Ngày 14-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:44 14/05/2009
THA THỨ CHO ĐẢNG QUỐC XÃ (Hitler)

N2T


Ngày trước đảng Quốc xã quản lý tội phạm trong trại tập trung, có người khó khăn lắm mới thăm được người bạn cùng nhốt trong tù của đảng Quốc xã, anh ta hỏi bạn:

- “Anh đã tha thứ cho bọn đảng Quốc xã chưa ?”

- “Rồi.”

- “Nhưng tôi thì không thể tha thứ cho chúng nó được, tôi hận chúng nó, cho đến hôm nay vẫn khiến cho tôi phải nghiến răng nghiến lợi.”

- “Nếu mà như vậy thì họ vẫn giam cầm anh.”


(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Tha thứ là điều cốt lõi để nên thánh của người Ki-tô hữu. Tha thứ cho người làm hại mình, giết mình thì càng chứng tỏ mình nên giống Chúa Giê-su hơn, bởi vì Chúa Giê-su khi bị treo trên thập giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng thì đã xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ đóng đinh mình.

Có những người hận đến xương đến tủy những kẻ làm hại mình, có người hận đến đời con đời cháu của những người bách hại mình. Tất cả điều ấy xảy ra là bởi vì con người ta thường hay lấy ác báo ác, lấy ơn đền ơn theo lẽ thường của thế gian.

Tất cả những người Ki-tô hữu đều thuộc lòng kinh Lạy Cha do Chúa Giê-su dạy, và mỗi ngày đều đọc ít là một lần, trong đó có câu: “và tha nợ chúng con, nhưn chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con...”, tha nợ là tha tội, khi chúng ta phạm tội là chúng ta mắc nợ với Chúa, và với tha nhân, do đó mà sự tha thứ chính là điều cốt lõi không những để được Chúa thứ tha mà còn là để tâm hồn được bình an nữa.

Bạn thử tha thứ một lần xem sao, tôi bảo đảm với bạn là cuộc sống của bạn sẽ vui vẻ và tâm hồn bạn rất thảnh thơi bình an.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:45 14/05/2009
N2T


14. Quyết chí khiến cho mình nên thánh.

(Thánh nữ Marcellina)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:46 14/05/2009
N2T


115. Chỉ cần công phu thâm sâu thì mài sắc cũng thành kim.

 
Tình yêu cao qúi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:57 14/05/2009
Chúa Nhật 6 Phục Sinh B

Đọc Lời Chúa

*Cv 10,25-26. 34-35. 44-48: (34) «Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. (35) Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận».

*1Ga 4,7-10: (7) Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. (8) Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

*TIN MỪNG: Ga 15,9-17. Đức Giêsu tâm sự với các môn đệ

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: (9) «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (10) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. (11) Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

(12) Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (13) Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (14) Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (15) Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

(16) Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh

em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. (17) Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau».

Suy niệm: TÌNH YÊU CAO QUÝ

Wiliam Oscar Wilde đã viết về một huyền thoại tình yêu: "Hoạ mi và bông hồng đỏ".

Một sớm mùa hè, con hoạ mi làm tổ trên cành dương đã nghe trọn lời than thở của một chàng trai bên cửa sổ: "Nếu anh không kiếm nổi bông hồng đỏ để em cài ngực áo trong buổi dạ hội đêm nay, em sẽ xa anh mãi mãi". Hoạ mi dư hiểu chàng trai đã lang thang khắp các nương đồng. Nhưng tìm đâu một bông hồng màu đỏ dưới nắng cháy mùa hạ này ? Trời ơi, người tình sẽ chắp cánh bay xa mất thôi. Hoạ mi không chịu nổi dằn vặt bi thương của chàng. Hoạ mi phải ra tay giúp đỡ. Hoạ mi khép cánh trước cây hoa hồng bên giếng nước nài xin:

- Chị hồng ơi, chị có vui lòng tặng em một bông hồng đỏ thắm không ?
- Hoạ mi ơi ! em vô tâm như những chiếc gai trên thân chị. Mùa hạ nắng cháy sao em lại xin hoa hồng đỏ ?

Chị hồng rung rung cành lá giận dỗi. Hoạ mi tiếp tục tìm kiếm. Nàng nép mình đậu trên một cành hồng ngoài xa hàng dậu.

- Chị hồng ơi, có phép mầu nào làm nở cho em một bông hồng đỏ chăng?
- Hoạ mi ơi, đời cần hoa chi cho thương đau ?
- Sao cũng được, miễn em kết chặt một mối tình
- Được, những phép mầu cần phải có máu đỏ.
- Bằng mọi giá chị ạ.
- Bằng giá sinh mạng?
- Kể cả sinh mạng em.
- Hoạ mi ơi ! Hãy đặt cổ em trên gai nhọn của chị, hãy hót cho chị, cho cây cỏ, cho đất trời khúc tình ca thắm thiết nhất đời em. Hãy đổ máu đỏ cho

bông hồng nở. Hãy nhuộm máu cho bông hồng đỏ. Mình sẽ có một bông hồng đỏ như máu đẹp nhất trần gian.

Hoạ mi đã hót say mê đến giây phút cuối cuộc đời, đã đổ đến giọt máu cuối cùng, đã chết rũ trên cành hồng bên cạnh đoá hồng bí nhiệm đỏ thắm nở tươi.

Chàng trai mừng vui tiếng cười mở hội. Bông hồng được hái về trau chuốt trước khi có mặt trong dạ hội. Điều lạ lùng nhất và cũng phi lý nhất, phi lý như chính cuộc đời phi lý, là người tình đã khước từ đoá hồng bí nhiệm, vì trên ngực áo cô gái một bông hồng giả đang ngự trị … Sáng hôm sau, dân làng bắt gặp một đoá hồng bị nghiền nát, nằm tả tơi dưới vết bánh xe bò.

Hoạ mi yêu người,đã lấy máu và sinh mạng đổi lấy bông hồng. Người thiếu nữ nhận bông hồng giả để chối từ một tình yêu chân thật.

Câu chuyện là một huyền thoại, chuyên chở một nội dung rất thực: Đó là nét thực của tình yêu, của tự do, của hy sinh. Tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh, bằng máu, bằng cả sinh mạng. ”Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”

Hoạ mi đã cất tiếng hót bi thương trước khi chết vì muốn hiến tặng đoá hồng. Chúa Giêsu trước khi chịu khổ nạn,chịu chết đã để lại cho các môn đệ những lời tâm huyết rất chân thật và cũng là những chỉ thị cuối cùng của Ngài. ”Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chỉ thị này bao hàm mọi chỉ thị khác.

Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Chúa Giêsu đã so sánh: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.

Như Cha đã yêu mến Thầy. Đức Giêsu đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người ( x. Ga 3,35;5,20;17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này(x Mt 3,17;17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẽ và trao ban. Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Người.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong thông điệp Sự Rạng Ngời Chân Lý số 20 đã viết: Chữ như này đòi hỏi phải bắt chước Chúa Giêsu, nơi tình yêu của Người mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể. Chữ như cũng chỉ mức độ mà Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ và các môn đệ cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy.

Yêu như Thầy đã yêu là yêu như thế nào?

Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”

Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy. Ngài là Thầy, là Chúa. Các môn đệ là người, là đệ tử. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không,Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Ngài. Bạn hữu tri âm tri kỷ nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy,Thầy đã cho anh em biết”.

Cả cuộc đời của Chúa đã sống tình yêu nhập thể và hiến dâng cho tất cả mọi người. Chúa không để ai về tay không khi đến với Người. Kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm tìm được ơn thứ tha…

Tình yêu của Chúa cao đẹp quá, cao quý quá. Anh em hãy yêu như Thầy đã yêu. Quả thật là quá khó đối với con người !Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức ”như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta.

Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Đức Giêsu tuôn chảy đến nhân loại. Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời:”Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” ( R. Tagore)

Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào trường đời để dạy chúng ta sống yêu thương,bác ái;chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống, cũng như cành nho chỉ sống nhờ kết hợp với cây nho.

Nguyện xin Chúa giúp chúng con tập sống yêu thương ”như Thầy đã yêu” khi thực thi lời Chúa dạy “ Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho cho chính Ta”.
 
Thiên Chúa đối xử với người không mến mộ
Jos. Tú Nạc, NMS
01:59 14/05/2009
Chúa Nhật 6 sau Phục Sinh B (Acts 10: 25-26, 34-35, 44-48; Psalm 98; 1 John 4: 7-10; John 15: 9-17)

Chúng ta cảm thấy thế nào nếu Thần Khí của Thiên Chúa ban phúc cho kẻ thù không đội trời chung của chúng ta – hoặc những người trong những nhóm mà chúng ta miệt thị hay khiếp sợ? Chúng ta sẽ vui mừng, hớn hở hoặc đắc chí bởi sự hoài nghi và hành động thô bạo chăng?

Có lẽ điều đó giúp chúng ta cảm thông với Peter, người mà chỉ thấy bản đồ tượng trưng ngăn nắp, sạch sẽ của thế giới mình tan theo mây khói. Đã có những phạm trù cụ thể xác định những ai được biệt đãi và ban ơn bởi Thiên Chúa, và những ai bị ngăn cản, cũng như những ai bị phân biệt đánh giá về sự trong sạch và cao cả. Điều không tưởng đã xảy ra: đội trưởng đội quân La Mã Cornelius được vinh dự nhận món quà của Thần khí cùng với hết thảy mọi người trong hộ gia đình ông.

Điều đó hiếm hoi đối với chúng ta nhưng đó lại là việc làm sửng sốt tuyệt đối với những người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất, vì Cornelius là một người vô thần và là một quan chức trong quân đội La Mã chiếm đóng Do Thái bị căm ghét – không đòi hỏi đối với một thủ lĩnh vì những món quà của Chúa người Do Thái.

Phong cách yêu thương của Thiên Chúa ắt hẳn khác với loài người – không có những phân biệt, điều kiện, cũng không đối xử với bất kỳ người nào được yêu mến. Peter tuyên bố rằng bất kỳ người nào trong một quốc gia nào ai làm điều gì ngay lành và kính sợ Thiên Chúa tức làm đẹp lòng Người – và điều đó dường như hiển nhiên đối với chúng ta.

Và vì chúng ta dành sự thấu hiểu này với những lời đãi bôi, hành động xuông nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Qua bao nhiêu thế kỷ, nhiều quốc gia đã đi đến chiến tranh – thường chống lại những quốc gia Ki-tô giáo khác – thuyết phục rằng Thiên Chúa ở bên phía họ. Thường những Ki-tô hữu muốn xô đẩy những người thuộc chủng tộc và những nền văn hóa khác tới vị thế thấp hèn, hoặc mê tín những niềm tin tôn giáo khác. Ý niệm về một Thiên Chúa công bắng, bác ái là không một điều gìlàm người ta phải lo lắng.. Phản ứng của chúng ta là gì để thấy những dấu hiệu cụ thể hồng ân của Thiên Chúa đổ xuống cho những ai làm cho chúng ta cảm thấy không an toàn hoặc sợ hãi? Chẳng hạn, nhóm người Hồi giáo, dân nhập cư bất hợp pháp, những người đồng tính luyến ái hoặc những ai có quan điểm chính trị và tôn giáo đối lập.

Nhưng Thiên Chúa không phải hàm ơn và chịu sự điều khiển bởi bất cứ người nào. Duy nhất bổi sự hiểu biết trọn vẹn và chấp nhận nguyên tắc chủ yếu về sự liên quan đến bản tính của Thiên Chúa có thể Ki-tô giáo thực thi một cách đầy đủ quyền uy của nó về sự khai sáng vá biến đổi.

Tác giả lá thư của John đã hiểu điều này một cách hoàn hảo. Ông đã được thuyết phục rằng Thiên Chúa là tình yêu và đó là trường hợp là cách duy nhất về sự hiểu biết Thiên Chúa sống vì tình yêu. Dùng hình ảnh ẩn dụ của sự khai sinh, John đã chỉ ra rằng khi chúng ta yêu, chúng ta thực sự được sinh ra bởi tình yêu của Thiên Chúa – trong tâm trí và tâm hồn được tái tạo và u mê, dốt nát cùng sự sợ hãi được xua đi. Dĩ nhiên, John không nói lãng mạn, viển vông hoặc cảm tính nhưng của tình yêu đó là sự chấp nhận, động lòng trắc ẩn, không tính toán và luôn mưu cầu hạnh phúc cùng sự tốt lành cho người khác. Không có cách nào chúng ta có thể giả tạo được nó – hoặc chúng ta yêu hoặc chúng ta không yêu. Và nếu chúng ta không yêu, lúc đó tôn giáo và thuật hùng biện thần học của chúng ta vượt lên trên mức độ của những lời khách sáo một cách trơ trẽn.

Trong một nguồn mạch tương tự, “tình yêu, “niềm vui” và “Thiên Chúa”cùng được thể hiện xiên suốt một cách mật thiết trong Tin Mừng của John mà người ta không thể nghĩ đến người ta đang tách khỏi tha nhân. Ở một chỗ nào khác trong Tin Mừng này Chúa Jesus miêu tả sự trở lại của Người và hiệp nhất cùng Đức Chúa Cha như một điều gì đó sẽ tạo ra niềm vui hoàn hảo của Người. Cùng với niềm hân hoan trọn vẹn đó – sự hiệp nhất với Thiên Chúa – Chúa Jesus hứa với những người theo Người. Nhưng có một cách đón nhận: họ sẽ phải ở trong Người mãi mãi – để được đắm đuối trong tâm hồn, tâm trí của Người và thấu hiểu. Niềm vui đang thiếu thốn quá nhiều không chỉ trong xã hội và văn hóa của chúng ta mà thậm chí trong nhiều giáo hội. Mỉa mai thay niềm vui đích thực là một trong những dấu hiệu nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa. Điều này không có dính líu gì đến hoàn cảnh bên ngoài: người ta có thể có mọi lợi thế và những nỗi thống khổ, và người ta trải qua sự đau khổ, đấu tranh có thể thực sự kinh nghiệm một niềm vui nội tại âm thầm. Mọi thứ đều tùy thuộc trạng thái tâm hồn của con người và mức độ mà họ sống trong Thiên Chúa.

Nhưng Chúa Jesus ban cho chúng ta thậm chí còn nhiều hơn thế: tình hữu nghị với sự thiêng liêng cao cả. Người trong sáng về bản chất của tình hữu nghị này: nó miêu tả sự mật thiết, thâm tình mà mọi thứ được chia sẻ giữa người yêu và người được yêu. Có vật cản và che đạy sự sợ hãi và tính ích kỷ mà luôn luôn ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa. Đó là sự khác nhau giữa biết Thiên Chúa và hiểu biết đích thực vế Thiên Chúa. Và John đã nói lên điều ấy rõ ràng rằng sự hiểu biết về Thiên Chúa là điều gì đó chúng ta có thể trải nghiệm trong cuộc sống này – trong thân xác ấy. Thiên Chúa có thể như ở gần hoặc chừng mực mà chúng ta muồn Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Thiên Chúa là Tình Yêu
Lm Giacôbê Tạ Chúc
02:00 14/05/2009
Chúa Nhật 6 sau Phục Sinh

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU(1Ga 4,8)

Khởi đi từ định nghĩa củaThánh Gioan và dựa vào Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu của Đức Thánh Cha Bênêdictô 16, phải chăng Tin Mừng của chúa nhật VI Phục sinh cũng là đề tài về”Tình yêu”. Nhưng tình yêu thì có muôn vàn cách để hóa giải, Xuân Diệu cũng đã có lần bất chợt thốt lên rằng:

Làm sao giải nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu


Con người thì không thể, nhưng Thiên Chúa thì có thể, bởi vì Ngài chính là Nguồn của mọi tình yêu. Là con người, ai cũng cũng biết yêu thương,chỉ trừ ra những người không còn khả năng, không có lý trí, hay bị mất trí, bị tâm thần…thì không biết yêu là gì, còn tất cả, bao lâu tim còn đập là bấy lâu con người vẫn phải yêu:” Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4, 8). Khi nói như vậy thì có quá lắm không, vì những anh em theo các tôn giáo khác hoặc không theo một tôn giáo nào, họ đâu đã biết Chúa, vậy họ không biết yêu? Không hẳn như vậy, tình yêu cũng như những cơn sóng cuồn cuộn trong đại dương bao la bất tận. Nó cũng như những thác nước ầm ầm vượt mọi chướng ngại vật đổ xuống. Tình yêu là trừu tượng, nhưng con người là cụ thể. Người Hy lạp dùng động từ”Eros” để diễn tả tình yêu. Còn Kitô Giáo thì dùng động từ” Agapê”. Ở giữa hai từ này còn có từ” Philia.

Eros là tình yêu vụ lợi, là một sự ham muốn, một tình cảm lôi cuốn của người khác khi nơi họ có điều gì đó hợp với mình. Eros là một khát vọng, một sự thèm muốn để chiếm đọat. Eros như những nấc thang giúp con người đi từ thế giới khả giác đến thế giới tâm linh. Đức Thánh Cha trong thông điệp Thiên Chúa là tình yêu đã sử dụng động từ Eros rất nhiều lần. Còn philia là tình yêu vô vị lợi, thường dùng để chỉ tình bạn, tình bạn này chỉ căn cứ ở sự hợp tính nhau, nó giới hạn trong một số người. Còn tình yêu của người Kitô Hữu, nó có sức mạnh và vượt lên trên thứ tình cảm của eros và Philia. Đó chính là AGAPÊ, Agapê là tình yêu vô vị lợi, tự do và dựa trên sự tín nhiệm, không căn cứ trên sự hợp tính nhau. Người kitô hữu thương mến nhau không chỉ là bạn hữu, nhưng còn là chi thể, là anh em trong Chúa Kitô. Tình yêu này phổ quát, vì mọi người là chi thể của Chúa Kitô. Như vậy phải có yếu tố mến Chúa như là lý lẽ tối hậu của lòng yêu người. Người Kitô Hữu nhìn thấy Chúa trong con người anh em. Vậy đối tượng của đức mến là Thiên Chúa và anh em là tạo vật của người. Agapê không nằm trong sự chiếm hữu mà là sự cho đi. Thiên Chúa là tình yêu cho đi một cách trọn vẹn nhất. Tình yêu Agapê xuất phát từ Thiên Chúa, nó không đòi hỏi một sự đáp đền, Agapê là tình yêu dâng hiến hòan tòan và trọn vẹn cho tha nhân, tình yêu vô vị lợi. Chính tình yêu này( Agapê) đã làm cho Đức Giêsu chịu chết trên thập tự Giá để mang lại ơn cứu độ cho con người:” không có tình yêu thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”( Ga 15, 13).

“Tình yêu chính là đặc thù của nhân bản con người”, “ Con người không thể thiếu tình yêu và con người được kêu gọi để trở nên những người có khả năng yêu”( Thông Điệp Thiên Chúa là tình yêu). Suy niệm về tình yêu Thiên Chúa, triết gia KierKegaard viết:”Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu có tương quan đảo ngược với sự vĩ đại và cao cả của đối tượng. Kẻ bị bỏ rơi ở trần gian là người được Thiên Chúa yêu thương nhiều nhất.
 
Độc giả góp ý về Phụng Vụ
Người Nhà Quê
02:08 14/05/2009
NGƯỜI NHÀ QUÊ

Thế là bà chị họ tôi đã ăn nhờ ở đậu nơi xứ lạ quê người được ba mươi bốn năm rồi. Xứ lạ với những “bờ sôi giếng mật” và quê người đêm cũng như ngày lúc nào cũng hội hè đình đám. Tiện nghi tối đa và vật chất thừa thãi. Nơi đây chưa phải là thiên đàng, một hình ảnh cực lạc của thế giới bên kia, nhưng mảnh đất này là thiên đàng nơi trần thế. Mỗi ngày có cả hàng triệu người trên khắp thế giới tất tả gõ cửa xin vào nước Mỹ vì ở đó “người ta lót đường bằng những khối vàng ròng to như cục đá bên mình”.

Ở Mỹ người ta mặc quần rin mí lại váy đầm, bà chị tôi vẫn quần đen áo bà ba, đi nhà thờ nhà thánh thì khóac thêm chiếc áo dài cho đúng phép. Vẫn cung cách như ngày nào. Từ lời kinh tiếng hát cho ngay cả đến cách đi cách đứng trong nhà thờ, bà chị tôi vẫn mẫu mực là một người Công giáo Việt Nam thuần túy “thà chết chứ không bao giờ dám phạm tội mất lòng Chúa”. Hơn nữa bà chị tôi có hai ông con nuôi đang dùi mài đèn sách để trở thành linh mục nên chuyện gì cũng phải mực thước đâu ra đó. Mấy ông con nuôi được bà mẹ chăm sóc lo lắng cho đủ điều. Mẹ ở Mỹ, các con ở Việt Nam, mỗi người một nơi nhưng bà mẹ cũng vài năm một lần về tổ chức “đại hội” để mẹ và các con gặp nhau. Cái khỏan tiền già của bà chị tôi coi vậy chứ cũng đủ để nuôi hai ông con một cách thỏai mái. Có vẻ bà chị tôi rất mãn nguyện và hãnh diện khi được gọi là “bà cố”, một chức danh của các bà mẹ công giáo có con là linh mục. Khối người ganh tị với bà chị tôi đấy.

Chị Lành thật lành thánh đúng như tên gọi. Chị đọc thông viết thạo, tính trừ tính cộng nhiều khi phải nhẩm đi nhẩm lại nhưng những bài hát bằng tiếng La Tinh trong thánh lễ thì chị lại thuộc trơn tru. Bởi vậy chị cũng có nhiều ý kiến về phụng vụ mà tôi có thể đoan chắc rằng các vị có đến hai, ba cái bằng tiến sĩ về thần học hay thánh kinh chưa chắc đã đủ chữ nghĩa để ăn thua với chị Lành.

Này nhé:

1- Thứ nhất là bà chị tôi không thích và chống đối kịch liệt những bài thánh ca có tiếng trống và phèng la phụ họa. Chị lý luận một cách rất cổ điển rằng lời ca tiếng hát nhất định phải là những lời nguyện cầu êm đềm thiết tha tự đáy lòng dâng lên để tán tụng hồng ân của Chúa và cầu xin những ơn lành chẳng những cho bản thân mình mà còn cho khắp cả nhân lọai đang trầm luân nơi trần gian. Bà chị tôi ôm chặt tiếng đàn phong cầm nhẹ nhàng trầm ấm như làn hương réo rắt dâng lên Chúa. Tiếng trống tiếng phèng la chỉ để cho những đám múa lân chứ sao lại mang vào nhà thờ nhà thánh làm mất vẻ tôn nghiêm, làm cho mọi người chia lòng chia trí. Tiếng hát phải trầm bổng thanh thóat, tiếng đàn phải nhịp nhàng réo rắt thì mới đưa đẩy tâm hồn lên với Chúa được. Bà chị tôi năm nào cũng dâng lễ Giáng Sinh nửa đêm với Đức Thánh Cha… trên ti vi mà chưa hề nghe thấy tiếng trống cũng chẳng nhìn thấy cái phèng la nào cả. Vậy thì cớ sao lại để cho bọn trẻ đú đỡn ngay cả trong nhà thờ bằng tiếng trống và tiếng phèng la. Nhiều khi chúng lại còn lắc lư đập chân vỗ tay như mấy đứa nghiện nữa. Thật là vô phép vô tắc quá. Rõ chán.

2- Bà chị tôi cũng không bằng lòng với những ca kịch múa hát trong thánh lễ. Chị tôi đòi hỏi sự nghiêm trang cẩn mật từ mỗi lời ca câu kinh cho đến những bước đi, khi ngồi lúc qùy phải phép tắc đâu ra đó. Ca hát múa may thì sau thánh lễ, muốn làm gì thì làm. Chị tôi nói là nhìn cảnh các linh mục ngồi “ngắm” mấy cô thiếu nữ múa may ngay trước bàn thờ sao mà dị hợm quá sức. Chị muốn thỉnh cầu các đấng bậc phải nghiêm cấm và lọai bỏ hòan tòan ba cái vụ múa hát trong nghi thức phụng vụ nhưng vì không biết…tiếng Tây nên chẳng biết bẩm trình ở đâu.

3- Sau nữa là trong các bài thánh ca hay sách báo các vị tác giả lại xướng danh Chúa là Ngài này, Ngài nọ. Thật là bất xứng và vô phép quá sức lẽ mình. Chúa là đấng tạo dựng nên vũ trụ. Chúa là Cha nhân lành. Chúa đâu có phải là ông đội xếp đi bắt mấy bà bán hàng rong mà lại gọi là Ngài. Cái danh xưng Ngài nó dung tục và trần thế quá lắm. Sao lại gọi Cha nhân lành hằng yêu thương săn sóc mình từng hơi thở nhịp tim là Ngài. Sao lại gọi Đấng Tạo Hóa vô cùng quyền năng là Ngài. Văn chương chữ nghĩa thiếu gì chữ để diễn tả lòng yêu mến và tôn vinh Đấng Tòan Năng Hằng Hữu. Rồi bây giờ những vị văn hay chữ tốt lại đặt tên cho Đức Chúa Thánh Thần là Thần Khí nữa thì quá sức tệ hại. Mấy bà bán rau rợ cá mắm ở ngòai chợ cãi nhau như cơm bữa cứ chữi nhau là đồ ôn dịch thần khí. Thế mà sao lại nỡ lấy cái tên gọi đã có một gốc tích xấu xa như vậy mà cao rao danh thánh Chúa Ngôi Ba. Thật là hết chỗ nói. Vậy xin các vị tác giả lưu ý dùm vụ này cho bà chị khó tính của tôi được có một niềm vui.

Bà chị nhà quê của tôi còn nhiều thắc mắc khiếu nại lắm. Tôi trân trọng những nhận xét mới nghe ra thì có vẻ chậm tiến lạc hậu, quê mùa lẩm cẩm nhưng mà bà chị nhà quê lại hơi chút đanh đá của tôi cũng có những lý lẽ vững chắc không ai có thể lay chuyển được. Đi nhà thờ Mỹ, lúc cộng đòan đọc kinh Lậy Cha bằng tiếng Anh, bà chị tôi vẫn đọc bằng tiếng Việt Nam. Đọc chậm và to để Chúa còn nghe rõ lời cầu xin!

Tôi chỉ được giao phó làm công việc viết lại những suy nghĩ, nhận xét và đề nghị của bà chị rất đáng yêu đáng quý nhưng cũng hơi chút khó tính lắm điều. Tôi không đủ chữ nghĩa và tri thức để bàn luận hay tranh cãi về những vấn đề này. Vậy xin quý vị độc giả và các đấng bậc ban cho hai chữ bình an.
 
Biết rồi, vẫn phải nói
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
04:01 14/05/2009
Chúa Nhật VI Phục Sinh B: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 15,12 )

Hai từ “yêu thương” đã quá quen thuộc với con người, cách riêng với Kitô hữu. Tình yêu là một đề tài vừa phong phú, vừa hấp dẫn của văn chưong, nghệ thuật, phim ảnh…và luôn mang tính thời sự. Tình của mỗi thời dường như mỗi vẻ và cách kiểu yêu của mỗi giới, mỗi người, thì mang mỗi sắc mầu, nhưng bản chất tình yêu thì trước sau như một. Biết rằng chúng ta phải yêu thương nhau nếu muốn sống như con người, thế nhưng thử hỏi thế nào là yêu thương thì quả thật không dễ trả lời cách rõ ràng và có tính thuyết phục. Ngay cả những việc to lớn như “đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt” thì cũng chưa hẳn là đã yêu thương ( x. 1 Cor 13,3 ).

Có thể nói tình yêu là huyền nhiệm vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1 Ga 4,8 ). Tuy nhiên thánh Gioan Tông đồ lại cho chúng ta một cái nhìn về tình yêu: “ Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” ( 1Ga 4,10 ). Như thế chúng ta có thể nói yêu thương là thực hiện điều tốt đẹp, tốt đẹp nhất cho người mình yêu trong sự tự nguyện đi bước trước và có trả giá cách nào đó.

1. Thực hiện điều tốt đẹp, tốt đẹp nhất cho người mình yêu: Yêu thương là không chỉ muốn điều tốt cho người mình yêu mà còn thể hiện ước muốn ấy bằng hành vi cụ thể, thực tế. Trong tình yêu đích thực không có sự nửa vời hay giới hạn. Đã yêu là yêu đến cùng. Chính vì thế tình yêu đòi hỏi ta thực thi điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Cứu sống nhân loại, giải thoát nhân lại khỏi ách nô lệ thần dữ, đưa nhân loại vào hàng con cái, được thừa hưởng gia nghiệp trên trời, chính là việc Thiên Chúa đã thực hiện để bày tỏ tình Người yêu thương nhân loại chúng ta.

“Sông sâu còn có người dò…”, nhưng để đo mức độ của ước muốn thì như không thể. Làm sao để minh chứng rằng ước muốn của tôi không triệt để ? Làm sao để khẳng định rằng tôi chỉ muốn điều tốt loại hai, loại ba cho người tôi yêu mà không phải là điều tốt nhất ? Quả thật, khi đã ước muốn thì người ta khó biết mức độ ít nhiều, có giới hạn hay đến cùng. Tuy nhiên qua hành động, thì ta có thể kiểm chứng mức độ một cách nào đó khả dĩ được nhiều người chấp nhận. Thực tế có đó chuyện ta nghĩ rằng mình có muốn điều tốt nhất cho người mình yêu, nhưng chỉ thực hiện điều tốt nhì, tốt ba, tốt thứ tư, điều tốt có hạn chế mà thôi. Khi đã có cái giới hạn thì hình như đã có sự tính toán. Đã có tính toán, có so đo hơn thiệt, thì chưa thực sự là yêu thương. Sự thường: “ăn thì cho và buôn thì so”. Biên giới của tình yêu là tình yêu không biên giới.

2. Đi bước trước: Đã yêu thì không đợi “con khóc mẹ mới cho bú”. Thánh Kinh trình bày Thiên Chúa là Đấng luôn đi bước trước trong việc thể hiện tình yêu với con người. Ngay khi nguyên tổ sa ngã, thì Thiên Chúa đã hứa ban Đấng cứu độ. Người đã đi bước trước trong việc chọn gọi Abraham để thành lập một dân được tuyển lựa hầu chuẩn bị cho Ngôi Lời vào đời thực hiện công trình cứu độ. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định rằng Đức Kiô đã chết vì chúng ta, cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch cùng Người.

Trong động thái đi bước trước, phía người yêu thương thì thể hiện qua việc có sáng kiến, và phía người được yêu thương thì biểu lộ sự kinh ngạc, sững sờ. Kinh Thánh cho ta thấy điều này: Mỗi khi Thiên Chúa trực tiếp can thiệp vào một biến cố lịch sử nào đó thì dân chúng nói chung và những người được tuyển chọn nói riêng đều bàng hoàng, kinh sợ. Các trang Tin mừng cũng tường thuật hiện tượng này rất nhiều lần. Sau mỗi kỳ công mà Chúa Giêsu thực hiện để thi ân giáng phúc, thì dân chúng đều kinh hãi và ca ngợi Thiên Chúa. Có thể nói đây là một tình trạng sững sờ khi chứng kiến một điều kỳ diệu hay được yêu thương bằng một tình yêu vượt quá tầm luận lý thường tình. Đêm Tiệc ly, Phêrô và các bạn đã sững sờ khi Thầy Chí thánh cúi xuống rửa chân cho mình, đến nỗi ông đã vội phản ứng: “ Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” ( Ga 13,8 ).

Sống yêu thương thì không thể ngồi chờ. Vẫn có đó những lý lẽ để bào chữa rằng chưa đủ tài, chưa đủ lực hay chưa đến lúc đến thời…cho những người chưa biết hay không biết yêu thương. Dù chưa đến thời viên mãn thì Thiên Chúa cũng đã tự tỏ bày chương trình yêu thương của Người qua các tổ phụ, các ngôn sứ ( x. Dt 1,1 ). Đã yêu thương thì luôn có đó những việc phải thực hiện, ngay hôm nay và chúng sẽ không ở ngoài tầm tay của chúng ta.

3. Để sống yêu thương thì phải vác thập giá: Tiền nào của nấy ( you get what you pay ), câu ngạn ngữ của nền kinh tế thị trường một cách nào đó có thể áp dụng cho tình yêu. Tình yêu thì vô giá. Và hoa trái của tình yêu là kết quả của nhiều nỗ lực hy sinh, quên mình. Yêu thương cách đích thực thì sẵn sàng hiến dâng cả mạng sống ( x. Ga 15,13 ). Của rẻ là của ôi. Đã ngại khó, sợ khổ, tránh né hy sinh, thì sẽ chẳng bao giờ có được bảo vật đáng trân trọng là tấm lòng biết yêu thương.

Vì yêu thương nhân loại Chúa Kitô đã tự nguyện hy sinh vinh quang và danh dự của một vị Thiên Chúa, để mặc lấy thân phận tôi đòi như chúng ta. Vì yêu thương nhân loại đến cùng, Người đã hy sinh cả phẩm giá của một con người bình thường để rồi chịu chết bằng án hình thập giá nhục nhã, như một tội nhân ( x. Phil 2,6-8 ). Vì yêu thương, Người đã tự nguyện ở lại với chúng ta trong hình bánh rượu. Yêu thương nhân loại, Chúa Kitô không chỉ trao ban những gì Người có bằng quyền năng của Người mà Người còn trao ban chính cái Người là, tức chính bản thân, danh dự, phẩm vị, sự sống của Người.

Nhiều người nói rằng mình yêu thương khi sẵn sàng cho đi tiền bạc và cả thời giờ, nhưng lại không chịu được khi bị mất một chút danh dự hay uy quyền, chưa kể là chính mạng sống. Cho đi chút của tiền, quả là không dễ, vì đồng tiền dính liền khúc ruột, nhưng vẫn có thể cho đi cách này cách khác, lúc này lúc kia, và nhất là khi khúc ruột ấy là “khúc ruột thừa”. Cho đi ít thời giờ, cũng không mấy dễ, vì thời giờ là vàng bạc, nhưng vẫn có thể cho đi, nhất là những lúc rảnh rỗi, không biết làm gì. Còn cho đi cái phẩm vị, cái danh dự của mình, thì dường như là quá khó, vì đó chính là bản thân tôi. Thế nhưng, nếu không vượt qua cái khó này thì đừng nói chuyện yêu thương.

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Dù nhiều người đã biết những cũng cần phải nói: Đây là lệnh truyền, là giới răn mới và cũng là một lời trối trăng của Thầy Chí Thánh. Để thực sự là môn đệ của Người, chúng ta không thể xao lãng hay tránh né nó ( x. Ga 13,35 ). Xin đừng yêu nhau bằng môi miệng nhưng hãy can đảm vác thập giá hằng ngày để có sáng kiến, đi bước trước trong việc thực hiện điều tốt đẹp, tốt đẹp nhất cho người mình yêu thương và cho cả những người không yêu thương mình.
 
Đường về Trời
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
14:44 14/05/2009
CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH - CHÚA THĂNG THIÊN, năm B

Mc 16, 15-20

Lúc còn nhỏ học giáo lý, mỗi năm lễ Chúa Thăng Thiên, tôi cứ ngước mắt trông lên trời xem có thấy Chúa về trời hay không và Chúa về trời như thế nào, ra làm sao ? Mà lạ thực chẳng bao giờ tôi nhìn thấy Chúa lên trời. Đó là suy nghĩ của tôi và tư duy ấy theo tôi mãi cho tới ngày tôi trưởng thành, cho tới ngày tôi được học hỏi kỹ hơn, tôi hiểu Chúa về trời không như cách suy nghĩ, tư duy của tôi.Tôi càng hiểu rõ hơn lời sách Công Vụ Tông Đồ 1, 1-11: ” Tại sao cứ đứng đó nhìn trời ? “.

TRỜI LÀ CÁI GÌ XA VỜI VỢI ?: Xem ra trời là một cái gì đó thật mông lung, một cái gì đó xa vời vợi ? Do đó, lên trời không phải là chuyện hàng không vũ trụ. Bởi vì, đã có những phi hành gia cứ tưởng mình lên được một góc nhỏ nào đó của mặt trăng là đã thấy trời. Nếu nghĩ như thế quả họ thất vọng. Trời không có nghĩa là ở đây hay ở chỗ nọ. Trời cũng không có nghĩa là lên hay xuống. Lên trời là gặp Thiên Chúa ngay trong lòng Ngài, ngay trong tình thương của Ngài. Chúa Giêsu được tôn vinh, được cất nhắc ngay trong cái chết và phục sinh của Ngài. Thăng Thiên là biểu hiện việc Chúa được nâng nhắc ngay chính nơi lòng của Thiên Chúa.Chúa về trời là về với Thiên Chúa Cha.” Ta ra đi thì ích lợi hơn cho các ngươi, vì nếu ta không trẩy đi thì Đấng Bàu chữa không đến cùng các ngươi”( Ga 16, 17 ).Chính vì thế, Chúa về trời là về với Cha, ngự bên hữu Cha của Ngài như lời Kinh Tin Kính chúng ta vẫn đọc, vẫn tuyên xưng. Trời không phải là cái gì xa vời như chúng ta thường lầm nghĩ, nhưng trời đang ở ngay nơi lòng Thiên Chúa Cha. “ Lời đã thành xác phàm “ ( Ga 1, 14 ). Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người. Ngài đang ở giữa nhân loại, đang ở giữa chúng ta. “ Ngay từ đầu đã có Lời và Lời ở nơi Thiên Chúa “ ( Ga 1, 1 ).

TRỜI VÀ ĐẤT GIAO HÒA: Thật khó nói nếu chỉ có đất và nếu không có trời, không có bầu trời như chúng ta thường học, thường biết, thường nghe thì quả thật chúng ta sẽ vô vọng. Đất là nơi chốn, là một cái gì hết sức thực tế vì chúng ta đang sống trên trái đất. Đất tạo cho chúng ta sự sống thì trời cũng là nơi, đích điểm chúng ta trông mong, ao ước. Đất cho con người chúng ta sự sống. Trời tạo cho mỗi người, tạo cho chúng ta lẽ sống. Do đó, có lúc chúng ta vẫn tưởng tượng và ước mong trời đất sẽ giao hòa. Trời và đất gặp nhau để con người được vui tươi, hạnh phúc. Trời xanh ca tụng vinh quang Thiên Chúa nhưng trái đất là nơi đã cưu mang Con Thiên Chúa làm người. Thánh Phêrô chờ đợi Nước Thiên Chúa, thế nhưng lại không nhận rằng, Nước đó trị đến qua chính sự kết hiệp sâu xa của Thiên Chúa với nhân loại chúng ta ( Eloi Leclerc ). Do vậy, chỉ biết có đất chúng ta sẽ thất vọng vì mình đất không thỏa mãn được những khát vọng của chúng ta, của mọi người.

CHÚA VỀ TRỜI LÀ VỀ VỚI CHÚA CHA: Cuộc đời của người Kitô hữu là một cuộc hành trình đức tin, một cuộc trẩy đi lâu dài và xa vời vợi. Một cuộc hành trình mà đích đến là phía bên kia. Phía bên kia là một khoảng cách thật xa nhưng nó lại gần khi chúng ta biết tới với những người nghèo, khi chúng ta đi vào lòng đời để tới với tha nhân, khi chúng ta bước những bước chân đi loan báo Tin Mừng. Vâng, Tin Mừng là chính Chúa Giêsu Kitô. Tin Mừng chính là tình yêu của Chúa. Tin Mừng chính là lòng nhân từ, hay chạnh lòng xót thương của Thiên Chúa. Chúa về với Chúa Cha nhưng Ngài sai phái chúng ta đi vào đời để loan báo tình thương, để gặt lúa nơi những cánh đồng còn đầy ắp lúa chín vàng ở trái đất.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ: Chúa ra đi về với Chúa Cha thì ích lợi hơn bởi vì Chúa sẽ sai Thánh Thần xuống với chúng ta. Chúa về trời nhưng hứa sẽ ở với chúng ta mọi ngày cho tới tận thế. Chúa về với Cha nhưng Ngài vẫn dùng chúng ta để giới thiệu Ngài, vẫn dùng đôi tay chúng ta để thi ân giúp đỡ tha nhân, vẫn dùng đôi chân của chúng ta để dẫn chúng ta đến với những con người bơ vơ, những con người cùng khổ. Chúa về trời nhưng Ngài vẫn canh cánh trong lòng: ” Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha ban cho con cũng sẽ ở đấy với con “ ( Ga 17, 24).

Chúng ta xác tín mãnh liệt rằng: ” Mầu nhiệm Hội Thánh trong thế giới ngày nay đang gắn bó với trái đất, với mọi người nhưng vẫn không ngừng lên trời “.

Lạy Chúa xin cho mọi nẻo đường chúng con đi đều dẫn chúng con về trời.
 
Hãy trở nên bằng hữu của Đức Kitô
Lm. Jude Siciliano, OP
14:49 14/05/2009
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH (B)

Cv 10: 25-26, 34-35, 44-48; Tv 98; 1 Gioan 4: 7-10; Gioan 15: 9-17

Anh chị em thân mến,

Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại những hoạt động của Chúa Thánh Thần trên các Tông Đồ và những Kitô hữu đầu tiên. Đó chính là hành động của Thiên Chúa trong chúng ta, và nhắc cho chúng ta nhớ lúc Giáo hội sơ khai còn non yếu, nhờ Lời Chúa Giêsu hứa trước khi Ngài về trời: "Còn anh em, hãy…cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."(Lc 24:49)

Lời Chúa Giêsu hứa không phải là chút an ủi cho các Môn đệ trước khi Ngài ra đi. Hay để hướng dẫn cho các ông cách thực hiện những điều Ngài đã dạy bảo. Nhưng đây chính là lời hứa là Ngài sẽ gởi Chúa Thánh Thần đến với các Môn đệ. Và trong khi các ông đang tề tựu bên nhau (Cv 2:1), Chúa Thánh Thần đã ngự xuống như "lưỡi lửa" và như "tiếng gió mạnh ùa vào". Các Môn đệ và cả chúng ta nữa, cần sức mạnh ấy để rao giảng Nước Trời cho toàn dân thiên hạ. Thần lực của Chúa Thánh Thần là động lực thúc đẩy Giáo Hội đi khắp thế gian để rao giảng và làm phép rửa nhân danh Chúa Giêsu.

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta nghe về việc Chúa Thánh Thần dẫn đưa Phêrô đến để nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi dân ngoại. Co-nê-li-ô là một đại đội trưởng một cơ đội của Sê-Da. Ông và cả gia đình đều được coi như là những "người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa". Họ chấp nhận đạo đức và tín ngưỡng của người Do Thái, và có lẽ họ cũng đã đến đền thờ Do Thái. Dù vậy, Co-nê-li-ô vẫn còn là người ngoại, nên Phêrô và các người khác trong cộng đòan không nghĩ ông và gia đình ông được ơn cứu rỗi của Chúa. Nên nhớ: sau khi Chúa Giêsu về trời, các Môn đệ Ngài vẫn còn là một nhóm trong cộng đòan Do Thái.

Nhưng, đoạn trước bài đọc hôm nay, ghi lại Co-nê-li-ô có thị kiến: ”một thiên sứ của Thiên Chúa vào nhà ông và nói: Vậy bây giờ ông hãy sai người đi Gia-phô mời một người tên là Si-môn, cũng gọi là Phê-rô" (Cv 10:5). Phê-rô cũng có thị kiến trong cùng giờ đó (Cv 10:19). Vì thế, khi có hai người của Co-nê-li-ô đến nhà Phê-rô để mời ông, Phê-rô nhận lời ngay. Làm thế nào Phê-rô khẳng định được đó là ý Chúa qua hai thị kiến: một cho Co-nê-li-ô, và một cho Phê-rô là tiếp nhận người ngoại vào cộng đoàn Môn đệ Chúa Giêsu. Bằng chứng là khi Phê-rô đến nhà Co-nê-li-ô gặp ông và cả gia đình đạo đức của ông, thì Chúa Thánh Linh xuất hiện và “Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe Lời Thiên Chúa" (Cv 10:44)

Hãy thử xem lại câu chuyện: Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe Lời Thiên Chúa. Và Thánh Thần không chỉ ở trong Phụng vụ và Giáo hội; Thánh Luca diễn tả Chúa Thánh Thần trong lễ Hiện Xuống như "tiếng gió mạnh ùa vào…và những hình lưỡi giống như lưỡi lửa" (Cv 2: 1-3); Mà Ngài còn xuất hiện bất kỳ nơi nào, như gió và lửa.

Hôm nay, trong Phụng vụ Lời Chúa, khi được đọc lên trong cộng đòan, sách Công Vụ Tông Đồ nhắc cho chúng ta việc Thánh Thần ngự xuống giữa chúng ta và trong lòng chúng ta như "lửa" và "gió mạnh" để thổi nguồn sống mới, đem sức mạnh đức tin cho chúng ta. Và Thánh Thần Chúa làm cho chúng ta, cũng như các Kitô hữu lúc ban sơ, đủ quyết tâm ra đi rao giảng về Chúa Giêsu Kitô cho toàn thế giới trong kế hoạch lớn của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta hãy cộng tác với Ngài để thực hiện.

Chúng ta hãy mở lòng trí để lãnh nhận Lời Chúa và Thánh Thần. Nếu khi xưa Thánh Thần Thiên Chúa đã mở lòng trí Phê-rô và Giáo Hội sơ khai biết đón nhận người ngoại vào cộng đoàn, thì biết đâu Thánh Thần Chúa cũng sẽ làm những điều lạ trong thế giới và Giáo Hội nhỏ bé hôm nay.

Sáng nay, báo chí đăng tin Tổ chức Y Tế Quốc Tế loan tin quan trọng là dịch cúm heo đang lan tràn khắp trái đất. Nhiều quốc gia đã tìm cách ngăn ngừa bệnh cúm cho công dân họ. Khi nạn dịch xảy ra, sẽ có nhiều người bị bệnh, vậy ý Chúa như thế nào trong trường hợp này? Cũng như, mỗi khi có những biến cố lớn xảy ra như động đất, sóng thần, hạn hán v.v..., thì chúng ta thường gọi đó là việc của Chúa. Chúng ta thường gán cho Chúa mỗi khi có những chuyện xấu xảy ra. Thử hỏi có phải chính Chúa đã gởi đến những cơn bão lớn tàn phá bang Texas, và gây tử vong nhiều người không? Có phải Chúa đã xử dụng quyền năng của Ngài như vậy chăng?

Theo đức tin, tôi biết Thiên Chúa chỉ có một việc làm là: Ngài đã xuống trần gian, làm người như chúng ta, cam nhận đau khổ và cái chết. Và rồi Ngài sống lại, đem đến cho chúng ta một đời sống mới. Phúc âm có nói đến hành vi lớn lao của Chúa: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình."(Ga 15,13) Chúa Giêsu đã làm điều này cho chúng ta. Hành vi yêu thương này mới là "Việc Chúa Làm".

Chúng ta không đến nhà thờ cầu nguyện để làm đẹp lòng Chúa, hầu được Chúa thương và giúp đỡ. Cũng không nài van để được Ngài đoái đến. Chính đời sống, sự đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu là tin mừng lớn mà chúng ta lại được nghe hôm nay. Đó là Chúa đã thương chúng ta. Không vì chúng ta thương Ngài trước rồi Chúa mới đáp lại. Mà vì Chúa đã thương chúng ta trước nhất. Nếu chúng ta còn do dự thì hãy nhìn vào Chúa Giêsu: Ngài đã chứng tỏ tình yêu đó quá rõ ràng, do vậy, chúng ta phải làm gì để chứng tỏ là chúng ta đã nghe lời đó. Phải thay đổi cuộc sống như thế nào để đáp lại tình thương mà Ngài đã ban cho chúng ta một cách nhưng không? Khi một người đang yêu, chúng ta thấy họ có sự thay đổi: Người đó vui vẻ hơn, kiên nhẫn hơn và dịu dàng hơn v.v.. nổi bật lên một cách tự nhiên không gượng ép. Vậy nơi chúng ta; trong tình Chúa yêu thương; đã nỗi bật được những đức tính gì?

Hôm nay, khi chúng ta thưa "lạy Chúa Giêsu, vậy con phải làm gì để chứng tỏ tình Chúa yêu thương chúng con"? Ngài sẽ trả lời: "hãy giữ giới răn của Thầy". Ắt chúng ta sẽ nghĩ ngay đến 10 điều răn, và tự xét mình xem có vấp phạm ở giới răn nào không? Tôi đã làm trái điều gì? Nhưng Chúa Giêsu không xét đến 10 điều răn ấy, coi xem chúng ta có vấp phạm hay thiếu sót không. Nhưng trái lại, Ngài nói đến một điều răn tích cực hơn là "hãy thương yêu nhau". Đó là giới răn đáp ứng được nhiều khía cạnh, tạo nhiều dịp cho chúng ta có thể thực hành những gì chúng ta đã lãnh nhận nơi Chúa một tình yêu vô điều kiện.

Nếu không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình, thì tôi có thể đáp lại giới răn của Chúa Giêsu bằng cách tự xét mình xem: Tôi phải hy sinh cái gì của cuộc sống tôi cho tha nhân? Bỏ đi: tính kỳ thị, tránh né việc giúp đỡ tha nhân, sự giận hờn, ganh tị với người khác, những điều cáo gian, thâu vén của cải vật chất v.v..? Chúa Giêsu không hề đưa danh sách các điều răn để chúng ta xét rồi tự nói "đây, tôi đã phạm điều này". Trái lại, Ngài cho một điều răn tổng quát là "hãy thương yêu tha nhân như Thầy đã thương con". Thử hỏi chúng ta có bảo đảm được rằng đã giữ được điều răn đó chưa? hay dám nói: "tôi tự xét là đã làm được điều này rồi" - Không? Sự đòi hỏi của tình yêu là vô cùng. Không người bạn đời nào trong chúng ta có thể nói: "Đây, tôi yêu mình như thế là quá đủ rồi, không thể đòi hỏi hơn được nữa"? Tình yêu là ngọn lửa cháy trong lòng chúng ta, làm chúng ta luôn khao khát được thương yêu nhiều hơn và không có quy ước định lượng thông thường. Do vậy chúng ta cần có Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đón nhận tình yêu Chúa và luôn khao khát triển nở tình yêu ấy đến cho tha nhân.

Chúa Giêsu không muốn chúng ta có cuộc sống cứ phải cực khổ cố gắng làm mọi sự cho đúng như một nô lệ, vì sợ bị phạt nếu chúng ta vấp phạm. Ngài gọi chúng ta là "bạn hữu". Tình bằng hữu này không phải là loại tình cảm yếu đuối, hẹp hòi, thiếu sự nâng đỡ, phát sinh tiêu cực, nhằm thỏa mãn dục tính. Mà là tình bạn hai chiều, thương yêu và kính trọng nhau. Giúp mở rộng tầm nhìn và những vận hội mới, những sáng tạo mới, nâng đỡ khi chúng ta cần. Nó đưa chúng ta về cuộc sống đời thường, giúp chúng ta thoát ra khỏi chính mình khi tâm hồn đã khép kín, kéo chúng ta thoát khỏi sự chán nản, đối thoại trong những lúc trao đổi tâm tình, và tình bằng hữu đó đã mở ra cho chúng ta một thế giới mới trong cuộc sống.

Chúng ta đã là bạn hữu của Chúa Giêsu. Nhờ Ngài đã mời: "Thầy gọi anh em là bạn hữu". Nhờ Thánh Linh Ngài, chúng ta có thể làm việc như bạn của Ngài và mổi ngày nên giống Ngài hơn. Hay, như Lời Chúa hôm nay, vì là bạn hữu của Chúa, chúng ta "sẽ sinh được hoa trái, và hoa trái sẽ tồn tại". Trong Tiệc Thánh hôm nay, chúng ta hãy mời Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta cách chết đi những mặt nào trong đời sống để cuộc sống của chúng ta trổ sinh hoa trái mới, hầu làm Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta hãy cầu nguyện:"Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết thương yêu nhau, xin giúp chúng con sống tình thương ấy để mọi người biết chúng con là bạn của Chúa."

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc tông du Đất Thánh (10)
Vũ Văn An
07:02 14/05/2009
Nhận định của người đi tiên phong đối thoại

Baruch Tenembaum, một người đi tiên phong trong phong trào đối thoại liên tôn, từ thời Đức Phaolô VI, và là sáng lập viên của Qũy Raoul Wallenberg, nhận định rằng cuộc tông du của Đức GH Bênêđíctô XVI tại Đất Thánh là một cơ hội lịch sử để phát động cuộc đối thoại sâu sắc với các giới chức thực sự quan tâm tới việc củng cố mối dây liên kết huynh đệ vốn kết hợp hai truyền thống tôn giáo vĩ đại.

Để đánh dấu cuộc tông du này, Qũy Raoul Wallenberg đã phát động một chiến dịch thế giới nhằm thu thập các chứng tá về việc người Công Giáo cứu người Do Thái thời Quốc Xã. Tenembaum cho hay: đáp ứng đối với chiến dịch này thật đáng ngạc nhiên. Ngay tại Do Thái, nhiều người sống thoát Nạn Diệt Chủng cho biết họ sống được là nhờ người Công Giáo đã cứu họ. Yossi Peled, một trong các viên chức của chính phủ Do Thái hiện nay, cũng là một trong những người sống sót đó. Ông cùng các chị đã được một gia đình Công Giáo Bỉ cứu sống.

Theo Tenembaum, việc thành lập nhà nước Do Thái một phần lớn cũng nhờ công Đức TGM Angelo Roncalli (sau này là GH Gioan XXIII), người đã vận động với Đức GH Piô XII để không có trở ngại nào xẩy ra cho lá phiếu ủng hộ nhà nước Do Thái.

Đàng khác, khi còn là sứ thần Tòa Thánh tại Istanbul, Đức TGM Roncalli đã cứu sống hàng ngàn người Do Thái. Vị sáng lập viên còn cho hay: Qũy Wallenberg đã tổ chức một ủy ban đặc biệt để nhìn nhận công lao của Đức Giáo Hoàng.

Ông kêu gọi cần phải thực hiện nhiều bước tiến hơn nữa: tỷ dụ về phiá Tòa Thánh, xin hãy mở rộng Văn Khố mật, về phía Do Thái, cũng xin mở rộng hơn nữa các văn khố hiện do Yad Vashem lưu trữ. Ông cũng khuyến cáo nên để các giáo sĩ Do Thái người Ý như Meir Lau, một người sống thoát Nạn Diệt Chủng, tham gia các cuộc thảo luận…

Ông nhấn mạnh việc người Do Thái cần phải tỏ lòng biết ơn người Công Giáo, là những người đã bất chấp hiểm nguy tới tính mạng để cứu anh chị em họ lúc ấy bị Quốc Xã bách hại.

Đu dây

Cha Thomas D. Williams, thuộc Đạo Binh Chúa Kitô, và là một thần học gia người Mỹ sống tại Rôma, tiếp tục nhận định về chuyến tông du Đất Thánh của Đức Thánh Cha. Cha cho rằng tại Do Thái, Đức Thánh Cha như đang phải đi trên một sợi dây giăng cao và dù bị chỉ trích, ngài vẫn kiên trì trong sứ điệp của ngài.

Theo cha Williams, một số báo chí ra ngày 12 tháng Năm tại Do Thái cho chạy hàng tít lớn than phiền là lời ân hận của Đức Giáo Hoàng khi tới thăm Đài Tưởng Niệm Yad Vashem, đối với các nạn nhân của Diệt Chủng, không được thỏa đáng lắm. Nhưng Cha cho hay: phần lớn những than phiền này đề cập tới việc ngài bỏ sót, tức việc đáng lẽ ra ngài nên làm, hơn là tới việc ngài thực sự nói hay làm.

Dù ngài đã minh nhiên tưởng niệm biến cố Diệt Chủng (Shoah) trong bài diễn văn đầu tiên tại Do Thái và dứt khóat lên án chủ nghĩa bài Do Thái, không thiếu báo chí cho rằng ngài không tiến xa đủ.

Có báo còn cho rằng các hạn từ như “Quốc Xã” hay “tàn sát”, “sát nhân” đã không có trong bài diễn văn tại Yad Vashem, trong khi có báo nghĩ rằng đáng lý ra Đức Giáo Hoàng nên xin lỗi về điều họ nghĩ người Công Giáo đã đồng lõa trong việc Diệt Chủng. Lại cũng có tờ còn bắt lỗi Đức GH đã ‘tham gia’ quân đội Đức hồi ấy (dù sau đó ngài đã tự ý rời bỏ hàng quân) và đã tỏ ra quá ít xúc động trong bài diễn văn tại Yad Vashem.

Người ta khó mà biết phải bắt đầu từ đâu trước làn sóng chỉ trích này. Xem ra, một số thính giả của Đức Giáo Hoàng không hài lòng với bất cứ điều gì ngài nói hay làm, sẵn sàng nhẩy bổ vào ngài và khẩn cầu trái đất hãy nuốt chửng ngài đi cho rồi. Đáp lại những ngôn từ hết sức thành thật và khiêm nhường về hòa bình và hoà giải, người ta đã coi ngài như người đích thân phải chịu trách nhiệm đối với nỗi thống khổ của người Do Thái trên thế giới.

Cha Williams cảm thấy không làm sao giải thích cho một số người Do Thái hiểu rằng: Đức Giáo Hoàng không phải là mẫu người dễ xúc cảm ở bề ngoài, cho nên, bất kể họ mong chờ ở ngài thứ thổ lộ tâm tình chan chứa nào, thì điều ấy cũng không tương ứng với bản chất thực sự của ngài. Cha chỉ còn biết mời họ nhìn kỹ vào chính quyết định có tính bản thân của ngài khi dám đề cập đến vấn đề ấy một cách thành thật, và đã đi thăm đài tưởng niệm nạn nhân Diệt Chủng ngay ngày đầu tiên đặt chân lên Do Thái (điều mà không ai bắt ngài phải làm như thế)… Tiếc thay, những luận điểm như thế đã rơi vào quãng không.

Trong khi đó, ở cực bên kia của chính phổ (political spectrum), xúc cảm cũng dâng lên rất cao. Sáng nay, 12 tháng Năm, cha Williams nhận được một điện thư khá sắc bén của một Kitô hữu ở Giải Gaza. Anh cực lực phê phán các phúc trình từ trước đến nay về chuyến tông du đã chỉ biết nhằm vào người Do Thái. Anh đặt câu hỏi “Còn chúng tôi thì sao?” và sau đó liệt kê hàng loạt những lời kết án trước sự đối xử tàn tệ của nhà nuớc Do Thái đối với người Palestine.

Anh viết “Có lẽ qúy vị quên mất rằng Do Thái đã được xây dựng trên máu và nhà cửa của hàng ngàn người Công Giáo và Kitô hữu Palestine. Có lẽ qúy vị quên mất rằng Do Thái đang xây một bức tường phân biệt chủng tộc, một bức tường còn tệ hơn bức tường Bálinh và tệ hơn chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi”. Bức điện thư còn nói nhiều hơn nữa…

Cha Williams bỗng thấy được phần nào điều Đức Thánh Cha hẳn đang kinh qua khi ngài cố gắng lèo lái qua các bãi sình cực kỳ khó khăn của những bến bờ tình cảm tôn giáo cực mạnh, hiện đang tràn ngập vùng đất này. Xem ra, ngài đang đóng vai người đi dây thiêng liêng. Chỉ cần nghiêng qua trái hay qua phải một chút, liền bị dán cho cái nhãn hiệu không nhạy cảm hay tàn ác. Tệ hơn nữa, dù ngài cố gắng giữ hoàn toàn thăng bằng, họ vẫn cho là chưa đủ. Xem ra, một số quan sát viên không thèm để tâm tới ý định thật sự của Đức Giáo Hoàng trong cuộc hành hương này hay bất cứ nội dung tích cực nào trong sứ điệp của ngài. Thay vào đó, họ chỉ biết lục lọi các lời ngài nói và các việc ngài làm để tìm cớ mà bắt lỗi.

Bất chấp những thái độ như thế, Đức Giáo Hoàng tỏ ra hết sức điềm đạm và thanh thản, dùng hết các xác tín tâm linh cũng như niềm tin tưởng hoàn toàn vào ơn thánh của Chúa để đem điều thiện tới cho vùng này. Thì giờ của ngài, vì thế, thực tế đầy rẫy các hoạt động, đôi khi mỗi giờ là một biến cố khác nhau, và lúc nào cũng duy trì được một tinh thần lạc quan không lay chuyển.

Theo nhận định của Cha Williams, ít nhất cũng có một người có thể so sánh được với Đức Thánh Cha, đó là Tổng Thống Do Thái, Simon Peres. Trong diễn văn chào mừng Đức GH tại phi trường Tel Aviv, ông là người hơn ai hết nắm được tầm quan trọng của chuyến tông du này khi nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo tâm linh có khả năng dọn đường cho các nhà lãnh đạo chính trị. Họ dọn sạch các bãi mìn vốn cản trở đường dẫn tới hòa bình. Các nhà lãnh đạo tâm linh giảm thiểu sự thù nghịch, để các nhà lãnh đạo chính trị không cần dùng tới các phương tiện phá hoại”. Đối với những ai chỉ trích cho rằng chuyến tông du của Đức GH không hữu hiệu hay không có “răng”, thì lời lẽ của ông Peres xem ra hết sức xác đáng và sáng suốt. Ông nói: “Chúng ta không cần có thêm xe bọc thép nhưng là sự lãnh đạo thiêng liêng có linh hứng”. Đó chính là điều Đức Bênêđíctô đang mang tới cho khu vực bất ổn này.

Không phải thiếu niên Hitler

Một số báo chí ở Do Thái sai lầm cho rằng cậu thiếu niên Joseph Ratzinger từng tham gia Đoàn Thiếu Niên Hitler (Hitlerjugend). Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh, trong một cuộc họp báo vào ngày 12 tháng Năm tại Giêrusalem, tuyên bố rằng: điều đó không đúng. Cậu thiếu niên sau này lên ngôi Giáo Hoàng, hiệu là Bênêđíctô XVI, chưa bao giờ tình nguyện làm thành viên của Hitlerjugend (HJ), vốn là một đoàn gồm các thiện nguyện viên cuồng tín và đầy ý thức hệ.

Cha Lombardi sau đó minh xác thêm rằng lúc Hitlerjugend (HJ) còn có tính thiện nguyện, cả Đức GH lẫn người anh ruột của ngài đều không tham gia phong trào ấy. Nhưng năm 1941, khi Quốc Xã ra đạo luật buộc mọi thanh thiếu niên Đức phải gia nhập tổ chức này, thì anh trai ngài là George Ratzinger có gia nhập. Ngài thì còn quá trẻ, nhưng sau đó, khi đã là chủng sinh rồi, ngài có đăng ký. Tuy nhiên lúc sống bên ngoài chủng viện, ngài không bao giờ trở lại sinh hoạt trong tổ chức ấy nữa. Điều ấy gây cho ngài trở ngại lớn, vì không có thẻ hội viên HJ sẽ không được giảm học phí. Theo lời Đức Giáo Hoàng thuật lại trong “Muối Đất”, thì vị giáo sự toán của ngài thoạt đầu khuyên ngài nên trở lại với tổ chức, dù chỉ một lần thôi, để lấy được thẻ hội viên. Nhưng khi thấy ngài nhất quyết không muốn, đích thân ông đã lo chạy được thẻ hội viên kia, nhờ thế ngài thoát không phải sinh hoạt trong HJ.

Cha Lombardi cũng nhân dịp này trả lời một số lời chỉ trích cho rằng Đức Giáo Hoàng chỉ nhắc đến “hàng triệu” chứ không hẳn “sáu triệu” người Do Thái và không nói gì tới gốc gác Đức của mình. Theo cha, trong bài diễn văn tại Yad Vashem, Đức Giáo Hoàng chọn chủ đề tưởng niệm và khai triển ý niệm tên tuổi. Bài diễn văn ấy không phải là một khảo luận về nạn Diệt Chủng và cha cho hay: trong các diễn văn khác, Đức Giáo Hoàng có nhắc đến nước Đức và quá khứ của ngài cũng như chủ nghiã Quốc Xã. Cha nhận định: “Ngài không thể nhắc đến mọi điều mỗi lần phát biểu. Mặt khác, sáng nay (12/5), ngài đã nhắc đến sáu triệu người Do Thái chết rồi, điều ấy chúng ta không nên quên”, cha có ý nói tới bài diễn văn đầu tiên của Đức GH khi mới đặt chân xuống phi trường quốc tế Tel Aviv, chỉ cách bài diễn văn ở Yad Vashem có vài giờ đồng hồ.

Theo Cha Lombardi, Đức Bênêđictô XVI không hề mích lòng khi báo chí thay đổi hay tạo vấn đề với lời lẽ của ngài. “Ngài không phản ứng một cách hời hợt hay ngay tức khắc. Ngài rất nhẫn nại và sẵn sàng lắng nghe người khác, mọi người đều có thế gióng lên các ý nghĩ của mình. Quả thực, ngài cảm thấy không được người ta hiểu đúng, và tôi cũng thấy thế, nhưng chúng tôi biết rõ thế gian như thế nào và thái độ người ta ra sao. Không phải lúc nào người ta cũng muốn hiểu đúng; đôi khi có những thiên kiến và không phải ai cũng cởi mở với thái độ sẵn sàng biết lắng nghe”.

Thăm địa điểm được cả ba tôn giáo độc thần tôn kính

Hôm nay 12 tháng Năm, tại Giêrusalem, Đức Giáo Hoàng tới thăm Núi Đền Thờ (Temple Mount). Suy nghĩ về ý nghĩa thiêng liêng của địa điểm này, ngài nói rằng: “tại đây, các nẻo đường của ba tôn giáo độc thần vĩ đại của thế giới đã gặp nhau, nhắc chúng ta nhớ tới điều chúng ta đang chung chia. Mỗi tôn giáo đều tin vào Thiên Chúa Độc Nhất, Đấng tạo dựng và thống trị mọi loài. Mỗi tôn giáo đều nhìn nhận Abraham là tổ phụ của mình, một con người của đức tin được Thiên Chúa ban cho hồng ân đặc biệt. Mỗi tôn giáo đều có số tín đồ lớn lao trong nhiều thế kỷ và từng linh hứng cả một gia tài thiêng liêng, trí thức và văn hóa phong phú”.

Khu vực Núi Đền Thờ rất quan trọng đối với Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Tại đây, Vua Salômôn đã xây đền thờ đầu tiên và được Vua Hêrôđê tái thiết. Nó là địa điểm của 2 đền thờ Hồi Giáo, và được người Hồi Giáo coi là địa điểm hành hhương thứ ba, sau Mecca và Medina, và là nơi tiên tri Mohammed về trời. Các Kitô hữu nhận nó là nơi Chúa Kitô nói tới việc Đền Thờ bị hủy diệt.

Mái vòm vàng ánh và hình bát giác của Đền Núi Đá (the Rock) là tòa kiến trúc cổ xưa nhất còn tồn tại đến nay của Hồi Giáo tại Đất Thánh. Tại đây, Đức Giáo Hoàng được đại giáo sĩ Muhammad Ahmad Hussein của Giêrusalem nghênh đón. Đức GH phát biểu tại đây rằng địa điểm này khuyến khích mọi người có thiện chí làm việc với nhau để vượt thắng các hiểu lầm và tranh chấp của quá khứ và để cùng nhau lên đường đối thoại một cách chân thành hòng xây dựng cho được một thế giới công lý và hòa bình cho các thế hệ tương lai”.

Điểm tựa của đòn bẩy

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng hiện đang có sự cám dỗ muốn nói xuôi ngược về khả năng thành công trong cuộc đối thoại liên tôn. Nhưng theo ngài, “chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tin rằng Thiên Chúa Độc Nhất chính là nguồn vô tận của công lý và nhân lành, vì nơi Người, cả hai điều này đều hiện diện một cách gắn bó như một. Những ai tuyên xưng danh Người đều được ủy thác cho nhiệm vụ phải không mệt mỏi cố gắng đạt tới sự chính trực trong khi không quên mô phỏng lòng hay tha thứ của Người, bởi hai đức tính ấy đều nội tại hướng tới sự chung sống hòa bình và hoà hợp của toàn thể gia đình nhân loại”.

Đức Giáo Hoàng cho rằng chính vì lý do trên, những ai “thờ lạy Thiên Chúa Độc Nhất phải chứng tỏ mình vừa đặt cơ sở bên trong, vừa qui hướng về tính hợp nhất của toàn bộ gia đình nhân loại”. Ngài giải thích thêm: “Nói cách khác, trung tín với Thiên Chúa Độc Nhất, Đấng Hóa Công, Đấng Tối Cao, sẽ dẫn tới việc nhìn nhận rằng các hữu thể nhân bản, xét trong căn bản, đều có liên hệ với nhau, vì sự hiện hữu của mọi người đều do một nguồn gốc duy nhất mà có và được qui chiếu về cùng một đích điểm chung. Được in dấu bằng hình ảnh không bao giờ phai mờ của Thiên Chúa, họ được kêu gọi đóng một vai trò tích cực vào việc hàn gắn các chia rẽ và cổ vũ tình liên đới nhân bản”.

Đức GH quả quyết rằng: “như thế, tình yêu đối với Thiên Chúa Độc Nhất và tình yêu đối với người lân cận của mình đã trở nên điểm tựa của đòn bẩy, quanh đó mọi sự phải xoay vần. Vì người Hồi Giáo và người Kitô Giáo vốn đang đẩy mạnh cuộc đối thoại đáng kính mà họ đã khởi đầu, nên tôi cầu xin để họ biết thăm dò việc Thiên Chúa gắn bó chặt chẽ xiết bao đối với tính hợp nhất của gia đình nhân loại. Bằng cách tuân thủ kế hoạch đầy yêu thương dành cho công cuộc sáng tạo, bằng cách học hỏi lề luật đã được ghi khắc trong vũ trụ và được vun trồng trong trái tim con người, bằng cách suy niệm hồng phúc mầu nhiệm trong việc Thiên Chúa tự mạc khải mình ra, ước mong mọi người theo Người tiếp tục nhìn ngắm sự tốt lành tuyệt đối của Người, không bao giờ che mắt khỏi đường lối của Người như đã được phản ảnh trên khuôn mặt người khác”.

Xem sét cơ sở chung với người Do Thái Giáo

Trong cuộc gặp gỡ với hai vị trưởng giáo sĩ của Israel vào ngày 12 tháng Năm hôm nay tại Tòa Đại Giáo Trưởng, Đức Thánh Cha nhận định rằng người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo có chung một quan tâm đối với việc lan tràn chủ nghĩa tương đối về luân lý.

Trong một bài diễn văn nhấn mạnh nhiều lần tới các mối liên hệ đang gia tăng giữa Do Thái Giáo và Giáo Hội, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Hôm nay, tôi được dịp nhắc lại rằng Giáo Hội Công Giáo tuyệt đối dấn thân vào con đường mình đã chọn tại Công Đồng Vatican II nhằm việc hòa giải chân thực và lâu dài giữa người Kitô hữu và người Do Thái Giáo”.

Xây dựng hợp nhất

Đức GH nhắc tới cuộc đối thoại đang diễn tiến giữa Phái Đoàn của Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do Thái của Tòa Thánh và Phái Đoàn Liên Lạc với Giáo Hội Công Giáo của Tòa Đại Giáo Trưởng Do Thái. Ngài cám ơn các công việc của họ.

Nhân dịp này, ngài đề cập tới một số vấn đề hai bên cùng có chung: “Người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo đều quan tâm đến việc duy trì lòng tôn trọng đối với tính thánh thiêng của sự sống con người, tính trung tâm của gia đình, một nền giáo dục lành mạnh cho thanh thiếu niên và tự do tôn giáo cũng như tự do lương tâm cho một xã hội lành mạnh”. Ngoài ra, sự quan tâm chung đối với chủ nghĩa tương đối về luân lý và những xúc phạm của nó tới phẩm giá nhân vị cũng mỗi ngày một gia tăng.

Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi phải dùng lý trí như dụng cụ xây dựng sự hợp nhất. Ngài nói rằng muốn tiếp cận các vấn đề đạo đức học có tính khẩn thiết nhất thời ta, hai cộng đồng cần phải khuyến khích giáo dân mình dấn thân vào bình diện lý trí, nhưng đồng thời phải chỉ cho họ thấy: nền tảng tôn giáo mới duy trì lâu bền các giá trị luân lý.

Cầu xin Thiên Chúa

Trước khi tới thăm Tòa Đại Giáo Trưởng, Đức Thánh Cha đã thăm Bức Tường Than Khóc. Đây là phần còn lại, dài khoảng 50 bộ Anh, thuộc bức tường nguyên thủy của Đền Thờ Giêrusalem xưa.

Giống Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 2000, Đức Bênêđíctô XVI cũng dừng lại đây mấy phút và lưu lại một lời cầu nguyện được viết sẵn trên một mảnh giấy và ghim vào một trong những khe hở trên tường. Nguyên văn lời cầu nguyện ấy như sau:

“Lạy Thiên Chúa muôn đời, trong chuyến viếng thăm Giêrusalem, Thành Phố của Hòa Bình, quê hương thiêng liêng của người Do Thái Giáo, người Kitô Giáo và người Hồi Giáo, con xin trình trước nhan thánh Chúa các niềm vui, niềm hy vọng và khát mong, các thử thách, đau đớn và khổ đau của toàn thể dân Người khắp nơi trên thế giới. Lạy Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac và Thiên Chúa Giacóp, xin hãy lắng nghe tiếng kêu của người buồn phiền, sợ sệt, và mất hết hy vọng; xin hãy ban hòa bình cho Đất Thánh, cho Trung Đông, cho toàn thể gia đình nhân loại; xin đánh động tâm hồn mọi người kêu cầu danh Chúa, để họ khiêm hạ bước theo nẻo đường công lý và xót thương”

Kêu gọi chấm dứt việc ra đi khỏi Đất Thánh

Trong thánh lễ chiều nay, 12 tháng Năm, cử hành bên ngoài tường thành Giêrusalem, Đức Thánh Cha ngỏ lời với các Kitô Hữu tại Đất Thánh. Ngài cho họ hay: toàn thể Giáo Hội hỗ trợ họ và kêu gọi các nhà cầm quyền tìm cách chấm dứt việc buộc họ phải ra đi.

Đức GH quả quyết: “Cha muốn nhìn nhận các khó khăn, sự thất vọng, và nỗi đau, nỗi khổ mà nhiều người trong chúng con từng chịu đựng xưa nay do các tranh chấp từng giáng xuống mảnh đất này, và kinh nghiệm đắng đót phải rời cư mà rất nhiều gia đình chúng con từng kinh qua”.

Thánh Lễ này, chủ yếu cử hành bằng tiếng Latinh và tiếng Ả Rập, diễn ra tại Thung Lũng Giosaphát, đối diện với Vương Cung Thánh Đường Diệtsimani và Núi Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu hấp hối trước khi chịu đóng đinh.

Địa điểm này, được chuẩn bị đón khoảng 6,000 người, đánh dấu cuộc cử hành Thánh Thể ngoài trời đầu tiên của Đức Thánh Cha tại khu vực thành phố và là biến cố công cộng cuối cùng trong ngày của ngài.

Lúc khởi đầu Thánh Lễ, thượng phụ Latinh của Giêrusalem là Đức TGM Fouad Twal, chào mừng Đức Giáo Hoàng. Ngài nhắc tới hoàn cảnh của người Công Giáo tại Đất Thánh mà ngài mô tả là “một đoàn chiên đang thưa dần vì phải chịu cảnh tản cư”. Thượng phụ nói tiếp: “chung quanh chúng con, là nỗi thống khổ của nhân dân Palestine, những người vốn mộng ước được sống trong một Quốc Gia Palestine tự do và độc lập, nhưng chưa thấy điều ấy được thực hiện; là nỗi thống khổ của nhân dân Do Thái, những người vốn mộng ước một cuộc sống bình thường trong hòa bình và an ninh, nhưng bất kể sự hùng mạnh của họ về quân sự và truyền thông, họ cũng vẫn chưa thấy mộng ước kia được thể hiện. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, giống hệt các môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu, đứng ở một bên, cụp đôi mắt dửng dưng, làm ngơ nỗi thống khổ của Đất Thánh, một thống khổ đã diễn tiến cả 61 năm nay, và không hề nghiêm chỉnh đánh động mình trong việc tìm ra một giải pháp công chính”.

Đức Tổng GM nói tiếp: trong cái “vũng nước mắt này, chúng con dâng lời cầu nguyện để Giêrusalem được cả hai dân tộc và ba tôn giáo cùng chia sẻ”.

Không bị lãng quên

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha hy vọng: đối với các Kitô hữu tại Đất Thánh, sự hiện diện của ngài sẽ là một “dấu chỉ cho thấy các con không bị lãng quên và sự hiện diện cũng như làm chứng kiên trì của các con thật sự là qúy giá trước mặt Chúa và hết sức cốt yếu đối với tương lai của lãnh thổ này”.

Đức Thánh Cha nói thêm: chính nhờ nền văn hóa Kitô Giáo lâu đời và vững mạnh cũng như lòng tin tưởng sắt đá vào các lời Chúa hứa của họ, họ được kêu gọi trở thành “ngọn hải đăng đức tin cho Giáo Hội hoàn vũ” và là “chất men của hòa hợp, của khôn ngoan và quân bình” trong một xã hội “đa nguyên, đa sắc tộc và đa tôn giáo”.

Đức GH ghi nhận “thực tế đau thương” của việc rất nhiều Kitô hữu đã phải bỏ xứ ra đi, một thực tế tuy hiểu được nhưng “đã làm cho thành phố này trở nên nghèo nàn xiết bao về văn hóa và tâm linh”.

Cơ Quan Trông Coi Đất Thánh tường trình rằng từ năm 1946, cộng đồng Kitô hữu tại Giêrusalem đã giảm từ 20% xuống còn 2% tổng số dân thành. Điều ấy khiến Đức Giáo Hoàng phải khẩn thiết kêu gọi: “Tại Đất Thánh, vẫn còn chỗ cho mọi người!”. Ngài yêu cầu các nhà cầm quyền hãy tôn trọng, nâng đỡ và trân quí sự hiện diện của các Kitô hữu tại đây. Với các Kitô hữu, Đức Thánh Cha bảo đảm với họ rằng toàn thể Giáo Hội và Tòa Thánh vẫn liên đới, yêu thương và hỗ trợ họ.Sứ điệp của Đức Thánh Cha, được tín hữu vỗ tay chào đón ngay từ những chữ đầu tiên, chủ yếu nói về hy vọng dựa trên sự phục sinh của Chúa Kitô. Ngài nói rằng: “Tại Thành Thánh này, nơi sự sống đã chiến thắng sự chết, nơi Chúa Thánh Thần được tuôn đổ làm hoa trái đầu mùa của sáng thế mới, hy vọng vẫn tiếp tục đánh trả thất vọng, ngã lòng và nản chí, trong khi hòa bình vốn là ơn phúc và lời kêu gọi của Chúa tiếp tục bị đe dọa bởi lòng vị kỷ, tranh chấp, chia rẽ và gánh nặng sai lầm dĩ vãng”. Ngài thúc giục tín hữu ôm lấy niềm hy vọng của Phúc Âm mà “làm chứng cho sức mạnh của tha thứ, và cho người ta thấy rõ bản chất sâu sắc nhất của Giáo Hội vốn là dấu chỉ và là bí tích của một nhân loại hòa giải, đổi mới và nên một trong Chúa Kitô”

Tầm quan trọng sinh tử

Trước đó, Đức Thánh Cha cho triệu tập các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo của Đất Thánh tại Phòng Trên Lầu, nơi lịch sử của biến cố Hiện Xuống, để cùng đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Caeli). Ngỏ lời với các vị bản quyền, trong đó có Thượng Phụ Latinh, các vị giám mục các Giáo Hội thuộc nhiều nghi lễ khác nhau nhưng hiệp thông với Tòa Thánh, và vị trông coi Đất Thánh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới sự “hiệp thông tâm trí” nhờ Phép Thánh Thể.

Đức GH Bênêđíctô XVI quả quyết rằng: “các Giáo Hội Kitô Giáo khác nhau, đang có mặt ở đây, tượng trưng cho một gia tài phong phú và nhiều sắc thái tâm linh và là dấu chỉ của nhiều hình thức đa dạng trong việc hành động qua lại giữa Phúc Âm và các nền văn hóa dị biệt” cũng như nhắc ta nhớ tới sứ mệnh “rao giảng tình yêu phổ quát của Thiên Chúa” và qui tụ mọi người vào “một gia đình duy nhất” của Người. Ngài nhận định rằng điều quan trọng có tính sinh tử là người Kitô hữu phải hiện diện tại Đất Thánh để phục vụ “ích lợi của toàn thể xã hội”.

Sau khi rời Nhà Tiệc Ly, Đức GH tới nhà thờ đồng chánh tòa có tên là Nhà Thờ Tên Cực Trọng Đức Chúa Giêsu, tại đó, ngài được khoảng 300 người nghênh đón, trong đó có nhiều tu sĩ chiêm niệm. Ngài đánh giá “việc tông đồ dấu mặt của các tu sĩ chiêm niệm” và xin các vị tiếp tục cầu nguyện cho sứ mệnh phúc âm hóa của Giáo Hội. Sau đó, Đức Thánh Cha trở lại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, nơi ngài gặp mặt các Tổng Lãnh Sự của 9 quốc gia đang phục vụ tại Giêrusalem: Bỉ, Ý, Pháp, Hy Lạp, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Tường thuật ngày thứ 3 trong chuyến viếng thăm Do Thái và Palestine
Nguyễn Việt Nam
16:34 14/05/2009
Hôm thứ tư 13-5-2009 Đức Thánh Cha đã có bốn sinh hoạt chính là thánh lễ ngài cử hành cho các tín hữu tại quảng trường Giáng Sinh lúc 10 giờ sang, viếng thăm Hang Đá Giáng Sinh Bếtlehem và nhà thương nhi đồng Caritas, trại tị nạn Aida và thăm xã giao tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Lúc 8.45 sáng Đức Thánh Cha đã lên xe rời Giêrusalem để đến Bếtlehem, thành phố có 35.000 dân, cách đó 10 cây số.

Lễ nghi tiếp đón Đức Thánh Cha đã diễn ra tại quảng trường trước dinh tổng thống Palestine. Đức Thánh Cha và tổng thống Abbas đã duyệt hàng chào danh dự. Sau khi ban quân nhạc cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Palestine và giới thiệu phái đoàn hai bên, tổng thống Mahmoud Abbas đã chào mừng Đức Thánh Cha.

Đáp lời tổng thống, Đức Thánh Cha thân ái gửi lời chào tới toàn dân Palestine và bầy tỏ lòng trắc ẩn của ngài đối với những khổ đau họ phải gánh chịu, đặc biệt trong chiến cuộc mới đây tại vùng Gaza. Ngài khích lệ họ can đảm hy vọng và dấn thân hoạt động để đạt tới một giải pháp công bằng là hai quốc gia sống cạnh nhau trong hòa bình và an ninh dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và các quyền của mọi người.

Ngài nói:

“Tôi biết các bạn đã đau khổ và tiếp tục đau khổ chừng nào vì các giao dộng đã gây tang thương cho vùng đất này từ bao thập niên qua.”

“Kính thưa tổng thống, Tòa Thánh chia sẻ ước mong của Tổng thống và của dân tộc Tổng thống là có được một quê hương Palestine có chủ quyền trên đất của tổ tiên, an ninh và hòa bình với các dân tộc chung quanh trong các biên giới được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Cả khi trong hiện tại mục tiêu đó xem ra xa vời chưa được hiện thực, tôi xin khích lệ tổng thống và dân tộc của tổng thống duy trì sống động ngọn lửa hy vọng, hy vọng có thể tìm ra một con đường gặp gỡ giữa các khát vọng hợp pháp của người Israel cũng như của người Palestine, khát vọng hòa bình và ổn định. Như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã nói: ”không thể có hòa bình mà không có công lý, không thể có công lý mà không có sự tha thứ”, tôi van nài tất cả mọi phía liên lụy trong cuộc xung khắc dai dẳng này bỏ qua một bên mọi hận thù và đối kháng còn đang cản ngăn cản đường hòa giải, để đi tới với tất cả mọi người với lòng quảng đại, cảm thương và không kỳ thị”.

Sau lễ nghi chào đón, Đức Thánh Cha đi đến quảng trường Máng Cỏ nằm cách đó 2,5 cây số để chủ sự thánh lễ cho tín hữu. Đây cũng là quảng trường chính của thành phố Bếtlehem. Chung quanh có Tòa Thị Sảnh, một đền thờ Hồi giáo và Trung Tâm Hòa Bình. Từ quảng trường này có đường các Mục Đồng dẫn ra nơi thiên thần đã hiện ra báo tin Chúa Cứu Thế giáng sinh, trong làng Beit Shahur, Đường Hang Đá Sữa là đền thánh kính nơi Đức Mẹ dừng lại cho Chúa Hài Nhi bú khi trốn sang Ai Cập, đường Phaolô VI kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI ngày 6 tháng giêng năm 1964.

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh và Ả Rập với sự tham dự của tổng thống và chính quyền Palestine, cũng như các giới chức xã hội và tôn giáo khác, cùng hàng chục ngàn tín hữu.

Quảng diễn các bài đọc và duyệt lại những gì Kinh Thánh nói về Bếlehem Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Trong chương trình của Thiên Chúa, Bếtlehem tuy nhỏ nhất trong các làng mạc của Giuđêa, nhưng đã trở thành một nơi của vinh quang bất tử: nơi, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã chọn trở thành người để chấm dứt vương quốc của tội lỗi và cái chết, và đem đến cho thế giới già nua mệt mỏi, bị áp bức bởi tuyệt vọng một sự sống mới tràn đầy. Đối với các người nam nữ khắp mọi nơi, Bếtlehem được gắn liền với sứ điệp tươi vui của tái sinh và canh tân, của ánh sáng và tự do. Nhưng lời hứa tuyệt diệu đó xem ra xa vời và chưa được hiện thực. Vương quốc hòa bình an ninh công bằng và toàn vẹn, mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, xem ra xa xôi qúa!... Tin mừng Bếtlehem mời gọi chúng ta phải trở thành các chứng nhân sự chiến thắng của tình yêu của Thiên Chúa trên thù ghét, ích kỷ, sợ hãi và oán hờn, khiến cho các tương quan của con người bị què quặt đi và tạo ra chia rẽ tại những nơi mà anh em đáng lý ra phải sống hiệp nhất, tạo ra tàn phá nơi đáng lý ra con người phải xây dựng, tạo ra thất vọng nơi đáng lý ra hy vọng phải nở hoa.”

Vào ban chiều, Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đến thăm trại tị nạn Aida. Đây là 1 trong số 8 trại tị nạn tiếp đón 1, 3 triệu người Palestine trong hai đợt chính là chiến tranh năm 1948 và sau trận chiến 6 ngày với Israel năm 1967.

Trại tị nạn Aida hiện có 5.000 người trong đó có 14 gia đình kitô. Tổng thống Mahmoud Abbas đã tháp tùng Đức Thánh Cha.

Ngỏ lời với dân chúng trong trại tị nạn, Đức Thánh Cha nói:

”Nhân dân tại trại tị nạn này, tại các lãnh thổ này và toàn miền này mong mỏi hòa bình dường nào! Trong những ngày này, ước muốn hòa bình ấy càng trở nên nồng nhiệt hơn trong khi anh chị em nhớ lại những biến cố hồi tháng 5 năm 1948, và những năm tháng trong cuộc xung đột cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, tiếp theo các biến cố ấy. Giờ đây anh chị em đang sống trong tình trạng bấp bênh và khó khăn, với những cơ may hạn hẹp trong việc tìm công ăn việc làm. Thật là dễ hiểu khi anh chị em thường cảm thấy bất mãn, thất vọng. Khát vọng hợp pháp của anh chị em mong được một tổ quốc trường tồn, một quốc gia Palestine độc lập, cho đến nay vẫn chưa được toại nguyện. Trái lại, như nhiều người tại miền này và trên thế giới anh chị em cảm thấy bị kẹt trong một cái vòng bạo lực, tấn công và phản công, báo thù và tàn phá liên tục. Toàn thế giới nồng nhiệt mong ước cái vòng lẫn quẩn ấy bị phá vỡ, mong cho hòa bình chấm dứt sự thù nghịch vạn niên. Bức tường cao bao quanh chúng ta trong lúc chúng ta tụ họp nhau tại đây chiều hôm nay, chắc chắn nhắc nhở về tình trạng bế tắc trong quan hệ giữa người Israel và Palestine.”
 
Đức Thánh Cha ban bí quyết ba chiều về việc truyền giáo
Bùi Hữu Thư
22:49 14/05/2009

Đức Thánh Cha ban bí quyết ba chiều về việc truyền giáo



Ngài nói cầu nguyện là nền tảng của công việc truyền giáo

VATICAN CITY, ngày 14, tháng 5, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói, bí quyết ba chiều cho việc truyền giáo là ước vọng nên thánh, chiêm niệm gương mặt Đức Kitô, và ao ước chia sẻ Người với người khác.

Đức Thánh Cha khẳng định điều này trong một điện văn gửi cho Tổ Chức các Công Tác Truyền Giáo của Giáo Hoàng. Khoảng 100 giám đốc của tổ chức này đã quy tụ trong một phiên họp khoáng đại tại Rôma từ ngày Thứ Hai.

Theo một bản tin của văn phòng truyền thông của tổ chức này tại Tây Ban Nha, điệp văn của Đức Thánh Cha cũng đề cập đến gương mặt Đức Kitô “hiện diện nơi các người nghèo khó và sống bên lề xã hội,” cũng như việc cầu nguyện bằng chiêm niệm như nền tảng của sứ mệnh truyền giáo.

Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các vị lãnh đạo của nhóm truyền giáo là chính Chúa Kitô và Thánh Thần mới đích thân truyền giáo.

Ngài ghi nhận rằng chúng ta là những cộng sự viên, và “chúng ta sẽ là những cộng sự viên nếu chúng ta giơ tay lên cầu nguyện và chiêm ngắm gương mặt Chúa Kitô với thái độ thờ kính."

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến một đề tài đã được thảo luận trong phiên họp khoáng đại: việc đào tạo linh mục và tu sĩ nam nữ.

Trưởng thành trong đức tin

Hồng Y Ivan Días, Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo các Dân Tộc, khẳng định trong phiên họp là nhu cầu khẩn thiết nhất về việc đào tạo là có thể “tin tưởng rằng những người được đào tạo sẽ trưởng thành trong đức tin."

Đức Hồng Y ghi nhận rằng hàng năm, có càng ngày càng nhiều những yêu cầu được trợ giúp về truyền giáo, nhất là tại Trung Hoa và Việt Nam.

Ngài nói là tại Trung Hoa, hiện nay có khoảng 12 triệu người Công Giáo và 110 giám mục hiệp thông với Tòa Thánh. Ngài nói, hơn bao giờ hết, họ rất cần được giúp đỡ, nhất là về việc đào tạo các thừa tác viên lo việc mục vụ.

Hồng Y Días nhắc lại sứ điệp của Đức Thánh Cha để cho họ suy niệm, và nhắc rằng cuộc hành hương Đất Thánh của Đức Thánh Cha khiến cho tổ chức của họ đã không được ngài tiếp kiến.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Những mảnh đời vụn vỡ ở mái ấm Thanh Tâm, Cần Giờ
Anmai, CSsR
01:43 14/05/2009
CẦN GIỜ - Sinh ra trong cuộc đời đời này, là con người bình thường đã mang trong mình nhiều đau khổ của phận người. Đơn giản nhất là khổ với cái chuyện cơm - áo - gạo - tiền, con người phải đối diện với thực tại ấy bằng mồ hôi và thậm chí cả nước mắt. Với con người bình thường lành lặn thì còn có cơ may và khả năng để bươn chải với đời. Còn với những ai mang trong mình cái thân phận không lành lặn, kém may mắn hơn những người bình thường thì phải đối diện với cuộc sống thường ngày ấy khó khăn hơn gấp bội.
Xem hình ảnh

Ông bà ta đã nói “nghèo còn mắc eo” ! Vâng ! Đúng lắm chứ khi nhà nghèo mà còn lại mắc phải cái “eo” của cuộc đời.

Nếu có dịp, từ bỏ cái thành phố phồn hoa đô thị mà về với vùng biển mặn Cần Giờ ta sẽ thấy rõ nét sự khác biệt hay nói đúng hơn là cách biệt. Khoảng cách giàu nghèo phân cách ấy đủ lớn với dòng chảy “Nhà Bè nước chảy chia hai”. Bước qua khỏi cái phà Bình Khánh ta sẽ thấy được một “mức” sống rất lạ lùng. Dù người ta có hô hào, dù người ta có đồn thổi thế nào đi chăng nữa nhưng khi xuống và ở lại với vùng đất biển mặn ấy ta sẽ thấy cuộc sống như thế nào.

Đã sinh ra ở vùng đất mà tạm gọi là kém may mắn vậy mà còn kém may mắn hơn khi không lành lặn như những người khác, đó là điều bất hạnh mà những em trú ngụ trong mái ấm Khuyết Tật Thanh Tâm gánh chịu. Em cất tiếng khóc chào đời đã mang trong mình khiếm khuyết hơn bạn bè trang lứa, cái khiếm khuyết ấy chồng chất lên đời em khi gia đình em quá nghèo lại ở cái vùng đất mặn đồng chua này.

Những mảnh đời vụn vỡ như các em tưởng chừng như đi vào ngõ cụt nhưng may quá ! May vì có những tấm lòng muốn chung chia nỗi đau của các em như quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế, quý sơ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và nhiều tấm lòng thơm thảo khác. Quý cha và quý sơ đã quy tụ các em về với mái ấm Thanh Tâm. Mái ấm khuyết tật Thanh Tâm cưu mang các em dường như đa tật chứ không còn phân biệt nữa. Ở mái ấm ấy khiếm thính cũng có, dư - thiếu nhiễm sắc thể cũng có và bại liệt cũng có …

Mái ấm hiện tại chỉ cưu mang trên dưới bốn chục em. Ngoài bốn chục em đang hiện diện trong mái ấm này còn và còn nhiều trẻ em kém may mắn ở cái vùng đất nghèo này nhưng khả năng có hạn nên chưa thể cưu mang thêm được.

Làm sao có thể ngồi yên không chăm lo cho các em khi được các em bộc bạch:

Nguyễn Thị Đặng: Đặng năm nay 12 tuổi, nhà ở Bình Khánh - Cần Giờ. Với giọng nói gượng gạo của một đứa trẻ bại liệt nửa người bên trái: “Gia đình con có hai chị em. Ba mẹ con làm đất mướn cho người ta. Bữa no bữa đói …”.

Giọng nói thơ ngây thật thà của em nói lên hết phận đời nghiệt ngã của em.

Lê Văn Tưng, nhà ở An Nghĩa. Tưng bị khiếm thính cộng thêm con mắt tèm lem lúc tỏ lúc mờ làm cho mọi sinh hoạt của em phải chậm lại so với bao trẻ khác ở mái ấm này. Nhà Tưng ở tận trong bưng thật sâu, nước ngọt sinh hoạt quả là điều gì quý hiếm với nhà em nên chuyện tắm rửa giặt giũ của Tưng đều ở trường Thanh Tâm cả. Hễ hôm nào mà các sơ quên dặn Tưng tắm rửa ở trường thì hôm sau Tưng đến lớp là có “vấn đề”. Cái nghèo, cái khổ nó cứ muốn ôm chầm lấy cuộc đời của Tưng vậy.

Lê Phước Có, ngọc liếu ngọng lo phải ngồi trên chiếc xe lăn từ thiện để di chuyển tới lui. Nhà Có nghèo cộng thêm sự hiện diện của Có làm cho cuộc sống càng vất vả hơn. Nhiều lúc em muốn làm điều gì đó để gia đình bớt khổ nhưng chẳng hiểu sao đôi chân em nó cứ như níu em lại và đôi tay của em cứ queo lại không như bao bạn khác.

Bùi Trọng Đức thì “sáng nắng chiều mưa” với cái bệnh down em đang mắc phải. Có những lúc Đức trở chứng làm cho các cô tăng thêm phần mệt nhọc. Mệt nhọc ấy nhưng ai cũng thông cảm cho căn bệnh nghiệt ngã mà Đức đang mắc phải. Làm sao mà trách được Đức khi nhà Đức quá khổ, cha em đã bỏ lại mặc em và mẹ sau khi biết Đức không được bình thường như người khác. Mẹ Đức phải dong duỗi trên mảnh đất Cần Giờ để bán từng tờ vé số để đắp đổi qua ngày.

Nhiều và nhiều mảnh đời vụn vỡ nữa đang trú ngụ trong mái ấm Thanh Tâm này.

... Nhiều lần nhiều lúc các vị phụ trách mái ấm này mệt mỏi và như muốn buông xuôi vì việc chăm lo cho các em như bế tắc vì không còn tiền lo cho các em. Sự bế tắc ấy càng bế tắc thêm khi khủng hoảng kinh tế xảy đến. Đã có lúc nghĩ “quẩn” là đóng cửa trường thế nhưng nhìn các em sao mà tội quá không nỡ buông xuôi được, thế là tiếp tục hành trình trong vòng tay quan phòng của Chúa. Không nở để các em bơ vơ càng bơ vơ nên lại cứ tiếp tục và tiếp tục.

Một lần nọ, một đoàn kia đến thăm các em. Lê Phước Có, thành viên “tiên khởi” của mái ấm Thanh Tâm đã cố gắng hết sức trong giới hạn tật nguyền của mình để ngỏ lời với đoàn qua bài thơ “Nói với cô” mà cô giáo đứng lớp của em sưu tầm được:

Đã sinh ra ở trên đời
Ai ai cũng muốn làm người hẳn hoi
Riêng em phải chịu thiệt thòi
Vì mang khuyết tật trên người cô ơi !
Chim non gãy cánh giữa đàn
Tưởng đâu em bị bỏ rơi tháng ngày
Bây giờ đời đã đổi thay
Đón em là cả vòng tay bạn bạ
Đón em là mái trường quê
Là lời cô dạy vỗ về yêu thương
Bên em sớm sớm chiều chiều
Ân cần cô dạy em nhiều nghe cô
Cho em được nói được cười
Được nghe được học được chơi được nhìn
Cô cho em cả niềm tin
Cho em đôi cánh như chim có bầy
Cô cho cuộc sống tương lai
Để em hòa nhập với đời nghen cô !


Có vừa trình bày bài thơ xong thì nhiều và nhiều hàng nước mắt bỗng dưng tự đâu cứ trào ra. Có lẽ những người may mắn lành lặn trong đoàn nhìn Có đã cảm nhận được nỗi niềm của em, nỗi niềm của một người kém may mắn mang tật nguyền trong mình.

Tâm sự của Có chắc có lẽ cũng là tâm sự của gần bốn chục bạn đang nương tựa trong mái ấm Thanh Tâm này.

Vâng ! Cô sẽ cho em cuộc sống tương lai như lòng em nguyện ước nhưng chỉ mình cô chưa đủ. Tương lai của em nằm trong vòng bàn tay nhân ái của nhiều và nhiều người nữa.

Nguyện ước nhiều tấm lòng nhân ái chia sẻ tình thương cho những mảnh đời vụn vỡ ở đâu đó trong các mái ấm khuyết tật trong đó có mái ấm Thanh Tâm ở xã An Thới Đông huyện Cần Giờ nghèo này.

LM An Mai, email: anmaicssr@yahoo.com

 
Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao: Ngày hành hương dành giới hiền mẫu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:54 14/05/2009
PHAN THIẾT - Tháng năm về, một tháng trong năm với tên gọi thật thơ mộng, thật tươi vui: Tháng Hoa. Mỗi độ tháng Hoa về, các nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ. Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặ trưng văn hoá địa phương.

Xem hình ảnh

Nói tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa. Hoa muôn màu muôn sắc, hoa tươi xinh, hoa thơm ngào ngạt. Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh tươi. Hoa mời gọi ong bướm đến hút mật. Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười với con người. Lời của hoa thật dịu huyền giữa thiên nhiên. Hoa hòa vào lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Hoa đã trở thành một người bạn thật thân thiết với con người. Khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng nhau. Khi buồn người ta cũng trao gởi lẵng hoa như trao gởi tấm lòng đồng cảm thân thương. Hoa khích lệ lòng người. Hoa hướng con người nhớ tới Đấng tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi. Hoa mơn man lòng người đau khổ. Hoa khích lệ những ai thất bại. Hoa chúc mừng những ai chiến thắng. Hoa ca vang kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa. Đôi khi chỉ một cánh hoa đủ trào dâng lòng mến của Thánh Têrêsa Hài Đồng. Nhiều lần một dàn hoa làm tâm hồn Thánh Phanxicô ngây ngất tình Chúa.

Lắng nghe tiếng nói huyền diệu của hoa, Thánh Bênađô biết được tâm trạng của hoa. Chẳng hạn, Hoa Hồng giàu lòng yêu mến. Hoa Huệ biểu tượng đức Khiết trinh, Hoa Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn. Thánh nhân ca ngợi các nhân đức Đức Mẹ qua ý nghĩa các loài hoa. Hoa Hồng đức mến, Hoa Huệ đức Khiết trinh, Hoa Tím đức Khiêm nhường. Đức Mẹ là Hoa Huệ khiết trinh. Đức Mẹ là Hoa Hồng yêu mến. Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa.

Trong niềm hân hoan hành hương dịp Tháng Hoa, 7.000 hội viên Hội Bà Mẹ Công Giáo Phan thiết và hàng chục ngàn khách hành hương nô nức đến với Đức Mẹ TàPao.

Tôi đến TàPao từ ngày 12, trên lễ đài Đức Mẹ, thánh lễ được cử hành liên tiếp. Các linh mục thuộc nhiều giáo phận cùng với các đoàn thể trong giáo xứ đi hành hương và được ban tổ chức xếp lịch dâng lễ. Mãi đến 5 giờ chiều mới đến phiên, tôi dâng lễ cùng cha Tuấn Phú Cường và cha Hương Nha Trang. Nhiều toà giải tội, đông đảo người xưng tội. Mãi tới đêm khuya các cha mới về nghĩ. Khách hành hương canh thức suốt đêm, kinh hạt thành kính dâng Mẹ.

Sáng ngày 13.5, hàng ngàn bà mẹ trong trang phục áo dài trắng, thướt tha vui tươi tiến về hướng lễ đài. Xe cộ đậu kín hết mọi con đường. Phải đi bộ hơn hai cây số, vất vả lắm mới chen chân vào nơi dự lễ. Đồng lúa ngát xanh làm giảm nhiệt sức nóng mặt trời đang gay gắt. Trên triền núi, người dự lễ đứng khắp mọi lối. Rừng cây toả bóng mát bao bọc mọi người.

Cha Augustinô Nguyễn Văn Lạc, đặc trách Giới Hiền Mẫu Giáo phận đang hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi.

Cả biển người hân hoan đón chào Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoa, Đức Cha già Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Ông JB Lê Xuân Hoa. Ai ai cũng lâng lâng niềm xúc động cảm mến. Đức Cha Nicolas, Đức Ông JB dù tuổi cao sức yếu nhưng vì yêu thương nên đã đến dâng lễ cầu nguyện cho giới hiền mẫu.

Đoàn đồng tế hơn 40 linh mục tiến lên lễ đài. Ca đoàn tổng hợp bà mẹ các giáo xứ hơn trăm ca viên hát vang bài ca mừng Năm Thánh Mẹ TàPao.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan chủ tế. Lời đầu lễ, ngài nhắc đến sự kiện Đức Mẹ Fatima.

Ngày 13.5.1917, Đức Mẹ hiện ra cho ba trẻ chăn chiên Lucia 10 tuổi, Phanxicô 8 tuổi và Gianxita 7 tuổi ở làng Fatima Bồ đào nha. Dân cư làng quê Fatima rất nghèo, nông dân làm ruộng chăn nuôi súc vật. Trẻ em chăn chiên. Chúng lớn lên trong bầu khí gia đình đạo đức, thường tụ họp nhau trên bãi đất trống để lần hạt Mân Côi với nhau.

Gần trưa ngày Chúa nhật 13.5.1917, một luồng chớp làm các em chú ý. Nhìn thấy một vị sáng láng hiện ra trên những ngọn cây ngọn đồi Cova da Iria, các em sững sờ kinh ngạc. Đức Mẹ xin các em cầu nguyện cho các tội nhân trở lại, chiến tranh sớm kết thúc và dặn các em trở lại vào ngày 13 mỗi tháng.

Sau đó vào các ngày 13 tháng 6,7,8,9,10, Đức Mẹ hiện ra và có những phép lạ kèm theo mà những người tham dự xem thấy tận mắt. Đặc biệt ngày 13.10, Đức Mẹ làm một phép lạ cả thể trước gần 100.000 người xem thấy hiện tượng lạ lùng: mặt trời quay tròn nhảy múa tung ra muôn vàn ánh sáng màu sắc huy hoàng. Sau một thời gian dài điều tra kỹ lưỡng, ngày 13.10.1930, Đức Giám Mục Giáo phận Lêbia đã chính thức công nhận sự kiện Đức Mẹ Fatima và tổ chức việc tôn kính Đức Mẹ Mân côi tại đây. Fatima đã thu hút vô số tín hữu hành hương. Những đoàn hành hương từ mùa hè năm 1917 ngày càng đông đảo, không chỉ ở Bổ Đào Nha mà còn từ khắp mọi nước trên thế giới.

Kể từ đó, ngày 13 mỗi tháng, người Kitô hữu khắp mọi nơi thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt.

Đức thánh Cha Piô XII, Phaolô VI, Gioan Phaolô II đã quan tâm nhiều đến Fatima. Tại đây có vương cung thánh đường kính Đức Mẹ. Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng hiến thế giới cho trái tim Vô Nhiễm Đức Mẹ nhân ngày kỷ niệm 25 năm Mẹ Fatima (1942). Đức Thánh Cha Phaolô VI đã trao phó gia đình nhân loại cho Đức Mẹ sau ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II (1964) và một lần nữa ngài dâng thế giới cho trái tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến Fatima ngày 13.5.1982 nhân kỷ niệm 65 năm Đức Mẹ hiện ra để tạ ơn Mẹ đã cứu thoát ngài một năm trước đó và ngài đã tận hiện nhân loại cho trái tim vô Nhiễm Mẹ một lần nữa.

Đức cha Phaolô giảng lễ, ngài suy niệm Tin mừng Lc 11,27-28:

Một người phụ nữ nghe Chúa giảng dạy, bà nghe say mê. Với tính nhạy cảm của một người nữ, bà cảm nghiệm niềm hạnh phúc của người mẹ có một người con tuyệt vời như Chúa Giêsu. Giữa đám đông, bà bày tỏ niềm thán phục Chúa, bà tán dương Mẹ Maria “người mẹ có phúc đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”.

Đáp lại lời tán dương ấy, Chúa nói đến hạnh phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa “Bà ơi, đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa”.

Tại sao Chúa nói như vậy? thưa là Chúa đang rao giảng những chân lý ngàn đời, những chân lý đem đến hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực trong Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi con người chia sẽ hạnh phúc với Ngài. Đây là hạnh phúc tuyệt đối, chính Chúa Giêsu sẽ đổ máu ra để mở đường cho nhân loại bước vào. Người phụ nữ kia đã tán dương Đức Mẹ là có phúc vì Mẹ có các vinh dự làm Mẹ của một người con tài ba kỳ diệu là Chúa Giêsu. Đây mới chỉ là vinh dự trần gian. Người ta thường mong ước được phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Nhưng Mẹ Maria còn có một hạnh phúc lớn lao vượt quá mọi mơ ước trên đời. Đó là Mẹ đã nghe và giữ lời Thiên Chúa. Vì khi người ta biết lắng nghe, đón nhận và giữ lời Thiên Chúa thì thiên đàng đã ở trong người ấy, vinh phúc đời đời ở trong người ấy, Thiên Chúa ở trong người ấy. Đó là vinh phúc của Mẹ Maria. Hạnh phúc đời đời không bao giờ mất trong hồng ân diệu vợi của Thiên Chúa.

Bởi đó, Chúa đã nói với người phụ nữ kia, không chỉ dừng lại nơi lời khen Mẹ Maria có phúc vì đã có vinh dự cứu mang, nuôi dưỡng một người con tuyệt vời, mà cần hướng đến ý nghĩa cao cả hơn. Phúc thay cho ai biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa. Đó là hạnh cao quý nhất của Đức Mẹ.

Đức Mẹ nghe và giữ lời Thiên Chúa như thế nào? Đây là bài học chúng ta cần học hỏi hôm nay.

Trước hết, vào ngày Thiên Thần Gabriel đến truyền tin, Đức Mẹ đã đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng. Mẹ cưu mang con Thiên Chúa. Mẹ suy nghĩ và trao đổi. Mẹ biết đây là thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đáp trả lời “Xin Vâng”. Mẹ đã lắng nghe, Mẹ đã tin và chấp nhận dấn thân. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng Mẹ. Chính Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa đang đến với nhân loại và trở nên Emmanuel.

Lời đó hôm nay đang đến gõ cửa lòng ta hằng ngày. Chúa mong chúng ta cưu mang Ngài, sống với Ngài, thực hiện lời Ngài. Hôm nay Chúa phục sinh đang ở với chúng ta qua bí tích Thánh Thể, qua lời Ngài mà Giáo Hội đang rao giảng.

Ngày kia, Chúa đang rao giảng, có người tin cho Chúa biết: “có Mẹ và anh em Thầy đang chờ gặp Thầy”. Chúa nói ngay với họ: “ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi? Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa, người đó là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

Lại một lần nữa Chúa nói lời với hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là tán dương Mẹ Maria là người diễm phúc luôn lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Ý nghĩa thứ hai, Chúa mời gọi mọi người trở nên những người thân thuộc của gia đình mới, gia đình thiêng liêng của Ngài, bằng cách lắng nghe, tin yêu và tuân giữ lời Thiên Chúa.

Có lẽ, bạn đã nghe lời Chúa nhiều, ít là hằng tuần, nhưng đã thực hiện lời Chúa thế nào? Bạn có thói quen đọc lời Chúa trong gia đình không?

Thưa anh chị em, phải thú nhận rắng chúng ta chưa ý thức đề cao lời Chúa trong đời mình, chúng ta muốn dự lễ, xong lễ là chu toàn bổn phận giữ đạo. Nhưng đem lời Chúa vào cuộc sống, nhiều khi chúng ta không coi là quan trọng. Mục tiêu hàng đầu của đời sống tín hữu là biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa hay nói cách khác là đem lời Chúa ra thực hành hằng ngày. Đối với Đức Mẹ, điều mà thánh Luca ghi nhận là trước mọi biến cố xảy đến, Đức Mẹ đều coi là thánh ý Thiên Chúa nên mẹ ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Suy đi nghĩ lại trong lòng để làm gì? Thưa là để xin vâng thánh ý Chúa.

Tại tiệc cưới Cana, Mẹ xin Chúa giúp đỡ gia đình tân hôn đang hết rượu. Với một lời đề nghị đầy tế nhị: “Con ơi, họ hết rượu rồi”. Chúa đáp lại như một lời từ chối: “Thưa bà, việc đó liên can chi đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Câu nói thật cứng cỏi. Nhưng Mẹ hiểu tình thương Chúa rồi nên Mẹ không buồn, không tủi. Mẹ tin nơi tình thương của Chúa. Chúa sẽ làm những gì tốt nhất, đẹp nhất cho con người. Vì thế, Mẹ tế nhị dặn dò người giúp vịêc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Trong cuộc thương khó của Chúa, có người mẹ nào thấy người ta đem con mình đi xử án, đánh đập tơi bời rồi đem đi đóng đinh mà người mẹ đó không đau đớn xót xa? Máu chảy ruột mềm. Nhưng phần Mẹ, vẫn một bề vâng theo thánh ý Chúa. Dười chân thập giá, Mẹ hịêp thông trọn vẹn trong lễ tế hiến dâng với con. Mẹ can trường tuỵệt đối. Mẹ nghe và giữ lời Thiên Chúa thật tuyệt hảo.

Hỡi các bà mẹ, cuộc đời của người mẹ nào cũng đầy cam go, truân chuyên vất vả. Gian truân hơn bất cứ bà mẹ nào trong chúng ta đây. Nhưng Mẹ Maria đã vượt qua tất cả trong niềm tin yêu vào lời Chúa. Mẹ luôn tín thác vào tình thương của Ngài. Hãy vững tin vào Lời Chúa. Hãy để Lời Chúa hướng dẫn cuộc sống sẽ tốt đẹp mỗi ngày.

Mỗi dịp tháng Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng theo nhân Đức Mẹ, xin Mẹ tỏa hương thiên đàng của người, ấp ủ ta biến thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ. Mỗi khi hái hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca tụng hoặc cầu xin Người. Dâng Hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Mẹ nhiều hơn. Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ. Xin Mẹ lấy hương huệ trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta nên trong trắng.

Những ngày tháng năm này, nếu thiếu những bông hoa hữu hình, ta hãy hái hoa hồng thiêng là kinh Mân Côi để dâng lên Mẹ. Nhưng thế nào đi nữa, nguyện ước trái tim chúng ta hãy biến thành một dàn hoa kết đủ những hương hoa thơm ngát nhân đức dâng kính Mẹ.

Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ. Chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của bậc thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Hãy luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu. Đức Mẹ TàPao hằng yêu thương phù trợ mỗi người chúng ta.

Xin dâng lên Mẹ những sắc hoa của cuộc đời chúng con. Ước gì cuộc đời chúng con luôn là những bông hoa tươi thắm dâng tặng cho đời xuân sắc, lan toả hương thơm bác ái trong môi trường sống của chúng con. Amen.

Cuối thánh lễ, ĐGM ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá. Từng đoàn hành hương tiếp tục lên núi viếng thánh tượng Đức Mẹ Tàpao.
 
Đức Cha Phạm Ngọc Chi: vị mục tử mà cả triệu người Việt ghi ơn
Gioan Lê Quang Vinh
02:18 14/05/2009
Người ta thường viết về một nhân vật, khi người đó vừa nằm xuống, trong ngày kỷ niệm, hay nhân ngày bổn mạng… Con đã rất tha thiết muốn viết về ngài, nhưng nhìn thấy cuộc đời ngài vĩ đại quá, con đã bắt đầu nhiều lần rồi lại để nguyên đấy và chẳng biết viết thế nào. Đã hai mươi mốt năm đi qua từ ngày ngài đã từ giã thế gian này mà trong đó cuộc đời của ngài có ý nghĩa vô biên cho hàng triệu cuộc đời khác. Ngày 14 tháng 5 năm nay là ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài.

Cách đây ít lâu, khi Đức Hồng Y Etchegaray làm đặc sứ Toà Thánh sang Việt nam, một số người trong đó có con được hân hạnh tiếp xúc với Đức Hồng Y nhờ có Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng làm người hướng dẫn. Sau đó một thầy đại chủng sinh, bây giờ đã là linh mục, nói với con: “Mình chưa thấy vị giám mục Việt nam nào nhân từ, cởi mở và vui vẻ như vậy”. Con trả lời: “Đúng rồi, Đức Hồng Y thật tuyệt vời. Nhưng nói như ông cũng chưa đúng, có lẽ vì ông chưa sống với một vị giám mục Việt nam nào, nhất là ông chưa sống với Đức Cha Phêrô Maria”. Bây giờ thì con xin được viết đôi nét về ngài, Đức Cha già khả kính Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, người mục tử vĩ đại và nhân hậu nhất mà con từng được biết. Với sức khoẻ và sự chịu đựng của ngài, nếu không có những thử thách và áp lực nặng nề mà thế gian điêu ngoa này giáng xuống trên ngài, thì có thể Chúa để ngài còn sống đến hôm nay, để mừng bách niên đại thọ bên vô số con cháu giờ có mặt trên khắp địa cầu.

Nói về Đức Cha Phêrô Maria, mỗi người sẽ nhìn ngài ở một khía cạnh mà khía cạnh nào cũng toả sáng lung linh. Với diện mạo vừa uy nghi vừa nhân hậu, Đức Cha là một bậc trí thức chuyên về triết học và thần học, một nhà lãnh đạo tài ba đưa bao nhiêu người vượt qua sóng gió với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ “sóng gió” này, và cũng là một ngư phủ tuyệt vời đã đem nhiều “mẻ cá” lớn về cho Giáo Hội Chúa Kytô.

Cậu bé Phêrô Phạm Ngọc Chi sinh ngày 14 tháng 5 năm 1909 tại Tôn Đạo, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo phận Phát Diệm. Năm 11 tuổi, với diện mạo khôi ngô và trí khôn sắc sảo, cậu được gọi vào học tiểu chủng viện Ba Làng và năm sau chuyển về tiểu chủng viện Phúc Nhạc. Kết quả học vấn của tiểu chủng sinh vừa tốt nghiệp Phạm Ngọc Chi rất xuất sắc, và do đó Đức Cha Marcou đã chọn thầy du học tại trường Truyền Giáo Rôma. Thầy Phạm Ngọc Chi thụ phong linh mục khi còn rất trẻ, năm 1933 khi ngài mới 24 tuổi. Sau đó ngài tiếp tục học tại đại học Apollinaire với bằng tiến sĩ Triết học, cử nhân Thần học và Giáo luật, và chuyển sang học tại đại học Luật Khoa Paris. Khi về nước, ngài là giáo sư và sau này là Giám Đốc Đại Chủng Viện Phát Diệm. Ðầu năm 1946, ngài được Hội Ðồng Ðịa Phận ủy ra tranh cử Quốc Hội, nhưng vì sự man trá của Chính Phủ Việt Minh hồi đó, nên ngài đã từ khước sự trúng cử. Năm 1950, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Bùi Chu và lễ tấn phong Giám Mục của ngài được tổ chức long trọng ngày 4-8-1950. (1) Lúc ấy ngài mới 41 tuổi, là một trong bảy vị Giám Mục Việt nam đầu tiên của Giáo Hội Việt nam. Khẩu hiệu Giám Mục của ngài là “In Verbo Tuo, laxabo rete”, “Vâng lời Thầy, con thả lưới”, là lời tuyên xưng mạnh mẽ của vị Tông đồ cả, bổn mạng của ngài.

Bên quan tài Đức Cố Giám Mục
Đức Cha Phêrô Maria là người suốt đời trung kiên rao giảng Tin Mừng không mệt mỏi. Có lẽ Đức Cha Phêrô là vị chủ chăn duy nhất ở Việt nam làm Giám Mục Chính Toà ba giáo phận trong cuộc đời mình. Khi làm Giám mục Bùi chu trong quãng thời gian khó khăn gian khổ, Đức Cha đã hết mình vì công việc rao giảng Tin Mừng. Năm 1954, Ðức Khâm Sứ Dooley ủy thác ngài trông coi hàng giáo sĩ và giáo dân Bắc Việt di cư vào Nam. Ngày 5-1-1957, sau khi đã hoàn thành sứ mạng coi sóc người Di Cư, và do sự đề cử của Ðức Khâm Sứ Caprio tại Saigon, ngài được Tòa Thánh đặt làm đặc ủy tông tòa chuyên trách về Công Giáo Tiến Hành Việt Nam. Ngày 5-7-1957, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám Quản Ðịa Phận Qui Nhơn và ngày 24-11-1960 ngài được bổ nhiệm Giám Mục Chính Tòa Qui Nhơn. Trong những năm cai quản Ðịa Phận Qui Nhơn, ngài đã mở rộng cánh đồng truyền giáo và thu hoạch về những thành quả ngoài sự ước đoán mong chờ. Nhà văn Phạm Ðình Khiêm (dưới bút hiệu Ðức Khiêm đã viết trong cuốn sách mang tựa đề Thánh Giuse, Di Cảo của Cha Chính Lý, nơi trang 101) ghi nhận: "Phong trào Tân Tòng ở Ðịa Phận Qui Nhơn hồi ấy phát triển kỳ diệu, riêng khu Ðông Mỹ của Cha Chính Mai Học Lý với một số linh mục Phát Diệm mở rộng tới 40 họ đạo mới". (2)

Ngày 16-1-1963, Đức Cha Phêrô Maria được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Chính Toà tiên khởi giáo phận Đà nẵng, giáo phận vừa được thành lập cùng năm ấy. Trong đúng hai mươi lăm năm làm Giám mục Đà nẵng, ngài đã hết lòng cho giáo phận yêu dấu còn non trẻ này và đã đem lại bao nhiêu thành quả vĩ đại nhờ lòng hăng say nhiệt thành, tài năng, lòng đạo đức và lời cầu nguyện với hy sinh của ngài. Ngài đã cùng với các linh mục trẻ, nhiệt tâm của giáo phận mới, đã thành lập nhiều giáo xứ mới, nơi đoàn dân Chúa vui sống bình an tránh những cơn bách hại. Ngài xây dựng Tiểu chủng viện, nhiều cơ sở và trường học của Giáo Hội. Sau này, hầu hết những cơ sở ấy bị trưng thu, nhưng nhờ đó, việc truyền giáo cũng như giáo dục và huấn luyện con người vẫn còn hiệu quả cho đến ngày nay.

Cha Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm viết: “Từ ngày về cai quản Giáo Phận Đà Nẵng, ngài đã xây dựng nhiều cơ sở mới cho Địa Phận: Tòa Giám Mục, Nhà Hưu Dưỡng cho các Linh Mục già yếu, Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan, Bệnh Viện An Bình tại An Thượng, Đại Chủng Viện Hòa Bình là Chủng Viện miền tại Hòa Khánh, Trung tâm Công Giáo Tiến Hành cạnh nhà thờ Chánh Tòa Đà Nẵng. Trước năm 1963, tại Đà Nẵng chỉ có dòng nữ Thánh Phaolô và chị em Mến Thánh Giá Phú Thượng, nhưng sau năm 1963 trở đi, ngài đã cho phép hoặc mời thêm nhiều Hội Dòng khác nhau đến hoạt động truyền giáo trong Địa Phận như Dòng Mến Thánh Giá Huế, Dòng Kim Đôi Huế, Tu Hội Tận Hiến Saigon, Tu Hội Nhà Chúa Saigon và Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa Biên Hòa ra Đà Nẵng trông coi bệnh viện An Bình. Con số linh mục địa phận chưa đầy 40 vị lúc Giáo Phận mới thành lập đã tăng lên 117 vị năm 1975. Sau năm 1975, vì lý do mục vụ và thời cuộc, nên trong Địa Phận còn khoảng 50 vị nữa thôi. Đức cố Giám Mục đã gởi rất nhiều linh mục đi du học nước ngoài. Ngài vẫn chủ trương mỗi phân ngành chuyên biệt như Giáo Luật, Luân Lý, Xã Hội, Thần Học, vân vân... ít nhất phải có 3 cha trong Địa Phận có cùng một loại bằng cấp để giúp nhau làm việc, vừa có người kế tục công việc của một cha đang làm nếu chẳng may vị này qua đời đột ngột. Chúng tôi còn nhớ trong một dịp cấm phòng năm cho toàn thể linh mục địa phận, ngài đã khuyến khích các cha dưới 40 tuổi nên cố gắng xuất ngoại. Ngài nói: Nếu cha nào không có khả năng lấy thêm bằng cấp Đạo, Đời, thì ít ra có dịp quan sát tận mắt những tiến bộ của các nước Âu Mỹ để có thêm kiến thức mà về phục vụ tốt cho anh chị em Chúa và đồng bào trong nước. Chủ trương này của ngài đang tiến hành tốt đẹp thì Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản và chương trình này đành đình hoãn vô hạn định. Hiện nay có khoảng 15 linh mục Đà Nẵng đang hoạt động ở nước ngoài, mà phần lớn đang phục vụ anh chị em Chúa tại Hoa Kỳ.” (3).

Chắc cũng ít người bây giờ biết được là thành phố Sàigòn này cũng còn nhiều công trình của Đức Cha, trong đó có nhà Bùi Chu gần nhà thờ Huyện Sĩ, nhà in Nguyễn Bá Tòng bây giờ đã bị bán làm bệnh viện phụ sản ở góc đường Bùi thị Xuân, trường trung học Nguyễn bá Tòng bây giờ là trường PTTH Bùi thị Xuân, trung tâm Công giáo, trường Chu văn An và nhiều cơ sở khác mà theo dòng đời đa số đã biến trôi.

Ngài là vị mục tử đạo đức và chuyên cần làm việc trí thức. Con thường nghe các Cha và các anh lớp lớn kể lại về ngài với lòng khâm phục lòng đạo đức và sự đúng giờ của ngài. Lúc Toà Giám Mục Đà nẵng chưa xây xong, ngài ở tại Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan. Ngài rất sốt sắng viếng Chúa và làm việc đạo đức. Mỗi lần ngài đi qua hành lang để vào nhà nguyện, mọi người đều biết lúc ấy là mấy giờ, không cần nhìn đồng hồ! Trong di chúc, Đức Cha viết với lòng đạo đức sâu xa: “Cả đời tôi là một chuỗi tình thương của Chúa, tôi ca ngợi không bao giờ cùng!... Gần cuối đời, Chúa đem tôi về Trà Kiệu, là trung tâm Thánh Mẫu của địa phận Ðà Nẵng: đó cũng là do lòng thương đặc biệt của Chúa. Tôi hy vọng được chôn táng ở linh địa này... Nếu được đặc ân này thì tôi hạnh phúc biết bao!” (4) Dù làm việc mục vụ và xã hội rất nhiều, ngài cũng chuyên tâm nghiên cứu và viết nhiều sách đạo đức. Trong các sách vở ngài viết, cuốn “Phúc Âm Dẫn Giải” nổi tiếng nhất như một công trình nghiên cứu chính xác, rõ ràng và dễ hiểu cho mọi tầng lớp dân Chúa.

Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi là người cha can đảm và nhân hậu của đoàn chiên Chúa. Biến cố 1954 rồi 1975 đã đưa ngài vào những bước ngoặc vĩ đại của cuộc đời, và lúc nào ngài cũng nhiệt thành, can đảm và hết lòng vì đoàn chiên. Những người di cư năm 1954 từ miền Bắc và nhiều người di cư suốt những năm sau đó từ các làng mạc nhiều biến động ở miền Trung đi đến các xứ đạo sầm uất và sốt sắng là những người con được che chở bởi lòng can đảm và tình thương yêu của Đức Cha. Rồi sau này khi một số những người con ấy lên đường viễn xứ, chắc chắn họ sẽ nhớ công ơn vô bờ của một người cha già đến cuối đời lặng lẽ và đau khổ nơi xứ đạo miền quê. Ở đây con không nói về nguyên nhân bệnh tật và cái chết của ngài vốn rất phức tạp, nhưng chắc chắn những đau khổ ngài chịu trong chương trình của Thiên Chúa, nói lên tất cả tâm hồn người mục tử vĩ đại, ân nhân của nhiều triệu người dân Việt muôn phương. Tất cả những ai có dịp tiếp xúc với Đức Cha Phêrô Maria đều nhận ra ngài là người cởi mở, nhân hậu và đầy cảm thông. Và ai có dịp sống với ngài đều cảm được tâm hồn bao dung như biển cả của ngài. Con có hân hạnh làm người giúp việc cho ngài trong một khoảng thời gian không phải là dài, nhưng đó là thời gian đẹp của đời con. Khi nghĩ đến quãng đời ấy, con luôn xúc động trước lòng nhân hậu của Đức Cha. Ngài không nặng lời, không quở trách, chỉ có lòng yêu thương mà thôi. Có một chuyện nhỏ nói lên được cả tấm lòng ngài. Hồi đó dù là Giám Mục Chính Toà, mỗi lần ngài đi đâu cũng bảo con chở bằng xe Honda dame cũ kỹ. Có một lần con đưa ngài sang nhà thờ Chính Toà về, đi ngang cầu Trịnh Minh Thế gió thổi rất mạnh. Con để một phong thư trong giỏ xe phía trước. Đang đi thì gió thổi bay phong thư xuống cầu. Con dừng xe lại, bắt ngài chờ để nhặt phong thư lên, và bỏ vào giỏ xe. Ngài nói: “Cẩn thận con nhé”. Đi được một quãng nữa thì gió lại thổi bay phong thư, và ngài lại phải xuống xe để chờ con. Khi con nhặt phong thư xong, Đức Cha bảo: “Cha đã nói với con rồi”. Nhưng nếu chuyện chỉ có thế mà thôi thì cũng chẳng có gì, nhưng sau bữa cơm tối hôm ấy, ngài gọi con lại, đi dạo với ngài và ngài bảo: “Vinh ơi, chiều nay Cha trách con, con có giận không? Sau này chắc là cứ nhớ lời Cha trách?” Con cảm động muốn khóc. Và bây giờ mỗi lần nhớ lại chuyện hồi ấy, Cha ơi, con chỉ nhớ rằng Cha quá đỗi nhân từ. Lòng nhân từ của Đức Cha thể hiện rõ nét qua Di Chúc của ngài. Ngài không quên một ai, và yêu thương tất cả, dù là kẻ làm khổ ngài. “Ðối với những người thù ghét tôi, làm khổ tôi, nếu có, tôi không có buồn giận ai cả. Trái lại, tôi xin Chúa chúc lành cho họ. Họ làm như thế là làm cho tôi, vì tôi có dịp lập công, đền tội, nhất là trong những ngày sau hết đời tôi.” (5)

Cuộc đời phải đi qua, để công trình của Thiên Chúa mau được thành toàn. Những con người dù tài ba lỗi lạc và đạo đức thánh thiện cũng phải đi qua để cho “dòng dõi họ sinh sôi nảy nở”, nhưng con tin rằng dù Đức Cha đã ra đi nhiều năm, nhưng hàng triệu triệu trái tim người Việt, kể cả nhiều người không phải Công giáo, cũng nhớ đến Đức Cha với lòng tri ân và ngưỡng mộ. Con viết vài dòng về Cha trong dịp Sinh Nhật của Cha để cảm tạ Thiên Chúa và mời gọi nhiều người cùng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt nam một vị mục tử nhân dũng. “Nhân dũng” là từ của LM Giuse Đinh xuân Long, bạn thân của con, là người con đã từng tiếp xúc với Đức Cha một cách gần gũi. Cha Long viết “good shepherd”, mục tử tốt, không chỉ là mục tử nhân lành, mà còn là mục tử can đảm dám chết cho đàn chiên, cho nên phải dịch là mục tử nhân dũng. Con tin là Cha đang sống trong Tình Yêu của Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân dũng, là Đấng Cha đã viết, đã theo bước, đã sống và chết trọn vẹn cho Người. Xin Cha cầu bàu cho Giáo Hội Việt nam, cho các giáo phận mà Cha là Giám Mục, cho tất cả những người mang ơn Cha, và cho chúng con, những đứa con đã được Cha yêu thương trọn vẹn.

Sàigòn, ngày Mẹ Fatima 13.5.2009, chuẩn bị Sinh Nhật thứ 100 Đức Cha Phêrô Maria 2009

Chú thích:

(1)(2)(3) Viết theo Cha Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm.

(4)(5)Trích Di chúc Đức Cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hà Nội bị tố cáo trước Hội đồng Nhân quyền LHQ
Dư luận báo chí
03:46 14/05/2009
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 13.5.2009

Hà Nội bị tố cáo trước Hội đồng Nhân quyền LHQ – Người Việt khắp năm châu liên kết biểu tình trước Điện Quốc Liên ở Genève đòi hỏi cho Nhân quyền, Dân chủ và Tự do tôn giáo – Dư luận báo chí quốc tế bênh vực nhân quyền Việt Nam

PARIS, ngày 13.5.2009 (QUÊ MẸ) - Phái đoàn Hà Nội gồm 29 người đã đến phúc trình trước Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm thứ sáu 8.5 tại Điện Quốc Liên ở Genève về tình trạng nhân quyền Việt Nam cùng sự tuân thủ các Công ước quốc tế LHQ về nhân quyền mà Hà Nội đã ký kết. Thành quả ra sao ? Chỉ cần đọc hàng tít lớn do các hãng thông tấn quốc tế loan tin là hiểu ngay sự trạng: Anh tấn xã Reuters viết “Việt Nam bị tố cáo đàn áp nhân quyền trước khi đến phúc trình ở LHQ”, Pháp tấn xã AFP viết “Nhân quyền: Việt Nam bị tố cáo trước LHQ dù được các nước liên minh hậu thuẫn”, nhật báo Phố Wall của Hoa Kỳ (The Wall Street Journal) có ấn bản 2 triệu số mỗi ngày viết bài xã luận “Hà Nội Bất nhân với Nhân quyền” (Hanoi’s Wrongs on Human Rights).

Cuộc phúc trình dự trù kéo dài 3 giờ, từ 14 giờ 30 đến 17 giờ 30 chiều ngày 8.5. Nhưng do số lượng các quốc gia ghi danh phát biểu quá đông (75 quốc gia). Nên ông Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ phải lấy hai biện pháp tăng giờ lên đến gần 4 giờ đồng hồ, cũng như hạn chế thời gian phát biểu.

Bên trong kiểm điểm, bên ngoài biểu tình, và cuộc vận động của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam

Vào lúc có trên 500 người Việt đến từ Úc châu, Hoa Kỳ, Bắc Âu và Tây Âu tràn ngập Công trường LHQ trước lối vào Điện Quốc Liên từ 8 giờ sáng với những hàng cờ Vàng ba sọc đỏ phấp phới cùng cờ Phật giáo, và các tiếng hô lớn “Nhân quyền cho Việt Nam !”, “Dân chủ cho Việt Nam !”, “Tự do tôn giáo cho Việt Nam !”, thì trong Điện Quốc Liên, ông Phạm Bình Minh, đệ nhất Thứ trưởng Ngoại giao, trình bày bằng tiếng Anh bản Phúc trình rút ngắn từ bản viết hơn 100 trang trước Hội đồng Nhân quyền LHQ trong một giờ đồng hồ. Chúng tôi sẽ tường thuật cuộc biểu tình của Người Việt Năm châu cuối bản Thông cáo báo chí hôm nay.

Cuộc vận động quốc tế của cơ sở Quê Mẹ: Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam suốt 8 tháng qua đã đưa tới thành quả Hà Nội bị kết án thông qua các lời chất vấn và khuyến cáo của nhiều quốc gia dân chủ.

“Nhân quyền tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” là bản Phúc trình của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, đệ nạp chung với Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền từ tháng 11.2008 theo thủ tục, đã được Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa lên Trang nhà LHQ, và làm tài liệu cơ bản cho cuộc chất vấn về những chứng liệu Hà Nội vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Đồng thời còn có những Phúc trình tố cáo Hà Nội của 12 tổ chức Phi chính phủ quốc tế lớn như Ân Xá Quốc tế, Human Rights Watch, Christian Solidarity Worldwide, v.v… Đặc biệt có thêm Phúc trình của Cao ủy Nhân quyền LHQ thu tập các tài liệu tố cáo Hà Nội phát biểu tại LHQ.

Hầu hết các sự trạng chất vấn Hà Nội của các quốc gia đều rút từ bản Phúc trình của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam. Chẳng hạn những điều báo động chi tiết trong bản Phúc trình của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam được các nước sử dụng trong buổi kiểm điểm:

- Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam báo động các điều khoản “an ninh quốc gia” trong bộ luật hình sự mà 7 điều đưa tới án tử hình. Đặc biệt điều 88 và 258 mơ hồ trong việc kết án bừa bãi, chẳng phân biệt các hành động bạo lực với phi bạo lực, như sự biểu tỏ quyền tự do ngôn luận, đã được Hoa Kỳ, Canada và nhiều nước khác dùng để chất vấn;

- Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam báo động sự kiện “Báo chí Việt Nam ngày nay là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước chứ không phải của toàn dân” và yêu cầu sửa đổi Luật Báo chí. Canada và nhiều nước cật vấn Việt Nam trên lĩnh vực này;

- Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đề nghị phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đề nghị đã được Hoa Kỳ khuyến cáo;

- Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam lưu ý văn kiện quan trọng nhưng lâu nay ít ai lưu tâm, là “Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người đấu tranh cho Nhân quyền” được LHQ thông qua năm 1998, thì Na Uy đã sử dụng để chất vấn và khuyến cáo Việt Nam. (Bạn đọc có thể tìm xem bản dịch văn kiện này trên Trang nhà Quê Mẹ: http://www.queme.net;

- Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam nhấn mạnh đến Quyền Phụ nữ, vấn đề mà ông Võ Văn Ái đã phản bác phúc trình về Quyền Phụ nữ của Hà Nội tại LHQ New York năm 2007 nhân khóa họp CEDAW. Đặc biệt là hệ thống bán dâm và truất quyền phụ nữ sử dụng đất đai. Nhật Bản, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đã chất vấn việc này;

- Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tố cáo việc tạm giam trong bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định 16 tháng tối đa. Nhưng trường hợp vi phạm “an ninh quốc gia”, Viện Kiểm sát Nhân dân “có quyền gia hạn”. Nghĩa là tạm giam vô thời hạn trong thực tế, và trong điều kiện giam cầm tồi tệ. Trường hợp đang xẩy ra với ông Vũ Hùng và Phạm Thanh nghiêm. Đề tài được Áo nêu lên và chất vấn Hà Nội có chịu sửa chữa hay không.

Diễn tiến cuộc phúc trình của Hà Nội và các lời chất vấn cùng khuyến cáo đã xẩy ra như thế nào ? Chúng tôi xin tường trình sau đây để đồng bào trong và ngoài nước theo dõi:

Mở đầu cuộc phúc trình, ông Phạm Bình Minh, đệ nhất Thứ trưởng Ngoại giao, cho biết đã nhận được trước những câu hỏi viết của Argentina, Canada, Đan Mạch, Hungary, Hòa Lan, Na Uy, Thụy Điển và Anh quốc về các vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng và tôn giáo, vấn đề sắc tộc và sự tham gia của các tổ chức quần chúng. Nhưng ông Minh phàn nàn rằng qua các câu hỏi, tiếc thay lại có những bản phúc trình vô căn cứ, nên ông bác bỏ những luận điệu ác ý khi đề cập nhân quyền và dân chủ Việt Nam.

Qua bản phúc trình, ông Thứ trưởng ngoại giao đề cập mọi khía cạnh trong xã hội Việt Nam, từ nhân quyền, tôn giáo, báo chí, xã hội, kinh tế, giáo dục, y tế, v.v… xem như mọi việc đều “hoàn hảo”, “tuyệt vời”. Tuy nhiên ông Minh công nhận còn tồn đọng những “thiếu sót” và “việc làm sai trái”. Ví dụ như, ông nói:

- “Hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa rõ ràng, có nhiều điều chồng chéo, hoặc một số mâu thuẫn trong vài lĩnh vực (…) Sự am hiểu hạn chế về nhân quyền của một số người điều hành ở một số địa phương, hoặc chưa quen thuộc với các điều luật trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, cũng như thiếu hiểu biết về chính sách, luật pháp của nhà nước đưa tới việc làm sai trái, khiến người dân không hưởng được các quyền. Thiếu kỷ luật cũng là một vấn đề khác cần khắc phục.”

Ông Minh cho biết Việt Nam đã ban hành 13.000 luật mới từ năm 1986 đến nay. Nhưng không đề xuất các ví dụ cho biết cụ thể các luật ấy thể hiện trên thực tế như thế nào trong việc bảo vệ người công dân.

Sau bản phúc trình dài một giờ đồng hồ, là phần phát biểu hay chất vấn của các quốc gia thành viên. Cuộc kiểm điểm kéo dài gần bốn giờ đồng hồ.

Nhóm Cực quyền

Cuối thế kỷ XX khi thế giới còn phần đôi lưỡng cực, thì Ủy hội Nhân quyền LHQ chia làm hai phe rõ rệt, phe Liên Xô cộng sản và phe Tự do Âu Mỹ. Nhưng kể từ ngày bức tường Bá Linh sụp đổ kéo theo sự tan rã của khối Cộng sản quốc tế, thì lằn ranh lưỡng cực tại Ủy hội Nhân quyền LHQ bị xóa. Thế nhưng cũng từ đó, phân cực mới trong Ủy hội xẩy ra qua sự kết hợp của các nước độc tài, độc đoán, quân phiệt, từ tả sang hữu, để chận đứng sự thăng tiến nhân quyền và hạn chế tiếng nói của các tổ chức Phi chính phủ thường năm đến LHQ tố cáo các quốc gia vi phạm nhân quyền.

Hiện nay, tại Hội đồng Nhân quyền LHQ (ra đời năm 2006 thay thế cho Ủy hội Nhân quyền) có một nhóm quốc gia bao che, hỗ trợ nhau. Trước kia gọi là “Nhóm Cùng Quan Điểm” (Like Minded Group mà chúng tôi dịch là Nhóm Ngưu tầm ngưu), nay gọi là “Nhóm Cực Quyền” (Axis of Sovereignty) gồm có 19 nước chiếm 10% các thành viên quốc gia. Tuy chỉ 10% song ảnh hưởng ly gián của họ khá nguy hiểm, do nhóm này kích động các nhóm trung lập, nhóm Ả Rập và Phi châu… khiến các nước này thụ động nếu không nói là phản chống việc tố cáo vi phạm nhân quyền.

Tại hội trường hôm 8.5, nhóm “Trục Cực quyền” đã lên tiếng khen tặng Việt Nam qua phát biểu của Miến Điện, Ai Cập, Nga, Lào, Cuba, Sudan, Syria, Lybia. Tuy nhiên, cũng thuộc nhóm này thì Trung quốc ngoài khen tặng lại có lời lên lớp Việt Nam nên “cố gắng san bằng hố giàu nghèo”, cũng thế, Iran khuyên Việt Nam “phải có những biện pháp mạnh mẽ cải tiến hệ thống luật pháp, và chống tham nhũng, chống đường dây bán dâm”.

Một số nước khác như Ấn Độ, Sri Lanka, Algérie, thì khen quan điểm nhân quyền của Việt Nam thể hiện qua cuộc tranh đấu giành độc lập dân tộc. Tức quan điểm phản động về nhân quyền không có con người.

Trái lại nhiều nước tỏ vẻ quan ngại trên một số vấn đề thiếu vắng nhân quyền và tự do tại Việt Nam, nên tỏ lời chất vấn hoặc đưa ra các khuyến cáo trên các lĩnh vực sau đây:

Trên lĩnh vực tự do tôn giáo

Phái đoàn các nước Hoa Kỳ, Nhật bản, Đức, Ba Lan, Hungary, Liban, Anh quốc, Tân Tây Lan, v.v… lên tiếng mạnh mẽ cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Ý và Tân Tây Lan đề xuất Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo phải đi Việt Nam điều tra. Cộng hòa Liên bang Đức nêu cao vai trò trọng yếu của các tôn giáo tại Việt Nam.

Hoa Kỳ yêu cầu đẩy nhanh tiến trình đăng ký của các giáo hội, yêu cầu phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất độc lập với Tăng già Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Phật giáo Nhà nước) cũng như cho các giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài.

Trên lĩnh vực tự do báo chí

Nhiều nước quan tâm đến tự do báo chí như Na Uy, Thụy sĩ, Phần Lan, Thụy Điển, Canada, Hòa Lan. Úc Đại Lợi, Anh quốc, Hoa Kỳ, Đức, v.v… Các khuyến cáo đưa ra là: yêu cầu xét lại luật báo chí Việt Nam phải tương hợp với Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự với Chính trị của LHQ, yêu cầu công nhận tự do ngôn luận và bãi bỏ những điều hạn chế tự do báo chí.

Phần Lan nói lên mối quan ngại Luật Báo chí mới đang chuẩn bị ở Việt Nam sẽ cho phép Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn trước. Canada, Anh quốc, Na Uy và Thụy Điển khuyến cáo Việt Nam cho phép báo chí tư nhân và độc lập ra đời. Thụy Điển, Canada và Na Uy yêu cầu Việt Nam chấm dứt việc kiểm soát Internet và Blogs. Phần Lan yêu cầu gửi Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do ngôn luận đến Việt Nam điều tra. Đặc biệt Canada yêu cầu Việt Nam ban hành luật “tiên liệu” (whistle-blower law) nhằm bảo vệ các nhà báo phanh phui nạn tham nhũng sẽ không bị bắt.

Các điều khoản “an ninh quốc gia” trong bộ Luật Hình sự

Vấn đề rất được các quốc gia quan ngại, lo âu là những điều khoản “an ninh quốc gia” trong bộ Luật Hình sự. Phái đoàn Canada tuyên bố:

“Nhiều khi luật pháp tại Việt Nam dùng để kết tội những ai biểu tỏ ôn hòa các quan điểm chính trị, đồng thời hạn chế tự do lập hội.” Do đó, trong 9 điều khuyến cáo của Canada, thì 4 điều thuộc về “an ninh quốc gia” và được phát biểu như sau:

“1. Canada khuyến cáo Việt Nam gia giảm việc dùng các điều khoản “an ninh quốc gia” làm hạn chế việc thảo luận về đa đảng, về dân chủ hay phê phán chính quyền, cần đưa các điều khoản “an ninh quốc gia” này tương hợp với Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị; 2. Gia giảm việc cấm cố trong tù cho những tội danh phi bạo lực; 3. Ghi vào danh bộ các tù nhân bị xử dưới các điều khoản “an ninh quốc gia” và công bố danh sách này; 4. Bảo đảm pháp lý cơ bản nhằm bảo vệ những tù nhân bị xử dưới các điều khoản “an ninh quốc gia”, kể cả quyền biện hộ trong thời gian lập thủ tục pháp lý và quyền xét xử công khai.”

Phái đoàn Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam hủy bỏ các điều khoản mơ hồ về “an ninh quốc gia” như điều 88 về “tội tuyên truyền chống Nhà nước”, điều 258 về “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Hoa Kỳ là nước duy nhất nêu đích danh các tù nhân vì lương thức và yêu cầu trả tự do cho họ, như Linh mục Nguyễn Văn Lý, hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công nhân, cũng như nêu đích danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để yêu cầu Việt Nam phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho giáo hội.

Phái đoàn Ba Lan khuyến cáo Việt Nam hủy bỏ Pháp lệnh 44 về quản chế hành chính cho phép giam giữ 2 năm tại các trại tạm giam, quản thúc tại gia, hay đưa vào nhà thương điên mà không thông qua sự xét xử của tòa án.

Tuyên ngôn Bảo vệ những Người đấu tranh cho Nhân quyền

Đây là bản Tuyên ngôn rất quan trọng nhằm bảo vệ các đấu sĩ nhân quyền được Đại hội đồng LHQ thông qua tại New York năm 1998, nhân kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Dù vậy ít người lưu tâm như vũ khí bảo vệ các người đấu tranh bị đàn áp. Văn kiện này chính thức gọi là “Tuyên ngôn về Quyền và Trách vụ của các cá nhân, đoàn thể và các cơ quan trong xã hội nhằm thăng tiến và bảo vệ các Quyền con người cùng những Tự do căn bản được công nhận trên toàn thế giới” gọi tắt thành “Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người đấu tranh cho Nhân quyền”. Điều 1 của Tuyên ngôn bảo đảm:

“Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền thăng tiến việc bảo vệ và thực hiện các quyền con người và các tự do căn bản trên bình diện quốc gia và quốc tế.”

Do nhiều nước quan tâm đến sự kiện bắt bớ, sách nhiễu những người đấu tranh đòi hỏi nhân quyền tại Việt Nam, nên Phái đoàn Na Uy tuyên bố:

“Vương quốc Na Uy tin rằng những Người đấu tranh bảo vệ Nhân quyền đóng vai trò trọng đại trong việc cổ vũ nhân quyền và ủng hộ sự cởi mở chính trị và dân chủ. Na Uy quan ngại khi đọc các phúc trình cho biết số lượng người bị bắt, bị cầm tù năm ngoái tại Việt Nam vì họ hậu thuẫn cho sự tham gia chính trị bằng việc phổ biến ôn hòa các ý kiến và quan điểm. Na Uy khuyến cáo Việt Nam hãy để cho các cá nhân, các nhóm và các tổ chức trong xã hội có quyền chính đáng và công nhận quyền thăng tiến nhân quyền của họ, cũng như được quyền công khai phát biểu ý kiến hoặc đối lập. Na Uy khuyến cáo chính phủ Việt Nam lấy những biện pháp thích nghi để phổ biến rộng rãi, bảo đảm sự quan tâm văn kiện “Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người đấu tranh cho Nhân quyền”.

Đề xuất các Báo cáo viên LHQ đi Việt Nam điều tra

Điều được quan tâm nhất thông qua lời phát biểu của một số nước trong 60 quốc gia thành viên, là khuyến cáo Việt Nam mời các Báo viên LHQ đặc nhiệm các lĩnh vực tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, bắt bớ trái phép, v.v…

Các phái đoàn Pháp, Tiệp Khắc và Latvia nói thẳng rằng sau chuyến đi điều tra của Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo đến Việt Nam năm 1998, thì không còn ai được phép viếng thăm nữa, dù hiện có 6 Báo cáo viên LHQ xin đi. Khiến cho Đan Mạch than trong lời phát biểu rằng:

“Việt Nam sẽ có lợi khi chịu trao đổi và đối thoại trên lĩnh vực về các quyền dân sự và chính trị, cũng như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Điều gì làm cho Việt Nam ngăn chặn việc thỉnh mời thường trực các Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm các thủ tục trên lĩnh vực nhân quyền ?”

Các phái đoàn Mexico, Phần Lan và Ý đại lợi khuyến cáo Việt Nam mời Tổ Hành động LHQ chống bắt bớ trái phép, mời Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do ngôn luận và Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo.

Trên đây là đại quan các phát biểu và khuyến cáo của các quốc gia thành viên sau khi nghe bản phúc trình dài một giờ đồng hồ của Việt Nam do ông Phạm Bình Minh, đệ nhất Thứ trưởng Ngoại giao đọc. Sau đó một số quan chức trong phái đoàn Việt Nam đã trực tiếp trả lời bằng tiếng Việt một số câu chất vấn. Đặc biệt có bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết thuộc Ủy ban Tôn giáo trả lời tại Việt Nam “tự do tôn giáo được tuyệt đối tôn trọng”, ông Lê Văn Nghiêm, Tổng giám đốc Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông, trả lời tại Việt Nam “báo chí hoàn toàn được tự do”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Ban Nhân quyền Bộ Công an trả lời tại Việt Nam “không có tù nhân lương tâm”, “tù nhân không bao giờ bị tra tấn.” !

Nói chung Phái đoàn Hà Nội không trả lời, mà chỉ khẳng định vô bằng rằng Việt Nam có đủ mọi thứ tự do và tôn trọng nhân quyền. Ai không tin cũng không được mời đến Việt Nam chứng kiến hay điều tra. Khẳng định vô bằng để bao che hay hứa cuội theo khẩu hiệu một “Ngày mai ca hát” chẳng bao giờ hiện tới.

Bài xã luận “Hà Nội Bất Nhân với Nhân quyền” (Hanoi’s Wrongs on Human Rights) của ông Võ Văn Ái đăng trên báo The Wall Street Journal ngày 7.5 cho biết “Việt Nam đã nài nỉ các nước bạn làm đuôi ghi danh từ 6 giờ sáng để bảo đảm được phát biểu trước” nhằm ca tụng bản phúc trình Việt Nam. Buổi Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện hôm 8.5 trước Hội đồng Nhân quyền LHQ là minh chứng cho nhận định trên. Khi phúc trình Việt Nam chấm dứt, một loạt nước cất lời ca tụng Việt Nam như một “thiên đàng nhân quyền” !

Các nước này ào ạt “mẹ hát con khen” nhưng chẳng có góp ý hay xây dựng gì cho sự thăng tiến nhân quyền. Bất chấp và lờ quên hàng triệu người bị áp bức và đói cơm, đói tự do tại Việt Nam.

Trong khi ấy, 15 quốc gia ghi danh nhưng không được phát biểu vì buổi kiểm điểm đã hết giờ. Các nước không được phát biểu gồm có những quốc gia dân chủ như Tiệp, hiện đóng vai trò Chủ tịch Liên hiệp Châu Âu, Ireland, Vương quốc Bỉ, Luxembourg, Hungary, Tây Ban Nha, Latvia, v.v… nên các nước này đành gửi tới Hội đồng bản văn viết lời phát biểu của họ.

Phái đoàn Ireland đại biểu cho 15 nước bị gạt phản đối như sau:

“Nhân danh những người ghi danh nhưng không được phát biểu, tôi thành thật biểu tỏ sự thất vọng trước quá trình kiểm điểm hôm nay, mà theo lẽ được căn cứ trên nguyên tắc bình đẳng. Thế nhưng đã có nhiều quốc gia bị gạt ra không cho phát biểu. Đây là điều Hội đồng Nhân quyền LHQ phải xét lại.”

Quy trình Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện sẽ được tam đầu chế Canada, Nhật Bản và Burkina Faso làm báo cáo tổng kết trình Hội đồng Nhân quyền LHQ vào khóa họp ngày 12.5 sắp tới. Sau đó Hội đồng sẽ tổ chức khóa họp khoáng đại cho các quốc gia thành viên và các tổ chức Phi chính phủ có quy chế tham vấn tại LHQ tham dự thảo luận bản báo cáo của tam đầu chế trước khi thông qua. Tất cả những khuyến cáo sẽ được ghi rõ để yêu sách Việt Nam thực hiện trước kỳ Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện trong 4 năm tới.
 
Phái đoàn Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ tiếp xúc với nhà báo đấu tranh Nguyễn Khắc Toàn tại Hà Nội
Phóng viên Dân chủ
03:52 14/05/2009
HÀ NỘI - Như dư luận đã biết trong các bản tin trước đây đã loan, chiều nay hồi 13 giờ 15 phút ngày 12/5/2009 đoàn Uỷ ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ ( UBTDTGQT - HK ) do Tiến Sĩ David Kramer làm Chủ tịch dẫn đầu sang Việt Nam công tác đã gặp gỡ được nhà báo đối lập Nguyễn Khắc Toàn trong một giờ đồng hồ tại khách sạn Metropole tại trung tâm thủ đô Hà Nội. Phái đoàn trên của Uỷ ban TDTGQT Hoa Kỳ đã đến Việt Nam từ hôm qua gồm có 5 người, họ sẽ ở lại Hà Nội để gặp một vài nhà bất đồng chính kiến khác nữa mà trong đó ông Nguyễn Khắc Toàn là người đầu tiên phái đoàn tiếp xúc. Khi kết thúc công việc ở Hà Nội, phái đoàn sẽ vào TP Sài Gòn để gặp gỡ một số các nhà tranh đấu dân chủ và hoạt động tôn giáo danh tiếng khác nữa, sau đó vào đầu tuần tới đoàn sẽ trở về nước. Đây là chuyến công tác quan trọng của phái đoàn UBTDTGQT – Hoa Kỳ để sắp tới phía chính phủ nước họ quyết định sẽ có đưa hay không tên của nhà nước độc tài XHCN của ĐCSVN trở lại danh sách CPC, là những nước bất hảo vì đã có chuỗi các hệ thống hành vi đàn áp tự do tôn giáo, trù dập nhân quyền, bóp nghẹt các quyền dân chủ tự do khác của người dân trong toàn xã hội….

Ủy ban gặp ông Nguyễn khắc Toàn
Phía toà đại sứ cho biết, họ đã phải can thiệp trực tiếp rất tích cực, mạnh mẽ với phó thủ tướng, kiêm bộ trưởng ngoại giao nhà nước CSVN – ông Phạm Gia Khiêm thì phái đoàn mới đạt được một số các yêu cầu đã đặt ra trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này, như sẽ gặp được nhà báo Nguyễn Khắc Toàn vào hôm nay, và sáng mai 13/5/2009 đoàn sẽ đi thăm linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài tại đang thụ án tù tại phân trại 1 trại giam Ba Sao – Nam Hà. Từ hôm qua, phái đoàn UBTDTGQT – HK cũng đã làm việc trực tiếp với các chính giới của chính phủ độc tài CS Hà Nội, như với ban tôn giáo chính phủ, với PTT kiêm ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm, với bộ công an và một số cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khác nữa của nhà nước CSVN.

Trước giờ gặp gỡ giữa phái đoàn đến từ Hoa Kỳ với ông Nguyễn Khắc Toàn, tuy đã được chính phủ CS Hà Nội đồng ý vào phút chót đêm hôm qua 11/5/2009, thế nhưng vào 8 giờ 30 phút sáng nay 12/5/2009 sở công an Hà Nội vẫn ra lệnh cho trung uý cảnh sát khu vực Bùi Đình Toàn đến tận nhà để tống đạt giấy triệu tập số 35 buộc ông Toàn phải đến công an Hà Nội trong TX Hà Đông để họ thẩm vấn vào lúc 14 giờ chiều nay. Trước diễn biến phức tạp đó xuất hiện, ông Nguyễn Khắc Toàn đã phải thông tin khẩn cấp cho toà đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam biết vào lúc 11 giờ sáng nay để họ can thiệp khẩn cấp nhất nhằm tránh cho cuộc gặp giữa phái đoàn Uỷ ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ bị ngáng trở không đạt được như thoả thuận giữa phía Hoa Kỳ và chính phủ CSVN vào tối hôm qua.

Khoảng 11 giờ trưa nay ngày 12/5/2009, sở công an Hà Nội bất ngờ vẫn còn tiếp tục điều động đến tư gia ông Nguyễn Khắc Toàn một lực lượng an ninh mật vụ đông đảo, ít nhất có khoảng hơn 5 nhân viên để bao vây xung quanh toà nhà mà gia đình ông đang sinh sống nhằm cản trở ông Toàn đến địa điểm gặp gỡ phái đoàn. Trước tình thế nghiêm trọng như vậy nhà báo Nguyễn Khắc Toàn quyết định đi bộ đến khách sạn sớm hơn hơn 1 giờ 30 phút, tức là vào lúc 11 giờ 30 phút để chủ động chờ đợi gặp phái đoàn cho khỏi bị công an Hà Nội đang ra sức ngáng trở, cản phá… Khi ông Toàn rời nhà ra đi thì liền bị công an Hà Nội ngay lập tức đã cử từ 3 -4 mật vụ an ninh đi kèm sát cạnh sau nhưng không đụng chạm và cản trở gì thô bạo ông trên đường đến Hotel Metropole thuộc phố Ngô Quyền, Hà Nội – cùng thuộc phường Tràng Tiền. Bắt đầu từ đây, mật vụ công an HÀ NỘI bao vây quanh khách sạn và phía bên trong cũng có một vài nhân viên an ninh lảng vảng đóng vai những vị thực khách sang trọng chà trộn lẫn vào các du khách phần lớn là người ngoại quốc để theo dõi giám sát cuộc gặp sẽ diễn ra sắp tới trong hơn 1 giờ nữa.

Đúng giờ hẹn từ trước, hồi 13 giờ 15 phút phái đoàn của UBTDTGQT – Hoa Kỳ đã đi đến từ lối cửa vào trên phố Lê Thái Tổ gần đối diện với nhà hát lớn Hà Nội. Khi đó viên chức chính trị toà đại sứ Hoa Kỳ Chritstian Marchant đã ra tận phòng đại sảnh của Hotel phía cửa ra vào trên phố Ngô Quyền để đón ông Nguyễn Khắc Toàn đang ngồi trò chuyện tại đó cùng với phiên dịch viên Đào Công Đức.

Viên chức chính trị người Mỹ trên cùng anh Đào Công Đức của toà đại sứ bắt đầu từ đây đã tham gia đón tiếp và hướng dẫn ông Nguyễn Khắc Toàn ra tiếp xúc với toàn bộ các thành viên của phái đoàn tại phòng khách ở cửa trên phố Lê Thái Tổ. Trong giây phút đầu tiên, hai bên gặp gỡ vui mừng bắt tay thân mật, chụp ảnh kỷ niệm, sau đó ông Chritstian Marchant đã đưa phái đoàn cùng tất cả mọi người vào một phòng tiệc lớn thuộc tầng 1 để làm nơi gặp gỡ chính thức.

Tại đây cuộc trao đổi giữa hai bên đã diễn ra trong không khí thân tình, thẳng thắn và trung thực. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn đã nêu các nhận định của cá nhân mình về tình hình nhân quyền, dân chủ, đặc biệt về quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam trong những năm qua. Ông đã đưa ra các chứng cứ xác thực, chắc chắn để làm sáng tỏ về tình trạng vi phạm nhân quyền và xâm phạm các quyền tự do tôn giáo ở trong nước. Phái đoàn Hoa Kỳ đặt khá nhiều câu hỏi cho ông về các lĩnh vực trên và đặc biệt họ quan tâm đến hoàn cảnh cuộc sống, sinh hoạt của ông trong thời gian bị giam cầm trong lao tù trước kia, cũng như những sách nhiễu, đàn áp hiện nay của công an CSVN gây ra cho ông và cả gia đình ra sao. Tại cuộc gặp gỡ, ông Toàn đã trưng ra ít nhất 02 giấy triệu tập của công an Hà Nội đã tống đạt buộc ông phải đi thẩm vấn cả ngày hôm 8/5/2009 và chiều 12/5/2009, cùng với một số hình ảnh công an thành phố đã đặt chốt canh gác xung quanh nhà trong thời gian ông tạm được ra tù và cả khi đã hết quản chế 3 năm tính từ hôm 24/12009 đến nay….Các trình bày của ông Toàn đã đựơc toàn bộ thành viên trong đoàn chú ý lắng nghe, có ghi chép tỷ mỷ những nội dung quan trọng mà họ thấy cần quan tâm và để tìm hiểu thực hư các sự kiện.

Trong giữa buổi trao đổi của phía Hoa Kỳ với ông Nguyễn Khắc Toàn thì bất ngờ có 1 cuộc điện thoại của trung tá an ninh điều tra thuộc phòng PA-24 gọi từ sở công an Hà Nội đến buộc ông Toàn phải quay về thẩm vấn gấp tiếp tục. Chính vì sự kiện hy hữu không hay ho đẹp đẽ gì như vậy xảy ra trước các vị khách Hoa Kỳ, nên ông Nguyễn Khắc Toàn vừa trả lời điện thoại với sĩ quan an ninh Bạch Hưng Tân xong, phải vừa tuyên bố cho phái đoàn Hoa Kỳ biết: “ Cú điện thoại của công an Hà Nội nhắm đến đúng lúc tôi đang gặp gỡ quý vị trong đoàn Uỷ ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ là đã nói lên tất cả vấn nạn nhân quyền, dân chủ, tự do có được thực thi và tôn trọng tại Việt Nam đầy đủ hay không ? Khi các ông đang có mặt tại đây để tiếp xúc với tôi nhưng phía công an không hề trọng nể và tôn trọng quý vị cũng như tôn trọng cam kết của chính phủ Hà Nội là nên tạo thuận lợi cho tôi được tiếp xúc với phái đoàn gì hết…Tôi thật lấy làm đáng buồn thay cho quyền Con người tại đất nước chúng tôi như các vị được mục sở thị như thế này đây ”. ( số máy của điều tra viên trung tá Bạch Hưng Tân thuộc phòng PA-24 sở công an Hà Nội là: 0913-215-311)

Trước diễn biến không mấy tốt đẹp lành mạnh đó mà phái đoàn Hoa Kỳ đã chứng kiến từ đầu đến cuối, làm tất cả họ đều nhún vai hoặc lắc đầu ngao ngán và mỉm cười chua chát về “sinh hoạt tự do dân chủ” trong xã hội Việt Nam hiện nay. Bởi vì rõ ràng trên thực tế các quyền dân chủ tự do tối thiểu của người dân trong nước không được cải thiện là bao nhiêu như chính phủ CS Hà Nội vẫn không ngớt tự quảng cáo om xòm về caí gọi là những “sửa đổi mạnh mẽ, tích cực hay những cải cách tiến bộ vượt bậc” cuả mình về các mặt như hệ thống pháp luật, thể chế chính trị, văn hoá xã hội, quyền con người…vv…trên các diễn đàn quốc tế trong mấy năm gần đây!!!!

Đáng chú ý có hiện tượng đặc biệt nữa, đó là sự xuất hiện của 1 sĩ quan an ninh sở công an Hà Nội đóng vai 1 vị khách sang trọng đã xâm nhập được vào bên trong khách sạn để theo dõi toàn bộ cuộc gặp gỡ nói trên. Vị khách không mời này đã chọn một bàn ăn để ngồi sát cạnh phái đoàn rồi giả bộ đọc báo, sau đó anh ta kín đáo, bí mật sử dụng 1 thiết bị quay camera + ghi âm rất tối tân được nguỵ trang bằng 1 chiếc bút máy( có kích thước hơi lớn hơn các cây viết bình thuờng khác) để quay phim và thu âm trộm nội dung cuộc trao đổi trên giữa 2 bên. Chỉ đến khi nhà báo Nguyễn Khắc Toàn phát hiện ra vị khách bất hảo này đang ngồi đối diện với bàn của mình. Và ông dự tính chỉ cho phái đoàn Hoa Kỳ biết, cũng như ông dự định chụp hình mọi hành vi bất minh, vi phạm pháp luật của anh ta đang thực hiện với toàn bộ phái đoàn Hoa Kỳ thì khi ấy, vì anh ta lo sợ bị lộ mặt đã quá trắng trợn liền nhanh chóng rời bàn ăn rồi đứng dậy bỏ đi mà thôi….

Sáng nay, trước khi rời nhà tới địa điểm gặp gỡ, ông Nguyễn Khắc Toàn đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thiện Giao của đài phát thanh Á Châu Tự Do – RFA từ Băngkok – Thailand toàn bộ sự đàn áp, sách nhiễu của công an Hà Nội với cá nhân ông trong những ngày qua. Khi kết thúc buổi gặp gỡ trên đây, khi đã trở về nhà lúc 14 giờ 30 phút, ông Toàn đã trả lời phỏng vấn đài RFA một lần nữa về nội dung và các diễn biến căn bản của cuộc tiếp xúc noí trên.

Đặc biệt hơn nữa, là riêng biên tập viên Bảo Khánh của đài phát thanh VSR- Úc Châu đã thu âm được khá nhiều nội dung cuộc trao đổi đặc biệt trên đây của phái đoàn Hoa Kỳ với nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, mà ông là một phóng viên đặc biệt đã cộng tác với đài trong gần 3 năm qua từ quốc nội kể từ khi tạm bước ra khỏi nhà tù nhỏ vào đầu năm 2006.

Khi kết thúc cuộc trao đổi với phái đoàn Hoa Kỳ, công an Hà Nội lại điều 1 lực lượng nhân viên an ninh hùng hậu thuộc phòng PA -21 để tiếp tục xiết chặt bao vây quanh tư gia ông Nguyễn Khắc Toàn cho đến gần 21 giờ đêm mới tạm thôi. Sáng ngày mai 13/5/2009 sở công an Hà Nội sẽ cử một toán công an đến cưỡng bức ông Toàn phải vaò TX- Hà Đông để thẩm vấn và chuẩn bị khơỉ tố nhà báo này khi nhà nước độc tài toàn trị CSVN thấy cần thiết phải ra tay bóp nghẹt quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do phát biểu chính kiến, tự do báo chí…vv…mà nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn đã sử dụng để tranh đấu với đảng CSVN đang cai trị đất nước này như công an Bạch Hưng Tân và đại tá Ngô Thái Chung đã răn đe liên tục trong thời gian qua.

Trước khi chia tay kết thúc cuộc gặp gỡ, ông chủ tịch Uỷ ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ và các thành viên cho ông Toàn hay, nếu như sau cuộc gặp và từ nay trở đi cá nhân nhà báo Nguyễn Khắc Toàn tiếp tục bị công an CS Hà Nội ra tay đàn áp sách nhiễu thì hãy liên hệ khẩn cấp với toà đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội ngay. Các viên chức chính trị của toà đại sứ Hoa Kỳ đã trao cho ông các số điện thoại, email để tiện liên lạc khi cần thiết và khi xuất hiện sự nguy hiểm do công an nhà nước CSVN gây ra cho ông. Ông chủ tịch UBTDTGQT –Hoa Kỳ và một số thành viên phái đoàn cũng đã trao cho nhà báo Nguyễn Khắc Toàn các tấm dánh thiếp để liên lạc khẩn cấp khi cần thiết.

Phái đoàn Hoa Kỳ cũng tha thiết đề nghị nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nên sớm công bố bài viết công phu dài nhiều trang, chứa đựng nhiều tư liệu, chứng cứ, luận điểm xác thực về quyền Tự do tôn giáo ở Việt Nam mà ông đã chuẩn bị kỹ càng. Công việc có ý nghĩa đặc biệt này đã có sự nhiệt tình đóng góp về các kiến thức hiểu biết rất uyên thâm, thật sâu sắc của linh mục Phan Văn Lợi từ TP Huế với ông Nguyễn Khắc Toàn. Các thành viên phái đoàn rất muốn việc này để cho công luận, các chính giới Hoa Kỳ và UBTDTGQT – Hoa Kỳ biết được sự thật về tình trạng sinh hoạt tôn giáo ở trong nước hiện nay có tự do hay không theo đúng ý nghiã của khái niệm quan trọng và mang tính rất nhạy cảm.

Trong bản tin này, chúng tôi có kèm một số hình ảnh mới nhất về cuộc gặp quan trọng trên đây do nhân viên khách sạn Metropole đã giúp thực hiện chụp hình. Đặc biệt có kèm theo ảnh chụp 2 giấy triệu tập của công an Hà Nội gửi ông Nguyễn Khắc Toàn để cản trở các hoạt động dân chủ, nhân quyền của nhà báo tự do này, nhất là nhằm sách nhiễu ngăn chặn ông gặp phái đoàn Hoa kỳ muốn tìm hiểu thực tế các vấn nạn nhân quyền, dân chủ, quỳên tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn tiếp tục bị chà đạp không thương tiếc.

Chúng tôi sẽ thông tin cho công luận khi có được các tin tức mới nhất và chính xác trong thời gian tới đây.

Hà Nội hồi 01 giờ 15 phút ngày 12/5/2009

Nhóm phóng viên Dân chủ, Nhân quyền và Tiếng nói trung thực trình bày và phổ biến
 
Những giờ phút cuối cùng nộp hồ sơ Thềm Lục Địa Ngoài Giới Hạn 350 hải lý từ từ đóng lại
Sông Hồng
03:55 14/05/2009
Tại New York Hoa Kỳ là 01:52 pm và văn phòng Ủy Ban Thềm Lục Địa sẽ đóng cửa trong 2-3 giờ đồng hồ nữa.

Đó là sự kiện quan trọng của một chuỗi những thời khắc quan trọng nhất đang dần dần kết thúc. Những hồ sơ Thềm Lục Địa đang được quan sát cẩn thận và chặt chẽ, nhưng dấu vết lịch sử biển Đông của nước Việt nam đang đứng trước thử thách nghiêm trọng.

Giờ phút này đây hàng triệu con tim Việt đang cảm thấy nổi bức rức & xúc động khôn tả.

Biển Đông và hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta đâu?

Nhưng những tranh chấp không thể sớm muộn giải quyết bằng bạo lực vũ trang mặc dù Trung cộng đã khởi đầu những tranh chấp ngày 19 tháng 1 năm 1974 bằng các hành động xâm lược quần đảo Hoàng Sa của nước Việt Nam Cộng Hoà độc lập, tự chủ và có chủ quyền trên quần đảo này trong biển Đông.

Giờ phút này chính là sự thử thách của tất cả con dân nước Việt về một tư cách chính trị của Việt Nam Cộng Hòa trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc:

1. Nếu Trung Cộng tiếp tục đánh chiếm những đảo còn lại của Việt Nam tại Trường Sa thì lời kêu gọi giúp đỡ can thiệp của một Việt Nam Cộng Hòa như hiện nay của chúng ta nhằm vào các chính phủ các nước bạn có hiệu quả không? Hay chúng ta “giữ thái độ im lặng để chờ xem?” Một Việt Nam Cộng Hòa như hiện nay có tính chất pháp lý như thế nào mà lời kêu gọi ấy mới có giá trị? Những nước bạn ấy là ai?

Nếu nhân dân trong nước yêu cầu Việt Nam Cộng Hòa như hiện nay thay mặt họ kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế có được không? Thế nào là Việt Nam Cộng Hòa như hiện nay?

2. Nếu cuộc đấu tranh ngoại giao sẽ xảy ra trước Liên Hiệp Quốc thì tư cách pháp nhân của Việt Nam Cộng Hòa như hiện nay là gì để có những phát biểu được kính trọng lắng nghe?

3. Nhìn chung tất cả các cộng đồng người Việt hiện nay tập trung ba khu vực chính của thế giới: khu vực Bắc Mỹ, khu vực Tây Âu và Úc Châu. Cộng đồng nào có những gắn bó gần gủi nhất với nước “bạn?”

4. Một vài chuyển đổi và tăng cường đội tàu ngầm đáng chú ý của Hải quân (không quân) Hoa Kỳ tại Guam điểm tiếp cận khu vực Á Châu. Chuyện gì đã đang xảy ra tại biển Đông?

5. Nếu cuộc chiến xảy ra Hoa Kỳ sẽ hậu thuẫn phía nào?

4. Trung cộng có thể sẽ tấn công các đảo của Việt Nam bất cứ giờ phút nào trước khi csvn thoát khỏi sự cô lập và được trang bị với các tàu ngầm (KILO) do Nga sản xuất mà csvn đang đặt hàng, nhưng hợp đồng sản xuất này của Nga có kịp trước cuộc tấn công của quân Trung Cộng không?, để có thể bán được nhiều tàu ngầm hơn, Nga có thể sẽ mang đến tầu ngầm sau khi Trung cộng nuốt chửng các đảo Trường Sa của csvn. Nếu các hải đảo này ly khai và kêu gọi Hải quân Hoa Kỳ trợ giúp thì như thế nào, chúng ta có hoan hô tinh thần ly khai của các đảo này không? Tình hình hiện nay không quá nóng, nhưng những phương án ngoại giao và các hồ sơ dữ kiện tiến hành tranh cải cần phải chuẩn bị ngay từ giờ phút này, buổi chiều 13 tháng Năm 2009.

Today May 13, 2009, Countdown 051309 (+0)

Phó Chủ tịch Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) của LHQ, ông Harald Brekke nói với hãng Reuters:

"Đây là một sự biến đổi mạnh, mà sau đó thì đường ranh giới trên biển được định rõ....(đây sẽ là) sự sửa đổi chung cuộc lớn lao đối với bản đồ thế giới... http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/commission_submissions.htm

Please note that submissions are listed in the order received. Please also note that the designations employed in the submissions, including description of the areas, are as contained in the communications from submitting States or in the executive summaries. Their listing on this web site and the presentation of material do not imply the expression of any opinion whatsoever on the part of the Secretariat of the United Nations concerning the legal status of any country, territory, city or area or of its authorities, or concerning the delimitation of its frontiers or boundaries.
 
Bauxite là cuộc vận động xã hội dân sự
Thiện Giao/ RFA
04:15 14/05/2009
Vụ bauxite rồi đây sẽ không chỉ xoay quanh vấn đề bauxite, cũng có thể sẽ không còn giới hạn trong không gian Tây Nguyên, mà sẽ trở thành một tiền lệ.

Một ví dụ điển hình cho phong trào vận động mang tính xã hội dân sự sâu rộng với sự tham gia của một lực lượng trí thức đông đến kinh ngạc.

Trí thức lên tiếng

Cuộc vận động ký kiến nghị của những trí thức nổi tiếng Việt Nam dấy lên vào trung tuần tháng Tư, được sự ủng hộ của nhiều giới trong và ngoài nước.

Sau khi bản kiến nghị ra đời, không biết có phải là hệ quả hay không, Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra kết luận, hàm ý xoa dịu phong trào phản biện đang ngày càng lên cao.

Cũng không thể phủ nhận những tác động rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định, từ các bức thư lên tiếng của giới tướng lĩnh trong quân đội, mà đi đầu là bức thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thế rồi, những ngày gần đây, dư luận khá ngạc nhiên khi Bộ Công Thương Việt Nam đưa ra thông cáo, phản bác bản kiến nghị của giới trí thức với ngôn từ mà nhiều người cho rằng mang tính “xúc phạm.”

Bản kiến nghị có đoạn: “Bên cạnh những ý kiến đúng đắn, có nhiều ý kiến rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng. Thể hiện rõ nhất là nội dung Bản Kiến Nghị với nhiều thông tin không chính xác.”

Bộ Công Thương cũng yêu cầu “… các đồng chí lãnh đạo các cơ quan thông tin báo chí, Bộ Thông Tin và Truyền Thông chỉ đạo các phương tiện thông tin truyền thông thông báo rộng rãi đến công chúng.”

Những thông tin vừa nêu được đăng trên blog có tên Bút Lông, rồi sau đó được đăng lại trên website bauxitevietnam.

Trên blog Bút Lông, độc giả có thể đọc được một số trang mà blogger này chụp lại từ một tài liệu được tin là một phần báo cáo ngày 28 tháng Tư của Bộ Công Thương.

Bịa đặt và kích động

Blogger Bút Lông viết trên blog của tác giả, có đoạn tiết lộ rằng, một nhà báo tại Hà Nội nhận định “những lời lẽ quy chụp của vài cán bộ cấp vụ đã gây tâm tư rất nhiều cho báo giới khi họ quy kết cả 3 nội dung trong kiến nghị ngày 17-4 của các nhà trí thức là “không có cơ sở và không đúng với tình hình thực tế. Hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động.”

Xin giới thiệu sau đây một đoạn ngắn trong bài viết ngày 28 tháng Tư trên blog Bút Lông.

“Vụ bauxite Tây Nguyên tưởng đã chìm xuống trong một sự đồng thuận đợi chờ sau khi Bộ Chính Trị có văn bản kết luận, nào ngờ làn sóng sục sôi lại dấy lên bởi chính một số người ủng hộ dự án!

Thật thế, nghe kể trong cuộc tiếp xúc báo chí mới đây, một số người của Bộ Công thương “mượn gió bẻ măng” nói rằng tiếng nói của họ từ nay chỉ là 1 chiều, không ai được phản biện bởi cơ quan cao cấp nhất đã ra kết luận. Thậm chí họ còn phát tán một tài liệu 16 trang, trong đó có những lời lẽ mang hàm ý xúc phạm đến một số nhà lãnh đạo lão thành, nhà khoa học khả kính từng góp ý cho đề án.

Một lãnh đạo [của một tờ báo tại Hà Nội] tâm sự, những lời lẽ quy chụp của vài cán bộ cấp vụ đã gây tâm tư rất nhiều cho báo giới khi họ quy kết cả 3 nội dung trong kiến nghị ngày 17-4 của các nhà tri thức là “không có cơ sở và không đúng với tình hình thực tế. Hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động.

Nhiều nhà báo lão thành tâm sự, sự lo ngại của dư luận khi triển khai bauxite ở Tây Nguyên không phải chỉ là các vấn đề kinh tế, môi trường, công nghệ, văn hoá… mà thực chất là ám ảnh ngàn năm của một dân tộc nhỏ bé bên cạnh một nước lớn ôm vọng bá quyền từ lâu muốn khống chế biển Đông và “mái nhà” Tây Nguyên.

Chính thế, những góp ý đầy tâm huyết ấy đã được BCT trân trọng ghi trong Thông báo số 245-TB/TW rằng: “Tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học…” để rồi chỉ thị hàng loạt công việc phải làm. Rõ ràng các kiến nghị ấy đã được cấp cao lắng nghe, thu nhận để tạo sự đồng thuận xã hội cao nhất, chứ đâu phải bịa đặt!

Chụp mũ một cách vô căn cứ và xúc phạm người khác như vậy thì ai mới là người gây kích động?

Mặt khác, khi nhiều nhà khoa học thắc mắc công trình quan trọng như vậy tại sao không xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội thì đại diện Bộ Công thương “phang” ngay “đấy là nội dung hoàn toàn sai trái.”


Họ lý lẽ các dự án này không có tiêu chí nào thuộc 5 tiêu chí theo Nghị quyết số 66/QH 11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội cả. Đáng tiếc, tiêu chí thứ 4 ghi rõ “Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh…” là phải xin ý kiến Quốc hội.

Tại Thông báo số 245-TB/TW, Bộ Chính Trị chỉ rõ: “Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá.”

Tác giả Bút Lông viết lời kết luận rằng “…cái cách “té nước theo mưa” của đại diện Bộ Công thương chứng tỏ sự thấp tầm theo kiểu “không thuộc bài” và chính điều đó đe doạ sự đồng thuận xã hội.”

Thư ngỏ số 2

Trên website bauxitevietnam.info, do giới trí thức thực hiện, những người chủ trương đã gởi thêm một bức thư ngỏ, gọi là “thư ngỏ số 2,” để trả lời bản báo cáo của Bộ Công Thương.

Thư Ngỏ Số 2 có đoạn, rằng các tác giả phải dùng hình thức thư ngỏ vì “kinh nghiệm cho thấy quý vị rất hiếm khi – thậm chí không bao giờ – đối thoại với những người gửi thư tới quý vị, ngay cả những công dân có công lớn với đất nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh, … thì thư gửi tới quý vị đều không được phản hồi, vậy nên, việc viết thư ngỏ là biện pháp bất đắc dĩ mà chúng tôi phải lựa chọn để công khai cho đông đảo nhân dân xem và phán xét lập luận cùng thái độ của chúng tôi đúng hay sai.”

Tác giả bức thư ngỏ trả lời một số điểm được nêu trong báo cáo của Bộ Công Thương, bao gồm vấn đề công khai hóa các dự án bauxite, vấn đề môi trường, vấn đề công nghệ của người Trung Quốc, cùng một số ý kiến liên quan đến quan điểm phát triển hiện nay, nhất là đối với khu vực Tây Nguyên.

Bản báo cáo có đoạn, chứng minh rằng “Tình hình cụ thể cho thấy nhân dân Việt Nam thông qua Quốc Hội, cơ quan quyền lực tối cao của mình, chưa hề có dịp biểu quyết về chủ trương làm bauxite ở Tây Nguyên. Nếu bên “cam kết quốc tế” thực sự tôn trọng quyết định của cả dân tộc Việt Nam, thì đó là điều tốt cho họ. Còn không, nhân dân Việt Nam đã biết dựng nước thì cũng biết giữ nước. Nhân dân Việt Nam từng trải nhiều ách nô lệ, chắc chắn không một ai vì quyền lợi riêng mà bênh “bên đối tác” và phản bội lại dân tộc mình.”

Thư ngỏ cũng có đoạn, là “Nếu có ai đó đã nói ‘không khai thác bauxite bằng mọi giá,’ thì mong rằng đó là lời nói chân thành. Người biết nghĩ như thế hãy đấu tranh chống lại lối suy nghĩ kiểu cờ bạc, đem dân tộc ra đặt 50/50 vào một canh bạc chắc gì đã năm ăn năm thua?”

Các tác giả bày tỏ, rằng bức thư “chứa đựng những lời tâm huyết của những con người chỉ muốn rảnh rang làm công việc sáng tạo âm thầm của mình, không một mảy may thu vén cho riêng mình trong vụ việc liên quan đến dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin.”

Cuộc vận động ngọan mục

Cũng xin được nhắc lại, là bản kiến nghị và phong trào ký tên vào kiến nghị được đề xướng hồi trung tuần tháng Tư vừa rồi. Vào thời điểm ấy, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người chủ trương, đã nói với đài chúng tôi, rằng “bản kiến nghị nói lên tất cả nguyện vọng của những người đủ mọi tầng lớp.”

“Chúng tôi quyết định thảo một kiến nghị nói lên tất cả nguyện vọng của những người đủ mọi từng lớp, nhưng mà tất nhiên trong đó thì người trí thức phải là người tiêu biểu, bởi vì quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách. Thất phu ở đây phải hiểu là những người tinh hoa, cho nên chúng tôi nhắm đến đối tượng trí thức.

Lá thư kiến nghị ấy chúng tôi thảo ra và gửi đi cho những địa chỉ tin cậy, thì chỉ gửi cho 15 địa chỉ thôi, nhưng sau 3 ngày thì tôi không ngờ là giới trí thức trong nước và ngoài nước hưởng ứng rất là đông. Và đến chiều ngày 16-4-2009 các e-mail gửi về để vào danh sách chúng tôi tập họp được 135 người, mà trong số đó có những tên tuổi tiêu biểu cho giới khoa học, giới nghệ thuật, văn hóa của cả nước cũng như của nước ngoài.

Ví dụ như ở trong nước có Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phan Đình Diệu, hay là ngay cả những đại biểu Quốc Hội như là anh Nguyễn Lân Dũng. Ở nước ngoài thì có những người như anh Vũ Quang Việt là một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, anh Nguyễn Văn Tuấn là một chuyên gia về xương ở Australia, anh Phạm Xuân Yêm, các anh ở Paris VII rất đông.”


Có người nhận định, rằng ý kiến kết luận liên quan đến vụ bauxite do Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản đưa ra gần đây, và chỉ đưa ra sau khi có phong trào ký tên vào bản kiến nghị của giới trí thức cùng hàng loạt những phản biện của báo giới Việt Nam, cho thấy đang hiện hữu một cuộc vận động xã hội ngược dòng ngoạn mục.

Ngoạn mục vì, cuộc vận đồng này, ngược dòng, mà thành công!

(Nguồn: Thiện Giao, phóng viên RFA, ngày 2009-05-13)
 
Tại Trung Tâm CGVN ở Orange: DB Sanchez tổ chức hội thảo Nhân Quyền Cho Việt Nam
Nguyên Huy/Người Việt
05:32 14/05/2009
SANTA ANA, California (NV) - Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez vừa mở cuộc hội thảo với đề tài “Nhân Quyền Cho Việt nam” vào chiều hôm Thứ Bẩy 9 Tháng Năm vừa qua tại hội trường của Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange.

Linh Mục Nguyễn Uy Sỹ, giám đốc trung tâm, trong lời mở đầu đã ngỏ lời cám ơn Dân Biểu Sanchez và cho rằng: “Ðây là một cơ hội cho chúng ta trình bày với chính phủ Hoa Kỳ những nguyện vọng của cộng đồng người Việt chúng ta về vấn đề Nhân Quyền cho đất nước Việt Nam.”

Trước khi tường trình những nỗ lực của mình đã tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay, bà Dân Biểu Loretta Sanchez đã cho trình chiếu một phóng sự ngắn về buổi tường trình về nhân quyền của nhà nước CSVN vào ngày hôm trước là 8 Tháng Năm tại Geneva, Thụy Sĩ, trước Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Phóng sự này là của phóng viên Ðăng Minh của đài SBTN đã có nhã ý gửi cho bà tường trình một số hình ảnh cuộc biểu tình tố cáo CSVN vi phạm nhân quyền trầm trọng của cộng đồng người Việt từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung trước trụ sở của Liên Hiệp Quốc nơi đang diễn ra buổi tường trình về Nhân Quyền của CSVN.

Sau những hình ảnh làm xúc động những người đến tham dự buổi hội luận này, bà Dân Biểu Loretta Sanchez đã rất vui tươi lược trình lại những nỗ lực của bà trong công việc tranh đấu nhân quyền cho đất nước Việt Nam.

Nói về cuộc điều trần về nhân quyền của CSVN trước Liên Hiệp Quốc vào ngày 8 Tháng Năm vừa qua, bà nhận định “Ðây là lần đầu tiên Việt Nam bị cộng đồng quốc tế công khai đánh giá các nỗ lực không thiện chí của CSVN. Tôi và một số đồng viện của tôi tin rằng đây là cơ hội rất tốt để chúng ta bắt CSVN phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm nhân quyền của họ. Và chúng tôi đã đồng ký tên trong một bức thư kêu gọi Hoa Kỳ phải tích cực tham gia vào cuộc Xem Xét Ðịnh Kỳ Toàn Cầu về Việt Nam tại Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc”.

Dân Biểu Loretta Sanchez cũng cho biết là trong cuộc điều trần kể trên, CSVN dĩ nhiên thì cũng hứa rằng Việt Nam sẽ hết sức cố gắng tôn trọng các quyền căn bản của con người và họ sẽ ký thêm một số công ước quốc tế về nhân quyền.

Bà dân biểu cũng cho biết chính quyền Hoa Kỳ, chính phủ Obama và bà Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton đều cũng rất quan tâm về vấn đề nhân quyền và hiểu rõ Hoa Kỳ phải tích cực trong việc này.

Trong những nỗ lực của bà Dân Biểu Loretta Sanchez, gần đây nhất là việc bà vận động Quốc Hội Hoa Kỳ ra Nghị Quyết H.R. 334 kêu gọi CSVN nên chấm dứt đàn áp nhân quyền tại Việt Nam nhân Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam sắp tới để ủng hộ cho khối tranh đấu 8406 ở trong nước.

Bên cạnh đó Dân Biểu Sanchez cũng cho biết bà là đồng bảo trợ Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam 2009 (H.R. 1916) của Nghị Sĩ Liên Bang Barbara Boxer để thúc đẩy sự cải cách và dân chủ tại Việt Nam, ngăn chặn Việt Nam được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan (General System of Preference - GSP) cho đến khi nào Việt Nam cải thiện những tiêu chuẩn lao động của họ.

Tiếp đó bà Dân Biểu Loretta Sanchez đã lắng nghe những ý kiến của một số thành viên trong cộng đồng người Việt có mặt. Nhiều ý kiến cho rằng không thể tin gì được vào những hứa hẹn của CSVN. Cần phải có những biện pháp mạnh để CSVN thấy những thiệt hại lớn cho họ một khi họ vi phạm những điều họ đã hứa hay ký kết.

Sau cùng bà Dân Biểu Loretta Sanchez cam kết sẽ chuyển đến chính quyền của Tổng Thống Obama, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và bà Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc tất cả những ý kiến đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại. Bà còn nói thêm: “Công việc của chúng tôi không kết thúc ở đây” và bà kêu gọi: “Chúng ta phải tiếp tục tranh đấu và áp lực CSVN phải phóng thích các nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do dân chủ và phương tiện truyền thông phải được độc lập. Bởi vì chỉ có lời cam kết của họ không thì vẫn chưa đủ.” (N.H.)

(Nguồn: Người Việt, Tuesday, May 12, 2009)
 
Từ bauxite nhìn về Tự do tôn giáo
An Dân
08:44 14/05/2009
TỪ BAUXITE NHÌN VỀ TỰ DO TÔN GIÁO

Kể từ khi vụ Tòa Khâm sứ nổ ra cuối năm 2007, giới Công giáo được nhà cầm quyền cộng sản quan tâm cách đặc biệt, theo nhiều nghĩa. Đỉnh điểm của sự kiện là việc các cơ quan truyền thông, dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản, đã cắt xén cách ác ý lời của Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt và đấu tố các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Chưa bao giờ kể từ năm 1954 tới nay, giới Công giáo được chính quyền ưu ái cách riêng như vậy.

Những ngày qua, khi vụ Bauxite nổ ra, hình ảnh giới Công giáo lại bị các cơ quan tuyên truyền của Nhà nước “ưu ái”, bóp méo, dựng chuyện nhằm thoá mạ các chức sắc cho dù cuộc đấu tranh của họ hoàn toàn vì lợi ích của dân tộc và hướng người công giáo vào đúng chủ trương “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” mà nhà nước cộng sản vẫn thường kêu gọi.

Điểm qua sự kiện Bauxite

Dự án Bauxite – chủ trương lớn của đảng, chỉ được người dân phát hiện vào cuối năm 2008. Trong thực tế, dự án này đã được ông Nông Đức Mạnh gật đầu theo đề nghị của Giang Trạch Dân từ năm 2001 và chính thức triển khai từ những năm 2006. Vụ việc chỉ thực sự nổi cộm khi người dân phát hiện rất nhiều công nhân Trung Quốc đã vào Việt Nam.

Cuối năm 2008, một số nhà khoa học đã gửi đơn kiến nghị tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị ngưng triển khai dự án Bauxite vì những hệ lụy của nó, tuy nhiên, kiến nghị ấy đã không hề được lưu tâm và bị rơi vào quên lãng.

Ngày 14/1/2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư cho thủ tướng Dũng “đề nghị thủ tướng dừng dự án Bauxite Tây Nguyên”, nhưng ông thủ tướng không thèm trả lời.

Ngày 9/4/2009, chính phủ tổ chức Hội thảo về Bauxite Tây Nguyên tại khách sạn Mélia, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần thứ hai gửi thư đề nghị dừng dự án. Bức thư được công khai tại cuộc hội thảo. Cuộc hội thảo này theo đánh giá của nhiều người thực chất chỉ là để đánh lừa dư luận, một kiểu công khai giả tạo.

Ngày 12/4/2009, một nhóm các trí thức, nhân sĩ đứng đầu là GS Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn và GS.TS Nguyễn Thế Hùng đã gửi thư kiến nghị lên các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu “xem xét lại dự án Bauxite” và “đề nghị đưa vấn đề Bauxite ra Quốc hội”, đồng thời kêu gọi mọi người tham gia ký tên ủng hộ việc ngưng dự án Bauxite. Chỉ trong một thời gian ngắn hơn 1.000 người đã ký vào thư kiến nghị.

Ngày 19/4/2009, Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam đã đưa ra "Bản Thông cáo của Liên Hiệp Truyền Thông CGVN Trước Vấn Đề lãnh Thổ và Khai Thác Bâu Xít Tại Việt Nam", trong đó nhận định rằng: "Việt Nam dưới sự cai trị độc tài của Đảng Cộng Sản đang diễn ra hai sự kiện quan trọng. Thứ nhất: đất đai đang bị mất dần vào tay Trung Quốc. Thứ hai: môi trường sinh thái đang bị huỷ hoại do việc khai thác bâu xít tại Tây Nguyên." Tiếp đến đưa ra lời kêu gọi như sau: "Chúng tôi kêu gọi tất cả đồng bào Việt Nam, đăc biệt đồng bào Công Giáo trong và ngoài nước, bao gồm các vị Giám Mục, Linh Mục, nam nữ Tu Sĩ và toàn thể giáo dân, bằng mọi cách và bằng mọi phương tiện, phổ biến tin tức đất nước yêu qúy và tài nguyên giá trị của Việt Nam đang bị Đảng Cộng Sản hiến dâng cho Trung Quốc. Cụ thể nhất là hãy ủng hộ tất cả những lời kêu gọi của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào kêu gọi Đảng Công Sản Việt Nam phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và môi trường sinh thái để 80 triệu người dân Việt được sống trong an bình, đất nước không bị đế quốc Tầu xâm chiếm". (VietCatholic News, http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=66317).

Ngày 23/4/2009, hưởng ứng lời kêu gọi của các trí thức, giáo xứ Thái Hà đăng thông báo mời gọi thắp nến cầu nguyện cho môi trường sống của Tây Nguyên. Tại Miền Nam, linh mục Lê Quang Uy - Dòng Chúa Cứu Thế, cũng kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ “bảo vệ Tây Nguyên khỏi hiểm họa Bauxite đỏ”.

Ngày 24/4/2009, Bộ Chính trị họp và đưa ra kết luận về Bauxite. Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội liên tục gởi giấy mời tới linh mục Nguyễn Văn Khải – phát ngôn viên của giáo xứ Thái Hà. Nhưng linh mục đã không tới.

Ngày 26/4/2009, thực hiện bản kết luận của Bộ Chính trị, Bộ Thông tin - Truyền thông đã chỉ đạo báo chí, truyền hình, truyền thanh dồn dập tấn công các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, cách riêng hai linh mục Nguyễn Văn Khải và Lê Quang Uy. Với những luận điệu kết án thường thấy, cộng sản Việt Nam lần đầu tiên, kể từ khi vụ Thái Hà nổ ra, khép linh mục Nguyễn Văn Khải – người phát ngôn của giáo xứ Thái Hà, vào tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo chống phá nhà nước XHCN”.

Những điều trông thấy

Kể từ khi Nhà nước Cộng sản thành lập, đây là lần đầu tiên một sự kiện gây được sự chú ý của công luận nói chung, nhất là lần đầu tiên xuất hiện một phong trào nhân dân phản kháng mạnh mẽ một chủ trương lớn của Đảng – một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam 60 năm qua.

Tuy nhiên, cuộc phản kháng lại chủ trương khai thác bauxite – một chủ trương lớn của đảng, chỉ thực sự nóng khi các tôn giáo vào cuộc, nhất là khi giáo xứ Thái Hà thắp nến cầu nguyện. Bằng chứng là, ngay khi bản thông báo “cầu nguyện cho môi trường sống tại Tây Nguyên, cho các vị lãnh đạo sáng suốt, can đảm ngừng dự án bauxite” của giáo xứ Thái Hà được đăng trên trang mạng dcctvn.net, thì Bộ Chính trị tức khắc họp bàn, ra kết luận và chỉ đạo cho Cơ quan An ninh điều tra Hà Nội gửi giấy mời tới linh mục Nguyễn Văn Khải; đồng thời, ra lệnh cho các cơ quan thông tấn, báo chí lề phải mạnh mẽ đấu tố, quy chụp các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế các tội danh “phản động” “chống phá nhà nước”.

Hai ngày sau, ngày 28/4, Bộ Công thương ra thông cáo báo chí kết án các nhà trí thức, các nhân sĩ đã ký vào một bản văn kiến nghị “hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động”, nhưng tuyệt nhiên không có tờ báo nào trong số 700 tờ báo lề phải dám đăng bản Thông cáo Báo chí này mà chỉ dám dùng bồi bút Hà Văn Thịnh và một số nhà báo không tên nói xéo nói xiên, chứ không dám nói thẳng.

Thậm chí, có những người đã hùng dũng ký tên lại phải vội vàng viết bài nịnh bằng được “chủ trương lớn của đảng” mà nội dung đã ngược 100% bài viết trước đó. Bài viết này đã bị phản hồi, và ông Hà Văn Thịnh đã phải tắt máy, có số máy gọi đến hỏi thăm thì lập tức ông nhắn lại: “Xin ông tha cho” bất cứ người đó là ai.

Nhiều người đã không hiểu tại sao, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế thì được báo chí ưu ái chụp mũ, đánh hội đồng, qui tội phản quốc, trong khi các nhà tri thức, các nhân sĩ lại bình an vô sự?

Vẫn là vấn đề tự do tôn giáo

Có ý kiến cho rằng, việc đấu tố linh mục Nguyễn Văn Khải chỉ là nước cờ chính quyền Cộng sản dùng để bắn tiếng hòng đe dọa các nhà trí thức, các nhân sĩ, bởi họ biết rằng không thể động tới các vị trí thức, nhân sĩ, cũng như một số vị công thần của chế độ.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào sự kiện nhà nước dùng cơ quan báo chí đánh hội đồng các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và Hòa thượng Thích Quảng Độ - sau khi ông đưa ra lời kêu gọi “tháng 5 bất tuân dân sự”, thì phải hiểu rằng bên cạnh việc dùng truyền thông đánh mạnh các vị lãnh đạo tôn giáo để răn đe các tiếng nói phản kháng từ các nhà trí thức, các nhân sĩ và những người hoạt động đấu tranh cho nhân quyền Việt nam, nhà cầm quyền Cộng sản đang tiếp tục bộc lộ bản chất đàn áp tôn giáo vốn đã là một chủ trương có từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền.

Không cần chứng minh dài dòng thì ai cũng có thể thấy suốt 60 năm qua, tôn giáo nói chung, cách riêng đạo Công giáo, luôn bị chính quyền Cộng sản đối xử một cách bất công. Rất nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đã bị bắt giữ, giam cầm và chết một cách oan uổng trong các nhà tù của chế độ. Các cơ sở tôn giáo bị chiếm dụng và biến thành các nhà kho hoặc bỏ hoang. Sự phân biệt đối xử đôi khi được đẩy tới mức độ cao trào: từ việc đưa mục tôn giáo vào chứng minh thư nhân dân nhằm kiểm soát người dân, cho tới việc dùng nhà trường tuyên truyền xuyên tạc về các tôn giáo, nhất là công giáo, khiến cho trong tâm thức của nhiều người, nhất là các đảng viên, Công giáo là một thứ ngoại lai và giáo dân luôn là công dân hạng hai.

Do đó, việc các cơ quan báo chí, truyền thông toa rập, đánh hội đồng chụp mũ các vị lãnh đạo tôn giáo trong vụ việc bauxite vừa qua, nhưng tạm bỏ qua cho các vị trí thức nhân sĩ, thực chất phản ánh một tâm thức bài tôn giáo có ngay từ khi cộng sản nắm quyền và cũng cho thấy thái độ bài tôn giáo, phân biệt đối xử với các tôn giáo một cách hiểm độc và đầy dã tâm. Câu nói của tác giả báo An ninh Thủ Đô: “Ông Khải lấy quyền gì mà nói chuyện ấy” phản ánh tâm thức phân biệt đối xử này.

* * *

Từ vụ Tòa Khâm sứ - giáo xứ Thái Hà, từ việc các chức sắc tôn giáo lên tiếng đề nghị chính phủ ngưng dự án bauxite và bị qui chụp, đánh hội đồng, cho thấy bao lâu còn chế độ cộng sản còn thì bấy lâu, người dân công giáo vẫn sẽ chỉ là công dân hạng hai và bị đẩy ra bên lề của xã hội. Họ không được pháp luật bảo hộ. Họ không có quyền lên tiếng nói dù đó là lên tiếng về những vẫn đề sống còn của dân tộc như vụ bauxite, như vụ Trường Sa – Hoàng Sa. Họ mãi sẽ chỉ là công dân hạng hai, không bao giờ được tham gia vào một số lãnh vực mà chính quyền cộng sản cho là nhạy cảm, như: ngoại giao, công an…

Có thể nói, tự do tôn giáo ở Việt Nam sẽ vẫn mãi chỉ là thứ tự do “xin – cho”, thứ tự do được ban phát như một thứ bổng lộc của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

Hà Nội ngày 13/5/2009
 
Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Mỹ đến Việt Nam
Người Việt
08:48 14/05/2009
HÀ NỘI 13-5 (TH).- Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đến Việt Nam tìm hiểu về tình hình tại chỗ qua cuộc tiếp xúc cả hai phía, viên chức chính phủ cũng như các người đối lập.

Hồi Thứ Ba 12/5/2009, phái đoàn do ông Michael Cromartie, phó chủ tịch ủy ban, cầm đầu đã tiếp xúc với Phó Thủ Tướng Kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm, đại diện Ban Tôn Giáo Chính Phủ và một số người đối lập gồm cả ông Nguyễn Khắc Toàn, một người đấu tranh dân chủ thường xuyên bị khủng bố ở Hà nội.

Phái đoàn dự trù đi thăm LM Nguyễn Văn Lý, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài ở trại tù Nam Hà.

Phạm Gia Khiêm, phó thủ tướng CSVN, nói với phái đoàn USCIRF rằng “Chính phủ Việt Nam luôn luôn nỗ lực đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.”

Nhưng trên thực tế, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Ðài, Tin Lành đều bị đàn áp nghiệt ngã. Các bản tường trình, tin tức phổ biến trong nhiều năm qua với các bằng chứng kèm hình ảnh cho thấy sự thật trái ngược với lời nói của ông Khiêm.

Bản tường trình hàng năm của USCIRF, của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đều nói tới sự đàn áp tôn giáo vẫn diễn ra hàng năm. Ðây chính là lý do USCIRF thường xuyên đòi chính phủ Hoa Kỳ xếp nước Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo trên thế giới.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Toàn cho hay ông đã bị nhà cầm quyền CSVN cản trở để ông không tới gặp phái đoàn nhưng ông vẫn tìm cách đến được điểm hẹn.

Trong bài tường thuật cuộc tiếp xúc giữa ông Toàn và phái đoàn USCIRF ở khách sạn Metropole, bản tin của nhóm phóng viên Dân Chủ cho hay “Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn đã nêu các nhận định của cá nhân mình về tình hình nhân quyền, dân chủ, đặc biệt về quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam trong những năm qua. Ông đã đưa ra các chứng cứ xác thực, chắc chắn để làm sáng tỏ về tình trạng vi phạm nhân quyền và xâm phạm các quyền tự do tôn giáo ở trong nước. Phái đoàn Hoa Kỳ đặt khá nhiều câu hỏi cho ông về các lĩnh vực trên và đặc biệt họ quan tâm đến hoàn cảnh cuộc sống, sinh hoạt của ông trong thời gian bị giam cầm trong lao tù trước kia, cũng như những sách nhiễu, đàn áp hiện nay của công an CSVN gây ra cho ông và cả gia đình ra sao.

Tại cuộc gặp gỡ, ông Toàn đã trưng ra ít nhất 02 giấy triệu tập của công an Hà Nội đã tống đạt buộc ông phải đi thẩm vấn cả ngày hôm 8/5/2009 và chiều 12/5/2009, cùng với một số hình ảnh công an thành phố đã đặt chốt canh gác xung quanh nhà trong thời gian ông tạm được ra tù và cả khi đã hết quản chế 3 năm tính từ hôm 24/12009 đến nay.”

LM Nguyễn Văn Lý bị bản án 8 năm tù từ Tháng 3/2007 và LS Nguyễn Văn Ðài bị án tù 4 năm từ tháng 5/2007 vì đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo.

(Nguồn: Người Việt, Wednesday, May 13, 2009)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thuyết nhân bản Kitô giáo
LM. Nguyễn Hữu Thy
16:06 14/05/2009

Thuyết nhân bản Kitô giáo



Hơn bao giờ hết, ngày nay chủ nghĩa vô thần đang vùng lên và xuất hiện dưới nhiều bộ mặt khác nhau với mục đích duy nhất là chối bỏ hay ít nhất là làm lu mờ sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng như sự hiện diện của Người trong vũ trụ, như: Thuyết tiến hóa; việc quảng cáo vô thần trên các thành xe buýt công cộng (đặc biệt ở các nước Tây phương, như Anh và Tây Ban Nha); các tổ chức liên minh tự gọi là tổ chức nhân bản, hay như hiện nay chính quyền thành phố Berlin, thủ đô CHLB Đức(1), đã cho thay thế môn giáo lý (Religionsunterricht) ở nhà trường bằng môn đạo đức học chung chung (Ethikunterricht); việc quốc hội và chính phủ của Liên Hiệp Âu Châu tẩy chay hay ngăn chận các ứng cử viên Kitô hữu có ý thức tôn giáo sâu xa; việc một số nhà nước trên thế giới lấn chiếm đất đai, các tài sản và cơ sở hay tìm mọi cách chèn ép và đàn áp các Giáo Hội Kitô giao nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng, với chủ ý là làm suy giảm tối đa có thể các khả năng sinh hoạt của Giáo Hội, hầu qua đó các ảnh hưởng luân lý Kitô giáo sẽ bị phôi pha lu mờ, v.v... Và như thế chủ nghĩa vô thần sẽ dễ dàng bành trướng mau lẹ giữa một xã hội vô định hướng và vô luân. Sau cùng, với hành động lộ liễu như thế, họ cũng nhằm mục đích là tạo ra cho người ta có cảm tưởng là thuyết nhân bản (Humanismus) chỉ do những người vô thần và những người nhân bản thuần túy xây dựng lên. Nhưng đó là một sự lầm lẫn hồ đồ. Bởi vì, luôn hiện hữu một thuyết nhân bản Kitô giáo chân chính (Christlicher Humanismus).

1. Chủ thuyết nhân bản vô thần

Chủ thuyết nhân bản tự nhiên, duy vật và vô thần khẳng định rằng con người là trung tâm vũ trụ. Tất cả mọi sự đều xuất phát từ con người và chỉ để phục vụ cho những lợi ích của con người mà thôi. Các hệ thống quy phạm, các luật lệ luân lý đều tùy thuộc vào một mình con người và chính con người cũng có thể thay đổi được cả bản tính tự nhiên của mình. Và sự diễn tiến này đều chấm tận trong chủ thuyết nhân bản thuần túy, một chủ thuyết lợi dụng được ngoài sự hiểu biết về sinh hóa học và di truyền, còn lợi dụng được cả thuyết tiến hóa của Charles Darwin nữa.

Nhưng người ta tự hỏi: Phải chăng điều mà chủ thyết nhân bản thuần túy tân thời hứa thực hiện được – tức một sự sáng tạo mới ra con người qua chính bàn tay con người – thực sự là một điều khả dĩ hay chỉ là một tham vọng đầy cao ngạo, hoàn toàn vượt khỏi tầm khả năng hạn hẹp của con người? Và nếu câu trả lời là tích cực, thì tất nhiên nó sẽ hoàn toàn thiếu hẳn khách quan tính và khả năng thuyết phục, trái lại, đó chỉ là một khẳng định thuần túy chủ quan và chứa đựng đầy nghi ngờ và mâu thuẫn!

Ở đây chúng ta có thể trích dẫn hai luận cứ chính yếu ngược lại như sau:

1) Tự trong bản chất của nó, con người không phải là một hệ thống đã hoàn chỉnh hay một cơ cấu đã được kiện toàn, nhưng là một thực thể luôn cần phải cải tiến và thay đổi để hoàn thiện thêm, tùy điều kiện thời gian, địa lý, khí hậu, v.v..., nghĩa là tùy môi trường sống. Sự hiện hữu của con người được khởi đầu một cách đặc biệt bởi một quyền lực tuyệt đối ngoại tại, chứ không phải tự chính con người tạo ra.

2) Bởi vậy, ngoài thuyết nhân bản tự nhiên, còn có một thuyết nhân bản Kitô giáo. Điều nó muốn nói lên rằng thuyết nhân bản chân chính và Kitô giáo không nhất thiết mâu thuẫn nhau.

Thuyết nhân bản Kitô giáo trình bày một con đường trung dung hợp lý. Đó là con đường chạy giữa hai thái cực hoàn toàn đối kháng nhau, đó là:

a) Thuyết nhân bản duy vật, có tính cách nhất nguyên (monistisch), tức chủ trương chỉ có một bản thể duy nhất mà thôi.

b) Thuyết thần bí cảm nghiệm (Mystizismus) nhân bản thuần tuý, phi lý trí.

Đúng vậy, thuyết nhân bản Kitô giáo tuy đề cao con người, nhưng lại nhìn nhận quyền ưu việt tuyệt đối của những chân lý mà Thiên Chúa đã mặc khải cho nhân loại.

2. Giáo Hội Công Giáo không bao giờ kết án Charles Darwin và lý thuyết tiến hóa của ông

Trước tiên, chúng ta cũng cần có một sự phân biệt rõ ràng về thuyết tiến hóa của Darwin, một lý thuyết mà tác giả của nó đã trình bày một cách đầy đủ trong các tác phẩm của ông: «On the Origin of Spies» - Về nguồn gốc của các giống loại (1859) và «The Descent of Man» - Dòng dõi con người (1871). Thực ra lý thuyết tiến hóa chỉ giải thích sự phát triển trong phạm vi những giống loại, một sự phát triển có thể làm nảy sinh những giống loại mới, chứ không có tham vọng giải thích tất cả những gì có liên quan đến hữu thể và sự sống. Để khám phá ra được manh mối sự khác nhau của các giống loại thì cần phải đi lùi lại dần về sự ngẫu biến (Mutation) của chất thể thuộc di truyền và về sự đào thải tự nhiên (Selektion), một sự đào thải đưa đến cho những kiểu mẫu phù hợp với môi trường một lợi điểm. Theo Darwin, sự ngẫu biến là một biến cố xảy ra cách «mù quáng», một biến cố hoàn toàn dựa trên sự tình cờ ngẫu nhiên một mình. Dựa theo chất thể thừa kế của nó, một kiểu mẫu phù hợp với môi trường nhất luôn luôn có được sự lợi điểm. Kiểu mẫu đó vượt thắng được những loại kém phù hợp cùng giống với nó và tiếp đến nó lại tiếp tục di truyền sự ngẫu biến của nó cho các thế hệ kế tiếp.

Trước hết, đứng vế phương diện nhận thức một cách lý thuyết thì người ta được phép đưa ra một vài ghi nhận về lý thuyết của Darwin như sau:

Thứ nhất, không thể có sự phát triển các giống loại theo đường thẳng, và người ta cũng không phỏng đoán trước được về biến cố sự phát triển của các giống loại sẽ kết quả ra sao. Ví dụ: một con mèo chỉ có thể sản sinh một con mèo, và con mèo được sảnh sinh ra đó có thể là một con mèo bạch hay một con mèo mun, chứ không thể sản sinh ra một con chó hay con heo được

Thứ hai, nếu thuyết tiến hóa là đúng thì không thể có một cứu cánh học, hay chung quả luận tự nhiên như Aristote chấp nhận(2), bởi vì sự ngẫu biến và sự đào thải tự nhiên xảy ra một cách tự động.

Thứ ba, thuyết tiến hóa khó có thể công nhận được niệm giới hay hệ biến hóa (Paradigma), ví dụ: chẳng hạn trong vật lý học.

Thứ bốn, nguyên nhân tính nắm phần ưu thế trong những biến cố tự nhiên trong thuyết tiến hóa cũng ít được chú ý tới như trong chung quả luận tự nhiên vậy. Bởi thế, những lúng túng và những giải thích bất cập trong thuyết tiến hóa của Darwin là một điều không thể tránh được.

Thứ năm, xét trong tổng thể của nó thì thuyết tiến hóa bất khả khảo sát một cách thực nghiệm. Vì thế, những chấp nhận siêu hình học, ví dụ về nguyên ủy hữu thể và vũ trụ, là một điều cần thiết, nhưng thuyết tiến hóa của Darwin lại bỏ qua, chứ không quan tâm tới. Bởi vậy, triết gia Karl Raimund Popper (1902-1994) đã chí lý khi ghi nhận thuyết tiến hóa là thuyết siêu hình học.

Thứ sáu, một vấn đề lý thuyết nhận thức cuối cùng hệ ở chỗ là: đứng về lãnh vực phương pháp học thì xem ra là điều khó khăn khi phải lựa chọn sự ngẫu nhiên như là nguyên tắc trọng tâm của lý thuyết như trường hợp nơi thuyết tiến hóa. Qua đó, sự tình cờ ngẫu nhiên trở nên hầu như là siêu nghiệm và gây khó khăn cho việc tìm ra câu trả lời tương xứng cho câu hỏi về sự khởi đầu và chấm tận của hữu thể, về sự sống và sự phát triển của nó.

Một câu hỏi quan trọng khác mà thuyết tiến hóa không thể trả lời được, đó là câu hỏi về sự khác biệt giữa loài vật và con người. Nhiều nhà theo thuyết tiến hóa đã tìm cách giải thích con người được coi như là một giống loại trong bao giống loại của loài vật. Trên thực tế, con người và loài vật đều là một phần của thiên nhiên; nhưng con người tự biểu lộ mình là một thực thể có tâm thức tôn giáo và văn hóa. Tiếp đến, con người biết ý thức về trách nhiệm của mình đối với môi trường thiên nhiên, đối với công trình sáng tạo. Thêm vào đó, một sự khác biệt hoàn toàn giữa con người và loài vật là hệ ở chỗ khả năng ngôn ngữ và khả năng suy tư một cách có hệ thống về hành động cụ thể. Trong khi đó, loài vật phần lớn chỉ có thể bày tỏ sự vui mừng hay sự đau đớn hay sự đe dọa của mình bằng những tiếng kêu trống rỗng vô nghĩa, chứ không có khả năng ngôn ngữ hay khả năng suy luận, nghĩa là chúng không thể diễn tả rõ ràng bằng lời nói chứa đựng đầy các ý nghĩa khác nhau như nơi con người. Chúng không thể bàn cãi trong những vấn đề thiếu đồng nhất giữa chúng và không thể suy tư về các vấn đề đó được. Vì thế, trong phần mở đầu tác phẩm «Politik» (Chính trị) của ông(3), triết gia Aristote đã định nghĩa con người là một sinh vật có khả năng ngôn ngữ và khả năng suy luận, và tự bản chất tự nhiên, con người là một sinh vật có xã hội tính (Polis). Chỉ trong xã hội hợp quần của mình, con người mới có thể phát huy được bản chất và mới sử dụng được các khả năng tinh thần của mình một cách thích đáng được. Còn loài vật tuy cũng có thể cấu thành được những liên hợp đơn giản, nhưng hoàn toàn do những nguyên nhân mang tính cách cơ cấu hay bản năng tự nhiên mà thôi và không có nhu cầu hay sự đòi hỏi văn hóa. So sánh với sự nhận thức của con người, thì loài vật thiếu hẳn cảm nhận về thẩm mỹ, sự «thỏa mãn không có ích lợi» (Kant)(4).

Trở lại với vấn đề Darwin, đối với ông tổ thuyết tiến hóa thì vấn đề không có liên hệ gì tới sự tương quan toàn diện giữa hữu thể và cuộc sống. Điều ông muốn chứng minh là có những sự phát triển tự nhiên của các giống loại thuộc về sinh vật học, và tất nhiên con người cũng trực tiếp nằm trong dòng chảy phát triển tự nhiên ấy. Nhưng Darwin lại không thể chứng minh được là đã có một sự phát triển liên tục từ một con vật thành một người. Tuy nhiên, một điều mà Darwin có thể chứng minh được là con người và loài vật có cùng nguồn gốc chung. Tuy nhiên, vị trí mà những hình thức phát triển của con người và của loài vật tách biệt nhau, thì hoàn toàn thiếu hẳn sự giải thích cần thiết. Thực ra, có một sự tiến hóa được coi như là một diễn tiến tự nhiên, nhưng các giống loại lại không thể khẳng định được tính cách đầy đủ độc lập chắc chắn của mình; trái lại, chúng cùng được cuốn theo một dòng chảy của sự diễn tiến tự nhiên.

Một điều người ta cũng không được quên là Giáo Hội Công Giáo không bao giờ kết án Darwin và lý thuyết của ông. Trong Thông điệp «Humani generis» (Về dòng giống con người)(5) của ngài ban hành năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh rằng thực ra trong thuyết tiến hóa của ông, Darwin đã nêu lên một giả thuyết đáng trân trọng có tương quan tới sự diễn tiến thuộc về thiên nhiên. Tuy nhiên Darwin lại không đưa ra được một sự giải thích đầy đủ về một sự phát triển liên tục của con người. Công trình khảo cứu của Darwin là một lý thuyết khoa học, nên nhất thiết cũng cần phải nhìn nhận nó như một lý thuyết khoa học mà thôi. Dưới bất cứ hoàn cảnh nào, công trình nghiên cứu này của Darwin không được phép lạm dụng để biến thành một ý thức hệ với những khuynh hướng nhất nguyên hay phiếm thần, như một chủ nghĩa tiến hóa.

3. Thuyết nhân bản Kitô giáo còn có nhiều ảnh hưởng trên sự thực hành của con người hơn cả thuyết hiện sinh Kitô giáo

Trước sau vẫn tồn đọng những điều bất khả giải thích được về sự phát triển của con người và về căn nguyên của nhân loại. Những điều bất khả giải thích này rất có thể giúp tìm ra được bằng chứng để lý giải sự khởi thủy hay sự mở đầu của bản tính con người. Vì chính con người biết được mình là tạo vật, nên sự khởi thủy ấy được quy hướng về một vị Thiên Chúa Chúa siêu việt là Đấng Tạo Hóa toàn năng của tất cả toàn diện vũ trụ và mọi tạo vật ở trong đó, kể cả con người. Trong tác phẩm «Die Stellung des Menschen im Kosmos» - Vị trí con người trong vũ trụ (1928) của ông, triết gia Max Scheler đã gọi sự khởi thủy hay sự mở đầu này là «tình trạng thuộc về sự sáng tạo» - (die Kreatürlichkeit).

Nhưng nếu con người là một tạo vật, thì không có nghĩa là con người trở nên lệ thuộc, chứ không được tự do. Không, con người là một tạo vật thực sự, nhưng con người hoàn toàn được tự do. Thiên Chúa mong muốn cho con người có sự tự do đích thực và không một ai được phép chiếm đoạt hay hủy bỏ được sự tự do đó của con người, kể cả Thiên Chúa cũng không. Đúng vậy, con người có thể hành động hay quyết định theo ý chí tự do của mình, một ý chí được dựa trên thiện ý, hoàn toàn đúng với suy tư của triết gia Immanuel Kant(6). Cũng như việc lựa chọn một sự vật thì hoàn toàn không có liên quan gì tới việc xác định sự vật đó. Cũng thế, con người không đánh mất đi sự tự do hay phải lệ thuộc, nếu con người nhận ra mình là tạo vật của Thiên Chúa.

Ở đây, chúng ta cũng cần phải nhìn lại các trào lưu triết học vào các thế kỷ XIX và XX, những trào lưu triết học đã đồng hành với Charles Darwin hay nối gót ông. Đó là triết học hiện sinh và chủ nghĩa hiện sinh. Chủ nghĩa hiện sinh qui định cho con người là chính con người cần phải tự mang đến cho mình và cuộc sống của mình ý nghĩa.

Theo Jean-Paul Sartre thì con người tự cảm nhận được mình hiện hữu, trước cả khi con người có thể tự mang lại cho mình ý nghĩa. Nói cách khác, sự hiện sinh có trước yếu tính. Bởi vậy, con người bị bó buộc phải tự mang lại cho mình ý nghĩa. Hữu thể con người chỉ đối mặt với sự hư vô tuyệt đối. Sự hư vô tuyệt đối này có thể chứa đựng một sự siêu nghiệm thầm kín hay một cách cụ thể là một sự hư vô tuyệt đối như triết gia Friedrich Nietzsche suy tư, khi ông đề cập đến «Nihilismus» - Thuyết hư vô! Nhưng Nihilismus này cần phải được vượt qua. Theo quan niệm Nietzsche thì «những siêu nhân» cần phải lấp đầy không gian siêu hình học bị bỏ trống, mà cái chết của Thiên Chúa đã để lại, chỉ bằng sự hữu của mình và bằng những giá trị do chính mình tạo ra.

Về sau cả Martin Heidegger cũng chú trọng đặc biệt vào sự khác biệt hoàn toàn giữa hữu thể và hư vô. Con người được giữ lại trong sự hư vô qua sự hiện hữu của mình.

Trước Nietzsche và Heidegger, nhà triết học người Đan Mạch Sören Kierkegaard đã tìm được một lối thoát ra khỏi sự hư vô tuyệt đối bằng sự quay về cùng Thiên Chúa như là hiệu quả của sự ăn năn hối cải về một cuộc sống dư dật thừa thải và thiếu luân lý. Sự nhận ra được sự hư vô tuyệt đối là nguyên nhân đưa tới sự hoài nghi thất vọng. Đối với Kierkegaard, sự hoài nghi thất vọng là một thứ «Bệnh làm chết người»(7). Và Kierkegaard cũng khám phá được rằng sự hoài nghi thất vọng và đức tin tôn giáo là hai thái cực đối kháng nhau. Đức tin có thể vượt lên trên sự hoài nghi thất vọng, nếu con người thực sự ý thức được một cách đầy đủ rằng mình hiện hữu trước mặt Thiên Chúa và không để mình sa lầy trong tội lỗi. Như thế, Sören Kierkegaard thực sự đã bước đi trên con đường dẫn tới thuyết hiện sinh Kitô giáo, tiền thân của thuyết nhân bản Kitô giáo vậy.

Các tác phẩm «L’Action» (1893) – Hành động, của triết gia Maurice Blondel; «Journal métaphysique» (1927 – Nhật ký siêu hình học và «Homo viator» (1945) – Người du khách, của triết gia Gabriel Marcel, đã cho thấy một cách rõ ràng là có một dị điểm Kitô giáo trong thuyết hiện sinh, đó là: Quả thực, con người nhất thiết phải tìm cho cuộc sống của mình một ý nghĩa, nhưng tất nhiên ý nghĩa của cuộc sống con người phải được định hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa là mục đích tối hậu của con người, vì Người là Tạo Hóa của tất cả mọi tạo vật và của từng tạo vật. Tuy nhiên thuyết hiện sinh Kitô giáo còn phải đối mặt với một nguy hiểm là nó có thể rơi vào một chủ thuyết nhân vị thuần túy (der reine Personalismus), nếu như người ta chỉ lấy một mình ý niệm «ngôi vị» hay «nhân thân» làm trọng tâm duy nhất.

Sau cùng, triết gia Jacques Maritain, người đã mang lại cho tân học thuyết Thánh Thomas những suy tự quan trọng mang tích cách quyết định, đã viết ra tác phẩm «Humanisme intégral» (1936) – Thuyết nhân bản trọn vẹn, một tác phẩm đã được dịch sang tiếng Đức vào năm 1950 với tựa đề «Christlicher Humanismus» - Thuyết nhân bản Kitô giáo. Với các dẫn chứng cụ thể, Maritain đã chứng minh rằng một học thuyết nhân bản mang tính cách Kitô giáo là một điều hoàn toàn khả dĩ. Đối với Maritain, chiếu theo yếu tính của nó, con người phản ảnh Đấng Siêu Việt, phản ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo, Đấng chính là tình yêu (x. 1Ga 4,8+16).

Thuyết nhân bản Kitô giáo có nhiều ảnh hưởng trên cuộc sống và sự thực hành của con người hơn cả thuyết hiện sinh Kitô giáo. Tương tự như Blondel, Maritain đã dành cho tác động con người một vị trí trọng yếu trong quan niệm triết học của ông. Cả phong trào dân chủ Kitô giáo tại Âu Châu cũng đã khám phá ở đây khởi điểm của mình. Nền tảng của thuyết nhân bản Kitô giáo được xây dựng trên khái niệm về ngôi vị dựa theo sự mặc khải của Thiên Chúa và theo luật tự nhiên cũng như theo đạo đức học Kitô giáo. Ở đây, một biểu tượng rõ ràng nhất của thuyết nhân bản Kitô giáo là cuộc sống hôn nhân Kitô giáo giữa người nam và người nữ. Trong đời sống hôn nhân Kitô giáo, cả hai người – vợ và chồng – cùng công nhận lẫn nhau như những cá thể khác biệt, trong đó mỗi người đều có trách nhiệm và quyền lợi riêng của mình, nhưng cả hai lại thực sự chấp nhận lẫn nhau, chấp nhận con cái và chấp nhận Thiên Chúa. Qua đó, cả hai người đã lựa chọn sự chấp nhận thực tiễn này trước mặt Thiên Chúa như là giao ước hôn nhân và cả hai cùng thề hứa với nhau một cách chắc chắn và bền vững.

Ngoài Jaques Maritain, còn có các văn sĩ người Anh: Gilbert K. Chesterton, một người trở lại Công Giáo, với các tác phẩm «Eugenics and other Evils» (1917) – Nhân chủng cải lương học và những điều xấu xa khác, và «The Everlasting Man» (1925) – Người trường sinh; cũng như văn sĩ Clive S. Lewis với tác phẩm «The Abolition of Man» (1943) – Sự hủy diệt con người, đã củng cố thêm quan niệm ngôi vị Kitô giáo. Trong tác phẩm lược khảo «Die Annahme seiner selbst» (1959) – Sự chấp nhận chính mình, cả nhà thần học và triết gia Romano Guardini cũng định hướng theo quan niệm về ngôi vị Kitô giáo.

Ở đây người ta có thể nêu lên những vấn nạn là: Phải chăng bây giờ con người được coi là thực thể phát xuất từ một khởi đầu đang trên đường tiến về siêu nghiệm? Thuyết nhân bản Kitô giáo có thể vượt thắng được thuyết tiến hóa của Darwin hay không?

Trên thực tế, câu trả lời được đặt nền tảng trên quan niệm về ngôi vị, một quan niệm đã được bắt nguồn từ tư tưởng của các triết gia Anicius Boethius (480-524) và thánh Thomas Aquinô (1225-1274). Nếu đi từ cứu cánh học hay chung quả luận tự nhiên, thì mục đích tối hậu của con người là Đấng Tạo hóa, tức là Thiên Chúa. Người là đệ nhất nguyên lý, đúng như triết gia Aristote đã trình bày trong cuốn XII của tác phẩm «Métaphysique» của ông. Nếu con người muốn hành động và sống một cuộc sống hạnh phúc và có luân lý phù hợp với yếu tính của mình, thì con người với tư cách là «Imago Dei», hình ảnh của Thiên Chúa, phải định hướng theo nguyên lý tối thượng đó, một nguyên lý đã được mặc khải trong Đức Kitô.

Trong tác phẩm «Natürliche Ziele» (2005) – Những mục đích tự nhiên, triết gia Robert Spaemann đã làm nổi bật ý nghĩa của cứu cánh học tự nhiên và ông đã nhấn mạnh sự quan trọng của nó đối với ý niệm Kitô giáo về ngôi vị. Còn trong tác phẩm khác của ông «Personen. Versuche über den Unterschied zwischen ‘etwas’ und ‘jemand’» (1996) – Các ngôi vị. Khảo lược về sự khác biệt giữa ’một cái gì đó’ và ’một ai đó’, Spaemann đã khai triển một ý niệm về ngôi vị, một ý niệm được dựa trên sự công nhận lẫn nhau của con người như là những ngôi vị với nhau. Tuy nhiên, để có được một định nghĩa trọn vẹn sau cùng về „ngôi vị“ thì hoàn toàn là một điều bất khả.

4. Bản tính con người bị tổn thương do tội nguyên tổ gây nên. Bản tính ấy chỉ có thể được cứu chữa nhờ hy lễ thập giá của Đức Kitô, nếu nó biết tin nhận Người

Vậy, thuyết nhân bản Kitô giáo tìm ra được lý do hợp lý của nó trong chính bản tính của con người như ngôi vị. Nhưng bản tính nhân loại đã bị tổn thương do tội nguyên tổ gây ra. Bản tính ấy chỉ được cứu chữa nhờ vào hy lễ thập giá của Đức Kitô, nếu nó biết tin nhận Người và bước theo Người. Điều đó muốn nói lên rằng con đường ranh giới phân biệt giữa thuyết nhân bản Kitô giáo và thuyết tiến hóa của Darwin chạy dài theo ý niệm về cứu cánh học hay chung quả luận. Trong khi đó, Darwin đã có một ý niệm sai lạc về cứu cánh tính: Ông cho rằng một cứu cánh tính, hay nói đúng hơn một tương tự cứu cánh tính (Quasi-Teleologie), „mù quáng“, một cứu cánh tính tự biểu hiện trong sự diễn tiến tự nhiên của sự biến hóa như là sự ngẫu biến và sự đào thải tự nhiên, chứ không luôn luôn có cùng một mục đích chắc chắn trước mắt. Điều này nói lên rằng cứu cánh tính được nói đến ở đây không thể mang tính cách nghiêm chỉnh, ví dụ như khi nó được xác định ở sự phát triển một cây cối chẳng hạn.

Thuyết nhân bản Kitô giáo nhìn nhận một mục đích rõ ràng và cố định của sự diễn tiến mang tính cách cứu cánh học trong chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Nếu người ta quan niệm sự tiến hóa như sự diễn tiến thực sự mang tính cách cứu cánh học, tức nhằm đạt tới một mục đích, thì sẽ đưa tới kết quả là một khả năng có thể nhìn nhận sự diễn tiến ấy như là sự tác động của công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hoàn toàn là một điều khả dĩ.

Nói tóm lại, những người Kitô hữu và những người theo thuyết nhân bản vô thần cùng phản ứng trên cùng một thực tại, tuy nhiên theo các cách thế hoàn toàn khác nhau. Đúng vậy, những người Kitô hữu nhìn tất cả mọi thực tại và mọi diễn biến trong vũ trụ dưới ánh sáng đức tin và trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Thuyết nhân bản Kitô giáo tự coi mình như là thuyết nhân bản với khuôn mặt con người luôn được hướng nhìn về Thiên Chúa Ba Ngôi.

__________________

1. Chính quyền hiện tại của thành phố Berlin, thủ đô nước CHLB Đức thống nhất, do hai đảng Xã Hội (SPD) và đảng Phái tả (Linke) hậu thân của đảng cộng sản Đông Đức, liên hiệp lãnh đạo. Hầu như tất cả các thành phần của chính phủ này đều là những người vô thần, ác cảm với tôn giáo hay có thái độ xa lạ với các tôn giáo. Chúng ta cũng biết rằng CHLB Đức là một quốc gia pháp trị, tự do, dân chủ thực sự. Vì thế, sau khi thống nhất đất nước giữa hai miền Tây và Đông Đức vào năm 1990, Đảng cộng sản vẫn không bị cấm đoán hay hạn chế, trái lại hoàn toàn được tự do hoạt động như mọi Đảng phái chính trị khác, mặc dầu trong hơn 40 năm nắm chính quyền ở Đông Đức (do sự áp đặt của Liên Sô) Đảng cộng sản đã gây nên bao tội ác cho trên 17 triệu dân Đông Đức. Tuy nhiên, những kẻ gây nên tội ác thì bị xử đúng theo chính luật pháp của Đông Đức, còn chính Đảng cộng sản thì không bị cấm đoán, vì sự tự do ngôn luận là một quyền căn bản của con người.

2. Aristote: Politik, cuốn I, 1252b27-35.

3. như trên, cuốn I, 1253a 1-29

4. Immnuel Kant: Kritik der Urteilskraft, 1790, §§ 5 và 6.

5. Pius XII, Thông điệp «Humani generis» 1950, 5f và 35-37

6. Immanuel Kant: Grundlegung zur Metaphysik der Sitten, 1795, 3. Abschnitt.

7. Sören Kierkegaard: The Sickness Unto Death (Bệnh làm chết người), 1849, 231 trang. Princeton University Press tái bản, 1946.
 
Thông Báo
Phân Ưu: LM Augustinô Nguyễn Thanh Huệ đã qua đời tại Florida
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
01:28 14/05/2009

PHÂN ƯU


Được tin
Linh Mục Augustinô Nguyễn Thanh Huệ
Nguyên Chánh xứ Giáo xứ Nữ Vương CTTĐVN tại Pensacola, Florida đã được Thiên Chúa gọi về ngày 12 tháng 5 năm 2009.

Sau đây là chương trình an táng:

Thứ Tư, Thứ Năm và Thứ Sáu
Thánh lễ cầu hồn lúc 6:30 giờ chiều tại:
Giáo xứ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo
3295 S. Barrancas Ave., Pensacola, FL 32507

Thứ Bẩy ngày 16 tháng 5 lúc 10:00 giờ sáng,
Thánh lễ An Táng
tại: St. Thomas More
510 Bayshore Dr., Pensacola, FL

Xin thành kính phân ưu với tang quyến, Cộng đoàn Dân Chúa
Gx NVCTTĐVN, Pensacola, Florida và thân bằng quyến thuộc
của Cố Linh Mục Augustinô.

Xin Thiên Chúa sớm cho Linh hồn Linh Mục Augustinô về hưởng Thánh nhan và trả công bội hậu cho ngài trong bao nhiêu năm phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội.

Kính xin quý Linh Mục trong Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ
dâng Lễ cầu nguyện cho người anh em của chúng ta.

Thành kính,

Chủ tịch LĐCGVNHK
 
Văn Hóa
Chuyện phiếm: Mẹ Việt Nam
Trà Lũ
16:13 14/05/2009
Chuyện phiếm: MẸ VIỆT NAM

Đất Canada này có 4 mùa rõ ràng, mùa nào ra mùa đó. Tháng trước trời còn băng giá, mặt đường còn vương vấn lớp tuyết mỏng, tháng này trời đã ấm, cây cỏ đã bắt đầu xanh tươi. Vườn nhà tôi hoa tulip đã nở, và đàn sẻ đã bắt đầu ríu rít chuyện trò.

Ngay đầu mùa xuân, ông ODP mời cả làng đến ăn tiệc. Tiệc nha, quan trọng lắm. Chưa bao giờ ông vui đến thế. Ông báo tin thằng cháu đích tôn của ông vừa đoạt giải ưu hạng của Trung Tâm Đa Văn Hóa Canada. Đây là cuộc thi dành cho các học sinh lớp 12, sắp lên đại học. Đề bài là ‘ Em hãy giới thiệu quê hương của em, em hãy viết ngắn gọn trong một trang giấy’.

Ông kể: Cháu mang đề tài về nhà, tra cứu sách vở cùng khắp, nhưng vặt đầu vặt tai vì không thể cô đọng các tài liệu về quê hương Việt Nam trong một trang giấy. Cái khó là ở chỗ đó. Ông nổi hứng liền nhảy vào giúp cháu đích tôn. Ông bảo cháu: Mình không nên giới thiệu đất nước theo lối giáo khoa thông thường, nghĩa là không nên bắt đầu bằng vị trí địa dư, sơ lược lịch sử, con người, chính quyền, kinh tế tài chánh, ngôn ngữ... , mà nên nói ngay tới mấy điều đặc sắc nhất mà những nước khác không có. Thấy cháu vẫn còn lúng túng chưa biết bắt đầu thế nào, ông đã viết ngay xuống giấy đoạn mở đầu, như thế này:

Thưa quý vị,

Thế giới chỉ biết đến Mông Cổ, một nước nhỏ bé ở phía bắc Trung Hoa, đa số dân chúng sống trên lưng ngựa, đã chiếm trọn nước Trung Hoa khổng lồ và cai trị Trung Hoa qua nhiều triều đại.

Thế giới chỉ biết đến đoàn kỵ binh Mông Cổ bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Cát đã tung hoành và dày xéo những giải đất mênh mông từ đông sang tây, đến tận Âu Châu.

Nhưng thế giới hình như đã không hề biết đến việc này: đoàn quân bách chiến bách thắng đó đã bị chận đứng lại ở phương Nam, không những một lần mà những ba lần, đã bị đánh bại một cách nhục nhã, đoàn bại binh đã phải rút về nước trong hỗn loạn và kinh hoàng.

Thưa qúy vị,

Cái nước nhỏ bé đó, cái nước nhỏ xíu David đã đánh bại nước không lồ Goliad đó, chính là nước Việt Nam chúng tôi....

Ông ODP kể tiếp: Thấy cháu tỏ ra hứng khởi về phần nhập đề này, tôi bèn giúp tiếp. Tôi bảo cháu nên khai thác tối đa mặt ngôn ngữ. Rằng nước Việt Nam bị Tàu cai trị một ngàn năm nhưng không hề bị đồng hóa. Tiếng Việt Nam hoàn toàn khác tiếng Tàu. Tiếng Tàu chỉ có bốn thanh, tiếng VN những 8 thanh. Người ngoại quốc nghe người VN nói chuyện thì như nghe hát. Về văn tự, xưa kia chữ viết của Việt Nam cũng như của Nhật Bản và Cao Ly đều có dạng như chữ Tàu, nhưng các đây 300 năm Việt Nam đã dùng dạng ABC dễ học, dễ đọc, dễ viết, trong khi Nhật Bản và Cao Ly vẫn loay hoay chưa làm được. Ngay cả người Trung Hoa dùng phương pháp Pin-Yin và Wade-Giles cũng chưa làm được. Chưa hết. Nghe người Anh người Pháp nói chuyện, ta có thể hiểu ý câu chuyện nhưng ta không biết được mối liên hệ giữa hai người vì cách xưng hô chỉ có I – You, Je – Vous, còn khi nghe người VN nói chuyện thì ngoài câu chuyện, ta sẽ biết thêm được liên hệ xã hội và tình cảm giữa hai người vì cách xưng hô trong tiếng Việt nói lên điều đó. Chưa hết, ông còn bảo cháu nội khai triển câu nói nổi tiếng ‘ Sao không bảo nó đến’. Câu này vỏn vẹn có 5 chữ mà có trên 50 nghĩa khác nhau nếu ta đảo lộn thứ tự 5 tiếng này, chẳng hạn như: Không bảo nó đến sao? Đến, sao không bảo nó ? Bảo nó đến, sao không ? Đến nó bảo không sao !.. .

Dân làng An Lạc của tôi đã say sưa nghe ông ODP khoe về cháu nội. Anh John lên tiếng hỏi ông về câu ‘Sao không bảo nó đến’. Anh chưa hề biết chuyện này. Ông ODP trả lời ngay: Đó là một câu nổi tiếng trong luận án tiến sĩ văn chương ‘ Le parler vietnamien ’ thời danh của LM Lê Văn Lý trình ở Viện Đại Học Paris năm 1947. Luận án này được chấm hạng tối ưu, magna cum laude, vì nó đã mở ra một lối nhìn cách mạng về ngôn ngữ tiếng Việt.

Anh John lại mở sổ tay ra biên chép. Anh bảo anh học tiếng Việt đã bao năm mà vẫn chưa học hết những điều tuyệt diệu của ngôn ngữ này.

Rồi đến bữa ăn. Ai cũng náo nức và hồi hộp vì vợ chồng ông ODP nấu ăn rất giỏi. Ông không cho biết trước thực đơn, gay cấn ở chỗ đó.

Mở đầu là phần khai vị. Ông bưng ra một đĩa pizza nóng và mời mọi người ăn theo cách của ông: pizza chấm với nước mắm tôm chanh. Dân làng cười ồ lên. Lạ qúa chứ. Nhưng mà ngon thật các cụ a. Rõ ràng đông tây gặp nhau ở món này. Nước mắm tôm chanh của ông mùi thơm rất nhẹ nhàng. Ông cho biết bí quyết: mắm tôm cộng với nước chanh ớt cộng với chút bia. Mấy muỗng bia làm cho bát mắm loãng ra, bớt đi nồng độ, ăn vào ta thấy thơm và mát trong miệng.

Món thứ hai, cũng khai vị, là gỏi cuốn. Cầm cuốn gỏi lên, tôi vẫn thấy các loại rau thơm, vẫn thấy chút dưa cà rốt và củ cải, vẫn thấy lá hẹ dài, nhưng không hề thấy tôm và thịt. Ông đã thay tôm và thịt bằng pizza. Lại pizza nữa. Và nước chấm là nước mắm chanh ớt pha loãng như thường lệ. Ngon thật và lạ miệng thạt, mới hay chứ.

Hôm nay ông bà ODP đã đi một bước khai phá và thám hiểm. Dân làng ăn xong ai cũng gật gù. Khó tính như Cụ Chánh và Cụ B.95 cũng phải nhận hai món khai vị là độc đáo và ngon.

Bây giờ mới tới món chính. Các cụ đã đoán ra món gì chưa ? Thưa là món phở, phở Bắc chính hiệu: nước trong, bánh vừa mềm vừa dai, thịt bò chín, mấy sợi hành tây, một chút lá mùi. Tô phở bưng lên thơm ngào ngạt. Bà vợ ông ODP cho biết: nhà tôi đã bỏ ra một ngày để nấu nồi nước dùng. Ông đã tự đi chợ, mua xương ống, về ngâm rồi tẩy rồi rửa rồi nấu, rồi vớt bọt. Quả là ngon. Chị Ba Biên Hòa đòi giá sống và tương đen tương đỏ, ông ODP lắc đầu. Ông bảo phở Bắc chính hiệu không có các thứ này. Tô phở bưng lên cho ai thì người đó phải ăn ngay. Phở phải ăn nóng mới ngon. Phở kỵ nói chuyện. An xong rồi mới nói. Ăn phở Bắc khác với nhậu lai rai lối người Nam. Người Nam nhậu thì vừa ăn vừa uống vừa nói chuyện.

Ông ODP chủ tiệc đã biểu diễn lối ăn phở kiểu Bắc Kỳ ngày xưa: ông không dùng muỗng. Ông dùng đũa gắp thịt gắp bánh, khi xong nửa tô thì ông bưng bát phở lên miệng, ông dùng đũa và phở và thịt vào miệng rồi húp nước. Ông bảo húp như vậy thì mới thưởng thức hết được cái thơm ngon của tô phở.

Chị Ba Biên Hòa và hai cô Huế trong làng lần đầu tiên được ăn phở Bắc chân truyền thì thích quá sức. Các vị này còn đòi nghe chuyện phở nữa. Ông ODP húp xong tô phở rồi kể ngay. Rằng ở Saigon trước 1975 chỉ có phở Hoà đường Pasteur và phở Bà Dậu đường Công Lý là chân truyền Bắc Kỳ. Rồi ông cười hà hà. Ông bảo chuyện Phở Hoà Pasteur ly kỳ lắm. Ban đầu là do một ông Bắc Kỳ gốc Nam Định, tên Hoánh. Di cư vào Nam, ban đầu ông Hoánh ở miền Xóm Mới Gò Vấp. Vì có nghề nấu phở nên ông lần mò xuống Saigon. Ban sáng ông đi chợ mua xương bò thịt bò về nấu, ban chiều ông đẩy xe phở ra góc đường Paster và Hiền Vương đứng bán. Vì đúng hương vị ngoài Bắc nên tiếng lành đồn xa, thực khách kéo đến nườm nượp. Ông Hoánh muốn cho khách nhớ tên bèn viết bột tấm bảng. Tên Hoánh nghe nhà quê quá, ông bèn đổi thành tên Hoà. Nghe được qúa chứ. Thấy đông khách ăn phở, một bà Nam Kỳ tên Xiêm đẩy xe cà phê đến gần. Ai ăn xong tô phở ngon cũng muốn làm thêm một ly cà phê nóng, thế là hàng cà phê cũng phát tài. Ông Hoánh và bà Xiêm trở thành thân thiết. Ông Hoánh vơ tiền một thời gian thì thấm mệt vì ngày nào ông cũng phải thức dậy từ tinh mơ để chuẩn bị và quá nửa đêm mới về tới nhà. Có tiền nhưng cực quá, ông bèn nghĩ việc chuyển sang nghề khác đỡ cực hơn. Lúc đó phong trào nuôi chim cút lên cao, ông bèn bán gánh phở và truyền nghề cho Bà Xiêm rồi đi nuôi chim cút.

Nghĩ chuyện đời thật buồn cười. Ông Hoánh gốc Bắc Kỳ, bán phở Bắc Kỳ, nay bàn giao phở Bắc kỳ cho bà Nam Kỳ. Bà Xiêm Nam Kỳ từ đó tiếp tục khai thác Phở Bắc mang tên Phở Hòa Pasteur cho đến ngày mất nước. Nghe nói nhờ gánh phở này mà con cái bà Xiêm ai cũng học thành tài. Chỉ tiếc cho ông Hoánh.

Anh John ngày xưa đã từ Biên Hoà xuống Saigon ăn phở Hoà. Anh công nhận là ngon. Anh thắc mắc là sau 1975,tại hải ngoại, chỗ nào có người Việt là có hệ thống phở Hoà của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, anh không biết các hiệu phở Hòa này có liên hệ gì với ông Hoánh và Bà Xiêm không.

Ông ODP trả lời ngay là không, và cách nấu phở và mùi vị phở Hoà Kháng Chiến hoàn toàn khác phở Hoà Pasteur ngày xưa. Ông biết cách nấu phở Hoà của Kháng Chiến. Ông hẹn một ngày đẹp trời ông sẽ biểu diễn. Sở dĩ ông biết nấu vì một người đàn em của ông khi ra hải ngoại đã xin được chân nấu bếp trong hệ thống Phở Hoà. Chà, chuyện này dài và vui lắm nha bà con.

Anh John giơ tay xin lên tiếng. Anh bảo hôm nay anh sung sướng vô cùng vì được nghe một vị có thẩm quyền về phở nói tường tận về lai lịch phở Bắc. Anh muốn xin nghe một chút chuyện cười liên hệ tới phở. Phe các bà nghe đến đây thì vỗ tay râm ran vì lời xin này đúng ý các bà qúa. Các bà đang thèm tiếng cười.

Lời yêu cầu này hoàn toàn bất ngờ. Anh H.O. đoán rằng hình như ông ODP chưa sẵn sàng nên anh nhảy vào ngay. Anh có một chuyện liên hệ tới nồi phở. Rằng có một hiệu phở kia ngon có tiếng. Chủ nhân ở tầng trên và nấu phở ở tầng dưới. Bữa đó khách hàng ăn phở xong ai cũng khen nức nở: phở bữa nay ngon hết sức. Chủ nhân cám ơn và trả lời là ông vẫn nấu như thường lệ, không có gì khác thường cả. Đến khuya, khi hết khách, ông thu dọn bếp núc. Khi rửa đến cái nồi phở thì ông giật mình. Ông thấy ở đáy nồi có cái yếm của vợ. Té ra là vợ ông phơi quần áo ở tầng trên, gió đã thổi bay cái yếm của vợ mặc hàng ngày vào nồi phở mà ông không hay.

Cả làng nghe đến đây thì phá ra cười như sấm. Các bà các cô vừa cười vừa đấm nhau thùm thụp. Ông H.O. kết chuyện: Ấy là cái yếm rơi vào nồi phở mà nước phở đã ngon dữ dội như vậy, giá cái khác rơi vào thì.. . Vừa nghe tới đây thì Ông ODP chạy vội tới bịt miệng anh H.O., ông không cho anh nói hết câu. Phe các bà vỗ tay râm ran về việc này.

Ông ODP để cho mọi người cười xong thì xin kể một chuyện phở, nhưng không liên hệ tới nồi nước phở, mà liên hệ tới mối tình phở. Rằng có một bà chủ quán phở kia là người có chữ nghĩa, nhan sắc nhưng góa chồng. Bà nấu phở rất ngon. Trong số khách đến ăn phở có một ông già mê bà như điếu đổ. Chắc ông đã có lời bóng gió.Bà liền trả lời, bà dùng toàn những món trong tô phở:

Nạc mỡ nữa làm gì !

Em nghĩ chín rồi

Đừng nói với em câu tái giá


Cây si đâu có chịu thua. Cây si bèn đáp lại, cũng dùng toàn những món trong phở:

Muối tiêu đâu có ngại !

Lão còn gân chán

Thử vui cùng lão miếng gầu dai


Đối đáp như vậy là hay qúa chứ, phải không các cụ ? Mà thôi, bữa nay tôi nói về phở dài rồi, xin tạm ngưng phở.

Đọc đến đây, các cụ đã thấy làng tôi hạnh phúc chưa ? Vừa ăn ngon, vừa chữ nghĩa, vừa tiếng cười. À, mà mải kể chuyện pizza chấm mắm tôm chanh, chuyện gỏi cuốn pizza, chuyện phở, tôi quên chưa khoe chuyện chữ nghĩa. Tôi mới có tin rất vui của hai người bạn quý.

Tin vui thứ nhất là Bác sĩ Nguyễn Lương Tuyền ở Montréal, miền Québec, vừa được Đại Học Y Khoa McGill tặng giải thưởng cao quý ‘Một Đời Thành Tựu’ ( Lifetime Achievement Award ). Đại Học Y Khoa McGill xưa nay nổi tiếng khắp thế giới vì đã đào tạo ra bao nhiêu thiên tài. BS Nguyễn Lương Tuyền bạn của tôi là một trong những thiên tài chuyên về giải phẫu nhi đồng. Ngoài bàn tay vàng giải phẫu, BS Tuyền còn là người có trái tim vàng. Ông rất tha thiết với các sinh hoạt cộng đồng. Ông đã từng là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Montréal và Chủ Tịch của Liên Hội Người Việt Canada trong nhiều năm. Ông còn là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Ông gốc Chu Văn An trường Việt mà tiếng Anh tiếng Pháp của ông như gió, ông Tây bà đầm phải nể sợ. Xin chúc mừng BS Nguyễn Lương Tuyền. Bạn thật xứng đáng lãnh Giải Thưởng cao qúy Lifetime Achievement Award.

Tin vui thứ hai là BS Lê Văn Lân, người bạn vong niên của tôi ở Texas, vừa hoàn thành một công trình biên khảo rất công phu, đó là tác phẩm ‘ Phù Thuật Việt Nam’. Sách nói về các thứ Bùa và Chú trên thế giới, từ quan niệm đến thực hành. Sách phân loại bùa của mọi tín ngưỡng. Ông là người tinh thông nhiều cổ ngữ và sinh ngữ. Ông đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu, so sánh và trình bày. Ngay cả BS Trần Ngọc Ninh, một học giả lão thành, đã phải công nhận là đọc xong cuốn sách này ông đã học hỏi thêm được rất nhiều điều hay. Tôi là người may mắn được tác giả cho đọc trước tập bút khảo công phu và giá trị này. Sách trình bày rất trang nhã, đầy hình ảnh các loại bùa trên thế giới, do nhà Nam Việt xuất bản. Tác giả sẽ chính thức trình làng tác phẩm vào tháng Sáu này tại Texas. Xin ngả nón bái phục sự thông thái uyên bác của cây bút khảo Lê Văn Lân và trân trọng giới thiệu tác phẩm hiếm và qúy này cùng các cụ.

Bây giờ đến phần tin thời sự của Anh John.

Anh John vui vẻ kể ngay vì đây là phần mà phe các bà thích nhất.

Tin đầu tiên là Canada sẽ quy định mức tiền lời của những công ty tín dụng. Hiện nay Canada có 2 công ty lớn: Visa Canada và Master Card. Trong khi các ngân hàng đã phải hạ lãi xuất xuống thấp nhất thì những công ty tín dụng này chém chúng ta vô tội vạ. Xưa nay chúng ta đi mua sắm toàn trả bằng thẻ tín dụng, ít ai trả bằng tiền mặt. Việc này trở thành thói quen mất rồi. Cứ việc mua sắm thả giàn, cuối tháng sẽ tính sau.

Cái ‘tính sau’ này mới đau. Mây công ty tín dụng hè nhau chém khách hàng ghê qúa. Tổng trưởng tài chánh vừa lên tiếng cảnh cáo các công ty tín dụng, bắt họ phải hạ thấp tiền lời cho vay như các ngân hàng.

Cụ B.95 khi nghe đến tiếng thẻ tín dụng thì hỏi anh John đó có phải là cái thẻ nhựa lấy tiền không. Anh John gật đầu rằng đúng. Cụ B.95 liền vừa cười vừa kể chuyện ngày mới từ Hà Nội sang Canada năm 1995, cụ đã bị vợ chồng thằng con trêu đùa bằng cách bịp cụ nhiều thứ. Cụ kể: Ngày đầu chúng chở tôi đi chợ. Tới ngã tư chúng ngừng xe rồi bảo: Ở Canada này không ai giữ tiền mặt trong nhà, ai ở đây cũng bỏ tiền ỡ ngã tư. Lúc nào cần thì ra ngã tư gõ vào cái máy, cái máy liền xì tiền ra ngay. Nói rồi nó xuống xe, tiến đến cái cửa sổ, nó lấy miếng thẻ nhựa cọ vào máy và tự nhiên tiền giấy chạy ra thật. Tôi kinh ngạc vô cùng. Bỏ tiền vào túi xong, nó hỏi tôi: Mẹ đã thấy cái xứ Canada này là thiên đàng chưa ? Rõ ràng tiền con để ở ngoài đường, ở ngã tư nha. Chưa hết, khi lái xe về gần tới nhà, nó bảo ở Canada người ta không cần dùng chìa khóa để mở cửa nhà xe, mà chỉ vỗ tay một cái là cửa nhà xe hiểu ý và mở ra ngay. Nói rồi nó vỗ tay một cái, và quả thật cái cửa nhà xe mở ra. Sau này tôi mới biết là trong khi nó nói bịp tôi thì vợ nó đã bấm cái remote control. Bố cái thằng, láo thế !

Rồi anh John xin kể tiếp một chuyện rất Canada. Có lẽ chỉ ở Canada mới có chuyện này. Rằng từ khi Canada mở các sòng bài thì nhiều người đã cháy túi, đã mất hết cơ nghiệp. Dân kêu, nhưng Canada cứ cho các sòng bài tiếp tục mở. Xứ tự do dân chủ mà. Rồi dân kêu lớn tiếng. Chính quyền Canada liền ra một đạo luật bắt các sòng bài phải làm một cái máy đặc biệt để án ngữ những người đã dốc lòng chừa đánh bài. Ai muốn chừa thì đến ghi danh với sòng bài. Họ sẽ cấp cho bạn một cái thẻ ‘ chừa đánh bạc’. Hôm nào bạn bị cám dỗ qúa, cơn nghiền nổi lên và bạn quyết đi đánh bạc trở lại, thì khi bạn tới sòng bài, cái máy sẽ phát hiện ra bạn và sẽ không cho bạn vào sòng. Lý thuyềt là thế nhưng thực tế thì không vậy. Chủ sòng bài đã để cái máy lơ là. Anh Peter Dennis ở Ontario mới kiện một sòng bài ra tòa và đòi bồi thường 3 triệu. Lý do: Anh đã quyết tâm chừa đánh bài, đã ghi tên vào ‘sổ chừa’ thế mà cái máy của sòng bài vẫn để anh vào, và anh đã thua đậm, đã tiêu hầu hết gia tài. Anh vừa mất tiền vừa bị tâm thần khủng hoảng. Tòa án đã thụ lý và sẽ xử vào tháng Sáu. Chưa biết phán quyết của tòa sẽ ra sao. Các cụ phương xa đã thấy sòng bài nào lại có cái máy tân kỳ ngăn người vào như ở Canada chưa ?

Tin tiếp theo là một máy bay của Canada mới bị không tặc uy hiếp ở Jamaica. Không biết do sơ sót làm sao mà một tên điên có súng đạn đã lọt lên máy bay Canjet của Canada. Khi máy bay sửa soạn đáp xuống phi trường Jamaica thì tên điên này giơ súng ra. Hắn uy hiếp một phi hành đoàn 9 người và 159 hành khách. Canada đã tiên liệu những việc như thế này nên đã huấn luyện cho phi hành đoàn biết cách ứng phó khi bị không tặc. Phi công trưởng đã đứng ra điều đình với tên điên, bằng lòng đi thu góp tiền bạc cho đủ số nó đòi. Trong thời gian thương thuyết và đi thu tiền thì lực lượng an ninh phi trường có đủ thời gian đối phó, đã ập vào phi cơ và tên này đã không kịp phản ứng. Hắn đã bị bắt. Chính quyền Canada và Jamaica đã hết lời ca ngợi phi hành đoàn Canada. Các cụ nhớ nha, phi hành đoàn Canada giỏi thế đó.

Rồi anh John kể tin Sông Hồng Hà ở Canada gây cảnh lut lội. Khi loan tin này thì anh cứ nhìn tôi mà cười. Cái anh này lém lỉnh qúa sức. Các cụ biết ở tỉnh bang Monitoba ngay sát Ontario của chúng tôi có một con sông vừa lớn vừa dài. Đầu mùa xuân, vì thời tiết thay đổi đột ngột nên tuyết tan và băng trên mặt sông tan nhanh, nước tiêu không kịp nên đã gây cảnh lụt lội cho các khu vực ven sông. Chính quyền Manitoba đã phải lên tiếng xin chính quyền liên bang tiếp cứu. Cô Huế Cao Xuân bèn lên tiếng hỏi anh Johh tại sao anh lại đặt tên cho con sông là Hồng Hà. Anh John bèn cười hì hì. Anh bảo vì tên nó là Red River. Tên con sông này do người Da Đỏ đặt vì khi xưa đây là đất của người Da Đỏ. Tại sao Da Đỏ lại đặt tên con sông là Red River ư ? Thưa, theo lập thuyết của bác Trà Lũ thì người Da Đỏ ở Bắc Mỹ này vốn có gốc VN. Tổ tiên họ ngày xưa chính là đoàn 50 con đã theo mẹ Âu Cơ lên núi phương Bắc. Sử VN chỉ kể có thế. Nhưng theo nhân chủng học và khảo cổ học thì đoàn con này đã tiến lên cực bắc. Khi hết đường ở phía bắc thì họ tiến sang phía tây, nơi đây họ gặp eo biển Bering lúc đó còn khô cạn. Họ đã theo eo biển Bering này, và đã bước vào giải đất mênh mông, ngày nay có tên là Canada. Khi gặp con sông này, họ nhớ tới con sông Hồng Hà ở gốc tổ Việt Nam nên đem tên Hồng Hà đặt cho con sông, rồi dịch sang Anh văn là Red River cho dân da trắng dễ nhớ. Tôi phục cái anh John này qúa, thông minh lạ thường.

Nghe đến đây xong, Chị Ba Biên Hòa liền lên tiếng hỏi chủ nhà: Tháng này có lễ Hiền Mẫu, sao chưa thấy phe liền ông tán dương các bà mẹ gì cả ? Ông ODP liền trả lới ngay: Chúng tôi có chương trình vinh danh các bà nhưng chưa tới lúc thôi. Tôi chưa dám vào chương trình này vì thấy anh John kể chuyện hấp hẫn quá, và tôi thấy cả làng chăm chú nghe, không những chăm chú mà còn tỏ ra thích thú nữa nên tôi chưa dám vào đề.

Rồi ông phát biểu: Xưa nay người Mẹ vẫn là biểu tượng của Tình Yêu. Có người giải thích như sau: Tất cả nhân loại là con của Thượng Đế. Vì Thượng Đế còn phải lo việc toàn thể vũ trụ mênh mông nên Thượng Đế đã giao việc yêu thương con cái của Ngài cho các bà mẹ. Bởi vậy tình yêu của các bà mẹ xuất phát từ Thượng Đế. Bởi vậy nói tới Mẹ là nói tới tình thương, tình yêu. Theo lịch sử thì Bồ Tát Quan Thế Âm ở Ấn Độ là môt nam nhân, nhưng khi sang tới Việt Nam thì Bồ Tát Quan Thế Âm đã mang dạng người nữ, vì chỉ có ở dạng này Bồ Tát mới nói lên hết được lòng thương yêu mọi chúng sinh.

Ngay trong ngôn ngữ của chúng ta, khi nói về quê hương đất nước thân yêu, chúng ta gọi quê hương là ‘ MẸ Việt Nam’, chứ chúng ta không gọi quê hương là ‘ Cha Việt Nam’ bao giờ.

‘Mẹ Viêt Nam’ nghe thân thương làm sao !

Mẹ Việt Nam ơi, con yêu Mẹ vô cùng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Như Cây Sáo Của Ngài
Lm. Trần Cao Tường
17:23 14/05/2009

NHƯ CÂY SÁO CỦA NGÀI



Ảnh của Cao Tường

Xin cho đời con như cây sáo của Ngài

Chúa gieo vào giai khúc thanh khiết muôn đời.

Chúa cho đầy vơi mát tươi cuộc sống

Khi tay Ngài âu yếm ngây ngất tâm hồn.

(Ân Đức, Dấu Ấn Tình Yêu, cảm hứng thơ Tagore)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Deo Favente – Didactics
Nguyễn Trọng Đa
00:01 14/05/2009
Deo Favente
Deo Favente, Nhờ Chúa thương, Nhờ Chúa giúp. Được nói trước khi bắt đầu vào một việc mà tương lai được phó thác cho Chúa quan phòng.
Deo Gratias
Deo Gratias, Tạ ơn Chúa. Một trong những câu đáp trong phụng vụ Thánh thể, chẳng hạn vào cuối Thánh lễ. Cũng là câu được một số cộng đoàn Dòng tu sử dụng, để bắt đầu hay kết thúc một việc chung cộng đoàn, chẳng hạn đọc sách hay nói chuyện trong bữa ăn.
Deontologism
Nghĩa vụ luận. Thuyết gắn liền với triết gia Immanuel Kant (1724-1804), cho rằng chỉ có các hành vi làm với động cơ nghĩa vụ mới có giá trị luân lý. Đây là một triết học đạo đức cứng rắn, gần với phái Khắc kỷ, chủ trương rằng nhân đức là phần thưởng riêng rồi, do đó “nghĩa vụ vì nghĩa vụ” là mệnh lệnh đạo đức cao nhất của con người. (Từ nguyên Hi Lạp deon, bắt buộc + logia, khoa học, kiến thức.)
Deontology
Nghĩa vụ học, đạo nghĩa học. Một từ ngữ đuợc đưa vào triết học bởi Jeremy Bentham (1748-1832) năm 1826, để đặt cho khoa học về đạo nghĩa hoặc nghĩa vụ học, chủ yếu để phân biệt với luật hoặc pháp luật học.
Deo Optimo Maximo
Deo Optimo Maximo, Kính dâng Thiên Chúa Chí thiện Chí đại. Khẩu hiệu của Dòng Biển Đức. Cũng còn viết là Domino Optimo Maximo (Kính dâng Thiên Chúa Chí thiện Chí đại.)
Deo Volente
Deo Volente, Chúa muốn, nếu Chúa muốn. Lời nói phó thác cho ý Chúa khi làm một công việc mà kết quả của nó là không chắc chắn theo cách nói của con người.
Depression
Chán nản, nhụt chí, suy sút tinh thần, trầm cảm. Một từ ngữ được các nhà tu đức dùng để mô tả tình trạng nhụt chí, trong đó một người cảm thấy thiếu tự tin, muốn rút lui, thiếu sự đáp trả cho kích thích thông thường, và bi quan về tương lai. Các nhà thần học tu đức khổ chế cảnh báo về việc đừng để thua các tâm trạng suy sút tinh thần, mà các ngài mô tả như là đặc tính cám dỗ cho những người phấn đấu sống thánh thiện.
De Profundis
Thánh vịnh De Profundis, Thánh vịnh 129 “Từ vực sâu”. Thánh vịnh này là một trong 15 thánh vịnh Lên đền và một trong bảy thánh vịnh Thống hối. Nó là một phần trong Thần vụ, thường đọc hay hát trong giờ Kinh Chiều, và luôn hát hay đọc trong Giờ kinh cầu cho tín hữu quá cố. Trong Cẩm nang các Ân xá được duyệt lại, có tiểu xá cho mỗi lần đọc thánh vịnh De Produndis. Đây là đề tài kêu xin lòng thương xót của Chúa, và diễn tả sự tín thác tin tưởng vào Chúa. Tại một số quốc gia, Thánh vịnh này được đọc cùng với việc rung chuông vào khoảng 9 giờ tối, và tại Ireland thánh vịnh thường được đọc cuối Thánh lễ, sau bài Tin mừng cuối cùng, để cầu cho nạn nhân của các vụ bách hại tôn giáo trước đây.
Desacralization
Phi thánh thiêng hóa. Là sự tách ra hoặc làm giảm các biểu tượng thánh thiêng khỏi đời sống tôn giáo và phụng tự. Trong Kitô giáo đó là hệ quả thực tiễn của việc giải trừ huyền thoại khỏi Kinh thánh và thánh truyền. Khi lòng tin của con người ít quan tâm đến các mầu nhiệm mặc khải liên quan đến Chúa, bộ nghi lễ tôn giáo của họ trờ thành phi thánh thiêng hóa.
Descent Into Hell
Xuống ngục tổ tông. Là việc Chúa Kitô xuống ngục Tổ tông, trước khi Ngài sống lại, để giải thoát các linh hồn đang tạm ở đó. Mục đích của việc Chúa xuống ngục Tổ tông là giải thoát mọi linh hồn được cứu vớt, khi họ qua đời trước khi áp dụng các hoa quả của công trình Cứu độ. Khi Chúa xuống ngục Tổ tông, họ được diện kiến thánh nhan Chúa ngay lập tức. Giáo lý này được dạy trong mọi kinh Tin kính thời đầu và được Công đồng chung Lateran thứ tư định tín. (Denzinger 429).
Desecration
Giải thánh, giải hóa thánh thiêng. Là sự làm uế tạp một người, một nơi hoặc một vật đã được cung hiến. Các nhà thờ bị giải thánh do các tội ác phạm trong đó, chẳng hạn giết người chủ tâm, hoặc sử dụng nơi thánh cho mục đích vô thần hoặc xấu xa. Một nhà thờ bị giải thánh phải được tái cung hiến trước khi việc Phụng tự có thể được thực hiện tại đó. (Từ nguyên Latinh dis, trái với + sacrare, cung hiến, hiến thánh.)
De Seq
De sequenti—của ngày lễ hôm sau.
Desert (In The Bible)
Sa mạc trong Kinh thánh, nơi hoang vắng. Một vùng đất hoang hóa, thường không có người ở nhưng nhất thiết không phải không có nước, hoặc là nơi không thể không sinh sống được. Sa mạc chính được nói trong Kinh thánh là nơi mà dân Do Thái đã đi băng qua, sau khi họ vượt qua Biển Đỏ và cho đến khi họ tới được Đất Hứa. Các sa mạc khác có tầm quan trọng trong Kinh thánh là sa mạc Judah, ở phía tây sông Jordan và Biển Chết; sa mạc Arabia, Moab, và Idumea, ở phía đông Palestine, gần Biển Chết; sa mạc Ziph, nơi Vua David đến ở khi chạy trốn Saul, ở phía nam Biển Chết và Hebron. Thánh Gioan Tẩy giả sống và giảng dạy tại sa mạc Judaea, gần Jericho. Cuộc cám dỗ Chúa Kitô được cho là diễn ra trong sa mạc ở phía tây sông Jordan.
Desertion
Bỏ rơi. Là hành động bỏ rơi hoặc từ bỏ một người hoặc một tình trạng mà trước đó đã tự do chấp nhận. Cha mẹ, vợ chồng, con cái, hoặc một cộng đoàn tu sĩ có thể là nạn nhân của sự bỏ rơi.
Desire
Thèm muốn, khát vọng, ước vọng. Là mong muốn hoặc thèm muốn một sự sở hữu, hay thèm hưởng một điều gì mà sự thèm muốn của người ấy không có vào lúc đó. Các thèm muốn là tự nhiên nếu chúng phát sinh từ việc người ta thiếu do bẩm sinh; chúng là siêu nhiên khi được linh hứng bởi ơn Chúa. Bản tính sa ngã của con người có những thèm muốn hướng về sự tội, nhưng thay vì sa vào tội lỗi, các thèm muốn dục vọng này là một nguồn công đức miễn là chúng được kiểm soát hợp theo ý Chúa.
Desire For Beatitude
Thèm muốn hạnh phúc, khát vọng hạnh phúc. Là mong muốn tự nhiên cho được hạnh phúc trọn vẹn. Khuynh hướng cơ bản của con người là được hạnh phúc cách đầy đủ. Khát vọng phổ quát này được tìm thấy trong mọi người chẳng trừ ai, ngay cả trong người bất thường hay khuyết tật, mặc dầu với sự lệch lạc nào đó. Khát vọng này cũng không thể không tránh được, vì nó kéo dài suốt cả đời người. Cuối cùng nó cũng không thể cưỡng lại được, vì nó liên lỉ đòi sự thỏa mãn. Sự bất an không ngừng của con người, được thấy trong sự hoạt đông liên tục của nó, là sự diễn tả cho khát vọng bẩm sinh này dưới nhiều hình thức khác nhau. Các nhà thần học thảo luận liệu bản năng vì hạnh phúc viên mãn này là một khát vọng tự nhiên hướng về thiên đàng hay không. Giáo hội giải thích rằng ân sủng dựa vào tự nhiên, và do đó ý chí con người được ân sủng linh hứng có thể có một khát vọng mạnh hướng về thiên đàng và chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa. Nhưng đây đã là một đức cậy siêu nhiên và không thuộc về bản tính con người.
Desolation
Sầu khổ thiêng liêng, phiền muộn, cô đơn. Là một sự sầu phiền tạm thời của tâm trí và sự xáo trộn của ý chí và cảm xúc, được Chúa cho phép để thanh luyện linh hồn các tín hữu. Nó có thể do quỹ dữ gây ra hoặc do một loạt nguyên nhân khác, nhưng nó luôn có mục đích, cụ thể là kéo tình cảm con người ra khỏi các thụ tạo và đem tình cảm ấy đến gần với Đấng Tạo thành hơn. (Từ nguyên Latinh de, từ, khỏi + solus, một mình, đơn côi, cô đơn.)
Despair
Thất vọng, tuyệt vọng. Là tội lỗi mà một người từ bỏ mọi niềm hy vọng cứu độ hoặc phương tiện cần thiết để vào thiên đàng. Như thế nó không phải là thuần túy lo âu về tương lai hoặc sợ rằng người ta bị mất ơn cứu độ. Nhưng nó là sự đầu hàng cố ý cho ý tưởng rằng bản tính con người không thể hợp tác với ân sủng của Chúa, hoặc rằng người thất vọng là quá xấu xa đến nỗi không thể được cứu độ nữa, hoặc Chúa đã bỏ rơi mình rồi. Đây là một tội trọng chống lại lòng nhân từ của Chúa. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng một xu hướng tuyệt vọng có thể làm tổn thương nghiêm trọng cho sức khỏe thể lý và tinh thần của con người, và mỉa mai thay có thể dẫn đến mọi thứ nuông chiều tội lỗi. (Từ nguyên Latinh de, ngược lại + sperare, hy vọng: desperatio, thất vọng.)
Despotism
Chuyên quyền, chuyên chế. Trong triết học kinh viện, đây là sự cai trị như một người độc tài, hoặc vì lợi ích của nhà cầm quyền, hoặc ít nhất là độc đóan và không quan tâm đến quyền lợi của người bị trị. (Từ nguyên Latinh despoticus, chuyên chế; từ chữ Hi lạp despot_s, người thấy, người chủ.)
Destiny
Số mệnh, vận mạng, thiên mệnh. Nói cách tổng quát, là trật tự được xếp đặt sẵn của các sự việc. Do đó, vận mạng con người là việc Chúa xếp đặt mọi nguyên nhân phụ thuộc dẫn đến mục đích sự hiện hữu của con người, đó là có Chúa bên mình ở Thiên đàng. Nhưng vận mạng này luôn là có điều kiện, tùy thuộc vào sự hợp tác chủ ý của con người với ân sủng Chúa. Trong từ ngữ ngọai giáo, số mệnh là số phận của mỗi người đã được tiền định nhất thiết trước rồi. (Từ nguyên Latinh de, xuống + stanare, làm cho đứng vững: destinare, giải quyềt chắc chắn.)
Detachment
Siêu thóat, không dính bén, dứt bỏ. Trong tu đức học, là sự không quyến luyến các thụ tạo vì lòng mến yêu Đấng tạo hóa. Khi tội trọng có dính líu, sự dứt bỏ tội là mệnh lệnh cho được cứu độ. Sự dứt bỏ các thụ tạo, vốn là trở ngại cho việc phục vụ trọn vẹn cho Chúa, là một điều kiện thông thường để tiến tới trong đàng nhân đức thánh thiện.
Determinism, Absolute
Thuyết tất định tuyệt đối. Là triết học chối bỏ ý muốn tự do vào Chúa hay vào con người. Mọi thuyết phiếm thần là các hình thức của thuyết tất định tuyệt đối.
Determinism, Natural
Thuyết tất định tự nhiên. Là quan điểm cho rằng ý chí con người là hòan tòan bị xác định bởi bản tính, trong đó có di truyền, giáo dục, môi trường hoặc kết hợp các yếu tố này. Do đó, thuyết cho rằng ý chí con người không tự do hơn thân xác thể lý của con người.
Determinism, Theological
Thuyết tất định thần học. Là thuyết nói rằng ý chí con người là không tự do trong bất cứ hành vi nào của nó, nhưng được quyết định bởi ý Chúa.
Detraction
Nói hành, nói xấu, gièm pha. Là tỏ lộ điều gì về người khác, vốn là đúng nhưng ảnh hưởng xấu cho thanh danh người ấy. Cấm tỏ lộ lỗi mật hay khiếm khuyết mật của người khác, trừ phi có sự lành tương xứng liên quan. Một điều gì đúng tự thân nó không biện minh cho việc tiết lộ nó được. Nói xấu là một tội chống đức công bình. Nó bộc lộ một trong những điều mà đa số người khác xem là quan trọng hơn của cải, bởi vì một người có quyền giữ thanh danh của mình, dù nó có đáng hay là không. (Từ nguyên Latinh detractio, sự rút lui.)
Deus Ex Machina
Deus ex machina, giải pháp thần diệu, kết cục thần tình. Nghĩa đen là “vị thần từ cái máy”, nhắc nhở đến thủ thuật đưa một thần linh hiện ra trên sân khấu cổ, để ban một giải pháp thần diệu cho một khó khăn kịch tính. Từ ngữ này có nghĩa là bất cứ ý tưởng, sự việc, hay nhân vật được đưa vào một cách nhân tạo để giải quyết một tình trạng xem là bất khả.
Deus Vult
Deus Vult, Chúa muốn, Chúa muốn việc này. Khẩu hiệu của các người tham gia Thập tự chinh.
Deuterocanonical
Thứ quy, thuộc thứ quy điển. Là sự quy chiếu đến các cuốn sách hay các đọan văn trong Cựu Ước và Tân Ước, vốn đã gây ra nhiều tranh cãi một thời trong thời đầu lịch sử Kitô giáo. Trong Cựu Ước, đó là sách Tôbia, Giuđitha, Khôn ngoan, Huấn ca, Barúc, I và II Macabê, vài phần của Ette (10:4-16, 14) và Đanien (3:24-90, 13, 14). Trong Tân ước, đó là Thư Do thái, Thư Giacôbê, Thư II Phêrô, Thư II và III Gioan, Khải huyền và Marcô 16:9-20. Tất cả các sách và các phần trên đây đều được Giáo hội Công giáo công nhận là một phần của chính lục (hay quy điển) Kinh thánh. Nơi một số giáo phái Tin lành, các sách thứ quy của Cựu Ước đều bị lọai bỏ, vì xem là ngụy thư, cùng với 12 câu cuối cùng của Tin mừng theo thánh Marcô.
Deuteronomy
Sách Đệ Nhị luật (Đnl). Là cuốn sách thứ năm của Kinh thánh. Tên của nó (từ ngữ Hi Lạp deuteros, thứ hai; nomos, luật) là một từ mô tả sai, bởi vì sách không chứa luật mới, nhưng nhắc lại một phần các luật cũ với sự khuyến khích khẩn thiết người ta giữ các luật ấy. Phần đầu xem lại các biến cố xảy ra sau khi công bố luật (ch 1-4). Phần thứ hai là dài nhất (ch 5-26) và nhắc lại Giao Ước, nói về nghĩa vụ của người Do Thái đối với Chúa (ch 5-11), các vị đại diện của Chúa và những người láng giềng. Phần thứ ba là lời kêu xin tuân giữ luật Chúa, đổi mới giao ước với Đức Chúa (Chúa Giavê), và bài ca của ông Moses (Mô-sê), trong khi chỉ định ông Joshua (Giô-suê) làm người kế vị cho mình.
Devil
Qủy, ác thần, tà thần, ác quỷ. Là thiên thần sa ngã hay thần dữ, nhất là thủ lĩnh các thiên thần phản lọan, gọi tên là Lucifer hay Satan, Ác Quỷ (Mt 25). Lúc tạo thành, thiên thần này có ơn thánh hóa, nhưng phạm tội do kiêu ngạo và cùng với nhiều thiên thần khác, bị từ chối chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa. Nơi ở của Ác quỷ là hỏa ngục và không được hưởng các lợi ích của việc Chúa cứu chuộc. Tuy nhiên ác quỷ vẫn là một thần có lý trí, được khẳng định là thần dữ, được Chúa cho phép tạo ảnh hưởng phần nào trên các lòai sống động và bất động. (Từ nguyên Hi Lạp diabolos, người tàn phá.)
Devil'S Advocate (Advocatus Diaboli)
Luật sư của quỷ, kháng viên phe quỷ, kháng biện viên án phong thánh, Advocatus Diaboli. Là tên bình dân dành cho một luật sư của Chúa, tức là một chức sắc Tòa thánh làm kháng biện viên trong diễn tiến án phong á thánh và phong thánh. Từ ngữ được chọn từ sự việc rằng ngài được yêu cầu nêu ra các lời phản đối, chống lại sự thánh thiện hoặc danh tiếng làm các phép lạ của người đang được điều tra, để phong á thánh hay phong thánh.
Devotion
Lòng sùng kính, sùng đạo, sùng mộ, sốt sắng. Sự sẵn sàng của ý chí để làm ngay việc liên quan đến thờ phượng và phụng sự Chúa. Mặc dầu sự sùng đạo là sự sẵn sàng hoặc một thái độ của ý chí, các hành vi phát sinh từ sự sẵn sàng này cũng diễn tả lòng sùng kính nữa. Cốt yếu của lòng sùng mộ là sự sẵn sàng làm tất cả những gì để tôn vinh Chúa, hoặc nơi cầu nguyện chung hay riêng (phụng tự) hoặc làm theo ý Chúa (phục vụ Chúa). Một người có thái độ sẵn sàng như thế được gọi là người sùng mộ. Lòng sùng mộ này bắt nguồn từ lòng yêu mến Chúa, mà trong thần học thiêng liêng thường gọi là lòng sốt sắng. (Từ nguyên Latinh devotio, sự sùng kính; từ chữ devovere, thề, khấn.)
Devout Life, Introduction To The
Cuốn sách “Nhập môn đời đạo hạnh”, “Giới thiệu về Cuộc sống Sùng Mộ Ðạo”. Là cuốn sách đường thiêng liêng nổi tiếng của thánh Phanxicô de Sales (1567-1622). Nguyên thủy đây là cuốn cẩm nang ngài viết để sử dụng riêng tư cho vợ của người em họ, Madame de Charmoisy, sau đó cuốn sách được duyệt lại và phổ biến cho nhiều người. Sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1609 tại Lyons (Pháp), và lần cuối vào năm 1619. Mục đích của cuốn sách này là nêu ra các chỉ dẫn cụ thể để phát triển đường thánh thiện cho những người sống giữa chợ đời, nhưng lại có sự hấp dẫn rộng lớn cho người ở mọi bậc sống.
D.G.
Dei gratia, nhờ ơn Chúa.
Diabolism
Ma thuật, yêu thuật, tin vào ma quỷ. Là bất cứ hình thức nào để giao tiếp hoặc cố gắng tiếp xúc với thần dữ, chẳng hạn ma thuật, bùa phép, chiêu hồn, hoặc các hình thức huyền bí khác. Nói cách chặt chẽ, ma thuật là thờ ma quỷ bằng cách van nài sự giúp đỡ của quỷ, tuân theo sự dẫn dắt của quỷ, và cố ý chọn tôn thờ quỷ thay vì tôn thờ Chúa. (Từ nguyên Hi lạp diabolos, người tàn phá.)
Diaconate
Chức phó tế, chức thầy Sáu. Là thừa tác vụ phục vụ, và là bậc thấp nhất trong các chức thánh, dưới chức linh mục và chức giám mục. (Từ nguyên Latinh diaconus; từ chữ diaknonos, người phục vụ, thầy sáu.)
Diadem
Vương miện, Vòng hoa đội đầu. Trong nghệ thuật Giáo hội, là vương miện hoặc vòng hoa đội đầu như một biểu tượng của sự thánh thiện. Nó có thể là một phần trong bức ảnh, tượng hay đặt trên đầu tượng như một sự tôn kính đặc biệt. (Từ nguyên Latinh diadema, mũ vua; từ chữ Hi Lạp diadema; từ chữ diadein, quấn chung quanh.)
Diakonia
Diakonia, việc phục vụ, tác vụ phục vụ. Là từ ngữ Hi Lạp trong Kinh thánh để chỉ sự phục vụ. Từ ngữ áp dụng cho mọi hình thức tác vụ (chính thức) hoặc sự trợ giúp (không chính thức) mà một người có thể làm cho toàn thể Giáo hội hoặc cho một cá nhân. Trong những năm gần đây, từ ngữ này được sử dụng một cách kỹ thuật hơn cho các tác vụ trong Giáo hội, mà vì đó một người được truyền chức thánh (như linh mục và phó tế), hoặc được hiến thánh (như các tu sĩ), hoặc được chỉ định (giáo dân dạy giáo lý hay phục vụ nhu cầu của người bệnh hay người nghèo khổ).
Dialectic
Biện chứng. Nói tổng quát, là sự thảo luận giữa nhiều người về các vấn đề ích lợi chung; cũng là một phương pháp lý luận hay bênh vực với xác suất và sự mạch lạc về các vấn để mở, chẳng hạn về các vấn đề mà người nói và người nghe có thể thảo luận một cách hợp pháp. Cũng là một khoa học hay nghệ thuật luận lý (Aristotle và thánh Tôma Aquinas). Là cuộc đối thoại trong một cuộc điều tra khoa học có phương pháp, hay một khoa học để tìm ra sự việc cụ thể từ bề mặt hoặc ý nghĩa đơn giản của sự vật (Plato). Là luận lý học hay nhận thức luận các dáng dấp bề ngoài (Kant). Là tiến trình phát triển tư duy và lịch sử, đi từ luận đề qua các phản đề đến sự tổng hợp hay kết quả dự báo được của cuộc xung đột (Hegel). Là sự phát triển thế lý và chính trị của vật chất, và nó tăng tốc bằng xung đột được kế hoạch hóa sẵn trong xã hội (Marx). (Từ nguyên Hi Lạp dialektikos, đối thọai.)
Dialectical Materialism
Duy vật biện chứng. Là triết học do Karl Marx (1818-83) và Friedrich Engels (1820-95) thành lập, và bị Giáo hội Công giáo lên án. Đây là triết học duy vật, bởi vì nó chủ trương rằng không những vật chất là có thực, mà còn có trước so với tâm trí cả về thời gian và trong thực tế. Như vậy tâm trí được cho là xuất hiện như là kết quả tự nhiên của vật chất, và phải được giải thích phù hợp theo đó. Không gian và thời gian được xem như là các hình thức xuất hiện của vật chất. Gọi là duy vật biện chứng, bởi vì triết thuyết này cho rằng mọi sự đang trong tiến trình tự biến đổi liên tục. Mọi sự hình thành từ các lực đối lập, mà xung đột bên trong của nó duy trì thay đổi cái mà một vật đang ở trong vật khác. Áp dụng vào xã hội, xung đột giữa người với nhau là cần thiết cho sự tiến bộ của loài người, và cần phải được cổ vũ, như là điều kiện tiên quyết cho sự trỗi dậy của xã hội vô giai cấp của chủ nghĩa Cộng sản lý tưởng.
Dialectical Theology
Thần học biện chứng. Là một hệ tư tưởng, do Karl Bath triển khai, chủ trương rằng đặc tính chính yếu của Kitô giáo là một sự đối chọi cố hữu giữa các mầu nhiệm mặc khải. Sự đối chọi chính, hoặc biện chứng, là giữa Chúa và loài người. Các đối chọi khác, chẳng hạn thời gian và vĩnh cửu, hữu hạn và vô hạn, thụ tạo và Đấng Tạo thành, bản tính và ân sủng, là phái sinh từ xung đột đầu tiên. Ngoài ra, thần học biện chứng còn cho rằng các đối chọi trên là không thể hòa giải bằng tâm trí con người. Chỉ có Chúa mới làm nhịp cầu cho sự chênh lệch tách rời chúng.
Dialogue Mass
Thánh lễ đối thoại, lễ đọc. Nguyên thủy là một Thánh lễ trong đó những người dự lễ thưa với chủ tế các lời mà người giúp lễ thường đáp với chủ tế. Thánh lễ đối thọai được Tòa thánh chuẩn y vào năm 1922. Kể từ Công đồng chung Vatican II, mọi thánh lễ có giáo hữu tham dự gọi là Thánh lễ đối thoại (đọc), bởi vì thường có nhiều lời xướng đáp giữa chủ tế và tín hữu.
Diana Of The Ephesians
Nữ thần Diana của người dân Ephesus (Ê-phê-xô), thần Artemis (Ác-tê-mi) của người Ephesus. Là nữ thần mặt trăng của người Roma, được đồng hóa với thần Artemis của người Hi lạp, và họ thờ thần như một thần trinh nữ săn bắn. Nữ thần Diana của người dân Ephesus là sự phối hợp của thần Artemis và nữ thần Ashtoreth của người Semitic, đây là thần hộ mạng cho bản năng tình dục. Một tượng lớn của thần Diana được dựng trong đền thờ huy hoàng ở Ephesus, được xem là một trong bảy kỳ quan thế giới. Đây là nguồn thu nhập đáng kể của các thợ bạc ở Ephesus vì họ đúc tượng nhỏ của thần để bán cho người hành hương. Thánh Phaolô phản đối thợ bạc Demetrius (Đê-mết-ri-ô) và các thợ đồng nghiệp của ông, khi họ cáo buộc ngài chê bai các tượng nhỏ là dị đoan. Vụ tranh cãi đạt đỉnh điểm trong một cuộc tụ tập rối lọan trong hí trường ở Ephesus, và chỉ có sự trấn an và tài thuyết phục của viên thư ký thành phố mới ngăn chặn được bạo động. Với lòng can đảm đặc trưng, thánh Phaolô nôn nóng muốn dự đại hội tòan dân này, nhưng các bạn hữu khuyên ngài đừng liều mình đến hí trường. (Cv 19:23-41).
Diaspora
Do Thái kiều, sống tản mác, tha phương, sống phát tán. Từ ngữ này dùng để chỉ tất cả những người Do Thái sống bên ngòai Palestine, và lập thành các cộng đồng riêng giữa Dân ngọai. Đa số họ sống tản mác khắp nơi do kết quả của việc bị người Assyrian và người Babylonian bắt lưu đày, sau khi những người này chiếm đóng vùng đất trong nhiều thế kỷ trước Chúa Kitô. Lúc bắt đầu thời đại Kitô giáo, có rất đông người Do Thái ở Hi Lạp, Syria, Persia, Tiểu Á, và Ý. Có thể đến 10% dân cư của Đế Quốc Roma là người Do Thái. Hầu hết họ vẫn xem Palestine là quê hương tinh thần của mình, và nhiều người thực hiện đi hành hương đến Jerusalem vào các ngày lễ lớn. Một số người cho rằng tình trạng Do Thái kiều là sự hòan thành lời cảnh báo của tiên tri Moses cho dân ngài, nếu họ không trung thành với Chúa. “ĐỨC CHÚA sẽ phân tán anh em vào giữa các dân" (Đnl 4:27; 28:64). (Từ nguyên Hi Lạp diaspora, tản mác.)
Diatessaron
Sách Diatessaron, sách “Phối hòa bốn Tin mừng”. Là cuốn sách phối hòa bốn Tin Mừng bằng tiếng Syriac, do Tatian thực hiện vào khỏang năm 170. Cuốn sách được viết theo một trình thuật liên tục, và trong thực tế là cuốn sách duy nhất được dùng tại Syria cho đến thế kỷ thứ tư.
Dicastery
Bộ Giáo triều, cơ quan. Là một trong các Thánh bộ chính thức của Tòa thánh, chẳng hạn Thánh bộ Dòng tu và các Tu hội đời, qua đó Đức Giáo hòang thực hiện việc quản trị thông thường đối với Giáo hội hòan vũ.
Dichotomism
Nhị phân thuyết. Là thuyết nhị nguyên cực đoan, xem con người như có hai phần hòan tòan tách biệt nhau, đó là linh hồn và xác. Trong cách hiểu nguyên sơ này, mọi nhận thức đều được gán cho linh hồn, và mọi thứ thể lý thì gán cho thân xác. Trong thời hiện đại, chủ thuyết Descartes là một hình thức của nhị phân thuyết, nhưng nó không là khái niệm Kinh thánh hoặc Kitô giáo, vốn nhấn mạnh sự hợp nhất của hồn và xác thành một bản thể duy nhất. (Từ nguyên Hi Lạp dicha, chia hai + temno, cắt.)
Dichotomy
Phân đôi, nhị phân pháp. Trong triết học, đây là sự phân đôi một lớp thành hai lớp phụ riêng biệt nhau hẳn, chẳng hạn lòai người được chia thành nam và nữ.
Didache (Teaching Of The Twelve Apostles)
Sách Giáo huấn, sách Didache (Giáo huấn của 12 Tông đồ). Là một cuốn chuyên khảo của thế kỷ thứ nhất, được viết trước năm 100. Cuốn sách được tái phát hiện vào năm 1833 do Bryennios, Tổng giám mục Nicomedia thuộc Chính thống giáo Hi Lạp, trong bộ sách mà từ đó vào năm 1875 ngài đã xuất bản trọn bản văn các Thư của thánh Clement I. Sách Giáo huấn được chia thành ba phần: 1. hai Đường, Đường Sống và Đường Chết; 2. thủ bản phụng vụ hướng dẫn rửa tội, ăn chay, xưng tội và Rước Lễ; 3. khảo luận về tác vụ. Việc dạy tín lý được bao hàm trong đó. Đường Sống là mến Chúa yêu người, Đường Chết là danh sách các nết hư tật xấu cần phải tránh. Có một phần hướng dẫn ngắn về phép rửa tội, quy chiếu với các thánh tông đồ, giám mục và phó tế, và bài khuyến khích để canh chừng và chuẩn bị cho việc Chúa Kitô đến lần thứ hai.
Didactics
Lý luận dạy học. Là một ngành của giáo dục tôn giáo liên quan đến việc dạy giáo lý (từ ngữ Hi lạp didaktikos, khả năng dạy). Đây là một phần hoặc một khía cạnh của huấn giáo, vốn giúp huấn luyện tâm trí để hiểu rõ hơn và nắm vững các chân lý mặc khải.