Ngày 07-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Năm 8/4: Ý nghĩa của cá và mật ong trong mầu nhiệm Phục sinh –Lm. Anthony Nguyễn Thế Nhân
Giáo Hội Năm Châu
01:12 07/04/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 07-April-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Lc 24, 35-48

“Đấng Kitô phải chịu thương khó như vậy, rồi mới được tôn vinh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Đoạn Người phán: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Đó là lời Chúa.
 
Vị Tông Đồ của Lòng Chúa Thương Xót
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
05:18 07/04/2021
“Vị Tông Đồ của Lòng Chúa Thương Xót”

Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa tại Quận Lagiewniki, miền đất được Thánh Gioan Phaolô II gọi là “Thủ Đô Lòng Thương Xót”. Ðền Thánh được xây trên vùng đất trước đây là Tu Viện Dòng Ðức Mẹ Nhân Lành. Tại trung tâm của đền thánh có một nhà nguyện, lưu giữ bức tranh nguyên thủy về lòng thương xót của Chúa Giêsu, thi hài thánh Faustina được chôn cất trong nguyện đường của Hội Dòng. Các công trình này được xây dựng từ năm 1999-2002 và được Thánh Gioan Phaolô II thánh hiến ngày 17.8.2002. Bề ngoài của đền thánh giống một con tàu, với tháp chuông cao 77m. Nơi đây có thể đón tiếp cùng lúc khoảng 5.000 người. Ở đây còn có Tu Viện Đức Mẹ Nhân Lành và Trung tâm Gioan Phaolô II, lưu dấu nhiều chứng tích của thánh nhân. Năm 2016, dịp Đại hội Quốc Tế Giới Trẻ tại Ba lan, chúng tôi đã đi hành hương đến nơi này.

Vào ngày 13.3.2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh đặc biệt” được gọi là “Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót”. Thông điệp “Dives in Misericordia” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là động lực thúc đẩy Đức Phanxicô khai mở Năm Thánh này.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Thánh của Lòng Chúa Thương Xót, chính là nguồn gợi hứng cho Năm Thánh Lòng Thương Xót, nguồn gợi hứng này được nảy sinh từ thị kiến của thánh nữ Maria Faustina Kowalska, nữ tu dòng Đức Mẹ Nhân Lành, vị tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót, người được Chúa Giêsu tỏ mình và sai đi loan báo cho thế giới biết về Lòng Chúa Thương Xót: “Hỡi tông đồ Lòng Thương Xót của Thầy, con hãy công bố cho toàn thế giới về Lòng Thương Xót khôn dò của Ta. Đừng chán ngại trước những khó khăn con phải đương đầu khi rao truyền tình thương của Ta. Những khó khăn này tuy làm con đau khổ, nhưng hết sức cần thiết cho việc nên thánh của con và là bằng chứng cho thấy công cuộc này là của Ta. Ái nữ của Thầy ơi, con hãy tỉ mỉ ghi lại từng câu Ta dạy cho con về lòng nhân lành của Ta, bởi vì nhờ đó rất nhiều linh hồn sẽ được hưởng nhờ lợi ích”.(Trích trong cuốn Nhật Ký của Thánh nữ Maria Faustina Kowalska, số 1142, nguồn: giesu.net/tieu-su-thanh-nu-faustina-kowalska).

Thánh Nữ Faustina được mọi người khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ và là Sứ Giả của Lòng Thương Xót Chúa”, một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trổi vượt trong Giáo hội. Ngài được nhìn thấy Chúa Giêsu với 2 luồng ánh sáng chiếu giải từ Trái Tim Chúa.

1. Tuổi thơ.

Faustina chào đời ngày 25 tháng 8 năm 1905 tại Glogowiec, Ba Lan, và được đặt tên là Helen Kowalska. Thánh nữ là con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo khổ có 10 người con, 2 trai 8 gái. Faustina lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy ngày 27 tháng 8 năm 1905, tại nhà thờ giáo xứ Swinice, Warckie, và được đặt tên là Helen. Ngay từ khi còn nhỏ, Helen đã nổi bật về đời sống yêu thích cầu nguyện, làm việc chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.

Năm lên 7 tuổi, lần đầu tiên Helen được cảm nhận về ơn gọi sống đời sống tu trì, sống đời thánh hiến và gắng đạt đến sự trọn lành. Năm lên 9 tuổi, Helen được xưng tội và rước lễ lần đầu. Thánh nữ Faustina rất có lòng sùng kính bí tích Thánh Thể, đến nỗi hầu như mọi trang nhật ký của chị đều có nhắc đến bí tích này. Ngày 30 tháng 10 năm 1921, Helen đã được Đức Cha Vincent Tymieniecki của giáo phận Aleksandrow – Lodz ban bí tích Thêm Sức. Trong thời gian này, Helen đang sống xa nhà và giúp việc cho một gia đình khác.

Khi đã 12 tuổi, Helen mới cắp sách đến trường tại Suinice Warckie. Helen không thể đi học sớm hơn vì nhà trường bị đóng cửa trong thời kỳ quân Nga chiếm đóng Ba Lan. Đến năm 14 tuổi, Helen đã rời gia đình để đi làm như một người giúp việc tại Aleksandrow và tại Lodz, với mục đích tự lập và giúp đỡ gia đình.

2. Nữ Tu

Năm 18 tuổi, Helen mới ngỏ ý với mẹ về ước muốn vào tu trong một tu viện. Cha mẹ dứt khoát không đồng ý. Helen đã muốn bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn. quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Giêsu tử nạn và những lời trách cứ của Ngài: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK 9).

Helen đã xin vào dòng tu. Chị đã gõ cửa không ít Tu viện nhưng không được nơi nào đón nhận. Cuối cùng ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helen đã được bước qua ngưỡng cửa của Dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tai Warsaw. Helen cảm thấy tràn ngập hạnh phúc. Dường như chị đã bước vào cuộc sống thiên đàng. Một lời kinh chợt phát ra từ tâm hồn chị, một lời kinh tạ ơn. Vào dòng, Helen nhận tên mới là Maria Faustina.

Vào năm 1933, nữ tu Faustina đã được tuyên khấn trọn đời. Chị sống trong hội dòng Các Nữ Tu Đức Mẹ Nhân Lành được mười ba năm, đảm nhận các công tác như làm bếp, coi vườn, giữ cổng tại nhiều trụ sở của dòng tại Plock, Vilnius, và Krakow. Trong tất cả các nơi ấy, chị thánh đã trung thành với những tục lệ của cộng đoàn và tận tâm chu toàn các việc phận sự.

Bề ngoài, không có gì cho thấy cuộc sống phong phú nơi nội tâm chị thánh. Chị sốt sắng chu toàn các công tác và trung thành giữ trọn luật dòng. Chị thánh có một cuộc sống tịnh hiệp cao độ, nhưng rất tự nhiên, thanh thản, và có một đức ái vô điều kiện với người chung quanh. Mặc dù bên ngoài, đời sống chị thánh xem ra vô nghĩa và đơn điệu, nhưng bên trong là một sự kết hiệp ngoại thường với Thiên Chúa. Từ khi còn nhỏ, chị đã ước ao trở nên một vị đại thánh, và với lòng kiên định, chị đã hoàn thành hoài bão này đến mức hiến dâng chính cuộc sống cho các tội nhân.

Những năm sống trong dòng, thánh nữ Faustina tràn đầy những ân huệ ngoại thường: hưởng những lần thị kiến, các dấu thánh kín ẩn, chia sẻ cuộc thương khó của Chúa, hiện diện hai nơi cùng một lúc, đọc được tâm hồn người khác, nói tiên tri, và được đặc ân cao quí là kết ước nhiệm hôn cùng Chúa.

Mối tương giao sống động giữa chị thánh với Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thiên thần, các vị thánh, các linh hồn luyện ngục – toàn bộ thế giới vô hình – cũng thực tế như thế giới hữu hình mà chị thánh cảm nhận được qua các giác quan.

3. Sứ Giả

Đời sống đạo đức của thánh nữ Faustina chủ yếu tập trung vào việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Rõ ràng, nhờ hội dòng đặc biệt của mình, chị thánh đã chuẩn bị đầy đủ cho các công việc sứ mạng. Ngoài nếp sống của dòng, chị thánh còn có một lòng sùng kính ngoại thường với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Thể.

Chúa đã ủy thác cho chị nữ tu hèn mọn nhưng mạnh mẽ, khiêm nhượng, và tín thác cao độ của Người một sứ mạng đặc biệt: “Hiện nay Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới, Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha” (NK 1588).

Chúa đã biến đổi Faustina thành nên người Tông Đồ của Lòng Thương Xót. Thánh nhân là chứng nhân sống động của Chúa, công bố Lòng Thương Xót của Chúa bằng ngôn từ và hành động, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong việc cộng tác cứu độ các linh hồn.

Chúa đã chuẩn bị chị thánh Faustina cho sứ mạng này một cách tiệm tiến. Bước quan trọng để thực hiện sứ mạng này là việc vẽ bức hình Chúa Thương Xót – theo như mẫu Người đã hiện ra tại Plock. Qua bức hình này, ý nghĩa của sứ mạng ấy trở nên rõ rệt và có nền tảng vững vàng hơn.

Nếp sống khổ hạnh và những lần chay tịnh đến kiệt sức đã làm yếu nhược thể trạng của chị. Gần cuối năm đầu của thời kỳ nhà tập, chị còn phải trải qua những kinh nghiệm thần bí đớn đau lạ thường của giai đoạn đêm tối giác quan và sau đó là các khổ đau tinh thần và luân lý liên quan đến sức mạng mà chị nhận lãnh từ Chúa Kitô. Faustina đã hy hiến cuộc đời cho các tội nhân, vì thế chị đã chịu đựng những đau khổ tư bề để trợ giúp các linh hồn. Trong nhũng năm tháng cuối đời của chị thánh, các đau khổ nội tâm của đêm thụ động linh hồn và những bệnh nặng phần xác càng trở nên dữ dội hơn. Tuy kiệt quệ thể lý, nhưng Faustina đã đến mức trưởng thành sung mãn trong đời sống thiêng liêng. Sau 13 năm sống đời tu, ngài đã từ trần vào ngày 5 tháng 10 năm 1938, khi mới 33 tuổi đời. Thi hài của ngài an nghỉ tại ngôi mộ chung trong nghĩa trang Tu viện. Năm 1966, trong khi tiến hành các thủ tục điều tra án phong Chân phước, thi hài của ngài được cải táng vào Nhà nguyện của Tu Viện.

Mặc dù chỉ có một học vấn rất giới hạn, nhưng người nữ tu hèn mọn này được giáo dục trong trường học của Thấy Chí Thánh. Chị đã để lại một cuốn nhật ký (đã được dịch ra nhiều thứ tiếng), khơi lên một nguồn hoan lạc và là trường dạy về đời sống thánh cho hàng ngàn tín hữu nam nữ. Từ quyển Nhật Ký này, người đọc có thể tìm thấy những con đường đưa họ đến với Chúa và học biết để sống tín thác và nhân ái.

Chúa Giêsu đã ủy thác cho chị nữ tu đơn sơ, ít học nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp lòng Thương Xót Chúa cho thế giới. Chúa phán với ngài: “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới. Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim Thương Xót của Cha” (NK 1588); “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha. Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy ở đời này và đời sau” (NK 1605)…”Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ và kêu gọi họ tín thác vào Lòng Thương Xót vô hạn của Cha” (NK 1567).

Vào ngày 18 tháng 4 năm 1993, tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina Kowalska lên hàng chân phước.

Sáu năm sau, vào ngày 11 tháng 4 năm 1999, nhân dịp năm dâng kính Chúa Cha, Đức Gioan Phaolô II đã chúc mừng 50.000 tín hữu từ khắp thế giới tụ về quảng trường thành Phêrô tại Roma, để cử hành lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Đó là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa được cử hành lần đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô.

Ngày 30 tháng 4 năm 2000, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong nữ tu Maria Faustina lên bậc hiển thánh. Chị là đấng thánh đầu tiên của năm thánh Cứu Độ. Trong một lời công bố đầy ngạc nhiên, Đức Thánh Cha đã ấn định Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa trong toàn Giáo Hội hoàn vũ.

Tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa có nguồn cội từ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ thời thánh Gioan tông đồ, người môn đệ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa cách đặc biệt qua cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Với cảm nghiệm này, ngài đã mượn lời Kinh thánh để nói tiên tri về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa trong đời sống thiêng liêng của dân Chúa: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37), nghĩa là ngước nhìn “về Trái Tim Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu, từ đó máu và nước chảy ra (x. Ga 19,34), dấu chỉ của ‘bí tích tuyệt vời cho toàn thể Giáo Hội’ ”... Ngoài ra, đoạn Tin Mừng Gioan tường thuật về biến cố Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ và chỉ cho các ông thấy bàn tay và cạnh sườn của Người (x. Ga 20,20) cũng tạo ra ảnh hưởng rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong cộng đoàn dân Chúa. (x.Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, ban hành ngày 17-12-2001, số 167, bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003).

Năm 1673, Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647–1690) tại Tu viện Thăm Viếng ở Parayle Monial và trao cho chị việc truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Người: “Trái Tim đã yêu dấu loài người quá bội”. Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa là mời kêu gọi tha thiết, dịu dàng qua việc cầu khẩn “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Nhưng dần dần con người đã sao nhãng.

Nối tiếp, Chúa Giêsu lại trao cho thánh Maria Faustina về Lòng Chúa Thương Xót: “Con chuẩn bị cho thế giới về lần đến cuối cùng của Ta… Hãy làm cho cả nhân loại nhận biết Lòng Thương Xót sâu thẳm khôn dò của Ta. Đó là dấu hiệu của thời cuối cùng, sau đó sẽ là ngày công lý”.

Niềm tin đem lại nhiều hy vọng. Lòng Thương Xót Chúa vượt thắng tất cả. Hãy tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa.
 
Vẫn đang sống
Lm. Minh Anh
05:32 07/04/2021
VẪN ĐANG SỐNG
“Ngài cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận biết Ngài”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện Chúa Giêsu tỏ mình cho hai môn đệ Emmaus thật hấp dẫn và lôi cuốn. Sau khi Thầy bị chôn lấp trong mộ, họ khá quẫn trí và dường như không biết phải suy nghĩ gì ngoài việc Thầy đã chết. Không còn gì để hy vọng, họ rời Giêrusalem về quê trong buồn sầu, tan nát. Trên đường đi, có lẽ họ cũng đang bàn tán với nhau về ngôi mộ trống, nhưng không biết phải làm gì. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu hiện ra, giải thích Thánh Kinh cho họ, chứng tỏ cho họ rằng, Ngài ‘vẫn đang sống!’.

Qua cuộc đối thoại, hai môn đệ nhận ra ‘người khách lạ’ có một trí tuệ và một hiểu biết đáng kinh ngạc; vì vậy, họ đã mời Ngài ở lại. Chúa Giêsu đồng ý; Ngài vào nhà, ngồi xuống, dùng bữa. Tin Mừng nói, “Ngài cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận biết Ngài; đoạn Ngài biến mất”. Lại thật hấp dẫn và lôi cuốn! Tại sao Ngài hiện ra, giấu kín danh tính, ngồi xuống, bẻ bánh, để họ bất ngờ nhận ra và rồi, tan biến vào thinh không? Ồ! Ngài làm điều đó là có lý do, và lý do duy nhất là muốn chứng tỏ, Ngài ‘vẫn đang sống!’.

Chúa Giêsu muốn hai môn đệ và chúng ta biết rằng, Ngài, Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết ‘vẫn đang sống’, sống dồi dào, sống sung mãn, rất sống động và chúng ta sẽ nhận ra Ngài ‘khi bẻ bánh’; nhận ra Ngài trong Bí tích Thánh Thể! Thực ra, việc ‘tỏ mình Emmaus’ chỉ nhằm dạy chúng ta sự thật đơn giản về sự hiện diện của Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Chính vào thời điểm đó, qua việc “Cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra”, Ngài bỗng nhiên tỏ mình cho tâm trí và linh hồn họ. Ngài đang sống trong Bí tích Thánh Thể; nhưng đồng thời, cũng bị che khuất trong Bí tích này. Sự kết hợp giữa việc ‘ẩn giấu và hiện diện’ đích thực này mang lại cho chúng ta một ‘hiểu biết’ tuyệt vời trong đức tin.

Chúa Kitô đang ‘ở đây, lúc này’ trước sự hiện diện của chúng ta, nhưng rất có thể, chúng ta không thấy Ngài. Vậy mà Ngài thực sự ở đây! Hãy xem, hai môn đệ đã ở trước mặt Chúa Giêsu nhưng họ nào nhận ra điều này. Cũng vậy, với chúng ta, chúng ta luôn ở trong sự hiện diện của Chúa Giêsu nhưng chúng ta không nhận ra điều đó. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, nhưng nó cũng đúng theo vô vàn cách thức khác trong suốt ngày sống của mỗi người. Vì vậy, chúng ta phải giục lòng, ước ao, cam kết nhìn thấy, nhận biết và tôn thờ Ngài; chúng ta phải không ngừng khám phá sự ‘hiện diện phục sinh’ liên lỉ của Đấng ‘vẫn đang sống’ chung quanh chúng ta.

Chúng ta thường nghĩ Ngài chỉ hiện diện theo những cách thức khác thường và phi thường. Không đâu! Điều đó không đúng! Ngài thường xuyên hiện diện với chúng ta cách rất bình thường. Ngài đang ở đây với chúng ta giờ này; yêu thương, chuyện trò và mời gọi chúng ta yêu mến Ngài. Từ thời các tông đồ, Ngài đã hiện diện với các tín hữu qua việc bẻ bánh, “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”. Nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, cùng hoạt động với Ngài, các tông đồ có được sức mạnh của Ngài. Câu chuyện Phêrô và Gioan chữa lành người què qua bài đọc hôm nay là bằng chứng cho thấy Ngài ‘vẫn đang sống’, đang hoạt động; Phêrô và Gioan nhìn anh què và nói, “Anh hãy nhìn chúng tôi… nhân danh Đức Giêsu Kitô Nazareth, anh hãy đứng dậy mà đi!”.

Thật độc đáo vị trí của Emmaus! Emmaus ở phía tây so với Giêrusalem, ở phía đông. Emmaus ở hướng tây, hướng hai môn đệ đã đi về; như thế, họ đã đi về phía mặt trời lặn, phía của đêm tối, của tuyệt vọng và chết chóc. May thay, ở đó, Đấng Phục Sinh đã có mặt ‘dù lúc ẩn, lúc hiện’; Ngài ‘vẫn đang sống’, ‘Mặt Trời Giêsu’ vẫn ẩn hiện ở ‘trời tây’; lòng họ nóng lên. Ngài đưa các ông về lại phía mặt trời mọc, Giêrusalem, ‘trời đông’, phía mà ‘Vầng Quang Giêsu’ không còn ẩn giấu, nhưng ngời sáng hơn, sẽ thắp lên trong họ niềm hy vọng đích thực; ở đó, Ngài sẽ hiện ra một lần nữa và ban dẫy đầy Thánh Thần cho những kẻ Ngài yêu mến trong ngày lễ Ngũ Tuần. Không thể tuyệt vời hơn!

Anh Chị em,

“Christus vivit”, điều này nói gì với mỗi người chúng ta? Đức Phanxicô quả quyết, Đức Kitô ‘vẫn đang sống’, Ngài ở trong chúng ta, ở với chúng ta, không bao giờ rời xa chúng ta. Ngài hiện diện trong đời sống chúng ta qua mọi khoảnh khắc, để ban ánh sáng, xua đi mọi buồn phiền cô đơn; lấp đầy đời sống chúng ta với sự hiện diện vô hình của Ngài; Ngài là niềm hy vọng và là nguồn sống của chúng ta. Mọi sự được Ngài chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, đầy tràn sức sống. Ngài ‘vẫn đang sống’ và Ngài muốn chúng ta cũng sống thực sự. Thánh Lễ là nơi ‘Mặt Trời Giêsu’ rực sáng; Ngài còn rực sáng trong Lời Ngài, trong tha nhân, trong người nghèo. Hãy khám phá Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con đôi mắt đức tin để thấy Chúa ‘vẫn đang sống’, đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể; xin giúp con cũng nhận biết sự hiện diện của Chúa trong mọi sự kiện bình thường và nhất là, trong những anh em ‘rất tầm thường’, nghèo khó nhất chung quanh con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Phục Sinh không giết chết Thánh Giá
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:39 07/04/2021
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
PHỤC SINH KHÔNG GIẾT CHẾT THÁNH GIÁ

Một linh mục bạn chia sẻ: Một nam sinh viên có ý đi tu, đang trọ trong lưu xá của một dòng tu gởi thư và nêu thắc mắc bao gồm nỗi khổ rất lớn, liên quan nhiều đến lý tưởng ơn gọi của bản thân anh. Anh hỏi rằng:

“Thưa Cha, hiện nay con đang hoang mang lo lắng cho ơn gọi của con không được bền đỗ. Con luôn bất an vì linh cảm rằng, rất có thể mình sẽ rời bỏ nhà dòng trong một thời gian không xa.

Bởi từ khi ba con qua đời, nhà nội con không bằng lòng để con đi tu. Mọi người bên nội chống đối ơn gọi của con ra mặt dữ dội, không cần che đậy gì. Con lo sợ lắm, vì nội con nói rằng, nếu đi tu thì từ nay đừng nhìn mặt nội nữa. Nặng hơn, nội không cho để tang khi nội qua đời.

Có hai lý do để nội cấm con vào nhà dòng, thứ nhất, đó là vì con là đứa cháu trai duy nhất của nội. Nhưng lý do thứ hai mới là điều quan trọng. Tuy vậy, đối với con chẳng đáng là gì, nhưng đối với nội, đó là một chuyện quá lớn. Nội bảo, ngày xưa nội rất tin các linh mục, nhưng từ khi cha sở của nội có một vấn đề gì đó, mà nội cho rằng cha sở xúc phạm Mình Thánh Chúa và xúc phạm giáo dân, cho nên nội không còn tin bất cứ một nhà tu nào.

Con xin thú thật, nhiều lúc con thấy bên nội cố chấp quá đáng, nhưng phận làm con cháu, con không thể nói gì hơn, chỉ còn cách trình bày suy nghĩ của mình, nhưng chẳng ai nghe. Con hiểu rằng, lỗi lầm của một ai đó, dù là giáo hoàng đi nữa, cũng đâu phải là cớ đánh mất ơn gọi của mình phải không cha? Nếu nghĩ như nội của con, chắc Giáo Hội sẽ không còn ai đi tu. Từ đó, chắc đến một ngày sẽ không còn Giáo Hội? Nhưng Giáo Hội làm sao mà mất được. Vì bên cạnh nhiều người sống chưa tốt, vẫn có rất nhiều người khác đã nên thánh và vẫn tiếp tục nên thánh trong ơn gọi của mình. Thưa cha, con hiểu rằng, một bên vẫn còn nhiều gương mù, nhưng bên kia vẫn có đó rất nhiều tấm gương sáng. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ để con thấy rằng, sự ham thích đi tu của mình là niềm ao ước quý giá. Nhưng con buồn vì gia đình bên nội của con không thể hiểu được điều đó.

Chỉ có mỗi mình mẹ con vẫn âm thầm chiều ý con, và chấp nhận để cho đứa con trai duy nhất của bà đi tu. Bản thân con thì không sao, vì đi học xa nhà, sống tạm trú tại lưu xá của nhà dòng, nơi con muốn nhập tu. Chỉ có mẹ con là phải chịu đựng mọi nỗi khổ, mọi lời trách móc, thậm chí có lúc nội không dằn lòng được, đã nói những lời lẽ rất khó nghe, nghe rất xót xa, đau đớn, do mẹ con không đứng về phía nhà nội.

Thương mẹ, không muốn để mẹ phải chịu đựng vì mình, đã có lần con nói dối với nội rằng, con đã thay đổi ý định, không muốn đi tu nữa. Chính lúc ấy, nội con có vẻ vui nhưng mẹ con lại đau khổ hơn. Mẹ đã gọi con lại và mắng con như được dịp trút tất cả nỗi đau của bà. Chỉ khi con cho mẹ con biết rằng, con đã nói dối nội, mẹ con mới yên tâm. Nhưng ngay sau đó, con lại giật mình vì biết, mình vừa lừa dối mẹ. Vì thực tế, đã không ít lần, con muốn bỏ ý định đi tu.

Thưa cha, trong suy nghĩ của con bây giờ nhiều mâu thuẫn quá, lòng con hoang mang quá. Con không biết mình chọn lý tưởng tu trì là đúng hay sai? Con cảm thấy thánh giá Chúa gởi cho con lớn quá. Ba mất, con đã mất đi một điểm tựa. Giờ chỉ còn lại mẹ. Mẹ lại phải gánh nặng vì con mình chọn đường tu.

Giờ con rối lắm, không tìm thấy lối thoát. Có những khi con ngồi bên Thánh Thể suốt ngày, mong tìm sự bình an, nhưng rồi trở về với cuộc sống, con lại mất hy vọng. Thưa cha, con phải làm gì bây giờ. Nhiều lúc chính con cũng không thể hiểu nổi mình nữa. Con đã cau có, nặng lời không ít với nhiều người. Dù không dám ghét nội, nhưng con thầm trách nội không ít. Không những thế, nhiều lúc con còn nặng lời một cách thầm kín với vị linh mục đã để lại ác cảm trong lòng nội con. Con có tội không, khi tự mình nổi loạn như thế? Con phải làm sao để có bình an?”

Và trong lá thư hồi âm cho người thanh niên, vị linh mục viết:

“Tôi hiểu bạn lắm. Nỗi khổ tâm của bạn quả là một vấn nạn lớn không dễ gì có thể giải quyết ngay, cũng không dễ gì một mình bạn lại có thể đảm nhận trách nhiệm giải quyết nó. Và nếu tôi có trả lời cho bạn, thì một vài con chữ trên một lá thư như thế này, cũng sẽ không đi tới đâu. Nó không thể giúp bạn giải tỏa những gì mà bạn phải mang, phải gánh, càng không thể giúp người thân của bạn đứng về phía bạn. Vì mọi quyết định cho chính đời sống của mình, tùy thuộc và trở nên quan trọng bởi chính mình, người khác, nếu có, chỉ là một đóng góp rất nhỏ bé mà thôi. Về phần tôi, chỉ có mấy điều tôi có thể làm được cho bạn đó là:

1. Xin cho tôi được đồng cảm bằng một sự cảm thông, chia sớt sâu xa nỗi buồn của bạn. Ước mong với sự thông cảm này, bạn có thêm một người hiểu mình, để bạn hiểu rằng bạn không cô đơn. Chính vì thế, cũng giống như người mẹ kính yêu của bạn, tôi ủng hộ bạn đến cùng trong quyết định dấn thân cho ơn gọi tu trì. Vì đó là một ước muốn tốt; một lý tưởng đẹp; một con đường mà mỗi cá nhân đều có quyền và hết sức tự do quyết định theo hay không theo; một chuẩn bị cho tương lai bằng tất cả sự chọn lựa của cá nhân chứ không phải ai khác có thể chọn lựa thay thế; một hướng sống mà sau khi đã chọn lựa rồi, chính bản thân là người trực tiếp sống cho chọn lựa ấy chứ không phải một người thứ hai nào có thể “nhảy vào” để có thể sống “giùm” mình, sống “giúp” mình, sống “thay cho” mình.

2. Bạn thân mến, chọn lựa có khi là cả một thái độ can đảm, đòi hỏi sự cứng rắn, dứt khoát. Chọn lựa là đón nhận nhưng cũng là hy sinh. Đón nhận điều mình chọn lựa và hy sinh để sự chọn lựa thành toàn. Đã gọi là hy sinh chắc chắn không bao giờ là điều dễ dãi. Ngược lại hy sinh nào cũng đòi phải chết đi, phải chấp nhận thương tích, chấp nhận đớn đau, có lúc ê chề, có lúc nặng nề tưởng như khó có thể mang vác nổi. Tắt một lời: mãi mãi chọn lựa cần chiến đấu. Chiến đấu để vươn lên cho chọn lựa thành toàn.

3. Trong thư có chỗ bạn viết rằng: “Có những khi con ngồi bên Thánh Thể suốt ngày.” Đúng lắm! Bạn đã làm một điều đúng trên tất cả mọi điều đúng. Hãy tiếp tục làm như thế. Vì ơn gọi theo Chúa, chứ không phải theo một ai khác, phải được chính Chúa quyết định cho theo hay không cho theo. Đàng khác, theo ai phải bộc lộ, phải tỏ tình với người mình theo để chiếm lấy họ. Theo Chúa mà không bày tỏ lòng mình, không lo chiếm lấy Chúa thì làm sao có thể theo. Vì thế, cầu nguyện là điều kiện trước nhất và trên hết cho bất cứ ai dấn thân cho ơn gọi tu trì. Không thể hiểu được nếu ai đó nói rằng mình muốn đi tu mà lại lãng tránh sự cầu nguyện.

Bạn đừng lo mỗi khi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể “mong tìm sự bình an, nhưng rồi trở về với cuộc sống, con lại mất hy vọng” rồi chán nản bỏ cuộc. Đừng bỏ cuộc dẫu mất hy vọng đến ngàn lần. Càng mất hy vọng và chới với bao nhiêu, càng phải cầu nguyện nhiều bấy nhiêu. Vì chính sự cầu nguyện đã là sức mạnh, là niềm an ủi, là trợ lực giúp ta có khả năng chấp nhận mình, chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận anh chị em quanh mình. Ngay chính sự cầu nguyện đã là biểu hiện của đức tin, càng cho ta thêm lòng tin, thêm niềm yêu mến.

Mặt khác, nếu những khi không còn ai có thể hiểu mình, không còn biết thổ lộ cùng ai, không còn có sức mạnh nào để mình nương tựa, mà lại bỏ luôn cả sự cầu nguyện, nghĩa là bỏ luôn nguồn an ủi cuối cùng, sẽ cô đơn, sẽ đau thương, sẽ mất mát, sẽ càng quay quắt trong chính nội tâm đau khổ không lối thoát của mình… Đó là nguy hiểm lớn bạn ạ. Không còn có nguy hiểm nào bằng khi lòng người chỉ còn mỗi một mình đối diện với thương đau của chính mình. Nó có thể cướp mất đức tin của ta. Có người đã đầu hàng số phận đến nổi tự tìm đến cái chết, coi như đó là cách giải quyết cuối cùng cho một kiếp người bi ai. Có thể người chọn đường tu trì không đi theo cách giải quyết cuối cùng ấy, nhưng tự để mình cô đơn với chính nỗi đau của mình, vẫn là một nguy hiểm khó có thể nói trước điều gì. Vì thế, ngoài sự cầu nguyện, bạn cũng có thể chọn một vị linh hướng đáng tin cậy để vị ấy giúp bạn làm sáng vấn đề. Vị linh hướng cũng sẽ là người cầu nguyện cho bạn, đồng hành với bạn như một người bạn đáng tin cậy.

Quan trọng hơn, khi cầu nguyện, bạn đừng đòi Chúa phải “làm phép lạ” y như mình là chúa của Chúa, Chúa phải nghe mình, phải chiều theo ý muốn của mình lập tức vậy. Không! Bạn đừng hiểu sự cầu nguyện một cách lệch lạc như thế. Đúng hơn, cầu nguyện là tìm thánh ý Chúa để vâng theo, là tìm sức mạnh trong ơn Chúa, nhờ đó giúp mình can đảm chấp nhận thực tại mà mình đang đối diện.

4. Điều cuối cùng, tôi muốn mời gọi bạn, đó là hãy mở Thánh Kinh ra và suy niệm mỗi ngày, những tấm gương kiên trung của đức tin nơi những con người dám đặt đời mình trong tay Thiên Chúa. Chẳng hạn: ông Abraham, ông Môisen, ông Gióp, ông Samson, tiên tri Êlia, tiên tri Giêrêmia, thánh Gioan Tẩy Giả, các tông đồ của Chúa Giêsu, nhất là tấm gương của Đức Mẹ, cũng như của chính Chúa Giêsu...

Mở Thánh Kinh ra và suy niệm về đời sống của cha ông mình, ta sẽ thấy nơi các ngài cả một lòng tin đáng kính phục, sẽ thêm nghị lực, thêm sức mạnh giúp ta chấp nhận những gì đang phải đối mặt. Bởi những gì ta phải gánh lấy hôm nay, đâu phải chỉ riêng ta, nhưng Con Thiên Chúa và biết bao nhiêu người đi trước cũng đã từng gánh lấy.

Mở Thánh Kinh ra, bạn cũng sẽ nhận thấy một sự thật rằng, hình như tất cả những ai theo Chúa, được Chúa yêu thương đều phải sống trong thử thách triền miên, có lúc nặng nề đến mức như không thể thoát ra khỏi màn đêm của u uất, của thất bại. Bạn và tôi đang đối mặt với đau khổ, phải chăng, đó chính là dấu ấn của tình thương Thiên Chúa dành cho ta như đã dành cho nhiều kẻ mà Người yêu thương đã từng có mặt trong cuộc đời, trước chúng ta!”.

Hôm nay, sống mùa Phục Sinh, tôi muốn ghi lại hai lá thư trên để bạn và tôi cùng cảm nhận điều mà vị linh mục cảm nhận: Đau khổ “chính là dấu ấn của tình thương Thiên Chúa dành cho ta”. Bởi không phải đơn giản, và nếu không có chiều sâu nội tâm, hay thiếu tinh thần cầu nguyện, lại có thể thốt lên những lời đáng trân trọng như thế.

Tôi nghĩ rằng, cả hai lá thư, nhất là những lời động viên của vị linh mục rất cần thiết cho bạn và tôi. Vì có những lúc đau khổ tột cùng, những lúc tưởng như cuộc đời mình bế tắc…, chúng ta có dám đặt đời mình, đặt cả con người mình trong vòng tay Thiên Chúa nữa hay không? Ta có cảm nhận rằng “đó chính là dấu ấn của tình thương Thiên Chúa dành cho ta”?

Đọc các bài tường thuật Chúa Phục Sinh hiện ra bằng chính hình ảnh của Đấng đã chịu đóng đinh, nay sống lại, sẽ là câu trả lời quý giá về nỗi đau trong cuộc đời của bạn và của tôi. Vì hiểu được ý nghĩa của Tin Mừng Phục Sinh, sẽ giúp ta vững tin hơn.

Chẳng hạn, bài Tin Mừng Chúa nhật II Phục sinh (Ga 20, 19-31), chỉ là một bài Tin Mừng không dài lắm, nhưng thánh Gioan có đến hai lần kể lại việc Chúa Phục sinh hiện ra cùng các môn đệ.

Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: hôm nay Hội Thánh đang cử hành mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm của niềm vui, một niềm vui lớn. Đàng khác bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ, lại là một niềm vui không nhỏ. Vậy mà từ đầu tới giờ, tôi chỉ toàn nói đến đau khổ.

Vì sao lại nói đến đau khổ giữa mùa Phục sinh? Bởi vì không tự nhiên mà phục sinh. Chúa phục sinh từ trong đau khổ. Chúa phục sinh từ trên thánh giá.

Hôm nay, dù sống lại, chiến thắng khải hoàn, thân xác Phục sinh chói ngời đã cùng quyền năng Thiên Chúa bước vào vô biên, bước vào vĩnh cửu… nhưng bây giờ hiện ra, thân xác Phục sinh rạng rỡ ấy vẫn còn y nguyên dấu thập giá.

Cả hai lần, đoạn Tìn Mừng (Ga 20, 19-31) đều chứng minh Chúa hiện ra với cùng một hình ảnh. Lần thứ nhất, ngay khi hiện ra “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”.
Bạn có biết điều gì trên tay và cạnh sườn mà Chúa cho xem? Nơi ấy, dấu thập giá không bị phai nhòa. Trên đôi cánh tay và cạnh sườn ấy, còn nguyên dấu tích của cây đinh, lưỡi đòng đâm thấu qua.

Chỉ sau khi xem tay và cạnh sườn bị thương tích, các môn đệ mới hết nghi ngờ, mới cảm thấy “vui mừng vì xem thấy Chúa”. Như vậy dấu của thập giá là bảo đảm cho đức tin của các môn đệ.

Nhưng lần ấy, khi Chúa hiện ra, thánh Tôma không có mặt, ông nhất quyết không tin. Bởi đó tám ngày sau, Chúa lại hiện ra lần nữa, có mặt thánh Tôma.

Lần này thái độ của Chúa mạnh hơn, dứt khoát hơn lần trước. Chúa Phục sinh không chỉ cho xem tay và cạnh sườn, mà còn lên tiếng đòi: “Tôma, hãy xỏ ngón tay của con vào lổ đinh trên tay Thầy đây, hãy thọc bàn tay của con vào cạnh sườn của Thầy. Con đừng cứng lòng tin nữa, mà hãy tin”.

Ví dụ một ngày nào Chúa hiện ra và cũng nói với bạn những lời đã từng nói với thánh Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, hãy thọc bàn tay con vào đây”, bạn còn dám nhìn Chúa không? Chẳng những không dám nhìn, càng không dám đưa ngón tay, đưa bàn tay, mà có khi run rẫy chết khiếp, bạt vía kinh hồn.

Thánh Tôma không hề là trường hợp ngoại lệ. Mới hôm nào dõng dạc tuyên bố: “Nếu tôi chưa xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh của Chúa, nếu tôi chưa thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi không tin”.

Mạnh mẽ, kiên quyết và dứt khoát là thế, nhưng bây giờ trước dấu thập giá còn in một cách hùng hồn trên thân thể của Đấng Phục sinh, thánh Tôma đã phải cúi đầu tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi.” Một lần nữa, thánh Gioan lại cho thấy, dấu thập giá là bảo đảm cho đức tin của chúng ta.

Vì dấu thập giá là bảo đảm cho đức tin, nên trong mùa phục sinh, ta bàn về vấn đề đau khổ, cũng là điều hợp lý.

Chúa Phục sinh đã không tự xóa bỏ dấu vết đau khổ trên thân thể của mình. Trái lại, dấu vết của đau khổ, của thập giá vẫn còn trên thân thể sáng láng của Đấng Phục sinh, lại làm cho các môn đệ dễ nhận ra đức tin, vững tin và được củng cố đức tin.

Người ta nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Cũng vậy, đau khổ rèn đức tin người có đạo. Đau khổ là trường dạy đức tin cho những ai dám dấn mình theo Chúa.

Trường hợp anh sinh viên bên trên, tôi tin, nếu anh chịu khó nghiền ngẫm Lời Chúa, suy nghĩ nhiều về cuộc đời của Chúa Kitô, về sự chết và sống lại của Chúa, chắc anh sẽ có chọn lựa đúng đắn, phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa và phù hợp với chính niềm hy vọng của anh.

Chính khi phải chọn lựa giữa muôn vàn thử thách, chọn lựa trong đau đớn nhưng ngoan cường, dứt khoát, anh mới nhận ra giá trị lớn vô cùng của ơn gọi.

Cái giá phải trả cho ơn gọi mà mình chọn lựa không phải là vật chất, hay chỉ một tiếng đáp trả là xong, nhưng là cả một sự tự hiến rát xót. Vì thế, ơn gọi không bao giờ là một chọn lựa dễ dãi, càng không bao giờ là một trò chơi để khi thích thì tham gia, hết thích thì nghỉ chơi.

Có nhận ra ơn gọi quý giá như thế, mới mong sự chọn lựa của anh là một chọn lựa tinh ròng trong tự do, trong sự quả cảm, cả đến hy sinh nhức buốt.

Nhưng đâu chỉ là người thanh niên ấy. Mỗi chúng ta đều có nỗi buồn: gia đình đang sum họp, bỗng dưng người vợ hay người chồng phản bội, rẽ sang hướng khác. Gia đình đang sung túc, bỗng dưng một người thân ra đi vĩnh viễn, mà người thân đó có khi là cột trụ của đời sống, của kinh tế gia đình, như trường hợp anh thanh niên mất cha, chỗ dựa của cần thiết của anh.

Hay con đường tương lai, sự thành công đang ở trước mặt, bỗng dưng một biến cố đau thương xảy đến, làm mất hết tất cả. Hay hy vọng đang ngời ngời sáng phía trước, bỗng dưng mất mát người thân yêu nhất đời mình…

Mất mát thật to, nỗi buồn càng lớn. Những lúc bi đát đến cùng cực ấy, bạn và tôi hãy nhớ lời vị linh mục: “Đó chính là dấu ấn của tình thương Thiên Chúa dành cho ta” mà cố giữ lấy đức tin, vượt qua thác ghềnh, chèo chống đến cùng để tự tin đạp trên mọi sóng gió, mọi thăng trầm của đời mình.

Chúng ta rất may mắn vì được tôn thờ một Thiên Chúa đã từng biết đến đau khổ. Và hôm nay, sau khi phục sinh, Chúa của chúng ta vẫn còn nguyên trên thân thể dấu tích của khổ giá.

Chính vì thế, những lỗ gai nhọn đâm vào đầu, những lỗ đinh xuyên thủng bàn tay, bàn chân, và dấu của cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thấu… mãi mãi vẫn là câu trả lời trọn vẹn nhất cho chính đau khổ của chúng ta.

Bởi Chúa đã phục sinh từ trên thánh giá, ta cũng đi qua “chốn lưu đày” mà bước vào vinh quang của Đấng Cứu Chuộc, nay đã Phục Sinh.

Đó cũng chính là lý do vì sao tôi cứ miên man suy nghĩ về sự đau khổ, trong khi những ngày này vang vọng lời ca Allêluia hạnh phúc, chúc tụng Đấng Phục Sinh vinh quang và khải hoàn.

Bởi lẽ Chúa cứu chuộc chúng ta trên thánh giá, nhưng Chúa không làm điều đó một mình, mà cần đến sự cộng tác của ta, cần đến thánh giá đời ta tháp nhập vào thánh giá của Chúa.

Mới hay rằng Chúa đã chiến thắng, nhưng Chúa không xóa vết tích của thánh giá. Điều đó có nghĩa là:

PHỤC SINH KHÔNG BAO GIỜ GIẾT CHẾT THÁNH GIÁ.


 
Thực Thi Lòng Thương Xót Để Loan Báo Tin Mừng
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
08:50 07/04/2021
Thực Thi Lòng Thương Xót Để Loan Báo Tin Mừng

Gợi ý giảng lễ Chúa nhật II Phục Sinh

1/ Lòng thương xót là gì?

2/ Đức Giê-su hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa như thế nào?

3/ Chúng ta thực thi lòng thương xót để Loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay như thế nào?

Câu chuyện minh hoạ:

Một ngày rất đẹp trời, tôi bắt gặp một người đàn bà dân tộc Thái, trạc tuổi 45. Chị xin gặp tôi có việc gấp. Tôi vui vẻ chào chị và mời chị vào phòng khách nói chuyện. Với vẻ mặt âu sầu và lo lắng của chị, tôi đoán ngay chị đang có chuyện buồn. Tôi làm mục vụ truyền giáo nơi đây nên tôi biết khá rõ về chị này. Gia đình nghèo xơ xác và còn bị bệnh tật triền miên. Tôi chủ động bắt chuyện và chị ta kể: thưa cha. Như cha biết con là người dân tộc, không phải là con chiên của cha, nhưng con không thể không đến với cha được vì có nhiều người giới thiệu, mong cha thông cảm và tha lỗi cho con. Tôi trấn an chị: không sao đâu chị! Cha đến đây là để gặp gỡ và nếu được cha sẵn sàng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn mà. Chị biết không đạo của cha là đạo yêu thương cơ mà. Vì thế, cha lên đây để cố gắng sống yêu thương hết mọi người mà không phân biệt lương dân hay sắc tộc, nhất là những người nghèo chị ơi. Ồ vậy con cám ơn cha. Con cứ sợ vào gặp cha sẽ bị nạt và đuổi đi. Giờ con bớt lo lắng rồi. Được tôi ngỏ lời như vậy, chị ta bắt đầu giãi bày: thưa cha, năm nay gia đình con gặp khó khăn nhiều quá, vợ chồng bệnh tật triền miên, con cái thì nheo nhóc mà còn ốm yếu suốt. Vì thế, dù ốm những con cũng cố gắng đi ra Hà nội làm thuê để kiếm đôi đồng để vừa chữa bệnh vừa góp chút ít cho cuộc sống gia đình. Nhưng cha biết không, ra làm được mấy tháng con bị bệnh và phải đi bệnh viện. Do chưa có tiền nên con phải vay nặng lại hết 7 triệu và hôm nay gần 7 tháng là hết 21,718,000 đồng. Con đã trả được 7 triệu tiền gốc, còn lại là số tiền con phải trả là 14,718,000 đồng ạ. Giờ con cứ bị người ta gọi điện thoại và hỏi nợ liên tục. Con không biết làm sao chỉ nghe nói đến cha là con làm liều chạy đến nhờ cha giúp đỡ. Tôi nghe xong thấy thương chị và gia đình quá. Tôi nói chị cho cha 2 ngày để trả lời chị nhé. Sau đó chị về với một niềm hy vọng. Còn tôi, tôi bắt đầu cầu nguyện với Chúa xem sao. Trong lúc đó, tôi nhắn tin cho một chị ân nhân ở Mỹ trình bày sự việc như trên và mọi người biết không? Chị ấy đồng ý ngay. Sáng hôm sau tôi gọi điện thoại cho chị kia và bảo cha đồng ý giúp chị trả sổ tiền đó nhé. Chị đi ra ngân hàng cùng cha nhé. Thế là hai chúng tôi đi ra ngân hàng để làm thủ tục xoá nợ. Tới nơi, tôi hỏi cô Văn phòng về tên tuổi của người phụ nữ đáng thương này và sổ tiền nợ như thế nào. Được biết đúng sự thật như thế. Tôi nói ngay rằng tôi sẽ trả nợ cho người này. Xin ghi biên lại xoá nợ nhé. Cô Văn phòng làm ngay và tôi đã trao số tiền mặt là 14,718,000 để trả nợ cho họ. Lấy xong giấy biên lai, tôi trao cho người phụ nữ đáng thương và chào tạm biệt nhau từ đó.

Ngày nay một số người cho rằng người Công Giáo vô tâm với thế giới bên ngoài mà chỉ chủ tâm lo cho bản thân mình là Giáo hội, Giáo Phận, Giáo xứ, Giáo họ hoặc là chỉ những người đồng đạo. Liệu câu nói đó có thật sự đúng với lối sống của chúng ta hằng ngày không? Nói như vậy thì hoàn toàn không đúng vì Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 1 đã xác định cách rõ ràng như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” Như vậy, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm và bổn phận để sống tương quan với mọi người, với vũ trụ vạn vật vì tất cả đều là anh chị em của nhau trong Gia đình Thiên Chúa. Nhưng làm sao để chúng ta nối kết được với mọi người và vũ trụ vạn vật? Phải chăng đó là thực thi lòng thương xót? Nhưng làm sao chúng ta thực thi được lòng thương xót của chính mình nếu chúng ta không gặp gỡ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô? Chính Ngài là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà chúng ta cần bén rễ sâu để từ đó chúng ta ra đi Loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

1/ Lòng Thương Xót là gì?

Theo từ điển Webster, lòng thương xót là "ý thức cảm thông với nỗi đau của người khác kèm theo ước muốn làm vơi đi nỗi đau đó”. Như vậy, thương xót nghĩa là biểu lộ lòng xót xa, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. “Thương: đau lòng. Xót: thương sâu xa. Lòng thương xót là sự đau lòng, xót xa trước nỗi bất hạnh của người khác, thường được thể hiện bằng hành động cụ thể, như việc giúp đỡ hay ủi an.” Theo Hồng Y Kasper: “Chữ misericordia trong tiếng La Tinh có nghĩa đen là có tâm hồn gần người nghèo (miseri); có quả tim cùng đập một nhịp với người nghèo.” Theo đó, lòng thương xót rất gần nghĩa với lòng nhân hậu. Nhân: lòng thương yêu; hậu: sâu nặng. Nhân hậu: lòng thương yêu sâu nặng. Người có lòng nhân hậu luôn mong muốn và cố gắng thực hiện điều tốt cho người khác.Theo cựu giáo sư giáo luật ở Tübingen, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng cho Hợp nhất tín hữu Kitô dưới triều Đức Gioan-Phaolô II thì lòng thương xót là “thuộc tính thần thánh chiếm chỗ đầu tiên”, “thành ngữ diễn tả Thiên Chúa là tình thương”, Đấng “biểu lộ Chúa đoái thương đến con người và đến thế giới qua lòng thương xót.” Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về những định nghĩa này dưới đây.

2/ Đức Giê-su hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa như thế nào?

Chúa Giê-su là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Trước hết, hiện thân nơi việc chấp nhận làm người dầu là Con Thiên Chúa để cứu độ nhân loại: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”(Ga 4,16-17). Khi giáng sinh, Đức Giêsu được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23). Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta là vị Thiên Chúa gần gũi, thân thiện, là nơi chúng ta nương ẩn, là sức mạnh, là tình yêu và là nguồn ơn cứu độ của chúng ta. Trong hành trình sứ vụ công khai, Đức Giêsu xuất hiện như một một sứ giả hay chứng nhân của Lòng Thương Xót Thiên Chúa Cha để xoa dịu nỗi đau và giải thoát con người. Khi nhìn thấy đám đông dân chúng đã quá mệt mỏi và kiệt sức không người chăn dắt, Đức Giê-su chạnh lòng thương xót họ cách trìu mến (x. Mt 9,36). Khi thấy những hoàn cảnh đau yếu bệnh hoạn tật nguyền và bị quỷ ám, Người thương xót họ cũng như chữa lành cho họ (x. Mt 14,14 tt; Mc 5,19). Bên cạnh đó, chính Đức Giêsu đã luôn luôn chủ động đến gặp gỡ những người tội lỗi, thu thuế và giúp họ hoán cải như hình ảnh ông Matthêu, Giakêu hay bà Maria Mađalêna,…Hơn nữa, Đức Giê-su là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khi dám chấp nhận chết một cách nhục nhã trên Cây Thập Tự chỉ vì yêu thương nhân loại. Một vị Thiên Chúa diễn tả tình yêu tột đỉnh và Lòng Thương Xót vô ngần cho người mình yêu, đó là nhân loại chúng ta.

Đặc biệt hơn, chúng ta bắt gặp một Đức Giê-su, hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ngang qua bài Tin Mừng của Chúa nhật II Phục Sinh cũng là Chúa nhật của Lòng Thương Xót rất thiết thực và cụ thể. Lòng thương xót của vị Thiên Chúa Phục Sinh nơi Đức Giê-su được biểu lộ qua việc hiện ra để trấn an và xoa dịu những nỗi buồn, nỗi mất mát và sợ hãi của các môn đệ thân yêu sau khi Ngài chịu chết trên cây Thánh giá. Mặt khác, lòng Thương Xót của Thiên Chúa Phục Sinh ngang qua Đức Giê-su với những lời chúc lành, nhất là chúc bình an cho các Tông đồ nói riêng và nhân loại nói chung: Bình an cho anh em. (Ga 20, 19.21.26). Sự bình an của Chúa là sự bình an đích thực. Sự bình an của Đức Giê-su ban tặng chính là món quà vô giá đến từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta chỉ đón nhận được sự bình an đích thực đó khi chúng ta cố gắng tìm gặp liên lỉ và khiêm tốn núp bóng trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Ngoài ra, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa luôn luôn cảm thông và tha thứ. Lòng Thương xót của Thiên Chúa luôn sẵn sàng đáp lại những đòi hỏi và tìm kiếm của con người. Điều này đã diễn tả cách rõ ràng nơi Tin Mừng hôm nay qua hình ảnh của ông Tôma. Ông đã không tin khi nghe nói Chúa Giê-su sống lại và hiện ra với anh em mình. Ông sẽ chỉ tin khi thấy tỏ tường bằng tay bằng mắt con người Chúa Giê-su qua các dấu đinh hay vết thương. Lòng tin và sự đòi hỏi của ông Tôma đã được Chúa lắng nghe, đón nhận và cho thoả mãn cái nghi ngờ trong 8 ngày sau đó.(x. Ga 20, 26-29) Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Phục Sinh quả thật gần gũi, thân thiện và thương mến ngang qua sự đồng hành, khích lệ, an ủi và giải thích Lời Chúa và bẻ bánh của ‘Người Bạn Giê-su’ với các môn đệ trên đường Emmaus. (x. Lc 24, 13-35)

Quả thật, khi nói đến hình ảnh Đức Giê-su hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có những lời rất ý nghĩa và sâu sắc trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus: “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của đức tin Kitô. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Ðức Giêsu thành Nazareth, và đạt đến đỉnh cao nơi Người. Chúa Cha, “giàu lòng thương xót” (Eph 2,4) (Misericordiae vultus, số 1). Và Ngài nói tiếp: “Các dấu chỉ Người thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Người nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Người thiếu vắng lòng từ bi” (Misericordiae vultus, số 8). Tuy nhiên, đón nhận được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Khổ Nạn và Phục Sinh, chúng ta cũng được mời gọi thực thi lòng thương xót trong đời sống thường ngày cho những anh chị em chung quanh chúng ta. Vậy,

3/ Chúng ta thực thi lòng thương xót để Loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay như thế nào?

Như Đức Giê-su là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua mọi nơi và mọi lúc trong mọi hoàn cảnh, là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi trở thành chứng nhân hay là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa ngang cách sống, lời nói cử chỉ nhằm giúp mọi người ở khắp mọi nơi nhận ra được dung mạo Lòng Chúa Xót Thương để được hưởng ơn cứu độ.

Nơi bài đọc I (Cv 4, 32-35): Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực thi qua lối sống hiệp nhất nên một. Tình huynh đệ - tình anh em đã được nảy sinh nhờ sức mạnh của đức tin vào Đức Giê-su Phục Sinh. Nhờ đó, mối tình tương ái được nở rộ và lan toả qua việc biết cùng nhau góp tiền, góp của cải làm đồ chung nhằm giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ yêu thương cho nhau để không ai bị loại ra ngoài. Một lối sống quan tâm và nối kết với nhau của cộng đoàn tiên khởi ki-tô giáo thật tuyệt vời. Phải chăng đây là cách sống mà mỗi chúng ta trong thời đại hôm nay được mời gọi nỗ lực duy trì, nỗ lực phát huy sống hăng say mỗi ngày nhằm tạo nên một nhịp cầu yêu thương hơn là bức tường hận thù ghen ghét.

Quả thật, thực thi lòng thương xót phải chăng là nên một với nhau, là tâm đầu ý hợp, là cùng nhau chia sẻ vui buồn, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chịu, là nảy sinh tình huynh đệ, là trở nên anh em một gia đình hiệp nhất và gắn bó mà không so đo hay tính toán. Điều này, Thánh Gioan Tông Đồ cũng mời gọi chúng ta một cách khẩn thiết nơi Bài đọc II (1 Ga 5, 1-6):“Anh em thân mến, phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.” Như thế, đón nhận được Lòng Thương Xót hay sự tha thứ của Chúa, chúng ta không thể không tỏ lòng xót thương hay tha thứ cho anh em đồng loại. Nhờ đó, dấu chỉ của sự Loan báo Tin Mừng được thể hiện rõ nét ngang qua cung cách sống. Nhưng ai là người thân cận của tôi? Ai là anh em của tôi? (x. Lc 10, 25-37) để tôi gặp gỡ, yêu thương và giúp đỡ? Phải chăng đó là thực thi lòng thương xót đối với những kẻ bé mọn, những hoàn cảnh khó nghèo, những hoàn cảnh bị bỏ rơi, những người tội lỗi,…Khi làm như thế là chúng ta đang làm cho chính Chúa (x. Mt 25, 31-45).

Nhằm làm rõ hơn về việc thực thi lòng thương xót để Loan báo Tin Mừng, chúng ta không thể không nhắc đến “Thông Điệp Fratelli Tutti” của Đức Thánh Cha Phanxico tất cả anh chị em, về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, được ngài ký tại Assisi chiều thứ bẩy 3/10/2020 và được công bố trong cuộc họp báo sáng chúa nhật 4/10/2020 tại Vatican: trước nhiều bóng tối đó, thông điệp đối lại bằng một tấm gương sáng ngời, đem lại niềm hy vọng, đó là tấm gương của người Samari nhân hậu. Qua đó, ĐTC nhấn mạnh rằng, trong một xã hội băng hoại đang quay lưng lại với khổ đau và hoàn toàn “mù tịt” với việc chăm lo cho người đau yếu và dễ bị tổn thương (số 64-65), tất cả chúng ta được mời gọi – như người Samari nhân hậu – trở thành người thân cận với tha nhân (81), bằng việc vượt qua những thành kiến, tư lợi, những rào cản lịch sử và văn hoá. Thật vậy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội biết đón nhận, hội nhập và nâng đỡ những ai quỵ ngã và đau khổ (77). ĐTC còn khẳng định rằng tình yêu bắc những nhịp cầu và “chúng ta được sinh ra cho tình yêu” (88), ngài khuyến khích cách đặc biệt các tín hữu nhận ra Đức Kitô nơi nhưng ai bị loại trừ (85). ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta “ra khỏi chính mình” để thấy nơi tha nhân “sự tăng trưởng của hiện hữu” (88). Phải chăng đây là một trong những cách thực thi Lòng Thương Xót để Loan báo Tin Mừng một cách có hiệu quả và phù hợp chân lý Tin Mừng mà Đức Thánh Cha muốn chúng ta cố gắng thực hiện mỗi ngày?

Thật vậy, lễ "Lòng Thương xót Chúa" mà Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã thiết lập ngày 30-4-2000, chúng ta nhớ đến hình ảnh Đức Giêsu từ bi thương xót do thánh Faustina Kowalska (1905-1938; Đức Gioan-Phaolô II phong thánh 30-4-2000 và thiết lập lễ Lòng Thương Xót Chúa) để lại: Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng Bí tích Thánh Thể và Bí tích Rửa Tội. Đức Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina Kowalska và Đức Gioan-Phaolô II thưa với Người: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Người!" Để nhờ đó, sau khi được chiêm ngắm và lãnh nhận Lòng Thương xót của Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Phục Sinh, chúng ta cũng được mời gọi trở thành chứng nhân của lòng thương xót đối với mọi người qua đời sống yêu thương, tha thứ, giúp đỡ, quảng đại, hy sinh và phục vụ trong đời sống hằng ngày. Đây phải chăng là một trong những phương cách hữu hiệu để loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:15 07/04/2021

69. Linh hồn ơi, mày nên nhớ: Đấng tạo dựng của ngươi, ngoài việc ban cho ngươi tồn tại ra, thì lại ban cho ngươi rất đẹp, muôn đời tồn tại, ban cho ngươi sự sống, trí giác và năng lực phân biệt phải trái.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:19 07/04/2021
9. BẠI GIA CHI TỬ CƯỠI NGỰA

Có một người gia đình rất nghèo, tấm ván giường thì mục nát kê trên chỗ nấu rượu đã bỏ.

Một buổi tối nọ, hai vợ chồng nằm mộng nhặt được một đỉnh bạc, nên cùng nhau bàn luận nên dùng đỉnh bạc này buôn bán như thế nào, qua mấy năm thì phát tài mua ruộng vườn nhà cửa, lại còn có thể mua chức quan?

Ông chồng lại còn nghĩ rằng, mặc dù đã phú quý, ra vào thì nên có ngựa cưỡi, chỉ có điều là từ trước đến nay chưa học cách cưỡi ngựa mà thôi. Thế là, bèn nói với vợ:

- “Em tạm thời làm ngựa để anh tập cưỡi, được chứ?”

Nói xong liền khoa chân lên, nào ngờ, vì chân khoa quá mạnh nên nghe “rầm” một tiếng, lu rượu đổ nhào, cả giường lẫn ván đều đổ xuống đất.

Hai vợ chồng gây nhau náo loạn lên, hàng xóm vội đến khuyên giải, vợ khóc nói:

- “Tôi vốn là một người rất tốt, tất cả đều là do tên bại gia chi tử này mà ra, nhứt tâm muốn giàu có, cưỡi ngựa, đem tất cả gia tài cưỡi bại rồi”.

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 9:

Chỉ mới nằm mơ được đỉnh bạc mà thôi, vậy mà vợ chồng đã chửi nhau, đánh nhau loạn cả lên, huống hồ là được tiền bạc thật !

Con người ta thường hay lấy cái không làm cái có nên lòng tham cứ nhân lên gấp bội; lấy cái mộng làm cái thực nên thường hay nghi ngờ tha nhân là không thật với mình; lấy cái giả làm cái thật nên cuộc sống cứ giả giả ngơ ngơ để phỉnh phờ người khác…

Người Ki-tô hữu khác người ta ở chỗ là lấy cái thật làm tâm nên đi đúng hướng đẹp đời đẹp đạo, lấy cái có làm hành động nên cuộc sống đầy tràn đức ái, lấy cái tĩnh để nhìn rõ nội tâm con người nên cuộc sống được bình thản. Chính Đức Chúa Giê-su cũng đã làm như thế khi xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại: Ngài lấy sự thật để dạy dỗ nhân loại biết con đường phải đi khi nói Ta là đường là sự thật và là sự sống; Ngài cũng lấy cái Ngài có và cái Ngài biết từ Cha để nói cho nhân loại; Ngài cũng đã dùng cái tĩnh là luôn cầu nguyện để biết ý Cha trên trời…

Con người ta ai cũng có cái tâm thật tốt thật đẹp, nhưng vì cứ sống trong mộng hão huyền, nên tâm tốt trở thành méo mó khó coi và xấu xí qua cuộc sống phá gia chi tử của họ…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày Thứ Nhất
Lm Vũđình Tường
18:51 07/04/2021
Câu 'Ngày Thứ Nhất Trong Tuần' mang nhiều í nghĩa quan trọng. Ngày thứ nhất được hiểu là ngày đầu tiên, ngày tiên khởi, bắt đầu một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên của sự sống lại của chính Đức Kitô.

Thứ nhất 'Ngày Thứ Nhất Trong Tuần' chính là ngày đầu tuần, Đức Kitô, sống lại từ cõi chết, hiện ra với các tông đồ. Trước đó, các ông lo sợ trốn sau cửa gài then, Đức Kitô hiện đến với các ông, báo hiệu cánh cửa mộ an táng Đức Kitô đã mở toanh. Tảng đá lớn che cửa mộ đã được lăn sang một bên. Ánh sánh thiên nhiên lọt vào, thắp sáng mộ tối. Từ nơi mộ tối, Đức Kitô, Ánh Sáng sự sống trường sinh bước ra, đem tin vui cho các môn đệ, thắp sáng niềm tin nơi các ông, củng cố đức tin các ông. Ngày thứ nhất cũng là ngày hoàn thành lời Đức Kitô tiên báo trước khi chịu khổ nạn; sau ba ngày Ngài sẽ sống lại vinh quang và hẹn gặp các môn đệ tại Galilê- Mk 14,28.

Người ta nói khi cánh cửa này đóng lại, cánh khác mở ra. Lạm dụng ơn tự do Chúa ban, con người chọn phạm tội, mang tội vào trần gian. Sự Phục sinh của Đức Kitô đã mở cửa nước trời cho những ai yêu mến Đức Kitô, chọn ngài làm Chúa đời họ. Tường thuật Sáng thế Kí 1:1 Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Đức Kitô Phục Sinh mang ánh sáng Phục Sinh vào cuộc đời Kitô hữu, sưởi ấm con tim sỏi đá, nguội lạnh. Ngài ban bình an, sự sống cho môn đệ. Hai lần Ngài nói cùng các ông:

'Bình an cho anh em'. c. 20.

Thứ hai, Sau bữa Tiệc Li, các môn đệ sống trong lo âu, sợ hãi. Gặp Đức Kitô Phục Sinh, lòng các ông tràn ngập niềm vui. Niềm vui phá tan bóng tối sợ hãi. Đức Kitô đổi mới cuộc đời các ông. Ban cho các ông niềm vui mới, tương lai mới, hạnh phúc mới. Từ đây các ông trở thành con người mới, đời sống mới, hướng dẫn bởi Thần Khí Phục Sinh.

Thứ ba, 'Ngày Thứ Nhất Trong Tuần', Đức Kitô Phục Sinh cho các ông xem vết thương nơi tay, chân và cạnh sườn Ngài. Vết thương chưa lành xác nhận Đức Kitô hiện diện trước mắt các ông chính là Đức Kitô bị đóng đanh ba ngày trước. Điều này nói lên tâm tình yêu mến, quan tâm đặc biệt Đức Kitô dành cho các ông.

Thứ tư, 'Ngày Thứ Nhất Trong Tuần' cũng là ngày các môn đệ nhận sứ mạng mới, sứ mạng mang tin yêu, ơn tha tội cho những tâm hồn thống hối, ăn năn.

'Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em'.c.21.

Các tông đồ nhận cùng sứ mạng Đức Kitô nhận từ Chúa Cha. Từ đây các ông rao giảng cho đến mọi nơi, khắp cùng trái đất.

Thứ Năm, 'Ngày Thứ Nhất Trong Tuần' cũng là ngày các môn đệ nhận Thần Khí Đức Kitô Phục Sinh. Ngài thổi hơi vào các ông phán bảo,

'Hãy Nhận Lấy Thánh Thần'. c.22.

Đức Kitô hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ, được thực hiện. Thần Khí Đức Kitô Phục Sinh luôn đồng hành cùng các môn đệ trong bước đường truyền giáo.

Thứ Sáu, 'Ngày Thứ Nhất Trong Tuần' cũng là ngày đầu tiên các môn đệ nhận cuộc sống mới. Sau khi Đức Kitô bị bắt, các ông như chiên lạc, chạy tứ tán, hy vọng tiêu tán. Đức Kitô tìm kiếm các ông, ban cho các ông sứ mạng mới, rao giảng Tin Mừng, tin Đức Kitô Phục Sinh và ơn tha tội Đức Kitô trao ban, khởi đầu là tên trộm biết ăn năn, thống hối trên thập tự.

Thứ Bảy, 'Ngày Thứ Nhất Trong Tuần' cũng là ngày Đức Kitô hiện ra với các môn đệ. Thomas vắng mặt ngày hôm đó. Tám ngày sau, gặp lại Đức Kitô, Thomas đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin,

'Lậy Chúa, lậy Thiên Chúa của tôi' c.28.

Lời Thomas thú nhận vang vọng lời người trưởng đội quân thú nhận ba ngày trước đó. Lúc Đức Kitô tắt thở ông cũng đấm ngực tuyên xưng

'Quả thật, Người này chính là Con Thiên Chúa'. Lc 23,48.

Hai câu, nói trong hai hoàn cảnh khác nhau, nói trong hai ngày khác nhau, và nói về cùng một người- Đức Kitô. Câu đầu nói về người mới chết- Đức Kitô tắt thở; câu sau nói về người mới sống lại - Đức Kitô Phục Sinh.

Chúng ta xin ơn nhận được niềm vui Phục Sinh như các tông đồ cảm nhận trong ngày 'Thứ Nhất Trong Tuần'.

TiengChuong.org

The First Day

The phrase 'the first day of the week' has several applications. The first day of the week means it is a new beginning, a starting point of something.

First, it was the very first time, the first day of the week, the Risen Lord appeared to His apostles, who were in hiding behind the closed doors. Jesus was buried behind the 'door' of the tomb, and that door was wide open; it was rolled to one side. Jesus met His apostles to open His apostles' eyes, to open their minds to recall what Jesus had prophesized about this amazing encounter Mk 14,28. We say when one door closes; other door opens. By human freewill, sin crept in our lives, and that opened the door of hell. The resurrection of Christ opened the door of God's kingdom for all Jesus' followers. In the creation account, God separated light from darkness Gn.1:1. In the resurrection account, Christ's light shone through darkness on the first day of the week. Christ offered the new light, and restored God's peace. Twice Christ greeted His apostles: 'Peace be with you' v.20.

Second, after the Last Supper, Jesus' apostles lived in fear. Meeting the Risen Lord, their hearts filled with joy. The Risen Christ restored their shattered lives, brightened their future, reinstated their hope. They began to live new life in Christ.

Third, on the first day of the week, Christ showed the apostles His wounds. Just after three days, the wounds on His hands and His side had not been healed. These unhealed wounds confirmed the Christ they met now was the same Christ as before the crucifixion. It also meant Christ had a special love for His apostles, and showed great concern for their well-being.

Fourth, the first day of the week was also the first day Christ's apostles received the new mission: 'As the Father sent me, so am I sending you'. v.21. Christ gave the apostles the same mission He had received from the Father. From then on they spread the Good News to all corners of the earth.

Fifth, the first day of the week marked the day the apostles received Christ's Spirit, when He breathed on them, saying: 'Receive the Holy Spirit'. v.22. What Jesus promised them was fulfilled. The Spirit of the Risen Lord would accompany the apostles throughout their lives in the mission fields.

Sixth, the first day of the week marked the beginning of the apostles' new life. They were in hiding, running away. They were like the lost sheep; scattered. The Risen Christ looked for them, gathered them back. The apostles were given the power to proclaim the message of forgiveness, that Christ has gained for those who repent, starting with the thief on the cross.

Seventh, the other apostles had seen the Risen Christ on the first day of the week, but on that day Thomas was missing. This was the very first time for Thomas to see the Risen Christ, and he made a public confession: 'My Lord, and my God'. v.28. This echoed what the centurion confessed under the foot of the cross: 'Truly, this man was the Son of God' Lk 23,48. Again, this confession reconfirmed the crucified Christ and the Risen Christ as One and the same Person.

We pray to have some share of the joy Jesus' apostles had when they first met the Risen Lord.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
An ninh nghiêm ngặt tại các nhà thờ Indonesia trong Tuần Thánh và lễ Phục sinh
Đặng Tự Do
16:18 07/04/2021


Các tín hữu Kitô ở Indonesia đã cử hành Tuần Thánh và Lễ Phục sinh trong tình trạng an ninh nghiêm ngặt với các lực lượng an ninh trong tình trạng cảnh giác cao độ sau vụ đánh bom tự sát tại nhà thờ chính tòa Makassar vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá.

Quân đội và cảnh sát được trang bị vũ khí hùng hậu đã được nhìn thấy tại các nhà thờ trong tuần qua trên khắp quốc gia nơi đa số dân theo Hồi giáo. Các tín hữu Kitô chỉ chiếm không đến 10% dân số.

Indonesia từ lâu đã phải vật lộn với các cuộc tấn công của các chiến binh thánh chiến Hồi giáo, và đang ở trong tình thế khó khăn kể từ khi hai kẻ đánh bom liều chết tự nổ tung tại một nhà thờ ở thành phố Makassar trên đảo Sulawesi, khiến 20 người bị thương.

“Nhiệt tình của anh chị em giáo dân trong những ngày này vẫn cao bất chấp cuộc tấn công ở Makassar,” Philip Situmorang, phát ngôn viên của Hiệp hội các Giáo Hội Kitô ở Indonesia, nói với AFP.

“Cảnh sát đã phối hợp với chúng tôi để bảo đảm an ninh cho các nhà thờ”.

Các nhà chức trách cáo buộc những kẻ đánh bom Makassar là thành viên của một nhóm cực đoan ủng hộ bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Rusdi Hartono cho biết hôm thứ Năm rằng cảnh sát trên khắp đất nước đã được lệnh ứng trực trước các dự đoán bi quan về các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra nhắm vào các nhà thờ trong lễ Phục sinh.

Ngoài vụ tấn công nhà thờ chính tòa Makassar vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, đã có một vụ tấn công khác vào hôm thứ Tư Tuần Thánh tại thủ đô Jakarta. Một phụ nữ 25 tuổi đeo khăn che mặt bước vào khu phức hợp cảnh sát ở trung tâm thành phố Jakarta và nổ súng vào các viên chức cảnh sát trước khi cô ta bị bắn chết.

Cảnh sát mô tả cô là một “con sói đơn độc” của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Source:Reuters
 
Các thánh không ngừng phù giúp chúng ta
Thanh Quảng sdb
18:32 07/04/2021
Các thánh không ngừng "phù giúp chúng ta"

Tiếp tục Bài Giáo lý về cầu nguyện, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về sự hiệp thông của Các Thánh, hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta đây “là công việc cao cả nhất của các Ngài trong chương trình của Thiên Chúa.”

(Tin Vatican - Lydia O'Kane)

Buổi triều yết sau lễ Phục sinh, vào hôm thứ Tư (7/4/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục bài giáo lý về sự hiệp thông của các Thánh.

ĐTC giải thích bất cứ lúc nào chúng ta cầu nguyện, chúng ta không hề cô đơn, vì chúng ta cảm nghiệm thấy mình được chan hòa trong một sự thông hiệp của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Sức mạnh của lời cầu nguyện

Đức Thánh Cha nói, chúng ta cầu nguyện cùng với tất cả các thánh trong sự hiệp thông của Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, và Ngài thêm rằng những lời cầu nguyện tốt đẹp đó “được rộng mở”, “loan truyền đi khắp nơi: từ trong những bệnh viện, từ những cuộc tụ họp mừng lễ đến những nơi âm thầm sầu khổ”.

ĐTC nói: “Nỗi đau của một người là nỗi đau của tất cả và hạnh phúc của một người được san sẻ cho người khác.”

Sự chuyển cầu của các thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý “Lời cầu nguyện luôn được rộng mở: mỗi lần chúng ta chắp tay và nguyện cầu cùng Thiên Chúa, chúng ta thấy mình được đồng hành với các thánh trên trời, các vị đã được Giáo hội tôn vinh hoặc các vị thánh âm thầm trên thiên quốc, các ngài cùng cầu nguyện với chúng ta và cầu bầu cho chúng ta trong huyền nhiệm thân thể của Chúa Kitô.

ĐTC nhấn mạnh: “Không có người nào sầu buồn một mình, cô đơn một mình trong Giáo hội,” “không có giọt nước mắt nào bị rơi vào trong quên lãng, bởi vì mọi người đều hiệp thông và thông dự vào một nguồn ân sủng Chúa.”

Những nhân chứng vĩ đại

Đức Thánh Cha mô tả các thánh tựa như “đám mây nhân chứng vĩ đại” vừa được biết đến, vừa không được biết đến, là những người không ngừng cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta hầu làm vinh quang Thiên Chúa. ĐTC nói: “Việc tôn kính các thánh kéo chúng ta đến gần Chúa Giêsu, Đấng Trung gian duy nhất giữa con người và Thiên Chúa.

Không bao giờ là muộn màng để trở nên thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục cho hay các thánh “nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả trong cuộc sống của chúng ta, dù yếu đuối và bị vùi dập bởi tội lỗi, sự thánh thiện vẫn có thể manh nha. Không bao giờ là quá muộn để trở về với Chúa là Đấng tốt lành và dạt dào yêu thương”. Trong Chúa Kitô cũng vậy, “chúng ta cảm nghiệm được một tình liên đới huyền nhiệm với những người thân yêu đã qua đời, những người mà chúng ta không ngừng cầu nguyện cho họ.”

Tóm lại, Đức Thánh Cha nhấn mạnh "Sự nên thánh là một cuộc hành trình của cả cuộc đời, một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, dù dài hay ngắn, dù trong một khoảnh khắc, nó luôn là một chứng tá; mỗi vị thánh là một nhân chứng, một người đã gặp được Chúa Giêsu và đi theo Ngài.” ĐTC xác tín cuộc sống trên trái đất này chúng ta luôn được "các thánh phù trì."

Đôi tay cứu giúp

Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự chuyển cầu của các thánh “được coi là một sự phục vụ cao cả nhất của các Ngài trong kế hoạch yêu thương của Chúa” và chúng ta luôn có thể “xin các Ngài cầu bầu cho chúng ta và cho thế giới.”

Hiệp thông với những người thân yêu đã qua đời, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Có một sự liên đới huyền nhiệm trong Chúa Kitô nối kết những người đã qua đời với chúng ta là những người lữ hành đang trong cuộc hành trình dương thế: từ Thiên đàng, những người thân yêu của chúng ta vẫn tiếp tục săn sóc cho chúng ta. Họ cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện cho họ”.

Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa

Kết thúc bài giáo lý, ĐTC ngỏ lời cùng các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhớ Chúa Nhật tới, Giáo Hội sẽ cử hành Lễ Lòng Chúa Thương Xót, mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập. Đức Thánh Cha Phanxicô nói “phụng vụ của Chúa Nhật tới vạch ra con đường của lòng thương xót, nó tái tạo lại mối quan hệ của con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng khơi dậy những mối quan hệ mới của tình liên đới huynh đệ”. Thật vậy, con người nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, "nhưng con người cũng được kêu gọi để 'chia sẻ lòng thương xót' cho tha nhân."
 
Bài Giáo Lý Hàng Tuần của Đức Phanxicô: Cầu Nguyện trong Hiệp Thông Các Thánh
Vũ Văn An
19:04 07/04/2021

Từ Thư viện Tông điện, buổi yết kiến hàng tuần dưới hình thức ảo đã được truyền đi sáng ngày 7 tháng 4 năm 2021. Nhân buổi yết kiến này, Đức Phanxicô dã trình bầy bài giáo lý của ngài, bài thứ 28 trong loạt bài về cầu nguyện, tập chú vào việc cầu nguyện trong hiệp thông các thánh. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Hôm nay, tôi muốn suy gẫm về mối liên hệ giữa cầu nguyện và hiệp thông các thánh. Thật vậy, khi cầu nguyện, chúng ta không bao giờ làm như vậy một mình: ngay cả khi chúng ta không nghĩ về điều đó, chúng ta vẫn đang đắm mình trong một dòng sông hùng vĩ của những lời khẩn cầu đi trước chúng ta và diễn tiến sau chúng ta. Quả là một dòng sông hùng vĩ.

Chứa đựng trong những lời cầu nguyện chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh, thường vọng lại trong phụng vụ, là các dấu vết của những câu chuyện cổ xưa, của những cuộc giải phóng phi thường, của sự trục xuất và những cuộc lưu đày đau buồn, của những cuộc hồi hương đầy xúc động, của những lời chúc tụng vang lên trước những kỳ quan của sáng thế… Và do đó, những tiếng nói này được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong một sự đan xen liên tục giữa kinh nghiệm của bản thân, kinh nghiệm của dân tộc và kinh nghiệm của nhân loại mà chúng ta vốn thuộc về. Không ai có thể tách mình ra khỏi lịch sử của chính mình, lịch sử của dân tộc mình. Chúng ta luôn mang trong các thái độ của mình di sản này, ngay trong cách chúng ta cầu nguyện. Trong lời cầu nguyện ngợi khen, đặc biệt là lời cầu nguyện phát khởi từ tâm hồn các người nhỏ bé và khiêm nhường, vang vọng nhiều phần của kinh Magnificat mà Đức Maria đã dâng lên Thiên Chúa trước mặt người bà con là Elizabeth; hay bài ca cảm thán của ông già Simeon, người, khi ôm Hài Nhi Giêsu trên tay, đã nói như thế này: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (Lc 2:29).

Những lời cầu nguyện tốt đều có tính "mở rộng", giống như bất cứ điều gì tốt; chúng liên tục tự truyền bá, được hoặc không được đăng trên mạng xã hội: từ các khu phòng bệnh viện, từ những khoảnh khắc tụ họp lễ hội đến những khoảnh khắc chúng ta âm thầm chịu đựng… Nỗi đau của một người là nỗi đau của mọi người, và niềm hạnh phúc của một người được truyền sang linh hồn người khác. Nỗi đau và niềm hạnh phúc, tất cả là một câu chuyện, những câu chuyện tạo nên câu chuyện đời mỗi người, câu chuyện này được hồi sinh qua lời kể của chính họ, nhưng trải nghiệm vẫn y như nhau.

Cầu nguyện luôn được tái sinh: mỗi lần chúng ta nắm tay nhau và mở rộng tâm hồn với Thiên Chúa, chúng ta thấy mình được đồng hành với các vị thánh vô danh và các vị thánh được công nhận, những vị đang cầu nguyện với chúng ta và đang cầu bầu cho chúng ta như những anh chị em đã đi trước chúng ta trong cùng cuộc phiêu lưu của con người. Không có đau buồn nào trong Giáo Hội phát sinh trong cô đơn, không có nước mắt nào rơi trong quên lãng, vì mọi người cùng thở và tham dự vào một ơn thánh chung. Không phải ngẫu nhiên mà trong Giáo Hội cổ thời, người ta được chôn cất trong những khu vườn xung quanh một tòa nhà thánh thiêng, như để nói rằng, một cách nào đó, đoàn ngũ những người đi trước chúng ta đang tham dự vào mọi Bí tích Thánh Thể. Cha mẹ và ông bà của chúng ta ở đó, các cha mẹ đỡ đầu của chúng ta ở đó, các giáo lý viên và các thầy cô khác của chúng ta ở đó… Đức tin được truyền lại, được truyền tải, mà chúng ta đã nhận được. Cùng với đức tin, cách cầu nguyện và việc cầu nguyện đã được truyền lại.

Các thánh vẫn còn ở đây không xa chúng ta; và việc trưng bầy các ngài trong các nhà thờ gợi lên “đám mây nhân chứng” luôn vây quanh chúng ta (xem Dt 12: 1). Lúc bắt đầu, chúng ta đã nghe đoạn trích từ Thư gửi tín hữu Do Thái. Họ là các nhân chứng mà chúng ta không tôn thờ - nghĩa là chúng ta không tôn thờ các vị thánh này - nhưng là những vị được chúng ta tôn kính và là những vị, trong muôn ngàn cách khác nhau, đã đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, Chúa và Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Một “vị thánh” không đưa anh chị em đến với Chúa Giêsu thì không phải là một vị thánh, thậm chí không phải là một Kitô hữu. Một vị thánh phải làm cho anh chị em nhớ đến Chúa Giêsu Kitô vì ngài từng bước trên con đường sống như một Kitô hữu. Các thánh nhắc nhở chúng ta rằng ngay trong cuộc sống của chúng ta, dù yếu đuối và đầy tội lỗi, sự thánh thiện vẫn có thể khai mở. Dù vào thời điểm sau cùng. Thực thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng rằng vị thánh đầu tiên được chính Chúa Giêsu phong thánh là một tên trộm, không phải là một Giáo hoàng. Sự thánh thiện là một hành trình của cuộc đời, một cuộc gặp gỡ dài hay ngắn hoặc tức thời với Chúa Giêsu. Nhưng họ luôn luôn là một nhân chứng, một vị thánh là một nhân chứng, một người nam hay người nữ đã gặp Chúa Giêsu và đi theo Chúa Giêsu. Không bao giờ là quá muộn để quay về với Chúa, Đấng tốt lành và cao cả trong tình yêu thương (xem Thánh vịnh 103: 8).

Sách Giáo lý giải thích rằng các thánh chiêm ngưỡng Thiên Chúa, ngợi khen Người và không ngừng quan tâm đến những người mà các ngài đã bỏ lại trên trần thế. […] Sự cầu bầu của các ngài là việc phụng sự cao cả nhất của họ đối với kế hoạch Thiên Chúa. Chúng ta có thể và nên xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới ”(Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2683). Có một sự liên đới đầy mầu nhiệm trong Chúa Kitô giữa những người đã bước sang đời sống khác và chúng ta đang lữ thứ trong cuộc sống hiện nay: từ Thiên đàng, những người quá cố yêu dấu của chúng ta tiếp tục chăm sóc chúng ta. Các ngài cầu nguyện cho chúng ta, và chúng ta cầu nguyện cho các ngài và chúng ta cầu nguyện với các ngài.

Sự liên kết trong lời cầu nguyện giữa chúng ta và những người đã đến trước chúng ta- chúng ta đã trải nghiệm mối liên hệ này trong lời cầu nguyện ở đây trong cuộc sống trần thế này. Chúng ta cầu nguyện cho nhau, chúng ta cầu xin và dâng những lời cầu nguyện…. Cách đầu tiên để cầu nguyện cho ai đó là nói với Thiên Chúa về người đó. Nếu chúng ta làm điều này thường xuyên, mỗi ngày, trái tim của chúng ta không khép lại mà mở ra cho anh chị em của chúng ta. Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ và nó thúc đẩy chúng ta tiến đến gần hơn một cách cụ thể. Ngay cả trong những khoảnh khắc xung đột tranh chấp, cách để làm tan xung đột, làm dịu nó, là cầu nguyện cho người mà tôi đang xung đột. Và một điều gì đó đang thay đổi với lời cầu nguyện. Điều đầu tiên thay đổi là trái tim và thái độ của tôi. Chúa thay đổi nó để nó có thể biến thành một cuộc gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ mới mẻ để cuộc xung đột không trở thành một cuộc chiến không có hồi kết thúc.

Cách đầu tiên để đương đầu với thời điểm lo âu xao xuyến là xin các anh chị em của chúng ta, trên hết là các thánh, cầu nguyện cho chúng ta. Tên được đặt cho chúng ta lúc Rửa tội không phải là một nhãn hiệu hay một vật trang trí! Đó thường là tên của Đức Trinh Nữ, hoặc một vị Thánh, những vị không mong điều gì khác hơn là “giúp chúng ta một tay” ở trong đời, giúp chúng ta một tay để có được ơn thánh của Thiên Chúa mà chúng ta rất cần. Nếu những thử thách của cuộc sống vẫn chưa đến mức cùng cực, nếu chúng ta vẫn còn khả năng kiên trì, nếu bất chấp mọi sự chúng ta vẫn tiến bước một cách phó thác, hơn là do công lao của chúng ta, có lẽ chúng ta mang ơn tất cả những điều này vì lời chuyển cầu của tất cả các thánh, trong đó, một số vị đang ở trên Thiên đàng, một số khác đang lữ hành như chúng ta trên thế gian, những người đang bảo vệ và đồng hành với chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều biết có những vị thánh ở đây trên trái đất này, những người nam nữ thánh thiện sống trong sự thánh thiện. Họ không biết điều đó; chúng ta cũng không biết điều đó. Nhưng có những vị thánh, những vị thánh thường ngày, những vị thánh ẩn dật, hay như tôi thích nói, “những vị thánh sống ở nhà bên cạnh”, những người chia sẻ cuộc sống của họ với chúng ta, những người làm việc với chúng ta và sống một cuộc sống thánh thiện.

Vì vậy, ngợi khen Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi duy nhất của thế giới, cùng với vườn hoa bao la những người đàn ông và đàn bà thánh thiện cư ngụ trên trái đất và những người vốn ca ngợi Thiên Chúa qua cuộc sống của chính họ. Vì - như Thánh Basil đã xác nhận - “ Chúa Thánh Thần thực sự là nơi cư ngụ của các thánh vì các ngài tự hiến mình làm nơi cư ngụ cho Thiên Chúa và được gọi là đền thờ của Người” (Về Chúa Thánh Thần, 26, 62: PG 32, 184A; xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 2684).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Caritas Giáo hạt Phú Thọ: Niềm Vui gặp gỡ yêu thương Chúa Nhật Phục sinh
Martinô Lê Hoàng Vũ
08:52 07/04/2021
Trong niềm vui mừng ngày đại lễ Phục sinh,Chúa Nhật 4.4.2021 tại nhà sinh hoạt Giáo xứ Tân Phước,ban Cariatas Giáo hạt Phú Thọ đã tổ chức bữa cơm cho những người người nghèo, những anh chị em khó khăn ở các giáo xứ trong giáo hạt.

Hiện diện trong giờ khai mạc lúc 11 g có Linh mục Giuse Phạm Bá Lãm-Hạt Trưởng Phú Thọ chánh xứ Hòa Hưng,ngài cũng là Linh mục Đặc Trách Caritas Giáo hạt, Linh mục Giuse Đinh Đức Hậu- chánh xứ Bình Thời,Linh mục phó xứ Tân Phước,HĐMV các giáo xứ,quý anh chị em ban Cariatas Giáo hạt,các ân nhân và tất cả những người nghèo là khách mời tham dự.

Trong buổi gặp gỡ bữa cơm thân tình, Linh mục Hạt Trưởng Phú Thọ cùng quý anh chị em Ban Cariatas bày tỏ niềm vui trong sự phục vụ người nghèo.Đâycũng là tâm tình của Giáo hội dành cho người nghèo,vì người nghèo là trọng tâm của Giáo hội.Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập ngày thế giới người nghèo, từ năm 2016 trong Năm Thánh kính Lòng Chúa Thương Xót,và ngài chọn ngày người nghèo vào Chúa Nhật 33 Thường Niên vào tháng 11 hằng năm.

Như vậy,bữa cơm cho anh chị em nghèo tại giáo xứ Tân Phước thể hiện tinh yêu thương chia sẻ với người nghèo của cả giáo hạt Phú Thọ,nhất là chia sẻ niềm vui của ngày Chúa Phục sinh.Các anh chị em nghèo đã được ban Caritas đón tiếp chu đáo,tận tình,được hướng dẫn và gặp gỡ quý linh mục và HĐGX,quý chức đang làm việc trong các giáo xứ và cùng tham dự bữa tiệc thịnh soạn.

Sau bữa cơm,những anh chị em nghèo ra về với những phần quà nhỏ,mỗi người một phong thư 250 ngàn đồng VNĐ.Ban Caritas và các ân nhân,những người có tấm lòng yêu thương người nghèo đã chuẩn bị 16 bàn tiệc và có 130 anh chị em đến tham dự.

Tất cả mọi người tham gia chương trình đều có phần đóng góp của mình cho người nghèo,quý Linh mục,các giáo xứ,các HĐMVGX,những anh chị em phục vụ Ban Caritas Giáo hạt, ai cũng cảm thấy niềm vui mừng phấn khởi được phục vụ người khác,trong tình yêu thương của Chúa Giê su Phục sinh.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Đức TGM Tổng Giáo Phận Huế Dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Và Cầu Nguyện Cho Công Trình Trùng Tu Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam Huế
Minh Phương
09:01 07/04/2021
Đức TGM Tổng Giáo Phận Huế Dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Và Cầu Nguyện Cho Công Trình Trùng Tu Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam Huế

Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam Huế là một công trình kiến trúc đồ sộ do Kiến Trúc sư nổi tiếng Khôi nguyên La Mã một thời thiết kế. Mặt tiền nhà thờ mô phỏng như một cuốn Kinh Thánh mở ra, từ trên cao nhìn xuống thì ngôi nhà thờ có hình cây Thánh giá. Vị trí nhà thờ nằm trên một quả đồi nhìn về Hoàng thành Huế. Phía trước nhà thờ là con sông Bến Ngự “nắng đục mưa trong”, bên kia sông là Tòa Tổng Giám mục Huế. Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam được đánh giá là một trong mười ngôi nhà thờ đẹp nhất của Việt Nam, nằm trong danh mục địa điểm tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhà thờ được khởi công xây dựng vào năm 1963 dưới thời Đức Cố Tổng Giám mục Phêrô Martino Ngô Đình Thục. Tuy nhiên do trãi qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử và chiến tranh, mãi đến năm 2000 dưới thời linh mục Phaolo Nguyễn Trọng, vào dịp mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo phận Huế mới hoàn thành hai tháp chuông và được Đức Tổng Giám Mục Stephano Nguyễn Như Thể Cung hiến. Công trình vẫn tiếp tục được hoàn thiện với hai cây Thánh giá trên hai tháp chuông dưới thời linh mục Anton Nguyễn Văn Tuyến Quản xứ hiện nay. Cũng chính do công trình xây dựng chắp nối từng thời kỳ, khi hoàn thiện thì đã qua gần 60 năm, do đó công trình đang xuống cấp nghiêm trọng.

Xem Hình

Từ khi linh mục Anton Nguyễn Văn Tuyến nhậm chức Quản xứ Chính tòa đến nay, ngài hết sức trăn trở mỗi khi mưa gió, nhà thờ bị thấm dột, nước chảy lênh láng giữa nhà thờ. May mắn thay trước sự quan phòng kỳ diệu của Chúa, một dịp tình cờ ngài gặp được linh mục Patrick Serafini và được ngài hứa hết lòng giúp đỡ, và điều đó đã thành hiện thực.

Sáng hôm nay thứ Tư Tuần Bát nhật Phục sinh, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế đã dâng Thánh lễ Tạ ơn và cầu nguyện cho công cuộc khởi công trùng tu nhà thờ được bình an và nhanh chóng hoàn thành tốt đẹp. Đồng tế Thánh lễ có linh mục Tổng Đại diện Anton Dương Quỳnh, nguyên Quản xứ Chính tòa; linh mục Đại diện Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Chánh, người con của giáo xứ; Các linh mục Chánh xứ và Phó xứ Chính tòa qua các thời kỳ; các linh mục là con cái của giáo xứ đang mục khắp nơi.

Trước khi bắt đầu Thánh lễ, linh mục Quản xứ Chính tòa Anton Nguyễn Văn Tuyến có bài phát biểu: “Qua Thánh lễ Tạ ơn khởi công hôm nay, chúng con muốn bày tỏ long biết ơn sâu xa đối với quý Đức Cha, quý Cha Quản xứ và Phó xứ đã từng bước, bằng cách này hay cách khác đã chung tay góp phần xây dựng ngôi nhà thờ thân thương này, trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn giữa nhiều biến động của lịch sử vào những năm 1963, 1968, 1972, 1975 và những thập niên 80 – 90 đầy vất vả nhọc nhằn. Với 5 đời Tổng Giám mục và 7 đời linh mục Quản xứ. Chính vì vậy mà công trình trùng tu hôm nay, chúng con phải trân trọng bảo tồn những thành quả quý giá của các bậc tiền nhiệm. Đồng thời phát huy những gì tốt đẹp mà các ngài đã để lại như cách nói của Cha Patrick Serafini: “Phải trả lại cho ngôi nhà thờ chính tòa thân yêu này vẻ đẹp đáng có của nó.”

Thay mặt Cộng đoàn Giáo xứ, linh mục Quản xứ Anton Nguyễn Văn Tuyến tặng hoa cho Kiến trúc sư Đỗ Viết Tài, Giám đốc Cty Tư vấn thiết kế xây dựng Chí Thành Huế, một công ty đã có nhiều công trình xây dựng nhà thờ và nhà xứ thuộc Tổng Giáo phận Huế; và Kiến trúc sư Ngô Xuân Minh là những người chịu trách nhiệm giám sát và thi công công trình trùng tu nhà thờ.

Sau Thánh lễ, Ông Phero Đặng Văn Hoàng, Chủ tịch HĐGX, thay mặt Giáo xứ nói lời tri ân và cảm tạ Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện của giáo xứ, đã gởi đến cho chúng con Cha Patrick Serafini, vị ân nhân của giáo xứ chúng con trong việc trùng tu nhà thờ, thay lại toàn bộ mái ngói đã bị bào mòn qua năm tháng. Cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Giáo phận đã luôn yêu thương và đặc biệt quan tâm đến Giáo xứ Chính tòa, nhất là ngôi nhà thờ Mẹ của Giáo phận, đã cho phép giáo xứ được tiến hành trùng tu nhà thờ. Giáo xứ trao tặng Đức Tổng Giám Mục bó hoa tươi thắm tỏ bày lòng biết ơn sâu xa, đồng thời qua Cha Quản xứ, giáo xứ cũng xin gửi đến Cha Patrick bó hoa tươi để tỏ lòng tri ân.

Linh mục Quản xứ Anton Nguyễn Văn Tuyến là một linh mục hết lòng sùng kính Lòng Thương xót của Chúa, hàng tuần ngài dâng lễ kính Lòng Chúa thương xót vào mỗi chiều thứ Tư. Và hôm nay Ngài dâng Thánh lễ Tạ ơn Lòng Chúa Thương xót đã đoái nhìn đến lời cầu xin của giáo xứ, ban cho Cha Patrick Serafini đến với giáo xứ để ngài hỗ trợ công cuộc trùng tu ngôi nhà của Thiên Chúa.

Minh Phương
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Không Có CS 1.0 Thì Sao Có CS 2.0?
Nguyễn Văn Nghệ
08:46 07/04/2021
Ông Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn có bài viết “Tôi cầu mong, chúng ta sẽ thức tỉnh…”. Sau khi đọc bài viết ấy, ông Dương Quốc Chính có bài bình luận “Tại sao dân VN lại tàn bạo với đồng loại như vậy?”. Theo ông Chính “Bài viết của ông Thành còn cho độc giả thấy rằng thời xưa (là thời ông Duẩn nắm quyền) thì chế độ ta không có tham nhũng và hết sức nhân văn, không có những tệ nạn vô đạo như bây giờ!”[1]

Ông Chính đặt câu hỏi: “Vậy tại sao chế độ hiện tại cũng là CS mà lại có nhiều tham nhũng và đạo đức xã hội xuống cấp?”. Ông Chính tự hỏi và tự trả lời: “Không có CS 1.0 thì sao có CS 2.0? Ông Duẩn có công thống nhất đất nước tức là ‘có công’ CS hóa cả nước và là tiền đề để có những gì hiện tại”[2].

Khi nói đến vấn đề tham nhũng ở Việt Nam hiện nay người ta thường dẫn lời bà cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “Ăn không từ một thứ gì!”. Câu nói ấy chỉ đề cập đến tham nhũng vật chất mà thôi.

Ông Nguyễn Đình Cống viết: “Về tham nhũng. Đó là bệnh nặng, là giặc nội xâm. Tham nhũng có nhiều loại. Tham nhũng vật chất dễ thấy, nhưng tham nhũng quyền lực, tham nhũng từ chính sách mới ghê gớm”.

Ông Cống nhận xét câu “Không có CS 1.0 thì sao có CS 2.0?” của ông Chính: “Ông Chính nhận xét đúng, CS 2.0 là nối tiếp CS 1.0. Nhưng ông lại cho rằng thời CS 1.0 ít có tham nhũng. Tôi không nhất trí với nhận định đó. Tham nhũng có trong bản chất của vô sản chuyên chính. Thời CS 1.0 chưa có nhiều vật chất thì họ tham nhũng quyền lực (trừ một số ít giữ được liêm chính nhờ phẩm chất tốt có sẳn từ trước)”[3].

Sau khi thống nhất đất nước, đúng ra thì những tướng tá không có trình độ, đảng phải cho về hưu để nhường chỗ cho những người hiền tài lãnh đạo xây dựng đất nước. Đằng này thì không, đảng vẫn trọng dụng những người “có công cách mạng” cho dù người đó không có kiến thức. Do “tham nhũng quyền lực” cho nên nhiều người biết mình không có kiến thức, không có năng lực nhưng khi đảng giao nhiệm vụ thứ cứ nhận để rồi khi thất bại thì thốt lên: “…tôi không xin với đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác tôi cũng không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà đảng và Nhà nước giao phó cho tôi”[4].

Ông Trần Độ có những vần thơ: “Nhớ tuyên ngôn buổi đầu cách mạng/ Đảng không tham quyền chức nghênh ngang/ Cách mạng thành công, cáo lão về làng/ Vui thú điền viên, thung dung câu cá/ Hãy nhìn trông, không có ai về cả/ Cố bám quyền, giành mũ cao sang/ Bày đặt ăn chia tài lộc khang trang/ Chẳng dại gì về quê cha đất tổ”

Từ xa xưa trong Kinh Dịch ở quẻ Sư viết: “ Đại quân hữu mệnh, khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng”.

Sào Nam Phan Bội Châu giải thích câu ấy trong Quốc văn Chu dịch diễn giải : Sau khi giành được chính quyền thì “luận công hành thưởng, phải xem xét những người có công lao đó, ai là quân tử, ai là tiểu nhân. Kìa hạng người tiểu nhân thời nên thưởng cho nó vừa công mà thôi, chớ không nên đặt nó ở địa vị trọng yếu trong quốc gia. Bởi vì đương khi hành trận, tuy tiểu nhân, nhưng hữu tài thì nó cũng lập được chiến công. Còn khi chiến sự đã xong rồi, bắt đầu vào thời kỳ kiến thiết, tất phải người có tài lại có đức, mới gánh được việc thủ thành nổi[5].

Giải nghĩa Bản nghĩa của Trình Di về Lời Kinh “Đại quân hữu mệnh, dĩ chính công dã; tiểu nhân vật dụng, tất loạn bang dã”: Đấng đại quân cầm quyền ân thưởng, để làm cho chính cái công quân lữ, đó là sau chót việc quân; tuy là thưởng kẻ có công, nhưng với kẻ tiểu nhân thì không thể vì chúng có công mà dùng, dùng chúng ắt là loạn nước. Kẻ tiểu nhân cậy công, mà làm loạn nước, từ xưa vẫn có[6].

Tham nhũng quyền lực rất là ghê gớm, thường bắt gặp ở những loại người “đỏ” mà không “chín”: “đích thị là kẻ cơ hội, kém cỏi…nếu để họ luồn lách leo lên cao thì chỉ có một con đường đưa đất nước vào chỗ lụn bại, nên phải kiên quyết thanh lọc loại bỏ”[7]. Tham nhũng quyền lực không chỉ dừng lại ở thế hệ F1 mà họ cố duy trì để truyền sang thế hệ F2, F3… với tư tưởng “con vua thì lại làm vua”. Do đó Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn khi chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp: “Không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống quan liêu”.

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh – Khánh Hòa

Chú thích:

[1][2] – https://baotiengdan.com/…/tai-sao-dan-viet-nam-lai-tan…/

[3] – https://baotiengdan.com/.../nghi-ve-tieu-de-chung-ta-hay.../

[4] – https://new.zing.vn/10-phat-ngon-an-tuong-cua-thu-tuong-nguyen-tan-dung-post639078.html

[5] – Phan Bội Châu, Quốc văn Chu dịch diễn giải, Nxb Văn học, tr. 132-133

[6] – Kinh Dịch trọn bộ, Ngô Tất Tố dịch và chú giải, Nxb Văn học, tr. 212-213

[7] – https://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/van-dung-cau-dung-thay-do-ma-tuong-chin-vao-cong-tac-can-bo-141092

 
Văn Hóa
Bí Tích của Lòng Thương Xót
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
17:52 07/04/2021
BÍ TÍCH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bài giảng ngày lễ phong thánh Thánh nữ Maria Faustina đã chính thức công bố Chúa nhật thứ II Phục sinh sẽ được gọi là Chúa nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (mà ta quen gọi tắt là Lòng Thương Xót Chúa). Ngài đã mô tả về ngày lễ kính này như sau: “Theo một cách đặc biệt, đây là ngày Chúa nhật dành để tạ ơn về lòng thương xót mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho chúng ta trong suốt mầu nhiệm Phục Sinh của Người”.

Ngày lễ kính Lòng Thương Xót (LTX) cũng chính là ngày thứ tám (Octave Day) của mùa Phục Sinh như là cách thức để đưa chúng ta đến sự hiệp thông trọn vẹn vào việc Đức Kitô Phục Sinh. Ngày lễ này như là một sự hội tụ tất cả các lăng kính vào trong ánh sáng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Từ đó tỏa chiếu ra từng tia sáng chói lọi cao vời về tình yêu thương nhân từ và ân huệ của Thiên Chúa dành cho toàn thể thế giới thông qua sự chiến thắng của Chúa Giêsu Phục Sinh trên tội lỗi, sự chết và ma quỷ.

Việc chọn ngày Chúa nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh làm ngày lễ kính LTX của Thiên Chúa có một ý nghĩa sâu xa, cho thấy mối dây liên lạc mạnh mẽ giữa mầu nhiệm Phục Sinh của việc cứu chuộc và mầu nhiệm LTX. Thật vậy, các bài đọc của ba năm phụng vụ trong ngày Chúa nhật này đều dành để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chiều ngày thứ nhất trong tuần sau khi chịu chết và được mai táng, Đức Kitô Phục Sinh đã hiện đến giữa các môn đệ vốn đang còn bàng hoàng, lo âu vì những biến cố dồn dập xảy ra. Người cho các ông xem tay và cạnh sườn và nói nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (x. Ga 20,19-31).

Đoạn Tin Mừng trên mô tả việc Chúa Giêsu Phục Sinh thiết lập ra Bí Tích Hòa Giải, một trong những bí tích vĩ đại về LTX của Người. Tội lỗi đã làm con người xa rời Thiên Chúa: Ađam sau khi phạm tội thì lẩn tránh cái nhìn của Người, không dám gặp dù Người đích thân đến tìm ông.

Khi đã được thanh tẩy bằng nước qua Bí tích Rửa Tội, con người được giải thoát khỏi tội tổ tông nhưng hậu quả của tội lỗi vẫn làm mọi trật tự nơi vũ trụ, nơi con người bị xáo trộn. Thánh Phaolô đã cảm nhận rất sâu sắc: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7,19). Con người không làm chủ được bản thân của mình. Lý trí báo cho họ biết là điều ấy không đúng, không được làm, nhưng ý chí không còn vâng phục lý trí nữa mà sẵn sàng dấn thân vào điều xấu.

Thánh Gioan đã nói: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1,5), Hậu quả của tội lỗi còn làm cho con người sợ ánh sáng, sợ phải đối diện trước mặt Chúa vì tất cả những điều xấu sẽ bị phơi bày. Con người càng rời xa Chúa thì càng dễ chìm ngập trong những đam mê của tội lỗi.

Tội lỗi làm cho con người bất an, tội lỗi càng nặng bao nhiêu, lương tâm con người càng áy náy buồn phiền bấy nhiêu. Đó chính là tâm trạng của vua Đavít: “Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi, thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.” (TV 32, 3).

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về tội lỗi. Một hình ảnh rất cảm động, ngay cả những linh mục khi tĩnh tâm hằng năm cũng đều xếp hàng để được xưng tội. Những người từng ngồi tòa lắng nghe tội của người khác, nhưng khi đối diện với Thiên Chúa, cũng là những tội nhân.

Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi và tha thứ tội lỗi cho con người trong suốt lịch sử cứu độ. Trong đáp ca của ngày lễ, điệp ca: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 118,1-29) đã nhắc nhở điều đó. Và trong mùa chay, chúng ta cũng đã được nghe rất nhiều câu chuyện trong Kinh Thánh nói về Tình Yêu và LTX của Người.

Dụ ngôn ”cây vả không ra trái” (Lc 13,6-9) cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô cùng vô tận và Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi, mong ngóng chúng ta sinh hoa kết trái theo thánh ý của Ngài. Dụ ngôn “người cha nhân hậu” (Lc 15,11- 32) cho thấy Thiên Chúa chính là người cha nhân hậu, là Đấng giàu lòng thương xót.

Và cảm động nhất là câu chuyện về người “phụ nữ ngoại tình” (Ga 8,2-11) khi Chúa Giê-su nói: “Tôi không kết án chị đâu!”. Đấng Thánh tinh tuyền và giàu LTX đã tha tội cho một kẻ đáng chết: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ đối với các tội nhân, và mặc cho họ phẩm giá làm người.

Lòng Thương Xót mời gọi chúng ta trở về giao hòa với Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải để làm mới lại cuộc đời. Trở về với Thiên Chúa để nhận ra con người thật của mình, tôn vinh Thiên Chúa để được yêu thương hướng dẫn, để rồi không còn buông theo những đam mê trần tục tầm thường.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Tương lai của nhân loại trên mặt đất này sẽ ra sao? Chúng ta không được biết. Tuy nhiên, con người có thêm tiến bộ thì không may cũng không thiếu kinh nghiệm đớn đau. Nhưng ánh sáng của lòng thương xót Chúa sẽ chiếu sáng đường đi cho con người trong thiên niên kỷ thứ ba.”

Ngài cũng cho rằng chỉ khi nào con người cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì con người mới có thể "nhìn vào anh chị em của mình với đôi mắt mới, với thái độ vị tha và liên đới, đại lượng và tha thứ".

Sáng thứ Sáu 04-03-2016, trước khi chủ sự nghi thức sám hối tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 500 tham dự viên của khóa học về tòa trong. Khóa học nhằm giúp các chủng sinh và linh mục mới chịu chức cử hành đúng đắn Bí Tích Hòa Giải.

Ngài nhấn mạnh: “Ai cũng có thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha yêu thương luôn chờ đợi tất cả con cái Người, nhất là những ai lầm lạc hay những người xa cách. Bí Tích Hòa Giải là nơi đặc biệt để cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn luôn quay về với Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải để ngụp lặn trong lòng thương xót của Người như Thánh vương Đavít đã làm:
Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Người lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: "Nào ta đi thú tội với Chúa,"
và chính Người đã tha thứ tội vạ cho con.

(Tv 32, 5)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều
Diệp Hải Dung
16:58 07/04/2021
CHIỀU
Ảnh của Diệp Hải Dung

Hoàng hôn buồn cảnh vật cũng lặng im
Mây lơ lửng rớt chìm trong nỗi nhớ
Tình thắm thiết sao đành gieo bỡ ngỡ
Tơ rã rời duyên nợ phủ rong rêu
(DHD)
 
VietCatholic TV
Lời kể của một linh mục về tai nạn thảm khốc ở Hoa Liên Thứ Sáu Tuần Thánh. Thống kê mới về Giáo Hội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:16 07/04/2021


1. Tai nạn tàu hỏa thảm khốc ở Đài Loan ngày Thứ Sáu Tuần Thánh

Trong vụ tai nạn đường sắt tồi tệ nhất tại Đài Loan trong bảy thập kỷ, 50 người được xác nhận đã thiệt mạng sau khi một đoàn tàu tốc hành chật cứng chở gần 500 hành khách và các nhân viên hỏa xa đâm vào một chiếc xe tải gần thành phố Hoa Liên phía đông Đài Loan hôm thứ Sáu Tuần Thánh, khiến nó trật bánh và phần đầu xe nát bét.

Chiếc xe tải mà đoàn tàu đâm phải đã trượt xuống một con đường dốc, bên cạnh đường ray ngay bên ngoài một đường hầm.

Linh mục Tống Chí Cường (Sung Chih-chiang, 宋志强) là cha sở của giáo xứ Thiên Tường (Tianxiang, 天祥), là một trong những người đầu tiên chạy đến cấp cứu cho các nạn nhân. Trong tư cách là một linh mục, ngài còn có nghĩa vụ ban các phép bí tích sau cùng cho những người đang hấp hối. Ngài nói với thông tấn xã Reuters về cảnh kinh hoàng mà ngài chứng kiến tận mắt. Một phụ nữ hành khách đã nói với ngài câu chuyện đau lòng của cô ấy.

“Cô ấy không thể tìm thấy con gái mình. Khi hét lên, cô thấy con gái mình đang ở dưới những tấm thép. Cô ấy đã nỗ lực để di chuyển từng mảnh một, nhưng giọng nói của con gái cô ấy trở nên nhỏ dần và nhỏ dần, và sau đó không còn phản hồi nào”.

Các quan chức đang điều tra người quản lý của công trường, là ông Lý Nghĩa Tường (Lee Yi-hsiang, 李义祥), người bị nghi ngờ là thiếu trách nhiệm trong việc bảo quản an toàn các loại xe dùng trong công trường của ông. Hệ thống thắng có vấn đề đã khiến chiếc xe trượt xuống con đường dốc và chắn ngay trước chiếc tàu hỏa đang lao tới.

Một tòa án ở Hoa Liên vào tối Chúa Nhật cho biết họ đã ra lệnh giam giữ ông Lý Nghĩa Tường trong hai tháng, vì có nguy cơ ông ta có thể tiêu hủy bằng chứng.

Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan quản lý đường sắt trực thuộc đang phải đối mặt với một số vấn đề, bao gồm tại sao không có hàng rào thích hợp tại địa điểm trên và liệu có xảy ra việc bán quá nhiều so với sức chứa của con tàu không. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Lâm Giai Long (Lin Chia-lung, 林佳龙) cho biết ông có trách nhiệm nặng nề trong vụ này.

Văn phòng của Thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang, 苏增昌) cho biết bộ trưởng Lâm đã đưa ra lời đề nghị từ chức vào hôm thứ Bảy Tuần Thánh, nhưng Thủ tướng đã từ chối vào lúc này, và nói rằng các nỗ lực hiện tại nên tập trung vào việc phục hồi đoạn đường sắt này và tìm kiếm những người mất tích.

Các công nhân đang tiếp tục tìm cách di chuyển đoàn tàu từ bên trong đường hầm ra bên ngoài và tìm kiếm các thi thể khác, và các quan chức đã cảnh báo số người chết có thể tăng lên.
Source:Reuters

2. An ninh nghiêm ngặt tại các nhà thờ Indonesia trong lễ Phục sinh

Các tín hữu Kitô ở Indonesia đã cử hành Tuần Thánh và Lễ Phục sinh trong tình trạng an ninh nghiêm ngặt với các lực lượng an ninh trong tình trạng cảnh giác cao độ sau vụ đánh bom tự sát tại nhà thờ chính tòa Makassar vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá.

Quân đội và cảnh sát được trang bị vũ khí hùng hậu đã được nhìn thấy tại các nhà thờ trong tuần qua trên khắp quốc gia nơi đa số dân theo Hồi giáo. Các tín hữu Kitô chỉ chiếm không đến 10% dân số.

Indonesia từ lâu đã phải vật lộn với các cuộc tấn công của các chiến binh thánh chiến Hồi giáo, và đang ở trong tình thế khó khăn kể từ khi hai kẻ đánh bom liều chết tự nổ tung tại một nhà thờ ở thành phố Makassar trên đảo Sulawesi, khiến 20 người bị thương.

“Nhiệt tình của anh chị em giáo dân trong những ngày này vẫn cao bất chấp cuộc tấn công ở Makassar,” Philip Situmorang, phát ngôn viên của Hiệp hội các Giáo Hội Kitô ở Indonesia, nói với AFP.

“Cảnh sát đã phối hợp với chúng tôi để bảo đảm an ninh cho các nhà thờ”.

Các nhà chức trách cáo buộc những kẻ đánh bom Makassar là thành viên của một nhóm cực đoan ủng hộ bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Rusdi Hartono cho biết hôm thứ Năm rằng cảnh sát trên khắp đất nước đã được lệnh ứng trực trước các dự đoán bi quan về các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra nhắm vào các nhà thờ trong lễ Phục sinh.

Ngoài vụ tấn công nhà thờ chính tòa Makassar vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, đã có một vụ tấn công khác vào hôm thứ Tư Tuần Thánh tại thủ đô Jakarta. Một phụ nữ 25 tuổi đeo khăn che mặt bước vào khu phức hợp cảnh sát ở trung tâm thành phố Jakarta và nổ súng vào các viên chức cảnh sát trước khi cô ta bị bắn chết.

Cảnh sát mô tả cô là một “con sói đơn độc” của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Source:Reuters

3. Số liệu thống kê của Vatican cho thấy sự gia tăng liên tục số người Công Giáo trên toàn thế giới

Theo số liệu thống kê của Vatican, số lượng người Công Giáo và các phó tế vĩnh viễn trên thế giới đã tăng trưởng một cách ổn định, trong khi số các nam nữ tu sĩ tiếp tục giảm.

Vào cuối năm 2019, dân số Công Giáo trên toàn thế giới đã vượt quá 1.34 tỷ người, tiếp tục chiếm khoảng 17.7% dân số thế giới. Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết như trên.

Các con số thống kê này đánh dấu sự gia tăng 16 triệu người Công Giáo – như thế là tăng 1.12% so với năm 2018 trong khi dân số thế giới tăng 1.08%.

Bài báo đã trích đăng thống kê trong Niên giám Thống kê của Giáo hội, là tài liệu trình bày các số liệu của Giáo hội trên toàn thế giới tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019. Tờ Quan Sát Viên Rôma cũng công bố “Annuario Pontificio” hay Niên Giám Tòa Thánh 2021, một tập sách chứa thông tin về mọi cơ quan của Vatican, cũng như mọi giáo phận và dòng tu trên thế giới.

Theo niên giám thống kê, số người Công Giáo tăng ở mọi châu lục, ngoại trừ Âu Châu.

Vào cuối năm 2019, 48.1% người Công Giáo trên thế giới đang sống ở Mỹ châu, tiếp theo là Âu Châu với 21.2%, Phi Châu với 18.7%, 11% ở Á Châu, và 0,8% ở Đại Dương Châu. Các số liệu thống kê liên quan đến Á Châu không bao gồm Trung Quốc vì không thể có các con số thống kê chính xác về tình hình Giáo Hội tại đây.

Niên giám cho thấy số giám mục trên thế giới hiện nay là 5,364 vị - giảm 13 giám mục so với năm 2018.

Tổng số linh mục – bao gồm linh mục triều và dòng - trên khắp thế giới tăng từ 414,065 vào năm 2018 lên 414,336 vào năm 2019.

Mức tăng lớn nhất là ở Phi Châu và Á Châu, với mức tăng tương ứng là 3.45% và 2.91%, tiếp theo là Âu Châu với mức tăng 1.5% và Mỹ châu với mức tăng khoảng 0.5%.

Vào cuối năm 2019, 40.6% linh mục trên thế giới đang phục vụ ở Âu Châu, trong khi 28% linh mục ở Phi Châu và Á Châu.

Số lượng ứng viên cho chức linh mục - cả chủng sinh triều và dòng - đã tiếp tục giảm trên toàn thế giới, từ 115,880 vào cuối năm 2018 xuống 114,058 vào năm 2019, tức là giảm 1.6%.

Số lượng các phó tế vĩnh viễn được báo cáo là 48,238 vị tăng 1.5% so với năm trước. 97% các phó tế vĩnh viễn trên thế giới sống ở Mỹ Châu và Âu Châu.

Số lượng các nam tu sĩ không có chức linh mục trong các dòng tu tiếp tục giảm nhẹ nhưng đều đặn trên toàn thế giới từ 50,941 vị vào năm 2018 xuống còn 50,295 vị vào năm 2019.

Số lượng các nữ tu đang có xu hướng giảm ở mức 1.8%, cụ thể từ 641,661 nữ tu vào năm 2018 xuống còn 630,099 nữ tu vào năm 2019.
Source:Catholic News Service
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Tình Yêu Và Lòng Thương Xót – Trình bày: Đình Trinh
Đình Trinh
01:23 07/04/2021