Ngày 06-05-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 5 Phục Sinh 7/5 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:32 06/05/2023


BÀI ĐỌC 1  Cv 6:1-7

Bài trích sách Công vụ Tông đồ.

Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.

Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  1Pr 2:4-9

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.

Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy. Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Ga 14:6

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Alleluia.

TIN MỪNG  Ga 14:1-12

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”

Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”

Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.”

Đó là Lời Chúa.
 
Mối Liên Kết
Lm Vũđình Tường
04:15 06/05/2023
Người ta thường chọn phần đầu trong bài Phúc Âm tuần này cho lễ an táng người thân, bởi đoạn Kinh Thánh này mang lại niềm ủi an và hy vọng cho người khóc thương, sầu khổ. Niềm ủi an mang lại qua lời hứa của Đức Kitô,

'Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy' Gn 14,3.

Như thế việc chia tay không phải là từ bỏ, cũng không phải là chia tay vĩnh viễn mà chỉ là vắng bóng tạm bợ, trong một thời gian. Niềm hy vọng sống lại dành cho cả người còn sống lẫn người quá cố nằm trong câu,

'Để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó' Gn 14,3b.

Trong một tương lai nào đó, môn đệ Đức Kitô sẽ xum họp, đoàn tụ với Ngài. Thời gian gặp lại không xác định trong đoạn Kinh Thánh này. Ở một nơi khác Đức Kitô xác định rõ thời gian là ba ngày. Trong ba trường hợp khác nhau, Đức Kitô tiên đoán về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ngài. Những lần đó Ngài nói rõ, sau ba ngày an táng trong mộ, Ngài sẽ sống lại vinh quang. Mt 20,19.

Đoạn Kinh Thánh hôm nay là lời Đức Kitô tiễn biệt môn đệ. Các ông lo buồn, sợ hãi bởi các ông chưa bao giờ tưởng tượng được sẽ có ngày Thầy trò chia tay. Đức Kitô hiểu rõ tâm trạng lo lắng của các ông nên Ngài dặn các ông hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và tin vào Ngài; các ông sẽ bớt lo lắng, phiền muộn,

'Anh em đừng xao xuyến! hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy' Gn 14,1.

Khi gặp điều lo lắng, buồn phiền, hãy đến cùng Đức Kitô để tìm được nguồn ủi an. Đây cũng là dấu chỉ cho biết lòng tin của Kitô hữu. Đức tin càng vững chắc, càng dễ vượt qua điều phiền muộn. Càng đặt niềm tin vào Chúa, con tim sẽ tìm được bình an, sức mạnh và hy vọng để đối phó với sầu muộn, đau thương.

Lắng nghe lời Đức Kitô, nhưng dường như các ông không hiểu mấy. Các ông tự hỏi Đức Kitô đi đâu, mà không cho ai đi theo? Điều này thể hiện qua câu hỏi của ông Thomas khi ông hỏi Đức Kitô,

'Thưa thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường' Gn 14,5.

Đức Kitô trả lời Thomas,

'Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống' Gn 14,6.

Đến lượt ông Philip lên tiếng, ông hỏi Đức Kitô,

'Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện' Gn 14,8.

Đức kitô nói với ông,

'Ai thấy Thầy, là thấy Chúa Cha' Gn 14,9.

Cả hai câu giải thích của Đức Kitô đều làm cho môn đệ lúng túng bởi í nghĩa của nó quá sâu thẳm cho trí óc con người hiểu biết. Môn đệ dù cố gắng vẫn không thể hiểu thấu đáo điều Đức Kitô truyền đạt. Điều này cho thấy cái giới hạn của ngôn ngữ con người. Đức Kitô mặc khải mối liên kết mật thiết giữa Ngài và Chúa Cha siêu việt đến độ vượt quá sức hiểu cũng như lí giải của con người. Đây không phải là mối liên kết bình thường, mà là liên kết trong tình yêu, lòng mến, ngôn từ và ngay cả trong hành động. Đây là điều không phải để hiểu mà là để tin. Mối liên kết bền chặt, khắng khít đến độ cả hai nên một trong mọi sự. Liên kết mật thiết đến độ,

'Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha'.

Vì thế Đức Kitô nói gặp Ngài chính là gặp thấy Chúa Cha. Để hiểu phần nào câu nói trên, Đức Kitô giải thích thêm cho môn đệ biết, qua Đức Kitô, Chúa Cha làm phép lạ. Người điếc nghe được, què bước đi, câm vang ca, mù sáng mắt, kẻ chết sống lại. Những phép lạ này không thể giải thích, không thể chứng minh, mà cần đến lòng tin. Không thể hiểu được phép lạ, mà mối liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con còn sâu thẳm hơn cả phép lạ thì làm sao có thể hiểu. Vì thế lòng tin đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.

Đức Kitô cho môn đệ ai biết tin vào Ngài sẽ làm được những việc cả thể, và còn làm những việc cả thể hơn chính Đức Kitô đã làm. Đức Kitô không ngụ í nói Kitô hữu sẽ làm phép lạ như chính Ngài đã làm. Có lẽ Đức Kitô muốn nói đến, những ai tin vào Đức kitô thì Chúa Cha sẽ tác động trong người đó, và Chúa Cha thực hiện những điều kì diệu trong cuộc đời người đó. Như thế qua Kitô hữu, Chúa Cha thực hiện điều mà Chúa Cha chưa thực hiện nơi Đức Kitô. Điều cần lưu í là khi phép lạ xảy ra cho cá nhân nào; chính cá nhân đó nhận biết mình nhận được phép lạ. Điều này không bắt buộc người khác phải tim theo. Tùy vào lòng tin của từng kitô hữu, phán đoán, nhận xét. Giáo Hội thường không lên tiếng về phép lạ cá nhân; ngoại trừ trường hợp hết sức đặc biệt.

Ngày nay Kitô hữu hiểu lời chia tay, giã biệt Đức Kitô nói về cuộc khổ nạn, chết và Phục Sinh vinh quang của Ngài. Cuộc khổ nạn được biết đến trong câu,

'Thầy là đường, là sự thật và là sự sống' Gn14,6.

Con đường dẫn đến Chúa Cha, Sự thật Ngài là Con Thiên Chúa và sự sống chính là sự Phục Sinh của chính Ngài và sự sống trường sinh cho Kitô hữu.

Cá nhân nào cũng có cuộc khổ nạn riêng của chính mình; đó là nơi an nghỉ cuối cùng của một đời người. Những ai đặt trọn niềm tin và chân thành yêu mến Đức Kitô đều có chung nơi an nghỉ cuối cùng, đó là được cư ngụ trong nhà Chúa. Kitô hữu không đi một mình trên đường lữ hành nhưng có Đức Kitô cùng đồng hành. Ngài biết đường bởi chính Ngài đã đi trên con đường đó, không phải một lần mà đi và về trên con đường đó. Con đường đó dẫn về nhà Chúa Cha. Kitô tin vào điều Đức Kitô hứa,

'Thầy đi rồi Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy' Gn 14,3.

Trên đường đi, một khi ta vấp ngã, Đức Kitô đáp lại lời ta kêu cứu, và dẫn ta đến cùng Chúa Cha là chủ tể mọi sự thật và là nguồn sống thật. Sự thật Thiên Chúa ban hoàn toàn khác với sự thật xã hội cổ võ. Sự thật Chúa ban giúp ta xưng tụng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Sự thật là những ai tin yêu Đức Kitô sẽ được cư ngụ trong nhà Chúa Cha. Đó là niềm tin và hy vọng của Kitô hữu.

TiengChuong.org

Oneness of God

People often choose the first part of this message to say farewell to their loved ones because it gives much consolation and hope to mourners. The consolation comes from the knowledge that,

'I shall return to take you with me' v.3.

The separation is neither an abandonment nor a permanent separation, but only a temporary absence. The hope comes from Jesus' promise,

'Where I am you may be too'v.3.

In the future, the disciples will see Jesus again. The time is not specified in this context. We recall the three prophecies Jesus told his disciples; that three days after the crucifixion He will rise again Mt 20,19. Today's text is Jesus' farewell speech to his disciples before His Passion. They would not expect that one day He would leave them alone. This separation gave them much trouble. Jesus told them they need to trust God and trust him,

'Do not let your hearts be troubled. Trust in God still, and trust in me' Jn 14,1.

When they place their trust in God and hope in Jesus; their trouble is lessened. Jesus shows the disciples that He understands their troubled hearts. In times of trouble, our hearts tell us how much we place our trust and hope in God and Jesus. The more we place our trust in God; the less trouble we experience. Trusting in God certainly calms our hearts. It gives us hope, and hope is life.

The disciples listened to Jesus, but it seems that they failed to grasp what Jesus told them. They wondered why Jesus was going away alone, and would not allow anyone to follow. Thomas raised the issue that he didn't know the way. Jesus replied:

'I am the way, the truth, and the life v.6'.

This saying confused them even more. Jesus clarifies the point He made about the way. Jesus made it clear to them, that He is going to the Father. After Thomas, it was Philip who expressed a desire to see the Father. Jesus went on to say, He is in the Father and the Father is in him.

'To have seen me is to have seen the Father v.9'.

The unity, the oneness between the Father and Jesus, makes it harder for the disciples to understand.

'You must believe me when I say that I am in the Father and the Father is in me v.11'.

Jesus told the disciples that the oneness of God is beyond reasonable explanation. It requires faith to believe. Jesus told his disciples that his teaching and miracles are the signs of unity, because the Father works through Him. There is no reasonable explanation for the miracles Jesus had done. We know the deaf hear, the blind see, the lame walk, and dead were brought to life. They are miracles because we accept their reality, but are unable to explain it. The oneness of God is deeper than these miracles.

Today we understand Jesus' farewell speech is the way of the cross. His Passion, death, and resurrection reveal his unconditional love for mankind. His Passion is known as

'I am the way, the Truth and the Life v.6'.

We all have our own 'passion', and that is our final destination. For those who believe in Jesus, and are faithful to Him, will arrive at the same destination- God's kingdom. They don't travel alone, but Jesus is their companion on the way. He knows the way because he has done, not a one-way, but a return trip. He is the Way because he is in the Father. We believe in his promise. The phrase 'I shall return to take you with me' implies, that Jesus is our companion on the way to the Father. When we stumble, Jesus assists us to stand up; and leads us to the Truth. It is not a kind of truth the world promotes, but the Truth of God. The Truth that makes us profess God is our Father, who is the author of life and eternal life. The Truth is that through Jesus; we come to know the Father. The Truth is that those who believe Jesus will be led by him and dwell in Him, 'Where I am you may be too v.3'. That is our hope.
 
Hãy yêu! Tình yêu cho biết phải làm gì
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
06:03 06/05/2023

HÃY YÊU! TÌNH YÊU CHO BIẾT PHẢI LÀM GÌ
CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH NĂM A

Tuần rồi, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là mục tử nhân lành đã và vẫn chăn dắt đàn chiên của Người là chính chúng ta trong tình yêu. Nhưng mối tình ấy không đơn thuần là tình của những người yêu nhau (bạn bè, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em… chẳng hạn), trao tặng cho nhau. Nó không đơn thuần là tình yêu trên phương diện con người. Nhưng là tình yêu của Đấng mang trái tim Thiên Chúa đã làm người. Tình yêu của Chúa Kitô, vì thế, là thứ tình quý giá vô cùng.Đó là thứ tình yêu có một không hai, ngoài Chúa Kitô, ta không thể có được, càng không thể tìm kiếm bất cứ nơi đâu.

“Thiên Chúa làm người”, nói thì đơn giản, thực tế đó là cả một triết lý cao sâu, nhưng không thuộc về lý trí, lại vượt lên trên tất cả những gì mà lý trí có thể nắm bắt.

Đó là chân lý tuyệt đối, chân lý thuộc về mầu nhiệm đức tin, một mầu nhiệm lớn mà con người chỉ có thể sống bằng sự cảm nghiệm và lòng tin.

Vừa là triết lý nhưng không thuộc về lý trí, lại là mầu nhiệm của đức tin, bởi ta không thể hiểu nổi, không thể tưởng tượng nổi vì sao lại có một tình yêu vĩ đại đến thế, tình yêu của Đấng quyền năng, cao trọng vô cùng, vượt trên tất cả mọi loài, mọi sự, còn hơn thế, là chủ tể của mọi loài, mọi sự, lại có thể hạ mình để nên một trong những thụ tạo do chính mình dựng nên.

Nhưng điều mà loài người không một chút mảy may hiểu được, càng không bao giờ dám nghĩ tới, lại là sự thật. Thiên Chúa đã làm nên và đã trao ban sự thật rất đỗi kỳ diệu để làm bằng chứng hùng hồn, chứng minh tình yêu quá sức lớn lao của Người.

Bởi vậy, nhìn vào tình yêu cuồn cuộn và mãnh liệt, không bờ bến của Thiên Chúa, ta hãy đặt bước chân đời mình vào những bước yêu thương của Thiên Chúa để sống với nhau, sống cho nhau, hiến thân vì nhau.

Với kinh nghiệm về sức mạnh của tình yêu, chúng ta dám khẳng định, trong tình yêu, người ta có thể vượt thắng mọi khó khăn, dù khó khăn đó lớn đến đâu đi nữa, để chỉ thỏa mãn một điều kiện duy nhất: làm cho người mình yêu hạnh phúc.

Cả cuộc đời Chúa Giêsu là thế: Chúa chấp nhận trao hiến chính mình để mưu cầu hạnh phúc cho ta. Bởi khi sinh ra làm người trong thân phận một bé thơ, người san sẻ đến cùng thân phận cùng cực, mong manh, yếu đuối của ta. Suốt ba mươi năm sống thầm lặng trong gia đình Nazaret, bên cạnh Đức Maria, thánh Cả Giuse, Chúa Giêsu đã cùng đồng hành với những người nghèo hèn, chấp nhận sống nghèo, sống vất vả.

Ba năm rao giảng Tin Mừng để loan báo ơn cứu độ, loan báo Nước trời cho trần gian. Chúa chấp nhận chết đau thương, ai oán vì lợi ích phần rỗi của chúng ta. Sự sống sau phục sinh của Chúa, không phải chỉ vì vinh quang của chính Chúa mà thôi, nhưng Chúa sống lại là để ta được sống đời đời.

Rồi hôm nay, chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người ấy, trước khi từ giã các môn đệ đã nói những lời hết sức cảm động, những lời yêu thương tràn đầy, mang dáng dấp của sự lưu luyến thẳm sâu: “Thầy đi dọn chỗ cho các con, rồi Thầy sẽ trở lại mang các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó với Thầy”.

Những lời hết sức tâm tình, ấm áp, chất chứa một tình mến không gì sánh nổi ấy, cũng là lời đầy an ủi không chỉ riêng cho các tông đồ ngày xưa, nhưng còn cho mỗi môn đệ của Chúa hôm nay.

Lắng nghe lời trăn trối chất chứa nỗi lòng yêu thương và an ủi của Chúa Giêsu, ta chấp nhận cuộc sống của chính mình, dẫu còn đó nhiều long đong, khổ ải, để như Chúa Giêsu, khi đã đi qua cuộc đời này, chúng ta được cùng Người đến nơi mà chính Người đã đến và đã dọn sẵn cho ta.

Hóa ra cũng giống như cả cuộc đời trần thế để hiến thân, để ban tặng, sau khi phục sinh, Chúa về trời, thì sự được tôn vinh trên trời ấy cũng lại quy về chúng ta. Ra đi, nhưng không phải vĩnh biệt mà là chuẩn bị, là “dọn chỗ” để “Thầy ở đâu, các con cũng ở đó”.

Hạnh phúc quá đỗi, vinh dự quá đỗi cho loài người. Tưởng chừng bản thân mỗi người chỉ là mong manh, là nhỏ bé, là khó có thể hoàn thiện, lại được chính Thiên Chúa là Chúa của mình yêu thương cúi xuống để cứu chữa, để nâng đỡ, để phục vụ mình. Một tình yêu không thể tưởng tượng, chỉ còn có thể lặng đi mà chiêm ngưỡng, mà cảm nghiệm.

Cả cuộc đời Chúa Giêsu: sinh ra, lớn lên, đi rao giảng, chịu đóng đinh, chết, sống lại, lên trời, đều vì chúng ta, vì hạnh phúc vĩnh cửu của loài người.

Chỉ có một tình yêu lớn lao như tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Đấng mang trái tim Thiên Chúa đã làm người, mới có thể mạnh mẽ, mãnh liệt như thế, mới trở nên quá đỗi kỳ diệu và tuyệt vời như thế.

Chúng ta nói với nhau, trong tình yêu, người ta có thể vượt thắng mọi khó khăn, dù khó khắn đó lớn đến đâu, để làm cho người mình yêu hạnh phúc. Thì đây, Chúa Kitô là như thế. Tình yêu của Chúa Kitô là tình yêu vượt thắng, vượt lên trên mọi khó khăn, mọi thách đố để mang lại hạnh phúc cho ta, những kẻ được Người yêu mến vô cùng.

Hôm nay Chúa vẫn đang mời gọi hãy yêu thương, hãy bắt chước chính Chúa mà sống đời sống yêu thương.

Không có mẫu số chung để bày tỏ lòng yêu thương cho hết mọi người, mọi hoàn cảnh. Chúng ta hãy yêu. Tình yêu sẽ dạy ta biết phải làm gì để bày tỏ lòng yêu thương và sống lòng yêu thương suốt đời mình.

Người ta kể rằng, Helen Keller là một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở nên không còn xa lạ với thế giới. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh trở thành mù lòa và câm điếc suốt đời. Thế giới âm thanh và màu sắc đã đóng chặt cánh cửa lại với cô.

Làm sao để có thể truyền đạt kiến thức cho một người vừa câm, vừa điếc, lại mù lòa? Helen Keller và cả cha mẹ cô đều chịu thua, hầu như cô và mọi người đã đầu hàng số phận.

Nhưng có một “thiên thần”, bằng tình yêu, sự hy sinh của bản thân đã “làm phép lạ” để giúp đỡ cô. Vị thiên thần có cái tâm cao cả đó chính là cô giáo Anna Sullivan. Anna đã không chạy trốn khi đến với người học trò quá bất hạnh của mình. Hy vọng duy nhất mà cô có thể truyền thông kiến thức và liên lạc với Helen Keller là tiếp xúc với đôi bàn tay của cô gái này.

Đúng là phép lạ cả thể. Chỉ với ngôn ngữ tiếp xúc trên đôi bàn tay, Helen Keller đã có thể học xong đại học, lấy bằng tiến sĩ, và trở thành nhà văn nổi tiếng khắp thế giới.

Chính trong nỗi bất hạnh tưởng như tột cùng của mình, Helen Keller lại là người hạnh phúc. Bởi cô có được một người thầy đẹp quá, đáng yêu quý, đang trân trọng, đáng cho tất cả mọi người noi gương biết bao nhiêu.

Chỉ có tình yêu chân thực, người ta mới có thể mang lại hạnh phúc cho nhau. Chúa Kitô, chính vì yêu, đã cúi xuống cho ta.

Chúa sống lại để trả lại hạnh phúc đời đời do chính ta đã đánh mất trong tội. Nay Chúa về cùng Cha để hạnh phúc của ta nên trọn, đúng như lời Chúa: “Thầy đi dọn chỗ cho các con…”.

Bởi vậy, như Chúa Giêsu, ta cũng được mời gọi mang lại hạnh phúc cho anh chị em quanh mình. Câu chuyện về cô giáo Anna Sullivan và người học trò bất hạnh Helen Keller là một điển hình để bạn và tôi có thể lấy làm bằng chứng sống mà tìm ra đáp số củng cố lòng yêu thương nơi chính mình.
 
Chúa là con đường
Lm. Nguyễn Xuân Trường
15:26 06/05/2023
 
Đừng xao xuyến
Lm. Minh Anh
15:31 06/05/2023

ĐỪNG XAO XUYẾN!
“Lòng các con đừng xao xuyến!”.

Napoleon nói, “Tôi không bao giờ lo lắng về việc mình sẽ làm gì nếu thắng một trận chiến; nhưng tôi luôn biết chính xác mình sẽ làm gì nếu thua một trận!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Phêrô đã từng thua một trận, nhưng ông biết chính xác ông sẽ làm gì! Phêrô đã chối Thầy, nhưng đã khóc lóc thảm thiết và thật lòng ăn năn. Nhờ đâu? Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tiết lộ cho chúng ta bí quyết của ông. Phêrô đã nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói, “Lòng các con đừng xao xuyến!”.

Bối cảnh Tin Mừng là bữa Tiệc Ly, khi Giuđa vừa bỏ đi và Phêrô được báo trước sẽ chối Thầy. Bầu khí phòng tiệc trở nên ảm đạm, các môn đệ thì ủ dột. Cảm nhận được điều đó, Chúa Giêsu trấn an họ bằng những lời yêu thương và khích lệ, “Lòng các con đừng xao xuyến!”.

Bị cám dỗ phạm tội có thể gây nản lòng; nhưng điều đó cũng có thể trở thành một điều tốt! Nếu không bị tác động bởi những cám dỗ phạm tội, xem ra chúng ta mất công nghiệp, và không đủ tình yêu đối với Chúa. Và nếu sa vào cám dỗ nhưng không cảm thấy buồn phiền thì điều này thậm chí còn tồi tệ hơn! Tuy nhiên, sự đau buồn vì tội lỗi sẽ không thể tiếp tục; nó phải biến thành một điều gì đó tích cực hơn, và đó là hy vọng. Nhưng hy vọng chỉ có được từ tội lỗi khi chúng ta nghe và hiểu được lời hứa của Chúa Giêsu, “Đừng xao xuyến!”.

Không chỉ bảo các môn đệ “Đừng xao xuyến!”, Chúa Giêsu còn hứa với họ rằng, Ngài sẽ chuẩn bị một chỗ trên trời và sẽ trở lại để đưa họ đến nơi đó, ‘Nhà của Cha’, bất chấp những thất bại của họ. Bằng niềm tin, Phêrô và các môn đệ khác có thể xua tan sự nản lòng ban đầu mà họ cảm thấy về những thất bại của mình để quay trở lại với Thầy cùng sự trông đợi ngày đoàn tụ trong ‘Nhà của Cha’.

Hôm nay, hãy suy gẫm về bất kỳ tội lỗi nào mà bạn thường xuyên vật lộn! Khi làm vậy, hãy cân nhắc xem sự nản lòng của bạn dẫn đến tuyệt vọng hay hy vọng. Hy vọng không đến từ khả năng tự mình vượt qua tội lỗi; nó phát xuất từ lòng trắc ẩn của Thiên Chúa và lời hứa của Ngài. Nếu bạn có một trái tim xao xuyến, điều đó là tốt; bởi đó là khởi điểm cho niềm hy vọng. Hãy để Chúa Giêsu nâng đỡ trái tim đau khổ của bạn và hướng mắt bạn lên ‘Nhà của Cha!’.

Anh Chị em,

“Lòng các con đừng xao xuyến!”. Bạn có quá xao xuyến và nản lòng vì tội lỗi của mình không? Hãy bắt đầu bằng việc nhớ lại bất kỳ tội lỗi nào mà bạn đêm ngày chiến đấu! Đặc biệt, nhớ lại những lần bạn đau buồn, ăn năn và hy vọng; hoặc dẫn đến ngã lòng, từ bỏ nhân đức và tuyệt vọng. Như Phêrô, bạn phải thật lòng đau buồn cay đắng vì tội lỗi mình; nhưng phải để cho tội lỗi và cám dỗ tuyệt vọng trở thành động lực để lấy lại niềm cậy trông, can đảm và quyết tâm. Điều này chỉ có thể thực hiện nếu chúng ta luôn nghe Chúa Giêsu nói với linh hồn mình, “Đừng xao xuyến!”. Phải cảm nhận cho được lòng thương xót và sự dịu dàng của Chúa và để cho tình yêu Ngài lấp đầy với niềm tin tưởng rằng, một ngày nào đó, chúng ta sẽ chiến thắng mọi tội lỗi; và cũng một ngày nào đó, bạn và tôi là những con trai con gái được đón vào Nhà Cha.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường xuyên thua trận, giúp con biết chính xác, con phải làm gì! Cho con luôn nhớ lời đầy an ủi của Chúa, “Đừng xao xuyến!”, hầu can đảm chỗi dậy, đứng lên và đi tới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sứ mạng của Đấng bảo trợ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
23:02 06/05/2023

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
Cv 8,5-8.14-17; 1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21
SỨ MẠNG CỦA ĐẤNG BẢO TRỢ

Chúng ta đang tiến gần tới lễ Hiện Xuống. Phụng vụ bắt đầu để chuẩn bị cho chúng ta mừng lễ này.

1. Loan báo về Đấng Bảo Trợ đến

Bài đọc I, trích sách Công Vụ Tông Đồ, nói về Chúa Thánh Thần. Ở Samari, nhiều người đã đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Hai vị tông đồ Phêrô và Gioan từ Giêrusalem được cử đến để gặp họ và xác nhận rằng: Họ là những người đã được rửa tội cách hợp lệ. Tuy nhiên, họ chưa đón nhận Chúa Thánh Thần, nên chưa nhận được những hiệu quả của Người như niềm vui, sự nhiệt thành, và làm được những dấu lạ… Sau đó, các Tông Đồ “đặt tay trên họ và họ nhận được Chúa Thánh Thần” (x. Cv 8,14-17).

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về Thánh Thần với các môn đệ với một danh hiệu đặc biệt, Đấng Bảo Trợ:
Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16-17).

Sau khi căn dặn và an ủi các ông, Chúa Giêsu tiếp tục nói về chủ đề này:
Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều đã nói với anh em” (Ga 14,25-26).

Paracletus là một từ Hy Lạp khi thì có nghĩa là người an ủi, khi thì có nghĩa là người bảo vệ, khi thì có nghĩa vừa an ủi vừa bảo vệ. Trong toàn bộ Kinh Thánh, tước hiệu này được áp dụng đặc biệt cho Chúa Thánh Thần. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa là nguồn an ủi lớn lao của Dân Người, như được nói trong sách Isaia: “Ta là Đấng an ủi của ngươi” (Is 51,12), Người an ủi như một người mẹ an ủi con thơ (x. Is 66,13). Đây là sự an ủi của Thiên Chúa, hay “Thiên Chúa của sự an ủi” (Rm 15,4) được nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự đồng hóa mình là Đấng An Ủi thứ nhất (x. Ga 14,15). Người là Đấng mời gọi:
Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

2. Sứ vụ của Đấng Bảo Trợ

Với tư cách Đấng Bảo Trợ, Chúa Thánh Thần đến không ngoài sứ vụ nào khác là tiếp tục công trình của Chúa Kitô, và hoàn tất công trình chung của Ba Ngôi. Người được Chúa Giêsu gọi là “Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16).

Nhưng điều này là không đủ để giải thích tại sao, trong Tin Mừng của mình, thánh Gioan nói nhiều đến tước hiệu Đấng Bảo Trợ. Tước hiệu này phải có nguồn gốc và tầm quan trọng của nó đối với kinh nghiệm của Giáo Hội. Bởi lẽ, sau phục sinh, toàn thể Giáo Hội đã có một kinh nghiệm sống động và mạnh mẽ về Chúa Thánh Thần như là Đấng An Ủi, Đấng Bảo Vệ, Người bạn đồng hành trong những lúc khó khăn bên trong và cả bên ngoài, trong những cuộc bách hại, trong quá trình phát triển và đời sống hằng ngày. Chúng ta đọc thấy trong sách Công Vụ Tông Đồ kể lại:
Giáo Hội lớn lên và bước đi trong sự kính sợ Chúa, và được tràn đầy sự an ủi (paraclesis) của Chúa Thánh Thần” (Cv 9,31).

Như đã nói, Đấng Bảo Trợ có thể có hai nghĩa: vừa bảo vệ vừa cố vấn. Trong những thế kỷ đầu, khi Giáo Hội ở trong tình trạng bị bách hại và trong quá trình phát triển, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần với tư cách Đấng Bảo Trợ, đã đóng vai trò là trạng sư và là người bảo vệ thần linh của Giáo Hội chống lại những kẻ tố cáo. Người đã trợ giúp các vị tử đạo và các Kitô hữu trước những quan án, trong những phiên tòa xét xử; Người đặt trên môi miệng họ những lời nói mà không ai có thể cãi lại được.

Sau thời đại bách hại, Chúa Thánh Thần được kinh nghiệm chủ yếu như là Đấng An Ủi trong những cơn đau khổ và buồn phiền của cuộc sống. Khi so sánh sự an ủi của con người và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, thánh Bônaventura thấy có ba sự khác biệt nền tảng:
Sự an ủi của Chúa Thánh Thần là đích thật, hoàn hảo và cân xứng. Đích thật, bởi vì Người ban sự an ủi cho linh hồn, chứ không phải cho những bản năng xác thịt, ngược lại với điều mà thế gian làm, đó là an ủi xác thịt và làm đau khổ linh hồn, giống như điều mà một ông chủ xấu chăm sóc con ngựa và sao nhãng kỵ binh. Hoàn hảo, bởi vì Người an ủi trong mỗi khi đau khổ; không như thế gian an ủi, thế gian làm cho đau khổ thêm, giống như một người vá áo khoác cũ, vá một lỗ lại làm rách hai lỗ. Và cân xứng, bởi vì ở đâu có đau khổ, ở đó Người mang lại sự an ủi lớn lao hơn; không như thế gian làm trong khi sung túc thì an ủi và nịnh bợ, nhưng trong khi hạn vận lại cười chê và lên án.”

3. Anh em hãy an ủi nhau

Bây giờ chúng ta phải rút ra từ suy niệm của chúng ta về Đấng Bảo Trợ một bài học thực tiễn và có thể áp dụng. Không đủ để chỉ nghiên cứu ý nghĩa của từ Đấng Bảo Trợ, cũng không chỉ gọi Chúa Thánh Thần với tên này. Chính chúng ta phải trở nên những người an ủi! Nếu thật sự những Kitô hữu là một Alter Christus, một Chúa Kitô khác, thì chúng ta cũng phải là một “Đấng an ủi khác.” Đây là tước hiệu để bắt chước và sống, chứ không chỉ để hiểu biết.

Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu Thiên Chúa đã đổ ra trong lòng chúng ta (x. Rm 5,5); nghĩa là nhờ tình yêu mà chúng ta được yêu mến bởi Thiên Chúa, tình yêu đó làm cho chúng ta có khả năng yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Áp dụng cho việc an ủi là một hình thức mà tình yêu làm cho người được yêu mến vượt trên những đau khổ. Thánh Tông Đồ nói với chúng ta một điều rất quan trọng, đó là Đấng Bảo Trợ không chỉ ban cho chúng ta sự “an ủi” nhưng Người còn dạy chúng ta nghệ thuật an ủi người khác. Thánh Phaolô giải thích điều này rất hay khi viết:
Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,2-4).

Hay ở nơi khác, thánh Tông Đồ khuyên: “Anh em hãy an ủi nhau” (1 Tx 5,11), tương tự như nói rằng: “Anh em hãy trở thành những người an ủi” của nhau. Nếu sự an ủi mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa không chuyển sang người khác, mà chỉ giữ lại một cách ích kỷ cho mình, sự an ủi đó sẽ nhanh chóng biến mất.

Ngày nay, xung quanh chúng ta, có rất nhiều người đang dấn thân phục vụ để an ủi người khác. Họ là những người đang cúi xuống trên các bệnh nhân nan y, các bệnh nhân AIDS. Họ là những người đang chăm sóc những người già, những tình nguyện viên dành thời gian để đi thăm các bệnh nhân. Họ là những người đang phục vụ các trẻ em là nạn nhân của đủ thứ lạm dụng, bên trong và bên ngoài gia đình. Họ là những người đấu tranh cho nhân quyền của những người bé mọn đang bị đe dọa. Họ là các linh mục và tu sĩ đang an ủi người khác qua sứ vụ truyền giáo và mục vụ. Qua họ và nhờ họ, Chúa Thánh Thần đang tiếp tục sứ mạng an ủi dân Người. Đó là lý do tại sao thánh Phanxicô thành Assisi đã cầu nguyện:
“Tìm an ủi người, hơn được người ủi an.
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.”


Theo lý tưởng đó, Hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi trở thành người mang niềm an ủi của Thiên Chúa cho tha nhân. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám mục Chí Lợi và Peru kêu gọi đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới
Đặng Tự Do
05:20 06/05/2023


Các giám mục của các giáo phận Tacna, Peru và Arica, Chí Lợi, đã kêu gọi chính quyền của cả hai quốc gia tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại cho cuộc khủng hoảng di cư hiện đang diễn ra ở biên giới.

Trong hai tuần qua, hàng trăm người di cư - chủ yếu là người Venezuela nhưng cũng có người Colombia và Haiti - đã cố gắng rời Chí Lợi để vào Peru vì Chí Lợi thắt chặt chính sách nhập cư người nước ngoài nói rằng mục tiêu cuối cùng của Chí Lợi là hồi hương về nước xuất xứ của họ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nội vụ Peru, Vicente Romero, chỉ những người xuất trình thẻ nhập cư, thị thực và hộ chiếu mới được chấp nhận. Những người còn lại vẫn ở lại biên giới giữa hai nước, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của sa mạc, với một số người trong số họ tham gia vào các cuộc đối đầu với cảnh sát.

Trước tình hình đó, chính phủ Peru đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tuần trước tại hầu hết các cửa khẩu biên giới để lực lượng vũ trang hỗ trợ cảnh sát. Về phần mình, chính phủ Chí Lợi đã ra lệnh quân sự hóa biên giới phía bắc vào tháng 2 để ngăn chặn nhiều người di cư vào nước này bất hợp pháp.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 29 tháng 4, Giám mục Tacna và Moquegua, Marco Cortez, và Giám mục Arica, Moisés Atisha, đã than phiền về các cuộc đụng độ ở biên giới và nhắc lại lời kêu gọi của các ngài rằng với “cuộc đối thoại chân thành giữa tất cả các bên liên quan”, một giải pháp có thể được đưa ra cho những người di cư, bao gồm cả các gia đình có trẻ em và người lớn tuổi.

Các vị giám chức chỉ ra rằng “tất cả chúng ta đều đồng ý rằng hiện tượng di cư phải được quản lý bởi các cơ quan có thẩm quyền thích hợp,” nhưng điều này “không đồng nghĩa với việc cấm đoán hay coi những người như vậy là tội ác cho xã hội”.

Các giám mục nói rằng việc quân sự hóa biên giới hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp “là những biện pháp cưỡng chế đòi hỏi những giải pháp cân nhắc và công bằng hơn”.

Tuy nhiên, các ngài nói thêm rằng các hành vi bạo lực do một số người di cư gây ra ở các quốc gia đã tiếp nhận họ đã dẫn đến việc người dân chống lại những người tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn.

Các giám mục cho biết những người đang cố gắng vượt biên “là những người đang tìm kiếm một nơi mà họ có cơ hội xây dựng một cuộc sống tử tế”, đồng thời chỉ ra rằng tình trạng nghèo đói cùng cực đã buộc họ phải di cư.

“Vì lý do này, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và dịch vụ đang được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức xã hội dân sự. Với tư cách là Giáo hội Công giáo, chúng tôi không chỉ hiện diện trong những thời điểm khẩn cấp, mà còn đồng hành với họ hàng ngày và tìm cách chào đón họ cũng như hòa nhập họ vào xã hội,” các ngài nói thêm.

Các giám mục của Tacna và Arica lưu ý rằng giải pháp phụ thuộc vào các quyết định chính trị và do đó đã yêu cầu “việc thực hiện đồng trách nhiệm một cách xác thực và chân thành từ phía cộng đồng quốc tế” cũng như của chính quyền quốc gia và khu vực.

Cuối cùng, các vị giám chức kêu gọi sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Coromoto, bổn mạng của Venezuela, và kêu gọi các nhà chức trách tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để tìm ra “những cách giải quyết vấn đề này để chúng ta không phải thương tiếc các nạn nhân do bạo lực đang bùng phát. ”

Các ngài tuyên bố: “Giải pháp cho bất kỳ vấn đề xã hội nào sẽ chỉ khả thi nếu phẩm giá của mỗi người được công nhận và tôn trọng, vì đây là giá trị không thể chuyển nhượng, không thể bị lợi dụng khi giải quyết vấn đề”.
Source:Catholic World Report
 
Nhật Ký Trừ Tà số 238: Ác Ma Tuyệt Vọng
Đặng Tự Do
05:23 06/05/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #238: Demons of Despair”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 238: Ác Ma Tuyệt Vọng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những linh hồn đau khổ của chúng tôi, “James,” đã liên lạc với tôi. Anh ta tràn ngập sự tuyệt vọng. Anh ấy nói rằng một cảm giác tuyệt vọng bao trùm lấy anh ấy và anh ấy tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi ma quỷ. Chúng tôi ngay lập tức tổ chức một buổi cầu nguyện tự phát qua điện thoại và tôi đã cầu nguyện những lời cầu nguyện giải thoát với anh ấy. Cuối cùng, những cảm giác đen tối hoàn toàn biến mất và hy vọng của anh ấy quay trở lại.

Tôi nói với anh ấy rằng những cảm giác đen tối này rõ ràng là ma quỷ. Chúng áp đảo anh ta khá đột ngột và rời đi ngay lập tức do cầu nguyện. Tôi giải thích rằng ma quỷ chỉ có thể cho đi những gì chúng có và thế giới của chúng là một thế giới dày vò sợ hãi, giận dữ, ngã lòng và tuyệt vọng. Chúng có thể lây nhiễm tâm trí của ai đó và lấp đầy nó bằng sự tuyệt vọng mà người đó không bao giờ nhận thức được sự hiện diện của ma quỷ.

Cùng lúc đó, một trong những “người mang gánh nặng” tâm linh của chúng tôi nói với tôi rằng cô ấy đã trải qua một cơn tuyệt vọng đột ngột, dữ dội tương tự. Cô nghi ngờ rằng đó là linh hồn đen tối của một trong những linh hồn đau khổ của chúng tôi. Tôi nghĩ, “Có lẽ sự đau khổ của cô ấy là vì James”... Chúng tôi biết ơn những linh hồn nạn nhân như vậy. Nhờ ân sủng của Chúa và sự can thiệp của các chiến binh cầu nguyện của chúng tôi, James đang dần khỏe lại.

Tôi không hiểu việc áp dụng ma thuật, phù thủy, Satan và những điều huyền bí thời hiện đại. Họ đang đi xuống một thế giới đen tối. Một số ban đầu thấy những thứ như vậy thật hấp dẫn và việc thao túng sức mạnh của ma quỷ có thể gây nghiện (mặc dù chính họ mới là người thực sự bị thao túng). Nhưng con đường của ma quỷ luôn kết thúc trong sự tuyệt vọng dày vò tăm tối.

Địa ngục được mô tả đúng là một nơi tối tăm. Trái lại, trên trời không cần ánh sáng nhân tạo hay mặt trời, vì Chúa là Thiên Chúa sẽ là ánh sáng của chúng ta (Kh 22:5). Chúa soi sáng các tầng trời, dãi chiếu ánh sáng, niềm vui và bình an đích thực. “Thiên Chúa là ánh sáng, nơi Người không có bóng tối” (1 Ga 1:5).


Source:Catholic Exorcism
 
Lịch sử thăng trầm của chế độ quân chủ Anh với đạo Công Giáo
Vũ Văn An
23:12 06/05/2023

Nhận định về cuốn sách Defenders of the Faith: The British Monarchy, Religion, and the Next Coronation [Các Người Bảo vệ Đức tin: Nền Quân chủ Anh, Tôn giáo và Lễ Phong vương sắp tới] của Catherine Pepinster, cựu chủ bút tạp chí The Tablet, xuất bản trước Khi Nữ Hoàng Elizabeth qua đời, Cha Anthony D. Andreassi, viết trên tạp chí America rằng khi ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo năm 1531, Vua Henry VIII đã buộc quốc hội vốn có tính Giáo Hội của Anh nhìn nhận ông là người “Đứng đầu tối cao” của Giáo Hội. Tuy nhiên, con gái ông, Elizabeth, khi lên ngôi năm 1558, đã đổi tước hiệu này thành “Người Quản trị Tối cao” vì cho rằng tước hiệu trước, theo Thánh Phaolô, chỉ dành riêng một mình Chúa Kitô mà thôi.



Dù gì, thì người Anh vẫn liên tục hiểu nền quân chủ của họ có đặc tính thánh thiêng. Ngay từ năm 973, khi Thánh Dunstan, Tổng Giám Mục Canterbury, đội triều thiên và xức dầu cho Edward làm vua đã minh nhiên nhắc đến việc xức dầu của Vua Salômôn.

Thành thử từ đó, các hình ảnh sinh động trong Kinh Thánh và các nghi thức thánh thiêng mãi là những phần quan trọng trong các nghi lễ phong vương cho các nhà vua Anh.

Tuy nhiên, các nghi lễ này, theo thời gian, đã có nhiều thay đổi. Thí dụ trong 16 tháng giữa ngày lên ngôi và ngày phong vương của nữ hoàng Elizabeth I, Geoffrey Fisher, Tổng Giám Mục Canterbury, thiết lập một ủy ban để đề nghị các thay đổi cho các phần tôn giáo của buổi lễ. Cuối cùng, Ủy ban này quyết định nhấn mạnh nhiều hơn tới bản chất bí tích của nó: phần chính là việc xức dầu trên đầu, tay và ngực Elizabeth (làm kín dưới lọng che). Xức dầu xong, nữ hoàng được mặc phẩm phục thường dành cho các linh mục (như áo alba và dây choàng), điều nhắc nhớ đặc tính thánh thiêng bà lãnh nhận trong ơn gọi mới làm quân vương của bà.

Và trong khi vị quân vương nào của Anh cũng khởi đầu vương triều của mình bằng nghi lễ tôn giáo, nhưng đối xử với tôn giáo ra sao sau đó, sau những tưng bừng của buổi lễ, lại là một chuyện khác.

Thí dụ, đến lúc Charles I lên làm vua năm 1625, Anh quốc đã vững chãi được cai trị bởi các nhà vua Thệ Phản hơn 60 năm, thế nhưng cuộc hôn nhân của ông với Henrietta Maria Công Giáo, Em gái Vua Louis XIII nước Pháp, đã làm nhiều người lo lắng, sợ rằng cuộc hôn nhân này sẽ dẫn đến việc nới lỏng các hạn chế đối với người Công Giáo. Các nghi ngờ càng đậm nét hơn với việc hoàng hậu từ chối dự lễ phong vương của chồng vì nó diễn ra trong một buổi lễ Thệ Phản.

Sự việc trở nên tồi tệ hơn vì những lo ngại của Thệ phản vào lúc trị vì của con trai Charles, James II, người đã trở đạo lại Công Giáo trước khi lên ngôi năm 1685. Với sự ra đời và lễ rửa tội Công Giáo của con trai ông vào năm 1688, nước Anh giờ đây dường như đã sẵn sàng quay trở lại với sự cai trị của một vị vua Công Giáo và do đó rất có thể sẽ đảo ngược các cải cách của Thệ phản đến lúc đó đã diễn ra trong hơn một thế kỷ.

Điều ấy quá đáng đối với nhiều người Thệ Phản hàng đầu, và James nhanh chóng bị lật đổ. Em gái theo đạo Tin lành của ông, Mary, và người chồng theo phái Calvin Hòa Lan của bà, William, đã thay thế vị trí của ông. Năm 1701, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Dàn xếp, ngăn cản người Công Giáo hoặc bất cứ ai kết hôn với người Công Giáo lên ngôi (mặc dù vào năm 2013, lệnh cấm vợ hoặc chồng Công Giáo đã được bãi bỏ). Trong khi câu hỏi về một người Thệ phản dường như đã được giải quyết, thì các quyền và vị trí trong xã hội của người Công Giáo và những người bất đồng chính kiến khác ở Anh (và sau năm 1707 là Vương quốc Anh) vẫn là một vấn đề gây phiền toái cho các vị vua kế tiếp ngay cả khi họ bắt đầu phải nhường quyền cho các nghị viện và thủ tướng của họ với thời gian trôi qua.

Các vấn đề công khai và riêng tư về vấn đề tôn giáo lại nổi bật trong triều đại của Vua George III, khi vào năm 1785, con trai và người kế vị ông, Hoàng tử xứ Wales, bí mật kết hôn với một phụ nữ Công Giáo mà ông đã yêu điên cuồng. Nếu hoặc khi điều này được công khai, nó không những khiến ông bị tước mất ngai vàng mà còn gây ra một thảm họa chính trị cho cha ông nữa. Nhưng kết cục, cuộc hôn nhân tan vỡ chủ yếu là do hoàng tử lăng nhăng, uống rượu và tiêu xài hoang phí, và cuối cùng ông kết hôn với một người Thệ phản.

Vài năm trước cuộc hôn nhân bí mật này, nhà vua đã ủng hộ việc nới lỏng một số hạn chế đối với người Công Giáo, chủ yếu là để chiêu mộ thêm binh lính chiến đấu chống lại người Mỹ trong Chiến tranh giành độc lập của họ. Điều này không khiến George được lòng những thần dân Thệ phản kiên quyết hơn của ông, và tin tức về cuộc hôn nhân của con trai ông với một người Công Giáo khiến tình hình vốn đã khó khăn càng trở nên tồi tệ hơn. Sau cái chết của cha mình vào năm 1820, hoàng tử trở thành Vua George IV, và tuy từng yêu một người Công Giáo, thái độ của ông đối với Công Giáo sau đó tỏ ra kém thân thiện hơn nhiều. Phải có thiên tài chính trị của các chính khách vĩ đại người Anh như Robert Peel và Công tước Wellington mới thuyết phục được ông ký Đạo luật Cứu trợ Công Giáo năm 1829, loại bỏ nhiều hình phạt lịch sử đối với người Công Giáo nhằm ngăn cản họ tham gia đầy đủ vào đời sống chính trị và xã hội của quốc gia, vì ông lo sợ điều này vi phạm lời thề phong vương của mình.

Riêng đối với Nữ hoàng Elizabeth II, Khi đăng quang, tân nữ hoàng đã hứa “sẽ duy trì Tôn giáo Cải cách Thệ phản với quyền lực tối đa của mình.” Nhưng với thời gian trôi qua, rõ ràng là cam kết của nữ hoàng đối với đức tin Kitô giáo của bà quan trọng hơn cam kết của bà đối với Giáo hội Anh giáo.

Theo cựu Tổng giám mục Canterbury, Rowan Williams, chính Nữ hoàng Elizabeth II là người cuối cùng và dứt khoát đã phá vỡ sự cạnh tranh hàng thế kỷ giữa vương miện và ngôi giáo hoàng. Với tư cách là quốc vương, bà đã gặp năm giáo hoàng và chào đón hai vị đến Vương quốc Anh (Gioan Phaolô II năm 1982 và Bênêđíctô XVI năm 2010) ngay cả khi vấp phải sự phản đối kiên quyết của một số người Thệ phản, đặc biệt là trước chuyến thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng.

Mặc dù sự tôn trọng của nữ hoàng đối với người Công Giáo là chân chính, nhưng nó cũng có giới hạn của nó. Luôn ý thức về những lời thề khi đăng quang, bà chỉ tham dự Thánh lễ một lần (lễ tang của nhà vua Bỉ năm 1993) và trong một dịp khác đã cản trở kế hoạch để Hoàng tử Charles khi đó tham dự Thánh lễ của Đức Gioan Phaolô II trong nhà nguyện riêng của ngài ở Vatican. Bất chấp nhiều cởi mở thực sự của bà đối với người Công Giáo, đối với vị Quản trị tối cao của Giáo hội Anh (hoặc người kế vị), việc tham dự Thánh lễ dường như là một cây cầu hơi đi quá xa.

Tương tự như cha mình là Hoàng tử Philip, Vua Charles III từ lâu đã thể hiện sự tò mò trí thức đối với Kitô giáo cũng như các tôn giáo khác, đặc biệt là Hồi giáo, và cởi mở đối với cái hiểu hợp thời về ý nghĩa của việc trở thành “Người bảo vệ Đức tin [viết hoa]”. Nhưng khi ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1994 rằng có thể sẽ sớm đến lúc quốc vương được coi là “người bảo vệ đức tin [không viết hoa]” (chống lại làn sóng chủ nghĩa vô thần đang lên), đã có một số phản ứng tiêu cực mạnh mẽ, chủ yếu là trong Giáo hội Anh giáo. Kể từ đó, Charles đã từ bỏ tình cảm này, mặc dù mối quan tâm của ông đối với đối thoại liên tôn vẫn rất mạnh mẽ. Khi Charles ổn định với vai trò mới của mình, khả năng tồn tại trong tương lai của quốc vương với tư cách là nguyên thủ quốc gia cũng như mối quan hệ của nó với Giáo hội Anh giáo sẽ nằm trong tay ông.

Ở Vatican, có lúc, Nữ hoàng Elizabeth II được gọi là “vị quân chủ Kitô giáo cuối cùng”. Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu đánh giá đó có chính xác không, không những đối với quá khứ gần đây mà còn đối với tương lai của chế độ quân chủ Anh.
 
Lễ phong vương của Vua Charles III, bước ngoặc trong liên hệ Công Giáo-Anh Giáo
Vũ Văn An
23:27 06/05/2023

Elise Ann Allen, trên tờ CruxNow ngày 6 tháng 5, 2023 cho rằng Khi Vua Charles III và vợ của ông, Hoàng hậu Camila, đăng quang vào thứ Bảy, sự kiện này sẽ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Công Giáo-Anh giáo, vì đây sẽ là lần đầu tiên một giám mục Công Giáo tham gia buổi lễ trong bốn thế kỷ.



Trong một tuyên bố ngày 5 tháng 5, Tổng giáo phận Westminster ở Vương quốc Anh, dưới sự giám sát của Đức Hồng Y Vincent Nichols, đã gọi lễ đăng quang hôm thứ Bảy là “một sự kiện lịch sử đối với quốc gia, và cũng đối với cộng đồng Công Giáo”.

Đề cập đến việc Đức Hồng Y Nichols không những chỉ được mời tham dự buổi lễ mà còn được ban phép lành, tuyên bố nhận định rằng, “Lần đầu tiên sau hơn 400 năm, một Tổng Giám mục Công Giáo sẽ tham gia Lễ đăng quang ở đất nước này”.

Các đại diện Công Giáo khác tại lễ đăng quang là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican người Ý và Sứ thần Tòa Thánh mới được bổ nhiệm tại Vương quốc Anh, Đức Tổng Giám Mục người Tây Ban Nha Miguel Maury Buendía, cũng như Đức Tổng Giám Mục Mark O'Toole của Cardiff, Đức Giám Mục Hugh Gilbert của Aberdeen, Scotland, và Tổng giám mục của Armagh và Giáo chủ của toàn bộ Ái Nhĩ Lan, Eamon Martin.

Trong một dòng tweet ngày 5 tháng 5, Đức Hồng Y Nichols nói rằng ngài “có vinh dự” được tham gia lễ đăng quang, nói rằng ngài sẽ đứng bên cạnh Tổng Giám mục Canterbury và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác “để cầu xin Chúa ban phước lành cho Nhà vua”.

Trong một dòng tweet ngày 2 tháng 5, Đại sứ Anh tại Tòa thánh, Chris Trott, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi Đức Hồng Y Parolin sẽ đại diện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Lễ đăng quang,” lưu ý rằng vị Hồng Y cuối cùng làm như vậy “có lẽ là Reginald Pole. Năm 1553.”

Vua Charles lên ngôi vào mùa thu năm ngoái sau cái chết của mẹ ông, Nữ hoàng Elizabeth II, người đã trị vì 70 năm, lập kỷ lục lịch sử khi trở thành vị quân chủ trị vì lâu nhất nước Anh. Bà vừa kỷ niệm Năm Bạch kim khi bà qua đời ở tuổi 94.

Vua Charles sẽ chính thức được đăng quang trong một buổi lễ Anh giáo do Tổng giám mục Canterbury, Justin Welby, chủ trì tại Tu viện Westminster ở London vào ngày 6 tháng Năm.

Căng thẳng lịch sử giữa Công Giáo và Anh giáo bắt đầu từ năm 1534, khi Henry VIII ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo và tuyên bố mình là người đứng đầu Giáo hội Anh. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Nichols và nhiều nhà quan sát khác đã nói rằng sự rạn nứt và những căng thẳng xảy ra sau đó cuối cùng đã phai nhạt trong thời gian Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi.

Triều đại 70 năm của bà trải qua bảy triều giáo hoàng khác nhau, bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Piô XII. Bà đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2014. Vị giáo hoàng cuối cùng gặp bà ở Vương quốc Anh là Đức Bênêđíctô XVI trong chuyến thăm của ngài vào năm 2010.

Khi Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào năm 1953, bối cảnh tôn giáo của đất nước khác hẳn, và căng thẳng giữa người Công Giáo và Anh giáo trở nên gay gắt hơn.

Theo tuyên bố của Tổng giáo phận Westminster, vào năm 1953, “bất cứ người Công Giáo nào cũng không được phép vào nhà thờ Thệ phản, chứ đừng nói đến việc tham gia lễ Đăng quang. Bước quan trọng này là kết quả của nhiều thập kỷ quan hệ đại kết”.

Trước lễ đăng quang vào Thứ Bảy, các nhà thờ trên khắp Vương quốc Anh đã được mời tổ chức ba ngày cầu nguyện, đại loại như vậy, cho Vua Charles từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Năm. Đức Hồng Y Nichols đã mời những người Công Giáo tham gia bằng cách dâng các công việc hàng ngày của họ và thông qua những lời cầu nguyện chính thức như chuỗi Mân côi và Thánh lễ.

Sáng kiến cầu nguyện kéo dài ba ngày đã kết thúc vào tối thứ Sáu khi, theo yêu cầu của các giám mục Anh và xứ Wales, mỗi cộng đồng Công Giáo được yêu cầu dâng một Thánh lễ đặc biệt để vinh danh Nhà vua trước lễ đăng quang hôm thứ Bảy.

Đức Hồng Y Nichols và các Chủ tịch của các Giáo Hội Với nhau ở Anh kêu gọi các Kitô hữu thuộc mọi tín ngưỡng tham gia vào khoảnh khắc cầu nguyện, gọi đó là “thời điểm vô cùng quan trọng và niềm vui cho quốc gia này.”

Tuyên bố của Tổng giáo phận Westminster hôm thứ Sáu dẫn lời Đức Hồng Y Nichols nói rằng lễ đăng quang sẽ mang tính biểu tượng, “bởi vì nó tôn trọng lịch sử của chúng ta, nó xây dựng trên lịch sử của chúng ta và nó bổ sung cho lịch sử, theo cách này, cũng như với sự hiện diện và lời chào mừng của các nhà lãnh đạo đức tin từ các tôn giáo lớn khác hiện đang có mặt tại đất nước này.”

Bất kể sự kiện lễ đăng quang là một nghi lễ của Anh giáo, Đức Hồng Y Nichols cho biết vẫn còn dấu vết của Công Giáo, và chỉ ra ba thời điểm cụ thể mà ngài nói làm nổi bật “bản chất Kitô giáo sâu sắc” của sự kiện.

Ngài cho biết, đầu tiên là việc nhà vua giữ một khoảnh khắc im lặng cầu nguyện, “Tôi được biết đây là cách nhà vua bày tỏ lòng trung thành đầu tiên của mình với Thiên Chúa Toàn năng. Và rồi, sau khi điều đó đã được thực hiện, ngài mới dám chấp nhận lòng trung thành của người khác.”

Lần đầu tiên trong một buổi lễ đăng quang, sau Lời thề Hiến pháp, Nhà vua sẽ cầu nguyện lớn tiếng nhân danh mình, đại diện cho một 'thời điểm công khai' trong buổi lễ.

Đức Hồng Y Nichols cho biết khoảnh khắc thứ hai là việc xức dầu của Nhà vua, điều mà ngài gọi là “biểu hiện hữu hình của ơn Chúa Thánh Thần, có từ thời Cựu Ước,” và là một điều “quý giá và trong bối cảnh lễ đăng quang này rất thân mật và do đó riêng tư.”

Phần này của buổi lễ sẽ diễn ra đằng sau một bức bình phong, và dầu dùng để xức cho Vua Charles đã được làm phép ở Giêrusalem. Tại thời điểm này của buổi lễ, Tổng Giám Mục Welby sẽ xức dầu cho Nhà vua trên đầu, tay và ngực, một hành động cũng phản ảnh hành động xức dầu của Công Giáo trong các bí tích Rửa tội, Truyền chức thánh và Xức dầu Bệnh nhân.

Đức Hồng Y Nichols nói, khía cạnh thứ ba của buổi lễ mang ý nghĩa Công Giáo là khi Vua và Hoàng hậu rước lễ.

Đề cập đến lời tuyên thệ mà Vua Charles sẽ thề duy trì sự kế tục Thệ phản trong khi các giám mục Công Giáo tham gia buổi lễ, Đức Hồng Y Nichols cho biết lời tuyên thệ là một hành động hợp hiến, phản ảnh “mong muốn của chúng ta về sự liên tục” và rất quan trọng đối với “sự ổn định và trưởng thành hiến pháp” của đất nước, vì Nhà vua là một quân chủ lập hiến.

Ngoài đại diện Công Giáo tại lễ đăng quang, các nhà lãnh đạo của các truyền thống tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái, Hồi giáo và các nhà lãnh đạo đạo Sikh, cũng đã được mời tham dự.

Sự hiện diện của các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác và các nhà lãnh đạo của các cộng đồng tín ngưỡng khác đã được ca ngợi rộng rãi như một phần trong cam kết của Nhà vua nhằm duy trì lối sống ở một đất nước đa dạng về tôn giáo hơn nhiều so với khi mẹ ông lên ngôi vào những năm 1950.

Bảy mươi năm trước, hơn 80% dân số nước Anh theo Kitô giáo, nhưng chủ nghĩa thế tục và sự di cư ồ ạt trong nhiều thập niên qua đã thay đổi điều đó. Theo Tạp chí Fortune, số người theo Kitô giáo ở Anh hiện chưa đến một nửa, với số liệu điều tra dân số mới nhất cho biết 37% nói rằng họ không có tôn giáo, trong khi 6.5% tuyên bố mình là người Hồi giáo và 1.7% theo Ấn độ giáo.

Sự thay đổi này được cảm nhận sâu sắc nhất ở Luân Đôn, nơi có hơn một phần tư công dân theo một tín ngưỡng không phải là Kitô giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn nổi tiếng vào những năm 1990, khi vẫn còn giữ vai trò là Hoàng tử xứ Wales, Vua Charles đã đưa ra tuyên bố lịch sử rằng ông muốn được biết đến với tư cách là “người bảo vệ đức tin [không viết hoa]”, đánh dấu một sự khác biệt nhỏ nhưng có ý nghĩa sâu sắc đối với danh hiệu lịch sử của quốc vương Anh là "người bảo vệ Đức Tin [viết hoa]", có nghĩa là Kitô giáo và đặc biệt là Giáo hội Anh.

Sự nhấn mạnh của ông về sự đa dạng tôn giáo đã được ca ngợi là đặc biệt quan trọng trong một quốc gia ngày càng đa dạng, nơi xung đột giữa các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau như người Ấn giáo và người Hồi giáo vẫn đang diễn ra, nơi mà chủ nghĩa bài Do Thái đã trở thành một vấn đề chính trị, và nơi mà những khác biệt lịch sử giữa người Công Giáo và người Tin lành vẫn còn được cảm nhận ở Bắc Ái Nhĩ Lan.

Ngoài việc cử Đức Hồng Y Parolin làm đại diện của mình từ Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tặng cho Vua Charles thánh tích được cho là Thánh giá thật mà trên đó, Chúa Kitô bị đóng đinh, thánh tích này sẽ được đính vào một Thánh giá rước kiệu mới của xứ Wales để sử dụng tại Lễ đăng quang của vua Charles.

Trong tuyên bố của mình hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y Nichols cho biết ngài thấy sự tham gia đa dạng trong lễ đăng quang hôm thứ Bảy là một phần trong cam kết của Vua Charles về sự cởi mở đối với tất cả các tín ngưỡng và biểu hiện tự do của họ trong xã hội Anh, bên cạnh nguồn gốc Kitô giáo của đất nước.

Đề cập đến đề nghị của Tổng Giám mục Canterbury trong buổi lễ rằng mọi người cam kết trung thành với Nhà vua, Nichols cho biết đó là một lời mời, không phải mệnh lệnh.

Ngài nói “Đó là một lời mời đáng yêu và tôi hy vọng mọi người sẽ đón nhận nó theo cách riêng của họ để bày tỏ rằng họ cầu mong sự phù hộ của Thiên Chúa cho Vua Charles, và họ cầu chúc ông mọi điều tốt đẹp trong tinh thần phục vụ tốt mà ông mang đến cho lễ đăng quang này”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Lavang ngày thứ 2 Đồng Hành và Hiệp Thông
Giáo Hội Năm Châu
16:50 06/05/2023
 
Văn Hóa
Ca Khúc Đi trong Thần Khí +GM Kiều Công Tùng
+GM. Phêrô Kiều Công Tùng
20:27 06/05/2023
 
VietCatholic TV
Nga dùng đạn phốt pho, 72 giờ nghẹt thở. Kyiv biết lý do Wagner rút lui. Tướng Đồ tể đầu quân Wagner
VietCatholic Media
03:04 06/05/2023


1. Nga dùng đến đạn phốt pho tại thành phố Bakhmut sau khi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin tuyên bố rút quân

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy mùng 6 tháng Năm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, Nga đang đưa thêm quân từ các chiến tuyến khác tới Bakhmut ở miền đông Ukraine.

Nỗ lực này có thể là để trám chỗ cho quân Wagner. Tuy nhiên, Hanna Maliar nói rằng Mạc Tư Khoa muốn chiếm thành phố này để kịp trước ngày lễ chiến thắng 9 tháng 5.

“Người Nga nghiêng về chủ nghĩa tượng trưng và huyền thoại lịch sử quan trọng của họ là ngày 9 tháng 5 và họ thực sự đã đặt mục tiêu kiểm soát Bakhmut trước ngày này,” Maliar nói.

“Chúng tôi hiện đang thấy họ kéo các chiến binh khỏi toàn bộ tuyến tấn công ở các nơi khác kể cả các chiến binh Wagner, và đưa họ về hướng Bakhmut,”

Cô đặc biệt lưu ý rằng quân xâm lược Nga đã pháo kích Bakhmut bằng đạn phốt pho

“Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Mariupol. Khi họ không thể làm gì, đạn phốt pho sẽ được khai hỏa. Chúng ta tiếp tục bảo vệ thành phố này, nhưng tình hình trong vài ngày tới là hết sức căng thẳng,” cô nói.

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, trong 24 giờ của ngày 5 tháng 5, Lực lượng vũ trang Ukraine đã đẩy lùi hơn 30 đợt tấn công của Nga trên ba hướng. Riêng tại thành phố Bakhmut, có thể thấy rõ là lính Dù Nga xuống tinh thần. Họ để mất 3 xe tăng, 7 xe thiết giáp, 16 hệ thống pháo, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và 30 xe chuyển quân và nhiên liệu.

2. Chỉ huy trưởng Wagner đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo quốc phòng Nga về “hàng chục nghìn” thương vong trong nhóm lính đánh thuê

Người đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tư lệnh lực lượng vũ trang, Tướng Valery Gerasimov phải chịu trách nhiệm về “hàng chục nghìn” chiến binh thiệt mạng và bị thương, đồng thời tiếp tục chiến dịch chỉ trích giới lãnh đạo quân đội Nga.

“Những người chết và bị thương – và đó là hàng chục nghìn người – nằm trong lương tâm của những người đã không cung cấp đạn dược cho chúng tôi,” ông chủ của Wagner, Yevgeny Prigozhin, cho biết trong một tuyên bố video phát hành hôm thứ Sáu trên Telegram, trong đó nêu đích danh cả hai quan chức.

“Đối với hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương, họ sẽ chịu trách nhiệm trước mẹ, vợ và con họ và tôi bảo đảm điều đó”, ông nói thêm.

Trong cùng một thông điệp video, Prigozhin ca ngợi cựu thứ trưởng quốc phòng, Mikhail Mizintsev, người mà ông cho biết gần đây đã gia nhập Tập đoàn Wagner với tư cách là phó chỉ huy.

Trước đó vào thứ Sáu, Prigozhin thông báo rằng Tập đoàn Wagner sẽ rời thành phố Bakhmut miền đông Ukraine đang bị bao vây vào ngày 10 tháng 5, với lý do thiếu nguồn cung cấp đạn dược mà Prigozhin đổ lỗi cho chỉ huy quân sự của Nga.

3. Prigozhin nói rằng các mối đe dọa hạt nhân khiến Nga trông giống như 'những chú hề'

Vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh tuần này đã là tiền đề cho các chính trị Nga đưa ra các hăm dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin cảnh báo người Nga hãy cẩn thận, những lời hăm dọa vũ khí hạt nhân xem ra đang phản tác dụng.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Prigozhin Says Nuclear Threats Make Russia Look Like 'Clowns'“, nghĩa là “Prigozhin nói rằng các mối đe dọa hạt nhân khiến Nga trông giống như 'những chú hề'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo Giám đốc Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, việc Nga nhiều lần ám chỉ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân sau một “cuộc tấn công bằng máy bay không người lái” vào Điện Cẩm Linh khiến Mạc Tư Khoa trông “giống như những chú hề”.

Hôm thứ Tư, dịch vụ báo chí của Điện Cẩm Linh cho biết trong một tuyên bố rằng chính phủ Ukraine “đã cố gắng thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái” và một “vụ ám sát” chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Điện Cẩm Linh cho biết hai máy bay không người lái đã “rơi” trong khuôn viên Điện Cẩm Linh, nhưng không gây ra bất kỳ thiệt hại hay thương vong nào. “Nga bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp đối phó ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào họ cho là phù hợp,” Điện Cẩm Linh nói thêm.

Kyiv ngay lập tức phủ nhận mọi liên quan. “Chúng tôi không tấn công Putin hay Mạc Tư Khoa, chúng tôi chiến đấu trên lãnh thổ của mình”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trả lời.

Mykhailo Podolyak, cố vấn cho chánh văn phòng của Zelenskiy, lặp lại lời của Zelenskiy, nói thêm trên Twitter rằng “Ukraine tiến hành một cuộc chiến tranh phòng thủ và không tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của Liên bang Nga” bởi vì “điều này không giải quyết được bất kỳ vấn đề quân sự nào.”

Sau vụ việc, một số quan chức Nga dường như đề nghị sử dụng vũ khí hạt nhân trả đũa Ukraine. Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, đã viết trên Telegram rằng “chúng tôi sẽ yêu cầu sử dụng vũ khí có khả năng ngăn chặn và hủy diệt” Ukraine.

Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng đã viết trên Telegram rằng “không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ việc loại bỏ Zelenskiy và nhóm của ông ta”.

Trả lời câu hỏi của báo chí trên mạng xã hội, Prigozhin nói rằng “tất nhiên, việc sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả máy bay không người lái là điều không thể xảy ra”.

Prigozhin cho biết trong một tuyên bố rằng Nga nên ưu tiên trở thành “cường quốc hàng đầu” trong việc phát triển máy bay không người lái và “đáp trả bằng chính những chiếc máy bay không người lái đó”.

Prigozhin nói thêm: “Chúng ta trông giống như những chú hề” đe dọa trả đũa hạt nhân chống lại “máy bay không người lái của trẻ em”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

Prigozhin đứng đầu lực lượng lính đánh thuê Wagner, lực lượng đóng vai trò nổi bật trong các hoạt động của Nga ở Ukraine. Là một đồng minh có ảnh hưởng của Putin, Prigozhin đã công khai mâu thuẫn với bộ chỉ huy quân sự và bộ quốc phòng Nga.

Trong tuyên bố của mình, Điện Cẩm Linh cho biết họ coi vụ việc là “một vụ tấn công khủng bố có kế hoạch và một vụ ám sát nhằm vào Tổng thống, được thực hiện trước Ngày Chiến thắng và Lễ duyệt binh 9 tháng 5, nơi các vị khách nước ngoài dự kiến sẽ có mặt, cùng với những người khác”, và khẳng định rằng Putin không hề hấn gì.

Ngày Chiến thắng ở Nga kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã và là một ngày lễ quan trọng của quốc gia.

Hôm thứ Năm, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Mạc Tư Khoa đang xem xét “nhiều loại” phản ứng, theo hãng thông tấn nhà nước Nga, Tass.

“Đương nhiên, tôi không thể cung cấp cho bạn bất kỳ chi tiết nào ở đây,” Peskov nói thêm. “Trong mọi trường hợp, vấn đề chỉ có thể là về các bước đi được cân nhắc kỹ lưỡng đáp ứng lợi ích của đất nước chúng ta.”

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư rằng “một số dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công được tiến hành nội bộ và được dàn dựng có chủ đích bởi chính quyền Nga. Tổ chức nghiên cứu này cho biết thêm, đây có thể là một “nỗ lực mang chiến tranh về nhà cho khán giả trong nước Nga”.

4. Cựu thứ trưởng quốc phòng Nga bị tố tham gia nhóm lính đánh thuê Wagner

Cựu thứ trưởng quốc phòng Nga Mikhail Mizintsev đã gia nhập nhóm lính đánh thuê Wagner với tư cách là phó chỉ huy.

Alexander Simonov đã đăng hai video lên Telegram cho thấy Mizintsev mặc đồng phục mang nhãn hiệu Wagner và dường như đang đi tham quan thành phố Bakhmut phía đông Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga hôm Chúa Nhật thông báo đã thực hiện thay đổi lãnh đạo và thay thế Mizintsev, người đang giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng Nga phụ trách hậu cần.

Anh ta đã đảm nhận vai trò này từ tháng 9 năm 2022 và nổi tiếng về sự tàn bạo trong cuộc bao vây Mariupol - nơi diễn ra một số cuộc tấn công khét tiếng nhất.

Trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin đã công khai xác nhận rằng Tướng Đồ Tể Mizintsev đã giải ngũ, gia nhập quân Wagner và làm phó cho ông ta.

5. Quan chức quốc phòng Ukraine cho rằng tuyên bố của Wagner về phân biệt đối xử có thể là đúng sự thật

Một đại diện của cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine đã ủng hộ tuyên bố của giám đốc Wagner Yevgeny Prigozhin rằng Bộ Quốc Phòng Nga đang chặn nguồn cung cấp đạn pháo cho nhóm lính đánh thuê.

Andriy Yusov nói với CNN: “Đúng là tập đoàn Wagner đang bị phân biệt đối xử trong việc cung cấp đạn pháo do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và tư lệnh lực lượng vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimov ngăn chặn nguồn cung cấp.”

Nhìn chung, số đạn pháo do quân Nga bắn ra ở thành phố Bakhmut vẫn ở mức rất cao. Tuy nhiên, Bộ Quốc Phòng Nga có thể đã phân biệt đối xử với quân Wagner khi không cung cấp cho họ số đạn pháo như các đơn vị khác.

“Khi Sergey Surovikin chỉ huy lực lượng xâm lược của Nga ở Ukraine, tình hình thuận lợi hơn cho Wagner,” ông nói thêm.

Yusov nói với CNN rằng các chiến binh Wagner dẫn đầu hầu hết các cuộc tấn công trên bộ xung quanh Bakhmut trong khi quân đội Nga thông thường tiến hành các cuộc không kích.

Ông nói rằng có “sự cạnh tranh nội bộ” trong quân đội Nga, với “các tòa tháp khác nhau của Điện Cẩm Linh đang hỗ trợ cả hai bên”.

Chỉ huy trưởng của Wagner, Prigozhin, cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Sáu rằng các chiến binh của ông sẽ rút khỏi Bakhmut trong vòng 5 ngày nữa, sau khi đã chịu thương vong nặng nề trong cuộc chiến giành thành phố. Ông đổ lỗi cho Bộ Quốc Phòng Nga vì đã không cung cấp đủ đạn dược cho nhóm quân sự tư nhân và kêu gọi quân đội chính quy thay vào các vị trí mà quân Wagner rút ra.

Prigozhin từ lâu đã phàn nàn rằng chính phủ Nga đã không cung cấp đủ đạn dược cho các chiến binh của ông ta trong nỗ lực chiếm Bakhmut. Tuần này, anh ta đã đăng một video đầy những lời tục tĩu lên mạng xã hội, trong đó anh ấy chỉ vào hàng dài thi thể của các chiến binh Wagner và tiếp tục kêu gọi tiếp tế.

6. Phát ngôn nhân quân đội Ukraine cho biết việc Wagner rút quân khỏi Bakhmut có thể là “bước ngoặt”

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ bẩy mùng 6 tháng Năm, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, nhận định rằng quyết định rút quân khỏi Bakhmut của Wagner vào ngày 10/5 có thể là “bước ngoặt” trong cuộc chiến giành thành phố phía đông Ukraine.

“Nếu họ không thay đổi logic của mình và không bổ sung được quân số, tôi nghĩ đây có thể được coi là một bước ngoặt trong cuộc chiến giành Bakhmut. Wagner này là lực lượng chủ chốt đã chiến đấu cho Bakhmut.” Đại Tá Serhii Cherevatyi cho biết trong 9 tháng, họ đã độc quyền ở đó hầu hết thời gian.

Thủ lĩnh của Wagner, Yevgeny Prigozhin, cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Sáu rằng các chiến binh của ông sẽ rút khỏi Bakhmut trong vòng 5 ngày nữa, sau khi đã chịu thương vong nặng nề trong cuộc chiến giành thành phố. Ông đổ lỗi cho Bộ Quốc Phòng Nga vì đã không cung cấp đủ đạn dược cho nhóm quân sự tư nhân.

Tuy nhiên, Cherevatyi nói rằng “những tổn thất đáng kinh ngạc” của Wagner là do các đơn vị của họ “hành động dại dột, liên tục tấn công bằng chiến thuật biển người” và Prigozhin muốn ra đi để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn trong cuộc chiến giành thành phố đang bị bao vây.

“Nếu tổn thất của Wagner tiếp tục cao như hiện tại – 100 người trở lên mỗi ngày – và họ không tìm được cách bổ sung nhân sự... Wagner sẽ bị tiêu diệt trong cuộc chiến ở Bakhmut,” Cherevatyi nói và cho biết thêm rằng “phần lớn” trong số 137 binh sĩ Nga thiệt mạng trong cuộc chiến trên các đường phố Bakhmut trong 24 giờ qua là các chiến binh Wagner.

“Đó là lý do tại sao Prigozhin muốn ra đi, hay sẽ cố gắng ra đi, bởi vì nếu cứ tiếp tục như thế này, họ sẽ có vấn đề trong vài tuần nữa,” ông nói.

Cherevatyi cũng tuyên bố Prigozhin “nói dối” về việc các chiến binh của ông ta thiếu đạn dược.

Ông nói: “Không có vấn đề thiếu đạn pháo.”

“Chỉ trong ngày qua, 520 cuộc tấn công bằng rocket đã được thực hiện nhằm vào các vị trí của chúng tôi ở khu vực Bakhmut và có 6 cuộc không kích, vì vậy điều này là không đúng sự thật. Tôi nghĩ rằng anh ta đang tìm lý do để đơn giản rút lui khỏi chiến trường, sau khi chịu tổn thất to lớn, không thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào và không thể bổ sung nhân sự của mình”.

Lính đánh thuê của Wagner đã đi đầu trong nỗ lực chiếm Bakhmut của Nga. Cherevatyi cho biết ông hy vọng số lượng các cuộc tấn công chống lại lực lượng Ukraine ở Bakhmut sẽ giảm nếu Wagner ra đi vì các lực lượng chính quy của Nga sẽ không thể “lãng phí nhân sự” như Wagner đã làm. Lính Nga, cho dù đó là lính Dù hay lực lượng đặc biệt đều tỏ ra nhát đảm hơn quân Wagner.

7. Trong suốt lịch sử của mình, Nga - và Liên Xô - đã sử dụng các hoạt động “cờ giả”

CNN có bài bình luận nhan đề “How the Cẩm Linh drone attack hands Russia an opportunity” nghĩa là “Vụ tấn công bằng máy bay không người lái trao cho Điện Cẩm Linh một cơ hội như thế nào” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh tuần này đã tạo cơ hội cho Mạc Tư Khoa tập hợp người Nga ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin chống lại những kẻ muốn làm hại ông ta.

Các quan chức Ukraine ngay lập tức cảnh báo các cuộc tấn công có thể bị Nga khai thác để tiến hành các cuộc tấn công thậm chí còn ác độc hơn vào người Ukraine sau hơn một năm lực lượng của Putin đã thực hiện các cuộc tấn công tồi tệ nhất vào Kyiv.

Trong suốt lịch sử của mình, Nga - và Liên Xô trước đó - đã sử dụng các hoạt động “cờ giả”.

Túy Vân xin mở ngoặc để giải thích thuật ngữ “hoạt động cờ giả” – “false flag operation”. Hoạt động cờ giả là một hành động được thực hiện với mục đích che giấu nguồn gốc thực sự của trách nhiệm và đổ lỗi cho một bên khác. Nói cho dễ hình dung là tự tát vào mặt mình rồi la làng lên cáo gian cho người khác.

Năm 1999, chỉ vài tháng trước khi Putin đắc cử tổng thống lần đầu tiên, Nga hứng chịu làn sóng đánh bom chung cư khiến hơn 300 người thiệt mạng. Thủ tướng Putin khi đó viện dẫn các vụ đánh bom để biện minh cho việc phát động Chiến tranh Chechnya lần thứ hai.

Đường lối cứng rắn của ông đã giúp ông giành được chức tổng thống, nhưng sự nghi ngờ vẫn còn tồn tại về kẻ thực sự đứng sau vụ đánh bom.

Trong trường hợp các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bị cáo buộc, chế độ Putin đã dành cả năm qua để đổ lỗi cho Kyiv, NATO và Hoa Kỳ về cuộc chiến ở Ukraine. Họ có thực sự cần một cái cớ khác để cố giết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hay không?

Thực tế đó vẫn không ngăn cản cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, tuyên bố đã đến lúc “loại bỏ” Zelenskiy.

“Không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ Zelenskiy và bè lũ của ông ta,” Medvedev viết trên Twitter, nơi ông thường xuyên đăng bài. “Ông ấy thậm chí không cần phải ký vào lá thứ đầu hàng vô điều kiện. Hitler, như bạn biết đấy, cũng không ký vào đó.”

Medvedev đã lờ đi thực tế rằng Nga đã cố gắng và thất bại trong việc loại bỏ tổng thống Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

8. Kyiv cho biết các xếp lớn của Nga ở nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia đang cố gắng chạy trốn 'hàng loạt'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zaporizhzhia Nuclear Plant Bosses Attempting to Flee 'En Masse', Says Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết các xếp lớn của Nga ở nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia đang cố gắng chạy trốn 'hàng loạt'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo nhà điều hành hạt nhân của Ukraine, các nhà quản lý do Nga cài đặt tại nhà máy năng lượng nguyên tử do Mạc Tư Khoa xâm lược ở Zaporizhzhia đang cố gắng rời khỏi địa điểm này vì lo ngại về cuộc phản công dự kiến của Ukraine.

Energoatom cho biết trên Telegram rằng Giám đốc địa điểm do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, Yuriy Chernichuk, đã rời thị trấn Enerhodar, nơi đặt nhà máy, để đến Crimea bị xâm lược vào hôm thứ Hai. Doanh nghiệp nhà nước Ukraine cũng đã nói rằng “ban quản lý giả mạo” của cơ sở này đã khẩn cấp xin nghỉ phép.

“Những người được gọi là quản lý hiện tại của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia thể hiện mong muốn được 'nghỉ ngơi' gần Eo biển Kerch hơn, yêu cầu người Nga cho họ đi nghỉ”. Eo biển Kerch ngăn cách Nga với Crimea do Nga xâm lược.

“Tuy nhiên, do thiếu nhân sự trầm trọng, các 'nhà quản lý' cấp trung đã không đồng ý với điều này”

“Những kẻ phản bội đang tìm cách di tản vì chúng hiểu rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đã đến gần, vì vậy chỉ còn rất ít thời gian để trốn thoát”, tuyên bố viết.

Energoatom kêu gọi “những công nhân dũng cảm của nhà ga Zaporizhzhia không ký bất kỳ hợp đồng nào với đối phương trong tương lai, để không trở thành người hỗ trợ trực tiếp cho kẻ xâm lược và không hủy hoại tương lai của chính họ.” Newsweek đã liên hệ với Energoatom để có thêm bình luận.

Nguy cơ thảm họa đã bao trùm lên nhà máy hạt nhân lớn nhất Âu Châu kể từ khi nó bị quân đội Nga chiếm giữ ngay sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Trong những tháng tiếp theo, cả hai bên cáo buộc bên kia pháo kích vào nhà máy, nằm cách địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 khoảng 300 dặm, làm dấy lên lo ngại về những gì có thể xảy ra nếu các lò phản ứng bị hư hại.

Một số ít quan chức từ cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, đang có mặt tại địa điểm được điều hành bởi các nhân viên Ukraine làm việc theo lệnh của lực lượng Nga và công ty hạt nhân Rosatom của Nga.

Tuần trước, các quan chức quốc phòng Anh cho biết lực lượng Nga đã xây dựng các vị trí chiến đấu trên đỉnh các tòa nhà lò phản ứng tại địa điểm này khi Mạc Tư Khoa ngày càng lo ngại về cuộc phản công được dự đoán trước của Kyiv. Tuy nhiên, họ nói rằng “không có khả năng xảy ra thiệt hại nghiêm trọng trực tiếp đối với các lò phản ứng” vì các cấu trúc được bảo vệ rất chắc chắn.

Cũng trong tuần trước, Nga nói với IAEA rằng thiết bị tại nhà máy điện sẽ được sử dụng để sửa chữa đường dây truyền tải điện dẫn đến lãnh thổ do Nga nắm giữ. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Nga đang chuẩn bị kết nối địa điểm này với lưới điện của lãnh thổ mà Mạc Tư Khoa đã chiếm giữ.

Trong khi đó, tại khu vực Zaporizhzhia rộng lớn hơn, các nhà chức trách cho biết hôm thứ Tư rằng các lực lượng Nga đã tiến hành 82 cuộc tấn công trong 24 giờ trước đó. Thống đốc khu vực Yurii Malashko báo cáo rằng người Nga đã thực hiện hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, ba cuộc không kích, bốn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và 69 cuộc tấn công bằng trọng pháo.

9. Thử nghiệm hệ thống phát hiện hỏa tiễn do Israel thiết kế

Một hệ thống phát hiện hỏa tiễn do Israel thiết kế giúp người Ukraine có thêm thời gian trú ẩn trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga đang được thử nghiệm ở Kyiv và có thể được đưa vào sử dụng trong vòng hai tháng, Reuters dẫn lời đại sứ Ukraine tại Israel cho biết.

Israel, quốc gia đã mài dũa khả năng phòng không của mình kể từ khi bị Iraq tấn công bằng hỏa tiễn Scud trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, đã đồng ý chia sẻ công nghệ với Ukraine vào năm ngoái mặc dù nước này đã trì hoãn việc đáp ứng các yêu cầu của Kyiv về vũ khí.

Một trong những yêu cầu đó là về Iron Dome, một hệ thống đánh chặn tầm ngắn mà Israel sử dụng để bắn hạ các hỏa tiễn do các chiến binh Palestine bắn ở Gaza.

Lưu tâm đến những nỗ lực của chính phủ nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mạc Tư Khoa, các quan chức Israel đã không cung cấp thông tin chi tiết về hệ thống phát hiện đang được phát triển cho người Ukraine.

Đại sứ Yevgen Korniychuk cho biết hệ thống này, được cung cấp dữ liệu từ các radar của Ukraine, hiện đang được thử nghiệm tại thủ đô Kyiv. Ông nói với Reuters:

“Iron Dome cho phép xác định các đối tượng khác nhau, bao gồm cả hỏa tiễn đạn đạo và tính toán nơi chúng sẽ nhắm đến và về cơ bản, điều đó cho phép chúng ta đóng cửa một số khu vực của đất nước thay vì toàn bộ đất nước.”

“Khi hoàn thành, hệ thống sẽ cảnh báo người dân ở những khu vực sắp bị hỏa tiễn hoặc máy bay không người lái của Nga tấn công bằng cách phát còi báo động gần đó hoặc bằng cảnh báo trên điện thoại di động,” ông nói.

“Hệ thống sẽ cho phép các thông báo được điều chỉnh chính xác hơn sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở từng khu vực lân cận đang bị đe dọa. Korniychuk nói: “Nó sẽ cho phép chúng ta đóng cửa Kyiv theo từng khu vực.”

“Một số cư dân sẽ được thông báo qua điện thoại về thời gian họ phải nhảy vào nơi trú ẩn, trong khi ở những khu vực khác của Kyiv, mọi người sẽ có thể ngồi uống cà phê.”

“Những gì tôi biết từ các chuyên gia của chúng tôi là họ đã bắt đầu làm việc và tôi hy vọng rằng, theo lịch trình nội bộ của chúng tôi, sẽ mất một hoặc hai tháng nữa để nó hoạt động ở Kyiv.”

Ông nói thêm rằng năm thành phố khác có thể sẽ làm theo.

10. Người dẫn chương trình truyền hình Nga so sánh âm mưu 'ám sát' Putin với vụ tấn công 11 tháng 9

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian TV Host Compares Putin 'Assassination' Attempt to 9/11 Attacks”, nghĩa là “Người dẫn chương trình truyền hình Nga so sánh âm mưu 'ám sát' Putin với vụ tấn công 11 tháng 9”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một đài truyền hình nhà nước nổi tiếng của Nga hôm thứ Tư đã so sánh âm mưu ám sát Tổng thống Nga Vladimir Putin với vụ tấn công 11 tháng 9 vào thành phố New York, theo một nhà tuyên truyền của Nga.

Vladimir Solovyov, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong giới truyền thông do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, đã đưa ra so sánh trong chương trình của ông được phát sóng trên Russia-1. Ông và các chuyên gia khác trong chương trình đang thảo luận về điều mà Điện Cẩm Linh nói là một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm do Ukraine dàn dựng nhằm ám sát Putin.

Nga báo cáo rằng lực lượng phòng không đã hạ gục hai máy bay không người lái nhắm vào tổng thống của họ và Điện Cẩm Linh sau đó cho biết Hoa Kỳ đã nhúng tay vào việc lên kế hoạch cho vụ việc. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phủ nhận đất nước của ông đứng sau vụ tấn công bị cáo buộc và phát ngôn nhân An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby gọi những tuyên bố rằng Hoa Kỳ có liên quan là “lố bịch”.

Julia Davis, người tạo ra Russian Media Monitor và là người phụ trách chuyên mục của The Daily Beast, cho biết Solovyov đã đề cập đến vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 của những kẻ khủng bố Al-Qaeda vào Trung tâm Thương mại Thế giới đã cướp đi sinh mạng của 2,977 nạn nhân.

Trong chương trình truyền hình của mình, Solovyov đã chiếu một hình ảnh đã qua chỉnh sửa về Tổng thống Joe Biden và Zelenskiy đi bộ trước Điện Cẩm Linh đang bốc cháy. Ông ta gọi hai nhà lãnh đạo là “những người tổ chức” cuộc tấn công bằng máy bay không người lái

Người dẫn chương trình Nga sau đó chiếu một đoạn clip phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel thảo luận về các hoạt động của máy bay không người lái của Ukraine, trong đó Patel cho biết Nga đang “xâm lược mạnh mẽ” và “cố gắng xóa bỏ biên giới của một quốc gia khác” trước khi nói rằng Nga cuối cùng sẽ phải “chịu trách nhiệm”.

Davis mô tả Solovyov hùng hổ như một “hỏa tiễn đạn đạo” để đáp lại đoạn clip của Patel.

“Tôi không biết bạn có thể quy trách nhiệm cho ai, con lợn béo kia, nhưng điều tôi biết chắc chắn là bạn vừa biện minh cho sự kiện 11 tháng 9, là vụ phá hủy Tòa tháp đôi,” Solovyov nói. “Chúng tôi biết sự thật! Rất đơn giản: Đức Quốc xã Ukraine đã cố gắng ám sát Tư lệnh tối cao của đất nước chúng tôi, nơi có tiềm năng hạt nhân.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

Solovyov sau đó đã đưa ra một bài đăng trên Telegram của Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga.

Trong bài đăng của mình, Medvedev đã viết, “Sau cuộc tấn công khủng bố ngày hôm nay, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ Zelenskiy và bè lũ của ông ta.”

Theo Davis, Solovyov và các vị khách của ông “hoàn toàn đồng tình” với lời kêu gọi ám sát Zelenskiy của Medvedev.

Khi được hỏi về những bình luận của Solovyov từ hôm thứ Tư, Jason Jay Smart - một cố vấn chính trị về chính trị quốc tế và thời hậu Xô Viết - nói với Newsweek rằng Solovyov “là một nhà tuyên truyền chuyên nghiệp, và hắn ta thực thi công việc của mình rất chuyên nghiệp.”

“Giống như một luật sư biết mình đang bào chữa cho bên có tội, công việc của Solovyov là đưa ra lập luận phản bác,” Smart nói. “Trong trường hợp của Solovyov, tôi không nghĩ rằng ông ta quan tâm đến việc mình đang nói dối hay không trung thực.”

Anh ấy nói thêm, “Nhưng tại sao ông ta làm điều đó? Trên thực tế, Nga có thể sẽ sớm lên kế hoạch tấn công chiến lược vào Kyiv, nơi họ có thể nhắm vào các quan chức chính phủ Ukraine. Nga có lẽ hiện đang đặt nền tảng để biện minh cho các hành động trong tương lai của họ ở Ukraine là 'không tệ hơn' so với 'các hành động của Ukraine' tại Điện Cẩm Linh.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Solovyov phát tán thông tin sai lệch từ Điện Cẩm Linh và đã viết trên trang web của mình vào năm ngoái trong một danh sách xác định những nhân vật nổi tiếng liên quan đến hoạt động tuyên truyền của Nga rằng Solovyov “có thể là nhà tuyên truyền năng nổ nhất của Điện Cẩm Linh hiện nay”.

Trong những tuần gần đây, Solovyov đã đưa ra những tuyên bố như nói rằng Nga nên tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào bất kỳ quốc gia nào cố gắng giam giữ Putin theo lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành vào tháng 3 vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Ông cũng đã nhiều lần ủng hộ Mạc Tư Khoa sử dụng khả năng hạt nhân của mình để chống lại các quốc gia ủng hộ Ukraine.
 
Nhà Trừ Tà cảnh báo về ác ma gây áy náy trong lòng và hết còn trông cậy. Biên giới Chí Lợi và Peru
VietCatholic Media
05:04 06/05/2023


1. Các Giám mục Chí Lợi và Peru kêu gọi đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới

Các giám mục của các giáo phận Tacna, Peru và Arica, Chí Lợi, đã kêu gọi chính quyền của cả hai quốc gia tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại cho cuộc khủng hoảng di cư hiện đang diễn ra ở biên giới.

Trong hai tuần qua, hàng trăm người di cư - chủ yếu là người Venezuela nhưng cũng có người Colombia và Haiti - đã cố gắng rời Chí Lợi để vào Peru vì Chí Lợi thắt chặt chính sách nhập cư người nước ngoài nói rằng mục tiêu cuối cùng của Chí Lợi là hồi hương về nước xuất xứ của họ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nội vụ Peru, Vicente Romero, chỉ những người xuất trình thẻ nhập cư, thị thực và hộ chiếu mới được chấp nhận. Những người còn lại vẫn ở lại biên giới giữa hai nước, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của sa mạc, với một số người trong số họ tham gia vào các cuộc đối đầu với cảnh sát.

Trước tình hình đó, chính phủ Peru đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tuần trước tại hầu hết các cửa khẩu biên giới để lực lượng vũ trang hỗ trợ cảnh sát. Về phần mình, chính phủ Chí Lợi đã ra lệnh quân sự hóa biên giới phía bắc vào tháng 2 để ngăn chặn nhiều người di cư vào nước này bất hợp pháp.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 29 tháng 4, Giám mục Tacna và Moquegua, Marco Cortez, và Giám mục Arica, Moisés Atisha, đã than phiền về các cuộc đụng độ ở biên giới và nhắc lại lời kêu gọi của các ngài rằng với “cuộc đối thoại chân thành giữa tất cả các bên liên quan”, một giải pháp có thể được đưa ra cho những người di cư, bao gồm cả các gia đình có trẻ em và người lớn tuổi.

Các vị giám chức chỉ ra rằng “tất cả chúng ta đều đồng ý rằng hiện tượng di cư phải được quản lý bởi các cơ quan có thẩm quyền thích hợp,” nhưng điều này “không đồng nghĩa với việc cấm đoán hay coi những người như vậy là tội ác cho xã hội”.

Các giám mục nói rằng việc quân sự hóa biên giới hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp “là những biện pháp cưỡng chế đòi hỏi những giải pháp cân nhắc và công bằng hơn”.

Tuy nhiên, các ngài nói thêm rằng các hành vi bạo lực do một số người di cư gây ra ở các quốc gia đã tiếp nhận họ đã dẫn đến việc người dân chống lại những người tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn.

Các giám mục cho biết những người đang cố gắng vượt biên “là những người đang tìm kiếm một nơi mà họ có cơ hội xây dựng một cuộc sống tử tế”, đồng thời chỉ ra rằng tình trạng nghèo đói cùng cực đã buộc họ phải di cư.

“Vì lý do này, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và dịch vụ đang được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức xã hội dân sự. Với tư cách là Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi không chỉ hiện diện trong những thời điểm khẩn cấp, mà còn đồng hành với họ hàng ngày và tìm cách chào đón họ cũng như hòa nhập họ vào xã hội,” các ngài nói thêm.

Các giám mục của Tacna và Arica lưu ý rằng giải pháp phụ thuộc vào các quyết định chính trị và do đó đã yêu cầu “việc thực hiện đồng trách nhiệm một cách xác thực và chân thành từ phía cộng đồng quốc tế” cũng như của chính quyền quốc gia và khu vực.

Cuối cùng, các vị giám chức kêu gọi sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Coromoto, bổn mạng của Venezuela, và kêu gọi các nhà chức trách tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để tìm ra “những cách giải quyết vấn đề này để chúng ta không phải thương tiếc các nạn nhân do bạo lực đang bùng phát.”

Các ngài tuyên bố: “Giải pháp cho bất kỳ vấn đề xã hội nào sẽ chỉ khả thi nếu phẩm giá của mỗi người được công nhận và tôn trọng, vì đây là giá trị không thể chuyển nhượng, không thể bị lợi dụng khi giải quyết vấn đề”.
Source:Catholic World Report

2. Nhật Ký Trừ Tà số 238: Ác Ma Tuyệt Vọng

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #238: Demons of Despair”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 238: Ác Ma Tuyệt Vọng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những linh hồn đau khổ của chúng tôi, “James,” đã liên lạc với tôi. Anh ta tràn ngập sự tuyệt vọng. Anh ấy nói rằng một cảm giác tuyệt vọng bao trùm lấy anh ấy và anh ấy tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi ma quỷ. Chúng tôi ngay lập tức tổ chức một buổi cầu nguyện tự phát qua điện thoại và tôi đã cầu nguyện những lời cầu nguyện giải thoát với anh ấy. Cuối cùng, những cảm giác đen tối hoàn toàn biến mất và hy vọng của anh ấy quay trở lại.

Tôi nói với anh ấy rằng những cảm giác đen tối này rõ ràng là ma quỷ. Chúng áp đảo anh ta khá đột ngột và rời đi ngay lập tức do cầu nguyện. Tôi giải thích rằng ma quỷ chỉ có thể cho đi những gì chúng có và thế giới của chúng là một thế giới dày vò sợ hãi, giận dữ, ngã lòng và tuyệt vọng. Chúng có thể lây nhiễm tâm trí của ai đó và lấp đầy nó bằng sự tuyệt vọng mà người đó không bao giờ nhận thức được sự hiện diện của ma quỷ.

Cùng lúc đó, một trong những “người mang gánh nặng” tâm linh của chúng tôi nói với tôi rằng cô ấy đã trải qua một cơn tuyệt vọng đột ngột, dữ dội tương tự. Cô nghi ngờ rằng đó là linh hồn đen tối của một trong những linh hồn đau khổ của chúng tôi. Tôi nghĩ, “Có lẽ sự đau khổ của cô ấy là vì James”... Chúng tôi biết ơn những linh hồn nạn nhân như vậy. Nhờ ân sủng của Chúa và sự can thiệp của các chiến binh cầu nguyện của chúng tôi, James đang dần khỏe lại.

Tôi không hiểu việc áp dụng ma thuật, phù thủy, Satan và những điều huyền bí thời hiện đại. Họ đang đi xuống một thế giới đen tối. Một số ban đầu thấy những thứ như vậy thật hấp dẫn và việc thao túng sức mạnh của ma quỷ có thể gây nghiện (mặc dù chính họ mới là người thực sự bị thao túng). Nhưng con đường của ma quỷ luôn kết thúc trong sự tuyệt vọng dày vò tăm tối.

Địa ngục được mô tả đúng là một nơi tối tăm. Trái lại, trên trời không cần ánh sáng nhân tạo hay mặt trời, vì Chúa là Thiên Chúa sẽ là ánh sáng của chúng ta (Kh 22:5). Chúa soi sáng các tầng trời, dãi chiếu ánh sáng, niềm vui và bình an đích thực. “Thiên Chúa là ánh sáng, nơi Người không có bóng tối” (1 Ga 1:5).


Source:Catholic Exorcism

3. Tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn Hung Gia Lợi cho bài phát biểu về ‘thực dân ý thức hệ’

Niall Gooch của tạp chí Catholic Herald, Anh quốc, cho hay: một hoặc hai năm trước, ông đã suy đoán về việc liệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ý định coi thường Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán bằng cách chỉ đến thăm đất nước của ông trong một thời gian ngắn. Rõ ràng ký giả này đã lầm vì Đức Thánh Cha đã thăm Hung Gia Lợi dài hơn trong mấy ngày qua.

Một phần trong chương trình nghị sự của ngài là bài phát biểu tại đan viện Carmelite trước đây, hiện là văn phòng của Thủ tướng.

Đức Phanxicô đã mượn dịp này để chỉ trích điều mà ngài gọi là “thực dân ý thức hệ”, theo đó ngài muốn nói đến nỗ lực của các nước phương Tây giàu có hơn nhằm sử dụng sức mạnh kinh tế và văn hóa của họ để khuynh đảo các xã hội truyền thống hơn.

Ví dụ, điều này được thực hiện bởi Hoa Kỳ hoặc Liên minh Châu Âu, bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ phá thai trong việc xây dựng các cơ sở y tế ở các nước đang phát triển, hoặc bằng việc viện trợ phụ thuộc vào các cách tiếp cận tự do đối với các vấn đề liên quan đến tình dục và giới tính. Trong một lĩnh vực khác, nó đạt được thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, phim ảnh và chương trình truyền hình, đặc biệt là những chương trình nhắm đến trẻ em, những người có trí tưởng tượng đang chờ được hình thành. Đôi khi trên báo chí xuất hiện hình ảnh các đại sứ quán Mỹ treo cờ tự hào, với nhiều cách lặp lại khác nhau, bên cạnh hoặc thậm chí thay cho cờ ngôi sao và sọc.

Hung Gia Lợi là một nơi thích hợp để Đức Phanxicô đưa ra lập luận này vì chính phủ ở Budapest đã là mục tiêu của hình thức chủ nghĩa đế quốc mềm này. Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao ở Washington DC tài trợ cho các nhóm “xã hội dân sự” ở Hung Gia Lợi. Những nhóm như vậy đang tích cực tìm cách lật ngược những hạn chế nặng nề của Orbán đối với chiến dịch và vận động LGBT, đồng thời gây ra những kiểu tấn công tương tự vào hôn nhân, gia đình và thái độ tình dục lành mạnh tàn phá các quốc gia phương Tây khác.

Brussels cũng vậy, đã tìm cách gây áp lực lên Orbán, bằng cách liên tục đe dọa rút các hình thức tài trợ cụ thể khỏi Hung Gia Lợi trừ khi họ tuân thủ các vấn đề về chuyển giới và đồng tính. Đáng chú ý, Orbán đã làm tương đối ít để hạn chế phá thai ở Hung Gia Lợi, mặc dù ông tập trung vào việc tăng tỷ lệ sinh và duy trì xã hội Hung Gia Lợi truyền thống.

Hơn bao giờ hết, không có gì đơn giản bằng việc nói rằng các quốc gia riêng lẻ hoặc các tổ chức xuyên quốc gia không bao giờ nên tìm cách truyền bá các giá trị và lý tưởng đạo đức trên khắp thế giới. Dù sao, Giáo Hội Công Giáo là một tổ chức xuyên quốc gia, và người Công Giáo chúng ta khó có thể tránh khỏi trách nhiệm tìm cách cải đạo cho một thế giới quan cụ thể.

Như mọi khi, đây là chuyện nói về nội dung. Thật tốt cho các Kitô hữu khi truyền bá khắp thế giới những lời dạy của Chúa Kitô vì những lời dạy đó là chân thật và đúng đắn. Từ bản chất, chúng hòa hợp với bản chất nền tảng của thế giới. Loại ý thức hệ mà Đức Phanxicô đang đề cập đến thì hoàn toàn ngược lại – chúng sai lầm và tai hại. Chúng sẽ không mang lại sự đoàn kết và lành mạnh cho các xã hội chấp nhận chúng, mà là xung đột, bất hòa và tan rã. Cứ nhìn vào những gì đã xảy ra trong các xã hội Tây phương trong nửa thế kỷ qua: ly dị, phá thai, cuồng loạn giới tính, và cuộc chiến hôn nhân thực sự đã tạo ra hàng triệu con người lạc lối, khốn khổ, bị xa lánh.

Đức Giáo Hoàng đúng khi chỉ ra sự kiêu ngạo và ngu xuẩn ẩn sau cơ cấu xã hội của giới tinh hoa thế tục. Nhiệm vụ của chúng ta là vạch ra một giải pháp thay thế – điều mà một linh mục già quen gọi là “nền văn minh của tình yêu”.
 
Vụ mưu sát bom xe rúng động Moscow. Nga dọa tuyên chiến với Mỹ. Nổ lớn ở Crimea, chiến hạm bỏ chạy
VietCatholic Media
15:50 06/05/2023


1. Tuyên bố rút quân của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin gây thiệt hại nặng cho quân Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Bẩy mùng sáu tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân xâm lược Nga đang bao phủ thành phố Bakhmut bằng vũ khí gây cháy nổ. Pháo binh và không quân đã bắn các loại đạn phốt pho gây cháy vào các vị trí phòng thủ của quân Ukraine.

Thứ trưởng Hanna Maliar nhấn mạnh rằng thủ đoạn này không gây bất ngờ cho quân Ukraine vì người Nga đã làm như thế tại thành phố Mariupol trước đây. Các sĩ quan và binh lính Nga bị bắt tại mặt trận cũng đã báo cho quân Ukraine vì lo cho tính mạng của chính họ.

Cô cũng cho biết sau khi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin tuyên bố rút quân vào ngày 10 tháng 5, tinh thần của quân Nga xuống rất thấp. Trong các vùng ngoại ô của thành phố Bakhmut, giao tranh một lúc là họ bỏ chạy để lại rất nhiều phương tiện quân sự.

Trong 24 giờ qua, 560 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 7 xe tăng, 14 xe thiết giáp, 14 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 hệ thống phòng không, cùng với 20 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến mùng 6 Tháng Năm, 193.770 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến. Ngoài ra, quân đội Ukraine đã phá hủy hay bắt giữ 3.717 xe tăng Nga, 7.238 xe thiết giáp, 2.992 hệ thống pháo, 552 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 306 hệ thống phòng không, 308 máy bay, 294 trực thăng, 2.554 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 947 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.936 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 375 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Tuyên truyền viên khét tiếng của Điện Cẩm Linh Zakhar Prilepin bị mưu sát

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass cho biết, Zakhar Prilepin, một nhà văn tuyên truyền theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan khét tiếng của Nga, đã bị thương trong một vụ đánh bom xe ở khu vực Nizhny Novgorod hôm thứ Bảy. Nga ngay lập tức đổ lỗi cho Ukraine và phương Tây.

Tass trích dẫn một nguồn tin trong các dịch vụ khẩn cấp cho biết chiếc xe của nhà văn đã bị nổ tung. Nguồn tin được trích dẫn cho biết: “Anh ấy sống sót, nhưng bị thương nặng dù vẫn tỉnh táo. Người ngồi bên cạnh đã qua đời tại hiện trường.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận xét rằng: “Thực tế đã rành rành: Washington và NATO nuôi dưỡng một nhóm khủng bố quốc tế khác – đó là chế độ Kyiv”.

Bà nói đó là “trách nhiệm trực tiếp của Mỹ và Anh”, nhưng không đưa ra bằng chứng nào chứng minh cho lời buộc tội. “Chúng tôi cầu nguyện cho Zakhar,” cô nói thêm.

Theo Bộ Nội vụ Nga, một người khác trong xe đã thiệt mạng. Anh ta đã đi du lịch cùng gia đình. Các hãng thông tấn nhà nước cho biết chân của ông đã bị thương.

“Theo báo cáo ban đầu, một người thiệt mạng do vụ nổ và nhà văn Zakhar Prilepin, người ngồi trong xe, bị thương” ở vùng Nizhny Novgorod, cách Mạc Tư Khoa khoảng 400km về phía đông.”

Prilepin, 47 tuổi, một trong những nhà văn tuyên truyền nổi tiếng nhất của Nga, đã tham gia phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine vào năm 2014 và chiến đấu bên cạnh họ.

Là một cựu chiến binh Chechnya, ông thường xuyên đến miền đông Ukraine và là người ủng hộ mạnh mẽ cho tổng thống Nga, Vladimir Putin, và cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

Vụ việc xảy ra sau một loạt các cuộc tấn công và phá hoại rõ ràng trên lãnh thổ Nga, đôi khi cách xa mặt trận. Vào tháng 4, một vụ nổ từ một bức tượng gắn chất nổ đã giết chết blogger quân sự 40 tuổi ủng hộ Điện Cẩm Linh Vladlen Tatarsky.

Và tháng 8 năm ngoái, Darya Dugina, con gái của một trí thức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi tiếng, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe bên ngoài Mạc Tư Khoa, mà Nga đổ lỗi cho Ukraine. Kyiv phủ nhận tất cả các cáo buộc.

3. Vụ nổ làm rung chuyển khu vực phía bắc bán đảo Crimea do Nga xâm lược. Nga đóng cầu để truy nã thủ phạm

Sáng thứ Bẩy, mùng sáu tháng 5, những tiếng nổ vang lên tại thị trấn Dzhankoi ở phía bắc Bán đảo Crimea do Nga xâm lược.

Sergei Aksyonov, Thống Đốc Crimea do Nga dựng lên tại bán đảo Crimea bị tạm chiếm, cho biết: “Sáng nay, đã có những vụ nổ ở Dzhankoi. Các hệ thống phòng không đang hoạt động. Không có thương vong hay thiệt hại nào được báo cáo.”

Trên các phương tiện truyền thông xã hội, người dân địa phương đã viết rằng các phương tiện không được phép rời khỏi bán đảo qua Cầu Eo biển Kerch vào sáng nay. Theo phiên bản chính thức được cung cấp bởi cái gọi là Bộ Giao thông Vận tải Crimea, giao thông đã bị chặn vì lý do kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều nguồn thạo tin cho rằng cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đang lùng bắt những người tình nghi dính líu vào vụ nổ.

Đến 09:50, giao thông đã được khôi phục. Vẫn chưa rõ là vụ nổ gây ra là do đặt bom hay do máy bay không người lái tấn công.

4. Nga đe dọa “xung đột vũ trang” với Mỹ khi Tòa Bạch Ốc bác bỏ tuyên bố của Điện Cẩm Linh là “lố bịch”

Hoa Kỳ đã bác bỏ những cáo buộc “lố bịch” từ Nga rằng họ đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh. Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Mạc Tư Khoa cảnh báo hai cường quốc đang “bên bờ vực xung đột vũ trang công khai”.

Theo hãng truyền thông nhà nước TASS, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với kênh truyền hình Channel One hôm thứ Năm rằng “Chúng tôi đang làm việc để ngăn chặn mối quan hệ với Hoa Kỳ rơi vào vực thẳm của một cuộc xung đột vũ trang công khai. Chúng tôi đang đứng trên bờ vực thẳm này”.

Nhận xét của ông được đưa ra sau khi Mạc Tư Khoa đưa ra những tuyên bố vô căn cứ rằng Mỹ đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh nhằm ám sát Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tuần. Kyiv và Washington đã phủ nhận các cáo buộc.

Ông Ryabkov cho biết Mạc Tư Khoa và Washington đang liên lạc khi cần thiết, bao gồm cả ở cấp cao, nhưng cũng nói thêm rằng “Washington từ lâu đã là một bên trực tiếp trong cuộc xung đột ở Ukraine và có mục đích tiêu diệt nước Nga”.

Hôm thứ Năm, Nga đã cáo buộc Washington đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh và âm mưu ám sát ông Putin. Đây là cáo buộc mới nhất trong một loạt cáo buộc bất thường về vụ việc hôm thứ Tư.

“Chúng tôi biết rõ rằng các quyết định về những hành động như vậy và các cuộc tấn công khủng bố như vậy không được đưa ra ở Kyiv mà ở Washington. Và Kyiv đã thực hiện những gì nó được bảo phải làm”, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.

Đáp lại, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài phủ nhận sự liên quan của Mỹ trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Điện Cẩm Linh và cáo buộc phát ngôn nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói dối.

“Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng ông Dmitry Peskov đang nói dối. Ý tôi là, đó rõ ràng là một tuyên bố lố bịch. Hoa Kỳ không có gì để làm với điều này. Chúng tôi thậm chí không biết chuyện gì đã xảy ra ở đây,” John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết. “Tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng Hoa Kỳ không có vai trò gì trong đó cả.”

Tòa Bạch Ốc vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy ai đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái và cho biết Tòa Bạch Ốc không “ủng hộ, chúng tôi không khuyến khích, chúng tôi không ủng hộ các cuộc tấn công nhằm vào cá nhân các nhà lãnh đạo,” Kirby nói thêm.

5. Ukraine cho biết: Tàu chiến Nga rút khỏi vùng biển Crimea khi các cuộc tấn công gia tăng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Warships Retreat From Crimea's Waters as Attacks Intensify: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết: Tàu chiến Nga rút khỏi vùng biển Crimea khi các cuộc tấn công gia tăng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga đã di chuyển hầu hết các tàu chiến của Hạm đội Hắc Hải từ căn cứ chính ở Crimea đến vùng biển an toàn hơn trên lãnh thổ Nga, theo một quan chức tình báo quân sự cấp cao của Ukraine.

Thiếu tướng Vadym Skibitsky, phó giám đốc tình báo quân đội Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Kyiv rằng Điện Cẩm Linh đã quyết định di dời các tàu vì lo ngại các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn.

Trụ sở chính chính thức của Hạm đội Hắc Hải được đặt tại Sevastopol, thành phố lớn nhất ở Crimea và là nơi xảy ra nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong những tuần gần đây. Mặc dù Ukraine không nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, Mikhail Razvozhayev - thống đốc Sevastopol do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm - đã nói rằng Kyiv đứng sau các cuộc tấn công, được cho là đã gây ra hàng loạt đám cháy lớn, nghiêm trọng nhất là tại tổng kho nhiên liệu trong khu vực vào thứ Bảy.

Trong bối cảnh này, bộ chỉ huy cấp cao của hải quân Nga đã điều động lại hầu hết các tàu của Hạm đội Hắc Hải từ Sevastopol trở lại thành phố Novorossiysk của Nga.

“Chúng tôi thấy rằng người Nga đang sợ hãi. Căn cứ đó ở Sevastopol và các cơ sở quân sự khác hiện được bảo vệ nghiêm ngặt; Skibitsky cho biết, theo Ukrainska Pravda, quân xâm lược Nga đang trang bị cho các vị trí để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng này.

Skibitsky xác định rằng các tàu chiến đã được di chuyển khoảng 220 dặm từ Sevastopol đến Novorossiysk. Kyiv Post mô tả Novorossiysk, nằm trên bờ biển phía đông của Hắc Hải ở khu vực Kuban phía nam của Nga, là “nằm ngoài tầm bắn của các địa điểm phóng hỏa tiễn chống hạm có thể xảy ra từ lãnh thổ do Ukraine kiểm soát”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khẳng định rằng Crimea, bị Nga xâm chiếm và sáp nhập vào năm 2014, thuộc về Ukraine. Ông cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng việc Crimea một lần nữa được công nhận là một phần của quốc gia ông là một trong những điều kiện của ông để ngừng bắn trong cuộc chiến mà Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Trong khi đó, các quan chức Nga vẫn kiên quyết rằng Crimea phải là một phần của Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai. Ngoài ra, Điện Cẩm Linh đã nói rằng bốn vùng lãnh thổ bổ sung mà nước này sáp nhập bất hợp pháp vào tháng 9 năm 2022 cũng phải được công nhận là của Nga.

Will Reno, chủ nhiệm khoa khoa học chính trị tại Đại học Tây Bắc, nói với Newsweek rằng ông không ngạc nhiên khi Nga cân nhắc chuyển các tàu đắt tiền của mình khỏi Sevastopol.

“Có thể các nhà hoạch định của Nga dự đoán rằng các tàu có thể lọt vào tầm bắn của các hỏa tiễn như HIMARS trong trường hợp một cuộc tấn công của Ukraine cho phép tái định vị gần các căn cứ hải quân của Nga hơn,” Reno nói.

Để chứng minh khả năng của Ukraine trong việc tấn công hải quân Nga, ông Reno đã trích dẫn các ví dụ như cuộc tấn công vào tháng 4 năm 2022 của Ukraine dẫn đến việc đánh chìm tàu Moskva, là soái hạm của Hạm đội Hắc Hải.

“Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị giảm xuống thành một lực lượng ven biển, ít nhất là ở một số khía cạnh. Sự phát triển này là một bài học cho các nhà hoạch định Hoa Kỳ,” Reno nói. “Có nghi ngờ rằng các vũ khí tấn công hiện tại đặt sức mạnh hải quân vào thế bất lợi, đặc biệt là các tàu lớn đắt tiền mà vũ khí tấn công tương đối rẻ tiền có thể gây hư hại hoặc phá hủy. Suy nghĩ về phía tây Thái Bình Dương, liệu các khoản đầu tư lớn vào tàu chiến có phải là cách sử dụng tài nguyên khôn ngoan nhất không?”

6. Đồng minh của Putin thề sẽ gửi quân đến Bakhmut để thay thế lực lượng của Wagner

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Vows to Send Troops to Bakhmut to Replace Wagner's Forces”, nghĩa là “ Đồng minh của Putin thề sẽ gửi quân đến Bakhmut để thay thế lực lượng của Wagner.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov hôm thứ Sáu cho biết ông sẽ gửi quân đến chiến đấu ở Bakhmut nếu Nhóm Wagner rút khỏi thành phố của Ukraine.

Kadyrov, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã đưa ra cam kết trong một tuyên bố trên kênh Telegram chính thức của mình.

Trước đó cùng ngày, Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh của Nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, thông báo rằng ông sẽ rút hết các chiến binh của mình khỏi Bakhmut vào ngày 10 tháng 5 vì thiếu đạn dược. Trước thông báo này, Prigozhin đã công bố một đoạn video trong đó ông ta tức giận đổ lỗi cho các quan chức hàng đầu của Nga về cái chết của các chiến binh Wagner vì các đơn vị của ông ta không được cung cấp đủ đạn dược.

Trong tuyên bố của mình, Kadyrov than phiền về sự bất hòa “không mấy dễ chịu” giữa Prigozhin với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov. Anh ta nói rằng thật “khó chịu gấp đôi” khi Bộ Quốc phòng không gặp Prigozhin vì anh ấy “đáng được tôn trọng vì những đóng góp vô giá” mà anh ấy đã thực hiện trong cuộc chiến chống lại lực lượng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kể từ cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Kadyrov yêu cầu các quan chức Nga trả lời cáo buộc của Prigozhin về việc Wagner không được cung cấp đủ đạn dược. Sau đó, anh ta kể lại việc các đơn vị Chechnya chiến đấu ở Mariupol, Ukraine, từng đối mặt với các vấn đề vũ khí tương tự như thế nào.

“Tôi đích thân gọi điện về Mạc Tư Khoa, nói chuyện với các tư lệnh, chỉ huy, cấp trên. Một tháng sau, vấn đề đã được giải quyết,” anh ta nói. “Vâng, nó không được giải quyết trong cuộc gọi đầu tiên. Nhưng các đơn vị của chúng tôi đã không quay video, họ đã không tạo cơ hội thông tin thú vị cho đối phương.”

Nhà lãnh đạo Chechnya sau đó đã khiển trách Prigozhin vì đã chiếu xác những người lính Wagner đã chết trong video của anh ta, nói rằng “việc quay phim xác những đồng đội đã chết vì mục đích phản đối kịch liệt... là sai trái. Chúng ta đừng bao giờ làm điều đó.”

Kadyrov viết rằng các đơn vị Chechnya đã chiến đấu bên cạnh quân đội Wagner “ở những khu vực khó khăn nhất” của Ukraine. Tuy nhiên, anh ta nói rằng nếu “anh trai Prigozhin” và Wagner rời đi, thì anh ta và quân đội của mình sẽ bước vào để lấp đầy khoảng trống ở Bakhmut.

“Nếu kịch bản vẫn như thế này, thì các chiến binh của chúng tôi đã sẵn sàng tiến lên và chiếm thành phố. Đó là vấn đề chỉ trong vài giờ,” anh ta nói.

Jason Jay Smart, một cố vấn chính trị về chính trị quốc tế và hậu Xô Viết, nói với Newsweek rằng tuyên bố của Kadyrov cho thấy anh ta “mong muốn làm hài lòng ông chủ của mình – là Putin”.

“Tuy nhiên, việc cử người Chechnya đến đặt ra một câu hỏi: Tại sao cho đến nay họ vẫn chưa tham gia Trận chiến Bakhmut?”.

Smart nói thêm, “Tất cả những điều này thực sự cho thấy cách Kadyrov đang cố gắng lấy lòng Putin, đồng thời chứng tỏ rằng Quân đội chính quy của Nga là vô vọng nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài.”

Kadyrov đã chính thức bị đưa vào danh sách đen của nhiều quốc gia và đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trừng phạt vì vi phạm nhân quyền, cũng như bởi Liên minh Âu Châu, Vương quốc Anh và một số quốc gia khác.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

7. Nga bắt đầu di tản khỏi khu vực Zaporizhzhia trước nguy cơ của một cuộc tổng phản công của Ukraine.

Các nhà chức trách do Nga cài đặt tại khu vực Zaporizhzhia bị sáp nhập của Ukraine hôm thứ Sáu đã tuyên bố di tản một số cư dân tại 18 khu định cư tiền tuyến vì lý do “đạn pháo tăng cường”.

“Trong vài ngày qua, đối phương đã tăng cường pháo kích vào các khu định cư nằm gần đường liên lạc,” Quyền Thống đốc khu vực do Nga chỉ định Yevgeny Balitsky cho biết trong một tuyên bố trên kênh Telegram của mình. “Về vấn đề này, trước hết tôi quyết định di tản trẻ em cùng cha mẹ, người già, người tàn tật, bệnh nhân của các cơ sở y tế khỏi hỏa lực của đối phương và chuyển họ từ các lãnh thổ tiền tuyến vào sâu trong khu vực”.

“Chúng tôi không thể mạo hiểm với sự an toàn của mọi người và sẽ cung cấp kinh phí cho việc đi lại có tổ chức, thanh toán một lần, chỗ ở và bữa ăn. Di dời tạm thời sẽ được tổ chức trong khu vực. Trẻ em ở độ tuổi phổ thông sẽ tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục cho đến khi kết thúc năm học, những đứa trẻ sẽ được phục hồi chức năng và nghỉ ngơi trong trại trẻ em,” Balitsky nói thêm.

Balitsky tuyên bố các cuộc di tản là một “biện pháp cần thiết” được thiết kế để bảo đảm an toàn cho cư dân ở các vùng lãnh thổ tiền tuyến. Các quan chức Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã sử dụng di tản như một phương tiện để buộc trục xuất người Ukraine.

Hôm thứ Sáu, các kênh Telegram địa phương của các thị trấn ở vùng Zaporizhzhia đã báo cáo về việc nhìn thấy xe buýt di tản và cho biết chính quyền địa phương đang thông báo cho người dân rằng họ phải đóng gói hành lý.

8. Đệ nhất phu nhân Ukraine đến thăm Anh để dự Lễ đăng quang của Vua Charles Đệ Tam

Lễ đăng quang của Vua Charles Đệ Tam sẽ diễn ra vào Thứ Bảy, 6 tháng Năm. Trong dịp này Đệ Nhất Phu Nhân Zelenska và thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal, đã đến Luân Đôn trong phái đoàn chính thức của chính quyền Ukraine.

Trong chuyến thăm, bà đã gặp vợ của Thủ tướng Anh Akshata Murty ở London. Zelenska cảm ơn sự hỗ trợ của Anh đối với Ukraine, đặc biệt là việc tổ chức Cuộc thi Ca khúc Eurovision cùng với các đối tác Ukraine.

Zelenska cũng lưu ý một sự kiện quan trọng khác - Hội nghị phục hồi Ukraine sẽ được tổ chức tại Luân Đôn vào tháng 6 năm nay.

Phu nhân của Tổng thống đã trao cho Akshata Murty lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba của các Đệ nhất phu nhân và quý ông, sẽ được tổ chức tại Kyiv vào ngày 6 tháng 9 và sẽ dành riêng cho chủ đề sức khỏe tâm thần.

“Năm này qua năm khác, hội nghị thượng đỉnh củng cố vai trò của các đệ nhất phu nhân và quý ông: chúng ta cùng nhau trở nên năng động hơn để thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.” Zelenska nói.

Ngoài ra, Đệ nhất phu nhân Ukraine và Akshata Murty đã cùng nhau đến thăm Thư viện Anh.

“Một trong những thư viện lớn nhất thế giới: 1,5 triệu lượt truy cập mỗi năm, 170 triệu mục. Và trong số những đồ tạo tác này của Thư viện Anh là một bộ sưu tập 100.000 bản của Ukraine! Nó bao gồm các tài liệu quan trọng về Holodomor trên vi phim, một trong hai bản sao Lviv Primer nổi tiếng thế giới của nhà in đầu tiên Ivan Fedorov, một ấn bản hiếm hoi của 'Kobzar' của Taras Shevchenko - bỏ túi, để đọc bí mật trong thời gian ngôn ngữ Ukraine đã bị cấm - nhiều sách và ấn phẩm quý hiếm của Ukraine và cộng đồng người hải ngoại”.

Đệ nhất phu nhân Ukraine cũng đã được Bộ trưởng Quốc phòng Anh hướng dẫn đi thăm các binh sĩ Ukraine đang thụ huấn tại Anh.

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nhận định rằng những lo ngại của giới lãnh đạo Nga về rủi ro bị tấn công và khả năng xảy ra các cuộc biểu tình công khai phản đối cuộc chiến ở Ukraine đã góp phần dẫn đến quyết định hủy bỏ nhiều cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng, với lý do lo ngại về an ninh.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ:

Sáu khu vực của Nga, Crimea bị xâm lược và 21 thành phố đã hủy bỏ cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng 09 tháng 05 với lý do lo ngại về an ninh. Ngày Chiến thắng kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã.

Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Mạc Tư Khoa có thể sẽ diễn ra nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Tiệc chiêu đãi của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc duyệt binh (được tổ chức lần cuối vào năm 2019) sẽ không diễn ra.

Cuộc diễn hành truyền thống của Trung đoàn bất tử, nơi các thành viên trong gia đình trưng bày những bức ảnh của các cựu chiến binh đã khuất trong Thế chiến thứ hai, gắn liền với Ngày Chiến thắng, cũng đã bị hủy bỏ. Điều này diễn ra sau sự hủy bỏ gần đây của Thế vận hội Quân đội Quốc tế do Nga tổ chức.

Thời điểm cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh vài ngày trước Ngày Chiến thắng cho thấy Nga ngày càng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công như vậy và gần như chắc chắn đã đẩy mạnh cảm nhận về mối đe dọa của giới lãnh đạo Nga đối với các sự kiện Ngày Chiến thắng.

Khả năng xảy ra các cuộc biểu tình và phản đối cuộc chiến Ukraine cũng có khả năng ảnh hưởng đến các tính toán của giới lãnh đạo Nga.

10. Trang web của thượng viện Pháp bị điện tặc Nga tấn công

Trang web của thượng viện Pháp đã ngừng hoạt động hôm thứ Sáu sau khi các tin tặc thân Nga tuyên bố đã đánh sập trang web, trong cuộc tấn công mạng mới nhất kể từ khi Nga xâm lược Ukraine năm ngoái.

“Quyền truy cập vào trang web đã bị gián đoạn kể từ sáng nay,” thượng viện của quốc hội cho biết trên Twitter ngay trước giữa trưa và cho biết một nhóm kỹ thuật viên đang khắc phục sự việc.

Một nhóm tự xưng là NoName trên Telegram đã nhận trách nhiệm, nói rằng họ đã hành động vì “Pháp đang làm việc với Ukraine về gói 'viện trợ' mới có thể bao gồm nhiều vũ khí”.

Cũng nhóm này cho biết họ đã ngắt kết nối trang web của Quốc hội Pháp trong vài giờ vào tháng Ba.

Nó cũng tuyên bố đứng đằng sau sự gián đoạn của các trang web của chính phủ Canada vào tháng trước khi thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal, đến thăm đất nước này.

11. LHQ cho biết, Nga gây khó khăn cho thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Hắc Hải

Các quan chức giám sát xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Ukraine qua Hắc Hải đã không đạt được thỏa thuận cấp phép cho bất kỳ tàu mới nào, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Sáu.

Các quan chức Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc là một phần của nhóm được gọi là Trung tâm điều phối chung. Hiện tại, nhóm cho biết họ đang tiếp tục kiểm tra các tàu đã được phê duyệt trước đó nhưng đang khuyến khích các nước tiếp tục đàm phán về các tàu mới.

“Như bạn sẽ nhớ lại, Tổng thư ký đã thông báo cho tất cả các bên đề xuất của ông ấy về con đường phía trước nhằm cải thiện, và mở rộng Sáng kiến, có tính đến các quan điểm của các bên. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tiếp tục thảo luận, vượt qua các thách thức hoạt động và hướng tới việc thực hiện đầy đủ và tiếp tục Sáng kiến”, Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho biết.

Thỏa thuận xuất khẩu được làm trung gian bởi Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ và được ký kết bởi đại diện của Nga và Ukraine vào tháng 7 năm ngoái.

Thỏa thuận hứa sẽ mở khóa các cảng trên Hắc Hải để cho phép ngũ cốc và hạt có dầu đi qua an toàn, theo các tuyến đường do các phi công hàng hải Ukraine xác định để tránh mìn và dừng ở Istanbul để bảo đảm vũ khí không được đưa vào Ukraine

12. Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al Zayani thăm Ukraine

Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al Zayani đã đến thăm Ukraine, đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng từ một quốc gia vùng vịnh tới Ukraine kể từ khi nước này chính thức độc lập khỏi Nga vào năm 1992.

Zelenskiy nói: “Tôi biết ơn Bahrain vì sự ủng hộ vững chắc của họ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong bối cảnh chống lại sự xâm lược toàn diện của Nga.”

“Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain, Abdullatif bin Rashid Al Zayani tới Ukraine là một tín hiệu quan trọng về sự hợp tác và hỗ trợ giữa các nước chúng ta. Ukraine phấn đấu vì hòa bình, và đó là lý do tại sao tôi đề xuất Công thức Hòa bình Ukraine cho cộng đồng quốc tế. Và chúng tôi sẽ biết ơn tất cả các quốc gia thực sự muốn giúp Ukraine đạt được hòa bình. Tôi mời Bahrain tham gia thực hiện một số điểm của Công thức và tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình sắp tới. Tôi biết ơn Bahrain vì sự ủng hộ vững chắc của họ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong bối cảnh chống lại sự xâm lược toàn diện của Nga.”
 
Bi đát: Các Giáo hội Kitô tại Đức sẽ mất khoảng 40.000 nhà thờ và cơ sở. Nhận định của George Weigel
VietCatholic Media
17:17 06/05/2023


1. Đức Tổng Giám Mục Gänswein tái phê bình Tiến trình Công nghị tại Đức

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, bí thư lâu năm của Đức Cố Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, tái phê bình Tiến trình Công nghị tại Đức, như một phương pháp để cải tổ Giáo Hội Công Giáo tại nước này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Bunte”, xuất bản ngày 02 tháng Năm vừa qua, tại Munich bên Đức, Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói rằng: “Trong cuộc khủng hoảng về lạm dụng tính dục, biện pháp mà Tiến trình Công nghị đã được sử dụng như một phương dược dành cho Giáo hội bị bệnh để chữa lành. Nhưng sự chẩn đoán sai và thiếu sót có thể đưa tới những biện pháp trị liệu đúng hay không?”. Theo Đức Tổng Giám Mục, câu trả lời thích hợp đối với những thách đố hiện nay của Giáo hội không phải là những tranh cãi và thảo luận về các vấn đề cơ cấu hoặc quyền bính”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein cũng nhấn mạnh rằng Kitô giáo trong Giáo hội hoàn vũ không phải là điều lỗi thời. “Nước Đức không phải là mẫu mực về một đức tin sinh động và đầy năng lực. Rất tiếc là như thế”. Và theo Đức Tổng Giám Mục, “vấn đề tủi nhục do nạn lạm dụng trẻ em là một vết thương sâu đậm trong Giáo hội, đòi phải được chữa lành với tất cả năng lực. Dù là một vụ lạm dụng thì cũng là quá rồi!”

Đức Tổng Giám Mục Gänswein năm nay 66 tuổi, nguyên là bí thư của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger khi ngài là Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, và tiếp tục nhiệm vụ này khi Đức Hồng Y Ratzinger được bầu chọn làm Giáo hoàng Bênêđíctô XVI (2005-2013). Đức Tổng Giám Mục khẳng định rằng Đức Bênêđíctô là một người đi tiên phong trong việc bài trừ nạn lạm dụng, và là vị Giáo hoàng đầu tiên, trong các chuyến tông du, gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng. Ngoài ra, khi còn tại vị, Đức Cố Giáo hoàng đã buộc ngồi tù hơn 400 linh mục phạm tội ác này. Vì thế, thật là điều ô nhục và sai trái khi có người cáo buộc Đức Bênêđíctô XVI là đã biết mà dung túng những vụ lạm dụng. Những lời vu khống đó giống như một hành động đốt phá”.

2. Các Giáo hội Kitô tại Đức sẽ mất khoảng 40.000 nhà thờ và cơ sở

Trong 40 năm tới đây, tức là khoảng năm 2060, các Giáo hội Tin lành và Công Giáo tại Đức sẽ từ bỏ khoảng 40.000 nhà thờ, nhà xứ và cơ sở của Giáo hội, vì không còn tín hữu sử dụng.

Theo tin của tờ “Hannover Toàn báo” (Hannoversche Allgemeine Zeitung), xuất bản ở Bắc Đức, ngày 02 tháng Năm vừa qua, trong con số vừa nói phần lớn là các nhà xứ và trung tâm sinh hoạt của giáo xứ, nhưng càng ngày càng có nhiều thánh đường bị bỏ trống và có nguy cơ bị phá hủy nếu không tìm được giải pháp nào khác.

Báo Hannover đưa tin trên đây dựa trên các tài liệu của Liên hiệp các Giáo hội Tin lành Đức (EKD) và Hiệp hội các giáo phận Đức (VDD). Các nhà thờ và các nơi thờ phượng này được xem là đền đài của quốc gia và được luật pháp đặc biệt bảo vệ. Tình trạng này liên hệ tới 80% trong tổng số 42.500 nhà thờ thuộc Công Giáo và Tin lành Đức. Theo một ước lượng, đã có khoảng 1.200 nhà thờ bị bỏ hoang kể từ thập niên 1990, trong đó 278 nhà thờ đã bị phá hủy. Con số này có xu hướng gia tăng đáng kể, nếu luật bảo vệ các đền đài làm cho việc dùng các thánh đường đó vào những mục tiêu khác như biến thành những gia cư hoặc cơ sở văn hóa.

Tuy nhiên, theo báo Hannover, nhà nước cũng sẵn sàng tìm một thỏa hiệp trong vấn đề này.

Hai Giáo Hội Công Giáo và Tin lành Đức ngày càng có số tín hữu giảm sút. Tình trạng này có nghĩa là các buổi lễ giảm bớt vì số tín hữu tham dự giảm đi.

Kể từ năm 2000, tức là trong 23 năm qua, đã có hơn 500 thánh đường Công Giáo được chính thức tuyên bố không còn được dùng vào việc thờ phượng nữa và bị tục hóa. Trong số này, có 105 nhà thờ thuộc giáo phận Essen, bắc Đức.

Tại miền Đông Đức, nơi vốn có ít tín hữu Kitô, nhiều thánh đường mất quy chế là nơi thờ phượng và được biến thành những trung tâm văn hóa.

Từ năm 1990, gần 380 nhà thờ Tin lành bị kéo sập, bị bán hoặc được biến cải và dùng vào những mục tiêu khác.

3. Thầy John Dunlap, tân Thủ lãnh Hội Hiệp Sĩ Malta

Hôm 03 tháng Năm vừa qua, thầy John Dunlap, người Canada đã được bầu làm Thủ lãnh thứ 81 của Dòng Hiệp sĩ Malta.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ Âu Châu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Thánh Địa Giêrusalem. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Nhà Dòng hiện có ngân sách nhiều triệu đô la, 13.500 thành viên, 95.000 tình nguyện viên và 52.000 nhân viên y tế đang điều hành các trại tị nạn, trung tâm điều trị ma túy, các chương trình cứu trợ thảm họa và phòng khám trên khắp thế giới.

Nhà Dòng đã rất tích cực trong việc giúp đỡ những người tị nạn Ukraine và các nạn nhân chiến tranh.

Nhà Dòng không có lãnh thổ thực sự ngoài cung điện và các văn phòng ở Rome và pháo đài ở Malta, nhưng được công nhận là một thực thể có chủ quyền với hộ chiếu và biển số xe riêng.

Nhà Dòng có quan hệ ngoại giao với 110 quốc gia và quy chế quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, cho phép hoạt động như một bên trung lập trong các nỗ lực cứu trợ ở các vùng chiến sự.

Ngay khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra, Dòng Malta đã cung cấp ngay cho 275,000 người Ukraine dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ hậu cần hoặc phân phối lương thực tại các biên giới của đất nước. Ngoài ra, 47 xe tải chở đầy thiết bị y tế, thực phẩm, thuốc men và bộ dụng cụ sinh tồn đã được thuê. Các đoàn xe bổ sung đang được chuẩn bị. 69,000 tình nguyện viên sống ở Đông Âu cam kết hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.

Thầy Dunlap năm nay 66 tuổi, vốn là Hiệp sĩ đầu tiên ở Bắc Mỹ có lời khấn trong Hội này và trong thời gian qua là Quyền Thủ lãnh của Hội Hiệp Sĩ Malta. Thầy tốt nghiệp Đại học Ottawa, sau đó đậu Tiến sĩ luật tại Đại học Tây bang Ontario. Thầy là luật sư tại bang New York bên Mỹ cũng như tại bang Ontario của Canada, chuyên về luật hiệp hội và di dân.

Thầy Dunlap gia nhập Hội Hiệp Sĩ Malta năm 1996, khấn trọng năm 2008 và năm sau đó được bầu làm thành viên Hội đồng tối cao của Hội. Từ tháng Sáu năm ngoái (2022), thầy làm quyền Thủ lãnh của Hội sau khi thầy Marco Luzzago qua đời.

Hôm 03 tháng Năm vừa qua, Hội đồng quốc vụ đã nhóm tại trụ sở của Hội ở Roma, với sự tham dự của 99 thành viên đến từ 18 quốc gia và thầy Dunlap đã đắc cử. Thầy đã tự tay viết thư báo tin này cho Đức Thánh Cha Phanxicô và lúc 6 giờ 30 chiều cùng ngày, tại nhà thờ Đức Mẹ Maria trên đồi Aventino, thầy đã tuyên thệ nhậm chức trong tay Đức Hồng Y Silvano Maria Tomasi, Dòng Scalabrini, Đặc ủy của Đức Giáo Hoàng, và bắt đầu nhận nhiệm vụ mới, với hạn kỳ 10 năm, theo khoản số 13 trong Hiến pháp của Hội.

Về phương diện ngoại giao quốc tế, thầy Dunlap có những đặc quyền, sự miễn trừ và vinh dự giống như các vị Quốc trưởng.

4. Nhận định của Tiến sĩ George Weigel về việc phong Chân phước cho Linh mục Henri de Lubac, Dòng Tên

Trên tờ Denver Catholic, ngày 3 tháng 5 năm 2023, Tiến sĩ George Weigel có bài nhận định như sau:

Vào ngày 31 tháng 3, các giám mục Pháp thông báo rằng họ sẽ thỉnh cầu Tòa Thánh cho phép mở án phong chân phước cho Cha Henri de Lubac, SJ. Dù kết quả của án này là gì, thì việc tỏ lòng kính trọng như vậy đối với một trong những nhân vật vĩ đại của thần học Công Giáo thế kỷ 20 là một cách thích hợp để tiếp tục kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng. Vì nếu không có công việc tiên phong của de Lubac trong việc phục hồi các Giáo phụ và sự phong phú của việc chú giải Kinh thánh thời trung cổ cho tư tưởng Công Giáo đương thời, thì các văn bản chủ chốt của các văn kiện Vatican II – các hiến chế tín lý của nó về mặc khải Thiên Chúa và về Giáo hội - sẽ không phong phú về mặt kinh thánh và giáo phụ như vậy về nội dung và phong cách.

Henri de Lubac là ai? Ngài là một cựu chiến binh của quân đội Pháp trong Thế chiến thứ nhất, trong đó ngài bị thương nặng. Như vừa lưu ý, ngài là một nhân vật hàng đầu trong phong trào hồi sinh thần học Công Giáo bằng cách “trở về cội nguồn”. Ngài là một nhà lãnh đạo trong cuộc kháng chiến của người Công Giáo Pháp chống lại chủ nghĩa phát xít sau khi nước Pháp sụp đổ vào năm 1940 và là một nhà nghiên cứu sắc bén chủ nghĩa vô thần hiện đại. Bị lưu đày bên lề thần học trong những năm cuối cùng của Đức Piô XII, ngài được Đức Gioan XXIII phục hồi, người đã bổ nhiệm ngài vào một trong những ủy ban hoạch định Vatican II. Trong Công đồng, ngài đã đóng một vai trò then chốt, dù bị đánh giá thấp, bằng cách lập luận một cách nhẹ nhàng rằng Công đồng Vatican II không được triệu tập để tái phát minh Công Giáo, nhưng để đổi mới nó cho sứ mệnh bằng cách đào sâu sự hiểu biết của Giáo hội về Tin Mừng để Giáo hội có thể cống hiến Chúa Giêsu Kitô cho thế giới một cách hữu hiệu hơn.

Vì chính Cha de Lubac là người đã châm ngòi cho Cuộc chiến sau Công đồng: cuộc đấu tranh khốc liệt — không phải giữa “những người cấp tiến” rập khuôn và “những người theo chủ nghĩa truyền thống” mà là giữa các nhà thần học cải cách tại Công đồng - về ý nghĩa của toàn bộ kinh nghiệm công đồng. Vị tu sĩ Dòng Tên người Pháp đứng cùng với đồng nghiệp người Đức trẻ tuổi của mình, Joseph Ratzinger, và những người khác khi nhấn mạnh rằng Vatican II là một công đồng cải cách liên tục với truyền thống, chứ không phải là một công đồng đoạn tuyệt với truyền thống - điều mà một số người ngày nay gọi là một công đồng đang thực hiện một “sự thay đổi mô hình”. Và vì điều này, Cha de Lubac đã phải trả một giá rất đắt.

Khi ngài được Đức Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y vào năm 1983 — người đầu tiên trong một loạt các nhà thần học có ảnh hưởng của Vatican II được vị giáo hoàng Ba Lan tôn vinh — các anh em Dòng Tên của ngài ở Pháp, nhiều người trong số họ coi ngài như một kẻ phản bội thần học, đã cư xử một cách ghê tởm. Ban đầu tức giận với việc đề cử, sau đó tỏ ra thờ ơ, họ coi đây như “không phải chuyện của chúng tôi” và từ chối giúp vị Hồng Y được chỉ định 87 tuổi chuẩn bị cho mật nghị mà tại đó ngài sẽ nhận chiếc mũ đỏ. Những người bạn trẻ của De Lubac trong giới xuất bản tiếng Pháp của tạp chí Communio (tạp chí mà ngài đã giúp tạo ra) đã can thiệp vào, mua cho ngài bộ lễ phục mới phù hợp với một Hồng Y và thuyết phục giám tỉnh của de Lubac cung cấp cho ngài một vé khứ hồi về Rome và một người bạn đồng hành trong chuyến hành trình. Khi trở về từ mật nghị, Hồng Y de Lubac đã được các tu sĩ Dòng Tên ở Paris tiếp đón, tại đó chỉ có nước ngọt.

Trong suốt thử thách này, cũng như trong những năm ngài bị thẩm quyền Giáo hội ở Vatican nghi ngờ, Henri de Lubac cư xử như một quân tử. Tuy nhiên, ngài còn hơn thế nữa. Ngài là một giáo phẩm chân chính, như đã được chứng minh trong cuốn hồi ký của ngài, At the Service of the Church: Henri de Lubac Reflects on the Circumstances That Occasioned His Writings [Phục vụ Giáo Hội: Henri de Lubac Suy nghĩ về Những Hoàn cảnh làm dịp cho Các Trước tác của Ngài] (Nhà xuất bản Ignatius). Cho dù bị bao vây bởi sự hiểu lầm, vu khống hay ác ý, ngài vẫn là một hình mẫu của lý trí và lòng nhân ái. Các học giả sẽ tiếp tục tranh luận về giáo huấn của de Lubac về mối quan hệ giữa tự nhiên và ân sủng, tự nhiên và siêu nhiên. Nhưng không thể nghi ngờ gì về sự tận tâm của nhà thần học người Pháp đối với chính nghĩa của Chúa Kitô hoặc lòng trung thành của ngài với Giáo hội.

Ngài đã nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của Thánh Ignatius rằng những người con của Dòng Tên nên “làm cho thế giới rực sáng”. Ngài hiểu rằng các công cụ để thúc đẩy truyền giáo phải được cải tiến theo thời gian, vì những chân lý mà Chúa Kitô đã truyền lại cho Giáo hội không thể bị giới hạn trong một bộ công thức duy nhất. Tuy nhiên, những chân lý đó vẫn tồn tại lâu dài và nhiệm vụ của nhà thần học là khai thác tư duy của mình đối với chúng, chứ không phải tưởng tượng mình là chủ nhân của chúng.

Henri de Lubac biết rằng các chế độ toàn trị vĩ đại vào thời của ngài - chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản - là những tôn giáo sai lầm, cực kỳ trần tục phải chiến đấu bằng điều được ngài gọi là “vũ khí tinh thần”. Chính những “vũ khí” đó cũng có thể phục vụ để đổi mới Giáo hội cho việc truyền giáo. Ngài là một viễn kiến vĩ đại, được mang ra sống rất tốt. Bất chấp việc cuối cùng ngài có được phong chân phước hay không, thì việc tôn vinh ngài vì đã nói rõ điều đó là điều đúng đắn.