Ngày 29-04-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:03 29/04/2017
51. LŨ CHUỘT THAM ĂN
Con chuột thích ăn vụng lúa gạo vào nửa đêm.
Người đất Việt (bây giờ là vùng đất tỉnh Triết Giang-Trung Quốc) đem lúa gạo cất vào trong vại để mặc cho chuột ăn mà vẫn phớt lờ, con chuột bèn đi kêu tất cả đồng bọn lại ăn trộm lúa gạo.
Sau đó, người Việt đem lúa gạo ở trong vại cất đi và đổ nước đầy vại rồi rắc đường gạo lên trên, màng đường phủ đầy mặt nước, lũ chuột hoàn toàn không hay biết, vẫn còn cho rằng đó là lúa gạo nên nhảy vô vại ăn vụng, kết quả là tất cả đều bị chết chìm.
(Dã sử)

Suy tư 51:
Bóng đêm là đồng loã của tội lỗi, bóng đêm cũng là đồng loã cho việc trộm cắp, và bóng đêm cũng là cạm bẩy cho người tốt cũng như người xấu.
Con người ta thường hay bắt chước nhau trong cách ăn mặc, nên gọi là mốt thịnh hành; người ta cũng thường hay bắt chước nhau sống hưởng thụ, nên gọi là nhàn cư; nhưng rất ít người bắt chước gương lành mà các thánh nam nữ đã sống như Chúa dạy.
Người bắt chước nhau làm điều xấu như: gian dâm, nói xấu người khác, kiêu ngạo, giết người.v.v... thì trước sau gì cũng chết phần linh hồn, bởi vì họ chỉ thấy cái hưởng thụ sung sướng vật chất phần xác trước mắt, cũng như lũ chuột đã chết chìm cả đám vì chỉ thấy đường ngọt bên trên mà không thấy phần chết nguy hiểm bên dưới, và bởi vì lũ chuột bắt chước nhau ăn trộm, tức là làm điều xấu...
Những người Ki-tô hữu có một thói quen bắt chước rất tốt lành, đó là họ bắt chước nhau đi dâng thánh lễ ngày Chúa Nhật, họ bắt chước nhau tham dự các bí tích Thánh Thể và Hoà Giải, và từ những bắt chước thánh thiện trong nhà thờ này, họ lại bắt chước nhau làm việc thiện, hoạt động tông đồ, bắt chước nhau làm gương tốt cho giới trẻ, cho thiếu nhi ngoài xã hội. Những bắt chước này sẽ làm cho họ được hạnh phúc ở đời này cũng như ở đời sau.
Bắt chước nhau và rủ nhau làm việc lành và bắt chước nhau rủ nhau làm sự dữ, tôi thích chọn loại nào ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:05 29/04/2017
Chúa Nhật III PHỤC SINH

Tin mừng : Lc 24, 13-35.
“Họ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh”.


Bạn thân mến,
Nội dung của bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đều biết rõ, và thường nghe nhắc nhở tới trong mùa phục sinh, đó là câu chuyện của hai môn đệ trên đường đi về làng Em-mau. Cả hai ông không nhận ra Đức Chúa Giê-su đang cùng đồng hành với mình, nhưng chỉ nhận ra Ngài khi Ngài lập lại một cử chỉ rất quen thuộc đó là bẻ bánh, rồi trao cho các ông ăn. Trong tâm tình “bẻ bánh” ấy, tôi xin chia sẻ tâm tình sau đây :

1. Bẻ bánh là dấu hiệu của bác ái
Cuộc sống của một con người có rất nhiều lần bẻ bánh, và những lần bẻ bánh ấy cũng có rất nhiều ý nghĩa :
- Bẻ bánh để ăn, là để nuôi mình,
- Bẻ bánh để phân phát cho mọi người, là để nhân rộng thêm tình bác ái.
- Bẻ bánh để chia sẻ với người nghèo khó, là để chia sẻ với Đức Chúa Giê-su khổ đau trên con người của họ.
Và cũng có lúc chúng ta bẻ bánh để quăng cho chó ăn hơn là cho người nghèo, đây là một hành vi bẻ bánh khinh thường Thiên Chúa và coi thường nhân phẩm của anh em chị em.

Bẻ bánh cần phải đi đôi với một tâm tình yêu mến và phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã làm với các môn đệ, Ngài yêu thương các môn đệ đến cùng: rửa chân cho họ và ban Mình và Máu thánh của Ngài cho họ.

2. Bẻ bánh là dấu hiệu Hiệp Nhất
Có những người vừa bẻ bánh vừa chỉ trích nhau trên bàn ăn, họ coi việc ăn uống là dịp để cãi cọ nhau; có người vừa bẻ bánh vừa làm áp phe buôn bán, họ coi việc bẻ bánh (ăn uống) là cơ hội để phát tài; lại có người coi việc bẻ bánh là chuyện riêng tư, nên không thấy họ cùng đồng bàn với người khác, đối với họ sự hiệp nhất chỉ là chuyện lý thuyết viễn vông.

Chúng ta tham dự thánh lễ, tức là chúng ta cùng nhau tham dự việc “bẻ bánh” của Đức Chúa Giê-su, đó là dấu hiệu của tình thương hiệp nhất, mỗi lần chúng ta cùng nhau sắp hàng đi lên lãnh nhận tấm bánh đã được bẻ ra, nhưng nó vẫn nguyên vẹn tinh tuyền là Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, là dấu hiệu của sự hiệp nhất trong Giáo Hội và trong mỗi một cộng đoàn của chúng ta.


Anh chị em thân mến,
Hai môn đệ đi về làng Em-mau đã không nhận ra được Thầy mình là Đức Chúa Giê-su đang đồng hành và trò chuyện với mình, dù cho Ngài giải thích rất cặn kẻ về việc Đấng Mê-si-a phải chịu đau khổ và phải chết rồi sống lại, nhưng hai môn đệ chỉ nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh mà thôi.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường tham dự thánh lễ, tức là tham dự vào việc “bẻ bánh” và ăn tấm bánh ấy, nhưng chúng ta có nhận ra Đức Chúa Giê-su đang thật sự ở với chúng ta không, lòng chúng ta có thật sự nóng lên khi nghe đọc và giải thích Lời Chúa không.

Câu hỏi gợi ý :
1. “Bẻ bánh” là tham dự tiệc Thánh Thể, bạn có nhận ra sự ích lợi cho phần hồn cũng như phần xác khi rước Đức Chúa Giê-su vào lòng không ?
2. Bạn có thấy mình giống hai môn đệ đi đường Em-mau: nhiệt tâm sau khi thấy Đức Chúa Giê-su bẻ bánh không ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:13 29/04/2017

23. Thân xác không có linh hồn thì không thể sống, linh hồn không cầu nguyện thì nhất định sẽ chết và sẽ sình lên hôi thối.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Đường Emmau
Lm. Vinh Sơn scj
22:32 29/04/2017
Chúa Nhật III Phục sinh A

ĐƯỜNG EMMAU

Cv 2,14.22-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35

Danh họa Rembrandt là một họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan vào thế kỷ XVII, trong các tác phẩm hội họa của ông, có một bức rất ấn tượng vẽ cảnh Đức Giêsu đang ngồi cùng bàn với hai môn đệ Emmau. Điều gây ấn tượng là vẻ mặt sung sướng vô ngần của hai môn đệ lúc họ nhận ra Chúa. Bức họa nổi tiếng này được đặt trong một nhà bảo tàng, và có một chuyên viên phụ trách giải thích ý nghĩa của nó cho các khách tham quan.

Lần kia một cặp vợ chồng vừa có đứa con duy nhất bị chết vì tai nạn. Họ buồn quá không biết làm gì nên cùng nhau đến nhà bảo tàng ấy để giải khuây. Họ cũng được người hướng dẫn ấy dẫn đến bức họa này. Ban đầu, hai vợ chồng chẳng buồn để ý tới những lời giải thích. Nhưng dần dần họ bị cuốn hút vào. Và cuối cùng, khi người hướng dẫn dứt lời thì họ tâm sự với người hướng dẫn: "Chúng tôi đã nghe nói về bức họa này nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi được nghe người nào trình bày một cách hấp dẫn như ông. Chúng tôi thực sự xúc động".

Người hướng dẫn đáp : "Thực ra, không phải lần nào tôi cũng trình bày một cách xác tín như vậy đâu. Có lần tôi đã nói một cách rất hời hợt qua loa". Rồi ông ta kể : "Ba năm trước, vợ tôi bị ung thư, sức khoẻ cạn kiệt dần, rồi nàng chết một cách hết sức đau đớn. Tôi không thể nào chấp nhận nổi cái chết này, vì nàng là một người rất tốt, không đáng bị chết như thế. Tôi tưởng như cả thế giới sụp đổ. Tim tôi như vỡ tan. Nhưng vì bổn phận, tôi vẫn phải đến làm việc ở nhà bảo tàng này. Tôi giải thích ý nghĩa các bức họa một cách hết sức máy móc, vô hồn. Thế rồi một hôm, tôi chợt hiểu: bức họa này không chỉ liên can đến hai người môn đệ tuyệt vọng này, mà cả đến tôi nữa. Cũng như môn đệ, tôi đã tuyệt vọng và trở thành một người lữ hành cô đơn. Dù tôi là một người tín hữu, nhưng đối với tôi Đức Giêsu chỉ là một nhân vật mờ mịt trong những trang sách Tin Mừng. Tuy nhiên hôm đó tôi cảm thấy Ngài đang hiện diện thực sự bên cạnh tôi, Ngài ở bên tôi như một người bạn hiểu rất rõ mọi nỗi khổ đau của loài người. Từ lúc đó "mắt tôi mở ra, lòng tôi cháy bừng lên" như hai môn đệ ấy. Tôi đã tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình. Bởi vậy từ đó trở đi, mỗi khi tôi kể câu chuyện Emmau là tôi kể về chính cảm nghiệm của mình". Cặp vợ chồng không cầm được nước mắt : "Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi đã ‘mở mắt ra và thấy lòng mình cháy bừng lên’. Hôm nay chúng tôi cũng tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình, vì biết rằng Đức Giêsu phục sinh đang thực sự ở bên cạnh chúng tôi" (Flor McCarthy).

Trước những biến cố vừa xảy ra: Thầy Giêsu bị bắt, bị vác và đóng đinh chết trên thập tự... niềm tin vào Thầy bị sụp đổ, mọi sự liên quan đến Thầy đã chấm dứt... Các môn sinh thất vọng ê chề, sống trong sự sợ hãi (x. Ga 20,19). Tinh thần đang hoang mang thì các phụ nữ trong nhóm khi viếng mộ về đã loan tin “giật gân”: họ thấy “mộ trống” (Ga 20,1-2) và thấy Thầy sống lại (x. Ga 20,18)… Sự sợ hãi càng tăng bội phần khi giữa dân Do thái đang lưu truyền nhau: “xác ông Giêsu bị các môn đệ ông ấy lấy cắp rồi phao tin Thầy của họ đã sống lại”, tin này do các người lính canh mồ Chúa bị các thầy tư tế mua chuộc tung ra (x. Mt 28, 11-15), vì thế các ông luôn sống trong hoang mang, sợ hãi và một số đã rời bỏ Giêrusalem về quê như hai môn đệ về Emmau (x. Lc 24,13-23). Emmau là một ngôi làng cách Giêrusalem về phía Tây bắc khoảng 60 dặm, dăm - đơn vị đo lường của Hy lạp cổ (stadious-một dặm= 192m), tức khoảng 11,5 km.

Trên đường về Emmau, Đức Giêsu Phục sinh đã đên bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Ngài. Theo thánh Augustinô, việc các môn đệ chậm nhận ra Chúa vì: “Họ quá băn khoăn lo lắng khi thấy Chúa bị treo trên thập tự đến độ họ đã quên đi lời Chúa hứa sẽ phục sinh” (Sermon 235.1). “Con mắt bị che khuất, họ không nhận ra Chúa cho đến khi Ngài bẻ bánh. Họ không còn nhìn ra sự thật là Chúa phải chết và sống lại. Không phải sự thật đã gạt gẫm họ. Nhưng chính họ không thể nhận ra sự thật” (The Harmony of the Gospels, 3.25.72). Chúa đã giải thích cho họ, dựa theo Kinh Thánh: Đấng Mêsia phải chịu đau khổ và chết để đi vào vinh quang. Sau đó theo lời nàn nỉ của hai môn đệ, Ngài cùng vào nhà với các ông. Ngài ngồi vào bàn, đọc lời chúc lành trên bánh, bẻ ra và trao cho các ông. Chính lúc ấy, hai môn đệ mới nhận ra Thầy, nhưng Ngài đã biến mất, để lại cho họ sự ngỡ ngàng trước tấm bánh được bẻ ra - dấu chỉ của sự hiện diện. Lập tức hai người đã trở vê Giêrusalem loan báo Chúa Phục sinh mà họ đã thấy và thuật lại tất cả điều đã xảy cho các môn đệ.

Toàn bộ diễn tiến của trình thuật lại đường Emmau, chúng ta nhận thấy phác hoạ cuộc sống hàng ngày của chúng ta với trung tâm điểm là Thánh Lễ. Trên đường đời với những kinh nghiệm về khủng hoảng đức ti của mỗi người chúng ta đôi diện hằng ngày làm cho chúng ta mệt mỏi thất vọng và bào mòn niềm tin. Giữa những thủ thách khủng hoảng, Chúa Giêsu đến bên cạnh và giúp như Chúa làm cho hai môn đệ thanh luyện đức tin trong ý nghĩa của Kinh Thánh quy về Đấng Thiên Sai – Giêsu. Ngài dẫn đưa các ông và cho chúng ta vào thánh lễ - trung tâm điểm của cuộc đời mà Ngài luôn hiện diện: Tin mừng Luca nhấn mạnh các ông lắng nghe Lời Chúa: « Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người ». Sau đó Ngài cử hành Thánh Thể: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho hai ông (Lc 22,19-20. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã làm như trong Bữa Tối cuối cùng lập ra Bí Tích Thánh Thể và truyền cử hành cho đến ngày tận thế chính là Thánh Lễ hằng ngày. Chúng ta thông hiệp vào bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Trong thánh lễ giữa cuộc đời chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh giữa chúng ta.

Giữa những bước đi thăng trầm của cuộc đời, chúng ta xin cùng Chúa rằng: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Chiều về, là lúc bóng đêm buông xuống, và sự dữ cùng bóng tối hoàng hành: thế lực bóng tối mà chúng con phải chiến đấu. Vâng, Xin Chúa luôn ở lại với chúng con trên đường đời đầy chông gai và thử thách. Xin Chúa lưu lại với chúng con, để dạy chúng con "biết chỗi dậy" và “hồi sinh” như Thánh Vịnh dạy chúng con luôn xác tín: "Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh" (Tv 15,11a). Ngài hiện diện giữa cuộc sống hằng ngày. Chúng ta nhận ra sự hiện diện huyền nhiệm của Đấng Phục sinh và đón nhận Ngài bằng lòng tin: nhận ra Chúa Phục Sinh khi cử hành Thánh Lễ : khi nghe Lời và cử hành Bí Tích Thánh Thể, trong bí tích huyền nhiệm này, Ngài vẫn tiếp tục cầm bánh, tạ ơn Chúa, bẻ ra và trao cho chúng ta…

Đường Emmau tâm hồn đổi mới,

Mở trí lòng thấy Đấng Phục Sinh.

Gian nan trong bước đời mình,

Chúa cho con nghiệm được tình yêu thương (*).

Dù đang sầu khổ, thất vọng vì những mất mát ê chề trong cuộc sống. Dù đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần. Dù đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi…. Bám vào Chúa đang hiện diện một cách huyền nhiệm

Thật thế, Chúa Giêsu trong hành trình Emmau – cuộc đời, Ngài đang nói với chúng ta trong trung tâm là Hiến lễ Thánh Thể: con đừng thất vọng. Và Ngài cùng đồng hành với chúng ta trên đường lữ hành. Với Ngài, chúng ta tiến bước về Giêrusalem khi mang tâm tình mới:

Phục hồi ánh sáng niềm tin,

Mầu nhiệm sự sống, hành trình đức tin (*).

Lm. Vinh Sơn scj

(*) Trich thơ Emmau - Con Đường Kỷ Niệm , Mặc Trầm Cung.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn Văn của Đức Phanxicô với các nhà cầm quyền Ai Cập và ngoại giao đoàn tại nước này
Vũ Văn An
00:43 29/04/2017
Sau khi tới Ai Cập sáng nay, thứ Sáu, 28 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo chính phủ, xã hội và tôn giáo Ai Cập vào buổi chiều.



Trong bài diễn văn này, Đức Giáo Hoàng khuyến khích các vị dựa vào thiên tài Ai Cập để vun sới hòa bình.

Ngài cho rằng các mục tiêu sẽ trở thành hiện thực “nếu mọi người sẵn lòng, cùng nhau, biến lời nói thành hành động, biến các khát vọng chân chính thành các cam kết, các luật đã viết thành các luật được chấp hành, bằng cách dựa vào thiên tài thiên phú của nhân dân Ai Cập”.

Theo ngài, các hành vi bạo lực đã gây nên không biết bao nhiêu đau khổ bất công cho rất nhiều gia đình. Đức Giáo Hoàng cũng nhớ đến mọi cá nhân, trong mấy năm gần đây, đã hiến mạng sống mình để bảo vệ Ai Cập, trong đó có thanh thiếu niên, thành viên các lực lượng vũ trang và cảnh sát, các công dân Kitô hữu Coptic và mọi “nạn nhân vô danh của nhiều hình thức cực đoan khủng bố”.

Sau đây là bản dịch bài diễn văn của Đức Phanxicô, dựa vào bản tiếng Anh của Toà Thánh:

Thưa Tổng Thống,

Qúy Thành Viên Chính Phủ và Quốc Hội,

Qúy Đại Sứ và Thành Viên Ngoại Giao Đoàn,

Thưa Qúy Bà và Qúy Ông,

As-salamu alaykum! Chúc qúy vị bình an!

Thưa Tổng Thống, tôi xin cám ơn ngài về những lời chào đón thân tình của ngài và lời mời nhân ái của ngài để tôi tới thăm xứ sở qúy yêu của ngài. Tôi còn nhiều kỷ niệm sống động về chuyến viếng thăm Rôma của ngài hồi tháng Mười Một năm 2014, cuộc gặp gỡ huynh đệ của tôi với Đức Giáo Hoàng Tawadros II năm 2013, và cuộc gặp gỡ vào năm ngoái với Đại Imam của Đại Học Al-Azhar, Tiến Sĩ Ahmad Al-Tayyib.

Tôi sung sướng có mặt ở đây, tại Ai Cập, một lãnh thổ của nền văn minh cổ xưa và rất cao quý; mà chúng ta vẫn còn ca ngợi các vết tích của nó ngay cả bây giờ; trong vẻ lộng lẫy huy hoàng của chúng, các vết tích này xem ra vẫn đứng vững với thời gian trôi qua. Lãnh thổ này có nhiều ý nghĩa đối với lịch sử nhân loại và đối với truyền thống Giáo Hội, không những chỉ vì quá khứ ngời sáng của nó, quá khứ của các Pharaô, quá khứ của người Copt và người Hồi Giáo, mà còn vì quá nhiều Tổ Phụ đã sống ở Ai Cập hay băng qua nó. Thực vậy, Ai Cập năng được nhắc tới trong Thánh Kinh. Trên lãnh thổ này, Thiên Chúa đã lên tiếng và “mạc khải thánh danh Người cho Môsê” (Gioan Phaolô II, Lễ Nghinh Đón, 24 tháng Hai năm 2000: Insegnamenti XXIII, 1 [2000], 248), và trên Núi Sinai, Người đã trao cho dân Người và toàn thể nhân loại Mười Giới Răn. Trên lãnh thổ Ai Cập, Thánh Gia của Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse đã tìm được nơi nương náu và lòng hiếu khách.

Lòng hiếu khách đầy đại lượng từng được tỏ bày cách nay hơn 2000 năm vẫn còn trong ký ức tập thể của nhân loại và là nguồn ơn phúc dồi dào tiếp tục khai triển. Kết quả là Ai Cập trở thành lãnh thổ mà tất cả chúng ta, cách nào đó, cảm thấy như là của riêng mình! Như qúy vị từng nói “Misr um al-dunya” – “Ai Cập là mẹ thế giới”. Cả ngày nay nữa, lãnh thổ này vẫn đang chào đón hàng triệu người tỵ nạn từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Sudan, Eritrea, Syria và Iraq, những người tỵ nạn mà qúy vị đã có nhiều cố gắng đáng khen nhằm hội nhập họ vào xã hội Ai Cập.

Nhờ lịch sử và địa điểm địa dư đặc thù của nó, Ai Cập có một vai trò độc đáo để đóng tại Trung Đông và nơi các quốc gia đang đi tìm giải pháp cho các vấn đề cấp bách và phức tạp mà nay cần được trực diện ngõ hầu tránh được sự lan tràn tệ hơn của bạo lực. Tôi muốn nói tới bạo lực mù quáng và dã man do nhiều nhân tố khác nhau gây ra: tham vọng quyền lực, buôn bán vũ khí, các nan đề xã hội trầm trọng và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo chuyên sử dụng Thánh Danh Thiên Chúa để thi hành các tàn bạo và bất công chưa từng thấy.

Số phận và vai trò trên của Ai Cập cũng là lý do khiến người ta kêu gọi một Ai Cập nơi không ai thiếu bánh ăn, tự do và công bằng xã hội. Chắc chắn, mục tiêu này sẽ trở thành thực tại nếu mọi người sẵn lòng, cùng nhau, biến lời nói thành hành động, biến các khát vọng chân chính thành các cam kết, các luật đã viết thành các luật được chấp hành, bằng cách dựa vào thiên tài thiên phú của nhân dân Ai Cập.

Như thế, Ai Cập có một nhiệm vụ đặc thù là tăng cường và củng cố hòa bình khu vực bất chấp nó đang bị tấn công trên chính lãnh thổ mình bởi các hành vi bạo lực vô nghĩa. Các hành vi bạo lực như thế đang gây ra nhiều đau khổ bất công cho biết bao gia đình, mà một số đang hiện diện với chúng ta hôm nay, những gia đình đang than khóc cho con trai con gái của mình.

Tôi cũng nghĩ cách riêng đến mọi cá nhân, trong mấy năm gần đây, đã hiến mạng sống mình để bảo vệ Ai Cập, trong đó có thanh thiếu niên, thành viên các lực lượng vũ trang và cảnh sát, các công dân Kitô hữu Coptic và mọi nạn nhân vô danh của nhiều hình thức cực đoan khủng bố. Tôi cũng nghĩ đến những vụ sát nhân và đe dọa khiến các Kitô hữu phải ồ ạt ra khỏi vùng Bắc Sinai. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với các nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo và đối với mọi người đã đón tiếp và trợ giúp những người từng chịu rất nhiều đau khổ lớn lao này. Tôi cũng nghĩ đến nạn nhân các vụ tấn công vào các nhà thờ Coptic, cả tháng Mười Hai lẫn gần đây ở Tanta và Alexandria. Với các thành viên của gia đình họ, và với mọi người dân Ai Cập, Tôi xin gửi lời chia buồn và cầu nguyện tận đáy lòng tôi xin Chúa ban cho họ được mau chóng chữa lành các vết thương.

Thưa Tổng Thống, Qúy Bà và Qúy Ông,

Tôi chỉ có thể khuyến khích các cố gắng anh hùng mà qúy vị đang đưa ra để hoàn tất một số chương trình quốc gia và nhiều sáng kiến xây dựng hòa bình, cả ở trong nước lẫn ở ngoại quốc, nhằm phát triển trong thịnh vượng và hòa bình mà nhân dân hằng mong muốn và xứng đáng được hưởng.

Phát triển, thịnh vượng và hòa bình là những thiện ích trọng yếu đáng được mọi hy sinh. Chúng cũng là các mục tiêu đòi phải làm việc hăng hái, xác tín và dấn thân, lên kế hoạch thỏa đáng và, trên hết, tuyệt đối tôn trọng các nhân quyền bất khả nhượng như quyền bình đẳng giữa mọi công dân, quyền tự do tôn giáo và quyền tự do phát biểu, không phân biệt (xem Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền; Hiến Pháp Ai Cập năm 2014, chương 3). Chúng cũng là các mục tiêu đòi phải đặc biệt xem xét vai trò phụ nữ, thanh thiếu niên, người nghèo và người bệnh. Sau cùng, phát triển đích thực được đo bằng việc quan tâm tới con người nhân bản, họ mới là tâm điểm của mọi phát triển: quan tâm đến việc giáo dục, y tế và phẩm giá của họ. Sự cao cả của bất cứ quốc gia nào cũng được tỏ bày trong việc chăm sóc hữu hiệu cho các thành phần yếu kém nhất của xã hộ: phụ nữ, trẻ em, người cao niên, người bệnh, người tàn tật và các nhóm thiểu số, kẻo bất cứ con người nào hay nhóm xã hội nào cũng có thể bị loại trừ hay bị đẩy qua bên lề.

Trong tình thế mỏng manh và phức tạp của thế giới ngày nay, tình thế mà tôi vốn mô tả như "một thế chiến đang diễn ra từng mảng", cần phải tuyên bố rõ ràng rằng không một xã hội văn minh nào có thể được xây dựng mà không cần bác bỏ mọi ý thức hệ của sự ác, của bạo lực và chủ nghĩa cực đoan, với tham vọng dẹp bỏ người khác và tiêu trừ tính đa dạng bằng cách thao túng và tục hóa Thánh Danh Thiên Chúa. Thưa Tổng Thống, ngài từng nói về điều này luôn và trong những dịp khác nhau, một cách rõ ràng đáng được chú ý và đánh giá cao.

Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải dạy dỗ các thế hệ đang tới rằng Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời và đất, không cần được bảo vệ bởi con người; quả thực, chính Người là Đấng bảo vệ họ. Người không bao giờ muốn cái chết của con cái Người, mà là sự sống và hạnh phúc của họ. Người không thể yêu cầu, cũng không thể biện minh cho bạo lực; thực vậy, Người căm ghét và bác bỏ bạo lực ("Thiên Chúa. .. ghét người yêu bạo lực"): Thánh Vịnh 11: 5). Thiên Chúa đích thực mời gọi yêu thương vô điều kiện, tha thứ nhưng không, thương xót, tuyệt đối tôn trọng mọi sự sống, và tình huynh đệ giữa các con cái Người, bất kể là người tin hay người không tin.

Nghĩa vụ của chúng ta là cùng nhau tuyên bố rằng lịch sử không tha thứ cho những người giảng dạy công lý, nhưng sau đó thực hành bất công. Lịch sử không tha thứ cho những người nói về bình đẳng, nhưng sau đó loại bỏ những người khác với mình. Nhiệm vụ của chúng ta là phơi bày những người rao bán ảo tưởng về cuộc sống đời sau, những người rao giảng hận thù hòng cướp mất của người đơn thành cuộc sống hiện tại của họ và quyền họ được sống một cách có nhân phẩm và bóc lột người khác bằng cách lấy mất khả năng lựa chọn tự do và tin một cách có trách nhiệm của họ. Nhiệm vụ của chúng ta là tháo bỏ các ý tưởng chết người và các ý thức hệ cực đoan, những thứ chuyên duy trì tính bất tương hợp giữa đức tin đích thực và bạo lực, giữa Thiên Chúa và các hành động giết người.

Thay vào đó, lịch sử luôn tôn vinh những người nam nữ của hòa bình, những người can đảm và bất bạo động đang cố gắng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn: "Phúc cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa" (Mt 5,9).

Ai Cập, thời tổ phụ Giuse, đã cứu các dân tộc khác khỏi nạn đói (xem Sáng Thế 47:57); ngày nay, nó đang được mời gọi cứu khu vực thân yêu này khỏi nạn đói tình yêu và tình huynh đệ. Nó được mời gọi lên án và đánh bại mọi bạo lực và chủ nghĩa khủng bố. Nó được mời gọi đổ lúa hạt hòa bình trên mọi trái tim khát khao chung sống hoà bình, nhân dụng xứng đáng và giáo dục nhân ái. Ai Cập, trong việc xây dựng hòa bình và đồng thời đánh bại khủng bố, được mời gọi chứng minh rằng "al-din lillah wal watan liljami" - tôn giáo thuộc về Thiên Chúa và quốc gia thuộc về mọi người ", như khẩu hiệu của cuộc Cách Mạng ngày 23 tháng 7 năm 1952 đã tuyên bố. Ai Cập được mời gọi chứng minh rằng có thể tin và sống hòa hợp với người khác, chia sẻ với họ các giá trị căn bản của con người và tôn trọng tự do và đức tin của mọi người (xem Hiến Pháp Ai Cập năm 2014, Điều 5). Ai Cập có một vai trò đặc biệt trong khía cạnh này, để vùng này, cái nôi của ba tôn giáo lớn, có thể và thực sự bừng dậy từ đêm dài thống khổ, và một lần nữa tỏa sáng các giá trị tối cao của công lý và tình huynh đệ vốn là nền tảng vững chắc và là con đường cần thiết tiến tới hòa bình (xem Thông Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2014, 4). Từ các quốc gia vĩ đại, người ta không thể chờ mong ít hơn!

Năm nay đánh dấu 70 năm liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Ả Rập Ai Cập, vốn là một trong các quốc gia Ả Rập đầu tiên thiết lập mối liên hệ loại này. Những mối liên hệ này luôn có đặc điểm là tình bạn, lòng qúy trọng và hợp tác hỗ tương. Tôi hy vọng rằng chuyến thăm của tôi có thể giúp củng cố và tăng cường chúng.

Hòa bình là một món quà của Thiên Chúa, nhưng cũng là công trình của con người. Nó là một thiện ích cần được xây dựng và bảo vệ, bằng cách tôn trọng nguyên tắc duy trì sức mạnh của luật pháp chứ không phải là luật của sức mạnh (xem Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2017, 1). Chúc hòa bình cho đất nước yêu quý này! Hòa bình cho toàn vùng này, và đặc biệt cho Palestine và Israel, cho Syria, cho Libya, Yemen, cho Iraq, cho Nam Sudan. Hòa bình cho mọi người có thiện chí!

Thưa Tổng Thống, Quý Bà và Qúy Ông, Tôi muốn âu yếm và bằng cái ôm của người cha chào đón mọi người Ai Cập đang hiện diện một cách đầy biểu tượng tại hội trường này. Tôi cũng chào đón con cái nam nữ Kitô hữu của tôi, và các anh chị em sống tại đất nước này: người Chính Thống Coptic, người Byzantines Hy Lạp, người Chính thống Armenia, Tin lành và Công Giáo. Nguyện xin Thánh Máccô, người rao giảng Tin Mừng trên mảnh đất này, canh chừng qúy vị và giúp mọi người chúng ta xây dựng và đạt được sự hợp nhất mà Chúa của chúng ta rất muốn (xem Ga 17: 20-23). Sự có mặt của qúy vị trên đất nước này, đất nước của qúy vị, không phải là mới hay tình cờ, mà là một phần cổ xưa và không thể tách rời của lịch sử Ai Cập. Qúy vị là một phần cấu tạo ra đất nước này, và qua nhiều thế kỷ, qúy vị đã phát triển một loại tương quan độc đáo, một thứ cộng sinh đặc biệt, có thể dùng làm điển hình cho các quốc gia khác. Qúy vị đã chứng tỏ và tiếp tục chứng tỏ rằng ta có thể sống với nhau trong sự tôn trọng và công bằng hỗ tương, bằng cách, trong dị biệt, tìm thấy nguồn phong phú chứ không bao giờ là động cơ cho xung đột (xem Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia In Medio Oriente, 24 và 25).

Cảm ơn qúy vị về sự chào đón nồng nhiệt. Tôi xin Đấng Toàn Năng và Thiên Chúa Độc Nhất đổ đầy mọi người dân Ai Cập các ơn phúc của Người. Nguyện xin Người ban hòa bình và thịnh vượng, tiến bộ và công lý cho Ai Cập, và chúc lành mọi con cái của Ai Cập!

"Phúc cho Ai Cập, dân Ta". Chúa nói thế trong Sách Isaia (19:25).

Shukran wa tahya misr! Cảm ơn Qúy Vị và Ai Cập muôn năm!
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại Cairo sáng Thứ Bẩy 29 tháng Tư, 2017
J.B. Đặng Minh An dịch
07:11 29/04/2017
Sáng Thứ Bẩy 29 tháng Tư, 2017, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho anh chị em tín hữu Công Giáo Ai Cập.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


As-salamu alaykum! Bình an ở cùng anh chị em!

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Ba Phục Sinh hôm nay nói với chúng ta về cuộc hành trình đến Emmaus của hai môn đệ đã rời khỏi Giêrusalem. Bài Tin Mừng này có thể được tóm lược trong ba chữ: cái chết, sự phục sinh và sự sống.

Cái chết.

Hai môn đệ đang trở lại với cuộc sống thường nhật với đầy những chán chường và thất vọng. Thầy đã chết và thế là chẳng còn gì để hy vọng. Họ cảm thấy chán chường và thất vọng. Cuộc hành trình của họ là một cuộc hành trình quay lại, khi họ để lại sau lưng những kinh nghiệm đau đớn về việc Chúa bị đóng đinh. Khủng hoảng của thập giá, thực sự là một “vụ tai tiếng” và một điều “điền rồ” (xem 1Cor 1:18, 2: 2) dường như đã vùi chôn mọi hy vọng của họ. Đấng mà họ đã dựa vào để xây dựng cuộc sống mình giờ đã chết; với thất bại của mình, Ngài đã mang xuống tuyền đài tất cả các ước mơ của họ.

Họ không thể tin rằng vị Thầy và Đấng Cứu Rỗi của họ, Đấng đã cho kẻ chết sống lại và chữa lành những người đau ốm, lại có thể bị treo trên thập giá một cách nhục nhã như thế. Họ không thể hiểu tại sao Thiên Chúa Toàn Năng đã không cứu Người khỏi cái chết đáng hổ thẹn đó. Thập giá Chúa Kitô là thập giá cho những ý tưởng của họ về Thiên Chúa; cái chết của Chúa Kitô là cái chết của những ý tưởng họ nghĩ về Thiên Chúa. Trên thực tế, chính họ đã chết, và được mai táng trong nấm mồ những hiểu biết hạn hẹp của mình.

Quá thường khi chúng ta làm tê liệt chính mình bằng cách từ chối vượt qua những ý tưởng của chúng ta về Thiên Chúa, trong đó chúng ta xem Ngài như một vị thần được tạo ra theo hình ảnh con người và giống như con người? Chúng ta tuyệt vọng đến mức nào khi từ chối tin rằng quyền năng vô biên của Thiên Chúa không phải là sức mạnh và uy quyền, nhưng là quyền năng của tình yêu, sự tha thứ và sự sống!

Các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài “bẻ bánh”, nghĩa là trong Bí Tích Thánh Thể. Trừ khi chúng ta xé toạc bức màn che khuất tầm nhìn của chúng ta và phá vỡ sự cứng rắn trong trái tim chúng ta và những định kiến của mình, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhận ra thiên nhan Chúa.

Sự Phục Sinh.

Trong mịt mù của đêm tăm tối nhất của họ, vào thời điểm tuyệt vọng nhất của họ, Chúa Giêsu tiếp cận hai môn đệ và bước đi bên cạnh họ, để làm cho họ thấy rằng Ngài là “Đường, là Chân lý và là Sự sống” (Ga 14: 6 ). Chúa Giêsu biến sự thất vọng của họ thành sự sống, vì khi niềm hy vọng phàm trần biến mất, niềm hy vọng thánh thiêng bắt đầu tỏa sáng. “Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa.” (Lc 18:27, xem 1:37). Khi chúng ta rơi đến tận vực sâu của sự thất bại và bất lực, khi chúng ta thoát ra khỏi cái ảo tưởng rằng chúng ta là giỏi nhất, có thể tự túc tự cường, và là trung tâm của thế giới chúng ta, thì lúc đó Thiên Chúa vươn đến chúng ta để biến đêm của chúng ta thành rạng đông, biến cái chết của chúng ta thành sự phục sinh. Ngài quay bước chúng ta trở lại Giêrusalem, trở lại với sự sống và với chiến thắng của Thập giá (xem Dt 11:34).

Sau khi gặp Chúa Phục Sinh, hai môn đệ trở lại lòng tràn đầy niềm vui, tự tin và nhiệt tình, sẵn sàng làm chứng. Đấng Phục Sinh đã làm cho họ trỗi dậy từ ngôi mộ của sự bất tín và nỗi buồn của họ. Khi gặp gỡ Chúa, Đấng đã chịu đóng đinh và sống lại, họ khám phá ra ý nghĩa và sự viên mãn của toàn bộ Kinh Thánh, Lề Luật và các Tiên Tri. Họ khám phá ra ý nghĩa của điều xem ra là một sự thất bại của thập giá.

Những ai không vượt qua được kinh nghiệm của thập giá để đến với chân lý phục sinh thì tự mình lên án mình trong tuyệt vọng! Chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu trước hết chúng ta không đóng đinh những khái niệm hẹp hòi của chúng ta về một vị thần chỉ phản ảnh những hiểu biết của chính chúng ta về sức mạnh và quyền lực.

Sự sống.

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh đã làm thay đổi cuộc sống của hai môn đệ này vì cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh biến đổi mọi sự sống và làm cho những gì là sa mạc khô cằn trở nên xum xuê hoa trái (xem Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Buổi Tiếp Kiến Chung, ngày 11 tháng 4 năm 2007). Đức tin nơi sự phục sinh không phải là sản phẩm của Giáo Hội, nhưng chính Giáo Hội được sinh ra bởi đức tin nơi sự phục sinh. Như Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cor 15:14).

Chúa Phục Sinh đã biến mất trước mắt các môn đệ để dạy chúng ta rằng chúng ta không thể giữ được Chúa Giêsu như Người đã xuất hiện trong lịch sử: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 21:29, xem 20: 17). Giáo Hội cần biết và tin rằng Chúa Giêsu sống trong Giáo Hội và trao ban sự sống của Ngài trong Bí Tích Thánh Thể, trong Kinh Thánh và trong các bí tích. Các môn đệ trên đường Emmaus nhận ra điều này, và trở lại Giêrusalem để chia sẻ kinh nghiệm của họ với những người khác: “Chúng tôi đã thấy Đấng Phục Sinh... Đúng vậy, Ngài thật sự đã sống lại!” (Lc 24:32).

Kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmaus dạy chúng ta rằng thật là vô dụng khi lấp đầy những nơi thờ phượng của chúng ta nếu trái tim chúng ta trống rỗng vì sợ Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài. Thật là vô dụng khi cầu nguyện nếu lời cầu nguyện của chúng ta với Thiên Chúa không trở thành tình yêu đối với anh chị em mình. Tất cả các việc đạo đức của chúng ta đều là vô nghĩa trừ phi nó được linh hứng từ đức tin sâu xa và lòng bác ái. Thật là vô dụng khi chăm chuốt diện mạo của chúng ta, vì Thiên Chúa chỉ nhìn vào linh hồn và trái tim (xem 1 Sa-mu-ên 16: 7) và ghét sự giả hình (xem Lc 11: 37-54, Công-vụ 5: 3, 4 ) [1]. Đối với Thiên Chúa, thà đừng tin còn hơn là một tín hữu giả, một kẻ giả hình!

Đức tin chân thật là đức tin khiến chúng ta bác ái hơn, thương xót hơn, trung thực và nhân đạo hơn. Đức tin ấy làm rung động con tim của chúng ta để yêu thương mọi người mà không so đo tính toán hơn thiệt, không phân biệt và không chuộng người này bỏ người kia. Đức tin ấy làm cho chúng ta thấy tha nhân không phải là kẻ thù cần phải vượt qua, nhưng là anh chị em với mình để yêu thương, phục vụ và giúp đỡ. Đức tin ấy thúc đẩy chúng ta truyền bá, bảo vệ và sống một nền văn hoá gặp gỡ, đối thoại, tôn trọng và huynh đệ. Đức tin ấy cho chúng ta lòng dũng cảm để tha thứ cho những người đã làm khốn mình, để giang tay cho kẻ sa ngã, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho kẻ đói ăn, viếng kẻ tù rạc, giúp trẻ mồ côi, cho kẻ khát uống, giúp đỡ những người cao niên và những ai gặp khó khăn (xem Mt 25). Đức tin chân thật dẫn chúng ta đến việc bảo vệ quyền của người khác với cùng một nhiệt tình như khi chúng ta bảo vệ cho chính mình vậy. Thật thế, chúng ta càng tăng trưởng trong đức tin và tri thức, chúng ta càng lớn lên trong sự khiêm tốn và trong nhận thức về sự mọn hèn của chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa chỉ vui trước một đức tin được loan báo bằng chính đời sống chúng ta, vì sự cuồng tín duy nhất các tín hữu có thể có là lòng bác ái! Bất kỳ thứ cuồng tín nào khác đều không đến từ Thiên Chúa và không làm hài lòng Người!

Vậy giờ đây, giống như các môn đệ trên đường Emmaus, lòng tràn ngập niềm vui, can đảm và đức tin, chúng ta hãy trở lại Giêrusalem của mình, nghĩa là trở lại với cuộc sống hàng ngày của anh chị em, gia đình, công việc và đất nước yêu dấu của anh chị em. Đừng sợ mở lòng mình ra với ánh sáng của Chúa Phục Sinh, và để cho Người biến đổi sự bất định của anh chị em thành một sức mạnh tích cực cho chính mình và cho người khác. Đừng ngại yêu mọi người, bạn bè và kẻ thù bởi vì sức mạnh và kho báu của người tín hữu chính là trong một cuộc sống yêu thương!

Nguyện xin Đức Mẹ và Thánh Gia, đã ngự đến vùng đất đáng kính này của anh chị em, soi sáng tâm hồn chúng ta và ban phước cho anh chị em và đất nước yêu quý Ai Cập này, là đất nước mà trong buổi bình minh của Kitô giáo đã chào mừng việc rao giảng của Thánh Máccô, và trong lịch sử của nó đã đưa ra rất nhiều các vị tử đạo và vô số những người nam nữ thánh thiện.

Al Masih qam! Bi-l-haqiqa qam!

Chúa Kitô đã sống lại! Ngài thật sự đã sống lại!
 
Ngày đầu Đức Phanxicô ở Cairo, Ai Cập
Vũ Văn An
06:22 29/04/2017
Hãng tin Associated Press, như thường lệ, có bản tin ghi nhanh trọn ngày đầu tiên, 28 tháng Tư, 2017, của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở Cairo, Ai Cập. Giờ sau đây là giờ địa phương.

8 giờ 40 sáng

Bỏ qua một bên các lo lắng về an ninh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cương quyết lên đường qua Ai Cập nhằm trình bày một mặt trận thống nhất giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo để đẩy lui bạo lực ngụy tạo danh Thiên Chúa. Ngài sẽ gặp Tổng Thống Ai Cập, thượng phụ và là một “giáo hoàng” khác, Đức Tawadros II của Giáo Hội Chính Thống Coptic, và cầu nguyện cho các nạn nhân của các cuộc tấn công.

Quan trọng hơn cả, ngài sẽ viếng Al-Azhar, tức trung tâm học thuật của thế giới Hồi Giáo Sunni, đã có hơn một ngàn năm nay. Ở đây, ngài sẽ hội kiến riêng với Đại Imam Ahmed el-Tayeb, và tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế vào chiều thứ Sáu.

11 giờ 55 sáng

Các nhân viên an ninh đã được bố trí cách nhau chừng trăm thước Anh dọc theo lộ trình 12 dặm (20 km) từ phi trường vào trung tâm Cairo, dự phòng cho cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Các xe bọc thép được trấn đóng trước dinh tổng thống, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dừng lại trước nhất vào hôm thứ Sáu.

Các biểu ngữ ở khu Zamalek chào đón Đức Phanxicô, trong đó có biểu ngữ của một công ty tư viết: “1,000,000 công nhân của Sharm el Sheikh chào mừng Đức Giáo Hoàng”.

12 giờ 15 trưa

Ở Zamalek, một khu nâng cấp trên bờ Sông Nile, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ qua đêm tại Cairo, các đường phố có đoàn hộ tống của Đức Phanxicô đi qua đều đã không còn chiếc xe nào đậu ở đây cả.

Một số đường phố gần đấy đã bị chặn vì cuộc viếng thăm hai ngày của Đức Phanxicô. An ninh cũng được tăng cường trông thấy tại khu này, với cảnh sát đồng phục và thường phục triển khai dọc các lộ trình Đức Phanxicô và đoàn tùy tùng sẽ đi qua.

Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ không gây nhiều ngưng trệ cho thành phố có tới 18 triệu dân vì nó rơi vào cuối tuần từ thứ Sáu tới thứ Bẩy khi lưu thông không nặng lắm.

2 giờ 00 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Ai Cập để thực hiện chuyến viếng thăm 2 ngày có tính lịch sử để biểu dương một mặt trận đoàn kết giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo chống lại chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo.

Vị giáo hoàng của Công Giáo sẽ có hàng loạt các cuộc gặp gỡ có tính biểu tượng cao với các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị của Ai Cập và tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế do Al-Azhar, vốn là trung tâm hàng đầu của học thuật Hồi Giáo Sunni, tổ chức.

Ngài cũng sẽ biểu dương tình liên đới và đem một sứ điệp hòa bình tới một quốc gia, trong nhiều năm qua, từng chịu đựng cuộc nổi dậy càng ngày càng trâng tráo hơn của những kẻ ở địa phương nhưng liên kết với nhóm Nhà Nước Duy Hồi Giáo cực đoan.

Chuyến viếng thăm hai ngày thứ Sáu và thứ Bẩy của Đức Giáo Hoàng sẽ nâng cao tinh thần của cộng đồng Kitô Giáo Ai Cập sau 3 vụ đặt bom từ tháng Mười Hai tại các nhà thờ của họ, sát hại ít nhất 75 người. Nhà Nước Duy Hồi Giáo (IS) đã nhận trách nhiệm đối với các vụ tấn công này.

2 giờ 20 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Ai Cập, nơi ngài được chào đón tại phi trường Cairo bởi Thủ Tướng Sherif Ismail và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Kitô Giáo.

Các thành viên của Đoàn Vệ Binh Tổng Thống Ai Cập đã đứng dọc hai bên chiếc thảm đỏ đặt dưới chân chiếc phản lực cơ của hãng Alitalia và trải dài đến phòng khách dành cho tổng thống ở bên cạnh phi trường. Hai trẻ em, một gái trong bộ váy trắng và một trai trong một bộ tuxedo đen, đã dâng các bó hoa lên Đức Giáo Hoàng Công Giáo.

Đức Giáo Hoàng dự tính hội kiến với Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi và Đức Giáo Hoàng Tawadros II, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Chính Thống Coptic của Ai Cập, vào chiều thứ Sáu. Ngài cũng sẽ tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế do Al-Azhar tổ chức, đây là trung tâm hàng đầu của thế giới học thuật Hồi Giáo Sunni.

2 giờ 45 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp tổng thống Ai Cập khi bắt đầu chuyến viếng thăm lịch sử hai ngày tới quốc gia Ả Rập đa số theo Hồi Giáo đang chiến đấu chống cuộc nổi dậy của các người đấu tranh duy Hồi Giáo.

Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi hôm thứ Sáu đã tiếp kiến vị giáo hoàng Công Giáo tại dinh Ittihadya sang trọng của ông, nơi một ban nhạc quân đội đã trình tấu các bài quốc ca của Vatican và của Ai Cập khi cả hai nhà lãnh đạo đứng im theo dõi.

Đức Phanxicô rời khỏi phi trường Cairo với cửa sổ của chiếc xe Fiat màu xanh lá cây của ngài hạ xuống, phù hợp với mong muốn của ngài đưọc dùng một chiếc xe bình thường chứ không phải một chiếc xe bọc thép.

Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng được dự định tạo nên một mặt trận đoàn kết giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo chống lại chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo và chính vì mục đích này, ngài sẽ tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế vào chiều thứ Sáu được tổ chức bởi Al-Azhar, trung tâm hàng đầu thế giới về học thuật Hồi Giáo Sunni.

4 giờ 00 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Al-Azhar, trung tâm hàng đầu thế giới về học thuật Hồi Giáo Sunni, vào ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm lịch sử tới Ai Cập nhằm tạo nên một mặt trận đoàn kết Kitô Giáo và Hồi Giáo chống chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo.

Vị giáo hoàng Công Giáo lên đường tới Al-Azhar hôm thứ Sáu sau khi gặp Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi, người đã tiếp đón ngài chốc lát tại dinh tổng thống Ittihadya, bằng cách dành cho ngài một cuộc nghinh đón chính thức, đầy đủ với một ban nhạc quân đội trình tấu các bài quốc ca của Vatican và Ai Cập.

Đức Giáo Hoàng dự kiến sau đó sẽ tham dự và nói chuyện với một hội nghị hòa bình quốc tế do Al-Azhar tổ chức và dưới sự chủ tọa của vị đại imam của nó là Giáo Sĩ Ahmed el-Tayeb. Ngài cũng sẽ gặp Giáo Hoàng Tawadros II, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Chính Thống Coptic của Ai Cập, là Giáo Hội của đa số các Kitô Hữu Ai Cập ước tính khoảng chín triệu người.

4giờ 45 chiều

Phát biểu cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giáo sĩ Hồi Giáo hàng đầu của Ai Cập và là người đứng đầu trung tâm hàng đầu thế giới về học thuật Hồi Giáo Sunni, tức viện Al-Azhar, nói rằng cơ sở đã được thiết lập để các tôn giáo "độc thần" đóng vai trò của họ trong việc thể hiện bình đẳng, công lý và nhân quyền.

Giáo Sĩ Ahmed el-Tayeb nói rằng có nhiều cuộc tấn công "man rợ" trong thế giới ngày nay hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử.

Ông cho rằng Al-Azhar của Ai Cập đang làm việc để củng cố nền văn hoá đồng tồn tại và tôn trọng đối thoại.

4 giờ 55 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục các giáo sĩ Hồi Giáo hàng đầu của Ai Cập giảng dạy các sinh viên của họ bác bỏ bạo lực nhân danh Thiên Chúa và rao giảng hòa bình, đối thoại và hòa giải - chứ không xúi giục tranh chấp.

Đức Phanxicô đã đưa ra các nhận xét trên hôm thứ Sáu trong một cuộc viếng thăm quan trọng tại trường đại học Al Azhar ở Ai Cập, một trung tâm học thuật rất đáng kính, đã có từ 1000 năm nay, của Hồi Giáo Sunni, nhằm đào tạo các giáo sĩ và học giả từ khắp nơi trên thế giới.

Đức Phanxicô nhắc nhớ rằng nền văn minh cổ xưa của Ai Cập đánh giá cao việc tìm kiếm nhận thức và nền giáo dục khai phóng, và ngày nay cần có một cam kết tương tự để chống lại điều mà ngài gọi là "tính man rợ" của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Đức Phanxicô nói chuyện với vị đại Imam, tức Giáo Sĩ Ahmed el-Tayeb, và các giáo sĩ khác vào ngày đầu tiên của chuyến thăm hai ngày ở Cairo.

Ngài nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có nghĩa vụ phải "phơi bày các mưu toan nhằm biện minh cho mọi hình thức hận thù nhân danh tôn giáo, và lên án các âm mưu này như là những biếm họa ngẫu thần về Thiên Chúa".

Đức Phanxicô đã bị ngắt quãng bởi nhiều tràng pháo tay.

Dù el-Tayeb cực lực lên án chủ nghĩa cực đoan duy Hồi Giáo, các phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ Ai Cập đã cáo buộc Al-Azhar không làm đủ để cải tổ ngôn từ tôn giáo trong Hồi Giáo.

6 giờ 00 tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mạnh mẽ ủng hộ các nỗ lực của Ai Cập trong việc trấn áp chủ nghĩa đấu tranh duy Hồi Giáo; ngài nói rằng đất nước này có một vai trò đặc biệt trong việc tạo ra hòa bình cho khu vực và "đánh bại mọi bạo lực và khủng bố".

Trong bài phát biểu tại Cairo hôm thứ Sáu trước các viên chức Ai Cập và các nhà ngoại giao khắp thế giới, Đức Phanxicô cũng ca ngợi Abdel-Fattah el-Sissi, Tổng Thống Ai Cập, vì đã bác bỏ các cuộc tấn công do tôn giáo gợi hứng, đồng thời cũng nhấn mạnh tới "sự tôn trọng vô điều kiện đối với các nhân quyền bất khả nhượng”.

Trước đây, các vị giáo hoàng vốn đã kêu gọi các nhà lãnh đạo nước ngoài giải quyết các bất công về xã hội và kinh tế có thể nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố.

Nhưng Đức Phanxicô đang đẩy mạnh lời kêu gọi ấy thêm nữa, bằng cách khuyến khích các nỗ lực của el-Sissi nhằm phá vỡ cuộc nổi dậy của Nhà Nước Duy Hồi Giáo đang ngày càng nhắm vào thiểu số Kitô hữu Ai Cập.

Đức Giáo Hoàng nói rằng "Ai Cập, thời Tổ Phụ Giuse, đã cứu các dân tộc khác khỏi nạn đói, ngày nay, nó được mời gọi cứu vùng yêu dấu này khỏi nạn đói tình yêu và tình huynh đệ".

“Nó được mời gọi lên án và tiêu diệt mọi bạo lực và chủ nghĩa khủng bố… Ai Cập, trong việc xây dựng hòa bình và đồng thời đánh bại chủ nghĩa khủng bố, được mời gọi chứng minh rằng tôn giáo thuộc Thiên Chúa còn quốc gia thuộc mọi người”.

6 giờ 30 tối

Tổng Thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi nói rằng các người đấu tranh duy Hồi Giáo phạm các hành vi khủng bố nhân danh tôn giáo không thể tự cho mình là người Hồi Giáo.

Vị tướng quân đội nay trở thành tổng thống này đã phát biểu như trên hôm thứ Sáu cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm lịch sử của vị này tại Ai Cập, một chuyến đi được dự trù chủ yếu để tạo ra một mặt trận thống nhất Kitô giáo-Hồi giáo nhằm đánh bại chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo.

El-Sissi cũng kêu gọi một chiến lược toàn diện để đánh bại khủng bố và nói rằng người Ai Cập bị buộc phải trả giá quá cao nhưng họ quyết tâm đánh bại nó.

Tổng thống nói rằng "Hồi giáo chân chính không truyền lệnh giết người vô tội."

Ai Cập đã nhiều năm nay chiến đấu chống cuộc nổi dậy của các người đấu tranh duy Hồi giáo tập trung ở phía bắc Sinai và dẫn đầu bởi một chi nhánh địa phương của nhóm Nhà Nước Duy Hồi Giáo ở miền Bắc Sinai.

7 giờ 25 tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi các Kitô hữu Coptic của Ai Cập thà chết hơn là từ bỏ đức tin của họ; ngài nói rằng "máu vô tội của họ hợp nhất chúng ta" và giúp hàn gắn các chia rẽ lịch sử giữa người Công Giáo và người Chính Thống Giáo.

Vị Giáo Hoàng Công Giáo nói chuyện tại Nhà Thờ Chính Tòa của Chính Thống Giáo Coptic vào ngày thứ Sáu, ngày đầu tiên của chuyến đi kéo dài hai ngày tại Ai Cập; ngài nói với người Copts Ai Cập rằng "các đau khổ của các bạn cũng là các đau khổ của chúng tôi".

Đức Phanxicô đang thực hiện chuyến đi tới Ai Cập để an ủi cộng đồng Kitô hữu, sau vụ đánh bom tự sát vào tháng 12 ở bên ngoài nhà thờ chính tòa, giết chết 20 người. Gần đây hơn, là hai vụ tấn công hôm Chúa Nhật Lễ Lá vào các nhà thờ tại Alexandria và Tanta, giết chết ít nhất 45 người.

Đức Phanxicô hỏi: "Có bao nhiêu vị tử đạo ở lãnh thổ này, từ các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đã sống đức tin của họ một cách anh dũng cho đến cùng, đổ máu họ hơn là chối bỏ Chúa”?

"Ngay cả những ngày gần đây, bi thảm thay, máu vô tội của những Kitô hữu không ai chống đỡ đã bị đổ ra một cách tàn nhẫn; máu vô tội của họ hợp nhất chúng ta".

Đức Phanxicô thường xuyên đề cập đến "hợp nhất máu" – có ý nói tới cách các nhà lãnh đạo Kitô giáo đoàn kết để tố cáo các cuộc tấn công bừa bãi vào các Kitô hữu thuộc mọi giáo phái của người Hồi Giáo cực đoan ở Irak, Syria, Ai Cập và những nơi khác.

7 giờ 45 tối

Vị lãnh tụ tinh thần của các Kitô hữu Chính Thống Giáo Ai Cập đã nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng các cuộc tấn công gần đây nhắm vào các nhà thờ ở Ai Cập đã cho thấy rõ tính kiên cường của người Ai Cập trước nạn khủng bố.

Các lời bình luận của Đức Giáo Hoàng Tawadros II đã được đưa ra trong một buổi lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Máccô ở Cairo, là tòa của Giáo Hội Chính Thống Coptic, với sự tham dự của vị giáo hoàng Công Giáo, người đang thực hiện chuyến viếng thăm Ai Cập đầy tính lịch sử.

Kể từ tháng 12, ít nhất 75 người đã thiệt mạng trong ba vụ đánh bom nhắm vào các nhà thờ - một ở Cairo và hai ở các thành phố phía bắc. Chi nhánh địa phương của Nhà Nước Duy Hồi Giáo đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này.

Đức Tawadros cũng nói rằng "tình trạng khó xử của chúng tôi là tình trạng của một quốc gia hợp nhất mà trái tim sẽ không bị ngăn cách bởi những người có động cơ thầm kín. Đây là một điển hình cho tất cả các thế hệ".

8 giờ 10 tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và vị giáo hoàng chính thống Coptic, Tawadros II, cam kết sẽ không đòi các tín hữu muốn chuyển đổi Giáo Hội phải được rửa tội lại.

Hai vị giáo hoàng đã ký một tuyên bố chung vào ngày thứ Sáu, vào cuối cuộc họp của các vị tại Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo ở Cairo trong ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm hai ngày của Đức Phanxicô.

Trong bản tuyên bố, các vị cam kết tiếp tục làm việc để hàn gắn cuộc ly giáo của của các vị và ca ngợi các bước đã được thực hiện cho đến nay. Trong một sáng kiến mới, các vị nói rằng mình "sẽ chân thành tìm cách không lặp lại phép rửa đã được ban ở một trong hai Giáo Hội của chúng tôi đối với bất cứ người nào muốn tham gia Giáo Hội kia".

Các người Công Giáo tân tòng của Giáo Hội Chính Thống Coptic hiện đang bị yêu cầu phải chịu phép rửa trở lại.

Đức Phanxicô đã nhấn mạnh tới việc sẽ thúc đẩy để có được các tuyên bố chung như thế này trong mọi cuộc gặp gỡ đại kết của ngài, như một cách để tạo ra sự hợp nhất lớn lao hơn giữa các Kitô hữu Công Giáo và Kitô hữu Chính Thống Giáo.

Sau đó, hai nhà lãnh đạo tinh thần đã tổ chức một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân vụ đánh bom tự sát hồi tháng 12 ở nhà thờ chính tòa Coptic từng sát hại 30 người, đa số là phụ nữ.
 
Thánh lễ sáng thứ Bẩy 29/04- Đức Thánh Cha chào thăm các tín hữu bất chấp lo âu khủng bố
VietCatholic Network
08:32 29/04/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Bẩy 29 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo Ai Cập tại một sân vận động của lực lượng phòng không Ai Cập.

Theo tường trình của tờ Los Angeles Time, Đức Thánh Cha đã tiến vào sân vận động lúc 9:30 sáng trong khi vô số những chiếc bong bóng màu vàng trắng là màu cờ của Vatican được thả lên trời và một dàn hợp xướng đang hát bài “Gloria”.

Nhiều người tham dự cho biết lần cuối cùng họ nhìn thấy một vị giáo hoàng cử hành Thánh Lễ ở sân vận động này là cách đây 17 năm, đó là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Cảnh sát và lính nhảy dù Ai Cập đi lại đầy đường trong khi các máy bay trực thăng quân sự lượn đầy trên bầu trời, nhưng không khí tại sân vận động này vẫn là một bầu khí lễ hội với những bong bóng đầy đường và âm nhạc vang lừng cả một góc trời tràn ngập niềm vui.

Cha Raymond Tumba, một linh mục Nigeria đang học tiếng Ả Rập ở Cairo, nói: “Chưa bước vào, nghe những âm thanh của âm nhạc, bạn cũng có thể cảm nhận được niềm vui của cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy tay chào đám đông khi ngoài lượn vòng quanh sân vận động trong một chiếc xe golf. Một số nữ tu giơ cao các bích chương “Đức Giáo Hoàng của Hòa Bình”, trong khi những người xem khác vẫy cờ Vatican và Ai Cập. Một lá cờ Ai Cập to lớn được treo một bên sân vận động.

Mặc dù có các mối quan ngại về an ninh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ ra không chút e sợ, ngài di chuyển trên một chiếc xe golf lượn quanh sân vận động thể hiện lòng mong muốn được gần gũi với đàn chiên của mình bằng mọi giá. Đám đông reo vui cuồng nhiệt, và lắc lư theo những bài hát do dàn hợp xướng trình tấu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

As-salamu alaykum! Bình an ở cùng anh chị em!

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Ba Phục Sinh hôm nay nói với chúng ta về cuộc hành trình đến Emmaus của hai môn đệ đã rời khỏi Giêrusalem. Bài Tin Mừng này có thể được tóm lược trong ba chữ: cái chết, sự phục sinh và sự sống.

Cái chết.

Hai môn đệ đang trở lại với cuộc sống thường nhật với đầy những chán chường và thất vọng. Thầy đã chết và thế là chẳng còn gì để hy vọng. Họ cảm thấy chán chường và thất vọng. Cuộc hành trình của họ là một cuộc hành trình quay lại, khi họ để lại sau lưng những kinh nghiệm đau đớn về việc Chúa bị đóng đinh. Khủng hoảng của thập giá, thực sự là một “vụ tai tiếng” và một điều “điền rồ” (xem 1Cor 1:18, 2: 2) dường như đã vùi chôn mọi hy vọng của họ. Đấng mà họ đã dựa vào để xây dựng cuộc sống mình giờ đã chết; với thất bại của mình, Ngài đã mang xuống tuyền đài tất cả các ước mơ của họ.

Họ không thể tin rằng vị Thầy và Đấng Cứu Rỗi của họ, Đấng đã cho kẻ chết sống lại và chữa lành những người đau ốm, lại có thể bị treo trên thập giá một cách nhục nhã như thế. Họ không thể hiểu tại sao Thiên Chúa Toàn Năng đã không cứu Người khỏi cái chết đáng hổ thẹn đó. Thập giá Chúa Kitô là thập giá cho những ý tưởng của họ về Thiên Chúa; cái chết của Chúa Kitô là cái chết của những ý tưởng họ nghĩ về Thiên Chúa. Trên thực tế, chính họ đã chết, và được mai táng trong nấm mồ những hiểu biết hạn hẹp của mình.

Quá thường khi chúng ta làm tê liệt chính mình bằng cách từ chối vượt qua những ý tưởng của chúng ta về Thiên Chúa, trong đó chúng ta xem Ngài như một vị thần được tạo ra theo hình ảnh con người và giống như con người? Chúng ta tuyệt vọng đến mức nào khi từ chối tin rằng quyền năng vô biên của Thiên Chúa không phải là sức mạnh và uy quyền, nhưng là quyền năng của tình yêu, sự tha thứ và sự sống!

Các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài “bẻ bánh”, nghĩa là trong Bí Tích Thánh Thể. Trừ khi chúng ta xé toạc bức màn che khuất tầm nhìn của chúng ta và phá vỡ sự cứng rắn trong trái tim chúng ta và những định kiến của mình, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhận ra thiên nhan Chúa.

Sự Phục Sinh.

Trong mịt mù của đêm tăm tối nhất của họ, vào thời điểm tuyệt vọng nhất của họ, Chúa Giêsu tiếp cận hai môn đệ và bước đi bên cạnh họ, để làm cho họ thấy rằng Ngài là “Đường, là Chân lý và là Sự sống” (Ga 14: 6 ). Chúa Giêsu biến sự thất vọng của họ thành sự sống, vì khi niềm hy vọng phàm trần biến mất, niềm hy vọng thánh thiêng bắt đầu tỏa sáng. “Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa.” (Lc 18:27, xem 1:37). Khi chúng ta rơi đến tận vực sâu của sự thất bại và bất lực, khi chúng ta thoát ra khỏi cái ảo tưởng rằng chúng ta là giỏi nhất, có thể tự túc tự cường, và là trung tâm của thế giới chúng ta, thì lúc đó Thiên Chúa vươn đến chúng ta để biến đêm của chúng ta thành rạng đông, biến cái chết của chúng ta thành sự phục sinh. Ngài quay bước chúng ta trở lại Giêrusalem, trở lại với sự sống và với chiến thắng của Thập giá (xem Dt 11:34).

Sau khi gặp Chúa Phục Sinh, hai môn đệ trở lại lòng tràn đầy niềm vui, tự tin và nhiệt tình, sẵn sàng làm chứng. Đấng Phục Sinh đã làm cho họ trỗi dậy từ ngôi mộ của sự bất tín và nỗi buồn của họ. Khi gặp gỡ Chúa, Đấng đã chịu đóng đinh và sống lại, họ khám phá ra ý nghĩa và sự viên mãn của toàn bộ Kinh Thánh, Lề Luật và các Tiên Tri. Họ khám phá ra ý nghĩa của điều xem ra là một sự thất bại của thập giá.

Những ai không vượt qua được kinh nghiệm của thập giá để đến với chân lý phục sinh thì tự mình lên án mình trong tuyệt vọng! Chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu trước hết chúng ta không đóng đinh những khái niệm hẹp hòi của chúng ta về một vị thần chỉ phản ảnh những hiểu biết của chính chúng ta về sức mạnh và quyền lực.

Sự sống.

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh đã làm thay đổi cuộc sống của hai môn đệ này vì cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh biến đổi mọi sự sống và làm cho những gì là sa mạc khô cằn trở nên xum xuê hoa trái (xem Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Buổi Tiếp Kiến Chung, ngày 11 tháng 4 năm 2007). Đức tin nơi sự phục sinh không phải là sản phẩm của Giáo Hội, nhưng chính Giáo Hội được sinh ra bởi đức tin nơi sự phục sinh. Như Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cor 15:14).

Chúa Phục Sinh đã biến mất trước mắt các môn đệ để dạy chúng ta rằng chúng ta không thể giữ được Chúa Giêsu như Người đã xuất hiện trong lịch sử: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 21:29, xem 20: 17). Giáo Hội cần biết và tin rằng Chúa Giêsu sống trong Giáo Hội và trao ban sự sống của Ngài trong Bí Tích Thánh Thể, trong Kinh Thánh và trong các bí tích. Các môn đệ trên đường Emmaus nhận ra điều này, và trở lại Giêrusalem để chia sẻ kinh nghiệm của họ với những người khác: “Chúng tôi đã thấy Đấng Phục Sinh... Đúng vậy, Ngài thật sự đã sống lại!” (Lc 24:32).

Kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmaus dạy chúng ta rằng thật là vô dụng khi lấp đầy những nơi thờ phượng của chúng ta nếu trái tim chúng ta trống rỗng vì sợ Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài. Thật là vô dụng khi cầu nguyện nếu lời cầu nguyện của chúng ta với Thiên Chúa không trở thành tình yêu đối với anh chị em mình. Tất cả các việc đạo đức của chúng ta đều là vô nghĩa trừ phi nó được linh hứng từ đức tin sâu xa và lòng bác ái. Thật là vô dụng khi chăm chuốt diện mạo của chúng ta, vì Thiên Chúa chỉ nhìn vào linh hồn và trái tim (xem 1 Sa-mu-ên 16: 7) và ghét sự giả hình (xem Lc 11: 37-54, Công-vụ 5: 3, 4 ) [1]. Đối với Thiên Chúa, thà đừng tin còn hơn là một tín hữu giả, một kẻ giả hình!

Đức tin chân thật là đức tin khiến chúng ta bác ái hơn, thương xót hơn, trung thực và nhân đạo hơn. Đức tin ấy làm rung động con tim của chúng ta để yêu thương mọi người mà không so đo tính toán hơn thiệt, không phân biệt và không chuộng người này bỏ người kia. Đức tin ấy làm cho chúng ta thấy tha nhân không phải là kẻ thù cần phải vượt qua, nhưng là anh chị em với mình để yêu thương, phục vụ và giúp đỡ. Đức tin ấy thúc đẩy chúng ta truyền bá, bảo vệ và sống một nền văn hoá gặp gỡ, đối thoại, tôn trọng và huynh đệ. Đức tin ấy cho chúng ta lòng dũng cảm để tha thứ cho những người đã làm khốn mình, để giang tay cho kẻ sa ngã, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho kẻ đói ăn, viếng kẻ tù rạc, giúp trẻ mồ côi, cho kẻ khát uống, giúp đỡ những người cao niên và những ai gặp khó khăn (xem Mt 25). Đức tin chân thật dẫn chúng ta đến việc bảo vệ quyền của người khác với cùng một nhiệt tình như khi chúng ta bảo vệ cho chính mình vậy. Thật thế, chúng ta càng tăng trưởng trong đức tin và tri thức, chúng ta càng lớn lên trong sự khiêm tốn và trong nhận thức về sự mọn hèn của chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa chỉ vui trước một đức tin được loan báo bằng chính đời sống chúng ta, vì sự cuồng tín duy nhất các tín hữu có thể có là lòng bác ái! Bất kỳ thứ cuồng tín nào khác đều không đến từ Thiên Chúa và không làm hài lòng Người!

Vậy giờ đây, giống như các môn đệ trên đường Emmaus, lòng tràn ngập niềm vui, can đảm và đức tin, chúng ta hãy trở lại Giêrusalem của mình, nghĩa là trở lại với cuộc sống hàng ngày của anh chị em, gia đình, công việc và đất nước yêu dấu của anh chị em. Đừng sợ mở lòng mình ra với ánh sáng của Chúa Phục Sinh, và để cho Người biến đổi sự bất định của anh chị em thành một sức mạnh tích cực cho chính mình và cho người khác. Đừng ngại yêu mọi người, bạn bè và kẻ thù bởi vì sức mạnh và kho báu của người tín hữu chính là trong một cuộc sống yêu thương!

Nguyện xin Đức Mẹ và Thánh Gia, đã ngự đến vùng đất đáng kính này của anh chị em, soi sáng tâm hồn chúng ta và ban phước cho anh chị em và đất nước yêu quý Ai Cập này, là đất nước mà trong buổi bình minh của Kitô giáo đã chào mừng việc rao giảng của Thánh Máccô, và trong lịch sử của nó đã đưa ra rất nhiều các vị tử đạo và vô số những người nam nữ thánh thiện.

Al Masih qam! Bi-l-haqiqa qam!

Chúa Kitô đã sống lại! Ngài thật sự đã sống lại!
 
Diễn từ của Đức Phanxicô với Thượng Phụ Chính Thống Coptic, Giáo Hoàng Tawadros II
Vũ Văn An
20:10 29/04/2017
Buổi chiều ngày 28 tháng Tư, trong chuyến viếng thăm Ai Cập của ngài, Đức Phanxicô đã hội kiến với Thượng Phụ Tawadros II của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Coptic, người mà ngài từng tiếp kiến ngay sau khi lên ngôi giáo hoàng năm 2013. Nhân dịp này, ngài đã đọc một diễn từ và sau đây là bản dịch nguyên văn bài diễn từ của ngài, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh:

"Chúa đã sống lại, Người thật sự đã sống lại! [Al Massih kam, bilhakika kam!]"

Thưa Đức Thượng Phụ,

Người anh em thân mến,

Đại lễ Phục Sinh long trọng, trung tâm của đời sống Kitô hữu, mà năm nay chúng ta được diễm phúc cử hành trong cùng một ngày, vừa mới chỉ qua đi. Do đó, chúng ta đã cùng nhau loan báo sứ điệp Phục sinh và, theo một nghĩa nào đó, đã làm sống lại kinh nghiệm của các môn đệ đầu tiên, những người đã cùng nhau "vui mừng khi thấy Chúa" ngày đó (Ga 20:20). Ngày nay, niềm vui vượt qua này càng trở nên quý giá hơn nhờ hồng ân chúng ta được cùng nhau thờ phượng Đấng Phục Sinh trong cầu nguyện và trao đổi một lần nữa, nhân danh Người, nụ hôn và vòng ôm bình an thánh thiện. Vì điều này, tôi rất biết ơn: khi đến đây như một người hành hương, tôi chắc chắn nhận được sự chúc phúc của một người anh em đang chờ đợi tôi. Tôi háo hức chờ mong cuộc gặp mặt mới mẻ này, vì tôi nhớ lại một cách sống động chuyến viếng thăm mà Đức Thượng Phụ thực hiện tại Rôma không lâu sau cuộc bầu cử của tôi, vào ngày 10 tháng 5 năm 2013. Ngày đó đã hạnh phúc trở thành một dịp để cử hành Ngày Hữu Nghị hàng năm giữa người Copts và người Công Giáo.

Khi chúng ta vui mừng tiến bước trên cuộc hành trình đại kết của chúng ta, tôi muốn đặc biệt nhớ lại cột mốc quan trọng trong mối liên hệ giữa Tòa Phêrô và Tòa Máccô là Tuyên ngôn chung mà những vị tiền nhiệm của chúng ta đã ký hơn 40 năm trước, vào ngày 10 tháng 5 năm 1973. Sau "nhiều thế kỷ của một lịch sử khó khăn" được đánh dấu bởi sự gia tăng "các khác biệt thần học, được nuôi dưỡng và mở rộng bởi các nhân tố phi thần học", và sự mất tin tưởng nhau ngày càng gia tăng, ngày hôm đó, với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta đã có thể cùng nhau nhìn nhận rằng Chúa Kitô là "Thiên Chúa hoàn toàn về phương diện thần tính của Người và hoàn toàn về phương diện nhân tính của Người "(Tuyên bố chung của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Shenouda III, 10/5/1973). Tuy nhiên, cũng quan trọng và kịp thời không kém là những lời ngay trước tuyên bố này, trong đó, chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu Ky Tô là "Chúa, là Thiên Chúa, là Cứu Chúa và là Vua của chúng ta". Với những lời này, Tòa Máccô và Tòa Phêrô đã tuyên bố quyền chúa tể của Chúa Giêsu: chúng ta cùng nhau tuyên xưng rằng chúng ta thuộc về Chúa Giêsu và Người là của chúng ta tất cả.

Hơn nữa, chúng ta nhận ra rằng, vì chúng ta thuộc về Người, chúng ta không thể còn nghĩ rằng mỗi người có thể đi theo con đường riêng của mình, vì điều này sẽ phản bội thánh ý của Người là các môn đồ của Người "tất cả nên một. .. để thế giới có thể tin" (Ga 17: 21). Trước mặt Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta trở nên "một hoàn toàn" (câu 23), chúng ta không còn có thể núp đằng sau, viện cớ các diễn giải khác nhau, càng không phải là lịch sử và truyền thống hàng thế kỷ vốn làm chúng ta ra xa cách lẫn nhau. Theo các lời lẽ của Đức Gioan Phaolô II, "không nên để mất thời gian về vấn đề này! Sự hiệp thông của chúng ta trong một Chúa Giêsu Kitô duy nhất, trong một Chúa Thánh Thần duy nhất và trong một phép rửa duy nhất đã nói lên một thực tế sâu sắc và nền tảng "(Diễn Văn tại Cuộc Gặp Gỡ Đại Kết, 25 tháng 2 năm 2000).

Do đó, không những có một đại kết bằng cử chỉ, lời nói và dấn thân, mà còn có sự hiệp thông hữu hiệu phát triển hàng ngày trong mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu, bắt nguồn từ đức tin mà chúng ta tuyên xưng và thực sự đặt căn bản trên phép rửa của chúng ta và việc chúng ta được biến thành "Sáng thế mới" (xem 2Cr 5:17) ở trong Người. Tóm một lời, có “một Chúa duy nhất, một đức tin duy nhất, một phép rửa duy nhất"(Êphêsô 4: 5). Do đó, chúng ta không ngừng lên đường một lần nữa, để đẩy nhanh cái ngày từng chờ đợi từ lâu này khi chúng ta sẽ được hiệp thông trọn vẹn và hữu hình chung quanh bàn thờ của Chúa.

Trong cuộc hành trình hào hứng này, một cuộc hành trình, giống như chính cuộc sống, không luôn luôn dễ dàng và thẳng tuột, nhưng trên đó Chúa khuyên chúng ta kiên trì, chúng ta không cô đơn. Chúng ta được đồng hành cùng muôn vàn các thánh và các vị tử đạo, những vị nhờ đã hoàn toàn là một, đang thúc đẩy chúng ta dưới đây trở thành hình ảnh sống động của "Giêrusalem trên trời" (Gl 4:26). Trong số các vị, chắc chắn Thánh Phêrô và Thánh Máccô đặc biệt vui mừng khi chúng ta gặp nhau hôm nay. Tuyệt vời thay là dây nối kết các vị. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới sự kiện Thánh Máccô đặt ở giữa Sách Tin Mừng của ngài lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô "Thầy là Đấng Kitô". Đó là câu trả lời cho câu hỏi cấp bách hơn bao giờ hết của Chúa Giêsu: "Nhưng các con nói Thầy là ai?" (Mc 8:29). Cả ngày nay nữa, nhiều người không thể trả lời được câu hỏi này; thậm chí rất ít người có thể nêu nó ra, và nhất là, rất ít người có thể trả lời nó với niềm vui được biết Chúa Giêsu, với cùng niềm vui này chúng ta được ân sủng cùng nhau tuyên xưng Người.

Cùng nhau, chúng ta được mời gọi làm chứng cho Người, mang đức tin của chúng ta đến với thế giới, nhất là trong cách nó được dự tính mang đi: bằng cách sống nó, để sự hiện diện của Chúa Giêsu có thể được truyền đạt bằng cuộc sống và nói thứ ngôn ngữ của tình yêu nhưng không và cụ thể. Là những người Chính Thống Coptic và Công Giáo, chúng ta luôn có thể cùng tham dự vào việc nói thứ ngôn ngữ chung này của đức ái: trước khi đảm nhiệm một công việc bác ái nào, tốt nhất chúng ta nên tự hỏi xem liệu chúng ta có thể làm việc này cùng với các anh chị em của chúng ta đang chia sẻ đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu hay không. Như vậy, bằng cách xây dựng sự hiệp thông trong tính cụ thể của việc làm chứng tá sống hàng ngày, Thánh Thần chắc chắn sẽ mở ra các con đường đầy quan phòng và bất ngờ dẫn tới sự hợp nhất.

Chính với tinh thần tông truyền có tính xây dựng này mà Đức Thượng Phụ tiếp tục cho thấy sự lưu tâm chân chính và huynh đệ đối với Giáo Hội Công Giáo Coptic. Tôi rất biết ơn về sự gần gũi này, một sự gần gũi đã tìm được biểu thức đáng khen nơi Hội Đồng Toàn Quốc Các Giáo Hội Kitô Giáo, mà ngài đã thiết lập để các người tin vào Chúa Giêsu có thể làm việc với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa vì lợi ích của toàn thể xã hội Ai Cập. Tôi cũng đánh giá cao lòng hiếu khách hào phóng dành cho cuộc họp thứ mười ba của Ủy ban Liên Hợp Thần Học Quốc Tế giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Phương Đông, diễn ra ở đây vào năm ngoái theo lời mời của ngài. Sẽ là một dấu hiệu hứa hẹn khi cuộc họp tiếp theo diễn ra ở Rôma năm nay, như thể muốn nói lên tính liên tục đặc biệt giữa Tòa Máccô và Tòa Phêrô.

Trong Thánh Kinh, Thánh Phêrô, cách nào đó, dường như để đáp lại tình âu yếm của Thánh Máccô nên đã gọi ngài là "con trai tôi" (1Pr 5:13). Nhưng hoạt động soạn tác Tin Mừng và hoạt động tông đồ của ngài cũng liên kết trong tình huynh đệ với Thánh Phaolô, vị mà trước khi chết vì đạo ở Rôma, đã nhắc đến tính hữu dụng của Thánh Máccô trong thừa tác vụ của ngài (xem 2Tm 2:11) và thường nói về ngài luôn (xem Plm 24, Cl 4:10). Tình bác ái huynh đệ và tình hiệp thông trong sứ mệnh: đó là những sứ điệp mà Lời của Thiên Chúa và nguồn gốc riêng của chúng ta đã để lại cho chúng ta. Chúng là những hạt giống Tin Mừng mà chúng ta hân hoan cùng nhau tưới tắm và, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, cùng nhau làm cho lớn lên (xem 1 Cr 3: 6-7).

Sự tiến bộ có tính sâu sắc hóa trong cuộc hành trình đại kết của chúng ta cũng được nâng đỡ, một cách huyền nhiệm và khá có liên quan, bởi một đại kết chân chính bằng máu. Thánh Gioan nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đến "bằng nước và máu" (I Ga 5: 6); Như thế, bất cứ ai tin vào Người đều đã "thắng thế giới" (1Ga 5: 5). Với nước và máu: bằng cách sống một cuộc sống mới trong phép rửa chung của chúng ta, một cuộc sống yêu thương, luôn luôn và cho mọi người, thậm chí đến cả hy sinh mạng sống mình. Biết bao vị tử đạo ở vùng đất này, từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đã sống đức tin của họ một cách anh hùng cho đến cùng, đổ máu mình hơn là chối bỏ Chúa và đầu hàng các rù quyến của sự ác, hoặc đầu hàng cơn cám dỗ muốn lấy ác trả ác! Sách Tử Đạo của Giáo Hội Coptic mang nhiều chứng tá hùng hồn cho điều này. Ngay trong những ngày gần đây, bi thảm thay, máu vô tội của các Kitô hữu không ai bảo vệ đã bị tàn nhẫn đổ ra: máu vô tội của họ kết hợp chúng ta. Người anh em rất yêu dấu, Giê-ru-sa-lem ở trên trời là một như thế nào, thì sách tử đạo của chúng ta cũng là một như thế; Những đau khổ của ngài cũng là những đau khổ của chúng tôi. Được củng cố bởi chứng tá này, chúng ta hãy cố gắng chống lại bạo lực bằng cách rao giảng và gieo rắc lòng tốt, cổ vũ và duy trì sự hợp nhất, cầu xin sao cho mọi hy sinh này có thể mở đường cho một tương lai hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta và bình an cho mọi người.

Lịch sử đầy ấn tượng về sự thánh thiêng của mảnh đất này được nổi bật không những nhờ sự hy sinh của các vị tử đạo. Không bao lâu sau cuộc bách hại thuở xưa kết thúc, một hình thức sống mới và vô vị kỷ đã nảy sinh như một hồng phúc của Chúa: phong trào đơn tu bắt nguồn từ sa mạc. Nhờ thế, các dấu hiệu vĩ đại mà Thiên Chúa đã từng làm ở Ai Cập và ở Biển Đỏ (xem Tv 106: 21-22) đã được tiếp nối bằng phép lạ của cuộc sống mới biến sa mạc bừng nở ơn thánh thiện. Với lòng tôn kính gia sản chung này, tôi tới đây như một người hành hương đến mảnh đất mà chính Chúa đã thích tới thăm. Vì ở đây, trong vinh quang của Người, Người đã ngự xuống trên núi Sinai (xem Ga 24:16), và ở đây, trong sự khiêm tốn của Người, Người đã tìm được nơi trú ẩn như một đứa trẻ (xem Mt 2:14). Thưa Đức Thượng Phụ, người anh em rất thân mến, hôm nay, xin cùng một Chúa ban cho chúng ta ơn cùng nhau lên đường như những người hành hương của hiệp thông và sứ giả của hòa bình. Trong hành trình này, xin Đức Trinh Nữ Maria cầm tay chúng ta, người là đấng đã mang Chúa Giêsu đến đây, và là đấng mà truyền thống thần học Ai Cập vĩ đại ngày xưa đã tung hô là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa. Trong tước hiệu này, nhân tính và thần tính được kết hợp, vì trong Mẹ của Người, Thiên Chúa mãi mãi trở thành người. Xin Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, đấng luôn dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu, bản giao hưởng hoàn hảo của thần linh và nhân linh, một lần nữa đem một chút thiên đàng xuống trần gian.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Bắc Hà: kỷ niệm 45 năm linh mục cha sở Anphongsô Hoàng Ngọc Bao
Văn Minh
08:55 29/04/2017
Giáo xứ Bắc Hà: kỷ niệm 45 năm linh mục cha sở Anphongsô Hoàng Ngọc Bao

“Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca khen Người”.

Trên đây là tâm tình của cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, chánh xứ giáo xứ Bắc Hà, trong Thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 45 năm (1972 – 2017) lãnh nhận thiên chức làm linh mục của mình.

Xem hình

Trong niềm vui mừng và tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, vào lúc 17g00 thứ Sáu, ngày 28.04.2017, tại giáo xứ Bắc Hà, giáo hạt Phú Thọ, cha xứ Anphongsô Hoàng Ngọc Bao đã chủ sự dâng Thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 45 năm thụ phong linh mục. Đồng tế với ngài có cha phó Martinô Bùi Huy Hòa.

Hiện diện trong Thánh lễ có quý soeur Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, quý vị ân nhân, quý vị khách mời, cùng gia đình linh tông và huyết tộc, quý chức trong HĐMVGX, đại diện các đoàn thể trong giáo xứ Bắc Hà cùng đến hiệp dâng.

Chia sẻ Tin Mừng, cha Anphongsô đã nhắc lại lời nói “Xin vâng” của Đức Maria với sự khiêm nhường và lòng tràn ngập niềm hân hoan khi được Thiên Thần báo tin, và Mẹ đã chấp nhận để cho Ngôi Hai Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu chuộc cho nhân loại. Cũng vậy, cuộc đời của linh mục là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, sống đời tận hiến và ra đi rao truyền Tin Mừng của Đức Kitô đến cho muôn người, niềm vui và hạnh phúc của linh mục là được sống trong Đức Kitô. Bên cạnh đó, các ngài cũng gặp phải không ít khó khăn và thử thách, vì sự yếu đuối mỏng dòn của con người, cũng như không thể ngày một ngày hai mà mang lại kết quả như mình mong muốn. Để kết thúc bài giảng, cha Anphongsô đã mượn lời bài hát “Vì tôi là linh mục” nói lên chút tâm tư của cuộc đời linh mục.

Sau phần hiệp lễ, ông Giuse Nguyễn Văn Chiến, chủ tịch, thay mặt HĐMVGX, chúc mừng cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao - nhân ngày kỷ niệm 45 năm lãnh nhận thiên chức linh mục - được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa. Đồng thời, vị đại diện cũng dâng lên bó hoa tươi và món quà nhỏ, nói lên tấm lòng hiếu thảo của những người con trong giáo xứ đối với vị mục tử. Đáp lời, cha Anphongsô ngỏ lời cảm ơn quý soeur, vị ân nhân, cùng mọi thành phần dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ cũng như những người âm thầm giúp đỡ cách này cách khác trong Thánh lễ hôm nay được sốt sắng.

Thánh lễ khép lại lúc 18g00, và tiệc mừng liên hoan cùng những tiết mục văn nghệ diễn ra tại hội trường giáo xứ.
 
Giáo xứ Sao Mai : Mừng kính Thánh nữ Cartarina thành Siêna
Martino Lê Hoàng Vũ
22:38 29/04/2017
Giáo xứ Sao Mai : Mừng kính Thánh nữ Cartarina thành Siêna

Chiều nay thứ bảy 29.4.2017 Giáo xứ Sao Mai,hạt Chí Hòa đã long trọng mừng kính Thánh nữ Cartarina thành Siêna,bổn mạng Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh giáo xứ và mừng kỷ niệm 44 năm thụ phong linh mục của cha chánh xứ Đaminh Đinh Văn Vãng.

Xem Hình

Thánh lễ diễn ra vào lúc 17g 30 phút do cha chánh xứ chủ tế, cha cũng là Cha linh hướng của Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh giáo xứ Sao Mai.

Trước tiên,cộng đoàn được nghe đọc tiểu sử Thánh nữ Cartarina.Sau đó là cuộc rước đầu lễ do các thành viên Huynh đoàn cung nghinh sách Phúc âm.

Phụng vụ Lời Chúa là các bài đọc Chúa Nhật III Phục sinh.

Trong bài giảng,cha chánh xứ Đaminh xâu chuỗi ba ý nguyện tạ ơn trong ngày hôm nay.Hôm nay 29.4 là ngày Giáo Hội mừng kính Thánh nữ Cartarina thành Siêna bổn mạng của Huynh đoàn giáo dân.Ngài là một nữ tu được Giáo Hội xem như là cố vấn Đức Giáo Hoàng, có tiếng nói quan trọng trong Giáo Hội.Thánh nữ Cartarina luôn yêu mến Giáo Hội và bằng những nỗ lực của ngài làm cho Giáo Hội được canh tân, trở về nguồn là Tin Mừng.Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật III Phục sinh, thuật lại Chúa Giêsu hiện ra với 2 môn đệ trên đường trở về làng Emmau, Ngài giải thích Kính Thánh,tỏ bày cho các ông về mầu nhiệm Phục sinh, để các ông không còn hoang mang thất vọng.Hôm nay,cha chánh xứ Đaminh được cùng với các thành viên Huynh Đoàn Đaminh dâng lời tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp 44 năm được thụ phong linh mục.Từ ngày cha được thụ phong linh mục vào ngày 28.4.1973,sau khi chịu chức cha Đặc trách trách Giới trẻ Hiệp Hội Thánh mẫu tại Trung ưng Nguyện đường Thánh Mẫu.Năm 1980,cha được bề trên bổ nhiệm làm chánh xứ Sao Mai, suốt 37 năm qua cha được Chúa phục vụ cộng đoàn giáo xứ, chăm lo cho các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành như Hiệp Hội Thánh Mẫu,Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm,Hội Các Bà Mẹ Công Giáo…

Cha nhắn nhủ các thành viên Huynh Đoàn hãy siêng năng học hỏi Lời Chúa, thực hành Lời Chúa.Nhất là qua việc lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh Thần Vụ, mỗi thành viên phải siêng năng cầu nguyện, cùng với Mẹ Maria học sống Tin Mừng.Mỗi thành viên Huynh Đoàn Giáo dân, cùng các hội đoàn khác và mỗi người tín hữu cũng được sai đi loan báo Tin Mừng Phục sinh, lòng phải bừng cháy lên lửa mến, thực thi long bác ái chia sẻ đến cho mọi người, ở những khu xóm của mình, cho những anh chị em lương dân. Trong ngày này, cha xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho ngài và sẵng long công tác với cha trong công việc phục vụ cộng đoàn.

Sau lời nguyện hiệp lễ, đại diện Huynh Đoàn Giáo dân Đaminh, Hiệp Hội Thánh Mẫu, Hội Bác ái đã có những tâm tình tri ân và chúc mừng cha chánh xứ Đaminh trong dịp mừng 44 năm hồng ân linh mục.

Xin Đức Kitô Mục tử Nhân lành ban cho cha nhiều sức khỏe và hồng ân để cha tiếp tục sứ vụ đưa dẫn mọi người về với Chúa, và nhờ tình yêu Đức Kitô, cha giúp cho các hội đoàn hăng say hơn, truyền lửa nhiệt huyết tông đồ cho các hội đoàn.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975.
Bảo Giang
18:28 29/04/2017
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975.

Viết về một ngày như ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày làm rúng động cả giang sơn, ngày làm thay đổi toàn diện cuộc sống của từng người Việt Nam, ngày như Hồng Thủy đổập xuống thì quả là không dễ dàng. Bởi vì, nó có rất nhiều điều phải viết đến. Người viết đến trong dòng nước mắt. Kẻ tô son trong nụ cưòi? Người viết đến những nỗi bất hạnh, kẻ mê mãi viết như niềm vui? Rồi người viết đến những vệt máu loang, đọng trên đường, vấy lên tường, chảy bên sông. Lại có kẻ viết vì những thân xác người già em bé nằm chết cong queo trên dường chạy loạn. Viết đến những cái xác vô thừa nhận chết bên bờ lau bụi cỏ. Viết đến nắm xương tàn không tên tuổi trên đồng hoang, trong rừng sâu, nơi góc núi. Hoặc giả, viết đến ngày hoà bình, ngày chấm dứt chiến tranh, ngày đoàn viên,hay viết cho ngày chia lìa, ngày đất nước của Cha Ông dần được Việt cộng trao vào tay TC..?

Tôi bắt đầu đếm ngày 30-4- 1975 bằng những giọt nước mắt vào sáng ngày 01-5-1975 khi mặt trời vừa lên. Tại sao tôi lại khóc? Thật lòng, cho mãi đến hôm nay tôi vẫn không hiểu được tại sao tôi khóc vùi vào buổi sáng hôm ấy. Có phải vì tiềm thức đã báo cho tôi biết trước một cuộc trắng tay như ba mẹ tôi phải bỏ đất bắc, di cư vào nam? Có phải từ ngảy hôm nay, mà bắt đầu bằng những cái loa treo ở đầu xóm kia, sẽ đấu tố bản thân tôi và dân tôi bằng những lời lẽ tanh tao, lợm giọng, sắt máu của lớp vô văn hóa mới đến? Hay vì từ đây, không phải riêng tôi, nhưng người Việt Nam đã bị cướp mất bầu trời của hạnh phúc với giấc mơ Hòa Bình trong Tự Do mà họ từng chiến đấu và ấp ủ? Hay khóc vì hàng cờ đổ, vì lớp mũ đỏ áo hoa dù, bên những mũ sắt còn ngụy trang với màu xanh lá rừng, và những đôi giày của lính chiến mang theo đầy bụi trên đường giang sơn, giờ vất ngổn ngang trên đường?

Hay tôi khóc vì hình ảnh của một ngưòi lính cô đơn gục đầu xuống trên đầu gối, ngồi như tựa lưng vào tường ngoài ngõ trong thế nghỉ?Anh ngồi lặng lẽ, ôm gọn cây súng trong vòng tay làm người đi qua lại đều nghĩ rằng anh ngồi nghỉ chân, hay chờ đợi một tin gì, nào ai biếthồn anh đã về với sông núi, về với tổ tiên!

Sáng hôm ấy, khi nắng vừa lên, tôi lần bước ra sân với nỗi hoang mang tột cùng. Chợt thấy người lính ngồi tựa lưng ngoài cổng. Tôi gọi nhỏ: Này anh, đợi ai thế, vào trong này đi. Lạ, không nghe tiếng trả lời. Tôi bước đến bên anh. Đôi mắt làm tôi bàng hoàng chết lặng khi nhìn thấy một dòng máu đỏ loang dài trên thân áo anh. Tôi qụy xuống bên anh. Tôi nhìn rõ mặt vết thương xuyên ngang cổ từ phía tay phải đi lên. Nòng súng vẫn đứng, nhưng viên đạn đã làm thủng và thấm đỏ lá Cờ Vàng anh quấn trong cổ. Tôi bật khóc! Người hàng xóm gào thét lên!

Hỏi xem, người ta gọi đây là ngày gì? Với tôi, đây là một ngày khác tất cả mọi ngày trong đời và trong dòng lịch sử Việt Nam. Như thế, dẫu có gọi là ngày gìđi chăng nữa thì nó cũng chỉ là tang thương. Bởi vì, dù có gọi bằng cái tên này hay tên khác, nó cũng chỉ diễn tả và đáp ứng được một góc độ nào đó theo cái tên được gọi. Nó không thể diễn đạt được trọn ý.Dẫu thế, nó sẽ mãi mãi là một ngày mà dòng sữ Việt Nam còn lưu ký, còn nhắc đến. Nhắc đến như một vết thương đau đớn nhất của dân tộc mà mỗi người con dân cần phải học:

I. Câu chuyện xưa.

1. 30-4-1975. Có là ngày chấm dứt chiến tranh Quốc cộng?

Thật khó có thể xác định được cuộc chiến súng đạn để giải quyết vấn đề ý thứ hệ giữa Quốc Gia và Cộng sản đã khởi đầu từ ngày nào. Nếu tính từ ngày chia đôi đất nước 20-7-1954 thì ngày tạm dứt cuộc chiến bằng súng đạn, đổ máu trên chiến trường là ngày 30-4-1975. Nhưng bất hạnh thay, hết chiến tranh mà không phải là ngày Hoà Bình. Không phải là ngày Thống Nhất, vui mừng của dân tộc Việt Nam. Nó chỉ đơn giản là ngày Cộng sản BV chiến thắngmiền nam và đẩy cả dân tộc vào cuộc khốn cùng.Nó đẩy hàng triệu người Việt Nam phải bỏ nưóc ra đi. Đẩy hàng triệu người vào nhà tù, và đẩy hàng triệu triệu người khác vào cuộc sống không nhà.

Như thế, nếu gọi theo têndo họ đặt cho thì hôm nay là ngày “Man Rợ đã thắng Văn Minh”! (Dương thu Hương) Phải, chỉ vỏn vẹn 6 chữ được viết ra từ ngòi bút của một người cầm súng trong hàng ngũ của bên gọi làchiến thắng khi họ vào Sài Gòn thìnóđã nói lên được tất cả mọi điều cần nói. Trong đó có cả ý nghĩa hôm nay là ngày khai mở ra cuộc chiến mới. Cuộc chiến của con ngưòi có Văn Hóa, có Nhân Bản, có Đạo Nghĩa đối đầu với cuộc chiến của man rợ,của tội ác và dối trá do tập đoàn Cộng Sản cầm đầu. Tính từ đó đến nay, cuộc chiến này đã kéo dài hơn 40 năm, nhưng chưa chấm dứt. Trái lại, càng lúc càng khốc liện hơn. Hy vọng khi nó bước vào giai đoạn khốc liệt nhất thì cũng là lúc Văn Minh, Nhân Bản và Đạo Nghĩa chiến thắng man rợ, chiến thắng gian trá và tội ác. Bởi vì con người cần đến nguồn văn minh tiến bộ để sống. Không ai muốn lùi lại sống trong nô lệ với man di, với tội ác và cộng sản!

2. 30-4-1975 có là ngày giải phóng?

Có thể? Vì chiều nào cũng đủ nghĩa trọn lý. Hơn thế, còn được nhìn, định nghĩa một cách chuẩn xác trong hai thực tế khác biệt mang tính đối nghịch mà nó diễn tả. Nhưng nếu xét đến ý nghĩa của một cuộc giải phóng Dân Tộc ra khỏi kiếp nô lệ của ngoại bang thì khẳng định là không phải. Trái lại, về ý nghĩa này thì phải xác định rằng: Đây chính là ngày Cộng sản BV đem hoạ nô lệ, họa diệt vong đến cho Dân Tộc Việt Nam. Bởi vì:

a. Bên được giải phóng.

Thành phần được hưởng giải phóng đầu tiên trong ngày này là các tội phạm mang án đại hình tại miền nam như cướp của, giết người và những tên phá làng đốt xóm bị bắt từ nhiều năm trước. Kế đến là thành phần ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, đã ngày đêm nơm nớp lo sợ bị chính quyền và nhân dân miền nam chịt cổ. Nay đến thời, cả hai cùng hoà nhập vào với dòng thác “ cách mạng” Việt cộng, là một tập đoàn quan trọng hơn, đông đảo hơnvới mũ cối dép râu, hay cái mũ tai bèo đang từ rừng rúkéo nhau vào Sài Gòn. Kéo nhau vào để ngỡ ngàng trước cảnh lạ. Từ nhà cao cửa rộng đến đường phố thênh thang sạch sẽ với những con người văn minh lịch duyệt, tao nhã,hoàn toàn khác biệt với sách vở mà họ được CS truyên truyền. Như thế, xem ra nhờ ngày 30-4-1975 mà chính tập thể CS này tự biết họ là kẻ vừa được giải phóng!

Phải,từ Giải Phóng nên được dành cho lớp người này và công cụ gây ra chiến tranh chia lìa, chết chóc của họ là đứng đắn nhất và chính xác nhất. Bởi vì, đôi mắt cũng những đôi mắt ấy. Đôi tai, cũng rõ ràng là đôi tai của người. Nhưng nó đã bị che kín, bịt chặt suốt cuộc đời từ khi sinh ra đến hôm nay. Họ muốn nhìn cũng không thấy. Muốn nghe không được. Thậm chí có cái miệng mà như câm, hoặc chỉ được nói, được nghe những điều được đảng CS cho nói, cho nghe. Ngoài ra là không. Không tất cả.

Nhưng nay, nhờ ngày 30-4-1075, từ nhớn tới nhỏ, tất cả đều được mở banhra. Mở banh ra để nhìn cảnh sống, cuộc sống và những con người miền nam trước mặt. Nhìn để thấy, để biết sự thật trước mặt khác với những lời gian trá lừa đảo của tổ chức, của đảng CS đã tuyên truyền, nhồi sọ và đẩy họ vào cuộc chiến đẫm máu với ngưòi dân miền nam. Cuộc chiến mà chúng gọi là “đánh Mỹ cứu nước” và “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, mà thực ra chỉ là một cuộc đâm thuê chém mướn, giết người đồng chủng do tập đoàn nô lệ Minh, Duẫn, Đồng, Chinh, Giáp, Thọ… thực hiện theo ý của Nga, Tàu.

Tôi gọi đây là cuộc chiến “đâm thuê chém mướn” vì nó đúng nghĩa, chính danh như chính người lãnh đạo của cuộc chiến đã định nghĩa công khai về cuộc chiến này là “ ta đánh là đánh cho Trung cộng cho Liên sô và cho xã hội chủ nghĩa”, “chúng tôi kiên cường chiến đấu là vì Mao chủ tịch” (Lê Duẩn). Như thế là quá rõ ràng. Không có một người nào có thẩm quyền định nghĩa về cuộc chiến ấy hơn chính người đã tạo ra và lãnh đạo nó. Sau định nghĩa công khai ấy, chiêu bài bịp bợm “ giải phóng miền nam” được khua chiêng đánh trống, và tập đoàn CS BV đã đẩy hàng triệu thanh niên miền bắc vào chiến tranh để có kiếp nạn sinh bắc tử nam. Và đẩy người dân đất bắc vào cuộc sống lầm than với mớ tuyên truyền bệnh hoạn như: “Cuộc sống của nhân dân miền nam dười gót giày xâm lược của Đế quốc Mỹ vô cùng nghèo khổ. Cơm không có mà ăn, quần áo không có mà mặc. Thậm chí, nhiều ngưòi phải lấy túi nylong mà quấn trên người để che kín cho“ bác”!

Nay hỡi ôi, trước mặt họ là một cảnh tượng sang trọng, văn minh, lịch lãm mà đời họ chưa một lần nhìn thấy trong sách vở ở cái thiên đường cộng sản tại miền bắc, nói chi đến cảnh thực. Bàng hoàng và bàng hòang. “ĐM nó, bị chúng lừa gạt rồi”! Ngay lập tức, hàng vạn, hàng triệu người vừa đến đều có chung một câu nói ấy. Trong số, có nhiều người đang làm công tác tuyên truyền để góp phần vào việc che mắt, bịt mồm, che tai đồng loại như Buì Tín, Trần xuân Ẩn hay Dương thu Hương thì “đã ngồi bệt xuống giữa đường phố Sài Gòn mà khóc” và gào lên trong uất nghẹn tủi hờn: “Ôi lũ man di mọi rợ thắng Văn Minh”! Phải, Man đi, mọi rợ, tội ác đã thắng văn minh và nhân bản. Chỉ vỏn vẹn một hàng chữ ấy đã có thể giải thích cho tất cả.

Từ đó, ngày 30-4-1075 có thể được gọi là “ngày giải phóng”, và thành phần được giải phóng chủ yếu là những kẻ đang rêu rao về cái chiến thắng “vĩ đại” đầy ảo tưởng kia. Hơn thế, nó còn được gọi là giải phóng vì từ sau ngày ấy, tất cả những hình ảnh, văn bản bán nước mà Việt cộng dấu diếm, che đạy, nay đều lộ diện, phơi bày. Riêng cái mặt nạ “cách mạng” của Việt cộng đãdấu kín từ bấy lâu nay từ rừ tụt xuống qua đầu gối.

• Thật vậy, sau ngày 30-4-1975 mặt nạ của “cụHồ”, “ cha già“ của Việt cộng theo nhau rớt xuống từng mảng, để ngày nay hầu như đã hiện nguyên hình là một viên thiếu tá tình báo Trung cộng, là đảng viên đảng cộng sản Trung Cộng với cái tên là Hồ Quang. Kế đến, chuyện “cụHồ” được đảng cộng sản tô son vẽ phấn là “bác không có vợ con, suốt đời phục vụ nhân dân” đã tuột hẳn xuống qua đầu gối, lòi ra vụ Hồ chí Mi Minh đã ăn ở vớiNông thị Xuân ngay từ lúc em mưòi sáu tuổỉ. Đến khi Xuân có bầu, sinh con thì Minh lệnh cho Hoàn thủ tiêu và phi tang bằng vụ tại nạn lưu thông. Nhưng trời bất dung gian, chẳng có cái xe ma nào chạy trên đường để cán lên cái xác của Nông đã chết vì những nhát búa của Trần quốc Hoàn. Phần đứa con tên Nguyễn tất Trung thì bị đem cho làm con nuôi!

• Và nhờ ngày 30-4-1975, những hung thần như thú hoang của cộng sản là Nguyễn Hộ với câu tuyên bố lẫy lừng “Đối với bọn Ngụy quân, Ngụy quyền, nhà của chúng: ta ở; vợ của chúng: ta xài; con của chúng: ta bắt làm nô lệ; còn bọn chúng nó: ta giam cho đến chết.” đã được giải phóng, đã mở mắt ra để tạ tội với đồng bào, tạ tội với non sông bằng cách xé nát thẻ đảng CS và để lại cho người đi sau “ Câu lạc bộ kháng chiến thành phố”. Trong đó thái độ nhận thức của Hộ đã được viết ra một cách rất nghiêm túc: “Bây giờ trên đầu tôi, không còn bị kẹp chặt bởi cái “kềm sắt” của chủ nghĩa Mác-Lênin, của Đảng cộng sản nữa. Do đó, nó cho phép tôi dám nhìn thẳng vào sự thật và dám chỉ ra sự thật…. Khác với trước đây, khi còn là đảng viên của ĐCSVN – một thứ tù binh của Đảng – tôi chỉ biết nói và suy nghĩ theo những gì mà cấp trên nói và suy nghĩ, còn hiện nay, tôi suy nghĩ rất thoải mái, không bị một sự hạn chế nào khi tư tưởng của tôi đã thực sự được giải phóng”. Và trong số những kẻ được giải phóng tại chỗ phải kể đến một số người khác như tướng Trần Độ với “ Rồng Rắn”. Sau này là Vũ thư Hiên, (đêm giữa ban ngày) và Trần Đĩnh tác giả của Đèn Cù.

b. Với bên bị giải phóng.

Bên bị giải phóng bao gồm toàn thể quân dân miền nam, ngưởi dân miền bắc, những con ngưòi lương thiện, nhân bản đã hết lòng hy sinh bảo vệ tiền đồ của đất nước, bảo vệ văn hoá, nhân phẩm, đạo nghĩa của con người. Kết quả, một chiều “ man di mọi rợ thắng Văn Minh”, thế gian bỗng nhiên ra khác. Tất cả đều bị giải phóng. Bị tước đoạt tất cả mọi quyền hạn thuộc về con người. Rồi bị đẩy ngược, lùi lại thời nô lệ, thời của man di mọi rợ. Ở đó, là dối trá và tội ác của cộng sản dẫn đầu. Ở đó là một nền giáo dục phản nhân tính con người được CS thi hành để đầy toàn dân đi vào con đường phi nhân Vô gia đình, Vô Tôn Giáo, Vô Tổ Quốc của chúng.

Từ đó, một đời sống nhân bản bao gồm cả sự đạo hạnh, văn hóa, nhân phẩm của dân tộc bị chà đạp, bị tưóc đoạt một cách điên cuồng bởi lớp ngưòi đến từ rừng hoang. Để tránh tai họa, họ đành liều mình đạp trên cái chết ở biển khổ mà đi. Đi để tìm nguồn sống cho mình cho gia đình mình và cho một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.

3. 30-4-1975, có là một ngày mừng?

Nhìn từng đoàn, từng lớp lớp người bị đẩy ra đường phố Hà Nội để vẫy tay bên cạnh những nụ cười lộ rõ những hàm răng bừa, răng quá khổ của lớp quan cán cộng, ai cũng cho đó là ngày mừng. Theo lý, quả thật là ngày mừng. Mừng vì hôm ấy là ngày chấm dứt chiến tranh. Từ nay, người miền nam không còn phải ăn mìn của Việt cộng khi chúng đắp mô trên đường. Rồi trong đêm dài, hay khi trẻ thơ đến trường, không phải ăn B40, hoả tiên 121, 122 hay sơn pháo 130 và đạn Ak được cung cấp từ Nga Tàu như ở Cai Lậy nữa.

Rồi ở ngoài kia, cán cộng và những cơ sở nuôi dưỡng chiến tranh của chúng không phải hứng bom rơi, đạn pháo nữa. Như thế, lý ra là phải mừng. Mừng lớn. Ai ngờ, tất cả là một chữ hụt. Mừng hụt! Bởi lẽ, theo lời cô tôi kể là: “Hàng trăm, hàng ngàn người bị đẩy ra đường để mừng chiền thắng ở khắp nơi trên đất bắc. Nhưng trên mặt thì đầy nước mắt. Họ bảo mừng qúa mà khóc! Nhưng với lòng dân thì khóc một lần để rồi thôi chờ đợi. Sự chờ đợi mỏi mòn của họ nay đã có đáp số. Nước mắt tuôn ra là nước mắt của tuyệt vọng trong chờ đợi được Cụ Diệm, Bác Thiệu, từ trong nam ra giải phóng kiêp tăm tồi, nô lệ của họ. Nay lại vỡ òa, khóc trước cho một miền nam sẽ vào chung trong một cái tròng cộng sản.” Ấy là chưa kể đến chuyện, rồi đây từng lớp lớp người gìa, ngưòi trẻ sẽ kéo nhau lên rừng sâu, leo dọc Trường Sơn bới đất mà tìm xương con mình! Khi ấy khéo mà khóc không ra nước mắt! Chuyện như thế, mừng được không?

Đi ngược chiều với người dân, hàng quan cán cộng thì cười văng cả hàm răng bừa. Từng lớp, từng hàng hàng thay nhau vào vơ vét của cải ở miền nam đem về. Gạo trắng, một mặt hàng cực hiếm ở miền bắc, bỗng nhiên tràn ngập tất cả các chợ. Họ hỏi nhau:

– Gạo ở đâu ra thế?

– “Từ miền nam mang ra đấy. Gạo trắng ở trong ấy có đổ cho lợn ăn cũng không hết!”

Nghe thế, bà mẹ liệt sỹ bao năm phải nhịn ăn, xắn váy lên chửi:

– “Tổ cha nhà chúng nó, Hồ với lại hét! vậy mà chúng nó lừa bà là ở trong ấy nghèo khổ lắm, hạt gạo phải cắn làm tư mà chi viện cho họ”!

Riêng anh cán, chị hộ lý tự nhiên thấy mình lên trên đĩnh cao chói lọi của hạnh phúc khi kẹp ở bên nách cái đài transistor từ miền nam đem về. Anh chị cùng chạy đua mở lớn hết cỡ cho cả xóm cùng nghe cho vơi đi những ngày đói khổ. Ôi tuyệt đỉnh của man rợ vừa chiến thắng! Điện, Đài, Đổng, Đạp, (đèn pin, radio, đồng hồ, xe đạp) là những thứ quá tầm thường tại miền nam từ nhiều năm trước, nay bỗng trở thành một thành tích, một giấc mơ vĩ đại, một đỉnh vinh quang tuyệt đối cho mỗi một quan cán có dịp vào nam và đem về bắc! Chả ai trách họ. Vì không có ngày này, giấc mơ “Điện, Đài, Đổng, Đạp” có thể vào mộ sâu, hay đi theo nắm xương khô trên Trường Sơn, hoặc phơi trần bên bờ hồ Hoàn Kiếm rồi!

4. 30-4-1975, có là ngày đoàn viên?

Thật khó mà tìm được chữ đoàn viên mặc dù có một số gia đình có dịp đoàn tụ. Thật vậy, hoàn cảnh các gia đình tại Việt Nam sau ngày 30-4-1975 là những cuộc chia ly, tan nát. “Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng, một lần đdi là một lần vĩnh biệt, một lần đi là một lần mất dấu quay về…” ( Nguyệt Ánh) Lời ca bi thương ấy, trong chúng ta, ai chưa từng nghe? Nay biết bao người phải chia tay Sài Gòn và nhiều người đã phải vình biệt với những yêu dấu ở một nơi đã cho họ cuộc sống và một ước mơ với quê hương và dân tộc Việt? Như thế, Sài Gòn đã mất, người Việt Nam chỉ thấy chia ly, không có đoàn viên, chẳng có đoàn tụ.

Còn người mới đến thì ra sao? Có tìm được một lối quay về và đoàn viên không? Xin hãy nghe Trần Đĩnh kể lại cuộc “đoàn tụ” của người về như sau: “Vài hôm sau, ở Huỳnh Tịnh Của, tình cờ gặp Minh Trường, phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn xã năm 1971 đã cùng tôi vào vùng rốn lụt của Hải Dương. Anh thuộc lớp người đầu tiên về Sài Gòn chiến thắng. Nhưng anh đã nếm một chiến bại đớn đau. Hơn một năm sau kể lại với tôi, giọng anh vẫn run run như nghẹn lại. Lẽ tất nhiên anh rất vui khi lần đầu tiên trở lại đứng trước nhà mình bấm chuông. Thì mẹ anh mở cửa. Thì mẹ liền chắp hai tay lạy: – Anh còn sống thì tôi mừng nhưng anh về thì tất cả các đứa con bao lâu nay sống với tôi, chăm sóc phụng dưỡng tôi đều đã bị các anh lôi đi tù hết mất rồi. Anh về thì nhà này tan nát, thì tôi trơ trọi. Thôi, tôi xin anh, anh đi với đồng chí của anh đi cho mẹ con tôi yên… “(Đèn Cù 485) . Như thế, chuyện đoàn viên trong vui mừng, hạnh phúc, vĩnh viễn là chữ không, Sự đoàn tụ gượng ép ở trong nhà cũng không có, nói chi đến đoàn viên của xã hội!

5. 30-4-1975, có là ngày uất hận, ngày tủi nhục của non sông?

“Gia đình tôi có hai liệt sĩ: Nguyễn Văn Bảo (anh ruột) – Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam – hy sinh ngày 09.01.1966 trong trận ném bom tấn công đầu tiên của quân xâm lược Mỹ vào Việt Nam (vào Củ Chi); Trần Thị Thiệt (vợ tôi) – cán bộ phụ nữ Sài Gòn – bị bắt và bị đánh chết tại Tổng nha Cảnh sát hồi Mậu Thân (1968), nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai lý tưởng (là đi theo) cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no, hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục” ( Nguyễn Hộ).

Ở một khía cạnh khác. Cũng sau ngày này, người con gái Việt Nam, con cháu của Trưng, Triệu, (dĩ nhiên có cả vợ con của họ) bị Nguyễn minh Triết, chủ tịch cái nhà nước gọi là CHXHCNVN biến họ thành gái gọi, gái bao với lời rao bán, chào hàng, mời gọi khách hàng một cách vô văn hóa, vô đạo đức nếu không muốn nói là vô giáo dục: “ vào đi các ông, ở đấy có nhiều gái đẹp”.Xem ra, câu mời khách của một tên ma cô gác động ở Khâm Thiên, ở ngã ba Chú Ía, có lẽ cũng bằng ngần ấy từ ngữ! Kết qủa, sau lời mời của Nguyễn minh Triết là tửng toán, từng đoàn thiếu nữ Việt Nam tuổi từ 18-25 được lột trần truồng ra cho những tên già lão, bệnh hoạn mang tên Đài Loan, Đại Hàn, Tàu cộng ngắm nghía, soi mói và bỏ ra ít tiền để mua về làm…. vợ. Và từng đoàn khác thì được xuất cảnh với danh nghĩa lao động ở nước ngoài mà thực chất là bị bán vào các ổ, động ở Mã Lai, Trung cộng… Ngần ấy đủ nói lên cái uất hận và tủi nhục cho giang sơn hay chưa?

6. 30-4-19075. Có là ngày Thống Nhất?

Vì theo đuổi cuộc chiến tranh “ Ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, Liên Xô cho xã hội chủ nghĩa” và “ tất cả những công việc của chúng tôi làm đều phụ thuộc vào Mao chủ tịch” ( Lê Duẩn) Việt cộng đã tạo ra ngày 20-7-1954 chia cắt đất nước ra làm hai, tạo nên một cuộc chia ly tang thương trong lịch sử Việt Nam. Cuộc chia ly ấy có đến một triệu người phải bỏ miền bắc, phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, phải bỏ lại cả cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè để trốn chạy cộng sản, di cư vào nam. Kế đến, Việt cộng tạo nên một biển máu trong cuộc chiến tại miền nam. Lại đẩy hàng triệu thanh niên miền bắc vào kiếp nạn sinh bắc tử nam. Đã giêt hại hàng trăm ngàn quân, dân, chính, học sinh tại miền nam. Nay 30-4-1975, cộng sản lại tràn vào Sài Gòn. Ranh giới cũ là cầu Bến Hải tuy được xóa bỏ. Trong thực tế, đất nước đã không còn nguyên vẹn. Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Quan Bản Giốc Lão Sơn, bãi biển Tục Lãm và một phần vịnh Bắc Bộ đã bị cộng sản dâng cho Trung cộng. Ấy là chưa kể đến nhiều phần đất trong nội địa, bờ biển cũng đã bị Việt cộng trao bán cho chúng.

Phần diện địa đã thế, đến phần tinh thần, CS không bao giờ thống nhất được lòng dân. Trái lại, là tạo ra quá nhiều ly tán, bạc nhược, suy đồi. Theo đó, nếu điều gì người dân ngày nay có thể tự thống nhất được với nhau thì đó chính là lòng căm thù cộng sản!

7. 30-4-1975 mãi mãi là Ngày Quốc Hận?

Với những điều tôi nêu ra ở trên, dù còn rất nhiều điều cần phải nói đến nữa, cũng là quá đủ để minh chứng rằng 30-4-1075 mãi mãi là Ngày Quốc Hận. Mãi mãi là Ngày Quốc Hận bởi vì vào ngày 30-4-1975, chỉ có một kẻ duy nhất chiến thắng, đó là đảng Cộng sản Việt Nam. Kẻ bại trận chính là Dân TộcViệt Nam. Vì chiến thắng trong cuộc chiến do chính CS gây ra, nên tập đoàn Việt cộng đã cướp, chiếm đoạt toàn bộ chính quyền và nền chính trị tại Việt Nam. Từ đây, đảng CSVN đã biến chính quyền thành nhà nước CHXHCN, thành một tổ chức phi nhân, thành một cánh tay hợp pháp để chiếm đoạt, tước đoạt mọi công quyền và nhân quyền của người dân Việt Nam.

Nói cách khác, tập đoàn Việt cộng đã biến nhà nưóc CHXHCN thành một công cụ hợp pháp để chiếm đoạt và cưỡng đoạt quyền tư hữu của người dân. Tổ chức cướp tài sản, cướp nhà, cưóp đất, cướp ruộng vườn, cướp các cơ sở kinh doanh của nhân dân Việt Nam, lúc trước là mùa đấu tố, sau này là cái gọi là quy hoạch. Mục đích, trước là phá nát đời sống an bình, yên vui của người dân. Sau là thu tóm mọi tài sản của đất nước vào tay các đảng viên cộng sản. RồiViệt cộng cũng đã biến nhà nưóc CHXHCN thành một công cụ hợp pháp để tuyên truyền một thứ văn hóa và đạo đức thô bỉ, hạ cấp của Hồ chí Minh với mục đích phá nát nền Văn Hóa Nhân Bản và luân thường đạo nghĩa của xã hội và của các tôn giáo tại Việt Nam. Sau cùng, CS đã biến nhà nước thành công cụ hợp pháp để tự do bắt bớ và bỏ tù, đàn áp tất cả những tinh hoa của đất nước.

Như thế, nhờ 30-4-1975, đảng CSVN, một tập đoàn phản quốc đã biến nhà nước CHXHCN thành một công cụ hợp pháp để chúng có chính danh bán đất đai, biển đảo của Tổ Quốc Việt Nam cho Trung Cộng qua các Công Hàm 1958 và các Hiệp Thương, Hiệp Ứóc biên giới 1990, cũng như các khế ước thuê bao rừng đầu nguồn và khai thác Bauxite độc hại ở cao nguyên để di họa cho dân chúng mai sau. Ấy là chưa kể đến chuyện chúng luôn tạo điều kiện cho các nhà thầu Trung Cộng độc chiếm mọi công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, chiếm hết mọi nguồn lợi kinh tế của người dân Việt Nam.

Cuối cùng, tập đoàn CSVN đã biến nhà nước này thành một công cụ hợp pháp để chúng tự ký mật ước Thành Đô nhằm biến Việt Nam thành một tỉnh bang trực thuộc Bắc Kinh, biến dân tộc Việt thành một thứ Hán nô vào năm 2020? Nếu điều này xảy ra thì tập đoàn này nên nhớ rằng. Tất cả những tội ác Cộng sản đã gây ra cho người dân trong chiến tranh, còn có thể bào chữa, còn có chỗ bao che, dung thứ. Nhưng tội phản quốc, tội bán nước, một trọng tội đối với Tổ Quốc, đối với hồn thiêng sông núi, đối với anh linh của tiền nhân, đối với máu xương của dân tộc Việt Nam, vĩnh viễn trời không tha và đất chẳng dung, nói chi đến con người.

II. Chuyện hôm nay.

Người Việt Nam không có nhu cầu thù hận nhau, hay hận thù bất cứ một ai. Họ chỉ có một ngoại lệ duy nhất là dành nó cho tập đoàn Việt Cộng mà thôi. Hiện nay, lòng dân càng lúc càng mãnh liệt đòi hỏi Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, Công Lý. Ý thức của mỗi cá nhân, của các đoàn thể mỗi lúc một dâng cao. Nhiều người, nhiều nơi đã vượt qua sự sợ hãi để tiến đến những cuộc phản đối, đình công biểu tình tập thể. Nhiều gia đình trước cảnh cướp ngày của Việt cộng đã theo những Đoàn văn Vươn dương cao biểu ngữ: “Gia đình tôi thề quyết tử chống bẻ lũ CSVN cướp ngày đến hơi thở cuối cùng..” Lời thề ấy, trước là để bảo vệ lấy quyền sống và quyền lợi của mình, sau là “ cảnh tình đồng bào về đại họa cộng sản”. Như thế, còn cộng sản là còn Quốc Hận. Còn CS là còn đấu tranh. Từđó, bài hát của người dân Việt cho ngày mai mỗi lúc một dâng cao:

“Nào Ta đi cho Việt Linh ngời sáng,

Này Ta về cho hồn nuớc trào dâng.

Đất của Mẹ, một ngọn cỏ ta thề không bỏ,

Núi nước Nam, một viên đá ta quyết chẳng rời.

Chị ngã xuống, em đứng dậy,

Diệt cho hết phường bán nước hại dân,

Mẹ phất cờ, con ra trận,

Quét cho sạch bọn bành trướng bắc phương.

Người trong nước, kẻ ngoài biên,

Dựng cho cao ngọn cờ Độc Lập.

Hát cho đều tiếng hát Tự Do.

Cho ngàn ngàn sau, dòng sử Việt còn lưu danh cùng trời đất.

Cho vạn vạn thế, người nước Nam cùng bốn bểAn Lạc, Hòa Minh.” ( Hịch cứu nước)

Bảo Giang

Lưu ký ngày 30-4.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
„Regina familiae - Nữ vương các gia đình.“
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:01 29/04/2017
„Regina familiae - Nữ vương các gia đình.“

Mỗi khi, nhất là trong tháng Năm, tháng hoa kính Đức mẹ Maria, người tín hữu Công gíao đọc kinh cầu Đức Bà, có câu ca ngợi cầu xin:“ Nữ vương các gia đình.“

Hình ảnh gia đình con người xưa nay có cha, mẹ và các người con. Đây là tế bào căn bản của xã hội con người.

Từ tế bào căn bản này, sự sống con người triển nở từ thế hệ này truyền sang thế hệ nối tiếp trong công trình sáng tạo thiên nhiên của Đấng tạo Hóa, Đấng là nguồn sự sống.

Không có yếu tố mầm sự sống - của người đàn ông (người cha) phối hợp với yếu tố trứng tế bào- nơi người phụ nữ ( người mẹ), không nảy sinh ra sự sống thứ ba là người con được.

Từ tế bào căn bản xã hội này, nền văn hóa, tập tục nếp sống tinh thần đạo gíao được thành hình gầy dựng, được duy trì phát triển, tạo nên mối dây tình liên đới giữa con người với nhau từ trong gia đình thu hẹp lan rộng ra ngoài xã hội bên ngoài.

Từ tế bào xã hội căn bản này, con người được yêu thương cùng học hỏi có kinh nghiệm nhận ra thế nào là tình yêu thương, cùng gía trị của sự sống nơi thiên nhiên.

Đây là định luật thiên nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã khắc ghi trong công trình sáng tạo thiên nhiên. Cho dù xưa nay, với trình độ phát triển của khoa học, triết học văn chương đã và đang có những lý thuyết, thử nghiệm mong muốn để cấu tạo ra sự sống ngoài quy luật thiên nhiên này, nhưng vẫn không vượt qua khỏi biên giới của định luật thiên nhiên. Nên không đạt kết qủa thành công được.

Sự sống trong thiên nhiên là món qùa qúy báu của Trời cao ban cho nhân loại. Con người nhận được sự sống, cùng được hưởng dùng sự sống. Và họ có trách nhiệm qúy trọng, bảo vệ gìn giử sự sống.

Trách nhiệm qúy trọng bảo vệ gìn giữ món qùa sự sống không chỉ quy hướng vào sự sống cây cỏ, thảo mộc cùng thú động vật sinh sống trong rừng núi, hay nuôi ở nhà. Nhưng còn phải kính trọng, bảo vệ, gìn giữ sự sống của chính con người nữa. Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa sinh thành nuôi dưỡng con người. ( St 1,27).

Người ta ngạc nhiên bỡ ngỡ về sự sống con người, và cũng có hoài nghì về nó, nên có thắc mắc nêu ra: sự sống con người thành hình khởi sự từ lúc nào ?

Có nhiều bàn thảo liên quan đến luân lý đạo đức về thắc mắc này. Nói đến sự sống con người là chạm tới biên giới việc bí ẩn mầu nhiệm linh thiêng. Nên Giáo huấn của đạo giáo luôn được lấy làm căn bản chỉ hướng cho những suy nghĩ bàn luận.

Ngày xưa thời vào Trung Cổ, Thánh Toma thành Aquino dựa theo triết học Hy Lạp của Aristoteles cho rằng bào thai tạo thành người là con trai kéo dài 40 ngày, và bào thai thành con gái kéo dài 80 ngày.

Theo Do Thái giáo , sau khi hai yếu tố Mầm sự sống nơi người cha và Trứng tế bào nơi người mẹ phối hợp với nhau kéo dài 40 ngày tạo thành bào thai giai đoạn khởi đầu

„ Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy;

mọi ngày đời được dành sẵn cho con

đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,

trước khi ngày đầu của đời con khởi sự. ( Tv 139,16)

Theo suy tư tin tưởng của Do Thái giáo ba nhân tố tham dự vào sự thành hình sự sống một con người: Thiên Chúa, người cha và người mẹ.

Mầm sự sống ( tinh trùng) mầu trắng từ nơi người cha tạo thành xương , móng tay, móng chân, trí óc.

Từ Trứng tế bào mầu hồng nơi người mẹ kết thành da, thịt, máu.

Thiên Chúa phú thác vào cho con người tinh thần, sự sống, thính giác nghe được, thị gíac nhìn, sự hiểu biết và sự khôn ngoan.

Thiên Chúa ấn định về giới tính nam hay nữ, mạnh mẽ hay yếu. Nhưng sự phát triển về tính tình của một người sau này trở nên người tốt hay người hung dữ nằm trong tay của chính con người.

Hội Thánh Công Giáo xưa nay, dù tôn trọng những suy luận khác biệt về thành hình sự sống thân xác hình hài con người, nhưng luôn đứng bảo vệ sự sống thân xác hình hài con người. Nên Hội Thánh khẳng định: ngay từ giây phút đầu tiên khi hai yếu tố - Mầm sống và Trứng tế bào - của người cha và người mẹ phối hợp với nhau, đã đang phát triển thành sự sống thân xác hình hài một con người rồi.

Vì thế không chấp nhận việc hủy hoại sự sống con người là bào thai trong cung lòng người mẹ, cho dù ở vào giai đoạn khởi đầu hay sau đó.

Nữ vương các gia đình - Cầu cho chúng con!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Văn Hóa
30-4: Hồn Đi Lạc...
Nguyễn Trung Tây
19:16 29/04/2017
□ Nguyễn Trung Tây
30-4: Hồn Đi Lạc...


Gặp tôi lang thang đầu đường xó chợ tựa như sát thủ Cain, một đời lang thang trên mặt đất, bạn chặn tôi ngay giữa đường, phán một câu, một lời tuyên án, hay cũng có thể được gọi là một lời than, “Ông Công Giáo, lại là cha cụ, mà nhìn mặt cứ như người chưa bao giờ nhận được Tin Mừng ơn cứu rỗi!...”

Tôi, bất mãn kinh niên, nhăn nhăn vầng trán, “Cám ơn cho những lời nhận xét quý báu không ai mượn. Nhưng cũng không sao, tôi vẫn quý mến ông như thủa nào. Mà này, ông bạn, ông muốn nói điều gì vậy?”

Bạn nhìn thẳng vào mắt tôi, tiếp tục, “Rất thành thực! Không khách sáo! Ông nhìn lạc đường mùa chay quá!”

Ơi, tôi yêu mến làm sao những lời nói thẳng như ruột ngựa!

Tiếng Việt của bạn thật chuẩn, thật dễ thương!

Bạn có phải thầy bói, nhà tướng số, hay tiên tri của quá khứ quay về thế giới đảo điên để phán một lời tuyên ngôn về ngày tận thế?

Lạc đường là tôi! Lạc đường là tên! Lạc đường đã trở thành máu huyết luân lưu trong người. Lạc đường đã khắc ghi sâu trong tâm khảm mặc dù không chọn lựa. Lạc đường đã trở nên cá tính riêng biệt sở hữu. Tôi đã lạc ngay trong bụng mẹ. Tôi nghĩ có lẽ mình cũng chẳng muốn sinh ra trên cõi đời này làm chi…

Tôi đã lạc khi nhìn thấy xe tăng T-54 lăn bánh trên đường Lê Văn Duyệt, một trong những đại lộ Sài Gòn dẫn về tổng hành dinh của Nam Việt Nam, chính quyền mới bại trận. Bầu trời xanh lơ trưa mùa hạ bỗng trở nên xám đen, đừng hỏi tại sao, tôi chỉ diễn tả những chi mình đã nhìn thấy. Thành phố hỗn loạn trong cơn tháo chạy! Những cột khói bốc cao! Bầu trời Sài Gòn bỗng dưng ngập tràn trực thăng, tựa như những chú ruồi sa mạc, di tản người thân ruột thịt. Những khuôn mặt hốt hoảng! Những giọt lệ buồn tủi! Những tiếng kêu tuyệt vọng! Những tiếng hét kinh hoàng! Những hàng người nối dài cho một chỗ ngồi trên chiếc trực thăng đậu cao trên nóc tòa nhà.

Tôi đã lạc dưới bầu trời nắng lung lửa đỏ, bụng đói meo với không một chén cơm, chân đi bộ tới trường trung học Nguyễn Thượng Hiền. Một tô cơm gạo trắng khi đó bỗng dưng trở thành xa xỉ phẩm cho cậu bé thiếu niên của Sài Gòn, Sài Gòn một thời hãnh diện được gọi Hòn Ngọc Viễn Đông.

Tôi đã lạc ngay sau khi bị bật gốc khỏi quê nhà bởi cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn thắc mắc tìm hiểu đâu là nguyên nhân chính.

Tôi đã lạc khi bước chân lên tàu vượt biên, thuyền trôi lênh đênh trên mặt sóng, và tất cả những cô gái tuổi ươm mơ trong khoang thuyền bị hạ nhục bởi ngư phủ Thái. Khi bị tấn công bởi lưỡi dao, anh tôi ngã gục xuống sàn tàu, hét lớn, hai tay ôm mặt; và máu, những dòng máu đỏ tuôn chảy từ những ngón tay. Tôi, hốt hoảng với thảm kịch xảy tới cho người thân, không biết làm gì, bật tiếng khóc!

Tôi đã lạc khi ngư phủ Thái xếp hàng những người thanh niên trên tàu. Từng người rồi từng người bị ngư phủ bạo hành. Tới phiên! Tôi nhắm mắt lại đợi chờ giây phút, nhưng ngư phủ Thái đã dừng lại nắm đấm giữa trời. Tôi nghĩ cũng có thể bởi khuôn mặt thất thần trắng xanh của mình. Hoặc bởi một lý do gì đó, có ai mà hiểu. Ngư phủ nhìn tôi, nhoẻn miệng cười, gỡ cặp kính của tôi ra, đeo vào mặt. Cặp kính cận dầy cộm, ai đeo cho nổi! Ngư phủ loạng choạng những bước chân! Đầu lắc lắc! Cặp kính cận rớt xuống, rơi thẳng một mạch xuống làn nước xanh đại dương. Tưởng thế là xong! Nhưng không, ngư phủ phóng theo vớt lại cặp kính. Một tay bám thành tàu, một tay nắm chặt kiếng cận, ngư phủ nhảy lên tàu, cẩn thận đeo trả lại vào mắt chủ nhân cặp kính. Rồi lại quay sang người đứng kế bên, đánh tiếp, như một chuyện bình thường, một chuyện phải xảy ra…

Tôi đã lạc trong khi hít thở bầu không khí ngột ngạt hôi thối của trại Sungai Besi, trại cấm Mã Lai. Từng mảng rồi từng mảng hồn đã bị gậm nhấm, ăn mòn bởi đời sống trại cấm.

Tôi đã lạc khi đặt chân lên đất Mỹ, vùng đất hứa! Họ là ai, những người không có tóc đen bóng mượt? Tại sao mắt họ lại không là mầu nâu? Tại sao họ ăn bánh mì sandwitch với hambuger vàcheese, nhưng lại không ăn cơm trắng với canh chua cá và thịt kho?

Tôi đã lạc khi nhận được tin bố, trút hơi thở cuối đời tại Việt Nam trong khi mình đang lang thang tại xứ người, hơn một năm rồi. Một phần hồn của tôi đã chết, một góc tim bị xé rách toang, không bao giờ còn khả năng bình phục kể từ giây phút đó…

Và khi tôi quay về lại quê nhà… Người cùng chủng tộc đối xử tôi tựa như tôi chưa bao giờ chôn nhau cắt rốn ở Việt Nam. Trong ánh mắt họ, tôi là người Campuchia hoặc Nhật. Có một lần tôi nói, “Cám ơn”, với cô chạy bàn trong tiệm Phở. Cô ta ngạc nhiên, nói liền, “Ông nói tiếng Việt giỏi quá!”

Ơ hay!

Và cô hỏi trong tiếng Anh, “Tại Phi Luật Tân, ông sống ở đâu? Thủ đô Manila?”

Thật thế à?

Lạc, hồn tôi lạc như ao tù nước đọng. Tôi hôi thối! Tôi hiểm ác!

Lạc, trí tôi nhăn nheo tựa như trái táo khô để quên trong bếp từ lâu rồi. Tôi còn trẻ nhưng tâm hồn già khằng, ngàn năm tuổi!

Lạc, ngôn ngữ tôi đôi khi rắn độc.

Lạc đã trở thành một phần tâm hồn, hồn đi lạc.

Ngay cả khi tôi, đồng tiền quý giá được giữ gìn nâng niu tựa như kho tàng trong tay Chúa, qua hình ảnh của người phụ nữ, tôi vẫn đợi chờ cơ hội bỏ chạy! Đồng tiền đi lạc!

Ngay cả khi tôi, chú chiên be bé, dưới bàn tay nhân hậu của Chúa Chiên Lành, tôi vẫn rập rình đợi chờ cơ hội bỏ đi tìm kiếm dục vọng vệ đường! Con chiên lạc!

Ngay cả khi tôi, người con thứ, chạy đến cùng Chúa, đòi Ngài chia gia tài để tôi đốt hết vào đồi trụy đam mê! Người con đi hoang!

Lạc, tôi lạc như hai môn đệ trên đường Emmau…

Tôi thất vọng! Tôi lạc đường!

Chẳng trách chi bạn gọi tôi, Hồn Đi Lạc!

Nhưng...

Chính lúc hồn đi lạc, lại là lúc mình được tìm thấy, không phải bởi ai, nhưng Chúa Thiên Đàng qua hình ảnh của người phụ nữ với mười đồng tiền, người chăn chiên với đàn chiên trăm con! Chính lúc hồn thất vọng, lại là lúc hy vọng tràn đầy tuôn đổ trên hai bàn tay. Đồng tiền đã tìm thấy, con chiên lạc được bế lên vai, hai môn đệ thất vọng đã gặp Niềm Hy Vọng mới.

Vâng, tôi lạc! Cũng chẳng sao!

Chúa chưa bao giờ bỏ rơi tôi!

Ngài tiếp tục cất công lên đường tìm kiếm tôi, đồng tiền đánh rơi, con chiên đi lạc,

bởi tôi quý giá trong đôi mắt Ngài.

Thế là no đủ! Ơn phúc dư thừa!


The Fall of Saigon: Lost Soul...

Seeing me roaming in public like the murderer Cain, a restless wanderer on the face of the earth, you stop me at the middle of the road to pronounce a sentence, a statement, or perhaps, a complaint, “You’re Catholic, even a Catholic priest, and yet you don’t look redeemed!…”

I, in my capricious mood, raise my eyebrows, “Thanks for your precious comment which I don’t ask for. I love you, anyway. But what do you mean?”

“No offence! Be honest. You look lost, lost with capital L!” you stare at me.

Oh! How I love what you tell to my face.

Your Yankee English is perfect, “lost with a capital L.”

Are you a psychic reader, or a soothsayer, or a clairvoyant, or perhaps a prophet from the old returning to the chaotic world to announce the message of the doomsday?

“Lost” is me. “Lost” is my nickname. “Lost” has been ingrained in my blood. “Lost” has been engraved into my heart not by my choice. “Lost” has been characterized as my idiosyncracy! I was lost at the moment I was conceived in my mother’s womb. Anyway, I guess I did not choose to be born…

I was lost when seeing the first T-54 tank rolling on Lê Văn Duyệt, one of the main roads of Saigon, leading to the headquarters of the South Vietnam, a brand new defeated government. The cerulean blue sky at mid noon suddenly turned into grey one, and don’t ask me why; I just describe what I saw. The city was in chaos. The pillars of smog appeared almost everywhere! The Saigon’s sky was filled with many helicopters, just like numerous fruit flies, in their final attempts to evacuate their loved ones. The panicked faces! The emotional tears! The desperate cries! The loud scream! The long queues of people desperate for a seat on the helicopter on the top of a building!

I was lost when under the scorching heat, without having a decent bowl of rice for my hungry stomach, I was walking on foot to the High school Nguyễn Thượng Hiền. A bowl of steamed rice was a luxurious dream for a teenager in Saigon, the city that was once called the Pearl of the Far East.

I was lost when I was uprooted from my homeland by the Vietnam War, the war that I continue to search for the real motive!

I was lost while aboard my fishing boat, drifting along in the ocean, and all the young girls in my boat were sexually assaulted by Thai fishermen. When my brother was attacked by a fisherman’s knife, he collapsed on to the wooden floor of the boat, he screamed out loud, his two hands covered his face, and blood, much blood streamed out between his fingers. I, panicked at the unexpected tragedy to my loved one, burst into tears…

I was lost when the fishermen lined the men up. One by one all the men on the fishing boat were hit by them. My turn came. I closed my eyes, waiting for the moment, but the fisherman stopped his thrusting in the middle of the air. I guess perhaps he noticed my frightened and wan face. Whatever reason that made him withhold his punch, I don’t know. He smiled at me and then removed my glasses and put them onto his eyes. A thick pair of my myopia glasses caused him to be dizzy! He stumbled on his feet! He shook his head. My glasses slide away from his face and went straight to the surface of the ocean. The fisherman jumped after them into the sea to rescue my glasses. One hand grasped to the side of the boat, the other held tight to my glasses, the man returned to the boat and then to me. To my surprise, he gently placed the pair of glasses on my face! And he moved to the next man. The beating continued as usual, as it should be…

I was lost when I was suffocated with the stale air in Sungai Besi, the detention camp in Malaysia. Piece by piece, the life in my soul was eaten by the life in the camp.

I was lost when I first set my foot on American soil. Who were these people, who did not have sleekly black hair? Why are their eyes not brown? Why do they eat sandwiches, hamburgers and cheese and not steamed rice with sour fish soup and pieces of salty pork?

I was lost when I much later received the news regarding my dad, who breathed his last in Vietnam when I had been wandering in the foreign land for over a year… A piece of my soul actually died, a part of my heart has been torn up and never recovered, ever since…

And when I return to my homeland… The people in my “apmara”/homeland treat me as if my umbilical cord was not buried in Vietnam. In their eyes I must be a Cambodian or Japanese. Once I said, “Cám ơn/Thank you” to the waitress at a Phở Restaurant in Vietnam. She at once became excited, “Your Vietnamese is impressive.”

Really?

She asked, “Where do you live in the Philippines? Manila?”

Really!

Lost, so my soul was just like a stagnant pond. I am filled with stench! I am vicious!

Lost, so my mind was shrunken just like a wizened apple that has been left on the shelf for too long. I was young but my mind was way advanced in age.

Lost, so my language occasionally becomes vitriolic.

Being lost has become part of my soul, my lost soul.

Even when I, a precious coin, was stored as a treasure in the hand of God, incarnated through the figure of a woman, I looked for a chance to escape from Her! The lost coin!

Even when I, a sheep, was under the loving care of the Good Shepherd, I very often waited for a chance to run off from Him for the taste of sensual pleasures! The lost sheep!

Even when I, the younger son, came to demand of God to divide the inheritance so I can spend it all on voluptuary! The prodigal son!

Lost, I was totally lost just like the two disciples on the Emmaus road… The two depressed disciples.

I am confused! I am disappointed! I am totally lost!

No wonder you call me lost with capital L.

But! (Hold on! Don't run away, for I haven't finished yet)... But,

I take comfort that in the midst of being confused, disappointed and lost, I have been found, not by anyone, but rather God: the woman who has ten coins, the good shepherd with the fold of one hundred sheep, the forgiving and compassionate father, and the New-Hope that I unexpectedly encounter on my own journey of faith. Yes, it is at the moment when I am lost, I have been found. Yes, it is at the moment when I am in despair, that I encounter the new hope, Jesus Christ, the risen One.

Yes, I am lost! So what!

God does not give up on me!

God continues to search for me, the lost coin, the lost sheep, the lost son, the lost disciple,

because I am very significant in God's eyes.

That's all I need! I am fully blessed!

Nguyen Trung Tay
www.nguyentrungtay.webs.com