Ngày 05-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trải nghiệm đáng ao ước
Lm. Minh Anh
00:30 05/04/2021
TRẢI NGHIỆM ĐÁNG AO ƯỚC
“Các bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng”.

Cha William thăm một cô gái sắp mổ mắt. Nỗi sợ mù loà bao trùm cô gái trẻ. Quay về phía vị linh mục, cô nói, “Ôi, Chúa đang lấy đi thị giác của con!”. Cha William nghiêng mình thì thầm, “Đừng để Ngài lấy nó; con hãy dâng nó cho Ngài!”. Khuôn mặt cô gái rạng rỡ, “Con ước ao được như vậy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nỗi sợ hãi xen chút vui mừng, dẫu ít ỏi, nơi người bạn trẻ đưa chúng ta về với câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Hai phụ nữ ra khỏi mồ Chúa, “vừa sợ” lại vừa “hớn hở vui mừng”. Thật lý thú, hai trạng thái tâm lý đan xen! Làm sao một người “vừa sợ” lại vừa “hớn hở vui mừng?”. Không phải sợ hãi xói mòn niềm vui sao? Không phải niềm vui chẳng triệt tiêu được sợ hãi sao? Đặt mình vào tâm trạng của hai con người vốn đã có một ‘trải nghiệm đáng ao ước’, chúng ta sẽ có câu trả lời.

Làm sao có thể không sợ khi một thi thể lạnh ngắt và nát bươm nay sừng sững như một người chết hiện về đứng trước họ? Làm sao có thể không sợ khi một ‘thây ma’ bị chôn chặt bởi tảng đá nay chào đón họ? Ấy thế, nỗi sợ tự nhiên nay được niềm vui của ân sủng thế chỗ. Lời “Chào các bà!” tiếng Hy Lạp theo tiếng Latin là “Exsultet”; và với tâm tình của mùa Phục Sinh, sẽ được dịch là “Mừng vui lên!”. Đây là lời sứ thần nói với Đức Mẹ trong ngày truyền tin, “Mừng vui lên, đấng đầy ân sủng!”; giờ đây, không phải là lời thiên thần nhưng là lời Chúa của các thiên thần, “Mừng vui lên!”, lời Đấng Phục Sinh loan báo cho cả nhân loại biết rằng, nó đang được đầy tràn ân sủng.

Như vậy, có vẻ như nỗi sợ mà hai cô trải qua là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần, ơn kính sợ thánh thiện. Đây không phải là một nỗi sợ theo nghĩa thông thường; đúng hơn, đó là nỗi sợ vốn sẽ được định nghĩa tốt hơn khi nó là một sự tôn kính, kinh ngạc, một sự thán phục choáng ngợp. Họ kinh ngạc tột độ, một kinh ngạc gây sốc thánh thiện và cùng lúc, ngập tràn niềm vui. Bỗng nhiên, họ chợt hiểu biết, một sự hiểu biết chợt đến khiến họ ngộp thở nhưng đầy hy vọng rằng, Thầy đã sống lại, đã ra khỏi mồ. Hẳn họ phải sợ, nhưng cùng lúc, đầy niềm tin và như thế, ‘trải nghiệm đáng ao ước’ này cho phép họ tin chắc, một điều gì đó rất phi thường vừa mới xảy ra.

Đây phải là một ‘trải nghiệm đáng ao ước’ nơi chúng ta ngay hôm nay; điều đó có nghĩa là, một lần nữa, ngày Phục Sinh, ‘ngày Chúa biến đổi tôi’, ‘ngày Chúa đã làm ra’, ngày mà tôi sẽ hỷ hoan mừng kính trong tám ngày liên tiếp và cao điểm là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa. Vì thế, tám ngày tiếp theo là những ngày mà chúng ta sẽ cố gắng thâm nhập và trải nghiệm những gì mà các phụ nữ thánh thiện ấy đã có như lần đầu tiên họ trải nghiệm. Rằng, Chúa Giêsu không còn ở trong ngôi mộ và tôi cũng đã ‘ra khỏi mộ’ với Ngài. Hãy chìm sâu vào mầu nhiệm Phục Sinh; học biết mầu nhiệm này đúng như ý nghĩa tràn đầy của nó. Hãy cố gắng hiểu cho được ý nghĩa của quà tặng tuyệt vời này và thực tế là, trong sự phục sinh của mình, Chúa Giêsu đã tiêu diệt hậu quả của tội lỗi; Ngài huỷ diệt cái chết, sự ác nhưng đồng thời, đang huỷ diệt tội lỗi của tôi, hầu ban cho tôi một sự sống mới, một sức sống mới trong sức mạnh Phục Sinh của Ngài. ‘Tác động Phục Sinh’ thay đổi, làm mới tâm hồn, mời gọi chúng ta tham gia vào sự sống mới mẻ ngay ‘hôm nay và lúc này’. Đó là một ‘trải nghiệm đáng ao ước’ sinh ích nhất, và cũng cấp bách nhất. Không thể tuyệt vời hơn!

Tin Mừng cho biết, “Chúa Giêsu đón gặp các bà”. Như thế, ‘trải nghiệm đáng ao ước’ thánh thiện đích thực sẽ dẫn đến việc nhận ra Đấng Phục Sinh, ‘Đấng đón đường’ những ai sắp được biến đổi; để sau đó, sai họ đi. Phản ứng của họ bấy giờ là muốn ôm lấy Ngài, một tất yếu, “Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy”. Người ta chỉ phục lạy người họ tôn kính, mến yêu; hành động thờ phượng và tôn thờ này cho thấy họ không chỉ tin mà còn hành động bằng thờ phượng. Chúng ta cũng hãy làm vậy, theo nghĩa đen, những ngày hôm nay. Hãy quỳ gối thờ lạy Ngài! Tiếp đến, Ngài biến các cô thành sứ giả, “Hãy đi báo tin cho các anh em Ta”, quả là một ‘trải nghiệm đáng ao ước’, một trải nghiệm rằng, Ngài coi họ như bạn và sẵn sàng sai đi những ai thật sự yêu mến Ngài.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu ước ao mỗi chúng ta có được trải nghiệm ấy mỗi ngày; trong Lời Chúa, trong Thánh Thể, trong những con người, trong các biến cố lớn nhỏ, Ngài ‘đón đường’ từng người chúng ta, Ngài nói với chúng ta, “Mừng vui lên!” bởi cả vũ trụ này đang được đổi mới, ‘Con đang được đổi mới!’; ‘Hãy vui lên vì Thiên Chúa toàn thắng!’. Nhưng hãy cam kết một điều, như các bà, chúng ta phải ra khỏi nhà, ra khỏi suy nghĩ những gì thuộc tầm thấp, ra khỏi những ước muốn toan tính trần tục; nhờ đó, may ra có thể nhận ra ‘Đấng đón đường’. Làm được điều đó, chúng ta mới thật sự có được một ‘trải nghiệm đáng ao ước’ mà Đấng Phục Sinh mang lại.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong tuần Bát Nhật này, xin cho con biết chìm mình trong mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa; cho con có được một trải nghiệm choáng ngợp với Đấng Sống Lại, cũng là ‘trải nghiệm đáng ao ước’, hầu con nhận ra Chúa mỗi ngày, và nhất là, con được biến đổi và được sai đi”, Amen.

( Tgp. Huế)
 
Thứ Ba 6/4: Ý nghĩa biến cố Phục sinh. Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Giáo Hội Năm Châu
02:24 05/04/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 05-April-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Ga 20, 11-18

“Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni!” (nghĩa là “Lạy Thầy!”). Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”.

Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:11 05/04/2021

68. Tất cả của tôi đều thuộc về Đấng sáng tạo tôi, lẽ nào càng không phải thuộc về Đấng cứu chuộc tôi sao? Cứu chuộc so với sáng tạo thì càng khó hơn. Vì để sáng tạo tôi thì Ngài chỉ ra lệnh là thành; nhưng để cứu chuộc tôi thì Ngài không chỉ ra lệnh mà còn nói rất nhiều lời, giảng rất nhiều đạo lý, chịu rất nhiều đau khổ, làm rất nhiều dấu lạ, Ngài càng chịu nhiều sự thảm khốc ngược đãi mà không chỉ nói một lời là xong.

(Thánh Bernad)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:15 05/04/2021
8. CON TRAI KHÉO BIỆN

Ngày xưa, có hai cha con phân ra ở hai nơi, con trai rất giàu có, nhưng phụ thân vì già nên mang nhiều bệnh, chỉ có cách là đi ăn xin.

Một hôm, đi ăn xin qua cổng nhà của đứa con, có người chỉ ông ta và hỏi con trai của ông ta:

- “Đây không phải là phụ thân của anh sao? Tại sao anh không chăm sóc cha của anh?”

Con trai biện luận:

- “Tôi đúng là do ông ta sinh ra, nhưng hôm nay tôi không cần ăn cơm của ông ta là đủ rồi, ông có cơm của ông ta lẽ nào tôi lại cho ông ta ăn sao?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 8:

Hai điều răn lớn nhất và quan trọng nhất là kính mến Thiên Chúa và yêu người thân cận như chính mình, vì nó quan trọng tương đương nhau nên Đức Chúa Giêsu dạy rằng tuy hai nhưng chỉ là một.

Hai tội lớn nhất và nặng nhất là tội phủ nhận và chối bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, và tội làm con mà bất hiếu với cha mẹ đã sinh ra mình, có thể nói đó là hai tội nặng tương đương với nhau, vì Thiên Chúa đã trao quyền sinh sản và nuôi dưỡng con cái cho cha mẹ rồi vậy.

Thời nay có những đứa con đã lập gia đình, ăn nên làm ra không ở chung với cha mẹ nữa, và cho chuyện không ăn cơm của cha mẹ nữa là “thoát nợ…đời”, cho nên họ như những cánh chim sổ lồng bay nhảy trong cái nợ đời của mình, mặc cho cha mẹ sống chết thế nào cũng mặc kệ…

Người Ki-tô hữu “kỵ” nhất là chối bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, cũng như sống bất hiếu với cha mẹ, bởi vì không một người Ki-tô hữu nào muốn trở thành kẻ vô ơn bội nghĩa với Thiên Chúa, cũng như với người đã sinh thành dưỡng dục mình nên người hôm nay, bởi vì bất hiếu cũng có nghĩa là vô đạo. Sách Huấn Ca nói về việc kính sợ Thiên Chúa rằng:

“Kính sợ Đức Chúa đem lại vinh quang và tự hào

hân hoan và phấn khởi.

Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng,

cho con người được hoan hỷ mừng vui

và an khang trường thọ”.


Và nói về việc thảo kính cha mẹ như sau:

“Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,

ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.

Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,

khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe” (Hc 1, 11-12).


Ai biết đọc biết suy thì đọc và suy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tông Thư Vẻ Huy Hoàng Của Ánh Sáng Vĩnh Cửu Của Đức Thánh Cha Phanxicô Dịp Giỗ 700 Năm Thi Hào Dante Alighieri
Đình Chẩn
09:07 05/04/2021
Tông Thư Vẻ Huy Hoàng Của Ánh Sáng Vĩnh Cửu (Candor Lucis Aeternae) Của Đức Thánh Cha Phanxicô Dịp Giỗ 700 Năm Thi Hào Dante Alighieri

Vẻ huy hoàng của Ánh Sáng vĩnh cửu, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ thưa “Xin Vâng” như lời sứ thần truyền (x. Lc 1,38). Ngày mà Phụng vụ cử hành Mầu nhiệm khôn tả này cũng là ngày hết sức ý nghĩa đối với biến cố mang tính lịch sử và văn học của thi hào tuyệt đỉnh Dante Alighieri, vị ngôn sứ của niềm hi vọng và chứng nhân ​​của niềm khát khao bẩm sinh vô hạn trong lòng con người. Vì vậy, nhân dịp này, tôi cũng ước mong hòa mình vào dàn hợp xướng đông đảo những người muốn tôn vinh tưởng nhớ dịp 700 năm ông qua đời.

Thực vậy, ngày 25 tháng 3, ở Firenze, bắt đầu năm theo cách tính từ mầu nhiệm Nhập thể. Ngày đó, gần với thời điểm xuân phân và trong viễn tượng vượt qua, nó được liên kết với cả công trình sáng tạo vũ trụ và cả công trình cứu chuộc nhờ Đức Kitô thực hiện trên thập giá, là khởi đầu cuộc sáng tạo mới. Vì thế, trong ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng kế hoạch của tình yêu vốn là trọng tâm và là nguồn cảm hứng của Thần Khúc, tác phẩm nổi tiếng nhất của Thi Hào, mà trong ca khúc cuối cùng thì sự kiện Nhập thể đã được thánh Bênađô ghi nhớ với những câu thơ trác tuyệt:

“Trong lòng Mẹ, lửa yêu thương bừng cháy

Mến-Cậy-Tin luôn son sắt nồng nàn

Trong lòng Mẹ, nôi vĩnh cửu bình an

Cho Nụ Sen trắng ngần e ấp nở”.

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 7-9).

Ngay từ trong Luyện ngục, Dante đã tái hiện, cảnh Truyền tin được khắc trên những bậc thang núi đá (Thần Khúc Luyện Ngục, Ca khúc X, 34-37, 40-45).

Vì vậy, trong hoàn cảnh này, không thể thiếu tiếng nói của Giáo hội đồng tâm nhất trí tưởng niệm con người và nhà thơ Dante Alighieri. Hơn ai hết, ông đã biết cách diễn tả chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa và tình yêu, bằng chính vẻ đẹp của thơ ca. Thi phẩm của ông, biểu hiện tuyệt đỉnh của thiên tài, là kết quả của một nguồn cảm hứng vừa mới mẻ vừa sâu sắc, mà Thi Hào nhận thức được khi nói:

“Đến bao giờ tiếng thi phẩm thiêng thánh

Trời và đất cùng viết với bàn tay”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca khúc XXV, 1-2).

Với Tông thư này, tôi muốn hiệp ý cùng các vị Tiền nhiệm, tôn vinh và kỷ niệm Thi Hào, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất, để một lần nữa mời gọi Giáo hội quan tâm, từ các tín hữu thông thường đến các học giả văn học, các thần học gia và các nghệ sĩ.

Tôi xin gợi nhớ lại một cách ngắn gọn những sự kiện này, tập trung vào các vị Giáo hoàng gần nhất và các tài liệu quan trọng nhất của các Ngài.

1. Những lời của các vị Giáo hoàng Roma của thế kỷ trước nói về Dante Alighieri

Một thế kỷ trước, vào năm 1921, nhân dịp kỷ niệm 600 năm giỗ Thi Hào, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV, đã thu thập những ý tưởng xuất hiện trong các triều đại Giáo hoàng trước đó, đặc biệt là của Đức Lêô XIII và Thánh Piô X, đã kỷ niệm sinh nhật Dante với một Thông điệp, [1] hay bằng cách thúc đẩy công việc trùng tu Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Ravenna, thường được gọi là nhà thờ thánh Phanxicô, nơi cử hành tang lễ và mai táng thi hào Alighieri. Khi đánh giá cao nhiều sáng kiến ​​nhằm tôn vinh kỷ niệm, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố quyền của Giáo hội là “Mẹ”, trở thành nhân vật chính trong những lễ tưởng niệm này, tôn vinh Dante “người con của mình”[2]. Ngay trong Thư gửi Đức Cha Pasquale Morganti, Tổng Giám mục Ravenna, vị chấp thuận chương trình kỷ niệm trăm năm, Đức Biển Đức XV đã nêu lý do như sau: “Hơn nữa (và điều này còn quan trọng hơn) thêm một lý do đặc biệt giải thích tại sao chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể để tưởng nhớ với sự tham gia đông đảo của dân chúng, vì sự thật là Alighieri là của chúng ta. [...]

Thật vậy, ai có thể phủ nhận rằng Dante của chúng ta đã được tiếp thêm sức mạnh và nhiệt huyết khéo léo cùng với phẩm chất thi ca lấy cảm hứng từ đức tin Công Giáo, đến mức thi sĩ đã hát lên những mầu nhiệm tuyệt diệu của đạo trong một thi phẩm gần như thần thánh? ”. [3]

Trong một thời điểm lịch sử được đánh dấu bởi nhiều ác cảm giác với Giáo hội, Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại, trong Thông điệp nói trên, rằng Thi Hào thuộc về Giáo hội, “sự kết hợp mật thiết của Dante với Ngai tòa Phêrô”; thậm chí, Ngài đã tuyên bố rằng tác phẩm của Thi Hào, mặc dù diễn tả “rộng lớn phi thường và cực kỳ tinh tế”, thì ông cũng đã khơi “Nguồn cảm hứng mạnh mẽ” từ chính đức tin Kitô giáo. Vì lý do này, Đức Biển Đức XV tiếp tục nhận định, “chúng ta không chỉ ngưỡng mộ nơi ông chiều cao thiên tài cực kỳ tinh tế, mà còn bởi những chủ đề vô cùng rộng lớn mà đạo thánh đã khơi nguồn thi phẩm của ông”. Và ông ca ngợi, đáp lại cách gián tiếp những người phủ nhận hoặc chỉ trích ma trận tôn giáo trong tác phẩm của ông: “Alighieri cùng hít thở bầu khí sùng đạo tương tự ở trong chúng ta; đức tin của ông cũng có cùng những tâm tình như vậy. […] Đây là lời tôn vinh chính yếu của ông: được làm một thi sĩ Kitô giáo và được hát lên với hầu hết mọi cung giọng thần thánh những lý tưởng Kitô giáo mà ông đã chiêm ngưỡng bằng cả tâm hồn vẻ đẹp và sự huy hoàng”. Tác phẩm của Dante- Đức Giáo Hoàng nói tiếp -là một minh chứng hùng hồn và hợp lệ để "chứng minh rằng thật sai lầm khi cho rằng tâm trí qui phục Thiên Chúa là kìm hãm đôi cánh thiên tài, trong khi ngược lại, Ngài thúc đẩy và nâng nó lên”. Đối với điều này, Đức Giáo Hoàng còn tuyên bố: “Những lời dạy của Dante để lại cho chúng ta trong tất cả các tác phẩm của ông, nhưng đặc biệt là trong bộ ba của ông” có thể phục vụ “như một hướng dẫn rất có giá trị cho con người của thời đại chúng ta” và đặc biệt là cho các sinh viên, các học giả, vì “khi sáng tác thi phẩm ấy, ông không có mục đích nào khác ngoài việc giải thoát những người phàm khỏi tình trạng khốn khổ, tức là khỏi tội lỗi và dẫn họ đến tình trạng hạnh phúc, tức là được ân sủng thiêng liêng”.

Mặt khác, dịp kỷ niệm 700 năm ngày sinh, năm 1965, Thánh Phaolô VI đã có nhiều động thái khác nhau. Ngày 19 tháng 12, Ngài tặng một cây thánh giá vàng, tô điểm thêm cho ngôi nhà nguyện ở Ravenna, nơi thi hào Dante an nghỉ, cho tới bấy giờ, còn thiếu “một dấu chỉ tôn giáo và hi vọng như thế”. (4)

Vào ngày 14 tháng 11, Ngài đã gửi đến Firenze một vòng nguyệt quế vàng được đặt trong Giếng rửa tội của nhà thờ thánh Gioan. Cuối cùng, ở phần kết công trình của Công đồng chung Vatican II, Ngài muốn tặng một ấn bản nghệ thuật tác phẩm Thần Khúc cho các Nghị phụ Công đồng. Nhưng trên tất cả, Ngài tôn vinh tưởng nhớ Thi Hào Đỉnh Cao với Tông thư Altissimi cantus-Ca Khúc Tuyệt Đỉnh [5] trong đó, Ngài đã tái khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa Giáo hội và Dante Alighieri: “Có thể ai đó hỏi rằng đời thuở nào Giáo Hội Công Giáo, qua ý muốn và sứ vụ của người Đại diện hữu hình, lại lưu tâm tổ chức kỉ niệm và tôn vinh thi sĩ Phirenxê đến mức như thế. Câu trả lời thật dễ dàng và có ngay lập tức: bởi vì Dante Alighieri là người của chúng tôi với một quyền lợi đặc biệt: là người của chúng tôi, tức là của Đạo Công Giáo, bởi vì tất cả đều xoay quanh tình yêu Đức Kitô; là người của chúng tôi vì ông đã tha thiết yêu mến và hát lên với bao niềm tôn kính Giáo Hội, là người của chúng tôi vì ông đã thừa nhận và tôn kính Vị Đại diện Chúa Kitô ở trần gian là Đức Giáo Hoàng Roma”.

Nhưng đặc quyền này, Đức Giáo Hoàng nói tiếp, không cho phép thái độ đắc thắng, mà đại diện cho một cam kết: “Dante là của chúng tôi, xin phép được nhắc lại, và chúng tôi khẳng định điều đó không phải là để tự tôn mình vì lòng cao ngạo hay tham vọng có chiến tích ấy, cho bằng để nhắc nhở chính mình có bổn phận phải thừa nhận như thế, và truy tìm trong tác phẩm của ông những sự phong phú khôn tả về sức mạnh và ý nghĩa của tư tưởng Kitô giáo, như chúng tôi tin tưởng rằng chỉ có ai biết đào sâu xuống đáy hầm bí mật của tâm hồn sùng đạo nơi thi sĩ tuyệt đỉnh này mới có thể hiểu được sâu sắc và nếm hưởng được những niềm vui tương xứng với những kho tàng tâm linh tuyệt diệu ẩn dấu trong thi phẩm”.

Nghĩa vụ này cũng không miễn trừ Giáo hội đón nhận cả những lời chỉ trích mang tính ngôn sứ do Nhà Thơ phê bình những người có trách nhiệm loan báo Tin Mừng và đại diện, không phải chính họ, mà là Chúa Kitô: “Giáo Hội cũng không hối tiếc nhắc lại rằng ông đã cất cao tiếng nói và đã mạnh mẽ chống lại một số vị Giáo Hoàng Roma, và với niềm cay đắng, ông đã khiển trách các cơ chế của Giáo Hội, và các thừa tác viên đại diện Giáo Hội”. Tuy nhiên, rõ ràng là: “Phần còn lại, phải thừa nhận rằng tính khí của ông nồng nhiệt như thế, song chưa bao giờ ông bị chao đảo về đức tin Công Giáo, vốn rất vững chắc, cũng như tấm lòng con thảo luôn sắt son với Mẹ Hội Thánh”.

Do đó, Đức Phaolô VI đã minh họa những đặc điểm khiến thi phẩm của Dante trở thành một nguồn tâm linh phong phú cho tất cả: “Chắc chắn thi phẩm của Dante Alighieri có giá trị phổ quát: trong bề rộng mênh mông ôm trọn cả thực tại, cả trời và đất, cả vĩnh cửu và thời gian, cả những mầu nhiệm của Thiên Chúa và những sự kiện của con người, cả những giáo lý thánh thiêng và những quy luật thế tục, cả khoa học khơi nguồn trong Mạc Khải thánh và khoa học kín múc từ ánh sáng lí trí, cả bao nhiêu kinh nghiệm mà ông đã trực tiếp kinh qua cộng với những ký ức về lịch sử”. Nhưng trên tất cả, Ngài đã xác định được mục đích nội tại của sự nghiệp Dante và đặc biệt là Thần Khúc, một mục tiêu không phải lúc nào cũng được đánh giá và đánh giá rõ ràng: “Mục đích của Thần Khúc trước tiên là thực tiễn, nhằm đổi mới và hoán cải. Thực vậy, nó không chỉ trình bày đẹp hết sức thi vị và tốt lành về mặt đạo đức, mà nhất là nhằm biến đổi con người tận gốc rễ và dẫn đưa từ cảnh hỗn loạn đến đức khôn ngoan, từ tình trạng tội lỗi đến sự thánh thiện, từ đau khổ tới hạnh phúc, từ việc suy xét những cảnh rợn rùng trong Địa Ngục tới chiêm ngắm các Mối phúc thật trên Thiên Đàng”.

Trong một thời điểm lịch sử đầy căng thẳng giữa các dân tộc, Đức Giáo Hoàng đã lưu tâm đến lý tưởng hòa bình và được tìm thấy trong tác phẩm của Thi Hào một phản ánh quý giá để thúc đẩy và khơi dậy nó: “Sự bình an vốn liên quan tới các cá nhân, các gia đình, các quốc gia, tới xã hội loài người, bình an nội tâm cũng như bình an bên ngoài, bình an của từng người cũng như bình anh nơi công cộng. Trật tự hòa bình này bị xáo trộn và lung lay bởi vì lòng đạo đức và công lý bị coi thường. Vì thế, để tái lập trật tự này cũng như thực hiện ơn cứu độ, thì lương tâm thức tỉnh về tình trạng sống của nhân loại trên trần gian cần được soi dẫn trong sự tương tác hài hòa giữa đức tin và lý trí, giữa Thiện Bích và Vinh Dự Lưu, giữa Thập Giá và Đại Bàng, giữa Giáo Hội và Đế Quốc”. Trong dòng này, Ngài đã định nghĩa Thi Phẩm dưới góc độ hòa bình như sau:

“Chắc chắn rằng Thần Khúc là thi phẩm của hòa bình: là ca khúc sầu thảm về bình an bị đánh mất vĩnh viễn trong Địa Ngục; là ca khúc du dương về bình an mà con người khao khát hướng tới trong Luyện Ngục; và Thiên Đàng hiển nhiên là ca khúc tuyệt diệu tán dương sự bình an đạt được cách trọn vẹn và vĩnh viễn”.

Mô hình tác phẩm Thần Khúc

Theo quan điểm này, Đức Giáo Hoàng tiếp tục: “Chính vì thế, thi phẩm này bận tâm đến việc thanh tẩy mọi khía cạnh của xã hội, với việc khẳng định tự do giải phóng khỏi ách nô lệ của sự dữ, và nó thúc đẩy tâm hồn biết tìm kiếm và mến yêu Thiên Chúa trong việc sử dụng xứng đáng những hồng ân của Người, dù là những quà tặng liên quan tới lịch sử, hay những hồng ân liên quan tới mọi khía cạnh cuộc sống. [...] tuyên xưng một bảng định giá và một hệ thống thăng tiến tất cả những gì là nhân bản”. Nhưng Đức Phaolô VI còn nhắc lại những điều khác chính là những phẩm chất trong chủ nghĩa nhân văn của Dante: “Trong Dante Alighieri không những thừa nhận mà còn tôn vinh tất cả những giá trị nhân văn (trí tuệ, đạo đức, tình cảm, văn hóa, văn minh). Điều đáng lưu ý ở đây là những điều thiện hảo này đều được đánh giá và được quý mến khi ông trầm mình trong Thần Linh, nơi mà việc chiêm niệm có thể xa rời những yếu tố trần gian”. Do đó, Đức Giáo Hoàng đã công minh tuyên bố danh hiệu Thi Hào Tuyệt Đỉnh và định nghĩa tính từ thần thánh gán cho Thần Khúc, cũng như công bố Dante là “chúa tể của Ca Khúc Tuyệt Đỉnh”, trong chính Tông thư.

Hơn nữa, bằng cách đánh giá những phẩm chất nghệ thuật và văn chương phi thường của Dante, Đức Phaolô VI đã khẳng định lại một nguyên tắc mà nhiều lần được Ngài khẳng định: “thần học và triết học đều có một tương quan khác với thơ ca, hệ tại ở điều này: khi vẻ đẹp trao tặng cho học thuyết những nét trang trí và tấm áo choàng của nó- khi thì bằng vẻ êm dịu của ca khúc, khi thì với những hình ảnh nghệ thuật gợi hình,- nó sẽ mở đường cho nhiều người tiếp cận những giáo huấn quý báu. Những phân tích cao siêu và những lý luận tinh vi không tới được những người hèn mọn, -dẫu rằng họ là số đông-, vốn luôn khao khát ăn bánh chân lý. Ngược lại, họ cảm nhận được, nếm được, đánh giá được công hiệu và quà tặng của vẻ đẹp; và chính qua con đường này, mà chân lý tỏa sáng cho họ và nuôi dưỡng họ. Chính tác giả của ca khúc tuyệt đỉnh đã đảm nhận và thực hiện công việc này, vì thế, vẻ đẹp trở thành nữ tì của sự thiện và của chân lý, và sự thiện là chất liệu của vẻ đẹp”. Cuối cùng, trích dẫn Thần Khúc, Đức Phaolô VI đã kêu gọi mọi người: “Hãy tôn vinh Thi Hào Tuyệt Đỉnh !” (Thần Khúc Địa Ngụ, Ca Khúc IV, 80).

Về Thánh Gioan Phaolô II, người đã nhiều lần đưa các tác phẩm của Thi Hào Tuyệt Đỉnh trong các bài diễn từ của Ngài, tôi chỉ xin nhắc lại sự kiện ngày 30 tháng 5 năm 1985 tại lễ khánh thành triển lãm Dante ở Vatican. Cũng như Đức Phaolô VI, Ngài nhấn mạnh thiên tài nghệ thuật: “Tác phẩm của Dante được minh giải như là “một thực tại tưởng tượng, vốn nói về đời sống ở thế giới bên kia và về mầu nhiệm của Thiên Chúa với sức mạnh tư tưởng thần học, được biến đổi bởi ánh quang huy hoàng của nghệ thuật và thơ ca kết hợp với nhau”. Sau đó, Đức Giáo Hoàng tạm dừng để xem xét một thuật ngữ chìa khóa trong tác phẩm của Dante: “Thần hóa. Đây là nỗ lực tột cùng của Dante: để đảm bảo rằng sự nặng nề của con người không phá hủy chất thiêng liêng trong chúng ta, cũng như sự vĩ đại của thần thánh không phá bỏ giá trị của con người. Vì lý do này, Thi Hào đã đọc đúng câu chuyện của cá nhân mình và của toàn thể nhân loại bằng từ chìa khóa thần học”.

Đức Biển Đức XVI thường đề xuất lại hành trình của Dante, lấy ý tưởng từ các tác phẩm của ông để suy tư và chiêm niệm. Ví dụ, khi nói về Thông điệp Deus caritas est đầu tiên của mình, Ngài bắt đầu từ chính viễn tượng của Dante về Thiên Chúa, trong đó “ánh sáng và tình yêu là một” để tái đề xuất một suy tư của Ngài về sự mới mẻ trong thi phẩm của Dante: “Cái nhìn của Dante trực giác thấy một điều hoàn toàn mới […]. Ánh sáng vĩnh cửu hiển hiện trong ba vòng tròn mà ông đề cập đến trong những câu thơ đặc sắc mà chúng ta biết:

Hỡi Ánh Sáng vĩnh hằng tỏa linh hứng

Chỉ trong Người mới hiểu được Người thôi

Người thấu hiểu ! Yêu say đắm ! Mỉm cười !

Người hiểu Người và chỉ Người thấu hiểu !

(Thần Khúc Thiên Đàng XXXIII, 124-126).

Trên thực tế, thậm chí còn gây sốc hơn về mặc khải của Thiên Chúa như một vòng tròn tri thức và tình yêu Ba Ngôi là nhận thức về một khuôn mặt con người - khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô - xuất hiện với Dante trong vòng tròn trung tâm của Ánh sáng. […] Vị Thần này có một khuôn mặt con người và - chúng ta có thể thêm vào - một trái tim con người”. [6] Đức Giáo Hoàng nêu bật tính độc đáo của thị kiến của Dante trong đó nét mới mẻ của kinh nghiệm Kitô giáo, nảy sinh từ mầu nhiệm nhập thể, được truyền đạt một cách thi vị: “Sự mới mẻ của một tình yêu đã thúc đẩy Thiên Chúa mang một khuôn mặt con người, thực sự là cả máu thịt, toàn thể con người ”. [7]

Về phần mình, trong Thông điệp đầu tiên, Lumen fidei, [8] tôi đã nói đến Dante để thể hiện ánh sáng của đức tin, trích dẫn câu thơ trong Thiên Đàng, trong đó nó được mô tả là:

“Tia sáng chân lý bừng lên như ngọn lửa

Cháy trong tôi như sao giữa trời đêm”.

(Thần Khúc Thiên Đàng XXIV, 145-147).

Nhân dịp 750 năm ngày sinh của Thi Hào, tôi muốn tôn vinh tưởng nhớ ông với một thông điệp, hy vọng rằng “hình bóng Alighieri và tác phẩm của ông sẽ được hiểu và đánh giá một cách mới mẻ”; và tôi đã đề xuất đọc Thần Khúc như là “một hành trình vĩ đại, thực sự là một cuộc hành hương đích thực, dù mang tính cá nhân và nội tâm, cũng như mang tính cộng đồng, giáo hội, xã hội và lịch sử ”; trên thực tế, “nó đại diện cho mô hình của mọi cuộc hành trình đích thực, trong đó nhân loại được kêu gọi rời bỏ cái mà Dante định nghĩa là “thảm họa vốn làm cho chúng ta trở nên hung dữ” (Thiên Đàng ca khúc XXII, 151) để đạt đến một tình trạng mới, được đánh dấu bằng sự hòa hợp, an bình và hạnh phúc”. [9] Do đó, tôi đã chỉ ra chân dung của Thi Hào Tuyệt Đỉnh cho những người đương thời với chúng ta, khi đề xuất ông là “Tiên tri của hy vọng, người báo trước về khả năng cứu chuộc, giải phóng, về sự thay đổi sâu sắc của mọi người nam và nữ, của toàn thể nhân loại”. ​​[10]

Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 10 năm 2020, Phái đoàn của Tổng giáo phận Ravenna-Cervia, nhân dịp khai mạc Năm Dante và công bố tài liệu này, tôi đã nhận định công trình của Dante ngày nay có thể thậm chí vẫn còn làm phong phú cho lòng trí của rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, những người tiếp cận thơ ông “chừng nào có thể tiếp cận được, thì chắc chắn, không tránh khỏi, họ sẽ thấy, một mặt, tất cả sự xa cách với tác giả và thế giới ấy; và mặt khác, họ lại cảm nhận được một sự đồng điệu đáng ngạc nhiên” [11]

2. Cuộc đời của Dante Alighieri, kiểu mẫu về thân phận con người

Với Tông thư này, tôi cũng mong muốn được tiếp cận cuộc đời và tác phẩm của Nhà thơ lừng lẫy để cảm nhận chính sự đồng điệu này, cho thấy cả tính thời sự và vĩnh cửu của thi phẩm, để nắm bắt được những cảnh báo và những suy tư mà ngày nay vẫn còn cần thiết không chỉ cho những người tín hữu mà cho toàn thể nhân loại. Công trình của Dante, trên thực tế, là một phần không thể thiếu của nền văn hóa chúng ta, nó đề cập đến chúng ta về nguồn gốc Kitô giáo của Châu Âu và Phương Tây, nó đại diện cho kho tàng của những lý tưởng và giá trị mà ngay cả Giáo hội và xã hội dân sự ngày nay cũng đề xuất làm nền tảng cho đời sống chung mang tính nhân bản, trong đó tất cả chúng ta có thể và phải nhìn nhận nhau là anh em. Không đi sâu vào những phức tạp lịch sử cá nhân, chính trị và pháp lý của Alighieri, tôi chỉ muốn nhắc lại một số khoảnh khắc và sự kiện trong cuộc đời ông, mà dường như đặc biệt gần gũi với rất nhiều người cùng thời với chúng ta cũng như là cần thiết để hiểu tác phẩm của ông.

Tại thành phố Firenze, nơi ông sinh ra vào năm 1265 và nơi ông kết hôn với bà Gemma Donati và sinh ra bốn người con, ngay từ đầu, ông đã có một cảm thức gắn bó sâu sắc với quê hương, tuy nhiên, do những bất ổn chính trị, theo thời gian ông đã trở thành kẻ lưu vong lạc lõng. Tất nhiên, khao khát trở lại quê hương không bao giờ hao mòn, không chỉ vì tình cảm mà ông không ngừng dành cho quê mình, nhưng trên hết là để được trao vương miện thi sĩ nơi ông đã được lãnh nhận Bí tích rửa tội và đức tin (x. Thiên Đàng XXV, 1-9). Trong tiêu đề của một số bức thư (III, V, VI và VII), chính Dante xác định mình là “florentinus et exul inmeritus” (người Firenze bị lưu đày bất công), còn trong thư XIII, gửi đến Cangrande della Scala, ông xác định mình là “Florentinus natione non moribus”(người Firenze được sinh ra chứ không do sinh sống). Ông, một người Guelph da trắng, thấy mình có liên quan đến cuộc xung đột giữa người Guelph và Ghibellini, giữa những người Guelph da trắng và đen, và sau khi nắm giữ các chức vụ công ngày càng quan trọng, lên đến chức giáo trưởng, do những biến cố chính trị bất lợi, vào năm 1302, ông bị lưu đày trong hai năm, bị cấm đến công sở và bị kết án phải trả tiền phạt. Theo quan điểm của mình, Dante bác bỏ phán quyết là bất công, và điều đó càng làm cho hình phạt trở nên gay gắt hơn: bị lưu đày vĩnh viễn, tịch thu tài sản và án tử hình trong trường hợp trở về quê hương. Đó là khởi đầu câu chuyện đau đớn của Dante, người cố gắng vô vọng để có thể trở lại với quê hương Firenze yêu dấu, nơi ông đã chiến đấu với niềm đam mê.

Do đó, ông trở thành kẻ lưu đày, “người hành hương trầm ngâm”, rơi vào tình trạng “nghèo khổ đau đớn” ( Convivio I, III, 5) khiến ông phải tìm nơi ẩn náu nơi một số lãnh chúa địa phương, bao gồm cả Scaligeri của Verona và Malaspina ở Lunigiana. Theo lời của Cacciaguida, tổ tiên của Nhà thơ, cay đắng và lo lắng nhận thấy trong điều kiện mới này:

“Phải rời xa những gì yêu quý nhất

Như mũi tên bắn vào kiếp lưu đày

Đây khởi đầu trăm ngàn nỗi đắng cay

Con sẽ thấy như ăn mày kẻ khác

Từng miếng cơm nếm mùi vị mặt chát

Từng bước chân cầu thang thật nặng nề”.

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XVII 55-60)

Rồi, do không chấp nhận những điều kiện nhục nhã của một lệnh ân xá cho phép ông trở lại thành Firenze, trong năm 1315 một lần nữa ông bị kết án tử hình, lần này là cùng với những đứa con tuổi niên thiếu của mình. Chặng cuối cùng ông phải lưu đày là thành Ravenna, nơi ông được Guido Novello da Polenta chào đón, và nơi ông qua đời, sau nhiệm vụ trở về từ thành Venice, ở tuổi 56, vào đêm giữa ngày 13 và ngày 14 tháng 9 năm 1321. Ông được mai táng trong mộ bên đền thờ Thánh Phêrô Cả, gần bức tường bên ngoài của tu viện dòng Phanxicô cổ, sau đó được chuyển đến một ngôi đền liền kề vào thế kỷ XVIII, nơi mà, sau những biến cố đau khổ, vào năm 1865, hài cốt của ông đã được thu thập lại. Ngày nay nơi đây vẫn là điểm đến của vô số du khách và những người ngưỡng mộ Thi Hào Tuyệt Đỉnh, cha đẻ của ngôn ngữ và Văn học Ý.

Trong cuộc đời lưu vong, tình yêu dành cho thành phố quê hương, bị “những người đồng hương khét tiếng” (Ep. VI, 1) phản bội, đã biến thành nỗi buồn hoài cổ. Sự thất vọng sâu sắc vì sự sụp đổ của các lý tưởng chính trị và dân sự nơi ông cùng với cuộc lữ hành đau đớn từ thành này đến thành khác để tìm nơi ẩn náu và hỗ trợ không phải là điều xa lạ với tác phẩm văn học và thơ ca của ông, thậm chí chúng tạo thành gốc rễ thiết yếu và động lực cơ bản cho các tác phẩm ấy. Khi Dante mô tả những người hành hương trên đường đến thăm các thánh địa, một cách nào đó, nó đại diện cho tình trạng hiện hữu và thể hiện tình cảm sâu kín nhất của ông: "Ôi, những người hành hương vừa đi vừa trầm tư..." ( Vita Nova, 29 [XL (XLI), 9], câu 1). Mô típ này trở lại nhiều lần, như trong câu phần Luyện ngục :

“Như đoàn hành hương gặp những kẻ không quen

Ngoái cổ nhìn mà không dừng lại”

(Luyện Ngục, Ca Khúc XXIII, 16-18).

Nỗi sầu muộn của Dante lữ hành và lưu vong cũng được cảm nhận trong những câu thơ nổi tiếng của Ca khúc VIII Luyện Ngục:

“Nghiêng nghiêng bóng ngả giăng màn

Thuyền xa khơi sóng sánh tràn hoàng hôn

Trầm đưa văng vẳng lầu chuông

Vẳng lan điệu nhớ, trầm buông cuống chiều”.

(VIII, 1-3).

Khi chiêm nghiệm sâu sắc về hoàn cảnh sống lưu vong của cá nhân mình, về sự bấp bênh triệt để, về sự mong manh yếu đuối, về sự di chuyển liên tục, Dante đã biến đổi nó, thăng hoa nó, thành một kiểu mẫu về tình trạng con người, thể hiện như một cuộc hành trình, nội tâm hơn là ngoại tại, không bao giờ dừng lại cho đến khi đạt được mục tiêu. Chúng tôi bắt gặp, do đó, trong hai chủ đề cơ bản trong tất cả các tác phẩm của Dante: điểm khởi đầu của mọi hành trình hiện sinh, ước muốn bẩm sinh trong tâm hồn con người, và điểm đến, hạnh phúc, được ban cho qua thị kiến về Tình yêu là Thiên Chúa.

Nhà thơ tối cao, dù trải qua những biến cố kịch tính, đau buồn và khốn khổ nhưng không bao giờ cam chịu, ông không bao giờ khuất phục, không chấp nhận kìm nén khao khát hạnh phúc viên mãn âm ỉ trong lòng, cũng không cam chịu nhượng bộ bất công, đạo đức giả, sự kiêu ngạo quyền lực, ích kỷ làm cho thế giới của chúng ta “góc sân đình bon chen gian ác” (Thần Khúc Thiên Thiên Đàng, Ca Khúc XXII, 151).

3. Sứ mệnh của Nhà thơ, nhà tiên tri của hy vọng

Do đó, Dante đọc lại cuộc đời của chính mình trên hết dưới ánh sáng đức tin, cũng khám phá ra ơn gọi và sứ mệnh được giao phó cho mình, mà thật nghịch lý, vì một người dường như đã thất bại và thất vọng, một tội nhân và thất vọng, ông trở thành một nhà tiên tri của hy vọng. Trong Thư gửi Cangrande della Scala, ông minh định, hết sức rõ ràng, mục đích công việc của ông, được thực hiện và không còn được thể hiện thông qua các hành động chính trị hoặc quân sự nhưng nhờ thơ ca, nghệ thuật ngôn từ cho tất cả, có thể thay đổi tất cả mọi người: “Chúng ta phải nói ngắn gọn rằng mục đích của toàn bộ và từng phần của tác phẩm là giúp những người sống trong cuộc đời này thoát khỏi tình trạng khốn khổ và đưa họ đến trạng thái hạnh phúc” (XIII, 39 [15]). Mục đích này đặt ra một con đường giải phóng khỏi mọi tình trạng khốn khổ và suy thoái của con người (“khu rừng tăm tối”) đồng thời hướng đến mục tiêu cuối cùng: hạnh phúc, được hiểu cả là cuộc sống viên mãn trong lịch sử và như niềm hạnh phúc vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Với mục đích kép của chương trình sống táo bạo này, Dante là một sứ giả, nhà tiên tri và nhân chứng đã được trao sứ mệnh từ nàng Thiện Bích:

Chàng đừng quên chú ý khải hoàn xa

Khi về dưới đó chàng sẽ viết ra

Tất cả những gì tai nghe mắt thấy”.

(Thần Khúc Luyện Ngục, Ca Khúc XXXII, 103-105).

Cacciaguida, tổ tiên của ông, cũng khuyên ông không được chùn bước cho sứ vụ của mình. Gửi nhà thơ, người nhớ lại thoáng qua cuộc hành trình của mình trong ba cõi của thế giới bên kia, và những gì ông thấy khó khăn khi truyền đạt những sự thật gây đau đớn, khó chịu đó, vị tổ tiên nổi tiếng trả lời:

“Những lương tâm mờ ám đáng xấu hổ

Bởi việc mình gây ra hay bất cứ ai

Lời con nói họ nghe phát chói tai.

Đừng vì thế mà quanh co nói dối

Hãy nói ra những gì con xem thấy

Cho phường ghẻ lở phải gãi thôi”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XVII, 124-129).

Trong phần Thiên Đàng, thánh Phêrô cũng thúc đẩy Dante tương tự để ông can đảm sống sứ mệnh tiên tri của mình, sau một cuộc phản công khủng khiếp chống lại Giáo hoàng Boniface VIII, thì thánh nhân đã hướng về Nhà thơ:

“Còn phần con, hỡi con trai yêu quý

Qua thập tử nhất sinh về dương gian

Hãy lên tiếng điều ta đã truyền ban

Đừng che giấu điều tai nghe mắt thấy”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXVII, 64-66).

Do đó, việc tố cáo và chỉ trích những người đó cũng được đưa vào sứ mệnh tiên tri của Dante, dù là các tín hữu, hay cả Giáo hoàng, những người phản bội sự trung thành với Chúa Kitô và biến Giáo hội thành công dụng cho lợi ích vị kỷ, quên đi tinh thần của các Mối phúc và lòng bác ái đối với những người nhỏ bé và người nghèo và thần tượng hóa những người quyền lực và giàu có:

“Hết những gì mà Giáo hội quản lý

Để dành cho dân Chúa đến cầu xin

Chứ đâu phải để phì gia vinh thân

Hay để làm điều gì tồi tệ khác”

Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXII, 82-84).

Nhưng qua lời kể của Thánh Pier Damiani, Thánh Biển Đức và Thánh Phêrô, Nhà thơ, trong khi tố cáo sự thối nát của một số thành phần trong Giáo hội, cũng loan báo cuộc đổi mới sâu sắc và khẩn cầu ơn Chúa quan phòng phù trợ cho thành hiện thực:

“Nhưng nhờ ơn quan phòng trên cao thẳm

Cho Đấng kia xuất hiện ở Roma

Sẽ sớm thôi như ta đã nói ra

Sẽ gìn giữ vinh quang của thế giới”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXVII, 61-63)

Dante, kẻ lưu vong, người hành hương, mong manh yếu đuối, nhưng bây giờ ông mạnh mẽ trong trải nghiệm vừa sâu sắc vừa thân mật; kinh nghiệm ấy đã biến đổi ông, tái sinh ông nhờ thị kiến từ đáy Địa Ngục, từ thân phận con người suy thoái tột cùng đã nâng ông lên thị kiến chính Thiên Chúa, do đó, ông đứng lên như một sứ giả về một hiện sinh mới, như một nhà tiên tri của một nhân loại mới khao khát hòa bình và hạnh phúc.

4. Dante ca sĩ của khát vọng con người

Dante biết cách đọc trong sâu thẳm trái tim con người và trong tất cả mọi người, ngay cả trong những nhân vật đáng kinh ngạc và đáng lo ngại nhất, ông có thể nhìn thấy một tia sáng khát khao đạt được một niềm hạnh phúc nào đó, một cuộc sống viên mãn. Ông dừng lại để lắng nghe những linh hồn gặp gỡ trên đường, đối thoại với họ, hỏi họ để xác định và tham gia vào những đau khổ của họ hoặc trong hạnh phúc của họ. Khởi đi từ tình trạng cá nhân của mình, ông đã trở thành người giải thích niềm khát khao chung của mọi người, muốn tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi đạt được bến đỗ cuối cùng, cho đến khi sự thật, lời giải đáp cho ý nghĩa cuộc đời được tỏ lộ, để như thánh Augustino đã khẳng định, lòng người không được yên nghỉ cho đến khi nghỉ yên nơi Chúa.

Trong tác phẩm Bữa Tiệc-Convivio, ông phân tích chính xác tính năng động của ước muốn: “Ước muốn tột cùng của tất cả, và trên hết từ bản chất được phú bẩm, là trở về với căn nguyên của nó. Tất nhiên, Thiên Chúa là nơi khởi đầu của linh hồn chúng ta […], thì linh hồn khát mong nhất là được trở lại với Ngài. Đúng như một người hành hương đi trên đường mà anh ta chưa từng đến, anh thấy mọi ngôi nhà nhìn xa xa đều tin rằng đó là quán trọ, và khi không tìm thấy nhà này, anh lại hướng đến nhà khác, và cứ thế từ nhà này sang nhà khác, cho đến khi tới quán trọ; tâm hồn của chúng ta cũng vậy, trong hành trình mới và chưa bao giờ có ai từng đi qua, nó hướng mắt về điều thiện tốt đẹp nhất của mình ở cùng đích hành trình, và do đó, bất cứ điều gì nó thấy có một số điều có vẻ tốt, thì nó đều tin rằng đó là cùng đích” (IV, XII, 14-15).

Hành trình của Dante, đặc biệt là hành trình được minh họa trong Thần Khúc, thực sự là hành trình khát vọng, về nhu cầu sâu sắc và nội tâm để thay đổi chính cuộc đời mình, để đạt được hạnh phúc và như thế là tìm thấy con đường cho những ai kiếm tìm, giống như chính ông, trong một “khu rừng tối tăm” và đã lạc mất “chính đạo”. Nó cũng có ý nghĩa rằng, ngay từ chặng đầu tiên của cuộc hành trình này, người hướng đạo, thi hào Latinh vĩ đại Virgil, đã chỉ cho ông điểm đến mà ông phải đến, thúc giục ông không được nhượng bộ vì sợ hãi và mệt mỏi:

“Còn ngươi sao nản lòng chuyện rối bời?

Sao không hướng đỉnh thiên khơi?

Sao không về bến rạng ngời hạnh phúc?”

(Thần Khúc Địa Ngục, Ca Khúc I, 76-78).

5. Thi sĩ về lòng thương xót của Thiên Chúa và tự do của con người

Đó không phải là một con đường viển vông hay ảo tưởng mà thực tế và khả thi, trong đó mọi người đều có thể bước vào, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa luôn cho khả năng thay đổi, hoán cải, tìm lại chính mình và tìm đường trở lại hạnh phúc. Đáng chú ý, về mặt này, một số tình tiết và nhân vật trong Thần Khúc, biểu hiện như không một ai trên trần gian bị loại trừ khỏi con đường ấy. Ở đây, ví dụ, hoàng đế Traiano, ngoại giáo nhưng được đặt ở Thiên Đàng. Dante biện minh cho sự hiện diện này theo cách:

“Bởi Nước Trời phải mạnh mới chiếm được

Bằng tình yêu và hi vọng tràn trào

Chiến thắng được cả Thiên Ý tối cao

Không theo kiểu phàm nhân quen bạo lực

Nhưng chiến thắng bằng cách bị chinh phục

Chịu khuất phục là chiến thắng nhân từ”.

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XX, 94-99).

Cử chỉ từ thiện của Traiano đối với một “góa phụ” (45), hay “giọt nước mắt” ăn năn đổ xuống lúc chết bởi Buonconte Montefeltro ( Luyện Ngục, Ca Khúc V, 107) không chỉ thể hiện lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, mà còn xác nhận rằng con người luôn có thể lựa chọn, với tự do của mình, đi theo con đường nào và số phận nào xứng đáng.

Trong ánh sáng này, Vua Manfredi, được Dante đặt trong Luyện ngục, có ý nghĩa quan trọng, do đó gợi lên kết cục của chính ông và phán quyết thiêng liêng:

“Khi thân ta bị đâm thâu hằn hai mũi kiếm hiểm sâu chí tử

Máu hòa suối lệ ta hướng lòng về Đấng cứu đời xót thương.

Ôi ta tội lỗi khôn lường !

Nhờ Lượng Cả trùng dương đoái nhìn

Nhờ lời tha thiết van xin gột rửa tấm linh hồn vấy máu”

(Thần Khúc Luyện Ngục, Ca Khúc III, 118-123).

Dường như người ta thấy bóng dáng người cha nhân hậu trong dụ ngôn Phúc âm, mở rộng vòng tay sẵn sàng đón người con hoang đàng trở về với mình (x. Lc 15,11-32).

Dante đấu tranh cho phẩm giá của mỗi con người và tự do là điều kiện cơ bản dù là lựa chọn cuộc sống hay là lựa chọn của chính đức tin. Số phận vĩnh cửu của con người - Dante gợi ý, kể cho chúng ta những câu chuyện về nhiều nhân vật, nổi tiếng hay ít được biết đến - phụ thuộc vào sự lựa chọn của anh ta, tự do của anh ta: ngay cả những cử chỉ hàng ngày và rõ ràng là không đáng kể, chúng có một phạm vi vượt thời gian, chúng được phóng chiếu vào không gian vĩnh cửu. Món quà lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho con người để con người có thể đạt được mục tiêu cuối cùng chính là tự ơn do, như nàng Thiện Bích khẳng định:

“Hồng ân ban tuyệt nhất cho nhân thế

Không chỉ là được mang hình ảnh Chúa

Nhưng chính là quyền quyết định tự do”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc V, 19-22).

Đó không phải là những lời khẳng định khoa trương hay viển vông, bởi vì chúng phát xuất từ chính cuộc đời của người đã biết đến cái giá của tự do:

“Thân kia suốt mấy mươi năm

bôn ba xuôi ngược chỉ nhằm Tự Do”

(Thần Khúc Luyện Ngục, Ca Khúc I, 71-72).

Nhưng Alighieri nhắc nhớ chúng ta rằng tự do không phải là cùng đích, mà chỉ là điều kiện để tiếp tục tiến lên, và hành trình qua ba vương quốc minh họa hết sức sống động chính sự vươn lên này, cho tới khi chạm tới Trời, đạt tới hạnh phúc viên mãn.

Những “ước muốn cao cả” (Luyện Ngục XXII, 61), khuấy động bởi sự tự do, không thể dập tắt, trừ khi đối mặt với mục tiêu, trước thị kiến cuối cùng và hạnh phúc:

“Vì ham muốn tột cùng được như ý

Trọn vẹn hòa trong Ánh Cửu khôi nguyên

Lòng không còn thấy khao khát gì thêm

Quên phù vân, hiệp nhất trong toàn hảo”.

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 46-48).

Khát khao sau đó trở thành lời cầu nguyện, khẩn nài, lời chuyển cầu, một khúc ca đi kèm và đánh dấu hành trình của Dante, cũng như lời cầu nguyện phụng vụ đánh dấu thời khắc và khoảnh khắc trong ngày. Diễn giải về Kinh Lạy Cha mà Thi Hào đề xuất (Luyện Ngục Ca Khúc XI, 1-21) đan xen Bản văn Tin Mừng với kinh nghiệm cá nhân, với những khó khăn và đau khổ:

“Nguyện Nước Cha tuôn thánh ân hòa quyện

Xuống muôn loài khao khát được thỏa thuê

Bởi “mưu sự tại nhân” lắm ê chề

Xin phó dâng “thành sự tại Thiên” giới.

Xin ban xuống Man-na đầy linh dược

Cho từng ngày bồi bổ sức tâm thân

Xin thứ tha dù tái phạm muôn lần

Dạy chúng con luôn sẵn sàng tha thứ”.

(Thần Khúc Luyện Ngục, Ca Khúc XI 7-8.13-15).

Tự do của người tin vào Thiên Chúa là Cha nhân từ, không thể không phó thác chính mình cho Ngài trong lời cầu nguyện, ít nhất sự tự do ấy không bị tổn thương, mà được củng cố.

6. Hình ảnh con người trong thị kiến Thiên Chúa

Trong hành trình của Thần Khúc, như đã được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nhấn mạnh, hành trình của tự do và của lòng khao khát, như người ta có thể tưởng tượng, không đơn giản là một sự suy đồi nhân tính cụ thể, không tự tha hóa, không hủy bỏ hoặc bỏ qua những gì đã được tạo nên trong sự hiện hữu lịch sử. Thực vậy, ngay ở phần Thiên Đàng, Dante tái hiện các bậc chân phước - như những “voan trắng” (XXX, 129) – trong dáng vẻ hữu hình của các ngài, gợi lên tình cảm và cảm xúc, vẻ ngoài và cử chỉ của các ngài, cho chúng ta thấy, nói tóm lại, tính nhân văn trong sự hoàn thiện cả linh hồn và thể xác, điều đó báo trước sự phục sinh của thân xác. Thánh Bê-na-đô, người đồng hành cùng Dante trong phần cuối của cuộc hành trình, cho Nhà thơ thấy những đứa trẻ hiện diện trong bông hồng của những người được chúc phúc và mời gọi ông quan sát và lắng nghe họ:

“Con có thấy những gương mặt ngời sáng

Con có nghe những cung giọng trẻ thơ

Nếu con nhìn và lắng nghe chăm chú”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXII, 46-48).

Dường như chuyển động như thế này chứng tỏ bản thân những người được diễm phúc trong tính nhân bản trọn vẹn ngời sáng của họ không chỉ được thúc đẩy bởi tình cảm yêu thương dành cho những người thân yêu, mà trên hết là ước muốn rõ ràng muốn nhìn thấy lại thân thể của họ, những đặc điểm trần thế của họ:

“Ngày tán loạn hợp nhất lại tâm thân

Để thấy mẹ, thấy cha, thấy người mình yêu mến

Trước khi hợp cùng ánh sáng thiên thu”.

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XIV, 63-66).

Và cuối cùng, ở trung tâm thị kiến tối thượng, trong cuộc gặp gỡ với Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Dante chỉ nhìn thấy một Gương mặt Con Người, Gương mặt Chúa Kitô, của Ngôi Lời vĩnh cửu đã hóa thành xác thịt trong lòng Đức Mẹ Maria:

“Khi toàn tâm chìm đắm trong thần hiển

Màu huyền vi biến hóa theo mắt thơ

Tôi thấy ba vòng toàn bích hiện ra

Cùng chu vi với ba màu khác biệt

(…)

Như bác học tọa thiền toàn tâm trí

Mà không đo được kích thước vòng tròn

Tôi cũng thế cứ đoán già đoán non

Hình Con Người khớp vòng tròn sao được !”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 115-117.127-131).

Chỉ trong visio Dei -Thị kiến Thiên Chúa thì khao khát của con người mới được xoa dịu và kết thúc tất cả cuộc hành trình mệt mỏi của mình:

“Hồn tôi bay tới đây đành bất lực

Chợt ánh quang giác ngộ rực chói lòa

Ôi ân sủng! Ước muốn lại thăng hoa

Mà trí phàm, siêu tưởng, đành câm nín”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 140-142).

Mầu nhiệm Nhập thể, mà chúng ta cử hành ngày nay, là trung tâm cảm hứng thực sự và là hạt nhân cốt yếu của tất cả thi phẩm. Trong đó người ta nhận ra điều mà các Giáo phụ gọi là “thần hóa”, cuộc biến đổi diệu kỳ, sự trao đổi phi thường, theo đó, trong khi Chúa đi vào lịch sử của chúng ta bằng cách mặc lấy xác phàm, thì con người, với thân xác của mình, có thể đi vào thực tại thiêng liêng, được tượng trưng bằng bông hồng của những người diễm phúc. Nhân loại, trong nét cụ thể, với cử chỉ và lời nói hàng ngày, với trí thông minh và tình cảm của mình, với cơ thể và cảm xúc, được tháp nhập trong Chúa, nơi con người tìm thấy hạnh phúc thực sự và sự viên mãn cuối cùng, đầy đủ, mục tiêu của toàn bộ cuộc hành trình. Dante đã mong muốn và thấy trước mục tiêu này khi bắt đầu chạm tới Thiên Đàng:

“Lòng khát khao rực cháy lên vô hạn

Được cung chiêm mầu nhiệm nhập thể xưa

Khi nhân tính trong thần tính hòa bưa

Mắt phàm trần chỉ thấy bằng tin kính”.

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc II, 40-45).

7. Ba người phụ nữ của Thần Khúc: Maria, Thiện Bích[1], Lucia

Hát về mầu nhiệm Nhập thể, nguồn cứu rỗi và niềm vui cho toàn thể nhân loại, Dante không thể không hát những lời ca ngợi Đức Maria, Đức Mẹ Đồng trinh, với hai tiếng “xin vâng”, đã hoàn toàn đón nhận chương trình của Thiên Chúa, qua đó, Ngôi Lời có thể trở nên xác phàm. Trong tác phẩm của Dante, chúng ta tìm thấy một luận đề rất đẹp về Thánh mẫu học: với những giọng trữ tình rất cao, đặc biệt là trong lời cầu nguyện do Thánh Bê-na-đô cất lên, ngài tóm tắt toàn bộ suy tư thần học về Đức Maria và sự tham dự của Mẹ vào mầu nhiệm Thiên Chúa:

“Ôi Mẫu Trinh tuyệt vô song trời đất

Cực khiêm nhường, cực thánh, cực cao sang

Mẹ cứu sinh, nương tử Chúa Thiên Đàng

Ngai Vương Nữ, đường thấp hèn tôi tớ !

Đức Khôn Ngoan tiền định từ muôn thuở

Để nâng cao phẩm giá của người đời

Cho Thánh Linh rợp bóng hiến Ngôi Lời

Tình nhập thể đầu thai từ thuở ấy”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 1-6).

Đoạn khởi đầu và những câu tiếp theo với những từ đối nghĩa làm nổi bật vị thế và vẻ đẹp độc đáo của Đức Mẹ Maria.

Cũng Thánh Bê-na-đô, khi giới thiệu các vị chân phước đứng trong bông hồng huyền bí, đã mời gọi Dante chiêm ngưỡng Đức Maria, mà Ngài có đã chỉ ra các đặc điểm của con người giống Ngôi Lời Nhập Thể:

“Bây giờ con hãy ngước mắt cung chiêm

Gương mặt nào giống Chúa Kitô nhất

Gương mặt nào sáng ngời lên trác tuyệt”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXII, 85-87).

Mầu nhiệm Nhập thể một lần nữa được gợi lên bởi sự hiện diện của Tổng lãnh thiên thần Gabriel. Dante hỏi thánh Bê-na-đô:

Thiên thần đó là ai mà hoan hỉ

Say đắm nhìn trong đôi mắt Nữ Vương

Nhìn đắm say như sinh ra từ lửa?”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXII, 103-105).

và Ngài trả lời:

“Đó là vị đem theo cành vạn tuế

Loan tin cho Đức Mẹ Maria

Khi Con Chúa mặc xác phàm nhân thế”

(Tiếp câu 112-114).

Việc đề cập đến Đức Maria là thường xuyên trong tất cả Thần Khúc. Trên hành trình Luyện Ngục, Mẹ là khuôn mẫu của các nhân đức đối lập với các thói hư tật xấu; là ngôi sao ban mai giúp thoát ra khỏi rừng âm u để đi về phía núi Thiên Chúa; là sự hiện diện thường xuyên, thông qua lời chuyển cầu của Mẹ:

“Tên loài hoa đẹp lung linh phẩm tiết

Tôi nguyện cầu luôn luôn cả sớm chiều”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXIII, 88-89)

-là đấng chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và với mầu nhiệm Thiên Chúa.

Dante không bao giờ đơn độc trong cuộc hành trình của mình, nhưng trước tiên ông để bản thân được hướng dẫn bởi Virgil, biểu tượng của lý trí con người, và do đó từ Thiện Bích và thánh Bênađô, giờ đây, nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria, có thể đến được quê hương và tận hưởng niềm vui trọn vẹn mong muốn trong từng giây phút hiện hữu:

“Tâm trí tôi như chìm đắm trong mơ

Dù mới nếm xuất thần qua giây lát”

(Thần Khúc Thiên Đàng, Ca Khúc XXXIII, 62-63).

Chúng ta không thể tự cứu mình, Nhà thơ dường như lặp lại với chúng ta, ý thức về sự thiếu sót của riêng mình:

“Tôi đáp rằng: “Sức riêng cháu không thể

Vị ngoài kia mới là thầy dẫn đường

(Thần Khúc Địa Ngục, Ca Khúc X, 60-61);

thật là cần thiết khi hành trình của chúng ta được những ai có thể đồng hành, hướng dẫn chúng ta bằng sự khôn ngoan và thận trọng.

Sự hiện diện của phụ nữ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh này. Khi bắt đầu hành trình mệt mỏi, Virgilio, người đầu tiên hướng dẫn, an ủi và khuyến khích Dante tiếp tục vì có ba người phụ nữ đã cầu bầu cho anh và sẽ hướng dẫn anh: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, nhân vật bác ái; Thiện Bích, biểu tượng của hy vọng; Thánh Lucia, hình ảnh của niềm tin. Do đó, với những lời cảm động, Thiện Bích tự giới thiệu:

Tiểu nương quê chín tầng mây

Xuống trần tế độ, xong bay trở về

“Yêu nhau vạn khó không nề

(Thần Khúc Địa Ngục, Ca Khúc II, 70-72),

khẳng định rằng nguồn duy nhất có thể ban cho chúng ta ơn cứu rỗi chính tình yêu, tình yêu thiêng liêng chuyển hóa tình yêu của con người. Nàng Thiện Bích sau đó đề cập đến ơn cầu thay của một người phụ nữ khác, Đức Trinh Nữ Maria:

“Bởi thiên cung có Đức Bà

Đầy lòng trắc ẩn, xót xa cảnh tù

Dứt lời cầu, hứa ra đi

Án phạt liền xóa tức thì trên cao!”(94-96).

Sau đó, thánh nữ Lucia can thiệp, người quay sang Thiện Bích:

Ôi Thiện Bích, diễm thần linh

Kìa mau xuống cứu người tình đắm say !

Như nai thương tích lưu đày

Nàng chưa nghe tiếng tơ bay ưu phiền?!

(103-105).

Dante thừa nhận rằng chỉ những ai được tình yêu lay động mới có thể thực sự hỗ trợ chúng ta trên cuộc hành trình và dẫn chúng ta đến ơn cứu rỗi, đến sự đổi mới đời sống và đến hạnh phúc.

8. Thánh Phanxicô- Hôn phu của Cô Nương Nghèo Khó

Trong bông hồng những vị chân phúc, ở trung tâm hình bóng Đức Maria, Dante cũng đặt nhiều vị thánh, trong đó làm nổi bật cuộc sống và sứ mệnh, đề xuất các Ngài như những nhân vật, trong nét cụ thể cuộc đời các Ngài và cũng trải qua muôn vàn thử thách, các Ngài đã đi đến cùng đích cuộc đời và ơn gọi của mình. Tôi chỉ xin ngắn gọn gợi lại Thánh Phanxicô Assisi, được minh họa trong Ca Khúc XI Thiên Đàng, nói về các linh hồn khôn ngoan.

Có một sự hòa hợp sâu sắc giữa Thánh Phanxicô và Dante: Một người thì cùng với các đệ tử, rời khỏi tu viện, đi gặp dân chúng qua đường làng, thành phố, rao giảng cho dân chúng, dừng lại ở các nhà; người thứ hai đưa ra lựa chọn, không thể hiểu được vào thời điểm đó, là sử dụng ngôn ngữ bình dân cho kiệt tác thi ca về thế giới bên kia và kể chuyện về những nhân vật nổi tiếng cũng như ít được biết đến, nhưng họ hoàn toàn bình đẳng về phẩm giá với những kẻ quyền thế trên trần gian. Một đặc điểm khác hợp nhất hai gương mặt này: cởi mở với vẻ đẹp và giá trị của thế giới sáng tạo, là tấm gương và "dấu tích" của Đấng tạo hóa. Làm sao mà không nhận ra trong “Hằng yêu thương hết thảy như Cha yêu/Hằng ngợi khen sướng vui như thiêng triều” của Dante diễn giải Kinh Lạy ( Luyện Ngục Ca Khúc XI, 4-5) một tham chiếu đến Ca khúc vạn vật của Thánh Phanxicô?

Trong ca khúc XI của Thiên Đàng, sự đồng điệu này xuất hiện ở một khía cạnh mới, khiến chúng thậm chí còn giống nhau hơn. Sự thánh thiện và sự khôn ngoan của thánh Phanxicô nổi bật chính xác bởi vì khi Dante từ trời cao nhìn xuống trái đất, đã thấy lòng dạ hẹp hòi của những người tin cậy vào của cải trần thế:

Ôi những khát khao điên rồ trần thế

Xoáy bao hồn trong bể khổ chơi vơi

Vòng lý sự trói đôi cánh tâm hồn hụt hơi

Muôn kiếp xoay theo vòng nô lệ

(1-3).

Toàn bộ lịch sử hay đúng hơn là "cuộc đời tuyệt vời" của vị thánh được tập trung vào chính mối quan hệ của ngài với Cô Nương Khó Nghèo:

“Ta muốn nói về cặp tình nhân: Phan Sinh và Bần Nương.

Họ tâm đầu ý hợp tuyệt vời, gương mặt rạng ngời hạnh phúc

Những cái nhìn trìu mến làm nảy sinh bao điều thánh thiện"(73-75).

Trong khúc ca về thánh Phanxicô, ghi dấu những khoảnh khắc đáng nhớ nổi bật của cuộc đời Ngài, những thử thách, và cuối cùng là sự kiện mà Ngài nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nghèo khó và bị đóng đinh trên thập giá, Ngài được ghi năm dấu thánh thiêng liêng:

“Người thấy dân nơi ấy cứng lòng không hoán cải

Để khỏi phí thời gian vô ích, Người trở lại quê hương

Trên núi đá Verna giữa Tevere và Arno

Người đã lãnh nhận dấu ấn cuối cùng của Đức Kitô

Là năm dấu thánh Người mang trên thân mình suốt hai năm”.

(103-108).

9. Đón nhận lời chứng của Dante Alighieri

Khi khép lại cái nhìn tổng quan về công trình của Dante Alighieri, một kho tàng kiến​​thức gần như vô hạn, về kinh nghiệm, về phản ánh trong mọi lĩnh vực nghiên cứu của con người, xin đặt ra một suy tư. Sự phong phú của những chân dung, những câu chuyện kể, những biểu tượng, những hình ảnh gợi mở và hấp dẫn mà Dante cung cấp cho chúng ta chắc chắn đã khơi dậy sự ngưỡng mộ, kinh ngạc và biết ơn. Ở nơi ông, chúng ta gần như có thể nhìn thấy tiền thân của nền văn hóa đa phương tiện của chúng ta, trong đó ngôn ngữ và hình ảnh, biểu tượng và âm thanh, thơ ca và vũ điệu đều hợp nhất với nhau trong một thông điệp duy nhất. Vì thế, dễ hiểu tại sao thi phẩm của ông lại truyền cảm hứng cho vô số tác phẩm nghệ thuật ra đời với đủ thể loại.

Nhưng tác phẩm của Thi Hào Tuyệt Đỉnh cũng khơi dậy một số thách thức cho thời đại của chúng ta. Nó có thể truyền đạt những gì cho chúng ta, trong thời đại của chúng ta? Ông vẫn còn điều gì đó để nói với chúng ta, để cung cấp cho chúng ta? Thông điệp của ông có còn tính thời sự, có chức năng nào đó để thực hiện cho chúng ta? Ông vẫn có thể chất vấn chúng ta?

Dante - chúng ta hãy thử trở thành người thông dịch tiếng nói của ông- không yêu cầu chúng ta, ngày nay, chỉ đơn giản là đọc, nhận xét, nghiên cứu, phân tích. Thay vào đó, ông yêu cầu chúng ta lắng nghe, bắt chước theo một cách nào đó, để biến chúng ta thành những người bạn đồng hành của ông, bởi vì ngay cả hôm nay ông cũng muốn cho chúng ta thấy đâu là hành trình hướng tới hạnh phúc, con đường ngay chính sống trọn vẹn con người của chúng ta, vượt qua khu rừng tăm tối mà chúng ta mất định hướng và nhân phẩm. Cuộc hành trình của Dante và tầm nhìn của ông về cuộc sống bên kia cái chết không chỉ đơn giản là chủ đề của một tường thuật, không chỉ là một sự kiện cá nhân, mặc dù một sự kiện đặc biệt.

Nếu Dante kể tất cả những điều này - và ông làm điều đó theo một cách tuyệt vời - bằng cách sử dụng ngôn ngữ của người dân, ngôn ngữ mà mọi người có thể hiểu biết, nâng nó lên thành một ngôn ngữ phổ thông, là bởi vì nó có một thông điệp quan trọng muốn truyền tải đến chúng ta, một từ muốn chạm vào trái tim và khối óc của chúng ta, định mệnh được biến đổi và thay đổi chúng ta ngay bây giờ, trong cuộc sống này. Thông điệp của ông có thể và phải làm cho chúng ta nhận thức đầy đủ về chúng ta là gì và chúng ta đang sống ngày qua ngày trong căng thẳng nội tâm và liên tục hướng tới hạnh phúc, hướng tới sự sống viên mãn, hướng tới quê hương cuối cùng, nơi chúng ta sẽ được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, Tình yêu vô tận và vĩnh cửu. Mặc dù Dante là một người thuộc về thời đại của ông và ông có những nhạy cảm khác với chúng ta về một số vấn đề, nhưng chủ nghĩa nhân văn của ông vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự và có thể chắc chắn là một điểm tham khảo cho những gì chúng ta muốn xây dựng trong thời đại của chúng ta.

Do đó, điều quan trọng là công trình của Dante, nhân dịp thuận lợi kỷ niệm này, phải được biết đến thậm chí nhiều hơn nữa theo cách phù hợp nhất, tức là làm cho không chỉ sinh viên và học giả có thể tiếp cận và hấp dẫn, mà còn cho tất cả những ai, lo lắng trả lời các câu hỏi nội tâm, mong muốn nhận ra đầy đủ sự hiện hữu của họ, họ muốn sống hành trình sống và đức tin của riêng họ một cách có ý thức, chào đón và sống với lòng biết ơn về hồng ân và cam kết tự do.

Do đó, tôi xin chúc mừng những giáo viên đã có thể truyền đạt thông điệp của Dante với niềm đam mê, để giới thiệu kho tàng văn hóa, tôn giáo và đạo đức chứa đựng trong các tác phẩm của ông. Và di sản này đòi hỏi được mở rộng sự tiếp cận ra ngoài trường học và các giảng đường đại học.

Tôi kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo, đặc biệt là những người có mặt tại các thành phố lưu giữ ký ức về Dante, các tổ chức học thuật, hiệp hội và các phong trào văn hóa, để thúc đẩy các sáng kiến ​​hướng tới hiểu biết để lan tỏa thông điệp của Dante một cách trọn vẹn.

Sau đó, theo một cách cụ thể, tôi khuyến khích các nghệ sĩ thể hiện giọng nói, khuôn mặt và trái tim, tạo hình dạng, màu sắc và âm thanh cho Thi Phẩm của Dante, theo con đường của cái đẹp, mà ông đã bước đi một cách thành thạo, và do đó truyền đạt nhiều chân lý sâu sắc hơn và lan tỏa hơn, với ngôn ngữ nghệ thuật, thông điệp về hòa bình, tự do và tình huynh đệ.

Trong thời điểm lịch sử đặc biệt này, được đánh dấu bởi nhiều bóng tối, bởi những tình huống làm suy giảm nhân loại, bởi thiếu sự tự tin và triển vọng cho tương lai, hình bóng của Dante, nhà tiên tri của hy vọng và nhân chứng của khát vọng hạnh phúc của con người, vẫn có thể cho chúng ta những lời nói và tấm gương tạo động lực cho cuộc hành trình của chúng ta. Ông có thể giúp chúng ta thăng tiến với sự thanh thản và can đảm trong cuộc hành trình cuộc đời và đức tin mà tất cả chúng ta được kêu gọi thực hiện, cho đến khi trái tim của chúng ta đã tìm thấy sự bình an thực sự và niềm vui thực sự, cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu cuối cùng của tất cả nhân loại: “Tình yêu xoay mặt trời xoay tinh tú !” ( Par. XXXIII, 145).

Vatican, ngày 25 tháng Ba, Lễ Trọng Truyền Tin năm 2021,

Năm thứ chín trong triều đại giáo hoàng của tôi.

PHANXICÔ

Đình Chẩn dịch từ bản tiếng Ý, Tuần Thánh 2021

Thi phẩm Thần Khúc sẽ được giới thiệu chính thức trên www.vanthoconggiao.net

Các chú thích:

[1] Tông thư In praeclara summorum (Giữa những thiên tài đỉnh cao) (30/04/1921): AAS 13 (1921), 209-217.

[2] Cfr ibid. : 210.

[3] Thư Nobis, ad Catholicam (28/10/1914): AAS 6 (1914), 540.

[4] Diễn văn với Hồng Y Đoàn và Phủ doãn Roma (23/12/1965): AAS 58 (1966), 80.

[5] Cfr AAS 58 (1966), 22-37.

[6] Diễn văn với Các Tham Dự viên Hội Nghị do Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum cổ vũ, (23/01/2006): Insegnamenti 2006 II/1, 92-93.

[7] Ibid., 93.

[8] Cfr n. 4: AAS 105 (2013), 557.

[9] Sứ điệp gửi Chủ tịch Hội Đồng Văn Hóa (4/05/2015): AAS 107 (2015), 551-552.

[10] Ibid. : 552.

[11] L’Osservatore Romano, 10/10/2020, p. 7.

[12] Cfr Conf., I, I, 1: PL 32, 661.

[1] Phiên âm tên nàng Beatrice, người yêu của Dante-người dịch.
 
Cảnh sát New York kêu gọi công chúng giúp tìm ra kẻ tấn công dã man một phụ nữ Á Châu
Đặng Tự Do
16:31 05/04/2021


Một cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào một phụ nữ Mỹ gốc Á gần Quảng trường Times của Thành phố New York đang thu hút sự lên án rộng rãi và gây ra những lo ngại về việc những người ngoài cuộc đã dửng dưng không can thiệp trong bối cảnh bạo lực chống người Á Châu đang bùng phát trên khắp nước Mỹ.

Một kẻ tấn công đơn độc đã được nhìn thấy trong video an ninh hôm thứ Hai Tuần Thánh. Hắn đá vào bụng người phụ nữ 65 tuổi, đi ngược chiều với y, khiến bà ngã xuống đất. Sau đó, y dùng chân và dậm vào mặt bà, và đá bà ấy tới tấp trong khi hét lên những lời chế nhạo chống người Á Châu.

Vụ tấn công xảy ra ngay trên đường phố cách Quảng trường Times hai dãy phố, là một khu vực nhộn nhịp, an ninh nghiêm ngặt của khu trung tâm Manhattan được gọi là “Ngã tư của thế giới”.

Hai công nhân bên trong một cửa tiệm, có vẻ là các nhân viên bảo vệ đã chứng kiến toàn bộ vụ tấn công nhưng không đến hỗ trợ người phụ nữ, cũng chẳng một lời can ngăn. Người chủ của cửa tiệm thản nhiên kéo cửa lại để mặc cho vụ tấn công tiếp tục diễn ra. Đoạn video cho thấy kẻ tấn công có thể thản nhiên bỏ đi trong khi nhiều người chứng kiến toàn bộ vụ việc diễn ra trước mắt họ.

Trong một tuyên bố hôm 30 tháng Ba, Đức Hồng Y Timothy Dolan gọi hành động tấn công một người phụ nữ vô phương tự vệ là “hoàn toàn đáng kinh tởm” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi các nhân chứng chứng kiến mọi sự mà không can thiệp gì cả.

Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh đang có sự gia tăng làn sóng tội ác chống người Á Châu. Nghiêm trọng nhất là vụ xả súng hàng loạt ở Atlanta khiến 8 người chết, 6 trong số đó là các phụ nữ gốc Á. Sự gia tăng bạo lực chống người Á Châu có một phần là do coronavirus.

Cảnh sát cho biết từ đầu năm dương lịch cho đến hôm 30 tháng Ba, tại thành phố New York đã xảy ra 33 vụ phạm tội thù hận trong đó nạn nhân là người Á Châu. Có 11 cuộc tấn công như vậy trong năm ngoái.
Source:USA News
 
Đức Tổng Giám Mục Cordileone kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với người Mỹ gốc Á Châu
Đặng Tự Do
16:32 05/04/2021


Hôm thứ Ba Tuần Thánh 30 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục San Francisco đã kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với người Á Châu trong thành phố và trên toàn nước Mỹ, đồng thời thông báo về một buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình.

“Sự gia tăng bạo lực chống lại người Á Châu trên khắp đất nước là điều đáng báo động và kinh khủng đối với tất cả mọi người có lý trí lành mạnh,” Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone viết trong một tuyên bố ngày 30 tháng Ba.

Số vụ tấn công người Mỹ gốc Á ở Hoa Kỳ đã tăng lên trong năm ngoái. Một loạt vụ xả súng tại ba tiệm mát-xa ở khu vực Atlanta hồi đầu tháng đã khiến sáu phụ nữ gốc Á thiệt mạng.

Vị tổng giám mục nói rằng “điều đáng lo ngại hơn cả là những cuộc tấn công tàn bạo đã xảy ra đối với những người Mỹ gốc Á ở ngay San Francisco trong những ngày gần đây”.

Cô Ron Tuason, người gốc Phi Luật Tân, Trung Quốc và Tây Ban Nha, đã bị tấn công tại một trạm xe buýt trong thành phố vào ngày 13 tháng 3 bởi một người đàn ông bằng những lời nói tục tĩu chống người Á Châu; và vào ngày 17 tháng 3, bà Tạ Hiểu Chân (Xiao Zhen Xie, 谢晓振) 70 tuổi, đã bị hành hung gần khu phố Tenderloin.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone thốt lên: “Đây không thể là San Francisco của chúng ta. Trái lại, thành phố của chúng tôi luôn là tâm điểm của nền văn hóa người Mỹ gốc Á, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Nam Á và những người nhập cư khác, là những người vượt qua sự phân biệt đối xử và khó khăn để góp phần tạo nên tấm thảm phong phú của nơi này cuộc sống của thành phố”.

“Trong cộng đồng Công Giáo của chúng ta, chúng ta rất may mắn được làm giàu bởi nhiều cộng đồng Á Châu sôi động, những cộng đồng mang lại nhiều sức sống cho đời sống đức tin của người dân chúng ta”.

Ngài nói rằng “là những người Công Giáo, chúng ta cũng thuộc về một cộng đồng đức tin toàn cầu, một tổ chức đa dạng và đa văn hóa nhất trên thế giới; và với tư cách là người Mỹ, chúng ta có trách nhiệm trên trường quốc tế phải thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả mọi người, khẳng định phẩm giá con người của họ. Do đó, chúng ta phải làm gương đi đầu trong việc hướng tới sự thống nhất được nhiều người nói đến nhưng luôn khó nắm bắt, rất cần thiết và mong muốn trong xã hội của chúng ta ngay bây giờ”.

Đức Tổng Giám Mục thông báo rằng Tổng giáo phận San Francisco sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện vào ngày 10 tháng 4 tại Nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, để cầu nguyện cho “sự chấm dứt bạo lực và phân biệt chủng tộc đặc biệt đối với người Á Châu, để chữa lành cho quốc gia của chúng ta, và cho sự hưng thịnh của hòa bình và công lý trên đất của chúng ta”.
Source:Catholic News Agency
 
Một linh mục ở Honduras gặp rắc rối vì gỡ khẩu trang y tế trên mặt các tín hữu
Đặng Tự Do
16:33 05/04/2021


Một linh mục ở tây bắc Honduras đang gặp rắc rối vì gỡ khẩu trang y tế trên mặt các tín hữu trong Chúa Nhật Lễ Lá.

Trước khi làm phép lá, Cha Rolando Pena, là cha sở giáo xứ Corquin, ở thành phố Copan nói với anh chị em giáo dân đang đứng chung quanh ngài: “Anh chị em đừng đánh mất văn hóa và tôn giáo của chúng ta. Tôi không vui khi thấy ba cái đồ rác này.”

Rồi ngài gỡ bỏ khẩu trang y tế trên mặt một phụ nữ và ném đi. Ngài nói:

“Nếu anh chị em không hài lòng với điều này hãy nhìn tôi và xem tôi đi đứng thế nào.”

“Hãy quăng nó đi, quăng nó đi cho thoải mái.”

Sau thánh lễ, có lẽ thấy cử chỉ của mình hơi quá đáng, ngài tỏ ra dịu giọng hơn.

Ngài biện minh như sau: “Tôi không dính dáng tới mấy cái vụ an ninh sinh học. Tôi không dính dáng tới mấy cái vụ đó. Anh chị em đeo mặt nạ nhưng hãy xem tôi đi tới đi lui mà chẳng cần đeo cái gì cả vì tôi tin vào lòng thương xót của Chúa. Tôi phải cởi bỏ rất nhiều mặt nạ ở đây và tôi sẽ còn cởi bỏ nhiều nữa trong ngày hôm nay để chúng ta có thể tạo ra và có niềm tin rằng có một Thiên Chúa toàn năng, là Đấng che chở cho chúng ta và bảo vệ chúng ta.”

Trong một thông báo hôm 30 tháng Ba, Đức Cha Darwin Rudy Andino Ramírez của giáo phận Santa Rosa de Copán, là giáo phận sở tại, bày tỏ âu lo là hành động của Cha Pena xâm phạm vào tự do cá nhân của các tín hữu, và nếu có sự bùng phát dịch bệnh Cha Pena có thể gặp rắc rối to với chính quyền.
Source:AFP
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa thứ Hai 5/4/2021
Đặng Tự Do
16:35 05/04/2021

Trong suốt Mùa Phục sinh, thay cho Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha sẽ đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Ngày thứ Hai 5 tháng Tư là lễ nghỉ tại Italia và nhiều nước trên thế giới, trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng

Thứ Hai sau Lễ Phục Sinh còn được gọi là Thứ Hai Thiên Thần vì chúng ta nhớ lại cuộc gặp gỡ của thiên thần với những người phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu (x. Mt 28: 1-15). Thiên sứ nói với các bà: “Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã sống lại như Người đã phán”. (c. 5-6). Thành ngữ “Người đã sống lại” này vượt quá khả năng của con người. Ngay cả những người phụ nữ đã đi vào ngôi mộ và thấy nó trống rỗng cũng không thể xác nhận “Người đã sống lại”, nhưng họ chỉ có thể nói rằng ngôi mộ trống rỗng. “Người đã sống lại” là một thông điệp. Chỉ một thiên thần mới có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại, chỉ một thiên thần có thẩm quyền mang thông điệp của thiên đàng, với quyền năng được Chúa ban mới có thể nói điều đó, giống như một thiên thần - chỉ một thiên thần - đã có thể nói với Đức Maria: “Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:31-32). Vì thế, chúng ta gọi ngày hôm nay là Thứ Hai của Thiên thần bởi vì chỉ có một thiên thần với quyền năng của Thiên Chúa mới có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại.

Thánh sử Matthêu thuật lại rằng vào buổi sáng Phục sinh “có một trận động đất lớn; vì một thiên sứ của Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá và ngồi trên đó” (xem câu 2). Hòn đá lớn đó, được cho là dấu ấn chiến thắng cái ác và cái chết, được đặt dưới chân, nó trở thành bệ ngồi của thiên thần Chúa. Tất cả các kế hoạch và những mưu lược của những kẻ thù và những kẻ bách hại Chúa Giêsu đều ra vô ích. Tất cả các phong niêm đã vỡ vụn. Hình ảnh thiên thần ngồi trên đá trước lăng mộ là biểu hiện cụ thể, biểu hiện hữu hình của sự chiến thắng cái ác của Thiên Chúa, biểu hiện của sự chiến thắng của Chúa Kitô đối với hoàng tử của thế gian này, biểu hiện của sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối. Ngôi mộ của Chúa Giêsu không được mở ra bởi một hiện tượng vật lý, mà bởi sự can thiệp của Chúa. Thánh Matthêu nói tiếp rằng sự xuất hiện của thiên thần “giống như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết” (c. 3). Những chi tiết này là những biểu tượng xác nhận sự can thiệp của chính Thiên Chúa, Đấng đang mở ra một kỷ nguyên mới, là thời kỳ cuối cùng của lịch sử vì sự phục sinh của Chúa Giêsu đã khởi đầu cho thời kỳ cuối cùng, có thể kéo dài hàng nghìn năm trong lịch sử, nhưng đó là lần cuối cùng.

Có một phản ứng gồm hai mặt khi nhìn thấy sự can thiệp này của Thiên Chúa. Đó là những người lính canh không thể đối mặt với quyền năng áp đảo của Thiên Chúa và bị rung chuyển bởi một trận động đất bên trong: họ đờ người ra như những người chết (xem câu 4). Quyền năng của Chúa Phục sinh lật nhào những kẻ đã được sử dụng để bảo đảm chiến thắng rõ ràng của cái chết. Và những người bảo vệ đó đã phải làm gì? Đến gặp những người đã ra lệnh cho họ phải canh gác và nói ra sự thật. Họ có một lựa chọn để thực hiện: hoặc nói sự thật hoặc để bản thân bị thuyết phục bởi những người đã giao cho họ lệnh canh gác. Và cách duy nhất để thuyết phục họ là tiền. Và những người đáng thương đó, những người nghèo, đã bán sự thật, và với số tiền trong túi, họ tiếp tục nói: “Không, các môn đệ đến và cướp xác”. Tiền bán Chúa, ngay cả ở đây, trong biến cố phục sinh của Chúa Kitô, có khả năng phủ nhận sự thật. Phản ứng của những người phụ nữ thì khác vì họ được sứ thần Chúa mời gọi một cách rõ ràng là đừng sợ, và cuối cùng, các bà không sợ - “Đừng sợ!” (c. 5) - và không tìm kiếm Chúa Giêsu trong mộ.

Chúng ta có thể gặt hái được một giáo huấn quý báu từ những lời của thiên sứ: chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa Kitô Phục sinh, Đấng ban sự sống dồi dào cho những ai gặp Ngài. Tìm kiếm Chúa Kitô có nghĩa là khám phá sự bình an trong tâm hồn chúng ta. Những người phụ nữ trong Tin Mừng cũng vậy, sau khi bị rúng động lúc đầu – là điều thường tình có thể hiểu được - đã cảm thấy vui mừng tột độ khi phát hiện ra Thầy còn sống (xin xem các câu 8-9). Trong Mùa Phục Sinh này, ước muốn của tôi là mọi người có thể có cùng một kinh nghiệm thiêng liêng, khi đón nhận trong tâm hồn, trong nhà và trong các gia đình của chúng ta lời loan báo vui mừng về Lễ Phục Sinh: “Đức Kitô, đã sống lại từ trong cõi chết, nay Người không còn ở đây nữa; cái chết không còn quyền thống trị trên Người nữa” (Ca nhập lễ). Lời loan báo Phục sinh, Chúa Kitô đang sống, Chúa Kitô đồng hành với cuộc đời tôi, Chúa Kitô ở bên cạnh tôi. Chúa Kitô gõ cửa trái tim tôi để anh chị em có thể cho Người vào, Chúa Kitô đang sống. Trong những ngày lễ Phục sinh, sẽ là tốt cho chúng ta khi lặp lại điều này: Chúa vẫn đang sống.

Xác tín này thúc đẩy chúng ta cầu nguyện hôm nay và trong suốt Mùa Phục Sinh: kinh Regina Caeli, Laetare - tức là Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng. Thiên sứ Gabriel đã chào Mẹ như vậy lần đầu tiên: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!” (Xem Lc 1:28). Giờ đây niềm vui của Mẹ Maria đã trọn vẹn: Chúa Giêsu hằng sống, Tình yêu đã chiến thắng. Mong rằng đây cũng là niềm vui của chúng ta!

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Trong bầu không khí của Lễ Phục sinh tiêu biểu của ngày hôm nay, tôi trìu mến chào tất cả anh chị em tham gia vào giờ phút cầu nguyện này qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Tôi đang nghĩ đặc biệt đến những người già, những bệnh nhân, được kết nối từ nhà riêng hoặc nhà nghỉ của họ. Tôi gửi lời khích lệ và ghi nhận chứng tá của họ: Tôi đang gần gũi với họ. Và với tất cả mọi người, tôi hy vọng anh chị em có thể sống đức tin trong những ngày của Tuần Bát nhật Phục sinh này, trong đó ký ức về sự phục sinh của Chúa Kitô được kéo dài. Hãy tận dụng mọi dịp thích hợp để làm chứng cho niềm vui và sự bình an của Chúa Phục sinh.

Chúc mọi người lễ Phục sinh vui vẻ, thanh thản và thánh thiện! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Holy See Press Office
 
Trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Thiên Đàng, Đức Thánh Cha chia sẻ: Gặp gỡ Chúa Kitô có nghĩa là tìm được sự bình yên trong tâm hồn
Thanh Quảng sdb
18:44 05/04/2021
Trong buổi đọc Kinh “Lạy Nữ Thiên Đàng”, Đức Thánh Cha chia sẻ: Gặp gỡ Chúa Kitô có nghĩa là tìm được sự bình yên trong tâm hồn

Trong buổi đọc Kinh “Lạy Nữ Thiên Đàng”, hôm thứ Hai Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sự xuất hiện của thiên thần và việc loan báo sự Phục sinh của Chúa Kitô, Ngài lưu ý rằng khi tìm kiếm Chúa Kitô Phục sinh, chúng ta tìm được sự bình an trong tâm hồn.

(Tin Vatican)

Mở đầu giờ nguyện kinh “Lạy Nữ Thiên Đàng” từ thư viện của điện Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại hôm nay còn được gọi là Thứ Hai của các Thiên thần vì "chúng ta nhắc nhớ lại cuộc gặp gỡ của các thiên thần với những người nữ đến viếng mộ Chúa Giêsu" sau khi Ngài đã sống lại...

Đức Thánh Cha lưu ý rằng các thiên thần nói: “Tôi biết các bà tìm kiếm Chúa Giêsu, Đấng đã bị đóng đinh. Ngài không còn ở đây; vì Ngài đã sống lại. Từ ngữ - “Ngài đã sống lại” - vượt quá khả năng của con người!”

Ngay cả sau khi các bà đã đi vào ngôi mộ và thấy nó trống rỗng cũng không nhận ra được là “Ngài đã sống lại”, mà chỉ biết rằng mộ trống.

ĐTC nói: “Chỉ có thiên thần loan báo Chúa Giêsu đã sống lại, như thiên thần đã truyền tin trước đây cho Đức Maria: “Bà sẽ thụ thai một con trai... và Ngài sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.”

Sự can thiệp của Chúa

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc nhở theo thánh sử Matthêu thuật lại thì vào buổi sáng Lễ Phục sinh “một trận động đất lớn; một thiên thần từ trời xuống, lăn tảng đá ra và ngồi trên đó. ”

ĐTC giải thích tảng đá lớn "là dấu của sự chiến thắng của sự dữ và thần chết, đã bị đặt dưới chân" và "trở thành bệ chân của Chúa."

ĐTC nói, tất cả các kế hoạch và sự phòng thủ của kẻ thù và những kẻ bắt bớ Chúa Giêsu đều tỏ ra thất bại. Hình ảnh thiên thần ngồi trên đá trước ngôi mộ là "biểu hiện cụ thể, hữu hình về sự chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ, sự chiến thắng của Chúa Kitô, vị hoàng tử của thế giới này, Ngài là ánh sáng xóa tan bóng tối."

Đức Thánh Cha cho hay ngôi mộ của Chúa Giêsu không được mở ra như một hiện tượng vật lý, mà là "do sự can thiệp của Thiên Chúa". Dáng vẻ của Chúa như một thiên thần, "giống như một tia chớp, và áo Ngài trắng như tuyết".

“Những chi tiết này nói lên biểu tượng của sự can thiệp của chính Thiên Chúa, Ngài khai mở một kỷ nguyên mới, kết liễu một thời kỳ cuối cùng của lịch sử.”

Một hiệu ứng đôi phần

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: Một hiệu ứng đôi phần của sự can thiệp từ Thiên Chúa.

Trước tiên là của những người lính canh, "họ không thể đối diện với quyền năng của Thiên Chúa và sự rung chuyển như một trận động đất làm cho khiếp sợ như những kẻ chết!" Quyền năng của Sự Phục Sinh làm xụp đổ những gì mà những kẻ tưởng mình đã chiến thắng sự sống bằng cái chết!

Khía cạnh thứ hai là phản ứng của những người phụ nữ, Đức Thánh Cha mô tả nó "rất khác biệt" bởi vì "họ được sứ thần của Chúa bảo đảm một cách rõ ràng rằng đừng sợ và đừng tìm kiếm Chúa Giêsu trong mộ."

Bài học từ các thiên thần

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục lưu ý chúng ta có thể rút tỉa ra được một lời dạy bảo quý giá từ những lời của các thiên thần.

ĐTC nói: “Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi tìm kiếm Đấng Phục Sinh, Đấng ban sự sống dồi dào cho những ai tìm gặp Ngài. ĐTC giải thích rằng "tìm thấy Chúa Kitô có nghĩa là khám phá ra sự bình an cho tâm hồn." Những người phụ nữ trong Tin Mừng cũng vậy, sau khi bị rung động lúc ban đầu, các bà đã vui mừng khi phát hiện ra rằng Thầy vẫn sống.

"Trong Mùa Phục sinh này, ước mơ của chúng ta là mỗi người chúng ta có được cùng một cảm nghiệm thiêng liêng trong tâm hồn, trong gia đình và trong cộng đoàn của chúng ta như lời loan báo vui mừng về Lễ Phục sinh: 'Đức Kitô, đã sống lại từ cõi chết, Ngài không còn ở đây nữa; cái chết không thể thống trị trên Ngài nữa."

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận chính điều xác tín này “thúc đẩy chúng ta cầu nguyện hôm nay và trong suốt Mùa Phục sinh lời "Sứ thần Gabriel đã chào Đức Maria khi truyền tin: "Hãy mừng vui lên hỡi bà đầy ân phúc!" (x. Lc 1:28) Giờ đây niềm vui của Đức Maria được trọn vẹn: Chúa Giêsu hằng sống; Tình yêu đã chiến thắng."

Đức Thánh Cha nói: "Cầu mong đây cũng là niềm vui của chúng ta!".
 
Số liệu thống kê của Vatican cho thấy sự gia tăng liên tục số người Công Giáo trên toàn thế giới
Đặng Tự Do
20:27 05/04/2021
Theo số liệu thống kê của Vatican, số lượng người Công Giáo và các phó tế vĩnh viễn trên thế giới đã tăng trưởng một cách ổn định, trong khi số các nam nữ tu sĩ tiếp tục giảm.

Vào cuối năm 2019, dân số Công Giáo trên toàn thế giới đã vượt quá 1.34 tỷ người, tiếp tục chiếm khoảng 17.7% dân số thế giới. Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết như trên.

Các con số thống kê này đánh dấu sự gia tăng 16 triệu người Công Giáo – như thế là tăng 1.12% so với năm 2018 trong khi dân số thế giới tăng 1.08%.

Bài báo đã trích đăng thống kê trong Niên giám Thống kê của Giáo hội, là tài liệu trình bày các số liệu của Giáo hội trên toàn thế giới tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019. Tờ Quan Sát Viên Rôma cũng công bố “Annuario Pontificio” hay Niên Giám Tòa Thánh 2021, một tập sách chứa thông tin về mọi cơ quan của Vatican, cũng như mọi giáo phận và dòng tu trên thế giới.

Theo niên giám thống kê, số người Công Giáo tăng ở mọi châu lục, ngoại trừ Âu Châu.

Vào cuối năm 2019, 48.1% người Công Giáo trên thế giới đang sống ở Mỹ châu, tiếp theo là Âu Châu với 21.2%, Phi Châu với 18.7%, 11% ở Á Châu, và 0,8% ở Đại Dương Châu. Các số liệu thống kê liên quan đến Á Châu không bao gồm Trung Quốc vì không thể có các con số thống kê chính xác về tình hình Giáo Hội tại đây.

Niên giám cho thấy số giám mục trên thế giới hiện nay là 5,364 vị - giảm 13 giám mục so với năm 2018.

Tổng số linh mục – bao gồm linh mục triều và dòng - trên khắp thế giới tăng từ 414,065 vào năm 2018 lên 414,336 vào năm 2019.

Mức tăng lớn nhất là ở Phi Châu và Á Châu, với mức tăng tương ứng là 3.45% và 2.91%, tiếp theo là Âu Châu với mức tăng 1.5% và Mỹ châu với mức tăng khoảng 0.5%.

Vào cuối năm 2019, 40.6% linh mục trên thế giới đang phục vụ ở Âu Châu, trong khi 28% linh mục ở Phi Châu và Á Châu.

Số lượng ứng viên cho chức linh mục - cả chủng sinh triều và dòng - đã tiếp tục giảm trên toàn thế giới, từ 115,880 vào cuối năm 2018 xuống 114,058 vào năm 2019, tức là giảm 1.6%.

Số lượng các phó tế vĩnh viễn được báo cáo là 48,238 vị tăng 1.5% so với năm trước. 97% các phó tế vĩnh viễn trên thế giới sống ở Mỹ Châu và Âu Châu.

Số lượng các nam tu sĩ không có chức linh mục trong các dòng tu tiếp tục giảm nhẹ nhưng đều đặn trên toàn thế giới từ 50,941 vị vào năm 2018 xuống còn 50,295 vị vào năm 2019.

Số lượng các nữ tu đang có xu hướng giảm ở mức 1.8%, cụ thể từ 641,661 nữ tu vào năm 2018 xuống còn 630,099 nữ tu vào năm 2019.
Source:Catholic News Service

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Hội chợ Ẩm thực 2021
Văn Minh
09:20 05/04/2021
Cùng với Giáo hội khắp toàn cầu diễn tả niềm vui mừng Chúa Phục sinh, vào lúc 9g sáng Chúa nhật ngày 4.4.2021, tại nhà thờ đá giáo xứ Vĩnh Hòa, các anh chị Huynh trưởng GLV phối hợp với Ban Trợ tá (BTT) đã tổ chức ngày “Hội chợ Ẩm thực” dành cho các em thiếu nhi trong giáo xứ Vĩnh Hòa.

Xem Hình

Các món ẩm thực gồm có:

Bánh phục linh

Bánh trôi đường

Bánh bột lọc

Bánh khọt

Gỏi cuốn

Do khuôn viên của giáo xứ nhỏ hẹp nên các anh chị Huynh trưởng GLV đã phân chia các em Ngành Nghĩa và Ngành Thiếu ở dưới hội trường (tầng hầm), các em Ngành Ấu và Chiên con thì ở trên sân chư thánh.

Để được thưởng thức các món ăn do chính tay các em tự làm ra, các anh chị Huynh trưởng và BTT đã đi đến từng gian hàng hướng dẫn cho các em cách làm bánh khọt, bánh trôi, bánh bột lọc và cách cuộn gỏi cuốn làm sao nhanh và đẹp. Nhìn tất cả các em hồn nhiên vui tươi, quần áo lấm lem ướt đẫm mồ hôi, nhưng nét mặt vẫn cười nói vui vẻ tạo cho ngày Hội chợ tràn gập tiếng cười.

Được biết để có được ngày vui hôm nay, các anh chị Huynh trưởng GLV và BTT đã phải vất vả chuẩn bị các món ăn từ rất sớm và tận tình phục vụ các em dưới cái nắng nóng oi bức của tiết trời!

Hội chợ Ẩm thực của Đoàn TNTT xứ đoàn Vĩnh Hòa đã khép lại lúc 10g30. Qua đây, ước mong sao sẽ có nhiều người quan tâm chung tay góp sức để lo cho các em được vui chơi sau những ngày tháng học Giáo lý và thường xuyên tham dự Thánh lễ vào chiều thứ Năm, và lúc 7g sáng Chúa nhật hằng tuần. Đặc biệt hơn nữa là để lại những kỷ niệm đẹp trong đời sống đức tin của các thế hệ mai sau, và giúp cho các em ngày một thăng tiến hơn trong đời sống của người Kitô hữu.
 
Giáo Xứ CTTĐVN Seattle mừng Tam Nhật Thánh 2021
Nguyễn An Quý.
17:21 05/04/2021
Tukwila. Mùa chay năm nay đến với toàn thể Cộng Đoàn dân Chúa giáo xứ CTTĐVN dù còn trong tình hình dịch bệnh, nhưng suốt Mùa Chay giáo xứ vẫn có những buổi nguyện ngắm trong tuần vào những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Đặc biệt vào trưa thứ Sáu suốt mùa chay có buổi Suy Niệm Chặng Đàng Thánh Giá một cách trọng thể với sự hiện diện của đông đảo giáo dân tham dự. Ngày lễ kính Thánh Giuse Bạn Đức Maria giáo xứ có buổi tĩnh tâm do linh mục Giuse Đinh Văn Nghị thuyết giảng trong 2 ngày với chủ đề: Thánh Giuse là mẫu gương cho các gia đình sống trong mùa đại dịch Corona Virus. Qua 5 tuần Mùa Chay, cùng với Giáo Hội bước vào Chúa Nhật Lễ Lá bắt đầu cho Mùa Thương Khó của Chúa còn gọi là Tuần Thánh với những nghi thức phụng vụ của những ngày Tam Nhật Thánh để bước vào ngày đại lễ mừng Chúa Phục Sinh với các diễn tiến như sau:

Xem Hình

Thứ Năm Tuần Thánh Lễ Tiệc Ly. Tưỏng cũng nên biết tại tiểu bang Wasington vào giữa tháng 3 nam 2021, không còn thực hiện việc giới hạn số giáo dân tham dự các Thánh Lễ trong các nhà thờ. Do vậy, Tòa Tổng Giám Mục Seattle cũng đã có thông báo cho giáo dân muốn tham dự Thánh Lễ tại các giáo xứ kể từ giữa tháng 3 không còn cần phải ghi danh nữa. Tuy nhiên vẫn còn phải tuân giữ các phương thức để bảo đảm an toàn sức khỏe chung cho mọi người như giữ giản cách xã hội 6 feets, mang khẩu trang và khuyên bảo những ai cảm thấy có triệu chứng đáng nghi ngờ về dịch bệnh thì không nên tham dự Thánh Lễ.

Trở lại phần Thánh Lẽ Tiệc Ly: Chiều thứ Năm giáo xứ có 2 Thánh Lễ lúc 5 giờ và 7 giờ 30. Người viết tham dự Thánh lễ lúc 7:30 pm.

Đúng 7 giờ 30, Ca Đoàn hát bài ca Nhập lễ, quý linh mục cùng nghi đoàn cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn Thánh. Thánh Lễ được cử hành đồng tế do cha chánh xứ chủ tế và quý cha trong giáo xứ cùng đồng tế. Sau bài ca nhập lễ là nghi thức giới thiệu các loại dầu do 3 vị đại diện nâng từng bình dầu và trịnh trọng đặt vào bàn để các loại dầu với phần giới thiệu:

Dầu dự tòng- OS (OS: Olerum Sanctum hay Oleum Catechumenorum) Dầu dự tòng được xức cho những người sắp được rửa tội, những người sắp sửa theo Đạo. Dự tòng nghĩa là chuẩn bị theo Chúa nên anh chị em dự tòng cần được Chúa nâng đỡ, cần được sức mạnh của Chúa để can đảm bước vào một đời sống mới, để đi theo Chúa trên con đường thập giá, bước theo đường lối của Chúa nên cần có sức mạnh của Chúa.

Dầu bệnh nhân- OI (OI: Oleum Infirmorum). Trong kinh bảy phép bí tích thì có nói đến phép xức dầu thánh là có ý nói đến xức dầu bệnh nhân. Dầu bệnh nhân dùng để xức cho người bệnh, người có nguy cơ chết, cho dù lúc này còn khỏe. Ngày xưa, chỉ có những người sắp chết thì mới được chịu phép xức dầu thánh, gọi là xức dầu cuối cùng. Ngày nay thì gọi là xức dầu bệnh nhân, xức cho những người trở bệnh khi còn tỉnh táo. Vì nếu để đến lúc sắp chết thì người bệnh không còn biết gì và lúc bấy giờ không biết họ có muốn lãnh nhận bí tích xức dầu nữa hay không. Phép xức dầu bệnh nhân không những nâng đỡ cho bệnh nhân về phần hồn mà còn chữa về phần xác nữa. Và thậm chí nếu Chúa muốn có thể chữa lành cho bệnh nhân. Có những anh chị em bác sĩ chê rồi, đưa về nhà chờ chết, nhưng nhờ bí tích xức dầu bệnh nhân thì người đó lại tìm được sức khỏe. Chính vì thế nên gia đình phải lo lắng để các thành viên đau yếu trong gia đình mình để họ được chịu phép xức dầu bệnh nhân khi họ còn tỉnh táo, còn hiểu biết, đừng để khi bất tỉnh nhân sự rồi mới đi mời Cha sở Cha phó thì lúc bấy giờ trễ rồi không còn có ích cho bệnh nhân đó nữa.

Dầu thánh hiến- SC (SC: Sanctum Chrisma)

Dầu thánh hiến là loại dầu quan trọng nhất, dầu này được thánh hiến chứ không phải chỉ được làm phép như là dầu dự tòng và dầu bệnh nhân. Dầu thánh hiến để lại ấn tín thiêng liêng cho người lãnh nhận như trong bí tích rửa tội, bí tích thêm sức hay bí tích truyền chức thánh. Dầu thánh hiến cũng được dùng trong nghi lễ cung hiến bàn thờ hay là cung hiến nhà thờ.

Nghi thức giới thiệu các loại Dầu vừa dứt, cha chủ tế ngỏ lời chào mừng cộng đoàn dân Chúa hiện diện, ngài nói: hôm nay cùnng với quý cha trong giáo xứ, chúng ta cùng nhau qui tụ trong ngôi Thánh Đường thân yêu này để mừng Lễ Tiệc Ly mở đầu cho những ngày Tam Nhật Thánh. Xin cho một tràng pháo tay để cùng chaò đón nhau ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu ).

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa với bài tin mừng theo Thánh Gioan. Thánh Gioan giới thiệu câu chuyện việc Chúa Giêsu rửa chân cho các Môn Đê trong bữa ăn tối cuối cùng gọi là Tiệc Ly. Tin mừng có đoạn: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

Cha Trần Hữu Lân phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về Bí Tích Tình Yêu mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta qua nhiệm tích Thánh Thể để kết nối sự sống của con người với Chúa Kitô Phục Sinh.

Bài giảng kết thúc và Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Năm nay vì mùa đại dịch nên trong Thánh Lễ Tiệc Ly không có nghi thức rửa chân. Sau phần giáo dân đón nhận Mình Thánh Chúa một cách sốt sắng là cuộc kiệu Mình Thánh Chúa.

Cha chủ tế chủ sự cuộc Rước Kiệu Thánh Thể cùng với quý cha và đoàn nghi lễ hầu Mình Thánh Chúa. Mình Thánh Chúa được cung nghinh từ Cung Thánh và kiệu quanh khắp các khu vực Hội Trường có sự hiện diện của giáo dân tham dự Thánh Lễ. Sau một hồi kiệu quanh các khu vực, Mình Thánh Chúa được cung thỉnh về nhà chầu đặt bên cạnh cung thánh một cách trang trọng. Cha chánh xứ chủ sự giờ chầu chung do Thiếu Nhi Thánh Thể Đoàn Chúa Hài Đồng phụ trách hướng dẫn giờ chầu đến 9 giờ tối. Kế đến là giờ chầu được phân chia theo từng nhóm phụ trách mỗi phiên chầu nửa giờ do các Đoàn Thể cũng như các Giáo Đoàn phụ trách hướng dẫn giờ chầu kéo dài đến 12 giờ đêm. Cha chánh xứ bế mạc giờ chầu lúc 12 giờ đêm và cung thỉnh Mình Thánh Chúa vào Nhà Tạm đặt trong phòng Thánh.

Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Tưởng Niệm cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Từ 3 giờ chiều có buổi nguyện ngắm với phần suy niệm 15 Sự Thương Khó Chúa. Đến 4 giờ chiều là phần nghi thức Tháo Đinh và táng xác Chúa. Xác Chúa được hạ xuống từ cây Thánh Giá cao lớn và đặt vào quan tài theo nghi thức truyền thống của giáo dân Việt Nam như một nghi lễ Tẩm Liệm Xác Chúa. Xác Chúa được cung nghinh kiệu quanh qua khu vực gọi là Mồ Chúa được trang trí tarng trọng tại Hội Trường.

Chiều tối là nghi thức Tôn Kính Thánh Giá. Phần phụng vụ Tôn Kính Thánh Giá cũng được cử vào 2 giờ khác biệt để đáp ứng nhu cầu của giáo dân là lúc 5 giờ và 7 giờ 30.

Đúng 7 giờ 30, cha chánh xứ chủ sự cùng với nghi đoàn cung nghinh Thánh Giá tiến lên Bàn Thánh. Mở đầu phần phụng vụ là nghi thức đầy cảm động khi cha chủ sự sấp mình phủ phục xuống giữa nền cung Thánh trước bàn thờ trong một giây lát để cầu nguyện và tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa. Sau phút cầu nguyện trong thinh lặng của cha chủ sự cọng với sự tĩnh lặng của toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện đã tạo nên sự thánh thiêng của ngày Tưởng Niệm Chúa chịu chết để cứu chuộc nhân loại.

Phần phụng vụ Lời Chúa được bắt đầu với bài đọc I trích sách Ngôn Sứ I -sai –a có đoạn viết: Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,

người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.

Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho người muôn người làm gia sản,

và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.

Bài đọc 2 trích thư gởi tín hữu Do Thái có đọan nói về Đức Kitô: Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.

Bài Thương Khó khá dài được hát một cách trọng thể. Bài Thương Khó kết thúc, cha chủ sự đã có lời chia sẻ trong bài giảng khá ngắn gọn, ngài nhấn mạnh về cuộc khổ nạn đầy đau thương của Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết trong khổ hình đầy tủi nhục vì tôi lỗi của chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta cùng biết nhìn nhận tội lỗi của mình và ăn năn trở về với Chúa trong sự khiêm cung sau mỗi lần vấp ngả.

Sau bài giảng là phần cầu nguyện chung theo phụng vụ của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Toàn thể công đoàn dân Chúa hiện diện đều tập trung vào những lời cầu nguyện đặc biệt này một cách sốt sắng. Trong phụng vụ tưởng niệm Chúa Chịu Chết, giáo hội cầu nguyện chung cho tất cả 11 thành phần trong Giáo Hội Hoàn Vũ cũng như các thành phần trong xã hội trên toàn thế giới như: Cầu cho Hội Thánh- Cầu cho Đức Thánh Cha- Cầu cho hàng Giáo sĩ và Giáo dân- Cầu cho người Dự Tòng- Cầu cho mọi tín hữu được hiệp nhất- Cầu cho người Do Thái- Cầu cho người ngoài Kitô giáo- Cầu cho người Vô Thần- Cầu cho những nhà lãnh đạo Quốc Gia- Cầu cho những người đau khổ- Cầu cho các bệnh nhân trong đại dịch Corona Virus.

Lời nguyện chung kết thúc là đến phần Tôn Kính Thánh Giá. Cha chủ sự cùng với Thừa tác viên cung thỉnh Thánh Giá từ cuối nhà thờ tiến lên bàn Thánh. Thánh Giá từ từ tiến lên và dừng mỗi đoạn để giáo dân thờ lạy với lời tung hô của cha chủ sự: “Đây là gỗ Thánh Giá, chúng ta đến thờ lạy Ngài”. Khi Thánh Giá được dừng lại giữa cung thánh, chỉ có cha chủ sự chào kính Thánh Giá, năm nay vì còn trong tình hình đại dịch nên không có phần cho giáo dân hôn kính Thánh Giá.

Nghi thức phụng vụ Tôn Kính Thánh Giá của ngày thứ Sáu Tuần Thánh được tiếp nối qua phần cho giáo dân rước Mình Thánh Chúa và kết thúc của ngày tưởng niệm với sự im lặng để tưởng niệm giờ Chúa Chịu Chết.

Thứ Bảy tuần Thánh: Lễ Vọng Phục Sinh. Thánh Lễ Vọng Phục Sinh được cử hành đồng tế một cách trọng thể bắt đầu lúc 8 giờ 30 do cha chánh xứ chủ tế và quý cha trong giáo xứ đồng tế.

Đúng 8 giờ 30, cha chủ sự cùng với quý cha và nghi đoàn tiến về vị trí để bắt đầu nghi thức mở đầu là việc làm phép lửa và thắp Nến Phục Sinh. Nến Phục Sinh được cha chủ sự khắc hình Thánh Giá với những lời công bố theo từng cử chỉ khi kẻ đường dọc: Đức Kitô vẫn là một- kẻ đường ngang: Hôm qua và hôm nay là Alpha và Omega và ghi chữ số của năm 2021 vào các góc của của Thánh Giá và kết thúc với lời: Vạn tuế Đức Kitô- Đấng vinh hiển quyền năng- Vạn tuế Amen.

Sau phần nghi thức làm phép lửa và đốt Nến Phục Sinh. Nến Phục Sinh được đưa lên cung thánh để đặt vào vị trí trang trọng nơi cung Thánh. Nến phục Sinh di chuyển từ cuối nhà thờ và dừng lại từng đoạn với lời tung hô của cha chủ sự: Ánh sáng Chúa Kitô- Cộng Đoàn đáp: Tạ ơn Chúa.

Khi đến giữa bàn thờ, linh mục dừng lại, nâng Nến Phục Sinh lên với lời tung hô: Ánh Sáng Chúa Kitô- mọi người đáp: Tạ ơn Chúa.

Linh mục đặt Nến Phục Sinh vào đế đã đặt sẵn tại Cung Thánh

Các Thừa Tác Viên phụ trách dùng đèn cấy đốt từ nến phục sinh và chuyền đến cho mọi giáo hữu hiện diện được thắp nến lên như một biểu tượng cho việc ánh sáng của Chúa Kitô đến với mọi người. Nghi thức được tiếp nối qua phụng vụ Lời Chúa.

Phần phụng vụ Lời Chúa được tiếp nối qua các Bài Đọc trong cựu ước Mở đầu là Bài đọc I: trích sách Sáng Thế (St 1: 1-2. 2 ) kể lại câu chuyện Chúa dựng nên trời đất và cuối cùng là Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài có Nam có Nữ với lời phán: Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất, hãy thống trị tất cả mọi loài …”Bài đọc II: trích Sách Xuất Hành (Xh 14,15 15-15,1) mô tả việc Chúa cho Mosê dẫn toàn dân Irael vượt giữa lòng biển để tránh quân Ai Cập truy bắt. Bài Đọc III: trích sách Tiên tri Isaia (Is 55: 1-11): với đoạn: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.” kế đến là Đọc IV: bài trích sách tiên tri Êdêkiel ( Ed 36, 16-17a. 18-28) nói lên ý nghĩa: "Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các ngươi quả tim mới". Kết thúc phần cựu ước, đèn trong nhà thờ được mở sáng lên và ca đoàn hát kinh Vinh Danh, bức màn che trên cung thánh được từ từ hạ xuống, hình ảnh Chúa Phục Sinh hiện tỏ tường cùng với tiếng chiêng trống ngân vang mở đầu dấu hiệu biều tỏ sự vui mừng của toàn thể dân Chúa trong giáo xứ đang hiện diện cùng nhau đón mừng Chúa Phục Sinh một cách long trọng. Phần vụ lời Chúa được tiếp nối với bài Thánh Thư của Thánh Phaolô ( Rm 6,3-11) gởi tín hữu Rôma: "Chúa Kitô, một khi tự trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa".

Bài Tin Mừng hôm nay thánh Mác-cô giới thiệu câu chuyện các bà phụ nữ ra thăm mộ Chúa với đoạn: Hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.

Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì ! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này ! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ, trong bài giảng ngài nhấn mạnh: tạ ơn Chúa đã ban cho giáo xứ chúng ta trải qua một mùa chay và những ngày Tam Nhật Thánh khá tốt đẹp. Qua những ngày này số giáo dân đã tham gia một cách sốt sắng các phần phụng vụ Thánh một cách đông đảo dù còn trong tình hình của muà dịch bệnh. Mừng Chúa Phục Sinh, xin cho mỗi người chúng ta cũng được đổi mới để sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh. Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn biết sống và thực hành Lời Chúa.

Sau bài giảng là phần ban các phép bí tích khai tâm cho một số anh chị dự tòng đã trải qua thời gian học hỏi căn bản giáo lý. Năm nay dù trong tình hình dịch bệnh, nhưng ban phụ trách giáo lý dự tòng cũng đã cố gắng để truyền đạt một số giáo lý căn bản làm nền tảng cho Đức Tin của anh chị em dự tòng đang muốn tìm hiểu giáo lý Công Giáo. Hôm nay có đến 13 anh chị trở thành Tân Tòng gia nhập vào gia đình Giáo Hội và Giáo xứ cùng một số các em nhỏ cũng được rửa tội trong Thánh lễ Vọng Phục Sinh. Kết thúc phần ban các phép Bí Tích, cha chủ tế nói: hôm nay giáo xứ có thêm 13 anh chị Tân Tòng được gia nhập vào gia đình giáo xứ và giáo xứ cũng có thêm một số các em nhỏ là những thnàh viên mới của giáo xứ. Xin cho một tràng pháo tay và chúc mừng ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu )

Sau phần ban các phép Bí Tích cho các anh chị dự tòng và rửa tội cho một số em nhỏ, Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha chánh xứ ngỏ lời cám ơn các ban ngành, các giáo đoàn, hội đoàn, ca đoàn đã tham gia các công tác giúp cho việc tổ chức các chương trình của giáo xứ trong suốt mùa chay và những ngày Tam Nhật Thánh được tốt đẹp và mừng Phục Sinh đến toàn thể Cộng Đoàn dân Chúa hiện diện cũng như đang tham dự Thánh Lễ trên trực tuyến.

Đêm Vọng Phục Sinh có gần 2 ngàn giáo dân hiện diện trong đêm Canh Thức đón mừng Chúa Phục Sinh một cách sốt sắng.

Thánh lễ Vọng Phục Sinh kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ và kết thúc lúc 11 giờ 15 phút, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn với niềm vui của Chúa Phục Sinh.

Nguyễn An Quý.
 
Văn Hóa
Huệ Đồng Nội, Bùn Thành Phố
Vũ Văn An
19:03 05/04/2021

Huệ Đồng Nội

Maria Goretti, vị tử đạo đầu tiên của thế kỷ 20, thường được gọi là Agnès Mới, vì cũng như vị thánh anh thư của Giáo Hội thuở ban đầu này, Goretti đã hy sinh mạng sống để gìn giữ sự trong trắng của mình.



Cô sinh tại gần thành phố Corinaldo, Ý, ngày 16 tháng 10 năm 1890, con đầu lòng trong một gia đình gồm 7 chị em. Cha mẹ cô đạo hạnh, ngay thật và chịu khó làm ăn, và Maria luôn theo gương và vâng lời các ngài một cách hân hoan.

Ngay từ nhỏ, Maria đã có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Khi bàn tay nhỏ bé của cô không bận việc nhà, cô đều lần chuỗi Mân Côi, không bao giờ bỏ lỡ cơ hội cầu nguyện. Khi lên 10, cô mất cha là Ông Louis Goretti, qua đời vì một chứng nan y. Cô nhớ cha vô cùng, không bao giờ bước qua nghĩa địa mà không dừng lại, qùy gối cầu nguyện cho cha. Không những thế, Maria còn cố gắng hơn nữa trong việc giúp đỡ mẹ, cô sẵn sàng làm những việc nặng nhọc và khó chịu nhất trong nhà như chà nồi niêu, chùi sàn nhà và thực tế đủ mọi việc. Cô trở thành như người mẹ thứ hai của các em, lo lắng chăm sóc chúng, dạy chúng cầu nguyện, khuyên bảo chúng biết vâng lời và sống ngay thẳng. Cô có tinh thần giúp đỡ người khác và đầy lòng khiêm nhu: cho dù bị chỉ trích nặng lời, cô vẫn tiếp nhận một cách vui vẻ, mặt không dài ra như các cô gái khác.

Nhờ đâu cô được như vậy? Nhờ cô biết lấy Chúa làm tâm điểm đời cô, việc gì Chúa vui là cô làm. Dù phải đi bộ hai tiếng đồng hồ mới tới nơi tham dự Thánh Lễ, cô cũng không từ nan: cô luôn là người đến trước nhất và ra về cuối cùng. Cô năng xưng tội và luôn cố gắng đem các quyết tâm ra thực hiện cho bằng được.

Cô đặc biệt qúi trọng đức trong sạch: gìn giữ ý tứ trong ăn mặc, nói năng, đi đứng, tránh những chuyện sàm sỡ. Một lần thấy một cô gái khác ăn nói tục tĩu, cô thưa với mẹ: con thà chết chứ không ăn nói như nhỏ đó đâu! Vì cô biết rằng ngay cả một linh hồn mạnh mẽ nhất cũng sẽ sa ngã nếu không tránh dịp tội.

Gia đình cô sống chung với một gia đình khác gồm người cha là Ông Serenelli và đứa con trai là Alexander lúc đó đã 20 tuổi.

Alexander đầy những tư tưởng và thèm muốn xấu xa, phần lớn vì đã xem các báo chí và tập san đồi trụy do cha cậu mua và để bừa bãi trong nhà, và làm bạn với các thanh thiếu niên khác cũng có tư tưởng hắc ám như cậu. Cho nên không lạ gì cậu đã để mắt tới cô gái trong trắng và vô tội Maria Goretti.

Sau nhiều lần dụ dỗ không được, cậu đã cả gan ôm chầm lấy Maria, nhưng cô đã dùng hết sức lực thoát chạy được. Tuy vậy, Alexander không buông tha con mồi. Ngày hôm sau, hai gia đình Goretti và Serenelli cùng bận đạp đậu ở sân làng, Maria có nhiệm vụ phải ở nhà coi nhà. Alexander cỡi bò còn các em của Maria thì cỡi toa xe phía sau đi vòng vòng quanh sân đạp đậu, Bà Goretti giữ nhiệm vụ xẩy vỏ đậu.

Vào khoảng 3 giờ chiều, Alexander xin kiếu bỏ đi, nhờ Bà Goretti cỡi bò hộ. Đoạn cậu chạy về nhà. Lúc ấy, Ông bố Alexander là Ông John Serenelli đang nằm nghỉ phía ngoài vì bị lên cơn sốt, Maria thì đang ngồi khâu vá ngoài cầu thang, từ đó, cô có thể thấy rõ sân đạp đậu. Hùng hổ không nói không rằng, Alexander qua mặt Maria, vào nhà lục lọi một hồi, lấy được khúc sắt nhọn dài khoảng hai gang tay, đoạn lên tiếng: Maria, đến đây chút coi! Maria biết rõ dã tâm của Alexander, nên không trả lời, vẫn ngồi yên khâu vá. Tức giận, Alexander sấn tới, ôm lấy Maria, cô vùng vẫy tìm cách thoát thân giữa lúc Alexander kéo cô vào phòng, khóa chặt cửa lại. Cô cố la to, nhưng bị Alexander nhét khăn tay vào miệng.

Tuy vậy, cô vẫn tìm cách thoát ra và không ngừng nói với Alexander: Không được, không được, Chúa không muốn vậy đâu; làm thế là tội trọng phải sa hỏa ngục đấy! Biết giằng co mãi không xong, Alexander bèn dùng thỏi sắt nhọn đâm túi bụi vào người Maria. Cô gục ngã giữa vũng máu. Tưởng cô chết, Alexander bỏ vào phòng. Dần dần tỉnh lại, và dù đau đớn cùng cực, Maria cũng cố hết sức bò ra phía cửa để la cầu cứu. Nghe thấy tiếng la, Alexander lại xông tới và liên tiếp đâm thẳng vào cổ cô 6 lần nữa. Maria chới với kêu lên: Chúa ơi, Chúa ơi, con chết mất má ơi! Mọi người chạy tới, chỉ còn để nghe Maria thoi thóp: Alexander giết con, vì anh ấy muốn con phạm tội với anh ấy nhưng con không chịu.

Băng bó cho cô qua loa, người ta vội đưa cô vào bệnh xá. Đường thì xa, gập ghềnh mà xe lại quá tệ, nên cái đau hấp hối của Maria càng dữ dằn hơn. Mãi chiều tối, mới tới nơi. Nhưng Maria không oán hận Alenxander. Được hỏi: con có tha thứ cho người đã giết con không? Cô trả lời ngay: có, con tha thứ cho anh ấy vì con tin rằng Chúa cũng đã tha thứ cho anh ta. Mấy giờ sau, cô trút linh hồn sau khi đã được rước Chúa.

Năm ấy là năm 1902, khi cô mới được 11 tuổi rưỡi. Bốn mươi tám năm sau, tức năm 1950, cô được phong hiển thánh trước sự chứng kiến của mẹ và Alexander, lúc ấy đã ăn năn hối cải và sống cuộc sống xứng đáng của một người con Chúa.

(Daughters of St Paul, Fifty-Seven Saints for Boys and Girls, Boston, 1975)

Bùn Thành Phố

Không ai không công nhận thành phố ta đang vấy đầy bùn. Bùn là đất nhão do hoà lẫn trong nước, và vì ở đáy ao nên chứa rất nhiều chất dơ do việc rửa ráy, tắm giặt và đôi khi cả phóng uế nữa, tạo nên. Cho nên bùn thường đi đôi với nhơ bẩn, hôi tanh.

Người ta ví các tệ nạn xã hội như bùn nhơ là vì vậy, như các khẩu hiệu: Quét sạch các thứ bùn nhơ của xã hội. Trái lại, những người sống bên cạnh những tệ nạn ấy mà vẫn giữ được lòng trong sạch được văn hóa Việt Nam ca tụng là: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Cái thứ bùn ta thấy hiện đang vấy đầy các thành phố, nhất là các thành phố Tây Phương, chính là phim ảnh và sách báo khiêu dâm. Ở đây, ta thấy văn hóa Đông Tây lại một lần gặp gỡ. Thực thế, người Úc gọi cái thứ ô uế ấy bằng hạn từ sleaze hay sleazy. Từ điển Anh Việt của Viện Ngôn Ngữ Học dịch hạn từ này là bẩn thỉu và không đứng đắn, nhớp nhúa. Chữ nhớp nhúa là hay hơn cả trong bối cảnh bài này vì nó gợi lên cùng một hình ảnh khi nói đến bùn. Chính Từ điển Webster Comprehensible Dictionary, Encyclopedic Edition, đã định nghĩa hạn từ này là lacking firmness of texture or substance (thiếu tính cứng cáp của kết cấu hay bản chất), cũng âm hưởng như bùn vậy.

Nói cách khác, cũng như bùn, cái thứ văn hóa khiêu dâm không có cái cứng cáp của bản thể sự vật. Nói gọn hơn, nó thiếu sự thật, nó không tôn trọng sự thật. Hay nói theo ngôn ngử Coca Cola: It’s not real! Và do đó, không cool. Chính Peter Olszewski, chủ bút tờ People của Úc đã thành thật thú nhận: We may stretch the truth (chúng tôi có thể đã kéo mỏng sự thật). Và David Naylor, người được Kerry Packer cử làm tổng biên tập cho cả ba tạp chí cùng có tên bắt đâu chữ P là People, Picture và Pix, còn đi xa hơn thế. Đối với anh ta, càng đi quá bên kia sự thật càng tốt: I made a decision to go English Tabloid – to go overboard, use all alliteration,the crazy angles on stories. And it worked – the more over-the-top it became, the more we sold”. Và anh ta chẳng ngần ngại cho đăng hình người đàn bà ba vú và người đàn ông với cái mông quay ra phía trước với tựa đề: Ê, bác sĩ khâu mông tớ từ sau ra trước! Sau này, anh ta phải thú nhận hai chuyện ấy hoàn toàn bịa đặt.

Việc khai thác thân thể đàn bà để làm tiền đôi khi làm chính các viên chủ bút này cảm thấy xấu hổ. Như lời thú nhận của Naylor: It is a shame that, to be able to sell the magazine like this, we have to expose the female figures like we do. But the other side of me says it’s natural and okay. I acknowledge there’s a degree of conflict inside me. When I was younger there was no conflict.

Còn Jean Norman, nữ phóng viên duy nhất của tờ People, cho hay cô cảm thấy mệt cứ phải xem những thân hình đàn bà trên báo: Nếu một ngoại nhân từ ngoài không gian đổ bộ lên đây mà thấy những hình ảnh và quảng cáo này, chắc họ sẽ nghĩ hẳn cái tôn giáo của giống người này phải tôn thờ các cô gái trẻ (Xem Richard Glover, Full-Frontal Farce, Good Weekend, Dec. 23, 1989, pp. 20-24). Nhưng điều ấy không ngăn cản họ tiếp tục hành nghề.

Nói đến tôn thờ, lại nhớ đến một bài báo khác đăng trên Reader’s Digest đã từ lâu. Tác giả là Bác Sĩ Goodrich C. Schauffler. Tựa đề bài báo là Bosom Worchip (Thờ Ngực) được lựa đăng lại trong tuyển tập Our Human Body, Its Wonders & Its Care cũng do Nhà Reader’s Digest ấn hành năm 1969. Bác sĩ Schauffler cho hay điều làm các thầy thuốc ưu tư là bộ ngực đàn bà đã trở thành biểu tượng quá thổi phồng của tính dục khiến cho mục đích tuyệt vời về sinh học của nó mất dần đi một cách thảm hại, dù các phúc trình y khoa đều xác tín rằng những trẻ khỏe mạnh nhất chính là những trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ. Ông buồn bã nhận xét:

Vốn là biểu tượng của tình mẹ, bộ ngực nay được phần đông các thiếu nữ coi như thước đo đầu hết tiềm năng tính dục của họ. Từ việc phải lôi cuốn một người bạn trai ở trung học để tung tăng đi chơi hoặc ngay cả một tấm chồng sau này, sự âu lo về bộ ngực đã bén rễ sâu trong tâm tư các thiếu nữ tuổi trăng tròn. Ngày xưa còn những điều như giữ gìn ý tứ (modesty), nhưng ngày nay, những điều như thế không còn phổ thông nữa. Lên năm lên sáu, những cô gái xinh xinh, tương lai trở thành vũ công ballet, đã bắt đầu lo lắng đến những vấn đề này rồi...

Điều ấy đem lại nhiệu hậu qua tai hại. Ông cho hay ông đã chứng kiến nhiều bé gái mới 10 tuổi, vì quá ám ảnh đến việc muốn có bộ ngực lớn, đã bắt đầu đeo vú giả. Nhiều em khác gặp trường hợp vú tăng trưởng bất thường đã lo âu quá đến độ tính bề tự sát. Đã đành, đây chỉ là những trường hợp hiếm có, nhưng cũng đủ để nói lên rằng người ta đã quá chú trọng đến vấn đề này ở một độ tuổi quá sớm. Người ta dùng đủ mọi phương tiện nào báo chí, phim ảnh, nào truyền thanh, truyền hình để quảng bá những phương tiện làm tăng kích thước bộ ngực. Khiến cả những người đàn bà trời đã cho một bộ ngực đủ kích thước, cũng vẫn tìm hết cách để gia tăng kích thước ấy lên bằng đủ thứ giả tạo. Và lãnh đủ tai ương như gần đây báo chí Úc đã đề cập nhân khi đưa tin về những vụ kiện đòi các hãng chế tạo vú giả bồi thường.

Bác sĩ Schauffler, sau khi đưa ra những cái lợi về phương diện sinh học của việc cho con bú sữa mẹ, đã kết luận như sau: Những đường cong, sự ấm áp và cái đẹp của thân xác phụ nữ là quà tặng của Thiên Chúa, và chúng càng đẹp khi được hiểu và được sử dụng trong vai trò đã được đặt định cho chúng đó là tình mẫu tử.

Tiếc thay, văn hóa bùn nhơ, văn hóa nhớp nhúa hay văn hóa phi sự thực lại không nhìn ra điều ấy. Hoặc có nhìn ra, nhưng vì túi tham không đáy đã khiến họ quay mặt làm ngơ. Điều này chưa hẳn là điều đáng buồn. Điều đáng buồn còn là vì những người có trách nhiệm trong xã hội đã về hùa với họ.

Fenella Souter, trong bài Censors and Sensibilities, đăng trên tờ The Bulletin số ngày 6 tháng 4 năm 1993, đã lên tiếng tố cáo những khuôn mặt trách nhiệm này. Cô nhận xét rằng: Ngày nay, kiểm duyệt viên có khuynh hướng cắt xén và xếp loại hơn là cấm đoán. Mặt khác, hình như văn hóa phản kháng không còn nữa. Ký giả Richard Neville của tờ Sydney Morning Herald, khi lên tiếng chỉ trích cuốn phim The Cook, The Thief, His Wife and Her Lover của Peter Greenaway cho hay khán giả đã nên như “tê cóng về phương diện tâm lý” còn những người bất đồng ý kiến, thì đang ngủ thiếp.

Ông viết thêm: “Thực ra tôi đâu có đòi cấm cuốn phim đó. Tôi chỉ muốn chia sẻ cảm nghĩ của mình. Phần lớn các rây lọc nền văn hóa của ta phần nào chấp nhấp nguyên tắc tổng quát cho rằng mọi sự đều OK miễn là được làm đàng hoàng. Bao lâu cái hướng của cuốn phim là lôi cuốn và trang phục lộng lẫy...thì cần gì đến truyện phim, cứ nghe âm nhạc đi!” Bạn cứ việc đi coi phim đó hoặc những phim giống như nó, nếu bạn muốn, nhưng đừng nên giới hạn cuộc tranh luận chỉ vì sợ bị coi là “không hợp thời trang”. Neville biện luận tiếp “vấn đề là nền văn hóa phản kháng không còn nữa. Chúng ta đã lớn lên bận rộn lo đòi hỏi tự do phát biểu quen rồi, nên bây giờ như thể ‘Ê, đừng vội lên án ạ, tôi đâu có khoái cái phim đó, nhưng tôi không muốn nói gì cả vì người ta có thể nghĩ tôi là một thứ Bà Grundy hay Ông Fred Nile’”.

Thành thử, sống trong cái cảnh bùn nhơ này, thái độ đúng đắn không phải là không nhìn, không nghe, không thấy cho bằng một văn hóa phản kháng. Nền văn hóa ấy hiện đang được nhiều người ủng hộ. Tại Mỹ, tác giả Michael Medved, trong cuốn Hollywood vs America, lên tiếng cho rằng Hollywood đã trở thành lạc điệu với quần chúng Mỹ - quá nhiều suy đồi và quá ít đoan trang. “Mối tình thơ mộng của nước Mỹ với Hollywood đã chấm dứt rồi... Cái nhà máy sản xuất các giấc mơ nay đã thành nhà máy sản xuất thuốc độc”.

Nếu không thay đổi, Medved cho hay, các nhà sản xuất phim của Hollywood có thể trở thành những người thua cuộc về tài chánh. Gần đây, chính Mark Canton, đứng đầu Columbia Pictures, đã phải nhìn nhận rằng các phim lôi cuốn các bậc phụ huynh và con em họ có cơ may đem lại lợi nhận sổi 100 triệu dollars 3 lần lớn hơn các phim thuộc loại R.

Mặt khác cũng tại Mỹ, phong trào khuyến khích thanh thiếu niên giữ thân xác trong trắng trước khi kết hôn đang thu hút hàng chục ngàn thành viên, đến nỗi, lần đầu tiên, Thành Phố New York dành cả một ngân khoản 7 triệu dollars ủng hộ phong trào. Tiểu bang Michigan cũng đang phát động chương trình gọi là Sex Can Wait và tại Maryland, nhiều bảng quảng cáo đã được dựng dọc đường với hàng chữ lớn Virgin: teach your kids it’s not a dirty word! (Catholic Weekly, 17/08/1997).

Tại Úc, dư luận quần chúng hiện ny tin rằng các nguyên tắc hướng dẫn việc kiểm duyệt có nhiều thiếu sót, không đầy đủ. Nữ Bác Sĩ Marlene Goldsmith, một dân biểu của Đảng Tự Do New South Wales đã trình lên quốc hội một dự luật đòi phải hạn chế hơn nữa việc bày biện “những hình ảnh rõ ràng có tính cách tính dục, khuyến khích bạo động hay khiêu dâm hạ cấp trong các tiệm bán lẻ hoặc các nơi công cộng trẻ em có thể lui tới”. Marlene không cô độc, các nhóm áp lực đòi có những vùng “không có văn hóa khiêu dâm” đang mọc lên ở nhiều nơi trên đất Úc” (Fenella Souter, bài đã dẫn)

Kỳ tới: Nơi Phố Không Tên
 
Bình Minh Ngày Thứ Nhất Trong Tuần
Sơn Ca Linh
20:54 05/04/2021
Chút cảm nhận Phục Sinh

Xôn xao cái “Ngày Thứ Nhất” !
Mới sáng tinh mơ mà cuối xóm đầu làng …
Nhất là nơi khu chợ bên đường cái quan,
Nhỏ to kháo láo râm ran, các bà tám chuyện…

Thì ra,
Chuyện “ông Thầy Giêsu”, chưa tan nỗi buồn đau điếng,
Nay chợt về “Tin Vui: NGÀI ĐÃ SỐNG LẠI RỒI” !
Toàn là “tôi làm chứng”:
Ngôi Mộ trống, thiên thần …, mới sáng nay thôi,
Lại chuyện kể ly kỳ
của cô Mai Đệ Liên một mình diện kiến !

Đất trời vui hẳn lên,
Tin xuân chợt về và những con én liệng,
Mắt sáng, môi cười thay mếu máo rưng rưng,
Thế sao? Có thật không? chuyện lạ quá chừng !
Thiệt mà ! Trăm phần trăm ! Ngài đã sống lại !

Rồi từ đó,
Câu chuyện “bình minh Ngày Thứ Nhất trong tuần”,
Đã trở thành vĩ đại,
Chuyện Thầy Giêsu Nadarét vừa bị đóng đinh,
Chưa được ba ngày đã vội “phục sinh”,
Đã hiện ra tùm lum,
mộ trống, nhà Tiệc Ly,
bờ hồ Galilê, đường Emmau, quán trọ…

Và,
Chuyện kể “của bà Maria Mađalêna” chưa bao giờ thấy cũ !
Bởi có muôn vạn người lại “kể tiếp” chuyện ngày xưa.
Nhưng, Chuyện “Chúa Phục Sinh” mà !
Đâu phải bằng lời là đủ, đâu phải nói là vừa,
Cần mạng sống, trái tim, đôi tay, … mới trở thành “Lời Chứng” !

Vâng,
Chuyện kể “Phục Sinh”,
Chuyện của niềm tin đá vàng kiên vững,
Chuyện của tình yêu cứu độ muôn đời…
Chuyện của niềm hy vọng bừng sáng nơi nơi,
Của những cuộc đời
Chọn sống yêu thương và trở thành “nhân chứng” !

Sơn Ca Linh (Phục Sinh 2021)









 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Mớm Con Ăn
Joseph Ngọc Phạm
16:48 05/04/2021
MẸ MỚM CON ĂN
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Dù cho mẹ đói hay no
Mớm cho con nhỏ bụng no mẹ mừng
(bt)
 
VietCatholic TV
Thánh lễ Phục sinh ở Vatican với bài thánh ca từng làm rung động bao thế hệ người Công Giáo Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:27 05/04/2021

Video sẽ bắt đầu từ 6g chiều ngày 05-April-2021 theo giờ Việt Nam
 
Các Hồng Y, TGM lên tiếng sau khi cảnh sát kêu gọi truy tìm thủ phạm tấn công dã man người Á Châu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:30 05/04/2021


1. Cảnh sát New York kêu gọi công chúng giúp tìm ra kẻ tấn công dã man một phụ nữ Á Châu

Một cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào một phụ nữ Mỹ gốc Á gần Quảng trường Times của Thành phố New York đang thu hút sự lên án rộng rãi và gây ra những lo ngại về việc những người ngoài cuộc đã dửng dưng không can thiệp trong bối cảnh bạo lực chống người Á Châu đang bùng phát trên khắp nước Mỹ.

Một kẻ tấn công đơn độc đã được nhìn thấy trong video an ninh hôm thứ Hai Tuần Thánh. Hắn đá vào bụng người phụ nữ 65 tuổi, đi ngược chiều với y, khiến bà ngã xuống đất. Sau đó, y dùng chân và dậm vào mặt bà, và đá bà ấy tới tấp trong khi hét lên những lời chế nhạo chống người Á Châu.

Vụ tấn công xảy ra ngay trên đường phố cách Quảng trường Times hai dãy phố, là một khu vực nhộn nhịp, an ninh nghiêm ngặt của khu trung tâm Manhattan được gọi là “Ngã tư của thế giới”.

Hai công nhân bên trong một cửa tiệm, có vẻ là các nhân viên bảo vệ đã chứng kiến toàn bộ vụ tấn công nhưng không đến hỗ trợ người phụ nữ, cũng chẳng một lời can ngăn. Người chủ của cửa tiệm thản nhiên kéo cửa lại để mặc cho vụ tấn công tiếp tục diễn ra. Đoạn video cho thấy kẻ tấn công có thể thản nhiên bỏ đi trong khi nhiều người chứng kiến toàn bộ vụ việc diễn ra trước mắt họ.

Trong một tuyên bố hôm 30 tháng Ba, Đức Hồng Y Timothy Dolan gọi hành động tấn công một người phụ nữ vô phương tự vệ là “hoàn toàn đáng kinh tởm” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi các nhân chứng chứng kiến mọi sự mà không can thiệp gì cả.

Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh đang có sự gia tăng làn sóng tội ác chống người Á Châu. Nghiêm trọng nhất là vụ xả súng hàng loạt ở Atlanta khiến 8 người chết, 6 trong số đó là các phụ nữ gốc Á. Sự gia tăng bạo lực chống người Á Châu có một phần là do coronavirus.

Cảnh sát cho biết từ đầu năm dương lịch cho đến hôm 30 tháng Ba, tại thành phố New York đã xảy ra 33 vụ phạm tội thù hận trong đó nạn nhân là người Á Châu. Có 11 cuộc tấn công như vậy trong năm ngoái.
Source:USA News

2. Đức Tổng Giám Mục Cordileone kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với người Mỹ gốc Á Châu

Hôm thứ Ba Tuần Thánh 30 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục San Francisco đã kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với người Á Châu trong thành phố và trên toàn nước Mỹ, đồng thời thông báo về một buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình.

“Sự gia tăng bạo lực chống lại người Á Châu trên khắp đất nước là điều đáng báo động và kinh khủng đối với tất cả mọi người có lý trí lành mạnh,” Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone viết trong một tuyên bố ngày 30 tháng Ba.

Số vụ tấn công người Mỹ gốc Á ở Hoa Kỳ đã tăng lên trong năm ngoái. Một loạt vụ xả súng tại ba tiệm mát-xa ở khu vực Atlanta hồi đầu tháng đã khiến sáu phụ nữ gốc Á thiệt mạng.

Vị tổng giám mục nói rằng “điều đáng lo ngại hơn cả là những cuộc tấn công tàn bạo đã xảy ra đối với những người Mỹ gốc Á ở ngay San Francisco trong những ngày gần đây”.

Cô Ron Tuason, người gốc Phi Luật Tân, Trung Quốc và Tây Ban Nha, đã bị tấn công tại một trạm xe buýt trong thành phố vào ngày 13 tháng 3 bởi một người đàn ông bằng những lời nói tục tĩu chống người Á Châu; và vào ngày 17 tháng 3, bà Tạ Hiểu Chân (Xiao Zhen Xie, 谢晓振) 70 tuổi, đã bị hành hung gần khu phố Tenderloin.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone thốt lên: “Đây không thể là San Francisco của chúng ta. Trái lại, thành phố của chúng tôi luôn là tâm điểm của nền văn hóa người Mỹ gốc Á, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Nam Á và những người nhập cư khác, là những người vượt qua sự phân biệt đối xử và khó khăn để góp phần tạo nên tấm thảm phong phú của nơi này cuộc sống của thành phố”.

“Trong cộng đồng Công Giáo của chúng ta, chúng ta rất may mắn được làm giàu bởi nhiều cộng đồng Á Châu sôi động, những cộng đồng mang lại nhiều sức sống cho đời sống đức tin của người dân chúng ta”.

Ngài nói rằng “là những người Công Giáo, chúng ta cũng thuộc về một cộng đồng đức tin toàn cầu, một tổ chức đa dạng và đa văn hóa nhất trên thế giới; và với tư cách là người Mỹ, chúng ta có trách nhiệm trên trường quốc tế phải thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả mọi người, khẳng định phẩm giá con người của họ. Do đó, chúng ta phải làm gương đi đầu trong việc hướng tới sự thống nhất được nhiều người nói đến nhưng luôn khó nắm bắt, rất cần thiết và mong muốn trong xã hội của chúng ta ngay bây giờ”.

Đức Tổng Giám Mục thông báo rằng Tổng giáo phận San Francisco sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện vào ngày 10 tháng 4 tại Nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, để cầu nguyện cho “sự chấm dứt bạo lực và phân biệt chủng tộc đặc biệt đối với người Á Châu, để chữa lành cho quốc gia của chúng ta, và cho sự hưng thịnh của hòa bình và công lý trên đất của chúng ta”.
Source:Catholic News Agency

3. Một linh mục ở Honduras gặp rắc rối vì gỡ khẩu trang y tế trên mặt các tín hữu

Một linh mục ở tây bắc Honduras đang gặp rắc rối vì gỡ khẩu trang y tế trên mặt các tín hữu trong Chúa Nhật Lễ Lá.

Trước khi làm phép lá, Cha Rolando Pena, là cha sở giáo xứ Corquin, ở thành phố Copan nói với anh chị em giáo dân đang đứng chung quanh ngài: “Anh chị em đừng đánh mất văn hóa và tôn giáo của chúng ta. Tôi không vui khi thấy ba cái đồ rác này.”

Rồi ngài gỡ bỏ khẩu trang y tế trên mặt một phụ nữ và ném đi. Ngài nói:

“Nếu anh chị em không hài lòng với điều này hãy nhìn tôi và xem tôi đi đứng thế nào.”

“Hãy quăng nó đi, quăng nó đi cho thoải mái.”

Sau thánh lễ, có lẽ thấy cử chỉ của mình hơi quá đáng, ngài tỏ ra dịu giọng hơn.

Ngài biện minh như sau: “Tôi không dính dáng tới mấy cái vụ an ninh sinh học. Tôi không dính dáng tới mấy cái vụ đó. Anh chị em đeo mặt nạ nhưng hãy xem tôi đi tới đi lui mà chẳng cần đeo cái gì cả vì tôi tin vào lòng thương xót của Chúa. Tôi phải cởi bỏ rất nhiều mặt nạ ở đây và tôi sẽ còn cởi bỏ nhiều nữa trong ngày hôm nay để chúng ta có thể tạo ra và có niềm tin rằng có một Thiên Chúa toàn năng, là Đấng che chở cho chúng ta và bảo vệ chúng ta.”

Trong một thông báo hôm 30 tháng Ba, Đức Cha Darwin Rudy Andino Ramírez của giáo phận Santa Rosa de Copán, là giáo phận sở tại, bày tỏ âu lo là hành động của Cha Pena xâm phạm vào tự do cá nhân của các tín hữu, và nếu có sự bùng phát dịch bệnh Cha Pena có thể gặp rắc rối to với chính quyền.
Source:AFP