Ngày 03-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Kinh Lạy Cha (8): Sa Chước Cám Dỗ
Vũ Văn An
08:27 03/05/2008
Sa Chước Cám Dỗ

Hai lời cuối cùng của Kinh Lạy Cha xin cho được thoát cám dỗ và sự dữ. Có người cho lời cầu xin đầu trong hai lời cầu xin này xem ra có vẻ nghịch lý. Làm thế nào ta lại có thể cầu xin để đừng bị cám dỗ cho được?

Thân Phận Con Người

Trước nhất, vì đã làm người là phải bị cám dỗ. Cám dỗ là thành phần chủ yếu của nhân sinh, đến nỗi khó mà quan niệm được đời người mà lại không có cám dỗ. Như Origen trong Về Cầu Nguyện 29.5 từng cho hay: Bản Bẩy Mươi bằng Tiếng Hy Lạp đã dịch câu 7.1 Sách Gióp như sau: “Đời người trên trần gian há không phải là cơn cám dỗ liên tục hay sao?”. Ông tiếp: “Đã có ai nghĩ được người nào đó không bị cám dỗ bao giờ từ ngày anh ta tới tuổi có trí khôn? Có lúc nào người ấy lại biết chắc rằng mình không phải lao đao chiến đấu với tội lỗi không?”. Cám dỗ hay thử thách gắn liền với thân phận con người trên trần gian. Đấy là chủ đề hết sức quen thuộc với các soạn giả Thánh Kinh.

Gióp nói tiếp: “Người có thử thách tôi trong lò, tôi mới nên như vàng tinh luyện” (23:10). Còn thánh Giacôbê thì cho hay: “anh em hãy tự cho mình chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết, đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn ” (Gc 1:2-3). Thánh Phêrô cũng cùng một luồng tư tưởng ấy: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ qúy hơn vàng gấp bội - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Chúa Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1:6-7).

Mặt khác, Lời Kinh Latinh trong phục vụ, cũng như trong bản Phổ Thông Latinh, đã dịch câu này như sau: Et ne nos inducas in tentationem (Và đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ). Nhiều bản dịch tiếng Anh, nhất là bản văn dùng trong Phụng Vụ, cũng đã dịch như thế: and lead us not into temptation. Cầu xin như thế chả hóa ra ta ngầm có ý nói: Thiên Chúa là người chịu trách nhiệm trong mưu toan cám dỗ con người chúng ta hay sao? Điều này hiển nhiên là không phải. Như Tertullian từng đề cập trong Về Cầu Nguyện 8: “Không nên nghĩ rằng Thiên Chúa muốn cám dỗ ai, như thể Người không biết niềm tin của họ hay muốn tìm cách phá đổ niềm tin ấy đi”.

Thế mới biết cha ông người Việt chúng ta dịch lời cầu xin này vừa rất thoáng vừa tránh được những điểm khó hiểu như trên đây. Thực vậy, câu chúng ta thường đọc hàng ngày trong Phụng Vụ là: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Tuy các bản Thánh Kinh tiếng Việt có dịch hơi khác, như bản Tin Lành dùng chữ “điều ác” thay cho “sự dữ”, bản của Cha Nguyễn Thế Thuấn dùng “cơn thử thách” thay cho “ chước cám dỗ” và “qủy dữ” thay cho “sự dữ” nhưng tựu chung, đều đã không dịch từng chữ các lời trong phụng vụ Latinh và trong bản Phổ Thông, nhất là đối với lời đầu trong hai lời cầu xin này, mà đều dịch là “đừng (chớ) để chúng con sa chước (cơn) cám dỗ”…

Cám Dỗ Hay Thử Thách

Trong các bản tiếng Anh cũng như các bản tiếng Việt, có bản dùng động từ “cám dỗ”, có bản dùng động từ “thử thách”. Cha An Sơn Vị cho rằng: “cám dỗ đây không phải là cơn thử thách, như trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã thử ông Áp-ra-ham (Kn 22:1; 1M 2:52; Hc 44:20; Hi 11:17) hay dân Ngài (Xh 15:25; 16:4; 20:20; Tl 8:2; 13:4; Qa 2:22; 3:1,4; Kng 11:9). Đó là cơn thử thách, như trong Tân Ước, Sa-tan dùng để làm hư con người (1C 7:5; 1Th 3:5; 1P 5:5-9; Kh 2:10; xem Luca 22:31). Vì thế trong Tân Ước, không bao giờ nói là Thiên Chúa cám dỗ và Gc 1:13 loại trừ điều ấy rõ ràng (x. Hc 15:11-12). Chúa chỉ làm thinh cho ta gặp cảnh ngộ nên dịp cám dỗ cho ta, như Thánh Linh dẫn Đức Giê-su lên hoang địa cho Sa-tan cám dỗ Người (Mt 4:1)”.

Thực ra, trong tiếng Hy Lạp, cám dỗ hay thử thách đều cùng một chữ peirasmos. Chữ này là một danh từ, và cũng giống mọi danh từ Hy Ngữ tận cùng bằng –asmos, nó chỉ một diễn trình. Chữ này rất thông thường trong văn chương Thánh Kinh, nhưng không thông thường trong văn chương thế tục. Và ta sẽ có được một ý niệm căn bản tốt hơn đàng sau chữ này và đàng sau lời cầu xin này, nếu ta chịu khó xem sét nó dưới dạng động từ là peirazein.

i. Động từ ấy nghĩa khá rộng. Nó có thể có nghĩa như ráng, hay thử làm một điều gì, như trong Công Vụ 16:7: “các ông thử vào miền Bi-thy-ni-a”. Nghĩa này không ăn nhằm gì tới điều chúng ta đang bàn ở đây.

ii. Thông thường hơn, nó có nghĩa là thử thách. Trong nghĩa này, nó đồng nghĩa với động từ dokimazein là động từ hay được dùng để chỉ việc thử phẩm chất của kim loại, thử tiền cắc xem là thật hay giả. Như thế, peirazein được dùng chỉ diễn trình thử hiệu quả của chất thuốc bằng cách đưa nó vào sử dụng. Sách cũng chép rằng khi Nữ Hoàng Sheba nghe lời đồn về sự khôn ngoan của Vua Sa-lô-môn, bà muốn đến “để thử nhà vua bằng những câu hỏi hắc búa” (1V 10:1; hãy so sánh với 2SB 9:1). Cũng có lời chép rằng Giáo Hội tại Êphêsô từng thử những người tự nhận là tông đồ và đã khám phá ra họ là tông đồ giả mạo (Kh 2:2). Câu 13:5 trong thư 2 Côrintô là một thí dụ rõ hơn cả: “Hãy thử (peirazein) chính anh em xem anh em có giữ vững đức tin của mình hay không. Hãy tự thử (dokimazein) lấy mình”. Tóm lại, peirazein chỉ diễn trình thử xem điều gì đó là thật hay giả, người nào đó là thật hay giả để mà chấp nhận hay bác khước.

iii. Trong Thánh Kinh, peirazein được dùng chỉ việc Thiên Chúa thử thách con người xem đức tin của họ có chân chính, trung thành và đích thực hay không. Vì có lệnh cấm không được lắng nghe tiên tri giả hay những anh chàng sống bằng mộng mơ hão huyền. Khi những kẻ như thế xuất hiện, “Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ thử để biết xem các ngươi có yêu mến Chúa là Thiên Chúa các ngươi với hết trái tim và hết linh hồn các ngươi hay không” (Đnl 13:3). Cũng thế, Thiên Chúa đã thử Abraham bằng cách đòi ông phải sát tế Isaac (St 22:1). Nhưng Thiên Chúa không để chúng ta bị thử thách quá sức chịu đựng của chúng ta (1Cor 10:13).

Nghĩa này rất quan trọng, vì nó cũng là nghĩa của cám dỗ trong lời Kinh Lạy Cha này. Bản của Cha Nguyễn Thế Thuấn rất có lý, khi dùng chữ thử thách. Bản Authorised Version của Anh dùng lẫn lộn giữa hai động từ test (thử thách) và tempt (cám dỗ). Bản này dịch câu Sáng Thế 22:1 là “Thiên Chúa cám dỗ Abraham”. Làm sao Thiên Chúa lại có thể cám dỗ hay rù quyến Abraham phạm tội cho được? Người chỉ thử thách ông mà thôi.

Thánh Kinh thường xuyên dùng peirazein chỉ việc Thiên Chúa đặt con người vào một hoàn cảnh thử thách, một hoàn cảnh anh ta có thể sa ngã, nhưng Người không muốn anh ta sa ngã, một hoàn cảnh anh ta có thể tự hủy hoại, nhưng Người muốn anh ta thoát được hoàn cảnh ấy và được mạnh sức và phong phú hơn về đường thiêng liêng. Nó được dùng chỉ một hoàn cảnh trong đó có sự cám dỗ bất trung thật đấy, nhưng đặc điểm của hoàn cảnh ấy lại không phải là một cám dỗ cho bằng một cuộc thử thách.

iv. Trong Tân Ước, peirazein hay được dùng chỉ hành động của những người mưu mô hạch hỏi người khác hay thử thách một ai đó với ý định cố ý bắt họ tại trận hay khiến họ phải tự lên án chính mình. Các luật sĩ và biệt phái liên tiếp làm cái hành vi này mà đặt ra cho Chúa Giêsu nhiều câu hỏi với mục đích để Người sa lưới (Mt 16:1; 19:3; 12:18).

v. Peirazein cũng thường được dùng chỉ việc trực tiếp và cố ý quyến rũ người ta phạm tội, nghĩa là cám dỗ thực sự. Vợ chồng không được từ chối các quyền tự nhiên đối với nhau, ngoại trừ lúc cả hai đều nhất trí, “kẻo Satan cám dỗ anh em qua việc mất tự chủ” (1 Cor 7:5). Theo nghĩa này, Satan quả là tên ho peirazon, tên cám dỗ thượng thặng. Cũng trong nghĩa này, Ma Qủy đã cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa (Mt 4:1-11). Nghĩa này tất nhiên là nghĩa xấu vì chủ ý của hành động là lừa người ta vào chỗ phạm tội.

vi. Cũng còn một nghĩa nữa của peirazein được cả Cựu Ước lẫn Tân Ước sử dụng, tuy không trực tiếp ăn nhằm với nghĩa ta đang bàn ở đây. Thánh Kinh hay nói đến việc con người thử thách Thiên Chúa (Xh 4:7; Ds 14:22; Is 7:12; Mt 4:7; Cv 15:10). Ý niệm đứng đàng sau động từ này là con người muốn coi xem họ có thể tiến xa đến mức nào với Thiên Chúa. Họ muốn xem Người dùng uy quyền của Người ra sao, nói nôm na, họ muốn xem xem đến mức nào họ không bị trừng phạt!

Chính vì có quá nhiều nghĩa như thế mà các bản dịch đã phải khác nhau như trên. Bản thì nghiêng về cám dỗ, bản lại nghiêng về thử thách. Ai cũng thấy rõ Thiên Chúa không thể có hành vi xấu được, nên không thể hiểu rằng Người xúi giục con người phạm tội chống lại Người. Chính ý tưởng căn bản ấy đã giúp cha ông chúng ta không dịch “inducas” là “dẫn vào” mà là “khỏi sa”, chớ sa chước cám dỗ.

Ba Điều về Cám Dỗ

Theo quan điểm Kitô giáo, ba điều sau đây có thể nói về cám dỗ

i. Cám dỗ là phổ quát và không thể tránh khỏi, nó là phần thiết yếu trong thân phận làm người. Thành ra, không một người nào sống trên trần gian mà lại không cần cầu lời xin này.

ii. Cám dỗ không nằm ngoài kế hoạch và mục tiêu của Thiên Chúa. Nó là thành phần trong cơ cấu sự sống và lối sống mà Thiên Chúa dùng để làm cho cuộc sống trở thành điều Người muốn. Sự thử thách của cám dỗ là yếu tố cấu thành ra tư cách làm người.

iii. Trong cám dỗ, luôn luôn có một yếu tố thử thách. Trong yếu tính, nó luôn là một cuộc thử nghiệm. Ngay khi là một rù quyến để phạm tội, nó vẫn là một thử nghiệm về sức đề kháng của một con người.

Nên quả là đúng khi nói rằng cám dỗ không hẳn là một hình phạt cho tư cách làm người cho bằng đó là vinh quang của tư cách ấy. Bởi qua nó, con người trở thành lực sĩ của Thiên Chúa.

iv. Tưởng cũng nên thêm một điều nữa là bốn. Chính sự kiện ta xin lời xin này cũng đủ chứng minh rằng ta ý thức rõ ta không thể tự mình đương đầu với cám dỗ được, mà ta cần một sức mạnh không phải của ta mới có thể thoát ra khỏi thử thách ấy trong chiến thắng.

Khi nắm vững quan điểm về cám dỗ trên của Thánh Kinh, vấn nạn của chúng ta trở nên dễ giải đáp hơn nhiều. Gần như không khó khăn gì nếu ta gán việc cám dỗ, hay peirasmos, cho hành động của Thiên Chúa; ta dễ nhận ra việc cám dỗ ấy nằm trong sự quan phòng của Chúa như thế nào.

Sa Chước Cám Dỗ

Về lời cầu xin đầu tức “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, ta thấy phía sau nó luôn có ý niệm này là dù hiểu thế nào, peirasmos cũng bao hàm điều được tính toán để lấy đi đức tin và lòng trung thành của người ta. Mặt khác, các giải thích đều nhất trí tránh hệ luận cho rằng Thiên Chúa cố tình tìm cách tấn công hay làm thương tổn đức tin của con người.

Đôi khi để đạt mục đích giải thích trên, người ta đã cố tình nhấn mạnh đến các từ ngữ khác nhau trong lời cầu xin này.

i. Có người đã nhấn mạnh tới chữ “vào”. Chữ này trong lời kinh tiếng Việt được hiểu ngầm. Vì “sa” ở đây có nghĩa là rơi hay lọt vào. Nhưng trong các ngôn ngữ Phương Tây, thì chữ “vào” này rất rõ. Tiếng Latinh là “in”, còn tiếng Anh là “into”, tiếng Hy Lạp là “eis”, tiếng Hi-bá-lai là “lidhe”, với nghĩa là “vào tay của” và do đó “vào quyền lực của”. Ở đây, lời xin trên có thể được diễn dịch như sau: “con biết cơn cám dỗ thế nào rồi cũng xẩy đến với con, vì nào có cuộc sống nào mà không bị cám dỗ. Nhưng khi nó xẩy tới, xin Chúa đừng bỏ rơi con cho nó mặc tình thao túng; xin đừng trao con cô thế cho quyền lực của nó; xin ở bên con trong giờ con khốn quẫn”. Điều này xem ra không khác lời Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ là bao: “Con không cầu xin Cha cất chúng khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ chúng khỏi ác thần” (Ga 17:15). Như thế, đây không hẳn là lời cầu xin cho được miễn trừ khỏi bị cám dỗ mà là lời cầu xin để đừng bị bỏ mặc cô thế và không vũ khí cho sức tấn công vũ bão và quyền lực của nó. Nói một cách tích cực, đây là lời cầu xin để được trợ giúp trong cơn cám dỗ.

ii. Thánh Augustinô, trong Bài Giảng Trên Núi 2.9, cũng cùng một giòng suy nghĩ như trên. Ngài phân biệt giữa việc bị cám dỗ và bị dẫn vào cám dỗ. Mọi người đều phải bị cám dỗ; nhưng bị dẫn vào cám dỗ là bị dẫn vào quyền lực và sự kiểm soát của cám dỗ, nghĩa là không những chịu cám dỗ mà còn có thể bị cám dỗ khuất phục.

Các nhà trước tác khác cũng có những điểm dị biệt đôi chút về đề tài này. Trong yếu tính, lối giải thích này cho rằng lời cầu xin này có ý không xin cho khỏi bị cám dỗ mà là xin cho được chiến thắng cơn cám dỗ. Origen, khi bình luận câu 7:1 của Sách Gióp với lối dịch Hy Lạp coi đời người là một cơn cám dỗ liên tục, đã cho hay: “Do đó, ta hãy cầu xin để được giải thoát khỏi cám dỗ, không với nghĩa đừng bị cám dỗ, nhưng với nghĩa đừng đầu hàng khi bị cám dỗ… Bởi thế, ta nên cầu xin không phải để khỏi bị cám dỗ, một điều không thể có được, mà để đừng bị đưa vào quyền lực của cám dỗ, là điều sẽ xẩy ra cho những ai bị nó khống chế, khuất phục” (Về Cầu Nguyện 29.9,11). Origen trích dẫn gương sáng của ông Gióp. Theo ông, ông Gióp được giải thoát khỏi cám dỗ, không phải vì Ma Qủy không tấn công ông; thực tế, nó đã tấn công ông tứ phía; nhưng bất chấp mọi điều xẩy tới cho ông, ông vẫn không phạm tội chống lại Thiên Chúa, và đã chứng tỏ mình là người công chính (Về Cầu Nguyện 30.1, 2). Việc giải thoát như thế không hệ ở việc miễn trừ khỏi cám dỗ, nhưng là việc chiến thắng nó.

iii. Thời Giáo Hội sơ khai, còn một lối giải thích thứ ba. Thánh Augustinô cho hay thời ấy đã có bản chép tay Tân Ước bằng tiếng La-tinh, trong đó câu trên được dịch như sau: “Đừng để chúng con bị dẫn vào cám dỗ” (Ne nos induci patiaris in temptationem). Quả vậy, đây là lối giải thích của Tertullian, của Thánh Cyprian và của chính Thánh Augustinô (Thánh Augustinô Bài Giảng Trên Núi 2.9; Về Ơn Kiên Vững 6; Tertullian Về Cầu Nguyện 8; Thánh Cyprian Kinh Lạy Cha 25).

Rất có thể đây là lối giải thích chính xác. Bản Tân Ước bằng tiếng Syriac dịch câu này như sau: “Đừng khiến chúng con lâm cơn cám dỗ”. Động từ Hi-bá-lai có nhiều thể rất khác nhau và điều này đúng đối với động từ Hiph’il. Động từ này ở thể nguyên nhân (causative form), với nghĩa khiến người ta phải làm điều gì đó, đồng thời cũng có nghĩa cho phép họ làm điều ấy. Nên nếu trong nguyên bản lời Kinh, Chúa Giêsu dùng thể này thì quả tình lời cầu trên hẳn có nghĩa: “Xin chớ làm chúng con bị đưa hay bị lâm vào cơn cám dỗ”.

Trong trường hợp trên, lời cầu xin thực ra là như thế này, nếu ta được phép dùng ngôn từ của mình: “Xin gìn giữ chúng con đừng đùa dỡn hay ve vãn với cơn cám dỗ. Xin gìn giữ chúng con khỏi các hoàn cảnh trong đó cơn cám dỗ sẽ có cơ chiến thắng. Xin bênh đỡ chúng con khỏi các cơn tấn kích của cám dỗ vốn từ bản nhiên của chính chúng con hay từ sự rù quyến của người khác mà có. Xin bênh đỡ chúng con khỏi các cơn tấn công của thế gian, của xác thịt và của ma qủy”. Đó có thể là lời cầu xin để không phải vì sự yếu đuối của riêng ta hay bởi sự ma quái của người khác mà ta lâm phải hoàn cảnh sống trong đó ta phó mình một cách đần độn, một cách không cần thiết cho các cuộc tấn công của cám dỗ. Nghĩa là ta cầu xin Chúa bênh đỡ và giám hộ đức tin, lòng trung thành và sự trong trắng của ta.

Tất cả các cách giải thích trên đều đã tránh được việc quy trách Chúa cám dỗ chúng ta. Ngược lại đã nhấn mạnh đến việc xin Chúa làm người bênh đỡ và gìn giữ ta. Nói thế rồi, vẫn còn hai điều khác nên để ý.

Thứ nhất, không chắc gì tâm thức Hi-bá-lai lại gặp khó khăn về lời cầu xin này. Vì tuy Thánh Gacôbê: “khi bị cám dỗ, đừng có ai nói rằng mình bị Thiên Chúa cám dỗ” (Gc 1:13), nhưng nếu đọc hết cả đoạn, ta mới thấy thật ra Thánh Giacôbê muốn nói gì. Ngài chỉ lên án người luôn quy trách tội lỗi riêng của họ cho Chúa, tức bắt Chúa phải chịu trách nhiệm về tội lỗi riêng của họ. Tuy nhiên người Hi-bá-lai vẫn nghĩ rằng mọi sự, đúng là mọi sự, đều nằm trong bàn tay Thiên Chúa, dưới quyền kiểm soát của Người. Chính vì vậy, tâm thức Hi-bá-lai không thấy khó khăn gì khi tin rằng cả cơn cám dỗ nữa cũng có chỗ thích đáng trong kế hoạch và mục tiêu của Thiên Chúa. Nhìn lại cuộc sống mình, Giuse từng nói với anh em mình: “đối với các anh, các anh đã tính làm hại tôi; nhưng Thiên Chúa đã biến cái tính ấy thành điều tốt” (St 50:20). Cái bề ngoài rõ ràng là xấu vẫn được người Hi-ba-lai tin là được đan kết đâu đó vào trong khuôn thước của Thiên Chúa, không có gì, thật sự là không có gì, xẩy ra ngoài ý muốn của Người.

Thứ hai, trong các cố gắng giải thích của ta, rất có thể ta đã quá chú trọng đến cái luận lý của thần học, mà bỏ qua khá nhiều cái phản ứng tự nhiên trong trái tim con người. Chỉ cần dùng các loại suy nhân bản hay cách nói năng thường tình của con người, ta cũng thấy đôi khi một học trò hay một thể tháo gia, dù lúc nào cũng yêu kính và tin vào thiện ý của thấy hay của huấn luyện viên của mình, nhưng vẫn sẵn sàng nói với các vị này: “Trời ơi, từ từ chứ, đừng bắt em ráng quá sức chứ!”. Thiển nghĩ, ta cũng có thể xét lời cầu xin của chúng ta trong mạch văn này, coi nó như một phản ứng thuộc bản năng của con người biết rõ sự yếu đuối của mình và biết rõ các hiểm nguy của cuộc đời, nên phải kêu cứu sự che chở của Chúa. Lời kêu cứu thuộc bản năng có khác với những luận suy của thần học.

Khỏi Sự Dữ

Vế thứ hai của lời cầu xin cuối cùng là: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Như trên đã nói, nhiều bản dịch không dịch “sự dữ” mà dịch là “qủy dữ” hay “ác thần”, một chủ thể có bản vị gây nên mọi sự dữ. Nguyên ngữ Hy Lạp quả cho phép cả hai lối dịch đó. Tuy nhiên, dù dịch ra sao, ý nghĩa căn bản vẫn không thay đổi. Trong Thánh Kinh, qủy dữ, thần dử hay ác thần được biết dưới hai danh xưng.

i. Đôi lúc hắn có tên là Satan. Khởi đầu, “satan” không phải là một danh từ riêng, mà chỉ có nghĩa là kẻ địch thù theo nghĩa thông thường. Và nghĩa đó đã được Thánh Kinh dùng tất cả bẩy lần. Thiên thần Chúa là địch thù của thần Ba-an, đứng trực tiếp và ngăn chặn đường đi của hắn (Dân số 22:22). Dù Đa-vít rõ ràng đã chấp nhận cùng một số phận với họ, người Phi-li-tinh vẫn sợ khi lâm trận ông sẽ trở thành địch thủ, thành “satan” của họ (1 Samuen 29:4). Sa-lô-môn tạ ơn vì vừa không có địch thù (satan) vừa không bị vận sui (1Vua 5:18). Trong những ngày sau đó, cả Ha-đát lẫn Rơ-dôn đều trở thành địch thủ (satan) của Israel (1 Vua 11:14, 23, 25). Thành thử “satan” chỉ có nghĩa là địch thủ.

Mà thoạt đầu, thực ra Satan cũng không phải là nhân vật bất hảo, bởi hắn cũng là một trong các con cái Thiên Chúa (Gióp 1:6). Nhưng hắn có một chức năng đặc biệt. Có thể nói, đó là chức năng công tố chống lại con người. Đúng vậy, chức năng của hắn là nói và xúi giục bất cứ việc gì hay điều gì có thể nói hay xúi giục được để chống lại con người; hắn là địch thủ của con người trong triều đình Thiên Chúa (Gióp 1:6-12). Như thế hắn quả là Địch Thủ của ta.

ii. Đôi lúc hắn lại có tên là Qủy. Trong tiếng Hy-lạp, qủy là diabolos. Diabolos khởi đầu không phải là một tên riêng hay một tước hiệu chi hết. Nó là một hạn từ thông thường chỉ kẻ hành tỏi, kẻ nói hành, nói xấu và đã được dùng như thế trong Tân Ước. Các phụ nữ trong Giáo Hội phải có tâm tư nghiêm túc chứ đừng nói hành nói tỏi (1 Timôtê 3:11). Trong những ngày sau hết, sẽ xuất hiện những kẻ nói hành (2 Timôtê 3:3). Các phụ nữ có tuổi đừng nói xấu hay say sưa (Titô 2:3).

Hai ý niệm địch thủ, địch thù và người nói hành, nói xấu trong Satan hay Ma Qủy ấy thật không khác nhau bao nhiêu. Bởi vì soạn ra một vụ án chống lại con người và tạo hoẹt ra vụ án ấy thì cũng là một thôi. Mục tiêu của Ma Qủy là dùng đủ cách để tạo ra một đổ vỡ giữa con người và Thiên Chúa, để bẻ gẫy mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Qủy Dữ hay Ác Thần quả là việc bản vị hóa tất cả những gì chống lại Thiên Chúa và của tất cả những gì được xổ lồng để phá hủy con người ở đời này và ở đời sau.

Bởi thế nói đến sự dữ hay quỷ dữ thì cũng thế thôi. Ta biết rõ: trên đời này có cả một lực lượng sự ác luôn tấn công sự thiện và mời gọi chúng ta phạm tội. Lực lượng này có thể là một lực lượng có bản vị, hay là điều ta thường gọi là hiệu quả chất chồng của các hành vi và quyết định xấu vốn có trong cuộc nhân sinh. Dù là bản vị hay vô bản vị, nhưng nó vẫn có đó. Và vì thế, lời cầu xin này xin cho ta được trang bị và che chở khỏi lực lượng xấu ấy, được tăng cường trong sức đề kháng nó.

Trong thư thứ hai gửi Timôtê, ta đọc thấy: “Chúa sẽ cứu tôi khỏi mọi sự dữ, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người” (2 Timôtê 4:18). Nghĩa là ta cầu xin Chúa cứu vớt ta cả khi sống và khi chết. Đấy quả là một lời cầu tuyệt diệu. Hai lời cầu xin cuối cùng vì thế có ba điều đáng chú ý: trước nhất nó thành thực đối diện với các nguy hiểm của thân phận con người. Thứ hai, nó tự nhận sự thiếu sót trong tài nguyên con người để đương đầu với các nguy hiểm trên. Thứ ba, nó đặt cả các nguy hiểm lẫn sự yếu đuối của ta vào quyền năng che chở của Chúa. Làm như thế, ta có thể vững bụng nói như Thánh Cyprian rằng: “Một khi ta đã xin ơn che chở của Chúa chống lại sự dữ và đã nhận được ơn ấy, thì trước bất cứ điều gì ma qủy và thế gian làm để chống lại ta, ta vẫn được yên ổn an toàn. Vì ở trên đời này, làm chi còn có sợ sệt nào cho một người khi Đấng Giám Hộ họ là chính Thiên Chúa?”

Tổng Kết

Trong nhiều giáo phái Kitô giáo, Kinh Lạy Cha thường có một tụng ca: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời” rồi mới đến lời kết “Amen”. Trong Giáo Hội Công Giáo, sau hai lời cầu xin vừa phân tích, Kinh lạy Cha kết thúc bằng lời “Amen”. Tuy nhiên, trong Thánh Lễ, tụng ca trên được cộng đoàn long trọng đọc sau lời cầu xin của chủ tế tiếp liền Kinh Lạy Cha.

Lịch sử của hiện tượng trên khá dài dòng và đây không phải là lúc để bàn đến việc đó. Có điều các bản Thánh Kinh Tân Ước (Mátthêu) đều kết thúc lời Chúa Giêsu dạy các tông đồ cầu nguyện như trong bản kinh của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng phần tụng ca trên đã được thêm vào Kinh Lạy Cha rất sớm (xem Didache 8:2), có lẽ mô phỏng theo lối cầu nguyện của dân Do Thái luôn kết thúc bài kinh cầu bằng một tụng ca như trong 1 Sử Biên 29:11. Dù sao, thì câu tụng ca này cũng rất xứng đáng được coi như lời bạt của kinh này hay lời nối dài của nó.

Lời bạt ấy nhắc ta nhớ lại ba điều cốt yếu về Đấng ta đang cầu nguyện với và các thái độ thích đáng do ba điều này đòi hỏi. Thứ nhất, với lời tụng ca này, ta nhìn nhận Chúa làm vua ta và ta là thần dân của Người. Ta tuyên thệ vâng theo Người và trung thành với Người. Không những thế, ta còn tuyên nhận uy lực của người. Người là Đấng không những để ta vâng theo mà còn là Đấng có uy lực hành động và do đó để ta phó thác và tin cậy. Vì Người sẵn sàng lắng nghe và đáp lại lời ta cầu xin. Và một lần nữa, ta được nhắc nhớ ta đang đứng trước vinh quang Thiên Chúa và do đó phải sống một cuộc sống đầy tôn kính đối với Người.
 
Nguyện cho danh Chúa được tôn vinh!
Lm Nguyễn Hữu Thy
10:14 03/05/2008
Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh/A

Nguyện cho danh Chúa được tôn vinh!


(Ga 17,1-11)

Chúng ta nghĩ gì và cảm thấy thế nào, khi nghe đến tiếng «tôn vinh», «vinh hiển»?

Có lẽ các bạn cũng đã ghi nhận được nội dung của những ý tưởng trong câu hỏi đó? Trong bài Tin Mừng hôm nay tiếng tôn vinh hay vinh hiển được nhấn mạnh một cách đặc biệt. Chỉ trong câu đầu đã được nhắc đến hai lần, và trong toàn bản văn chỉ có mười một câu đã dùng tới sáu lần chữ tôn vinh, như chúng ta đã nghe. Có một lần tôi đã hỏi trong những người bạn bè thân quen là họ nghĩ gì về chữ tôn vinh, hay vinh hiển? Hầu như tất cả đều do dự khi trả lời. Cuối cùng, có hai ý nghĩa của tất cả các câu trả lời đã gây chú ý nhất, đó là: «Người ta chỉ thực sự cảm nhận được vinh hiển, khi sự tôn vinh cùng mọi sự đã qua đi, đã xong xuôi rồi!» Và: «Tôn vinh là sự tuyên dương, là hình thức biểu lộ tình cảm tự đắc của con người!»

Qua những câu trả lời như thế, tôi cảm nghiệm được rằng: Sự tôn vinh hay vinh hiển không phải là điều gì thực sự thuộc về loài người chúng ta. Ðối với chúng ta đó chỉ là một cái chi thuộc về quá khứ đã qua, là một cái chi đến và dừng lại trong ít lâu và rồi lại vội qua đi. Nói cách khác, có một khoảnh khắc nào đó người ta cảm thấy được vui vẻ hạnh phúc, nhưng sự hạnh phúc hay sự vinh hiển đó không kéo dài lâu. Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng, sự vinh hiển của con người cũng giống như một vườn hoa, tươi nở đủ muôn màu, nhưng rồi lại qua mau, hay như một nền văn hóa đầy rực rỡ trong quá khứ mà nay chỉ còn được truyền tụng trong những sách vở mà thôi. Vậy, sự vinh hiển chân thật và trường cửu là một cái chi thuộc thế giới bên kia, là một cái chi thần thiêng, hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và là một cái chi nằm ngoài tầm tay nhân loại của chúng ta, bao lâu chúng ta chưa đạt tới cuộc sống viên mãn!

Chính đó cũng là quan điểm Thánh Kinh: Hạnh phúc hay vinh hiển thực sự chỉ phát xuất từ Thiên Chúa. Tiếng vinh hiển được dịch từ tiếng gốc Do-thái là «kabod» có nghĩa là ánh sáng, rạng rỡ, trong sáng, đẹp, và sức nặng. Ðiều đó có liên quan với hiện tượng sấm chớp trong thiên nhiên, mà người xưa cho là sự tỏ hiện quyền năng cao cả của Thiên Chúa, đầy hấp dẫn, đầy kính sợ và đồng thời cũng rất nguy hiểm!

Như vậy chúng ta thấy rằng tất cả những gì có tương quan với chữ vinh hiển và tôn vinh được đề cập tới trong Thánh Kinh nói chung và trong bản Tin Mừng thứ bốn nói riêng, thật đáng ngạc nhiên: «Lạy Cha giờ đã đến. Xin Cha hãy tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha» (Ga 17,1b). Ở đây, «giờ» mà Ðức Giêsu nói tới, là chính cuộc khổ nạn của Người, là án tử của Người. Cái chết nhục nhã trên thập giá là một thảm trạng trước con mắt nhân loại, nhưng lại là sự tôn vinh của Ðức Giêsu và đồng thời là sự tôn vinh của Thiên Chúa, bởi vì qua đó toàn thể nhân loại được cứu thoát và tình yêu Thiên Chúa mới có thể được mặc khải ra một cách trọn vẹn.

Việc Thiên Chúa tỏ mình ra qua Ðức Giêsu như một người cha đầy lòng yêu thương và tha thứ, đã xóa bỏ hoàn toàn cái hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa, mà trong quá khứ thường được trình bày với đầy tính cách đe họa và đáng sợ, đối với thánh sử Gioan là vô cùng quan trọng cho cuộc sống con người chúng ta. Ðức Giêsu đã nói: «Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Ðấng Cha đã sai đến, là Ðức Giêsu Kitô!» (Ga 17,3). Ai tin nhận Ðức Giêsu, ai đi theo con đường của Người – đó là sứ điệp của thánh sử Gioan – thì sẽ cảm nghiệm được Thiên Chúa là Người Cha đầy lòng yêu thương, đầy cảm thông và luôn săn sóc lo lắng, và nhất là sẽ đạt tới được sự sống đời đời, một sự sống luôn mang đầy ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống!

Dĩ nhiên thánh sử Gioan không chỉ nghĩ tới một cuộc sống bên kia cái chết mà thôi, nhưng là một cuộc sống đầy ý nghĩa ở đây và ngay bây giờ, một cuộc sống còn bao la cao cả, chứ không chỉ là một cuộc sống theo nghĩa thực vật; một cuộc sống còn muôn phần rộng lớn, chứ không phải là một cuộc sống chỉ quanh quẩn trong những lo lắng tìm kiếm lợi lộc trước mắt, chạy theo danh vọng hay những thú vui và những an ủi hoàn toàn thuộc cảm năng thể xác, v.v… những thứ sẽ qua đi mau chóng và chỉ để lại sự trống vắng và thiếu thốn không sao lấp đầy!

Chắc chắn tất cả những điều đó thuần túy là lý thuyết. Và dĩ nhiên, tôi cứ tự hỏi – có lẽ các bạn cũng thế - là ở đâu con người chúng ta có thể nắm vững được tất cả những điều đó ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta? Thánh sử Gioan khuyên chúng ta: Hãy nhận biết Ðức Giêsu! (x. Ga 17, 3). Sự nhận biết và tin kính Ðức Giêsu là phương cách hiệu nghiệm và chắc chắn duy nhất giúp chúng ta tìm gặp được cuộc sống đầy ý nghĩa đó! Nhưng chữ «nhận biết» theo nghĩa Kinh Thánh không chỉ đơn giản là sự chấp thuận và hiểu biết của trí năng, nhưng là với toàn diện sự hiện hữu, với cả trí năng, tâm tư ý muốn và với cả tâm hồn. Ai biết tin nhận Ðức Giêsu như thế, thì – theo lời hứa trong bản Tin Mừng hôm nay - sẽ cảm nhận được rằng cuộc đời của mình thật vô giá và mang đầy ý nghĩa, bởi vì nó được ôm ẵm và được che chở trong đôi tay đầy tình phụ tử và mẫu tử, và bởi một quyền năng sức mạnh hơn cả sự chết!
 
Ái mộ những sự trên trời
Pm. Cao Huy Hoàng
10:46 03/05/2008
ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Lên Trời

Vừa xong giờ kinh gia đình tối thứ tư, với chuỗi hạt mân côi Năm Sự Mừng, Cu Út lớp 3, hỏi Mẹ:

-“Mẹ ơi, “ái mộ những sự trên trời” là gì thế, Mẹ”.

Mẹ vui mừng trả lời con:

- “ Ái là Yêu, Mộ là mến… là yêu mến những sự trên trời đấy con à”

-“Những sự trên trời là sự gì?”

Mẹ của Cu Út lớ ngớ, không biết phải trả lời con thế nào. Mẹ nhớ ra: “Thứ hai thì gẩm: Đức Chúa Giêsu Lên Trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Mẹ nói:

-“Những sự trên trời là những thứ mà Chúa Giêsu Lên Trời chuẩn bị cho mình đó con à.

-“Chúa Lên Trời là lên làm sao? Chuẩn bị cho mình thứ gì?”

-“Là Chúa Giêsu về với Chúa Cha, chuẩn bị cho mình về với Chúa Cha…”

Cu Út không bằng lòng:

-“Con không hiểu gì cả. Về với Chúa Cha? Về đâu”

………..

Một em bé không cố ý làm bài kiểm tra giáo lý mẹ mình, nhưng quả thật, để trả lời cho bé hiểu về việc Chúa Giêsu Lên Trời và chuẩn bị cho chúng ta về với Chúa Cha thì không dễ dàng chút nào. Mẹ có thể hiểu được cả một cuộc đời mầu nhiệm của Chúa Giêsu với niềm tin và sự trải nghiệm trong hành trình đức tin của mình, nhưng để giải thích cho một tâm hồn non nớt thì không biết phải đi từ đâu…

Những sự ở trên trời, chỉ có người ở trên trời mới biết. Chúa Giêsu, người ở trên trời, xuống thế làm người, rao giảng cho con người trần gian biết có một cuộc sống mới, có một cuộc sống thiêng thánh, cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu… cuộc sống ấy ở trong Nước Trời, Nước Thiên Chúa. Để có thể tin được rằng: có một cuộc sống khác với cuộc sống trần gian nầy, và để có thể biết được chuyện ở trên trời, thì chỉ có con người khiêm cung chấp nhận và vâng phục mạc khải từ trời, rồi sống mạc khải ấy mới thấu hiểu được.

Chúa Lên Trời, Chúa Thăng Thiên là cách nói diễn tả hình ảnh không gian mà các Tông đồ chứng kiến “ Người được cất lên Ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galile, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,9-11). Thực ra, phải nói là Chúa Giêsu về với Chúa Cha, về với cuộc sống, với thế giới, nơi Ngài đã xuất phát để đi làm nhiệm vụ cứu thế… Việc “về với Cha”, Chúa Giêsu đã nói trước tới biến cố nầy với bà Maria Madalena sau khi sống lại: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Như vậy các biến cố tử nạn, Phục sinh và về cùng Chúa Cha đã nằm trong hoạch định ngàn đời của Thiên Chúa, trong đó, Lên Trời hay lên cùng Cha là đích điểm của Mầu Nhiệm Vượt Qua: Qua tử nạn, đến Phục sinh; qua Phục sinh ở trần gian, đến việc “Về Với Thiên Chúa Cha” trong đời sống Thiên Chúa vĩnh cữu. Và không chỉ về với Cha, mà còn tham dự vào quyền năng, uy quyền của Thiên Chúa Cha trong Nước Ngài. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô còn xác quyết uy quyền của Chúa Giêsu là vương quyền, là Vua Vũ Trụ: “Đến thời viên mãn, Thiên Chúa qui tụ mọi loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ga 1,10), và là Vua Lịch Sử Cứu độ: “Thiên Chúa đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Kitô và đặt người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Ga 1,22).

Như thế, giải thích của người Mẹ trên đây với cậu con trai út chắc là không sai lạc giáo lý: Lên trời là về cùng Chúa Cha và ái mộ những sự ở trên trời, chính là yêu mến, khát khao cho chính mình cũng được về với Thiên Cha trong vương quốc Chúa Giêsu. Để hiểu cho thấu mầu nhiệm vượt qua nơi Chúa Giêsu, và giải thích được như thế, chắc chắn người Mẹ nầy cũng đã kết hiệp với Chúa Giêsu cách chí thiết để sống mầu nhiệm vượt qua của chính mình: Được Thiên Chúa sinh ra trong đời, vượt qua sự ràng buộc, sự nô lệ của tội lỗi nhờ ơn tái sinh nơi giếng nước rửa tội; vượt qua những rào cản là những hấp dẫn của “những sự dưới đất”đồng thời chấp nhận mất mát là tử nạn với Đức Kitô; vượt qua cuộc tử nạn hằng ngày để phục sinh tại thế nhờ cuộc sống siêu thoát và kết hiệp; và cuối cùng, chờ ngày vượt qua đời tạm nầy mà lên trời, mà về cùng Thiên Chúa Cha trong cuộc sống vĩnh cửu.

Thực tế là một thách đố to lớn đối với đời sống vượt qua của Kitô hữu công giáo, ở mọi thời, nhất là thời nầy, khi giá trị các sự ở dưới đất nầy đang nổi loạn đòi chiếm ưu thế trong đời sống các gia đình: tiện nghi vật chất thẩm định giá trị nhân bản nên phải đua đòi cho bằng chị, bằng em; người người khôn ra đang thụ hưởng những hiệu quả của một nền văn minh mà không cần nghĩ đến hậu quả thì ta dại gì mà phải khép mình trong lời mời gọi của Tin Mừng! Buổi sáng thật tĩnh lặng, may ra nếu có, thì cũng chỉ mấy phút trong giờ kinh nguyện ngắn ngủi, sau đó là chuyện cơm áo gạo tiền làm cho cả ngày đời phải loay xoay toàn chuyện dưới đất. Thiết nghĩ, Chúa Giêsu biết rõ cái căn tính phàm phu tục tử trong mỗi con người, nên Ngài đã bàn giao công cuộc cứu thế vĩ đại của Ngài cho Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ. Tưởng là Chúa Thánh Thần không nói gì, làm gì, nhưng Ngài đang nói tất cả, kể cả đối với những người đang cố quên sự hiện diện của Ngài; Ngài đang làm tất cả, kể cả đối với những người tránh né sự hướng dẫn, chỉ đạo, hay sự can thiệp tài tình của Ngài. Ngài soi sáng cho chúng ta việc “phải làm”. Ngài không soi sáng cho chúng ta việc “thích làm”. Cho dù có đôi khi ta vẫn đọc kinh “cúi xin Chúa sáng soi” trước những công việc ta thích làm cho danh ta cả sáng, hoặc cho “những sự dưới đất” được thành công, thì Chúa Thánh thần khôn ngoan vẫn dẫn dắt chúng ta nhận ra khuôn mặt thật của sự dối trá trong lòng mình. Nhờ Ngài, mà thực tế thách đố kia không còn đáng lo ngại nữa, và đời sống tín hữu thật sự cảm nghiệm được ơn Ngài tác động-sáng soi hướng dẫn đời mình hướng về “những sự trên trời”, “ái mộ những sự trên trời”, chắc ăn hơn.

Và chỉ khi nào thực sự “ái mộ những sự ở trên trời”, thì có thể nói, chúng ta mới thực hiện nỗi lời di chúc của Chúa Giêsu: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,18-20)

Đây không phải là lời di chúc để thừa hưởng một quyền bính, nhưng là một chuyển giao đặc nhiệm quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa Cha: qui tụ mọi loài dưới quyền thủ lảnh của Chúa Giêsu Kitô, để mọi loài chung hưởng Tình Yêu vô biên và ơn cứu chuộc vĩ đại hơn tội lỗi con người. Nhiệm vụ đặc biệt ấy không chỉ trao ban cho các tông đồ, mà còn cho tất cả chúng ta hôm nay: Giới thiệu Chúa Giêsu Kitô cho mọi người để họ đón nhận chính Ngài qua bí tích rửa tội và dạy họ tuân giữ mọi điều răn của Ngài để được về với nguồn cội yêu thương và hạnh phúc vĩnh cửu là Thiên Chúa. “Dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” đồng nghĩa với việc anh em tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền để họ thấy mà ngợi khen Cha ở trên trời, vì gương sáng là lời giảng dạy tốt nhất. Thực vậy, thời đại nầy người ta không tin người rao giảng, người ta có thể tin người sống lời rao giảng của mình. Vì thế, đòi hỏi tinh thần thoát tục và gương sống “ái mộ những sự trên trời” đối với những chứng nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và không nên trách cứ ai, nếu họ dựa vào tiêu chuẩn “dính bén với các sự dưới đất” mà đánh giá cao thấp giá trị của người tông đồ Chúa hôm nay. Có thể nói việc “dính bén với các sự dưới đất” của một chứng nhân gây nên việc phản tác dụng truyền giáo cách nguy hiểm, vì không những làm cho người ta không tin vào cuộc sống mới trong Nước Thiên Chúa, mà còn là cái cớ để người ta tin vào cuộc sống hiện tại này hạnh phúc hơn: cứ lao mình vào những chuyện dưới đất, như người rao giảng chuyện trên trời đã lao. Ôi thật nguy hiểm và thiệt hại cho công cuộc của Chúa Giêsu nếu chúng ta không sống tinh thần của Ngài trước khi loan báo Ngài cho mọi người.

Mừng Chúa Giêsu Lên Trời, một cơ hội cho mỗi tín hữu tự kiểm lại lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, tự kiểm lại lòng khát khao với cuộc sống vĩnh cửu đời sau, tự kiểm lại mức độ dính bén với các sự dưới đất, và nhất là tự kiểm lại hiệu quả làm chứng cho Chúa Giêsu, cho Nước Thiên Chúa của mình trong cuộc đời.

Mẹ Maria chắc chắn là mẫu gương “ái mộ những sự trên trời” hơn cả và loài người chúng con. Mẹ cũng là mẫu gương “chứng nhân Chúa Kitô” thật sống động vì lòng Mẹ luôn hướng về Nước của Thiên Chúa. Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con sống mầu nhiệm vượt qua của đời mình, nhờ kết hiệp với cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, noi gương Mẹ chí thánh -cho chúng con xứng đáng hưởng hạnh phúc trong Vương Quốc của Chúa Giêsu, con chí ái của Mẹ- cho cuộc sống chúng con thực sự trở nên lời rao giảng Thiên Chúa cho mọi người. A men.
 
Cất bước lên trời xuyên qua thế giới
LM. Giuse Trương Đình Hiền
12:58 03/05/2008
CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN (A)

Cất bước lên trời xuyên qua thế giới



1. Lên trời: cuộc “ra đi để bắt đầu một hiện hữu mới,”.

Trước khi lên đường dấn thân vào cuộc khổ nạn, Đức Kitô đã loan báo về “cuộc ra đi của Ngài”: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy…”. Và từ cuộc ra đi đầy u uất của cảnh “sinh ly tử biệt trong hành trình khổ nạn-thập giá, Đức Kitô lại hé mở cho các Tông đồ về một cuộc ra đi khác mang chiều kích của hy vọng và vinh quang của niềm vui và hạnh phúc: “Thầy đi thì có ích cho chúng con…Thầy đi để dọn chỗ cho chúng con…Thầy đi về cùng Cha…”. Đó chính là cuộc ra đi mà Phụng vụ hôm nay đang long trọng cử hành: Thăng Thiên.

Thật vậy, khi Giáo Hội cử hành “lễ Chúa Thăng Thiên”, hay lễ “Đức Kitô Đi về cùng Chúa Cha, chính là muốn công bố lại những lời loan báo của Đức Kitô về cuộc chiến thắng vinh quang của Ngài và cũng là lời tuyên xưng vĩnh viễn của Dân Chúa về cùng đích của ơn cứu độ do Đức Kitô mang đến. Thiên Chúa qua Đức Kitô đã không phĩnh gạt con người. Cho dù, có một lúc, với cái chết tủi nhục đau thương trên thập giá, nhiều người tưởng đâu mọi sự đã kết thúc tại đó ! Thì ra đằng sau “hoàng hôn thập giá” là một “bình minh của phục sinh” đang chỗi dậy ! Đau khổ và sự chết chưa phải là tiếng nói cuối cùng. Đúng hơn, đó chỉ là “con đường hầm tăm tối phải vượt qua” để Ngài, cùng với nhân loại được Ngài cứu chuộc, bước vào “hiện hữu mới, quê hương mới, trời mới, đất mới”…Vì thế, Thăng thiên chính là “một cuộc ra đi nhẹ nhàng, trong sáng, thanh thản” như cách diễn tả của sách Tông đồ công vụ trong BĐ 1 mà cha F.X. Nguyễn Xuân Văn đã dệt thành những vầng thơ lục bát thật dễ thương, thật ấn tượng:

Nhẹ nhàng như cánh hồng vân,

Tách rời mặt đất bay dần lên cao,

Dưới chân mây bạc giăng chào,

Trên đầu rực rỡ ánh hào quang bay,

Môn nhân ngửa mặt chắp tay,

Lặng yên hướng mắt nhìn say không rời…

Vâng, Đức Kitô không “ra đi” để vĩnh viễn mất hút trong không gian và thời gian; Ngài không ra đi để hoàn toàn “âm dương cách trở”, vĩnh biệt ngàn thu; Ngài không ra đi để mang hạt giống của sầu thương, thất vọng gieo vào cõi lòng những người còn ở lại như kiểu nói của ai đó: “người đi một nửa hồn tôi chết, một nửa hồn tôi hóa dại khờ !”. Cuộc ra đi nơi mầu nhiệm Thăng Thiên là một cuộc đĩnh đạt bước vào “hiện hữu mới”, là cuộc chiến thắng khải hoàn tiến vào cung điện thiên cung. Chúa ra đi lên trời là để được gần gũi hơn với nhân loại, tự do hơn để thi ân giáng phúc, quyền năng hơn của một “Đấng Kitô Thiên Chúa uy quyền” để dẫn dắt thế giới. Đức Kitô thăng thiên là một Đức Kitô phục Sinh hoàn toàn được biến đổi. Nơi “Nhân vật mới” nầy không còn chút bóng dáng nào của một “Ecce Homo” dơ dáng thảm nảo trước tòa Philatô hôm nào ! Lên trời, Thăng Thiên phải chăng là một “diễn ngữ khác của Phục Sinh,” nhưng mang trọn âm hưởng của “chiến thắng, viên thành, đạt đích tối hậu”. Chính vì thế, có thể nói được: Thăng Thiên đồng nghĩa với sự hiện diện quyền năng, vĩnh cửu, bất diệt của Thiên Chúa. Không bao giờ được hiểu việc Chúa Thăng Thiên chỉ là sự “di chuyển từ mặt đất để đến cư ngụ trong một chỗ hữu hạn nào đó của không gian” như cách hiểu của một số người. Chẳng hạn như một Phi Hành Gia không gian nào đó của Liên Sô, sau chuyến du hành vũ trụ bay về mặt đất, đã ngông nghênh tuyên bố rằng: “Tôi đã bay ngang dọc khắp không gian nhưng chẳng gặp một ông Chúa nào trên đó cả”. Với một quan niệm và niềm tin mơ hồ lệch lạc và ông cạn như thế, chắc chắn không phải chỉ với vài khoảnh khắc trong không gian anh ta không gặp được Thiên Chúa mà nếu anh ta cứ cố chấp và kiêu căng, có lẽ đời đời Thiên Chúa cũng sẽ “ngàn trùng xa cách”. Điều nầy, thì chúng ta phải công nhận triết gia Pascal có lý khi phát biểu rằng: “Thiên Chúa sẽ vô cùng sáng tỏ cho những ai khao khát gặp gỡ Ngài; nhưng Ngài cũng sẽ vô cùng ẩn kín mịt mù đối với những ai đóng kín tâm hồn và xua tay từ khước”.

Nhưng như thế, mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên đem lại được gì cho chúng ta, cho nhân loại ?

2. Chúa lên trời để được ở lại nhiều hơn !

Đây chính là điều khẳng định của Tin Mừng Matthêô khi tường thuật “cuộc chia tay giữa Chúa Kitô và các môn sinh” để lên trời: “Thầy sẽ ở lại cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Chúng ta có thể tìm thấy việc Ngài ở lại qua những cách thế sau đây:

-Ngài ở lại với chúng ta trong quyền năng Chúa Thánh Thần.

-Ngài ở lại với chúng ta trong Lời Ngài được công bố từng ngày, từng giờ hôm nay;

-Ngài ở lại với chúng ta trong Nhiệm tích Thánh Thể;

-Ngài ở lại với chúng ta trong những người nghèo hèn đói khổ, bị bách hại đau thương nư Ngài đã đã tuyên cáo: “Khi nào ngươi làm cho một người bé nhỏ nhất là ngươi đã làm cho chính ta…”, “Saulô, Saulô, sao ngươi tìm bắt Ta..”;

-Ngài ở lại với chúng ta trong những Vị mục Tử thay mặt mặt Ngài chăn dắt đoàn chiên: “Sự gì dưới đất cầm buộc trên trời cũng cầm buộc…”;

-Ngài ở lại với chúng ta khi chúng ta họp nhau dâng lời cầu nguyện và tiến dâng Hy Tế: “Ở đâu có hai ba người họp lại vì Danh ta, có Ta ở giữa…”…

Vâng, chính nhờ mầu nhiệm “Lên trời” mà Đức Kitô Phục sinh không chỉ hiện diện trong những nghi lễ đại trào nơi những Ngôi Thánh Đường nguy nga đồ sộ, trên những cung thánh rực rỡ hào quang; mà Ngài còn hiện diện nơi những chòi tranh vách đất, những căn hộ nghèo hèn, những nhà tù tanh hôi, khát máu. Nhờ mầu nhiệm Thăng Thiên mà Ngài không chỉ tiếp tục “ở lại” nơi trái tim nồng nàn cháy bỏng của những vị đại thánh Tông đồ như Phêrô, Phaolô, Gioan, hay nơi những vĩ nhân đương đại như Đức Gioan-Phaolô II, Mẹ Á Thánh Têrêxa calcutta mà Ngài còn hiện diện nơi tâm hồn khiêm hạ khó nghèo của biết bao người cha, người mẹ sống công chính âm thầm nơi những xứ đạo nhà quê, nơi tâm hồn quảng đại, anh hùng của biết bao thanh niên nam nữ sống trong cuộc đời linh mục, thánh hiến, nơi trái tim trong sáng thủy chung của biết bao cặp vợ chồng, nơi bàn tay lam lủ đắng cay nhưng vẫn rạng ngời liêm chính của hàng hàng lớp những người lao động …Và chẳng tìm kiếm đâu xa, chút nữa đây, trên bàn thờ nầy, nhờ Ngài lên Trời, mà chúng ta được hân hoan đón nhận Mình Thánh người như lương thực trường sinh nuôi dưỡng chúng ta trên cuộc hành hương về vĩnh cửu.

3. Cất bước lên trời xuyên qua thế giới.

Nếu cách đây 2000 năm, các thiên thần đã nhắc khéo các tông đồ: “Tại sao các anh cứ đứng đó mà nhìn trời cao ?”. Câu đó cũng đồng nghĩa: Các anh hãy quay về với mặt đất. Hãy quay về với Sứ Mệnh Thầy vừa truyền; hãy quay về với thực tại đời thường để đem men Tin mừng vào thúng bột thế giới, để đem ánh sáng chân lý cứu độ vào bóng tối trần gian. Và các tông đồ đã thật sự nghe lời thiên sứ quay về để sau đó tung chân đi khắp nẽo đường loan báo Tin vui. Và sau 20 thế kỷ, quả thật “tiếng chúng đã vang cùng trái đất và lời chúng đã vang xa khắp cõi địa cầu”.

Sống mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay đó là vừa “biết ngước mắt ngước cao đầu hướng về trời cao” để nuôi giữ niềm tin yêu hy vọng vĩnh cửu và vừa biết nhìn thẳng vào cuộc sống đời thường để biết xả thân xây dựng cuộc sống hôm nay sao cho thánh hơn, đẹp hơn;

Sống mầu nhiệm thăng thiên hôm nay đó là vừa biết giữ cõi lòng thanh thản khỏi mọi vưỡng bận và đam mê nhỏ hèn, ô trọc, nhầy nhụa của vật chất và lạc thú tầm thường, vừa biết cần cù xây dựng công lý và yêu hương, sẵn sàng biết cho đi và quảng đại quên mình.

Sống mầu nhiệm thăng thiên hôm nay đó chính là biết không ngừng “chắp cho mình đôi cánh thiên nga” để bay cao khỏi vũng lầy của cái danh cái lợi, khỏi những hận thù ghen ghét nhỏ nhen…để nhìn xa về phía trước, nhìn lên tận cõi cuối trời mà tin rằng có một “quê nhà đích thật’ đang mở cửa đón đợi…

Và như thế, sống mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay có nghĩa là không ngừng “cất bước lên trời” nhưng luôn “đi ngang qua thế giới” giống như lộ trình của Đấng Cứu Thế Ngài đã có 33 năm xuyên qua bước đường nhân loại để trở về “ngự bên hữu Chúa Cha”.

Điều quan trọng cuối cùng: sống mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay chính là biết xác định: hạnh phúc đời nầy chưa phải là bến đỗ và cho dù quê hương Nước Trời có nghìn xa vạn dặm thì cũng vẫn mĩm cười tiến bước trong phó thác tin yêu, như lời nhắc bảo Chúa dành cho một nhà truyền giáo nọ: “Con chưa về quê hương thật của con mà !”

(Câu chuyện nhà truyền giáo 40 năm ở Phi Châu cùng đáp chung chuyến tàu về Mỹ với tổng thống Roosevelt đi săn hưu cao cổ từ Phi Châu trở về: Khi cập bến, trên bến cảng có đông đủ quan khách, ngoại giao đoàn đến đón tổng thống và nồng niệt chúc mừng Ngài đi săn về bình an…không ai để ý gì tới Nhà Truyền giáo suốt đời lo việc Chúa…Nhà truyền giáo thấy vậy đã thầm trách Chúa: Đấy, Chúa thấy chưa, ông tổng thống đi nghỉ hè, đi săn bắn trở về mà người ta đón rước như thế…phần con, đã chịu cực phục vụ Chúa và anh chị em nghèo khổ tại Phi Châu suốt 40 năm…thế mà hôm nay chẳng ai đoái hoài…Thật là tủi thân ! Nhưng lúc đó, nhà truyền giáo nghe tiếng Chúa mách nhỏ: Nầy con, đừng vội thất vọng, con chưa trở về quê hương thật của con mà !)

Thưa ông bà anh chị em, chúng ta hôm nay cũng thế. Chúng ta chưa về quê hương thật của chúng ta đâu. Vì thế, chúng ta hãy vui lên mà dấn thân làm chứng, mà ra đi gieo rắc yêu thương và hy vọng, khoan dung và tha thứ. Hãy cố gắng trở thành những hạt lúa mục nát giữa dòng đời, chắc chắn một ngày mai rạng ngời đang đón đợi. Mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay là cánh cửa của niềm hy vọng đang mở ra để đón chờ chúng ta trong một ngay không xa. Vì như lời kinh Tiền Tụng hôm nay: “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì là đầu và là thủ lãnh của chúng con, nên Người đã lên trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo”.
 
Ngài gọi con (thơ)
Sa Mạc Hồng
14:25 03/05/2008
Ngài gọi con.

Cảm tạ hồng ân Chúa
Ngài đã gọi con vào đời
Cho con nhìn thấy ánh mặt trời
Và muôn điều kỳ diệu
Của địa cầu đầy sức sống
Thật tuyệt vời

Lời mời gọi của Ngài là hồng ân
Ngài đã chỉ cho con những con đường
Đàng sau những cánh cửa
Và con chọn lựa
Trong tình yêu thương
Trong hồng phúc lạ thường

Ngài đã mời gọi con
Mở cánh cửa của tâm hồn
Để đi vào con đường Ngài dọn sẵn
Con sung sướng hân hoan
Vì có Ngài là Thiên Chúa
Gìn giữ đời con
Lời mời gọi của Ngài là hồng ân
Là suối nguồn êm ái
Tuôn chảy theo suốt đời con

Lời mời gọi của Ngài con vẫn giữ trong lòng
Bao năm tháng qua dù mưa gió bão giông
Con vẫn ôm ấp
Vẫn đi theo tiếng gọi của Ngài
Giữa cay đắng cuộc đời
Ôi con đường về nhà Chúa
Thật dài!
Con đường đi theo Chúa
Đầy những chông gai!
Nhưng có Ngài
Con vẫn vui
Vì cánh cửa con đã mở
Con đường con đang lần bước
Là theo Thánh ý Ngài!
Cảm tạ hồng ân Chúa
Cảm tạ lời mời gọi của Ngài!
 
Hạt lúc gieo vào lòng đất
+GM JB Bùi Tuần
15:15 03/05/2008
HẠT LÚA GIEO VÀO LÒNG ĐẤT

Bài chia sẻ trong thánh lễ kỷ niệm thụ phong Giám mục của ĐC Bùi Tuần tại nhà nguyện thánh Tôma - Toà Giám Mục Long Xuyên, ngày 30/4/2008

Trọng kính Đức Cha Giuse,
Kính thưa anh chị em thân mến,

Cách đây 33 năm, cũng vào ngày 30 tháng 4, và cũng tại nhà nguyện bé nhỏ này, tôi đã được thụ phong Giám mục.

I. Khi nằm sấp mặt xuống đất để cùng cộng đoàn đọc kinh cầu Các Thánh, tôi thoáng nhìn tôi như một hạt lúa được gieo vào lòng đất.

Hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất được rút ra từ lời Chúa Giêsu: "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).

Chúa Giêsu nói lời đó về chính mình. Người coi chính mình Người là hạt lúa được gieo vào lòng đất, đợi được chết đi.

Khi thấy Chúa gởi cho tôi hình ảnh hạt lúa rút ra từ lời Chúa, tôi chỉ hiểu đơn sơ rằng: Đó là một sự sai đi. Tôi đã tin và đã xin vâng.

II. Sau đó, thời gian đã dần dần cho tôi hiểu rõ hơn sự Chúa sai đi. Đó là Chúa muốn:

Một đàng tôi phải kết hợp với hạt lúa Phúc Âm là chính Chúa Giêsu.

Đàng khác, tôi phải gắn bó với đất là Đất Nước Việt Nam này nói chung và với địa phương Long Xuyên này nói riêng.

a) Là hạt lúa được gieo vào một Đất Nước cụ thể, tôi hiểu địa phương và Đất Nước hơn. Hiểu không một cách khô khan trừu tượng, nhưng với yêu thương và đồng cảm. Tôi cảm nhận phần nào tâm tình của đồng bào, những niềm vui và những nỗi lo âu, những hy vọng và những thất vọng. Tôi cảm nhận phần nào những gì âm ỉ trong vô thức và tiềm thức của nhân dân. Có những gì như linh cảm mà không nói ra được. Có những mặt sông phẳng lặng và có những sóng ngầm.

b) Là hạt giống gieo vào lòng đất, tôi cảm thấy mình được hạnh phúc vì được chia sẻ. Nhưng hạt giống phải chết đi, như Chúa phán, đó lại là điều tự nhiên tôi không dễ chấp nhận như một hạnh phúc.

Sợ thì phải nói là sợ. Khổ thì phải nói là khổ. Tôi xin thành thực thú nhận rằng: Tôi đã sợ, tôi đã khổ, khi phải từ bó ý riêng để vâng phục thánh ý Chúa. Thánh giá vẫn là thánh giá.

Nhưng tôi cũng xin tuyên xưng rằng: Tôi đã được nâng đỡ rất nhiều.

Sự nâng đỡ của Chúa là vô cùng sâu xa.
Sự nâng đỡ của giáo phận là rất lớn lao.
Sự nâng đỡ của Hội Thánh là rất quảng đại.
Sự nâng đỡ của xã hội, của đồng bào là rất đáng trân trọng.

III. Hôm nay, nhìn lại 33 năm, thôi thấy hạt lúa này đã trải qua một hành trình khá dài. Một hành trình không tách rời khỏi hành trình của giáo phận. Một hành trình góp phần làm chứng cho Thiên Chúa chúng ta. Một hành trình Chúa không ngừng đào tạo kẻ Người dùng như một dụng cụ hèn mọn. Một hành trình như chuỗi dài kinh nghiệm cho lý tưởng thiêng liêng. Tôi xin lợi dụng dịp hiếm hoi này để cảm ơn mọi người vì những đồng hành quý báu.

Xin thân tình cảm ơn cách riêng Đức Cha Cố Micae và Đức Cha Giuse. Hai vị đáng kính đã nâng đỡ tôi về nhiều mặt một cách tế nhị và yêu thương đặc biệt.

Cũng nhân dịp này, tôi xin mọi người tha thứ cho tôi vì bao lỗi lầm thiếu sót của tôi.

Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho nhau, và cùng nhau chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh và Quê Hương chúng ta. Chúng ta vẫn luôn là hạt lúa của Hội Thánh và của Đất Nước Việt Nam này.

Với hết lòng khiêm tốn, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Người đã sai chúng ta đi. Người luôn ở với chúng ta mọi ngày, nhất là những ngày khốn khó gian nan. Người ở lại với chúng ta như Đấng Cứu độ, như Đấng ủi an và như Đấng Phục sinh. Chúng ta luôn sống với Người trong ơn đổi mới và phó thác trọn vẹn vào thánh ý Người.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:00 03/05/2008
CÁI (BÚA) RÌU VÀNG

N2T


Ngày xưa, có một em bé tên là Bảo Nhi, nhà em rất nghèo khổ, bố em thì bị bệnh nằm cả ngày trên giường, nên Bảo Nhi chỉ có cách là đến nhà của một địa chủ để làm công, kiếm tiền nuôi gia đình.

Một hôm, Bảo Nhi đi lên núi để đốn củi, khi đi qua cái cầu gỗ, vì không cẩn thận nên cái rìu rơi xuống sông. Không có rìu thì làm sao đốn củi được, nếu không có củi thì ông địa chủ độc ác sẽ đánh nó một trận đòn, nghĩ đến đó thì Bảo Nhi đau lòng khóc lớn.

Lúc ấy, trên mặt hồ đột nhiên xuất hiện một ông lão râu bạc trắng, ông ta chống cậy gậy đi đến bên Bảo Nhi, ngước mặt hỏi nó: “Này con, tại sao con khóc ?” Bảo Nhi khóc đỏ cả hai con mắt, đem câu chuyện bị rơi cái rìu xuống sông nó cho ông lão nghe.

Ông lão nghe xong thì nói: “Này con, đừng lo, ta giúp con.” Nói xong, ông lão xoay người nhảy xuống sông nhặt cái rìu bằng vàng đem lên. Bảo Nhi nhìn cái rìu thì lắc đầu quầy quậy nói: “Ông ơi, đây không phải cái rìu mà con làm rơi.”

Ông lão lại nhảy xuống sông nhặt cái rìu bằng bạc đem lên, Bảo Nhi nhìn thấy cái rìu lấp lánh sáng choang dưới ánh mặt trời rất là đẹp, nhưng nó vẫn nói đó cũng không phải là cái rìu của nó. Cuối cùng, ông lão nhặt từ dưới nước lên cái rìu bằng sắt, Bảo Nhi vừa thấy cái rìu thì nhảy lên vui vẻ nói: “Đây mới đúng là cái rìu của con, cám ơn ông, lão gia.”

Ông lão nhìn thấy Bảo Nhi thành thực như thế, xoa xoa đầu Bảo Nhi và nói: “Con đúng là một đứa bé ngoan, ông trời nhứt định sẽ bảo hộ con.” Nói xong ông xoay lưng và biến mất.

Nói ra thì thật kỳ lạ, bởi vì từ đó về sau cái rìu của Bảo Nhi biến thành rất là sắc bén, chỉ trong chốc lát mà nó đốn được rất nhiều củi, từ đó về sau Bảo Nhi chặt củi để sinh sống, cùng với bố sống những ngày an nhàn hạnh phúc và vui vẻ.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Phẩm chất đạo đức tốt đẹp có thể làm cho chúng ta thu hoạch lợi ích suốt đời, cho nên làm người thì chúng ta nên giống như Bảo Nhi vậy, không tham vàng bạc phú quý, hơn nữa hiểu được và yêu mến tất cả những gì mình có.

Có những em sung sướng được sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng lại không trân trọng những cái mà mình có, chẳng hạn như: có em khi đi học thì được cha mẹ chăm lo hết mình, nhưng bản thân thì không chịu học hành, chỉ biết đua đòi ham chơi; có em thì thấy cha mẹ có tiền bạc, nên hết vòi vĩnh mua cái này đến mua cái khác thật đắt tiền để chơi với chúng bạn, rồi dần dà chỉ ham chơi mà không muốn học hành; lại có em thì không muốn kết bạn với những bạn cùng lớp nhưng gia đình nghèo, bởi vì các bạn ấy không đủ điều kiện để có qua có lại khi đi chơi...

Phẩm chất đơn sơ và thật thà thì quý gấp trăm vạn lần cái búa bằng vàng bằng bạc, Bảo Nhi đã có hai phẩm chất ấy nên không ham búa rìu bằng vàng bằng bạc.

Các em thực hành:

- Yêu quý những gì mình có và không vòi vĩnh cha mẹ những thứ không cần thiết.

- Sống đơn sơ và thật thà với hết mọi người.

- Không xin tiền bạc của cha mẹ để tự mua sắm.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:01 03/05/2008
N2T


12. Ân sủng ngăn cản những người không muốn làm điều nghĩa, kêu gọi họ có thể thay đổi cuộc sống. Nó làm bạn với những người có quyết tâm thực hành điều thiện, để tránh cho họ uổng công vô ích.

(Thánh Augustine)
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
23:19 03/05/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (30)

291. Yêu người là … gì?

Yêu người, là chấp nhận bất cứ người nào cũng có một giá trị đáng khen, đáng phục.

Yêu người, là có thể nói với bất cứ ai: “Tôi xin lỗi bạn. Tôi cần bạn giúp tôi. Tôi thấy bạn có lý. Tôi kính phục bạn. Tôi thấy bạn thật đáng khen.”

Yêu người, là mở rộng trái tim để luôn luôn tha thứ cho bất cứ ai.

Yêu người, là cầm mình lại để không nói lời nào xúc phạm đến ai, không nói lời nào làm buồn lòng ai.

Yêu người, là mở miệng ra để chỉ nói sự thật đẹp lòng Chúa.

Yêu người, là có thể cùng bất cứ ai, đọc lên: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.”

Yêu người, là có thể hy sinh tất cả cho kẻ khác, trừ ra lòng yêu mến Chúa là không thể nào hy sinh cho ai được.

292. Bạn là người đã trưởng thành chưa?

Đừng tưởng kẻ đã lập gia đình là trưởng thành: có thể họ chưa trưởng thành vì tuy đã gặp được người bạn đường, nhưng họ vẫn chưa kết hiệp được với người bạn đường của mình một cách chặt chẽ về phương diện tâm lý.

Đừng tưởng kẻ có công ăn việc làm là trưởng thành: có thể họ chưa trưởng thành vì tuy họ có học, có nghề, nhưng họ vẫn chưa làm chủ được con người của họ.

Đừng tưởng kẻ có thân xác to lớn là trưởng thành: có thể họ chưa trưởng thành vì tuy xác to nhưng óc họ vẫn nông cạn và trái tim họ vẫn còn lộn xộn.

Vì sao? – Vì sự trưởng thành thuộc về lãnh vực tâm lý.

Người trưởng thành là người phải có hai điều sau đây:

- một, phải là người biết làm chủ tình cảm của mình (không phải khi vui thì làm, khi buồn thì bỏ; không phải khi có ai thúc đẩy thì làm, còn không có ai thúc đẩy thì không làm; …)

- hai, phải là người dám phải lãnh trách nhiệm: không còn như trẻ con, chỉ biết ỷ thế và ỷ lại vào người khác, nhưng dám làm và sống cương quyết.

293. Tập sống làm chủ con người của mình

Hãy tập làm chủ con người của mình trong những việc dễ dàng như: đừng tọc mạch ngó ngang ngó ngữa khi đi ngoài đường, đừng than phiền mỗi lần cảm thấy khó chịu hoặc khi gặp thời tiết thay đổi, không ăn không uống một cách quá vội vàng, không nói về mình khi không cần thiết, không cải lại với kẻ khác khi không cần thiết, …

294. Tám điều kiện để đạt được hạnh phúc trong đời sống

- có đủ sức khoẻ để cảm thấy sung sướng mà làm việc

- có đủ tài sản để khỏi bị thiếu thốn về vật chất

- có đủ nghị lực để đương đầu với khó khăn và để lướt thắng

- có đủ can đảm để thú nhận tội lỗi của mình và để hoán cải

- có đủ nhẫn nại để hoàn thành công việc mình đeo đuổi

- có đủ bác ái để chỉ nhận thấy điều lành nơi tha nhân

- có đủ đức tin để biết có Ông Trời, có Thượng Đế

- có đủ hy vọng để khỏi bị tương lai ám ảnh

295. Cách hay nhất làm cho người ta được củng cố đức tin thêm mạnh mẽ

Cách hay nhất làm cho người ta được cũng cố đức tin thêm mạnh mẽ, là luôn luôn minh chứng đức tin vào Chúa bằng tất cả cuộc sống của mình, luôn luôn hành động theo những lời mình dạy bảo kẻ khác, luôn luôn sống những gì mình nói ra cho kẻ khác nghe.

296. Cuộc đời vô cùng gay cấn

Cuộc đời vô cùng gay cấn. Nó đôi khi tàn nhẫn, độc ác, không biết kính nể một ai đâu.

Chỉ có những ai chai lì, vấp ngã biết chỗi dậy, kiệt lực cứ bò tới, thất bại không chùn bước, luôn luôn căng hướng về mục đích, mới mong gặt hái được thành công thanh cao và xứng đáng trong cuộc đời khó khăn nầy.

297. Loại tiền nào quý hơn loại tiền bằng giấy hoặc bằng vàng?

Khi có tiền bằng giấy hoặc bằng vàng, bạn có thể mua được nhiều đồ vật như xe hơi, nhà lầu, sách báo, v.v…, nhưng tiền bạc như vậy không mua được những thành công cao quý ở trên trần gian nầy.

Muốn thâu lượm được những thành công cao quý đó, bạn phải dùng một thứ tiền khác thứ tiền bằng giấy hoặc bằng vàng nầy. Thứ tiền nầy là sự cố gắng không ngừng của bạn.

Bạn và tôi, chúng ta hãy nghe lời khuyên rất hay của Franklin: “Tương lai không được hứa hẹn cho những người thông minh tài trí đâu, nhưng được hứa hẹn cho những người nào hoạt động hơn, chăm chỉ hơn và chịu khó làm việc.”

298. Hãy học giáo lý để đức tin được vững mạnh

Khi được chịu phép Rửa Tội, chúng ta được Chúa ban đức tin để sống đời Con Chúa. Nhưng nếu không học biết giáo lý cho sâu xa, đức tin nầy sẽ dễ bị tan vỡ khi đụng đầu với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, và khi đó, chúng ta rất dễ phạm những tội chống lại đức tin như mê tín dị đoan, bỏ đi dự thánh lễNgày Chúa Nhựt, sống xa Chúa, xa Mẹ, lơ đạo, rối đạo, chống đạo, bỏ đạo.

Để đức tin của chúng ta được sâu, mạnh, cứng cát và kiên trì, ngoài đời sống cầu nguyện để được ơn Chúa ban, chúng ta phải làm điều quan trọng hết sức, đó là học thêm giáo lý, tham dự các khoá học giáo lý trong giáo xứ, đọc sách báo đạo, đọc những tranậomngj công giáo, nghe những đài phát thanh công giáo, trao đổi những vấn đề gáio lý với những người thân trong gia đình, với những bạn bè ngoài đời.

299. Đi lập gia đình rất nguy hiểm

Khi người nam nữ cùng nhau lập gia đình theo như ý Chúa muốn, là nhất phu nhất phụ, chung thủ với nhau suốt đời, họ dìu nhau lên chiếc thuyền gia đình để cùng nhau vượt biển trần gian mà về quê trời.

Không gì nguy hiểm ở trên đời cho bằng cuộc vượt biển trần gian của chiếc thuyền hôn nhân nầy. Vì thế, có câu châm ngôn cảnh cáo rằng: khi sắp vượt biển đại dương, bạn hãy chắp tay cầu nguyện một lần (vì nguy hiểm); khi sắp ra đánh giặc ngoài chiến trường, bạn hãy chắp tay cầu nguện hai lần (vì rât nguy hiểm); khi sắp đi lập gia đình, bạn hãy chắp tay cầu nguyện ba lần (vì hết sức nguy hiểm).

Thật là đau buồn theo như nhận xét của Mantegazze: “Hôn nhân không thành tựu tử tế, đó là tai họa của hằng năm, hằng tháng, hằng tuần, hằng giờ, hằng phút.”

Ớ những thanh niên nam nữ sắp lập gia đình, hãy hết sức nghiêm túc và cẩn trọng trong việc hôn nhân của mình. Tất cả tương lai của xã hội loài người, của Giáo Hội của Chúa đều tùy thuộc vào quyết định vô cùng quan trọng của các bạn.

300. Con cái phải được cha mẹ giáo dục từ lúc ấu thơ

Nếu khi vượt biển mà con tàu không chở theo những vật nặng thì nó không chìm sâu được dưới biển, và như vậy, nó sẽ bị sóng gió đánh đắm dễ dàng. Vậy từ thuở ấu thơ, nếu không được cha mẹ giáo dục để được chìm sâu trong sự tốt, con cái sau nầy sẽ bị sụp đổ rất dễ dàng.

Bởi đó, ai cũng công nhận gia đình tốt, là trường học tốt nhất cho con người. Và đại thi hào Lamartine sung sướng viết: “Phúc cho ai được Thiên Chúa cho sinh ra bởi một gia đình tốt và thánh thiện.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kinh Thánh sao dễ đọc nhưng lại khó hiểu.
Ngọc Loan
00:44 03/05/2008
Vatican: Sách Kinh Thánh: phần lớn những người sinh sống tại Âu Châu và Bắc Mỹ đều có cuốn Kinh Thánh, thế nhưng hơn phân nữa số người đã đọc nhận xét rằng sao lại khó hiểu quá.

Một cuộc thăm dò của Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo cho thấy là ngày cả những người đọc Kinh Thánh cũng cho biết là khó hiểu.

Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo là một Hiệp Hội được thành lập sau Công Đồng Vaticanô II nhằm mục đích giúp các Giáo Hội Địa Phương nhằm cổ võ và phát triển các hoạt động tông đồ Kinh Thánh. Riêng tại Việt Nam có 2 thành viên: thành viên thực thụ là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và thành viên liên kết là Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Giáo Sư Tiến Sĩ Xã Hội Học Luca Diotallevi, là người công tác trong nhóm thăm dò cho biết “Đây là điều rất quan trong: Con người bày tỏ Kinh Thánh khó hiểu cho dù họ có đọc hay không”.“Dân Chúa đang khẩn cầu được giúp đỡ trong khi đọc Kinh Thánh”.

Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo đã thành lập một ủy ban thăm dò ý kiến hầu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới được tổ chức vào tháng 10 đặt trọng tâm vào Kinh Thánh với chủ đề “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh”. Ngoài ra trước thềm Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới thì một đại hội cũng sẽ được tổ chức vào ngày 24/6 tại Tanzania, trong Đại Hội này một thành viên của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ cũng được mời tham dự là Linh Mục Trần Hòa Hưng. Giám Mục Vincenzo Paglia tại Terni, Narni và Amelia hiện nay là Chủ Tịch Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo.

Vào ngày 28/4 trong một cuộc họp báo tại Vatican, Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo và tổ chức GFK-Eurisko đã tổ chức cuộc thăm dò ý kiến, đã trình bày những kết quả khởi đầu thu lượm đường từ 9 quốc gia đó là: Hoa Kỳ, Anh Quốc, Netherlands, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan và Nga Sô.

Cuộc thăm dò dựa trên cuộc phỏng vấn qua điện thoại đến 13,000 người lớn vào hồi tháng 11 năm ngoái.

Khi đưa ra câu hỏi: “Trong 12 tháng qua quý vị có đọc bất kỳ một đoạn Kinh Thánh nào không ? Thì 75% người Hoa Kỳ thưa là “có”.

Thế nhưng những người sống tại Âu Châu thì con số lại khác xa. Tiến Sĩ Diotallevi nói nhiều người Tin Lành đã có và đọc Kinh Thánh hơn người Công Giáo, nhưng con số không chênh lệch bao nhiêu cho nên không vì thế mà nói là “không liên hệ đến bản thống kê”.

Số phần trăm những người Âu Châu đã cho biết là họ đã đọc Kinh Thánh cũng khác biệt từ quốc gia này đến quốc gia khác, theo đó Pháp chỉ có 20% trong khi Ba Lan lên được 38%.

Nhưng sai số khác biệt cách xa này đã biến dạng khi được đưa ra câu hỏi là liệu cuôn Kinh Thánh có “dễ hiểu” hay “khó hiểu”. Thì hỡi ôi con số những người cho là đọc Kinh Thánh cảm thấy “khó hiểu” chiếm đến 56% tại Hoa Kỳ và con số 70% tại Đức Quốc.

Con số những người cho biết là họ có cuốn Kinh Thánh ở nhà là 93% tại Hoa Kỳ, 85% tại Ba Lan, 75% tại Ý, 74% tại Đức, 67% tại Anh Quốc và Netherlands, 65% tại Nga Sô, 61 % tại Tây Ban Nha và 48% tại Pháp.

Cuộc thăm dò ý kiến cũng nhằm đến “chỉ số kiến thức về Kinh Thánh, bằng cách đưa ra 7 câu hỏi căn bản. Những câu hỏi này xem ra thì quá dễ đối với nhiều người, nhưng đối với số người khác thì nó lại là những câu hỏi gai góc.

Những câu hỏi về kiến thức như: “Những cuốn Phúc Âm có thuộc về cuốn Kinh Thánh không?”; “Chúa Giêsu đã viết một cuốn trong Kinh Thánh có đúng không?”, “Thánh Phaolô hay ông Môi Sen có phải là một nhân vật trong Cựu Ước không?”; “Những người sau đây đai đã viết cuốn Phúc Âm: Luca, Gioan, Phaolô hay Phêrô?”.

Tiến Sĩ Diotallevi cũng đưa ra bảng điểm của tín hữu Công Giáo và tín hữu Tin Lành không mấy khác biệt cho dù người Tin Lành đọc nhiều Kinh Thánh hơn người Công Giáo, thế nhưng “họ có khuynh hướn bảo thủ, thành thử vẫn xác định là Chúa Giêsu là tác giả của những cuốn Phúc Âm”.

Khi được hỏi để bày tỏ về cuốn Kinh Thánh thì hầu hết tại 9 quốc gia được chọn ngoại trừ Đức Quốc, thì người ta nói rằng “Cuốn Kinh Thánh là Lời Chúa, nhưng không phải mọi sự trong cuốn Kinh Thánh được hiểu theo nghĩa đen, tức là hiểu theo từng chữ một”.

Tại Đức Quốc thì 40% nói cuốn Kinh Thánh là Lời Chúa, thế nhưng 42% nói cuốn Kinh Thánh là một cuốn về truyện ngụ ngôn hoang đường, truyện thần thoại, lịch sử và có tích cánh nhiều về châm ngôn.

Những người bảo thủ thì nói rằng cuốn Kinh Thánh thực sự là Lời của Chúa cho nên phải hiểu theo nghĩa đen từng là phải đọc từng chữ một.

Ba Lan là một quốc gia có số tín hữu thủ cựu nhiều nhất với con số 34 % đã xác định rằng cuốn Kinh Thánh phải hiểu theo từng chữ một. Tại Hoa Kỳ con số lên tới 27% và tại Ý là 23%.

Một thống kê mà các Giám Mục sẽ dựa vào đó và đưa ra trong Thượng Hội Đồng Thế Giới đó là việc xử dụng Kinh Thánh trong lời nguyện, mà Giáo Hội đã cổ vũ trong bản “lexio divina”.

Xét về việc dùng Kinh Thánh trong lời nguyện với câu hỏi “Quý vị đã làm như thế nào?” Thì 37% người Hoa Kỳ nói họ dùng Kinh Thánh để cầu nguyện, tại Anh Quốc, Pháp và Ý có được 9%, và tại Tây Ban Nha chỉ có 6%.

Tại Pháp và Ý, số trả lời nhiều nhất là khi cầu nguyện “tôi đã đọc những kinh mà tôi thuộc lòng”.

Trong hầu hết quốc gia đã diễn ra cuộc thăm dò ý kiến, thì lời cầu nguyện mà họ xử dụng nhiều nhất là cầu nguyện theo chính những tâm tư của mình”.

Trong khi thăm dò, thì cũng có đưa ra về định hướng chính trị của họ, để có thêm tin tức trong cuộc so sánh những bản thống kê, thì câu hỏi đưa ra không phải là quý vị thuộc đản nào, nhưng họ đã đưa ra là mình thuộc cánh tả, cánh hữu hay trung lập. Và con số người đọc Kinh Thánh liên quan đến chính trị con số vẫn tương đương “không hơn không kém”.

“Nhưng xét về mặt cá nhân, thì đọc Kinh Thánh có thể đưa ra những dự đoán khá mạnh mẽ” vì những người đọc KinhThánh xem ra họ là những người có khuynh hướng chống lại phá thai và trợ tử.

Lần tới thì Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo sẽ tiếp tục đúc kết cuộc thăm dò đợt 2 tại những quốc gia Argentina, Nam Phi, Phi Luật Tân và Úc.

Không biết cuộc thăm dó có được diễn ra tại Việt Nam không, nhưng tín hữu Công Giáo Việt Nam được may mắn vì có Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã cho xuất bản những cuốn Kinh Thánh đủ loại, đẹp rẻ bền và cả những cuốn Kinh Thánh bằng hình ảnh cho trẻ em nữa. Nhóm cũng đã xuất bản cách đây 2 năm cuốn “Lời Chúa cho Mọi Người” là toàn bộ cuốn Kinh Thánh với những lời dẫn nhập và chú thích của 2 anh em Linh Mục Bernard Hurault và Louis Hurault. Đây là một cuốn Kinh Thánh thật tuyệt vời để Lời Chúa đến với tất cả mọi người và trở nên của mọi người.
 
Còn đúng 100 ngày, Giáo Hội Trung Quốc cầu nguyện cho Thế Vận Hội 2008
Ngọc Loan
09:12 03/05/2008
Bắc Kinh: Giáo Hội Trung Quốc đã cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho Thế Vận Hội 2008, lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Hoa, trong lúc ngọn đuốc thế vận đang trên đường tới Bắc Kinh, bắt đầu đi qua ngã Hồng Kông.

Tại thủ đô, nơi các trận đấu sẽ được bắt đầu vào ngày 8/8, giáo dân Công Giáo đánh dấu đúng 100 ngày sẽ khai mạc với Thánh Lễ được cử hành tại Nhà Thờ Chánh Tòa Vô Nhiễm vào ngày 30/4, Thánh Đường này cũng được gọi Nantang hay Nhà Thờ Nam (phía Nam). Đức Giám Mục Giuse Li Shan tại Bắc Kinh với 20 Linh Mục đồng tế trong Thánh Lễ.

Ước lượng có khoảng 1000 giáo dân, khoảng hơn 12 chủng sinh, 20 nữ tu đã tham dự Thánh Lễ. Giáo Phận cũng mời các viên chức chính quyền và ủy ban tổ chức Thế Vận đến tham dự.

Trước đó, Linh Mục Zhao Quinglong tại Giáo Phận Bắc Kinh, người lãnh đạo nhóm thiện nguyện Công Giáo để phục vụ trong làng thế vận đã cho Thông Tấn Xã UCA biến rằng, giáo phận sẽ cầu nguyện trong Thánh Lễ để các trận đấu được diễn ra thành công và tốt đẹp. Cha cũng ước mong mọi lưc sĩ đạt được nguyện vọng của mình.

Còn đúng 100 ngày, vào ngày 30/4 ngọn đuốc thế vận đã tới Hồng Kông. Và ngày Thứ Sáu 2/5, ngọn đuốc thế vận sẽ tới Macau trước khi được rước tới Sanya trên đảo Hải Nam thuộc miền Nam Trung Quốc.

Tổ Chức Công Giáo Yêu Nước và Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc được chính quyền thừa nhận đã ra một thông tư xin tất cả các Giáo Phận tại Trung Quốc cử hành một Thánh Lễ đặc biệt trong ngày 30/4.

Ủng hộ đến việc khởi xướng “Chúc Lành các trận đấu Thế Vận tại Bắc Kinh", Thánh Đường Quảng Châu thuộc Giáo Phận Hạ Mộn thuộc tỉnh Phúc Kiến đã bắt đầu 100 ngày cầu nguyện vào ngày 27/4.

Cha Giuse Lin Yongquan tại Hạ Môn, đã chủ sự buổi cầu nguyện với sự tham dự của hơn 200 tín hữu. Cầu nguyện hằng ngày nhằm khuyến khích người Công Giáo hấp thụ đến tinh thần hòa bình và đoàn kết, cũng như tinh thần thể thao của các trận đấu và sống những điều này trong cuộc sống hằng ngày.

Cũng vào ngày 27/4, các giáo dân Công Giáo tại Giáo Phận Diên An, một thành phố thuộc tỉnh Sơn Tây đã cử hành Thánh Lễ kêu gọi tình đoàn kết giữa người Công Giáo, kêu gọi những người Công Giáo hãy thực hiện những việc tốt nhất trong công việc của mình và dâng hiến cho Thiên Chúa để trận đấu được diễn ra tốt đẹp.

Linh Mục Zhang Fengming thuộc giáo phận đã cho biết là Thế Vận Hội được diễn ra tại Bắc Kinh là một hồng ân đặc biệt đến với người Trung Quốc. Cha cũng bày tỏ: ”chúng tôi người Công Giáo, cũng giống như mọi người Hoa khác, cảm thấy niềm vui cho Turng Quốc. Là con người có đức tin, chúng tôi muốn chia sẻ qua những công việc tôn giáo để cầu nguyện cho sự thành công của các trận đấu trên quốc gia chúng tôi”.
 
Chuyên gia trừ quỷ của Rôma trình bày ra một cái nhìn sâu sắc hơn về Ma Quỷ
Anthony Lê
11:31 03/05/2008
Chuyên Gia Trừ Quỷ của Rôma Trình Bày Ra Một Cái Nhìn Sâu Sắc Hơn về Ma Quỷ

Father Gabriel Amorth - Chuyên Gia Trừ Quỷ
ROME (Zenit.org).- Một trong số các bí mật có liên quan đến ma quỷ và phép trừ quỷ đang được tiết lộ ra trong một loạt các báo cáo được phát sóng trên truyền hình và qua mạng Internet, qua đó kể ra rất chi tiết công trình của chuyên gia trừ quỷ của Giáo Phận Rôma.

Cha Gabriele Amorth thuộc Dòng Thánh Phaolô, một chuyên gia trừ quỷ nổi tiếng của Rôma trong suốt hơn 21 năm qua, và cũng là một chuyên gia nghiên cứu về Mẹ Maria, đã giải thích trong loạt phóng sự đầu tiên về cách mà ngài thực hiện việc trừ ma quỷ và tà ma.

Cha nói: "Tôi đến một trong những nhà thờ ở giáo phận Rôma, hay một giáo xứ nào đó đã đóng cửa trong ngày, tức giáo xứ đó có Thánh Lễ ban sáng, nhưng ban chiều thì đóng cửa. Ở đó, tôi thực hiện nhiều phương cách trừ quỷ khó khăn khác nhau. Tôi thường làm việc với 7 đến 10 người hổ trợ tôi và chúng tôi dùng một cái giường nhỏ. Đôi lúc chúng tôi cần phải cột họ hay chỉ đơn giản là khuất phục họ."

Cha nói tiếp: "Với Chúa Kitô, thì không có điều gì là không thể khuất phục được ma quỷ cả, vì rằng tôi thực hiện việc trừ quỷ nhân danh Chúa Giêsu và với sức mạnh mà tôi nhận được từ chính Chúa Giêsu."

Ma quỷ phải chăng là có thật?

Câu hỏi đầu tiên mà Cha Amorth trả lời trong loạt báo cáo phóng sự đó là phải chăng ma quỷ là có thật?

Cha nói: "Tôi trả lời câu hỏi đó bằng chính những ngôn từ của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, người đã từng được tôi hỏi Ngài câu này: 'Kính Thưa Đức Thánh Cha, con nhận thấy có rất nhiều vị Giám Mục không tin vào ma quỷ.' Và Đức Cố Thánh Cha đã trả lời lại rằng: 'Những ai không tin vào ma quỷ tức thì không tin vào Phúc Âm.'"

"Ma quỷ, tự bản thân nó trước kia chính là một thiên thần, một thiên thần trong sáng thuần túy và tốt đẹp do chính Thiên Chúa tạo ra, và rồi tự nó phản loạn để chống lại Thiên Chúa. Vì thế, nó vẫn còn lưu giữ lại tất cả những đặc điểm của một vị thiên thần trong sáng thuần túy và tốt đẹp, chẳng hạn như là đại đa số chúng rất thông minh, và mạnh mẽ hơn rất nhiều so với chúng ta."

Cha nói tiếp:

"Ma quỷ rất hài lòng với cách mà nó thường được đại diện cho - với những đôi cánh và một cái đuôi dài, cùng với những cái sừng, cây gậy, vân vân... - vì những hình ảnh này khiến cho nó trông có vẽ lố bịch và khiến cho người ta tin rằng nó không có hiện diện trên cuộc đời này."

Y Học hay Tâm Linh?

Cha Amorth đề nghị rằng những vấn nạn ma quỷ hiểm ác có thể được tách rời ra từ những chứng bệnh có liên quan đến tâm thần, và để làm được điều này một chuyên gia trừ quỷ phải cần đến trong mỗi giáo phận để giúp nhận thức rõ được điều này.

Cha nói: "Thông thường khi một người cảm nghiệm được những xung đột và các vấn nạn trong chính bản thân mình, điều đầu tiên mà người đó làm chính là đến gặp một bác sĩ hay một chuyên gia về tâm thần. Thật khó mà có thể phân biệt rõ ra được hành động của ma quỷ / tà ma từ những khúc mắc hay vấn nạn của mặt tâm sinh lý. Thì người đó đến gặp một bác sĩ tâm thần và sau nhiều năm chữa trị vẫn không có kết quả.

Rồi người đó bắt đầu nghi ngờ rằng vấn nạn mà mình đang phải gánh chịu không phải thuộc về mặt tự nhiên, thế là người đó lại đến gặp một pháp sư / thầy phù thủy (conjurer), thế là vấn nạn của người đó càng trở nên nguy hiểm và có sức tàn phá mạnh hơn. Thì đây chính là điều thường xảy ra. Và đến lúc nào, chỉ có một ai đó có kinh nghiệm về những vấn đề này, mới đề nghị người đó đến gặp một chuyên gia trừ qủy."

Đức Mẹ Maria

Cha Amorth - một chuyên gia trừ quỷ nổi tiếng của Rôma, đã xác nhận rằng: "Kẻ thù lớn nhất của ma quỷ hay của một thứ tà ma, phù phép,... . vô hình nào đó, chính là Đức Trinh Nữ Maria."

Cha giải thích:

"Trong một trường hợp kia, một chuyên gia trừ quỷ, vốn cũng là một người bạn của tôi đã từng hỏi, ma quỷ về cái gì làm cho chúng tức tối nhất, giận dữ nhất, và tổn thương nhất về Đức Maria thì chúng trả lời rằng: 'Vì Đức Maria chính là Người trong trắng và thuần khiết nhất trong số tất cả mọi tạo vật, trong khi đó chúng tao lại là những người bẩn thỉu và dơ dáy nhất (filthiest); vì Đức Maria chính là Người biết vâng phục Thiên Chúa nhất trong số tất cả mọi loài tạo vật do chính Thiên Chúa dựng nên, trong khi đó chúng tao lại là những người nổi loạn nhất và bất cần đời nhất; vì Đức Maria lại chính là Người duy nhất không phạm tội, không bị mắc tội tổ tông, và do đó luôn có sức mạnh để chinh phục được chúng tôi - những loài ma quỷ hãm hại con người ở trần thế!'"

Cha Amorth khẳng định rằng trong một số trường hợp, chính Thiên Chúa đã bắt buộc cho những tên Hoàng Tử Nói Láo này (tức những loại ma quỷ và tà ma) phải nói ra tất cả những sự thật, dẫu rằng, cuộc chiến chính của ma quỷ chính là làm cho con người phải sa vào con đường tội lỗi.

"Để nhằm đưa con người hướng về sự án chính là làm cho con người phải vướng mắc tội lỗi, thì đây chính là hành động thích thú và ưng ý nhất của các loài ma quỷ, và tất cả chúng ta đều là những con mồi ngon cho chúng kể từ khi chúng ta được sinh ra cho đến lúc chúng ta chết đi."

Theo Cha Amorth, Đức Trinh Nữ Maria chính là nhân vật quan trọng và chính yếu trong cuộc chiến chống lại những cám dỗ, những thủ thuật mưu xảo, độc địa và hiểm ác của ma quỷ. Chính Đức Maria cũng luôn bị ma quỷ ám ảnh và dụ dỗ kể từ khi Mẹ được sinh ra cho đến lúc Mẹ chết đi, thế nhưng, Mẹ đều chiến thắng qua những lần dụ dỗ như vậy.

[Người Viết sẽ có dịp trở lại vấn đề ma quỷ và lạc giáo trong tương lai hay qua những bài viết kế tiếp... . NV]
 
Về danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất của báo Time năm nay
Phụng Nghi
16:22 03/05/2008
Vatican (CNA) – Hàng năm, tạp chí Time công bố một danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới, và trong danh sách năm nay không có tên Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Phát ngôn viên Tòa thánh Vatican, Linh mục Federico Lombardi nói rằng ngài “rất mừng vì Đức giáo hoàng không có tên trong danh sách đó ”bởi vì tiêu chuẩn báo Time dùng để chọn lựa không định giá chính xác ảnh hưởng của Đức giáo hoàng.

Danh sách năm nay là sự chọn lựa trong phạm vi rộng rãi một số người, từ đức Đạt lai Lạt ma cho đến ca sĩ nhạc pop người Hoa kỳ tên Miley Cyrus. Thế nên sự vắng mặt của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI là điều đáng chú ý trong một năm mà ngài đã đóng một vai trò quan trọng trên sân khấu thế giới.

Để phản ứng lại, cha Lombardi nói: “Tôi rất mừng vì Đức giáo hoàng không có tên trong danh sách, vì lý do họ đã dùng những tiêu chuẩn tuyệt đối không liên quan gì đến việc định giá thẩm quyền tôn giáo và luân lý của Đức giáo hoàng cả.”

“Khó mà đem so sánh và xếp thứ bậc khi có những đặc điểm rất khác biệt nhau: các diễn viên, cầu thủ tennis, v.v…”

Cha nói thêm: “Vì lý do đó tôi thiết nghĩ là đừng nên lẫn lộn thứ uy tín và sự nghiệp của vị giáo hoàng với các tiêu chuẩn có tính cách thế tục.”

Cha Lombardi nói rằng việc đưa tên của đức Đạt lai Lạt ma vào trong danh sách lại là “một vấn đề khác”.

Tuy nhiên, ông Giovanni Maria Vian, giám đốc nhật báo không chính thức của Tòa thánh L'Osservatore Romano, lại nói rằng sự vắng tên của Đức thánh cha trong danh sách của tạp chí Time cũng thật là chuyện “khó xử”. Đặc biệt bởi vì danh sách được xác định là gồm “một trăm người nam nữ mà quyền lực, tài năng và gương mẫu đạo đức đang làm thay đổi thế giới.”

Theo ý kiến của ông Vian, không báo chí nào chấp nhận danh sách này, một danh sách liệt kê “những tên tuổi tuyệt đối không có tính thuyết phục.”
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 16 Giám Mục Cuba
LM Trần Đức Anh, OP
16:51 03/05/2008
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 khuyến khích các GM Cuba tăng cường việc mục vụ ơn gọi LM và tu sĩ, đồng thời ngài cầu mong Giáo Hội Công Giáo tại nước này có thể được sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 2-5-2008, dành cho 16 GM thuộc 11 giáo phận tại Cuba nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương Roma, viếng mộ hai thánh Tông đồ và thăm Tòa Thánh.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC ca ngợi sức sinh động của Giáo Hội tại Cuba và hăng say làm việc mục vụ mặc dù có nhiều khó khăn và giới hạn. Các hoạt động đó đã góp phần củng cố tinh thần truyền giáo trong mọi cộng đoàn Giáo Hội Cuba. Ngài nói: ”Tôi mời gọi tất cả các cộng đoàn Công Giáo tại Cuba tiếp tục nỗ lực truyền giáo trong tinh thần táo bạo và quảng đại, mang ánh sáng Chúa Kitô cho mọi môi trường và mọi nơi”.

ĐTC cũng nhắc nhở các GM Cuba làm sao để sự thăng tiến đời sống tinh thần luôn chiếm chỗ đứng trung tâm trong mọi khát vọng và dự án mục vụ. Vì chỉ từ kinh nghiệm bản thân về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuẩn bị chắc chắn về đạo lý, được ăn rễ sâu trong cộng đoàn Giáo Hội, các tín hữu Kitô Cuba mới có thể là muối đất và ánh sáng thế gian (cf Mt 5,13), và có thể thỏa mãn sự khao khát Thiên Chúa ngày càng rõ ràng nơi các đồng bào của mình.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến tầm quan trọng của các LM trong công tác truyền giáo. Ngài hy vọng nhờ sự gia tăng ơn gọi và nhờ các biện pháp đúng đắn trong lãnh vực này, Giáo Hội tại Cuba sớm có đủ số linh mục, cũng như có đủ thánh đường và các nơi thờ phượng, để chu toàn sứ mạng hoàn toàn là mục vụ và thiêng liêng của mình.

ĐTC nói: ”Cần tiếp tục thăng tiến một nền mục vụ ơn gọi đặc biệt, không sợ thúc giục các bạn trẻ theo chân Chúa Kitô là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn mọi khát vọng yêu thương và hạnh phúc của con người. Việc quan tâm săn sóc chủng viện phải chiếm chỗ đứng ưu tiên trong tâm hồn của Giám Mục, và dành cho chủng viện những nhân sự và phương tiện vật chất tốt đẹp nhất của cộng đoàn giáo phận, đảm bảo cho các chủng sinh một sự huấn luyện tốt nhất về tu đức, trí thức, và nhân bản hầu có thể chu toàn sứ vụ linh mục mai ngày”.

ĐTC không quên đề cao hoạt động gương mẫu của nhiều tu sĩ nam nữ tại Cuba, và ngài khích lệ các GM nước này thăng tiến một tầng lớp giáo dân dấn thân, ý thức về ơn gọi và sứ mạng của họ trong Giáo Hội và trong thế giới.. Hãy giúp các giáo dân có cơ hội đọc và suy niệm cầu nguyện bằng lời Chúa, cũng như siêng năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể.

Ngài bày tỏ lo âu về tình trạng các gia đình ở Cuba với số ly dị và phá thai gia tăng, những khó khăn về kinh tế khiến nhiều người phải tìm đường di cư ra nước ngoài. ĐTC nói với các GM Cuba rằng: ”Tôi khuyến khích anh em gia tăng gấp đối các nỗ lực giúp tất cả mọi người, nhất là người trẻ, hiễu rõ hơn và ngày càng cảm thấy được thu hút vì vẻ đẹp của các giá trị chân chính của hôn nhân và gia đình” (SD 2-5-2008)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các khoa xã hội
LM Trần Đức Anh, OP
16:55 03/05/2008
VATICAN. Sáng 3-5-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 50 tham dự viên khóa họp toàn thể lần thứ 14 của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về các khoa xã hội.

Chủ đề khóa họp tiến hành từ mùng 2 đến 6-5-2008 là: ”Theo đuổi công ích: tình liên đới và nguyên tắc phụ đới có thể hoạt động với nhau như thế nào?”

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận rằng khi chọn chủ đề này, các thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội đã quyết định cứu xét sự hỗ tương giữa 4 nguyên tắc cơ bản trong giáo huấn xã hội Công Giáo, đó là phẩm giá con người, công ích, sự phụ đới (subsidiarity) và liên đới (Compendium 160-163). Trọng tâm vấn đề ở đây là làm sao để nguyên tắc liên đới và phụ đới có thể tiến hành chung với nhau trong việc theo đuổi công ích theo thể thức không những tôn trọng phẩm giá con người, nhưng còn làm cho phẩm giá này được triển nở”.

ĐTC đặc biệt kêu gọi các tham dự viên cứu xét các nguyên tắc liên đới và phụ đới dưới ánh sáng Tin Mừng. Các nguyên tắc này không những chỉ có chiều ngang nhưng còn chủ yếu có chiều dọc nữa. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy làm cho người khác những gì chúng ta muốn họ làm cho chúng ta (cf Lc 6,31); hãy yêu thương tha nhân như chính mình (cf Mt 22,35). Những luật này được Đấng Tạo Hóa ghi khắc trong chính bản tính con người (Deus Caritas est,31).

ĐTC giải thích: ”Chúa Giêsu dạy rằng tình yêu thương ấy kêu gọi chúng ta hiến thân vì thiện ích cảu tha nhân (cf Jn 15,12-13). Theo nghĩa đó, tình liên đới chân thực, tuy bắt đầu với sự nhìn nhận giá trị bình đẳng của tha nhân, nhưng nó chỉ đạt tới sự viên mãn khi tôi thực sự muốn đăt mình phục vụ người khác (cf Eph. 6,21). Chiều dọc của tình liên đới hệ tại điều này là tôi được thúc đẩy hạ mình xuống để phục vụ nhu cầu của tha nhân (Jn 13,14-15), như Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để cho con người được chia sẻ đời sống thần thiêng của ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Tôi khuyến khích anh chị em để ý tới cả hai chiều kích này ”dọc và ngang” của nguyên tắc liên đới và phụ đới. Như thế anh chị em có thể đề nghị những phương thế hữu hiệu để giải quyết nhiều vấn đề đang đè nặng trên nhân loại vào đầu ngàn năm thứ ba này, trong khi anh chị em làm chứng về chỗ đứng tối thượng của tình yêu, vượt lên trên và kiện toàn công lý”.

Trong cuộc họp báo giới thiệu khóa họp này, Đức Ông Marcelo Sanchez Sorondo, Chưởng ấn Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về các khoa xã hội, nói rằng: ”Xã hội loài người không thể bị thu gọn vào luật thị trường. Con người có những giá trị khác để xây dựng công ích. Cần phải ra khỏi xã hội hoàn cầu hóa hiện nay để các của cải không nằm trong tay những người giầu nhất, nhưng cũng đi tới những người nghèo nhất nữa”.

Trong khóa họp, các viện sĩ bàn về những hình thức kinh tế liên đới và vphụ đới, những sáng kiến giáo dục tại các nước đang phát triển, các quan hệ Nhà Nước / gia đình, các tiểu tín dụng, v.v..(SD 3-5-2008)
 
Top Stories
Journalists Who Risk Life for Truth Win Praise
Zenit
15:04 03/05/2008
VATICAN CITY - Journalists who have risked their lives and freedom in defense of the truth are an eloquent testimony of the high calling of media professionals, says a Vatican official.

Monsignor Paul Tighe, secretary of the Pontifical Council for Social Communications, affirmed this in a commentary accompanying Benedict XVI's message for World Communications Day, to be celebrated this Sunday.

The Pope's message for this year's celebration is dedicated to "The Media: At the Crossroads Between Self-Promotion and Service. Searching for the Truth in Order to Share It With Others."

"This message encourages those who work in the media to attend to the great responsibilities that rest with them and to uphold the highest standards of their professions," Monsignor Tighe said. "In particular, they are urged to be vigilant in their efforts to make known the truth and to defend it 'against those who tend to deny or destroy it.'"

"Media professionals are invited to defend the ethical underpinnings of their profession and to ensure that the 'centrality and the inviolable dignity of the human person' are always vindicated," he added.

The pontifical council secretary noted the Pope's assessment of the threats to journalists' ethical commitment -- such factors as competition for audiences, commercial pressures and ideological prejudices.

"They are warned of the danger of the media becoming the voice of 'economic materialism and ethical relativism,'" Monsignor Tighe added.

Speaking out

In this context, the monsignor recalled the journalists who "have given an extraordinary witness to their commitment to the truth."

"Many journalists throughout the world have suffered persecution, imprisonment and even death because of this commitment and because of their unwillingness to be silent in the face of injustice and corruption," he said.

"Their witness," Monsignor Tighe affirmed, "is an eloquent testimony to the highest standards to which the media can aspire and their example serves as to encourage all media professionals to strengthen their commitment to the truth and, thereby, to serve the common good of all humanity."
 
US religious rights panel wants Vietnam, Pakistan blacklisted
AFP
19:06 03/05/2008
WASHINGTON (AFP) - A US religious freedom watchdog asked the State Department to include Vietnam, Pakistan and Turkmenistan in its global blacklist of religious freedom violators, and maintained Indonesia, the world's most populous Muslim nation, on a watchlist.

US Secretary of State Condoleezza Rice
In its recommendation to Secretary of State Condoleezza Rice, the US Commission on International Religious Freedom also wanted Myanmar, China and North Korea to be kept in the department's "country of particular concern" blacklist together with Iran, Saudi Arabia, Sudan, Eritrea and Uzbekistan.

The independent commission, set up by US law to monitor religious freedom across the globe, also maintained Afghanistan and Bangladesh in its watchlist together with Belarus, Cuba, Egypt and Nigeria.

The 10-member panel was divided whether to downgrade predominantly-Muslim Iraq, where widespread persecution of Christians has been reported, to the blacklist from the watchlist, saying it needed more time to make the decision.

The commission makes an annual recommendation to the State Department ahead of its compilation of its annual report on international religious freedom.

The panel wanted Vietnam to be reincluded in the department's blacklist, saying the government continued to imprison and detain dozens of individuals advocating for religious freedom reforms in the communist-led state.

Vietnam was removed from the list in November 2006 on the eve of a visit by US President George W. Bush to the former battlefield enemy nation.

The State Department admitted Friday that there were still "a number of issues" on religious freedom in Vietnam.

But "the actions that the Vietnamese government has taken to address some of our concerns makes them a country that does not merit being included on the CPC or the countries of particular concern list," said Tom Casey, a department spokesman.

Commission member Leonard Leo said the panel's view differed from that of the department.

"We continue to find that lifting the CPC designation for Vietnam was premature," he told a news conference.

Ethnic minority Buddhists and Protestants in Vietnam "are often harassed, beaten, detained, arrested and discriminated against and they continue to face some efforts to coerce renunciation of faith," the report said.

Commission members traveled to Vietnam last fall and were able to meet individuals detained under house arrest or in prison, such as Buddhist monk Thich Quang Do, and Catholic priests Phan Van Loi, Nguyen Van Dai and Li Thi Cong Nhan.

In Pakistan, the commission said it did not see major improvements in religious freedom even though the country had gone through a democratic transition following landmark elections.

"Despite the dramatic events in Pakistan in the past year, the commission finds that all of the serious religious freedom concerns, including violence, on which it has previously reported, persist."

The panel said concerns over Indonesia remained, citing communal violence and the government's "inability or unwillingness to curb it" as well as what it called the forcible closures of places of worship of religious minorities.

It also referred to growing political power and influence of religious extremists "who harass and sometimes instigate violence" against moderate Muslim leaders and members of religious minorities.

"There are persistent fears that Indonesia's commitment to secular governance, ethnic and religious pluralism, and a culture of tolerance will be eroded by some who promote extremist interpretations of Islam," it said.

(by P. Parameswaran/ AFP, Maỷ, 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Công giáo Việt nam Melbourne cung nghinh Thánh Gía Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008
Trần Văn Minh
11:09 03/05/2008
MELBOURNE - Vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy 3/5/08. Cộng đoàn Công giáo Việt Nam cùng với Liên Đoàn Thanh niên Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne, đã tập trung đông đảo tại góc Đường Collins ST & Russell St. Cùng với kiệu Đức Mẹ để chào đón Thánh gía biểu tượng của WYD 08.

Cộng đồng Công giáo Việt Nam được trao Thánh gía đặc biệt ở chặng đường Thánh gía nơi Thứ 11. “Chúa trối Đức Mẹ cho Thánh Gioan và Thánh Gioan cho Đức Mẹ.”

Sau 7 ngày mong đợi với những dự báo thời tiết không mấy sáng sủa. Hôm nay trời gió nhẹ không mưa mọi người hân hoan về trung tâm thành phố để rước kiệu Mẹ cùng cung nghinh Thánh gía đi trên các đại lộ trong trung tâm thành phố Melbourne.

Tiếp nhận Thánh gía từ chặng Thứ 10 do Cộng đoàn Maltese Island chuyển giao cho Cộng đoàn Việt Nam. Được hai linh mục Phillip Lê Văn Sơn và linh mục Bart Huỳnh San dẫn đầu, hai cộng đoàn nhập lại và được kể là đoàn rước có số người đông đảo nhất, kéo dài gần trăm mét đi chật một lane với nhiều hàng. Đoàn rước được các linh mục Việt Nam hướng dẫn suy ngắm cùng đọc kinh và hát trên suốt chặng đường dài hơn 300 mét Từ ngã tư nói trên cho đến chặng Thứ 12 nằm ngang với Federation Square để giao Thánh Gía cho Cộng đồng Indonesia.

Các bà và các chị tha thướt trong những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, kèm theo chiếc nón lá có điểm thêm những biểu tượng của đại hội Giới trẻ WYD08. Tay mang cờ Giáo hội. Trong khi các bạn trẻ mặc áo vàng biểu tượng của WYD08. làm cho cuộc rước rất sinh động và long trọng, mang đậm nét Việt nam.

Sau khi giao Thánh gía cho cộng đồng bạn, đoàn con Việt Nam vẫn cùng đoàn rước đi tiếp đến chặng cuối cùng nơi Thứ 14.
 
Mục Vụ Giới Trưởng Thành các Cộng Đoàn CGVN tại Pháp
Trần Văn Cảnh
13:28 03/05/2008
Mục Vụ Giới Trưởng Thành các Cộng Đoàn CGVN tại Pháp
(Khóa gặp gỡ XII từ 01 đến 04/05/2008 tại La Puye, Poitiers)

Từ sau 30/04/1975, người việt nam đến Pháp càng ngày càng đông, trong đó, số người công giáo tương đối quan trọng. Năm 1997, 17 cộng đoàn Công Giáo Việt Nam đã được thiết lập trên đắt Pháp. (Mới đây, vào năm 2006, các tuyên úy đã ghi nhận 46 cộng đoàn). Trước sự kiện ấy, để làm việc mục vụ cho người công giáo việt nam, Hội Đồng Giám Mục Pháp đã quyết định thành lập một cơ cấu chính thức cho Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam. Đó là Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ bên cạnh các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp.Vị Đại Diện đầu tiên là cha Samuel Trương Đình Hoè, được bổ nhiệm ngày 9-6-1977. Mười ba năm sau, năm 1990, trong nhiệm kỳ của Cha Mai Đức Vinh (Đại diện các tuyên úy VN tại Pháp: 1990 - 1996), Tuyên úy Đoàn đồng ý thành lập 2 ban mục vụ chuyên biệt, đặc trách Giới Trưởng Thành và Giới Trẻ.

Vào năm 1990 lập Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành cho các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp

Từ ngày được thành lập, Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành đã liên tục tổ chức các khóa gặp gỡ, để các đại diện các cộng đoàn gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm mục vụ và học hỏi về một kỹ thuật, một lãnh vực hay một tổ chức mục vụ, qua các đề tài như:

  • ‘Vai trò và trách nhiệm của giáo dân dựa trên các văn kiện của Công Đồng Vatican II’
  • ‘Khai tâm và nhận diện thực chất của Giáo dân Việt Nam tại Pháp dựa trên các yếu tố thực tế ‘
  • ‘Tìm hiểu một số các hội đoàn đang sinh hoạt trong các xứ đạo Pháp‘,
  • ‘Giáo dục thanh thiếuniên trong môi trường gia đình Việt Nam tại xã hội Pháp’
  • ‘Vai trò người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và cộng đoàn tại xã hội Pháp’
  • ‘Đào tạo nhân sự cộng đoàn’
  • ‘Những yếu tố làm sống cộng đoàn’
  • ‘Từ mọi ngôn ngữ và mọi văn hóa, chúng ta phải cùng nhau sống và trở nên một Giáo Hội có sứ mệnh trình bày Đức tin trên lãnh thổ có nhiều người di cư này‘
  • ‘Hôn nhân dị giáo và hôn nhân dị chủng‘
  • ‘Khác biệt giữa các tôn giáo‘ (Đạo nào cũng giống nhau),...
Bốn ngày 01-04/05/2008 là lần gặp gỡ thứ 12 cúa Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành.

Năm 2004, cha Hà Quang Minh được bổ nhiệm làm Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ bên cạnh các Tuyên Úy Việt Nam. Năm 2007, một Ban Tuyên Úy mới đã được bầu cho Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành, gồm cha Nguyễn Kim Sang, Cha Lê Văn Vĩnh, cha Vũ Mộng Thơ, sư huynh Trần Công Lao, phó tế Nguyễn Văn Thạch và nữ tu Đỗ thị Lan. Về phía giáo dân, các thành viên gồm: ông Nguyễn Ngọc Đỉnh (Paris), ông Nguyễn Xuân Tuệ (Rennes), Bà Delaprune Minh Tâm (Versaille), ông Đoàn Quốc Khánh (Orléans), bà Coissard Nguyễn Kim Phỉ (Clermond Ferrand).

Năm 2008 này, cuộc gặp gỡ được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 04/05/2008, tại LA PUYE, gần thành phố POITIERS, tại Nhà Mẹ, Nhà Dòng Les Filles de la Croix.

Từ nhiều thập niên vừa qua, đời sống đức tin của người kitô hữu trong xã hội thành thị biến chuyển không ngừng. Không những về hình thức bề ngoài (đọc kinh, xem lễ ), mà còn ở trong lối suy nghĩ về ý nghiã sống đạọ, truyền đạo, về nền tảng luân lý gia đình, xã hội. Riêng đối với những người di dân, đặc biệt là người Việt Nam, cách hiểu đạo và hành đạo tại Âu Châu gây nhiều hoang mang trong lương tâm và ý thức trách nhiệm cuả các bậc cha mẹ, các vị lãnh đạo tinh thần... Những lý do nào đã dẫn đến những thay đổi nói trên ? Những thay đổi đó đã gây ra những hậu quả nào cho gia đình và cộng đoàn ? Giáo Hội nghĩ gì, có thái độ gì... trước những vấn đề đặt ra hiện nay ? Đó là những ưu tư mà các đại diện các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp sẽ cùng chia sẻ với nhau trong ký họp toàn quốc giới trưởng thành thứ 12. Như vậy, một cách tổng quát, các tuyên úy đã hướng chủ đề học hỏi và trao đổi cho khóa họp thứ XII về đề tài: “Những thách đố cho người công giáo Việt Nam tại Pháp hôm nay”. Bốn khía cạnh sẽ được khai triển:

1. “Những thách đố cho Giáo Hội ngày hôm nay” / do cha Vũ Mộng Thơ
2. “Những thách đố cho gia đình ngày hôm nan” / do Gs Trần Văn Cảnh
3. “Những thách đố cho cộng đoàn công giáo ngày hôm nay./ do Thày Trần Công Lao
4. “Giới trẻ và vi tính, Đối thoại cha mẹ con cái, Sinh hoạt của các cộng đoàn”.

Từ 14 giờ trưa, các hội thảo viên, trên dưới 50 người, gồm các tuyên úy và các đại diện 16 Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, đã dần dà đi đến nhà mẹ Nhà Dòng các nữ tu Les Filles de la Croix, trong một làng nhỏ nằm cách thành phố Poitiers 40 cây số. Nơi đây, các hội thảo viên đã có dịp được chiêm ngắm một kiến trúc tuyệt đẹp của một tu viện, xây theo lối cổ điển.

18 giờ, các cha tuyên úy hiện diện, đã cùng các hội thảo viên cầu nguyện qua thánh lễ khai mạc. Rồi từ 19 giờ, họ đã cùng nhau dùng cơm tối, gặp gỡ, làm quen, nhận diện chương trình, đọc kinh tối chung, và đi nghỉ đêm.

Chương trình khóa gặp gỡ được đề nghị như sau

Thứ năm 01/05/08
14 g 00: Tiếp đón, nhận phòng.
18 g 00: Thánh lễ khai mạc.
19 g 00: Cơm tối.
20 g 30: Gặp gỡ, làm quen, thông qua chương trình, kinh tối, nghỉ đêm ( cha Sang)
22 g 00: Họp ban điều hành.

Thứ sáu 02/05/08
08 g 00: Điểm tâm.
09 g 00: Kinh sáng. Cha Đại Diện khai mạc khoá, bầu chủ toạ cho mỗi ngày và ban thư ký cho cả khoá, chia nhóm.
09 g 45: Cha Vũ Mộng Thơ trình bầy: “ Những thách đố cho Giáo Hội ngày hôm nay”.
10 g 45: Giải lao.
11 g 00: Hội nhóm
11g 45: Đúc kết ( phòng lớn )
12 g 30: Cơm trưa.
14 g 30: G.S Trần Văn Cảnh trình bầy: “ Những thách đố cho gia đình ngày hôm nay”
15 g 30: Giảo lao + goûter.
15 g 45: Hội nhóm.
1¬6 g 30: Đúc kết.
17 g 30: Tập hát lễ. Chủ tế cha Vũ Mộng Thơ.
19 g 00: Cơm tối.
20 g 30: Giới thiệu chương trình văn nghệ tối thứ bẩy.
21 g 30: Kinh tối.
21 g 45: Sinh hoạt “Hương Vị Bốn Phương ”.

Thứ bẩy 03/05/08
08 g 00: Điểm tâm
09 g 00: kinh sáng
09 g 30: Thầy Lao trình bầy “ Những thách đố cho cộng đoàn công giáo ngày hôm nay ”
10 h 30: Họp nhóm
11 g 30: Giải lao
11g 45: Đúc kết. Chụp hình kỷ niệm.
12 g 30: Cơm trưa.
14 g 30: Trao đổi về các đề tài: “Giới trẻ và Vi Tính” - “Đối thoại cha mẹ, con cái” - “Sinh hoạt cuả các cộng đoàn”.
15 g 30: Giải lao, chuẩn bị văn nghệ.
17g 45: Kinh chiều, tập hát. Lể kính Đức Mẹ.
19 g 00: Cơm chiều.
20g 30: Kinh tối, văn nghệ.

Chủ nhật 04/ 04/ 08
08 g 00: Điểm tâm.
09 g 00: Họp mặt, rút ưu khuyết điểm, hướng về khoá gặp gỡ thứ X III.
10 g 30: Thánh lễ ( cha Minh )
11 g 30: Nghi thức giã từ. Cơm trưa. Ra về.

NGÀY HỘI HỌC TRAO ĐỔI, 02/05/2008

1. Một ngày sống trong cầu nguyện và huynh đệ.

Ðức Cha Lambert de la Motte và Đức cha Pallu, hai Giám mục Đại Diện Tông Tòa đầu tiên ở Việt Nam, đã góp công rất nhiều vào việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam. Một trong những công trình mà hai đức cha đa để lại cho giáo hội việt nam là đường tu đức cầu nguyện. Trong công đồng Thừa Sai Hải Ngoại đầu tiên, họp vào năm 1664, tại thủ đô Ayuthia, Thái Lan, hai đức cha đã cùng các thừa sai tiên khởi xác định những nguyên tắc và chương trình làm việc thừa sai, trong đó đời sống cầu nguyện và huynh đệ chiếm một chỗ rất quan trọng. Khóa họp mặt Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành đã duy trì lối sống cầu nguyện và huynh đệ tốt đẹp ấy trong ngày h ội h ọc trao đ ổi 02.05.2008.

Sáng sớm dậy, các hội thảo viên cùng nhau cầu nguyện qua kinh sáng. Xế chiều, họ cùng nhau dâng thánh lễ. Tối khuya, trước khi đi ngủ, họ cùng nhau đọc kinh tối.

Trong bầu khí cầu nguyện liên tục ấy, các hội thảo viên đã vui mừng và tích cực chia sẻ các của ăn tinh thần và vật chất một cách huynh đệ. Về của ăn vật chất, họ đã cùng nhau dùng cơm sáng, cơm trưa và cơm tối chung và đặc biệt thưởng thức rược chát bordeaux do cha Nguyễn Đức Phúc, tuyên úy cộng đoàn Bordeaux mang tặng. Rồi tối khuya, họ đã cùng nhau thưởng thức « Hương vị Bốn Phương », do các cộng đoàn mang lại và chia sẻ chung với nhau. Về của ăn tinh thần, ba chia sẻ đã được thực hiện: 1- Lời chào mừng và khai mạc của cha Đại Diện Hà Quang Minh, 2- Lời chia sẻ về « Những thách đố cho Giáo Hội » của cha Vũ Mộng Thơ và 3- Lời chia sẻ về « Những thách đố cho gia đình » của giáo sư Trần Văn Cảnh.

2. Lời chào mừng và khai mạc khoá XII

Khai mạc khóa hội thảo thứ XII, cha Đại Diện Hà Quang Minh đã nói lời mở đầu cho ngày hội thảo 02.05.2008. Cha nói:

Kính thưa qúy cha, qúy sơ, sư huynh và toàn thể đại diện các cộng đoàn,

Tôi rất vui mừng và hân hạnh chào đón tất cả qúy tuyên úy, qúy vị đại diện các cộng đoàn, đã không quản ngại đường xá xa xôi, về họp mặt nơi đây, một điạ danh mà đa số chúng ta chưa hề nghe tới. La Puye ? Ở đâu thế ? Có gì nên hồn ở cái nơi “ khỉ ho cò gáy” đó ? Tôi nghĩ đến Nazareth, nghĩ đến câu nói cuả Nathanael thưở xưa: “ Từ Nazareth có gì là tốt ?” (Gioan 1, 46).Có chứ, thưa ông Nathanael. Có đức Giêsu con Thiên Chuá. La puye, có gì lạ ? Có chứ ! có hai vị thánh thế kỷ 19, St Elisabeth Bichier và St André Hubert Fournet, hai đấng sáng lập ta Cộng Đoàn các Nữ Thánh Giá ( filles de la Croix ) một hội dòng truyền giáo có mặt tại nhiều quốc gia Âu Châu, Mỹ Châu và Phi Châu. “Chuá hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhu”.La Puye bé nhỏ. Nhưng hôm nay vui mừng đón tiếp 16 cộng đoàn công giáo việt nam tại Pháp. Nhà Mẹ các nữ tu đã trở thành quán trọ cho người công giáo việt nam trong cuộc hành trình đức tin 33 năm qua. Mười sáu cộng đoàn hiện diện: Antony, Belley-Ars, Bordeaux, Châteauroux, Clermont-Ferrand, Lille, Nantes, Paris, Poitiers, Reims, Rennes, Saint Etienne, Toulon, Troyes, Vannes, Versailles. Đẹp đẽ dường bao các khuôn mặt đức tin, sáng ngời niềm hy vọng cữu rỗi. Sự hiện diện cuả qúy vị không những là một mòn quà tinh thần qúy giá cho Cộng đoàn Công giáo Việt nam Điạ phận Poitiers, mà còn có một ý nghiã truyền giáo cho người điạ phương ở đây.

Thực vậy, trải qua 4 thể kỷ truyền bá Phúc âm trên đất Việt, người công giáo việt nam đã trung thành làm chứng cho Tình Yêu Chuá Kitô trong mọi nghịch cảnh, trước mọi biến cố. Hạt giống đức tin gieo vào tâm thức và con tim người dân Nước Việt đã trổ bông kết trái, sinh lợi ich, không những cho quê hương xứ sở mà còn cho Giáo Hội hoàn vũ, cụ thể là nước Pháp nơi chúng ta đang an cư lạc nghiệp. Không một thách đố nào có thể làm chùn bước người gieo tin mừng cứu độ. Chúng ta là những chứng nhân kitô hữu cuả ngày hôm nay. Đứng trước những thay đổi văn hoá, xã hội, kinh tế, kỹ thuật...chúng ta phải có thái độ nào, lập trường nào trong đời sống đức tin ? Đóng kín trong lồng kính luân lý cổ truyền việt nam cuả ông cha đế lại ư ? Liệu những hình thức sống đạo, giữ đạo hôm qua, trong bối cách lịch sử văn hoá việt nam còn có thể cập nhật hoá cho xã hội Pháp thời đại vi tính không ? Hay là bỏ tất cả dĩ vãng để chạy theo những biến đổi không ngừng trong thế giới truyền thông và hưởng thụ cuả Âu châu ? Câu trả lời không phải là dễ. Nhất là đối với những người có trách nhiệm, các đấng chủ chăn, những người sống thiên chức cha mẹ.

Tôi bỗng nghĩ đến một hình ảnh xa xưa, hình ảnh con gọng vó lội ngược dòng. Người dám đương đầu với những nghịch cảnh, nghịch lý, nghịch lương tâm, nghịch lý trí. .. là người luôn lội ngược dòng tím đến đích. Cái đích cuả người công giáo chúng ta là gì ? Có lẽ đây là câu hỏi đầu tiên mà mỗi kitô hữu cần đặt ra ? Nếu không rõ, không tường mục đích sống đạo, mục đích truyền đạo, e rằng những cố gắng cá nhân và tập thể cũng bằng thừa. Vậy thì chúng ta nên bắt đầu từ việc nhận định hiện trạng cuả ngày hôm nay.Chúng tôi xin đề nghị ba cái nhìn, ba quan điểm khác nhau. Bắt đầu là Giáo Hội hoàn vũ (bài nói chuyện cuả cha Vũ Văn Thơ). Sau đến Cộng Đoàn ( bài cuả Sh Trần Công Lao). Và kết thúc là Gia Đình ( bài thuyết trình cuả GS Cảnh). Khi đã đặt mình vào con đường cuả Thiên Chuá, lúc đó, chúng ta mới tìm thấy sự yên bình trong tâm hồn.Và cũng chính lúc đó, nghị lực, đức tin sẽ giúp chúng ta vươn lên, vươn lên không ngừng, để đạt đến mục đích.

Tôi trân trọng đại diện Tuyên Úy đoàn gởi đến qúy vị đại biểu lời chào mừng thân ái và tuyên bố khai mạc khoá gặp gỡ - huấn luyện giới trưởng thành thứ XII, năm Mậu Tý 2008. (L.m Phêrô Luca Hà Quang Minh, Đại diện Tuyên Úy đoàn)

3. Chia sẻ về Những thách đố cho Giáo Hội hôm nay

Có trách nhiệm gợi ý, cha Vũ mộng Thơ đã giới thiệu hai khía cạnh của đề tài. Trước nhất ngài trình bày 5 thách đố mà đức cha Agins đã đề cập đến trong bản phúc trình thực hiện năm 1996:

• Khủng hoẳng xã hội từ cá nhân, gia đình, quốc gia: cá nhân chủ nghĩa và thế tục hóa
• Xáo trộn về chính sách kinh tế, chính trị: thất nghiệp, bất an ninh, dân kiều cư,, kỳ thị chủng tộc
• Khủng hoẳng giữa các thế hệ: văn hóa, kỹ thuật, các hiểu biết khác,…
• Sự thay đổi nhanh chóng của các kỹ thuật siêu âm và điện toán, ….kéo theo tâm linh.
• Vấn đề các tôn giáo ngoài Kytô, đặc biệt là phật giáo và các giáo phái,..

Sau đó, cha Thơ giới thiệu đường hướng Tân Phúc Âm hóa mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã đề nghị như một giải đáp cho những thách đố và khó khăn nêu trên. Đường hướng này gồm 5 điểm sau:

• Trở về nguồn của chính Tin Mừng Đức Kitô và giá trị nhân bản đích thực.
• Hiệp nhất Kitô giáo
• Đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô và thế giới hôm nay
• Hiểu biết và thích nghi với những biến đổi của xã hội từng ngày
• Loan báo Tin Mừng cho những người nghèo và các dân tộc bị áp bức.

Sau phần trình bày của cha Vũ Mộng Thơ, 4 nhóm đã chia nhau hội thảo mỗi nhóm trong một phòng riêng và một giờ sau đã trở về đúc kết chung, và nghe trả lời, tóm tắt của cha thuyết trình viên.

4. Chia sẻ về những « Thách đố cho gia đình hôm nay »

Sau trưa, các hội thảo viên đã cùng giáo su Trần Văn Cảnh chia học hỏi và trao đổi về các thách đố của gia đình hôm nay.

Dựa trên những thách đố to lớn đang đặt ra cho giáo hội mà cha Vũ Mộng Thơ đã trình bày, Gs Cảnh đặc biệt hướng các hội thảo viên về những thách đố hiện nay trong xã hội Pháp đối với các gia đình việt nam. Ba khía cạnh đã được ông đặt vấn đề và đưa ra gợi ý:

a). Theo quan niệm bình dân việt nam, gia đình có những chức năng nào ? Ông phân tích câu ca dao: « Vợ chồng là nghĩa tào khang, Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui. Sinh con mới ra thân người, Làm ăn thịnh vượng đời đời áấm no », rồi vạch ra 7 chức năng căn bản mà người bình dân việt nam đã gắn cho gia đình. Đó là: 1- Dáp ứng nhu cầu tính dục và tình yêu, 2- Tương trợ xã hội và chung thủy yêu thương, 3- Điều hòa tình cảm, 4- Truyền sinh, 5- Giáo dục và xã hội hóa, 6- Lao động và kinh tế, 7- Xây dựng quốc gia dân tộc.

b). Tổ chức gia đình trong xã hội Pháp đã đặt những thách đố nào cho người việt nam ? Trích các tài liệu của INSEE, cơ quan thống kê kinh tế Pháp, Gs Cảnh phân tích 5 cấu trúc gia đình ở Pháp, với những căn bản luật pháp rất dồi dào và những chính sách trợ cấp gia đình rất nhân bản và nêu ra 10 thách đố cho người công giáo việt nam: 1- Tự do tính dục ngoài hôn nhân, 2- Dùng thuốc điều hòa sinh sản, 3-Ly thân, ly dị, 4-Khế ước sống chung cùng phái tính, 5- Hôn nhân dị giáo, dị chủng, 6- Uy quyền, uy tín cha mẹ bị giảm, 7- Giáo dục con cái bị khó khăn, 8-Liên lạc, thân tình họ hàng thành lỏng lẻo, 9- Hiếu thảo với cha mẹ bị lơ là, 10- Tôn kính ông bà tổ tiên bị biếng trễ.

c). Tìm đâu ra những giải đáp ? Gs Cảnh giới thiệu hai đề nghị. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Gia đình viết năm 1981, đã đưa ra giải đáp: « Tình yêu ăn rễ sâu trong Đức Tin ». Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong thơ mục vụ 2002, đã đua ra hai giải đáp: 1 Là người Công giáo, chúng ta hãy nhìn đời sống hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng Mạc khải nơi Tình Yêu tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa, 2- tất cả mọi người hữu trách và mọi người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo vệ và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình.

Sau phần trình bày của giáo sư Trần Văn Cảnh, 4 nhóm thảo luận đã đi họp riêng. Và sau một giờ trao đổi, họ đã cùng trở về phòng họp lớn làm tổng kết chung.
 
Văn Hóa
Nhân ngày Hiền Mẫu: Đoản khúc tình mẹ
LM. Nguyễn Ngọc Long
08:15 03/05/2008

Đoản khúc tình mẹ



Xưa nay có nhiều hình ảnh ca ví diễn tả về mẹ. Dẫu thế, những hình ảnh dù đẹp, dù cao vời, cũng không thể nào diễn tả hết được lòng mẹ.

Tình mẹ hiện thực trong đời sống con người. Nhưng lại thiêng liêng không có hình hài cùng mầu sắc.

Tình mẹ như đóng khung trong thân thể người mẹ. Nhưng lại bao la sâu thẳm, không sao đo lường được.

Tình mẹ êm thắm nhẹ nhàng. Nhưng lại rộn ràng trào dâng, phát đi tín hiệu bừng lên sức phấn chấn cho người con.

1.Trái tim là trung tâm lọc máu, cùng bơm máu dẫn đi khắp cùng thân thể nuôi dưỡng cơ thể con người. Mẹ như Trung Tâm của gia đình cho con cái. Mẹ sinh thành ra người con, nuôi dưỡng, dậy dỗ giáo dục con mình nên người. Mẹ đôi khi phải nói to tiếng với con, nhưng bà không bao giờ giận ghét con mình.

Đi đâu xa vắng, người con nào cũng nhớ về Trung Tâm Mẹ ở nhà. Trung Tâm Mẹ thu hút tập họp con cái anh chị em lại với nhau. Người mẹ nào cũng có sức kiên nhẫn chịu đựng, dù những mệt nhọc, khó chịu, lo toan bận rộn chồng chất.

2. Mẹ như đôi Bàn Tay. Ngay từ lúc mở mắt chào đời, Mẹ luôn cầm tay con mình, bồng bế em bé, dẫn em đi từng bước chập chững, chỉ cho em lối đi.

Bàn tay mẹ xoa dịu, lau sạch đôi dòng nước mắt đang lăn chảy trên đôi gò má người con. Bàn tay mẹ nấu sữa, thay tã quần áo cho em bé. Bàn tay mẹ cầm tay con làm dấu Thánh Gía, tập cho con viết chữ a,b,c. Bàn tay mẹ nấu cơm nước, ủi quần áo, thu dọn nhà cửa sạch sẽ trong gia đình.

Bàn tay Mẹ hằng đưa ra che chở con cái trong gia đình.

3. Mẹ như Bông Hoa. Mẹ yêu thích bông hoa thiên nhiên, vì thế Mẹ hay mua hoa cắm trong nhà. Mẹ cũng tươi đẹp, trong mát như bông hoa mới nở. Có mẹ ở nhà, bầu khí gia đình tỏa hương thơm sáng như cánh hoa tươi nở.

Mỗi khi người con nhìn mẹ mình, niềm vui tươi hạnh phúc bừng lên trong người họ.

4. Mẹ như Ánh Sáng. Nơi nào có ánh sáng chiếu tới, bóng tối bị đẩy lui ra khỏi, và nơi đó có an toàn. Ánh sáng chiếu soi, ánh sáng cũng mang đến không khí vui mừng

Nụ cười của mẹ tỏa mang bầu khí trong sáng, sự hài hòa vui vẻ giữa gia đình. Người con khi tiếp nhận bắt gặp nụ cười ánh mắt mẹ mình, họ như được ánh sáng chiếu tỏa đến: ánh sáng niềm vui, ánh sáng niềm an ủi.

5. Mẹ như một Cuốn Sách. Khi lật dở cuốn sách ra, người ta tìm được những điều muốn tìm hiểu. Trong Cuốn Sách Mẹ có những chỉ bảo thúc dục nhắc nhở việc học hành, giờ giấc ăn ngủ, giải trí, đến cung cách sống làm người: học ăn học nói, học gói học mở.

Cuốn Sách Mẹ ai cũng luôn có trong suốt đời sống.

6. Mẹ như một Ngôi Nhà. Dù là một túp lều nhỏ, với tường vách thô sơ, nhưng đó là căn bản cần thiết cho đời sống an toàn của con người. Trong một ngôi nhà, một túp lều, không chỉ có cửa, có bàn ghế, giường tủ, màn che…nhưng còn có đời sống tình yêu vợ chồng với nhau, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau. Ngôi nhà là tổ ấm tình thương yêu.

Trong Ngôi Nhà Mẹ bầu không khí tình người bao phủ lan tỏa tới mọi con cháu. Mẹ như mái nhà che nắng mưa cho con cháu, gìn giữ con mình cho khỏi bị gía lạnh nóng nực, cùng sự dữ xâm nhập phá hoại.

7. Mẹ như Mặt Trời. Từ mặt trời chiếu tỏa tia nắng cùng sức sống hơi nóng xuống vạn vật trong công trình sáng tạo thiên nhiên. Không có nắng ấm tỏa chiếu xuống trần gian, sự sống không nẩy nở phát triển được.

Từ nơi Mặt Trời Mẹ phát tỏa sức sống nồng ấm cùng sự dịu dàng an bình. Khi thiếu vắng bóng mẹ, không gian gia đình như chìm lặng trong làn mây đen mù che khuất.

Mặt Trời mẹ là nguồn tình yêu mến và niềm vui hạnh phúc.

8. Mẹ như Kho Tàng. Kho tàng nào cũng chứa đựng cất giữ những báu vật, những gì là gía trị cao qúi. Trong Kho Tàng mẹ cả đời người con không sao khám phá ra hết nổi: Kho tàng chứa đựng sự quan tâm săn sóc lo lắng của mẹ cho con cái.

Kho Tàng Mẹ cất chứa đựng những điều thâm cung bí nhiệm, mà người con tin tưởng bày tỏ cùng mẹ mình. Kho Tàng mẹ gìn giữ những điều đó riêng cho bà và cho người con đó thôi.

9. Mẹ như Cơm Bánh. Cơm Bánh là thực phẩm căn bản cần thiết cho thân xác bao tử cùng trí tuệ thần kinh con người. Mẹ lo lắng hằng ngày sao cho con cái có đủ cơm bánh ăn. Mẹ dành thời giờ tâm tính cho bữa ăn trong gia đình sao cho ngon miệng, bổ béo mang đến sức khoẻ cho con.

Con người thiếu hay không có cơm bánh no đủ, sẽ lâm vào tình trạng đói kém yếu sức suy nhược. Thiếu vắng Mẹ, đời sống con người cũng trở nên u buồn ảm đạm.

10. Mẹ như Chiếc Bàn. Dù to hay nhỏ, dù dài hay vuông, hay tròn…chiếc bàn là chỗ trưng bày trải rộng, phơi bày những vật dụng đồ đạc, là nơi chốn ngồi tụ laị nói chuyện tâm tình ăn uống, viết lách.

Với mẹ cũng thế, người con có thể tâm tình phơi bày những mong ước, cùng những suy nghĩ và niềm vui nỗi lo âu của mình ra với mẹ mình.

Lòng Mẹ là chiếc Bàn cho người con trải tâm sự mình ra, mà không sợ bị gạt phủi hất đi, hay bị ép buộc lợi dụng. Trái lại đó là nơi chốn an toàn cho những tâm sự thầm kín đời người con.

11. Mẹ như Tiếng Nói bài hát. Ngay từ lúc thuở đầu đời, Mẹ luôn hát ru con ngủ. Bài Hát đã đi vào ký ức kỷ niệm của người con. Tiếng nói của con là do Mẹ tập cho nói. Giọng tiếng con nói cũng do ảnh hưởng của mẹ rót vào tai vào tâm hồn con từ thuở mới mở mắt chào đời.

Lúc còn thơ bé, khi nghe Mẹ nói cùng hát, người con nhoẻn miệng cười sung sướng, và từ từ nhắm mắt chìm trong giấc ngủ mơ màng. Rồi khi đã khôn lớn dần, người con cất tiếng nói và hát theo, cùng cảm thấy lòng sung sướng hạnh phúc.

Có những người ghi nhớ mãi về mẹ mình, mỗi khi nghe thấy câu giọng nói nào, hay bài hát quen thuộc ngày xưa mẹ vẫn hát vang vọng từ xa lại. Và có những người hát thuộc lòng suốt đời “bài hát ruột” mà mẹ con đã từng hát ngay từ lúc còn nhỏ.

Tiếng Mẹ là tiếng mẹ đẻ của con.

12. Mẹ như Giòng Nước. Giòng nước chảy trong lòng sông, nơi con suối mang sức sống, sự trong mát đến cho thiên nhiên phát triển. Giòng nước phát nguồn chảy đổ từ trên nguồn cao xuống dưới thấp.

Sữa mẹ là Giòng Nước thức ăn nuôi dưỡng người con ngay từ thuở thơ bé đầu đời. Khi con khát nước, mẹ mang nước cho con uống.

Giòng nước chảy cuốn trôi đi rác rưởi, sỏi cát…mang đến sự tẩy rửa sạch sẽ mới mẻ. Mẹ hằng ngày tắm rửa cho con nhỏ được sạch thơm. Nhờ thế con khoẻ mạnh mau lớn. Khi con dần khôn lớn, mẹ chỉ bảo cách dùng nước tắm rửa, giặt quần áo, giữ gìn sức khoẻ cho thân thể được tươi mát vệ sinh sạch sẽ.

Giòng Nước Mẹ nuôi dưỡng thân xác và tinh thần con lớn lên đi vào đời.

Trong Kinh Thánh, Thánh Tiên Tri Ê-dê-ki-en, đã có ca ví diễn tả về Mẹ với tâm tình hình ảnh của nguồn đầy sức sống phát triển vươn lên:

„Người Mẹ giống cây nho được trồng bên dòng nước

quả trĩu nặng, cành lá sum sê, nhờ mạch nước dồi dào.“ (Ezechiel 19,10)

Ngày nhớ ơn Mẹ, 04.05.2008
 
Nên xem gì trong Tháng 05/2008 này?
Anthony Lê
09:09 03/05/2008
Nên xem gì trong Tháng 05/2008 này?

A. Về Truyền Thanh / Truyền Hình / Internet:

The Shell Seekers
Gần hơn 300 những em giỏi đánh vần ở độ tuổi từ 9 đến 15 sẽ cạnh tranh cùng với nhau trong Kỳ Thi Đánh Vần Toàn Quốc 2008 (The 2008 Scripps National Spelling Bee) với vòng chung kết được trình chiếu trực tiếp trên kênh ABC. Mọi theo dõi chi tiết và kết quả từng vòng thi xin vào trang spellingbee.com. Vòng chung kết được trình chiếu vào ngày 30 tháng 5.

Trong cuốn phim Những Bí Mật của Người Chết: Atlantis Đắm Chìm (Secrets of the Dead: Sinking Atlantis), nhà khảo cổ học Sandy MacGillivray khám ra bí mật của một cơn sóng bão tsunami nhằm hủy diệt hết tất cả các thành phố lớn trong thời đại văn minh của người Minoa khoảng 5,000 trước đây, có lẽ đó chính là bí mật của vùng Atlantis. Kênh PBS sẽ trình chiếu vào ngày 14 tháng 5.

Chương Trình Hòa Nhạc Nhân Ngày Chiến Sĩ Trận Vong (The National Memorial Day Concert) nhằm đoàn kết tất cả mọi người trong cả nước lại với nhau để tôn vinh tất cả những người nam và nữ trong Quân Đội Hoa Kỳ. Xin theo dõi trên kênh truyền hình PBS vào ngày 25 tháng 5.

Phát Họa Lại Hình Ảnh của Các Vị Tổng Thống Hoa Kỳ (American Experience: The Presidents) sẽ được kênh truyền hình PBS cho trình chiếu những vị Tổng Thống đã khắc ghi những thành tựu vĩ đại trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ ở vào thế kỷ thứ 20 này. Phần đầu sẽ phát họa về Cựu Tổng Thống George H.W. Bush vào ngày 5-6 tháng 5, về Cựu Cố Tổng Thống Franklin D. Roosevelt vào ngày 12 và 19 tháng 5, rồi đến harry S. Truman vào ngày 25-26 tháng 5. Còn các vị Tổng Thống khác sẽ được tuần tự trình chiếu sau đó.

Những Người Tìm Kiếm Vỏ Sò (The Shell Seekers)sẽ được trình chiếu trên kên Hallmark, kể về một người phụ nữ đánh giá lại đời mình sau khi khắc phục được cơn bệnh đau tim. Phim được trình chiếu vào ngày 3 tháng 5.

GOD TV sẽ cho trình chiếu trực tiếp về 3 sự kiện lớn từ Do Thái như là một phần kỷ niệm 60 năm ngày du lịch đến vùng Đất Thánh. Ba sự kiện đó là: Ngày Thế Giới về Cầu Nguyện (The Global Day of Prayer), Trực Tiếp Chương Trình Hòa Nhạc Kim Clement từ Núi Carmel (Kim Clement Live In Concert From Mount Carmel) và Kỷ Niệm Sinh Nhật 60 Năm của Do Thái (A Celebration of Israel’s 60th Anniversay). Mọi chi tiết xin vào trang Web có địa chỉ là us.god.tv vào ngày 11-14 tháng 5.

Chủ đề của Ngày Truyền Thông Thế Giới (World Communications Day) lần thứ 42 mà Đức Thánh Cha chọn đó là: “Truyền Thông: Ở Những Bước Ngoặc Giữa Việc Phục Vụ và Tự Cổ Võ Cho Chính Mình. Hãy Tìm Kiếm Sự Thật để Chia Sẽ Nó với Những Người Khác” (The Media: At the Crossroads Between Self-Promotion and Service. Searching for the Truth in Order to Share It With Others). Hãy đọc qua thông điệp đó của ĐTC ở địa chỉ: vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/communications/index_en.htm vào ngày 4 tháng 5.

B. Về Phim Ảnh:

Biên Niên Sử của Narnia: Hoàng Tử Caspian (The Chronicles of Narnia: Prince Caspian) là cuốn phim rất hay của C.S. Lewis rất thích hợp cho các trẻ em. Phim được trình chiếu vào ngày 16 tháng 5.

Những Đứa Trẻ của Huang Shi (The Children of Huang Shi) lấy bối cảnh vào những năm 1930 trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, một nhà báo trẻ người Anh (do Jonatha Rhys Meyers thủ vai), một người nữ y tá Mỹ (do Radha Mitchell đóng), và vị lãnh đạo của một đảng phái ở Trung Hoa (do Chow Yun Fat đóng), tất cả cùng nhau cứu vớt 60 đứa trẻ mồ côi và đưa các em đến nơi an toàn sau cuộc hành trình khá nguy hiểm. Phim được trình chiếu vào ngày 23 tháng 5.

Con Trai của Rambow (Son Of Rambow) là cuốn phim hài kịch kể về tình bạn, đức tin, và nổi đam mê điện ảnh của một nhóm bạn trong suốt mùa hè của những năm 1980. Phim được trình chiếu vào ngày 2 tháng 5.

Những Mãnh Vụn Tàn Hình (Fugitive Pieces) là một cuốn phim nói về một người thanh niên Ba Lan bị kinh nghiệm hãi hùng của tuổi thư dày xéo và việc mất đi gia đình trong suốt cuộc Đại Chiến Thế Giới lần 2. Phim được trình chiếu vào ngày 2 tháng 5.

C. Về Phim Trên Băng Video và Đĩa DVD:

Với chủ đề về phò sinh, về sự hòa giải và sự giải thoát, cuốn phim Bella (Bella) là cuốn phim cần có trong mọi gia đình Công Giáo. Phim sẽ được cho ra mắt từ ngày 6 tháng 5.

Những Người Tranh Luận Giỏi (The Great Debaters), một cuốn phim dựa trên một sự kiện có thật do Denzel Washington đóng vai chính kể về cuộc thi tài hùng biện từ một trường Đại Học toàn da đen đã thắng trường Đại Học Harvard một cách vẽ vang. Phim sẽ được cho ra mắt vào ngày 20 tháng 5.

(Ngày giờ phim có thể thay đổi. Trích dịch từ Catholic Digest, số ra tháng 05/2008.....Xin hẹn gặp lại Quý vị cũng vào mục này, tháng sau.)
 
triết lý vụn từ hai gói mì...
Lykhach
14:30 03/05/2008
triết lý vụn từ hai gói mì...

Trước sau chi cũng sẽ có một ngày
Điều thiện còn có lúc đổi thay
Vì cuộc sống nhân sinh là thế đấy
Huống hồ chi sự dữ chẳng lung lay?

Vào mùa Đông đêm vẫn dài hơn ngày
Cảnh buồn người thêm thấy miệt mài
Hãy thắp lửa lòng dù le lói
Soi niềm tin trong chờ đợi mùa thay

Hãy thêm yêu cay đắng cứ yêu thêm
Vì hận thù sẽ che khuất con tim
Ghen ghét dễ, yêu thương luôn không dễ
Đừng trong tối tăm ngồi nguyền rủa bóng đêm

Ví hồn như căn phòng đầy bóng tối
Sẽ sáng lên dù thắp ngọn nến thôi
Huống hồ chi khi bình minh sẽ tới
Chiếu tận cùng nơi ánh nến chẳng đủ soi

Vì Thượng Đế vẫn luôn yêu điều thiện
Ngài đã dựng lên và chúc phúc muôn loài
Có ánh sáng để biết rằng bóng tối
Khổ đau là do muôn sự tại con người!

Có nghĩa là chính ta cũng có lỗi
Ít hay nhiều cũng cần phải sám hối
Khi sự thiện trong chính tâm tạ tội
"Nhân chi sơ bổn thiện" về cội

Mà nếu như ai thấy mình vô tội
Cứ cầm hòn đá chọi người chơi
Chúa hỏi thế, nhìn lên đi ráo trọi
Trước kẻ già, sau phụ nữ con nít lui!

Thế tại sao sự dữ vẫn lan tràn
Bất công giữa thế giới hỗn mang?
Khi sự hiểu biết như bình minh tỏa rạng
Sẽ đánh thức con người sau giấc mê man

Khi thương thân người mà xót xa
Thì Trời cao giải nghĩa chữ yêu là:
Cho sẽ nhận, dù cho không muốn nhận
Chuyện đương nhiên, Trời cao có mắt mà!

Vì thế trước sau cũng tới ngày
Mọi điều gian ác phải đổi thay
Mà ai đổi hay chính ta thay đổi?
Trời hứa an bình cho kẻ lòng ngay

Buổi trưa ngồi xực hai tô mì
Nước chưa sôi khó nuốt chợt nhớ hôm nay
Ôi gói mì mà cũng đầy triết lý!
Viết bừa ra gởi quý bác cùng nhai

Ngày 30/4/2008
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Niềm Vui Của Bé
Nguyễn Đăng Khoa
00:11 03/05/2008

NiỀM VUI CỦA BÉ



Ảnh của Nguyễn Đăng Khoa, Giáo phận Vinh Việt Nam.

Không chi quí giá so cùng

Niềm vui hạnh phúc nụ cười trẻ thơ!

(nđc phóng ngữ)

There's nothing as beautiful as the happiness of a child!

- Anonymous

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền