Ngày 19-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cái hư nát hay cái trường tồn ?
Lm. Minh Anh
01:21 19/04/2021
CÁI HƯ NÁT HAY CÁI TRƯỜNG TỒN?
“Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát,
nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay đặt cho mỗi người chúng ta một câu hỏi khá bất ngờ. Trong cuộc sống, tôi lao công vất vả cho cái gì; cho ‘cái hư nát hay cái trường tồn?’. Đây là một câu hỏi hết sức quan trọng, cần được trả lời một cách chân thành; vì xem ra, chúng ta thường dành hầu hết thời gian và sức lực đời mình cho ‘những thứ’ ít có giá trị vĩnh cửu.

Một ngày trước cuộc đối thoại hôm nay, Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh cá hoá nhiều, đãi no nê hơn năm ngàn người. Dân chúng cảm phục đến nỗi hôm sau, khi đói trở lại, họ tìm Ngài và thấy Ngài bên kia biển hồ. Tất nhiên, Chúa Giêsu hiểu vấn đề; Ngài nhận ra rằng, đám đông quan tâm tìm Ngài chỉ để có thêm một bữa ăn khác hơn là để tâm đến lương thực vĩnh cửu thiêng liêng. Vì vậy, Ngài khéo tận dụng cơ hội này để chỉ cho họ điều gì là quan trọng, ‘cái hư nát hay cái trường tồn?’; “Của ăn tồn tại cho cuộc sống đời đời” cuối cùng là, tin vào Ngài, Đấng Thiên Chúa sai đến.

Thử tưởng tượng chúng ta là một trong những kẻ tận mắt chứng kiến phép lạ bánh cá hoá nhiều, phép lạ sẽ tác động lên chúng ta thế nào? Phép lạ có lôi kéo chúng ta đến một niềm tin sâu sắc hơn vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa không; hay sẽ ấn tượng hơn nếu chúng ta có một bữa ăn miễn phí, thần kỳ khác? Điều thú vị là, Chúa Giêsu thết năm ngàn người ăn khi họ không mong đợi, cũng không thèm muốn; nhưng khi họ thực sự chờ đợi và ước muốn nó vào ngày hôm sau, Ngài lại từ chối. Ngài từ chối khoản đãi một bữa ăn khác, chỉ vì muốn họ nhìn sâu hơn vào thực tại vĩnh cửu.

Vậy ‘cái hư nát hay cái trường tồn’ là quan trọng? Trong cuộc sống, việc ưu tiên sống cho thực tại vĩnh cửu và sâu sắc hơn thường khó thực hiện. Chúng ta dễ dàng để mắt đến ‘cái hư nát’, những gì thuộc bên ngoài, vốn được cho là quan trọng đối với người đời; chúng ta quan tâm đến việc có nhiều của cải hơn, ăn uống thịnh soạn hơn, giải trí tốt hơn, áo xống đẹp hơn… và danh sách ngày càng dài. Tất nhiên không điều nào là xấu, nhưng chúng toàn là những điều chóng qua và không ảnh hưởng gì đến sự vĩnh cửu của linh hồn; và, trên thực tế, quá chú ý đến những gì bên ngoài và ít quan trọng này, chúng ta sẽ mất tập trung vào ‘cái trường tồn’, điều quan trọng nhất của phần rỗi.

Học giả Thánh Kinh thế kỷ 19, G. S. Bowes đã chỉ ra sự vô ích cuối cùng của những con người vốn chỉ tham vọng ‘cái hư nát’ trần thế mà không tìm kiếm ‘cái trường tồn’ thiên quốc. Trích dẫn bốn ‘bậc anh hùng’, ông viết, “Alexander Đại đế khóc vì không còn thế giới để chinh phục, chết ở tuổi 33. Hannibal Barca, người đã lấp đầy ba giạ nhẫn vàng lấy từ các hiệp sĩ mà ông giết, đã tự sát bằng thuốc độc. Julius Caesar, chinh phục 800 thành, ‘nhuộm hoàng bào của mình bằng máu của một triệu kẻ thù’, chỉ để bị đâm chết bởi những người bạn thân nhất ngay trong chiến thắng vĩ đại của mình. Napoléon, ‘thảm hoạ của châu Âu’, người viết hàng ngàn thư tình cho nữ hoàng Joséphine xinh đẹp, người tình phản bội ông; bị trục xuất, chịu đày ải, chết lẻ loi trên đảo St. Hélène”.

Anh Chị em,

Một nhà thần học nói, “Sống ở đời này là thời gian để mua, để kiếm vật dụng hầu xây cho mình ngôi nhà không bao giờ mục nát trên trời”. Vậy lìa đời, tôi sẽ mang theo cái gì; nó có giá trị gì? Qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta xác tín, chỉ những gì đã cho đi, những gì đã hy sinh, những gì đã trao ban mới có giá trị và tồn tại đời đời. Vì thế, chính Ngài đã chấp nhận để thân xác mình mục nát khi chết đi, hoá nên tấm bánh trong nhà chầu hầu mang lại sự sống thần linh, sự sống đời đời cho những ai ăn Ngài. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta gẫm suy thách đố của Ngài, “Hãy ra công làm việc không vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”. Vậy đâu là ưu tiên trong cuộc sống của tôi, ‘cái hư nát hay cái trường tồn?’. Điều gì khiến tôi quan tâm nhất mỗi ngày; ‘những thứ’ tạm thời dưới đất hay ‘các thực tại’ vĩnh cửu trên trời? Ước gì bận tâm lớn nhất của chúng ta là lớn lên sâu sắc hơn mỗi ngày trong niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng Chúa Cha sai đến, Ngài đích thực là của ăn trường tồn. Bởi lẽ, như các ‘bậc anh hùng’ xưa, dường như chúng ta cũng quan tâm quá mức đến những ‘cái hư nát’ mà quên mất ‘cái vĩnh cửu’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày sống của con là mỗi ngày chọn lựa giữa ‘cái hư nát hay cái trường tồn’; xin Chúa trở nên mối bận tâm duy nhất của con, ‘bận tâm Giêsu’. Xin cho con luôn tìm kiếm chỉ một mình Chúa; nhờ đó, niềm tin của con vào Ngài ngày một lớn lên sâu sắc hơn, yêu mến hơn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Ba 20/4: Bánh Hằng Sống. Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Đại chủng viện Vinh Thanh
Giáo Hội Năm Châu
03:04 19/04/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 19-April-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Ga 6, 30-35

“Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”. Họ liền thưa với Ngài rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 19/04/2021

6. Đau khổ của đời này chỉ là ngắn tạm, nhưng hạnh phúc vui vẻ của thiên đàng thì vĩnh viễn.

(Thánh Don Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:08 19/04/2021
20. CÓ TIỀN THÌ LINH NGHIỆM

Có một người đi đến chùa để xin xăm coi việc kiết hung họa phúc của mình ra sao, nên yêu cầu đạo sĩ phán đoán cặn kẽ cho mình.

Đạo sĩ nói:

- “Trước hết nên cúng tiền nhang đèn thì lời của bồ tát mới linh, nhưng nếu không có tiền nhang đèn thì lời bồ tát nói cũng không linh nghiệm !”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 20:

Lời của bồ tát không linh không phải vì bồ tát đòi tiền nhang đèn, nhưng vì đạo sĩ đã làm cho lời nói của bồ tát không linh bằng kiểu buôn thần bán thánh của mình.

Lời cầu nguyện của các giáo hữu không phải là không được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng chính vì các giáo hữu đem tiền đi xin lễ bằng an, cầu hồn, tạ ơn, mà giống như đi mua thánh lễ vậy. Tất cả mọi thứ trên trần gian đều có thể -cách này hay cách khác- dùng tiền mua được, nhưng tuyệt đối không thể dùng tiền để mua thánh lễ, bởi vì thánh lễ là vô giá, là sự hy sinh vừa vĩ đại vừa cao cả của Đức Chúa Giê-su trên thánh giá để chuộc tội cho nhân loại.

- Lời cầu nguyện không linh không phải vì Thiên Chúa đòi tiền nhang đèn, nhưng là vì chúng ta không thành tâm thiện chí.

- Lời cầu nguyện không linh không phải là Thiên Chúa không nhậm lời, nhưng là vì chúng ta so sánh giá trị thánh lễ bằng vật chất.

- Lời cầu nguyện không linh không phải là chúng ta ít đọc kinh, nhưng là vì chúng ta đọc kinh quá nhiều mà không suy tư, không thực hành kinh mình đọc.

- Lời cầu nguyện không linh không phải là chúng ta xin lễ ít tiền, nhưng là vì chúng ta xin lễ quá nhiều tiền với một tâm hồn đầy kiêu ngạo…


Tiền nhang đèn thì luôn phải có vì đó là sự công bằng, nhưng lấy “tiền nhang đèn” ra để gán cho lời phán của bồ tát thì tội nặng hơn, vì đó là tội buôn thần bán thánh vậy.

Cũng vậy, đi xin lễ với một phong bì dày cộm đưa cho linh mục, nhưng tâm hồn đầy ắp kiêu ngạo và nguội lạnh thì chắc chắn không được Chúa nhận lới; linh mục so đo, ưu tiên và tổ chức thánh lễ long trọng với phong bì dày cộm, mà bỏ qua và coi thường thánh lễ của những giáo hữu nghèo, thì chắc chắn Chúa sẽ không vui và sẽ tính sổ với các ngài trong ngày phán xét vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
No thỏa đời đời
Lm. Minh Anh
23:15 19/04/2021
NO THOẢ ĐỜI ĐỜI
“Tôi là bánh ban sự sống.
Ai đến với Tôi sẽ không hề đói; ai tin vào Tôi sẽ không hề khát bao giờ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta không bao giờ đói khát nữa! Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tài tình sử dụng những kinh nghiệm rất tự nhiên của con người để nói với con người về chính Ngài. Ngài sử dụng cái đói, cái khát tự nhiên để nói đến cái đói, cái khát thiêng liêng; và con người chỉ có thể thoả mãn những đói khát thiêng liêng này, có thể ‘no thoả đời đời’ là nhờ… thông qua Ngài.

Thật thú vị khi chúng ta xâu chuỗi các diễn tiến Tin Mừng những ngày vừa qua với trình thuật hôm nay. Kìa, bữa tiệc dưới ráng chiều lãng mạn, Chúa Giêsu đãi hơn 5,000 người từ năm chiếc bánh và hai con cá. Những người được no nê hôm trước, lại tìm Ngài; họ muốn có thêm một bữa tiệc ngoạn mục phi thường khác. Chúa Giêsu tận dụng cái ‘mong muốn có thêm’ này để dạy họ về một của ăn mới, ‘chính Ngài’. Biết đói khát là một điều tốt; người điên không biết đói, biết khát! Cách tự nhiên, chúng ta luôn đói khát; sau khi ăn uống thoả thuê, chỉ vài giờ, chúng ta lại đói và khát. Điều này cũng đúng với linh hồn. Chúng ta không thể kết hiệp với Chúa một lần và thoả mãn cơn khát tâm linh của mình mãi mãi; cũng không thể chỉ tin vào Ngài để luôn tin Ngài. Tại sao? Vì lẽ, kết hiệp với Chúa là điều phải ước ao liên lỉ suốt cả ngày sống và cả cuộc sống chúng ta; đến với Bánh Thánh Thể, chúng ta không bao giờ đói khát nữa, nhưng được ‘no thoả đời đời’ như lời Ngài nói, “Tôi là bánh ban sự sống. Ai đến với Tôi sẽ không hề đói; ai tin vào Tôi sẽ không hề khát bao giờ”.

Thú vị hơn, qua sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay, thánh Têphanô đã chứng minh ngài không còn đói gì nữa ngoài Thiên Chúa; không còn khát gì nữa ngoài khát khao được nên giống Giêsu, Thầy mình. Trước những người sắp ném đá ông, ông bất ngờ thốt lên trong vui mừng, “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”; ông ước ao nên một với Giêsu, Thầy mình, “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”. Chứng nhân Saolô, tòng phạm của cuộc tử đạo ấy, về sau, cũng tuyên bố, “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”; nghĩa là, ‘Đức Kitô ở với tôi, Đức Kitô ở trước tôi, Đức Kitô ở sau tôi, Đức Kitô ở dưới tôi, Đức Kitô ở trên tôi, Đức Kitô ở bên phải tôi, Đức Kitô ở bên trái tôi’. Không thể tuyệt vời hơn! Phaolô đã no thoả cái ‘no thỏa đời đời!’ ngay khi còn sống.

Hãy để Chúa Giêsu nói với chúng ta, ‘Ta muốn ban cho con nhiều hơn, hơn cả những gì con mong ước; Ta là những gì con thực sự ước mong; vì chỉ có Ta, con mới không bao giờ đói khát nữa. Đến với Ta, con sẽ được ‘no thỏa đời đời’’. Vì thế, trong bữa tiệc ngoài trời hôm ấy, khi ngước mắt lên trời, dâng lời tạ ơn, Chúa Giêsu đã định hình trước việc Ngài sẽ dâng chính mình trong Thánh Thể. Hãy tin, Chúa Thánh Thể có khả năng lấp đầy cơn đói khát và biến đổi con người chúng ta ở mức độ sâu sắc nhất. Có lẽ chúng ta thường đến với Thánh Thể một cách uể oải và thiếu tập trung nên kết quả là, không thực sự tiếp nhận được Chúa Giêsu ở mức độ mang lại niềm vui và sự no thoả sâu sắc nhất; vì thế, nơi chúng ta, không hề có sự biến đổi.

Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từng chia sẻ. Trong tù, được nhận quà là một trong những niềm vui của ngài; thông thường, ngài luôn tìm thấy một vài chai “Nhị Thiên Đường” bé xíu trong đó. Ngài cho biết, mỗi khi xáo tung cả gói quà mà không tìm thấy “Nhị Thiên Đường” thì ngài rất buồn, và coi như lần ấy, chưa nhận gì cả. Thật ý nghĩa, những chai “Nhị Thiên Đường” nhỏ bé ấy là những giọt rượu lễ quý báu ở chốn tù đày; nhờ đó, ngài có thể cử hành Thánh Lễ, có thể rước lấy Chúa Giêsu, của ăn đem lại cho ngài sức mạnh và ‘niềm vui thiên đường’.

Anh Chị em,

Có ai đã từng mơ Thiên Chúa sẽ xuống ở với con người? Ai có thể tưởng tượng, Thiên Chúa sẽ xuống sâu hơn nữa khi nên tấm bánh cho con người ăn? Hãy vượt qua những giấc mơ hoang dã này để nhận cho được quà tặng không thể tưởng tượng ấy. Hãy đáp ứng hai điều Chúa Giêsu nói, “Ai đến với Tôi…”, và “Ai tin vào Tôi…”. Điều ấy đòi hỏi phải di chuyển, đứng dậy, đến với Ngài; buông bỏ bất cứ thứ gì chúng ta đang nắm chặt; ngửa lòng bàn tay ra để nhận lãnh ân huệ của Ngài, những ân huệ có sức biến đổi cách sâu sắc nhất. Từ hẹp hòi nên quảng đại, từ khép kín nên cởi mở, từ nguội lạnh nên nồng nàn và như thế, chúng ta sẽ được ‘no thoả đời đời’ ngay hôm nay.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi ngày, Chúa hiến mình cho con trên bàn thờ, xin cho con cũng biết hiến mình cho Chúa mỗi ngày hầu có thể hiến trao cho anh em; cho con đến với Chúa bằng một lương tâm trong sạch, một con tim yêu mến, và như thế, con được no thoả hôm nay và sẽ ‘no thỏa đời đời’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cảnh sát bắn lựu đạn cay vào 11 Giám Mục
Đặng Tự Do
03:12 19/04/2021


Một thánh lễ do các giám mục hàng đầu của Haiti cử hành nhằm thu hút sự chú ý đến bạo lực đang gia tăng của đất nước trong bối cảnh một loạt các vụ giết người và bắt cóc gây kinh hoàng cho các tài xế xe buýt, trẻ em đi học và các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã kết thúc hôm thứ Năm trong hơi cay, súng nổ và hỗn loạn ở Port-au-Prince.

Các giám mục, vẫn mặc lễ phục, đang rời khỏi buổi lễ kéo dài hai giờ tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Pétion-Ville thì hỗn loạn nổ ra bên trong, với những giáo dân chạy, la hét “hơi cay” và “cứu tôi”. Trong khi một số giáo dân chạy thoát được, những người khác đã bất tỉnh trên băng ghế. Họ được các thành viên trong gia đình và những người lạ cứu tỉnh sau đó.

“Những gì đang xảy ra ở đây là không thể chấp nhận được”, André Michel, một nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu, một trong những người có mặt trong nhà thờ, nói. “Đó là bằng chứng cho thấy đất nước đang bị cai trị bởi một lũ du côn. Họ không tôn trọng bất cứ điều gì, họ không tôn trọng mạng sống của con người. “

Được gọi là “Thánh lễ cho tự do của Haiti,” buổi cử hành này đã thu hút rất nhiều đám đông tràn ra vỉa hè và đường phố.

Khi 11 giám mục, do Đức Tổng Giám Mục Max Leroy Mésidor của Port-au-Prince dẫn đầu, bước lên bàn thờ vào buổi trưa, tiếng chuông nhà thờ và tiếng đập nồi niêu xoong chảo có thể nghe thấy khắp thủ đô, kể cả ở các khu ổ chuột ven núi Jalousie gần đó.

Bên trong nhà thờ, một đám đông hầu hết là những người trẻ tuổi chào đón đoàn đồng tế với những tiếng hô vang và tràng pháo thay.

Cô Michel nói với tờ Miami Herald: “Khi thánh lễ kết thúc, cảnh sát đã bắn hơi cay. Tôi gần như chết vì ngạt thở bên trong nhà thờ”.
Source:Miami Herald
 
Một gia đình Công Giáo có 14 người con không nợ ngân hàng một cent nào
Đặng Tự Do
03:13 19/04/2021


Cách đây 5 năm, một gia đình Công Giáo gồm 16 người đã gây tiếng vang trên thế giới khi cho con đi học đại học mà không mắc nợ - và giờ đây, các bậc cha mẹ trong gia đình này đang đưa ra lời khuyên tài chính của họ trong một cuốn sách.

Sam và Rob Fatzinger, cha mẹ của 14 đứa trẻ sống bên ngoài thủ đô Washington ở Bowie, Maryland, tác giả cuốn sách “A Catholic Guide to Spending Less and Living More: Advice from a debt-free family of 16” nghĩa là “Hướng dẫn Công Giáo để chi tiêu ít hơn và sống nhiều hơn: Lời khuyên từ một gia đình 16 người không mắc nợ”.

Trong thời đại nợ thẻ tín dụng và liên tục mua sắm, những người không nợ nần chồng chất có thể xuất hiện như một hiện tượng văn hóa lạ lùng. Họ đã trả hết nợ mua nhà của mình trong vòng chưa đầy 13 năm. Rob cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với EWTN Pro-Life Weekly, con cái của họ theo học trường Đại Học cộng đồng trong hai năm - với giá “bằng một nửa giá” của các trường đại học khác trước khi chuyển sang một trường Đại Học tiểu bang để lấy bằng cử nhân. Tuy nhiên, dù sống tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất Hoa Kỳ, Fatzingers vẫn không mắc nợ.

Sam nói với EWTN Pro-Life Weekly trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào tối thứ Năm 15 tháng Tư.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi quên nhắc đến việc thi hành đều đặn trách nhiệm tài chính của chúng tôi trong tư cách các Kitô hữu là đóng góp một phần mười thu nhập và quản lý tốt tiền bạc của chúng tôi. Chúng tôi luôn nhờ ‘Thy will be done’, ‘Ý Chúa sẽ được hoàn thành’. Bất cứ điều gì Chúa muốn bạn làm, bạn có thể làm điều đó khi bạn có tự do tài chính”.

Họ là tác giả của một cuốn sách hướng dẫn những người trẻ Công Giáo khác, những người có thể bắt đầu cuộc hôn nhân của mình trong cảnh nợ nần, hoặc những người có thể đang cố gắng trả món nợ thời sinh viên của mình để bước vào đời sống tu trì.

“Tôi ghét khi người ta nói với tôi, ‘Ồ, chúng tôi rất thích có những đứa con khác, nhưng chúng tôi đang trong cảnh nợ nần”, Sam nói.

Bí mật gia đình này là gì? Fatzingers nói rằng - đối với các cặp vợ chồng trẻ - giao tiếp, trả nợ và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp đều là những bước quan trọng mà họ có thể thực hiện để hỗ trợ cuộc hôn nhân của mình.

“Vấn đề tài chính rất khó khăn đối với hôn nhân, vì vậy tôi thực sự khuyến khích mọi người nói chuyện, ngay cả trước khi kết hôn, về vấn đề này”, Sam nói.

Sam và Rob nói rằng họ bắt đầu cuộc hôn nhân của mình bằng cách sống giới hạn trong đồng lương của mình trong khi cố gắng tiết kiệm. Sau khi có con và Sam nghỉ làm, họ đã quen với việc sống bằng một đồng lương.

“Ngoài ra, hãy trả bớt bất kỳ khoản nợ nào - khoản nợ nhà, đặc biệt là khoản nợ lãi suất cao - trả hết nợ xe hơi, xe máy, và loại bỏ các nhu cầu không thiết yếu”, Rob nói thêm. “Hãy tiết kiệm cho một ngày mưa. Bởi vì điều đó sẽ xảy ra”.

Họ nói rằng các khoản chi phí không mong muốn - chẳng hạn như sửa chữa xe hơi hoặc hóa đơn bệnh viện - sẽ xảy ra, và các cặp vợ chồng có thể bớt căng thẳng hơn bằng cách có sẵn quỹ khẩn cấp.

Cuối cùng, kế hoạch của họ được xây dựng dựa trên sự tin tưởng vào Chúa, họ nói.

“Tôi nói 'tin tưởng và chuẩn bị'. Hãy tin tưởng rằng Chúa có một kế hoạch cho bạn và sẽ không để bạn phải đối phó nhiều hơn những gì bạn có thể giải quyết. Nhưng đừng chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi”, Rob nói với EWTN Pro-Life Weekly.
Source:Catholic News Agency
 
Sau vụ phá hoại, giáo xứ Houston chào đón bức tượng Đức Mẹ Guadalupe đã được tân trang lại
Đặng Tự Do
03:13 19/04/2021


Một giáo xứ Công Giáo ở Houston đã tổ chức lễ khánh thành trong tuần qua một bức tượng Đức Mẹ Guadalupe đã được tân trang lại sau khi bị phá hoại vào cuối năm ngoái.

Buổi lễ, được tổ chức vào ngày 11 tháng 4, có sự tham dự của các giáo dân của Nhà thờ Công Giáo Nữ Vương Hòa Bình. Bức tượng được tô điểm bằng những cành hoa, ABC13 news đưa tin.

Anh chị em giáo dân cho biết, vào tháng 12 năm 2020, tượng Đức Mẹ Guadalupe đã bị trúng ít nhất sáu viên đạn. Các nhân chứng của vụ tấn công cho biết hung thủ đội một chiếc mũ đen và mặc bộ đồ màu đỏ.

Đầu tháng 2, bức tượng được sửa chữa và đưa trở lại nhà xứ.
Source:Catholic News Agency
 
Những người biểu tình chống đảo chính ở Miến Điện đã hủy bỏ các hoạt động ăn mừng năm mới.
Đặng Tự Do
16:05 19/04/2021


Ở phía đông nam thành phố Dawei, những người biểu tình mang theo những bông hoa thường được trưng bày trong các lễ hội mừng năm mới.

Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết họ lo ngại rằng cuộc đàn áp của quân đội đối với những người biểu tình có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột dân sự như đã thấy ở Syria và kêu gọi nhóm quân phiệt nước này dừng lại điều mà họ gọi là “cuộc tàn sát”.

Cuộc đảo chính hồi tháng Hai đã đẩy Miến Điện vào khủng hoảng sau 10 năm dự kiến tiến tới dân chủ.

Theo một thống kê của một nhóm hoạt động nhân quyền, lực lượng an ninh đã đáp trả bằng vũ lực giết chết 710 người biểu tình kể từ cuộc đảo chính.

Lãnh đạo chính phủ bị giam giữ của Miến Điện, là bà Aung San Suu Kyi, đã yêu cầu tòa án vào thứ Hai cho phép gặp trực tiếp các luật sư của bà khi bà xuất hiện tại một phiên điều trần thông qua liên kết video.

Cô chỉ được phép nói chuyện với luật sư của mình qua liên kết video với sự chứng kiến của các quan chức an ninh.

Suu Kyi phải đối mặt với những cáo buộc do chính quyền quân sự đưa ra có thể khiến bà bị bỏ tù trong nhiều năm.

Quân đội nói rằng họ phải lật đổ chính phủ của bà vì những gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua trong đó Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà giành được chiến thắng rất lớn.

Cho đến nay, ủy ban bầu cử luôn bác bỏ lời buộc tội này của quân đội.
Source:Reuters
 
Trẻ em Mễ Tây Cơ cầm vũ khí trong cuộc chiến chống lại các băng đảng ma túy
Đặng Tự Do
16:06 19/04/2021


Giáo Hội tại Mễ Tây Cơ bày tỏ lo ngại vì trẻ con phải học cách sử dụng vũ khí để bảo vệ cộng đồng của các em. Ở trung tâm của bang Guerrero đầy bạo lực, việc học sử dụng vũ khí bắt đầu từ khi còn rất nhỏ.

Ở làng Ayahualtempa, dưới chân một ngọn đồi cây cối rậm rạp, sân bóng rổ là nơi tập luyện cho những thanh niên từ 5 đến 15 tuổi này.

Những đứa trẻ luyện tập với súng trường và súng ngắn hoặc vũ khí giả ở các vị trí khác nhau trong vài giờ mỗi tuần.

“Vị trí số ba!”, Bernardino Sanchez, một thành viên của lực lượng dân quân chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh của 16 ngôi làng trong khu vực Guerrero, hét lên trong khi huấn luyện cho các trẻ em.

Guerrero là một trong những vùng nghèo nhất và bạo lực nhất của Mễ Tây Cơ, và là một trong những nơi có tỷ lệ giết người cao nhất đất nước vì các cuộc chiến giữa các băng đảng ma túy để cạnh tranh với nhau trong việc buôn bán thuốc phiện và cần sa.

Trước sự thờ ơ của chính quyền, 600 người đã tự nguyện tham gia lực lượng dân quân chống tội phạm có tổ chức. Họ bao gồm cả trẻ em.

Theo lệnh của Sanchez, những người trẻ tuổi thực hiện một cuộc diễn tập và nhào xuống đất trong một đám mây bụi, với những khẩu súng trường nhằm vào một kẻ thù tưởng tượng.

Đối thủ của họ có thể là tưởng tượng trong các cuộc tập trận nhưng bạo lực của các băng đảng ma túy hoành hành trong khu vực là quá thật.

Một tuần trước, chín người đàn ông và một đứa trẻ đã bị bắt cóc và tra tấn, và thi thể cháy đen của họ được tìm thấy bên trong hai chiếc xe tải của họ dưới đáy một khe núi.

Các nhà chức trách Mễ Tây Cơ ngay lập tức nhận ra đó là hoạt động của băng đảng Los Ardillos địa phương nhưng không có bất kỳ hành động nào chống lại nó.

Bực tức vì sự thờ ơ của chính quyền, các nhà lãnh đạo của các cộng đồng trong khu vực, bao gồm cả Ayahualtempa, đã quyết định tự mình giải quyết vấn đề và dạy con họ bắn súng.
Source:Reuters
 
Thông điệp Fratelli tutti và thách thức của chủ nghĩa tân dân túy
Vũ Văn An
17:46 19/04/2021

VaticanNews cho công bố bài phát biểu của Rodrigo Guerra Lopez (*) tại phiên họp do Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học Xã hội tổ chức vào ngày 4 tháng 3 năm 2021.



1. Dẫn nhập

Sự xuất hiện của Thông điệp Fratelli tutti của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên diễn đàn vào năm 2020, đã trở thành lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho mọi người. Rất khó để ai đó lướt qua các trang của nó mà không cảm thấy bị chất vấn, bị khiêu khích và động viên để suy nghĩ lại cuộc sống trong xã hội. Văn kiện này cung cấp các yếu tố cần thiết để cảnh báo về sự cấp thiết phải xây dựng một phương pháp giúp chúng ta hàn gắn vô số vết thương và gãy đổ của bản thân và cộng đồng. Từ phụ đề, người ta ghi nhận rằng "tình huynh đệ" và "tình bạn xã hội" là vấn đề trọng tâm mà người kế vị Thánh Phêrô sẽ giải quyết trong 287 đoạn tạo nên bản văn. Theo một nghĩa nào đó, chương đầu tiên biện minh cho các điểm nhấn, tập chú và bề dầy phần còn lại của Thông điệp. Qua việc mô tả một số đặc điểm có liên quan nhất của bối cảnh hoàn cầu đương thời, Đức Giáo Hoàng muốn cho thấy sự cần thiết phải vượt qua chủ nghĩa giản lược vốn là điển hình của các ý thức hệ và khẳng định tầm quan trọng của tình huynh đệ như một lối sống, một phương pháp hành động xã hội và như một trường học dạy một nền chính trị mới.

2. Một khung cảnh mù mờ và sự cần thiết phải tái lập các hình thức sống chung

Thật vậy, các chủ nghĩa duy dân tộc khép kín, việc hoàn cầu hóa làm mất đi tình anh em, đánh mất ý nghĩa của lịch sử, thực dân hóa văn hóa, phân cực xã hội, tầm thường hóa trách nhiệm môi trường, văn hóa vứt bỏ, sự ra đời của những hình thức nghèo đói mới, các nhân quyền không đủ phổ quát, thiếu việc thừa nhận phẩm giá phụ nữ, các hình thức nô lệ mới, cổ vũ thứ luận lý xung đột và sợ hãi, những thách thức của đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng di dân, nền văn minh biểu diễn, chủ nghĩa cấp tiến mới được chuyên chở qua mạng lưới xã hội, sự thao túng các diễn trình dân chủ, sự cuồng tín tôn giáo và việc thiếu hy vọng có cơ sở, là một số hiện tượng được Đức Phanxicô giải thích trong một tổng hợp chặt chẽ và được dùng làm tấm phông để suy nghĩ lại cách chúng ta nên hình dung việc tái đặt nền móng triệt để cho các hình thức sống chung và của các dự án xã hội của chúng ta [1].

Tôi cố tình sử dụng hạn từ tái đặt nền móng (refoundation) để hàm nghĩa Đức Giáo Hoàng Phanxicô có một phương thức đặc biệt triệt để. Các xã hội của chúng ta không yêu cầu một cuộc điều chỉnh thứ cấp đối với một số vấn đề cần được tinh chỉnh để chúng hoạt động thích đáng. Họ càng ít cần hơn một cải tiến đơn thuần có tính trang điểm, hời hợt, trước nền văn hóa “ngoại diện”. Ngược lại, đã từ vài năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hết sức nhắc nhở chúng ta rằng “Khi một xã hội - dù là địa phương, quốc gia hay hoàn cầu - sẵn sàng để một phần của mình ở ngoài lề, thì không một chương trình hoặc nguồn lực chính trị nào được chi tiêu cho việc chấp pháp hoặc hệ thống giám sát có thể bảo đảm sự thanh bình vô thời hạn. Đây không phải là trường hợp chỉ vì việc bất bình đẳng đã gây ra phản ứng dữ dội từ những người bị loại khỏi hệ thống, mà vì hệ thống kinh tế xã hội là bất công tận gốc rễ của nó” [2].

Một khẳng định kiểu đó không tự cho là phủ nhận tư cách của mọi sự, cũng không tìm cách khơi dậy sự hù họa vô căn cứ: Việc khiếu nại cho rằng "mọi sự đã đổ vỡ" được trả lời bằng chủ trương cho rằng "không thể sửa chữa được", hoặc "tôi có thể làm gì được?" Điều này nuôi dưỡng sự vỡ mộng và tuyệt vọng, và hầu như không khuyến khích tinh thần liên đới và đại lượng. Đẩy con người vào tuyệt vọng khép lại một vòng hoàn toàn lẩn quẩn: đó là nghị trình của chế độ độc tài vô hình của các quyền lợi dấu mặt vốn giành được quyền làm chủ cả nguồn lực lẫn khả thể suy tư và bày tỏ ý kiến” [3].

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận thức rõ rằng có nhiều cách khác nhau để giải thích thực tại hiện nay và một số trong các cách này đã phóng đại hoặc quá đơn giản hóa khía cạnh này hay khía cạnh kia. Hơn nữa, có những cách giải thích tính phức tạp mới vốn là đặc điểm của thời đại chúng ta, chuyên sử dụng cái ác như một tiêu chuẩn thông diễn. Thay vì giúp hiểu thực tại và nhiều chiều kích khác nhau của nó, họ lại, trước tiên, tìm cách nhận diện âm mưu, trầm trọng hóa sự nóng nảy, dẫn nhập thứ luận lý xung đột và thúc đẩy một cuộc đấu tranh hoàn toàn phản động. Các lý thuyết âm mưu của ngày hôm qua và ngày hôm nay là một thí dụ hùng hồn cho kiểu giải thích thực tại bệnh hoạn này.

3. Câu hỏi tận gốc

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị một điều khác hẳn: cần phải đi vào cội nguồn, vào chiều kích nhân bản, văn hóa và tôn giáo, để giải thích việc thiếu tình huynh đệ. Điều này không có nghĩa là giải quyết trong thời điểm khiếu nại, phản đối hoặc than thở bi quan. Nó có nghĩa đi sâu vào chính nơi đó, trong những chiều sâu thẳm của trái tim con người, để nhận diện các lý do cũng có thể mang lại hy vọng cho ngày hôm nay. Căn cội thối nát của một xã hội hoàn cầu dựa trên việc vứt bỏ đi kèm với sự căng thẳng cấu trúc bên trong thân phận con người, một điều có thể cho thấy một lần nữa rằng mỗi con người và mỗi cộng đồng đều được tạo dựng để vượt lên trên, để quyết tâm tìm kiếm sự sống viên mãn trong chân, thiện, mỹ và công lý. Một sự viên mãn không hoàn toàn là hình thức, nhưng có một khoảnh khắc xác minh hiện sinh trong tương quan với người khác, trong việc thuộc về một dân tộc, trong việc đắm mình sâu xa vào thực tại cụ thể. Đây là việc, bằng cách luôn luôn bắt đầu từ phía dưới và từ ngoại vi, một cách khiêm tốn và kiên trì, chúng ta có thể chứng tỏ rằng “đền bù và hòa giải sẽ mang lại cho chúng ta cuộc sống mới và giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi” [4].

4. Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa tân dân túy

Trong số các vấn đề khác nhau được Fratelli tutti đề cập, có một vấn đề đặc biệt liên quan đến chính trị: chủ nghĩa tân dân túy. Chương V của Thông điệp, dành riêng cho "một loại chính trị tốt hơn", đã bắt đầu bằng cách tập chú vào câu hỏi này. Chủ nghĩa tân dân túy mà chúng ta nói ngày nay không phải là sự tiếp nối chỉ đơn thuần có tính hàng dọc của chủ nghĩa dân túy cổ điển trong những năm 30 và 60 của thế kỷ XX [5]. Chủ nghĩa dân túy mà Fratelli tutti đề cập đến là do sự yếu kém của văn hóa dân chủ tại một số quốc gia kể từ năm 1990. Ở đây, chúng tôi không thể đưa ra một phân tích so sánh về những điểm giống nhau và khác nhau giữa cả hai giai đoạn của chủ nghĩa dân túy. Trong bài ngắn ngủi này, chúng tôi lại càng ít phân biệt được giữa chủ nghĩa tân dân túy Mỹ Latinh và châu Âu. Thực thế, điều hợp lý nhất, cả hôm qua lẫn hôm nay, là nói về “các nền tân dân túy” cho thấy phần nào rõ ràng hơn một số đặc điểm căn bản của chúng.

Hơn 10 năm trước, trên Vọng quan sát Xã hội của Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh (CELAM), chúng tôi đã cố gắng tiếp cận thực tại này [6]. Theo thời gian, không thể cung cấp một định nghĩa về "chủ nghĩa tân dân túy" làm vừa lòng mọi người, nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng đưa ra một định nghĩa, một lần nữa, như dưới đây. Hiện nay, khái niệm chủ nghĩa tân dân túy được sử dụng để chỉ một số lượng lớn các thực tại thuộc dòng tư tưởng rất đa dạng: Donald Trump, Evo Morales, Viktor Orbán, Jair Bolsonaro, Andrés Manuel López Obrador, Matteo Salvini, Nicolás Maduro, và một vân vân thật dài. Chúng tôi muốn nêu tên các nhà lãnh đạo chính trị đương thời khác nhau để nhấn mạnh rằng, dù sao, vai trò của các lãnh tụ ít nhiều có tính cứu tinh (messianic caudillo) dường như vẫn là một hằng số.

Theo quan điểm của chúng tôi, chủ nghĩa tân dân túy không phải là một ý thức hệ, mà là một phương thức thực thi quyền lực. Theo Enrique Krauze một chút, chúng ta có thể nói rằng chủ nghĩa tân dân túy là cách sử dụng ma quái mà một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn lợi dụng tính hợp pháp dân chủ để hứa hẹn vươn tới một điều không tưởng có thể có và, khi chiến thắng, thì củng cố quyền lực bên ngoài pháp luật hoặc biến nó thành một tiện ích[7 ]. Theo quan điểm của chúng tôi, chủ nghĩa tân dân túy có xu hướng bao gồm, theo các mức độ khác nhau, một số - hoặc tất cả - các thành phần sau đây:

· Một cách đọc có tính ý thức hệ về lịch sử quốc gia, được dùng như một lập luận để giải thích sự xuất hiện của một “lãnh tụ” có tính quan phòng.

· Tôn vinh "lãnh tụ có tính quan phòng", người sẽ giải quyết các vấn đề của dân tộc và là người, bằng cách này hay cách khác, tìm cách tự khẳng định mình như hiện thân của dân tộc. "Lãnh tụ" được hình thành nhờ tính cách cứu tinh và bởi cách thực thi quyền lực độc đoán của ông ta.

. Sử dụng và lạm dụng từ ngữ: người theo chủ nghĩa dân túy tự coi mình như người giải thích tối cao chân lý phổ quát. Với các phát biểu của mình, họ chiếm giữ phần lớn không gian công cộng khi có thể và quản lý quyền tự do ngôn luận theo ý thích của mình.

· Sử dụng công quỹ tùy tiện: ngân khố được sử dụng cho các siêu dự án không qua một phân tích kinh tế chặt chẽ để đánh giá khả năng tồn tại và mức độ phù hợp của chúng.

· Tiền bạc được phân phối theo cách có mục tiêu và cho phúc lợi, mà không tìm cách tăng cường các tổ chức trung gian, và cố gắng tạo lòng trung thành chính trị nơi những người thụ hưởng.

· Định nghĩa kẻ nội thù gây ra sự phẫn nộ của xã hội: doanh nhân, người giàu, kẻ hoạt đầu, những kẻ trong nhiều trường hợp đã thực sự thối nát và được dùng như một điển hình hoàn hảo của những gì cần phải chống trả.

· Định nghĩa kẻ ngoại thù có thể bị đổ lỗi trong trường hợp cần thiết. Mặt khác, kẻ thù này có thể có nhiều lý do để bị coi như thế.

· Chấp nhận một số yếu tố của nền kinh tế thị trường, bao lâu chúng củng cố sự tồn tại của một cộng đồng doanh nghiệp trung thành với người thống trị. Đó là điều được một số người gọi là "chủ nghĩa tư bản bồ bịch (crony capitalism)".

· Khinh thường khuôn khổ pháp lý và định chế, một khuôn khổ họ tìm cách thay đổi tùy tiện.

· Thao túng bản chất thế tục của Nhà nước, nhiều dịp giới hạn phạm vi hoạt động của các giáo hội vào sinh hoạt tư riêng và trong các dịp khác, chấp nhận tùy ý việc sử dụng các thành phần văn hóa và tôn giáo để hợp pháp hóa quyền lực một cách công khai [8].

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong thông điệp Fratelli tutti, xác định rõ ràng rằng bất cứ ý nghĩa tích cực nào mà thuật ngữ "chủ nghĩa dân túy" có thể có trong quá khứ đã bị vô hiệu hóa trong khung cảnh hiện nay. Chủ nghĩa tân dân túy hiện đã trở thành “một nguồn phân cực nữa trong một xã hội vốn đã bị chia rẽ [9]”. Đó là nguyên nhân và hậu quả của sự rạn nứt xã hội. Bản chất của nó xuất hiện khi một nhà lãnh đạo mê hoặc được dân chúng, tìm cách “khai thác được nền văn hóa của một dân tộc về mặt chính trị, dưới bất cứ biểu ngữ ý thức hệ nào, vì lợi ích cá nhân của riêng họ hoặc tiếp tục nắm giữ quyền lực. Hoặc khi, vào những lúc khác, họ tìm kiếm sự nổi tiếng bằng cách thu hút những khuynh hướng hèn hạ nhất và ích kỷ nhất của một số thành phần dân số. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi, dù ở dạng thô thiển hay tinh vi hơn, nó dẫn đến việc cướp đoạt các định chế và luật pháp [10]”.

Một điều cần được nhấn mạnh, từ câu trích dẫn mà chúng ta vừa nhắc đến, là Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân túy hiện nay có thể xảy ra "với bất cứ dấu hiệu ý thức hệ nào." Thật vậy, những người theo chủ nghĩa tân dân túy của cánh hữu và cánh tả, bề ngoài xem ra có vẻ đối đầu, nhưng nhanh chóng tìm được thiện cảm và những điểm gặp gỡ với nhau. Trường hợp gần đây về việc hợp lực, cộng tác và gần gũi của Andrés Manuel López Obrador với Donald Trump là một ví dụ cực kỳ hùng hồn.

5. Nhân dân và "các phong trào bình dân"

Chủ nghĩa tân dân túy, mặc dù muốn tự xác lập mình như một biểu thức đích thực của người dân, bằng cách phá hoại tự do của họ, bằng cách thao túng các đặc điểm văn hóa và lịch sử của họ, “nó coi thường ý nghĩa hợp pháp của hạn từ “nhân dân”[11]”. Hạn từ "nhân dân" hiển nhiên đã bị xói mòn đáng kể trong một trăm năm qua. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, nếu thực tại “nhân dân” bị suy yếu, bị biến dạng hoặc bị thao túng, nó sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của các nền dân chủ, vì theo bất cứ định nghĩa nào của chúng, các nền dân chủ này cũng thu hút chính nhân dân như một chiều kích cấu thành và không thể tránh khỏi.

Nhân dân là cộng đồng những con người (Communio personarum) thống nhất nhờ các mối liên hệ lịch sử, văn hóa và liên đới. Nhờ hiểu theo cách này, người ta sẽ không sa vào thứ chủ nghĩa lãng mạn nào đó không biết thừa nhận tầm quan trọng của chiều kích định chế và tổ chức cần thiết cho đời sống xã hội [12]. Tuy nhiên, các định chế lãnh hội được sự sống, nội dung phẩm chất và một triết lý sống đặc thù, nhờ vào nguồn năng lực phát xuất từ người dân, các hình thức lập hội tự phát của họ, các cuộc đấu tranh và nguyên nhân của họ. Cấu trúc kỹ thuật thường có xu hướng trở nên tự quy chiếu và làm ngột ngạt - mà không nhận ra nó - thế giới sự sống (Lebenswelt) vốn là đặc điểm của con người và nhân dân mà họ thuộc về. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô đánh giá rất cao tiềm năng sửa chữa và nuôi dưỡng được “các phong trào quần chúng” sở hữu; các phong trào này phát triển từ bên dưới, từ lớp đất cái, và, từng chút một, tìm ra và tạo nên sự hiệp lực với nhau. Để hiểu được vai trò thực sự của các phong trào bình dân, cần phải nói rằng làm chính trị vì nhân dân không giống như làm chính trị từ nhân dân, nghĩa là phải xuất phát từ tình cảm thực sự, thực nghiệm và thuộc về một cộng đồng nhân dân hợp nhất với nhau nhờ nền văn hóa và lịch sử của nó, và trong chuyển động không ngừng: [Các phong trào bình dân] có thể gây rắc rối, và một số “lý thuyết gia” có thể khó phân loại chúng, nhưng chúng ta phải tìm đủ can đảm để thừa nhận rằng, không có chúng, “nền dân chủ sẽ teo tóp, sẽ biến thành một từ ngữ đơn thuần, một hình thức; nó đánh mất đặc tính đại diện của nó và trở nên kỳ quái, vì nó bỏ rơi con người trong cuộc đấu tranh hàng ngày của họ cho nhân phẩm, trong việc xây dựng tương lai của họ”[13].

Nói cách khác, một nền dân chủ thuần túy hình thức, nghĩa là không nối kết với những con người có thực và các hình thức tự tổ chức khác nhau của họ, sẽ dễ dàng trở thành một cỗ máy vô danh, kết cục sẽ đưa một nhà lãnh đạo không dân chủ lên nắm quyền hoặc duy trì quyền lực. Điều này có nghĩa là chủ nghĩa tân dân túy là một trong những hình thức tai ác của thoái hóa chuyên chế đối với các phương thức bầu cử. Vì những loại rủi ro này đối với cuộc sống của người dân, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ở một chỗ khác rằng: “trong tình trạng tê liệt và mất phương hướng này, việc tham gia chính trị của Phong trào Bình dân có thể đánh bại thứ chính trị của các tiên tri giả, những người khai thác nỗi sợ hãi và tuyệt vọng và rao giảng một phúc lợi vị kỷ và một nền an ninh hão huyền”[14].

6. “Fratelli tutti”: tránh việc dân chủ tự sát

Giống mọi thực tại chính trị, Dân chủ rất mong manh, bất toàn và làm ta thất vọng, đặc biệt khi nó hoạt động tốt. Dân chủ là một chế độ trong đó mọi sự đều bị theo dõi, vạch mặt, chỉ trích, phản đối và thách thức [15]. Đó không phải là một con đường bình dị và suông sẻ, mà hoàn toàn ngược lại. Dân chủ là một chủ nghĩa khổ hạnh đặc thù đối với người dân và ước mơ của họ. Tuy nhiên, trên danh nghĩa, nó là một lý tưởng của sự tham gia bình đẳng hơn nhằm hạn chế chế độ chuyên quyền và bạo lực của nó. Vì lý do này, ngày nay hơn bao giờ hết, dân chủ cần nhân dân, những con người có thực, như một liều thuốc lành mạnh. Dân chủ đòi phải có khả năng quản lý cuộc sống con người, cá nhân và cộng đồng không hoàn hảo, tôn trọng các giới hạn mời gọi nó đừng tự sát. Fratelli tutti hiển nhiên đóng góp một cách căn bản vào nhiệm vụ này.
_______________________________________________________________________________________

* Có bằng tiến sĩ của Học viện Triết học Quốc tế ở Công quốc Liechtenstein; thành viên của Ủy ban Thần học của CELAM; Thành viên cơ hữu của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống và Giáo hoàng Hàn lâm viện về Khoa học Xã hội; Giáo sư- chuyên viên nghiên cứu và sáng lập viên Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Tiên tiến (www.cisav.mx). E-mail: rodrigo.guerra@cisav.org

[1] Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti, Ch. I: "Những đám mây đen trên một thế giới khép kín".
[2] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, số 59.
[3] Fratelli tutti, số 75.
[4] Fratelli tutti, số 78.
[5] Xem G. Eickhoff, Das Charisma der Caudillos. Cárdenas, Franco, Perón, Vervuert Verlag, Frankfurt am Main 1999.
[6] Xem C. Aguiar Retes - R. Guerra López - F. Porras Sánchez (Coords.), Neopulismo y democracia. Experiencias en América Latina y el Caribe, CELAM, Bogotá 2007; Cũng rất hữu ích nếu tham khảo thư mục khổng lồ về chủ đề này: C. de la Torre - E. Peruzzotti, El retorno del pueblo. Populismo y nuevas Democracias en América Latina, FLACSO, Quito 2008; “Chủ nghĩa dân túy là gì?”, trên The Economist, 19 tháng 12, 2016; A. Vargas Llosa (coord.), El estallido del Populismo, Planeta, México 2017; E. Krauze, El pueblo soy yo, debate - Penguin Random House Grupo Editorial, México 2018.
[7] Xem E. Krauze, sđd. tr. 115.
[8] Xem R. Guerra López, “Descubrirnos pueblo: movimientos populares, populismo y la búsqueda de una renovación democrática en América Latina”, trong G. Carriquiry - G. La Bella, La irrupción de los movimientos populares, Librería Editrice Vaticana, Vatican City, 2019, trang 176-178; Cf E. Krauze, sđd., các tr. 119-123.
[9] Fratelli tutti, số 156.
[10] Fratelli tutti, số 159.
[11] Fratelli tutti, số 157.
[12] Fratelli tutti, các số 163-164.
[13] Fratelli tutti, số 169.
[14] Đức Phanxicô, “Presentación”, trong G. Carriquiry - G. La Bella, La irrupción de los movimientos populares, tr. 7.
[15] Xem D. Innerarity, La política en tiempos de indignación, Galaxia de Gutemberg, Barcelona 2015, tr. 155.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cha Gioan Trần Công Nghị - Gương hiếu học và hăng say rao giảng Tin Mừng từ mái nhà
J.B. Đặng Minh An
00:04 19/04/2021
Cũng khoảng thời gian này, 25 năm trước, là thời gian tôi quen biết và bắt đầu cộng tác với Cha Gioan Trần Công Nghị trong việc hình thành nên Web site VietCatholic.

Chắc chắn, Cha Nghị sẽ được mọi người nhớ đến như một trong các linh mục tiên phong trong việc ứng dụng khoa học điện toán để rao giảng Tin Mừng “từ trên mái nhà” (theo thuật ngữ của Tông thư Sự Phát Triển Nhanh Chóng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. ) Tôi cũng hân hạnh được biết và cộng tác với hai vị linh mục khác đi tiên phong trong lãnh vực này là Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Chủ nhiệm dân Chúa Úc Châu, và Cha Stêphanô Bùi Thượng Lưu, Chủ nhiệm dân Chúa Âu Châu.

Trong suốt 25 năm làm việc chung với Cha Nghị, tôi học được nhiều bài học bổ ích từ nơi ngài, nhưng nổi bật nhất là gương hiếu học và hăng say rao giảng Tin Mừng.

Cha Nghị bắt đầu học Computer và Internet trong khoảng thời gian ngài làm cha phó tại giáo xứ St. Finbar, Burbank của tổng giáo phận Los Angeles, ở phía Tây Bắc Orange County. Từ nhà xứ của ngài về đến Orange County mất gần một giờ lái xe.

Người đầu tiên dạy ngài học Computer và Internet là anh Justin Linh Nguyễn, là người Công Giáo ở Orange County. Gặp nhau tại Mỹ vào năm 1999, Justin cho tôi biết: “Năm 1994, em đăng trên báo dạy kèm Computer và Internet 30 USD một giờ, học tại nhà em.” Lúc ấy, 30 USD là một số tiền khá lớn.

Justin cho biết thêm “Cha ghi danh học, không biết em là người Việt. Cha nói toàn tiếng Mỹ với em. Em cũng nói toàn tiếng Mỹ với cha, nên cũng không biết cha là người Việt. Đến khi cha đến nhà em học, bố em ngớ người ra.”

Đương nhiên là Justin không dám lấy tiền của cha. Nhưng mỗi tuần phải lái xe cả hai tiếng đồng hồ đi học đủ thấy ngài quyết chí đến mức nào. Trong khoảng thời gian đó, máy móc đắt hơn bây giờ rất nhiều, và học Computer còn khó lắm.

Trước thập niên 90, suy nghĩ phổ biến trong ngành điện toán là Computer chỉ dành cho những người chuyên nghiệp, không phải cho quảng đại quần chúng như bây giờ. Thành công lớn nhất, và là đóng góp lớn nhất của Microsoft cho nhân loại là Windows, bắt đầu với Windows 3.1 từ Tháng Tư 1992. Với Windows 95, Microsoft quyết liệt đi theo hướng phổ thông hóa điện toán.

Browser, tức là chương trình để “lướt web”, lúc bấy giờ chủ yếu là Netscape, ra đời năm 1994, vừa dở, vừa chậm, vừa hay làm đứng máy giữa chừng.

Cha Nghị học được cách dùng Netscape thì mừng lắm. Nhưng học đến đó thì chỉ có thể lướt web chứ “chẳng có product gì” (là những từ ngữ ngài ưa dùng). Ý của ngài là phải hiện diện trên Net chứ không chỉ là các khán giả khoanh tay đứng nhìn.

Trong thời gian đó tôi cộng tác với báo dân Chúa Úc Châu của Cha Quảng, chuyên viết các bài về điện toán; và cộng tác với catholic.org ở Hoa Kỳ trong lĩnh vực thảo chương. Catholic.org lúc ấy là Web site lớn nhất của Công Giáo Hoa Kỳ. Cha Nghị vào trang này thường xuyên. Ngài đoán tôi là người Việt Nam nên email cho tôi vào tháng Tư, 1996. Đó là cơ duyên chúng tôi gặp gỡ nhau.

Mấy tháng sau đó, ngày 1 tháng 11, 1996, VietCatholic bắt đầu phát trên mạng lưới toàn cầu.

Hoàn cảnh lúc bấy giờ khó khăn vô cùng. Tất cả các thảo chương phải viết trên Unix dùng một ngôn ngữ điện toán rất khó là Perl. Vào thời điểm đó, Perl khó đến mức viết xong, thử tới thử lui, trao cho chủ, rồi bắt đầu đọc kinh, xin Chúa phù hộ cho khỏi bị chủ đuổi. Nó không có các tiện nghi như hiện nay để mình có thể an tâm là chương trình sẽ vận hành như ý mình mong muốn.

Vì thế, chương trình đầu tiên phát trên VietCatholic là Nụ Cười Nhà Đạo, chỉ toàn những chuyện bông đùa, ngắn gọn vừa với khả năng lập chương trình của hai cha con. Nói “hai cha con” vì ngài cũng phải học viết chương trình bằng Perl, một mình tôi làm không nổi, vì ngoài công việc của VietCatholic, công việc chính của tôi vẫn là phải kiếm cơm, phải cố gắng hết sức vật lộn với các thảo chương điện toán để khỏi bị chủ sa thải. Một linh mục không có nền tảng về Computer học được Perl phải kể là một kỳ tích.

Chương trình Nụ Cười Nhà Đạo rất thành công, người ta vào xem nhiều đến mức VietCatholic phải tạm ngưng trong gần một tháng vào tháng 7, 1997. Lý do là vì người ta vào nhiều quá, thu hút hết bandwidth của nơi đặt server. Họ kêu Cha Nghị đến trả lại computer, đuổi đi chỗ khác. Sau gần một tháng tìm kiếm, một người Việt Nam, tên là anh Hùng, chịu phát lên Internet cho cha, từ chuyên môn gọi là host. Tháng 12, 1998, VietCatholic lại biến mất trên bản đồ thế giới, lần này hô biến hơi lâu, gần cả hai tháng. Anh Hùng, không biết làm ăn sao đó bị khánh tận, người ta tịch thu mọi thứ, kể cả computer của VietCatholic. Thành ra, lại phải mua computer khác, cài đặt lại từ đầu.

Vào thời điểm đó, computer mắc lắm mà phẩm chất lại rất tệ. Cháy ổ cứng là chuyện bình thường. Cho nên, VietCatholic còn phải tạm ngưng mấy lần nữa. Thực sự, tôi không còn nhớ nổi VietCatholic phải mua bao nhiêu computers. Đó là một số tiền khá lớn đối với một linh mục. Những người không có lòng nhiệt thành với Giáo Hội, không thể hy sinh như thế.

Sau này, khi điện toán phát triển, các ngôn ngữ lập trình tân tiến lần lượt ra đời, chúng tôi mới dám nghĩ đến chuyện biến VietCatholic thành một hãng tin, mới dám đăng các bài giảng của Đức Thánh Cha, các tông thư, tông huấn, thông điệp dài tràng giang đại hải.

Để học làm được Web, Cha Nghị còn phải vượt qua một trong những vấn đề làm khổ ngài rất nhiều là ngài không nhớ dai. Viết thảo chương về thực chất là đưa ra một loạt các chỉ thị (command) theo một luận lý thích hợp. Những ai nhớ dai, học thảo chương dễ hơn người khác rất nhiều vì có thể nhớ được hết các commands và công dụng của từng cái. Ngài thường phải hỏi tôi cùng một câu hỏi nhiều lần cho tới khi ngài tìm ra được một phương pháp tổ chức tốt hơn.

Tháng 10, 2006, VietCatholic mở Đại Hội 10 năm thành lập. Trước hết, chúng tôi kéo nhau lên Washington DC tham dự lễ khánh thành nguyện đường Đức Mẹ La Vang. Đến ngày hôm sau Chúa Nhật 22 tháng 10, 2006, cha Nghị thuê một xe hơi chở Cha Lưu và tôi xuống thăm Richmond. Trước khi lên đường, khi còn đang ở nhà một người quen ở Virginia, ngài nói “Các cậu ở đây chơi, mình đi đổ xăng một lát.” Sau đó, ngài quay trở lại chở Cha Lưu và tôi xuống thăm Richmond. Ở đó chơi cả ngày, đến tối mới về. Gần 9 giờ tối, lúc đang đi trên xa lộ, hai bên đồng không mông quạnh, ngài tuyên bố: “Thôi chết, xe hết xăng rồi”. Té ra là ban sáng ngài bảo đi đổ xăng mà thực ra ngài đi mua những thứ linh tinh, quên khuấy mất không đổ xăng. May sao, cuối cùng cứu tinh xuất hiện. Một cô gái tốt bụng lái xe ngang qua, ghé vào trong lúc chúng tôi đang hì hục đẩy cái xe hết xăng vào lề đường, chuẩn bị ngủ khách sạn ngàn sao. Cha đưa cho cô 20 USD. Chập sau cô quành lại đưa chúng tôi một can xăng. Thiệt đúng là hết hồn.

25 năm, một quảng đường dài, đầy vất vả, và căng thẳng nhưng tôi nhìn lại với tâm tình tri ân, tạ ơn Chúa vì được làm việc cùng một linh mục nhiệt thành và được nhìn thấy các gương sáng đức tin nơi ngài.
 
Phái Đoàn Của Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Chào Tiễn Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn
Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình thuộc HĐGM Việt Nam
12:06 19/04/2021
Phái Đoàn Của Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Chào Tiễn Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn

Vào lúc 7h30 sáng ngày hôm nay, tại Nhà Khách của Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, phái đoàn của Uỷ Ban Mục Vụ Gia đình trực thuộc HĐGM Việt Nam đã đến chào thăm và tiễn Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Thư Ký Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình (2007 – 2019), trước khi ngài chính thức nhận sứ vụ Giám Quản Tông Toà tại Giáo Phận Hà Tĩnh vào ngày 29 tháng 04 sắp tới.

Xem Hình

Dẫn đầu phái đoàn có Cha Giuse Hà Đăng Định, Thư Ký Uỷ ban, Cha Phanxicô S. Lê Văn La Vinh, OP., cha Phêrô Trần Lê Thành Nhân (Giáo phận Xuân Lộc), và anh chị em giáo dân trực thuộc Ban Thư Ký của Uỷ ban. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu khí gần gũi và thân tình.

Thay mặt cho Uỷ Ban, Cha Thư Ký đã dâng lên Đức Cha Luy tâm tình biết ơn vì những công khó mà Đức Cha đã tận tuỵ phục vụ trong vai trò là Thư Ký của Uỷ Ban trong suốt nhiều năm và thời gian qua vẫn sẵn sàng trợ giúp cho công việc của Uỷ ban. Cha Thư Ký cũng thay lời cho Uỷ ban gởi đến Đức Cha Luy tâm tình hiệp thông và cầu nguyện cho ngài trong sứ vụ mà ngài sắp đảm nhận tại Giáo phận Hà Tĩnh vào cuối tháng này.

Đáp lại, Đức Cha Luy cám ơn phái đoàn đã đến chào thăm và tiễn ngài. Tiếp đó, Đức Cha cũng chia sẻ với phái đoàn một số những kinh nghiệm mục vụ trong lãnh vực hôn nhân gia đình, đồng thời cũng nói lên một vài tâm tình và thao thức của ngài trong sứ vụ Chúa trao phó.

Sau đó, phái đoàn cũng dành một khoảng thời gian ngắn để viếng Nhà Nguyện của Trung Tâm Mục Vụ, tham quan Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn và cầu nguyện trong Nhà Nguyện chính của Đại Chủng Viện trước khi lên xe trở về nhiệm sở.

Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình thuộc HĐGM Việt Nam
 
VietCatholic TV
Quá đáng: Cảnh sát bắn lựu đạn cay vào 11 Giám Mục, nhiều người té xỉu trong nhà thờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:11 19/04/2021


1. Cảnh sát bắn lựu đạn cay vào 11 Giám Mục

Một thánh lễ do các giám mục hàng đầu của Haiti cử hành nhằm thu hút sự chú ý đến bạo lực đang gia tăng của đất nước trong bối cảnh một loạt các vụ giết người và bắt cóc gây kinh hoàng cho các tài xế xe buýt, trẻ em đi học và các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã kết thúc hôm thứ Năm trong hơi cay, súng nổ và hỗn loạn ở Port-au-Prince.

Các giám mục, vẫn mặc lễ phục, đang rời khỏi buổi lễ kéo dài hai giờ tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Pétion-Ville thì hỗn loạn nổ ra bên trong, với những giáo dân chạy, la hét “hơi cay” và “cứu tôi”. Trong khi một số giáo dân chạy thoát được, những người khác đã bất tỉnh trên băng ghế. Họ được các thành viên trong gia đình và những người lạ cứu tỉnh sau đó.

“Những gì đang xảy ra ở đây là không thể chấp nhận được”, André Michel, một nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu, một trong những người có mặt trong nhà thờ, nói. “Đó là bằng chứng cho thấy đất nước đang bị cai trị bởi một lũ du côn. Họ không tôn trọng bất cứ điều gì, họ không tôn trọng mạng sống của con người. “

Được gọi là “Thánh lễ cho tự do của Haiti,” buổi cử hành này đã thu hút rất nhiều đám đông tràn ra vỉa hè và đường phố.

Khi 11 giám mục, do Đức Tổng Giám Mục Max Leroy Mésidor của Port-au-Prince dẫn đầu, bước lên bàn thờ vào buổi trưa, tiếng chuông nhà thờ và tiếng đập nồi niêu xoong chảo có thể nghe thấy khắp thủ đô, kể cả ở các khu ổ chuột ven núi Jalousie gần đó.

Bên trong nhà thờ, một đám đông hầu hết là những người trẻ tuổi chào đón đoàn đồng tế với những tiếng hô vang và tràng pháo thay.

Cô Michel nói với tờ Miami Herald: “Khi thánh lễ kết thúc, cảnh sát đã bắn hơi cay. Tôi gần như chết vì ngạt thở bên trong nhà thờ”.
Source:Miami Herald

2. Một gia đình Công Giáo có 14 người con không nợ ngân hàng một cent nào

Cách đây 5 năm, một gia đình Công Giáo gồm 16 người đã gây tiếng vang trên thế giới khi cho con đi học đại học mà không mắc nợ - và giờ đây, các bậc cha mẹ trong gia đình này đang đưa ra lời khuyên tài chính của họ trong một cuốn sách.

Sam và Rob Fatzinger, cha mẹ của 14 đứa trẻ sống bên ngoài thủ đô Washington ở Bowie, Maryland, tác giả cuốn sách “A Catholic Guide to Spending Less and Living More: Advice from a debt-free family of 16” nghĩa là “Hướng dẫn Công Giáo để chi tiêu ít hơn và sống nhiều hơn: Lời khuyên từ một gia đình 16 người không mắc nợ”.

Trong thời đại nợ thẻ tín dụng và liên tục mua sắm, những người không nợ nần chồng chất có thể xuất hiện như một hiện tượng văn hóa lạ lùng. Họ đã trả hết nợ mua nhà của mình trong vòng chưa đầy 13 năm. Rob cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với EWTN Pro-Life Weekly, con cái của họ theo học trường Đại Học cộng đồng trong hai năm - với giá “bằng một nửa giá” của các trường đại học khác trước khi chuyển sang một trường Đại Học tiểu bang để lấy bằng cử nhân. Tuy nhiên, dù sống tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất Hoa Kỳ, Fatzingers vẫn không mắc nợ.

Sam nói với EWTN Pro-Life Weekly trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào tối thứ Năm 15 tháng Tư.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi quên nhắc đến việc thi hành đều đặn trách nhiệm tài chính của chúng tôi trong tư cách các Kitô hữu là đóng góp một phần mười thu nhập và quản lý tốt tiền bạc của chúng tôi. Chúng tôi luôn nhờ ‘Thy will be done’, ‘Ý Chúa sẽ được hoàn thành’. Bất cứ điều gì Chúa muốn bạn làm, bạn có thể làm điều đó khi bạn có tự do tài chính”.

Họ là tác giả của một cuốn sách hướng dẫn những người trẻ Công Giáo khác, những người có thể bắt đầu cuộc hôn nhân của mình trong cảnh nợ nần, hoặc những người có thể đang cố gắng trả món nợ thời sinh viên của mình để bước vào đời sống tu trì.

“Tôi ghét khi người ta nói với tôi, ‘Ồ, chúng tôi rất thích có những đứa con khác, nhưng chúng tôi đang trong cảnh nợ nần”, Sam nói.

Bí mật gia đình này là gì? Fatzingers nói rằng - đối với các cặp vợ chồng trẻ - giao tiếp, trả nợ và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp đều là những bước quan trọng mà họ có thể thực hiện để hỗ trợ cuộc hôn nhân của mình.

“Vấn đề tài chính rất khó khăn đối với hôn nhân, vì vậy tôi thực sự khuyến khích mọi người nói chuyện, ngay cả trước khi kết hôn, về vấn đề này”, Sam nói.

Sam và Rob nói rằng họ bắt đầu cuộc hôn nhân của mình bằng cách sống giới hạn trong đồng lương của mình trong khi cố gắng tiết kiệm. Sau khi có con và Sam nghỉ làm, họ đã quen với việc sống bằng một đồng lương.

“Ngoài ra, hãy trả bớt bất kỳ khoản nợ nào - khoản nợ nhà, đặc biệt là khoản nợ lãi suất cao - trả hết nợ xe hơi, xe máy, và loại bỏ các nhu cầu không thiết yếu”, Rob nói thêm. “Hãy tiết kiệm cho một ngày mưa. Bởi vì điều đó sẽ xảy ra”.

Họ nói rằng các khoản chi phí không mong muốn - chẳng hạn như sửa chữa xe hơi hoặc hóa đơn bệnh viện - sẽ xảy ra, và các cặp vợ chồng có thể bớt căng thẳng hơn bằng cách có sẵn quỹ khẩn cấp.

Cuối cùng, kế hoạch của họ được xây dựng dựa trên sự tin tưởng vào Chúa, họ nói.

“Tôi nói 'tin tưởng và chuẩn bị'. Hãy tin tưởng rằng Chúa có một kế hoạch cho bạn và sẽ không để bạn phải đối phó nhiều hơn những gì bạn có thể giải quyết. Nhưng đừng chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi”, Rob nói với EWTN Pro-Life Weekly.
Source:Catholic News Agency

3. Sau vụ phá hoại, giáo xứ Houston chào đón bức tượng Đức Mẹ Guadalupe đã được tân trang lại

Một giáo xứ Công Giáo ở Houston đã tổ chức lễ khánh thành trong tuần qua một bức tượng Đức Mẹ Guadalupe đã được tân trang lại sau khi bị phá hoại vào cuối năm ngoái.

Buổi lễ, được tổ chức vào ngày 11 tháng 4, có sự tham dự của các giáo dân của Nhà thờ Công Giáo Nữ Vương Hòa Bình. Bức tượng được tô điểm bằng những cành hoa, ABC13 news đưa tin.

Anh chị em giáo dân cho biết, vào tháng 12 năm 2020, tượng Đức Mẹ Guadalupe đã bị trúng ít nhất sáu viên đạn. Các nhân chứng của vụ tấn công cho biết hung thủ đội một chiếc mũ đen và mặc bộ đồ màu đỏ.

Đầu tháng 2, bức tượng được sửa chữa và đưa trở lại nhà xứ.
Source:Catholic News Agency

4. Buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng Chúa Nhật 18 tháng Tư

Từ trưa Chúa nhật 18 tháng 4 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, sau bốn tuần bị tạm ngưng vì đại dịch Covid-19.

Tình trạng lây lan khó lường của coronavirus khiến cho các buổi đọc kinh trưa Chúa nhật của Đức Thánh Cha với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô bị ngưng nhiều lần và diễn ra dưới dạng trực tuyến.

Lần đầu tiên bị ngưng trong hai tháng rưỡi, từ 8 tháng 3 đến 24 tháng 5 năm 2020. Sau đó, trong hơn một tháng rưỡi, từ ngày 20 tháng 12 năm 2020 đến 7 tháng Hai năm 2021, rồi lại bị đóng trong bốn tuần vừa qua.

Tình hình đại dịch ở Italia có phần cải tiến, với chiến dịch chích ngừa vắcxin toàn quốc và chính phủ đang chuẩn bị dần dần mở lại các hoạt động, trong khi đó nhiều tập thể, như các tiệm ăn đang tạo sức ép qua các cuộc biểu tình phản đối, đòi chính phủ cho mở cửa lại để đón nhận các thực khách, thay vì chỉ bán đồ ăn để mang đi như hiện nay.

Trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vào Chúa Nhật thứ ba của Lễ Phục Sinh, chúng ta trở lại Giêrusalem, đến Phòng Tiệc Ly, theo sự hướng dẫn của hai môn đệ Emmaus, là những người đã lắng nghe những lời của Chúa Giêsu một cách vô cùng xúc động trên đường đi và sau đó nhận ra Ngài “trong cử chỉ bẻ bánh” (Lc 24: 35). Giờ đây, tại Nhà Tiệc Ly, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra giữa nhóm các môn đệ và chào: “Bình an cho anh em!” (Câu 36). Nhưng, như Tin Mừng cho biết, họ sợ hãi và nghĩ rằng họ “nhìn thấy một bóng ma” (câu 37). Rồi Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy những vết thương trên thân thể Người và nói: “Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây” (câu 39). Và để thuyết phục họ, Ngài xin thức ăn và ăn uống trước cái nhìn đầy kinh ngạc của họ (xem câu 41-42).

Có một chi tiết đáng chú ý trong mô tả này. Tin Mừng nói rằng các Tông đồ “vui mừng tột độ đến mức không thể tin là thật”. Đó là niềm vui quá mức khiến họ không thể tin đó là sự thật. Và một chi tiết thứ hai: họ ngạc nhiên, bỡ ngỡ; ngạc nhiên bởi vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn dẫn anh chị em đến sự ngạc nhiên: nó vượt ra ngoài nhiệt tình, ngoài niềm vui, nó là một kinh nghiệm khác. Và những điều này thật vui mừng, nhưng đó là một niềm vui khiến họ nghĩ: không, điều này không thể là sự thật!… Đó là sự ngạc nhiên về sự hiện diện của Chúa. Đừng quên trạng thái tâm hồn đẹp đẽ này.

Đoạn Tin Mừng này được đặc trưng bởi ba động từ rất cụ thể, theo một nghĩa nào đó phản ánh đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta: nhìn, chạm đến và ăn. Ba hành động có thể mang lại niềm vui cho cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu hằng sống.

Nhìn. “Hãy nhìn vào bàn tay và bàn chân của Thầy” - Chúa Giêsu nói. Nhìn không chỉ là thấy, nó còn hơn thế nữa, nó còn bao hàm cả ý định, ý chí. Đây là lý do tại sao nó là một trong những động từ của tình yêu. Bố mẹ nhìn con mình, những người yêu nhau nhìn nhau; bác sĩ tốt lành nhìn bệnh nhân một cách cẩn thận… Nhìn là bước đầu tiên để chống lại sự thờ ơ, chống lại sự cám dỗ quay mặt đi của một người trước những khó khăn và đau khổ của người khác. Nhìn. Tôi có nhìn thấy, hay nhìn vào Chúa Giêsu không?

Động từ thứ hai là chạm vào. Mời các môn đệ chạm vào Người, để thấy rằng Người không phải là ma - hãy chạm vào Thầy! Chúa Giêsu chỉ cho các Tông đồ và cho chúng ta thấy rằng mối quan hệ với Người và với anh em của chúng ta không thể có “khoảng cách”, không có Kitô giáo ở khoảng cách xa xa, không có Kitô giáo chỉ ở mức độ nhìn. Tình yêu đòi buộc nhìn ngắm nhưng nó cũng yêu cầu gần gũi, nó yêu cầu tiếp xúc, và chia sẻ cuộc sống. Người Samaritanô nhân hậu không chỉ nhìn người đàn ông mà anh ta tìm thấy đã sống dở chết dở dọc đường: anh ta dừng lại, cúi xuống, chữa trị vết thương cho nạn nhân, chạm vào anh ta, chất anh ta lên lưng lừa và chở anh ta về quán trọ. Và với chính Chúa Giêsu cũng vậy: yêu mến Chúa có nghĩa là đi vào một sự hiệp thông sống động, một sự hiệp thông với Người.

Và sau đó chúng ta đến với động từ thứ ba, ăn, động từ này diễn tả rõ ràng con người chúng ta trong sự nghèo đói tự nhiên nhất của nó, tức là nhu cầu nuôi dưỡng bản thân để sống còn. Nhưng việc ăn uống, khi chúng ta làm điều đó với nhau, với gia đình hoặc bạn bè, cũng trở thành một biểu hiện của tình yêu, một biểu hiện của hiệp thông, của cử hành... Biết bao lần Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống chiều kích hiệp thông này với các môn đệ của Người, ngay cả với tư cách là Đấng Phục sinh. Đến mức bàn tiệc Thánh Thể đã trở thành dấu chỉ tiêu biểu cho cộng đồng Kitô hữu. Cùng nhau ăn và uống Mình Máu Thánh Chúa Kitô: đây là trung tâm của đời sống Kitô hữu.

Thưa anh chị em, đoạn Tin Mừng này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không phải là một “bóng ma”, nhưng là một Bản thể sống động; rằng khi Chúa Giêsu đến gần chúng ta, Ngài làm chúng ta vui mừng đến mức không tin, và khiến chúng ta kinh ngạc, với sự kinh ngạc mà chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa mới đem lại, bởi vì Chúa Giêsu là Đấng Hằng Sống. Kitô Giáo trước hết không phải là một học thuyết hay một lý tưởng luân lý, mà là một mối quan hệ sống động với Người, với Chúa Phục Sinh: chúng ta nhìn Người, chạm vào Người, được nuôi dưỡng nhờ Người và, được biến đổi bởi tình yêu của Người, để rồi chúng ta nhìn, chạm vào và nuôi dưỡng người khác như anh chị em với mình. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống kinh nghiệm ân sủng này.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, tại Tu viện Casamari, Simeone Cardon và năm bạn tử đạo, là các tu sĩ dòng Xitô Nhặt Phép của Tu viện đó, đã được tuyên phong Chân phước. Vào năm 1799, khi những người lính Pháp rút lui khỏi Naples, họ đã cướp phá các nhà thờ và tu viện. Những môn đệ hiền lành này của Chúa Kitô đã chống trả với lòng dũng cảm anh dũng cho đến chết, để bảo vệ Thánh Thể khỏi bị xúc phạm. Cầu mong tấm gương của họ thúc đẩy chúng ta cam kết trung thành hơn với Thiên Chúa, điều này cũng có khả năng biến đổi xã hội và làm cho xã hội trở nên công bằng và huynh đệ hơn. Xin một tràng pháo tay cho các Chân phước mới!

Và đây là một điều đáng buồn. Tôi rất lo lắng về các sự kiện ở một số khu vực miền đông Ukraine, nơi các vi phạm lệnh ngừng bắn đã gia tăng trong những tháng gần đây, và tôi hết sức lo ngại về sự gia tăng các hoạt động quân sự. Xin làm ơn, tôi thực sự hy vọng rằng sự gia tăng căng thẳng sẽ tránh được và trái lại, những cử chỉ hòa bình sẽ được thực hiện để thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và ủng hộ hòa giải và hòa bình, là điều rất cần thiết và rất được mong muốn. Chúng ta cũng phải lưu tâm đến tình hình nhân đạo nghiêm trọng mà dân chúng ở đó đang phải gánh chịu, mà tôi bày tỏ sự gần gũi của mình và tôi mời anh chị em cầu nguyện.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Hôm nay ở Ý là Ngày dành cho Đại học Công Giáo Thánh Tâm, nơi đã có hàng trăm năm thực hiện một công việc quý báu là đào tạo các thế hệ trẻ. Mong nhà trường tiếp tục thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình để giúp những người trẻ trở thành nhân vật chính của một tương lai đầy hy vọng. Tôi thân ái chúc phúc cho các nhân viên, giáo sư và sinh viên của Đại học Công Giáo.

Và bây giờ xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, các tín hữu Rôma và những khách hành hương người Brazil, người Ba Lan, người Tây Ban Nha và tôi thấy một lá cờ khác ở đó Cảm ơn Chúa, chúng ta có thể gặp lại nhau tại quảng trường này vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ. Tôi muốn nói với anh chị em một điều: Tôi nhớ quảng trường khi tôi phải đọc kinh Truyền Tin trong Thư viện. Tôi hạnh phúc, cảm ơn Chúa! Và cám ơn sự hiện diện của anh chị em. Xin gửi đến những người con Mẹ Vô Nhiễm ngoan hiền. Và chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Holy See Press Office
 
Giáo phận nào có nhiều linh mục nhất thế giới. Thành phố của các vị thánh và các linh mục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:00 19/04/2021


1. Giáo phận nào có nhiều linh mục nhất thế giới. Thành phố của các vị thánh và các linh mục

Nhiều người hành hương khi sang Ý thì đến Rome vì lịch sử Kitô giáo tuyệt vời của kinh thành vĩnh cửu. Những nơi khác - như Assisi, San Giovanni Rotondo và Milan, được biết đến với bầu không khí kinh doanh và giao dịch thời trang thế giới - thường bị bỏ qua. Trong khi thủ đô của vùng Lombard thường không gợi nhớ đến tâm linh, thì có lẽ đáng ngạc nhiên khi chúng tôi nói với quý vị và anh chị em rằng Milan có một truyền thống tôn giáo lâu đời. Những khách hành hương nhận thấy một chuyến viếng thăm Milan là một hành trình bổ ích và đáng giá.

Thành phố của các vị thánh và linh mục

Rất ít giáo phận Công Giáo trên khắp thế giới có thể tự hào như Milan. Thành phố có hai trong bốn vị vừa là Giáo phụ Latinh vừa là các Tiến sĩ của Hội Thánh: Thánh Ambrôsiô và Thánh Augustinô. Thánh Ambrôsiô từng là tổng giám mục của Milan vào thế kỷ thứ 4 và là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong toàn bộ thời kỳ giáo phụ.

Thánh Augustinô thành Hippo học ở Milan. Bị hấp dẫn bởi những gương sáng của Thánh Ambrôsiô, ngài đã hoán cải sau khi nghe các bài giảng của thánh nhân. Cùng với mẹ mình, Thánh Monica, Augustinô được Thánh Ambrôsiô rửa tội trong nhà thờ lớn của thành phố vào Lễ Vọng Phục sinh năm 387. Thánh Augustinô đã viết về sự hoán cải của mình trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài, là cuốn Tự Thú.

Một vị tổng giám mục thánh thiện khác từng ngồi trên ngai tòa giám mục của Milan là Thánh Charles Borromeo vào thế kỷ 16. Gần đây hơn, vào thế kỷ 20, Đức Giáo Hoàng Piô XI và Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, mỗi người đã rời khỏi Milan sau khi được bầu vào vị trí giáo hoàng ở Rôma.

Ngày nay, Tổng giáo phận Milan vẫn là một giáo phận lớn nhất ở Âu Châu, và có nhiều linh mục hơn bất kỳ giáo phận nào khác trên thế giới.

Một thực tế Công Giáo gây tò mò khác là Milan là một trong số ít các Giáo Hội địa phương trong thế giới Công Giáo phương Tây có nghi thức phụng vụ lịch sử của riêng mình: Nghi thức Ambrôsiô. Trái ngược với nghi thức La Mã thông thường được cử hành hầu như ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội Công Giáo, Nghi thức Ambrôsiô của Milan vẫn được sử dụng trong phần lớn Tổng giáo phận Milan và các khu vực lân cận.
Source:Aleteia

2. Những người biểu tình chống đảo chính ở Miến Điện đã hủy bỏ các hoạt động ăn mừng năm mới.

Ở phía đông nam thành phố Dawei, những người biểu tình mang theo những bông hoa thường được trưng bày trong các lễ hội mừng năm mới.

Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết họ lo ngại rằng cuộc đàn áp của quân đội đối với những người biểu tình có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột dân sự như đã thấy ở Syria và kêu gọi nhóm quân phiệt nước này dừng lại điều mà họ gọi là “cuộc tàn sát”.

Cuộc đảo chính hồi tháng Hai đã đẩy Miến Điện vào khủng hoảng sau 10 năm dự kiến tiến tới dân chủ.

Theo một thống kê của một nhóm hoạt động nhân quyền, lực lượng an ninh đã đáp trả bằng vũ lực giết chết 710 người biểu tình kể từ cuộc đảo chính.

Lãnh đạo chính phủ bị giam giữ của Miến Điện, là bà Aung San Suu Kyi, đã yêu cầu tòa án vào thứ Hai cho phép gặp trực tiếp các luật sư của bà khi bà xuất hiện tại một phiên điều trần thông qua liên kết video.

Cô chỉ được phép nói chuyện với luật sư của mình qua liên kết video với sự chứng kiến của các quan chức an ninh.

Suu Kyi phải đối mặt với những cáo buộc do chính quyền quân sự đưa ra có thể khiến bà bị bỏ tù trong nhiều năm.

Quân đội nói rằng họ phải lật đổ chính phủ của bà vì những gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua trong đó Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà giành được chiến thắng rất lớn.

Cho đến nay, ủy ban bầu cử luôn bác bỏ lời buộc tội này của quân đội.
Source:Reuters

3. Bỉ nới lỏng số người dự lễ ngoài trời

Hôm 14/4 vừa qua, Ủy ban phối hợp của chính phủ Bỉ qui định rằng từ ngày 8/5 tới đây, số người được tham dự lễ nghi tôn giáo ở ngoài trời tối đa là 50 người, nhưng biện pháp nới lỏng này tùy thuộc hai điều kiện: thứ nhất là tình trạng được bình thường hóa trong các khu điều trị khẩn trương ở các nhà thương, và số người trên 65 tuổi được chích vắc xin ngừa Covid-19 vượt quá mức 70%.

Trong khi đó, số người dự lễ bên trong nhà thờ vẫn giữ nguyên mức tối đa là 15 người, nhưng nếu là lễ an táng thì được 50 người.

Quyết định này làm cho các đại điện tôn giáo và các tín hữu bất mãn, vì từ nhiều tháng nay họ yêu cầu chính quyền để cho số người dự các buổi lễ tôn giáo được nhiều hơn. Nhất là các giám mục Bỉ yêu cầu chính quyền cho phép số người dự lễ nhiều hay ít, tùy theo dung lượng của thánh đường. Nhưng thỉnh cầu này không được nhà cầm quyền để ý.

Trong tình trạng này, còn phải chờ nhiều tháng nữa, các nơi thờ phượng ở Bỉ mới có thể đón nhận nhiều hơn 15 người. Tuy nhiên, sự nới lỏng này còn tùy thuộc các con số người bị nhiễm Coronavirus. Khi ấy sẽ có một kế hoạch được áp dụng cho các nơi thờ phượng, các rạp hát và phòng tập thể dụng thể thao.

4. Trẻ em Mễ Tây Cơ cầm vũ khí trong cuộc chiến chống lại các băng đảng ma túy

Giáo Hội tại Mễ Tây Cơ bày tỏ lo ngại vì trẻ con phải học cách sử dụng vũ khí để bảo vệ cộng đồng của các em. Ở trung tâm của bang Guerrero đầy bạo lực, việc học sử dụng vũ khí bắt đầu từ khi còn rất nhỏ.

Ở làng Ayahualtempa, dưới chân một ngọn đồi cây cối rậm rạp, sân bóng rổ là nơi tập luyện cho những thanh niên từ 5 đến 15 tuổi này.

Những đứa trẻ luyện tập với súng trường và súng ngắn hoặc vũ khí giả ở các vị trí khác nhau trong vài giờ mỗi tuần.

“Vị trí số ba!”, Bernardino Sanchez, một thành viên của lực lượng dân quân chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh của 16 ngôi làng trong khu vực Guerrero, hét lên trong khi huấn luyện cho các trẻ em.

Guerrero là một trong những vùng nghèo nhất và bạo lực nhất của Mễ Tây Cơ, và là một trong những nơi có tỷ lệ giết người cao nhất đất nước vì các cuộc chiến giữa các băng đảng ma túy để cạnh tranh với nhau trong việc buôn bán thuốc phiện và cần sa.

Trước sự thờ ơ của chính quyền, 600 người đã tự nguyện tham gia lực lượng dân quân chống tội phạm có tổ chức. Họ bao gồm cả trẻ em.

Theo lệnh của Sanchez, những người trẻ tuổi thực hiện một cuộc diễn tập và nhào xuống đất trong một đám mây bụi, với những khẩu súng trường nhằm vào một kẻ thù tưởng tượng.

Đối thủ của họ có thể là tưởng tượng trong các cuộc tập trận nhưng bạo lực của các băng đảng ma túy hoành hành trong khu vực là quá thật.

Một tuần trước, chín người đàn ông và một đứa trẻ đã bị bắt cóc và tra tấn, và thi thể cháy đen của họ được tìm thấy bên trong hai chiếc xe tải của họ dưới đáy một khe núi.

Các nhà chức trách Mễ Tây Cơ ngay lập tức nhận ra đó là hoạt động của băng đảng Los Ardillos địa phương nhưng không có bất kỳ hành động nào chống lại nó.

Bực tức vì sự thờ ơ của chính quyền, các nhà lãnh đạo của các cộng đồng trong khu vực, bao gồm cả Ayahualtempa, đã quyết định tự mình giải quyết vấn đề và dạy con họ bắn súng.
Source:Reuters