Ngày 18-05-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đường Dẫn Tới Thiên Đàng/The Road That Leads to Heaven
Nguyễn Trung Tây, SVD
04:46 18/05/2014
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Đường Dẫn Tới Thiên Đàng/The Road That Leads to Heaven


Có những con đường hẹp nhưng lại dẫn tới một kỷ nguyên hy vọng mới cho người MẤT HY VỌNG, bầu trời bình minh rộn ràng tiếng chim chào mừng ngày mới tinh khôi cho người TUYỆT VỌNG, và cánh đồng mùa xuân chập chờn cánh bướm đẹp tuyệt vời cho người SẦU KHỔ.

Thông thường nhân gian quên đi một định luật, đời sống mới nẩy mầm từ mộ huyệt sâu. Thật vậy, bướm đẹp mùa xuân đã từng một thời im lìm chết đi trong tổ, cây lúa chín vàng thơm hương mùi lúa chín đã từng một thời hạt lúa chôn sâu lòng đất; vàng sáng lấp lánh tăng vẻ đẹp của phụ nữ đã từng một thời được thanh luyện trong lò lửa đỏ.

Bởi quên, vẫn còn nhiều người trên con đường hành hương và trong khi đứng giữa ngã ba, thiên hạ tự hỏi mình và hỏi Chúa... “Đường nào thiên đàng?”

Và Đức Giêsu xuất hiện. Ngài nhắc nhở nhân gian: "Ta là đường" (John 14:6)...

There are the narrow roads/doors that paradoxically lead to the new era of hope for the HOPELESS; a new dawn on the horizon that inspires, triggers, and invites the sound of many birds chirping to greet a very brand new day for the DESPAIR; and the spring garden teeming with many beautiful butterflies for the SORROWFUL.

Human beings tend to forget the fundamental way of life, that is, from death new life comes forth. Indeed, the beautiful butterfly was once quietly died in its own cocoon, the yellow rice plant with many grains permeated the scent of the ripe grains originally comes from a tiny seed that once died in soil; the glittery gold necklace that enhances the beauty of a lady had once undergone a period of being tested in the fire.

Forgetting, so while being on their own journeys of faith and standing at the crossroads, some human beings ask themselves and God, “Which road will be the one that leads me to heaven?”

And Jesus appears on the stage to remind us: "I am the way" (John 14:6)...
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com

 
Yêu mến Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:59 18/05/2014
Chúa Nhật VI PHỤC SINH, năm A
Ga 14, 15-21

YÊU MẾN CHÚA

Đây vẫn là những lời nhắn nhủ, động viên, khích lệ của Chúa Giêsu đối với các môn đệ trước khi Chúa về Trời với Chúa Cha. Bài Tin Mừng hôm nay cũng nằm trong bài ‘ những lời từ biệt ‘ của Chúa Giêsu với các môn đệ trong đêm mừng lễ Vượt Qua với hai ý tưởng chính :” Hãy tuân giữ lệnh Chúa và Chúa sẽ xin Chúa Cha sai Đấng phù trợ đến “. Tuân giữ những lời Chúa dạy và rồi Chúa Cha sẽ gửi Đấng phù trợ ( Ga 14, 16 ) đến trợ giúp các môn đệ khi Chúa không còn hiện diện hữu hình bên họ nữa.

Mặc dầu Chúa biết các môn đệ yêu mến Chúa thật, nhưng Ngài vẫn nhắc nhở, khuyên bảo các môn đệ :” Yêu mến Ngài thì phải tuân giữ những điều Ngài đã dạy các ông. Bởi vì yêu mến Chúa không chỉ là tình cảm suông, không chỉ là những tâm tình thoáng qua, hời hợt, nhưng phải được thể hiện ra bằng việc làm cụ thể là tuân phục lời Chúa dạy, vâng theo thánh ý Chúa được tỏ ra qua lề luật, giới răn của Ngài, giới răn đó là mến Chúa và yêu người. Chúa Giêsu hứa với các môn đệ sẽ xin Chúa Cha ban cho các Ngài một Đấng phù trợ, Đấng đến để an ủi, trợ giúp, cầu bầu và bảo vệ các môn đệ, các tín hữu của Chúa. Thánh Gioan cũng cho thấy thế gian là thế giới kẻ thù của Thiên Chúa. Thế gian được đồng hóa với Satan, với ma quỷ vv…Chúa Giêsu nói rằng thế gian không còn thấy Ngài vì Ngài đi về với Chúa Cha, còn các môn đệ nhờ đức tin, nhận ra rằng Chúa vẫn sống.Các môn đệ được chia sẻ sự phục sinh của Chúa, nên các Ngài có được sự sống mới. Chúa yêu mến các môn đệ vì các môn đệ yêu mến Chúa, tuân giữ lời Chúa dạy, nên được Chúa Cha yêu mến.

Chúa Giêsu nói :” Ai yêu mến Thày sẽ được Cha Thày yêu mến và Thày cũng yêu mến và tỏ ra cho người ấy biết Thày “ ( Ga 14, 21 ).

Thiên Chúa luôn đi bước trước, yêu thương con người trước và khi con người tuân giữ luật Chúa, họ chứng tỏ họ đã đón nhận, muốn triển nở tình yêu, thăng hoa tình yêu nơi bản thân của mình và trân trọng tình yêu ấy, do đó, họ tuân giữ những điều Chúa dạy để tình yêu của Chúa không bị ứ đọng mà tình yêu của Chúa được lan tỏa đến với mọi người. Chúa Giêsu hiểu giá trị của Lời Ngài, Lời ban sự sống, cứu độ và dẫn đưa con người tới hạnh phúc. Tuy nhiên, Lời của Chúa không thể sinh hoa kết quả nếu con người chỉ nói trên đầu môi chóp lưỡi, nói cách suông, ơ hờ, hời hợt, nhưng những điều Chúa nói cần phải đem ra thực hành với lòng yêu mến. Xưa, Chúa đã trấn an các môn đệ :” Đừng xao xuyến, đừng lo âu “. Ngài ra đi về cùng Chúa Cha nhưng ngài sẽ xin Chúa Cha sai Đấng phù trợ đến. Thánh Thần sẽ hiện diện để hướng dẫn, soi đường chỉ lối cho các môn đệ, cho mọi người. Ngày nay, Chúa cũng nhắc nhở chúng ta :” Nếu chúng ta yêu mến Chúa thì phải tuân giữ giới răn của Chúa “. Tất cả lề luật chỉ tóm gọn trong hai điều :” mến Chúa và yêu tha nhân “ ( Mt 22, 40 ). Đây là điều chính yếu. Bởi vì đó là chân lý. Chúa đã xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến để gìn giữ Giáo Hội đi trong sự thật. Chỉ khi nào chúng ta tuân giữ giới răn Chúa, thực hành những điều Ngài dạy với lòng yêu mến.Chúng ta mới được hưởng dồi dào ân sủng, bình an và sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi tâm hồn và nơi cuộc sống trần thế này.

Jean-Pierre Manigne viết :” Tin mừng hôm nay, một cách đơn sơ mà tuyệt vời, nhắc đến Thiên Chúa Ba Ngôi : Cha, Con, Thánh Thần. Ba Ngôi ! trái ngược với một Thiên Chúa phiêu diêu trên mây gió, trái ngược với một ý tưởng, một thứ gì trừu tượng.Mà là vị Thiên Chúa như chúng ta đã cảm nghiệm, Đấng nhận chúng ta làm nghĩa tử, gia nghiệp chúng ta được thừa hưởng.
Phải làm gì để gia nhập gia nghiệp ấy, để thoát khỏi cảnh mồ côi lạc loài trong thế giới lạnh lẽo này ? Phải ao ước được làm nghĩa tử, ao ước hết sức mình.Suốt đời mình “.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa củng cố đức tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra rằng Chúa luôn yêu thương chúng con.Chúa luôn hiện diện với chúng con và Chúa đã xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến để biến đổi chúng con, làm cho chúng con luôn biết “ yêu mến Chúa và yêu mến đồng loại “. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao Chúa lại nói :” Yêu mến Chúa là tuân giữ giới răn của Ngài ? “.
2.Đấng phù trợ là Đấng nào ?
3.Thần chân lý là ai ?
4.Yêu mến Chúa và yêu đồng loại tại sao lại đi song song ?
5.Chúa có bao giờ bỏ Giáo Hội không ?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:42 18/05/2014
KHÔNG OÁN TRÁCH
N2T

Hoa sen ấm ức hỏi Đấng tạo hóa:
- “Con đem hương thơm thấm tận tim gan của con, bộ mặt đẹp đẽ của con cho người thưởng thức, thân và rễ để cho người làm thức ăn, nhụy hoa có thể dùng làm thuốc. Con đem cuộc đời của con ra cống hiến mà không giữ lại một chút gì cả, Ngài còn muốn con như thế nào nữa chứ?”
Đấng tạo hóa trả lời :
- “Ta muốn con không oán trách”.
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Cây đèn cầy khi nó toả sáng chiếu soi, thì tự nó hao đi nhưng nó không oán trách, vì đó là bổn phận của nó, nó tự hủy mình để mọi người được nhìn thấy nhau, vui vẻ và hân hoan trong ánh sáng của nó.
Khi chúng ta đã dốc toàn lực ra để làm tròn bổn phận mà chẳng có nhận được một lời khen thưởng hay lời động viên, chúng ta đừng than thở nản chí, vì việc chúng ta đang làm là làm cho Chúa, vì Chúa, chứ không phải vì bản thân mình, cũng không phải vì người này người nọ mà làm.
Mà đã làm cho Chúa thì cần gì phải trông đợi một lời khen của người đời chứ !
Người có đức tin thì luôn tâm niệm như thế.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

-----------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:44 18/05/2014
N2T

9. Ân điển của lòng bền chí thì cần phải cầu xin hằng ngày, mới có thể đạt tới mỗi ngày.

(Thánh Benjamin)
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cổ võ cách giải quyết xung đột trong cộng đoàn
Lm. Trần Đức Anh OP
11:24 18/05/2014
VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 50 ngàn tín hữu trưa Chúa Nhật 19-5-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã cổ võ cách thức giải quyết các xung đột trong cộng đoàn Giáo Hội.

Ngài đã quảng diễn đoạn sách Tông Đồ công vụ, đọc trong thánh lễ Chúa Nhật thứ 5 mùa Phục Sinh năm A nói đến những căng thẳng trong cộng đoàn Kitô và quyết định của các Tông Đồ chuyên lo việc cầu nguyện và sứ vụ Lời Chúa và thiết lập các phó tế để chăm sóc cộng đoàn về vật chất. Từ đó ĐTC rút ra bài học để giải quyết các vấn đề trong cộng đoàn Giáo Hội.

Bài huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Hôm nay bài đọc Sách Tông Đồ công vụ cho chúng ta thấy cả trong Giáo Hội sơ khai cũng xảy ra những căng thẳng và bất thuận đầu tiên. Trong cuộc sống, có những xung đột, vấn đề là ta đối phó với chúng như thế nào. Cho đến bấy giờ sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô được dễ dàng nhờ sự kiện các tín hữu thuộc về một chủng tộc và văn hóa duy nhất, văn hóa Do thái. Nhưng khi Kitô giáo, do ý muốn của Chúa Giêsu, được mở ra cho tất cả mọi dân tộc, mở ra đối với môi trường văn hóa Hy Lạp, thì sự đồng nhất không còn nữa và nảy sinh những khó khăn đầu tiên. Khi đấy có những người bất mãn, trách móc, và có những tiếng đồn về sự thiên vị và không được đối xử đồng đều. Điều này cũng xảy ra trong các giáo xứ của chúng ta. Sự giúp đỡ của cộng đoàn dành cho những người túng thiếu - các góa phụ, cô nhi và người nghèo nói chung, dường như ưu đãi các tín hữu Kitô gốc Do thái so với những người khác.

Bấy giờ, trước xung đột ấy các Tông Đồ đối phó với tình thế: các vị triệu tập một cuộc họp mở rộng cho các môn đệ, cùng nhau thảo luận vấn đề. Thực vậy các vấn đề được giải quyết không phải bằng cách làm bộ như thể chúng không hề hiện hữu! Và thật là đẹp cuộc đối chất thẳng thắn giữa các mục tử và các tín hữu khác. Vì thế họ đi đến sự phân chia nhiệm vụ. Các tông đồ đưa ra một đề nghị được mọi người chấp nhận: các vị chuyên chăm việc cầu nguyện và sứ vụ Lời Chúa, trong khi 7 người, các phó tế, sẽ lo việc phục vụ bàn ăn cho người nghèo. 7 người này không được chọn vì là chuyên gia, nhưng vì họ là những ngừơi lương thiện và có tiếng tốt, đầy Thánh Linh và khôn ngoan; họ được bổ nhiệm công tác phục vụ nhờ sự đặt tay của các Tông Đồ.

Và thế là từ sự bất mãn ấy, từ sự kêu trách đó, từ những tiếng đồn về sự thiên vị và đối xử không đồng đều, người ta đi đến một giải pháp. Qua sự đối chiếu, thảo luận và cầu nguyện, các xung đột trong Giáo Hội được giải quyết. Đối chiếu, thảo luận và cầu nguyện. Với xác tín rằng những sự nói hành nói xấu, ghen tương, phân bì không bao giờ có thể đưa chúng ta đến sự hòa hợp, thuận hòa hoặc an bình. Trong những trường hợp như thế, chính Thánh Linh giúp đạt tới thỏa thuận và điều này làm cho chúng ta hiểu rằng khi chúng ta để cho Thánh Linh hướng dẫn, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự hòa hợp, hiệp nhất và tôn trọng các năng khiếu và tài năng khác nhau? Anh chị em có hiểu rõ không? Không nói hành nói xấu, không ghen tương, không phân bì.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, để chúng ta biết quí chuộng nhau và ngày càng đồng qui sâu xa hơn trong đức tin và tình bác ái, giữ cho con tim được cởi mở đối với các nhu cầu của anh chị em.

Kêu gọi và chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nói với các tín hữu rằng:

Anh chị em thân mến,

Nạn lụt nặng nề đã tàn phá nhiều miền ở vùng Balcan, nhất là tại Serbia và Bosnia. Trong khi tôi phó thác cho Chúa các nạn nhân của thiên tai này, tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người đang phải sống những giờ phút lo âu và đau khổ này.

”Hôm 17-5-2014, tại thành phố Iasi bên Rumani, ĐGM Anton Durcovici tử đạo đã được phong chân phước. Ngài là một mục tử nhiệt thành và can đảm, bị chế độ cộng sản Rumani bách hại và chết trong tù năm 1951 vì đói khát. Cùng với các tín hữu tại Iasi và toàn thể Rumani, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa!”

Đức Cha Antôn Durcovici sinh năm 1888 tại Altenburg bên Áo. Năm lên 6 tuổi, cậu Anton di cư sang Rumani với mẹ và anh. Thầy Anton gia nhập chủng viện tại Bucarest, rồi được gửi sang Roma theo học, đậu tiến sĩ triết học, thần học và giáo luật, thụ phong linh mục năm 1910 và năm 1947 cha được Tòa Thánh bổ làm GM giáo phận Iasi.

Dưới thời cộng sản ở Rumani, ngài đã phải chịu những đau khổ kinh khủng trong 2 năm tù ngục ở một trại tập trung bên Moldavia thời thế chiến thứ I, vì gốc gác tại Áo.

Trong những năm chế độ cộng sản Rumani bách hại Giáo Hội, mặc dù nhiều lần bị nhà nước hăm dọa, nhưng Đức Cha Durcovici vẫn tận tụy thi hành sứ vụ mục tử, viếng thăm các giáo xứ và loan báo Tin Mừng. Ngài bị bắt năm 1949 và giam tại nhà tù nghiêm ngặt ở Sighet và chết rũ tù tại đây ngày 10-5 năm 1951 lúc mới được 63 tuổi. Sáng sớm hôm sau, tài xế của nhà tù chở thi hài trần trụi của Đức Cha và quẳng xuống một huyệt chung tại nghĩa trang Do thái, gần nhà tù.

ĐTC cũng chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương, các gia đình, các nhóm giáo xứ, hội đoàn và trường học. Ngài cũng đặc biệt nhắc đến các học sinh các trường Công Giáo ở Madrid và Pamplona bên Tây Ban Nha, các học sinh đếntừ Messico và Colombes bên Pháp và nhiều trường học khác.

Ngai nói thêm rằng ”tôi khuyến khích các hội thiện nguyện đến dự Ngày bệnh nhân ung thư. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, các bệnh nhân và các gia đình. Và xin Anh chị em nhớ cầu nguyện cho tôi nữa”.

Chúa Nhật 17-5-2014 đã có hơn 60 ngàn người, trong đó có 5 ngàn phụ nữ mặc áo hồng, tham dự cuộc đi bộ lần thứ 15 ở Roma để hỗ trợ cuộc chiến đấu chống bệnh ung thư vú đồng thời thăng tiến sức khỏe của phụ nữ.
 
Nhân cuộc viếng thăm Do Thái của Đức Phanxicô, tìm hiểu liên hệ ngoại giao giữa Do Thái và Tòa Thánh
Vũ Văn An
20:49 18/05/2014
Liên hệ ngoại giao giữa Do Thái và Tòa Thánh được chính thức thiết lập năm 1993, nhưng đã tiếp theo gần một thế kỷ liên lạc và hoạt động ngoại giao, chưa kể gần 2 thiên niên kỷ gặp gỡ giữa Công Giáo và Do Thái Giáo dù đôi khi những cuộc gặp gỡ này không thân thiện bao nhiêu. Các dữ kiện sau đây dựa vào tư liệu của Bộ Ngoại Giao Do Thái.

1. Thời kỳ trước khi Do Thái trở thành quốc gia

Năm 1897, khi ý niệm Duy Xion (Zionist) bắt đầu được chú ý tại Âu Châu, và 4 tháng trước Đại Hội Duy Xion Thứ Nhất được tổ chức tại Basle, tờ báo có thế giá của Dòng Tên, tức tờ Civiltà Cattolica, cho mọi người biết rằng một Nhà Nước Do Thái tại Đất Thánh với Giêrusalem làm thủ đô và với việc quản trị các Nơi Thánh là điều không thể tưởng nghĩ được đối với Giáo Hội Công Giáo.

Bẩy năm sau, tức năm 1904, người sáng lập ra Phong Trào Duy Xion là Theodor Herzl yết kiến Đức Piô X với hy vọng được Tòa Thánh ủng hộ công trình của Duy Xion. Đức Piô X khước từ yêu cầu của ông bằng cách tuyên bố rằng Giáo Hội không thể thừa nhận dân tộc Do Thái và hoài mong chiếm Palestine của họ, vì người Do Thái “không thừa nhận Chúa chúng tôi”. Herzl được động viên bởi các lý lẽ chính trị; đáp ứng của Đức Giáo Hoàng xuất phát từ thần học Công Giáo.

Trong suốt 4 thập niên kế tiếp tức thời kỳ có hai cuộc Thế Chiến, các tiếp xúc của Duy Xion với phẩm trật Giáo Hội cũng như các tuyên bố có thẩm quyền của Vatican liên quan tới các hoài bão của Duy Xion khá rời rạc. Tuy nhiên, chúng vẫn đủ để củng cố các yếu tố căn bản, và nhất quán trong chủ trương của Vatican như đã được tờ Civiltà Cattolica và Đức Piô X nói lên. Tòa Thánh chống lại ý niệm một quê hương cho người Do Thái tại Palestine , một ý tưởng vốn đã có trong Bản Tuyên Ngôn Balfour của Anh ngày 2 tháng 11, năm 1917. Các nơi thánh là quyền lợi sinh tử và việc người Do Thái quản lý chúng là điều không thể chấp nhận được. Vấn đề sử dụng chúng và trông coi chúng là những vấn đề phải được xác định giữa Giáo Hội và các cường quốc. Có nhiều nan đề thần học xoay quanh khả thể một chủ quyền Do Thái tại Đất Thánh.

Nghị Quyết 181 ngày 29 tháng 11 năm 1947 của Liên Hiệp Quốc (“Nghị Quyết Phân Chia”) dự trù một “thực thể riêng biệt” (corpus separatum) cho Giêrusalem và vùng phụ cận được Tòa Thánh có thiện cảm. Tuy nhiên, nghị quyết này nhanh chóng bị các nước Ả Rập bác bỏ và sau các thù nghịch trong năm 1948, “thực thể biệt lập” này đã không thành hiện thực.

Tháng Mười năm đó, Đức GH Piô XII, vì hết sức lo âu trước cảnh tranh chấp đầy bạo lực tại Đất Thánh, đã ban hành một thông điệp, tựa là In Multiplicibus Curis, trong đó, ngài kêu gọi các nước mưu tìm hòa bình dành cho Giêrusalem và các vùng ngoại vi của nó “một đặc tính quốc tế” và “với các bảo đảm quốc tế” bảo đảm quyền tự do tới lui và thờ phượng tại các Nơi Thánh rải rác khắp Palestine. Trong một thông điệp thứ hai, tựa là Redemptoris Nostra, tháng Tư năm 1949, Đức Piô XII kêu gọi công bình cho người tị nạn Palestine và nhắc lại lời kêu gọi của ngài về “tư thế quốc tế” như là hình thức bảo vệ tốt nhất đối với các Nơi Thánh. Chủ trương chính thức của Vatican về vấn đề này, cũng như về vấn đề người tị nạn, trong hai thập niên sau đó, chủ yếu đã không được mấy ai lưu ý.

2. Thời kỳ sau khi Do Thái trở thành nhà nước: thừa nhận trên thực tế

Năm 1948, Nhà Nước non trẻ Do Thái hết sức muốn được Tòa Thánh thừa nhận chủ quyền và các lãnh thổ chiếm được, vì vị thế tinh thần và ảnh hưởng quốc tế của Tòa Thánh đối với các chính phủ tại một số nước Công Giáo và hơn phân nửa số Kitô hữu trên khắp thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Do Thái đã cử nhiều đại diện tới Vatican vào tháng Chín năm đó. Dù phái đoàn không thực hiện được mục tiêu hàng đầu của mình, nhưng một số hiểu biết đã đạt được trong việc xử lý các vấn đề được cả hai bên quan tâm, một phần dựa trên căn bản song phương một phần nhờ vị Khâm Sai của Đức GH tại Đất Thánh và vị Đại Diện Thượng Phụ tại Galilê. Mặc nhiên trong các hiểu biết này là việc Vatican thừa nhận Nhà Nước Do Thái trên thực tế, một sự kiện được Tòa Thánh hay nhắc tới trong các thương lượng sau này với Do Thái.

Vatican tiếp tục vận động cho việc quốc tế hóa Giêrusalem và các Nơi Thánh. Năm 1950, Tòa Thánh phối hợp một cố gắng bất thành tại LHQ nhằm thực hiện việc này. Sau đó, Vatican không còn lặp lại các sáng kiến của mình tại LHQ nữa nhưng cũng không từ bỏ khát vọng của mình đối với Giêrusalem và các Nơi Thánh.

Song song với các sự kiện trên, các liên lạc giữa Do Thái và Tòa Thánh vẫn diễn tiến trên nhiều bình diện khác nhau. Đáng lưu ý là cuộc gặp gỡ Đức Piô XII của Ngoại Trưởng Moshe Sharrett trong năm 1952 và việc Ban Đại Hòa Tấu Do Thái trình diễn cho ngài vào năm 1955. Mục tiêu được công bố của Do Thái vẫn là các liên hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh. Các cố gắng liên tục của các nhà ngoại giao Do Thái trong các năm kế tiếp vẫn không đem lại kết quả bao nhiêu.

Cuộc hành hương của Đức GH Phaolô VI tại Đất Thánh vào tháng Giêng năm 1964, được tiến hành một cách khiến cho người ta thấy rõ và một cách đau lòng là Tòa Thánh không thừa nhận Do Thái trên pháp lý.

Năm 1965, Công Đồng Vatican II, khi công bố tuyên ngôn Nostra Aetate, đã thay đổi trong nền tảng mối liên hệ của Giáo Hội với người Do Thái, vì đã chính thức quả quyết rằng “Vì Cha Ông họ, Thiên Chúa rất qúi yêu người Do Thái; Người không ân hận đối với các hồng ân [dành cho họ]”. Hơn nữa, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu “không thể qui tội một cách không phân biệt cho mọi người Do Thái, sống lúc đó hay sống hiện nay”.

Nếu các luận bác thần học trong phương thức thừa nhận Do Thái về pháp lý đã dịu đi, thì các trở ngại chính về chính trị vẫn còn đó. Ngoài vấn đề chủ quyền Do Thái đối với mọi lãnh thổ, bao gồm các phần tại Giêrusalem, vấn đề thiếu các biên giới được thừa nhận và vấn đề các Nơi Thánh và việc bảo vệ các nơi này, Vatican còn duy trì quan tâm của mình đối với các nhu cầu của người Công Giáo tại địa phương cũng như số phận người tị nạn Palestine. Thêm vào đó, Vatican còn e ngại các phản ứng tiêu cực chống lại các nhóm thiểu số Kitô Giáo tại các nước Ả Rập và cả chính Vaticn nữa, nếu phải thừa nhận Do Thái trên pháp lý. Còn đối với Do Thái, nhiều giới tỏ ra ngần ngại trước việc có liên hệ trọn vẹn với Vatican…

Cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày năm 1967 đã thay đổi thế địa chính trị trong vùng. Do Thái nay sở hữu vững vàng toàn bộ Đất Thánh phía tây Sông Giócđăng, bao gồm mọi Nơi Thánh của Kitô Giáo. Việc này khiến Vatican phải thay đổi lập trường của mình một cách thực tiễn. Trong một diễn văn trước các Hồng Y vào tháng 12 năm 1967, Đức GH Phaolô VI kêu gọi “một qui chế đặc biệt, được quốc tế bảo đảm” (chứ không hẳn quốc tế hóa) cho Giêrusalem và các Nơi Thánh. Lập trường này vẫn còn là lập trường chính thức của Vatican cho tới tận nay.

Cùng một lúc, các liên lạc cao cấp giữa hai bên vẫn tiếp diễn. Trong đó, có việc Đức GH Phaolô VI tiếp Ngoại Trưởng Abba Eban năm 1969, Thủ Tướng Golda Meir năm 1973 và Ngoại Trưởng Moshe Dayan năm 1978. Thủ Tướng Yitzhak Shamir được Đức GH Gioan Phaolô II tiếp năm 1982. Vấn đề liên hệ ngoại giao đầy đủ đã được nêu ra trong các lần tiếp xúc này và nhiều lần khác, nhưng Vatican vẫn tiếp tục dè dặt và trong khi Do Thái ngược xuôi, thì Vatican vẫn không cho thấy dấu hiệu hối hả nào.

Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy có thể có thay đổi bầu không khí xuất hiện sau cuộc đăng quang của Đức GH Gioan Phaolô II vào năm 1978. Ngài vốn rất khác về hậu cảnh so với các vị tiền nhiệm người Ý. Khi còn trẻ, ngài từng có nhiều bạn hữu Do Thái tại thành phố quê hương Wadowice; ngài từng chứng kiến Nạn Diệt Chủng và chính ngài đã bị buộc phải làm việc tại hầm đá dưới thời Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan; ngài có nhiều thiện cảm đối với các khát vọng quốc gia của người Ba Lan và của nhiều dân tộc khác. Năm 1984, ngài viện dẫn sự an toàn và thanh bình cho người Do Thái đang sống tại Nhà Nước Do Thái như là “một đặc quyền của bất cứ quốc gia nào”. Nói chuyện với các nhà lãnh đạo Do Thái tại Miami tháng Chín năm 1987, ngài thừa nhận quyền của dân tộc Do Thái có một quê hương “như bất cứ quốc gia dân sự nào, theo luật quốc tế”.

Dù nhiều vị khác ở Vatican cho thấy: các trở ngại thần học và nay các trở ngại chính trị đối với việc thiết lập các liên hệ ngoại giao đầy đủ với Do Thái đã bị loại bỏ phần lớn, cũng phải cần tới 5 năm nữa Đức Gioan Phaolô II mới diễn dịch các tình cảm của ngài thành thực tại ngoại giao. Sau Cuộc Chiến Vùng Vịnh đầu tiên năm 1991, diễn trình hòa bình Ả Rập – Do Thái đã được phục hoạt. PLO thừa nhận Do Thái và một số quốc gia Ả Rập thiết lập bang giao với quốc gia Do Thái. Song song với các hoạt động này, Liên Xô và một số quốc gia quan trọng khác cũng đã nối lại liên hệ ngoại giao với Do Thái (bị gián đoạn sau Cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày). Thêm vào đó, một số nước hàng đầu, như Trung Quốc và Ấn Độ, lần đầu tiên cũng đã ký kết liên hệ ngoại giao với Nhà Nước Do Thái, để trở thành thành phần của các cuộc thương thuyết hòa bình đa phương.

Biết rằng việc thừa nhận Do Thái của các nước Ả Rập và của Palestine không gây nên bất cứ phản ứng tệ hại nào tại Trung Đông và có lẽ vì cảm thấy Tòa Thánh sẽ lâm vào tình thế khó xử nếu không cư xử với Do Thái một cách chính thức khi các vấn đề có tính sinh tử với nước này được đem ra thảo luận trong các cuộc thương thuyết hòa bình, nên Đức Gioan Phaolô II đã phê chuẩn một số “thăm dò” ngoại giao đối với Do Thái và sau đó chính ngài đưa ra sáng kiến. Đầu tháng Tư năm 1992, Đại Sứ Do Thái tại Ý, Avi Pazner, và vợ được mời dự buổi yết kiến riêng với Đức Giáo Hoàng. Theo lời yêu cầu của ngài, Đại Sứ đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về tình hình Trung Đông, trong đó, ông ám chỉ tới việc một số nước Ả Rập không chịu chấp nhận Do Thái, bất chấp sự thừa nhận của Palestine và diễn trình hòa bình đang tiếp diễn. Việc gián tiếp nhắc tới sự kiện đó rõ ràng đã được Đức Giáo Hoàng thấu hiểu và có lẽ đã làm lệch hẳn bàn cân. Vì 10 ngày sau, “Bộ Trưởng Ngoại Giao” của Vatican, là TGM Jean-Louis Tauran, thông báo cho Đại Sứ Pazner rằng Đức Gioan Phaolô đã chỉ thị cho Giáo Triều mở các cuộc thương thuyết để có thể thiết lập quan hệ ngoại giao trọn vẹn với Do Thái. Sau khi gặp Đức GH vào tháng Mười, Ngoại Trưởng Do Thái, Shimon Peres (nay là Tổng Thống Do Thái) nhận định rằng dù gần đây, Do Thái được rất nhiều quốc gia thừa nhận, nhưng “thêm Vatican vào tất cả các vụ thừa nhận đó quả đã thay đổi tình thế rất nhiều”.

3. 1993 và sau đó: thừa nhận trên pháp lý

Một năm rưỡi thương thảo phức tạp kết thúc bằng việc ký Thỏa Hiệp Căn Bản giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Do Thái vào ngày 30 tháng Mười Hai năm 1993. Rồi, căn cứ vào Nghị Định Thư tiếp theo Thỏa Hiệp Căn Bản, các đại sứ toàn quyền đã được trao đổi vào tháng Năm năm 1994. Thỏa Hiệp Căn Bản cũng mở đường cho việc thiết lập ra các tiểu ban pháp chế và tài chánh để giải quyết hàng loạt vấn đề quan yếu vẫn còn cố ý để ngỏ. Điều đáng lưu ý, là việc Thỏa Hiệp nhìn nhận bản chất độc đáo trong mối liên hệ giữa Giáo Hội và Dân Tộc Do Thái và nhắc lại việc Giáo Hội lên án chủ nghĩa Bài Do Thái dưới mọi hình thức, như đã được nói ra trong Nostra Aetate.

Từ thời điểm trên, Do Thái và Tòa Thánh đã duy trì được mối liên hệ ngoại giao gần gũi, tuy không hẳn không có những giai đoạn căng thẳng, thậm chí khủng hoảng nữa. Các cuộc bàn luận của tiểu ban pháp chế đã mau chóng kết thúc với Thỏa Hiệp Phụ Trội đã được ký ngày 10 tháng Mười Hai năm 1997, trong đó, Do Thái thừa nhận tư cách pháp nhân và thẩm quyền theo giáo luật của Giáo Hội Công Giáo và các định chế của nó, cũng như tư cách pháp nhân và thẩm quyền của Tòa Thượng Phụ La Tinh tại Giêrusalem và các Tòa Thượng Phụ Công Giáo Đông Phương cùng các giáo phận liên hệ của họ trên lãnh thổ Do Thái. Về phần họ, các thực thể Giáo Hội này thừa nhận luật lệ hiện hành của Do Thái trong các vấn đề dân sự và hình phạm. Nhưng mặt khác, công việc của tiểu ban tài chánh thì vẫn chưa hoàn tất, do nhiều khó khăn trầm trọng trong việc khắc phục các lập trường có tính nguyên tắc của đôi bên và do quan điểm của phía Do Thái cho rằng nếu dành cho Giáo Hội Công Giáo bất cứ đặc quyền nào về phương diện vật chất và tài chánh cũng có thể có hệ quả không hay đối với các nhóm Kitô Giáo và không Kitô Giáo khác có mặt trên xứ sở.

Cao điểm của mối liên hệ là lúc Đức GH Gioan Phaolô II hành hương Đất Thánh trong Đại Năm Thánh 2000. Dù bản chất tôn giáo của cuộc viếng thăm hết sức nổi bật, các khía cạnh chính trị cũng không thể bỏ qua, thí dụ lúc Đức Gioan Phaolô tới thăm Tổng Thống Do Thái và lúc ngài gặp Thủ Tướng và các thành viên nội các của ông.

Các hy vọng lớn lao của Do Thái muốn có liên hệ chính trị và ngoại giao gần hơn với Tòa Thánh sau cuộc viếng thăm trên đã bị phá tan bởi việc nổ ra cuộc nổi dậy (intifada) thứ hai của người Palestine vào tháng Chín năm 2000. Chỉ trích việc Do Thái sử dụng vũ khí để đáp ứng cuộc nổi dậy và do đó, làm cho diễn trình hòa bình bị khựng lại, nên Toà Thánh đã giữ một thái độ lạnh nhạt trong mối liên hệ ngoại giao của mình với Do Thái. Tuy nhiên, vì muốn tránh việc gián đoạn hoàn toàn, Tòa Thánh nhấn mạnh hơn tới chiều kích Do Thái Giáo-Công Giáo của mối liên hệ. Một số sáng kiến được khuyến khích, trong đó có việc phát động cuộc đối thoại đáng lưu ý giữa Tòa Thánh và Tòa Trưởng Giáo Chủ của Do Thái vào năm 2003, và cuộc đối thoại này nay vẫn còn đang tiếp diễn một cách có hiệu quả.

Mối liên hệ gặp nhiều căng thẳng vào năm 1998 khi người Hồi Giáo tại Nadarét tìm cách xây dựng một ngôi đền lớn kế cận Nhà Thờ Truyền Tin. Nhiều người cho rằng việc này có sự thoả hiệp ngầm của nhà cầm quyền Do Thái. Vấn đề trực tiếp liên hệ tới các Nơi Thánh Công Giáo này mãi tới tháng Giêng năm 2002 mới được giải quyết khi một ủy ban chính phủ đưa ra kế hoạch chỉnh trang mà thực tế là để kết liễu việc xây dựng ngôi đền Hồi Giáo. Ngược với biến cố này, mối liên hệ ngoại giao tỏ ra mạnh mẽ và có chất lượng khi Tòa Thánh và Do Thái hợp tác chặt chẽ và kín đáo với nhau để tìm ra giải pháp cho tình thế khó khăn hồi tháng Tư năm 2002 khi các người Palestine có vũ trang chiếm giữ một Nơi Thánh khác tức Nhà Thờ Giáng Sinh ở Bêlem và cầm giữ một số giáo sĩ (Công Giáo, Ácmêni và Chính Thống Hy Lạp) cũng như nhiều thường dân Palestine.

Phần lớn, mối liên hệ này diễn tiến một cách êm ả. Các cuộc thăm viếng Tòa Thánh cấp bộ trưởng là việc xẩy ra thường xuyên và nhiều đến đếm không xuể. Vị Tổng Thống Do Thái đầu tiên được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến là TT Moshe Katsav, tháng Mười Hai năm 2002. Trên căn bản hàng ngày, Tòa Đại Sứ Do Thái cạnh Tòa Thánh tìm cách thông tri cho Tòa Thánh mọi chính sách chính thức về đủ vấn đề hiện thời, trong khi đó, Tòa Đại Sứ của Tòa Thánh tại Jaffa lo trông nom các tài sản nhiều mặt và nhiều quyền lợi khác tại Do Thái. Cả hai bên đều tìm cách mở rộng việc hợp tác và hiểu biết nhau về văn hóa, giáo dục, học thuật và liên tôn. Còn các vấn đề trần tục như thị thực nhập cảnh và việc ra vào Do Thái của các giáo sĩ Công Giáo thuộc các lãnh thổ Ả Rập không sống hòa bình với Do Thái cũng đều được thường xuyên giải quyết.

Do Thái và Tòa Thánh rất coi trọng liên hệ ngoại giao này. Xét về nhiều mặt, đây là mối liên hệ độc đáo, thấm nhuần hàng thế kỷ gặp gỡ giữa đôi bên, và liên hệ tới những quyền lợi được đôi bên coi là tối quan trọng. Chính vì thế, người ta có quyền hy vọng nó sẽ mãi mãi vững bền và đầy sức sống, vượt qua mọi căng thẳng đây đó, chắc chắn không tránh khỏi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ðại hội giới trẻ công giáo Việt Nam tại Pháp 2014
Ngô Tuấn Anh
07:12 18/05/2014
Ðại hội giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Pháp 2014

Ðại hội giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Pháp Champagne 2014 được tổ chức vào cuối tuần từ ngày 08 đến 11/05/2014 tại Tu viện Saint-Pierre, Champagne 07340, tọa lạc ở phía nam của nước Pháp cách thành phố Lyon khoảng 65 km về phía nam.

Xem Hình

Ðại hội giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Pháp được tổ chức liên tiếp 2 năm một lần nhằm tạo ra một sân chơi, cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ giữa các bạn trẻ Công Giáo Việt Nam trên toàn nước Pháp. Tiếp nối truyền thống của các lần đại hội trước - Poitiers 2005, Strasbourg 2007, Lyon 2009, Jambville 2012 - đại hội giới trẻ Champagne 2014 mời gọi tất cả các bạn trẻ Công Giáo gốc Việt Nam, còn là học sinh - sinh viên hay đã đi làm, còn sống độc thân hay đã có gia đình, và đang thao thức về cuộc sống và đức tin đến quây quần và cùng trải qua một cuối tuần sống động và cởi mở, làm quen và chia sẻ niềm vui trong cuộc sống và trong đời sống đức tin, và trên hết cùng gặp gỡ Chúa Kitô.

Chủ đề của đại hội Champagne 2014 là: Tôi tin và hành đạo – Je suis croyant et pratiquant.

Đại hội lần này được tổ chức với sự chủ trì và linh hướng của:

Các Cha:

- Lm Nguyễn Kim Sang, Trưởng Tuyên Úy đoàn

- Lm Vũ Thái Hòa, Trưởng Ban Giới Trẻ

- Lm Lâm Thái Sơn, Trưởng Ban Mục Vụ Trưởng Thành

- Lm Hà Quang Minh, Cựu Trưởng Tuyên Úy đoàn

- Lm Vũ Minh Sinh, Tuyên úy Giới trẻ Giáo Xứ Việt Nam Paris

- Lm Nguyễn Văn Hội, dòng Chúa Cứu Thế, Paris

Các sơ:

- Sơ Nguyễn Thị Chung, Lyon

- Sơ Võ Thụy Thiên Nga, Strabourg

và sự tham gia của các thầy, các sơ và hơn 90 bạn trẻ đến từ các vùng khác nhau trên toàn nước Pháp: Paris, Lyon, Strasbourg, Dijon, Rennes và Orleans. Có một bạn đến từ nước Ý.

Ngày 1: Thứ năm 08/05/2014 – Gặp gỡ

Từ trưa thứ năm 08/05/2014, tu viện Saint-Pierre trở nên khác hẳn những ngày thường, không khí nhộn nhịp hơn do công tác chuẩn bị của các Cha, các thầy, các sơ và thành viên ban tổ chức. Mọi người cùng chung tay chuẩn bị mọi thứ để có thể tiếp đón các bạn trẻ, từ phòng sinh hoạt, cầu nguyện đến nơi nghỉ ngơi, từ công tác đón và chở các bạn từ nhà ga đến đón tiếp tại tu viện. Băng rôn chào đón được treo lên, các bảng hướng dẫn chỉ đường bằng tiếng Việt được dán tại nhiều ngã tư đường trong thị trấn. Tất cả đã sẵn sàng để đón tiếp các bạn.

Các bạn Trẻ đầu tiên tiên đến đại hội là các đến từ Lyon. Năm nay đại hội tổ chức ở gần Lyon nên nhóm Lyon gồm các bạn trẻ, các thầy các sơ trẻ là nhóm chủ nhà. Khoảng 3h chiều, các nhóm bạn trẻ từ các thành phố khác lần lượt tề tựu về họp mặt gồm các bạn từ thủ đô Paris và vùng phụ cận, Strasbourg và Dijon ở phía đông, Rennes ở phía tây bắc, và Orleans ở trung tâm nước Pháp. Tay bắt mặt mừng, họ như những người xa nhà lâu, nay trở về. Trong các nhóm có nhiều bạn trẻ đã có mặt trong hầu hết các Đại Hội trước đây, ở Poitiers năm 2005, ở Strasbourg năm 2007, ở Lyon năm 2009, ở Jambville năm 2012. Đại hội năm nay cũng có rất nhiều gương mặt mới tham gia.

Dù hơi mệt sau nhiều giờ di chuyển bằng xe hơi nhưng các bạn trẻ ai cũng phấn khởi và rạng ngời niềm vui vì rất háo hức để bắt đầu các hoạt động trong 4 ngày đại hội.

Họ đều là người trẻ: học sinh - sinh viên trẻ, lao động trẻ, cán bộ trẻ, chủ trẻ, phụ huynh trẻ, giáo lý viên trẻ, tu sĩ trẻ, sơ trẻ, linh mục trẻ… tất cả họ đều đáp lời mời của Ban Tuyên Úy Gìới Trẻ Công Giáo Việt Nam tại Pháp, đáp lời mời của các cha tuyên úy địa phương về họp mặt với nhau, giữa những người trẻ, để làm quen với nhau, gặp gỡ Chúa Kitô, và chia sẻ với nhau và cho nhau Niềm vui trong cuộc sống thường ngày và niềm vui trong cuộc sống đức tin.

Trao đổi cho nhau những câu chào hỏi, những tin tức biến chuyển về học hành, làm ăn,.. Hỏi thăm, tìm chỗ tiếp tân, hướng phòng ngủ, lối đến nhà nguyện. Các bạn trẻ mới đến tham dự đại hội lần đầu từ bỡ ngỡ, rụt rè lúc đầu nhanh chóng hòa đồng và trở nên thân quen. Tất cả đều là anh em của nhau vì có chung một Chúa là Đức Giêsu Kitô.

Buổi chiều cùng ngày, các bạn trẻ được các thầy Việt Nam hiện đang tu tại tu viện Saint-Pierre hướng dẫn tham quan tu viện, nhà thờ, nhà nguyện và vườn cây trong khuôn viên. Tu viện tọa lạc ở gần chân núi, xung quanh là cánh đồng cây ăn trái, là nơi rất lý tưởng để tĩnh tâm và cầu nguyện, cũng như các hoạt động sinh hoạt nhóm cho các bạn trẻ.

Bữa ăn tối lúc 18h45 tại tu viện Saint-Pierre được nấu bởi các sơ và các cô tình nguyện viên đến từ cộng đoàn Lyon, với sự giúp đỡ của có 4 thầy Việt Nam đang tu tại tu viện. Sau bữa tối với các món Việt Nam ngon miệng, các bạn trẻ nhanh chóng lấy lại sức và sẵn sàng cho nghi thức nhập trại và sinh hoạt đầu tiên của đại hội.

Đúng 20h30, nghi thức nhập trại bắt đầu. Nghi thức nhập trại được hướng dẫn bởi Cha Hội dòng Chúa Cứu Thế nhằm “phá băng” và giúp hâm nóng các bạn trẻ trước khi vào trại sinh hoạt. Các bạn trẻ phải đội một cái nồi trên đầu và đi qua một chiếc cầu được xếp bằng các băng ghế dài. Các bạn phải giữ thăng bằng sao cho cái nồi không bị rớt xuống đất. Sau đó các bạn phải chạy vào vườn tìm trứng Phục Sinh, là điều kiện để có thể chui qua “cổng” để vào trại. “Cổng” được ghép nhanh từ hai băng ghế dài và một chiếc bàn, với chiều cao của “cổng” chưa đến 40 cm, buộc các bạn phải nằm và bò sát đất mới có thể qua được. Tất cả mọi người, gồm các Cha, các Sơ, các thầy và các bạn trẻ đều phải chui qua “cổng”. Dẫn đầu “đoàn chiên” chui qua cổng là Cha Hòa Trưởng Ban Giới Trẻ. Nghi thức vào trại đặc biệt khiến cho các bạn đều vứt bỏ cái tôi và “vỏ bọc” của mình, hâm nóng các bạn và làm các bạn sẵn sàng cho các sinh hoạt.

Buổi tối sinh hoạt đầu tiên diễn ra nhanh chóng với phần giới thiệu của Ban Giới Trẻ và thông báo chương trình của các ngày đại hội với nhiều hoạt động hứa hẹn một mùa đại hội vui vẻ và ấm cúng. Các bài ca và cử điệu sinh hoạt được hướng dẫn bởi Cha Hội nhanh chóng làm các bạn trẻ xích lại gần hơn, cảm thấy hứng thú, háo hức và sẵn sàng cho chương trình sinh hoạt vào sáng hôm sau.

Ngày 2: Thứ sáu 09/05/2014 – Trao đổi, học hỏi, cầu nguyện

Tiết trời ở Champagne vào những ngày cuối tuần này rất đẹp, nắng nhẹ và mát mẻ, không khí miền quê gần chân núi trong lành tạo cảm giác rất dể chịu. Sau một đêm nghỉ ngơi để lấy lại sức và khởi động ngày mới với bữa ăn sáng nhẹ ở nhà dòng, các bạn trẻ đã sẵn sàng cho một ngày sinh hoạt cầu nguyện mới.

Đúng 9h sáng, buổi sinh hoạt bắt đầu. Bầu không khí nhanh chóng được hâm nóng bằng các bài ca và cử điệu sinh hoạt được hướng dẫn bởi Cha Hội và Cha Sinh.

Bài hát “Xin Tin Yêu vào nơi Đức Kitô” được chọn làm bài ca chủ đạo của đại hội Champagne 2014, với các ca từ và cử điệu sôi động vui vẻ nhưng sâu lắng thể hiện lòng tin yêu vào Chúa:

Xin Tin Yêu vào nơi Đức Kitô, xin Tin Yêu vào nơi Đức Kitô,

Không ai tách lìa chung tôi, khỏi Tin Chúa Kitô, không ai tách lìa chúng tôi.

Xin Tin Yêu vào nơi Ngài là Đức Kitô, là tình yêu cao vời khôn ví, vời khôn ví.

Bao gian nan vẫn trung kiên, bao truân chuyên trọn nỗi niềm, tựa thấy Đấng vô hình.

Trọn một niềm một niềm Tin Yêu, dẫu rằng đời là đời cô liêu, xin Tin Yêu vào nơi Ngài,

Xin Tin Yêu vào nơi Ngài. .... Xin Tin Yêu vào nơi Chúa.

Các bài ca sinh hoạt quen thuộc được xướng lên: Nối vòng tay lớn, Anh em ta về, Nào cùng vỗ tay, Yêu bằng tình người, Đèn sáng muối mặn, Gieo mầm tin yêu, Gặp gỡ Đức Kitô… làm các bạn trẻ cởi mở và xích lại gần nhau hơn. Các nhóm bạn trẻ, các Cha, các Thầy, các Sơ tự giới thiệu về cộng đoàn mình.

Cha Minh bắt đầu bài thuyết trình đầu tiên lúc 9h30 xoay quanh chủ đề của đại hội: Tôi tin và hành đạo – Je suis croyant et pratiquant. Một số ý chính trong bài thuyết trình của Cha Minh như sau:

“ Đức tin mà chúng ta đang mang, là đức tin lãnh nhận. Không phải tự nhiên mà có. Đức tin đó cũng là đức tin thực hành. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Và cuối cùng đức tin đó cũng là đức tin loan báo. « Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng cho muôn dân » Mt 28, 19. Hai chữ « Các con » ở đây phải đưọc hiểu rộng rãi là tất cả mọi người kitô hữu, chứ không phải chỉ có các sœur, các cha, những người đi tu.

Khi chúng ta nói: « Tôi tin và hành đạo », « Je suis croyant et pratiquant », chúng ta tuyên xứng đức tin cuả mình, cách sống đạo cuả mình. Tuy nhiên chúng ta cũng nên tìm hiểu tại sao tin và hành phải đi đôi với nhau như hình và bóng, như cá với nước, như cành liền cây ? Để trả lời cho câu hỏi trên, cách tốt nhất là mở sách phúc âm, tìm về cội nguồn.

- Về mặt lịch sử, sách Tông Đồ Công Vụ chương 2, đoạn 42-43, nói về cộng đoàn Công Giáo đầu tiên tại Jérusalem. Bốn điểm chính được nêu ra: 1/ Nghe giáo huấn cuả các tông đồ. 2/ Hiệp thông huynh đệ. 3/ Bẻ bánh. 4/ Cầu nguyện. Nói một cách khác: học hỏi lời Chuá, chia sẻ bát cơm manh áo, rước mình thánh Chúa và cầu nguyện, là bốn việc làm, bốn yếu tố căn bản định nghiã cho căn tính ngưòi kitô hữu. Chúng ta có thể kết luận là ngay từ ban đầu tin và hành đã đi đôi với nhau. Và sự hành đạo không phải chỉ giới hạn trong phạm vi cầu nguyện, tham dự thánh lễ. Người kitô hữu, ngoài việc thờ phượng còn giúp đỡ lẫn nhau, vật chất và tinh thần.

- Về mặt tu đức, chúng ta có kinh Lạy Cha. Như chúng ta đều biết, kinh này do chính Chuá Giêsu dạy cho các tông đồ (Mt 6, 9-13). Kinh Lạy Cha vừa là lời cầu nguyện riêng, vừa là lời kinh cộng đoàn. Cầu nguyện riêng hay cầu nguyện với cộng đoàn, người tín hữu đều hiệp thông với Chúa và với những người khác. Hai chữ « Chúng con » xác nhận Chuá là cha cuả tất cả mọi người. Và tất cả mọi người đều là anh em với nhau. Cho nên khi tôi đọc kinh Lạy Cha, tôi không chỉ cầu nguyện riêng cho cá nhân tôi, gia đình, bạn hữu cuả tôi mà thôi, mà còn cho tất cả mọi người. Lời cầu cuả tôi là lời cầu chung, tập thể, lời cầu cuả cả Giáo Hội mà tôi là một thành viên.

- Về mặt thần học, chúng ta có thể đọc thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi tìn hữu thành Corintho. (1 Cor 12, 12-31). Giáo Hội được Phaolô ví như một thân thể, trong đó Chúa là đầu và chúng ta là chi thể. Trong tư tưởng cuả Phaolô, người kitô hữu không thể sống cô lập, riêng rẽ. Mọi người tùy thuộc lẫn nhau và bổ túc cho nhau nhờ vào sự đa dạng cuả các ân sủng. « Un pour tous. Tous pour un ». Giáo Hội sau lễ Chuá thánh thần hiện xuống khác với tập thể Babel. (Sáng thế ký, 11, 1-9). Nếu công trình xây tháp Babel không được Thiên Chúa chúc lành thì Giáo Hội Ngũ Tuần (TĐCV 2, 1-13) là ân sủng của Chúa Thánh Thần, là biểu tượng cho Giáo Hội hoàn vũ, trong đó mỗi cá nhân, chủng tộc, quốc gia, ngôn ngữ đều được khích lệ và tôn trọng ngang nhau.”

Sau bài thuyết trình của Cha Minh, hai bạn trẻ là nhân chứng Đức Tin đứng ra chia sẻ với đại hội về đời sống Đức Tin của mình:

Bạn trẻ đầu tiên là Tony, 19 tuổi đang học trung học, đến từ cộng đoàn Strasbourg. Tony chia sẻ: Từ nhỏ em được bố mẹ đưa đi nhà thờ, học giáo lý và đi Lễ. Khi đó em không muốn đi nhưng vì bố mẹ thúc ép nên em mới đi nhà thờ. Tuy nhiên, từ việc bị bố mẹ thúc đi, sau một thời gian sinh hoạt trong cộng đoàn, em tìm thấy niềm vui của riêng mình khi đến nhà thờ đi Lễ, khi gặp gỡ các bạn khác, khi giúp Lễ cho các Cha. Em cảm thấy vui khi có thể giúp Lễ, giúp cho mọi người xung quanh. Em cảm thấy yêu mến mọi người khi đến nhà thờ.

Bạn trẻ thứ hai là Mai, 22 tuổi đang học đại học, đến từ nhóm Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) cộng đoàn Paris. Mai chia sẻ: Mai hiện là huynh trưởng nhóm TNTT. Mai học tiếng Việt và giáo lý ở Giáo Xứ Việt Nam Paris. Phương châm sống của huynh trưởng nhóm TNTT là: Cầu nguyện, rước Lễ, hy sinh và làm việc tông đồ. Mai và các bạn huynh trưởng họp mặt ở Giáo Xứ mỗi cuối tuần để chỉ dạy và sinh hoạt với các em thiếu nhi. Mai cảm thấy với vai trò huynh trưởng, mình có trách nhiệm: Chỉ dạy các em văn hóa Việt Nam qua các buổi sinh hoạt, tình yêu Chúa qua các giờ Chầu Thánh Thể; Tiếp tục thể hiện Đức Tin và truyền bá Đức Tin của mình cho mọi người trong tình yêu Thiên Chúa. Sinh hoạt ở Giáo Xứ với vai trò huynh trưởng mang lại cho Mai một lý tưởng sống. Mai cảm nhận được Chúa đã chết vì mình, yêu thương mình, nên mình cần đáp lại bằng cách yêu mến Chúa và thương yêu anh em.

Sau lời chia sẻ của hai bạn, các bạn trẻ được phân chia ra thành các nhóm nhỏ để thảo luận và chia sẻ xung quanh hai câu hỏi mà Cha Minh đưa ra:

- Tôi tin vào ai ? Thượng đế mà tôi tôn thờ là ai ?

- Tôi hành đạo, sống đạo như thế nào, trong những phạm vi nào, qua những phương tiện nào, cách thức nào và với ai ?

Các nhóm nhanh chóng tỏa ra ở khắp nơi trong tu viện, kiếm cho nhóm mình một chỗ để có thể quây quần thảo luận, có nhóm ở trong phòng sinh hoạt, có nhóm ở ngoài vườn… làm cho bầu không khí tu viên Saint-Pierre trở nên sối động hẳn. Các bạn trẻ trong mỗi nhóm chia sẻ đời sống Đức Tin của mình và chuẩn bị câu trả lời để chia sẻ trước đại hội vào buổi chiều. Thảo luận nhóm có lúc rất sôi nổi bởi các tranh luận rất trẻ, có lúc rất xúc động khi một số bạn chia sẻ đời sống Đức Tin của mình khi bạn nhận ra tình yêu Thiên Chúa khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Đúng 11h00, tiếng chuông nhà thờ điểm báo hiệu Thánh Lễ bắt đầu. Thánh Lễ được tổ chức trong nhà thờ của tu viện.

Sau Thánh Lễ, các bạn trẻ cùng quây quần chụp hình lưu niệm Champagne 2014. Ai nấy đều hớn hở để có thể góp mặt trong tấm hình lưu niệm của đại hội giới trẻ Champagne 2014.

Giờ cơm trưa lúc 12h15 với các món Việt Nam tiếp thêm năng lượng để các bạn sẵn sàng cho các hoạt động vào buổi chiều. Sau giờ nghỉ ngơi buổi trưa, các bạn bắt đầu trở lại sinh hoạt và tiếp tục buổi thảo luận nhóm xoay quanh hai câu hỏi được đưa ra lúc sáng.

Đúng 15h30, tất cả các nhóm tập họp lại để bắt đầu giờ đúc kết. Đại diện mỗi nhóm trình bày phần chia sẽ của nhóm mình:

Trả lời cho câu hỏi “Tôi tin vào ai ? Thượng đế mà tôi tôn thờ là ai ?”, với tất cả các nhóm đó là Tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đó là Tin vào Chúa Phục Sinh, Chúa yêu thương, Mẹ Maria. Mỗi bạn trẻ có thể tìm thấy Chúa trong cuộc sống hằng ngày, qua các anh em của mình trong gia đình, cộng đoàn.

Trả lời cho câu hỏi “Tôi hành đạo, sống đạo như thế nào, trong những phạm vi nào, qua những phương tiện nào, cách thức nào và với ai ?”, suy nghĩ của các nhóm rất đa dạng, bởi vì các bạn có độ tuổi, tâm lý và hoàn cảnh sống khác nhau. Nhìn chung, câu trả lời của các bạn đều dựa trên sự yêu thương, hi sinh và tha thứ. Có nhóm trả lời rằng: Chúng ta cần sống đơn sơ giản dị, hi sinh và phục vụ, dấng thân phục vụ giáo xứ và cộng đoàn, anh em. Chúng ta cần biết mở lòng và yêu thương mọi người, biết làm gương và luôn cầu nguyện. Với nhóm khác thì: Chúng ta thực hành Đức Tin bằng cách đi Lễ thường xuyên, cầu nguyện, Chầu Thánh Thể, hay tham gia các buổi cầu nguyện bằng cách hát tôn vinh Chúa như ở Taizé. Chúng ta vừa cầu nguyện vừa “vui sống”. Với nhóm có một số bạn là các ông bố bà mẹ trẻ: chúng ta cần làm gương và chỉ dạy cho các con, cầu nguyện chung trong gia đình vào mỗi buổi tối, phải luôn làm công việc tông đồ để truyền Đức Tin cho người chưa biết đến Chúa, phải biết yêu thương mọi người.

Sau khi các nhóm chia sẻ, Cha Minh đúc kết dựa theo các thảo luận mà các bạn đưa ra. Ngài chia sẻ: Đức Tin là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều đang cùng đi trên một con đường. Khi chúng ta tin, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui. Đức Tin của chúng ta là Đức Tin Công Giáo, chúng ta tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong xã hội ngày nay khi mà sự “khử thiêng” đang dần xâm chiếm, việc giữ vững đức tin là một thử thách lớn đối với mỗi người Công Giáo. Có một số người biện luận rằng do công việc bận rộn nên tôi chỉ cần giữ đạo tại tâm là được, tôi đọc kinh ở nhà mà không cần đến nhà thờ vào tất cả các Chúa Nhật. Đây là một lập luận sai và nguy hiểm, bởi vì đạo Công Giáo dựa trên cộng đồng. Đức Tin phải được thực hành trong cộng đoàn, mỗi người cần phải hòa nhập với anh em, thể hiện và truyền đức tin của mình với anh em. Các cộng đoàn trong xứ, trong nước và trên toàn thế giới cùng hiệp ý cầu nguyện cùng nhau.

Chương trình đại hội tiếp tục với phần “Louange – Tôn vinh Chúa” của nhóm Thiếu Nhi Thánh Thể Paris lúc 16h00. Với phong cách hoàn toàn trẻ, buổi “Louange” với các bài hát và cử điệu đặc biệt trẻ trung dìu các bạn trẻ đi từ cảm xúc thăng hoa cao trào với Chúa Kitô Phục Sinh đến sâu lắng trong tình yêu Thiên Chúa. Buổi “Louange” đã rất thành công khi đánh động tất cả các cảm xúc trong mỗi bạn trẻ.

Mang theo dư âm của giờ “Louange”, từng nhóm bạn trẻ bắt đầu thời gian làm việc nhóm để chuẩn bị cho đêm văn nghệ sẽ diễn ra vào ngày mai. Tiếp nối truyền thống của các kỳ đại hội trước, mỗi kỳ đại hội đều có phần “Vui Tin” với các buổi thuyết trình và thảo luận cầu nguyện, và phần “Vui Sống” với cao trào là đêm văn nghệ tối thứ bảy với các màn kịch và thi hoa hậu. Mỗi thành viên của từng nhóm đều tham gia đêm văn nghệ. Đề tài của đêm văn nghệ chỉ được thông báo vào giờ chót với mục đích để các bạn trẻ thể hiện sự sáng tạo. Các bạn phải chuẩn bị phần kịch và thi hoa hậu với các dụng cụ trang phục tự kiếm tại chỗ.

Sau giờ cơm tối, tất cả các bạn trẻ cùng tập trung tại nhà nguyện của tu viện để bắt đầu giờ Canh Thức lúc 20h30, được dẫn bởi Sơ Thiên Nga. Giờ Canh Thức như một khoảng lặng trong suốt một ngày sinh hoạt, các bạn trẻ quây quần bên nhau trước Chúa, cùng cầu nguyện trong bầu không khí ấm áp và thiêng liêng. “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi”, Lời Chúa được đọc lên đánh động tất cả mọi người. Tất cả quây quần nơi đây đều là anh chị em của nhau trong tình yêu Thiên Chúa. Mỗi bạn viết ra lời cầu nguyện của mình lên giấy, và đốt nến dâng lên Chúa. Mảnh giấy nhỏ chứa đựng tâm tình và lời nguyện xin đơn sơ của mỗi bạn với Chúa. Lần lượt từng lời nguyện của các bạn được đọc lên mang theo tâm tinh da diết và đánh động mọi người. Lạy Chúa xin trông nghe và xin thương xót chúng con.

Buổi Canh Thức kết thúc với các Cha ban phép lành của Chúa.

Đêm đến, lửa trại được đốt lên. Các bạn quây quần bên nhau. Hơi nóng tỏa ra xua tan cái lạnh buổi đêm. Ánh sáng lửa trại chiếu vào gương mặt từng bạn, rạng nên niềm vui sau một ngày sinh hoạt nhiều cảm xúc. Các bạn cùng ca hát và trò chuyện. Tình huynh đệ thêm được bền chặt.

Ngày 3: Thứ bảy 10/05/2014 – Trao đổi, học hỏi, văn nghệ

Đúng 9h sáng, buổi sinh hoạt bắt đầu. Bầu không khí nhanh chóng được hâm nóng bằng các bài ca và cử điệu sinh hoạt được hướng dẫn bởi Cha Hội và Cha Sinh.

Bài hát “Xin Tin Yêu vào nơi Đức Kitô”, bài ca chủ đề của đại hội Champagne 2014, được xướng lên, các bạn khởi động để bắt đầu ngày sinh hoạt mới.

Cha Minh bắt đầu bài thuyết trình thứ hai lúc 9h15 xoay quanh chủ đề về giáo huấn của Giáo Hội. Trong bài thuyết trình này, Cha xoay quanh 3 điểm chính:

1. Tìm đến trung tâm Đức Tin.

2. Những thánh đố của đức tin ngày hôm nay.

3. Trách nhiệm cuả người Công Giáo đối với xã hội.

Điểm thứ nhất: Tìm đến trung tâm Đức Tin

« Je suis croyant »: Tôi là người tín hữu, là người có đức tin và Thượng Đế. TÔI ở đây không phải là cái tôi ích kỷ, cá nhân chủ nghiã, cái tôi kêu ngạo, cái tôi khinh đời. Cái tôi ở đây phải được hiểu là lịch sử đức tin của tôi. Ai trong chúng ta cũng có một lịch sử đức tin cả. Đức tin của chúng ta là đức tin lãnh nhận từ các thánh tông đồ. Đức tin đích thực là đức tin đi vào lịch sử con người, đức tin nhập thế và nhập thể. Đức tin phải có chỗ đứng trong đời sống hiện tại cuả chính tôi, trong không gian và thời gian của lịch sử đời tôi. Trong xã hội ngày hôm nay, chúng ta cần tìm đến trung tâm của đức tin, cần trở về nguồn, cần xác định rõ ràng đấng mà chúng ta tôn thờ, Đức Giêsu Kitô. Tại sao ? Một trong những lý do căn bản là chúng ta đang sống trong một xã hội khử thiêng trên nước Pháp (hay tục hoá – La laïcisation). Những truyền thống Công Giáo dần dần mất ảnh hưởng trong quần chúng. Người Công Giáo trở thành thiểu số. Người sống đạo thực sự là người có lòng tin sâu xa, có xác tín vững vàng. Mà muốn có lòng tin sâu xa, muốn có « bản lãnh », người tin cần gặp gỡ Chuá Giêsu, cần có đời sống nội tâm, sống mật thiết với Đức Kitô. Điều này đòi hỏi phải tập luyện lâu năm.

Đời sống nội tâm không phải tự nhiên mà có. Người tin cần phải trải qua những thử thách. « Lửa thử vàng, gian nan thử đức ». Các tông đồ theo Chuá ròng rã 3 năm thế mà khi Chuá bị bắt, tất cả đều bỏ chạy lấy thân. Phải đợi đến khi Chuá sống lại các ông mới tìm lại được đức tin đã đánh mất. Và còn phải nhờ sức mạnh cuả Chuá Thánh Thần ngày lễ Ngũ Tuần, các ông mới bạo dạn ra đi truyền giáo.

Đức tin là bước đầu cho mọi hoạt động mục vụ. Chúa Giêsu, mỗi lần quyết định làm một việc quan trọng, luôn luôn bắt đầu bằng cầu nguyện. Trước khi công khai rao giảng nước Thiên Chuá, Ngài đã vào xa mạc 40 ngày đêm, ăn chay, hãm mình, cầu nguyên (Mt 4, 3-11). Trong vườn Gethsémanie, trước khi chịu đóng đinh, Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyên. Cầu nguyện là đặt mình trong tay Chúa, phó thác cho Chúa, hiện diện với Chúa, đối thoại với Chuá.

Đời sống nội tâm còn đòi hỏi phải bỏ mình (se déposséder), bỏ đi những điều giả tạo, không thiết yếu để chú tâm vào Người mình tin.

Điểm thứ hai: Những thánh đố của đức tin ngày hôm nay.

Thực sự những thách đố mà người Công Giáo phải chấp nhận đối diện cũng là những thách đố cuả mọi công dân Pháp. Đó là những biến chuyển xã hội văn hoá (mutations sociales) bắt đầu từ cuộc cách mạng Pháp 1789 và nhanh chóng đi vào đời sống xã hội từ sau đệ nhị thế chiến. Những biến đổi này là kết quả cuả nhiều yếu tố khác nhau quy tụ lại cùng một lúc: kinh tế thị trường, văn hoá đa dạng, kỹ thuật tân tiến… Cả một trật tự luân lý xã hội vững chắc dựa trên cơ cấu gia đình, xóm làng, giáo xứ từ từ rạn nứt mà không có một khuôn mẫu (matrice) nào khác thay thế. Những lễ nghi, những thói quen, những tôn ti trật tự kính trên nhường dưới không còn được giữ lại và truyền tụng cho thế hệ kế tiếp.

Những thách đố trong xã hội ngày nay – Cá nhân chủ nghiã (Individualisme), xã hội tục hoá (la laïcité) - làm cho chúng ta sợ hãi, không dám xưng mình là Công Giáo, không dám dấn thân. Nhưng nó cũng là một cơ hội để tôi luyện đức tin của chúng ta, làm cho đức tin của chúng ta vững vàng hơn, trong sáng hơn. « Lửa thử vàng, gian nan thử đức ».

Điểm thứ ba: Trách nhiệm cuả người Công Giáo đối với xã hội.

Chúng ta là người Công Giáo nhưng cũng là người công dân trong một Nước. Người Công Giáo nên có thái độ tích cực, cởi mở, tránh cố chấp, góp phần xây dựng xã hội, tham gia vào các hoạt động tại điạ phương hoặc trên bình diện quốc gia, trong mọi phạm vi kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Mỗi người Công Giáo là hạt muối của Giáo Hội, Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội cuả mọi người. Giáo Hội luôn ý thức mình được sai đi rao giảng Tin Mừng, là « muối đất, là ánh sáng thế gian ». Người kitô hữu là người sống giữa đời, trong lòng thế giới, chia sẻ ngọt bùi với anh em đồng loại, là hình ảnh hôm nay của Chúa Kitô đã nhập thế, nhập thể, mặc lấy thân phận con người. Ngài luôn đồng hành với chúng ta qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, mọi lúc, mọi chốn. « Thầy sẽ ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế ». Mt 28, 20.

Sau bài thuyết trình của Cha Minh, hai bạn trẻ là nhân chứng Đức Tin đứng ra chia sẽ với đại hội về đời sống Đức Tin của mình:

Bạn trẻ đầu tiên là Phúc, đã đi làm, đến từ nhóm Giới Trẻ cộng đoàn Paris. Phúc chia sẻ: Phúc sinh ra và lớn lên trong gia đình theo đạo Phật. Phúc sang Pháp học và sinh hoạt trong nhóm Giới Trẻ Giáo Xứ Paris dù không có Đạo. Dần dần Phúc tìm nhận ra được ơn gọi của Chúa và Phúc đã quyết định học giáo lý và Rửa Tội. Phúc được Rửa Tội cách đây 3 năm. Phúc tìm được niềm vui khi đến nhà thờ, khi dấn thân phục vụ Giáo Xứ và anh em.

Bạn trẻ thứ hai là Hiền, đã lập gia đình và đang đi làm, đến từ cộng đoàn Lyon. Hiền chia sẻ: Là mẹ của bốn con nhỏ, Hiền cố gắng nuôi dạy các con, hướng các con đi theo con đường mà tất cả các em bé Công Giáo đi theo. Trong xã hội “khử thiêng” hiện nay tại Pháp, điều này là không hề dễ dàng. Hiền cố gắng làm gương, thể hiện tình yêu Thiên Chúa của mình cho các con, để các con biết Chúa. Hiền chỉ dạy các con theo cách rất đơn sơ, dìu các con đi nhà thờ, nghe Lời Chúa, học giáo lý và cầu nguyện. Những lúc Hiền gặp phải nhiều khó khăn, Hiền cầu nguyện với Chúa để Ngài soi sáng cho Hiền để chỉ dạy các con. Với Hiền, Giáo Hội hiện diện ở ngay trong gia đình mình, với thiên chức của người mẹ, mình phải thể hiện đức tin và truyền đức tin đó cho các con.

Sau lời chia sẻ của hai bạn, các bạn trẻ được phân chia ra thành các nhóm nhỏ để thảo luận và chia sẻ xung quanh hai câu hỏi mới mà Cha Minh đưa ra:

- Giáo Hội của tôi là một Giáo Hội như thế nào ?

- Người anh em của tôi đang ở đâu và làm thế nào để đến với họ ?

Các nhóm nhanh chóng tỏa ra ở khắp nơi trong tu viện, kiếm cho nhóm mình một chỗ để có thể quây quần thảo luận, có nhóm ở trong phòng sinh hoạt, có nhóm ở ngoài vườn… Tinh thần của các bạn cao hơn hẳn hôm qua khi đã trải qua một ngày cùng nhau sinh hoạt và thảo luận, và biết nhau nhiều hơn. Buổi thảo luận thêm phần sôi nổi hơn và cởi mở hơn. Các bạn mở lòng mình hơn để có thể chia sẻ đời sống đức tin của mình. Không khí tu viện Saint-Pierre trở nên sối động hơn hẵn.

Đúng 11h00, tiếng chuông nhà thờ điểm báo hiệu Thánh Lễ bắt đầu. Thánh Lễ được tổ chức trong nhà thờ của tu viện.

Giờ cơm trưa lúc 12h15 với các món Việt Nam tiếp thêm năng lượng để các bạn sẵn sàng cho các hoạt động vào buổi chiều. Sau giờ nghỉ ngơi buổi trưa, các bạn bắt đầu trở lại sinh hoạt và tiếp tục buổi thảo luận nhóm xoay quanh hai câu hỏi được đưa ra lúc sáng.

Đúng 15h30, tất cả các nhóm tập họp lại để bắt đầu giờ đúc kết. Đại diện mỗi nhóm trình bày phần chia sẻ của nhóm mình:

Trả lời cho câu hỏi “Giáo Hội của tôi là một Giáo Hội như thế nào ? với tất cả các nhóm: chúng ta chính là Giáo Hội. Giáo Hội là đầu, chúng ta là chi thể.

Trả lời cho câu hỏi “Người anh em của tôi đang ở đâu và làm thế nào để đến với họ ? các bạn đều dựa trên lời Chúa Giêsu dạy về tình yêu. Đó là tất cả anh em của tôi trong gia đình hay ngoài xã hội, là những người được rửa tội hay chưa được rửa tội, là người có đạo khác hay vô thần. Tất cả đều là anh em khi mối quan hệ được dựa trên tình yêu thương không vụ lợi. Tất cả chúng ta đều là con cái Chúa.

Sau khi các nhóm chia sẻ, Cha Minh đúc kết dựa theo các thảo luận mà các bạn đưa ra. Ngài chia sẻ: Mỗi ý kiến chia sẽ của các bạn đều giúp mở rộng tầm nhìn của mỗi người chúng ta. Giáo Hội: là những người thân trong gia đình, là các anh em đồng bào trong một đất nước, là các anh em bằng hữu trên toàn thế giới. Giáo Hội là những người Công Giáo tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng là những người có đạo khác hoặc vô thần. Tất cả chúng ta đều là anh em. Chúng ta được dạy phải yêu thương nhau, yêu thương tất cả mọi người vì chúng ta đều là con Thiên Chúa. Sống trong xa hội mà sự “khử thiên, bài Thiên Chúa” ngày càng rõ rệt, lời tuyên xưng “Tôi là người Công Giáo và tôi thực hành đức tin” cần được thể hiện rõ ràng và kiên quyết bởi mỗi người trẻ chúng ta. Chúng ta lãnh nhận đức tin, đó là một gia tài, thì chúng ta phải biết thực hành đức tin, để phát triển gia tài đó.

Đúng 17h00, sau một ngày học hỏi và chia sẻ đức tin, thời gian của “Vui Sống” bắt đầu. Từng nhóm bạn trẻ bắt đầu thời gian làm việc nhóm để chuẩn bị cho đêm văn nghệ sẽ diễn ra vào tối nay. Không khí bắt đầu nóng lên dù rằng trời bắt đầu lạnh hơn vào cuối ngày. Các nhóm tỏa ra đi tìm các phục trang và đạo cụ để chuẩn bị cho màn kịch của nhóm và phần thi hoa hậu.

Sau giờ cơm tối, đêm văn nghệ được bắt đầu lúc 20h30.

Đêm văn nghệ được bắt đầu bởi các màn kịch của các nhóm với nội dung xoay quanh chủ đề của đại hội...

...tiếp nối bởi phần thi hoa hậu châu Á với nhiều tình huống và lời đối đáp gây cười đến nức cả bụng...

Đêm văn nghệ kết thúc trong tiếng cười với niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt của từng bạn.

Đêm đến, lửa trại được đốt lên. Các bạn quây quần bên nhau. Hơi nóng tỏa ra xua tan cái lạnh buổi đêm. Ánh sáng lửa trại chiếu vào gương mặt từng bạn, rạng nên niềm vui sau một ngày sinh hoạt nhiều cảm xúc. Các bạn cùng ca hát và trò chuyện. Tình huynh đệ thêm được bền chặt.

Ngày 4: Chúa Nhật 11/05/2014 – Tổng kết, chia tay và hẹn gặp lại

Sau khi ăn sáng và vệ sinh phòng, các bạn tập trung tại phòng sinh hoạt bắt đầu ngày sinh hoạt cuối cùng của kỳ đại hội.

Cha Hòa trưởng ban Giới Trẻ đúc kết các hoạt động trong các ngày đại hội. Các bạn trẻ được mời gọi đóng góp ý kiến đóng góp về cách tổ chức và các hoạt động trong các ngày đại hội. Nhìn chung theo đánh giá của các bạn trẻ, đại hội Champagne đã rất thành công khi tất các các bạn đã được trải qua khoảng thời gian vui vẻ, đoàn kết, thăng hoa nhưng cũng sâu lắng. Cảm xúc của các bạn được đánh động và các bạn tìm được niềm vui của mình giữa anh em và trong tình yêu Thiên Chúa. Tất cả các bạn đều rất háo hức và sẵn sàng cho ky đại hội tiếp theo. Vì năm 2016 sẽ có Đại hội Giới Trẻ toàn thế giới JMJ nên kỳ Đại hội Giới Trẻ Việt Nam tại Pháp tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2017.

Thánh Lễ Chúa Nhật bắt đầu lúc 11h00. Sau Thánh Lễ, các bạn trẻ bắt tay nhau, cùng trao cho nhau nụ cười. Có chút tiếc nuối vì kỳ đại hội đã đi đến giây phút cuối cùng, nhưng ai cũng vui vẻ và cùng hẹn nhau tại kỳ đại hội đến. Các nhóm cùng chụp hinh lưu niệm trước khi chia tay, lấy phần picnic của mình và chuẩn bị hành lý để lên đường về nhà.

Tạm biệt Champagne 2014, cùng hẹn nhau ở đại hội 2017.
 
Giáo xứ Kinh Nhuận GP Vinh cầu nguyện cho tổ quốc Việt Nam
Jos. Đồng Lạc
11:54 18/05/2014
Giáo xứ Kinh Nhuận: Ánh Nến Không Hề Tắt

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người hôm nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì đích thực nhân loại mà không có âm vang trong cõi lòng của người môn đệ Đức Giêsu”. Những huấn dụ trên đây của Công Đồng Vaticano II đã được nhắc lại nơi xứ đạo Kinh Nhuận (Quảng Bình) trong đêm Chúa Nhật V Phục Sinh cùng hàng ngàn ánh nến lung linh hướng về Biển Đông Việt Nam để chia sẻ nỗi đau thương mất mát của các ngư dân Việt Nam bị đàn áp nghiêm trọng bởi tàu Trung Quốc và các chiến sĩ cảnh sát, hải giám Việt nam bị thương.

Xem Hình

Vào lúc 20h00, ngày 18.05.2014, gần 3000 giáo dân giáo xứ Kinh Nhuận cùng Cha quản xứ Phê-rô Trần Văn Thành đã long trọng tổ chức giờ chầu Thánh Thể sau Thánh Lễ Chúa Nhật và dâng lời cầu nguyện để cầu cho quốc thái dân an, đặc biệt cho tổ quốc Việt Nam thoát khỏi hiểm hoạ xâm lăng của Trung Quốc.

Mở đầu giờ chầu Thánh thể là tâm tình thờ lạy Chúa cùng lời mời gọi quý cộng đoàn hướng lòng về Biển Đông Việt Nam, nơi đó, biết bao ngư dân, bao chiến sĩ cảnh sát, hải giám Việt nam bị ngược đãi, bị thương bởi tàu Trung Quốc. Cha quản xứ đã kêu gọi cộng đoàn hưởng ứng lời mời gọi của Công Đồng Vaticano II trong Hiến Chế Mục Vụ rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người hôm nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì đích thực nhân loại mà không có âm vang trong cõi lòng của người môn đệ Đức Giêsu”.

Sau tâm tình thờ lạy là những lời cầu nguyện tha thiết của quý cộng đoàn để cầu cho hoà bình trên Biển Đông, cho tinh thần bất khuất của dân tộc và cho các nhà lãnh đạo Việt nam. Những lời kêu gọi hoà bình của Đức Cố Giáo Hoàng Phaolo VI được nhấn mạnh trong buổi cầu nguyện như tiếng lòng khắc khoải của con dân Việt nam dâng lên Chúa trong một thời điểm đầy nghi ngại: “Đừng có ai chống lại người khác nữa, đừng, đừng bao giờ nữa!... chiến tranh đừng bao giờ xảy ra, đừng bao giờ chiến tranh một lần nữa!”.

Cùng với những lời nguyện cầu là các biểu ngữ, băng rôn với nội dung cầu cho công lý và hoà bình được dương cao như “Sự thật sẽ giải phòng anh em” (Ga 8, 32); “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái (Is 2, 4); “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9); “peace for Viet Nam”; “Justice and peace for Viet Nam” hay “Chính quyền Trung Quốc, phải ngừng ngay hành vi xâm lăng”. Tất cả như muốn nói rằng, bà con giáo dân giáo xứ Kinh Nhuận luôn “vui niềm vui của đồng bào, buồn nỗi buồn của Dân Tộc “ (Hy. Fx. Nguyễn Văn Thuận) và sẵn sàng hy sinh tất cả vì tiền đồ của dân tộc, vì non sông gấm vóc của Việt nam.

Giờ chầu Thánh Thể và cầu nguyện được khép lại trong lời ca Nữ Vương Hoà Bình. Xin Đức Maria, Nữ Vương Hoà Bình luôn tháp tùng chúng con qua cơn nguy khốn. Xin chuyển cầu cùng Chúa ban hoà bình cho quê hương Đất Việt của chúng con.

Jos. Đồng Lạc
 
Giáo hạt Thuận Nghĩa hướng về Biển Đông
Pv Vĩnh Nghĩa
20:49 18/05/2014
VINH -Những ngọn nến lung linh được thắp lên như làm tan chảy nỗi đau và lòng khắc khoải của hàng ngàn con tim giáo hạt Thuận Nghĩa đang đau đáu hướng về biển Đông. Hưởng ứng tâm thư Hội đồng giám mục Việt Nam và lời kêu của Toà giám mục Xã Đoài, trong ngày Chúa Nhật V Phục Sinh, các giáo xứ trong giáo hạt đã đồng loạt tổ chức dâng thánh lễ và chầu Thánh Thể cầu nguyện cho vận nước đang lâm nguy.

Hình ảnh

Trong những ngày qua, có lẽ không một công dân Việt Nam yêu nước nào lại có thể thờ ơ trước tiền đồ dân tộc đang bị Trung Quốc xâm hại. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm con dân nước Việt thể hiện tình đoàn kết và đứng lên bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Tại giáo hạt Thuận Nghĩa, trong những ngày qua, cha quản hạt cùng quý cha trong giáo hạt đã liên tục mời gọi giáo dân hiệp lòng cầu nguyện cho tổ quốc Việt Nam. Trong ngày Chúa Nhật V Phục Sinh, giáo phận dành riêng mời gọi cầu nguyện cho tổ quốc, đoàn con cái giáo hạt Thuận Nghĩa đã đồng lòng hiệp thông cầu nguyện cho tổ quốc, cho công lý và hoà bình được thực thi trên lãnh hải Việt Nam thân yêu.

Hỡi những người yêu Tổ Quốc, đừng vô cảm trước vận nước đang lâm nguy ! Hãy làm gì thiết thực để thể hiện lòng yêu nước của mình !
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cách đánh chữ Việt trên Windows 8, Windows phone và Ipad
Đặng Tự Do
08:31 18/05/2014
Trước đây khi Microsoft mới tung ra Windows, họ chỉ chú trọng thảo chương cho giao diện Anh Ngữ. Sau đó, một số ngôn ngữ khác được thêm vào dần.

Để giải quyết vấn đề đánh dấu chữ Việt, VietCatholic có đưa ra một chương trình gọi là VcatKey. VcatKey cũng như nhiều chương trình khác như VNI, VPSKeys.. là những keyboard drivers, nghĩa là những chương trình thường trú trong máy sau khi quý vị và anh chị em khởi động. Chương trình sẽ “capture” những phím trên keyboard mà anh chị em đánh vào rồi tổ hợp, diễn dịch lại thành những chữ tiếng Việt.

Theo quan điểm của Microsoft thì những chương trình keyboard drivers như thế là “cực kỳ nguy hiểm” cho người dùng. Vì khi thường trú và capture mọi thứ như thế, đương nhiên là chương trình có khả năng “nắm bắt” tất cả passwords, credit cards, master cards của quý vị và anh chị em và lặng lẽ gởi về một địa chỉ nào đó mà quý vị và anh chị em không biết.

Cho nên, Microsoft siết dần những gọng kềm và vì thế theo thời gian những chương trình keyboard drivers sẽ không thể sử dụng được.Vì thế, sau khi mua máy mới hay sau khi update lên Windows 8, những chương trình đánh máy tiếng Việt … hết chạy.

Bây giờ phải làm sao?

Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng những keyboard drivers chỉ là giải pháp tạm thời khi Microsoft chưa “support” tiếng Việt. Giải pháp tạm thời đó dùng được cho phiên bản Windows này chưa chắc đã dùng được cho phiên bản khác, dùng được cho desktop chưa chắc dùng được cho Windows Phone, cho Surface.

Một khi Microsoft đã support tiếng Việt, thì ta phải dùng cái có sẵn trên Windows để có thể đánh dấu chữ Việt trên một loạt những máy khác nhau, đặc biệt là với những máy mà vô phương cài đặt các keyboard drivers. Chỉ có một điều phiền toái là ta phải thay đổi cách đánh theo Microsoft vì khi thảo chương những keyboard drivers, người Việt mình đề ra những cách đánh dấu khác nhau như VNI, VIQR, Telex …Microsoft có một cách đánh dấu khác hẳn.

Cách đánh chữ Việt trên Windows 8 (8.0, 8.1..), Windows Surface

Trên bàn phím có một phím đặc biệt mà quý vị và anh chị em phải biết, đó là phím Windows. Xin xem hình.

Từ đây trở xuống khi nói Windows + R nghĩa là giữ phím Windows xuống rồi nhấn vào phím R.

Bước 1: Khởi động Control Panel

Quý vị và anh chị em có thể khởi động Control Panel bằng một trong 3 cách sau:
Cách 1: Windows + C
Cách 2: Windows + X rồi trong menu chọn Control Panel
Cách 3: Windows + R rồi đánh Control sau đó nhấn Enter.

Bước 2: Nhấn vào chỗ Add a language như trong các hình sau



Bước 3: Sau khi cài đặt xong, quý vị và anh chị em khởi động lại máy

Tất cả những bước trên chỉ cần làm MỘT LẦN DUY NHẤT

Bước 4: Khi nào muốn đánh tiếng Việt thì
- Nhấn mouse vào chữ ENG ở góc dưới bên phải
- Hoặc Windows + SPACE BAR



Cách gõ dấu chữ Việt
Chữ ă nhấn phím 1
Chữ â nhấn phím 2
Chữ ê nhấn phím 3
Chữ ô nhấn phím 4

Chữ đ nhấn phím 0
Chữ ư nhấn phím [
Chữ ơ nhấn phím ]
Cách đánh dấu
Dấu huyền nhấn phím 5
Dấu hỏi nhấn phím 6
Dấu ngã nhấn phím 7
Dấu sắc nhấn phím 8
Dấu nặng nhấn phím 9

Cách đánh chữ Việt trên Windows Phone 8

Chọn Settings, keyboard, Add keyboards Vietnamese
Khi gởi email, nhấn vào ENG trên keyboard để đổi thành VIE, trên keyboard sẽ hiển thị các dấu chữ Việt.

Cách đánh chữ Việt trên Ipad

Chọn General / International/ Add New Keyboard
Khi đánh email chẳng hạn trên bàn phím sẽ có hình trái địa cầu, nhấn vào đó để đổi từ Anh sang Việt.
Giữ các phím nguyên âm (a, e, i, o, u) hay chữ d một lúc sẽ thấy hiện ra những chữ Việt như â, ấ …
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sớm Mai Ruộng Đồng
Đặng Đức Cương
21:39 18/05/2014
SỚM MAI RUỘNG ĐỒNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Một buổi mai trời thật dễ thương
Khi mà nắng nhẹ thoáng mù sương
Bóng quê như thực và hư ảo
Như lắng trong lòng một chút hương.
(Trích thơ của Ngọc Bích)