Ngày 08-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trưng bày khăn liệmChúa Giêsu tại Thành Tôrintô
Lm. Thiện Tĩnh
09:21 08/04/2010
1. Vài nét giới thiệu Tấm Khăn Liệm

Tấm khăn liệm thánh thành Torino (la Sindone di Torino), hay còn gọi là Khăn Thánh (Sacra Sidone), là tấm khăn trải giường bằng vải lanh được gìn giữ trong nhà thờ chính tòa Torino, nước Italia. Trên tấm khăn ấy có thể nhìn thấy được hình ảnh một người đàn ông mang những dấu vết của những cuộc bị tra tấn, hành hạ và hình phạt bị đóng đinh. Truyền thống đã đồng nhất hóa hình ảnh người đàn ông đó với Đức Giêsu và tấm khăn ấy đã được dùng để bọc liệm xác Ngài khi táng trong mồ. Sự xác thực của tấm khăn liệm này là đối tượng cho nhiều cuộc nghiên cứu khoa học, tranh luận, bàn cãi sôi nổi, li kỳ và đầy thú vị.

Thuật ngữ “sindone” bắt nguồn từ chữ Hy lạp σινδών (sindon), có nghĩa là “chỉ ra” hay “giới thiệu” tấm vải lanh có phẩm chất tốt. Cuối cùng thuật ngữ này đã trở thành từ đồng nghĩa với khăn liệm Chúa Giêsu.



2. Cuộc trưng bày Khăn Liệm và những hoạt động xã hội, mục vụ

Những cuộc trưng bày công khai Tấm Khăn Liệm Chúa Giêsu “L’Ostensione della Sindone” gần đây là vào những năm: 1978, 1998 và năm 2000 đều diễn ra tại nhà thờ chính tòa thuộc tổng giáo phận Torino nước Italia.

Theo niên giám của Tòa Thánh Vatican năm 2009: Tổng giáo phận Torino được thiết lập vào ngày 21 tháng 5 năm 1515; có diện tích 3.350 km2; dân số 2.143.843. Hiện nay có Đức Hồng Y Severino Poletto tổng giám mục và Đức Cha Guido Fiandino phụ tá, với 2.065.443 tín hữu; 359 giáo xứ; 606 linh mục; 23 chủng sinh; 1.116 nam tu sĩ; 3.840 nữ tu.

Trước khi khai mạc cuộc trưng bày Khăn Liệm Chúa Giêsu lần này, vào ngày 22 tháng 3 năm 2010 đã có một hội nghị tại tiểu chủng viện thuộc Tổng Giáo Phận Torino, tham dự hội nghị có Đức Hồng Y Severino Poletto Tổng Giám Mục Torino, Đức Cha Phụ Tá Guido Fiandino, Bộ trưởng bộ kinh tế Italia và chủ tịch cục bưu điện Italia cùng nhiều quan chức khác để giới thiệu Bộ Tem mang hình Tấm Khăn Liệm Chúa Giêsu. Bộ tem này được phát hành 4 triệu bản, mỗi chiếc tem có giá 0,6 Euro. Ngày 26 tháng 3 vừa qua các bảo tàng về điện ảnh cũng đã bắt đầu mở cửa để giới thiệu cho khách tham quan biết về các hình ảnh Đức Giêsu trong lịch sử và trong phim ảnh.



Cuộc trưng bày Tấm Khăn Liệm Chúa Giêsu lần này sẽ bắt đầu từ thứ bảy ngày 10 tháng 4 năm 2010 đến thứ sáu ngày 23 tháng năm 2010. Trong thời gian 42 ngày trưng bày công khai Tấm Khăn Liệm Chúa Giêsu sẽ thu hút nhiều ngàn người từ nhiều quốc hành hương về Torino để kính viếng, suy ngắm sự thương khó của Chúa Giêsu, cầu nguyện, sám hối, xưng tội, tham dự Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, đi đường Thánh Giá và dự các cuộc hội thảo...

Vào ngày 2 tháng 5 năm 2010, Đức Thánh Cha Benedetto sẽ có cuộc viếng thăm mục tại Tổng Giáo Phận Torino. Cuộc viếng thăm Mục Vụ của Đức Thánh Cha đúng trong thời gian trưng bày Tấm Khăn Liệm Chúa Giêsu sẽ mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao cho các tín hữu và khách hành hương. Đức Thánh Cha như muốn tái xác nhận thêm một lần nữa về các chứng tích của Chúa Giêsu, nhằm thúc đẩy mọi người hãy tin vững vàng vào Đức Giêsu là Thiên Chúa đã nhập thể làm người cách đây hơn hai ngàn năm, đã rao giảng Tin Mừng, đã chịu khổ nạn tử hình và đã phục sinh vinh hiển để cứu độ nhân loại.

Trong cuộc viếng thăm mục vụ này, Đức Thánh Cha sẽ có giờ cầu nguyện riêng trước Tấm Khăn Liệm Chúa Giêsu, sau đó Ngài sẽ cử hành thánh lễ trọng thể tại quảng trường thánh Gioan Torino, tiếp theo Ngài chủ sự kinh Truyền Tin và ban phép lành cho tất cả các khách hành hương tham dự.
 
Ngôn từ
Lm Vũđình Tường
15:56 08/04/2010
Ý nghĩa đích thực câu nói lệ thuộc vào cảm xúc người nói và hoàn cảnh lúc phát ngôn. Phúc Âm tuần này thuật lại lời tự thú công khai khi Tôma đối diện với Đức Kitô. Ông tuyên xưng

‘Lậy Chúa con, lậy Thiên Chúa của con’.

Tôma chứng kiến cái chết đau thương, kinh hãi của thầy. Theo ông con đường theo Thầy cũng chết theo. Đời ông không còn cơ hội tuyên xưng Thầy nữa vì chính mắt chứng kiến Thầy đã chết. Nếu có nói về Thầy cũng chỉ là kể lại chuỗi ngày vàng son, huy hoàng bước theo Thầy. Chỉ có thế. Một trang sử đã lật qua. Một niềm hy vọng đã tàn lụi. Một ước mong đã chết. Một tương lai đen tối, mù mịt đang đón chờ.

Toma vắng mặt khi Đức Kitô hiện ra với các môn đệ. Phúc Âm không nói rõ nguyên do. Rất có thể Tôma âm thầm tính toán giữa về quê cũ, sống lại nghề xưa hay bỏ làng xóm ra đi ẩn thân phương xa. Cách biệt khỏi người thân quen. Còn mặt mũi nào nhìn lại họ. Ngày mai ra sao chưa rõ.

Điều chắc chắn là Tôma đang lo lắng, tâm tư rối bời. Nhiều tư tưởng lẫn lộn xuất hiện trong đầu khiến ông thấy bất an. Vì thế khi thân hữu xác quyết họ đã nhìn thấy Thầy. Tôma không tin. Ông đưa điều kiện được sờ tay vào vết thương Thầy mới tin, ngoài ra đừng mong. Tôma đưa điều kiện ngoài khả năng loài người. Ngoài Thiên Chúa ra không ai có khả năng thoả mãn điều Tôma đòi hỏi. Đây là một đòi hỏi quá đáng, vượt quá khả năng loài nguời có thể thoả mãn. Bởi vì đòi điều không thể thực hiện được. Không thoả mãn nên Toma đau khổ; trong khi các tông đồ khác hưởng bình an, hạnh phúc vì nhận được bình an từ Đấng Phục Sinh. Ngài đến mang bình an, hạnh phúc.

Quà tặng

Như người đi xa trở về Đức Kitô sống lại từ cõi chết Ngài tặng cho các tông đồ những món quà hết sức đặc biệt. Quà Ngài ban tặng các môn đệ là quà quí giá, giá trị vô song vì chúng mang lại sự sống. Món quà đầu tiên Đức Kitô ban tặng các tông đồ là món quà bình an.

Bình an cho các con

Món quà thứ hai quan trọng hơn nữa đó chính là Thánh Thần.

Hãy nhận lấy Thánh Thần

Thánh Thần là nguồn sống đích thực Đức Kitô trao cho các môn đệ và những ai tin theo Ngài.

Mong đợi

Bình thường tám ngày không dài nhưng đối với một người sống trong lo âu, sầu khổ, chán nản và cô đơn. Tám ngày thất vọng chờ đợi quả là cõi thiên thu. Khi chờ đợi thời gian dường như ngừng trôi. May thay Tôma được toại nguyện. Đức Kitô xuất hiện, gọi đích danh. Không còn nghi ngờ gì nữa. Tôma tuyên xưng một cách công khai. Có Chúa Tôma vui hẳn. Đời lên hương, không còn buồn sầu, cô đơn nhưng hy vọng vươn cao.

Tôma trả giá khá đắt cho tư tưởng đóng khung của mình. Tôma không chấp nhận bất cứ tư tưởng nào ngoài ý riêng ông. Trong khi các tông đồ khác sống vui vẻ trong niềm hạnh phúc hoan lạc, an bình, đầy hy vọng, không sợ sệt, lo âu.

Tôma tiếp tục sống trong lo sợ, chán nản, tuyệt vọng. Sống chung, ăn cùng mâm, ở chung nhà với các tông đồ khác nhưng tâm tư khác biệt. Tôma có tâm sự riêng, thế giới riêng. Ông không tin Thầy đã sống lại như tường thuật các bạn, cũng chẳng tin phụ nữ loan báo tin vui.

Ốc đảo

Người nào tạo thế giới riêng cho mình, người đó sống trong đau khổ, cô đơn. Họ lạc lõng giữa một thế giới đông người. Gọi là ốc đảo hay thế giới riêng vì chính họ tự tạo ra thế giới riêng đó. Thế giới riêng vây quanh, cuốn chặt, trói buộc cuộc đời họ. Vì là thế giới riêng nên thế giới đó tạo ra rào cản, ngăn người khác xâm nhập. Bén bảng đến gần bị xua đuổi. Chính vì thế mà kẻ tạo ra thế giới riêng thường sống trong cô đơn, dù quanh họ có nhiều người thân muốn giúp đỡ, muốn an ủi, tháo gỡ cái hàng rào vô hình kia, nhưng chủ nó không cho, khư khư bám giữ cho riêng mình.

Người sống trong thế giới riêng thường quá khích, khó tính. Khắt khe với người thân và với chính họ. Khắt khe như thế nên cuộc sống là một gánh nặng. Cuộc đời là những chuỗi ngày buồn chán. Họ cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi thế giới riêng nhưng không được vì không nhận ra người thắt chặt cái nút vô hình kia là chính họ. Người khác không thể tháo gỡ. Chính họ phải tháo gỡ cho mình. Họ chỉ có thể tháo gỡ khi tay họ buông lỏng đầu nút giây. Nhưng mấy ai chịu làm điều đó bởi vì nút giây phục vụ như cái phao nằm trong tay tạo cho cảm giác an toàn. Cần nắm chắc vào nó để khỏi chìm sâu đáy vực.

Tư tưởng dẫn đến ốc đảo là tư tưởng từ chối chân lí, sự thật, cởi mở và lắng nghe. Tư tưởng này làm hại cả thể lí lẫn tâm linh. Niềm tin Kitô không chấp nhận những tư tưởng đóng kín, đóng khung vì như thế là phản lại linh ứng, hướng dẫn của Thánh Thần. Thánh Thần Chúa đóng vai trò mặc khải. Từ chối cởi mở, đón nhận và thay đổi chính là lạc trong tư tưởng. Ngày đêm lạc lõng, luẩn quẩn trong tư tưởng. Nhẹ thì lâm vào tình trạng quẩn trí. Nặng biến thành tâm thần hoặc điên loạn.

Hãy năng xin ơn Thánh Thần là nguồn sống đích thực.
 
Trái tim người Thầy, Trái tim Học Trò
Lm. Minh Anh
16:37 08/04/2010
Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Phục Sinh, Năm C

Các bạn trẻ thân mến,

Thiên Chúa là tình yêu, một khi đã yêu, Ngài yêu cho đến cùng. Thật ý nghĩa khi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đấng Phục Sinh tỏ mình cho các môn đệ nhân Chúa Nhật “LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA”. Trong vài phút, chúng ta thử quan chiêm Trái Tim Đức Giêsu, trái tim người Thầy; đồng thời cũng thoáng qua trái tim Tôma, trái tim học trò; nhờ đó có thể hiểu được đôi chút lòng Chúa, đôi chút lòng ta. Trái Tim Giêsu, một trái tim chan chứa yêu thương mà Tin Mừng không ngừng lặp đi lặp lại. Đã bao lần “Ngài chạnh lòng thương” trước cảnh cùng khốn của con người: Thấy dân chúng tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy người ta khiêng đi chôn con trai duy nhất của một bà goá, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy những người phong cùi tiến đến từ xa, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy hai người mù đang dò dẫm lại gần, “Ngài chạnh lòng thương”... Và chắc hẳn các tông đồ, kể cả Tôma, cũng đã ít nhiều cảm nhận cái thổn thức “chạnh thương” đó nơi Thầy mình. Cũng trái tim đó, bởi đã chạnh thương cho đến cùng nên bị đâm thâu, để giọt máu sau hết và chút nước cuối cùng nhỏ xuống mà có lẽ Tôma đã chứng kiến xa xa hay ít nữa đã nghe thuật lại chiều ngày thứ Sáu hôm ấy vì ông không dám lại gần. Trái Tim Tôma, một trái tim nhát đảm và ngờ vực. Thầy mất, không ai biết vì lý do gì, “Đi Đi Mô” rời bỏ cộng đoàn. Phải chăng trái tim Tôma đang tan nát vì thương tích, vì những vết đau dù không nhìn thấy nhưng là những thương tích có thật và đau thật. Một trái tim ngờ vực khủng hoảng đến tội nghiệp, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Ôi, còn đâu bao lời tiên báo và giáo huấn của người Thầy khả ái? Còn đâu những cảm nghiệm đầy thán phục khi chứng kiến bao phép lạ của Con Đức Chúa Trời? Thật là mỉa mai, thật là chua xót cho người môn sinh tuyệt vọng. Thật là thất đoạt, thật là vô ích cho người Thầy luống công. Sự ngã lòng của Tôma xúc phạm đến Thầy đâu kém việc bán Thầy hay chối Thầy của hai bạn đồng môn! Có khi còn tệ hơn; bởi lẽ, Juđa và Phêrô tránh né liên luỵ đến một người sắp từ giã cõi sống trong khi Tôma lại đan tâm chối nhận một Đấng vừa trở về từ cõi chết. Vì thế, cũng bởi “chạnh thương”, tám ngày sau, Vị Thầy lại phải hiện ra một lần nữa và trái tim đã yêu dấu loài người quá bội đó đã biết lựa lời khôn khéo nhẹ nhàng trách yêu người học trò. Ngài dỗ dành chứ không mắng mổ, chìu chuộng chứ không phỉ báng, “Hãy đặt ngón tay con vào đây, hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Thôi, đừng cứng lòng nhưng hãy tin”. Lạ thay, Tin Mừng không nói đến việc Tôma có sấn tới thọc tay vào lỗ đinh Thầy, đặt tay vào cạnh sườn Thầy mà trong đó cũng có một trái tim hay không. Nhưng chúng ta có thể đoan chắc, chính Đức Giêsu Phục Sinh đã một lần nữa “chạnh thương chạm đến” và băng bó trái tim thương tích của môn sinh.

Tim đụng tim, lòng chạm lòng! Nhờ đó, bình an lại đến với tâm hồn người môn đệ; và thay vì reo lên Magnificat, Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, cách nào đó, Tôma đã phải cất cao Credo, Tôi tin! Bởi lẽ, trước tiên là phải tin, sau đó mới có thể ca khen Đấng mình tuyên xưng. Vậy là tim chữa lành tim, lòng cảm mến lòng. Tim Thầy chữa lành tim trò, lòng Thầy khoả lấp lòng môn đệ. Nhờ lòng Thầy chạnh thương mà từ đây, lòng người môn đệ xác tín thay cho ngờ vực; yêu mến thay cho hững hờ; chứng tá, thay cho trốn chạy; và bình an thay cho bất an.

Hơn lúc nào hết, có lẽ mỗi người trong chúng ta hôm nay, dù ở đấng bậc nào, cũng đều cảm thấy cần đến lòng Chúa xót thương hơn bất kỳ ai. Vì chỉ có Chúa mới là Đấng xót thật và thương thật; chỉ có Chúa mới biết được mỗi người cần đến lòng Ngài xót thương biết bao; chỉ có Chúa là Đấng có thể chữa lành, có thể hàn gắn, có thể băng bó, có thể đem về và trao tặng bình an, một sự bình an không ai lấy mất. Vì bình an của Chúa là chính Chúa. Mừng kính Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa trong Năm Linh Mục, chúng ta không quên cầu nguyện cách riêng cho các mục tử của mình và cho cả đoàn chiên được Chúa trao phó cho các ngài. Vì nhiều lúc, cả đoàn chiên lẫn chủ chiên cũng đang “đi đi mô”, bất an vì ngờ vực, hững hờ vì thiếu lòng mến, trốn chạy vì nhát đảm.

“Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô,

xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”.

“Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô,

xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”.

“Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô,

xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”.
 
Tôn vinh Lòng Thương xót Chúa
PM. Cao Huy Hoàng
16:42 08/04/2010
Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Phục Sinh (Kính Lòng Thương Xót Chúa)

“Con xin tôn vinh lòng thương xót Chúa thật lớn lao, lớn hơn muôn ngàn tội lỗi của con và nhân loại. Con xin tín thác lòng thương xót Chúa mãi muôn đời. Con xin tín thác lạy Chúa Giêsu Chúa con ơi”

Kitô hữu công giáo khắp vũ hoàn hân hoan mừng Chúa Phục Sinh, vì mầu nhiệm phục sinh đã làm chứng rằng tình yêu của Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết và khai mở một niềm hy vọng mới cho nhân loại.

Không ai thấy được Thiên Chúa. Cũng không ai nhìn thấy tình yêu. Nhưng nơi Người Con Chí Ái, hình ảnh và tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện. Chân dung một Đức Giêsu đến và chung phần đau khổ với người trần thế đã bộc bạch tấm lòng của Thiên Chúa Cha cho nhân loại. "Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để cứu vớt những tội nhân hối cải trở về" (Mt 9:13). Và lòng yêu thương, ước muốn cứu rỗi những con người tội lỗi đã làm kim chỉ nam cho hành trình dương thế của Ngài dẫn tới quyết định chọn cái chết đau thương nhất để đền thay tội lỗi nhân loại. Chỉ có cái chết mới thỏa lòng yêu của Thiên Chúa Cha. Chỉ có cái chết mới đúng giá cứu chuộc. Quả vậy, tội lỗi nhân loại thật nặng nề, kinh khủng, nhưng Tình Yêu của Thiên Chúa mãnh liệt hơn.

Tình yêu ấy tuôn trào từ Lòng Chúa Cha, và thể hiện nơi trái tim của Người Con:

“Ôi Máu và Nước, từ trái tim Chúa Giêsu như mạch nguồn tình thương tuôn trào ra cho chúng con. Nầy con tin tưởng nơi Chúa, con tin tưởng nơi Ngài” (Lời nguyện Lòng Thương Xót Chúa - Lời ca bài hát Lòng Thương Xót Chúa của Ns. Nguyễn Chánh).

Tình yêu ấy là tình yêu cứu độ. Máu và Nước ấy là nguồn suối cứu độ:

“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra. Alleluia. Và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên. Alleluia. Alleluia”

Đáp lại tình yêu vô cùng của Thiên Chúa cách cân xứng phải là một Đức tin tuyệt đối vào Đức Giêsu. Tin tưởng và phó thác vào Ngài.

Thánh Tôma không tin vào lời chứng của những người đã gặp Chúa Giêsu sống lại. Ông đòi cho được tận mắt xem thấy nơi nguồn nước cứu độ chảy ra, tận tay sờ vào những dấu đinh của người tử nạn. Và ông được thỏa mãn. Đúng là Chúa đã sống lại thật.

Tôi nhớ ở chỗ tôi, những năm 1985, có trung tá Dương Văn Bình-quen gọi là Bình Cụt- cải tạo về làm lò rèn nuôi vợ nuôi con. Mọi người rất thương ông, vì ông đã hy sinh 2 chân mình. Ông thường nói: “đây không phải là vết sẹo của chiến tranh đâu nghe mấy chú, nhưng là vết sẹo của tình yêu quê hương đất nước đấy!”. Và còn những vết sẹo trên thân Cha, trong người Mẹ, của người thân… Những vết sẹo do phẩu thuật, do tai nạn lao động trên rừng, trên rẫy…trong cuộc đời cũng không hiếm là những vết sẹo của tình yêu, của hy sinh đấy chứ!

Nhưng, thiết tưởng không có vết sẹo nào kinh hoàng cho bằng những lỗ đinh và vết đòng nơi thân người Chúa Giêsu. Và còn đặc biệt hơn nữa, lỗ đinh và vết đòng ấy làm chứng một tình yêu hiến thân đã chiến thắng sự chết- Tình Yêu Phục Sinh. Vì yêu đã chết, và vì yêu đã sống lại, để người mình yêu cũng được sống lại và tràn đầy hạnh phúc tình yêu không bao giờ phai tàn.

Cảm ơn Thánh Tôma đại diện cho một thế hệ thực dụng để nhờ đó, những con người thực dụng thời nay có được một chân lý “phúc cho ai không thấy mà tin”. Cứ nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thánh Giá và nhớ rằng Ngài đã sống lại mà vẫn còn mang những dấu vết của cuộc tử nạn, sẽ không còn lý do gì để ngờ vực về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu ấy là “lòng thương xót”- tên gọi dành cho tội nhân. Ai không cảm thấy mình là người có tội, ai mất cảm thức về tội, sẽ không hiểu thấu lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa. Có lẽ bạn và tôi, chúng ta, không ai dám nói mình vô tội! Vậy thì, hãy đến với lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh.

Không chỉ ở bên Mỹ, mà bên Việt Nam ngày nay, nhiều nơi nhiều người đã “Tôn vinh lòng thương xót Chúa” qua việc thực hiện Tuần Cửu Nhật Thương Xót, lần chuỗi thương xót, đọc kinh 3 giờ chiều… là tín hiệu thật đáng mừng để công trình thương xót của Thiên Chúa không trở nên vô ích.

Những anh em Phan Sinh yêu mến Thánh Phụ, theo linh đạo của Thánh Phụ đã từng được gọi là Thánh Phanxicô 5 dấu đã sớm đón nhận chương trình Tôn Vinh Lòng Thương Xót Chúa và nhận được muôn vàn hồng ân từ việc tín thác hoàn toàn vào Chúa Giêsu. Tôi vẫn nghe anh em hát và sống điều mình hát cách hồn nhiên lắm: “Chúa ôi, xin cho lòng con luôn khao khát, được thuộc về Chúa khi còn sống trên đời nầy. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào hạnh phúc? Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào bình yên?”.

Một số anh em bệnh tật và đau khổ vì những bất hạnh trong gia đình, đã kết hiệp những đau khổ của mình với Chúa Giêsu lòng thương xót “máu nước tuôn trào” và đã tìm được bình an, hạnh phúc thật trong lòng.

Các gia trưởng, các bà mẹ đã bắt đầu những giờ kinh lòng thương xót. Và quả thật, lòng thương xót Chúa đã biến đổi đời sống đức tin các gia đình đến mức không ngờ!

3 giờ chiều thứ bảy tuần thánh tôi nhận được một message: “Đêm qua, đông người quá, em không hôn chân Chúa được. Bây giờ, em xuống nhà thờ hôn chân Chúa và đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa dưới chân Chúa luôn. Xin Chúa thương xót chúng con và toàn thế giới.”

Lạy Chúa Giêsu, Lòng Thương Xót Vô Cùng Của Thiên Chúa Cha, xin cho 3 giờ chiều mỗi ngày trở nên giờ hẹn của những người cần đến lòng Chúa thương xót. A men.
 
Chúa Nhật II Phục Sinh: Bình an cho các con
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
17:20 08/04/2010
"BÌNH AN CHO CÁC CON"

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH


Trên những chuyến xe khách, xe buýt, các bến xe… người ta thường thấy những hàng chữ “chúc quý khách thượng lộ bình an”. Người tài xế Công giáo treo hình Đức Mẹ trên xe có kèm theo hàng chữ “Nữ Vương ban sự bình an”. Người tài xế Phật giáo treo hình Đức Phật, dù có hay không có hàng chữ nào, trong lòng họ vẫn cầu mong Đức Phật ban bình an.

Theo Hán tự, chữ “bình” có nghĩa là bằng phẳng, đều hòa, hòa hợp, thoải mái. Chữ “an”, theo cách viết là “người nữ ở trong nhà”, có nghĩa là được bảo vệ, an toàn. Như vậy, bình an nói lên trạng thái tâm hồn, trạng thái nội tâm thư thái, an hòa, vui tươi, bình thản, vững chắc. Do đó, bình an khác với hòa bình. Hòa bình nói lên trạng thái bên ngoài: không còn cạnh tranh, không còn chinh chiến, xô xát, súng đạn, gươm đao. Cho nên có khi có hòa bình nhưng không có bình an. Nhân loại thì khao khát hòa bình, còn mỗi con người thì khao khát bình an. Chúa Giêsu sống lại từ ngày thứ nhất trong tuần đã hiện ra với các môn đệ và ban bình an cho các ông. Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh là: “ Bình an cho anh em” (Ga 20,19-21). Bình an là hồng ân của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ (Ga 20,26; Lc 24,36). Các sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến đều thấy các môn đệ hội họp trong nhà, cửa đóng then cài vì sợ người Do thái. Khi Chúa hiện diện, sự sợ hãi của các môn đệ tan biến và các ông có được niềm vui, bình an, can đảm. “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi”(Ga 14,27).

Có một sự khác biệt cơ bản giữa bình an “thế gian ban tặng” và “bình an Đức Giêsu ban tặng”. 1. Bình an Chúa Giêsu là bình an trong tâm hồn. Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm vui lớn lao nhất của các Tông Đồ và của các phụ nữ đạo đức. Niềm vui nhân lên gấp bội khi Chúa trao quà tặng Bình an. "Bình an cho các con". Khi tâm hồn của các Tông Đồ hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của Chúa Giêsu rất đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông. "Bình an cho các con". Sự bình an này không giống bình an của người đời ban tặng. Sự bình an của người đời là tạm bợ và sẽ không tồn tại; bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy bất an. Người ta chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống. Người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm. Người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ. Người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm... Tất cả đều ở trong trạng thái mất bình an.

Có câu chuyện kể rằng: trong triều của một vị vua nọ có hai họa sĩ rất tài ba nhưng luôn ganh ghét đố kỵ nhau. Một hôm nhà vua phán: “Ta muốn phán quyết một lần dứt khoát ai trong hai ngươi là người giỏi nhất. Vậy hai ngươi hãy vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài, đó là bình an”. Hai họa sĩ đồng ý. Một tuần sau họ trở lại, mỗi người mang theo bức vẽ của mình. Bức họa của người thứ nhất vẽ một khung cảnh thơ mộng: những ngọn đồi nhấp nhô bao quanh một cái hồ rộng với mặt nước phẳng lì không một gợn sóng. Toàn cảnh gợi lên một cảm giác thanh thản, thoải mái. Sau khi xem xong, nhà vua nói: “Bức họa này rất đẹp, nhưng trẫm chưa hài lòng.”. Bức họa của người thứ hai vẽ một thác nước. Hình ảnh rất sinh động đến nỗi nhìn nó người ta như nghe được tiếng nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm. Nhà vua nói: “Đây đâu phải là một cảnh bình an”. Họa sĩ thứ hai bình tĩnh đáp: “Xin bệ hạ nhìn kỹ hơn một chút nữa xem”. Nhà vua nhìn kỹ và khám phá một chi tiết mà ông chưa chú ý: Trong một nhành cây nép mình sau dòng thác lũ, có một tổ chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở. Chim mẹ đang bình thản chờ các con mình nở ra. Nhà vua nói: “Ta rất thích bức tranh này. Nó đã chuyển tải được một ý tưởng độc đáo về bình an, đó là vẫn có thể sống bình an ngay giữa những xáo trộn của cuộc đời”. Và nhà vua đã trao giải nhất cho tác giả bức hoạ này.

Bình an không giống như yên ổn. Yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong. Bình an là tình trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính. Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ. Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được. Chỉ có Bình An của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài. "Bình an cho các con". Thế giới như đang sống trên một lò lửa. Chiến tranh, khủng bố, thiên tai, động đất… Thế gian chưa có bình an. Cho nên sự Bình An của Chúa Giêsu vẫn luôn có giá trị đích thực cho nhân loại, cho những tâm hồn khắc khoải tìm kiếm bình an trong cuộc sống. 2. Hoa quả của Bình An. Có nhân thì có quả. Có tranh chấp thì sinh ra hận thù. Có ghét ghen thì sinh ra mưu mô thủ đoạn. Đó chính là chuyện nhân quả mà hằng ngày chúng ta đều thấy và biết. Việc lành cũng như việc xấu, mọi thứ đều có nhân quả của nó. Hoa quả của Bình An là: yêu thương, tha thứ, bao dung, quảng đại, khiêm tốn, nhẫn nại, nhịn nhục... Tâm hồn có sự bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh; chúng ta biết thông cảm với người làm ta bực mình; dễ dàng cảm thông với những người không yêu mến; sẽ khiêm tốn hơn trong lời nói trong cử chỉ thái độ của mình...

Hoa quả của bình an chính là tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta làm việc thiện, thúc bách chúng ta vì anh em mà phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ, như các thánh Tông Đồ đã phục vụ Giáo Hội. Hoa qủa bình an thể hiện bằng tiếng cười, niềm vui, hạnh phúc trong gia đình, an hoà thư thái trong tâm hồn. Hoa quả bình an cũng chính là sự thật. Ta cảm thấy bình an khi mình sống ngay thẳng, sống theo sự thật. Con người ta ai cũng muốn có bình an trong tâm hồn, nên luôn cầu chúc cho nhau được bình an. Nhưng sẽ không có bình an thật, nếu tâm hồn không có tinh thần Phục Sinh của Chúa Kitô, tinh thần đổi mới con người cũ trở nên con người mới sống theo hướng dẫn của Thánh Thần. Con người ta ai cũng cần sự bình an, có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc nữa. Chúa luôn muốn ban bình an cho chúng ta. Giáo hội cũng mong muốn như vậy. Cho nên mỗi khi tham dự thánh lễ, linh mục thay mặt Chúa và Giáo hội cầu chúc: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, rồi linh mục nói với chúng ta: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Có bình an của Chúa ở nơi mình, chúng ta mới có bình an để chia sẻ cho nhau.

Bình an là một hồng ân Chúa ban và cũng là một trách nhiệm. Không phải chúng ta chỉ cầu khẩn và tìm kiếm bình an cho mình mà còn phải là “khí cụ bình an của Chúa”, góp phần tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn xã hội. Ước gì cuộc đời của tôi của bạn, trong mọi nơi mọi lúc, nhất là lúc xao xuyến, âu lo, sợ hãi, thử thách, luôn nghe được lời chúc bình an của Chúa Phục Sinh: Bình an cho anh em.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

CHÚA NHẬT CHÚA THƯƠNG XÓT

Ngày 23 tháng 5 năm 2000, Thánh Bộ Phượng Tự đã ra quyết định chọn ngày Chúa Nhật II Phục Sinh là ngày Chúa Nhật “Chúa Thương Xót, để các tín hữu trên toàn thế giới dùng Chúa Nhật này suy ngắm về lòng thương xót của Chúa đối với mỗi người và toàn thể nhân loại. Tin tưởng ở lòng Chúa Thương Xót, chúng ta sẽ luôn vững lòng trông cậy, phó thác nơi Chúa khi gặp những thử thách, những biến cố khủng khiếp xảy ra cho mỗi người, mỗi gia đình chúng ta và thế giới.

Việc tôn sùng “Lòng Thương Xót Chúa” đã được bà Thánh Faustina Kowalska cổ động. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn Bà lên bậc hiển Thánh ngày 30 tháng 4 năm 2000. Sau đây là một số đoạn Đức Thánh Cha đã viết về Chúa Nhật “Chúa Thương Xót.”

Trong Lễ Phong Thánh cho Chân Phước Nữ tu Ba Lan Mary Faustina Kowalska (1905-1938), sáng ngày 30-4-2000 tại Giáo đô Rôma, ĐTC Gioan-Phaolô II đã long trọng tuyên bố: "Trên khắp thế giới, Chúa nhật thứ 2 sau Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa".

Tường thuật của bài Tin Mừng theo Thánh Gioan (20,19-31) chúng ta nghe công bố trong Thánh Lễ hôm nay, một lần nữa cho các tín hữu biết Lòng Thương Xót lớn lao của Chúa Giêsu, sau khi Ngài khải hoàn phục sinh từ kẻ chết:

• Vì lòng thương xót vô bờ, Chúa Giêsu đã hiện đến với các môn đồ Ngài "vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần" (c. 19a), khi họ phải đóng kín cửa vì sợ người Do Thái. Họ có 101 nỗi sợ người Do Thái, nhất là sợ bị đóng đinh vào cây gỗ như Thầy mình đã bị chỉ mới 3 ngày qua.

• Vì lòng thương xót vô lường, Chúa Giêsu đã "đứng giữa các ông và nói: 'Chúc anh em được bình an!' Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đồ vui mừng vì được thấy Chúa. Ngài lại nói với các ông: 'Chúc anh em được bình an! Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. '" (cc. 19b-21)

• Vì lòng thương xót hải hà, Chúa Giêsu đã "thổi hơi vào các ông và bảo: 'Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì kẻ ấy được tha; anh em cầm giữ ai, kẻ ấy bị cầm giữ. '" (cc. 22-23)

• Vì lòng thương xót bao la, Chúa Giêsu đã hiện ra lần thứ hai cho các môn đồ vào "tám ngày sau" (c. 26), khi các cửa nhà của những kẻ "yếu bóng vía người Do Thái", dù họ đã được Thầy chúc bình an 2 lần và ban Thánh Thần vào 8 ngày trước. "Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: 'Chúc anh em được bình an!'"

• Vì lòng thương xót vô biên, Chúa Giêsu đã đặc biệt dành một hồng ân cho ông Tôma, người đã đi trốn [ở nơi bí mật nào đó khi Thầy bị bắt và tử hình, nên không được chứng kiến việc Chúa hiện ra với các môn đồ anh em mình trong buổi chiều ngày Ngài trỗi dậy từ mộ huyệt lạnh lùng. ] và, [sau khi được các bạn cho biết Thầy đã thực sự hiện ra: "Chúng tôi đã được thấy Chúa" (c. 25a)] đã tuyên bố chắc nịch: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, tôi sẽ chẳng có tin" (cc. 25b). Hồng ân đó là: "Rồi Ngài bảo ông: Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin'. Ông Tôma thưa Ngài: 'Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!' Đức Giêsu bảo: 'Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!'" (cc. 27-29)

• Vì lòng thương xót vô song, Chúa Giêsu đã "làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đồ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này…" (c. 30)

Chúng ta cũng hãy nhớ: Việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, mà Đức Giêsu đã hiện ra mặc khải cho Thánh Faustina, thôi thúc các tín hữu chúng ta hành động thường ngày với "tinh thần thương xót" cho người đồng loại bằng những kinh nguyện, những lời nói và những việc làm.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:44 08/04/2010
HOA

N2T


Một hôm, Lục Dị cùng với hai em gái vào chơi đùa trong vườn hoa, chúng nó dừng trước một cây hoa hồng, Lục Dị nói:

- “Anh cảm thấy hoa hồng là loại hoa đẹp nhất trên thế gian này”.

Lục Lâm lập tức nói ra ý kiến của mình: “Anh coi, hoa bách hợp bên cạnh nó đó, không phải cũng đẹp như hoa hồng sao ? Em cảm thấy cả hai loại hoa đều đẹp như nhau, các loại hoa khác mà so với chúng nó thì thật nhìn mà không muốn xem”.

- “Cái gì ?” Tiểu Lục Xuyến vội vàng cắt ngang lời nói: “Cây quế trúc dễ thương lẽ nào không đáng ngắm hay sao ? Chúng nó mới đẹp cực kỳ đó, chà, mùa xuân năm ngoái, không phải nó khiến cho chúng ta phấn khởi hay sao ?”

Mẹ ba đứa trẻ bên cạnh nghe chúng nó nói, bèn nói với chúng nó:

- “Ba loài hoa này các con thích cách đặc biệt, mỗi thứ mỗi loại đều có tượng trưng cho phẩm chất của đức hạnh, chẳng hạn như cây quế trúc nở nhạt nhạt thì đại diện cho khiêm tốn; hoa bách hợp nở trắng tinh thì tượng trưng cho sự thanh khiết; hoa hồng nhiệt tình tràn ngập lửa yêu mến, nó nói cho chúng ta biết: tâm hồn của chúng ta nên lấy thiện mỹ và ái tình để đến gần Thiên Chúa.

Ba quà tặng quý báu mà các thanh niên nam nữ nên trân quý đó là khiêm tốn, lương thiện và thuần khiết”.


(100 câu chuyện suy tư)

Suy tư:

Hoa (bất kể là hoa gì) đều là tạo vật được Thiên Chúa tạo dựng cách tài tình, tỏ hiện tính nghệ thuật cao siêu tuyệt vời của Đấng tạo hóa, không những tô điểm cho vũ trụ thêm đẹp mà còn có thể làm cho tâm hồn của con người hướng thiện.

Không ai là không thích hoa, không thích loại hoa này thì cũng thích loại hoa khác, bởi vì hoa chính là phương thuốc kỳ diệu giải độc cho người buồn bực, là niềm phấn khởi cho các thi nhân, là gia vị cho tình yêu.

Không ai là không thích hoa, vì hoa tượng trưng cho các đức hạnh của con người: hoa màu trắng tượng trưng cho đức trinh khiết, hoa tím tượng trưng cho sự khiêm nhường, hoa màu đỏ tượng trưng cho máu đào tử đạo và tình yêu.v.v...do đó nhìn thấy hoa, yêu thích hoa thì cũng yêu thích các đức hạnh siêu nhiên khiêm nhường, khiết tịnh, dũng cảm, khôn ngoan...

Không ai là không thích hoa, cũng vậy, không ai là không thích các nhân đức, chỉ có ma quỷ mới không thích con người thực hành các nhân đức mà thôi, bởi vì khi con người yêu mến và thực hành các nhân đức thì con người trở thành những bông hoa đẹp nhất trong Nước Trời, nơi đó các hoa nhân đức ấy –các thánh nam nữ- sẽ không bao giờ tàn lụi, bởi vì có Thiên Chúa là ngồn mạch của suối nguồn ân sủng luôn tưới gội cho các hoa nhân đức ngày càng đẹp hơn.

Đó chính là đức tin và là mục đích của người Ki-tô hữu khi còn sống ở thế gian này.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:45 08/04/2010
N2T


22. Nếu một ngày tôi không có thánh giá thì tôi e rằng Thiên Chúa bỏ tôi rồi.

(Thánh Francis of Assisi)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:47 08/04/2010
N2T


412. Có một thứ mà so với tài năng thì càng ưu việt tốt đẹp, càng quý báu, đó là có con mắt nhìn người.

 
Đức tin của tông đồ Tôma
Lm Giacôbê Tạ Chúc .
19:56 08/04/2010
ĐỨC TIN CỦA TÔNG ĐỒ TÔ-MA

Khi nói đến Tôma, chúng ta nghĩ ngay tới một tông đồ cứng tin, mà mỗi lần nói về ai đó cứng lòng, nghi ngờ về Thiên Chúa thì lập tức chúng ta đưa Tôma ra làm thí dụ.

Cũng thật tội nghiệp cho Ngài, đi theo chúa bao năm, cũng vất vả, cũng vô vàn những gian lao thử thách,Tôma được mô tả như một con người sáng suốt, thực tế quả cảm, theo Phúc âm của Gioan, khi cùng với Chúa Giêsu và các tông đồ lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, Tôma đóan chắc những việc lớn lao sẽ diễn ra ở Giêrusalem nên ngài tuyên bố: “ Chúng ta hãy cùng đi để chết với Người” (Ga 11, 16). Vậy mà không biết lý do gì, xui xẻo cho Tôma, ông không có mặt trong lần hiện ra của Chúa Giêsu với các Tông đồ (Ga 20,19 – 24). Lần ấy ông chỉ nghe thuật lại, các tông đồ khẳng định họ đã gặp Chúa Giêsu Phục sinh: “ các môn đệ khác nói với ông: chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20, 25). Thấy Chúa à ? Các anh nói sao chứ, với tôi thì còn kiễm chứng đã, tôi chưa thể chấp nhận. Không phải Tôma không tin Chúa, bởi vì ngài đã làm môn đệ của Chúa Giêsu. Trong con người Tông đồ có biệt danh là Điđymô nghĩa là song sanh có một cái gì đó mời gọi khám phá và bước vào, cho một hành trình đầy những thách đố như các nhà thám hiểm chinh phục các đỉnh núi. Đức cố Giáo hòang Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp: “Đức tin và lý trí” rằng: “Đức tin và lý trí như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý”. Chấp nhận tin Chúa không có nghĩa là thụ động: há miệng đợi sung rụng, mà phải hòai nghi để thăng tiến và đón nhận, dấn thân phục vụ cho tin mừng. Với Tôma niềm tin phục sinh đang ở giả thiết, và con người có quyền chất vấn, đặt vấn đề: “ Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”(Ga 20, 25).

Có lẽ chúng ta phải tôn Tôma làm thầy của vị thánh tiến sỹ thiên thần là Tôma Aquinô, Ngài đã cho thấy một cái nhìn tổng hợp giữa đức tin và lý trí, siêu nhiên và tự nhiên, triết học và thần học tất cả đều dựa trên đức tin mạc khải. Hai con đường tìm kiếm Thiên Chúa mà Giáo hội vẫn dùng để mời gọi con người đón nhận Mạc khải là yêu mến(Augustinô), và hiểu biết (Aristote). Đức Giêsu chấp nhận đề nghị của Tôma, lần hiện ra này có cả ông cùng các tông đồ khác: “Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa,nhưng hãy tin”(Ga 20, 27).

Lý trí con người luôn có những giới hạn nhất định: không gian, thời gian, môi trương, hòan cảnh … Tôma bị chi phối trong một không gian rộng lớn mà với trí hiểu quá nhỏ bé, ông không thể trực diện với Chúa mọi nơi trong chính con người của mình. Phải có ơn soi sáng và sự trợ giúp tận tình để khai thông trí hiểu và niềm tin nơi ông. Đức Giêsu đã cho chúng ta một câu trả lời đầy đủ nhất: “ Vì đã thấy Thầy nên con tin. Phúc thay những người không thấy mà tin ! “( Ga 20, 29).

Con người ngày nay cũng thích truy tầm chân lý, họ mang trong mình những khát vọng sâu xa nhất, khám phá Thiên Chúa cũng như bơi trong đại dương bao la bất tận, chẳng biết đâu là bến bờ. Cám ơn tông đồ Tôma vì nhờ ông mà mọi người đều có thể gặp được Đấng Phục Sinh, không phải một Đức Giêsu trên sách vở mà ngay trong chính cuộc đời.
 
Đức Mẹ Maria với biến cố Phục Sinh
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
19:57 08/04/2010
ĐỨC MARIA VỚI BIẾN CỐ PHỤC SINH

Ngay sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã liên tục hiện ra với các môn đệ của mình nhằm củng cố đức tin cho họ. Trước hết là với Mađalêna, qua hình dạng một người làm vườn, sau là với 2 môn đệ làng Êmmaus qua bộ dạng một người khách bộ hành, rồi với 11 môn đệ trong nhà Tiệc ly như một David Coperfile đi xuyên qua bức tường nhà khiến cho các môn đệ một phen hú hồn tưởng rằng mình gặp ma…. Tuy nhiên, có một điểm lạ là không hề thấy thánh sử nào đề cập đến việc Chúa Giêsu hiện ra với Đức Mẹ. Vì thế vấn đề mà người ta có thể đặt ra là Chúa Giêsu có hiện ra với Đức Mẹ sau khi Ngài sống lại không? Hay nói cách khác Đức Mẹ có cần được Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra theo nghĩa để củng cố đức tin như các Tông đồ không ? Và Đức Mẹ có cần được trao lệnh truyền loan báo Tin mừng phục sinh không ?

Thiết tưởng không cần. Vì sao ? Vì đức tin của Mẹ đã kiên vững rồi. Đức tin ấy trước sau vẫn sắt son, không gì lay chuyển được. Mẹ vẫn vững tin rằng Đức Giêsu con của Mẹ sẽ sống lại. Hình ảnh mẹ đứng dưới chân thập giá nói lên niềm tin kiên vững ấy. Dẫu rằng người ta vẫn gọi Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá là Đức Mẹ sầu bi. Nhưng cái sầu nơi Đức Mẹ là sầu thương, sầu vì thương Chúa Giêsu và vì thương nhân loại; chứ không phải là sầu thảm, cái sầu của người thất vọng chua cay. Còn cái bi nơi Mẹ là bi hùng, chứ không phải là bi luỵ, vốn là cái bi của người sụt sùi quỵ ngã trước thử thách đau thương. Trong đau khổ tột cùng, mẹ vẫn đứng kiên vững dưới chân thập giá. Điều đó cho thấy niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh của Mẹ như thế nào.

Hơn nữa trực giác bén nhạy của Mẹ nhờ sự kết hợp thâm sâu với Chúa từng phút giây đã giúp Mẹ xác tín hoàn toàn về mầu nhiệm phục sinh. Bởi chưng ai thấu hiểu Đức Giêsu cho bằng Mẹ. Cũng từ khẳng định đó mà ta có thể kết luận rằng Mẹ Maria là người đầu tiên được hưởng cái phúc mà Chúa Giêsu đã tuyên bố với Tôma: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Mẹ có phúc hơn hẳn các Tông đồ: hơn Phêrô, Giacôbê, Tôma và các môn đệ khác là những người chỉ tin khi đã được tận mắt thấy Chúa Giêsu phục sinh.

Thế còn sứ mạng loan báo Tin mừng thì sao ? Đức Mẹ có cần được trao sứ mạng loan báo tin vui phục sinh không ? Cả cuộc đời của Mẹ đã là một lời loan báo Tin mừng liên lỉ rồi, nên chắc hẳn Mẹ không cần Chúa Giêsu phải hiện ra để trao ban lệnh truyền loan báo Tin mừng nữa. Chúa Giêsu có hiện ra với Mẹ là hiện ra vì một lý do khác, chứ không phải là để củng cố niềm tin hay để trao sứ mạng loan tin phục sinh. Lý do đó có thể là để tô đậm thêm tình mẫu tử hoặc là để cho niềm vui nơi Mẹ thêm trọn vẹn.

Vậy trong ngày kết thúc tuần Bát Nhật Phục Sinh, chúng ta cùng cầu xin Chúa gia tăng thêm cho mỗi người chúng ta niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh, hầu có thể đứng vững trước mọi sóng gió thử thách gian truân của cuộc đời, như Mẹ Maria. Đồng thời cũng xin Chúa gia tăng thêm lòng mến, thể hiện qua sự kết hợp mật thiết với Chúa mọi nơi mọi lúc theo gương Mẹ Maria, để trọn cả cuộc sống của chúng ta là lời loan báo Tin mừng phục sinh cho mọi người. Amen.

Thứ 7 tuần Bát Nhật Phục Sinh
 
Hy Lễ Lòng Thương Xót.
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
21:54 08/04/2010
Hy Lễ Lòng Thương Xót.

Hy lễ là hiến vật được làm cho trở thành thiêng liêng cao quý, dâng lên thần linh và chỉ có thần linh mới nhận lãnh hy tế của con người dâng lên. Hy tế do đó bày tỏ sự quy phục về thần linh, tỏ bày sám hối, tạ tội và yêu mến của con người hướng về thần linh đó.

Hy lễ dâng lên Thiên chúa là Đấng cao cả nhất thì không thể do tay con người tội lỗi dâng lên được mà do chính Con Người vô tì tích mới có thể dâng lên xứng đáng. Trong Thánh Lễ, chúng ta có vị Thượng Tế cao cả vô tì tích là Chúa Giêsu Kitô. Ngay trong chính Người Con trở thành hiến lễ, hy tế đã trở thành Của Lễ đền tội cho nhân loại, trở thành Hy Tế tạ ơn đẹp lòng Cha mọi đàng và cũng là Hy Tế muôn đời dâng hiến Cha. Chúa Kitô là hy lễ của lòng Chúa xót thương.

Hy Lễ lòng thương xót:

Hiến tế là một hành động làm cho lễ vật trở thành thiêng liêng thuộc về Thiên Chúa, là một hành vi dâng hiến không thuộc về sở hữu trần thế nữa mà thuộc về Thiên Chúa. Hy lễ hiến tế, vì thế không phải của lễ nào cũng dâng được đối với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Tội lỗi càng lớn giá chuộc càng cao, Thánh Lễ là hy lễ đền tội trong Chúa Giêsu, “Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Chúa Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.” (Dt 7, 26). Thánh lễ dâng trong Chúa Giêsu đã được máu Ngài đổ ra trên Thập Giá thanh tẩy mọi hậu quả tội lỗi, tội lỗi bị phá hủy, con người được tha tội.

Hy Lễ đền tội mang tâm trạng con người, khao khát trở về giao hòa với Thiên Chúa, ước ao dâng gì đó thân thiết nơi con người để được xá tội, mà của lễ con người dâng, dù là chính mình cũng không đủ vẹn toàn để dâng lên Chúa Cha, tất cả cần nhờ đến vị Thượng Tế thánh thiện là Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, chẳng ai có thể dâng gì lên Chúa Cha mà mong xá tội cho mình được, chỉ có thể tháp nhập những của lễ dâng đời mình trong Chúa Giêsu, để trong lễ tế của Chúa Giêsu trở thành hy lễ của lòng thương xót.

Lòng thương xót Chúa và việc đón nhận của người tội nhân.

Chúng ta nhớ đến lời của tên trộm lành cùng bị treo lên thập giá trong ngày Chúa Giêsu chịu nạn: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! " Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! " (Lc 23, 40 – 43). Của lễ đền tội chỉ xứng hợp khi con người nhận lãnh trách nhiệm về mình, con người nhận lãnh hậu quả do tội lỗi gây ra dù không do mình nhưng do có tính liên đới, để được xin dâng chính bản thân mình như của lễ đền tội: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. (Dt 10, 7 - 9)

Trong hành vi chối bỏ những gì thuộc về mình liên hệ với trần thế vì lòng yêu mến Thiên Chúa, hay với một tâm tình thụ tạo hướng trọn vẹn về Thiên Chúa, là biểu hiện của hiến tế. Trong Cựu Ước hành vi hiến tế là cử chỉ bày tỏ quy thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn; trong đời sống tử đạo, ý nghĩa sống trong Thiên Chúa hiến dâng đời mình làm của lễ; trong đời sống tội nhân, của lễ là những lỗi phạm để xin lòng thương xót của Chúa.

Lòng thương xót của Chúa đón nhận của lễ dâng.

Kết thúc của bài Magnificat, Mẹ Maria cầu khẩn đến lòng thương xót của Chúa trong phận đời bé mọn của mình: “như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1, 55). Lòng thương xót của Thiên Chúa là biểu lộ nơi con người mọn hèn sống phó dâng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa thương xót tội nhân, con người dù thánh đi mấy chăng nữa cũng là nhờ lòng thương xót Chúa mà không phải sa vào tội mất linh hồn. Cả tội nhân và thánh nhân đều cần nhờ đến lòng thương xót Chúa. Thánh Phaolô kinh nghiệm điều này: “Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!” (Ep 2, 3 – 5).

Lòng thương xót của Thiên Chúa là tâm điểm của đời sống đức ái. Như dụ ngôn người cha nhân hậu, con người cũng hãy tha thứ cho nhau, như con chiên bị mất hay như đồng bạc bị đánh mất được Thiên Chúa tìm về, con người cũng đi tìm nhau để đưa về cùng Thiên Chúa (xem ba dụ ngôn về lòng thương xót Lc 5). Căn nguyên của đời sống đức ái được xây dựng trong lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô”. (Ep 4, 31- 32)

Hy lễ của lòng thương xót là của lễ đời mình được Thiên Chúa đón nhận, thực hành với lòng thương xót của Chúa là thi hành theo ý muốn của Thiên Chúa và sống đức ái của lòng thương xót của Thiên Chúa là theo lòng thương xót Chúa đã yêu thương chính mình thế nào thì cũng hãy yêu thương anh chị em mình như vậy.
 
Lòng Thương Xót Chúa
Lm Giacôbê Tạ Chúc .
21:55 08/04/2010
LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG

Sống trong cuộc đời, con người cần rất nhiều tình yêu thương. Mối quan hệ cộng đồng giúp họ thành công và vượt qua những thất bại của kiếp người. Những trái tim, nối liền những nhịp đập làm nên một chuỗi kết liên của những gặp gỡ và cảm thông. Tình yêu thương cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn hữu…Tất cả vô cùng cao quý. Thế nhưng có là gì so với tình yêu biển cả, vượt trên muôn trùng đỉnh Thái sơn của Thiên Chúa.

Thiên Chúa yêu con người bởi lẻ:

Con người là hình ảnh của chính Ngài

Con người là thụ tạo bất toàn

Con người là đối tượng số một của tình yêu

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa

Trong các cuộc thi hoa hậu trên thế giới, chúng ta có dịp chiêm ngắm những sắc đẹp tuyệt vời của các tài tử, giai nhân. Con người đẹp vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Con người đẹp vì chính trong tâm hồn, Thiên Chúa đã phú bẩm cho họ một trái tim của chính mình. Thiên Chúa yêu thương trong Ba Ngôi tuyệt hảo. Ngài đã chia sẻ sự cao quý đó, khi dựng nên con người và mời gọi chúng ta bước vào quỹ đạo của tình yêu đó. Như vậy, tự bản chất, Thiên Chúa là tình yêu, Ngài vui thích và chọn lựa con người trong muôn loài thụ tạo, để tin tưởng và gởi trao vũ trụ cho con người.

Con người là thụ tạo bất toàn, đầy tội lỗi

Đối diện với một Thiên Chúa ngàn trùng chí thánh, thì con người là thụ tạo hèn yếu và tội lỗi. Con người luôn bất trung, và phản bội. Suốt trong dòng lịch sử, chúng ta thấy rõ điều đó. Xưa cũng như nay, con người thay vì là những quản lý trung thành thì lại trở nên những chủ ông bất nhân. Môi trường tự nhiên bị huỷ hoại, đe doạ sinh mạng của con người. Môi trường tâm linh cũng bị băng hoại hết sức nặng nề. Thay vì tôn thờ Thiên Chúa thì con người mải mê chạy theo nhiều ngẫu tượng và các thần tượng do chính mình nhào nặn lên.

Con người là đối tượng số một của tình yêu

Mặc dù thế giới ngày nay đầy những văn minh, khoa học, kỹ thuật, các phương tiện truyền thông đạt những thông số kỹ lục. Thế nhưng, chưa bao giờ mà nhân loại phải sống trong những khắc khoải âu lo như lúc này. Nạn bạo lực lan tràn, biến đổi khí hậu toàn cầu gây nên không biết bao nhiêu nỗi sợ hãi về thiên tai, lũ lụt. Sự sống của những bào thai vô tội bị giết trước khi sinh ra. Nhân phẩm và tự do của con người bị chà đạp và xúc phạm. Thiên Chúa thấy và biết rõ mọi sự. Một lần nữa, Ngài vẫn chọn con người là ưu tiên số một trong trái tim của chính mình Ngài.

Lòng xót thương và tình yêu của Thiên Chúa trải dài từ đời nọ đến đời kia, cho những ai luôn tín trung với Ngài. Bao giờ, nhân loại nhận ra được trái tim cháy bỏng lửa mến yêu của Chúa cả đất trời, để ăn năn và sám hối tội lỗi của mình.

Lm Giacôbê Tạ Chúc
 
Suy niệm Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa: bóng của Phêrô và chạm tay của Tôma.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
22:18 08/04/2010
TORONTO (Zenit.org).-Bài đọc thứ nhất hôm nay từ sách Công Vụ Các Tông đồ (5:12-16) công hiến chúng ta một sự nhận thức sáng suốt trong cộng đồng Kitô hữu tiên khởi tại Jêrusalem. Luca đã lưu ý sự phát triển mau lẹ của Giáo Hội sơ khai (2:41, 47, 4:4; 6;1,9:31). Trong bài đọc hôm nay từ Công Vụ các Tông Đồ ngài muốn thêm sự kiện là số đông người nữ cũng như như nam đã được rửa tội và trở nên môn đệ (5:14). Những dấu lạ và những sự kỳ diệu là hậu quả rõ ràng của các ân huệ Thần Khí như là “sự làm phép lạ” và “ những sự chữa bệnh” (1 Côrintô 12: 9, 28).

Một hình ảnh rất có tác động mạnh của Phêrô được trình bày cho chúng ta (vs 15-16): ‘Người ta còn khiêng những kẻ ốm đau ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các chung quanh thành Jerusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đèu được chữa lành.”

Cái bóng của Phêrô

Tôi luôn luôn bị xúc động bởi hình ành cái bóng của Phêrô đi ngang qua người bịnh và gây ảnh hưởng. Những người đi ngang qua cái bóng của Phêrô được chữa lành, không phải bởi cái bóng của Phêrô nhưng bởi quyền năng của Thiên Chúa hành động qua Phêrô.

Những phép lạ chữa lành lôi cuốn dân chúng tới Giáo Hội tiên khởi và xác nhận chân lý những huấn giáo của các tông đồ và sự kiện là quyền phép Thiên Chúa ở với các ông. Chúng ta cũng biết rằng những lãnh đạo tôn giáo ganh tị về quyền năng và uy quyền của Chúa Giêsu coi các Tông đồ như là một sự đe dọa liên tiếp và đòi hỏi họ phải được kính trọng. Các Tông Đồ không đòi hỏi mình phải được tôn trong. Mục tiêu của các ông là mang lại sự tôn trọng và cung kính đối với Thiên Chúa. Các Tông đồ đã được sự tôn trọng của dân chúng, không phải tự các ông nài xin, nhưng bởi vì các ông xứng đáng được những sự ấy.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức giữa chúng ta

Khi tôi suy tư về bài đọc một hôm nay, tôi không thể không nhớ tới những hình ảnh rất có tác đông của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khi ngài di chuyển giữa hàng trăm ngàn người trong chuyến viếng thăm của ngài tại Hoa Kỳ cách đây hai năm trong tháng này. Người mục tử chân chính, người mô phỏng sự sống của mình theo sự sống Chúa Giêsu, phải thương yêu dân chùng được phó thác cho mình và bắt chước Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã làm sự này rất tốt.

Trong những tuần qua, thế giới đã chứng kiến tai họa và sự đau khổ về sự lạm dụng tình dục trẽ em và sư bùng nổ dễ bị tổn thương trong nhiều xứ châu Âu. Sự lạm dụng này là xấu ác, phá hoại và đầy tội tình.

Một số linh mục và tu sĩ, những người đã hứa bảo vệ, bênh vực và thương yêu trẻ nhỏ đã làm nhục Giáo Hội và xã hội. Một số người đã ra sức trách móc Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI không hành động, che đậy cách sống và sự vô liêm sĩ trắng trợn trong việc xử lý sự lạm dụng tình dục trẻ em. Quở trách này không đúng, không chấp nhận được, và rất xúc phạm Giáo Hội, những nạn nhân và xã hội nói chung.

Tôi nhớ chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Biển Đức tại Hoa Kỳ cách đây hai năm, với lòng xúc động và cám ơn sâu sắc. Trong chuyến viếng thăm này cái bóng của Phêrô phủ trên America, cũng như nó đã làm bất cứ nơi nào Đức Giáo Hoàng này đã viếng thăm trên năm năm qua. Và cái bóng này, là cái chạm chữa lành của Chúa, phủ trên tất cả chúng ta với lòng thương xót., sự chữa lành và sự hoà bình. Khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức đi giữa chúng ta, ngài làm hơn là liên kết với chúng ta. Ngài liên kết. Ngài cổ võ quần chúng. Ngài tỏ lòng can đảm, sự khôn ngoan và lòng thương cảm phi thường.

Các phương tiện không bỏ lỡ ý nghĩa sâu sắc của sự Đưc Thánh Cha gặp gỡ riêng tư đầy xúc động vơi các nạn nhân của việc lạm dụng tình dục giáo sĩ tại Toà Đại Sứ Vatican ở Washington. Đức Giáo Hoàng lúc đó không sợ, bây gìơ vẫn không sợ phải đi vào trong sự đau đớn, sự hỗn mang, sự buồn rầu và sự dữ của cơn khủng hoảng lạm dụng. Ngài cho dân chúng biết rằng ngài nghe và hiểu và Đức Giáo Hoàng sẽ tiếp tục hành động ngõ hầu một tai hoạ như thế sẽ không bao giờ lập lại nữa.

Nơi nào có Phêrô nơi đó có giáo hội.

Một thành ngữ Latin xưa, đầu tiên được Thánh Ambrose sử dụng trong thế kỷ thứ tư, hiện ra trong trí nhớ của tôi vào tháng Tư 2008, trong nhiều lúc thăm viếng lịch sử giáo hoàng tại Hoa Kỳ: Ubi Petrus ibi ecclesia, có nghĩa là: Nơi nào có Phêrô, ở đó có giáo hội. Phêrô ở tại America đã hai năm, và nụ cười dịu hiền của ngài và sự thanh thản hiển nhiên của ngài đốt cháy một quốc gia, một Giáo Hội và một lục địa với niềm hy vọng giữa thái độ hoài nghi, tuyệt vọng, và nhiều người thích thúc đẩy sự chết đến cho một Giáo Hội sống động và trẻ trung. Chỉ thời gian, sư suy tư và cầu nguyện sẽ mạc khải cho biết sự chữa lành từ hai năm sẽ sinh hoa quả cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ.

Một điều chắc chắn: Nơi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, cái bóng của Phêrô phủ trên hàng triều người tại Hoa Kỳ trong năm 2008 và tiếp tục phủ xuống hàng triệu người chung quanh trái đất cho tới ngày nay, cách riêng trên những người bị thương tích và hư hại từ những hành động xấu ác lạm dụng tình dục trẻ em. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng nơi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Phero vẫn ở giữa chúng ta.

Cái chạm tay của Tôma

Truyện Phục Sinh của Gioan (Chương 20-21) là một loạt những sự găp gở giữa Chúa Giêsu và và các môn đệ của Người mặc khải những phản ứng đức tin khác nhau. Hoặc những sự gặp gở này là với Simon Phêrô và người Môn Đệ được Chúa yêu, bà Mary Magdalene, các môn đệ hay là Tôma, toàn thể kịch bản nhắc chúng ta nhớ rằng trong hàng ngủ đức tin có những cấp bậc sẵn sàng khác nhau và những yếu tố khác nhau dẫn đưa dân chúng tới đức tin và giúp họ trở thành những chứng nhân và những thầy dạy.

Truyện của Gioan về Chúa Giêsu và Tôma (John 20:19-31) ghi chú sự hiện ra hậu-phục sinh lần thức nhất của Chúa Giêsu và cung cấp cho chúng ta một kinh nghiệm điển hình của sự nghi nan, tranh đấu và đức tin. Trong đó ẩn nấp kinh nghiệm của mọi người Kitô hữu: tin mà không thấy. Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có một truyện trong một truyện: sự phân giải những nghi nan của Tôma trong lúc Chúa Giêsu hiện ra hầu an ủi những môn đệ sợ hải. Tôma chỉ tin khi ông nghe Chúa gọi phải tin.

Tôma không phải là một người theo thuyết nghi nan vĩnh viển, cũng không phải là một con người bướng bỉnh, cứng cổ như truyền thống Kitô hữu thường vẻ vời. Tự điển Hy Lạp chuyển dịch tiếng “skepsis” thành “sự nghi nan, mối nghi hoặc, sự do dự, và sự không tin.” Tôma, kẻ nghi ngờ, được phép làm đôi chuyện mà tất cả chúng ta muốn làm. Ngài được phép chạm tay và “kinh nghiệm”, mà đôi khi phương tiện nhân bản con người không thể làm được. Đối với chúng ta điều đó khó hơn. Chúng ta cần bắt đầu với đức tin và lúc đó chạm cách đui mù con đường của chúng ta cho tới trung tâm cuộc đời chúng ta.

Dầu chúng ta biết rất ít về Tôma, hậu cảnh gia đình của ngài và vận mạng của ngài, chúng ta được ban cho một lời gợi ý quan trọng vào trong căn tính của ngài trong từ nguyên học (etymology) của tên ngài trong tiếng Hy Lạp: Tôma (Didymuous trong tiềng Hy Lạp) có nghĩa là “sinh đôi”. Nữa Tôma kia, người sinh đôi của ngài là ai? Chúng ta có thể thấy người sinh đôi của ngài bằng cách xem trong kính soi.

Nữa kia của Tôma là bất cứ ai chiến đấu với sự đau đớn không tin, nghi ngờ và tuyệt vọng, và cho phép sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh làm một sự khác biệt. Khi sự này xảy ra, những ngờ vực tan biến. Tôma và những kẻ sinh đôi của ông khắp thế giới liều mọi sự trong Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu và trở thành những nguồn phúc lành cho những kẻ khác, mặc dầu những nghi ngờ và tuyệt vọng của họ và vì những nghi ngờ và tuyệt vọng của họ.

Chúa nhật về lòng thương xót của Thiên Chúa

Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một lễ mới được thiết lập để cử hành những mặc khải của Thánh Faustina Kowalka’s (1905-1038). Trên thực tế lễ này không liên hệ chút nào với Thánh Faustina! Đúng hơn lễ này khôi phục một truyền thống phụng vụ xa xưa, phản chiếu trong một huấn giáo gán cho Thánh Augustine về Tuần Bát Phục Sinh, mà ngài gọi là “những ngày thương xót và tha thứ,” và chính ngày thứ Tám “tổng kết những ngày thương xót.”

Chúng ta có phải “thúc ép”một sự liên kết giữa Lòng Thương Xót Chúa và truyện Tin Mừng của Tôma và Chúa Giêsu Phục Sinh? Trả lời cho câu hỏi thứ nhất là “Tất cả mọi sự!” và cho câu hỏi thứ hai: “Không!” Việc cử hành Chúa Nhật Về Lòng Thương Xót của Chúa không cạnh tranh với, cũng không gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn Mùa Phục Sinh, cũng không lấy đi sự đương đầu đáng sợ với Chúa Phục Sinh trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Nhật về lòng Thương Xót Chúa là ngày Bát Nhật Phục Sinh, đang cử hành tình yêu thương xót của Chúa chói sáng suốt Tam Nhật Phục Sinh và toàn diện mầu nhiệm Phục Sinh.

Trong ngày phong thánh Thánh Faustina ngày 30/4/2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong bài giảng lễ của ngài trước hơn 200.000 người trong Quảng Trường Thánh Phêrô: “Chúa Giêsu cho [các Tông Đồ] thấy tay và cạnh sườn của Người. Tức là, Người chỉ những vết thương của sự Thương Khó, cách riêng vết thường trong con tim của Người, nguồn suối từ đó chảy ra làn sóng lớn lòng thương xót chảy ra trên nhân loại.”

Đã nhiều năm, khi tôi gặp khó khăn trong sự thấy những liên kết nội tại giữa Chúa Nhật thứ Hai Phuc Sinh, lễ thánh quan thầy tôi, Tôma Tông đồ, và những mạc khải của Thánh Faustina, tôi đi ngang qua lời trích dẫn này của Thánh Bernard (Canticle 61, 4-5: PL 183. 2072):” Điếu tôi không thể được tự tôi, tôi chiếm lấy với niềm tin từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa, bởi vì Người đầy lòng thương xót. Sự giáp mặt của Tôma với Chúa Phục Sinh ban cho tôi toàn diện viễn ảnh về ý nghĩa sự thương xót. Lúc đó tôi hiểu rằng ngày nầy cần được lấy làm chủ đề. Bây giờ hơn bao giờ hết trong Giáo hội và thế giới, chúng ta cần lòng thương xót.

Lòng thương xót bên trong sự thương xót bên trong sự thương xót.

Vị mục tử mới nhất của Canada, Giám Mục Donald Bolen thành Saskatoon, được phong chức giám mục ngày 25/3/2010. Giám Mục Bolen, một linh mục Tổng Giáo Phận of Regina tại Tây Canada, và nguyên là viên chức Hội Đồng Giáo Hoàng Hiệp Nhất Kitô hữu tại Vatican, chọn làm khẩu hiệu giám mục của ngài “Mercy within mercy within mercy.”

Trích dẫn này lấy từ sách 1953 của Tôma Merton “Dấu của Jonas,” trong đó Merton có Chúa nói: “Ta đã luôn luôn làm lu mờ Jonas với lòng thương xót trong sự thương xót trong sự thương xót.”

Trong nghi lễ phong chức của ngài nhằm ngày Lễ Truyền Tin năm nay, Giám Mục Bolen nói: “Lời mà Mẹ Maria đón nhận với tiếng ‘fiat’ của Mẹ, Lời nhập thể trong Chúa Giêsu thành Nadareth, Lời Đấng hiến mình hoàn toàn cho chúng ta, cả tới chết, nhưng mà sự chết không thể chứa Lời này: Điều mà Lời nói là lòng thương xót trong sự thương xót trong sự thương xót. Nếu lâu nay có một khẩu hiệu giám mục tổng kết cuộc sống một giám mục, đó là khẩu hiệu này đối với một giám mục trẻ danh tiếng và lãnh đạo của Giáo Hội tại Canada người mô tả lòng thương xót mạnh mẽ!

Khi chúng ta tiếp tục phơi nắng trong ánh sáng rực trên trời của sự phục sinh của Chúa, chúng ta đừng ngưng cầu nguyện cho bóng chữa lành của Phêrô và sự hòa bình phủ trên Giáo Hội, và chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những cuộc sống của chúng ta được chìm ngập trong sự thương xót bên trong sự thương xót bên trong sự thương xót.

* * *

Cha Tôma Rosica, nhân viện đìều hành chính của Tổ Chức các Phương tiện Công Giáo Muối và Ánh Sáng và Mạng Lưới Truyền Hình tại Canada, là một cố vấn viên Hội Đồng Giáo Hoàng Truyền Thông Xã Hội.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Xây dựng một nền văn hóa sự sống
Vũ Văn An
00:37 08/04/2010
Nhân dịp thánh lễ cầu cho các nhân viên trong ngành y tế (White Mass), tổ chức ngày 14 tháng 3 vừa qua tại Fairfield County, Bang Connecticut, Hoa Kỳ, Đức Cha Jean Lafitte, thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, đã có một bài giảng với tựa đề là “Xây Dựng Một Nền Văn Hóa Sự Sống”.

Sứ mệnh hàng đầu

Mở đầu bài giảng, Đức Cha cho biết Giáo Hội coi nhiệm vụ cổ vũ và bảo vệ sự sống con người là sứ mệnh hàng đầu và luôn có ý hướng xây dựng một nền văn hóa chân chính về sự sống. Ngài muốn trình bày một vài nguyên tắc then chốt giúp người ta hiểu rõ hơn các vấn đề nổi bật đang tác động trên cuộc tranh biện hiện nay về mối tương quan giữa Giáo Hội và khoa học, để từ đó biết đánh giá đúng mức lập trường của Giáo Hội về sự sống con người.

Theo Đức Cha Lafitte, về lập trường trên, người ta thường cho rằng đó là một lập trường lạc hậu, đi sau các thành tựu hay dự án khoa học nhiều bước. Đối với họ, Giáo Hội xem ra luôn phản ứng theo lối phòng ngự, bào chữa bất cứ khi nào đụng tới các vấn đề khoa học, như thể sợ không dám mạo hiểm chi hết. Họ bảo: há việc phát triển khoa học không mâu thuẫn một cách trầm trọng với các khẳng định trần thế của Giáo Hội đó ư? Với lối suy tư như thế, người ta dễ tiến tới chỗ quả quyết rằng các tiến bộ trong khoa xã hội học và tâm lý học, những ngành học phát hiện ra phức tạp tính trong ý chí và tâm thức con người, đang đặt ra nhiều nghi vấn chống lại các tín lý về sự ác và tội lỗi. Họ cũng cho rằng ít nhất thì thuyết biến hóa cũng không thể nào đi đôi được với trình thuật hết sức ngây thơ về tạo dựng trong Sách Sáng Thế. Nói tóm lại, hình như ta vẫn đang phải giáp mặt với cuộc tranh luận và kình chống muôn đời giữa Giáo Hội và khoa học, giữa tính phi lý và tính hợp lý, giữa chủ nghĩa tối tăm và phong trào ánh sáng.

Với tình huống ấy, Đức Cha nói rằng ta phải nắm vững một số ý niệm căn bản mới hy vọng nhìn rõ vấn đề. Ngài muốn bàn đến ba chủ đề sau đây: thứ nhất, mối liên hệ giữa khoa học và Giáo Hội; thứ hai, mối tương quan giữa sự sống con người và khoa học; và sau cùng, mối liên hệ giữa sự sống con người và huấn quyền Giáo Hội.

Giáo Hội và khoa học

Thời trung cổ, “khoa học” chỉ bất cứ điều gì lập thành tư duy thuận lý, như các sự kiện về thiên nhiên và các định luật nội tại của chúng, cũng như phán đoán diễn dịch hợp lý và lý lẽ thần học.

Nó bao hàm việc nghiên cứu các nguyên nhân thực sự của hữu thể cũng như bản tính liên hệ của chúng. Theo quan điểm triết học, người ta hiểu được tại sao lý luận khoa học không những tự cho mình nắm được chân lý mà còn nắm được cả các dụng cụ đạt được sự phân tích chân lý ấy một cách đáng tin cậy nữa, tức là đạt được sự phù hợp giữa nó với sự vật đang xem sét, thuật ngữ La tinh gọi là adaequatio intellectus et rei (sự cân bằng giữa tri thức và sự vật). Theo nghĩa này, khoa học quả cung cấp cho ta sự chắc chắn, tức sự chắc chắn của phán đoán khoa học. Một sự kiện rõ ràng, được nhiều người biết, là: một đàng, sự chắc chắn ấy đặt căn bản trên sự hòa hợp giữa phán đoán này với các phán đoán khác, trong đó ta thấy có các nguyên lý phán đoán (nghĩa là các nguyên lý tuyệt đối). Đàng khác, phán đoán cũng đặt căn bản trên chính các sự kiện, nghĩa là, các sự kiện được mô tả và phát biểu trong các kết luận khoa học nhờ sử dụng các ý niệm, và do đó, trong các kết luận được tham chiếu không ngừng. Mỗi khoa học đều xoay quanh một hợp tuyển các dữ kiện vốn tạo thành đối tượng chất thể (material object) của riêng nó. Nhưng mỗi khoa học thực hiện việc đó theo cách nhìn riêng của nó, điều tạo thành đối tượng mô thức (formal object). Thí dụ, người ta có thể chuyên nghiên cứu các đặc tính di truyền trong cơ thể con người (nghĩa là khoa di truyền học), hay có thể chuyên môn hóa từng bộ phận của cơ thể ấy (tức những môn liên hệ tới nhiều ngành y khoa). Dù trong trường hợp nào, nếu tôn trọng các đòi hỏi nghiêm ngặt của việc khảo sát (nhất là sử dụng lý trí cách đúng đắn), thì các kết luận khoa học đều được coi là có giá trị phổ quát. Ngày nay, khoa học không còn đồng nghĩa với việc hiểu biết mọi sự nữa, nghĩa là biết những vấn đề tối hậu và các nguyên nhân đệ nhất. Nó không còn liên kết với chính hữu thể của sự vật nữa, nhưng nhờ tự dị biệt hóa, nó đã sản sinh ra các thực hành và phương pháp có tính nhất định, giới hạn. Không còn một khoa học nữa, mà là nhiều khoa học với nhiều đối tượng khác nhau, nhiều ngôn ngữ, nhiều trình độ khả niệm, nhiều phương pháp. Các đối tượng mô thức mỗi ngày một được chuyên môn hóa hơn, các nhận thức rút được nay hết sức đa dạng trong rất nhiều lãnh vực tìm tòi; đồng thời, vấn đề thông đạt giữa các khoa học khác nhau đôi khi trở thành vấn nạn. Hai khoa học khác nhau, chẳng hạn, từ những quan sát thực nghiệm khác nhau có thể dẫn tới những giả thuyết giải thích hết sức khác nhau, có khi chống lại nhau là đàng khác. Điều này khiến ta phải chấp nhận rằng khoa học bị giới hạn bởi chính hợp lý tính của nó.

Thành thử điều nguy hiểm ở đây là bừa bãi biến một lý thuyết khoa học thành một nguyên lý siêu hình hay tôn giáo. Biết việc vận hành của não bộ con người từ cái nhìn sinh hóa không cho phép ta kết luận rằng có một định mệnh thuyết về tác phong con người. Kết luận như thế là hoàn toàn đi trệch ra ngoài lãnh vực sinh hóa để tạo ra một luận đề triết học trái với tự do nhân bản. Những nhận xét trên đây không có ý nói lên một bất tín nhiệm hoàn toàn đối với khoa học, mà chỉ hàm nghĩa một cách tiếp cận có tính thực tiễn. Khoa học cung cấp cho ta sự chắc chắn trong rất nhiều lãnh vực nghiên cứu; nhưng vì tính đa dạng trong các phương thức của nó, nó không thể tự cho mình quyền giải thích hoàn toàn và tối hậu mọi huyền nhiệm của hữu thể, nhất là huyền nhiệm nhân vị con người.

Văn hóa sự sống

Sau đó, Đức Cha Lafitte đề cập tới các nguy cơ hiện đang đe dọa sự sống con người. Ngài bắt đầu với việc người ta giả tạo đặt ra từ ngữ “tiền phôi thai” (pre-embryo). Từ ngữ này phát sinh sau điều tự gọi là “thuyết tiệm tiến” (gradualistic theory) của Phúc Trình Warnok ở Anh ra đời. Chính một thành viên của Ủy Ban Phúc Trình đã công nhận rằng từ ngữ này là kết quả của một “quyết định” dựa trên các yếu tố không được xác định và do đó không có tính khoa học. Xin trích dẫn chính lời của phúc trình để thấy tính thiếu khoa học của từ ngữ này: “Như chúng tôi đã thấy, dù việc xác định thời điểm của các giai đoạn phát triển khác nhau của phôi thai là điều chủ yếu, nhưng một khi diễn trình đã bắt đầu, thì không một phần đặc thù nào của diễn trình phát triển quan trọng hơn phần khác; tất cả đều là thành phần của một diễn trình liên tục, và mỗi giai đoạn đều diễn ra cách bình thường, vào đúng lúc của nó, và theo đúng thứ tự. Như thế, về phương diện sinh học, không một giai đoạn riêng biệt có thể nhận diện nào trong diễn trình phát triển của phôi thai mà qua nó phôi thai trong bụng mẹ không được duy trì cho sống”.

Điều thứ hai là việc sử dụng sai nguyên tắc phòng xa (precaution), một điều đi trệch ra ngoài nguyên tắc an toàn hơn (Tutiorism). Nguyên tắc phòng xa, được đưa vào lãnh vực kỹ thuật sinh học (biotechnology), nhất là trong ngành thay đổi di truyền nơi cây cỏ và thú vật, đóng một vài trò quan trọng khi có hoài nghi liên quan tới nguy cơ có thể có đối với sức khỏe nơi một số kỹ thuật. Hiểu một cách đúng đắn, nguyên tắc này không có tính tuyệt đối và do đó, không bao hàm việc tuyệt đối ngăn cản mọi can thiệp. Thành thử ra, đứng trước một hoài nghi nhất định nào đó, nguyên tắc phòng xa khuyên rằng bất cứ hành động nào được đưa ra cũng phải hết sức thận trọng và chú tâm, nhưng lập tức không được hành động thêm nếu có nguy cơ xẩy ra vào một lúc nào đó. Như thế, điều ấy có nghĩa: sự phòng xa là một trách nhiệm luân lý luôn luôn tỷ lệ với độ lớn của nguy cơ liên hệ.

Ngược với điều trên, lý thuyết an toàn hơn (Tutiorism), thường được tham chiếu trong luân lý học, không là một với nguyên tắc phòng xa, mà ta cũng không nên giải thích nó như một thứ nghiêm ngặt thuyết (rigorism) có tính cách hệ thống về luân lý. Đúng hơn, nó áp dụng vào những hoàn cảnh trong đó, đứng trước khả thể xẩy ra một hành động phá hoại đối với một đối tượng hay sự vật nào đó, ta phải nghi vấn xem đối tượng hay sự vật sắp bị phá hoại đó có phải là một con người hay không.

Trong những hoàn cảnh như vậy, thuyết an toàn hơn đòi ta phải theo đường hướng hành động an toàn nhất, mà thực tế đòi ta không được thi hành cái hành động phá hoại kia. Chẳng hạn, một người thợ săn bị lâm vào thế lưỡng nan không biết có nên bóp cò hay không vì việc đầu hết ông ta phải làm là nhận rõ một cách đúng đắn xem phía đàng sau bờ dậu đàng trước kia là một con vật đang ăn cỏ hay một đứa nhỏ đang chơi đùa. Trong trường hợp này, nguyên tắc không hành động là tuyệt đối: không như nguyên tắc phòng xa, nguyên tắc an toàn hơn tự động buộc ta phải chú trọng nhiều hơn tới khả thể nghiêm trọng và nguy hiểm nhất trong hai khả thể. Từ đó, ta có thể nói rằng nếu hoài nghi một cách nghiêm trọng không biết một cái trứng vừa mới được thụ tinh có phải là một con người hay không, thì sẽ tuyệt đối vô luân nếu ta tiến hành việc đông đá nó hay ban hành đạo luật cho phép việc đông đá nó và các hậu quả do đó mà ra. Đó chính là quan niệm đã được huấn thị “Donum Vitae” (Ơn phúc sự sống) đưa ra vào năm 1987. Thiển nghĩ hai khía cạnh ấy, ý thức được việc một khoa học đặc thù nào đó không có khả năng đem lại câu trả lời cho các vấn nạn tối hậu về hữu thể, và trách nhiệm luân lý bản thân không được làm một hành động nào đó có thể đe dọa tính mạng con người, chính là hai bước đầu tiên cho bất cứ khoa học gia nào tiến vào con đường xây dựng một nền văn hóa sự sống.

Sự phát triển của khoa học

Đức Cha Lafitte, nhân cơ hội này, đã phác họa đôi nét về diễn trình phát triển của khoa học. Xét theo lịch sử, chính trong ngữ cảnh tư duy Kitô Giáo mà khoa học đã tự phát triển. Việc phát triển này diễn tiến từ cái hiểu truyền thống của Kitô Giáo cho rằng Thiên Chúa không chỉ tạo dựng nên thế giới, mà Người còn ủy thác cho loài người thống trị thế giới ấy. Quả đúng khi cho rằng việc thoát ly khỏi hệ thống giải thích cổ điển về thế giới này đã đem lại diễn trình dị biệt hóa vĩ đại các ngành khoa học, nhưng đồng thời, kiến thức rút tỉa từ đó không còn thống nhất như một toàn bộ có gắn bó nữa; đôi khi các ngành khoa học này mất hết khả năng nói truyện với nhau, đến nỗi một tiếp cận phiến diện đối với thực tại cũng ráng thay thế cho một giả thuyết từng được đưa ra với niềm xác tín sẵn có của một quan niệm lịch sử về trật tự tự nhiên và các nguyên nhân của nó. Quả là ấn tượng được thấy cung cách qua đó, Giáo Hội nói rõ và phân loại tính đa dạng trong các kết luận do khoa học và đức tin đem lại. Bản văn chủ yếu đầu tiên là của Công Đồng Vatican II: “Nếu việc tìm tòi có phương pháp trong mọi ngành học thuật được thực hiện một cách khoa học thực sự và phù hợp với các qui phạm luân lý, thì nó không bao giờ mâu thuẫn thực sự với đức tin, vì các vấn đề của trần gian và các quan tâm của đức tin đều từ cùng một Thiên Chúa mà có”.

Bản văn trên khai triển điều đã được Công Đồng Vatican I phát biểu trước đây nghĩa là nhờ nhìn nhận khả năng lý trí con người biết được Thiên Chúa, nên người ta mới quả quyết được sự cần thiết của Mạc Khải: “Cũng một Mẹ Thánh Giáo Hội ấy chủ trương và dạy rằng Thiên Chúa, nguồn gốc và cùng đích của mọi loài, có thể được biết đến một cách chắc chắn do việc xem sét các tạo vật, bằng khả năng tự nhiên của lý trí con người: kể từ ngày sáng tạo ra thế giới, bản tính vô hình của Người đã được nhận thức một cách rõ ràng trong chính các sự vật do Người tạo ra. Tuy nhiên, chính vì sự khôn ngoan và lòng tốt của Người, Người đã vui lòng tự mạc khải Người và các lề luật trường cửu của Người cho nhân loại bằng một cách khác, cách siêu nhiên. Quả thế, chính nhờ sự mạc khải thần linh này, mà các vấn đề liên quan tới Thiên Chúa, mà tự chúng không vượt quá phạm vi lý trí con người, có thể được mọi người, ngay trong tình trạng nhân bản hiện nay, nhận biết dễ dàng, nhận biết một cách chắc chắn vững vàng và không một chút lầm lạc. Không phải vì vậy mà người ta cho rằng mạc khải phài là điều tuyệt đối cần thiết; lý do là chính Thiên Chúa hướng con người về một cùng đícch siêu nhiên, là được chia sẻ vào những sự tốt lành của Thiên Chúa vốn hoàn toàn vượt quá sự hiểu biết của trí khôn con người”.

Không mâu thuẫn nhau

Qua các bản văn trên, ta hiểu rằng sự thật khoa học và sự thật đức tin tự chúng không mâu thuẫn nhau; trong thông điệp “Fides et Ratio”, Đức Tin và Lý Trí được trình bày như hai chiếc cánh giúp tinh thần con người bay lên cao để chiêm ngưỡng sự thật. Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên trời đất, Đấng đã dựng nên nhân loại với khả năng nhận biết và lý luận, cũng là Đấng Thiên Chúa đã tự mạc khải cho nhân loại. Và Thiên Chúa không thể tự mâu thuẫn với chính Người. Ở đây, ta phải đề cập đôi chút tới bản chất của sự chắc chắn mà đức tin đem lại. Nhận thức do đức tin mạc khải đem lại là nhận thức chắc chắn, tuyệt đối chắc chắn vì đặc tính tuyệt đối chân thực của Đấng đã mạc khải và được mạc khải. Đấy là lý do tại sao sự chắc chắn của đức tin có đặc tính tuyệt đối, cao hơn hết các chân lý của mọi loại quả quyết khác. Sự chắc chắn của đức tin không kém chân chính hơn sự chắc chắn của bằng chứng thực nghiệm vì cả hai cùng được đặt cơ sở trên thực tại khách quan. Yếu tố này càng chủ yếu khi ta xem sét sự sống con người.

Sự sống và mối tương quan của nó với khoa học

Người ta thường công nhận rằng nói đến hiện tượng sự sống là nói đến một chuyển động hết sức độc đáo đối với chính hữu thể. Các khoa học thực nghiệm vốn nghiên cứu các hiện tượng này là những hiện tượng tự biểu lộ mình giữa một số vật thể có giới hạn mang đặc tính cực kỳ phức tạp và không ngừng biến đổi. Khoa sinh học cho chúng ta nhiều đặc tính đặc thù của việc biến hóa này, đó là sự chuyển hóa (metabolism), tính cá thể, tính tự biểu lộ mình như một cơ thể với những bộ phận có hình thể và chức năng khác nhau, tính lưu truyền sự sống từ thế hệ này qua thế hệ nọ, tính đa dạng và dễ thích ứng khiến nó có khả năng biến đổi và sống được trong các môi trường và điều kiện dị biệt, trước đó chưa thấy, khả năng biết hành động do kích thích từ bên ngoài, khả năng biết tự điều chỉnh giúp cho từng phần tự phát triển lấy nhưng vẫn phục vụ toàn bộ hữu thể. Như thế, rõ ràng sinh vật là một hệ thống mở, trong đó, một quân bình phức hợp của thay đổi được thiết lập, mang đủ đặc tính cá thể và khả năng hành động hỗ tương đối với môi trường.

Cùng một quan sát chung như thế cho phép ta nhìn ra các mức độ khác nhau của việc thể hiện sự sống. Người ta thường phân biệt ra tình trạng “thực vật” của sự sống theo nghĩa cổ điển, nghĩa là tình trạng chỉ mới có các chức phận chủ yếu như dinh dưỡng, phát triển, sinh sản; sau đó là tình trạng sự sống “thú vật”, với những chức phận cao hơn như ngũ quan và chuyển động tự phát. Có lúc sự sống cho thấy nhiều yếu tố của tính liên tục qua mối liên hệ với thứ bậc hạ đẳng và qua những đặc điểm của một bước nhẩy vọt có tính phẩm chất.

Xét về quan điểm khoa học, khoa sinh học không thể tự thu nhỏ chỉ còn là việc toán học hóa thế giới. Ở đây, ta có vấn đề cùng đích tính của sự sống: khoa sinh học không thể tự bằng lòng với việc mô tả cơ chế chức năng các cơ quan, nó còn phải tìm tòi về cùng đích tính (finality) của toàn bộ cơ thể. Thí dụ, hai lá phổi được tạo ra là để đem ốcxi tới cho máu, hai con mắt được tạo ra là để nhìn….

Sự sống cá thể nói lên cả một nghịch lý thực sự cho khoa sinh học. Người ta không thể dạy ta về đặc tính cá thể ấy bằng chính tính chất thể (materiality) của nó, nhưng phải dạy điều ấy bằng một triết lý về hữu thể. Tính thống nhất đầy gắn bó của sinh vật vượt ra ngoài phương pháp thực nghiệm. Chỉ bằng quan điểm tri thức luận (epistemology) mà thôi, các khoa học sự sống không thể chứng minh được sự hiện hữu của một trật tự, một cơ thể, tính thống nhất về mô thức bên trong một sinh vật, nhưng nghịch lý thay, các khoa học này cũng không thể dửng dưng đối với những khía cạnh này. Làm thế nào một nhà sinh học chuyên nghiên cứu một sinh vật nào đó lại không ráng hiểu cho được mô thức (form), tức cung cách trong đó các yếu tố khác nhau của sinh vật tương tác với nhau? Cơ cấu các sinh vật không thể rút gọn chỉ còn là những yếu tố sinh hóa đang hoạt động trong đó. Bản sắc của một cơ thể sống động là bản sắc của một mô thức trong thời gian chứ không phải là bản sắc của một chất thể. Việc đối tượng hóa có tính khoa học là một cách để giải thích thực tại, nhưng nó không làm cạn mọi khả năng của lý trí, hiểu như việc đi vào thực tại của hữu thể trong hết mọi chiều kích của nó. Sự sống không phải là đối tượng của tìm tòi, nhưng là cơ sở cho mọi hoạt động. Ta thấy rõ mô thức cao hơn của sự sống chính là mô thức có ý thức thích ứng đối với chính nó. Thánh Tôma tiến sĩ từng nói: “Quis non intellegit non habet perfecta vita” (hữu thể nào không hiểu biết, sẽ không có sự sống hoàn hảo) (Summa I Q. 18, art. 3). Sự sống có ý thức của con người nhân bản là nơi người ta nên hiểu rõ rằng Thiên Chúa không những là nguồn sự sống mà còn là đích đến sau cùng của nó. Như thế, từ căn bản, ý niệm sự sống vốn có tính loại suy (analogical): trên một bậc thang đi lên, ta có thể tiệm tiến đặt lên những trình độ sơ đẳng hơn để cuối cùng leo lên tới Thiên Chúa, Đấng từ yếu tính vốn là sự sống, sự sống viên mãn và Người mô phỏng sự sống ấy trong sáng thế.

Trong quá khứ, từng có một cái hiểu chung liên quan tới tính độc đáo, tới bản chất có một không hai của con người nhân bản. Khuynh hướng ngày nay vốn không muốn gán cho con người cái tính độc đáo ấy giữa hàng muôn loài. Định đề biến hóa rõ ràng muốn nhấn mạnh tới một liên tục tính giữa thế giới loài vật thượng đẳng và thế giới con người. Ấy thế nhưng, mọi khuôn khổ đạo đức đều nhận ra rằng ở đây, có một dị biệt về phẩm chất mà ta không thể nào giản lược được. Nhưng việc này không thể có được nếu ta không khảo sát ý niệm về con người.

Con người nhân bản

Người ta thường định nghĩa con người nhân bản bằng tính nội tâm thuận lý của họ (trí hiểu, ý chí tự do, khả năng tự quyết định), bằng đặc tính xã hội trong cuộc hiện sinh và các mối tương quan của họ. Nhưng con người nhân bản không được định nghĩa bằng các phẩm tính chung cho một chủng loại. Con người nhân bản không phải là một điều gì, mà là một ai đó. Ý niệm ngôi vị, con người, cho thấy một tính độc đáo nào đó nơi từng thành viên của nhân loại, trong bản chất nhân bản của họ, một bản chất thuận lý. Như thế, ý niệm con người có ý nói tới bản chất nhân bản phổ quát, nhưng khi nói đến “ngôi vị”, ta hiểu một hữu thể nhân bản là một hữu thể hoàn toàn đơn nhất và độc nhất. Ngôi vị ấy là chủ thể có một phẩm giá độc nhất, riêng của con người ấy và phẩm giá ấy phải được nhìn nhận ngay trong chính nó và như một chung cục (finality). Chủ thể tính, hay đặc tính như một chủ thể của họ, tự biểu lộ mình ra khi gặp gỡ các chủ thể khác, các ngôi vị khác, là những chủ thể vốn có chung một phẩm giá như nhau.

Như thế, đâu là mối liên hệ giữa chiều kích sinh học của sự sống và con người? Là một ngôi vị, một con người, không phải là một loại phẩm tính mà ta có thể đặt ở bên ngoài hay tùy tiện lên một thành viên của chủng người, nhưng là cách để con người nhân bản thực sự là một con người nhân bản. Không hề có người đàn ông đàn bà nào mà không phải là một ngôi vị, một con người. Điều sau đây nằm trong cốt lõi của nền văn hóa sự sống đúng nghĩa: xác tín rằng mỗi cá nhân trong bản tính nhân loại đều là một ngôi vị, một con người, và có được một phẩm giá cố hữu chỉ vì cái tính ngôi vị, cái tính con người ấy.

Ta có thể nhìn thấy các hậu quả đạo đức của phương thức này: không thể đối xử với bất cứ điều gì nhân bản như thể các đặc điểm bản thân của nó chỉ là hàng thứ yếu, mà không chịu biết rằng không được đối xử với người đàn ông đàn bà như thể họ không phải là một ngôi vị, một con người. Ta cũng có thể hiểu rằng chính mối tương quan giữa con người với nhau là nơi ta phải tôn trọng phẩm giá độc nhất của con người nhân bản. Như thế, cảm nghiệm được trách nhiệm luân lý là điều tương hợp với việc nhận thức ra đặc điểm ngôi vị nơi những hữu thể nhân bản khác và phẩm giá của họ. Điều ấy lên tới cao điểm trong tình yêu, vốn là cách tốt nhất để ta tự nhiên nhận ra người được yêu là người không ai có thể thay thế được.

Như thế, sự sống con người đòi được tôn trọng một cách vô điều kiện, không phải vì đó là một sự sống, mà đó là một ngôi vị, một con người. Nhưng nếu thế thì tại sao một con người bị coi là phụ thuộc, có một bản chất giới hạn và trong các trạng huống hết sức bấp bênh cũng đáng được tôn trọng một cách tuyệt đối và vô điều kiện? Đối với câu hỏi này, lý trí mà thôi không đủ để đưa ra câu trả lời đầy đủ. Thực vậy, chỉ với quan điểm thần học, ta mới có đủ ánh sáng để rút ra câu trả lời thỏa đáng. Lý lẽ thần học nhờ đó ta nhìn nhận sự sống nhân bản có một giá trị vô song là lý lẽ được liên kết với sợi dây đặc thù và độc đáo hợp nhất mọi sự sống nhân bản với Đấng Hóa Công tạo ra chúng.

Giáo Hội và sự sống

Nguyên tắc sau cùng được Đức Cha Lafitte trình bày sẽ giúp người ta hiểu rõ cuộc tranh luận hiện nay liên quan tới việc bảo vệ sự sống. Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng đối với các nhân viên phục vụ trong ngành chăm sóc sức khỏe, nhưng cũng quan trọng không kém đối với mọi tín hữu nói chung.

Nhiều người cho rằng mọi hình thức của sự sống đều nói lên cách nào đó tính phong phú trong sự sống của Thiên Chúa. Điều này đúng, giữa sự sống nhân bản và các hình thức khác của sự sống, ta thấy có một dị biệt rất đáng kể. Vì, trong khi mối liên hệ giữa Thiên Chúa và mọi sinh vật khác chỉ có tính chủng loại và trung gian (generic & mediate), thì trái lại, mọi hữu thể nhân bản đều thấy mình có mối tương quan bản thân và trực tiếp với Thiên Chúa. Điều ấy thấy rõ trong các câu nói đến việc sáng tạo của Sách Sáng Thế, trong đó, người đàn ông và người đàn bà được dựng nên theo “hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” (St 1:26). Trong trình thuật tạo dựng thứ hai của Sách Sáng Thế (St 2:7), sự sống con người được lấy ra từ đất qua việc can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa, Người thổi sự sống vào con người và biến con người thành một hữu thể sống động. Câu truyện này cho ta biết điều gì? Việc được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa thiết lập ra một mối tương quan có tính cùng đích liên quan tới con người nhân bản đối với Đấng Hóa Công của họ. Toàn thể nhân loại được tạo nên để đích thân hiệp thông với Thiên Chúa, để hiểu biết và yêu thương. Quà phúc sự sống tự nhiên của con người nhân bản là vì quà phúc siêu nhiên được ban cho cách nhưng không, để được đặc ân tham dự vào sự sống nội tại của chính Thiên Chúa, trong tư cách con cái của Người: “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17:3). Như mọi người đã biết, không ai được làm hại giá trị trọn vẹn của sự sống con người, từ những giai đoạn sơ khởi và trong các chiều kích sinh học đơn sơ nhất của nó, trái lại phải coi nó dưới tầm nhìn về cùng đích siêu nhiên mà nó vốn được điều hướng. Chỉ có Đấng vốn là Sự Sống và là Nguồn Sự Sống mới có thể mạc khải ý nghĩa và xu hướng chân thực của sự sống con người.

Để hiểu được đầy đủ phẩm tính đặc thù của sự sống nhân bản cá thể, ta cần phải luôn luôn chú ý tới sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa. Kitô hữu là người tốt nhất có khả năng trân quí nền văn hóa sự sống, nhưng chỉ khi nào họ ý thức được tính thánh thiêng của sự sống con người. Tính thánh thiêng này không chỉ phát xuất từ lý tính của hữu thể nhân bản nhưng phát xuất từ mối tương quan đầy yêu thương của bản thân họ với Thiên Chúa. Xin trích dẫn câu nói của David Schindler khi ông ta mô tả điều này: “Những người ủng hộ tính thánh thiêng của sự sống thường đặt căn bản cho luận chứng của họ trên bản chất con người, coi bản chất này như một hữu thể thiêng liêng: sự kiện con người nhân bản có được các khả năng có thể đặt họ lên trên mọi thú vật đã đủ bằng chứng cho thấy tính thánh thiêng của sự sống con người. Luận chứng đó, nói chung, cho rằng luận lý của nó có khả năng phổ quát thuyết phục được nhiều người, vì nó đặt lý lẽ của mình trên căn bản lý trí của con người mà thôi. Tuy nhiên, chúng tôi nhất trí với Đức Giáo Hoàng khi quả quyết rằng được ơn thánh trợ lực, lý trí con người mới có khả năng khám phá ra một số chân lý liên quan tới phẩm giá của con người nhân bản: Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói: ‘Ngay giữa các khó khăn và không chắc chắn, mọi người nếu biết thành thực mở lòng mình ra đón nhận sự thật và sự tốt đều có thể, nhờ ánh sáng của lý trí và hành động dấu ẩn của ơn thánh, vẫn có thể nhận biết giá trị thánh thiêng từ lúc mới bắt đầu cho tới lúc kết thúc của sự sống nhân bản được viết thành luật tự nhiên trong trái tim họ (xem Rm 2:14-15), và có thể khẳng định quyền của mọi con người nhân bản đòi cho được sự thiện đầu hết này được tôn trọng ở mức độ cao nhất” (Phúc Âm Sự Sống, số 2).

Kết luận

Theo Đức Cha Lafitte, đối với một Kitô hữu có xác tín, thì sự kiện nhân tính Chúa Giêsu là dụng cụ của cứu chuộc cũng chứng minh cho tính thánh thiêng của sự sống nhân bản. Thực vậy, chính trong bản tính nhân loại của chúng ta, Ngôi Lời nhập thể đã cứu chuộc nhân loại. Qua hành động cứu chuộc này, Chúa Giêsu Kitô dạy ta rằng có thể thực hiện được việc sử dụng đời mình cách thánh thiện bằng cách dâng cuộc sống bản thân của mình làm biểu hiệu yêu thương đối với anh chị em ta, yêu thương sự thật và yêu thương Thiên Chúa. Như đấng đáng kính Gioan Phaolô II từng viết trong thông điệp Phúc Âm Sự Sống “Chúa Giêsu tuyên bố rằng sự sống tìm được tâm điểm, ý nghĩa và thành tựu đầy đủ của nó khi nó được cho đi[…]. Chúng ta cũng được mời gọi hiến mạng sống mình vì anh chị em ta, và nhờ thế thể hiện được ý nghĩa và cùng đích của đời mình trong sự viên mãn của chân lý”.

Bản thông điệp trên đã kết thúc với lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, chúng con có khả năng thực hiện điều đó vì Chúa đã làm gương cho chúng con và đã ban sức mạnh Thần Linh Chúa cho chúng con. Chúng con có khả năng thực hiện điều đó nếu mỗi ngày, với Chúa và giống như Chúa, chúng con biết vâng theo Chúa Cha và thực hiện thánh ý của Người. Bởi thế, xin ban cho chúng con ơn biết lắng nghe với một tâm hồn rộng mở và đại lượng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra. Nhờ thế, chúng con sẽ học không những biết vâng theo mệnh lệnh không được sát hại mạng sống con người, mà còn biết kính trọng sự sống, yêu sự sống ấy và cổ vũ nó. Amen”
 
Chuyến hành hương giúp dấn thân chính trị ăn sâu trong đức tin
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
07:00 08/04/2010
Chuyến hành hương giúp dấn thân chính trị ăn sâu trong đức tin

HĐGM Pháp - Những người đắc cử trong cuộc bầu cử vừa qua tại Cộng Hòa Pháp được mời gọi tham gia các buổi cầu nguyện, suy tư, và trao đổi diễn ra tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Lộ Đức từ ngày 8 đến ngày 11 tháng Tư 2010. Cha Matthieu Rougé, Linh mục Tuyên Úy đồng hành cùng các nghị sĩ cho biết cuộc gặp gỡ năm ngoái đã tạo nên « một khoảnh khắc về cường độ mạnh » cho khoảng 100 nghị sĩ tham dự.

« Xin Thiên Chúa hành động trong những trái tim », đó là điều mong ước của cha Matthieu Rougé, Giám Đốc Ủy Ban Mục Vụ về Nghiên Cứu Chính Trị trong đợt hành hương Lộ Đức lần này của các nghị sĩ. Cũng như năm ngoái, các thành viên đắc cử trong cuộc bầu cử các cấp: thành phố, tỉnh thành, vùng, quốc gia và Châu Âu chờ đợi cuộc hành hương này, xuất phát từ sáng kiến ban đầu của ông Charles Revet, Thượng Nghị Sĩ của vùng Seine-Maritime, Chủ Tịch hiệp hội « Người đắc cử Công Giáo đại chúng ».

Trong số những thành quả của lần họp mặt trước, vị Linh mục Tuyên Úy nhắc đến những cuộc hội họp của giới đắc cử như tại giáo phận Angers vào tháng Giêng năm ngoái, và rất đều đặn tại Havre. « Về phía bản thân, tôi thường xuyên tiếp xúc với các nghị sĩ trong địa phận Mans, cha Rougé đánh giá. Và tôi biết là cũng còn một cuộc họp mặt tại giáo phận Luçon. Đó là những khởi xướng bé nhỏ ban đầu dần dần tiến triển ».

Học hỏi thông điệp « Tình Yêu trong Chân Lý »

Năm nay, các nghị sĩ được nghe Đức Cha Claude Dagens, Giám Mục Angoulême trình bày về « Tương lai nền Phụng tự và văn hóa của các ngôi nhà thờ và của Giáo Hội Pháp ». Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục giáo phận Lyon, chia sẻ đề tài « Giáo Hội, nữ tì phục vụ con người toàn diện ». Ngoài ra, Marie-Hélène Mathieu Nữ Sáng Lập Hội Công Giáo vì Người Khuyết Tật, nói về « ân sủng Lộ Đức và những kẻ bé mọn ».

Trong chuyên mục bàn tròn, ba nghị sĩ chia sẻ về những gì họ lĩnh hội được từ thông điệp « Tình Yêu trong Chân Lý » của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và được tiếp tục triển khai qua các cuộc thảo luận nhóm. « Một số điểm được vạch ra có thể mang lại sự phong phú cho mọi thành viên đắc cử các cấp, cha Rougé đánh giá. Thế nào là sự phát triển đích thực ? Còn có một chủ đề khác cũng được nêu: Thế nào là một môi trường sinh thái thực sự cho nhân loại ? Vấn nạn được liên hệ với phê bình của Đức Thánh Cha về siêu phát triển. Những nỗ lực mà các nghị sĩ cần phải thực thi có tính đến sự phát triển lâu bền, đặt trọng tâm phục vụ con người. Sau cùng, còn có một suy tư về ý nghĩa của sự tặng không trong những mối quan hệ nhân loại và xã hội ».

Như sự nhấn mạnh của vị Linh mục Tuyên Úy, Lộ Đức là địa thế của nguồn mạch đại ân sủng, nhất là hồng phúc quy tụ tất cả giới đắc cử với những quan điểm chính trị khác nhau.
 
Hitler có thể đã muốn cướp trộm khăn liệm Thành Turin
Bùi Hữu Thư
15:40 08/04/2010
ROME (CNS) – Khăn liệm thành Turin được cất dấu trong một tu viện Biển Đức Ý trong Thế Chiến thứ Hai một phần vì các giới chức trong Giáo Hội sợ rằng Adolf Hitler có thể đã muốn cướp trộm tấm khăn này theo một giới chức của tu viện.

Khăn liệm, được tin rằng đã tẩm liệm Chúa Kitô, được bí mật chuyển từ nhà thờ chánh tòa Turin năm 1939 tới đan viện Montevergine ở phía nam nước Ý, và đã được trả lại về Turin năm 1946, sau khi chiến tranh chấm dứt.

Theo lý do chính thức thì việc di chuyển khăn liệm được thực hiện vì sợ khăn có thể bị hư hại khi thành phố Turin bị oanh tạc. Nhưng linh mục Biển Đức Andrea Cardin, giám đốc thư viện Montevergine, nơi có lưu giữ các tài liệu liên quan, cho hay các giới chức trong Giáo Hội cũng sợ quân Đức Quốc Xã đã muốn chiếm đoạt Khăn Liệm.

Linh mục Cardin tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn được đăng trong tuần báo Ý "Diva e Donna" số tháng 5: Ngay từ năm 1938, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã lo lắng khi Hitler viếng thăm nước Ý, các giới chức quân phiệt đã hỏi các câu hỏi lạ lùng và kiên trì về khăn liệm và nơi cất giữ.

Cha Cardin nói: Điều này làm cho Tòa Thánh cũng như Hoàng Gia Ý Savoys lo sợ, vì lúc đó Hoàng Gia là chủ khăn liệm. Hitler được một số người cho rằng hắn đã bị ám ảnh về một số vật dụng liên quan đến cuộc đời của Chúa Kitô, kể cả Chén Thánh Holy Grail và Cây Dáo Thánh Longinus.

Hoàng gia Savoy muốn Tòa Thánh cất giữ khăn liệm trong Thế Chiến, nhưng Đức Thánh Cha Piô XII cho rằng điều đó không nên. Do đó, Vatican đã thu xếp một cách hoàn toàn bí mật để trước hết đem khăn liệm về Rôma, rồi sau đó mang tới đan viện Montevergine gần Avellino, nơi được cất dấu dưới bàn thờ chính.

Năm 1943, trong khi chiến tranh lan tràn mạnh về phía nam nước Ý, quân lính Đức đã đến đan viện Montevergine và lục xoát hết sức kỹ lưỡng cơ sở này. Các đan sĩ tụ tập quanh bàn thờ cầu nguyện, và một sĩ quan Đức đã ra lệnh không cho quấy rối họ.

Cha Cardin nói: "Chính nhờ đó mà thánh tích đã không bị khám phá ra.”

Khăn liệm mang hình ảnh của một người bị đóng đanh sẽ được trưng bầy từ ngày 10 tháng 4 đến 23 tháng 5 trong nhà thờ chánh tòa Turin, nơi khăn được cất giữ thường trực. Vương triều Ý bị giải tán năm 1946, và khăn liệm được chính thức trao lại cho Vatican năm 1983.
 
Tấm khăn thánh liệm xác Đức Chúa Giêsu được cất dấu tại Đan Viện Biển Đức để tránh âm mưu cướp đoạt của lãnh tụ phát xít Hítler
Dominic David Trần
15:49 08/04/2010
Tấm khăn thánh liệm xác Đức Chúa Giêsu được cất dấu tại Đan Viện Biển Đức để tránh âm mưu cướp đoạt của lãnh tụ phát xít Hítle

ROME, Nước Ý, ngày 8 tháng Tư năm 2010 / 10:27 AM theo bản tin liên hợp của các Thông Tấn Xã Công giáo toàn cầu (CNA/EWTN).- Tấm khăn thánh liệm xác Đức Chúa Giêsu đã được mang ra khỏi thành Turin trong thời kỳ Thế Chiến thứ hai để giữ cho khăn thánh tránh khỏi bàn tay tham lam của nhà độc tài phát xít Adolf Hítle. Đó là lời tuyên bố của một Tu sĩ Dòng Biển Đức thuộc một Đan Viện tại miền Nam nước Ý. "Các tu sĩ tại Đan Viện Biển Đức ở Avellino miền nam nước Ý đã lưu giữ thánh tích này cho đến năm 1946 " chính thức là để bảo vệ cho khăn thánh liệm xác Đức Chúa Giêsu khỏi bị bom đạn làm hư hoại, nhưng thật ra là đem giấu đi để giữ cho thánh tích này tránh khỏi Lãnh tụ Hítle, người có tham vọng chiếm lấy". Vị đan sĩ Biển Đức này đã phát biểu như vậy.

Đánh hơi thấy nhiều nguy hiểm qua sự quan tâm của các quan chức phát xít Đức trong suốt chuyến Hítle thăm viếng nước Ý vào năm 1938- vì vậy trong năm sau đó Toà Thánh Vatican và vương triều Savoy của Ý đã quyết định di chuyển tấm khăn thánh duy nhất và rất đáng kính vì mang hình ảnh giống như Đức Chúa Giêsu Kitô đến một nơi nào khác cho được an toàn hơn là để tại Nhà Thờ Chánh Tòa Turin.

Linh Mục Andrea Davide Cardin, Quản thủ Thư viện của Đan Viện Biển Đức tại thành phố Montevergine đã nói với tạp chí Diva e Donna của nước Ý rằng; " những câu hỏi liên tiếp không bình thường về tấm khăm liệm Turin" của các quan chức cao cấp phát xít Đức đã làm cho Giáo hội và Vương triều Savoy nước Ý " bị đặt trong tình trạng cảnh giác"

Vua Umberto đệ Nhị, quốc vương nước Ý lúc đó,- thuộc dòng họ có quyền sở hữu và bảo vệ Tấm vải liệm thánh này kể từ thế kỷ thứ 15- đã suy tư là chỉ có Tòa Thánh Vatican là nơi an toàn nhất để lưu trữ thánh tích này. Thế nhưng trong lúc đó Đức Thánh Cha Piô thứ 12 lại nghiêng về giải pháp là đem gởi thánh tích này đến Tu viện Montecassino để cất giấu. Linh mục Cardin đã thuật lại như vậy.

Sau cùng đã quyết định là đem Thánh tích này đến Đan Viện Biển Đức tại thị trấn Avellino thuộc phía nam miền Campania; nơi cách Nhà thờ Chính tòa Turin hơn 800 cây số để lưu trữ.

Quyết định này quả thật là vô cùng may mắn vì chỉ ít lâu sau đó Tu viện Montecassino đã bị phi cơ phe Đồng Minh ném bom để xóa tan một căn cứ quân sự rất mạnh của phát xít Đức chiếm đóng tại đây.

Linh mục Cardin đã diễn tả lại điều tuyệt mật về chiến dịch đặc biệt bảo vệ thánh tích Turin diễn ra vào tháng Chín năm 1939. Tấm vải liệm xác Đức Chúa Giêsu Kitô đã được bí mật đem ra khỏi Nhà thờ Chính tòa Turin thông qua Rôma và được đem đến đặt dưới bàn thánh của Đan Viện Biển Đức tại Avellino vào ban đêm.

Bí mật này được giữ suốt trong thời Đệ Nhị Thế Chiến mặc cho một chiến dịch săn lùng thánh tích Turin của quân đội phát xít Đức trong năm 1943 ngay sau khi một loạt bom rơi xuống thị trấn Avellino. Thánh tích đã được bảo vệ như sau, Linh mục Cardin kể lại, "ngay khi vừa nghe tiếng giày đinh của quân đội phát xít Đức vang đến gần ngay bàn thánh thì các đan sĩ vừa dứt lời cầu nguyện tại bàn thánh. "Một viên sĩ quan phát xít Đức trông thấy các đan sĩ đang cầu nguyện bèn ra lệnh cho binh lính không được náo động làm phiền buổi nguyện kinh của các đan sĩ. Đó là lý do giải thích tại sao di tích thánh thiêng này không bị quân đội phát xít Đức tìm ra.

Lãnh tụ Hítle rõ ràng đã muốn "săn lùng" thánh tích này vì "năng lực thánh thiêng của Tấm khăn liệm xác Đức Chúa Giêsu Kitô"

Tấm khăn liệm xác Đức Chúa Giêsu Kitô sẽ được trưng bày cho công chúng từ ngày thứ Bảy 10 tháng Tư tuần này cho đến ngày 23 tháng Năm 2010 tại Nhà thờ Chính Tòa Turin, nơi mà Thánh tích từ năm 1946 đã được đem về lại nơi tôn kính cũ. Trong số hơn một triệu các du khách hành hương đã ghi danh trước để được đến kính viếng thánh tích cổ qúy này trong suốt tháng tới sẽ có Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm thành Turin ở phía bắc nước Ý và chiêm ngưỡng thánh tích tấm khăn liệm xác Đức Chúa Giêsu Kitô vào ngày 02 tháng Năm 2010 theo lịch trình đã định.

Chia sẻ đại kết của Dominic David Trần: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã trả lời cho những người thách đố Chúa rằng" Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, và hãy trả về cho Xêda những gì thuộc về hoàng đế Xêda." Xin cho "những hoàng đế Xêda và Lãnh Tụ Hítle ngày nay" suy tư và hiểu được Chân Lý tối thượng này. Đã hơn 2000 năm qua, những hoàng đế-lãnh tụ của đế chế chính phủ cùng với các âm mưu và các quân đoàn hùng mạnh của họ đã theo nhau tan vào cát bụi lịch sử. Chỉ còn có mỗi Tình Yêu Của Chúa là ngọn đèn soi sáng suốt cuộc lữ hành trần thế cho người phàm nhân chúng con.
 
Phản ánh về các chiến dịch vận động được điều hợp bởi các hệ thống truyền thông báo chí toàn cầu nhằm bôi nhọ Giáo Hội Công Giáo và Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI
Hồng Lĩnh (Hoa Kỳ)
16:38 08/04/2010
Phản ánh về các chiến dịch vận động được điều hợp bởi các hệ thống truyền thông báo chí toàn cầu nhằm bôi nhọ Giáo Hội Công Giáo và Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI

Lạm dụng tình dục và đánh đập trẻ em là một bệnh dịch trên bình diện toàn cầu. Các hình thức lạm dụng này bao gồm từ việc sờ mó trái phép bởi các thầy cô giáo tại trường học, cho đến việc hãm hiếp, bắt cóc và buôn bán trẻ em làm nô lệ tình dục.

Riêng tại nước Mỹ, đã có 39 triệu nạn nhân được báo cáo. Bốn mươi đến sáu mươi phần trăm trong số này bị lạm dụng bởi thân nhân trong gia đình, bao gồm bố dượng (stepfathers) và bạn trai sống chung của người mẹ (live-in boyfriends). Con số này gợi ý cho thấy trẻ em bị lạm dụng là nạn nhân chính của cuộc cách mạng tình dục, của đổ vỡ hôn nhân và của nền văn hóa lang chạ [1].

GS Charol Shakeshaft (ĐH Hofstra University) tường trình 6 – 10 phần trăm học sinh các trường công cộng bị lạm dụng trong những năm gần đây – khoảng 290 ngàn trẻ em từ năm 1991 đến năm 2000. Dựa theo các tường trình khác, 2 phần trăm các tội phạm lạm dụng tình dục là LM công giáo – một hiện tượng trội lên từ giữa thập niên 1960 đến giữa thập niên 1980 nhưng hầu như biến mất trong thời gian gần đây: có sáu trường hợp căn cứ được báo cáo trong năm 2009 qua thanh tra hàng năm của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong một Giáo Hội có 65 triệu tín hữu.

Thế nhưng, chẳng khác gì ví dụ trong Sách Châm Ngôn 26:11 nói về thói quen của loài chó,

[Con chó quay lại chỗ nó mửa,
Đứa ngu lặp lại chuyện ngu đần],

câu chuyện lạm dụng tình dục được các phương tiện truyền thông toàn cầu trình bày như là vấn đề hoàn toàn của GH Công Giáo, trong đó GH được mô tả như là tâm động đất của vấn đề lạm dụng, với hàm ý có âm mưu chứa chấp của hàng giáo phẩm để mặc cho việc lạm dụng tung hoành cho đến ngày nay.

Dụng ý của hệ thống truyền thông toàn cầu không nhằm bảo vệ trẻ em và thiếu niên (thực ra, GHCG, nhìn trên bình diện chung, là môi trường an toàn nhất cho lứa tuổi này trong xã hội Hoa Kỳ), nhưng nhằm mục đích đánh đổ GH và sau cùng loại trừ GH trên cả hai mặt tài chánh và tiếng nói lương tâm luân lý cho những chính sách công cộng trong xã hội. Tưởng nên lưu ý rằng, hiện đang có những nỗ lực trong lòng GHCG Hoa kỳ, nhằm vô hiệu hóa (repeal) đạo luật y tế Obamacare vừa được thông qua, vì các khoản tài trợ cho hoạt động phá thai.

Một cách công tâm, GH phải chịu trách nhiệm trên một số phương diện về vấn đề này. Đường hướng hành xử thất trách của một số giám mục và các khuôn mẫu lạm dụng đáng bị khiển trách đã được đem ra ánh sáng tại Mỹ vào năm 2002. Các kiểu mẫu nhũng lạm tồi tệ hơn nữa trong cung cách hành xử của một số phẩm chức lại vừa được công khai hóa tại Ireland. Trong đó, sự hèn nhát, sự ỷ lại vào phẩm quyền, chiều hướng bảo vệ danh dự vô lối và sự tin tưởng mù quáng vào các phương pháp tâm lý trị liệu trong việc cải hoán các tác nhân tội phạm - đã góp phần vào việc thuyên chuyển các tội phạm vào các công tác mục vụ trở lại, cũng như sự thất bại trong việc chặn đứng nạn lạm dụng trên quy mô lớn.

Kẻ thù của GH đã lợi dụng cuộc khủng hoảng của nạn lạm dụng tình dục nhằm đánh gục GH và các cấp lãnh đạo của GH. Đó là mục tiêu ngầm tại Boston vào năm 2002, trong đó, các nhóm công giáo cấp tiến muốn biến GH thành một loại giáo đoàn mà họ là thành phần chỉ đạo. Và đây cũng là mục tiêu ngấm ngầm trong những tuần lễ vừa qua, khi các phương tiện truyền thông toàn cầu ra sức xoáy chung quanh ĐGH Bênêdictô XVI nhằm kết án Ngài. Tại bản quốc của Ngài, tuần báo Der Spiegel đã kêu gọi ĐGH nên từ chức; những kêu gào tương tự đòi giáo hoàng đền nợ máu cũng đã được dấy lên tại Ireland, nơi một thời đã là một quốc gia toàn công giáo thì nay đã trở thành cứ địa cho các phương tiện truyền thông thế tục hung hãn nhất.

Nhưng phải kể là trang đầu của tờ New York Times (NYT) số tháng Ba ngày 25 mới minh chứng trọn vẹn cái quyết tâm đánh gục Giáo Hội đã được chuẩn bị để khởi xuất.

Tờ báo này kết án Hồng y Joseph Ratzinger, nay là Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, đã can thiệp để không cho thi hành các biện pháp trừng phạt đối với LM Lawrence Murphy, người đã liên quan đến các vụ lạm dụng tình dục các thiếu niên.

Tường thuật này là một sự dối trá. Nó hoàn toàn không đứng vững được, ngay cả dựa trên các viện dẫn từ các nguồn tài liệu do tờ báo này nêu ra.

Trước khi phơi bày các bản chất sai trái của bản tường thuật, chúng tôi mời quý độc giả lưu tâm về các tình huống sau đây [2]:

• Tường thuật của tờ NYT được cung cấp bởi hai nguồn: Thứ nhất, các tập đoàn luật sư hiện đang có các vụ kiện kết án TGP Milwaukee. Một trong những luật sư này, Jeffrey Anderson, cũng đang có các vụ kiện kết án Toà Thánh Rôma. Ông ta có một mối lợi tiền bạc kếch xù trực tiếp liên quan đến các vụ việc được tường trình.
• Nguồn thứ hai là TGM Rembert Weakland, TGM hồi hưu của GP Milwaukee. Ông là GM nhơ nhuốc nhất và mất uy tín nhất của GH Mỹ, nổi tiếng xấu về cách hành xử thất trách vô độ đối với các vụ lạm dụng tình dục khi tại chức, và phạm tội thâm lạm $ 450,000 từ công quỹ của TGP để trả cho một người tình đồng tính cũ (homosexual lover) khi bị người này tống tiền. TGM Weakland chịu trách nhiệm về vụ LM Murphy từ năm 1977 đến năm 1998, khi LM Murphy chết. Đã từ lâu TGM Weakland luôn cay đắng về sự việc ĐGH Gioan Phaolô II và ĐHY Ratzinger đã không hài lòng về cách quản lý tồi tệ của ông tại TGP, rất lâu ngay cả trước khi đổ bể ra vụ ông dùng tiền của giáo dân để trả cho người tình đồng tính bí mật. Prima facie, ông không thể là nguồn tin cậy được.
• Laurie Goldstein, tác giả của bản tường thuật trên NYT, gần đây đã có một mối liên hệ với TGM Weakland. Năm vừa qua, khi bản tự truyện của vị GM nhơ nhuốc này được phát đăng thì bà đã viết một bài tường thuật bày tỏ những mối thương cảm bất thường, nhằm chôn lấp tất cả mọi hành vi xấu xa của ông (NYT May 14, 2009).
• Một cuộc biểu tình đã xảy ra tại Rôma trong ngày thứ sáu, trùng với ngày phát hành của bài tường thuật trên tờ NYT. Người bàng quan sẽ tự hỏi tại sao các hoạt động viên này lại tình cờ có mặt tại Rôma, để phân phát cùng một loại tài liệu được viện dẫn bởi tờ NYT. Sự xuất hiện này là một trong những chiến dịch vận động được điều hợp chứ không phải là những tường trình tình cờ riêng lẻ.

Đôi khi nguồn xấu cũng có thể cung cấp được những thông tin đúng. Nhưng các nguồn tin không vô tư đòi hỏi một sự xem xét tỉ mỉ. Ngược lại, các hãng tin lớn trên thế giới đều đồng loạt lăp lại bản tường trình của tờ NYT như một đàn két. Điều đó dẫn chúng ta tới vấn đề nền tảng là bản tường thuật đã nói sai sự thật, ngay từ nguồn viện dẫn các tài liệu của bản tường thuật này.

Qua các nguồn tài liệu viện dẫn được trưng bày trên website của tờ NYT, bản thân ĐHY Ratzinger đã không tiến hành một quyết định nào để làm đình trệ vụ án như đã bị quy chụp. Các văn thư được gửi đến dưới tên Ngài, các phúc đáp đến từ vị phụ tá. Ngay cả đặt ra ngoài vấn đề này, việc quy kết văn phòng của ĐHY Ratzinger cản trở việc điều tra được chứng minh là một điều giả dối ngay lập tức.

Các tài liệu này cho thấy các án vụ theo luật canon và các tiến trình xử phạt LM Murphy không bao giờ bị ngưng lại bởi bất cứ một ai. Thực tế, các tiến trình này chỉ được bỏ dở vài ngày trước khi LM Murphy chết. ĐHY Ratzinger không bao giờ có quyết định nào trong vụ việc này, dựa vào các tài liệu đã dẫn. Vị phụ tá của Ngài, TGM Tarcisio Bertone, gợi ý rằng trước sự kiện sức khoẻ suy sụp của LM Murphy và thể thức phức tạp của toà án canon, phải có những biện pháp cấp thời hơn để cấm không cho LM Murphy tham dự vào bất cứ loại mục vụ nào cả.

Hơn nữa, theo luật canon, trách nhiệm chính cho các vụ lạm dụng tình dục nằm nơi GM địa phương, TGM Weakland từ năm 1977 về sau có trách nhiệm thi hành các biện pháp kỷ luật đối với LM Murphy. TGM Weakland đã không thi hành bất cứ điều gì cho đến năm 1996. Đó là thời điểm văn phòng của ĐHY Ratzinger khởi sự thụ lý vụ việc này, và kể từ đó đã không làm bất cứ điều gì để cản trở tiến trình tại địa phương.

Tờ NYT đã tường thuật sai trái, dựa trên ngay cả những tài liệu họ đưa ra để minh chứng. Quý đôc giả có thể tự suy đoán tại sao.

Sau đây là các mốc điểm liên hệ theo trình tự thời gian được trích ra từ website của tờ NYT.

Ngày 15 tháng 5 năm 1974

LM Lawrence Murphy bị tố cáo lạm dụng tình dục bởi một cựu học sinh tại trường St John dành cho các trẻ bị Điếc tại Milwaukee. Thực ra, các tố cáo về LM Murphy đã có từ trên một thập niên trước.

Ngày 12 tháng 9 năm 1974

LM Murphy được chính thức cho “đi nghỉ vì lý do sức khoẻ” khỏi trường St. John. Ông rời Milwaukee và dọn về miền Bắc Wisconsin, trong giáo phận Superior, nơi đó, ông sống tại nhà của gia đình với bà thân mẫu của ông. Ông không có bổ nhiệm chính thức nào từ thời điểm này cho đến lúc ông chết vào năm 1998. Ông không hề trở lại để sống tại Milwaukee. Không có hình phạt nào theo luật canon được áp dụng trên ông.

Ngày 9 tháng 7 năm 1980

Các phẩm chức từ GP Superior qua văn thư đã hỏi ý kiến các phẩm chức thuộc TGP Milwaukee về mục vụ mà LM Murphy có thể đảm trách tại GP Superior. TGM Rembert Weakland là TGM của TGP Milwaukee kể từ năm 1977 đã được hỏi ý kiến và đã trả lời là không nên để LM Murphy trở lại làm mục vụ cho những người Điếc. Không có dấu hiệu gì cho thấy TGM Weakland dự kiến về các biện pháp kỷ luật sẽ được thi hành trong vụ việc này.

Ngày 17 tháng 7 năm 1996

Sau hơn 20 năm kể từ vụ tố cáo đầu tiên vào LM Murphy, TGM Weakland viết văn thư cho ĐHY Ratzinger, khai rằng ông vừa mới khám phá vụ lạm dụng tình dục của LM Murphy liên quan đến vi phạm trong bí tích giải tội, một tội ác nghiêm trọng hơn nữa theo luật canon. Tố cáo vi phạm bí tích giải tội đã có trong tố cáo nguyên thủy từ năm 1974. Tại thời điểm này, Weakland đã là TGM Milwaukee qua 19 năm.

Nên lưu ý rằng, TGM Weakland có thể truy tố LM Murphy bất cứ lúc nào về những tố cáo lạm dụng tình dục. Việc vi phạm bí tích giải tội bắt buộc phải báo cáo cho Rôma, và điều này lẽ ra phải được thực hiện vào các năm 1970.

Ngày 10 tháng 9 năm 1996

LM Murphy được báo cho biết là một toà án canon sẽ tiến hành để xét xử ông. Mãi đến năm 2001, TGP Milwaukee mới tiến hành án tòa này.

Ngày 24 tháng 3 năm 1997

TGM tarcisio Bertone, vị phụ tá của ĐHY Ratxinger tại Bộ Tín Lý và Đức Tin khuyến cáo là phải có tòa án canon để xử LM Murphy.

Ngày 14 tháng 5 năm 1997

TGM Weakland viết văn thư tới TGM Bertone báo rằng tiến trình phạt vạ trên LM Murphy đã được khởi sự.

Ngày 12 tháng 1 năm 1998

LM Murphy, vào lúc này chỉ có dưới 8 tháng trước khi ông chết, đã kêu cầu tới ĐHY Ratzinger, do tình trạng sức khoẻ suy kém của mình, ông xin được cho phép sống những ngày còn lại trong yên bình.

Ngày 6 tháng 4 năm 1998

TGM Bertone, lưu ý đến sức khoẻ suy kém của LM Murphy cùng với sự kiện không có một tố cáo mới nào trong vòng 25 năm, khuyến nghị dùng các biện pháp mục vụ thay vì xử án để bảo đảm LM Murphy không tham dự vào một mục vụ nào cả. Nhưng đây chỉ là khuyến nghị, vì mọi quyết định phải do GM địa phương.

Ngày 13 tháng 5 năm 1998

GM tại GP Superior, khi án tòa đã được chuyển về và là nơi LM Murphy đã sống từ năm 1974, đã bác bỏ khuyến nghị dùng biện pháp mục vụ và khởi sự tiến trình án tòa canon vào ngày 15 tháng 5 năm 1998, tiếp tục với tiến trình đã khởi sự từ năm 1996.

Ngày 30 tháng 5 năm 1998

TGM Weakland, lúc này đã đến Rôma để gặp các phẩm chức tại Bộ Tín Lý và Đức Tin, bao gồm TGM Bertone, nhưng không có ĐHY Ratzinger, để thảo luận về vụ việc này, nhưng từ những khó khăn do một án trình sau 25 năm, các biện pháp khác đã được thảo luận để cấp thời loại trừ LM Murphy ra khỏi các hoạt động mục vụ.

Ngày 19 tháng 8 năm 1998

TGM Weakland viết văn thư đình chỉ các án trình canon và tức khắc khởi sự các tiến trình để loại bỏ LM Murphy ra khỏi các loại mục vụ, một giải pháp cấp thời hơn.

Ngày 21 tháng 8 năm 1998

LM Murphy chết. Gia đình của ông chống lệnh của TGM Weakland về việc phải cử hành việc an táng trong âm thầm.

Thái độ của chúng ta

Chúng tôi xin mượn lời của Đức TGM Timothy M. Dolan, TGM New York để dùng thay cho lời kết thúc:

“Những làn sóng tin tức hàng đầu về việc lạm dụng tình dục trẻ em trong những ngày gần đây bởi một số ít LM, lần này tại Ireland, Đức quốc, và một chuyện cũ tại Wisconsin được đăng lại, đã lại xô chúng ta ngã quỳ xuống trên hai đầu gối.

Bất cứ khi nào loại tội lỗi khủng khiếp, đồi bại và thứ tội ác ghê tởm này được tường trình- nhưng là điều cần thiết- các nạn nhân và gia đình của họ lại một lần nữa bị gây thương tích, tuyệt đại đa số các linh mục trung thành lại cúi đầu xuống trong niềm xấu hổ xót xa, và tập thể các giáo dân chân thành lại cảm nghiệm một chấn động mới, một nỗi buồn phiền nặng nề và ngay cả giận dữ.

Điều làm cho chúng ta càng thêm buồn phiền sâu nặng hơn nữa tại thời điểm này, là các cuộc tấn công hạ cấp lại tới tấp đổ dồn vào chính Đức Thánh Cha, người mà hơn ai hết đã đi hàng đầu trong các tiến trình thanh tẩy, cải cách và canh tân mà Giáo Hội đang rất cần đến.

…Và chính con người này đang từng ngày bị đóng mão gai lên đầu qua những quy chụp vô căn cứ của giới truyền thông…

Người cha trong gia đình của chúng ta, il papa – Đức Thánh Cha – đang cần tới lòng yêu mến, sự nâng đỡ và lời cầu nguyện của chúng ta”
PRAYER FOR POPE BENEDICT XVI
Lord, source of eternal life and truth,
give to your shepherd, Benedict, a spirit
of courage and right judgment, a spirit
of knowledge and love. By governing
with fidelity those entrusted to his care,
may he, as successor to the Apostle
Peter and Vicar of Christ, build your
Church into a sacrament of unity, love
and peace for all the world. Amen.
V/ Let us pray for Benedict, the pope.
R/ May the Lord preserve him,
give him a long life,
make him blessed upon the earth,
and not hand him over
to the power of his enemies.
V/ May your hand
be upon your holy servant.
R/ And upon your son,
whom you have anointed.
Our Father… Hail Mary… Glory Be…
KNIGHTS OF COLUMBUS
In Solidarity With Our Holy Father
Adapted from Manual of Prayers
16000



Hồng Lĩnh (Hoa Kỳ)
April 6, 2010









 
Hôn phu của Thánh Gianna Molla đã qua đời hưởng thọ 97 tuổi
Ngọc Loan
22:17 08/04/2010
Mesero- Italy: Cụ Pietro Molla, hôn phu Thánh Gianna Beretta Molla đã qua đời vào ngày 3/4/2010 tại tư gia hưởng thọ 97 tuổi.

Vào tháng 9/2005, nếu Gianna còn sống, sẽ là dịp kỷ niệm 50 năm thành hôn, vị hôn phu của thánh nhân đã viết: “Tôi thường nghĩđến và nói rằng ngay cả đến đời sống vĩnh cữu cũng không đủ thời gian để tôi cảm tạ Thiên Chúa vì món quà độc nhất vô nhị Ngài đã ban cho tôi khi nhìn thấy người vợ yêu quý của tôi Gianna được tôn vinh lên bàn thánh”.

18 tháng sau khi thành hôn, Gianna và Pietro đã chào mừng đứa con đầu tiên ra đời đặt tên là Pierluigi. Người con thứ hai Maria Zita sinh ra vào năm 1957 rồi đến Laura sinh năm 1959. Cuối năm 1961, Gianna mang thai đứa con thứ 4 và bị phát hiện là nàng có bứu trong dạ con. Hai vợ chồng đã từ khước phương pháp chữa trị cục bứu mà sẽ gây thiệt hại đến bào thai. Gianna Emanuela được chào đời vào tháng 4/1962, nhưng tiếc thay một tuần sau đó người mẹ đã vĩnh viễn ra đi vì bịnh ung thư đã lan truyền quá nhanh.

Kỷ niệm lễ giỗ 40 năm, cụ Molla đã viết cụ vẫn nghĩ đến người vợ vẫn còn hiện diện “trong ký ức 6 tháng hứa hôn và suốt 6 năm rưỡi trong cuộc sống hôn nhân và gia đình”.

Nói đến người vợ, cụ nói “Khi Thiên Chúa gọi em về thiên quốc cách đây 40 năm, mặc dầu anh đã trải qua đau khổ nhưng anh vẫn cảm thấy sự hiện diện của em càng gần gũi và nhiều hơn, là người bảo hộ anh trên thiên quốc”.

Gianna là Bác Sĩ chuyên khoa trẻ em và Pietro là kỹ sư. Gianna và Pietro thành hôn tại Magenta, tỉnh lẻ vùng ngoại ô Milan, nơi Gianna đã sinh trưởng.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Gianna lên bậc Chân Phước vào năm 1994 và 10 năm sau được phong Thánh vào năm 2004. Trong buổi lễ phong Thánh tại Roma có sự hiện diện của cụ Pietro cùng 3 người con. Người con thứ hai đã qua đời khi được 7 tuổi vì bệnh thận vào năm 1964.

Linh Mục Thomas Rosica là người hiện đang điều hành đài truyền hình Công Giáo “Muối và Ánh Sáng” tại Canada đã quen biết gia đình cụ Molla trong 11 năm và đã viết vào ngày 4/4, ngài tin rằng “câu chuyện đời sống thánh thiện đã không dừng nơi Thánh Gianna Beretta Molla. Cụ Pietro Molla là một cột trụ và đá tảng, một người với đức tin ngoại thường, sống cuộc đời đơn giản và thánh thiện. Cụ đã sống phi thường như các thánh và giống như người vợ thân thương Gianna của Cụ, cho thấy một cuộc sống thánh thiện mà tất cả chúng ta có thể đạt tới”.
 
Top Stories
Laos: Les premiers martyrs du Laos bientôt béatifiés
Eglises d'Asie
15:07 08/04/2010
Eglises d’Asie, 8 avril 2010 – Lors d’une célébration qui s’est tenue le 27 février dernier, l’Eglise de Nantes a clôturé officiellement la première étape du processus de béatification de 15 missionnaires, religieux et laïcs, morts « pour leur foi chrétienne » au Laos, entre 1954 et 1970. Parmi ces martyrs de la foi, figurent cinq Oblats de Marie Immaculée (OMI), cinq membres de la Société des Missions étrangères de Paris (MEP), et cinq Laotiens dont un prêtre et quatre laïcs (1). Avec le P. Joseph Tiên et ses compagnons, il s’agit des premiers autochtones présentés à Rome en vue de leur béatification.

L’évangélisation du Laos est récente: ce sont les prêtres des Missions Etrangères de Paris (MEP) qui, les premiers, y apportèrent l’Evangile, à la fin du XIXème siècle, suivis par les OMI dans les années 1930. Très vite, les bouleversements politiques rendent leur mission périlleuse. « La guérilla voulait éliminer tout ce qui était étranger et chrétien, explique le P. Serge Leray, chancelier du diocèse de Nantes et promoteur de justice du procès en béatification (2). Les missionnaires ont choisi de rester sur place, comme le Saint-Siège le leur demandait, malgré les lourdes menaces qui pesaient sur eux » (3). Tous ces serviteurs de l’Eglise ont donné leur vie, assassinés ou exécutés, le P. Jean-Baptiste Malo étant, quant à lui, mort d’épuisement sur le chemin d’un camp de rééducation situé au Vietnam.

A la demande de la Conférence des évêques du Laos, les OMI ont accepté en 2004 de conduire la cause en béatification de ces quinze martyrs, tandis que l’instruction du procès diocésain était confiée au diocèse de Nantes, dont le P. Malo, MEP, était originaire, sous la présidence de l’évêque émérite de Coutances, le diocèse d’origine du P. Leroy, OMI. La plupart des missionnaires martyrs du Laos étant issus de l’Ouest de la France, les diocèses dont ils dépendaient (comme ceux de Rennes ou de Laval) ont tenu également à contribuer à la cause, par des dons ou le recueil de témoignages pouvant enrichir l’instruction des dossiers.

Pour cette procédure diocésaine préliminaire (4), le tribunal de Nantes s’est appuyé sur les travaux du postulateur de la cause, le P. Roland Jacques, OMI et vice-recteur de l’Université Saint-Paul d’Ottawa (celui-ci a fourni 748 documents, dont la plupart étaient des lettres), les enquêtes de ses deux commissions historique et théologique comprenant, entre autres, les auditions de quelque 85 témoins, entendus à Nantes mais aussi au Laos, où ces derniers ont été interrogés dans la plus grande discrétion, les chrétiens étant sous étroite surveillance de l’Etat (5).

Le 27 février 2010, Mgr Jean-Paul James, évêque de Nantes, a déclaré clos le procès informatif diocésain et a posé les scellés sur les 12 boîtes contenant l’instruction de l’enquête (5 000 documents), laquelle sera transmise à la Congrégation pour les causes des saints à Rome, dernière étape avant la béatification officielle. Etaient présents lors de cette célébration de clôture tous les acteurs du procès, les proches et les membres des familles des martyrs, des représentants des OMI et des MEP, dont le P. Etcharren, supérieur général des MEP.

A ces 15 martyrs du Laos dont la cause va être présentée au Vatican, il faut ajouter le P. Mario Borzaga, OMI, et son catéchiste hmong Paul Thoj Xyooj, dont le procès diocésain a été instruit en Italie il y a deux ans. La Conférence des évêques du Laos a déjà demandé aux OMI de présenter conjointement au Saint-Siège l’ensemble des dix-sept martyrs du Laos en un seul procès réunifié, représentatif de tout le pays.

(1) Il s’agit, pour les OMI, des PP. Vincent L’Hénoret, Jean Wauthier, Louis Leroy, Joseph Boissel, Michel Coquelet, et, pour les MEP, des PP. Jean-Baptiste Malo, Roger Dubroux, Noël Tenaud, Marcel Denis, Lucien Galan. Pour les cinq Laotiens martyrs, le P. Joseph Tiên (premier « martyr autochtone ») et ses « compagnons » (Joseph Outhay, Luc Sy, un membre de l’ethnie lao-issan, un aborigène kmhmu, tous catéchistes, le jeune Thomas Khampheuane et un membre de l’ethnie lao-lovên).
(2) Le promoteur de justice a le rôle de contradicteur (face au postulateur de la cause) au cours de la procédure en béatification.
(3) La Croix, 1er mars 2010.
(4) La procédure canonique veut que ce soit l’Eglise locale concernée qui instruise le procès de béatification de ses ressortissants. Rome prend connaissance ensuite du dossier informatif qui comprend des enquêtes et vérifications menées par le diocèse, et choisit de donner ou non son approbation finale pour la béatification.
(5) Au Laos, lors de l’arrivée au pouvoir des communistes en 1975, la liberté religieuse de l’Eglise a été limitée et sévèrement encadrée, les missionnaires étrangers chassés du pays. Selon des sources ecclésiastiques locales, l’Eglise au Laos, qui compte quatre vicariats apostoliques (Paksé, Savannakhet, Ventiane et Luang Prabang), représente environ 1 % de la population du pays, majoritairement bouddhiste ou animiste.

(Source: Eglises d'Asie, 8 avril 2010)
 
Chine: Le cardinal Zen Ze-kiun affirme haut et fort qu’il y a des limites aux compromis avec Pékin
Eglises d'Asie
15:08 08/04/2010
Eglises d’Asie, 8 avril 2010 – Dans une interview accordée à l’agence Ucanews et publiée le 7 avril dernier (1), le cardinal Zen Ze-kiun, évêque émérite du diocèse de Hongkong, affirme très clairement que les compromis qui peuvent être faits par l’Eglise catholique en Chine ont des limites. Tandis que des informations venues de Chine font état de très prochaines ordinations d’évêques illégitimes, le cardinal redit que les évêques en Chine ne peuvent être choisis indépendamment de Rome.

L’interview du cardinal Joseph Zen s’inscrit dans la suite de la réunion au Vatican de la Commission pour la Chine, mise sur pied après la publication, en mai 2007, de la Lettre de Benoît XVI aux catholiques chinois. Du 22 au 24 mars dernier, les membres de cette commission, dont fait partie le cardinal Zen, se sont retrouvés à Rome pour partager et débattre de la situation de l’Eglise en Chine. Le 25 mars, le Bureau de presse du Saint-Siège a publié un communiqué, immédiatement salué par le cardinal Zen pour sa « clarté » (2). Dans l’interview à l’agence Ucanews, l’ancien évêque de Hongkong revient sur le contenu du communiqué et les développements que l’on peut attendre de l’actualité des semaines à venir.

Fidèle à son franc-parler, le cardinal commence par dire sa satisfaction à constater que le communiqué du 25 mars est nettement plus « franc et direct » que ceux publiés à l’issue des deux précédentes réunions de la Commission pour la Chine (mars 2008 et mars 2009). Il souligne notamment le troisième paragraphe de ce communiqué, où il est question de la nécessité pour les évêques de Chine de protéger la vérité de la foi catholique. « Le communiqué dit aux évêques d’éviter les gestes qui pourraient aller contre la communion avec le Saint-Père, gestes tels que la concélébration (avec des évêques illégitimes), l’ordination épiscopale (sans mandat pontifical) et la participation à des réunions (comme la prochaine Assemblée nationale des représentants catholiques). De tels gestes créent des difficultés, parfois angoissantes, parmi les fidèles », explique le cardinal, reprenant quasiment mot pour mot le communiqué du 25 mars.

Si le cardinal s’exprime sur les deux premiers points du communiqué (à savoir « la formation » du clergé et des fidèles – une tâche qui incombe aux évêques et à eux seuls: « Un évêque doit mener son Eglise et ne doit pas se laisser mener par d’autres » –, et « la réconciliation », qui progresse mais demande du temps et appelle à la prière de tous, notamment à l’occasion de la Journée de prière pour l’Eglise en Chine instituée par Benoît XVI et fixée au 24 mai, fête de Marie Auxiliatrice), il insiste sur le troisième point du communiqué: « le point qui a trait au devoir de l’évêque de protéger la foi (…), qui renvoie sans ambiguïté à la lettre que le pape a écrite à l’Eglise en Chine et qui indique la frontière à ne pas dépasser dans la politique du compromis ». Interrogé par Ucanews sur l’attitude que les catholiques doivent avoir par rapport à l’Association patriotique des catholiques chinois, le cardinal répond que ce troisième point du communiqué « a clarifié la position de l’Eglise: notre objectif doit être son élimination pure et simple ».

Le cardinal précise ensuite l’enjeu que représente la convocation prochaine par les autorités chinoises de l’Assemblée nationale des représentants catholiques. Cette assemblée doit notamment élire le prochain président de la Conférence des évêques « officiels » et celui de l’Association patriotique. Reportée à plusieurs reprises depuis l’an dernier, l’Assemblée devrait se tenir prochainement. Pour le cardinal Zen, la tenue effective de l’Assemblée équivaudrait à « une solennelle déclaration d’intention » des autorités chinoises, qui signifieraient par là que le statu quo actuel doit être maintenu. Des deux présidents qui doivent être élus par l’Assemblée, le cardinal dit qu’ils ne sont que des « marionnettes » n’exerçant aucune autorité véritable sur l’Eglise. A ce stade de l’interview, le cardinal précise: « La totalité du pouvoir sur l’Eglise est entre les mains d’un laïc, qui est l’un des vice-présidents de l’Association patriotique, une personne qui, de manière évidente, tient son pouvoir du gouvernement. Ces dernières années, ce laïc a pu agir à sa guise tandis que les postes de président (de l’Association patriotique et de la Conférence épiscopale) étaient vacants. » Même si le nom n’est pas cité, chacun aura reconnu la personne d’Anthony Liu Bainian.

A propos des évêques de Chine, le cardinal reconnaît qu’ils subissent des pressions considérables et que leur mission est par conséquent difficile, mais il réitère en substance les propos qu’il avait tenus en janvier 2009 (3). « Si nous comparons la situation d’aujourd’hui avec celle d’hier, on peut estimer que nos évêques « officiels » ne risquent plus d’être jetés en prison ou démis de leur office. Ils peuvent sans doute subir des mesures de rétorsion, telle un moindre soutien financier du gouvernement ou une liberté de mouvement restreinte », mais, précise l’ancien évêque de Hongkong, « les évêques sont à la tête de l’Eglise. On peut donc attendre d’eux qu’ils soient à même de résister à la pression qui s’exerce sur eux ». A l’adresse de « tous » les évêques, le cardinal ajoute qu’il est de leur devoir d’essayer « par tous les moyens » d’entrer en communication « avec les plus hautes autorités ».

Quant à la nécessité de pourvoir dans un proche avenir les sièges épiscopaux vacants en Chine, le cardinal explique que ces vacances sont une réalité mais que les évêques ne peuvent pas être choisis sans l’accord de Rome. « Le pape a clairement établi ce point dans sa Lettre à l’Eglise de Chine. Mais, dans cette même lettre, il a aussi clairement dit que la négociation est parfaitement possible avec le gouvernement chinois », dit le cardinal, avant d’évoquer les rumeurs qui font état de l’ordination très prochaine de plusieurs évêques illégitimes, i.e. choisis sans avoir reçu l’accord du pape.

D’autres sources bien informées venues de Chine confirment que Pékin prépare au moins six ordinations épiscopales, concernant, d’une part, des candidats à l’épiscopat qui ont reçu l’accord du pape et, d’autre part, des candidats sans mandat pontifical. Le cardinal Zen accuse: ce que l’on peut deviner de ces préparatifs est qu’« il doit y avoir une machination ourdie par ceux qui tirent de grands bénéfices de la situation présente. Ces personnes ne veulent pas d’une éventuelle normalisation. Elles ne cherchent qu’à créer des troubles ». Le cardinal veut croire que le gouvernement chinois peut changer d’avis: ce qui se prépare « n’est pas conforme à la politique gouvernementale d’harmonie sociale », affirme-t-il, tout en ajoutant: « Pour notre part, nous ne pouvons tolérer que nos évêques restent à jamais les esclaves de l’Association patriotique. »

Les dernières ordinations épiscopales illégitimes remontent à 2006. En avril, mai et novembre de cette année, trois consécrations épiscopales eurent lieu sans mandat pontifical. Une dizaine d’évêques en communion avec le Saint-Père y avaient pris part.

(1) Ucanews, 7 avril 2010.
(2) Voir EDA 526
(3) Voir EDA 499

(Source: Eglises d'Asie, 8 avril 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhật ký Hội nghị thường niên Lần I-2010 Hội đồng Giám mục VN (3)
WHĐ
09:20 08/04/2010
Nhật ký Hội nghị thường niên Lần I-2010 Hội đồng Giám mục VN (3)

WHĐ (08.04.2010) – Buổi sáng ngày hội nghị thứ hai, thứ tư 07-04, các Ủy ban trực thuộc HĐGMVN lần lượt trình bày những việc đã làm hoặc dự kiến sẽ làm. Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn, chủ tịch UB Di dân nói cần có sự phối hợp giữa Giáo Hội nơi di dân đến và Giáo Hội địa phương gốc. Những nỗ lực cho mục vụ di dân trong nước còn khiêm tốn. Mục vụ di dân ngoài nước chỉ mới bắt đầu. Kế đến, Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, chủ tịch UB Giáo dân trình bày trước Hội nghị Bản phác thảo Qui chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ. Các Đức cha cần có thời gian để đọc và thảo luận, góp ý rồi mới thông qua. Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, chủ tịch UB Gia đình nối tiếp chia sẻ ý hướng và mối bận tâm về cung cấp thông tin cho đời sống gia đình, và mục vụ gia đình. Website của UB Gia đình hiện nay mỗi ngày có hơn ngàn lượt người truy cập. Đề tài về Hôn nhân Gia đình được các Đức cha quan tâm trao đổi sôi nổi, đặc biệt về những vấn đề liên quan đến Giáo luật. Sau giờ giải lao, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, chủ tịch UB Giáo dục Công giáo gợi lên ý tưởng sẽ hình thành một Học viện Thần học cao cấp trong tương lai trực thuộc HĐGM. Toàn thể các giám mục tại Hội nghị tán thành ý tưởng này và giao cho Đức cha Phêrô trách nhiệm nghiên cứu và đưa ra dự án thực hiện.

Vào buổi chiều, Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, chủ tịch UB Tu sĩ báo cáo về tình hình Đại Chủng viện Bùi Chu và Đại hội Tu sĩ vừa qua. Ngài nói sắp tới UB sẽ tiến hành làm Kỷ yếu Tu sĩ VN. Kế tiếp, các Đức cha Tổng giáo phận Huế trình bày về tiến trình dự án Xây dựng Trung tâm Thánh Mẫu La Vang. Ngày 08-03-2010 vừa qua đã tổ chức Hội thảo công trình thiết kế Trung tâm Thánh Mẫu, và sẽ còn tiến hành một lần nữa. Đức cha Phanxicô X. Lê Văn Hồng, phụ tá Tổng Giáo phận Huế nói hy vọng có thể làm lễ đặt viên đá đầu tiên vào dịp Lễ Bế mạc Năm Thánh tại La Vang tháng 01-2011. Nhân đó, Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Huế trình bày phác thảo dự kiến Lễ Bế mạc Năm Thánh tại La Vang ngày 05&06-01-2011. Với chủ đề “Cùng Mẹ Maria ra đi loan báo Tin Mừng”, Lễ Bế mạc muốn không phải là chấm dứt nhưng là bắt đầu một hướng mở cho việc loan báo Tin Mừng. Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, chủ tịch UB Loan báo Tin Mừng, cho biết hiện nay đang xin các giáo phận vẽ lại bản đồ truyền giáo. Các hoạt động đào tạo và trợ giúp vẫn tiến hành, tuy nhiên còn gặp khó khăn về cơ sở như văn phòng cho UB để có nơi liên lạc. Từ đó, sau giải lao buổi chiều các Đức cha đề cập đến cơ sở của HĐGM, cơ sở của UB Caritas. Hiện giờ vẫn chưa có một ý kiến thống nhất cuối cùng về vấn đề này. Hơn một giờ đồng hồ còn lại, lần lượt các Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, chủ tịch UB Giáo lý đức tin, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch UB Thánh nhạc, Đức cha Phêrô Nguyễn văn Đệ, chủ tịch UB Truyền thông Xã hội trình bày các vấn đề của mình. Đáng lưu ý trong đó, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo bản dịch chính thức đã được Tòa Thánh phê chuẩn và nay đã phát hành.
 
Chương trình đại hội Tân Tòng và Dự Tòng lần thứ V tại GX Tuy Hòa, Quy Nhơn
GX Tuy Hòa
16:06 08/04/2010
CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI TÂN TÒNG-DỰ TÒNG LẦN THỨ V TẠI GIÁO XỨ TUY HÒA

(10-11/04/2010)

CHIỀU THỨ BẢY (10.04.2010)

14.00: Đón tiếp

15.00: Tập trung thông qua chương trình

15.15: Hát kinh CTT, Cha sở huấn từ khai mạc

15.45: Tân tòng, dự tòng gặp gỡ lớp.

16.30: Tập hát cộng đồng, Chuẩn bị Phụng vụ

17.00: Thánh lễ.

18.30: Cơm tối

19.30: Chương trình giao lưu chia sẻ chứng từ

21.00: Tĩnh nguyện – Nghỉ đêm.
 
''Rồi Hãy Theo Tôi'': Tâm tình nhắn gửi các bạn Dự Tòng và Tân Tòng nhân dịp đại hội V
Lm Giuse Trương Đình Hiền
16:10 08/04/2010
“RỒI HÃY ĐẾN THEO TÔI” !

(Tâm tình nhắn gởi các bạn Dự tòng
và Tân tòng nhân dịp đại hội lầ thứ V
)


Các bạn Tân Tòng và Dự Tòng rất thương mến,

Trong niềm hân hoan của Tuần Bát Nhật Phục Sinh vẫn còn đong đầy trong khung cảnh Phụng Vụ của Giáo Hội, và với tâm tình phấn khởi của mọi tâm hồn giáo hữu Việt nam đón mừng Năm Thánh 2010, chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa đã tiếp tục qui tụ chúng ta để có cuộc Đại Hội Tân Tòng-Dự Tòng lần thứ V 2010 nầy.

Nếu trong Đêm Canh Thức Phục Sinh “bản gia phả” của Hội Thánh Công Giáo, “dòng tộc tư tế, vương đế” ghi thêm được nhiều tên mới, tên của những anh chị em vừa được dòng nước Thánh Tẩy tái sinh, thì cuộc Đại Hội TT-DT năm nay của giáo xứ chúng ta, có thêm được nhiều các bạn Tân Tòng thuộc các giáo xứ bạn trong toàn giáo hạt Phú Yên về tham dự. Điều nầy đã làm cho ý nghĩa của tiêu đích của công trình cứu độ của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Đức Kitô càng hiện thực rõ nét hơn như trong trong lời nhắn gởi của tôi trong lần Đại Hội IV năm ngoái: (Xin trích)

“Quả thật, sự sống lại của Đức Kitô làm phát sinh một cộng đoàn huynh đệ, khởi đầu cho một Hội Thánh, một dân tộc, một đoàn Dân mới hiệp nhất trong bác ái yêu thương, duy nhất trong niềm tin, trong một Lời chứng, một giáo lý để rao giảng và tuyên xưng, một đại gia đình của tình hiệp thông yêu thương và chia sẻ. Cộng đoàn đó, dưới sự tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đang tiếp tục làm cho Đức Kitô phục sinh hiện diện và làm cho công trình cứu độ của Ngài được đơm hoa kết trái.

Mỗi người chúng ta được thuộc về cộng đoàn đó. Đặc biệt các anh chị em Tân tòng trên khắp thế giới vừa mới được thuộc về cộng đoàn nầy trong Đêm vọng Phục Sinh qua bí tích Thánh tẩy, và hôm nay hân hoan cùng với mọi thành phần Dân Chúa dâng lời tạ ơn để cảm tạ “lòng Chúa xót thương” vì hồng ân vĩ đại được trở nên con cái Thiên Chúa.”

Trọng tâm của cuộc Đại Hội lần V năm nay chính là Lời của Đức Kitô nói với chàng thanh niên giàu có khi đến tham vấn Chúa về hành trang cho cuộc sống vĩnh hằng: “RỒI HÃY ĐẾN THEO TÔI” (Mc10, 21).

Quả thật, qua ngữ cảnh của trích đoạn Tin Mừng nầy (Mc 10,17-22), chúng ta mới ý thức và xác tín hơn tính nghiêm túc và đầy thách đố của sự chọn lựa đi trên con đường của Đức Kitô, một con đường đòi hỏi phải “từ bỏ”, phải hy sinh, phải trả giá: “Về bán tất cả, bố thí cho người nghèo. Rồi hãy đến theo tôi”.

Để minh họa cho chuyện “từ bỏ, bán hết để theo Đức Kitô”, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ:

Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thực thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu cả con tàu. (trích “phúc”)

Cùng suy tư với chúng ta về chủ đề “Về bán hết mọi sự…Rồi Hãy Đến Theo Tôi”, chúng ta thử lắng nghe Nhà chú giải kinh thánh J.Putin trong tác phẩm “Jésus, l'histoire vraie” đã nhận xét thâm thúy trích đoạn Tin Mừng nầy bằng những lời sau:

Một ánh mắt đầy âu yếm và quý trọng, được diễn tả ngay thành một lời mời gọi tha thiết: "Anh chỉ có thiếu một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi".

Đức Giêsu đề nghị anh đi xa hơn nữa trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, con đường tuy gồ ghề nhưng chỉ là nối tiếp con đường anh đã đi từ thuở nhỏ để được sự sống đời đời làm gia nghiệp; đó là: từ bỏ của cải để cho người nghèo.

Nhưng điều hoàn toàn mới nằm trong lời mời gọi ở câu kết: "Rồi hãy đến theo tôi". Đức Giêsu mời gọi người Do thái trung thực này vượt lên khỏi đức tin của cha ông để gắn bó với Người, là trở nên môn đệ của Người.

"Nghe lời đó", cuộc gặp gỡ đầu tiên đến đây đã diễn tiến đầy hứa hẹn, bỗng đột ngột chấm dứt: "Người thanh niên sa sầm nét mặt, và buồn rầu bỏ đi". Thánh sử cho ta biết, bởi vì "anh ta có nhiều của cải".

"Trên đường đi theo Đức Giêsu, người thanh niên giàu có này vấp phải một chướng ngại, đó là lòng gắn bó với gia tài sản nghiệp. Của cải như tấm kính mờ đã che lấp ánh sáng, lúc ánh sáng muốn thâm nhập vào lòng anh. "Anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi". Đức Giêsu đã đem lòng yêu mến anh. Nếu niềm hy vọng có một con đường dẫn thẳng tới Thiên Chúa đã khơi dậy niềm vui to lớn thế nào thì giờ đây, thay vào đó, là một nỗi buồn sâu xa không kém" (Jésus, l'histoire vraie", Centurion, tr-234).

Các bạn Tân tòng và Dự tòng rất thương mến,

Như vậy, có một một sự giàu có đáng phải bỏ công kiếm tìm, cho dù phải trả giá đắt đó chính là “đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô”, đó chính là biết sẵn sàng sẻ chia bác ái, đó là bỏ lại đằng sau tất cả để tiến bước trên con đường của Tin Mừng.

Cho dù mỗi người với mỗi thân phận và cuộc sống khác nhau, và việc “giác ngộ niềm tin” cũng không hề y khuôn giống hệt, thì thái độ cốt yếu của đức tin, vẫn là việc đáp trả mà Chúa Giêsu đã gợi ý cách 2000 năm trước: “hãy về bán hết của cải, bố thí cho người nghèo. Rồi hãy đến theo tôi”.

Như thế, chúng ta có thể nói được rằng: chủ đề của Đại Hội lần V hôm nay muốn chúng ta tiếp tục cuộc hành trình tiến về phía Chúa Giêsu, cuộc hành trình tìm kiếm Nước Thiên Chúa, tìm kiếm sự trọn lành thông qua con đường do chính Chúa Giêsu đề nghị: con đường của khó nghèo, khiêm hạ, con đường biết quảng đại bóc lột chính mình, bán đi những của cải cồng kềnh, những gia tài nặng nề che chắn lối đi tới Thiên Chúa và nẽo đến với tha nhân. Đó chính là sự từ bỏ và hy sinh của một trái tim anh hùng và quảng đại, một trái tim thà bị rướm máu vì mất tất cả chứ không thể để ánh sáng vụt tắt đi vì bị bao vây bởi những gia tài và của cải trần tục như chàng thanh niên Do Thái hôm xưa: “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”.

Trong lịch sử Hội Thánh đã có biết bao con người nam cũng như nữ đã mạnh mẽ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu “hãy đến theo tôi” sau khi đã anh hùng hy sinh tất cả, cho đi tất cả, cả mạng sống của mình.

Người ta nói rằng: Bất kỳ ai xin vào Tu hội Nữ Tử Bác Ái của Mẹ Têrêsa Calcutta đều nhận được một tờ giấy có ghi câu hỏi này: Tại sao bạn muốn trở nên một Nữ Tử Bác Ái? Các bạn trẻ thường trả lời:

- Con muốn tìm một đời sống cầu nguyện
- Con muốn sống đời sống khó nghèo
- Con muốn hiến thân phục vụ người nghèo

Và một trong các bạn trẻ đã viết như sau: “Thưa mẹ, đã nhiều lần con như nghe thấy tiếng Chúa Giêsu mời gọi con tận hiến trọn đời sống cho Ngài. Con đã suy nghĩ nhiều, tự hỏi chính mình và các vị linh hướng xem Chúa muốn con vào dòng nào. Cuối cùng con đã quyết định chọn tu hội của Mẹ vì con muốn có cơ hội từ bỏ mọi giầu sang trần thế, để bước vào cuộc sống nghèo khó và hy sinh.”

Và không chỉ nghèo khó hy sinh cho riêng mình nhưng là để sẻ chia và làm cho kẻ khác được sống và sống phong phú, như sự hy sinh của ông họa sĩ già trong câu chuyện “chiếc lá cuối cùng” của J. London:

Có một người nữ bệnh nhân đếm từng ngày sống thoi thóp của mình bằng những chiếc lá rụng dần từ một cành cây nhìn thấy qua khung cửa sổ. Đến khi trên cành chỉ còn một chiếc lá duy nhất, cô nói với người thân của mình: “Nếu đêm nay, chiếc lá cuối cùng không còn nữa, em sẽ chết!” Ở phòng trọ bên dưới, có một hoạ sĩ già tình cờ nghe được. Nửa đêm, giữa trời tuyết lạnh lẽo, ông bắc thang vẽ một chiếc lá vàng ở bức tường sát cành cây khô. Lúc hoàn tất kiệt tác cũng là lúc người ta thấy ông chết trong băng giá. Nhưng sáng hôm sau, người bệnh thức dậy, nhìn lên cành cây và reo lên: “Em vẫn còn có thể sống một hôm nữa!”

Không biết cô gái ấy sống bao nhiêu nữa, nhưng điều chắc chắn là người họa sĩ đã nằm xuống trong hạnh phúc tuyệt vời. Ông đã dám sống từ bỏ, đã quảng đại hy sinh mạng sống mình để kéo dài sự sống cho người khác.

Và chúng ta tin rằng, những nghĩa cử hy sinh như thế sẽ làm cho những trái tim trở thành bất tử, bởi vì ánh sáng không bao giờ vụt tắt trong cõi lòng của họ.

Các bạn Tân Tòng và Dự Tòng rất thương mên,

Ước gì Chủ đề đại hội năm nay “RỒI HÃY ĐẾN THEO TÔI”, sẽ giúp các bạn thêm ý thức và kiên vững trong lựa chọn của mình trên con đường theo Đức Kitô.

Và để kết thúc cho những lời nhắn gởi nầy, xin mời các bạn hãy cùng với tôi mượn lời kinh của Graham Kings, để chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau:

Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khoá biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khoá: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ,
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khoá lên
để mở những cánh cửa của Chúa.


(Lời kinh thắp sáng cuộc đời tr. 28).


LM. Giuse Trương Dình Hiền


 
Giới trẻ miền Bắc học hỏi vể Công Đồng Vaticanô II (tiếp theo)
Lm. Thanh Quang CSsR
17:23 08/04/2010
GIỚI TRẺ MIỀN BẮC HỌC HỎI VỀ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

(Tiếp theo, số 4)


17. Thưa cha, Công Đồng Vaticanô II có bao nhiêu kỳ họp? Nội dung sơ lược như thế nào ạ?

Công Đồng Vaticanô II có bốn kỳ họp.

- Kỳ họp thứ nhất (từ 11.10 đến 8.12.1962). Ngày 2.2.1962, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chính thức khai mạc Công Đồng Vaticanô II với tự sắc Concilium. Các Nghị Phụ hiện diện nhiều nhất trong kỳ họp là 2449 vị. Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh những vấn đề quan trọng trong diễn văn khai mạc của mình:

+ Cởi mở với thế giới;

+ Thông cảm chứ không lên án tuyệt thông;

+ Xót thương hơn là khắt khe;

+ Nhận chân ra rằng, thế giới cũng rất nhạy cảm, không chấp nhận sai lầm;

+ Loan truyền Tin Mừng với niềm hy vọng hơn là với tâm trạng của “những ngôn sứ loan báo sự dữ”.

Trong kỳ họp này, người ta đã bàn về các lược đồ như “Phụng Vụ, nguồn Mạc Khải, chân lý, linh hứng, thánh truyền, phương tiện truyền thông xã hội, hiệp nhất các Kitô hữu, Giáo Hội,… Hầu hết đều bị bác bỏ vì chưa đạt yêu cầu. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng đã rút lại còn 20 lược đồ.

Trong thời gian này, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã qua đời. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (tức Đức Hồng Y Montini) lên kế vị.

- Kỳ họp thứ hai (từ 29.9 đến 4.12.1963)

Đức giáo Hoàng Phaolô VI đã mạnh dạn cải tổ lại các quy tắc của Công Đồng Vaticanô II để đem đến hiệu năng hơn. Ngài mạnh mẽ tuyên bố chỉnh đốn lại giáo triều Rôma vào ngày 21.9.1963, điều mà Đức Gioan XXIII không dám nghĩ tới.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố và nhấn mạnh các vấn đề trong bài diễn văn khai mạc của mình:

+ Thánh Công Đồng phải đào sâu Giáo lý về chức Giám mục, về những nhiệm vụ và những liên lạc của chức vụ đó với Phêrô. Giáo lý cần trở nên thiết thực và thích ứng hơn.

+ Ngài nói đến những anh em bất hòa (chứ không phải “ly khai”) là những người được mời gọi để trở nên đồng tâm nhất trí với Giáo Hội”

+ Một điều táo bạo và chưa từng có từ trước đến nay là chính Đức Giáo Hoàng lên tiếng cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của những anh em bất hòa này vì những lỗi lầm của Giáo Hội Rôma trong việc chia rẽ Kitô giáo.

Các lược đồ được đề cập đến là: Giáo Hội, các Giám mục và sự điều khiển Giáo phận, vấn đề hiệp nhất, người Do Thái, tự do tôn giáo, giáo dân, Mạc Khải,…

Chúng ta thấy có sự thay đổi lớn về cách nhìn của công thức ban hành của Đức Giáo Hoàng. Trước kia: “Ta ra sắc lệnh, thiết lập và phê chuẩn… với sự chấp thuận của Thánh Công Đồng”. Nghĩa là Đức Giáo Hoàng công bố và Công Đồng chỉ có việc chấp nhận. Như thế “cộng đoàn tính” của các Giám mục vẫn còn là một vấn nạn. Nhưng nay đã khác, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã sử dụng một công thức khác: “Tất cả và từng điều được ban bố trong Hiến Chế… này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Đồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính… Chúng tôi phê chuẩn…”. Đây là một bước tiến rất lớn thể hiện tính cách cộng đoàn của các Giám mục.

+ Theo ý kiến của Đức Giáo Hoàng, tất cả các lược đồ của Công Đồng sẽ được bố cục lại dựa theo trục chính là Giáo Hội.

- Kỳ họp thứ ba (từ 14.9 đến 21.11.1964)

Kỳ họp được khai mạc bằng một thánh lễ đồng tế, là kết quả đầu tiên của việc canh tân phụng vụ (các bạn biết đó, trước Công Đồng, các linh mục dâng lễ một mình và quay lên chứ không quay xuống phía giáo dân như ta thấy bây giờ, và như thế, không có chuyện đồng tế). Đức Giáo Hoàng đã đề cao tính cách cộng đoàn tính của các Giám mục.

Người ta bàn nhiều về Giáo Hội, nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục, tự do tôn giáo, Mạc Khải, Tông đồ giáo dân (lần đầu tiên Công Đồng Vaticanô II đề cập đến vấn đề này), Linh mục, các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, mục vụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay (đây cũng là vấn đề quan trọng nhất của kỳ họp thứ ba này và được thế giới hồi hộp theo dõi), truyền giáo (do Đức Giáo Hoàng giới thiệu nhưng do quá giản lược nên đã bị các Nghị Phụ thẳng tay bác bỏ! Qua đó cho các bạn và tôi thấy tính nghiêm minh và dân chủ của Công Đồng như thế nào), Dòng tu, Chủng Viện, giáo dục Kitô giáo, các Bí tích, hiệp nhất,…

- Kỳ họp thứ tư (từ 14.9 đến 8.12.1965)

Trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp này, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI loan báo quyết định thành lập Thượng Hội Đồng Giám mục, gây ngạc nhiên cho mọi người. Đây quả là một bước tiến lớn trên con đường canh tân Giáo Hội.

Người ta đã bàn về các vấn đề như Tự do tôn giáo, Giáo Hội trong thế giới ngày nay (hay còn gọi là Hiến chế mục vụ), truyền giáo, chức vụ và đời sống Linh mục, đào tạo Linh mục, Giám mục, Dòng tu, giáo dục Kitô giáo, các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Mạc Khải, Tông đồ giáo dân,…

Ngày 28.10.1965, khóa VII được khai mạc. Trong dịp này, Đức Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ đồng tế cùng với 24 Nghị Phụ (trong đó có Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình) và chính thức công bố 5 văn kiện đã được chấp thuận.

Những ngày cuối của Công Đồng được đánh dấu bằng những sự kiện mang ý nghĩa hiệp nhất đáng nhớ. Chẳng hạn, tại Vương cung Thánh đường thánh Phaolô, cùng với các quan sát viên ngoài Công Giáo, Đức Giáo Hoàng đã dự một lễ nghi cầu cho hiệp nhất. Một sự kiện khác cũng đáng chú ý, đó là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ở Rôma và Đức Thượng Phụ Athenagoras ở Istanbul đã cùng một lúc xóa bỏ án tuyệt thông lẫn nhau vào ngày 7.12.1965 (mà các bạn biết rồi, vì lên án tuyệt thông lẫn nhau nên đã gây ra sự ly khai vào năm 1054). Chính những bước đi xa như thế này đã đem lại cho Công Đồng Vaticanô II luồng sinh lực mới, niềm vui mới, kết quả lớn và giá trị bậc nhất!

(còn tiếp)
 
Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt Đã Trở Về Hà Nội Bình An
TGM Hà Nội
21:09 08/04/2010
Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt Trở Về Hà Nội Bình An

Hà Nội, 8h sáng ngày 09/04/2010, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã trở về Tổng Giáo Phận Hà Nội bình an. Đón Ngài tại sân bay quốc tế Nội Bài có đông đảo các cha trong Tòa Tổng Giám Mục, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, và giáo hạt Chính Tòa. Mọi người ngập tràn niềm vui gặp lại Người Cha Chung sau gần một tháng xa cách.
 
Văn Hóa
Để gió cuốn đi
Hạt Cát
06:49 08/04/2010
“ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI…”

Cuộc sống vẫn thế! Họp rồi tan, chẳng có gì tồn tại ngoài tấm lòng dành cho nhau…

Ai đã từng đến thăm Mái ấm Camillô, quận 8, sẽ dễ dàng nhận ra hai thế giới đối lập hiện hữu cách nhau độ chừng vài trăm mét. Bắt đầu con đường xi măng dẫn vào khu dân cư lao động tổ 123- khu phố 8, như thể là ranh giới phân chia giữa giàu và nghèo, giữa những ngôi nhà khang trang mang kiến trúc Tây, Âu và những mái nhà xiêu vẹo, tạm bợ …. Mái Ấm Camillô, sân ga cuối cùng của những mảnh đời già nua nhọc nhằn, đau thương, nằm nép mình trong một góc khuất.

Một ngày mưa tháng Giêng tầm tã, chúng tôi đưa bà Hai đến Mái Ấm Camillô. Đồng hành với bà suốt một năm qua cho tôi có cái nhìn nhạy cảm và thấu hiểu. Trong đôi mắt hoen những giọt lệ, tôi có thể nhìn thấy khoảng trời xanh và những con đường nhỏ dọc ngang ở phường 13 quận 6 – nơi bà đã lang thang, cơ nhỡ mấy chục năm qua; nơi khoảng hàng hiên 2m2 trú thân suốt nhiều năm dài; nơi có bà Ba giang tay đón bà về cùng ở trọ một thời gian; nơi có dì Sáu nấu cho bà 2 bữa cơm mỗi ngày; nơi có những con người mà tự bà đã kết tình chị em…

Bà Hai nằm đó, thing lặng, không đòi hỏi, không than van, không trách cứ và cũng chưa từng làm phiền tôi. Sự câm lặng và đôi mắt sóng sánh những giọt lệ héo hon làm lòng tôi đau thắt. Tôi quay vội đi, tưởng chừng như tay mình vừa cầm dao cắt đi mối dây thiêng liêng, quý giá nào đó trong tâm trí nhăn nheo, trong trái tim yếu ớt của bà. Tôi biết mình làm đúng, nhưng có những cái đúng phải cắn răng mà làm; có những điều đúng phải xé lòng mà làm…

Bà Hai ngã bệnh vào đúng cái tuần mà tôi không đến thăm như mọi khi. Sót lại một chút tỉnh táo và hơi tàn, bà đồng ý để chúng tôi mời Linh Mục đến rửa tội và gia nhập Kitô giáo. Bà có tên Thánh thật đẹp, Anna. Cô Anna Lê Thị Kính, phụ trách Mái Ấm Camillô, là người đỡ đầu cho bà, cũng là người duy nhất đã mở rộng cửa khi tôi tất bật chạy ngược chạy xuôi gõ nhiều cánh cửa với hy vọng tìm được một nơi nương náu cho bà trong chặng cuối của cuộc đời. Trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cái cảm giác biết ơn sự quan phòng mà Chúa đã ra tay. Tôi vẫn còn nhớ bà và tôi cùng cười khanh khách khi bà cầm lấy ly sinh tố cà từ tay tôi và vụng về làm dấu Thánh giá.…

Một trong những điều khiến tôi luôn hối hận là suốt hai tháng bà ở trong Mái Ấm, tôi đã không dành giờ để cùng bà tham dự giờ kinh tối của cộng đoàn. Trong hành trình đức tin với bà, tôi đã đi những bước chân khập khiễng. Một trong những điều làm tôi áy náy là luôn có đủ thứ lý do bận rộn, nên không kịp cho bà xem tấm ảnh mà chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho hậu sự của bà. Có lẽ điều sau rốt của mỗi phận người thường nghĩ đến là tang lễ của mình, tôi đã chẳng để cho bà có cơ hội để mà hình dung…..

Tôi ngơ ngác, nghe nhưng dường như không hiểu lời của vị bác sĩ nói: “Không chắc bà qua khỏi 12 giờ đêm nay”…. Không vội vã khâm liệm và mang đi hoả táng như những gì tôi nghĩ, thi hài của bà được hoàn trong nhà nguyện của mái ấm một ngày một đêm.

Tôi bắt gặp hình ảnh cô Kính lặng lẽ dọn tàn nhanh trên chiếc bàn nhỏ đặt trước linh cữu. Tôi nhìn thấy các cụ ông cụ bà sốt sắng đọc kinh và thắp nhang trước di ảnh của bà. Bà Trùm Nhi năng động luôn hiện diện ở mái ấm trong suốt thời gian an táng. Các anh chị thuộc giáo xứ Nam Hải đến đọc kinh và hát những bài hát thật hay mà có lẽ khi còn sống bà chưa từng được nghe… Tất cả những điều đó thật ấm lòng!

Tôi trao điện thoại cho “Vú Phượng” và vội quay đi, vẫn kịp nghe chị kêu lên: “Ôi, con “Mực” nó khóc!” Chúng tôi, bốn người bạn, những người chị em với các biệt danh “Bà Già”, “Vú Phương”, “Đầu Gà” và tôi là…”Mực”. Chúng tôi được cuộc đời run rủi gặp gỡ, thương mến, chấp nhập và nâng đỡ nhau. Chúng tôi gắn bó với nhau bằng tình cảm chân thành và tôn trọng – thứ tình cảm mà mỗi người chúng tôi đều hiểu nó quý giá thế nào giữa dòng sống tất bật ngày nay….

Bắt đầu từ việc tôi rủ rê các chị đi thăm người già, để giờ đây “Bà Già” lập cho chúng tôi một ngân quỹ nho nhỏ để hỗ trợ khẩn cấp cho các cụ có hoàn cảnh khó khăn; để giờ đây “Vú Phượng” can đảm bước ra khỏi chính mình, chăm lo cho các cụ già trong xóm; để “Đầu gà” luôn hiệp thông và dấn thân mạnh mẽ trong cuộc sống với các trẻ mồ côi….. Nuôi dưỡng lòng biết ơn cuộc sống và yêu thương đến cùng là những gì mà chúng tôi thường nhắc nhở nhau để sống, để giữ ngọn lửa trong lòng mình luôn cháy sáng.

Tang lễ của bà được cử hành chu đáo theo nghi thức Công Giáo và quá đầy đủ so với một bà già cơ nhỡ, 88 tuổi, không một mái nhà che thân, không chồng, không con. Cho đến giờ này, tôi luôn biết ơn Mái Ấm đã xem bà Hai như một người thân. Trong khoảng thời gian bà sống ở đây, bà trắng trẻo và sạch sẽ hơn. Những ngày nằm thoi thóp trên giường bệnh, cộng đoàn những con người già nua này đã hết lòng chăm nom cho bà.

26 người già với mái đầu bạc, làn da nhăn nheo, thân xác hao mòn in dấu đời nhọc nhằn, cơ cực. Mỗi người mang một thân phận khác nhau, nhưng cuộc đời đã quy tụ họ về nơi đây, Mái Ấm Camillô, sân ga cuối cùng trong cuộc hành trình làm người của mình. Họ dần bỏ đi mớ hành trang góc phố đầu đường để tập sống chung dưới một mái nhà và chia sẻ cho nhau chút hơi ấm của tình người trong tuổi xế chiều. Có cụ xem đây là mái nhà cuối cùng của mình, nên họ sẵn sàng hy sinh đảm nhận trách nhiệm nấu nướng, giặt giũ và chăm nom người khác… Mái Ấm Camillô đã bước qua tuổi 14…

Giờ đây, bà Hai đã đến bến bờ cuộc đời trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Chắc hẳn trên trời, bà sẽ vui và cảm thấy uổng công vì đã rất lo lắng cho hậu sự của mình. Một trong những vật mà bà luôn cất giữ cẩn thận đó là thẻ hội viên Hội Tương Tế của chùa Hạnh Nguyện. Tôi tìm đến nhà Chùa và trình thẻ hội viên của bà. Với tư cách cá nhân, vị hoà thượng chủ trì không ngừng ngại đưa cho tôi 500.000 đồng để giúp cho việc an táng.

Anh Tâm, người của Ủy Ban Nhân Dân phường 13 cũng trao cho tôi 500.000 đồng với lời hứa sẽ xin hỗ trợ thêm 2.000.000 đồng chi phí an táng cho bà Hai. Dì Sáu và Cô Hai, hai người phụ nữ đứng tuổi ở quận 6, tìm gặp tôi với những chiếc phong bì trên tay. Trong đôi mắt của họ, tôi nhìn thấy một thứ tình vô giá!

Bà Còng – một bà cụ không có đạo, sống đơn thân, 80 tuổi, đang được “Vú Phượng” chăm nom, cũng gửi tiền xin lễ cho bà Hai.

Sẽ rất thiếu xót nếu tôi không nhớ đến chị Maria Freitas, người đã hỗ trợ cả tinh thần và vật chất ngay từ ngày đầu tiên tôi đồng hành với người cao niên. Khi một mình bế xốc một bà cụ đưa vào phòng cấp cứu, tôi an tâm vì phía sau lưng, tôi tin Chị vẫn có đó! Khi vất vả suốt 3 tháng liền để đưa một bà cụ bán vé số, bị suy tim cấp độ III đi mổ mắt, Chị đã linh động giờ làm việc cho tôi. Khi tôi lang thang thăm nom một cụ già bị bại liệt ở khu phố có tệ nạn ma tuý, Chị chia sẻ cùng tôi những khó khăn….

Sẽ rất thiếu xót nếu tôi không nhớ đến các chị em thuộc phong trào Focolare cũng như các anh chị em, bạn hữu xa gần khác, những người đã hỗ trợ và nâng đỡ tinh thần cho tôi theo cách riêng, những người đã khơi gợi và khuyến khích tôi chia sẻ kinh nghiệm này.

Tôi cũng không quên nhắc đến bác sĩ Hương, bác sĩ Khánh, bác sĩ Phấn, bác sĩ Thái, bác sĩ Đạt và tủ thuốc từ thiện ở giáo xứ Phú Trung và Xóm Mới.

Tôi vẫn nhớ đến sự giúp đỡ kịp thời của Cha Uy DCCT. Cha đã gửi bạn Loan ở nhóm Điểm Tim đến để cùng với Châu thay phiên chăm nom bà Hai ở bệnh viện trong nhiều ngày. Chính bạn Loan đã chỉ cho tôi tìm đến Mái Ấm Camillô. Anh Hồng Linh là người tình cờ bắt trúng gói quà của tôi gửi cho các cụ già ở quận 6, khi tham gia trò chơi “Trời Cho” của Cha Uy vào dịp Lễ Giáng Sinh vừa qua. Tôi để lại số điện thoại trong lá thư gửi người đưa quà, vì sợ anh không thể tìm được bà Hai. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa hề biết mặt nhau, nhưng anh là người đã giúp tôi tìm được Châu… Tất cả như làm thành một sợi dây tình thương nối tiếp nhau quyện lấy, xoay quanh bà Hai…

Hôm nay, chúng tôi quay lại Mái Ấm Camillô, dự giờ kinh lúc 2h30 cùng với cộng đoàn và sau đó, rước hài cốt bà Hai về dự Thánh Lễ chiều và đưa vào nhà Chờ Phục Sinh của nhà thờ Thị Nghè. Nơi mà ít nhất mỗi tuần một lần, có “Vú Phượng” đến viếng thăm bà và người thân. Mọi việc đã diễn ra rất thuận lợi. Chúng tôi cảm ơn tất cả các chị em thuộc phong trào Focolare, Cô Hai và anh Bánh Bò, những người dân ở quận 6, đã dành thời gian đến tham dự. Chúng tôi tri ân sự giúp đỡ của Cha Chánh Xứ, Cha Phó và ban Hành Giáo để tạo mọi điều kiện ưu ái trong việc tiếp nhận bà Hai. Tôi rất an tâm khi biết nhà thờ Thị Nghè luôn có giờ kinh cho các linh hồn sau Thánh Lễ chiều mỗi thứ hai.

Cuộc sống cho tôi những cảm nghiệm về lòng tốt vô vị lợi của tha nhân, về tình người dành cho đồng loại – thứ tình quý giá và luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Có lẽ với tôi, bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ý nghĩa và hay hơn bất cứ lúc nào hết: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi…”

Tôi tin, gió không cuốn những hạt giống tình người này vào khoảng không hư vô…..
 
Slideshow ''Đại lễ kính lòng thương xót Chúa''
Phạm Trung và Trăng Thập Tự với Sương Mai
14:54 08/04/2010
Trân trọng giới thiệu Slideshow "Đại lễ kính lòng thương xót Chúa" Proshow Gold do Sơ Sương Mai thực hiện với Phạm Trung phổ nhạc thơ của LM Trăng Thập Tự.

(Bấm vào cái link trên đây để download xong rồi mở, Bấm giữa màn hình, nhạc và hình chạy tự động)

Xin bấm vào file đính kèm để xem bản nhạc dạng pdf.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Kho Tàng Trong Bình Sành
Lm. Trần Cao Tường
11:20 08/04/2010

KHO TÀNG TRONG BÌNH SÀNH



Ảnh của Cao Tường


"Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành." (2Cor 4:7). Thiên Chúa thường dùng những công cụ yếu kém để thực hiện kế hoạch của Người. Nhà văn Graham Greene đã nổi tiếng với tác phẩm "Sức Mạnh và Vinh Quang", cho thấy một linh mục làm được những nghĩa cử anh dũng mặc dầu đầy dẫy những lỗi lầm cá nhân.

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ngày Thật Đẹp
Nguyễn Đức Cung
22:10 08/04/2010

NGÀY THẬT ĐẸP



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Lên non cao lấy mây làm chứng

Xuống biển xanh mượn sóng dạt dào

Ước ao chi chuyện xa xăm

Chỉ xin cõi tạm trăm năm ngọt ngào...

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền