Ngày 12-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Ba 13/4: Hiểu để tin hay tin để hiểu? Suy niệm của linh mục Vũ Hải Đăng
Giáo Hội Năm Châu
01:51 12/04/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 12-April-2021 theo giờ Việt Nam


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.

Nicôđêmô hỏi lại rằng: “Việc ấy xảy ra thế nào được?” Chúa Giêsu đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo thật cho ông biết: Điều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”.

Đó là lời Chúa.
 
Đi trong Ánh Sáng
Lm Minh Anh
03:32 12/04/2021
ĐI TRONG ÁNH SÁNG
“Nicôđêmô, một đầu mục của người Do Thái; ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm”.

Một ngọn hải đăng thật cần thiết trong việc soi đường dẫn lối cho tàu thuyền ở các vịnh, bãi cạn hay các lối vào cảng. Một trong những hải đăng nổi tiếng nhất, kỳ quan của thế giới cổ đại, là ngọn hải đăng Alexandria; xây từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, tồn tại đến thế kỷ 15, ở Alexandria, Ai Cập.

Kính thưa Anh Chị em,

Ai Cập có một ngọn hải đăng 18 thế kỷ tuổi, kỳ quan của thế giới cổ đại; nhưng nhân loại còn có một hải đăng ‘vô cùng tuổi’, chiếu sáng cả thế giới cổ đại lẫn hiện đại, đó là ‘Hải Đăng Giêsu’. ‘Hải Đăng’ ấy không chỉ soi đường cho con người trôi dạt trên biển Hồng Trần mà còn dẫn nó vào cảng cực lạc Thiên Quốc. Đó cũng là câu chuyện Tin Mừng hôm nay, khi Nicôđêmô đến với Chúa Giêsu. Một trong những chi tiết thú vị của ‘cuộc đến’ ấy là vị khách đến vào ban đêm. ‘Ban đêm’, một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa khi một người lò dò đến với Chúa Giêsu; sau đó, bước ‘đi trong ánh sáng’.

Nicôđêmô, một người Pharisêu và là một đầu mục Do Thái, được nhắc đến ba lần trong Phúc Âm Gioan. Trình thuật hôm nay bắt nguồn ở lần đầu tiên Nicôđêmô được đề cập; lần thứ hai, ông bênh vực Chúa Giêsu, rằng, luật không cho phép kết án một ai trước khi nghe người ấy nói; và lần thứ ba, ông giúp chôn xác Ngài sau khi Ngài qua đời. Tin Mừng Gioan là ‘Tin Mừng của những biểu tượng’; thánh Augustinô nói đến biểu tượng “ban đêm” này vì lẽ Nicôđêmô chưa được sinh lại hoàn toàn và do đó, chưa được sống trọn vẹn dưới ánh sáng đức tin; nói cách khác, chưa bước ‘đi trong ánh sáng’ Giêsu. Tiến trình đức tin của Nicôđêmô là một tiến trình ‘đến với ánh sáng’; đúng hơn, tiến trình được tái sinh trong Thánh Thần. Thoạt đầu, ông sợ hãi, đến gặp Chúa Giêsu ban đêm, hiểu biết của ông về Ngài còn rất ít; sau khi gặp Ngài, ông được chiếu sáng, trở nên mạnh mẽ. Về sau, ông mạnh dạn, bênh vực Ngài; Ngài chết, ông công khai trợ táng. Nicôđêmô đã bước ‘đi trong ánh sáng’, ‘được sinh lại’ trong Thánh Thần và ông đã theo Chúa Giêsu đến cùng.

Từ rất sớm, trước khi chính thức hoá các cuộc phong thánh, Nicôđêmô đã được phong là “vị thánh” trong Giáo Hội Công Giáo cũng như Chính Thống Giáo; Nicôđêmô đặc biệt được tôn kính vì đã đứng lên chống lại các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng thời để bảo vệ Chúa Giêsu và thể hiện sự ủng hộ Ngài. Điều này cần đến can đảm! Nicôđêmô bị chế giễu và có nguy cơ bị người khác loại trừ. Thế nhưng, ông biết Chúa Giêsu có một điều gì đó đặc biệt, và ông đã kiên trì làm theo cảm hứng tốt lành này; để cuối cùng, chọn ‘đi trong ánh sáng’ của Ngài.

Thật trùng hợp, Phêrô và Gioan trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay được phóng thích từ ngục tối để hân hoan bước ra trong sức mạnh của Đấng Phục Sinh, hai ngài đã ‘đi trong ánh sáng’ và lửa của Thánh Thần để can đảm bênh vực niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng các ngài cậy trông; Thánh Vịnh đáp ca tỏ bày ân phúc của các ngài, “Phúc cho tất cả những ai tin tưởng nơi Chúa”.

Nicôđêmô là một tấm gương tuyệt vời cho chúng ta trong thế giới hôm nay. Nhiều Kitô hữu cảm thấy việc sống đức tin một cách triệt để, đặc biệt trong môi trường làm việc, trường học và các cộng đồng dân cư… là một thách đố. Như Nicôđêmô, nhiều người cảm thấy dễ dàng hơn khi đến với Chúa Giêsu “ban đêm”; thế mà, dẫu đã bắt đầu đến với Chúa Giêsu theo cách này, nhưng cuối cùng, Nicôđêmô công khai bênh vực Ngài, bước ‘đi trong ánh sáng’ của Ngài trước sự chứng kiến ​​của các đồng sự, những người mà theo một số truyền thống, đã bắt bớ và buộc ngài đi lưu đày.

Anh Chị em,

‘Đi trong ánh sáng’ đồng nghĩa với việc sống trong ánh sáng, sống trong Thần Khí, sống đời sống mới mà Đức Kitô Phục Sinh mang lại. Lời Chúa Giêsu mời gọi Nicôđêmô sinh lại hôm nay cũng đang mời gọi chúng ta, những người được tái sinh nhờ Bí tích Thánh Tẩy trong Thánh Thần, là con cái của ánh sáng, “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật”. Hãy để Thánh Linh đi vào bên trong, dẫn dắt linh hồn, dẫn đến nơi Ngài muốn. Và nơi Thánh Linh dẫn chúng ta đến là cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi. Thông thường, chúng ta chùn chân, sợ hãi, như Nicôđêmô trước đó; chúng ta không biết phải đi những bước tiếp theo, không biết phải làm gì để thực hiện những bước quan trọng này. Bước quan trọng là để Thánh Linh sinh ra một lần nữa, được dẫn dắt bởi Ngài; và với sự tự do của Thần Khí, chúng ta không bao giờ biết nó sẽ kết thúc ở đâu, nhưng tin chắc một điều, chúng ta đã ‘đi trong ánh sáng’ của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã mang ánh sáng từ trời để con có thể ‘đi trong ánh sáng’. Xin cho con biết sống như con cái ánh sáng để nói cho nhân loại biết rằng “Hải Đăng Giêsu” đang sống, đang chiếu sáng giữa họ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 12/04/2021

73. Linh hồn ơi, ngươi nên dùng tình cảm và nguyện vọng, chứ không phải dùng đôi chân của thân xác để đi lên thiên đàng. Bởi vì không phải chỉ có thiên thần và các thánh đang đợi ngươi, mà còn ông chủ và các vị tướng của các thiên thần và các thánh chuẩn bị tiếp đón ngươi.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:30 12/04/2021
13. ĂN GAN MUỖI MẮC CỔ HỌNG

Giáp và Ất ngẫu nhiên gặp nhau, trên mặt hai người nộ khí bừng bừng.

Ất hỏi Giáp:

- “Xin hỏi ông anh, sắc mặt của ông anh rất khó coi, có phải giận ai không?”

Giáp trả lời:

- “Tôi vừa mới tĩnh tọa trong nhà, nghe thấy ở tây phương có lão hòa thượng tụng kinh. Tôi nghi ông ta gây lộn, ra lệnh cho ông ta không được tụng kinh nữa, tên hòa thượng ấy không màng đến lời tôi nói, tôi liền nổi giận thuận tay nhặt hòn núi Tu Mi, dùng sức ném tên hòa thượng, nhưng nào ngờ, lão hòa thượng lúc bị đè dưới hòn núi, chỉ thoáng một cái, dùng tay đỡ nói: “Ở đâu bay lại hạt cát, chút xíu nữa thì ta bị mù mắt rồi”, nói xong vẫn cứ tụng kinh, tôi hết cách với ông ta, anh coi có giận không chứ?”

Nói xong liền hỏi Ất:

- “Tôi coi anh hình như cũng giận ai đó thì phải, sao vậy?”

Ất đáp:

- “Hôm qua có khách đến nhà chơi, tôi không có gì để tiếp đãi anh bạn ấy, bèn bắt một con muỗi, mỗ bụng nó và lấy gan tim của nó ra, dùng dao cắt vừa vặn một trăm hai mươi miếng (lát), nấu chín thì mời khách, nào ngờ, khách vừa ăn xong miếng gan thì bị mắc nơi cổ họng, lừa lên nuốt xuống đều không được, nói tôi cắt miếng gan quá lớn và oán tôi. Bây giờ ông ta vẫn còn nằm ở nhà tôi đấy, không ngớt rên la, anh coi như thế có giận không chứ?”

Giáp nói:

- “Làm gì có cái cổ họng nhỏ xíu vậy?”

Ất nói:

- “Anh đã có lỗ tai nghe thật xa tận tây phương, mắt nhìn thấy rõ ràng cả ngọn núi Tu Mi, lẽ nào anh lại không đồng ý với tôi là có loại cổ họng nhỏ xíu bị mắc nghẹn khi ăn tim gan của con muỗi sao?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 13:

Nói phét cho vui chứ ai mà tin câu chuyện của hai anh Giáp và Ất này, vậy mà trong cuộc sống lại có những người tin những chuyện “tày trời” hơn chuyện ăn gan muỗi mắc cổ họng nữa…

Có người nghe người khác nói láo sai sự thật sờ sờ trước mặt nhưng vẫn cứ tin, họ tin và làm theo vì để được bố thí chút danh vọng và lợi lộc; có người nhẹ dạ cả tin nghe lời nói xấu của người khác mà bôi nhọ tiếng tốt của tha nhân…

Ở đời có những hạng người mà chúng ta đừng tin vào lời họ nói, đó là người làm chính trị mà ta gọi là các chính trị gia, nhất là các chính khách của những quốc gia độc tài, những người này nói thì chúng ta đừng có tin vì họ nói mà không làm, vì cuộc sống của họ luôn có nhiều âm mưu đen tối để hạ bệ anh em đồng loại, để bôi nhọ tha nhân và có khi bỏ tù luôn cả chính cha mẹ anh em ruột thịt của mình. Những người này không phải chỉ có một quả tim mà là có hai quả tim: một để tìm lợi ích cho mình, hai là tim lợi ích cho gia đình và bè phái; họ cũng có hai cái lưỡi: một là để khen người này và nói xấu người kia, hai là để lừa gạt người dân nhẹ dạ thấp cổ bé họng và đổi tốt thành xấu…

Nói phét lác cho vui thì vô tội vạ, nhưng cố ý nói phét, nói láo để phỉnh gạt người khác là tội lớn, cho nên người Ki-tô hữu không nói khi mình chưa thấy, chưa tin khi mới chỉ nghe nói, nhưng luôn biết cầu nguyện và tỉnh thức, bởi vì thời nay có rất nhiều tiên tri giả nổi lên chống đối giáo hội và con cái của giáo hội…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giám mục Mễ Tây Cơ tuyên bố tranh cử vào chức vụ chính trị, rồi rút lui ngay lập tức trước các phản ứng của các Giám Mục anh em
Đặng Tự Do
15:36 12/04/2021


Một giám mục Mễ Tây Cơ đã công bố ý định tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới ở đất nước này, nhưng sau đó rút lại trước các chỉ trích của các Giám Mục khác. Quyết định này tạo ra sự hoang mang và làm dấy lên cuộc tranh luận ở Mễ Tây Cơ về vai trò của các linh mục và Giám Mục trong nền chính trị của đất nước.

Hôm 5 tháng Tư, Đức Cha Onésimo Cepeda Silva, 84 tuổi, tiết lộ kế hoạch ra ứng cử vào cơ quan lập pháp của bang Mexico – là bang bao quanh thủ đô Mexico City - với một đảng chính trị mới được gọi là Fuerza por México. Nhưng vị giám mục đã phải lùi bước trong cùng một ngày hôm đó sau khi cả Hội đồng giám mục Mễ Tây Cơ và Giáo phận Ecatepec - nơi trước đó Đức Cha Cepeda đã lãnh đạo – phản đối kế hoạch này của ngài.

“Hội Đồng Giám Mục không chấp nhận mọi hành vi chính trị mà Giám mục Cepeda đang thực hiện với tư cách cá nhân. Ngài không thể thực thi chúng, cả trong lời nói cũng như trong hành động, với tư cách là đại diện chính thức của Giáo Hội Công Giáo”, Hội Đồng Giám Mục cho biết trong một tuyên bố ngày 5 tháng 4.

Hội Đồng Giám Mục cũng trích dẫn giáo luật không cho phép hàng giáo sĩ tham gia chính trị.

“Không có bằng chứng cho thấy Giám mục Cepeda đã yêu cầu hoặc nhận được sự cho phép theo quy định của giáo luật”, tuyên bố cho biết.

Hội Đồng Giám Mục cũng tuyên bố Giám mục Cepeda “phải tuân theo luật pháp Mễ Tây Cơ, và tùy thuộc vào các cơ quan nhà nước có chấp thuận việc ứng cử của ngài hay không”. Luật pháp Mexico yêu cầu các giám mục phải bị cách chức ít nhất 5 năm trước khi tìm kiếm các chức vụ công.

Quyết định của Đức Cha Cepeda ra ứng cử đã thu hút được sự chú ý rất lớn, đặc biệt là sau khi ngài tuyên bố trong một cuộc họp báo, “Tôi mệt mỏi vì những kẻ ngu ngốc cai trị chúng tôi. Tất cả các chính trị gia đều là những kẻ vô lại, và tất cả bọn họ đều ăn cắp một thứ gì đó”.

Sau đó, ngài đã rút lại quyết định ra tranh cử của mình trong cuộc bầu cử dự trù sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng 6. Ngài nói với kênh tin tức Milenio rằng Sứ thần Tòa Thánh ở Mễ Tây Cơ đã phản ứng rất mạnh nói rằng ngài có thể mất chức giám mục.
Source:Catholic Spirit
 
Linh mục bị tù hai năm vì cho kẻ đói ăn
Đặng Tự Do
15:36 12/04/2021


Một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã kết án Cha Sefer Bileçen hai năm và một tháng tù giam sau khi ngài bị kết tội “trợ giúp cho một tổ chức khủng bố”.

Cha Sefer Bileçen, thường được người dân gọi là Cha Aho, là linh mục Chính Thống Giáo nghi lễ Assyriô. Ngài bị buộc tội “trợ giúp cho một tổ chức khủng bố” chỉ vì đã đưa một miếng bánh mì cho hai người xuất hiện trước cổng tu viện của ngài. Các công tố viên nói với Tòa án Hình sự Cấp cao Mardin rằng những người xin chút bánh cầm hơi là thành viên của Đảng Công nhân người Kurd, gọi tắt là PKK, đã bị Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Vị linh mục đã luôn phản đối cáo buộc này và khẳng định mình vô tội.

Cha Aho là người trông coi tu viện Chính thống Mor Yakup, tức là Thánh Giacóp, nơi ngài đã trùng tu. Tu viện đã bị bỏ hoang sau cuộc diệt chủng năm 1915.

Ngài bị bắt vào ngày 9 tháng Giêng năm 2020, nhưng được thả 4 ngày sau đó dưới áp lực của dư luận. Theo bản cáo trạng, vị linh mục này phạm tội “trơ giúp một tổ chức khủng bố”.

Về phần mình, Cha Aho luôn khẳng định rằng ngài không biết những người đến xin bánh mì là ai, và ngài đã giúp họ vì “đức ái Kitô giáo”.

Quyết định của tòa án được đưa ra trong bối cảnh các vi phạm và bách hại ngày càng tăng đối với nhóm thiểu số Kitô Giáo.
Source:Asia News
 
Trụ sở của Hội Đồng Giám Mục bị đột nhập và cướp phá
Đặng Tự Do
15:37 12/04/2021


Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM, đã bày tỏ “sự gần gũi, đoàn kết và cầu nguyện” với Hội đồng Giám mục Colombia, gọi tắt là CEC, sau những hành động bạo lực và phá hoại diễn ra vào đêm 29 tháng 3, “khi một nhóm cướp đột nhập vào trụ sở của CEC, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng và đánh cắp thông tin kỹ thuật số và các tài sản giá trị dành cho hoạt động mục vụ và viện trợ nhân đạo trong nước”.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của CELAM, là Đức Cha Oscar Urbina Ortega và Đức Cha Elkin Fernando Alvarez, lấy làm tiếc về những sự kiện này, diễn ra vào đầu Tuần Thánh, và những thiệt hại gây ra cho sứ mệnh mục vụ của Giáo hội Colombia và cam kết xã hội của các Giám Mục nước này trong việc bảo vệ sự sống và nhân quyền.

Cha Jaime Marenco, Giám đốc Truyền thông của Hội Đồng Giám Mục cho biết khoảng 6 giờ chiều Thứ Hai, 29 Tháng Ba, một nhóm 10 người đàn ông, mặc sắc phục cảnh sát, xông vào trụ sở của Hội đồng Giám mục Colombia. Bọn tội phạm đã chặn cửa ra vào, khống chế các nhân viên, cướp đi nhiều thứ, và gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số văn phòng.

Tuyên bố của CELAM kết luận rằng: “Chúng tôi tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và sự hiệu quả của các cơ quan chức năng trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ những sự thật về những hành vi đáng tiếc này.”
Source:Fides
 
Haiti, Nam Mỹ - trong ngày Chúa Nhật lễ Lòng Chúa Thương Xót, 5 linh mục, 2 nữ tu và 3 giáo dân bị bắt cóc!
Thanh Quảng sdb
16:13 12/04/2021
Haiti, Nam Mỹ - trong ngày Chúa Nhật lễ Lòng Chúa Thương Xót, 5 linh mục, 2 nữ tu và 3 giáo dân bị bắt cóc!

Port au Prince, Thông tấn xã Fides cho hay vào Chủ nhật thứ hai Lễ Phục sinh, trong khi toàn thể Giáo hội khắp nơi mừng lễ kính Lòng Chúa Thương xót, thì Giáo Hội Công Giáo tại Haiti, đặc biệt là Hội Dòng các Linh mục Thánh Giacôbê và Tổng giáo phận Cap Haitien, u sầu lo lắng về vụ năm linh mục, hai nữ tu và ba người thân của Cha Jean Arnel Joseph bị bắt cóc. Vụ bắt cóc diễn ra vào ngày Chủ nhật, ngày 11 tháng 4, tại thị trấn Croix-des-Bouquets, gần thủ đô Port-au-Prince.

Cha Stevenson Montinard, linh mục thuộc Tu hội Saint Jacques, cho TTX Fides hay và xin mọi người cầu nguyện cho việc phóng thích các Cha: Michel Briand (quốc tịch Pháp), Jean Nicaisse Milien, Joël Thomas, Evens Joseph, và Jean-Hugues Baptiste (linh mục của Tổng giáo phận Cape Haiti) và hai Nữ tu Agnès Bordeau, thuộc Tu hội Chúa Quan phòng Pommeraye, quốc tịch Pháp, và của Nữ tu Anne Marie Dorcelus, thuộc Tu hội Chúa Giêsu Hài Đồng và ba giáo dân.

Tất cả bị bắt cóc trên đường đến giáo xứ Galette Chambon. Theo cha Stevenson Montinard, những kẻ bắt cóc đòi một khoản tiền lớn để chuộc.

Thật buồn lo khi những vụ bắt cóc tương tự xảy ra hàng ngày ở đất nước này, nơi mà nhiều năm qua luôn phải đối diện với sự mất an ninh ngày càng gia tăng. "Vụ bắt cóc mới này phản ánh sự sụp đổ của bộ máy an ninh của chính phủ. Dường như không nơi nào được yên ổn nữa", cha Renold Antoine, C.Ss.R chia sẻ với TTX Fides như vậy và cha Renold kết luận: “Các nhóm sống ngoài vòng pháp luật tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi và buồn đau trong dân chúng”.

Theo một nguồn tin địa phương thì cảnh sát nghi ngờ một băng nhóm có vũ trang hoạt động trong khu vực, có biệt danh là "400 Mawozo", đứng sau vụ bắt cóc! Hội Đồng Liên tôn Haiti (CHR) cho hay ba người khác cũng bị bắt cóc, họ là bà con của một cha bị bắt." Hội Đồng Liên tôn Haiti (CHR) bày tỏ mối lo lắng và bất xúc trước tình hình kỷ luật mà dân chúng đã phải sống trong hơn một thập kỷ qua!"
 
Vatican tổ chức Hội nghị chuyên đề về nền thần học của chức linh mục
Vũ Văn An
19:50 12/04/2021

Theo VaticanNews ngày 12 tháng 4, Tòa thánh tổ chức một cuộc họp báo để công bố Hội nghị chuyên đề về nền thần học của chức linh mục, một hội nghị sẽ tìm cách khám phá mối liên hệ giữa chức linh mục được truyền chức và chức linh mục của tất cả những ai đã chịu phép rửa.



Hội nghị Chuyên đề đó sẽ diễn ra trong các ngày 17-19 tháng 2 năm 2022, mang tên “Hướng tới nền Thần học Căn bản về Chức Linh mục”.

Biến cố trên được trình bày hôm thứ Hai tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh bởi Đức Hồng Y Marc Ouellett, Giáo sư Michelina Tenace, và Cha Vincent Siret.

Ba vị trên đã trình bày các báo cáo cùng với bối cảnh và mục tiêu của Hội nghị chuyên đề năm tới. Hội nghị sẽ đề cập vấn đề độc thân của giáo sĩ trong nghi lễ Latinh và chức linh mục của những người được rửa tội.

Mỗi ngày trong ba ngày của Hội nghị sẽ tập trung vào một chủ đề khác nhau. Ngày đầu tiên sẽ dành cho “Truyền thống và các Chân trời mới”, ngày thứ hai dành cho “Chúa Ba Ngôi, Sứ mệnh và Tính Bí tích”, và ngày thứ ba dành cho “Độc thân, Đặc sủng và Linh đạo”. Một vị Hồng Y khác nhau sẽ chủ trì các suy nghĩ của từng nửa ngày, và Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ gửi tới các người tham dự một thông điệp vào cuối Hội nghị chuyên đề.

Thần học về ơn gọi

Đức Hồng Y Marc Ouellett, Tổng trưởng Bộ Giám mục, bắt đầu cuộc họp báo: ngài liên kết thời điểm của Hội nghị với Chúa nhật Ơn gọi sắp tới, rơi vào ngày 25 tháng Tư.

Ngài cho biết quyết định tổ chức Hội nghị chuyên đề kéo dài ba ngày không hề tầm thường, xét trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Ouellett nói thêm, có một sự cấp bách phải khám phá nền thần học về chức linh mục, đặc biệt là sau các Thượng Hội đồng gần đây về gia đình, người trẻ và Giáo hội ở vùng Amazon.

Ngài nói, "Đã đến lúc phải kéo dài cuộc suy tư và cổ vũ một phong trào ơn gọi tạo điều kiện cho việc chia sẻ các kinh nghiệm khác nhau của Giáo hội khắp hành tinh".

Đức Hồng Y Ouellett cho biết Đức Giáo Hội Phanxicô đã thường nhắc lại nhận xét của ngài vào năm 2015 rằng “con đường đồng nghị là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”.

Ngài nói thêm, tính đồng nghị liên quan đến ơn gọi đòi “sự hợp tác chặt chẽ giữa giáo dân, linh mục và tu sĩ nam nữ, để công bố Tin Mừng cho thế giới qua chứng tá hấp dẫn của các cộng đồng Kitô hữu”.

Ngài cho biết Hội nghị chuyên đề sẽ tìm cách khám phá một “viễn kiến đổi mới” và “một cách để trân qúi mọi ơn gọi trong khi tôn trọng những gì chuyên biệt cho từng ơn gọi”.

Giáo sư Michelina Tenace, người dạy thần học tại Giáo hoàng Đại học Gregorianô, đã mô tả tính cấp thiết của các vấn đề đang được đề cập.

Bà nói: “Ngày nay, chúng ta thấy ở nhiều nơi trên thế giới, các giám mục và linh mục đang tranh đấu để nhận diện các thay đổi cần thiết cho một linh mục thực sự trở thành lính canh của Vương quốc Thiên Chúa".

Vì vậy, bà nói thêm, Hội nghị chuyên đề sẽ khám phá nền tảng nhằm liên kết chức linh mục thừa tác với chức linh mục của người được rửa tội.

Giáo sư Tenace chỉ ra rằng các thừa tác viên được phong chức là điều không thể thiếu “vì các ngài bảo vệ sự sống thiêng liêng qua các Bí tích” trong khi dân Chúa “bảo vệ sự sống thiêng liêng bằng cách xây dựng Giáo hội qua chứng tá bác ái và tăng trưởng các đặc sủng”.

Bà nói thêm, điều này có nghĩa là cộng đồng những người đã được rửa tội và các linh mục cùng chia sẻ một trách nhiệm hỗ tương.

Khủng hoảng về bản sắc linh mục

Hội nghị chuyên đề cũng sẽ đề cập đến nền thần học ơn gọi, đời sống độc thân linh mục, và mối liên hệ với thể thánh thiêng.

Giáo sư Tenace cho biết mỗi ơn gọi đều xây dựng Giáo hội theo cách riêng của nó. Bà nói, khi hiểu đúng về chức linh mục, nguy cơ của chủ nghĩa giáo sĩ trị có thể tránh được, bởi vì chức linh mục được đồng nhất với việc phục vụ hơn là quyền lực.

Bà lưu ý rằng việc đào tạo trong các chủng viện “thường rất yếu kém chính trong việc phân định ơn gọi và việc đào tạo trong cuộc sống hiệp thông”.

Bà nói thêm, việc đào tạo chủng viện phải giúp chủng sinh ý thức được ơn sống độc thân, điều được đòi hỏi trong nghi lễ Latinh “như một chứng tá tiên tri cho chức linh mục của Chúa Kitô”.

Giáo sư Tenace cho biết: “Hội nghị chuyên đề sẽ giúp chúng ta hiểu rằng cuộc khủng hoảng về bản sắc linh mục hoặc về ơn gọi” ảnh hưởng đến “sự biến đổi đang diễn ra của toàn thể Giáo hội như một thân thể được nhựa sống của Chúa Thánh Thần làm cho sống động”.

Sống độc thân trong tình yêu

Cha Vincent Siret, Giám đốc Giáo hoàng Chủng viện Pháp, đã mời tất cả các nhà đào tạo chủng viện tham dự Hội nghị chuyên đề năm tới như một cách để giúp các ứng viên vào chức linh mục phát triển trở thành các linh mục tốt.

Ngài nói, suy tư về nền thần học của chức linh mục sẽ giúp các chủng sinh hiểu được đòi hỏi sống độc thân của Giáo hội Latinh và “thực hiện cam kết với đầy đủ nhận thức về các sự kiện”.

Ngài nói: “Sự dâng hiến trọn đời người liên quan đến toàn bộ con người và chỉ có thể được biện minh thông qua quan điểm tự hiến để theo chân Chúa Giêsu Kitô trong một tính năng động Ba Ngôi”.

Cha Siret nói thêm, tình yêu là trung tâm của việc hiến thân.

Các chiều kích khác

Trong khi đó, theo Cindy Wooden của CNS, Đức Hồng Y Marc Ouellet, nhấn mạnh rẳng: “Hội nghị chuyên đề không cho rằng mình có thể đưa ra các giải pháp thiết thực cho tất cả các vấn đề mục vụ và truyền giáo của giáo hội, nhưng nó có thể giúp chúng ta đào sâu nền tảng của sứ mệnh giáo hội”.

Ngài cũng nhấn mạnh rằng chức linh mục thừa tác vốn bắt nguồn từ chức linh mục của mọi người nhận được lúc chịu phép rửa, chứ không bắt nguồn từ “quyền lực Giáo Hội”.

Ngài cũng cho biết Hội nghị dành cho các giám mục và phái đoàn gồm các nhà thần học và các nhân viên ơn gọi từ mọi quốc gia, mặc dù nó cũng sẽ mở cửa cho các nhà thần học khác và những người quan tâm đến chủ đề này.

Đức Hồng Y Ouellet còn cho biết, ngày nay, mối liên hệ giữa phép rửa và thừa tác vụ thụ phong cần được nhấn mạnh hơn, nhưng nó cũng “liên quan đến các vấn đề đại kết vốn không được bỏ qua, cũng như các phong trào văn hóa đặt câu hỏi về vị trí của phụ nữ trong Giáo Hội”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Trung tâm Vinh Sơn Liêm Melbourne, 21
Trần Văn Minh
03:30 12/04/2021
Melbourne, trong nguyên một buổi chiều Chúa Nhật 11/4/2021. Trong một ngày thời tiết giá lạnh, mưa từng cơn ngắn dù không liên tục, nhiệt độ cho biết qua dự báo là thấp nhất 11 và cao nhất 14 độ. Dù đã phải hạn chế, nhưng vẫn được rất đông giáo dân trong Tiểu bang Victoria về tham dự buổi Thánh lễ đại trào kết thúc Tam Nhật Thánh Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót Năm 2021, và Thánh lễ đồng tế kết thúc với 18 Linh mục, hai phó tế đồng tế, cùng với quý tu sỹ nam nữ và giáo dân Việt Nam cùng hiệp dâng thánh lễ ngoài trời trong gió lạnh. Và rất đông giáo dâng phải vào trong khu có mái che và hội trường dâng lễ.

Thánh lễ đồng tế bế mạc Đại Lễ LCTX 21

Xem hình

Từ rất sớm, các anh em làm trật tự và các em trong Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, giới trẻ phụ giúp mọi người đến dự ghi danh theo luật kiểm dịch bệnh của chính quyền và giáo quyền, để giữ an toàn cộng đồng trong mùa dịch Covid – 19.

Buổi Tam Nhật Thánh cuối cùng được bắt đầu từ lúc 2 giờ 50 chiều Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót Ngày 11/4/2021, do quý cha Nguyễn Trọng Thiên, và Anthony Nguyễn Ngọc Dũng thuyết giảng, tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Do Ban Cổ động Lòng Chúa Thương Xót Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm tổ chức chính, cùng được sự hổ trợ của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam TGP Melbourne.

Mọi người dễ nhận ra địa điểm tổ chức vì đây là một trung tâm quen thuộc với mọi người hơn 40 năm qua. Từ xa, trung tâm đã trang hoàng để cho đại lễ thêm long trọng, và dễ nhận thấy với hai lá cờ Úc và Việt Nam Cộng Hòa hai bên khu cột cờ, cộng với cờ của Hội Thánh và cờ Thánh Tâm Chúa bay phất phới. Một tấm băng rôn với nội dung của đại lễ giăng ngang trên hàng rào của trung tâm. Và do tình hình dịch bệnh Covid 19 – Wuhan, đại lễ đã phải giới hạn người đến với Lòng Chúa Thương Xót.

Mở đầu như để chào mừng mọi người là các bài thánh ca. Tất cả các bài giảng trong Tam Nhật Thánh Lòng Chúa Thương Xót Năm 2021 đều xoay quanh các chủ đề: 1, Gia đình đến với Lòng Chúa Thương Xót, 2, Người trẻ và Lòng Chúa Thương Xót và 3, Đến với lòng Chúa Thương Xót là chủ đề chính của đại lễ.

Các chủ đề chính do quý Linh mục Duy Dòng Đa Minh, Cha Bernard Nguyễn Văn Toàn, Cha Nguyễn Hữu Quảng, Cha Gioan Baotixita Lê Trọng Bình, Cha Nguyễn Trọng Thiên và Cha Anthony Nguyễn Ngọc Dũng SDB. Thuyết giảng chính, và trong những giờ chầu Lòng Chúa Thương Xót lúc 3 giờ chiều.

Trong Tam Nhật Thánh Lòng Chúa Thương Xót, mỗi ngày đều kết thúc với Thánh lễ đồng tế do Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB điều hợp viên ban tuyên úy chủ tế thánh lễ khai mạc, hai thánh lễ được cử hành trong nhà thờ và một thánh lễ được cử hành tại lễ đài của Trung tâm Công Giáo Thánh Vinh Sơn Liêm để đáp ứng với số đông giáo dân về dâng lễ.

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Giuse Nguyễn Bảo Quốc SSS. Tuyên úy cộng đoàn chủ tế. trong khuôn viên trung tâm các hàng ghế sắp sẵn theo khoảng cách và nhiều lều cũng đã được dựng lên để phòng mưa, và cũng có những trận mưa nên nhiều người phải ngồi trong hội trường, khu trước thang máy và cả trên lầu. Năm nay có hai xe Bus chở người từ xa về và rất nhiều xe nhà đến, mọi chỗ đậu xe gần trung tâm đã không có chỗ.

Cuối lễ, Ông Vũ Đình Cư, đại diên ban tổ chức đã lên cám ơn, quý cha, quý tu sỹ, Đại diện ban mục vụ cộng đồng và các ban mục vụ cộng đoàn, quý ban ngành đoàn thể trong tổng giáo phận đã giành thời gian quý báu cho ban tổ chức, nhất là Linh mục tuyên úy đã hết sức giúp đỡ cho ban tổ chức để tổ chức đại lễ. Quý ca đoàn trong Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, Ca đoàn Cecilia, các anh chị em trong ban trật tự, ban ẩm thực đã hết lòng phục vụ để cho đại lễ thành công tốt đẹp. Và rất đông mọi người về dự, vì thiếu quý vị, buổi đại lễ sẽ thiếu đi tình gắn kết cộng đồng. Ông cũng không quên xin mọi người bỏ qua cho những thiếu sót mà ban tổ chức không thể tránh khỏi. Và có gửi những bông hoa nhỏ để cảm ơn quý cha đã đến dâng lễ cùng cộng đoàn.

Tiếp đến là phần bàn giao trách nhiệm tuyên úy giữa cha cựu Tuyên úy Giuse Nguyễn Bảo Quốc Dòng Thánh Thể và cha Tân Tuyên úy Giuse Phạm Minh Ước Dòng Tên, qua thư bổ nhiệm của Đức Tổng Giám muc TGP Mebourne, cùng phần phát biểu của ông Trần Ngọc Cẩn Trưởng ban mục vụ Công đồng Công Giáo Việt Nam TGP Melbourne cảm ơn Ban mục vụ Cộng đoàn Công Giáo Thánh Vinh Sơn Liêm, cám ơn ban tổ chức, quý vị đã bỏ công sức, tài chánh để tổ chức Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót hằng năm thay cho cộng đồng. Đây là một công sức rất lớn của Linh mục quản nhiệm và Ban Cổ động Lòng Chúa Thương Xót nói riêng và Cộng đoàn Công Giáo Thánh Vinh Sơn Liêm nói chung. và tặng quà cho Cha Nguyễn Bảo Quốc

Ông Cao Minh Đức trưởng ban mục vụ cộng đoàn cũng đã thay mặt cho Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm cảm ơn quý cha và quý thầy phó tế, đã đến dâng lễ cùng với cộng đoàn. Ông cũng thay mặt cộng đoàn gửi chút quà đến cha Nguyễn Bảo Quốc để tỏ lòng biết ơn cha đã đến giúp cộng đoàn trong thời gian qua.

Sau đó là hai cha Giám Tỉnh cũng phát biểu với cộng đoàn trong cương vị giám tỉnh dòng, có quý cha đã và sẽ đến để phục vụ cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm.
Cuối cùng, là buổi tiệc mừng cầm tay được tổ chức trao tay ngay tại cổng ra về, để mọi người cùng nhau thưởng thức những món ăn do các đầu bếp của cộng đoàn phục vụ. Mọi người ra về trong niềm vui của ngày đại lễ, gặp lại nhau sau một thời gian dài vì bị cơn đại dịch ngăn cách.

 
Giáo xứ Tân Trang, SG : Lễ Lòng Chúa Thương Xót
Martinô Lê Hoàng Vũ
08:38 12/04/2021
“Quyền năng Thiên Chúa biểu lộ ngay khi Ngài xót thương nhân loại”Đó là chia sẻ của Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng trong thánh lễ chiều nay tại Giáo xứ Tân Trang.

Chiều thứ bảy 10.4.2021tại giáo xứ Tân Trang, hạt Phú Thọ, TGP. Sài Gòn đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật II Phục sinh,kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.Hôm nay ca đoàn Faustina của giáo xứ cũng mừng bổn mạng.

Thánh lễ diễn ra vào lúc 17g45ph do Linh mục chánh xứ Giuse Đinh Văn Thọ chủ tế cùng với 3 Linh mục thân quen đồng tế. Trong lời đầu lễ,Linh mục chủ tế mời gọi mọi người luôn tín thác vào tình thương của Chúa.Ngài nói: “Thánh nữ Faustina,lễ kính ngày 5.10,nhưng nói đến thánh nhân là nhắc đến lòng thương xót Chúa,ca đoàn Faustina trong giáo xứ mừng bổn mạng hôm nay.Cầu chúc cho anh chị em ca đoàn qua lời ca tiếng hát luôn chúc tụng cảm tạ tình thương của Thiên Chúa”.

Xem Hình

Trong bài chia sẻ Tin Mừng,Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng-Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn khai triển với cộng đoàn về Lòng Chúa thương xót.Ngài nói: “Thánh Kinh là kho tàng mặc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa,qua từng câu chuyện,từng trang sách và nhất là chính Đức Giêsu mặc khải rõ ràng trọn vẹn nhất về lòng thương xót.

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại 2 lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các tông đồ.Ngài cho các ông xem các vết thương,những lỗ đinh trên thân thể.Những vết thương là dấu chứng tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa dành cho con người,những vết thương diễn tả lòng thương xót của Chúa.Hình ảnh Chúa thương xót chúng ta thấy,Chúa Giêsu có dấu đinh ở trên tay,từ cạnh sườn Ngài chiếu ra hai luồng ánh sáng.

Lòng thương xót Chúa chữa lành con người,Chúa Giêsu hiện ra cho nhóm 11 môn đệ xem tay và cạnh sườn,tức là Ngài tỏ bày Lòng thương xót,trao ban bình an,trấn an các ông đang lo sợ hoang mang trong căn nhà cửa đóng then cài.Ngài hiện ra củng cố đức tin cho các ông.Chúa Giêsu bày tỏ tình thương cho các ông,đang khi các ông trĩu nặng tâm hồn vì tội hèn nhát phản bội Thầy trong những ngày thương khó.Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra còn trao phó sứ mạng loan báo tin mừng cho các ông.Thánh Tôma tiến sĩ nói: “Nét đặc trưng của Thiên Chúa là Lòng thương xót.Quyền năng của Người biểu lộ ngay khi Người xót thương”.Vì thế,chúng ta đừng bao giờ mất lòng trông cậy vào Thiên Chúa,hãy phó thác vào Lòng thương xót,cảm nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa và cũng biểu lộ tình yêu thương cho những người trong gia đình,cha mẹ,con cái,những người hàng xóm hay nơi công sở của chúng ta.

Thánh lễ tiếp nối với phần Phụng Vụ Thánh Thể và kết thúc vào khoảng 18g45ph,mọi người ra về trong tâm tình ta ơn Thiên Chúa và nguyện chúc cho ca đoàn Faustina luôn là những tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa theo gương thánh bổn mạng.

Được biết,Ca đoàn Faustina được thành lập 2 năm,phụ trách hát lễ ngày thứ sáu đầu tháng và các lễ trọng ngày thứ sáu,cùng với hỗ trợ hát lễ cho ca đoàn Thánh Tâm.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Giáo xứ Tân Việt Đại lễ Lòng Thương Xót Chúa.
Vinh sơn Trần văn Đẩu
08:47 12/04/2021
“ Hãy đến với Lòng Thương Xót Chúa để được Chúa thứ tha lỗi lầm. Dù tội con đỏ thắm như son, Chúa vẫn tha khi con tự hối...” Lời bài ca nhập lễ đã hướng cộng đoàn sốt sáng tham dự Thánh lễ mừng kính Lòng Thương Xót Chúa do Lm chánh xứ Đa minh Vũ Ngọc Thủ chủ tế diễn ra lúc 15g00 Chúa nhật 11/04/2021 tại giáo xứ Tân Việt hạt Tân Sơn Nhì.

Xem Hình

Trước đó khởi đi từ ngày Thú Sáu Tuần Thánh, Cộng đoàn LTX của giáo xứ đã làm tuần cửu nhật thật sốt sáng nhằm giúp mọi người chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ. Để rồi hôm nay, như lời hướng ý đầu lễ, toàn thể cộng đoàn hân hoan bước vào buổi họp mừng quanh bàn tiệc Thánh chiều nay. Với tâm tình đó cộng đoàn cùng hướng về tiền sảnh thánh đường đón Lm chủ tế tiến lên cung thánh bắt đầu Thánh lễ.

Trong bài giảng, qua bản văn Tin Mừng, Lm chủ tế chia sè: Chiều nay, chúng ta quy tụ nơi đây, để tôn vinh và thể hiện sự xác tín của mỗi người chúng ta vào Lòng Thương Xót của Chúa. Như khi xưa Chúa đã nói với Thánh nữ Faustina và ngày hôm nay Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta rằng không một ai nằm ngoài quỹ đạo tình yêu của Chúa, không một tội nhân nào lại không được tha thứ và không một lỗi lầm nào mà Chúa chấp nhất nếu chúng ta tín thác và trở về với Lòng Thương Xót của Chúa.

Trong niềm vui Phục Sinh Chúa đã ban bình an và Ngài thổi hơi để ban Thánh Thần tình yêu của Chúa đến đề tha thứ tội lỗi cho các ông.

Ngài kết luận: Mong ước mỗi người chúng ta luôn biết đặt trọn niềm tin vào Chúa, luôn biết chạy đến để dìm mình vào đại dương của Lòng Thương Xót Chúa, luôn sống tinh thần bác ái yêu thương để lan tỏa tình yêu của Chúa cho mọi người.

Sau khi đọc kinh tin kính, cộng đoàn cùng hiệp ý cầu nguyện chung cầu cho các gia đình, các bệnh nhân cũng như mọi thành phần dân Chúa.

Phần phụng vụ Thánh Thể tiếp tục với việc dâng của lễ.

Mừng kính Đại Lễ Lòng Thương Xót Chúa, xin cho chúng con cũng trở nên những tông đồ của Lòng Thương Xót, biết dùng tình thương xóa bỏ hận thù, dùng lòng khoan dung nối lại tình người thể hiện Lòng Thương Xót trong các hoạt động bác ái tông đồ, cùng nhau xây dựng một thế giới đầy tràn tình yêu thương hiệp nhất.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Đại lễ kính Lòng Thương Xót Chúa tại xứ Maria Goretti, San Jose, California
Thái Phạm
21:21 12/04/2021
 
Văn Hóa
Chiều Nay Em Nghe Mùi Lúa Mới
Sơn Ca Linh
08:57 12/04/2021
Chiều Nay Em Nghe Mùi Lúa Mới

(Mến tặng các chị Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương Làng Sông nhân mùa gặt đầu tiên – 2021)

Mới ngày nào lạnh buốt gió mùa Đông,
Em chập chững bước chân bùn ngập lối…
Hạt giống gieo ươm mầm xanh rất vội
Nên bây giờ vàng ngập bước em đi…

Em có nghe cánh đồng vọng câu gì,
vươn trong gió luống rơm nằm thỏ thẻ.
Vòng đời ta thoáng mùa qua rất nhẹ,
Mục nát rồi lại mục nát hư vô !

Một hạt thôi nhưng cất giữ vô bờ,
chút sẻ chia, chút ngọt mềm cay đắng,
chút yêu thương, giọt mồ hôi thầm lặng…
Mùi nghĩa tình và hương của thiên linh !

Nhỏ bé thôi nhưng mang cả Phục Sinh,
Qua mục nát để chờ ngày mong đợi,
Để chiều nay em nghe mùi lúa mới,
và nghe trong hồn lời cảm tạ rưng rưng !

Sơn Ca Linh (Chiều 12.4.2021)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đôi Dép
Sr. Huyền Trần
12:04 12/04/2021
ĐÔI DÉP
Ảnh của Sr. Huyền Trần (SSpS)

Đôi dép vô tri khăng khít song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung
(Trích thơ của Nguyễn Trung Kiên)
 
VietCatholic TV
Đức Cha Vásquez bày tỏ nỗi buồn về vụ xả súng kinh hoàng tại Bryan. Đại tang của Giáo Hội tại Úc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:55 12/04/2021


1. Đức Cha Joe S. Vásquez bày tỏ nỗi buồn trước vụ xả súng mới nhất tại Texas

Đức Cha Joe S. Vásquez của giáo phận Austin, Texas đã bày tỏ nỗi bàng hoàng của ngài sau vụ nổ súng diễn ra vào lúc 2g30 chiều ngày thứ Tư 8 tháng Tư theo giờ địa phương, tức chỉ vài ngày sau lễ Phục sinh. Ngài mạnh mẽ lên án bạo lực vô nghĩa và thái độ khinh miệt sự thánh thiêng trong đời sống con người.

Một người thiệt mạng, một số người bị thương trong vụ xả súng ở Texas. Cảnh sát trưởng Eric Buske nói với các phóng viên rằng vụ nổ súng xảy ra tại công ty đóng bàn ghế tủ kệ nội thất Kent Moore Cabinets ở Bryan, Texas và nghi phạm được cho là một nhân viên của doanh nghiệp này.

Một nghi phạm sau đó đã bị tạm giữ. Thống đốc Texas Greg Abbott cho biết trong một tuyên bố rằng “tiểu bang sẽ hỗ trợ bằng mọi cách cần thiết để giúp truy tố nghi phạm”. Abbott cho biết một nhân viên thực thi pháp luật đã “bị thương trong khi bắt giữ nghi phạm”.

Vụ nổ súng khiến một người chết tại hiện trường và 4 người khác bị trúng đạn, Buske nói. Một người thứ năm được đưa đến bệnh viện trong tình trạng lên cơn hen suyễn.

Bạo lực diễn ra sau một chuỗi hơn nửa tá vụ xả súng hàng loạt chết người trên khắp nước Mỹ kể từ giữa tháng 3, bao gồm cả những vụ cuồng sát giết chết 8 người tại các tiệm xông hơi ở khu vực Atlanta, 10 người tại một siêu thị ở Boulder, Colorado và 4 người, trong đó có một cậu bé 9 tuổi ở Orange, California.

Bryan, một thị trấn của khoảng 87,000 cư dân và thủ phủ của Brazos County, chỉ cách Đại học Texas A & M University một quãng đường ngắn, trong vùng lân cận College Station khoảng 100 dặm về phía tây bắc của Houston.

Hôm thứ Tư, Phillip Adams, một cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đã bắn chết một bác sĩ nổi tiếng ở Nam Carolina, vợ ông ta, hai được cháu và một người đàn ông khác trước khi tự sát tại nhà riêng của mình cách đó không xa.

Một nạn nhân thứ sáu bị thương và được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Source:Reuters

2. Đức Thánh Cha gởi điện chia buồn đến Nữ hoàng Anh trước cái chết của Quận Công Philip

Hôm thứ Bảy 10 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của Quận Công Philip trong một bức thư gửi Nữ hoàng Elizabeth II, là người vợ trong suốt 73 năm của ông.

Một bức điện ngày 10 tháng Tư do Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký tay mặt Đức Thánh Cha viết:

“Đau buồn khi biết về cái chết của Quận Công Philip, Công tước xứ Edinburgh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi lời chia buồn chân thành tới Nữ hoàng và các thành viên Hoàng gia”,

Cái chết của Quận Công Philip, ở tuổi 99, được Cung điện Buckingham công bố vào hôm thứ Sáu 9 tháng Tư.

Cung điện cho biết: “Với nỗi buồn sâu sắc, Nữ hoàng đã thông báo về cái chết của người cHồng Yêu quý của mình, Quận Công Philip, Công tước xứ Edinburgh.”

“Vương tế đã qua đời một cách yên bình sáng nay tại Lâu đài Windsor.”

Quận Công Philip và Nữ hoàng Elizabeth II có 4 người con, 8 người cháu và 10 người chắt. Quận Công Philip là người phục vụ lâu nhất trong số các vương tế Anh.

Bức điện của Vatican ngày 10 tháng Tư cho biết, “Nhớ lại sự tận tâm của Quận Công Philip đối với hôn nhân và gia đình của mình, thành tích xuất sắc của ông trong các hoạt động công ích và dấn thân của ông đối với việc giáo dục và tiến bộ của các thế hệ tương lai, Đức Thánh Cha trao phó ông cho tình yêu thương xót của Chúa Kitô, Đấng Cứu thế của chúng ta.”

Bức điện kết luận rằng:

“Đức Thánh Cha cầu khẩn các phước lành an ủi và bình an của Chúa trên Nữ hoàng và tất cả những ai đau buồn về sự mất mát của ông với hy vọng chắc chắn về sự phục sinh”.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Edward Idris Cassidy của Úc Đại Lợi vừa qua đời ở tuổi 96

Đức Hồng Y Edward Idris Cassidy, một nhà ngoại giao và là một viên chức lâu năm của Giáo triều Rôma, đã qua đời ở Newcastle, Australia, vào hôm thứ Bẩy 10 tháng Tư, một ngày trước lễ kính Lòng Chúa Thương Xót hưởng thọ 96 tuổi.

Đức Hồng Y Cassidy là chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô Giáo từ năm 1989 cho đến khi ngài nghỉ hưu vào năm 2001. Từ năm 3 năm 2001, ngài đã trở lại Úc sau hơn 30 năm với tư cách là Sứ thần Tòa Thánh và viên chức tại Giáo triều Rôma.

Với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, Đức Hồng Y Cassidy, cùng với Liên đoàn Luther Thế giới, chịu trách nhiệm soạn thảo và ký kết Tuyên bố chung về Công Chính Hóa vào năm 1999.

Ngài từng là sostituto, tức là Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hay viên chức thứ hai, tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong 21 tháng từ năm 1988 đến 1989.

Việc bổ nhiệm ngài vào Giáo triều Rôma đã kết thúc gần 18 năm hoạt động trong ngành ngoại giao Tòa Thánh với tư cách là Sứ Thần Tòa Thánh tại các nước Đài Loan, Bangladesh, Lesotho và Hà Lan. Ngài cũng là Khâm Sứ Tòa Thánh ở Nam Phi trong hơn 5 năm dưới chế độ phân biệt chủng tộc.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong ngài làm Hồng Y vào năm 1991, nhưng ngài đã không bỏ phiếu trong mật nghị bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2005, vì quá tuổi 80 chỉ 9 tháng trước đó.

Đức Hồng Y Cassidy sinh tại Sydney, New South Wales, Úc vào ngày 5 tháng 7 năm 1924. Khi gia đình gặp khó khăn về tài chính sau cái chết của ông nội, ngài phải bỏ ngang chương trình trung học để làm nhân viên văn phòng tại Sở Giao thông Đường bộ.

Ngài được thụ phong linh mục tại tổng giáo phận Sydney năm 1949 khi mới 25 tuổi.

Không lâu sau đó, ngài được chuyển đến Giáo phận Wagga Wagga, một giáo phận trực thuộc tổng giáo phận Sydney.

Ngài chuyển đến Rôma để học giáo luật vào năm 1952, hoàn thành bằng tiến sĩ tại Đại học Giáo hoàng Lateranô năm 1955. Đức Hồng Y Cassidy cũng nhận được bằng tốt nghiệp về nghiên cứu ngoại giao từ Học viện Giáo hoàng về Giáo hội.

Với tư cách là một linh mục, Đức Hồng Y Cassidy đã phục vụ tại các Tòa sứ thần ở Ấn Độ, Ái Nhĩ Lan và Bồ Đào Nha. Ngài được bổ nhiệm là cố vấn của phái đoàn Tòa Thánh tại Hoa Kỳ vào năm 1967 lúc đang phục vụ tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Ái Nhĩ Lan. Ngày 8 tháng 7, 1967, Sứ Thần Tòa Thánh tại Ái Nhĩ Lan là Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Maria Sensi được thuyên chuyển làm Sứ thần Tòa Thánh tại Bồ Đào Nha, ngài tạm thời phụ trách Tòa Sứ Thần ở Dublin cho đến tháng 11 trước khi được bổ nhiệm làm cố vấn Sứ thần Tòa Thánh ở El Salvador.

Ngài cũng từng là cố vấn Tòa sứ thần tại Á Căn Đình, trước khi được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Đài Loan vào năm 1970.

Sau khi nghỉ hưu năm 2001, Đức Hồng Y Cassidy đã viết cuốn sách “Khám phá lại Công đồng Vatican II – Phong trào Đại kết và Đối thoại Liên tôn.”
Source:Catholic News Agency

4. Bảo tàng Vatican sẽ mở cửa trở lại với các biện pháp mới nghiêm ngặt vào tháng 5

Bảo tàng Vatican đang có kế hoạch mở cửa trở lại cho công chúng vào tháng tới với các biện pháp COVID-19 mới nghiêm ngặt hơn.

“Tính đến diễn tiến của cuộc khủng hoảng sức khỏe và tình hình vẫn chưa chắc chắn, chúng tôi thông báo rằng, tại thời điểm này, Bảo tàng và Khu vườn Vatican dự kiến sẽ mở cửa trở lại cho công chúng từ thứ Hai, ngày 3 tháng 5”, một thông báo trên trang web của Viện bảo tàng Vatican cho biết.

Bảo tàng Vatican mở cửa trở lại vào tháng 2 và nửa đầu tháng 3, sau khi đóng cửa từ ngày 5 tháng 11, khi chính phủ Ý thực hiện các hạn chế coronavirus chặt chẽ hơn, đóng cửa tất cả các bảo tàng ở Ý.

Trong suốt đại dịch, các Bảo tàng Vatican đã tuân theo các biện pháp của chính phủ Ý. Trong thời gian đóng cửa toàn quốc vào mùa xuân năm 2020, các bảo tàng đã đóng cửa tổng cộng 12 tuần trước khi mở cửa trở lại vào ngày 1 tháng 6.

Bảo tàng Vatican đã xuất bản một tài liệu dài năm trang liệt kê các quy tắc mới dành cho du khách.

“ Những quy tắc này là cần thiết để bảo đảm rằng chuyến thăm của các bạn có thể diễn ra trong điều kiện tốt nhất và an toàn nhất”, trang web cho biết.

Ngoài việc luôn phải đeo khẩu trang, du khách cũng sẽ được kiểm tra nhiệt độ và luôn phải tránh xa những người khác khoảng 1m. Có những quy định mới bao gồm giới hạn các nhóm du lịch không quá 20 người và các yêu cầu nghiêm ngặt về việc vào bảo tàng đúng thời gian quy định.

Tất cả du khách phải đặt vé trực tuyến trước. Chi phí đặt vé trực tuyến bốn euro thông thường sẽ được miễn.
Source:Catholic News Agency

5. Buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng 11/4/2021

Ngày Chúa Nhật 11 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ trong một nhà thờ chứa thánh tích của cả Thánh Faustina Kowalska và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đây là lần thứ hai trong liên tiếp 2 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô dâng thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót tại đây.

Sau khi cử hành thánh lễ, Đức Thánh Cha đã nói vài lời với những người hiện diện trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.

Trước khi kết thúc buổi lễ này, tôi muốn cảm ơn những người đã hợp tác chuẩn bị và phát sóng trực tiếp buổi cử hành. Và tôi xin chào tất cả những ai được kết nối qua các phương tiện truyền thông.

Tôi gửi lời chào đặc biệt đến anh chị em đang hiện diện ở đây trong Nhà thờ Santo Spirito in Sassia, Đền thờ Lòng Thương Xót Chúa: các tín hữu thường xuyên của giáo xứ, các nhân viên y tá, các tù nhân, những người khuyết tật, những người tị nạn và di cư, các Nữ tu Bệnh viện của Lòng Thương xót, và các tình nguyện viên trong Cục Bảo vệ Dân sự.

Anh chị em đại diện cho một số tình huống mà lòng thương xót được biến thành hữu hình; Lòng Thương Xót trở thành sự gần gũi, phục vụ, quan tâm đến những người gặp khó khăn. Tôi hy vọng anh chị em sẽ luôn cảm thấy anh chị em đã được ban cho lòng thương xót, để đến lượt mình xót thương những người khác.

Cầu xin cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, cầu thay nguyện giúp cho tất cả chúng ta được ân sủng này.

Sau khi đọc kinh, anh chị em đã tiến lên chào Đức Thánh Cha.
Source:Vatican News
 
Bách hại ra mặt: Cho kẻ đói ăn, một linh mục ở tù hai năm. Trụ sở Hội Đồng Giám Mục bị cướp.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:35 12/04/2021


1. Giám mục Mễ Tây Cơ tuyên bố tranh cử vào chức vụ chính trị, rồi rút lui ngay lập tức trước các phản ứng của các Giám Mục anh em

Một giám mục Mễ Tây Cơ đã công bố ý định tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới ở đất nước này, nhưng sau đó rút lại trước các chỉ trích của các Giám Mục khác. Quyết định này tạo ra sự hoang mang và làm dấy lên cuộc tranh luận ở Mễ Tây Cơ về vai trò của các linh mục và Giám Mục trong nền chính trị của đất nước.

Hôm 5 tháng Tư, Đức Cha Onésimo Cepeda Silva, 84 tuổi, tiết lộ kế hoạch ra ứng cử vào cơ quan lập pháp của bang Mexico – là bang bao quanh thủ đô Mexico City - với một đảng chính trị mới được gọi là Fuerza por México. Nhưng vị giám mục đã phải lùi bước trong cùng một ngày hôm đó sau khi cả Hội đồng giám mục Mễ Tây Cơ và Giáo phận Ecatepec - nơi trước đó Đức Cha Cepeda đã lãnh đạo – phản đối kế hoạch này của ngài.

“Hội Đồng Giám Mục không chấp nhận mọi hành vi chính trị mà Giám mục Cepeda đang thực hiện với tư cách cá nhân. Ngài không thể thực thi chúng, cả trong lời nói cũng như trong hành động, với tư cách là đại diện chính thức của Giáo Hội Công Giáo”, Hội Đồng Giám Mục cho biết trong một tuyên bố ngày 5 tháng 4.

Hội Đồng Giám Mục cũng trích dẫn giáo luật không cho phép hàng giáo sĩ tham gia chính trị.

“Không có bằng chứng cho thấy Giám mục Cepeda đã yêu cầu hoặc nhận được sự cho phép theo quy định của giáo luật”, tuyên bố cho biết.

Hội Đồng Giám Mục cũng tuyên bố Giám mục Cepeda “phải tuân theo luật pháp Mễ Tây Cơ, và tùy thuộc vào các cơ quan nhà nước có chấp thuận việc ứng cử của ngài hay không”. Luật pháp Mexico yêu cầu các giám mục phải bị cách chức ít nhất 5 năm trước khi tìm kiếm các chức vụ công.

Quyết định của Đức Cha Cepeda ra ứng cử đã thu hút được sự chú ý rất lớn, đặc biệt là sau khi ngài tuyên bố trong một cuộc họp báo, “Tôi mệt mỏi vì những kẻ ngu ngốc cai trị chúng tôi. Tất cả các chính trị gia đều là những kẻ vô lại, và tất cả bọn họ đều ăn cắp một thứ gì đó”.

Sau đó, ngài đã rút lại quyết định ra tranh cử của mình trong cuộc bầu cử dự trù sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng 6. Ngài nói với kênh tin tức Milenio rằng Sứ thần Tòa Thánh ở Mễ Tây Cơ đã phản ứng rất mạnh nói rằng ngài có thể mất chức giám mục.
Source:Catholic Spirit

2. Linh mục bị tù hai năm vì cho kẻ đói ăn

Một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã kết án Cha Sefer Bileçen hai năm và một tháng tù giam sau khi ngài bị kết tội “trợ giúp cho một tổ chức khủng bố”.

Cha Sefer Bileçen, thường được người dân gọi là Cha Aho, là linh mục Chính Thống Giáo nghi lễ Assyriô. Ngài bị buộc tội “trợ giúp cho một tổ chức khủng bố” chỉ vì đã đưa một miếng bánh mì cho hai người xuất hiện trước cổng tu viện của ngài. Các công tố viên nói với Tòa án Hình sự Cấp cao Mardin rằng những người xin chút bánh cầm hơi là thành viên của Đảng Công nhân người Kurd, gọi tắt là PKK, đã bị Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Vị linh mục đã luôn phản đối cáo buộc này và khẳng định mình vô tội.

Cha Aho là người trông coi tu viện Chính thống Mor Yakup, tức là Thánh Giacóp, nơi ngài đã trùng tu. Tu viện đã bị bỏ hoang sau cuộc diệt chủng năm 1915.

Ngài bị bắt vào ngày 9 tháng Giêng năm 2020, nhưng được thả 4 ngày sau đó dưới áp lực của dư luận. Theo bản cáo trạng, vị linh mục này phạm tội “trơ giúp một tổ chức khủng bố”.

Về phần mình, Cha Aho luôn khẳng định rằng ngài không biết những người đến xin bánh mì là ai, và ngài đã giúp họ vì “đức ái Kitô giáo”.

Quyết định của tòa án được đưa ra trong bối cảnh các vi phạm và bách hại ngày càng tăng đối với nhóm thiểu số Kitô Giáo.
Source:Asia News

3. Trụ sở của Hội Đồng Giám Mục bị đột nhập và cướp phá

Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM, đã bày tỏ “sự gần gũi, đoàn kết và cầu nguyện” với Hội đồng Giám mục Colombia, gọi tắt là CEC, sau những hành động bạo lực và phá hoại diễn ra vào đêm 29 tháng 3, “khi một nhóm cướp đột nhập vào trụ sở của CEC, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng và đánh cắp thông tin kỹ thuật số và các tài sản giá trị dành cho hoạt động mục vụ và viện trợ nhân đạo trong nước”.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của CELAM, là Đức Cha Oscar Urbina Ortega và Đức Cha Elkin Fernando Alvarez, lấy làm tiếc về những sự kiện này, diễn ra vào đầu Tuần Thánh, và những thiệt hại gây ra cho sứ mệnh mục vụ của Giáo hội Colombia và cam kết xã hội của các Giám Mục nước này trong việc bảo vệ sự sống và nhân quyền.

Cha Jaime Marenco, Giám đốc Truyền thông của Hội Đồng Giám Mục cho biết khoảng 6 giờ chiều Thứ Hai, 29 Tháng Ba, một nhóm 10 người đàn ông, mặc sắc phục cảnh sát, xông vào trụ sở của Hội đồng Giám mục Colombia. Bọn tội phạm đã chặn cửa ra vào, khống chế các nhân viên, cướp đi nhiều thứ, và gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số văn phòng.

Tuyên bố của CELAM kết luận rằng: “Chúng tôi tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và sự hiệu quả của các cơ quan chức năng trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ những sự thật về những hành vi đáng tiếc này.”
Source:Fides