Ngày 22-04-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khám phá danh xưng của chúng ta là môn đệ của Chúa Phục Sinh.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:25 22/04/2018
(Vatican News) Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm nay, ĐGH Phanxicô đã suy tư về bài đọc Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh và Ngài nói rằng Phụng Vụ “tiếp tục với ý chỉ giúp chúng ta tái khám phá danh xưng của mình là môn đệ của Chúa Phục Sinh.”

ĐGH đã bắt đầu với bài đọc thứ nhất của Sách Tông Đồ Công Vụ, kể lại việc Thánh Phê-rô đã công khai tuyên xưng rằng việc chữa lành người què đã được thực hiện “Nhân Danh Chúa Kitô Giê-su” bởi vì “ngoài Người ra không ai đem lại ơn cứu độ dưới gầm trời này.”

ĐGH nói rằng qua người què được chữa lành, chúng ta tự thấy mình và cộng đồng của chúng ta. Tất cả chúng ta đều được chữa lành bệnh tâm linh “nếu chúng ta biết phó thác trong tay Chúa Phục Sinh.”

Nhưng ai là Chúa Kitô, Đấng chữa lành chúng ta? Câu trả lời được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay: Chúa Giê-su nói, “Tôi là Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Quả thực là như thế bởi vì Người đã hiến mình Người cho chúng ta. Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành tuyệt vời.”

Phần thứ hai của đoạn Tin Mừng chỉ cho chúng ta sự liên hệ cần phải có giữa chúng ta và Thiên Chúa. Chúa nói “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha.” Đây không phải chỉ đơn thuần là một sự nhận biết trí thức, nhưng hơn thế nữa, là sự liên hệ giữa cá nhân, một phản ánh của tình yêu giữa Cha và Con. Chúa Giê-su biết chúng ta một cách tỏ tường, trong tận sâu thẳm của tâm hồn ta.

Đáp lại chúng ta được mời gọi để biết Chúa Giê-su, nghĩa là một cuộc gặp gỡ Chúa, Đấng vực dậy trong chúng ta niềm khao khát để theo Chúa, để dám từ bỏ thái độ tự quy chiếu về mình mà bước theo con đường mới được chính Chúa hướng dẫn và mở ra những chân trời bao”.

ĐGH cũng cảnh báo rằng nếu cộng đồng chúng ta thấy việc muốn theo Chúa trở nên thờ ơ, nguội lạnh, thì coi chừng chúng ta sẽ rơi vào “những kiểu suy nghĩ và cách sống khác” mà nó không phù hợp với Tin Mừng.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Ba nữ giáo dân được bổ nhiệm làm tham vấn cho Bộ Giáo Lý Đức Tin
Vũ Văn An
21:12 22/04/2018
Theo tin ngày 22 tháng Tư của CATHOLIC NEWS AGENCY, hôm thứ Bẩy tuần rồi, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm 5 tham vấn mới cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong đó, có 3 nhà nữ học thuật và 2 linh mục.

Các vị nữ lưu trên là Tiến Sĩ Linda Ghisoni, giáo sư giáo luật tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian; Tiến Sĩ Michelina Tenance,
giáo sư thần học tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian và tiến sĩ Laetitia Calmeyn, giảng sư thần học tại Collège des Bernardins ở Paris.

Hai tham vấn khác là Cha Sergio Paolo Bonanni, giáo sư thần học tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian, Cha Manuel Jesús Arroba Conde, Dòng Claretian, khoa trưởng Institutum Utriusque Iuris tại Giáo Hoàng Đại Học Lateran.

Dù không xác nhận việc trước đây các nhà nữ học thuật nói trên đã từng là tham vấn của Thánh Bộ, nhưng phát ngôn viên Tòa Thánh nói rõ họ từng là nhân viên tại Thánh Bộ này.

Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin là thánh bộ chịu trách nhiệm việc bảo vệ và phát huy tín lý của Giáo Hội Công Giáo. Hiện thánh bộ này đặt dưới sự điều khiển của Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria Ferrer, và các tham vấn bao gồm các Hồng Y, giám mục, linh mục, luật sư giáo luật và thần học gia giáo dân. Ghisoni vốn giữ một chức vụ ở Tòa Thánh từ tháng 10 năm 2017, khi Đức Phanxicô bổ nhiệm bà làm phó tổng thư ký và đứng đầu phân bộ về giáo dân trong Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống.

Ghisoni, 52 tuổi, hiện là thẩm phán của Tòa Tiểu Thẩm (First Instance) của Giáo Phận Rôma. Ngoài việc giảng dạy giáo luật tại Đại Học Gregorian, bà còn là giáo sư luật tại Đại Học Roma Tre.

Bà quê ở thị trấn Cortemaggiore thuộc miền Bắc Nước Ý và học triết học và thần học tại Đại Học Eberhard-Karls ở Tübingen, Đức.

Năm 1999, bà đậu bằng tiến sĩ luật tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian, và năm 2002, bà đậu bằng tốt nghiệp Luật Sư Thượng Thẩm (Rotal Advocate) tại Viện Nghiên Cứu Thượng Thẩm thuộc Tòa Án Tối Cao Rôma (Roman Rota).

Từ năm 1997, Ghisoni giữ nhiều chức vụ tại các Tòa tiểu thẩm và Tòa thượng thẩm của Giáo Phận Rôma, trong đó, có các chức vụ như lục sự, người bảo vệ dây hôn phối, chưởng lý và thẩm phán.

Bà cũng từng là Tham Vấn Tư Pháp của Tòa Tối Cao Rôma từ năm 2002 tới năm 2009, và là Ủy Viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, để bảo vệ dây hôn phối trong các vụ tiêu hủy các cuộc hôn nhân “ratum sed non consummatum” (thành hiệu nhưng chưa hoàn hợp).

Từ tháng 11 năm 2011, bà cũng phục vụ tại Toà Tối Cao Rôma. Từ năm 2013 tới năm 2016, bà hợp tác với Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân trước đây trong lãnh vực nghiên cứu chuyên biệt về giáo dân trong Giáo Hội.

Bà có gia đình và có hai con gái.

Tiến Sĩ Michelina Tenace, 63 tuổi, xuất thân từ San Marco, Ý, và là một nữ thánh hiến. Sau khi học triết học tại Pháp, bà đậu cử nhân văn chương ngoại quốc tại Đại Học Sapienza ở Rôma và tiến sĩ thần học tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian với luận án về Vladimir Soloviev.

Hiện bà đang dạy thần học tại Đại Học Gregorian, trong đó, có các lớp về thần học linh đạo, Công Đồng Nixêa, và các Giáo Hội Đông Phương. Bà cũng là thành viên của Trung Tâm Nghiên Cứu và Tìm Tòi Ezio Aletti, là cơ quan chuyên yểm trợ các học giả và nghệ sĩ Kitô Giáo tại Đông Âu.

Các ấn phẩm của Tenace bao gồm nhiều bài báo, cũng như 10 cuốn sách, được dịch sang nhiều thứ tiếng. Bà cũng được Đức Phanxicô bổ nhiệm năm 2016 làm thành viên của ủy ban nghiên cứu chức phó tế cho nữ giới.

Tiến Sĩ Laetitia Calmeyn, 42 tuổi, sinh tại Brussels năm 1975 và trở thành nữ thánh hiến thuộc Tổng Giáo Phận Paris ngày 23 tháng Sáu năm 2013. Bà từng là nữ y tá chăm sóc giảm đau, tổ chức tĩnh thâm cho giới trẻ, và một cô giáo dạy môn Công Giáo học...

Calmeyn đậu bằng cử nhân thần học năm 2002 tại Viện Nghiên Cứu Thần Học ở Brussels và đậu tiến sĩ thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô II ở Rôma. Luận án của bà là các nguyên tắc và nền tảng thần học của luân lý tính theo công trình của Linh Mục Dòng Tên Albert Chapelle.

Từ năm 2009, bà là giảng sư thần học tại Collège des Bernardins ở Paris.
 
ĐGH Phanxicô khuyên các tân linh mục: Hãy có lòng thương xót.
Giuse Thẩm Nguyễn
10:47 22/04/2018
(Vatican News) Nhân ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi, ĐGH Phanxiô đã truyền chức Linh Mục cho mười sáu thày phó tế, gồm có 11 thày thuộc giáo phận Roma trong thánh lễ hôm nay, Chúa Nhật 22 tháng Tư Năm 2018, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô.

Trong bài giảng Thánh Lễ Truyền Chức, ĐGH đã kêu gọi các tân chức “đừng mệt mỏi vì lòng thương xót”. Hãy nghĩ đến tội riêng của mình, những nghèo hèn của mình mà Chúa Giê-su đã tha thứ để có lòng thương xót.

Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi được chọn vào Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh, cũng được gọi là Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành. Cứ mỗi ba năm chu kỳ lịch phụng vụ, Chúa Nhật Thứ Tư của Mùa Phục Sinh, Giáo Hội sẽ chọn một đoạnTin Mừng tập chú đặc biệt đến khuôn mặt của Chúa Giê-su là Đấng Chăn Chiên Lành.

Trên trang nhà của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ có đoạn ghi nhận rằng “Mục đích của ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi là hoàn thành công khai lời dạy của Chúa, “Xin Chúa là chủ ruộng gởi thêm thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo của Người”. Mọi ơn gọi đều được Giáo Hội rất trân quý, nhưng vào Chúa Nhật này, Giáo hội đặc biệt “ cầu nguyện theo ý chỉ cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, những người nam cũng như nữ, biết cống hiến đời mình phục vụ Giáo Hội trong nhiều lãnh vực đa dạng như chuyên tâm cầu nguyện, phục vụ trong các tổ chức ngoài đời và sứ vụ truyền giáo trong việc loan truyền Tin Mừng trên khắp thế giới.

Mười sáu tân chức được truyền chức hôm nay đến từ nhiều nơi trên thế giới. Ngoài năm vị từ Roma, ba vị từ Ấn Độ, các vị khác từ Croatia, Viet Nam, Myanmar, Colombia, El Salvador, Madagascar, Romania và Peru.

ĐGH nói rằng “Nguyện xin cho lời giảng dạy của các con trở nên của ăn nuôi dưỡng dân Chúa và hương thơm của đời sống các con mang lại niềm vui và nâng đỡ các tín hữu. Xin cho lời nói và gương lành của các con tỏa sáng Ngôi Nhà của Chúa là Giáo Hội.”

ĐGH khuyến khích các tân chức hãy chỉ muốn làm đẹp lòng Chúa mà thôi, chứ đừng tìm gì cho mình hay cho người khác hay tìm tư lợi riêng. Các con chỉ chuyên lo “phục vụ Thiên Chúa, vì lợi ích trung thành thánh thiện của Dân Thánh Người.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một Số Lời Cầu Nguyện Trong Thánh Kinh, Kinh Sám Hối Của Đavít: Chú Giải Của Thánh Tôma Tiến Sĩ: Xin Thương Xót Con
Vũ Văn An
04:50 22/04/2018

Chú giải của Thánh Tôma Aquinô



Trong các Thánh Vịnh trước đây, Thánh Vịnh Gia đề cập tới các điều thuộc về tình trạng của Vương Quốc, được Ông mô tả các nét vinh quang và mời mọi người tham dự: còn, bây giờ, vì vinh quang của Vương Quốc này gặp trở ngại lớn vì tội lỗi, nên Ông đề cập tới việc xóa tội: bởi thế hai điều cần được xem xét.

Thứ nhất, về việc đánh số các Thánh Vịnh, Thánh Vịnh này là thánh vịnh thứ 50 và đây là số của năm hồng ân như đã được mô tả trong Sách Lêvi 27 trong đó có việc tha mọi nợ nần, bởi thế, con số này phù hợp với Thánh Vịnh này trong đó, Ông bàn tới việc tha trọn mọi tội lỗi.

Tương tự như thế, về các Thánh Vịnh Thống Hối, thánh vịnh này là thánh vịnh thứ tư, và việc này rất thích đáng. Vì thánh vịnh thứ nhất nói đến việc hối tội trong lòng, khi Ông thưa (Thánh Vịnh 6) Đêm nào con cũng khóc ướt cả giường. Thánh vịnh thứ hai nói đến việc xưng thú ngoài miệng (Thánh Vịnh 31) Con nói con sẽ xưng với Chúa mọi tội lỗi của chính con. Thánh vịnh thứ ba nói đến đền tội, nên Ông nói (Thánh Vịnh 37) Con buồn sầu và buộc phải khiêm hạ quá đỗi. Tuy nhiên, thánh vịnh thứ 4 này nói đến mục đích của ăn năn thống hối, trong đó, Ông trình bầy lòng ăn năn thống hối sẽ phục hồi con người ra sao vào sự hoàn thiện; và do đó, trong số mọi Thánh Vịnh, thánh vịnh này thường được đọc đi đọc lại trong Giáo Hội vì một mình nó cầu mong lòng thương xót và do đó nhận được hồng ân; và thánh vịnh này dễ hiểu và thích hợp với mọi người.

Trong sáu Thánh Vịnh Thống Hối, có một số điều nặng nề như (Thánh Vịnh 6) Đêm nào con cũng khóc ướt cả giường. Và (Thánh Vịnh 101) con ăn tro như ăn bánh và pha nước mắt vào đồ uống, là những điều không thể ai ai cũng làm được.

Tựa đề của Thánh Vịnh là: Thánh Vịnh của Đavít khi tiên tri Nathan đến với ông sau khi Ông đã phạm tội với Bethsêva. Câu truyện này kể rõ ở các chương 11 và 12 Cuốn 2 Sách Các Vua. Khi Đavít đang thịnh trị, Ông thấy một người đàn bà đang tắm và rất thèm muốn nàng và ông đã gây ra cái chết cho người chồng của nàng. Và điều này không làm Thiên Chúa hài lòng và tiên tri Nathan được sai đến với Ông và đem ông trở lại việc gớm ghét tội lỗi, với hình ảnh con chiên bị mất. Và Đávít lớn tiếng nói “Tôi đã phạm tội chống lại Chúa”. Và tội Ông được tha. Và đó là chủ đề của Thánh Vịnh, tức, ơn tha tội.

Nhưng trong tựa đề của Thánh Vịnh này, cần phải hiểu rằng Đavít nói tới nhiều điều khác trong các Thánh Vịnh, như khi Ông nói (Thánh Vịnh 21) Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi, báo trước cuộc khổ nạn của Chúa Kitô; thành thử Ông nói những điều khác nhau trong các thánh vịnh khác nhau. Nhưng ông viết Thánh Vịnh này vì chính Ông: trong đó, Ông biểu lộ lỗi lầm của mình, lỗi lầm Ông trình bầy rõ ràng với thế giới và cả sự tha thứ nữa và chúng đã làm trọn điều Chúa nói trong Cuốn 2 Sách Các Vua chương 12: “Vì ngươi làm điều đó trong nơi bí mật, nhưng ta sẽ làm điều này thành tỏ tường”.

Lý do của việc làm tỏ tường trên là lòng Chúa thương xót. Vì việc làm tỏ tường này có ích cho người chính trực để họ đừng tự cho mình chính trực, vì nếu Đavít, sau bao chiến công, sau bao hồng ân Chúa Thánh Thần, sau sự thân mật lớn lao với Thiên Chúa như thế và cả ơn nói tiên tri nữa mà còn phạm tội, thì chúng ta phải tỉnh thức ra sao, vì chúng ta vốn mỏng dòn, tội lỗi. Thư Côrintô 1, chương 10 ai nghĩ mình đứng vững, hãy ý tứ để đừng sa ngã. Nhưng những người tội lỗi cũng đừng ngã lòng, Sách Châm Ngôn 24:10 dạy nếu ngươi mất hy vọng, lo âu vào ngày khốn khó, sức mạnh ngươi sẽ giảm thiểu. Đavít, sau tội sát nhân và ngoại tình, vẫn đã phục hồi được ơn nói tiên tri.

Tuy nhiên, cần lưu ý đến cách nói trong tựa đề, Khi Nathan đến phải lưu ý là ám chỉ sự tha thứ, một điều Ông sẽ đề cập tới trong Thánh Vịnh vì nhờ sự tha thứ này, Chúa đã nghe Ông và xóa tội cho Ông; nhưng khi Ông viết Sau khi Ông đã phạm tội với Betsavê thì tội đã được nêu danh. Bởi thế, hai điều đã được biểu lộ. Điều thứ nhất ông gọi là tội khi Ông thưa Và Ông đã phạm tội. Thánh Vịnh 11 “Lời Chúa là lời tinh ròng”.

Cũng nên lưu ý: dù Ông phạm hai tội, tức ngoại tình và sát nhân, nhưng Thánh Kinh chỉ nhắc đến tội ngoại tình, và việc này có hai lý do. Trước nhất, trong việc xem xét và công bố tội lỗi của người khác, ta đừng vội vàng, mà phải hết sức thận trọng. Sách Châm Ngôn 24: “chớ rình rập nhà người công chính, cũng đừng phá phách nơi họ ở”. Và điều này cũng được nói trong Mátthêu 25 khi Chúa cẩn thận kể ra các công phúc của người lành, rồi mới qua các ác đức của người xấu. Cũng thế, cần phải lưu ý rằng khi một ai đó phạm hai tội và phạm tội này vì tội kia, thì tội kia ấy được coi là chủ yếu, thí dụ người ăn cắp để gian dâm thì bị gọi là người gian dâm.

Thánh Vịnh này được chia thành 2 phần; phần đầu xin lòng thương xót; phần hai, hứa sẽ sửa sai, khi ông nói: Con sẽ dạy người bất chính. Trong phần đầu, hối nhân làm hai việc: trước nhất, xin được giảm khinh tội lỗi; sau đó, xin được phục hồi sự thánh thiện và ơn thánh, khi Ông nói Vì tội lỗi con.

Do đó, trước hết, Ông xin lòng thương xót của Thiên Chúa khi Ông thưa: Lạy Chúa, Xin thương xót con. Bởi thế, phải biết rằng, như đã viết trong Châm Ngôn 14: “tội lỗi làm các dân nước ra đáng thương”, cũng thế, người hạnh phúc thật không phải là người sống trong nhung lụa, giầu có, no đủ khoái lạc và vinh dự, mà là người vui trong Thiên Chúa. Cũng thế, người đáng thương không phải là người nghèo đói, khốn cùng, yếu đuối và yếu ớt, mà là kẻ có tội. Thành thử người có tội nói: Lạy Chúa, xin thương xót con, vì Chúa là Đấng “xót thương mọi loài và không hề ghét bất cứ loài nào Chúa đã dựng nên” (Khôn Ngoan 11:24) và theo Thánh Tông Đồ, Chúa thương xót bất cứ ai Chúa muốn. Thư Rôma 9:15 “Ta muốn thương xót ai thì thương xót, muốn cảm thương ai thì cảm thương”. Thành thử, nếu có lòng thương xót hiện hữu trong thánh ý Ngài, lạy Chúa, xin Chúa thương xót con, một kẻ tội lỗi!

Ông không bào chữa, không tìm cách tranh luận, chỉ đơn giản xin thương xót. Ông không suy diễn nguyên cớ để được thương xót như các việc phụng sự ông đã dành cho Thiên Chúa hay những hiểm nguy ông đã chịu vì Người, ông chỉ van xin lòng Chúa thương xót, nên ông thưa: theo lòng thương xót lớn lao của Chúa! Sách Đanien 9:18: “Chúng con không dựa vào những hành động chính trực của chúng con, nhưng dựa vào lượng từ bi hải hà của Ngài mà dâng lời khẩn nguyện lên trước Tôn Nhan”.

Và nên lưu ý, bất cứ ai cũng có thể trông cậy vào lòng Chúa thương xót vì hai lý do. Một là nhờ suy xét, hai là dựa vào vô lượng các hiệu quả của Người.

Cho nên, trước nhất, Ông biểu lộ niềm hy vọng vào lòng Chúa thương xót do suy xét về bản tính Thiên Chúa. Một đặc điểm của bản tính này chính là lòng tốt. Dionysius nói rằng Thiên Chúa là chính bản thể của lòng tốt. Boethius cũng nói thế khi nói về Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì lòng thương xót của Thiên Chúa không là gì khác hơn là lòng tốt muốn xua đuổi tình trạng đáng thương, nên khi tôi suy nghĩ thấy đặc tính của lòng tốt là xua đuổi tình trạng đáng thương... tôi đã tin tưởng chạy đến với lòng thương xót.

Và gọi nó “lớn lao” là vì không ai hiểu thấu nó, nó tràn đầy mọi sự. Thánh Vịnh 32: Trái Đất đầy lòng thương xót của Chúa.

Và nó có chỗ trong mọi sự. Vì người công chính duy trì được sự công chính của mình là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Augustinô: “Lạy Chúa, con qui cho ơn thánh Chúa mọi xấu xa con chưa xúc phạm”.

Cũng thế, kẻ tội lỗi quay trở lại với sự công chính là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thư 1 gửi Timôtê 1 “tôi được Chúa thương xót”.

Những người đang sống trong tội lỗi cũng cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa. Ai Ca 3 “Nhờ lòng thương xót rất nhiều của Chúa mà chúng ta chưa bị tuyệt” (1).

Và lòng thương xót này được coi là siêu phàm lớn lao, vì lượng thương xót dịu dàng của Người có trong mọi công trình của Người.

Vì trong Thiên Chúa, lòng thương xót không chỉ sự đam mê của tri thức, mà chỉ lòng tốt muốn xua đuổi tình trạng đáng thương. Và nó bền lâu. Isaia 34: “bằng lòng nhân hậu vĩnh viễn, Ta đã thương xót con”.

Lòng thương xót ấy có năng lực lớn lao vì nó làm cho Thiên Chúa thành người phàm, nó đem Thiên Chúa từ trời cao xuống dưới thế và làm cho Đấng Bất Tử phải chết. Thư Êphêso 2 “Thiên Chúa giầu lòng thương xót”.

Lòng thương xót cũng lớn lao trong hiệu quả, vì qua lòng thương xót, con người được nâng lên khỏi mọi bất hạnh. Thánh Vịnh 85: Lòng thương xót của Ngài lớn lao đối với con Ngài tha thứ mọi ngỗ nghịch của tội lỗi con (Tv 31). Và bởi đó, con tin tưởng cầu xin: Lạy Chúa, xin thương xót con.

Một lý do nữa là ngay từ khởi nguyên thế giới, con đã thấy trong mọi sự có hiệu lực của lòng Ngài thương xót; và bởi thế, Ông thưa: và theo lượng hải hà của lòng thương xót dịu dàng của Chúa, xin hãy tẩy sạch tội lỗi con; như thể ông muốn nói: Xin thương xót con cho phù hợp, theo nhiều cách khác nhau Chúa từng thương xót mọi người. Bởi thế, có lời chép trong Isaia 63 rằng “Tôi sẽ nhớ lòng thương xót dịu dàng của Chúa”. Còn Tv 24 thì nói: “hãy nhớ lòng cảm thương của Ngài vốn có từ khởi nguyên thế giới”.

Xin hãy tẩy sạch tội lỗi con. Ở đây, ông trình bầy hiệu quả của việc thương xót. Tiên tri Nathan nói (IIV 12) rằng “Chúa đã cất tội của vua: vua sẽ không chết”. Và như thế, ông thoát khỏi hình phạt; nhưng ông muốn tội ông được hoàn toàn xóa sạch. Tuy nhiên, hiệu quả kép của tội còn đó: nghĩa là có án phạt và có vết nhơ trong linh hồn.

Hơn nữa. Ở đây, ông xin cho sự bẩn thỉu của tội được xóa đi. Người có lương tâm tốt sợ sự bẩn thỉu của tội hơn sợ tính nghiêm khắc của hình phạt, nên ông xin: Xin rửa con hơn nữa, như thể ông muốn nói: không những con xin Ngài xóa hình phạt mà còn xóa luôn cả vết nhơ.

Hay, hãy rửa hơn nữa như tôi hiểu Thư Rôma 8:26 “Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải”. Thư Êphêsô 3, “Đấng có thể làm mọi điều một cách hậu hĩnh hơn chúng ta xin hay hiểu”.

Con cũng xin Chúa tẩy rửa con khỏi tội lỗi vì không ai được rửa sạch nếu không bởi Chúa. Sách Gióp 14: “Ai có thể rửa sạch kẻ được tượng thai từ hạt giống ô uế?”. Sách Giảng Viên 34: “Ai sẽ được rửa sạch bởi người ô uế?” Và Ông nói đến hai điều, tức, bất đạo lý (iniquitas) và tội lỗi (peccatum). Bất đạo lý đi ngược lại công lý, nhưng tội lỗi phạm đến sự trong sạch và ở đây là việc ngoại tình. Và do đó, sẽ là bất đạo lý khi làm hại người khác bằng việc sát hại; nhưng là tội bằng việc ngoại tình trong đó, ông tự làm mình ra ô uế.

Kỳ Sau: Nhìn nhận tội lỗi

 
Văn Hóa
Bước Chân Trần Trên Những Đường Đi Hẹp
Sơn Ca Linh
08:18 22/04/2018
Chúa Nhật IV PS – Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành” Ngày Quốc Tế Ơn Gọi Tu Trì
Mến Tặng Những Ai Đang Sống Phận Tu Trì


Thi thoảng trên phố chợ đông người,
những bước chân trần,
bóng ni cô bước chậm âm thầm trong màu áo xám.
Hay đâu đó,
Trên con đường quê bùn lầy nước đọng,
Thấp thoáng người nữ tu,
vừa lặng lẽ đi qua trong bóng chiếc áo dòng đen !
Rồi có một chiều,
Khi hoàng hôn chưa kịp dâng lên,
Có chuyện lạ :
Bên ngôi chùa đổ có nhà sư đang ôm mặt khóc ?
Và ở ngoài kia,
bên trong cái toà án ồn ào ô trọc,
có ông cha nhà thờ,
bị còng tay ra trước vành móng ngựa, xót xa !...

Thì ra,
Trong cái cõi đời tạm bợ, thối tha,
sư ôm mặt khóc, cha bị kết tội,…
chẳng qua chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” !
Nhưng bù lại,
Đó đây vẫn vang rộn
tiếng cười dòn nơi nhà thương hay cô nhi viện,
của những em bé mồ côi,
những chàng trai, cô gái mang “nghiệp chướng si-đa”…

Thì ra,
Trên muôn vạn nẻo đường thế giới bao la,
Vẫn còn những ni cô, những ma xơ,
Những sư cụ, những cha nhà thờ,
Những bước chân trần trên những đường đi hẹp.
Họ mang đến cho cuộc đời,
Những đoá hồng tình yêu thật đẹp,
Những “nụ hôn tinh tuyền”,
Được làm bằng những mật ngọt hy sinh.

Vâng, đời tu,
Lời chứng thập đẹp của những “chuyện tình”,
Tình phục vụ, xả thân,
để mỗi ngày sáng lên và tiêu hao như ngọn nến !

Sơn Ca Linh
Mùa Phục Sinh 2018
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 23/4/2018: Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ mời tham dự buổi “Cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam”
VietCatholic Network
20:28 22/04/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Đức Thánh Cha truyền chức Linh mục và Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Chúa Nhật ngày 22 tháng 4 năm 2018.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Chúa Thánh Thần tác động việc Truyền Giáo.

3- Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới về ơn gọi lần thứ 55.

4- Đức Thánh Cha gởi thông điệp video cho giới trẻ Cuba, Nam Mỹ.

5- Đức Thánh Cha tiếp kiến 400 Đan sĩ dòng Biển Đức.

6- Vị Hồng Y đầu tiên của Vatican được chào đón tại Arab Saudi, Trung Đông.

7- Năm điều người Công Giáo có thể làm để hỗ trợ tự do tôn giáo quốc tế.

8- Cộng sản Trung Quốc gia tăng bách hại tại Hà Nam.

9- Mời tham dự buổi thắp nến “Cầu nguyện cho quê hương Việt Nam” tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo phận Orange, California.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Khúc Thời Gian.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết