Ngày 15-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dấu hiệu nhận biết
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
01:26 15/05/2019
CN 5 PHỤC SINH C

Trong giờ phút linh thiêng khi sắp từ giã những người thân yêu để vĩnh viễn ra đi sang thế giới khác, người hấp hối gắng chút hơi tàn căn dặn người yêu dấu những điều mà họ cho là quan trọng nhất.

Khi sắp từ giã các môn đệ để bước vào khổ nạn, Chúa Giê-su trao cho họ những lời tâm huyết sau cùng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau". Với ba dòng Tin Mừng, Chúa Giê-su lặp lại điệp khúc: Yêu thương nhau. Chúa gợi lên ba lý do bổ sung cho nhau về đức yêu thương. Đó là lệnh truyền: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới”; Đó là gương mẫu: “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; Đó là dấu chỉ: “Người ta sẽ nhận biết anh em nhờ tình yêu…”.

Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vì là giới răn của Thầy, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ: mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy khi anh em yêu thương nhau. Chúa Giê-su không muốn các môn đệ yêu thương nhau hời hợt bề ngoài, nhưng muốn họ yêu thương theo một mức độ lớn lao nên Người nhấn mạnh: “Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu nầy để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau.”.

Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Nói đến Công Giáo là người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu cha ông truyền dạy là “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Chúa Giê-su đã so sánh: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.

Như Cha đã yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người ( x.Ga 3,35;5,20;17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x. Mt 3,17;17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẻ và trao ban.Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Người.

Yêu như Thầy đã yêu có nghĩa là:

- Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.

- Thầy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để nêu gương phục vụ.

- “Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy”(Ga 15,15a). Người là Thầy, là Chúa, các môn đệ là người, là đệ tử. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không, Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Người. Bạn hữu tri âm tri kỷ nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy,Thầy đã cho anh em biết”(Ga 15,15b).

- Thầy hy sinh quên mình, Thầy hạ mình phục vụ anh em. Thầy yêu những người bé nhỏ nghèo hèn, yêu thương cả những người thù ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa và Thầy không ngừng tha thứ, muốn mọi người làm hoà với nhau.

- Cả cuộc đời Chúa Giê-su đã sống tình yêu nhập thể và hiến dâng cho tất cả mọi người. Chúa không để ai về tay không khi đến với Người. Kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm tìm được ơn thứ tha…

Yêu như Thầy đã yêu làm nên nét đẹp của Tin mừng. Nét đẹp ấy có sức lôi cuốn mọi người đến cùng Chúa. Tình yêu ấy thật cao đẹp nên Chúa mời gọi: “Anh em hãy yêu như Thầy đã yêu” (Ga 13,34). Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức “như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta.

Chúa Giê-su đã coi “yêu thương” là điều răn căn bản của Ki-tô giáo: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em trên Trời” (Mt 5,43-45). Bài giảng trên núi khai triển giáo lý căn bản này và trở thành một thứ Hiến chương Nước Trời: “…Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương… Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 7-10). Thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” và quả quyết “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa”(1Ga 4,8). Đây là mạc khải tối cao và nét đặc trưng của niềm tin Ki-tô giáo. Trong diễn văn từ biệt, chính Chúa Giê-su cũng long trọng tuyên bố: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau … như Thầy đã yêu thương anh em”. Kể từ đó “yêu thương” trở thành dấu chỉ để nhân loại nhận diện người môn đệ của Đức Ki-tô (x. Ga 13, 34-35).

Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giê-su tuôn chảy đến nhân loại.Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời: “Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” ( R.Tagore).

Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào trường đời để dạy chúng ta sống yêu thương, bác ái; chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống, cũng như cành nho chỉ sống nhờ kết hợp với cây nho.

Trên thị trường ngày nay, có vô số đồ giả: vàng giả, tiền giả, thuốc giả, hàng giả, bằng cấp giả. Giả thật đen xen nhau như cỏ lùng và lúa tốt. Đối với phần đông dân chúng, thì việc phân biệt đâu là thật, đâu là giả quả là điều rất khó khăn.

Trong đạo cũng vậy. Có nhiều Kitô hữu giả trà trộn giữa các Kitô hữu thật, muốn phân biệt ai giả ai thật, cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thế nên Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta dấu hiệu phân biệt rất chính xác. Dấu hiệu đó là lòng yêu thương. Chúa dạy: “người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ thật của Thầy, là các con yêu thương nhau.”. Nếu có ai đó xưng mình là môn đệ Chúa Giê-su mà không tôn trọng, không yêu thương người khác, thì chắc chắn người đó là môn đệ giả.

Có người chiêm bao thấy mình từ giã cõi trần tiến đến cửa thiên đàng. Được biết thánh Phê-rô canh cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào, nên anh ta mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết.

Trước hết, anh ta xuất trình chứng thư rửa tội, có chữ ký của cha sở và dấu đỏ của giáo xứ, nắm chắc hy vọng rằng với chứng thư nầy thì thánh Phê-rô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối. Thế là anh ta lại xuất trình thêm chứng thư thêm sức, rồi chứng thư hôn phối, cả sổ gia đình Công Giáo nữa. Vậy mà thánh Phê-rô vẫn khước từ. “Ngài còn đòi gì nữa? Con còn cả tràng chuỗi đây, cả cuốn sách kinh hôm mai đây. Bấy nhiêu không đủ chứng tỏ con là người môn đệ Chúa Giê-su sao?”. Thánh Phê-rô trả lời: “Con phải mang phù hiệu của người Kitô hữu.”. “Phù hiệu nào nữa, thưa Ngài?”. “Thế con không nhớ lời Thầy chí thánh phán dạy sao: “người ta chỉ căn cứ vào dấu hiệu (phù hiệu) nầy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng thương mến nhau. Chưa có lòng thương mến nhau thì con chỉ là Kitô hữu giả hiệu.”

Qua dụ ngôn phán xét chung, Chúa Giê-su cũng khẳng định điều nầy. Trong ngày ấy, muôn dân sẽ được tập họp lại và Chúa sai thiên thần tách biệt họ thành hai. Người lành đứng bên phải còn kẻ dữ bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những kẻ bên phải rằng: “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa” vì … các người đã thương mến chăm sóc các anh em bé nhỏ của Ta. Rồi Chúa quay sang lên án những người bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì các ngươi đã không yêu thương chăm sóc các anh em bé mọn của Ta. (Mt 25, 31-46)

Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy xem xét lại bản thân mình. Biết đâu ngay cả bản thân tôi cũng là môn đệ giả của Chúa Giê-su mà tôi không hề hay biết! Hãy rà soát lại xem mình đã tôn trọng, chân thành yêu thương và phục vụ những anh chị em chung quanh chưa? Nếu chưa thì chúng ta vẫn còn là những Kitô hữu giả hiệu, chúng ta không thuộc vào số những người môn đệ chân chính và vương quốc thiên đàng không có chỗ cho chúng ta. (theo Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà).

Người Ki-tô hữu có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn yêu người. Chúa Giê-su đã chỉ một dấu hiệu để nhận biết người môn đệ của Chúa là chúng ta yêu thương nhau.

Nguyện xin Chúa giúp chúng con tập sống yêu thương “như Thầy đã yêu” khi thực thi lời Chúa dạy “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho cho chính Ta” (Mt 25,40).



 
Điều răn mới
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:40 15/05/2019
Chúa Nhật V PHỤC SINH, năm C.
Ga 13,31 – 33a.34-35

Con người chúng ta ở trần gian này thường đối xử với nhau theo nhiều mức độ khác nhau. Có những người sống với nhau thật tử tế, thật lịch sự, nhưng có những người lại đối xử với nhau không tốt đẹp lắm. Bởi vì thế giới hôm nay đang sống trong nền văn minh sự chết. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi nói lên điều đó,Ngài muốn gióng lên tiếng nói mạnh mẽ : “ Dù con người sống văn minh, kỹ thuật cao nhưng nếu thiếu tình thương, thiếu lòng quảng đại, thiếu sự trung thực mà chỉ chạy theo hưởng thụ, xác thịt tội lỗi thì thực sự con người đã lâm vào cảnh hư đốn, chết chóc vv…”. Chúa Giêsu đã trăn trối cho các môn đệ và cho tất cả mọi người chúng ta một điều răn mới :” Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em “.

Đức Giêsu trăn trối những lời tâm huyết cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta làm cho tất cả mọi người đều phải suy nghĩ.Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương họ. Chúa không nói các môn đệ hãy yêu thương người ngoài, nhưng là yêu thương nhau. Yêu thuong nhau mới là điều quan trọng. Đức Giêsu trước khi công bố giới răn mới này, Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong đó có cả Giuđa. Đây là cử chỉ vô cùng khiêm tốn của một vị Thầy bởi vì việc rửa chân chỉ dành cho đầy tớ. Rồi trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa như là một cử chỉ thân thương Chúa dành cho Giuđa tỏ lòng sám hối, nhưng thực tế, Giuđa đã bỏ ra đi trong đêm tối, đồng lõa với ma quỷ…Chúa Giêsu biết rõ số phận đang chờ đợi mình. Người sẽ hiến mạng sống mình trên Thập giá theo ý Chúa Cha để cứu độ nhân loại, cứu rỗi mỗi người.Đức Giêsu đã yêu ta trước khi truyền lệnh cho ta yêu thương nhau.Khi cảm nghiệm được điều đó ta sẽ nhận ra tình yêu Chúa dành cho ta,nên ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thuong ta.

Vâng, dấu hiệu của Đạo Công Giáo là cây Thánh Giá, làm dấu Thánh Giá trước các bữa ăn vv…Nhưng đó mới là dấu hiệu, biểu hiệu nổi của một người theo Chúa. Điều quan trọng nhất mà người ta nhận được nơi các môn đệ là họ yêu nhau. Thực tế, nơi các môn đệ còn rất nhiều rào cản như ích kỷ, ghen tuông, chia rẽ, hận thù. Những rào cản này, nếu các môn đệ không vượt thắng, họ sẽ chưa trở thành môn đệ trung kiên của Chúa Giêsu. Việc truyền giáo đòi hỏi người môn đệ Chúa phải hiệp nhất, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Nếu không việc loan báo Tin Mừng sẽ không có kết quả.Trên thế giới ngày nay, lời truyền của Đức Giêsu :” Xin cho mọi người hiệp nhất nên một “ vẫn là một vấn nạn nhức nhối đối với mọi người.

Việc yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta vẫn chưa được mọi người thực hiện một cách rốt ráo vì con người thích chạy theo những thú vui xác thịt, những sự dễ dãi của vật chất, hưởng thụ, mà quên đi cái cốt lõi của Tin mừng là Tình Yêu. Thánh Gioan đã định nghĩa :” Thiên Chúa là Tình Yêu “. Bởi vậy, yêu là tận hiến, là cho đi. Thiên Chúa vì yêu thương con người, nên đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu đến nhân loại để mang ơn cứu độ cho nhân loại, cho mỗi người. Qua cái chết tự nguyện trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã cho nhân loại biết : “ Ngài yêu thương con người tới cùng là tự hiến thân mình trên Thập Giá vì yêu thương con người “. Đúng như Người đã nói :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu” ( Ga 15, 13 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con biết thực hiện Lời Chúa trong đời sống chúng con. Amen.
 
Dẩn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ 5 Sau Phục Sinh 19.5.2019
Lm Francis Lý văn Ca
15:15 15/05/2019

Dẫn Nhập:
Chúa yêu thương các tông đồ một cách quãng đại, tha thứ. Thánh Phêrô đã chối Chúa, các môn đồ đã bỏ Chúa trốn đi hết trong đêm kinh hoàng. Chúa cần đến họ là những người bạn tâm huyết nhất trong giây phút mà máu và mồ hôi Người hòa lẫn...

Chúng ta hãy học nơi Chúa một tình yêu biết tha thứ và thông cảm. Vì tình yêu lâu dài là một tình yêu biết quên mình và tha thứ. Nếu không tha thứ thì tình yêu sẽ chóng chết. Xin Chúa giúp chúng ta đào sâu nền tảng của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và áp dụng chính tình yêu đó trong cuộc sống hôm nay đối với người với người.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Phaolô và Barnaba đã thành công trên đường truyền giáo nơi dân ngoại. Ơn Chúa đã ở cùng các ngài. Kết quả việc truyền giáo là số người tin vào Đức Kitô mỗi ngày một nhiều hơn.

TRƯỚC BÀI II:
Thành thánh Giêrusalem mới xuất hiện, đó là hình ảnh của một Nước Thiên Chúa mới được thiết lập. Trong nuớc nầy Chúa sẽ quy tụ mọi dân nước. Chính trong vương quốc nầy sẽ không còn đau khổ và nước mắt.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Uớc muốn của Chúa là con cái Ngài nơi trần đều sống trong yêu thương và góp phần xây dựng cộng đoàn xứ đạo luôn phát triển về mọi mặt.


Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Giờ đây, với tâm tình của những người con của Chúa, chúng ta cùng hiệp ý dâng lên Cha chúng ta những lời nguyện cầu sau đây:
1. Xin canh tân Giáo Hội, với ánh sáng của Chúa Thánh Linh, Giáo Hội của Chúa mỗi ngày sẽ gột rửa đi, những vết nhăn của sự ích kỷ, hận thù và chia rẽ giữa các Cộng Đoàn Dân Thánh Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Với những tháng ngày Chúa ban, qua những sinh hoạt, gần gũi nhau chúng ta sẽ thay thế vào đó: sự đoàn kết, cảm thông và cùng nhau xây dựng Nhiệm Thể của Giáo Hội thu hẹp là những Cộng Đoàn Xứ Đạo của chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho cố gắng của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đoàn-xứ đạo sẽ đem đến cho từng cá nhân trong chúng ta sự thương yêu, chia sẻ những thiếu thốn của anh chị em trong tình huynh đệ. Vì tất cả chúng ta là con một Cha trên trời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho chúng ta biết đáp lại tiếng Chúa kêu mời sống yêu thương và thông cảm. Xin thực hiện nơi chúng ta những tâm tình hòa nhã, quảng đại và vị tha. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời. Qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, xin cho các linh hổn đuợc an nghỉ trong nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Xin cho hoạt động của Thánh Linh trên cộng đoàn tín hữu chúng con. Với ơn của Ngài ban, chúng con luôn canh tân cuộc sống, thích nghi với môi trường sống hiện nay trong ân tình của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Đau lòng
Lm Vũđình Tường
23:35 15/05/2019
Đau lòng là kinh nghiệm chung của những bậc cha mẹ, dù thương con vẫn quyết tâm không đồng í với con cái. Bởi vì thương con, bởi biết điều đó không tốt cho con, bởi biết điều đó mang lại đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Những quyết định như thế thường là những quyết định rất khổ tâm cho cha mẹ mà cha mẹ hiểu nhưng con cái lại không, lại trách móc, lại giận dữ. Đau lòng khi thấy con bệnh tật. Thật ra bệnh tật là một phần của đời sống, mấy ai sống lâu mà không có bệnh. Mỗi lần bệnh như thế là một lần thay đổi. Bệnh nhẹ không thay đổi nhiều nhưng thập tử nhất sinh là tâm tính thay đổi. Cái nhìn của Kitô hữu không coi bệnh tật là hình phạt, nhưng là cơ hội đổi hình, biến dạng của tâm linh, giúp ta tiến lên giống Chúa hơn. Đây là cách nhìn hướng thượng, hướng về Thiên Chúa, nhìn về phẩm giá con người.

Xã hội luôn có những tấm lòng hy sinh giúp tha nhân như điều Đức Kitô mời gọi phục vụ. Xin đơn cử một ví dụ trong cuộc sống. Nơi phòng cấp cứu bệnh viện, khi xe cứu thương hụ còi đến tất cả bác sĩ, y tá đều chuẩn bị sẳn sàng giúp nạn nhân. Lúc này tuổi tác, giai cấp, phái tính đều được giúp đỡ như nhau, làm sao cứu sống họ, làm sao giúp cho họ bớt đau khổ, làm sao xoa dịu lo lắng thân nhân họ. Tất cả những nhân viên đó làm việc hết mình, hết khả năng và làm tậm tâm trong yêu thương, không đòi hỏi đáp đền của bệnh nhân. Xả thân như thế chính là yêu người như yêu mình. Đức Kitô không đòi hơn như thế và Ngài rất hài lòng với những tấm lòng hy sinh vì tha nhân. Trong xã hội còn có nhiều cơ quan từ thiện như thế. Đội lính cứu hoả chẳng hạn, nhân viên làm việc thiện nguyện của hội thánh Vincent de Paul, các hội bác ái Kitô giáo đều có chung mục đích và họ đều hy sinh thời gian, tài trí hầu xoa dịu vết thương, đau khổ của tha nhân.

Giúp tha nhân là điều Đức Kitô mời gọi. Không phải tha nhân nào cũng nhận biết hy sinh của họ, một số đòi hỏi ngoài khả năng giúp đỡ của người khác, bởi họ nghĩ về họ nhiều hơn về tha nhân, từ đó gây căng thẳng cho người khác. Thí dụ, có lần tôi chứng kiến một bệnh nhân được chuyển từ phòng cấp cứu lên khu bệnh viện vào lúc hai giờ sáng, giờ mà bệnh nhân kẻ ngủ say, người chập chờn, kẻ khác cố dỗ giấc ngủ. Y tá thường trực, luôn bận tay, chân chạy vì máy chỗ này kêu, người chỗ kia nhờ giúp đỡ. Người bệnh nhân mới này đòi hỏi điều gì đó ngoài khả năng của y tá. Sau khi giải thích ông ta vẫn không hài lòng đòi xin gặp cấp trên. Tôi tin là người y tá lo cho bệnh nhân vừa đủ những nhu cầu cần thiết của một bệnh nhân, nhưng không thoả mãn điều ông ước mong, và đây là nguyên nhân gây nên to tiếng. Bệnh nhân có quyền đòi được chăm lo, phục vụ theo khả năng và nhiệm vụ của y tá, nhưng y tá có luật đòi buộc tuân giữ. Y tá cũng có bệnh nhân khác cần coi sóc, chăm lo vì thế họ không thể dành hết thời giờ cho một người. Mệt mỏi, sức đè nén của công việc, thiếu ngủ hay ngủ vào giờ khác thường đều là những 'bóng ma' vô hình người y tá trực đêm phải trải qua. Tuy nhiên họ không than phiền vì những điều đó. Ngành nghề nào cũng có nỗi khổ riêng của nó. Tuy nhiên chọn nghề phục vụ tha nhân là điều họ quan tâm, coi trọng hơn cả. Vẫn biết đây là công việc nuôi gia đình, nhưng nếu không vì yêu nghề, vì thương người, vì coi trọng tình người, vì muốn thực hiện điều Đức Kitô dậy 'thương người' thì khó có thể trở thành người phục vụ tốt. Hy sinh phục vụ luôn phải đối đầu với người lạm dụng, quan tâm đến tha nhân như chính mình, coi phục vụ là điều đáng hãnh diện. Đức Kitô kêu gọi mọi người luôn đặt nhu cầu của tha nhân trước như cầu của mình. Chính điều căn bản này là ánh sáng nhắc nhở mọi người coi phục vụ là điều đáng làm, cần làm. Phục vụ tha nhân với tâm tình yêu mến chính là phục vụ Đức Kitô. Phục vụ Đức Kitô chính là phục vụ cuộc sống trường sinh của chính mình sau khi hoàn tất hành trình trần thế.

TiengChuong.org

Tough love

I felt sick and was hospitalized in the Ipswich hospital, Queensland. For me sickness is understood as a process of transformation to a new phase of life. In faith I believe sickness is a transformation to a 'new life in Christ', because it is through sickness I saw real love in action. When I was admitted to the emergency ward, there came an ambulance. As soon as the siren stopped, nurses and doctors all were in a hurry. They hurried to save lives. They rushed to and fro to help strangers as much as they would to help one their own, regardless of nationality and age and gender. Apart from the responsibility of their profession, they loved their job- save lives and love life.

There is a story I would like to share to show how tough real love was. From my comfortable warm bed, I saw neither the paramedic or the patient, but heard that it was the male voice. He was transferred from the reception area to our ward late at night- around 1am. Not long after he entered the ward, he buzzed for a nurse, demanding what he would like them to do for him. In a warm bed, but not asleep yet, because of the noise, I was half asleep and half awake. Some were sound asleep because of the noise they made; some were awake, judging from the way their beds made noise when their bodies rolled over. While we were comfortable in our warm beds, the paramedic nurses were busy on their shift work, responding to the machines and all other medical devices. After a short conversation, this new patient had got not what he wanted and was demanding to see their superior. The language and its tone were explosive. I understand that the patient was in pain, and demanding his needs be met, but I also understand that the paramedic, who served him was under pressure both of time, and of his responsibility. He served not him alone but there were others to care for as well. He carried out his job as best as he could, and he did it with love and tenderness. I suspect that the patient's expectation was beyond what the paramedic could provide, and that was the cause of the problem. I don't know what he asked from the paramedic, but presume that something which was beyond his authority to grant and also the request was unusual. The paramedic claimed that for years of service, he had never been accused of such claim, and that clearly made his night of service a burden. Tiredness, coldness and frustration were always a 'ghost' of tough love. I think people are often confused between a work of service and the work of a slave. Jesus called us to serve one another; Jesus called us to show love to one another. Jesus has never accepted or promoted a slave service, but he judged and condemned slave service.

Love one another is a way to give glory to God. Demanding to be served by others is the way to demand glory for oneself. For Jesus and his disciples, the former one is promoted; the latter one is condemned.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kỷ lục phi thường: Chầu Mình Thánh Chúa liên tục ngày đêm hơn 141 năm sau phép lạ tại Wiscosin
Đặng Tự Do
17:43 15/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đài truyền hình Hoa Kỳ CBNNews là một đài truyền hình thế tục, không phải là một cơ quan thông tin của Công Giáo, nhưng đã đưa tin về một sự kiện phi thường của Giáo Hội mà có lẽ không mấy người Công Giáo biết đến.

Đây có thể là một điều đáng đưa vào cuốn sách các kỷ lục. Một dòng của các nữ tu ở Wisconsin đã liên tục cầu nguyện cho mọi người. Các thành viên của các nữ tu dòng Phanxicô Chầu Mình Thánh Chúa Liên Lỉ đã làm việc theo ca từ năm 1878. Các nữ tu ở La Crosse, Wisconsin thay phiên nhau dâng lên những lời cầu nguyện cho những người bệnh hoạn và những người gặp căng thẳng trong cuộc sống và họ làm điều đó không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. 100 nữ tu nhận được sự trợ giúp của khoảng 180 giáo dân phụ giúp cầu nguyện nhưng các nữ tu thường phụ trách các ca đêm kéo dài nhiều giờ hơn.

Cộng đoàn các nữ tu dòng Phanxicô tại La Crosse đã được hình thành 7 năm sau trận cháy rừng kinh hoàng tại địa phương này.

Vào ngày 8 tháng 10 năm 1871, tại Peshtigo, một vùng hẻo lánh của bang Wisconsin, các nhân viên làm đường hỏa xa đã đốt rừng để mở đường. Do không có phương tiện dự báo thời tiết, ngọn lửa đã vượt quá khả năng khống chế của họ khi một trận cuồng phong ập đến.

Trận cháy rừng Peshtigo Firestorm đã xảy ra. Đến nay, nó vẫn là trận “cháy rừng khủng khiếp nhất” trong lịch sử Hoa Kỳ. Cho đến tận ngày nay, chưa có trận cháy rừng nào ở Mỹ đã từng gây ra con số tử vong lớn như thế. Người ta ước tính gần 2,500 người thiệt mạng trong địa ngục kinh hoàng cả ngàn độ đó.

Bên cạnh những câu chuyện bi thảm được lưu truyền từ đời này sang đời khác, có một chuyện thật đáng kinh ngạc. Một cách lạ lùng, một ngôi nhà thờ ở ngay giữa đám cháy và những người trốn trong ngôi nhà thờ đó đã không hề hấn gì dù rằng nhiệt độ bên ngoài lên đến cả ngàn độ.

Adele Brise được 24 tuổi khi cô từ Bỉ di cư sang Wisconsin cùng với cha mẹ vào năm 1855. Là một tín hữu Công Giáo mộ đạo, Adele có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ và cầu nguyện hàng ngày cùng Đức Trinh Nữ.

Cô đã được Đức Mẹ hiện ra lần đầu vào ngày 2 tháng 10 năm 1859. Sau đó, cô còn được trông thấy Đức Mẹ nhiều lần.

Đức Trinh Nữ Maria trao cho Adele một sứ vụ “Dạy giáo lý cho trẻ con, dạy chúng làm Dấu Thánh Giá, và làm thế nào để nhận lãnh các Bí Tích”

Vâng nghe những lời của Đức Mẹ, Adele toàn tâm dấn thân vào công việc giáo huấn các trẻ em di dân đến từ Âu Châu thay cho các bậc cha mẹ của chúng đang phải làm việc quần quật trên vùng đất mới.

Thương con, bố của Adele, là ông Lambert Brise, đã xây dựng một chòi nhỏ bằng gỗ tại địa điểm Đức Mẹ đã hiện ra với cô để Adele không phải vất vả đi từ nhà này sang nhà khác dạy trẻ con học.

Vài năm sau, khi được bà Isabella Doyen hiến tặng 5 mẫu đất xung quanh địa điểm này, Adele bắt đầu xây nên một ngôi trường nhỏ. Rồi thì một nhà thờ bằng gỗ lớn hơn được xây dựng sau đó và được đặt tên là Our Lady of Good Help, nghĩa là Đức Mẹ sốt sắng phù hộ các tín hữu. Adele và một số phụ nữ khác đã thành lập một cộng đoàn dòng Ba Phanxicô. Mặc dù cô chưa bao giờ được khấn dòng, mọi người đều gọi cô là sơ Adele.

Tối ngày 8 tháng 10 năm 1871, ngọn lửa Peshtigo bùng cháy nhanh chóng và nuốt chửng toàn bộ hàng loạt các khu vực lân cận. Ngọn lửa kinh hoàng cũng lan nhanh đến ngôi nhà thờ.

Những người trong khu vực đã chạy đến nhà thờ. Nhiều người thậm chí còn mang theo cả các gia súc của họ. Sơ Adele xướng kinh Mân Côi giơ cao một bức tượng Đức Mẹ cầu xin sự bảo vệ của Mẹ trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó. Ngọn lửa hoành hành dữ dội nhưng trong nhà thờ mọi người tiếp tục cầu nguyện.

Hơn một triệu mẫu tây đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn kinh hoàng Peshtigo Firestorm. Tuy nhiên, ở giữa tất cả khu vực bao la vừa bị tàn phá, ngôi nhà thờ, những người bên trong và cả các gia súc không bị hề hấn gì. Năm mẫu tây xung quanh nhà thờ lọt thỏm giữa vùng đất bị tàn phá như một ốc đảo trong sa mạc. Những người đến và thấy cảnh tượng đáng kinh ngạc này biết rằng đó là bàn tay của Chúa. Các tín hữu không nghi ngờ rằng Đức Mẹ đã ra tay cứu họ.

Năm 2009, giáo phận Green Bay đã mở một cuộc điều tra chính thức. Vào ngày 8 tháng 12 năm 2010, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, được sự phê chuẩn cuả Tòa Thánh, Đức Giám Mục David Ricken tuyên bố nhìn nhận sự can thiệp của Đức Mẹ tại Peshtigo và sơ Adele Brise là nhân chứng “đáng tin cậy”.


Source:New York Times
 
Nằm mơ vẫn không thấy nổi: Thống đốc Kay Ivey ban hành luật cấm phá thai triệt để tại Alabama
Đặng Tự Do
20:49 15/05/2019
Trong khi tại New York và Virgina, các nhà lập pháp không ngừng cố gắng mở rộng việc cho phép phá thai, thậm chí chính vào lúc sản phụ hạ sinh thai nhi, trong một diễn biến bất ngờ và đáng mừng, Thượng viện Alabama đã phê chuẩn một biện pháp có hiệu lực cấm gần như tất cả các vụ phá thai trong tiểu bang, đặt ra một thách thức trực tiếp với phán quyết Roe chống Wade, của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vào năm 1973 công nhận quyền của một người phụ nữ được chấm dứt thai kỳ.

Đây là một diễn biến mà các nhà hoạt động phò sinh lạc quan nhất nằm mơ cũng không thấy nổi trước các trào lưu tại Hoa Kỳ.

Luật mới cấm phá thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ và truy tố tất cả các bác sĩ tham gia vào phẫu thuật phá thai. Những bác sĩ này có thể bị buộc tội hình sự và phải đối mặt với 99 năm tù. Ngoại lệ duy nhất là trong trường hợp khi cuộc sống của người mẹ có nguy cơ nghiêm trọng. Các trường hợp phá thai vì bị hãm hiếp hoặc loạn luân đã là một chủ đề gây tranh luận gay gắt giữa các nhà lập pháp tiểu bang Alabama trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, vào giờ chót, ngay cả các trường hợp này cũng không được phép phá thai.

Hạ viện đã phê chuẩn dự luật này. Đó là nỗ lực sâu rộng nhất trong toàn cõi Hoa Kỳ cho đến nay để hạn chế quyền phá thai.

Luật mới sau đó đã được chuyển đến bàn của Thống đốc Kay Ivey, một người Cộng hòa. Trong một email vào tối thứ ba, Lori Davis Jhons, một phát ngôn viên của thống đốc, cho biết nữ thống đốc Ivey sẽ không đưa ra lời bình luận nào cho đến khi bà có cơ hội xem xét kỹ lưỡng phiên bản cuối cùng của dự luật đã được thông qua.

Lori đã ban cho những người phò phá thai vài giờ hy vọng mong manh nữa. Sáng thứ Tư, 15 tháng Năm, 2019, Thống đốc Kay Ivey đã chính thức ký ban hành luật mới.


Source:New York Times
 
Công bố các Sắc lệnh của Bộ Tuyên Thánh. Giáo Hội sắp có thêm 2 vị thánh mới cùng với 1 Chân Phước và 5 Bậc Đáng Kính
Đặng Tự Do
22:19 15/05/2019
Hôm 13 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp phái đoàn Bộ Tuyên Thánh do Đức Hồng Angelo Becciu, tổng trưởng của Bộ này hướng dẫn. Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã chuẩn y và cho phép Bộ Tuyên Thánh ban hành các Sắc lệnh công nhận:

- Phép lạ, nhờ sự can thiệp của Chân phước Giuseppina Vannini (nhũ danh Giuditta Adelaide Agata), người sáng lập Dòng Nữ Tử San Camillo; sinh tại Rôma, Ý vào ngày 7 tháng 7 năm 1859 và qua đời ở đó vào ngày 23 tháng 2 năm 1911;

- Phép lạ, nhờ sự can thiệp của Chân phước Dulce Lopes Pontes (nhũ danh Maria Rita), thuộc Tu Hội Các Nữ Tu Truyền Giáo Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên Tội; sinh tại São Salvador da Bahia, Brazil, vào ngày 26 tháng 5 năm 1914 và qua đời ở đó vào ngày 22 tháng 5 năm 1992;

- Phép lạ, nhờ sự can thiệp của Bậc Đáng Kính Lucia của Đức Mẹ Vô nhiễm (nhũ danh Maria Ripamonti), nữ tu khấn trọn Dòng Nữ Tì Bác Ái; sinh tại Acquate, Ý vào ngày 26 tháng 5 năm 1909 và mất tại Brescia, Ý vào ngày 4 tháng 7 năm 1954;

- Những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Giovanni Battista Pinardi, giám mục hiệu tòa Eudossiade và là Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Turin; sinh tại Castagnole Piemonte, Ý vào ngày 15 tháng 8 năm 1880 và qua đời tại Turin, Ý vào ngày 2 tháng 8 năm 1962;

- Những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Carlo Salerio, linh mục của Hội Thừa Sai Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, vị sáng lập Hội Nữ tu Phạt tạ; sinh tại Milan, Ý vào ngày 22 tháng 3 năm 1827 và qua đời ở đó vào ngày 29 tháng 9 năm 1870;

- Những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Domenico Lázaro Castro, linh mục Dòng Đức Bà Truyền Giáo; sinh tại San Adrian de Juarros, Tây Ban Nha, vào ngày 10 tháng 5 năm 1877 và qua đời tại Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 22 tháng 2 năm 1935;

- Những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Salvador thành Casca (nhũ danh Hermínio Pinzetta), nữ tu Dòng Capuchin; sinh tại Casca, Brazil vào ngày 27 tháng 7 năm 1911 và mất tại Flores da Cunha, Brazil, vào ngày 31 tháng 5 năm 1972;

- Những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa María Eufrasia Iaconis (nhũ danh Maria Giuseppina Amalia Sofia), vị sáng lập Tu hội Con gái Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội; sinh tại Casino di Calabria, nay là Castelsilano, Ý, vào ngày 18 tháng 11 năm 1867 và qua đời tại Buenos Aires, Argentina vào ngày 2 tháng 8 năm 1916.


Source:Holy See Press Office
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bất Thường Quanh Ông Nguyễn Phú Trọng
Phạm Trần
17:33 15/05/2019

Trước Hội nghị Trung ương 10/Khóa đảng XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện liên tục trong hai ngày 14 và 15/05 (2019) để chứng minh ông vẫn đủ sức khỏe để lãnh đạo.

Ông Trọng, 75 tuổi đã có hai hành động bất thường, sau 30 ngày mắc bệnh thuộc diện “bí mật nhà nước” trong chuyến thăm và làm việc tại Kiên Giang hai ngày 13 và 14 tháng 04 năm 2019.

Việc thứ nhất là ông đã chủ tọa cuộc họp với “Lãnh đạo chủ chốt” tại Hà Nội ngày 14/05/2019 để bàn về :”Tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 10 khóa XII, các phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư sắp tới; tập trung bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII và các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV…. tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất cao ở các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.” (theo tin độc quyền của TTXVN)

Nhưng “chủ chốt” có những ai ? Theo liệt kê của TTXVN thì danh sách này gồm :” Các Ủy viên Bộ Chính trị :Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.”

Sự kiện ông Nên, sinh ngày 14/07/1957 tại Tây Ninh có tên trong số “Lãnh đạo chủ chốt” là dấu hiệu ông có cơ hội được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội đảng XIII.

HỌP BỘ CHÍNH TRỊ

Ngày hôm sau, 15/05 (2019) ông Trọng lại chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị, nhưng cũng chỉ bàn tiếp về Hội nghị Trung ương 10, Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV và việc chuẩn bị Đại hội đảng khóa XIII, diễn ra vào tháng 01/2021.

ÔngTrọng được báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng trích lời nói rằng:”Năm 2019, 2020, chúng ta đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, lần này phải quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn đại hội đảng bộ các cấp từ nội dung cho đến công tác nhân sự của Đại hội, tránh tình trạng cứ sắp đến Đại hội là chỉ lo cho công tác nhân sự mà sao nhãng các công việc thường xuyên.”

Ông Trọng lập lại :”Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng. Đề nghị các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao tinh thần này và chỉ đạo các cấp, các ngành. Công việc sắp tới rất nhiều, phức tạp, thời gian còn lại rất ít, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận, đoàn thể cần phải phối hợp chặt chẽ hơn, kịp thời hơn, bảo đảm để các hoạt động của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả cao.

Thật ra những điều ông Trọng nói tại cả hai buổi làm việc không có gì gọi là “đột phá” hay “dứt điểm”, nhưng nhìn qua hình ảnh và nghe âm thanh phát biểu của ông tại cuộc họp với “Lãnh đạo chủ chốt” tại Hà Nội ngày 14/05/2019 thì ai cũng thấy tinh thần ông đã ổn định và thần kinh thanh quản của ông đã thường thường bậc trung, không bị lắp bắp hay ngọng nghẹo như nhiều người đã lo xa.

Đây mới là mục đích chính trị nấp sau cái bóng của ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Trước đây tin không chính thức nói ông bị đột qụy nhẹ (stroke) khi đang chỉ đạo cán bộ và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trưa ngày 14/4 (2019), nhưng phía nhà nước chỉ xác nhận “do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe” của ông Trọng.

Nếu bệnh tình chỉ vì “thay đổi thời tiết” và “cường độ làm việc cao” mà phải biệt tăm đến 30 ngày thì hẳn phải là bệnh lạ chỉ xẩy ra cho giới lãnh đạo, hay còn gọi là bệnh của nhà giầu, dù chỉ trái gió trở chiều. Đối với người dân thì chuyện nhức đầu sổ mũi như cách nhà nước mô tả bệnh của ông Trọng chỉ cần vài viên cao đơn hoàn tán hay cạo gió vài lần là khỏe re ngay.

KIÊN ĐỊNH CỘNG SẢN

Nhưng tin ông Nguyễn Phú Trọng trở lại làm việc đã được phổ biến từ sáng ngày 10/4/2019, tại buổi gặp mặt đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mục đích của cuộc họp, theo báo Người Đại biểu Nhân dân là để ông Trọng :” Lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.”

Tuy nhiên tin này không lan nhanh nên ít ai quan tâm. Có lẽ vì không có Video ghi tiếng nói của ông như tại cuộc họp của “lãnh đạo chủ chốt” ngày 14/05 (2019) nên báo đài nhà nước ngại chăng ?

Tuy nhiên, theo bản tin của báo VNEXPRESS (10/04/019) thì :”Trả lời câu hỏi phải chăng định hướng xã hội chủ nghĩa đã nhạt dần? Tổng bí thư cho hay Việt Nam trước sau kiên định theo chủ nghĩa xã hội, đổi mới nhưng không đổi màu, nhiều thành phần kinh tế nhưng phải đi lên chủ nghĩa xã hội. Ông thông tin, cách đây hai hôm Tiểu ban văn kiện họp để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, đã yêu cầu phải kiên định cương lĩnh, không ai được nói trái, làm trái cương lĩnh.”

Ông Trọng, người có bằng Tiên sỹ chuyên khoa “Xây dựng đảng” là một người cực kỳ bảo thủ, giáo điều, một tín đồ trung thành tuyệt đối với Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.

Ông Trọng nói tiếp :"Kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, các thành phần kinh tế phải bình đẳng, độc lập, tự chủ nhưng hội nhập quốc tế, hội nhập nhưng không được hòa tan.”

Trong khi đó, bài của báo Tiền Phong online cũng viết:”Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Mỗi cá nhân phải kiên định trước cương lĩnh, không được phép nói và làm trái với cương lĩnh; kinh tế phát triển, hội nhập quốc tế mở rộng nhưng không được đi ngược với cương lĩnh”.

Đặc biệt, về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói mỗi người Việt Nam phải kiên định, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, phải tỉnh táo trước những quan điểm sai trái và có nhiều cách làm hiệu quả để giữ ổn định và phát triển đất nước.” (Tiền Phong online 10/04/019)

Ông Trọng nói hăng chuyện Biển Đông đấy, nhưng ông đã chống hành động xâm lược của Trung Quốc ra sao trong cuộc đời chính trị của ông thì em bé năm tuổi ở Việt Nam cũng biết ông không có bản lĩnh bằng hai ông nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn và nguyên Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch (tên khai sinh Phạm Văn Cương).

Không tin, ông Trọng cứ hỏi thẳng ông Tiến sỹ Lê Kiên Thành, con trai ông Lê Duẩn hiện ở Sài Gòn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, con trai ông Nguyễn Cơ Thạch thì biết ngay. -/-

Phạm Trần

(05/019)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Bênêđíctô XVI và cuộc tranh luận hào hứng quanh các giải thích về tính bất khả thu hồi của Giao Ước Cũ, Quan điểm Vatican II
Vũ Văn An
04:22 15/05/2019
2. QUAN ĐIỂM MỚI CỦA VATICAN II VỀ VẤN ĐỀ

Trong số 4 của Tuyên bố thứ hai của Công đồng Vatican về mối quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, mối liên hệ giữa Kitô giáo và Do Thái giáo được phát biểu một cách quyết định. Các sai lầm lịch sử bị bác bỏ, và nội dung thực sự chân chính của truyền thống Kitô giáo trong các vấn đề của Do Thái giáo được phát biểu, nhờ thế đưa ra một hạn độ có giá trị cho khảo luận De Judaeis vừa được chỉnh sửa. Năm 2015, Ủy ban Liên hệ Tôn giáo với người Do Thái đã công bố “Một Suy tư về các Vấn đề Thần học liên quan đến mối liên hệ Công Giáo-Do Thái Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Tuyên bố Nostra Aetate (số 4)”, trong đó, Ủy Ban trình bầy bản tóm tắt có thế giá về các khai triển trước đó. Từ cái nhìn tổng quát này, người ta có thể nói rằng quan điểm mới về Do Thái giáo phát triển sau Công đồng có thể được tóm tắt trong hai tuyên bố:



1) “Học lý thay thế” mà từ trước đến nay đã xác định ra suy tư thần học về vấn đề này, nên bị bác bỏ. Quan điểm này cho rằng sau khi bác bỏ Chúa Giêsu Kitô, Israel đã không còn là người mang các lời hứa hẹn của Thiên Chúa nữa, đến nỗi giờ đây nó có thể được gọi là dân “có lần đã là Dân Ngài chọn” (Lời cầu nguyện Dâng Loài người cho Thánh tâm Chúa Giêsu).

2) Thay vào đó, điều đúng hơn là nói về giao ước không bao giờ bị thu hồi, một chủ đề được khai triển sau Công đồng liên quan đến thư Rôma 9-11.

Cả hai luận đề trên, tức Israel không bị thay thế bởi Giáo hội, và giao ước không bao giờ bị thu hồi, trong căn bản đều đúng, nhưng về nhiều mặt không chính xác (imprecise) và cần được xem xét một cách có phê phán hơn.

Đầu tiên, cần lưu ý rằng trước Công đồng, không hề có “ học lý thay thế” đúng nghĩa: không có phiên bản nào trong ba phiên bản của The Lexikon für Theologie und Kirche (Buchberger - Rahner - Kasper) có một mục về học lý thay thế. Nó cũng không có trong các từ vựng Thệ Phản như Religion in Geschichte und Gegenwart (tái bản lần thứ 3). Tuy nhiên, cần phải nói rằng trong mục lục của ấn bản Kasper của cuốn Lexikon, hạn từ Substitutionstheorie (học lý Thay thế) xuất hiện dưới các mục về “ Cựu Ước II, (Breuning), “Israel III” (Breuning) và “Dân Thiên Chúa I” (W. Kraus).

“Học lý thay thế” không tồn tại đúng nghĩa thế nào, thì ý niệm về vị trí của Israel trong lịch sử cứu độ sau Chúa Kitô cũng không phải là điều được thần học hiểu một cách thống nhất như thế. Dù đúng là các bản văn như chuyện dụ ngôn của những người làm thuê trong vườn nho (Mc 12: 1-11) hoặc tiệc cưới (Mt 22: 1-14; Lc 14: 15-24), trong đó các người được mời không đến và sau đó bị thay thế bởi những người khác, phần lớn đã lên khuôn cho việc hiểu Israel bị bác bỏ và cách thức việc này hành xử ra sao trong lịch sử cứu độ hiện nay.

Mặt khác, điều rõ ràng là Israel hay Do Thái giáo luôn duy trì một vị trí đặc biệt và không bị đơn giản chìm lỉm vào thế giới các tôn giáo khác. Trên hết, hai quan điểm luôn chống lại ý niệm cho rằng Dân Do Thái đã hoàn toàn bị cắt đứt khỏi lời hứa:

1) Israel tuyệt đối là người sở hữu Kinh thánh. Đúng là thư 2 gửi tín hữu Côrintô có nói rằng khi đọc Kinh thánh, một tấm màn che kín cõi lòng của Israel và tấm màn này sẽ chỉ bị cất đi khi họ quay về với Chúa Giêsu Kitô (2 Cr 3: 15tt). Nhưng dù sao, vẫn còn trường hợp này là, với Thánh Kinh, người ta vẫn giữ được sự mặc khải của Thiên Chúa trong tay mình. Các Giáo phụ, như Thánh Augustinô, nhấn mạnh rằng Israel phải được coi là vẫn tồn tại bên ngoài cộng đồng Giáo hội để chứng thực tính chân chính của Sách Thánh.

2) Thánh Phaolô không những nói đến việc “toàn thể Israel được cứu rỗi”, mà cả Sách Khải Huyền của Thánh Gioan cũng thấy hai nhóm người được cứu chuộc: 144,000 người từ mười hai chi tộc Israel (diễn tả bằng ngôn ngữ khác cùng một điều Thánh Phaolô muốn nói qua cụm từ “toàn bộ Israel”); và bên cạnh họ, “một số lượng lớn không ai có thể đếm được” (Kh 7: 9) như là đại diện cho thế giới ngoại giáo được cứu rỗi. Theo viễn ảnh Tân Ước, quan điểm cánh chung này không chỉ đơn giản liên hệ đến một điều gì đó cuối cùng sẽ xẩy ra sau nhiều thiên niên kỷ; đúng hơn, “điều cánh chung” luôn luôn cũng là điều đang hiện diện.

Căn cứ vào cả hai quan điểm trên, điều rõ ràng đối với Giáo hội là Do Thái giáo không phải là một tôn giáo trong số các tôn giáo khác, nhưng ở trong một tình huống độc đáo và do đó phải được Giáo hội công nhận như thế. Trên cơ sở này, thời Trung cổ, các vị giáo hoàng đã khai triển ý niệm về nghĩa vụ phải bảo vệ cả hai: một mặt, các Kitô hữu phải được bảo vệ chống lại người Do Thái, nhưng người Do Thái cũng phải được bảo vệ. Trong thế giới trung cổ, cùng với các Kitô hữu, chỉ có họ hiện hữu như một tôn giáo hợp pháp (religio licita).

Vấn đề thay thế xuất hiện không chỉ liên quan đến toàn bộ Israel đúng nghĩa, nó còn được làm cho cụ thể trong các yếu tố cá thể trong đó việc tuyển chọn được trình bầy: 1) việc ban cho luật lệ phụng tự, bao gồm việc phung tự ở đền thờ và các ngày lễ lớn của Israel; 2) các luật phụng tự liên quan đến cá nhân người Israel: ngày sabát, cắt bì, quy định về thực phẩm, quy định về sạch sẽ; 3) các giáo huấn pháp lý và đạo đức của Torah; 4) Đấng Mêsia; 5) lời hứa về đất đai. Sau đó, chúng ta sẽ đề cập tới vấn đề giao ước.

Kỳ tới: 3.VẤN ĐỀ THAY THẾ
 
Đức Bênêđíctô XVI và cuộc tranh luận hào hứng quanh các giải thích về tính bất khả thu hồi của Giao Ước Cũ, Vấn đề Thay thế
Vũ Văn An
22:22 15/05/2019
3. VẤN ĐỀ THAY THẾ

Do đó, ở phần đầu, chúng ta hãy đề cập tới các yếu tố thiết yếu của lời hứa có thể áp dụng khái niệm thay thế; điểm thứ hai sau đó sẽ đề cập tới vấn đề giao ước.

3.1. Việc phụng tự (cult) ở Đền thờ



Chữ “không” thay thế có nghĩa gì đối với việc phụng tự ở đền thờ do Torah quy định? Chúng ta hãy hỏi một cách cụ thể: Bí tích Thánh Thể có thay thế các nghi thức tế lễ hay không, hay các nghi thức này vẫn còn cần thiết? Tôi nghĩ rằng ở đây điều trở nên rõ ràng là quan điểm tĩnh tụ về luật pháp và lời hứa, 1 quan điểm đứng đằng sau chữ không chưa được xác định đối với “ học lý thay thế”, nhất thiết sụp đổ ở điểm này. Ngay từ đầu, vấn đề phụng tự ở Israel rõ ràng đã hoạt động trong một biện chứng pháp giữa sự chỉ trích việc phụng tự và việc trung thành với các lề luật điều hành việc thờ phượng có tính phụng tự. Tôi muốn đề cập đến chương thứ ba của phần đầu trong cuốn sách của tôi, tựa là Tinh Thần Phụng Vụ. Chúng ta gặp sự phê phán việc phụng tự trong các bản văn như 1 Samuên 15:22, Hôsê 6: 6, Amốt 5: 21-27, v.v. Trong lãnh thổ chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, sự phê phán việc phụng tự ngày càng dẫn đến chỗ hoàn toàn bác bỏ hệ thống phụng tự hy tế. Các nhà phê bình đã tìm ra hình thức cụ thể trong ý tưởng hy lễ thuần lý [rational sacrifices → Logos-Opfers]. Tuy nhiên, Israel luôn duy trì quan điểm cho rằng một hy lễ thuần túy thiêng liêng là điều không đủ. Tôi xin nhắc đến hai bản văn: Đanien 3: 37-43 và Thánh Vịnh 51: 19tt.

Thánh vịnh nói rõ ràng trong câu 18tt: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm... Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát”. Sau đó, thật đáng ngạc nhiên, trong câu 20, là lời yêu cầu và dự đoán như sau: “thành luỹ Giêrusalem, xin Ngài xây dựng lại. Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền, lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế”. Các nhà bình luận hiện đại nói với chúng ta rằng, cuối cùng, các yếu tố bảo thủ đã lập lại những gì bị các câu thơ trước đó bác bỏ. Thực thế, có một mâu thuẫn nào đó giữa hai nhóm câu thơ. Nhưng sự kiện câu thơ cuối cùng là một phần không thể chối cãi của bản văn kinh điển cho thấy một hy lễ thiêng liêng mà thôi được coi là không đủ. Ta cũng thấy cùng một điều này trong bản văn Đanien đã đề cập trên đây.

Đối với các Kitô hữu, việc hoàn toàn hiến tế của Chúa Giêsu khi bị đóng đinh là điều duy nhất khả hữu và đồng thời là sự tổng hợp cần thiết của cả hai quan điểm do Thiên Chúa ban cho: Chúa trong thân xác tự hiến toàn bộ cho chúng ta. Hy lễ của Người bao gồm thân thể, thế giới vật lý hoàn toàn có thật. Nhưng điều này được thu nhận vào chữ “Tôi” của Chúa Giêsu Kitô và do đó, hoàn toàn được nâng lên hàng bản vị. Đối với các Kitô hữu, điều rõ ràng là tất cả các việc phụng tự trước đây đều chỉ tìm được ý nghĩa của chúng và sự nên trọn của chúng bao lâu chúng hướng tới hy tế của Chúa Giêsu Kitô. Nơi Người, mà chúng liên tục tham chiếu, toàn bộ có ý nghĩa. Thực thế, thực sự không có sự “thay thế”, mà là một hành trình cuối cùng trở thành một thực tại. Thế nhưng, điều này đòi hỏi các hiến tế bằng động vật cần phải biến đi, thay vào đó (“thay thế”), là Bí tích Thánh Thể.

Thay vì một quan điểm tĩnh tụ về việc thay thế hoặc không thay thế, có một sự xem xét năng động về toàn bộ lịch sử cứu độ, một lịch sử tìm được ἀνακεφαλαιώσις (sự quy tụ) của nó trong Chúa Kitô (xem Eph 1:10).

3.2. Luật phụng tự (cultic laws)



Câu hỏi liên quan đến luật phụng tự ảnh hưởng đến từng cá nhân (cắt bì, ngày Sa-bát, v.v.) xoay quanh cuộc tranh cãi về quyền tự do của Kitô hữu đối với lề luật, đặc biệt theo cách hiểu của Thánh Phaolô. Ngày nay, điều rõ ràng là, một mặt, các qui định này dùng để bảo vệ bản sắc Israel trong cuộc đại phân tán dân tộc của họ. Mặt khác, việc bãi bỏ tính cách ràng buộc của chúng là điều kiện cho việc phát xuất của Kitô giáo toàn thế giới từ các dân ngoại. Về mặt này, những câu hỏi chính xác đó cho đến nay vẫn chưa phải là một vấn đề thực sự cho cả hai bên kể từ khi có sự tách rời giữa Israel và Giáo hội. Trong các bút chiến liên tín phái của thế kỷ XVI, người Thệ phản khiển trách người Công Giáo đã tái lập giữa các Kitô hữu, chủ nghĩa duy pháp lý cũ với nghĩa vụ phải ăn chay trước khi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, kiêng thịt vào thứ Sáu, v.v. (nghĩa là “thay thế” các quy tắc cũ bằng các quy tắc mới). Ở đây không cần thảo luận thêm về điều này.

3.3. Lề luật và luân lý

Đối với các giới luật có tính pháp lý và luân lý của Torah, do chính sự kiện phát triển cụ thể của lề luật, điều rõ ràng đối với cả người Do Thái là điều gọi là mô hình pháp luật giải nghi (casuistic model of law) cần được phát triển. Về phương diện này, cuộc tranh cãi giữa Kitô hữu và người Do Thái là điều không cần thiết ở đây.

Còn về giáo huấn luân lý thực tế, mà ta tìm thấy biểu thức có tính yếu tính của nó trong Mười Giới Răn, điều Chúa nói sau Bài giảng trên núi trong Mt 5: 17-20 có giá trị; tức là lề luật vẫn còn giá trị, dù nó cần được đọc lại trong các tình huống mới. Nhưng việc đọc lại này không phải là một sự bãi bỏ cũng không phải là một sự thay thế, mà là một sự sâu sắc hóa tính giá trị không đổi thay. Ở đây, thực sự không có sự thay thế.

Điều lạ là trong tình huống hiện nay, chính ở điểm này, nhiều người chủ trương một sự thay thế: tám mối phúc được cho là đã thay thế các điều răn; Bài giảng trên núi được coi là đã nới lỏng hoàn toàn nền luân lý của Cựu Ước. Về toàn bộ vấn đề này, tôi xin nhắc đến chương thứ tư trong cuốn đầu tiên trong bộ sách Jesus of Nazareth (Chúa Giêsu thành Nadarét) của tôi (64-127). Ở đây, chủ nghĩa Phaolô hiểu sai đã dẫn đến quan điểm sai lầm cho rằng, trong các hướng dẫn nền tảng cho đời sống Kitô hữu, một sự thay thế triệt để đã được thể hiện. Thực ra, điều khá rõ ràng đối với Thánh Phaolô là giới luật luân lý của Giao ước cũ, được tóm tắt trong giới răn kép về tình yêu, vẫn có giá trị đối với các Kitô hữu, dù trong bối cảnh tình yêu mới đối với Chúa Giêsu Kitô và được Người yêu mến. Ở đây điểm một và điểm ba đã kết hợp với nhau trong Thánh Phaolô, và đây chính là sự mới mẻ thực sự của Kitô giáo: Chúa Kitô bị đóng đinh đã mang lấy mọi tội lỗi của chúng ta. Nơi Israel, hy tế của Ngày Chuộc Tội và lễ dâng đền tội hàng ngày có mục đích gánh lấy và hủy bỏ mọi bất công trên thế giới. Tuy nhiên, hy lễ bằng động vật chỉ có thể là một cử chỉ hướng tới sức mạnh hòa giải trong sự thật.

Con Thiên Chúa nhập thể, Đấng gánh lấy mọi đau khổ và tội lỗi của thế giới vào chính Người, giờ đây chính là sự hòa giải đó. Đối với người Kitô hữu, được liên kết với cái chết của Người trong phép rửa có nghĩa là được nép mình trong tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cuộc sống riêng của người ta nay không còn liên hệ và luật luân lý không còn hiện hữu với họ nữa. Đúng hơn, nó có nghĩa là việc nên một với Chúa Kitô trong tự do yêu thương nội tâm có thể và phải được sống như mới. Tất nhiên, cuộc tranh cãi về Kitô giáo của Thánh Phaolô sẽ tiếp tục, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải có sự rõ ràng mới mẻ liên quan đến sự kiện giáo huấn luân lý trong Cựu ước và Tân ước, cuối cùng, giống hệt như nhau và thực sự không có “thay thế” ở đây.

3.4. Đấng Mêsia

Vấn đề danh tính Mêsia của Chúa Giêsu là và vẫn là vấn đề tranh cãi thực sự giữa người Do Thái và Kitô hữu. Mặc dù tự nó, nó sẽ không ngưng cho thấy sự tách biệt của hai con đường, nhưng các tìm tòi gần đây về Cựu Ước đã mở ra nhiều khả thể mới để đối thoại. Các khai triển trong khoa giải thích gần đây liên quan đến việc định lại niên biểu và diễn giải lại các niềm hy vọng lớn lao của Israel (St 49:10; Ds 24:17; Sm 7: 12-16; Tv 89: 20-46; Am 9:14tt; Is 7:10-17; 9: 1-6; 11: 1-9; Mk 5: 1-5; Hg 2: 20-23; Dcr 4: 8-14; và các bản văn khác nhau của các Thánh vịnh) cho thấy sự đa hình và đa dạng trong các hình thức hy vọng trong đó nhân vật phần lớn có tính cách chính trị về một tân Đavid – Đấng Mêsia làm vua - chỉ là một hình thức hy vọng trong số những hình thức khác. Rõ ràng là toàn bộ Cựu Ước là một cuốn sách về hy vọng. Đồng thời, niềm hy vọng này tự phát biểu dưới hình thức thay đổi. Một điều hiển nhiên nữa là niềm hy vọng này ngày càng ít có tính trần gian và chính trị hơn, và tầm quan trọng của thống khổ như một yếu tố thiết yếu của hy vọng ngày càng trở nên nổi bật hơn.



Căn cứ vào các chứng từ của Tân Ước nói về Chúa Giêsu, rõ ràng Người rất thận trọng đối với danh hiệu Mêsia và những ý tưởng thường được liên kết với danh hiệu này. Điều này trở nên rõ ràng, như trong nhận xét của Chúa Giêsu liên quan đến Đấng Mêsia như là con của Đavid theo Thánh vịnh 110. Chúa Giêsu nhắc người ta nhớ rằng các kinh sư miêu tả Đấng cứu thế là con trai của Đavít. Tuy nhiên, trong Thánh vịnh, Đấng Mêsia không xuất hiện như là con trai của Đavít, mà là Chúa của vị này (Mc 12: 35tt). Ngay cả khi, trong công thức tuyên xưng đức tin đang khai triển giữa các tông đồ, tước hiệu Kitô-Mêsia được áp dụng vào Chúa Giêsu, nhưng ngay lập tức, Người bổ sung và sửa chữa các ý tưởng ẩn tàng trong danh hiệu này với một bài giáo lý về sự đau khổ của vị cứu tinh (xin xem Mc 8: 27-33; Mt 16: 13-23). Trong lời tuyên bố của Người, Người đã không dựa vào truyền thống Đavít, mà chủ yếu dựa vào hình thức con người đã được Đanien phát biểu như một hình tượng hy vọng. Nói chung, điều chính yếu đối với Người là ý niệm thống khổ, đau khổ và cái chết thay cho người khác, và chuộc tội. Ý tưởng về người đầy tớ đau khổ của Chúa, về sự cứu rỗi qua đau khổ, là điều thiết yếu đối với Người: những bài ca về người đầy tớ đau khổ trong Isaia, cũng như những thị kiến mầu nhiệm về đau khổ trong Dacaria, đã xác định hình ảnh Người như Đấng Cứu Thế. Các bản văn này diễn tả các trải nghiệm đức tin của Israel trong thời kỳ lưu đày và bắt bớ thời ảnh hưởng Hy Lạp. Chúng xuất hiện như những giai đoạn thiết yếu trong cuộc hành trình của Thiên Chúa với dân của Người, vốn hướng về Chúa Giêsu thành Nadarét. Nhưng cả Môsê, người đứng ra vì dân của mình và hiến chính cái chết của mình vì người khác, dường như cũng rất minh bạch đối với sứ mệnh của Chúa Giêsu. Trong nghiên cứu quan trọng của mình tựa là Gottes Selbsterniedrigung in der Theologie der Rabbinen (Munich, 1968), Peter Kuhn đã cho thấy ý tưởng tự hạ mình, và thậm chí cả sự đau khổ của Thiên Chúa, không xa lạ gì đối với Do Thái giáo. Và ông chứng minh rằng có những cách tiếp cận đáng kể đối với việc giải thích của Kitô giáo về niềm hy vọng cứu rỗi trong Cựu Ước, dù các khác biệt sau cùng vẫn còn đó.

Trong các cuộc tranh luận thời trung cổ giữa người Do Thái và Kitô hữu, về phía người Do Thái họ thường quen trích dẫn Isaia 2: 2-5 (Mk 4: 1-5) như là cốt lõi của niềm hy vọng về Đấng Mêsia. Chúng ta thấy đấng tự nhận mình là Mêsia phải chứng minh danh tính của mình trước các lời lẽ này: “Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia... và họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến (Is 2: 4; Mi 4: 3f). Rõ ràng các lời lẽ này đã không được ứng nghiệm, nhưng vẫn còn là một kỳ vọng về tương lai.

Thực thế, Chúa Giêsu hiểu các lời hứa của Israel trong một sự hiểu biết rộng lớn hơn, trong đó cuộc khổ nạn của Thiên Chúa trên thế giới này, và do đó, sự đau khổ của người công chính, trở nên ngày một có tính trung tâm hơn. Cả giọng điệu chiến thắng cũng không chiếm ưu thế trong các hình ảnh của Người về vương quốc Thiên Chúa; chúng cũng được đặc trưng bởi cuộc đấu tranh của Thiên Chúa cho và với nhân loại. Trong thời gian này, cỏ dại mọc chung với lúa mì trong cánh đồng của vương quốc Thiên Chúa và không bị triệt phá. Lưới đánh cá của Thiên Chúa chứa cả cá tốt lẫn cá xấu. Men của vương quốc Thiên Chúa thấm nhiễm thế giới từ từ, từ bên trong, để biến đổi nó.

Trong cuộc trò chuyện với Chúa Giêsu trên đường đi Emmau, các môn đệ học biết rằng chính thập giá phải là trung tâm thiết yếu của hình tượng đấng Mêsia. Đấng này không xuất hiện chủ yếu dưới dấu chỉ của nhân vật vương quyền Đavít. Phúc âm Thánh Gioan, như một bản tóm tắt kết thúc cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người Do Thái (đồng thời phản ảnh cuộc đối thoại tương lai giữa người Do Thái và Kitô hữu), đã đưa ra một câu chuyện khác về tâm điểm của nhân vật Chúa Giêsu và việc giải thích niềm hy vọng của Israel. Trong tin mừng Gioan, lời tuyên bố thiết yếu về hình thức của lời hứa được kết nối với nhân vật Môsê: “Ta sẽ làm xuất hiện cho chúng một tiên tri giống như ngươi trong số những người của chúng. . . các ngươi hãy lắng nghe người này” (Đnl 18:15). Nhân vật Môsê được mô tả là đã nhìn thấy Chúa mặt đối mặt (Đnl 34:10). Đệ nhị luật lưu ý rằng lời hứa cho đến nay vẫn chưa được nên trọn và “kể từ đó không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Môsê, người mà Chúa biết rõ, mặt giáp mặt” (Đnl 34:10). Trong chương đầu tiên Tin Mừng của ngài, Thánh Gioan đã tuyên bố như một chương trình rằng những gì được chờ đợi trong những lời lẽ này nay được nên trọn trong Chúa Giêsu: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18, xem 13:25). Để bắt đầu, chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu không muốn mang đến một thế giới hoà bình mới và hoàn thiện ngay tức khắc, như lời tiên tri trong Isaia 2 và 4. Đúng hơn, Người muốn mặc khải Thiên Chúa cho con người (cho cả dân ngoại nữa) và tiết lộ thánh ý Người, Đấng vốn là Đấng cứu rỗi thực sự của con người.

Trong phân tích của tôi về bài diễn văn cánh chung của Chúa Giêsu trong tập thứ hai bộ Jesus of Nazareth (24-52), tôi đã chỉ ra rằng theo cách hiểu lịch sử của Chúa Giêsu, “thời của dân ngoại” xuất hiện giữa việc đền thờ bị hủy diệt và ngày tận thế. Tất nhiên, lúc đầu, độ dài của nó được coi là rất ngắn. Nhưng như một phần của lịch sử Thiên Chúa và con người, thời gian này là điều cần thiết (45-49).
Mặc dù thời kỳ Thiên Chúa giao dịch với thế giới này không trực tiếp rõ ràng như trong các bản văn của Cựu Ước, nhưng nó tương ứng với việc diễn biến của niềm hy vọng Israel. Điều này ngày càng trở nên mỗi ngày một rõ ràng hơn trong giai đoạn sau (Đệ nhị Isaia, Dacaria, v.v.).

Thánh Luca nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh, đang trên đường với hai môn đệ, cũng đã dẫn dắt họ vào một cuộc hành trình nội tâm. Như thể Người đang đọc lại Cựu Ước với họ. Nhờ cách này, họ học cách hiểu một cách hoàn toàn mới các lời hứa và hy vọng của Israel và nhân vật Mêxia. Họ khám phá ra rằng số phận của Đấng bị đóng đinh và sống lại, Đấng đang đồng hành một cách mầu nhiệm với các môn đệ, đã được tiên báo trong những cuốn sách này. Họ học cách đọc mới về Cựu Ước. Bản văn này mô tả sự hình thành của đức tin Kitô giáo ở các thế kỷ thứ nhất và thứ hai và do đó mô tả con đường luôn luôn phải được tìm kiếm và theo đuổi cách mới mẻ. Nó cũng mô tả bản chất cuộc đàm đạo giữa người Do Thái giáo và người Kitô giáo như nó nên là cho đến hôm nay, một cuộc đàm đạo, thật không may, đã chỉ xảy ra trong những khoảnh khắc hiếm hoi.

Các giáo phụ ý thức rất rõ việc kết cấu mới này của lịch sử khi, thí dụ, họ mô tả sự chuyển dịch của lịch sử theo sơ đồ ba phần umbra (hình bóng) imago (hình ảnh) veritas (sự thật). Thời của Giáo hội (hay “thời của người ngoại giáo”) chưa phải là thời của veritas công khai (= Is 2 và Mk 4). Nó vẫn là một imago; nghĩa là, vẫn còn ở trong buổi tạm thời (interim), mặc dù trong một sự cởi mở mới mẻ. Thánh Bernard thành Clairvaux đã mô tả chính xác điều này khi ngài thay đổi trình thuật về cuộc xuất hiện hai chiều của Chúa Kitô thành sự hiện diện ba chiều của Chúa, gọi thời gian của Giáo hội là cuộc xuất hiện giữa (Adventus medius) (Jesus of Nazareth, phần hai, 290-91).

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng toàn bộ câu chuyện về Chúa Giêsu như được kể trong Tân Ước, từ câu chuyện cám dỗ tới câu chuyện Emmau, cho thấy rằng thời Chúa Giêsu, “thời dân ngoại”, không phải là thời biến đổi vũ trụ trong đó các quyết định cuối cùng giữa Thiên Chúa và con người đã hoàn tất, nhưng là thời của tự do. Trong thời gian này, Thiên Chúa gặp gỡ loài người qua tình yêu bị đóng đinh của Chúa Giêsu Kitô để tập hợp họ vào vương quốc của Thiên Chúa qua một lời xin vâng tự do. Đó là thời của tự do, và đó cũng có nghĩa là thời gian trong đó sự ác tiếp tục có sức mạnh. Sức mạnh của Thiên Chúa trong thời gian này là một sức mạnh kiên nhẫn và yêu thương, một sức mạnh vẫn có hiệu quả chống lại sức mạnh của sự ác. Đó là thời Thiên Chúa kiên nhẫn, một thời thường là quá lớn đối với chúng ta, thời của những chiến thắng, nhưng cũng là thời tình yêu và sự thật bị đánh bại. Giáo hội cổ đại tóm tắt yếu tính của thời này trong câu “Regnavit a ligno Deus” [Thiên Chúa trị vì từ một cây gỗ]. Cùng ở trên đường với Chúa Giêsu như các môn đệ Emmau, Giáo hội không ngừng học cách đọc Cựu Ước với Người và do đó hiểu nó như mới. Giáo hội học cách nhận ra rằng đây chính là những gì đã được tiên báo về “Đấng Mêxia”. Và trong cuộc đối thoại với người Do Thái, Giáo hội cố gắng hết lần này đến lần khác để chứng minh rằng tất cả những điều này đều được “ghi chép” (scriptural).Vì điều này, thần học linh đạo luôn nhấn mạnh rằng thời của Giáo hội không phải là tới thiên đường, nhưng tương ứng với một cuộc xuất hành bốn mươi năm của Israel khắp thế giới. Đó là con đường của những người đã được giải phóng. Trong hoang địa, Israel không ngừng được nhắc nhở rằng hành trình qua sa mạc của họ là kết quả của cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Israel trên đường luôn mong muốn trở lại Ai Cập, và không nhận ra điều tốt của tự do là điều tốt thế nào, thì điều tương tự cũng xảy ra với Kitô giáo trong hành trình Xuất hành của họ như thế. Hết lần này đến lần nọ, điều trở nên khó khăn là nhận ra mầu nhiệm giải phóng và tự do như một hồng phúc cứu rỗi, và luôn có ước nguyện muốn trở lại với thân phận trước khi được giải phóng. Nhưng hết lần này đến lần khác, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, họ vẫn có thể học được rằng tự do là hồng phúc tuyệt vời dẫn họ đến sự sống đích thực.

3.5. Lời hứa về lãnh thổ

Lời hứa về lãnh thổ được dành cụ thể cho con cái Ápraham như một dân tộc hiện hữu trong lịch sử. Các Kitô hữu hiểu mình là hậu duệ thực sự của Ápraham (như được mô tả một cách đầy ấn tượng, trước hết, trong Thư gửi tín hữu Galát), nhưng không như một dân tộc theo nghĩa lịch sử trần thế. Họ là một dân tộc hiện hữu giữa mọi quốc gia. Vì vậy, họ không mong đợi bất cứ xứ sở cụ thể nào trên thế giới này. Thư gửi tín hữu Do Thái minh nhiên mô tả cách hiểu này về lời hứa lãnh thổ: “Nhờ đức tin, ông [Áprahma] đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều... những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành ... do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (Dt 11: 9f). “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất” (Dt 11:13). Thư gửi Diognetus khai triển thêm quan điểm này: Kitô hữu sống ở các quốc gia liên hệ với tư cách là công dân có trách nhiệm, biết rằng kinh thành thực sự, xứ sở thực sự họ đang tiến đến, nằm trong tương lai. Lời hứa lãnh thổ nhắc đến thế giới tương lai và tương đối hóa việc thống thuộc khác nhau đối với các xứ sở đặc thù. Phép biện chứng của việc thuộc về thế giới này một cách có trách nhiệm và đồng thời của việc đang trên đường hành trình đã xác định cách hiểu của Kitô hữu về lãnh thổ và quốc tịch. Tất nhiên, điều này phải luôn luôn được thực hiện, chịu đựng và trải nghiệm một cách mới mẻ.



Mặt khác, Do Thái giáo luôn cố kết với ý niệm dòng dõi cụ thể phát xuất từ Ápraham và do đó nhất thiết phải luôn tìm kiếm một ý nghĩa nội tâm cụ thể cho lời hứa về lãnh thổ.

Sự thất bại của cuộc nổi dậy Bar Kokhba (132-135 sau Công nguyên), 1 cuộc nổi dậy vốn được nhiều bộ phận của hàng giáo sĩ hỗ trợ về mặt thần học, trong một thời gian dài có nghĩa phải từ bỏ các hình thức duy thiên sai chính trị đúng nghĩa. Mặt khác, Maimonides (1135-1204) đã đưa ra một hướng đi mới trong đó ông tìm cách đặt cơ sở cho sự kỳ vọng lãnh thổ trong thần học, để tạo cho nó một hình thức duy lý. Tuy nhiên, một thực tế cụ thể đã không xuất hiện cho đến thế kỷ 19. Sự đau khổ của cộng đồng thiểu số Do Thái lớn ở Galicia cũng như ở khắp phương Đông trở thành khởi điểm để Theodor Herzl thành lập chủ nghĩa Zion, nhằm mục đích một lần nữa đem lại một quê hương cho những người Do Thái di tản, đáng thương và đau khổ. Các biến cố Shoah (diệt chủng Do Thái) càng làm cho vấn đề phải có một nhà nước riêng cho họ trở thành một vấn đề cấp bách hơn đối với người Do Thái. Trong Đế quốc Ottoman đang suy tàn, nơi Thánh địa vốn thuộc về, phải có thể biến quê hương lịch sử của người Do Thái một lần nữa trở thành của riêng họ. Đồng thời, có hàng loạt các lý do nội bộ và viễn kiến cụ thể. Đa số những người theo chủ thuyết Zion là những người không tin, và chính trong các điều kiện thế tục, họ đã biến vùng đất này thành quê hương của người Do Thái. Nhưng các lực lượng tôn giáo cũng luôn hoạt động trong chủ nghĩa Zion, và trước sự ngạc nhiên của những vị sáng lập bất khả tri, một lòng sùng đạo vẫn thường xuất hiện trong thế hệ sau đó. Vấn đề điều gì đã tạo nên dự án duy Zion cũng gây tranh cãi đối với Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, ngay từ đầu, lập trường nổi bật đã là: việc chiếm hữu lãnh thổ hiểu theo nghĩa thần học (theo nghĩa duy thiên sai chính trị) là điều không thể chấp nhận được. Sau việc thành lập Israel như một quốc gia vào năm 1948, một học thuyết thần học đã xuất hiện và cuối cùng đã giúp cho Vatican có khả năng công nhận Nhà nước Israel về phương diện chính trị.

Cốt lõi của nó là niềm tin rằng một nhà nước hiểu theo nghĩa thần học chặt chẽ, tức một nhà nước đức tin Do Thái [Glaubenstaat] tự coi mình là sự hoàn thành các lời hứa theo nghĩa thần học và chính trị là điều không thể tưởng tượng được trong lịch sử, theo đức tin Kitô giáo và trái với cách hiểu Kitô giáo về các lời hứa. Tuy nhiên, đồng thời, điều cũng rõ ràng là, giống như mọi dân tộc, người Do Thái có quyền tự nhiên có một vùng lãnh thổ cho riêng họ. Như đã được chỉ ra, điều hợp lý là tìm lãnh thổ cho nó tại chính nơi cư trú lịch sử của người Do Thái. Trong tình hình chính trị của Đế quốc Ottoman đang sụp đổ và sự bảo hộ của người Anh, người ta có thể thấy điều này nhất quán với các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế. Theo nghĩa này, Vatican đã công nhận Nhà nước Israel như một quốc gia lập hiến hiện đại và coi nó như quê hương hợp pháp của người Do Thái, lý lẽ của điều này không thể dẫn khởi trực tiếp từ Kinh thánh. Tuy nhiên, theo một nghĩa khác, nó vẫn nói lên lòng trung tín của Thiên Chúa đối với dân Israel.

Tuy nhiên, đặc tính phi thần học (nontheological) của nhà nước Do Thái có nghĩa là nó không thể được coi là sự hoàn thành các lời hứa của Kinh thánh. Thay vào đó, diễn trình lịch sử cho thấy một sự phát triển và diễn biến các lời hứa, như chúng ta đã thấy trong tương quan với các chiều kích khác của lời hứa. Ngay trong cộng đồng kiều dân lớn đầu tiên của Israel dưới thời vua Nebucôđônôxo (Nebuchadnezzar), tình yêu Thiên Chúa dành cho dân của Người đã hoạt động ngay giữa lúc phán xét và đem lại một ý nghĩa mới, tích cực cho cộng đồng kiều dân. Chỉ trong lưu đầy, hình ảnh về Thiên Chúa của Israel, tức chủ nghĩa độc thần, mới được phát triển đầy đủ. Theo các tiêu chuẩn thông thường, vị thần nào không thể bảo vệ xứ sở của mình thì không còn là một vị thần nữa. Trái ngược với sự chế giễu của những người trình bầy Thiên Chúa của Israel như người chiến bại và không có lãnh thổ, thì giờ đây rõ ràng là chính khi từ bỏ lãnh thổ, thiên tính của Thiên Chúa đã được mặc khải, một Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa của một quốc gia đặc thù, mà là một Thiên Chúa mà cả thế giới thuộc về. Người thực hiện quyền thống trị trên toàn thế giới và có thể phân phối lại theo ý muốn của Người. Do đó, Israel, lúc lưu đầy, cuối cùng đã nhận ra rằng Thiên Chúa của họ là một Thiên Chúa đứng trên mọi thần thánh, Đấng tự do định đoạt lịch sử và các quốc gia.

Cuộc đàn áp Do Thái giáo của văn hóa Hy Lạp, theo ý kiến riêng của nó, dựa trên một hình ảnh sáng suốt về Thiên Chúa, một hình ảnh, trên nguyên tắc, nên thống nhất đối với những người có học. Do đó, không có chỗ cho tính đặc thù và việc chọn lựa Israel của Thiên Chúa. Ấy thế nhưng, trong cuộc tranh luận giữa thuyết đa thần Hy Lạp và Thiên Chúa duy nhất của cả trời lẫn đất, Đấng mà Israel phụng thờ, nơi những người tìm kiếm Thiên Chúa thời cổ đại đã xuất hiện một sự sùng kính bất ngờ đối với Thiên Chúa của Israel. Biểu thức cụ thể của việc này là phong trào của “những người sợ Thiên Chúa”, những người đã tập hợp xung quanh các hội đường. Trong tiểu luận của tôi, tựa là Volk und Haus Gottes bei Augustin [Dân tộc và Nhà Thiên Chúa Theo Thánh Augustinô], mô phỏng phân tích của Thánh Augustinô, tôi đã cố gắng làm rõ các lý do khiến có diễn trình này. Yếu tính toàn bộ có lẽ có thể tóm tắt như sau: tư tưởng cổ thời cuối cùng đã đi đến một đối lập giữa việc thần thánh được tôn thờ trong tôn giáo và cấu trúc thực sự của thế giới. Các vị thần thánh tôn giáo phải bị bác bỏ như không có thực, và sức mạnh thực sự, một sức mạnh vốn tạo ra và cư ngụ trong thế giới, rõ ràng không liên quan gì về phương diện tôn giáo.

Trong tình huống đó, Thiên Chúa của Do Thái xuất hiện cả như sức mạnh nguyên thủy của mọi hữu thể (như triết học đã khám phá ra), lẫn, đồng thời, như một sức mạnh tôn giáo nói với con người trong tính cụ thể của họ và cho phép họ gặp gỡ thể thần thiêng.

Sự trùng hợp này giữa ý niệm triết học và thực tạ tôn giáo này là một điều mới mẻ và có thể khiến tôn giáo trở thành một thực tại có thể biện minh một cách hợp lý. Điều duy nhất gây trở ngại là Thiên Chúa tự trói buộc Người vào một dân tộc duy nhất và hệ thống pháp lý của họ. Nếu, như trong lời rao giảng của Thánh Phaolô, sự trói buộc này được nới lỏng và Thiên Chúa của người Do Thái có thể được mọi người coi là Thiên Chúa của họ, thì sự hòa giải giữa đức tin và lý trí đã đạt được (xem thêm cuốn sách ngắn của tôi, Der Gott des Glaubens und der Gott der Philosophen).

Bằng cách này, người Do Thái đã mở cửa dẫn tới Thiên Chúa qua sự phân tán cuối cùng của họ trên thế giới. Thế giới phân tán (Diaspora) của họ không đơn thuần và chủ yếu chỉ là một thân phận bị trừng phạt; đúng hơn, nó biểu thị một sứ mệnh.

Kỳ tới: 4. "GIAO ƯỚC KHÔNG BAO GIỜ BỊ THU HỒI"
 
Văn Hóa
Liên Hoa Thơ Dâng Kính Mẹ
Đinh Văn Tiến Hùng
17:28 15/05/2019

*“Mẹ Maria là phương thế cứu vớt duy nhất của tội nhân” (ST Augustinnô)

-Muôn hoa khoe sắc tươi xinh,
Lời thơ, điệu nhạc, câu kinh diệu huyền,
Bụi trần lọc suối tinh tuyền,
Bao nhiêu khắc khoải ưu phiền xua tan.

-Thơ kinh dâng Mẹ tháng Hoa,
Lòng con ngây ngất chan hòa mến yêu,
Đời con dù khổ bao nhiêu,
Mẹ luôn an ủi sớm chiều bên con.

*Sen Thánh
Trần gian tội lỗi ngập bùn đen,
Thiếu nữ Sion, một đóa sen.
Đẹp lòng Thiên Chúa, câu trinh khiết,
Thỏa dạ nhân trần, lời chúc khen.
Trịnh trọng ‘Kính chào’, ngôi thiên sứ,
Khiêm tốn ‘Xin vâng’, phận tớ hèn.
Cõi lòng vẹn sạch nên Cung Thánh,
Duyên Đất, Tình Trời đã đan chen.
(Giám mục Châu Ngọc Trì)

*Sen giữa lầy
Về thăm vườn cũ thuở Eden,
Thanh thoát ô kìa một đóa sen.
Trong trắng giữa lầy trong trắng gọi,
Lặng thầm trên sóng lặng thầm khen.
Gọi mời ai giữ gìn cao quí,
Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn,
Hướng tạ ơn Trời chưa nháy mắt,
Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen.
(Lm Trăng Thập Tự)

*Tình Sen : Mến tặng các Nữ tu
Dịu dàng thanh thoát áo dòng đen,
Lúp trắng trùm đầu tựa cánh sen.
Dâng hiến trời cao dâng hiến gọi,
Giã từ trần thế giã từ khen.
Con dâng hiến Chúa hồn trong sáng,
Ngài đoái thương ai kiếp phận hèn.
Tiếp bước Can-ve vui thánh lộ,
Huyết hòa nở rộ sen đua chen.
(Mặc Trầm Cung)

*Linh Mục giữa đời
Kìa ai thanh thoát áo chùng đen,
Thầm lặng dâng đời tựa đóa sen.
Sóng đẩy ba chìm không ngại bước,
Thuyền xô bảy nổi vẫn ca khen.
Đèn chầu soi tỏ đời thanh tịnh,
Muối đất ướp tan kiếp mọn hèn.
Theo Mẹ từng ngày trên nẻo thánh,
Đường đời thơm ngát hương hoa chen.
(Đình Chẩn)

*Sen giữa đời
Cõi trần hạnh phúc thuở Eden,
Tinh khiết tỏa hương một đóa sen.
Dù sống gần bùn luôn khiết tịnh,
Dẫu rời xa tục vẫn thầm khen.
Kiêu căng thuở ấy không tuân lệnh,
Khiêm hạ ngày nay nhận thấp hèn.
Trần thế hồng ân đang đổ xuống,
Hương sen ngào ngạt nở đua chen.
(Đinh văn tiến Hùng)

+ Ghi chú: Trích Tuyển tập Thơ Văn ‘ Sen Giữa Lầy ‘ do Lm Trăng Thập Tự chủ biên gồm nhiều tác giả.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Biển Hồ
Nguyễn Trung Tây Lm.
08:18 15/05/2019
BÊN BIỂN HỒ
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Xưa ngư phủ Biển Hồ
cực nhọc buông thả lưới,
Nguyên đêm dài vất vả
lưng trần đẫm mồ hôi.
Bình minh buông rơi,
lưới đời nhấc lên, ơi rác!
Thất vọng ngập hồn!
Sao muốn bỏ cuộc buông xuôi!
(NTT)