Ngày 14-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tập sống yêu thương như Chúa truyền
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:09 14/05/2020
Tập sống yêu thương như Chúa truyền

Suy niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh năm - A

(Ga 14, 15 - 21)

Khi đến “giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13, 1), trong tâm trạng bồi hồi xúc động chia ly của tình Thầy trò đôi nơi đôi ngả, Chúa Giêsu đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết : “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy” (Ga 14, 15), và dĩ nhiên sẽ được Chúa Cha yêu mến. Lời di chúc của người sắp ra đi thật không đơn giản, bởi nó trang trọng và thâm sâu! Lời ấy có ý nói : các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến tức khắc giới răn của Thầy sẽ được tuân giữ, nghĩa là : khi yêu mến Chúa Giêsu, người ta sẽ tuân giữ các giới răn Chúa để lại. Có thế hiểu: nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng lệnh Thầy truyền. Chúa Giêsu nói: “Ai giữ các điều răn của Thầy, thì là người yêu mến Thầy. Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến và Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Tôn trọng các giới răn là thể hiện lòng mến nên tuân giữ. Chính Chúa Giêsu khẳng đình : “Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó thì người ấy là kẻ mến Thầy” (Ga 14,20).

Thực hành lời Chúa Giêsu dạy là yêu mến Chúa xem ra có vẻ dễ, nhưng giữ lời Chúa truyền là cả một vấn đề. Hỏi : Chúa truyền dạy chúng ta điều gì? Thưa : Chúa dạy chúng ta nhiều điều, Chúa dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn. Giới răn thì có nhiều nhưng chung qui lại là kính mến Thiên Chúa như Cha, yêu thương tha nhân như là anh em. Kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là điều răn quan trọng nhất của Tin Mừng.

Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích giống Thầy: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy” (Ga 14, 15). Vì là giới răn, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ. Tuân giữ các giới răn là thể hiện lòng mến.

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta, Thiên Chúa là Tình Yêu, tình Chúa trao ban và tình yêu dâng hiến. Khi nói về tình yêu của Thiên Chúa và cũng là tình yêu của chính mình, Chúa Giêsu đã khéo so sánh: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Mẫu mực, thước đo của tình yêu đối với Chúa Giêsu là tuân giữ các giới răn.

Là Kitô hữu, chúng ta phải biết làm thế nào để yêu thương. Như đã nói ở trên, yêu người đâu phải là chuyện dễ làm. Chúng ta phải tập luyện, phải học nghệ thuật yêu mỗi ngày mà không bỏ qua bài học tha thứ, nhất là chiêm ngắm Chúa Giêsu Tình Yêu và hay tha thứ để bắt chước.

Giáo hội là Thánh, nhưng những yếu tố cầu thành Giáo hội là những con người vô thập toàn như chúng ta, nên kiêu ngạo, ghen tị, chia rẽ là điều chắc chắn có. Ðúng ra, một cộng đoàn Kitô phải sống trong tình yêu của Chúa Kitô, nhưng có khi chúng ta để cho tội lỗi lẻn vào, để cho mình bị đánh lừa, và khi ấy, tinh thần sẽ bị suy yếu. Kinh nghiệm cho thấy, đã có bao nhiêu người rời bỏ Giáo hội, chỉ vì họ cảm thấy họ không được yêu mến. Có biết bao người đã rời xa cộng đoàn giáo xứ, bởi vì ở nơi ấy có những chuyện nói hành nói xấu, đố kỵ và ghen tương.

Chỉ dựa vào lời di chúc của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, chúng ta đã tìm ra được nét độc đáo và tính đặc thù của tình yêu Kitô giáo là yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương anh em để chứng tỏ rằng chúng ta yêu và tuân giữ các giới răn của Chúa.

Nét mới mẻ của tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước đo tình yêu đối với Chúa là tuân giữ các giới răn, còn thước đo của tình yêu đối với tha nhân không còn là “tình anh em huyết thống”, cũng không còn là “bản thân mình” nữa mà yêu ‘vì Chúa thì con yêu người như mình ta’. Đây là thứ tình yêu vị tha, một thứ tình yêu chỉ biết cho đi, lo tìm hạnh phúc cho người yêu, yêu không so đo tính toán, yêu quảng đại.

Chúa Giêsu không đòi các môn đệ cũng như chúng ta những người kitô hữu hôm nay phải thông thái như các thầy kinh sư và ký lục. Người cũng không bắt chúng ta phải sống tỉ mỉ giữ luật như các Kinh Sư và Biệt phái. Điều Chúa muốn duy nhất nơi chúng ta là yêu người khác như chính Chúa đã yêu ta. Tình yêu là dấu chỉ của người tin theo và tuân giữ Lời Chúa. Người kitô hữu chính danh là người biết yêu thương tha nhân, sống bác ái và vị tha. Để thực thi những điều trên, chúng ta rất cần đến Thánh Thần Tình Yêu Thiên Chúa, Người sẽ dạy bảo chúng ta thực hành những điều Chúa truyền dạy.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết ngoan ngoãn vâng nghe Ðấng An Ủi, Thần Chân Lý là Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu Con Mẹ đã hứa ban, để chúng con biết từng ngày học hỏi nghệ thuật của tình yêu, sống yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 
Chúa Nhật VI Phục Sinh
Lm. Jude Siciliano, OP
18:18 14/05/2020

Cv 8: 5-8, 14-17; T.vịnh 65; 1 Phêrô 3: 15-18; Gioan 14: 15-21

Trong những ngày này tôi hiểu nhiều hơn về những Thánh Vịnh Than vãn. Khoản 2 phần 3 trong 150 Thánh Vịnh là những lời than vãn. Nếu bạn muốn biết các bài đó thì đơn cử các bài: 3, 28, 40, 55, 64, 120... Còn nhiều bài khác ẩn nấp ở các thánh vịnh Tạ Ơn, Tin Tưởng, Ca Ngợi, Khôn Ngoan v.v... Như các bạn thấy đó là dấu chỉ về hoàn cảnh của người Do thái thời đó trải qua, không chỉ với tính cá nhân mà là của tất cả cộng đoàn phải không? Những Thánh Vịnh Than vãn kêu lên cùng Thiên Chúa lời ai oán về các kẻ thù của nhân loại, về cảm nghĩ về bản thân của mình không xứng đáng, do tội lỗi đã phạm và mạnh dạng kêu lên cùng Thiên Chúa xin Ngài giúp đở trong những cơn khốn cùng tuyệt vọng.

Tôi được dạy là hãy dùng ngôn từ "xứng hợp" khi thưa cùng Thiên Chúa nghĩa là cách thực hiện "nghi thức cầu nguyện". Tuy vậy trong mối quan hệ giữa con người, chúng ta được dạy là cứ "lên tiếng", "nói lên tất cả", "nói cho minh bạch". Nhưng, không thể nói như thế với Thiên Chúa được. Với Thiên Chúa, chúng ta được nhắc bảo là chúng ta không nên nói lời cay nghiệt vói Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta hãy “giữ mồm miệng" trong lời nói, trong kinh nguyện. Thật ra khi chúng ta thưa cùng Đấng Tối Cao, những sai phạm của chúng ta vẫn không làm cho Ngài khó chịu. Dù vậy, trong những lúc như thế, bạn nên nghỉ về bạn, hay hướng về người thân thương của bạn và của thế giới chúng ta hay sao? Chúng ta không chỉ cảm thấy chán nản và thất vọng, và muốn thét to lên "Chúng con đã làm gì sai mà Ngài nở phạt chúng con như thế?". Một giọng nói nhỏ nhẹ mà chúng ta thường nghe từ thời thơ ấu vang lên "Con không nên thưa với Thiên Chúa như thế". Nhưng tổ tiên của người Do thái đã kêu lên như thế, vậy thì tại sao chúng ta không được làm như thế?

Các tổ tiên lên tiếng than vãn cùng Thiên Chúa. Họ đã đặt câu hỏi và than thở. Họ còn có thể than vãn với ai nữa đâu! Họ là một dân tộc bị áp chế trong suốt lịch sử của họ! Họ cần phải biết vị thế của họ và vâng lời, hay còn gì nữa không... Vì thế họ lên tiếng kêu than và có thể với nắm chặt bàn tay đưa lên cùng Thiên Chúa. Chúng ta có niềm tin tưởng mãnh liệt với Thiên Chúa như thế để kêu than, trong sự tức giận. Trong lúc tin tưởng rằng lời chúng ta sẽ được lắng nghe và mối quan hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa đủ mạnh để Ngài nhận lời kêu van và tình cảm của chúng ta.

Người Do thái có mối quan hệ lâu dài với Thiên Chúa, và họ biết Thiên Chúa luôn trung tín. Và cho dù họ có lên tiếng phẩn nộ, Thiên Chúa vẫn sẽ không bõ rơi họ, hay đạp họ xuống. Bởi thế họ dùng các Thánh Vịnh Than Thở để cầu nguyện trong suốt chiều dai lịch sử qua việc họ bị lưu đày, áp bức và bị hiểu lầm - cho cả đến lúc bị bắt bớ tù ngục dười thời Hitler.

Hôm nay, Thánh Vịnh 65 là thánh vịnh mừng vui đáp lại việc đức tin được lan tràn và được ơn Chúa Thánh Thần cho người Samaritanô. Đó là một bài Thánh Vịnh Ca Ngợi sau tin vui mừng trong sách Công Vụ Tông Đồ. Tuy nhiên, tôi vẫn nghe lời nói khác của mọi người trong những ngày này, với những cảm xúc của họ khiến tôi cũng nổi lên một cảm nghỉ từ tận đáy lòng "Vì sao cơn đại dịch này lại xãy ra cho chúng ta? Vì sao có biết bao người tốt lại bị đau khổ và bị tử vong? Lạy Thiên Chúa, Ngài ở đâu? Và chúng con còn phải khổ như thế này bao lâu nữa?”

Chính vì những cảm nghỉ trong câu hỏi đó mà tôi quay về tìm nguồn an ủi trong phúc âm hôm nay, nhất là trong câu nói của Chúa Giêsu "Thầy không để anh em mồ côi, Thầy sẽ đến cùng anh em". Chúa Giêsu nói lời này với các môn đệ ngồi xung quanh bàn ăn với Ngài vào đêm trước khi Ngài bị giết. Chúng ta đang ở trong bài "lời cáo biệt" của Chúa Giêsu. Đức tin chúng ta được tóm tắt ngay trong lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ tuân giữ các điều răn của Thầy". Cho dù có những khác biệt trong cộng đoàn đức tin của chúng ta, điều căn bản và cách suy nghĩ của chúng ta phải là Tất cả là những người yêu mến Chúa Giêsu. Chúng ta yêu cách Ngài sống và cách Ngài suy nghĩ, và chúng ta chấp nhận dấn thâh theo cách sống ấy và luôn tuân giữ các điều răn của Ngài trong hành động theo tình yêu mà Ngài đã tỏ hiện cho chúng ta. Nếu chúng ta không thực hiện, đức tin của chúng ta sẽ nên nông cạn và chúng ta không còn sức mạnh dấn thân.

Tôi không biết liệu các môn đệ có cảm thấy ấm lòng khi được chia sẻ bửa ăn với Chúa Giêsu là nhà lãnh đạo đầy lôi cuốn, và đầy ấm áp với nhau giữa các ông hay không? Nhưng, chỉ trong vài giờ nữa, những cảm giác ấm áp đó sẽ bị tan biến do lo sợ. Chúa Giêsu sẽ bị bắt đi một cách đầy hung bạo, và trong lúc đó các ông có còn nhớ lời Ngài đã nói với các ông hay không, trong lúc họ cùng nhau dâng lên lời Thánh Vịnh Than Thở, hay bằng những nỗi u buồn đã nói lên sự đau xót của chính họ?

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta cũng như các môn đệ, đã tề tựu đồng bàn với Chúa Giêsu và được Ngài nuôi dưởng bằng chính sự sống của Ngài. Trong lúc này, vì cơn đại dịch, nhiều người than thở do không thể trở về tham dự bàn tiệc để được nuôi dưởng bởi Chúa Giêsu. Một lý do nữa để than vãn cùng Chúa là chúng ta có cách nào cảm nhận được Ngài đang hiện diện theo lời nói của Chúa Giêsu không? Chúng ta có cách nào dựa vào lời hứa mà Chúa Giêsu đã nói với chúng ta qua cách Ngài đã nói với các môn đệ trong lúc đức tin của các ông bị lay động hay không? Có đủ lý do để than thở, kêu khấn và nói lên lời đau thương trăn trở với Thiên Chúa.

Nhưng, lời Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay đã khuấy động tâm tình yêu mến Ngài nơi chúng ta. Ngài biết nỗi đau của các môn đệ Ngài. Lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa Giêsu không chỉ là sự ấm áp của tình cảm, nhưng còn là lòng yêu thương đậm đà đã được kinh qua thử thách bằng lửa. Đấng yêu thương chúng ta cam đoan với chúng ta trong những ngày này là chúng ta sẽ nhận được Đấng Bảo Trợ đến trong Thần Khí Sự Thật. Người nói với chúng ta sự thật về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta khi chúng ta có nhiều lý do để than vản và kêu khấn.

Thần Khí Thiên Chúa đang hiện diện thường trực ở giữa chúng ta, Không chỉ riêng cho từng cá nhân mà thôi, mà còn cho tất cả cộng đoàn đang bền vững trong đức tin. Chúa Giêsu đã làm đúng với lời hứa của Ngài. Ngài không để chúng ta mồ côi, nhưng Ngài đã ban tặng cho chúng ta Thần khí của Ngài. Và hơn nữa, Thần Khí đó không chỉ dành cho những tín hữu, nhưng như đã xãy ra từ trước là "Thần Khí thổi hơi sáng tạo”.(Ga 3: 8)

Các bạn có để ý nhận thấy Thần Khí Chúa Giêsu hoạt động đắc lực trong lúc này ở giữa chúng ta hay không: khi các nhân viên y tế, các người làm việc trong các cửa hàng thực phẩm, những người lo việc lau dọn, những người lái xe buýt hy sinh đời sống của họ cho kẻ khác - giống như Chúa Giêsu đã làm, và Ngài vẫn tiếp tục hoạt động cho chúng ta qua sự hy sinh của những người đó hay không? Đúng thế, Chúa Giêsu không để chúng ta mồ côi, hãy nhìn chung quanh chúng ta thì biết.

Thật thế, chúng ta có nhiều lý do chính đáng để cầu nguyện với Thánh Vịnh Than Thở. Và sau khi chúng ta thực hiện như thế và tin tưởng vào lời Chúa Giêsu hứa là Ngài không để chúng ta mồ côi, chúng ta sẽ sẵn sàng quay về lời đáp của Thánh Vịnh 65 vang lên lời ca: "Cả trái đất hãy tung hô Thiên Chúa" và hôm nay chúng ta hãy làm như thế!

Chuyển ngữ: FX Trọng Yên, OP


6th SUNDAY OF EASTER (A)
Acts 8: 5-8, 14-17; Psalm 66; 1 Peter 3: 15-18; John 14: 15-21

These days I have a better understanding of the Psalms of Lament. About two thirds of the 150 Psalms are laments. If you want to look them up here are a few: 3, 28, 40, 55, 64, 120.... There are many more; more than Psalms of Thanksgiving, Trust, Praise, Wisdom, etc. Doesn’t that give you a clue to the conditions the Jews experienced, not just as individuals, but the whole community? Lament Psalms complain to God about human enemies, personal feelings of unworthiness, confess sins and make strong pitches to God for help in desperate situations.

I was taught a "proper language" when addressing God; a certain "etiquette of prayer." In human relations however, we are taught to "speak up," "let it all out," "clear the air." But not with God, we were taught that you shouldn’t address angry words to God. So, we "watch our tongues" in prayer. After all, we are talking to the Almighty, whom we best not upset. Still, during times like these aren’t you frightened for yourself and your loved ones and our world? Don’t we feel confused and frustrated and want to shout out, "What have we done wrong that you are punishing us so!?" A voice from our childhood shushes us, "You shouldn’t talk to God that way!" But our Jewish ancestors did, why can’t we?

They vented their feelings to God; they questioned and complained. To whom else could they voice their objections, they were an oppressed people for much of their history? They had to know their place and obey, or else. So, they raised their voices and maybe their fists, to God. You have to be very confident in a relationship to raise your voice in anger; confident that your words will be heard and the relationship is strong enough to withstand your words and emotions.

The Jews had a long relationship with God and knew that God was faithful and, even if they spoke up in anger, God would not cast them off, or smite them down. So, they prayed their Lament Psalms throughout the long history of displacement, misunderstanding and oppression – right up to, through and beyond the Holocaust.

Today’s Psalm 66 is a joyous response to our Acts’ account of the spread of the faith and the gift of the Holy Spirit to the Samaritans. It is a hymn of praise following, as it does, upon the good news in Acts. Still, I hear people voicing other sentiments these days, feelings I also have bubbling up to the surface: "Why is this plague happening to us? Why are so many good people suffering and dying? Where are you O God? How long?"

It is with these feelings and questions that I turn to and find comfort in today’s gospel, especially in Jesus’ words, "I will not leave you orphans, I will come to you." Jesus is speaking to his disciples seated around the table the night before he died – we are in the midst of his "Last Discourse." Our faith is summed up in his words to them, "If you love me, you will keep my commandments." Whatever the differences in our faith community, our background and ways of thinking, we are people who love Jesus. We love his way of being and thinking and we accept his manner of life. We not only love Jesus, we do our best to keep his commandments, and act on the love he shows to us. If we do not, our faith is shallow and without commitment.

I do not know if the disciples were feeling warm and cozy, sharing a meal with their charismatic leader and one another. But within hours any warm feelings they might have had would dissolve into terror. He was to be violently taken away from them and when he was, would they remember his words as they prayed Psalms of Lament, or in their own grieving, pained words?

What about us? We, like those disciples, have sat around the table with Jesus and been fed his very life. Today, because of the pandemic, many lament their inability to return to that nourishing table of presence. Another reason to lament. Can we receive Jesus’ presence in his word? Can we lean on the promise he makes to us, as he did to his companions on the verge of their faith-shaking experience? There is reason enough to lament, complain and speak words of befuddlement to God.

But the word Jesus speaks to us today stirs the very love he asks of us. He knows the pain of his disciples. Our love for him is not a sentimental, cozy love. It is being tested by fire. Our divine Lover assures us these days of the gift of the Advocate – the Spirit of truth, who speaks to us the truth of God’s love for us when we have ample reason to lament and complain.

The Spirit is God’s permanent presence in our midst, not only in us individually, but a sustaining presence in our faith community. Jesus is true to his promise. He has not left us orphans, but has gifted us with his Spirit. And more. That Spirit is not just for believers but, as he described earlier, "blows where it will" (3:8).

Haven’t you noticed Jesus’ Spirit diligently at work among us these days when medical staffs, food store workers, janitorial personnel and bus drivers are sacrificing their lives for others –just as Jesus did and as he continues to do for us through their self offering? True to his word, he has not left us orphans – just look around.

Yes, we have plenty good reason to pray our Psalms of Lament. After we have done that and trusted in Jesus’ promise that he has not left us orphans, we are ready to turn to our Psalm Response (#66) and proclaim: "Let all the earth cry out to God with joy." – And let’s do that today!
 
Sứ mạng của Đấng Bảo Trợ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
19:49 14/05/2020


Chúa Nhật VI Phục Sinh

Cv 8,5-8.14-17; 1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21

Chúng ta đang tiến gần lễ Hiện Xuống. Phụng vụ bắt đầu chuẩn bị cho chúng ta mừng lễ này.

1- Việc Chúa Giêsu loan báo về Đấng Bảo Trợ đến

Bài đọc I, trích sách Công Vụ Tông Đồ, nói về Chúa Thánh Thần. Ở Samari, nhiều người đã đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Hai vị Tông Đồ Phêrô và Gioan từ Giêrusalem được cử đến để gặp họ và xác nhận rằng: Họ là những người đã được rửa tội cách hợp lệ. Tuy nhiên, họ chưa đón nhận Chúa Thánh Thần, nên chưa nhận được những hiệu quả của Người như niềm vui, sự nhiệt thành, và làm được những dấu lạ... Sau đó, các Tông Đồ “đặt tay trên họ và họ nhận được Chúa Thánh Thần” (x. Cv 8,14-17).

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về Thánh Thần với các môn đệ bằng một danh hiệu đặc biệt, Đấng Bảo Trợ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16-17). Sau khi căn dặn và an ủi các ông, Chúa Giêsu tiếp tục nói về chủ đề này: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25-26).

Paracletus là một từ Hy Lạp khi thì có nghĩa là người an ủi, khi thì có nghĩa là người bảo vệ, khi thì có nghĩa vừa an ủi vừa bảo vệ. Trong toàn bộ Kinh Thánh, tước hiệu này được áp dụng đặc biệt cho Chúa Thánh Thần. Ở Cựu Ước, Thiên Chúa là nguồn an ủi lớn lao của Dân Người, như được nói trong sách Isaia: “Ta là Đấng an ủi của ngươi” (Is 51,12), Người an ủi như một người mẹ an ủi con thơ (Is 66,13). Đây là sự an ủi của Thiên Chúa, hay “Thiên Chúa của sự an ủi” (Rm 15,4) hiện thân trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự đồng hóa mình là Đấng An Ủi thứ nhất (x. Ga 14,15). Người là Đấng mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

2- Sứ vụ của Đấng Bảo Trợ

Với tư cách Đấng Bảo Trợ, Chúa Thánh Thần đến không ngoài sứ vụ nào khác là tiếp tục công trình của Chúa Kitô, cũng là công trình chung của Ba Ngôi và hoàn tất công trình này. Người được Chúa Giêsu gọi là “Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16).

Nhưng điều này là không đủ để giải thích tại sao, trong Tin Mừng của mình, thánh Gioan nói nhiều đến tước hiệu Đấng Bảo Trợ. Tước hiệu này phải có nguồn gốc và tầm quan trọng của nó đối với kinh nghiệm của Giáo Hội. Bởi lẽ, sau phục sinh, toàn thể Giáo Hội sơ khai đã có kinh nghiệm sống động và mạnh mẽ về Chúa Thánh Thần như là Đấng An Ủi, Đấng Bảo Vệ, Người bạn đồng hành trong những khó khăn bên trong và cả bên ngoài, trong những cuộc bách hại, trong quá trình phát triển và đời sống hằng ngày. Chúng ta đọc thấy trong sách Công Vụ Tông Đồ kể lại: “Giáo Hội lớn lên và bước đi trong sự kính sợ Chúa, và được tràn đầy sự an ủi (paraclesis!) của Chúa Thánh Thần” (Cv 9, 31).

Như đã nói, Đấng Bảo Trợ có thể có hai nghĩa: vừa bảo vệ vừa cố vấn. Trong những thế kỷ đầu, khi Giáo Hội ở trong tình trạng bị bách hại và trong quá trình phát triển, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần với tư cách Đấng Bảo Trợ, đã đóng vai trò là trạng sư và là người bảo vệ thần linh của Giáo Hội chống lại những kẻ tố cáo. Người đã trợ giúp các vị tử đạo và các Kitô hữu trước những quan án, trong những phiên tòa xét xử; Người đặt trên môi miệng họ những lời nói mà không ai có thể cãi lại được.

Sau thời đại bách hại, Chúa Thánh Thần được kinh nghiệm chủ yếu như là Đấng An Ủi trong những cơn đau khổ và buồn phiền của cuộc sống. Khi so sánh sự an ủi của con người và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, thánh Bônaventura thấy có ba sự khác biệt nền tảng: “Sự an ủi của Chúa Thánh Thần là đích thật, hoàn hảo và cân xứng. Đích thật, bởi vì Người ban sự an ủi cho linh hồn, chứ không phải cho những bản năng xác thịt, ngược lại với điều mà thế gian làm, đó là an ủi xác thịt và làm đau khổ linh hồn, giống như điều mà một ông chủ xấu chăm sóc con ngựa và sao nhãng kỵ binh. Hoàn hảo, bởi vì Người an ủi trong mỗi khi đau khổ; không như thế gian an ủi, thế gian làm cho đau khổ thêm, giống như một người vá áo khoác cũ, vá một lỗ lại làm rách hai lỗ. Và cân xứng, bởi vì ở đâu có đau khổ, ở đó Người mang lại sự an ủi lớn lao hơn; không như thế gian làm trong khi sung túc thì an ủi và nịnh bợ, nhưng trong khi hạn vận lại cười chê và lên án.”

3- Anh em hãy an ủi nhau

Bây giờ chúng ta phải rút ra từ suy niệm của chúng ta về Đấng Bảo Trợ, một bài học thực tiễn và có thể áp dụng. Không đủ để chỉ nghiên cứu ý nghĩa của từ Đấng Bảo Trợ, cũng không chỉ gọi Chúa Thánh Thần với tên này. Chính chúng ta phải trở những người an ủi! Nếu thật sự những Kitô hữu là một Alter Christus, một Chúa Kitô khác, thì chúng ta cũng phải là một “Đấng an ủi khác.” Đây là tước hiệu để bắt chước và sống, chứ không chỉ để hiểu biết.

Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu Thiên Chúa đã đổ ra trong lòng chúng ta (x. Rm 5,5); nghĩa là nhờ tình yêu mà chúng ta được yêu mến bởi Thiên Chúa, tình yêu đó làm cho chúng ta có khả năng yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Áp dụng cho việc an ủi là một hình thức mà tình yêu làm cho người được yêu mến vượt trên những đau khổ - Thánh Tông Đồ nói với chúng ta một điều rất quan trọng: đó là Đấng Bảo Trợ không chỉ ban cho chúng ta sự “an ủi” nhưng Người còn dạy chúng ta nghệ thuật an ủi người khác. Thánh Phaolô giải thích điều này rất hay khi viết: “Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,2-4).

Hay ở nơi khác, Thánh Tông Đồ khuyên: “Anh em hãy an ủi nhau” (1 Tx 5,11), tương tự như nói rằng: “Anh em hãy trở thành những người an ủi” của nhau. Nếu sự an ủi mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa không chuyển từ sang người khác, mà chỉ giữ lại một cách ích kỷ cho mình, sự an ủi đó sẽ nhanh chóng biến mất.

Theo lý tưởng đó, hôm nay chúng ta khám phá xung quanh chúng ta có rất nhiều người dấn thân phục vụ để an ủi người khác. Họ là những người đang cúi xuống trên các bệnh nhân nan y, các bệnh nhân AIDS. Họ là những người đang chăm sóc những người già. Họ là những tình nguyện viên dành thời gian để đi thăm các bệnh nhân. Họ là những người đang phục vụ các trẻ em là nạn nhân của đủ thứ lạm dụng, bên trong và bên ngoài gia đình. Họ là những người đấu tranh cho nhân quyền của những người bé mọn đang bị đe dọa. Họ là các linh mục và tu sĩ đang an ủi người khác qua sứ vụ truyền giáo và mục vụ. Qua họ và nhờ họ, Chúa Thánh Thần đang tiếp tục sứ mạng an ủi dân Người. Đó là lý do tại sao thánh Phanxicô thành Assisi đã cầu nguyện: “Tìm an ủi người, hơn được người ủi an. Tìm yêu mến người hơn được người mến thương.” Hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi trở thành người mang niềm an ủi của Thiên Chúa cho tha nhân. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta thứ Năm 14 tháng Năm: Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện, ăn chay và thực hiện các nghĩa cử bác ái
Đặng Tự Do
00:32 14/05/2020


Lúc 7 sáng thứ Năm 14 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ kính Thánh Mátthia Tông Đồ, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho đại dịch coronavirus kinh hoàng này sớm chấm dứt. Ngài nhắc nhớ rằng ngày 14 tháng Năm hôm nay là ngày các tín hữu của các tôn giáo trên khắp thế giới sẽ tham gia - thông qua việc cầu nguyện, ăn chay hoặc bằng cách thực hiện các hành động bác ái - để cầu nguyện cho đại dịch Covid-19 chết chóc này chấm dứt.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, Uỷ ban cao cấp về tình huynh đệ nhân loại đã mời gọi một ngày cầu nguyện, ăn chay, để cầu xin lòng thương xót Chúa trong thời khắc bi thảm của đại dịch này. Chúng ta đều là anh em. Thánh Phanxicô Assisi nói: “Tất cả là anh em”. Và vì điều này, những người nam nữ thuộc mọi niềm tin tôn giáo, hôm nay, hãy tham gia cầu nguyện và làm việc hãm mình đền tội, để cầu xin ân sủng chữa lành khỏi đại dịch này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một. Hôm nay là ngày ăn chay cầu nguyện nên Bài Đọc Một không trích từ Sách Tông Đồ Công Vụ, nhưng được trích từ Sách Giôna, trong đó vị tiên tri mời dân thành Ninivê hoán cải để không phải chịu sự tàn phá thành phố.

Bài Ðọc I: Gn 3, 1-10

Thành Ninivê sám hối và được tha thứ

Bài Trích Sách Tiên Tri Giôna

Chúa phán cùng ông Giôna lần thứ hai rằng: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” Ông Giôna đứng dậy và đi Ninivê, như lời Chúa phán. Ninivê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ.” Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. Vua cho rao tại Ninivê: “Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết.” Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Ninivê chuyển đổi và thành phố đã được cứu khỏi một đại dịch, có lẽ là một đại dịch đạo đức. Và hôm nay, tất cả anh chị em chúng ta thuộc mọi niềm tin tôn giáo cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch, đoàn kết trong một tình huynh đệ kết hợp chúng ta trong giây phút đau đớn này. Đại dịch này diễn ra quá bất ngờ, kinh hoàng và nhiều người chết, thậm chí là chết trong cô đơn, mà chúng ta gần như bất lực không thể làm gì.

Chúng ta hãy nghĩ về những người đau khổ, về hậu quả kinh tế, về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tất cả cùng nhau cầu nguyện với Chúa. Một số người có thể nói rằng đây là thuyết tương đối tôn giáo, coi đạo nào cũng như đạo nào. Không phải như thế đâu.

Mọi người cầu nguyện lên cùng Chúa hết khả năng có thể của mình. Tất cả chúng ta đoàn kết như anh em, cầu nguyện theo văn hóa và tôn giáo của chúng ta, kêu cầu sự tha thứ vì tội lỗi của chúng ta, khẩn xin Chúa ngăn chặn đại dịch này.

Hôm nay là một ngày của tình huynh đệ. Hôm nay là một ngày đền tội và cầu nguyện. Đại dịch đã đến như một trận lụt. Nhưng có nhiều thứ đại dịch khác mà chúng ta chưa nhận thấy vì khi chúng ta tập chú về thảm kịch này, chúng ta thờ ơ với những thảm kịch khác.

Trong 4 tháng đầu năm nay, gần 4 triệu người chết vì đói: đại dịch đói. Chúng ta cũng phải nghĩ đến các đại dịch khác: đại dịch chiến tranh và đại dịch đói khát và những đại dịch khác nữa.

Điều quan trọng là hôm nay chúng ta cầu nguyện cùng nhau theo truyền thống tôn giáo của mình. Hôm nay là ngày cầu nguyện, ăn chay và thực hiện các hành vi bác ái. Khi Chúa thấy rằng người dân Ninivê đã hoán cải, đại dịch đã dừng lại.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta và thương xót chúng ta.


Source:Vatican News
 
Trung Quốc và Covid-19
Vũ Văn An
01:23 14/05/2020
Tờ Civiltà Cattolica của các cha Dòng Tên Ý vốn được coi là cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh. Có người cho là quan điểm của họ thường được Tòa Thánh cho nhận xét trước khi công bố. Điều chắc chắn là từ ngày Dòng này có thành viên nắm quyền lãnh đạo cao nhất trong Giáo Hội, sự liên hệ mật thiết giữa tờ báo và Vatican càng được lưu ý nhiều hơn. Riêng đối với liên hệ Trung Quốc Vatican, tờ báo có tiếng là ủng hộ đường lối chính thức của Vatican, một đường lối không hẳn được mọi người ủng hộ, nhất là những người có cái nhìn tiêu cực đối với chế độ vô thần và độc tài hiện nay tại Trung Quốc.

Điều ngạc nhiên là ngày 13 tháng 5, tờ báo cho đăng một bài của Benoit Vermander, một linh mục dòng Tên người Pháp, hiện đang dạy tại Đại học Phúc Đán (Fudan) tại Thượng Hải. Không như một số viên chức cao cấp của Vatican vốn hết lời ca ngợi chế độ Tập Cẩn Bình, Cha Vermander có cái nhìn pha trộn về việc chế độ Bắc Kinh hành xử nhân đại dịch Covid-19. Ngài nhắc đến việc kiểm soát dân số cũng như “các áp lực của nhà nước” và không ngần ngại cảnh cáo rằng “có nguy cơ này là cuộc khủng hoảng coronavirus sẽ là dịp để Trung Quốc mở rộng thêm nữa điều mà phân tích gia người Tân Gia Ba Eric Teo gọi là ‘hệ thống triều cống mới’” trong các liên hệ của họ với các quốc gia khác.

Phải chăng ở Vatican đang bắt đầu có cái nhìn mới về Trung Quốc. Để rộng đường phán đoán, chúng tôi xin chuyển ngữ bài viết của Cha Vermander. Xin đọc bản Anh ngữ tại https://www.laciviltacattolica.com/china-and-covid-19/




Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bị đại dịch Covid-19 tấn công, cũng là quốc gia đầu tiên cố gắng trở lại một thứ bình thường nào đó. Do đó, họ là một phòng thí nghiệm, đúng đến hai lần, và điều xảy ra ở đó là mối quan tâm hàng đầu đối với toàn hành tinh. Hơn nữa, các điểm chuyên biệt của hệ thống chính trị và xã hội của họ nêu ra nhiều câu hỏi về việc đại dịch đã ảnh hưởng và sẽ tiếp tục ảnh hưởng ra sao đến trạng thái cân bằng quốc nội và vị thế quốc tế của họ. Tất cả các nhân tố này sẽ quyết định việc xã hội hoàn cầu sẽ thương lượng ra sao để thoát khỏi đại dịch, quản lý lâu dài các rủi ro mà họ sẽ tiếp tục phải đối diện như thế nào, và cả mối liên hệ giữa các tác nhân quốc gia, có thể còn khó khăn hơn trước nữa.

Bác bỏ... rồi bùng phát dịch bệnh

Vào tháng 12 năm 2019, nhân viên y tế ở Vũ Hán – một thành phố với 11 triệu dân, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc - đã phải đối phó với sự xuất hiện của bệnh viêm phổi do virus gây ra nhưng không đáp ứng đối với các phương pháp điều trị thông thường. Họ lưu ý rằng nhiều bệnh nhân làm việc ở chợ thực phẩm Hoanam, nơi các điều kiện vệ sinh có vấn đề, nói cho nhẹ là như thế. Vào ngày 31 tháng 12, chính quyền quốc gia thông báo cho văn phòng Bắc Kinh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về khả năng dịch bệnh có thể bùng phát. Vào ngày 1 tháng 1 năm 2020, chợ trên đã bị đóng cửa, chính thức là để sửa sang lại, và khu vực này đã được khử trùng [1].

Chủng virus mới được phân lập lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 1. Khoảng ngày 12 tháng 1, số bệnh nhân tăng lên đáng kể. Ngày hôm sau, Thái Lan xác nhận trường hợp đầu tiên được nhận diện ở bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, thành phố Vũ Hán vẫn tổ chức một buổi liên hoan cho 40,000 gia đình vào ngày 18 tháng 1 [2] để bắt đầu mừng năm mới của Trung Quốc, rơi vào ngày 25 tháng 1 năm nay [3].

Vào ngày 30 tháng 12, Li Wenliang, một bác sĩ giải phẫu nhãn khoa, đã gửi đi hai tin nhắn trên WeChat để cảnh báo các đồng nghiệp nghiên cứu của ông về những gì đang xảy ra. Họ phát tán rộng ra ngoài nhóm nhỏ, nhóm mà họ đã ngỏ lời. Chính vị bác sĩ giải phẫu nhãn khoa đã được bác sĩ Ai Fen, giám đốc khoa cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán cảnh báo, người hiểu ngay lập tức mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này. Vào ngày 3 tháng 1, Văn phòng An ninh Vũ Hán đã gửi cho Li Wenliang một lá thư khiếu nại và sau đó bắt ông ta phải ký một tuyên bố nhìn nhận rằng ông ta đã loan truyền những tin đồn vô căn cứ và nên tự chế làm như vậy, nếu không có nguy cơ sẽ bị trừng phạt nặng hơn. Sau khi nhiễm virus trong khi thực hành nghề nghiệp của mình vào ngày 10 tháng 1, Li Wenliang đã công bố một báo cáo vào ngày 31 tháng 1, chi tiết hóa các vấn đề của ông với cảnh sát: đó là một bước ngoặt trong ý thức xã hội về sự chậm trễ trong việc đối phó với mối đe dọa.

Cái chết của ông, ở tuổi 34, vào ngày 7 tháng 2, đã gây ra nhiều phản ứng đầy đau đớn và giận dữ trên các mạng xã hội, nhiều phản ứng trong số này được những nhân vật nổi tiếng phát biểu. Bị choáng ngợp bởi cơn bão chống đối, chính phủ đã thành lập một ủy ban điều tra về việc quản lý những ngày đầu tiên của dịch bệnh. Bác sĩ giải phẫu nhãn khoa trẻ tuổi đã được phục hồi chức năng sau khi chết và trở thành một anh hùng cộng sản, cống hiến cho chính nghĩa của nhân dân [4].

Trong tuần đầu tiên của tháng 2, chính quyền Trung Quốc dường như không được trang bị, cả về bản chất của mối đe dọa và cách thức nó đang xói mòn hệ thống quản trị của họ. Nhưng đáp ứng của họ đang thành hình.

Cách ly và thiết bị hóa

Sự đa dạng của các triệu chứng lâm sàng và, thông thường, sự khó khăn trong chẩn đoán đã góp phần trì hoãn nhận thức về mối đe dọa, có lẽ như được chứng tỏ qua các phản ứng đầu tiên của chính quyền khu vực. Sự trầm trọng tương đối của các nhân tố dẫn đến việc đánh giá thấp lúc ban đầu về mối đe dọa vẫn còn là một vấn đề tranh luận. Chỉ đến ngày 21 tháng 1, một bác sĩ Trung Quốc được chính phủ chỉ định để đánh giá tình hình công khai nhìn nhận rằng virus có khả năng truyền từ người này sang người nọ. Kể từ ngày 23 tháng 1, Vũ Hán bị bao vây; cư dân của nó không được di chuyển và họ tiếp tục bị giam giữ trong nhà. Toàn bộ tỉnh Hồ Bắc lập tức bị cô lập đối với các phần còn lại của Trung Quốc; chiến lược cô lập sau đó trở nên có hệ thống, dù được áp dụng theo các quy tắc khác nhau giữa các khu vực.

Việc thực thi lệnh hạn chế được tạo thuận lợi nhờ cơ cấu đô thị của Trung Quốc: khắp nơi, nhà cửa có kích cỡ và vị thế xã hội khác nhau đều có hàng rào phân định rõ ràng; lối ra vào có lính gác ở cửa và ở cổng; ủy ban khu phố phân phối các hướng dẫn chính thức. Hầu hết cư dân thành phố sống trong tình huống này. Trong những năm gần đây, các nỗ lực đã được đưa ra, tuy không mấy xác tín, nhằm làm cho hệ thống hàng rào linh động hơn, nhưng nó đã tỏ ra rất hữu dụng trong hoàn cảnh hiện tại.

Khởi đầu bị mất cảnh giác, nên sau đó, chính phủ đã đảm nhiệm việc truyền bá hình ảnh ‘”đầy tính khoa học” và phương pháp luận, tức hình ảnh về một tổ chức có khả năng tự quản lý lấy cuộc khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng mà ông Tập Cận Bình cho rằng đã đưa mô hình cai trị Trung Quốc trở thành mẫu mực thử nghiệm [5 ]. Đồng thời, nó tìm được một lĩnh vực áp dụng mới cho các kỹ thuật kiểm soát xã hội được phát triển một cách có phương pháp trong những năm gần đây: nhận dạng khuôn mặt giúp theo dõi và nhận diện kẻ phạm tội; chúng được đưa vào danh sách đen dưới tên “hệ thống tín dụng xã hội”, hiện ít nhiều đang vận hành [6]; máy bay không người lái đã được sử dụng để cảnh cáo những người bất cẩn hoặc cứng đầu đeo mặt nạ; robot được trang bị cảm biến (sensor) đã được sử dụng để theo dõi những người có thể bị nhiễm bệnh; và một hệ thống mã QR đã được đưa vào để theo dõi các chuyển động và cho phép mọi người ra vào các nơi công cộng.

Nối kết nối và phân mảnh, một xã hội mất tinh thần

Xã hội Trung Quốc tự phát biểu mình trong không gian tự do mong manh được phép thông qua các mạng xã hội. Không gian này về cơ bản có tính cách riêng tư, và trên hết, bị phân mảnh, giống như ở phương Tây. Xã hội Trung Quốc càng được nối kết, thì việc trao đổi càng trở nên hạn chế đối với những người cùng chí hướng. Một bầu khí như vậy chắc chắn tốt cho các tin đồn, và nguồn gốc của virus là một trong những chủ đề yêu thích. Vốn được một số lớn người Trung Quốc gán cho một âm mưu do các nhà vi khuẩn học người Mỹ tiến hành, Covid-19 cũng được một số người tri nhận như là kết quả của một mưu đồ hoặc thao túng lầm lẫn trong một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Thậm chí còn có tin đồn sau đó rằng virus này đã xuất hiện ở Ý trước khi được phát hiện ở Trung Quốc. Trong hầu hết các trường hợp, điều quan trọng là nói rằng virus không phải là của “Trung Quốc”, và về điểm này, xã hội dân sự và chính phủ phần lớn thỏa thuận với nhau.

Tuy nhiên, sự tương phản thế hệ khá hiển nhiên. Những người lớn tuổi hơn nhận ra dấu vết việc tuyển dụng xã hội và chính trị mà họ đã biết thời còn trẻ. Những người trẻ tuổi hơn đã trải qua sự xen kẽ giữa tức giận khi đối diện với sự thiếu minh bạch và sự thờ ơ cam chịu. Sự tương phản giữa tâm chấn của cuộc khủng hoảng - Vũ Hán và khu vực xung quanh - và tình hình ở phần còn lại của Trung Quốc cũng đã và vẫn còn rất ngoạn mục. Đồng thời, ngay ở các khu vực tương đối được virus tránh né, rõ ràng có một hố phân cách giữa một Trung Quốc phát triển, giàu có với đủ mọi phương tiện đối với đáp ứng lâu dài và các vùng ít thuận lợi hơn.

Trung Quốc bị dịch bệnh biến đổi

Các hiệu quả của dịch bệnh đối với hệ thống xã hội và chính trị của Trung Quốc hành động theo hướng đối nghịch nhau. Ngày nay, niềm tự hào dân tộc được biểu lộ trong cuộc chiến thắng dịch bệnh, trong khi hầu hết các quốc gia khác, đặc biệt là các nước phương Tây, dường như mong manh hơn. Bị bất ổn một chút trong những tháng gần đây bởi cuộc xung đột thương mại với Hoa Kỳ và các cuộc biểu tình gây chấn động ở Hồng Kông trong một thời gian dài, nhà nước rất thận trọng khi nhấn mạnh tới “các hy sinh” do Trung Quốc chịu thay cho phần còn lại của thế giới : virus không phải của “Trung Quốc”, và Trung Quốc đang đi đầu trong cuộc đấu tranh mà chính họ đang tiến hành vì phần còn lại của hành tinh. Trên các mạng xã hội, bạn có thể thấy nhiều người đang phẫn nộ trước sự “vô ơn” do các nước phương Tây biểu lộ đáp lại sự giúp đỡ mà Trung Quốc đang cung ứng cho phần còn lại của thế giới, và một câu chuyện có tính duy quốc gia đã được khai triển và được một số người khuếch đại đến nỗi còn dám dự đoán hoặc hy vọng sẽ có những khai triển về quân sự. Đây chủ yếu là những “chuyện hoa mỹ gây chiến” và góp phần vào việc duy trì bầu khí không lành mạnh.

Mặt khác, trong khi nhiều người bày tỏ lòng mong ước có được một thông tin minh bạch hơn, ít bị thao túng hơn (một cách công khai hoặc thầm lặng), Trung Quốc vẫn chưa thực sự sẵn sàng thay đổi mô hình cai trị bằng “công trạng” (meritocratic) của mình. Việc quản trị về mặt chính trị và tính hợp pháp về mặt kỹ trị nơi các nhà lãnh đạo đã mặc lấy một hào quang “khoa học”. Sự can thiệp trực tiếp của xã hội dân sự vào những vấn đề thực sự quan trọng đã trở nên khó dự đoán hơn. Tuy nhiên, đại dịch sẽ dẫn đến việc tăng cường kiểm soát xã hội và các hệ thống chính trị - kỹ thuật có liên quan. Tất nhiên, người ta có thể tưởng tượng rằng cuộc khủng hoảng sẽ gây ra nhiều chia rẽ mạnh mẽ trong giới lãnh đạo.

Tuy nhiên, mặc dù quần chúng nhân dân sẽ trở lại với những mối quan tâm của cuộc sống hàng ngày, một phần dân số có nguy cơ ra khỏi cuộc đấu tranh này bằng cách chịu đựng áp lực của nhà nước ít hơn trước. Nếu một hiện tượng như vậy xảy ra, cường độ của nó chắc chắn sẽ không đủ để áp đặt các cải cách lâu dài; Tuy nhiên, nó nên đủ để gia tăng các căng thẳng, những căng thẳng, dù hạn chế, vốn đã hiển hiện trước thời có dịch bệnh.

Những nghi ngờ liên tục về số người chết thực sự sẽ đổ thêm dầu vào các căng thẳng này [7], đặc biệt ở Vũ Hán và Hồ Bắc, những nơi chấn thương vẫn còn vô cùng đau đớn và là những nơi, chính quyền, bằng cách nhấn mạnh đến các vấn đề “ổn định xã hội”, sẽ không cho phép dân chúng bày tỏ thích đáng sự đau buồn của họ, khi các nghi thức tang lễ bị giới hạn trong khoảng 20 phút.

Ngoài ra, việc phục hồi kinh tế cũng đang tạo ra nhiều vấn đề. Các số liệu trong quý đầu tiên của năm đều chỉ ra một sự co cụm rất mạnh vào thời điểm mà gánh nặng nợ nần quá mức đã là một vấn đề. Xuất khẩu đang gặp nguy cơ và chính sách đầu tư công lớn lao, vốn đã được sử dụng nhiều lần trong 12 năm qua, đang phải đối đầu với nhiều giới hạn rõ ràng. Bây giờ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh mẽ sẽ gây nhiều bất ổn. Điều có khả năng xẩy ra là, mặc dù có những nguy hiểm, một chính sách đầu tư công sẽ được thực hiện ngay lập tức, nhưng khó có thể tồn tại lâu dài. Việc khuyến khích các gia hộ tiêu dùng và việc tái định hướng các công ty Trung Quốc hướng về thị trường nội địa là rất lớn lao và sẽ còn lớn lao hơn nữa. Nếu điều đó vẫn chưa đủ, thì sự bất mãn tiềm ẩn sẽ tập chú vào thu nhập và việc làm. Một nguyên nhân khác gây lo ngại là thị trường bất động sản, trong đó nhiều công dân đã đầu tư rất nhiều.
Trung Quốc trước mặt thế giới

Liệu Trung Quốc sẽ có thể đóng một vai trò tích cực trong suy tư và các cải cách hoàn cầu hy vọng sẽ được khởi diễn một khi dịch bệnh ít nhất được kiểm soát phần lớn hay không? Ở bình diện kỹ thuật, họ chắc chắn sẽ đóng góp vào việc nghiên cứu virus học; họ sẽ loại bỏ các chợ buôn bán động vật sống từng là nguyên nhân gây ra một số dịch bệnh trong 20 năm qua và họ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật cho các quốc gia được lựa chọn cẩn thận theo các mục tiêu chiến lược. Nhưng họ chắc chắn sẽ dẫn đến căng thẳng lớn với phần lớn cộng đồng quốc tế khi đọc lại các biến cố, và họ đã tích cực chuẩn bị cho việc này. Họ chắc chắn sẽ ca ngợi mô hình cai trị dựa vào “công trạng” của họ, tầm quan trọng của các công cụ kỹ thuật số trong việc kiểm soát dân số và sẽ chỉ trích sự cho là yếu kém của các mô hình dân chủ [8].

Nói cách khác, có nguy cơ này là cuộc khủng hoảng coronavirus sẽ là dịp để Trung Quốc mở rộng thêm nữa điều mà phân tích gia người Tân Gia Ba Eric Teo gọi là ‘hệ thống triều cống mới’ của năm 2004 [9]. Hệ thống triều cống cổ điển, được thành lập từ thời nhà Thanh, đã dành sự ưu đãi cho các quốc gia thừa nhận mình phụ thuộc vào Trung Quốc. Những ưu đãi như vậy ngày nay có thể bao gồm các khoản đầu tư, mua hàng ưu đãi, viện trợ kỹ thuật, hỗ trợ ngoại giao, v.v., với điều kiện nhà nước nhận các ưu đãi như vậy sẽ tự xếp mình vào cùng bình diện ngoại giao với Bắc Kinh. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, hệ thống ấy vẫn chủ yếu giới hạn trong phạm vi khu vực của Trung Quốc; ngày nay nó đã lan rộng khắp thế giới. Các “đường tơ lụa” mới đã sử dụng công cụ này một cách có hệ thống và sẽ có nhiều quốc gia yêu cầu loại hỗ trợ này vì cú sốc kinh tế và sức khỏe [10].

Ngoài ra, các giá trị đang được đánh giá lại ngày hôm nay sau đại dịch - sự điều độ, tính minh bạch, tình liên đới của xã hội dân sự - không được ghi vào DNA của mô hình phát triển do Trung Quốc lựa chọn. Các cuộc thảo luận về một trật tự thế giới mới đang xuất hiện sẽ khó khăn và có thể không thành công.

Nếu Trung Quốc duy trì thái độ biến cuộc tấn công thành hình thức phòng thủ tốt nhất, cuộc đối thoại cần bắt đầu có thể không tiến xa bao nhiêu. Một số câu hỏi sẽ không dễ dàng biến mất: những câu hỏi liên quan đến nguồn gốc của virus và việc quản lý nó trong vài ngày đầu; những câu hỏi liên quan đến tính nói sự thực trong các ước tính được cung cấp trong thời gian giam cầm ở Vũ Hán; những câu hỏi về cách Trung Quốc đối đầu với các hậu quả của đại dịch để tham gia trên cơ sở từng quốc gia một vào việc quản lý lợi ích của chính họ, hoặc có lẽ quyết định đi theo con đường có tính hoàn cầu và quảng đại hơn. Trung Quốc phải hiểu rằng cách họ giải quyết những vấn đề này sẽ ảnh hưởng cách triệt để đến mối liên hệ của họ với châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm và vô trách nhiệm khi cố gắng tẩy chay nước này. Việc tìm kiếm bất cứ điểm hội tụ và hợp tác nào cũng đều vô cùng chủ yếu, giống như việc người ta không được từ bỏ “nói sự thật”. Mặc dù vẫn còn tập chú vào việc đánh giá các nhân tố chúng ta vừa đề cập, châu Âu sẽ phải cố gắng bắt đầu một diễn trình với Trung Quốc và các tay chơi hoàn cầu khác sẽ xây dựng lại các nền tảng hợp tác quốc tế trước các nguy cơ đang đe dọa loài người, trong đó cả đại dịch. Diễn trình này sẽ đòi hỏi phải tìm kiếm sự thật và phát biểu, nhưng nó cũng đòi hỏi chúng ta phải nhìn về tương lai, trau dồi ý thức chia sẻ trách nhiệm và khám phá mọi hậu quả từ một sự kiện mà thực tại của nó đã đi vào thân phận làm người của chúng ta: nhân loại thực sự được hợp nhất bởi cùng một số phận.
___________________________________________________________________________________________________
[1]. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn là chợ này là nguồn chính của virus. Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm suy đoán rằng các trường hợp đầu tiên được ghi nhận từ tháng 9 đến tháng 11 tại Vũ Hán, nhưng bên ngoài chợ này. Gần đây, các giả thuyết đã được phát sóng về một sai lầm có thể xảy ra tại một trung tâm nghiên cứu dịch tễ học ở Vũ Hán: hai công văn từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2018 đã bày tỏ sự lo ngại về các điều kiện an toàn của phòng thí nghiệm, một phòng thí nghiệm vốn nhận được “trợ cấp của Mỹ”. (xem J. Rogin, “các điện tín của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo về các vấn đề an toàn tại phòng thí nghiệm Vũ Hán nghiên cứu dơi coronaviruses”, trên Washington Post, ngày 14 tháng 4). Thông tin này không chứng minh rằng virus có nguồn gốc từ vị trí này hoặc vị trí khác và không giả thuyết nào được xác minh một cách chắc chắn.

[2]. Xem news.sina.com.cn/, ngày 21 tháng 1 năm 2020.

[3]. Đây là cách chính phủ Trung Quốc thông đạt cách giải thích của họ về sự phát triển của dịch bệnh: Tân Hoa Xã, “Trung Quốc công bố dòng thời gian về chia sẻ thông tin COVID-19, hợp tác quốc tế”, ngày 7 tháng 4 năm 2020, tại www.xinhuanet.com

[4]. Vào ngày 2 tháng 4, Đảng đã trao tặng Li Wenliang danh hiệu “liệt sĩ”, cùng với nhiều nhân viên y tế đã chết khác.

[5]. Tuyên bố ngày 25 tháng 1, do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng; Tân Hoa Xã, “Xi nhấn mạnh việc ngăn ngừa lây nhiễm dựa trên luật pháp, ngăn ngừa, kiểm soát, tại Xinhuanet, ngày 5 tháng 2 năm 2020, tại www.xinhuanet.com

[6]. Tân Hoa Xã, “Trung Quốc lên danh sách đen các cá nhân vì che giấu các triệu chứng, vi phạm kiểm dịch”, ngày 13 tháng 2 năm 2020, tại www.xinhuanet.com/. Bị hệ thống tẩy chay có nghĩa là, chẳng hạn, không được mua vé tàu hoặc lấy tín dụng ngân hàng; cũng có nguy cơ bị kỳ thị công khai, một hệ thống vốn đã vận hành tại Trung Quốc ngay cả trước khi dịch bệnh xảy ra.

[7]. Những câu hỏi công khai đầu tiên về số người chết chính xác ở Vũ Hán được một tờ báo Trung Quốc, Caixin, đưa ra trong một bài báo ngày 26 tháng 3, trong đó có đề cập đến số lượng quan tài được đặt tại mỗi một trong tám nhà hỏa táng ở thành phố. Trung Quốc sau đó sửa đổi ước tính số người chết ở Vũ Hán trong đại dịch vào ngày 17 tháng 4, tăng thêm 50%. Trong số lượng chính thức mới, quả thực, chính quyền giải thích rằng họ có tái đối chiếu các dữ kiện nhận được từ hồ sơ bệnh viện, thông tin được cung cấp bởi các đồn cảnh sát và danh sách các cơ quan lo tang chế. Do đó, tổng số tử vong do coronavirus đã tăng lên tới 3,869 người.

[8]. Lời chỉ trích cuối cùng này một phần được gây ra do sự kiện này: hai nền dân chủ châu Á nằm trong số các quốc gia quản lý dịch bệnh tốt hơn cho đến nay: Hàn Quốc và Đài Loan.

[9]. Eric Teo Chu Cheow, “Paying tribute to Beijing: An ancient model for China’s new power” (nạp triều cống cho Bắc Kinh: Một mô hình cổ xưa cho quyền lực mới của Trung Quốc), trong International Herald Tribune, ngày 21 tháng 1 năm 2004. Xem cùng tác giả, “China as the Center of Asian Economic Integration” (Trung Quốc như Trung tâm hội nhập kinh tế châu Á” trong China Brief, 22 thán 7, 2004

[10]. Xem “China’s post-covid propaganda push” (Thúc đẩy tuyên truyền sau covid của Trung Quốc) trong The Economist, ngày 16 tháng 4 năm 2020.
 
Cuộc rước kiệu cảm động Procissão do Adeus tạm biệt Đức Mẹ.
Đặng Tự Do
04:16 14/05/2020

Tại Fatima, sau mỗi lần tượng Đức Mẹ Fatima được rước ra khỏi đền thờ, các tín hữu hành hương lại tham dự một cuộc rước rất đặc biệt mà người Bồ Đào Nha gọi là “Procissão do Adeus”. Procissão nghĩa là cuộc rước, Adeus nghĩa là tạm biệt. Ý nghĩa của cuộc rước này là tạm biệt Đức Mẹ và tạm biệt nhau.

8 người khiêng kiệu Đức Mẹ qua các lối đi trong khi các tín hữu vẫy những khăn tay màu trắng để tạm biệt Đức Mẹ. Hàng triệu những khăn tay màu trắng như thế tạo thành một quang cảnh rất ngoạn mục.

Nếu đã từng được tham dự cuộc rước Procissão do Adeus, quý vị và anh chị em sẽ cảm thấy một cảm giác rất khó diễn tả. Lưu luyến chào tạm biệt Đức Mẹ, trở về với đời thường, nhiều người không khỏi rơi lệ.

Lần này tuy không có người hành hương nào được tham dự, ban tổ chức vẫn tổ chức cuộc rước kiệu truyền thống này như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin tường trình về bài giảng của Đức Hồng Y António Marto trong lễ kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Đền thờ Đức Mẹ Fatima đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày 13 tháng 5 năm 1917 khi Đức Maria hiện ra mà không có sự hiện diện của công chúng.

“Đúng là thánh đường vắng vẻ, nhưng không bị bỏ hoang. Chúng ta xa cách về thể xác, nhưng hợp nhất về mặt tâm linh như một Giáo hội với Đức Maria, một cách mãnh liệt, với một trái tim tràn đầy đức tin và niềm phó thác,” Đức Hồng Y António Marto nói khi ngài chủ sự chuỗi Mân côi vào đêm trước ngày kỷ niệm.

“Đức Maria dạy chúng ta tin, hy vọng và yêu mến. Mẹ là Ngôi sao biển, tỏa sáng trên chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên con đường của chúng ta trong biển lịch sử.”

Đức Hồng Y Marto, giám mục của Leiria-Fátima, đã dâng thánh lễ ngày 13 tháng 5 được livestream từ đền thờ Fatima. Trong bài giảng, ngài kêu gọi hoán cải và lần hạt Mân Côi để đối phó với đại dịch coronavirus.

“Đại dịch này là một lời kêu gọi hoán cải tâm linh sâu sắc. Một thời gian ngắn trước đây, chúng ta sống với một sự tin cậy vững chắc vào sức mạnh khoa học kỹ thuật, vào sức mạnh kinh tế - tài chính, và nghĩ rằng chúng ta có thể miễn nhiễm khỏi bất kỳ dịch bệnh nào hoặc, nếu nó ập đến, một giải pháp nhanh chóng sẽ được tìm thấy. Nhưng, thật bất ngờ, một loại virus thầm lặng, vô hình, không thể đoán trước, có thể làm ô nhiễm tất cả mọi thứ và làm choáng váng cả thế giới. Chúng ta cảm thấy mặt đất như rung chuyển dưới chân mình.”

Đức Hồng Y Marto nhận xét rằng tình huống bi thảm và kinh hoàng hiện nay của đại dịch coronavirus đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương và yếu đuối của loài người, và mời mọi người suy ngẫm về những gì là thiết yếu trong cuộc sống.

Tại Bồ Đào Nha, lễ kỷ niệm Đức Mẹ Fatima bắt đầu vào đêm trước ngày lễ. Cha Carlos Cabecinhas, giám đốc của đền thờ Fatima, đã mời các gia đình đặt nến ở cửa sổ nhà mình như một cách để tham gia vào đám rước nến truyền thống tại Fatima.

Vị Giám đốc đền thánh Đức Mẹ nói rằng dù mọi người không thể hành hương bằng đôi chân của mình, họ vẫn có thể thực hiện một cuộc hành hương nội tâm bằng trái tim của họ.

Các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự sẽ được tái tục tại Bồ Đào Nha vào ngày 30 tháng 5 với một số hạn chế được đưa ra bởi Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha, để giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Tại Nhà nguyện Hiện ra Fatima, Đức Hồng Y Marto đã chủ sự chuỗi Mân Côi ngày 12 tháng 5 với Năm Sự Thương suy ngẫm về những mầu nhiệm trong cuộc thương khó Chúa và ý chỉ xin chấm dứt đại dịch coronavirus.

Ngài nói đứng trước đại dịch coronavirus kinh hoàng, chúng ta muốn hiệp nhất trong lời cầu nguyện, lòng cảm thông và dịu dàng với nhau.

“Hôm nay chúng ta đáp lại đại dịch coronavirus kinh hoàng này bằng chuỗi Mân Côi, là một lời cầu nguyện đặc biệt cần đến trong những thời điểm khó khăn. Khi suy ngẫm về những mầu nhiệm cuộc thương khó Chúa, chúng ta hợp nhất với tất cả nhân loại đau khổ. Chúng ta trao phó nỗi buồn và nỗi lo của mình cho trái tim từ mẫu của Đức Maria”.

Đức Hồng Y đã nhắc lại lời yêu cầu của Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ xuất hiện với ba trẻ chăn cừu là Lucia, Jacinta và Francisco vào ngày 13 tháng 5 năm 1917 rằng: “Các con hãy lần chuỗi Mân côi mỗi ngày để mang lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.”

Jacinta và Francisco Marto đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh vào ngày 13 tháng 5 năm 2017. Cả hai vị thánh trẻ tuổi đã chết vì đại dịch cúm Tây Ban Nha. Trận đại dịch kinh hoàng này đã giết chết khoảng 50 đến 100 triệu người vào đầu thế kỷ 20.


Source:Catholic News Agency
 
Ngân sách Tòa Thánh bị thâm thủng vì đại dịch
Lê Đình Thông
08:59 14/05/2020
Hiện nay, ngân sách Tòa Thánh bị thâm thủng nặng nề vì đại dịch coronarirus. Phần thu ngân sách giảm từ 25 % đến 45 %. Tỷ lệ thất thu chủ yếu do việc đóng cửa các viện bảo tàng của Tòa Thánh. Các bảo tàng viện này do Đức Thánh Cha Clément XII sáng lập năm 1734. Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng các viện bảo tàng của Tòa Thánh là chứng nhân vững vàng của Chân Thiện Mỹ Sáng Thế, và là công cụ hữu hiệu Phúc âm hóa nhằm chống lại văn hóa rác rếu thời đại.

Ngoài 12 nhân viên Tòa Thánh bị nhiễm Covid-19, đại dịch còn tác hại đến ngân sách Tòa Thánh. Bộ trưởng Thánh bộ Kinh tế Tòa thánh là linh mục dòng Tên người Tây Ban Nha Juan Antonio Guerrero Alves cho biết thực trạng bi đát này trong cuộc họp báo ngày hôm qua (13/05), và được thông tấn xã Tòa thánh Vatican News đưa tin. Số thâm thủng gồm cả các khoản đóng góp của tín hữu thập phương cũng như tiền đóng góp của các giáo phận có khả năng tài chánh. Linh mục Guerrero Alves cho biết tình trạng hiện nay rất đáng quan ngại. Từ cuối tháng Tư, Đức Thánh Cha đã quyết định dời lại đến tháng 10 tiền đóng góp vào các hoạt động từ thiện của Tòa Thánh.

Cha Guerrero tiết lộ ngân sách thâm thủng trước đây là 70 triệu euros, trong khi tổng số chi lên tới 320 triệu euros. Số tiền này dùng để trả chi phí nhân viên và hành chánh, chi phí truyền thông, chi phí cho các phủ sứ thần trên khắp thế giới và quỹ trợ giúp các Giáo hội đông phương.

Linh mục Guerrero Alves cho biết ‘‘hoạt đông kinh tế Tòa Thánh không phải là kiếm lời, nhưng để tài trợ cho các sứ vụ của Tòa Thánh’’. Ngài kêu gọi các cơ sở trực thuộc đề cao cảnh giác, minh bạch tối đa, áp dụng chặt chẽ các nguyên tắc kế toán, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn đạo đức.

Lê Đình Thông
 
Đại lễ mừng kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại trong hoàn cảnh đại dịch
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
15:53 14/05/2020
Fatima 13.05.2020 -- Có thể nhiều người nghĩ rằng cuộc hành hương này thật đáng buồn vì đã được tổ chức trong một không gian „cửa đóng then cài” và vì chúng ta đang thiếu MỘT CUỘC HÀNH HƯƠNG NỘI TÂM, MỘT VIỄN TƯỢNG CANH TÂN VÀ HY VỌNG!?

Lạy Mẹ dấu yêu. Chúng con sẽ trở lại đây, cùng nhau dâng lời tán tụng tạ ơn, để hát cho Mẹ nghe

Vào 10 giờ sáng ngày 13.05.2020, Đức Hồng Y Antonio Marto, chủ chăn của giáo phận Leira-Fatima đã chủ sự thánh lễ dâng kính Đức Mẹ Fatima trên lễ đài chính của quảng trường Fatima, nhân kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima vào năm 1917 và cũng mừng kính kỷ niệm 3 năm Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh cho hai trẻ mục đồng Thánh Phanxicô và Giaxinta Marto.

Cùng đồng tế với ĐHY chủ nhà, còn có ĐHY thượng phụ Lisboa, Đức TGM giáo phận Braga và Đức TGM giáo phận Evora, cùng các linh mục tuyên úy của Đền Thánh và đại diện cho các dòng tu.

Trước đó vào lúc 9 giờ sáng, đoàn đồng tế và một số tín hữu đại diện cho 21 giáo phận Bồ Đào Nha, cũng như đại diện các dòng tu chính tại Fatima khoảng chừng 40 người được phúc tham dự đại lễ này đã tham dự giờ lần hạt Mân Côi tại linh đài Đức Mẹ hiện ra.

Thánh tượng chính của Đức Mẹ Fatima, đội vương miện quý giá với hàng ngàn viên bảo ngọc và viên ngọc quý giá nhất là chính viên đạn ám sát Đức Thánh Giáo Hoàng GIoan-Phaolô đệ Nhị vào ngày 13.05.1981 tại quảng trường Thánh Phêro Roma, đã được cung nghinh long trọng lên lễ đài chính, theo đúng truyền thống mỗi năm tại Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima.

Thánh lễ kính Đức Mẹ Fatima với hai bài đọc chính trích sách Khải Huyền của thánh Gioan (Kh 11,19a; 12,16a-10ab) và bài trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Epheso (Ep 1,36. 11-12). Tiếp đó là bài Tin Mừng ngắn gọn theo Thánh sử Luca 11, 27-28 bằng bốn thứ tiếng chính: Bồ, Anh, Tây Ban Nha và Ba Lan.

Sau đây là bài giảng đầy ý nghĩa sâu thẳm và đáng suy nghĩ của Đức Hồng Y Marto chủ tế:

"Kính chào, Mẹ từ ái!

Vào ngày hôm nay và thời gian của sự bất ổn, đau đớn này, chúng con kêu cầu Đức Mẹ là Mẹ của lòng thương xót.

Thưa Mẹ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, kể từ năm 1917, vào ngày 13 tháng 5 vĩ đại này, đoàn dân yêu dấu của Mẹ, từ mọi chân trời góc biển trên thế giới không thể đông đảo tụ họp về đây, để ngăn ngừa những rủi ro cho sức khỏe cộng đồng. Thật bất ngờ, một cái gì đó mà chúng con thậm chí chưa thể hình dung ra được hình dáng của nó đã giam giữ chúng con tại gia và tước đoạt chúng con khỏi những khoảnh khắc yêu thương và đáng mơ ước nhất của cuộc sống chúng con, chính là khoảng khắc chúng con được sống gần gũi với mẹ hằng năm, ôi Mẹ yêu thương.

Cuộc hành hương nội tâm

"Những đoàn hành hương đông đảo và công trường muôn mầu muôn sắc của bao năm qua. Thật khó mà phủ nhận được nỗi buồn cộng thêm sầu thương, nhưng chúng con biết rằng „Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mên Người „ (Rm 8, 28). Theo nghĩa này, có lẽ tất cả chúng con đều đang học cách hành hương theo nghĩa thuần khiết của nó, đó chính là thực hiện cuộc hành hương bằng trái tim, cuộc hành hương nội tâm trong hành trình thân thiết gần gũi nhất của cuộc đời chúng con, cùng với sự đồng hành thiêng liêng của người Mẹ trên trời của chúng con, Người đang ra tay trợ giúp mỗi người chúng ta gặp được Thiên Chúa thánh thiện và nhân hậu.

"Quả thực là đám đông những người sốt sắng sùng kính thông thường mọi năm không hiện diện ở đây hôm nay để chào đón Đức Mẹ bằng bài thánh ca quen thuộc của Fátima. Nhưng trước khi chúng con quyết định hành hương đến Đền thánh này, Đức Mẹ đã ở ngự trị trong tim chúng con, cư ngụ trong nhà của chúng con và hằng lôi cuốn chúng con. Hôm nay chính Đức Mẹ là người đã mở cánh cửa của ngôi đền thánh này và rời bỏ nó một cách thiêng liêng, như một người hành hương đến gần với cuộc sống của chúng con, đến nhà của chúng con và mang đến cho chúng con sự an ủi của trái tim từ mẫu như Mẹ đã làm khi đến thăm bà chị họ Isave xưa.

"Thân lậy Đức Bà, chúng con tin rằng Mẹ đã được Thiên Chúa nhân từ gửi đến nơi diễm phúc này để gần gũi với chúng con và đồng hành cùng chúng con trong mọi tình huống cuộc sống. Từ các gia đình và trái tim của chúng con, với sự đơn giản của trẻ thơ, chúng con dám bộc bạch với Mẹ những nỗi lo âu và sợ hãi của chúng con, cả những vết thương và nước mắt của chúng con, và niềm tin của chúng tôi đặt trọn ở nơi Mẹ. Lạy Mẹ từ ái, xin Mẹ đoái thương lắng nghe những lời than vãn kêu xin của chúng con, xin Mẹ cùng khóc với chúng con, cùng đau nỗi đau với chúng con và Mẹ sẽ tìm thấy trong thiên đàng, đó chính là trái tim của Mẹ, niềm an ủi kịp thời cho tất cả những người đang cảm thấy yếu đuối và gặp nguy hiểm và cho những người ra đi mà không có sự hiện diện của những người thân yêu của họ và cũng không thể nói lời vĩnh biệt.

„Những người từng cảm thấy thực sự hành hương ở đền thánh diễm phúc này, cảm nghiệm rất rõ ràng rằng sau khi gặp Mẹ, họ rời khỏi đây mà lòng cảm thấy bâng khuâng. Mẹ luôn giúp chúng con hướng về phía trước, Mẹ luôn trao ban cho chúng con liều thuốc tâm linh chữa lành và ban cho chúng con tâm hồn thư thái, Mẹ luôn tặng ban cho chúng tôi hương thơm của tình yêu Chúa, Mẹ luôn mời gọi chúng con canh tân niềm tin vào Chúa Kitô, canh tân con đường, sự thật và cuộc sống của chúng con. Chúng con tin chắc rằng Mẹ luôn đồng hành với chúng tôi trong những ngày khó khăn này.

Sứ điệp của Fátima: đọc những dấu hiệu của thời gian với hy vọng

"Giống như vào ngày 13 tháng 5 năm 1917 xưa, hôm nay cũng có „một người nữ rất xinh đẹp“ được giới thiệu với chúng ta, trong bài đọc đầu tiên, giống như một hình ảnh của „một người Phụ Nữ mình khoác mặt trời“ rạng ngời ánh sáng của Thiên Chúa, Người mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của chúng ta và lịch sử của thế giới dưới ánh sáng của đức tin và mời gọi chúng ta tin tưởng vào chiến thắng của sự thiện và sự sống chống lại cái ác và cái chết. Đến lượt mình, Tin mừng hôm nay giới thiệu Đức Bà là một người phụ nữ khiêm nhường giữa dân, là gương mẫu về đức tin để nghe và tuân theo Lời Chúa, hạt giống của sự sống mới trong Chúa Kitô. Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta cập nhật sứ điệp của Fátima về hy vọng và hòa bình và lời kêu gọi ăn năn cải thiện đời sống: luôn có thể bắt đầu lại!

"Quả thực, trên thực tế, ánh sáng của đức tin giúp chúng ta nhìn thấy chiều tích cực của cuộc khủng hoảng, của những đêm tối, bởi vì nó cũng cho chúng ta biết rằng vào những đêm đen đó cũng có những vì sao để chiêm ngắm. Hoặc, giống như ai đó đã viết,“có những điều bạn học được tốt nhất trong sự bình tĩnh, một số điều khác trong bão tố“ (Willa Cather). Đức tin giúp chúng ta đọc và hiểu biết các dấu hiệu của thời đại trong giờ hiện tại, với một triển vọng đổi mới và đầy hy vọng.

Cuộc triệu tập để chuyển đổi sâu

"Một thời gian ngắn trước đây, chúng ta đang sống với niềm tin lớn lao vào sức mạnh khoa học kỹ thuật, vào sức mạnh tài chính - kinh tế, nghĩ rằng chúng ta có thể miễn nhiễm với bất kỳ dịch bệnh nào, hoặc nếu nó có đến, chúng ta sẽ nhanh chóng giải trừ hậu họa. Nhưng, thật bất ngờ, một loại „virus“ thầm lặng, vô hình, không thể đoán trước, có thể làm ô nhiễm tất cả mọi thứ và làm cả thế giới choáng váng. Chúng ta cảm thấy mặt đất gập ghềnh dưới chân mình. Tất cả các công việc và chương trình dự tính của chúng ta tan tành như một căn nhà giấy mổi. Các kế hoạch dự phòng và khẩn cấp ngay lập tức được thực hiện để đối mặt với thảm họa toàn cầu này.

"Đó là một tình huống đầy kịch tính và bi thảm chưa từng có, mời gọi chúng ta suy ngẫm về cuộc sống và, ngay từ đầu, hãy tập trung vào điều cốt yếu, điều mà nhiều lần chúng ta thường quên lãng khi cuộc sống quá tốt đẹp. Nó đưa ra ánh sáng và tiết lộ tình trạng dễ bị tổn thương và yếu đuối của con người chúng ta. Đôi khi, chúng ta dường như quá mạnh mẽ và đôi khi chúng ta lại quá yếu đuối, dễ bị tổn thương. Nó khiến chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống (tôi sống để làm gì? Tôi sống vì ai?), suy tư về khả năng và thực tế của cái chết, về cái chết của chính mình và của những người thân yêu của chúng ta. Buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về thói quen, lối sống của chúng ta, quy mô của các giá trị hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể sống chỉ để tiêu thụ và hưởng thụ. Nó đặt chúng ta trước mầu nhiệm tối thượng vĩ đại của cuộc sống và của loài người, mà chúng ta, những người tin, tuyên xưng Thiên Chúa, Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Tất cả điều này đòi hỏi một sự phản ánh nội tâm, tinh thần và cũng là sự mở cửa trái tim của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng đã bị lãng quên, bị bỏ qua, và bị tẩy chay.

"Một đại dịch là một lời kêu gọi chuyển đổi tâm linh sâu sắc. Một lời kêu gọi các tín hữu Kitô giáo, nhưng cũng mời gọi tất cả mọi người, những con người đều là tạo vật của Thiên Chúa. Một cuộc sống tốt hơn trong ngôi nhà chung của chúng ta, trong hòa bình với các sinh vật, với tha nhân và với Thiên Chúa, một cuộc sống đầy ý nghĩa đòi hỏi phải chúng ta phải chuyển đổi! Chúng ta hãy tự hỏi nếu chúng ta có thời gian dành cho Chúa, nếu chúng ta cho Ngài vị trí mà Ngài xứng đáng trong trái tim và trong cuộc sống của chúng ta.

"Sự dễ bị tổn thương và yếu đuối của chúng ta khiến chúng ta cảm thấy mình cần nối kết với toàn thể nhân loại, bởi vì vi-rút vượt qua mọi rào cản địa lý và tất cả các điều kiện xã hội, kinh tế, phân cấp: giàu, nghèo, lớn và nhỏ, có giáo dục hay mù chữ, không ai được miễn dịch. Chúng ta đều cảm thấy mình liên kết với nhau và thuộc về một nhân quần bình thường, trong sự yếu đuối, nhưng cũng gắn kết nhiều hơn trong tình anh em và tình đoàn kết với nhau. Và chúng ta nhận ra rằng sự tự do của chúng ta chỉ có thể được khi thực thi với trách nhiệm và sự đoàn kết, rằng chúng ta phụ thuộc lẫn nhau và liên kết giữa chúng ta với nhau và do đó chúng ta phải tự cứu tất cả chúng ta hoặc chúng ta sẽ chết với nhau cả đám. Đồng thời chúng ta cũng khám phá tầm quan trọng của gia đình như một sự hỗ trợ nhân bản và tinh thần, như một giáo hội tại gia trong thời gian bị cách ly.

"Đại dịch, với sự gián đoạn lâu dài của cuộc sống bình thường, đã đem lại những hậu quả kinh tế, xã hội và lao động thật khủng khiếp! Nó đã tạo ra một đại dịch đau đớn hơn, đó là sự gia tăng của đói nghèo, đói khát và loại trừ xã hội, trở nên trầm trọng hơn bởi văn hóa thờ ơ. „Vi-rút thờ ơ“ chỉ bị đánh bại bằng các kháng thể tương thân tương ái và đoàn kết. Là Kitô hữu, chúng ta không thể thờ ơ, ngoảnh mặt nhìn đi chỗ khác. Về đề tài này, chúng ta có tầm nhìn của Thánh trẻ Giaxinta trong cuộc đối thoại với chị Lúcia: Chị không thấy sao, có rất nhiều con đường, có nhiều ngõ ngách và cánh đồng đầy người, họ đang khóc vì đói và họ không có gì để ăn? Và Đức Thánh Cha đang quỳ cầu nguyện trước Đức Mẹ Vô Nhiễm trong một nhà thờ? Và có quá nhiều người cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha? Đó chính là tình huống hiện nay, khi có người đến gõ cửa cơ quan thiện nguyện Caritas của các giáo phận, cũng như một số giáo xứ và đó là một tiếng kêu báo động!

"Nhưng, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta, cần phải thúc đẩy sự tương thân tương ái hầu hướng dẫn thế giới cùng chung sức đương đầu trước sự phá sản của hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta đã được thông báo hiện nay. Chúng ta hãy lắng nghe những câu hỏi đầy thách thức của Đức Giáo Hoàng.

"Có phải chúng ta sẽ có thể hành động với tinh thần trách nhiệm khi phải đối mặt với cơn đói mà nhiều người gặp phải, khi biết rằng chúng ta có đủ thức ăn cho tất cả? Chúng ta sẽ tiếp tục ngoảnh mặt nhìn đi chỗ khác với sự im lặng đồng lõa trước những cuộc chiến được thúc đẩy bởi khao khát kiểm soát và quyền lực? Chúng ta có sẵn sàng thay đổi lối sống khiến nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói, thúc đẩy và khuyến khích chúng ta sống một cuộc sống nhân bản và hạn hẹp hơn cho phép chia sẻ công bằng các nguồn lực tài chính? Chúng ta có chấp nhận như một cộng đồng quốc tế các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự tàn phá của môi trường hay chúng ta sẽ tiếp tục phủ nhận bằng chứng hiển nhiên? Toàn cầu hóa sự thờ ơ sẽ tiếp tục đe dọa và cám dỗ cung cách sống của chúng ta. Hãy để chúng ta hy vọng rằng nó sẽ gặp thấy chúng ta với các kháng thể công bằng, bác ái và tương thân tương ái.

Chúng con sẽ trở lại

"Lậy Mẹ yêu dấu, chúng con muốn cảm ơn Mẹ vì cuộc hành hương nội tâm này, ánh sáng, hy vọng, niềm ủi an và sự bình an của Chúa Kitô mà Mẹ mang đến nhà của chúng con. Hôm nay Mẹ đang đi đường một chiều; chúng con sẽ tìm cách trở lại đây khi chúng con vượt qua được mối đe dọa đang ngăn cản chúng con bây giờ. Chúng con sẽ trở lại: đó là sự tin tưởng và cam kết của chúng con. Chúng con sẽ trở lại đây cùng nhau, dâng lời tán tụng tạ ơn, để hát cho Mẹ nghe: Này chúng ta sẽ quy tụ về đây, lậy Mẹ dấu yêu, để hiến dâng tình yêu của chúng con cho Mẹ!“

Kết thúc bài giảng là các lời nguyện giáo dân bằng 6 thứ tiếng chính: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan.

Sau lời nguyện kết lễ, toàn thể cộng đồng đã cung nghinh và thờ lậy Thánh Thể Chúa theo đúng truyền thống hành hương. Kết thúc Thánh Lễ với phép lành Thánh Thể trọng thể cho toàn thể Dân Chúa, đang tham dự hành hương trực tuyến.

Sau đó toàn thể cộng đồng đã vui mừng đón nghe sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô mến gửi Fatima trong ngày trọng đại và đáng ghi nhớ 13.05.2020 hôm nay:

"Quý khách hành hương Fátima thân mến,

Do hoàn cảnh bắt buộc, ngày 13 tháng 5 này, các bạn sẽ không thể thực hiện chuyến hành hương đến Cova da Iria theo thông lệ như lòng mong ước. Nhưng Tôi biết, các bạn cũng đang hiện diện ở đó, mặc dù chỉ trong trái tim và tâm hồn. Và lý do rất đơn giản! Một đứa con trai, một đứa con gái không thể được nhìn thấy Mẹ từ xa và vì thế nó phải đau lòng xót dạ; nhưng lòng tin cậy phó thác nơi Mẹ thật lớn lao đến nỗi các bạn luôn cảm nhận được Mẹ luôn cùng đồng hành với mình, khiến cho mọi nỗi lo âu sợ hãi biến mất và bạn có thể đặt mình an giấc ngủ yên bình như khi thấy mình nghỉ yên trong lòng Mẹ.

Với những lời này của tôi, tôi chỉ muốn trấn an các bạn về sự đồng hành mà Mẹ trên trời của chúng ta trao ban cho bạn. Hôm nay, nhờ linh hồn và trái tim, chúng ta có thể kết hiệp với Đức Trinh Nữ Maria; và chúng tôi cảm thấy bị hạn chế! Vâng, quá hạn chế, quá bé nhỏ đến mức một con vi-rút bất ngờ có thể dễ dàng làm đảo lộn mọi thứ và mọi người... Đức Mẹ cũng nhỏ bé như chúng ta, nhưng Mẹ đã hoàn toàn phó thác cậy trông nơi Chúa và Ngài đã thực hiện những việc trọng đai nơi Mẹ, biến Mẹ thành Mẹ của chúng ta. Hôm nay, trong vinh quang về thể xác và tâm hồn, Mẹ toàn hiến cả tình mẫu tử quan tâm chăm sóc để thiết lập lại mối liên hệ từ mẫu với chúng ta và mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Các bạn đừng quên lời hứa của Mẹ vào ngày 13 tháng 6, năm 1917: "Trái tim Vô nhiễm của Mẹ sẽ là nơi nương tựa của chúng con và là con đường dẫn bạn đến với Chúa".

Đối với Chúa, Mẹ tin tưởng tất cả và từng người trong số các bạn, từ những người đặc trách chăm sóc Đền Fatima, những người hôm nay đang hiện diện và đại diện cho mọi người dưới chân Đức Mẹ, như môn đệ Gioan trên đồi Canvê xưa - «Thưa Bà, đây là con của Bà! » (Ga 19, 26) và, từ trong căn nhà này, cả thế giới đã đến với Ngài... - Ngay cả với những người bệnh, nghèo khổ và bị bỏ rơi, không quên các chuyên viên y tế và các tình nguyện viên cam kết phục vụ họ. Một lời cầu nguyện đặc biệt, tôi yêu cầu các bạn - trong khi các bạn không quên cầu cho tôi – hãy cầu cho các nạn nhân của đại dịch covid-19 này và cho tất cả những bệnh nhân đã qua đời; Đặc biệt cho những người thấy mình cô đơn trên hành trình về cõi vĩnh hằng, tôi tin chắc rằng Đức Mẹ từ bi nhân hậu đã cùng đồng hành với họ về với Thiên Chúa. Xin Chúa là Cha từ ái ban phước lành cho các bạn và Đức Mẹ Fatima giữ gìn và bảo vệ bạn.

Rome, ngày 8 tháng 5 năm 2020.

Kết thúc với cuộc rước kiệu cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima về lại linh đài với 20 quốc kỳ đại diện cho 5 châu lục, nhất là các quốc gia đang là nạn nhân đại dịch viêm phổi Vũ Hán...cùng khấn xin Mẹ Fatima đoái thương cầu cùng Chúa cho nhân loại mau thoát vòng dịch tễ nguy hiểm hiện nay.

Vào lúc 21g30 buổi chiều tối 12.05 hôm qua, cũng đã diễn ra nghi thức khai mạc chính thức Năm Hành Hương 2020 tại Linh Đài Đức Mẹ hiện ra với nghi thức mừng ánh sáng Phục Sinh, thắp nến cho khách hành hương và giờ Lần Hạt Mân Côi suy niệm Năm Mùa Thương do Đức Hồng Y Antonio Marto chủ sự. Sau đó đoàn hành hương đã rước nến cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima lên lễ đài chính của quảng trường Fatima, bắt đầu với Thánh Giá và 21 giáo dân cầm nến sáng tượng trưng cho 21 giáo phận Bồ Đào Nha…

Tiếp đến là giờ cử hành Phụng Vu Lời Chúa, với bài đọc tiên tri Isaia (61,1-3) và Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 1, 39. 45-56). Sau bài giảng ngắn gọn của Đức Hồng Y chủ tế là nghi thức rửa chân cho ba khách hành hương với ý nghĩa Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima theo lệnh tuyền và mẫu gương Chúa luôn sẵn sàng hiến thân phục vụ khách hành hương đến kính viếng Mẹ Fatima.

Quảng trường Fatima mênh mông chìm trong bóng tối, nhưng được thắp sáng bằng hàng ngàn ngọn nến lung linh tượng trưng cho hàng trăm ngàn khách hành hương cùng hiệp thông cầu nguyện.

Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu

(Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=j9rHnku_KR4, Photos: Presse/ Santuario Fatima)
 
Học bổng của Đức Thánh Cha cho việc giáo dục ở Lebanon
Thanh Quảng sdb
18:37 14/05/2020
Học bổng của Đức Thánh Cha cho việc giáo dục ở Lebanon

Một sự can thiệp phi thường của Đức Thánh Cha Phnaxicô hỗ trợ việc giáo dục cho những người trẻ ở Lebanon, nơi mà cuộc chiến đã gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đau khổ và nghèo đói, có nguy cơ làm xụp đổ hy vọng của một thế hệ trẻ trong tương lai.

(Tin Vatican)

Hôm thứ Năm, Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô đã chi một ngân khoản 200.000 USD, từ quỹ quyên góp để giúp vào vấn đề giáo dục cho 400 học sinh, sinh viên ở Lebanon.

Quỹ quyên góp được thực hiện để nói lên tình đoàn kết, chia sẻ và nâng đỡ trên lãnh vực quốc gia và quốc tế nhắm vào những lợi ích chung, vượt lên trên các vấn đề cục bộ và phe phái.

Trong một thông báo tuyên bố về món quà này, Văn phòng Báo chí Tòa thánh lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã quan tâm theo dõi tình trạng nhiễu nhương ở Lebanon trong thời gian gần đây! Đức Thánh Cha luôn kêu gọi thế giới hãy cùng nhau chung sống trong tình huynh đệ.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Vương quốc Lebanon, tiền thân của quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, theo thông cáo thì miền đất Cedars, đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong đau khổ và nghèo đói, có nguy cơ ‘đánh mất đi hy vọng của một thế hệ trẻ, những người đang đối diện với khó khăn và một tương lai mù mịt...

Cuộc khủng hoảng bùng nổ cho thấy những người trẻ trong nước không được tiếp tục học hành, đặc biệt ở những nhiều nơi xa xôi hẻo lánh mà Giáo hội đang phục vụ và giúp khôi phục lại… Món quà của Tòa thánh nhằm đáp ứng phần nào những nhu cầu này…

Theo Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho hay thì việc quyên góp đã được cơ quan Tòa thánh và Thánh bộ về Giáo hội Đông phương thực hiện. Quỹ Học bổng này là những quyên góp khẩn cấp được thực hiện trong thời đại dịch Covid-19 này.

Kèm theo quỹ học bổng, Đức Thánh Cha nguyện xin Đức Mẹ Núi Harissa Lebanon cùng các chư thánh Lebanon che chở và bảo vệ cho dân chúng Lebanon.
 
Andrea Tornielli: Về quyết định ngưng phát sóng trực tiếp các Thánh lễ hàng ngày tại Santa Marta
Đặng Tự Do
21:18 14/05/2020
Thánh lễ sáng thứ Hai, 18 tháng Năm, sẽ là Thánh lễ thứ 65 và là Thánh lễ cuối cùng trong một chuỗi các Thánh lễ hàng ngày được phát trực tiếp trên toàn thế giới qua các đài truyền hình và Internet.

Ông Andrea Tornielli, Chủ biên Vatican News, có bài nhận định về loạt các Thánh lễ này và giải thích quyết định ngưng phát sóng trực tiếp các Thánh lễ này của Đức Thánh Cha.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Thánh lễ sáng thứ Hai, 18 tháng Năm, sẽ là Thánh lễ cuối cùng trong một chuỗi các Thánh lễ hàng ngày trong đó Đức Thánh Cha đồng hành cùng hàng triệu người trên thế giới trong hơn hai tháng qua. [Nói cụ thể hơn, đó là Thánh lễ thứ 65 của ngài từ khi các Thánh lễ bị đình chỉ tại Ý vào ngày 8 tháng Ba. – chú thích của người dịch]

Các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự ở Ý được tái tục vào ngày 18 tháng Năm. Vì thế, Đức Thánh Cha đã quyết định ngưng các buổi phát sóng trực tiếp Thánh lễ sáng của ngài.

Thánh lễ cuối cùng sẽ là một thánh lễ đặc biệt, vì ngày 18 tháng 5 cũng đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Giáo Hoàng Karol Wojtyla. Trong dịp này Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ tại bàn thờ trên lăng mộ của người tiền nhiệm.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sinh năm 1920, được bầu làm Mục tử Toàn thể Hội thánh năm 1978. Ngài mất năm 2005 và được phong thánh năm 2014.

Thánh lễ phát trực tiếp cuối cùng

Các thánh lễ buổi sáng tại Casa Santa Marta được phát trực tiếp trong thời gian cách ly này là một món quà bất ngờ và thật đẹp đẽ.

Nhiều người - ngay cả những người ở xa Nhà thờ - cảm thấy được Đức Thánh Cha đồng hành và ủng hộ, qua các Thánh lễ lặng lẽ gõ cửa nhà họ vào đầu mỗi ngày.

Nhiều người đã khám phá ra tầm quan trọng và niềm an ủi trong cuộc gặp gỡ hàng ngày với Tin Mừng. Nhiều người trước đây chưa bao giờ theo dõi phụng vụ ngày thường trên TV, một Thánh lễ không cần những lời bình luận và với vài phút chầu Thánh Thể.

Vẻ đẹp và sự đơn giản trong các bài giảng ứng khẩu của Đức Giáo Hoàng cho phép tất cả chúng ta bước vào các trang sách Tin Mừng, như thể chúng ta đang có mặt khi những sự kiện đó diễn ra. Trong tình trạng khẩn cấp đã giam hãm chúng ta trong các bức tường của ngôi nhà mình, tầm quan trọng của việc giảng dạy hàng ngày của Đức Giáo Hoàng đã được khẳng định, và thậm chí còn quyết đoán hơn trong những khoảnh khắc đầy bất trắc, đau khổ, hoang mang với nhiều câu hỏi về một tương lai bất định.

Huấn quyền của Đức Thánh Cha và sứ vụ của ngài

Các bài giảng được đưa ra tại Santa Marta tiêu biểu cho một khía cạnh quan trọng trong sứ vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô với tư cách là Giám mục Rôma. Nhiều người đã quen với việc theo dõi các Thánh lễ buổi sáng tại Santa Marta thông qua các bản tóm tắt được cung cấp bởi Vatican Media và các tập kỷ yếu của Nhà xuất bản Vatican, nơi thu thập các bài giảng trong một năm và được công bố mỗi năm một lần.

Tuy nhiên, trong hai tháng qua, trải nghiệm này đã khác đi, bởi vì chương trình phát sóng trực tiếp đã mang đến khả năng tham gia – ngay cả từ các khoảng cách xa xôi - vào các cử hành phụng vụ hàng ngày này, nghe Đức Giáo Hoàng giảng và suy ngẫm về Kinh thánh.

Hàng triệu người tham gia

Hàng triệu người đã tham dự các Thánh lễ này mỗi ngày. Nhiều người đã viết thư cảm ơn. Bây giờ, khi các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự tại các nhà thờ Ý được tái tục, một giai đoạn mới bắt đầu.

Có thể chắc chắn rằng mọi người trên khắp thế giới sẽ mất đi cơ hội dự lễ hàng ngày trực tuyến này. Nhưng, như chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói, chúng ta cần trở về sự quen thuộc với Chúa có thể được tìm thấy trong các Bí tích, khi chúng ta tham gia phụng vụ tại địa phương.

Và chúng ta đừng quên một lời mời khác của Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là chúng ta đến với Kinh Thánh mỗi ngày, với cùng sự nhiệt thành và gần gũi mà chúng ta đã quen thuộc trong các Thánh lễ được truyền hình từ Casa Santa Marta.


Source:Vatican News
 
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 8
Vũ Văn An
23:32 14/05/2020
e) Cơ chế bí tích

72. [Cơ chế bí tích]. Cơ chế bí tích của Giáo hội [84], được định hình qua một biến hóa trong nhiều thế kỷ, quan tâm đến các hoàn cảnh chủ chốt trong cuộc sống của những con người cá nhân và của cộng đồng để củng cố Kitô hữu trong đức tin của họ, để đem đến cho họ một cách sống động hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo hội, đồng hành với họ và củng cố họ trong suốt cuộc hành trình sống đức tin của họ. Không những nó chỉ thu thập những khoảnh khắc cô đọng qua đó mầu nhiệm Chúa Kitô diễn biến trong cuộc sống trần gian của Người, mà còn làm cho công việc của Người tiếp diễn bằng cách làm cho chúng hiện diện một cách bí tích. Nhờ cách này, qua các cử hành bí tích của Giáo hội, tính bí tích nguyên thủy của Chúa Kitô vươn tới tín hữu cá nhân và biến họ thành bí tích sống động của Chúa Kitô. Nhờ nước, bánh, rượu, dầu và các lời bí tích, vốn chứa ý nghĩa trực tiếp qui chiếu về Chúa Kitô và biến nó thành một thực tại, tín hữu được lồng hoàn toàn vào thực tại này và được cấu hình bởi nó miễn là họ chấp nhận những dấu hiệu này bằng một sự chuẩn bị thích đáng.

73. [Các bí tích Khai tâm]. Nằm ở đầu cuộc hành trình, các bí tích khai tâm tháp nhập người tin hoàn toàn vào Chúa Kitô và vào cộng đồng giáo hội, cho phép họ, nhờ ơn thánh, cách nào đó trở thành bí tích của Chúa Kitô bằng cuộc sống của họ. Như vậy, bí tích rửa tội là cửa ngõ. Việc được chôn vùi trong nước và ra khỏi nước nói lên sự tham gia vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, tháp nhập vào Thân thể Người và được đồng hình đồng dạng với Người, trở thành một chi thể sống động và tích cực của Giáo hội Chúa Kitô (xem chương 3.1. dưới đây). Phép Thêm sức, với việc lãnh nhận đặc sủng, hàm ngụ một bước đi nữa theo cùng một hướng. Việc xức dầu với dầu thánh (chrism), song song với việc xức dầu của Chúa Kitô, ban năng lực cho Kitô hữu bằng các ơn của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho đức tin bằng cách đảm nhận trách nhiệm này trong cộng đồng Kitô giáo bằng đức tin có tính truyền giáo và giáo hội nhiều hơn (x. Chương 3.2. dưới đây). Nhờ Bí tích Thánh Thể, bí tích Mình Thánh Chúa Kitô, việc tháp nhập, việc hiệp thông và tham gia đầy đủ vào Thân thể Chúa Kitô được phát biểu trong mọi chiều hướng: Kitô học, bí tích và giáo hội (x. Chương 3.3 dưới đây). Vào cuối thời kỳ khai tâm, Kitô hữu đã là một chi thể của Chúa Kitô và của Giáo hội Người, sau khi nhận được mọi phương thế thông thường của việc nên giống Chúa Kitô, cho phép họ sống một cuộc sống Kitô hữu và làm chứng cách chân thực.

74. [Các bí tích chữa lành]. Những ai lãnh nhận các bí tích khai tâm không phải lúc nào cũng hành xử một cách hoàn toàn trung thành và toàn vẹn liên quan đến những gì được biểu thị trong đó. Vì lý do này, cũng có những bí tích gọi là bí tích chữa lành, quan tâm đến sự mong manh và tội lỗi của chúng ta. Với phép thống hối, khi nhận được sự nghinh đón của thừa tác viên, người đại diện cho Chúa Kitô và Giáo hội, và tuyên bố những lời giải tội nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội, không những có việc hòa giải với Thiên Chúa, sau khi đã bác bỏ Người bằng chính cuộc sống của mình, nhưng còn có việc hoà giải với toàn thể giáo hội, vốn công bố sự tốt lành của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, như một cộng đồng của những người được tha thứ. Như thế, nhờ phép thống hối, Kitô hữu làm phẳng lại hành trình đức tin của mình. Vì Bí tích Thánh Thể là bí tích tuyệt hảo của Mình Thánh Chúa Kitô, nên việc tham gia đầy đủ vào nó sẽ không có ý nghĩa gì đối với những ai, sau khi làm tổn hại nghiêm trọng việc được lồng vào Thân thể này, không nhận được ơn tha thứ để hòa giải với Thiên Chúa và hân hoan tái nhập làm thành viên cộng đồng.

75. Phép xức dầu bệnh nhân được cử hành trong một tình huống mong manh, chẳng hạn như bệnh tật. Dầu thánh Chúa Kitô, dầu chữa lành và hương thơm, nói lên sức mạnh của Chúa để cứu toàn diện con người và đưa họ vào vinh quang của Người, mặc dù vẫn có những sai phạm nghiêm trọng (tội lỗi) không nhất quán với đời sống đức tin, nên đã minh nhiên bao gồm ơn tha thứ (xem Gcb 5: 14-15). Như thế, người ta đã chứng thực rằng ngay cả bệnh tật cũng có thể là dịp để biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa (Ga 11: 4); và, trong bệnh tật, trong sự sống và trong sự chết, chúng ta đều thuộc về Chúa (Rm 14: 8-9) bằng cách chia sẻ với Người cuộc thống khổ và các đau khổ của Người trên đường đến vinh quang. Nhờ cách này, cả tội lỗi lẫn bệnh tật đều trở thành một dịp để lớn lên trong sự kết hợp với Chúa và làm chứng rằng lòng thương xót của Người mạnh hơn sự mong manh của chúng ta.

76. [Các bí tích phục vụ hiệp thông]. Các bí tích khác xem xét trực tiếp hơn tới việc phục vụ hiệp thông. Cộng đồng đòi hỏi một cơ cấu và một việc cai quản phản ảnh thực tại có tính bí tích của mình. Vì lý do này, các thừa tác viên thụ phong gia nhập sacerdotium (hàng linh mục) đại diện cho Chúa Kitô làm Đầu. Các ngài minh nhiên đồng hình đồng dạng với Người thông qua việc thực hiện đức ái mục vụ. Nhờ thế, Chúa Kitô tiếp tục hiện diện trong Giáo hội của Người không những như hồng phúc sinh ra Giáo Hội, mà một cách bí tích, còn như một Đấng liên tục tự hiến cho Giáo Hội, không ngừng sinh ra Giáo Hội một lần nữa. Hơn nữa, xét theo góc độ khác và như chi thể của Giáo hội, các thừa tác viên thụ phong cũng đại diện cho Giáo hội, đặc biệt là trong lời cầu nguyện phụng vụ của họ, ca ngợi Thiên Chúa và cầu xin ơn thánh của Người thay mặt cho mọi người. Như thế, Chúa Kitô Mục Tử và Đấng Xức Đầu tiếp tục xây dựng Thân xác của Người trong lịch sử. Toàn thể Giáo hội nhìn nhận trong thừa tác vụ thụ phong, hết thời này qua thời nọ, mình mắc nợ xiết bao ơn phúc của Chúa, trong Lời và trong các bí tích của Người, trong khi các thừa tác viên thụ phong phải đồng hình đồng dạng cuộc sống của họ với Chúa Kitô để trở thành các mục tử theo trái tim Người.

77. Những người được tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần đều thi hành chức tư tế chung của họ (x. LG 10), vốn không thể tách biệt khỏi đời sống đức tin, cả trong tình yêu mà họ tuyên bố với nhau như vợ chồng. Tình yêu được vợ chồng tuyên bố công khai là một mối dây liên kết thánh thiêng mà với nó họ làm cho tình yêu Chúa Kitô dành cho chúng ta, Giáo hội của Người, trở thành hữu hình trong lịch sử và hiện diện trong thế giới. Theo cách này, nhờ hôn nhân, cộng đồng Kitô hữu phát triển và con cái được sinh ra, hoa trái của tình yêu, những người, bằng cách hít thở đức tin trong gia đình, làm tăng số lượng chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô. Như thế, gia đình trở thành Giáo hội tại gia, nơi trổi vượt để lãnh nhận, sống và bày tỏ đức tin (x. Chương 4 dưới đây).

f) Tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trong nhiệm cục bí tích

78. Việc duyệt lại với nhau tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trong nhiệm cục bí tích này đã cho chúng ta thấy một số khía cạnh có tầm quan trọng lớn đối với chủ đề của chúng ta.

a) Trong nhiệm cục thần linh, mọi sự đều bắt đầu từ việc mặc khải cứu độ về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhiệm cục này đạt đến đỉnh cao khi Chúa Cha mặc khải Con của Người qua Lễ Vượt qua của Chúa Con và hồng phúc Chúa Thánh Thần trong Lễ Ngũ tuần. Các mầu nhiệm cứu độ này được trường tồn trong lịch sử thông qua Giáo hội và các bí tích nhờ vào hành động của Chúa Thánh Thần.

b) Sự mặc khải và thông đạt này của Thiên Chúa có một bản chất bí tích: ơn thánh vô hình được thông truyền qua các dấu hiệu hữu hình. Bản chất bí tích của sự mặc khải được tri nhận nhờ đức tin.

c) Đức tin là một mối tương quan bản thân với Thiên Chúa Ba Ngôi, qua đó người ta đáp lại ơn thánh của Người, sự mặc khải bí tích của Người. Do đó, đức tin có tính yếu tính và có bản chất đối thoại. Nó cũng là một thực tại năng động đi kèm với toàn bộ cuộc sống của tín hữu. Như trong bất cứ mối tương quan nào, nó có thể phát triển và tự củng cố chính nó, nhưng cũng có những mặt đối nghịch của nó: bị suy yếu hoặc thậm chí bị lạc lối. Đồng thời, nó có một dấu ấn bản thân và giáo hội. Vì mối tương quan bản thân với Thiên Chúa Ba Ngôi đã được sống bằng đức tin, đức tin dẫn đến sự cứu rỗi và sự sống đời đời.

d) Hành động cứu độ của Thiên Chúa, tức nhiệm cục, vượt ra ngoài các biên giới hữu hình của Giáo hội. Nhân tố này dường như sẽ bác bỏ bản chất bí tích của nhiệm cục. Tuy nhiên, xem xét cẩn thận cách thức ơn cứu rỗi hành động trong các trường hợp như vậy cho ta thấy điều này: hành động cứu rỗi của Thiên Chúa, được chào đón bằng một loại đức tin mặc nhiên, không được thực hiện bên ngoài tính bí tích của nhiệm cục thần linh mà chính vì nhiệm cục này [85].

e) Dưới những hình tượng và khía cạnh khác nhau, việc cử hành các bí tích phải luôn luôn đựợc đồng hành bởi đức tin trong các khía cạnh khác nhau của nó: một đức tin bản thân, trong năng động tính của nó hướng về Thiên Chúa, vốn tham gia vào đức tin giáo hội và gắn kết với đức tin ấy thông qua mong muốn thuộc về giáo hội hoặc, ít nhất, biến thành của mình ý định chuyên biệt của giáo hội vốn cố hữu trong các cử hành bí tích. Nhờ cách này, việc cử hành bí tích không bao giờ sa vào chủ nghĩa tự động bí tích.

f) Trong chính yếu tính của nó, chính đức tin có khuynh hướng tự nhiên muốn tự phát biểu mình ra và tự nuôi dưỡng mình một cách bí tích, chính do cơ cấu bí tích của nhiệm cục vốn phát sinh ra nó. Không những đức tin vào ơn thánh cứu độ của Chúa Giêsu Kitô (Ur-Sakrament [bí tích nguyên thuỷ]) không nên đối nghịch với tính thường hằng lịch sử của nó trong không gian và thời gian nhờ Giáo hội (Grund-Sakrament [bí tích nền tảng]), mà thậm chí không nên được biểu thị như là tách biệt.

2.3. KẾT LUẬN: Tính năng động của đức tin và tính bí tích

79. Tóm lại, chúng ta có thể kết luận với một loạt các tính năng động nổi bật, vốn xuất hiện từ việc xem xét bản chất đối thoại của nhiệm cục bí tích:

a) Đức tin tạo thành đáp ứng có tính đối thoại đối với cuộc đàm luận có tính bí tích của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhân tố này niêm ấn tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích. Trong cuộc hành trình của tín hữu, đức tin được điều biến và phát biểu trong nhiều tình huống khác nhau của cuộc sống, được sánh bước với các bí tích khác nhau mà Giáo hội cung ứng cho đời sống Kitô hữu trong suốt cuộc hành trình trần thế.

b) Theo chính cơ cấu riêng của nó, đức tin Kitô giáo có tính bí tích. Vì lý do này, có một sự đồng bản chất (connaturality) giữa đức tin và tính bí tích. Như thế, một trong tính năng động nền tảng của đức tin hệ ở cách phát biểu có tính bí tích của nó, như một cách nuôi dưỡng, củng cố, làm phong phú và tự biểu lộ chính nó.

c) Cả chiều kích bản thân (chủ quan) lẫn chiều kích giáo hội (khách quan) của đức tin đều dự phần vào cách phát biểu bí tích của đức tin. Trong năng động tính tăng trưởng, đức tin bản thân gắn bó một cách thâm hậu hơn và được đồng nhất nhiều hơn với đức tin giáo hội. Tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích loại bỏ khả thể cử hành bí tích hoàn toàn xa lạ đối với đức tin giáo hội (ý định).

d) Tính bí tích riêng của đức tin luôn bao hàm một năng động lực truyền giáo, vì nó đã chủ động khắc ghi nơi tín hữu một năng động tính của nhiệm cục thần linh, ban cho họ một vai trò lãnh đạo nào đó, vai trò mà ơn thánh Thiên Chúa vốn ban năng lực cho. Những ai lãnh nhận một bí tích đều luôn tăng cường việc nên giống Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, tái khẳng định việc họ được lồng vào giáo hội của họ và thực hiện hành vi phụng vụ ca ngợi Thiên Chúa, Đấng phân phát các điều tốt lành của Người cho chúng ta qua các bí tích. Từ quan điểm này, người ta hiểu rằng những ai lãnh nhận phép rửa, trước nhất, được ơn thánh cách nhưng không: họ được đồng hình đồng dạng với mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô; nhưng đồng thời, họ được mời gọi làm chứng cho hồng phúc nhận được qua một cuộc sống ngợi khen xuất phát từ đức tin của Giáo hội. Không ai lãnh nhận các bí tích duy nhất cho riêng mình, nhưng cũng để đại diện và củng cố Giáo hội, một việc, trong tư cách là phương tiện và dụng cụ của Chúa Kitô (x. LG 1), phải là một chứng nhân khả tín và một dấu chỉ hữu hiệu của hy vọng khi không còn hy vọng, làm chứng ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, bí tích ưu hạng của Thiên Chúa, cho thế gian. Như thế, qua việc cử hành các bí tích và việc sống đầy đủ chúng một cách thỏa đáng, Nhiệm thể Chúa Kitô được củng cố.

Kỳ sau: 3. TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH TRONG KHAI TÂM KITÔ GIÁO
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt Kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:08 14/05/2020
“ Ước mong Thánh lễ này không chấm dứt mà nhắc nhớ chúng ta cải thiện đời sống qua việc sùng kính Đức Mẹ trong việc đọc kinh mân côi cầu nguyện cho thế giới hòa bình, cho kẻ có tội ăn năm trở lại và cho chúng ta sống trong tình thương của Chúa … Đó là lời nhắn nhủ của Lm chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ khi ngài chủ tế Thánh lễ kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima lúc 11g30 thứ tư 13/5/2020 tại Giáo xứ Tân Việt hạt Tân Sơn Nhì.

Xem Hình

Thánh lễ do Lm chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ chủ tế, Lm Phó xứ Giuse Đỗ dức Hạnh đồng tế và giảng lễ, cùng với sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn Dân Chúa.

Trước lễ Lm phó xứ cùng cộng đoàn cung nghinh tượng Đức Mẹ trong nhà thờ, và lần chuỗi thật sốt sáng dâng lên Mẹ.

Đầu lễ Lm chủ tế nhắn nhủ: Cùng với việc rước kiệu Đức Mẹ và lần hạt mân côi, chúng ta đang sống trong sứ điệp mà Đức Mẹ gởi cho toàn thế nhân loại, đặc biệt cho chúng ta là con cái của Mẹ để dâng lên Thiên Chúa Thánh lễ hôm nay. Ước mong Thánh lễ nảy không chấm dứt mà nhắc nhớ chúng ta cải thiện đời sống qua việc sung kính Đức Mẹ trong việc đọc kinh mân côi cầu nguyện cho thế giới hòa bình, cho kẻ có tội ăn năn trở laị và cho chúng ta sống trong tình thương của Chúa.

Chia sẻ Tin mừng Lm Giuse đã nhắc lại biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima với ba trè nhỏ. Biến cố này nhắc nhở mỗi người chúng ta về ba sứ điệp mà Đức Mẹ nhắn nhủ đó là:

Cải thiện đời sống.

Lần hạt mân côi

Tôn sung Trái tim Mẹ.

Ba mệnh lệnh trên chính là những đòi hỏi căn bản và cần thiết mà nhân loại cần phải thực hiện để thế giới được thái bình.

Ngài kết luận: Tạ ơn Chúa và Mẹ đã che chở đất nước chúng con trong cơn đại dịch vừa qua nhưng trên thế giới nó vẫn đang hoành hành, xin Chúa ban ơn giúp các nhà lãnh đạo các quốc gia biết đoàn kết với nhau để đẩy lui dịch bệnh, xây dựng hòa bình để mỗi người được sống trong hạnh phúc, vui vẻ và bình an.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh thể.

Sau khi nhận phép lành cuối lễ, cộng đoàn hướng về Đức Mẹ củng với ca đoàn cất cao tiếng hát: Mẹ Maria ôi, Mẹ Maria ôi. Con vâng nghe Mẹ rồi, sớm chiều từ nay thống hối. Mẹ Maria ôi, xin Mẹ đoái thương nhận lời, cho nước việt xinh tươi, đức tin sáng ngời.” Tiếng hát đơn sơ với ước nguyện xin dâng lên Mẹ quyết tâm siêng năng lần hạt mỗi ngày, đễ nhờ đó đức tin sẽ được tiếp thêm nguồn mạch ân sủng qua lời bầu cử của Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
VietCatholic TV
Cuộc rước kiệu Đức Mẹ giữa quảng trường Fatima trống không khiến nhiều người rơi lệ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:05 14/05/2020

1. Cuộc rước kiệu cảm động “Procissão do Adeus” tạm biệt Đức Mẹ.

Cám ơn quý vị và anh chị em đã đồng hành với chúng tôi trong cuộc hành hương trực tuyến đến đền thánh Đức Mẹ Fatima.

Trong chương trình này, xin được tường trình thêm vài diễn biến sau cùng.

Tại Fatima, sau mỗi lần tượng Đức Mẹ Fatima được rước ra khỏi đền thờ, các tín hữu hành hương lại tham dự một cuộc rước rất đặc biệt mà người Bồ Đào Nha gọi là “Procissão do Adeus”. Procissão nghĩa là cuộc rước, Adeus nghĩa là tạm biệt. Ý nghĩa của cuộc rước này là tạm biệt Đức Mẹ và tạm biệt nhau.

8 người khiêng kiệu Đức Mẹ qua các lối đi trong khi các tín hữu vẫy những khăn tay màu trắng để tạm biệt Đức Mẹ. Hàng triệu những khăn tay màu trắng như thế tạo thành một quang cảnh rất ngoạn mục.

Nếu đã từng được tham dự cuộc rước Procissão do Adeus, quý vị và anh chị em sẽ cảm thấy một cảm giác rất khó diễn tả. Lưu luyến chào tạm biệt Đức Mẹ, trở về với đời thường, nhiều người không khỏi rơi lệ.

Lần này tuy không có người hành hương nào được tham dự, ban tổ chức vẫn tổ chức cuộc rước kiệu truyền thống này như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin tường trình về bài giảng của Đức Hồng Y António Marto trong lễ kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Đền thờ Đức Mẹ Fatima đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày 13 tháng 5 năm 1917 khi Đức Maria hiện ra mà không có sự hiện diện của công chúng.

“Đúng là thánh đường vắng vẻ, nhưng không bị bỏ hoang. Chúng ta xa cách về thể xác, nhưng hợp nhất về mặt tâm linh như một Giáo hội với Đức Maria, một cách mãnh liệt, với một trái tim tràn đầy đức tin và niềm phó thác,” Đức Hồng Y António Marto nói khi ngài chủ sự chuỗi Mân côi vào đêm trước ngày kỷ niệm.

“Đức Maria dạy chúng ta tin, hy vọng và yêu mến. Mẹ là Ngôi sao biển, tỏa sáng trên chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên con đường của chúng ta trong biển lịch sử.”

Đức Hồng Y Marto, giám mục của Leiria-Fátima, đã dâng thánh lễ ngày 13 tháng 5 được livestream từ đền thờ Fatima. Trong bài giảng, ngài kêu gọi hoán cải và lần hạt Mân Côi để đối phó với đại dịch coronavirus.

“Đại dịch này là một lời kêu gọi hoán cải tâm linh sâu sắc. Một thời gian ngắn trước đây, chúng ta sống với một sự tin cậy vững chắc vào sức mạnh khoa học kỹ thuật, vào sức mạnh kinh tế - tài chính, và nghĩ rằng chúng ta có thể miễn nhiễm khỏi bất kỳ dịch bệnh nào hoặc, nếu nó ập đến, một giải pháp nhanh chóng sẽ được tìm thấy. Nhưng, thật bất ngờ, một loại virus thầm lặng, vô hình, không thể đoán trước, có thể làm ô nhiễm tất cả mọi thứ và làm choáng váng cả thế giới. Chúng ta cảm thấy mặt đất như rung chuyển dưới chân mình.”

Đức Hồng Y Marto nhận xét rằng tình huống bi thảm và kinh hoàng hiện nay của đại dịch coronavirus đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương và yếu đuối của loài người, và mời mọi người suy ngẫm về những gì là thiết yếu trong cuộc sống.

Tại Bồ Đào Nha, lễ kỷ niệm Đức Mẹ Fatima bắt đầu vào đêm trước ngày lễ. Cha Carlos Cabecinhas, giám đốc của đền thờ Fatima, đã mời các gia đình đặt nến ở cửa sổ nhà mình như một cách để tham gia vào đám rước nến truyền thống tại Fatima.

Vị Giám đốc đền thánh Đức Mẹ nói rằng dù mọi người không thể hành hương bằng đôi chân của mình, họ vẫn có thể thực hiện một cuộc hành hương nội tâm bằng trái tim của họ.

Các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự sẽ được tái tục tại Bồ Đào Nha vào ngày 30 tháng 5 với một số hạn chế được đưa ra bởi Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha, để giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Tại Nhà nguyện Hiện ra Fatima, Đức Hồng Y Marto đã chủ sự chuỗi Mân Côi ngày 12 tháng 5 với Năm Sự Thương suy ngẫm về những mầu nhiệm trong cuộc thương khó Chúa và ý chỉ xin chấm dứt đại dịch coronavirus.

Ngài nói đứng trước đại dịch coronavirus kinh hoàng, chúng ta muốn hiệp nhất trong lời cầu nguyện, lòng cảm thông và dịu dàng với nhau.

“Hôm nay chúng ta đáp lại đại dịch coronavirus kinh hoàng này bằng chuỗi Mân Côi, là một lời cầu nguyện đặc biệt cần đến trong những thời điểm khó khăn. Khi suy ngẫm về những mầu nhiệm cuộc thương khó Chúa, chúng ta hợp nhất với tất cả nhân loại đau khổ. Chúng ta trao phó nỗi buồn và nỗi lo của mình cho trái tim từ mẫu của Đức Maria”.

Đức Hồng Y đã nhắc lại lời yêu cầu của Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ xuất hiện với ba trẻ chăn cừu là Lucia, Jacinta và Francisco vào ngày 13 tháng 5 năm 1917 rằng: “Các con hãy lần chuỗi Mân côi mỗi ngày để mang lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.”

Jacinta và Francisco Marto đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh vào ngày 13 tháng 5 năm 2017. Cả hai vị thánh trẻ tuổi đã chết vì đại dịch cúm Tây Ban Nha. Trận đại dịch kinh hoàng này đã giết chết khoảng 50 đến 100 triệu người vào đầu thế kỷ 20.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha sẽ dâng thánh lễ tại hầm mộ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 18 tháng Năm

Vào ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 18 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ buổi sáng tại hầm mộ Đức Giáo Hoàng Ba Lan tại khu hầm mộ các vị Giáo Hoàng bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Ngày 18 tháng Năm cũng là ngày đầu tiên các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự có thể tái tục trên khắp nước Ý.

“Tưởng nhớ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ buổi sáng lúc 7:00 sáng trong nhà nguyện của ngôi mộ vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan,” Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói với các phóng viên.

Ông Bruni cũng tuyên bố rằng trong bối cảnh các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự ở Ý và ở nhiều nơi trên thế giới được tái tục trở lại, đây cũng sẽ là ngày cuối cùng mà Thánh lễ buổi sáng của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được phát trực tiếp. Đó là Thánh lễ thứ 65 được phát trực tiếp trong thời gian các Thánh lễ bị đình chỉ tại Ý.

Đức Thánh Cha hy vọng rằng Dân Chúa sẽ có thể trở lại sự quen thuộc với cộng đoàn của mình trong các bí tích, tham gia phụng vụ Chúa Nhật, cũng như các Thánh lễ trong tuần.

Bắt đầu từ ngày 9 tháng Ba vừa qua, các Thánh lễ ban sáng của Đức Thánh Cha đã được phát trực tiếp mỗi ngày vì điều kiện khẩn cấp của dịch bệnh coronavirus, cho phép những người muốn theo dõi các nghi lễ kết hiệp với Đức Giám Mục Rôma.

Đền Thờ Thánh Phêrô đã đóng cửa đối với các du khách và khách hành hương vào ngày 10 tháng Ba, sau khi cảnh sát Ý đóng cửa quảng trường kề bên.

Đến nay vẫn chưa có thông báo khi nào Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ được mở cửa trở lại với công chúng.

Trước đại dịch, các video ghi hình các thánh lễ buổi sáng đã được cung cấp cho các đài truyền hình, nhưng không được phát trực tiếp, và chỉ bao gồm chủ yếu phần bài giảng của Đức Thánh Cha.

Đối với việc kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các Giám Mục Ba Lan đang khuyến khích mọi người sử dụng hashtag, # ThankYouJohnPaul2 trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Theo một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, ý tưởng chủ yếu của các Giám Mục nước này là khích lệ việc sử dụng hashtag để xuất bản các video ngắn, hình ảnh hoặc những lời cảm ơn Thánh Gioan Phaolô II vì triều giáo hoàng của ngài.

Đó cũng là một cách để chia sẻ những kỷ niệm về vị giáo hoàng quá cố cho các thế hệ trẻ, những người không có cơ hội tìm hiểu ngài kỹ hơn, nhưng là những người có mặt thường xuyên trên mạng xã hội.

Theo cách này, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Giáo hoàng Ba Lan về tất cả những gì ngài đã mang lại và vẫn tiếp tục mang lại cho cuộc sống của chúng ta, cũng như cảm ơn ngài vì tất cả những cuộc gặp gỡ với chúng ta, những lời chia sẻ của ngài, những lời chúng ta nhớ nhất; những cảm hứng mà ngài đã gợi lên trong chúng ta và vẫn tiếp tục gợi lên trong chúng ta.


Source:Catholic News Agency

Đức Thánh Cha khích lệ việc sùng kính Đức Mẹ nhân kỷ niệm 103 năm Mẹ hiện ra tại Fatima

Trong ngày lễ Đức Mẹ Fatima, 13 tháng 5 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời chúng ta lần hạt Mân côi hơn bao giờ hết và tâm sự về “ tình lân ái” của Đức Trinh Nữ Maria, đặc biệt là “trong mọi cơn gian nan khốn khó “.

Đức Thánh Cha đã nói về điều đó với thính giả trong buổi triều yết chung trực tuyến vào thứ Tư 13 tháng Năm hôm nay, và trong một dòng tweet, Ngài đã dâng lên Đức Trinh Nữ Maria lời khẩn nguyện sau đây: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, Nữ hoàng Mân côi, xin cho chúng con thấy sức mạnh của chiếc áo choàng che chở của Mẹ. Hy vọng và hòa bình mà chúng tôi mong chờ đợi trông sẽ đến từ vòng tay của Mẹ. #OurDamedeFatima »

Phát biểu trước những người nói tiếng Bồ Đào Nha từ thư viện Dinh Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha đã phát biểu về lễ kỷ niệm này: “Tôi xin chào các thính giả nói tiếng Bồ Đào Nha và, vào ngày mười ba tháng Năm này, tôi khuyến khích mọi người biết noi theo gương của Đức Trinh Nữ Maria. Để đạt mục tiêu này, chúng ta hãy cố gắng sống trong tháng này với một lời cầu nguyện hàng ngày cách hăng say và nhiệt thành hơn, đặc biệt bằng cách lần hạt Mân côi, như Giáo hội hằng khuyên bảo tuân theo ước muốn được Đức Mẹ bày tỏ nhiều lần ở Fatima. Dưới sự bảo vệ của Mẹ, chúng ta sẽ thấy rằng những đau đớn và phiền não của cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. “

Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với giáo phận Fatima và riêng với vị mục tử của giáo phận, Đức Hồng Y António dos Santos Marto như sau: “Tôi muốn nói với tất cả trái tim của tôi với giáo phận Fatima, đền thánh của Đức Mẹ hôm nay. Tôi chào tất cả những người hành hương cầu nguyện ở đó, tôi chào Đức Hồng Y chủ chăn, tôi xin chào thăm tất cả anh chị em. Tất cả cùng hợp nhất với Đức Mẹ, người đang đồng hành cùng chúng ta trên hành trình hoán cải hàng ngày này đến với Chúa Giêsu, xin Chúa ban phước lành cho các bạn!”

Phát biểu về người Ba Lan, Đức Thánh Cha nói thêm: “Tôi trân trọng chào tất cả người Ba Lan. Hôm nay trong phụng vụ, chúng ta kỷ niệm Đức Mẹ Fatima. Chúng ta hãy trở lại trong suy nghĩ về sự xuất hiện của Đức Mẹ và thông điệp gửi đến thế giới, cũng như về cuộc ám sát chống lại Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Người đã tin và đã cảm nhận được sự can thiệp cứu giúp của Đức Trinh Nữ trong cuộc đời mình. Trong lời cầu nguyện của chúng tôi, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Trái tim Vô nhiễm của Đức Maria, thương ban hòa bình cho thế giới, chấm dứt đại dịch, và ban cho chúng ta lòng ăn năn hối cải cuộc sống của chúng ta.”

Cuối cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha lại đề nghị cầu nguyện lần chuỗi Mân côi và tin cậy vào “sự từ ái” của Đức Maria: “Tôi xin chào các tín hữu nói tiếng Ý. Vào ngày kỷ niệm lần đầu tiên xuất hiện trước những người bé nhỏ tầm thường của Fatima, tôi mời bạn cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria khấn ban cho mọi người kiên trì trong tình yêu của Thiên Chúa và của tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ đến các bạn thanh niên, những người già, người bệnh và các đôi tân hôn. Hãy luôn chạy đến nương nhờ sự phù trì che chở của Đức Mẹ; trong Mẹ, chúng ta tìm thấy một người mẹ chu đáo và dịu dàng, một nơi ẩn náu an toàn khỏi mọi nghịch cảnh.”


Source:Vatican News

Thánh lễ tại Santa Marta thứ Năm 14 tháng Năm: Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện, ăn chay và thực hiện các nghĩa cử bác ái

Lúc 7 sáng thứ Năm 14 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ kính Thánh Mátthia Tông Đồ, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho đại dịch coronavirus kinh hoàng này sớm chấm dứt. Ngài nhắc nhớ rằng ngày 14 tháng Năm hôm nay là ngày các tín hữu của các tôn giáo trên khắp thế giới sẽ tham gia - thông qua việc cầu nguyện, ăn chay hoặc bằng cách thực hiện các hành động bác ái - để cầu nguyện cho đại dịch Covid-19 chết chóc này chấm dứt.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, Uỷ ban cao cấp về tình huynh đệ nhân loại đã mời gọi một ngày cầu nguyện, ăn chay, để cầu xin lòng thương xót Chúa trong thời khắc bi thảm của đại dịch này. Chúng ta đều là anh em. Thánh Phanxicô Assisi nói: “Tất cả là anh em”. Và vì điều này, những người nam nữ thuộc mọi niềm tin tôn giáo, hôm nay, hãy tham gia cầu nguyện và làm việc hãm mình đền tội, để cầu xin ân sủng chữa lành khỏi đại dịch này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một. Hôm nay là ngày ăn chay cầu nguyện nên Bài Đọc Một không trích từ Sách Tông Đồ Công Vụ, nhưng được trích từ Sách Giôna, trong đó vị tiên tri mời dân thành Ninivê hoán cải để không phải chịu sự tàn phá thành phố.

Bài Ðọc I: Gn 3, 1-10

Thành Ninivê sám hối và được tha thứ

Bài Trích Sách Tiên Tri Giôna

Chúa phán cùng ông Giôna lần thứ hai rằng: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” Ông Giôna đứng dậy và đi Ninivê, như lời Chúa phán. Ninivê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ.” Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. Vua cho rao tại Ninivê: “Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết.” Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Ninivê chuyển đổi và thành phố đã được cứu khỏi một đại dịch, có lẽ là một đại dịch đạo đức. Và hôm nay, tất cả anh chị em chúng ta thuộc mọi niềm tin tôn giáo cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch, đoàn kết trong một tình huynh đệ kết hợp chúng ta trong giây phút đau đớn này. Đại dịch này diễn ra quá bất ngờ, kinh hoàng và nhiều người chết, thậm chí là chết trong cô đơn, mà chúng ta gần như bất lực không thể làm gì.

Chúng ta hãy nghĩ về những người đau khổ, về hậu quả kinh tế, về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tất cả cùng nhau cầu nguyện với Chúa. Một số người có thể nói rằng đây là thuyết tương đối tôn giáo, coi đạo nào cũng như đạo nào. Không phải như thế đâu.

Mọi người cầu nguyện lên cùng Chúa hết khả năng có thể của mình. Tất cả chúng ta đoàn kết như anh em, cầu nguyện theo văn hóa và tôn giáo của chúng ta, kêu cầu sự tha thứ vì tội lỗi của chúng ta, khẩn xin Chúa ngăn chặn đại dịch này.

Hôm nay là một ngày của tình huynh đệ. Hôm nay là một ngày đền tội và cầu nguyện. Đại dịch đã đến như một trận lụt. Nhưng có nhiều thứ đại dịch khác mà chúng ta chưa nhận thấy vì khi chúng ta tập chú về thảm kịch này, chúng ta thờ ơ với những thảm kịch khác.

Trong 4 tháng đầu năm nay, gần 4 triệu người chết vì đói: đại dịch đói. Chúng ta cũng phải nghĩ đến các đại dịch khác: đại dịch chiến tranh và đại dịch đói khát và những đại dịch khác nữa.

Điều quan trọng là hôm nay chúng ta cầu nguyện cùng nhau theo truyền thống tôn giáo của mình. Hôm nay là ngày cầu nguyện, ăn chay và thực hiện các hành vi bác ái. Khi Chúa thấy rằng người dân Ninivê đã hoán cải, đại dịch đã dừng lại.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta và thương xót chúng ta.


Source:Vatican News
 
Nhà nghiên cứu NASA bị bắt vì bị cáo buộc có liên hệ bí mật với Trung Quốc
Giáo Hội Năm Châu
16:44 14/05/2020


Tính đến ngày thứ Năm 14 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 298,174 người, trong số 4,429,725 trường hợp nhiễm coronavirus. Riêng tại Hoa Kỳ, tử vong đã lên đến 85,197 người, trong số 1,430,348 trường hợp nhiễm coronavirus. Các trường hợp tử vong và nhiễm bệnh tại Hoa Kỳ chưa có một chỉ dấu nào cho thấy dịch bệnh sẽ chấm dứt trong một tương lai có thể nhìn thấy được.

Tờ The Independent cho biết trong bối cảnh đó FBI đang rà soát chặt chẽ những người có mối liên hệ với Trung Quốc, nạn gián điệp Trung Quốc thâm nhập vào các ngành nghề, các sơ sở công quyền, giáo dục cao cấp của Hoa Kỳ. Phản ứng quyết liệt của Hoa Kỳ với gián điệp Trung Quốc cho thấy người Mỹ đã bừng tỉnh và quyết tâm chấm dứt tận gốc nạn ăn cắp tài sản trí tuệ cũng như thông tin tình báo về kinh tế và quốc phòng của họ.

Hôm 14 tháng Năm, ký giả Justin Vallejo của Tờ The Independent cho biết một giáo sư đại học được NASA tài trợ đã bị bắt với cáo buộc giấu giếm chính quyền Mỹ về những liên hệ bí mật với chính quyền Trung Cộng.

Vị giáo sư 63 tuổi, Simon Ngang Thiệu Thái (鋸丁昂) của Đại Học Arkansas đã bị cơ quan FBI bắt với cáo buộc lừa gạt NASA và trường đại học trên “khi không chịu tiết lộ việc ông từng giữ các chức vụ khác tại một trường đại học và các công ty ở Trung Quốc”.

Là giáo sư môn kỹ sư điện và nhà nghiên cứu tại Đại học Arkansas-Fayetteville từ năm 1988, ông Ang bị buộc tội vì gian lận bằng đường giây điện tử vì đã không kể ra các mối quan hệ với Trung Quốc trong khi nộp đơn xin tài trợ của NASA trị giá hơn nửa triệu đô la.

“Những trình bày sai trái về mặt thực chất cho NASA và Đại học Arkansas đã dẫn đến nhiều đường giây tiền bạc được gởi và nhận, tạo điều kiện cho kế hoạch lừa gạt của ông Ngang”, Bộ Tư pháp tuyên bố.

Trong một bản khai hữu thệ gởi tới Tòa Liên Bang Khu Vực Hoa Kỳ, tại Toà Khu Vực Phía Tây thuộc Arkansas, được gỡ niêm phong hôm thứ Hai, đặc vụ Jonathan Willett của FBI cáo buộc rằng ông Ngang đã không trình báo về mối liên hệ của ông với chương trình Ngàn Nhân Tài của Trung Quốc từ năm 2012 đến 2018, ngoài tiết lộ về năm 2014.

“Nhân tài thực hiện kế hoạch tích hợp kỹ thuật từ nước ngoài đưa vào Trung Quốc bằng cách tuyển dụng chuyên gia từ các doanh nghiệp và đại học toàn cầu để trám hết chỗ những công việc về kỹ thuật thúc đẩy sự sáng tạo và tăng trưởng về kinh tế”, ông Willett viết trong bản khai hữu thệ của mình.

“Nhiều chương trình tài năng khác nhau của chính phủ Trung Quốc đã sử dụng những lợi ích về tài chính, cá nhân và chuyên nghiệp để đổi lấy việc hợp tác với các trường đại học, cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc.”

Từ năm 2013, ông Ngang là thanh tra chính hoặc đồng thanh tra về các hợp đồng tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ với tổng trị giá hơn 5 triệu đô la từ NASA, Quỹ Khoa Học Quốc gia, Bộ Năng Lượng và Bộ Quốc phòng, theo tiết lộ của bản khai hữu thệ.

Có lời cáo buộc rằng ông Ngang đã phạm tội gian lận bằng đường giây điện tử liên quan đến việc đệ đơn thành công với NASA vào năm 2016 mà không tiết lộ những liên hệ của ông với chương trình Ngàn Nhân Tài hoặc đã làm cho các công ty Trung Quốc, gồm hãng Binzhou Maotong Electronic Technology, Binzhou Gande Electronic Technology và hãng Jiangsu Xuanzhi New Materials and Technology.

Theo bản khai hữu thệ của đặc vụ FBI, nhân viên hợp đồng của NASA người giám sát khoản tài trợ của ông Ngang nói rằng nếu họ biết về những dính líu của ông với Trung Quốc thì họ đã chẳng trao hợp đồng.

“Nói một cách cụ thể, người nhân viên hợp đồng đã chỉ ra rằng những liên hệ của Ngang với các công ty của PRC (viết tắt của “Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa”) sẽ tức khắc trở thành một báo động đỏ ngay lập tức,” bản khai hữu thệ nói thế.

Những mối liên hệ bị cáo buộc của ông Ngang đã bị lộ ra khi một nhân viên của trường đại học tìm được một ổ cứng trong thư viện của trường và đã dùng email để tìm sở hữu chủ của nó.

Trong những trao đổi qua email năm 2018 giữa một nhà nghiên cứu của Đại học Tây Điện(西電) ở Tây An, Trung Quốc, ông Ngang cho biết bầu không khí chính trị hiện tại khiến tình trạng của ông tại trường đại học đang trở nên khó khăn.

Theo bản khai hữu thệ, Ngang đã viết “Quý vị có thể tìm kiếm trên trang web Trung Quốc về những gì Hoa Kỳ sẽ làm với chương trình Ngàn Nhân Tài thì biết”.

“Không mấy người ở đây biết tôi là một trong số họ nhưng nếu chuyện này bị lộ ra thì chắc là công việc của tôi ở đây sẽ gặp rắc rối lớn [sic]. Tôi phải rất cẩn thận nếu không tôi có thể bị mất việc ở trường đại học này.”

“Sau khi đọc e-mail này, quý vị vui lòng xóa vì sự an toàn, vì bất kỳ e-mail nào cũng có thể được thu hồi.”

Trong bản tuyên bố với tờ The Independent, phát ngôn viên của Đại học Arkansas John Thomas cho biết ông Ngang đã bị đình chỉ chức vụ.

“Simon Ngang đã bị đình chỉ mà không được trả lương cho trách nhiệm của ông đối với trường đại học. Trường đại học cũng đang tích cực hợp tác với cuộc điều tra liên bang trong vấn đề này”, ông Thomas nói như vậy.

Trong một bài đăng trên Facebook của Đại học Kỹ thuật từ hồi 2011, trường đại học nói rằng ông Ngang hồi đó còn là chủ tịch danh dự của Trường Cao Đẳng Bách Khoa Hàng Không Tây An tại Tây An, Trung Quốc.

Bài viết nêu lên: “Ông đã giúp thiết lập chương trình kỹ thuật bảo trì máy bay được chứng nhận đầu tiên của Boeing tại Trung Quốc. Chương trình này đào tạo và chứng nhận cho các sinh viên làm việc trên máy bay Boeing”.

Nếu bị kết án, ông Ngang sẽ phải đối mặt với tối đa là 20 năm tù ở.


Source:The Independent
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Maria, Nữ Vương đời con. Trình bày: Ca sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
19:19 14/05/2020