Ngày 04-05-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui
Linh Tiến Khải
10:44 04/05/2014
Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui Xin anh chị em nhớ kỹ điều đó! Khi bạn buồn sầu, hãy đọc Lời chúa! Khi bạn nản lòng, hày cầm lấy Lời Chúa, hãy đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật và rước lễ và tham dự vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu!

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trện với hơn 80.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 4-5-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Nhắc lại bài Phúc Âm trong phụng vụ Chúa Nhật hôm qua kể lại biến cố hai mộn đệ buồn sầu chán nản bỏ Giệrsualem để về Emmaus, dọc đường họ gặp Chúa Kitô phủc sinh, nhưng không nhận ra Người, Đức Thánh Cha nói:

Khi trông thấy họ buồn sầu như thế, trước hết Người giúp họ hiểu rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Thế đã được thấy trước trong chương trình của Thiên Chúa và được loan báo trước trong Thánh Kinh. Như thế Người đốt cháy lên một ngọn lửa hy vọng trong con tim họ. Khi đó hai mộn đệ cảm thấy một sức thu hút ngoại thường nơi con người bí mật ấy và mời người ở lại với họ chiều hôm đó. Chúa Giệsu chấp nhận và cùng họ vào nhà. Và khi ngồi vào bản Người làm phép và bẻ bánh, thì họ nhận ra Người, nhưng Người đã biến khỏi cái nhìn của họ, để họ lại đầy kinh ngạc. Sau khi được soi sáng bởi Lời Chúa, họ đã nhận ra Chúa Giêsu phục sinh trong việc bẻ bánh, dấu chỉ mới sự hiện diện của Người. Và ngay lập tức họ cảm thấy cần phải trờ về Giêrusalem, để kể lại cho các môn đệ khác kinh nghiệm này của họ, rằng họ đã gặp Chúa Giêsu sống và đã nhận ra Người trong cử chỉ bẻ bánh.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Con đường về làng Emmaus như thế trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là các yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Cả chúng ta nữa cũng thường đến với Thánh Lễ Chúa Nhật với các lo lắng khó khăn và thất vọng... Đôi khi cuộc sống đả thương chúng ta và chúng ta ra đi buồn sầu hướng về ”làng Emmaus” của chúng ta, quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta rời xa Thiên Chúa. Nhưng Phung vụ Lời Chúa tiếp đón chúng ta: Chúa Giêsu giải thich Thánh Kinh cho chúng ta và tái thắp lên trong con tin chúng ta hơi ấm của đức tin và đức cậy, và trong việc rước lễ Người ban cho chúng ta sức mạnh. Lời Chúa, Thánh Thể: mỗi ngày hãy đọc một đoạn Phúc Âm, Xin anh chị em hãy nhớ kỹ điều này: mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm và hãy rước lễ các ngày Chúa Nhật, hãy nhận lấy Chúa Giêsu. Đã xảy ra như thế với các môn đệ làng Emmaus: họ đã lãnh nhận Lời Chúa, đã chia sẻ việc bẻ bánh, và từ những người buồn sầu và thất bại họ đã trở thành những người tươi vui. Anh chị em thân mến, Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Xin anh chị em nhớ kỹ điều đó! Khi bạn buồn sầu, hãy đọc Lời chúa! Khi bạn nản lòng, hày cầm lấy Lời Chúa, hãy đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật và rước lễ, tham dự vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu! Lời Chúa, Thánh Thể làm cho chúng ta tràn ngập niềm vui.

Nhờ lời bầu cử của Đức Maria Rất Thánh, chúng ta hãy cầu nguyện để khi sống kinh nghiệm của các môn đệ làng Emmaus, đặc biệt trong thánh lễ ngày Chúa Nhật, mỗi một kitô hữu tái khám phá ra ơn gặp gỡ biến đổi với Chúa phục sinh, là Đấng luôn ở với chúng ta. Luôn có Lời Chúa định hướng cho chúng ta sau các lạc lối, và qua các mệt nhọc và thất vọng của chúng ta luôn có một Tấm Bánh được bẻ ra giúp chúng ta tiến tới trên con đường cuộc sống.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Sau kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng Đức Thánh Cha đã kêu gọi hòa bình cho Ucraina. Ngài nói: Anh chị em thân mến tôi muốn mời gọi anh chị em tín thác cho Đức Mẹ tình hình tại Ucraina, nơi không ngừng có các căng thẳng. Tình hình nghiệm trọng. Cùng với anh chị em tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của các ngày này, xin Chúa đổ tràn đầy trong các con tim các tâm tình hòa bình và huynh đệ.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các người đã qua đời vì trận đất lở lớn trên một ngôi làng bên Afghanistan cách đậy hai hôm, Xin Thiên Chúa Toàn Năng, là Đấng biết tên của từng người, tiếp nhận tất cả trong sự bình an của Người và cho những người còn sống sức mạnh tiến tới, với sự trợ giúp của những ai nỗ lực thoa xịu nỗi khổ đau của họ.

Hôm qua cũng là Ngày quốc gia Đại học Thánh Tâm với đề tài ”Cùng giới trẻ tác nhân của tương lai”. Đức Thánh Cha nhìn xuong quảng trường và hỏi: Hộm nay ở đây có bao nhiêu bạn trẻ? Các con là các tác nhân của tương lai. Các con đã bước vào tương lai, bước vào lịch sử. Tôi cầu nguyện cho đại học lớn này để nó trung thành với sứ mạng ban đầu và được cập nhất với thế giới hiện nay. Nếu Chúa muốn tôi sẽ đến thăm Phân khoa Y khoa và Giải phẫu và Nhà thương Bách khoa Gemelli nhận dịp mừng 50 năm thành lập và thuộc Đại học Công Giáo Thánh Tâm.

Đức Thánh Cha cũng đã chào các bạn trẻ hành hương với khẩu hiệu ”Công đồng người trẻ” cùng tín hữu Parma có Đức Giám Mục sở tại hướng dẫn. Ngài khích lệ họ tiến bước. Ngài cũng chào Hiệp hội ”Meter” và cám ơn hoạt động của họ từ hai mươi năm qua dấn thân chống lại mọi lạm dụng trẻ vị thành niên. Hôm qua cũng là Ngày tuần hành bảo vệ sự sống, đã có nhiều giáo xứ và hiệp hội cầm biểu ngữ đến tham dư buổi đọc kinh tại quảng trường. Ngài khích lệ họ tiếp tục công việc tốt lành này.

Ban sáng trước đó lúc 9 giờ rưỡi Đức Thánh Cha đã đi thăm giáo xứ thánh Stanislao, là nhà thờ của tín hữu Ba Lan ở Roma và chủ sự thánh lễ cho giáo dân.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói: Một tuần sau lễ tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Giaon Phaolô II, chúng ta tụ tập nhau trong nhà thờ này của tín hữu Ba Lan ở Roma, để tạ ơn Chúa về ơn của vị thánh Giám Mục của Roma, người con của Quốc gia anh chị em. Trong nhà thờ này người đã tới hơn 80 lần. Người đã luôn luôn đến đây trong các thời điểm khác nhau của cuộc đời người và cuộc sống của dân nước Ba Lan. Trong những lúc buồn sầu và suy yếu, khi mọi sự xem ra đã mất, người đã không mất đi niềm hy vọng, bởi vì đức tin và hiềm hy vọng của người được gắn chặt nơi Thiên Chúa (x. 1 Pr 1,21). Và như thế người đã là đá tảng cho cộng đoàn này, là nơi người cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, chuẩn bị và ban các Bi Tích, tiếp đón những người cần sư giúp đỡ, ca hát, mừng lễ và từ đây người khởi hành hướng về các vùng ngoại ô Roma...

Anh chị em là thành phần của một dân tộc đã bị thử thách rất nhiều trong lịch sử. Dân tộc Ba Lan biết rõ rằng để bước vào trong vinh quang cần phải đi qua cuộc khổ nạn và thập giá (x. Lc 24,26). Như là người con xứng đáng của quê hương anh chị em thánh Gioan Phaolô II đã đi theo con đường đó. Người đã đi theo một cách gương mãu bằng cách nhận từ Thiên Chúa sự lột bỏ hoàn toàn. Áp dụng vào bài Phúc Âm Đức Thánh Cha nói: Chúng ta là khách lữ hành chứ không phải những người lang thang. Hai môn đệ trên đừường về làng Emmaus đã lang thang, nhưng khi trở lại Giêrusalem họ là các chứng nhân của niềm hy vọng là Chúa Kitô. Cả chúng ta cũng có thể trở thành các ”khách đi đường đã sống lại”, nều chúng ta để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim và Thánh Thể Người mở đôi mắt chúng ta cho đức tin và dưỡng nuôi chúng ta bằng niềm hy vọng và tình bác ái. Cả chúng ta cũng có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt vọng, và sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với họ.
 
Một người Công Giáo, Stephen Colbert, đảm nhiệm chương trình hội thoại về đêm của CBS
Vũ Văn An
19:04 04/05/2014
Theo tin OSV (Người Khách Chúa Nhật Của Ta), người Công Giáo ngoan đạo Stephen Colbert sẽ đảm nhiệm chương trình “The Late Show” của CBS vào năm 2015. Danh hề châm biếm này có lần bông đùa rằng mình là người Công Giáo nổi tiếng nhất Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong khi chuẩn bị bước từ một ngôi sao của Truyền Hình Cáp qua làm chủ chương trình “The Last Show” của CBS vào năm tới, anh sẽ phải cạnh tranh với một danh sách khá dài gồm những danh hề có đức tin trong lãnh vực hội thoại về đêm.

Đầu tháng Tư vừa qua, CBS công bố rằng Colbert, người từng giữ chương trình “The Colbert Show” của Comedy Central từ năm 2005, sẽ thay thế David Letterman làm chủ chương trình “Late Show” của họ sau khi Letterman về hưu. Tin này xẩy ra liền sau khi một người Công Giáo khác là Jimmy Fallon khởi sự chương trình “The Tonight Show” của NBC vào tháng Hai vừa qua. Fallon, người thay thế Jay Leno về hưu, vốn là sản phẩm của nền giáo dục Công Giáo, được giáo dục trong một gia đình Ái Nhĩ Lan sùng đạo.

Chưa hết, chương trình hội thoại về đêm của ABC, gọi là “Jimmy Kimmel Live” cũng có một người Công Giáo ở phía sau. Kimmel từng thảo luận về đức tin của anh tuy không trước ống kính truyền hình và là người có công đem một truyền thống trong gia tài Công Giáo Ý của New York, tức lễ mừng hàng năm Thánh Gennaro đầy đủ với thánh lễ và rước kiệu ngoài phố tới nơi anh ở là Los Angeles.

Đoàn Công Giáo Hội thoại về đêm còn lan qua cả lãnh vực cáp nữa, vì tại đây, một người Công Giáo Ái Nhĩ Lan là Conan O’Brien, người điều khiển chương trình “The Tonight Show” ít lâu vào năm 2009, nay đang điều khiển chương trình hội thoại riêng của anh trên TBS.

Các nền tảng Đức Tin

Trong số các người điều khiển chương trình, Colbert, vừa là diễn viên vừa là một người châm biếm hài hước của chương trình tin cáp do anh điều khiển trên The Colbert Report, được coi là người nổi danh hơn cả trong việc công khai nói về Đạo Công Giáo. Chương trình của anh còn có cả một “vị tuyên úy chính thức” là Cha James Martin, Dòng Tên, và trong các vị khách đến với chương trình của anh có Đức HY Timothy Dolan của New York. Có lần, Colbert còn đọc cả Kinh Tin Kính Nixêa trên làn sóng đài anh nữa.

Đức Giáo Hoàng sẽ là khách ?

Đức Giáo Hoàng có thể xuất hiện về đêm chăng, Đức Phanxicô ấy? Khi nghe tin Stephen Colbert sẽ đảm nhiệm “The Late Show” thay thế David Letterman, điều đầu tiên Phó Tế Greg Kandra nhớ là đã thốt lên “có lẽ anh ta sẽ mời được Đức Phanxicô làm khách trên chương trình!”

Nhận định trên có thể chỉ là để bông đùa, nhưng quả Colbert có nhiều liên hệ tốt với các vị giáo phẩm trong Giáo Hội, nên điều này không hẳn không thể xẩy ra. Anh từng phát triển được mối liên hệ vững chắc với Đức HY Timothy Dolan, người, có lần, lên tiếng ca ngợi đức tin sâu sắc của Colbert. Rồi người khách rất thường xuyên của Colbert là Cha James Martin, một cha Dòng Tên, một người rất có thể giúp Colbert cơ hội được phỏng vấn vị giáo hoàng nổi tiếng như cồn hiện nay, vốn cũng thuộc cùng một Dòng.

Một linh mục Dòng tên khác là Cha Michael Tueth của ĐH Fordham nghĩ rằng: cho dù Đức Phanxicô chẳng bao giờ đoái hoài tới “The Late Show”, thì các bạn bè của Colbert cũng có thể giúp anh nói truyện trực tiếp với Đức Giáo Hoàng. “Tôi cá với quí vị rằng nếu Đức GH tới New York, Colbert sẽ phỏng vấn được ngài”, cha Tueth nói thế. “Nếu bất cứ ai đó đã làm được, thì Colbert cũng sẽ làm được”.

Trong các cuộc phỏng vấn mình, Colbert thẳng thắn trình bày ảnh hưởng lớn lao của đức tin đối với đời anh, trong đó có việc giúp anh vượt qua được diễn trình thương nhớ sau khi cha và hai người anh của anh qua đời trong một tai nạn máy bay lúc anh mới có 10 tuổi. Anh cũng thảo luận việc dưỡng dục con cái anh trong đức tin Công Giáo, thậm chí anh còn dạy giáo lý tại giáo xứ của anh nữa.

Phó tế Greg Kandra, người từng viết và sản xuất cho CBS News trong hai thập niên trước đây và hiện đang viết cho trang mạng The Deacon’s Bench, cho hay: “Colbert quả là một con bài tẩy trong tất cả các vấn đề trên”. Phó tế Kandra nói rằng ông rất muốn thấy liệu Colbert, người sẽ từ bỏ vai nổi tiếng anh từng thủ diễn khi chuyển qua “The Late Show", có còn tiếp tục giữ các chủ đề cũng như các khách mời Công Giáo làm thành phần chủ yếu cho chương trình mới của anh hay không.

Dù Fallon chưa nói bao nhiêu về Giáo Hội trong chương trình của anh, nhưng trong các cuộc phỏng vấn, anh cho mọi người thấy rõ đức tin Công Giáo là thành phần chủ yếu trong việc dưỡng dục anh. Trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh với Terry Gross của NPR, Fallon chia sẻ nhiều ký ức thân yêu về việc lúc nhỏ, anh dự thánh lễ hàng ngày ra sao, và còn là một cậu bé giúp lễ; thậm chí, có lúc, anh đã đắn đo trước ơn gọi làm linh mục nữa. Tuy nhiên, anh cũng cho hay hiện nay không không còn thường xuyên đi tham dự thánh lễ.

Nhưng phó tế Kandra cho rằng cả hai người chủ chương trình này đều coi trọng đức tin của mình; việc này sẽ đem lại một năng động tính mới, đáng lưu ý cho ngành hội thoại về đêm. Phó tế nói với tờ Our Sunday Visitor rằng: “Theo tôi, chỉ do hậu cảnh của họ mà thôi, Colbert và Fallon chắc chắn sẽ lồng được một nhậy cảm Công Giáo vào cách thế họ điều khiển chương trình… Theo tôi, họ sẽ có một quan điểm khác, kính trọng hơn một chút đối với tôn giáo, và có lẽ cả với Đức Giáo Hoàng và Đạo Công Giáo nữa”.

Cách nhìn thay đổi

Điều trên sẽ đánh dấu một thay đổi lớn so với những người chủ chương trình hội thoại về đêm trước đây. Đó là nhận định của Cha Michael Tueth, Dòng Tên, hiện là giáo sư về truyền thông và các phương tiện truyền thông tại Đại Học Fordham, trong đó, đặc biệt có giảng khóa về hài kịch truyền hình. Cha Tueth nói rằng các người chủ chương trình hội thoại về đêm trước đây như Jonny Carson, Jay Leno và David Letterman không biết gì tới việc lồng các chủ đề tôn giáo vào các chương trình của họ. Cha bảo: “Họ không bao giờ nói về tôn giáo, mà có nói chăng nữa, cũng luôn trong tư cách người đứng ngoài”.

Cha nêu thí dụ: lúc các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục trở thành đề tài tin tức, cả Leno lẫn Letterman đều đưa ra những câu đùa dỡn có hại cho Giáo Hội. Cha nhận định: “Họ thích giễu cượt khi nói tới tôn giáo. Nhưng những người chủ chương trình mới này đều là những người không nói như thế về Giáo Hội”.

Cha Tueth nói thêm: cha coi là một bước đột phá khi thấy nhiều người Công Giáo, cởi mở đối với việc thảo luận đức tin của họ, đảm nhận các chương trình hội thoại về đêm trên truyền hình. Ngài cho rằng “điều đáng lưu ý là chờ xem điều gì sẽ xẩy ra khi họ chịu mời các người Kitô hữu khác, hoặc ít ra những người thuộc các tôn giáo khác, làm khách cho chương trình, một điều sẽ tạo nên những câu truyện thích thú về đức tin, “một điều hiện chưa thấy trên truyền hình”

Hài hước lành mạnh

Chỉ bởi vì họ là người Công Giáo, điều này không có nghĩa họ phải luôn tỏ ra nghiêm túc đối với đức tin của mình. Dù sao, họ vẫn là các kịch sĩ hài hước. John Kelly, một kịch sĩ Công Giáo kỳ cựu, hiện là đại diện và là nguyên phó chủ tịch của Những Người Công Giáo Trong Các Liên Hợp Truyền Thông, tin rằng: người Công Giáo rất có thể nói dỡn về đạo mình mà không vượt quá giới hạn tôn kính.

Ông nói: “theo tôi đó là điều lành mạnh. Tất cả chúng ta đều thiếu sót, và đôi khi ta làm những điều có vẻ lỳ cục hoặc cần phải chế diễu, và người Công Giáo chúng ta nên là những người đầu tiên nhạo cười về chính mình”.

Kelly tin rằng có được những người Công Giáo có tiếng trên truyền hình dám đưa ra một cái nhìn châm biếm, thậm chí đôi khi phải phê phán nữa về chính Giáo Hội của mình một cách nhẹ nhàng, hài hước sẽ phản ảnh tốt đối với Giáo Hội nói chung, nhờ thế, Giáo Hội sẽ thay đổi được cách người ta vẫn quan niệm về người Công Giáo xưa nay. Ông cho hay: “Họ có thể qui kết cho Giáo Hội một điều gì đó họ coi là đáng cười hay vụng về, nhưng đó là điều các nhà hài hước quen làm. Họ là những người vui đùa và rất khéo khi làm những điều như thế, nhưng lẽ dĩ nhiên họ phải làm thế vì lòng tôn trọng”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Dòng Đức Mẹ Lên Trời Mừng Bổn Mạng
Phan Dương
08:17 04/05/2014
Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Dòng Đức Mẹ Lên Trời Mừng Bổn Mạng

Một trong những bước tiến quan trọng của Giáo Hội Công Giáo sau Công đồng Vatican II là quan tâm đặc biệt tới tông đồ giáo dân. Sự quan tâm này được biểu hiện ở chỗ Công đồng đã nỗ lực xác định lại sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội và thề giới.

Tiếp nối công việc và mong ước của Đấng sáng lập – cha Emmanuel d’Alzon, cũng như theo bước Công đồng Vatican II, theo dòng lịch sử, Dòng Đức Mẹ Lên Trời đã mở ra nhiều phương cách khác nhau để mời gọi giáo dân dấn thân trong công việc tông đồ của Hội Dòng cũng Như Giáo Hội.

Tại Việt Nam, từ những ngày đầu thành lập các cộng đoàn, các tu sĩ đã nỗ lực mời gọi giáo dân dấn thân trong những sứ mạng khác nhau của Hội Dòng. Một trong những sứ mạng phải kể đến là cộng tác với Hội Dòng trong việc đào tạo các tu sĩ, linh mục (Hội bảo trợ ơn gọi).

Hôm nay (01/5/2014), tại cộng đoàn Học viện Dòng Đức Mẹ Lên Trời, hơn 100 thành viên của Hội bảo trợ ơn gọi và gần 60 ứng sinh cũng như tu sĩ, đã quy tụ bên nhau để gặp gỡ và cử hành thánh lễ Thánh Giu-se Thợ - Bổn Mạng.

Thánh lễ diễn ra vào lúc 10h30, do cha Phê-rô Trần Văn Huyền chủ tế, cùng đồng tế có quý cha trong Hội bảo trợ ơn gọi.

Trước thánh lễ, cha Gio-a Kim Nguyễn Khương Duy đã chia sẻ cùng các thành viên những giai đoạn và ý nghĩa của từng giai đoạn đạo tạo tu sĩ và linh mục của Hội Dòng. Qua những lời chia sẻ này, các thành viên thêm một lần nữa ý thức và an tâm hơn về những đóng góp của mình trong công việc đào tạo linh mục và tu sĩ cho Giáo Hội. Quả vậy, đào tạo linh mục và tu sĩ vốn là “việc rất quan trọng… Vì tính duy nhất của chức linh mục Công Giáo nên việc đào tạo linh mục là cần thiết cho tất cả các linh mục dòng cũng như triều, thuộc bất cứ lễ chế nào (Optatam Totius, số 1). Và, vì công cuộc đào tạo con người, đào tạo linh mục và đời sống thánh hiến là mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội, nên những đóng góp tinh thần, vật chất cũng như tri thức của những người giáo dân là hết sức cần thiết và quan trọng.

Đây cũng là điều mà cha Trần Văn Huyền đã đề cập trong bài giảng.

Bằng việc mượn hình ảnh chọn lựa dứt khoát và lội ngược dòng của Thánh Giu-se, cha đã phân tích và nêu lên những khó khăn cũng như ý nghĩa của việc dấn thân nơi người giáo dân hôm nay. Cha nói: “Đối diện với đời sống của xã hội hôm nay, chúng ta có rất nhiều điều để băn khoăn và lo lắng. Chúng ta phải gồng mình để chu toàn tất cả những bổn phận hằng ngày của chúng ta. Trong đó phải kể đến chuyện lo lắng cơm, áo, gạo, tiền, tri thức… cho gia đình và con cái… Nhưng không vì thế mà chúng ta không mở lòng mình ra để băn khoăn và lo lắng cho Giáo Hội. Giáo Hội đang cần sự cộng tác của tất cả chúng ta. Giáo Hội cần được xây dựng và bảo vệ từng ngày…”. Ngài nói tiếp: “Tuy nhiên, để theo chân Đức Ki-tô, để đồng hành cùng Giáo Hội, chúng ta phải can đảm chọn lựa dứt khoát và phải lội ngược dòng…”

Thánh lễ tiếp tục diễn ra trong bầu khí trang trọng và sốt sắng bằng việc cử hành phụng vụ Thánh Thể.

Sau Thánh lễ, mọi người quy tụ bên nhau để tiếp tục kéo dài niềm vui ngày Bổn Mạng bằng bữa cơm thân mật và những tiết mục văn nghệ.

Hội bảo trợ ơn gọi Dòng Đức Mẹ Lên Trời được khởi xướng vào ngày 01/5/2013. Hiện tại, Hội có hơn 200 thành viên đến từ nhiều giáo xứ và giáo phận khác nhau, do cha Phê-rô Trần Văn Huyền làm chủ tịch. Cùng làm việc với cha chủ tịch, có hai phó chủ tịch (một linh mục và một giáo dân), hai thủ quỹ (một tu sĩ và một giáo dân) và cha thư ký.

Tưởng cũng nói thêm: ngay từ những ngày đầu sáng lập, cha Emmanuel d’Alzon đã rất cởi mở trong việc mời gọi những người giáo dân cộng tác trong các sứ mạng của Hội Dòng. Có lẽ vì thế mà cha đã lập ra “hội giáo dân” ngay sau khi sáng lập Dòng. Theo đó, trong các phiên họp Tổng tu nghị, nhất là trong Tổng tu nghị năm 2011, cha Tổng quyền và các tham dự viên đã nhấn mạnh một cách đặc biệt đến tầm quan trọng của giáo dân trong các sứ mạng của Hội Dòng.

Hy vọng những sứ mạng, nhất là sứ mạng cùng với những người giáo dân dựng xây Nước Chúa của Hội Dòng ở Việt Nam sẽ được Chúa chúc phúc từ khởi sự cho đến hoàn thành.

Nguyện Nước Cha Trị Đến !

Fx. Phan Dương
 
Truyền Chức Phó Tế Việt Nam tại TGP Toronto, Canada.
Tín hữu Trần
08:39 04/05/2014
Truyền Chức Phó Tế Việt Nam tại TGP Toronto, Canada.

Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Toronto có lễ truyền chức bằng tiếng Việt Nam. Thầy Giuse Nguyễn Q Diệu đã được Đức Cha Vincent Nguyễn M. Hiếu truyền chức phó tế ngày 3/05/2014 lúc 4:30 pm.

Xem Hình

Thày Giuse là một trong ba thày được TGP Toronto bảo lãnh qua du học trong chương trình đào tạo năm nam tại ĐCV St. Augustine’s Semianry of Toronto. Hàng năm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam trong TGP Toronto có tổ chức buổi tiệc gây quỹ truyền giáo để giúp Đức Hồng Y Thomas Collins trả các chi phi tiền học cho quí Thày.

Thứ bảy ngày 10/05/2014 lúc 6:30 pm có buổi tiệc mừng Ngày Hiền Mẫu và Gây Quỹ giúp cho quíThày tu học tại Nhà Hàng Century Palace Chinese Restaurent 398 Ferrier Street, Markham, ON. Các anh chi em trong các Cộng Đoàn Giáo Xứ VN thuộc TGP Toronto đứng ra tổ chức dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Vincent Hiếu, Cha Giuse Trần Tập, và Cha Giuse Chương.
 
Trình diễn và giao lưu : Đạo hiếu trong tâm hồn người Công Giáo Việt Nam
Maria Phương Trâm
11:48 04/05/2014
ĐẠO HIẾU TRONG TÂM HỒN NGƯỜI Công Giáo VIỆT NAM

Đạo Hiếu là một trong những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Nói đến Đạo Hiếu là nói đến công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha mẹ. Hướng về “Ngày của Mẹ” trong tháng 05 và “Ngày của Cha” trong tháng 06, ngày 04/05/2014, tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc, Ban Loan Báo Tin Mừng giáo phận tổ chức buổi trình diễn và giao lưu văn hóa với chủ đề “Đạo Hiếu trong tâm hồn người Công Giáo Việt Nam”.

Xem Hình

9 giờ buổi trình diễn và giao lưu văn hóa bắt dầu khai mạc, hiện diện trong phần khai mạc có Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận; Đức ông Vinh sơn Đặng Văn Tú, Tổng đại diện; Cha Đaminh Ngô Công Sứ, Quản hạt Xuân Lộc cùng quý Linh mục, tu sĩ nam nữ, và gần 800 anh chị em giáo dân cũng như lương dân từ các giáo xứ trong giáo phận cùng về tham dự buổi giao lưu.

Những cái nhìn bỡ ngỡ ban đầu như được xua tan khi Cha Giêrônimô Nguyễn Đình Công, Phó ban Loan Báo Tin Mừng, cũng là Trưởng Ban tổ chức nối kết mọi người vào mối tương quan hàng xóm, quốc gia, dân tộc: “…Có cả xóm giềng và những người tri kỷ/ Luôn cạnh bên chia sẻ nỗi vui buồn”. Ngoài gia đình thiêng liêng cốt nhục, hàng xóm láng giềng… với riêng người Công Giáo thì còn có gia đình Giáo Hội mà cụ thể là gia đình Giáo phận. Tòa Giám Mục giáo phận được ví là ngôi nhà chung của mọi người, là trái tim của Giáo phận. Những khách mời là lương dân đang hiện diện tại đây hôm nay được trân trọng mời vào trái tim của mình để chia sẻ với nhau như những người tri âm, tri kỷ.

Tiếp nối lời chào đón của Cha Trưởng Ban tổ chức, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã tuyên bố khai mạc chương trình giao lưu. Lúc này, ngài chia sẻ: “Sinh ra làm người ai trong chúng ta cũng có nguồn gốc, nhưng công việc làm đôi lúc làm cho ta sao lãng mối tương quan gia đình. Hôm nay, chúng ta có cơ hội chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn và phát huy tình huynh đệ trong buổi giao lưu này để khi chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc đời cũng là lúc chúng ta tìm thấy sự sống và tình thân thương sẽ được phát triển mãi”.

Chương trình giao lưu được chia làm hai phần: Phần I “Đạo hiếu trong tâm hồn người Việt Nam”; Phần II “Đạo hiếu trong tâm hồn người Công Giáo Việt Nam”. Những trò chơi, những nhạc phẩm bất hủ hát về Cha mẹ trong phần I đã phá đi cái bầu khí xa lạ và ngại ngần, những khoảng cách giữa con người với nhau. Những ca từ ngọt ngào vang lên làm cho nhiều người ngậm ngùi, luyến tiếc khi nhớ về Cha mẹ của mình: trong vòng tay mẹ, con vui hưởng vị ngọt ngào ấm áp; dưới cánh tay cha, con nếm dấu bình an trước bão táp cuộc đời. Mọi người cùng hồi tưởng lại những giây phút ngọt ngào bên Cha mẹ, những nhọc nhằn mà Cha mẹ đã mang vác để con được lớn lên từng ngày.

Để trao cho nhau những làn gió mới sau những hồi tưởng về công ơn Cha mẹ, Ban tổ chức đã trao cho mỗi người một cái quạt. Với quạt trên tay, mọi người cùng nhau múa, hát và quạt cho nhau, tạo cho nhau bầu khí thoải mái, thân tình. Qua những áng văn thơ, những ca khúc vừa được trình diễn, nội dung của phần I đã làm nổi bật vị trí quan trọng của Đạo Hiếu trong tâm hồn người Việt Nam.

Phải chăng, khi chúng ta tin đạo, tin theo Đức Giêsu thì chúng ta cũng gạt bỏ tình thâm qua một bên, không bao giờ còn nhớ đến tổ tiên, ông bà. Phần II của chương trình đã cho mọi người thấy rằng: người tín hữu Công Giáo cũng được thừa hưởng một nền giáo dục lấy chữ Hiếu làm đầu là sống và thực thi đạo làm con theo lẽ tự nhiên. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục phụ tá Giáo phận, đã chia sẻ những cảm xức của mình khi nói về Đạo Hiếu qua đoạn video clip. Những chia sẻ của chị Trần Thị Nguyệt Lâm, một tân tòng gia nhập đạo khi lập gia đình, là những cảm nghiệm về Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường, là niềm vui khi thấy gia đình chồng vẫn đặt chữ Hiếu lên hàng đầu, là những cảm nghiệm sống động khi thấy mình theo Chúa mà vẫn có thể sống trọn chữ Hiếu trong đạo làm con… Chị nói: “Theo Chúa không phải bỏ cha bỏ mẹ mà còn yêu Cha mẹ nhiều hơn nữa”. trong phần này, Đức ông Vinh sơn Đặng Văn Tú cũng chia sẻ niềm hạnh phúc khi được Cha mẹ dẫn dắt trong hành trình đức tin, khi được cha mẹ dạy cho biết về Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành…

Hiếu kính với Mẹ cha trong tâm hồn người Công Giáo không chỉ giới hạn ở nghĩa cử phụng dưỡng, quà cáp vật chất, nhưng còn là những chăm sóc đời sống thiêng liêng của Cha mẹ qua lời cầu nguyện khi các ngài tuổi già sức yếu cũng như khi đã qua đời. Những ca khúc “Cầu cho cha mẹ” luôn là những lời cầu nguyện đơn sơ và luôn đẹp lòng Thiên Chúa.

Sau phần chia sẻ của Đức ông, mỗi người lại cài lên áo cho nhau những cánh hoa tượng trưng cho tấm lòng chân thành và yêu mến mà Ban Tổ chức muốn trao gửi đến mọi người. Xuyên suốt chương trình là thông điệp mà Ban tổ chức muốn gửi đến mọi người: Cây có cội, nước có nguồn, con người ai cũng có tổ tiên. Tổ tiên con người không hẳn chỉ là cha mẹ, ông bà nhưng còn là Đấng Vô Hình mà mọi người vẫn gọi là Ông Trời. Đấng đó chính là cội nguồn của tất cả và cũng là niềm khát vọng của con người.

Kết thúc chương trình, mọi người lại vui vẻ bên nhau, chia sẻ với nhau trong bữa ăn huynh đệ tại sân Tòa Giám mục.

Maria Phương Trâm
 
Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Tổng Giáo phận Sàigòn và buổi thường huấn căn bản đợt
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
21:17 04/05/2014
Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Tổng Giáo phận Sàigòn và buổi thường huấn căn bản đợt 1 năm 2014

Nhằm trang bị kiến thức căn bản về đoàn thể, Ban chấp hành Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (BCH GĐPTTTCG) Tống Giáo phận Tp. HCM đã tổ chức lớp thường huấn căn bản đợt 1 năm 2014 cho các đoàn viên (Đv) các Giáo hạt: Gò Vấp, Gia Định, Thủ Đức, Xóm Mới, Hóc Môn từ lúc 08 giờ 30 đến 11 giờ 30 ngày 03/05/2014 tại Hội trường Giáo xứ Hạnh Thông Tây, số 53/7 Quang Trung, P.11, Quận Gò Vấp.

Sau phần giới thiệu quan khách, ban tổ chức. Mọi người đã đứng lên hát bài hát “Thắp sáng lên” và đọc kinh "Dâng Mình" cho Trái Tim Chúa để khai mạc buổi thường huấn. Ô. Giuse Huỳnh Bá Song, Trưởng BCH GĐPTTTCG TGP đã phát biểu ý nghĩa buổi thường huấn nhằm trang bị kiến thức cho Đv hiểu biết thêm và có thể giới thiệu về đoàn thể của mình để có thể đáp ứng nhu cầu Tông đồ của Giáo Hội (GH).

Cha Tổng Linh Hướng Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng đã chia sẻ đề tài “Xây dựng tinh thần Tông đồ nơi đoàn viên Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu”. Tinh thần Tông đồ là nền tảng mà mỗi người Đv GĐPTTTCG còn thiếu. Tông đồ là người có hoài bão, lo lắng, xao xuyến và lòng nhiệt thành đem Chúa đến cho mọi người. Người Đv phải lo lắng để hoài bão của mình biến thành hiện thực từ. Xao xuyến, ăn không ngon, ngủ không yên khi thấy đoàn thể của mình chưa phát triển và từ đó thể hiện ra bên ngoài qua việc nhiệt thành trong việc Tông đồ. Khi đoàn thể đứng vững và phát triển thì chắc chắn sẽ có nhiều người đến với Thánh Tâm Chúa.

Đức khiêm nhường là nền tảng của người Tông đồ, Chúa Giêsu đã nói: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường“ (Mt 11,29). Khiêm nhường gây lòng yêu mến của con người và từ đó dễ tạo được niềm tin để chinh phục người khác. Nhưng phải khiêm nhường thật sự trong lòng chứ không giả vờ khiêm nhường nhưng lại hay dè bỉu, chê bai người khác. Khiêm nhường tạo nên sức mạnh của người Tông Đồ, những người khiêm nhường làm nên những việc vĩ đại như Mẹ Maria, thánh cả Giuse, Thánh GH Gioan XXIII…

Một nét mới trong buổi thường huấn đợt này là báo cáo viên chỉ giới thiệu sơ nét về 2 đề tài “Vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội” - “Yếu tố căn bản của Đoàn thể Công Giáo tiến hành và tổ chức sinh hoạt của Đoàn thể GĐPTTTCG” và “Sinh hoạt Toán, nền tảng trong hoạt động của Đoàn thể GĐPTTTCG” sau đó hướng dẫn cử tọa phát biếu ý kiến dựa trên tài liệu và câu hỏi đã được phát ngay từ đầu và đúc kết ngắn gọn. Đây là phần sôi nổi nhất trong buổi thường huấn, có lúc các Đv phải xếp hàng để chờ đợi đến lượt phát biếu. Xin ghi nhận tóm lược một số đúc kết như sau:

1) GH mời gọi giáo dân cộng tác trong công cuộc loan báo Tin Mừng (TM) của Đức Giêsu Kitô, Người đã yêu thương và cứu chuộc nhân loại. Tham gia các đoàn thể Công Giáo tiến hành trong giai đoạn hiện nay.

2) Tông đồ giáo dân đơn giản là người giáo dân làm việc Tông đồ có Trái tim của Chúa và cùng với Chúa rao giảng TM. Công Giáo tiến hành với ý nghĩa cá nhân là công việc đọc kinh, bác ái … và với ý nghĩa tập thể là tố chức tập hợp những người có cùng chí hướng, tâm nguyện… thực thi công việc Tông đồ giáo dân, được hàng Giáo phẩm công nhận.

3) GĐPTTTCG có nguồn gốc từ phong trào Liên Minh Thánh Tâm ở Canada được du nhập vào VN từ lâu và đoàn thể Gia đình Phạt tạ ở Vĩnh Long được ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn sát nhập thành GĐPTTTCG ngày 14/4/1999. Tôn chỉ là hợp nhất với Chúa Giêsu yêu thương cứu độ nhân loại. Mục đích là loan truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và linh đạo là “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu”.

4) Phạt tạ là đền tạ những sai sót lỗi lầm mà con người xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa. Tinh thần phạt tạ là chúng ta tạ lỗi và cám ơn Chúa với lòng khiêm nhường. Ý thức tín thác hoàn toàn vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa với gia đình nhân loại. Quyết tâm loan báo Tin Mừng cùng mở rộng nước Chúa là nước chan hòa ánh sáng Chân lý và Tình yêu an bình.

5) Người Đv GĐPTTTCG phải biết hi sinh, cầu nguyện để thực thi ý Chúa và dấn thân làm việc Tông đồ, tham dự các sinh hoạt giới thiệu Tin Mừng của Chúa.

6) “Toán” là nhân tố cấp cơ sở quy tụ mọi thành phần, là cánh tay nối dài của BCH Xđ. Toán là nền tảng quy tụ, liên kết các gia đình và tố chức đền tạ, sinh hoạt luân phiên tại các gia đình. Là hình thức truyền giáo sống động tại địa bàn cộng đoàn giáo dân và những người không có đạo.

Sau lời cám ơn của đại diện ban tố chức, mọi người đã rời Hội trường để cùng nhau sang Thánh đường Giáo xứ Hạnh Thông Tây tham dự giờ Suy tôn Thánh Thể với chủ đề “Trên đường Emmaus”. Buổi thường huấn đã kết thúc lúc 11 giờ 30 cùng ngày, các Đv chia tay và hẹn gặp lại nhau trong các buổi thường huấn kế tiếp.

Tin & hình: Jos. Hoàng Mạnh Hùng

(Xđ. Trung Mỹ Tây - Hóc Môn)
 
Cộng đoàn Khôi Bình GP Đà Lạt mừng lễ thánh Giuse Thợ
Giuse Phạm Ngọc Năm
21:34 04/05/2014
CỘNG ĐOÀN KHÔI BÌNH GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT MỪNG LỄ THÁNH GIUSE THỢ

Giáo Phận Đà Lạt - Hòa cùng niềm vui linh thánh của Giáo Hội hoàn vũ nhân ngày mừng kính lễ thánh Giuse Thợ; và cũng nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho anh chị em Khôi Bình Giáo phận Đà Lạt về ý nghĩa, giá trị của lao động theo quan điểm của Giáo Hội; đồng thời tạo điều kiện cho mọi thành viên Khôi Bình có dịp gặp gỡ nhau để chia sẻ tâm tư, củng cố tình cảm yêu thương gắn bó với nhau hơn; toàn thể thành viên Khôi Bình Giáo Phận Đà Lạt đã quy tụ về nhà thờ Giáo xứ Đức Thanh (xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) để hợp dâng Thánh lễ mừng kính thánh Giuse Thợ.

Bắt đầu 9 giờ sáng, chúng tôi tề tựu trong nhà thờ, trước di ảnh của cha thánh Khôi Bình. Anh Gia trưởng Antôn Phạm Ngọc Thiên thay mặt cộng đoàn thắp hương tưởng nhớ công ơn Cha – Người đã khai sáng con đường nên thánh mà ngày nay nhiều người - trong đó có anh chị em Khôi Bình Giáo phận – được hưởng nhờ.

Dẫn vào Thánh lễ, cha Giuse Phạm Văn Thống, Linh mục Đồng hành Khôi Bình Giáo phận, đã có đôi điều nhắn nhủ. Cha chia sẻ: “Cha Khôi Bình xuất thân trong một gia đình bần nông, ngay thuở thiếu thời đã chịu nhiều gian nan, lận đận trong cuộc sống, phải lao khổ với cơm áo gạo tiền. Để có thể theo đuổi học hành, ngài đã phải vừa đi học vừa cật lực lao động trong nhiều năm trời. Bởi thế mà sau này, khi thi hành chức vụ linh mục, ngài luôn quan tâm chăm lo cho giới cần lao về phần hồn cũng như phần xác. Do đó, ngài đã thành lập những nhóm thợ bạn - tiền thân của Cộng đoàn Khôi Bình ngày nay. Thật vậy, linh đạo Khôi Bình đã luôn gắn liền với thực tại đời sống, tới lao động sản xuất. Cũng bởi thế mà Khôi Bình đã nhận thánh Giuse Thợ là Bổn mạng Khôi Bình toàn thế giới,...”

Với cương vị Đồng hành Khôi Bình Giáo phận, cha mời gọi anh chị em Khôi Bình cùng sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ. Cầu xin Chúa, qua Thánh Giuse và Chân phước Khôi Bình, ban nhiều ơn lành cho mọi thành viên; xin cho người được Chúa gọi về trước mau được hưởng Thánh nhan; người còn sống biết chu toàn phận vụ trong công ăn việc làm theo thánh ý Chúa.

Trong bài giảng, cha đã sơ lược về lịch sử ngày Quốc tế Lao động (01/05). Vào cuối thế kỷ XIX, giới công nhân bị áp bức bóc lột thậm tệ. Họ đã nổi dậy đấu tranh cho quyền lợi của mình. Bắt đầu từ nước Mỹ, phong trào đấu tranh lan tràn khắp Châu Âu, và sau này giới chủ đã phải nhượng bộ. Và ngày nay, để kỷ niệm thắng lợi này, người ta chọn ngày 01 tháng 05 là ngày Quốc tế Lao động.

Về phần mình, Giáo Hội hằng quan tâm đến con cái của mình, nhất là những người lao động. Thế nên Đức Giáo Hoàng Pio XII đã chọn Thánh Giuse làm bổn mạng cho giới cần lao.

Với thánh Giuse, thánh kinh không đề cập nhiều về Ngài, như là Ngài đã nói gì, chế tạo món hàng đặc biệt nào,... Chỉ có danh xưng là một bác thợ mộc, mà nghề mộc lúc đó là một công việc quá tầm thường, chỉ ai thấp kém, ít vốn, không có điều kiện làm nghề khác mới chọn làm mà thôi. Tuy vậy, Thánh Giuse rất yêu mến nghề nghiệp của mình, lao động tận tụy, bảo đảm kinh tế cho gia đình và cũng đã truyền nghề lại cho Chúa Giê-su.

Quả thực, thánh Giuse đã không sợ sự khen chê của người đời, mà chỉ chú tâm vâng theo ý Thiên Chúa trong công việc mà Chúa muốn ngài làm để chu toàn chương trình cứu độ của Người.

Trong xã hội ngày nay, người ta đa phần thích hưởng thụ, thích nhàn nhã mà thu lợi nhuận cao,… Nên từ đó sinh ra nếp sống gian dối, mánh lới, mua gian bán lận,... Nhiều người bị mù tối lương tâm, nên chỉ muốn thoát khỏi nghèo túng bằng mọi cách mà không cần giữ công bằng.

Chúng ta, anh chị em thành viên Khôi Bình, nên học sống và làm việc theo gương thánh Giuse, cũng như cha Khôi Bình, nên biết lấy chính sức lực của mình, cố gắng, tận tụy, hy sinh trong công việc chuyên chính - mà có khi xã hội cho là không giá trị. Tuy thế, những công việc chuyên chính đó lại trở thành nguồn ơn cứu độ.

Xin Thiên Chúa toàn năng, qua Cha Khôi Bình, ban cho chúng ta biết học gương sống của thánh Giuse - là tuân phục ý Chúa trong công ăn việc làm giúp cải thiện kinh tế gia đình, giúp thăng tiến xã hội, và làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Sau Thánh lễ là buổi họp mặt. Anh Anton Thiên, Gia trưởng Khôi Bình Giáo Phận Đà Lạt, đã điểm sơ lược tình hình sinh hoạt Khôi Bình Giáo phận. Cụ thể, số lượng thành viên hiện có trong 7 gia đình Khôi Bình là 128 người; sinh hoạt của các gia đình khá đều đặn, với tần số 2-4 lần/tuần tùy theo gia đình, chủ yếu tập trung Chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ tâm tư tình cảm với nhau,... Tuy nhiên, Khôi Bình Giáo Phận Đà Lạt cũng có không ít hạn chế, như chưa có điều kiện thực hiện những công tác xã hội, chưa lên được kế hoạch phát triển số lượng thành viên,...

Nhân buổi họp mặt, Cha Đồng hành có nhận xét, đây là lần đầu tiên Khôi Bình Giáo phận tổ chức mừng lễ Quan Thầy cách quy mô. Thật vậy, mấy năm trước, vì nhiều lý do trở ngại khách quan, nên dầu muốn cũng không tổ chức được. Chúng ta vô cùng cám ơn Chúa đã từng bước dẫn dắt Khôi Bình Giáo phận tiến lên. Cha tiếp tục nhắn nhủ anh chị em luôn noi gương thánh Giuse, không được mặc cả với Thiên Chúa về công ăn việc làm, không chê nghề mình đang làm là thấp hèn, luôn nỗ lực làm việc để xây dựng kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Đó cũng chính là cách thăng tiến bản thân, gia đình, xã hội, mà Chân phước Khôi Bình mong đợi ở mỗi thành viên chúng ta.

Sau đó, chúng tôi cùng chia sẻ với nhau qua bữa cơm trưa đạm bạc. Bữa cơm diễn ra trong bầu khí đơn sơ nhưng thật đầm ấm, vui tươi theo đúng tinh thần “Gia đình Khôi Bình hòa hợp chung sống tình thương”. Buổi họp mặt giao lưu kéo dài tới 14 giờ cùng ngày, mãi đến khi trời sắp mưa mà đường đất bị lầy lội nên chúng tôi đành phải chia tay nhau trong tình thân ái và rất mong còn được nhiều dịp tái ngộ.

Đà Lạt, ngày 30/04/2014

Giuse Phạm Ngọc Năm
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng trông cậy nơi Đức Mẹ Maria
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:19 04/05/2014
Lòng trông cậy nơi Đức Mẹ Maria

Người Công Giáo kính tin tôn thờ Thiên Chúa là đấng tạo dựng nên trời đất vũ trụ cùng con người. Nhưng họ được tạo dựng là một con người có nhân phẩm tự do.

Người Công Giáo xác tín rằng mỗi người có một chương trình đời sống riêng do Thiên Chúa đã vạch ra từ trước rồi. Nhưng không phải vì thế mà họ bị ràng buộc trong một khuôn khổ nhất định. Trái lại, Đấng Tạo Hóa ban cho con người trí tuệ khối óc sáng tạo để phát triển xây dựng đời sống chung cũng như riêng mình.

Người Công Giáo tin nhận rằng đời sống mình không là con đường một chiều, con đường bằng phẳng. Nhưng trái lại, đó là con đường có nhiều khúc đoạn lên xuống, nhiều bóng tối đau khổ, nhiều bất ngờ thử thách... Chính vì thế họ hằng đặt niềm hy vọng cậy trông rất nhiều nơi Thiên Chúa, để được nâng đỡ ủi an cho tinh thần có sức mạnh vươn lên.

Thiên Chúa là điểm tựa nương che chở cho đời sống con người. Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa Giêsu, mẹ Thiên Chúa, là người bầu cử cho con người trước mặt Thiên Chúa.

Như người con thường hay chạy đến kêu cầu với mẹ mình. Trong những bước đường hoàn cảnh khốn khó chao đảo, người tín hữu Chúa Kito thường hay chạy đến với Đức Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu cho mình trước tòa Thiên Chúa. Vì thế khắp nơi đều có những đền thánh, trung tâm hành hương kính Đức Mẹ Maria, những bàn thờ lớn bé với hoa nến kính Đức Mẹ Maria. Con người đến những nơi này với tâm tình lòng sùng kính cậy trông Đức Mẹ Maria, xin người phù giúp.

Xưa nay trong suốt dọc đời sống, mỗi người đều có cung cách riêng lòng kính mến Đức Mẹ Maria, và họ cũng có cảm nghiệm riêng về được Thiên Chúa ban ơn cho qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ.

Vị Tôi tớ Chúa, cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận đã thuật lại cảm nghiệm của mình trong cung cách lòng sùng kính Đức Mẹ như sau:

„Tôi muốn kể lại đây một sự kiện trong đời tôi. Hồi năm 1957 khi học tại Roma tôi đã đi Lộ Đức để cầu nguyện với Đức Mẹ. Trước hang đá, tôi đã suy niệm lời Mẹ nói với Thánh nữ Bernadette: „ Mẹ không hứa cho con các niềm vui và an ủi trên trần gian này, nhưng các thử thách và khổ đau.“ . Tôi đã có cảm tưởng rằng các lời đó cũng được nói với tôi. Và tôi đã chấp nhận sứ điệp đó với ít nhiều sợ hãi.

Trở về Việt Nam tôi đã làm giáo sư rồi Giám đốc chủng viện, Tổng đại diện và sau cùng Giám mục Nha Trang. Có thể nói rằng công việc mục vụ của tôi gặt hái nhiều thành công. Tôi trở lại Lộ Đức mỗi năm và tôi thường tự hỏi:“ Có lẽ lời Đức Mẹ đã nói với chị Bernadette không dành cho tôi đâu?“ . Nhưng năm 1975 đã đến: tôi bị bắt vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, bị tù, bị biệt giam. Và tôi nhận ra rằng Đức Mẹ đã muốn chuẩn bị cho tôi ngay từ năm 1957.“ (ĐHY Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Roma, Dân Chúa Âu Châu, 2001, Trang 244.)

Thật là một cảm nghiệm với lòng xác tín sâu xa của một tâm hồn đạo đức chân thành sẵn sàng đón nhận điều trái với ý muốn riêng mình, cùng coi sự việc xảy đến như sứ điệp Thiên Chúa gửi đến qua Đức Mẹ Lộ Đức.

Lòng sùng kính cậy trông vào Đức Mẹ là niềm hy vọng ơn cứu giúp cho con người như lời kinh cầu khẩn: Thánh Maria , Đức Mẹ Chúa trời, cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Phải sống chịu đựng trong cảnh tù tội lao lý, hầu như cùng đường. Nhưng Giám mục Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận vẫn giữ lòng kính mến Đức Mẹ với niềm hy vọng và với lòng tin tưởng sâu xa của một tâm hồn có lý trí phân định sáng suốt.

„ Trong con đường đen tối của tù ngục, tôi đã cầu nguyện với Mẹ Maria với tất cả lòng đơn sơ: „ Lạy Mẹ, nếu Mẹ thấy rằng sau này con không còn ích lợi gì cho Hội Thánh nữa, thì xin hãy ban cho con ơn được chết trong tù để dâng trọn đời con. Ngược lại, nếu con còn phục vụ Hội Thánh được, thì xin cho con ra khỏi tù vào một ngày lễ của Mẹ.“

Một hôm, khi đang chuẩn bị ăn trưa, thì tôi nghe điện thoại của trực tù reo vang. „ Có lẽ cú điện thoại này cho tôi đây“. Hôm nay là ngày 21.tháng 11, lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền thánh.“. Qủa thật, một lúc sau đó một người công an đến hỏi tôi:

- Ông ăn cơm trưa chưa?
- Chưa. Tôi đang nấu.
- Sau cơm trưa, ông nhớ ăn mặc tử tế. Ông sẽ lên gặp lãnh đạo..

Trưa hôm đó tôi đã được đưa đi gặp ông Bộ Trưởng Nội Vụ.

- Ông có muốn trình bày ước mong gì không?

- Thưa Ông Bộ Trưởng, tôi muốn được tự do.

- Khi nào?

- Hôm nay.

Bình thường thì không thể xin „hôm nay“ được, bởi vì các vị lãnh đạo cần có thời giờ để thảo luận, để giải quyết các thủ tục. Nhưng tôi rất vững tin...

Ông Bộ Trưởng nhìn tôi kinh ngạc. Tôi giải thích:

- Thưa Ông Bộ Trưởng, tôi đã bị tù qúa lâu. Dưới ba triều đại Gíao Hoàng rồi: triều đại Đức Phaolô VI., Đức Gioan Phaolo I., và triều đại Đức Gioan Phaolo II. Ngoài ra, tôi bị tù dưới thời bốn vị Tổng thư ký của Đảng cộng sản Liên Xô: ông Breznev, ông Andropov, ông Cernenko và ông Gorbachov.

Ông Bộ trưởng bật cười và gật gù đồng ý:

- Đúng thật, đúng thật.

Rồi ông quay sang vị thư ký nói:

- Hãy làm những gì cần thiết để thỏa mãn nguyện vọng của ông ấy.

Lòng tôi nhảy mừng. Mẹ Maria đã giải thoát tôi. Lạy Mẹ, con cám ơn Mẹ. Con mừng lễ Mẹ.

Kính chào mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, là mẹ và là gương mẫu của Hội Thánh Ngài.
Kính chào mẹ, suối nguồn ơn thánh và lòng từ nhân, mẫu gương của mọi sự tinh tuyền.

Mẹ là niềm vui trong châu lệ, là chiến thắng trong đấu tranh, là hy vọng trong thử thách, Mẹ là đường duy nhất dẫn đến Chúa Giêsu.

Xin chỉ cho chúng con Thiên Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi. Xin mẹ hãy tỏ ra và như vậy cũng là đủ cho chúng con.“ (ĐHY Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Roma, Dân Chúa Âu Châu, 2001, Trang 248-249.)

Thật là một tâm hồn sống lòng tin tưởng cậy trông sâu xa vào Đức Mẹ Maria. Lòng tin tưởng sâu thẳm đó không thể đo lường được bằng biểu đồ với thang mức những con số.

Một đời sống có được những ơn lạ lùng như thế thật là một đời sống được chúc phúc, cho dù có phải vác thập gía chịu đựng đau khổ.

Nỗi vui mừng chan chứa tâm tình lòng biết ơn cùng tâm niệm sâu sắc của một con người vững lòng hy vọng cậy trông vào Đức Mẹ, như tù nhân Giám mục Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận, thật là hiếm có.

Người đó phải là một người cao cả. Một vị Thánh.

Dịp thăm Căn Phòng vị Tôi tớ Chúa, Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận
Stiftung der Celittinne zur Hl. Maria
Graseggerstr. 105 - 50737 Koeln, Longerich - Germany.
Herr Diakon W. Allhorn 0221 - 97451420

Tháng Năm 2014 kính Đức Mẹ Maria
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều
Lê Trị
23:05 04/05/2014
CHIỀU
Ảnh của Lê Trị
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây…
(Trích thơ của Hồ Dzếnh)