Ngày 15-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH - Từ ngày 16 đến 30.04.2009
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
00:24 15/04/2009
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ 16 đến 30-04-2009

Ngày 16-04-09: Hãy khuyên vác cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến, nhẫn nại. (Tt 2, 2)

Thánh Phaolô khuyên phái nam cao niên cần thân tâm khỏe mạnh. Tôi sống đạo đức làm người và đời sống liên kết mật thiết với Chúa.

Ngày 17-04-09: Các bà phải ăn ở sao cho xứng đáng là người thánh, không nói xấu…; nhưng biết dạy bảo điều lành. (Tt 1, 3)

Các bà nên bớt nói, vì khi nói nhiều dễ nói hành, nói xấu người khác. Tôi tập nói tốt về người thứ ba và nói những điều hay lẽ phải.

Ngày 18-04-09: Biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà…, để Lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm. (Tt 2, 5)

Gia đình là là nền tảng của giáo hội và xã hội, nên bố mẹ, vợ chồng đều cần sống đạo đức. Bạn quyết làm gương sáng về cách cư xử và sống đạo để gia đình được hạnh phúc để làm chứng cho đạo Chúa.

Ngày 19-04-09: Đức Giêsu đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. (Dt 2, 15)

Đức Giêsu là Thượng Tế đã nói đến sự yêu đuối và hư nát của con người dễ bị nô lệ vì xác thịt. Xin giúp con chết đi cho tội lỗi là quyết tâm xa lánh chúng, để con được hoàn tự do sống trong Chúa.

Ngày 20-04-09: Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách. (Dt 2, 16)

Đức Kitô đã làm người giống như tôi để tôi bước đi theo Ngài. Xin giúp con can đảm và bình an trước những sóng gió của cuộc sống.

Ngày 21-04-09: Anh em là thánh, được hưởng chung ơn bởi trời, anh em hãy ngắm nhìn Đức Giêsu là Tông đồ, là Thượng Tế…(Dt 3, 1)

Chúa Giêsu Tông đồ kiểu mẫu, là hình ảnh Thiên Chúa vô hình. Bạn hãy nhìn ngắm Ngài hiện diện trong mọi hoàn cảnh để sống.

Ngày 22-04-09: Người đã dùng Lời Chân Lý mà sinh ra chúng ta, để ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. (Gc 1, 18)

Lời Chân Lý là Phúc Âm, là sự khôn ngoan, là luật đứng đầu, là đức ái đưa bạn đến sự sống đời đời. Tôi gẫm suy Lời Chúa hàng ngày, để tôi nhai và nuốt lấy bánh sự sống này trong cuộc sống hôm nay.

Ngày 23-04-09: Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi công chính. (Gc 1,19). Thực thi công chính là đức bác ái. Tôi quyết thực hành đức tin được phát xuất từ con tim, đó là làm như Chúa Giêsu đã làm.

Ngày 24-04-09: Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. (Gc 1, 21)

Muốn đón nhận Lời Chúa, bạn hãy vứt bỏ mọi điều gian ác, xảo trá, giả hình, ghen tương.. Tôi hãy trở nên như trẻ nhỏ để vào Nước Trời.

Ngày 25-04-09: Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử… (1 Pr 1, 17)

Thiên Chúa công bằng đối với mọi người, không phân biệt người có đạo hay ngoại giáo, nếu ai ăn ở ngay lành theo lương tâm đều được cứu. Bạn sẽ bị xét xử, tùy theo điều thiện hoặc việc ác bạn đã làm.

Ngày 26-04-09: Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tich là Đức Kitô. (1 Pr 1, 19)

Đức Giêsu đã giải thoát cho nhân loại khỏi ách nô lệ và sự chết. Đây là cách xử sự công chính của Chúa với tôi như dân It-ra-en xưa.

Ngày 27-04-09: Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người chỗi dậy từ cõi chêt, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa. (1 Pr 1, 21)

Máu Chúa Giêsu đã đổ ra là Giao Ước Mới để bạn tin vào Chúa.

Con quyết chết đi, là từ bỏ tội lỗi mỗi ngày để được sống lại với Chúa từ hôm nay.

Ngày 28-04-09: Tôi thiết nghĩ: bao lâu còn ở trong cái lều này, tôi phải nhắc nhở để tỉnh thức anh em, đó là điều phải lẽ. (2 Pr 1,13)

Cái lều này nói lên thân xác bạn rất mong manh, tạm bợ chóng qua. Tôi làm nhiều bác ái cho tha nhân để có hành trang đón Chúa đến.

Ngày 29-04-09: Vì biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều này, như Đức Kitô Chúa chúng ta, cũng đã tỏ ra cho tôi biết. (2 Pr 1, 14)

Bạn hãy cho mọi người biết niềm hy vọng khi chờ ngày quang lâm. Vì chính Chúa là niềm cậy trông của con trong mọi lúc gian nan.

Ngày 30-04-09: Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường, thêu dệt… (2 Pr 1, 16)

Những ai liên đới với Adam là sống theo xác thịt, tham lam, gian tà, độc ác thì phải chết, còn bạn và tôi vì liên kết với Đức Kitô qua việc nghe và thực thi Lời Người, hãy tin chắc Thiên Chúa sẽ cho sống lại.

Ptế: JB Nguyễn Văn Định
 
Tạ ơn Cha Sở vì mang Mình Thánh Chúa tới tận nhà
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
00:55 15/04/2009
Thiên chức Linh Mục cao quý biết chừng nào! Bởi vì, chỉ duy nhất Linh Mục mới có thể ban Bí Tích cho tín hữu Công Giáo, đặc biệt là 2 bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Với bí tích Thánh Thể, Linh Mục trao Đức Chúa GIÊSU cho các linh hồn, đổ tràn Ánh Sáng Ngài vào lòng tín hữu. Nhờ thế, tín hữu Công Giáo như hưởng nếm trước niềm vui thiên quốc. Trái tim của tín hữu no thỏa niềm hoan lạc, an bình và Tình Yêu THIÊN CHÚA. Với các ân huệ trọng đại này, lòng tín hữu dâng lên niềm tri ân chân thành về món quà THIÊN CHÚA Từ Bi trao tặng: thiên chức Linh Mục.

Sau đây là nguyên văn lá thư cụ ông Francesco Ugliano - tín hữu Công Giáo Ý - bày tỏ lòng ghi ơn vô bờ đối với Cha Sở. Bởi vì, Cha Sở thường xuyên mang Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ đến tận nhà cho cụ ông và cụ bà.

Đồng hồ chỉ 11 giờ 50 phút sáng. Chuông cửa nhà con reo vang. Rồi một giọng nói trầm ấm tươi vui cất lên thật lớn:

- Cha Sở Rosario đây! Tôi mang Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU đến cho hai cụ! Chúc mừng hai cụ thật nhiều nhé!

Con nghe tiếng nói của Cha Sở mà có cảm tưởng như đang nghe tiếng hát của các Thánh Thiên Thần! Ngay phút chốc, lời báo tin và chào thăm của Cha Sở gieo vào tâm hồn con một niềm vui và một hương vị ngọt ngào của Thiên Quốc. Con vội vã đi nhanh xuống chiếc cửa lớn và mở toang cánh cửa đón rước Cha Sở cùng với Vị Thượng Khách Thần Linh. Chúng con không dùng thang máy nhưng cùng bước trên các bậc cấp dẫn lên căn hộ nằm nơi lầu hai.

Riêng con, con thật xúc động. Con đặt tay trên ngực, nơi là Nhà Tạm bé nhỏ rồi sẽ được hồng phúc cất giữ món quà cao sang nhất trong tất cả các món quà trên thế gian này. Đó là Vị Vua Trời Đất, là Hài Nhi GIÊSU bé bỏng sinh ra nơi Hang Đá Bê lem vào một Đêm xa xưa lạnh lẽo.

Khi lên đến căn hộ và bước vào nhà, Cha Sở trìu mến ôm hôn con và nói:

- Chúc Mừng hai cụ! Tôi mang đến cho hai cụ Đức Chúa GIÊSU! Đức Chúa GIÊSU!

Âm thanh câu nói còn mạnh hơn lúc nãy. Chưa hết. Tiếng nói kèm theo một nụ cười thật rạng rỡ như thiên thần! Cái lạnh lẽo của một ngày mùa đông giá buốt bỗng như biến mất. Một luồng hơi nóng như tràn ngập căn phòng. Con không rõ điều này có thật hay chỉ hoàn toàn do trí tưởng tượng??? Con không thể nào giải thích được!!!

Đúng 12 giờ trưa. Cha Sở - với bước chân thật dài đi nhanh như gió - tự tàng hình thành Ông Già Noel để tận tay trao cho hai vợ chồng con Đấng là Vua của tất cả mọi người, không trừ ai. Đấng mà mỗi khi Ngài ngự đến thì Ngài cũng trao tặng con người sự thanh thản, niềm an bình và niềm hoan lạc thiên quốc ngay ở trần gian này. Thật thế, nơi căn hộ của đôi vợ chồng già chúng con, Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể cũng biến nỗi buồn sầu thành niềm vui thiên quốc. Tất cả hồng phúc này chúng con nhận được là nhờ ngài, thưa Cha Sở rất kính yêu. Chỉ một ngày kia - chúng con thật lòng cầu chúc và mong ước như vậy - một ngày kia nơi Thiên Quốc, chúng con mới có thể biết tất cả hoa trái phong phú mà những bước chân nhanh như gió của Cha Sở mang đến tận nhà tín hữu giáo dân chúng con: hồng ân bí tích Thánh Thể là chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ dấu ái. Trong khi chờ đợi điều ấy xảy ra, chúng con xin chân thành bày tỏ niềm tri ân sâu xa của chúng con. Chúng con xin đáp trả công ơn trời bể của Cha Sở bằng lời cầu nguyện và lòng thương mến thảo kính của chúng con.

Thưa Cha Sở kính yêu. Cuộc viếng thăm cùng với món quà của Cha Sở thật là ánh sáng huy hoàng, là bầu trời lấp lánh các vì sao cho hai vợ chồng già chúng con. Với ý thức sâu xa về chức thánh cao cả của Linh Mục, chúng con càng cầu nguyện nhiều hơn cho các Linh Mục trên toàn thế giới. Nguyện xin THIÊN CHÚA ban muôn ơn lành hồng phúc cho các Linh Mục để các ngài trở thành những người mang ánh sáng - chứ không phải bóng tối - đến cho các linh hồn.

... ”Thầy chính là Mục Tử Nhân Lành. Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Thầy chính là Mục Tử Nhân Lành. Thầy biết chiên của Thầy, và chiên của Thầy biết Thầy, như THIÊN CHÚA CHA biết Thầy và Thầy biết THIÊN CHÚA CHA và Thầy hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Thầy còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Thầy cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Thầy. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ THIÊN CHÚA CHA yêu mến Thầy, là vì Thầy hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của Thầy, không ai lấy đi được, nhưng chính Thầy tự ý hy sinh mạng sống mình. Thầy có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Gioan 10,11-18).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, Anno VIII, n.10, 15 Marzo 2009, trang 3)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:46 15/04/2009
CHIA SẺ

N2T


Sư phụ sắp viên tịch, đây là chuyện thực không thể hồi phục được, các đệ tử hy vọng vì sư phụ mà cử hành lễ an táng thật long trọng. Sư phụ nghe được bèn nói: “Dùng trời đất làm quan tài, dùng mặt trời, mặt trăng, tinh tú làm mũ, toàn thể vũ trụ hộ vệ ta đi vào phần mộ, ta còn có thể cần nghi thức trang nghiêm như các con chuẩn bị nữa sao ?”

Sư phụ yêu cầu “thiên táng”, nhưng đệ tử không thể nghe lời di mệnh của ông ta, sợ rằng loài chim và các cầm thú đến ăn mất xác của ông ta.

- “Vậy thì, nhớ bỏ cây gậy của ta bên cạnh, để ta có thể cấp thời đuổi cầm thú.” Đại sư cười nói như thế.

- “Làm sao có thể như thế được, lúc đó thầy không còn biết gì nữa.”

- “Mặc dù là như thế, nhưng khi cầm điểu đến ăn ta thì có quan hệ gì chứ ?”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có những đám ma thật trang nghiêm trọng thể, đó là vì con người ta muốn trả ơn và để nêu cao gương sáng của người chết, chứ thực ra người chết không cần những thứ nghi thức trọng thể ấy, bởi vì họ không còn là một con người ở dương thế nữa để “thưởng thức” nhưng nghi lễ trọng thể ấy.

Không thể đem cơm bánh, rượu bia hay bất cứ vật chất nào để chia sẻ với người chết, bởi vì đó là sự lãng phí và vô ích. Nhưng nếu là những người con có hiếu thì hãy cầu nguyện cho cha mẹ đã qua đời; những người bạn thân thiết thì hãy cầu nguyện cho bạn hữu đã qua đời; những người yêu thương thì hãy luôn nhớ cầu nguyện cho những người yêu thương đã khuất, vì chính những người đã qua đời ấy rất cần chúng ta chia sẻ lời cầu nguyện cho họ.

Chia sẻ với những người đã chết thì không có gì hay và hiệu quả cho bằng lời cầu nguyện và những hy sinh của mình, đó là niềm tin của người Ki-tô hữu và là bổn phận của họ.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:47 15/04/2009
N2T


140. Nếu chúng ta theo đuổi tất cả đức hạnh tốt đẹp, thì chúng ta sẽ ở trong đất của những người lương thiện đó là trên thiên đàng, tìm được nơi ở của chúng ta.

(Thánh Antonius)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:49 15/04/2009
N2T


86. Bất cứ linh cảm sơ suất nào, trên thực tế đều không thể thay thế thời gian dài lâu được.

 
Cộng đoàn 'khả tín''
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:59 15/04/2009
Chúa Nhật II Phục Sinh

Có phải ngẫu nhiên hay chăng khi mà Phụng Vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh năm nào ta cũng nghe đọc bài Tin Mừng về chuyện “Tôma cứng lòng tin”. Hẳn chủ ý của Mẹ Hội Thánh là muốn nhấn mạnh đến vai trò của đức tin trong việc tiếp nhận mầu nhiệm Phục Sinh? Quả thật, “người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu” (Rm 3,22). Nghi thức cử hành Bí tích Thánh Tẩy cho người lớn được khởi đầu như sau: Anh chị em xin gì cùng Hội Thánh? – Thưa con xin Đức Tin. Đức tin sinh ơn ích gì cho anh chị em? – Thưa đức tin đem lại cho con sự sống đời đời. Là Kitô hữu, chúng ta vốn chân nhận tầm quan trọng của đức tin. Tin không nguyên chỉ là nhìn nhận một sự gì đó, một ai đó mà còn dấn thân trọn vẹn cả cuộc sống theo điều mình nhận, theo người mình tin. Dù rằng đức tin là một sự đáp trả của mỗi người trong sự hiểu biết và tự do cá nhân, tuy nhiên đức tin còn có tính cách cộng đoàn vì ta đón nhận và sống đức tin nhờ cộng đoàn đồng thời ta còn có nhiệm vụ thông truyền đức tin cho mọi nguời (x. GLCG số 180-181).

VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐOÀN ĐỐI VỚI ĐỨC TIN

Nghe bài Tin Mừng kể chuyện về Tông Đồ Tôma ta dễ nghiêng chiều về tính cách cá nhân của đức tin là cần được kiểm chứng cách tự thân. Ai lại không thích tận mắt mình thấy, tận tay mình sờ chính Đấng Phục Sinh. Thế nhưng dẫu cho các Tông Đồ đã được cái diễm phúc ấy thì vai trò của đức tin vẫn còn đó. Sự xuất hiện của Chúa Phục Sinh luôn có cái ẩn tàng để các ngài phải vượt qua. Bởi chưng những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh không minh nhiên cách rõ ràng để các ngài được diện đối diện như sau này ở trên trời (x. 1 Cr 13,12; 2 Cr 5,7). Hình dáng bên ngoài của Chúa Phục Sinh đã có đổi thay nào đó so với trước đây khiến cho Mađalêna, hai môn đệ đi làng Emmau cũng như các Tông Đồ khó nhận ra Chúa. Và rồi các Tông Đồ mãi cần phải thấy một điều, và nhận một điều khác.

Tuy nhiên điều chúng ta muốn đề cập ở đây chính là tính cách cộng đoàn của đức tin. Trước hết chúng ta cần nhìn nhận rằng thái độ “cứng lòng tin” của Tôma vừa có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan thì có lẽ hành vi rời bỏ cộng đoàn của Tôma minh chứng cho điều này. Sau khi Chúa chịu khổ nạn thì các Tông Đồ đã tụ họp nhau lại ở nhà Tiệc Ly. Còn Tôma thì không biết ngài “đi đi mô?”. Cũng có thể vì sợ hãi, cũng có thể vì một lý do cá nhân nào đó, nhưng trong cái hoàn cảnh này, một hoàn cảnh xem ra bi đát, vô vọng của cả tập thể mà tự ý bỏ đi một mình thì xem ra không được ổn. Thật khó mà biện minh cho sự thiếu “đồng cam cộng khổ” của ngài “đi đi mô”.

Tách rời tập thể, tách lìa cộng đoàn thường là một trong những nguyên nhân khiến đức tin của ta ra nguội lạnh và có khi hoá khô cằn. Thực tế cho chúng ta sự thật này. Một Kitô hữu, một gia đình con cái Chúa tự ý sống tách lìa với cộng đoàn, với giáo xứ của mình thì đời sống đạo khó mà giữ được sự nhiệt thành. Ở đây, chỉ dám nhận xét bên ngoài vì chỉ có Chúa mới thấu suốt mọi tâm can bí ẩn lòng người. Tuy nhiên, ta có thể căn cứ vào số thống kê để chân nhận điều này: trong số các thiếu nhi, thiếu niên xem ra “hư hỏng” thì đa phần là không tham gia vào các lớp giáo lý hay các sinh hoạt chung của cộng đoàn. Trong các gia đình có vẻ như “nguội lạnh” đức tin thì cũng đa phần là không có gắn bó với tập thể, nếu không muốn nói là tự ý sống cô lập một mình. Kinh nghiệm nơi cả hàng tu sĩ hay linh mục cũng thế. Một cá nhân nào đó sống khép kín, bỏ cộng đoàn thì dường như đã hay đang có vấn đề và dĩ nhiên là vấn đề không được hay, không được tốt. Chính vì thế, Mẹ Hội Thánh luôn đề cao tính cộng đoàn trong việc sống đức tin của đoàn con cái. Đó là tình huynh đệ của linh mục đoàn, tính cộng đoàn của các tập thể Dòng Tu, sự liên đới trong các giáo xứ. Mục vụ cho người “di dân”, cho những người rời quê hương vì sinh kế, vì chuyện học hành…đang là một trong những nổi băn khoăn lớn của Hội Thánh nói chung và Hội Thánh Việt Nam nói riêng.

Cộng đoàn có ảnh hưởng một cách nào đó trên đức tin của chúng ta. Mặc dù ta vẫn phải tuyên xưng với công thức “tôi tin” nghĩa là đức tin luôn là một quyết định có ý thức và tự do của bản thân, thế nhưng ta đừng quên đức tin của ta được hình thành, nuôi dưỡng và củng cố trong và nhờ cộng đoàn. Cộng đoàn có ảnh hưởng tích cực trên đức tin của ta và cũng có khi lại ảnh hưởng cách tiêu cực.

Thái độ cứng lòng tin của Tôma phải chăng có nguyên cớ nơi tập thể nhóm Tông Đồ, môn đệ? “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Chúng tôi đã được thấy Chúa, thế mà tám ngày sau các ngài vẫn đóng kín các cửa căn phòng, dĩ nhiên là vì sợ người Do Thái (x. Ga 20,19-26). Một lời tuyên xưng từ miệng những người mà chân tay mãi run cầm cập thì khả tín làm sao được! Thật khó trở nên dấu chỉ gợi mở lòng tin, thật khó trở thành nguồn củng cố đức tin cho một ai đó, khi mà cộng đoàn đức tin không thực sự phản ánh những gì được tin nhận. Chúng ta hẳn không quên trường hợp “vị thánh sống” của người Ấn Độ, Gandhi. Mặc dù rất cảm mến Tin Mừng nhưng ông đã không đón nhận đức tin trong Hội Thánh chỉ vì sự kỳ thị sắc tộc của một cộng đoàn bấy giờ. Mẹ Hội Thánh chúng ta cũng đã từng đấm ngực thú nhận rằng chính mình là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vô thần trên thế giới hiện nay. Phải, chính đời sống phản chứng, phản Tin Mừng của con cái Chúa đã làm nhiều người “cứng lòng tin” (x. MV số 19).

DẤU CHỈ KHẢ TÍN CỦA CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU TIÊN KHỞI:

“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung… Trong công đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy đem phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu” (Cv 4,32-35).

Những dòng Thánh Kinh thật đẹp, thật lý tưởng. Ngày nay ít có ai dám mơ tưởng chuyện như thế sẽ lại hiện thực. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi giai đoạn phát triển sẽ có những hình thức tồn tại thích hợp khác nhau. Chắc hẳn không thể bê nguyên cái hình thức của cái thưở ban đầu “đáng mơ” ấy để áp dụng cho thời đại hôm nay. Thế nhưng cái bầu khí, cái tinh thần khả tín ấy cần được thể hiện trong các cộng đoàn con cái Chúa mọi thời, mọi nơi.

Giả như các gia đình khá giả tự nguyện đem những gì không phải là “hằng ngày dùng đủ” đặt dưới chân ông cha xứ để chia sẻ cho những gia đình đang không có “cái dùng đủ hằng ngày” thì thật đáng ước mơ. Thật đẹp thay khi các giáo xứ tương đối có “của tiêu của dùng” bớt đi chút tiêu và chút dùng cho tổ chức này nọ và đem đặt dưới chân Giám mục để ngài chia cho các xứ chưa có nơi thờ tự hoặc dân chúng ở đó đang sống ngang hay dưới mức nghèo khó. Thật lý tưởng khi các linh mục hàng tháng đem đặt dưới chân Giám mục một phần thu nhập để ngài phân phối lại cho những vị đáng được đỡ nâng. Thật đáng ước mơ khi mà Hội Dòng này không chỉ nâng đỡ Hội Dòng kia về linh đạo, về nhân sự mà còn cả về nguồn lực vật chất. Nhiều, nhiều cái thật lý tưởng và đáng ước mơ tương tự nếu được hiện thực thì sẽ là một trong những dấu chỉ khả tín có sức khơi gợi niềm tin nơi nhiều người. “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2,42-47).

Đức Bênêđictô XVI trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” đã khẳng định bản chất của Hội Thánh được thể hiện qua ba tác vụ: Rao giảng Lời Chúa (kerygma-martyria), cử hành các Bí tích (leiturgia) và phục vụ bác ái (diakonia). Ba tác vụ này không thể tách rời nhau được. Việc phục vụ bác ái không phải là một hoạt động phụ thêm nhưng là một phần của bản chất của Hội Thánh (x. số 25). Công đồng Vatican II dạy ta rằng một trong những phương thuốc đặc hiệu chữa trị tình trạng vô thần đó là “đức ái huynh đệ của các tín hữu” (MV số 21).

MỘT VÀI CÂU HỎI TỰ KIỂM

Vì đâu tinh thần liên đới của các Kitô hữu sơ khai bị mai một dần? Có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh đổi thay chăng? Hay là do lòng người hôm nay quá ích kỷ, chỉ lo hưởng thụ cá nhân và đoàn tín hữu Kitô cũng đang ở trong vòng lốc xoáy ấy? Dẫu sao đi nữa thì ta cũng khó lòng biện minh cho việc hàng giáo sĩ quá lo cho tương lai, lo cho tuổi già về hưu. Thử hỏi đã có mấy linh mục hay giám mục chết vì thiếu thốn các điều kiện vật chất hay là ngược lại như thực tế đã cho ta thấy?

Vì đâu mà thuyết Mác-xít muốn nỗ lực xây dựng một thế giới đại đồng huynh đệ dựa trên việc tái lập đức công bằng mặc dù có nhiều điểm sai lệch, đặc biệt nơi biện pháp thực thi? (x. tđ Thiên Chúa là Tình Yêu số 26). Phải chăng chúng ta, cộng đoàn tín hữu Kitô một nơi nào đó, một giai đoạn nào đó đã từng khép kín lòng mình trước người anh em đồng loại? Ngay hôm nay, bản thân tôi cũng dễ bị cám dỗ sống “hai phần ba” bản chất của Hội Thánh. Thú thực, là linh mục, dường như tôi tự hài lòng với việc rao giảng Lời Chúa và cử hành các Bí tích. Hai phần ba xem ra là khá lắm rồi chứ. Thế nhưng khi thiếu cái phần ba còn lại thì chẳng có gì cả. Không có đức ái thì tất cả chỉ là “phèng la, não bạt”( x.1Cor 13 ). Và chắc chắn đời sống của tôi đang thiếu tính khả tín.

Vì đâu mà cộng đoàn tín hữu thời sơ khai sống được đức ái cách triệt để như thế? Dĩ nhiên trên hết là nhờ ơn Chúa. Và chắc chắn có sự khả tín nơi đời sống các Tông Đồ, các môn đệ, những người đang hướng dẫn họ. Giả như các Tông Đồ sống thiếu tình bác ái hoặc các ngài sử dụng của cải không phân minh thì có lẽ tình hình Hội Thánh sơ khai khó bề được như vậy. Phận người bất toàn khó tránh được thiếu sót, sai lầm. Các ngài đã nhận ra điều này nên đã chọn thêm bảy phó tế để phụ giúp (x Cv 6,1-6). “Mạnh ở tướng chứ mạnh gì quân”. Câu nói của người xưa hẳn có phần đúng và đáng cho ta phải xét mình.

Để cộng đoàn chúng ta trở thành dấu chỉ khơi gợi đức tin, trở thành nơi xây dựng đức tin, củng cố và làm tăng trưởng đức tin, có nhiều phương thế nhưng trên hết, trước hết chúng ta phải là một cộng đoàn khả tín bằng tình bác ái huynh đệ.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trận chiến văn hóa, đi với bụt mặc áo cà sa
Vũ Văn An
02:40 15/04/2009
Trận chiến văn hóa: đi với bụt mặc áo cà sa

Đối với nhiều người Công Giáo, trong trận chiến văn hóa hiện nay, ta đang bị vây hãm, đang bị những tên vô lại hung hãn tấn công một chiều chống lại một giáo hội yêu chuộng hòa bình. Hay còn tệ hơn nữa, đôi khi người ta cảm thấy như Giáo Hội đang ẩn mình đàng sau một pháo đài kính mầu, đang chia năm xẻ bẩy, gấu ó xem ai chính thống hơn ai, trong khi kẻ thù đang phá vỡ tuyến phòng thủ.

Ai cũng thấy điều ấy không đúng. Vì không có lý do gì Giáo Hội lại không thể xông thẳng vào thế gian và đuổi kẻ thù văn hóa của mình chạy dài. Nhưng để làm được việc ấy, ta phải học cách tấn công.

Thay vì tiêu phí thì giờ qúy báu trong cái pháo đài tự xây kia, ta nên lao mình vào tấn kích, truyền bá sự thật cho cái thế giới bao la ở bên ngoài. Điều ấy đòi một thái độ mới và một phương thức mới. Đức Gioan Phaolô II biết rõ điều ấy. Tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Denver năm 1993, ngài nói: “Đây không phải là giờ để ta xấu hổ vì Phúc Âm. Mà là giờ để ta rao giảng nó từ trên các mái nhà. Các con đừng sợ phải phá vỡ các lối sống dễ chịu, theo thói quen, để có thể nhận lấy thách thức làm cho Chúa Kitô được biết đến nơi các phố thị tân thời”.

Muốn thế, ta phải từ bỏ thế thủ. Ta cần học cách thuyết phục các phố thị tân thời. Nhất là cần phải rao giảng sao đó mà nghe ra như không rao giảng, từ bất cứ mái nhà nào ta leo lên được. Người Công Giáo hình như đang thua xa thế gian trong cái hiểu phải làm sao để tranh biện trong thế kỷ 21. Đây là lúc ta phải trở nên thông minh như con rắn và ngây thơ trong trắng như chim bồ câu, chứ không ngược lại. Để đạt được điều đó, ta cần tới bốn quy luật sau đây của nghệ thuật tranh biện mà nhiều người cho là hiện đại, nhưng thực ra vốn bắt nguồn từ truyền thống hai ngàn năm nay của Kitô Giáo.

Quy luật 1: Không phải chỉ là luận điểm mà là bạn và luận điểm của bạn

Như Đức Hồng Y John Henry Newman từng nói “Trái tim thường được với tới không phải nhờ lý luận mà là nhờ trí tưởng tượng… Các con người ảnh hưởng tới ta, các lời nói làm ta mềm lòng, các cái nhìn khuất phục ta, các công trình làm lòng ta bùng cháy”. Trong A Grammar of Assent, vị hồng y này còn cho rằng các tam đoạn luận không thể khiến người ta tin Thiên Chúa. Chỉ có sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa mới làm được điều đó. Cũng thế, các luận điểm của ta không thuyết phục được ai chấp nhận quan điểm của mình. Sự thật đơn giản là: người khác chỉ nhất trí với ta bao lâu họ tin ta trước đã. Và họ chỉ tin ta khi ta biết chỉ cho họ thấy cái đặc tính không thể rờ mó được của tính đáng tin mà các Kitô hữu vốn gọi tên là tình yêu.

Bạn không thể làm giả được tình yêu; dù có thử làm giả thì việc làm giả ấy sẽ bị dội ngược lại. Bạn phải thực sự tỏ ra quan tâm tới người đối nghịch. Điều ấy phải được coi là một ‘điều răn’ của cả Hội Thánh lẫn ngành giao tiếp nhân sự. Và khi bạn tranh biện với ai, cách thứ nhất để biểu lộ tình yêu đối với họ là kính trọng họ. Điều ấy không dễ như bạn tưởng. Muốn kính trọng ai, bạn phải có tâm thức cởi mở để hiểu rõ ràng rằng họ thực sự có điều quan trọng muốn nói.

Tom Hoopes, lúc đi kiếm việc làm lần đầu tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, được Pat Fagan, lúc ấy đang làm việc tại Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản, cho một lời khuyên chí lý: “Nếu anh là một người thủ cựu, anh phải luôn đọc tờ Washington Post với một tinh thần cởi mở và tờ Washington Times với một con mắt phê phán”. Còn G. K. Chesterton thì nhận định rằng yếu tố chính trong thiên tài của Thánh Thomas Aquinas là ngài luôn làm cho các luận điểm của địch thủ nghe hay hơn là chính các địch thủ ấy.

Việc phải làm là đánh giá chính xác quan điểm của địch thủ, thì họ sẽ sẵn sàng lắng nghe các luận điểm của bạn. Ngoài việc nhận được thiện chí của họ, việc đánh giá chính xác kia còn cần thiết về phương diện thực tiễn nữa. Vì dù gì chăng nữa, bạn cũng không thể chuyển dịch được địch thủ ra khỏi một quan điểm mà chính họ không hề bao giờ chủ trương.

Một cách quan trọng khác để kính trọng địch thủ là: nhìn nhận khi mình lầm. Khuynh hướng nhân bản thường là đào hào cố thủ. Nhưng thái độ như thế chỉ tổ không những đánh mất luận điểm mà còn đánh mất cả tính đáng tin cậy nữa. Không ai chịu lắng nghe một con người cố chấp trong lầm lẫn của mình. Nếu bạn muốn người khác nhìn nhận lúc bạn đúng, bạn phải biết nhìn nhận khi bạn sai.

Quy luật 2: Nói ngôn ngữ của họ

Khi đã được lắng nghe rồi, bạn phải đối diện với thách thức thứ hai: nói điều địch thủ hiểu được. Người Công Giáo chúng ta có thói quen nói một thứ ngôn ngữ đầy những quan niệm luân lý và tham chiếu thẩm quyền Giáo Hội cũng như các tiên kiến (preconceptions) Kitô giáo, một ngôn ngữ người láng diềng của ta không tài nào hiểu nổi. Còn họ, họ nói một thứ ngôn ngữ khác hẳn. Đó là ngôn ngữ của chủ nghĩa thực tiễn duy tương đối, của chủ nghĩa cá nhân tin bản chất mình tốt, và của một thứ phi luân lý mà ta không hiểu được.

Vậy làm sao bắc được nhịp cầu? Ta thường có khuynh hướng và từng yêu cầu họ thuận theo thứ ngôn ngữ luân lý ‘cao hơn’ của chúng ta. Nhưng làm như thế, ta không đi xa được bao nhiêu. Muốn thuyết phục họ, ta phải nói một ngôn ngữ mà họ từng đã hiểu. Tức là chính ngôn ngữ của họ. Quy luật này áp dụng từ thượng tầng trở xuống. Và thực ra nó đã từng là chủ đề cho một thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Các thông điệp của Đức Giaon Phaolô II có khuynh hướng khá nặng về trí thức, đề cập tới các vấn đề lớn lao như Phúc Âm Sự Sống, Đức Tin Và Lý Trí, Sự Chói Lọi Của Chân Lý…Tuy nhiên, ngài cũng từng viết loại thông điệp như Các Tông Đồ Người Slavs chẳng hạn, được coi như phương thức đặc trưng của ngài, và là bài học qúy giá cho người Công Giáo.

Thông điệp trên đề cập tới truyện hai thánh Cyril và Methodius, hai anh em tài hoa từng ẩn dật tại “một trong các đan viện dưới chân Núi Olympus”. Lịch sử bản thân của hai vị, và lịch sử của cả Âu Châu, đã thay đổi khi hoàng đế sai họ tới với sắc dân Slav, là sắc dân đang cần “một vị giám mục và thầy dạy… có khả năng giải thích cho họ biết đức tin Kitô giáo chân thật bằng ngôn ngữ riêng của họ”.

Thông điệp ca ngợi hai vị không những đã học ngôn ngữ của người Slav mà còn học hỏi ngôn ngữ ấy cách tốt hơn cả người Slav nữa. Vì hai vị đã tạo ra cả một mẫu tự để có thể phiên dịch Thánh Kinh sang ngôn ngữ mới này. Đức Thánh Cha khen ngợi cố gắng của các ngài “trong việc nắm vững thế giới bên trong của những người mà các ngài có ý định công bố Lời Chúa cho, bằng hình ảnh và khái niệm hết sức quen thuộc đối với họ”.

Câu truyện về các ngài rõ ràng có thể áp dụng vào thời ta: Hai người Công Giáo thông minh lui về Núi Olympus, dùng thì giờ của mình vui hưởng niềm tin với những người Công Giáo cùng một tâm trí. Nhưng rồi được sai đi phương xa, rời bỏ “các lối sống dễ chịu, theo thói quen, để có thể nhận lấy thách thức làm cho Chúa Kitô được biết đến”. Các ngài phiên dịch phúc âm sang ngôn ngữ sơ khai của một thế giới đóng kín và thù nghịch. Và nhờ thế, các ngài đã chinh phục được Đông Âu.

Liệu chúng ta có rời bỏ được Núi Olympus của riêng mình để chinh phục con người thời nay không? Chúng ta chỉ làm được điều ấy, khi chịu học để nói được ngôn ngữ của địch thủ. Hãy lấy cuộc nhân duyên đồng tính làm thí dụ. Công luận bảo rằng “người đồng tính là người nhã nhặn (nice). Tại sao lại không cho họ hưởng điều ta được hưởng?”. Câu trả lời rằng “Sinh hoạt đồng tính trái với Thánh Kinh” quả là đúng, nhưng câu ấy được phát biểu bằng một thứ ngôn ngữ chẳng ai nghe. “Sinh hoạt đồng tính là điều xấu ngay trong nội tại” có tốt hơn nhưng vẫn chưa có nghĩa.

Một luận điểm được lòng người hơn sẽ là tìm ra cốt lõi của chân lý trong luận điểm của địch thủ. Bất kể hiện nay nó trở nên tác hại đến đâu, nhưng mỗi một đợt công luận đều có một căn bản chân lý nào đó. Thí dụ, quả thật không nên khước từ hạnh phúc một cách bất công đối với người đồng tính. Cả Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo cũng dạy vậy. Và như thế, ta có thể nhất trí với công luận về điểm ấy. Hạnh phúc của người đồng tính là điều quan trọng. Nhưng làm thế nào để người đồng tính được hạnh phúc hơn cả? Bạn hãy trích dẫn các con số thống kê để chứng tỏ cho người ta thấy: đồng tính luyến ái thường do bạo hành trẻ em gây ra và đã dẫn người ta tới trầm cảm, thất vọng và tự tử một cách quá đáng, không tương xứng. Rồi sau đó, ráp nối để có được một luận điểm tương tự như thế này: “Người đồng tính là người nhã nhặn. Tại sao lại chối bỏ các thực tại từng gây hại cho họ và buộc họ phải sống một cuộc sống chán chường? Ta hãy giúp họ tìm ra hạnh phúc thực sự bằng cách giúp họ ra khỏi lối sống ấy”.

Phong trào phò sự sống đã làm được việc đó với những hiệu quả lớn lao. Những nhóm như Đừng Im Lặng Nữa (Silent No More) đã hiểu được rằng công chúng bị các vấn đề của người đàn bà gây sao lãng đến quên không nhìn tới chính vấn đề sự sống. Cho nên họ nhất trí. Đàn bà cũng rất quan trọng. Rồi họ nhấn mạnh rằng phá thai làm thương tổ đàn bà một cách sâu xa. Ít nhất ở lúc khởi đầu, có thể luận điểm của bạn bị coi như quá thực dụng (utilitarian). Nhưng bạn có cơ may tốt hơn để tiếp diễn cuộc tranh luận nếu bạn chịu bắt đầu như thế.

Quy luật 3: Ai chứ không phải điều gì

Người yêu người và ghét các khái niệm trừu tượng. Điều ấy có tính sinh vật học. Hãy cho một bé thơ hình ảnh một người mà xem. Em mỉm cười liền. Nhưng nếu cho cùng bé thơ đó một hình thù hình học mà xem, em sẽ nhìn đi chỗ khác ngay. Các luận điểm cũng thế thôi. Ai biết sử dụng những con người có thực một cách khéo léo đều thắng cuộc cả, bất kể điều ấy có nên hay không.

Những người ủng hộ hôn nhân đồng tính một cách có ý thức về phương diện chính trị hiểu rõ điều ấy. Nhiều người trong chúng ta than phiền về sự thiên vị của truyền thông khi thấy các cuộc hôn nhân đồng tính trên truyền hình (hay các câu truyện mủi lòng về người đồng tính, người đồng tính mừng vui khi đạt được quyền lợi mới…). Nhưng thực ra đâu có đơn giản như vậy.

Các nhà tranh đấu cho người đồng tính lúc nào cũng phải đương đầu với một công chúng thường là thù nghịch. Cho nên họ đã phải nhọc công tìm học ngôn ngữ của nền văn hóa hiện đại, làm bài ở nhà, vận động nhiều người, gọi điện thoại, và đưa ra nhiều điển hình bản thân có sức thuyết phục để bênh vực cho luận điểm của mình. Họ có bao giờ biện luận về ý nghĩa của hôn nhân hay các mục đích của nó; họ chỉ đơn giản lý luận rằng “chúng tôi cũng là những con người có cảm xúc”. Và họ cũng chưa bao giờ nói với truyền thông về các hậu quả của việc định nghĩa lại hôn nhân. Họ chỉ nói tới Hillary và Julie, tới David và Robert. “Hillary Goodridge, 46 tuổi, ở Boston, phải thú nhận bà chính là chị ruột của người bạn đời là Julie Goodridge, 45 tuổi. Bà phải đi thăm Julie khi Julie được vội chở vào khu chăm sóc kỹ lưỡng dành cho người mới sinh sau khi hạ sinh đứa con gái đầu của họ là Annie”. Đó là nội dung một câu truyện của họ. Một câu truyện khác của họ như sau: “David Wilson, 58 tuổi, đã không dám nói rằng ông ta là anh ruột của người bạn đời của mình là Robert Compton, 53 tuổi, vì ông Wilson là người da đen, trong khi ông Compton, người trong 5 năm qua đã vào nhà thương tới 5 lần, lại là người da trắng”.

Bạn biết mục đích các bài báo đó muốn nói gì không? Họ muốn nói rằng hai con người đồng tính nhã nhặn là N và M cảm thấy bị thương tổn một cách hết sức đặc thù và đáng buồn vì những hạn chế trong luật pháp về hôn nhân. Nhà lập pháp đầy anh hùng là X cho hay: “Đó đều là những người nhã nhặn. Tại sao lại từ chối họ cùng một niềm hạnh phúc hôn nhân mà tất cả chúng ta đều có?” Câu truyện được ‘quân bình hóa’ vì trước đó, người ta cũng đã trích lời một ông bảo thủ khó tính là Y nói: “Kê gian [sodomy] là chuyện tồi bại”.

Thử tưởng tượng sẽ khác biệt dường nào nếu phe bảo thủ, thay vì nói như trên, chịu nói thế này: “Bạn tôi là Alicia nghĩ lối sống đồng tính làm cô ta hạnh phúc. Nhưng cô ta lại đau khổ vì bị người bạn đời đồng tính hành hung. Tác phong bạo hành này được các nhà nghiên cứu về đồng tính xác nhận đã xẩy ra khá thường trong cộng đồng đồng tính. Bây giờ Alicia đã từ bỏ lối sống ấy và đang làm lại cuộc đời cô”.

Hay tốt hơn nữa, thử tưởng tượng ra một tổ chức chuyên khích lệ những người trước đây có sinh hoạt đồng tính nhưng nay đã sống trong sạch trở lại. Tổ chức này ‘quấy quả’ tờ báo mấy tháng nay, bằng cách cung cấp cho nhà báo số điện thoại của mình. Kết cục nhà báo phải gọi tới để nói truyện với Alicia và được Alicia cho hay: “tôi thấy văn hóa đồng tính đã dối trá đối với tôi. Không ai cho tôi hay về nỗi chán chường của người đồng tính. Nhiều bạn thân nhất của tôi đã phải tự sát. Tôi rất mừng là đã bỏ lại phía sau tất cả những chuyện ấy. Ông làm ơn cho phổ biến câu truyện của tôi đi. Nhiều người cần đọc nó”.

Chỉ có làm như thế mới giúp người đọc có được điều gì đó để suy nghĩ. Trong nền văn hóa hiện nay, chỉ những ai biết nói ngôn ngữ của cử tọa và có truyện kể mới thắng cuộc tranh biện.

Quy luật 4: dựng một chính nghĩa tích cực

Đối với phần đông xã hội ngày nay, Giáo Hội Công Giáo chẳng phải là kẻ thù mà cũng chẳng phải là người cứu tinh. Giáo Hội ấy chẳng hề là một lực lượng mà người ta cần phải đương đầu. Giáo Hội ấy chẳng ăn nhằm gì tới họ. Có nhiều lý do giải thích điều ấy, và bạn có thể mặc tình đổ lỗi cho các vị giám mục, hồng y và hàng giáo sĩ nói chung. Nhưng thiết tưởng bạn cũng nên trách cứ hàng ngũ giáo dân đã lui về thế thủ, chỉ biết nói những câu như “ngươi không được” hay không nói chi cả.

Ta không bao giờ hái lượm được chi khi chỉ biết đối nghịch. Ta chỉ hái lượm khi dựng được một chính nghĩa tích cực cho điều mình đề nghị. Thời nào cũng thế thôi. Sở dĩ Chúa Kitô gây được biến động suốt thời gian công khai rao giảng, là vì Người có liên hệ hết sức gần gũi đối với thế giới, không phải chỉ là thế giới tôn giáo mà là thế giới nói chung. Trong lịch sử Giáo Hội, các hái lượm vĩ đại nhất của Đức Tin chỉ xuất hiện khi Đức Tin ấy biết đề cập thẳng tới các nhu cầu của thế giới. Các nhà truyền giáo biết truyền bá văn minh, các đan sĩ biết sáng lập ra trường học, các nữ tu biết sáng lập ra bệnh viện, các linh mục biết rao giảng hy vọng cho một thế giới tan vỡ, các vị ấy đều là các anh hùng liệt nữ biết đẩy xa chính nghĩa của Chúa Kitô.

Còn người Công Giáo ngày nay thì sao? Liệu chúng ta có đang loay hoay lao mình vào cố gắng ngăn chặn những tên vô lại hay thay vào đó đang đem sứ điệp biến đổi của Giáo Hội tới một thế giới đang bị các ý thức hệ tai hại phá phách? Hãy nhớ lại các thông điệp đã nhắc trên đây. Phúc Âm Sự Sống đề cập tới nỗi chán chường và trống rỗng của văn hóa sự chết, và đề nghị thiết lập ra một văn hóa sự sống. Đức Tin Và Lý Trí xuất hiện để cứu một nền khoa học đang ly dị khỏi thực tại tâm linh, bằng cách đưa ra chính nghĩa tích cực để tạo ra mối liên hệ hài hòa giữa hai thực tại này. Sự Chói Lọi Của Chân Lý, cũng vậy, một cách đầy thuyết phục cho người ta thấy sự gắn bó mạch lạc về luân lý đem con người tới hạnh phúc ra sao. Đó chính là những mỏ vàng giáo huấn có mục đích giải quyết các vấn đề thực sự. Tuy nhiên, chính nghĩa mạnh mẽ và tích cực làm thế nào để lời dạy của huấn quyền có thể giúp được thế giới vẫn còn rất hiếm hoi trong thừa tác vụ của Công Giáo.

Và không phải chỉ trong hành động mà thôi, mà cả trong thảo luận, luận đàm nữa, người Công Giáo vẫn còn khá nhiều tiêu cực. Người ta thường bắt gặp nhiều hoàn cảnh trong đó người Công Giáo được mời tới thảo luận về cách thế làm thế nào để có thể dùng học lý Công Giáo mà phục vụ thế giới. Chỉ sau mười mấy phút thảo luận,họ đã quay qua tranh luận xem ai đã phá hoại Công Đồng Vatican II.

Để trở thành một lực lượng có khả năng thay đổi tâm trí người ta, ta cần phải phá tan chu kỳ bới lông tìm vết. Ta cần dẹp tan những dự án chỉ biết dóng lên các chiều kích tiêu cực. Thế giới không phải là một lực lượng đe doạ chúng ta cho bằng là nơi đang hết sức cần tới các đóng góp của chúng ta. Tỏ ra mình đúng trước mặt địch thủ mà thôi không đủ. Mà còn cần phải vừa đúng vừa biết thuyết phục nữa. Khi phẩm giá sự sống và tính thánh thiêng của hôn nhân bị lâm nguy, ta không được hài lòng với việc chỉ bênh đỡ Chân Lý trong trận chiến một chiều. Ta phải làm sao thắng được trận chiến ấy.

________________________________________

Theo Tom Hoopes, chủ bút điều hành tờ National Catholic Register và đồng chủ bút với vợ là April tờ Faith & Family. Từ năm 1993 tới năm 1996, ông là thư ký báo chí của Bill Archer, chủ tịch Ủy Ban Thuế Khóa Hạ Viện Mỹ.
 
Lộ Đức - Nevers và Bernadette
Kim Ân
16:28 15/04/2009
LỘ ĐỨC – NEVERS và BERNADETTE

Lộ Đức (Lourdes) là một địa danh hành hương nổi tiếng của nước Pháp. Địa danh này gắn liền với một thiếu nữ mang tên Bernadette Soubirous. Đa số khách hành hương chỉ biết đến người thiếu nữ này qua những lần chị được Đức Mẹ hiện ra, quãng đời còn lại, đặc biệt là chị từ khi trở thành nữ tu dòng Các Nữ Tu Bác Ái Nevers (Sœurs de la Charité de Nevers), hầu như không được biết tới. Nhân kỉ niệm tròn 130 năm ngày chị được vào hưởng vinh quang cùng Đấng mà chị yêu mến, xin gửi tới độc giả vài suy nghĩ cùng đôi nét về cuộc đời chị.

“Phận nữ tì hèn mọn” (Lc 1,48)

Trước khi diễn ra những cuộc hiện ra của Đức Mẹ, cuộc đời Bernadette là một số không tròn trĩnh. Năm 1856, việc làm ăn của gia đình sa sút, ông François Soubirous bị thất nghiệp. Cả gia đình buộc phải rời Le Moulin de Boly, lang thang nay đây mai đó với một tương lai bất định, rồi được một người họ hàng, ông André Sajous, đưa tới tá túc tại nhà tù bỏ hoang của thành phố, tức “le Cachot”.

Cho tới năm 14 tuổi, khi được Đức Mẹ hiện ra, Bernadette vẫn chưa được rước lễ lần đầu, đơn giản chỉ vì chị không biết tiếng Pháp, chỉ nói được một loại thổ ngữ (patois). Ở Lộ Đức không có các lớp giáo lí bằng thổ ngữ. Năm 1857, Bernadette từng tới ở Barthès cùng người họ hàng là Marie Laguës, vừa trông trẻ, vừa giúp chăn cừu với hi vọng sẽ được học để rước lễ lần đầu, vì tại Barthès có linh mục dạy giáo lí bằng thổ ngữ. Cũng tại Barthès, nhiều lần chị bị la mắng là vô tích sự, ngu dốt và sẽ chẳng bao giờ được rước lễ lần đầu, rằng những gì chị làm chẳng xứng với tấm bánh chị ăn hàng ngày.

Sau khi đã được Đức Mẹ hiện ra, khi được hỏi là theo chị tại sao Đức Mẹ lại hiện ra với chị, chị đã trả lời rằng: “Vì tôi là kẻ nghèo hèn và dốt nát nhất nên Đức Trinh Nữ đã chọn tôi” (“C'est parce que j'étais la plus pauvre et la plus ignorante que la Sainte Vierge m'a choisie”), rằng nếu Đức Mẹ tìm được một người nhỏ bé và dốt nát hơn chị thì chắc chắn Mẹ sẽ chọn người đó.

“Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48)

Và từ ngày 11/02/1858 tới ngày 16/07/1858, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra 18 lần với chị Bernadette. Độc giả hẳn cũng hiểu rằng những lần hiện ra này đã ghi dấu ấn rất sâu đậm trong cuộc đời chị, nhưng có lẽ ít người biết được rằng những lần gặp gỡ với Đức Mẹ đã giúp Bernadette khám phá ra phẩm giá của chị.

Khi kể lại kinh nghiệm sâu đậm này, chị Bernadette nói: “Ngài nhìn tôi như một con người nói với một con người” (“Elle me regardait comme une personne parle à une personne”). Có thể nói những cuộc gặp gỡ với Đức Mẹ đã giúp Bernadette xác tín được phẩm giá cao quí của chị. Dù chỉ là một thiếu nữ quê mùa nghèo hèn và dốt nát, trước mặt Đấng Tối Cao chị vẫn là “một con người” được yêu thương và trân trọng. Lời mà Đức Trinh Nữ ngỏ cùng chị cũng cho thấy thái độ kính trọng rất tinh tế: “Con có thể làm ơn tới đây trong mười lăm ngày được không?” (“Voulez-vous me faire plaisir de venir pendant quinze jours ?”).

Khởi đi từ xác tín căn bản này, Bernadette đã can đảm sống đúng ơn gọi của mình, chấp nhận tất cả mọi đớn đau thử thách, không kiêu căng ảo tưởng, nhưng bằng một đức tin sống động và sâu sắc xây dựng trên tình yêu như lời chị nói: “Tôi không sống một giây phút nào mà không yêu mến” ("Je ne vivrai pas un instant que je ne le passe en aimant")

“Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48)

Được Đức Mẹ hiện ra là một phép lạ vĩ đại, nhưng điều căn bản nơi chị Bernadette là việc chị đã vượt bao thử thách và kiên trì khám phá và sống đúng ơn gọi của mình.

Ngay từ ban đầu, sứ mạng của chị không hề dễ dàng. Hầu như không ai dám tin rằng Đức Mẹ lại hiện ra với một thiếu nữ thấp kém như thế, rồi lại còn nói với chị: « Con hãy đi nói với các linh mục là xây dựng tại đây một ngôi nhà nguyện » (« Vous irez dire aux prêtres de faire bâtir ici une chapelle »). Đáp lại thái độ nghi ngờ, chị đã trả lời cha Fonteneau một cách thật đơn giản, nhưng cũng thật thuyết phục: “Con đâu có buộc Cha phải tin con, con chỉ trả lời cho Cha về những gì con đã thấy và đã nghe » (« Je ne vous oblige pas à me croire; mais je ne peux que répondre en vous disant ce que j’ai vu et entendu »).

Sau đó, để tránh những cuộc thăm viếng của những kẻ hiếu kì, Bernadette tới sống trong tu viện của Các Nữ Tu Bác Ái Nevers tại Lộ Đức. Tại đây, chị giúp những việc lặt vặt và bắt đầu được học hành. Chị đã trải qua một thời gian dài tìm kiếm ơn gọi của chính mình để rồi khám phá ra ơn gọi tu trì. Sau khi tìm hiểu nhiều dòng khác nhau, chị quyết định xin vào dòng Các Nữ Tu Bác Ái Nevers, vì như lời chị nói: « Tôi tới Nevers, vì các xơ đã không lôi kéo tôi » (« Je vais à Nevers, parce qu’on ne m’y a pas attirée »), rằng: « Tôi tới đây để ẩn mình » (« Je suis venue ici pour me cacher »).

Ngày 07/07/1866, Bernadette tới Nevers sau ba ngày đi xe lửa và ngày 30/10/1867, chị tuyên khấn với tên dòng là Sœur Marie-Bernard. Vì sức khoẻ của chị rất kém và cũng để tránh cho chị những cuộc thăm viếng hiếu kì, bề trên đã để chị ở lại nhà mẹ, tu viện thánh Gildard, thành phố Nevers. Bị hành hạ bởi nhiều chứng bệnh khác nhau: dạ dày, hen suyễn, lao khớp gối, lao phổi, ít nhất chị đã chịu phép xức dầu bệnh nhân tới ba lần, và là cư dân thường xuyên của bệnh xá. Sœur đã nói về chị như sau: « Thường thường chị ấy phải chịu đau đớn nhiều đêm, nhưng mỗi buổi sáng, chị ấy vẫn dễ thương y như buổi tối hôm trước » (« Souvent, elle passait des nuits à souffrir et, le matin, elle était aussi aimable que la veille »). Chị nữ tu nhỏ bé, chỉ cao 1,42 m, luôn sống an vui và là chỗ nương tựa tinh thần cho nhiều người: « Từ biệt chị, người ta luôn thấy mạnh mẽ và chắc chắn hơn » ("On la quitte plus fort et plus assuré qu'on est venu"). Những ai từng có dịp tiếp xúc hoặc sống với chị đều nhìn nhận rằng chính cuộc sống của chị là bằng chứng xác thực nhất về phép lạ Lộ Đức.

Hồi 15 giờ 15 phút ngày 16/04/1879, sau những cơn ho dữ dội, Sœur Marie-Bernard đã trút hơi thở sau cùng. Thi hài chị được an táng ngày 30/04/1879 trong ngôi nhà nguyện dâng kính thánh Giuse.

Ngày 22/09/1909, khi xúc tiến thủ tục nâng Sœur Marie-Bernard lên hàng tôi tớ Chúa, các vị hữu trách đã cho mở mộ phần của chị. Sau 30 năm nằm trong lòng đất ẩm ướt, thân thể chị vẫn còn nguyên vẹn. Các vị hữu trách đạo đời đã lập hồ sơ với những bản tường trình của các luật sư và các bác sĩ hiện diện từ đầu tới cuối theo đúng giáo luật. Xác chị được tắm rửa, đặt vào quan tài mới và lại được chôn cất vào chỗ cũ. Các vị hữu trách cho biết xác Sœur Marie-Bernard còn nguyên vẹn, ngược lại với quá trình phân huỷ thông thường, nhưng không khẳng định đó là một phép lạ.

Ngày 03/04/1919, mộ phần của Sœur Marie-Bernard được mở lần thứ hai để tiến hành thủ tục phong chân phước, trước sự chứng kiến của các vị hữu trách đạo đời, các luật sư và ba bác sĩ. Xác chị vẫn còn nguyên vẹn. Người ta lại tắm rửa, thay quan tài và lại chôn cất vào chỗ cũ.

Sau cùng, ngày 18/4/1925, theo thủ tục phong thánh, mộ phần lại được mở lần thứ ba cũng với tất cả sự cẩn trọng như những lần trước. Xác chị vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, sau những lần tiếp xúc lâu giờ với không khí, vài nơi trên thân thể chị bị xạm đen. Các vị hữu trách quyết định phủ lên mặt và tay chị một lớp sáp mỏng và đặt thi hài trong nhà nguyện tu viện để tín hữu khắp nơi tới kính viếng.

Ngày 08/12/1933, Đức Piô XI đã long trọng xác nhận sự thánh thiện của chị Bernadette qua việc sống các nhân đức Kitô giáo một cách anh hùng. Hội Thánh đã không tuyên bố Bernadette là một vị thánh vì chị đã được Đức Mẹ hiện ra, nhưng vì chị đã kiên trì và can đảm thực hành các nhân đức.

Ngày 18/02 hàng năm được chọn là ngày để toàn thế giới Công giáo mừng lễ chị thánh, vì đó là ngày kỉ niệm lần thứ ba Đức Mẹ hiện ra với chị. Ngày đó năm 1858, lần đầu tiên Đức Mẹ đã ngỏ lời cùng chị với một thái độ hết sức kính trọng. Ngày đó đã ghi dấu sâu đậm trong cuộc đời chị, vì chị hiểu rằng vượt trên tất cả ranh giới sang hay hèn, giầu hay nghèo, dốt nát hay giỏi giang, chị là « một con người », « một nhân vị » được Đấng Tối Cao yêu thương và kính trọng.

Không phải mọi Kitô hữu đều có diễm phúc được Đức Trinh Nữ hiện ra, nhưng tất cả mọi người đều cao cả trước mặt Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương vì là hình ảnh của Ngài. Cuộc đời của chị Bernadette minh chứng rằng sự thánh thiện không quá xa vời, nhưng ở trong tầm tay của tất cả mọi người khi họ biết đến với Thiên Chúa ngay cả với hành trang là sự dốt nát, bệnh tật hay tất cả những khiếm khuyết lỗi lầm khác của kiếp người.
 
Người Công giáo “Chính thống” tin tưởng vào tương lai Giáo hội hơn
Phụng Nghi
17:44 15/04/2009
Syracuse, N.Y. (CNA).- Một cuộc thăm dò mới cho thấy rằng người Công giáo Hoa kỳ nói chung lạc quan về tương lai của Giáo hội, trong số này những người tự mô tả mình là người Công giáo “Chính thống” có khuynh hướng tin tưởng hơn vào tương lai Giáo hội và đi nhà thờ nhiều hơn những người tự mô tả là Công giáo “Cấp tiến”. Đó là những kết quả trong cuộc thăm dò Khuynh hướng Công giáo Hiện đại (Le Moyne-Zogby Mùa xuân 2009 (Spring 2009 Le Moyne-Zogby Contemporary Catholic Trends (CCT)) sau khi đã phỏng vấn 3812 người mẫu lựa chọn bất kỳ từ ngày 23 đến 25 tháng 2 vừa qua. Trong số người được phỏng vấn có 767 người Công giáo, và họ đã tự mô tả mình theo nhiều cách khác nhau.

20% số người Công giáo được thăm dò tự mô tả họ là Cấp tiến, còn 11% chọn là Chính thống. 7% cho biết họ theo Tin lành Evangelical, 4% nói họ là Tin lành Fundamentalist, 3% nói thuộc phong trào Tái sinh (Born-Again).

Về tương lai của Giáo hội: 36% tổng số người Công giáo được thăm dò nói họ rất lạc quan, 37% nói họ đôi chút lạc quan; 18% cho biết họ đôi chút bi quan, còn chỉ có 5% là rất bi quan.

Theo Zogby, người Công giáo “Cấp tiến” trong cuộc thăm dò hầu như có khuynh hướng bi quan: 36% đôi chút bi quan, 4% rất bi quan về tương lai Giáo hội.

Trong số người Công giáo “Chính thống”: 6% đôi chút bí quan, và chỉ có 1% rất mực bi quan.

Về việc tham dự Thánh lễ: 63% người Công giáo “Cấp tiến” tham dự mỗi tháng dưới 1 lần, trong khi 79% người Công giáo “Chính thống” tham dự mỗi tháng ít nhất một lần. 19% người “Cấp tiến” tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần hay nhiều hơn, trong khi đó 65% người “Chính thống” tham dự thường xuyên như thế.

Vai trò các Nhiệm tích trong đời sống đức tin: 64% tổng số người Công giáo được hỏi trả lời là rất quan trọng, 23% nói có phần nào quan trọng.

Quan tâm của Giáo hội đối với người nghèo: 61% nói rất quan trọng, 29% nói có phần nào quan trọng.

Giáo huấn về Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa: 81% số người Công giáo được hỏi cho biết những giáo huấn này là đôi phần hoặc là rất quan trọng cho đức tin của họ.

Về đời sống linh mục: 36% người được phỏng vấn nói rằng linh mục phải là phái nam là điều phần nào hoặc rất quan trọng cho đức tin của họ, trong khi 32% nói linh mục phải sống độc thân là điều đôi phần hoặc rất quan trọng đối với họ.

Về vấn đề linh mục phải hoàn toàn là phái nam: 69% người Công giáo “Chính thống” coi là phần nào hoặc rất quan trọng cho đức tin của họ, trong khi chỉ có 6% số người “Cấp tiến” cảm thấy là quan trọng.

Tiến sĩ Matthew Loveland, người điều tra chính của dự án CCT, bình luận về những kết quả của cuộc thăm dò trong buổi công bố với báo chí hôm 9 tháng 4 vừa qua:

“Những con số này nhắc nhở chúng ta rằng các đề mục tin tức trên báo chí chỉ một phần nào liên quan đến kinh nghiệm tôn giáo của người Công giáo. Khi hỏi người ta suy tư về Giáo hội, tôi mong mỏi rằng hầu hết người được thăm dò suy nghĩ về cuộc sống tôn giáo riêng tư của họ, chứ không phải về những đề mục tin tức trong nước.

Tôn giáo là để cảm nghiệm, sinh động nhất, trong giáo xứ và gia đình. Quả vậy, 76% số người được hỏi nói rằng mối liên hệ trong gia đình là khía cạnh quan trọng trong đời sống đức tin của họ. Do đó, đối với tôi, những con số này gợi ý rằng hầu hết người Công giáo đều thỏa mãn với cuộc sống tôn giáo riêng tư của họ.”
 
Tổng Giám Mục Dolan mời gọi dân Nữu Ước mở lòng cho Chúa Kitô
Bùi Hữu Thư
19:14 15/04/2009

Tổng Giám Mục Dolan mời gọi dân Nữu Ước mở lòng cho Chúa Kitô



NEW YORK
(CNS) – Giữa những tiếng vỗ tay và kinh chiều truyền thống, Đức Tổng Giám Mục Timothy M. Dolan khuyên giáo dân tổng giáo phận Nữu Ước mở lòng đón Chúa Kitô bước vào cuộc sống thân mật với họ.

Tổng Giám mục Tim Dolan


Trong bài giảng trong kinh chiều tại Nhà Thờ Chánh Tòa St. Patrick's Cathedral ngày 14 tháng 4, đêm trước ngày ngài nhậm chức chủ chiên của tổng giáo phận lớn thứ nhì trên toàn quốc, Đức Tổng Giám Mục Dolan công nhận là ngài đã từng e ngại để hoàn toàn mở lòng cho Chúa Kitô, nhưng khi ngài làm được như vậy ngài “nghe thấy Chúa kêu gọi ngài phục vụ Người và giáo hội của Người như tổng giám mục Nữu Ước."

Tổng giám mục Dolan đã trông coi giáo hội tại Milwaukee từ năm 2002, cho hay ngài lo ngại về việc được bổ nhiệm vào một vị trí lãnh đạo rất quan trọng trong Giáo Hội Hoa Kỳ. Ngài nói ngài rất thoải mái tại Wisconsin, nơi “thân yêu có những người thích la ó, uống bia và có gió mùa hè mát mẻ thổi từ hồ qua."

Ngài nói, "Trong tâm tôi trả lời Chúa: ‘Chúa ơi xin đi chỗ khác đi, con không phải là người Chúa muốn chọn đâu. Bằng tiếng Tây Ban Nha của tôi không khá hơn tiếng Anh tôi nói:.. .. Đội banh Yankees và Mets đấu với đội Cardinals và Brewers? Không được đâu!'"

Ngài nói ngài tự hỏi làm sao bước theo chân của các vị tiền nhiệm như tổng giám mục John J. Hughes và các Hồng Y Patrick J. Hayes, Francis J. Spellman, Terence J. Cooke, John J. O'Connor và Edward M. Egan để trở nên vị tổng giám mục thứ 10 của Nữu Ước.

"Vậy mà Chúa đã đưa dép của Người chặn cửa không cho tôi ngăn Người bước vào khi tôi nghe tiếng thì thầm của Đấng đang nói, 'Timothy, con đứng sợ. Ân sủng của Ta là đủ cho con. Ta không bao giờ trao phó một trọng trách nào cho ai mà không ban cho người đó có đủ sức mạnh để hoàn thành.'"

Vị tổng giám mục 59 tuổi nói với giáo dân, cũng thế, tất cả mọi người đều có thể tự chọn việc đón rước Chúa Kitô - "để nhận được ánh sáng, tình yêu, lòng thương xót, tình bạn không thể so sánh hay là tự chôn mình trong bóng tối của sự tự ty, tội lỗi và cô đơn."

Ngài nói, "Thiên Chúa mời gọi chúng ta, Người không bao giờ bó buộc; Thiên Chúa mời gọi chúng ta tin nơi Người, trông cậy và chấp nhận Người. Thiên Chúa mời gọi chúng ta để cho Người làm Chủ trong đời sống chúng ta, và khi chúng ta làm như vậy đời sống chúng ta sẽ không bao giờ giống như cũ nữa. Đời sống chúng ta sẽ trở nên vĩnh cửu."

Nghi lễ bắt đầu bằng việc gõ cửa nhà thờ chánh tòa khi Tổng Giám Mục Dolan gõ búa 9 lần cho đến khi cánh cửa nặng nề mở ra. Và khi ngài bước vào, toàn thể giáo dân chào mừng con người sinh trưởng tại St. Louis tới.

Khi ngài chờ đợi trong sương mù bên ngoài nhà thờ chánh tòa trước nghi lễ, Tổng Giám Mục Dolan chào đón các bạn hữu và khách quen trong cuộc rước mở đầu. Ngài kể vài câu chuyện vui và cám ơn các khách tham dự các nghi thức bổ nhiệm.

Đức Hồng Y Egan đón chào vị tổng giám mục vào nhà thờ chánh tòa khi nghi thức Kinh Chiều khởi sự, ngài nhấn mạnh là toàn thể tổng giáo phận sẽ cầu nguyện cho vị tổng giám mục mới khi ngài khai mạc sứ vụ mới của ngài.
 
Loan báo cho thế giới niềm hy vọng và sự tươi vui phát xuất từ Chúa Kitô phục sinh
Linh Tiến Khải
21:23 15/04/2009
Hãy loan báo cho thế giới niềm hy vọng và sự tươi vui phát xuất từ Chúa Kitô phục sinh. Đức Thánh Cha đã mời gọi hơn 40.000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 15-4-2009 tại quảng trường thánh Phêrô như trên. Trong các nhóm hiện diện cũng có một phái đoàn Việt Nam do cha Anthony Nguyễn Duy Tường, phó xứ Saint Patrick tại San José, bắc tiểu bang California, hướng dẫn. Ngày 15-4-2009 cũng là sinh nhật thứ 82 của Đức Thánh Cha.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về niềm vui thiêng liêng mà Chúa Kitô phục sinh trao ban cho tín hữu. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói buổi gặp gỡ ngày thứ tư cũng tràn đầy niềm vui mà không có nỗi khổ đau khốn khó nào có thể xóa bỏ được, vì nó phát xuất từ niềm tin chắc chắn Chúa Kitô đã vĩnh viễn chiến thắng sự dữ và cái chết. Niềm vui của Chúa Kitô phục sinh không chỉ kéo dài trong Tuần Bát Nhật mà trải dài ra trong 50 ngày cho tới lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, và trong suốt cuộc sống của kitô hữu.

Các bài đọc kinh thánh của mùa phụng vụ này cống hiến cho tín hữu chất liệu suy niệm giúp đào sâu ý nghĩa và giá trị của lễ Phục Sinh. ”Con đường thập giá” mà chúng ta đã đi trong Tam Nhật Thánh để sống cuộc khổ nạn đớn đau với Chúa Kitô đã trở thành ”con đường ánh sáng” đem lại ủi an trong lễ Vọng Phục Sinh. Dưới ánh sáng của sự phục sinh chúng ta có thể nói rằng toàn con đường khổ đau này là đường của ánh sáng và sự tái sinh tinh thần, con đường của an bình nội tâm và niềm hy vọng vững vàng. Sau tiếng khóc, sau sự lạc lõng của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là sự thinh lặng đợi chờ của Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh và vào rạng đông của ”hôm sau ngày thứ bẩy” đã vang lên lời loan báo Sự Sống đã đã chiến thắng cái chết: ”Chúa sự sống đã chết; nhưng giờ đây sống và chiến thắng!” Cái mới mẻ của sự phục sinh quan trọng tới độ Giáo Hội không ngừng công bố việc kỷ niệm nó mỗi ngày Chúa Nhật. Thật thế mỗi Chúa Nhật là ”ngày của Chúa” và lễ Phục Sinh hằng tuần của dân Thiên Chúa. Vì thế để minh nhiên mầu nhiệm cứu độ tràn ngập cuộc sống thường ngày của chúng ta, các tín hữu Kitô đông phương gọi ngày Chúa Nhật trong tiếng Nga là ”ngày của sự phục sinh” (voskrescénje). Đức Thánh Cha nêu bật tầm quan trọng của sự phục sinh như sau:

Loan báo sự sống lại của Đức Giêsu thành Nagiarét như biến cố thực sự, lịch sử được chứng thực bởi nhiều chứng nhân uy tín vì thế là điều nền tảng đối với lòng tin của chúng ta và đối với chứng tá Kitô. Chúng ta mạnh mẽ khẳng định điều này, vì cả thời nay nữa cũng không thiếu người tìm chối bỏ tính cách lịch sử của nó, bằng cách giản lược trình thuật tin mừng thành một huyền thoại, một ”thị kiến” của các Tông Đồ, bằng cách lấy lại và trình bầy các giả thuyết mòn cũ như là giả thuyết mới và khoa học. Chắc chắn là đối với Đức Giêsu sự phục sinh không phải là một việc đơn thuần trở lại cuộc sống trước đó. Thật thế vì trong trường hợp này thì đó sẽ chỉ là một chuyện của qúa khứ: vì cách đây 2000 năm có một người đã được trở lại cuộc sống trước đó như ông Ladarô chẳng hạn.

Sự phục sinh nằm trên một chiều kích khác: đó là việc bước vào một chiều kích mới mẻ nền tảng, liên quan tới cả chúng ta nữa và liên hệ tới toàn gia đình nhân loại, lịch sử và vũ trụ. Biến cố này đã đưa vào một chiều kích mới mẻ của sự sống, mở rộng thế giới này cho sự sống vĩnh cửu và đã thay đổi cuộc sống của các nhân chứng tận mắt như được chứng minh trong các trình thuật phúc âm và các tài liệu khác của Tân Ước. Nó là một lời loan báo mà nhiều thế hệ dọc dài lịch sử đã tiếp nhận với lòng tin và thường làm chứng bằng chính giá máu của họ, vì biết rằng như thế là họ được bước vào trong chiều kích mới mẻ này của sự sống. Cả trong lễ Phục Sinh năm nay nữa, tại mọi nơi trên trái đất này đã vang lên tin vui không thay đổi nhưng luôn mới mẻ đó là: Đức Giêsu chết trên thập giá đã sống lại, hiện sống hiển vinh, vì Ngài đã đánh bại quyền lực của cái chết đã đem con người vào trong sự hiệp thông mới với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Đó là chiến thắng của lễ Phục Sinh, đó là sự cứu rỗi của chúng ta! Và vì thế chúng ta có thể cùng thánh Agostino hát lên rằng: ”Sự phục sinh của Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta”, vì Người dẫn đưa chúng ta vào trong một tương lai mới.

Thật vậy sự phục sinh của Đức Giêsu xây nền cho niềm hy vọng vững vàng của chúng ta và soi sáng toàn cuộc lữ hành của chúng ta trên dương thế này. Lòng tin nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại là trọng tâm của toàn sứ điệp tin mừng, là nõi tủy kinh ”Tin Kính” của chúng ta. Từ kinh tin kính nòng cốt đó chúng ta có thể tìm thấy một kiểu nói uy tín trong một đoạn nổi tiếng của thư thứ I thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô (15.3-8), để trả lời cho vài người trong cộng đoàn tuyên xưng sự sống lại của Chúa Giêsu, nhưng lại khước từ sự sống lại của những người đã chết. Văn bản trung thực truyền lại điều thánh nhân đã nhận được từ cộng đoàn tông đồ liên quan tới cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô bắt đầu với khẳng định long trọng này: ”Thưa chị anh em, tôi xin nhắc lại cho anh chị em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh chị em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó anh chị em được cứu thoát, nếu anh chị em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì có tin cũng vô ích” (1-2). Thánh nhân thêm ngay rằng chính ngài truyền lại cho họ điều ngài đã nhận lãnh. Rồi Đức Thánh Cha nêu bật như sau:

Trước hết thánh Phaolô trình bầy cái chết của Đức Giêsu và đưa ra trong văn bản đơn sơ này hai ghi chú liên quan tới tin “Đức Kitô đã chết”. Thứ nhất là Ngài ”chết vì tội lỗi chúng ta”; thứ hai là ”theo lời Kinh Thánh” (c. 3). Kiểu nói ”theo lời Kinh Thánh” đặt để biến cố cái chết của Chúa Giêsu vào trong tương quan với lịch sử giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài trong Cựu Ước, và khiến cho chúng ta hiểu rằng cái chết của Con Thiên Chúa thuộc lịch sử cứu rỗi, và còn hơn thế nữa nó khiến cho chúng ta hiểu rằng lịch sứ ấy nhận được cái luận lý và ý nghĩa của nó từ cái chết này. Cho tới lúc đó cái chết của Đức Kitô đã như là một bí ẩn, không có kết cục chắc chắn. Nhưng trong mầu nhiệm phục sinh các lời của Kinh Thánh được thành toàn, nghĩa là cái chết đã hiện thực theo lời Kinh Thánh ấy là một biến cố đem theo mình một luận lý: cái chết của Chúa Kitô làm chứng rằng Lời của Thiên Chúa đã trở thành ”thịt xác”, đã trở thành ”lịch sử” nhân loại. Qua ghi chú thứ hai chúng ta hiểu biến cố đó đã xảy ra thế nào và tại sao: Chúa Kitỗ đã chết ”vì tội lỗi chúng ta”. Với các lời này văn bản của thánh Phaolô xem ra lấy lại các lời trong bài ca thứ tư của ngôn sứ Isaia: Người Tôi Tở của Thiên Chúa ”đã lột bỏ chính mình cho tới chết”, đã mang lấy ”tội lỗi của nhiều người”, và khi bầu cử cho ”các người có tội”, Ngài đã có thể đem lại sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Như thế cái chết của Ngài chấm dứt cái chết; con đường Thập giá đem lại sự phục sinh.

Tiếp đến thánh Phaolô đề cập tới sự phục sinh của Chúa Kitô vào ”ngày thứ ba theo lời Thánh Kinh”. Nhiều nhà chú giải cho rằng nó có ý nghĩa như trong Thánh Vịnh 16: ”Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (TV 16,10). Đây là một trong các văn bản hay được Kitô giáo thời tiên khởi dùng để chứng minh cho tính cách cứu thế của Đức Giêsu. Vì theo sự giải thích của người do thái sự rữa nát của thân xác bắt đầu vào ngày thứ ba. Và lời Kinh Thánh ứng nghiệm nơi Đức Giêsu là Đấng đã sống lại ngày thứ ba, nghĩa là trước khi thân xác bắt đầu rữa nát. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng chiến thắng của Chúa Kitô xảy ra qua sức mạnh tạo dựng của Lời Chúa. Quyền năng đó của Thiên Chúa đem lại hy vọng và niềm vui: và đó là nội dung giải phóng của mạc khải phục sinh. Trong lễ Phục Sinh Thiên Chúa tự tỏ hiện và quyền năng tình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa hủy diệt các sức mạnh phá hoại của sự dữ và cái chết. Chúng ta hãy để cho ánh quang của Chúa phục sinh soi chiếu và tiếp đón Chúa với lòng tin như các chứng nhân đầu tiên xưa kia như thánh Phaolô và loan báo tin vui phục sinh cho mọi người.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Slovac, Croat và tiếng Ý. Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Ý Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào một nhóm các Phó Tế dòng Tên và thân nhân về Roma hành hương. Ngài cũng chào đông đảo các bạn trẻ thuộc tổng giáo phận Milano, đang chuẩn bị cho lễ tuyên xưng lòng tin sau khi lãnh bí tích Thêm Sức. Ngài cũng cầu chúc các bệnh nhân và các cặp vợ chồng mới cưới để cho ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh chiếu sáng cuộc đời và sống kinh nghiệm niềm vui phát xuất từ sự hiện diện của Ngài.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Quyết định của tiểu bang về việc huỷ bỏ án tử hình được đánh dấu tại hí trường Colyseum tại Rôma
Bùi Hữu Thư
22:14 15/04/2009

Quyết định của tiểu bang về việc huỷ bỏ án tử hình được đánh dấu tại hí trường Colyseum tại Rôma



VATICAN
(CNS) – Vì đã lấy một quyết định ông cho là “khó khăn nhất trong cuộc đời chính trường của ông,” thống đốc Bill Richardson tiểu bang New Mexico được dành chỗ ngồi hàng đầu trong cuộc triều kiến Đức Thánh Cha và được thấy Colyseum được thắp đèn sáng rực để vinh danh tiểu bang của ông.

Chào mừng Đức Thánh Cha Benedict XVI ngày 15 tháng 4, ông Richardson xin ngài làm phép cành ôliu bằng bạc được Cộng Sant'Egidio ban tặng để ghi nhận quyết định của ông ngày 18 tháng 3 là ký một sắc lệnh hủy bỏ án tử hình tại New Mexico.

Tổng Giám Mục Michael J. Sheehan tại Santa Fe nói, ngài giới thiệu thống đốc với Đức Thánh Cha Benedict, nói rằng, "Thưa Đức Thánh Cha, đây là thống đốc của chúng tôi, và ông vừa mới hủy bỏ án tử hình." Tổng giám mục tiếp, “Và Đức Thánh Cha gật đầu vui vẻ đồng ý."

Công Đồng Giáo Dân Sant'Egidio tại Rôma, rất năng động trong chiến dịch toàn cầu để hủy bỏ án tử hình, đã tiếp đón thống đốc và sắp xếp cho việc thắp sáng Colyseum ngày 15 tháng 4 với thành phố Rôma.

Ông Richardson, một đảng viên Dân Chủ và là người Công Giáo, đã từng hỗ trợ án tử hình; ông cũng đã yểm trợ cho việc hợp thức hóa phá thai và nghiên cứu dùng tế bào gốc của sơ thai, hai điều Giáo Hội chống đối.

Tổng Giám Mục Sheehan cho hãng thông tấn Catholic News Service hay, "Chúng tôi đã có thể giúp ông hiểu thấu việc chúng tôi chống đối án tử hình và ông đã thay đổi quan niệm và ký sắc lệnh. Mỗi việc một lần."

Tổng Giám Mục nói. "Đây là kết quả cuả nhiều cuộc đối thoại và cầu nguyện, và của nhiều người khác, đã khiến ông thay đổi ý kiến. Có nhiều cách để bảo vệ dân chúng chống lại các phạm nhân thay vì giết họ."

Tổng Giám Mục nói, “Tuy nhiên, không phải là Vatican hay Giáo Hội Công Giáo tôn vinh ông Richardson, mà là Công Đồng Giáo Dân Sant'Egidio.

Tại một buổi họp báo do cộng đồng tổ chức, ông Richardson nói ông bị ảnh hưởng bởi nhiều người: dân biểu tiểu bang Gail Chasey, người đã tranh đấu chống án tử hình tại New Mexico hơn 10 năm qua; Hiệp Hội New Mexico Chống Án Tử Hình, và "Đức Tổng Giám Mục và Giáo Hội Công Giáo, vì họ họ có nhiều ảnh hưởng tại một tiểu bang Công Giáo như New Mexico."
 
Video Buổi tiếp kiến chung nhân ngày sinh nhật Đức Thánh Cha
Nguyễn Việt Nam
22:49 15/04/2009
Hãy loan báo cho thế giới niềm hy vọng và sự tươi vui phát xuất từ Chúa Kitô phục sinh. Đức Thánh Cha đã mời gọi hơn 40.000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 15/4 đúng vào ngày sinh nhật thứ 82 của Đức Thánh Cha.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về niềm vui thiêng liêng mà Chúa Kitô phục sinh trao ban cho tín hữu.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng loan báo sự sống lại của Đức Giêsu thành Nagiarét như là một biến cố thực sự có tính cách lịch sử và được chứng thực bởi nhiều chứng nhân uy tín là điều nền tảng đối với lòng tin của chúng ta và đối với chứng tá Kitô. Chúng ta phải mạnh mẽ khẳng định điều này, vì cả thời nay nữa cũng không thiếu người tìm chối bỏ tính cách lịch sử của nó. Họ giản lược trình thuật tin mừng thành một huyền thoại, một thị kiến của các Tông Đồ. Họ lấy lại và trình bầy các giả thuyết cũ rích như là giả thuyết mới và khoa học.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng loan báo sự sống lại của Đức Giêsu là một lời loan báo mà nhiều thế hệ dọc dài lịch sử đã tiếp nhận với lòng tin và thường làm chứng bằng chính giá máu của họ.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Slovac, Croatia và tiếng Ý. Ngài cũng cầu chúc các bệnh nhân và các cặp vợ chồng mới cưới.
 
Top Stories
Decades after Central American wars, an evolving role for church
Ezra Fieser / CNS
00:57 15/04/2009
GUATEMALA CITY (CNS) -- In his first public announcement since winning El Salvador's presidency, Mauricio Funes evoked the words of slain Archbishop Oscar A. Romero.

"Just as the martyr-bishop said the church of El Salvador could only have a preferential option for the poor, my presidency will have a preference for the vulnerable and the excluded," Funes said in late March.

It was the second time he mentioned the country's former archbishop in the days after winning the election. Catholic voters did not miss the symbolism. For them, Archbishop Romero's name evokes an era when the church was an outspoken critic of the establishment.

Two decades ago, with the region plagued by civil war, church officials such as Archbishop Romero won international praise for questioning the tactics and policies of governments, at times putting themselves at risk. Archbishop Romero, who spoke out during El Salvador's brutal civil war, became one of the war's 75,000 victims when he was killed in 1980.

But he was not an anomaly. His successor, Archbishop Arturo Rivera Damas, Nicaragua's Cardinal Miguel Obando Bravo, and Guatemala City's former Auxiliary Bishop Juan Gerardi Conedera etched their names into the region's lore as candid religious leaders, observers said.

With Funes' political party -- born out of the Farabundo Marti National Liberation Front guerrillas -- scheduled to take power in June and the Sandinistas again in control in Nicaragua, Central America's politics recall the 1980s. But few see Catholic Church leaders returning to the role they played in that decade.

"I think what we're seeing now, across the region, is a church in which, contrary to the 1980s, bishops are taking the middle road, saying 'We want change, but we don't want to go back to a time when people were getting killed,'" said Edward Brett, a professor of history at Catholic-run Laroche College in Pittsburgh.

Brett, who wrote a book about the church's role in the 1980s political situation in Central America, recently returned from a fact-finding mission to the region.

"What I found was that many of the bishops still want and are pushing for change, reforms and better lives for the poor, but doing it more carefully than they had. They're saying 'We have to do this slowly and work within the system,'" he said.

Today, the region's most prominent church leader is Cardinal Oscar Rodriguez Maradiaga of Tegucigalpa, Honduras. A globe-trotting, Honduran-born leader who speaks seven languages and was once believed to be on track for the papacy, Cardinal Rodriguez has spoken against poverty, the burden of foreign debt on developing countries, and the U.S. war in Iraq.

Cardinal Rodriguez is the best example of what U.S. Jesuit Father Dean Brackley, a professor of theology at the University of Central America in El Salvador, calls "solid leadership."

His message "might not go as far as bishops once did, but the circumstances are now different," Father Brackley said. "The prophetic church and the church of (the) poor and liberation theology has always been a minority.. .. Most people have been in the middle, and that's more evident now."

Guatemala and Nicaragua serve as examples of how the church has adapted.

In Guatemala, Bishop Gerardi criticized government actions during that country's 36-year civil war, which ended in 1996. In 1998, after years of speaking out against human rights abuses, Bishop Gerardi delivered a truth commission report on the war. He was murdered two days later.

Today, the country is facing a different kind of struggle. More than half the population lives in poverty, and the United Nations says it has one of the world's five-highest homicide rates for countries not at war, with an average of 17 murders per day.

Cardinal Rodolfo Quezada Toruno of Guatemala has taken up the issue by working closely with the president and federal prosecutor. The cardinal helped craft a security plan that will be announced later in April.

In Nicaragua, the Sandinistas, headed by Daniel Ortega, overthrew the dictatorship in 1979. Ortega became president in 1985. During those years, the church went from being supportive to being critical of his Sandinista movement.

Cardinal Obando Bravo, who retired in 2005, initially supported the Sandinistas, then became critical of their tactics. He once called Sandinistas proponents of "godless communism."

Ortega again became president in 2007 and has set up similarly controversial programs. However, he has not drawn the same type of criticism from the current archbishop as he did in the 1980s.

Managua Archbishop Leopoldo Brenes Solorzano took a decidedly neutral stance during the last presidential elections and called on clergy not to participate in the political process.

"By not siding one way or the other, he was able to show that he's a stabilizing force," Father Brackley said. "In that sense, his influence is commendable. He's been able to negotiate extremely difficult times."

No place better exemplifies current church-state relations in Central America than El Salvador, where a president-elect and newly appointed archbishop are adjusting to their new roles.

"I think that the people in El Salvador hope for and even expect change now that they have elected a new president," said Auxiliary Bishop Gregorio Rosa Chavez of San Salvador. "They have gone through many changes in the past 30 years. Now, there's an opportunity for the church to work with the new government on social issues that affect the country."

Leadership in El Salvador's Catholic Church became increasingly less progressive after Archbishop Romero's death. Although his successor, Archbishop Rivera, followed the slain archbishop's message, he did so in a more muted tone.

Archbishop Rivera's successor, Archbishop Fernando Saenz Lacalle, took the church in an entirely different direction. A Spaniard and member of Opus Dei, Archbishop Saenz was named to San Salvador in 1995 and worked well with the Nationalist Republican Alliance, or ARENA, whose candidate had won the presidency in 1989.

"We entered into a very cordial period then," Bishop Rosa Chavez said. "It was much different from the 1980s."

Archbishop Jose Escobar Alas, the son of a cattle rancher, succeeded Archbishop Saenz late last year. In his early days, Archbishop Escobar has shown signs of an independent streak.

The clergy is "very pleased with the way he has handled himself thus far. He's been up to the vocation," Father Brackley said. "Many people feel that the country is taking a positive turn with a new president, and this particular archbishop contributes to that positive feeling."

A barometer for Father Brackley was how Archbishop Escobar handled the contentious presidential election. The archbishop's role exemplified the more moderate approach Central American bishops have taken.

"The big difference between now and the '80s is that we're no longer at war," said Father Brackley. "When we were at war, that provoked an outcry in any half-responsible person. But the deaths are slower and more silent. And people are much more likely to work within the system and alongside the government than to criticize it."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Anh chị em khuyết tật mừng lễ Chúa Phục Sinh
LM Phêrô Vũ Minh Hùng
15:19 15/04/2009
SÀI GÒN: Ngày Lễ Chúa Phục Sinh, từ sáng sớm hàng trăm anh chị em tàn tật, và người nghèo tuốn đến nhà thờ thánh Martinô để mừng lễ Chúa Phục Sinh. Bữa ăn bắt đầu 11 giờ, vậy mà bà con và các anh chị khuyết tật đã đến từ 8 giờ. Ngày lễ lớn của công giáo cũng là ngày mong đợi của những người khuyết tật và người nghèo, vì họ được đãi ăn một bữa thật ngon và lãnh mỗi người 10 kg gạo về gia đình.

Có đến 150 anh chị em khuyết tật, hiện đang làm tại công ty 27/7 các anh chị đang bán vé số, các anh chị, từ các mái ấm mồ côi, nơi các Sr đang chăm sóc, các anh chị bán vé số tại Bình Triệu, Thủ Đức, và thánh phần lang thang, không nhà cửa, không gia đình. Trại Tế Bần Thị Nghè, là nơi trước 1975, nuôi dưỡng những kẻ mồ côi, sau 1975, những người này lang thang, làm dủ nghề, chủ yếu là bán vé số, trong đó có 16 chú thương phế binh trước 1975, từ Thủ Đức, Quận 4, Thũ Thiêm, Hóc Môn cũng về họp mặt, các chú vẫn sinh hoạt đều đặn mỗi tuần sau thánh lễ sáng Chúa Nhật, và tất cả cùng được ăn sáng Chúa Nhật hàng tuần. Và trợ cấp gạo của Giáo Xư. Ngoài ra, hàng tháng giáo xứ thánh Martinô còn trợ cấp cho 120 gia đình nghèo, không kễ lương giáo.

Mỗi người người khuyết tật và mỗi gia đình đựơc lãnh 10 kg gạo hàng tháng. Ngày lễ Chúa Phục Sinh hôm nay, giáo xứ đạ trợ cấp cho hơn 200 gia đình lãnh gạo, số gạo trợ cấp lên đến hơn 2 tấn, và một bữa ăn đặt biệt do một ân nhân hỗ trợ bữa ăn này.
 
Giáo Họ Vinh Sơn, Xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai, tổ chức Lễ mừng kính thánh Vicentê
Giuse Khổng Hữu Nguồn
15:36 15/04/2009
HỐ NAI - Chiều thứ Ba 14.4.2009, Giáo Họ Vinh Sơn, xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai, đã tổ chức kiệu rước xương Thánh và Tượng Thánh Vicente từ nhà thờ Xứ Bắc Hải về Đền Thánh Vinh Sơn, lộ trình đoàn rước dài gần một nghìn mét, và đi một vòng quanh sân Đền Thánh thì kiệu rước mới vào được tới lễ đài.

Đoàn rước là các đoàn thể các giới trong xứ và bà con dân họ Vinh Sơn, cùng Ban Nam Nhạc Hội Am, Ban Tây Nhạc Giáo Xứ Kẻ Sặt, đoàn dâng hoa, đặc biệt thu hút sự chú ý của nhiều người là đoàn thiếu nhi tý hon mặc tu phục Dòng Đaminh tay cầm nhành Huệ trắng hồn nhiên vui thích bước theo hàng lối đoàn rước.

Đến dâng lễ có Cha Đaminh Trần Xuân Thảo - Quản Hạt Hố Nai, Qúy Cha, qúy tu sỹ nam nữ và gần sáu nghìn giáo dân trong ngoài Hạt Hố Nai đến tham dự.

Mở đầu Thánh Lễ, Cha Đaminh Bùi Văn Án – Chánh xứ Bắc Hải dâng lời chào Qúy Cha, Qúy Tu sỹ và cộng đoàn như sau.

Trọng kính Cha Quản Hạt, Cha Cố và qúy Cha.

Kính thưa quý bề trên, quý Tu sỹ nam nữ, kính thưa cộng đoàn dân Chúa và quý khách.

Lịch phụng vụ công giáo dành ngày mùng 05.4 để kính Thánh Vinh Sơn Pherio Linh Mục, ngày đó năm nay rơi vào Tuần Thánh, Ban điều hành giáo họ Vinh Sơn đã chạy đến với Cha quản hạt Hố Nai, không những Ngài đã cho phép được kính trọng thể vào ngày hôm nay, mà hơn thế Ngài còn ưu ái đến chủ sự Thánh lễ chiều nay.

Đã có lần cũng tại nơi khuôn viên Đền Thánh này, Cha quản hạt đã ngỏ lời với cộng đoàn: “ Lễ kính Thánh Vinh Sơn không còn là lễ bổn mạng của giáo họ Vinh Sơn Bắc Hải nữa, mà là một ngày lễ của cả vùng Hố Nai này “.

Đúng thật thế ! giáo họ Vinh Sơn một giáo họ nhỏ bé của giáo xứ Bắc Hải, theo truyền thống đã từ lâu tổ chức lễ kính Thánh quan thầy một cách rất trang trọng, hoành tráng, và điều làm nên sự trang trọng này đó chính là tình thương của qúy Cha, quý tu sỹ, quý chức và anh chị em của nhiều giáo xứ thể hiện qua sự hiện diện rất đông đảo trong thánh lễ này.

Chúng con vô cùng cảm kích khi được qúy Cha, đã không quản ngại sắp xếp giờ phụng vụ ban chiều tại các giáo xứ, để cùng với Cha quản hạt dâng thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho giáo xứ và giáo họ chúng con, qúy bề trên quý tu sỹ và nhất là anh chị em tín hữu, quý khách xa gần, vì lòng tôn kính Thánh Vinh Sơn, vì lòng hiệp thông trong hội thánh đã đến hiện diện đông đảo ngoài lòng mong ước của chúng con.

Thay lời cho Ban điều hành và cộng đoàn dân chúa giáo họ Vinh Sơn giáo xứ Bắc Hải, chúng con xin chân thành cảm ơn sự hiện diện quý báu này, và xin kính gởi đến Cha quản hạt, quý Cha, quý Tu sỹ và toàn thể cộng đoàn tràng pháo tay nồng nhiệt để tỏ lời chào trân trọng nhất của chúng con. ( cộng đoàn vỗ tràng pháo tay vang dội ).

Trọng kính quý Cha và thưa quý vị ! Trong Thông điệp Phục Sinh Urbi et Orbi gởi cho Thành Roma và toàn thể thế giới năm nay, ngay trong những lời đầu, Đức Thánh Cha đã trưng dẫn lời của Thánh Augustino “ Resurrectio Domini, spes nostra – sự phục sinh của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta “.

Để phấn khích các Kito hữu trên khắp toàn cầu, đang trong tuần bát nhật phục sinh, thánh lễ chiều nay chúng ta sẽ cử hành theo luật phụng vụ, nhưng điều đó cũng thôi thúc chúng ta vì lòng sùng kính Thánh Vinh Sơn, chúng ta sẽ yêu mến hơn sự phục sinh của Chúa Kito, cũng là phục sinh mà mỗi người Kito hữu chúng ta đang hy vọng. Bởi nếu khi xưa Thánh Vinh Sơn đã hối thúc người ta sám hối sửa mình canh tân nếp sống cũng là vì Người muốn cho tất cả chúng ta được sống trong chính sức sống của Đấng phục sinh.

Trong tinh thần đó, cộng đoàn phụng vụ chúng ta hiệp dâng thánh lễ này, xin Chúa nhờ lời bầu cử của thánh Vinh Sơn quan thầy, ban cho quý Cha, quý tu sỹ và cộng đoàn chúng ta dồi dào sức sống mới của Chúa phục sinh, hầu chúng ta có thể lên đường loan báo và thông chia cho anh em đồng loại, nhờ niềm vui, nhờ cách sống tốt đẹp tình tương thân tương ái giữa đồng bào mình.

Cũng trong tinh thần đó, xin tất cả anh chị em đến đây tham dự thánh lễ, cách riêng những anh chị em ở phía ngoài trục lộ, chúng ta vui lòng theo sự hướng dẫn và sắp xếp của các vị hữu trách giữ bầu khí thánh lễ được trang nghiêm sốt sáng và nhất là bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên trục lộ này, chúng tôi rất trân trọng và biết ơn sự ý thức của tất cả anh chị em góp phần cho thánh lễ được diễn tiến tốt đẹp.

Các anh em trong lực lượng trật tự giữ xe xin vui lòng tích cực hỗ trợ chúng tôi tạo sự hài lòng cho mọi người đến đây dự lễ và duy trì giữ trật tự cho đến kết thúc buổi lễ, xin chân thành cảm ơn.

Một lần nữa chúng con xin trân trọng kính chào quý Cha, quý tu sỹ và toàn thể quý vị, giờ đây xin kính mời cộng đoàn đứng chúng ta bắt đầu thánh lễ.

Trong dịp này, trước khi đọc lời nguyện kết lễ, Cha quản hạt có đôi lời chia sẻ với cộng đoàn.

Kính thưa Cha xứ, kính thưa quý Cha, quý tu sỹ nam nữ và toàn thể cộng đoàn phụng vụ thân mến !

Lời đầu tiên mà tôi xin thay mặt cho tất cả các Cha có mặt ở đây: “ Xin chúc mừng lễ bồn mạng của giáo họ Vinh Sơn và tất cả những ai đã chọn Thánh Vinh Sơn làm Thánh bổn mạng cho mình “. ( cộng đoàn vỗ tay )

Kế đến tôi muốn xin chúc mừng Cha sở cũng như các đoàn thể, các giới của giáo họ Vinh Sơn, đã giúp cho giáo họ Vinh Sơn tổ chúc Thánh Lễ hôm nay một cách tuyệt vời, xin Chúa chúc lành cho công việc này sang năm, và giờ đây trước mặt xin mọi người biểu dương giáo xứ Bắc Hải cũng như mọi thành phần trong giáo xứ Bắc Hải đã tham gia và tổ chức Thánh Lễ thật hoành tráng. ( Cộng đoàn vỗ tay )

Kính thưa anh chị em thân mến ! tôi xin thông báo một vài tin để anh chị em vui. Sang năm 2010, Giáo Hội Việt Nam mừng kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đây là biến cố trong đại đối với Giáo Hội Việt Nam. Hiện nay thì các Giám mục đang họp tại Bãi Dâu, để cầu nguyện đồng thời vạch ra chương trình kỷ niệm 50 thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đây là dịp nhìn lại để khuyến khích Giáo Hội Việt Nam vươn lên theo kịp việc loan báo tin mừng sao cho càng ngày càng phát triển, đây là dịp hết sức tốt đẹp, và dĩ nhiên sau hội nghị này chắc chắn sẽ có những chỉ thị cụ thể để cho chúng ta chuẩn bị với những chỉ dẫn, vận hành được tốt đẹp.

Vừa qua ủy ban loan báo tin mừng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã họp tại Sài Gòn, để kiểm điểm lại công cuộc loan báo tin mừng, và quả thật ! Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam có rất nhiều những tín hữu tốt lành, nhờ đó mà hạt giống đức tin mỗi ngày một phát triển, dù những khó khăn mà chúng ta thấy xẩy ra xung quanh cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta thấy như đất nước Đại Hàn, thì Giáo Hội Đại Hàn có tiến bộ hơn, trong khi đó Giáo Hội Việt Nam chúng ta có tiến nhưng hơi chậm một chút, chính vì lý do đó mà ủy ban văn hóa tin mừng đã cùng nhau kiểm điểm lại và có một vài điều mà tôi xin thông báo anh chị em.

• Úy ban văn hóa tin mừng đã xin các Đức Cha để ra chỉ thị cho toàn thể giáo hội Việt Nam khôi phục lại giờ kinh tối trong các gia đình, ở trong toàn thể Giáo Hội Việt Nam, bới đây là điều kiện thứ nhất là củng cố đức tin của các tín hữu, là dấu để anh em quan tâm đến việc loan báo tin mừng.

• Chắc chắn các Cha sở đã thông báo đến anh chị em về sự cần thiết của các giờ kinh tối trong gia đình, xin anh chị em quan tâm và cố gắng, biến mùa phục sinh không chỉ là những giờ mà chúng ta đã sử dụng ở trong tuần Thánh, tuần Đại Phúc vừa qua; Nhưng là cuộc sống của mình và phải khơi dậy niềm vui mừng phục sinh ở trong các gia đình chúng ta bằng các giờ kinh tối.

• Úy ban loan báo tin mừng cũng đã khẳng định, công việc loan báo tin mừng không những thuộc hàng giáo phẩm, với các tu sỹ mà nhất là giáo dân; Tuy nhiên đã đến lúc hàng giáo phẩm quan tâm nhiều hơn tới vai trò người giáo dân, cho nên đây vừa là tin vui vừa là trách nhiệm của người giáo dân, nên anh chị em hãy ý thức việc loan báo tin mừng.

• Việt Nam đã trải qua 476 năm đón nhận Đức Tin ( 1553 – 2009 ) thì Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được Giáo Hội nâng lên đã qua 50 năm, xin Chúa chúc lành cho chúng ta, và nhất là xin Thánh Vicente bầu cử cho chúng ta.

Và như ông đại diện giáo họ Vinh Sơn vừa nói lên nhu cầu mong muốn được sửa lại Ngôi Thánh Đường này, để là chỗ xứng đáng hơn, để là chỗ tôn kính Thánh Vinh Sơn. Chúng ta biết rằng Thánh Vinh Sơn hay làm phép lạ, nên giáo họ Vinh Sơn cứ yên tâm ! Ông Thánh Vinh Sơn sẽ làm phép lạ và như vậy Thánh Đường của chúng ta sẽ hoành tráng.

Tất cả mọi người, đặc biệt giáo họ Vinh Sơn hãy tin tưởng vào Thánh Vinh Sơn và chúng ta sẽ đạt được mọi nhu cầu, và mọi người chúng ta có mặt ở đây sẽ cố gắng hết sức hỗ trợ cho anh chị em nơi giáo họ Vinh Sơn, xin tất cả chúng ta đặt tin tưởng vào Thánh Vinh Sơn sẽ làm được mọi điều tốt đẹp tuyệt vời mà chúng ta sẽ thấy, chúc tất cả mọi người đạt được mọi điều tốt đẹp.

Trong mấy ngày qua chúng tôi thấy Ông Giuse Phạm Văn Thành – Trưởng ban điều hành giáo họ Vinh Sơn rất lo sợ về thời tiết, vì mấy ngày trước trời âm u kéo mây và bỗng dưng có những cơn mưa rào; Nhưng cả ngày hôm nay từ sáng sớm đến tối trời quang đãng, các diễn tiến trong Thánh Lễ diễn ra rất tốt đẹp, lời dẫn nhập lễ uy nghiêm rõ ràng, tiếng hát ca đoàn du dương thánh thoát, giúp người tham dự lễ dễ nâng tâm hồn lên cùng Chúa.

 
Thăm giáo họ biệt lập Ngọc Thanh ở La Ngà - Định Quán - Đồng Nai
Maria Vũ Loan
18:44 15/04/2009
ĐỊNH QUÁN - Mùa phục sinh, dưới cái nhìn của “nhà đạo” chuyện gì cũng được nói đến một cách hân hoan, vui mừng. Xin được tường thuật lại một chuyến đi La Ngà (Định Quán- Đồng Nai) thăm một giáo họ biệt lập Ngọc Thanh, nơi đây có một nhà nguyện bị bỏ hoang mà giáo dân lại phải dự lễ tại nhà riêng của một giáo dân.

Xem hình ảnh

Đường đến La Ngà

Chúng tôi đi nhờ xe chở thuốc nam của các thầy dòng để đến La Ngà. Đó là một xe cứu thương có hình chữ thập đỏ và còi hụ đoàng hoàng. Nhìn bề ngoài của chiếc xe chúng tôi thấy ơn ớn nhưng khi ngồi vào trong thì êm ái và ngon lành như xe du lịch bảy chỗ bình thường, xe lại bon bon đi rất nhanh vì là xe ưu tiên. Bác tài nói: “Nếu cảnh sát nhìn vào không thấy bệnh nhân thì cứ cho một bạn trẻ nhai miếng xà bông, sẽ sùi bọt mép thì giống y hệt một bệnh nhân đang cần cấp cứu!” Tôi tròn mắt, xe cứu thương mà còn mánh mung như thế thì bao nhiêu chuyện khác ở đời thì sao? May mà Chúa ném vào mỗi con người một luật lương tâm, nếu không thì thế gian này toàn là mưu ma chước quỉ!

Đường đến La Ngà chính là con đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt, thường hay xảy ra tai nạn mà chúng tôi cứ hằng ao ước những người có trách nhiệm mở rộng đường cho đẹp và để bớt tai nạn, thế mà đã lâu lắm rồi những vị có trách nhiệm về việc này thì chắc là đang ngủ say!

Cầu La Ngà làm người ta khó quên vì đi ngang qua nơi này thấy ở dưới sông có khá nhiều “nhà bè cá”, tức là bên trên bè cá người ta làm thành cái nhà, còn cái bè bên dưới là để nuôi cá. Thường thì gia đình nào phải sống ở ghe trên sông thì nghèo nhưng nghe nói để làm chủ cái bè cá ấy phải có nhiều vốn. Nhiều người đã khá lên nhờ nuôi cá ở bè; nếu “trúng” nhiều lần thì thành đại gia. Nói đúng hơn, nếu Chúa cho thì chẳng mấy chốc là giàu!

Một họ đạo biệt lập có ngôi nhà nguyện bỏ hoang

Đi qua cầu khoảng 6 km, đến cây số 107 thì rẽ trái, có con đường sạch đẹp dẫn vào một số xã của huyện Định Quán thuộc hạ nguồn sông Đồng Nai. Nhà thờ Ngọc Thanh nằm hiền hòa ngay bên đường. Có ai ngờ rằng cách nhà thờ này 6 km có một ngôi nhà nguyện bị bỏ hoang. Thật ra đây là giáo họ biệt lập Xuân Thanh, với số giáo dân là 2060 nhân khẩu thuộc ấp 1 xã Thanh Sơn,

Dừng chân bên đường nghe lời tâm sự của một giáo dân nhiệt thành chúng tôi mới hiểu rõ ngọn ngành. Nhà nguyện bằng gỗ bị bỏ trống có từ năm 1992 do giáo dân dựng trên đất lâm trường. Hằng năm có cha đến dâng lễ vào các dịp lễ trọng, nhưng từ tháng 6 năm 2003 đến nay nhà nguyện không được cử hành thánh lễ vì Ban Tôn Giáo đến lập biên bản nói rằng trước đây giáo dân cất nhà nguyện mà không xin phép.

Thế là bà con giáo dân tụ tập tại miếng đất rộng của nhà một ông trùm để dự lễ theo sự du di của chính quyền địa phương. Thế là nhà nguyện đóng cửa. Sợ bị mất luôn đất nhà nguyện nên Ban Hành Giáo đã để một số ghế đá trước tòa Đức Mẹ để bà con tụ họp đọc kinh mỗi tối. Có người còn mua thêm đất cạnh nhà nguyện để hiến cho giáo họ với niềm hy vọng nơi đây trở thành ngôi thánh đường, được thuận tiện dâng lễ, kinh kệ … Tôi nghĩ, Giáo hội đã luôn tự hào về lòng nhiệt thành của những người giáo dân chất phác này.

Thật tội nghiệp cho lòng sùng kính và cách giữ đạo của những người giáo dân ở đây: nếu ra nhà thờ Ngọc Thanh dự lễ thì phải đi 6 km và qua một cái phà nhỏ, còn đi sâu vào trong rừng 17 km thì mới gặp nhà thờ Xuân Trường. Cái phà nhỏ cũ kỹ làm cho người ta ao ước có được một cây cầu ở đây đã mười năm qua, thế mà nỗi khát khao ấy vẫn mênh mông, xa xôi quá!. Người già cả, những bà mẹ có con nhỏ, người đau yếu, thiếu nhi … thì có yêu Chúa đến mấy cũng đành chịu thua, trong khi nhà nguyện gần nhà lại bị bỏ hoang.

Ghé mắt nhìn vào ngôi nhà nguyện bằng gỗ ấy tôi thấy tượng chúa Giêsu Phục Sinh còn mới nhưng bụi bám đầy, bàn ghế thì nghiêng ngả đầy màng nhện. Tôi tự hỏi lòng tại sao và tại sao? Ở Sài Gòn, cách độ một đoạn đường là đến nhà thờ, xa lắm là 1km, thế mà ở đây đã khó khăn còn phải chông gai mới đến được dâng lễ, rõ khổ!

Nơi dâng thánh lễ tại nhà giáo dân

Từ nhà nguyện gỗ đi vào khoảng hơn 200m chúng tôi không khỏi xúc động khi đến nhà ông trùm Ba Đô. Chỉ là căn nhà lá nhỏ thôi nhưng bên cạnh nhà ông là mảnh đất lớn, đã được tráng xi-măng và lợp tôn để làm nơi cha xứ dâng lễ. Mảnh đất ấy có chiều ngang khoảng 14 mét chiều dài khoảng 23 mét. Hằng tuần, cha chánh xứ Ngọc Thanh vào đây để dâng lễ vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6, thứ 7 và Chúa nhật.

Nhìn tượng chúa trên cây thánh giá, bàn thờ, nơi giải tội và những chồng ghế xếp lại tôi đã hình dung được quang cảnh giáo dân dự lễ ở đây thế nào rồi. Ba bề trống rỗng với cỏ cây. Cách đó dăm bảy bước là chỗ học giáo lý của các em trông rất ngộ. Đó là một cái bệ xi-măng ngang 4m, dài 5m ở giữa lùm cây, có hai cọc tre dựng lên, hai tấm bạt làm hai mái che. Gọi là chòi thì không đúng mà gọi là chuồng cũng không được vì rỗng hốc. Một điểm học giáo lý như thế thì học tập cái nỗi gì! Vậy mà mỗi lần đi lễ, các em thiếu nhi cũng mặc áo cho vào “thùng” đàng hoàng.

Ông trùm Ba Đô hiếu khách, ông mời chúng tôi uống nước trên bàn nhỏ trước nhà và kể đủ thứ chuyện.

“Nhà giáo dân ở đây đa số là người Việt sống ở Campuchia hồi hương về Việt Nam vào những năm 1970, quây quần cùng lập nghiệp tại đây, đa số sống bằng nghề làm ruộng làm rẫy, người ta trồng xoài và điều; lúc trúng mùa lúc thất bát vì thế cuộc sống còn khó khăn nhiều. Hằng năm hai lần vào dịp lễ lớn, những người giáo dân nghèo lại được nhận quà của những vị ân nhân trao tặng”.

Tôi nhắm mắt tưởng tượng, ở nơi đây nếu có ai mời cha đi sức dầu vào buổi tối hay lúc trời mưa to gió lớn thì sao nhỉ! Hoặc có ai phải cấp cứu vào ban đêm thì cũng gian khổ quá!

Chúng tôi rời “điểm dâng lễ du kích” bằng lời nói nửa đùa nửa thật với ông trùm:

“ - Kỳ nghĩ hè này, nếu trong người khỏe khoắn, chúng em sẽ trở lại đây thăm, sẽ “nhậu” thịt chó với quí ông trùm. Thôi thì mình cứ trải chiếu ngay giữa lòng “nhà thờ” này mà liên hoan, có được không ạ?

- Sẵn sàng, cô uống được nữa lít đế không?

- Dạ, chỉ nửa lon bia thôi ạ!

- Thế mà cũng đòi gầy dựng “phong trào!!”

Rong ruỗi vùng xa

Buổi trưa các thầy dòng thánh Gioan Thiên Chúa đãi chúng tôi bữa ăn ngon. Giữa vùng cây trái xanh tươi, phẳng lặng, vang lên tiếng cười của chúng tôi. Một điểm chữa bệnh phát thuốc vùng sâu, với những con đường có cả ổ gà ổ voi, ổ khủng long, mà khách đến “náo động” thì thật là vui, xem ra các thầy chẳng ngại ngùng gì!

Trời chiều đổ mưa, chiếc xe cứu thương chở chúng tôi ra khỏi vùng quê yên tĩnh vẫn chạy theo kiểu ưu tiên, làm tôi sợ hãi đến nỗi không đọc kinh được. Nhưng trên xe chở thêm một chị, tuổi độ trên bốn mươi, xin đi nhờ xe một đoạn đường để về tận nhà; có lẽ nhờ vậy mà chúng tôi cười nắc nẻ. Xin mời nghe mẫu đối thoại sau đây:

“ – Em có ba đứa con, đứa lớn đang học đại học ở Sài Gòn, tạm trú tại khu Chí Hòa, hình như cháu ở gần nhà thờ “Nô-mi-ca”

- Lạy chúa tôi, công việc của mình có liên quan đến các nhà thờ, nhưng “thề” với chị là không có nhà thờ nào là “Nô-mi-ca” cả, chỉ có bánh Biên Hòa Bibica thôi! Chắc là nhà nguyện Ca-mê-lôphải không?

- Đúng rồi ạ! Hôm qua cháu gọi điện về xin đi tu, em ngỡ ngàng quá!

- Đâu, chị quay mặt nhìn thẳng vào mắt mình xem, chị có tướng làm bà cố được không? À à … khuôn mặt tròn, đôi lông mày lá xoài, mũi giống hình quả mận, miệng chúm chím như quả cà chua… Được! Nhưng phải đi đàng thánh giá quanh vườn, một tuần ba lần mới hi vọng được làm bà cố.

- Thế à! Em với nhà em sẽ cố lên chứ biết làm sao!”.

Chúng tôi lại cười đau cả bụng. Tôi lại đùa dai:

- Làm bà cố “lời” lắm, ai cũng gọi con chị bằng cha thì chị có đến mấy ngàn “cháu nội”.

Đôi mắt chị ánh lên niềm vui mừng. Khi tài xế cho xe dừng lại trước căn nhà có vườn cây ăn trái rộng, chị tất tả đi vào hái vội cho chúng tôi mận, đu đủ, với tất cả tâm tình của người nhà quê tốt lành.

Niềm tin sống động của người công giáo Việt Nam, sẽ chẳng bao giờ tắt vì những con người tôi gặp gỡ trong chuyến đi này: càng nhiệt thành chất phác thì càng tràn đầy sắt son là vậy.

Đường vào thành phố Sài Gòn đầy xe tải, ngộp hơi xăng làm chúng tôi càng nhớ làn gió mát nơi vùng xa đầy khó khăn đó và thương thương cho cái nhà nguyện bỏ hoang kia.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Trí thức kêu gọi bỏ khai thác bauxite
Người Việt
02:44 15/04/2009
HÀ NỘI (NV) - Thêm một số trí thức kêu gọi ngưng khai thác bauxite ở Tây nguyên. Lời kêu gọi vừa được phổ biến trên Internet cho thấy họ thúc giục những kẻ cầm đầu chế độ Hà Nội đừng quay lưng lại với lợi ích lâu dài của dân tộc.

“Công việc chuẩn bị cho dự án bauxite đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra những thiếu sót toàn diện, mà chỉ riêng hai lá thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đủ cho thấy những bất cập về chính trị, quốc phòng, kinh tế, kỹ thuật, và kiến nghị của tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, của giáo sư Phạm Duy Hiển, và của các nhà nghiên cứu độc lập khác ở trong nước như nhà văn Nguyên Ngọc, học giả Nguyễn Trung, nhà báo Lê Phú Khải, và ở ngoài nước như tiến sĩ Nguyễn Ðức Hiệp chuyên gia về ô nhiễm môi sinh ở Úc, kỹ sư tư vấn Ðặng Ðình Cung chuyên gia về mỏ ở Pháp... là những bổ sung toàn diện mang tính chất ‘kỹ thuật’ cho hai lá thư tâm huyết của Ðại tướng.”

Bức thư gửi chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng CSVN của các ông Nguyễn Thế Hùng, giáo sư tiến sĩ ở đại học Bách Khoa Ðà Nẵng, Nguyễn Huệ Chi, nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Viện Văn Học, Ủy Ban Khoa học Xã Hội Việt Nam, và nhà văn Phạm Toàn, một người dạy học, viết văn, dịch sách, đề ngày 12 Tháng Tư, 2009 viết như vậy nhắc lại “những kẽ hở hoặc những sai phạm khó chấp nhận trong chủ trương làm dự án bauxite.”

Bức thư can gián nhắc lại tính cách gian lận của đám quan quyền chóp bu đảng CSVN, đi ngược hiến pháp và luật pháp của chế độ, rằng “Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được 'ký tắt' với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội.”

Ba nhà trí thức nói trên tố cáo “Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau - những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở Châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại lục địa đen này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích.

“Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự 'nổi tiếng' của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia ô nhiễm môi trường vào bậc nhất.”

Các nhà trí thức vạch ra cho đám lãnh tụ CSVN nhớ rằng “Ðất nước là của chung của cả dân tộc, chứ không là của riêng của một nhóm người nào, của một nhóm quyền lợi nào, hoặc một tổ chức nào dù tinh hoa đến đâu cũng vậy.

“Tất cả những người có ý thức với dân tộc, với đất nước, xót xa trước những việc làm không được kiểm soát chặt chẽ xoay quanh vụ bauxite, đều thấy cần thiết phải lên tiếng.”

Họ đòi hỏi 3 điều “Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội ra nghị quyết; Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và thông qua nghị quyết thích hợp; Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.”

Những người trí thức ký tên dưới bản kiến nghị này “bày tỏ sự lo lắng không cùng trước phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn của đất nước như dự án bauxite.”

Nhưng cuối buổi hội thảo ngày Thứ Năm 9/4/2009, Hoàng Trung Hải, phó thủ tướng CSVN và là quan chức cao cấp nhất của chế độ hiện diện xác nhận sẽ không từ bỏ một “chủ trương lớn.” Các nhà máy luyện bột nhôm Tân Rai (Ðồng Nai) vẫn tiến hành và nhà máy luyện nhôm ở Nhân Cơ (Ðắc Nông) sẽ chỉ đợi bản nghiên cứu tác dụng đối với môi trường rồi tiến hành. Ðây chỉ là những lời nói tránh né có tính cách lừa gạt dư luận vì nhà cầm quyền CSVN đã ký thỏa thuận với công ty quốc doanh Nhôm của Trung quốc nhượng quyền khai thác quặng bauxite “trọn gói” từ khai thác tới biến chế thành bột alumina rồi đưa về Trung quốc tinh luyện thánh nhôm.

Ðược biết, trong cuộc hội thảo giữa tuần trước, hơn 50 khoa học gia đã trình bày các khía cạnh kỹ thuật và những hệ quả của kế hoạch khai thác bauxite thất lợi đủ mọi mặt từ không có giá trị kinh tế, hủy hoại môi trường ảnh hưởng tới hàng triệu người dân từ tây nguyên tới các tỉnh phía nam, chưa kể tới vấn đề an ninh chiến lược khi cho hàng chục ngàn người có thể là lính Trung quốc núp dưới dạng công nhân đến chiếm giữ khu vực Tây nguyên coi như yết hầu khống chế mặt nam của Việt Nam.

“Nhà nứơc nên nghĩ lại. Nếu họ tiếp tục kế hoạch như đề nghị của Tổng Công Ty Than - Khoáng Sản (chủ đầu tư) thì sẽ gây thảm họa về sau cho đất nước,” tiến sĩ Phạm Duy Hiển nói trong cuộc hội thảo.

Nhà cầm quyền CSVN phổ biến trong cuộc hội thảo một kế hoạch khai thác bauxite từ nay tới năm 2015 và dài hạn hơn, kéo dài tới năm 2025 với các mức đầu tư khai thác dần dần gia tăng theo thời gian. Chế độ Hà Nội đã bị tố cáo sẽ để mặc cho công ty Trung quốc Chalco thải vô tội vạ bụi đỏ, bùn đỏ và các loại hóa chất độc hại ra môi trường với các kỹ thuật lạc hậu bị phế thải ngay tại Trung quốc.

Ðể có thể sản xuất ra một tấn nhôm, khoảng 5 tấn chất thải độc hại gồm cả những chất không hoà tan trong thiên nhiên bị đẩy ra môi trường.

Cuối Tháng Ba vừa qua, Hòa thượng Thích Quang Ðộ, quyền Viện trưởng Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống Nhất, kêu gọi toàn dân biểu tình tại gia một tháng suối Tháng Nam 2009 để chống lại kế hoạch khai thác bauxite. Khối 8406, một tổ chức quần chúng tại Việt Nam cũng đã hưởng ứng và tiếp tay với vị lãnh tụ GHPGVNTN.

(Nguồn: Người Việt, Monday, April 13, 2009)
 
Trận chiến Đảng – Dân đã chuyển sang quy mô cả nước
Nhóm sinh viên sư phạm
02:56 15/04/2009
Từ những trận quy mô nhỏ, nhưng ngày càng nhiều

Khi còn ở quê, chúng tôi quan sát được những trận chiến giữa Đảng và Dân tuy hết sức quyết liệt nhưng vẫn ở quy mô nhỏ. Đó là những vụ dân oan tập trung từ cỡ dăm bảy gia đình cho tới hàng trăm người lăn xả vào đòi lại đất bị Đảng “thu hồi”. Cứ thế, chúng tôi nghe được những tin tức tương tự trên cả nước, mặc dù báo chí nội địa thì... câm. Ví dụ, các vụ hàng ngàn dân oan miền Nam kéo lên Sài Gòn biểu tình đòi đất.

Tôi đã đọc và rất tán thành ý kiến của chị Đỗ Thuý Hường (học Luật, hơn chúng tôi vài-ba tuổi) nói rằng (đại ý): Cái Đảng vô sản này khởi đầu không có một tấc đất nào, sau khi cướp được chính quyền bỗng ban hành cái Luật Đất Đai để trong nháy mắt chiếm giữ toàn bộ đất đai, lãnh thổ của dân tộc, rồi “ra ơn” ban phát cho dân được “mượn” và khi cần cướp lại thì dùng từ “thu hồi”.

Các vụ Dân chống Đảng này, không chỉ khu trú vào chuyện đòi đất, ban đầu về quy mô chưa lớn, nhưng về số vụ thì ngày càng nhiều. Ban đầu rải rác, nhưng càng về sau mật độ càng đậm đặc; đến mức, báo chí của đảng – dù bị cấm – vẫn không thể hoàn toàn câm lặng.

Nhờ thi đậu vào đại học, được sống ở Hà Nội, chúng tôi chứng kiến vụ nổi dậy đòi đất của giáo dân Thái Hà với quy mô hàng trăm ngàn lượt người tham gia, kéo dài nhiều tháng, với chiến thuật thay đổi rất linh hoạt, đẩy sự chống đỡ của Đảng vào thế ngày càng bị động. Tới nay, Đảng đã phải dùng tới những lời lẽ kiểu “đấu tranh giai cấp” trên báo chí để thoá mạ Dân. Vụ việc chưa dừng lại, mong các bạn theo dõi tiếp. Dù vậy, sự thắng bại cuối cùng tới nay chưa ngã ngũ.

Những trận đã ngã ngũ

Nhiều trận chiến giữa Đảng và Dân đã ngã ngũ với phần thắng thuộc về Dân. Các thế hệ tiền bối nói rằng điều này là chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của Đảng. Ví dụ, thời cải cách ruộng đất, Đảng đã diệt Dân trên quy mô toàn miền Bắc (khi đất nước con bị chia cắt). Nay đã khác. Thời thế đã đổi. Đảng đã mất cả Thời lẫn Thế. Khỏi nói: sẽ trở nên phản động và tàn bạo hơn bao giờ hết. Nhưng cũng do vậy Đảng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, không thoát ra nổi.

Đang sống ở Hà Nội, chúng tôi chỉ nêu vài trận chiến, trong đó Dân thắng Đảng rất ngoạn mục, ngay giữa thủ đô. Các bạn sinh viên cả nước có thể dễ dàng theo dõi chi tiết trên các phương tiện thông tin (báo giấy, báo điện tử).

- Đó là trận giữ được con đường mang tên 19-12 không bị chiếm đoạt để bán cho tư nhân xây “trung tâm thương mại”.

- Đó là trận giữ được toàn vẹn công viên Hồ Bảy Mẫu không bị một công ty ngoại quốc chiếm dụng để xây khách sạn cao tầng (họ đang thi công móng), mặc dù một đại diện chính thức của chính quyền Hà Nội đã lớn tiếng biện bạch để... bịp Dân.

- Nay là trận bảo vệ được sân chơi Con Voi thoát khỏi sự chiếm đoạt của chính quyền quận Đống Đa định cho phe cánh xây CHỢ. Dấu hiệu Dân thắng Đảng ngày càng hiện rõ trong vụ này.

Dân đã dùng ngay “cái gậy” của Đảng để đập vào lưng Đảng. Đó là viện dẫn ra chính những quy định, những luật do Đảng ban hành. Từ chỗ những quy định, những luật để mị dân, hoặc để che dấu dã tâm, nay chúng trở thành vũ khi trong tay Dân. Đã đành, từ lâu Đảng không còn tin Dân nữa (ngược lại cũng vậy) nhưng từ nay Đảng cũng không thể nào tin vào nền báo chí của mình nữa. Các nhà báo, dù phải đứng trong đội ngũ, nhiều người vẫn còn lương tâm và cương trực. Trong ba ví dụ “Dân thắng Đảng” nói trên, không thể phủ nhận được vai trò của báo chí.

Còn đây mới là trận chiến quy mô toàn quốc

Lẽ ra, trận Dân chống Tàu xâm lược có thể phát triển ra phạm vi lớn, nhưng tạm thời hiện nay Đảng đã thành công trong việc hạn chế quy mô. Dẫu vậy, ngòi nổ vẫn chưa được tháo. Nguy cơ mất nước thì toàn dân đủ nhạy cảm. Hãy chờ đấy!

Điều bất ngờ là trận chiến Dân - Đảng lại nổ lớn từ sự khai thác tài nguyên bô xit ở Tây Nguyên. Và đến nay, thật sự đã lan rất rộng – có thể nói là đã lan cả nước. Mặc dù báo chí đã được lệnh “không đưa tin”, nhưng từ bức thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi chính phủ, rồi thư ngỏ của nhà văn Phạm Đình Trọng và nhà báo Lê Phú Khải, với sự góp sức của Dân Việt Nam ở hải ngoại, khiến các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong nước trực diện và quyết liệt nói lên tiếng nói độc lập của mình.

Đảng miễn cưỡng tổ chức một Hội nghị Khoa học để chịu trận ngồi nghe những phản biện rất minh chứng nhưng cũng đầy trách nhiệm và tinh thần xây dựng. Đảng đã có những bước lùi, mặc dù dùng quyền “kết luận hội nghị” phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vẫn có câu mở đầu “Khai thác bô xit Tây Nguyên là chủ trương đúng đắn"; nhưng nội dung hội nghị lại ngược lại thế. Ngay cả vị đại diện các nhà khoa học trong Liên Hiệp các Hội Khoa Học VN vẫn nói: "Dự án khai thác bô xít làm theo quy trình lộn ngược".

Chúng tôi không nêu những tư liệu cụ thể vì mọi sinh viên thừa trình độ tự khai thác đến những chi tiết nhỏ nhất.

Điều chúng tôi muốn nêu là trận chiến Dân - Đảng đã phát triển lên quy mô cả nước. Nếu Dân toàn thắng trận này thì cục diện sẽ có sự biến chuyển rất đột phá và mau lẹ khó lường.

(Nguồn: http://www.ykien. net/bai0711/ bai090414. htm)
 
Thông Báo
Thông cáo về Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa
Toà Giám Mục Thái Bình
18:27 15/04/2009
THÔNG CÁO CỦA TOÀ GIÁM MỤC THÁI BÌNH
VỀ CHÚA NHẬT II PHỤC SINH KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA


I. Chúa nhật II Phục Sinh (19/04/2009), theo lịch Phụng vụ, là ngày Kính Lòng Thương Xót Chúa, do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập. Xin các Cha cố gắng giúp giáo dân hiểu rõ Lòng Thương Xót Chúa, nhất là cổ vũ tôn kính bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa đã phát cho mọi người. Sau đây là Ơn Toàn Xá do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban (ngày 04 tháng 08 năm 2002) trong ngày Chúa nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa:

1. Ơn Toàn Xá được ban với những điều kiện thường lệ là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha; cho những tín hữu nào trong ngày Chúa nhật II Phục Sinh, tức là Chúa nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, tại bất cứ nhà thờ nào, có lòng quyết tâm từ bỏ mọi quyến luyến tội lỗi kể cả tội nhẹ, và tham dự vào các việc đạo đức tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa hay ít là đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính cùng với sự kêu cầu Chúa Giêsu từ bi trước sự hiện diện của Mình Thánh Chúa được trưng bày công khai hoặc giữ trong Nhà Tạm.

2. Ân xá một phần được ban cho những tín hữu nào, ít là với tâm tình thống hối dâng lên Chúa Giêsu từ bi một trong những lời cầu khẩn được phê chuẩn hợp pháp; thí dụ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

3. Những người làm nghề hàng hải, những người di tản, những người đau yếu và những người săn sóc cho kẻ đau yếu, hoặc những người không thể bỏ công việc vì lợi ích chung, cũng có thể được Ơn Toàn Xá trong ngày này, nhưng họ phải: - Có quyết tâm từ bỏ tội lỗi; - Có ý hướng thi hành ba điều kiện thường lệ một khi có thể; - Đọc trước ảnh Chúa Giêsu từ bi một Kinh Lạy Cha, một Kinh Tin Kính và một lời cầu Chúa Giêsu từ bi.

4. Vào ngày này, Đức Giám Mục Giáo phận có thể ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá, khi cử hành long trọng tại Nhà thờ Chính toà, hay tương đương Nhà thờ Chính toà.

Riêng tại Nhà thờ Chính toà Thái Bình, Đức Giám Mục ban quyền cho các Cha làm lễ tại đó được ban Ơn Toàn Xá cho mọi người dự các lễ trong ngày Chúa nhật II Phục Sinh.

II. Xin các Cha và mọi người phụ trách đọc thư kêu gọi của Đức Cha giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội về việc thu tiền giúp Đại chủng viện.

Thái Bình, ngày 15 tháng 04 năm 2009.