Ngày 10-04-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Tuần Thánh
Lm. Nguyễn Hữu Thy
02:31 10/04/2017
Suy niệm Tuần Thánh

Tuần Thánh được khởi đầu bằng Chúa Nhật Lễ Lá, cao điểm của Năm Phụng Vụ. Tuần Thánh là tuần lễ quan trọng nhất trong suốt Năm Phụng Vụ của Giáo Hội và là tuần lễ duy nhất phản ảnh rõ ràng và trung thực nhất tâm trạng và cuộc sống của con người chúng ta:

• Hôm nay đón rước, ngày mai xua đuổi.
• Hôm nay hoan hô, ngày mai đả đảo.
• Hôm nay yêu thương, ngày mai ghen ghét.
• Hôm nay trung thành, ngày mai phản bội.
• Hôm nay khen ngợi, ngày mai chê bai.
• Hôm nay thần tượng, ngày mai kẻ thù.
• Hôm nay xác tín, ngày mai nghi ngờ.
• Hôm nay vui mừng, ngày mai buồn bã.
• Hôm nay thành công, ngày mai thất bại.
• Hôm nay hiền hòa, ngày mai hiếu chiến.
• Hôm nay cương quyết, ngày mai hoài nghi.
• Hôm nay tin tưởng, ngày mai ngờ vực.
• Hôm nay có tất cả, ngày mai tay trắng.

Vâng, giữa Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh phản ánh trung thực thái độ sống của mỗi người trong chúng ta. Thái độ bất bền vững, thái độ dễ thay trắng đổi đen của bản chất loài người chúng ta: Thái độ thay đổi không ngừng giữa sự trung tín và sự bất trung, giữa cái thiện và cái ác, v.v…!

Tuy nhiên, giữa Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh cũng phản ánh sự Cứu Rỗi của chúng ta. Điều đó muốn nói rằng, nếu trước con mắt tự nhiên của chúng ta, Thứ Sáu Tuần Thánh có thể được coi là một sự thất bại, nhưng không phải là sự chấm tận, không phải là sự tiêu diệt, mà là chứa đựng một sức sống mãnh liệt mới. Tương tự như hạt lúa được gieo vào lòng đất: bị thối nát, nhưng không phải bị tiêu diệt, trái lại để làm trổ sinh một một bông lúa mới nặng chĩu vô vàn hạt lúa mới khác.

Chúng ta luôn xác tín rằng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa Toàn Năng và là Đấng duy nhất có toàn quyền quyết định trên sự sống và sự chết của chúng ta và của muôn loài. Nghĩa là chỉ một mình Thiên Chúa nói tiếng nói cuối cùng, chứ không phải là thần chết.

Vậy, chính cái chết của Đức Kitô là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng cho tất cả chúng ta và cho mỗi người trong chúng ta. Vì Thiên Chúa đã cho Đức Kitô từ trong kẻ chết sống lại vinh hiển thế nào, thì Người cũng sẽ cho chúng ta, những kẻ tin kính và yêu mến Người, được sống lại vinh hiển như thế!
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:15 10/04/2017
43. GẶP CHĂNG HAY CHỚ
Ở trên ngọn Ngũ Đài sơn có một loại chim kì lạ gọi là “hàn hiệu trùng” (một loại dơi giống chim), bốn ngón chân rất dài lại còn có cánh nhưng bay không được, phân của nó chính là món “ngũ linh chi” trong thuốc bắc.
Mỗi khi đến mùa hè trời nóng nực thì lông trên thân nó dài ra có năm màu, đẹp hết ý, thế là nó đắc ý hát rằng:
- “Phượng hoàng cũng không thể được như ta.”
Đến khi mùa đông rét hàn tới thì lông cánh trên thân nó rụng hết, trụi lùi lụi giống như con chim nhỏ mới sinh, rất là xấu xí, gió lạnh thổi đến làm nó run cầm cập. Lúc này, nó không còn biết làm gì, chỉ than thở:
- “Gặp chăng hay chớ, gặp chăng hay chớ.”
(Chuyết Canh lục)

Suy tư 43:
Người “gặp chăng hay chớ” là người sống không có “chương trình”, có khi cố chấp cho nên thường là gặp chăng hay chớ, họ là những người liều mạng gặp đâu hay đó.
Người “gặp chăng hay chớ” cũng có khi là những người bị quá nhiều áp bức, thiệt thòi và do đó trở thành chai lì gặp chăng hay chớ, không thiết gì đến tương lai của mình cũng như của con cái và có khi cả mạng sống cũng không màng đến.
Người Ki-tô hữu mà “gặp chăng hay chớ” thì có nước mà...chết, bởi vì “gặp chăng hay chớ” cũng đồng nghĩa với “trông cậy thới quá“ vào lòng nhân từ của Chúa mà không chịu mau mau hối cải ăn năn, không thèm xét mình trước khi xưng tội, không thèm nghe những lời khuyên bảo, họ thường nói: “Úi chà, hơi đâu mà lo, gặp chăng hay chớ, có Chúa lo rồi !” Thiên Chúa cũng không lo nổi cho những người gặp chăng hay chớ, bởi vì chính họ đã không muốn lo cho mình thì Chúa Mẹ lo cũng vô ích, khi chính họ không muốn đón nhận những ơn lành của Chúa ban cho qua người này người nọ trong cuộc sống, qua những hoàn cảnh mà chính họ cũng biết là có thể chấp nhận được, nhưng họ lại muốn “gặp chăng hay chớ”.
Có những người có cuộc sống “gặp chăng hay chớ” nên thường bị “chúng” chửi là “đồ vô tâm”; có những người trong cuộc sống thường “gặp chăng hay chớ” nên mất đi sự tôn trọng của người khác...
Thật đáng buồn thay cho những người “gặp chăng hay chớ” !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:19 10/04/2017

15. Khi một vị hoàng hậu đi vào trong một thành phố, thì phải có rất nhiều phụ nữ quý tộc tháp tùng; cũng vậy, khi cầu nguyện tiến vào trong tâm hồn của con người, thì tất cả các đức hạnh cũng đều đến trong tâm hồn của con người, bởi vì đức hạnh và cầu nguyện thì không thể lìa nhau.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Giớ chầu Thứ Năm tuần thánh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:38 10/04/2017
GIỜ CHẦU THỨ NĂM TUẦN THÁNH

13/4/2017

I. KHAI MẠC

Người dẫn đọc :

Lạy Chúa Giêsu, trước Thánh Thể Chúa giờ đây, chúng con hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, vì xót thương nhân loại cho đến tận cùng, Chúa đã ban Mình và Máu cho các môn đệ, để ở với họ "mãi mãi, cho đến tận thế" (Mt 8,20). Chúa đã giữ lời hứa ấy, và giờ phút này, chúng con thấy Chúa đang ở đây với chúng con. Chúng con chiêm ngắm Chúa, trước sự hiện diện của Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : Tấm Bánh vừa được truyền phép đặt trước mặt chúng con nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng con về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng con cho Chúa Cha. Mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đầy lòng trắc ẩn, chậm bất bình và rất mực khoan dung (x.Tv 103, 8 ), xin lấy tình thương mà ôm tất cả nhân loại chúng con giờ đây đang thờ lạy Chúa, trong tình yêu vô biên của Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người.

- Hát bài : Đây Phép Nhiệm Mầu Thờ lạy Chúa, thờ lạy Chúa

II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM

- Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người ngồi)

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô (1Cr 11, 23-26)

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: "Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến".

Ðó là lời Chúa.

- Cầu nguyện

(Người dẫn mời mọi người ngồi rồi đọc với tâm tình cầu nguyện)

Lạy Chúa Giêsu, thật chúng con không thể hiểu nổi, Chúa đã yêu thương nhân loại chúng con biết là chừng nào. Chúa đã yêu chúng con bằng một tình yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng con, ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng con tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Chúa, để được sống đời đời.

Khi nói với các Tông Đồ hiện diện : “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Như thế là sau khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa cũng lập luôn bí tích Truyền Chức Thánh. Với lời trên, cho thấy Chúa tiếp tục yêu thương và tín nhiệm con người. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì tình yêu và thương xót.

Chúng con xin hết lòng cảm tạ Chúa.

Chúng con xin muôn vàn tán tạ hồng ân Chúa.

Chúng con xin hợp cùng thần thánh trên trời và mọi người dưới thế quì thờ lạy Chúa.

-Hát bài : Thờ lạy Chúa, thờ lạy Chúa

---Thinh lặng mất phút suy ngắm-----

-Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 13, 1-15).

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".

Ðó là lời Chúa.

- Cầu nguyện

(Người dẫn mời mọi người ngồi đọc với tâm tình cầu nguyện)

Lạy Chúa Giêsu, chiều nay chúng con vừa cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước đêm hấp hối trong vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa giữa chúng con.

Giờ đây, chúng con đến bên Chúa trong Giờ chầu đặc biệt của tối Thứ Năm Tuần Thánh lịch sử này, hầu cảm nghiệm tình yêu tự hiến của Chúa, “yêu thương cho đến cùng” như Thánh Gioan đã thuật lại trong Bữa Tiệc Ly (Ga 13,1). Chúng con cũng muốn được ở bên Chúa như ba người môn đệ thân tín đã được Chúa kêu mời đi vào vườn Cây Dầu, cùng Chúa canh thức để đón nhận thánh ý Chúa Cha (Mt 26,36) mà vâng phục cho nỗi bằng lòng chịu chết (Pl 2,8 ; x. Dt 5,8).

Lạy Chúa, dù con người chúng con vốn yếu đuối, nhưng cũng xin Chúa ban thêm sức mạnh, để chúng con được cùng Chúa sống những giờ phút cuối cuộc đời dương thế của Chúa, biết cùng Chúa sống mầu nhiệm vượt qua trong những ngày cực thánh này…

Thánh Gioan gợi lên trong chúng con nhớ lại : "Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1-2). Thật kinh ngạc, kinh ngạc đến lạ thường về tình yêu của Chúa dành cho các môn đệ. Cũng như các môn đệ, Chúa đã yêu thương chúng con đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối cùng của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng con. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ cho con người lầm lạp tội lỗi chúng con. Và cũng chính hôm nay, Chúa còn truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu.

Lạy Chúa, tưởng niệm việc Chúa thiết lập Giao Ước mới trong Mình và Máu Thánh Chúa. Việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể chức Tư Tế và trao giới răn mới như trăn trối cuối cùng của Chúa trước khi từ giã trần gian. Chúa đã yêu mến các kẻ thuộc về mình còn ở trong thế gian. Chúa đã yêu thương họ đến cùng. Tình yêu được diễn tả bằng việc rửa chân môn đệ.

Tình yêu phải như vết dầu loang lan tỏa tới khắp cả mọi người. Tình yêu càng rộng, cuộc chiến thắng của Chúa càng mau tới giai đoạn hoàn tất.

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, một lần nữa, Chúa mời gọi chúng con : “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Chúa thiết lập một sự liên kết thân mật giữa bí tích Thánh Thể, bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.

Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị. Mỗi lần chúng con tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng con cũng thưa “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng con cam kết thực hiện điều Chúa đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).

Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Chúa để lại cho những ai được Chúa kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Chúa, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.

Thánh Thể là một ban tặng cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Chúa đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.

Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.

Lạy Chúa Giêsu, hiện thân của Lòng Thương Xót, trong ngôi vị Thiên Chúa, nhưng Chúa đã trở nên thấp hèn để cảm thông, chia sẻ với chúng con. Còn chúng con cùng trong thân phận làm người như nhau, đáng lẽ chúng con phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nhưng chúng con thường để cho ganh ghét, hận thù thắng thế. Ðiều răn mới Chúa truyền cho chúng con: hãy yêu thương. Xin cho chúng con mau mắn thi hành điều Chúa truyền trong gia đình, trong xóm đạo, nơi công sở... của chúng con. Ước gì nước Tình Yêu Chúa mau hiển trị. Amen.

- Hát bài : Thầy là Cây Nho

- Cầu nguyện xướng đáp (Người dẫn mời mọi người quì)

Người xướng : Lạy Chúa, giữa một nền văn hóa bị tục hóa, ích kỷ và hưởng thụ; một nền văn hóa đưa con người đến văn minh của sự chết, một nền văn hóa thiếu vắng tình yêu thương, hiến thân và lòng quảng đại. Xin Chúa cho chúng con biết thực hành lời Chúa dạy, ngõ hầu chúng con biểu lộ và làm chứng về một Thiên Chúa tình yêu, giầu lòng thương xót nhân loại.

Mọi người đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con

Lạy Chúa xin tha thứ cho chúng con vì chúng con chưa nỗ lực hết sức mình để làm chứng về sự hiện diện của Chúa trong thế giới. Những việc bác ái của chúng con đôi khi còn để cho người ta thấy chứ không phải làm sáng Danh Chúa.

Mọi người đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con

Mọi người cứ dấu này mà nhận biết các con là mộn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau. Xin Chúa giúp chúng con biết bỏ đi những gì gây xáo trộn, mất đoàn kết, làm rạn nứt tình tương thân tương ái cộng đoàn. Để chúng con bày tỏ lòng yêu mến Chúa, bằng việc yêu thương giúp đỡ mọi người, nhờ đó, họ sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Chúa.

Mọi người đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con

Người xướng : Lạy Chúa, chúng con hết lòng thành kính cám ơn Chúa về tất cả những gì Chúa đã làm cho chúng con trong Bữa Tiệc Ly. Được Mình Máu thánh Chúa dưỡng nuôi quả là niềm hạnh phúc tuyệt vời. Xin thương xót chúng con. Xin thay đổi trái tim nguội lạnh của chúng con. Xin khơi dậy trong chúng con tâm tình yêu thương, hy vọng và dâng hiến. Xin giúp chúng con kiên tâm suy niêm tình thương Chúa, để tâm hồn chúng con dào dạt ân tình Chúa. Lạy Chúa, ơn thánh Chúa làm được tất cả.

Mọi người đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Lễ Phục Sinh – Năm A
LM. Anthony Trung Thành
09:40 10/04/2017
Suy Niệm Lễ Phục Sinh – Năm A

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ Phục Sinh. Đây là biến cố quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và là nền tảng niềm tin của mỗi Kitô hữu chúng ta. Biến cố này đã được báo trước và được củng cố bằng sự kiện ngôi mộ trống, những lần hiện ra và sự thay đổi nơi các môn đệ sau khi gặp Đức Giêsu Phục Sinh.

1. Đức Giêsu phục sinh được tiên báo trước

Việc Đức Giêsu phục sinh đã được tiên báo trước nhiều lần và nhiều cách khác nhau:

- Câu chuyện ông Giona: Ông Giona được sai đi rao giảng cho dân thành Ninivê, nhưng ông đã không vâng lời Thiên Chúa, ông xuống thuyền vượt biển để trốn đi nơi khác. Thế rồi, một cơn cuồng phong nổi lên. Những người lái buôn cho rằng tại vì ông mà có cơn cuồng phong đó. Vì thế, ông bị quăng xuống biển, một con cá đã nuốt ông vào bụng và sau ba đêm ngày ông được thả lên bờ gần thành Ninivê (x. Gn 2,1-11). Ông cho đó là ý Chúa. Nên ông đã vào thành Ninivê để thi hành nhiệm vụ rao giảng.

Hình ảnh ông Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày rồi được thả lên bờ tiên báo việc Đức Giêsu ở trong mộ ba đêm ngày rồi sống lại.

- Biến cố Đức Giêsu tẩy uế đền thờ (x. Ga 2, 13-22). Tin Mừng Thánh Gioan cho biết, khi Đức Giêsu thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Ngài nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Người Do thái hỏi Đức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" Đức Giêsu đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."

Thánh Gioan còn giải thích thiêm rằng: Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

- Đức Giêsu phục sinh kẻ chết: Trong ba năm đời sống công khai, Đức Giêsu đã phục sinh cho con gái ông Giairô (x. Mc 5, 21- 24. 35- 43), cậu con trai bà góa thành Naim (x. Lc 7, 11- 17) và ông Ladarô (x. Ga 11, 1- 44). Việc làm này cho chúng ta thấy Đức Giêsu làm chủ cả sự chết lẫn sự sống. Ngài dùng quyền năng của mình để làm cho kẻ chết sống lại thì Ngài cũng có thể dùng quyền năng để tự cho mình sống lại. Việc Đức Giêsu phục sinh kẻ chết báo trước việc Ngài sẽ phục sinh sau này.

- Đức Giêsu tiên báo về sự sống lại của Ngài: Ít nhất ba lần Đức Giêsu đã loan báo về sự chết và sự sống lại của Ngài: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31; Mc 9,31; Mc 10, 33-34). Chính Ngài đã khẳng định với Matha rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ.” (Ga 11,25-26).

2. Ngôi mộ trống (x. Ga 20,1-9; Lc 24,1-12; Mc 16,1-8; Mt 28,1-8). Cả bốn sách Tin Mừng đều tường thuật về ngôi mộ trống của Đức Giêsu. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, chính ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Madalêna ra thăm mộ Chúa. Bà không thấy xác Chúa Giêsu đâu cả. Bà vội vã chạy về báo tin cho các môn đệ biết. Nghe vậy, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã nhanh chóng chạy ra mộ. Tới nơi, hai ông thấy ngôi mộ trống như bà nói. Ông Gioan cúi mình xuống thì thấy “khăn liệm để đó.” Ông Phêrô thì “thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.” Đó là cái nhìn của thể lý, nhưng Thánh Gioan đã đi xa hơn cái nhìn của thể lý, Tin Mừng cho chúng ta biết: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8).

Tuy nhiên, sự kiện ngôi mộ trống chưa đủ thuyết phục các môn đệ và mọi người về việc Đức Giêsu sống lại. Bởi vì, bà Maria Madalêna vẫn nghi ngờ xác Đức Giêsu bị đánh cắp (x. Ga 20,2). Còn quân lính thì phao tin đồn rằng: “Ban đêm, đang lúc chúng tôi ngủ thì các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 14). Cho nên, niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu cần phải được cũng cố bằng những bằng chứng khác.

3. Những lần hiện ra của Đức Giêsu

Sau khi sống lại, Đức Giêsu đã hiện ra nhiều lần, nhiều nơi với rất nhiều người. Ngài hiện ra với các môn đệ ngay chiều Chúa Nhật Phục Sinh (x. Ga 20, 19-23). Cũng ngay ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Ngài hiện ra với hai môn đệ đi làn Emmau (x. Lc 24, 36-42). Tám ngày sau, Ngài hiện ra với các môn đệ và bảo Tô-ma xỏ ngón tay vào cạnh sườn Ngài (x. Ga 20, 26-29). Rồi Ngài còn hiện ra nhiều lần nhiều nơi khác nữa. Thánh Phaolô cho biết: “Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.” (1Cr 15,5-8). Những lần hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh là bằng chứng về sự sống lại của Ngài.

4. Sự thay đổi của các Tông Đồ sau Đức Giêsu Phục Sinh

Mặc dầu trong ba năm được sống bên cạnh Đức Giêsu, chứng kiến việc Ngài phục sinh kẻ chết, được nghe Ngài tiên báo về sự sống lại của Ngài, nhưng không dễ gì các Tông đồ đón nhận niềm tin đó. Ngay cả khi các phụ nữ về báo tin (x. Lc 24, 11) hay khi Ngài hiện ra đứng giữa các ông mà các ông còn kinh hồn sợ hãi vì tưởng là ma (x. Lc 24, 36- 43). Sau nhiều lần gặp gỡ, chuyện trò, thậm chí là được ăn uống với Đức Giêsu phục sinh thì các ông mới tin (x. Cv 1, 3- 4). Đặc biệt, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần ở Nhà Tiệc Ly, các Tông Đồ đã mạnh dạn làm chứng Đức Giêsu đã sống lại. Bài đọc thứ I, Thánh Phêrô đã nhân danh các Tông Đồ lên tiếng rằng: "Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại." (Cv 10, 34a. 37-43). Không những làm chứng bằng lời nói, các Tông Đồ còn làm chứng bằng sự bắt bớ, tù tội và cả cái chết.

Đức Giêsu đã sống lại, đó là niềm tin của mỗi Kitô hữu chúng ta. Niềm tin chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính, niềm tin chúng ta tuyên xưng trong thánh lễ mỗi ngày. Nhưng chúng ta không chỉ tuyên xưng niềm tin đó bằng môi miệng mà cần phải cụ thể hóa niềm tin đó vào trong cuộc sống hằng ngày. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất.” (Cl 3,1-2). “Không nghĩ đến những sự dưới đất” là gì nếu không phải là biết từ bỏ ma quỷ và những gì thuộc về nó. “Tìm kiếm những sự trên trời” là gì nếu không phải là sống niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày để được “xuất hiện với Người trong vinh quang.”(x. Cl 3,4).

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chịu chết để ban sự sống đời đời cho chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm làm chứng về sự Phục Sinh của Chúa, đồng thời biết sống làm sao để mai sau được xuất hiện với Người trong vinh quang. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 09/04/2017
VietCatholic Network
02:54 10/04/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC cử hành Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô.

2- Khủng bố Hồi Giáo tấn công lần thứ hai trong Chúa Nhật Lễ Lá tại Ai Cập, Đức Thượng Phụ Tawadros II thoát chết.

3- Ý cầu nguyện của ĐTC - Tháng Tư 2017: Cầu nguyện cho các bạn trẻ.

4- ĐTC lên án vụ khủng bố tại Nga và bom hóa học tại Siria.

5- Italia kêu gọi ĐTC giúp tìm ra sự thật về việc một sinh viên người Ý bị tra tấn đến chết ở Ai Cập.

6- ĐTC bổ nhiệm Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đà Lạt.

7- Thánh Ca Mùa Chay: Bảy Lời Cuối Cùng Của Chúa Giêsu Trên Thánh Giá.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Đức Thánh Cha cử hành Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô.

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật lễ Lá hôm qua, ĐTC đã chủ sự thánh lễ trước thềm đền thờ Thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ĐTC có 150 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, các Đức Ông và 350 Linh Mục giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước lễ. Đảm trách thánh ca ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn và dàn nhạc của giáo phận Roma gồm 140 ca viên cùng nhạc công, và ca đoàn 300 người trẻ.

Thánh lễ đã bắt đầu với nghi thức làm phép lá trước bút tháp giữa quảng trường thánh Phêrô với bài Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem khai mào cho cuộc Khổ Nạn cứu chuộc của Ngài. Sau đó là nghi thức rước lá với sự tham dự của 450 người trẻ, đại diện cho giáo phận Roma và các giáo phận khác. Bài đọc một được tuyên đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng Anh, Tin Mừng Thương Khó được đọc và hát bằng tiếng Ý.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã nêu bật gương mặt của Chúa Giêsu Vua Cứu Thế trong hình dạng cụ thể của một người tôi tớ của Thiên Chúa và của loài người, hiện diện nơi tất cả những kẻ khổ đau vì bất cứ lý do gì trên thế giới này. Mở đầu bài giảng ngài nói:

Việc cử hành này có hai mùi vị, ngọt ngào và cay đắng, tươi vui và đớn đau, bởi vì trong nó chúng ta cử hành Chúa vào thành Giêrusalem được các môn đệ tung hô như là vua; đồng thời cũng được loan báo trình thuật phúc âm cuộc Khổ Nạn của Ngài. Vì thế con tim chúng ta cảm thấy sự mâu thuẫn đớn đau, và cảm nhận được trong vài phần nhỏ bé nào đó điều Chúa Giêsu đã phải cảm nhận trong con tim của Ngài trong ngày ấy, ngày Ngài vui mừng với các bạn mình và khóc thương trên thành Giêrusalem.

Từ 32 năm qua chiều kích tươi vui của Chúa Nhật này đã được phong phú bởi lễ của người trẻ: đó là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm nay được cử hành ở cấp giáo phận, nhưng tại Quảng trường này trong chốc lát nữa đây sẽ sống một lúc ngày càng cảm động hơn có các chân trời rộng mở, với việc người trẻ Cracovia trao Thánh Giá cho người trẻ Panama.

Bài Phúc Âm được công bố trước buổi rước lá (x. Mt 21,1-11) miêu tả Chúa Giêsu xuống núi Cây Dầu trên lưng con lừa con chưa có ai cỡi bao giờ. Nó nêu bật sự hăng say của các môn đệ, đi theo Thầy với các lời tung hô lễ hội. Và thật dễ tưởng tượng điều này lây lan sang các người trẻ của thành phố kết hiệp niềm vui của họ với đám rước như thế nào. Chính Chúa Giêsu thừa nhận trong sự tiếp đón tươi vui ấy một sức mạnh không thể nào ngăn chặn được do Thiên Chúa muốn, và Ngài nói với các người Pharisêu cho đó là gương mù gương xấu: “Tôi nói với các ông rằng, nếu những người này thinh lặng, thì các hòn đá này sẽ kêu lên” (Lc 19,40).

ĐTC nói tiếp trong bài giảng thánh lễ: Nhưng Đức Giêsu mà theo Thánh Kinh, vào Thành Thánh trong kiểu này, không phải là một kẻ mộng mơ gieo vãi các ảo tưởng, một ngôn sứ của “thời mới”, một kẻ bán khói, trái lại Ngài là một Đức Messia được xác định, với gương mặt cụ thể của người tôi tớ, người tôi tớ của Thiên Chúa và của con người đi chịu khổ nạn. Ngài là Người Kiên Nhẫn vĩ đại của nỗi khổ đau của con người.

Như vậy cả chúng ta nữa khi mừng lễ Vua chúng ta, chúng ta nghĩ tới các khổ đau Ngài đã phải chịu trong Tuần này. Chúng ta nghĩ tới các vu khống, các lăng nhục, các cạm bẫy, sự bỏ rơi, việc kết án gian ác, các đánh đập, các đòn vọt, mạo gai… và sau cùng là thập giá cho tới khi bị đóng đanh.

Chính Chúa đã nói rõ ràng cho các môn đệ biết: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Ngài đã không bao giờ hứa danh dự và thành công. Các Phúc Âm nói rõ ràng. Ngài đã luôn luôn báo trước cho các bạn hữu Ngài rằng con đường của Ngài là con đường ấy, và chiến thắng cuối cùng phải đi qua cuộc khổ nạn và thập giá. Và chính điều này cũng có giá trị đối với chúng ta. Để trung thành theo Chúa Giêsu chúng ta hãy xin ơn làm điều đó không phải với lời nói, nhưng với các việc làm, và kiên nhẫn nhận chịu thập giá của chúng ta: không khước từ nó, không vất nó đi, nhưng nhìn Chúa, chấp nhận nó và vác nó mỗi ngày.

Đức Giêsu, Đấng chấp nhận được tung hô, dù biết rằng tiếng kêu “đóng đinh nó vào thập giá” đang chờ đợi Ngài, không xin chúng ta chỉ chiêm ngưỡng Ngài trong các bức tranh hay trong các hình chụp, hoặc trong các video lưu hành trên mạng. ĐTC nhấn mạnh như sau:

Không, Ngài hiện diện nơi biết bao nhiêu anh chị em ngày nay chịu khổ đau như Ngài: họ khổ đau vì một công việc như của nô lệ, họ khổ đau vì các thảm cảnh gia đình, vì tật bệnh… Họ khổ đau vì chiến tranh và khủng bố, vì các lợi lộc di chuyển vũ khí và khiến cho chúng bắt giết. Các người nam nữ bị lừa đảo, bị xúc phạm trong phẩm giá của họ, bị loại bỏ… Chúa Giêsu ở trong họ, trong từng người trong họ và với gương mặt méo mó, với tiếng nói gẫy bể xin được nhìn, được thừa nhận, được yêu thương.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Ba Lan, Trung Hoa.

350 Linh Mục đã giúp Đức Thánh Cha cho hơn 70 ngàn tín hữu rước lễ.

Trưóc khi đọc Kinh Truyền Tin chung với tín hữu, ĐTC đã chào mọi người hiện diện, đặc biệt những ai đã tham dự cuôc gặp gỡ quốc tế chuẩn bị cho công nghị về giới trẻ, do Bộ đặc trách Giáo dân, Gia đình và Sự Sống cùng tổ chức với Văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngài cũng trải dài lời chào này tới giới trẻ quy tụ quanh các Giám Mục sở tại cử hành Ngày Giới Trẻ trong mọi giáo phận trên toàn thế giới. Đây là một chặng khác của cuộc hành hương lớn, đã bắt đầu với thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, năm ngoái đã tụ tập chúng ta tại Cracovia và triệu vời chúng ta tại Panama vào tháng giêng năm 2019. Vì thế trong chốc lát nữa đây người trẻ Ba Lan sẽ trao Thánh Giá của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cho người trẻ Panama, được các Giám Mục và chính quyền sở tại của họ hướng dẫn.

Chúng ta hãy xin Chúa cho Thánh Giá cùng với Ảnh Đức Mẹ sự Cứu rỗi cùa dân Roma, làm cho đức tin và niềm ny vọng tăng trưởng tại những nơi chúng đi qua, bằng cách vén mở cho thấy tình yêu thương vô địch của Chúa Kitô.
Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Kitô hôm nay bước vào cuộc Khổ Nạn và Đức Trinh Nữ Thánh các nạn nhân của vụ khủng bố ngày thứ sáu vừa qua tại Stockholme, cũng như các nạn nhân còn đang bị thử thách bởi chiến tranh, là tai ương của nhân loại.

Và cả vụ mưu sát rất tiếc xảy ra sáng nay tại Cairo trong một nhà thờ Copte.

Đức Thánh Cha nói: “Chúa Giêsu ở trong họ, trong mỗi người, với những hình ảnh thê thảm và những tiếng kêu lạc giọng, Ngài muốn được nhìn vào mắt, được nhìn nhận, và yêu thương”.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mỗi anh chị em này không phải là “một Chúa Giêsu khác”, nhưng “chính là cùng một Chúa Giêsu đã vào thành Giêrusalem khi được người ta vẫy chào bằng các nhành lá. Đó cũng chính là cùng một Chúa Jêsus đã bị đóng đinh trên cây thập giá và đã chết giữa hai người trộm cướp” “Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Chúa Jêsus, Đấng là vị vua khiêm nhường của công lý, lòng thương xót và bình an”.

Đức Thánh Cha đã nói như trên và khích lệ các tín hữu suy ngẫm về những đau khổ của Chúa Giêsu trong Tuần Thánh và tìm kiếm Người trên gương mặt của những người anh chị em đau khổ của chúng ta.

Với người anh em thân mến Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị, Giáo Hội Copte, và toàn quốc gia Ai Cập thân yêu, tôi xin bầy tỏ sự chia buồn sâu xa của tôi, tôi cầu nguyện cho các người đã chết và cho các người bị thương, tôi gần gũi với thân nhân và toàn cộng đoàn. Xin Chúa hoán cải con tim của những người gieo kinh hoàng bạo lực, chết chóc, và cả con tim những người chế tạo và buốn bán vũ khí nữa.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người

- Khủng bố Hồi Giáo tấn công lần thứ hai trong Chúa Nhật Lễ Lá tại Ai Cập, Đức Thượng Phụ Tawadros II thoát chết.

Cairo, Ai Cập - Đúng vào lúc Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô, tức là lúc 10h sáng ngày 9 tháng Tư năm 2017, thì cùng lúc đó khủng bố Hồi Giáo đánh bom vào nhà thờ Thánh George trong vùng phụ cận Tanta của thủ đô Cairo.

Nhà cầm quyền Ai Cập cho biết con số Kitô hữu bị thiệt mạng đã lên đến 25 người và có đến 60 người khác bị thương. Nhiều người trong số đó đang trong tình trạng nguy kịch. Hai tiếng đồng hồ sau đó, một cuộc tấn công khác đã giết chết thêm 11 người tại một nhà thờ ở Alexandria. 35 người khác bị thương rất nặng.

Bộ Nội Vụ Ai Cập cho biết, Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị đang ở bên trong nhà thờ Thánh Máccô ở Alexandria chủ sự Lễ Lá. Cảnh sát đã tăng cường lực lượng an ninh tại đây sau khi xảy ra vụ khủng bố thứ nhất tại Tanta; và đã chặn xét một người tình nghi. Tên khủng bố khi bị chặn lại đã cho nổ bom quấn trên người. Các nhân chứng cho biết họ nghe thấy một tiếng nổ rất lớn bên ngoài nhà thờ và khói lửa mịt mù. Ít nhất 11 người bị thiệt mạng trong đó đa số là các nhân viên an ninh.

Cơ quan thông tin Amaq của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về hai vụ đánh bom này. Đài truyền hình quốc gia Ai Cập cho biết, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi và Thủ tướng Sherif Ismail sẽ tới thăm các địa điểm bị tấn công này. Trong khi đó, tổng thống al-Sisi đã ra lệnh triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng quốc phòng.

- Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha - Tháng Tư 2017: Cầu nguyện cho các bạn trẻ.

Trong tháng 4-2017, ĐTC đặc biệt mời gọi mọi người cầu nguyện cho các bạn trẻ. Ngài mời gọi người trẻ hãy chung tay xây dựng thế giới và vun đắp tương lai. Ngài mời gọi người trẻ khám phá ra ơn gọi của mình, can đảm đón nhận thách đố, và hăng say thực thi những lý tưởng cao đẹp. Trong một Video gởi các bạn trẻ, ĐTC chia sẻ rằng:

“Cha biết các con không muốn bị đánh lừa bởi sự tự do giả dối, một thứ tự do được tô vẽ bởi cái hào nhoáng nhất thời. Cha biết các con nhắm tới những gì cao quý hơn.”

Đức Thánh Cha nói thêm, “Các bạn trẻ thân mến! Chính các con là người nắm giữ tương lai! Cha mời gọi các con hãy xây dựng thế giới, hãy làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một thách đố, thực sự là thách đố… Đừng để người khác trở thành tác nhân chính của những đổi thay.”

Đức Thánh Cha cũng mời gọi mọi người hãy hiệp ý cầu nguyện cùng Ngài, để các bạn trẻ có thể quảng đại đáp lại ơn gọi của họ, bằng cách hăng say hoạt động cho các lý tưởng cao đẹp của thế giới.

- Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại Nga và bom hóa học tại Siria.

ĐTC liên đới với các nạn nhân vụ khủng bố tại Nga và vụ dội bom hóa học tại Siria. Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng hôm ngày 5/4/2017, ĐTC nói:

“Lúc này đây tôi nghĩ đến vụ khủng bố nặng nề trong những ngày qua tại xe điện ngầm ở thành phố San Pietroburgo… Trong khi tôi phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa những người bị thiệt mạng thê thảm, tôi bày tỏ sự gần gũi trong tinh thần với các thân nhân họ và tất cả những người đang chịu đau khổ vì biến cố đau thương này.”

“Tôi (cũng) quyết liệt lên án thảm họa không thể chấp nhận được xảy ra hôm qua, 4-4 tại tỉnh Idlib, Siria, nơi mà hàng chục người vô tội, trong đó có nhiều trẻ em bị giết. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ, và kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiệm chính trị, trên bình diện địa phương và quốc tế, để thảm trạng này được chấm dứt và mang lại sự thoa dịu cho dân chúng yêu quí đã bị kiệt lực từ quá lâu vì chiến tranh…”

Vụ khủng bố tại trạm xe điện ngầm ở San Pietroburgo do một tên khủng bố tự sát gây ra làm cho 14 người chết và hàng chục người bị thương. Vụ dội bom hóa học ở tỉnh Idlib làm cho 72 người chết, trong đó có 20 trẻ em. Tây Phương cáo buộc chế độ của tổng thống Assad, trong khi đó Nga phủ nhận lời buộc tội này.

- Italia kêu gọi ĐTC giúp tìm ra sự thật về việc một sinh viên người Ý bị tra tấn đến chết ở Ai Cập.

Báo giới tại Italia và gia đình của một sinh viên người Ý bị tra tấn đến chết ở Ai Cập đang kêu gọi ĐGH Phanxicô tìm kiếm thông tin về cái chết thương tâm này trong chuyến thăm Cairo sắp tới của ngài.

Cha mẹ của Giulio Regeni đã đưa ra lời kêu gọi vào hôm thứ Hai, ngày 4 tháng 4, tại Thượng viện Ý trong cùng ngày Tòa thánh Vatican công bố chi tiết về chuyến đi của ĐTC Phanxicô sang Ai Cập từ 28-29 tháng Tư, trong đó ngài sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi. Bà mẹ của Giulio nhắc lại rằng gia đình bà đã có một cuộc gặp gỡ ngắn với ĐTC Phanxicô vào năm ngoái và nói rằng gia đình chắc chắn rằng ĐGH "sẽ không quên Giulio trong chuyến đi này, đồng thời giúp thực hiện yêu cầu cụ thể của chúng tôi về sự thật để cuối cùng có được bình an."

Giulio Regeni biến mất vào ngày 25/1/2016 tại Cairo. Chín ngày sau, thi hài của anh đã được tìm thấy bên lề một con đường với nhiều dấu hiệu bị tra tấn. Đã có những nghi ngờ ở Ý rằng cho rằng cảnh sát Ai Cập đứng sau cái chết này, và các công tố viên Ý đã phàn nàn liên tục rằng các đối tác Ai Cập của họ đã không đưa ra tất cả các thông tin mà họ thủ đắc trong các cuộc điều tra. Cho đến nay, Ai Cập đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào của cảnh sát liên quan đến cái chết.

- ĐTC bổ nhiệm Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đà Lạt.

Ngày 8/4/2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Đà Lạt.

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh năm nay 62 tuổi, sinh ngày 12/8/1955 tại Cần Thơ, theo học tại Tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt từ năm 1973 đến 1977, rồi học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X Đà Lạt. Ngài thụ phong linh mục ngày 29-5 năm 1994 thuộc giáo phận Đà Lạt. Từ 2003 đến 2009, Cha Nguyễn Văn Mạnh du học Roma và đậu tiến sĩ giáo luật tại Giáo Hoàng Đại học Urbaniana của Bộ truyền giáo. Trở về nước năm 2009, cha Đaminh Mạnh làm Đại diện tư pháp tại giáo phận Đà Lạt.

Giáo phận này hiện có 377.500 tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 1 triệu 250 ngàn dân cư, với 96 giáo xứ, 290 linh mục (166 triều và 124 dòng), 275 tu huynh và 932 nữ tu. Ngoài ra, giáo phận có 76 đại chủng sinh.
Trong nhiệm vụ mới, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh phụ giúp Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, 72 tuổi, và đương nhiên kế nhiệm ngài khi giáo phận trống tòa.

Tiếp tục chương trình Thánh Ca mùa Chay, chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em bài hát Bẩy Lời Cuối Cùng Của Chúa Giêsu Trên Thánh Giá, thơ Từ Linh, nhạc Hải Triều, được trình bày với 4 tiếng hát Bích Hạnh, Phương Thảo, Cẩm Yến và Đình Trinh. Xin mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức!
 
Tòa Thánh cho biết: Bất chấp các vụ khủng bố tại Ai Cập, Đức Thánh Cha không hủy bỏ chuyến tông du đến Cairo
Đặng Tự Do
12:40 10/04/2017
Hôm thứ Hai 10 tháng Tư, Bộ Y tế Ai Cập cho biết các cuộc tấn công hôm Chúa Nhật Lễ Lá, 9 tháng Tư, nhắm vào các tín hữu Kitô trong ngày đầu tiên của Tuần Thánh, đã khiến ít nhất 45 người chết. Có ít nhất 28 người chết và 78 người bị thương trong vụ nổ bom bên trong nhà thờ Thánh George ở thành phố Tanta phía bắc thủ đô Cairo. Tại nhà thờ Thánh Máccô ở Alexandria, 17 người - kể cả dân thường và cảnh sát - đã bị giết và 47 người khác bị thương.

Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã ban hành tình trạng khẩn trương trên toàn lãnh thổ bắt đầu có hiệu lực từ 1 giờ chiều thứ Hai 10 tháng Tư. Ngay sau khi hai vụ tấn công xảy ra, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố nhận trách nhiệm về những hành vi tội ác này. Tuy nhiên, trong diễn văn trên đài truyền hình quốc gia, ông Sisi cáo buộc “một số nước” đã dự phần vào các vụ tấn công hôm Chúa Nhật Lễ Lá, một ám chỉ mà nhiều người cho rằng nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Các vụ khủng bố gần đây và việc ban bố tình trạng khẩn trương tại Ai Cập đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Cairo trong hai ngày 28 và 29 tháng Tư tới đây.

Tuy nhiên, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết mặc dù có những cuộc tấn công khủng bố gần đây chống lại các cộng đồng Kitô giáo thiểu số của Ai Cập, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ không hủy bỏ chuyến thăm của ngài tới Ai Cập.

Nhiều người cho rằng việc bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha là một công tác rất khó khăn tại Ai Cập. Một hình ảnh rất tiêu biểu của Ai Cập là các quảng trường thường được vây bọc bởi các chung cư rất lớn, nơi các lực lượng an ninh có nhiều khó khăn trong việc loại trừ khả năng có những tên bắn tỉa ám sát các nhân vật quan trọng từ xa.

Một phóng viên chiến trường của Reuters nhận xét rằng ở Baghdad bọn khủng bố chất đầy chất nổ lên một chiếc xe tải và lái xe tới đậu ở một chỗ đông người, lén lút ngồi uống cà phê đâu đó, và chờ khi thiên hạ bu quanh chiếc xe thì nhấn remote control cho nổ tung. Ở Cairo, Sinai và các nơi khác bọn khủng bố thường không lén lút như thế. Chúng ngang nhiên kéo cả đám bắn phá vào các nhà thờ, thậm chí tấn công vào các đồn bót cảnh sát, phục kích các đoàn xe của quân đội, đánh xáp lá cà với các lực lượng an ninh như trong một thứ chiến tranh quy ước!

Tại Cairo, cha Rafic Grieche, phát ngôn viên của các giám mục Công Giáo Ai Cập nói:

“Người Ai Cập đang trông chờ chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, mặc dù bầu khí hiện nay rất nặng nề”

Cha Rafic Grieche nói thêm:

“Nhiệm vụ của Đức Giáo Hoàng là ở bên cạnh anh em mình vào thời điểm khó khăn. Bây giờ là thời gian thực sự mà ngài có thể mang lại hòa bình và hy vọng cho toàn thể dân chúng Ai Cập và đặc biệt cho các Kitô hữu Đông phương”

Cha nói mọi người không thoải mái khi bị buộc phải bước qua các máy dò kim loại và các biện pháp an ninh khác trước khi bước vào nhà thờ.

“Tuy không giống như đi đến một nhà thờ bình thường, nhưng chúng tôi cần những biện pháp như thế để giữ an toàn cho người dân”.

Ngài cho biết sau vụ tấn công, ngài đã cử hành Thánh Lễ với hơn 2,000 người.

“Mọi người đã biết về vụ tấn công ở Tanta, nhưng họ không sợ. Vào buổi tối, họ cũng đến cầu nguyện và chầu Mình Thánh Chúa như vẫn làm trong Tuần Thánh” , Cha Grieche nói.
 
Cha Bề trên Cả Dòng Tên bác bỏ lời tố cáo có quan điểm lạc giáo về các sách Tin Mừng
Vũ Văn An
19:51 10/04/2017
Theo tin của tạp chí Crux, Chúa Nhật Lễ Lá, 9 tháng Tư vừa qua, Cha Arturo Sosa Abascal, Bề Trên Cả Dòng Tên, đã lên tiếng với một chương trình tin tức của Ý để bác bỏ các lời tố cáo cho rằng ngài “tương đối hóa” các sách Tin Mừng hoặc mắc lạc giáo tín lý khi, vào hồi tháng Hai năm nay, tuyên bố rằng các lời Chúa Giêsu nói trong Tân Ước cần phải được “bối cảnh hóa”.

Bác bỏ các lời cáo buộc “tương đối hóa” lời lẽ của Chúa Giêsu, và thậm chí lạc giáo tín lý, Cha Bề Trên Cả vẫn duy trì việc ngài nhấn mạnh rằng không ai thu băng Chúa Kitô cả và, do đó, các tuyên bố quy kết cho Người trong Tân Ước, kể cả về hôn nhân, cần được “giải thích”.

Ngài nói: “Tôi không biết tại sao nhiều người đến thế nổi sùng với tôi vì điều tôi nói rằng vào thời Chúa Giêsu, không có người thu băng, vì đó là sự thật”.

Ngài có ý nhắc tới cuộc bàn cãi nổ ra hồi tháng Hai, khi ngài dành cho Giuseppe Rusconi, một nhà báo Thụy Sĩ lão thành chuyên viết về Vatican, một cuộc phỏng vấn dài. Trong cuộc phỏng vấn này, nhà báo Rusconi hỏi Cha Sosa về các nhận định của Đức Hồng Y Gerhard Müller, viên chức đứng đầu tín lý của Vatican, về câu Chúa Giêsu nói về hôn nhân “không ai được phân rẽ điều Thiên Chúa đã kết hợp” và thêm rằng “không quyền lực nào ở trên trời hay dưới đất, không thiên thần hay vị giáo hoàng nào, không công đồng hay luật lệ của các giám mục nào, có khả năng thay đổi nó”.

Phần lớn coi câu trích của Đức Hồng Y Müller như để tỏ ý hoài nghi đối với việc thận trọng mở cửa để người ly dị tái hôn phần đời rước lễ, căn cứ vào văn kiện về gia đình, Niềm Vui Yêu Thương, của Đức Phanxicô.

Cha Sosa nói với nhà báo Rusconi: “ông nên bắt đầu bằng việc suy tư xem Chúa Giêsu thực sự đã nói điều gì. Vào thời đó, không ai có máy thu băng để thu lại lời người ta nói. Điều chúng ta biết được là lời lẽ của Chúa Giêsu cần được bối cảnh hóa, chúng được phát biểu trong một ngôn ngữ nhất định, một môi trường đặc biệt, và chúng được ngỏ với một ai đó chuyên biệt”.

Lời phát biểu trên gây nên một phản hồi sôi động trên các blog Công Giáo nói tiếng Ý, trên đó, một số nhà bình luận tố cáo Cha Sosa chủ trương thuyết duy tương đối đối với Thánh Kinh, xem nhẹ lời lẽ của Chúa Giêsu, vì coi chúng phát xuất từ truyền thống Công Giáo, và thậm chí phạm lạc giáo tín lý.

Hôm Chúa Nhật, Cha Sosa lên tiếng với hãng tin Ý TGCOM24 để bác bỏ các tố cáo đó. Cha nói: “Các sách Tin Mừng được viết ra từ 40 tới 50 năm sau Chúa Giêsu. Truyền thống sớm nhất là truyền khẩu, và các nhân chứng đầu tiên là các tông đồ, các môn đệ, những người bắt đầu thuật lại những điều Chúa Giêsu đã nói.

“Sau đó, các cộng đồng Kitô hữu phát sinh từ trải nghiệm này viết ra các sách Tin Mừng để truyền lại lời lẽ của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta sẽ nói tới sau này.

“Nếu đọc các sách Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy chúng tương tự nhau nhưng cũng khác nhau, vì các cộng đồng mà chúng ngỏ lời với khác nhau. Đây là những bản văn chúng ta biết như là lời Thiên Chúa. Nói thế rồi, ta cũng phải xét tới một điều khác, muốn hiểu điều được viết ra, ta phải hiểu bối cảnh trong đó, nó được viết ra.

“Lời lẽ của Chúa Giêsu phải được hiểu trong bối cảnh của chúng, như được Giáo Hội giải thích trong ý nghĩa đầy đủ. Theo một nghĩa nào đó, các tín lý là kết quả của việc giải thích này của Giáo Hội. Tất cả những điều này giúp chúng ta hiểu tốt hơn”.

Cha Sosa lý luận rằng những người nổi sùng với ngài lầm khi cho các nhận định của ngài có tính “tương đối hóa”. Ngài nói với chương trình tin tức của Ý rằng “Ngược lại mới đúng. Khi chúng ta giải thích, là để hiểu tốt hơn điều Chúa Giêsu nói trực tiếp. Nếu chúng ta hiểu tốt hơn điều Chúa Giêsu nói, thì chúng ta cũng sẽ hiểu tốt hơn phải hành động ra sao giống như Người”.

Hãng tin Catholic World News, ngày 10 tháng Tư, cũng đưa tin Cha Sosa bác bỏ các lời tố cáo lạc giáo. Theo họ, các phát biểu của Cha hồi tháng Hai đã khiến có những khiếu nại chính thức về điều hãng này gọi là “đi ngược lại tín lý Công Giáo”.
 
Hồng Kông: Tân đặc khu trưởng hội kiến Đức Hồng Y Gioan Thang Hán
Chân Phương
21:51 10/04/2017
Hồng Kông: Tân đặc khu trưởng hội kiến Đức Hồng Y Gioan Thang Hán

Hai tuần sau khi đắc cử, tân đặc khu trưởng Hồng Kông - Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã đến hội kiến Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon), giám mục Hồng Kông, tại Trung tâm Công Giáo của giáo phận ở đường Caine Road (Kiên Đạo), Central.

Được bầu lên bởi Ủy ban bầu cử gồm 1200 thành viên với 777 phiếu thuận, Bà Lâm được Bắc Kinh ủng hộ nhưng lại không được biết đến nhiều trong dân chúng Hồng Kông, kể cả người Công Giáo. Đối với nhiều người, bà ấy được xem là ứng viên thân Bắc Kinh.

Thái độ của dân chúng dành cho bà không hề được cải thiện khi mà hồi chiến dịch tranh cử, bà đã đề xuất thành lập một Cơ quan Quản lý Tôn giáo ở Hồng Kông giống như bên Đại lục. Sau khi bị người Công Giáo và Tin lành Hồng Kông phản ứng, bà mới bỏ đi ý định này.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, Đức Hồng Y Thang Hán đã công khai phản đối bà. Tuy nhiên, chuyến thăm lần này dường như sẽ làm tan băng giữa bà và Giáo Hội Công Giáo.

Đức Hồng Y chúc mừng Bà Lâm đã đắc cử, và chúc bà sẽ hết mình phục vụ đất nước Trung Quốc và Hồng Kông khi nhậm chức vào ngày 1 tháng 7 sắp tới đây.

Đáp lời, Bà Lâm cảm ơn Đức Hồng Y Thang Hán vì sự ủng hộ và động viên của ngài, bà nói thêm rằng bà luôn tuân giữ những lời giáo huấn và hướng dẫn của Giáo Hội. Bà cũng kể rằng mình đã được giáo dục tại một trường Công Giáo và luôn đi theo phương châm "Sống bằng sự thật trong tình yêu".

Với tư cách là đặc khu trưởng, bà cho biết chính quyền của bà sẽ bảo vệ các giá trị cốt lõi của Hồng Kông, bao gồm tự do tôn giáo, và tiếp xúc thân thiện với các tổ chức tôn giáo khác nhau để hỗ trợ và giúp đỡ họ phát triển hơn nữa.

Trước đó, không lâu sau khi Bà Lâm đắc cử, Đức Hồng Y Thang Hán đã gửi thư cho bà, ngài bày tỏ hy vọng rằng với vị thế là tân đặc khu trưởng, bà sẽ cố gắng "để chức vụ này được bỏ phiếu phổ thông", đồng thời bảo vệ vẹn toàn sự tự do tôn giáo và sự đa nguyên ở đặc khu hành chính này.

Buổi hội kiến còn có sự tham dự của Đức Giám Mục phó Hồng Kông Micae Dương Minh Chương (Michael Yeung) và Linh mục tổng đại diện Dominic Chan. (AsiaNews 7 tháng 4, 2017)

Chân Phương
 
Top Stories
Inde: La défense de la vache sacrée, symbole de l’idéologie des nationalistes hindous de Narendra Modi
Eglises d'Asie
08:39 10/04/2017
Depuis que Narendra Modi a pris la tête de l’Inde en 2014, les incidents liés à la protection de la vache, un animal sacré dans la religion hindoue, ne cessent de se multiplier. Hautement politisé, cet enjeu sensible et symbolique constitue un point de fixation pour les extrémistes hindous, qui exerce leur influence au sein du BJP, le Parti du peuple indien du Premier ministre Narendra Modi. Au mois de mars dernier, d’importantes victoires électorales régionales ont installé ce parti aux commandes de plusieurs Etats de l’Union indienne, et cette position de force a redonné de l’assurance aux « défenseurs » de la vache. Les initiatives vont bon train : renforcement de législations à l’avantage de l’animal sacré, durcissement des restrictions sur l’abattage bovin et attaques contre des membres de la minorité musulmane accusés de ne pas respecter l’animal sacré.

Le dernier incident en date s’est soldé, la semaine dernière, au Rajasthan, par la mort de Pehlu Khan, un fermier musulman de 55 ans qui a succombé à ses blessures après avoir été passé à tabac par une milice de radicaux hindous ; sur l’autoroute d’Alwar, près de 200 hindous avaient intercepté des chauffeurs de bétaillères musulmans, qui ont tenté en vain de prouver qu’ils transportaient du bétail en toute légalité. La profanation présumée des symboles, en Inde, est prompte à mettre le feu aux poudres. L’un des ministres du gouvernement BJP du Rajasthan, Gulab Chand Kataria, ministre de l’Intérieur, a commenté l’incident : « Les torts sont partagés. Quand ils (les chauffeurs musulmans) savent que le commerce des vaches est interdit au Rajasthan et qu’il existe une loi contre cela, alors pourquoi le font-ils ? » Un ministre du gouvernement fédéral, Mukhtar Abbas Naqvi, ministre des Affaires parlementaires, a quant à lui nié les faits : « Un tel incident n’a en réalité jamais eu lieu. »

Défendre la vache, animal sacré dans l’hindouisme, et promouvoir l’hindutva

Ce genre d’agressions et de meurtres n’est pas nouveau. Depuis deux ans, une dizaine de musulmans ont été lynchés par des foules dans des incidents similaires, soupçonnés d’avoir consommé du bœuf ou d’avoir fait commerce des vaches. Les milices musclées de défenseurs de la vache, qui opèrent sous différents noms et se développent, sont souvent proches des organisations radicales du Sangh Parivar, la grande famille du nationalisme hindou dont le BJP représente l’aile politique et le visage modéré. Leur objectif est clair : la défense de l’hindutva, l’idéologie des nationalistes hindous qui prône le rayonnement d’une nation indienne fondée sur la culture hindoue.

Au nom de la religion, cette insistance sur le caractère sacré de la vache détourne pourtant des réalités historiques et économiques. De grands historiens indiens ont brisé le mythe, en démontrant que les hindous consommaient du bœuf dans l’Inde ancienne, alors que les courants de l’hindutva prétendent que la pratique serait arrivée bien plus tard, avec les conquérants musulmans. Enfin, l’abattage bovin est également aujourd’hui une source importante de revenus en Inde, pays exportateur de cette viande.

Les nationalistes hindous tentent néanmoins d’intégrer la protection des vaches au quotidien d’un pays qui abrite différentes minorités religieuses. L’Etat du Rajasthan, dirigé par le BJP, a installé un « ministère de la vache ». Certains leaders ont même demandé que la vache devienne l’animal national. Et les « gaushala », les refuges pour vaches sacrées, prennent désormais l’allure de temples pour les extrémistes hindous.

En outre, quand le nouveau dirigeant de l’Uttar Pradesh, Etat de 200 millions d’habitants où se concentre l’industrie bovine, est un prêtre hindou radical réputé pour ses tirades antimusulmanes, les tensions se crispent immédiatement sur le sujet de la vache. Depuis le mois de mars, le yogi Adityanath tente ainsi de faire fermer les abattoirs qui fonctionnent sans permis. Ses directives ont donné lieu à des attaques de boucheries musulmanes qui ont été incendiées et à un regain de tensions dans ce secteur d’activité.

Regain des tensions communautaires

Ce nouveau dirigeant ne cache pas qu’il aimerait interdire complètement l’abattage bovin, une mesure également prônée par son parti du BJP qui a toujours milité pour une prohibition de l’abattage de vache. Les 21 Etats sur les 29 de l’Union indienne qui interdisent l’abattage des vaches ont donc récemment durci leurs règles et leurs sanctions en la matière. La semaine dernière, c’était au tour du Gujarat, région natale de Narendra Modi, qui en fut aussi le dirigeant avant de prendre la tête du pouvoir central à New Delhi. Désormais, une peine de prison à vie peut sanctionner l’abattage de l’animal sacré (la loi précédente prévoyait une peine de sept ans d’emprisonnement). « La vache n’est pas un animal, a déclaré le ministre de la Justice Pradipsinh Jadeja. C’est le symbole de la vie universelle. »

Derrière cette guerre de la vache, les tensions communautaires guettent. Pour un hindou radical, le sujet est prétexte à s’en prendre à un musulman. Ses brigades sont promptes à s’enflammer et à châtier à la moindre rumeur colportant la mort d’une vache. Alimentée par la complexité des règles en place, la confusion entre buffles, bœufs et vaches nourrit aisément les tensions intercommunautaires. Un Etat comme l’Uttar Pradesh, où la minorité musulmane est importante (20 % de la population), avec par ailleurs les « intouchables » qui consomment eux aussi de la viande de bœuf, est un terrain très sensible. La région de Muzaffarnagar, notamment, avait été le théâtre d’émeutes interreligieuses en 2013. Et le yogi Adityanath a confirmé que son parti tiendrait sa promesse de construire un temple à Ayodhya, un site disputé où la destruction d’une mosquée avait donné lieu, en 1992, à de sanglants affrontements entre hindous et musulmans.

Pour les minorités, l’opposition et les mouvements laïcs, la défense de la vache cache mal une intolérance croissante orchestrée par le fondamentalisme hindou. Ils y voient une hostilité à peine voilée à l’égard des minorités religieuses. Et la marque de l’assurance du BJP qui, porté par ses succès électoraux, ne cesse de se renforcer.

Vendredi dernier, la Cour suprême a réagi, demandant au gouvernement de six Etats de l’Union de répondre d’ici trois semaines aux incidents violents perpétrés par les brigades de défense de la vache. (eda/vd)

(Source: Eglises d'Asie, le 10 avril 2017)
 
Vietnam, China hiding deadly secret on execution figures, Amnesty International reveal
Debra Killalea,news.com.au
19:38 10/04/2017
APRIL 11, 201711:20AM -- IT has become a popular tourist hotspot for intrepid Australians with idyllic beaches, historic sites and a rich yet brutal history.

But behind the picture perfect postcards and scenery, Vietnam has been hiding a deadly secret from the world.

The Asian nation has been named and shamed in Amnesty International’s 2016 global review of the death penalty report for its shockingly high execution rate.

Figures reveal Vietnam executed 429 people between 6 August 2013 and 30 June 2016.

However the figures obtained from Vietnam’s Ministry of Public Security, and which recently came to light, do not contain a breakdown of figures for 2016.

Only China, which killed at least 3000, and Iran, 567, executed more people during the same period.

Amnesty International’s secretary-general Salil Shetty said the Vietnamese figures were appalling and questioned what the nation was hiding by not revealing how many people it executed last year.

Figures reveal the surprising amount of people executed in Vietnam. Picture: Hoang Dinh Nam/AFP

Figures reveal the surprising amount of people executed in Vietnam. Picture: Hoang Dinh Nam/AFPSource:AFP

“The magnitude of executions in Vietnam in recent years is truly shocking,” he said.

“This conveyor belt of executions completely overshadows recent death penalty reforms.

“You have to wonder how many more people have faced the death penalty without the world knowing it.”

Like China, data on the use of the death penalty in Vietnam is classified as a state secret.

Little or no information was also available on other countries including Laos, North Korea, Syria and Yemen.

The Death Sentences and Executions 2016 report also singled out Malaysia where parliamentary pressure last year led to revelations that more than a thousand people are on death row, with nine people executed in 2016.

The eye-opening report revealed that 1032 recorded executions took place worldwide in 2016, down 37 per cent compared to the year before with 1634 people killed.

The report found Iran, Saudi Arabia, Iraq and Pakistan joined China as world’s top five executioners in 2016, not taking into account Vietnam’s unknown figures for the year.

It revealed the methods of execution included beheading, hanging, lethal injection and shooting.

China has been slammed in the Amnesty International death penalty report over its lack of transparency. Picture: VCG/VCG/Getty Images

China has been slammed in the Amnesty International death penalty report over its lack of transparency. Picture: VCG/VCG/Getty ImagesSource:Getty Images

‘MISLEADING’ CHINA

The Asian powerhouse was once again singled out as the world’s biggest executioner, with the human rights group conservatively estimating at least 1000 were killed last year alone.

It said secrecy surrounding death penalty figures and transparency made accurate figures difficult to determine.

An Amnesty International’s investigation revealed hundreds of documented death penalty cases are missing from a national online court database that was initially touted as a “crucial step towards openness”.

Beijing also uses the database as evidence that the country’s judicial system has nothing to hide.

However Amnesty said the database contains only a tiny fraction of the thousands of death sentences that it estimates are handed out every year in China.

Amnesty found public news reports of at least 931 individuals executed between 2014 and 2016.

But — of those, only 85 were listed in the state database, leading to questions as to why the others weren’t listed.

Death penalty in numbers: How countries stack up around the world. Picture: Amnesty International

Death penalty in numbers: How countries stack up around the world. Picture: Amnesty InternationalSource:Supplied

The human rights group also said the database does not include foreign nationals given death sentences for drug-related crimes — with media reports revealing at least 11 executions took place last year.

“The Chinese government uses partial disclosures and unverifiable assertions to claim progress in reducing the number of executions yet at the same time maintains near absolute secrecy. This is deliberately misleading.” Mr Shetty said.

“China is a complete outlier in the world community when it comes to the death penalty, out of step with international legal standards and in contravention with repeated UN requests to report how many people it executes.”

Amnesty also said the risk of people being executed for crimes they did not commit has caused increasing alarm among Chinese citizens and highlighted several cases of wrongful conviction as proof the system was seriously flawed.

Last December, the Supreme People’s Court overturned the wrongful conviction of Nie Shubin who was executed 21 years earlier, at the age of 20. Chinese courts also decided four people facing the death penalty were innocent and quashed their death sentences last year.

Death by firing squad is used in countries including China, North Korea and Indonesia. Picture: Amnesty International

Death by firing squad is used in countries including China, North Korea and Indonesia. Picture: Amnesty InternationalSource:Supplied

‘EYE OPENING REPORT’

Speaking to news.com.au, Amnesty’s Individuals at Risk Program Coordinator Rose Kolak said while the number of executions worldwide were down, this year’s report was still alarming.

“Just over 1000 people executed this year is down compared to more than 1600 executed last year, but it’s still over 1000 people too many,” she said.

Ms Kolak said Vietnam’s execution figures over the last few years was particularly concerning and also singled out China over its lack of transparency.

She said there were still 46 crimes which Chinese people could be executed for ranging from bribery to counterfeit.

“Vietnam is in our region and is somewhere Australians go on holidays,” she said.

She said the fact that Vietnam has executed people under our noses should ring alarm bells and argued the state secret excuse for not revealing its execution figures was flawed.

“The state secret excuse is a way of not allowing anyone to know what’s happening,” she said.

“It’s deliberate cold-blooded killing by a government in its name and it’s not justice but vengeance.

“Governments are choosing to kill and execute that’s the bottom line.”

The United States also raised concerns in the report.

Lethal injection is used to execute people in China, the United States and Vietnam. Picture: Amnesty International

Lethal injection is used to execute people in China, the United States and Vietnam. Picture: Amnesty InternationalSource:Supplied

While noting its execution figures had dropped to 20 last year, Ms Kolak highlighted how a “killing spree” is set to take place in the US state of Arkansas.

Eight people are set to be executed at the end of the month before drugs used in lethal injections expired.

“That’s eight doses of a three-drug administration that have to be used before they expire at the end of this month,” she said.

“It just goes to show the level of callousness we are talking about.”

Ms Kolak said there was no evidence to suggest that the death penalty was a deterrent to committing crime in the countries which had the death penalty.

She said Canada had abolished the death penalty in the 1970s and its homicide figures had since halved.

“Amnesty has been campaigning for an end to the death penalty for more than 40 years and 104 countries have abolished it during this time,” she said.

Ms Kolak said Amnesty wanted to see the death penalty abolished globally and the death penalty remained a cruel and inhumane form of punishment.

(Source: http://www.news.com.au/travel/travel-updates/incidents/vietnam-china-hiding-deadly-secret-on-execution-figures-amnesty-international-reveal/news-story/d0c7df7f07a0f1d91b47ac890ece4e15>

debra.killalea@news.com.au
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phú Bình Sàigòn : Chúa Nhật Lễ Lá
Martino Lê Hoàng Vũ
09:03 10/04/2017
Giáo xứ Phú Bình Sàigòn : Chúa Nhật Lễ Lá

Ngày 9.4.2017,cùng với toàn thể Giáo Hội trên thế giới,giáo xứ Phú Bình đã bước vào Tuần Thánh với Chúa Nhật Lễ Lá.

Xem Hình

Thánh lễ dành cho thiếu nhi vào lúc 7 giờ sáng do cha phó Giuse Nguyễn Cảnh Thịnh chủ tế.Trong phần thứ nhất; làm phép và kiệu lá trước cửa nhà an nghỉ.Các em thiếu nhi và cộng đoàn đã đi kiệu diễn tả khung cảnh Đức Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem, dân chúng cằm cành là trên tay tôn vinh chúc tụng Ngài.Cha phó mở đầu Nghi thức với cộng đoàn bằng những lời sau : Đức Giêsu vào thành Giêrusalem được dân chúng tôn vinh là vị vua,vị vua cỡi trên lưng lừa.Nhưng người ta hiểu Đức Giêsu làm vua theo nghĩa chính trị,Ngài sẽ giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của người La Mã.Đức Giêsu là vị vua hiền lành, khiêm hạ,vua của tình yêu và phục vụ,Ngài tiến vào thành để hoàn tất chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa,vị vua chịu mọi đau khổ và cái chết trên thập giá.

Trong phần thứ hai của thánh lễ,cha phó Giuse và hai anh Huynh trưởng đọc bài thương khó và các em thiếu nhi minh họa theo bài thương khó,diễn lại cảnh Đức Giêsu bị bắt,bị đánh đòn,vác thập giá và chịu chết.

Chia sẻ với các em thiếu nhi,cha phó khai triển mầu nhiệm đau khổ chịu chết của Đức Giêsu.Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta.Trong cuộc thương khó của Đức Giêsu,có sự phản bội của Phêrô và Giuđa,sự gian dối,đố kị ghen ghét của giới lãnh đạo Do thái,sự yếu đuối của Philatô,sự dửng dưng vô cảm của dân chúng,và các tông đồ thì sợ sệt trốn chạy hết... Và trong số những người đó có tôi và anh chị em,có cả các em thiếu nhi.Vì tội lỗi của chúng ta mà Đức Giêsu chịu chết.Nhưng trong cuộc thương khó trên hết là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.Trong Tuần Thánh này,khi suy ngắm sự thương khó của Đức Giêsu, chúng ta cần biết lắng nghe và thực hành Lời Ngài,sống quan tâm đến bạn bè và biết giúp đỡ mọi người.Chúng ta cùng tham dự tuần thánh này thật sốt sắng và tích cực để dâng những hy sinh thiệt thòi trong vui chơi,thời giờ quý báu để kết hiệp với Đức Giêsu trên thánh giá.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Giới trẻ giáo xứ Bình Khánh, GP Xuân Lộc tĩnh tâm mùa chay
Giáo xứ Bình Khánh
09:17 10/04/2017
GIỚI TRẺ GIÁO XỨ BÌNH KHÁNH TĨNH TÂM MÙA CHAY

Vừa qua tại giáo xứ Bình Khánh, giáo phận Xuân Lộc đã trao tặng 120 phần quà do nhà hảo tâm thuộc giáo hạt Hố Nai và Long Thành trao tặng. Sáng nay, Chúa Nhật Lễ Lá ngày 9/4/2017 giáo xứ lại tiếp tục tặng thêm 40 phần quà cho những gia đình khó khăn trong xã Bình Lộc (không phân biệt lương giáo). Được biết các phần quà trên do gia đình chị Ánh Dung tại thị xã Long Khánh và một nhà hảo tâm xin được dấu tên tài trợ.

Xem Hình

Song hành với các hoạt động bác ái, giáo xứ cũng tổ chức buổi tĩnh tâm dành cho giới trẻ. Với chủ đề: “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân” của Hội Đồng Giám Mục năm 2017. Đây cũng là hoạt động thường niên được tổ chức đã 4 năm nay.

Dưới sự chủ tọa của cha Phêrô Phan Khắc Giữa là linh mục chánh xứ, đồng hành cùng các em còn có 6 thầy từ Đại Chủng Viện Thánh Giuse. Trong không khí gợi mở và sôi nổi các em cùng nhau thảo luận hai chủ đề:
1. Định hướng nghề nghiệp: Vấn đề tương lai đối với vật chất và đời sống đức tin.
2. Vấn đề lập gia đình: Sự chuẩn bị, dung hòa các mối quan hệ và giáo dục con cái.

Các bạn giới trẻ được chia làm ba nhóm để thảo luận, chia sẻ và viết bài thu hoạch. Đan xen trong buổi thảo luận, để giảm bớt áp lực, các bạn được tổ chức cho tham gia các trò chơi vận động làm giúp không khí thêm vui tươi và hào hứng hơn. Qua đây giúp cho giới trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn đến định hướng phát triển tương lai sau này của mình.

Trong dịp này các em đã được thầy Phaxico xavie Nguyễn Văn Thi giảng viên đại học Văn Hiến, thầy là một tấm gương sáng cho một nghị lực biết vượt qua khó khăn, không ngừng vươn lên trong cuộc sống chia sẻ kinh nghiệm như sau:

Với chủ đề 1: để xây dựng một tương lai tốt đẹp các bạn trẻ phải:
- Trong niềm cậy trông vào Chúa các bạn phải mạnh dạn làm việc, mạnh dạn làm giàu.
- Biết thay đổi bản thân, tự tin với bản thân mình.
- Chăm chỉ, siêng năng và không ngừng cố gắng.
- Kiên định có ý thức, có nghị lực.

Với chủ đề 2: để xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững thì cần phải:
- Các bạn trẻ phải tìm hiểu thật kỹ nhau trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Biết xây dựng đức tin trong đời sống hôn nhân Kitô giáo.
- Luôn khoan dung, yêu thương vô bờ bến và biết nhường nhịn nhau trong các mối quan hệ với gia đình.
- Luôn dành thời gian cho gia đình.
- Phải làm lụng để tạo ra của cải và biết tiết kiệm để phòng rủi ro và bền vững cho tương lai.

Ngoài ra các bạn còn được bác Batolomeo Nguyễn Quang Phi chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục con cái trong xã hội ngày nay.

Sau buổi tĩnh tâm Cha Phero đã đúc kết như sau: “Để thành công trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống thì ta luôn luôn đừng bao giờ quên Chúa. Chúa luôn nói với chúng ta qua các dấu chỉ của Ngài thông qua các việc làm hàng ngày, nếu mọi người biết chú ý”.

Chia sẻ về buổi tĩnh tâm, bạn Nguyễn Trọng Bình, không tôn giáo ở Bà Rịa – Vũng Tàu theo bạn đồng nghiệp ở thành phố về tham dự nói: “Chúc mừng giáo xứ đã tổ chức một buổi hoạt động thành công. Đây là môi trường tốt cho các bạn trẻ trau dồi, định hướng cũng như hiểu rõ thêm về đời sống hôn nhân. Từ đó, xác định được những mục tiêu cần làm, có thái độ đúng đắn để có thể chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân.

Buổi hoạt động cũng là sân chơi lành mạnh, giúp giới trẻ có thêm niềm vui qua các trò chơi vận động, giúp giảm bớt áp lực trong cuộc sống”.

Bạn Maria Nguyễn Thùy Tiên Anh, một bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân tâm sự: “Cảm ơn cha đã tổ chức buổi tĩnh tâm ngày hôm nay, nhờ đó con nhận biết mình cần phải có sự chuẩn bị nhiều thứ cho cuộc sống hôn nhân sắp tới mà trước đây con chưa nghĩ tới.”

Đang làm việc tại một ngân hàng thành phố, bạn Maria Trần Ngọc Huệ đã chia sẻ kinh nghiệm giúp giảm áp lực trong công việc như sau: “Khi chán nản nhất thì nghĩ đến lý do mình bắt đầu công việc này. Phải nghĩ đến gia đình và những người mình yêu thương mà ra sức phấn đấu vượt qua, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp nếu ta luôn biết cầu nguyện và tin tưởng Chúa luôn ở cùng mình.”

Buổi tĩnh tâm khép lại sau lời cảm ơn và lời hứa quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp làm nền tảng bền vững cho đời sống hôn nhân sau này. Giới trẻ của giáo xứ luôn chờ đợi một buổi tĩnh tâm nhiều bổ ích ở những năm về sau.

Mùa chay là khoảng thời gian để chúng ta cùng dừng lại, sống chậm đi, suy nghĩ thấu đáo và yêu thương nhiều hơn. Chúng con xin dâng cho Chúa tất cả những thiếu sót của bản thân mình, để cố gắng xây dựng một con người mới, canh tân đời sống đức tin sao cho xứng đáng với tình yêu bao la của Chúa và đón mừng Chúa Phục Sinh.

Ban Truyền Thông Giáo xứ Bình Khánh
 
Hình ảnh chuẩn bị Đại Hội Suy Tôn Lòng Chuá Thương Xót lần thứ 17 tại Long Beach, CA.
Trần Mạnh Trác
11:30 10/04/2017
Xem hình ảnh

Tiếp tục một truyền thống tốt đẹp từ nhiều năm qua, năm nay Phụ Tỉnh Dòng Chuá Cứu Thế Hải Ngoại lại tổ chức Đại Hội Suy Tôn Lòng Chuá Thương Xót lần thứ 17 vào Chuá Nhật 23 tháng 4 tới, vẫn tại địa điểm cũ là vận động trường The Walter Pyramid, 1250 N. Bellflower Blvd, Long Beach, CA 90840.

Năm nay có 5 điểm đặc biệt:

-Nhân dịp năm thánh Fatima, Đại Hội sẽ cung nghinh thánh tượng Fatima Thánh Du quốc tê đến.
-Sẽ có xương cuả 2 vị thánh mục đồng: Th. Phanxicô Martô và Th. Giaxinta Martô, tức là hai trong 'ba trẻ' được thị kiến Đức Mẹ hiện ra.
-Vẫn có xương cuả thánh Faustina Kowalska, vị tông đồ Lòng Chuá Thương Xót.
-Sẽ có sự hiện diện cuà Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên giám mục giaó phận Kontum, chủ tế thánh lễ đại trào.
-Nhà giảng thuyết về sứ điệp Fatima là linh mục Matthew Nguyễn Khắc Hy, dòng Xuân Bích.

Để chuẩn bị cho biến cố trọng đại này, người ta đã thấy rất nhiều hoạt động nhộn nhịp đang diễn ra tại nhà dòng, DCCT, Long Beach.

Tưởng cũng nên nhắc lại một điều tối quan trọng nữa, đó là tuy vận động trường The Water Pyramid là lớn, nhưng vì lý do an toàn cho nên nhân viên an ninh chỉ phát đủ số vé và đóng cứa sau khi phát xong, thường là trước 8g sáng. Xin mọi người nhớ đến sớm.


 
Lễ Lá đầu tiên của cộng đoàn Việt Nam tại giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức, Montclair, CA ngày 09/04/2017
VietCatholic Network
23:46 10/04/2017


Lễ Lá tại giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức (Our Lady of Lourdes)

Vào lúc 4 giờ chiều Chúa Nhật, ngày 9 tháng Tư, 2017, cộng đoàn Việt Nam tại giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức, đã cử hành Lễ Lá tại ngôi Thánh Đường tuy nhỏ bé nhưng rất ấm cúng của giáo xứ trên đường Central Ave, thành phố Montclair, CA, USA.

Trước giờ Thánh Lễ, Cha Anthony Nguyễn Bá Tòng, Quản Nhiệm Cộng Đoàn, đã cùng với khoảng gần 200 giáo dân quy tụ ở cuối Thánh Đường. Sau khi khai mạc tuần Thánh với nghi thức làm phép Lá và công bố Tin Mừng, Cha Anthony đã cùng với cộng đoàn rước lá vào Nhà Thờ và sau đó cử hành Lễ Lá với tâm tình thống hối ăn năn về cuộc khổ nạn của Chúa Giê su, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị để cùng với toàn thể Giáo Hội đón mừng Đại Lễ Phục Sinh của Ngài.

Được biết Cộng đoàn Việt Nam tại giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức, thuộc giáo phận San Bernadino, vừa được thành lập chưa đầy một năm. Vì thế, đây là lần đầu tiên Lễ Lá được cử hành bằng tiếng Việt Nam tại giáo xứ này. Nguyện xin Thiên Chúa Nhân Từ, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Lộ Đức, xót thương và ban cho giáo dân của cộng đoàn mới này được nhiều ơn lành hồn xác và được bước vào Tuần Thánh trong tâm tình sốt sắng.

Lưu Văn Lễ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Các quan điểm Do Thái và Kitô Giáo về tính bổ túc nam nữ (tiếp theo)
Vũ Văn An
01:15 10/04/2017
II. Quan điểm Do Thái Giáo

Người ta vẫn coi quan điểm của Giáo Hội Baptist Miền Nam Hoa Kỳ là cổ vũ tính bổ túc chứ không cổ vũ tính bình đẳng nam nữ. Một số hệ phái Kitô Giáo khác cũng nghiêng về phía nhấn mạnh tới các dị biệt nam nữ để chứng minh tư cách “làm đầu” của người đàn ông.

Thực thế, tại Hội Thoại Humanum, Henry B. Eyring, Chủ Tịch Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô của Các Thánh Ngày Sau Hết (Mormon), cũng nhấn mạnh tới các dị biệt nam nữ, ngầm cho thấy vai trò đứng đầu của người đàn ông. Ông nói: “chúng tôi (vợ chồng ông) đã bổ túc cho nhau vượt quá bất cứ điều gì chúng tôi có thể tưởng nghĩ. Khả năng chăm dưỡng người khác của nàng lớn lên trong tôi khi chúng tôi trở nên một. Khả năng đặt kế hoạch, điều khiển và lãnh đạo trong gia đình chúng tôi lớn lên trong nàng khi chúng tôi kết hợp trong hôn nhân. Tôi hiểu ra rằng chúng tôi cùng lớn lên thành một, từ từ nâng cao và lên khuôn lẫn nhau, năm này qua năm nọ. Khi hút tỉa sức mạnh của nhau, việc này không hề làm giảm các ơn phúc bản thân của chúng tôi”.

Tổng giám mục Nicholas Okoh của Hiệp Thông Anh Giáo Nigeria, trong bài phát biểu tại Hội Thoại Humanum, cho rằng người đàn ông phải đứng đầu gia đình và trong Giáo Hội, dù Hiệp Thông Anh Giáo đã phong chức giám mục cho phụ nữ. Ngài ủng hộ lập trường của Craig Blomberg trong cuộc tranh luận về tư cách đứng đầu của đàn ông, khi cho rằng “dù một số người viết hoàn toàn tách biệt các vấn đề trong gia đình với các vấn đề trong Giáo Hội, đa số đồng ý rằng [Giáo Hội] khởi đầu vốn rập khuôn theo [gia đình]. Học hỏi hơn nữa về kế sách của Thiên Chúa dành cho các người chồng và các người vợ, ta sẽ có thể có lý khi từ đó suy ra các vai trò của đàn ông và đàn bà trong cộng đồng tín hữu”. Tư cách đứng đầu gia đình được dành cho người đàn ông; điều này đúng cho cả hôn nhân và gia đình Kitô Hữu lẫn hôn nhân và gia đình truyền thống.

Tóm lại, tuy nhiều Giáo Hội thệ phản phong chức linh mục và cả giám mục để đứng đầu các Giáo Hội địa phương, nhưng họ lại có khuynh hướng hiểu nghĩa bổ túc nam nữ không theo nghĩa hợp tác hay cùng tùng phục lẫn nhau như Công Giáo mà nhấn mạnh tới liên hệ cầm đầu (nam) và phục tùng (nữ).

Do Thái Giáo thì sao? Xem ra cũng không khác gì. Thánh Kinh của họ vốn ghi rõ ở Sáng Thế Ký 3:16: “Ngươi [người đàn bà] sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi”.

Tuy nhiên, có người (xem The Role of Women, tại mechon-namre.org) cho rằng vai trò của người đàn bà trong Do Thái Giáo truyền thống đã bị giải thích và hiểu lầm một cách thô thiển. Thực ra vị trí của người đàn bà không thấp hèn như nhiều người hiện đại vốn nghĩ. Thực vậy, địa vị người đàn bà trong halakhah (Luật Do Thái) đã có từ thời Thánh Kinh tốt hơn địa vị của người đàn bà trong luật dân sự Hoa Kỳ của thế kỷ trước. Nhiều lãnh tụ quan trọng của phong trào nữ quyền thế kỷ 20 như Gloria Steinem và Betty Friedan là phụ nữ Do Thái.

Trong Do Thái Giáo truyền thống, đàn bà phần lớn được coi là tách biệt nhưng bình đẳng. Các nghĩa vụ và trách nhiệm của họ khác với đàn ông, nhưng không kém quan trọng.

Thực vậy, sự bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà có nguồn gốc tối cao là chính Thiên Chúa. Người Do Thái luôn coi Thiên Chúa có cả các phẩm tính nam và phẩm tính nữ. Gọi Người theo giống đực chỉ là để thuận tiện, vì tiếng Hípri vốn không có hạn từ trung tín. Thiên Chúa không thuộc giống đực hơn chiếc bàn chiếc ghế.

Phần lớn các học giả Do Thái cho rằng theo Sáng Thế 1:27, Thiên Chúa dựng nên “con người” với phái tính đôi, sau đó, mới tách thành nam và nữ.

Người đàn bà, trong Do Thái Giáo truyền thống, có khi còn được coi là trổi vượt hơn đàn ông, như được phú bẩm nhiều “binah”, tức trực giác, hiểu biết, trí hiểu, hơn đàn ông, vì các rabbi cho rằng họ được “xây thành” (St 2:22) chứ không “nặn ra” (st 2:7) như đàn ông. Mà gốc của chữ xây, trong tiếng Hípri có cùng các phụ âm như chữ “binah”. Họ cũng cho rằng các tổ mẫu Xara, Rêbécca, Raken và Lêa có khả năng nói tiên tri cao hơn các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp. Phụ nữ không thờ Bò Vàng và gần gũi lý tưởng của Thiên Chúa hơn đàn ông.

Họ cũng chiếm giữ nhiều chức vụ đáng kính trong Do Thái Giáo từ thời Thánh Kinh: Miriam được coi là một trong các nhà giải phóng của Con Cái Israel, cùng với các anh trai mình là Môsen và Aaron. Một trong các Phán Quan là phụ nữ (Đêbôra). Bẩy trong 55 tiên tri trong Thánh Kinh là đàn bà.

Mười Điều Răn nhắc đến cả cha lẫn mẹ. Tuy người cha được nhắc đến trước trong Xh 20:12, nhưng mẹ đã được nhắc đến trước trong Lv 19:3. Nhiều nguồn truyền thống coi việc đảo ngược này nhằm nhấn mạnh rằng cả hai cha mẹ đều được tôn kính bằng nhau.

Tất nhiên có nhiều xem xét tiêu cực về phụ nữ, nhất là trong văn chương Talmud. Đàn ông được khuyên không nên kết giao với phụ nữ. Nhưng việc này liên quan đến tính “dê” của đàn ông nhiều hơn, chứ không phải vì phụ nữ xấu xa. Phụ nữ được khuyên không nên theo đuổi việc học cao đẳng hay các chức vụ tôn giáo, nhưng việc này chỉ là để họ không sao lãng các bổn phận hàng đầu của họ là làm vợ và làm mẹ. Các rabbi không sợ đàn bà ít tâm linh, họ chỉ sợ đàn bà quá tâm linh mà thôi.

Trong Do Thái Giáo truyền thống, quyền lợi phụ nữ cao hơn phụ nữ Tây Phương ít nhất cho tới thế kỷ 20: họ được quyền mua, bán và sở hữu tài sản, ký khế ước riêng.

Đã đành, vai trò hàng đầu của họ là làm vợ và làm mẹ, nhưng Do Thái Giáo truyền thống coi rất trọng các vai trò này và ảnh hưởng tâm linh của chúng đối với gia đình họ: người đàn ông đạo đức mà lấy phải người đàn bà xấu xa, anh ta sẽ trở thành kẻ xấu xa; trái lại, người đàn ông xấu xa lấy được người đàn bà đạo đức, anh ta sẽ trở thành người đạo đức. Đứa con của một phụ nữ Do Thái Giáo và một người đàn ông ngoại giáo là người Do Thái Giáo vì ảnh hưởng tâm linh của người mẹ; đứa con của một người đàn ông Do Thái Giáo và một người đàn bà ngoại giáo không phải là người Do Thái Giáo. Phụ nữ được miễn các giới luật (mitzvoth) tích cực [“ngươi hãy”] phải thực hiện trong những thời khắc nhất định vì bổn phận làm mẹ và làm vợ của họ quan trọng hơn.

Phần lớn các hiểu lầm về vai trò của phụ nữ phát sinh từ phạm vi trên, coi chúng như các ngăn cấm. Thực ra, tuy không buộc phải thực hiện các mitzvot trên, họ vẫn có thể thực hiện nếu họ muốn. Thứ hai, vì việc miễn chước trên có liên quan đến hội đường, nên nhiều người cho rằng phụ nữ không có vai trò gì trong sinh hoạt tôn giáo của Do Thái Giáo. Thực ra không hẳn thế, vì sinh hoạt tôn giáo của Do Thái Giáo không xoay quanh hội đường mà là xoay quanh gia đình, nơi vai trò của đàn bà không kém quan trọng như đàn ông.

Thực vậy, ở đấy, có ba mitzvot được dành cho phụ nữ đó là nerot (đốt nến để khởi đầu ngày Sabát), challah (tách riêng một phần bột đã nhào) và niddah (nằm riêng khi có kinh).

Tiện đây, cũng nên hiểu bản chất của mitzvot trong Do Thái Giáo và sự tách biệt đàn ông đàn bà. Do Thái Giáo vốn cho rằng bản chất con người là nổi loạn chống lại uy quyền; nên ai làm một điều gì đó vì được truyền lệnh phải làm thì được coi có công trạng nhiều hơn người làm điều gì đó vì tự quyết định làm. Hơn nữa, motzvot vốn được coi là một đặc ân ban cho dân Israel, nên càng nhiều mitzvot để buộc phải tuân giữ, ta càng có nhiều đặc ân hơn.

Vì đàn bà không buộc phải thi hành một số mitzvot, nên việc giữ các mitzvot này không tính vào công trạng của họ. Và vì họ bị đòi hỏi thi hành ít motzvot hơn đàn ông, nên đàn bà được coi là ít công trạng hơn đàn ông. Chính trong bối cảnh này, mà người đàn ông ca ngợi Thiên Chúa vì “đã không tạo nên con làm đàn bà”. Lời cầu nguyện này không hề hàm ý làm đàn bà là điều tồi tệ, mà chỉ có nghĩa làm đàn ông “diễm phúc” hơn vì nhiều nghĩa vụ hơn.



Còn về việc đàn ông đàn bà cầu nguyện ở các nơi khác nhau, và nếu cùng một nơi thì phải cách nhau tấm màn mechitzah, thì có hai lý do: thứ nhất, để khi cầu nguyện, mấy ông khỏi chia trí về mấy cô gái đẹp; thứ hai để tránh hoạt động tính dục hay làm tình hội đồng (orgies) trong lúc thờ phượng như thói quen của các tôn giáo ngoại đạo cùng thời với Do Thái Giáo. Tóm lại là vì “yếu điểm” của đàn ông. Hơn nữa, nên nhớ sinh hoạt tôn giáo, đối với Do Thái Giáo không chỉ diễn ra nơi hội đường, mà thẩm thấu mọi khía cạnh của đời sống, mọi điều bạn làm, từ lúc thức dậy vào buổi sáng tới lúc bạn vào giường, từ những gì bạn ăn đến quần áo bạn mặc và công việc làm ăn bạn quản trị.

Thực ra, Do Thái Giáo không đơn giản chỉ có hình thức cổ truyền mà nhiều hình thức đã xuất hiện. Chính vì thế, có khá nhiều lập trường về liên hệ nam nữ.

Theo trang mạng mishpacha.org, không phạm vi nào trong đời sống Do Thái đã trải qua một biến đổi triệt để như phạm vi các vai trò phái tính. Nó đã trở thành chất nam châm thu hút một cuộc tranh luận nẩy lửa và những chia rẽ sâu xa nhất trong thế giới Do Thái Giáo.

Chủ trương của Do Thái Giáo cổ truyền đã được trình bầy ở trên. Qua thời cận đại, càng ngày biên giới phân biệt nam nữ, kể cả trong phụng vụ, càng mờ nhạt đi. Hiện nay, nhiều phụ nữ tiến vào cả lãnh vực nghiên cứu Torah, vốn dành cho nam giới trước đây, nhiều người trở thành học giả về Torah. Năm 1983, Phong Trào Bảo Thủ còn tấn phong phụ nữ làm rabbi. Do Thái Giáo Cải Cách thiết lập nguyên tắc trung tính về phái tính (gender neutrality) cả mấy thập niên trước Phong Trào Bảo Thủ. Họ phong rabbi cho phụ nữ từ năm 1972 và các buổi thờ phượng bình đẳng đã diễn ra nhiều năm trước đó.

Về tương quan nam nữ, theo Rebbetzin Tziporah Heller, truyền thống truyền khẩu Do Thái cho rằng: Thiên Chúa khởi đầu dựng nên một con người đầy đủ có cả nam lẫn nữ. Rồi Người thấy điều ấy không tốt, vì nếu như thế, anh ta sẽ có ảo tưởng tự mãn về chính mình. Một tự mãn như thế mâu thuẫn với ý niệm Thiên Chúa là nguồn của mọi sự. Nên Thiên Chúa đã tách con người thành hai người riêng rẽ để tạo ra một tình huống lành mạnh gồm cả lệ thuộc, khát mong và hiến tặng hỗ tương. Người không muốn để các con người nhân bản hiện hữu một mình vì như thế, họ không có ai để cho đi, không có ai để lớn lên với, và không có gì để cố gắng đạt tới.

Nhưng nếu thế, chỉ cần hai con người giống hệt như nhau là được rồi, đâu cần phải khác nhau thành nam nữ? Câu trả lời là: để tối đa hóa việc cho đi, người nhận phải khác với người cho. Nếu là hai người hoàn toàn như nhau, việc cho đi vẫn có thể diễn ra, nhưng một cách giới hạn. Người cho đi dựa vào chính nhu cầu của mình, vì người nhận cũng có cùng những nhu cầu y hệt. Muốn thực sự là một người cho đi, người này phải tính đến nhu cầu của người nhận chứ không chỉ là điều người cho muốn. Khi cho một người có các nhu cầu khác với mình, người ta được huấn luyện phải nghĩ và cho trên những điều kiện khác với của riêng mình.



Thành thử tách biệt thành hai con người khác nhau là để ta biết cách đánh giá, yêu thương, cho đi, và chăm sóc những người không như ta.

Trong Hội Thoại Humanum, cựu Đại Giáo Trưởng Do Thái Giáo của nước Anh, Ngài Jonathan Sacks, đã nhấn mạnh tới sự bổ túc này, chứ không nhấn mạnh tới những điểm khác nhau; lưu ý tới hợp tác, không lưu ý tới cầm đầu, phục tùng. Với bài diễn văn duyệt lại việc phát triển của hôn nhân qua 7 câu truyện bắt đầu với hành vi tính dục của loài cá ở Tô Cách Lan cho tới hành vi tính dục của con người thời nay, cựu Đại Giáo Trưởng đã được toàn thể Hội Thoại hoan hô vang dậy.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài diễn văn của Ngài Sacks tại Hội Thoại Humanum.

Buổi sáng nay, tôi muốn bắt đầu cuộc đàm đạo của chúng ta bằng cách kể truyện về ý niệm đẹp đẽ nhất trong lịch sử văn minh: đó là ý niệm yêu thương đem sự sống mới vào trần gian. Dĩ nhiên, có nhiều cách để kể câu truyện này, và đây chỉ là một trong những cách ấy. Nhưng đối với tôi, đây là một câu truyện của bẩy khoảnh khắc chủ yếu, mỗi một khoảnh khắc đều khiến ta ngạc nhiên và bất ngờ.

Khoảnh khắc thứ nhất, theo một tường trình báo chí ngày 20 tháng Mười năm 2014, diễn ra tại một chiếc hồ ở Tô Cách Lan cách nay 385 triệu năm. Theo một phát giác mới, lúc đó có hai con cá đến với nhau để thực hiện điển hình đầu tiên của việc sinh sản bằng tính dục mà khoa học biết được. Cho đến lúc đó, sự sống được lưu truyền một cách phi tính dục, bằng việc phân chia tế bào, đâm chồi nẩy lộc (budding), phân cắt (fragmentation) hay trinh sinh (parthenogenesis), tất cả đều đơn giản hơn rất nhiều và đỡ “tốn phí” hơn là việc phân chia sự sống thành đực và cái, mỗi phái có vai trò khác nhau trong việc tạo ra sự sống và duy trì sự sống.

Khi ta xét đến việc ngay trong thế giới động vật, bao nhiêu cố gắng và bao nhiêu năng lực mà việc đến với nhau của đực và cái đã phải trải qua, trong việc trình diễn, tán tỉnh, đua tranh và đánh nhau, hẳn ta phải thắc mắc tại sao lại để cho việc sinh sản bằng tính dục xẩy ra làm chi. Các nhà sinh vật học cho đến nay vẫn không biết chắc tại sao nó đã xẩy ra. Một số người nói rằng để bảo vệ chống lại các loài ký sinh hay để miễn dịch chống lại bệnh tật. Nhiều người lại cho rằng chỉ là vì cuộc gặp gỡ giữa hai thể đối nghịch sẽ sản sinh ra tính đa dạng. Bất chấp cách này hay cách kia, cá ở Tô Cách Lan đã khám phá được một điều mới mẻ và đẹp đẽ sẽ mãi mãi được mô phỏng sau đó bởi gần như mọi hình thức tiến bộ của sự sống. Sự sống bắt đầu khi đực và cái gặp nhau và ôm lấy nhau.



Khoảnh khắc bất ngờ thứ hai là thách thức độc đáo đặt ra cho homo sapiens do hai nhân tố: chúng ta đứng thẳng làm hẹp khung chậu (pelvis) nữ, và chúng ta có một bộ óc lớn hơn, gia tăng tới 300 phần trăm, nghĩa là có một chiếc đầu to hơn. Kết quả: bé thơ của con người phải sinh ra sớm hơn các chủng loại khác, và do đó, cần sự che chở của cha mẹ lâu hơn. Điều này khiến việc làm cha mẹ của con người trở thành đòi hỏi khắt khe hơn bất cứ chủng loại nào khác, và phải là công việc của hai con người hơn là một. Do đó, việc kết cặp của con người là một hiện tượng hết sức hiếm hoi trong các loài có vú, không giống các chủng loại khác nơi phần đóng góp của con đực thường chấm dứt với việc thụ tinh. Nơi những động vật linh trưởng (primate) nhất, các người cha còn không thèm nhìn nhận con cái mình, nói chi tới việc chăm sóc chúng. Ở nơi khác trong thế giới động vật, bổn phận làm mẹ thì hầu như phổ quát nhưng bổn phận làm cha là thứ họa hiếm.

Thành thử điều xẩy ra cho con người nhân bản là việc kết hợp của người cha và người mẹ sinh học để chăm sóc con cái họ. Bởi thế diễn trình là: khởi đầu với thiên nhiên, sau đó là văn hóa và thứ ba là ngạc nhiên.

Nơi những người hái lượm săn bắn, việc cặp đôi là một chuẩn mực. Rồi tới nghề nông, thặng dư kinh tế, các đô thị và văn minh, và lần đầu tiên, bắt đầu xuất hiện các bất quân bình rõ rệt giữa người giầu và người nghèo, kẻ quyền thế và người vô quyền. Các ngôi đền (ziggurat) vĩ đại của Mesopotamia và các kim tự tháp của cổ Ai Cập, với cái nền rộng và đỉnh hẹp của chúng, là những lời tuyên bố hùng vĩ bằng đá cho thấy một xã hội phẩm trật trong đó thiểu số có quyền trên đa số. Và biểu thức quyền lực hiển nhiên nhất của phái nam tiên khởi, bất luận là người hay linh trưởng, là thống lãnh được quyền chiếm hữu những đối tượng nữ nhiều khả năng sinh đẻ và do đó, tối đa hóa được khả năng lưu truyền các gien của mình cho thế hệ kế tiếp. Bởi đó, mà có chế độ đa thê, một chế độ hiện hữu ở 95 phần trăm các loài có vú và 75 phần trăm các nền văn hóa được khoa nhân chủng học biết đến. Chế độ đa thê là biểu thức tối hậu của bất bình đẳng vì nó có nghĩa: nhiều nam nhân không bao giờ có cơ hội có vợ và có con. Và suốt trong lịch sử, ghanh tị tính dục là động lực đệ nhất dẫn tới bạo lực, cả nơi động vật lẫn nơi con người.

Điều trên khiến cho chương đầu của Sách Sáng Thế có tính cách mạng trong các tuyên bố của nó đến độ coi mọi con người nhân bản, bất kể giai cấp, mầu da, văn hóa hay tín ngưỡng, đều là hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng trong thế giới cổ thời, chỉ có các nhà cai trị, các vua, hoàng đế và pharaô mới được coi giống hình ảnh Thiên Chúa. Thành thử điều Sách Sáng Thế muốn nói là: tất cả chúng ta đều là vua chúa. Mỗi người chúng ta đều có phẩm giá bằng nhau trong vương quốc đức tin dưới quyền tối thượng của Thiên Chúa.

Từ đó, có thể nói mỗi người chúng ta đều có quyền ngang nhau để kết hôn và có con cái; đây là lý do tại sao, bất kể chúng ta đọc câu truyện Ađam và Evà ra sao, và quả có những dị biệt trong cách đọc của Do Thái Giáo và của Kitô Giáo, qui phạm mà câu truyện này giả thiết là: một người đàn bà, một người đàn ông. Hay như chính Thánh Kinh quả quyết “Đó là lý do tại sao người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và kết hợp với vợ mình, và họ trở nên một thân xác”.

Đơn hôn không lập tức trở thành quy phạm, kể cả trong thế giới Thánh Kinh. Nhưng nhiều câu truyện thời danh nhất của nó, về sự căng thẳng giữa Xara và Haga, hay giữa Lêa và Raken và con cái họ, hay giữa Đavít và Bétxêba, hay các bà vợ vô số của Salômôn, tất cả đều là những phê phán dẫn đường tới đơn hôn.

Và có một nối kết sâu sắc giữa độc thần và đơn hôn, cũng như từ phía ngược lại, giữa việc thờ ngẫu thần và ngoại tình. Độc thần và đơn hôn nói về mối liên hệ bao quát giữa Tôi và Ngài, giữa bản thân tôi và một người khác, bất luận người khác này là người phàm hay thần thiêng.

Điều làm cho việc xuất hiện chế độ đơn hôn khác thường là các giá trị của xã hội thường được giai cấp thống trị áp đặt. Mà giai cấp thống trị, trong bất cứ xã hội phẩm trật nào, thường được hưởng lợi nhiều hơn nhờ việc được lang chạ và đa hôn, cả hai đều có tính nhân thừa cơ may các gien của họ được lưu truyền cho thế hệ kế tiếp. Với đơn hôn, người giầu và người quyền thế mất mát còn người nghèo và người vô quyền thì được lợi. Bởi thế, việc trở về với chế độ đơn hôn đánh đổ các lợi điểm thông thường của thay đổi xã hội và là một chiến thắng thực chất cho phẩm gia bình đẳng của mọi người. Mọi cô dâu và mọi chú rể đều là vương giả; mọi gia hộ đều là một cung điện khi được trang hoàng bằng tình yêu.

Khoảnh khắc phát triển đáng kể thứ tư là cung cách điều trên biến đổi đời sống luân lý. Chúng ta đã trở nên quen thuộc với việc các nhà sinh học biến hóa sử dụng các mô hình vi tính (computer simulations) và thế lưỡng nan của các tù nhân bị ở tù liên tiếp để giải thích lý do tại sao lòng vị tha hỗ tương lại hiện hữu nơi tất cả các động vật có tính xã hội. Chúng ta hành xử với người khác theo cách chúng ta muốn họ hành xử với chúng ta, và chúng ta đáp trả họ theo cách họ đáp trả chúng ta. Như C S Lewis từng nhấn mạnh trong cuốn The Abolition of Man của ông ta, tính hỗ tương là Luật Vàng chung của mọi nền văn minh.

Điều mới mẻ và đáng lưu ý trong Thánh Kinh Do Thái là ý niệm cho rằng tình yêu, chứ không phải sự hợp tình hợp lý (fairness), là nguyên tắc điều hướng của đời sống luân lý. Có ba tình yêu. “Người hãy yêu Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi”. “Ngươi hãy yêu người lân cận ngươi như chính ngươi”. Và, trong các sách Môsen, được lặp đi lặp lại không ít hơn 36 lần là câu sau “Ngươi hãy yêu người khách lạ vì ngươi biết làm khách lạ là như thế nào rồi”. Hay nói cách khác: Thiên Chúa đã dựng nên thế giới tự nhiên trong yêu thương và tha thứ thế nào, thì chúng ta cũng có nhiệm vụ dựng nên một thế giới xã hội trong yêu thương và tha thứ như thế. Và tình yêu này là ngọn lửa đốt lên trong hôn nhân và gia đình. Luân lý tính là tình yêu giữa người chồng và người vợ, cha mẹ và con cái, mở rộng ra ngoài tới thế giới.

Khoảnh khắc phát triển thứ năm lên khuôn cho toàn bộ cấu trúc của kinh nghiệm Do Thái Giáo. Ở Israel cổ thời, hình thức thỏa hiệp nguyên thủy có tính thế tục, tên là giao ước, đã được sử dụng và biến đổi thành một lối suy nghĩ mới về mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại, trong trường hợp Nôê, và giữa Thiên Chúa và một dân tộc trong trường hợp Ápraham và sau đó người Do Thái trên núi Sinai. Giao ước giống một cuộc hôn nhân. Nó là lời đoan hứa hỗ tương sẽ trung thành và tín thác giữa hai con người hay nhiều hơn, mỗi người sẽ kính trọng phẩm giá và sự toàn vẹn của người kia, cùng làm việc với nhau để cùng đạt với nhau điều mà họ không thể đạt được một mình. Và có một điều mà cả Thiên Chúa cũng không thể đạt được một mình, một điều phải được sống bên trong trái tim con người. Điều này cần tới chúng ta.

Bởi thế, chữ Hípri emunah, vốn được dịch sai là đức tin, thực sự có nghĩa lòng tín trung (faithfulness), trung thành, trung nghĩa, lòng kiên định, không bỏ đi dù gặp lúc đường đi gian khổ, tin tưởng vào người kia và tôn kính niềm tín thác của họ nơi ta. Điều giao ước đã làm, và ta thấy điều này nơi hầu hết các tiên tri, là hiểu mối tương quan giữa ta và Thiên Chúa theo ngôn từ của mối tương quan giữa cô dâu và chàng rể, giữa vợ và chồng. Như thế, tình yêu không những là căn bản của luân lý mà của cả thần học nữa. Trong Do Thái Giáo, đức tin là một cuộc hôn nhân. Không ở đâu nói như thế một cách đẹp đẽ bằng Hôsê khi ngài nhân danh Thiên Chúa nói rằng:

“Ta sẽ đính ước ngươi với ta mãi mãi;

Ta sẽ đính ước ngươi trong chính trực và công lý, trong yêu thương và cảm thương.

Ta sẽ đính ước ngươi trong trung tín, và ngươi sẽ biết Chúa”.

Người đàn ông Do Thái đọc các lời trên mọi buổi sáng ngày thường trong tuần khi chúng tôi cuộn giải tefillin (đựng các cuộn Thánh Kinh) quanh ngón tay của chúng tôi thành như một nhẫn cưới. Mỗi buổi sáng, chúng tôi lặp lại cuộc hôn nhân của chúng tôi với Thiên Chúa.

Điều trên dẫn tới ý niệm thứ sáu và khá tinh tế là: chân, thiện, mỹ, và cả sự sống nữa, không hiện hữu nơi bất cứ con người hay thực thể nào mà là hiện hữu “ở giữa” (in between) điều mà Martin Buber gọi là Das Zwischenmenschliche, tức đối âm (counterpoint) liên ngã của nói và nghe, của cho và nhận. Suốt trong Thánh Kinh Do Thái và văn chương rabbi, chiếc xe chuyên chở sự thật là đàm đạo. Trong mạc khải, Thiên Chúa nói và yêu cầu ta lắng nghe. Trong cầu nguyện, ta nói và xin Thiên Chúa lắng nghe. Không bao giờ có cảnh chỉ nói một mình. Trong Thánh Kinh, các tiên tri lý luận với Thiên Chúa. Trong Talmud, các rabbi lý luận với nhau. Thực vậy, đôi khi tôi nghĩ rằng sở dĩ Thiên Chúa chọn dân Do Thái là vì Người thích một cuộc lý luận tốt. Do Thái Giáo là một cuộc đàm đạo ghi lại nhiều giọng nói, nhưng không đâu say mê hơn trong Diễm Ca, một bản tấu ca (duet) giữa một người đàn bà và một người đàn ông, giữa người được yêu và người yêu nàng, một bản tấu ca được Rabbi Akiva gọi là thánh thiêng của các thánh thiêng trong nền văn chương tôn giáo.

Tiên tri Malaki gọi tư tế nam là người canh giữ luật sự thật. Sách Cách Ngôn nói về người đàn bà tiết hạnh rằng “luật nhân ái yêu thương ở trên môi miệng nàng”. Chính cuộc đàm đạo giữa các giọng nói nam và nữ, giữa sự thật và tình yêu, giữa công lý và thương xót, giữa lề luật và tha thứ, đã lên khuôn cho đời sống tâm linh. Thời Thánh Kinh, mỗi người Do Thái phải dâng nửa đồng shekel vào Đền Thờ để nhắc chúng ta nhớ: mình chỉ là một nửa.

Có những nền văn hóa dạy rằng ta không là gì cả. Lại có những nền văn hóa khác dạy rằng chúng ta là tất cả. Quan điểm của người Do Thái là: chúng ta là một nửa và chúng ta cần mở lòng ra đón nhận một ái đó, nếu chúng ta muốn trở thành toàn vẹn.

Tất cả các điều trên dẫn ta tới khoảnh khắc thứ bẩy: trong Do Thái Giáo, gia hộ và gia đình trở thành khung cảnh trung tâm cho đời sống đức tin. Trong một câu duy nhất của Thánh Kinh Do Thái để giải thích tại sao Thiên Chúa chọn Ápraham, Người nói: “Ta biết hắn để hắn dạy dỗ con cái hắn và gia hộ hắn duy trì đường lối của Chúa bằng cách làm những điều đúng và chân chính”. Ápraham được chọn không phải để thống trị một đế quốc, chỉ huy một quân đội, thực hiện các phép lạ hay đưa ra các lời tiên tri, mà chỉ để làm bậc cha mẹ. Ở một trong các câu thời danh nhất của Do Thái Giáo, Môsen truyền rằng “Các ngươi sẽ dạy những điều này cho con các ngươi một cách liên tục, nói với chúng khi chúng ngồi trong nhà các ngươi hay khi các ngươi đi đường, khi các ngươi đang nằm và khi các ngươi trỗi dậy”. Cha mẹ là các nhà giáo dục, giáo dục là cuộc đàm đạo giữa các thế hệ, và trường học đầu tiên là gia đình.

Như thế, người Do Thái trở thành một dân tộc có xu hướng gia đình một cách thâm hậu, vì chính điều này đã cứu chúng tôi khỏi thảm họa. Sau khi Đền Thờ Thứ Hai bị phá hủy vào năm 70, người Do Thái đã phải tản mác khắp thế giới, ở đâu cũng là thiểu số, ở đâu cũng không có quyền lợi, chịu một số cuộc bách hại tồi tệ nhất chưa từng dân tộc nào phải chịu xưa nay; ấy thế nhưng họ đã sống thoát vì họ không bao giờ đánh mất ba điều: cảm thức gia đình, cảm thức cộng đồng và đức tin.

Và họ được đổi mới mỗi tuần nhất là vào ngày Sa bát, ngày nghỉ ngơi khi chúng tôi dành cho hôn nhân và gia đình điều chúng cần hơn cả và đói khát hơn cả trong thế giới hiện nay, tức thì giờ. Có lần, tôi đã sản xuất một cuốn phim tài liệu cho BBC về trạng thái gia đình ở Anh, và tôi đem người lúc đó là chuyên gia hàng đầu của Anh Quốc về chăm sóc trẻ em, Penelope Leach, tới một trường tiểu học Do Thái vào một sáng thứ Sáu.

Tại đó, cô thấy các trẻ em diễn trước điều các em sẽ thấy vào buổi tối hôm đó quanh chiếc bàn ăn của gia đình. Có các em năm tuổi đóng vai bà mẹ và ông bố già chúc lành cho các em năm tuổi đóng vai con cái, trong khi các em năm tuổi đóng vai ông bà trọng tuổi đứng coi. Cô bị thôi miên bởi toàn bộ định chế này, và cô hỏi xem các em thích nhất điều gì của ngày Sabát. Một bé trai 5 tuổi quay qua cô và thưa: “đây là đêm duy nhất trong tuần bố em không phải vội vã”. Khi việc quay phim đã hoàn tất, lúc cuốc bộ ra khỏi ngôi trường, cô quay qua tôi và nói: “thưa đại giáo trưởng, ngày Sabát của ngài đã cứu được cuộc hôn nhân của cha mẹ các em”.

Đó là một trong những cách kể truyện, cách của người Do Thái, bắt đầu với sự ra đời của việc sinh sản nhờ tính dục, sau đó, là các đòi hỏi độc đáo của việc làm cha mẹ, rồi cuộc chiến thắng sau cùng của đơn hôn như lời tuyên bố nền tảng về bình đẳng, tiếp theo là cách hôn nhân lên khuôn viễn kiến của ta về đời sống luân lý và tôn giáo đặt căn bản trên tình yêu, giao ước và lòng trung tín, thậm chí tiến đến chỗ coi sự thật như một cuộc đàm đạo giữa người yêu và người được yêu. Hôn nhân và gia đình là nơi đức tin tìm được mái ấm của nó và là nơi Thánh Nhan Thiên Chúa sống trong tình yêu giữa người chồng và người vợ, giữa cha mẹ và con cái.

Như vậy thì điều gì đã thay đổi? Sau đây là một cách diễn tả. Cách đây ít năm, tôi có viết một cuốn sách về tôn giáo và khoa học và tôi tóm tắt sự khác nhau giữa chúng với nhau bằng hai câu văn. “Khoa học tách rời sự vật ra để xem chúng hành động ra sao. Tôn giáo thì đặt sự vật lại với nhau để xem chúng có ý nghĩa gì”. Và đó cũng là cách suy nghĩ về văn hóa. Văn hóa đem các sự vật lại với nhau hay tách rời chúng ra với nhau?

Vì hàng loạt các lý do khác nhau, một số liên quan tới các phát triển y khoa như kiểm soát sinh sản, thụ thai trong ống nghiệm và nhiều can thiệp khác về di truyền học, một số liên quan tới sự thay đổi luân lý như ý niệm cho rằng ta được tự do làm bất cứ điều gì ta thích miễn là đừng gây hại tới người khác, một số liên quan tới việc chuyển giao trách nhiệm từ các cá nhân sang nhà nước, và các thay đổi khác và sâu xa hơn trong nền văn hóa Tây Phương, gần như mọi sự trước đây được hôn nhân đem lại với nhau, nay đã được tách rời khỏi nhau. Tình dục tách rời khỏi tình yêu, tình yêu tách rời khỏi cam kết, hôn nhân tách rời khỏi việc có con cái, và việc có con cái tách rời khỏi trách nhiệm chăm sóc chúng.

Kết quả là ở nước Anh năm 2012, 47.5 phần trăm trẻ em sinh ngoại hôn, có cơ trở thành đa số vào năm 2016. Số người kết hôn ít hơn và 42 phần trăm các cuộc hôn nhân kết liễu bằng ly dị. mà việc sống chung cũng không thay thế cho hôn nhân. Trung bình, thời gian sống chung ở Hoa Kỳ và Anh Quốc dưới 2 năm. Kết quả là việc gia tăng rõ rệt nơi người trẻ các xáo trộn về ăn uống, ghiền ma túy và rượu mạnh, các hội chứng liên quan tới căng thẳng, trầm cảm và mưu toan tự tử cũng như tự tử thật. Việc đổ vỡ hôn nhân đã tạo ra một hình thức nghèo nàn mới tập trung nơi các gia đình có cha hoặc mẹ đơn lẻ, và trong số các gia đình này, gánh nặng chính rơi xuống vai phụ nữ; năm 2011, họ đứng đầu 92 phần trăm các căn hộ cha hoặc mẹ đơn lẻ. Ngày nay ở Anh, hơn một triệu trẻ em lớn lên không hề được tiếp xúc bất cứ cách nào với người cha của các em.

Điều trên đang tạo ra một phân cách trong lòng các xã hội và sự phân cách này chưa hề được thấy kể từ ngày Disraeli nói tới “hai quốc gia” cách nay một thế kỷ rưỡi. Những trẻ em nào được diễm phúc lớn lên trong mối liên kết yêu thương bền vững với hai con người từng đem các em vào đời, tính trung bình, sẽ khỏe mạnh hơn về thể lý và xúc cảm. Các em sẽ thành công hơn ở trường và nơi làm việc. Các em sẽ có nhiều mối liên hệ thành công hơn, hạnh phúc hơn và sống lâu hơn.

Và dĩ nhiên, có những ngoại lệ… Tuần này, ở Anh, một cuốn phim mới đã được trình chiếu, kể lại câu truyện về một trong những đầu óc vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đó là Alan Turing, nhà toán học của Cambridge, người từng đặt nền tảng triết lý cho ngành vi tính và trí khôn nhân tạo, và giúp thắng cuộc chiến tranh bằng cách phá được Enigma, tức mật mã của hải quân Đức. Sau chiến tranh, Turing bị bắt và bị đưa ra tòa vì tác phong đồng tính luyến ái, bị thiến bằng hóa chất, và chết lúc 41 tuổi do độc tố cyanide, được nhiều người cho là tự tử. Đây là một thế giới mà chúng ta không nên bao giờ trở lại.

Nhưng lòng cảm thương của chúng ta đối với những người quyết định sống cách khác không nên ngăn cản chúng ta trở thành những người cổ xúy cho định chế duy nhất có tính nhân bản hóa hơn cả trong lịch sử. Gia đình, đàn ông, đàn bà, và đứa con, không phải là một chọn lựa lối sống trong nhiều chọn lựa khác. Nó là phương thế tốt nhất chúng ta từng khám phá ra để dưỡng dục các thế hệ tương lai và giúp trẻ em lớn lên trong một khuôn khổ ổn định và yêu thương. Chính ở đây chúng ta học được nghệ thuật tinh tế của khoa biên đạo múa liên hệ choreography of relationship) và cách xử lý các tranh chấp không thể không có bên trong bất cứ nhóm nhân bản nào. Chính ở đây, lần đầu tiên, chúng ta dám liều cho và nhận yêu thương. Chính ở đây, thế hệ này chuyển giao các giá trị của mình cho thế hệ kế tiếp, bảo đảm tính liên tục của văn minh. Đối với bất cứ xã hội nào, gia đình cũng là điều chủ yếu cho tương lai của nó, và vì tương lai con cái, chúng ta phải là người bảo vệ nó.

Vì đây là một cuộc tụ tập tôn giáo, nên xin cho phép tôi được kết thúc bằng một mẩu giải thích Thánh Kinh. Câu truyện của gia đình đầu tiên, của người đàn ông và người đàn bà đầu tiên trong vườn Địa Đàng, nói chung, không được coi là thành công. Bất kể chúng ta có tin tội nguyên tổ hay không, nó vẫn không kết thúc tốt đẹp. Sau nhiều năm nghiên cứu bản văn, tôi muốn đề nghị một cách đọc khác.

Câu truyện kết thúc với ba câu xem ra không hề nối kết với nhau. Chẳng dây mơ rễ má. Chẳng luận lý học chút nào. Trong Sáng Thế 3:19, Thiên Chúa nói với người đàn ông: “ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn cho tới ngày ngươi trở về lòng đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra; ngươi hiện hữu từ bụi đất thì ngươi sẽ trở về với bụi đất”. Rồi trong câu tiếp theo, ta đọc thấy “con người gọi vợ mình là Evà, vì nàng là mẹ mọi sự sống”. Và trong câu kế tiếp “Chúa là Thiên Chúa làm quần áo da cho Ađam và vợ ông và mặc cho họ”.

Thử hỏi mối liên kết giữa ba câu trên ra sao? Tại sao việc Thiên Chúa bảo người đàn ông rằng ông là một kẻ tử sinh lại dẫn ông tới việc cho vợ mình một cái tên mới? Và tại sao hành vi này xem ra đã thay đổi thái độ của Thiên Chúa đối với cả hai người, đến độ, Người làm một hành vi đầy nhân ái, là làm quần áo cho họ, gần như thể Người đã tha thứ cho họ một phần? Tôi cũng xin nói thêm: chữ “da” trong tiếng Hípri gần như không thể phân biệt được với chữ “ánh sáng”, đến nỗi Rabbi Meir, nhà hiền triết vĩ đại của đầu thế kỷ thứ hai, đã đọc bản văn như sau: Thiên Chúa làm cho họ “quần áo ánh sáng”. Ông muốn nói gì đây? Nếu chúng ta đọc bản văn một cách cẩn thận, ta sẽ thấy: cho tới lúc này, người đàn ông đầu tiên chỉ cho vợ mình một cái tên hoàn toàn có tính chủng loại. Ông gọi nàng là ishah, đàn bà. Ta hãy nhớ lời ông nói khi thấy nàng lần đầu: “Đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi; nàng sẽ được gọi là đàn bà vì được lấy ra từ đàn ông”. Với ông, nàng là một mô phỏng (type), không phải một ngôi vị. Ông cho nàng một danh từ, không phải một cái tên. Ông định nghĩa nàng như một hữu thể phát sinh (derivative) từ chính ông: một điều lấy ra từ ông. Với ông, nàng chưa là một ai đó khác, tự mình là một ngôi vị. Nàng chỉ là một thứ phản chiếu của chính ông.

Bao lâu người đàn ông còn nghĩ mình bất tử, thì ông đâu có cần ai khác. Nhưng giờ đây, ông biết mình là loài tử sinh. Một ngày kia, mình sẽ chết và trở về bụi đất. Chỉ còn một cách duy nhất là một điều gì đó của chính ông phải sống tiếp sau khi ông chết. Điều này sẽ có thể nếu ông có một đứa con. Nhưng ông làm sao tự mình có con được. Chính vì thế, ông cần có vợ.

Chỉ nàng mới có thể sinh con. Chỉ một mình nàng mới giảm thiểu được tính tử sinh của ông. Và không phải vì nàng giống ông nhưng vì nàng không giống ông. Chính lúc đó, với ông, nàng hết còn là một mô phỏng, mà đã trở thành một ngôi vị ngay trong chính nàng. Và một ngôi vị thì phải có tên riêng. Nên ông đã cho nàng cái tên ấy, tên Chavah, “Evà” nghĩa là “người cho sự sống”.

Chính lúc đó, lúc họ sắp sửa rời vườn Địa Đàng để đối diện với trần gian, một nơi tối tăm, như ta đã biết, Ađam đã cho vợ mình tặng phẩm đầu tiên của tình yêu, một cái tên riêng.



Cũng chính lúc đó, Thiên Chúa đáp trả cả hai trong yêu thương và làm cho họ quần áo để che sự trần truồng của họ, hay như Rabbi Meir từng nói “quần áo ánh sáng”.

Và từ đó, sự việc cứ thế diễn tiến: khi một người đàn ông và một người đàn bà đến với nhau trong sợi dây trung tín, Thiên Chúa mặc cho họ quần áo ánh sáng, và chúng ta tiến gần Thiên Chúa như chưa bao giờ tiến gần đến thế, trong việc đem sự sống mới vào hiện hữu, biến văn suôi sinh học thành thi ca tinh thần nhân bản, cứu bóng tối trần gian bằng sự sáng lạn của tình yêu.

Kỳ sau: Quan điểm Công Giáo về tính bổ túc nam nữ
 
Thông Báo
Đại hội suy tôn Lòng Chúa Thương xót lần XVII tại Long Beach California
Phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngọai
10:30 10/04/2017
 
Văn Hóa
Cho tôi xin chút dầu thơm em nhé !
Sơn Ca Linh
08:53 10/04/2017
CHO TÔI XIN CHÚT DẦU THƠM EM NHÉ !

(Cảm nhận Thứ Hai Tuần Thánh – Xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a – Ga 12,1-8)

Cho tôi xin chút dầu thơm em nhé,
Để mang về mà cất giữ phòng thân,
Và để ai quanh lối xóm đang cần,
Tôi mang đến và chia cho chút xíu !

Bởi tôi biết dầu của em tuyệt diệu,
Dầu cam tùng chỉ có một không hai.
Tỏa hương thơm cho đến vạn dặm dài,
Mang hơi ấm nồng nàn muôn thế kỷ.

Dầu của em với cội nguồn tuyệt mỹ,
Chất liệu bằng tình mến chẳng phôi pha.
Với niềm tin vị chân chất đậm đà,
Mà hương sắc là cho đi phục vụ !

Em đã xức một lần trong quá khứ,
Nhưng “chân Thầy” mãi mãi vẫn còn đây.
Vẫn cần dầu thơm yêu mến đong đầy,
Vẫn cần hương vị ngọt ngào hy tế !

Dầu của em sẽ hong khô dòng lệ,
Và mang về niềm hy vọng tin yêu.
Sẽ tỏa hương trên những lối tiêu điều,
Và nở nhụy khai hoa mùa hoang tái…!

Mặc thế gian cứ cho là lãng phí,
Xức chân Thày đâu tính toán thiệt hơn !
Nhà Hội Thánh luôn cần tỏa hương thơm.
Nên tôi xin chút dầu thơm em nhé !

Sơn Ca Linh (Tuần Thánh 2017)
 
Đếm các vì sao
Lê Đình Thông
08:56 10/04/2017
Đếm Các Vì Sao
Bài giảng của ĐTC Phanxicô
(VietCatholic News chuyển ngữ)

Nào cùng ngắm kỳ công Thiên Chúa
Sao ngày rằm tơ lụa Phục sinh
Ngôi Hai cứu hết tội tình
Ngài từ cõi thế, Thiên đình thăng thiên.

Sao Khuê (1) sáng, triền miên trí tuệ
Chúa cho ta ân huệ nghĩ suy
Sống trong xã hội đồng quy
Tôn thờ Thiên Chúa quyền uy đất trời.

Trăng Cứu độ sáng ngời tinh tú
Đếm vì sao thích thú đam mê
Sao mai Thánh Mẫu chở che
Còn thêm bát tú (2) vẹn thề (3) Thánh Kinh.

Trong tâm khảm một mình sao sáng
Cùng ngẫm suy năm tháng qua dần
Chỉ còn Đức Mẹ ban ân
Và Chiên Thiên Chúa cứu nhân tội tình.

Giáo Xứ Paris, Tuần Thánh 2017
Lê Đình Thông
---
(1) Sao Khuê (奎宿) biểu tượng của sự khôn ngoan (sagesse).
(2) Nhị thập bát tú (二十八宿) biểu tượng cho nam, bắc.
(3) Giao ước (Alliance).
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bức Tranh Mùa Xuân
Mỹ Lê
18:34 10/04/2017
BỨC TRANH MÙA XUÂN
Ảnh của Mỹ Lê
Thiên nhiên danh họa của trời
Mở đôi mắt hưởng tuyệt vời trời ban!
(nđc phóng ngữ)
Nature is painting for us, day by day,
pictures of infinite beauty if only we
have eyes to see them."
(John Ruskin
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 09/04/2017
VietCatholic Network
02:55 10/04/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC cử hành Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô.

2- Khủng bố Hồi Giáo tấn công lần thứ hai trong Chúa Nhật Lễ Lá tại Ai Cập, Đức Thượng Phụ Tawadros II thoát chết.

3- Ý cầu nguyện của ĐTC - Tháng Tư 2017: Cầu nguyện cho các bạn trẻ.

4- ĐTC lên án vụ khủng bố tại Nga và bom hóa học tại Siria.

5- Italia kêu gọi ĐTC giúp tìm ra sự thật về việc một sinh viên người Ý bị tra tấn đến chết ở Ai Cập.

6- ĐTC bổ nhiệm Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đà Lạt.

7- Thánh Ca Mùa Chay: Bảy Lời Cuối Cùng Của Chúa Giêsu Trên Thánh Giá.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Đức Thánh Cha cử hành Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô.

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật lễ Lá hôm qua, ĐTC đã chủ sự thánh lễ trước thềm đền thờ Thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ĐTC có 150 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, các Đức Ông và 350 Linh Mục giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước lễ. Đảm trách thánh ca ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn và dàn nhạc của giáo phận Roma gồm 140 ca viên cùng nhạc công, và ca đoàn 300 người trẻ.

Thánh lễ đã bắt đầu với nghi thức làm phép lá trước bút tháp giữa quảng trường thánh Phêrô với bài Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem khai mào cho cuộc Khổ Nạn cứu chuộc của Ngài. Sau đó là nghi thức rước lá với sự tham dự của 450 người trẻ, đại diện cho giáo phận Roma và các giáo phận khác. Bài đọc một được tuyên đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng Anh, Tin Mừng Thương Khó được đọc và hát bằng tiếng Ý.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã nêu bật gương mặt của Chúa Giêsu Vua Cứu Thế trong hình dạng cụ thể của một người tôi tớ của Thiên Chúa và của loài người, hiện diện nơi tất cả những kẻ khổ đau vì bất cứ lý do gì trên thế giới này. Mở đầu bài giảng ngài nói:

Việc cử hành này có hai mùi vị, ngọt ngào và cay đắng, tươi vui và đớn đau, bởi vì trong nó chúng ta cử hành Chúa vào thành Giêrusalem được các môn đệ tung hô như là vua; đồng thời cũng được loan báo trình thuật phúc âm cuộc Khổ Nạn của Ngài. Vì thế con tim chúng ta cảm thấy sự mâu thuẫn đớn đau, và cảm nhận được trong vài phần nhỏ bé nào đó điều Chúa Giêsu đã phải cảm nhận trong con tim của Ngài trong ngày ấy, ngày Ngài vui mừng với các bạn mình và khóc thương trên thành Giêrusalem.

Từ 32 năm qua chiều kích tươi vui của Chúa Nhật này đã được phong phú bởi lễ của người trẻ: đó là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm nay được cử hành ở cấp giáo phận, nhưng tại Quảng trường này trong chốc lát nữa đây sẽ sống một lúc ngày càng cảm động hơn có các chân trời rộng mở, với việc người trẻ Cracovia trao Thánh Giá cho người trẻ Panama.

Bài Phúc Âm được công bố trước buổi rước lá (x. Mt 21,1-11) miêu tả Chúa Giêsu xuống núi Cây Dầu trên lưng con lừa con chưa có ai cỡi bao giờ. Nó nêu bật sự hăng say của các môn đệ, đi theo Thầy với các lời tung hô lễ hội. Và thật dễ tưởng tượng điều này lây lan sang các người trẻ của thành phố kết hiệp niềm vui của họ với đám rước như thế nào. Chính Chúa Giêsu thừa nhận trong sự tiếp đón tươi vui ấy một sức mạnh không thể nào ngăn chặn được do Thiên Chúa muốn, và Ngài nói với các người Pharisêu cho đó là gương mù gương xấu: “Tôi nói với các ông rằng, nếu những người này thinh lặng, thì các hòn đá này sẽ kêu lên” (Lc 19,40).

ĐTC nói tiếp trong bài giảng thánh lễ: Nhưng Đức Giêsu mà theo Thánh Kinh, vào Thành Thánh trong kiểu này, không phải là một kẻ mộng mơ gieo vãi các ảo tưởng, một ngôn sứ của “thời mới”, một kẻ bán khói, trái lại Ngài là một Đức Messia được xác định, với gương mặt cụ thể của người tôi tớ, người tôi tớ của Thiên Chúa và của con người đi chịu khổ nạn. Ngài là Người Kiên Nhẫn vĩ đại của nỗi khổ đau của con người.

Như vậy cả chúng ta nữa khi mừng lễ Vua chúng ta, chúng ta nghĩ tới các khổ đau Ngài đã phải chịu trong Tuần này. Chúng ta nghĩ tới các vu khống, các lăng nhục, các cạm bẫy, sự bỏ rơi, việc kết án gian ác, các đánh đập, các đòn vọt, mạo gai… và sau cùng là thập giá cho tới khi bị đóng đanh.

Chính Chúa đã nói rõ ràng cho các môn đệ biết: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Ngài đã không bao giờ hứa danh dự và thành công. Các Phúc Âm nói rõ ràng. Ngài đã luôn luôn báo trước cho các bạn hữu Ngài rằng con đường của Ngài là con đường ấy, và chiến thắng cuối cùng phải đi qua cuộc khổ nạn và thập giá. Và chính điều này cũng có giá trị đối với chúng ta. Để trung thành theo Chúa Giêsu chúng ta hãy xin ơn làm điều đó không phải với lời nói, nhưng với các việc làm, và kiên nhẫn nhận chịu thập giá của chúng ta: không khước từ nó, không vất nó đi, nhưng nhìn Chúa, chấp nhận nó và vác nó mỗi ngày.

Đức Giêsu, Đấng chấp nhận được tung hô, dù biết rằng tiếng kêu “đóng đinh nó vào thập giá” đang chờ đợi Ngài, không xin chúng ta chỉ chiêm ngưỡng Ngài trong các bức tranh hay trong các hình chụp, hoặc trong các video lưu hành trên mạng. ĐTC nhấn mạnh như sau:

Không, Ngài hiện diện nơi biết bao nhiêu anh chị em ngày nay chịu khổ đau như Ngài: họ khổ đau vì một công việc như của nô lệ, họ khổ đau vì các thảm cảnh gia đình, vì tật bệnh… Họ khổ đau vì chiến tranh và khủng bố, vì các lợi lộc di chuyển vũ khí và khiến cho chúng bắt giết. Các người nam nữ bị lừa đảo, bị xúc phạm trong phẩm giá của họ, bị loại bỏ… Chúa Giêsu ở trong họ, trong từng người trong họ và với gương mặt méo mó, với tiếng nói gẫy bể xin được nhìn, được thừa nhận, được yêu thương.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Ba Lan, Trung Hoa.

350 Linh Mục đã giúp Đức Thánh Cha cho hơn 70 ngàn tín hữu rước lễ.

Trưóc khi đọc Kinh Truyền Tin chung với tín hữu, ĐTC đã chào mọi người hiện diện, đặc biệt những ai đã tham dự cuôc gặp gỡ quốc tế chuẩn bị cho công nghị về giới trẻ, do Bộ đặc trách Giáo dân, Gia đình và Sự Sống cùng tổ chức với Văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngài cũng trải dài lời chào này tới giới trẻ quy tụ quanh các Giám Mục sở tại cử hành Ngày Giới Trẻ trong mọi giáo phận trên toàn thế giới. Đây là một chặng khác của cuộc hành hương lớn, đã bắt đầu với thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, năm ngoái đã tụ tập chúng ta tại Cracovia và triệu vời chúng ta tại Panama vào tháng giêng năm 2019. Vì thế trong chốc lát nữa đây người trẻ Ba Lan sẽ trao Thánh Giá của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cho người trẻ Panama, được các Giám Mục và chính quyền sở tại của họ hướng dẫn.

Chúng ta hãy xin Chúa cho Thánh Giá cùng với Ảnh Đức Mẹ sự Cứu rỗi cùa dân Roma, làm cho đức tin và niềm ny vọng tăng trưởng tại những nơi chúng đi qua, bằng cách vén mở cho thấy tình yêu thương vô địch của Chúa Kitô.
Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Kitô hôm nay bước vào cuộc Khổ Nạn và Đức Trinh Nữ Thánh các nạn nhân của vụ khủng bố ngày thứ sáu vừa qua tại Stockholme, cũng như các nạn nhân còn đang bị thử thách bởi chiến tranh, là tai ương của nhân loại.

Và cả vụ mưu sát rất tiếc xảy ra sáng nay tại Cairo trong một nhà thờ Copte.

Đức Thánh Cha nói: “Chúa Giêsu ở trong họ, trong mỗi người, với những hình ảnh thê thảm và những tiếng kêu lạc giọng, Ngài muốn được nhìn vào mắt, được nhìn nhận, và yêu thương”.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mỗi anh chị em này không phải là “một Chúa Giêsu khác”, nhưng “chính là cùng một Chúa Giêsu đã vào thành Giêrusalem khi được người ta vẫy chào bằng các nhành lá. Đó cũng chính là cùng một Chúa Jêsus đã bị đóng đinh trên cây thập giá và đã chết giữa hai người trộm cướp” “Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Chúa Jêsus, Đấng là vị vua khiêm nhường của công lý, lòng thương xót và bình an”.

Đức Thánh Cha đã nói như trên và khích lệ các tín hữu suy ngẫm về những đau khổ của Chúa Giêsu trong Tuần Thánh và tìm kiếm Người trên gương mặt của những người anh chị em đau khổ của chúng ta.

Với người anh em thân mến Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị, Giáo Hội Copte, và toàn quốc gia Ai Cập thân yêu, tôi xin bầy tỏ sự chia buồn sâu xa của tôi, tôi cầu nguyện cho các người đã chết và cho các người bị thương, tôi gần gũi với thân nhân và toàn cộng đoàn. Xin Chúa hoán cải con tim của những người gieo kinh hoàng bạo lực, chết chóc, và cả con tim những người chế tạo và buốn bán vũ khí nữa.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người

- Khủng bố Hồi Giáo tấn công lần thứ hai trong Chúa Nhật Lễ Lá tại Ai Cập, Đức Thượng Phụ Tawadros II thoát chết.

Cairo, Ai Cập - Đúng vào lúc Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô, tức là lúc 10h sáng ngày 9 tháng Tư năm 2017, thì cùng lúc đó khủng bố Hồi Giáo đánh bom vào nhà thờ Thánh George trong vùng phụ cận Tanta của thủ đô Cairo.

Nhà cầm quyền Ai Cập cho biết con số Kitô hữu bị thiệt mạng đã lên đến 25 người và có đến 60 người khác bị thương. Nhiều người trong số đó đang trong tình trạng nguy kịch. Hai tiếng đồng hồ sau đó, một cuộc tấn công khác đã giết chết thêm 11 người tại một nhà thờ ở Alexandria. 35 người khác bị thương rất nặng.

Bộ Nội Vụ Ai Cập cho biết, Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị đang ở bên trong nhà thờ Thánh Máccô ở Alexandria chủ sự Lễ Lá. Cảnh sát đã tăng cường lực lượng an ninh tại đây sau khi xảy ra vụ khủng bố thứ nhất tại Tanta; và đã chặn xét một người tình nghi. Tên khủng bố khi bị chặn lại đã cho nổ bom quấn trên người. Các nhân chứng cho biết họ nghe thấy một tiếng nổ rất lớn bên ngoài nhà thờ và khói lửa mịt mù. Ít nhất 11 người bị thiệt mạng trong đó đa số là các nhân viên an ninh.

Cơ quan thông tin Amaq của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về hai vụ đánh bom này. Đài truyền hình quốc gia Ai Cập cho biết, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi và Thủ tướng Sherif Ismail sẽ tới thăm các địa điểm bị tấn công này. Trong khi đó, tổng thống al-Sisi đã ra lệnh triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng quốc phòng.

- Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha - Tháng Tư 2017: Cầu nguyện cho các bạn trẻ.

Trong tháng 4-2017, ĐTC đặc biệt mời gọi mọi người cầu nguyện cho các bạn trẻ. Ngài mời gọi người trẻ hãy chung tay xây dựng thế giới và vun đắp tương lai. Ngài mời gọi người trẻ khám phá ra ơn gọi của mình, can đảm đón nhận thách đố, và hăng say thực thi những lý tưởng cao đẹp. Trong một Video gởi các bạn trẻ, ĐTC chia sẻ rằng:

“Cha biết các con không muốn bị đánh lừa bởi sự tự do giả dối, một thứ tự do được tô vẽ bởi cái hào nhoáng nhất thời. Cha biết các con nhắm tới những gì cao quý hơn.”

Đức Thánh Cha nói thêm, “Các bạn trẻ thân mến! Chính các con là người nắm giữ tương lai! Cha mời gọi các con hãy xây dựng thế giới, hãy làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một thách đố, thực sự là thách đố… Đừng để người khác trở thành tác nhân chính của những đổi thay.”

Đức Thánh Cha cũng mời gọi mọi người hãy hiệp ý cầu nguyện cùng Ngài, để các bạn trẻ có thể quảng đại đáp lại ơn gọi của họ, bằng cách hăng say hoạt động cho các lý tưởng cao đẹp của thế giới.

- Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại Nga và bom hóa học tại Siria.

ĐTC liên đới với các nạn nhân vụ khủng bố tại Nga và vụ dội bom hóa học tại Siria. Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng hôm ngày 5/4/2017, ĐTC nói:

“Lúc này đây tôi nghĩ đến vụ khủng bố nặng nề trong những ngày qua tại xe điện ngầm ở thành phố San Pietroburgo… Trong khi tôi phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa những người bị thiệt mạng thê thảm, tôi bày tỏ sự gần gũi trong tinh thần với các thân nhân họ và tất cả những người đang chịu đau khổ vì biến cố đau thương này.”

“Tôi (cũng) quyết liệt lên án thảm họa không thể chấp nhận được xảy ra hôm qua, 4-4 tại tỉnh Idlib, Siria, nơi mà hàng chục người vô tội, trong đó có nhiều trẻ em bị giết. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ, và kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiệm chính trị, trên bình diện địa phương và quốc tế, để thảm trạng này được chấm dứt và mang lại sự thoa dịu cho dân chúng yêu quí đã bị kiệt lực từ quá lâu vì chiến tranh…”

Vụ khủng bố tại trạm xe điện ngầm ở San Pietroburgo do một tên khủng bố tự sát gây ra làm cho 14 người chết và hàng chục người bị thương. Vụ dội bom hóa học ở tỉnh Idlib làm cho 72 người chết, trong đó có 20 trẻ em. Tây Phương cáo buộc chế độ của tổng thống Assad, trong khi đó Nga phủ nhận lời buộc tội này.

- Italia kêu gọi ĐTC giúp tìm ra sự thật về việc một sinh viên người Ý bị tra tấn đến chết ở Ai Cập.

Báo giới tại Italia và gia đình của một sinh viên người Ý bị tra tấn đến chết ở Ai Cập đang kêu gọi ĐGH Phanxicô tìm kiếm thông tin về cái chết thương tâm này trong chuyến thăm Cairo sắp tới của ngài.

Cha mẹ của Giulio Regeni đã đưa ra lời kêu gọi vào hôm thứ Hai, ngày 4 tháng 4, tại Thượng viện Ý trong cùng ngày Tòa thánh Vatican công bố chi tiết về chuyến đi của ĐTC Phanxicô sang Ai Cập từ 28-29 tháng Tư, trong đó ngài sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi. Bà mẹ của Giulio nhắc lại rằng gia đình bà đã có một cuộc gặp gỡ ngắn với ĐTC Phanxicô vào năm ngoái và nói rằng gia đình chắc chắn rằng ĐGH "sẽ không quên Giulio trong chuyến đi này, đồng thời giúp thực hiện yêu cầu cụ thể của chúng tôi về sự thật để cuối cùng có được bình an."

Giulio Regeni biến mất vào ngày 25/1/2016 tại Cairo. Chín ngày sau, thi hài của anh đã được tìm thấy bên lề một con đường với nhiều dấu hiệu bị tra tấn. Đã có những nghi ngờ ở Ý rằng cho rằng cảnh sát Ai Cập đứng sau cái chết này, và các công tố viên Ý đã phàn nàn liên tục rằng các đối tác Ai Cập của họ đã không đưa ra tất cả các thông tin mà họ thủ đắc trong các cuộc điều tra. Cho đến nay, Ai Cập đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào của cảnh sát liên quan đến cái chết.

- ĐTC bổ nhiệm Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đà Lạt.

Ngày 8/4/2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Đà Lạt.

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh năm nay 62 tuổi, sinh ngày 12/8/1955 tại Cần Thơ, theo học tại Tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt từ năm 1973 đến 1977, rồi học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X Đà Lạt. Ngài thụ phong linh mục ngày 29-5 năm 1994 thuộc giáo phận Đà Lạt. Từ 2003 đến 2009, Cha Nguyễn Văn Mạnh du học Roma và đậu tiến sĩ giáo luật tại Giáo Hoàng Đại học Urbaniana của Bộ truyền giáo. Trở về nước năm 2009, cha Đaminh Mạnh làm Đại diện tư pháp tại giáo phận Đà Lạt.

Giáo phận này hiện có 377.500 tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 1 triệu 250 ngàn dân cư, với 96 giáo xứ, 290 linh mục (166 triều và 124 dòng), 275 tu huynh và 932 nữ tu. Ngoài ra, giáo phận có 76 đại chủng sinh.
Trong nhiệm vụ mới, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh phụ giúp Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, 72 tuổi, và đương nhiên kế nhiệm ngài khi giáo phận trống tòa.

Tiếp tục chương trình Thánh Ca mùa Chay, chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em bài hát Bẩy Lời Cuối Cùng Của Chúa Giêsu Trên Thánh Giá, thơ Từ Linh, nhạc Hải Triều, được trình bày với 4 tiếng hát Bích Hạnh, Phương Thảo, Cẩm Yến và Đình Trinh. Xin mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức!