Ngày 02-04-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Kitô ''Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật
Lm Raniero Cantalamessa
06:46 02/04/2017

Chúa Kitô "Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật"

Bài Giảng II Mùa Chay Của Cha Raniero Cantalamessa

1- Đức tin của Nicêa

Trong suy niệm này chúng ta tiếp tục suy tư về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc nhận biết Đức Kitô. Liên quan đến vấn đề này chúng ta không thể không nói đến một bằng chứng đang xảy ra trong thế giới hôm nay. Có một phong trào không biết xuất hiện từ lúc nào được gọi là “phong trào Do Thái Cứu Thế,” mà các thành viên của nó là những Kitô hữu gốc Do Thái. (“Kitô và Kitô hữu là những chuyển dịch theo tiếng Hy Lạp, đối với tiếng Do Thái, là “Messiah” và “mesianic”!). Một ước tính ít nhất là khoảng 150,000 thành viên, được phân chia trong nhiều nhóm và hiệp hội khác nhau. Phần lớn họ được thành lập ở Mỹ, Israel, và nhiều quốc gia ở Châu Âu.

Họ là những người Do Thái tin rằng Chúa Giêsu (Yeshua) là Đấng Messia được hứa ban, Đấng Cứu Độ và là Con Thiên Chúa, nhưng họ không muốn từ bỏ căn tính Do Thái và truyền thống của họ. Họ không chính thức gắn bó với bất kỳ Giáo Hội Kitô giáo truyền thống nào, bởi vì ý định của họ là kết nối và làm sống lại Giáo Hội sơ khai của những Kitô hữu gốc Do Thái, mà kinh nghiệm của họ đã bị gián đoạn một cách rất đau thương bởi những biến cố được mọi người biết đến.

Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội khác đã luôn tránh né cổ vũ hoặc đề cập đến phong trào này vì lý do hiển nhiên của việc đối thoại với Do Thái Giáo chính thức. Bản thân tôi không bao giờ nói về nó. Nhưng tôi càng ngày càng xác tín rằng điều đó thì không đúng lắm để tiếp tục phớt lờ họ, hoặc tệ hại hơn nữa, là tẩy chay họ. Gần đây, một nghiên cứu bởi nhiều nhà thần học đã được thực hiện ở Đức về hiện tượng này.(1)

Tôi đang đề cập về nó ở đây vì lý do đặc biệt liên quan đến chủ đề của bài suy niệm này. Khi trả lời cho một cuộc điều tra về những nhân tố và hoàn cảnh mà chúng là nguyên nhân dẫn họ tới đức tin vào Chúa Giêsu, hơn 60 % trong số họ đã trả lời: “Nhờ hành động bên trong của Chúa Thánh Thần thúc đẩy;” nhân tố thứ hai là họ đọc Kinh Thánh, và nhân tố thứ ba là cuộc gặp gỡ cá vị với người khác. (2) Đây là một xác nhận từ kinh nghiệm sống động mà Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho sự hiểu biết đích thực, mật thiết về Chúa Kitô.

Bây giờ chúng ta hãy trở lại với chủ đề chính của chúng ta. Liền sau khi Kitô Giáo xuất hiện trong thế giới xung quanh Hy Lạp – La Mã, tước hiệu “Chúa – Kyrios” không còn đủ nữa. Thế giới dân ngoại đã biết đến nhiều “chúa”, hoàng đế La Mã đặc biệt trở thành người đứng đầu trên họ. Cần thiết phải tìm ra những cách thế khác để bảo đảm đức tin đầy đủ vào Chúa Kitô và vương quyền Người như là Chúa. Khủng hoảng Ariô cung cấp cơ hội này.

Điều này dẫn chúng ta sang phần thứ hai của tín khoản về Chúa Giêsu đã được thêm vào Tín Biểu đức tin tại Công Đồng Nicêa vào năm 325:

“Sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời.
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
Ánh Sáng bởi Ánh Sáng,
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,
được sinh ra mà không phải được tạo thành,
đồng bản thể với Ðức Chúa Cha.”

Giám mục thành Alexandria, thánh Athanasius, chiến sĩ bất khuất của đức tin Nicêa, đã rất xác tín rằng không phải ngài cũng không phải Giáo Hội thời ngài đã khám phá ra thần tính của Chúa Kitô. Tuy nhiên, toàn bộ công trình ngài sẽ dành để minh chứng rằng đây luôn là niềm tin của Giáo Hội. Điều mới mẻ không phải là chân lý nhưng là chống lại những lạc giáo. Xác tín của ngài về điều này tìm thấy trong một chứng thực lịch sử không thể chối cãi trong một lá thư mà Pliny the Younger, nhà lãnh đạo của Bithynia, viết cho hoàng đế Trajan khoảng năm 111 SCN. Thông tin duy nhất chắc chắn ông nói rằng ông biết về những Kitô hữu: “Họ thường gặp nhau lúc rạng đông trong một ngày đã định để hát thánh vịnh… tôn thờ Chúa Kitô là chúa (carmenque Christo quasi Deo dicere). (3)

Đức tin vào thần tính của Chúa Kitô đã hiện hữu, và như thế chỉ khi lơ là hoàn toàn lịch sử mà ai đó có thể nói rằng thần tính của Chúa Kitô là một tín điều do Công Đồng Nicêa cố ý đặt ra nhờ hoàng đế Constantine. Sự đóng góp của các Giáo Phụ tại Nicêa và đặc biệt thánh Athanasiô, hơn bất cứ điều gì, là tháo bỏ những chứng ngại mà nó ngăn cản một sự hiểu biết đầy đủ về thần tính của Chúa Kitô và không ngần ngại nói về thần tính của Chúa Kitô trong những tranh luận thần học.

Một chướng ngại như thế là thói quen của người Hy Lạp về việc định nghĩa bản thể thần linh với từ agennetos, “vô thủy vô chung” hay là “không được sinh ra.” Làm sao một người tuyên xưng rằng Ngôi Lời là Thiên Chúa thật tại lúc Người là Con, nghĩa là từ lúc Người được sinh ra bởi Chúa Cha? Thật là dễ dàng đối với Ariô để thiết lập tính tương đương giữa “được sinh ra” và “được tạo thành” là đi từ “gennetos đến genetos”, và để kết luận với quả quyết nổi tiếng của ông mà nó đã làm nổ tung vấn đề: “Đã có lúc Người không có (en ote ouk en). Điều này tương tự với việc biến Chúa Kitô thành một thụ tạo cả khi Người “không giống với những thụ tạo khác”. Athanasiô đã giải quyết tranh luận với một nhận xét căn bản: “Vô thủy vô chung là một từ của người Hy Lạp, họ không biết đến Chúa Con.” (4) Ngài đã mạnh mẽ bảo vệ sự diễn tả của Nicêa “được sinh ra, mà không được tạo thành” (genitus non factus).

Một chướng ngại khác thuộc văn hóa đối với việc nhận thức đầy đủ về thần tính của Chúa Kitô, dựa vào đó mà Ariô đã có thể xây dựng luận đề của ông, đó là giáo huấn về hữu thể trung gian thần linh, deuteros theos, có nhiệm vụ trong công trình tạo thành của thế giới. Từ Platôn trở đi, “thần bậc hai” đã trở thành một sự giả định chung trong nhiều hệ thống tôn giáo và triết học cổ xưa. Cám dỗ coi Chúa Con “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” như là một hữu thể trung gian dần dần du nhập vào suy tư Kitô Giáo (các nhà hộ giáo, Origene), dẫu nó xa lạ với đời sống bên trong của Giáo Hội. Nó mang lại một trật tự tam cấp của hữu thể: ở đỉnh, Chúa Cha không được sinh ra; sau Người, là Chúa Con (và sau đó là Chúa Thánh Thần); và ở nơi thứ ba, là thụ tạo.

Định nghĩa về “được sinh ra mà không được tạo thành” và “đồng bản thể” đã xóa đi trở ngại này và nó đã dẫn tới một sự xóa sạch của Kitô Giáo khỏi thế giới siêu hình của người Hy Lạp. Với định nghĩa này, chỉ còn một đường của sự phân rẽ được vẽ nhờ trục thẳng của hữu thể. Bây giờ chỉ còn hai hình thức của hữu thể: một là Tạo Hóa và một là các thụ tạo, và Chúa Con được đặt ở phạm trù thứ nhất, chứ không ở phạm trù thứ hai.

Nếu chúng ta tóm tắt ý nghĩa lâu đời của định tín Nicêa trong một lời tuyên bố, chúng ta cần phải định nghĩa nó như thế này: trong mỗi thời và mỗi nền văn hóa, Chúa Kitô phải được loan báo như là “Chúa” không theo nghĩa phát sinh hoặc thứ yếu nhưng theo nghĩa mạnh nhất mà từ “Chúa” có trong nền văn hóa này.

Thật là quan trọng để hiểu điều đã thúc đẩy Athananasiô và những nhà thần học chính thống khác trong cuộc chiến của họ, nghĩa là, tại sao xác tín của họ là tuyệt đối như thế. Nó không đến từ một sự nghiên cứu nhưng đến từ đời sống, hay đúng hơn, từ suy tư về kinh nghiệm mà nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội có về ơn cứu độ nơi Chúa Kitô Giêsu.

Vấn đề cứu độ học đã không được nảy sinh ngoài tranh luận của Ariô; nó hiện diện trong tất cả những tranh luận lớn thuộc Kitô học của thời cổ xưa khởi đi từ tranh luận của Ngộ Đạo thuyết đến Nhất Ý Muốn thuyết (Monothelite). Trong công thức kinh điển này, có viết: “Điều không được Người đảm nhận, thì không được cứu độ” (Quod non est assumptum non est sanatum).(5) Khi thánh Athanasiô sử dụng công thức này, nó cần được hiểu như sau: “Điều gì không được đảm nhận bởi Thiên Chúa thì không được cứu độ,” và tất cả sức mạnh nằm trong sự thêm vào vắn gọn “bởi Thiên Chúa.” Ơn cứu độ đòi hỏi con người không được đảm nhận bởi trung gian nào đó nhưng bởi chính Thiên Chúa. “Nếu Chúa Con là một thụ tạo, con người vẫn ở trong tình trạng hay chết như trước kia, không được kết hợp với Thiên Chúa” (6) và “con người đã không được thần hóa nếu chỉ kết hợp với một thụ tạo, hay nếu không Chúa Con là Thiên Chúa thật.” (7)

Tuy nhiên, chúng ta cần làm sáng tỏ ở đây. Thần tính của Chúa Kitô không phải là một “đòi hỏi” thực tế, theo Emmanuel Kant, như nó là thật vì chính sự hiện hữu của Thiên Chúa.(8) Nó không phải là một “đòi hỏi” nhưng là một sự giải thích về một sự kiện thật. Nó phải là một đòi hỏi – và như thế là một sự giải thích thần học con người – nếu nó trở nên từ một ý tưởng nào đó về ơn cứu độ, và thần tính của Chúa Kitô được diễn dịch từ nó như là khả năng duy nhất có thể để mang lại ơn cứu độ như thế. Thay vì, nó là một sự diễn giải về một sự kiện nếu nó khởi đi từ một kinh nghiệm về ơn cứu độ, như thánh Athanasiô làm, và chỉ cho thấy kinh nghiệm này đã không hiện hữu như thế nào nếu Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa. Nói cách khác, thần tính của Chúa Kitô không dựa trên ơn cứu độ, thay vào đó, ơn cứu độ được dựa trên thần tính của Chúa Kitô.

2- “Anh em bảo thầy là ai?” (Mt 16,15)

Nhưng đây là lúc trở về với chủ đề của chúng ta và cố gắng nhìn xem điều mà chúng ta có thể học hôm nay từ cuộc chiến oanh liệt mà tính chính thống kéo dài trong thời gian của nó. Thần tính của Chúa Kitô là viên đá góc làm nổi lên hai mầu nhiệm chính của đức tin Kitô giáo: mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và nhập thể. Chúng giống như hai cửa sổ cùng mở ra và khép lại. Có những tòa nhà hay những công trình kim loại được xây dựng theo một cách thức như thế mà nếu một điểm nào đó bị hỏng, hoặc nếu ai đó di chuyển một hòn đá nào đó, thì chúng sụp đổ. Tòa nhà đức tin Kitô giáo giống như điều này, và viên đá góc của nó là thần tính của Đức Kitô. Nếu viên đá này bị lấy đi, mọi sự sẽ sụp đổ xuống, và trước hết là mầu nhiệm Ba Ngôi. Nếu Chúa Con không phải là Thiên Chúa, ai tạo nên Ba Ngôi? Thánh Athanasiô đã kết án bất cứ lý thuyết nào chống lại thần tính của Đức Kitô và trong tác phẩm chống lại những người theo Ariô ngài nói:

“Nếu Ngôi Lời không ở với Chúa Cha từ đời đời, như thế Ba Ngôi không phải là vĩnh cửu, nhưng trước tiên có một ngôi và sau đó thêm vào, nên trở thành Ba Ngôi.” (9)

Thánh Augustinô nói: “Đây không phải là điều vĩ đại để tin rằng Chúa Kitô đã chết: cả người dân ngoại và người Do Thái cũng như những người xấu tin điều đó. Tất cả họ đều chắc rằng Người đã chết. Đức tin của các Kitô hữu là tin vào sự sống lại của Chúa Kitô.”(10) Điều tương tự là điều được nói về cái chết và phục sinh phải được nói về nhân tính và thần của Chúa Kitô, mà sự chết và sự sống lại của Người là những sự bày tỏ tương ứng của chúng. Mọi người tin rằng Chúa Giêsu là một con người; điều phân biệt giữa người tín hữu và người không tin là tin rằng Người là Thiên Chúa. Đức tin của các Kitô hữu là tin vào thần tính của Chúa Kitô.

Chúng ta cần tự đặt ra một câu hỏi nghiêm túc. Chúa Giêsu Kitô đã có vị trí nào trong xã hội và trong đức tin của các Kitô hữu? Tôi tin rằng chúng ta có thể nói về vần đề này liên quan đến một sự hiện diện – vắng mặt của Chúa Kitô. Theo một mức độ nào đó – mức độ của giải trí và của phương tiện truyền thông nói chung – Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện. Trong một loạt vô số những câu chuyện, phim ảnh, sách vở, những trước tác ngụy tạo dung mạo của Chúa Kitô, đôi khi dưới lý do của những tài liệu giả định mới mẻ thuộc lịch sử về Người. Điều này trở thành một khuynh hướng, một thể loại văn chương. Người ta suy diễn trên sự cộng hưởng rộng lớn mà danh hiệu của Chúa Giêsu có và trên những gì mà Người đại diện cho phần rộng lớn của nhân loại, để bảo đảm sự quảng cáo rộng lớn với giá rẻ tiền. Tôi gọi tất cả điều đó là thể loại văn chương ăn bám.

Như thế, từ một quan điểm nào đó, chúng ta phải nói rằng Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện nhiều trong nền văn hóa chúng ta. Nhưng nếu chúng ta nhìn theo cái nhìn đức tin, Người có phải là ở chỗ nhất không? Trái lại, chúng ta nhận thấy rằng có một sự vắng mặt đáng lo, nếu không muốn nói là từ chối về ngôi vị Người. Trong thực tế, những người được gọi là “tín hữu” ở Châu Âu và những nơi khác tin vào điều gì? Nhiều lúc họ tin vào sự hiện hữu của một Hữu Thể tối cao, vào Đấng Tạo Hóa; họ tin rằng có một “thế giới bên kia.” Tuy nhiên, đây là một đức tin thuộc thần luận (deistic), không còn là một đức tin Kitô giáo. Những nghiên cứu xã hội học cho thấy dữ kiện này quả thật có trong các quốc gia và tôn giáo thuộc truyền thống cổ xưa của Kitô giáo. Chúa Giêsu Kitô trong thực tế vắng mặt trong kiểu tôn giáo này.

Cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin cũng vô tình đưa tới việc đặt Chúa Kitô vào lấp chỗ trống. Cuộc đối thoại này có đối tượng là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nhưng con người lịch sử của Chúa Giêsu thành Nadarét không có chỗ bất cứ điều gì. Điều tương tự xảy ra trong cuộc đối thoại với triết học ưu thích chú tâm với những quan niệm siêu hình hơn là thực tại lịch sử, không đề cập đến cuộc đối thoại liên niềm tin trong đó hòa bình, môi trường được thảo luận, nhưng không phải là Chúa Giêsu.

Chỉ cần lướt qua ở Tân Ước để thấy chúng ta đang ở xa như thế nào so với ý nghĩa của từ “đức tin” trong Tân Ước. Đối với Phaolô, đức tin công chính hóa các tội nhân và ban Thánh Thần (x. Gl 3,2) – nói cách khác đức tin mang lại ơn cứu độ - là đức tin trong Chúa Giêsu Kitô, trong mầu nhiệm vượt qua của cái chết và phục sinh của Người.

Trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, từ “đức tin” đã có ý nghĩa là tin vào Người. Khi Chúa Giêsu nói “đức tin con đã cứu chữa con,” và khi Người quở trách các tông đồ và gọi họ “anh em là những người kém lòng tin,” Người không muốn nói tới một đức tin có tính chung chung vào Thiên Chúa như đã được ban cho người Do Thái; Người đang nói tới đức tin vào Người! Điều này tự thân bác bỏ luận đề nói rằng đức tin vào Chúa Kitô bắt đầu chỉ với Phục Sinh và trước đó chỉ có “Chúa Giêsu lịch sử.” Chúa Giêsu lịch sử là người đã đòi hỏi có đức tin vào Người, như thế nếu các môn đệ đã theo Người điều đó có nghĩa một cách chính xác bởi vì họ đã có một đức tin nào đó vào Người, dẫu nó chưa hoàn hảo trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Vì thế, chúng ta cần để cho mình đối diện trực tiếp câu hỏi Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ của Người vào một ngày sau khi họ đã nói với Người về những quan niệm của dân chúng xung quanh Người: “Nhưng anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15), và để đối diện với câu hỏi này một cách cá vị hơn: “Anh em có tin không? Anh em thực sự tin không? Anh em có tin với tất cả tâm hồn không?” Thánh Phaolô nói: “Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10). Thánh Augustinô kêu lên rằng đức tin “vọt ra từ đáy lòng.” (11)

Trong quá khứ, thời khắc thứ hai của tiến trình này – có nghĩa là thời khắc tuyên xưng một đức tin đúng đắn... chính thống – đôi khi rất được nhấn mạnh nên nó làm mờ đi thời khắc thứ nhất, mà nó quan trọng nhất và xảy ra trong sâu thẳm con tim. Hầu hết những khảo luận “về đức tin” (de fide) được viết trong thời đại cổ xưa tập trung vào điều để tin và không tập trung vào hành vi đức tin.

3- Ai chiến thắng thế gian?

Chúng ta cần tái tạo lại những điều kiện để có một đức tin vào thần tính của Chúa Kitô không dè dặt và ngập ngừng. Chúng ta cần tái sinh lòng nhiệt thành của đức tin từ đó mà công thức đức tin được hình thành. Thân thể Giáo Hội một lần sinh ra một cố gắng lớn nhất nhờ đó mà nó được nâng cao trên mọi hệ thống nhân loại và mọi sự chống đối của lý trí. Hoa quả của cố gắng này tồn tại mãi về sau. Thủy triều được dâng tới mức cao nhất và dấu tích của nó đã để lại trên tảng đá. Dấu tích của nó là định tín bởi Công Đồng Nicêa mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kinh. Tuy nhiên chúng ta cần phải lặp lại cao trào này, chưa đủ với dấu tích này. Chỉ đọc Kinh Tin Kính của Nicêa thôi thì chưa đủ; chúng ta cần canh tân làn sóng nhiệt thành của đức tin đã có vào thời điểm này liên quan đến thần tính của Chúa Kitô mà không có gì ngang hàng qua các thế kỷ. Chúng ta cần có kinh nghiệm về điều này lần nữa.

Trên hết chúng ta cần kinh nghiệm này vì sứ vụ tân phúc âm hóa. Thánh Gioan viết trong Thư Thứ Nhất rằng: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa” (1 Ga 5,5). Chúng ta cần hiểu rõ câu “chiến thắng thế gian” nghĩa là gì. Nó không có nghĩa là có nhiều thành công hoặc làm chủ tình hình chính trị và văn hóa. Trái lại có lẽ điều này đưa đến sự ngược lại: không chiến thắng thế gian nhưng lại thuộc về thế gian. Bất hạnh thay, đã có lúc con người đã rơi vào sự hiểu lầm này mà không thực hiện nó được. Một người có thể suy nghĩ về lý thuyết “hai lưỡi gươm” hoặc “triều đại bộ ba của Đức Giáo Hoàng,” (12) nhưng chúng ta phải luôn cẩn thận không xét đoán quá khứ với những tiêu chuẩn và những giả thiết hiện tại. Từ cái nhìn lịch sử, đã xảy ra hoàn toàn ngược lại và Chúa Giêsu đã nói điều đó với các môn đệ của Người trước: “Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian thì vui mừng” (Ga 16,20).

Vì thế, phải loại trừ mọi chủ nghĩa chiến thắng. Chúng ta đề cập đến một loại chiến thắng rất khác: một chiến thắng mà ngay cả thế gian ghét nó và không chấp nhận nó: những gì thuộc về đời này, tính hư vô, sự dữ, sự chết. Quả thật, đây là điều mà trong quan niệm tiêu cực từ “thế gian” (kosmos) trong Tin Mừng muốn nói. Cũng là nghĩa mà Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy can đảm: Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Làm sao Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian? Dĩ nhiên không nhờ việc chiến thắng kẻ thù với “mười đoàn ngũ các thiên thần” nhưng thay vào đó, như thánh Phaolô nói, bằng “tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16), điều này có nghĩa là tiêu diệt mọi sự làm ngăn cách con người khỏi Thiên Chúa, từ con người đến con người, quốc gia đến quốc gia. Để nhờ đó không có nghi ngờ gì về bản chất của chiến thắng này trên thế gian, nó được hoàn thành nhờ một chiến thắng hoàn toàn đặc biệt, chiến thắng của thập giá.

Chúa Giêsu đã nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Đây là những lời thường được viết lại bằng chữ khảm cổ kính trên những trang sách mà Đấng Toàn Năng đang cầm mở ra trên tay Người, giống như những bức tranh mosaic trong nhà thờ chính tòa nổi tiếng ở Cefalu. Tác giả Tin Mừng Gioan khẳng định về Chúa Giêsu rằng: “Trong Người có sự sống và sự sống là ánh sáng của con người” (Ga 1,4). Ánh sáng và sự sống, Phos và Zoe: hai từ này là hai mẫu tự chính trong tiếng Hy Lạp (omega) nói chung và chúng thường được thấy viết chéo nhau – một từ theo chiều dọc và một từ theo chiều ngang – để tạo thành một chữ lồng rất mạnh mẽ và phổ biến về Chúa Kitô.

Con người muốn điều gì nhất nếu không phải chính xác là hai điều này: ánh sáng và sự sống? Chúng ta biết rằng một tác giả hiện đại, Goethe, đã thì thầm khi ông hấp hối: “Cần ánh sáng hơn.” (13) Có lẽ ông đã muốn nói đến ánh sáng tự nhiên hơn trong phòng ông, nhưng lời trăng trối này được coi có một ý nghĩa siêu hình và thiêng liêng, và đúng như thế. Một người bạn của tôi, khi trở lại với niền tin vào Chúa Kitô sau khi đã trải qua những kinh nghiệm tôn giáo có thể và hình dung được, đã kể lại cuộc đời mình trong một cuốn sách có tựa đề “Mendicante di luce” (Kẻ ăn mày ánh sáng). Giây phút khó khăn đến chính lúc đang chìm sâu trong suy niệm, ông cảm thấy lời nói của Chúa Giêsu đang vang dội trong tâm trí ông mà không thể làm nó im lặng: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống.” (14) Theo gương của thánh tông đồ Phaolô đã nói với những người Athêna ở Arêôpagô, chúng ta được mời gọi để nói bằng tất cả sự khiêm tốn với thế giới hôm nay, “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17,23).

Archimedes, người phát minh những nguyên lý của đòn bẩy, đã kêu lên: “Hãy cho tôi một điểm tựa, và tôi sẽ nâng nổi trái đất.” Người tin vào Chúa Kitô là người tìm thấy một điểm tựa. “Dù mưa ra, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7,25).

4- “Phúc cho những con mắt thấy những điều anh em thấy!”

Tuy nhiên, chúng ta không thể kết thúc suy niệm của chúng ta mà không đề cập đến lời mời gọi ẩn chứa trong đó, không chỉ trong cái nhìn tân phúc âm hóa nhưng cả trong cái nhìn của đời sống và chứng tá cá nhân chúng ta. Trong vở kịch của Paul Claudel, The Humiliated Father (Người Cha bị hạ nhục) được dàn dựng ở Rôma vào thời của Chân Phước Piô IX, có một cảnh rất ấn tượng. Một người con gái trẻ Do Thái, rất xinh đẹp nhưng bị mù, đang đi vào trong vườn của một biệt thự Rôma vào buổi chiều với cháu của Đức Giáo Hoàng, là Orian, người đang yêu cô ta. Khi chơi nghĩa kép của ánh sáng, nghĩa tự nhiên và nghĩa đức tin, tại một điểm nào đó “với một giọng nhỏ nhẹ và với sự nồng nàn” cô nói với người bạn Kitô hữu: “Nhưng anh là người thấy, vậy anh dùng ánh sáng để làm gì?... Anh nói anh sống, vậy anh đã làm gì với sự sống của anh?” (15)

Đó là một vấn nạn mà chúng ta không thể cho nó đi qua mà không để ý đến: Chúng ta, những Kitô hữu, đang làm gì với đức tin vào Chúa Kitô? Hay tốt hơn, tôi đang làm gì với đức tin vào Chúa Kitô? Chúa Giêsu nói với các môn đệ một ngày kia: “Phúc cho mắt thấy điều các con thấy!” (Lc 10,23; x. Mt 13,16). Đó là một trong những xác nhận mà Chúa Giêsu cố gắng giúp các môn đệ Người trong một số dịp để khám phá căn tính đích thực của Người đối với họ, không phải để mặc khải nó cách trực tiếp bởi vì họ thiếu sự sẵn sàng để đón nhận nó.

Chúng ta biết rằng những lời nói của Chúa Giêsu là những lời “sẽ không qua đi” (Mt 24,25); chúng là những lời sống động gửi tới bất kỳ ai lắng nghe chúng với đức tin trong mọi thời và mọi nơi qua dòng lịch sử. Vì thế, đó là những lời Người nói với chúng ta ở đây và lúc này: “Phúc cho mắt anh em thấy điều anh em thấy!” Nếu chúng ta không bao giờ suy tư nghiêm túc về việc chúng ta may mắn thế nào vì được tin vào Chúa Kitô, có lẽ đây là lúc chúng ta cần làm điều đó.

Tại sao các Kitô hữu được chúc phúc nếu họ không có lý do nào hơn để vui mừng trong thế giới này và cả khi trong nhiều vùng trên thế giới tiếp tục họ bị đẩy tới cái chết, một cách chính xác bởi vì đức tin của họ vào Chúa Kitô chăng? Người cho chúng ta chính câu trả lời: “Bởi vì anh em thấy! Bởi vì anh em hiểu ý nghĩa của cuộc sống, cái chết, bởi vì “Nước Trời là của anh em” không theo nghĩa “là của anh em và không phải của người khác nữa.” (Chúng ta biết rằng Nước Trời trong chiều kích cánh chung, vượt ra ngoài những biên cương của Giáo Hội). “Nó là của anh em” theo nghĩa là anh em đã là một phần của Nước Trời, anh em đang nếm hưởng hoa quả đầu tiên của nó. Anh em có Thầy!”

Điều tuyệt vời nhất là điều mà một người vợ có thể nói với người chồng và ngược lại, là “Anh đã làm cho em hạnh phúc!” Chúa Giêsu xứng đáng mà hôn thê Người là Giáo Hội, nói với Người từ đáy lòng điều đó. Tôi nói điều này với Người và mời anh em, các bậc hiền phụ đáng kính, anh chị em, hãy làm như thế. Và hãy nói điều đó mỗi ngày như thế mà đừng bao giờ quên.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Chuyển ngữ


Chú Thích

1. Ulrich Laepple, ed., Messianische Juden: Eine Provokation (Göttingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 2016).
2. Ibid., p. 34.
3. Pliny the Younger, “Letter to Trajan about the Christians,” The Letters of the Younger Pliny, 10, 96, trans. Betty Radice (New York: Penguin, 1963), p. 294. See also Enchiridion fontium historiae ecclesiasticae antiquae, ed. Conradus Kirch, 9th ed. (Barcelona: Herder, 1965), p. 23.
4. Athanasius, “Defense of the Nicene Definition” (De decretis Nicenae synodi), 7, 31, in St. Athanasius: Select Work and Letters, series 2, vol. 4, Nicene and Post-Nicene Fathers, eds. Philip Schaff and Henry Wace (New York: The Christian Literature Co., 1882), p. 384.
5. See Gregory of Nazianzen, “Letter to Cledonius,” Select Letters of Saint Gregory Nanzianzen (London: Aeterna Press, 2016), p. 5; see also PG 37, 181.
6. Athanasius, Against the Arians, 2, 69, in St. Athanasius: Selected Works and Letters, p. 700.
7. Ibid., 2, 70, p. 701.
8. Immanuel Kant, Critique of Practical Reason (New York: Classical Books International, 2010), chapters 3 and 6.
9. Athanasius, Against the Arians, 1, 18, p. 34; see also PG 26, 48.
10. Augustine, Expositions of the Psalms 99-120, “Psalm 120,” 6, vol. 3/19, trans. Mario Boulding, ed. Boniface Ramsey, The Works of Saint Augustine, ed. John Rotelle (Hyde Park, NY: New City Press, 2003), p. 514; see CCL 40, p. 1791.
11.St Augustine, Tractates on John, 26, 2, vol. 7, Nicene and Post-Nicene Fathers, ed. Philp Schaff (New York: Cosimo, 2007), p. 168; see also PL 35, p. 1607.
12.The “two swords” or “two powers” theory was a medieval approach by Pope Gelasius on the relationship between the Church and the empire and the pope’s spiritual authority over kings and other rulers. “The triple reign” or the “triple crown” theory means, in some interpretations, that the pope is a universal pastor, a universal judge, and a temporal power.
13.Johann Wolfgang von Goethe, “Mehr licht!,” quoted in The Medico-chirurgical Review and Journal of Medical Science, 24 (1834): 501.
14.See Masterbee, Mendicante di luce: Dal Tibet al Gange e oltre (Cinisello Balsamo: San Paolo, 2006), pp. 223ff.
15. See Paul Claudel, The Humiliated Father, Act 1, sc. 3, in Three Plays (Boston: Luce, 1945).

 
Cái chết đôi khi lại có giá
LM. Giuse Trương Đình Hiền
08:08 02/04/2017
CÁI CHẾT ĐÔI KHI LẠI CÓ GIÁ !

(Chúa Nhật V Mùa Chay Năm A 2017)

Để làm nền cho nội dung xuyên suốt của tuyệt phẩm phim cao bồi mang tên “”A FEW DOLLARS MORE”, đạo diễn Sergio Leone đã cho xuất hiện ngay đầu phim câu nói ý vị nầy :

"Trong khi sự sống chẳng có giá trị gì cả, cái chết đôi khi lại có giá….”

(While life had no value, Death, sometimes, had its price….)

Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay, (từng được gọi là Chúa Nhật chịu nạn - Dominica Passionis) cũng đem chúng ta tới gần cái chết của Chúa Giêsu !

Thật vậy, chính phần Phụng Vụ Lời Chúa đã nhắc tới sự kiện bi đát nhất của kiếp phận con người :

- Ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1 : “Nầy hỡi dân ta, Ta sẽ mở cửa huyệt cho các ngươi. Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi huyệt…” (Is 37,12)

- Trong khi đó, Tin Mừng Gioan tường thuật rõ ràng đến từng chi tiết về phép lạ Chúa Giêsu phục sinh người bạn Lazarô ở Bêtania sau khi đã chết 4 ngày và được chôn trong huyệt đá (Ga 11,1-45).

- Riêng Bài đọc 2 với trích đoạn thư Rôma của Thánh Phaoô lại nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần khi, Đấng làm cho cái thân xác phải chết của chúng ta được tác sinh (Rm 8,10-11).

Thế giới hằng ngày từ xưa đến nay, vẫn diễn ra những chuyến xe tang đưa người về huyệt mộ với bao nhiêu cái chết khác nhau. Quả thật, “Sinh, Lảo, Bệnh, Tử” đó là một chu kỳ quái ác mà loài người phải kinh qua như một định luật phũ phàng tất yếu.

Trước một định luật nghiệt ngã như thế, không biết bao nhiêu câu hỏi đã đặt ra : Tại sao như thế ? Con người là “Nhân ư linh vạn vật” kia mà ? Và làm sao Thiên Chúa tốt lành, quyền năng lại để xảy ra như thế ?. Phải chăng đó cũng chính là dụng ý của câu nói mà hai chị em Matta và Maria ở Bê-ta-ni-a đã trách móc Chúa Giêsu khi đối diện với cái chết của người em trai yêu dấu : “Phải chi có Thầy ở đây thì em con không chết !”.

Ngoài ý nghĩa đầy bi đát và tiêu cực đó, quả thật, cái chết có ý nghĩa gì ? Liệu Lời Chúa hôm nay có thuyên giải cho chúng ta cách thuyết phục để tái xác tín về “mầu nhiệm cái chết của Đức Kitô” và đón nhận mọi thương đau, khổ nạn, cả cái chết cho chính cuộc đời mình ! Hay nói theo ngôn nữ của cuốn phim “A few dollars more”, cái chết đôi khi lại có giá !

Nói gì thì nói. Không phải để đến hôm nay Lời Chúa mới dạy ta về lý do nguyên khởi của sự chết. Ngay từ những trang đầu,Kinh Thánh đã dạy rằng : A-đam-E-Va, sau khi khước từ Lời Thiên Chúa, nghe lời ma quỷ xúi dục, đã đưa tay “hái trái cấm”…và thế là nối tiếp giữa dòng đời sự chết đã đi vào trần gian : Ca-in giết A-ben, lụt đại hồng thủy tàn sát gần hết nhân loại, bảo lửa hủy diệt Sodoma và Gomora vì tộ lỗi nhớp nhơ…Và cho tới mãi hôm nay, hình như thế giới cứ lần mò tiến đi giữa một “nền văn minh sự chết” : khủng bố, chiến tranh, hận thù sắc tộc, tôn giáo, Si-đa, ma túy, phá thai, dịch bệnh…Tất cả đều là hệ quả của chính con người.

Nhưng đây mới chính là điều mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn nhắn gởi :

Chính trong cái “vũng lầy nhầy nhụa” đầy những đống xương khô của bóng tối và sự chết, của đọa đầy và thất vọng, của đắng cay ưu phiền…chúng ta lại nghe vang lên lời của Thiên Chúa : “Nầy hỡi dân ta, Ta sẽ mở cửa huyệt cho các ngươi. Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi huyệt…” (BĐ 1) ; và chính ngay “quê hương của tử thần”, một tiếng nói quyền năng đã âm vang thấu tận âm phủ, mở toang cánh cửa huyệt mộ : “Hỡi La-da-rô hãy bước ra”, “Ta là sự sống lại và là sự sống” (TM).

Như vậy bài học đầu tiên của Lời Chúa hôm nay mà chúng ta phải thuộc, tin mừng tiên khởi mà hôm nay chúng ta phải sống chính là :Tin vào sự sống.

Thật vậy, chính tình yêu cứu độ của Thiên Chúa mãi mãi là sức mạnh hồi sinh, là quyền uy giải thoát. “Cho dù có người mẹ không thương con, thì Ta, Ta không bao giờ quên ngươi”. Chân lý nầy muốn nói với chúng ta rằng : chúng ta không được quyền thất vọng cho dù phải đối diện với bao thảm cảnh cuộc đời, cả cái chết. Bởi vì Thiên Chúa đang có mặt trên mọi nẻo đường và biến cố để thổi vào Thần Khí tác sinh (Bđ 2), để gieo vào hạt mầm của sự sống và hồng ân cứu độ. Như lời của Gilbert K. Chesterton : “Nếu những hạt giống trong lòng đất đen mà còn có thể biến thành những cánh hoa hồng xinh đẹp như thế, thì trái tim con người còn thể biến thành thế nào nữa trong cuộc hành trình hướng đến các vì sao”.

Chân lý nền tảng nầy, sự thật đầy hy vọng và an ủi nầy không gì khác, chính là sự nhập thể của Đấng là Emmanuel : Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Thật vậy, khi vào đời, Thiên Chúa nào tránh né cái kiếp phận long đong của con người. Hãy xem những giọt nước mắt đã lăn dài trên má của Chúa Giêsu khi chứng kiến cái chết của người bạn thân La-da-rô ở Bê-ta-ni-a ; cũng như, Ngài cũng đã từng chia sẻ niềm vui với đôi tân hôn tại tiệc cưới Cana khi giúp họ có thêm mấy trăm lít rượu ngon để niềm vui trọn vẹn và được mãi nối dài. Đầy ắp những trang Tin Mừng có bao nhiêu chuyện kể về sự sẻ chia, đồng hành, cảm thông…của Chúa Giêsu dành cho bao nhiêu kiếp phận con người để mở ra một lộ trình tiến về sự sống : Cô gái điếm Mađalêna, chàng thu thuế Giakê, cô phụ nữ ngoại tình, chàng mù ở Giêricô, những kẻ phong cùi, những người quỷ nhập…và nhất là, từ nơi chiếc “thân tàn ma dại” cận kề cái chết trên thập giá đồi Sọ, chính Chúa Giêsu đã mở mắt tâm hồn cho người kẻ trộm bên hữu, để anh hướng về niềm hy vọng của chân trời sự sống đang mở cửa đón chào…!

Như vậy, khi tin vào một Thiên Chúa tình yêu ban sự sống, tin vào một Đấng Kitô Phục sinh dẫn ta vào cuộc sống vĩnh hằng, tin vào Chúa Thánh Linh đang thổi vào hồn ta nguồn sống mới, thì liệu có mang lại chuyển biến nào cho chính ta và cho thế giới hay chăng ? Thưa có đấy. Bởi vì chỉ với niềm tin như thế ta mới thấy thế giới đẹp vô cùng, ta mới thấy cuộc sống mới đáng sống làm sao, mới thấy mỗi một con người, mỗi một sinh linh là một công trình kỳ diệu, mới thấy mỗi một cuộc đời, cho dù què cụt điếc câm, cho dù thấp cổ bé miệng, cho dù dốt nát bần hàn…vẫn là một “kỳ công vĩ đại của Thượng Đế” luôn cần được kính trọng luôn cần được sẻ chia, yêu thương và phục vụ. Vâng, chỉ với niềm tin đó thì chúng ta mới trụ vững giữa trăm chiều thử thách, mới đủ can đảm mĩm cười với số phận cho dù phải khắc nghiệt oái ăm, mới đủ quảng đại và khoan dung để yêu thương và tha thứ. Và nhất là, chỉ với niềm tin đó, chúng ta mới bình thản đón nhận “chết chính là một thành phần của cuộc sống”, thế giới bên kia chính là quê hương đích thực để ta quay về, và sống cuộc sống hôm nay như một cuộc lên đường, một cuộc vượt qua, một cuộc tái sinh để bước vào quê hương vĩnh cửu. Vâng, chính niềm tin đó sẽ củng cố niềm hy vọng vĩnh hằng trong ta và giúp ta mạnh mẽ góp phần xây dựng nền “văn minh sự sống”, “văn minh tình yêu”, và cho ta ý thức rằng : mỗi ngày chính chúng ta tạo cách chết cho riêng mình bằng chính cung cách chúng ta sống.

Như vậy, đúng như lời của cuốn phim “A few dollars more” : SỰ CHẾT ĐÔI KHI LẠI CÓ GIÁ. Có giá tuyệt vời, bởi chính vì Đấng đã chết và sống lại đã khẳng định với cô Matta Bêtania hôm nào và với mỗi người chúng ta hôm nay : “AI SỐNG MÀ TIN TA SẼ KHÔNG CHẾT BAO GIỜ” .Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền

 
Sự sống : Ra khỏi mồ
Lm. Vinh Sơn. SCJ
08:11 02/04/2017
Chúa Nhật V Mùa Chay A: SỰ SỐNG : RA KHỎI MỒ

Ed 37,12 - 14; Rm 8,8 - 11; Ga 11,1 – 45

Năm 1969 người ta khám phá hai ngôi mộ cổ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu của đôi vợ chồng quý phái thời trước Công Nguyên. Đó là ngôi mộ của Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên và chồng của bà chết sau 9 năm. Sự khám phá đó làm cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời cổ đại trước Công Nguyên được biểu lộ qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.

Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử, nên bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch và chồng bà cũng được an táng trong một quan tài tương tự...

Luôn hy vọng trường sinh bất tử qua các lễ vật chôn theo, nhưng hai ngàn năm đã trôi qua vị công chúa và phò mã vẫn trong sự chết… được bao bọc bởi vàng bạc ngọc thạch nhưng vẫn không thể có sự sống… Dù ở địa vị cao sang, vẫn là bị tù đày bởi nấm mồ và thần chết…

Lagiaro người bạn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan 11,1 – 45 đã chết, được gia đình an tang trong phần mộ. Ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào không còn hy vọng thoát ra: Lagiaro cũng nằm trong quy luật đó.

Chúa Kitô đến thăm, Matta sầu khổ chia sẻ nỗi buồn của gia đình mình với Thầy và tuyên xưng niềm tin và niềm cậy trông vào Ngài là Đức Kitô hằng sống, dù niềm tin và hy vọng này loe loét như ánh lửa yếu ớt của một chút đèn dầu đã gần cạn, nhưng chị vẫn tin Thầy Giêsu có thể làm được cái gì cho em mình cùng gia đình. Dù đức tin còn yếu, lòng cậy trông chưa mạnh mẽ lắm, nhưng Thiên Chúa hiểu tâm hồn của lời cầu xin chân thành với niềm tin thầy là chủ sự sống.

Chúa ra lệnh: “Hỡi Lagiarô, hãy đi ra” mời gọi tất cả lướt thắng các giới hạn. Bằng giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự sống lại của mình, Chúa Giêsu cho thấy Người có thể khơi dậy sinh lực nào trong con người. Nhưng Người chỉ hành động trong những ai, khi đối diện với sự chết, biết để cho sức mạnh Thần khí đến “lay tỉnh” mình dậy (Chú giải của Giáo Hòang Học Viện).

Đức Giêsu mở cửa mộ của người chết và dõng dạc truyền cho Lazarô chỗi dậy bước ra. Mở cửa mộ cho Lagiarô bước ra, Đức Giêsu cũng mở ra những chân trời mới cho đời sống con người…

Cửa mộ đã rộng mở, Đức Giêsu mở cánh cửa hy vọng: Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “Sự Sống” (x. Ga 11,25), “ai tin sẽ sống đời đời” (x.Ga 11,26). Cho nên, con người không sinh ra để tàn lụi, để chôn vùi trong nấm mồ đau khổ nhưng để triển nở. Con người dù gặp và đối diện với đau khổ, nhưng không bị nó khuất phục mà dám đương đầu và xuyên qua nó với lời mời gọi và sức mạnh của Đức Kitô: Đấng là nguồn của sự sống. Như xuyên qua cái chết đến sự sống của Lazarô, như xuyên qua đau khổ để đến phục sinh tâm linh và được đi vào cuộc đời với sức sống mới.

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta bị giam hãm trong nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi với bóng tối của sự chết, giam hãm trong gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đang đè nặng đời ta, để ta được sống.

Cuộc sống với những nấm mồ của bệnh tật, đau khổ, thất vọng, chán trường, người tín hữu có đức cậy trông vẫn giữ vững niềm tin hy vọng vào Chúa, chính Ngài mở và giải phóng chúng ta khỏi nấm mồ của thất vọng bệnh tật và nhất là nấm mồ của tội lỗi, và thân phận nô lệ của bóng tối.

Trong cuộc sống những lo toan trần thế làm quên đi sức khoẻ tinh thần, những bon chen mưu sinh làm bào mòn tâm hồn, những đau khổ thường ngày làm chúng ta thất vọng. Đó là những vách đá của nấm mộ đang giam hãm chúng ta. Chúng ta xin Chúa thăm viếng, như gia đình Bethanie xin Người đến khi Lagiaro ngã bệnh. Chúng ta cùng xin Ngài một khi đã đến, hãy gọi và làm phục sinh tâm hồn dù tôi và bạn đã chết về tâm linh như Lagiaro bất động không sinh khí ở trong mộ. Xin hãy làm sống lại hy vọng vui tươi lạc quan để chúng ta tiếp tục sống và đón nhận cuộc sống như là một hồng ân, một quà tặng…

Vâng như Lagiaro trỗi dậy, tâm hồn tôi và bạn trong mùa Chay thánh cũng được gọi trỗi dậy. Thật thế, như Lagiaro, tâm hồn tôi và bạn đang bị cột chặt do tội lỗi, bởi những yếu đuối bất toàn, bởi sự thất vọng làm cho tôi như một thân xác vô hồn trong mộ kiên cố. Biết rằng sức mình có hạn mà không tự mình có thể giải cứu, nhưng Chúa đang đến kìa, hãy hướng về Ngài. Trong Bí tích Hòa Giải, Ngài gọi tên tôi như gọi tên Lagiaro: hãy bước ra, để tôi trỗi dậy rời khỏi ngôi mộ tù túng và bước ra bắt đầu một cuộc sống mới bằng hồng ân thương xót và chữa lành của tình yêu Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã khẳng định: Thầy là Đấng hằng sống, cho nên “Nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của con chính là Người ” (Tv 26,1). Xin hãy làm cho con sống dù tâm linh con đã chết, hãy gọi con trỗi dậy dù cuộc sống tinh thần con đã bất động và không còn sinh khí. Vâng, con tin và con hằng cậy trông.

Xa xưa trong kiếp lưu đầy Babylon, đó là thân phận bị giam hãm trong nấm mồ nô lệ, Ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng đã kêu gọi hãy hy vọng nơi Giavê, Đấng sẽ giải thoát và làm cho họ sinh tồn như là một dân tộc và một quốc gia mặc dầu với họ đang đối diện khó khăn thử thách: “Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel. Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống” ( Ed 37 12-13). Lời Chúa qua Ngôn sứ Ê-dê-ki-en cho dân Chúa niềm hy vọng là sẽ được phục hồi sau cuộc lưu đầy, nghĩa là họ sẽ được giải phóng và cứu thoát, ra khỏi mồ của kiếp nô lệ tù đày …

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta sống tâm tình chỗi dậy: “anh em không thể sống cho xác thịt, nhưng là sống theo thần trí” (Rm 8,9). Sống theo thần trí có nghĩa là mở rộng tâm hồn mong mỏi đến một đời sống vĩnh cửu của Chúa Kitô.

Chỗi dậy đi ra như Lagiaro đi tới đời sống mới với sức sống , vì thế:

“Con hy vọng rất nhiều vào Chúa,

linh hồn con trông cậy ở lời Ngài.

Linh hồn con mong đợi Chúa con,

hơn người lính gác mong trời rạng đông…”

(Tv 130,5-6).

Lm Vinh Sơn SCJ

 
Suy niệm Chúa Nhật lễ Lá năm A 2017
LM. Anthony Trung Thành
08:31 02/04/2017
Suy Niệm Chúa Nhật LỄ LÁ – NĂM A

Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay có thể chia thành hai phần: Phần thứ nhất là nghi thức làm phép và rước lá; Phần thứ hai là thánh lễ như thường lệ nhưng nội dung các bài đọc mang vẻ trầm buồn, nhất là bài thương khó kể lại cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.

Phần thứ nhất, nghi thứ làm phép và rước lá. Trong phần này của Chúa Nhật năm A, chúng ta nghe đọc đoạn Tin mừng theo Thánh Mathêu, tường thuật lại việc Đức Giêsu vào thành thánh Giêrusalem. Quang cảnh rất hoành tráng. Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa. Dân chúng đón tiếp một cách nồng hậu. Tin mừng cho biết: “Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: Hoan hô con vua Ðavit! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mt 21,8-9). Có thể nói, đây là một cuộc khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem của Đức Giêsu, toàn dân ủng hộ, không thấy một sự chống đối nào.

Phần thứ hai, phụng vụ cho chúng ta nghe ba bài đọc liên quan đến cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.

Bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia, đây là bài ca thứ ba về người tôi tớ đau khổ. Tác giả cho biết, người tôi tớ bị bách hại, phỉ nhổ, tra tấn và bỏ rơi nhưng vẫn nhịn nhục, chịu đựng, trung thành và tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi…” (x. Is 50, 6-7).

Bài đọc II, trích thư gửi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô cho chúng ta biết Đức Giêsu chính là người tôi tớ mà tiên tri Isaia tiên báo: “Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người.” (x. Pl 2, 6-11)

Bài Thương khó được Thánh Mathêu tường thuật lại cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Đây là một bằng chứng hùng hồn về tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Qua cuộc khổ nạn này, Ngài đã để lại cho chúng ta nhiều bài học cao quý, xin được đơn cử một số bài học sau đây:

Bài học thứ nhất: Sự can đảm, quảng đại, hy sinh vì người khác. Ngài đã chấp nhận muôn vàn đau khổ vì yêu thương nhân loại chúng ta. Đây là bằng chứng của một tình yêu cao quý. Vì,“không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

Bài học thứ hai: Sự tha thứ. Ngài tha thứ cho Giuđa là kẻ nộp Ngài. Ngài tha thứ cho Phêrô là kẻ chối Ngài. Ngài tha thứ cho các môn đệ là những người thân tín nhưng đã bỏ trốn khi Ngài gặp nạn. Ngài tha thứ cho kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá. Ngài tha thứ cho kẻ trộm cướp bên phải và cho anh ta được vào Thiên đàng với Ngài ngay ngày hôm ấy.

Bài học thứ ba: Sự vâng phục Thánh ý Thiên Chúa Cha. Khi cảm thấy khó có thể vượt qua nỗi cô đơn, đau khổ, Đức Giêsu không tránh né nhưng phó thác và vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi thì xin vâng Ý Cha.” (Mt 26,39 và 42). Đúng như Thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc II: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,8)

Ngoài ra, khi suy niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu còn giúp chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa của đau khổ, từ đó chúng ta biết can đảm hơn để vác thập giá của mình và sẵn sàng nâng đỡ thập giá của tha nhân.

Ở Bỉ, trong trận thế chiến thứ nhất, một trận đánh khốc liệt vừa xảy ra. Trong một nhà thờ đã được biến thành nhà thương, hàng trăm thương binh nằm la liệt. Bàn thờ được biến thành bàn mổ. Thiếu thốn thuốc men, người ta phải giải phẫu các thương binh mà không có thuốc tê hay gây mê. Một thương binh đang được giải phẫu, trong một khắc đồng hồ, anh ta phải chịu “tử đạo”, tay nắm chặt, mồ hôi đầm đìa, nhưng không một lời than trách hay rên la.

Sau khi hoàn tất ca phẫu thuật, bác sĩ hỏi anh : “Tại sao anh có thể chịu đựng được như thế ? ”

Anh trả lời: “chính vì tôi đã nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh. Ngài đã chết không một tiếng rên la vì tội lỗi nhân loại. Cho nên, tôi cũng không thể than khóc vì những đau khổ mà tôi có thể chịu để đem lại hạnh phúc tự do cho người khác. ”

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn để chịu chết trên cây thánh giá vì yêu thương nhân loại chúng con. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết chấp nhận những đau khổ trong cuộc sống để cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha viếng thăm giáo phận Carpi, bắc Italia
LM. Trần Đức Anh OP
09:49 02/04/2017
CARPI. ĐTC viếng thăm giáo phận Carpi từng bị động đất và mời gọi các tín hữu đừng để sầu muộn thất bại đè bẹp, trái lại tín thác và hy vọng nơi Chúa và trỗi dậy, như Ngài đã cho ông Lazzaro sống lại.

Bối cảnh

1 tuần sau chuyến viếng thăm ”lịch sử” tại tổng giáo phận Milano, giáo phận lớn nhất ở Âu Châu, Chúa Nhật 2-4-2017, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm một giáo phận nhỏ bé chỉ bằng 1 phần 45 so với Milano, đó là giáo phận Carpi, thuộc miền Emilia Romagna. Đây là chuyến viếng thăm thứ 16 của ngài tại Italia kể từ khi làm Giáo Hoàng cách đây 4 năm.

Giáo phận Carpi chỉ có 117 ngàn tín hữu Công Giáo, 39 giáo xứ với 60 LM. Cách đây gần 5 năm, tức là năm 2012, miền này bị động đất nặng làm cho 30 người chết, nhiều nhà cửa, thánh đường bị tàn phá. Hồi đó ĐGH Biển Đức 16 cũng đã viếng thăm giáo phận này và nay ĐTC Phanxicô đến đây để khích lệ niềm hy vọng của các tín hữu và dân chúng.

Đức Cha Francesco Cavina, GM giáo phận Carpi cho biết: ý thức do tầm mức quá bé nhỏ của giáo phận, ngài không hề nghĩ đến việc mời ĐTC đến viếng thăm. Nhưng cách đây ít lâu, chính ĐTC gọi điện và mời ngài về Roma để gặp. Đức Cha kể lại với đài Vatican:

”Trong câu chuyện dài, đến một lúc ĐTC mỉm cười nói: 'Tôi đã quyết định đến thăm giáo phận Carpi của Đức Cha trước lễ Phục sinh!”. May mắn lúc đó tôi ngồi trên ghế, nếu không thì tôi đã té xỉu rồi!. Hết ngạc nhiên, tôi chỉ còn biết cám ơn ĐTC, vì chắc chắn trong cuộc viếng thăm ngài sẽ có dịp thấy tận mắt sự phục hồi nơi lãnh thổ chúng tôi sau trận động đất, đặc biệt là việc mở lại nhà thờ chính tòa hôm 25-3 vừa qua, đúng 1 tuần lễ trước khi ĐTC đến Carpi.

Đức Cha Cavina giải thích thêm rằng: ”Công trình tái thiết trong 5 năm qua rất lớn, và ngày nay tất cả các công ăn việc làm được phục hồi. Trận động đất là làm chúng tôi mất 42 ngàn chỗ làm. Ngày nay, chỉ còn rất ít gia đình còn phải ở nơi tạm thời. Dầu sao việc tái thiết nhà cửa kể như chấm dứt. Điều còn phải làm là một số di tích lịch sử ở phía bắc giáo phận chúng tôi, nơi một số làng. Vì thế chính tôi đã xin ĐTC đến thăm Mirandola, có 24 ngàn dân cư vào ban chiều, để ngài thấy Nhà thờ Đức Mẹ lên trời ở đây còn bị hư hại, chưa sử dụng được.”

Thánh Lễ

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Tử Đạo, rồi cuối lễ ngài làm phép 3 viên đá đầu tiên để xây thánh đường mới của giáo xứ thánh Agata, nhà tĩnh tâm thánh Antôn ở Mercadello, và trung tâm bác ái của giáo phận Carpi. Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

Lúc quá 8 giờ sáng, ĐTC đã dùng trực thăng để bay từ Vatican đến Carpi, cách đó 346 cây số đường chim bay về hướng bắc. Thành phố này chỉ có 71 ngàn dân cư.

Đến nơi lúc 9 giờ rưỡi, ĐTC đã được giáo quyền và chính quyền địa phương tiếp đón tại sân thể thao và ngài đi xe mui trần tiến về địa điểm hành lễ là nhà thờ chính tòa giáo phận Carpi mới được tái thánh hiến sau trận động đất.

Quảng trường dài trước Thánh Đường đông chật các tín hữu, khoảng 40 ngàn người. Trời có mây nhưng may mắn không mưa. Cạnh lễ đài được dựng trên thềm nhà thờ, có hàng trăm linh mục đồng tế thuộc giáo phận Carpi và những giáo phận phụ cận. Đồng tế với ĐTC cũng có các giám mục thuộc miền Emilia Romagna.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cho ông Lazzaro đã chết 4 ngày được sống lại và rút ra những bài học hy vọng tin tưởng cho các tín hữu ở trong hoàn cảnh đau thương và tuyệt vọng. Ngài nói:

”Chúng ta nhận xét rằng giữa cảnh thất vọng đau buồn chung vì cái chết của Lazzaro, Chúa Giêsu không để cho mình bị buồn sầu chế ngự. Tuy cũng đau buồn, nhưng Ngài yêu cầu mọi người hãy tin tưởng vững vàng; Chúa không khép mình trong than khóc, nhưng Ngài cảm động và lên đường tiến về ngôi mộ. Ngài không để khung cảnh cảm xúc cam chịu chung quanh thu hút Ngài, nhưng tin tưởng cầu nguyện và thưa rằng: ”Lạy Cha, con cảm tạ Cha” (v.41). Thế là trong mầu nhiệm đau khổ, mà tư tưởng và tiến bộ đụng phải như những con ruồi đụng phải tấm kiếng, Chúa Giêsu nêu gương về cách phải cư xử thế nào: đó là không trốn chạy đau khổ là điều thuộc về cuộc sống này, không để mình bị bi quan cầm tù.

Chung quanh ngôi mộ ấy, xảy ra một cuộc gặp gỡ - đụng độ lớn. Một đàng có một sự thất vọng lớn, sự bấp bênh trong đời sống luân lý của chúng ta, phải trải qua lo lắng vì cái chết, thường cảm thấy thất bại, tăm tối nội tâm dường như không thể vượt qua nổi. Linh hồn chúng ta được dựng nên để sống, chịu đau khổ khi cảm thấy rằng sự khao khát vĩnh cửu của mình bị một sự ác xưa kia và tăm tối đè bẹp. Một đàng có sự thất bại của ngôi mộ. Nhưng đàng khác có hy vọng chiến thắng sự chết và sự ác, và có một danh xưng đó là Chúa Giêsu. Chúa không mang lại một chút an sinh hoặc một liều thuốc nào có làm cho cuộc sống chúng ta được kéo dài, nhưng Ngài tuyên bố: ”Tôi là sự sống lại và là sự sống; ai tin tôi, thì dù có chết cũng sẽ sống” (v.25).

Từ những suy tư trên đây, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, cả chúng ta cũng được mời gọi quyết định xem mình đứng về phía nào. Ta có thể đứng về phía ngôi mộ hoặc đứng về phía Chúa Giêsu. Có người tiếp tục bị kẹt trong những đổ vỡ của cuộc sống, và có những người, như anh chị em, nhờ ơn Chúa giúp, đang gạt qua đổ vỡ và tái thiết trong niềm hy vọng kiên nhẫn.

”Đứng trước những câu hỏi lớn: ”Tại sao” của cuộc sống, chúng ta có hai con đường: hoặc là đứng nhìn những ngôi mộ quá khứ và hiện tại với thái độ tư lự hoài tưởng, hoặc để cho Chúa Giêsu đến gần những ngôi mộ của chúng ta. Đúng vậy, vì mỗi người chúng ta đã có một ngôi mộ nhỏ, một vùng chết chóc trong tâm hồn: một vết thương, một thiệt hại đã chịu hoặc đã làm, một sự oán hận không ngừng, một sự hối hận tái xuất hiện, một tội lỗi không vượt qua được. Ngày hôm nay, chúng ta hãy nhận ra những ngôi mộ của chúng ta và mời Chúa Giêsu tiến vào đó. Thật là điều lạ lùng: chúng ta thường thích ở lại một mình trong những hang động tối tăm của chúng ta, thay vì mời Chúa Giêsu đi vào; chúng ta bị cám dỗ tìm kiếm chính mình, lẩm bẫm và chìm sâu trong lo âu, liếm những vết thương của mình, thay vì đi gặp Chúa, Đấng nói rằng: ”Hãy đến cùng Thầy, hỡi những người mệt mỏi và bị áp bức, và Thầy sẽ bổ dưỡng cho” (Mt 11,28). Chúng ta đừng để mình bị cầm hãm vì cám dỗ muốn ở một mình và không tin tưởng, than khóc vì những gì xảy ra cho chúng ta; chúng ta đừng chiều theo những lý luận sợ hãi vô ích và chẳng dẫn đến đâu, đừng cam chịu lập lại rằng mọi sự bất ổn và không còn như trước đây nữa. Đó là bầu không khí của huyệt mộ; trái lại Chúa muốn mở con đường sự sống, con đường gặp gỡ với ngài, con đường tín thác nơi Ngài, con đường phục sinh tâm hồn”.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói:

”Lúc ấy chúng ta nghe những lời Chúa Giêsu nói với Lazzaro cũng được gửi đến mỗi người chúng ta: ”Hãy bước ra ngoài!”; hãy đi ngoài những sầu muộn vô vọng; hãy tháo những băng quấn của sợ hãi cản bước; hãy tháo những giây cột của sự yếu đuối và lo lắng ngăn cản bạn, hãy lập lại rằng Thiên Chúa tháo gỡ các nút chặn.

Khi theo Chúa Giêsu, chúng ta học cách không cột chặt cuộc sống chúng ta quanh những vấn đề vây quanh; chúng ta sẽ luôn có những vấn đề, và khi chúng ta giải quyết xong vấn đề này, thì một vấn đề khác lại nảy sinh. Nhưng chúng ta có thể tìm ra một sự ổn định mới và sự ổn định này chính là Chúa Giêsu, Ngài là sự sống lại và là sự sống; với Chúa, niềm vui ở trong con tim, niềm hy vọng tái sinh, đau thương biến thành an bình, lo sợ biến thành tin tưởng, thử thách biến thành sự dâng hiến yêu thương. Và cho dù những gánh nặng không thiếu, sẽ luôn có bàn tay Chúa nâng nên, Lời Chúa khích lệ và nói với bạn: ”Hãy đi ra ngoài, hãy đến cùng tôi!”

Cả chúng ta, ngày nay cũng như hồi đó, Chúa Giêsu nói: ”Hãy đẩy tảng đá đi!”. Dù quá khứ nặng nề đến đâu, dù tội lỗi nặng thế nào, xấu hổ mạnh ra sao, chúng ta đừng bao giờ khóa chặt lối vào đối với Chúa. Chúng ta hãy đẩy xa tảng đá cản lối không cho Chúa vào nơi chúng ta: đây là thời điểm thuận tiện để loại bỏ tội lỗi của chúng ta, sự quyến luyến của chúng ta đối với những thứ trần tục, sự kiêu ngạo ngăn chặn tâm hồn chúng ta.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Được Chúa Giêsu viếng thăm và giải thoát, chúng ta hãy cầu xin ơn được trở thành chứng nhân sự sống trong thế giới này, một thế giới đang khao khát sự sống, trở thành những chứng nhân khơi dậy và phục hồi niềm hy vọng nơi Thiên Chúa trong các tâm hồn mỏi mệt và bị buồn sầu đè nặng. Lời loan báo của chúng ta là niềm vui của Chúa hằng sống, ngày nay Chúa vẫn còn nói như đã nói với ngôn sứ Ezechiel: ”Này đây, ta mở các ngôi mộ của các ngươi, hỡi dân Ta, Ta sẽ đưa các ngươi ra khỏi các ngôi mộ của các ngươi” (Ez 37,12)

Lời kêu gọi

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin cuối thánh lễ, ĐTC nhắc đến lòng kính mến Đức Mẹ của các tín hữu và nhắn nhủ mọi người hãy dâng lên Mẹ những vui buồn, đau khổ và hy vọng của chúng ta. Ngài cám ơn các GM thuộc miền Emilia Romagna, các LM, tu sĩ nam nữ, chính quyền và tất cả những người đã cộng tác đặc biệt vào việc tổ chức cuộc viếng thăm và buổi lễ này.

ĐTC cũng kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột võ trang đẫm máu ở vùng Kasai thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo, làm cho nhiều người chết và dân chúng phải di tản, tài sản của Giáo Hội cũng bị phá hoại và cướp bóc. Ngài cũng bày tỏ lo âu về tình hình ở Venezuela, và Paraguay, và kêu gọi chấm dứt mọi bạo lực, tìm kiếm các giải pháp bằng phương thế hòa bình. ĐTC cũng không quên các nạn nhân vụ đất lở ở tỉnh Mocoa bên Colombia làm cho ít nhất hơn 200 người chết và 220 người bị mất tích.

Sau thánh lễ, khoảng 1 giờ, ĐTC đã đến chủng viện giáo phận để dùng bữa trưa với các GM thuộc 15 giáo phận ở vùng Emilia Romagna, rồi lúc 3 giờ, ngài gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà nguyện chủng viện.

Sau đó lúc gần 4 giờ chiều, ngài đến đến thị trấn Mirandola ở mạn bắc thuộc giáo phận Carpi, viếng thăm nhà thờ chính tòa địa phương còn bị hư hại vì động đất và chưa sử dụng được. Ngài chào thăm dân chúng tại quảng trường trước thánh đường, rồi lúc 5 giờ, ngài đến giáo xứ thánh Giacomo Roncole, đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân động đất, trước khi đáp trực thăng về đến Vatican vào lúc 7 giờ tối cùng ngày.
 
Có một không hai: Chặng đàng Thánh Giá dài 400 km ở Ắn Độ.
Trần Mạnh Trác
17:35 02/04/2017


Đi đàng Thánh Giá, đi bộ, một khoảng đường dài 400 km ở giữa thánh đường Mount Mary ở Bandra và Mount Mary ở Haregaon, là mục tiêu cuả 40 thanh niên Công Giáo Ấn Độ trong mùa Chay này.

Đây không chỉ là một cuộc thử thách sức lực thể chất mà thôi, mục tiêu chính cuả cuộc 'hành hương' là "Đổi mới tinh thần và chia sẻ tin mừng của Chúa Kitô."

Cuộc hành hương mà đa phần tham dự là các thanh niên nông dân cuả vùng Ahmadnagar, bây giờ đã trớ thành một truyền thống được duy trì tới lần thứ 6, sẽ có 14 giai đoạn, 14 chủ đề, cho 14 đoạn đường Thánh giá.

Tất cả diễn ra giữa phong cảnh hữu tình cuả làng mạc và nuí rừng hoang dã trong địa phận Nashik.

Những thanh niên hành hương còn nhắm vào một mục đích khác nữa, đó là kết thân với nhau trong tinh thần yêu mến Đức Mẹ và Hoà Bình.

Sáng mùng 1 tháng 4, họ đã khới hành sau khi dự lễ tại Vương Cung Thánh Đường Mount Mary Basilica ở Bandra, là thủ phủ của khu ngoại ô Maharashtra cuả Mumbai; và sẽ kết thúc vào ngày 4 tháng 4, bằng một Thánh lễ tại đền thờ Marian Haregaon Nashik ớ quận Ahmadnagar.

Chạy đẫn đầu đoàn hành hương luôn luôn là một thanh niên vác lá cờ đoàn, 40 thanh niên sẽ luân phiên vác cờ giống như trong một cuộc chạy đua chuyến tiếp vậy, còn đoàn người theo sau thì lần chuỗi hoặc hát thánh ca. Sau cùng là một chiếc xe Van chớ các trang phục cho 14 kịch cảnh Thương Khó, trang phục đã được biến đổi để phù hợp với phong tục cuả từng địa phương.

Vị tuyên úy là linh mục Kadam cho biết rằng "đa số những người tham gia là thuộc thế hệ Công Giáo thứ hai (tức là có cha hay mẹ là người tân tòng), tuổi từ 16 đến 25". Trong giáo phận, ngài cho biết thêm, có "nhiều thách thức mục vụ" và việc hành hương là một trong những sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia vào cuộc sống của Giáo Hội và tạo sự hiệp nhất giữa những người trẻ tuổi. Bằng cách này, Cha Kadam tiếp tục, "chúng ta có thể củng cố đội hình cho con đường của Đức tin" và cũng là một cách để thúc đẩy việc "loan truyễn phúc âm trên đường phố", ớ vùng nông thôn, tức là "vùng sâu vùng xa."

"Hầu hết họ - theo Cha Kadam - là người nghèo và phải đấu tranh mỗi ngày để kiếm sống. Cho nên chúng tôi phải có óc sáng tạo khi tổ chức cuộc hành hương này." Để gây quĩ, họ đã đóng góp rất nhiều thời gian và sức lực trong các công việc phục vụ cộng đồng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dự Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể họp mặt tại giáo xứ Trung Hải, Cần Thơ
Tiểu Hồ
08:29 02/04/2017
Dự Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể họp mặt tại giáo xứ Trung Hải, Cần Thơ

Giáo xứ Trung Hải hôm nay hân hạnh chào đón các dự Trưởng của 7 họ đạo Đại Hải, Thái Hải, Bắc Hải, Thiết An, Phụng Hiệp đến họp mặt giao lưu.

Xem hình

Cha Tuyên Úy Peter Trương Minh Hải tâm sự: họp mặt giao lưu để giúp các Thầy chủng sinh đang công tác mục vụ ở các giáo xứ lân cận có cơ hội thực hành trải nghiệm về mục vụ Thiếu Nhi Thánh Thể, cũng như tổ chức các buổi giao lưu học hỏi chia sẻ kinh nghiệm. Cha đã cho phép các Thầy tổ chức giao lưu dự trưởng giữa các giáo xứ có các Thầy đến mục vụ trong hạt Đại Hải.

Trước tiên là để các dự trưởng được sống hiệp nhất với nhau trong Chúa Thánh Thể, trong tình huynh đệ Ki-tô về cùng chung một mái nhà.

Kế đến là để cho các em ý thức lại, nhìn lại một năm phục vụ sau những khóa huấn luyện. Giúp các em có cơ hội học hỏi, ôn lại những kỹ năng sinh hoạt, cũng như kỹ năng nghiêm tập, chơi trò chơi lớn.

Và trên hết mọi sự là để nét đẹp Thiếu Nhi Thành thể luôn sống động lan tỏa trong từng hành động của người dự trưởng, huynh trưởng, của những người trẻ đã dấn thân bước theo tiếng gọi của Đức Ki-tô vị huynh trưởng tối cao bằng đời sống hy sinh phục vụ.

Bài hát “ Lạy Chúa Giê-su huynh trưởng tối cao xin dạy con biết hy sinh phụng sự Chúa và giúp ích mọi người. Xin dạy con biết hy sinh không cần báo đáp luôn xống pha không ngại bảo táp…” như một lời nguyện cầu son sắc cháy mãi trong tim những con người trẻ.

Một ngày không dài nhưng một ngày đủ khắc sâu trong lòng các bạn niềm vui của việc cùng nhau trở về chung một mái nhà để ôn lại và thắp lên niềm tin mới để mỗi bước chân ra đi sẽ mang đến cho các em Thiếu Nhi của giáo xứ sự liên kết mật thiết với Chúa Thánh Thể.

Tiểu Hổ.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hoa Kỳ và Trung Quốc: nước lên nước xuống có thể châm ngòi chiến tranh
Vũ Văn An
20:52 02/04/2017
Tuần tới, chủ tịch Trung Quốc, Tập Cẩn Bình, sẽ gặp tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, tại biệt thự Mar-a-Lago giữa lúc người ta cho rằng hai quốc gia do họ lãnh đạo đang trên đường tiến tới đụng nhau chát chúa.

Ít nhất nhận định trên cũng là của ký giả Graham Allison của tờ Washington Post ra ngày hôm nay. Thực vậy, theo ký giả này, một Trung Quốc đang lên một cách không thể nào cưỡng lại được là một thách thức lớn đối với sự thống trị đã trở thành quen thuộc của Hoa Kỳ. Chỉ cần xem xuất lượng kinh tế hoàn cầu của Hoa Kỳ giảm từ 22 phần trăm năm 1980 xuống còn 16 phần trăm hiện nay, trong khi cùng một xuất lượng ấy của Trung Quốc tăng từ 2 phần trăm lên 18 phần trăm là đủ thấy.

Các sử gia biết rõ khi một cường quốc đang lên đe dọa truất phế một cường quốc đang thống trị, thì chuông báo động nên được gióng lên: nguy hiểm cực kỳ đang ở trước mắt. Thucydides, một sử gia và là một viên tướng, từng giải thích về cuộc chiến tranh đã phá hủy hai thị quốc vĩ đại của cổ Hy Lạp rằng “chính sự đi lên của Athens và nỗi sợ do việc này gây ra cho Sparta đã làm cho cuộc chiến không thể nào tránh được”. Cũng thế, cách nay một thế kỷ, chính việc đi lên của Đức và nỗi sợ do việc này gây ra cho Anh đã để cho việc ám sát một đại quận công châm ngòi một cuộc chiến tranh tàn hại đến độ phải đòi cả một phạm trù hoàn toàn mới để đặt tên cho nó: Thế Chiến!

Mẫu mực trên mà Ký Gia Allison gọi là “Cái Bẫy Thucydides” thường hay diễn ra tới lui trong lịch sử. Thực thế, sự kiện việc một nước lên đi lên làm ngưng trệ địa vị một nước đang thống trị đã diễn ra ít nhất 16 lần trong vòng 500 năm qua, trong đó, 12 lần dẫn tới chiến tranh. Bốn lần kia sở dĩ tránh được chiến tranh là do các thích ứng vĩ đại và hết sức đau lòng trong thái độ và hành động của cả nước thách thức lẫn nước bị thách thức.

Theo Allison, chúng ta chắc chắn sẽ thấy hàng loạt các chạm trán giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong các năm sắp tới. Điều thắc mắc chỉ là các nhà lãnh đạo của hai đại cường này có thu xếp nổi để các chạm trán này không leo thang thành chiến tranh hay không mà thôi. Cho đến nay, việc này tùy thuộc hoàn toàn ở hai ông Trump và Tập.

Về nhân cách, theo Allison, Trump và Tập không thể nào khác hơn được. Bất chấp các hình thức bề ngoài của một cuộc thượng đỉnh được dàn bài bản, phong cách trái ngược nhau của họ cũng sẽ được lộ nguyên hình. Xét theo nhiều phương diện, họ phản chiếu hình ảnh của nhau.

Cả hai đoan hứa sẽ khôi phục sự vĩ đại của đất nước họ bằng một nghị trình thay đổi triệt để. Ai cũng biết câu nói đã trở thành thương hiệu của Trump. Còn Tập, khi mới lên cầm quyền năm 2012, đã tuyên bố “giấc mộng Trung Quốc” của ông khi kêu gọi “cuộc phục hưng vĩ đại Quốc Gia Trung Hoa” .

Cả hai đều hãnh diện đối với điều họ coi là tài lãnh đạo của mình. Trump xây dựng các hoài bão tổng thống của mình trên điều ông ta mô tả là sự nhậy bén kinh doanh vô địch, từng nổi tiếng cho rằng chỉ có ông ta mới giải quyết được các nan đề của quốc gia mà thôi. Tập đã tập trung quyền lực một cách chắc chắn trong tay mình đến nỗi hiện được coi là “Chủ Tịch Mọi Sự”. Thực thế, chủ nghĩa ngoại hạng đóng trên nghị trình chính trị của mỗi người này khiến người ta nghĩ tới một sự tương tự lớn lao hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc: cả hai đều có mặc cảm tự tôn cực kỳ cao độ. Bên nào cũng coi như mình không có người ngang ngửa.

Và, có lẽ quan trọng hơn cả, cả Trump lẫn Tập coi quốc gia do người kia lãnh đạo như trở ngại chính cho việc mình thực hiện tham vọng cốt lõi của mình.

Mối nguy là giữa sự căng thẳng về cơ cấu do sự đi lên của Trung Quốc gây ra và được tăng tốc bởi các viễn kiến đối chọi nhau của Trump và Tập, các khủng hoảng không thể tránh đáng lẽ có thể được kìm hãm thì kết cục sẽ nổ bùng thành những hậu quả không bên nào mong đợi.

Những mồi lửa có tiềm năng khơi ngòi cho một tranh chấp như trên đang diễn ra hàng ngày một cách đáng kinh hoàng. Ngay dưới thời chính phủ Trump, các căng thẳng cũng đã đang leo thang rồi về vị thế của Đài Loan, các tham vọng của Bắc Hàn về hạch nhân và mậu dịch. Lúc còn tranh cử, Trump đã tố cáo Trung Quốc “cưỡng hiếp” kinh tế Hoa Kỳ. Hôm thứ Năm vừa qua, Trump “hót” rằng cuộc gặp gỡ với Tập “sẽ là một cuộc gặp gỡ rất khó khăn” vì “chúng ta không thể chịu được các thiếu hụt khổng lồ về mậu dịch và các mất mát về nhân dụng nữa”.

Liệu tranh chấp mậu dịch có thể trở thành một cuộc chiến tranh nóng với những vụ phóng bom nguyên tử hay không? Tuy nghe ra có vẻ vô lý, nhưng ta hãy nhớ: cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật đã diễn ra sau khi Hoa Kỳ áp đặt các cấm vận gây tê liệt cho Nhật, khiến Hoa Kỳ phải bước vào một cuộc chiến tranh từng được kết thúc với các trái bom nguyên tử giáng xuống Hiroshima và Nagasaki.

Con đường thẳng nhất dẫn tới chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có lẽ sẽ bắt đầu với việc Đài Loan xoay chuyển bất chợt hướng tới độc lập. Trong thời chuyển quyền tổng thống, Trump từng nhắc tới sự báo động này bằng những cú “hót” và điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan. Không một viên chức an ninh quốc gia Trung Quốc nào được Allison tiếp xúc và không viên chức Hoa Kỳ từng khảo sát tình thế nào, lại hoài nghi việc Trung Quốc sẽ chọn chiến tranh khi mất một lãnh thổ mà họ coi là sinh tử đối với quyền lợi quốc gia. Tổng Thống Đài Loan nào, với sự khuyến khích của Trump hay không, thử liều vượt qua các lằn ranh đỏ của Bắc Kinh mà xem, Trung Quốc hẳn sẽ bắt đầu với ấn bản cập nhật cuộc “tập trận hỏa tiễn” năm 1996 từng bao quanh Đài Loan. Hoa Kỳ mà tới trợ giúp Đài Loan bằng cách cung cấp các tầu Hải Quân hộ tống đoàn tầu cung cấp cho nước này mà xem, Trung Quốc chắc chắn sẽ bắn chìm một hai chiếc. Và để ngăn cản Trung Quốc không đè bẹp Đài Loan, Hoa Kỳ có thể sẽ phải tiến hành hàng loạt các cuộc tấn công liên hồi vào các căn cứ hỏa tiễn ở Hoa Lục, giết hại hàng ngàn người Trung Quốc. Khó có thể tưởng tượng Trung Hoa không đáp lễ các cuộc tấn công như thế bằng những cuộc tấn công tương đương vào các căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở Guam và Nhật Bản, cũng như các hàng không mẫu hạm. Từ đó, việc oanh kích đất liền Hoa Kỳ không hẳn là điều khó khăn.

Bắc Hàn là một xúc tác khả hữu khác cho một cuộc chiến tranh không ai muốn xẩy ra, nhưng không vì thế mà không thể xẩy ra. Trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới, người ta nghĩ Trump sẽ yêu cầu Tập làm áp lực hơn nữa để Kim Jong-un hãm bớt chương trình hạch nhân của anh ta. Cứ theo con đường hiện nay, thì Bắc Hàn sẽ đạt được khả năng phóng vũ khí nguyên tử vào đất liền Hoa Kỳ trước sự chứng kiến của Trump. Tổng Thống từng nói rằng ông ta sẽ không để việc này diễn ra. Có tường trình cho rằng Ngũ Giác Đài đã sẵn sàng nhiều giải pháp quân sự khác nhau để hãm đà chương trình hoả tiễn của Bắc Hàn. Dù một số người hy vọng rằng hậu quả tràn lan (fallout) của cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở quân sự sẽ có hạn chế, cuộc tấn công của Hoa Kỳ sẽ khiêu khích một cuộc trả đũa khiến châm ngòi Chiến Tranh Triều Tiên thứ hai hay việc xụp đổ của chế độ nhà họ Kim. Cả hai sẽ dẫn tới chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Các nhà dự kiến chiến tranh của Hoa Kỳ từng khảo sát các viễn tượng dành cho Bắc Hàn, bắt đầu với việc xụp đổ chế độ. Khi xứ này lâm vào thế hỗn loạn, các lực lượng Hoa Kỳ sẽ tìm cách tiêu diệt các hệ thống vũ khí có khả năng phóng các đầu đạn hạch nhân nhắm vào Nam Hàn, Nhật Bản hoặc Guam. Bộ Chỉ Huy Hành Quân Hỗn Hợp Đặc Biệt của Hoa Kỳ hiện có sứ mệnh dài hạn phải nắm được “các loại vũ khí nguyên tử lỏng lẻo” (loose nukes) và đã được huấn luyện đi vào Bắc Hàn để kiểm soát các cơ sở vũ khí hạch nhân của nước này trước khi các chỉ huy ngỗ nghịch của họ tẩu tán các vũ khí này tới các cửa hàng vũ khí quốc tế. Nhưng vì người ta nghĩ rằng các cơ sở này được đặt gần biên giới Trung Quốc, nên chắc chắn các lực lượng đặc biệt của Trung Quốc sẽ đánh trả các lực lượng Hoa Kỳ tại đó. Như Tướng Raymond Thomas, trước đây đứng đầu Bộ Chỉ Huy Hành Quân Hỗn Hợp Đặc Biệt, từng cảnh cáo, mưu toan nắm được các vũ khí hạch nhân của Bắc Hàn chắc chắn sẽ đem lại một cuộc chạm trán thẳng thừng giữa Trung Quốc và các lực lượng liên quân Hoa Kỳ và Nam Hàn. Không biết sự hiện diện của nhau, kết cục họ sẽ lâm vào một cuộc chiến đấu và lầm tưởng cuộc chiến đấu bất ngờ này như một cuộc phục kích cố ý cần phải trả đũa.

Một việc có thể nữa là, sau khi chế độ bị xụp đổ, người tỵ nạn Bắc Hàn sẽ tràn vào Trung Quốc. Sợ cho sự bất ổn của mình, Trung Quốc sẽ phái quân đội của họ vào Bắc Hàn và thiết lập một nhà nước độn giữa nó và Nam Hàn. Dưới áp lực từ dân chúng của mình phải giải phóng các đồng bào đang sống dưới chế độ dã man nhất trên thế giới, chính phủ Nam Hàn cũng sẽ phái quân đội của họ bắc tiến. Vì quân đội và máy bay Hoa Kỳ trấn đóng ở Nam Hàn đã được hội nhập vào quân đội Nam Hàn trong các kế hoạch hành quân quân sự, nên các lực lượng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ trực diện chạm trán với nhau như họ đã làm vào năm 1950.

Có thể nào giải quyết được các căng thẳng cơ cấu giữa các cường quốc đang lên và đang thống trị mà không phải dùng tới chiến tranh hay không? Allison trả lời rằng có. Tập và Obama thậm chí đã thảo luận tới Cạm Bẫy Thucydides tại cuộc họp thượng đỉnh của họ vào năm 2015, nhưng không thỏa thuận phải làm gì để thoát được nó. Tập vốn đề nghị “một hình thức mới cho các liên hệ đại cường”. Nhưng ông ta hiểu điều này như một ý niệm bành trướng các quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc, bao gồm phạm vi ảnh hưởng Á Châu, điều mà Hoa Kỳ không thể nào chấp nhận.

Nay Trump và Tập có cơ hội lèo lái mối liên hệ quan trọng nhất của thế kỷ 21. Quan trọng hơn bất cứ điều chuyên biệt nào có thể do hội nghị thượng đỉnh này đem lại là việc liệu các nhà lãnh đạo của hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới có nhìn nhận các nguy cơ mà bất cứ con mắt tầm thường nào cũng đã thấy được. Nếu họ chỉ loay hoay với những việc thường lệ, thì chắc chắn ta vẫn để lịch sử chuyển vần theo lẽ thường của nó nghĩa là vận rủi chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.
 
Văn Hóa
Tại sao Chúa khóc ?
Sơn Ca Linh
08:06 02/04/2017
TẠI SAO CHÚA KHÓC ?

(Cảm nhận từ sứ điệp Chúa Nhật V Mùa Chay – Phép lạ phục sinh Lazarô)

Chúa đã từng qua kiếp nhân gian,
Nên đã biết khóc, cười, sướng, khổ…
Chúa đã đứng bên thềm huyệt mộ,
Nên nghẹn ngào nức nở trong tim !

Chúa đã từng đói lạnh từng cơn,
Nên cảm thương đoàn dân rách nát.
Chúa nhiều lần tản cư phiêu dạt,
Nên thương người tứ cố vô thân.

Bị khinh khi, hắt hủi, rẽ phân,
Nên Chúa gần ai mang phận tội.
Chúa đã bị bao người phản bội,
Nên nặng lòng tha thứ khoan dung.

Chúa an vui gia đạo trùng phùng,
Nên thấy hết nỗi buồn dang dở.
Giọt rượu quý, duyên tình nặng nợ,
Tiệc cưới từ đây mãi tiếng cười.

Chúa biết Mẹ thương con ngút trời,
Nên cảm hết lệ buồn cay đắng,
Mẹ Na-im gánh buồn trĩu nặng,
Giờ ắp đầy rạng rỡ niềm vui !

Chúa biết đường xa nối đất trời,
Nên chọn lối đau thương thập giá.
Biết ơn cứu độ ngời cao cả,
Nên thi hành vẹn ý Chúa Cha !

Biết Phục Sinh rực sáng trời xa,
Nên chấp nhận đi vào mộ thẳm.
Vâng,
Chúa khóc, giọt tình yêu thấm đẩm,
Trỗ ngàn hoa hy vọng tươi xinh.

Kể từ đây, chết chóc, điêu linh,
Đã ươm mầm tin yêu hy vọng.
Chúa bên ta tình yêu thâm trọng,
Chung bước đường dẫn tới vinh quang !

Sơn Ca Linh


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sóng Bạc
Tấn Đạt
19:20 02/04/2017
SÓNG BẠC
Ảnh của Tấn Đạt
Con sóng già đang vươn mình vội vả
Cố trườn lên ôm trọn cả bãi bờ
Trong khao khát của tột cùng thương nhớ
Sóng bạc đầu mà cứ ngỡ đương xuân
(Trích thơ của Sen Nguyễn)
 
VietCatholic TV
Chặng Thứ Ba - Đàng Thánh Giá Thiên Chúa là Lòng Thương Xót
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:54 02/04/2017
Đàng Thánh Giá “Thiên Chúa là Lòng Thương Xót” do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại hí trường Côlôsêô
Bài Suy Niệm của Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti Tổng Giám Mục Perugia
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An


Chặng Thứ Ba

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ

Bài trích sách Tiên Tri Isaia (53:4, 7)

Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.

Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả.

Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.

Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.

Chúa Giêsu là con chiên, được tiên báo bởi các tiên tri, là Đấng mang lấy gánh nặng của tội lỗi tất cả nhân loại. Ngài vác lên vai mình những yếu đuối của những người mà Người yêu mến, nỗi buồn và tội lệ của họ, sự gian ác và bất hạnh của họ. Chúng ta đã đi đến những giới hạn tột cùng của Ngôi Lời nhập thể. Nhưng vẫn còn một điểm thấp hơn nữa: Chúa Giêsu ngã dưới sức nặng của thập giá. Một Thiên Chúa bị té ngã!

Trong cái té ngã này, Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa cho sự đau khổ của nhân loại. Đau khổ đôi khi chúng ta cho là một điều ngớ ngẩn, khó hiểu, một điềm báo của cái chết. Có những khoảnh khắc của sự đau khổ dường như là để phủ nhận tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa ở đâu trong các trại tử thần? Chúa đang ở đâu trong các hầm mỏ và nhà máy nơi mà trẻ em phải làm việc như nô lệ? Thiên Chúa ở đâu khi những con tàu đang chìm sâu ở Địa Trung Hải?

Chúa Giêsu ngã dưới sức nặng của thập giá, nhưng thập giá không nghiền nát được Ngài. Này đây, Chúa Kitô đứng đó; như một kẻ bị ruồng bỏ trong số những con người bị hất hủi, như một kẻ thất bại trong số cơ man những kẻ thua cuộc khác, như một nạn nhân bị chìm sâu giữa rất nhiều những người bị đắm tàu.

Thiên Chúa gánh lấy tất cả những điều này lên mình Ngài; một Thiên Chúa vì tình yêu không ra oai uy dũng của mình. Nhưng như thế, chính xác là như thế, đã té xuống đất như một hạt lúa mì, Thiên Chúa thành tín với chính mình: Ngài trung thành trong tình yêu.

Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cùng Chúa,
cho tất cả những khoảnh khắc của sự đau khổ mà dường như là vô nghĩa,
cho người Do Thái đã chết trong các trại tử thần,
cho các Kitô hữu bị giết vì hận thù đức tin,
cho các nạn nhân của mọi đàn áp,
cho các trẻ em làm việc như nô lệ,
cho những người vô tội bị chết trong chiến tranh.
Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con hiểu, sự tự do và sức mạnh bên trong của sự mạc khải thiên tính chưa từng có này của Chúa cao cả biết bao, nhân bản đến là ngần nào khi chiụ té ngã dưới sức nặng là thập giá của tội lỗi nhân loại, thương xót hãi hà biết bao khi đánh bại tội lỗi đè nặng trên chúng con..
 
Chặng Thứ Sáu - Đàng Thánh Giá Thiên Chúa là Lòng Thương Xót
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:55 02/04/2017
Đàng Thánh Giá “Thiên Chúa là Lòng Thương Xót” do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại hí trường Côlôsêô
Bài Suy Niệm của Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti Tổng Giám Mục Perugia
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An


Chặng thứ Sáu

Bà Vêrônica lau mặt Chúa Giêsu

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu

Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ

Trích Sách Tiên Tri Isaiah (53:2-3)

Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

Giữa những hoang mang của đám đông theo Chúa Giêsu đến đồi Canvê, Veronica xuất hiện, một người phụ nữ với khuôn mặt và cuộc sống không có gì nổi bật. Nhưng cô là một người phụ nữ can đảm, sẵn sàng lắng nghe Chúa Thánh Thần và làm theo linh hứng của Ngài. Cô có thể nhận ra sự vinh hiển của Con Thiên Chúa trên khuôn mặt hoen ố của Chúa Giêsu, và cảm nhận được lời mời gọi của Ngài muốn nói với cô: “Này những ai qua lại, hãy nhìn kỹ xem còn nỗi khổ nào như nỗi sầu của tôi” (Ai Ca 1: 12).

Tình yêu, mà người phụ nữ này là hiện thân, khiến chúng ta không nói nên lời. Tình yêu làm cho cô đủ mạnh để dám thách thức đám quân binh, để vượt qua đám đông, đến gần Chúa và thực hiện một hành động từ bi và đầy đức tin: là chặn lại những giọt máu từ vết thương, làm khô những giọt nước mắt của nỗi đau, chiêm ngưỡng dung nhan biến dạng của Ngài, đang ẩn giấu thiên nhan đích thực của Thiên Chúa.

Chúng ta, theo bản năng, cố gắng chạy trốn khỏi đau khổ, vì đau khổ là điều phản cảm đối với chúng ta. Chúng ta đi ngang qua biết bao những khuôn mặt bị biến dạng bởi những phiền não của cuộc sống và chúng ta thường quay đi. Làm sao chúng ta lại có thể không nhìn thấy thiên nhan của Chúa trong khuôn mặt của hàng triệu những người lưu vong, tị nạn và di tản, những người đang lẩn trốn trong tuyệt vọng những khủng khiếp của chiến tranh, khủng bố và các chế độ độc tài? Đối với mỗi một người trong số họ, mỗi một khuôn mặt độc đáo, Thiên Chúa luôn tỏ mình ra qua một trong những con người can đảm chạy đến cứu giúp như trong trường hợp của Veronica, người phụ nữ có khuôn mặt không ai biết đến, là người đã trìu mến lau mặt Chúa Giêsu.

“Lạy Chúa, con tìm kiếm thánh nhan Ngài” (Tv 27: 8).
Xin giúp con nhìn thấy thánh nhan Chúa trong anh chị em của con
là những người đang đi trên những nẻo đường đau đớn và nhục nhã.
Xin dạy cho con biết làm khô những giọt nước mắt và máu của những người bị chà đạp trong mọi thời đại, của tất cả những người đang bị gạt tàn nhẫn sang một bên bởi một xã hội giàu có mà vô tâm.
Xin giúp tôi thoáng nhìn được thánh nhan Chúa với vẻ đẹp vô tận đằng sau mỗi khuôn mặt con người, kể cả những người bị bỏ rơi nhất.
 
Chặng Thứ Chín - Đàng Thánh Giá Thiên Chúa là Lòng Thương Xót
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:56 02/04/2017
Đàng Thánh Giá “Thiên Chúa là Lòng Thương Xót” do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại hí trường Côlôsêô
Bài Suy Niệm của Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti Tổng Giám Mục Perugia
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An


Chặng thứ Chín

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ

Trích thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Philípphê (2:6-7)

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba. Con Thiên Chúa cảm nghiệm những chiều kích sâu thẳm của con người. Với cái té ngã này, Ngài tiến vào lịch sử của nhân loại đầy đủ hơn nữa. Ngài đồng hành cùng với đau khổ của nhân loại trong mọi thời điểm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

Con người vấp ngã quá thường biết chừng nào! Quá thường khi những người nam, nữ, và trẻ em phải đau khổ vì gia đình tan vỡ! Quá thường khi những người nam nữ thấy mình không có chút nhân phẩm nào bởi vì họ không có việc làm. Quá thường khi những người trẻ bị buộc phải sống trong tình trạng bất định, khiến họ mất đi niềm hy vọng cho tương lai!

Ai vấp ngã và chiêm niệm về Thiên Chúa, Đấng cũng đã ngã quỵ, là người cuối cùng có thể thừa nhận sự yếu đuối và bất lực của mình mà không sợ hay tuyệt vọng, chính vì Thiên Chúa đã có kinh nghiệm tương tự nơi Con Ngài. Chính vì lòng thương xót mà Chúa hạ mình đến độ nằm phủ phục trong cát bụi đường phố. Cát đất đẫm mồ hôi của Adong và máu của Chúa Giêsu và tất cả các vị tử đạo trong lịch sử; cát bụi được chúc phúc bởi những giọt nước mắt của rất nhiều anh chị em chúng ta đã trở thành nạn nhân của bạo lực và bóc lột. Chính vì thứ cát bụi - được chúc phúc, bị chà đạp, báng bổ và tước đoạt bởi sự ích kỷ của con người - này mà Chúa cứu độ cho tới hơi thở cuối cùng của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu,
phủ phục trên đất khô cằn này,
Chúa đang ở gần với tất cả những ai đau khổ;
Chúa đặt trong trái tim của họ sức mạnh để đứng lên trở lại.
Con cầu nguyện, xin Thiên Chúa của lòng thương xót,
cho tất cả những ai đã vấp ngã vì bất cứ lý do gì:
tội cá nhân, các cuộc hôn nhân đã bị gẫy đổ, sự cô đơn,
mất việc làm, gia đình khó khăn, hay những lo lắng cho tương lai.
Xin Chúa giúp họ hiểu rằng Chúa không xa cách họ,
bởi vì những người gần gũi nhất với Chúa, Đấng là Lòng Thương Xót nhập thể,
chính là những ai nhận thức rõ nhất nhu cầu của họ cần được thứ tha
và những ai tiếp tục hy vọng trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời!
 
Thánh Ca
Thánh Ca Mùa Chay - Tình Yêu Thánh Giá - Trình bày: Mai Hương
Minh Trung
22:18 02/04/2017