Ngày 18-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:28 18/05/2020

27. Thánh Giá là đường chính của tu đức, là cửa ải của hiền nhân, là khu vực của thánh nhân, bởi vì Đức Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại mà hy sinh chính mình trên Thánh Giá, con người cũng nên hiến tế cùng một Thánh Giá, chấp nhận hy sinh, lấy yêu thương báo đáp yêu thương.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:32 18/05/2020
23. PHÚ ÔNG LÀM TRÂU

Đầy tớ của người hàng xóm đưa cho phú ông một mảnh giấy, phú ông một chữ cũng không biết đọc, nhưng vì đang tiếp khách ở trong nhà và vì sỉ diện, nên làm bộ ra vẻ quan trọng cầm tờ giấy ấy để coi.

Ông khách ấy rất tinh mắt, nên nhìn là biết ngay trang giấy ấy viết là xin mượn trâu: “Xin mượn một con trâu để dùng, ngày mai sẽ trả lại.”

Chủ nhân coi xong thì bỏ tờ giấy vào trong túi áo, nói với đầy tớ:

- “Biết rồi, chủ nhân nhà ngươi muốn ta đi, đợi chút ta sẽ tự mình đến.”

Ông khách vội vàng bụm miệng mà cười.

(Tiếu lâm)

Suy tư 23:

Ai cũng nghiệm thấy rằng không biết chữ thật là khổ, khổ mọi thứ, nhất là ở nước ngoài mà không biết chữ thì khổ vô cùng, đi lạc đường mà không biết chữ thì chẳng biết hỏi ai, hoặc bảng chỉ đường dù to bự chảng cắm trước mặt cũng không biết đường mà đi, không biết chữ thì khổ lắm.

Càng giàu có thì càng phải biết chữ bởi nếu không thì có khi người ta viết thư hăm dọa đòi tiền thì cứ tưởng là người ta mời...đi nhậu, có mà chết sớm; hoặc làm ông này ông nọ mà chỉ biết một chữ ký tên của mình không thôi thì cũng khổ, bởi vì lỡ có cấp trên viết giấy hẹn báo cáo hoặc viết thư riêng mà cứ là tưởng cấp trên mời đi hát ka-ra ô-kê thì có nước mà bị cười cho nhức đầu...

Có một vài người Ki-tô hữu có tính hay khoe khoang: khoe khoang mình mỗi ngày đều có đi lễ nhưng không biết thánh lễ hôm nay cha chủ tế giảng gì; khoe khoang mình thường hay làm việc bác ái giúp đỡ người nghèo, nhưng chỉ được cái miệng nói còn việc làm cụ thể thì không thấy; khoe khoang mình đọc nhiều sách nói về tu đức nhưng cuộc sống thì giống như người ngoại...

Không biết chữ thì làm thân...trâu ngựa tức là chỉ có đi làm đầy tớ đã đành, nhưng thời nay có nhiều người biết chữ nhưng đi làm tội nhân, bởi họ vì ăn cắp chữ nghĩa của người khác làm của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh vị Đại Giáo Hoàng Ba Lan
J.B. Đặng Minh An dịch
02:09 18/05/2020


Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 18 tháng Năm năm 1920 - 18 tháng Năm năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trong nhà nguyện bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, nơi đặt lăng mộ của Đức Giáo Hoàng Wojtyla. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản Đền Thờ Thánh Phêrô; Đức Hồng Y Konrad Krajewski, người Ba Lan, là quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng; Đức Tổng Giám Mục Piero Marini, nguyên là Trưởng Ban Nghi Lễ phủ Giáo Hoàng trong 18 năm dưới triều đại Đức Gioan Phaolô II; và Đức Tổng Giám Mục Jan Romeo Pawłowski, người Ba Lan, hiện đang đứng đầu bộ phận thứ ba của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến các nhân viên ngoại giao Tòa Thánh.

Đây là thánh lễ buổi sáng cuối cùng được phát hình trực tiếp kể từ ngày 9 tháng Ba sau khi các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự bị đình chỉ do đại dịch Covid-19. Với việc tái tục các các Thánh lễ có công chúng tại Ý và ở các quốc gia khác, việc phát sóng trực tiếp Thánh lễ lúc 7 giờ sáng từ nhà nguyện Santa Marta sẽ chấm dứt từ ngày mai 19 tháng Năm. Đức Thánh Cha hy vọng rằng Dân Chúa có thể trở lại sự quen thuộc với các cộng đồng địa phương trong các bí tích, trong khi cẩn thận tuân giữa các yêu cầu kiểm dịch được thiết lập nhằm bảo vệ sức khỏe của tất cả mọi người. Đền Thờ Thánh Phêrô đã được khử trung vào hôm thứ Sáu tuần qua.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha cầu nguyện xin Thiên Chúa, giàu lòng thương xót, Đấng đã kêu gọi Thánh Gioan Phaolô II hướng dẫn toàn thể Giáo Hội, xin Ngài ban cho chúng ta được mạnh mẽ trong giáo huấn của vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, vững dạ mở rộng tâm hồn ra cho ân sủng của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa yêu mến dân Người nên đã xuống thế đến thăm dân Người: và một trăm năm trước, Ngài đã kêu gọi một người nam vĩ đại lãnh đạo Giáo Hội Chúa. Ba tính cách đặc trưng cho Đức Gioan Phaolô II là cầu nguyện, gần gũi với mọi người và tình yêu dành cho công lý.

Thánh Gioan Phaolô II là một người của Thiên Chúa vì ngài đã cầu nguyện rất nhiều, ngài dành nhiều thời gian dài để cầu nguyện. Ngài biết rằng nhiệm vụ đầu tiên của một giám mục là cầu nguyện.

Tính cách thứ hai nổi bật nơi Thánh Gioan Phaolô II là sự gần gũi với mọi người. Và vì thế, ngài đi khắp thế giới để tìm kiếm các con chiên đưa về đàn chiên Chúa. Sự gần gũi là một trong những đặc điểm của Thiên Chúa: Thiên Chúa gần gũi với mọi người. Sự gần gũi với mọi người trở nên mạnh mẽ khi ta gắn bó với Chúa Giêsu và ở lại trong Người. Một mục tử phải gần gũi với mọi người, nếu không người mục tử ấy chỉ là một quản trị viên. Đức Gioan Phaolô II đã cho chúng ta một tấm gương về sự gần gũi này: với người lớn và trẻ em, với người lân cận và những người ở xa...

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng là một người yêu chuộng công lý. Ngài đòi hỏi công bằng xã hội, công lý cho các dân tộc, lên án chiến tranh. Nhưng hơn thế nữa, ngài mong muốn một nền công lý trọn vẹn và vì lý do này, ngài nhấn mạnh về lòng thương xót: bởi vì không có công lý nếu không có lòng thương xót, đó là hai điều đi cùng nhau. Ngài đã làm rất nhiều để mọi người hiểu được Lòng Thương Xót Chúa, đặc biệt là qua lòng sùng kính đối với Thánh Faustina.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng biết chuyên chăm cầu nguyện, gần gũi với mọi người và theo đuổi công lý với lòng thương xót.


Source:Vatican News
 
Sáng 18/05 : Đền Thánh Phêrô mở cửa lại
Lê Đình Thông
07:53 18/05/2020
Sáng nay (18/05/2020): đền thờ thánh Phêrô ở thánh đô Roma đã mở cửa lại đón tín hữu thập phương. Ngôi đại thánh đường đóng cửa từ 10/03 là trung tâm của Tòa Thánh Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô cho việc mở lại là ‘‘dấu chỉ hy vọng’’.

Các tín hữu kinh thành muôn thuở sắp hàng thứ tự, bước vào thánh điện, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách bắt buộc. Số người vào đền thánh được giới hạn 200 người một lượt. Trong số tín hữu, không có người nước ngoài. Các đơn vị cảnh sát Roma cùng với Hiệp đoàn Chiến sĩ Malta kiểm soát việc ra vào đền thánh.

Trước đó, ngôi đền thờ cổ kính đã hoàn toàn được tẩy rửa theo các quy định y tế.

Sáng nay (18/05), Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trước ngôi mộ thánh Gioan-Phaolô II, nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Ngài.

Hiện chưa có lịch trình cử hành các thánh lễ trong đền thánh. Tuy nhiên vào trưa nay, nhà thờ lớn Milan ở miền bắc nước Ý, thủ phủ miền Lombardie, sẽ cử hành thánh lễ tạ ơn. Lombardie có 15 413 trường hợp tử vong trên tổng số 31 903 người chết vì Covis-19 trên khắp nước nước Ý, tính đến ngày 17/05/2020. Trong 24 tiếng đồng hồ qua, có thêm 145 người qua đời vì Covid-19 tại Ý. Đây là con số thấp nhất tính từ 09/03. Số người bị nhiễm bệnh hiện nay là 225 435 người.

Cũng trong ngày thứ hai, theo ‘‘dấu chỉ của hy vọng’’ theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô, 194 nước trên thế giới sẽ nhóm họp để hoạch định các công tác phối hợp nhằm chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh trên quy mô toàn cầu.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cho biết từ 03/06, nước Ý sẽ mở cửa lại biên giới. Sau ngày này, các tín hữu nước ngoài có thể đến hành hương tại đền thánh Phêrô.

Theo các quy định của Tòa Thánh, kể từ nay, việc cử hành thánh lễ sẽ tuân thủ các nguyên tắc y tế như sau:

- vị chủ sự rửa tay bằng dung dịch khử trùng (gel hydroalcoolique).

- khi trao Mình Thánh Chúa, vị chủ sự đeo găng tay chỉ dùng một lần và khẩu trang; không chạm vào tay tín hữu.

- trong nhà thờ, các tín hữu ngồi cánh nhau 1 mét.

Lê Đình Thông
 
Tưởng nhớ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khắp nơi trên thế giới
Thanh Quảng sdb
19:44 18/05/2020
Tưởng nhớ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khắp nơi trên thế giới

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được mừng kính nhiều nơi trên thế giới.

(Tin Vatican - Francesca Merlo và Sr Bernadette Reis)

Một trăm năm trước, một bé trai được sinh ra sau này đã trở thành Giáo hoàng John Paul II. Khắp nơi trên thế giới nhiều nơi mừng lễ kính Ngài để đánh dấu một trăm năm ngày sinh nhật này.

Giáo trưởng Ba Lan

Một trong số người mừng lễ sinh nhật của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có Giáo trưởng Ba Lan Michael Schudrich. Trong một thông báo được đưa ra vào Chúa Nhật, Giáo trưởng lưu ý rằng: Không có một vị Giáo hoàng nào đã thực hiện được nhiều thay đổi trên thế giới để chữa lành những vết thương, xóa bỏ hiểm họa chủ nghĩa Cộng sản và canh tân nhiều việc cho thế giới...

Giáo trưởng Do Thái Schudrich lưu ý rằng Giáo hoàng John Paul II đã có những bước đi táo bạo trong các liên hệ với cộng đồng Do Thái. Ngài nhìn nhận những đau khổ người Do Thái phải gánh chịu trong chuyến viếng thăm trại tập trung Auschwitz, thừa nhận Nhà nước Israel là trung tâm của đời sống và đức tin của người Do Thái và xin lỗi về sự đàn áp người Do Thái đối với người Do Thái trong suốt quá trình lịch sử. Ngài đã đóng một vai trò quan trọng cho khát vọng của Ngài về mối quan hệ giữa Do Thái và Kitô giáo.

Cống hiến của Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh

Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh, Bà Callista Gingrich cũng đưa ra một tuyên dương về di sản của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; bà nói về mối quan hệ của Giáo hoàng với Hoa Kỳ.

Là vị Giáo hoàng đã thực hiện nhiều chuyến tông du nhất trong lịch sử Giáo hội, Ngài đã đi thăm 129 quốc gia, là vị Giáo hoàng đầu tiên thăm viếng Nhà Trắng vào năm 1979, và thực hiện bảy chuyến tông du đến Hoa Kỳ. Bà Đại sứ lưu ý rằng vào tháng 6 năm 2004, Tổng thống George W. Bush đã trao tặng Đức Thánh Cha Huân chương công dân danh dự cao quí nhất quốc gia, và Huân chương Tự do của Tổng thống nữa. Bà kết luận rằng khi chúng ta kỷ niệm cuộc đời và di sản của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta có thể tiếp tục nhận được những cảm hứng và được kiên vững bởi những tấm gương của Đức thánh Giáo hoàng.

Kỷ niệm tại Nga

Một sự kiện “kỷ niệm ảo” được tổ chức tại Moscow, qua Thư viện Văn học nước ngoài đã qui tụ một số trí thức, bao gồm cả các trí thức Chính thống giáo để bàn về cách giảng dạy của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho người đương đại. Tại trung tâm thư viện có đặt một bức tượng của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Bức tượng này đã được khánh thành vào ngày 14 tháng 10 năm 2011, nhân dịp lễ kính Đức Trinh Nữ Maria theo lịch Julian. Đó là một tác phẩm của cả hai nghệ sĩ người Ukraine và Nga theo ý tưởng của nhà sản xuất Grigoriy Amnuel.
 
Giám Đốc Đài thiên văn Vatican: Vai trò Đức Gioan Phaolô II trong lãnh vực khoa học
Vũ Văn An
20:34 18/05/2020
Nhân dịp sinh nhật thứ 100 của Thánh Gioan Phaolô II, thầy Consolmagno, Dòng Tên, Giám đốc Đài Thiên Văn Vatican, người được Hội Thiên Văn Hoa Kỳ lấy đặt tên cho một hành tinh nhỏ, 4597 Consolmagno, đã nhắc đến sự đóng góp lớn lao về khoa học của vị Giáo Hoàng này, vị Giáo Hoàng mà Đức Bênêđíctô XVI, dù đã 94 tuổi, vẫn còn nhớ vanh vách mọi hoạt động và tư duy và đang vận động để tước hiệu “Vĩ Đại” (Cả) được chính thức dành cho ngài. Bài viết của thầy Consolmagno được đăng trên website của Đài Thiên Văn Vatican ngày 18 tháng 5, 2020 (https://www.vofoundation.org/blog/happy-birthday-pope-john-paul-ii/)



Triều Giáo Hoàng của Thánh Gioan Phaolô II xuất hiện đúng vào buổi giao thời trong lịch sử của Đài Thiên Văn Vatican. Một giám đốc mới cho đài, Cha George Coyne, Dòng Tên, vừa được vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô I, bổ nhiệm; nhưng Cha Coyne chỉ bắt đầu thi hành nhiệm vụ dưới thời Đức Gioan Phaolô II.

Cha Coyne và Đức tân Giáo hoàng đã sớm tạo được mối liên hệ làm việc tuyệt vời. Đức Giáo Hoàng khuyến khích các cố gắng của Cha Coyne muốn đưa vào Đài quan sát một nhóm các nhà thiên văn học Dòng Tên trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Ngài ủng hộ và khuyến khích sáng kiến xây dựng một viễn vọng kính mới và thành lập một nhóm nghiên cứu ở Arizona, đồng thời duy trì trụ sở Specola trong cung điện mùa hè của Đức Giáo Hoàng ở bên ngoài Rôma. Và ngài đã phê duyệt và tài trợ cho việc thành lập một trường mùa hè hai năm một lần tại Castel Gandolfo cho các sinh viên thiên văn học sau đại học, hiện có hơn 400 cựu sinh viên, trong đó có một số nhà thiên văn học quan trọng nhất trên thế giới hiện nay.

Điều chủ chốt dẫn đến mối liên hệ tốt đẹp này là mối liên hệ bền chặt giữa cha Coyne và cha Michael Heller, linh mục giáo phận và là nhà vũ trụ học từ Krakow (từng lãnh giải thưởng Templeton năm 2008), một người bạn lâu năm của Đức Giáo Hoàng. Cha Heller là một trong những người đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ “phụ tá thiên văn gia” (adjunct astronomer) mới được Cha Coyne tạo ra, dành cho các đồng nghiệp đã có các công việc toàn thời gian trên khắp thế giới nhưng muốn có mối liên hệ chặt chẽ hơn với Đài thiên văn Vatican và tiếp cận các cơ sở của nó.

Chính thông qua Cha Heller mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã sắp xếp để công bố một văn kiện quan trọng về mối tương quan giữa khoa học và đức tin. Năm 1987, Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học đã tổ chức một Tuần học tập để vinh danh 300 năm các nguyên lý (Princia) của Newton; như một phần của diễn biến được công bố, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết một lá thư cho Cha Coyne để phác thảo viễn kiến của ngài về mối tương quan giữa khoa học và tôn giáo. Thừa nhận cả hai như là các con đường dẫn đến sự thật, ngài viết rằng: “Mỗi ngành cần tiếp tục làm phong phú, nuôi dưỡng và thách thức lẫn nhau để trở nên trọn vẹn hơn những gì mình có thể trở nên và đóng góp vào viễn kiến của chúng ta về việc chúng ta là ai và chúng ta đang trở thành ai... Khoa học có thể thanh tẩy tôn giáo khỏi sai lầm và mê tín; tôn giáo có thể thanh tẩy khoa học khỏi thờ ngẫu tượng và những điều tuyệt đối sai lầm”.

Mối tương quan giữa khoa học và đức tin cũng có nghĩa là khám phá ra mối tương quan mới giữa thần học và các khoa học tự nhiên. Theo đề nghị của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đài thiên văn Vatican đã tài trợ một loạt các hội nghị ở Castel Gandolfo cùng với Trung tâm Thần học và các Khoa học tự nhiên ở Berkeley, California, về chủ đề tổng quát Hành động của Thiên Chúa trong Vũ trụ. Khung cảnh tuyệt đẹp của Castel Gandolfo là một địa điểm lý tưởng cho các nhà thần học, triết học và khoa học từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về và thảo luận các chủ đề từ khoa học thần kinh và Con người, đến vũ trụ học lượng tử và các luật tự nhiên. Một loạt các cuốn sách học thuật dựa trên các cuộc họp này cuối cùng đã được xuất bản, được biên tập bởi Cha William Stoeger, Dòng Tên, thuộc Đài Thiên văn Vatican và các học giả tham gia khác.

Ba nhân tố quan trọng đã nâng đỡ sự tái sinh đáng chú ý của Đài thiên văn trong thời giáo hoàng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Đầu tiên là sự kiện: chính Đức Giáo Hoàng là một nhà học thuật, một học giả. Ngài thường xuyên dành một phần mùa hè của ngài tại Castel Gandolfo cho một cuộc hội thảo không chính thức với bạn bè từ những ngày học thuật ở Ba Lan, thảo luận các chủ đề từ văn học đến toán học. Ngài hiểu lý do tại sao điều quan trọng đối với Giáo hội là phải đóng một vai trò tích cực trong thế giới khoa học, để cổ vũ một cuộc đối thoại thực sự trong việc tìm kiếm sự thật.

Ưu điểm thứ hai là sự trùng hợp của một số người chủ chốt biết chia sẻ viễn kiến của ngài. Ngoài Cha Heller, đã được đề cập, một người bạn tuyệt vời khác của cả Đức Giáo Hoàng lẫn Đài thiên văn là Đức Tổng Giám Mục Jozef Zycinski, một nhà triết học / vũ trụ học khác. Và trong số học trò của Cha Heller là linh mục Dòng Tên Robert Janusz, một chuyên gia về lý thuyết thông tin hiện đang làm việc toàn thời gian tại Đài thiên văn. Có một số người đồng hương liên hệ với Đài Thiên văn là một bảo đảm để các đường dây truyền thông luôn được mở sẵn.

Và lợi thế thứ ba đơn giản là việc đúng thời gian. Triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II trùng hợp với việc cả khoa học lẫn thần học đều chuyển hướng thoát khỏi chủ nghĩa háo thắng cũ, trong đó mỗi lĩnh vực nhìn nhau một cách nghi ngờ, để tiến sang một bầu khí mới trong đó, mỗi bên nhận ra những hạn chế của riêng mình và những cơ hội có thể đến từ các cuộc đối thoại hữu hiệu. Bức thư gửi cha George Coyne, được trích dẫn ở trên, cho thấy Đức Giáo Hoàng có khả năng nắm bắt và xây dựng dựa trên tinh thần mới đó như thế nào. Trong khi ấy, nền kinh tế đang lên của châu Âu cuối cùng đã đưa khoa học châu Âu thoát khỏi bóng phủ của Thế chiến II và cho phép khoa học châu Âu và châu Mỹ gặp gỡ và hợp tác như những chủ thể bình đẳng, một chuyển dịch cũng đã được thúc đẩy ngay bên trong chính Đài thiên văn Vatican. Sự tin tưởng của một Giáo hoàng mạnh mẽ có nghĩa là các nhà thần học và các nhà khoa học thời kỳ đó được sự ủng hộ mạnh mẽ trong mong muốn của họ được tận dụng những thay đổi này.
 
Văn Hóa
Đi qua ba phần tư đời người
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:53 18/05/2020

Ở Phú Long, xứ cũ mà tôi từng săn sóc mục vụ, Chúa Nhật thứ V Phục sinh (10.5.2020), mọi người vừa thương tiếc, vừa xôn xao, trong khi dâng thánh lễ cầu nguyện cho một thiếu niên mới 14 tuổi đi câu cá với bạn. Không hiểu vì sao bạn em lại rơi xuống nước. Em kéo bạn, cứu được bạn, còn em lại bị rơi.

Em về lại gia đình mình bằng thân xác cứng đờ, lạnh ngắt. Chúng ta cùng hợp ý cầu nguyện cho linh hồn em và gia đình em trong nỗi thương đau mất mát này...
...Cách đây chưa lâu, mới sau mấy ngày Tết, người thân đã phải thắt lòng tiễn đưa người đàn ông mới 31 tuổi đời.

Anh đang khỏe mạnh, đang làm việc, đang là cột trụ cho một gia đình bé nhỏ, đột nhiên ngất và sau đó là những cơn đau đầu như búa bổ, như trời giáng.

Mọi người nhìn bệnh án của anh mà xót, mà đứt ruột: ung thư màng não...

Nhưng người đã ra đi, dẫu để lại nhiều nỗi niềm, dù sao cũng đã an phận...

Thương quá đứa trẻ đầu chỉ mới lên 3, còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra cho cha mình. Ngày người ta mang cỗ quan tài đến nhà, cháu còn vô tư hỏi: "Vậy ba con phải nằm trong đó sao?".

Và bé gái vẫn còn chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời đã phải xa lìa cha. Một tháng sau ngày anh ra đi, cháu mới chào đời...

Người đàn ông đã vội nhắm mắt khi chưa kịp biết mặt con thứ, kết quả thứ hai của nghĩa vợ, tình chồng...

Đời người mong manh. Sách Sử Biên Niên quyển I từng ghi lại lời cầu nguyện cảm động của vua Đavít: "Ngày đời của chúng con trên mặt đất như bóng câu cửa sổ, không để lại dấu vết" (Sb 29, 15).

Cái chết là sự tàn nhẫn nhất mà con người phải đối diện. Chết là kết thúc của một hành trình sống. Nó là cái đích cuối cùng mà mỗi cuộc đời phải chạm đến, dù không ai muốn đối diện với nó, nhưng không một ai thoát khỏi tay nó.

Người ta chỉ hiện diện một lần trên dương thế. Dù sự chết có làm sự sống bị dang dở đến mức nào, thì một khi không còn hiện diện cõi trần ai, người ta sẽ phải rời đi mãi, đi biệt mù, đi xa tít tắp...

Vượt qua ba phần tư đời người. Vậy là nửa thế kỷ đã trôi xa vào dòng sông biền biệt của quá khứ. Từ nay, ai hỏi đã bao nhiêu? Tôi sẽ mỉm cười trả lời: Hơn nửa thế kỷ.

Nghĩ về cái chết khi vượt ngưỡng ba phần tư, bạn đừng cho rằng tôi bi quan. Bởi nó là sự thật, một sự thật hiển nhiên: Có sống, sẽ có chết!

Bạn và tôi đều đặn nhịp bước trong đời. Dù sao tôi vẫn nhìn nhận sự thật rõ ràng ở phía cuối hành trình, dù có tìm cách cưỡng lại, thì vẫn đến lúc phải dừng lại, phải buông tay, phải chấm dứt hành trình ấy không thể làm gì khác được.

Thấy trước cái chết của đời mình để sắp xếp tâm thế, để chuẩn bị hành trang linh hồn, đó không là bi quan, nhưng là khôn ngoan.

Hôm nay vượt ngưỡng ba phần tư, tôi tự thấy quỹ thời gian nơi trần thế của mình không còn nhiều. Đúng hơn, đời mình đang tiến về phía cuối của thời gian làm người.

Bỏ xa cái mốc khởi đầu của đời người, càng tiến về đích của quỹ thời gian ấy, con người càng thấm thía bao nhiêu thứ cứ rơi dần khỏi xác thân mình. Cái đánh rơi nhiều nhất, rõ ràng nhất là sức khỏe, trí nhớ, trí thông minh...

Đã bước qua phía bên kia của nhịp cầu cho một kiếp sống, con người dễ chồn chân mỏi gối, vết chân chim hằn sâu khóe mắt, những gợn sóng nhỏ tự bao giờ đã thành nếp in trên bờ trán... Và nửa nhịp cầu còn lại ấy, người ta dễ nhớ chuyện của vài chục năm trước mà chẳng thể nhớ nổi chuyện mới ngày hôm qua. Người ta cũng không còn tìm thấy sự nhanh nhạy, sáng suốt của một thời đã xa...

Thấy mình bị rơi quá nhiều, tôi càng cần lợi dụng những mốc thời gian như thế này để nhìn thẳng vào sự thật mà chọn cho mình cách sống, làm sao cho có ích, cho thật nhân, thật nghĩa. Làm sao phải tích đức và xa dần những nguy hiểm đe dọa nguồn ân đức ấy.

Tôi cần sống mãnh liệt hơn, dấn thân hơn cho lẽ sống mà mình đã chọn, đã theo đuổi và ước ao hoàn thành tốt nhất.

Tôi cần xác tín mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Chỉ một mình Người là gia nghiệp của tôi. Chỉ một mình Người mới có quyền cho tôi tồn tại vĩnh cửu. Chỉ một mình Người mới dắt tôi đến bến bờ bình yên.

Vượt ngưỡng ba phần tư, tôi thấy nhiều người ra đi. Tôi cũng đã từng tham dự những lễ tang của họ. Mỗi lần như thế, tôi cứ ngậm ngùi nhìn lại mình. Không ai khác ai. Tất cả hẹn nhau một ngày...

Vượt ngưỡng ba phần tư, tôi chia tay cả một quá khứ mấy chục năm trong đời, thì hôm nay, tôi can đảm phóng mình vào tương lai, mà ở đó, cuối đường tương lai, cái chết đang âu yếm chờ đón tôi.

Bằng cái chết của Chúa Giêsu, mà Chúa ban cho tôi, để qua cái chết của mình, tôi đi về với Chúa, về với Đấng muôn đời là nguồn cội và cùng đích của tôi.

Tôi xin cất lên lời tạ ơn Chúa, ngàn lần tạ ơn Chúa:

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con làm người, cho con sống trên đời, tha thứ và cứu chuộc con.

Tạ ơn Chúa vì đời con không thiếu nghịch cảnh. Tạ ơn vì những lúc đớn đau, oan khuất đến nỗi không thể thốt thành lời, chỉ có dòng nước mắt chảy ngược vào tim. Tạ ơn Chúa vì cũng đã có những lần có thể lắp bắp đầu môi, nhưng những nghẹn ngào tức tưởi ngăn lời không tròn chữ. Tất cả đã cho con sự trưởng thành của hôm nay.

Tạ ơn Chúa vì những bài học cay đắng Chúa dùng để giáo dục con. Có những bài học con không hiểu hết ý nghĩa, lắm lúc con muốn thét lên "tại sao thế này?", "tại sao cứ ném vào con trái đắng?", "tại sao kẻ hứng chịu cứ phải là con?".

Nhưng dù nắng, dù mưa, mọi thứ rồi cứ nối tiếp nhau qua đi. Để khi đủ bình tĩnh, con biết rằng chỉ những ai Chúa yêu thương, Chúa mới sửa phạt, vì "Đức Chúa khiển trách kẻ người thương, như người cha xử với con yêu quý" (Cn 3,12).

Tạ ơn Chúa vì có những ác tâm trong một ai đó mà Chúa cho con gặp phải. Dẫu nó làm cuộc đời con xất bất, lao đao, đảo lộn, nhưng nhờ đó, con vững vàng hơn, biết yêu cái chân thực, yêu tình người và trân quý vô vàn mọi đỡ nâng, mọi cố gắng để làm sáng những gam màu tối của bức tranh đời sống.

Tạ ơn Chúa vì sự thiếu thốn, cả đến cái đói, cái nghèo, sự bươn chải nhọc nhằn, cộng với những ánh nhìn khinh khi, những nụ cười nửa miệng mà con từng phải đối diện, để hôm nay, con có kinh nghiệm mà thấu đáo hơn, quý hơn, cảm thông hơn biết bao nhiêu anh chị em cơ hàn, thiếu thốn, con gặp trên dọc đường đời.
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì hai phần ba tuổi đời đã đi xa là hai phần ba tuổi đời con ngụp lặn trong ân sủng và tình yêu của Chúa.

Xin cho con, nếu đã biết nghĩ về sự chết ở cuối hành trình sống của mình, thì càng phải tận dụng từng giây phút để thời gian tiếp tục trôi không là thời gian vô ích, nhưng luôn là những gạch nối, nối từng khoảnh khắc của những lần gặp gỡ Chúa, những lần cộng tác không mệt mỏi với lòng yêu thương và ân sủng của Chúa.

Lạy Chúa, trải qua hai phần ba đời người, con đang tiến về phía chân trời chiều của kiếp sống. Con sợ vì lỗi lầm của cả một đời làm người của con, làm Chúa giận. Con sợ đến lúc không còn ai bên cạnh, lúc con không còn có thể làm được việc gì cho ai, mà Chúa lại bỏ rơi con, xa lánh con.

Lạy Chúa, con sợ lắm... Con tha thiết cầu xin Chúa bằng chính lời của Kinh Thánh:“Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng. Chớ bỏ rơi con khi sức lực suy tàn” (Tv 71, 9).

Lạy Chúa, xin mãi mãi ở bên con. Xin Chúa cứ là sức mạnh của con, dẫu thân xác này, theo năm tháng sẽ tàn bại. Xin Chúa cứ nắm chặt tay con. Xin Chúa cứ ôm ghì hồn con. Xin Chúa cứ là "khiên che, thuẫn đỡ" (Tv 18, 31. 91, 4) dù hôm nay hay mai ngày khi xác thân con tàn tạ.

Lạy Chúa, dù tuổi đời con có chiều tà xế bóng, thì mãi mãi Chúa cứ là mùa xuân tươi thắm trên hành trình trần gian, và ngày sau, khi con đã vượt qua bên kia thế giới trần trụi này...

Lạy Chúa, Chúa hãy nhớ: con đã vượt ngưỡng ba phần tư đời người, đã bỏ lại phía sau lưng hơn nửa thế kỷ, đang tiến về phía trời chiều. Chúa hãy nhớ để luôn ghé mắt nhìn con. Lạy Chúa con cần ánh mắt Chúa...

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền Khung Trời Paris
Lê Trị
21:53 18/05/2020
KHUNG TRỜI PARIS
Ảnh của Lê Trị

Hôm nay trời đẹp Paris
Mây vương giăng mắc dệt tình đôi ta.
(bt)
 
VietCatholic TV
Thánh lễ tại Vatican 100 năm ngày sinh vị Đại Giáo Hoàng Ba Lan giải phóng Âu Châu khỏi ách cộng sản
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:27 18/05/2020


Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 18 tháng Năm năm 1920 - 18 tháng Năm năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trong nhà nguyện bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, nơi đặt lăng mộ của Đức Giáo Hoàng Wojtyla. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản Đền Thờ Thánh Phêrô; Đức Hồng Y Konrad Krajewski, người Ba Lan, là quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng; Đức Tổng Giám Mục Piero Marini, nguyên là Trưởng Ban Nghi Lễ phủ Giáo Hoàng trong 18 năm dưới triều đại Đức Gioan Phaolô II; và Đức Tổng Giám Mục Jan Romeo Pawłowski, người Ba Lan, hiện đang đứng đầu bộ phận thứ ba của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến các nhân viên ngoại giao Tòa Thánh.

Đây là thánh lễ buổi sáng cuối cùng được phát hình trực tiếp kể từ ngày 9 tháng Ba sau khi các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự bị đình chỉ do đại dịch Covid-19. Với việc tái tục các các Thánh lễ có công chúng tại Ý và ở các quốc gia khác, việc phát sóng trực tiếp Thánh lễ lúc 7 giờ sáng từ nhà nguyện Santa Marta sẽ chấm dứt từ ngày mai 19 tháng Năm. Đức Thánh Cha hy vọng rằng Dân Chúa có thể trở lại sự quen thuộc với các cộng đồng địa phương trong các bí tích, trong khi cẩn thận tuân giữa các yêu cầu kiểm dịch được thiết lập nhằm bảo vệ sức khỏe của tất cả mọi người. Đền Thờ Thánh Phêrô đã được khử trung vào hôm thứ Sáu tuần qua.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha cầu nguyện xin Thiên Chúa, giàu lòng thương xót, Đấng đã kêu gọi Thánh Gioan Phaolô II hướng dẫn toàn thể Giáo Hội, xin Ngài ban cho chúng ta được mạnh mẽ trong giáo huấn của vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, vững dạ mở rộng tâm hồn ra cho ân sủng của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa yêu mến dân Người nên đã xuống thế đến thăm dân Người: và một trăm năm trước, Ngài đã kêu gọi một người nam vĩ đại lãnh đạo Giáo Hội Chúa. Ba tính cách đặc trưng cho Đức Gioan Phaolô II là cầu nguyện, gần gũi với mọi người và tình yêu dành cho công lý.

Thánh Gioan Phaolô II là một người của Thiên Chúa vì ngài đã cầu nguyện rất nhiều, ngài dành nhiều thời gian dài để cầu nguyện. Ngài biết rằng nhiệm vụ đầu tiên của một giám mục là cầu nguyện.

Tính cách thứ hai nổi bật nơi Thánh Gioan Phaolô II là sự gần gũi với mọi người. Và vì thế, ngài đi khắp thế giới để tìm kiếm các con chiên đưa về đàn chiên Chúa. Sự gần gũi là một trong những đặc điểm của Thiên Chúa: Thiên Chúa gần gũi với mọi người. Sự gần gũi với mọi người trở nên mạnh mẽ khi ta gắn bó với Chúa Giêsu và ở lại trong Người. Một mục tử phải gần gũi với mọi người, nếu không người mục tử ấy chỉ là một quản trị viên. Đức Gioan Phaolô II đã cho chúng ta một tấm gương về sự gần gũi này: với người lớn và trẻ em, với người lân cận và những người ở xa...

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng là một người yêu chuộng công lý. Ngài đòi hỏi công bằng xã hội, công lý cho các dân tộc, lên án chiến tranh. Nhưng hơn thế nữa, ngài mong muốn một nền công lý trọn vẹn và vì lý do này, ngài nhấn mạnh về lòng thương xót: bởi vì không có công lý nếu không có lòng thương xót, đó là hai điều đi cùng nhau. Ngài đã làm rất nhiều để mọi người hiểu được Lòng Thương Xót Chúa, đặc biệt là qua lòng sùng kính đối với Thánh Faustina.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng biết chuyên chăm cầu nguyện, gần gũi với mọi người và theo đuổi công lý với lòng thương xót.


Source:Vatican News
 
Người có tín ngưỡng ở Mỹ thấy Thiên Chúa muốn ta thay đổi nhân đại dịch Covid-19
Giáo Hội Năm Châu
17:29 18/05/2020

Bản dịch của Vũ Văn An
Hãng tin AP vừa cho công bố cuộc thăm dò họ vừa cùng trường thần học của Đại Học Chicago tiến hành từ ngày 30 tháng 4 tới ngày 4 tháng 5 vừa qua, trên 1,002 ngưòi lớn Hoa Kỳ, về tác động của Covid-19 đối với những người tin Thiên Chúa tuy có thể không thống thuộc một tôn giáo định chế nào.

Cuộc thăm dò trên cho thấy coronavirus đã khiến gần 2 phần 3 những người trên cảm thấy rằng Thiên Chúa đang nói với nhân loại phải thay đổi lối sống.

Trong khi virus hoành hành khắp mặt địa cầu, gây khó khăn kinh tế cho hàng triệu người và sát hại hơn 80,000 người Mỹ, thì cuộc thăm dò cho thấy người ta đang đi tìm một ý nghĩa sâu xa hơn trong vụ đột phát bệnh dịch gây hoang tàn này.

Ngay một số người không thống thuộc tôn giáo có tổ chức nào, như Lance Dejesus, 53 tuổi, ở Dallastown, Pa., cũng thấy một sứ điệp lớn hơn trong đại dịch này.

Dejesus, người nói rằng ông tin Thiên Chúa nhưng không tự coi mình là người tôn giáo, cho biết “Có thể đây là một dấu chỉ, giống như ‘ê, chấn chỉ hành vi của bạn lại’, tôi không rõ. Mọi sự xem ra đang đi theo hướng an lành bỗng nhiên bạn thấy cái con coronavirus này diễn ra, bung ra không biết từ đâu”.

Theo kết quả của cuộc thăm dò, 31% người Mỹ tin có Thiên Chúa mạnh mẽ cảm thấy rằng virus là dấu hiệu Thiên Chúa muốn nói với nhân loại phải thay đổi; cũng một tỷ lệ này cảm thấy phần nào điều ấy. Những người Thệ Phản Phúc âm (Ngũ Tuần) nhiều xác suất hơn những người khác tin điều ấy một cách mạnh mẽ, họ chiếm 43% so với 28% người Công Giáo và các người Thệ phản chính dòng.

Câu hỏi được đặt ra cho mọi người Mỹ nói rằng họ tin Thiên Chúa, nhưng không nói rõ tín phái chuyên biệt của họ. Cuộc thăm dò, tuy vậy, không có tầm cỡ lớn đủ để bao gồm các tôn giáo có số tín hữu nhỏ hơn tại Hoa Kỳ như Hồi giáo và Do Thái giáo.

Ngoài ra, người Mỹ da đen có xác suất nhiều hơn những người có nguồn chủng tộc khác trong việc nói rằng họ cảm thấy virus là dấu hiệu Thiên Chúa muốn nhân loại thay đổi, bất kể giáo dục, thu nhập hay phái tính. 47% nói rằng họ cảm thấy điều ấy một cách mạnh mẽ, so với 37% người nói tiếng Tây Ban Nha và 27% người Mỹ da trắng.

Virus gây ra Covid-19 tấn công bất cân xứng người Mỹ da đen, cho thấy sự bất bình đẳng về xã hội khiến các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương và nâng cao lo ngại rằng các nguy hiểm họ đương đầu đang bị phong trào đòi mở lại nền kinh tế Mỹ làm ngơ. Giữa thực tại ảm đạm này, cuộc thăm dò thấy rằng những người Mỹ da đen nhiều xác suất hơn những người khác cảm thấy hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa do virus gây ra: 27% nói điều này, so với 13% người nói tiếng Tây Ban Nha và 11% người Mỹ da trắng.

Nhưng virus gây ra thay đổi không đáng kể trong niềm tin vào Thiên Chúa nói chung của người Mỹ, với 2% nói rằng họ tin Thiên Chúa hôm nay, chứ không trước đây. Ít hơn 1% nói rằng họ không tin Thiên Chúa hôm nay, nhưng đã tin trước đây.

Phần lớn các nơi thờ phượng đã ngưng các buổi phụng vụ có tín hữu tham dự để giúp bảo vệ sức khỏe công cộng khi virus bắt đầu lây lan, nhưng điều này không ngăn được người có tôn giáo của Mỹ hướng về liên mạng và những buổi tụ tập lái xe vào (drive-in) để phát biểu niềm tin của mình. Người Mỹ có thống thuộc tôn giáo thường xuyên tham dự các buổi cầu nguyện tư riêng trong lúc có đại dịch, với 57% nói rằng họ làm như thế ít nhất mỗi tuần một lần từ hồi tháng 3: cũng gần bằng số ấy nói rằng họ vốn thường xuyên cầu nguyện hồi năm ngoái.

Nói chung, 82% người Mỹ nói họ tin Thiên Chúa, và 26% người Mỹ nói cảm thức đức tin hay linh đạo của họ gia tăng mạnh mẽ hơn do sự bùng phát của virus. Chỉ 1% nói nó làm đức tin của họ yếu đi.

Đối với Kathryn Lofton, một giáo sư môn tôn giáo học tại Đại Học Yale, sự kiện nhiều người Mỹ tin virus như một sứ điệp của Thiên Chúa kêu gọi thay đổi nói lên “niềm sợ hãi cho rằng nếu không thay đổi, sự khốn khổ này sẽ tiếp diễn”. Bà cho rằng khi người ta được hỏi về Thiên Chúa, phần lớn nghĩ đến quyền lực của Người, có thể là quyền lực có thể cứu vớt họ trong hoàn cảnh này.

Thực vậy, cuộc thăm dò cho thấy 55% tín hữu Mỹ cho biết ít nhất họ cảm thấy phần nào rằng Thiên Chúa sẽ che chở họ khỏi bị lây nhiễm. Người Thệ Phản Phúc Âm nhiều xác suất hơn những người thuộc các tín phái khác nói rằng họ tin điều đó, với 43% nói họ tin mạnh mẽ và 30% nói họ tin phần nào, trong khi người Công Giáo và người Thệ Phản chính dòng có khuynh hướng đồng đều trong việc cảm thấy điều đó hay không cảm thấy nó.

Tuy nhiên, mức độ và bản chất của việc che chở mà người ta tin Thiên Chúa sẽ ban phát trong lúc có đại dịch có thể khác nhau tùy ở mỗi tín hữu. Marcia Howl, 73 tuổi, một tín hữu Methodist và là cháu gái của một mục sư, cho biết bà cảm nhận sự che chở của Thiên Chúa nhưng không chắc chắn Người sẽ cứu bà khỏi virus.

Bà nói: “tôi tin Người che chở tôi trong quá khứ, Người có kế hoạch cho chúng ta. Tôi không biết có gì trong kế hoạch của Người, nhưng tôi tin Người đang hiện diện ở đây chăm sóc tôi. Tôi có thể sống sót hay không, đó lại là một chuyện khác”.

Trong số người Mỹ da đen tin Thiên Chúa, 49% nói họ cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng Thiên Chúa che chở họ khỏi virus, so với 34% người nói tiếng Tây Ban Nha và 20% người Mỹ da trắng.

David Emmanuel Goatley, một giáo sư ở trường thần học của Đại Học Duke, cho rằng quan điểm của người Mỹ da đen về việc Thiên Chúa che chở nói lên “niềm tin tưởng hay mối hy vọng rằng Thiên Chúa có khả năng cung dưỡng, điều này không hề bác bỏ trách nhiệm bản thân, nhưng chỉ muốn nói Thiên Chúa có khả năng ấy”.

Goatley, người điều hướng Văn Phòng Nghiên Cứu Giáo Hội Da Đen của trường nhận định có sự phân biệt giữa người tôn giáo da đen Mỹ và người tôn giáo da trắng Mỹ ở phương diện này. Ông cho rằng trong nền thần học Kitô giáo da đen có cảm thức nối kết với Thiên Chúa trong đó “Thiên Chúa đích thân liên hệ đến và Thiên Chúa hiện diện trong đó”. Trong khi một số Kitô hữu da trắng, bất kể là Phúc âm hay không, nghiêng về một nền thần học nhấn mạnh đến liên hệ riêng tư với Thiên Chúa.