Ngày 17-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật III Mùa Phục Sinh: Kìa, đó là Chúa!
Lm Nguyễn Hữu Thy
04:08 17/04/2010
Chúa Nhật III Mùa Phục Sinh:

Kìa, đó là Chúa!


(Ga 21,1-14)

Mẻ lưới cá quá lạ lùng mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới là mẻ lưới thứ hai trong đời ngư nghiệp của các môn đệ Ðức Giêsu. Lần đầu tiên xảy ra khi Ðức Giêsu kết thúc buổi giảng thuyết, Người nói cùng Simon Phêrô: Con hãy chèo thuyền ra xa ngoài biển hồ mà thả lưới bắt cá. Họ đã làm theo lời Người, và họ đã bắt được một mẻ lưới đầy cá, đến nỗi lưới gần như bị rách (x. Lc 5,4-7)!

Một điều chúng ta ghi nhận được trong cả hai lần bắt được những mẻ cá kỳ lạ này, là ông Phêrô đóng một vai trò nổi bật nhất: Trong suốt đêm, thời gian thuận tiện nhất cho việc đánh cá, nhưng Phêrô đã chẳng bắt được gì cả. Thế nhưng, khi Ðức Giêsu truyền cho ông một lần nữa cứ thả lưới và ngay giữa ban ngày, thì theo Tin Mừng thánh Luca, Phêrô - một người đánh cá rành nghề - trước tiên là tỏ ý nghi ngờ, nhưng rồi ông cũng nghe theo lời Ðức Giêsu. Còn lần này, theo Tin Mừng thánh Gioan, Phêrô đã vâng lời làm theo ngay lệnh Chúa truyền, chứ không hề nghi ngờ hay mở miệng nói một lời nào cả.

Trước kia, trong lần đầu tiên, Phêrô biết Ðấng đang đứng trước mặt ông là ai, nhưng ông lại chưa biết rõ được quyền lực của Người. Hôm nay, trước tiên ông Phêrô đã không hề nhận ra được Ðức Giêsu và ông cũng không có bất cứ thắc mắc gì khi nghe lời đề nghị của Ðấng đang đứng trên bờ: «hãy thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được nhiều cá». Trước kia, ông Phêrô đã quì xuống trước mặt Ðức Giêsu và xin: «Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con vì con là một kẻ tội lỗi!» Còn bây giờ, khi nghe nói: «Kìa, Chúa đó», ông đã vội vàng nhảy ngay xuống nước để đến với Ðức Giêsu nhanh hết sức có thể. Trước kia, Chúa đã động viên Phêrô và các bạn ông thêm can đảm làm theo lời Người đề nghị, và rồi Phêrô – dù là một người chuyên nghiệp và có dư kinh nghiệm trong nghề - đã không khỏi kinh hoàng trước một kết quả ngoài sự tưởng tượng; vâng, hầu như một điều hoàn toàn «bất khả». Vì thế, giờ đây nhân danh Ðức Giêsu, ông cần phải «chài lưới người», cần phải dẫn dắt nhân loại về với Ðức Kitô.

Khi bản Tin Mừng này được viết ra, chắc chắn ông Phêrô – và có lẽ tất cả các Tông đồ khác - đã không còn sống nữa. Tuy nhiên, những gì được ghi lại trong bản văn này, là những điều đã xảy ra vào thời bấy giờ và đồng thời cũng là những điều vẫn có liên quan đến chúng ta ngày nay. Vì thế, chúng ta thử tìm hiểu và suy niệm.

Ông Phêrô vẫn đi chài lưới và một số người bạn cũng theo ông, cuộc sống vẫn tiếp tục trôi qua như thể không có biến cố Phục Sinh và như thể Thầy các ông chẳng có gì liên quan tới cuộc sống của các ông nữa! Phải chăng đó không phải là thái độ của chính chúng ta? Tức những lúc chúng ta phải đối mặt với những thách đố - to cũng như nhỏ trong cuộc sống - chúng ta đã hầu như ít khi chạy đến cùng Thiên Chúa hay tìm hiểu để nhận ra được thánh ý Người trong đó?

Tiếp đến, sau một đêm vất vả trên biển vô ích, Ðức Giêsu đã đứng sẵn trên bờ như một người khách lạ và nói cho các môn đệ điều họ phải làm. Và cả khi các ông đã gặp được sự thành công ngoài sự tưởng tượng, ông Phêrô vẫn chưa nghĩ đến Ðức Giêsu; một người khác – ông Gioan, người môn đệ được Chúa thương - phải nhắc ông: «Kìa, Chúa đó», thì ông mới nhận ra được! Cũng hoàn toàn tương tự như thế: Biết bao lần chúng ta đã vất vả cố gắng và cuối cùng đã bị thất bại, đã không thành công được như ý muốn! Và bấy giờ có một người nào đó nói cho chúng ta một lời, hay tự trong chúng ta nảy sinh ra được một tư tưởng, mà thoạt đầu xem ra có vẻ nghịch lý, nhưng chúng ta đã nỗ lực thực hiện theo, và đột nhiên mọi sự lại như quay đổi ngược lại theo chiều tích cực. Và cũng như ông Phêrô, nhiều khi chúng ta đã không nhận ra được quyền lực nào thực sự đứng phía sau những diễn biến lạ lùng như thế; điều đó cần phải nhờ đến một người - giống như ông Gioan, «người bạn của Chúa», một người biết nhìn mọi sự với con mắt đức tin sâu xa - nói cho chúng ta biết. Và người đó có thể là một vị Linh hướng, một người bạn tốt và đạo đức...!

Ông Phêrô bỏ mặc tất cả ở lại trên thuyền và nhảy xuống biển bơi vào bờ cùng Chúa, và khi lên bờ ông soạn sửa mọi sự như thường vẫn làm là nhóm lửa và nướng cá. Ðiều đó cũng rất có thể xảy ra nơi chúng ta, là nhiều khi chúng ta muốn bỏ lại sau lưng tất cả để thực sự được nếm thử sự gần gũi với Thiên Chúa, để lòng mình được thảnh thơi yên hàn một chút trước nhan Chúa trong các giờ kinh nguyện, trong các giờ dâng lễ, v.v.... Sau đó chúng ta phải trở lại với mọi sinh hoạt của cuộc sống bình thường, nhưng chúng ta không còn cảm thấy được sự bần cùng và bất hạnh của chúng nữa, bởi vì chúng ta đã biết mình luôn có Chúa ở bên cạnh!

Và cao điểm của biến cố trong ngày gặp gỡ hôm nay giữa Ðức Giêsu và các môn đệ, không phải là mẻ lưới thành công lạ lùng, nhưng là bữa ăn giữa Thầy trò sau đó. Dĩ nhiên, trong bữa ăn không xảy ra điều gì «đặc biệt» cả, nhưng các môn đệ cảm nhận được rằng lòng họ trong lúc này hoàn toàn tràn ngập an ủi và vui mừng, vì họ biết mình không còn bị bỏ rơi, không còn bơ vơ nữa, và vì tình thương và sự hiện diện của Sư Phụ đã nâng đỡ họ, truyền sang cho họ sức sống và sự can đảm. Vâng, một sức mạnh phát xuất từ Người lại làm cho họ hân hoan vui mừng. Và nơi chúng ta sự việc cũng không thể khác được, nếu chúng ta tham dự vào các giờ kinh nguyện, nhất là nếu chúng ta tham dự vào việc cử hành Bàn Tiệc Thánh Thể, «Bữa Ăn của Chúa». Ðiều có tính cách quyết định ở đây, là chúng ta luôn đi tìm kiếm Chúa và từ từ khám phá ra được Người qua việc siêng năng đọc và suy niệm Thánh Kinh; là chúng ta tin nhận Người và sự thông hảo huynh đệ của Giáo Hội. Cả khi chúng ta không xác định hay không cảm nhận được bất cứ điều gì «ngoại lệ» trong đó cả, miễn là chúng ta đừng khép lòng mình lại, chúng ta đương nhiên đã được thâu nhận vào trong sự an bình của Người.

Còn một điều nữa: Thánh Phaolô đã quả quyết: «Người là sự bình an của chúng ta» (Ep 2,14). Vì thế, chúng ta không còn cần phải kêu lên như ông Phêrô xưa: «Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là một kẻ tội lỗi!» Bởi vì, Ðức Giêsu đã đến trong thế gian là để kêu gọi những người tội lỗi, những người đã hư mất, chứ không phải những người công chính (x. Mt 9,13b; Lc 19,10). Nghĩa là Người đã đến để chúng ta được sống và sống một cách dồi dào (x. Ga 10,10).
 
Tìm về dấu cũ để nhận ra Chúa đó
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:27 17/04/2010
Chúa Nhật III Phục Sinh (C2010)

Tìm về dấu cũ để nhận ra Chúa đó



Theo chuyện kể của Tin Mừng, tại Palestina vào khoảng 2000 năm trước, có “những bước chân mệt mõi chán chường đầy thất vọng buồn tênh” của những chàng trai dân chài Galilê trở về “quê cũ nghề xưa” nơi biển hồ Tibêriát, hay trên con đường về Emmau để tìm lại những dấu chân, những kỷ niệm thân thương của Thầy Giêsu. Bởi chưng, với họ, khi mọi hy vọng về một “ngày mai tươi sáng” đã khép lại sau bức màn tăm tối của buổi chiều Thứ Sáu nghiệt ngã trên đồi Canvê, thì việc trở về tìm lại những nơi ghi đậm hình bóng cũ của Thầy, họ hy vọng sẽ gặp được một thoáng ủi an cho vơi đi phần nào những đau thương mất mát.

Có phải "chuyện 3 năm" đã trở thành kỷ niệm ?
Thôi chúng mình về quê cũ vườn xưa.
Về làng Emmau hay bến biển Ti-bê-ri-a
Làm lại cuộc đời với thuyền câu lưới cá!
Ta cứ về đi. Bến cũ, đường xưa, kỷ niệm nào rộn rã...
Biết đâu chừng, Ngài trở lại đêm ta vào bến mộng đường mơ ?


Thế nhưng, cũng từ những “bước chân tìm về” những địa chỉ còn vương vấn dấu vết của Thầy như thế, họ đã gặp được Đấng Phục Sinh, họ đã được Thầy “khai thông trí hóa” và dẫn đưa vào chính điều cốt lỏi của niềm tin Kitô giáo: Đức Kitô đã chết và đã sống lại.

Nhưng chuyện "Ngày Thứ Nhất" có ai ngờ...
Ngài lại đến thắp lên niềm hy vọng.
"Bữa Điểm Tâm" trên bờ kia nóng bỏng,
Cho môn sinh hay cho muôn thế hệ con người...
Thất bại, khổ đau, vất vả, đoạn trường...
Bánh thơm, cá ngọt có Thầy là tất cả.
Đường Emmau bước chân ai vội vã,
Mệt mõi rã rời, nản chí buồn tênh,
Những bước chân giờ vô định mông mênh...
Và chuyện "Ngày Thứ Nhất" có ai ngờ chợt đến
Ngài như "khách bộ hành" trìu mến,
Thổi vào hồn niềm tin tưởng Phục Sinh.
Thắp lửa tin yêu, bừng sáng cuộc đăng trình,
Lời sự sống, Bánh trường sinh, Ngài thân thương ban tặng...


Và suốt 2000 năm nay, kể từ những buổi sáng tinh mơ của Ngày Thứ Nhất trong tuần trước ngôi mộ trống, hay từ buổi chiều Ngày thứ nhất trong tuần trên đường Emmau, hoặc một buổi sáng khác cũng Ngày thứ nhất trong tuần trên biển hồ Tiberiát, những cuộc “hẹn hò và gặp gỡ với Đấng Phục Sinh” vẫn không ngừng tái diễn, những cuộc qui tụ để cùng “đánh chén với Đấng Phục Sinh” vẫn tiếp tục dài dài, những cuộc “tọa đàm với Đấng Phục Sinh chung quanh chủ đề Thánh kinh về cái chết và sự sống lại của Đấng Cứu Thế” vẫn không ngừng được tổ chức thực hiện. Bởi chưng, tất cả những điều đó, những sinh hoạt cộng đoàn đó, những cuộc qui tụ chúng quanh Đấng sống lại từ cõi chết đó…đã làm nên Chúa Nhật, đã làm nên Kitô giáo, đã làm nên Hội Thánh muôn nơi và muôn thuở, một Hội Thánh luôn can đảm “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” để tiếp tục “xin làm chứng, cùng với Thánh Thần” về một con người mang tên “Giêsu, Đấng đã bị giết chết trên thập giá nhưng đã được Thiên Chúa phục sinh” (BĐ 1).

Vâng, cuộc họp mừng Lễ Tạ Ơn hôm nay, hay ở khắp nơi, mọi thời, chính là cuộc gặp gỡ thân mật và đích thật giữa chúng ta và Chúa chúng ta, Đức Kitô phục sinh, giữa cộng đoàn chúng ta, gia đình giáo xứ chúng ta với Đấng Phục sinh đang trở về, đang có mặt, đang ban bình an, ban Lời chân lý và Bánh Trường Sinh, đang ủi an và chia sẻ tình yêu thân mật và hồn nhiên như Ngài đã hiện diện và sẻ chia cùng các môn sinh với “bữa điểm tâm đơn giản nhưng ấm áp tình thân trên bờ hồ Tibêriát” (TM). Đó chính là niềm tin muôn nơi và muôn thuở của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu, là ý nghĩa đích thực của cuộc họp mừng phục sinh, là nội dung cốt yếu của Tin Mừng phải được sẻ chia và làm chứng, như lời “lời chứng và chia sẻ của Thánh Phêrô” từ thuở khai sinh Giáo Hội mà BĐ 1 sách CVTĐ đã thuật lại hôm nay:

“Đức Giêsu bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần”.

Và điều quan trọng còn lại của hôm nay đó là chúng ta hãy biết mở tô đôi mắt đức tin, mở rộng cõi lòng đức ái để nhận ra sự hiện diện ắp đầy của Chúa, để nhận ra "Chúa đó" như Thánh Gioan Tông Đồ khi xưa.

Vâng, Chúa đã đứng đó từ lâu, Chúa đã thấy rõ bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu lắng lo mệt nhọc của những người môn sinh nghèo hèn bé nhỏ, của những học trò vụng dại ngu ngơ. Chúa đã đứng đó, đã chứng kiến bao vất vả nhọc nhằn, bao xót xa day dứt, bao tăm tối khổ sầu…của bao thân phận con người, bao gia đình nhân thế. Và thấy rồi, không phải Chúa cứ noãnh mặt quay đi và bỏ lại chúng ta bên bờ tuyệt vọng, như bao vị hiền nhân, như bao nhà chính khách, như bao lãnh tụ xưa nay. Không, Chúa đã đến, Chúa đã hiện diện, đã dọn sẵn cho chúng ta, cho nhân loại, “bữa điểm tâm tuyệt vời, đúng lúc và đầy thân thương tế nhị”. Những tấm bánh thơm, những con cá nhỏ trên ngọn lửa hồng bên bờ hồ Tibêriát, hay Bánh Thánh Thể hôm nay, các Nhiệm tích hôm nay ở giữa con thuyền Giáo Hội nào có khác chi đâu ! Bởi vì, tất cả đều đong đầy một ý nghĩa nhiệm mầu duy nhất: Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Vâng, chính sự hiện diện của Chúa đã đem lại nguồn hy vọng, niềm vui, lẽ sống, sự bình an, như cách diễn tả của thánh vịnh 29 mà cộng đoàn chúng ta vừa hát lên trong phần đáp vịnh ca: “Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu. Lạy chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (ĐC).

Đã 2000 năm qua "Dấu chân xưa" chưa bao giờ xa vắng
Vẫn hiện diện ắp đầy,
Trên những lối Emmau hay trên những bến bờ Ti-bê-ri-a giữa cuộc đời cuồn cuộn.
Những "Bữa Điểm Tâm, Bánh Thơm và Cá Nướng"...
Lời tình yêu và sự hiện diện đầy ắp thân thương,
Để anh, để chị, để chúng ta cùng chắp cánh lên đường,
Làm chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh đến muôn đời muôn thuở.


Phải chăng ngày hôm nay ở giữa biển đời cuộc sống, hay ở giữa con thuyền Giáo Hội, hai tiếng “Chúa Đó“ cũng đang vọng về, vang lên qua Phụng Vụ, qua các Bí tích, qua những cuộc họp mừng của cộng đoàn Giáo Hội, qua những anh chị em bé nhỏ khó nghèo, qua những lời réo gọi của yêu cầu chứng nhân và truyền giáo nơi những vùng sâu vùng xa hay nơi những môi trường đang quay mặt với Thiên Chúa và những giá trị của Phúc Âm để quay cuồng trong cơn lốc của nền “văn hưởng thụ, văn minh sự chết…”

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin hãy đến, hãy hiện diện và ban bình an cho chúng con. Chúng con đang cần sự hiện diện của Chúa biết bao. Alleluia, Alleluia.
 
Tìm về dấu cũ
Sơn Ca Linh
08:31 17/04/2010
TÌM VỀ DẤU CŨ

Có phải "chuyện 3 năm" đã trở thành kỷ niệm ?
Thôi chúng mình về quê cũ vườn xưa.
Về làng Emmau hay bến biển Ti-bê-ri-a
Làm lại cuộc đời với thuyền câu lưới cá!
Ta cứ về đi. Bến cũ, đường xưa, kỷ niệm nào rộn rã...
Biết đâu chừng, Ngài trở lại đêm ta vào bến mộng đường mơ ?
Nhưng chuyện "Ngày Thứ Nhất" có ai ngờ...
Ngài lại đến thắp lên niềm hy vọng.
"Bữa Điểm Tâm" trên bờ kia nóng bỏng,
Cho môn sinh hay cho muôn thế hệ con người...
Thất bại, khổ đau, vất vả, đoạn trường...
Bánh thơm, cá ngọt có Thầy là tất cả.
Đường Emmau bước chân ai vội vã,
Mệt mỏi rã rời, nản chí buồn tênh,
Những bước chân giờ vô định mông mênh...
Và chuyện "Ngày Thứ Nhất" có ai ngờ chợt đến
Ngài như "khách bộ hành" trìu mến,
Thổi vào hồn niềm tin tưởng Phục Sinh.
Thắp lửa tin yêu, bừng sáng cuộc đăng trình,
Lời sự sống, Bánh trường sinh, Ngài thân thương ban tặng...
Đã 2000 năm qua "Dấu chân xưa" chưa bao giờ xa vắng
Vẫn hiện diện ắp đầy,
Trên những lối Emmau hay trên những bến bờ Ti-bê-ri-a giữa cuộc đời cuồn cuộn.
Những "Bữa Điểm Tâm, Bánh Thơm và Cá Nướng"...
Lời tình yêu và sự hiện diện đầy ắp thân thương,
Để anh, để chị, để chúng ta cùng chắp cánh lên đường,
Làm chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh đến muôn đời muôn thuở.

 
Con Có Yêu Mến Thầy Không?
Tuyết Mai
08:41 17/04/2010
Con Có Yêu Mến Thầy Không?

Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". (Ga 21, 1-14 hoặc 1-19).

Nếu chúng ta là Phêrô, quả sẽ cảm thấy lời hỏi của Thầy có vẻ chẳng xác quyết và chẳng tin tưởng gì mình cả!? Ông Phêrô đã tỏ lộ sự buồn phiền ra mặt, nhưng lại chẳng dám nói mạnh, vì sao thưa anh chị em? Vì có phải ông đã chối Chúa là Thầy của mình đến những 3 lần trong đêm mà Chúa bị quân dữ tra tấn và bắt giữ? Nay Chúa muốn ông Phêrô phải tuyên tín và xác quyết đức tin của mình với Chúa một lần nữa, nên Chúa Giêsu đã thử ông và hỏi đến những 3 lần như thế! Nhưng có phải vì Chúa nhớ đến sự yếu hèn của ông mà không giao cho ông một trọng trách là "Con hãy chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thầy".

Ông Phêrô quả biết rằng Chúa Giêsu đã biết được tấm lòng của ông yêu mến Thầy biết là bao nhiêu, nhưng Thầy lại cứ muốn hỏi như thế đấy! Nếu ai có con nhỏ thì sẽ hiểu được rất rõ tấm lòng của Thầy mình như thế nào ngay. Thường người mẹ thì bao giờ cũng tha thiết yêu con của mình, nhất là khi trẻ nhỏ khoảng 2 cho đến 6,7 tuổi. Ngày nào hay bất cứ giây phút nào cũng muốn ôm con của mình thật chặt vào lòng rồi hỏi rằng: "con có yêu mẹ không?". Có phải chẳng những mình hỏi chỉ 3 lần thôi, nhưng không chúng ta lại hỏi con của mình chỉ một câu hỏi duy nhất thật nhiều lần nữa kìa! Để nghe được tiếng con yêu quý của mình cho mình câu trả lời là "con yêu mẹ nhất trên đời này!". Thường câu trả lời như thế mình nghe mà cảm thấy sự mệt mỏi sẽ biến tan đi mất hết dù là chúng ta mệt mỏi và chán nản đến cỡ nào!? Nên tôi thiết nghĩ Chúa Giêsu cũng muốn ông Phêrô trả lời cho Chúa nghe đến những 3 lần là như vậy! Vì Ngài biết ông thật lòng và rất tha thiết yêu Thầy của mình, như lời ông đã nói chắc nịch với Chúa Giêsu trong bữa ăn cuối cùng với Chúa là ông sẽ nhất quyết theo Thầy dù Thầy đi bất cứ nơi đâu cho dù đến chỗ được cùng chết với Thầy!?

Có phải tất cả chúng ta đây, tấm lòng và tâm hồn đều rất giống ông Phêrô!? Khi tấm thân của chúng ta đang được sung sướng thì ít ai mà không mạnh dạn tuyên tín trả lời với Chúa là lậy Chúa con luôn yêu mến Chúa, và Chúa biết con yêu mến Chúa, nhưng khi những lúc chúng ta đang gặp thử thách thì liền lập tức chúng ta chối Chúa ngay, vì nghĩ rằng Chúa đã bỏ rơi mình rồi!? Để đi tìm ai khác mà bám víu mà tựa nương!? Bởi Thầy đã bị bắt mất rồi! Thần tượng trong lòng của chúng bây giờ không còn là thần tượng nữa rồi! Và rồi Chúa sẽ chết. Mà có phải Chúa chết là hết???? Không không không đâu thưa anh chị em! Chúa Ngài đã từ cõi chết mà sống lại, trong vinh quang, trong sáng láng. Vì Ngài là con Chúa Trời, Ngài đã chứng tỏ cho thế giới biết được điều đó! Và ông Phêrô khi trả lời với Chúa là biết Thầy của mình là Con Thiên Chúa thật, nên lại còn tin vào Thầy của mình mạnh hơn trước nữa!.

Đức Chúa Giêsu, Ngài thấu suốt lòng dạ và tâm hồn của tất cả chúng ta, không ai có thể dối lòng với Ngài được. Mọi thứ suy nghĩ, suy tính, và tính toán của chúng ta Ngài đều biết được hết, chỉ vì Ngài trao ban cho chúng ta quyền được tự do, Yêu hay không Yêu Ngài, thế thôi! Nhiệt huyết của chúng ta Ngài cũng biết. Tấm lòng đơn sơ của chúng ta Ngài rất yêu quý. Chỉ cần chúng ta có lòng yêu mến Ngài, thì mọi sự Ngài sẽ lo lắng và định liệu cho, tùy ở khả năng riêng của mỗi người. Thật vậy! Tuy dù tất cả chúng ta đều là con cái rất yêu dấu của Ngài, nhưng anh chị em thử suy nghĩ thử xem, mỗi một người chúng ta đều khác biệt nhau, khả năng khác nhau, tư tưởng khác nhau, nhưng hay ở chỗ là cùng nhau kết hiệp để làm cho công trình trên thế gian này của Chúa được hoàn thành theo thánh ý Chúa.

Lòng có yêu mến Chúa, đương nhiên sẽ yêu mến anh chị em của mình, vì đó là Luật yêu thương của Chúa, nên có yêu Chúa thì Ngài mới cho chúng ta sức mạnh của Ngài mà gánh vác, mà chịu đựng, mà giữ vững được lòng tin cho đến trọn đời!?. Bởi nếu chúng ta không có sức và ơn Chúa ban thì tất cả chúng ta đây chẳng làm được việc gì cho nên!? Và ông Phêrô là một con người rất trung trực đã được Chúa Giêsu tuyển chọn để thay thế Ngài mà chăn dắt cả chiên mẹ lẫn chiên con của Thầy. Ông đã được Chúa tuyển làm Đầu của Hội Thánh từ thời tiên khởi và Hội Thánh ấy đã kiên cố, người theo càng ngày càng đông đảo, vững mạnh, và nổi bật của mọi thời đại, và cho đến ngày hôm nay.

Tiếc thay cho những ai không hiểu được một điều thật đơn giản là Một Giáo Hội vững mạnh và duy nhất của Thiên Chúa đã được hình thành từ thời Chúa Giêsu, rồi được trao phó cho ông Phêrô, và những người kế vị sau này; chúng ta gọi các ngài là Đức Giáo Hoàng. Mọi hội thánh khác có hình thức hao hao giống, tất cả đều là được biến đổi để phù hợp cho một lối sống thiếu đạo đức, rối đạo, thiếu sự khiêm nhường, thiếu đức bác ái, và nhất là không biết sống hy sinh, và không hiểu thế nào là đi con đường Thập Giá của Chúa.

Thời buổi ngày nay, không thiếu những người có tấm lòng nhiệt huyết như ông Phêrô, nên Chúa Giêsu cũng không bao giờ ngừng hỏi câu hỏi mà Chúa đã hỏi ông Phêrô đến những 3 lần là: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy".

Vâng, con xin được thân thưa cùng Thầy là lậy Thầy, chúng con tất cả đều yêu mến Thầy, xin cho tất cả chúng con đang làm những công việc do Ngài đặt để, để công trình nơi trần thế này, ngày sẽ trở nên tốt đẹp, và hình thành theo Ý của Ngài. Amen.
 
Đường lối Chúa
Lm Jb Nguyễn Văn Phương, C.Ss.R
21:54 17/04/2010
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Phục Sinh, Năm C (Ga 21, 1-19)

Thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm11, 33-34) thánh Phao-lô xác định không ai có thể hiểu thấu ý Thiên Chúa.

Tuy nhiên những chỉ dẫn từ lời Chúa (Ga 21, 1-19) gợi hướng cho người ta có thể mạo muội gẫm suy về đường lối của Người: khích lệ, phục vụ và tin tưởng.

I. KHÍCH LỆ

Sau một thời gian theo Thầy Giê-su rong ruổi khắp đất nước, nay Thầy đã ra đi, các Tông Đồ trở lại với nghề nghiệp đánh cá. Ngặt nỗi, dù đã thức suốt đêm vật lộn với biển khơi và thân xác đã rã rời mỏi mệt nhưng những người học trò của Thầy Giê-su cũng chẳng bắt được con cá nào.

Giữa lúc các Tồng Đồ buông xuôi chán nản, Chúa Giê-su Phục Sinh đã xuất hiện. Người đến bên các môn đệ và tận tình hướng dẫn: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá”. Các Tông Đồ đã thả lưới như lời dạy của Thầy mình, và bắt được nhiều cá đến nỗi: “không sao kéo lên nổi”. Thế mới hay “mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên”.

Rõ ràng đường lối Chúa là đường lối khích lệ với những dạy bảo cụ thể. Lời của Chúa đã vực dậy những tâm hồn uể oải, chán chường, thất vọng… đồng thời soi sáng hướng đi mới mang lại hiệu quả tốt đẹp mỹ mãn. Mong rằng bài học khích lệ của Chúa sẽ thấm sâu vào mỗi người nhất là những người có trách nhiệm hướng dẫn người khác về xã hội cũng như tâm linh, hầu giúp họ luôn: kiên nhẫn, khuyến khích, nâng đỡ, giúp mọi người tìm được niềm hạnh phúc.

II. PHỤC VỤ

Vâng lời Thầy, các Tông Đồ đã tiếp tục ra khơi. Còn lại một mình, Chúa đã nướng cá và bánh để kịp phục vụ cho những người học trò của mình. Thật thoải mái khi sau một thời gian trầm mình dưới nước lạnh lẽo, bước lên bờ, các ngư phủ đã có sẵn lửa để sưởi ấm, có sẵn cá và bánh để lót dạ.

Trong cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su đã phục vụ đến hiến mạng sống. Nay trong mầu nhiệm phục sinh, Người tiếp tục ân cần phục vụ. Chúa đã dạy cho các Tông Đồ bài học phục vụ không phải bằng lý thuyết mà là một cuộc dấn thân cụ thể. Bài học phục vụ còn sáng lên khi Chúa mời gọi các Tông Đồ: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”.

Chúa Phục sinh mời gọi các Tông Đồ mang cá vừa mới đánh bắt được đến trình diện Chúa. Hẳn đây là một bài học phục vụ vô vi lợi. Từ đây các Tông Đồ sẽ không tìm lợi ích cho riêng mình mà luôn tìm lợi ích cho người khác. Cộng tác với ơn Chúa, các Tông Đồ sẽ đi khắp muôn nơi cứu rỗi các linh hồn, hăng say làm việc nhưng không bao giờ kêu ca hay phản kháng.

III. QUẢNG ĐẠI

Vâng lời Thầy các Tông Đồ đã thả lưới. Bước lên bờ, các ông được nghỉ ngơi trong sự chăm sóc của Thầy mình với lời mời gọi chân tình: “Anh em đến mà ăn”. Trước lời dạy bảo, sự phục vụ tận tình dạt dào yêu thương của Thầy Giê-su chí thánh, các môn đệ nhận ra Người “là Chúa” nhưng đang tận tình phục vụ các ông.

Còn nhớ, cách đấy không lâu, khi Thầy Giê-su bị bắt và đang lúc bị hành hạ thì học trò Phê-rô đã chối Thầy. Lúc ấy, bên ánh lửa thiêu đốt bập bùng giữa đêm thâu, ông Phê-rô đã ba lần chối Thầy. Nay bên ánh lửa ấm áp của tình Thầy trò, của bình minh ngày mới, tình thương quảng đại tha thứ của Chúa Phục sinh đã vực dậy tâm hồn tan nát lỗi lầm của ông Phê-rô hướng dẫn ông bày tỏ niềm tin yêu đối với Chúa.

Đêm đen đã qua và bình minh ngày mới đã rạng ngời. Chúa đã không chấp nhất quá khứ lỗi lầm của ông Phê-rô. Trái lại Người còn tin tưởng trao phó nhân loại mới cho ông chăm sóc: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Nhân loại mới ấy Thiên Chúa đã cứu độ trải dài suốt lịch sử và đã trả giá đắt bằng chính máu của Người. Chúa đã tin tưởng trao cơ đồ của Người cho một người có quá khứ tội lỗi. Từ nay, tình yêu sẽ được đáp trả bằng tình yêu. Như Thầy đã hy sinh mạng sống, các Tông Đồ cũng sẽ hiến mình phục vụ hy sinh “dang tay cho người khác thắt lưng”

KẾT

Không ai có thể đạt thấu thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, người ta có thể vững tin Thiên Chúa luôn quan phòng điều tốt nhất cho con người.

Vị thánh nào cũng có một quá khứ; tội nhân nào cũng có một tương lai. Phê-rô một người đã từng ba lần chối Chúa nay đã lãnh nhận trọng trách thủ lãnh của Hội Thánh.

Chỉ có tình thương tha thứ của Thiên Chúa mới làm nên điều diệu kỳ như thế.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:46 17/04/2010
BẤT CHẤP HẾT THẢY

N2T


Thời tam quốc, nhà “tung hoành” Tô Tần chủ trương “hợp tung” liên hợp các nước Sở, Tề, Triệu, Hàn, Ngụy và Yên lại để kháng cự nước Tần, nhân ủy thác của Triệu Túc Hầu đi du thuyết nước Tề. Tô Tần nói với Tề Tuyên vương:

- “Đất đai của nước Tề rộng lớn, sản vật phong phú, binh mạnh lương đủ, có thể đối kháng với nước Tần. Huống hồ trong thành Lâm Truy còn có bảy vạn hộ nóc nhà, theo đánh giá của tôi thì mỗi hộ có ít là ba người đàn ông, như vậy ba bảy là hai mươi mốt vạn người. Nếu như có trưng binh thì không cần đi đến các huyện thành khác, Đan là một thành của Lâm Truy là có thể trưng được hai mươi mốt vạn người rồi”.

Tề Tuyên vương sau khi nghe Tô Tần nói như thế thì tán đồng chủ trương “hợp tung” của ông ta, muốn các chư hầu liên hợp lại cùng đánh nước Tần.

(Chuyện ngày xưa, suy tư ngày nay)

Suy tư:

Tô Tần nổi tiếng là nhà “hợp tung” giữa tung với hoành, tức là biết dùng chiếc lưỡi ba tấc (tàu) của mình để xúi giục các chư hầu hợp lại với nhau để chống đối nhà Tần. Ông ta vì chuyện chống đối nhà Tần mà hợp tung, bất chấp mỗi nước có hoàn cảnh địa lý, kinh tế, cuộc sống khác nhau, ông ta chỉ thấy trước mắt là “hợp tung” mà không thấy sự chia rẻ khác biệt ngay trong hợp tung ấy sau khi đánh nhà Tần.

Ma quỷ cũng rất cần sự hợp tung của các đệ tử của mình để lôi kéo linh hồn người ta: nó đem tiền tài, danh vọng và xác thịt hợp tung lại với nhau để đánh gục con người ta, và trên thế giới có rất nhiều người đã bị đánh gục vì sự hợp tung nguy hiểm ấy của ma quỷ, và sự hợp tung ma quỷ vẫn sử dụng cho đến ngày Chúa Giê-su lại đến, ngày mà ma quỷ và những linh hồn chối bỏ tình thương của Chúa bị giam cầm vĩnh viễn trong hỏa ngục.

Người Ki-tô hữu cũng có hợp tung để chống trả lại hợp tung của ma quỷ, đó là hợp tung giữa thánh lễ, bí tích và chuỗi Mân Côi, bởi vì đó là hợp tung thánh thiện và hiệu quả nhất mà chính Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria mời gọi chúng ta phải thực hành mọi ngày trong cuộc sống.

Từ trước đến nay chưa hề có ai sử dụng hợp tung thánh lễ, bí tích và chuỗi Mân Côi mà mất linh hồn cả.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:48 17/04/2010
N2T


30. Thánh Giá là chìa khóa mở cửa thiên đàng, là chỉ nam hướng dẫn con người đi về nẻo chính, là khích lệ thành công tiến đức, là sự sống của linh hồn và thân xác, có thể loại bỏ các loại tai nạn hiểm nghèo, có thể dẫn đến các loại hạnh phúc.

(Thánh John Damascene)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:49 17/04/2010
N2T


420. Bồi dưỡng tự nó có cái vui thỏa mãn của nó, tự làm chủ mình là hạnh phúc nhiều thêm chút nữa.

 
Khuôn diện Hạnh Phúc
Nguyễn Trung Tây, SVD
22:57 17/04/2010
Khuôn diện Hạnh Phúc
Phục Sinh, Ảnh NTT


Thứ Hai đầu tuần, thành phố Jerusalem ồn ào với những tấp nập rộn ràng và bận rộn ngược xuôi của một ngày mới tinh khôi. Theo nh ư Gioan 20:1-18, sát ngay đồi Golgotha, khu nghĩa trang trống vắng bóng người nhưng lại vướng ngập mùi tử khí, những hạt sương đêm long lanh tia nắng sớm tiếp tục bốc cao che mờ hình dạng của những chú kên kên đang rũ đầu trên cành cây Ôliu dõi nhìn Maria Madalena khóc than vật vã bên ngôi mộ đá. Tiếng khóc và nước mắt nhạt nhòe của cô đã che khuất tiếng chân và hình dạng của một bóng người đang chầm chậm bước tới. Chưa hết, sau khi đã chuyện qua chuyện lại với người đàn ông ngay trước cửa mộ đá một hồi, Maria vẫn không hề nhận ra người mà cô đang nói chuyện chính là người cô đang tìm kiếm cho đến khi Người gọi tên cô,

— Maria!…

Và cô đáp trả lời mời gọi,

— Rabouni

Vào một buổi tối bên bờ biển Tiberias của Biển Hồ Galilê, theo như Gioan 21:1-14, bảy người môn đệ của Đức Giêsu sau ba năm bỏ nghề, lại quyết định chèo thuyền ra khơi thả lưới. Nhưng tiếc thay thêm một lần nữa, sau một đêm vất vả, các ông không bắt được một chú cá nào. Trong khi các người ngư phủ đang thất vọng với khoang thuyền trống vắng, Đức Kitô Phục Sinh hiện ra. Ngài đứng bên bờ hỏi chuyện những người ngư phủ không có tay sát cá,

— Này các chú, không có chi ăn sao?

Những người môn đệ buồn phiền trả lời người khách lạ,

— Không! Không có chi hết!

Đức Kitô Phục Sinh, Ngài nói,

— Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền...

Nghe theo lời người đàn ông lạ mặt, những người ngư phủ lại buông lưới. Và bỗng dưng, lưới nhẹ tênh thôi không còn nhẹ tênh, nhưng trở nên căng phồng với cá của Biển Hồ.

Suy Niệm

Một trong những lý do để giải thích lý do tại sao Maria không nhận ra Đức Giêsu bên ngôi mộ đá là bởi vì cô đang bận rộn than khóc cho một nỗi mất mát trong quá khứ và những lo toan tính toán cho một tương lai không còn bóng dáng của Đức Giêsu.

Một cách tương tự, vào một buổi sáng tranh tối tranh sáng của tuần Phục Sinh, tất cả bảy người môn đệ đều không nhận ra bóng dáng của Đức Giêsu đang đứng ngay bên bờ Biển Hồ. Có lẽ bởi họ đang nặng nề tâm hồn với những nỗi ưu tư cho một quá khứ và một tương lai vô định chưa rõ hình…

Thì cũng chẳng trách chi được ai, bởi tối thứ Năm trong tuần, những người môn đệ của Đức Giêsu đã nhận được bản tin dữ: “Thầy đã bị bắt!”. Chiều thứ Sáu ngày hôm sau, chính mắt họ đã chứng kiến giây phút Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng. Xác người được chôn cất trong ngôi mộ đá.

Tương tự như Maria Mađalêna và những bẩy người môn đệ của Đức Giêsu, đã bao nhiêu lần chúng ta cũng không nhận ra dung nhan của hạnh phúc trong khi đang diện đối diện với hạnh phúc, bởi vì chúng ta cũng đang bận rộn với những thất bại trong quá khứ và những lo toan tính toán cho một tương lai.

Cuộc sống nào mà không có vị đắng của thất bại? Vầng trán nào chưa một lần hằn sâu những nét lo toan? Nhưng cho dù cuộc đời vẫn đắng, trán vẫn hằn sâu, hạnh phúc vẫn như bầu không khí luôn luôn hiện diện dư thừa cho mọi người. Nhưng, thông thường, cả hai, không khí và hạnh phúc đều chia sẻ chung một số phận. Có đó, nhưng ít ai dõi nhìn. Hiện diện ngay bên, nhưng ưa bị lãng quên. Mất đi rồi, bắt đầu nuối tiếc.

Hạnh phúc không phải là bóng trăng chìm sâu dưới mặt nước hoặc bóng người đổ dài bên vệ đường, bởi đụng vào bóng trăng, trăng tan, đuổi bắt bóng mình, bóng chạy. Nhưng hạnh phúc là một thực thể có thể cầm được và đếm được như những tờ giấy bạc.

Hạnh phúc hiện diện trong căn phòng khi gia đình quây quần xum họp quanh mâm cơm, bởi vì trên trái đất này có những gia đình không bao giờ còn có cơ hội chia sẻ với nhau chén cơm manh áo.

Hạnh phúc xuất hiện trên khuôn mặt của những người thân trong gia đình, bố mẹ, vợ, chồng và con cái trong giây phút hiện tại, bởi vì không phải gia đình nào cũng có đầy đủ vợ chồng và con cái; có những gia đình có vợ nhưng không còn chồng, hoặc có vợ và chồng, nhưng thiếu vắng bóng con; mà ngay cả nếu bây giờ còn đầy đủ những người thân, nhưng trong tương lai thì không ai dám chắc!

Hạnh phúc tràn đầy trong hơi thở nhẹ nhàng, thơm tho, bởi vì có những người làn hơi bắt đầu ngắt quãng, vấp váp, hoặc hơi thở bắt đầu vương mùi tanh hôi của tử thần.

Hạnh phúc hiện diện khi nhìn quanh còn những người bạn bè thân thương để chia sẻ những niềm vui, những thành công và ngay cả những thất bại trên đường đời.

Hạnh phúc nằm trên chén cơm trắng tinh, miếng thịt kho vàng, và đậu hũ sốt cà chua đỏ, bởi vì không phải ai ai trên cõi trần gian này cũng sở hữu được nguyên cả một chén cơm.

Như Maria Mađalêna đã từng cất tiếng tâm sự với Đức Giêsu Phục Sinh bên ngôi mộ đá năm xưa, vào những khi bận rộn với những phiền muộn bắt rễ từ trong quá khứ và lo toan tính toán cho một tương lai, mời bạn mở miệng tâm sự với Chúa Phục Sinh,

— Lạy Chúa, trong Mùa Phục Sinh thánh, xin mở mắt con để con nhận ra đời sống là một chuỗi dài hồng ân của những giây phút mà Chúa đã trao ban tặng. Vào những lúc con chán nản với những thất bại trong quá khứ và một tương lai mập mờ không định hướng, xin cho con nhận ra dung nhan của hạnh phúc đang hiện diện ngay trong con, và qua những người thân trong gia đình của con.

www.nguyentrungtay.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Điện tín của toàn thế giới chúc mừng sinh nhật thứ 83 của Đức Thánh Cha Benedict XVI
Bùi Hữu Thư
05:16 17/04/2010
Lòng kính mến và sự gắn bó của giáo hội Ý

ROME, Thứ sáu 16 tháng 4, (Le Monde vu de Rome) – Radio Vatican thông báo: điện tín cuả các chức quyền dân sự và tôn giáo cũng như của các công dân thường và các giáo dân trung thành, từ khắp nơi trên thế giới hôm nay, đã được gửi đến cho Đức Thánh Cha Benedict XVI để mừng sinh nhật thứ 83 của ngài.

Tổng thống Cộng Hòa Ý Giorgio Napolitano – người sẽ tặng Đức Thánh Cha một buổi hòa nhạc vào ngày 29 tháng 4, là ngày kỷ niệm Đức Thánh Cha được bầu làm Giáo Hoàng – đã dâng lên ngài những lời “chúc mừng nồng nhiệt nhất”, và bầy tỏ “sự quan tâm sâu xa đối với giáo triều của ngài.”

Hội Đồng Giám Mục Ý đã gửi đến Đức Thánh Cha một điện văn do Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, chủ tịch và Đức Cha Mariano Crociata, tổng thư ký đồng ký; hai vị bầy tỏ những lời chúc tụng “tôn kính và trìu mến” và “lời hứa hiệp nhất vô điều kiện của Giáo Hội Ý” với “giáo triều” của ngài, nhờ đó “Giáo Hội và thế giới đã tiếp nhận được sự giảng dậy khôn ngoan và vững vàng của ngài, và còn được làm cho sống động hơn”, qua “chứng nhân đích thực theo trái tim Thiên Chúa của vị chủ chiên.”

Điện văn cũng đề cập đến ngày kỷ niệm 5 năm Đức Thánh Cha Benedict XVI được bầu làm Giáo Hoàng, vào thứ hai tuần tới, 19 tháng Tư: “Kính thưa Đức Thánh Cha, tất cả cộng đồng giáo hội Ý sát cánh bên ngài, bằng các lời cầu nguyện và lòng yêu mến thiết tha – ngài là người loan báo Phúc Âm và dấu chỉ rõ ràng của sự hiệp thông không biết mỏi mệt.”
 
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đáp xuống đảo Malta
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
15:51 17/04/2010
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đáp xuống đảo Malta

Malta, 17.4.2010 - Ai di chuyển bằng đường hàng không ngày hôm nay trong Âu Châu sẽ gặp trở ngại rất lớn vì hậu quả do khói bụi núi lửa từ Iceland đã làm cho nhiều phi trường trong khối Âu Châu phải đóng cửa hoàn toàn nhằm bảo toàn mạng sống cho hành khách. Các phi trường tại Bắc Ý cũng phải đóng cửa vì bụi khói núi lửa.

Đến ngay nữ thủ tướng Đức Angela Merkel, hôm nay trên đường từ Hoa Kỳ về phải bay vòng vòng trên bầu trời Âu Châu nhưng máy bay không đáp xuống được ở Đức mà phải ghé xuống Lissabon và sau đó lại đáp xuống Roma rồi tiếp tục đi đến Bozen và chưa biết lúc nào mới trở về Đức được.

Tình hình di chuyển bằng đường hàng không khó khăn như thế trong hiện tại, tuy nhiên hôm nay Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đáp xuống đảo Malta bằng yên để bắt đầu cho 2 ngày thăm viếng Cộng Hòa Đảo Malta nằm ở phía nam của bán đảo Sicilia của Ý.

Đây là cuộc tông du đầu tiên trong năm 2010 của ĐTC nhằm kỷ niệm 1950 năm Thánh Tông Đồ Phaolô đặt chân trên đảo Malta này.

Khi máy bay hạ cánh an toàn ĐTC phát biểu: "Malta có nhiều vấn đề khác nhau như về khoan dung, tôn trọng lẫn nhau, nhập cư và những vấn đề khác, đó là những tiêu đề quan trọng sẽ đóng góp vào tương lai của lục địa này.“Hôm nay ĐTC thăm viếng hang động của Thánh Phaolô và cầu nguyện tại đây. Ngày mai Ngài sẽ kết thúc cuộc viếng thăm đảo Malta và trở về Rôma.

Đảo Malta có 410.290 dân số với chu vi 316 cây số vuông. Thủ đô của đảo là Valletta. Ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Malta và tiếng Anh. Theo đạo công giáo với 95 % dân số được tính trên đảo Malta và đảo bên cạnh Gozo với khoảng 850 linh mục đang phục vụ trên hai đảo này. Người Malta luôn tự hào là theo đạo toàn tòng.

Ngày Chúa nhật, 18.4.2010 Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI theo chương trình sẽ cử hành thánh lễ đại trào tại một công trường.
 
Tiếng cầu kinh Kính Mừng bằng tiếng Việt cho cố TT Lech Kaczynski và các nạn nhân tử nạn máy bay
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
15:59 17/04/2010
Tiếng cầu kinh Kính Mừng bằng tiếng Việt cho cố TT Lech Kaczynski và các nạn nhân tử nạn máy bay

Ba Lan, nơi Hành Hương Đức Mẹ Tschentoschau (Częstochowa), 15.4.2010 – Vào tối thứ năm, lúc 20 giờ phái đoàn Hội Đồng Linh Mục thuộc Giáo Phận Hildesheim, Đức quốc đã dâng thánh lễ tại nơi thánh địa tôn kính Đức Mẹ Ban Ơn của Tschentoschau, một Trung Tâm Hành Hương lớn nhất tại vùng Trung Âu và Đông Âu với khoảng 4 triệu khách hành hương cho hằng năm.

Đức Mẹ Ban Ơn của Tschentoschau rất nổi tiếng và được gọi là Đức Mẹ Đen đã được tôn kính từ cuối thế kỷ thứ 13 trên đồi Jasna Góra, nghĩa là Núi Sáng. Tại nơi đây đã được tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thứ VI vào năm 1991 với 1,5 triệu Giới Trẻ tham dự do Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi. Bên trái ảnh Đức Mẹ Ban Ơn của Tschentoschau có tủ kính giữ dây thánh Stola màu trắng còn dính vết máu khi Đức GH Gioan Phaolô II bị tên sát thủ Mehmet Ali Agca nả đạn vào ngày 13. Mai 1981 tại công trường Thánh Phêrô.

Đức cha Norbert Trelle (chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Di Dân của HĐGM Đức) và đức cha phụ tá Klaus Schwerdtfeger chủ tế thánh lễ đồng tế bằng tiếng Đức cầu nguyện cho cố tổng thống Lech Kaczynski và tất cả các nạn nhân tự nạn máy bay cũng như cho 4 quân nhân thuộc quân đội Đức vừa tử nạn vào thứ tư vừa qua tại chiến trường Afghanistan.

Sau thánh lễ chúng tôi có giờ thinh lặng cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Ban Ơn của Tschentoschau và đúng 21 giờ bắt đầu chương trình lần hạt Mân Côi được truyền hình và truyền thanh trực tiếp trên toàn lãnh thổ Ba Lan qua đài phát thanh Radio Maria và 2 đài truyền hình Công Giáo TV. TRWAM và TV. RELIGIA để cầu nguyện cho cố tổng thống Lech Kaczynski và tất cả các nạn nhân tự nạn trong chuyến bay TU-145.

Tôi được phép cất kinh Kính Mừng bằng tiếng Việt trong các chuỗi kinh Mân Côi này. Đó là giây phút cảm động vì có cơ hội dùng lời kinh Việt Nam tại đất nước Ba Lan cầu nguyện cố tổng thống Lech Kaczynski và tất cả các nạn nhân tự nạn máy bay ngay.

Trước đó chúng tôi cũng có dịp ghi vài dòng chữ chia buồn tại nơi thánh địa này trong sổ tang trong nhà bảo tàng của Tu Viện Pauliner. Nơi đây đã trưng bày các hình ảnh của cố TT Lech Kaczynski và vị phu nhân khi đến thăm thánh địa vào năm 2009. Trên bàn ghi dòng chữ chia buồn có quyển sách thật lớn để ký tên được trưng bày thêm ảnh của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và hình Đức Mẹ Ban Ơn Tschentoschau với các bông hoa mang màu sắc trắng và đỏ biểu tượng của lá quốc kỳ Ba Lan.

Ai đang ở Ba Lan mới cảm nghiệm được trong những giây phút này về sự đau đớn của đất nước Ba Lan và dân tộc Ba Lan. Cả dân tộc Ba Lan đau buồn (Polska żatuje) và dân tộc Ba Lan nguyện cầu (Polska się moldi). Toàn dân tộc Ba Lan chìm đắm trong màu tang. Hàng ngàn vòng hoa tôn kính, hàng rừng ngọn nến đốt lên và bao nhiêu nước mắt khóc thương chưa từng thấy kể từ khi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời cách đây năm năm.

Xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời trong an bình! Requiescat in pace!
 
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Malta
Linh Tiến Khải
17:10 17/04/2010
Chiều thứ bẩy 17-4 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bắt đầu chuyến viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Malta. Đây là chuyến công du thứ 14 ngoài Italia trong 5 năm làm Giáo Hoàng.

Từ nhiều ngày qua dân chúng đảo Malta đã chuẩn bị tiếp đón Đức Thánh Cha. Họ rửa đường phố, treo cờ Malta và cờ Tòa Thánh trước cửa nhà cũng như trưng nhiều giỏ hoa trên các bao lơn. Đã có 300 nhà báo 200 nhà báo quốc tế và 100 nhà báo địa phương cũng như 60 đài truyền hình đăng ký theo dõi chuyến công du của Đức Thánh Cha tại Malta. Khoảng 2.000 cảnh sát và nhân viên công lực được huy động để giữ gìn an ninh trật tự. Và một ca đoàn 5.000 trẻ em đã tập dượt để hát mừng sinh nhật thứ 83 của Đức Thánh Cha sau khi Đức Thánh Cha viếng thăm tổng thống. Trong các ngày qua báo chí Malta đã đăng rất nhiều bài viết và hình ảnh về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

Tờ Thời Báo Malta đăng chương trình chuyến viếng thăm cũng như toàn bộ lộ trình di chuyển của Đức Thánh Cha. Tờ báo cho biết trong thời gian viếng thăm Malta từ phi trường cho tới thủ đô và thành phố Rabat xe chở Đức Thánh Cha sẽ đi qua 40 giáo xứ nằm trên lộ trình. Hai ngày trước khi Đức Thánh Cha đến Malta, nhân công thủ đô đã gấp rút làm việc để mở rộng thêm quảng trường Floriana nơi Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho tín hữu sáng Chúa Nhật 18-4. Đã có 10.000 bạn trẻ ghi danh tham dự buổi gặp gỡ với Đức Thánh Cha tại bến cảng Waterfront chiều Chúa Nhật 18-4. 400 tù nhân cũng xin phép được tham dự buổi gặp gỡ này. Và có 150 tầu đánh cá nhỏ trang hoàng sặc sỡ hộ tống tầu chở Đức Thánh Cha từ hải cảng Kalkara sang hải cảng La Valletta để gặp giới trẻ.

Từ Vaticăng Đức Thánh Cha đã lấy trực thăng để đến phi trường quốc tế Fiuminico nằm cách đó 35 cây số. Chiếc Airbus 320 của hãng hàng không Alitalia chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã rời phi trường Roma lúc 15,30 phút và đến phi trường quốc tế Luqa của thủ đô La Valletta sau 1 giờ 35 phút bay. Khi máy bay còn trên bầu trời Italia Đức Thánh Cha đã gửi điện chào thăm Tổng thống Georgio Napolitano và dân nước Italia và cầu chúc cho Italia được nhiều tiến triển tinh thần và xã hội.

Trên máy bay theo thói quen Đức Thánh Cha cũng dành cho các nhà báo tháp tùng ngài cuộc phỏng vấn. Cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh thay mặt mọi người chúc mừng sinh nhật thứ 83 của Đức Thánh Cha ngày 16-4 và ngày ngài được bầu làm Giáo Hoàng 19-4. Cha cho biết lần này Đức Thanh Cha trả lời các câu hỏi mà một số nhà báo đã viết trước liên quan tới mục đích của chuyến viếng thăm. Đức Thánh Cha nói:

Tuy Năm Thánh Phaolô đối với Giáo Hội hoàn vũ đã qua rồi, nhưng Giáo Hội và quốc gia Malta mừng kỷ niệm 1950 năm thánh Phaolô bị đắm tầu, giạt vào đảo này. Vì thế đây là dịp để ngài nêu bật gương mặt và sứ điệp của thánh nhân, có thể tóm tắt với các lời trong thư thánh nhân gửi tín hữu Galát: ”đức tin hoạt động trong đức bác ái”. Đó là điều quan trọng đối với ngày nay: đức tin, tương quan với Thiên Chúa biến thành đức ái. Tuy nhiên biến cố thánh nhân bị đắm tầu cũng ý nghĩa. Từ cuộc đắm tầu của thánh Phaolô Malta được cơ may có đức tin. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng các cuộc đắm tầu của cuộc sống có thể làm thành dự án của Thiên Chúa đối với chúng ta và chúng cũng có thể ích lợi cho các khởi đầu mới trong cuộc sống.

Lý do thứ hai của chuyến viếng thăm là kinh nghiệm được sống giữa một Giáo Hội sinh động, có nhiều ơn gọi và đáp, tràn đầu đức tin đáp trả lại các thách đố của thời đại chúng ta. Tôi biết Malta yêu Chúa Kitô và Giáo Hội là Thân Mình của Ngài và biết rằng cả khi Thần Mình ấy có bị thương tích vì tội lỗi của chúng ta đi nữa thì Chúa vần thương Giáo Hội ấy và Tin Mừng của Chúa là sức mạnh đích thật thanh tẩy và chữa lành.

Lý do thứ ba của chuyến viếng thăm là Malta là nơi các làn sóng người tị nạn từ Phi châu tới gõ cửa Âu châu. Và đây là vấn đề lớn của thời đai ngày nay. Chúng ta tất cả đều có bổn phận trả lời cho thách đố này và hoạt động làm sao để mọi người có thể sống một cuộc sống xứng đáng tại quê hương của mình. Đồng thời cũng phải làm sao để các anh chị em tị nạn ấy được tiếp đón và có cuộc sống xứng đáng. Malta nhắc nhớ chúng ta về các thách đố đó và dậy cho chúng ta biết đức tin là sức mạnh trao ban tình bác ái, và với óc tưởng tượng nó giúp trả lời cho các thách đố này.

Máy báy chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã hạ cánh tại phi trường quốc tế Luqa của thủ đô La Valletta sau 1 giờ 35 phút bay. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay có tổng thống Cộng Hòa Malta ông George Abela và phu nhân cùng với các giới chức chính trị và dân sự, cũng như Đức Cha Paul Cremona Tổng Giám Mục La Valletta kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Malta, Đức Cha Mario Grech Giám Mục Gozo, Đức Cha Annetto Depasquale Giám Mục Phụ tá, và Đức Cha Joseph Mercieca, nguyên Tổng Giám Mục La Valletta, và một nhóm đông đảo các tín hữu.

Ban nhạc đã cử Quốc Thiều Vaticăng và Quốc Thiều Malta. Đức Thánh Cha và tổng thống đã duyệt qua hàng chào danh dự.

Đáp lời chào đón của tổng thống Malta Đức Thánh Cha đã cám ơn tổng thống và chính quyền cũng như Hội Đồng Giám Mục Malta mời ngài viếng thăm Giáo Hội và đất nước này. Đức Thánh Cha nói ngài đến như một người hành hương để thờ lậy và chúc tụng Chúa vì các việc kỳ diệu Chúa đã làm. Ngài đến như Người Kế Vị Thánh Phêrô để củng cố các tín hữu trong đức tin. Tuy chuyến viếng thăm ngắn ngủi nhưng Đức Thánh Cha cầu xin cho nó đem lại nhiều hoa trái.

Lý do trực tiếp của chuyến viếng thăm là dịp mừng kỷ niệm 1950 năm Thánh Phaolô bị đắm tầu giạt vào đảo Malta như kể trong chương 27 sách Công Vụ. Có người coi đó như là một tai nạn của lịch sử, nhưng con mắt đức tin cho phép nhận ra công trình của Thiên Chúa Quan Phòng. Thật ra Malta đã là ngã tư gặp gỡ của nhiều biến cố lớn và các trao đổi văn hóa trong lịch sử âu châu và địa trung hải từ thời xa xưa cho tới ngày nay. Các hòn đảo này đã nắm giữ một vai trò nòng cốt trong sự phát triển chính trị, tôn giáo và văn hóa của Âu châu, của Vùng Cận Đông và Bắc Phi. Vị thế địa lý và chiến lược của Malta khiến cho vùng đất này đã góp phần bảo vệ Kitô giáo bằng đường biển và đường bộ. Quốc kỳ có ”thập giá thánh Georg” và kiến trúc của đảo với các pháo đài là chứng tá lòng can đảm của dân tộc Malta trong những ngày đen tối của thế chiến thứ II. Và đất nước Malta tiếp tục nắm giữ một vai trò trong các cuộc thảo luận về căn cước, nền văn hóa và các đường lối chính trị âu châu. Đồng thời chính quyền cũng rất dấn thân trong các dự án bác ái nhân đạo trải rộng cho tới Phi châu.

Tiếp tục diễn văn Đức Thánh Cha đã đề cao các giá trị mà dân nước Malta có thể cống hiến cho tương lai của Âu châu như: sự khoan nhượng, lòng tôn trọng nhau, việc tiếp đón người di cư vv... Đức Thánh Cha khích lệ Malta tiếp tục bảo vệ tính chất bất khả phân ly của hôn nhân như cơ cấu tự nhiên và là bí tích, cũng như bản chất đích thật của gia đình, tính chất thánh thiêng của sự sống từ khi thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên, việc tôn trọng đích thật quyền tự do tôn giáo theo các cách thức giúp đạt sự tiến triển toàn vẹn cho các cá nhân và toàn xã hội.

Dân nước Malta cũng có các mối liên hệ chặt chẽ với vùng Cận Đông về phương diện văn hóa cũng như tôn giáo và ngôn ngữ. Vì thế Malta cũng là cây cầu của sự hiểu biết giữa các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo vùng Địa Trung Hải. Cần hoạt động nhiều hơn nữa để xây dựng các tương quan tin tưởng, đối thoại phong phú và trải dài tình bạn tới các quốc gia chung quanh trong cả bốn hướng đông tây nam bắc.

Được Tin Mừng của Chúa soi sáng từ gần 2000 năm qua và được liên tục củng cố bơi các gốc rễ kitô của mình, dân tộc Malta có lý do để hãnh diện về vai trò không thể thiếu của đức tin trong việc phát triển quốc gia. Trong số hoa trái của sự thánh thiện cũng có nhiều vị thánh gốc Malta trong đó có thánh Dun Gorg Preca được Đức Thánh Cha tôn phong ngày mùng 3 tháng 6 năm 2007. Kết thúc diễn văn Đức Thánh Cha phó thác dân nước Malta cho sự che chở hiền mẫu của Đức Bà Ta' Pinu và thánh Tông đồ Phaolô là người cha trong đức tin của tín hữu Malta.

Kết thúc lễ nghi chào đón Đức Thánh Cha đã đi xe về dinh Gran Maestri để thăm xã giao Tổng thống. Dọc hai bên đường từ phi trường về thủ đô La Valletta đặc biệt trong thủ đô đã có rất đông dân chúng đứng hai bên đường cầm cờ Malta và cờ Tòa Thánh có hai mầu vàng trắng vẫy chào Đức Thánh Cha.

Tổng thống George Abela sinh năm 1948 thành hôn với bà Margaret và có hai con. Ông đậu tiến sĩ luật tại đại học Malta, đã từng là luật sư của các tòa án dân sự và giáo hội, bảo vệ quyền của giới công nhân và đồng thời cũng là chủ tịch thể thao của Liên hiệp túc cầu Malta. Là thành viên của Đảng Lao Động ông đã được bầu làm Tổng thống Malta ngày mùng 1 tháng 4 năm 2009.

Hơn 5.000 trẻ em và mấy ngàn dân đã vẫy cờ hoan hô chào đón Đức Thánh Cha khi xe chở ngài tiến vào Dinh Gran Maestri. Tổng thống đã đón Đức Thánh Cha tại sân trong của Dinh và tháp tùng Đức Thánh Cha vào thang máy lên lầu 3. Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong “Phòng Xanh: của dinh. Hai bên đã trao đổi quà tặng. Tiếp đến Đức Thánh Cha và Tổng thống đã hội kiến riêng trong một ”Phòng khách các Đại sứ”. Trong cùng thời gian đó Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Thủ tướng Lawrence Gonzi của Malta hội kiến với nhau trong một phòng khác của dinh với sự tham dự của Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni, Phụ tá Quốc Vụ Khanh và Đức Tổng Giám Mục Tommaso Caputo, Sứ Thần Tòa Thánh.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã gặp gia đình của tổng thống và của Thủ tướng, các Bộ trưởng cũng như ngoại giao đoàn và các giới chức chính quyền khác. Sau khi chụp hình lưu niệm Đức Thánh Cha đã cùng Tổng thống ra bao lơn để chào dân chúng. Ca đoàn 5.000 trẻ em đã hát chúc mừng sinh nhật thứ 83 của Đức Thánh Cha. Các em cũng ca bài ”Ôi ngày hạnh phúc”. Trước khi rời Dinh tổng thống Đức Thánh Cha đã chào Ban tổ chức chuyến viếng thăm.

Sau khi từ biệt Tổng thống Đức Thánh Cha đã đi xe tới thăm nhà thờ và hang Thánh Phaolô tại Rabát, một thành phố nhỏ cách thủ đô La Valletta 13 cây số. Đức Thánh Cha đã được cha sở ra đón và tháp tùng vào thăm nhà thờ trong đó đã có 250 thừa sai chờ đợi Đức Thánh Cha.

Sau khi qùy cầu nguyện một lát trước Mình Thánh Chúa Đức Thánh Cha đã vào nhà ngyện bên cạnh và xuống cầu thang dẫn vào Hang Thánh Phaolô. Hang này được coi như cột mốc của lịch sử Giáo Hội tại Malta, vì theo truyền thống thánh Phaolô đã sống tại đây 3 tháng sau khi bị đắm tầu vào mùa đông năm 60. Hang đá này trở thành nơi thánh nhân rao giảng Tin Mừng cho dân chúng và thành lập giáo đoàn kitô Malta. Vào thời Trung Cổ vùng chung quanh hang đã biến thành một nghĩa trang. Năm 1463 tín hữu Malta xây ngôi nhà thờ đầu tiên. Nhà thờ này được thay thế bằng 2 nhà thờ khác nữa. Nhà thờ như thấy hiện nay được xây năm 1653. Bên trên hang đá cạnh nhà thờ có một nhà nguyện kính thánh Phaolô. Năm 1743 tu huynh Manuel Pinto Trưởng hội Hiệp Sĩ Malta đã tặng nhà thờ một bức tượng thánh Phaolô được đặt tại đây. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã viếng thăm Hang đá này ngày 27 tháng 5 năm 1990 trong chuyến công đu Malta lần đầu tiên.

Đức Thánh Cha đã đọc một lời nguyện kính thánh Phaolô, rồi ký tên vào sổ vàng lưu niệm và dâng cho đền thánh một chiếc đèn bằng bạc. Sau đó ngài ra chào hàng ngàn tín hữu tụ tập ngoài quảng trường phía trước nhà thờ.

Đáp lại lời chào của Đức Cha Paul Cremona TGiám Mục La Valletta, Đức Thánh Cha nói:

Tôi đến đây theo vết chân của biết bao nhiêu người hành hương dọc dài các thế kỷ đã đến cầu ngyện tại nơi đây để phó thác chính mình, gia đình mình và sự phong phú của quốc gia này cho lời bầu cử của vị Tông Đồ dân ngoại. Biến cố thánh Phaolô bị đắm tầu và lời sách Công Vụ kể lại mà anh chị em đã lấy làm khẩu hiệu chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này của tôi ”Chúng ta phải dạt vào hòn đảo nào đó” (CV 28,26) là lời mời gọi can đảm trước những điều không biết trước được, và kiên vững tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì thế trong chương trình của Thiên Chúa Thánh Phaolô đã trở thành ngươi cha của anh chị em trong đức tin kitô. Nhờ sự hiện diện của thánh nhân giữa anh chị em, Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đã đâm rễ vững vàng và đem lại nhiều hoa trái không chỉ trong cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn, mà cả trong việc làm thành căn cước cũng như nền văn hóa của quốc gia Malta nữa.

Đức Thánh Cha đã ca ngợi công lao của thánh Phaolo và thế hệ các vị rao giảng Tin Mừng theo bước chân thánh nhân, đặc biệt là đông đảo các linh mục tu sĩ đã rời Malta để đi truyền giáo đó đây trên thế giới. Nhân danh toàn thể Giáo Hội Đức Thánh Cha cám ơn các thừa sai Malta từng vị một, vì chứng tá của các vị đối với Chúa phục sinh và công tác phụ vụ tha nhân. Ngài cầu xin cho Malta có thêm nhiều ơn gọi hơn nữa để loan báo Tin Mừng và mở mang Nước Chúa.

Biến cố thánh Phaolô đến Malta đã không được thấy trước. Tầu chở thánh Phaolô trên đường vè Roma đã bị bão đánh giạt vào đảo này. Và Thiên Chúa đã bẻ lái lộ trình ấy. Cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô Phục Sinh trên đường đến thành Damaco đã khiến cho thánh nhân chỉ còn sống cho Chúa Kitô thôi và mỗi hành động và tư tưởng của người đếu hướng tới chỗ loan báo mầu nhiệm thập giá và sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: cả ngày nay nữa Tin Mừng mà thánh Phaolô đã rao giang tiếp tục mời gọi dân chúng của đảo này hoán cải và sống một cuộc sống mới. Như Người Kế Vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu Malta lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn mới mẻ như cha ông họ xưa kia và để cho Lời Chúa biến đổi cuộc sống và cung cách suy tư hành xử của họ. Ngài nói: Anh chị em hãy sống đức tin tràn đầy hơn cùng với các thành phần khác trong gia đình, cùng với bạn bè, trong khu xóm, tại nơi làm việc và trong cuộc sống xã hội. Một cách đặc biệt tôi khích lệ các bậc cha mẹ, các thầy cô và các giáo lý viên nói về cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu phục sinh để dẫn đưa giới trẻ bước vào trong vẻ đẹp và sự phong phú của đức tin công giáo. Trước biết bao nhiêu đe dọa chống lại sự thánh thiêng của sự sống con người, phẩm giá của hôn nhân và gia đình, con người thời nay lại không cần được thường xuyên nhắc nhở về sự phẩm giá cao cả của chúng ta là con cái Thiên Chúa và ơn gọi tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được trong Chúa Kitô hay sao? Xã hội lại không cần tái chiếm lại và bênh vực các sự thật luân lý nền tảng đích thật của sự tự do và tiến bộ tinh tuyền hay sao?

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài huấn dụ với lời cầu xin cho tín hữu Malta duy trì tinh tuyền gia tài mà thánh Phaolô đã để lại cho họ và xin Chúa che chở họ và gia đình trong đức tin hoạt động qua đức ái.

Kết thúc lễ nghi viếng thăm nhà thờ và hang thánh Phaolô Đức Thánh Cha lên xe về Tòa Sứ Thần cách đó một cây số rưỡi để dùng bữa tối và nghỉ đêm, kết thúc nửa ngày thứ nhất viếng thăm Malta.
 
Vai trò của Giáo hội trong cuộc chiến chống lại các tổ chức tội phạm.
Chu Văn
17:20 17/04/2010
Monterey, Mehico [Fides 14/04/2010] - Một vị Hồng y Mehico nói rằng Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại các tổ chức tội phạm.

Trong lá thư mục vụ có tựa đề "Chỉ trong Chúa Kitô, niềm An bình của chúng ta, Mehico mới có thể có cuộc sống tốt đẹp", Ðức hồng y Francisco Robles Berlanga, Tổng giám mục Monterey, viết rằng Giáo hội cống hiến những "đề nghị cụ thể" và chính phủ không thể một mình chống lại các tổ chức tội phạm.

Theo Ðức hồng y Berlanga, mặc dù chính phủ Mehico đang đề ra một loạt những "chiến thuật" để chống lại tội ác có tổ chức, Giáo hội và xã hội không thể trốn tránh trách nhiệm trong cuộc chiến chống lại bạo động tại Mehico.

Ðức hồng y Tổng giám mục Monterey cho biết: trong phiên khoáng đại lần thứ 89, các Ðức giám mục Mehico đã có dịp đưa ra những biện pháp cụ thể để giúp chống lại tội phạm có tổ chức. Và một trong những biện pháp đó chính là gây ý thức trong dân chúng về phẩm giá của con người, về giá trị của sự sống và về giáo dục để biến đổi con người.

Mới đây những cuộc bạo động có liên hệ đến các tổ chức buôn bán ma túy đã gia tăng. Cách đây vài ngày, một nhà thờ cách thành phố Juarez 100 cây số đã bị thiêu hủy. Theo các nguồn tin địa phương, các tổ chức tội phạm gây ra vụ này để thị oai dân chúng. Cũng những tổ chức tội phạm này đã giết trên 80 người, đốt phá 16 căn hộ và yêu cầu dân chúng phải rời khỏi vùng này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phú Bình, Phú Thọ, TGP Sàigòn cung hiến và khánh thành nhà thờ mới
Martin Lê Hoàng Vũ
08:59 17/04/2010
Giáo xứ Phú Bình: ngôi nhà thờ mang dấu ấn Năm Thánh 2010

Sáng nay, thứ bảy ngày 17.4.2010, giáo xứ Phú Bình, hạt Phú Thọ, thuộc TGP. Sài gòn đã diễn ra thánh lễ cung hiến và khánh thành nhà thờ mới. Đây là một biến cố vui mừng to lớn của toàn thể cộng đoàn giáo xứ, từ vị chủ chăn giáo xứ, đến các thành viên trong HĐMVGX, các hội đoàn và mọi thành phần trong giáo xứ, cùng các vị ân nhân xa gần. Vì thế, trong ngày này, trên khuôn mặt của ai cũng lộ rõ nét tươi vui rạng rỡ. Bầu trời Phú Bình ngày sáng nay dường như đẹp hơn, trong xanh hơn mọi ngày, để cùng với bà con giáo dân dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì công trình nhà thờ đã hoàn thành tốt đẹp.

Xem hình lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ Phú Bình

Đi trên đường Lạc Long Quân, Phường 5, quận 11, rẽ vào cổng giáo xứ Phú Bình, ở hai bên đường dẫn vào nhà thờ Phú Bình, mọi người gặp thấy những lời kêu mời đầy ý nghĩa như sau::

“Đây cung điện khả ái
Nơi khuôn viên đền vàng
Người người nô nức tới
Reo vang niềm hân hoan”
“ Một thời để nhớ
Một đời chờ mong”

Dù thánh lễ được được bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng, thế nhưng từ sáng sớm các vị khách ở xa đã có mặt tại nhà thờ Phú Bình. Đến với Giáo xứ Phú Bình không chỉ có khách trong giáo phận, mà do quan hệ rộng rãi của cha chính xứ, nên giáo xứ được hân hạnh đón tiếp các vị khách từ các giáo phận trong cả nước: Hà Nội, Kontum, Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long Xuyên…

Vào khoảng 9, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá giáo phận Sài gòn đã đến dâng thánh lễ và chia sẻ niềm vui chung của giáo xứ. Cha Giuse Nguyễn Văn Niệm, chính xứ Phú Bình cùng với các vị đại diện HĐMV giáo xứ chào đón Đức cha ngay tại cổng nhà thờ.

Tiếp theo sau phần chào mừng quan khách là cuộc cung nghinh hài cốt các vị tử đạo, rước đoàn đồng tế vào trong thánh đường để hiệp dâng thánh lễ. Cùng đồng tế trong thánh lễ với Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm có các Đức cha và quý cha: Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Ủy Ban Thánh Nhạc HĐGMVN, Đức cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Đức ông Đặng Văn Tú, TĐD Giáo Phận Xuân Lộc, Cha Đaminh Vũ Minh Nghiệp, Đặc trách các linh mục TGP Sài Gòn và khoảng hơn 120 linh mục đồng tế là quý cha trong và ngoài giáo phận, quý cha trong giáo hạt Phú Thọ, quý cha thân hữu, quý cha liên hệ, quý cha gốc từ giáo xứ Phú Bình…

Khi đoàn đồng tế đi đến nơi tiền đình nhà thờ, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã cắt dải băng đỏ khánh thành nhà thờ mới trong tiếng vỗ tay của cộng đoàn, tiếng kèn trống nổi lên và những quả bong bóng mằu sắc xanh đỏ bay lên bầu trời, đưa lên những niềm vui và ước nguyện của cả cộng đoàn giáo xứ Phú Bình. Với ngôi nhà thờ mới được khánh thành này, giáo xứ Phú Bình bước vào một trang sử mới.

Sau lời chào mừng Quý Đức cha, quý cha, và quý khách của cha chánh xứ Phú Bình, Đức cha Phêrô đã khởi đầu thánh lễ long trọng bằng việc rảy nước thánh trên cộng đoàn hiện diện.

Các bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ như sau:

Bài đọc 1, trích từ sách ngôn sứ Khác-gai chương 2, từ câu 1-10
Bài đọc 2, trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô chương 3, từ câu 10-16
Và bài Phúc âm theo Thánh Gioan chương 4, từ câu 19-26.

Trong phần bài giảng, Đức cha Phêrô mở đầu bằng những lời khen ngợi kiến trúc ngôi nhà thờ mới, cảnh quan, địa thế của khu vực giáo xứ Phú Bình. Nhà thờ Phú Bình nằm trong một khu vực có cảnh quan đẹp nhất trong giáo phận Sài Gòn. Đức cha nhấn mạnh với cộng đoàn rằng: Đây là nhà của Chúa, nhà với sự nỗ lực của mọi người trong giáo xứ Phú Bình và các ân nhân mới có được sự ngày vui hôm nay. Nhà thờ là nhà Chúa, là dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa giữa Dân Ngài. Điều này có nguồn gốc từ thời Cựu ước, sau khi đi lưu đày trở về, dân Israel cũng đã cố gắng xây một nơi một ngôi đền thờ cho Chúa ngự. Chỉ có nhà thờ mới được xức dầu thánh hiến, Giám mục xức dầu bàn thờ và các cột nhà thờ. Và nhà thờ cũng là ngôi nhà của tình hiệp thông. Mong sao tình yêu hiệp thông ấy không chỉ giới hạn ở nơi nhà thờ. nhưng được lan tỏa ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, một cuộc sống biết chia sẻ, biết cảm thông, biết nâng đỡ. Trong năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam, việc khánh thành ngôi nhà thớ Phú Bình này là dấu chỉ của sự hiệp thông, nơi cộng đoàn giáo xứ, và là sống năm thánh cụ thể nhất. Nhà thờ giáo xứ Phú Bình hôm nay được khánh thành mang dấu ấn của Năm Thánh 2010. Cuối bài giảng, Đức cha cầu chúc cho cộng đoàn giáo xứ Phú Bình phát huy được tinh thần hiệp thông như đã có trong việc xây dựng và hoàn thành ngôi nhà thờ mới.

Tiếp theo sau bài giảng là Nghi thức cung hiến nhà thờ. Diễn tiến của nghi thức cung hiến như sau:

- Kinh cầu các Thánh
- Đặt hài cốt các thánh tử đạo. Đức cha Phêrô gắn vào bàn thờ hài cốt các vị thánh tử đạo Việt Nam:
Thánh Anrê Dũng Lạc
Thánh Philipphê Phan Văn Minh
Thánh Phaolô Phan Khắc Hoan
Thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm
Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông

- Phần quan trọng nhất của nghi thức này là việc xức dầu bàn thờ và 4 cột nhà thờ, xông hương bàn thờ và thắp sáng bàn thờ.

Tiếp theo sau đó, Thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể. Trong Phần kết của thánh lễ, trước khi cộng đoàn được đón nhận phép lành toàn xá của Đức cha Phêrô chủ tế và Quý Đức Cha, cha Giuse Phạm Bá Lãm, hạt trưởng hạt Phú Thọ đọc chứng thư về ngày cung hiến nhà thờ giáo xứ Phú Bình. Trong chứng thư xác định rằng, từ nay trở đi, hằng năm vào ngày này, cộng đoàn giáo xứ Phú Bình sẽ cử hành thánh lễ kỷ niệm cung hiến nhà thờ với bậc lễ trọng. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giám mục phụ tá Giáo phận Sài gòn ấn ký.

Như vậy, Thánh lễ cung hiến nhà thờ Phú Bình như là một dấu ấn để lại của Năm Thánh 2010. Ngôi nhà thờ mới khang trang được khánh thành trong ngày hôm nay là công lao của tất cả mọi người, trong và ngoài giáo xứ, kể cả những người không phải là Công giáo. Sau gần 2 năm xây dựng nhà thờ giáo xứ Phú Bình đã hoàn thành, nhất là trong thời điểm nền kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng và nền kinh tế trong nước bị lạm pháp. Nhưng trên hết là ơn Chúa, sự đồng lòng, quyết tâm cao giữa chủ chăn và đoàn chiên giáo xứ, từ tấm lòng quảng đại của các vị ân nhân xa gần đã có được ngày vui mừng này, ngày 17.4.2010,một bước ngoặc mới của cộng đoàn giáo xứ Phú Bình. Từ nay, trong hành trình đời sống của giáo dân Phú Bình, có một nơi phụng thờ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau thật khang trang, to đẹp hơn, để xứng đáng với tầm vóc của một giáo xứ trên 50 hình thành trong dòng chảy của Tổng giáo phận Sài gòn.

Martin Lê Hoàng Vũ
 
ĐGM Thái Bình dâng lễ đặt viên đá góc tường nhà giáo họ An Đạo
Trường Giang
15:48 17/04/2010
ĐỨC CHA PHÊRÔ ĐỆ DÂNG THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ GÓC TƯỜNG NHÀ THỜ GIÁO HỌ AN ĐẠO, THÁI BÌNH

Sáng nay, 17/04/2010 Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình chủ tế thánh lễ đặt viên đá góc tường giáo họ An Đạo, giáo xứ Thanh Minh. Cùng dâng thánh lễ có năm cha và đông đảo giáo dân miền Tiền Hải tham dự.

Đôi nét lịch sử giáo họ An Đạo

Giáo họ An Đạo là họ lẻ giáo xứ Thanh Minh, giáo hạt Tiền Hải, tọa lạc tại mảnh đất xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Số giáo dân hiện nay có 222 người, trên tổng số 45 hộ gia đình, dưới sự quản nhiệm của cha Augustinô Phạm Quang Tường, chánh xứ Trung Đồng, hạt trưởng giáo hạt Tiền Hải.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, giờ đây giáo họ An Đạo không nhớ rõ ngày tháng lập nên giáo họ, chỉ biết rằng có bốn dòng họ: họ Ngô, họ Trương, họ Vũ và họ Đào cùng nhau lập nên họ đạo và đặt cho một cái tên thật dễ thương “An Đạo”, nhận thánh nữ Anna làm đấng bảo trợ. Thời vua Tự Đức cấm đạo, giáo họ đã có một nhân chứng Đức tin, đó là cụ Phêrô Ngô Văn Khiến bị bắt giam, bị tra tấn tại Quỳnh Côi và đã chết ngạt dưới hầm. Các tiền nhân đã dựng một ngôi nhà thờ đầu tiên diện tích khoảng 25m2, theo hướng Nam-Bắc. Năm 1924, cụ Phêrô Ngô Văn Tín làm trùm họ, An Đạo đã đưa thợ bên Kiên Lao, Nam Định xây dựng ngôi nhà thờ lớn hơn, với diện tích 160m2, quay hướng Đông-Tây. Bên trong có hai hàng cột cuốn, vì mới xây nên tháng 8 năm đó bị bão đánh sập. Giáo dân trong họ cùng nhau mua tre luồng dựng lại. Năm 1936, bề trên giáo phận chuyển giáo họ An Đạo về giáo xứ Thanh Minh, dưới sự coi sóc của cha Đaminh Thọ. Năm 1940, cha Thọ khích lệ giáo dân trong họ đoàn kết, chung sức chung lòng mua gỗ lim lợp ngói, thay thế tre luồng và mái tranh lá. Tồn tại khoảng gần 40 năm, năm 1978 ngôi nhà thờ bị hư hỏng nặng, cuộc sống giáo dân quá khó khăn, nên giáo họ không thể xây mới được mà trùng tu lại, và ngôi nhà thờ cũng chỉ tồn tại cho đến giờ phút này.

Làm phép và đặt viên đá góc tường

Ngôi nhà thờ mới, được khởi công xây dựng từ ngày 23/02/2010, với tổng diện tích 440m2, chiều dài 37m, rộng 14m, cao 13m, hai tháp chuông cao 25m dính liền nhà thờ. Trong thời gian qua giáo dân trong họ đã tích cực công đức, đóng góp công sức và vật chất, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu - một công trình to lớn như vậy, ông trùm cả trong giáo họ cho biết.

Sáng nay, mặc dù trời mưa tuy không lớn, nhưng giáo dân trong họ vẫn hăng say một lòng tổ chức thánh lễ đặt viên đá góc tường sao cho long trọng và sốt sáng.

8 giờ 30, giáo dân trong họ hân hoan nghênh đón vị chủ chăn giáo phận, ngài chào thăm và gặp gỡ, chia sẻ với cộng đoàn hiện diện khoảng vài phút, ngay trên nền móng ngôi thánh đường mới.

9 giờ Đức cha và đoàn đồng tế tiến lên nơi diễn ra thánh lễ, đó là một lễ đài được dựng trên nền móng ngôi thánh đường mới. Sau bài giảng Đức cha làm phép viên đá, sau đó ngài cùng cha thư ký Tòa Giám mục, quý vị ban hội đồng mục vụ giáo họ An Đạo đặt viên đá tại góc tường của ngôi thánh đường. Kế đến đoàn dâng của lễ với lòng thành dâng lên Thiên Chúa viên gạch của lòng quảng đại và sự hi sinh.

Trước khi nhận phép lành cuối thánh lễ, một vị đại diện giáo họ An Đạo có đôi lời tri ân và cảm tạ Đức cha, quý cha và quý cộng đoàn hiện diện, đồng thời góp phần làm nên công trình Đức Tin này.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Sự thật và lòng bao dung
Paulus Nguyễn Đình Khôi
08:53 17/04/2010
Sự thật và lòng bao dung

Chưa bao giờ hộp thư của tôi đầy ắp như thời điểm này với hàng trăm thứ câu hỏi khác nhau, đến từ nhiều luồng tư tưởng của các bằng hữu xa gần, chủ yếu họ thao thức về vấn đề Lạm dụng Tính dục trong Giáo Hội." Làm thế nào để góp sức đẩy con thuyền qua vùng bão tố trong khi duy trì đường hướng giải quyết chắc chắn là đáp trả khẩu hiệu Tin Mừng 'Duc in altum – Hãy chèo ra chỗ nước sâu' ?" Liệu cơn lốc này có cuốn trôi ơn gọi tu trì của nhiều người và sẽ ảnh hưởng sâu nặng tới Giáo hội Việt Nam?

Tôi vui mừng vì Đức giáo hoàng Benedict XVI đã sớm công khai những ẩn khuất, lem nhem không đáng có trong Giáo hội bấy lâu nay. Điều đó tái khẳng định lập trường cứu độ mà 1977 năm trước Đức Kitô đã can đảm chấp nhận. “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. (Mt 26.39)

Việc công khai sự sai phạm trầm trọng của một cá nhân nhằm cảnh tĩnh họ không có nghĩa là bóp nghẹt nhân phẩm của họ, nhưng chính là khai thông cho sự thật trong họ được bùng lên. Qua đó để mở lối thoát hiểm cho những người đang dự định "ném đá" biết thân phận mình mà lặng lẽ rút lui. " Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi...... Nghe vậy họ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ người lớn tuổi." (Ga 8. 7- 8)

Cuộc cách mạng Luân lý do chính Đức Thánh Cha khởi xướng để cho công luận thế giới tự do đàm tiếu, chắc chắn không làm sa sút ơn gọi Tu trì trong giáo hội nhưng báo hiệu một mùa hồng ân ơn gọi đang nở rộ đúng nghĩa, chứ không phải những thứ hoa của ân nghĩa xin cho đến từ cơ chế thế tục. Bởi ơn nghĩa cơ chế chỉ tạo ra những bông hoa giấy sặc sở trổ trên gốc cây giả sần sũi, chai cứng đầy nhựa đen của sự chết. Nó chỉ loè đời chứ không góp phần cân bằng sinh thái tâm linh của nhân loại.

Biết đâu trong một tương lai không xa, những anh em Tu sĩ “được” kết án hôm nay trở lại cứu những anh chị em đang “ném những viên đá đạo đức giả vào những linh hồn thánh thiện”? Điều đó cũng không có gì là lạ, vì lịch sử thăng tiến của Giáo hội luôn vận hành theo chương trình của Chúa Thánh Thần qua việc canh tân ý thức con người trong sự thật, chứ không phát triển theo những chủ trương của lý trí và khoa học thực dụng. Điều đó đã được Đức Kitô khẳng định trong những giờ phút cao điểm nhất của chương trình cứu chuộc: “ Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ.....Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến”. (Ga 17. 17 - 19).

Cuộc cách mạng luân lý này khơi dậy một sự thật khác bị che khuất trong Kinh Thánh cựu ước đó là: Việc Bà Su-san-na con gái ông Hen-xi-at cự tuyệt không chịu cho hai vị Thẩm phán xúc phạm, mặt khác bà còn dùng chính luật Chúa để cảnh tĩnh họ (Dn 13). Sự thật ấy không chỉ chứng minh lòng dũng cảm của một người phụ nữ, mà còn nhằm khẳng định sức mạnh tiềm tàng của Luật Chúa trong linh hồn mỗi người. Nếu Luật thế gian và những bức tường thành danh lợi siết chặt, vây kín linh hồn con người như thế nào thì Luật Chúa sẽ giải thoát họ trong sự thật như vậy.

Cuộc cách mạng luân lý mà Rome đang khởi xướng cũng nhằm tái khẳng định lập trường và giáo huấn về vấn đề đời sống độc thân Tu sĩ đó là: " Sự tiết dục trọn vẹn đụng chạm đến những khuynh hướng tâm sâu của bản tính con người, nên những người muốn khấn giữ khiết tịnh chỉ nên quyết định và chỉ được chấp thuận sau một thời gian thử thách thực đầy đủ và đã thấy có sự trưởng thành tâm lý, tình cảm cần thiết 7*. Không những phải căn dặn họ về những nguy hiểm hay xảy đến cho đức khiết tịnh, nhưng còn phải huấn luyện thế nào để họ đón nhận cuộc sống độc thân hiến dâng cho Thiên Chúa đồng thời đem lại lợi ích cho con người toàn diện của họ". (Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II. Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu Perfectae Caritatis)

Đây chính là thời điểm Mẹ Giáo hội đang sửa phạt con cái mình và khắc khoải dùng chính thế giá của mình để ươm lên những mầm sống Thanh bần, vâng phục Chúa Cha như Đức Kitô đã làm trên cây Thập giá.

Nếu xưa Đức Kitô đã vắt trái tim mình để lập nên bí tích Thánh Thể như thế nào, thì nay Mẹ Giáo hội tựa như con Bạch Hạc bị thôn tính không gian sinh tồn, nên phải sinh,nuôi con mình trong sa mạc như vậy.

Cho phép tôi được mượn lời của Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết về giáo hội, để khép lại tâm sự trên " Giáo hội có những đứa con có vấn đề: một số đứa hoảng sợ, một số đứa bị gương mù; một số đứa, vì mất tiếp xúc với Thần Khí của Giáo hội, tuyên bố rằng đã đến lúc phải sửa lại toàn bộ và đưa ra, bắt Giáo hội phải thi hành, ‘những kế hoạch riêng, cách mạng và khuynh đảo’! Những lúc như thế, nhiệm vụ mọi người vốn nhận Giáo hội là Mẹ phải biểu dương sự gắn bó không chao đảo và quan tâm sâu sắc, theo lời Thánh Phaolô, ‘phải trở nên mới trong tâm tư và tinh thần’ để có thể nhờ đó mà thực hiện được sứ mệnh của Giáo hội trong sự nhẫn nại vừa khiêm hạ vừa năng động. Bởi vì Giáo hội mang theo mình niềm hy vọng của thế giới". Mặt khác Cha Cha Henri de Lubac cũng khẳng định " Chúng ta phải yêu quý thời đại của chúng ta, nhưng không nhượng bộ tinh thần của thời đại, có như thế, mầu nhiệm Kitô Giáo trong chúng ta sẽ không bao giờ mất sức sống"

Vấn đề được đặt ra là không gian trần thế nào để dưỡng sinh những linh hồn bé bỏng vừa được lột xác lề luật ? Lòng bao dung! Chỉ có lòng bao dung mới đúng là không gian sinh tồn của những linh hồn khắc khoải ấy. Về điều này chúng ta có thể đặt niềm tin trọn hảo vào Đức Thánh Cha và các Giám mục thay mặt Chúa là người Cha nhân từ giữa thế gian.

Liệu giá trị cuộc cách mạng đạo đức của Giáo hội Công giáo đang khởi xướng có canh tân được luân lý nhân loại hôm nay hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào lời cầu nguyện và lòng can đảm bước đi trong sự thật của chính con cái trong Giáo hội.
 
Sau 35 hoà bình'' Mắt Mẹ Vẫn Chưa Vui''
Trần Đoan Hùng
13:10 17/04/2010
SAU 35 NĂM HÒA BÌNH “MẮT MẸ VẪN CHƯA VUI”

Một thoáng suy tư qua nội dung ca khúc “Sao mắt mẹ chưa vui” của cố NS. Trịnh Công Sơn

Mới đây mà đã 35 năm sau biến cố định mệnh “30.4.1975”.

Nói rằng “biến cố định mệnh” dành cho sự kiện kết thúc cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt 20 năm giữa những người con dân Đất Việt, chắc chắn không phải là quá cường điệu. Bởi chưng, cùng với biến cố nầy, thân phận của cả một dân tộc bước vào một khúc quanh lịch sử mới: Toàn bộ nhân dân và đời sống xã hội “thống nhất” trong và dưới một chế độ độc tài đảng trị được trang bị bởi một ý thức hệ không tưởng, phi nhân mà nhân loại tiến bộ khắp nơi đã quăng vào sọt rác của lịch sử.

Trong khi khi đó, có không biết bao gia đình mà biến cố 30.4.75 quả thật là một định mệnh oái ăm chết người. Cái định mệnh mà ở đó cố nhạc sĩ Miền Nam tài danh đã báo trước từ năm 1968, sau cuộc chiến đẩm máu của cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân (1968) với bài hát mang đậm dấu ấn tiên tri cho cái ngày Hòa Bình định mệnh sau đó 5 năm. Bài hát về chiến tranh của Trịnh Công Sơn mà tôi thích nhất.

1. Ðêm nay hòa bình sao em nhỏ chưa vui
Hãy bước ra đây nhìn phố ngợp người
Ðêm nay hòa bình không nụ cười trên môi
Nhìn quanh em không ai còn lại
Không ai còn lại
Ru đỡ tình người cho có đôi

2. Ðêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui
Mẹ hãy ra xem đường phố ngập người
Ðêm nay hòa bình mắt mẹ buồn như kinh
Lời kinh đêm ru căn nhà lạnh
Ru me một mình
Ru mẹ một mình ôm bóng đêm


Trước hết là những người dân Miền Nam, một phần đất có chủ quyền với chế độ Cộng Hòa liên tiếp với hai nhiệm kỳ Tổng Thống. (Không kể nhiệm kỳ Tổng Thống thứ ba của tên tướng phản thầy Dương Văn Minh chỉ tồn tại được có mấy tiếng đồng hồ).

Chính vì thế, đối với hầu hết dân Miền Nam thuộc phe Quốc Gia, ngày hòa bình 30.4.75 là ngày quốc hận, là ngày đánh mất tất cả những gì mà mình đã xây dựng, chắt chíu với bao máu xướng, mồ hôi và nước mắt. Cho nên, Đêm nay hòa bình chỉ còn lại mất mát, đắng cay, sầu buồn, chia biệt:

Ðêm nay hòa bình tôi muốn nghe
Lời nói âm u trên đường về của mẹ
Ðiệu hát hoang vu trên phố sáng của anh
Giọng cười em thơ âm thầm từ thềm vắng
Chị hát nghẹn ngào bên nôi ấm của con
Ðêm nay hòa bình tôi muốn đi
Tìm thấy em thơ trong nụ cười của chị
Tìm thấy mẹ xưa trên môi nín của cha
Tìm gặp tên anh trong tình người vợ góa
Tìm thấy bạn bè trong nỗi nhớ của ta


Mà không chỉ những người dân Miền Nam theo Quốc gia mới lãnh đủ quả đắng của cái gọi là “Hòa Bình thống nhất”, mà cả bao nhiêu gia đình phía Bắc, cũng đã thấm thía nối đau của “hai mươi năm nội chiến từng ngày” để rồi vào chính lúc kết thúc chiến tranh, chỉ thấy một màu hoang tái của những người vợ mất chồng, mẹ mất con, người yêu vĩnh biệt, bạn bè mất nhau…

3. Ðêm nay hòa bình sao anh lại chưa vui
Hãy bước ra đây nhìn phố ngợp người
Ðêm nay hòa bình anh gọi thầm tên ai
Gọi tên ai trong căn nhà nhỏ
Anh đi trận về nghe lại chuyện kể
Ngỡ giấc mơ

4. Ðêm nay hòa bình sao mắt chị chưa vui
Chị hãy ra xem đường phố ngập người
Ðêm nay hòa bình sao chị còn bâng khuâng
Chị ru con sao ru lạnh lùng
Ru cha bỏ mình
Ru đời chỉ còn mẹ với con.


Toàn dân Miền Nam Quốc Gia sau 20 năm cương quyết bảo vệ vùng đất tự do, bảo vệ những giá trị nhân văn cao quí của văn minh con người, cuối cùng đã đuối sức trước sự vô tâm và cuồng tín của chính những người anh em Miền Bắc, quyết chiếm cho được Miền Nam bằng mọi giá để nhuôm đỏ ý thức hệ Cọng Sản trên toàn dãi đất chứ S. Cho dù có nhiều ý kiến để lý giải sự thất bại của Miền Nam như: đời sống chính trị-xã hội phân hóa, thiếu những người lãnh đạo tài đức, thiếu sự đoàn kết của toàn dân, kinh tế phụ thuộc, sự phản bội của Đồng Minh Hoa Kỳ, bị chi phối bởi những thế lực chính trị thế giới trong bối cảnh chiến tranh lạnh…Tất cả không sai. Tuy nhiên, theo tôi, cái yếu tố nền tảng đã làm cho nhân dân Miền Nam thua cuộc chính là cái yếu tố mang tính “bản chất” của người Miền Nam, cái bản chất hiền hòa, vị tha, không muốn hơn thua, tranh đoạt. Cái bản chất uyên nguyên đó lại được trau dồi trong một nền văn hóa tự do, dân chủ, nhân bản, và thấm đẫm tinh thần đạo lý từ bi, bác ái của các tôn giáo chuộng cái lý, cái tình, hơn là bạo lực sắt máu…Chính điều đó đã làm cho Miền Nam đổ sập để bị đè đầu cởi cổ của bọn người luôn chọn đấu tranh để mở mang ý thức hệ, chọn bạo lực như phương tiện tối ưu, chọn dối trá, đê hèn để biện minh cho mục tiêu chiến thắng.

Phản ảnh điều đó đậm nét nhất có lẽ là ngôn ngữ của văn chương và âm nhạc. Nếu có ai tập hợp tất cả các tác phẩm văn chương và âm nhạc của thời nội chiến đó ở cả hai miền rồi thử so sánh, phân tích. Tôi cam đoan sẽ khác biệt nhau một trời một vực.

Chúng ta cứ đơn cử một Trịnh Công Sơn, một Trần Thiện Thanh đại diện cho nền âm nhạc Miền Nam để xem thử họ đã nói về chiến tranh, về người lính, về kẻ thù bằng thứ ngôn ngữ nào. Và rồi thử đưa ra một vài bài hát thuộc loại “nhạc Cách Mạng” kinh điển thì sẽ thấy có một thứ ngôn ngữ hoàn toàn trái ngược đến 180 độ.

Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe.
Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy, đại bác qua đây con thơ buồn tủi nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi. Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi lắng nghe.
Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình, hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng, từng đêm chong sáng là mắt quê hương.
(Đại bác ru đêm của cố NS. Trịnh Công Sơn)

Người con gái một hôm qua làng
đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng
Người gái chợt ôm tim mình
trên da thơm, vết máu loang dần
Người con gái Việt Nam da vàng
mang giấc mơ quê hương lìa kiếp sống
Người con gái Việt Nam da vàng
yêu quê hương nay đã không còn
(Người con gái Việt nam Da vàng. NS. Trịnh Công Sơn).

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần, nh́ìn anh đến những xót xa đành nói cùng hư không!
(Anh nằm xuống. NS. Trịnh Công Sơn)


Trong khi đó, ngay với bài chọn làm Quốc Ca, Miền Bắc đã muốn chọn sắc máu hận thù làm tiêu chí để hành động, lên đường:

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.
Đường vinh quang xây xác quân thù,
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,
Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
(Tiến quân ca. Quốc ca Miền Bắc và hôm nay)

Ai nhanh tay vót bằng tay em?
Chim hót không hay bằng tiếng hát em.
Mỗi mũi chông nhọn hoắc căm thù.
Xiên thây quân cướp nào vô đây.
Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo.
(Cô gái vót chông. NS. Hoàng Hiệp)

Quả pháo ơi sao mà yêu như đứa trẻ
Suốt đêm ngày ta bế trên vai
Đường về đô thị còn xa
Ngày nay đi diệt thù cứu nước có ta có mình.
Chị em ta, cô gái thành đô đem lứa tuổi xuân
Cùng hiến dâng quyết giải phóng quê mình
Chị em ơi! Niềm tin tháng lợi thôi thúc ta lên đường
(Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. NS Lư Nhất Vũ)


Phải chăng cũng chính sự khác biệt căn cốt đó mà đã 35 thống nhất Đất Nước rồi, toàn dân qui về một mối rồi, nhưng lòng người thì vẫn còn phân chia, hận thù về “nợ máu” vần hằn sâu trong tim óc nhiều người, nhất là những đảng viên trung kiên với Cách mạng và có không ít thân nhân hy sinh trong cuộc chiến. Rồi nhất là với chiến dịch tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng bác Hồ vĩ đại, những nhà lãnh đạo Cọng Sản hôm nay lại một mặt cố gồng mình để to son trét phấn cho một cái thây ma chủ nghĩa đã thối rửa, một mặt đánh phá các giá trị tôn giáo uy tín bằng nững thủ đoạn hạ cấp như cướp đất nhà thờ, chùa chiền, đánh đập hành hạ các ni cô, sư sãi, linh mục, mục sư; kết án, giam tù những nhà bất đồng chính kiến và tranh đấu cho tự do dân chủ, nhân quyền, trấn áp những cuộc đấu tranh chính đáng của những người nông dân không có đất canh tác, những người sắc tộc không có rừng để mưu sinh, tước đoạt những quyền từ do cơ bản của con người: tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo…

Những ước vọng của Trịnh Công Sơn ngày nào xem ra quá xa vời đối với tương lai dân tộc Việt nam chúng ta, những ước vọng mà vào thời chưa kết thúc chiến tranh, đã âm vang cuồn cuộn trong trái tim của những người dân Việt yêu nước, yêu quê hương.

Huế Sài Gòn Hà Nội hai mươi năm tiếng khóc lầm than
Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim Việt Nam
Đạn bom ơi, lòng tham ơi, khí giới nào diệt nổi dân ta
Việt Nam ơi bừng cơn mơ cho mắt nhìn sạch tan căm thù
Hãy xóa hết dấu tích buồn xưa
Ngày mai đây những con đường Nam Bắc nở hoa
Bàn tay thân ái lòng không biên giới
Anh em ơi lắng nghe tình nhau
Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu
Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu
Cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao
Ngày-Nam-Đêm-Bắc tình chan trong mắt
Sẽ thấy trăm bình minh ngọt ngào
(Huế Sài Gòn Hà Nội. NS. Trịnh Công Sơn)


Như vậy, sau 35 năm kể từ biến cố 30.4.1975, tôi có thể mượn lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để đau đớn nói lên rằng: "SAU 35 NĂM HÒA BÌNH “MẮT MẸ VẪN CHƯA VUI

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự hiện hữu của Thiên Chúa là một điều minh nhiên
Lm Nguyễn Hữu Thy
04:20 17/04/2010
Sự hiện hữu của Thiên Chúa là một điều minh nhiên

Richard Swinburne, nhà triết học tôn giáo người Anh, đã có những suy tư đúng đắn về đức tin và lý trí. Trong tác phẩm „Faith anh Reason“ (Đức tin và lý trí) ông viết:

Việc xác tín rằng Thiên Chúa hiện hữu, và nếu quả thực Thiên Chúa hiện hữu, thì quan trọng hơn là việc xác tín rằng Thiên Chúa không hiện hữu, và nếu quả thực Thiên Chúa không hiện hữu.“

Với lập luận nổi danh này của ông, một lập luận có thể được coi là hoàn toàn tương tự như câu phát biểu của nhà tư tưởng người Pháp Blaise Pascal(1), triết gia Richard Swinburne đã đương nhiên đứng vào hàng ngũ những người chấp nhận đức tin vào Thiên Chúa. Swinburne xác tín rằng chúng ta là những người hoàn toàn vô trách nhiệm khi chúng ta không tôn thờ Thiên Chúa, nếu như có Thiên Chúa thực sự.

Richard Swinburne nhấn mạnh rằng chúng ta hành động bất công đối với Thiên Chúa và rồi còn truyền lại cho con cái chúng ta thái độ sai lạc ấy. Giả sử không có Thiên Chúa, thì khi chúng ta không tôn thờ Người, chúng ta đã không đối xử bất công với ai cả. Tuy nhiên, Swinburne hoàn toàn xác tín rằng, nếu quả thực Thiên Chúa hiện hữu mà chúng ta lại không tin thờ Người, thì chúng ta đang liều mình đánh mất „cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu“ của mình. Và ngược lại, „sự vô thần đầy xác tín… quả thực là một điều vô cùng tai hại vì ít nhất cũng đã làm phung phí ngay cả cuộc sống hữu hạn ngắn ngủi đời này.“

Cất tiếng chào đời vào năm 1934, Richard Swinburne được coi là một trong những triết gia về tôn giáo quan trọng nhất của thế kỷ XX và là người đại diện cho khuynh hướng triết học phân tích (analytische Philosophie), một khuynh hướng triết học đã nhiều ít tỏ ra thực tiễn khi đặt nền tảng trên vũ trụ hiện tại và bằng một ngôn ngữ rõ ràng minh bạch ông đã tìm cách rà soát lại những quan niệm về vũ trụ hiện tại cũng như những biện minh mang tính cách suy luận. Richard Swinburne giữ chức giáo sư triết học tôn giáo tại đại học Oxford/Anh quốc và năm 2005 đã cho xuất bản tác phẩm quan trọng với tựa đề: „Faith and Reason“ (Đức tin và lý trí) và năm 2009 tác phẩm được xuất bản tại Đức với tựa đề bằng Đức ngữ: „Glaube und Vernunft“.

Dĩ nhiên, thái độ mang tính cách quyết định trong vấn đề đức tin vào Thiên Chúa theo truyền thống triết học phân tích mà Swinburne chủ trương, thì không hề là một điều đương nhiên. Điều này cũng đã được chính dịch giả Oliver J. Wiertz, thuộc Trường cao đẳng Triết và Thần học Sankt Georgen, nêu lên một cách chi tiết và rõ ràng trong Lời Kết của ông. Bởi vì, trong khi dựa theo thuyết duy nghiệm hữu lý của trường phái Wiena (Áo quốc), khuynh hướng triết học phân tích về tôn giáo trước kia đã hoàn toàn bị quên lãng vào cuối thập niên 30 cho tới thập niên 40 của thế kỷ vừa qua. Như thế ngành triết học này đã tự tách rời khỏi sự kiểm soát của tôn giáo. Nhưng trong các thập niên về sau, vấn nạn về chân lý của những phát biểu thuộc lãnh vực tôn giáo đã được nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn. Cụ thể là các thuộc tính hay các ưu phẩm truyền thống của Thiên Chúa đã được sử dụng như tiêu chuẩn cho sự hòa hợp giữa chúng và với sự trợ lực của phương pháp luận lý tân thời, „khoa thần học tự nhiên“ lại được nhận thức rõ ràng và đúng đắn hơn. Từ giai đoạn này, Richard Swinburne đã phát huy triết học của ông, và trong công trình phát huy đó không phải triết học đại học thuần túy được đặt lên hàng đầu, nhưng là cộng đồng Kitô giáo. Và đây là một điều đáng cho chúng ta phải ghi nhận khi liên tưởng tới nền triết học hiện tại, một nền triết học thường trực diện đức tin Kitô giáo với một lý trí trung lập và với một quan điểm thường thù nghịch tôn giáo.

Qua đó người ta nhận chân được rằng một điều không bao giờ mang tính cách đương nhiên, đó chính là nền đạo đức Kitô giáo sống động, một lối thoát cho các suy luận triết học, chứ không đơn giản là sự thắc mắc về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Dù sao đi nữa, đối với một cộng đồng Kitô giáo thì những đề tài triết học khác vẫn quan trọng hơn là nền triết học thế tục. Theo Swinburne, vấn đề được đề cập tới là những giáo huấn của Kitô giáo sống động, chứ không phải chỉ đề cập tới một thuyết hữu thần (Théisme) tổng quát mà thôi.

Vì thế, Swinburne đã không chỉ nêu lên câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa chẳng hạn, nhưng là về sự hiện hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi và về khả năng của những phát biểu chân chính về sự siêu việt của Người. Vì thế, Swinburne đã trình bày một cách chi tiết ý nghĩa của những xác tín, một điều hết sức quan trọng đối với ý nghĩa của những xác tín tôn giáo. Do đó, người ta luôn có thể nêu lên được những gì có thể được đem làm tài liệu dẫn chứng cho những xác tín tôn giáo. Như thế, Swinburne tách biệt siêu hình học và tôn giáo ra khỏi nhau và đồng thời ông đã thành công trong việc giữ vững được phương diện lý trí đối với đức tin. Nhờ thế, ông cũng có thể nêu lên cho người vô tín ngưỡng lý do của những đòi hỏi thuộc chân lý tôn giáo.

Chính trong thời đại mà chủ nghĩa hoài nghi về tôn giáo đang thao túng trên dư luận đại chúng, Swinburne đã nhìn thấy được rằng các luận cứ nhất thiết cần phải có nền tảng vững vàng chắc chắn, tức các luận cứ nhất thiết cần phải được đặt cơ sở trên triết học. Đây là điều mà người ta đã nhìn thấy được rõ ràng trong các cuộc tranh luận với các người vô thần. Bởi vì, chính những người vô thần cũng đã đưa ra những luận cứ của họ xem ra có nền tảng vững vàng, dù rằng trên thực tế những luận cứ ấy mang nặng tính chất chủ quan một chiều và ngụy biện. Swinburne viết: „Tôi không nghĩ là sự xác tín cho rằng không có Thiên Chúa được đặt cơ sở trên một sự kinh nghiệm rõ ràng về sự vắng bóng của Thiên Chúa và có thể tác động như một sự xác tín cơ bản một cách đúng đắn. Bởi vì, nguyên tắc của sự chắc chắn chỉ khẳng định rằng có tài liệu dẫn chứng nếu những sự việc được coi là thực sự hiện hữu. Nhưng nếu những sự việc không hiện hữu thực sự, thì cũng không thể có các tài liệu dẫn chứng chân chính được.“ Chẳntg hạn ai khẳng định rằng trong một căn phòng không có chiếc bàn, thì trước tiên phải nhìn ngó khắp nơi và phải biết hình thức chiếc bàn như thế nào đã: „Sự khẳng định của một người vô thần cho rằng anh đã có được một kinh nghiệm cho anh hay là không có Thiên Chúa, thì rất có thể chỉ là dẫn chứng cho lời khẳng định ấy của anh cho rằng không có Thiên Chúa mà thôi, nếu như những giới hạn tương tự được thực hiện, là nếu có một vị Thiên Chúa, thì rất có thể người vô thần đã cảm nhận được Người; và tôi không thấy có lý do gì để xác tín về điều đó.“

Theo Swinburne, một điều quan trọng cần phải minh giải là người ta cần phải đưa ra những tiêu chuẩn nào để phản bác lại những trào lưu tội phạm và bệnh hoạn của thời đại hôm nay, như: nạn phá thai, vấn đề trợ tử, tức giúp cho một người nào đó chết một cách bớt đau đớn bằng các phương pháp ý khoa, sự đồng tính luyến ái, v.v… Bởi vì, „trong những vấn nạn này, người ta thường có khuynh hướng không bày tỏ những phản ứng của lương tâm mình.“ Vì thế, trong điểm này ngoài lương tâm ra, còn cần phải có những thông tin cần thiết, mà theo Swinburne thì điều lý tưởng nhất là có được một gương mẫu về luân lý và nhìn thấy được lý do của vấn đề, „tại sao Thiên Chúa có thể quyết định trở nên phàm nhân… Và là một điều tốt, nếu Thiên Chúa ban thêm cho chúng ta một sự trợ giúp, để sống một cuộc sống có luân lý – đó là một cộng đồng, một cộng đồng luôn yểm trợ và củng cố chúng ta, tức Giáo Hội“.

Vào cuối tác phẩm của ông, tác giả tỏ ra lạc quan cho rằng trong những thế ký kế tiếp, nhân loại sẽ xác tín được rằng chỉ trừ một tôn giáo duy nhất là đúng, còn tất cả các tôn giáo khác đều sai lạc. Vì thế, ngày nay những sự nghiên cứu về tôn giáo là vấn đề quan trọng. Hy vọng rằng Richard Swinburne có lý!

_________________________

1. Pascal quan niệm rằng sự tin tưởng vào Thượng Đế là một cuộc đánh cá không sợ phải thua thiệt gì cả. Vì nếu thắng cuộc (nghĩa là nếu có Thượng Đế) thì người đánh cá ấy có Thượng Đế về phía mình, còn nếu thua cuộc (nghĩa là nếu không có Thượng Đế) thì người ấy cũng chẳng mất mát gì cả.

2. Sách tham khảo: Richard Swinburne: Glaube und Vernunft. Nhà xuất bản Echter, Würzburg 2009, 348 trang.
 
Văn Hóa
Vô Thanh
Jos. Tú Nạc, NMS
08:43 17/04/2010
VÔ THANH

Như giọt nắng lung linh
NGƯỜI đến với ta
buổi bình minh chan chứa nắng hồng.
Ngậm ngùi như tiếng mưa
NGƯỜI ra đi
bỏ lại ta chiều buồn giăng mây xám.
Dù đến rồi đi vô tình như mưa nắng
ta vẫn chắt chiu gom nhặt tháng ngày
mà miên tưởng hạnh phúc đắng cay
xót xa êm ái.
Dĩ vãng vẫn như con nước xuôi dòng
không một chút nguôi quên
dài tay đón đợi
có ai chối từ quá khứ đời mình.
NGƯỜI vẫn còn đó
thấp thoáng trong ta hình ảnh lạc loài
oan trái
không định mệnh xếp đặt an bài.
Không là khói sương tan
mà huyền ảo nhiệm mầu vô tận
hãy cho ta thắp lên ngọn nến
với lời kinh sám hối tận thinh không
kết nụ lệ thành chuỗi hạt ăn năn.
Ta không mong chờ
lời thiết tha phúc đáp
chỉ ánh mắt nào trìu mến tha nhân
một bàn tay dịu dàng nhân ái
ta vươn khỏi khổ đế nhục nhằn
thoát khỏi vùng viễn giới mênh mông
mong tìm lại gặp gỡ tâm hồn.
Hỡi NGƯỜI
NGƯỜI tình vĩnh cửu
tiếng vạc kêu sương có làm người trở giấc
có giục NGƯỜI tìm bàn tay giấu mặt
lạc vào vùng suy tưởng
hỡi NGƯỜI.
Nơi đó có phù du ảo ảnh
nơi đó có chân lý đợi chờ
nới đó chỉ mình NGƯỜI với ước mơ
ta nào biết.
Tri ân đời
ta một lần được sinh ra
giữa muôn người biết yêu thương vời vợi
xin cho ta niềm yêu

nỗi thương chân chính.
Tạ ơn NGƯỜI
đã cho tôi một lần yêu thương
để một đời nuối tiếc
NGƯỜI hãy cho ta
tìm thấy sự chân chính ở NGƯỜI
tha thiết ở NGƯỜI
ngọt ngào như ca dao
đậm đà như khúc hát ân tình

thoáng xót xa tựa trái đắng trên môi.
Hãy đến với ta
dù hấp hối của chiều về nhạt nắng
góp nhặt mảnh buồn làm hành trang
gửi trầm khúc VÔ THANH.
(Sàigòn – 1972)






 
Khách qua đường
Ngô Xuân Tịnh
08:46 17/04/2010
Khách qua đường

Xin góp đôi suy tư nhỏ bé cùng với lời nguyện cầu thiết tha đến tất cả các linh mục dấu yêu trong năm linh mục được nhiều hồng ân từ Thiên Chuá và Mẹ dịu hiền.

Một chàng ca sĩ tài ba
Chuyến đi trình diễn từ xa mới về
Sân bay bao bọc bạn bè
Gia đình "fan" cũng tư bề vây quanh
Tíu tít thăm hỏi công thành
Chuông nhà đi đánh vang danh nước người
Về nhà chúc tụng đầy taị
Một nhà truyền giáo nước ngoài nhiều năm
Trở về nhà rất âm thầm
Phi trường không kẻ hỏi thăm đón chào
Lòng nhà truyền giáo nao nao
Tủi hờn hỏi Chúa: "tại sao thế nầy
So với người ấy con đây
Về nhà không thấy một ai ngó ngàng"?
Lời Chúa thủ thỉ nhẹ nhàng
-"Con ơi hãy nhớ cho rằng
Ở đây đâu phải nhà hằng ước mơ
Nhà mà con vẫn mong chờ
Thiên cung ấy mới bến bờ phúc vinh".
Lần khác một kẻ du hành
Dừng chân ở một nhà tranh trọ nhờ
Nhà truyền giáo sống đơn sơ
Nhà không gì hết chỉ trơ sách đầy
Người khách bèn hỏi: "ô hay
Nhà cha chẳng có gì vầy được sao"?
Nhà tu câu hỏi ngược vào:
"Tại sao anh chỉ một bao đồ dùng"
Người khách với vẻ ung dung
Trả lời chậm rải tận cùng thủy chung:
-"Tôi đâu phải kẻ sống cùng
Đi đường nên tạm đủ dùng ma thôi.
-" Thế thì anh cũng nhầm rồi,
Nhà tu tức khắc mở lời cùng anh,
"Tôi đây cũng kẻ lữ hành
Nhà nầy không phải để dành cho tôi.
Hai câu chuyện kể vừa rồi
Dùng làm nổi bật cuộc đời hiến thân
Chúa Giêsu đã nhiều lần
Bảo ban môn đệ chẳng cần mang theo
Đồ dùng của cải chi nhiều
Chỉ mang theo cả một triều sóng dâng
Con tim tận hiến ngút ngàn
Hồng ân cứu độ trao ban cho người
Vật chất cản bước chân thôi
Phúc âm kiến thức tuyệt vời mang theo
Yêu thương sống với người nghèo
Mang cho nhân loại thật nhiều hồng ân
Phúc thay cuộc sống hiến thân
Bàn chân rảo khắp trao ban tin mừng
 
Chúa Kitô vua vinh quang
Ngô xuân Tịnh
21:43 17/04/2010
Bộ lạc ngôn ngữ quốc gia

Bao nhiêu dân tộc cả và năm châu

Giêsu hiệp nhất đưa vào

Vương triều Thiên Quốc nhiệm mầu quang vinh

Bằng máu đào của chính mình

Hồng ân cứu chuộc hiển vinh muôn đời

Con người công chính lên ngôi

Gông cùm tội lỗi Người thời đập tan

Phục sinh cờ hiệu vẻ vang

Tử thần cờ hiệu tiêu tan bẽ bàng

Em cùng nhân thế hô vang

Giêsu chiến thắng khải hoàn phục sinh

Em là con Chuá-Thiên-Đình

Sống cho nước Chúa quang vinh đời đời

Nhiệm tích thánh tẩy tuyệt vời

Bằng Nước và Lửa mà Người trao ban

Ngợi ca tình Chuá vô vàn.