Đó là diệu đế thứ nhất nói về vạn sự ở đời là khổ, trong Tứ diệu đế là căn bản tinh hoa của Phật giáo. Chính phật Tổ cũng dạy :”Nước mắt chúng sinh trong ba nghìn thế giới, đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn bể”(Lm Bửu Dưỡng, Vấn đề đau khổ, Đa minh, 1966, tr 55-56).

* Phái Khắc kỷ

Phái này chủ trương triết thuyết về con người hùng. Họ coi như đời không có đau khổ, và nếu phải đau khổ thì cứ cắn răng mà chịu, không hề than khóc, cứ phớt tỉnh đi, coi như không đau khổ vậy. Những người theo phái này đều là những con người dạn dầy với đau khổ, họ không để cho đau khổ chi phối họ, và ngược lại, họ còn muốn chi phối đau khổ.

Người ta kể : Zénon de Cittium, thuộc phái Khắc kỷ, bị bắt làm nô lệ. Anh chàng nô lệ này thuyết cho ông chủ về chủ trương của phái mình trước đau khổ : coi như không đau đớn gì. Ông chủ bèn sai đầy tớ lấy hai thanh tre buộc vào sợi dây ngắn, quấn vào ống chân của Zénon mà vặn xem có đau không. Zénon không tỏ ra chút đau đớn, cứ vui cười. Ông chủ lại bảo người đầy tớ phải xoắn cho chặt, cho mạnh. Zénon cứ bình tĩnh và nói với người đầy tớ ấy rằng :

- Xoắn vừa chứ kẻo gẫy ống chân đấy.
Thấy mình bị trêu chọc, tên đầy tớ lấy hết sức vặn gẫy đôi chân của Zénon ra. Nhưng Zénon không tỏ ra đau đớn mà chỉ bình tĩnh nói :
- Tôi đã bảo kia mà ! Vặn mạnh quá làm gẫy đôi ống chân ra rồi !

* Theo quan niệm người đời.

Mọi người không phủ nhận đau khổ và cũng cảm thấy khiếp sợ đau khổ, không muốn chịu nhưng lại coi đau khổ là phương tiện cần thiết để đạt tới đích cao vời. Ai muốn tới mục đích thì cần phải dùng những phương tiện để đạt tới mục đích đó. Ví dụ :

Trời đất sinh ta âu hữu ý
Khách tài tình nên trải vị gian truân,
Một mai gặp hội phong vân.
(Cao bá Quát)
hoặc:
Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử ?
(Không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp con)

Kinh Thánh cũng nói :”Lửa thử vàng, gian nan thử người nhân đức”. Chính gian nan tự nó không có ý nghĩa gì, nhưng nó là phương tiện để tô luyện ta nên tốt hơn. Cũng như giống cúc “Camomile” có đặc tính kỳ lạ này : càng bị giẫm, bị đè lên bao nhiêu nó càng lớn nhanh bấy nhiêu (Chuyện lạ quốc tế, tr 108). Cũng một lẽ : chiếc lò xo bị nhận xuống ít thì bật lên nhẹ, còn nếu bị nhận xuống nhiều thì bật lên càng mạnh. Càng bị thử thách, con người càng hăng hái tiên lên. Đấy là luật bù trừ ở đời.

3. Mục đích của đau khổ

Chúng ta phải khẳng định rằng đau khổ không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện, là điều kiện “sine qua non” để đi tới mục đích, cũng như học hành vất vả là điều kiện để thi đỗ, để thành người thông thái ; hoặc muốn được nhiều hoa trái thì buộc phải cắt tỉa. Việc cắt tỉa không phải là mục đích nhưng chỉ là phương tiện để cây sinh được nhiều hoa trái.

Đau khổ còn là một mầu nhiệm. Đau khổ được đức tin đặt vào trong ý định của Thiên Chúa, trở thành một thử thách cao qúi, Thiên Chúa dành cho những tôi tớ Ngài tín nhiệm. Đức Giêsu đã tuyên bố điều luật khẩn thiết này :”Quả thật, Ta bảo chúng con, nếu hạt lúa rơi xuống đất không mục đi thì cứ trơ trơ một mình, nhưng nếu mục đi, nó sẽ sinh ra nhiều hạt”. Như thế đau khổ có ý nghĩa cao qúi của nó, giúp ta gắn bó với Chúa và giúp ta lập nhiều công phúc.

4. Thái độ của ta trước đau khổ

Chúng ta có thái độ nào trước đau khổ ? Đương đầu với nó hay trốn chạy ? Chiến thắng hay đầu hàng ? Về vấn đề này, ông Phạm công Thiện có ý kiến :”Đối với con người tầm thường, sự đau khổ và hạnh phúc chống đối nhau như hai kẻ thù không đội trời chung (và hẳn chạy theo hạnh phúc mà trốn đau khổ). Đối với con người khác thường, đau khổ và hạnh phúc hợp tác với nhau”.
(Phạm công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ triết học, 1965).

a) Thái độ tiêu cực

Nhiều người khiếp sợ đau khổ, khi thấy đau khổ thì tìm cách lẩn trốn. Nhưng trốn thế nào được, vì đau khổ đi theo con người như hình với bóng. Bóng mặt trời khi ta cong lưng chạy xuôi, nó chạy trước chận lối ta đi. Nếu ta quay đầu đi ngược lại phía mặt trời, bóng đen liền nhường bước cho ta đi trước, và lui về phía sau. Các sự trái ngược trên đời cũng thế. Nếu ta cong lưng chạy trốn, chúng nó càng chặn lối ta đi. Nếu ta làm mặt hiền hòa, bình tĩnh đón nhận, chúng nó sẽ mất hết sức mạnh làm hại ta.

b) Thái độ tích cực

Tình yêu làm cho đau khổ mất hết vẻ man rợ của nó. Tình yêu cũng làm cho đau khổ thành nguồn an ủi và sức mạnh. Vì tình yêu Chúa, chúng ta hãy sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh đau khổ trong cuộc sống, hãy biến những đau khổ ấy thành những hạt ngọc dâng lên Chúa. Không có một hy sinh nào trở nên vô ích nếu trong đó đã có tình yêu Chúa.

Ta nghĩ thế nào về hạt cát ? Hạt cát có lợi hay có hại cho ta ? Phải chấp nhận nó hay phủi nó đi vì nó vô ích ? Phải phân biệt :
. Nếu hạt cát rơi vào mắt ta, chắc chắn ta phải tìm cách phủi đi ngay vì nó làm ta đau khổ.
. Nếu hạt cát đó lại rơi vào miệng con sò thì sao ? Con sò sẽ tiết ra một chất nhờn bao bọc lấy hạt cát và sẽ biến nó thành hạt ngọc. Vì thế người ta hay tìm sò hến để kiếm ngọc.

Chúng ta hãy cùng chia sẻ với Chúa Giêsu những sự đau đớn của Ngài. Đời sống của ta phải trở nên Chúa Kitô chịu đóng đinh : chính nhờ cây thánh giá mà Chúa đã cứu chuộc cả nhân loại. Chúng ta hãy cùng cộng tác với Ngài để cứu chuộc nhân loại. Công cuộc cứu chuộc đó được thực hiện trong việc thuận theo thánh ý Chúa.

Trong một trang rất hay của cuốn sách “La Prière de toutes les heures”, cha Charles khi suy niệm về tiếng AMEN đã trình bầy cùng một ý tưởng ấy, tuy một cách khác nhau nhưng rực rỡ hơn :

“Một hôm gặp những người lấy một trang giấy lớn để viết, một trang giấy trắng tinh. Mãi cuối trang, thay vì chữ ký, họ chỉ viết một chữ AMEN. Và rồi họ chuyển đời họ đến Chúa. Chúa Quan phòng bắt đầu viết lên trên chữ Amen đã viết trước ấy câu chuyện dài và đau thương của cả một đời người. Các tang tóc xếp đặt từng hàng, có ghi rõ ngày tháng và tiếng Amen đón nhận tất cả, đã cất đi được cái vị độc, đắng cay của những ngày ấy. Chúa cũng ghi trên trang giấy những niềm hoan hỉ lành mạnh, kèm thêm cả giờ khắc được hưởng, làm những trạm nghỉ trong một cuộc hành trình. Thay vì khước từ và quên lãng, hoặc chúi đầu ngủ mê trong những hoan lạc ấy, tâm hồn ngoan ngoãn cùng vui hưởng với Chúa và vì Chúa, bởi họ đã đọc lời giải khát.

“Thưa Amen trước với hết mọi mệnh lệnh của Chúa. Amen với những thất bại bất ngờ, với những vu khống trường kỳ, với những hiểu lầm hằng ngày khiến ta bực bội. Amen khi xe lửa chạy quá sớm hay quá chậm trễ. Amen khi trời nắng hay trời mưa, khi mất ngủ, khi nhọc mệt, khi nắng hạn hay rét cóng : Amen đối với những bạn bè khó nết đầy tật xấu và điên khùng. Amen đối với những người bà con già nua mà tuổi tác làm cho họ trở nên ích kỷ và quạu cọ. Thưa Amen vui vẻ nếu có thể được, và luôn thưa cách thành thực can đảm”.
(Charles SJ, La Prière de toutes les heures, tr 135-136)


 
Cùng Mẹ bước theo Chúa Giêsu trên đường Thánh Giá
LM. Đan Vinh
06:30 30/03/2012
CÙNG MẸ BƯỚC THEO CHÚA GIÊ-SU TRÊN ĐƯỜNG THÁNH GIÁ

1. LỜI DẪN: Người hướng dẫn (NHD) đọc chậm rãi tâm tình.

Hôm nay là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Giờ đây mọi người chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm chặng đàng Thánh Giá của Đức Giê-su để tỏ lòng ăn năn sám hối về những tội lỗi và những thiếu sót chúng ta đã phạm, chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh. Chúng ta sẽ cùng nhau bước theo chân Đức Giê-su trên đường thương khó. Chúng ta sẽ theo dõi cuộc khổ nạn với từng ý nghĩ xót xa, từng hơi thở đứt quãng, từng bước đi lọang chọang và từng giọt máu đau thương của Đức Giê-su Chúa chúng ta. Để khi đã cảm nghiệm được những đau khổ và tình yêu tột cùng của Người, chúng ta sẽ dễ dàng ăn năn sám hối tội lỗi của chúng ta và quyết tâm cảm thông chia sẻ với những người bất hạnh đang bị đói khát, trần trụi, bệnh tật và bị bỏ rơi trên đường đời hôm nay.

Từ đây, nhờ ơn Chúa giúp chúng ta quyết tâm sẽ chuộc lại lỗi lầm bằng một cuộc sống đổi mới theo Lời Chúa dạy, quyết tâm sống công bình và yêu thương hơn, hầu cùng với mọi người thiện chí góp phần đẩy lùi những bất công xã hội để xây dựng một Trời Mới Đất Mới theo thánh ý Thiên Chúa. Bởi chưng, Đức Giê-su vác thập giá không phải để đành chịu chết trên thập giá và chịu cảnh mục nát trong mồ như bao người, nhưng để “qua đau khổ vào vinh quang phục sinh”. Từ đây cây THẬP GIÁ đau khổ sẽ biến thành cây THÁNH GIÁ trổ sinh hoa trái ngọt lịm tin yêu, trở thành phương thế cứu độ dẫn đưa lòai người lên trời

(Ngưng một chút).

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con mỗi ngày biết kiên trì vác cây thập giá đời mính mà theo Chúa trong niềm hy vọng, chứ không vác đi trong nỗi chán chường thất vọng. Xin Mẹ Ma-ri-a luôn đồng hành và cầu bầu cùng Thiên Chúa, giúp chúng con trung thành bước theo chân Chúa Giê-su với ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, đường thập giá sẽ trở thành đường tin yêu động viên chúng con dấn thân phục vụ Chúa trong những ngừơi đau khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi.- Amen.

2. NHD: Mời cộng đoàn đứng hát “VINH QUANG CỦA TA”

Vinh quang của ta là thánh giá Đức Ki-tô. Nơi Người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta. Nhờ Chúa, ta được cứu độ. Nhờ Chúa ta được giải thóat (ư..).

Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh giá Chúa. Chúng con họp mừng cuộc tử nạn diễm phúc của Chúa.- Nhờ Chúa ta được cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thóat (ư..).

(Trong khi cộng đòan hát bài này, LM Chủ sự mặc phẩm phục cùng 2 giúp lễ ra trước bàn thờ. Ba đại diện sẽ khiêng cây thánh giá gỗ cùng hai người cầm đèn đứng phía sau LM Chủ sự).

3. LM CHỦ SỰ:

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.- AMEN.

X) Chúa ở cùng anh chị em.- Đ) Và ở cùng Cha.

Anh chị em thân mến, chúng ta bắt đầu cử hành SUY NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ. Đây không những là một việc đạo đức nhằm để cảm thông với nỗi đau khổ của Đức Giê-su mà thôi, nhưng còn để dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi tâm tình tri ân cảm tạ tình thương cứu độ. Sau nữa, đây cũng là dịp để chúng ta bày tỏ lòng sám hối các tội chúng ta đã phạm đến Chúa và anh em, đồng thời quyết tâm từ bỏ tính ích kỷ và sẵn sàng vác thập giá đời mình, là chu tòan các việc bổn phận hằng ngày mà theo chân Chúa.

CHÚNG TA DÂNG LỜI CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Cha tòan năng. Cha đã dùng cuộc khổ nạn của Đức Giê-su Con Cha Chúa chúng con, mà hủy diệt sự chết do tội tổ tông truyền lại cho lòai người chúng con. Nhờ việc suy ngắm cuộc khổ nạn của Đức Giê-su hôm nay, Xin Cha ban Thánh Thần giúp chúng con lọai trừ được các thói hư tật xấu. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Mẫu Ma-ri-a, chúng con quyết tâm sẽ luôn sông hiếu thảo đẹp lòng Cha. Xin cho chúng con thêm lòng tin cậy mến để đi trọn Đường Thánh Giá Tình Yêu do Đức Giê-su đã đi trước mở đường và mời gọi chúng con dấn bước theo sau Người. Chúng con cầu xin Cha nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.- CĐ: Amen.

CỘNG ĐOÀN HÁT: (Theo cung của bài Stabat Mater)

Cùng Mẹ chúng con tôn kính gẫm suy
Chúa Con hy sinh chịu chết cho đời
Ban nguồn ơn cứu rỗi cho mọi người.


DIỄN TIẾN MỖI CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

LM chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: Đọc tên chặng và câu LỜI CHÚA.

Một người đọc SUY NIỆM

CĐ: Đọc chung TÂM TÌNH cầu nguyện.

LM chủ sự: Xin Chúa thương xót chúng con.

CĐ: Xin Chúa thương xót chúng con.

LM chủ sự: X) Xin vì lòng nhân từ Chúa ban cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời.

CĐ: Đ)Amen.

(Cộng Đòan cùng hát câu chuyển chặng lúc di chuyển).


NHD: CHẶNG THỨ NHẤT CHÚA GIÊ-SU BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH

A. LỜI CHÚA: Lúc bấy giờ, Phi-la-tô tha cho Ba-ra-ba, còn Đức Giê-su thì ông sai đánh đòn, rồi truyền đóng đinh thập giá (Mt 2,26).

B. SUY NIỆM: Đức Giê-su đang bị trói và đứng trước tòa án của quan Phi-la-tô, đầu đội mão gai, mình mặc áo đỏ, thân thể đầy những vết thương bầm dập do những trận đòn của quân lính hung ác. Tổng trấn Phi-la-tô biết rõ Người vô tội. Trong thâm tâm, ông muốn tha Người, nhưng lại sợ dân chúng la ó, sợ bọn đầu mục Do thái tố cáo tội làm phản triều đình của hòang đế Rô-ma, sợ bị mất chức quyền trần gian. Cuối cùng Phi-la-tô đành kết án tử hình thập giá cho Ngừơi cách bất công.

Đó là một thảm kịch luôn xảy ra khi người ta không đứng về phía Chúa. Chúng ta hãy thành thực xin Chúa tha thứ bao lần chúng ta đã hèn nhát, không dám bênh vực chân lý (Ngừng một chút).

C. TÂM TÌNH: Lạy Chúa Giê-su, chính vì tội chúng con mà Chúa đã bị xử án bất công. Xin ban cho chúng con sức mạnh của Thánh Thần để dám can đảm bênh vực công lý. Xin đừng để chúng con trở thành những kẻ hèn nhát, khi chọn thái độ làm ngơ trước những sai trái bất công trong xã hội, nhưng xin cho chúng con biết khôn ngoan và can đảm làm chứng cho sự thật: “Vì sự thật sẽ giải thóat các ngươi” như lời Chúa dạy.- Amen.

-Chủ sự: Xin Chúa thương xót chúng con.

-CĐ: Xin Chúa thương xót chúng con.

-Chủ sự: Xin vì lòng nhân từ Chúa ban cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời.

-CĐ: Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Được tin Chúa Con nhận án bất công

Đắng cay khổ đau chan chứa trong lòng

Đức Mẹ vâng ý Cha vẹn tròn.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ HAI ĐỨC GIÊ-SU BỊ VÁC THÁNH GIÁ

A. LỜI CHÚA: Đức Giê-su phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9,23)

B. SUY NIỆM: Đức Giê-su đã bị đánh đập tàn nhẫn, và vác cây thập giá nặng nề trên vai bước lên đĩnh đồi Can-vê. Nhưng quân lính không những không thương xót mà còn tiếp tục gây ra nhiều đau khổ cho Người. Nếu không muốn chịu đau khổ, Người có thể phán một lời để tiêu diệt kẻ thù hoặc làm phép lạ cho thập giá trở nên nhẹ nhàng, giống như chúng ta thường hay vùng vẫy la hét và tìm mọi cách để tránh đau khổ. Nên khi đang vác thập giá trên vai, chắc Đức Giê-su đã nghĩ đến chúng ta sau này cũng phải vác thập giá do tội lỗi của mình. Ngừơi muốn chúng ta chấp nhận vác thập giá, là những bệnh tật, đau khổ khi phải ở chung với cha mẹ già yếu khó tính, khi gặp phải người chồng hay người vợ vô trách nhiệm và không chung thủy, khi con cái khó dạy và không vâng lời, khi bị anh chị em trong nhà ganh tị thù ghét lẫn nhau, khi phải tiếp xúc với người hàng xóm ích kỷ và lắm điều nhiều lời… Đức Giê-su đã vui lòng vác cây thập giá để nêu gương chịu đựng đau khổ cho chúng ta và dạy chúng ta bài học về sự quên mình và hy sinh để phục vụ tha nhân.

(Ngừng một chút).

C.TÂM TÌNH: Lạy Chúa Cha tòan năng, xin giúp chúng con đừng bao giờ thất vọng trước những khó khăn đau khổ gặp phải trên đường đời. Xin cho chúng con biết noi gương Con Cha là Chúa Giê-su, biết từ bỏ ý riêng và sẵn sàng vác thập giá hằng ngày bước theo chân Ngài, hầu góp phần với Chúa đền tội chúng con và nhiều người. Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Người Con sống vui Gia Thất năm xưa

Đớn đau bước đi thập giá nhọc nhằn

Tâm hồn Mẹ xót xa lệ tràn.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ BA CHÚA GIÊ-SU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ NHẤT

A. LỜI CHÚA: Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy, thứ thanh tẩy Ta phải chịu không? (Mc 10,38).

B. SUY NIỆM: Đường lên núi Sọ gồ ghề sỏi đá. Đức Giê-su đã bị té ngã, đầu đập vào những hòn đá trên đường, xương thịt bị thập giá đè thêm bầm dập, các vết thương từ mão gai trên đầu và đòn đánh tòan thân lại bị rỉ máu. Đức Giê-su đã trỗi dây và tiếp tục loạng choạng bước đi.

Mỗi khi phạm tội là mỗi lần chúng ta bị vấp ngã. Chúa muốn chúng ta biết khiêm tốn nhìn lên thánh giá Chúa để can đảm trỗi dậy tiếp tục tiến bước đi theo Người

(Ngừng một chút).

C. TÂM TÌNH: Lạy Chúa Cha từ ái, xin tha thứ mỗi lần chúng con sa ngã phạm tội xúc phạm đến Cha và đến tha nhân. Xin dạy chúng con biết khiêm nhường, nhận ra con người mỏng dòn yếu đuối và bất tòan của chúng con. Chúng con nài xin Cha ban ơn Thánh Thần, giúp chúng con kiên trì vác thập giá mình hằng ngày, mà theo chân Chúa Giê-su ngay giữa đời thường. Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Đường xa dốc cao lên núi Can-vê

Chúa Con vấp ngã đau đớn ê chề

Ai nhìn không khóc thương cùng Mẹ.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ BỐN CHÚA GIÊ-SU GẶP ĐỨC MẸ

A. LỜI CHÚA: Khi Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se đem trẻ Giê-su vào Đến thờ để dâng cho Thiên Chúa. Ông già Si-mê-on được ơn soi sáng đã nói tiên tri cùng Đức Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Bà, ngõ hầu ý nghĩ nhiều người được lộ ra”(Lc 2,35).

B. SUY NIỆM: Có một ánh mắt xót xa thống khổ đang chăm chú dõi theo từng bước đi không vững, từng hơi thở đứt quãng của Đức Giê-su: Mẹ Chúa đó. Một bà mẹ quảng đại, luôn hiệp thông với những đau khổ của người con yêu để vâng theo thánh ý Chúa Cha, hầu đền tội kiêu ngạo bất tuân của nguyên tổ A-đam E-và trong vườn Địa Đàng khi xưa

(Ngừng một chút).

C. TÂM TÌNH: Lạy Mẹ Ma-ri-a, chúng con tin cậy và yêu mến Mẹ. Xin Mẹ luôn che chở bênh vực chúng con trong những cơn gian nan thử thách. Xin giúp chúng con biết cảm thông với nỗi khổ đau, của những người anh em chúng con gặp gỡ trên đường đời.

Xin giúp chúng con biết mang nụ cười và niềm vui, đến cho những bệnh nhân đau khổ, những người nghèo đói đang phải vất vả lầm than. Xin cho chúng con biết quảng đại chia sẻ tình thương, sự bình an và niềm hy vọng cho những ai đang cô đơn bất hạnh. Để cùng với Mẹ, chúng con cũng được hiệp công với Chúa Giê-su trong công trình cứu chuộc lòai người. Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Mẹ thương dõi theo Con Chúa đớn đau

Khắp thân vết roi, gai cuốn trên đầu

Thông phần đau khổ trong nguyện cầu.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ NĂM ÔNG SIMONG VÁC THẬP GIÁ ĐỠ CHÚA

A. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô viết thư khuyên các tín hữu Ga-la-ta như sau: “Anh em hãy vác đỡ gánh nặng của nhau, và như thế anh em sẽ giữ trọn lề luật của Đức Ki-tô. (Gl 6,2).

B. SUY NIỆM: Khi thấy Đức Giê-su kiệt lực, người Do Thái tự hỏi: “Liệu ông ta còn đủ sức vác thập giá lên tới Núi Sọ hay không? Bấy giờ bọn lính thấy ông Si-mong Ky-rê-nê, một người nông dân đi làm ngoài đồng đang trên đường về nhà, chúng buộc ông vác đỡ thập giá cho Người

(Ngừng một chút).

C.TÂM TÌNH: Lạy Chúa Giê-su, là Đấng toàn năng, thế mà Chúa lại chấp nhận sự trợ giúp của một con người yếu đuối bất toàn. Qua đó, Chúa muốn chúng con cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa.

Nhiều lần trong cuộc sống, chúng con muốn làm việc một mình, để được thành công một mình, đang khi chung quanh có nhiều anh em muốn được chung tay góp sức với chúng con. Xin giúp chúng con biết khám phá, và vui vẻ đón nhận sự hợp tác của kẻ khác, với niềm xác tín rằng: Đó chính là những món quà yêu thương, là hồng ân của Cha Trên Trời gửi đến, để nâng đỡ chúng con chu tòan nhiệm vụ. Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Mẹ Ma-ri-a với Thánh Giu-se

Giúp con như Si-mong đỡ cho Người

Đi đường Thánh giá trong cuộc đời.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ SÁU BÀ VE-RO-NI-CA LAU MẶT CHÚA GIÊ-SU

A. LỜI CHÚA: Khi ấy, Chúa Giê-su trả lời quan Phi-la-tô rằng: “Tôi đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật. Phàm ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 19,37).

B. SUY NIỆM: Hãy ngắm nhìn khuôn mặt đáng thương của người tử tội là Đức Giê-su đang vác thập giá trên đường lên Núi Sọ. Từ vòng gai nhọn cắm vào đầu, những giọt máu đỏ lăn dài trên má, hòa lẫn với mồ hôi và bụi đất. Bỗng dưng, có một phụ nữ rẽ đám đông tiến đến gần bên Đức Giê-su. Đó là bà Ve-ro-ni-ca. Bà đưa chiếc khăn cầm sẵn trên tay để lau mặt cho Chúa. Một cử chỉ tuy nhỏ bé tỏ lòng yêu mến cảm thông. Nhưng đồng thời, cũng là dấu chỉ của một sự can đảm phi thường: dám đứng ra bênh vực công lý, bất chấp mọi đe dọa, bạo lực và thù hằn.

(Ngừng một chút).

C. TÂM TÌNH: Lạy Chúa Thánh Thần. Xin ban sức mạnh để giúp chúng con thêm can đảm, dám lên tiếng bênh vực cho những người thân cô thế cô, những công nhân thấp cổ bé miệng đang bị bóc lột bất công. Cho chúng con biết khôn ngoan, để góp phần với những người thiện chí, giúp cải thiện môi trường chúng con đang sống là khu xóm, chợ búa, trường học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… ngày một nên công bình nhân ái và đầy tình yêu thương hơn, noi gương bà Ve-ro-ni-ca xưa. Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Nhìn Con Chúa mang thương tích mão gai

Thánh Nhan nhuốc nhơ vì lỗi nhân loại

Xin cùng Mẹ kính tôn thờ Người.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ BẢY CHÚA GIÊ-SU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẤN THỨ II

A. LỜI CHÚA: Lời ca do Thiên Chúa tuyên sấm qua miệng Ngôn sứ I-sai-a về Con của Người rằng: “Vì đã biết mùi đau khổ, Tôi Tớ công chính của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính, và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11).

B. SUY NIỆM: Đường lên Núi Sọ gồ ghề nhỏ hẹp và leo dốc khó đi. Bị gánh nặng của cây thập giá tượng trưng cho tội lỗi của nhân loại trên vai, khiến Đức Giê-su ngã quỵ lần thứ hai.

Trò không hơn Thầy, người tín hữu không thể né tránh những khổ đau gặp phải trong cuộc sống. Điều quan trọng là thái độ của chúng ta thế nào trước những đau khổ ấy.

(Ngừng một chút).

C. TÂM TÌNH: Lạy Chúa Giê-su. Sống đạo là bước theo con đường khổ nạn của Chúa. Thế mà chúng con lại chỉ muốn giữ một thứ đạo dễ dãi, hợp với tính mê xác thịt của mình. Chúng con chăm chỉ đến nhà thờ dự lễ, và hăng hái tham gia các sinh họat hội đòan, khi trong gia đình có bát ăn bát để, khi mọi sự được bình an như ý…Nhưng đến lúc làm ăn thua lỗ, lúc người thân bị bệnh tật, lúc gia đình gặp phải tai ương họan nạn… thì chúng con lại quên tín thác vào Chúa, lại lười biếng sinh họat hội họp, thậm chí còn mê tín dị đoan khi tin vào thày bói đồng cốt… giống như người không có đức tin. Lạy Chúa, xin đừng để chúng con té ngã nằm lì giữa đường. Nhưng nhờ biết hồi tâm sám hối, biết lắng nghe Lời Chúa và năng dự lễ rước lễ sốt sắng, chúng con sẽ đủ sức vững bước trên đường thánh giá, bước theo chân Chúa đến cùng. Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Nhìn Con Chúa mang Thánh giá đau thương

Xác thân yếu suy quỵ ngã trên đường

Mẹ càng thêm xót xa đoạn trường.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ TÁM CHÚA GIÊ-SU AN ỦI PHỤ NỮ THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM

A. LỜI CHÚA: Khi ấy, đi theo Đức Giê-su có đám đông dân chúng. Có mấy bà đấm ngực xót thương Ngài. Đức Giê-su quay lại và nói rằng: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem. Đừng khóc thương Ta làm gì, hãy khóc thương cho thân phận của mình và con cháu” (Lc 23,27-28).

B.SUY NIỆM: Phải chăng đó là câu nói vô tâm của Đức Giê-su đối với các phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem, là những người đã bày tỏ niềm thương cảm qua tiếng khóc nghẹn ngào.

Hẳn là không, nhưng qua đó Đức Giê-su muốn các chị em phải biết vượt qua thứ tình cảm tự nhiên, để vươn đến chỗ sám hối tội lỗi và quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình.

(Ngừng một chút).

C.TÂM TÌNH: Lạy Chúa Giê-su. Chúa không đòi hỏi một tình yêu nửa vời, một thứ đạo đức kinh kệ hời hợt. Nhưng Chúa đòi chúng con một lòng tin yêu đích thực: Dám thí mạng sống vì người mình yêu, như Chúa đã nêu gương cho chúng con.

Xin Chúa ban Thánh Thần Tình Yêu giúp chúng con gia tăng lòng mến Chúa, hầu mỗi ngày chúng con cũng dám chết đi cho các thói hư tội lỗi và sống lại thành con ngoan hiếu thảo cũa Chúa Cha, và nên anh chị em của mọi người. Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Đời con chứa chan cay đắng khổ đau

Chúa thương ủi an trong lúc ưu sầu

Với Mẹ con thiết tha nguyện cầu.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ CHÍN CHÚA GIÊ-SU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ BA

A. LỜI CHÚA: Khi đến vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, mà thể xác lại yếu hèn” (Mt 14,18).

B. SUY NIỆM: Đã gần đến nơi gọi là Núi Sọ, nhưng sức cùng lực kiệt, Đức Giê-su lại ngã xuống đất một lần nữa, lần thứ ba trên đường thương khó.

Việc Chúa ngã xuống đất nhiều lần phải chăng chính là hình ảnh cuộc đời của mỗi người chúng ta hôm nay.

(Ngưng một chút)

C. TÂM TÌNH: Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay con cảm thấy thân thể nhọc mệt rã rời. Con không còn thiết tha gì nữa. Chung quanh con, lúc này chỉ toàn là những lời khích bác nghi ngờ, những nụ cười khinh miệt thù ghét mà thôi. Con đã quỵ ngã nặng nề và không còn hơi sức để trỗi dậy nữa.

Nhưng lạy Chúa, nếu tuyệt vọng nằm lì, thì chắc con sẽ chết trong tội. Còn nếu biết cậy trông vào lòng nhân từ bao dung của Chúa, con sẽ tìm lại được sự sống thiêng liêng. Xin ban ơn Thánh Thần giúp con phấn đấu, trỗi dậy sau mỗi lần sa ngã phạm tội, bằng việc dọn mình xưng tội, để được giao hòa với Chúa Cha. Xin giúp con quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu, bằng việc năng học sống Lời Chúa, và thực hành nhân đức đối lập với thói xấu muốn chừa, hầu nhờ ơn Thánh Thần, mỗi ngày con sẽ được biến đổi nên hòan thiện giống Chúa hơn. Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Cầu xin Chúa thương ban xuống muôn ơn

Giúp con kiên gan nguy khó không sờn

Xin cùng Mẹ tín trung vẹn tròn.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ MƯỜI CHÚA GIÊ-SU BỊ QUÂN DỮ LỘT ÁO

A. LỜI CHÚA: Có lời Kinh Thánh chép rằng; “Chúng đã chia áo Ta, và đã rút thăm áo dài của Ta”.

B. SUY NIỆM: Khi đến nơi gọi là Núi Sọ, quân lính cho Đức Giê-su uống rượu pha với mật đắng, đoạn chúng lột áo của Người. Áo ngoài thì chúng chia làm 4 phần, còn áo lót thì chúng rút thăm.

-Tấm thân trần trụi đầy thương tích của Chúa giờ đây trở thành một lời mời gọi yêu thương: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng, vì giờ cứu độ của các con đã gần đến”.

-Là một minh họa hùng hồn cho lời Chúa dạy: “Các con sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về trần gian”.

-Là một hình ảnh sống động cho thấy: Hậu quả của tội lỗi hủy hoại linh hồn người ta thế nào

(Ngừng một chút).

C.TÂM TÌNH: Lạy Chúa Giê-su. Vì những thương tích của Chúa, xin cho mỗi chúng con biết đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa, bằng một cuộc sống hy sinh hãm mình đền tội, bằng sự quyết tâm xa lánh tội lỗi, lòai trừ các thói hư. Nhờ đó, chúng con biết “trả cho trần gian những gì thuộc về trần gian”, và “mặc lấy con người mới đã được dựng nên trong sự công chính, và thánh thiện xứng với sự thật”, hầu chúng con có thể theo Chúa đến cùng. Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Nào ai chẳng cùng Mẹ Chúa khóc than

Cảm thương Đức Vua bị lính lột trần

Do tội lỗi thế nhân ngập tràn.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ MƯỜI MỘT CHÚA GIÊ-SU BI ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ

A. LỜI CHÚA: Cùng chịu tử hình với Đức Giê-su có hai tên trộm cướp, Chúa Giê-su đã nói với người có lòng tin tưởng nơi Ngài rằng: “Ta bảo thật với anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở cùng Ta trên Nước Trời” (Lc 23,43).

B. SUY NIỆM: Khi thấy quân lính đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá, các Thượng tế, Luật sĩ, Biệt phái và quân lính thay nhau nhục mạ chế nhạo Người. Ngay cả hai tên trộm cùng chịu khổ nạn với Người cũng có một tên buông lời nhục mạ, thách thức Người. Và thật hạnh phúc cho người trộm lành có lòng tin cậy và khiêm tốn nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình. Anh ta đã được hưởng ơn khoan hồng cứu độ trước tiên: “Ta bảo thật: Hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”, đúng như lời Đức Giê-su đã báo trước: “Khi nào Con Người bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12,32).

(Ngưng một chút).

C. TÂM TÌNH: Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, trong mọi lúc và mọi nơi. Vì không ít người trong chúng con vẫn nghĩ lầm rằng: “Tôi cũng sẽ ăn trộm Nước Trời vào giờ cuối cuộc đời. Còn bây giờ, hãy cứ mặc sức ăn chơi thỏa thích, sống ngoài lề của Tin Mừng và Lề Luật của Chúa”. Thật là nguy hiểm !!!.

Xin cho mỗi chúng con biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Nhờ đó, khi Chúa đến, chúng con cũng như năm cô trinh nữ khôn ngoan, cầm cây đèn đức Tin cháy sáng đức Ái trên tay ra đón Chúa, và xứng đáng được cùng Chúa vào tham dự tiệc cưới Nước Trời đời đời Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Mẹ Ma-ri-a xin hãy giúp con

Khắc sâu vết thương của Chúa vào lòng

Cho tình con vẫn luôn mặn nồng

.-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ MƯỜI HAI CHÚA GIÊ-SU SINH THÌ TRÊN THÁNH GIÁ

A. LỜI CHÚA: Bấy giờ, Chúa Giê-su dâng lời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,6).

B. SUY NIỆM: Khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, A-đam đã vất vả khổ cực tìm kiếm của nuôi thân. Một lần kia trên đường vào rừng kiếm sống, A-đam vấp phải cái xác bất động của A-ben, đứa con yêu của hai ông bà. A-đam nâng dậy vác lên vai và đem về nhà đặt vào lòng E-và. Hai ông bà lay gọi, nhưng A-ben vẫn không mảy may phản ứng.

Trước đây, A-ben đâu có như vậy ? Ông bà nhìn vào đôi mắt trắng dã, vô hồn đầy bí ẩn của con. Ông bà kinh ngạc rồi bàng hoàng nhớ lại lời Thiên Chúa tuyên phán: “Ngày nào các ngươi ăn trái cấm này, ngày ấy các ngươi sẽ phải chết”. Đó là cái chết đầu tiên của nhân lọai.

Nhiều thế kỷ qua đi như một cơn lốc xoáy. Và đây, A-ben mới là Đức Giê-su, cũng bị anh em thuộc dòng dõi Ca-in kết án tử hình vì lòng đố kỵ ganh ghét. Sự sống của Người từ vô cùng sâu thẳm, giờ đây lại sắp trở lại cõi vô biên. Trên đường về nhà Cha, từ trên thập giá, Đức Giê-su đã dâng lên Cha lời cầu nguyện hoàn hảo nhất: “Lạy Cha. Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”

(Ngừng một chút).

C. TÂM TÌNH: Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã chịu chết vì tình yêu thương tột cùng và đem lại ơn cứu độ cho lòai người chúng con. Xin giúp mỗi tín hữu chúng con biết sống Ơn Gọi và Sứ Mạng của mình, bằng lối sống vị tha, quên mình phục vụ tha nhân. Nhờ đó chúng con có thể góp phần mang ơn cứu độ của Chúa đến cho nhiều người.- Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Mẹ xưa đứng nhìn Con Chúa trút hơi

Lính canh ác tâm, đâm trái tim Người

Khơi nguồn Máu Nước tha tội đời

.-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ MƯỜI BA THÁO XÁC CHÚA GIÊ-SU XUỐNG KHỎI THẬP GIÁ

A. LỜI CHÚA: Khi ấy có một nghị viên tên là Giu-se, ông ấy đến xin Phi-la-tô để được tháo xác Chúa Giê-su. Khi được phép rồi, ông hạ xác Người xuống và trao cho Đức Mẹ.

B. SUY NIỆM: Công việc của Chúa Giê-su đã hoàn tất, bây giờ Chúa có thể nghỉ ngơi, và theo cánh tay của những người tháo đanh, thân xác bất động của Chúa được trao vào tay Mẹ Ma-ri-a.

Đối với Mẹ Ma-ri-a, thì đây là giờ phút bi thảm nhất: Tay ôm xác con mà đôi mắt mờ lệ. Mẹ ngồi im lặng hồi tưởng lại cảnh cũ người xưa: Này là đầu của Người Con yêu đang bị cuốn đầy gai nhọn, này thân xác Con đang nằm yên bất động, cũng chính là đầu là thân xác Hài nhi mà Mẹ đã từng ôm ẵm ở Belem xưa.

Này đôi mắt con đang nhắm nghiền, cũng chính là đôi mắt ngây thơ hay nhìn những cọng rơm trên máng cỏ. Này đôi tay con bầm tím những vết thương, cũng chính là đôi tay của Hài nhi xưa hay vuốt ve đầu những con bò lừa.

(Ngừng một chút).

C. TÂM TÌNH: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Be-lem không còn nữa: Không còn máng cỏ, chỉ còn thập giá; Không còn sinh phùng, chỉ còn tử biệt; Không còn Be-lem, chỉ còn núi Sọ.

Xin Mẹ thương cầu bầu cùng Chúa Giê-su cho chúng con, để Người tha thứ mọi tội lỗi chúng con đã trót phạm: tội đã biến hang đá Be-lem thành Núi Sọ !

Xin Mẹ cũng hiệp cùng Hội Thánh xin ơn Thánh Thần xuống trên chúng con, để không bao giờ chúng con còn dám đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá, không bao giờ còn dùng lưỡi gươm sắc đâm thâu trái tim Mẹ nữa.- AMEN.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Cùng Mẹ kính tôn xác Chúa Ngôi Hai

Chúng con vững trông sau sẽ sống lại

Muôn đời chiêm ngắm tôn thờ Người.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

NHD: CHẶNG THỨ MƯỜI BỐN AN TÁNG CHÚA GIÊ-SU TRONG MỒ ĐÁ

A. LỜI CHÚA: “Vậy ông Giu-se đến hạ thi hài Người xuống. Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn theo tục lệ chôn cất của người Do thái. Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn có một ngôi mộ còn mới chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó”(Ga 19,38-42).

B. SUY NIỆM: Khi Đức Giê-su đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, hai ông Giu-se và Ni-cô-đê-mô đã đến nghe Người giảng, đã tin Người thực là Đấng Thiên Sai, đã nhận ra Người là ánh sáng chiếu soi vào cuộc đời các ông. Nhưng khi ấy Giu-se A-ri-ma-thi-a và Ni-cô-đê-mô còn đang ngần ngại, chưa dám dứt khóat chọn đứng vào hàng ngũ các môn đệ của Thầy Giê-su. Bởi vì các ông sợ bị mất chức quyền, sợ mất uy tín trước các bạn đồng liêu, sợ bị dân Do Thái ghét bỏ tẩy chay vì dám đứng về phía Đức Giê-su mà họ coi là kẻ thù. Nhưng khi Người vừa tắt thở, các ông đã từ bóng tối bước ra ánh sáng và công khai xin quan Tổng trấn Phi-la-tô cho tháo đanh và táng xác Người.

(Ngừng một chút).

C. TÂM TÌNH: Lạy Chúa Giê-su. Hơn 2000 năm qua đi, những Giu-se A-ri-ma-thi-a và Ni-cô-đê-mô ngày nay, đang tản mát khắp nơi trên thế giới, hòa lẫn vào trong mọi môi trường xã hội: từ công sở đến trường học, từ chợ búa đến nhà tù, nơi đường phố hay bệnh viện, nhà máy…Những Giu-se và Ni-cô-đê-mô này đang âm thầm sống giữa mọi người, như những cục than hồng nằm giữa đống than lạnh lẽo.

Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn các tín hữu chúng con hôm nay ngọn lửa Tin Yêu của Thánh Thần, để thiêu cháy đi những bụi bặm khiếp nhược sợ hãi và ích kỉ nhỏ nhen, để chúng con trở nên những cục than hồng cháy lửa Tin Yêu, và mang ngọn lửa ấy sưởi ấm đến cho mọi người ở khắp nơi, cho đến khi “Đức Ki-tô trở nên mọi sự cho mọi người”. Amen.

Cộng đoàn vừa di chuyển sang chặng kế tiếp vừa hát câu chuyển chặng:

Cùng Mẹ chúc vinh Thiên Chúa Ba Ngôi

Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Ban nguồn vinh phúc cho người trần.

-Chủ sự: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Ki-tô

-CĐ: Vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

LỜI NGUYỆN KẾT THÚC:

Linh Mục chủ sự: Lạy Chúa là Cha chí thánh, giàu lòng từ bi thương xót. Cha đã muốn cho Đức Giê-su Con Cha chịu khổ hình thập giá để ban ơn cứu độ cho loài người chúng con. Giờ đây, xin Cha đổ Thánh Thần Tình Yêu xuống trên chúng con, để Ngài biến đổi chúng con nên của lễ hy sinh dâng lên Cha mỗi ngày trong Thánh lễ, kết hợp với của lễ vô cùng cao quý là Mình Máu Đức Giê-su Con Cha xưa trên thánh giá. Nhờ đó chúng con sẽ quyết tâm chọn theo con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Chúa Giê-su trong cuộc đời chúng con.

Hiệp cùng Đức Ma-ri-a là Mẹ Hội thánh, Chúng con cầu xin Cha, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con, hiệp nhât với Chúa Thánh Thần đến muôn đời..

CĐ: Amen.

Cộng đoàn đọc chung 1 kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính và nhận phép lành Tòan Xá của LM Chủ sự.

LM. Đan Vinh
 
Chút tâm tình Chúa Nhật Lễ Lá 2012
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:12 30/03/2012
MÙA CHAY 2012 SẮP QUA

Đến rồi lại đi, khai mạc rồi chấm dứt, rất nhiều dữ kiện lớn bé của cuộc đời con người hay của dòng lịch sử đều luân chuyển theo chu kỳ “đến-đi” “mở đầu-kết thúc”. Vấn đề là cái gì sẽ tồn tại sau mỗi chu kỳ ấy. Đời sống Kitô hữu Công giáo theo niên lịch Phụng Vụ thì chu kỳ hay còn gọi là mùa đó là mùa Mùa Chay xem ra đượm nét “thánh thiện” hơn so với các mùa khác. Mùa chay năm 2012, Không biết tín hữu Công Giáo ở các quốc gia khác thế nào, còn ở Việt Nam thì có thể nói rằng rất nhiều nơi, đoàn tín hữu được học tập hay được nghe nói đến Sứ điệp Mùa Chay của Đức Bênêđictô XVI, vị cha chung toàn thể Giáo hội.

Xin được dùng một kiểu tóm tắt nội dung “Sứ Điệp Mùa Chay năm 2012” của Đức Bênêđictô bằng cách trưng dẫn các đề mục lớn từ phần cuối lên phần đấu của Sứ Điệp. Vị Cha chung chỉ dạy tín hữu Công Giáo sống Mùa Chay 2012 này như sau: “Để khích lệ nhau trong đức bác ái và trong việc lành”: cùng nhau tiến bước trong sự thánh thiện (phần 3), thì cần phải biết sống “liên đới với nhau” (phần 2), đó là là hãy biết quan tâm đến nhau trong tinh thần trách nhiệm bằng việc không chỉ thể hiện tình bác ái qua chiều kích thể lý và vật chất mà nhất là có trách nhiệm với người anh em trong đời sống tinh thần qua việc “sửa lỗi huynh đệ”, cụ thể là theo kinh “thương linh hồn bảy mối”(phần 1).

Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người. Một việc đáng khen.
Thứ hai: Mở dạy kẻ mê muội. Ái chà chà, nhạy cảm.
Thứ ba: An ủi kẻ âu lo. Chuyện tốt thôi.
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội. Thật to gan!
Thứ năm: Tha kẻ dể ta. Đáng mặt anh hùng.
Thứ sáu: Nhịn kẻ làm mất lòng ta. Đúng là thánh thiện.
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Ai cũng công nhận là việc phải làm.

Những mối thương linh hồn như: Lấy lời lành mà khuyên người; An ủi kẻ âu lo; Tha kẻ khi dể ta; Nhịn kẻ làm mất lòng ta; Cầu cho kẻ sống và kẻ chết thì xem ra ít có vấn đề vì hình như ít đụng chạm đến người “được thương” cho lắm. Còn hai mối: Mở dạy kẻ mê muội và răn bảo kẻ có tội thì xem ra có vấn đề. Người được mở dạy mà nhận biết mình mê muội thì chẳng có vấn đề. Mình đang mù mà cứ cho là sáng thì sự thể thật là nan giải. Mình sai lầm mà cứ cho là đang ở đỉnh cao trí tuệ loài người, là “thầy cả”,cái gì cũng làm thầy… thì vô phương cứu chữa. Có nhiều sự vô minh vì lý do khách quan hoặc vì tầm trí hạn chế thì có thể khoan dung cách này cách khác. Còn sự mê lầm cách có chủ ý vì chức quyền, danh vị hay vì lợi lộc thì quả đáng lên án và đáng mở dạy cách mạnh mẽ và cương quyết. Chúa Kitô đã dùng những lời đanh thép “khốn cho các ngươi”, “con cáo già” để mở dạy những hạng người này.

Răn bảo kẻ có tội mà họ nhận ra tội của mình trong sự khiêm nhu thì cũng chẳng có vấn đề. Chúa Kitô khoan dung với người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang, Người an ủi động viên thiếu phụ tội lỗi ở nhà ông Simon - Tật phong, vì họ đã chân thành nhìn nhận lỗi lầm đã phạm. Trái lại, những kẻ có tội mà cứ cho mình là “muôn năm”, là đáng đựoc tung hô “vạn vạn tuế”, vì là “lương tri của nhân loại” hay là “đã có chức thánh” thì bất khả xâm phạm, thì thật là nan đề. Với những hạng người này thì Chúa Kitô đã từng lên án rằng cho dù mọi thứ tội đều có thể được tha thứ nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không bao giờ được tha. Chắc chắn với những hạng người này thì không thể làm gì hơn là noi gương Chúa Kitô lấy dây thừng bện thành roi mà đánh đuổi. Đức Bênêđictô đã khẳng định rằng khi Chúa Kitô đánh đuổi những người buôn bán chiên bò, những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ thì không phải Chúa Kitô đả phá luật lệ, nhưng Người đánh đổ những sai trái của con người đã được lề luật hoá.

Trước một số sự mê lầm có chủ ý và trước một vài tội lỗi mang tính cố chấp trong xã hội và cả trong Giáo hội Việt Nam thì dường như đang có hai thái độ phản ứng. Một là chủ trương rao truyền và bảo vệ chân lý bằng mọi giá, kể cả việc phơi tấm lưng ghẻ ra ánh sáng mặt trời. Một thì chủ trương rằng cần nhẫn nại chịu đựng bất công, gian dối để vác thánh giá theo chân Chúa Kitô hầu tránh giẫm chân nhóm “nhiệt thành” hay còn được mệnh danh là “quá khích” thời Chúa Kitô.

Đoàn tín hữu Công Giáo Việt Namthuọc mọi thành phân dân Chúa lắm khi phân vân không biết chọn thái độ nào. Bản thân tôi, thiết nghĩ rằng không có thái độ phản ứng nào là chuẩn, theo nghĩa là đúng và thích hợp cho mọi trường hợp. Tuy nhiên dù chọn thái độ nào đi nữa thì chúng ta cũng phải lấy Chúa Kitô làm điểm quy chiếu.

Phải khẳng định rằng Chúa Kitô không chọn thái độ im lặng trước bất công và gian dối. Người chỉ không nói nữa sau khi đã nói tất cả sự thật cần nói. Trước toà án đạo, với Thượng Tế Cai Pha, Người khẳng định Người là Con Thiên Chúa và sẽ lại đến trên mấy trời (x.Mt 26,64). Trước toà đời, với Philatô, Người khẳng khái tuyên bố Người là Vua và đã đến thế gian này để làm chứng cho sự thật, ai hâm mộ sự thật thì hãy nghe tiếng Người (x.Ga 19,37). Những phút giây hấp hối trên thập giá, dù sức đã kiệt Người cũng gắng gượng ngõ lời với Mẹ Maria, với người môn đệ yêu dấu, với người bị treo bên phải, với Chúa Cha với những lời rất đượm nét tình người, tình Đấng đầy lòng thương xót, để rồi viên bách quản phải thốt lên rằng “đây quả thật là một người công chính”(x.Lc 23,47).

Thập giá của Chúa Kitô chỉ là cái giá mà Người phải gánh khi Người thanh tẩy đền thờ, nghĩa là khi đánh đổ những sai trái của con người đã thành luật lệ, khi Người khẳng định chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà không đơn độc, vì Người chính là Con Thiên Chúa thật đồng hàng với Đấng là Cha của mọi người, khi Người muốn kiện toàn lề luật bằng cách trả lề luật về vị trí của nó là phương tiện chứ không phải là cứu cánh, bằng cách đặt thứ tự ưu tiên lề luật: luật của Thiên Chúa phải trên luật của loài phàm hèn và bằng cách nội tâm hoá việc giữ luật nghĩa là việc giữ luật khởi đi từ bên trong tâm hồn (x.GLCG chung số 577 – 591).

Thiết nghĩ rằng xin đừng làm cớ cho người vô thần một lần nữa khẳng định chân lý khi cho rằng tôn giáo là một thứ thuốc an thần ru ngủ những người bị áp bức bóc lột bằng một thứ thiên đàng mai sau để rồi cúi đầu nhẩn nhục chịu đựng sự bóc lột, đàn áp của những thế lực đang có nhiều quyền hay đang lắm tiền trong tay.

Theo niềm tin Kitô, chúng ta có thể xác tín cách không sợ sai lầm rằng vì muốn rao truyền chân lý để chân lý giải thoát nhân loại chúng ta khỏi ách nô lệ thần dữ nên Chúa Kitô đành chấp nhận cái giá phải trả đó là án chết thập hình.

Cũng mong rằng sẽ chẳng có một ai chủ trương rằng cứ nhẫn nhục chịu đựng, cứ cam lòng chịu khó và im lặng trước bất công, trước gian quyền để rồi đằng sau đó là để khỏi phải hy sinh, dĩ nhiên là hy sinh quyền bính, lợi lộc hay tính mạng của mình.

Mùa Chay 2012 đến, rồi Mùa Chay sẽ đi. Hy vọng rằng tâm tình và lời chỉ dạy của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ còn đọng lại chút gì trong đời sống Kitô hữu chúng ta, những người biết “quan tâm một cách có trách nhiệm” với Kitô hữu Việt Nam, với đồng bào Việt Nam để rồi can đảm “sữa lỗi tha nhân trong tình huynh đệ, với động từ sữa lỗi – elenchein- cũng là động từ chỉ sứ vụ ngôn sứ của Kitô hữu tố giác thế hệ chiều theo tội ác” (Đức Bênêđictô XVI).

Xin được kết thúc những dòng tâm tình này bằng chính lời của Đức Bênêđictô ngõ với anh chị em Công giáo Cuba trong chuyến viếng thăm đất nước này những ngày cuối tháng 3-2012 vừa qua, tại quảng trường Cách mạng Havana: “Anh chị em thân mến, đừng ngần ngại theo Chúa Giêsu Kitô. Trong Người chúng ta tìm thấy sự thật về Thiên Chúa và về nhân loại. Ngài giúp chúng ta vượt qua tính ích kỷ của mình, vượt lên trên những cuộc đấu tranh không có kết quả của chúng ta và giúp chúng ta chế ngự tất cả những gì áp chế chúng ta. Kẻ gian ác, tội lỗi, trở thành nô lệ của sự dữ và sẽ không bao giờ đạt được tự do (x.Ga 8,34). Chỉ bằng cách từ bỏ hận thù và từ bỏ con tim chai cứng và mù lòa của chúng ta, thì chúng ta mới được tự do và một cuộc sống mới sẽ vươn lên trong chúng ta….Cuba và thế giới cần thay đổi, nhưng điều này chỉ xảy ra khi mỗi người sẵn sàng tìm kiếm sự thật và chọn con đường của tình yêu, gieo rắc hòa giải, và tình huynh đệ” (Vietcatholic Network 3/28/2012).
 
Vì sao bút chì có cục tẩy?
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:14 30/03/2012
Câu trả lời thật rõ ràng: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa hoàn toàn một đoạn văn nào đó!

Khi một đứa trẻ mới vào lớp một, cô giáo không cho chúng viết bằng bút bi mà viết bằng bút chì. Bởi vì, bàn tay yếu ớt của các bé nhất định sẽ có lúc viết những nét nghuệch ngoặc, sai từ này đến từ khác. Và khi đó, bé sẽ dùng tẩy để xóa đi những chữ viết chưa đúng, chưa đẹp của mình.

Chúng ta cũng vậy, không ai sinh ra đã có thể viết lên những bài ca cuộc đời một cách hoàn chỉnh! Không ai có thể trưởng thành mà chưa một lầm vấp ngã hay mắc sai lầm! Vì thế, trong cuộc sống này, chúng ta cũng cần có một cục tẩy cho riêng mình. Cục tẩy giúp xóa đi những sai lầm vấp váp của chính bản thân. Có lúc chúng ta không dùng đến cục tẩy đó khiến cho những trang giấy cuộc đời nhem nhuốc bởi những dòng gạch và xóa.

Cần biết chấp nhận sai lầm như một điều tự nhiên trong cuộc sống.Cục tẩy là để xóa đi những chữ viết chưa được tròn trịa, chưa được chính xác. Cục tẩy phải mòn dần theo năm tháng, nếu nó cứ mới mãi như ngày xuất xưởng sẽ không ý nghĩa gì cả. Không sử dụng cục tẩy, cuộc đời của chúng ta sẽ chi chít những vết gạch xóa sau những lần mắc sai lầm. Một tờ giấy như vậy có đẹp đẽ gì không? Hãy để cuộc đời là một tờ giấy được viết nên bởi những trải nghiệm, những thử thách, những quyết tâm và cả lòng bao dung tha thứ nữa.

Bút chì có cục tẩy cũng giống như đời sống con người cần có Bí Tích Hòa Giải.

Mùa Chay và Tuần Thánh, các Giáo xứ nhộn nhịp bầu khí đạo đức: tĩnh tâm, giải tội.

Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa.

Khi được Thánh Tẩy, chúng ta đã trở nên tạo vật mới nhưng bản chất con người vốn yếu đuối thường hay sa ngã nên cần được phục hồi qua Bí tích Hòa Giải (x.1Cr 6,11; 1Ga 1,8). Nhờ đó, hối nhân được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh.

1. Hiệu quả của Bí Tích Hòa Giải

- Xưng Tội là để được tha tội, nhằm giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em. Tội lỗi nào cũng là một vết thương, một sự cắt đứt mối giao hảo nối liền chúng ta với Thiên Chúa và anh chị em. Tội trước hết là xúc phạm tới Thiên Chúa, là đoạn tuyệt với Người, đồng thời cũng làm tổn thương sự hiệp thông với Hội Thánh. Cao điểm của bí tích này chính là để giao hòa, gặp gỡ Thiên Chúa và người đồng loại. Được sạch tội là tạo điều kiện cho sự gặp gỡ thân mật ấy. Chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội cho con người, và quyền ấy cũng được Chúa Kitô chuyển giao cho Hội Thánh để nhân danh Người mà tha tội (Ga 20,21.23). Đây là một trong những chân lý quan trọng nhất của Kitô giáo : “Không có tội nào nặng đến nỗi Hội Thánh không thể tha thứ được. ‘Dù có ai gian ác và xấu xa đến đâu… vẫn có thể tin chắc được tha thứ, miễn là chân thành sám hối’. Đức Kitô, Đấng đã chết cho mọi người, muốn rằng : mọi cánh cửa tha thứ trong Hội Thánh luôn rộng mở cho bất cứ ai ăn năn trở lại” (GLTC # 982).

Những thế kỷ đầu, Hội Thánh rất ít ban bí tích này và đòi hối nhân phải chịu một hình thức kỷ luật công khai rất khắt khe. Sang đến thế kỷ VII, với ‘hình thức thống hối riêng tư ’mở đường cho việc năng nhận Bí tích Giải Tội. Việc tha tội đặt nền tảng trên hai yếu tố chính là những hành vi thống hối của con người, và tác động tha thứ của Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Hội Thánh.

Linh mục vừa là đại diện Chúa Kitô, Đấng giải hoà chúng ta với Thiên Chúa; vừa là đại diện Hội Thánh để tha thứ tội lỗi và đón nhận chúng ta trở lại với cộng đồng. Hối nhân cần trung thực cởi mở cõi lòng với linh mục, và cũng nên biết rằng mình đang đối thoại với một tội nhân khác. Linh mục cũng là người, nghĩa là cũng được Chúa Kitô tha tội như những người khác. Vì thế với đức tin, chúng ta nhìn nhận linh mục trong toà giải tội như vị đại diện Chúa Kitô, nhưng cũng như một người anh em và là bạn hữu của các tội nhân.

- Bí tích Hòa Giải còn ban ơn trợ giúp hối nhân vượt thắng tội lỗi. Do đó, dù khi chỉ phạm tội nhẹ, chúng ta cũng cần đến bí tích này để lãnh nhận ơn trợ giúp của Chúa.

“Bí tích Thống Hối phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa và liên kết chúng ta với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả’. Mục đích và hiệu quả của bí tích này là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. Ai lãnh nhận Bí tích Giao Hòa với lòng thống hối và đạo đức, lương tâm ‘sẽ bình an thư thái, được an ủi thiêng liêng”. Bí tích Giao Hòa thực hiện một ‘cuộc phục sinh thiêng liêng’ đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người” (GLTC # 1468)

2. Diễn tiến giao hoà

- Xét mình là nhìn lại đời sống của mình trong ba tương quan (3 bổn phận) với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại và với chính bản thân mình. Không thể giao hòa cùng Thiên Chúa và Hội Thánh mà trước đó lại không chịu nhìn nhận tội lỗi của mình.

- Lòng thống hối ăn năn rất cần thiết để nhận được ơn tha tội. Bí tích Giải Tội chỉ có hiệu lực đối với những ai thực tình thống hối tội lỗi của mình và quyết tâm hối cải những tội mình đã phạm và chiến đấu chống trả tội lỗi. Thói quen thống hối thường hay đọc kèm kinh Thú Nhận, kinh Ăn năn tội.

- Xưng tội vừa có ý nghĩa nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, và đồng thời thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Toà giải tội không phải là diễn đàn để khoe mình, cũng không phải là ‘toà án’ để tự biện hộ cho mình hay cáo tội người khác. Đơn sơ và khiêm tốn trình bày những lỗi lầm của mình, cả về số lần phạm tội, để linh mục, thầy thuốc tâm hồn, có thể khuyên bảo cách thích hợp và hữu ích. Không thể khuyên bảo cùng một cách cho những người nhiều năm không giữ đạo, giống với những người vẫn Xưng Tội đều đặn hàng tháng; vì làm như vậy, ơn trở lại của họ bị giới hạn rất nhiều.

Tác vụ Giải Tội rất cao trọng đòi hỏi cha giải tội phải tôn trọng và tế nhị đối với người xưng tội. Nhân danh Chúa Kitô, linh mục đón nhận hối nhân, chuyển đạt cho họ tình thương của Chúa Cha, và nghe họ thố lộ những bí mật của lương tâm. Giáo Luật điều 983 $1 buộc nhặt linh mục , khi giải tội, phải giữ kín tuyệt đối những gì mà hối nhân đã xưng thú. Đây là ‘ấn tín bí tích’, vì tất cả những gì hối nhân xưng thú đều được bí tích ‘niêm ấn’. Bí mật tòa giải tội không chấp nhận một luật trừ nào, cho nên ai vi phạm sẽ mắc vạ nặng nề (GLTC # 1467).

- Xá giải là tháo cởi, giải thoát tội nhân khỏi những xiềng xích ràng buộc của tội lỗi. Nhờ ơn Thiên Chúa, xá giải là sự tha thứ trọn vẹn các tội được xưng thú và thiếu sót không cố ý. Linh mục giơ tay hoặc đặt tay trên đầu hối nhân và đọc lời xá giải (giơ tay là một cử chỉ biến thể của nghi thức đặt tay vì tha tội cũng là ơn của Thánh Thần). Hối nhân quỳ hay đứng cúi đầu, im lặng lắng nghe lời xá giải và thưa : “Amen”, chứ không phải là đọc kinh Ăn năn tội (sám hối là việc phải làm trước khi vào tòa xưng tội). Lời xá giải là lời cầu khẩn hơn là một án lệnh.

- Đền tội là tạ ơn lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Tất cả phạm nhân bị toà án phân xử đều phải nhận một hình phạt tương xứng với tội của họ. Trong Bí tích Giải tội, việc này không nhằm đền tội đã phạm cho bằng giúp hối nhân tạ ơn và quyết tâm sống cuộc đời mới, giúp cải thiện tương quan với tha nhân vì ‘tình yêu có thể che lấp mọi tội lỗi’ (1Pr 4,8).

3. Nghi thức giao hòa

Sách nghi thức Bí tích Hòa Giải có nhiều mẫu nghi thức :

- Nghi thức Giao Hòa từng hối nhân bao gồm cả phần đón tiếp hối nhân, đọc Lời Chúa (hối nhân nghe hoặc tự đọc), hướng dẫn cầu nguyện, xét mình, xưng tội, lời khuyên của linh mục, nhận việc đền tội, cầu nguyện xin ơn tha thứ, linh mục xá giải, lời nguyện tạ ơn trước khi ra về. Nếu có nhiều người lãnh nhận cùng lúc, có thể đọc chung cho nhiều người, tuy nhiên việc đọc Kinh Thánh này cũng không bắt buộc, và tùy nghi đơn giản các diễn tiến.

- Nghi thức Giao Hòa nhiều hối nhân nhưng xưng tội và giải tội từng người để nhấn mạnh tính cộng đoàn vì sự liên đới trong tội của nhiều người. Tội không chỉ là hành vi cá nhân mà nhiều khi còn là hệ quả của sự đồng lõa nên cũng cần giúp nhau sám hối.

“Bí tích Giải Tội có thể được cử hành cộng đoàn : tất cả cùng chuẩn bị xưng tội và cùng nhau cảm tạ vì được ơn tha thứ. Lúc đó việc xưng tội và giải tội cá nhân được tiến hành trong một cử hành Lời Chúa, với việc đọc Sách Thánh và diễn giảng, cộng đoàn được hướng dẫn xét mình ; xin ơn tha thứ, đọc kinh Lạy Cha và cùng tạ ơn. Hình thức này diễn tả rõ nét hơn tính Hội Thánh của việc thống hối” (GLTC # 1482).

- Nghi thức Giao Hòa nhiều hối nhân nhưng thú tội và giải tội chung, còn gọi là Giải Tội tập thể. Trong trường hợp nguy tử hay thật khẩn thiết về điều kiện thời gian và hoàn cảnh, linh mục có thể cử hành Bí tích Giải Tội tập thể, nghĩa là xưng tội chung và tha tội chung, nhưng đòi buộc phải xưng lại những tội trọng khi có dịp xưng tội riêng.

- Nghi thức thống hối cộng đồng mà không Xưng Tội nhằm gợi lên tinh thần sám hối để dọn mình Xưng Tội vào một dịp thuận tiện khác.

Sám hối là tâm tình luôn phải có của giới luật mến Chúa yêu người. Đặc biệt mỗi tối trước khi ngủ nên đọc kinh tối, xét mình và xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi trong tư tưởng, lời nói và hành động.

4. Cuộc gặp gỡ kỳ diệu làm nên hạnh phúc

Trong Bí Tích Hòa Giải, Chúa và con người gặp nhau cách kỳ diệu nhiệm mầu. Người ta ra về với một trời mới, đất mới. Cỏ cây xanh tươi. Nắng chan hoà ấm cúng trong lòng người. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ tòa giải tội bước ra.

Bút chì cần cục tẩy, mỗi người cần Bí Tích Hòa Giải. Mỗi lần được tẩy xóa tội lỗi chúng ta lại có một mùa xuân thiêng liêng mới đang nở trong lòng nhờ được chìm sâu trong Trái Tim Nhân Lành của Thiên Chúa Tình Yêu.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:58 30/03/2012
ĐÊM MỜI HÒA THƯỢNG LÀM THƠ
N2T

Lưu thị là vợ của Hứa Nghĩa Phương, lúc nào cũng tự cho mình là người đoan trang. Nghĩa Phương thường đi xa, mà mỗi lần đi là một hai năm mới trở về nhà, ngày nọ đột nhiên trở về nói với vợ:
- “Nàng ở nhà một mình chắc buồn lắm, nàng có thể đi qua nhà hàng xóm hoặc đi thăm những người bà con cho khuây khỏa”.
Lưu thị nói:
- “Từ ngày chàng đi xa thì thiếp luôn đóng cửa ở nhà chưa từng rời khỏi nhà nửa bước”
Nghĩa Phương nghe vợ nói thì rất cảm động, rồi lại hỏi vợ làm sao để vui qua ngày, Lưu thị trả lời:
- “Nhưng thiếp thường làm một vài vần thơ để bày tỏ nỗi nhớ nhung”.
Nghĩa Phương rất vui, bèn nói vợ đem bài thơ ra để thưởng thức, giấy vừa mở ra, bài thơ có tựa đề là: đêm trăng vẫy gọi hòa thượng đến tâm tình.

Suy tư:
Chồng đi làm xa, vợ ở nhà nhớ nhung chồng không ra khỏi nhà nửa bước, thì quả thật người vợ rất đoan trang và tình cảm vợ chồng thật tốt đẹp.
Tình yêu vợ chồng là một món quà tặng của Thiên Chúa, cho nên nó cần phản ảnh lại tình yêu của Đức Chúa Giê-su và Hội Thánh của Ngài, tình yêu này đòi buộc một sự chung thủy và hy sinh đến tận cùng như Đức Chúa Giê-su đã yêu và hy sinh cho Hội Thánh của Ngài vậy. Tình yêu này được đặt trên nền tảng tự nguyện và tôn trọng lẫn nhau, bởi vì nếu không tự nguyện và tôn trọng nhau thì tình yêu ấy chỉ được đếm qua thời gian mà thôi.
Con người ta thường hay bị cám dỗ về dục vọng, sự cám dỗ này càng tăng lên khi “không có việc gì làm”, tức là “ở dưng là cội rễ mọi sự dữ”, dù là đã kết hôn hay còn độc thân, dù là người đời hay kẻ tu hành, thì sự cám dỗ về giới tính vẫn luôn là vấn đề mà con người phải cảnh giác và thức tỉnh.
Vợ ở nhà không có việc gì làm thì dễ sinh tình, hòa thượng không thường tụng kinh thì long trí dễ bị chạy lung tung…
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Chúa Nhật Lễ Lá
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:02 30/03/2012

SUY NIỆM TUẦN THÁNH


(Có thể dùng để gợi ý tĩnh tâm)

Thái độ và tâm tình khi bước vào Tuần Thánh.
- Đem hết lòng thành tâm tìm kiếm Chúa vì Chúa đã phán : “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống !” . Hãy khao khát Chúa, khao khát thật sự chứ không phải theo ý thích của mình.
- Thinh lặng: giúp tâm sự với Chúa, vì Thiên Chúa không ở nơi ồn ào. Cần có sự thinh lặng bên ngoài mới có thinh lặng bên trong. Hãy tìm Chúa trong cõi thinh lặng.

***************************

CHÚA NHẬT LỄ LÁ



Người tôi tớ của Thiên Chúa
“Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.(Is 50, 4-7)

Thời nay có nhiều hạng tôi tớ, nhưng không có hạng tôi tớ nào tự nguyện chịu bị đánh đập, bị khinh miệt, bị sỉ nhục, và không một ai tình nguyện làm tôi tớ, nếu không vì quyền lợi riêng tư của mình.

Đức Chúa Giê-su đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, đã tự nguyện trở nên người tôi tớ trong thân phận con người như chúng ta. Tiên tri I-sai-a đã cho chúng ta thấy hình tượng của một tôi tớ trong con người của Đức Chúa Giê-su: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu...”

Chúng ta là những người tôi tớ của Thiên Chúa, và qua cái chết của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta đã được trở nên con cái của Ngài.

Có nhiều hạng tôi tớ, nhưng chỉ có một tôi tớ tự nguyện đáng để cho mỗi người trong chúng ta suy tư và chiêm ngắm, đó chính là vị tôi tớ tự nguyện của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su.

Chúng ta có ba đề mục nhỏ để suy tư :
1. Người tôi tớ của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su.
2. Người tôi tớ của anh em: Đức Chúa Giê-su.
3. Đầy tớ vô dụng.

A. Suy niệm.

1. Người tôi tớ của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su
Tuần Thánh, tự nó đã trở nên một gợi ý thánh thiện.
Tuần Thánh, tự nó cũng nói lên tất cả tính chất thánh thiện của một tôn giáo, không phải do loài người sáng lập, nhưng do Thiên Chúa sáng lập cho con người và vì con người.

Hôm nay là ngày bắt đầu của Tuần Thánh, ngày mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem cách long trọng, không ai thấy nơi Ngài là một người tôi tớ chịu sỉ nhục, bị đánh đòn, bị khạc nhổ...
Hôm nay là ngày mà mọi nhà thờ trên thế giới đều cử hành cách long trọng Đức Chúa Giê-su tiến vào đền thánh Giê-ru-sa-lem, một biến cố lịch sử có một không hai trên thế giới: Đấng Thiên Sai bởi Thiên Chúa mà đến với nhân loại.
Hôm nay, mọi người Ki-tô hữu đều hân hoan đón nhận vị vua khiêm tốn đến ngự trong nhà mình, vị vua nhân ái và uy nghiêm không cỡi trên ngựa chiến, nhưng cỡi trên con lừa mẹ giữa tiếng hoan hô chúc tụng của mọi người...

Chúng ta được trở nên con cái của hoàng tộc –dân thánh- không phải bởi tổ tiên chúng ta là hoàng tộc, nhưng là bởi Đức Chúa Giê-su đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, chịu tất cả mọi sự sỉ nhục vì chúng ta, và cuối cùng, người tôi tớ ấy đã chết để cho chúng ta –những tội nhân- được sống trong tình yêu của Thiên Chúa.

Người tôi tớ ấy, hôm qua như một vị vua uy nghiêm tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem giữa tiếng hoan hô của đám đông quần chúng; hôm nay cũng đám đông dân chúng ấy đã nhất loạt đồng lòng với các thượng tế, biệt phái hô hào lên án đóng đinh Ngài vào thập giá, Ngài thật sự đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, để chúng ta được làm con của Cha trên trời.

“Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.
Không một tôi tớ nào của loài người tự nguyện chịu sỉ nhục, có chăng cũng là vì miếng cơm manh áo, đồng tiền; có chăng cũng chỉ là chịu đựng với một tấm lòng oán hờn thù hận, và chắc chắn là không có tình yêu.

Nhưng người tôi tớ của Thiên Chúa là Đức Chúa Giê-su đã làm được điều ấy, Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân... ...Qua đoạn văn này của thánh Phao-lô tông đồ, chúng ta có thể hình dung ra một người tôi tớ đau khổ mà tiên tri I-sai-a đã loan báo trước. Quả thật, Ngài đã gánh chịu tất cả những đau khổ mà nhân loại phải chịu, hi sinh tất cả vì chúng ta, những tội nhân của tội nhân là ma quỷ và sự dữ. Vì yêu Cha và vì yêu nhân loại tội lỗi, Đức Chúa Giê-su đã vâng phục Cha và đã tự nguyện làm một tôi tớ thấp hèn để cứu chuộc nhân loại, một sự hi sinh cao độ để nhân loại được hưởng hơng cứu chuộc, đó là trở nên con cái của Thiên Chúa.

2. Người tôi tớ của anh em : Đức Chúa Giê-su.
Khi mang thân phận con người, Đức Chúa Giê-su đã thật sự là con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi, với tất cả tình cảm, buồn vui của Ngài trong cuộc sống đều chứng tỏ Ngài là một con người, và vì thế, Ngài đã trở nên người anh em của chúng ta và ở giữa chúng ta.

Người tôi tớ của Thiên Chúa đã trở thành tôi tớ của anh em khi ngài cúi xuống rữa chân cho các môn đệ của mình là các tông đồ: “...nên trong bữa ăn tối, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rữa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.
Một Đấng Thiên Sai, một vị vua uy nghiêm nhưng rất khiêm nhường ấy, giờ đây đã trở nên tôi tớ của người anh em mình, và khi cúi xuống rữa chân cho các môn đệ, chính Ngài đã dạy cho chúng ta một bài học yêu thương và phục vụ, đó là trở nên người tôi tớ phục vụ anh em chị em trong cuộc sống.

Không ai tưởng tượng ra được câu chuyện lạ lùng này: vị Thiên Chúa đã trở nên tôi tớ phục vụ con người, Đấng là vua lại trở nên người tôi tớ của anh chị em mình. Nhưng với tình yêu thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, tình yêu làm cho khoảng cách chia rẻ và thù hận ngắn lại, tình yêu làm cho Thiên Chúa trở nên người tôi tớ của loài thụ tạo do chính Ngài tạo dựng.

3. Đầy tớ vô dụng.
Đức Chúa Giê-su, Đấng Thiên Chúa đã huỷ mình ra không để trở nên một tôi tớ của Thiên Chúa, Ngài hiểu rất rõ ràng và cụ thể bổn phận của một tôi tớ đó chính là phục vụ tha nhân.

Ngài vâng phục thánh ý của Chúa Cha để phục vụ nhân loại, phục vụ cho đến chết và chết trần truồng trên thập giá, tức là Ngài đã hạ xuống đến mức không còn ra hình tượng người nữa, có nghĩa là Ngài đã trở thành một đầy tớ vô dụng trước mặt loài người : “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu”.

Ngài đã trở nên đầy tớ vô dụng làm việc chỉ vì vinh danh Cha mà thôi: “Phần tôi, tôi không tìm vinh quang cho mình”. Vì không tìm vinh quang cho mình, nên Đức Chúa Giê-su đã không lên tiếng chửi mắng, xỉ vả những người lên án tử và đóng đinh mình vào thập giá, trái lại, Ngài hiền lành như con chiên bị đem đi sát tế và sẵn lòng tha thứ cho họ. Nơi Ngài ánh sáng tình yêu và khiêm tốn của một đầy tớ vô dụng được nổi bật cao chót vót khi bị dựng đứng trên núi Sọ giữa bầu trời âm u, giữa những tiếng nguyền rủa của quân lính và tiếng hò hét la lối của đám đông dân chúng, mà chính họ, đã lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác của Ngài ban cho...

Chúng ta là những tội nhân, nhưng trong cuộc sống chúng ta chưa nhận ra mình là một tội nhân bởi vì chúng ta luôn muốn trở thành quan toà phán xét anh em, phán xét người không cùng sở thích, không cùng chính kiến với chúng ta. Đức Chúa Giê-su không xét xử người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Ngài cũng không hầm hè lên án Gia-Kêu là quân thu thuế tội lỗi, nhưng Ngài trở nên thân thiết với họ và vừa là Chúa là Thầy và là bạn hữu với họ. Cuối cùng, Ngài bị treo chết trên thập giá, hoàn tất mọi sự và an bình phó thác linh hồn trong tay Cha từ đây dưới con mắt của nhân loại, Ngài trở thành đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa.

“Đầy tớ vô dụng” không phải là không biết làm gì cả, nhưng tất cả việc làm của họ đều là làm cho và làm vì Thiên Chúa –Đấng sáng tạo- cho nên sau khi hoàn tất công việc được giao phó, thì họ nói như lời Đức Chúa Giê-su dạy: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” .

Biết mình là tôi tớ của Thiên Chúa, nên Đức Chúa Giê-su đã chu toàn bổn phận của mình, cũng vậy, mỗi người trong chúng ta không là gì cả trước mặt Chúa. Tất cả đều bởi Thiên Chúa mà đến, cho nên khi làm được việc gì đó cho ai, thì không nên khoe khoang tự mãn tự đắc nói lên mặt dạy đời anh em chị em, nhưng tự trong thâm tâm nên cám ơn Chúa đã dùng mình như một khí cụ để thay Ngài giúp đỡ tha nhân.

Mỗi ngày chúng ta sẽ nhìn thấy rất rõ ràng mình là khí cụ của Thiên Chúa, là đầy tớ vô dụng của Ngài, nếu chúng ta thành tâm khiêm tốn suy gẫm về cuộc đời trong quá khứ và trong hiện tại của mình rồi đối chiếu, so sánh, thì sẽ thấy tất cà đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho, lúc đó chúng ta mới hân hoan vui vẻ, nhiệt tình mà nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng.

2. Cầu nguyện.
Lạy Đức Chúa Giê-su, hôm nay là ngày mở đầu cho Tuần Thánh, Giáo Hội với việc long trọng cử hành nghi thức việc Chúa tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, để cho chúng con xác tín rằng Chúa là vua, vị vua hiền từ và khiêm tốn của những tâm hồn hiền từ khiêm tốn, để rồi ngày mai ngày mốt, chúng con sẽ chia sẻ sâu xa mầu nhiệm khổ nạn của Chúa trong Tuần Thánh này.

Chúng con đang suy tư về việc Chúa là Thiên Chúa và là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, là Con Chiên hiền lành bị đem đi sát tế không phải để cứu mình, nhưng là để cứu nhân loại tội lỗi, trong đó có chúng con.

Hôm nay chúng con mặc áo quần và trang điểm như ngày hội, cũng đúng thôi, vì chúng con đang đi rước vị Vua của các vua, chúng con đang hân hoan chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của toàn thể nhân loại, của toàn thể vũ trụ. Chúng con đang hiệp cùng dân Do Thái xưa kia tung hô vạn tuế Con Vua Đa- vít đã đến. Thật hạnh phúc cho chúng con.

Nhưng Chúa muốn chúng con đừng như những người Do Thái ngày xưa ấy, hôm nay tung hô Chúa là vua, ngày mai cũng chính họ miệng hét tay vung đòi đóng đinh Chúa vào thập giá. Chúa muốn chúng con học hỏi nơi Chúa tinh thần của một đầy tớ vô dụng, biết khiêm tốn chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, trong vui vẻ và tích cực. Chúa cũng muốn chúng con nhìn thấy Chúa nơi những người anh em bất hạnh để phục vụ Chúa qua con người của họ.

Lạy Chúa, xin nhậm lời chúng con, và làm cho chúng con trở thành đầy tớ vô dụng của Chúa, không những trong Tuần Thánh này, mà còn trong suốt cả cuộc đời của chúng con. Amen


3. Gợi ý.
a. Tôi có giống như người Do Thái, hôm nay hoan hô Chúa, ngày mai đóng đinh Chúa vào thập giá vì những tội lỗi của mình.
b. Tôi có tâm tình và quyết tâm gì trong Tuần Thánh năm nay ?
--------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:03 30/03/2012
N2T

30. Giống như người cầm bánh lái trong cơn giông tố, lực sĩ thi đấu trong thao trường, người lính trên sa trường và người anh dũng bị thử thách trong khó khăn, thì người Ki-tô hữu cũng phải tôi luyện mình trong cám dỗ như vậy.

(Thánh Basil)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:05 30/03/2012
CẢNH TỈNH
Trưa nắng, ngài đi bộ trên hè phố đông người.
Chợt nghe tiếng khóc ré của con nít, ngài tò mò nhìn vào bên góc đường có bóng cây mát, nhìn thấy hai em bé đang dành nhau một khúc bánh mì vướng đầy cát…
Ngài chợt rùng mình, vì ngài không bao giờ ăn thức ăn nấu qua lửa thứ hai, dù thức ăn đó chưa ai đụng tới.
--------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha và Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro
Lã Thụ Nhân
05:40 30/03/2012
Cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha và Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro

Vatican City (VIS) – Sáng ngày 28/03, sau khi cử hành Thánh Lễ tại Plaza de la Revolucion Jose Marti, Havana, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã có cuộc gặp cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại Tòa Khâm Sứ.

Ông Fidel Castro bày tỏ với Đức Thánh Cha rằng: "Tôi đã quyết định xin một vài khoảnh khắc thời gian quý báu của ngài, mà tôi biết là đầy những trọng trách, khi tôi biết được rằng ngài sẵn lòng cho cuộc gặp gỡ khiêm tốn và đơn giản này". Theo Đài phát thanh Vatican, suốt cuộc gặp kéo dài khoảng nửa giờ, cựu Chủ tịch nói với Đức Thánh Cha rằng ông vui mừng trước việc tuyên chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta, vị ân nhân lớn của Cuba, và cho Đức Gioan Phaolô II, "người mà khi tiếp xúc với trẻ em và những công dân bình thường luôn dấy lên cảm xúc yêu mến". Về phần mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói về niềm vui riêng của mình khi ở Cuba và được chào đón thân mật.

Cựu Chủ tịch Fidel Castro đã hỏi Đức Thánh Cha một số câu hỏi về những thay đổi trong phụng vụ và vai trò của vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trả lời bằng cách nói về cuộc gặp gỡ của ngài với giáo dân và các nghi thức của ngài dành cho Giáo Hội phổ quát. Vị cựu chủ tịch cũng hướng sự chú ý của mình đến hoàn cảnh khó khăn của nhân loại đang phải đối mặt trong thế giới hiện đại, trong khi Đức Thánh Cha nói về sự thiếu vắng và không thừa nhận Thiên Chúa, cùng với tầm quan trọng căn bản của mối quan hệ giữa đức tin và lý trí. Cuối cùng, ông Castro đã xin Đức Thánh Cha gửi cho ông một số sách để ông nghiên cứu các vấn đề được nêu ra trong cuộc trò chuyện của họ, và Đức Thánh Cha cho hay ngài sẽ suy nghĩ các cuốn sách sẽ gửi. Cuối cùng, vị cựu Chủ tịch giới thiệu với Đức Thánh Cha vợ và hai con của ông
 
Chủng viện mới phản ánh niềm hy vọng và những thách đối về ơn gọi ở Cuba
Lã Thụ Nhân
05:42 30/03/2012
Chủng viện mới phản ánh niềm hy vọng và những thách đối về ơn gọi ở Cuba

Havana, Cuba (CNA/EWTN News) - Đối với người dân Cuba, chuyến tông du mới đây của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là một dấu chỉ của hy vọng đồng thời là lời kêu gọi đổi mới tâm hồn.

Hôm 28 tháng Ba, Đức Thánh Cha khuyến khích quốc gia này "nhìn lại đức tin của những người già" như là nguồn "sức mạnh để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn".

Sau khi phải đối mặt với nhiều thách đố trong những năm gần đây, Giáo Hội Công Giáo tại Cuba tiếp tục vượt qua những trở ngại khi đi vào cuộc hành trình của đức tin. Cả quá khứ đau thương lẫn hy vọng cho tương lai được minh họa bởi chủng viện mới San Carlos và San Ambrosio, tọa lạc trên đất của Tổng Giáo phận thuộc ngoại ô Havana.

Khi cơ sở chủng viện được khánh thành vào tháng 11 năm 2010, nó đã trở thành công trình tôn giáo mới nổi bật nhất nước trong hơn nửa thập kỷ kể từ khi Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959. Cơ sở mới mang lại nhiều không gian hơn và bầu khí tĩnh lặng, yên bình hơn so với các chủng viện mang tính lịch sử, được xây dựng bởi các tu sĩ Dòng Tên vào giữa thế kỷ 18 và toại lạc ở trung tâm du lịch Old Havana.

Cả Hội Hiệp sĩ của Columbus và Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ đều giúp tài trợ cho việc xây dựng cơ sở mới, trong đó bao gồm phòng học, ký túc xá, văn phòng và nhà nguyện, cũng như phòng ăn, thư viện và không gian giải trí. Với khu vực gần 6.000 mét vuông, tòa nhà có thể chứa đến 100 chủng sinh. Tuy nhiên, hiện tòa nhà này chỉ có hơn 50 chủng sinh, cho thấy sự thiếu hụt ơn gọi mà đất nước này đang phải trải qua.

Cuba có khoảng 6,7 triệu người Công giáo, chiếm hơn 60% dân số của đất nước 11 triệu dân. Tuy nhiên, quốc gia này hiện chỉ có khoảng 350 linh mục và 650 tu sĩ phục vụ giáo dân. Trong khi những năm gần đây, cùng với tình hình ơn gọi ở mức thấp xảy ra tại nhiều quốc gia, Giáo Hội tại Cuba đã phải đối mặt với những thách đố cụ thể, bao gồm cả sự đàn áp dưới một nhà nước vô thần. Hiện giờ Giáo Hội đang ở giai đoạn hai mươi năm phục hồi kể từ khi nhà nước chính thức chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa vô thần.

Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến thăm đảo quốc này vào năm 1998, ngài chúc lành cho việc đặt viên đá đầu tiên xây dựng chủng viện, nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đối với tương lai của Giáo hội địa phương. Chuyến thăm lịch sử của Đức Cố Giáo Hoàng cũng đã giúp thúc đẩy quan hệ tốt hơn giữa Giáo Hội và nhà nước Cuba. Giáo Hội Công Giáo đã đóng vai trò quan trọng trong việc giành sự tự do cho 52 tù nhân chính trị Cuba vào năm 2010.

Giờ đây, đất nước đang hướng về sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, người đến thăm đảo quốc từ ngày 26 đến 28 tháng Ba. Tại nghi thức chào đón ngay khi ngài xuống máy bay, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thừa nhận ảnh hưởng của chuyến tông du Cuba năm 1998 của vị tiền nhiệm. Ngài cho hay Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mang đến "hơi thở nhẹ nhàng của bầu khí trong lành" nhằm củng cố đất nước và "để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm hồn của tất cả người dân Cuba".

Tiếp tục sứ điệp của vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, Đức Thánh Cha khuyến khích người dân Cuba quay về với đức tin phong phú đã định hình lịch sử quốc gia nhằm đạt được một "sự tái sinh xã hội". Để làm được điều này, ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải nắm bắt và sống "những giá trị tinh thần và đạo đức vốn tạo nên căn tính thật sự của quốc gia này".
 
Trung Quốc: Giám Mục bất hợp thức lại tiếp tục phong chức linh mục
Lã Thụ Nhân
05:47 30/03/2012
Trung Quốc: Giám Mục bất hợp thức lại tiếp tục phong chức linh mục

Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc (UCAN) - Giám Mục Giuse Mã Anh Cửu (Joseph Ma Yinglin) của Côn Minh, người vẫn không được Tòa Thánh Vatican công nhận, đã chủ trì lễ phong chức cho sáu linh mục hôm thứ Hai bất chấp cảnh báo và chỉ trích từ bên trong và bên ngoài Trung Quốc. Thánh lễ diễn ra tại Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở thành phố cổ Đại Lý.

Theo một nguồn tin yêu cầu giấu tên của Giáo hội địa phương, có ba linh mục nước ngoài nằm trong số 16 vị đồng tế. Đó là một linh mục người Mỹ dòng Maryknoll đang học tại Đại Lý và hai linh mục Dòng Biển Đức người Hàn Quốc, đang tài trợ cho tiểu chủng viện Đại Lý. Nguồn tin cho hay: "Họ đến đây sau khi biết tin về buổi lễ. Chúng tôi không có lý do để không cho phép họ đồng tế".

Các tân linh mục thuộc ba địa hạt giáo hội của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - Giáo phận Đại Lý, Giáo phận Côn Minh và Hạt Phủ Doãn Tông Tòa Chiêu Thông (Zhaotong).

Khi được hỏi liệu họ có sẵn lòng để được phong chức bởi giám mục bất hợp thức không, nguồn tin cho biết: "Tôi không biết nhưng tôi thấy họ hạnh phúc". Nguồn tin cũng lưu ý rằng hàng trăm người Công Giáo, hầu hết họ là người các sắc tộc thiểu số trong vùng, cũng vui mừng chào đón các tân linh mục tại lễ phong chức đầu tiên mà họ từng tham dự.

Ông Anthony Lam Sui-ki, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trung tâm Nghiên Cứu Chúa Thánh Thần của giáo phận Hồng Kông cho hay do liên tiếp vi phạm Giáo Luật, giờ Giám mục Mã khó mà nhận được sự tha thứ từ Tòa Thánh. "Thật là nguy hiểm cho đất nước và xã hội để có ‘người con tha hóa’ như Giám Mục Ma, vì não trạng thối nát thâm hiểm như căn bệnh truyền nhiễm, sẽ khuyến khích những kẻ cơ hội bỏ qua các nguyên tắc của Giáo Hội".

Ông Lam cho hay đối với vụ phong chức, "chúng ta không thể kết án nó hoàn toàn" vì nó là trộn lẫn niềm vui và sự bất hợp pháp. Ông nói: "Vì lợi ích của nhu cầu mục vụ, chúng ta sẽ không lớn giọng chỉ trích, nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ qua".

Trước lễ phong chức, một số blogger đại lục kêu gọi Giám mục Mã "ăn năn hối cải và tránh thêm một sai lầm", trong khi những người khác nói rằng ông đang thực hiện "một việc làm vẻ quang cho Trung Quốc". Một blogger khác đổ lỗi cho cho tình hình mập mờ ở Trung Quốc là do chính sách nhân nhượng của Vatican. Blogger này viết: "Đã đến lúc các viên chức Vatican đưa ra suy tư của mình".
 
Giáo triều sung mãn của Đức Thánh Cha Benedict XVI
Bùi Hữu Thư
07:42 30/03/2012
Trình bầy "những bài giảng Phục Sinh quan trọng của Đức Thánh Cha Benedict XVI"

ROME, Thứ năm 29 tháng 3, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Giáo triều của Đức Thánh Cha Benedict XVI, đã bước vào lịch sử nhờ quyền năng luân lý giầu mạnh và các tác phẩm văn chương của ngài (ba tập sách về Chúa Giêsu thành Nazareth đã gần hoàn tất), sẽ ăn rễ sâu trong ký ức mọi người về tất cả các bài giảng quan trọng của Đức Thánh Cha, nhất là những bài nhân dịp Lễ Phục Sinh.

"Tạo vật mới trong lịch sử. Các bài giảng quan trọng về Phục Sinh của Benedict XVI " (La nouvelle création dans l’histoire. Les grandes homélies de Pâques de Benoît X) là tiêu đề của một tuyển tập mới do Thư Viện Xuất Bản Vatican (Libreria Editrice Vaticana) ấn hành dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Lorenzo Leuzzi, giám mục phụ tá của giáo phận Rôma và giám đốc của Văn Phòng đặc trách mục vụ các Đại Học tại giáo phận Rôma.

Tác phẩm, được trình bầy ngày thứ tư tại Sảnh Đường Marconi của Radio Vatican, gom góp 3 bài quan trọng được Đức Thánh Cha Benedict XVI giảng trong các lễ Vọng Phục Sinh từ 2007 đến 2009.

Tác phẩm bắt đầu với Lời Mở Đầu do Đức Hồng Y Agostino Valli, tổng đại diện của Đức Thánh Cha cho giáo phận Rôma viết, và một hậu đề của giáo sư Cesare Mirabelli, chủ tịch danh dự của Tòa Án Hiến Chương.

Việc xuất bản tài liệu này là một trong những sáng kiến mục vụ mới, hướng về các đại học Rôma và giới trẻ nói chung, do Đức Cha Leuzzi chủ xướng, tiếp theo hai tác phẩm trước đây: "Vấn đề Thiên Chúa hiện nay Khuôn viên mới của người ngoại" (La question de Dieu aujourd’hui. Le nouveau parvis des gentils), xuất bản năm 2010, và "Mở rộng chân trời của Lý Tính. Các diễn văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI tại các đại học" (Elargir les horizons de la rationalité. Les discours pour l’université de Benoît XVI), xuất bản năm 2008.

Nhiều chuyên gia thuộc các ngành khác nhau đã hiện diện để hội thảo bàn tròn khi cuốn sách được giám đốc người Ý của Đài RadioRai1, là ông Antonio Preziosi giới thiệu, và kết thúc với giáo sư Giuseppe Costa, giám đốc Thư Viện Xuất Bản Vatican (la Libreria Editrice Vaticana).

Ông Antonio Preziosi dựa theo Lời Nói Đầu của Hồng Y Vallini đã nói: "Tác phẩm này cho phép thưởng thức một cách đặc biệt 'sự chú tâm của Đức Thánh Cha đến các bài giảng', theo truyền thống quý giá của các giáo phụ của Giáo Hội mà ngài yêu mến."

Thực vậy, giáo triều của Đức Thánh Cha Benedict XVI đã thách đố những ồn ào của nền văn hóa hậu văn minh bằng thinh lặng, một sự thinh lặng cần thiết của phụng vụ, đòi hỏi con người thời đại chúng ta phải kiên nhẫn lắng nghe, để suy tư mà không bao giờ la lối và trên hết với lòng khiêm tốn ("[tôi là] một người thợ hèn mọn trong vườn nho của Chúa" (un modeste ouvrier dans la vigne du Seigneur) đã là những lời đầu tiên của ngài, ngày 29 tháng 4, 2005, ngay sau khi ngài được bầu lên).

Vả lại, không có gì quý hơn là một bài giảng, đòi hỏi thinh lặng, lắng nghe và chú ý để hiểu được một vài điều và để thưởng thức hoàn toàn. Trong ý nghĩa này, bên trong chu kỳ phụng vụ, "việc thuyết giảng tuần Phục Sinh" (prédication pascale) đã từ lâu chuyên về trọng tâm là giáo lý. Chính tuần lễ này, và chỉ trong tuần lễ này người giáo dân mới được mời gọi để sống triệt để, từng bước, những mầu nhiệm của cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Chánh thẩm người Ý Stefano Amore, khi giải thích Phục Sinh đã nói đây thực sự là một "khúc quanh bùng nổ", không riêng gì cho các tín hữu: "Chính đây là lúc lịch sử nhân loại đã hoàn toàn thay đổi, một lần này mà thôi, cho mãi mãi".

Thực vậy, ông đã tiếp: "Sự khả dĩ một biến cố như vậy có thể xẩy ra đã làm đảo lộn hoàn toàn lịch sử của tư tưởng con người và cách thức liên quan với thực tế. "

Điều đã xẩy ra tại Giêrusalem, trong sự thờ ơ hầu như hoàn toàn của người dân thời đó, là một biến cố đã "biến cải" các não trạng và cách hành xử của con người ở mức độ hoàn vũ, và cũng đã có những ảnh hưởng cụ thể trên lịch sử của công lý (như Đức Thánh Cha đã viết trong Tông Huấn Spe Salvi), và quan niệm về 'công lý', đối với tất cả mọi người cho tới thời đại chúng ta.

Từ đó, thuyết bất khả tri (l’agnostique) và vô thần quá khích hơn, phải đối chọi với câu hỏi hắc búa này: "Nếu điều ấy có thật?" Không thể ngẫu nhiên, nếu biết bao nhiêu học giả của những thế kỷ sau đó, cũng như của thời đại tân tiến như Blaise Pascal (1623-1662) đã dành tất cả cuộc đời của họ để tìm hiểu cho sự khả dĩ là câu hỏi đó có chính đáng hay không?

Maria Carmela Benvenuto, giáo sư đại học la Sapienza tại Rome, cũng tham gia vào cuộc tranh luận, bà nhắc đến tư tưởng tân tiến của các tác giả nổi danh đương thời, để chứng tỏ sự hỗn loạn "một thế kỷ mệt mỏi" có thể gây nên, khi tìm kiếm chân lý, khẳng định là "sự mệt mỏi này" có thể tạo nên một chân không (un vide) nếu thái quá sẽ đưa đến tình trạng vô thần của những đám đông, là nguyên nhân của những đại nạn.

Theo Giovanni Lo Storto, phụ tá giám đốc của Đại Học Tự Do Quốc Tế về các môn xã hội học (directeur général adjoint de la Libre Université internationale des études sociales), con người thời nay bầy tỏ nhu cầu về "nước hằng sống", là chân lý, và chỉ có sự tái định giá của một "ngày lễ trung ương và duy nhất" (fête centrale et unique) như Lễ Phục Sinh mới có thể "tìm được những giải đáp thuyết phục được."

Ông đã giải thích: chính vì thế, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tốn biết bao nghị lực cho các bản văn của các bài giảng cho tuần tam nhật Phục Sinh, và ngài đã viết hết sức cẩn thận.

Giuseppe Costa, giám đốc Thư Viện Xuất Bản Vatican là người đã định nghĩa công trình của Đức Thánh Cha tiếp lời: "Các bài giảng, tôi đề nghị với quý vị các bài giảng là "một tác phẩm kiên trì và xây dựng" đối với con người hậu văn minh, dường như đã thỏa mãn về biết bao nhiêu sự nhàn rổi và hưởng thụ về vật chất, và đã tập trung vào sự an vui, nhưng thường bị tổn thương về tinh thần và luân lý, và đã lầm lạc đến độ lựa chọn cái chết hay những sự đam mê tự hủy (như ma túy, rượu chè, vv..v..,) thay vì đời sống.

Ông tiếp, trong công trình tái tạo này, Đức Thánh Cha thực hiện trước hết bằng "lời của ngài" bằng "lời sống động", rồi bằng các bài viết để đánh động trái tim của mọi người. Đây là điều đã được khẳng định qua con số kỷ lục những người tham dự vào các buổi triều kiến chung, tuy nhiên, điều lạ lùng, là giới truyền thông, luôn luôn cần đến các nguồn tin lại không bao giờ đề cập đến.

Tác phẩm các bài giảng Phục Sinh bước vào khuôn khổ của nhiều dự án nghiên cứu và đào sâu được trù liệu cho Năm Đức Tin, do Đức Thánh Cha Benedict XVI tuyên bố mới đây trong tông thư Porta Fidei, sẽ bắt đầu ngày 11 tháng 10 sắp tới, với mục tiêu là tái khám phá nơi một số đông người, nhất là tại Âu Châu, sự thật và vẻ đẹp của một đời sống Kitô chân chính.

Năm tới, Thư Viện Xuất Bản Vatican đã tiên đoán việc xuất bản một tuyển tập mới về các bài diễn văn lớn hàng năm của Đức Thánh Cha trước giáo triều Rôma, sẽ được công bố nhân dịp Lễ Giáng Sinh.
 
Đặc Trách Tòa Thánh về Châu Mỹ đánh giá chuyến thăm Cuba của ĐTC Bênêđictô XVI
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
10:21 30/03/2012
ROMA, (zenit.org) – Đức Tin là chìa khóa hòa giải củatất cả người Cuba, Đức Hồng Y Marc Ouellet, Chủ Tịch Ủy Ban Tòa Thánh về ChâuMỹ La Tinh tuyên bố.

Vị Hồng Y người Canada này, hiện nay còn là Chủ TịchBộ Giám Mục của Tòa Thánh, đã chia sẻ những cảm tưởng của mình trong cuộc nóichuyện với Đài Phát Thanh Vatican về chuyến tông du của Đức Thánh Cha BênêđictôXVI tại Mêxicô và Cuba từ ngày 23 đến ngày 28 tháng Ba năm 2012.

Đối với Hồng Y Marc Ouellet, chuyến viếng thăm của ĐứcThánh Cha đã là một « bức thông điệp cho toàn thế giới » để chỉ rarằng Giáo Hội Công Giáo « cận kề lòng mình với tính đồng nhất tinh thần vàvăn hóa của châu lục ».

Chuyến thăm này, ngài nói tiếp, là « một nhân tố đểcủng cố thêm sự đồng nhất ấy và dẫn dắt căn tính này đến tận đáy lòng, đến tậnngôi vị của Đức Giêsu Kitô ».

Ngoài ra, vị Hồng Y đặc trách của Tòa Thánh về Châu MỹLa Tinh cũng đề cập đến những sự thay đổi mở ra cho Cuba : « Có mộtmùa xuân đích thực cho Đức Tin ». Có một sự « khai mở cho Giáo HộiCông Giáo tại đây, cũng như cho công việc bái ái của mình », tuy nhiên,ngài nói rõ, « Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh về Đức Tin ».

Lượng giá về câu nói này của Đức Thánh Cha, Hồng Y MarcOuellet cho rằng « hun đúc Đức Tin sống động trở lại là một chìa khóa chotương lai của Cuba, để hòa giải giữa các người dân với nhau », ngõ hầu họ « thựcsự cùng nhau làm việc, nhìn về phía trước và xây dựng tính đồng nhất của mìnhbằng cách dựa vào truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, vốn là một bộ phận gắnchặt với nền văn hóa của dân tộc này ».

Vị Chủ Tịch Ủy Ban Tòa Thánh về Châu Mỹ La Tinh cũngđã nhấn mạnh rằng người dân tại khu vực này của thế giới cần được an ủi trongđức tin của mình : « Họ phải đương đầu với những vấn đề khó khăn –đói nghèo, bạo lực, các thách đố về gia đình – chính vì thế mà Đức Thánh Cha đãmời gọi họ hướng về Thiên Chúa và đề nghị thanh tẩy tâm hồn ».

« Đó làmột bức thông điệp tuyệt vời, ngài bình luận. Trái Tim Đức không phải là tráitim thống trị, nhưng là dành cho phục vụ, tình yêu đích thực và tình liên đới ».
 
Chính phủ Hoa Kỳ ca ngợi chuyến thăm viếng của ĐGH Bênêđictô XVI ở Cuba
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
15:37 30/03/2012
Chính phủ Hoa Kỳ ca ngợi chuyến thăm viếng của ĐGH Bênêđictô XVI ở Cuba

Bản tin của Thông tấn xã AFP đưa đi từ Washington vào hôm nay, ngày 30.3.2012 với nội dung: Mặc dù những lời chỉ trích của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói về lệnh cấm vận của Mỹ chống lại nhà nước cộng sản Cuba, chính phủ Hoa Kỳ vẫn ca ngợi chuyến thăm viếng của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo trong quốc gia cộng sản này. Washington hoan nghênh cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner cho biết.

Chuyến đi của ĐGH Bênêđictô XVI đến Cuba đã là một "cơ hội tốt" để mang đến cho chính phủ cộng sản Cuba một "thông điệp của tự do tôn giáo và nhân quyền…". "Và chúng tôi (chính phủ Hoa Kỳ) tin rằng những thông điệp đó được truyền đạt rõ ràng trong cuộc đàm phán của ĐGH Bênêđictô XVI với các nhà lãnh đạo Cuba", ông Mark Toner bình luận thêm chi tiết.

Nhận định về sự chỉ trích cấm vận của ĐGH thì ông Toner một mực nói rằng Hoa Kỳ luôn có những lý do chính đáng và luôn rõ ràng để trừng phạt kinh tế. "Chính sách về Cuba của chúng tôi là tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ giữa nhân dân Mỹ và nhân dân Cuba. Chúng tôi đã thực hiện các bước để đạt được điều đó qua chứng minh... hợp tác," ông Toner nói tiếp.

ĐGH Bênêđictô XVI đã phát biểu trong lúc kết thúc vào ngày 28 tháng 3 cuộc Tông Du mục vụ của Ngài về lệnh cấm vận của Mỹ đã ban hành từ 5 thập niên vừa qua chống lại nhà nước Cuba: "Một áp đặt từ bên ngoài nhằm hạn chế kinh tế" cho một quốc gia thì mang lại một "gánh nặng không công bằng" cho người dân. Cùng lúc ĐGH chẳng e dè yêu cầu các nhà lãnh đạo Cuba nên cải cách hơn nữa để cải thiện điều kiện cuộc sống trong đất nước cộng sản này.

Những lời chỉ trích Hoa Kỳ của ĐGH Bênêđictô XVI đã được nhà nước cộng sản Việt Nam hoan hỷ đón nhận và khuyếch đại qua các cửa thông tin truyền hình báo chí và Internet, chẳng khác chi họ vớ được một món quà lớn từ trên trời rơi xuống. Họ xông xáo đến nỗi các tờ báo Đất Việt, Báo Mới, Tinh Nhanh VN, v.v… đều đưa tít báo giật gân mang tính đấu tranh cách mạng của từ ngữ "CỰC LỰC": "Giáo hoàng cực lực phản đối lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba". Nếu nhận định cực lực như thế của báo chí Việt Nam để tuyên truyền ĐGH Bênêđictô XVI chống Mỹ thì lại làm cho chúng ta nhớ lại câu nói bất hủ của ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Cuba năm 2009: "Có người ví von, Việt Nam Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía đông, một anh ở phía tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ".

Từ ngữ của ĐGH Bênêđictô XVI dùng khiển trách rất nhẹ nhàng mang tính nhân văn và không "cực lực" gọi thẳng tên người cấm vận. Chính phủ Hoa Kỳ, qua phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner không cảm thấy phiền hà mà ngược lại còn ngợi khen công lao của ĐGH Bênêđictô XVI đã thực hiện ở Cuba và sau đó ông ta đáp trả lại lời chí trích của ĐGH rất từ tốn và ngắn gọn.

Hoa Kỳ đã lệnh cấm vận đối với Cuba kể từ năm 1962, ba năm sau khi cuộc cách mạng của ông Fidel Castro lật đổ một chính phủ do Mỹ hậu thuẫn. Lệnh cấm vận này được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều người Mỹ gốc Cuba.

Hiện nay tổng thống Barack Obama đã nới lỏng một số biện pháp, kể cả bằng cách tạo ra điều kiện dễ dàng hơn cho người Mỹ gốc Cuba được trở về thăm người thân trên đảo Cuba. TT Obama cũng cho biết sẽ sẵn sàng thay đổi chính sách nếu Mỹ thấy bằng chứng về cải cách ở Cuba được thực hiện.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
 
Top Stories
Philippines: Les évêques catholiques redisent leur opposition aux scènes de crucifixion du Vendredi Saint
Eglises d'Asie
10:11 30/03/2012
Vendredi 30 mars, à quelques jours de la Semaine Sainte et des célébrations pascales, la Conférence des évêques catholiques des Philippines (CBCP), a redit son opposition aux scènes du Vendredi Saint au cours desquelles, depuis une soixantaine d’années, une vingtaine de personnes se font crucifier « pour de vrai » sur des croix.

Mgr Jose Palma, archevêque de Cebu et président de la CBCP, a déclaré que l’Eglise souhaitait qu’à l’occasion des célébrations qui font mémoire du sacrifice du Christ, les catholiques cherchent à renouveler leur foi plutôt qu’à s’auto-infliger des souffrances physiques. Les fêtes de Pâques devraient être pour les fidèles l’occasion d’un approfondissement spirituel de leur foi plutôt que d’une manifestation extérieure et spectaculaire de leur croyance, a précisé l’évêque, tout en prenant soin de rappeler que l’épiscopat philippin « ne jugeait pas des intentions de ceux qui s’y prêtaient, particulièrement de ceux qui s’y livraient dans le cadre de l’accomplissement d’un vœu (…) », mais qu’il « décourageait cette pratique ».

Les « Kristos » – ainsi que l’on nomme les crucifiés du Vendredi Saint – sont apparus aux Philippines il y a soixante ans environ. A 70 km au nord de Manille, dans la province de Pampanga, les villageois de San Pedro Cutud, localité proche de la ville de San Fernando, affirment qu’il y a des décennies de cela, une inondation massive a submergé leur village et que les seuls survivants furent ceux qui s’étaient accrochés à une grande croix de bois flottant sur les eaux. Depuis, en signe de pénitence, lors de la Semaine Sainte, les habitants du village organisent de véritables scènes de crucifixion. Le phénomène a pris de l’ampleur il y a une vingtaine d’années et, chaque année, des foules importantes, croyants, curieux et touristes étrangers mêlés, s’y pressent dans une atmosphère où le recueillement le dispute à la kermesse. Le plus souvent, les « Kristos » disent accomplir un vœu en choisissant d’être ainsi cloués sur le bois d’une croix, que ce soit en remerciement d’une naissance qui s’est bien passée, pour obtenir une guérison ou encore pour avoir gagné au jueteng (jeu d’argent illégal et très populaire aux Philippines). Avant le crucifiement lui-même, les « Kristos » rejouent la passion du Christ, tout au long d’un chemin de croix.

Les crucifixions, bien entendu, ne vont pas jusqu’à la mort. Les crucifiés restent en moyenne une quinzaine de minutes sur la croix, leurs pieds reposant sur des planchettes perpendiculaires au bois de la croix. Ce sont toutefois de vrais clous (en acier inoxydable et préalablement désinfectés à l’alcool) qui sont cloués à travers les paumes de leurs mains et entre leurs doigts de pied. Les autorités civiles exigent que les candidats au crucifiement soient vaccinés contre le tétanos. Année après année, il n’est pas rare que certains « Kristos » réitèrent leur geste, en obéissance à un vœu qu’ils ont eux-mêmes formulés. Ainsi, cette année, parmi la vingtaine de candidats, se trouve Ruben Inaje, peintre en bâtiment de son état, qui accomplira sa 26ème crucifixion. L’an prochain, après la 27ème, il a déclaré qu’il en resterait là, ayant réalisé un vœu l’engageant pour une durée de trois fois neuf ans.

Face à une telle manifestation de dévotion populaire, l’Eglise catholique (très majoritaire dans un pays où 85 % de la population se réclame du catholicisme) se veut très claire. L’an dernier, Mgr Angel Lagdameo, archevêque de Jaro et ancien président de la CBCP, rappelait que « l’humanité avait été sauvée par un seul crucifié, le Christ » et que les souffrances des crucifiés de San Pedro Cutud n’ajoutaient rien au salut de l’humanité. Si les croyants veulent faire pénitence, ils peuvent le faire à travers l’aumône, le jeûne, l’abstinence et la prière, avait-il conclu.

(Source: Eglises d'Asie, 30 mars 2012)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họp mặt ''Loan báo Tin Mừng'' giáo phạt Phan Thiết
Paul Nguyễn-văn-Sự
10:20 30/03/2012
PHAN THIẾT - Hưởng ứng thư chung “hậu đại hội dân Chúa” của Hội đồng Giám Mục Viet-Nam và thư mục vụ năm 2012 của Đức Giám Mục Giáo phận Phan Thiết. Theo lịch trình của ban Loan báo Tin Mừng Giáo Phận, ngày 27.3.2012 Ban loan báo tin Mừng Giáo Hạt Phan Thiết đã tổ chức ngày họp mặt nhằm triển khai Sứ điệp của Đức thánh Cha Benedicto XVI nhân ngày Thế giới truyền giáo.

Xem hình ảnh

Lần đầu tiên Giáo xứ Vinh Thủy đăng cai một cuộc họp mặt cấp Giáo hạt và cũng là lần đầu tiên Ban loan báo Tin Mừng Giáo Hạt quy tụ để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác truyền giáo, cũng như gởi gắm những ưu tư, trăn trở để các thành viên tham dự học hỏi kinh nghiệm, hầu mang lại hiệu quả cho việc rao giảng Lời Chúa.

Hon 100 thành viên về tham dự ngày họp mặt, có sự hiện diện của Cha Fx. Phạm-Quyền (Hạt trưởng) Cha GB. Trần-văn-Thuyết (Trưởng ban loan báo Tin Mừng Giáo phận), Cha Jos. Hồ-sĩ-Hữu (Thư ký Tòa-giám-mục Phan Thiết) Cha Toma Nguyễn-hải-Châu (Trưởng ban loan báo Tin-Mừng Giáo hạt), Cha Jos. Bạch-kim-Tri (quản xứ Cà-Tang) Cha Jos. Nguyễn-Tiến-Dũng (quản xứ Dakim2) hai thầy phó tế: Jos. Trương-văn-Hùng và Jos. Lê-vân-Linh cùng với 15 nữ tu thuộc các hội dòng và giáo dân đại diện cấc Giáo xứ.

Trong phần khai mạc Cha hạt trưởng đã nói lên sự ưu tư của Giáo Hội về lệnh truyền của Đức Ki-Tô: “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân” và chủ đề “NĂM TRUYỀN GIÁO” của giáo phận, Ngài cầu chúc qua ơn Chúa Thánh Thần ngày họp mặt gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Cha trưởng ban Loan báo Tin mừng Giáo phận cũng gợi ý một số nét chính để các tham dự viên dễ dàng đi vào trọng tâm trong hội thảo.

Phần thuyết trình Cha Thư ký TGM đã nói lên tầm ảnh hưởng của vai trò Giáo dân trong công tác Truyền giáo, Từ hai Công đồng Vaticano thứ nhất và thứ hai đã nhắc đến sứ vụ truyền giáo, nhưng rồi vai trò người giáo dân vẫn chỉ ở hàng thứ yếu, hàng Giáo sĩ vẫn đóng vai trò chính; Mãi đến thời Đức thánh Cha Gioan Phaolô II, đúc kết thành quả việc truyền giáo thì người Giáo dân đã góp phần trên 80%. Nay vì nhu cầu cấp thiết lệnh truyền của Chúa, Đức Thánh Cha Bêndicto XVI đã gởi Tông thư nhân ngày Thế giới truyền giáo cho toàn thể Giáo sĩ, Tu sĩ và giáo dân toàn cầu về công cuộc truyền giáo. Ngài nhấn mạnh: Đây là sứ vụ và là trọng trách của mỗi tín hữu Kitô, không riêng gì của hàng giáo sĩ.

Trong phần thảo luận, mỗi thành viên đã hăng say đóng góp kinh nghiệm và chia sẻ những trở ngại khó khăn khi thi hành sứ vụ.

Sau giờ cơm trưa, Cha trưởng ban LBTM Giáo phận và giáo hạt đã cùng các tổ đúc kết buổi thảo luận:

1- NHỮNG TRỞ NGẠI:

1.1- Các Giáo xứ thiếu nhân sự (Giáo lý viên) không được đào tạo bài bản trong việc truyền giáo

1.2- Trào lưu hiện nay trong xã hội, chỉ chú tâm vào đời sống vật chất, trẻ em thì bị áp lực việc học từ nhà trường đến gia đình rất nặng nề, vì thế việc quy tụ và đào tạo cán bộ nói chung và chiến sĩ truyền giáo nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

2- HƯỚNG ĐI:

2.1- Tất cả các thành viên đã xác định và cảm nhận được hướng đi của Giáo hội việc ‘Loan báo Tin Mừng” là Sứ vụ và làm theo lệnh truyền của Chúa, cho dù gặp khó khăn trở ngại.

2.2- Để mang lại hiệu quả trong công tác truyền giáo, cần có Ơn Chúa qua sự cầu nguyện, học tập, được đào tạo qua các lớp Giáo lý, được huấn luyện về “sư phạm Truyền giáo”, vì “biết Chúa, Có Chúa thì mới trao Chúa cho người khác được” và muốn đạt được những điều này, mỗi chiến sĩ Truyên giáo trước tiên phải là “NGƯỜI KITÔ HỮU TỐT”:

Phải gắn bó với sự cầu nguyện, tự tu tâm dưỡng tính, không giữ đạo một cách máy móc, hình thức

a/ Trong gia đình: Cha mẹ phải là mẫu mực gương sáng cho con cái, gia đình luôn tạo bầu khí yêu thương, duy trì giờ kinh chung sáng tối.

b/ Ở môi trường sống: Công bằng, bác ái với mọi người đồng nghiệp, bạn bè cùng trường lớp, hòa giải khi họ có sự bất đồng.

c/ Với lương dân: Không kỳ thị, năng đi lại, gần gũi giúp đỡ họ thật tình nhất là khi gia đình họ có các biến cố như tang chế, cưới hỏi. . . .

d/ Với người Tân tòng: Họ là những mầm non trong thành quả truyền giáo, nên thường xuyên thăm viếng, động viên và củng cố đức tin cho họ, Đối với những người Tín hữu khô khan nguội lạnh, cần đốt lên cho họ ngọn lửa hâm nóng niềm tin, bằng cách thường xuyên đi lại và tùy hoàn cảnh mỗi người để có cách kéo họ trở về.

3- ĐỀ XUẤT:

3.1- Xin Giáo xứ tổ chức các lớp Giáo lý cho Trẻ em và cho cả các giới về “sư phạm Truyền giáo”

3.2- Xin Giáo xứ và Giáo hạt tổ chức những ngày học hỏi trang bị kiến thức Truyền giáo cho Giáo dân.

3.3- Mong các đoàn thể từ nay chú tâm hơn trong hướng đi Tông đồ truyền giáo, rút ngắn lại những mục hình thức bên ngoài ít cần thiết.

3.4- Xin Quý Cha xứ và Giáo xứ tùy hoàn cảnh có những chương trình hoạt động cụ thể nhằm quan tâm hơn với những người Tân tòng.

3.5- Cha quản xứ Dakim2 là vùng rừng núi có nhiều người đân tộc thiểu số, cách trung tâm Thành phố Phan Thiết hơn 100km, vùng đất thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, là cánh đồng lúa chín nhiều, thợ gặt đã ít mà dụng cụ gặt hái lại không có: không trạm xá, không bệnh viện, muốn xin hỗ trợ một tủ thuốc để giúp người dân cả lương lẫn giáo khi họ cần đến, đây cũng là một công cụ thiết thực cho việc Truyền giáo.

Giờ Chầu Thánh Thể và nghi thức sai đi đã kết thúc một ngày làm việc với sứ vụ mới, và cũng mở ra ý thức, hướng đi cho các tham dự viên.

Xin Thánh Linh Ngôi ba đổ tràn ân sủng cho các tham dự viên, để đoàn thợ gặt mới mang về kho lẫm nhiều bông hạt tốt.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tình Yêu
Diệp Hải Dung
21:38 30/03/2012
TÌNH YÊU
Ảnh của Diệp Hải Dung, (Australia)
Sau cùng, khi lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét bằng Tình yêu.
At the end of life, we shall be judged by love.
(San Juan de la Cruz)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 23/03-31/03/2012 - Giã từ Havana, Đức Thánh Cha kêu gọi tự do tôn giáo và nhân quyền
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:26 30/03/2012
Kết thúc chuyến tông du 6 ngày tới Mễ Tây Cơ và Cuba, lúc 16h30, Đức Thánh Cha đã từ giã Havana để trở về Rôma.

Máy bay chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Ciampino lúc 10 giờ 15 phút sáng ngày thứ Năm, 29 tháng Ba, sau 10 giờ bay.

Vào buổi sáng thứ Tư, lúc 9 giờ sáng trước hàng trăm ngàn người đứng chật Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô Havana, Đức Thánh Cha đã hùng hồn bảo vệ Giáo Hội và kêu gọi tự do tôn giáo.

Ngài nói:

Giáo Hội tồn tại là để chia sẻ cho những người khác những gì Giáo Hội sở hữu, đó không gì khác hơn là Chúa Kitô, là niềm hy vọng vinh quang của chúng ta (x. Col 1:27). Để thực hiện nhiệm vụ này, Giáo Hội cần phải có tự do tôn giáo cơ bản, trong đó bao gồm khả thể công bố và cử hành đức tin của mình cả ở nơi công cộng, mang đến cho người khác thông điệp của hòa giải, tình yêu và sự bình an mà Chúa Giêsu mang đến cho thế giới. Thật là vui mừng là ở Cuba các bước khởi đầu đã được thực hiện để giúp cho Giáo Hội thực hiện sứ vụ thiết yếu của mình là thể hiện đức tin một cách cởi mở và công khai. Tuy nhiên, điều này phải được tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, và tôi muốn khích lệ các giới chức thẩm quyền của quốc gia này hãy tăng cường những gì đã đạt được và tiến bước theo con đường phục vụ thực sự cho thiện ích chân thật của toàn thể xã hội Cuba.

Quyền tự do tôn giáo, cả trong chiều kích cá nhân và công cộng, biểu hiện sự hiệp nhất của con người nhân bản, vừa là một công dân và đồng thời là một tín hữu. Nó cũng nhìn nhận về mặt pháp lý một thực tế là các tín hữu có nhiều đóng góp xây dựng xã hội. Tăng cường tự do tôn giáo củng cố những mối giây liên kết xã hội, nuôi dưỡng niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hòa bình và phát triển hài hòa, trong khi cùng lúc thiết lập nền móng vững chắc để đảm bảo quyền lợi của các thế hệ tương lai.

Khi Giáo Hội đề cao nhân quyền này, Giáo Hội không yêu cầu bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào cho mình. Giáo Hội chỉ muốn được trung thành với lệnh truyền của Đấng thiêng liêng sáng lập ra mình, với ý thức rằng, nơi đâu Chúa Kitô hiện diện, nơi đó chúng ta trở nên nhân bản hơn và tình nhân loại của chúng ta trở nên chân thực. Đây là lý do tại sao Giáo Hội tìm kiếm cơ hội để đưa ra chứng tá qua lời rao truyền và giảng dạy của mình, cả trong các lớp giáo lý và trong các trường học và các trường đại học. Thật là vui mừng để hy vọng rằng thời điểm này sẽ sớm xảy ra ngay cả ở đây khi Giáo Hội có thể mang đến cho các lĩnh vực kiến thức những lợi ích của sứ mạng mà Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội và Giáo Hội không bao giờ dám xao nhãng.

Buổi lễ tiễn biệt Đức Thánh Cha tại sân bay quốc tế José Martí đã diễn ra lúc 16h30. Trời mưa rất lớn nên buổi lễ được dự định diễn ra ngoài trời đã phải cử hành trong phòng khánh tiết của sân bay.

Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha đã cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của nhà nước và dân chúng Cuba.

Đức Thánh Cha nói:

Kính thưa ngài Chủ tịch,

Kính thưa các hiền huynh Hồng y và Giám mục,

Thưa quý chức,

Thưa quý vị,

Cùng các bạn thân mến,

Xin tạ ơn Chúa đã cho phép tôi được đến thăm đảo quốc xinh đẹp này, nơi đã đễ lại một dấu ấn thâm sâu trong trái tim người tiền nhiệm yêu dấu của tôi, là Chân Phước Gioan Phaolô II, khi Ngài đến vùng đất này như một sứ giả của sự thật và hy vọng. Tôi cũng rất muốn đến giữa các bạn như một người hành hương bác ái, để tạ ơn Đức Trinh Nữ Maria về sự hiện diện của bức tượng đáng kính của Mẹ tại thánh địa El Cobre, nơi suốt bốn thế kỷ từ đó đến giờ Mẹ đã đi sát cuộc hành trình của Giáo Hội nơi xứ sở này để khích lệ người dân Cuba, để nhờ tay Chúa Kitô, họ có thể khám phá ra ý nghĩa thực sự của những điều họ mong muốn và nguyện vọng được tìm thấy trong con tim nhân loại và đạt được sức mạnh cần thiết cho công cuộc xây dựng một xã hội trong tình huynh đệ thân ái, trong đó không ai phải cảm giác bị loại trừ. "Chúa Kitô, đấng đã sống lại từ cõi chết, tỏa sáng trong thế gian này, và Ngài đã toả sáng rực rỡ nhất ở những nơi, nói theo ngôn ngữ con người, mọi thứ đều ảm đạm và tuyệt vọng, Ngài đã chiến thắng sự chết. Ngài vẫn sống và niềm tin nơi Ngài, giống như một tia sáng nhỏ, cắt chọc thủng tất cả những gì là đen tối và đe doạ con người "(Đêm Canh Thức Cầu Nguyện với các thanh niên, Freiburg, 24 tháng 9 năm 2011).

Tôi cảm ơn Ngài Chủ tịch và các giới chức khác về sự quan tâm và hợp tác rộng rãi mà họ đã thể hiện trong việc chuẩn bị cho cuộc hành trình này. Tôi cũng biết ơn sâu sắc những thành viên của Hội Đồng Giám Mục Công giáo Cuba đã không bỏ qua nỗ lực hy sinh nào cho vấn đề này, và tất cả những ai đã giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt là lời cầu nguyện của họ.

Tôi cất giữ trong trái tim của tôi tất cả mọi người dân Cuba, từng người và mọi người. Anh chị em đã vây quanh tôi bằng lời cầu nguyện và lòng ưu ái của mình, đã cho tôi thấy lòng hiếu khách thân tình và chia sẻ với tôi những khát vọng sâu xa và chính đáng của anh chị em.

Tôi đến đây với tư cách một chứng tá cho Chúa Giêsu Kitô, đấng mà tôi tin rằng, bất cứ nơi nào có sự hiện diện của Ngài, nơi ấy sự chán nản phải nhường chỗ cho hy vọng, sự tốt lành sẽ xua tan những bất cập và một sức mạnh sẽ mở ra một chân trời cho những lợi ích và khả năng bất ngờ. Nhân danh Chúa Kitô, và với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô Tông Đồ, tôi ước muốn được công bố thông điệp của Ngài về ơn cứu rỗi và được củng cố lòng nhiệt thành cũng như những mối quan tâm về mục vụ của các Giám Mục Cuba, các linh mục, tu sĩ và tất cả những ai đang nhiệt tình chuẩn bị cho sự cho sứ vụ linh mục và cuộc đời tận hiến của họ. Xin cho hành trình này cũng như một xung lực mới cho tất cả những người cộng tác với lòng kiên trì , hy sinh sinh bản thân mình trong công tác rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là các tín hữu giáo dân. Bằng cách tăng cường sự tận hiến của họ với Thiên Chúa trong gia đình cũng như tại nơi làm việc, Xin cho họ không bao giờ mệt mỏi trong việc đóng góp cho những điều thiện hảo và tiến trình không tách rời của đất nước họ.

Con đường mà Chúa Kitô đã vạch ra cho nhân loại, cho mỗi cá nhân riêng lẻ cũng như cho cả một dân tộc, không phải là một nguồn ràng buộc, nhưng là tiền đề chính và chủ yếu cho sự phát triển đích thực của họ. Ánh sáng của Chúa đã tỏa sáng trong những ngày này, Xin cho ánh sáng ấy không bao giờ lịm tắt trong lòng những người đã đón nhận nọ Xin cho ánh sáng ấy để có thể giúp tất cả mọi người thúc đẩy sự hòa hợp xã hội và đơm bông kết trái trong những tâm hồn Cuba thánh thiện, những giá trị cao quý nhất, là cơ sở để xây dựng nền tảng của một xã hội với tầm nhìn rộng rãi, đổi mới và hòa giải. Xin đừng để ai cảm thấy họ bị loại trừ trong công tác hào hứng này vì những giới hạn của quyền tự do cơ bản, hoặc vì sự biếng lười, hoặc thiếu chất liệu, một tình trạng trở nên tồi tệ hơn vì những biện pháp kinh tế hạn chế, áp đặt từ bên ngoài đất nước, gây ra những gánh nặng không công bằng.

Cuộc hành hương của tôi hiện đang chấm dứt, nhưng tôi sẽ tiếp tục tha thiết cầu nguyện cho anh chị em luôn tiến về phía trước và Cuba sẽ là ngôi nhà của tất cả và cho tất cả mọi người dân Cuba, nơi công lý và tự do cùng tồn tại trong một bầu khí anh em thanh thản. Sự tôn trọng và cổ xúy cho tự do ở trong trái tim của mỗi người là điều rất cần thiết để đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu căn bản của nhân phẩm của người đó, và theo cách này, để xây dựng một xã hội mà trong đó tất cả đều là những diễn viên không thể thiếu cho tương lai cuộc sống của bản thân, của gia đình và đất nước của họ.

Thời khắc hiện tại đang khẩn thiết đòi hỏi rằng, để cho sự đồng tồn tại trên phương diện cá nhân, quốc gia và quốc tế, chúng ta phải mạnh dạn chối bỏ những vị trí bất động và quan điểm đơn phương nào có xu hướng làm cho sự hiểu biết trở thành khó khăn hơn, và những nỗ lực hợp tác nào không có hiệu quả. Sự khác biệt và khó khăn có thể sẽ được giải quyết bằng sự kiếm tìm không mệt mỏi những gì liên kết tất cả mọi người, qua những cuộc đối thoại kiên nhẫn và chân thành, qua việc sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận những mục tiêu nào sẽ đem đến hy vọng mới.

Hỡi Cuba, hãy nhìn lại đức tin của những bậc cao niên của anh chị em, để có thể rút ra từ đó một sức mạnh để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, hãy vững tin vào lời hứa của Chúa, và mở rộng trái tim mình để Tin Mừng của Ngài thật sự đổi mới cuộc sống cá nhân và xã hội của mình.

Trong lúc gỏi lời tạm biệt chân thành đến anh chị em, tôi cầu xin Đức Mẹ Bác Ái El Cobre bảo vệ tất cả người dân Cuba dưới tà áo Mẹ, để gìn giữ lấy họ đang khi phải chịu những thử thách và để đón nhận từ Thiên Chúa toàn năng ân sủng mà họ mong muốn nhất. Hasta siempre, Cuba, một vùng đất tươi đẹp vì có sự hiện diện từ ái của Đức Maria. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tương lai của anh chị em.

Chương trình Tuần Thánh tại Vatican:

Phòng Nghi Lễ Phủ Giáo Hoàng cho biết về chương trình Tuần Thánh tại Vatican như sau:

Sáng Chúa Nhật Lễ Lá 6 tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 9h30 sáng. Đây cũng là ngày giới trẻ tại giáo phận Rôma.

Lúc 9h30 sáng Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Buổi chiều cùng ngày tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô lúc 17h30, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly và rửa chân cho 12 linh mục của giáo phận Rôma.

Lúc 17h ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Lúc 21h15 cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể tại Đấu trường La Mã Côlôsêô.

Lúc 21h ngày Thứ Bảy Tuần Thánh Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ Phục Sinh và công bố thông điệp Phục Sinh "Urbi et Orbi" gởi dân thành Rôma và toàn thế giới.

Đức Giáo Hoàng đã gặp gỡ với cựu chủ tịch Fidel Castro

Fidel Castro đã yêu cầu một cuộc gặp gỡ “khiêm tốn và đơn giản” với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày thứ Tư.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra sau khi Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ tại Quảng trường Cách mạng Havana lúc 9h sáng.

Fidel Castro được tường trình là đã hỏi thăm Đức Thánh Cha làm sao có thể đảm đương công việc của vị mục tử toàn thể Hội Thánh ở tuổi 84. Đức Thánh Cha cho biết nhờ ơn Chúa giúp, ngài vẫn có thể cáng đáng công việc của mình.

Đức Giáo Hoàng yêu cầu Cuba công bố Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày nghỉ lễ

Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu chủ tịch Cuba ông Raul Castro tuyên bố Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày nghỉ quốc gia tại Cuba.

Trong ngày thứ hai của chuyến tông du của ngài, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gặp gỡ với Chủ tịch Raul Castro tại Cung Cách mạng Havana vào lúc 17h30 hôm thứ Ba 27 tháng Ba.

Giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, cho biết trong số những vấn đề được đưa ra thảo luận Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời yêu cầu nói trên.

Khi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm đất nước Cuba vào năm 1998, ngài đã yêu cầu ngày 25 tháng 12 phải được coi là quốc lễ. Sau đó, Fidel Castro, đã tuyên bố Giáng sinh một ngày lễ quốc gia, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha.

Thống kê 1990 ghi nhận người Công Giáo chỉ chiếm 10% dân số. Con số hiện nay là 60%. Đức Hồng Y Jaime Ortega của tổng giáo phận thủ đô Havana cũng đã thành công trong việc kêu gọi cộng sản trả tự do cho một số tù chính trị. Mặc dù vậy, các nhà đối lập tại Cuba vẫn liên tục bị sách nhiễu.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 27

Ngày Quốc Tế giới trẻ tới đây sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào ngày Chúa nhật Lễ Lá 1 tháng 4. Hôm 27 tháng 3 Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha.

Sứ điệp có đoạn như sau:

Các bạn trẻ thân mến,

Tôi vui mừng vì lại được ngỏ lời với các bạn, nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 27. Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ tại Madrid, hồi tháng 8 năm ngoái, vẫn còn ghi đậm trong tâm hồn tôi. Đó là một thời điểm ân phúc đặc biệt, trong đó Chúa đã chúc lành cho các bạn trẻ hiện diện, đến từ các nơi trên toàn thế giới. Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu thành quả mà Ngài đã làm nảy sinh trong những ngày ấy, và trong tương lai những thành quả ấy sẽ tăng thêm nhiều cho các bạn trẻ và các cộng đoàn của họ. Hiện nay chúng ta đã hướng về cuộc hẹn sắp tới tại Rio de Janeiro vào năm 2013, với chủ đề “Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ”.

Năm nay, chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ rút từ lời nhắn nhủ trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Philiphê: “Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa!”. Thực vậy, niềm vui là một yếu tố chủ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo. Trong mỗi Ngày Quốc Tế giới trẻ chúng ta đều cảm nghiệm niềm vui nồng nhiệt, niềm vui hiệp thông, niềm vui được làm Kitô hữu, niềm vui đức tin. Đó là một trong những đặc tính của các cuộc gặp gỡ ấy. Và chúng ta thấy sức mạnh thu hút lớn lao của niềm vui: trong một thế giới thường mang đậm buồn sầu và lo lắng, niềm vui thực là một chứng tá quan trọng về vẻ đẹp và sự đáng tín nhiệm của đức tin Kitô.

Tuần Thánh và Lễ Phục sinh tại Giêrusalem

Khi Giêrusalem tiến dần đến nửa đêm, Đền Thờ Thánh Mộ trở nên sống động với sự hiện diện của các tu sĩ và anh chị em tín hữu. Có rất nhiều nghi lễ liên quan đến cộng đồng người Công Giáo nghi lễ Latin ở Giêrusalem trong suốt mùa Chay. Khi gần đến lễ Phục Sinh, Mộ Thánh đóng vai trò trung tâm trong thời điểm này vì toàn bộ hành trình Mùa Chay chỉ đạt đến mức viên mãn nơi Lễ Phục Sinh.

Hết cuộc rước này lại tiếp theo cuộc rước khác, xung quanh ngôi mộ trống khi các tín hữu tụ tập ở đây trong buổi canh thức ban đêm do các tu sĩ Phanxicô hướng dẫn.

Trong suốt Mùa Chay, mỗi đêm thứ Bảy và Chúa Nhật, các ngọn lửa chiếu sáng các buổi cầu nguyện tại nhà nguyện Hiện Ra. Sau các bài hát, các bài thánh ca và bài đọc, đoàn rước hướng về phía mộ Chúa hát vang bài Chúc Tụng Nhân Danh Chúa mà đến xen kẽ với một điệp ca công bố Tin Mừng Phục sinh kèm theo những âm thanh của đàn organ.

Sau cuộc rước, trở lại trong nhà nguyện, họ cử hành biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với bà Maria Mađalêna. Đoạn Phúc Âm công bố chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết lại được công bố.

Ngay trước khi buổi canh thức, anh chị em tín hữu Giáo Hội Armenia Tông Truyền và người Công Giáo Coptic đã bước vào nhà nguyện Hiện Ra để cử hành các nghi thức xông hương. Với vai trò trung tâm của Kitô giáo, Mộ Thánh là nơi cử hành các nghi lễ của toàn bộ thế giới Kitô giáo có đại diện tại Thánh Địa.

Không giống như những gì đã xảy ra trong hai năm qua, trong năm nay, năm 2012, lễ Phục sinh của Công Giáo và Chính Thống không trùng vào cùng một ngày. Cộng đồng Chính Thống theo lịch Julian và đôi khi trùng với lịch Gregorian do người Công Giáo sử dụng. Tuy thế, trong giáo phận của Tòa Thượng Phụ Latinh, một số giáo xứ Do Thái, Jordan và Palestine đã chọn năm nay 2012 để theo lịch Julian. Như thế, họ cử hành lễ Phục Sinh không phải là vào ngày 08 Tháng 4, nhưng vào ngày 15 Tháng Tư. Đây là một sự lựa chọn đại kết của nhiều gia đình hỗn hợp trong đó có các thành viên là tín hữu Công Giáo và một số thành viên khác theo Chính Thống Giáo.